🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bí Mật Sâu Kín Nhất - Jeffrey Archer Ebooks Nhóm Zalo Mở đầu B ig Ben đổ chuông bốn tiếng. Mặc dù đã kiệt sức bởi những gì diễn ra tối hôm đó, nhưng vẫn còn đủ chất kích thích được bơm đi khắp cơ thể khiến vị Đại Chưởng ấn hầu như không thể ngủ nổi. Ông đã cam đoan với các thành viên Thượng viện sẽ đưa ra một phán quyết cho vụ tranh tụng của Barrington chống lại Clifton về vấn đề thừa kế tước hiệu lâu đời và tài sản khổng lồ của gia tộc. Thêm một lần nữa, ông cân nhắc các sự kiện thực tế, vì ông tin vào chúng, và chỉ có chúng được phép quyết định phán quyết cuối cùng của ông. Khoảng bốn mươi năm về trước, khi ông bắt đầu tập sự, người hướng dẫn đã khuyên ông phải loại bỏ mọi cảm xúc hay thiên kiến cá nhân khi cần đưa ra một phán quyết về thân chủ hay về vụ tranh tụng đang diễn ra trước mắt. Ngành luật không phải là ngành dành cho những kẻ có trái tim yếu đuối hay lãng mạn, sư phụ của ông đã nhấn mạnh như thế. Tuy vậy, sau khi tuân thủ tôn chỉ này trong bốn thập kỷ, ngài Đại Chưởng ấn buộc phải thừa nhận ông chưa bao giờ gặp phải một vụ việc cân bằng đến mức gần như tuyệt đối thế này. Ông chỉ ước gì F. E. Smith⁜ vẫn còn sống để ông có thể tìm kiếm lời khuyên từ sư phụ của mình. Một mặt… ông căm ghét những lời lẽ sáo mòn này biết chừng nào. Một mặt, Harry Clifton đã ra đời sớm hơn ba tuần so với người bạn thân nhất của anh ta, Giles Barrington: đó là thực tế. Mặt khác, Giles Barrington, không nghi ngờ gì nữa, là con trai chính thức của Sir Hugo Barrington và người vợ kết hôn hợp pháp của ông ta, Elizabeth: đó là một thực tế nữa. Nhưng điều đó vẫn không làm chàng trai trở thành người con được ra đời sớm nhất của Sir Hugo, và đó là điểm mấu chốt của bản di chúc. Một mặt, Maisie Tancock sinh Harry vào ngày thứ 28 của tháng thứ chín sau khi bà ta thừa nhận đã có quan hệ tình dục với Sir Hugo Barrington khi họ tham gia chuyến dã ngoại dành cho công nhân tới Weston-super-Mare⁜. Thêm một thực tế. Mặt khác, Maisie Tancock đã kết hôn với Arthur Clifton khi Harry ra đời, và giấy khai sinh khẳng định rõ ràng Arthur là bố đứa trẻ. Một thực tế khác. Một mặt… Dòng suy nghĩ của Đại Chưởng ấn quay trở lại những gì đã diễn ra trong phòng họp sau khi Viện cuối cùng cũng thực hiện biểu quyết để quyết định xem Giles Barrington hay Harry Clifton nên được thừa kế tước vị và tất cả những gì đi kèm. Ông nhớ lại chính xác những lời của người phụ trách kiểm phiếu khi công bố kết quả trước Thượng viện đông kín. “Đồng ý ở bên phải, hai trăm bảy mươi ba phiếu. Không đồng ý ở bên trái, hai trăm bảy mươi ba phiếu.” Những tiếng xôn xao ồn ã vang lên khắp các băng ghế đỏ⁜. Ông chấp nhận việc kết quả bỏ phiếu cân bằng sẽ buộc ông phải đảm nhận trách nhiệm không hề mong muốn là đưa ra quyết định ai là người được thừa kế tước vị của gia đình Barrington, công ty hàng hải danh tiếng, cũng như mọi tài sản, đất đai, vật sở hữu có giá trị. Giá như không có nhiều thứ đến vậy gắn liền với quyết định của ông khi tính đến tương lai của hai người đàn ông trẻ tuổi. Liệu ông có nên chịu ảnh hưởng bởi thực tế Giles Barrington muốn được thừa kế tước vị còn Harry Clifton thì không? Không, ông không được làm thế. Như Lord Preston đã chỉ ra trong bài diễn thuyết đầy sức thuyết phục của ông ta từ băng ghế phe đối lập, rằng như thế sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, cho dù nó thật tiện lợi. Một mặt, nếu ông thực sự ra phán quyết có lợi cho Harry… cuối cùng ông ngủ thiếp đi, để rồi bị đánh thức bởi một tiếng gõ cửa khe khẽ vào lúc bảy giờ, một thời điểm muộn bất thường. Ông rên lên, đôi mắt vẫn nhắm trong khi đếm từng tiếng chuông của Big Ben. Chỉ còn ba giờ đồng hồ nữa trước khi ông phải đưa ra phán quyết, và ông vẫn chưa đi được tới quyết định. Đại Chưởng ấn rên lên lần thứ hai khi ông đặt chân xuống sàn, xỏ dép vào và đi sang phòng tắm. Thậm chí lúc ngồi trong bồn tắm, ông vẫn tiếp tục đánh vật với vấn đề. Thực tế. Harry Clifton và Giles Barrington đều bị mù màu, giống như Sir Hugo. Thực tế. Bệnh mù màu chỉ có thể di truyền từ mẹ, vậy nên đây chỉ đơn thuần là trùng hợp ngẫu nhiên, và cần được loại bỏ trên đúng cơ sở đó. Ông ra khỏi bồn tắm, lau khô người, khoác lên mình một chiếc áo mặc trong nhà. Sau đó, ông ra khỏi phòng ngủ, đi theo hành lang trải thảm dày tới phòng làm việc của mình. Đại Chưởng ấn cầm một cây bút máy và viết hai cái họ “Barrington” và “Clifton” lên đầu một trang giấy, phía dưới ông bắt đầu liệt kê những ưu thế và yếu thế của từng người. Cho tới khi ông viết kín ba trang giấy với thứ chữ gọn ghẽ như bản khắc đồng của mình, Big Ben đã đánh tám tiếng chuông. Song ông vẫn chẳng sáng suốt được thêm chút nào. Ông đặt bút xuống và miễn cưỡng đi ăn sáng. Đại Chưởng ấn ngồi một mình, lặng lẽ dùng bữa sáng. Thậm chí ông không để mắt tới những số báo ra buổi sáng được xếp ngay ngắn ở bên đầu bàn, cũng không bật máy thu thanh lên, vì ông không muốn một bình luận viên không được thông tin đầy đủ nào đó làm ảnh hưởng đến phán quyết của mình. Những tờ báo nghiêm túc tập trung vào tương lai của nguyên tắc thừa kế thế tập nếu Đại Chưởng ấn phán quyết có lợi cho Harry, trong khi các tờ lá cải dường như chỉ bận tâm đến chuyện liệu Emma có thể kết hôn với người đàn ông cô yêu hay không. Khi ông quay trở lại phòng tắm để đánh răng, cán cân công lý vẫn chưa nghiêng về bên nào. Ngay sau khi Big Ben đánh chuông báo chín giờ, ông quay trở lại phòng làm việc và đọc lại các ghi chép của mình với hy vọng rằng cuối cùng cán cân cũng sẽ nghiêng về bên này hay bên kia, song nó vẫn cân bằng tuyệt đối. Ông tiếp tục nghiền ngẫm các ghi chú khi một tiếng gõ cửa nhắc nhở Đại Chưởng ấn rằng cho dù có hình dung quyền lực của ông lớn đến thế nào, ông vẫn không thể ngăn được thời gian trôi đi. Ông thở dài, xé ba tờ giấy khỏi tập sổ ghi chép, đứng dậy, tiếp tục đọc trong khi bước ra khỏi phòng làm việc và đi xuống hành lang. Khi vào phòng ngủ, ông trông thấy East, người hầu phòng, đang đứng cạnh chân giường, chờ đợi thực hiện phần việc buổi sáng. East bắt đầu bằng việc khéo léo cởi chiếc áo mặc trong nhà bằng lụa ra trước khi giúp ông chủ mặc lên người một chiếc sơ mi trắng vừa là xong vẫn còn ẩm. Tiếp theo, một cái cổ cồn hồ bột, rồi đến một chiếc khăn quàng cổ nhỏ tinh tế có dây buộc. Trong khi Đại Chưởng ấn kéo cái quần dài đen lên, ông tự nhắc nhở mình đã tăng thêm vài cân kể từ khi nhậm chức. Tiếp đó, East giúp ông mặc chiếc áo thụng dài màu đen và vàng trước khi chuyển sự chú ý sang đầu và bàn chân ông chủ. Một bộ tóc giả che kín gáy được đội lên đầu ông trước khi ông xỏ chân vào đôi giày có cài khóa. Chỉ sau khi sợi dây chuyền vàng chức tước từng được ba mươi chín vị Đại Chưởng ấn trước đó đeo đã nằm trên vai, ông mới từ bộ dạng một vai quý bà cáu bẳn trên sân khấu kịch câm chuyển thành quan chức tư pháp có quyền lực lớn nhất ở quốc gia này. Một cái liếc mắt vào gương, và ông cảm thấy đã sẵn sàng để bước lên sân khấu diễn vai của mình trong vở diễn đầy kịch tính đang được công diễn. Chỉ tiếc một điều là ông vẫn chưa biết lời thoại sẽ thế nào. Việc căn thời gian cho Đại Chưởng ấn đi vào và ra khỏi tòa tháp Bắc cung điện Westminster hẳn có thể khiến một thượng sĩ nhất của trung đoàn phải thấy ấn tượng. Vào lúc 9 giờ 40 phút sáng, có một tiếng gõ cửa và David Bartholomew, thư ký của vị đại thần, bước vào phòng. “Chúc buổi sáng tốt lành, thưa ngài,” ông ta mở lời. “Chúc buổi sáng tốt lành, ông Bartholomew,” Đại Chưởng ấn chào lại. “Tôi rất tiếc phải thông báo,” Bartholomew nói, “là Lord Harvey đã qua đời tối qua, trong một chiếc xe cứu thương trên đường tới bệnh viện.” Cả hai người đều biết điều đó không đúng. Lord Harvey – ông ngoại của Giles và Emma Barrington – đã gục xuống ngay trong phòng họp, chỉ giây lát trước khi chuông báo giờ bỏ phiếu vang lên. Tuy thế, họ cùng chấp nhận một quy tắc đã được thừa nhận từ lâu đời: nếu một thành viên của Hạ viện hay Thượng viện mất trong phiên họp của Viện, bắt buộc phải thực hiện một cuộc điều tra đầy đủ về hoàn cảnh dẫn tới cái chết. Để tránh màn kịch vừa chẳng vui vẻ gì vừa không cần thiết đó, “chết trên đường tới bệnh viện” là cách diễn đạt được chấp nhận để áp dụng trong những trường hợp như thế. Phong tục này đã có từ thời Oliver Cromwell⁜, khi các nghệ sĩ còn được phép đeo kiếm vào phòng họp, và những hành động gian trá phản phúc là một khả năng nổi bật phải xem xét đến bất cứ khi nào có một cái chết xảy ra. Đại Chưởng ấn không khỏi buồn bã trước sự ra đi của Lord Harvey, một đồng nghiệp mà ông vừa yêu mến vừa ngưỡng mộ. Ông chỉ ước rằng người thư ký không nhắc làm ông nhớ tới một trong những thực tế ông đã ghi lại phía dưới tên của Giles Barrington; cụ thể là Lord Harvey đã không thể bỏ phiếu sau khi ông ấy bị quỵ xuống, và nếu ông ấy kịp bỏ phiếu, chắc chắn sẽ là cho Giles Barrington. Điều đó hẳn đã cho phép mọi việc được giải quyết ổn thỏa một lần dứt khoát, và tối hôm đó ông đã có thể ngủ ngon. Còn giờ đây, chính ông đang được trông đợi sẽ giải quyết ổn thỏa vấn đề này một lần dứt khoát. Phía dưới tên của Harry Clifton, ông đã ghi một thực tế khác. Sáu tháng trước, khi yêu cầu ban đầu được đệ trình lên Hội đồng tư pháp, các thành viên đã bỏ phiếu với kết quả 4—3 nghiêng về việc cho phép Clifton được thừa kế tước vị và, như được viết trong di chúc, tất cả những gì đi kèm. Một tiếng gõ cửa thứ hai, và người tùy giá của ông xuất hiện, mặc bộ đồ kiểu Gilbert và Sullivan nữa, để báo hiệu nghi thức cổ xưa sắp bắt đầu. “Chúc buổi sáng tốt lành, thưa ngài.” “Chúc buổi sáng tốt lành, ông Duncan.” Đúng khoảnh khắc người tùy giá nâng diềm chiếc áo thụng đen dài của Đại Chưởng ấn lên, David Bartholomew bước tới mở toang hai cánh cửa phòng khánh tiết để vị đại thần có thể bắt đầu cuộc hành trình kéo dài bảy phút tới phòng họp Thượng viện. Các thành viên quốc hội, người đưa tin có đeo phù hiệu và những nhân viên làm việc tại quốc hội đang thực hiện công việc hàng ngày của họ hối hả đứng tránh sang bên khi thấy Đại Chưởng ấn tới gần, đảm bảo để cuộc hành trình của ông không bị cản trở. Khi ông đi ngang qua, họ cúi chào thật thấp, không phải trước ông, mà trước quyền lực ông đại diện. Vị đại thần bước đi theo hành lang trải thảm đỏ theo cùng nhịp chân như ông vẫn đi mỗi ngày trong sáu năm qua, để ông bước vào phòng họp cùng thời điểm tiếng chuông đầu tiên vang lên khi Big Ben điểm chuông mười giờ sáng. Vào một ngày bình thường, và hôm nay không phải là một ngày như thế, bất cứ lúc nào bước vào phòng họp, ông cũng sẽ được chào đón bởi một nhúm các nghị sĩ lịch thiệp đứng lên từ các băng ghế đỏ, cúi đầu trước Đại Chưởng ấn và tiếp tục đứng trong khi vị giám mục trực ban điều hành lễ cầu nguyện buổi sáng, sau đó những công việc trong ngày có thể bắt đầu. Nhưng hôm nay thì không, vì từ rất xa trước khi tới phòng họp, ông đã có thể nghe thấy tiếng rì rầm của những giọng nói đang khe khẽ trao đổi. Thậm chí cả Đại Chưởng ấn cũng phải ngạc nhiên trước cảnh tượng chờ đợi mình khi ông bước vào. Các băng ghế đỏ kín người, đến mức một số nghị sĩ phải di cư đến chỗ các bậc cấp phía trước ngai chủ tọa, trong khi có những người khác đứng ngoài lan can của Viện vì không tìm nổi chỗ ngồi. Một dịp duy