🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bí Mật Của Những Cuộc Đời - Nguyễn Như Phong full mobi pdf epub azw3 [Bút Ký] Ebooks Nhóm Zalo BÍ MẬT NHỮNG CUỘC ĐỜI Tác giả:Nguyễn Như Phong NXB Công An Nhân Dân TVE-4U Sưu tầm text: ngqphuc2011 Làm ebook: Bọ Cạp 1 Trại giam của Công an tỉnh Nam Sơn nằm trên một quả đồi thấp cách trung tâm thành phố khoảng sáu cây số có tên là đồi Dẻ vì thế mà cũng được mọi người gọi bằng cái tên Trại đồi Dẻ. Người ta kể rằng, ngày xửa ngày xưa, khi mà những vạt rừng còn chạy dài từ chân núi Hoàng Sơn đến tận gần thị xã thì khu vực này mọc rất nhiều cây dẻ và trên quả đồi có nhiều cây dẻ cổ thụ to cỡ một người ôm. Có hai địa danh được coi là nơi chứa nhiều bí ẩn và huyền bí ở tỉnh là đồi Dẻ và đầm Tà. “Ma già đồi Dẻ, ma trẻ đầm Tà”, các bà các mẹ cứ lấy câu đó để dọa trẻ con, cái chính là ngăn không cho chúng ra đó chơi. Đầm Tà là một khu đầm rộng có đến hơn năm trăm hécta bạt ngàn lau sậy, là nơi trú ngụ của các loại chim bắt cá như cò, le le, cốc. Có ba đứa trẻ cả gan lấy thuyền thúng bơi ra giữa đầm và chẳng may bị vòi rồng hút ráo cả lên trời và từ đó, vào những đêm trăng xuông, thi thoảng người ta lại nghe thấy giữa thinh không tiếng trẻ con nói léo nhéo. Còn ở đồi Dẻ, nghe nói vào cái dịp đói năm 1945, có một lần người ta thấy có đến một chục người già ôm nhau nằm chết đói trên đồi Dẻ. Hóa ra đó là một số người của làng Bến quyết ra đi để chết cho gia đình đỡ một miệng ăn và thế là họ chọn đồi Dẻ… Dân quanh vùng quyên góp lập cho họ một miếu thờ và từ ngày đó, đồi Dẻ bỗng trở nên linh thiêng. Nhưng đến năm 1965 thì Ty Công an tỉnh Nam Sơn chọn nơi này để xây dựng trại giam. Nghe nói là chính ông Phó ty Công an tỉnh bổ nhát búa đầu tiên đập miếu thì chỉ ba ngày sau, ông phát bệnh đau đầu rồi hóa người quẫn trí. Nhưng rồi trại giam vẫn cứ được xây và quy mô ngày càng mở rộng hơn. Năm 1990, trại được đầu tư lớn, xây lại gần như toàn bộ. Trại có bốn khu giam. Khu A là dành cho bệnh xá của phạm nhân, nhà trẻ, nhà giam những người bị tâm thần hoặc bị bệnh truyền nhiễm. Khu B gồm hai dãy, có mười phòng giam là khu phạm nhân nữ. Khu C là khu lớn nhất, gồm sáu dãy nhà giam và có ba mươi phòng giam, mỗi phòng diện tích khoảng hơn bảy chục mét. Khu này giam đủ loại tội phạm và với nhiều mức án khác nhau. Còn khu D là khu dành riêng cho những loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm và phạm nhân bị kết án tử hình đang chờ thi hành án. Khu D có mười buồng giam tử tù và mỗi buồng chỉ giam một người. Buồng giam tử tù rộng khoảng 6m2, trong đó có một bệ xi măng dài 2,2m rộng 1,1m là nơi cho tử tù nằm, góc trong cùng là hố xí và một vòi nước. Nhưng sau này, với lý do phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho tử tù được sống khỏe mạnh cho đến lúc ra trường bắn chịu sự trừng phạt của pháp luật, người ta quyết định bỏ vòi nước và thay vào đó là một xô nhựa loại 30 lít. Mùa hè thì cứ hai ngày tử tù được tắm một lần còn mùa đông, khi nào họ cần tắm thì báo và quản giáo cho phạm nhân tự giác mang nước vào cho tử tù tắm. Gần đây, khi mà trại giam xây được khu lò hơi để nấu ăn thì nước nóng đâm ra dư thừa và thế là khi nào trời rét quá, tử tù được “ưu tiên” tắm nước nóng. Lúc đầu thì ai cũng nghĩ đó là chuyện đơn giản. Nhưng rồi có lần một đoàn khách nước ngoài thuộc một tổ chức nhân đạo nào đó đi đến trại và họ vô cùng ngạc nhiên khi thấy tử tù được tắm nước nóng và thế là khi trở về, họ ca ngợi chính sách nhân đạo của trại hết lời. Hồi xây dựng, khi thiết kế có mười buồng giam tử tù, ông Chủ tịch tỉnh đã phê phán công an là dự báo tình hình tội phạm bằng con mắt bi quan. Cái lý của ông là xã hội ngày càng phát triển, càng văn minh, dân càng giàu thì tội phạm phải càng ít đi, vì thế chỉ cần xây bốn buồng tử tù là được. Ai ngờ đến cuối những năm 90 của thế kỷ XX, tội phạm cứ tăng vùn vụt và các buồng giam đều quá tải. Riêng tử tù, có lúc lên đến hơn hai chục, mà chủ yếu là buôn bán ma túy, vì thế nhiều khi phải lấy các buồng giam khác để giam tử tù. Mỗi lần như vậy thì quản giáo đến khổ bởi họ phải thực hiện thêm bao nhiêu phần việc ngoài nhiệm vụ. ❃ ❖ ❊ Kim đồng hồ trong phòng trực ban của quản giáo khu D - Khu biệt giam phạm nhân bị án tử hình chỉ 3 giờ 30 chiều. Trời nóng ngột ngạt. Không khí như đông lại. Những cây dẻ còn sót lại trong trại giam đứng im phăng phắc. Trong các buồng giam ở khu B phạm nhân nữ, nhiều ả cởi trần phơi những cặp vú thỗn thện bất chấp cả những lời cảnh cáo của các quản giáo nữ. Đi qua hành lang của các phòng giam nữ, một loại mùi đặc trưng của nhà tù bốc ra đến khó chịu. Các khu giam phạm nhân nam cũng bốc mùi hơi người nhưng còn dễ chịu hơn rất nhiều so với mùi ở khu phạm nhân nữ. Đó là mùi hơi người nồng nặc, mùi của hàng trăm loại mồ hôi, rồi mùi son phấn, mùi của hàng chục hũ dưa, cà, mùi nước mắm, mùi thức ăn… những thứ mùi đó quyện vào nhau khiến người nào lần đầu tiên đến nơi này đều có cảm giác lờm lợm trong cổ. Và những lúc thời tiết khó chịu thế này, thì có một nơi khá hơn cả chính là ở khu D, bởi lẽ mỗi tử tù được ở một buồng vì thế môi trường chưa bị “ô nhiễm”. Tại phòng giam dành cho phạm nhân đã bị kết án tử hình. Trần Hùng Lân hay còn gọi là Lân “xồm” vì có bộ râu quai nón đen nhánh ôm lấy khuôn mặt vuông vức, đang ngồi đọc truyện. Từ ngày vào trại giam, không ngày nào là Lân không ngêu ngao đọc Tam quốc, Thủy hử, Tây du ký rồi đôi lúc cao hứng anh ta đọc ngâm thơ Đường, thơ chữ Hán của cụ Nguyễn Du. Các cán bộ quản giáo đã từng trông coi Lân ai cũng phải công nhận là anh ta có trí nhớ lạ kỳ. Riêng Tam quốc diễn nghĩa, Lân có thể đọc vanh vách từng chương hồi mà nếu so với bản gốc thì không sai là bao. Đã có lần Lân đố các quản giáo là mang Tam quốc đến, cán bộ đọc bất cứ một câu nào thì Lân đọc ngay được đoạn tiếp theo. Mấy anh lính cảnh sát bảo vệ trẻ không tin, họ bảo nhau mang truyện tới và chỉ đến khi đó mọi người mới phục tài của Lân. Ban đêm thì Lân hay đọc cho một gã tử tù tên là Vũ Văn Cao ở buồng bên nghe, còn ban ngày thì chỉ khi nào hứng chí anh ta mới đọc. Mồ hôi vã ra trên bộ mặt Lân. Anh ta cởi phăng áo, rồi lấy áo lau mồ hôi và lẩm bẩm: – Lạ quá, cuối thu rồi mà sao còn nóng thế không biết. Rồi Lân ngân nga đọc bài thơ kết thúc Tam quốc: “Gươm Cao tổ Hàm Dương thuở nọ Vầng phù tang soi đỏ góc trời Chân nhân Bạch Thủy nối ngôi Quạ vàng bay bổng tuyệt vời mây xanh. Vận suy bĩ thương tình Hán đế Mảnh ô kim đã xế non đoài. Tiếc thay Hà Tiến vô tài Gian thần Đổng Trác giữ ngôi triều đình…” Có tiếng mở khóa cửa lạch cạch, Lân ngừng đọc quay ra nhìn. Đó là hai anh cảnh sát bảo vệ cùng một quản giáo xuất hiện với một phạm nhân tự giác vào buồng giam. Mấy người này Lân đã quá quen thuộc. Người quản giáo có dáng người thấp đậm và có mái tóc chỗ vàng hoe, chỗ đen nhánh nhưng có chỗ thì bạc đến tận chân tóc. Anh đeo quân hàm đại úy và có tên là Lê Huy Tự. Anh có mái tóc bạc trước tuổi và cứ nhuộm đi nhuộm lại bằng những loại thuốc rẻ tiền vì thế mái tóc trở nên nhôm nhoam. Hai cảnh sát bảo vệ thì đều là lính cảnh sát nghĩa vụ đeo quân hàm trung sĩ, còn người tù tự giác tên là Hòa, phạm tội lừa đảo bị kết án ba năm tù và được giữ lại trại, chuyên phục vụ cơm nước cho tử tù. Hòa ngày trước vốn là kỹ sư xây dựng làm ở Công ty Cầu đường số I thuộc tổng công ty của Lân, vì thế giữa hai người cũng có tình cảm. Đại úy Tự cười và nói với Lân: – Anh có trí nhớ tuyệt thật đấy. Đêm hôm qua, tôi nghe anh đọc Tam quốc thuộc lòng mãi đến gần 1 giờ sáng. – Chào cán bộ. Sao hôm nay lại vào giờ này. Cán bộ muốn kiểm tra sức khỏe của tôi phải không. Chắc là tôi sắp ra dựa cột! Đại úy Tự cảnh giác đứng xa mặc dù trong số tử tù, Lân là người luôn có thái độ đúng mực. Nhưng với các tử tù, cảnh giác thì không bao giờ thừa và điều ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của quản giáo: – Nếu anh có phải đi dựa cột, tôi cũng chỉ được phép biết trước một vài giờ thôi. – Tôi thấy chính quyền quá khắt khe đối với cả những người chỉ còn nằm chờ chết - Lân nói với giọng mỉa mai - Tôi xem phim nước ngoài, thấy họ thông báo cho tử tù trước một ngày, lại cho gặp vợ con, gia đình… Đằng này, cứ úp úp, mở mở. Hai, ba giờ sáng mới dựng con người ta dậy lôi đi. Xử án thì xử công khai mà thi hành án thì cứ giấu giấu giếm giếm. Anh quản giáo đánh trống lảng: – Mai gió mùa đông bắc về. Trời rét đấy! Anh có muốn tắm không? – Thảo nào trời oi quá. Rất cảm ơn cán bộ. Tôi xin được đi tắm. Mà này, tôi có một kiến nghị gửi lên các cấp lãnh đạo. Cán bộ chuyển giúp nhé. – Anh kiến nghị điều gì? – Tôi muốn kiến nghị là phải cho những người như tôi được chọn hình thức chết. Tự uống thuốc độc, tự treo cổ hoặc ra pháp trường. Thích chết kiểu nào thì tùy. Quan trọng là loại chúng tôi ra khỏi đời sống xã hội, thế là xong. Tôi đã đi xem tử hình từ ngày còn thanh niên, ghê lắm. Vừa lúc đó, một cảnh sát rất còn trẻ, đeo quân hàm hạ sĩ gọi: – Anh Tự ơi! Lên phòng họp gấp. Đại úy Tự làu bàu: – Lại họp. Sáng đã họp mất ba tiếng liền. Sắp đến giờ nghỉ rồi, lại họp! Tự nói rồi quay sang hai cảnh sát bảo vệ: – Hai cậu trông cho anh Lân tắm nhé. Hôm nay có cần tắm nước nóng không? Nói rồi Tự vội vàng đi lên nhà chỉ huy. Trần Hùng Lân cười hì hì: – Chưa phải tắm nước nóng. Chắc mai lại có chú nào ra dựa cột chứ gì. Không khéo đến lượt tôi đấy. Lân đột nhiên nghiêm nét mặt hỏi Hòa: – Hôm nay ngày bao nhiêu âm lịch, chú mày? Hòa nhanh nhảu: – Ngày mùng chín! Vâng, mùng chín tháng mười âm lịch. Lân bấm ngón tay, nét mặt càng lúc càng căng thẳng. Hồi lâu, hắn thở dài rồi nói với hai cảnh sát: – Quẻ xấu quá. Nếu quẻ này đúng, tôi chỉ còn được sống tính bằng giờ. – Em gội đầu cho anh trước nhé - Gã tù tự giác hỏi. Lân gật đầu hờ hững. Hai anh cảnh sát bảo vệ an ủi: – Chưa dựa cột đâu. Chúng tôi nghe đâu anh được ân xá đấy. – Làm gì có chuyện đấy. Vả lại, tôi cũng không muốn sống nữa. Mình chết đi gia đình bớt một gánh nặng, những người đã từng ăn tiền của mình hàng tỉ thì vui mừng. Tất nhiên cũng có những người buồn đó là con cái mình, bạn thân của mình… (!). – Anh căn cứ vào đâu mà bảo sắp bị xử bắn? – Tôi vừa bói dịch được quẻ thuần Khảm. Đó là một trong Tứ đại hung quái. Người đang bị bệnh, đang gặp nạn mà gặp quẻ này thì nguy hiểm vô cùng. ❃ ❖ ❊ Tại phòng họp của Ban Giám thị trại giam. Có bốn người trong Ban Giám thị, một số quản giáo, trong đó có một người nom đã đứng tuổi, tóc bạc quá nửa đeo quân hàm trung tá, đó là ông Vân, một người đã hàng chục năm rồi chỉ làm mỗi nhiệm vụ trói tử tù vào cột, bịt mắt họ lại và khi bắn xong thì ông lại khâm liệm tử tù và cho vào quan tài. Vì vậy, cứ cuộc họp nào mà Ban Giám thị triệu tập ông là mọi người biết ngày mai sẽ có thi hành án tử hình. Dự cuộc họp còn có Thượng tá Trần Quang Vũ, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra. Vũ có nét mặt khắc khổ, già trước tuổi nhưng có nụ cười rất đôn hậu. Trung tá Vũ Minh, Trưởng giám thị trại giam thông báo: – Báo cáo các đồng chí, hôm kia Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân xá của hai phạm nhân bị kết án tử hình đó là Lê Văn Thân và Phan Hồng Hải. Hội đồng thi hành án đã họp và quyết định sáng mai sẽ tiến hành thực hiện bản án với hai phạm nhân này và phạm nhân Trần Hùng Lân. Hải là đồng bọn cùng với Lân. Riêng phạm nhân Lân thì các đồng chí biết rồi. Anh ta không làm đơn xin ân xá. Một sĩ quan thuộc Phòng Cảnh sát điều tra ngồi góc phòng lên tiếng: – Thế mà nhiều người cứ bảo thể nào tay Lân này cũng thoát chết vì khối quan chức đã ăn tiền của hắn phải lo cứu. Hôm nọ mấy tay nhà báo còn tuyên bố chắc như đinh đóng cột là không có chuyện thằng Lân bị tử hình. Lại một sĩ quan khác nói chen: – Làm gì có chuyện đó. Tham ô hơn ba chục tỉ, chủ mưu giết hai người mà không tử hình thì còn giời đất nào nữa. Trung tá Vũ Minh xua tay: – Các đồng chí trật tự. Kế hoạch sáng mai là thế này: 2 giờ 30 phút ta làm thủ tục. Trung đội 1 Cảnh sát bảo vệ và quản giáo khu D chịu trách nhiệm áp giải phạm nhân. Giám đốc Công an tỉnh đã phân công Tiểu đoàn Cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ Tư pháp cử đội hành quyết. Anh em sẽ có mặt ở