🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bí Mật Đen Tối - Michael Hjorth & Hans Rosenfeldt & Nguyễn Hữu Công (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Tâm Lý Xã Hội] Ebooks Nhóm Zalo Chương một GÃ không phải là kẻ giết người. Gã lặp lại trong đầu khi kéo xác thằng bé xuống dốc: Mình không phải là sát nhân. Sát nhân là tội phạm. Sát nhân thật kinh tởm. Bóng tối đã nuốt chửng linh hồn họ, và vì nhiều lý do họ đã nương theo và chào đón nó, quay lưng lại với ánh sáng. Gã không kinh tởm. Ngược lại là đằng khác. Chẳng phải gần đây gã không chứng minh được điều hoàn toàn ngược lại sao? Chẳng phải gã đã không gạt cảm xúc, ao ước của riêng mình sang một bên, mà tự kiềm chế, tất cả vì hạnh phúc của người khác? Làm ngơ – đó là những gì gã đã làm. Chẳng phải sự hiện diện của gã ở bãi lầy này, giữa một nơi xa xôi hẻo lánh với thi thể thằng bé càng chứng tỏ rằng gã muốn làm điều lương thiện sao? Phải làm điều lương thiện? Như thể gã chẳng bao giờ muốn làm việc tốt một lần nào nữa? Gã dùng chân và thở ra một hơi dài. Dù thằng bé chưa thật sự trưởng thành nhưng nó rất nặng. Rắn chắc. Nhiều giờ đã đổ ra ở phòng tập thể hình. Nhưng quãng đường không còn quá xa. Gã túm lấy hai ống quần, từng mang màu trắng nhưng giờ đây hầu như đã chuyển sang đen trong bóng đêm. Thằng bé máu me đầm đìa. Đúng, giết người là sai. Điều răn thứ năm nói rằng: Ngươi không được giết người. Nhưng có những ngoại lệ. Ở nhiều nơi, Kinh Thánh thực ra biện hộ cho giết chóc. Có người xứng đáng được như thế. Sai có thể thành đúng. Không có gì tuyệt đối cả. Rồi thế nào đây nếu lý do đằng sau việc giết người không phải vì ích kỷ? Nếu mất đi một nhân mạng mà cứu được những người khác? Thì hãy cho những người đó cơ hội. Cho họ được sống. Vào hoàn cảnh này, hành động ấy chắc chắn không thể liệt vào loại tàn ác. Nếu có động cơ tốt. Gã dừng chân bên làn nước đen của cái ao. Thường ngày, ao sâu chừng vài thước, nhưng cơn mưa gần đây đã làm mặt đất úng thủy, và giờ đây nó giống cái hồ giữa bãi lầy ứ đọng hơn. Gã cúi xuống và túm lấy hai vai chiếc áo phông của thằng bé. Cũng khá nhọc công, gã vần cho đến khi xác chết gập lại. Trong thoáng chốc, gã nhìn thẳng vào mắt thằng bé. Nó đã nghĩ gì trước khi chết? Liệu có đủ thời gian cho ý nghĩ cuối cùng? Nó có biết mình sắp chết không? Có tự hỏi tại sao không? Nó đã nghĩ về những thứ chưa làm được trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, hay về những thứ đã thật sự làm được? Không còn quan trọng nữa. Tại sao gã lại tra tấn bản thân thế này – hơn cả cần thiết? Gã không còn cách nào khác. Gã không thể làm họ thất vọng. Không một lần nào nữa. Tuy nhiên, gã đã do dự. Nhưng không, họ chẳng cảm thông đâu. Sẽ không tha thứ. Sẽ không làm ngơ, như gã đã làm. Gã đẩy thằng bé và thi thể nó rớt xuống nước, nghe rõ tiếng nước bắn tóe. Gã giật bắn người bởi thứ âm thanh không mong đợi vang lên trong khoảng không thinh lặng, mù mịt. Thi thể thằng bé chìm xuống nước và dần biến mất. Gã đàn ông không phải là sát nhân cuốc bộ về chiếc xe hơi của mình, đang đậu ở con đường mòn dẫn vào rừng, rồi lái xe về nhà. “Cảnh sát thành phố Västerås, Klara Lidman nghe đây.” “Tôi muốn báo con trai mình đã mất tích.” Giọng người phụ nữ nghe có vẻ ái ngại, như thể cô không chắc là mình gọi đúng số, hay cô không nghĩ là người ta tin mình. Klara Lidman với tay lấy xấp giấy ghi chú dù cuộc nói chuyện đang được ghi âm. "Vui lòng cho biết tên cô?" “Eriksson, là Lena Eriksson. Con trai tôi là Roger. Roger Eriksson.” “Con cô bao nhiêu tuổi?" “Mười sáu. Tôi vẫn chưa gặp lại nó kể từ chiều hôm qua." Klara chú ý đến độ tuổi thằng bé và nhận ra mình phải hành động ngay. Tất nhiên là nếu thằng bé đã mất tích. “Hồi mấy giờ chiều hôm qua?” “Nó dông mất lúc năm giờ.” Vậy là hai mươi hai giờ trước. Hai mươi hai giờ mấu chốt nếu đó là một vụ mất tích. “Cô có biết con mình đi đâu không?” “Có, đi gặp Lisa." “Lisa là ai?” “Bạn gái nó. Hôm nay tôi đã gọi cho con bé, nhưng nó bảo con tôi rời khỏi chỗ nó lúc mười giờ tối qua." Klara gạt bỏ con số “hai mươi hai” và thay bằng “mười bảy”. “Sau đó thằng bé đi đâu?" “Con nhỏ không biết. Nó nghĩ là về nhà. Nhưng con trai tôi vẫn chưa về nhà. Nó không hề về nhà cả đêm hôm qua. Và bây giờ sắp hết một ngày nữa rồi.” Và cô đã không gọi điện báo cho đến tận bây giờ, Klara nghĩ. Trong cô bỗng bật ra ý nghĩ rằng người phụ nữ ở đầu dây bên kia đã không cuống lên. Mà thờ ơ. Cam chịu. “Họ của Lisa là gì?” “Hansson." Klara ghi lại họ của con bé. “Roger có dùng điện thoại di động không? Cô thử gọi cho thằng bé chưa?” “Rồi, nhưng không ai trả lời.” "Và cô không biết nó có thể đi đâu? Liệu thằng bé có qua đêm ở chỗ bạn bè hay nơi nào đại loại như thế không?” “Không, như thế thì nó đã gọi cho tôi rồi.” Lena Eriksson ngưng lại một chút và Klara đoán chừng là người kia đang nghẹn ngào, nhưng khi nghe làn hơi rít vào ở đầu dây bên kia, cô nhận ra là cô ta đang kéo một hơi thuốc dài. Cô nghe thấy Lena thổi khói thuốc ra. “Nó đã biến mất.” Chương hai đêm đến giấc mơ ùa về. Khiến ông không yên. Vẫn giấc mơ ấy, vẫn nỗi sợ ấy. Nó khiến ông cáu bẳn. Làm ông phát điên. Sebastian Bergman không đáng bị như thế. Hơn ai hết, ông hiểu ý nghĩa của giấc mơ; hơn ai hết, ông buộc phải vượt lên trên dư âm của cơn sốt ngày trước. Tuy nhiên, dẫu chuẩn bị kỹ thế nào, dẫu hiểu được ý nghĩa thật sự của giấc mơ kia, ông vẫn không tránh khỏi bị cuốn vào nó. Như thể ông bị kẹt lại giữa ý nghĩa của giấc mơ mà ông thừa biết kia với việc ông là ai, và không tài nào dịch chuyển giữa hai thế giới ấy. 4:43 sáng. Bên ngoài trời bắt đầu hửng sáng. Miệng Sebastian khô khốc. Ông có thét lên không nhỉ? Chắc không, bởi người phụ nữ nằm bên cạnh không hề thức giấc. Cô thở nhẹ nhàng, và ông nhìn thấy bầu ngực trần của cô với mái tóc dài đã che đi phân nửa. Sebastian duỗi thẳng những ngón tay vọp bẻ mà chẳng để tâm mình đang làm gì – lần nào mơ xong, ông cũng thức giấc với bàn tay phải nắm chặt. Thay vì thế, ông cố nhớ tên người phụ nữ nằm ngủ cạnh mình. Katarina? Hay Karin? Vào lúc nào đó của buổi tối, hẳn cô đã nói. Kristina? Hay Karolin? Nào có quan trọng gì – ông không có ý định gặp lại cô – mà chỉ muốn quẩn quanh với mớ ký ức hòng xua tan dư âm cuối cùng của giấc mơ dường như đã bám víu vào tất cả các giác quan của ông. Hơn năm năm trời, giấc mơ cứ đeo bám ông. Đêm nào cũng giấc mơ ấy, cũng những hình ảnh ấy. Toàn bộ nỗi bực dọc tiềm thức của ông, luôn xuyên suốt một điều ông không dám đối mặt buổi ngày. Đối mặt với cảm giác tội lỗi. Từ từ rời khỏi giường, Sebastian cố kìm cơn ngáp khi nhặt lại quần áo chỗ chiếc ghế ông đã vứt chúng vài giờ trước. Lúc mặc đồ, ông thờ ơ đảo mắt quanh căn phòng: một chiếc giường; hai tủ quần áo âm tường trắng tinh, một cái gắn gương trên cửa; một chiếc bàn kê đầu giường giản dị cũng trắng tinh nốt của công ty nội thất IKEA để chiếc đồng hồ báo thức và cuốn tạp chí; một cái bàn nhỏ trưng hình đứa bé cứ cách tuần cô lại thay phiên đón về; và vài thứ lặt vặt khác kế bên chiếc ghế ông vừa nhặt lại bộ đồ của mình. Hoa văn trên tường chẳng có gì đặc sắc, thứ hoa văn thể nào chỗ đại lý bất động sản chuyên nghiệp cũng bảo là “màu cappuccino", vậy mà cuối cùng, lại thành thứ màu be bẩn thỉu. Căn phòng hệt như màn làm tình của ông: đơn điệu và hơi nhàm chán, nhưng rồi cũng đâu vào đó. Như mọi khi. Tiếc là chẳng thỏa mãn được lâu. Sebastian nhắm nghiền mắt. Đó luôn là lúc đau đớn nhất, về với thực tại. Cảm xúc dội ngược, ông quá hiểu điều đó. Ông dồn hết tâm trí vào người phụ nữ trên giường, đặc biệt ở đầu vú đang hiển hiện. Một lần nữa, cô ta tên gì nhỉ? Ông biết mình đã tự giới thiệu khi mua đồ uống; ông luôn làm thế. Không có chuyện đợi đến khi ông hỏi xem chỗ ngồi bên cạnh cô có ai không, liệu ông có thể mua cho cô thức uống, hay cô thích gì. Cứ y như rằng ông đặt chiếc ly trước mặt cô. “Tiện thể nói luôn, tôi là Sebastian.” Rồi cô ta đã đáp lại điều gì? Thứ gì bắt đầu bằng K ấy – ông khá chắc như vậy. Ông siết chặt thắt lưng. Chiếc khóa vang lên thứ âm thanh mờ nhạt của tiếng kim loại khua vào nhau. "Anh đi sao?” Giọng cô thô ráp còn ngái ngủ, đôi mắt dõi tìm một chiếc đồng hồ. “Ừm.” “Em tưởng chúng ta sẽ ăn sáng với nhau chứ. Mấy giờ rồi anh?” “Gần năm giờ.” Người phụ nữ chống khuỷu tay nhỏm dậy. Cô ta bao nhiêu tuổi? Dám chừng bốn mươi à? Cô vén lọn tóc khỏi khuôn mặt. Cơn ngái ngủ tan dần, từ từ nhường chỗ cho ý thức rằng buổi sáng cô đã hình dung sẽ chẳng bao giờ diễn ra. Họ sẽ chẳng vừa ăn sáng, vừa đọc báo và tán gẫu một cách dễ dàng; sẽ chẳng có một ngày chủ nhật tản bộ. Ông không muốn biết rõ hơn về cô, và ông sẽ chẳng gọi điện, ông biết nói gì đây. Cô biết hết thảy chuyện đó. Cho nên, ông chỉ nói ngắn gọn: “Chào nhé.” Sebastian không cố nhớ lấy một cái tên. Thậm chí, ông không còn chắc cái tên ấy bắt đầu bằng chữ K nữa. Ngoài kia con đường hãy còn yên ắng trong ánh bình minh. Khu ngoại ô đang ngon giấc và mọi âm thanh dường như tắt lịm, cứ như chẳng ai muốn đánh thức nó. Kể cả giao thông ở quốc lộ Nynăsvăgen, cách đây không xa, có vẻ như dịu hẳn. Sebastian dừng lại trước biển báo đặt ở giao lộ dẫn về: Varpavägen. Một nơi nào đó thuộc quận Gubbängen. Còn cách nhà khá xa. Giờ này buổi sáng, tàu điện ngầm có chạy không? Tối qua họ đã bắt một chiếc taxi. Ghé lại cửa hàng 7-Eleven mua bánh mì để làm món bánh mì nướng; cô nhớ ở nhà chẳng còn miếng nào. Bởi không phải ông sẽ ở lại ăn sáng sao? Họ mua bánh mì và nước trái cây, ông và... Thật là bực bội quá chừng. Cái tên quái quỷ của cô ta là gì nhỉ? Sebastian lần theo con đường vắng. Ông đã làm tổn thương cô, dù tên cô có là gì đi chăng nữa. Trong mười bốn giờ tới, có lẽ ông sẽ đi Västerås để tiếp tục công việc của mình. Dù chuyện đó khác hẳn: ông không còn làm tổn thương người phụ nữ ở Västerås nữa. Trời đổ mưa. Đúng là một buổi sáng kinh tởm hết sức. Ở Gubbängen. Chương ba MỌI THỨ đang biến thành thảm họa. Giày của tên thanh tra Thomas Haraldsson giẫm phải nước, bộ đàm chết máy, và hắn đã lạc mất những người còn lại trong đội tìm kiếm của mình. Mặt trời chiếu thẳng vào mặt, nên hắn phải nheo mắt để tránh vấp phải bụi rậm và rễ cây phân tán khắp mặt đất lầy lội. Hắn tự chửi thề và liếc nhìn đồng hồ. chỉ trong vòng hai tiếng nữa thôi, Jenny sẽ được nghỉ trưa ở bệnh viện. Nàng sẽ ngồi vào xe và lái về nhà, lòng thầm nghĩ hắn sẽ chuẩn bị bữa trưa. Nhưng không hề cỏ chuyện đó. Hắn sẽ vẫn còn kẹt lại ở khu rừng chết bầm này. Chân trái của Haraldsson lún sâu hơn. Hắn cảm nhận đôi vớ của mình đang hút nước lạnh buốt. Không khí loáng thoáng hơi ấm chớm xuân, nhưng mùa đông vẫn còn đóng băng nước trong rãnh. Hắn rùng mình, rồi xoay xở rút chân lên và tìm chỗ đất cứng. Hắn ngó quanh. Hướng Đông chắc đằng này rồi. Không phải đằng kia là đám tân binh đang trong kỳ nghĩa vụ quân sự đó sao? Hay là hướng đạo sinh nhỉ? Còn nữa, hẳn hắn đã đi trọn vẹn một vòng và hoàn toàn mất phương hướng đâu mới là hướng Bắc. Hắn phát hiện ra một ngọn đồi nhỏ, cách đây không xa, mà điều này nghĩa là có đất khô, một mảnh thiên đường còn sót lại ở chốn địa ngục ướt sũng này. Hắn bắt đầu lần theo hướng đó. chân hắn lún thêm lần nữa. Lần này là chân phải. Tuyệt thấy mồ! Hết thảy là tại Hanser. Hắn chẳng phải đứng đây, ngâm da thịt mình trong nước lạnh ngập đến hơn nửa ống quyển, nếu không vì Hanser muốn ra vẻ ta đây rằng mình mạnh mẽ và phản ứng nhanh. Và cô ta chắc chắn cần làm thế, bởi trong thẳm sâu, cô ta nào phải là cảnh sát thực thụ. Hanser chỉ là một trong những cử nhân luật, đã qua ải và phỗng được công việc hàng đầu mà tay mình không phải vấy bẩn – hoặc, như tình cảnh của Haraldsson đây, chân mình không phải vấy nước. Không: nếu Haraldsson phụ trách, vụ này có lẽ đã được giải quyết khác đi. Phải, thằng bé vẫn đang mất tích kể từ hôm thứ Sáu và theo quy định, thủ tục đúng là phải mở rộng vùng tìm kiếm, đặc biệt khi có người trình báo về “những hoạt động ban đêm” và “ánh đèn trong khu rừng”, quanh Listakärr vào cuối tuần đặc biệt đó. Nhưng theo kinh nghiệm riêng, Haraldsson biết rằng đây là một việc làm vô ích. Thằng oắt con đang ở Stockholm, cười nhạo bà mẹ bồn chồn của mình. Nó mười sáu. Đó là kiểu tụi nhóc mười sáu tuổi vẫn làm. Cười nhạo mẹ chúng. Hanser. Càng ướt sũng, Haraldsson càng hận cô. Cô là thứ tệ hại nhất trong đời hắn. Trẻ, hấp dẫn, thành công, mê chính trị; là đại diện của lực lượng cảnh sát mới và hiện đại. Cô đã ngáng đường hắn. Khi cô tổ chức cuộc họp đầu tiên của mình ở Västerås, Haraldsson nhận ra sự nghiệp của mình đã đột ngột chững lại. Hắn đã ứng tuyển công việc đó. Cô ta lại trúng tuyển. Cô ta sẽ ở cương vị đó ít nhất năm năm. Năm năm trời của hắn. Chiếc thang thăng tiến đã bị nẫng đi. Thế là sự nghiệp của hắn giờ đây bắt đầu giai đoạn bão hòa, và cảm giác như vấn để chỉ là thời gian trước khi nó bắt đầu trũng xuống. Cũng chẳng khác mấy việc hắn đang đứng trong vũng bùn hôi thối, ngập đến đầu gối, ở một khu rừng cách Västerås chừng sáu dặm. Sáng nay hắn nhận được tin nhắn có nội dung “TRƯA NAY QUẤN NHAU", được viết in hoa. Nghĩa là Jenny sẽ về nhà vào giờ nghỉ trưa để làm tình với hắn, rồi họ sẽ làm thêm một hai lần nữa vào buổi tối. Những ngày này, cuộc sống của họ là thế đấy. Jenny đang trong giai đoạn điều trị vì mãi mà không thụ thai, và cùng với bác sĩ, cô đã lập nên một biểu thời gian để tối ưu hóa cơ hội của họ. Hôm nay là một trong những ngày xác suất cao nhất. Thế nên mới có tin nhắn ấy. Lòng Haraldsson rối bời. Một mặt, hắn hạnh phúc vì đời sống tình dục vợ chồng gần đây đã cải thiện được vài trăm phần trăm. Rằng Jenny luôn muốn có hắn. Đồng thời, hắn lại không thể dứt khỏi cảm giác rằng cô chẳng thật sự muốn có hắn đâu: mà là tinh trùng của hắn thôi. Nếu không vì cần một đứa nhỏ, sẽ chẳng đời nào có chuyện cô về nhà vào bữa trưa cho một cuộc mây mưa chớp nhoáng. Toàn bộ chuyện này có gì đó khiến người ta liên tưởng đến trại ngựa giống. Ngay khi trứng bắt đầu hành trình về tử cung, họ sẽ chăm chăm làm tình, y như thỏ vậy. Kỳ thực, giữa các lần rụng trứng cũng thế, chỉ để chắc ăn thôi. Nhưng những ngày này chẳng bao giờ vì khoái lạc, hay vì gần gũi. Đam mê tình dục đâu rồi? Khát khao đâu cả rồi? Và giờ đây, cô sẽ trở về căn nhà vắng tanh cho bữa trưa. Lẽ ra hắn nên gọi cho cô và hỏi xem mình có cần thủ dâm trước khi rời khỏi nhà, và cho vào lọ để trong tủ lạnh. Tiếc là hắn không dám chắc Jenny sẽ cho rằng đó là ý hay. Mọi chuyện bắt đầu hồi thứ Bảy rồi. Khoảng ba giờ chiều, một cuộc gọi được chuyển thẳng lên văn phòng cảnh sát thành phố Västerås từ số điện khẩn. Một người mẹ đã báo tin đứa con trai mười sáu tuổi của mình mất tích. Vì liên quan đến trẻ vị thành niên, cuộc gọi được đưa lên ưu tiên hàng đầu. Hoàn toàn phù hợp với quy định. Đáng tiếc, cuộc trình báo được ưu tiên này đã bị bỏ nằm lại đến Chủ Nhật, khi một đội tuần tra được yêu cầu vào cuộc. Kết quả, khoảng bốn giờ chiều, hai viên cảnh sát mặc cảnh phục đã đến nhà của mẹ thằng bé mất tích. Họ lấy lời khai chi tiết một lần nữa, và báo cáo này được ghi lại khi họ xong ca trực tối hôm đó. Đến lúc này, không một hành động nào được đưa ra, ngoại trừ hai bảng báo cáo ngắn gọn và giống nhau với cùng một vụ mất tích. Cả hai được đánh dấu ƯU TIÊN HÀNG ĐẨU. Mãi đến sáng thứ Hai khi Roger Eriksson đã mất tích bốn mươi tám tiếng đồng hồ thì viên cảnh sát trực ban mới thông báo rằng họ chưa triển khai hành động nào cả. Xúi quẩy thay, cuộc họp công đoàn của ủy Ban Cảnh Sát Quốc Gia về đồng phục mới ngốn thời gian đáng kể, và mãi đến sau bữa trưa thứ Hai, vụ án mới được chuyển cho Haraldsson. Khi nhìn thấy ngày biên nhận, hắn đã thầm cảm ơn thần hộ mệnh của mình rằng đội tuần tra đã đến nhà của Lena Eriksson hồi tối chủ Nhật. Cô ta không cần phải biết rằng họ chỉ việc viết thêm một bảng tường trình khác. Không, cuộc điều tra đã được xúc tiến hôm Chủ Nhật rồi, nhưng cho đến nay chưa thu được gì cả. Đó là kiểu giải thích Haraldsson tính vin vào. Haraldsson nhận ra hắn cần ít nhất là vài thông tin mới trước khi nói chuyện – với Lena Eriksson, nên thử gọi cho Lisa Hansson, bạn gái của Roger nhưng con bé vẫn còn ở trường. Hắn kiểm tra lý lịch tư pháp của cả Lena và Roger. Roger dính mấy vụ ăn cắp vặt ở cửa hàng, nhưng vụ gần đây nhất là khoảng một năm trước, và rất khó để mắt xích chuyện đó với vụ biến mất này. Người mẹ không có dấu hiệu khả nghi nào. Haraldsson gọi cho chính quyền địa phương và được biết Roger theo học Trường trung học Palmlövska. Không ổn rồi, hắn nghĩ. Là trường tư thục dự bị, Palmlövska cũng nhận học sinh nội trú và được xếp hạng trong số những trường hàng đầu quốc gia dựa trên kết quả thi cử. Học sinh của trường giỏi giang, đầy nhiệt huyết và có cha mẹ giàu sụ. Cha mẹ với địa chỉ liên lạc hẳn hoi. Họ sẽ phải tìm cớ để đổ lỗi cho việc điều tra đã không được tiến hành ngay, và không ổn chút nào nếu cảnh sát chẳng có gì tiến triển vào ngày thứ ba của vụ án. Haraldsson quyết định gác mọi chuyện khác sang một bên. Sự nghiệp của hắn đã ở vào thế bế tắc, và thật ngu ngốc nếu liều lĩnh thêm lần nào nữa. Cho nên Haraldsson đã chăm chỉ làm việc cả chiều hôm đó. Hắn đến ngôi trường. Cả Ragnar Groth, hiệu trưởng và Beatrice Strand, giáo viên chủ nhiệm của Roger đều lộ vẻ rất lo lắng và lúng túng khi hay tin Roger đã mất tích, nhưng họ không thể giúp được gì hơn. Dù sao đi nữa, họ chẳng mảy may biết điều gì đã xảy ra. Roger cư xử hoàn toàn bình thường, đi học như mọi hôm, làm bài kiểm tra môn tiếng Thụy Điển quan trọng vào chiều thứ Sáu, và theo như lởi bạn bè trong lớp thì sau đó tâm trạng rất tốt. Tuy nhiên, Haraldsson đã gặp Lisa Hansson, con bé là người cuối cùng nhìn thấy Roger vào tối thứ Sáu đó. Lisa học cùng lớp, và Haraldsson đã nhờ ai đó chỉ giúp hắn con bé trong căn-tin trường. Con bé khá xinh, nhưng cũng khá bình thường. Mái tóc vàng suôn, phần tóc mái được vuốt ngược ra sau, gài kẹp lại. Mắt xanh biển, mặt mộc. Áo sơ-mi trắng cài nút cao gần hết cổ, thêm chiếc áo gi-lê khoác ngoài mà Haraldsson ngay lập tức nghĩ đến hình ảnh Nhà thờ Độc Lập khi ngồi xuống đối diện con bé. Hay bé gái trong loạt phim Viên Đá Trắng, chiếu trên truyền hình hồi hắn còn nhỏ. Hắn hỏi con bé có thích ăn hay uống thứ gì không. Nó lắc đầu. "Kể cho chú nghe về hôm thứ Sáu đi nào, lúc Roger còn ở nhà cháu ấy.” Lisa nhìn hắn rồi khẽ nhún vai. “Cậu ấy đến nhà khoảng năm giờ rưỡi, chúng cháu ngồi xem truyền hình trong phòng, rồi cậu ấy về nhà tầm mười giờ. À, dù sao thì cậu ấy cũng nói là sẽ đi về nhà...” Haraldsson gật đầu. Bốn tiếng rưỡi trong phòng con bé. Hai đứa choai mười sáu tuổi, chỉ xem truyền hình. Dễ thương thật. Hay cuộc sống riêng tư đã làm hỏng mất hắn? Đã bao lâu rồi từ lúc hắn và Jenny dành hẳn một buổi tối để xem truyền hình? Mà chẳng mơn trớn nhau trong lúc quảng cáo chứ? Phải hàng tháng trời rồi. “Vậy là chẳng có chuyện gì khác nữa? Tụi cháu không tranh cãi, bất đồng, hay bất cứ gì sao?” Lisa lắc đầu. Con bé nhay móng tay cái hầu như chẳng nhú của mình. Haraldsson