nhất ông nhớ Viện từng đông đến thế này là khi Nhà vua đọc Diễn văn Hoàng gia, trong đó thông báo cho các thành viên của cả hai Viện về những đạo luật chính phủ ngài đề xuất ban hành trong nhiệm kỳ tiếp theo của Quốc hội. Khi Đại Chưởng ấn bước vào phòng họp, các nghị sĩ lập tức ngừng nói chuyện, đồng loạt đứng dậy và cúi chào trong khi ông ngồi vào chỗ trước ghế Chủ tịch Thượng viện. Quan chức tư pháp cao cấp nhất của đất nước từ tốn đưa mắt nhìn quanh phòng họp và bắt gặp cả nghìn con mắt đang nóng lòng chờ đợi. Ánh mắt của ông cuối cùng dừng lại ở ba người trẻ tuổi đang ngồi phía cuối phòng họp, đối diện với ông trên Khu vực dành cho Khách quan trọng. Giles Barrington, em gái Emma của anh và Harry Clifton đều mặc đồ tang màu đen để tưởng nhớ tới người ông rất được yêu quý và, trong trường hợp của Harry, một người bảo trợ và người bạn thân thiết. Ông thấy thông cảm cho cả ba người, ý thức được phán quyết ông sắp đưa ra sẽ làm thay đổi toàn bộ cuộc đời họ. Ông cầu nguyện để sự thay đổi đó sẽ theo hướng tốt đẹp hơn. Khi mục sư Peter Watts, giám mục Bristol – thật hợp cảnh làm sao, Đại Chưởng ấn nghĩ – mở cuốn kinh cầu nguyện của ông ta ra, các nghị sĩ cùng cúi đầu xuống, và không ngẩng lên cho tới khi ngài giám mục nói ra những từ “Nhân danh Cha, Con và Thánh Thần.” Những người có mặt ngồi lại xuống chỗ, chỉ còn lại Đại Chưởng ấn là người duy nhất còn đứng. Sau khi mọi người đã yên vị, các nghị sĩ chờ đợi nghe phán quyết của ông. “Thưa quý vị,” ông bắt đầu, “tôi không thể giả bộ rằng phán quyết mà quý vị đặt niềm tin vào tôi là một chuyện dễ dàng. Ngược lại, tôi thú nhận đây là một trong những quyết định khó khăn nhất tôi từng phải đưa ra trong sự nghiệp phụng sự pháp luật lâu năm của mình. Nhưng vậy đấy, Thomas More⁜ chính là người đã nhắc nhở chúng ta rằng khi ta mặc lên người chiếc áo thụng này, ta cần sẵn sàng đưa ra những quyết định hiếm khi làm vừa lòng tất cả mọi người. Và quả thực, thưa quý vị, vào ba dịp như thế trong quá khứ, vị Đại Chưởng ấn, sau khi đưa ra phán quyết của ông ta, đã bị chặt đầu trong cùng ngày.” Tiếng cười vang lên phá vỡ sự căng thẳng, nhưng chỉ trong giây lát. “Tuy nhiên, bổn phận của tôi vẫn là nhớ rằng,” ông nói sau khi tiếng cười lắng xuống, “tôi chỉ phải giải thích trước Đấng Toàn Năng. Với ý thức đó trong tâm trí, thưa quý vị, trong vụ tranh tụng Barrington chống lại Clifton, người được kế tục Sir Hugo Barrington với tư cách người thừa kế hợp pháp và được trao cho tước vị của gia đình, lãnh địa và tất cả những gì đi kèm là…” Đại Chưởng ấn lại một lần nữa đưa mắt nhìn lên khu vực khách mời, do dự. Đôi mắt ông dừng lại ở ba con người trẻ trung vô tội ngồi trên hàng ghế, lúc này đang chăm chú nhìn xuống ông. Ông cầu nguyện có được sự thông thái của Solomon trước khi nói thêm, “Sau khi cân nhắc tất cả các sự kiện thực tế, tôi quyết định dành quyền thừa kế cho… Giles Barrington.” Âm thanh rì rầm của những giọng nói đang thì thầm lập tức vang lên trong Viện. Đám nhà báo hối hả rời khỏi khu báo chí để thông báo phán quyết Đại Chưởng ấn vừa đưa ra tới các biên tập đang chờ đợi, phán quyết cho thấy nguyên tắc thừa kế thế tập vẫn được giữ nguyên vẹn và Harry Clifton giờ đây có thể cầu hôn Emma Barrington để cô trở thành người vợ hợp pháp của anh. Đám đông trên khu vực khách mời cúi xuống qua lan can để quan sát xem các nghị sĩ phản ứng thế nào với phán quyết vừa rồi. Nhưng đây không phải là một trận bóng đá, và ông không phải là trọng tài. Tất cả các thành viên Thượng viện sẽ phải chấp nhận và tuân thủ phán quyết của Đại Chưởng ấn mà không được bỏ phiếu biểu quyết hay phủ quyết. Trong khi đợi cho cơn xúc động lắng xuống, Đại Chưởng ấn lại một lần nữa ngước mắt nhìn lên ba con người trên lan can chịu ảnh hưởng lớn nhất từ quyết định của mình để xem họ phản ứng thế nào. Harry, Emma và Giles vẫn nhìn ông vô cảm, như thể họ vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa phán quyết của ông. Sau nhiều tháng trời sống trong bất an, Giles lập tức cảm thấy nhẹ nhõm, cho dù cái chết của người ông ngoại yêu quý đã xua đi mọi cảm giác chiến thắng. Harry chỉ có một ý nghĩ duy nhất trong đầu khi nắm chặt tay Emma. Giờ anh đã có thể cưới cô gái anh yêu. Emma vẫn cảm thấy không chắc chắn. Nói cho cùng, Đại Chưởng ấn đã tạo nên một loạt những vấn đề mới khiến ba người họ phải bận tâm suy nghĩ, những vấn đề họ không thể gọi ông tới để giải quyết. Đại Chưởng ấn mở cặp tài liệu có trang trí tua vàng của mình ra và nhìn qua nội dung chương trình nghị sự trong ngày. Một cuộc tranh luận về Chương trình Sức khỏe Quốc gia đang được đề xuất ở mục thứ hai. Một vài nghị sĩ lặng lẽ rời phòng họp, vì công việc đã trở lại như thường nhật. Đại Chưởng ấn sẽ không bao giờ thú nhận với bất cứ ai, thậm chí cả người tâm giao gần gũi nhất, việc ông đã thay đổi quyết định vào phút cuối cùng. Harry Clifton và Emma Barrington 1945 – 1951 1 “V ậy nên, nếu ai đó có thể đưa ra bất cứ lý do chính đáng nào khiến hai con người này không thể được kết hợp với nhau một cách hợp pháp trong mối ràng buộc thiêng liêng của hôn nhân, người ấy hãy nói ra ngay lúc này, hoặc giữ im lặng mãi mãi về sau.” Harry Clifton sẽ không bao giờ quên được lần đầu tiên anh nghe những lời đó, cũng như chỉ vài khoảnh khắc sau đó cả cuộc đời anh bị đảo lộn hoàn toàn. Jack Già, người cũng giống như George Washington không bao giờ có thể nói dối, đã tiết lộ trong một cuộc gặp vội vã trong phòng thay áo lễ rằng rất có thể Emma Barrington, cô gái Harry tôn thờ, người sắp sửa trở thành vợ anh, là em gái cùng cha khác mẹ với anh. Và cơn ác mộng đã biến thành hiện thực khi mẹ Harry thừa nhận rằng có một lần, một lần duy nhất, bà từng quan hệ tình dục với bố Emma, Hugo Barrington. Do đó, có khả năng anh và Emma là con của cùng một người cha. Vào thời điểm có quan hệ với Hugo Barrington, mẹ Harry đang hẹn hò cùng Arthur Clifton, một công nhân bốc vác làm việc tại bến tàu của công ty Barrington. Bất chấp thực tế Maisie đã kết hôn với Arthur không lâu sau đó, vị giáo sĩ từ chối làm phép cưới cho Harry và Emma khi vẫn còn khả năng bỏ ngỏ rằng việc đó có thể vi phạm điều luật cổ xưa của nhà thờ về quan hệ huyết thống. Chỉ giây lát sau, Hugo, bố Emma, đã lẻn ra đằng sau nhà thờ, giống một kẻ đào ngũ hèn nhát chạy trốn khỏi chiến trường. Emma và mẹ cô tới Scotland, trong khi Harry, với tâm hồn tan nát, ở lại trường tại Oxford, không biết phải làm gì tiếp theo. Adolf Hitler đã đưa ra quyết định đó giúp chàng trai. Vài ngày sau, Harry rời trường đại học và đổi chiếc áo thụng học đường lấy bộ đồ của một thủy thủ thường. Nhưng chỉ sau chưa đầy hai tuần anh phục vụ trên đại dương, một quả ngư lôi Đức đã bắn chìm con tàu của anh, và cái tên Harry Clifton xuất hiện trong danh sách những người được thông báo mất tích ngoài biển. “Con có đồng ý lấy người phụ nữ này làm vợ, có đồng ý sẽ luôn ở bên cô ấy chừng nào cả hai con còn sống hay không?” “Con đồng ý.” Mãi tới tận khi chiến tranh kết thúc, khi Harry từ chiến trường trở về mang theo vết thương của vinh quang, anh mới khám phá ra Emma đã sinh một cậu con trai của hai người, Sebastian Arthur Clifton. Nhưng phải tới khi hoàn toàn bình phục, Harry mới biết Hugo Barrington đã bị giết trong một hoàn cảnh thật khủng khiếp, khiến gia đình Barrington gặp thêm nhiều rắc rối nữa, cũng kinh khủng với Harry không kém gì việc không được phép kết hôn với cô gái anh yêu. Harry chưa bao giờ nghĩ việc anh lớn tuổi hơn vài tuần so với Giles Barrington, anh trai Emma và cũng là người bạn thân nhất của anh, là chuyện gì nghiêm trọng cho tới khi được biết anh có thể là người đứng đầu trong danh sách thừa kế tước vị gia đình, lãnh địa rộng lớn của nhà Barrington, rất nhiều tài sản sở hữu cũng như, theo như từ ngữ trong bản di chúc, tất cả những gì đi kèm. Harry nhanh chóng tỏ rõ anh không có chút hứng thú nào với việc thừa kế gia sản nhà Barrington, và còn hơn cả sẵn sàng để từ chối bất cứ quyền lợi bẩm sinh nào có thể được coi là của anh để nhường lại cho Giles. Vị Chánh đại thần Nghi lễ dường như sẵn sàng thuận theo cách thu xếp này, và tất cả đáng ra đã có thể xuôi chèo mát mái nếu như Lord Preston, một nghị sĩ đối lập Công đảng, không đích thân đứng ra bảo vệ tư cách thừa kế của Harry mà thậm chí chẳng buồn hỏi ý kiến anh. “Đó là một vấn đề mang tính nguyên tắc,” Lord Preston giải thích với bất cứ ký giả Nghị viện nào đặt câu hỏi cho ông ta. “Con có đồng ý nhận người đàn ông này làm chồng, đồng ý sống bên nhau theo giới luật của Chúa trong mối ràng buộc thiêng liêng của hôn nhân không?” “Con đồng ý.” Harry và Giles vẫn là những người bạn không thể tách rời trong suốt quãng thời gian ấy, bất chấp việc một cách chính thức họ ở hai bên tranh chấp với nhau tại tòa án cao nhất quốc gia, cũng như trên trang nhất báo chí cả nước. Harry và Giles hẳn sẽ rất vui mừng trước quyết định của Đại Chưởng ấn nếu như Lord Harvey, ông ngoại Emma và Giles, có mặt trên băng ghế hàng đầu để nghe lời phán quyết, nhưng ông đã không bao giờ biết được thắng lợi của mình. Kết cục của vụ việc vẫn làm cả nước bị chia rẽ, trong khi hai gia đình bị để mặc cho việc thu xếp tàn cục. Một hệ quả nữa từ phán quyết của Đại Chưởng ấn, như báo giới đã nhanh chóng chỉ ra cho các độc giả đầy háo hức của họ, là việc tòa án tối cao của đất nước công nhận Harry và Emma không có chung huyết thống, do đó anh được tự do cầu hôn cô, để cô trở thành người vợ được kết hôn hợp pháp của anh. “Với chiếc nhẫn này tôi cưới người, với thân thể của mình tôi tôn thờ người, và mọi của cải trần thế của mình tôi trao cho người.” Dẫu vậy, cả Harry và Emma đều biết một quyết định do con người đưa ra không thể chứng minh nghi ngờ có căn cứ rằng Hugo Barrington là bố Harry, vì thế cả hai, đều là những tín đồ Ki tô ngoan đạo, lo sợ rằng có thể họ đang vi phạm giới luật của Chúa. Tình yêu họ dành cho nhau không hề phai nhạt bất chấp tất cả những gì họ phải trải qua. Nếu có gì thay đổi, thì đó là nó đã trở nên mạnh mẽ hơn, và với sự cổ vũ của Elizabeth, mẹ cô gái, cùng lời ban phước của Maisie, mẹ Harry, Emma chấp nhận đề nghị kết hôn của Harry. Cô chỉ thấy buồn vì cả hai người bà của mình đều đã qua đời. Hôn lễ không diễn ra tại Oxford như dự định ban đầu, với tất cả sự phô trương và những nghi thức long trọng cho một đám cưới tại trường đại học, cũng như sự nhòm ngó không thể tránh khỏi của giới truyền thông. Nó chỉ là một lễ đăng ký kết hôn đơn giản trong văn phòng tại Bristol, với gia đình và vài người bạn thân tham dự. Có lẽ quyết định đáng buồn nhất mà Harry và Emma phải miễn cưỡng nhất trí là việc Sebastian Arthur Clifton sẽ là đứa con duy nhất của hai người. S 2 au khi gửi Sebastian cho Elizabeth trông nom, Harry và Emma tới Scotland để trải qua kỳ trăng mật tại lâu đài Mulgelrie, nơi này được truyền lại từ tổ tiên của Lord Harvey và phu nhân Harvey, ông bà ngoại quá cố của Emma. Tòa lâu đài làm sống dậy bao hồi ức hạnh phúc về quãng thời gian họ trải qua tại đây ngay trước khi Harry tới Oxford. Hai người cùng đi dạo cả ngày trên các ngọn đồi, hiếm khi quay về lâu đài trước khi mặt trời lặn sau ngọn núi cao nhất. Sau bữa tối, người đầu bếp nhớ lại rằng cậu Clifton thích được phục vụ ba lần món canh hầm, hai vợ chồng ngồi bên lò sưởi cháy bùng bùng và đọc Evelyn Waugh, Graham Greene và tác giả ưa thích của Harry, P. G. Wodehouse. Sau nửa tháng, quãng thời gian mà đôi vợ chồng trẻ gặp gỡ những bầy gia súc miền Highland còn nhiều hơn là con người, họ miễn cưỡng lên đường trở lại Bristol. Hai người về tới Manor House, trông đợi một cuộc sống gia đình yên bình, song thứ chờ đợi họ lại không phải là điều đó. Elizabeth thú nhận bà không thể đợi lâu hơn được nữa để giao lại Sebastian; những màn khóc lóc trước khi lên giường đi ngủ xuất hiện quá nhiều lần, bà nói với hai con khi con mèo Xiêm của bà, Cleopatra, trèo lên lòng bà chủ của nó và lập tức ngủ ngon lành. “Chân thành mà nói, các con không về sớm giây nào cả,” bà thêm. “Trong hai tuần vừa qua mẹ chưa từng một lần giải xong ô chữ trên The Times.” Harry cảm ơn mẹ vợ vì sự thấu hiểu của bà, rồi anh và Emma mang cậu con trai năm tuổi hiếu động kinh khủng của họ về Barrington Hall. N Trước khi Harry và Emma kết hôn, Giles một mực quả quyết rằng vì anh dành phần lớn thời gian của mình tại London thực thi chức trách của một dân biểu Công đảng tại Quốc hội, nên hai người cứ thoải mái coi Barrington Hall như nhà mình. Với thư viện mười nghìn cuốn sách, một khu tư viên rộng mênh mông và một tàu ngựa phong phú, tòa dinh thự hoàn toàn lý tưởng với họ. Harry có thể viết những cuốn tiểu thuyết trinh thám về William Warwick trong không khí yên bình, trong khi Emma cưỡi ngựa đi dạo hàng ngày và Sebastian chơi ngoài khoảng sân rộng, thường xuyên mang những con vật lạ lùng về nhà cùng uống trà. Giles thường lái xe về Bristol vào các buổi chiều thứ Sáu, vừa kịp để ăn tối cùng họ. Đến sáng thứ Bảy, anh sẽ dành thời gian cho một cuộc tiếp cử tri trước khi ghé vào câu lạc bộ công nhân bến tàu để uống một, hai vại bia với người đại diện của anh, Griff Haskins. Đến chiều, ngài dân biểu và Griff sẽ tham gia cùng mười ngàn người trong số cử tri của anh tại sân vận động Eastville để theo dõi đội Bristol Rovers⁜ thua trận nhiều hơn là thắng. Giles không bao giờ dám thừa nhận, thậm chí cả với người đại diện của mình, là anh thà dành các chiều thứ Bảy đi xem đội Bristol chơi rugby còn hơn. Song nếu anh làm vậy, Griff hẳn sẽ nhắc nhở rằng đám đông có mặt tại sân Memorial Ground hiếm khi đông hơn hai nghìn người, và phần lớn họ bầu cho đảng Bảo thủ. Vào các sáng Chủ nhật, Giles lại có mặt tại nhà thờ St. Mary Redcliffe để quỳ gối cầu nguyện bên cạnh Harry và Emma. Harry đoán với Giles đây chỉ đơn thuần là một nghĩa vụ với cử tri khác, vì ông bạn này luôn tìm bất cứ cớ nào để tránh xa nhà nguyện khi còn ở trường. Nhưng không ai có thể phủ nhận rằng Giles đang nhanh chóng đạt được tiếng tăm là một thành viên tận tâm, mẫn cán của Quốc hội. Thế rồi đột nhiên, không lời giải thích, những cuộc về thăm vào dịp cuối tuần của Giles trở nên ngày một thưa thớt. Bất cứ khi nào Emma nhắc tới chủ đề này với anh trai, câu trả lời lại là về những trách nhiệm tại Quốc hội. Harry không hề cảm thấy bị thuyết phục, và hy vọng việc vắng mặt kéo dài ở khu vực bầu cử của ông anh vợ sẽ không làm xói mòn đa số mong manh ngài dân biểu đang có trong kỳ bầu cử tới. Một tối thứ Sáu, hai người cuối cùng cũng khám phá ra lý do thực sự khiến Giles bận bịu đến thế trong vài tháng qua. Anh đã gọi điện báo trước cho Emma là sẽ về Bristol dịp cuối tuần, và sẽ về đúng giờ để ăn tối hôm thứ Sáu. Điều ông anh không nói với cô em là sẽ có một vị khách nữa cùng tham gia. Emma thường luôn có cảm tình với các cô bạn gái của Giles, họ luôn hấp dẫn, hơi đãng trí một chút, và tất cả, không có ngoại lệ, đều tôn thờ anh trai cô, cho dù phần lớn những người đẹp này không trụ lại đủ lâu để cô có thể hiểu rõ hơn về họ. Song lần này thì khác. Tối thứ Sáu đó, khi Giles giới thiệu Virginia, Emma thực sự bối rối không hiểu anh cô thấy gì ở người phụ nữ này. Emma thừa nhận cô này rất đẹp và có gia thế danh tiếng. Trên thực tế, Virginia đã hơn một lần nhắc nhở họ rằng cô ta từng là Quý cô của năm (vào năm 1934), cũng như nhắc đi nhắc lại ba lần chuyện cô ta là con gái của bá tước Fenwick, thậm chí từ trước khi họ kịp ngồi vào bàn dùng bữa tối. Emma hẳn đã gạt những chuyện này sang một bên, coi đó chỉ là do vị khách đang hồi hộp, nếu Virginia không chê bai đồ ăn và thì thầm với Giles suốt bữa tối, với âm lượng chắc hẳn cô ta phải biết những người khác đều sẽ nghe thấy, về chuyện thật khó lòng tìm được người làm tử tế ở Gloucestershire. Trước sự ngạc nhiên của Emma, Giles chỉ mỉm cười với những lời nhận xét đó, không hề tỏ ra bất đồng với cô ta dù chỉ một lần. Emma sắp sửa nói ra một điều mà cô biết sau đó mình sẽ phải hối tiếc thì Virginia tuyên bố cô ta đã kiệt sức sau một ngày dài và muốn đi nghỉ. Sau khi vị khách đã đứng lên rời khỏi bàn ăn, với Giles theo sát chỉ cách một bước chân, Emma vào phòng khách, rót cho mình một cốc whisky lớn và ngồi xuống cái ghế gần nhất. “Có Chúa mới biết mẹ em sẽ thấy thế nào về Quý cô Virginia.” Harry mỉm cười. “Việc Elizabeth nghĩ gì cũng chẳng quan trọng, vì anh có cảm giác Virginia sẽ trụ lại cũng lâu như phần lớn những cô bạn gái khác của Giles.” “Em không chắc vậy đâu,” Emma nói. “Nhưng điều làm em khó hiểu nhất là tại sao cô ta lại quan tâm đến Giles, vì rõ ràng cô ta không hề yêu anh ấy.” N Khi Giles và Virginia lái xe trở về London sau bữa trưa vào buổi chiều Chủ nhật, Emma nhanh chóng quên cô con gái bá tước Fenwick vì cô cần phải giải quyết một vấn đề khẩn cấp hơn rất nhiều. Lại thêm một cô bảo mẫu nữa xin thôi việc, tuyên bố giọt nước cuối cùng đã tràn ly khi cô này tìm thấy một con nhím trên giường mình. Harry ít nhiều cảm thấy thông cảm với người phụ nữ tội nghiệp. “Việc thằng bé là con một chẳng giúp tình hình khá hơn.” Emma nói sau khi cuối cùng cô cũng đã ru ngủ được cậu con trai tối hôm đó. “Chẳng thể vui được khi không có ai để chơi cùng.” “Việc đó chưa bao giờ làm anh lo lắng.” Harry nói, vẫn không ngước mắt lên khỏi cuốn sách. “Mẹ anh đã kể cho em biết anh cũng chẳng vừa trước khi anh tới trường St. Bede, và dù thế nào đi nữa, ở vào tuổi của nó, anh dành nhiều thời gian ngoài bến tàu hơn ở nhà.” “Được thôi, cũng chẳng còn mấy nữa trước khi thằng bé bắt đầu học tại St. Bede.” “Và anh trông đợi em làm gì cho tới lúc đó? Đưa con chúng ta ra bến tàu mỗi sáng à?” “Một ý tưởng không tồi.” “Nghiêm túc đi nào, anh yêu. Nếu không nhờ Jack Già, bây giờ có khi anh vẫn đang ở ngoài đó.” “Đúng thế,” Harry nói trong khi nâng ly lên tưởng nhớ con người vĩ đại ấy. “Nhưng chúng ta có thể làm gì trong chuyện này?” Emma mất nhiều thời gian để trả lời đến mức Harry tự hỏi liệu có phải cô đã ngủ. “Có lẽ đã đến lúc chúng mình cần có một đứa trẻ nữa.” Harry kinh ngạc gập cuốn sách lại và chăm chú nhìn vợ, không dám chắc anh đã nghe chính xác những gì cô nói. “Nhưng anh tưởng chúng mình đã nhất trí…” “Đúng thế. Và em vẫn không hề đổi ý, nhưng chẳng có lý do nào ngăn cản chúng ta nghĩ đến việc nhận con nuôi cả.” “Điều gì đã làm em nghĩ đến chuyện đó vậy, em yêu?” “Em không thể ngừng nghĩ tới cô bé được tìm thấy trong phòng làm việc của bố vào đêm ông chết.” – Emma không bao giờ có thể ép mình nói ra hai từ “bị giết” – “và khả năng cô bé đó có thể là con của ông.” “Nhưng chẳng có bằng chứng nào về chuyện đó cả. Và dù thế đi nữa, anh không biết làm thế nào em có thể tìm ra cô bé sau chừng ấy thời gian.” “Em đang nghĩ tới việc tham khảo một nhà văn viết truyện trinh thám danh tiếng để tìm lời khuyên.” Harry cẩn thận suy nghĩ trước khi trả lời. “William Warwick rất có khả năng sẽ đưa ra lời khuyên rằng em nên thử liên hệ với Derek Mitchell.” “Nhưng chắc anh không quên Mitchell từng làm việc cho bố em, và không hẳn là quan tâm đến lợi ích của chúng ta.” “Đúng thế,” Harry nói, “và đó chính xác là lý do anh sẽ tìm kiếm lời khuyên của ông ta. Nói cho cùng, ông ta là người duy nhất biết nội tình câu chuyện.” N Họ nhất trí sẽ gặp nhau ở khách sạn Grand. Emma tới sớm và chọn một chỗ ngồi trong góc sảnh, nơi họ không thể bị nghe lén. Trong lúc chờ, cô soát lại những câu dự định sẽ hỏi người thám tử. Ông Mitchell bước vào sảnh khi đồng hồ đổ chuông bốn giờ. Cho dù ông ta đã lên cân ít nhiều kể từ lần cuối cô gặp, và mái tóc cũng đã ngả xám hơn, cái chân tập tễnh vẫn là đặc điểm nhận dạng không lẫn vào đâu được. Rõ ràng ông ta nhận ra Emma, vì ông ta đi thẳng tới chỗ cô. “Thật hân hạnh được gặp lại bà, bà Clifton,” ông ta mở lời. “Mời ông ngồi,” Emma nói, tự hỏi liệu ông ta có đang căng thẳng như cô không. Cô quyết định vào thẳng vấn đề. “Tôi muốn gặp ông, ông Mitchell, vì tôi cần sự giúp đỡ của một thám tử tư.” Mitchell cựa quậy một cách không thoải mái trên ghế. “Khi chúng ta gặp nhau lần cuối, tôi đã hứa sẽ thanh toán phần còn lại khoản tiền bố tôi vẫn nợ ông.” Đây là gợi ý của Harry. Anh nói nó sẽ giúp Mitchell nhận ra cô thực sự nghiêm túc về việc thuê ông ta. Emma mở xắc tay, lấy ra một phong bì và đưa cho Mitchell. “Cảm ơn bà,” ông ta nói, rõ ràng đang ngạc nhiên. Emma tiếp, “Chắc ông nhớ lần cuối cùng tôi gặp ông, chúng ta đã nói chuyện về đứa bé được tìm thấy trong chiếc giỏ tại phòng làm việc của bố tôi. Thám tử chánh thanh tra Blakemore, người phụ trách vụ án, hy vọng ông vẫn còn nhớ, nói với chồng tôi là cô bé đã được chính quyền sở tại nhận chăm sóc.” “Đó là cách xử trí thông thường, trong trường hợp không có ai nhận là thân nhân của cô bé.” “Vâng, tôi cũng đã tìm hiểu điều đó, và hôm qua tôi đã nói chuyện với người phụ trách công tác này tại Tòa Thị chính, song ông ta từ chối cung cấp cho tôi bất cứ chi tiết nào về địa điểm nuôi dưỡng cô bé lúc này.” “Có lẽ điều này là do chỉ thị của nhân viên điều tra để bảo vệ đứa trẻ khỏi những nhà báo tọc mạch. Điều đó không có nghĩa là không có cách khác để tìm ra nơi cô bé đang sống.” “Tôi rất mừng được biết vậy.” Emma do dự. “Nhưng trước khi chúng ta làm việc đó, tôi cần được thuyết phục rằng cô bé là con của bố tôi.” “Tôi có thể đảm bảo với bà, bà Clifton, rằng không còn chút nghi ngờ nào về điều đó.” “Làm sao ông có thể chắc chắn tới mức đó?” “Tôi có thể cho bà biết mọi chi tiết, nhưng tôi e chúng sẽ khiến bà cảm thấy không thoải mái.” “Ông Mitchell, tôi không tin có điều gì ông kể về bố tôi lại khiến tôi ngạc nhiên được nữa.” Mitchell tiếp tục im lặng trong vài khoảnh khắc. Cuối cùng ông ta nói,“Trong thời gian tôi làm việc cho Sir Hugo, chắc bà cũng biết ông ấy đã chuyển lên London.” “Bỏ chạy vào ngày diễn ra hôn lễ của tôi, nói vậy thì chính xác hơn.” Mitchell không bình luận gì. “Khoảng một năm sau, bố bà bắt đầu sống cùng cô Olga Piotrovska ở Quảng trường Lowndes.” “Làm sao ông ấy có thể đáp ứng được việc đó, khi ông nội tôi không cho ông ấy một xu nào?” “Ông ấy không thể. Nói trắng ra thì bố bà không chỉ sống cùng cô Piotrovska, mà còn sống dựa vào cô ấy.” “Ông có thể cho tôi biết thêm về người phụ nữ này không?” “Rất sẵn lòng. Cô gái này là người gốc Ba Lan, và đã trốn khỏi Warsaw năm 1941, không lâu sau khi bố mẹ cô ấy bị bắt.” “Họ phạm tội gì vậy?” “Là người Do Thái,” Mitchell nói không chút cảm xúc. “Cô gái tìm cách vượt qua biên giới cùng một ít tài sản của gia đình và tìm đến London, tại đây cô ấy thuê một căn hộ ở Quảng trường Lowndes. Không lâu sau, cô ấy gặp bố bà tại một bữa tiệc