trường bắn lúc 4 giờ sáng. Còn bác Vân - Anh quay sang nói với một người trung tá già, đeo quân hàm đã bạc phếch - Bác giúp cho công tác chuẩn bị ngoài pháp trường. Cũng đề nghị bác nhớ là phải truyền nghề cho hai đồng chí này. Anh lại chỉ vào hai anh đeo quân hàm thượng úy. Trung tá Vân cười nhăn nhó: – Báo cáo Ban Giám thị, tôi vừa nghe tin là có quyết định nghỉ hưu đã chuyển về rồi. Lần này, xin Ban Giám thị cho tôi được thôi đi thi hành án. Công việc thì tôi tin là hai đồng chí Tân và Hỉ làm được. – Thôi, xin bác cố gắng nốt cho. Cũng là để rèn thêm cho anh em trẻ. Đúng là bác có quyết định nghỉ hưu rồi, nhưng tôi đề nghị Ban Giám đốc để bác làm thêm một năm nữa. Khi nào có người thay thế được bác thì tính sau. Người trung tá già thần mặt ra không biết nói thế nào. Bỗng dưng anh đứng dậy nói với giọng bùi ngùi: – Báo cáo các đồng chí lãnh đạo. Tôi xin các đồng chí thương cho. Tôi phải làm công việc thi hành án tử hình có dễ đến hàng trăm tên. Gần ba chục năm làm công việc này… nhiều lúc ám ảnh lắm. Cũng cố nghĩ là họ làm nên tội, họ phải chịu… nhưng dù sao thì đó cũng là con người. Tôi xin làm nốt lần này. Lần này thôi. Lần này thôi nhé. Con trai tôi vừa bị vợ nó bỏ rồi. Con dâu tôi nó không chịu nổi cứ mỗi khi nghĩ đến công việc của tôi, là bố chồng nó… Ông nói bằng giọng nghèn nghẹn rồi từ hai hốc mắt sâu trên gương mặt gầy, già trước tuổi ứa ra những dòng nước mắt. Mọi người im phăng phắc không ai biết nói thế nào. Trung tá Minh an ủi: – Anh em rất hiểu bác. Thôi vậy, nếu bác nói thế, đơn vị cũng thông cảm. Thế nào, hai đồng chí được giao “kế tục sự nghiệp” của bác Vân có ý kiến gì không? Một anh tên là Hỉ đứng dậy ấp úng: – Chúng tôi… chúng tôi cũng đã làm đơn, xin Ban Giám thị cho thôi làm việc đó ạ. Cấp trên kỷ luật thế nào chúng tôi cũng chịu và nếu có đưa chúng tôi đi Tây Bắc, Tây Nguyên thì cũng được… Còn công việc này, quả thật là không làm nổi. Mọi người không ai ngờ lại xảy ra chuyện này. Vũ Minh thở dài: – Thôi được, lát nữa Ban Chỉ huy Cảnh sát bảo vệ ở lại họp với tôi. Còn bây giờ, kế hoạch thi hành án thì cũng giống như mọi lần trước thôi. Anh nói xong rồi thở dài sườn sượt. ❃ ❖ ❊ Trong phòng giam, tử tù Trần Hùng Lân đã tắm xong. Anh ta chải đầu gọn ghẽ và bảo gã tù tự giác: – Mày biết không, mỗi khi trở trời chuyển mùa, đi câu sướng lắm. – Em tưởng trở trời cá không đi ăn. Đến người còn mệt nữa là. – Mày biết đếch gì. Tao đẻ ra ở ven hồ, lớn lên sống bằng nghề câu cá trộm. Tao chỉ nhìn tăm cá biết ngay đó là loại cá gì, cá to hay bé, thậm chí còn đoán được nó nặng bao nhiêu cân. – Đời đi câu của anh đã được con to nhất là bao nhiêu cân. – Ba chục cân. Cá trắm đen. Tao câu được ở đầm Trị, cạnh Phủ Tây Hồ. Lần đó, tao ròng con cá đúng ba tiếng đồng hồ. Hai anh lính cảnh sát bảo vệ lắng nghe, chợt một anh nhếch mép nói mỉa: – Ông chỉ nói phét. Cá ở hồ làm gì có đến ba chục cân. Lân liếc nhìn anh ta bằng ánh mắt khinh khỉnh: – Này, ông lính trẻ. Ngày mai, tôi phiền ông đi ôtô về Hà Nội, đến đầm Trị, hỏi mấy tay chủ hồ là có phải cách đây 10 năm, vào mùa thu, thằng Lân “xồm” đã câu được con cá trắm đen nặng 30 cân không nhé. Chà, vảy nó to như trôn bát, cứng như sừng. Hôm đó, nếu cả bộ lục không đánh đúng “alô” của nó thì chưa biết thế nào. – Alô là cái gì? - Một anh cảnh sát hỏi: – Là cái mồm, hiểu chưa! Thấy Lân có vẻ cáu, hai cảnh sát cảnh giác ngay và giục gã tù tự giác: – Thôi, ra đi. 2 Tự ngẩn người, hỏi lại: – Nó nói thế à? – Vâng, anh không tin lát nữa xuống bảo anh ta nói lại cho mà nghe. Tự thở dài: – Thế thì giỏi quá. Đúng là sáng mai bắn anh ta với hai thằng nữa đấy. Nghe Tự nói, anh cảnh sát trợn tròn mắt hỏi lại: – Chúng em có phải ra bảo vệ trường bắn không? – Chắc chắn là có. Chú mày sợ à? – Vâng, em thấy ghê lắm. Có khi em phải giả vờ ốm thôi? Tự lắc đầu : – Sao chúng mày hèn thế. Đã làm đơn xin ở lại công an chưa? – Em làm rồi. – Vậy thì tốt nhất là rút đơn về. Công an mà hèn nhát như mày thì về đi. Anh lính trẻ gãi đầu: – Bố em bảo là sẽ “chạy” cho em về cảnh sát giao thông. Nghe nói vậy, Tự chán nản xua tay: – Làm cảnh sát giao thông? Muốn ra đường cướp à! Tự nói rồi quày quả đi về phòng trực, anh cảnh sát nhìn theo chưng hửng. Tự treo chiếc mũ lên móc, rồi nói với ba quản giáo khác: – Sáng mai bắn thằng Lân, thằng Thân và thằng Hải. Tối nay các cậu phải ở lại trực hết đấy nhé. Rồi anh gật gù: – Cứ nghe đồn thằng Lân biết xem bói, hôm nay mới biết nó bói giỏi. – Nó bói giỏi cái gì hả anh - Một anh quản giáo hỏi. – Lúc nãy nó tự xem bói cho nó và nó nói là chỉ sống được tính bằng giờ thôi. Thằng Hòa đứng bên ngoài lắng nghe rồi vội xách xô nước lảng đi. ❃ ❖ ❊ Cuộc họp tan. Cuối cùng thì Vũ Minh cũng thuyết phục được ông Vân tham gia buổi thi hành án ngày mai. Hai anh chàng lúc trước từ chối đi thi hành án với bất cứ giá nào, nay thấy ông Vân miễn cưỡng nhận lời cũng thay đổi thái độ và nhận nhiệm vụ. Ông Vân bảo hai người cùng với năm cảnh sát nữa đi ra pháp trường để chôn cọc trói tử tù. Còn ông thì trở về phòng làm việc của mình để lấy những chiếc băng đen bịt mắt. Ông kiểm tra kỹ lưỡng từng cái bằng cách kéo căng ra, giơ lên ánh đèn xem có bị thủng hay không rồi xếp lại để vào ngăn tủ. Trong ngăn tủ của ông, có một chồng băng đen. Rồi ông lấy cái kéo chuyên để tỉa cành cây để sẵn trong tủ bên cạnh chồng băng đen bịt mắt và đi ra vườn hoa trước khu biệt giam tử tù. Mười năm trước, chính ông đề nghị Ban Giám thị trại cho cải tạo khu vườn trồng rau trước khu D thành vườn hoa. Khi được Ban Giám thị đồng ý và giao cho ông phụ trách thiết kế, xây dựng, ông đã rất vui và lao vào công việc với một sự hứng thú đặc biệt. Ông mời hẳn một kiến trúc sư chuyên thiết kế công viên, cây cảnh về để giúp và tự mình đi chọn từng giống hoa trên Hà Nội đem về. Mà ông cũng chỉ chọn trồng mỗi một loại hoa hồng nhưng có đến hai chục loại khác nhau. Nhiều nhất vẫn là loại hồng bạch leo giàn, hoa nhỏ trắng muốt và thơm ngát. Cũng vì thế mà ông Vân rất thích những lúc rảnh rỗi ra chăm sóc vườn hoa. Rất nhiều lần ông đề nghị với Ban Giám thị cho mở một cánh cửa sắt để tử tù được nhìn thấy vườn hoa. Thế rồi chẳng hiểu từ khi nào, ông lại có một thói quen là nếu hôm sau phải thi hành tử hình thì chiều hôm trước, thể nào ông cũng tha thẩn ngoài vườn hoa với một cây kéo tỉa cành loại nhỏ trong tay. Ông nhặt từng chiếc lá sâu, nhổ từng ngọn cỏ gấu và ông làm công việc đó tỉ mẩn đến lạ lùng. Và với những tử tù đã từng giam lâu ở trại, họ nhận ra điều đấy. ❃ ❖ ❊ Hùng Lân đứng trong phòng giam nhìn qua lỗ tò vò và thấy ông Vân tẩn mẩn cắt từng chiếc lá sâu trên những cây hồng bạch nở hoa rực rỡ. Bỗng nhiên anh ta rùng mình. Lại có tiếng mở cửa lạch cạnh. Lần này vẫn là Hòa, quản giáo Tự và hai cảnh sát bảo vệ khác. Hòa mang cơm vào cho Lân. Cửa vừa mở, Lân hỏi ngay: – Có phải người đang tỉa hoa kia là ông Vân không? – Đúng rồi. Sao anh biết? - Quản giáo Tự hỏi. – Tôi bị giam ở đây hai năm ba tháng mười bốn ngày. Tôi thấy cứ mỗi lần ông ấy ra vườn tỉa hoa hồng vào buổi chiều là sáng sớm hôm sau, có thằng dựa cột. Đại úy Tự ngẩn người: – Ông ấy rất quý vườn hồng này. Ngày nào ông ấy chả ra đây. – Bình thường ông ấy ra lúc sáng sớm. Các anh tin tôi đi. Cái nhìn của kẻ sắp chết không đến nỗi nào đâu. Ngày mai chắc là đến lượt tôi phải không? Tự cười nhăn nhó: – Thôi, anh ăn cơm đi. Toàn suy diễn lung tung. – Hy vọng là ngày mai tôi được ra pháp trường. Sống thế này khổ hơn chết. Lân nói với giọng dửng dưng như không rồi lấy thìa xúc cơm ăn ngon lành. Xuất ăn của tử tù là một bát cơm lớn, trong đó có cả rau muống luộc, mấy miếng cà bát muối thâm xì, một khúc cá mè kho khô, ngoài ra còn có một ca nước rau, tất cả đồ dùng cho bữa ăn đều là bằng nhựa, kể cả chiếc thìa. Trước kia, tử tù còn được ăn cơm bằng đũa, nhưng 5 năm trước, có một gã đã lấy đũa nhét vào lỗ tai rồi ngã người xuống nền nhà, chiếc đũa tre xuyên từ lỗ tai trái sang tai phải và gã chết ngay. Từ đó, tất cả đồ dùng của tử tù đều bằng nhựa. Trong buồng giam nóng ngột ngạt, Tự bảo Hòa: – Anh trông cho anh Lân ăn, trong này nóng quá, tôi đứng ngoài này. Nói xong, ba người kéo nhau ra đứng ngoài cửa sắt. Trong phòng giam, gã tù tự giác im lặng nhìn Lân hồi lâu bằng ánh mắt ái ngại. Chợt Lân ngẩng lên, bắt gặp cái nhìn của gã, hắn hỏi nhỏ: – Sao, có chuyện gì mày nhìn tao như vậy. Hòa liếc nhìn ra cửa rồi thì thào: – Sáng mai, đến lượt anh đấy. Cả anh Hải nữa. Lân sững người: – Thật không? – Thật! Em nghe quản giáo Tự nói ở nhà trực. – Cả thằng Hải nữa à. Tội cho nó quá, vì mình mà nó phải chết. Lân bỏ bát cơm xuống, thẫn thờ: – Lần đầu tiên mình tự xem bói cho mình. Sao mà đúng thế. Thế nào, việc tao nhờ mày từ ngày trước có lo được không? – Dạ, có chứ ạ! Hắn nói rồi lần trong gấu quần lấy ra một nửa lưỡi dao cạo râu đưa cho Lân. Lân nhét vội vào dưới gối. – Cám ơn mày. Khi nào mày ra tù, mày nhớ gặp con gái tao, nói là số tiền tao chôn ở gốc cây mít, nó đào lên, giữ lấy mà dùng. Tao cho mày một ngàn đôla. – Nhưng em nói thế nào để con gái anh tin. Mà gốc mít ở đâu. – Mày cứ nói là đã giúp tao không phải ra trường bắn. Còn gốc mít nào, con tao khắc biết. – Em cám ơn anh. Nhưng em không không dám nhận số tiền đó đâu. Ngày xưa gia đình em chịu ơn anh nhiều rồi. Thôi chúc ông anh “đi” can đảm. – Yên tâm đi. Tao thừa can đảm để tự lo lấy cuộc đời mình. À, mày để lại cho tao nhiều nước uống nhé. ❃ ❖ ❊ Họp bàn kế hoạch thi hành án xong, Thượng tá Trần Quang Vũ phóng xe máy về nhà và anh chợt thấy đầu óc mình rỗng tuếch. Từ trại giam về nhà anh chỉ không đầy chục cây số nhưng Vũ đi hết hơn nửa tiếng. Nghĩ đến ngày mai phải đi giám sát thi hành án Trần Hùng Lân, anh thấy trong lòng ập đến bao cảm xúc khó tả. Anh về đến nhà rồi lẳng lặng lấy cơm cho đứa con trai lớn ăn. Đó là một thằng bé bị dị tật bẩm sinh do chất độc da cam. Thằng bé ngồi ngật ngưỡng trên chiếc xe đẩy thi thoảng lại toét miệng ra cười ngây dại. Chị Thục, vợ Vũ người gầy khô như hạc, nét mặt u uất của một người đàn bà vất vả và chịu nhiều đau khổ. Trong lúc Vũ cho con ăn, chị lặng lẽ ngồi trước bàn máy tính và đánh máy. Bấy lâu nay, chị nhận tài liệu về nhà đánh thuê. Vũ cho con ăn xong, anh xắp xếp lại mâm cơm rồi bảo vợ: – Em nghỉ tay ra ăn cơm đi. – Vâng, hôm nay em phải cố cho xong tập tài liệu này. Sáng mai họ đến lấy và trả tiền luôn. Ông này trả cao lắm. Ba ngàn một trang đấy. – Anh biết ông ấy rồi. Con ông ta ngày trước xuýt bị ngồi tù oan. Anh điều tra và minh oan cho con ông ta. Chắc ông ấy thuê em đánh với giá cao cũng là để trả ơn thôi. – Em có biết đâu. Chị nói rồi đi ra ăn cơm. Thấy chồng lặng lẽ ăn, chị linh cảm là anh đang suy nghĩ về một điều gì đó nên gặng hỏi: – Anh lại có việc gì phải nghĩ à? Vũ gượng cười: – Làm nghề này lúc nào mà chả nghĩ. Ăn xong, lát nữa anh đến thăm mấy đứa con nhà thằng Lân. Mấy đứa ngoan lắm, may mà chúng không phải sống với mụ Lệ ngày nào, chứ không thì hỏng hết. – Ai bảo đâm đầu vào lấy con cave ấy. Hồi chị Mai mới mất được nửa năm, em biết chuyện anh Lân định lấy con Lệ làm vợ, em đã gàn rồi. Nhưng lúc đó anh ta bảo thà lấy đĩ về làm vợ… Nghe thế, em cũng chẳng buồn nói nữa. – Anh Lân liệu có thoát tử hình không? Quang Vũ thở dài: – Không thoát được. Vả lại, nó có làm đơn xin tha tội chết đâu? – Sao anh ấy dại thế. Cứ làm đơn đi, biết đâu Chủ tịch nước tha cho. Chết hay không bằng sống dở. – Tội nó nặng quá. Tham ô đến gần ba chục tỉ, lại chủ mưu giết hai người nữa, làm sao tha được. Nó quá biết điều ấy mà. Chị Thục buông bát đũa thở dài: – Giá cứ sống bằng nghề câu trộm hay đi bán thịt lợn thì lại còn được yên ấm cửa nhà. Một bước lên voi, rồi lại một bước xuống vực. Em nhớ mãi hồi em chửa, anh ta đi câu được cá chép, thi thoảng lại cho để nấu cháo ăn. Rồi chị trách chồng: – Sao hồi anh ấy mới phạm tội, anh không bảo cho anh ta biết. – Nói nhưng nó có nghe đâu. Nó tưởng nó là con nuôi chủ tịch tỉnh, con nuôi Thứ trưởng nên không ai có thể làm gì được nó. Có ai nghĩ nó chỉ là thằng bán thịt lợn mà một chốc lên quan, điều hành cả một công ty lớn đâu? – Anh đến đó bao giờ về, em chờ cửa? – Em cứ ngủ đi nhé. Có lẽ hôm nay, anh phải ở các cháu. Chị Thục dường như hiểu ra chuyện, chị nói run run: – Sáng mai tử hình anh Lân à? Vũ nhìn vợ hồi lâu rồi lặng lẽ gật đầu. ❃ ❖ ❊ Ngọn đèn cao áp ngoài vườn hồng đã tỏa ánh sáng vàng rực rỡ. Nhưng khi những tia sáng đó luồn qua được khe cửa lọt vào buồng giam tử tù thì chỉ còn là một thứ ánh sáng vàng ệch. Còn trên trần phòng giam, một bóng đèn 40W luôn luôn sáng bất kể ngày hay đêm. Hồi mới vào phòng giam, Lân ghét cay ghét đắng cái thứ ánh sáng đỏ đùng đục như mắt người mất ngủ này. Nhưng rồi thời gian cũng làm cho con người ta quen tất cả. Quen từ cách sống trong buồng giam tử tù đến quen ngủ ngày, thức đêm. Cứ sau mỗi một đêm dài đằng đẵng chờ đợi rằng không hiểu ngày mai có phải đến lượt mình không và khi nghe thấy tiếng kèn báo thức của một đơn vị bộ đội đóng cách đó gần cây số thì các tử tù thở phào nhẹ nhõm và lăn ra vùi mình vào giấc ngủ ngủ nướng, cho đến khi quản giáo đánh thức dậy ăn trưa. Trần Hùng Lân nằm ngửa mặt lên trần nhà và nhắm mắt lại. Từ chiều đến giờ, khi nhận được tin ngày mai sẽ bị thi hành án, bỗng dưng Lân thấy trong lòng mình nhẹ hẳn đi và thậm chí còn thấy thanh thản. Có lẽ đó là tâm trạng của một người đã chán sống đến cùng cực và chỉ mong chờ cái chết đến coi như một sự giải thoát. Cũng có lúc Lân thoáng rùng mình khi nghĩ đến cảnh mình sẽ bị trói vào cột, bị nhét giẻ vào miệng cho khỏi kêu gào, bị bịt mắt và… Nhưng sự sợ hãi đó qua đi rất nhanh và thay vào là cảm giác khoan khoái nhè nhẹ khi Lân tin chắc rằng mình có đủ can đảm để tự chấm dứt cuộc đời mình. “Không hiểu công an sẽ nghĩ thế nào khi mà họ đến dựng mình dậy để đưa ra pháp trường thì mình đã đi rồi?