để ý thấy lớp da đã bị nhiễm trùng. "Trước đây cậu ta có biến mất thế này không cháu?” Lisa lại lắc đầu. “Theo cháu biết thì không, nhưng chúng cháu chưa quen nhau lâu lắm đâu. Chú đã nói chuyện vơi mẹ cậu ấy chưa?” Trong giây lát, Haraldsson nghĩ con bé đang kết tội mình, nhưng rồi hắn nhận ra tất nhiên không phải vậy. Tại Hanser hết. Cô ta khiến hắn nghi ngờ chính năng lực của mình. “Đồng nghiệp của chú đã nói chuyện rồi, nhưng tụi chú cần nói chuyện với tất cả mọi người. Để có cái nhìn toàn diện.” Haraldsson hắng giọng. “Quan hệ giữa Roger và mẹ cậu ấy thế nào? Có vấn đề gì không?” Lisa nhún vai thêm lần nữa. Haraldsson nảy ra trong đầu rằng kịch mục của con nhỏ có giới hạn. Chỉ lắc đầu và nhún vai. "Họ có cãi vã không?" "Chắc có. Thỉnh thoảng. Bà ấy không ưa ngôi trường này.” “Ngôi trường này sao?” Lisa gật đầu đáp. “Bà ấy cho rằng nó học đòi làm sang.” Bà ta chẳng sai chút nào về khoản đó, Haraldsson nghĩ bụng. “Cha của Roger sống trong thành phố luôn chứ?" “Không. Cháu chẳng biết ông ấy sống ở đâu. Cháu cũng không chắc Roger có biết hay không. Cậu ấy chưa bao giờ nói đến ông ta.” Thú vị thật. Haraldsson lưu ý điểm này. Đứa con trai có lẽ đã bỏ đi để tìm gốc gác của mình đây. Để đối chất với một người cha vắng bóng. Giữ kín chuyện này với mẹ nó. Cớ sự mới xảy ra. “Chú nghĩ xem chuyện gì đã xảy đến với cậu ấy thế?” Dòng suy nghĩ của Haraldsson bị cắt ngang. Hắn nhìn Lisa và lần đầu nhận ra con nhỏ chực trào nước mắt. “Chú không biết nữa,” hắn nói. “Nhưng chú tin rằng cậu ấy sẽ về lại thôi. Cậu ta có lẽ chỉ đi Stockholm hoặc đâu đó một thời gian. Một cuộc phiêu lưu ngắn. Hay đại loại như thế.” “Tại sao cậu ấy lại làm vậy cơ chứ?” Haraldsson nhìn vẻ mặt thắc mắc của con bé. Chiếc móng tay cái không sơn phết, bị gặm đang ở trên đôi môi không điểm tô. Không đâu, quý cô bé bỏng của Nhà thờ Độc Lập sẽ không thể hiểu tại sao đâu, nhưng Haraldsson càng trở nên tin chắc rằng chuyện biến mất này thật ra là vụ thằng nhóc bỏ nhà đi mà thôi. “Đôi khi ở một thời điểm nào đó, mọi thứ dường như đúng là ý tưởng tuyệt vời. Chú chắc chắn cậu ấy sẽ trở về.” Haraldsson cười trấn an Lisa, nhưng nhìn vẻ mặt của con bé, hắn nghiệm ra nụ cười ấy không thuyết phục. "Chú hứa đó,” hắn nói thêm. Trước lúc đi, Haraldsson nhờ Lisa lập một danh sách bạn bè của Roger và những đứa thằng bé hay chơi. Lisa ngồi và suy nghĩ hồi lâu, rồi viết gì đó và đưa mẩu giấy cho hắn. Hai cái tên: Johan Strand và Erik Heverin. Một thằng bé cô độc, Haraldsson nghĩ bụng. Những thằng bé cô độc hay bỏ nhà đi. Khi ngồi vào xe chiều thứ Hai, dù thế nào chăng nữa, Thomas Haraldsson cảm thấy khá hài lòng với ngày hôm ấy. Phải thừa nhận cuộc nói chuyện với Johan Strand không nảy ra được thứ gì mới. Lần cuối Johan nhìn thấy Roger là lúc tan trường hôm thứ Sáu. Theo những gì nó biết, tối hôm đó Roger đi đến nhà Lisa. Nó không biết sau đó Roger có thể đi đâu. Còn Erik Heverin đã được cho nghỉ học dài hạn. Sáu tháng ở Florida. Nó đã đi được bảy tuần. Mẹ thằng bé đã nhận được chân tư vấn ở Mỹ, và cả gia đình đi với bà. Nhiều người thật có phước, Haraldsson thầm nghĩ, rồi hồi tưởng về những nơi kỳ lạ mà công việc đưa hắn đến. Cuộc hội thảo ở Riga là thứ duy nhất xuất hiện ngay trong đầu hắn, nhưng phần lớn thời gian, hắn bị đau bụng, và điều hắn nhớ nhất là cứ nhìn chăm chăm vào chiếc xô nhựa màu xanh, trong khi đồng nghiệp lại có khoảng thời gian vui vẻ cuồng nhiệt. Nhưng Haraldsson vẫn khá hài lòng. Hắn đã theo sát vài đầu mối, mà quan trọng nhất, hắn phát hiện ra hình như bà mẹ và con trai có xung đột, nghĩa là chẳng mấy chốc đây không còn là chuyện của cảnh sát nữa. Chẳng phải bà mẹ đã dùng cụm tù “dông mất” lúc gọi điện báo tin sao? Đúng vậy. Haraldsson nhớ mình đã phản ứng lại điều này khi nghe cuốn băng ghi âm. Con trai bà ta không phải “đi khỏi” hay “biến mất” mà là “dông mất”, chẳng phải điều này ám chỉ thằng bé đã bực bội rời nhà ư? Một cánh cửa đóng sầm, một bà mẹ dịu dàng nhẫn nhịn. Haraldsson càng trở nên đoan chắc hơn: thằng oắt con đang ở Stockholm, mở rộng tầm nhìn của mình. Tuy nhiên, cho chắc ăn, hắn nghĩ mình nên lượn qua nhà Lisa và gõ lên vài cánh cửa. Chỉ để được chú ý, để chắc rằng vài người sẽ nhận ra hắn, phòng trường hợp ai đó bắt đầu muốn biết cuộc điều tra đang diễn tiến đến đâu. Với một chút may mắn, thậm chí hẳn có người đã nhìn thấy Roger đi về phía trung tâm thành phố và bến tàu. Rồi hắn sẽ đi gặp người mẹ, và tạo ít áp lực lên cô ta để biết họ đã thật sự cãi vã kịch liệt đến mức nào. Một kế hoạch ngon lành, hắn thầm nghĩ, rồi cho xe nổ máy. Di động reo. Nhìn lướt qua màn hình hiển thị, hắn khẽ rùng sống lưng. Hanser. “Cô ta muốn cái quái gì lúc này hả?” Haraldsson lầm bầm tắt máy. Hắn có nên bỏ qua cuộc gọi không nhỉ? Muốn thế lắm, nhưng biết đâu thằng bé đã trở về. Có lẽ Hanser muốn báo với hắn như thế. Rằng Haraldsson đã đúng ngay từ đầu. Hắn bắt máy. Cuộc nói chuyện chỉ kéo dài mười tám giây và gồm sáu từ, từ phía Hanser. “Anh ở đâu?" là ba từ đầu tiên. “Trong xe,” Haraldsson thành thật đáp. “Tôi mới nói chuyện với vài giáo viên và đứa bạn gái ở trường của thằng bé.” Thật bẽ mặt, Haraldsson nhận ra mình đang trở nên phòng vệ. Giọng hắn hơi phục tùng. Cao hơn một chút so với bình thường. Vì Chúa, hắn đã làm tất cả mọi thứ phải làm. "Đến đây ngay.” Haraldsson toan giải thích mình chuẩn bị đi đâu và định hỏi điều gì quan trọng thế, nhưng hắn không có thời gian để nói bất cứ thứ gì trước khi Hanser kết thúc cuộc gọi. Hanser chết tiệt. Hắn khởi động máy, quay đầu xe và chạy ngược về đồn. Hanser gặp hắn ở đó. Cặp mắt lạnh lẽo. Mái tóc vàng hoe rủ xuống gần như quá hoàn mỹ. Bộ đồ chắc chắn rất đắt tiền, vừa vặn một cách hoàn hảo. Cô vừa nhận được cuộc gọi từ Lena Eriksson đang cuống lên, muốn biết điều gì đang xảy ra, và giờ đây cô hỏi cùng một câu: chính xác, thì điều gì, đang xảy ra, hả? Haraldsson tóm lược nhanh mọi hoạt động trong chiều, và xoay xở đề cập không dưới bốn lần rằng hắn chỉ được giao vụ này sau bữa trưa hôm đó. Nếu muốn gây khó dễ cho ai, cô nên bắt đầu với đội trực cuối tuần. “Tất nhiên rồi,” Hanser nói một cách điềm tĩnh. "Thế nếu biết vụ này không được xử lý, tại sao anh lại không báo cho tôi? Đây chính xác là điều tôi cần phải biết cơ mà." Haraldsson nhận ra mọi thứ đang không tiến triển theo cách hắn muốn. Hắn đứng đó biện hộ. “Chuyện thế này vẫn thường xảy ra thôi. Vì chúa, tôi không thể hễ có chút chuyện là chạy đến chỗ cô được. Ý tôi là cô có nhiều thứ quan trọng hơn để nghĩ tới.” "Quan trọng hơn cả chuyện chắc chắn chúng ta phải bắt tay ngay vào tìm kiếm một thằng bé mất tích sao?" Cô nhìn hắn với vẻ dò xét. Haraldsson đứng đó im lặng. Điều này không diễn ra theo kế hoạch. Không một mảy may. Ấy là hôm thứ Hai. Giờ thì hắn đang đứng ở Listakärr trong đôi vớ ướt đẫm. Hanser đã lên đường với tất cả súng ống, thẩm vấn từng nhà một và từng ngày qua lại tăng đội tìm kiếm lên. Đến nay vẫn công cốc. Hôm qua, Haraldsson tình cờ gặp cảnh sát trưởng địa phương ở đồn và vô tình vỡ ra rằng vụ này sẽ tốn không ít. Hàng loạt cảnh sát làm việc nhiều giờ liền, tìm kiếm một thằng oắt con đang vui vẻ ở thành phố lớn. Haraldsson không hoàn toàn cắt nghĩa được phản ứng của sĩ quan cấp trên mình, nhưng khi Roger đi chơi về, cảnh sát trưởng sẽ nhổ những gì Haraldsson vừa nói. Ông sẽ thấy Hanser đã lãng phí biết bao nhiêu tiền của. Haraldsson cười mỉm khi nghĩ đến cảnh đó. Thủ tục là một chuyện; trực giác thám tử là chuyện hoàn toàn khác. Nó là thứ không thể học được. Haraldsson dừng lại. Được nửa chặng đường lên đồi. Một chân lại bị lún. Lần này sâu hơn. Hắn rút chân lên. Tuột mất chiếc giày. Hắn chỉ có đủ thời gian để thấy bùn đang thèm thuổng lấp quanh chiếc giày cỡ số chín của mình, trong khi chiếc vớ bên chân trái hút thêm nhiều nước lạnh buốt. Đủ rồi. Đủ rồi đấy. Giọt nước tràn ly. Hắn ngồi xổm, tay miết trong bùn, lôi lên chiếc giày. Rồi hắn bỏ về. Mọi người còn lại cứ chạy quanh quẩn trong đội tìm kiếm gớm ghiếc của mình đi. Hắn còn bà vợ cần được thụ thai. Sau một chuyến taxi và tốn 380 krona, Sebastian đang đứng ngoài căn hộ của mình trên đường Grev Magnigatan, ở quận Östermalm. Ông đã định dọn quách đi lâu rồi – cái nơi đắt đỏ và xa hoa, thích hợp một cách hoàn hảo với tác giả và giảng viên thành công có nền tảng học thuật và mạng lưới quan hệ xã hôi rộng khắp. Tất cả những thứ này không còn và đã không còn là của ông. Nhưng chỉ nghĩ đến việc dọn sạch nơi này, thu dọn và phân loại tất cả mọi thứ đã sưu tầm hàng năm qua là quá sức với ông, nên thay vì làm vậy, ông đã ngăn các gian lởn của căn hộ, chỉ dùng nhà bếp, phòng ngủ của khách và căn phòng tắm nhỏ hơn. Phần còn lại của ngôi nhà vẫn còn nguyên, chờ... à, một điều gì đó. Sebastian liếc qua chiếc giường ngủ chẳng bao giờ được dọn dẹp của minh, nhưng lại quyết định đi tắm. Tắm nước nóng thật lâu. Màn thân mật tối qua đã trôi đi. Ông có sai không khi đường đột bỏ đi thế này? Cô ta sẽ cho gì nếu ông nán lại thêm vài giờ nữa? Chắc chắn là làm tình thêm. Và điểm tâm. Bánh mì nướng và nước trái cây. Nhưng rồi sao? Lời chào tạm biệt nhất định không thể tránh khỏi, chẳng thể nào kết thúc theo cách khác được, cho nên tốt nhất là không kéo dài mọi chuyện. Nhưng, ông nhớ cảm giác khắng khít ngắn ngủi đó đã vực dậy tinh thần ông một chút. Ổng lại cảm thấy nặng nề và trống rỗng. Tối qua ông đã ngủ được bao lâu? Hai tiếng? Hai tiếng rưỡi? Ông nhìn vào gương. Đôi mắt lộ vẻ mệt mỏi hơn thường ngày, và ông nhận ra phải sớm làm gì đó với mái tóc của mình. Lần này có lẽ phải cắt thật ngắn. Không được, nó sẽ nhắc ông nhớ nhiều đến diện mạo của mình trước đây. Mà trước đây thì chẳng phải bây giờ. Không được, nhưng ông có thể tỉa râu, làm tóc tai gọn gàng, thậm chí nhuộm vài sọc. Ông mỉm cười với chính mình, nụ cười quyến rũ nhất của ông. Không thể tin được, vẫn còn tác dụng, ông thầm nghĩ. Đột nhiên Sebastian cảm thấy hết sức mệt mỏi. Vòng chữ U đã hoàn tất [Nguyên văn là: “The U-turn was complete” trong thuật ngữ giao thông, U turn có nghĩa là quay đầu xe ngược lại. Ở đây có nghĩa là tâm trạng trở lại như cũ. Chú thích của NH.] Lại trống trải, ông nhìn lên đồng hồ treo tường. Cuối cùng, ông có lẽ nên đi nằm một lát. Ông biết giấc mơ ấy sẽ trở về, nhưng giờ đây ông mệt quá rồi không bận tâm nổi nữa. Ông quen kẻ đồng hành ấy đến nỗi thi thoảng, trong ít lần ngủ không bị nó đánh thức, ông thật sự nhớ nó. Hồi đầu chẳng phải thế này đâu. Khi giấc mơ giày vò hàng tháng trời, Sebastian phát chán vì liên tục tỉnh giấc, chán vì chứng múa giật không ngớt vì sợ hãi và khó thở. Ông bắt đầu uống rượu mạnh trước khi ngủ. Cách giải quyết số một của những gã trung niên da trắng, có ăn học và đời sống tình cảm phức tạp. Được một dạo, ông tránh được ngủ mơ, nhưng chẳng mấy chốc tiềm thức nơi ông đã tìm cách vượt qua rào cản hơi cồn, nên ông phải uống rượu nhiều hơn và ngày càng sớm hơn vào buổi chiều, để phát huy tác dụng. Cuối cùng, Sebastian nhận ra mình đã thua. Ông bỏ cuộc ngay lập tức. Thế là, ông nghĩ mình sẽ sống chung với cơn đau này. Cứ từ từ. Sẽ khỏi thôi. Cũng không mấy tác dụng. Sau một khoảng thời gian cứ tỉnh giấc miết, ông bắt đầu tự dùng thuốc điều trị. Đây là điều ông đã tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ làm. Nhưng không phải lúc nào cũng giữ được lời hứa của mình – theo kinh nghiệm riêng, Sebastian biết điều này rõ hơn nhiều người – đặc biệt khi đang đối mặt với những vấn đề lớn lao thật sự. Đụng chuyện, ta phải linh hoạt hơn. Ông gọi cho vài bệnh nhân ít-thận-trọng thuở trước và phủi bụi xấp giấy kê toa của mình. Thỏa thuận rất đơn giản: ăn chia năm mươi-năm mươi. Tất nhiên, đám chức trách vào cuộc, muốn biết về lượng thuốc ông thình lình kê toa. Sebastian cố thanh minh với vài lời bịa đặt khôn khéo là "hành nghề trở lại”, và “thời kỳ mở đầu chuyên sâu" với “những bệnh nhân thay đổi liên tục", dù số bệnh nhân của ông tăng thêm thật nên những gì ông đang làm không được minh bạch lắm. Ban đầu, ông chủ yếu trung thành với thuốc ngủ Propavan, thuốc chống suy nhược Prozac và thuốc giảm đau Di-Gesic, nhưng phiền toái thay, nó chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, và thế là ông bắt đầu tim đến Dolcontin và các chất có thành phần morphine khác. Vụ cơ quan y tế chỉ là chuyện nhỏ trong các vấn để của ông. Ông biết cách xử lý. Hiệu quả thử nghiệm của ông là chuyện khác. Phải thừa nhận giấc mơ ấy đã biến mất. Nhưng cơn thèm ăn, hầu hết các bài giảng, và ham muốn tình dục của ông cũng ra đi – trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ và đáng sợ đối với Sebastian. Tuy vậy, tệ nhất là chứng buồn ngủ kinh niên. Làm như ông không còn nghĩ được gì cho ra hồn: các ý nghĩ tắt lịm nửa chừng. Cố lắm thì ông chỉ trò chuyện hàng ngày đơn giản thôi, chứ thảo luận hay tranh luận dài hơn là hoàn toàn quá tầm. Còn phân tích và kết luận thì vô phương. Đối với Sebastian, cuộc sống bấy lâu chỉ dựa vào nhận thức tư duy, điều căn bản của ý thức phản ánh suy nghĩ sắc bén, thì điều này quả thực kinh khủng. Sống một cuộc đời bị gây mê – phải, nó làm tê liệt cơn đau kia nhưng cũng làm u mê: cuộc sống, cho đến khi ông không còn cảm nhận được sự sắc bén kia nữa. Đó là lúc ông dừng lại. Ông hiểu rằng minh phải lựa chọn: sống với nỗi sợ hãi ấy nhưng giũ được khả năng suy nghĩ, hoặc chọn cuộc đời ngu si đần độn với những ý nghĩ nửa vời. Ông nhận ra dù có làm gì thì mình cũng sẽ ghét bỏ sự hiện hữu bản thân, nên ông chọn nỗi sợ và từ bỏ thuốc điều trị. Kể từ đó, ông không đụng đến cả rượu và thuốc. Thậm chí ông không dùng thuốc giảm đau dù nhức đầu. Nhưng ông mơ. Mỗi đêm. Tại sao ông lại nghĩ đến chuyện này, ông tự hỏi khi soi mình trong gương nhà tắm. Tại sao lại là lúc này? Nhiều năm qua giấc mơ đã là một phẩn đời ông. Ông đã nghiên cứu nó, phân tích nó. Thảo luận với bác sĩ điều trị của mình, ông đã chấp nhận nó. Học cách sống với nó. Thế thì tại sao lại là lúc này? Bởi Västerås, ông thầm nghĩ khi vắt chiếc khăn lên và rời nhà tắm, trần truồng như nhộng. Hết thảy vì Västerås. Västerås và mẹ ông. Nhưng hôm nay ông sẽ khép lại chương đó của đời mình. Mãi mãi. Có lẽ hôm nay đúng là một ngày tốt lành. Đây là ngày tuyệt vời nhất mà lâu lắm rồi Joakim mới có được, lúc nó đứng trong rừng, bên ngoài Listakärr, và thậm chí càng tuyệt hơn khi nó được chọn là một trong ba đứa nhận lệnh trực tiếp từ viên cảnh sát vừa mới đến bảo tụi nó đi đâu và làm gì. Làm hướng đạo sinh thường khá nhạt nhẽo, nhưng bất thình lình lại biến thành một cuộc phiêu lưu thật sự. Joakim liếc trộm viên cảnh sát đứng trước mặt mình, đặc biệt ở khẩu súng của hắn, và quyết định một ngày nào đó mình sẽ làm cảnh sát. Bộ đồng phục và khẩu súng. Cũng giống hướng đạo sinh, nhưng cao cấp hơn hẳn. Và Chúa biết là cần phải vậy. Thật ra mà nói, Joakim không nghĩ làm hướng đạo sinh là điều thú vị nhất trần đời. Hết rồi. Nó vừa tròn mười bốn, và trò sinh hoạt ngoại khóa nó hằng yêu thích từ năm sáu tuổi đang bắt đầu trở nên dở òm. Bùa mê đã giải. Cuộc sống ngoài trời, sự sinh tồn, động vật, thiên nhiên. Nó nào nghĩ chuyện đó không còn thú vị, cho dù tất cả bọn con trai còn lại trong lớp đều nghĩ như thế. Chẳng phải vậy đâu – chỉ vì bây giờ nó cảm thấy trò này cũ rích, cho xin đi, hồi đó còn thấy hấp dẫn, chứ giờ thì khác rồi. Phải là gì đó thực tế kia. Có lẽ Tommy, huynh trưởng của tụi nó, biết chuyện này. Có lẽ đó là lý do lúc họ đến Listakärr, anh ta lên chỗ cảnh sát và lính tráng, hỏi xem có chuyện gì. Có lẽ đó là lý do anh ta đề nghị để cho minh và đội giúp đỡ. Dù là lý do gì, thì viên cảnh sát – tên hắn là Haraldsson – nghĩ mọi sự đã rồi, và sau một hồi đắn đo, hắn đi đến kết luận rằng chẳng hại ai khi có thêm chín cặp mắt trong rừng. Khu vực tìm kiếm riêng của họ thậm chí còn được thu hẹp lại. Viên cảnh sát đã yêu cầu Tommy chia cả bọn thành nhóm ba người, mỗi nhóm chọn người chỉ huy, và cử trưởng nhóm đến gặp hắn để nghe chỉ thị. Joakim cảm giác như mình trúng số. Nó ở cùng nhóm với Emma và Alice, hai con nhỏ xinh xắn nhất trong đội hướng đạo sinh. Và nó được chọn làm nhóm trưởng. Joakim trở lại chỗ hai con nhỏ đang đợi mình. Haraldsson rất thờ ơ và lỗ mãng, hệt như bọn thám tử trong các cuốn phim về Martin Beck. Còn Joakim lại cảm thấy khá nghiêm trọng. Nó đã hình dung ra phần ngày tuyệt vời còn lại sẽ hóa ra thế nào. Nó sẽ tìm thấy thằng nhỏ mất tích, thương tích trầm trọng. Thằng kia sẽ ngước nhìn Joakim với vẻ van nài chỉ có ở những kẻ sắp chết; nó quá yếu không thể thốt thành tiếng, nhưng cặp mắt nói lên tất cả. Joakim sẽ bế thốc thằng kia lên và đem lại chỗ mọi người, hệt như trong các bộ phim. Mọi người sẽ trông thấy nó, mỉm cười với nó, hoan hô, cổ vũ và mọi chuyện cuối cùng cũng kết thúc. Trở lại nhóm, Joakim tổ chức đội ngũ sao cho Emma ở bên trái và Alice ở phía còn lại. Haraldsson đã lệnh nghiêm ngặt là phải giữ đội hình, và Joakim nhìn hai con nhỏ đầy nghiêm nghị, và bảo chúng rằng đi cùng nhau rất quan trọng. Đã đến lúc tiến lên vị thế mới. Sau những gì mang cảm giác vô tận, Haraldsson ra hiệu cho chúng, và cuối cùng đội tìm kiếm bắt đầu di chuyển. Joakim sớm nhận ra rất khó để giữ đội hình với nhau, cho dù chỉ có ba nhóm, với ba người mỗi nhóm. Đặc biệt khi chúng tiến sâu hơn vào rừng, và đầm lầy buộc chúng hết lần này đến lần khác phải đi đường vòng, cách xa con đường được vạch sẵn. Một nhóm thấy khó đuổi kịp; nhóm kia lại không chịu chậm chân, và chẳng mấy chốc mất dạng sau những mô đất. Đúng như Haraldsson đã nói. Thậm chí Joakim còn ấn tượng với hắn hơn. Dường như hắn biết tất. Joakim mỉm cười với hai đứa con gái và bắt chúng lặp lại mấy lời dặn cuối cùng của Haraldsson. “Nếu phát hiện ra bất cứ thứ gì, mọi người nhớ la to lên “Tìm thấy rồi!” Emma gật đầu khó chịu. “Cậu đã nói câu này cả ngàn lần rồi đấy.” Joakim không để mình nhụt chí trước phản ứng của con nhỏ. Bị ánh mặt trời chiếu vào mắt, nó lê bước khó nhọc, cố duy trì khoảng cách và hàng lối, mặc dù mọi thứ càng lúc càng trở nên khó khăn. Và nó không còn nhìn thấy nhóm của Lasse nữa, chỉ mới đây còn đi chênh chếch về bên trái tụi nó. Sau nửa giờ, Emma muốn nghỉ chân. Joakim cố giải thích cho con nhỏ hiểu rằng chúng không thể nào dừng lại. chúng sẽ bị bỏ lại phía sau và lạc mất những người khác. “Những người nào cơ?” Alice cười ẩn ý, nói. Joakim nhận ra tụi nó chẳng còn thấy những người khác lâu rồi. “Nghe đâu như họ đang ở đằng sau tụi mình á.” Chúng im lặng, lắng nghe kỹ càng thêm chút nữa. Những âm thanh mờ nhạt ở phía xa. Ai đó đang thét. “Không được rồi, tụi mình phải đi tiếp thôi,” Joakim nói, cho dù trong thâm tâm, nó cảm nhận có lẽ Alice đúng. Tụi nó đã đi quá nhanh. Hoặc là đi sai hướng. “Thế thì cậu đi một mình nhé," Emma trả lời với vẻ giận dữ. Trong phút chốc, Joakim cảm thấy mình đang mất uy trong nhóm, và Emma đang vuột khỏi kẽ tay nó. Nửa giờ qua con nhỏ đã thật sự nhìn nó đầy ngưỡng mộ. Joakim đột nhiên đổ mồ hôi, và không chỉ vì đồ lót của nó quá nóng. Nó hối thúc cả nhóm