🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bệnh Án Của Thần Linh Tập 1 - Natsukawa Sosuke full mobi pdf epub azw3 [Tâm Lý Xã Hội] Ebooks Nhóm Zalo BỆNH ÁN CỦA THẦN LINH —★— Tác giả: Natsukawa Sosuke Dịch giả: Quỳnh Quỳnh Phát hành: Nhã Nam Nhà xuất bản Hà Nội ebook©vctvegroup 24-08-2019 Câu chuyện thứ nhất Bầu trời vạn ánh sao "T iêu rồi!" Tôi rên rỉ. Lần này không còn viện cớ gì được nữa. Không không, lỗi nào có phải tại tôi đâu. Đều là do hoàn cảnh cả. Một bác sĩ nội khoa trẻ mẫu mực trung thực đầy nhiệt huyết như tôi đây mà lại bị dồn vào tình thế thê thảm không còn gì để nói này, hẳn quý vị độc giả cũng chẳng khó hình dung ra cái sự tồi tệ của hoàn cảnh đâu nhỉ? Dẫu sao đi nữa, sự tình cũng nghiêm trọng lắm rồi. Có thể nói là nguy kịch. Và tôi mới chỉ nhận ra tình trạng nguy kịch đó vài phút trước. Tối nay tới phiên tôi trực cấp cứu. Tại lối vào khoa cấp cứu, một hàng dài người bị ốm, kẻ bị thương vẫn đang đợi cả tiếng đồng hồ tới lượt mình được khám. Bây giờ là mười một giờ, còn mười tiếng nữa mới đến sáng. Khi khám xong cho bệnh nhân thứ mười tám kể từ lúc bắt đầu ca trực, tôi đã mệt lử. Tôi thở dài đánh thượt, và đột ngột một ký ức lướt qua tâm trí khiến tôi ngừng tay. Tôi đưa mắt nhìn quyển lịch, kiểm tra ngày rồi bất giác ngừng thở. "Thôi chết!" Hôm nay là kỷ niệm tròn một năm ngày cưới của vợ chồng tôi. Tôi vội vàng xem lại lịch lần nữa. Nhưng dù có xem tới xem lui bao nhiêu lần thì cũng chẳng thể biến hôm nay thành hôm qua được. Chỉ còn đúng một tiếng nữa là hết ngày kỷ niệm rồi. "Tiêu rồi...!" Tôi lẩm bẩm. Thật muốn thổ huyết quá mà. Cho tới ba ngày trước, tôi vẫn còn nhớ. Thế rồi từ hôm ấy trở đi, vì lu bu suốt đêm chăm sóc các bệnh nhân nặng tại khoa hồi sức tích cực, lại thêm số lượng bệnh nhân nằm viện tăng đột biến, tôi hầu như chẳng có thời gian chợp mắt. Tôi mất luôn ý thức về ngày tháng, ngay cả giờ ăn cũng lơ mơ chẳng rõ. Trong lúc đang rối ren, giật mình nhớ ra thì đã là mười một giờ đêm ngày quan trọng đó mất rồi... Tôi liếc vội vào trạm y tá. Nếu bây giờ tôi lủi đi để gửi cho vợ một tin nhắn, hẳn cũng khó mà thoát khỏi con mắt tinh tường của mấy bà chị này. Tôi vừa mới thậm thụt tí chút, một chồng hồ sơ bệnh án cao ngất ngưởng đã đột ngột xuất hiện trước mặt. Tôi có thể làm được gì trước mấy ác ma... à nhầm, thiên sứ áo trắng đang vẫy tay cười ngạo nghễ kia chứ? Tôi trừng trừng nhìn đống hồ sơ bệnh án, tiếp tục độc thoại. "Được thôi..." Rồi tôi cười tự đắc. "Đã thế thì, đừng tưởng đây không có kế nhá!" Chẳng cần phải nói, tôi nào có kế sách gì đâu. Xin tự giới thiệu thêm một chút. Tôi, Kurihara Ichito, là bác sĩ khoa nội, đang công tác năm thứ năm tại bệnh viện Honjou. Sau khi tốt nghiệp khoa Y Đại học Shinano, tôi lao vào làm việc tại bệnh viện nằm giữa vùng Matsumotodaira này. Thấm thoát đã sắp tròn năm năm rồi. Bệnh viện Honjou có bốn trăm giường bệnh. Tuy không bằng số lượng sáu trăm giường của bệnh viện trực thuộc Đại học Shinano cũng ở Matsumotodaữa, nhưng xét theo tiêu chuẩn một bệnh viện tỉnh lẻ thì nó cũng thuộc dạng lớn, là bệnh viện chủ lực của địa phương có hoạt động chuyên môn đa dạng từ khám chữa bệnh thông thường đến cấp cứu. Nhân đây, mong quý độc giả thứ lỗi cho cách nói chuyện có phần hơi cổ lỗ của tôi. Điều này là do tôi chịu ảnh hưởng từ tiên sinh Souseki[1], người tôi rất yêu kính. Từ thời còn là học sinh tôi đã ái mộ tác phẩm Gối đầu lên cỏ của tiên sinh, đọc đi đọc lại tới thuộc làu từng chữ, nên mới thành ra như vậy. Chỉ là một chuyện cỏn con thôi, nhưng người ta lại vì thế mà chế giễu tôi là kẻ lập dị, khiến tôi cũng chạnh lòng. Những khi ấy cũng chỉ biết cười xòa mà bỏ qua cho bụng dạ hẹp hòi của họ. Tôi kẹp đống hồ sơ bệnh án vào nách và nhìn quanh, khoa cấp cứu vẫn ồn ã như thường lệ. Một chú bị đau bụng, một cô ngồi nghỉ trên ghế vì chóng mặt, một cô nàng thở rít lên từng cơn vì bệnh suyễn, một anh chàng bị gãy chân không đi được, và gia đình, người thân đang đứng vây xung quanh họ. Tôi không khỏi thắc mắc, tại cái thành phố tỉnh lẻ vùng Shinshu[2] này, ở đâu ra lắm người như vậy chứ? Tôi mường tượng ra những lý do kỳ quặc, phải chăng ban ngày dân xứ này náu mình dưới lòng đất, đến khi mặt trời lặn họ mới đồng loạt trồi lên khắp thành phố rồi rần rần kéo nhau tới bệnh viện? Nơi này tràn ngập toàn người là người vậy đấy. Dẫu có muốn nhìn bằng ánh mắt lạc quan đi chăng nữa, số bệnh nhân ở đây vẫn cứ đông hơn cả đám người ở trạm xe buýt trước nhà ga vào giờ cao điểm. Đảm nhiệm đám đông người bệnh này là tôi, một bác sĩ nội khoa năm thứ năm, cùng hai bác sĩ thực tập. Vô lý quá phải không? Quá vô lý ấy chứ. Nhưng tôi cũng chỉ biết nói rằng, việc phải cố giải quyết sự vô lý này chính là thực trạng hiện nay ở các bệnh viện địa phương. Tôi phải vào cuộc trợ giúp hai bác sĩ thực tập đang bận tối mặt ở tuyến đầu trước đã. Khi tôi vừa khám xong cho ba bệnh nhân bị cảm mạo, một người bị sỏi thận, một người mắc zona, một người bị gout và một người dị ứng mì soba, thì xuất hiện một bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Đó là một anh chàng hai mươi sáu tuổi, nghe nói là bị ngã xe máy. Nhìn qua thì cánh tay trái của anh ta bi bẻ gập theo một hướng bất thường. Bị gãy rồi. Có vẻ đau lắm. Lại chả đau à. Không phải tôi viện lý do lý trấu gì đâu, nhưng tôi là bác sĩ khoa nội cơ mà. Điều trị gãy xương hay bầm tím vốn đâu phải là việc của bác sĩ khoa nội chứ. Nhưng dù có tâm niệm "Mình là bác sĩ khoa nội" thì cũng chẳng thể biến gãy xương thành viêm phổi được. Chụp X quang cho bệnh nhân thì phát hiện anh ta bị gãy đầu dưới xương quay bên trái. Dù có cố đưa ra mấy lời chẩn đoán cao siêu thì cũng chẳng thể che giấu sự non kinh nghiệm được, vì tôi có biết viết từ "xương quay" bằng chữ Hán đâu. Việc tôi có thể làm chỉ là bó bột và kê thuốc giảm đau cho bệnh nhân thôi. Và đương nhiên là thêm cả đống lời lẽ đao to búa lớn nữa. Cũng xin nói thêm, những lúc thế này mà đeo bảng tên "bác sĩ nội khoa" thì những bệnh nhân nhận ra sẽ hoang mang lắm. Thế nên ban đêm tôi được đưa cho một bảng tên khác với ban ngày. "Bác sĩ cấp cứu". Thật là một cái tên tiện lợi. Đương nhiên, dù có đổi thành cái tên mỹ miều nào, người đeo nó cũng vẫn là một bác sĩ nội khoa như ban ngày mà thôi. Tại cái thành phố thiếu bác sĩ kinh niên này, dù ở ngoại khoa, nội khoa, răng hàm mặt hay da liễu đi chăng nữa, thì người khám vẫn cứ là "bác sĩ cấp cứu". Có lẽ sẽ có người hỏi rằng liệu như thế có ổn không? Đương nhiên là không. Nhưng đây cũng là một hiện trạng của các bệnh viện địa phương. Thế giới này đang vận hành theo cách thức như vậy đấy. Cứ xoay không ngừng, rồi chẳng còn biết bản thân mình đang hướng đến đâu, ấy là thế gian này. Những lúc như thế, nếu một mình ta ngừng lại, thì sẽ trở thành kẻ dị biệt trong con mắt người đời. Tôi chẳng hề quan tâm đến việc bị coi là một kẻ khác người, nhưng vì không muốn gây phiền phức cho vợ mình, tôi quyết định sẽ xoay cùng thế giới. Chắc hẳn phần lớn con người ta đều như vậy cả, cứ xoay vòng, xoay vòng miết, trong khi cõi lòng tràn ngập những bất mãn, muộn phiền. Xoay vòng, xoay vòng, xoay vòng. "Bác sĩ Kurihara! Cậu cứ lảm nhảm một mình cái gì vậy? Bệnh nhân đang đợi đây này!" Đột ngột, một giọng nói dõng dạc vang lên từ phòng điều trị. Y tá trưởng Tomura ló mặt ra khỏi tấm màn che. Chị là một y tá xinh đẹp, có năng lực, tuổi ngoài ba mươi, còn độc thân. Tôi đặt tấm X quang xuống rồi đứng dậy. "Chị đừng để ý. Em chỉ đang bức xúc cái xã hội bất công này thôi ấy mà." Tôi vừa nói vừa bước qua tấm màn, cả bệnh nhân lẫn mọi thứ chuẩn bị cho việc bó bột đều sẵn sàng. Phải công nhận tay nghề của chị rất khá. "Có ai cấm cậu bức xúc đâu. Nhưng những chuyện ấy thì cứ giữ trong đầu thôi. Bình thường cậu đã bị các cô y tá mới chế giễu là bác sĩ quái dị rồi. Cậu mà không cẩn thận sẽ làm ảnh hưởng tới công việc đó." "Ngoài xã hội thì người yếu thế bị gây khó dễ, còn ở nơi làm việc thì những người trẻ tuổi sáng láng lại bị coi là kẻ lập dị. Vô lý tới mức này rồi cơ mà." Tôi lẩm bẩm đủ to để chị nghe thấy, đoạn bắt đầu bó bột một cách vụng về. Anh chàng bị bó bột ngó tôi với vẻ mặt khó hiểu. Những lúc thế này tôi nên làm bộ cau có thì hơn. Cười thiểu não, chị Tomura ra tay giúp tôi ở mức vừa phải. Tôi nghĩ có khi một mình chị làm còn gọn đẹp hơn gấp mấy lần hai chúng tôi cùng làm cũng nên. Bằng cách nào đó, việc bó bột cũng hoàn tất. Tôi vừa thở phào thì nghe thấy một giọng chói tai: "Bác sĩ Kurihara, xe cấp cứu đang đến!" Bầu không khí nhẹ nhàng bỗng chốc trở nên căng thẳng. Tôi để chị Tomura làm nốt rồi đứng dậy. "Nam giới, sáu lăm tuổi, đột ngột lên con đau ngực vào lúc mười giờ đêm." Cô y tá trẻ vừa nhận điện thoại đường dây nóng, vừa nhanh nhẹn ghi lại thông tin mà đội cấp cứu cung cấp. Tôi nhìn tấm bảng ghi thông tin của xe cấp cứu đặt bên cạnh. Địa điểm là Misato, dự kiến mười phút nữa sẽ tới. "Dấu hiệu sống?" "Huyết áp 100, mạch 125, độ bão hòa oxy 89%, không tỉnh táo." "Đáng ngại đấy nhỉ." Là nhồi máu cơ tim. "Chuẩn bị điện tâm đồ, nitropen, oxy!" Vừa nói, tôi vừa đưa mắt nhìn về phía phòng khám. Hai bác sĩ thực tập Biển và Núi đều đang bận luôn tay với những bệnh nhân phía trước, xem ra khó mà qua đằng này