- Lân thầm nghĩ và mỉm cười với vẻ khoái chí - Thế nào cũng có anh bị kỷ luật và thiên hạ tha hồ bàn ra tán vào. Kể thế cũng chẳng hay gì, mình chết lại để khổ cho người khác. Giá như có giấy bút thì viết lại mấy chữ, như vậy sẽ chẳng còn phiền hà cho ai và cũng còn được sự tha thứ của người đời”. Rồi Lân nằm xuống sàn, ngón tay cái và ngón trỏ của bàn tay phải cứ mân mê nửa lưỡi dao cạo… ❃ ❖ ❊ “Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo. Bố tôi là một người có chữ theo đúng những nghĩa tốt đẹp nhất của từ này. Ông giỏi chữ Hán và từng là thầy đồ gõ đầu trẻ giỏi có tiếng ở thị xã Nam Sơn. Khi thấy thời thế đổi thay, chữ Hán không thể đem lại cơm áo, ông xoay sang học tiếng Pháp và cũng học rất giỏi rồi đi làm thông ngôn cho một viên quan tư. Và cũng vì như vậy mà sau này cuộc đời ông không thể nào mọc mũi sủi tăm lên được. Chính quyền chưa bao giờ tỏ ra tin tưởng vào phẩm chất chính trị của ông, mặc dù không ít người từng là học trò của ông và sau này giữ nhiều chức vụ quan trọng ở tỉnh, thậm chí ở cả Trung ương. Và không chỉ có thế, bố tôi lại biết bốc thuốc và xem tử vi, xem quẻ dịch có tiếng ở vùng. Mẹ tôi là một người phụ nữ đẹp nhưng bất hạnh bởi bà ốm đau bệnh tật liên miên và ngược hẳn với bố tôi, mẹ tôi không biết chữ ngoài tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, tên chồng và tên của chính mình. Bố mẹ tôi sinh được bốn người con, hai trai hai gái, nhưng anh tôi đã mất khi mới có ba tuổi vì bị rắn độc cắn vì vậy tôi là con cả. Nhà tôi nằm ở ven một hồ lớn ở phía ngoài thị xã. Tôi là thằng không thích học hành mà ngay từ nhỏ tôi chỉ thích đi câu. Tuy vậy, tôi cũng là thằng thông minh, bởi vì ngay từ nhỏ tôi đã thuộc khá nhiều chữ Hán đến mức độ có thể đọc được rất nhiều hoành phi, câu đối. Và cũng chẳng hiểu sao tôi lại rất mê những bộ sách tiêu biểu của Nho giáo như Đại học, Luận ngữ… Bố tôi dạy chữ Hán rồi cả tiếng Pháp cho tôi và có điều lạ lùng là nếu tôi học ngang học tắt, học truyền khẩu thì rất nhập tâm, nhưng nếu học theo bài bản thì tôi không sao nhớ nổi. Rồi không chỉ có thế, ông còn dạy tôi xem tử vi, xem bói dịch và tôi cũng có thể tự hào mà nói rằng, tôi có “căn” học những thứ đó”. ❃ ❖ ❊ Trần Quang Vũ phóng xe máy đến nhà Hùng Lân. Anh dừng lại một quán ven đường mua mấy quả bưởi Sài Gòn. Nhà của Lân là một tòa nhà khá to, nằm ven đường quốc lộ. Tầng một thì đã cho một công ty thuê làm văn phòng. Ba đứa con của Lân, một gái hai trai, ở tầng hai, còn tầng ba thì vẫn đang bỏ trống vì không ai dám mua cả mặc dù tòa án đã tuyên bố tịch thu toàn bộ tầng một và tầng ba và thông báo bán phát mại. Nhưng từ khi tuyên án đến nay, không có ai dám đến mua cả. Thật ra đây là một cách rất tế nhị của tòa án nhằm giữ lại ngôi nhà cho ba đứa con của Lân. Hồi xử án, khi Hội đồng xét xử tuyên bố như vậy, nhiều người đã thắc mắc và họ thấy ngay được cái sự vô lý đằng sau quyết định đó. Nghe nói là sau phiên tòa, chính chị thẩm phán của tòa án tỉnh đã nói với Hương Ly, con gái lớn của Lân là đừng bao giờ nghe ai mà bán phần tầng hai của ngôi nhà, dù họ có trả giá cao đến đâu. Vì sẽ không ai ngu gì đi mua ngôi nhà không những phải đi chung cầu thang mà còn chung cả công trình phụ. Và như vậy, trong thời gian chờ người đến mua (mà chắc chắn là không có) thì ba chị em cứ cho thuê tầng một để lấy tiền ăn học và sử dụng luôn cả tầng ba. Năm nay, Hương Ly, con gái lớn của Lân đã vào tuổi 18. Cô có vóc người đẹp và đôi mắt buồn u uất. Thấy Vũ, Ly reo lên: – Cháu chào bác Vũ. - Rồi Ly quay vào phía buồng trong gọi - Lực ơi, Long ơi, bác Vũ đến đây này. Lực và Long chạy ào ra, cả ba đứa quây lấy Vũ. - Cháu chào bác ạ. – Thế nào, hai đứa học được chứ. Bác xin lỗi các cháu. Dạo này bác bận quá, không đến thăm các cháu thường xuyên được. Ly mời nước rồi nói: – Bác đừng lo cho chúng cháu. Nhà bác còn nhiều việc bận hơn. Bác gái dạo này có khỏe không? – Cũng tàm tạm. Cháu học hành thế nào? Nghe nói vừa rồi được biểu dương trong Hội nghị Thanh niên xuất sắc toàn tỉnh phải không. Ly cười buồn: – Chị em chúng cháu bảo nhau, bây giờ phải học vì danh dự… vì danh dự bác ạ. Bố cháu thế nào hả bác. Hôm nọ cháu xin vào thăm, chả hiểu thế nào, bố cháu bảo bị ốm, không ra được. Cháu biết là bố cháu không muốn gặp chúng cháu. Trông người dữ tướng thế thôi nhưng khi gặp chúng cháu thì bố chỉ khóc thôi. – Bác biết. Bố cháu cũng là người đa cảm. 3 Ly bảo hai em: – Các em vào học bài đi, chị có chuyện riêng muốn nói với bác Vũ. Chờ cho hai em vào phòng trong, Ly hỏi nhỏ: – Cháu nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc tin là Chủ tịch nước đã bác đơn xin tha tội chết của mấy người, trong đó có chú Hải. Bố cháu có trong số ấy không bác? – Bố cháu không làm đơn, cháu biết rồi còn gì? – Một chị quen với cháu làm ở tòa án cho biết, từ khi Chủ tịch nước bác đơn cho đến khi thi hành án, nhanh lắm, có khi chỉ hai, ba ngày. – Việc đó bác không rõ lắm. Này thế nhà dưới cho thuê được bao nhiêu? - Vũ lảng sang chuyện khác. Nhưng Ly không trả lời mà vẫn hỏi: – Bác mà không rõ ư? Cháu nghe nói, khi thi hành án tử hình bác bao giờ cũng phải có mặt để chứng kiến. Vũ lắc đầu: – Bác đang hỏi cháu chuyện nhà cho thuê kia mà? – Được năm triệu một tháng. Nhưng cháu vẫn đi làm gia sư dạy thêm môn văn cho ba đứa học sinh lớp 10, tháng được gần 2 triệu. Tiền thuê nhà cháu gửi tiết kiệm hết, còn mấy chị em sống bằng tiền cháu làm thêm. Cháu để dành hết số tiền cho thuê nhà để sau này cho em cháu đi học ở Singapore hoặc Trung Quốc. Ly nhìn như xoáy vào mắt Vũ. Ánh mắt của cô làm Vũ lúng túng. Anh vội uống nước để nén sự uẩn khúc trong lòng của mình. Ly nhận ra điều đó, cô hỏi ngay: – Bác Vũ, bác có điều gì khó nói với cháu phải không? Nếu không phải chuyện bố cháu thì còn chuyện gì nữa đây? Vũ im lặng. Anh cảm thấy không cần phải nói dối, nhưng anh vẫn không đủ can đảm nói ra sự thật. Vũ ngồi lặng đưa ánh mắt nhìn đi chỗ khác. – Cháu hiểu cả rồi. Bao giờ họ bắt bố cháu đi. – Lúc này cháu phải dũng cảm, Ly ạ. Bác tin cháu… Ly cầm cốc nước run run rồi nói với giọng quả quyết: – Cháu hứa với bác, sẽ không làm bất cứ điều gì dại dột. Cháu xin bác hãy tin cháu. – Bác tin cháu chứ. Vì thế hôm nay bác mới đến đây. Bác muốn ở lại đây với các cháu có được không? – Thế thì tốt quá. Bố cháu trước ngày bị bắt có nói với cháu rằng, vì bố cháu không nghe lời bác nên đã gây họa cho chính mình và cho cả nhà… Lần trước cháu vào thăm, bố cháu có dặn, nếu bố có chết thì cũng đúng tội, nhưng các con… các con phải kính trọng bác Vũ… coi bác ấy như cha. Nói xong, Ly ôm mặt khóc nức nở. ❃ ❖ ❊ Cũng vào khoảng thời gian đó. Tại một biệt thự sang trọng. Hoàng, nguyên là Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng miền núi Nam Sơn của tỉnh Nam Sơn và người tình là Nguyễn Thị Lệ đang ngồi ăn cơm. Hoàng trạc gần 50 tuổi, người to béo, đẫy đà, mắt nhỏ hùm hụp và đầy vẻ gian giảo. Ngày xưa khi Hoàng làm Trưởng phòng Kỹ thuật thì Lân vẫn chỉ là kẻ bán thịt lợn ngoài chợ thị xã. Nhưng chỉ tám năm sau, Lân đã trở thành xếp của Hoàng. Và khi Lân làm Tổng giám đốc thì Lân lôi Hoàng lên ghế Phó tổng và giao cho phụ trách tài chính. Nhưng Hoàng vốn là kẻ gian hùng tham lam. Thời kỳ đầu, chính hắn là người đã bày mưu tính kế cho Lân trong nhiều phi vụ làm ăn, đồng thời giúp Lân triệt hạ những ai không ăn cánh trong công ty. Để trả ơn Hoàng giúp đỡ, Lân đã cất nhắc hắn lên ghế Phó tổng giám đốc. Nhưng khi phát hiện thấy Lân có dấu hiệu bị công an để ý, hắn quay lưng lại ngay… Nhưng đó là chuyện sẽ kể về sau. Còn Nguyễn Thị Lệ, vốn là một ả cave tại một quán karaoke ngoài thị xã và trước đã từng sống với Hoàng. Nhưng khi thấy Lân mê Lệ thì Hùng đã “bán” ả cho Lân. Là kẻ hám tiền nên Lệ đã bám chặt lấy Lân. Bằng nhiều thủ đoạn, Lệ đã trói được Lân vào trong vòng tay của mình. Khi thấy Lân sắp bị sụp đổ, ả đã cuỗm đi của Lân không ít tiền và khi Lân bị bắt thì ả đến ở luôn với Hoàng. Lệ thấy Hoàng rót rượu, ả giằng chai ra: – Mình uống ít thôi nhé. Hôm nay có đi khám bệnh không? – Em yên tâm đi. Anh khỏe mọi nhẽ. Từ hôm uống hết hai lạng sừng tê giác thấy người ngợm khỏe hơn rất nhiều. – Thảo này, em thấy anh mãnh liệt hơn ngày trước đấy. – Em hài lòng… về anh chứ? - Hoàng kéo Lệ vào lòng mình cợt nhả - So với ngày xưa, giờ thế nào? – Quả là có hay hơn nhiều. Mà thôi, bệnh tật đầy mình, huyết áp thì cao ngất ngưởng, tim thì bắt đầu sa, cho nên bia rượu ít thôi, mà cũng phải cai cả “khoản” kia đấy. – Cái gì, cai cả khoản kia… Hừ, rượu không được uống, thuốc không được hút, gái không được chơi… Thế là sống thực vật à? Thà chết còn hơn. Em biết không, ông thượng tọa Thích Thanh Tịnh ở chùa Quan Sơn chứ. Ăn chay cả đời, thuốc không, rượu không, gái thì càng không… Vậy mà năm 53 tuổi cũng toi. Mà lại vì ung thư phổi chứ. Hồi xưa, thằng Lân nó đọc cho anh nghe một bài thơ của cụ Nguyễn Du, bài gì không nhớ, nhưng có hai câu, anh rất nhập tâm: “Nhân sinh vô bách tải. Hành lạc đương cập kỳ”. Nghĩa là “Người ta chả mấy ai sống được trăm tuổi, vậy thì hãy mau mau đi tìm thú vui đi”. Lệ cau mặt: – Anh đừng nhắc đến tên lão Lân “xồm” ấy nữa. Ghê bỏ mẹ! Mà này, sao mãi không bắn lão ấy nhỉ? Ác giả ác báo. Hoàng bĩu môi: – Bây giờ sao muốn hắn chết nhanh thế. Có vậy mới dễ tiêu số tiền kia chứ gì? Thế hồi xưa bỏ anh sang với hắn, sao mà mặn nồng như vợ chồng Ngâu. Hắn ác gì với em nào. – Anh đừng nói nữa. Chính anh đem tôi dâng cho lão ấy còn gì nữa. Hoàng cười lấy lòng: – Thôi mà em. Bỏ chuyện xưa đi. Chỉ biết bây giờ anh em mình lại có nhau. “Đời ta gương vỡ lại lành” em nhỉ! Hoàng nói rồi luồn tay xuống váy Lệ. Có tiếng chuông điện thoại, Lệ ra cầm máy: – Alô, tôi nghe đây… chú Cang đấy ư? – Chị Lệ đấy à. Anh có nhà không? – Có, chú gặp anh hay nói luôn với chị đi… Lệ lắng nghe, nét mặt thay đổi liên tục. – Thế à… Thế à! Sao chú biết! Thôi, chị chả ra chốn ấy đâu. Sợ lắm! Lệ buông máy, nói với Hoàng bằng giọng buồn giả tạo: – Anh à, sáng mai bắn anh Lân và thằng Hải rồi. Thằng Cang bảo có ra xem thì ra. – Ai nói? – Thằng Cang, cháu gọi ông Vân ở trại giam bằng cậu. Đang là cảnh sát bảo vệ của trại giam. Ông Vân là người chuyên trói tử tù vào cột rồi khi tù bị bắn xong, ông ấy lại khâm liệm cho họ. – Khiếp, sao lại có cái nghề ghê thế. Em buồn thật hay… hay giả vờ đấy? – Cũng có nghĩ một tí. Thế còn anh? Đau lòng lắm à? – Đau thì không, nhưng dù sao thì cũng là… cũng là…? – Hừ, cũng là thoát đi một nỗi ám ảnh chứ gì. Này, em báo cho anh biết, với anh, lão