cocktail do một người bạn chung của cả hai tổ chức. Ông ấy theo đuổi cô ấy trong vài tuần, sau đó dọn tới căn hộ của cô ấy, cam đoan rằng họ sẽ kết hôn ngay khi việc ly hôn của ông ấy hoàn tất.” “Tôi từng nói không còn gì có thể làm tôi ngạc nhiên nữa. Tôi đã lầm.” “Mối quan hệ trở nên xấu đi,” Mitchell nói. “Khi ông nội bà mất, Sir Hugo lập tức bỏ rơi cô Piotrovska, quay về Bristol nhận gia sản thừa kế và đảm nhiệm chức chủ tịch hội đồng quản trị công ty hàng hải Barrington. Nhưng chỉ sau khi đã đánh cắp toàn bộ đồ nữ trang của cô Piotrovska cùng vài bức họa có giá trị.” “Nếu đúng vậy, sao ông ấy không bị bắt?” “Có đấy,” Mitchell nói, “và sắp sửa bị buộc tội khi tòng phạm của bố bà, Toby Dunstable, kẻ đã tố cáo đồng lõa của mình, tự sát trong phòng giam buổi tối trước hôm diễn ra phiên tòa.” Emma cúi đầu xuống. “Bà chắc là không muốn tôi kể nữa đúng không, bà Clifton?” “Không.” Emma nhìn thẳng vào người thám tử. “Tôi cần biết mọi thứ.” “Bố bà không hề biết chuyện cô Piotrovska đã có thai khi ông ấy quay về Bristol. Cô ấy sinh được một bé gái, đặt tên trong giấy khai sinh là Jessica Piotrovska.” “Làm thế nào ông biết được?” “Vì cô Piotrovska đã thuê tôi khi bố bà không thể thanh toán các hóa đơn của tôi nữa. Thật mỉa mai, cô ấy cạn hết tiền đúng lúc bố bà được thừa kế một gia tài. Đó là lý do cô ấy tới Bristol cùng Jessica. Cô ấy muốn Sir Hugo biết mình có một cô con gái nữa, vì cô ấy cảm thấy bố bà cần có trách nhiệm nuôi nấng đứa trẻ.” “Và bây giờ đó là trách nhiệm của tôi,” Emma khẽ nói. Cô dừng lại. “Nhưng tôi không biết làm cách nào để tìm ra cô bé, và tôi hy vọng ông có thể giúp.” “Tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể, bà Clifton. Nhưng sau từng ấy thời gian, việc này sẽ không dễ đâu. Nếu tôi phát hiện được gì, bà sẽ là người đầu tiên được biết,” người thám tử nói thêm lúc đứng dậy khỏi ghế. Trong lúc Mitchell tập tễnh đi xa dần, Emma cảm thấy hơi có lỗi. Cô thậm chí còn chưa mời ông ta uống trà. N Emma nóng lòng muốn quay về nhà và kể cho Harry nghe cuộc gặp với Mitchell. Khi cô lao vào thư viện tại Barrington Hall, anh đang đặt ống điện thoại xuống. Chồng cô nở một nụ cười tươi hết cỡ, đến mức tất cả những gì cô nói là, “Anh nói trước đi.” “Các đại diện xuất bản tại Mỹ muốn anh thực hiện một chuyến đi vòng quanh nước Mỹ khi họ tung ra cuốn sách mới vào tháng tới.” “Đó là một tin tuyệt vời, anh yêu. Cuối cùng anh cũng có cơ hội gặp bà cô Phyllis, chưa nói đến chú Alistair.” “Anh rất nóng lòng.” “Đừng có giễu cợt, cậu nhóc!” “Anh đâu có ý đó, các đại diện xuất bản đã đề xuất em đi cùng anh, vậy nên em cũng sẽ có dịp gặp lại họ.” “Em rất muốn đi cùng anh, anh yêu, nhưng thời điểm không thể tệ hơn. Cô bảo mẫu Ryan đã thu dọn hành lý, và em rất ái ngại phải cho anh biết đại lý cung cấp bảo mẫu đã gạch tên chúng ta khỏi danh sách khách hàng của họ.” “Có thể anh sẽ thuyết phục được những người đại diện xuất bản đồng ý cho cả Seb cùng đi.” “Việc đó nhiều khả năng sẽ dẫn đến kết cục là tất cả chúng ta cùng bị trục xuất,” Emma nói. “Không, em sẽ ở nhà với Seb, trong khi anh lên đường đi chinh phục vùng đất mới.” Harry ôm vợ trong vòng tay. “Tiếc quá. Anh đã chờ đợi một kỳ trăng mật thứ hai. Nhân tiện đây, cuộc gặp của em với Mitchell thế nào?” N Harry đang ở Edinburgh dự bữa trưa đàm đạo văn học khi Derek Mitchell gọi điện thoại cho Emma. “Có thể tôi đã có đầu mối,” ông ta nói, không xưng tên. “Khi nào chúng ta có thể gặp nhau?” “Mười giờ sáng mai, chỗ cũ, được chứ?” Cô vừa gác máy thì điện thoại lại đổ chuông. Cô nhấc máy, và nhận ra em gái mình đang ở đầu dây bên kia. “Một sự ngạc nhiên dễ chịu làm sao, Grace, nhưng chị hiểu em lắm, em luôn có lý do để gọi điện.” “Một số người trong chúng ta có công việc toàn thời gian.” Grace nhắc nhở chị. “Nhưng chị nói đúng. Em gọi điện vì tôi qua em vừa dự một buổi thuyết trình của Giáo sư Cyrus Feldman.” “Là ông giáo sư hai lần đoạt giải Pulitzer đó ư?” Emma nói, hy vọng gây ấn tượng được với cô em. “Giáo sư Đại học Stanford, nếu chị nhớ chính xác.” “Em thấy ấn tượng rồi đấy,” Grace nói. “Nói thẳng vào việc chính nhé, thể nào chị cũng sẽ bị thu hút bởi bài thuyết trình của ông ấy.” “Ông ấy là một nhà kinh tế học phải không, nếu chị nhớ không lầm?” Emma nói, cố gắng để không bị cô em nhấn chìm. “Khó có thể nói đó là lĩnh vực của chị.” “Hay của em, nhưng khi ông ấy nói về giao thông vận tải…” “Nghe có vẻ hấp dẫn nhỉ.” “Đúng thế,” Grace nói, tảng lờ sự chế nhạo của bà chị, “nhất là khi ông ấy nói tới tương lai của ngành hàng hải, khi hiện tại Tập đoàn Hàng không Hải ngoại Anh⁜ BOAC đang lên kế hoạch khởi động tuyến đường bay thường xuyên từ London tới New York.” Emma đột nhiên hiểu tại sao em cô lại gọi điện. “Có cơ hội tìm được một bản sao của bài thuyết trình không?” “Chị có thể làm tốt hơn thế đấy. Điểm dừng chân tiếp theo của ông ấy là Bristol, vì thế chị có thể đích thân tới dự và nghe ông ấy nói.” “Có lẽ chị có thể trao đổi một chút với ông giáo sư sau buổi thuyết trình. Có rất nhiều thứ chị muốn hỏi ông ấy,” Emma nói. “Ý tưởng hay đấy, nhưng nếu chị làm thế, hãy cẩn thận. Cho dù ông giáo sư là một trong số hiếm hoi đàn ông có bộ óc to hơn hai quả cà của họ, ông ấy hiện đang sống với bà vợ thứ tư, và tối qua em chẳng thấy bóng dáng bà ta đâu cả.” Emma bật cười. “Em thô lỗ quá, em gái, nhưng xin cảm ơn vì lời khuyên.” N Harry lên chuyến tàu từ Edinburgh đi Manchester sáng hôm sau, sau khi đã phát biểu tại một cuộc gặp mặt nhỏ ở thư viện thành phố và đồng ý trả lời các câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên, không thể tránh khỏi, xuất phát từ báo giới. Bọn họ hiếm khi xưng danh, và dường như không mấy hoặc chẳng hề quan tâm tới cuốn sách mới nhất của anh. Hôm nay đến lượt tờ Manchester Guardian. “Bà Clifton hiện ra sao?” “Ổn cả, xin cảm ơn.” Harry thận trọng trả lời. “Có đúng là hai ông bà đang sống cùng nhà với Sir Giles Barrington không?” “Đó là một tòa nhà rất rộng.” “Ông có chút oán giận nào về việc Sir Giles giành được mọi thứ trong di sản thừa kế của bố ông ấy, còn ông chẳng được gì không?” “Chắc chắn là không. Tôi có Emma, nghĩa là tất cả những gì tôi từng muốn.” Câu trả lời này dường như làm tay nhà báo im lặng trong khoảnh khắc, cho phép công chúng có cơ hội chen vào. “Khi nào William Warwick sẽ dành được vị trí của chánh thanh tra Davenport?” “Không phải trong cuốn sách tiếp theo,” Harry mỉm cười nói. “Tôi có thể bảo đảm với ông về điều đó.” “Ông Clifton, có đúng là ông đã phải thay đến bảy cô bảo mẫu chỉ trong chưa tới ba năm không?” Rõ ràng Manchester có nhiều hơn một tờ báo. Ngồi trên xe quay trở lại nhà ga, Harry bắt đầu càu nhàu về cánh báo chí, cho dù cuộc gặp gỡ ở Manchester cho thấy những chuyện tọc mạch từ báo chí dường như không ảnh hưởng tới khả năng bán sách của anh. Song Harry biết Emma đang ngày càng lo ngại về sự để ý thường trực của báo chí, cũng như những ảnh hưởng của việc đó lên Sebastian khi con trai anh bắt đầu đi học. “Các bạn học có thể rất tàn nhẫn,” cô nhắc nhở anh. “Nhưng vậy đấy, ít nhất con trai chúng ta cũng sẽ không bị chế nhạo vì liếm bát cháo của nó,” Harry nói. N Cho dù Emma đến sớm vài phút, Mitchell đã ngồi chờ sẵn trong góc khi cô bước vào sảnh khách sạn. Người thám tử đứng lên khi cô tìm đến chỗ ông ta. Những lời đầu tiên Emma nói, thậm chí trước cả khi cô kịp ngồi xuống, là, “Ông muốn dùng một tách trà chứ, ông Mitchell?” “Không, cảm ơn bà, bà Clifton,” Mitchell, không phải kiểu người thích trò chuyện xã giao, ngồi lại xuống ghế và mở sổ ghi chép của ông ta ra. “Có vẻ như nhà chức trách địa phương đã đưa Jessica Smith…” “Smith?” Emma nói. “Tại sao không phải là Piotrovska, hay thậm chí là Barrington?” “Quá dễ để lần ra dấu vết, tôi đoán vậy, và tôi ngờ rằng người phụ trách điều tra đã kiên quyết đảm bảo bí mật danh tính sau cuộc điều tra cái chết bất thường của bố bà. Nhà chức trách địa phương” người thám tử nói tiếp, “đã đưa một bé gái J. Smith tới cơ sở nuôi trẻ mồ côi của bác sĩ Barnardo ở Bridgwater.” “Sao lại là Bridgwater?” “Có lẽ đó là nơi tiếp nhận trẻ mồ côi gần nhất còn chỗ vào thời điểm đó.” “Và cô bé vẫn còn ở đó?” “Theo những gì tôi điều tra được thì đúng vậy. Nhưng mới đây tôi biết được rằng cơ sở của Barnardo đang lên kế hoạch gửi một số bé gái ở chỗ họ tới các gia đình nhận nuôi ở Australia.” “Sao họ lại làm thế?” “Một điểm trong chính sách nhập cư của Australia là trả mười bảng để hỗ trợ đưa các thiếu niên vào đất nước họ, và họ đặc biệt ưu ái các cô bé.” “Tôi lại cứ nghĩ họ sẽ quan tâm hơn tới các cậu bé cơ đấy.” “Dường như họ đã có đủ nam giới rồi,” Mitchell nói, kèm theo một nụ cười hiếm hoi. “Vậy thì chúng ta nên tới Bridgwater càng sớm càng tốt.” “Đợi đã, bà Clifton. Nếu bà tỏ ra quá nhiệt tình, họ có thể đoán ra ngay lập tức tại sao bà lại quan tâm tới bé J. Smith đến thế, và đi đến quyết định bà và ông Clifton không phải là bố mẹ nuôi thích hợp.” “Nhưng họ có thể đưa ra lý do nào để từ chối chúng tôi chứ?” “Trước hết là họ của bà. Chưa kể tới việc bà và ông Clifton chưa thành hôn khi con trai bà được sinh ra.” “Vậy ông khuyên tôi nên làm thế nào?” Emma khẽ hỏi. “Làm đơn xin nhận con nuôi theo các kênh thông thường. Đừng tỏ vẻ nóng vội, và hãy để họ thấy rằng họ mới là người đưa ra quyết định.” “Nhưng làm thế nào tôi biết họ không từ chối chúng tôi?” “Bà sẽ phải uốn nắn họ theo đúng hướng, đúng không nào, bà Clifton.” “Ông có đề xuất gì không?” “Khi bà điền vào đơn xin nhận con nuôi, bà sẽ được yêu cầu ghi rõ bất cứ tiêu chí ưu tiên nào có thể có. Điều đó sẽ giúp mọi người tiết kiệm được thời gian và tránh được nhiều rắc rối. Vì vậy nếu bà ghi rõ mình đang tìm một bé gái chừng năm hay sáu tuổi, vì bà đã có một cậu con trai lớn hơn một chút. Điều đó sẽ giúp thu hẹp diện lựa chọn.” “Ông còn đề xuất nào nữa không?” “Còn.” Mitchell trả lời. “Dưới mục tôn giáo, hãy đánh dấu vào ô ghi không có lựa chọn đặc biệt nào.” “Vì sao như vậy lại có ích?” “Vì bản khai đăng ký của bé Jessica Smith có ghi rõ mẹ là người Do Thái, bố không rõ danh tính.” 3 “L àm cách nào một người Anh⁜ lại được trao tặng Ngôi sao Bạc nhỉ?” Nhân viên nhập cư tại Idlewild hỏi trong khi xem xét thị thực nhập cảnh của Harry. “Đó là một câu chuyện dài.” Harry nói, nghĩ rằng có lẽ sẽ không được khôn ngoan nếu kể cho ông ta hay vào lần cuối cùng đặt chân tới New York, anh đã bị bắt giữ vì tội giết người. “Chúc ông có một thời gian tuyệt vời tại nước Mỹ.” Nhân viên nhập cư bắt tay Harry. “Cảm ơn ông” anh nói, cố không tỏ vẻ ngạc nhiên khi đi qua khu vực kiểm tra nhập cư và theo các biển chỉ dẫn tới chỗ lấy hành lý. Trong khi đợi vali của mình xuất hiện, anh xem lại lần nữa những chỉ dẫn dành cho mình khi đến nơi. Anh sẽ được người đại diện xuất bản chính của Viking đón tiếp, người này sẽ tháp tùng anh tới khách sạn và thông báo về lịch làm việc của anh. Mỗi khi tới thăm một thành phố tại Anh, Harry luôn được tháp tùng bởi người phụ trách bán hàng sở tại, vì thế anh không dám chắc mình hiểu một đại diện xuất bản có nghĩa là gì. Sau khi lấy chiếc rương cũ từ thời còn đi học của mình, Harry đi về phía trạm hải quan. Một nhân viên hải quan yêu cầu anh mở rương ra, kiểm tra chiếu lệ bên trong, rồi dùng phấn vạch một chữ thập lớn