được. Khỏi nói thêm rằng, hai vị bác sĩ thực tập này kinh nghiệm làm việc mới có nửa năm, vẫn chưa đạt tới trình độ biển cả hay núi non gì hết. Đó chỉ là biệt danh mà tôi tự ý đặt thầm cho họ. Đương nhiên là không thể nói ra rồi. "Sao thế?" Chị Tomura bước ra từ phòng điều trị, liếc nhìn tôi hỏi. "Không, em đang nghĩ nếu là nhồi máu cơ tim thì để mấy em ấy khám cùng sẽ học hỏi được thêm..." "Bác sĩ, đó là sở trường của cậu. Nhưng trong hoàn cảnh hiện giờ của khoa cấp cứu thì lại là sở đoản đấy." "Chị nói khó hiểu thế.” "Đơn giản thôi mà. Nghĩa là không ai dư hơi đâu." Chi vừa dứt lời thì tiếng còi xe cứu thương vang lên. Nghe thấy, bác sĩ Biển liền ngoái lại, nhưng có vẻ cậu ta đang ở trong tình trạng không ngơi tay được. "Bác sĩ đừng bận tâm! Bên này cứ giao cho em. Bên đó nhờ bác sĩ nhé!" Cậu ta vẫy tay rồi bước vào lối đi nội bộ. Trên chiếc cáng được hạ xuống từ xe cấp cứu là một người đàn ông sắc diện xanh xao, người toát mồ hôi lạnh. Sau khi chuyển người này tới giường đỏ dành cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng nhất, chị Tomura vô cùng thành thạo mang ngay điện tâm đồ ra. Một khoảnh khắc im lặng. Rồi tôi thở dài. "Chính xác. Là nhồi máu cơ tim cấp tính." Tôi còn chưa nói hết câu, chị Tomura đã cất cao giọng. "Liên lạc ngay với bác sĩ tim mạch, nối máy cho bác sĩ Kurihara nói chuyện. Truyền tĩnh mạch, lấy mẫu máu, tạm gác các bệnh nhân nhẹ lại, ưu tiên cho giường đỏ!" Phải công nhận chị ấy giỏi thật. Tôi đi lại chỗ máy tính cá nhân. Nếu tôi nhập vào những hướng dẫn cụ thể, phần còn lại họ sẽ tự thực hiện. Cố định ống truyền, nitroglycerin viên ngậm dưới lưỡi, 3L qua ống thông mũi, millisrol, và... Thế nhưng, còn chưa kịp nghỉ thì đường dây nóng ngoài quầy lễ tân lại reo vang. Một y tá trẻ gần đó nhanh chóng bắt máy. "Vâng, tôi hiểu rồi ạ!" Cô trả lời rồi ngoái lại nhìn tôi. "Bác sĩ Kurihara, có tai nạn giao thông trên tuyến đường quốc lộ số 19. Ba xe va chạm từ phía sau, bốn người đang được chở tới bệnh viện!" Tôi rời mắt khỏi máy tính, quay lại nhìn chị Tomura. Chị vẫn không nghỉ tay, chỉ liếc tôi một cái rồi nhún vai. Có vẻ đêm nay lại phải thức trắng rồi. Tôi đứng dậy, nhấc chồng hồ sơ bệnh án bên cạnh lên Nếu trước khi lực lượng chính của quân thù kéo đến mà ngay cả đội quân tiên phong hùng hổ này cũng chưa đẩy lùi được, thì khoa cấp cứu sẽ loạn lên mất. Trước khi bước vào phòng khám, tôi đưa mắt nhìn đồng hồ. Mười hai giờ năm phút. Qua ngày kỷ niệm của vợ chồng tôi mất rồi. Đầu tôi đau quá. Đau như bị búa bổ vào đỉnh đầu vậy. Nhân đây nói thêm, theo giáo trình ngoại khoa não thì trong não bộ không hề có dây thần kinh cảm giác đau. Vậy nên dù ta có dùng một cái thìa khuấy trộn não lên mà không gây mê, thì cũng sẽ chẳng cảm thấy đau đớn gì hết. Đương nhiên trên thực tế không ai thử làm chuyện đó cả. Nếu làm thế mà sau đó còn trả lời được câu hỏi "Có đau không?" thì không phải là người luôn rồi. Dù sao thì, mỗi lần bị đau đầu dữ dội như thế này, tôi đều tin chắc rằng có một dây thần kinh cảm giác đau đặc biệt đang chạy qua não bộ tôi, thứ mà chỉ riêng mình tôi có còn người bình thường thì không. Thế nhưng khám phá vĩ đại này, khi đau thì tôi chẳng có hơi sức đâu mà nói với người khác, còn lúc không đau thì lại thấy ngớ ngẩn quá, nên cũng chẳng nói được. Tôi nằm chéo trên chiếc ghế tràng kỷ của văn phòng bệnh viện, liếc nhìn đồng hồ. Bây giờ là năm rưỡi chiều. Bên ngoài khung cửa sổ văn phòng bệnh viện trên tầng hai, trải rộng mênh mông một bầu trời nhuộm màu hoàng hôn, nơi vầng tà dương đang dần khuất bóng. Tính từ tối hôm qua, à không, chính xác là từ sáng hôm qua, tôi đã làm việc liên tục ba mươi lăm tiếng. Trong khoảng thời gian đó, tôi mới chỉ chợp mắt được tổng cộng là một tiếng rưỡi, còn lại đều hoạt động không ngừng. Cũng xin nói luôn, công việc khám chữa bệnh vẫn chưa đâu vào đâu cả. Cứ nghĩ tới việc giờ phải đi thăm khám bệnh nhân là tôi lại cảm thấy búa trong đầu mình nện mạnh hơn. "Chào! Nghe nói lại là một ca trực dữ dội lắm hả" Bất thình lình, một giọng nói sang sảng, vô ý vô tứ vang lên. Từ trên trường kỷ, tôi ngoái cổ nhìn. Đứng lù lù ở đó là một gã cao to vật vã, da ngăm đen, nom như một con quái thú. Không biết có nhầm lẫn gì mà con quái thú lại khoác tấm áo blouse trắng. Tôi hết cả hồn, liền đáp ngay bằng giọng nhỏ nhẹ: "Xin lỗi anh, đây là văn phòng của bệnh viện, là khu vực cấm người không phận sự. Đặc biệt, mấy người to con da đen thui sẽ khiến bệnh nhân hoảng sợ, rất nguy hiểm...” "Nói tầm bậy tầm bạ!" Sunayama Jirou cười toe. Gã khổng lồ khoác áo choàng blouse trắng tinh bên ngoài làn da đen trũi, trông chẳng khác gì quái vật trong phim đen trắng này là Sunayama Jirou. Hắn xuất thân từ một gia đình nhà nông ở Hokkaido, là bằng hữu của tôi từ hồi còn là sinh viên khoa Y. Thời sinh viên phòng hắn kế bên phòng tôi trong cùng ký túc xá, thế nên chúng tôi mang mối duyên nợ khó dứt suốt bốn năm ròng. Sau khi tốt nghiệp, hắn vào làm tại văn phòng y tế khoa ngoại của bệnh viện trường đại học. Nhờ đó mà tôi, người từ đầu đã tránh văn phòng y tế trường đại học, tốt nghiệp xong liền tới ngay bệnh viện Honjou trong thành phố, suốt một thời gian dài không còn đụng mặt hắn nữa. Tôi cứ an tâm là cuối cùng cũng cắt đứt duyên nợ với hắn rồi. Ấy vậy mà, trùng hợp sao đó, sau ba năm kể từ khi trở thành bác sĩ, theo sự phân bố nhân sự của văn phòng y tế hường đại học, hắn được điều tới khoa ngoại bệnh viện Honjou. Rốt cuộc từ đó về sau, chúng tôi lại ngày ngày làm việc bên nhau. Hồi hắn nhận chức, lúc nghe tôi thì thầm: "Tôi cứ nghĩ khó khăn lắm mới dứt được nợ với cậu, thế mà giờ lại đụng nhau rồi," cái tên đầu óc không bình thường ấy liền hét toáng lên một câu kỳ quặc: "Thôi đừng xấu hổ mà!" "Quả là 'Kurihara vạn người mê' có khác. Nghe nói cứ tới phiên cậu khám ngoại trú là thu nhập của bệnh viện tăng lên gấp rưỡi." Hắn vừa cười ha hả vừa pha hai phần cà phê hòa tan bằng động tác thành thạo. Cà phê hòa tan siêu đậm đặc chính là thức uống ưa thích của tên quái vật này. Hắn hòa một lượng bột cà phê nhiều đến không tin nổi, đã thế còn đổ thêm một đống đường vào thứ nước đắng ngắt ấy, kết quả là tạo ra một hỗn hợp Sunayama đậm đặc chẳng rõ đắng hay ngọt. Buổi sáng sau một đêm thức trắng, trút thứ này vào miệng đúng là rát hết cả lưỡi. Dù có đánh giá thế nào đi nữa, hỗn hợp của hắn cũng đích thị là một loại chất độc. Cũng xin nói luôn, ngoại trừ những buổi sáng sau khi thức trắng đêm khiến đầu óc không tỉnh táo, tôi tuyệt đối không nuốt vào miệng thứ đồ uống kinh dị này. "Nghe nói nào là nhồi máu cơ tim cấp tính, rồi tràn khí màng phổi, rồi gãy xương, đến phút cuối còn có người nôn ra máu hả? Phiên trực của tớ hồi tuần trước còn không có nổi một nửa số đó nữa." Hắn ngồi phịch xuống đối diện với tôi. Mệt mỏi cực độ vì cả đêm không ngủ, ngay cả việc đáp lời hắn tôi cũng thấy phiền, chỉ im lặng nhấp từng ngụm cà phê. Lưỡi tôi tê dại. "Bệnh nhân nôn ra máu cuối cùng ấy, nghe nói là bị xuất huyết dạ dày à? Đầu óc sau khi thức suốt một đêm như thế thì chắc đến cả máy ảnh xịn cũng đem đi thanh lý ấy nhỉ?" "Bộ không làm gì với thứ cà phê dở ẹc này được hả? Tôi cũng sắp loét dạ dày rồi đây." Tôi cố tình cao giọng nói xấu "hỗn hợp Sunayama" cho hắn nghe, nhưng mấy lời cằn nhằn của tôi chẳng gây tổn thương gì mấy tới làn da rám nắng của hắn. Hắn chỉ đáp lại bằng một giọng cười hào sảng. Thật ra, suốt năm năm nay, chỉ những ngày tôi trực cấp cứu thì số bệnh nhân nặng mới đông như vậy thôi. Các y tá gọi bác sĩ như tôi là "bác sĩ vạn người mê", tôi thấy phiền lòng lắm. Hội y tá khoa cấp cứu kháo nhau rằng: "Hôm nào bác sĩ Kurihara trực là hầu như không được chợp mắt." Thậm chí trong đám y tá còn có người khoanh dấu tròn đỏ những hôm tôi trực lên lịch công tác tháng cơ mà. Bị bắt làm việc bán mạng, rồi cuối cùng còn bị bắt bẻ như vậy nữa, tôi chính là một kẻ quá sức đáng thương. Vẫn ngả người trên trường kỷ, tôi hướng mắt ra ngoài cửa sổ. Ngay từ đầu đã vô tư treo cái bảng như thế kia, bảo sao bệnh nhân không kéo tới đông như kiến, rồi phải làm việc quá tải cơ chứ?" Trên lối vào bệnh viện nhìn từ cửa sổ, một tấm bảng phô trương với nội dung đại khái "Khám chữa bệnh 24 giờ, 365 ngày" được treo rất hoành tráng. Trong tình hạng ngay cả lượng bệnh nhân vào ban ngày cũng phải chật vật lắm mới giải quyết xong, sao có thể không biết xấu hổ mà treo cái thứ ấy lên cơ chứ. "Chậc, cấp cứu là công việc chẳng bệnh viện nào thích làm mà." Tay cầm cốc, Jirou chậm rãi nhấc người lên, vừa nói vừa bước tới bên cửa sổ. "Thời buổi này, ngay tại những bệnh viện lớn trên thành phố, tình hạng đùn đẩy, từ chối tiếp nhận bệnh nhân cũng đang ngày một gia tăng. Tớ nghĩ chỉ riêng việc một bệnh viện địa phương nêu cao lý tưởng như vậy cũng là rất đáng quý rồi." "Lý tưởng thì tốt. Tôi cũng tán thành nên mới è cổ làm việc như thế chứ. Nhưng mà..." Tôi chỉ biết thở dài thườn thượt. Từ khi thành lập đến nay, bệnh viện Honjou vẫn luôn giữ vững lý tưởng này, chưa từng thay đổi. Công tác khám chữa bệnh được tiến hành bất kể sáng tối. Đối với bệnh nhân, không chia thành hạng một hay hạng ba. Nói cách khác là không phân biệt bệnh nặng hay bệnh nhẹ. Ở đây họ coi việc ứng phó trong mọi tình huống