Lân quá tử tế đấy. Lão ấy mà khai ra thì anh cũng vào kho lâu rồi. Thôi mai lão ấy chết, anh cũng nên có chút hương hoa oản quả, lên chùa cầu siêu cho lão ấy. Hoàng bỗng cười sằng sặc: – Em rót rượu cho anh… rót hai ly. Anh muốn uống với thằng Lân. Lệ ngơ ngác nhưng rồi cũng rót rượu ra hai ly. Hoàng cầm hai ly rượu cụng vào nhau: – Thôi Lân à, từ nay âm dương cách biệt. Mày cũng đừng oán tao. Đời nó là vậy. Tao hứa bao giờ bốc mộ cho mày, tao sẽ xây cho mày một ngôi mộ to… thật to. Nào, uống đi! Hoàng ngửa cổ uống cạn cả hai ly rượu. Hoàng lại với chai rót ra hai ly: – Em uống với anh. Anh em mình mừng cho nó được lên thiên đàng. – Này, uống ít thôi. Không khéo lại chết vì rượu đấy! – Chết vì rượu và chết trên giường với đàn bà là hai cái chết may mắn đấy. Còn phải ra pháp trường để chết thì…kinh quá. Mà này, liệu thằng Lân và thằng Hải có biết là sáng mai bị tử hình không nhỉ? – Có ma biết. Nào, thôi uống hết ly này rồi đi ngủ nhé. Cả hai uống hết ly rượu rồi Hoàng lại rót ra uống nữa. Lệ đi vào phòng trong. Hoàng vội mở cặp da, lấy ra một viên thuốc Viagra màu xanh và uống vội… ❃ ❖ ❊ Ông Thạc, Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế, đang chơi tennis ở một sân tại Hà Nội. Những người chơi cùng ông đều là cán bộ cao cấp cả. Mỗi khi ông Thạc thắng được một quả, ở ngoài lại có mấy đệ tử tung hô tán thưởng: – Tuyệt chưa! Đã bảo coi chừng cú rơve của sếp mà. – Sếp phải cho bên ấy “bài học nhớ đời” – Đánh cho không còn “đường về quê mẹ”, sếp ơi! – Hoan hô sếp. Cứ thế này, năm nay Bộ tổ chức giải tennis mở rộng xếp mình vô địch là cái chắc. Ông Thạc chiến thắng. Bên đối phương sang bắt tay ông Thạc. – Anh chơi giỏi quá. Tôi không nghĩ là ở tuổi anh còn di chuyển nhanh như vậy. Ông Thạc ra ghế ngồi nghỉ. Người thì đưa khăn cho ông lau mồ hôi, người thì khúm núm cởi giày… – Anh tháo giày cho thoáng chân. Hôm nay trời hơi oi. Một phụ nữ tuy đã có tuổi nhưng lại có vẻ đẹp hấp dẫn, đặc biệt là đôi mắt cứ như cháy lên. Chị ta tên là Huyền, trước kia là diễn viên múa của đoàn văn công tỉnh, sau Lân đưa về công ty và hiến cho Thứ trưởng Thạc. Chị ta kéo ghế ngồi gần ông Thạc rồi rót nước từ trong chiếc phích nhỏ mang theo: – Anh uống ngụm nước linh chi này cho khỏe. Linh chi cổ ngàn năm đấy. Ông Thạc vừa nhấp được mấy ngụm thì có một thanh niên đi vào ghé tai ông thầm thì… Ông ngơ ngác rồi hỏi lại: – Thật không? – Thưa anh thật ạ. Danh sách những người bị thi hành án ngày mai, bọn phóng viên Báo An ninh thế giới có rồi. – Đúng là bọn ma xó, cái gì chúng nó cũng biết. Hôm nọ việc ở Bộ mình kín như thế mà chúng nó cũng tăm được. Tự nhiên, ông Thạc cười rạng rỡ và bảo Huyền: – Em à, xem có nhà hàng nào hay, chúng ta kéo đến giải sầu đi. – Thiếu gì chỗ hay, nhưng đối tượng là ai? Mục đích gì? Nếu chỉ là anh và em thì khác. – Không, gọi cả mấy đứa kia đi. Cũng cần uống chén rượu để tiễn đưa linh hồn một con người. – Ai vậy anh? - Người phụ nữ nũng nịu hỏi. – Thằng Lân và cả thằng Hải nữa. Sáng mai chúng nó dựa cột rồi. Người phụ nữ giật mình lộ vẻ hoảng hốt: – Bắn à? – Ừ, mà sao em tái mặt đi thế kia. Thương xót nó quá ư? – Dạ… dạ không… Nhưng cũng thấy thế nào ấy! – Mẹ kiếp, vì nó mà mình xuýt bật bãi kỳ bầu cử vừa rồi. Cũng may là ông bà ông vải linh thiêng phù hộ. Trong phòng trực ban của quản giáo khu C. Kim đồng hồ chỉ 7 giờ tối. Lân “xồm” đã ngồi dậy dựa lưng vào tường buồng giam, ngửa mặt nhìn lên trần nhà. ❃ ❖ ❊ “…Tôi sống hình như không có tuổi học trò bởi lẽ tôi phải lo kiếm sống quá sớm. Bố tôi mất đi khi tôi mới 15 tuổi. Và thế là trong gia đình, tôi trở thành người trụ cột. Tôi phải kiếm tiền bằng đủ thứ nghề: câu cá trộm, đi làm phụ xe cho một bác tài lái xe khách đường dài. Năm tôi 17 tuổi thì người ta bảo tôi đi bán thịt lợn. Và thế là tôi mua một phản thịt ở chợ thị xã. Đúng là bán thịt lợn có kiếm ra tiền thật nhưng cũng rất vất vả. Đêm nào tôi cũng phải dậy từ 3 giờ sáng, cùng một thằng em họ mổ lợn. Khi gần sáng thì húp vội vàng bát cháo lòng rồi mang thịt ra chợ bán. Tôi vốn tính xởi lởi, mua bán dễ dàng, cho nên hàng lúc nào cũng đông người mua. Thường khi mặt trời đứng bóng là tôi bán hết thịt và về nhà. Tôi đưa hết tiền cho mẹ tôi để quản lý. Hôm nào lãi nhiều mẹ tôi vui lắm nét mặt rạng rỡ hẳn lên. Trong những ngày đó gương mặt của mẹ là niềm vui của tôi. Ăn cơm xong, tôi lăn ra phản ngủ một giấc. Và khi ngủ dậy lại phóng xe môkích đi mua lợn đem về chuẩn bị cho sáng hôm sau”. Tuổi thanh niên của tôi cứ thế trôi đi quanh phản thịt. Tôi không còn biết mơ ước, không thèm muốn gì cả. Niềm vui duy nhất của tôi là bán thịt hết sớm, đưa tiền cho mẹ đếm và nhìn thấy nụ cười mãn nguyện của người. Nhưng nói đến tuổi thơ của tôi thì không thể không nhắc đến những kỷ niệm của tôi với cái hồ ông Hoàn, nằm ở phía đông nam thị xã. Ngày xưa xửa xừa xưa, hồ có tên là Cốc vì có nhiều chim cốc về bắt cá. Nhưng đến năm 1970 thì lại được bà con gọi là “hồ ông Hoàn”. Chuyện đổi tên này cũng có sự tích của nó. Hồi còn làm Chủ tịch tỉnh, ông Lê Quang Hoàn đã cho nạo vét, sửa sang lại hồ rồi cho trồng cây xung quanh, trong khi đó, nhiều người bảo lấp hồ đi để lấy đất xây nhà tập thể. Và cũng chỉ vì quyết tâm giữ lại hồ cho thị xã, ông đã đối đầu với khá nhiều cán bộ của UBND tỉnh và họ kéo bè kéo cánh “đánh”ông lên bờ xuống ruộng. Rồi ông bị kỷ luật, mất chức Chủ tịch. Cay đắng cho phận mình và giận thế đời đen bạc, lại cộng với chuyện gia đình không vui, ông Hoàn lấy một chiếc thuyền thúng chèo ra giữa hồ rồi dùng súng ngắn bắn vào đầu. Sau cái chết của ông, không còn ai dám nghĩ đến lấp hồ nữa và nhờ vậy, thị xã mới có một nơi được coi là phong cảnh sơn thủy hữu tình. Cũng vì nhớ ơn ông giữ hồ cho thế hệ sau, người dân tự đổi tên hồ Cốc thành “hồ ông Hoàn”. Hồ rộng chừng hơn năm chục hécta và ngày xưa là nguồn cung cấp cá theo chế độ tem phiếu cho cả thị xã. Để khai thác cá ở hồ, Phòng Nông nghiệp thị xã lập hẳn một đội canh nông để nuôi và bảo vệ. Trẻ con đứa nào câu trộm mà họ tóm được thì cầm chắc là bị bẻ cần, kèm theo vài cái bớp tai, vài cú đá đít. Tôi cũng đã nhiều lần bị họ bẻ cần câu và tên của tôi đưa vào danh sách những đưa trẻ hư cho đồn công an thị xã. Nhưng một lần tôi được bố cho đi theo lên Hà Nội chơi, tới thăm một ông nhà văn nhà ở ngay sát hồ Tây. Ông là nhà văn nhưng nghe nói vì dính vào một vụ việc nào đó mà từ đấy không ai dám in tác phẩm của ông nữa. Không đủ sống với đồng lương ít ỏi, ông phải kiếm thêm bằng cách câu cá trộm ở hồ Tây. Chỉ sau hai ngày ở với ông, tôi đã học được vô khối cách câu và các thủ đoạn lừa bảo vệ. Thấy tôi mê câu và cũng là đứa “sát cá”, ông tặng cho tôi một chiếc máy câu Xanh Êchiên của Pháp, cộng với hơn một trăm mét cước và ba bộ lưỡi câu lục do tự tay ông làm bằng dây đàn Piano. Những bộ đồ câu đó đối với tôi thật quả là một gia tài. Trước đây, tôi chỉ đi câu bằng cần trúc với đủ loại cước lăng nhăng vì vậy chỉ bắt được những con cá bé, còn dính cá lớn, nó kéo đứt cước ngay. Bằng chiếc cần câu có máy và cách câu hiện đại tôi đã trở thành “con ma” câu cá trộm và Đội Canh nông không có cách nào bắt được tôi. Cá câu được không những chỉ để ăn, mang đi biếu thậm chí còn bán được. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, tôi đóng học phí, mua sách vở, may quần áo… hoàn toàn bằng tiền từ câu cá trộm. Nhưng từ sau thập niên 90 chả hiểu vì lý do gì mà Đội Canh nông bị giải tán rồi hồ ông Hoàn không ai đầu tư thả cá nữa nhưng cá lưu vẫn còn và ngày càng hiếm. Theo thời gian, những bộ đồ câu của tôi ngày càng hiện đại. Chiếc máy Xanh Êchiên đã được thay thế bằng máy câu Nhật; chiếc cần câu trúc cũng được thay bằng cần Hàn Quốc có thể rút ra hay thu gọn lại. Và tất nhiên là tôi không còn phải đi câu để kiếm sống mà chỉ đi câu để giải trí theo đúng những nghĩa tốt đẹp nhất. Cuộc đời của tôi cứ tưởng sẽ quẩn quanh phản thịt, nhưng đã đổi thay khi vào một buổi chiều, tôi mang cần câu ra hồ ông Hoàn câu cá… ❃ ❖ ❊ Lân mang cần ra hồ câu đi ven hồ và đến thẳng một nơi mà vẫn thường ngồi câu. Đó là một góc khuất nhất của hồ được và cũng là nơi sâu nhất. Mùa nước cạn thì ở chỗ này nước cũng còn phải gần mét rưỡi, còn vào dịp tháng Bảy, tháng Tám âm lịch, mực nước phải trên ba mét, vì vậy, chỉ người được mệnh danh là “thợ câu” như Lân mới dám câu ở đây. Trên bờ hồ là rặng bạch đàn đã có đến hơn ba chục năm tuổi. Vỏ cây nào cũng mốc thếch và loang lổ như nhưng bức tường vôi bị mưa nắng. Lân lấy cần trong túi câu ra, lắp máy câu, đo độ sâu, chỉnh phao, lắp bộ lưỡi câu lục vào rồi thả thính. Thính câu do Lân tự làm lấy. Đó là một thứ thức ăn tổng hợp gồm ngô, cám gạo được ủ cho lên men, thơm như rượu nếp cái. Những thứ đó lại được trộn với gạo rang tán mịn và có thêm một chút đậu tương rang hơi cháy. Hồ bây giờ ít cá cho nên từ lúc thả thính đến lúc câu được có khi phải mất hàng giờ. Cá to bao giờ cũng vào ăn muộn cho nên người câu giỏi trước hết phải là người có tính kiên trì và am hiểu tập tính ăn mồi của từng loại cá. Thả thính xong, Lân để cần câu lên bờ, lấy chiếc mũ cối làm gối và gối đầu lên nằm ngả trên bãi cỏ, vắt chân chữ ngũ và hút thuốc lá phì phèo rồi khi điếu thuốc vừa hết thì cũng là lúc cơn buồn ngủ ập đến. Lân thiếp đi trong giấc ngủ nhẹ nhàng, thanh thản. 4 Cùng đi với ông ta còn hai người nữa. Họ mở cốp xe lấy ra túi câu, ghế ngồi và mang đến dưới một gốc cây bạch đàn lớn. Trong khi một người loay hoay lắp máy câu, một người lấy nilon trải ra bãi cỏ và bày ra bia lon, thịt lợn hun khói, xúc xích… Lân ngồi dậy, theo dõi những người mới đến bằng con mắt tò mò. Nhìn cách họ lắp máy câu, rồi đo độ sâu, dò ổ để thả thính, Lân biết ngay đây là người mới tập tọng vào nghề. Chỉ có điều nhìn túi câu và ghế câu thì cũng biết họ là dân… thừa tiền. Lân nhếch mép cười vẻ coi thường rồi nằm xuống vắt tay lên trán. Lúc đó Lân hoàn toàn không biết người đang được phục vụ câu kia là ông Trần Đức Hiển, Chủ tịch tỉnh. Còn hai người đi theo ông ngoài tay lái xe tên là Lý thì người kia là Phan Hồng Hải. Đó là một gã thanh niên có vóc người lùn, cặp mắt nhỏ nhưng rất lanh lợi. Hải vốn là tay buôn ôtô, xe máy và đã từng là đại gia trong nhưng năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Hồi ấy, phong trào đưa xe du lịch secondhand sang Trung Quốc đang rầm rộ. Hải đã lập được đường dây mua bán xe từ Campuchia về và đưa sang Trung Quốc. Chỉ trong một năm, hắn bán trót lọt hơn 200 xe và trở thành tỷ phú. Nhưng vận đỏ không kéo dài mãi, hắn bị Cục Cảnh sát Kinh tế của Bộ Công an bắt vì tội buôn lậu, trốn thuế và lừa đảo. Phải mất khá nhiều tiền cho Viện Kiểm sát, Tòa án tỉnh, Hải mới được nhận mức án 4 năm tù, nhưng chưa được 2 năm thì hắn được ân xá ra trước thời hạn. Với số tiền còn giữ được, Hải lao vào kinh doanh xe máy, nhưng lần này, hắn biết giữ gìn hơn. Trong khi Hải và tay lái xe chuẩn bị, ông Hiển vẫn chắp tay sau lưng ngó trời, ngó nước. – Thưa anh, mời anh uống bia. Chờ lát nữa cá vào sẽ câu - Phan Hồng Hải lễ phép nói. – Ai là chủ hồ này? - Ông Hiển hỏi. – Thưa anh, hồ này xưa kia là của Phòng Nông nghiệp thị xã nhưng bỏ hoang đã 3 năm nay. Cá không nhiều nhưng đã có cá thì to lắm, không có cá nhỏ đâu. Hôm nay, nếu son, ông anh sẽ được con “khủng long”. – Các cậu biết không, ở Hà Nội, những hồ như thế này cho dân chơi thuê câu là hái ra tiền đấy. – Hồ ở Hà Nội chán lắm. Hầu hết là bị ô nhiễm quá mức. Nghe nói Hồ Tây ô nhiễm tới mức con ốc vặn còn bị di dạng. Những loại hồ sạch sẽ như ở quê mình, hiếm lắm. Em nói thật nhé, nếu đầu tư tốt thì đây là nơi giải trí bậc nhất và cũng là nơi hái ra tiền đấy - Hải nói. Ông Hiển nói luôn, cậu tìm hiểu cho tôi xem UBND thị xã định xử lý hồ này thế nào. Nếu thuận lợi ta thuê lại. Có hồ này, cho làm một vài nhà sàn, thả thêm cá, hằng tuần mời các anh trên Hà Nội về câu giải trí, chả tốt à. Phạm Hồng Hải tán thưởng: – Ý tưởng của ông anh hay quá. Em gọi tay chủ tịch thị xã đến đây anh nói chuyện nhé. – Thôi, lúc nào các cậu làm cái việc này giúp tôi. Nhưng mà phải tìm người tin cẩn đứng tên đấy. Họ biết tôi đầu tư hồ câu thì không khéo lại đơn lên tận Trung ương. – Anh khỏi lo, chúng em sẽ thực