lên cạnh rương trước khi cho anh qua. Harry bước đi dưới một tấm biển lớn hình bán nguyệt đề dòng chữ Chào mừng tới New York trên bức ảnh bắt mắt của ông thị trưởng William O’Dwyer. Ra khỏi nhà ga đến, Harry được chào đón bởi một hàng lái xe mặc đồng phục cầm trên tay những tấm biển ghi tên. Anh tìm tấm biển có chữ “Clifton”, mỉm cười với người lái xe rồi nói, “Tôi đây.” “Hân hạnh được gặp ông, ông Clifton. Tôi là Charlie.” Người lái xe đỡ cái rương nặng trịch của Harry như thể nó chỉ là một cái ca táp nhỏ. “Và đây là người đại diện xuất bản của ông, Natalie.” Harry quay người sang và nhìn thấy một phụ nữ trẻ, người chỉ được nhắc tới một cách đơn giản trong bản chỉ dẫn là “N. Redwood.” Cô gái cao gần bằng anh, với mái tóc vàng được cắt hợp thời trang, mắt xanh, và sở hữu những chiếc răng thẳng và trắng hơn bất kỳ bộ răng nào anh từng được thấy, ngoại trừ trên một tấm áp phích quảng cáo thuốc đánh răng. Dường như chừng đó vẫn là chưa đủ, người phụ nữ còn sở hữu một thân hình đồng hồ cát. Harry chưa từng gặp ai tương tự Natalie ở nước Anh thời hậu chiến đang phải mua lương thực theo phiếu khẩu phần. “Rất vui được gặp cô, cô Redwood,” anh nói, bắt tay cô gái. “Thật tốt khi được gặp anh, Harry,” cô đáp. “Và làm ơn hãy gọi tôi là Natalie,” cô nói thêm khi hai người đi theo sau Charlie ra khỏi phòng đợi lớn. “Tôi là một người hâm mộ nhiệt thành. Tôi rất yêu thích William Warwick, và không hề nghi ngờ việc cuốn sách mới nhất của anh sẽ lại là một thành công lớn nữa.” Sau khi họ ra tới ngoài vỉa hè, Charlie mở cửa sau chiếc limousine dài nhất Harry từng trông thấy. Anh đứng tránh sang bên để Natalie vào xe trước. “Ôi, tôi thực sự yêu thích người Anh,” người phụ nữ nói khi anh leo lên xe ngồi xuống cạnh cô, và chiếc limousine bắt đầu hòa vào dòng xe cộ, chầm chậm tiến vào New York. “Trước hết, chúng ta sẽ tới khách sạn của anh. Tôi đã đặt phòng cho anh ở Pierre, trên lầu mười một. Tôi đã để ra vừa đủ thời gian trong lịch trình để anh có thể tắm rửa trước khi tới ăn trưa cùng ông Guinzburg tại Câu lạc bộ Harvard. Nhân tiện xin nói luôn là ông ấy đang rất nóng lòng được gặp anh.” “Tôi cũng vậy,” Harry nói. “Ông ấy đã xuất bản tập Nhật ký một tù nhân của tôi cũng như cuốn tiểu thuyết đầu tiên về William Warwick, vì vậy tôi phải cảm ơn ông ấy rất nhiều.” “Và ông ấy đã bỏ ra rất nhiều thời gian và tiền bạc để đảm bảo Không gì mạo hiểm lọt vào danh sách bán chạy nhất. Ông ấy cũng yêu cầu tôi cung cấp đầy đủ thông tin cho anh về cách chúng tôi dự định thực hiện điều đó.” “Xin cứ tự nhiên,” Harry nói trong khi đưa mắt nhìn qua cửa kính xe để tận hưởng quang cảnh lần cuối anh đã thấy từ phía sau một chiếc xe chở tù sơn vàng đưa anh tới một phòng giam thay vì một căn phòng tại khách sạn Pierre. Một bàn tay áp lên chân anh. “Có rất nhiều thứ chúng ta cần hoàn tất trước khi anh gặp ông Guinzburg.” Natalie đưa cho anh một tập tài liệu bìa xanh dày cộp. “Cho phép tôi bắt đầu bằng việc giải thích cách chúng tôi dự định tiến hành để đưa cuốn sách của anh vào danh sách bán chạy nhất, vì việc này rất khác cách các anh vẫn làm tại Anh.” Harry mở tập tài liệu ra và cố tập trung. Trước đây anh chưa bao giờ ngồi cạnh một phụ nữ nào mặc đồ vừa khít với cơ thể và tôn dáng đến thế. “Ở Mỹ,” Natalie nói tiếp, “anh chỉ có ba tuần để đảm bảo sách của mình lọt vào danh sách bán chạy nhất của tờ New York Times. Nếu anh không vào được mười lăm thứ hạng đầu tiên trong thời gian đó, các nhà sách sẽ đóng gói chỗ Không gì mạo hiểm của họ và gửi trả lại nhà xuất bản.” “Thật điên rồ,” Harry nói. “Ở Anh, một khi nhà sách đã đưa ra đề nghị mua với nhà xuất bản, coi như sách đã được bán đi.” “Các anh không đưa ra đề nghị giảm giá hay điều khoản trả lại cho nhà sách sao?” “Chắc chắn là không.” Harry trả lời, choáng váng trước ý tưởng nọ. “Và các vị vẫn tiếp tục bán sách mà không đề nghị được giảm giá ư?” “Đúng thế, tất nhiên rồi.” “Được thôi, anh sẽ thấy đó là khác biệt lớn ở đây, vì nếu anh tìm được chỗ trên mười lăm vị trí bán chạy nhất, giá bìa sẽ tự động được giảm xuống một nửa, và sách của anh sẽ được chuyển ra phía sau nhà sách.” “Tại sao? Chắc chắn một cuốn sách bán chạy hàng đầu cần phải được bày ở vị trí bắt mắt nhất phía trước cửa hàng, thậm chí trên cửa kính trưng bày, và đương nhiên không thể giảm giá.” “Không còn như vậy nữa từ khi các anh chàng làm quảng cáo khám phá ra rằng nếu một khách hàng tới tìm một cuốn sách bán chạy hàng đầu cụ thể, và họ buộc phải ra tận đằng sau nhà sách để thấy nó, một trong năm người sẽ mua thêm hai cuốn nữa và một trong ba người sẽ mua thêm một cuốn trên đường tới quầy bán giảm giá.” “Thông minh đấy, nhưng tôi không dám chắc cách đó có ăn thua ở Anh hay không.” “Tôi ngờ rằng chuyện đó chỉ còn là vấn đề thời gian, song ít nhất anh cũng hiểu được tại sao việc đưa cuốn sách của anh lọt vào danh sách càng nhanh càng tốt lại quan trọng đến thế, bởi vì một khi giá bán đã hạ xuống chỉ còn một nửa, anh sẽ có nhiều khả năng trụ lại trong mười lăm thứ hạng bán chạy hàng đầu thêm vài tuần nữa. Nhưng nếu anh thất bại, Không gì mạo hiểm sẽ biến mất khỏi các giá bày bán trong vòng một tháng kể từ hôm nay, và chúng ta sẽ mất rất nhiều tiền.” “Tôi hiểu thông điệp rồi.” Harry nói trong khi chiếc limousine từ tốn vượt qua cầu Brooklyn, và anh được tái ngộ những chiếc taxi sơn vàng cùng các anh chàng tài xế phì phèo hút xì gà của chúng. “Điều làm cho việc đó càng trở nên khó khăn hơn là chúng ta cần tới thăm mười bảy thành phố trong hai mươi mốt ngày.” “Chúng ta?” “Vâng, tôi sẽ cầm tay anh trong suốt chuyến đi,” người phụ nữ bình thản nói. “Thường tôi hay ở lại New York và để một đại diện xuất bản sở tại mỗi thành phố chăm lo cho tác giả tới thăm nơi đó, nhưng lần này thì không, vì ông Guinzburg nhất định muốn tôi không rời khỏi anh.” Cô gái lại đặt bàn tay lên chân anh lần nữa, trước khi lật qua một trang tập tài liệu để trên lòng mình. Harry liếc nhìn người phụ nữ, và cô dành cho anh một nụ cười điệu đà. Liệu có phải cô nàng đang tán tỉnh anh không? Không, không thể có chuyện đó được. Nói cho cùng, họ chỉ mới vừa gặp nhau. “Tôi đã đăng ký cho anh tham dự vài chương trình phát thanh có tiếng, trong đó có Chương trình Matt Jacobs, với mười một triệu thính giả lắng nghe mỗi buổi sáng. Không ai hiệu quả bằng Matt trong việc đẩy sách ra khỏi nhà sách.” Harry có vài câu muốn hỏi, song Natalie chẳng khác gì một khẩu súng trường Winchester, một viên đạn luôn được bắn đi mỗi lần bạn định ngóc đầu lên. “Anh hãy nhớ cho,” cô gái tiếp tục nói gần như không cần thở, “đa số các chương trình lớn sẽ chỉ cho anh không quá vài phút – sẽ không giống như BBC của các anh đâu. Tìm hiểu kĩ càng không phải là một khái niệm họ hiểu rõ. Trong quãng thời gian đó, hãy nhớ nhắc tới nhan đề cuốn sách càng thường xuyên càng tốt.” Harry bắt đầu giở qua các trang chương trình chuyến đi quảng bá của anh. Dường như mỗi ngày đều bắt đầu ở một thành phố mới, nơi anh sẽ xuất hiện trên một chương trình phát thanh lúc sáng sớm, tiếp theo là vô vàn cuộc phỏng vấn của phát thanh và báo in trước khi hối hả lao ra sân bay. “Tất cả tác giả của các vị đều được đối xử như thế này sao?” “Chắc chắn là không.” Natalie nói, tay lại áp lên chân Harry. “Và điều này đưa tới vấn đề lớn nhất chúng tôi gặp phải với anh.” “Các vị có vấn đề với tôi?” “Chắc chắn rồi. Phần lớn những người phỏng vấn sẽ muốn hỏi về quãng thời gian anh ở trong tù, và làm thế nào một người Anh lại giành được Ngôi sao Bạc, nhưng anh nhất thiết phải luôn hướng chủ đề quay trở lại cuốn sách.” “Ở Anh, làm thế sẽ bị coi là khá thô thiển.” “Tại Mỹ, thô thiển là thứ sẽ đưa anh lọt vào danh sách bán chạy nhất.” “Nhưng chẳng lẽ những người phỏng vấn không muốn nói về cuốn sách sao?” “Harry, anh cần đặt giả thiết rằng chẳng có ai trong số họ sẽ đọc nó. Cả tá tiểu thuyết mới được ném xuống bàn họ hàng ngày, vì thế anh sẽ là người may mắn nếu họ chịu đọc nhiều hơn tựa đề. Sẽ là một lợi thế nữa nếu thậm chí họ nhớ cả tên anh. Họ đồng ý cho anh xuất hiện trên chương trình của mình chỉ vì anh là một cựu tù đã dành được Ngôi sao Bạc, vì vậy hãy biến điều đó thành lợi thế của chúng ta và liên tục nhắc tới cuốn sách như trúng tà vậy,” cô đại diện xuất bản nói khi chiếc limousine dừng bánh bên ngoài khách sạn Pierre. Harry ước gì anh đã trở về nước Anh. Người lái xe chui ra ngoài, mở cốp trong khi một nhân viên phục vụ của khách sạn bước tới bên xe. Natalie dẫn Harry vào trong, băng qua tiền sảnh tới bàn tiếp tân, tại đây tất cả những gì anh phải làm là trình hộ chiếu và ký vào bản đăng ký. Natalie dường như đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả. “Chào mừng tới Pierre, ông Clifton,” nhân viên tiếp tân vừa nói vừa đưa cho anh một chìa khóa lớn. “Tôi sẽ gặp lại anh ở đây, ngoài tiền sảnh,” – Natalie xem đồng hồ của cô “sau một giờ nữa. Sau đó chiếc limousine sẽ đưa anh tới Câu lạc bộ Harvard dùng bữa trưa cùng ông Guinzburg.” “Cảm ơn cô,” Harry nói, và quan sát cô gái băng qua tiền sảnh, biến mất sau cánh cửa quay ra ngoài đường. Anh nhận thấy mình không phải là người đàn ông duy nhất không thể rời mắt khỏi cô. Một người phục vụ đưa anh lên lầu mười một, dẫn anh vào khu phòng của mình và hướng dẫn cách sử dụng mọi thứ. Harry chưa bao giờ ở trong một khách sạn có bồn tắm và cả vòi sen. Anh quyết định ghi chú lại để có thể kể với mẹ chuyện này khi trở về Bristol. Anh cảm ơn người phục vụ, và chia tay với đồng đô-la duy nhất anh có. Điều đầu tiên Harry làm, trước cả khi dỡ hành lý ra, là nhấc điện thoại để cạnh đầu giường lên và yêu cầu được thực hiện một cuộc gọi trực tiếp tới Emma. “Tôi sẽ gọi lại cho ngài sau khoảng mười lăm phút, thưa ngài.” nhân viên tổng đài quốc tế nói. Harry nán lại rất lâu dưới vòi sen, và sau khi đã lau khô người bằng chiếc khăn tắm to nhất anh từng thấy, anh bắt đầu dỡ hành lý thì điện thoại đổ chuông. “Cuộc gọi quốc tế của ngài đã sẵn sàng, thưa ngài,” nhân viên tổng đài nói. Giọng tiếp theo anh nghe thấy là của Emma. “Có phải anh không, anh yêu? Anh có nghe rõ em nói không?” “Chắc chắn là có rồi, em yêu.” Harry mỉm cười nói. “Anh đã bắt đầu nói giống người Mỹ rồi đấy. Em không thể hình dung nổi anh sẽ thế nào sau ba tuần nữa.” “Sẵn sàng quay về Bristol, anh đoán vậy, nhất là nếu cuốn sách không lọt được vào danh sách bán chạy nhất.” “Nếu nó không vào được thì sao?” “Có thể anh sẽ về còn sớm hơn.” “Với em chuyện đó nghe có vẻ tốt đấy. Vậy anh đang gọi về từ chỗ nào thế?” “Khách sạn Pierre. Họ đã đưa anh vào căn phòng khách sạn lớn nhất anh từng thấy. Cái giường có đủ chỗ cho bốn người ngủ.” “Có điều hãy đảm bảo chỉ có một người ngủ trên đó thôi.” “Trong phòng có điều hòa nhiệt độ, và có cả máy thu thanh trong phòng tắm. Nhân thể nói để em biết, anh vẫn chưa tìm hiểu được cách bật mọi thứ lên như thế nào. Hay cách để tắt chúng đi.” “Đáng ra anh phải để Seb đi cùng. Đến lúc này hẳn nó đã thông thạo mọi thứ rồi.” “Hoặc làm mọi thứ tanh bành ra và để mặc anh tìm cách ráp lại như cũ. Thằng bé thế nào rồi?” “Nó ổn cả. Thực ra khi không có bảo mẫu có vẻ nó lại còn ngoan hơn.” “Quả là nhẹ nhõm. Thế cuộc tìm kiếm cô bé J. Smith của em tiến triển thế nào rồi?” “Chậm chạp, nhưng em đã được mời đến dự một cuộc phỏng