là nghĩa vụ đương nhiên của một bệnh viện trọng điểm ở địa phương. Lý tưởng ấy thì rất cao đẹp, nhưng sự thật không hề đơn giản như vậy. Tiếng còi xe cấp cứu không ngừng vang lên ngay cả trong đêm khuya. Người phải tiếp nhận các ca bệnh đó là những vị bác sĩ thiếu ngủ, bị hạ đường huyết và các bác sĩ thực tập non kinh nghiệm. Tất nhiên nếu nhìn từ vị trí của bệnh nhân thì có lẽ tấm bảng hiệu ấy vô cùng đáng cảm kích. Nhưng nhìn từ vị trí của chúng tôi, nó hoàn toàn chỉ là một thứ hữu danh vô thực mà thôi. "Nào, đừng ủ dột vậy chứ Ichito. Chúng ta đang gánh vác việc chữa trị cho cả thành phố này đấy. Chẳng phải là một công việc rất đáng làm hay sao?" Tôi ngạc nhiên nhìn chằm chằm gã bác sĩ khoa ngoại to xác vừa hãnh diện thốt lên câu vừa rồi. "Lối suy nghĩ lạc quan cực độ ấy là một trong những ưu điểm hiếm hoi của cậu đấy nhỉ?" "Đâu mà, làm gì được đến thế." "Thằng ngốc này, tôi đang giễu cậu đấy!" Tôi lườm hắn một cái, nhưng con quái vật đen sì vẫn cười toét như thường, chẳng chút để tâm. Bỗng nhiên, mặt con quái vật ấy chợt trở nên bí hiểm sao đó. "À Ichito này, tớ có chút chuyện muốn hỏi." Hắn hạ giọng thì thầm. Nhìn cái thân hình bồ tượng đen thui lui của hắn xoắn cả lên, tôi rùng mình. "Em Mizunashi ở khu số ba phía Nam có người yêu chưa vậy?" Thoạt tiên, tôi chưa hiểu rõ ý đồ của câu hỏi nên thoáng trầm tư. "Mizunashi mà cậu bảo là y tá Mizunashi của khu ấy à?" "Còn ai trồng khoai đất này nữa. Đương nhiên là em Mizunashi nhỏ nhắn dễ thương ấy rồi." "Cậu..." "Tớ biết rồi!" Hắn bất ngờ hét toáng lên. Ngụm cà phê dở tệ tôi vừa nuốt xuống sặc lên tới hốc mũi. Giờ thì mũi tôi cũng tê liệt luôn. "Tớ biết rồi, Ichito. Em Mizunashi dễ thương với tớ thật đúng chuẩn 'người đẹp và khủng long'. Nhưng mà này..." "Jirou, trước hết cậu hãy xin lỗi loài khủng long đi!" Tên khổng lồ đen thui này lại đem lòng tương tư cô y tá đáng yêu kia, thế gian quả lắm chuyện bất ngờ. Mizunashi là một y tá có gương mặt tươi tắn khả ái, mái tóc ngắn màu hạt dẻ. Dù chỉ là tân binh năm đầu tiên nhưng cô là người lương thiện, chu đáo, và đương nhiên là còn độc thân. Việc cô trở thành đối tượng được nhiều người theo đuổi cũng là lẽ dĩ nhiên thôi. Nhân đây tôi xin nói luôn một chuyện chẳng ai thèm quan tâm, Jirou cũng vẫn còn độc thân. "Thế, rủ cô ấy hẹn hò thì đường đột quá nhỉ, tớ có nên nói là hẹn hò không?" "Ê, cậu đang lảm nhảm cái quái gì thế?" Gã Jirou này ấy à, liên quan đến phẫu thuật ngoại khoa thì kiến thức và kinh nghiệm mà hắn có khiến cho bạn đồng cấp là tôi đây cũng phải kinh ngạc, nhưng còn về vấn đề phụ nữ thì hắn chỉ thốt ra được những lời cỡ học sinh tiểu học mà thôi. "Đừng nói lạnh lùng thế chứ. Chẳng phải cậu cũng từng rủ Haruna tới tận Kamikouchi để hẹn hò đấy còn gì?" Haruna là vợ của tôi. "Nói vớ vẩn! Đó là tôi đi Kamikouchi thì cô ấy lén lút bám theo chứ." "Ơ, thật đấy hả?" "Đương nhiên là đùa rồi." Tôi uống một hơi hết chỗ độc dược Sunayama còn lại trong cốc rồi đứng lên. Dù là buổi sáng sau một đêm không ngủ, nhưng tôi vẫn còn công việc ở khu. "Này này, tính chạy hả, Ichito?" "Người ta còn bận. Đã thăm khám bệnh nhân xong đâu." "Vậy là cậu sẽ tới khu số ba phía Nam nhỉ?" "Đương nhiên, đấy là khu nội khoa mà. Có gì muốn nhắn với em Mizunashi à?" "Nếu... nếu được thì..." "Nhắn là 'Bác sĩ Sunayama muốn hẹn hò với em nhé?" "Đừng có nói thế! Xấu hổ chết đi được!" "Vậy muốn thế nào đây hả?" Thấy ngớ ngẩn quá, tôi phớt lờ tên khổng lồ đen thui đang kêu la í ới phía sau và bước ra cửa. Rõ ràng bệnh đau đầu của tôi càng lúc càng tệ hơn. Tại khoa nội tiêu hóa của bệnh viện Honjou nơi tôi làm việc, ngoài tôi ra còn có hai vị bác sĩ nữa. Cả hai đều là những bác sĩ lão thành tài giỏi có tay nghề cực cao, đảm nhiệm vị trí trưởng khoa và phó khoa của khoa nội tiêu hóa. Bác sĩ trưởng khoa là người có cái bụng phệ rung rinh mỗi lần ông cất tiếng cười đôn hậu, một vẻ ngoài chiếm được cảm tình của bệnh nhân. Vì thế, tôi gọi ông là "bác sĩ Chồn Bự". Bác sĩ phó khoa là người gầy nhẳng, dù thức trắng ba đêm hay nghỉ dưỡng ba ngày vẫn mang sắc mặt phờ phạc không đổi. Vì diện mạo ông quá tương phản với bác sĩ Chồn Bự, tôi đặt cho ông biệt danh "bác sĩ Cáo Già". Hai vị tiền bối này đều sở hữu kỹ thuật nội soi siêu đẳng. Bác sĩ Chồn Bự được xưng tụng là "bàn tay thần thánh vùng Shinshu". Còn bác sĩ Cáo Già, cánh tay phải của ông, là người đã cáng đáng công việc khám chữa bệnh ở thành phố này suốt bao nhiêu năm qua. Ở khoa nội tiêu hóa luôn cực kỳ bận rộn của bệnh viện Honjou, ngoài tôi ra, chỉ có hai vị bác sĩ này. Với nhân sự ít ỏi ấy, chúng tôi phải xử lý tất cả các ca ngoại trú, nằm viện, nội soi, cấp cứu ban đêm... Thật là chuyện quá vô lý. Tất nhiên bệnh viện cũng đang tuyển bác sĩ số lượng lớn, nhưng đâu dễ gì có bác sĩ chịu đến làm cho một bệnh viện tỉnh lẻ thế này. Mà kể cả có người đến đi chăng nữa, đa phần sẽ bị khiếp đảm bởi điều kiện làm việc tồi tệ mà cuốn gói đi ngay tắp lự thôi. Rơi vào vòng luẩn quẩn ấy, tình trạng thiếu bác sĩ ở địa phương cứ mỗi năm lại thêm cấp bách. Ngay cả trong trường hợp của tôi, tiếp tục ở lại làm việc cũng chẳng phải vì có ý chí đặc biệt gì cả. Tôi còn gắng gượng được chỉ là nhờ một chút xíu niềm tin và một mẩu ý thức trách nhiệm thổi nhẹ là bay mà thôi. Vì tôi vốn đã bị coi là kẻ lập dị rồi, nên tôi cũng có phần bỏ qua, dửng dưng với những điều mà hẳn sẽ khiến người bình thường vấp ngã. Kể từ cái ngày chẳng rõ vì lẽ nào mà tôi tới bệnh viện này, thấm thoắt cũng sắp bước sang năm thứ năm. Sau khi rũ được tên ngốc Jirou và rời văn phòng bệnh viện, tôi đi thẳng tới khu số ba phía Nam tức khu nội khoa. Vừa tới nơi tôi đã nghe thấy một giọng thều thào: "Kurihara, đi thăm bệnh nhân đấy à?" Trong góc phòng, bác sĩ Cáo Già, với sắc mặt tệ hơn bất cứ bệnh nhân nào, đang mỉm cười. Ông giơ một cánh tay dài khẳng khiu lên, bước lập cập lại gần tôi. "Bác sĩ, tình hình sức khỏe của thầy vẫn ổn đấy chứ ạ?" "Tình hình sức khỏe ấy à? Như cậu thấy đó, tôi vẫn khỏe như vâm... Cậu Kurihara mới đáng lo kìa, cả đêm qua trực vậy mà... Vất vả cho cậu quá. Giờ cậu đi thăm bệnh đấy à?" "Vâng. Thầy ơi, việc còn lại em sẽ lo liệu, thỉnh thoảng thầy hãy về nhà nghỉ đi ạ. Thầy đã ở lại bệnh viện những năm ngày rồi còn gì?" "Đúng thật nhỉ... Đã từng ấy ngày rồi sao..." Chất giọng yếu ớt run rẩy, cách nói chuyện ngắt quãng, sự hiện hữu mong manh đến lạ lùng... Cứ mỗi lần nói chuyện với bác sĩ Cáo Già, tôi lại có cảm giác như đang đối thoại cùng một vong hồn vương vấn mãi nơi bệnh viện. "Cậu Kurihara tử tế quá... Vậy, cậu đã có lòng... thì tôi xin nhận. Hôm nay tôi về nhà vậy nhé?" "Dạ. Thầy cứ yên tâm siêu thoát... à lộn, yên tâm về nhà ạ. Mà nhắc mới nhớ, thầy có biết thầy trưởng khoa đâu không ạ?" "Anh ấy về rồi. Anh ấy có nói gì đó đại loại là việc còn lại giao cho cậu Kurihara... Nghe nói hôm nay giấu bà xã, cùng con gái đi uống rượu... Bảo là không cho vợ biết... Có vẻ vui ghê lắm." Tôi không rõ ông nói đùa hay thật nữa. Xin được bổ sung là bác sĩ Chồn Bự không có con gái. Tôi dõi mắt nhìn theo bóng bác sĩ Cáo Già bước đi liêu xiêu cho tới khi khuất hẳn, rồi cất bước tới khu nội khoa. Bên phải khu gồm các phòng bệnh lớn kề nhau, bệnh nhân mắc bệnh nhẹ nằm tại đây. Các loại bệnh đa dạng từ viêm phổi tới suy tim, từ loét dạ dày tới thấp khớp. Dù chuyên ngành của tôi là nội tiêu hóa, nhưng tại một bệnh viện tỉnh lẻ thiếu bác sĩ kinh niên như thế này thì chẳng thể kén chọn được. Cũng chính bởi lý do ấy mà cứ đêm đến, khoa nội lại biến thành khoa cấp cứu. Tại địa phương, chỉ ở những nơi cỡ như bệnh viện thuộc trường đại học thì người ta mới có thể dõng dạc tuyên bố chuyên môn của mình là tiêu hóa hay tim mạch. Vấn đề về bác sĩ có phải là cốt yếu hay không, có lẽ còn tùy thuộc vào từng bệnh viện. Trong phòng 303 ngay mặt trước - phòng đầu tiên trong dãy phòng bệnh, có ba bệnh nhân nữ. Khi tôi bước vào phòng, cả ba người đồng thanh la lên "Aaa" rồi đỏ bừng mặt. Họ nhìn nhau, thì thầm gì đó về kiểu tóc với trang phục của tôi, gật gù vẻ hài lòng. "Bác sĩ đúng là đẹp trai dễ sợ!" Bệnh nhân Toyoshina nói. "Cái mặt bơ phờ mà vẫn dễ cưng ghê ta!" Bệnh nhân Akashina tiếp lời. "Làm người ta xấu hổ quá đi!" Bệnh nhân Kurashina chêm vào. Tôi rất được những bệnh nhân nữ này ái mộ. Ấy, lỡ mà bị hiểu lầm thì ngại lắm. Tuổi trung bình của ba người này là sáu mươi chín, tổng số tuổi của cả nhóm cộng lại cũng quá hai trăm rồi. Ba bà Toyoshina, Akashina, Kurashina - biệt danh là "bộ ba tiểu đường" - là các bệnh nhân nhập viện theo chương trình giáo dục sức khỏe bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường loại hai, một loại bệnh do thói quen sinh hoạt, là căn bệnh đáng sợ mà nếu xem thường sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm. Ba biến chứng lớn của bệnh này là suy thận, bệnh võng mạc, và bệnh thần kinh, chiếm vị trí thứ nhất trong số những nguyên nhân cần phải chạy thận nhân tạo, và vị trí thứ hai trong số những nguyên nhân gây ra mù lòa ở người Nhật. Cũng xin nói thêm, mặc dù hiện tại nguyên nhân số một gây ra mù lòa là bệnh cườm nước, nhưng trước đây thì đó là bệnh tiểu đường. Vì thế, việc kiểm soát để không phát sinh những biến chứng trầm trọng này là một thử thách