hiện ý định của anh. Mời anh cầm cần. Em thấy có tăm sủi rồi. Tăm mịn và dày như thế này chắc là cá chép đấy. Nghe nói thế, ông Hiển khệnh khạng ngồi vào ghế, cầm cần câu. Hải vội vàng lấy ô che cho ông ta. Mồ hôi vã ra trên bộ mặt béo nung núc của ông Hiển. Cách đó không xa, Lân ngồi dậy và nhìn ra chỗ ổ thính. Mắt Lân sáng lên khi thấy có tăm dưới hồ sủi lên to như đầu đũa búng lên thưa thớt. Nhìn những hạt tăm này, Lân tưởng tượng ra dưới tầng nước sâu gần 3m đang có một chú cá trôi Ấn Độ khoảng trên 2kg lượn lờ quanh ổ thính. Cá to khi vào ăn bao giờ cũng điềm đạm và nếu là con đã từng một lần bị bộ lưỡi câu lục lấy đi mất vài cái vảy thì chúng sẽ cảnh giác vô cùng. Tăm dưới hồ vẫn hờ hững búng lên. Lân khoan thai thả lưỡi câu xuống bằng những động tác chính xác và quen thuộc. Chiếc phao chìm nghỉm trong làn nước xanh lục và đầu phao sơn đen chỉ nhô lên trên mặt nước như một hạt đậu đen. Thời gian chờ cá cắn câu trôi đi rất nhanh. Mắt Lân nhìn như bị hút vào chấm đen của phao. Không hề có một sự chuẩn bị nào trước chứng tỏ đang có cá, chiếc phao lịm xuống một cách dịu dàng… Chỉ chờ có vậy, Lân búng mạnh đầu cần câu. Một cảm giác nặng chĩu và lưỡi câu như mắc phải khúc gỗ khiến Lân ngây ngất. Con cá mang cả bộ lục xé nước lao vút đi. Lân thả dây dù. Máy câu rít lên ro ro, đầu cần trĩu xuống. Tiếng máy câu rít làm ông Hiển giật mình nhìn sang. Con cá chạy lao ra khoảng năm chục mét rồi lại đâm ngược vào bờ. Lân phải guồng dây câu thật nhanh và chạy giật lùi để làm sao luôn giữ được độ căng vừa phải. Và chỉ vùng vẫy được vài phút, chú cá mệt dần và nổi lên mặt nước. Lôi cá vào bờ, Lân dùng vợt xúc cá rồi lấy một chiếc khăn to đè chặt con cá xuống bãi cỏ và dùng chiếc kìm nhọn gỡ những lưỡi câu đang bám quanh mang nó. Cho cá vào túi xong, Lân lại thấy có tăm… Cá trôi to thường đi có đôi - Lân biết chắc như vậy và buông cần. Quả nhiên, chỉ vài phút sau, Lân lôi lên một con cá trôi khoảng 3kg nữa. Trong khi đó bên phía ông Hiển phao vẫn lặng không nhúc nhích. Nghe tiếng máy câu của Lân rít, ông Hiển lại giật mình. Đến khi Lân câu được con cá thứ 3 thì ông Hiển nổi cáu. Ông bảo Hải: – Các cậu làm thính như… cứt ấy. Thằng kia nó giật liên tục, thế mà đây chả thấy động tĩnh gì? – Cá đến chậm thường là cá to. Em thấy có tăm sủi phía ngoài… Nó đang vào đấy anh ạ. Tăm mây như thế này là chép đấy. Được chép mới là cao thủ… – Cao với chả thấp. Ngồi ê cả mông chả được gì. Phan Hồng Hải chạy ra chỗ Lân và hỏi: – Này, ông anh, dùng câu thính gì mà cá vào nhiều thế? – Anh hỏi làm gì? – Ông biết ai ngồi đằng kia không? Chủ tịch tỉnh đấy. Ông anh làm thế nào cho ông ấy câu được mấy con cá, chứ không được con nào, chết chúng em. Lân tỏ ý bất cần: – Bảo ông ấy đem ra ổ này mà câu. Tôi đi kiếm chỗ khác. – Thôi ông anh. Thằng em xin ông anh làm quân sư cho chủ tịch một lát. – Cũng được, anh ra bảo ông ấy đem cần lại đây. Gã bèn chạy ra nói với ông Hiển. Ông ta khệnh khạng đến, nhấc túi cá của Lân lên xem, khen nắc nỏm: – Chú em giỏi quá nhỉ. Chắc là tay câu chuyên nghiệp. – Cháu mê câu từ bé. Chú câu ổ của cháu. Đang có tăm vào. Con này là trắm cỏ, chắc khoảng trên 3kg. – Mày nói như Long Vương ấy - Ông Hiển bĩu môi. – Rồi chú xem - Lân khẳng định. Ông Hiển loay hoay thả cần. Lân đỡ lấy cần của ông và nói: – Ối giời, sao chú dùng bộ lưỡi câu cá rô phi thế này. Phải thay lưỡi thôi. Bộ này chỉ câu cá rô phi, loại từ dăm lạng trở xuống. Ông Hiển quắc mắt nhìn hai gã đệ tử. Hai người lấm lét sợ hãi. Lân mở hộp câu lấy cho ông bộ lưỡi câu lục mới: – Cháu biếu chú bộ này. Làm bằng thép của dây đàn piano đấy. Loại này cá hàng chục cân cũng phải chết. Ông Hiển thả cần, phao nổi lên trên mặt nước đến 5cm. Lân cười, giảng giải: – Chú cho phao thấp xuống. Chỉ nhô lên nửa phân thôi. Có vậy mới dễ câu. Ông Hiển điều chỉnh phao và thả cần câu tiếp. Vài phút sau, phao chìm xuống. Lân hét: – Giật! Ông Hiển giật và xuýt ngã bổ chửng vì giật quá mạnh. Đầu cần còn bị vít xuống nhưng ông Hiển không biết buông dây. Lân lại hét: – Buông cước. Ông Hiển thả ngón tay giữ cước, máy câu rít lên ro ro. Con cá lao như tên bắn. Ông Hiển sung sướng đến đê mê khi gò con cá. Lân đứng dậy chỉ huy: – Chú dựng đầu cần lên, kéo mạnh vào… lại thả cho nó chạy. Con này lưỡi đóng đúng vây lái nên chạy khỏe lắm. Cứ cho nó chạy chán đi. Một hồi lâu sau, con cá mệt lử, ông Hiển lôi nó vào bờ. Quả nhiên đó là chú cá trắm cỏ, to như cái phích hai lít. Anh chàng nhân viên của hồ câu có bộ mặt béo tròn lấy chiếc cân treo ra móc vào con cá: – Ba cân tươi anh ạ. Ông Hiển quay sang hỏi Lân: – Thằng cháu này giỏi thật. Mày tên là gì? Ở đâu đấy. Từ nay chú đi câu, mày theo được không? Lân bất ngờ khi nghe ông hỏi vậy. Và chỉ thoáng chút suy nghĩ, Lân gật đầu: – Vâng ạ, cháu cũng đang rảnh. Khi nào chú muốn đi, cứ gọi, cháu chuẩn bị thính bã cho. ❃ ❖ ❊ Thế là từ đó, Lân trở thành một đệ tử của ông Hiển và chuyên phục vụ ông đi câu. Dần dà, ngày tháng trôi đi, ông Hiển quý Lân và coi Lân như một thành viên trong gia đình. Vợ chồng ông sinh được bốn cô con gái không có con trai, vì thế những công việc nặng trong nhà, ông đều giao cho Lân làm. Từ chỗ gọi chú xưng cháu, Lân chuyển sang chú xưng con lúc nào không biết. Và không chỉ có thế, thi thoảng ông cho Lân đi theo đến những cuộc chiêu đãi, rồi những cuộc gặp gỡ với nhiều quan chức cao cấp ở Trung ương về. Mỗi lần tổ chức tiệc ở nhà ông, Lân là người được giao tổ chức. Vì vậy, nhiều người trong tỉnh đã nhìn Lân bằng con mắt tử tế hơn và cũng không ít người ngạc nhiên, tại sao một thằng bán thịt lợn như Lân lại có thể cặp kè với ông chủ tịch tỉnh. Bản thân Lân cũng nhiều lúc tự hỏi, tại sao ông Hiển và cả gia đình ai cũng rất quý Lân, nhưng không giải thích được và Lân cho rằng hình như mối “lương duyên” này là do trời định đoạt thì phải. “Một hôm, Lân xách đến cho ông ba quả tim lợn… ❃ ❖ ❊ Ông Hiển đang ngồi đọc báo, mà hình như ông có chuyện gì đang phải suy nghĩ cho nên cứ đọc được vài dòng ông lại để tờ báo xuống ngóng ra cổng. Bà vợ ông thấy vậy liền hỏi: – Ông đợi ai thế ? – Tôi chả đợi ai cả, nhưng cứ thấy trong người nó bồn chồn thế nào ấy. – Nếu ông không bận lắm thì gọi thằng Lân đến mà hai chú cháu đi câu. – Bà có sáng kiến hay quá. Tôi sẽ gọi thằng Lân… Bà chuẩn bị chút gì chiều nay chúng tôi uống rượu. Ông Hiển vừa nhấc máy điện thoại định gọi cho Lân thì có tiếng chuông gọi cửa. Bà vợ ông chạy ra và khi thấy Lân, bà reo lên: – Ôi, sao thiêng thế. Chú vừa nhắc đến anh xong. May quá, ông ấy đang buồn. Lân đưa cho bà ba quả tim lợn: – Có mấy quả tim ngon, để cô nấu cháo cho chú ăn sáng. Ông Hiển nói: – Mày vẽ chuyện. Bây giờ có rảnh không, chú cháu mình đi câu tối một bữa. Mới có người biếu chú một lọ thuốc chống muỗi hay lắm và hai lọ thuốc nhử cá của Trung Quốc Lân nhìn ra đường rồi bật cười: – Gió tây chú ạ. Gió này mà đi câu, có nhét thính vào mồm nó cũng lắc ra. Câu bây giờ là vô ích. Chỉ có chờ đến đêm, khi hết gió tây có gió đông nam thì câu được. – Thế thì thôi vậy. Nhưng mà Chủ nhật này, tao với mày lên Hà Nội câu nhé. Một anh bạn hứa đưa tao ra hồ Tây câu. – Thế thì tuyệt quá. Lâu lắm rồi con không được câu cá ở hồ Tây. Cá chép hồ Tây là ngon nhất đấy. Lân thấy ông Hiển có một chiếc lọ lộc bình, trên đó có vẽ hoa lá, chim bay và mấy cô gái yểu điệu thướt tha kèm theo mấy chữ Hán viết theo lối đá thảo. Lân nhìn và đọc: – “Quốc sắc thiên hương”. Cái lọ đẹp quá. Nhưng chơi lọ lộc bình này là phải có đôi chú ạ. – Thằng này giỏi. Đúng là phải có đôi. Còn một chiếc tao cất ở phòng trong. Mày vào lấy ra đây. Lân vào phòng trong lấy ra chiếc bình nữa đặt ở hai bên tủ chè rồi tấm tắc khen: – Cái này là đồ sứ Giang Tây thời hiện đại, nhưng công nhận là họ làm giả cổ rất giỏi. Đồ sứ Bát Tràng của ta, “dân” thì ít mà “gian” thì nhiều. Ông Hiển bật cười, bỗng nghiêm nét mặt lại hỏi: – Ngày xưa mày học hành thế nào mà sao tao thấy mày cái gì cũng biết thế? Lắm lúc chú cũng muốn bố trí cho mày một công việc nào đó, nhưng không biết bố trí công việc gì cho phù hợp. Lân thoáng nhíu mày rồi nói bừa: – Con tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, nhưng do nhà nghèo, đành phải về bán thịt lợn kiếm tiền nuôi mẹ, nuôi em. Hoàn cảnh nhà con, chú lạ gì. – Chà, khá nhỉ. Thảo nào, tao thấy mày tiếng Pháp, tiếng Anh, chữ Hán đều biết. Mai mang bằng tốt nghiệp lên đây cho tao - Ông Hiển hào hứng nói. Lân gãi đầu: – Bằng và hồ sơ đại học con vẫn gửi ở chỗ thằng bạn trên Hà Nội để nhờ nó xin việc. Con đi lấy về ngay. – Nhanh lên. Tao sẽ bảo tổ chức đưa mày làm ở Phòng Kinh doanh của Công ty Xây dựng Hoa Ban Trắng. Nói rồi ông Hiển gọi điện thoại cho giám đốc công ty: – Anh Tuấn hả… Tôi đây, Hiển đây! – Dạ, em chào anh. – Dạo này công ty làm ăn được không? – Thưa anh cũng yếu lắm ạ. – Căn bản là cái phòng quản trị kinh doanh làm ăn rất kém, mang nặng tư tưởng bảo thủ, quen mãi với cơ chế bao cấp, xin, cho rồi. – Thưa anh, đúng quá ạ. Chúng em đang đau đầu vì phòng quản trị kinh doanh. Anh Thảo trưởng phòng thì ốm đau liên miên. Hơn nữa, anh ấy lại không được học hành gì về kinh doanh… – Thôi được rồi, tôi giới thiệu cho cậu một cán bộ có năng lực nhưng chẳng gặp thời. Đã tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, giỏi ba ngoại ngữ… Hiện đang chờ việc trên Hà Nội. Nhưng tôi thuyết phục nó về… Tôi coi như con cháu trong nhà mà. – Thế thì tốt quá! – Mai nó đến trình diện. Còn bằng cấp thì nó lấy trên Hà Nội về nộp sau, được không? – Dạ, đã là con của chủ tịch thì bằng cấp là chuyện nhỏ mà anh. Bây giờ là phải tìm người thực tài anh ạ. – Rồi, cứ thế nhé. Tôi sẽ viết thư cho Ban Giám đốc. Mà này, tôi giới thiệu người, nhưng các cậu phải kiểm tra trình độ, nhỡ nó không làm được, đừng đổ tại chủ tịch nhé. – Ấy chết, anh đã giới thiệu thì chúng em yên tâm quá còn gì. ❃ ❖ ❊ Tối hôm đó, trong bữa cơm ở nhà ông Hiển. Lân cầm ly rượu nói nghẹn ngào: – Thưa chú, thưa cô! Bố mẹ con sinh ra con nhưng vì hoàn cảnh nhà nghèo nên không lo cho con được. Nay chú đã lo con có công ăn việc làm, con không biết lấy gì để cảm ơn chú và gia đình. Nhà ta không có con trai, nếu cô chú không chê, con xin… xin cô chú chấp nhận con… làm anh của các em đây. Ông Hiển và vợ cũng cảm động trước tấm lòng của Lân, ông chưa kịp nói gì thì Minh, cô con gái út mới mười hai tuổi đã reo lên: – Bố đồng ý đi. Con thích có anh trai lắm. Đứa nào bắt nạt, anh ấy sẽ cho chúng nó biết tay. Trừ một cô lớn nhất đang đi học ở Pháp, còn ba cô con gái ông Hiển đều rất vui khi thấy có thêm ông anh. Bà Lưu, vợ ông Hiển lấy ly ra rót rượu cho đủ mỗi người một ly. Bà trịnh trọng nói: – Nào, xin mọi người nâng ly chúc mừng gia đình ta thêm một thành viên mới. ❃ ❖ ❊ Ngày hôm sau, Lân lên Hà Nội, đến nhà một thằng bạn chuyên làm hồ sơ đại học giả: – Mày lo khẩn cấp cho tao 1 bằng tốt nghiệp Đại học Ngoại thương và tất nhiên là cả hồ sơ, phiếu điểm. – Có cần học bạ phổ thông trung học không - Gã kia lạnh lùng hỏi. – Có thì càng tốt. – Mày ghi tên, tuổi, địa chỉ, quê quán, quá trình học từ lớp 1… ra tờ giấy này, rồi đi chụp ảnh mang lại đây. Chiều tới lấy, được không? – Thế thì tốt quá. – Nhưng mà gấp, lại đòi hỏi đầy đủ, giá hơi cao đấy. – Bao nhiêu? – 3 triệu. – Cũng được. À, tao cần thêm một chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh nữa, bằng C. – Chuyện đơn giản. 5 trăm ngàn nữa. Lân rút tiền trong túi ra đếm và đưa cho hắn. Gã nheo mắt nhìn Lân rồi cười tinh quái: – Chắc kiếm được cái ô nào chạy việc cho rồi phải không? Cái ngữ đọc rộng biết nhiều như mày cũng dễ lòe người ta lắm. Lân cười khùng khục: – May hơn khôn. Dưng mà mày nhớ giữ kín cho tao nhé. – Thằng hâm! Tao chả lo giữ cho thân tao à. Ông nhận hồ sơ của Lân và niềm nở: 5 – Chúng tôi rất mừng khi thấy bác Hiển quyết định đưa anh về đây. Trong lúc tỉnh ta đang bị chảy máu chất xám nghiêm trọng mà anh về xây dựng quê hương, thật quý hóa quá. Thế rồi không để cho Lân giãi bày, ông nói luôn về tình trạng chạy ăn từng ngày của công ty và tất nhiên là không quên than phiền và đổ mọi tội lỗi cho đội ngũ cán bộ cấp dưới. Ngay chiều hôm đó, ông cho họp các cán bộ chủ chốt và trịnh trọng