vấn tại trại trẻ của bác sĩ Barnardo vào chiều mai.” “Nghe có vẻ hứa hẹn đấy.” “Em sẽ gặp ông Mitchell sáng nay, như thế em sẽ biết cần phải nói gì, và có lẽ còn quan trọng hơn, không được nói gì.” “Em sẽ ổn thôi, Emma. Hãy nhớ rằng trách nhiệm của họ là tìm cho lũ trẻ những mái nhà tử tế. Nỗi lo lắng duy nhất của anh là Seb sẽ phản ứng thế nào khi phát hiện ra ý định của em.” “Con đã biết rồi. Em đã nói chuyện với nó về chủ đề này tối qua, ngay trước khi con lên giường đi ngủ, và em rất ngạc nhiên vì thằng bé dường như lại thích ý tưởng đó. Song một khi anh cho Seb nhập cuộc, luôn có một vấn đề nữa xuất hiện.” “Lần này là gì vậy?” “Con muốn được có ý kiến về việc chúng ta chọn ai. Tin tốt là nó muốn một cô em gái.” “Như vậy vẫn có thể có nguy cơ nó không thích cô bé J. Smith mà thích một đứa bé khác.” “Em không biết sẽ phải làm gì nếu chuyện đó xảy ra.” “Chúng ta phải thuyết phục con bằng cách nào đó rằng Jessica chính là lựa chọn của nó.” “Và anh định đề xuất nên làm việc đó thế nào?” “Để anh suy nghĩ đã.” “Có điều hãy nhớ đừng đánh giá thấp con trai anh. Nếu chúng ta làm thế sẽ phản tác dụng đấy.” “Hãy bàn về việc này khi anh quay về,” Harry nói. “Anh phải đi rồi, em yêu, anh có hẹn ăn trưa với Harold Guinzburg.” “Hãy nói với ông ấy là em yêu ông ấy, và nhớ rằng ông ấy là một người nữa mà anh không được đánh giá thấp. Và trong lúc ăn trưa, anh đừng quên hỏi ông ấy xem chuyện gì đã xảy đến với…” “Anh vẫn chưa quên đâu.” “Chúc may mắn, anh yêu,” Emma nói, “và hãy đảm bảo anh lọt được vào danh sách bán chạy nhất!” “Em còn kinh khủng hơn cả Natalie.” “Natalie là ai vậy?” “Một quý cô tóc vàng quyến rũ không thể nào rời tay khỏi người anh.” “Anh đúng là người kể chuyện bậc thầy đấy, Harry Clifton.” N Emma là một trong những người đầu tiên tới phòng hội thảo của trường đại học tối hôm đó để nghe bài thuyết trình của Giáo sư Cyrus Feldman về chủ đề Sau khi thắng trong chiến tranh, liệu có phải nước Anh đã thua trong hòa bình? Cô lặng lẽ tìm đến chỗ ngồi ở cuối một hàng ghế chạy dốc thoai thoải ở nửa cuối phòng. Rất lâu trước giờ khai mạc dự kiến, phòng hội thảo đã đông chật người, đến mức những người đến muộn buộc phải ngồi trên các bậc lối đi, thậm chí có vài người ngồi vắt vẻo trên các bệ cửa sổ. Đám đông vỗ tay hoan hô vang dội vào khoảnh khắc vị diễn giả hai lần được trao tặng giải thưởng Pulitzer bước vào khán phòng, được phó hiệu trưởng trường đại học tháp tùng. Sau khi mọi người đã yên vị, Sir Philip Morris giới thiệu vị khách của ông, cung cấp một bài tóm lược về sự nghiệp nổi bật của Feldman, từ những ngày ông ta còn là sinh viên tại Princeton cho tới khi được bổ nhiệm làm giáo sư trẻ nhất tại Stanford, cho đến giải Pulitzer thứ hai vị giáo sư vừa được trao tặng năm ngoái. Lại một tràng vỗ tay kéo dài nữa. Giáo sư Feldman đứng dậy khỏi chỗ của mình và bước lên bục diễn giả. Điều đầu tiên Emma nhận thấy về Cyrus Feldman, thậm chí từ trước khi ông này bắt đầu lên tiếng, là vị giáo sư thực sự rất điển trai, một chi tiết Grace đã không nhắc tới khi gọi điện cho chị mình. Ông ta hẳn phải cao hơn mét tám một chút, với mái tóc xám dày và khuôn mặt rám nắng nhắc nhở tất cả khán giả có mặt tại đó về trường đại học nơi vị giáo sư đang giảng dạy. Thân hình như vận động viên điền kinh của vị diễn giả rất hiệu quả trong việc giấu đi tuổi tác của ông ta, đồng thời cho biết thêm rằng giáo sư dành nhiều thời gian tại phòng tập cũng không kém gì tại thư viện. Ngay khi Feldman bắt đầu nói, Emma đã bị cuốn hút bởi nhiệt huyết sống động của ông ta, và sau vài khoảnh khắc vị giáo sư đã khiến tất cả thính giả trong khán phòng phải nhấp nhổm trên ghế. Các sinh viên cắm cúi ghi chép hết tốc độ, và Emma lấy làm tiếc vì đã không mang theo một quyển sổ và một cây bút. Diễn thuyết không cần đến ghi chú chuẩn bị trước, vị giáo sư nhanh nhẹn chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác: vai trò của Phố Wall sau chiến tranh, đô-la trong vai trò đồng tiền mới của thế giới, dầu mỏ trở thành thứ hàng hóa sẽ khống chế nửa sau của thế kỷ và nhiều khả năng còn lâu hơn thế, vai trò trong tương lai của Quỹ tiền tệ quốc tế, và việc liệu nước Mỹ có tiếp tục gắn bó với bản vị vàng hay không. Khi bài diễn thuyết của ông ta kết thúc, điều duy nhất làm Emma tiếc nuối là vị giáo sư hầu như không hề nhắc tới ngành vận tải, ngoài một chút đề cập thoáng qua việc ngành hàng không sẽ làm thay đổi trật tự thế giới, cả trong kinh doanh và du lịch. Và đúng như một diễn giả chuyên nghiệp từng trải, ông ta không quên nhắc nhở thính giả việc mình đã viết một cuốn sách về chủ đề kể trên. Emma không thể đợi đến Giáng sinh để sở hữu nó. Việc này làm cô nghĩ tới Harry, và hy vọng chuyến đi quảng bá sách tại Mỹ của anh sẽ thuận buồm xuôi gió. Sau khi mua một cuốn Trật tự thế giới mới, cô nhập vào hàng dài người chờ được ký tặng vào sách. Emma đã đọc gần xong chương đầu tiên khi cô lên tới đầu hàng, và đang tự hỏi liệu vị giáo sư có sẵn lòng dành ra giây lát để nói rõ hơn góc nhìn của ông ta về tương lai ngành Công nghiệp hàng hải Anh quốc. Cô đặt cuốn sách lên bàn trước mặt tác giả, và ông ta dành cho cô một nụ cười thân thiện. “Tôi sẽ viết tặng cho ai đây?” Cô quyết định thử vận may. “Emma Barrington.” Vị giáo sư nhìn cô gái chăm chú hơn. “Không rõ cô có phải là bà con của Sir Walter Barrington quá cố không?” “Đó là ông nội tôi,” Emma trả lời đầy tự hào. “Tôi từng nghe một bài thuyết trình của ông ấy nhiều năm trước về vai trò của ngành công nghiệp đóng tàu nếu nước Mỹ tham chiến trong Thế chiến thứ nhất. Hồi ấy tôi còn là sinh viên, và trong một giờ ông nội cô đã dạy cho tôi nhiều điều hơn các giáo sư có thể trong cả một học kỳ.” “Ông cũng đã dạy cho tôi rất nhiều,” Emma nói, đáp lại nụ cười của vị diễn giả. “Có rất nhiều điều tôi muốn hỏi ông ấy,” Feldman nói thêm, “nhưng ông phải đáp tàu trở về Washington tối hôm ấy, vì vậy tôi không bao giờ có dịp gặp lại ông nữa.” “Và cũng có rất nhiều điều tôi muốn hỏi ông,” Emma nói. “Kỳ thực, cần thì chính xác hơn.” Feldman đưa mắt nhìn hàng người đang chờ đợi. “Tôi đoán việc này sẽ không làm mất của tôi quá nửa giờ đồng hồ, và vì tôi không phải đáp tàu quay về Washington tối nay, liệu chúng ta có thể có một cuộc trò chuyện riêng trước khi tôi rời khỏi đây chăng, cô Barrington?” 4 “V à cô Emma yêu quý của tôi hiện ra sao rồi?” Harold Guinzburg hỏi sau khi chào mừng Harry tới Câu lạc bộ Harvard. “Tôi vừa nói chuyện với cô ấy qua điện thoại,” anh đáp. “Cô ấy gửi lời chào trìu mến nhất tới ông, và rất thất vọng vì không thể có mặt ở đây cùng chúng ta.” “Tôi cũng vậy. Làm ơn hãy nói với vợ cậu rằng lần sau tôi sẽ không chấp nhận bất cứ cớ nào đâu đấy.” Guinzburg dẫn vị khách của ông tới phòng ăn, và hai người ngồi vào chỗ tại nơi rõ ràng là bàn quen của ông chủ nhà xuất bản. “Tôi hy vọng cậu thấy thích Pierre,” ông nói trong lúc người bồi bàn đưa thực đơn. “Chắc sẽ ổn cả thôi, nếu tôi biết cách dùng vòi hoa sen lại.” Guinzburg bật cười. “Có lẽ cậu nên đề nghị cô Redwood đến trợ giúp.” “Nếu cô ấy làm thế thật, tôi không dám chắc mình biết cách để dừng cô ấy lại.” “À, vậy là cô ấy đã cho cậu thưởng thức qua bài thuyết trình của mình về tầm quan trọng phải đưa được Không gì mạo hiểm vào danh sách bán chạy nhất càng nhanh càng tốt.” “Một quý cô thật đáng nể.” “Đó là lý do tôi chọn cô ấy làm giám đốc,” Guinzburg nói, “bất chấp sự phản đối từ một số giám đốc khác không muốn một phụ nữ có mặt trong hội đồng quản trị.” “Emma hẳn sẽ rất tự hào về ông,” Harry nói, “và tôi có thể cam đoan với ông rằng cô Redwood đã cảnh báo tôi về hậu quả nếu thất bại.” “Nghe có vẻ giống Natalie đấy. Và hãy nhớ, chỉ mình cô ấy quyết định việc cậu sẽ quay về bằng máy bay hay đi thuyền chèo tay đấy.” Harry rất muốn cười, song anh không dám chắc có phải ông chủ nhà xuất bản đang đùa hay không. “Đáng ra tôi cũng muốn cô ấy cùng ăn trưa với chúng ta.” Guinzburg nói, “nhưng như cậu có lẽ đã để ý thấy, Câu lạc bộ Harvard không cho phép phụ nữ có mặt tại cơ sở của họ – đừng nói chuyện này với Emma đấy.” “Tôi có cảm giác ông sẽ thấy phụ nữ dùng bữa tại Câu lạc bộ Harvard từ rất lâu trước khi ông thấy họ xuất hiện ở bất cứ câu lạc bộ dành cho nam giới nào tại Pall Mall hay St. James⁜.” “Trước khi chúng ta nói về chuyến đi quảng bá,” Guinzburg nói, “tôi muốn được nghe qua về mọi chuyện cậu và Emma đã trải qua kể từ khi cô ấy rời New York. Làm thế nào cậu dành được Ngôi sao Bạc? Emma đã có việc làm chưa? Sebastian phản ứng thế nào khi gặp bố lần đầu tiên? Và…” “Và Emma nhắc đi nhắc lại rằng tôi không được quay về Anh mà không tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với Selton Jelks.” “Chúng ta có thể gọi món trước được không? Tôi không mấy hứng thú khi nghĩ tới Selton Jelks với một cái dạ dày rỗng.” N “Có thể tối nay tôi không phải đáp tàu về Washington, nhưng tôi e rằng mình phải quay về London ngay, cô Barrington,” Giáo sư Feldman nói sau khi ký tặng xong cuốn sách cuối cùng. “Tôi sẽ thuyết trình tại trường Kinh tế London vào mười giờ sáng mai, vì thể tôi chỉ có thể dành cho cô vài phút thôi.” Emma cố không tỏ ra thất vọng. “Trừ khi…” Feldman nói. “Trừ khi?” “Trừ khi cô muốn đi cùng tôi lên London, trong trường hợp đó cô sẽ có được sự quan tâm hoàn toàn của tôi trong ít nhất hai giờ đồng hồ.” Emma do dự. “Tôi cần gọi một cuộc điện thoại.” Hai mươi phút sau, cô đã ngồi trên toa xe lửa hạng nhất, đối diện với Giáo sư Feldman. Ông ta đưa ra câu hỏi đầu tiên. “Thưa cô Barrington, vậy là gia đình cô vẫn tiếp tục sở hữu công ty hàng hải mang cái tên danh tiếng của họ?” “Vâng, mẹ tôi sở hữu hai mươi hai phần trăm cổ phần.” “Như vậy là quá đủ để giúp gia đình cô nắm quyền kiểm soát, và đó là điều quan trọng nhất trong bất kỳ doanh nghiệp nào – chừng nào không có ai khác nắm trong tay nhiều hơn hai mươi hai phần trăm.” “Anh trai Giles của tôi không quan tâm lắm tới hoạt động kinh doanh của công ty. Anh ấy là một dân biểu Hạ viện và thậm chí còn không tham gia Đại hội cổ đông hàng năm. Nhưng tôi thì có, thưa giáo sư, và chính vì thế tôi cần nói chuyện với ông.” “Làm ơn hãy gọi tôi là Cyrus. Tôi đã tới tuổi không muốn bị một phụ nữ trẻ xinh đẹp liên tục nhắc nhở mình đã già đến mức nào.” Grace đã đúng về một chuyện, Emma thầm nghĩ, và quyết định tận dụng điều đó. Cô đáp lại nụ cười của ông giáo sư trước khi hỏi, “Ông có dự kiến khó khăn nào ngành công nghiệp đóng tàu phải đối mặt trong thập kỷ tới không? Chủ tịch mới của chúng tôi, Sir William Travers…” “Một con người xuất sắc. Cunard thật ngốc khi để một nhân vật có năng lực như vậy ra đi.” Feldman ngắt lời cô. “Sir William đang cân nhắc xem liệu chúng tôi có nên bổ sung một tàu chở khách nữa vào đội tàu của mình.” “Điên rồ!” Feldman nói, siết chặt nắm tay và đấm mạnh xuống cái ghế bên cạnh ông ta, làm một đám bụi bay tung lên. Trước khi Emma kịp hỏi vì sao, ông giáo sư nói thêm, “Trừ khi cô có một lượng tiền mặt cần giải ngân, hay có những ưu đãi về thuế dành cho ngành công nghiệp đóng tàu của Anh mà chưa ai nói cho tôi biết.” “Theo như tôi biết thì cả hai việc đó đều không có,” cô đáp. “Vậy thì đã đến lúc cô phải đối diện với thực tế. Hàng không sắp sửa biến tàu chở khách thành những con khủng long nổi. Tại sao