đối với bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Nói cách khác, đấy là ý nghĩa của chương trình giáo dục sức khỏe bệnh tiểu đường, là chương trình hướng dẫn bệnh nhân cách ăn uống và vận động phù hợp. Tuy nhiên, thực hiện không đơn giản như nói miệng. Quá nửa thời gian trong ngày, ba người này chỉ ăn hoặc tám chuyện. Thỉnh thoảng tôi có thấy họ trong số những bệnh nhân nhập viện theo chương trình giáo dục, nhưng họ không bao giờ vận động, không bao giờ đi bộ. Đó chính là nguyên nhân gây nên bệnh tiểu đường đấy. Do đó, chỉ dẫn được đưa ra chỉ có hai: Ngừng ăn, và hãy vận động! Chỉ vậy mà thôi. Thế nhưng bộ ba ấy coi mấy lời chỉ dẫn của tôi như gió thoảng mây bay. Cứ gặp nhau ở đâu là họ lại lấy tôi ra làm đề tài bình luận, rồi phấn khích loạn cả lên, đương nhiên trên tay vẫn cầm theo cơm nắm hoặc bánh quy. Khi tôi bất giác hỏi vặn lại họ: "Cháu được hâm mộ đến thế cơ à?" thì họ trả lời tôi thế này: "Đâu có, bác sĩ. Chỉ cần còn trẻ là chúng tôi ưng tất." Hóa ra là vậy, hội người có tổng số tuổi là hai trăm này quả thật không chỉ có cái danh hão thôi đâu. Tôi ghi vào bệnh án dòng chữ "xuất viện sớm". Bà Azumi là một bệnh nhân ung thư túi mật. Đó là một bà lão bảy mươi hai tuổi, dáng người thấp đậm. Dù ở đâu hay lúc nào, mỗi lần gặp mặt, bà đều chào hỏi chúng tôi tử tế. Gương mặt tươi cười phúc hậu ấy khiến bà trở thành bệnh nhân mà cả các cô y tá cũng rất yêu mến. Điều may mắn là ngoài những cơn đau nhẹ ra thì bà không có biểu hiện bệnh trạng nào khác. Trong số thuốc được kê có thuốc chống ung thư, nhưng cũng không xảy ra tác dụng phụ. Những khi trong người thấy khỏe, bà thường ngồi lặng hàng giờ trên chiếc ghế ở góc phòng sinh hoạt chung, đăm đắm nhìn về dãy núi Alps Bắc[3] phía xa xa. Bà bảo rằng mình yêu núi lắm. Tôi nhìn bà Azumi mỉm cười nói "Bác sĩ hôm nào cũng vất vả tới khuya!" mà cảm thấy đồng tình với lời của các cô y tá. Đúng vậy, phiền muộn trong lòng tôi cũng được gột rửa rồi. Bệnh nhân ở phòng đơn gần trạm y tá nhất là ông Tagawa. "Ông Tagawa lại khó ở rồi nhỉ?" Khi tôi đang gõ bệnh án điện tử vào máy tính cá nhân thì nghe thấy một giọng nói vang lên sau lưng. Tôi ngẩng đầu lên. Trước mặt tôi là Touzai Naomi, y tá phụ trách khu. "Có vẻ ông ấy đau dữ lắm." Tôi hướng ánh nhìn về phía phòng số 300, đối diện với trạm y tá. Ông Tagawa, sáu mươi hai tuổi, là bệnh nhân ung thư tuyến . Khi phát hiện ra thì tế bào ung thư đã lan khắp cơ thể ông, không thể kiểm soát được nữa. Từ hai tuần trước, tình trạng của ông chuyển biến xấu, hiện giờ chúng tôi chỉ có thể tiêm morphine, cố gắng duy trì sự sống từng ngày cho ông. "Morphine không có tác dụng mấy." "Ừ. Em muốn làm gì đó giúp ông quá... Không thể tăng liều lượng morphine lên sao?" "Chắc em cũng hiểu việc kê đơn trong tình trạng như thế là rất khó khăn. Nếu làm giảm cơn đau mà lại khiến bệnh nhân ngừng thở luôn thì cũng chẳng còn ý nghĩa gì." "Em hiểu mà." Touzai nói khẽ. Cô ngồi xuống trước màn hình cỗ máy bên cạnh, mở dữ liệu xét nghiệm của ông Tagawa ra xem. Bên cạnh vàng da, cũng đã xuất hiện cả triệu chứng suy thận và cổ trướng. "Bởi vậy, trong hai tuần... tùy trường hợp chỉ trong vòng một tuần có thể sẽ có đột biến." "Em muốn ông ấy được thoải mái nhất có thể." Tôi im lặng gật đầu. Touzai là một phụ nữ vô cùng xuất sắc, ở tuổi hai mươi tám cô đã làm đến chức y tá phụ trách khu. Ngoài đầu óc thông minh, cô còn nổi tiếng là điềm tĩnh, tuyệt đối chưa từng hoảng loạn ngay cả trong những giờ phút nguy cấp. Bản thân tôi, trong thời gian khủng hoảng vài năm trước đây, cũng từng được cô giúp đỡ không ít. Cô nàng Touzai sắc sảo quyết đoán ấy lúc này lại đang tỏ vẻ ngập ngừng hiếm thấy. "Sao vậy?" "Thật ra là…” Touzai hạ giọng. Theo như cô kể thì y tá phụ trách chính của ông Tagawa là tân binh năm thứ nhất, chưa có kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân ung thư. Nghe nói cô ấy rất bối rối khi chứng kiến ông Tagawa đau đớn vật lộn với bệnh tật dạo gần đây. "Chẳng phải chỉ cần đổi y tá phụ trách là ổn sao?" "Vấn đề đâu phải ở đó! Đây là con đường y tá nào cũng phải đi qua mà." Touzai tỏ vẻ kinh ngạc. Chính vì đã ở bên nhau quá lâu nên trước đây tôi chưa từng nhận ra rằng cô cũng là một phụ nữ rất đẹp. "Em sẽ khéo léo hỗ trợ, em muốn cô ấy tự mình vượt qua khó khăn này." "Ra vậy. Thế nên em mới kể với bác sĩ phụ trách là anh." "Ừ." "Được thôi. Anh sẽ để ý. Cô y tá đó tên gì vậy?" "Mizunashi Youko, mới vào làm năm thứ nhất." Tay tôi vô thức ngừng gõ phím. Ơ, sao mà đúng lúc thế chứ! "Có chuyện gì à?" "Không, vấn đề là cô Mizunashi đã có bạn trai hay chưa." "... Này! Em đang nói chuyện nghiêm túc đấy nhé!" Touzai cáu tiết giơ cánh tay thon dài đánh vào hông tôi một cái rồi trừng mắt nhìn tôi. Chết thật! Có vẻ do mệt mỏi quá độ, bây giờ tôi không phân biệt nổi những gì nghĩ trong đầu và những gì nên nói ra nữa rồi. Touzai soi tôi bằng ánh nhìn sắc lẹm. "Bác sĩ à, lúc bình thường anh đã bị coi là quái nhân rồi, thế nên ít ra khi nói chuyện anh hãy tỏ thái độ nghiêm túc chút đi. Nếu không ngay cả em cũng không theo kịp anh được đâu." "Nói gì vậy chứ? Anh lúc nào cũng cực kỳ nghiêm túc. Kẻ nào dám gọi người cần cù trung thực mẫu mực như anh đây là quái nhân thì thật là vạn lần vô phép. Kẻ nào thế hả?" "Chẳng phải chính vì cái kiểu nói chuyện lỗi thời của anh đó sao? Anh toàn đọc Natsume Souseki nên mới nhiễm mấy từ ngữ kỳ cục đó." Thiệt tình, cái lý lẽ này bất ngờ và vô duyên quá chừng. Đương nhiên Gối đầu lên cỏ là cuốn sách yêu thích của tôi. Vào giờ nghỉ khám, tôi hay mở sách ra đọc lại. Nhưng vì mỗi cái chuyện cỏn con này mà coi tôi là quái nhân thì đúng là đầu óc hẹp hòi quá rồi. "Anh đọc Souseki hay đọc Ougai[4] cũng không liên quan gì đến em." "Ừ, không liên quan thật. Không liên quan nhưng mà em…” Touzai bỗng im re. "Sao đấy?" "Không có gì." Đột nhiên, Touzai quay mặt đi. Rồi cô nói thêm với một tiếng thở dài. "Em có phần lo lắng cho anh. Tuy đầu óc anh thông minh nhưng khả năng tự nhận thức lại kém quá, bó tay với anh luôn." "Anh là người đã có vợ. Bó tay với em làm cái gì." Trong sự im lặng ngay sau đó chứa đựng một ánh nhìn còn sắc lẹm hơn ban nãy. Touzai đã định vặc lại tôi câu gì đó, nhưng rồi cô chỉ thở dài một tiếng rõ to, ngó tôi lạnh lùng, rồi cứ thế bỏ đi đâu không rõ. Tôi gây chuyện mất rồi. Mỗi lần mệt mỏi chồng chất, lý trí lu mờ, khi đó tôi rất hay lỡ lời. Cả cái tính hay để đầu óc lãng đãng vào những việc đâu đâu làm suy nghĩ của tôi không còn được thấu đáo nữa. Đương nhiên, tôi không phải là người xấu bụng. Những điều này cũng là nghiệp chướng do cái hoàn cảnh tồi tệ gây ra. Tuy vậy, làm Touzai giận đúng là sai rồi, lát nữa tôi phải xin lỗi cô ấy một tiếng thôi. Trời hỡi, lại thêm việc nữa rồi. Tôi thở dài thườn thượt rồi nhìn đồng hồ. Đã mười giờ đêm. Tính từ lúc tôi bắt đầu làm việc đến giờ, thêm chút là tròn bốn mươi tiếng. Ngay lúc này, dù đang buồn ngủ rũ rượi, nhưng khi chưa hướng dẫn truyền dịch cho bệnh nhân thì tôi chưa thể đi ngủ được. Nhưng mà số lượng bệnh nhân thì quá đông. À không, vấn đề hoàn toàn là do thiếu bác sĩ. Nếu có thêm hai bác sĩ nội khoa thì tôi sẽ không phải cáng đáng một lượng công việc bất hợp lý đến thế này. Những bệnh nhân được truyền dịch bởi một vị bác sĩ sắp gục vì thức trắng cũng thật là đáng thương. Lấy ví dụ, có ai mà muốn leo lên một chiếc xe buýt cao tốc trong tay anh tài xế bị thiếu ngủ chứ? ... Không ổn... Ngay cả cách ví von này cũng có vẻ sai sai. Khi tôi vừa buông thêm một tiếng thở dài thật to, thì bất ngờ, một cốc cà phê xuất hiện trước mắt tôi. "Chỉ chút xíu nữa thôi là xong rồi phải không? Bác sĩ cố lên!" Tôi ngẩng mặt lên và thấy Touzai, mà tôi nghĩ rằng đã bỏ đi đâu mất rồi. Cốc cà phê của cô rõ là khác hẳn với thứ "hỗn hợp Sunayama" kia. Hương cà phê dậy lên thơm nức mũi. Mùi cafein khơi dậy chút tàn lực còn lại trong tôi. Đột nhiên tôi tính ngủ hẳn. Tôi nhấp một ngụm và say trong hương vị tuyệt vời. Thế này mới đúng là cà phê chứ. Touzai nhìn tôi nhấp từng ngụm ngon lành, cuối cùng gương mặt nghiêm nghị cũng nở nụ cười ái ngại. "Khỏe hơn chút nào chưa?" "Khỏe hơn rồi, cảm ơn em. Nhưng Touzai này, như đã nói lúc nãy, anh là người có vợ rồi. Đừng hòng quyến rũ anh bằng một cốc cà phê." Nụ cười của Touzai đóng băng trên khóe miệng vẫn còn hơi nhếch lên. Thứ vừa đến rồi đi trong khoảng lặng ngay sau đó là gì ấy nhỉ? Touzai đột ngột quay người đi, cô nói mà không thèm nhìn lại: "Bác sĩ, anh nên đi chụp CT não một lần đi!" Cảm giác tính táo do cafein mang lại có vẻ chỉ là ảo tưởng mà thôi. Vầng trăng đang trôi trên bầu trời đêm. Nói chính xác thì mây mới là thứ đang trôi. Nhưng dưới ảnh hưởng của cơn mệt mỏi, tôi như đang thấy vầng trăng sáng xanh di chuyển với một tốc độ nhanh khủng khiếp phía bên kia những áng mây tĩnh lặng. Khi nhìn đăm đăm một lúc, mắt tôi hoa cả lên. Thế nhưng tôi vẫn cứ cố chịu đựng mà nhìn, đến lúc thấy khó chịu quá thì tôi đành hạ tầm mắt xuống vừa phải rồi cất bước đi. Bây giờ là tháng Chín. Tôi rời bệnh viện một tiếng trước, vào lúc nửa đêm nên cảm nhận rõ cơn gió đầu thu se lạnh. Lúc này ở Osaka hay Tokyo, có lẽ cái nóng khắc nghiệt của mùa hè vẫn còn vương vấn, nhưng ở thành phố này, thu đã sắp chuyển