giới thiệu Lân với mọi người: – Thưa các đồng chí, đây là anh Lân, con trai của đồng chí chủ tịch tỉnh, đã tốt nghiệp Đại học Ngoại thương. Lẽ ra anh Lân nhận công tác ở một công ty lớn thuộc Bộ Thương mại nhưng vì thấy công ty chúng ta đang thiếu cán bộ có trình độ nên đồng chí chủ tịch đã đưa về cho chúng ta. Trước mắt sẽ là trợ lý kinh doanh cho trưởng phòng. Đề nghị mọi người nhiệt liệt hoan nghênh. Nói rồi ông vỗ tay trước. Mọi người vội vã hưởng ứng. Nhưng Lân cảm nhận được rõ ràng là tất cả mọi người đều đang nhìn mình bằng con mắt tò mò, pha chút ngạc nhiên. Tự dưng, một cảm giác ngại ngùng xen lẫn sợ hãi dâng lên trong lòng. Bởi vì Lân biết ở đây có người đã từng mua thịt lợn của mình. Nghĩ như vậy, Lân muốn đứng dậy chuồn khỏi phòng họp, nhưng cũng thừa biết số phận mình lúc này như mũi tên đã rời khỏi dây cung. Chỉ có điều là nó bay đi đâu mà thôi. – Nào xin mời anh Lân phát biểu đôi lời - Ông Tuấn nói. Lân hơi giật mình và lộ vẻ lúng túng, nhưng rồi nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Hít một hơi dài cho trấn tĩnh, Lân từ tốn: – Kính thưa anh Tuấn, Giám đốc công ty. Thưa các anh trong Ban Giám đốc, thưa anh Thảo, Trưởng phòng Quản trị kinh doanh, thưa các anh, các chị. Tôi rất may mắn là đã được về công tác ở tỉnh nhà mà lại trong một công ty có truyền thống lâu năm như ở đây. Tôi xin hứa với Ban Giám đốc, với anh chị em là sẽ đem hết khả năng của mình ra phục vụ. Tôi cũng mong được sự giúp đỡ, chỉ bảo của các anh, các chị đi trước. Tôi cũng mong một xin các anh các chị hãy cứ coi tôi như tất cả những người đang thử việc tại đây, đừng ai nghĩ tôi là con chủ tịch. Nghe Lân khiêm tốn nói thế, mọi người tỏ vẻ hài lòng và vỗ tay. Khi cuộc họp ra mắt kết thúc, mọi người ra về vừa đi vừa bàn tán: – Ông Hiển có con trai từ khi nào nhỉ? – Biết đâu đấy. Có khi ông ấy gửi ở đâu, nay mới đem về thì sao. – Tớ trông mặt thằng cha này quen lắm. – Lạ gì, nó bán thịt lợn ở chợ thị xã. Mà thằng này học hành bao giờ nhỉ? – Thôi đi, “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Giám đốc mình bảo anh ta là con chủ tịch thì hẳn là con chủ tịch. Hơn nữa, tay Lân cũng nói vậy cơ mà. Chả lẽ dám mạo danh ư? Cứ để xem làm ăn ra sao. ❃ ❖ ❊ Chiếc đồng hồ trong phòng trực ban khu giam phạm nhân tử hình chỉ 7 giờ tối. Chương trình thời sự trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam bắt đầu, các quản giáo và cảnh sát bảo vệ xúm trước chiếc tivi màn hình 14 inch. Đúng lúc đó, Trung tá Vũ Minh, Trưởng giám thị trại giam tới. Anh nói với Đại úy Tự. – Hôm qua có quyết định mới về tăng tiền bồi dưỡng cho những người đi thi hành án tử hình rồi đấy. – Bao nhiêu hả anh? – Đội trưởng Đội Hành quyết được bồi dưỡng 35.000 đồng, còn chiến sĩ được 15.000 đồng. – Thế cảnh sát bảo vệ, quản giáo? - Một cán bộ hỏi. – Không có gì cả! Một cán bộ quản giáo đeo cấp hàm thiếu tá, nhưng quân hàm đã bạc phếch cười nhạt: – Cứ hô hào chống tiêu cực tham nhũng… muốn chống thì phải chống bằng cơ chế chính sách, nói xuông thế nào được. Mấy hôm nay, báo chí cứ làm om lên vì mấy tay cảnh sát giao thông nhận tiền mãi lộ. Nắng như thế này, đứng 8 tiếng ngoài mặt đường, bồi dưỡng cả ngày được 3 ngàn, thử hỏi có được nổi một chai Lavie không. Tôi mà là người có chức có quyền, tôi bắt thằng phóng viên nào cao giọng chửi công an, cho đi làm cảnh sát giao thông 1 tháng xem chúng nó còn “trong sạch” được không? Vũ Minh lườm viên thiếu tá nói: – Cậu nói năng chẳng cân nhắc gì cả. Mình là lực lượng vũ trang. Đồng lương có thế, chế độ đãi ngộ có thế, ai chấp nhận thì phải nghiến răng mà làm. Gian khổ mấy cũng phải hoàn thành nhiệm vụ. Còn thích giàu có thì đi ra ngoài… – Tôi thấy chẳng có quốc gia nào lại mang lực lượng vũ trang như công an đi giữ gìn trật tự giao thông, đi dẹp lòng lề đường, đi quản lý hộ khẩu, đi chữa cháy. Đã là lực lượng vũ trang là phải dùng vào việc đấu tranh địch - ta, chú đi giải quyết việc dân sự thì là mang búa tạ đập ruồi; chỉ tổ làm cho dân ghét. Mà lực lượng vũ trang, cái quan trọng nhất là uy tín, là danh dự. – Thôi, bây giờ không phải là lúc tranh luận. Việc đó có cấp trên lo. Các cậu kiểm tra số ngày mai bị thi hành án chưa. Đại úy Tự rụt rè: – Báo cáo anh, riêng trường hợp Trần Hùng Lân thì… hắn biết là bị bắn rồi ạ. Vũ Minh giật mình: – Cái gì, hắn biết à? Thông tin từ đâu lọt ra. Mà vừa mới họp xong cơ mà. – Lúc chiều, chúng tôi cho hắn tắm vì nghĩ mai có gió mùa đông bắc. Hắn tự xem bói cho mình và bảo hắn chỉ còn sống tính bằng giờ nữa thôi. Nghe nói vậy, Vũ Minh tươi nét mặt: – À, nếu vậy thì không ngại. Bói toán, chuyện nhảm nhí. Ngừng một lát, anh hỏi lại: – Hắn xem bói kiểu gì? – Hắn hỏi ngày âm lịch rồi tự lập quẻ Dịch. Hắn bảo là gặp phải quẻ… quẻ hung quái (!). Báo cáo anh, nghe anh em cảnh sát điều tra kể lại thì Lân “xồm” xem tử vi, xem bói Dịch rất giỏi. – Giỏi thì sao không tự xem cho mình từ trước để tránh họa đi. Mà thôi, đến gần nửa đêm, các cậu kiểm tra lại nhé. – Theo tôi thì không nên anh ạ. Chúng ta chưa kiểm tra tử tù tử hình ban đêm bao giờ. Nếu kiểm tra, sợ chúng nghi ngờ. - Có gì đâu, các cậu kiểm tra tất cả các buồng. Lấy lý do nào đó thì tùy. ❃ ❖ ❊ Đại úy Tự và một tổ cảnh sát bảo vệ đi kiểm tra một số buồng giam tù tử hình. Có khuôn mặt ngơ ngác. Có khuôn mặt lộ rõ vẻ bất cần và chửi làu bàu: “Ông đang mơ thấy ngủ với bồ thì kiểm tra làm… mất cả hứng”. Có khuôn mặt hoảng hốt: “Có chuyện gì đấy cán bộ. Mai bắn em à?”. Đến buồng giam Lân “xồm”. Lân đang ngồi, thấy cán bộ vào, hắn vội nằm xuống và lấy tay che ánh đèn pin của cảnh sát bảo vệ: – Có chuyện gì mà đi kiểm tra giờ này thế cán bộ. – À, kiểm tra đột xuất. Hôm nọ, hai thằng tù tử hình trốn mất, khối người bị kỷ luật rồi đấy. – Tôi nghe nói chúng bị bắt lại ngay rồi cơ mà. – Ba ngày sau mới bắt được. – Hai thằng ngu. Trốn tù xong lại chuồn về quê… Thật dại dột quá. – Mấy đêm nay anh có ngủ được không? – Tôi ngủ được cán bộ ạ. Đối với tôi bây giờ, chết nhanh ngày nào, giờ nào là hạnh phúc đối với tôi sớm ngày ấy, giờ ấy. – Anh bi quan quá - Một hạ sĩ cảnh sát bảo vệ nói chen vào. Lân nhìn anh ta bằng con mắt coi thường. – Thưa ông cán bộ trẻ. Ông chỉ bằng tuổi con gái đầu của tôi thôi và ông đang ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, cho nên ông chưa biết gì về cuộc đời để có thể dạy bảo khuyên can tôi. Chắc ông cũng chỉ nói được đến vậy, còn nói thêm nữa thì ông không biết nói gì. Nhưng thôi, lão Tử đã dạy thế này: Đời người ta luôn phải đi trên những đoạn đường khác nhau mà không ai biết trước đoạn đường sắp đi có cái gì, lành hay dữ, phúc hay họa. Cái chết đến có nghĩa là ta rẽ sang con đường khác, mà không ai biết con đường ấy ra sao, dẫn người ta xuống địa ngục hay lên thiêng đường? Vậy cứ đi… thì mới rõ con đường ấy là thế nào! Các cán bộ kiểm tra xong chưa. Tôi đến giờ đọc Tam Quốc cho thằng Cao nghe rồi. Nói xong, Lân gọi to: – Cao ơi! Từ buồng bên, có tiếng trả lời: – Em nghe đây. – Hôm qua đọc đến hồi nào rồi? – Đang đọc dở hồi “Gia Cát Lượng đau lòng khóc Bàng Thống/ Trương Dực Đức vì nghĩa tha Nghiêm Nhan”. Đại úy Tự dẫn tổ kiểm tra đi sang dãy nhà khác và vào buồng giam tử tù Phan Hồng Hải. Hải đang thiu thiu ngủ. Nghe tiếng lạch cạch mở cửa, hắn hốt hoảng vùng dậy: – Em… em bị bắn à? Tự lắc đầu: – Chúng tôi đi kiểm tra bình thường thôi. Hải đổ vật xuống, người run bần bật. – Em sợ quá. Bây giờ mới hơn 7 giờ phải không các cán bộ. – Đúng rồi. – Cán bộ có nghe tin gì về đơn xin tha tội chết của em không? – Chúng tôi không được biết. Hải bỗng nghiến răng: – Mẹ cha thằng Lân “xồm”, vì mày mà ông phải chết. Ông mà có chết thì sẽ làm ma hại cả ba đời con cháu mày. – Thôi, anh ngủ đi nhé. Các quản giáo khóa cửa cẩn thận rồi đi. Hải lấc láo nhìn quanh vẫn chưa hết sợ hãi. Có tiếng gõ từ phía tường bên kia. Đó là tiếng gõ theo kiểu tín hiệu đánh moóc mà phạm nhân nghĩ ra rồi truyền cho nhau. Nhưng để nghe được tiếng ” moóc” này, phải là những phạm nhân từng ở tù lâu. Phan Hồng Hải học được cách liên lạc này từ cái đận bị tù lần trước. Hải lắng nghe tiếng “moóc” gõ lúc nhanh, lúc chậm và tự dịch trong đầu: – “Sáng mai, có ba thằng bị bắn”. Hải đấm vào tường hỏi lại : – “Ai”. Tiếng bên kia gõ trả lời: – “Tao chưa biết nhưng có thể là thằng Lân. Nó chờ lâu quá rồi”. Hải hỏi lại: – “Mày có cách nào hỏi gấp. Nếu thằng Lân bị thì có lẽ cả tao nữa”. “Được rồi, hãy chờ!”. ❃ ❖ ❊ Tại nhà ông Hiển nguyên chủ tịch tỉnh. Lúc này ông đã nghỉ hưu. Ông Hiển và gia đình đang ăn cơm. Thấy nét mặt ông ủ dột, bà vợ ông hỏi: – Hôm nay ông làm sao thế? Tôi thấy ông nhai cơm cứ như nhai rơm? – Tôi hơi mệt. – Không phải. Hình như ông có điều gì buồn phiền? Ông Hiển đặt bát cơm xuống, nghĩ ngợi hồi lâu rồi nói: – Sáng mai bắn thằng Lân và thằng Hải rồi. Bà vợ giật nảy người, rơi bát xuống sàn. – Thế… thế ông không cứu được chúng nó à? – Cứu làm sao được. Tội nó nặng quá. Cô con gái út ông Hiển thở dài và cũng bỏ ăn: – Giá như anh ấy… anh ấy đừng gặp bố và cứ đi bán thịt lợn thì lại tốt. Bà mẹ quắc mắt: – Cô ăn nói với bố cô thế à. Bố cô cho nó công ăn việc làm, cho nó quyền cao chức trọng, cho nó tiền bạc… Nó là thằng vong ơn bội nghĩa. Vì nó mà bố cô khốn khổ mấy năm nay. – Con nói xin bố mẹ tha lỗi. Bố hạ cánh an toàn như thế còn là may đấy. Ông Hiển buồn bã: – Con nó nói đúng đấy! Giá như nó đừng gặp tôi… giá nó đừng gặp tôi… Đúng đấy! ❃ ❖ ❊ Tại nhà Trần Hùng Lân. Kim đồng hồ chỉ 7 giờ 30 phút tối. ❃ ❖ ❊ Thượng tá Vũ ngồi như bất động. Anh nhìn đăm đăm lên bàn thờ, trên đó có hai bức ảnh bố, mẹ Trần Hùng Lân. Anh thở dài rồi đến ban thờ thắp hương, chắp tay vái ba vái và đứng thần ra. “Thầy ơi, cô ơi! Xin thầy cô đừng trách con. Con nhớ ngày xưa thầy dạy con chữ Nho và bắt con học đi học lại mãi câu “Muốn tề gia thì trước tiên phải biết tu thân. Muốn tu thân thì trước tiên phải thành ý…”. Con và Lân đều học thầy…”. Nghĩ đến đây, nước mắt Vũ bỗng ứa ra. Anh nhớ lại ngày còn bé khi anh mới 10 tuổi, bố anh dắt anh đến gặp ông giáo Hàn, là bố của Lân… Bố Vũ đặt một chai rượu, một bao thuốc lá Tam Đảo, một gói chè Ba Đình lên ban thờ, thắp hương rồi cung kính nói với ông Hàn: – Anh ạ, giáo dục bây giờ người ta dạy thế nào ấy. Tôi thấy trẻ con ngày càng hư. Bé như mắt muỗi mà cãi bố, cãi mẹ nhem nhẻm. Những nề nếp gia phong cứ bay mất dần. Đã thế nhà trường dạy nhiều thứ mà trẻ con không hiểu và học như học vẹt. Tôi gửi cháu cho anh, xin anh dạy cho cháu chữ Hán… Dạy theo kiểu như chúng mình đi học ngày xưa. Trước hết là phải có lễ có nghĩa anh ạ. Ông giáo Hàn cười: – Cha mẹ sinh con, giời sinh tính, cũng chả biết sau này chúng nó thế nào đâu. Thôi thì cứ dạy, cứ bảo, cứ làm gương cho chúng. Đẻ con ra mà không dạy là cha có lỗi, trò học dốt là lỗi tại thầy. Các cụ đã dạy thế rồi. Được, anh cứ để cháu sang tôi dạy cùng với thằng Lân. Mà này, tôi phải nói trước là tôi cũng hơi dữ đòn đấy. – Yêu cho roi cho vọt mà anh. Hồi xưa, khi tôi và anh đi học, chỉ không thuộc một chữ là thầy bắt quỳ lên mảnh gai mít… – Bây giờ thì không thể như thế được rồi. Nhưng con mình, dạy được đến đâu thì phải cố mà dạy. Bố Vũ lấy ra một mảnh giấy nhỏ trên đó ghi ngày tháng năm sinh của Vũ. – Cũng nhờ anh lập cho cháu một bảng tử vi, để sau này biết cái vận, cái hạn của nó thế nào mà còn tránh. Ông giáo Hàn cầm tờ giấy xem rồi hơi tươi nét mặt: – Thằng nhà anh được mùa sinh. Nó sẽ đi từng bước, từng bước chắc chắn trên con đường đời. Nó khác thằng Lân nhà tôi, bạo phát, bạo tàn. – Thú thực với anh, nhà tôi thì cứ tin vào chuyện bói toán, nhưng tôi… tôi thì không. – Cũng chẳng sao anh ạ. Đời người ta có vận và có mệnh, chẳng ai giống ai. – Tôi nghe nói vận và mệnh nhưng chả hiểu gì. – Mệnh con người là cái cha mẹ để cho, là cái sinh ra đã có. Ví dụ anh thì to lớn, tôi thì gầy gò; hoặc người sống dai, người chết yểu… Nhưng vận thì lại khác. Vận là những cơ hội, những tác động của khách quan vào đời sống của người ta. Vận là do hoàn cảnh khách quan đem lại. Người ta không thể điều khiển nó mà chỉ có thể nắm bắt nó, tận dụng nó. Người nào nắm bắt được vận của mình khi nào vượng, lúc nào suy để mà biết tiến, biết thoái trên đường