là để gây ấn tượng với cô, cô không nhìn thấy sao? Và giờ đây cô lại hành động như thể tất cả đều là lỗi của nó vậy. “Cậu đói không?” Alice cắt ngang dòng suy nghĩ của Joakim. Con bé đã lấy một gói bánh cuộn ra khỏi ba-lô. “Không,” nó trả lời hơi vội vàng trước khi nhận ra mình đói thật sự. Nó bỏ đi và trèo lên trên một mô đất để trông như mình đã có sẵn kế hoạch. Emma nhận lấy một cuốn bánh mềm với vẻ biết ơn, hoàn toàn tảng lờ bộ dạng ra vẻ nghiêm trọng của Joakim. Joakim quyết định mình cần phải thay đổi chiến thuật. Nó hít một hơi thật sâu, để không khí trong lành của khu rừng tràn vào hai lá phổi. Bầu trời kéo mây, mặt trời đã biến mất, và cuốn theo hứa hẹn về một ngày hoàn hảo. Nó quay lại chỗ hai đứa con gái. Quyết định dịu giọng. “Thực ra tớ muốn một chiếc sandwich nếu cậu vẫn còn," nó nói thân mật hết mức. “Tất nhiên rồi,” Alice đáp, rồi lôi ra một cuốn bánh cho nó. Con nhỏ mỉm cười với nó, và Joakim nhận thấy chiến thuật này quả thật hiệu quả hơn. “Tớ muốn biết bọn mình đang ở đâu,” Emma nói, rồi lấy tấm bản đồ nhỏ ra khỏi túi. chúng túm tụm quanh đó, cố tìm ra vị trí của mình. Khó nhằn đây: địa hình không có đặc trưng phân biệt rõ ràng, chỉ là các cồn nhỏ, rừng và mặt đất lầy lội nhường chỗ cho nhau. Nhưng cuối cùng, chúng biết nơi mình đã khởi hành và phỏng chừng được hướng mình đã di chuyển. “Chủ yếu là men theo hướng Bắc, nên có lẽ tụi mình đang ở chỗ này,” Emma đề nghị. Joakim gật đầu; nó thấy ấn tượng. Emma thật nhanh trí. “Bọn mình nên đi tiếp hay đợi mọi người nhỉ?” Alice thắc mắc. "Tớ nghĩ chúng ta nên đi tiếp,” Joakim trả lời nhanh, rồi nói thêm, “trừ phi cậu muốn đợi?” Nó nhìn hai đứa con gái – Emma có đôi mắt xanh biển sáng ngời và khuôn mặt mềm mại, Alice lại sở hữu những nét hơi góc cạnh hơn. Cả hai đều xinh đẹp, nó thầm nghĩ, rồi đột nhiên ước rằng hai đứa con gái sẽ đề nghị đợi những người còn lại. Và phải lâu, lâu lắm những người đó mới đến được đây. “Tớ cũng nghĩ bọn mình nên đi tiếp. Nếu chúng ta đang ở đây, thì cách không xa chỗ mọi người hẹn gặp đâu,” Emma chỉ vào tấm bản đổ nói. “Phải, cậu nói đúng, nhưng mọi người đang ở đằng sau, nên tụi mình đợi họ đi,” Joakim đánh bạo. "Tớ tưởng cậu muốn đến đó trước tiên chứ. Cậu tài lanh lắm mà,” Alice nói. Hai con nhỏ cười lởn, và Joakim nhận ra mình cũng nên cười với hai người đẹp. Nó huých Alice. “Cậu thì không nhanh nhảu nhỉ.” Chúng bắt đầu rượt đuổi nhau. Thoạt đầu, chúng chạy bừa giữa các ao nước nhưng sau khi Emma trượt chân ngã vào một cái ao, chúng định bụng làm cho hai đứa bạn mình cũng ướt càng nhiều càng tốt. Màn nghỉ ngơi tuyệt vời từ cuộc tìm kiếm khá nhàm chán, và đó đúng là thứ Joakim đang cần. Nó đuổi theo Emma và chẳng mấy chốc chộp được cánh tay con nhỏ. Con bé giằng ra và cố bỏ chạy, nhưng chân trái con nhỏ lại vấp phải rễ cây nhô lên, thế là mất thăng bằng. Trong tíc tắc, nom Emma sẽ đứng vững lại được, nhưng khu vực xung quanh ao bùn lầy trơn trợt quá, và con nhỏ trợt té, nước lên tới thắt lưng. Joakim cười nhưng Emma lại đang thét lên. Nó im bặt và chạy về phía con bé. Thậm chí đứa con gái còn thét to hơn nữa. Lạ lùng thật – Joakim nghĩ bụng. Chắn chắn không tệ đến thế đâu. Chỉ có chút nước thôi mà. Rồi nó nhìn thấy cái thi thể tái nhợt trồi lên, cách chỗ Emma không xa. Cứ như thi thể đã nằm sẵn dưới mặt nước, đợi nạn nhân của mình. Thế là chấm hết trò chơi ngây thơ và trẻ con của bọn nhỏ. Giờ thì không còn gì ngoài cơn choáng váng và hoảng loạn. Emma nôn thốc nôn tháo; Alice bắt đầu nức nở. Joakim chết sững, chăm chăm nhìn vào hình ảnh sẽ theo mình suốt phần đời còn lại. Haraldsson đang lim dim ngủ trên giường. Jenny nằm kế bên, lòng bàn chân đặt trên nệm, kê dưới mông một chiếc gối. Cô không muốn mọỉ thứ chảy ra ngoài. “Tốt nhất chúng ta nên làm rốt ráo, rồi làm thêm lần nữa trước khi em phải quay lại chỗ làm.” Làm rốt ráo. Còn cách ăn nói nào chán ngấy hơn không? Haraldsson tự hỏi. Nhưng xong xuôi hết cả rồi, họ đã làm rốt ráo và Haraldsson đang lim dim ngủ. Đâu đó có tiếng nhạc Abba. “Reng Reng.” “Điện thoại của anh kìa." Jenny thúc vào hông hắn. Haraldsson tỉnh dậy, nhận thức rõ rằng mình không nên ở trên giường với vợ. Hắn vớ lấy cái quần dưới sàn và rút ra chiếc điện thoại di động. Hanser. Còn ai vào đầy nữa. Hắn hít một hơi sâu rồi bắt máy. Lần này là năm từ. “Anh ở xó xỉnh nào?” Hanser tức tối ngắt điện thoại. Trật mắt cá chân. Láo toét. Cô nảy ra ý hay là lái xe vào bệnh viện, hoặc ít ra là cử một xe đến đó, để thấy tên khốn kia nói dối. Nhưng cô không có thời gian. Bỗng dưng cô lãnh vụ điều tra giết người. Rõ là dở hơi khi kẻ phụ trách đội tìm kiếm ở Listakärr không có mặt ở hiện trường, hay hắn sung nhóm hưởng đạo sinh chưa đủ tuổi vào đội tìm kiếm. Giờ đây cô phải sắp xếp đưa đám nhóc ấy đi tư vấn tâm lý, khi một đứa trong bọn té xuống ao nước và đứng dậy lôi một xác chết lên. Hanser lắc đầu. Mọi thứ liên quan đến vụ mất tích đều đi sai hướng. Mọi thứ. Không được phạm thêm sai lầm nào nữa. Kể từ giờ, họ phải làm cho đúng. Phải chuyên nghiệp. Cô nhìn vào chiếc điện thoại, vẫn còn trong tay. Cô nảy ra một ý. chuyện lớn đây. Hãy còn sớm quá, nhiều người sẽ nghĩ vậy. Có thể việc đó hạ thấp vai trò lãnh đạo của cô. Nhưng từ lâu, cô đã tự hứa với bản thân rằng sẽ chẳng bao giờ chùn lòng trước quyết định khó khăn. Vố này quá nặng. Một thằng bé chết. Bị giết. Đã đến lúc làm việc với những người giỏi nhất. "Sếp có điện thoại," Vanja thò đầu vào cửa phòng Torkel Höglund, nói. Văn phòng của ông, cũng như mọi thứ về ông, đều đơn giản và gọn ghẽ. Không cầu kỳ, xa hoa, thậm chí chẳng có thứ gì riêng tư. Với nội thất xuất xứ từ một kho chứa đồ cũ nào đó, có cảm giác đây là văn phòng của một ông hiệu trưởng tại thị trấn nhỏ kẹt tiền hơn là của một trong những cảnh sát trưởng cấp cao nhất Thụy Điển. Vài đồng nghiệp của ông thấy lạ là người phụ trách đơn vị chống tội phạm giết người quốc gia, tên Riksmord, lại không muốn cho cả thế giới thấy ông đã làm được những gì. Số khác lại lý giải kiểu khác, kết luận rằng thành công của bản thân đã không khiến ông tự mãn. Sự thật thì đơn giản hơn: Torkel không có thời gian rảnh. Công việc đôi hỏi khắt khe; ông luôn phải đi khắp đất nước, và ông không thuộc tip người muốn tiêu thời gian rảnh vào trò làm đẹp một văn phòng mà ông hiếm khi dùng đến. “Từ Västerås,” Vanja nói, rồi ngồi xuống đối diện ông. "Thằng bé mười sáu tuổi bị sát hại." Torkel nhìn Vanja đang yên vị. Rõ ràng, ông sẽ không nhận cuộc gọi này một mình, ông gật đầu và bắt máy. Kể từ lần ly hôn thứ hai, cứ như thể các cuộc gọi đều không là gì khác ngoài những cái chết đột ngột. Đã hơn ba năm rồi kể từ lúc còn ai đó muốn biết ông có về nhà ăn tối đúng giờ không, hay bất kỳ thứ gì khác đời thường một cách rất cao cả. Ông nhận ra cái tên: Kerstin Hanser, người đứng đầu trụ sở cảnh sát ở Västerås. Ông biết cô trong một khóa huấn luyện mấy năm trước. Một người tử tế và chắc chắn là một sếp giỏi, lúc đó ông nghĩ như vậy, và ông nhớ mình đã vui mừng khi hay tin cô được thăng chức. Giờ đây, giọng cô nghe có vẻ căng thẳng và mệt mỏi. “Tôi cần ông giúp. Tôi vừa quyết định nhờ đến Riksmord, và tôi thật sự cảm kích nếu ông chịu đến đây. Được không, thưa ông?" Giọng cô gần như cầu xin. Trong giây lát, Torkel tìm cách tránh né câu hỏi. Ông và đội của mình mới trở về từ cuộc điều tra khó chịu ở Linköping, nhưng ông nhận ra rằng nếu Kerstin Hanser đã gọi cho ông, đó là vì cô thật sự cần giúp đỡ. “Chúng tôi sai lầm trong vụ này từ đầu. Lỡ đâu toàn bộ chuyện này sẽ làm bẽ mặt chúng tôi mất, nên tôi rất cần ông giúp cho," cô nói như đã bắt được vẻ do dự của ông. "Vụ này thế nào vậy?” “Một thằng bé mười sáu tuổi. Mất tích một tuần. Phát hiện đã chết. Bị giết. Rất tàn nhẫn.” "Nếu cô gửi e-mail cho tôi toàn bộ hồ sơ, tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng,” Torkel đáp, rồi nhìn Vanja, đã đến chỗ chiếc điện thoại khác và nhấc ống nghe lên. "Billy, anh đến phòng Torkel được không? chúng ta vừa có nhiệm vụ,” cô nói trước khi gác máy. Cứ y như rằng cô đã thấy trước phản ứng sau cùng của Torkel. Hình như cô luôn biết thế. Torkel vừa cảm thấy tự hào, vừa hơi bực. Vanja Lithner là trợ thủ đắc lực của ông trong đội. Vừa bước sang tuổi ba mươi, nhưng dẫu trẻ tuổi, trong hai năm làm việc với ông, cô đã tiến bộ trở thành nhà điều tra tội phạm giết người rất cừ – ông thấy cô gần như là siêu sao. Giá như ông cũng giỏi như vậy hồi bằng tuổi cô. Ông mỉm cười với cô khi kết thúc cuộc nói chuyện với Kerstin Hanser. “Tôi vẫn còn là sếp ở đây đấy nhé," ông bắt đầu. “Tôi biết mà, tôi sẽ triệu tập cả đội lại để ông lấy ý kiến. Sau đó là quyết định của ông, như mọi khi thôi,” cô nói, mắt sáng lên. “Ồ vâng, cô làm như tôi còn lựa chọn nào khác một khi cô nhúng tay vào,” ông đáp lại rồi đứng lên. “Có lẽ tôi cũng nên bắt đầu thu xếp hành lý đây – chúng ta đi Västerås thôi." Billy Rosé đang lái xe tải lên cao tốc E18. Xé gió như mọi khi. Từ lâu Torkel đã thôi ý kiến về chuyện này. Thay vào đó, ông tập trung vào hồ sơ thằng bé bị sát hại, Roger Eriksson. Báo cáo khá ngắn gọn và rời rạc, và Thomas Haraldsson, điều tra viên dường như không phải kiểu người nỗ lực hết mình. Chắc họ sẽ phải bắt đầu mọi thứ lại từ đầu. Torkel biết chính xác đây là kiểu vụ án các tờ báo lá cải thích lên bài. Nguyên nhân sơ bộ của cái chết – kèm vị trí phát hiện thi thể – cho thấy đây là vụ hành hung dã man, vô số vết đâm vào tim và phổi, chẳng nói lên được gì cả. Tuy nhiên đó không phải là điều làm Torkel bận tâm nhất, chính là câu ngắn gọn cuối cùng trong bản cáo báo, lời của nhà nghiên cứu bệnh học tại hiện trường. Khám nghiệm bước đầu cho thấy phần lớn tim bị mất. Torkel hướng mắt ra ngoài cửa sổ, về phía các hàng cây đang lướt qua. Ai đó đã lấy quả tim. Lạy trời cho thằng bé không phải là dân cuồng rock nặng, hay game thủ World of Warcraft. Nếu vậy thì suy đoán của báo chí sẽ ngu xuẩn lắm. Ngu xuẩn hơn mọi ngày, ông tự chỉnh mình. Vanja ngẩng lên sau khi đọc tài liệu. Có lẽ cô vừa nhìn thấy câu ấy. “Chắc chúng ta nên mang Ursula vào cuộc," cô nói, rồi đọc suy nghĩ của ông như thường lệ. Torkel gật đầu gọn lỏn. Billy xoay sang. “Chúng ta có địa chỉ không sếp?” Torkel đưa địa chỉ cho Billy và anh nhanh chóng nhập vào hệ thống định vị toàn cầu GPS. Torkel không mấy ưng Billy làm chuyện khác trong lúc lái xe, nhưng ít nhất anh đã giảm tốc độ khi gõ vào khung đích đến. Là một địa chỉ nào đó. “Ba mươi phút nữa." Billy nhấn chân và chiếc xe tải phản ứng. “Chúng ta có thể đến đó trong vòng hai mươi phút, còn tùy vào giao thông." “Ba mươi phút được rồi. Tôi luôn thấy khó chịu khi chúng ta vượt qua rào cản âm thanh.” Bill biết chính xác Torkel nghĩ gì về tay lái của mình, nhưng anh chỉ mỉm cười với sếp qua gương chiếu hậu. Đường sá tốt, xe xịn, tài xế giỏi. Sao lại không tận dụng hết cỡ cơ chứ? Thậm chí anh còn tăng tốc. Torkel lấy điện thoại gọi cho Ursula. Chương bốn TÀU RỜI Ga Trung Tâm Stockholm hồi 4:07 chiều. Sebastian ngồi ở toa hạng nhất, ông tựa lưng vào ghế và nhắm nghiền mắt lại khi họ rời thành phố. Trước kia trên các chuyến tàu, Sebastian chẳng tài nào thức nổi. Ấy vậy mà giờ đây, dẫu cho cơ thể cứ rù rì rằng chỉ cần chợp mắt một tiếng thôi sẽ đã lắm, ông vẫn chẳng thiết ngơi đầu óc. Thế là ông lôi bức thư của người chủ trì tang lễ ra, mở đọc. Ông biết rõ bức thư ấy nói gì. Một trong những đồng nghiệp cũ của mẹ ông đã gọi điện báo tin mẹ ông qua đời. Một cách bình lặng và trang nghiêm, bà ta nói. Bình lặng và trang nghiêm – cuộc đời của mẹ ông tóm gọn trong mấy chữ ấy. Có gì hay ho chứ, chí ít là không nếu tên là Sebastian Bergman; không, đối với ông, đời là một cuộc chiến từ đầu đến cuối. Những ai bình lặng và trang nghiêm chẳng có chỗ trong thế giới của ông. Buồn tẻ và nhạt nhẽo làm sao – ông thường gọi họ như thế. Những kẻ gần đất xa trời. Ông chẳng biết đời mình sẽ hóa ra thế nào nếu ông cũng bình lặng và trang nghiêm? Chắc đỡ hơn. Bớt đau khổ. Chí ít, đó là điều lão Stefan Hammarström, bác sĩ điều trị của Sebastian đã cố thuyết phục ông. Trong lần điều trị vừa rồi, họ đã thảo luận về chuyện này khi Sebastian đề cập đến việc mẹ ông đã qua đời. “Giống người khác thì có gì đáng sợ?" Stefan đã hỏi như vậy lúc Sebastian huỵch tẹt suy nghĩ của mình về “bình lặng và trang nghiêm”. “Đáng sợ quá đi chứ,” Sebastian đáp lại. “Chết chứ đùa. Hiển nhiên rồi." Rồi họ dành gần cả tiếng thảo luận về phẩm chất di truyền ở người, chủ đề ruột của Sebastian. Phần từ chính cuộc sống riêng, phẩn từ các nghiên cứu của mình về những tên giết người hàng loạt, ông sớm nhận thấy tầm quan trọng của mối sợ là động lực. Ông giải thích với nhà trị liệu là giết người hàng loạt có hai động lực thật sự: tưởng tượng và sợ hãi. Tưởng tượng là cỗ máy kêu rền: cứ sẵn đó, nhưng chỉ chạy không tải. Hầu như ai cũng có trí tưởng tượng. Ám muội, nhục dục, hung hãn luôn khẳng định cái tôi, sẵn sàng phá hủy bất cứ thứ gì, hay bất kỳ ai đang án ngữ. Trong thế giới tưởng tượng ấy, chúng ta thật mạnh mẽ. Ít có người sống ngoài thế giới tưởng tượng, chỉ những ai tìm thấy chìa khóa thôi. Sợ hãi. Sợ bị bắt quả tang. Sợ đụng đến điều kiêng kị. Đúng lúc đó, adrenaline và endorphin phóng ra, miễn sao bộ tăng áp động cơ – nhiên liệu, cú nổ làm máy chạy đạt tới đỉnh điểm. Đó là lý do kẻ tìm kiếm cảm giác hồi hộp luôn săn tìm cảm giác hồi hộp mới, kẻ giết người hàng loạt lại trở nên giết người hàng loạt. Khó mà trở về chế độ chạy không tải, một khi đã rồ cỗ máy kia. Cảm nhận sức mạnh. Phát hiện ra thư khiến mình sống. Sợ hãi. “Anh đang nói đến mối sợ à? Phấn khích ấy chứ?” Stefan nhoài tới lúc Sebastian im lặng. “Bộ chúng ta đang học ngôn ngữ sao?" “Thì anh đang lên lớp đấy thôi." Rót ly nước từ chiếc bình đặt trên bàn kế mình, Stefan đưa cho Sebastian. “Mà anh cũng từng được trả tiền, thay vì phải mất tiền cho việc này còn gì?” “Tôi bỏ tiền để anh nghe tôi. Nghe bất cứ điều gì tôi nói.” Stefan mỉm cười rồi lắc đầu. “Không hề, anh biết rõ vì sao anh bỏ tiền cho tôi. Anh cần giúp đỡ, và những thư lạc đề vụn vặt này khiến chúng ta không còn nhiều thì giờ để thảo hiện về những thứ thật sự cần thiết.” Sebastian chẳng buồn đáp lại. Nét mặt cũng chẳng mảy may thay đổi. Ông mến Stefan. Không tào lao. “Trở lại chuyện của mẹ anh đi nào. Đám tang của bà khi nào?” “Xong xuôi hết rồi.” “Anh ở đó chứ?” “Không.” “Sao lại thế?” "Vì tôi nghĩ nó nên là buổi lễ dành cho những ai thật sự quý mến bà ta.” Stefan lặng nhìn ông vài giây. "Đó, anh thấy chưa – chúng ta có quá trời thứ để thảo luận.” Phong cảnh đẹp hút hồn trải dài bên ngoài toa hành khách lắc lư. Con tàu tiến về phía trước, băng qua những đồng cỏ và cánh rừng xanh tươi ở Tây Bắc Stockholm. Thoáng qua đám cây, hồ Mälaren hiện ra với tất cả vẻ huy hoàng lấp lánh. Đối với bất cứ hành khách nào khác, hẳn điều này đã khuấy động tâm trí họ về khả năng ở đời. Còn Sebastian thì hoàn toàn ngược lại. Ông chẳng thấy triển vọng gì trong cái đẹp quanh mình. Đâm ra ông nhìn chăm chú lên trần. Đời ông là chuỗi ngày trốn chạy khỏi gia đình. Cha là người bất hòa với ông từ khi ông còn niên thiếu, và mẹ, một người phụ nữ bình lặng và trang nghiêm nhưng chẳng bao giờ đứng về phía ông. Chẳng bao giờ đứng về phía ông. Ông cảm thấy vậy. Trong giây lát, mắt Sebastian ngấn lệ. Những năm gần đây, đó là điều biến đổi. Nước mắt. Thật lạ lùng, ông nghĩ, từng tuổi này, mình lại phải phát hiện ra thứ đơn giản như nước mắt. Mủi lòng. Chẳng ăn nhập gì. Toàn mấy thứ ông chẳng bao giờ mong muốn, ông trở lại với thứ duy nhất ông biết có khả năng làm tê liệt mọi cảm xúc của mình: đàn bà. Sebastian thất hứa thêm lần nữa. Từ lúc gặp Lily, ông đã cư xử đúng mực và thề chung thủy với nàng. Nhưng với giấc mơ bào mòn ông, ám ảnh ông từng đêm và nỗi trống trải, chuỗi ngày vô nghĩa, ông không nhìn ra lối thoát nào khác. Săn tìm những cuộc chinh phục mới, và vài giờ ngắn ngủi bên những phụ nữ khác nhau đã choán hết đời ông, và tâm trí ông cố thoát khỏi thứ cảm giác bất lực – ít ra cũng được một lúc. Là đàn ông, nhân tình, gã hám dục luôn săn lùng phụ nữ, ông mới thật sự hữu dụng. Dẫu sao, đây là kỹ năng còn sót lại của ông. Nó khiến ông mừng đó, rồi lại lo đó. Trên thực tế, ông vẫn là chính mình đấy thôi. Một gã cô độc lấp đầy quỹ thời gian của mình với đủ già, trẻ, sinh viên, đồng nghiệp, chồng con hay chưa, ông chẳng phân biệt đối xử với bất cứ ai. Chỉ mỗi nguyên tắc: nàng sẽ thuộc về mình. Nàng sẽ cho thấy ông nào có vô dụng, ông hãy còn sờ sờ ra đó. Ông biết rõ hành vi của mình tiêu cực đến dường nào, nhưng ông đón nhận nó, và chẳng màng đến chuyện một ngày phải tìm lối thoát cho chính minh. Ông bắt đầu rà mắt quanh toa hành khách. Người ngồi áng chừng nửa toa. Không xa lắm, đập vào mắt ông là một phụ nữ da ngăm. Trạc bốn mươi, khoác chiếc áo choàng màu xanh xám, đôi khoen tai vàng đắt tiền. Không đến nỗi nào nhỉ, ông trộm nghĩ. Nàng đang đọc sách. Tuyệt cú mèo – tình trường mách bảo ông rằng phụ nữ ở tuổi bốn mươi mà đọc sách thì tỉ lệ thành công rơi vào một phần ba. Còn phụ thuộc vào việc họ đang đọc thứ gì, mà dẫu thế... ông đứng dậy và bước đến chỗ nàng. "Tôi chỉ tiện chân đi đến quầy giải khát – không biết tôi có thể mua cho em chút gì không?” Ánh mắt đầy nghi vấn, người phụ nữ ngẩng đầu lên khỏi cuốn sách. Không dám chắc ông đang nói chuyện vơi mình. Nhưng rõ ràng như thế, nàng hiểu ra khi bắt gặp ánh mắt ông. "Không, cảm ơn, tôi ổn.” Nàng trở lại với cuốn sách của mình. “Em chắc chứ? chỉ một tách cà-phê cũng không sao?” “Không, cảm ơn.” Nàng thậm chí chẳng buồn ngước lên. “Còn trà? Hay sô-cô-la nóng thì sao nhỉ?” Lần này cô rời mắt khỏi cuốn sách, nhìn lên Sebastian đầy bực dọc. Sebastian tặng lại nàng nụ cười chính hiệu của mình. “Mấy ngày này, thậm chí em còn gọi được rượu vang nữa, nhưng chắc còn quá sớm phải không nào?” Người phụ nữ kia chẳng màng đáp lại. “Chắc em đang thắc mắc sao tôi lại mời em," Sebastian tiếp tục. “Tôi nào có lựa chọn khác chứ. Tôi cảm giác bổn phận của mình là phải giải cứu em khỏi cuốn sách kia. Tôi đọc nó rồi. Một ngày nào đó, em sẽ biết ơn tôi đấy." Người phụ nữ ngước lên và bắt gặp ánh mắt của ông. Sebastian mỉm cười. Người phụ nữ cười đáp lại. “Vậy một tách cà-phê nhé. Đen, không đường.” “Có ngay." Sebastian nở nụ cười rạng rỡ, nụ cười ấy lớn dần lúc ông đi dọc toa tàu. Rốt cuộc, chuyến đi đến Västerås chẳng đến nỗi tẻ nhạt. Đồn cảnh sát Vâsterâs huyên náo với các hoạt động. Kerstin Hanser liếc nhìn đồng hồ, vẻ mặt khá căng thẳng. Cô phải đi. Chúa biết cô chẳng muốn chút nào. Cô dễ dàng đưa ra một trăm lẻ một thứ cô muốn làm hơn là đi đến nhà xác gặp Lena Eriksson. Nhưng chẳng có cách nào khác, cho dù họ chắc chắn một trăm phần trăm thằng bé họ tìm thấy là Roger Eriksson, nhưng người mẹ vẫn muốn nhìn thấy nó. Hanser đã khuyên không nên, nhưng Lena Eriksson cố nài. Cô muốn nhìn mặt con mình. Hồi sớm, cuộc hẹn đã không diễn ra vì Lena hoãn lại hai lần. Hanser không biết vì sao. Mà cô cũng chẳng bận tâm. Cô chẳng mong nó diễn