một người tỉnh táo lại mất năm ngày để vượt qua Đại Tây Dương, trong khi có thể thực hiện cũng cuộc hành trình đó bằng máy bay chỉ trong mười tám giờ?” “Có thể là do cảm giác thư thái hơn? Hay do sợ bay? Hoặc khi đến nơi ông sẽ thấy khỏe mạnh hơn?” Emma đề xuất, nhắc lại những lời của Sir William tại Đại hội cổ đông hàng năm. “Quá lỗi thời và xa rời thực tế, thưa tiểu thư,” Feldman nói. “Cô sẽ phải đưa ra lý lẽ nào đó khá hơn thế nếu muốn thuyết phục được tôi. Không, sự thật là giới kinh doanh hiện đại, và thậm chí cả những du khách ưa cảm giác phiêu lưu hơn, đều muốn cắt giảm thời gian cần thiết để tới được điểm đến của họ, và theo tôi nghĩ, điều này chỉ vài năm nữa thôi sẽ nhấn chìm ngành kinh doanh vận tải đường biển.” “Còn về dài hạn?” “Cô không có nhiều thời gian đến thế đâu.” “Vậy ông khuyến cáo chúng tôi nên làm gì?” “Đầu tư tất cả tiền mặt các vị có vào việc đóng tàu vận tải hàng hóa. Máy bay sẽ không bao giờ có khả năng chuyên chở các mặt hàng trọng tải lớn như xe hơi, máy móc, thậm chí cả thực phẩm.” “Làm sao tôi có thể thuyết phục Sir William về điều đó?” “Hãy nói rõ quan điểm của cô trong cuộc họp tới của hội đồng quản trị,” Feldman nói, nắm tay lại đấm xuống ghế. “Nhưng tôi không ở trong hội đồng quản trị.” “Cô không có mặt trong hội đồng?” “Không, và tôi không thể hình dung công ty Barrington lại có lúc nào đó chỉ định một nữ giám đốc.” “Họ không có quyền lựa chọn,” Feldman nói, giọng cao lên. “Mẹ cô nắm hai mươi hai phần trăm cổ phần của công ty. Cô có thể đòi hỏi một chỗ trong hội đồng quản trị.” “Nhưng tôi không có bằng cấp cần thiết, và một chuyến tàu hai giờ tới London, cho dù cùng một giáo sư từng đạt giải Pulitzer, cũng không thể giúp giải quyết được chuyện đó.” “Vậy đã đến lúc cô có những bằng cấp cần thiết.” “Ý ông là sao cơ?” Emma hỏi. “Chẳng trường đại học nào tại Anh, theo tôi biết, có bằng về kinh tế trong chương trình đào tạo của họ cả.” “Vậy cô cần dành ra ba năm và tới chỗ tôi ở Stanford.” “Tôi không nghĩ chồng tôi hay cậu con trai nhỏ của chúng tôi sẽ thích ý tưởng đó lắm đâu,” Emma trả lời, phá vỡ lớp ngụy trang của cô. Câu nói làm giáo sư im lặng, và phải mất một lúc trước khi ông ta nói, “Cô có thể chi trả một con tem mười cent⁜ không?” “Có,” Emma dè dặt nói, không dám chắc cô vừa để mình bị cuốn vào cái gì. “Vậy thì tôi sẽ rất hạnh phúc được đăng ký cho cô theo học tại Stanford vào mùa thu.” “Nhưng như tôi vừa nói…” “Cô vừa nói, không chút do dự, là cô có thể chi trả được một con tem mười cent.” Emma gật đầu. “Được rồi, Quốc hội Mỹ mới thông qua một dự luật cho phép các quân nhân Mỹ phục vụ ở nước ngoài được đăng ký học một bằng kinh tế mà không cần phải đích thân tham dự các lớp học.” “Nhưng tôi không phải là người Mỹ, và chắc chắn tôi không đang phục vụ tại nước ngoài.” “Đúng thế,” Feldman nói, “nhưng ẩn trong các phụ lục của dự luật cô sẽ tìm thấy, dưới những điều kiện miễn trừ đặc biệt, hai từ Đồng Minh, điều tôi tin chắc chúng ta có thể tận dụng. Nghĩa là nếu cô thực sự nghiêm túc về tương lai lâu dài của công ty gia đình mình.” “Có chứ, Emma nói. “Nhưng ông trông đợi gì ở tôi?” “Sau khi tôi đăng ký nhập học cho cô ở Stanford, tôi sẽ gửi danh sách tài liệu học tập cần đọc cho năm thứ nhất, cùng băng ghi âm tất cả các bài giảng tôi lên lớp. Thêm vào đó, tôi sẽ cho cô chủ đề một bài luận cần viết mỗi tuần, và gửi lại nó cho cô sau khi tôi đã chấm. Và nếu cô có thể chi trả thêm mười cent nữa, thậm chí thỉnh thoảng chúng ta có thể trao đổi qua điện thoại.” “Khi nào tôi bắt đầu?” “Mùa thu này, nhưng hãy nhớ sẽ có các kỳ kiểm tra đánh giá vào mỗi quý để quyết định xem cô có được tiếp tục học hay không?” Vị giáo sư nói trong khi đoàn tàu tiến vào ga Paddington⁜. “Nếu cô không đáp ứng được yêu cầu, cô sẽ bị loại.” “Ông sẵn sàng làm tất cả những việc này chỉ vì một lần gặp gỡ ông nội tôi sao?” “À, thú thực tôi rất hy vọng cô sẽ cùng dùng bữa tối tại Savoy tối nay để chúng ta có thể trò chuyện về tương lai của ngành công nghiệp đóng tàu một cách tường tận hơn.” “Một ý tưởng tuyệt vời làm sao,” Emma nói rồi dành cho ông giáo sư một cái hôn lên má. “Nhưng tôi e rằng mình đã mua vé khứ hồi, và tối nay tôi sẽ quay về nhà với chồng.” N Harry vẫn chưa học được cách bật máy thu thanh, nhưng ít nhất anh cũng đã làm chủ được các đường dẫn nước nóng và nước lạnh tới vòi hoa sen. Sau khi lau khô người, anh chọn lấy một cái áo sơ mi mới là, một chiếc cà vạt lụa Emma tặng nhân dịp sinh nhật, và một bộ vét mà hẳn mẹ anh sẽ mô tả là bộ cánh bảnh nhất cho ngày Chủ nhật. Một cái liếc nhìn vào gương, và anh phải thú nhận mình khó lòng có thể được coi là người hợp thời trang, cho dù ở bên bờ nào của Đại Tây Dương. Harry bước ra khỏi khách sạn Pierre ngay trước lúc tám giờ và bắt đầu đi bộ về phía đường 64 và Công viên. Chỉ sau vài phút, anh đã đứng trước một tòa dinh thự tuyệt đẹp xây bằng đá nâu. Harry kiểm tra đồng hồ đeo tay, tự hỏi đến muộn ở mức độ hợp thời tại New York là bao lâu. Anh nhớ lại Emma từng kể rằng cô đã bồn chồn lo lắng với ý nghĩ phải gặp bà cô Phyllis tới mức cô đã đi bộ vòng quanh khối nhà trước khi có đủ can đảm leo lên các bậc cấp dẫn tới cửa trước, và ngay cả lúc đó cô cũng chỉ dám bấm chiếc chuông có ghi chú “Dành cho người giao hàng.” Harry bước lên các bậc cấp và quả quyết dùng cái tay nắm gõ cửa nặng trịch bằng đồng thau gõ một cách dứt khoát. Trong lúc chờ cửa mở, anh có thể nghe thấy Emma phản đối mình – Đừng có giễu cợt, cậu nhóc. Cánh cửa mở, và một người quản gia mặc áo đuôi tôm, người rõ ràng đang chờ anh, lên tiếng, “Chúc ông buổi tối tốt lành, thưa ông Clifton. Bà Stuart đang đợi ông trong phòng khách. Mời ông vui lòng đi theo tôi.” “Chúc buổi tối tốt lành, bà Parker,” Harry đáp, dù anh chưa từng gặp bà quản gia trước đây. Harry nghĩ mình thoáng thấy một nụ cười trong khi người quản gia dẫn anh đi theo hành lang tới một thang máy đã mở sẵn cửa. Sau khi anh bước vào trong, bà Parker đóng cửa thang lại, bấm một cái nút và không nói gì cho tới khi hai người lên tới lầu ba. Bà Parker mở cửa, đi trước Harry vào trong phòng khách và thông báo, “Ông Harry Clifton, thưa bà.” Một phụ nữ cao ráo, ăn mặc lịch thiệp đang đứng giữa phòng, trò chuyện với một người đàn ông mà Harry đoán là con trai bà. Bà cô Phyllis lập tức quay người lại, bước tới bên Harry và không nói không rằng ôm chầm lấy anh bằng một cái ôm của gấu mẹ có thể khiến cả một hậu vệ môn bóng đá Mỹ cũng phải ấn tượng. Khi cuối cùng cũng buông anh ra, bà giới thiệu con trai Alistair của mình. Ông này hồ hởi bắt tay Harry. “Quả là một vinh hạnh khi được gặp con người đã chấm dứt sự nghiệp của Selton Jelks,” Harry nói. Chú Alistair khẽ cúi người. “Ta cũng đóng một vai nhỏ trong sự sụp đổ của ông ta,” bà cô Phyllis khịt mũi, bà Parker đưa cho bà một ly sherry⁜. “Nhưng đừng bắt ta bắt đầu bằng Jelks,” bà nói thêm trong lúc đưa Harry tới một cái ghế dựa thoải mái kế bên lò sưởi, “vì ta quan tâm hơn tới chuyện về Emma, và hiện cô bé thế nào.” Harry dành một khoảng thời gian cập nhật cho bà cô Phyllis về mọi việc Emma đã làm kể từ khi rời New York, cho dù bà và Alistair liên tục ngắt lời anh bằng các câu hỏi. Phải đến khi người quản gia quay trở lại thông báo bữa tối đã được dọn, ba người mới chuyển sang một chủ đề khác. “Vậy cháu thấy thế nào về chuyến đi?” Chú Alistair hỏi khi họ ngồi vào chỗ quanh chiếc bàn ăn tròn. “Cháu nghĩ cháu thích bị bắt về tội giết người hơn,” Harry nói. “Dễ đối phó hơn rất nhiều.” “Kinh khủng đến thế sao?” “Còn kinh khủng hơn về một số mặt. Chú biết đấy, cháu không giỏi lắm trong việc bán chính mình,” Harry thừa nhận trong lúc người hầu gái đặt một bát canh hầm kiểu Scotland trước mặt anh. “Cháu hy vọng hơn vào việc cuốn sách sẽ tự quảng bá.” “Nghĩ lại đi,” bà cô Phyllis nói. “Hãy nhớ, New York không phải là một bản sao của Bloomsbury⦾. Quên các kiểu cách tinh tế, cách nói bóng gió và những câu châm biếm đi. Cho dù nó có đi ngược lại bản chất của cháu, cháu sẽ phải học cách bán món hàng của mình như một cậu nhóc bán hàng rong ở khu East End⦾ vậy.” “Chú rất tự hào được nâng cốc với tác giả người Anh thành công nhất,” chú Alistair cao giọng nói. “Nhưng cháu đâu phải thế,” Harry đáp, “và khó có khả năng được thế.” “Ta đã bị choáng ngợp vì phản ứng của người Mỹ với Không gì mạo hiểm,” bà Phyllis nói, tham gia vào trò chơi. “Đó là vì chưa ai đọc nó cả.” Harry phản đối. “Giống như Dickens, Conan Doyle và Wilde⦾, chú tin rằng nước Mỹ sẽ trở thành thị trường lớn nhất của cháu,” chú Alistair nói thêm. “Cháu bán được nhiều sách ở Market Harborough⦾ hơn ở New York,” Harry nói lúc bát súp của anh được bê đi. “Đã quá rõ là bà cô Phyllis cần thế chỗ cháu trong chuyến đi quảng bá sách, còn cháu nên bị gửi trả về Anh.” “Ta sẽ rất vui nếu được làm thế,” bà Phyllis nói. “Chỉ tiếc một điều là ta không có tài năng của cháu,” bà buồn bã nói thêm. Harry lấy một lát bít tết cùng với nhiều khoai tây, và chẳng mấy chốc anh bắt đầu thấy thoải mái trong lúc bà Phyllis và chú Alistair thết đãi anh những câu chuyện kể về các kỳ tích của Emma khi cô lùng sục khắp New York để tìm anh. Harry cảm thấy thú vị khi được nghe phiên bản của họ về những gì đã diễn ra, và tất cả chỉ càng khiến anh nhận ra mình đã may mắn đến mức nào khi tình cờ ngủ cạnh giường Giles Barrington trong lần đầu đặt chân tới trường St. Bede. Và nếu anh không được mời tới dự bữa tiệc trà đó tại Manor House nhân dịp sinh nhật Giles, rất có thể anh đã không bao giờ gặp được Emma. Cho dù lúc ấy anh còn chẳng đưa mắt nhìn cô lấy một lần. “Cháu hẳn đã hiểu cháu sẽ không bao giờ đủ tốt với con bé,” bà Phyllis nói trong lúc chậm một điếu xì gà xén cả hai đầu. Harry gật đầu, lần đầu tiên hiểu tại sao quý bà không gì khuất phục nổi này hóa ra lại là Jack Già của Emma. Nếu người ta cho bà ra trận, anh thầm nghĩ, chắc chắn bà sẽ quay về với Ngôi sao Bạc. Khi đồng hồ điểm mười một giờ, Harry, người có lẽ đã uống một ly brandy quá ngưỡng, loạng choạng đứng dậy khỏi ghế của mình. Anh không cần ai nhắc nhở về việc đúng sáu giờ sáng hôm sau Natalie sẽ đứng chờ dưới tiền sảnh khách sạn, đợi đón anh tới cuộc phỏng vấn đầu tiên trên đài phát thanh trong ngày. Anh cảm ơn hai vị chủ nhà vì buổi tối đáng nhớ, và đành gắng gượng chịu thêm một cái ôm của gấu mẹ nữa. “Bây giờ, đừng có quên,” bà nói, “bất cứ khi nào được phỏng vấn, hãy suy nghĩ như người Anh, xử sự như người Mỹ. Và nếu có lúc nào đó cháu cần người để dốc bầu tâm sự hay một bữa ăn dù không quá trịnh trọng, hãy nhớ, cũng giống nhà hát Windmill, chúng ta không bao giờ đóng cửa.” “Cháu cảm ơn bà,” Harry nói. “Và lần tiếp theo cháu nói chuyện với Emma,” chú Alistair nói, “hãy nhớ gửi tới cô bé tình yêu của chúng ta, và nhớ phạt cô bé vì đã không chịu đi cùng cháu lần này.” Harry quyết định đây không phải là lúc thích hợp để kể cho hai người về Sebastian cũng như những gì các bác sĩ mô tả về sự hiếu động thái quá của cậu bé. Ba người đã xoay xở để cùng chui được vào trong buồng thang máy, rồi Harry nhận thêm cái ôm cuối cùng từ bà cô Phyllis trước khi bà Parker mở cửa trước và trả anh trở lại với những con phố của Manhattan. “Ôi, khỉ thật,” anh kêu lên sau khi đi được một quãng ngắn xuống Đại lộ Công viên. Harry chạy trở lại nhà