đời thì đó là người giỏi. Xưa nay các bậc thánh nhân, các bậc trí giả đều là những người nắm được vận của mình thậm chí nắm được vận của cả một quốc gia. Các cụ có câu “Nhất số, nhì mệnh, tam vận, tứ mộ phần “ Ông bố Vũ gãi đầu: – Tôi là người đi buôn bè, những điều anh nói khó hiểu quá. Ngày xưa nhà nghèo, cha mẹ nuôi cho đi học được có hai năm. Anh biết quá còn gì? – Đơn giản thế này thôi. Khi anh biết vận anh đến thì lao vào mà làm, gắng sức mà làm. Còn khi vận suy thì hãy lùi lại, giữ gìn những thứ mình đã có và bằng lòng với những gì đã có. – Anh nói vậy thì tôi hiểu. Nhưng biết lúc nào vận đến, lúc nào vận suy. Ông giáo Hàn cười tinh quái: – Thế mới sinh ra thầy bói. Thế rồi từ sau lần đó, mỗi tuần mỗi buổi chiều, Vũ đến nhà ông giáo Hàn học chữ Nho cùng với Lân. Lân học rất thông minh, chữ viết đẹp và luôn được ông giáo Hàn khen. Nhưng Lân lại chóng quên và cái đó trái ngược với Vũ. Vũ học chậm nhưng chắc. Đã học được chữ nào là như in vào óc chữ đấy. Một hôm, ông Hàn viết chữ Hán lên bảng rồi dạy: – “Tri chi vi tri chi. Bất tri vi bất chi. Thị chi dã”. Lân và Vũ gào to: – “Tri chi vi tri chi. Bất tri vi bất chi. Thị chi dã”. Lân đọc xong cười khúc khích. Ông giáo Hàn vung thước gõ xuống bàn nghiêm giọng: – Mày cười gì! Đọc lại - Nói rồi ông xóa sạch chữ trên bảng. Lân đọc lúng túng: – Tri… chi… chi bất… bất chi! - Lân quên không đọc được. – Đọc thế à. Đầu óc mày để đâu hả. Để đâu? – Con không đọc được, nghe cứ… cứ líu lo như chim hót ấy. Ông giáo Hàn nổi nóng, vụt thước lên lưng Lân, rồi ông viết lại dòng chữ và bảo Vũ: – Cháu hiểu câu này không? – Thưa… thưa thầy. Cháu chỉ nhớ chữ “Tri” là biết, còn “bất tri” là “không biết” ạ. – Thằng Lân, mày biết nghĩa không. – Biết chứ ạ… có… có nghĩa là - Lân lại ấp úng - Biết thì biết, không biết là không biết. Ông giáo Hàn ngồi phịch xuống ghế, thở dài. Rồi ông cao giọng giảng giải: – Biết thì nói là biết. Không biết nói là không biết. Đó chính là biết… là người hiểu biết. Thằng Vũ không biết, nó nhận ngay là không biết, đó là đứa hiểu biết. Còn mày, không biết lại dám nói là biết… Vậy thì mày là đứa thế nào? Là đứa không biết, con ạ. 6 Lúc nghỉ, Lân lườm Vũ: – Sau này mày sướng hay tao sướng. – Tao không biết. Nhưng bây giờ mày sướng vì mày có bố giỏi, dạy mày học. Bố tao quanh năm suốt tháng đi buôn bè. – Dưng mà bố mày có tiền. Buôn bè giàu lắm. – Tao chả biết bố tao giàu bao nhiêu, nhưng tao thích bố tao ở nhà. – Bố tao lắm chữ nhưng không có tiền. Bố mày ít chữ lại lắm tiền. Tao thấy chữ có ăn được đâu. – Thế sao hôm qua thầy dạy “Hữu thư chân phú quý”. – Xì, nhiều chữ như ông Nguyên ở xóm Đông là cùng chứ gì? Ông ấy là nhà văn, viết năm, sáu quyển sách dày cộp, thế mà quanh năm vác rá đi vay gạo. Tao thấy chỉ có nhiều tiền là sướng. Theo mày, thế nào là sướng. – Thầy dạy rồi “Tri túc thường lạc”, biết đủ là vui sướng. – Mày đúng là con mọt chữ. Nhưng mà học dốt như mày, chữ viết xấu như mày. Sau này không kiếm nổi miếng cơm mà ăn đâu. Vũ nghe Lân nói mà thấy ấm ức. Một hôm, bố Vũ mang gạo đến biếu ông giáo Hàn sau một chuyến đi buôn bè từ Tuyên Quang về: – Em mua được ít gạo nếp nương ở mạn ngược, giấu mãi mới thoát được về đến đây. Biếu thầy dăm cân để ăn tết. – Cảm ơn anh! – Thằng Vũ nhà em học hành thế nào hả thầy. – Nó học chậm nhưng có tư chất. – Em nghe nói cháu Lân nhà thầy học giỏi và viết chữ đẹp lắm. – Nó học nhanh nhưng học trước, quên sau. Ở trường các thầy cô cũng kêu nó như vậy. – Tử vi của cháu sau này có khá không? – Đời nó sẽ gặp những dịp may bất ngờ và rồi cũng bị họa vì những cái may đó. Tôi cố dạy cháu chữ Hán, dạy nó xem bói để sau này có cái nghề mà sống. Thằng này càng làm to, càng giàu có thì họa càng lớn. Nhưng rồi Vũ chỉ học chữ Hán với Lân được hơn một năm thì phải bỏ vì trường phổ thông phản đối cách dạy học của ông giáo Hàn và cho là nhồi nhét vào đầu trẻ em tư tưởng phong kiến. ❃ ❖ ❊ Một buổi, Vũ và Lân đang học thì có mấy ông cán bộ của Phòng Giáo dục thị xã và một nhân viên công an áo vàng đến. Ông Trưởng phòng Giáo dục thị xã nói đanh thép: – Chúng tôi được bà con phản ánh là ông bắt con mình và cháu Vũ học những tư tưởng bại hoại, lạc hậu của chế độ phong kiến. Hôm nay mới được tận mắt nhìn thấy. Ông giáo Hàn nhìn người trưởng phòng bằng con mắt khinh bỉ. Ông nói mỉa mai: – Ngày xưa, tôi đã từng là người dạy chữ cho anh. Nhờ chữ của tôi mà nay anh lên quan lên chức và có lẽ là nhờ những tư tưởng phong kiến ấy mà anh nên người đấy. Tôi dạy chữ Hán cho con tôi, cháu tôi thì việc gì đến chính quyền. Anh Trưởng phòng ngượng ngùng: – Tình thầy trò thì để lúc khác. Còn bây giờ là việc của chính quyền. Ông dạy cho con cháu ông nhưng ông phải hiểu con cháu ông là công dân của Nhà nước. Chúng đã được nhà trường dạy dỗ. Anh công an nói: – Chúng tôi được lệnh cấp trên mời ông ra đồn công an thị xã làm việc. Còn bây giờ, đề nghị ông từ nay không được mở lớp dạy chữ Hán tại nhà nữa. Nói rồi cả đám người lại kéo nhau đi. Khi họ khuất ngoài ngõ, ông giáo Hàn xoa đầu Vũ: – Thôi con ạ, thầy không được dạy con nữa rồi. Con về đi. Những điều thầy dạy, con nhớ điều gì nhất. Vũ khoanh tay, nước mắt rơi lã chã: – Con nhớ… Con nhớ Khổng Tử… con nhớ thầy dạy là khi chăm sóc cha mẹ phải luôn vui vẻ, như thế là có hiếu. Ông giáo Hàn cười buồn: – Thế là được. Con nhớ một điều ấy là được rồi. ❃ ❖ ❊ Hôm sau, ông giáo Hàn lên đồn công an thị xã từ đầu giờ sáng. Và đâu chỉ có công an làm việc với ông mà có cả đại diện Phòng Giáo dục; Sở Văn hóa Thông tin… Họ đã thay nhau lên án ông giáo Hàn. Anh Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính thị xã nói gay gắt: – Chính quyền cách mạng phấn đấu bao nhiêu năm gian khổ, bao nhiều người hy sinh cũng chỉ vì nhằm xóa bỏ cái chế độ phong kiến lạc hậu. Mà Nho giáo là đại diện tiêu biểu cho phong kiến. Vậy mà ông Hàn lại công khai dạy “Tam tự kinh” cho bọn trẻ. Đành rằng đó là con ông, còn cháu Vũ là người được họ nhờ ông. Nhưng ông phải biết rằng, hai cháu đó là công dân tương lai của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ông Hàn hơi cúi đầu, ngồi lặng im. Anh Trưởng phòng Giáo dục cao giọng: – Chúng tôi đã hỏi thầy cô giáo ở trường cấp I, cháu Lân và cháu Vũ học sút kém hẳn. Đặc biệt là cháu Lân hay xuyên tạc những bài hát cách mạng. Đã vậy, cháu lại cậy là mình giỏi chữ Trung Quốc hơn các bạn cho nên không chịu học hát. Bài gì nhỉ… à bài “tung pháng hùng” … tức là bài “Đông phương hồng” ca ngợi Mao Chủ tịch. Anh công an thị xã, vẫn đeo xà cột ngang người, phát biểu với giọng rất quan trọng: – Kính thưa đồng chí Phó chủ tịch thị xã, thưa các đồng chí. Theo cấp trên cho biết, sắp tới, rất nhiều khả năng đế quốc Mỹ sẽ dùng không quân đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Thậm chí ta đã phát giác ra những kế hoạch của chúng là cho quân đổ bộ lên khu vực Vĩnh Linh, lấy đó làm bàn đạp tấn công vào hậu phương lớn, ngăn cản sức chi viện cho tiền tuyến lớn. Chính vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị đối phó một cách chủ động, tích cực. Và một trong nhiều biện pháp là chúng ta phải đồng lòng, nhất trí, phải vững mạnh về tư tưởng, không được giao động. Cách dạy dỗ trẻ con như của ông Hàn đây là mang nặng tư tưởng phong kiến, thiếu tinh thần lạc quan cách mạng… Một số bài thơ của ông vừa in trên Báo Văn nghệ đã thể hiện thái độ hoài nghi vào chế độ mới. Đây, tôi đã chép được ba bài, lát nữa đồng chí Phó chủ tịch nghiên cứu thêm. Anh Trưởng phòng Giáo dục đế thêm vào: – Bài thơ “Mưa đầu hè” của ông Hàn lại có những câu tăm tối đến thế này: “Mưa rơi rơi mãi rơi hoài/ Mờ trời, mờ đất, mờ người đợi nhau”. Chết thật thôi, giữa lúc cả nước đang sôi nổi thi đua thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ hai, vậy mà lại có những câu thơ lạc lõng đến thế, biểu tượng hai mặt thâm đến thế. Mọi người nhìn ông Hàn bằng ánh mắt căm phẫn. Ông Hàn vẫn ngồi bất động. Cho đến lúc mặt trời đứng bóng thì ông được về. Ông đi lảo đảo trên đường và khi về đến nhà, ông nằm vật ra. Bà giáo Hàn bê mâm cơm đến: – Thầy thằng Lân dậy xơi cơm. Hôm nay họ bảo ông việc gì mà lâu thế. Tôi ở nhà cứ lo lo là…? Ông giáo Hàn ngồi dậy, mở lồng bàn. Bữa cơm đạm bạc có rau muống luộc, mấy quả cà, đĩa vừng, một bìa đậu phụ luộc. Bà giáo mở vung nồi cơm. Nồi cơm toàn những lát khoai khô cõng hạt cơm. Bà nhìn ông như có lỗi: – Mai mới đến hạn đong gạo của tổ nhà mình… Ông cười buồn: – Có cơm độn khoai ăn là tốt rồi. Tôi sợ mấy ngày nữa còn không có mà ăn. Mình chạy ngay về quê, nói với các cậu cho mượn một sào đất… Hôm nọ các cậu hứa rồi. Phải về trồng thêm ngô khoai mà ăn thôi. – Sao thầy nó nói lạ thế? Có chuyện gì với chính quyền à? – Hôm nay họ quy tôi là phản động, là cố tình truyền bá tư tưởng hủ bại của Nho giáo. Họ lại lấy ba bài thơ tôi đã in ở Báo Văn nghệ hồi nọ ra phê phán và bảo đó là biểu tượng hai mặt, là chống Đảng. Rồi họ bắt tôi viết bản tự kiểm điểm, tôi không chịu… Chắc thế nào họ cũng bắt tôi thôi. Ông Nguyên, nhà văn ở xóm Đông cũng bị quy là chống đối và đưa đi cải tạo rồi. ❃ ❖ ❊ Ba ngày hôm sau, một buổi trưa, ông giáo Hàn đang ngủ thì công an, dân quân thị trấn và cán bộ thị xã đến. Họ đọc lệnh bắt ông Hàn đi tập trung cải tạo. Một nhân viên công an mặc áo vàng, đeo xà cột, dõng dạc: – Mời ông Hàn đứng dậy nghe lệnh của Chủ tịch Ủy ban Hành chính thị xã. Ông giáo Hàn đứng dựa lưng vào cột nhà, nét mặt lạnh lùng, chấp nhận. Bà giáo Hàn đứng góc nhà sợ run bần bật. Lân và ba đứa em cùng với Vũ đứng ngoài sân sợ hãi dòm vào. Anh công an đọc tiếp: – Mặc dù đã được chính quyền nhiều lần giáo dục, được bà con ở khu phố góp ý, giúp đỡ, nhưng ông Hàn vẫn không chịu từ bỏ những tư tưởng cũ kỹ, lạc hậu mà còn mở lớp dạy học trái với quy định của chính phủ. Không những thế, ông Hàn còn bí mật lưu giữ và truyền bá những văn hóa phẩm độc hại. Vì những lẽ trên, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thị xã Hòa Phương quyết định đưa ông Hàn đi trường giáo dục cải tạo. Thời gian là 18 tháng. Nghe đến thế, bà giáo Hàn run lên, lao vào ôm lấy ông Hàn: – Giời ơi là giời. Nhà tôi dạy học chứ làm gì nên tội mà bắt nhà tôi đi tù. Ông Hàn trừng mắt lên hỏi: – Tôi lưu giữ và truyền bá văn hóa phẩm độc hại nào? Anh cán bộ của Sở Văn hóa cười nhạt: – Ông không phải thắc mắc. Tôi hỏi ông: Ông đã mang các quyển Nhân văn giai phẩm Mùa xuân cho ai? Ông đã đưa sách chữ Hán truyền bá tư tưởng Nho giáo cho ai? Ông cứ vào trại cải tạo rồi cán bộ sẽ cho ông xem những chứng cứ đó. Ai còn gửi cho ông tài liệu tiếng Pháp, ông biết chứ. – Đó là tập thơ của Pháp do một ông nhà thơ gửi cho tôi để dịch. – Đó là thơ của bọn thực dân, ông nghe chưa? Ông Hàn hiểu ra, gật gù cười đau khổ: – À ra thế. Vậy thì tôi phải đi cải tạo là đáng rồi - Nói xong, ông quay về phía bà giáo Hàn: – Mình đừng khóc. Tôi đi ít ngày rồi về thôi mà. Biết đâu vào trại chả học thêm được nghề nào đó. – Tất nhiên rồi. Lao động sẽ giúp ông gột rửa được những tư tưởng cũ kỹ trong cái đầu của ông - Một anh cán bộ nói cắt ngang với giọng trịch thượng. Khi họ dẫn ông Hàn ra, Lân nhìn mọi người bằng con mắt nảy lửa. Ông giáo Hàn thấy ánh mắt của con, ông hơi rùng mình. Ông nói với anh công an: – Xin anh cho tôi vài phút. Tôi muốn viết lại cho nhà tôi và các cháu một chữ. Một chữ thôi. Anh công an gật đầu: – Ông viết nhanh lên nhé. Ông giáo Hàn quay rất nhanh vào nhà. Ông lấy bút lông thấm mực trong nghiên rồi vung bút viết lên tường vôi trắng trong nhà chữ “Nhẫn” to tướng. Ông ghi ngày tháng ở dưới rồi dặn bà giáo Hàn: – Tôi đi rồi, mình hãy dạy các con và thằng cháu Vũ chữ “Nhẫn” này nhé. ❃ ❖ ❊ Hôm sau, Vũ và Lân ngồi viết chữ “Nhẫn” trong vở tập viết. Chờ mỗi đứa viết xong một trang, bà giáo Hàn giảng giải: – Các con có hiểu chữ nhẫn này không? Lân láu táu: – Nhẫn là nhẫn nại, chịu nhịn nhục ạ. – Thế còn thằng Vũ, chữ nhẫn này là thế nào? - Bà giáo hỏi Vũ. – Thưa bác, chữ nhẫn gồm hai chữ “đao” và “tâm” gộp lại. Bộ “đao” ở trên bộ “tâm” ở dưới. Quả tim mà bị dao đâm vào thì đau đớn lắm, nhưng phải chịu đựng ạ. Bà giáo Hàn hơi cười hài lòng: – Đấy mới là hiểu chữ con ạ - Bà nói với Lân như thế rồi bảo: – Bây giờ mỗi đứa viết ra những suy nghĩ về chuyện ông giáo bị bắt hôm qua. Lấy chữ “Nhẫn” mà bình. ❃ ❖ ❊ Hình ảnh ông giáo Hàn bị bắt đưa đi tập trung cải tạo đã ám ảnh Vũ suốt nhiều năm và cho đến giờ, mỗi khi phải ký lệnh bắt ai, Vũ lại nhớ tới thầy giáo Hàn và tự nhủ lòng mình: Hãy thương người ta như thương thân mình. Cũng vì sự ám ảnh đó mà từ khi còn nhỏ Vũ ghét cay ghét đắng những người công an. Thế rồi sau khi ông giáo Hàn bị bắt đưa đi cải tạo nửa tháng thì một hôm, ông bác họ của tôi là một cán bộ công an nghe nói làm rất to ở Hà Nội, đi xe com-măng-ca về chơi. Chiếc xe com-măng-ca chạy từ từ trên con đường làng. Bọn trẻ con nhảy cẫng lên chạy theo xe và hò hét: – Ôtô về! Ôtô về! Xe dừng trước ngõ vào nhà ông Hàn, từ trên xe, một người cán bộ công an cao lớn, xách cặp da và đeo súng ngắn oai vệ bước xuống. Bà mẹ Vũ đang băm bèo cho lợn thấy ông, vội buông dao: – Ôi, bác Tâm! Sao nhà em bảo bác đi B rồi. – Tôi đã có tên được cử đi, nhưng chưa biết bao giờ. Chú ấy đâu? – Nhà em mang tre ra trận địa tên lửa để ủng hộ cho bộ đội làm hầm. Sắp về rồi bác ạ. – Thế là tốt. Bọn Mỹ đánh phá ngày càng ác liệt. Chú thím nhớ phải làm hầm cho cẩn thận. Làm một cái hầm chữ A ngoài vườn, rồi đào dưới bộ phản này cái nữa. Ban ngày thì chạy ra hầm chữ A, ban đêm thì chui ngay xuống phản. – Hầm chữ A nhà em làm rồi. Bác ngồi chơi, em đi làm cơm ù một tý là xong thôi. Ông Tâm xua tay: – Không, thím đừng làm cơm. Tôi có chút quà cho chú thím - Nói rồi ông đỡ lấy cái túi từ tay người lái xe và bày lên bàn - Tôi cho thằng cháu Vũ năm thếp giấy để làm vở viết, cho chú ấy hai bao thuốc, và cho thím hai hộp thịt này. Còn đây, tôi mang biếu thầy giáo Hàn. Bà mẹ Vũ ngơ ngác: – Bác chưa biết gì à? – Biết cái gì! Sao? – Thầy giáo Hàn bị đưa đi cải tạo lao động rồi. Ông Tâm ngơ ngác: – Thầy Hàn làm gì mà phải đưa đi cải tạo? – Em chỉ biết là họ bảo vì thầy dạy chữ Nho thằng Vũ nhà em và cho thằng Lân rồi thầy cho ai đó mượn sách… mượn sách giai phẩm gì đó. – Đi lâu chưa? – Được nửa tháng rồi. Ông Tâm thở dài rồi bảo: – Tôi nhờ thím mang những thứ này cho bà giáo Hàn. Thím đừng nói gì cả nhé. Tôi sẽ tìm hiểu sớm chuyện này. Thôi, tôi đi đây. Ông nhìn thấy Vũ đang đứng ở gốc cau liền hỏi: – Cháu Vũ đấy à, bác mang vở viết cho cháu đấy. Học giỏi nhé, lớn lên bác cho đi làm công an bắt gián điệp. Vũ phản ứng ngay: – Cháu không thèm làm công an! Công an ác lắm. Bà mẹ Vũ mắng át đi: – Vũ, không được nói hỗn. Ông Tâm kéo Vũ vào lòng: – Sao cháu lại bảo công an ác. Các chú công an làm gì cháu nào? Bà mẹ Vũ đỡ lời: – Bác đừng để bụng. Ngày trước nó mê công an lắm, chỉ thích làm công an đi bắt gián điệp, nhưng từ hôm nó nhìn thấy công an đến bắt thầy Hàn thì nó ghét công an lắm. Ông Tâm cười khẽ lắc đầu: – Trẻ con bây giờ ghê thế đấy! Đừng bảo là chúng nó không biết gì nhé. Ông nói tiếp: – Cháu đi ôtô với bác lên đồn công an. Bác cháu mình cùng nghe xem vì sao thầy Hàn của bác và của cháu bị bắt nhé. Vũ trố mắt: – Bác là học trò thầy Hàn. – Ừ, thầy Hàn nuôi bác hồi xưa và dạy bác chữ đấy. Ông Tâm đưa Vũ lên đồn công an thị xã. Các cán bộ công an thấy ông vội đứng dậy giơ tay chào. Anh trưởng đồn công an thị xã mời ông Tâm: – Thủ trưởng mới về ạ. – Tôi đi công tác qua, nhân thể tạt vào thăm thầy giáo Hàn. Nhưng lại nghe nói là thầy đã đi cải tạo tập trung. Anh trưởng đồn tái mặt: – Báo cáo thủ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thị xã duyệt ạ. Mới đi được nửa tháng rồi. – Thầy Hàn là cơ sở bí mật của tôi trong kháng chiến chống Pháp. Gia đình nhà thầy đã nuôi giấu tôi, thầy còn dạy chữ cho tôi. Thầy còn nuôi giấu cả đồng chí Bí thư tỉnh ủy nữa đấy. Công lao của thầy rất lớn. Tôi không thể tin được một người như thầy Hàn mà lại có tư tưởng chống Đảng. Tôi có lỗi là chưa kịp báo cáo làm các chế độ khen thưởng cho thầy. Đồng chí đưa tôi xem hồ sơ duyệt tập trung cải tạo thầy Hàn. Anh trưởng đồn gọi một sĩ quan cấp hàm thiếu úy tới: – Đồng chí lấy hồ sơ của ông… à, của thầy giáo Hàn ra cho thủ trưởng Tâm xem. Thiếu úy vội chạy đi, mấy phút sau đem một cặp hồ sơ dày đến và đưa cho ông Tâm. Ông đeo kính chăm chú xem một lát rồi đập bàn: – Có thế này mà các đồng chí nỡ đem người ta đi tập trung cải tạo. Dạy trẻ con chữ Nho, dạy quan điểm đạo đức của Khổng Tử cho chúng là có tội à? Cho mượn mấy quyển Nhân văn giai phẩm là có tội à? Giữ trong nhà sách của Khổng Tử là có tội à? Thế còn đây… đây là quyển gì đồng chí biết không? - Ông gí vào mặt anh trưởng đồn một quyển sách mỏng bên ngoài có chữ Hán - Quyển gì anh biết không? – Thưa… thưa thủ trưởng, tôi chưa rõ ạ! – Đây là tập thơ Nhật ký trong tù của Bác Hồ bằng nguyên bản chữ Hán đấy. Lại còn đây nữa. Đây là những cuốn vở thầy Hàn chép lại những bài thơ của Bác và tự viết lời bình. Sao, cũng là tài liệu phản động à. Ông trì chiết: – Các đồng chí làm thế này thì dân biết trông cậy vào ai? Các đồng chí phải coi mỗi người dân là một phần máu thịt của mình chứ. Bắt họ, xử họ nếu họ phạm tội là cần thiết, nhưng phải biết đau nỗi đau nhân tình chứ. Nếu cha mẹ, họ hàng đồng chí mà có người bị bắt đưa đi cải tạo vì những lý do này, vì sự dốt nát này thì đồng chí nghĩ sao? – Bác cáo thủ trưởng… báo cáo thủ trưởng, tôi xin lỗi! – May mà các đồng chí chưa, tống người ta vào tù đấy. Chiều hôm nay, đồng chí cho chuyển toàn bộ hồ sơ của thầy giáo Hàn lên Cục Chấp pháp của Bộ. Đồng chí rõ chưa? – Báo cáo thủ trưởng, rõ! 7 Nhưng bây giờ thái độ của họ khác xưa rất nhiều. Chỉ có điều thầy Hàn là sống trầm lặng hẳn. Năm 1966, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc ngày càng ác liệt, thế là Vũ đi sơ tán khỏi thị xã và việc học của Vũ ở thầy Hàn cũng chấm dứt. Năm Vũ học đến lớp 9 thì thầy giáo Hàn mất. Lân bỏ học sau khi học xong lớp 7, suốt ngày chỉ lang thang đi câu cá, câu ếch, thậm chí cả đi bắt rắn để kiếm tiền giúp mẹ nuôi các em. Khi Vũ đang học lớp 10 thì có đợt tuyển quân, Vũ xung phong đi bộ đội. Hôm có giấy gọi nhập ngũ, Vũ gặp Lân: – Chủ nhật tao lên đường nhập ngũ rồi. Lân trố mắt nhìn Vũ: – Mày dại thế, ở Quảng Trị đánh nhau rất to. Vũ nói: – Tao thấy ở trường bọn lớp 10 xung phong đi nhiều lắm, đi đợt này may ra còn được đánh nhau, chứ đi đợt sau khéo giải phóng miền Nam rồi. Lân cười sằng sặc: – Thôi, “một xanh cỏ, hai đỏ ngực”. Mày thích làm anh hùng thì cứ đi. Nhà tao thì không phải đi bộ đội. – Tại sao? – Bố tao bị quy là phản động. Tao có xung phong cũng chẳng ai cho đi. – Lẽ ra tao cũng không phải đi vì nhà chỉ có mỗi mình tao là con trai. Nhưng thấy mọi người lên đường, nằm nhà sốt ruột lắm. – Sao mày không học hết lớp 10 rồi hãy đi. – Đánh giặc xong về học cũng được. Lân bần thần hồi lâu rồi bảo: – Tao có hai thứ tặng mày mang đi. – Cái gì vậy. – Chờ tao một chút. Lân chạy vào buồng lấy ra một cuộn cước, một gói lưỡi câu bày lên bàn: – Mày cầm theo. Biết đâu chả có lúc kiếm được cái ăn ở sông suối Trường Sơn. Lân gói cả lại, nhét vào túi Vũ rồi lấy bút lông, chấm vào nghiên mực và viết vào một tờ giấy kẻ ôly chữ “Phúc”. Nét chữ của Lân bay bướm thoáng đạt. Lân ghi cả ngày tháng năm rồi cầm lên hong ra nắng cho khô. Lân gấp lại làm tư nhét vào túi áo Vũ: – Mày cầm đi cho may mắn. Vũ vẫn đứng lặng trước ban thờ. Mắt ngân ngấn nước khi nhớ lại những ngày tốt đẹp đã qua. ❃ ❖ ❊ Ly rón rén đứng sau lưng Vũ, hai tay cầm bức ảnh đen trắng khổ 13x18 của Lân. Cô đặt lên ban thờ. Hai đứa em của Ly mở cửa trông thấy, chúng sững người rồi òa lên khóc nức nở. ❃ ❖ ❊ Kim đồng hồ trong phòng trực ban của quản giáo chỉ 8 giờ tối. Cả khu biệt giam tù tử hình vắng lặng. Đàn chuột cống bắt đầu chạy lên chúng gí mũi vào từng cánh cửa sắt của các buồng giam. Lân vẫn đọc truyện Tam quốc cho gã tử tù ở buồng bên tên là Cao nghe, mà là đọc không có sách: “… Nếu Tào Tháo đến thì tướng quân làm thế nào? Vân Trường đáp: – Đem quân ra chống cự. Khổng Minh lại hỏi: – Nếu cả Tào Tháo và Tôn Quyền đem quân đến thì tướng quân tính sao? Vân Trường đáp: – Chia quân ra chống lại. Khổng Minh nói: – Nếu vậy thì Kinh Châu nguy mất. Tôi có tám chữ này, tướng quân phải học thuộc thì mới giữ được Kinh Châu. Vân Trường hỏi: – Tám chữ gì vậy, xin quân sư cứ dạy. Khổng Minh nói: – Bắc cự Tào Tháo, đông hòa Tôn Quyền…”. Thôi, hôm nay dừng ở đây. Tao mệt quá. Mai lại đọc tiếp nhé. Tiếng gã tử tù từ bên kia vọng sang: – Anh ạ, mai có thằng ra đi đấy. – Sao mày biết, ai vậy! – Em thấy chiều nay ông Vân ra tỉa hoa bắt sâu ở vườn hồng. Hồi xưa, khi em mới bị án 3 năm, được làm tự giác ở trại này, em biết. Ông ấy được giao việc trói phạm vào cọc, bịt mắt, bắn xong lại hạ xác xuống, khâm liệm. Hôm nào thi hành án tử hình là thế nào chiều hôm trước ông ấy cũng ra vườn hồng. – Mày giỏi thật. Chiều nay tao cũng nghĩ như vậy. Thôi, ngủ đi. Biết đâu sáng mai chẳng đến lượt mày hoặc lượt tao? Lân ngồi dựa lưng vào tường. Mắt nhìn lên bóng đèn điện đỏ đục trên trần nhà… và nhớ lại. “Đời người ta có những khi gặp may đến mức nằm mơ cũng không thấy. Tôi làm trợ lý cho ông Thảo, Trưởng phòng Kinh doanh được 3 tháng thì ông Thảo bị ốm nặng, thế là giám đốc vội vã cho đề bạt tôi làm phó phòng nhưng phụ trách phòng thay ông Thảo. Ông ta làm như vậy cũng là để lập công với bố nuôi tôi và cái ghế ông muốn nhắm tới là Giám đốc Sở Xây dựng của tỉnh. Một buổi sáng Chủ nhật, ông ta đến nhà bố nuôi tôi…” ❃ ❖ ❊ Ông Hiển đang cho con khướu ăn thì ông Tuấn đi ôtô tới. Ông mang theo một túi quà khá to: – Em chào anh - Ông Tuấn lễ phép - Ôi, ông anh có con khướu mun đẹp quá. Nó hót thế nào hả anh? – Sao đến sớm thế. Cậu ôm gói gì to thế kia? – Thưa anh, em vừa đi công tác ở Trung Quốc về ạ. Có ít thang thuốc cải lão hoàn đồng em cắt ở bên đó mang về biếu anh. – Làm quái gì có thuốc “cải lão hoàn đồng” trên đời này. Nếu có, các bậc đế vương khối người đã chả chịu chết trẻ. Cậu vào nhà đi. – Vâng, cũng là nói cho thêm sắc màu thôi anh ạ. – Thằng Lân nhà tôi, nó nói câu rất hay: “Thuốc tốt thì chỉ chữa được bệnh chứ không chữa được mệnh”. Càng ngẫm càng thấy đúng. Người ta ai chẳng có số mệnh, khi mệnh đó đã hết thì có thuốc giời. Nghe chủ tịch nhắc đến Lân, ông Tuấn vội xun xoe: – Tuổi trẻ bây giờ trí tuệ nó sáng láng, dám nghĩ, dám làm. Cậu Lân về, cứu cả công ty em đấy Chủ tịch ạ. – Cậu quá lời rồi. Nó là thằng trợ lý… mà trợ lý là gì, anh biết rồi đấy. – Không anh ơi - Ông Tuấn hào hứng - Chính Lân đã tham mưu cho ông Thảo thắng thầu được hai dự án mở rộng con đường nhánh từ mình sang Sơn La. Mỗi dự án hơn hai chục tỉ. Thế là cả công ty em sống được rồi. Ông Hiển nghiêm nét mặt: – Nó mà tham mưu được à? Tôi không gọi đến nóng cả điện thoại cho các anh ở Bộ Giao thông thì cứ ngồi đấy mà chờ? Tuấn cười nịnh: – Vâng, chúng em biết là nhờ có bóng anh. Nhưng cũng phải công nhận là cậu Lân năng động, quyết đoán, mà nghĩ ra việc. Một người lo bằng cả kho người làm. Chủ tịch Hiển thở dài: – Một thời gian nữa, Chính phủ sẽ có một dự án xóa đói giảm nghèo rất lớn cho ba huyện miền núi của tỉnh ta. Số tiền đầu tư là hơn 500 tỉ đồng. Các anh ấy yêu cầu ta phải chuẩn bị lực lượng để tiếp nhận tiền thực hiện dự án. Vì thế, Sở Xây dựng, Sở Giao thông và nhiều ban, ngành khác phải tăng cường cán bộ giỏi, đủ sức làm việc. Quan điểm của tôi là kiên quyết phát huy nội lực. Cái gì ta làm được, phải gồng mình lên mà làm. Trung ương cứ rót vốn về đây, còn ta thực hiện. – Quan điểm của anh rất mới. Các ban, ngành khác em chưa rõ, nhưng Sở Xây dựng thì… thì nội bộ hình như có vấn đề. – “Hình như” gì nữa - Ông Hiển thẳng thắn nói - Nội bộ nát như tương. Suốt ngày nói xấu nhau rồi lại còn xì tài liệu nội bộ cho mấy thằng nhà báo chuyên viết theo kiểu đâm thuê, chém mướn. Hôm nọ, tôi bực quá, khi ông Toán, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh đến xin tiền tổ chức giải bóng bàn, tôi bảo: “Các anh cho nhà báo thi đấu bóng bàn làm gì. Nên tổ chức thi môn thọc gậy bánh xe và ném đá giấu tay”. Ông Tuấn cười lấy lòng: – Thế thì chắc ông Toán ngượng lắm. – Sự thật nó là thế. Mấy vụ án công an làm vừa rồi khi điều tra ra đều có bàn tay nhà báo tham gia chạy án. Mà thôi, cậu am hiểu xây dựng, cậu tiến cử cho tôi một người làm Giám đốc Sở được không?