ra chút nào hết. Không, dẫu chỉ là có mặt thôi. Đây là phần việc cô ghét nhất, và cô cũng chẳng giỏi giang việc đó. Cô lảng tránh tình cảnh này càng nhiều càng tốt, nhưng dường như mọi người tin chắc cô giải quyết nó trơn tru hơn cả, bởi vì cô là phụ nữ. Rằng cô sẽ dễ dàng lựa lời an ủi hơn. Rằng người thân, gia quyến sẽ cảm thấy dễ chịu hơn với sự có mặt của cô, đơn giản chỉ vì giới tính của cô. Hanser thấy chuyện này vô lý hết sức. Cô biết phải nói gi đây. Cô biết bày tỏ lời chia buồn sâu sắc nhất, chẳng hạn choàng tay quanh người họ, cho họ mượn bờ vai để khóc, cho họ số điện thoại của ai đó để trò chuyện, bảo đảm lặp đi lặp lại với họ rằng cảnh sát sẽ làm hết sức để bắt kẻ đã gây ra cho họ quá nhiều đau khổ. Cô chắc chắn làm được tất cả những việc ấy, nhưng chủ yếu cũng chỉ đứng đó mà thôi. Ai mà chẳng làm được cơ chứ. Thậm chí, Hanser không nhớ nổi ai đã đại diện phía cảnh sát khi cô và chồng mình nhận diện ra Niklas. Đó là một gã đàn ông. Ông ấy cũng chỉ đứng đó mà thôi. Thật ra, cô có thể cử ai đó đi với Lena. Có lẽ, cô sẽ làm thế nếu cho đến nay, cuộc điều tra có tí chuyển biến nào. Bởi nó hãy còn giậm chân tại chỗ, cô nào dám liều. Báo chí đang giăng tai mắt khắp nơi. Dường như họ biết quả tim đã bị lấy đi. Chỉ còn vấn đề thời gian trước khi họ phát hiện thằng bé đã mất tích gần ba ngày trước khi cảnh sát bắt đầu tìm nó. Rồi cả chuyện các hướng đạo sinh bị sang chấn tâm lý trong rừng và chuyện “trật mắt cá nhân rất nặng” của Haraldsson. Tuy vậy, từ giờ trở đi, cuộc điều tra này sẽ hoàn toàn chẳng có gì để chỉ trích. Cô đoan chắc điều đó. Cô sẽ làm việc với những người giỏi nhất và nhanh chóng đẩy lùi vụ án kinh khủng kia. Kế hoạch là thế. Điện thoại reo. Quầy lễ tân. Đội Riksmord đang muốn gặp cô. Hanser liếc chiếc đồng hồ treo tường. Họ đến sớm hơn giờ hẹn. Mọi chuyện xảy đến cùng một lúc. Cô phải đi và cũng phải chào đón họ, chắc chắn rồi. Lena Eriksson chỉ phải đợi vài phút. Cũng chẳng đáng là bao. Hanser nhét áo vào quần, thẳng người lên, và đi về phía cầu thang dẫn xuống lối đi chính. Cô dừng lại ở cánh cửa khóa, ngăn quầy lễ tân với các khu bên trong đồn cảnh sát. Qua những vuông kính, cô nhìn thấy Torkel Höglund đang đi lại với vẻ điềm tĩnh, tay chắp sau lưng. Một thanh niên và một phụ nữ đang ngồi trên bộ ghế xô-pha màu lục, cạnh cửa sổ nhìn ra đường. Cả hai đều trẻ hơn Hanser. Là đồng nghiệp của Torkel, cô đoán thế lúc nhấn bàn phím số và đẩy cánh cửa mở. Torkel ngoảnh lại khi nghe tiếng ổ khóa kêu lách cách, và mỉm cười lúc nhác thấy cô. Đột nhiên, Hanser cảm thấy hơi thiếu tự tin. Làm gì mới phải bây giờ? Ôm hay chỉ cần cái bắt tay ấm áp? Họ đã cùng tham gia một vài khóa huấn luyện, thỉnh thoảng ăn trưa với nhau, chạm mặt ở hành lang. Những bận tâm của Hanser chỉ bằng thừa. Torkel bước đến và trao cho cô cái ôm thân tình. Rồi ông quay sang hai đồng nghiệp, đã đứng lên khỏi ghế xô-pha tự bao giờ, và giới thiệu họ. Kerstin Hanser chào đón họ. “Xin lỗi mọi người, tôi đang khá vội. Tôi sắp đi đến nhà xác.” “Chỗ thằng bé à?" "Vâng." Hanser quay sang nhân viên lễ tân. “Haraldsson đâu?” "Chắc đang trên đường tơi đây. Tôi đã gọi ngay cho anh ta sau khi nói chuyện với cô.” Hanser gật đầu. Cô liếc nhìn đồng hồ lần nữa. Không thể quá trễ được. Cô đưa mắt nhìn Vanja và Billy nhưng lại quay sang Torkel khi nói chuyện. “Cho đến giờ, Haraldsson chỉ huy cuộc điều tra." “Vâng, tôi thấy tên anh ta trong tập tài liệu gửi cho chúng tôi.” Hanser hơi lúng túng. Giọng nói của Torkel có vẻ trịch thượng nào không? Nếu có, nét mặt của ông chẳng biểu lộ gì cả. Lần này, Haraldsson biến mất ở đâu nữa đây? Hanser sắp lấy điện thoại di động ra thì ổ khóa ở cánh cửa ban nãy kêu lách cách, rồi Haraldsson bước vào quầy lễ tân, khập khà khập khiễng. Hắn cố tình làm mất thì giờ mới tới được chỗ đồng nghiệp, và rồi bắt tay. "Anh bị sao thế?” Torkel ngó xuống bàn chân phải của Haraldsson. "Tôi bị bong gân lúc chỉ huy đội tìm kiếm đi tìm thằng bé. Đó là lý do khi họ tìm thấy nó tôi không có mặt." Lời sau cùng là để nhắm vào Hanser cùng cái liếc mắt. Cô chẳng tin tên này chút nào, hắn thừa biết điều đó. Thế nên, hãy nhớ khập khiễng cả những ngày sắp tới nữa nhé. Có dám chắc cô sẽ không liên hệ với bệnh viện không? Mà nếu làm thế, liệu họ có cho cô biết hắn đã ở đó hay không? Chuyện này còn tùy vào thỏa thuận bí mật của bệnh nhân, chủ lao động không được phép nhìn vào ghi chú của nhân viên mình. Mà có chắc không? Tốt nhất hắn nên kiểm tra lại với công đoàn. Tâm trí của Haraldsson rối bời đến nỗi trong giây lát hắn chẳng còn nghe được sếp mình nói gì. Giờ đây, hắn chỉ biết rằng cô đang nghiêm mặt nhìn hắn. “Torkel và đội của ông sẽ tiếp quản cuộc điều tra này.” “Từ cô sao?” Nom Haraldsson hết sức ngạc nhiên. Hắn nào ngờ đến chuyện này. Mọi thứ tiến triển rồi đây. Đây mới đúng là đội cảnh sát trinh thám, hệt như hắn vậy. Hiển nhiên, họ sẽ đánh giá cao năng lực của hắn hơn ả sếp luật sư bàn giấy. “Không, tôi vẫn chịu trách nhiệm sau cùng, nhưng từ giở trở đi, Riksmord sẽ chỉ đạo hoạt động điều tra.” “Làm việc với tôi hả?" Hanser thở dài với chính mình, và thầm cầu nguyện làn sóng tội phạm sẽ không đột nhiên quét qua Västerås. Chúng sẽ chẳng có cơ may đó đâu. Vanja nhìn Billy đầy thích thú. Torkel lắng nghe cuộc nói chuyện, vẻ mặt không biểu cảm. Khi dễ hay làm lực lượng địa phương bẽ mặt là cách tệ nhất để bắt đầu cuộc hợp tác. Torkel chẳng bao giờ làm thế để đánh dấu địa hạt của mình. Để khích lệ con người ta, có những cách hay hơn. "Không, họ sẽ phụ trách điều tra. Anh không phải lo vụ này.” "Nhưng tất nhiên, chúng tôi muốn làm việc phối hợp với anh,” Torkel ngắt lời, rồi nhìn Haraldsson một cách nghiêm túc. “Anh rành vụ này, mà biết đầu, nó trở thành mấu chốt cho thành công sắp tới của chúng tôi thì sao.” Vanja nhìn Torkel đầy ngưỡng mộ. Còn bản thân cô đã ký chuyển Haraldsson vào tập tài liệu TNL của mình: Thiếu Năng Lực, được phép nói, nhưng sau đó phải gạt ra ngoài cuộc điều tra càng xa càng tốt. “Vậy tôi sẽ làm việc với ông hả?” “Anh sẽ phối hợp với chúng tôi.” “Nghĩa là sao?" “Rồi anh sẽ biết thôi. Để bắt đầu, anh hãy kể cho chúng tôi nghe mọi thứ đã xảy ra cho đến nay, và chúng tôi sẽ bắt đầu từ đó.” Torkel đặt một tay lên vai Haraldsson và nhẹ nhàng hướng hắn bước về phía cửa. “Gặp lại cô sau nhé,” Torkel ngoái về phía Hanser, nói. Billy đến ghế xô-pha gom các túi hành lý; Vanja vẫn đứng đó. Cô thề rằng tên chỉ huy cuộc điều tra trước đây, đã đi những bước đầu tiên với Torkel mà không hề khập khiễng tí nào. Lena Eriksson nhét thêm viên kẹo thơm Läkerol vào miệng lúc ngồi chờ trong căn phòng nhỏ. Cô đã chôm hộp kẹo ở chỗ làm. Hôm qua. Kẹo nằm trên kệ, sát bên máy tính tiền. Mùi khuynh diệp, chẳng phải thứ cô thích, nhưng cô chỉ chộp lấy thứ gần nhất và nhét vào túi khi người ta đang đóng cửa hàng. Ngày hôm qua. Khi người ta thuyết phục rằng con trai cô hãy còn sống. Khi cô tin tên cảnh sát nói chuyện với mình một cách mù quáng, hắn bảo mọi dấu hiệu đều cho thấy Roger đã bỏ đi vì muốn vậy. Có thể là Stockholm. Hoặc nơi nào khác. Chuyến phượt của thằng nhóc thiếu niên ấy mà. Cũng hôm qua. Không chỉ là ngày khác, mà là cả thế giới hoàn toàn khác. Khi hy vọng vẫn tràn trề. Ấy vậy mà giờ đây, con trai cô đã ra đi mãi mãi. Bị giết chết. Người ta tìm thấy nó trong ao nước. Mất đi quả tim. Sau khi hay tin, cả ngày Lena chẳng rời khỏi căn hộ. Hồi sớm có hẹn với cảnh sát, nhưng cô đã gọi điện hoãn lại. Đến hai lần. Cô chẳng đứng lên nổi. Trong phút chốc, cô e rằng mình sẽ chẳng bao giờ còn sức lực để trụ trên đôi chân của mình nữa. cho nên, cô chỉ ngồi đó. Trên chiếc ghế bành. Trong phòng khách, nơi hai mẹ con ngày càng ít dành thời gian cho nhau. Cô cố nhớ lại lần cuối cùng họ ngồi đó với nhau. Xem một cuốn phim. Ăn uống. Chuyện trò. Và sống. Cô không tài nào nhớ nổi. Hẳn là sau khi Roger bắt đầu đi học ở cái trường kinh khủng kia. Chỉ sau vài tuần với đám trẻ hợm mình đó, nó đã thay đổi. Suốt năm rồi, họ đã sống tách biệt nhau ít nhiều. Báo chí cứ gọi cho cô suốt, nhưng cô chẳng muốn tiếp chuyện với bất cứ ai. Chưa đâu. Cuối cùng, cô rút đường dây điện thoại bàn và tắt nguồn điện thoại di động. Thì họ kéo đến trước bậc cửa nhà cô, la ó qua khe nhận thư, để lại lời nhắn trên tấm thảm ngoài tiền sảnh. Nhưng cô chẳng màng mở cửa. Cô không đứng lên khỏi chiếc ghế bành của mình. Cô cảm thấy hết sức kinh khủng. Cà-phê cô uống lúc tới đây đang chạy lên, chạy xuống nơi cổ họng hệt chiếc thang máy. Cô có ăn chút gì từ hôm qua giờ không nhỉ? Có lẽ không. Nhưng cô đã uống rất nhiều. Rượu. Cô chẳng mấy khi làm thế. Chẳng đụng đến rượu hàng tháng trời. Cô cực kỳ có chừng mực thế mà ai gặp cô cũng không mấy tin. Mái tóc được tẩy tại nhà, mà chân tóc hãy còn đen. Cân nặng. Lớp sơn bong tróc ở đầu các ngón tay múp míp có đeo nhẫn, xỏ khuyên. Sở thích quần thun nhung và áo phông ngoại cỡ. Lúc gặp Lena, hầu hết mọi người đều nhanh chóng định hình quan điểm về cô. Nói trắng ra là định kiến. Thiếu tiền trầm trọng. Bỏ học năm mười lăm. Mười bảy đã mang thai. Làm mẹ đơn thân. Công việc lương thấp. Nhưng lạm dụng rượu chè hay ma túy ư? Không hề. Tuy nhiên, hôm nay cô đã uống rượu, chỉ để ngăn chặn giọng thỏ thẻ trong tâm trí cô ngay sau khi hay tin về Roger, rồi khi ngày hôm đó trôi qua, giọng nói ấy mỗi lúc mỗi mạnh lên. Cái giọng thầm thì đó chẳng chịu buông tha cô. Dần dần Lena bị nhức đầu. Cô cần hít thở ít khí trời. Hút điếu thuốc. Cô đứng dậy, cầm túi xách lên, và đi về phía lối ra. Đôi giày cao gót mòn nhẵn nện trên nền đá dội lại thứ âm thanh chán chường. Gần đến lối ra thì cô nhác thấy một phụ nữ trạc bốn mươi lăm, đóng bộ vét, hối hả đi vào qua cửa quay. Người phụ nữ đó sải bước chủ ý về phía cô. “Lena Eriksson phải không nhỉ? Tôi là Kerstin Hanser, cảnh sát Västerås. Xin lỗi vì tôi trễ hẹn.” Họ lẳng lặng đi xuống bằng thang máy. Khi đến tầng hầm, Hanser mở cửa để Lena bước ra trước. Họ bước dọc hành lang đến khi gặp người đàn ông đầu hói, đeo mắt kính và mặc áo choàng trắng, ông dẫn họ vào căn phòng nhỏ hơn, được thắp sáng bằng bóng đèn huỳnh quang, và trơ trọi giữa sàn nhà là chiếc xe đẩy kim loại. Bên dưới tấm vải trắng là đường nét của một thi thể. Hanser và Lena bước lại gần chiếc xe đẩy, và ngươi đàn ông đầu hói đi vòng về phía bên kia. Ông nhìn Hanser, rồi cô gật đầu. Một cách cẩn thận, ông lật tấm vải che xuống, để lộ mặt và cổ của Roger Eriksson đến xương đòn. Lena nhìn trân vào chiếc xe đẩy trong khi Hanser tôn trọng lùi lại một bước. Cô không nghe thấy tiếng hít sâu hay tiếng khóc nghẹn ngào nào của người phụ nữ bên cạnh mình. Chẳng nức nở; mà cũng chẳng một bàn tay nào đưa lên miệng theo phản xạ. Chẳng gì hết. Hanser đã để ý thấy điều này ngay khi họ gặp nhau trong phòng chờ. Đôi mắt của Lena không đỏ hay sưng phồng lên vì khóc. Cô cũng chẳng trông mòn mỏi hay như thể đang cố giữ tỉnh táo. Coi bộ cô khá bình tĩnh. Nhưng Hanser đã ngửi thấy hơi rượu trong thang máy, được át bằng mùi khuynh diệp, cô đoán đây là lý do người mẹ không biểu lộ cảm xúc. Việc đó và cả cú sốc. Lena đứng bất động, nhìn xuống đứa con trai của mình. Cô đã trông chờ điều gì? Thật ra chẳng gì cả. Cô chẳng dám nghĩ đến chuyện nó sẽ trông như thế nào. Chẳng tài nào tưởng tượng nổi mình sẽ ra sao khi đứng đó. Khoảng thời gian ngập trong nước đã làm gì nó rồi? Nó hơi trương, chắc chắn thế. Cứ như bị một dạng dị ứng, còn lại cô cho rằng con trai mình trông vẫn như mọi hôm. Mái tóc đen; nước da trắng; đôi lông mày đen nổi bật; vệt râu mọc ở mé môi trên. Mắt nhắm nghiền. Không còn sự sống. Hiển nhiên rồi. “Tôi tưởng nó sẽ trông như đang ngủ chứ.” Hanser vẫn im lặng. Lena quay đầu về phía cô, như thể tìm lời xác nhận rằng mình không sai. “Chẳng giống như nó đang ngủ chút nào.” “Vâng. “Tôi đã nhìn thấy nó ngủ nhiều lần lắm. Đặc biệt hồi nó còn nhỏ. Ý tôi là nó chẳng cử động. Đôi mắt nhắm nghiền, nhưng..." Lena không nói hết câu. Thay vào đó, cô đưa tay sờ lấy Roger. Lạnh lẽo. Không sự sống. Cô áp tay lên má nó. “Tôi cũng mất đứa con trai của mình hổi nó mười bốn.” Lena vẫn để tay trên má của thằng bé, nhưng khẽ quay đầu về phía Hanser. “Ồ?” “Vâng...” Im lặng lần nữa. Tại sao cô lại nói chuyện đó cơ chứ? Hanser chẳng bao giờ đề cập chuyện đó cho bất kỳ ai trong một tình huống tương tự. Nhưng có điều gì đó ở người phụ nữ cạnh chiếc xe đẩy kia. Hanser cảm thấy Lena không cho phép mình đau lòng. Không được đau lòng. Có lẽ, cô không muốn như vậy. Cho nên, điều này giống như một lời an ủi. Một bàn tay chìa ra cho thấy Hanser thấu hiểu những gì Lena đang phải trải qua. “Cháu cũng bị người ta giết chết sao?” "Không." Hanser đột nhiên thấy mình ngu ngốc. Cứ như thể lời chia sẻ của mình là một kiểu so sánh đau khổ. Nhìn xem, tôi cũng đã mất ai đó cơ mà, vậy thì huề rồi nhé. Nhưng xem ra Lena chẳng có ý nghĩ đó. Cô quay lại nhìn đứa con trai của mình lần nữa. Nó là niềm tự hào duy nhất của cô suốt bao năm qua. Hay suốt chừng ấy năm, nó là thứ duy nhất cô có. Hết cả rồi. Tại bà phải không? Cái giọng thỏ thẻ trong đầu cô bắt đầu lên tiếng. Lena giật tay lại và lùi một bước. Cơn nhức đầu chẳng ngơi ngớt. "Tôi nghĩ mình muốn đi rồi.” Hanser gật đầu. Người đàn ông đầu hói kéo tấm vải lên khi cả hai người phụ nữ đi về phía cửa. Lena lấy một bao thuốc lá ra khỏi túi xách. “Chị có người để gọi điện không? Có lẽ chị không nên ở một mình." "Nhưng tôi đang như vậy. Giờ tôi đang ở một mình.” Lena rời khỏi căn phòng. Hanser chỉ đứng đó. Đúng như cô biết mình sẽ làm gì sau cùng. Phòng hội nghị của đồn cảnh sát Västerås hiện đại nhất trong cả tòa nhà. Đồ nội thất gỗ bạch dương màu nhạt mới được trang bị vài tuần. Tám chiếc ghế dựa quanh cái bàn hình ô-van. Giấy dán trên ba bức tường mang sắc lục nhẹ nhàng, giản dị và bức tường thứ tư là tấm bảng trắng, được kết hợp làm màn hình chiếu, ở góc nhà gần cửa đi nhất, công nghệ tân tiến nhất được kết nối với một chiếc máy chiếu trên trần nhà. ở giữa chiếc bàn của phòng hội nghị, một bảng điều khiển kiểm soát mọi thứ trong căn phòng. Ngay khi đặt chân lên tấm thảm xám bao phủ vừa vặn cả sàn nhà, Torkel quyết định đây sẽ là nơi làm việc của cả đội. Ông gom hết mấy tờ báo nằm trên mặt bàn được đánh véc-ni trước mặt, và trút hết nước trong chai. Cuộc họp xét lại tiến độ điều tra cho đến nay, đã ít nhiều vượt xa những gì ông dự đoán. Lời giải trình của Haraldsson khiến mọi người ngạc nhiên hai lần. Lần thứ nhất là lúc họ thảo luận chi tiết cuộc điều tra theo trình tự thời gian. Vanja ngẩng lên khỏi xấp giấy tờ của mình và hỏi, “Anh đã làm gì vào hôm chủ Nhật thế?” “Cuộc điều tra được triển khai nghiêm chỉnh nhưng chẳng đi đến đâu." Tốc độ trả lời tuôn ra khá nhanh. Tốc độ của một tay lão luyện. Tốc độ khiến người ta ngờ vực. Torkel lưu ý điểm này và biết rằng thể nào Vanja cũng làm thế. Cô chẳng khác nào cỗ máy phát hiện nói dối cừ nhất mà Torkel từng biết đến. Ông nhìn cô đoán định khi cô nhìn chằm chằm vào Haraldsson một hổi lâu rồi liếc lại vào xấp giấy tờ của mình. Haraldsson thả ra một hơi dài. Họ đang ở cùng chiến tuyến, chắc chắn rồi, nhưng đâu nhất thiết để cho đồng nghiệp của hắn biết rằng đã có những sai lầm ngớ ngẩn ở giai đoạn đầu. Giờ đây, họ phải tập trung vào tương lai. Vì thế hắn hơi tức tối – và cả chút lo lắng – khi Vanja ngúc ngoắc cây bút của cô một lần nữa. Billy mỉm cười; anh cũng biết rõ Vanja đã bắt được điều gì đó trong giọng nói của Haraldsson nghe ra không thật chút nào. Cô chẳng có ý định cho qua. chẳng khi nào cô làm thê cả. Billy ngả người ra sau chiếc ghế dựa thoải mái của mình và khoanh tay lại. Có chuyện vui rồi đây. "Khi anh nói ‘được triển khai,’” Vanja tiếp tục, giọng điệu hơi sắc, “thật ra thì anh đã làm gì? Tôi chẳng tìm thấy bất kỳ cuộc phỏng vấn nào, với người mẹ, hay với bất cứ ai, mà cũng không có báo cáo thẩm vấn từng nhà, không ai lên lịch làm việc từ hôm thứ Sáu cả.” Cô ngước lên và nhìn thẳng vào Haraldsson. “Thế thì chính xác anh đã làm gì?” Haraldsson nhích người một cách khó chịu trên ghế. Thế quái nào hắn phải ngồi đây để bào chữa cho sai lầm của người khác? “Tôi có trực vào cuối tuần đó đâu. Mãi đến thứ Hai tôi mới nhận được vụ án kia mà." “Vậy thì hôm chủ Nhật thế nào?” Haraldsson liếc nhìn hai người đàn ông trong phòng, như thể kiếm tìm sự ủng hộ cho quan điểm của hắn, là nhìn lại quá khứ chẳng ích lợi gì cả. Nhưng chẳng có sự ủng hộ nào. Cả hai con người ấy đang dán mắt vào hắn, chờ đợi. "Theo tôi biết, cảnh sát mặc cảnh phục đã đi gặp bà mẹ.” "Và làm gì?” “Ghi chép về vụ mất tích của thằng bé." “Thông tin nào? ở đâu?" Vanja chẳng rời mắt khỏi hắn. Haraldsson nhận ra họ sẽ chẳng đi đâu hết đến khi biết được những gì đã diễn ra. Thế nên hắn kể cho mọi người nghe. Sự thật. Sau đó căn phòng im lặng khác thường. Một sự im lặng mà Haraldsson chí ít cắt nghĩa là người ta bận tiêu hóa thứ đơn cử nhất về sự kém cỏi mà họ từng nghe. Cuối cùng, Billy cũng lên tiếng. "Thế thì điều duy nhất diễn ra hôm chủ Nhật là bản báo cáo khác cũng về vụ mất tích ấy đúng không?” "ờ, vâng, về mặt lý thuyết thì đúng như thế.” "Thế này nhé, thằng bé biến mất hổi mười giờ tối thứ Sáu. Thật ra thì anh bắt đầu tìm nó khi nào?” "Hôm thứ Hai. Sau buổi trưa. Khi báo cáo đó được chuyển cho tôi. Đúng là lúc đó chúng tôi không bắt đầu tìm kiếm, nhưng rõ ràng chúng tôi đã nói chuyện với đứa bạn gái, nhà trường, cùng các nhân chứng..." Cả căn phòng lại im lặng. Kinh nghiệm mách bảo với họ thì rất có thể, cho đến lúc đó, thằng bé đã chết rồi, mà nếu không phải vậy – nếu nó đã bị bắt giữ ở đâu đó... Ba ngày! ôi, chúa nhân từ ơi! Torkel chồm tới, nhìn xoáy vào Haraldsson với vẻ tò mò thật sự. "Thế sao lúc chúng tôi hỏi chuyện gì diễn ra hôm Chủ Nhật, anh lại không kể đến điều này?” "Thừa nhận mình mắc sai lầm khó chịu lắm.” "Nhưng có phải lỗi của anh đâu. Mãi đến thứ Hai anh mơi nhận được vụ án cơ mà. Sai lẩm duy nhất của anh là không kể cho chúng tôi nghe, chúng ta là một đội. Chúng ta sẽ chẳng làm nên trò trống gì nếu không trung thực vơi nhau.” Haraldsson gật đầu. Đột nhiên, hắn cảm thấy mình mới bảy tuổi và bị đưa đến gặp thầy hiệu trường vì đã bày trò ngớ ngẩn ngoài sân chơi. Suốt thời gian còn lại của buổi họp, hắn kể cho họ nghe mọi thứ (trừ chuyện mây mưa chớp nhoáng với Jenny vào giờ ăn trưa và đi khám bệnh giả ở phòng cấp cứu) nên mãi sau chín giờ tối họ mới xong việc. Torkel cảm ơn hắn. Đang lúc Billy duỗi người ra ngáp dài, còn Vanja bắt đầu thu dọn, thì điều ngạc nhiên thứ hai của buổi tối hôm đó xuất hiện. “Còn chuyện nữa.” Haraldsson ngập ngừng một chút mà hiệu nghiệm, "chúng tôi vẫn chưa tìm thấy áo khoác và đồng hồ của thằng bé.” Cả Torkel, Vanja, và Billy đều thẳng người lên; thú vị đây. Haraldsson nhìn Vanja đang tìm tập hồ sơ trong túi xách. “Tôi không đưa điều này vào bản báo cáo – mình đâu biết ai sẽ đọc, hay mẩu thông tin thế này sẽ rơi vào tay ai." Vanja gật đầu với chính mình. Rất khôn ngoan – đây chính xác là chi tiết họ không muốn rò rỉ cho báo chí. Thông tin