sang đông. Mùa thu ở Shinshu rất ngắn, chút nắng nóng sót lại của mùa hè dịu đi chỉ trong vài ngày, và khi đỉnh Utsukushigahara bắt đầu nhuốm màu tuyết trắng thì cũng là lúc cái mùa mà vạn vật đóng băng đã đến. Đột nhiên, những áng mây trôi xa hẳn nhau ra, và ánh trăng tràn ngập khắp nơi. Vầng trăng đêm mười ba hơi khuyết nhuộm con đường về nhà một màu trắng óng ánh xanh. Ngay cả lớp nhựa đường cũng lấp lánh sắc xanh. Con đường màu xanh lặng ngắt mang lại cho tôi cảm giác tựa hồ nó sẽ cứ thế kéo dài, kéo dài vĩnh viễn, tới một nơi không thuộc về thế giới này. Nếu từ bệnh viện hướng về phía Bắc, tiến lên theo con đường nhỏ luồn qua những ngôi nhà dân, thì cuối cùng sẽ tới được khu rừng trấn thủ bao bọc giữa những cây cổ thụ. Đền Fukashi nằm tại đây. Đó là ngôi đền thờ ngài Sugawara no Michizane[5], tuy rất nhỏ nhưng có lịch sử lâu đời và vẻ duyên dáng trong kiến trúc. Ban ngày, khu đất bên trong đền bị những kẻ khiếm nhã sống quanh đó chiếm dụng làm nơi đỗ xe, trông rất chật chội. Nhưng vào thời điểm đêm khuya này, khoảnh đất rộng rải đá cuội trắng hiện rõ dưới ánh trăng, không gian tĩnh mịch, không khí trong lành. Những cột đèn màu đỏ kế bên điện thờ chính góp thêm nét thơ, thật vô cùng đẹp đẽ. Khi quay lại, tôi thoáng thấy bóng dáng đen thẫm của bệnh viện Honjou giữa những ngôi nhà dân. Dưới ánh trăng xanh, tòa nhà khổng lồ lúc này nom hệt như con yêu quái Daidarabotchi[6] đang cúi lom khom. Rời đền Fukashi, không bao lâu sau tôi tới con đường trước nhà ga, rồi băng qua đường Nakachou, sông Metoba, đường Nawate. Từ đền Yohashira bước ra ngoài, tôi được mục kích thành Matsumoto nguy nga tráng lệ. Vào giờ này đèn trang trí đã tắt, nhưng dưới ánh trăng, tòa thành màu đen hiện lên sống động với vẻ cuốn hút mãnh liệt, quả xứng danh là bảo vật quốc gia. Nếu từ phía trước cổng Đen đi dọc theo đường hào, ra khỏi vòng thành ngoài, sẽ tới một khu dân cư còn lưu giữ nét cổ xưa. Tại một góc nơi ấy là tổ ấm của tôi. Đó là một ngôi nhà gỗ hai tầng trông như nhà ma có tuổi đời trên năm mươi năm, trước nhà treo một tấm biển to cũ kỹ với dòng chữ: Trang viên Ontake. Nơi này trước kia vốn là quán trọ, nhưng bây giờ được sử dụng làm nhà cho thuê riêng từng phòng. Tầng một và tầng hai có số phòng tương đương nhau. Hành lang dài nối liền các phòng được thiết kế bắt mắt, nên có lẽ việc kinh doanh ở đây đã từng có thời kỳ phát đạt. Nhưng giờ thì chẳng thể thấy được chút vết tích nào của quá khứ vàng son ấy nữa. Về cấu trúc, bên hông tiền sảnh lộng lẫy là cây mai cổ thụ tuyệt đẹp với những nhánh cây trải rộng, thế nhưng cành nhánh bị bỏ mặc không cắt tỉa vướng hết vào hiên và mái ngói, trông tựa như một khu tàn tích nằm trong rừng sâu. Tôi mở cánh cửa trượt - loại cửa chẳng có chốt hay thứ gì khóa lại, cởi giày rồi bước vào một hành lang đầy bụi khiến ta mơ hồ tự hỏi phải chăng mình vẫn đang ở bên ngoài. Từ chỗ đó, tôi leo lên cái cầu thang ọp ẹp tưởng chừng muốn sập sau mỗi bước chân. Gian Anh Đào - căn phòng thứ ba trên tầng hai, chính là nơi tôi ở. "Anh về rồi đây!" Tôi lên tiếng và mở cửa trượt ra, nhìn vào phòng. Chẳng thấy bóng dáng vợ tôi đâu cả. Trên bàn trà nằm giữa gian phòng rộng mười hai chiếu có đặt một mẩu giấy nhắn nhỏ. Ông xã vất vả rồi. Em sẽ vắng nhà khoảng một tuần để tới Mont Blanc chụp ảnh nhé. Ra là vậy, nhắc đến mới nhớ, hình như vợ tôi từng nói về chuyện này rồi. Cô ấy bảo rằng lần tới sẽ chụp cảnh mặt trời mọc từ đỉnh núi. Nhưng Mont Blanc ấy à? Bên cạnh mảnh giấy nhắn là chiếc bút máy sơn mài được đặt cẩn thận trong hộp và một cái bánh kếp tự làm được bọc kỹ. Trên chiếc bánh cũng có lời nhắn: Mừng kỷ niệm ngày cưới. Năm sau cũng mong được anh chăm sóc nhé. "Ừ, anh cũng mong được em chăm sóc." Tôi thử lên tiếng, nhưng đương nhiên chẳng có lời đáp lại. Trong lòng tôi gọn lên chút cô đơn. Tôi nằm phịch xuống chiếu. Căn phòng ngăn nắp, không một hạt bụi này có lẽ là thành quả từ công sức lao động hằng ngày của vợ tôi. Đó là lý do mà ngay lúc này, khi trang viên Ontake đang trong tình trạng sắp sập đến nơi, căn phòng của chúng tôi vẫn được mệnh danh là "gian Thiên Đường". Ở trang viên Ontake, lũ chuột trú ngụ dưới mái hiên và đám bồ câu làm tổ trên gác xép. Suốt cả ngày, những tiếng đập cánh, tiếng bước chân không phải của con người cứ liên tục quấy nhiễu đôi tai chúng tôi. Thế nhưng chỉ riêng gian Anh Đào này, nhờ có vợ tôi, vẫn giữ được sự tĩnh lặng dễ chịu. Một giờ đêm rồi, lại thêm hôm qua thức trắng, vậy mà lạ thay hai con mắt tôi cứ mở thao láo. Thế là tôi với lấy quyển Bánh xe răng cưa của Akutagawa[7] trong chồng sách bên cạnh gối, nhưng đọc được bao nhiêu thi lại buồn bực bấy nhiêu, lòng càng thêm cô quạnh. Lúc ấy, đột nhiên tôi nghe thấy một giọng kỳ lạ. "ĐỐC Tờ ơi, Đốc Tờ..." Tai tôi bất giác dỏng lên. "Đốc Tờ ơi, Đốc Tờ à..." Tôi chợt nhận ra, liền nhỏm dậy. "Anh Nam Tước gọi đấy à?" "Nam Tước đây. Lâu quá Đốc Tờ mới về nhà nhỉ?" Tôi tiến lại gần góc phòng, nơi xếp lộn xộn tuyển tập các tác phẩm của Natsume Souseki, rồi rút ra hai cuốn Qua ngày thu phân và Mười đêm mộng. Dưới khoảng trống của hai tập sách mà tôi đã bỏ ra ngoài, có một kẽ hở to trên tấm ván lót sàn. Qua kẽ hở, không khí lạnh lẽo ùa vào phòng, đồng thời giọng nói ban nãy cũng trở nên to và rõ hơn. "Đốc Tờ ơi! Lâu ngày quá. Anh em mình cùng uống chén rượu đi!" Đó là giọng chủ nhân gian Cát Cánh nằm ngay bên dưới gian Anh Đào của vợ chồng tôi, một anh chàng có biệt danh là "Nam Tước". Một phần tấm ván lót sàn gian Anh Đào bị mục, thông xuống trần gian Cát Cánh. Trùng hợp làm sao, một phần trần của gian Cát Cánh cũng bị mục, thế là tôi và anh Nam Tước có thể trực tiếp trò chuyện thông qua lỗ hổng này. "Có vẻ Công Chúa Haruna vắng nhà, chú đang cô đơn phỏng? Vừa hay anh cùng Ngài Cử Nhân đang đối ẩm, chú có tham gia với bọn anh không?" Ngày mai tôi còn có việc. Tám giờ sáng phải có mặt ở khu. Bây giờ đã một giờ đêm, lại thêm hôm qua thức trắng... Nhưng mà, vì bận quá tôi đã bỏ lỡ cả ngày kỷ niệm kết hôn, mãi mới được về nhà thì vợ lại đi vắng, nỗi niềm cô đơn này chẳng làm sao ngôi ngoai được. Lòng tôi dễ dàng buông xuôi. "Em tới đây! Vừa hay, em có một chai rượu gạo giấu suốt bấy nay." "Thế anh đợi chú ở phòng Ngài Cử Nhân nhé!" Giọng Nam Tước xa dần. Tôi đặt hai quyển Qua ngày thu phân và Mười đêm mộng vào chỗ cũ, rồi lôi từ kệ sách ra hộp Nội khoa Harrison to đùng. Trong hộp này, tôi giấu chai rượu gạo nguyên chất không cồn hiệu Bạch Mã cẩm loại 720 mi li lít. Để lưu trữ các loại rượu Nhật không chịu được ánh sáng thì dùng một chiếc hộp sách to là vô cùng tiện lợi. Nhược điểm duy nhất là khó mà tìm đâu ra một hộp sách to cỡ nhét vừa chai 720 mi li lít. Về điểm này, tôi phải cảm ơn cái kích cỡ khổng lồ cực kỳ hữu dụng của sách y khoa. Đó là một trong những lần hiếm hoi tôi nghĩ hở thành bác sĩ thật là tốt. Còn một bí mật mà vợ tôi không hay biết là, ngoài chai kia ra, trong hộp Vi khuẩn học Toda và Giải phẫu học Netter, tôi cũng trữ mấy chai rượu quý loại thượng hạng. Còn sách trong hộp thì hồi tốt nghiệp khoa nội tôi đã nhượng lại cho đàn em khóa dưới hết cả. Đó là chuyện cũ từ tận năm năm trước rồi. Cầm chai Bạch Mã cẩm trên tay, tôi hí hửng ra khỏi gian Anh Đào. Nơi tôi hướng đến là gian Cúc Dại, căn phòng trong cùng hành lang dưới tầng một. Có rất nhiều người sống tại trang viên Ontake. Tôi dùng từ "nhiều" - một cách diễn đạt vô cùng mơ hồ - là bởi tôi cũng không rõ chính xác có bao nhiêu người sống tại đây nữa. Cho đến nay, tôi đã bắt gặp tại nơi này đủ kiểu người khác nhau, từ ông lão mặc đồ lao động áo liền quần, chàng thanh niên mặc com lê, cậu em vác theo cây đàn ghi ta cho đến cô bé mặc váy thủy thủ, thế nhưng mãi vẫn chưa có cơ hội kết tình thâm giao với họ. Có lẽ vì chính tôi đây cũng là một kẻ chẳng mấy khi về nhà, nên chúng tôi đối với nhau đều là người xa lạ. Nơi này nằm trước nhà ga nhưng giá thuê lại rẻ bất thường. Diện tích các phòng cũng đa dạng, từ bốn chiếu rưỡi đến mười hai chiếu. Vì tòa nhà này trước kia từng là quán trọ, nên toàn bộ cửa nẻo trong các phòng đều là dạng cửa trượt. Tuy vậy các cửa đều được cẩn thận gắn thêm loại khóa vít kiểu cổ nên về mặt chức năng cũng không có vấn đề gì. Đương nhiên cửa trượt là thứ chỉ cần một cú đấm cũng sập, nhưng cũng chẳng có ai rỗi hơi làm tới mức đó để mà đột nhập vào phòng. Nhà vệ sinh, bồn tắm và bếp, tất cả đều dùng chung. Nhưng chính vì nơi này từng là quán trọ nên số lượng ngăn vệ sinh rất nhiều. Trong bếp có trang bị bồn rửa to với tận bốn vòi nước xếp hàng ngang, hết sức tiện dụng. Hầu hết những lần tôi bắt gặp những người thuê nhà khác đều là ở trong gian bếp khổng lồ này. Ông lão quản lý ngoài việc mỗi tháng một lần tới dọn dẹp theo như tôi nhớ, thì chẳng sửa sang thêm gì mấy cho ngôi nhà. Nhưng đối với tôi, người phải ngủ lại bệnh viện đến nửa số ngày trong tuần, thì điều đó cũng chẳng thành vấn đề. Có vẻ những người thuê khác cũng có cuộc sống không khác tôi là bao. Tôi đã sống tại căn nhà kỳ lạ này từ hồi tốt nghiệp khoa Y khoảng năm năm về trước. Suốt từ đó đến nay, tuy cũng xảy ra nhiều sóng gió, thăng trầm, nhưng đã gắn bó lâu vậy rồi nên tôi cũng bỏ qua hết. Dẫu sao đi nữa cũng sắp tròn năm năm tôi sống tại đây. Tuy