bà Phyllis, lao lên các bậc cấp và đấm cửa thình thành. Lần này người quản gia không xuất hiện nhanh chóng bằng lần trước. “Tôi cần gặp bà Stuart gấp,” Harry nói. “Hy vọng bà vẫn chưa đi nghỉ.” “Theo tôi biết thì chưa, thưa ngài,” bà Parker nói. “Làm ơn theo tôi.” Người quản gia dẫn Harry quay lại theo hành lang tới thang máy, tại đây anh lại một lần nữa bấm nút lên lầu ba. Bà Phyllis đang đứng bên bệ lò sưởi hút điếu xì gà khi Harry bước vào lần thứ hai. Lần này đến lượt bà tỏ vẻ ngạc nhiên. “Cháu rất xin lỗi,” anh nói, “nhưng Emma sẽ không bao giờ tha thứ cho cháu nếu cháu quay về Anh mà không biết chuyện gì đã xảy đến với tay luật sư đã khinh suất coi thường cô ấy.” “Sefton Jelks,” chú Alistair nói, ngước mắt lên từ chỗ ngồi bên cạnh lò sưởi. “Gã khốn đó cuối cùng đã phải rời khỏi vị trí thành viên cao cấp của Jelks, Myers và Abernathy, cho dù một cách khá miễn cưỡng.” “Không lâu sau đó, ông ta cuốn gói biến về Minnesota,” bà Phyllis nói thêm. “Và sẽ không trở lại trong tương lai gần,” chú Alistair nói, “vì ông ta đã chết mấy tháng trước.” “Con trai ta là một luật sư điển hình,” bà Phyllis nói, rít rít điếu xì gà. “Nó chỉ luôn kể cho cháu nghe nửa câu chuyện. Cơn đau tim đầu tiên của Jelks chỉ giành được một chút chú ý của tờ New York Times, và chỉ sau lần thứ ba ông ta mới nhận được một đoạn ngắn và không mấy tâng bốc ở tận dưới cùng trang cáo phó.” “Như thế vẫn còn hơn những gì ông ta đáng được hưởng,” chú Alistair nói. “Ta đồng ý,” bà Phyllis nói. “Cho dù ta khá thích thú khi khám phá ra chỉ có bốn người dự tang lễ của ông ta.” “Làm thế nào mẹ biết được?” Chú Alistair hỏi. “Vì mẹ là một trong số đó,” bà Phyllis nói. “Bà đã cất công tới tận Minnesota chỉ để dự tang lễ của Sefton Jelks thôi sao?” Harry hỏi với vẻ không tin nổi. “Chắc chắn rồi.” “Nhưng tại sao?” Chú Alistair hỏi. “Con không bao giờ được tin Sefton Jelks,” bà mẹ giải thích. “Mẹ không thể thực sự tin rằng ông ta đã chết cho tới khi chính mắt nhìn thấy quan tài của ông ta được hạ xuống huyệt, và thậm chí ngay cả lúc đó mẹ vẫn đợi tới lúc đám phu đào huyệt lấp nó lại.” N “Mời bà ngồi, bà Clifton.” “Xin cảm ơn các vị.” Emma nói lúc cô ngồi xuống một cái ghế gỗ và đối mặt với ba người quản lý đang yên vị trên những chiếc ghế tiện nghi đằng sau một cái bàn dài kê trên bục. “Tên tôi là David Slater, người đàn ông ngồi giữa lên tiếng, và là chủ tọa cuộc gặp chiều nay. Cho phép tôi giới thiệu các đồng nghiệp của mình, cô Braithwaite và ông Needham.” Emma cố đánh giá nhanh ba người trong hội đồng mà cô phải đối mặt. Người chủ tọa mặc một bộ vét kèm gi lê, một chiếc cà vạt kiểu trường học cũ mà cô nhận ra, và có vẻ như đây không phải là hội đồng duy nhất ông ta chủ tọa. Cô Braithwaite, người ngồi bên phải ông ta, mặc bộ vét bằng vải tuýt theo kiểu thời trước chiến tranh và đi tất len dày. Mái tóc được búi lại thành búi khiến Emma không nghi ngờ gì về việc bà ta là một bà cô ở xứ đạo này, và đôi môi của người phụ nữ này cũng cho thấy bà ta không mấy khi mỉm cười. Quý ông ngồi bên trái chủ tọa trẻ hơn hai đồng nghiệp, và nhắc nhở Emma rằng trước đó không lâu nước Anh đã phải tham chiến. Bộ ria rậm của ông ta làm người ta nghĩ tới RAF⦾. “Hội đồng rất quan tâm nghiên cứu đơn đề nghị của bà, thưa bà Clifton,” ông chủ tịch bắt đầu, “và nếu bà cho phép, chúng tôi muốn được đặt vài câu hỏi.” “Vâng, tất nhiên rồi” Emma nói, cố thả lỏng. “Bà đã cân nhắc tới việc nhận con nuôi bao lâu rồi, bà Clifton?” “Kể từ khi tôi nhận ra mình không thể có thêm một đứa con nữa,” Emma đáp, không thêm vào chi tiết nào. Hai người đàn ông mỉm cười thông cảm, song cô Braithwaite không thể hiện gì. “Bà có nói rõ trong đơn đề nghị,” ông chủ tọa tiếp tục, “là bà muốn nhận nuôi một bé gái khoảng năm hay sáu tuổi. Liệu có nguyên do cụ thể nào cho việc này không?” “Có,” Emma nói. “Con trai Sebastian của tôi vẫn còn nhỏ, và vợ chồng tôi cảm thấy sẽ tốt cho thằng bé nếu được nuôi dạy cùng một đứa trẻ không có tất cả lợi thế và ưu đãi mà nó vốn coi là đương nhiên từ lúc ra đời.” Cô hy vọng câu trả lời của mình nghe không có vẻ đã được lên kịch bản trước, và sẽ làm ông chủ tọa đánh dấu ✓ vào một ô chọn. “Liệu từ câu trả lời chúng tôi có thể suy đoán,” ông ta nói, “rằng không có khó khăn tài chính nào có thể gây trở ngại cho ông bà trong việc nuôi dạy một đứa trẻ thứ hai?” “Không hề có, thưa ông chủ tọa. Vợ chồng tôi có mức sống khá thoải mái.” Emma nhận thấy câu trả lời này đem đến một dấu ✓ nữa. “Tôi chỉ có thêm một câu hỏi nữa,” ông chủ tọa nói. “Bà có nói trong đơn của mình là sẵn lòng xem xét nhận nuôi một đứa trẻ có bất kỳ xuất thân tôn giáo nào. Cho phép tôi được hỏi liệu ông bà có thuộc về tôn giáo cụ thể nào không?” “Giống như bác sĩ Barnardo,” Emma nói, “tôi là người Ki tô giáo. Chồng tôi từng được học bổng đồng ca tại nhà thờ St. Mary Redcliffe.” Nhìn thẳng vào ông chủ tọa, cô nói thêm, “Sau đó anh ấy vào học tại trường Trung học phổ thông Bristol, tại đây chồng tôi trở thành một thành viên của ban hợp xướng. Tôi theo học trường nữ sinh Red Maids trước khi giành được học bổng của trường Oxford.” Ông chủ tọa đưa tay lên chạm vào chiếc cà vạt, và Emma cảm thấy tình hình không thể tốt hơn, cho đến khi cô Braithwaite gõ bút chì xuống bàn. Ông chủ tọa gật đầu hướng về phía bà này. “Bà có nhắc đến chồng mình, bà Clifton. Cho phép tôi được hỏi tại sao ông nhà hôm nay lại không đi cùng bà?” “Chồng tôi đang ở Mỹ trong một chuyến đi quảng bá sách. Anh ấy sẽ quay về sau vài tuần nữa.” “Chồng bà có thường xuyên vắng nhà không?” “Không. Thực sự là rất hiếm khi. Chồng tôi là nhà văn chuyên nghiệp, vì thế phần lớn thời gian anh ấy ở nhà.” “Nhưng thỉnh thoảng ông nhà cũng cần tới thư viện chứ,” cô Braithwaite gợi ý, kèm theo cái có thể coi là một nụ cười. “Không, chúng tôi có thư viện riêng của mình.” Emma nói, và ngay lập tức thấy hối tiếc. “Và bà có đi làm?” Cô Braithwaite hỏi với giọng làm cho điều đó nghe như một tội ác. “Không, mặc dù tôi vẫn trợ giúp chồng mình theo bất cứ cách nào có thể. Dù sao đi nữa, tôi coi việc làm vợ và làm mẹ là một công việc toàn thời gian.” Mặc dù Harry đã gợi ý câu này, anh biết quá rõ rằng Emma không tin vào nó, và giờ đây cô còn ít tin vào nó hơn sau cuộc gặp với Cyrus Feldman. “Bà đã kết hôn được bao lâu rồi, bà Clifton?” Cô Braithwaite gặng hỏi. “Hơn ba năm…” “Nhưng tôi được biết từ đơn đăng ký của bà là con trai bà, Sebastian, đã tám tuổi.” “Vâng, đúng thế. Harry và tôi đính hôn năm 1939, nhưng chồng tôi cảm thấy anh ấy có bổn phận phải nhập ngũ từ trước khi chiến tranh được tuyên bố.” Cô Braithwaite đang định đưa ra một câu hỏi nữa thì người đàn ông ngồi bên trái chủ tọa cúi người ra trước và hỏi, “Vậy ông bà đã kết hôn sau khi chiến tranh kết thúc phải không, bà Clifton?” “Đáng buồn là không.” Emma nói, đưa mắt nhìn người đàn ông chỉ còn một cánh tay. “Chồng tôi bị thương nặng vì một quả mìn Đức chỉ vài ngày trước khi chiến tranh kết thúc, và phải mất một thời gian trước khi anh ấy đủ bình phục để được xuất ngũ từ bệnh viện.” Cô Braitwaite vẫn có vẻ không hề bị lay chuyển. Emma tự hỏi, liệu có thể nào… Cô quyết định chấp nhận một sự mạo hiểm mà cô biết Harry sẽ không đời nào tán thành. “Nhưng, thưa ông Needham,” cô nói, mắt không rời ông ta, “tôi coi mình là một trong những người may mắn. Trái tim tôi thắt lại khi nghĩ tới những phụ nữ khác có chồng, hôn phu hay người yêu không thể trở về đoàn tụ với gia đình vì đã hy sinh cho đất nước của họ.” Cô Braithwaite cúi đầu xuống, và ông chủ tọa nói, “Cảm ơn bà, thưa bà Clifton. Chúng tôi sẽ sớm liên lạc lại với bà.” 5 N atalie đã đứng sẵn đợi anh ngoài tiền sảnh lúc sáu giờ sáng. Cô trông vẫn tràn đầy sinh lực và tươi tỉnh như lúc chia tay anh ngày hôm trước. Sau khi hai người đã ngồi xuống băng ghế sau chiếc limousine, cô gái mở tập tài liệu bất li thân ra. “Anh sẽ bắt đầu ngày hôm nay bằng cuộc phỏng vấn với Matt Jacobs trên NBC, chương trình phát thanh buổi sáng được đánh giá cao nhất trên toàn quốc. Tin tốt là anh đã được giành chỗ trong khung giờ vàng, nghĩa là anh sẽ lên sóng vào khoảng giữa bảy giờ bốn mươi phút và tám giờ sáng. Tin không được tốt bằng là anh phải chia sẻ nó cùng Clark Gable và Mel Blanc, người lồng tiếng của Bugs Bunny và Tweetie Pie. Gable đang quảng bá cho bộ phim mới nhất của ông ấy, Trở về nhà, đóng cặp với Lana Turner.” “Còn Mel Blanc?” Harry nói, cố gắng không bật cười. “Ông ta kỷ niệm một thập kỷ hợp tác cùng Warner Brothers. Bây giờ, nếu tính đến các khoảng ngắt quãng để quảng cáo cho những nhà tài trợ, tôi ước tính anh sẽ được lên sóng trong bốn tới năm phút, khoảng thời gian anh cần nghĩ tới như là hai trăm bốn mươi đến ba trăm giây. Tôi không thể nhấn mạnh đủ,” Natalie nói tiếp, “tầm quan trọng của chương trình này đến việc triển khai toàn bộ chiến dịch quảng bá của chúng ta. Anh sẽ không có hoạt động nào lớn hơn nó trong vòng ba tuần tiếp theo. Nó không chỉ có thể đưa anh lọt vào danh sách bán chạy nhất, mà nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, tất cả những chương trình lớn khác trên toàn quốc đều sẽ muốn mời anh.” Harry có thể cảm thấy nhịp tim mình tăng lên theo từng giây. “Tất cả những gì anh phải làm là tìm bất cứ cớ nào để nhắc tới Không gì mạo hiểm,” cô gái nói thêm trong khi chiếc limousine dừng lại bên ngoài khu vực phòng thu của đài NBC tại Trung tâm Rockefeller. Harry không tin nổi quang cảnh chào đón mình khi anh bước xuống vỉa hè. Lối vào hẹp dẫn tới mặt tiền tòa nhà đã được ngăn bằng hàng rào, cả hai bên đều chật cứng những người hâm mộ đang hò hét. Trong khi đi qua đám đông đang háo hức chờ đợi, anh không cần ai bảo cũng biết rằng chín mươi phần trăm họ tới để được thấy Clark Gable, chín phần trăm vì Mel Blanc, và có thể có một phần trăm còn lại… “Anh ta là ai thế nhỉ?” Ai đó lớn tiếng hỏi trong khi Harry hối hả đi qua. Thậm chí chẳng đến nổi một phần trăm. Khi Harry đã yên ổn vào trong tòa nhà, một nhân viên hướng dẫn đưa anh tới phòng chờ và cho anh biết về lịch lên sóng. “Ông Gable sẽ lên sóng lúc bảy giờ bốn mươi. Mel Blanc sẽ kế tiếp lúc bảy giờ năm mươi, và chúng tôi hy vọng có thể cho ông lên sóng lúc bảy giờ năm mươi lăm trước khi chuyển sang bản tin.” “Cảm ơn.” Harry nói trong khi ngồi xuống và cố trấn tĩnh. Mel Blanc tung tẩy bước vào phòng chờ lúc bảy rưỡi và đưa mắt nhìn Harry như thế ông ta đang trông đợi anh xin chữ ký. Ông Gable, được bộ sậu tháp tùng, xuất hiện một lát sau đó. Harry lấy làm ngạc nhiên khi thấy thần tượng điện ảnh mặc một bộ đồ dạ tiệc và cầm trên tay một ly whisky. Gable giải thích với Mel Blanc rằng đây không phải là ly cho buổi sáng sớm, vì ông ta đã không hề ngả lưng tối qua. Tiếng cười vang lên theo sau người diễn viên trong khi ông ta quay đi, để Harry lại cạnh Mel. “Hãy cẩn thận lắng nghe Gable,” Mel nói khi ngồi xuống cạnh Harry. “Ngay khi đèn đỏ bật, không ai, kể cả các thính giả tại phòng thu, nhận ra ông ta chẳng uống gì ngoài nước cam ép, và tới khi ông ta bước ra khỏi phòng thu, tất cả mọi người sẽ muốn xem bộ phim mới của ông ta.” Hóa ra Mel hoàn toàn đúng. Gable là một nhân vật chuyên nghiệp đến tột bậc, và tiêu đề bộ phim mới của ông ta cứ ba mươi giây lại được nhắc tới một lần. Harry từng đọc được ở đâu đó rằng