đáng giá ngàn vàng trong cuộc thẩm vấn. Xét cho cùng, có lẽ Haraldsson không hoàn toàn thiếu năng lực, cho dù phần lớn các dấu hiệu đều ngược lại. "Thế nó bị cướp à?” Billy nói. “Tôi không nghĩ thế. Ví tiền của nó vẫn còn nguyên, bên trong là gần ba trăm krona. Còn điện thoại di động nằm trong túi quần dài.” Mọi người trong đội xem xét đến chuyện ai đó – có thể là tên sát nhân – đã chọn lấy những món đồ của nạn nhân, chuyên này mang ý nghĩa nào đó. Thêm chuyên quả tim bị lấy đi. "Chiếc áo khoác hiệu Diesel,” Haraldsson tiếp tục. “Màu lục. Tôi có mấy tấm hình về kiểu dáng ở trên bàn làm việc. Đổng hồ là..." Haraldsson nhìn vào ghi chú của mình. “Chiếc Tonino Lamborghini Pilot. Tương tự, tôi cũng có mấy tấm hình về nó.” Sau cùng, ngồi một mình trong căn phòng không cửa sổ, Torkel cố nghĩ ra lý do để không phải về khách sạn. Ông có nên bắt đầu lên lịch làm việc trên tấm bảng trắng kia không? Treo tấm bản đồ lên thì sao? Kèm các bức hình? Hay xem xét tỉ mỉ lại những gì Haraldsson đã kể? Nhưng sáng mai Billy sẽ làm tất cả những thứ này nhanh và hiệu quả hơn nhiều, thậm chí trước khi bất cứ ai khác đến đồn cảnh sát này. Ông cứ ra ngoài kiếm chút gì đó. Nhưng ông nào đói đến thế – chẳng đến mức phải ngồi một mình ở nhà hàng. Tất nhiên, ông có thể mời Vanja đi cùng, nhưng cô sẽ dành cả buổi tối để nghiên cứu vụ án, trong phòng khách sạn của cô. Ông biết rõ điều đó. Vanja cực kỳ tham vọng và tận tâm. Có lẽ, cô sẽ chẳng từ chối nếu ông mời cô cùng ăn tối, nhưng cô chẳng muốn vậy, và cả tối cô sẽ hơi căng thẳng. Torkel từ bỏ ý định đó. Thế còn Billy? Torkel thấy Billy có nhiều phẩm chất tuyệt vời, mớ kiến thức về vi tính và công nghệ biến anh ta thành một thành viên vô giá trong đội, nhưng Torkel chẳng nhớ nổi là họ từng ăn tối với nhau chưa, chỉ hai người họ thôi. Nói chuyện với Billy chẳng dễ dàng. Thật ra, Billy thích buổi tối trong khách sạn. Anh chàng chẳng bỏ sót bất kỳ chương trình truyền hình, trên bất kỳ kênh nào giữa mười giờ tối và hai giờ sáng, và khoái tán gẫu về chúng. Truyền hình, phim ảnh, âm nhạc, game, vi tính, điện thoại mới và các tạp chí nước ngoài trên mạng. Khi ngồi với Billy, Torkel cảm thấy mình chẳng khác nào một tay thủ cựu. Ông thở dài. Vậy là đi dạo với bánh sandwich và một chai bia trong phòng, cùng chiếc tivi. Ông tự an ủi mình rằng ngày mai Ursula sẽ đến đây. Rồi bữa tối của ông sẽ có bầu bạn. Torkel tắt đèn rồi rời khỏi phòng họp. Vẫn là người cuối cùng như mọi khi, ông nghĩ thế lúc đi ngang qua văn phòng trống trơn, chẳng có gì ngạc nhiên khi vợ ông đã hết chịu đựng nổi. Chương năm Trời sập tối lúc Sebastian trả tiền cho tài xế taxi rồi chui ra khỏi xe. Gã tài xế cũng bước ra, mở thùng xe và lấy chiếc túi xách ra cho Sebastian, rồi chúc ông một buổi tối tốt lành. Một buổi tối tốt lành ngay trong căn nhà của cha mẹ ông sao? Ừm, lúc nào chẳng có lần đầu tiên, Sebastian nghĩ bụng, chuyện cha mẹ ông qua đời càng làm tăng cơ hội ấy. Sebastian băng qua đường; chiếc taxi đã quay đầu trước ngõ nhà hàng xóm, vượt lên từ phía sau ông. Cạnh chiếc hàng rào gỗ trắng thấp cẩn được sơn phết, thùng thư đang đẩy ứ. chẳng ai thông báo gì để ngừng mọi thư từ khi người ta đã chết rồi hay sao? Rõ ràng là không. Lúc mới đến Västerås vài giờ trước, Sebastian đã đi lấy chìa khóa nhà ở văn phòng của người chủ trì tang lễ. Dường như một trong những người bạn thâm niên nhất của mẹ ông đã đứng ra tổ chức lúc ông từ chối chẳng dính dáng tí ti gì đến vụ này. Berit Holmberg. Sebastian không tài nào nhớ nổi đã từng nghe đến cái tên đó chưa. Người chủ trì tang lễ đã mời ông xem cuốn album ảnh mà nhiều người xuýt xoa rất ấn tượng, đầy ấm cúng, và đông đảo người tham dự. Nhưng Sebastian đã từ chối. Sau đó, ông đi đến nhà hàng. Dành phần nhiều thời giờ cho một bữa ăn thịnh soạn. Nhấm nháp tách cà-phê, rồi đọc một cuốn sách. Mân mê tấm danh thiếp của người phụ nữ trên chuyến tàu nhưng ông lại quyết định đợi thêm, chỉ mai hoặc mốt thôi, ông sẽ gọi cho nàng. Thích thú nhưng đừng quá vồ vập – đó luôn là cách tiếp cận chiến thuật nhất. Rồi ông tản bộ. Nghĩ đến chuyện xem một cuốn phim nhưng rồi quyết định gác lại. Chẳng có thứ gi khiến ông thấy lôi cuốn cả. Rốt cuộc, chẳng thể mãi trì hoãn mục đích chính của chuyên đi này, ông vẫy chiếc taxi. Đứng trên đường lúc này, ông nhìn trân trân vào căn nhà mình đã bỏ đi vào ngày sau sinh nhật thứ mười chín. Những luống hoa được chăm chút sắp thành hàng ở hai bên lối đi lát đá dẫn vào khu vườn. Lúc này đầy, chúng hãy còn là những búp cây, được tỉa tót gọn gàng, nhưng chẳng mấy chốc, những cây lâu năm sẽ trổ hoa. Mẹ ông rất yêu khu vườn của bà và chăm sóc nó thật kỹ lưỡng. Phía sau là những cây ăn trái và một khoảnh đất trồng rau. Lối đi nhỏ dẫn vào căn nhà hai tầng. Năm ấy lúc họ dọn vào, Sebastian mười tuổi; căn nhà vừa mới xây xong. Trong ánh đèn đường mờ nhạt, thậm chí lúc này Sebastian vẫn thấy nó cần được sửa sang. Mặt tiền nhà đã rơi rớt vữa, cửa sổ đang bong tróc sơn, hai mái nhà thẩm lại. Chắc ngói cũng rụng rơi ít nhiều. Sebastia cố dằn lòng để đi vào trong, rồi bước vài bước đến cửa chính. Ông mở khóa vào bên trong tiền sảnh. Căn phòng xộc lên mùi ẩm mốc. Ngột ngạt, ông thả túi xách xuống rồi đứng yên chỗ cổng vòm dẫn vào phần còn lại của căn nhà. Bên kia là bàn ăn và mấy chiếc ghế, xa hơn chút nữa về bên phải là phòng khách. Sebastian để ý thấy một bức tường đã được tháo xuống, và tầng trệt hiện giờ nằm trong “kế hoạch mở rộng”. Ông tiến thêm chút nữa vào bên trong, chỉ còn ít đồ nội thất. Chiếc tủ ngăn kéo của ông nội vẫn quen thuộc, vài bức tranh trên tường nữa, nhưng giấy dán tường phía sau chúng thì đầy lạ lẫm. Vật liệu lót sàn cũng vậy. Đã bao lâu rồi từ lúc ông còn ở đây nhỉ? Sebastian khước từ ý nghĩ rằng căn nhà này là “tổ ấm", ông đã dọn ra ngoài năm mười chín tuổi nhưng sau đó có về thăm nhà. Hy vọng hão huyền rằng có lẽ mình và cha mẹ sẽ hòa giải khi hết thảy đều trưởng thành. Nhưng không, ông nhớ mình về thăm nhà vào tuần lễ sau khi mình tròn hai mươi lăm. Đó có phải là lần cuối cùng không nhỉ? Gần ba mươi năm trước rồi còn gì. Chẳng ngạc nhiên chút nào khi ông hầu như chẳng nhận ra thứ gì cả. Nơi bức tường phòng khách là một cánh cửa đóng chặt. Hồi Sebastian còn ở đây, nó từng là phòng nghỉ cho khách. Hiếm khi dùng đến. Cha mẹ ông giao thiệp rộng, nhưng phần lớn sống cùng thành phố. Ông mở cửa. Các giá sách bao phủ hết một bức tường, còn nơi từng kê giường thì giờ đây là bàn làm việc. Trên ấy vẫn còn chiếc máy đánh chữ và chiếc máy tính lỗi thời với nguyên cuộn giấy bên trong. Sebastian đóng sầm cửa lại. Có lẽ cả căn nhà này chỉ toàn những thứ gớm ghiếc kiểu này thôi, ông sẽ phải làm gì với hết thảy chúng? Sebastian vào bếp. Tủ chén mới, bàn ăn mới, nhưng cũng sàn nhà nhựa vinyl ca-rô trắng đen cũ kỹ ấy. Ông mở cửa tủ lạnh. Đầy ắp. Mọi thứ đều đã hỏng. Ông cầm lên một hộp sữa giấy nơi cánh tủ. Mở ra. Dùng trước ngày tám tháng ba. Ngày quốc tế phụ nữ. Dầu biết trước, Sebastian vẫn cắm mũi vào nơi rót sữa. Nhăn nhúm cả mặt mày, ông bỏ hộp sữa lại rồi lôi ra một lon bia kế bên chiếc túi chứa thứ gì đó, mà ông đoán chừng chắc trước kia là phó-mát, nhưng giờ nó chẳng khác nào dự án nghiên cứu trong phòng thí nghiêm chuyên về nấm mốc rất thành công. Một tay mở lon bia, ông trở lại phòng khách. Tiện thể, ông bật công-tắc nguồn sáng chính của căn phòng. Các bóng đèn chiếu ngược nằm dưới đường chỉ bọc sàn, chạy khắp căn phòng, mang lại thứ ánh sáng đồng đều, dễ chịu. Một chi tiết trang nhã mang lại cảm giác khá hiện đại. Sebastian chợt thấy mình miễn cưỡng thích thú. Ông ngồi phịch xuống một trong những ghế bành, rồi gác chân lên chiếc bàn cà-phê thấp tủn mà chẳng buồn cởi giày ra. Nốc một hơi bia rồi ông ngả đầu ra sau. Ông tận hưởng sự thanh vắng. Thanh vắng đến vô cùng. Thậm chí ông chẳng nghe thấy bất cứ tiếng xe cộ nào. Căn nhà nằm gần cuối ngõ cụt, còn con đường chính gần đây nhất cũng cách hàng trăm thước. Sebastian phát hiện ra cây đàn piano, ông tợp thêm một hơi bia, đặt chiếc lon xuống bàn, đứng dậy, rồi bước đến chỗ cây nhạc cụ màu đen sáng loáng kia. Một cách lơ đãng, Sebastian ấn lấy một trong những phím trắng. Nốt la hơi lạc thanh phá đi sự yên tĩnh. Năm sáu tuổi, Sebastian bắt đầu chơi piano. Lên chín thì ông ngừng hẳn. Sau một buổi học mà Sebastian hầu như chẳng đụng tay vào phím đàn, cô giáo tư đã kéo cha ông ra một góc, rồi bảo với ngài Bergman rằng chỉ tổ phí phạm thời gian của bà và tiền bạc của ông để bà đến đây mỗi tuần, cố dạy cho đứa học trò chẳng có hứng thú, và bà hoàn toàn chắc chắn rằng cũng chẳng có chút khả năng âm nhạc nào cả. Điều này không đúng. Sebastian không thiếu khả năng âm nhạc. Cũng không phải ông từ chối chơi đàn để thể hiện thái độ nổi loạn chống lại cha mẹ; phải nhiều năm sau, điều này mới xảy ra. Chỉ đơn giản là ông thấy tẻ nhạt không thể tả. Vô nghĩa. Ông chẳng thể tham dự vào thứ ông thấy quá nhàm chán. Không, ngay lúc đó. Không, kể từ đó. Không, cả bây giờ. Một khi đã say mê, thích thú ông sẽ chẳng tiếc thời gian và sức lực, nhưng nếu ngược lại.... Kiên nhẫn hay chịu đựng ư – đó là những khái niệm quá ư xa lạ đối với Sebastian Bergman. Ông nhoài người tới nhìn chăm chú vào những tấm hình trên nắp đàn piano. Hình cưới của cha mẹ ông ở chính giữa; hai tấm hình ông bà nội và ông bà ngoại ở mỗi bên. Một tấm ảnh lúc Sebastian rời trường, và một tấm trông ông chừng tám hay chín tuổi, mặc đồng phục đội bóng tạo dáng trước khung thành. Lúc nhìn về phía máy ảnh, ông để một chân lên quả bóng, vẻ mặt quả quyết, nhất định chiến thắng. Tiếp đó là một tấm ảnh chụp cha mẹ ông với nhau, phía sau là xe buýt. Đi nghỉ đâu đó ở châu Âu. Trong ảnh, mẹ ông trông chừng sáu mươi lăm. Đó là hai mươi năm về trước. Dâu chủ ý chọn cho mình cuộc sống ấy nhưng Sebastian vẫn lặng người bởi ông biết quá ít về cuộc sống của cha mẹ sau khi bỏ nhà ra đi. Thậm chí, ông chẳng biết mẹ mình chết vì lẽ gì nữa. Sau đó, ông nhìn thấy tấm hình nằm ngay phía sau. Ông cầm lên. Đó là tấm hình thứ ba có mặt ông. Ông đang ngồi trên chiếc xe đạp máy mới mua trước nhà để xe. Mẹ Sebastian đã rất tự hào về bức hình này. Ông ngẫm ra bởi nó là một trong ít tấm chụp năm thiếu thời của ông – có lẽ tấm duy nhất –trông ông thật sự vui vẻ. Nhưng nó nào phải tấm ghi lại niềm hân hoan của ông lúc ngồi trên chiếc xe đạp máy hiệu Puch Dakota đâu: đây là một bài báo cắt ra được lồng vào khung hình. Trong ảnh, Lily mặc chiếc áo bệnh nhân màu trắng, bế trên tay đứa trẻ nhỏ xíu đang say giấc. Phía dưới bức ảnh là dòng chữ Con Gái để bằng tiếng Đức, và ngày sinh, ngày 11 tháng Tám năm 2000. Còn bên dưới nữa là tên ông và Lily. Sebastian gỡ bài báo đó ra và xem xét cẩn thận. Ông nhớ hồi mình chụp bức hình này, và bỗng dưng, ông gần như ngửi thấy mùi bệnh viện rồi nghe được cả âm thanh của hai người họ. Lily mỉm cười với ông. Sabine đã yên giấc. “Bà đã lấy thứ này ở nơi xó xỉnh nào thế?” Sebastian đứng trân ra đó với bài báo cắt ra trong tay. Ông quá đỗi kinh ngạc, chẳng có thứ gì trong căn nhà này để nhắc ông nhở về nỏ cả. Nhưng ông đang đứng đây, với bức hình hai người họ trong tay. Họ nào có thuộc về nơi đây. Họ thuộc về một thế giới khác. Hai thế giới, hai tầng địa ngục trong ông. Tự thân chúng đã đối phó với đủ mọi cam go rồi, nhưng cùng với nhau... chúng không được dính dáng gì với nhau hết. Ông nắm chặt tay phải, lặp đi lặp lại mà thậm chí chẳng hề ý thức mình đang nói gì. Mẹ kiếp bà ta! Dầu đã mất rồi nhưng bà ấy vẫn còn lờn vờn trong tâm trí ông. Sebastian cảm thấy hơi thở mình tựa hồ khó nhọc hơn. Mẹ kiếp bà ta! Mẹ kiếp cả căn nhà này! Ông sẽ phải làm gì với hết thảy những thứ vứt đi này đây? Ông cẩn thận gấp lại bài báo kia, nhét nó vào trong túi rồi bước trở vào căn bếp. Ông mở cánh cửa tủ chứa đồ lau dọn, rồi à há– cuốn danh bạ nằm ngay trên kệ, đúng y chỗ của nó. Ông mang nó ra chỗ chiếc ghế bành và tra thông tin các đại lý bất động sản ở Trang Vàng. Ông bắt đầu với chữ A. Chẳng có gì ngạc nhiên khi không ai bắt máy cả. Ba đại lý đầu tiên thông báo giờ mở cửa văn phòng và đề nghị ông vui lòng gọi lại sau, nhưng chỗ thứ tư thì kết thúc thế này: “Quý khách vui lòng để lại lời nhắn sau tiếng bip, chúng tôi sẽ gọi lại.” Sebastian đợi. “Tôi là Sebastian Bergman. Tôi muốn bán quách một căn nhà và mọi thứ trong đó. Tôi không biết thủ tục thế nào, nhưng tôi thật sự muốn giải quyết để rời khỏi cái thành phố chết bầm này càng sớm càng tốt. Tôi cóc quan tâm đến chuyện tiền nong. Các người muốn lấy bao nhiêu phần trăm thì tùy, miễn là xong xuôi nhanh chóng. Nếu quan tâm, các người hãy gọi lại cho tôi.” Sebastian để lại số điện thoại di động của mình và gác máy, rồi ngả người trên chiếc ghếbành. Ông cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Ông nhắm mắt lại, và trong thanh vắng, ông nghe thấy cả nhịp tim của mình. Quá yên tĩnh. Cô độc. Ông mò tay lên túi áo sơ-mi trên ngực, chỗ để tấm danh thiếp của người phụ nữ trên tàu. Mấy giờ rồi? Muộn quá. Nếu gọi cho nàng lúc này, ông cũng chỉ mở đầu cuộc nói chuyện bằng cách hỏi xem nàng có muốn tình một đêm không thôi. Mà nàng nào phải loại đó. Ông biết, chỉ tổ làm mất những gì đã vớ được cho đến nay, và ông sẽ phải bắt đầu lại với điểm trừ. Mà ông có thích nàng đến mức ấy đâu. Ông hít một hơi thật sâu rồi để không khí từ từ thoát ra thành hơi dài. Lặp lại. Với mỗi hơi thở, ông cảm nhận cơn mệt đang ghì chặt lấy mình, ông chẳng gọi điện cho bất cứ ai hết. Cũng chẳng làm bất cứ thứ gì. Ông muốn ngủ. Ông sắp ngủ. Cho đến khi giấc mơ kia đánh thức ông dậy. Chương sáu Torkel đang ăn sáng trong phòng ăn của khách sạn. Billy đã đến đồn cảnh sát để sắp xếp văn phòng làm việc, và anh chưa nhìn thấy bóng dáng Vanja. Bên ngoài cửa sổ, người dân Västerås đang hối hả đi làm trong ngày mùa xuân đầy u ám này. Torkel liếc qua mấy tờ báo buổi sáng, cả báo quốc gia lẫn báo địa phương. Hết thảy đều đưa tin về vụ án mạng kia. Các báo quốc gia có ít thông tin hơn; chủ yếu chỉ cập nhật tình hình. Thông tin duy nhất họ lượm lặt được từ những nguồn tin thân cận với cảnh sát, ngoại trừ việc Riksmord đã vào cuộc, thì vụ này có lẽ liên quan đến kiểu giết người theo nghi lễ nào đó bởi quả tim của nạn nhân đã bị moi lấy. Torkel thở dài. Nếu các báo sáng nay đã suy đoán giết người theo nghi lễ, thì các báo lá cải buổi tối còn suy diễn đến cái quái quỷ nào nữa đây? Thờ quỷ Satan chắc? Hay trộm cắp nội tạng nhỉ? Hoặc ăn thịt đồng loại chăng? Rồi họ sẽ tìm một "chuyên gia” người Đức nào đó, thông tin đến độc giả của mình rằng đầu phải không có chuyện một kẻ hoang tưởng tâm lý thất thường đã nuốt lấy quả tim để hấp thu phần nào sức mạnh của người kia. Chắc sẽ dính líu tới bộ tộc Inca hoặc vài bộ tộc đã tuyệt chủng từ thời xa lắc khác, còn hằn trong tâm trí mọi người về chuyện hiến tế người sống. Thể nào rồi cũng có cuộc khảo sát trên trang Web: Bạn có tưởng tượng nổi chuyện ăn thịt người không? Có, xét cho cùng thì chúng ta là động vật. Có, nhưng nếu đó là vấn đề sống còn của cá nhân tôi. Không, tôi thà chết còn hơn. Torkel lắc đầu. Ông phải kiên nhẫn chịu đựng chuyện này. Ông đang trở thành kẻ mà Billy gọi là OGGG – Ông Già Gắt Gỏng. Ngay cho dù suốt ngày quanh ông là những người trẻ tuổi hơn, nhưng càng ngày ông càng thấy mình sa vào nếp nghĩ từng khiến ông cảm thấy đỡ hơn. Xưa giờ chẳng có gì đỡ hơn cả. Ngoại trừ cuộc sống riêng của ông, nhưng nó chẳng liên can gì đến phần còn lại của thế giới, ông phải tận dụng tình thế vậy. Torkel thật sự chẳng muốn mình trở thành một trong những viên cảnh sát già nua, ủ rũ, hay phàn nàn cay độc về thời cuộc, trong lúc mỗi ngày một chìm sâu hơn vào chiếc ghế bành với ly rượu whiskey trong tay, và nghe những bản nhạc của Puccini trên máy hát đĩa. Đã đến lúc vực dậy tinh thần. Điện thoại di động của ông rung lên. Có tin nhắn. Của Ursula, ông nhấn phím Đọc. Bà đã tới nơi và đi thẳng đến hiện trường phát hiện ra thi thể. Họ gặp nhau ở đó? Torkel uống cạn tách cà-phê của mình rồi rời khỏi phòng ăn. Ursula Andersson đang đứng ở mép ao. Với chiếc áo len tay dài đóng trong chiếc quần chống thấm nước màu lục thầm lên đến tận ngực, trông bà chẳng khác nào tay câu cá hay ai đó đang chuẩn bị gom dầu tràn trên biển, hơn là một trong những viên cảnh sát nhạy bén nhất đất nước này. “Chào mừng cô đến với Västerås". Ursula quay lại nhìn Torkel và gật đầu với Haraldsson rồi khom người chui qua dây băng cảnh sát giăng ở phần lớn thung lũng này. “Quần đẹp đấy chứ nhỉ.” Ursula mỉm cười với ông. “Cảm ơn rất nhiều.” “Cô đã lội vào trong chưa?" Torkel hất đầu về phía cái ao. “Tôi vừa đo độ sâu và lấy vài mẫu nước. Những người còn lại đâu hết cả rồi?” “Billy đang thu xếp mọi thứ ở đồn cảnh sát, còn Vanja đi nói chuyện vơi đứa bạn gái. Theo những gi chúng tôi biết thì đứa nhỏ đó là người cuối cùng nhìn thấy thằng bé còn sống." Torkel tiến đến và dừng lại chỗ mép ao. “Tình hình thế nào?” “Chẳng dò được bất kỳ dấu chân nào. Cả đám người đã giẫm quanh đây. Mấy đứa nhỏ tìm thấy cái xác, cảnh sát, đội cứu thương, người dân đi dạo trong rừng.” Ursula ngồi xổm xuống rồi chỉ vào một vết lõm không có hình dạng, trên mặt đất bùn lầy. Torkel ngồi xổm xuống cạnh bà. “Với lại mọi dấu vết đều sâu và trũng. Quá lẩy lội và ngập úng.” Ursula phẩy tay. “Một tuần trước, thậm chí trời còn ướt át hơn cơ. Hầu như cả thung lũng này chìm trong nước." Bà đứng dậy và nhìn về phía Haraldsson, hơi nghiêng người lại gần Torkel. “Gã đứng kia tên gì vậy?” Bà hất đầu về chỗ Haraldsson, và Torkel nhìn ngoái lại mặc dù ông biết chính xác Ursula muốn nói tới ai. "Haraldsson. Anh ta đã phụ trách cuộc điều tra cho đến khi chúng tôi tới đây.” “Tôi biết. Hắn đã nói với tôi ít nhất ba lần trên đường tới đây. Hắn ta thế nào?” “Anh ta cần cải thiện thêm cách tạo ấn tượng ban đầu, nhưng tôi nghĩ anh chàng... cũng được." Ursula quay về phía Haraldsson. “Anh đến đây một lát được không?” Haraldsson chui qua dây băng và khập khiễng đến chỗ Ursula và Torkel. “Anh đã nạo vét cái ao này chưa?” Ursula hỏi. Haraldsson gật đầu. “Hai lần. Chẳng có gì cả.” Ursula gật đầu. Bà không nghĩ sẽ tìm thấy hung khí giết người. Không phải ở đây. Bà quay đi và nhìn xung quanh khu vực này một lần nữa. Mọi thứ đều khớp. “Cứ tiếp tục," Torkel nói, theo kinh nghiệm trước giờ, ông biết Ursula còn nhìn ra nhiều thứ hơn là chỉ một cái đầm lầy trong khu rừng ngập úng trước mặt họ. “Nó không chết ở đây đâu. Theo báo cáo khám nghiệm tử thi sơ bộ, các vết đâm sâu đến độ dấu cán dao còn để lại trên da. Điều này cho thấy thi thể đã nằm trên bể mặt cứng, phẳng lì. Nếu ông đâm người nằm trong nước, cơ thể họ sẽ chìm xuống, trôi ra xa ông.” Ursula chỉ tay xuống chân mình. “Nếu cuối tuần rồi trời còn ướt át hơn thì hầu như không thể thọc con dao đến lút cán. Dù là vào những phần mềm hơn trên cơ thể.” Torkel nhìn bà đầy ngưỡng mộ. Dẫu họ đã cùng làm việc trong nhiều năm trời, ông vẫn luôn ấn tượng với vốn kiến thức và khả năng rút ra kết luận của bà. Ông thầm cảm ơn thần hộ mệnh của mình đã đưa bà đến gặp ông chỉ vài ngày sau khi ông được giao phụ trách Riksmord. Vào một buổi sớm nọ của mười bảy năm trước, bà chỉ đơn giản là đứng đó. Đợi ông ở bên ngoài văn phòng. Không đặt hẹn trước, nhưng bà nói chỉ mất nhiều nhất là năm phút của ông. Ông đã để bà vào. Khi ấy, bà đang làm việc cho SKL, phòng thí nghiệm pháp y quốc gia; bà đã bắt đầu sự nghiệp của mình từ một nhân viên cảnh sát; nhưng chẳng mấy chốc chuyên về điều tra hiện trường tội ác, rồi đến bằng chứng pháp lý và pháp y. Bà đã phụng sự ở Linköping như thế. Ở SKL. Không phải ở đó bà không vui, mà là bà thấy nhớ những cuộc truy đuổi – bà đã giải thích như thế trong vòng năm phút của mình. Bà gọi như thế đấy. Cuộc truy đuổi. Hẳn trông rất oách khi khoác lên người chiếc áo choàng trắng đứng trong phòng thí nghiệm, tìm được bằng chứng ADN và kiểm tra hung khí, nhưng biết phân tích chứng cứ hiện trường lại là chuyện hoàn toàn khác, rồi sau đó cùng với đội của mình lần theo dấu vết kẻ tình nghi trước khi tóm gọn hắn hay ả ta. Điều đó khiến bà thích thú và thỏa mãn mà mẫu ADN phù hợp không tài nào làm được. Torkel có thấu hiểu được không? Có chứ. Ursula đã gật đầu. Thế thì được rồi. Bà liếc nhìn đồng hồ đeo tay. Bốn phút và bốn mươi tám giây. Bà dành mười hai giây cuối cùng để đưa cho ông số điện thoại của mình rồi rời khỏi căn phòng. Torkel đã dò hỏi về Ursula, và người ta không nói gì hơn ngoài ngợi khen bà hết lời, nhưng điều cuối cùng tác động đến quyết định nhanh chóng của ông là thủ trưởng SKL, ông này đe sẽ cho ông nếm mùi nếu hùa theo Ursula. Torkel còn làm hơn thế nữa: chiều hôm đó nhận bà vào đội của mình. "Thế thì thi thể chỉ bị vứt ở đây thôi.” “Có lẽ. Nếu tên giết người đã chọn nơi đây, nghĩa là hắn biết đến cái ao, tức hắn am hiểu vùng này, và chắc chắc đã đậu xe càng gần càng tốt. Trên kia kìa.” Bà chỉ về phía một ngọn đồi, cách chừng ba mươi thước, cao khoảng hai thước, và khá dốc. Như thể đáp lại một hiệu lệnh vô hình nào đó, họ bắt đầu quảy bước, Haraldsson khập khiễng theo sau. “Mikael ổn cả chứ?" Ursula giật mình liếc nhìn Torkel. “Ổn, sao ồng lại nhắc đến thế?" "À, thì cô vừa mới về nhà được vài ngày. Anh ta không giữ cô lại được lâu." “Công việc mà. Anh ấy hiểu. Quen rồi.” “Tốt.” “Với lại Mikael cũng tham dự vài hội chợ thương mại ở Malmö.” Họ lên tới ngọn đồi. Ursula quay lại nhìn cái ao. Hẳn thủ phạm đã tìm đường xuống đâu đó quanh đây. Cả ba người bắt đầu kiểm tra độ dốc. Sau một hay hai phút, Ursula dừng lại. Lùi một bước. Nhìn hai bên để đối chiếu, ngồi xuống để lấy tầm nhìn ở mỗi bên. Nhưng bà chắc chắn. Cây cối hơi bị dạt xuống. Phần nhiều đã bật ngược trở lên nhưng hãy còn dấu vết của một thứ gì đó bị kéo lê. Bà ngồi xổm xuống. Bụi cây khẳng khiu bị gãy vài cành, chỗ đứt gãy màu vàng nhạt đã đổi màu dám chừng là máu. Ursula lấy một chiếc túi nhỏ đựng bằng chứng ra khỏi cặp, cẩn thận cắt cành cây kia rồi cho vào túi. “Tôi nghĩ mình đã biết được hắn đi xuống chỗ nào rồi. Hai người đi tiếp lên phía trên được chứ?" Torkel vẫy Haraldsson rồi họ di chuyển lên đỉnh đồi. Lúc lên tới con đường đất hẹp, Torkel rảo mắt nhìn quanh. Xe của họ đậu cách đấy không xa. “Chỗ này dẫn tới đâu thế?” “Xuống thành phố – đây là con đường chúng ta đã đến.” “Còn hướng ngược lại thì sao?” “Uốn lượn quanh co một hồi rồi cũng ra con đường chính cả thôi." Torkel nhìn xuống con dốc, nơi Ursula đang bò cả chân lẫn tay, hăm hở lật từng chiếc lá một. Nếu cái xác bị kéo lê xuống đó, có khả năng nó được lôi ra khỏi thùng hoặc cửa sau của một chiếc xe hơi, đỗ ngay bên trên, chẳng có lý do gì tên sát nhân lại không chọn con đường ngắn hơn, có thể nói như vậy. Con đường đất cứng, nên không tìm thấy dấu lốp xe. Torkel nhìn về phía các chiếc xe họ đã lái tới đây. Chúng được đỗ về một bên để không choán chỗ con đường hẹp. Có lẽ nào...? Ông đi tới và đứng ngay phía trên khu vực nhỏ nhắn mà Ursula đang làm việc. Nếu thùng xe ở chỗ này... Torkel hình dung chiếc xe đỗ trước mặt ông. Điều đó nghĩa là dấu lốp xe cách đó chừng một thước hoặc hơn. Ông cẩn thận di chuyển vào con mương. Ông mừng húm phát hiện ra đất dưới chân mình xốp hơn con đường nhiều, nhưng lại không lầy lội như dưới thung lũng, ông nhẹ nhàng dạt nhánh cành và bụi cây về một bên, và gần như tức thì thấy được kết quả. Dấu lốp xe khá sâu. Torkel mỉm cười. Vụ này đang đi đúng hướng rồi đây. “Cô không đổi ý à?” Người phụ nữ đặt câu hỏi ấy đặt tách trà nóng nghi ngút hơi lên bàn, rồi kéo chiếc ghế ra đối diện với Vanja, vừa nãy lắc đầu. "Vâng, cảm ơn bà, tôi ổn.” Người phụ nữ kia ngồi xuống, bắt đầu khuấy đồ uống của mình. Bữa sáng đã được bày ra trên bàn. Sữa tươi và sữa chua không đường đặt cạnh mấy hộp ngũ cốc Muesli và yến mạch. Một chiếc giỏ kết bằng vỏ cây bạch dương đựng những lát bánh mì mềm nguyên cám và hai loại bánh quy giòn. Bơ, phó-mát, giăm-bông, dưa chua thái lát, và một gói pa-tê gan nhuyễn sắp đầy một dãy. Chiếc bàn tương phản rõ rệt với phần còn lại của căn bếp – trông như vừa bước ra khỏi một bảng liệt kê. Không hẳn là xu hướng mới nhất nhưng sạch sẽ đến hiếm thây, chẳng có chén đĩa nào cạnh bồn rửa, cũng chẳng có vụn bánh nào rơi rớt trên quầy bếp, trống hoác và sạch tươm. Chiếc kiểng bếp đen không chút đốm bẩn, và những cánh tủ cũng thế. Vanja thề rằng nếu cô đứng dậy và rê ngón tay mình trên giá để thảo mộc và gia vị phía trên, cô cũng không tài nào tìm thấy chút lớp màng dầu mỡ, dù là mỏng nhất. Đó chỉ là phần nhỏ Vanja quan sát được, phẩn còn lại của cả căn nhà cũng tuyệt nhiên sạch bong. Nhưng có một thứ nổi bật. Vanja cố nhưng không tài nào rời mắt khỏi vật thể tô điểm cho bức tường phía sau người phụ nữ đang uống trà kia. Ấy là một bức tranh đóng khung lớn được kết cườm, mô tả Chúa Giê-su đang dang rộng hai tay, cùng chiếc áo choàng trắng xõa xuống. Vầng hào quang ánh kim sáng rực quanh đỉnh đầu, và gương mặt Ngài với chòm râu đen và đôi mắt xanh biển sáng ngời đang nhìn lên một góc. Trên đỉnh đầu, dòng chư "Ta là Chân Lý, Con Đường và Ánh Sáng” được làm nổi bật bằng cườm đỏ. Người phụ nữ ngồi đối diện Vanja hướng theo ánh mắt của cô. “Năm Lisa bị thủy đậu, nó đã làm bức tranh ấy. Hồi mười một tuổi. Dĩ nhiên là người lớn giúp nó phần nào.” “Đẹp quá đi mất,” Vanja thốt lên. Và hơi đáng sợ, cô thầm nói với chính mình. Người phụ nữ tự giới thiệu là Ann-Charlotte lúc mở cửa để Vanja vào, gật đầu đầy hãnh diện với lời khen ngợi, rồi nhấp một ngụm trà nhỏ. Bà đặt chiếc tách xuống. “Đúng vậy, con bé rất có tài, Lisa nhà chúng tôi đó. Bức tranh ấy có những hơn năm ngàn hạt cườm!' Không phải quá tuyệt vời hay sao?" Ann-Charlotte với lấy một miếng bánh quy giòn rồi phết ít bơ. Vanja không ngăn được thắc mắc làm sao họ biết được. Chẳng lẽ họ đếm hết các hạt cườm? Cô đang định hỏi thì Ann-Charlotte đã đặt con dao phết bơ lại chỗ cũ rồi nhìn cô, trán bà nhíu lại cùng nỗi bận tâm. “Thật là kinh khủng, chuyện ấy đấy. Với Roger. Cả tuần thằng bé mất tích, chúng tôi đã cầu nguyện cho nó.” Và linh ứng nhỉ, Vanja trộm nghĩ, rồi húng hắng ra chiều tán thành và cảm thông, đoạn cố tình đưa mắt nhìn đồng hồ. Dường như Ann-Charlotte hiểu ý. “Tôi chắc chắn Lisa sẽ xuống đây ngay thôi. Nếu chúng tôi biết trước cô tới, thì..." Ann-Charlotte xòe hai tay ngụ ý xin lỗi. “Không có gì đâu. Cảm ơn bà cho tôi được nói chuyện với cháu.” “Có gì đâu. Chúng tôi sẵn sàng làm bất cứ gì miễn sao giúp được. Mẹ thằng bé thế nào? Phải Lena không? Hẳn cô ta suy sụp lắm.” "Tôi vẫn chưa gặp bà ấy,” Vanja nói, “nhưng tôi chắc chắn thế. Roger là đứa con duy nhất của bà ấy phải không?" Ann-Charlotte gật đầu rồi bỗng nhiên trông bà trở nên ưu tư, như thể mọi rắc rối trên đời vừa đổ xuống đôi vai bà. “Mọi chuyện chẳng dễ dàng với họ. Theo tôi biết thì có dạo họ túng lắm, thêm mớ rắc rối ở trường cũ của Roger. Mặc dù gần đây mọi thứ với thằng nhỏ có vẻ suôn sẻ. Thế rồi đụng phải chuyện này.” “Trường cũ của nó có gì rắc rối thế?” Vanja nói. “Roger bị bắt nạt," câu trả lời vang lên từ phía cửa. Cả Vanja và Ann-Charlotte đều quay lại. Lisa đang đứng đó. Mái tóc suôn thẳng buông xõa qua vai hãy còn ướt nhưng được chải gọn gàng, tóc mái vuốt ngược lên, gài kẹp lại. Con bé mặc áo sơ-mi, khuy cài cao lên đến tận cổ, cùng chiếc áo gi-lê dệt kim bên ngoài. Trên cổ nó là chiếc thánh giá bằng vàng, sợi dây chuyền thòng một bên ra ngoài cổ áo. Chiếc váy dài vừa vặn đến đầu gối, và chiếc quần tất nhờ nhờ. Vanja nghĩ ngay đến con nhỏ trong loạt phim truyền hình những năm bảy mươi cứ chiếu đi chiếu lại hồi cô còn bé. Đặc biệt ở vẻ mặt nghiêm trọng và hơi sưng sỉa của nó. Cô đứng lên và chìa tay ra với Lisa lúc nó đi vào bếp rồi kéo ra chiếc ghế ở cuối bàn. “Chào Lisa, cô là Vanja Lithner. Cô là nhân viên cảnh sát." “Cháu đã kể hết với chú cảnh sát kia rồi,” Lisa đáp lại lúc đón lấy bàn tay đang chìa ra của Vanja, siết qua loa rồi khẽ nhún đầu gối chào. Rồi nó ngồi xuống. Ann-Charlotte đứng dậy và tìm tách uống trà ở một trong các tủ bếp. “Cô biết thế,” Vanja nói tiếp, “nhưng cô lại làm việc ở bộ phận khác, và cô rất cảm kích nếu cháu không phiền kể cho cô nghe lần nữa, dù cho cô hỏi y chang chú.” Lisa nhún vai rồi với lấy hộp ngũ cốc Muesli. Con bé rắc khá nhiều vào cái tô trước mặt. "Cháu bảo ở trường cũ Roger bị bắt nạt, cháu có biết ai đã làm thế không?” Lisa nhún vai thêm lần nữa. "Chắc tất cả. Dù gì thì Roger đâu có bạn bè nào ở đó. Mà cậu ấy cũng chẳng muốn nhắc tới chuyện đó nữa. Roger rất mừng vì đã rời khỏi đó và chuyển đến học cùng bọn cháu.” Lisa với lấy sữa chua và rưới lên ngũ cốc Muesli một lớp dày. Ann-Charlotte đặt một tách trà trước mặt con gái mình. “Roger ngoan lắm. Điềm tĩnh. Nhạy cảm. So với tuổi của mình, nó khá chín chắn. Tôi không hiểu làm sao ai đó lại...” Ann-Charlotte bỏ lửng câu nói. Bà ngồi xuống. Vanja mở cuốn sổ của mình rồi ghi nhanh “trường cũ – bắt nạt.” Rồi cô quay sang Lisa, đang xúc một muỗng đầy sữa chua và Muesli đưa vào miệng. “Mình quay lại hôm thứ Sáu khi Roger mất tích nhé. Cháu kể cho cô nghe các cháu đã làm gì –bất cứ điều gì đặc biệt khi Roger ở đây – tất cả những thứ cháu nhớ ra dù rất bình thường hay vặt vãnh.” Lisa kề cà; nó nhai và nuốt xong mới trả lời Vanja, với ánh nhìn kiên định. "Cháu đã trả lời hết rồi. Với viên cảnh sát nọ.” "Đúng rồi, nhưng cô đã nói, cô cũng cần nghe chuyện đó. Cậu ta đến đây lúc mấy giờ thế?” “Tầm sau năm giờ. Có lẽ là năm rưỡi." Lisa nhìn mẹ mình nhờ giúp. “Chắc độ năm rưỡi,” Ann-Charlotte tiếp ứng. “Erik và tôi có hẹn lúc sáu giờ, và chúng tôi sắp sửa đi thì Roger đến.” Vanja gật đầu và lưu ý điểm này. “Thế các cháu đã làm gì khi cậu ta ở đây?” “Tụi cháu ở trong phòng cháu. Làm vài bài tập về nhà cho tiết học vào thứ Hai, rồi chúng cháu pha trà và xem chương trình Cùng khiêu vũ. Roger về trước mười giờ một chút.” "Cậu ta có nói cho cháu biết sẽ đi đâu không?” Lisa nhún vai một lần nữa. “Về nhà ạ, Roger bảo vậy. Cậu ấy muốn biết ai bị loại khỏi cuộc thi, và sau phần bản tin và quảng cáo, họ mới thông báo." "Thế ai đã bị loại?” Vanja thấy chiếc muỗng đầy sữa chua và ngũ cốc Muesli đang đi vào miệng Lisa khựng lại. Không lâu. Khó nhận ra, nhưng vẻ do dự hãy còn đó. Vanja chỉ mới trò chuyện ngoài lề, nhằm phá đi bầu không khí thẩm vấn. Nhưng câu hỏi vừa rồi đã làm Lisa lúng túng, Vanja chắc chắn điều đó. Lisa tiếp tục ăn. “Cháu khôn – khô –” "Miệng đầy thức ăn thì đừng nói chuyện,” Ann-Charlotte ngắt lời. Lisa ỉm lặng. Nó nhai như một cái máy, cũng chừng ấy lâu ánh mắt nó dán chặt vào Vanja. Nó đang câu giờ đấy ư? Sao nó không trả lời trước khi cho muỗng thức ăn vào miệng nhỉ? Vanja đợi. Lisa nhai. Rồi nuốt. “Cháu chẳng biết, cháu không xem sau phần bản tin.” “Thế họ đã nhảy những điệu gì? cháu có nhớ không?" Vẻ mặt của Lisa tối sầm lại. Vì một lý do nào đó, câu hỏi ấy làm nó bực dọc. Vanja chắc chắn thế. "Cháu chẳng biết tên gọi của chúng nữa. Tụi cháu không xem kỹ lắm đâu. chúng cháu còn tán gẫu, rồi đọc sách rồi nghe nhạc rồi vân vân. Chỉ lướt qua các kênh truyền hình.” "Tôi chẳng hiểu sao nội dung của một chương trình truyền hình lại quan trọng với chuyện tìm ra kẻ giết chết Roger," Ann-Charlotte cắt ngang. Bà đặt tách trà xuống trước mặt đánh cách ra chiều bực bội. Vanja quay sang bà với một nụ cười. "Bà nói phải. Tôi chỉ hỏi han con bé vậy thôi." Cô quay lại với Lisa, vẫn với nụ cười ấy. Lisa chẳng buồn cười lại. Nó nhìn thẳng vào Vanja với vẻ ngoan cố. "Suốt cả buổi tối, Roger có đề cập đến bất kỳ chuyện gì làm cậu ta lo lắng không?” “Không." “Không có cuộc gọi, tin nhắn nào khiến cậu ta tảng lờ, hay làm cậu ta buồn phiền à?” "Không.” “Cậu ta không có hành động nào khác thường, khó tập trung, hay đại loại thế sao?” "Không.” “Thế Roger không nói sẽ đi gặp ai lúc rời khỏi nhà cháu hồi... khoảng mười giờ, có phải cháu đã bảo thế không ấy nhỉ?” Lisa nhìn chằm chằm vào Vanja. Cô đang cố bẫy ai đây? Cô biết rất rõ Lisa đã bảo Roger ra về lúc mười giờ. Cô đang thử con bé. Để xem liệu nó có mâu thuẫn với chính mình không. Nhưng nào có chuyện đó. Lisa nhắc lại rất khớp. “Đúng vậy, Roger ra về lúc mười giờ, mà phải rồi, cậu ấy nói sẽ đi về nhà xem ai bị loại.” Lisa với lấy một lát bánh mì nguyên cám trong giỏ. Ann-Charlotte cắt ngang một lần nữa. “Nhưng con bé đã kể hết với các người rồi. Tôi không hiểu sao con mình cứ phải trả lời đi, trả lời lại cùng một câu hỏi. Bộ các người không tin nó sao?" Giọng Ann-Charlotte nghe chừng phiền lòng. Như thể ý nghĩ đứa con gái bé bỏng của bà nói dối là vô cùng tệ hại. Vanja nhìn Lisa; có thể chuyện này khiến mẹ nó sốc nhưng cô biết Lisa đang giấu giếm điều gì đó. Điều xảy ra vào tối hôm ấy. Điều Lisa không muốn kể cho cô. Không, khi mẹ nó đang ngồi đây, gì thì gi. Lisa cắt cho mình vài lát phó-mát rồi từ từ đặt lên miếng bánh mì, điệu bộ khá kệch cỡm, và thỉnh thoảng liếc nhìn Vanja. Nó phải cảnh giác. Người này nhạy bén hơn gã cảnh sát ở căn-tin trường nhiều. Nó phải bám vào câu chuyện mình đã tập dượt. Chỉ lặp lại các mốc thời gian. Nếu mọi người hỏi, nó sẽ không nhớ chi tiết của buổi tối hôm đó. Chẳng có gì đặc biệt cả. Roger đến chơi. Bài tập về nhà. Uống trà. Xem truyền hình. Roger ra về. Rốt cuộc, họ cũng chẳng mong con nhỏ nhớ ra chi tiết của buổi tối thứ Sáu bình thường và tẻ nhạt nào khác. Với lại, nó đang sốc mà. Bạn trai chết. Nếu giỏi mít ướt, hẳn lúc này nó sẽ nặn ra vài giọt nước mắt. Để mẹ nó đặt dấu chấm hết cho cuộc nói chuyện này. “Tất nhiên tôi tin con bé rồi," Vanja bình tĩnh nói, “nhưng chúng tôi chỉ biết mỗi Lisa là người cuối cùng nhìn thấy Roger tối hôm đó thôi, chúng tôi cần tất cả chi tiết phải thật chính xác.” Vanja đẩy chiếc ghế lại chỗ cũ. “Nhưng lúc này chừng ấy cũng đủ rồi. Hai mẹ con còn phải đi học và đi làm nữa." "Tôi không đi làm. Trừ vài giờ mỗi tuần cho cộng đồng. Nhưng đó là công việc tinh nguyện." Hóa ra là một bà nội trợ. Thảo nào căn nhà chẳng chê vào đâu được. Ít ra là sạch sẽ tĩnh tươm. Vanja lấy ra tấm danh thiếp của mình rồi đẩy sang chỗ Lisa. Cô để ngón tay trên tấm danh thiếp một lúc lâu để Lisa phải ngẩng lên và chạm phải ánh nhìn của cô. “Gọi cho cô nếu cháu nhớ ra bất cứ điều gì chưa nói về hôm thứ Sáu đó.” Vanja dồn mọi sự chú ý của mình sang Ann-Charlotte. “Tôi tự tiễn mình ra cửa được rồi. Bà cứ dùng điểm tâm nhé.” Vanja rời khỏi căn nhà rồi lái xe trở lại đồn. Trên đường về, cô nghĩ đến thằng bé đã chết, và đột nhiên nhận ra một điều khiến cô vừa buồn, vừa khó chịu. Cho đến giờ, cô chưa gặp bất cứ ai thật sự đau khổ hay thương tiếc cho cái chết của Roger. Fredrik nghĩ chắc chỉ mất mười phút. Cùng lắm. Đi vào, kể cho cảnh sát nghe, đi ra. Dĩ nhiên, nó đã biết chuyện Roger mất tích. Hết thảy mọi người ở trường đều xầm xì về chuyện này. Thực ra, mọi người ở Trường Runebergs chưa bao giờ bàn tán về Roger nhiều như tuần rồi. Chẳng bao giờ quan tâm đến nó nhiều như thế. Rồi hôm qua đây, sau khi họ tìm thấy nó: một ban tư vấn khẩn cấp được dựng lên ngay lập tức, và những người chẳng quan tâm quái gì đến Roger suốt thời học sinh ngắn ngủi của nó ở đó, đã tự cho mình cái cớ cúp tiết, khóc lóc thảm thiết, rồi ngồi thành nhóm nắm lấy tay nhau, và chia sẻ những kỷ niệm vui với giọng khẽ khàng. Fredrik chẳng biết đến Roger, và thật sự cũng chẳng đau buồn gì cho nó. Bọn chúng chỉ lướt qua nhau ở hành lang – không gì hơn ngoài quen mặt. Thành thực mà nói, Fredrik chưa bao giờ để tâm đến Roger kể từ lúc nó rời Trường Runebergs vào mùa thu đó. Nhưng giờ đây khi đài truyền hình địa phương xuất hiện, rồi mấy đứa con gái thậm chí chẳng bao giờ thèm nói chuyện với Roger ngay cho dù nó là thằng con trai cuối cùng sót lại trên đời này, đã thắp nến và đặt hoa cạnh cột khung thành trên sân bóng bên ngoài ngôi trường. Là nghĩa cử cao đẹp chăng? Có lẽ đó là dấu hiệu cho thấy sự đồng cảm và lòng tốt của con người vẫn còn tồn tại? Có lẽ Fredrik trở nên xắt xéo khi nó chỉ nhìn thấy thói giả dối, và đám người lợi dụng biến cố thương tâm để được chú ý. Tóm lấy cơ hội này để lấp đầy tâm hồn rỗng tuếch vô nghĩa. Để cảm nhận tinh thần đoàn kết. Để trải nghiệm một điều gì đó. Nó nhớ lại những hình ảnh hồi học môn Xã hội học, khi Ngoại trưởng Anna Lindh bị sát hại tại Trung tâm thương mại Nordiska Kompaniet ở Stockholm. Cả núi hoa. Fredrik nhớ mình đã thắc mắc ngay lúc đó. Mấy thứ này ở đâu ra vậy trời, có nhất thiết phải thương tiếc những người chúng ta không quen biết không? Người chúng ta thậm chí còn chưa gặp mặt? Nhưng rõ ràng là thế. Fredrik có gì không ổn chăng, bởi nó không hề cảm nhận và chia sẻ với nỗi đau chung này? Nhưng nó đã đọc báo. Suy cho cùng, đó là người bạn cùng thời, người quen của nó đã bị moi mất quả tim. Cảnh sát muốn nghe bất cứ ai đã nhìn thấy Roger sau khi thằng nhóc biến mất vào tối thứ Sáu đó. Trong lúc Roger đang bị mất tích, Fredrik thấy chẳng có gì to tát để đi gặp cảnh sát, bởi nó đã thật sự nhìn thấy Roger trước khi bạn mình biến mất, nhưng giờ đây, họ bảo rằng bất kỳ ghi nhận nào vào thứ Sáu đó, cả trước lẫn sau khi nạn nhân biến mất, đều quan trọng. Fredrik đạp xe xuống đồn cảnh sát trước khi tới trường, đẩy cửa vào, và nghĩ rằng chắc không mất quá lâu. Nó bảo với người phụ nữ mặc đồng phục ngồi sau bàn làm việc rằng nó muốn nói chuyện với ai đó về Roger Eriksson, nhưng trước khi cô kịp nhấc điện thoại lên thì một viên cảnh sát mặc thường phục, tay mang tách cà-phê, khập khà khập khiễng lại chỗ nó, rồi bảo nó đi vào trong. Đó là hai mươi phút trước – Fredrik liếc nhìn đồng hồ trên tường. Nó đã kể với gã thám tử khập khiễng kia những gì cần nói, lặp lại những thứ chắc chắn đến hai lần, và địa điểm ba lần, và lần thứ ba nó phải tự tay đánh dấu địa điểm lên tấm bản đồ. Giờ đây, gã thám tử trông có vẻ hài lòng lắm. Hắn đóng cuốn sổ lại rồi nhìn Fredrik. “Cảm ơn cháu rất nhiều vì đã đến đây. Cháu chờ ở đây thêm chút xíu nữa được không?” Fredrik gật đầu và gã khập khiễng ấy bước đi. Fredrik ngồi xuống và nhìn ngắm văn phòng không vách ngăn kia, chừng một tá nhân viên cảnh sát đang ngồi ở bàn làm việc, ngăn cách nhau bởi những tấm bình phong di động, đây đó là các bức vẽ của trẻ con, hình gia đình, thực đơn mua mang đi, và nhiều hơn cả là tài liệu liên quan đến công việc. Không gian vang lên khe khẽ tiếng gõ bàn phím, trò chuyện, điện thoại reng, và tiếng rẹt rẹt của máy copy. Fredrik tự hỏi làm sao người ta làm việc được trong môi trường thế này, dẫu kỳ thực nó luôn làm bài tập về nhà với chiếc tai nghe iPod nằm gọn trong lỗ tai. Làm sao ngồi đối diện ai đó đang nói chuyện điện thoại mà không nghe lỏm được chứ? Gã thám tử đang bước khập khiễng về phía một cánh cửa, nhưng trước khi hắn kịp tới nơi, một phụ nữ đã bước lại chỗ hắn. Một phụ nữ tóc vàng trong bộ vét. Fredrik cảm thấy gã thám tử khập khiễng kia tỏ ra ngán ngẩm khi người phụ nữ tiến lại. “Ai‘vậy?" Hanser hỏi, rồi hất đầu về phía thằng bé đang ngồi nhìn họ. Haraldsson nhìn theo ánh mắt cô dẫu thừa biết cô đang muốn nói đến ai. “Nó tên là Fredrik Hammar, và nó biết vài thông tin về Roger Eriksson." Haraldsson giơ cuốn sổ của mình lên như để nhấn mạnh rằng tất cả đều nằm gọn trong đó. Hanser cố hết sức để giữ bình tĩnh. "Nếu liên quan đến Roger Eriksson, thì tại sao không phải là Riksmord phỏng vấn?” “Tôi đi ngang qua bàn lễ tân vừa lúc thằng bé bước vào, và chợt nghĩ tốt nhất mình nên nói chuyện với nó. Để xem những gì nó nói có liên quan hay không. Chẳng hơi đâu để Torkel lãng phí thời giờ vào những chuyện không đâu vào đâu." Hanser hít một hơi thật sâu. Cô hiểu chẳng dễ dàng chút nào khi từ bỏ trách nhiệm của mình với một vụ án. Có điều sau mọi chuyện, hắn không phải là người đáng tin. Việc cô đã quyết định chẳng khiến mọi thứ hạ nhiệt. Haraldsson đã ứng tuyển vị trí của cô, cô thừa biết điều đó. Chẳng cần phải giỏi tầm lý cũng hình dung được là hắn nghĩ gì về cô. Mọi chuyện hắn làm bấy lâu nay đều phát lộ vẻ ác cảm và thù địch. Có lẽ, cô nên vui mới phải vì Haraldsson vẫn ngoan cố bám theo vụ án này. Ca ngợi công lao của hắn. Trách nhiệm của hắn. Hoặc, có lẽ đơn giản là hắn không hiểu rằng mình không còn là một phần thiết thực của cuộc điều tra này nữa. Hanser hơi nghiêng về quan điểm sau hơn. "Có liên quan hay không có liên quan đến cuộc điều tra này không còn là việc của anh nữa." Haraldsson gật đầu theo kiểu đơn giản là đợi cho cô nói xong, để hắn chỉnh cô. Và, quả đúng là cô còn chưa kịp nêu quan điểm tiếp theo thì hắn đã ngắt lời. “Tôi hiểu họ phụ trách vụ này, nhưng chính họ đã nói rất rõ ràng là muốn phối hợp với tôi." Hanser nguyền rủa trò xã giao của Torkel. Để giờ đây cô phải vào vai phản diện, chẳng phải để làm thay đổi bất cứ gì trong mối quan hệ của họ, mà thôi kệ. “Thomas này, Riksmord đã tiếp nhận cuộc điều tra này rồi, có nghĩa là anh không còn dự phần nữa, không tham gia dưới bất kỳ hình thức nào. Trừ phi họ yêu cầu anh làm gì đó.” Đấy, đã nói rồi. Giờ nói lại. Haraldsson nhìn chằm chằm vào cô đầy lạnh lùng. Hắn thừa biết cô muốn gì. Kể từ lúc cô bất đắc dĩ phải cầu cứu Riksmord ngay lập tức, và phải nhường lại vị trí chỉ huy, cô không muốn bất kỳ nhân viên nào của mình làm việc với họ. Họ phải tự lo liệu lấy vụ này. Chứng minh cho cấp trên của cô thấy rằng cô đã quyết định sáng suốt. Rằng vụ này đúng là vượt quá khả năng của cảnh sát Västerås. “Chúng ta cứ hợp sức với Torkel. Rõ ràng ông ta đã nói là muốn tôi cộng tác với họ. Hơn nữa, thằng nhỏ kia có vài thông tin thú vị tôi đang chuyển lời cho họ đây. Thế này, tôi vẫn muốn chúng ta tiếp tục giải quyết vụ án, nhưng tất nhiên nếu cô thích đứng đây tranh cãi về mệnh lệnh, thì chúng ta cứ tiếp tục chủ đề này. Tùy cô.” Hóa ra hắn định giở trò ấy, bỉ báng cô là ả bàn giấy trong khi hắn là viên cảnh sát tận tụy, chỉ biết đến mỗi vụ án và giải quyết nó một cách vô tư. Giờ đây Hanser nhận ra Haraldsson còn nguy hiểm hơn cả những nghi ngại trước đây của mình. Cô bước sang một bên. Haraldsson nở nụ cười đắc thắng rồi khập khiễng đi, ráng sức gọi với vào trong bằng cái giọng quen thuộc: “Bill này, anh rảnh một lát chứ?” Vanja mở sổ. Cô vừa xin lỗi Fredrik vì phải yêu cầu nó lặp lại tất cả mọi thứ đã nói. Cô bực bội. Vanja muốn mình là người đầu tiên phỏng vấn nhân chứng và bất kỳ ai khác có liên quan đến vụ án. Lỡ đâu ở lần thứ hai họ vô tình trở nên sơ suất. Lỡ đâu họ lại bỏ sót thông tin bởi nghĩ mình đã nói hết cả rồi. Lỡ đâu họ đã đánh giá thông tin đó và quyết định chẳng có gì quan trọng. Đột nhiên cô nghĩ đây là lần thứ hai trong cuộc điều tra, người nói chuyện với cô đã trở nên bớt nhạy bén bởi họ đã nói sạch với Haraldsson rồi. Hai người hết cả hai. Đừng hòng có lần thứ ba nhé, cô tự hứa với bản thân. Cô để cây viết trên trang giấy. “Vậy là cháu đã nhìn thấy Roger Eriksson?” “Vâng, hồi thứ Sáu tuần trước.” “Và cháu chắc chắn đó là cậu ta chứ?” "Dạ chắc, tụi cháu từng học chung Trường Vikinga. Rồi đầu học kỳ trước nó chuyển sang Runebergs.” “Thế các cháu có học cùng lớp không?” “Không, cháu lớn hơn nó một tuổi.” “Và cháu đã nhìn thấy Roger ở đâu?” “Chỗ đó là Gustavsborgsgatan, gần bãi đậu xe của trường. Cháu không rõ cô có biết chỗ đó không nữa?” "Tụi cô sẽ tìm ra thôi.” Billy lưu ý ngay. Trong những trường hợp này, khi Vanja nói “tụi cô” nghĩa là muốn nói đến anh. Địa danh sẽ được thêm vào tấm bản đổ. “Cậu ta đi về hướng nào?” "Nó vào thành phố. Cháu chẳng biết là hướng nào, hay gì cả.” “Tụi cô cũng sẽ tìm ra.” Billy lưu ý thêm điều nữa. "Vậy hôm thứ Sáu cháu đã nhìn thấy bạn mình lúc mấy giờ?” "Ngay sau chín giờ." Lần đầu tiên trong suốt cuộc phỏng vấn, Vanja sững lại. Cô nhìn Fredrik với vẻ hoài nghi. Cô đã hiểu nhầm điều gì chăng? Cô nhìn xuống những dòng ghi chú của mình lần nữa. “Chín giờ tối ư?” "Ngay sau chín giờ.” "Và vào tối thứ Sáu tuần trước?" “Đúng vậy.” “Cháu chắc chắn điều này chứ? Và cả mốc thời gian nữa?” “Dạ chắc, cháu tập dượt xong lúc tám rưỡi và đang trên đường vào thành phố. Bọn cháu đang tính đi xem phim, và cháu nhớ mình đã nhìn đồng hồ và thấy còn hai mươi lăm phút nữa. Bộ phim bắt đầu lúc chín rưỡi.” Vanja chẳng nói gì. Billy hiểu lý do. Anh vừa hoàn tất mốc thời gian về vụ mất tích của Roger trên chiếc bảng trắng trong văn phòng của họ. Roger rời chỗ bạn gái của mình lúc mười giờ tối. Cũng theo đứa bạn gái ấy, suốt buổi tối thằng bé chẳng hề rời khỏi căn phòng của nó – huống gì căn nhà. Thế thì một tiếng đồng hồ trước đó nó đã làm gì ở Gustavsborgsgatan? Thật ra, Vanja đã băn khoăn về điểm ây. Rốt cuộc, Lisa đã nói dối, đúng như cô nghĩ. Thằng bé ngồi trước mặt Vanja coi bộ đáng tin. Chín chắn, mặc dù tuổi đời còn khá trẻ. Chẳng có gì trong hành vi của nó cho thấy nó ở đây để được chú ý, muốn nếm trải cảm giác hồi hộp, hay buộc phải nói dối. “Được rồi, cháu đã nhìn thấy Roger. Sao cháu lại chú ý đến cậu ta? Hẳn là ngoài đường có rất nhiều người vào khoảng chín giờ tối thứ Sáu?” “Cháu chú ý bởi Roger đi một mình, và một chiếc xe đạp máy cứ quần quanh nó, kiểu muốn gây sự, nếu cô hiểu cháu muốn nói gì.” Cả Vanja và Billy đều chồm tới. Vấn đề thời gian rất quan trọng, nhưng cho đến nay, những thông tin họ có được chỉ liên quan đến hoạt động của nạn nhân trước khi mất tích. Vậy mà giờ đây, đột nhiên có người lọt vào diện tình nghi. Ai đó đã gây hấn với Roger. Vụ này tiến triển rồi đây. Một lần nữa, Vanja thề với chính mình, nguyên rủa việc mình là kẻ đến sau. "Một chiếc xe đạp máy ư?" Bill giành nói với Vanja. Cô không chỉ để anh ta làm vậy, mà còn hoan nghênh. “Vâng." “Cháu có nhớ bất cứ điều gì về chiếc xe không? Màu sắc chẳng hạn?” “À, có, nhưng cháu biết...” "Màu gì thế?” Billy ngắt lời thằng bé. Đây là lĩnh vực của anh. “Màu đỏ, nhưng cháu biết...” “Cháu có biết của hãng nào không?” Billy xen vào lần nữa, sốt sắng lắp các mảnh ghép lại với nhau. “Cháu có biết loại xe đạp máy đó không? Nó có biển số không?” “Có ạ – à không, cháu không nhớ.” Fredrik quay sang Vanja. “Nhưng cháu biết chủ nhân của chiếc xe ấy – Tức là cháu biết ai đã lái nó. Leo Lundin.” Vanja và Billy nhìn nhau. Vanja hăm hở đứng dậy. "Đợi cô ở đây nhé, cô phải gọi cấp trên của mình ra đây." Chương bẩy GÃ đàn ông không cho mình là sát nhân thầm tự hào về bản thân. Dẫu gã chẳng nên thế chút nào. Những bản tin đầy xúc động, trường học trong cảnh tang thương, và những cuộc họp báo liên tiếp với những cảnh sát có gương mặt hình sự kể câu chuyện chẳng ăn nhập gì. Bi thương, u ám, và não nề. Nhưng gã chẳng ngăn được cảm giác đó. Dù có cố gắng thế nào, cuối cùng gã cũng không tránh khỏi cảm giác đồng tình với chính mình. Tự gã thấy phấn khích với thứ này. Mà chẳng ai hiểu được. Dau có thân thiết ra sao. Hay họ có nói gì. Niềm kiêu hãnh ấy dàng trào và phóng thích, đầy hân hoan. Gã đã ra tay rất mạnh mẽ. Đúng nghĩa một người đàn ông thật sự. Bảo vệ những gì cần được bảo vệ. Gã đã không nhượng bộ, hay phớt tỉnh trong những lúc dầu sôi lửa bỏng. Hương vị nồng nàn, ngọt lịm của máu và nội tạng len sâu vào khắp các giác quan, và cả người gã đã phải vật lộn với cơn buồn nôn đang trào dâng. Nhưng gã đã sấn tới. Con dao trong tay đã không run sợ. Đôi chân không làm gã thất vọng khi phải di chuyển cái xác kia. Gã đã thể hiện khả năng đỉnh cao của mình trong một tình huống mà hầu hết mọi người chẳng đương đầu nổi. Hay sẽ không bao giờ đụng đến. Đấy, gã tự hào thế đấy. Hôm qua, gã đã quá bổn chồn đến nỗi không ngồi yên một chỗ được. Gã phải tản bộ một quãng đường dài đến vài tiếng đồng hồ. Băng qua thành phố đang xầm xì về một thứ duy nhất: bí mật của gã. chẳng mấy chốc, gã đi ngang đồn cảnh sát. Bản năng bảo gã hãy quay đầu lại, lúc nhác thấy tòa nhà quen thuộc. Mải miết suy nghĩ nên gã không tự chủ sẽ đi đâu, nhưng vì đã lỡ ở đó rồi, gã nghĩ mình nên cứ lướt qua. Gã cũng chỉ là một ai đó ra ngoài đi dạo, một ai đó tình cờ đi ngang qua mà thôi. Những người đàn ông và phụ nữ trong kia sẽ chẳng hoài nghi gì. Nào đâu biết được người họ lùng sục đang ở rất gần. Gã cứ đi. Mắt nhìn về phía trước. Dù gì, gã cũng chẳng dám ngó vào bên trong qua những ô cửa sổ lớn. Một chiếc xe tuần tra trồi lên khỏi tầng hầm để xe rồi thắng lại. Gã cúi đầu chào những cảnh sát mặc cảnh phục ngồi trong xe như thể người quen. Tất nhiên, gã biết. Đấy là kẻ thù của gã. Gã là người họ đang săn tìm mà họ chẳng hay biết. Cực kỳ thích thú và thỏa mãn làm sao khi biết được điều này, và nắm giữ sự thật trong tay mình. Sự thật mà họ đang điên cuổng tìm kiếm. Gã dừng lại và để chiếc xe tuần tra đi qua trước mặt. Ban phát phép lịch sự ấy cho đối thủ của mình, gã làm được. Gã biết rõ sức mạnh này đến từ đâu. Chẳng phải từ Chúa trời, Chúa chỉ dẫn đường và khuyên giải thôi. Cha mới là người đã trao cho gã sức mạnh kia. Cha đã thử thách, tôi luyện, và giúp gã hiểu được thứ gì mới cần đến. Thật chẳng dễ dàng gì. Bằng cách nào đó, bí mật hiện đang nắm giữ lúc trưởng thành gợi nhớ về bí mật gã đã mang theo suốt hồi nhỏ. Mà cũng chẳng ai hiểu thấu điều đó. Dẫu có thân thiết ra sao. Hay họ có nói gì. Một lần buồn bã và yếu lòng, gã đã kể với cô y tá tóc vàng thơm như hoa trong trường. Rồi chuyện rùm beng lên. Hỗn loạn. Nhà trường và dịch vụ xã hội can thiệp. Trò chuyện, gọi điện, thăm hỏi. Những nhà tâm lý giáo dục và cán bộ công tác xã hội. Mẹ gã khóc lóc, rồi gã – một đứa bé đột nhiên biết mình sắp đánh mất gì. Mọi thứ. Vì nó đã yếu đuối. Vì nó đã không đủ sức giữ im lặng. Nó biết cha thương mình, chẳng qua ông ấy thuộc tip người thể hiện tình thương qua kỷ luật và mệnh lệnh. Một người đàn ông thà thực hiện thông điệp của mình qua nắm đấm, thắt lưng, và gậy đập thảm thay vì lời nói. Người đàn ông ấy đang trang bị sự phục tùng cho con trai mình. Bắt nó sẵn sàng cho thực tế. Nơi cần phải mạnh mẽ. Gã giải quyết vấn đề bằng cách rút lại những gì mình đã nói. Phủ nhận mọi thứ. Nói rằng gã đã bị hiểu nhầm. Gã tái lập trật tự. Gã không muốn mất cha. Gia đình. Gã chịu đựng được những trận đòn. Chứ không phải ý nghĩ đánh mất ông ấy. Họ đã chuyển đi nơi khác, cha cảm kích sự phủ nhận của gã. Những lời dối trá của gã. Họ trở nên gần gũi hơn, gã cảm nhận điều đó. Nhưng đòn roi không hề giảm – ngược lại thì đúng hơn – nhưng đứa trẻ ấy thấy dễ chịu hơn. Và gã giữ im lặng. Trở nên mạnh mẽ hơn. Chẳng ai hiểu được đúng là một món quà mà cha đã tặng cho gã. Bản thân gã đã gần như không hiểu ra điều này vào lúc đó. Nhưng giờ đây gã thấy được: khả năng vượt lên hỗn loạn và hành động. Gã đàn ông không cho mình là sát nhân mỉm cười, chưa bao giờ gã thấy mình gần gũi với cha hơn lúc này. Sebastian thức giấc ngay trước 4 giờ sáng trên một trong những chiếc giường đơn chật chội, cứng đờ trên lầu. Phần còn lại của căn phòng khiến ông phỏng đoán đây là giường của mẹ ông. Cha mẹ đã không ngủ riêng lúc Sebastian bỏ nhà đi, nhưng ông không lấy làm ngạc nhiên với cách sắp xếp mới này. Tự nguyện leo lên giường, nằm cạnh cha ông hết đêm này đến đêm khác chẳng phải là hành vi lành mạnh chút nào. Rõ ràng mẹ ông cũng rút ra cùng kết luận trên. Sebastian thường tỉnh giấc lúc bị giấc mơ kia đánh thức, bất kể lúc nào. Thường là thế, chứ không phải luôn luôn. Đôi khi ông vẫn nằm yên đó. Nhắm nghiền mắt lại. Cảm nhận cơn chuột rút ở bàn tay phải từ từ giãn ra khi ông mời gọi giấc mơ kia trở lại tiềm thức của mình. Đôi khi ông mong mỏi những buổi sáng thế này. Mong mỏi lẫn sợ hãi. Khi ông để giấc mơ kia giành lại chỗ đứng, khi ông vắt lấy cảm giác yêu thương thuần khiết và vẹn nguyên khỏi nó, thì việc quay trở lại thực tế của ông sau đấy trở nên khó khăn đáng kể hơn và đầy sợ hãi so với lúc ông chỉ đơn giản buông bỏ, đứng dậy, và bước tiếp. Nói chung, không đáng để làm thế chút nào. Bởi sau tình yêu là nỗi đau. Là mất mát. Y như rằng. Nó giống như một kiểu nghiện vậy. Ông biết rõ hệ lụy của nó. Ông ý thức được rằng sau đó mình sẽ cảm thấy vô cùng mệt mỏi đến nỗi khó làm được gì. Khó thở. Khó trụ lại. Nhưng hết lần này đến lần khác, ông cần đến nó. Điều cốt lõi thuần túy. Cái cảm giác thật hơn, mạnh hơn mà những ký ức không còn cho ông được nữa. Rốt cuộc, ký ức cũng chỉ là ký ức mà thôi. So với những cảm xúc trong giấc mơ, chúng mờ nhạt, gần như vô hồn. Hết thảy chúng cũng đều không thật – ông chắc chắn thế. Ông đã lấy đi chỗ này, thêm vào chỗ kia. Chủ ý lẫn vô ý. Cải thiện và củng cố nhũng phần nhất định, giảm bởt và cắt xén những phần khác. Ký ức kia là chủ quan. Giấc mơ ấy mới là khách quan. Bất biến. Không ủy mị. Đau đớn vô cùng. Nhưng lại sinh động. Sáng nay, trong căn nhà của cha mẹ mình, ông nằm lại trên giường và tự cho phép mình một lần nữa ôm chặt lấy giấc mơ kia. Ông muốn nó. Cần nó. Dễ dàng thôi; nó vẫn ở đó, trong người ông, giống như một thực thể vô hình vậy, và ông chỉ việc tiếp cho nó thêm chút sức mạnh mới. Và khi làm thế, ông mới cảm nhận được con bé. Không phải nhớ đến nó. Mà đúng là cảm nhận được nó. Ông tựa hồ như cảm giác được bàn tay bé xíu của nó đặt trong tay mình. Nghe rõ giọng nói của nó. Kể cả tiếng của những người khác, những âm thanh khác. Nhưng, phần nhiều vẫn là của con bé. Thậm chí, ông còn ngửi thấy cả mùi hương của nó. Xà phòng em bé và kem chống nắng. Trong giấc ngủ chờn vờn của ông, nó đã ở đó. Nói đúng ra. Là một lần nữa. Ngón tay cái to xù của ông vô thức mân mê chiếc nhẫn rẻ tiền bé xíu trên ngón trỏ của con bé. Một con bươm bướm, ông đã tìm thấy trong đống đồ giá rẻ ở một khu chợ chen chúc. Con bé thích ngay lập tức. Chẳng bao giờ muốn tháo nó ra. Những thước phim quay chậm tua lại ngày hôm ấy. Trời đã khá muộn lúc họ chui ra khỏi phòng. Kế hoạch ban đầu là ở lại khách sạn và nghỉ ngơi cạnh hồ bơi cả ngày. Lily đã chạy bộ. Một cuốc chạy muộn màng và ngắn ngủi. Một khi chui ra khỏi phòng, Sabine không bao giờ muốn dành cả ngày nằm dài bên hồ bơi. Không đâu – chân con bé đầy năng lượng, vì vậy ông quyết định sẽ đi xuống biển một lúc. Sabine thích bãi biển ấy. Con bé thích được cha giữ mình trong vòng tay và nô đùa theo những con sóng. Con bé hét lên trong phấn khích khi cha đu đưa cơ thể nhỏ xíu của nó giũa biển và trời, giữa ướt và khô. Trên đường xuống biển, họ đi ngang vài đứa trẻ khác. Đó là ngày sau Giáng Sinh, và tụi nhỏ đang thử những món đổ chơi mới của chúng, ông cõng con bé trên vai. Một bé gái đang chơi với chú cá heo bơm hơi, màu xanh nhạt đẹp đẽ, và Sabine giơ tay về phía đó. "Cha ơi, con cũng muốn một con giống vậy." Đó là điều cuối cùng con bé nói với ông. Xa xa khỏi đụn cát lớn là bãi biển, và ông lẹ làng đi đến đó để con bé nghĩ về thứ gì khác hơn những chú cá heo màu xanh nhạt. Hiệu nghiệm thật, Sabine cười khoái chí khi cha vất vả di chuyển trên cát nóng. Bàn tay mềm mại của nó đặt trên gò má lởm chởm râu của cha. Con bé cười vang khi cha vấp và suýt ngã. Đó là ý tưởng của LiLy để cả nhà đi đâu đó vào lễ Giáng Sinh. Ông đã không phản đối gì nhiều. Những dịp lễ lớn không phải là sở trường của Sebastian, ngoài ra, ông biết gia đình cô khá khó khăn, nên lúc cô đề nghị đi nghỉ, ông đã đồng ý ngay lập tức. chẳng vì ông thật sự thích nắng, biển, cát, mà bởi ông nhận ra Lily luôn cố gắng làm cuộc sống dễ dàng hơn một chút cho ông. Hơn nữa, Sabine yêu nắng và biển, và mọi thứ mà Sabine yêu, thì ông cũng yêu. Đó là một cảm giác khá mới mẻ với Sebastian. Làm gì đó cho người khác. Sabine đã mang điều đó đến với ông. Một cảm giác mới thật dễ chịu, ông đã nghĩ thế khi đứng đó, trên bãi biển, đăm chiêu nhìn ra khắp Ấn Độ Dương. Ông để Sabine xuống và con bé lập tức chạy về phía nước trên đôi chân bé xíu của mình. Nước cạn hơn nhiều so với những ngày trước, và bờ biển xa hơn bình thường, ông đoán thủy triều đã kéo nước ra xa. ồng chạy đến chỗ nước với con bé. Trời hơi u ám, nhưng nhiệt độ của không khí và nước thật hoàn hảo. Không màng đến thế giới xung quanh, ông hôn con bé một lần cuối trước khi hạ nó xuống làn nước ấm áp lên tới bụng. Con bé thét to rồi cười phá lên, bởi với nó, nước vừa đáng sợ vừa tuyệt vời, và trong giây lát, Sebastian nghĩ đến thuật ngữ tâm lý học cho trò chơi của hai cha con. "Bài tập tin tưởng.” Người cha không buông tay. Đứa trẻ càng lúc càng trở nên liều lĩnh. Một thuật ngữ đơn giản mà trước đây ông chưa bao giờ áp dụng ý nghĩa thật sự của nó vào thực tế. Tin tưởng. Sabine hét lên trong nỗi sợ hãi lẫn vui sướng, và lúc đầu Sebastian đã không nghe thấy tiềng gầm. Ông đã hoàn toàn mải mê trong sự tin tưởng giữa hai cha con. Đến lúc ông thật sự nghe thấy tiếng ồn thì đã quá muộn. Ngày đó ông đã học được một từ mới. Một từ mà một người đọc nhiều như ông chưa bao giờ nghe nói tới. "Sóng thần.” Những buổi sớm ông mời gọi giấc mơ về là một lần nữa ông mất con. Rồi nỗi đau giằng xé đến mức ông nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ rời khỏi giường nổi. Nhưng ông đã làm được. Rốt cuộc. Và chuyện là cuộc sống hãy còn tiếp diễn. Leonard! Bà Clara Lundin biết họ đến vì con trai mình ngay khi nhác thấy hai người trẻ tuổi trên bậc thềm. Bà biết trước khi họ tự giới thiệu và đưa thẻ nhận dạng cho bà hay rằng họ không phải Nhân chứng Jehovah hay nhũng người đang cố chào hàng. Bà biết ngày này sẽ đến. Bà biết thế, và nỗi lo âu cuồn cuộn trong bụng. Hoặc nó có lẽ chỉ đơn thuần trở nên mãnh liệt. Clara đã cảm nhận được sự chèn ép ấy ở cơ hoành lâu đến mức bà chẳng còn để ý đến nó nữa. Khi điện thoại reo suốt buổi tối. Khi bà nghe thấy tiếng côi báo động vào những cuối tuần. Khi Leonard đánh thức bà lúc nó trở về nhà cùng với chúng bạn. Khi bà kiểm tra hộp thư điện tử và thấy có e-mail của nhà trường. “Leo có trong nhà không?” Vanja hỏi lúc cất đi thẻ nhận dạng của mình. “Là Leonard," Clara tự động chỉnh lại. “Vâng, có... Cô cần nó làm gì thế?" “Nó bệnh sao?” Vanja hỏi, cố lảng tránh câu hỏi về lý do của cuộc viếng thăm này. "Không, không có bệnh gì đâu... Sao cô lại hỏi thế?” "Tôi chỉ thắc mắc sao nó không đi học thôi.” Clara đột nhiên nhận ra mình thậm chí quên lãng chuyện này. Giờ làm việc không cố định ở bệnh viện, và bà ngày càng ít quan tâm đến chuyện học hành ở trường của con mình. Nó đi học nhiều hay ít tùy nó. Làm hầu hết mọi thứ nhiều hay ít tùy nó. Đúng ra là tất tần tật mọi thứ. Bà đã mất kiểm soát. Mọi chuyện là thế đó. Bà chỉ còn biết chấp nhận. Hoàn toàn mất kiểm soát. Trong vòng chưa đầy một năm. Những cuốn sách bà mượn và những chuyên mục lời khuyên bà đã đọc đều bảo rằng điều đó tự nhiên thôi. Đây là độ tuổi mà những cậu nhóc bắt đầu tự giải phóng mình khỏi cha mẹ và có xu hướng bắt đầu khám phá thế giới người lớn. Vấn đề là nới lỏng dây cương một chút, trong khi vẫn giữ cho thật chắc, và trên hết bạn phải cho chúng niềm tin rằng bạn luôn ở đó vì chúng. Nhưng Leonard chưa bao giờ ngập ngừng khi muốn làm bất cứ điều gì. Nó nhảy cóc. Ngày một, ngày hai. Như thể nó đang lao thẳng vào một cái hố đen. Thình lình bà đánh mất nó, và chẳng có sợi dây cương nào trên đời này đủ dài để giữ nó lại. Bà đã ở đó nhưng nó có cần bà đâu. Không chút nào cả. “Nó đang nghỉ ngơi. Cô muốn gì thế?" “Chúng tôi muốn gặp nó, nếu như bà không phiền,” Billy khăng khăng khi họ bước vào tiền sảnh. Một khi vào trong, tiếng bass họ đã thoáng nghe thấy khi tiến đến căn nhà một tầng hình chữ L nằm tách biệt kia thậm chí còn to hơn. Nhạc hip hop. Billy nhận ra nó. DMX. Bài “Điều X mang lại.” Năm 2002. Ở trường cũ. "Tôi là mẹ nó, và tôi muốn biết con mình đã làm gì sai.” Vanja để ý thấy bà không muốn biết họ nghĩ hay nghi ngờ con trai bà đã làm cái giống gì. Bà chỉ phỏng đoán rằng nó đã phạm tội. "Chúng tôi muốn nói chuyện với nó về Roger Eriksson." Thằng nhỏ đã chết. Sao cảnh sát lại muốn nói chuyện với Leonard về cái thằng đã chết cơ chứ? Bụng bà chắc chắn đang lên cơn co thắt dữ dội. Clara chỉ lặng lẽ gật đầu, bước sang một bên để Billy và Vanja vào nhà, rồi bà mất hút về bên trái, ngang qua phòng khách, và đi lên chỗ cánh cửa đang đóng kín. Cánh cửa mà bà không được phép mở nếu như không gõ trước. Và giờ bà cũng phải làm như thế. “Leonard này. Cảnh sát đang ở đây và họ muốn nói chuyện với con." Billy và Vanja chờ ở hành lang. Nhỏ nhắn và gọn gàng. Những cái móc trên tường bên phải có treo ba chiếc áo khoác, hai trong số đó dường như là của Leonard. Một chiếc túi xách đơn độc treo lủng lẳng trên cái móc thứ tư. Bên dưới, một cái kệ nhỏ để bốn đôi giày, mà hai trong số ấy là giày thể thao. Hiệu Reebok và Eckō, Billy nhận ra. Đối diện là chiếc tủ ngăn kéo nhỏ với tấm gương soi phía trên. Đầu tủ trống huơ ngoại trừ một tấm thảm nhỏ và chậu hoa sống đời. Đằng sau chiếc tủ kia là bức tường rồi tới phòng khách. Clara gõ vào cánh cửa đang đóng kín lần nữa. “Leonard. Họ muốn nói chuyện với con về Roger. Con làm ơn ra đây được không?” Bà gõ lần nữa. Ngoài tiền sảnh, Billy và Vanja nhìn nhau rồi ra một quyết định ngầm. Họ chùi giày lên tấm thảm rồi đi ngang qua phòng khách. Ngay cửa bếp, chiếc bàn ăn đơn giản đặt trên tấm thảm vàng với những họa tiết ô vuông nâu, rồi một trong hai chiếc ghế xô-pha xoay lưng lại chiếc bàn. Chiếc còn lại ở phía đối diện, đặt ở giữa là bàn cà-phê thấp làm bằng một loại gỗ màu nhạt. Gỗ phong, Vanja đoán vậy, dù cô không dám chắc. Chiếc tivi gắn trên tường. Không thấy phim ảnh gì, dẫu có một đầu đọc DVD trên chiếc kệ thấp bên dưới. Cũng không có máy chơi game hay trò chơi gì. Căn phòng sạch sẽ và gọn gàng. Dường như lâu rồi không ai ngồi trên chiếc ghế xô-pha ấy. Gối xô-pha được bố trí hoàn hảo, một tấm chăn gấp lại, hai chiếc điều khiển từ xa nằm ngay ngắn cạnh nhau. Phía sau chiếc ghế xô-pha thứ hai, các giá sách phủ đầy toàn bộ bức tường, sách bìa cứng và bìa mềm xếp thẳng tắp, rải rác đây đó là những món đồ trang trí lặt vặt không chút bụi bẩn. Vanja và Billy đi đến chỗ Clara lúc bà bắt đầu lo lắng. "Leonard, mở cửa đi!" chẳng có phản ứng gì. Nhạc vẫn nguyên âm lượng. Thậm chí còn to hơn, Vanja nghĩ. Hoặc có lẽ chỉ vì họ ở gần hơn. Billy gõ cửa. Mạnh. “Leo, chúng ta nói chuyện được không?” vẫn không có phản ứng gì. Billy gõ lần nũa. “Lạ nhỉ. Nghe như thể nó đang xoay chìa khóa.” Vanja và Billy nhìn Clara. Billy đẩy tay cầm xuống. Đúng rồi Nó đã khóa cửa. Vanja liếc nhanh qua cửa sổ phòng khách. Đột nhiên cô thấy ngoài kia, một thằng choai tóc hung, to khỏe đáp đất hết sức nhẹ nhàng, rồi thoăn thoắt băng qua bãi cỏ trên đôi chân mang vớ, mất dạng khỏi tầm nhìn của cô. Mọi thứ diễn ra nhanh như chớp. Vanja chạy về phía cửa sau nhà đang đóng kín, hét lên, “Leo! Đứng lại!” Mà Leo hoàn toàn không có ý đó. Thực tế, nó còn tăng tốc thêm. Phản ứng của Vanja làm Billy hơi ngạc nhiên. "Chạy ra cửa trước đi!” cô hét lên từ cửa sau lúc vất vả mở khóa. Cách chừng đó với đây thôi nhưng cô chỉ biết đứng nhìn nó bỏ chạy. Cô giật tung cửa rồi lẹ làng bước qua những luống hoa. Rồi cô tăng tốc. Và hét theo thằng choai kia lần nữa. Lúc 8 giờ sáng, Sebastian đã thức dậy, tắm táp, rồi tự đi ra trạm xăng Statoil cách nhà vài trăm thước. Ông mua đổ ăn sáng và một ly latte, rồi dùng luôn ở đó, trong lúc quan sát những người đi làm buổi sáng mua thuốc lá, cà-phê hay xăng không chì. Khi quay về chỗ ở tạm của mình, ông gom hết nào là báo, thư từ, hóa đơn và thư rác đầy phè nơi thùng thư. Trừ tờ báo hôm nay, còn lại ông cho hết vào một chiếc túi tái chế được gấp gọn gàng trong chiếc tủ đựng đồ lau chùi mà ông đã tìm thấy, ông mong sao đại lý bất động sản kia sẽ sớm gọi lại, để ông không phải hình thành thói quen ăn uống ở trạm xăng Statoil. Thấy tẻ nhạt, ông ra ngồi phía sau nhà, nơi ánh bình minh đã bắt đầu làm ấm lên thềm gỗ vừa mới lát. Hổi Sebastian còn nhỏ, chỗ này từng được lát đá. Những viên đá cuội sắp thành mảng hoa văn nổi; ông nhớ lại thời đó nhà nào cũng làm vậy. Nhưng giờ đây, dường như mọi người chuông thềm gỗ hơn. Ông lấy tờ báo ra và sắp sửa đọc chuyên mục văn hóa thì nghe thấy tiếng người phụ nữ hét lên “Leo! Đứng lại!” rồi trong tích tắc, một thằng choai tóc hung, cao ráo trồi ra khỏi bờ rào cây thường xanh nhà bên cạnh, chạy băng qua lối đi hẹp dành cho người đi bộ và xe đạp, ranh giới giũa hai lô đất, rồi lẹ làng phóng vút qua chiếc hàng rào trắng cao gần cả thước và đáp đất xuống khu vườn nhà Sebastian. Đuổi theo sau nó là một phụ nữ trạc ba mươi. Nhanh nhảu. Lanh lẹ. Cô không bị bỏ lại quá xa lúc chui qua hàng rào, dần dần đuổi kịp thằng nhỏ. Sebastian quan sát cuộc rượt đuổi và thầm đặt cược với chính mình là thằng kia sẽ không đến được hàng rào phía bên kia khu vườn. Quả đúng vậy. Chỉ còn cách hàng rào vài thước, người phụ nữ ấy tăng tốc hết cỡ rồi húc thẳng thằng kia ngã nhào. Công bằng mà nói, cô ta có lợi thế sân vườn vì đang mang giày, Sebastian thầm nghĩ khi quan sát cả hai đang lộn nhào thêm mấy bận vì hãy còn trớn. Cô ta nhanh chóng giữ cánh tay thằng kia rồi vặn ra đằng sau. Cảnh sát. Sebastian đứng lên và cất bước băng qua bãi cỏ. Ông chẳng có ý định xen vào chút nào; mà chỉ muốn nhìn mọi thứ rõ hơn. Cô ta có vẻ kiểm soát tốt tình hình, mà nếu không thì cũng đã có người đàn ông trạc tuổi cô, đang chạy từ hướng ngược lại, sẽ phụ cô một tay. Rõ ràng cậu ta cũng là cảnh sát rồi; lấy ra một bộ còng, cậu ta bắt đầu khóa hai cánh tay thằng kia lại sau lưng. “Thả tôi ra! Tôi có làm cái quái gì đâu!” Thằng tóc hung vặn vẹo hết sức trên cỏ trong lúc bị người phụ nữ kia ghì chặt. “Vậy mắc mớ gì phải bỏ chạy?” người phụ nữ hỏi trong lúc cùng đồng nghiệp của mình lôi thằng choai kia đứng dậy. Họ bắt đầu di chuyển về phía trước ngôi nhà, nơi một chiếc xe đang đợi sẵn, Sebastian đoán chừng. Vừa đi được một đoạn, người phụ nữ để ý thấy không chỉ có mỗi mình họ trong khu vườn. Cô nhìn về phía Sebastian, liền móc thẻ nhận dạng ra khỏi túi, rồi lật mở. Ở khoảng cách đó, nó trông chẳng khác gì thẻ thư viện. Sebastian không đọc được một chữ nào. "Vanja Lithner của đội Riksmord. Mọi thứ ổn cả rồi. Ông vào lại trong nhà được rồi.” “Nãy giờ tôi có ở trong đó đâu. Tôi ở ngoài này không mắc mớ gì đấy chứ?” Nhưng rõ ràng người phụ nữ kia đã xong thủ tục với ông. Cô cất thẻ nhận dạng vào rồi túm lấy cánh tay thằng kia lần nữa. Nó trông như những thằng nhóc mà cuộc đời chúng đã tuột dốc rất sớm. Cho nên, rất có khả năng đây không phải lần đầu, mà cũng chẳng là lần cuối nó bị dẫn đến một chiếc xe cảnh sát đang đợi sẵn. Một phụ nữ khác đi dọc vỉa hè tiến đến. Bà ta ngừng lại; tay đưa lên miệng ngăn mình không phải thét lên khi nhìn thấy những gì xảy ra trong vườn nhà Sebastian. Sebastian nhìn bà đăm đăm. Người mẹ, tất nhiên rồi. Mái tóc hung mềm mại, hơi xoăn. Ước chừng bốn mươi lăm. Không cao lắm – khoảng một mét sáu lăm. Người cân đối. Hẳn là thành viên chăm chỉ của phòng tập. Bà ta chắc chắn là hàng xóm phía bên kia bờ rào. Khi Sebastian còn sống ở đây, một cặp vợ chồng người Đức nuôi hai con chó Schnauzer đã ở trong ngôi nhà đó. Lúc đó, họ thậm chí đã rất già. Giờ đây, chắc đã qua đời. “Leonard, con đã làm gì vậy hả? Các người định mang thằng nhỏ đi đâu? Nó đã làm gì cơ chứ?" chẳng quan tâm người ta có trả lời mình hay không; các câu hỏi của bà cứ thế tuôn ra. Dồn dập và quyết liệt, giọng như sắp lên đến quãng tám. Hệt chiếc van an toàn trên nổi áp suất. Mà nếu giữ lại nhũng câu hỏi kia ở trong người, bà sẽ nổ tung cùng những mối lo âu. Người phụ nữ tiến qua bãi cỏ. “Nó đã làm gì? Làm ơn nói cho tôi biết đi! Sao lúc nào con cũng rơi vào rắc rối hết vậy hả Leonard? Nó đã làm gì? Các người đang tính đưa nó đi đâu?" Nữ cảnh sát buông cánh tay thằng kia ra rồi bước về phía bà mẹ đang hoảng hốt. Nam nhân viên cảnh sát vẫn cứ đi. “Chúng tôi chỉ muốn nói chuyện với thằng bé. Tên nó xuất hiện trong quá trình chúng tôi thẩm vấn,” nữ cảnh sát nói, và Sebastian chú ý thấy cô đưa tay xoa dịu người phụ nữ đang bị kích động. Giao tiếp thể chất. Giỏi đấy. Chuyên nghiệp. "‘Xuất hiện' ư? ‘Xuất hiện’ trong ý cô là gì? Theo nghĩa nào?” “Bây giờ chúng tôi sẽ đưa nó đến đồn cảnh sát. Nếu chút nữa bà cũng đi xuống đó, chúng ta sẽ thảo luận mọi thứ thật nhẹ nhàng và êm thấm.” Vanja đột nhiên ngừng lời, để chắc rằng mình nhìn vào mắt của người phụ nữ kia trước khi nói tiếp. “Clara này, hiện giờ chúng tôi cũng chưa biết gì hết. Đừng buồn phiền vô cớ. Hây đến đồn cảnh sát, bảo cho gặp tôi hoặc Billy Rosén. Tên tôi là Vanja Lithner." Đúng là Vanja đã tự giới thiệu tên mình khi họ đến nhà Lundin, nhưng đâu có chắc Clara đã ghi nhớ hay thậm chí kịp nghe lấy tên cô. Vậy nên Vanja lấy một tấm danh thiếp rồi chìa ra. Clara cầm lấy cùng cái gật đầu, quá bàng hoàng để phản kháng. Vanja quay đi rời khỏi khu vườn. Clara nhìn theo dáng cô mất hút quanh góc cây lý chua đang trổ hoa. Trong một đỗi, bà chỉ đứng trơ ra đó. Hoàn toàn vô định. Sau đó, bà quay sang bấu víu vào những gì gần mình nhất, mà tình cờ lại là Sebastian. “Họ có quyền làm vậy ư? Được phép đem thằng bé đi mà không có tôi sao? Nó hãy còn nhỏ mà.” “Nó bao nhiêu tuổi rồi?" "Mười sáu." "Vậy thì họ được quyền làm thề.” Sebastian quay trở lại với thềm gỗ, ánh nắng ban mai và chuyên mục Văn hóa. Clara vẫn đứng đó, nhìn trân trối vào góc vườn mà Vanja mất hút, như thể bà đang thầm mong cả ba người họ nhảy vọt ra, phá lên cười, rồi bảo với bà rằng toàn bộ chuyện này chỉ là trò đùa. Một trò đùa như thật được lên kế hoạch tỉ mỉ. Nhưng nào phải thế. Một lần nữa, Clara quay đầu nhìn Sebastian lúc ông vừa ngồi xuống chiếc ghế bành trắng. “Chẳng lẽ ông không giúp gì được sao?” bà nói đầy tha thiết. Sebastian nhìn bà với vẻ giễu cợt. "Tôi ư? Như thế nào cơ?” “Không phải ông là con trai nhà Bergman đó sao? Sebastian phải không? ông đang làm nghề này còn gì.” “Đã làm. Thì quá khứ nhé. Gần đây tôi chẳng làm gì hết. Và ngay cả hồi đi làm, tôi cũng chẳng dính dáng gì tới những vụ bắt giữ gây tranh cãi hết. Tôi là nhà tâm lý học tội phạm, chứ có phải luật sư đâu.” Ở ngoài đường, chiếc xe mang theo đứa con trai duy nhất của Clara nổ máy rồi lăn bánh. Sebastian nhìn người phụ nữ hãy còn đứng yên bãi cỏ nhà ông. Luống cuống. Bơ vơ. “Nó đã làm gì thế, con trai bà đó? Sao Riksmord lại quan tâm đến nó?" Clara bước lại chỗ ông. “Liên quan gì đó đến thằng nhỏ bị sát hại. Tôi cũng không rõ nữa. Mà Leonard sẽ không bao giờ làm những điều như thế đâu. Không bao giờ.” “Vậy chứ Leonard làm gì?” Clara nhìn Sebastian, tỏ ra khó hiểu khi ông hất đầu về phía hàng rào. “Lúc đi qua hàng rào, chẳng phải bà đã rầy la nó lúc nào cũng vướng vào rắc rối đấy sao.” Clara nghĩ ngợi. Bà đã làm thế ư? Bà không rõ nữa. Quá nhiều nghi vấn. Đầu óc bà vô cùng xáo trộn, nhưng có lẽ đúng vậy. Leonard đã dính líu đến khá nhiều rắc rối, đặc biệt là dạo gần đây, nhưng chuyện này lại hoàn toàn khác. "Nhưng nó không phải là sát nhân!” “Cũng chẳng ai là sát nhân cả cho đến khi họ giết người.” Clara nhìn Sebastian – ông giờ đây coi bộ thờ ơ và dửng dưng với nhũng sự việc diễn ra trong khu vườn của mình. Ông đang nhịp các đầu ngón tay lên tờ báo, tựa hồ như chẳng có gì bất thường hay quan trọng đã xảy ra. “Nói vậy là ông sẽ không giúp gì tôi hết ư?” “Tôi có bản sao Trang Vàng trong nhà. Tôi sẽ tra cứu chữ L để tìm luật sư.” Nỗi lo lắng và sợ hãi trong người Clara giờ đây hòa lẫn cùng cơn thịnh nộ. Bà có nghe nói đến con trai nhà Bergman suốt những năm Esther và Ture còn là hàng xóm. Và chẳng có điều gì ra hồn cả. Chẳng bao giờ. “Đó giờ tôi cứ tưởng Esther đã quá lời khi nói về ông.” “Điều đó khiến tôi ngạc nhiên đấy – mẹ tôi chưa bao giờ là người có nghĩa cử cao thượng cả.” Clara liếc Sebastian, rồi quay người bỏ đi mà chẳng thèm đếm xỉa một lời nào. Sebastian cầm lên khỏi thềm gỗ một chuyên mục của tờ báo. Ông đã chú ý đến bài viết, nhưng chẳng mấy đặc biệt quan tâm. Giờ đây ông xem xét nó một lần nữa. RIKSMORD VÀO CUỘC ĐIỂU TRA VỤ SÁT HẠI NAM THIẾU NIÊN Chương tám "Tại sao cậu lại bỏ chạy?” Vanja và Billy đang ngồi đối diện với Leonard Lundin trong một căn phòng được bài trí đơn giản. Một chiếc bàn, ba cái ghề dựa khá thoải mái. Giấy dán tường màu trầm, một tấm bích chương lạc lõng được khung lại, một cây đèn đứng ở một góc, phía sau một chiếc ghế bành nhỏ. Ánh sáng ban ngày hắt qua chiếc cửa sổ kính mờ đục, nhưng dẫu sao vẫn nhận ra thứ ánh sáng ban ngày đó. Căn phòng như thuộc về nhà nghỉ tập thể đơn điệu của cánh du lịch bụi hơn là một phòng phỏng vấn, chỉ thiếu mỗi chiếc giường ngủ, nhưng lại có thêm hai chiếc máy quay giám sát ghi lại mọi thứ từ căn phòng kế bên. Leonard ngồi sụp xuống sát mép ghế, hai tay khoanh trước ngực, đôi chân trần thò ra khỏi chiếc bàn. Nó không nhìn trực diện vào hai viên cảnh sát mà cố định ánh nhìn xuống của mình ở một điểm nào đó bên trái. Cả người nó toát lên vẻ thờ ơ và dường như cả sự khinh thường nào đó. “Có biết đâu. Chỉ phản xạ như vậy thôi.” “Phản xạ bỏ chạy khi cảnh sát muốn nói chuyện với cậu ư? Sao lại thế?” Leonard nhún vai. “Cậu đã làm gì phạm pháp chăng?” "Không phải hai người đã nghĩ thế rồi còn gì.” Oái oăm là họ chẳng nghĩ thế lúc đi đến nhà Lundin để nói chuyện với nó, nhưng mang vớ trèo qua cửa sổ bỏ chạy chắc chắn càng làm họ thêm quan tâm lẫn nghi ngờ mà thôi. Vanja đã quyết định sẽ phải khám xét toàn bộ căn phòng của Leonard. Bỏ đi qua ngả cửa sổ là khá cực đoan. Hẳn có những món đồ trong căn phòng kia mà nó chắc chắn không muốn họ nhìn thây. Những món đồ xâu chuỗi nó với vụ án mạng. Đến thời điểm này, toàn bộ những gì họ nắm được là nó đã quần chiếc xe đạp máy của mình quanh chỗ nạn nhân vào tối thứ Sáu. Vanja lái cuộc nói chuyện theo hướng đó. “Cậu đã nhìn thấy Roger Eriksson hồi thứ Sáu tuần trước.” “Tôi sao?” "Một nhân chứng đã nhìn thấy cả hai người, ở Gustavsborgsgatan." “Nếu vậy thì tôi nghĩ mình đã ở đó. Thế thì làm sao?” ‘“Nếu vậy thì tôi nghĩ mình đã ở đó – vậy là cậu thừa nhận?” Billy ngẩng lên khỏi xấp ghi chú của mình rồi nhìn trừng trừng vào thằng nhãi kia. “Cậu có nhìn thấy Roger Eriksson hồi thứ Sáu rồi không hả?” Leonard chạm phải cái nhìn gay gắt trong giây lát, rồi gật đầu. Billy dịch động tác gật đầu thành từ ngữ cho chiếc máy ghi âm đặt trên bàn: “Câu trả lời của Leonard cho câu hỏi vừa rồi là ‘có.’” Vanja hỏi tiếp: “Cậu và Roger từng học chung trường, nhưng rồi cậu ta chuyển sang một trường khác. Cậu có biết vì sao không?” “Cô đi mà hỏi nó chứ.” Quá ư ngu xuẩn. Quá ư... xấc xược. Billy chỉ muốn túm lấy nó rồi lắc cho thật nhừ tử. Vanja cảm thấy rõ điều đó, và kín đáo đặt tay mình lên cánh tay của người đồng nghiệp. Không có vẻ tức tối hay một dấu hiệu nhỏ nhất nào cho thấy cô để bản thân mình bị kích động, cô lật mở tập tài liệu trên bàn, ngay trước mặt mình. “Tôi cũng muốn làm thế lắm. Nhưng cậu ta đã chết rồi, mà cậu chắc cũng thừa biết còn gì. Ai đó đã moi lấy quả tim rồi quẳng nó vào một đầm lầy. Tôi có cả hình ở đây nữa.” Vanja bắt đầu bày ra những tấm hình có độ phân giải cao, bóng loáng chụp ở hiện trường, nơi thi thể được tìm thấy và ở nhà xác. Cả Vanja và Billy đều hiểu chuyện chứng kiến cái chết trên phim ảnh và trò chơi điện tử chẳng quan trọng, chẳng phương tiện truyền thông nào lột tả nổi cái chết. Ngay cả một chuyên gia hiệu ứng đặc biệt lành nghề nhất cũng không tái tạo được cái cảm giác nhìn thấy một xác chết bằng xương bằng thịt. Đặc biệt nếu là Leonard, nó đã trông thấy người đó còn sống sờ sờ đúng một tuần trước. Leonard liếc nhìn mấy tấm hình. Cố làm ra vẻ thờ ơ, nhưng cả Vanja và Billy đều thấy được thật khó lòng, nếu không muốn nói là hoàn toàn không thể, để nó nhìn vào những tấm hình kia. Nhưng như vậy cũng chẳng nói lên điều gì; có khi đó là cú sốc, lại cũng rất có thể là mặc cảm tội lỗi. Những tấm hình thế này tác động như nhau lên thủ phạm lẫn người vô tội. Hầu như không có ngoại lệ. Cho nên, phản ứng vừa rồi chẳng có gì đáng quan tâm. Điều quan trọng là bắt nó nghiêm túc trả lời phỏng vấn. Bỏ đi thái độ hung hăng, ương ngạnh kia. Vanja từ từ và điềm tĩnh bày ra từng tấm hình một, và Billy đột nhiên thấy mình chưa bao giờ hết bị cô gây ấn tượng. Ngay cho dù cô nhỏ hơn anh một tuổi hay đại loại thế nhưng cô lại giống như bà chị cả. Một bà chị cả luôn dẫn đầu mọi thứ, nhưng vẫn rất chi tuyệt vời hơn là một kẻ mọt sách. Và luôn là người bênh vực cho đàn em của mình. Cô nhoài người tới. “Chúng tôi ở đây là để bắt kẻ đã gây ra thứ này. Và chắc chắn sẽ làm thế. Ngay lúc này, chúng tôi chỉ có mỗi một kẻ khả nghi, và đó là cậu. Cho nên nếu cậu muốn ra khỏi đây rồi khoác lác với bạn bè rằng mình đã tẩu