rằng số ngày về nhà chẳng được bao nhiêu, nhưng một khi đã ở lâu đến vậy, quả thật vẫn có thể tìm được vài người bạn tâm giao. Một người là Nam Tước, họa sĩ, chủ nhân gian Cát Cánh. Người kia là Ngài Cử Nhân, sinh viên cao học, chủ nhân gian Cúc Dại. Xuống cầu thang, đi thẳng hành lang tầng một, tiến vào bên trong, phía cuối là gian Cúc Dại, đối diện ngay đó là gian Cát Cánh. Khi tôi mở cửa trượt, hương scotch và rượu vang đã lan tỏa khắp phòng. Người đang uống scotch trước mặt tôi chính là Nam Tước. Anh là một người đàn ông không rõ bao nhiêu tuổi. Tuy thoạt nhìn trông anh có vẻ như ở lứa tuổi bốn mươi, năm mươi, nhưng có đôi lúc bất chợt anh cư xử như một cậu thiếu niên. Lúc nào anh cũng ngậm chiếc tẩu gỗ thạch nam kiểu cổ yêu thích, đung đưa trong miệng. Nam Tước là một họa sĩ thiên tài. Một khi anh cầm bút vẽ lên, từ tranh sơn dầu, tranh màu nước, tranh thủy mặc cho tới những bức vẽ dù, tất cả mọi hình họa đều được anh kết hợp một cách hoàn hảo trên nền vải bố. Thực ra, anh rất hiếm khi cầm bút. Thế nhưng, cứ khoảng một tháng anh vẽ xong một bức, kiểu như cảm hứng nhất thời. Khi anh mang bức vẽ tới phòng tranh trên phố liền nhận được một khoản tiền lớn tận một trăm ngàn yên. Về đến nhà, anh hoan hỉ mời chúng tôi scotch loại thượng hạng và mở tiệc linh đình tới tận sáng. Một thời gian dài sau đó anh sống thoải mái an nhàn bằng số tiền còn lại. Đến khi hết tiền anh lại hứng lên vẽ một bức, rồi mang đến phòng tranh, rồi lại nhận một khoản tiền to, rồi lại mở tiệc linh đình... Người luôn mơ mộng về cuộc sống như thế hiện giờ mới chỉ là một gã họa sĩ vô danh nghèo kiết xác. "Tình hình vẽ vời ra sao rồi, anh Nam Tước?" "Bức tranh lần này sẽ là một kiệt tác hoàn mỹ. Tất cả đều được định hình trong này rồi." Anh cười tươi rói, chỉ tay vào đầu mình. Lần đầu tôi gặp Nam Tước chính là cái hôm tôi chuyển đến trang viên Ontake. Khi tôi cất tiếng chào hỏi, quý ông lịch lãm lúc ấy đang mang giá vẽ ra tiền sảnh phác thảo cây mai cổ thụ liền hướng về phía tôi, vừa nhẹ cúi đầu vừa nói: "Chào mừng chú em tới với đáy xã hội!" Nhìn cử chỉ tao nhã của người đàn ông đang chậm rãi nhả một làn khói từ chiếc tẩu thuốc, tôi liền đặt ngay cho anh biệt danh là "Nam Tước". Hồi ấy hẳn tôi cũng đã nghe tên thật của anh, nhưng sau năm năm trời gọi anh là "Nam Tước" thì đến giờ tôi cũng chẳng nhớ nổi cái tên ấy là gì nữa. Chuyện đó cũng không làm nảy sinh điều gì bất tiện cả. Chàng thanh niên đang ngồi thoải mái trên chiếc ghế bệt trong phòng và nhâm nhi ly rượu vang là Ngài Cử Nhân. Anh có mái tóc thẳng, đeo cặp kính gọng bạc, đôi mắt sáng và nụ cười bình thản. Quả là một trang nam nhi tuấn kiệt. Nghe nói anh là nghiên cứu sinh khoa Văn học chuyên ngành Triết học tại trường Đại học Shinano và hiện đang miệt mài nghiên cứu về Nietzsche. Anh tinh thông sách vở khắp đông tây kim cổ, sở hữu vốn kiến thức uyên thâm đã đạt tới cảnh giới khác thường. Nhân đây xin nói luôn, Ngài Cử Nhân đã đang học dở suốt từ năm năm trước - tức hồi tôi mới gặp anh - cho tới tận bây giờ. Từ cái hồi đó hình như anh đã học đủ số năm yêu cầu rồi, thế nên tính đến nay tổng cộng cũng đã trải qua kha khá thời gian. Chúng tôi chẳng biết anh có thể gia hạn đến bao giờ, nhưng Ngài Cử Nhân thì cứ thản nhiên như không, và ở trang viên Ontake này cũng chẳng có ai vô ý tứ đi tra hỏi cặn kẽ cái chuyện vớ vẩn như thế. Nhìn chung điều cốt yếu trong sự học là ý chí mạnh mẽ chứ không phải bằng cấp. Đây là lẽ đương nhiên mà bấy lâu nay xã hội chúng ta đã lãng quên. "Việc nghiên cứu vẫn tiến triển chứ, Ngài Cử Nhân?" "Rất thuận lợi. Tôi tính đến mùa xuân là hoàn thành luận văn." Anh nhoẻn cười. Thế đó, người thanh niên này chẳng hề để tâm đến việc anh định dành bao nhiêu năm để học chương trình tiến sĩ. Tiền đồ của anh rộng mở, tràn đầy tự tin và hy vọng, "Hình như đằng ấy đã vắng nhà khá lâu rồi, Đốc Tờ nhỉ? Bệnh viện Honjou vẫn không có gì thay đổi chứ?" "Vẫn thế. Nhờ ơn trời, cả nội trú lẫn ngoại trú đều đông nghịt. Có sự tiến triển lớn trong những vấn đề chẳng ai quan tâm như giảm dân số ở địa phương. Nếu phía trước nhà ga trở nên vắng vẻ thì trước khi thu hút các cửa hàng bách hóa, cứ xây một bệnh viện là sẽ giải quyết được ngay." Tôi mở chai Bạch Mã cẩm mang theo, cầm chén sứ trắng đang đặt úp trên bàn lên. Nam Tước nhanh nhẹn đỡ lấy chai rượu 720 mi li lít. "Hình như Công Chúa lại đi du ngoạn đâu đó rồi phải không? Tối hôm qua nàng có vẻ rất bận rộn chuẩn bị lên đường." "Vâng, nghe nói lại bắt đầu công việc chụp ảnh rồi. Lần này thấy bảo là Mont Blanc." "Mont Blanc? Một loại scotch mới à?" "Là một loại bánh kem hạt dẻ chứ." "Đó là tên một ngọn núi có độ cao bốn ngàn tám trăm mét, là đỉnh núi cao nhất thuộc dãy Alps ở châu Âu." Ngài Cử Nhân liền xen vào. Kiến thức của anh thật quá rộng lớn. Ngữ như chúng tôi còn chẳng đáng xách dép cho anh. "Tối qua Haruna có vẻ buồn buồn. Có chuyện gì phải không?" Óc quan sát của Ngài Cử Nhân nhạy bén ghê. Ậm ừ một lúc, nhưng rồi tôi cũng thành thật thú nhận chuyện bản thân tệ hại để lỡ mất ngày kỷ niệm kết hôn. "Ra vậy. Thế thì tệ quá. Chú đúng là một tên ngốc chuẩn mực như tranh. Mà không, ví von kiểu ấy thì thất lễ với tranh quá. Là một họa sĩ, anh đây cũng thấy không vui." Nam Tước nói chẳng chút lưu tình. "Đành vậy thôi, biết sao được, vì những điểm tệ hại ấy cũng góp phần tạo nên Đốc Tờ của chúng ta mà." Cảm tưởng của Ngài Cử Nhân đâm thêm nhát trí mạng, kết liễu tôi trong tích tắc. "Thôi, uống nào!" Tôi cảm kích nhận lấy chén rượu gạo mà Nam Tước đưa. "Nhắc mới nhớ, này Đốc Tờ, anh nghe phong thanh một tin đồn láo lếu là có thể chú sẽ chuyển khỏi đây hả? Hẳn rồi, chú tính vứt bỏ bọn anh nơi đống rác của xã hội này rồi cứ thế một mình bước ra thế giới rạng rỡ ánh mặt trời chứ gì?" "Anh hiểu lầm thế thì khổ cho em quá. Em vốn dĩ vẫn đang bước trên con đường vinh quang vầng dương rọi sáng chói lòa mà. Dẫu vẫn phải trú ngụ nơi trang viên Ontake xấu mù xập xệ này, thì ở bên ngoài em vẫn đang sống cùng với sự phù hộ của chư vị thần linh vĩ đại. Cơ mà chuyện anh nghe được là thật đấy." Thời gian gần đây, khi đã làm bác sĩ tới năm thứ năm, tôi liên tiếp nhận được lời mời từ bệnh viện trực thuộc Đại học Shinano. Họ bảo tôi: "Bỏ cái bệnh viện Honjou ấy đi, về trường làm việc nhé!" "Bệnh viện trường đại học?" "Chuẩn rồi, là bệnh viện trường đại học." "Cái gọi là văn phòng y tế ấy hử?" "Chính xác, là văn phòng y tế đấy." Có lẽ cần giải thích thêm về chế độ văn phòng y tế. Đây là chế độ độc nhất vô nhị trên thế giới dành cho các bác sĩ. Thông thường, con đường trở thành bác sĩ của những sinh viên tốt nghiệp sau sáu năm học khoa Y chủ yếu chia làm hai dạng. Thứ nhất là công tác tại những văn phòng y tế của bệnh viện trường đại học, thứ hai là không vào văn phòng y tế mà đến làm việc tại một bệnh viện nào đó. Tỷ lệ ước chừng cỡ bốn trên một, có thể nói tám mươi phần trăm bác sĩ đều chọn văn phòng y tế. Nhờ chế độ thực tập lâm sàng mới áp dụng từ vài năm trước, hiện nay trong thời gian thực tập hai năm đầu tiên, số bác sĩ đến làm cho các bệnh viện thông thường đã tăng lên, nhưng đến năm thứ ba rốt cuộc số đông những người đó lại bị đưa về văn phòng y tế. Những người không vào văn phòng y tế mà tự mình tìm đến một bệnh viện và tiếp tục làm việc ở đó giống như tôi là băng đảng nằm ngoài vòng pháp luật, chiếm chưa đến 20%. "Đến văn phòng y tế thì có gì hay ho à? Cứ như thế này, nếm trải hết cuộc sống nơi đáy xã hội cùng tụi anh cũng tốt mà?" Từng lời nói của Nam Tước đều gượng gạo, những về điều này tôi không bình luận gì. "Còn hoàn cảnh của người bác sĩ nữa. Đại khái là, cũng có khi chỉ vì không chịu đến làm tại văn phòng y tế mà bác sĩ đó bị người ta nhìn bằng ánh mắt nghi ngờ đấy.” "Nghi ngờ? Nghi cái gì cơ chứ? Nhìn từ phía những người thuộc tầng lớp quý tộc như anh đây thì chính những tổ chức như văn phòng y tế mới cực kỳ đáng nghi ấy." "Trong trường hợp này thì em không thể chỉ trích gì lời lẽ của 'tầng lớp quý tộc' rồi." Khi tôi đáp vậy, Nam Tước tỏ vẻ hài lòng. Tôi lặng lẽ uống cạn chén rượu. Nam Tước lặng lẽ rót thêm. "Chỉ vì sau khi ra trường em không vào làm tại văn phòng y tế mà bị người ta gán cho đủ thứ tội tình xấu xa: Thải chăng trước đây anh ta đã gây ra rắc rối gì đó? Phải chăng anh ta là người thiếu tinh thần hợp tác?' Nhiều chuyện phiền toái lắm." "Nhưng tôi nghe nói hiện nay xã hội đang vận động theo hướng loại bỏ chế độ văn phòng y tế. Một vấn đề thực tiễn, đó có phải là xu thế của thời đại?" Quả nhiên Ngài Cử Nhân có cách nhìn nhận khác biệt. Anh đã nói lên điểm trọng yếu. "Tuy có cái khó, nhưng chế độ văn phòng y tế sẽ không mất đi đâu. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện vừa và nhỏ còn cầm cự được là nhờ có văn phòng y tế. Một bệnh viện bước theo con đường riêng như bệnh viện Honjou có thể coi là ngoại lệ trong các ngoại lệ. Nhưng ngay cả ở bệnh viện Honjou, không phải khoa nào cũng có thể độc lập với văn phòng y tế." Tôi uống cạn chén rượu. Nam Tước liền lập tức rót tiếp. Vì lẽ nào đó mà tôi thấy rất cao hứng. "Việc mỗi bệnh viện tự tuyển bác sĩ sẽ mang lại rủi ro rất cao. Nếu xảy ra những trường hợp như bác sĩ được tuyển đột ngột nghỉ việc hay đổ bệnh thì có thể công việc của bệnh viện sẽ lập tức bị đình trệ. Để tránh những sự cố như vậy, những tổ chức như văn phòng y tế đã xuất hiện. Nơi này tập trung một số lượng lớn bác sĩ, rồi điều phối họ tới các bệnh viện. Nhờ đó, khi xảy ra vấn đề gì thì sẽ có ngay bác sĩ khác thay thế." Thực ra năm năm về trước, tại bệnh viện Honjou cũng phát sinh rắc rối lớn. Bác sĩ duy nhất của khoa sản đột ngột đổ bệnh và nghỉ việc. Do không liên kết với văn phòng y tế nên bệnh viện Honjou đã không được phân bác sĩ thay thế. Dù bệnh viện đã đáng quảng cáo tìm người, nhưng đâu dễ gì tìm được bác sĩ sản. Kết quả là từ hôm đó khoa sản bị đóng cửa. Vì phải bố trí chuyển viện cho những bệnh nhân nhập viện từ trước mà trong vòng hai đến ba tháng bệnh viện Honjou đã vô cùng náo loạn. "Không liên kết với văn phòng y tế thì lúc nào cũng ở trong tình trạng rủi ro như thế nhỉ?" "Chính là vậy đó. Không biết những thành phố lớn như Tokyo hay Osaka thế nào, nhưng ở vùng quê Shinshu này, số lượng bác sĩ cực kỳ ít ỏi. Nếu không có chế độ văn phòng y tế, những bệnh viện nhỏ ở thôn quê sẽ phá sản trong nháy mắt." "Nói vậy thì văn phòng y tế là một chế độ tuyệt vời đó chứ?" Nam Tước tỏ vẻ không hiểu. "Tại sao một chế độ tốt như vậy lại toàn bị phê phán?" Anh lại rót tiếp Bạch Mã cẩm vào chiếc chén cạn của tôi. "Đối với văn phòng y tế, quyền điều động nhân sự chính là bảo kiếm gia truyền. Viện trưởng của các bệnh viện địa phương vì lo sợ văn phòng y tế không điều bác sĩ tới bệnh viện của mình nên cứ phải nhìn trước ngó sau, cúi đầu trước các vị giáo sư giữ cương vị văn phòng y tế. Chế độ này cũng trở thành nền tảng phát sinh rất nhiều loại giao dịch mờ ám. Hơn nữa..." Tôi lại uống một chén nữa. Nam Tước rót tiếp. "Xét từ phía các bác sĩ, cũng chẳng ai chịu nổi việc bị bắt chạy đến tận mấy bệnh viện ở tít trong núi sâu vì sự sắp xếp nhân sự của văn phòng y tế cả." "Đốc Tờ, chú cũng ghét chuyện đó nên mới không vào làm ở văn phòng y tế à?" "Vì em không ưa chốn đông người nên mới thích thành phố này. Nơi đáp ứng được điều kiện đó chỉ có mỗi bệnh viện Honjou mà thôi. Ngoài ra chẳng có động cơ tích cực nào cả." Tôi lập tức trả lời về cái nội tình vô cùng tiêu cực với vẻ hãnh diện. Mỗi người đều có sở trường sở đoản. Dĩ nhiên, hồi tôi chọn vào làm việc tại bệnh viện Honjou, phần lớn đám bạn bè ít ỏi đều quan ngại cho tương lai của tôi, và hầu hết những giáo viên vốn chẳng quan tâm đến tôi lắm đều cao giọng bảo: "Đừng lãng phí cuộc đời!" Hồi đó, việc không vào làm ở văn phòng y tế là một sự lựa chọn khác thường đến vậy đấy. Thế nhưng, quả thật có những thứ có thể gọi là bổn phận riêng của từng người. Ví như tôi đây, dù bị coi là kẻ lập dị nhưng vẫn chỉ có thể sống theo cách này mà thôi. Và tôi sống như thế đã được đến năm thứ năm rồi. Lo ngại về vấn đề thiếu bác sĩ kinh niên, bệnh viện trường đại học đã để mắt đến tôi - một người tuy còn trẻ nhưng chẳng bao lâu nữa sẽ có trong tay sáu năm kinh nghiệm hành nghề bác sĩ, và đề nghị tôi đến làm tại văn phòng y tế. Hôm trước tôi đã nhận được một cuộc gọi trực tiếp từ vị trưởng văn phòng y tế vĩ đại. "Cậu Kurihara cũng sớm tới bệnh viện đại học đi nhé." Ông bảo tôi. Rồi ông nói thêm: "Có nhiều điều chỉ có thể học được ở trường đại học mà thôi. Đây chẳng phải là cơ hội tốt sao?" Thật phiền phức quá! Họ cứ mặc kệ tôi thì cũng có sao đâu, vậy mà cứ làm phiền hoài. Ngài Cử Nhân lên tiếng: "Đốc tờ này, điểm khó của chế độ văn phòng y tế thì tôi không rõ lắm. Nhưng trong năm năm vừa qua, có lẽ cậu cũng đã gây dựng được những mối quan hệ đáng quý với nhiều bệnh nhân nhỉ? Liệu tòa tháp ngà cao vợi kia có đáng giá đến mức phải vứt bỏ những điều ấy đi không?" Vẫn mỉm cười, anh lại một lần nữa nói trứng trọng điểm. Tôi chỉ còn biết im lặng nhìn chằm chằm vào chén rượu trên tay. Nhưng dẫu tôi có nhìn bao lâu đi nữa, hẳn cái chén cũng chẳng thể cho tôi câu trả lời. Tôi chỉ biết thở dài thườn thượt. "Em không biết. Trong giới bác sĩ, có những người muốn đạt đến trình độ tay nghề cao, có những người lại lánh xa chốn quan trường. Em thuộc loại thứ hai. Em vẫn nghĩ, công việc khám chữa cho nhiều bệnh nhân tại một bệnh viện bận rộn như thế này là bổn phận của người thầy thuốc. Còn với những người kia cái danh 'bác sĩ cao cấp' quan trọng đến mức nào, trong lòng em vẫn chưa thể đưa ra kết luận." Đây là lời thực lòng của tôi. Tôi muốn trở thành một "bác sĩ tốt". Nhưng để trở thành một bác sĩ tốt cần phải có những gì? Đó là câu hỏi khó hơn tất thảy, cứ mãi day dứt trong tôi. Tôi sực nhận ra, liền hướng ánh mắt lờ đờ về phía mấy anh bạn chí cốt. "Nãy giờ chỉ toàn nói về em. Nhưng ngay cả Ngài Cử Nhân cũng chẳng thể sống mãi ở cái khu nhà tồi tàn này phải không nào? Khi anh đi hết con đường học vấn, có lẽ anh sẽ tìm được bến đỗ ở một trường đại học nào đó thôi." "Đó là dự định. Chỉ là dự định thôi." "Nam Tước cũng vậy. Ngay khi anh vẽ ra được kiệt tác vốn đã ở trong đầu mình cũng là lúc anh trở thành tỷ phú. Rồi anh sẽ rời khỏi đây và đến định cư ở một studio hoành tráng nào đó." "Dĩ nhiên. Có điều chắc vẫn sẽ mất một thời gian ngắn nữa." Đột nhiên, sự im lặng bao trùm. Phải chăng câu "Đi năm dặm vẫn lạc trong sương mù" chính là nói đến tình thế này? Cuộc đời chúng tôi chỉ là những tháng ngày bước đi vô định trong một chốn tăm tối mịt mờ. Tâm trạng ba chúng tôi thoáng chút u ám. Chén rượu tôi đã uống cạn nhưng chẳng được rót thêm, vì anh Nam Tước đang đắm chìm trong suy tư. Một làn khói mỏng phả ra từ tẩu thuốc của anh, vẽ thành hình đồng xu trên trần nhà. Ngài Cử Nhân ngước lên nhìn nó, thì thầm: "Hướng theo trí thì sinh hiềm khích, nương theo tình thì bị cuốn trôi." Đó là một câu trứ danh mà Natsume Souseki đã viết trong tác phẩm Gối đầu lên cỏ. "Theo lòng mình thì bế tắc. Dù thế nào cũng khó sống ở đời." Tôi nói tiếp câu sau, miệng nở nụ cười cay đắng. Thực đúng. "Dù thế nào cũng khó sống ở đời." Nam Tước nhún vai, cầm chai Tamnavulin mười hai năm lên. "Nào! Vì cái cuộc đời khó sống này!" Tôi nâng chén, Ngài Cử Nhân nâng cốc. "Vì cái cuộc đời khó sống này!" "Cạn!" Dưới ánh đèn huỳnh quang yếu ớt, ba loại rượu rung rinh như những gợn sóng. Sáu giờ sáng. Tôi đang ngủ li bì gần như hôn mê thì giật mình tính dậy bởi cuộc điện thoại từ Sunayama Jirou. Nơi tôi thức giấc là gian Cúc Dại. Có vẻ tôi đã vừa uống rượu vừa ngủ lịm đi trong phòng của Ngài Cử Nhân. Còn Ngài Cử Nhân thì đã trải nệm ngay ngắn nơi góc phòng và nằm ngủ gọn gàng trên ấy. Tôi cứ tưởng Nam Tước đã về phòng, thế mà khi vừa ra khỏi gian Cúc Dại liền thấy anh đang ngủ say như chết ngay giữa hành lang. Tôi vô ý giẫm phải đầu anh nhưng anh còn chẳng nhận ra. Dù giờ thì cũng đã quá muộn màng, nhưng tôi thấy lo không biết có phải anh đã chết thật rồi chăng. Tôi không quay về gian Anh Đào nữa mà cứ thế lảo đảo lê thân đến bệnh viện luôn. Nơi tôi tới là khu số bốn phía Bắc thuộc khu ngoại khoa. Đây là khu vực mà tôi, một bác sĩ nội khoa, chẳng mấy khi đặt chân đến. Có một chuyện rất phổ biến là, cùng với việc mở rộng quy mô, các bệnh viện có khuynh hướng xây đi xây lại một cách vô tội vạ. Bệnh viện Honjou cũng vậy. Trong gần một trăm năm lịch sử, hết chỗ này lại đến chỗ khác được xây thêm. Những tòa nhà đủ mọi hình dạng san sát nhau, bên trong trông như một mê cung. Đầu óc chuếnh choáng vậy mà cuối cùng tôi cũng đến nơi, kể cũng giỏi. "Sốt 40 độ. Đến ba giờ sáng thì chỉ sốt thôi. Nhưng đến ba rưỡi, lúc y tá đi kiểm tra, thì xuất hiện triệu chứng đau bụng, huyết áp hạ xuống 90. Đã bắt đầu truyền dịch, nhưng đến bốn giờ thì ý thức xấu đi, và bây giờ thì phản ứng với tiếng gọi cũng yếu." Vừa rảo bước trên hành lang hơn sáu giờ sáng vẫn còn mờ tối, Sunayama Jirou vừa trình bày nhanh lại với tôi. Về phần tôi, vì nhậu nhẹt bét nhè cho tới tảng sáng, ngủ chưa đầy hai tiếng đã bị dựng dậy, nên đầu óc tậm tịt như có mạng nhện phủ kín tới tận trung khu não. Trong mắt tôi, hành lang khu ngoại khoa vốn thẳng băng nay trở nên cong queo một cách kỳ cục, còn bóng đèn huỳnh quang tối mờ trên trần thì lại sáng nhức nhối. "Bệnh nhân này vốn bị sỏi mật, dự định ngày mai sẽ cắt bỏ túi mật, nhưng... Này Ichito, cậu ổn đấy chứ?" Jirou đang bước phía trước ngoảnh lại nhìn tôi. Có vẻ sắc mặt tôi nom tệ dữ lắm. Mà nếu thế thì cũng là lẽ dĩ nhiên thôi. Hai ngày trước, tôi đã thức trắng vì ca trực. Hôm qua nếu ngủ một giấc thoải mái thì khỏe rồi, nhưng tôi lại uống rượu bạt mạng, làm trạng thái thiếu ngủ càng trầm trọng thêm. Trong ba ngày, tổng cộng tôi mới chợp mắt được tầm ba tiếng. "Đừng để ý mấy chuyện không cần thiết. Bệnh nhân quan trọng hơn." Tôi to tiếng không nguyên cớ. Nhưng cái giọng khàn đặc chẳng hợp chút nào. "Chức năng gan suy giảm, xuất hiện dấu hiệu vàng da, phản ứng viêm cũng tăng lên." Jirou vừa mở máy xem bệnh án điện tử vừa mở kết quả thử máu. Tổng Bilirubin 4, GOT 280, GPT 225, γGTP 522, bạch cầu 1800. Tôi nhìn qua, thấy một dãy trị số nguy hiểm. Cho đến hai ngày trước, tất cả đều chỉ ở mức bình thường. "Là tắc nghẽn à?" "Đúng đấy." Jirou trả lời. Lần này hắn bật đèn đọc lên, chỉ vào phim CT. "Xem xét quá trình, tớ nghi bệnh đã đến giai đoạn sỏi rơi xuống ống mật chủ gây tắc nghẽn, viêm đường mật cấp tính, nhưng trên hình chụp CT lại không thấy rõ sỏi." "Đâu có, đây là sỏi còn gì?" ; Trong tám mươi lăm tấm hình, chỉ có duy nhất một tấm cho thấy hiện tượng vôi hóa ở mức rất nhỏ, đường kính khoảng một mi li mét, dưới đáy ống mật chủ. Tôi trông thế này nhưng là người đã từng học về bệnh tiêu hóa dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Chồn Bự đấy. Tôi mà không nhận ra được triệu chứng này thì kiểu gì Chồn Bự đại nhân cũng nổi cơn tam bành mà đánh tôi chết luôn. "Đây là một bức hình chụp CT vùng gần ngực đơn giản. Chắc chắn là tắc nghẽn sỏi siêu nhỏ. Có thể nhận thấy cả suy giảm tiểu huyết cầu. Có lẽ đã phát sinh AOSC từ viêm đường mật cấp tính.” AOSC, tức viêm mủ đường mật tắc nghẽn cấp tính, là một bệnh lý cực kỳ nghiêm trọng trong số những bệnh về gan và mật, có thể dẫn đến tử vong trong vài giờ đồng hồ phát bệnh. Nếu không bằng mọi giá lấy sỏi gây tắc nghẽn ra để ngăn nhiễm trùng mật thì không thể cứu được. "Bị hai tiếng rồi." Tôi chỉ mấp máy vài từ. Jirou hướng gương mặt bối rối về phía tôi. "Từ khi huyết áp hạ cho đến khi cậu gọi cho tôi là hai tiếng. Chẳng có nhẽ..." Tôi ngẩng lên, nhìn người bạn cao to bằng ánh mắt sắc lẹm. "Cậu lo lắng thái quá cho người phải trực sáng là tôi nên liên lạc trễ, định cố cầm cự đến sáng chứ gì?" "Cố cầm cự đến sáng là sự thật, nhưng tớ có lo lắng gì về cậu đâu. Tại tớ chủ quan quá, cứ nghĩ nếu truyền dịch thì có lẽ tình hình sẽ cải thiện." Tôi nhìn xoáy vào mắt gã bạn thân. Gã này đôi khi tử tế quá mức lại thành phản tác dụng. Đối với một người ít nhất cũng có chuyên môn về nội tiêu hóa, việc vì những lo lắng vớ vẩn mà khiến bệnh nhân viêm đường mật tử vong là một nỗi nhục nhã không hơn không kém. Ánh mắt Jirou không dao động. Biện pháp dùng kháng sinh để kiềm chế bệnh viêm đường mật giai đoạn đầu trước khi chuyển thành AOSC là có thật. Đối với một bác sĩ ngoại khoa như hắn phán đoán ấy có lẽ không sai. Nhưng lần này hắn đã hơi xui xẻo. "Cho làm nội soi khẩn cấp nhỉ?" Jirou cũng gật đầu tán thành ý kiến của tôi. Ngước lên nhìn đồng hồ, đã bảy giờ hai mươi phút. "Mất một giờ để chuẩn bị ERCP[8]. Chúng ta sẽ bắt đầu lúc tám giờ hai mươi phút. Trong thời gian đó, nhờ cậu kiểm soát huyết áp nhé." "Tớ đã bắt đầu rồi. Để cho chắc, có thể chuẩn bị cả PTCD[9] nữa. Nhưng Ichito nè, hôm nay là Chủ nhật đó." Nghe Jirou nói, tôi bất giác ngoái lại nhìn lịch. Với kiểu sinh hoạt này, tôi hoàn toàn mất cảm giác về thứ ngày tháng. Hôm nay rõ ràng là Chủ nhật. Nói cách khác, cả bác sĩ lẫn y tá đều cực ít. "Bây giờ tôi đang không có nhà. Vui lòng..." Nhận thấy đầu dây bên kia đã chuyển sang chế độ trả lời tự động, tôi liền giải thích tình hình rồi ngắt máy. Tôi ngước nhìn lên từ cửa sổ, bầu trời buổi sáng sớm quang đăng không một gợn mây. Thời tiết đẹp thế này, hẳn bác sĩ Chồn Bự đi chơi golf rồi. Ngay cả điện thoại cũng không trả lời thì chắc bây giờ đã vào trận rồi. Tôi nhấc máy PHS[10] nội bộ lên, gọi tới khu số ba phía Nam. Sau đúng hai lần đổ chuông, một giọng quen thuộc vang lên. "Vâng, đây là khu ba phía Nam, Touzai xin nghe." "Kurihara đây." "... Có việc gì đấy?" Giọng cô đột ngột trầm xuống. Có vẻ cô nghĩ cuộc gọi của tôi là điềm rất xấu. Mà đúng là một cuộc gọi không may thật. "Xin lỗi, anh muốn nhờ em chút việc." Tôi liền trình bày vắn tắt tình hình cho cô nghe. "Tóm lại, để làm ERCP, anh muốn em cho mượn một y tá tới hỗ trợ chứ gì?" "Đúng rồi. Khoa ngoại bây giờ cũng đang phẫu thuật khẩn cấp, không còn y tá nào rảnh. Theo lẽ thường thì sẽ nhờ khoa cấp cứu, nhưng có hai xe cấp cứu sắp đến nên bên đó cũng không thể giúp ngay được. Cơ mà chỉ có nhân viên phòng nội khoa thôi thì không đủ người để tiến hành ERCP khẩn cấp." Vào ngày nghỉ, mỗi khu sẽ có ba y tá thay nhau làm việc. Do vậy, nếu gửi một người đi hỗ trợ thì đương nhiên các y tá khác sẽ phải gánh nhiều việc hơn, nhưng không chỉ có thế, chuyện này còn liên quan tới rủi ro về quản lý. "... Anh cũng biết rồi đấy." "Anh biết chứ. Nhưng không đợi đến mai được. Không còn khu nào có thể nhờ được nữa." "Giá cao đó nha." "Anh sẽ đãi một bữa thịt nướng xịn." "Đồ ăn Pháp với okonomiyaki nữa nhé." "Một lần mà ăn được nhiều dữ vậy?" "Một lần ăn hết thế nào được! Phải chia ra đãi vài lần chứ!" "Rồi rồi. Anh đùa thôi mà. Anh nợ em." Tôi ngắt máy rồi đứng lên. Jirou đang bồn chồn không yên. Đã hơn ba mươi phút từ khi ca nội soi khẩn cấp kết thúc thuận lợi, gã này vẫn lảng vảng ở phòng nội soi, hoàn toàn không định về khu. Hắn cứ đi tới đi lui bên cạnh bệnh nhân đã được di chuyển lên cáng. Cũng dễ hiểu thôi. Trước mặt hắn là Mizunashi Youko đang làm việc vô cùng tháo vát. Cô cất kính nội soi, viết bệnh án, dọn giường điều trị. Là tân binh năm đầu tiên nhưng tay nghề của cô rất tốt. Jirou lúc thì dõi mắt theo cô, lúc thì đột ngột ra giúp đỡ nhưng chỉ làm vướng víu, có lúc hắn cười một mình, có lúc lại tỏ vẻ buồn phiền. Trong khi đó tôi chỉ đứng nhìn nên thấy cũng thú vị, nhưng dần dần cảnh tượng trở nên khó coi quá. "Em phái Mizunashi tới là cố tình đấy à?" Từ đầu dây bên kia của máy PHS, Touzai trả lời tôi với giọng dằn dỗi: "Gì chứ? Chính anh bảo muốn một y tá được việc còn gì? Em không rời khu được nên đã để cô ấy đi. Có gì không ổn à?" "Không, chẳng có gì không ổn cả. Thật sự là một nhân tài rất giỏi giang." "Vậy anh nhanh rồi trả người đi! Bên này cũng đang bận tối mắt đây." Rồi cô dập máy luôn. Có vẻ một bữa thịt nướng không đủ để cô tha thứ cho tôi rồi. Cuối cùng, Mizunashi đẩy cáng chở bệnh nhân ra khỏi phòng nội soi. Khỏi phải nói, Jirou bám theo sát gót. Bây giờ là chín giờ sáng. Vào Chủ nhật thì không có việc gì cần giải quyết gấp. Cũng may là các bệnh nhân nằm viện đều có vẻ ổn định nên có lẽ tôi đánh một giấc rồi đi thăm bệnh nhân sau cũng được. Vừa mới nghĩ thế thì bất ngờ trước mắt tôi xuất hiện một bóng người. "Chào Kuri-chan. ERCP kết thúc ổn thỏa chứ?" Người đang nhoẻn cười đó chính là bác sĩ Chồn Bự. "Lưu ENBD[11] viêm đường mật à? Có rạch ngực không?" Bác sĩ Chồn Bự kiểm tra ảnh chụp ERCP và dữ liệu. Miệng ông cười, nhưng đôi mắt thì không. Cứ khi nào có chuyện liên quan đến nội soi là ông trả nên đáng sợ. Khi ông mất tập trưng là hoặc nắm đấm, hoặc chân, hoặc máy tính cá nhân sẽ bay đi. Lúc này, tôi chẳng còn bình tĩnh mà hỏi tại sao ông không ở sân golf mà lại có mặt ở đây. "Em không rạch ngực ạ." "Sao thế? Nếu đặt stent mà không rạch ngực thì nguy cơ viêm tụy sẽ khá cao đấy." "Bệnh nhân là một người già tám mươi hai tuổi. Theo như CT, tụy của ông ấy có khuynh hướng teo nhỏ. Nếu lưu stent chỉ trong vài ngày để tránh bị AOSC thì em cho rằng nguy cơ viêm tụy không cao. "Ồ..." "Thêm vào đó, em nhận thấy bệnh nhân bị giảm khả năng đông máu và giảm tiểu cầu do DIC[12]. Em nghĩ nếu rạch mà gây xuất huyết thì sẽ nguy hiểm." "Ra thế. Vậy có sỏi không? Ảnh tương phản thì không có nhưng..." Bác sĩ Chồn Bự vừa xem lần lượt từng tấm phùn X quang vừa nói. "Em nhận ra một dấu hiệu có thể là sỏi siêu nhỏ, nhưng không xác định được. Vì nghi nhiễm trùng nên em đã để độ tương phản ở mức tối thiểu. Em dự định sẽ kiểm tra lại khi bệnh nhân hồi phục nhiễm trùng máu." Cuối cùng thì nét cười cũng hiện lên nơi đôi mắt của bác sĩ Chồn Bự. "Tốt đấy. Cho qua." Vai tôi thõng xuống. Tôi từ từ thở ra một hơi. "Kuri-chan giỏi thế còn gì? Óc phán đoán tốt, tay nghề cao. Dù thường ngày vẫn bị coi là kẻ lập dị nhưng một khi đã làm là làm rất ổn." "Xin thầy đừng để bị lừa bởi mấy lời đồn đại vô căn cứ đó. Mà quan trọng hơn, chẳng phải hôm nay thầy đi chơi golf sao ạ?" "Ngốc! Cậu đang làm cái việc thú vị thế này mà tôi có thể ung dung vung vẩy gậy đánh golf được sao?" “Thú vị ấy ạ?" "Thì là việc cố gắng cứu sống người sắp chết ấy. Còn phấn khích hơn cả khi nhắm một cú hole in one trực tiếp từ hố cát cạnh green ấy chứ. Chẳng phải đó là lúc vui nhất sao?" Ông nở nụ cười sởn gai ốc kết hợp một cách hài hòa giữa "táo tợn" và "xấc xược". Nếu không phải là một bác sĩ đã chứng kiến quá nhiều cảnh chết chóc thì không thể có nụ cười như thế. Việc con người này có thể cứu sống bệnh nhân là một điều quá sức đáng mừng. Có lẽ cụm từ "bác sĩ bẩm sinh" chính là chỉ những người như thế này. "Nhưng Kuri-chan này, hôm nay thế là đủ rồi. Cậu về nhà nghỉ ngơi đi!" "Nhưng bây giờ em còn phải chăm sóc hậu phẫu cho bệnh nhân, rồi còn thăm khám..." "Cậu vác cái mặt bơ phờ ấy đi thăm khám thì càng làm bệnh nhân ốm nặng hơn thôi. Khoảng bốn mươi bệnh nhân trong khu, thỉnh thoảng tôi sẽ lo liệu. Còn chăm sóc hậu phẫu thì tôi sẽ nhờ Sunayama. Cậu chàng này có vẻ mê cô nàng y tá trẻ, nhưng cậu ta là một bác sĩ ngoại khoa không tồi. Khỏi lo đi nhé! Mau về mà ngủ đi!" Câu nào của bác sĩ Chồn Bự cũng có lý hết. Lúc này tôi chẳng gắng gượng nổi nữa, chi bằng cứ làm theo lời ông. Đại loại là, trong đầu tôi, sự mệt mỏi tích tụ suốt ba ngày và hơi men hôm qua còn lưu lại đang nắm tay nhau nhảy một vũ điệu khó chịu. Nói ngắn gọn là tôi không được khỏe. Đúng lúc tôi cúi đầu, quay lưng đi thì bác sĩ Chồn Bự nhẹ nhàng gọi tôi lại. "À đúng rồi. Touzai nói là cậu sẽ đãi thịt nướng hả? Ngủ trưa rồi thì tối nay dẫn con bé đi nhé. Đây cũng là một phần công việc giúp khu hoạt động trôi chảy đó. Mệnh lệnh của cấp trên đấy." Nhìn có vẻ chẳng thèm quan tâm gì nhưng lại biết rõ đến từng việc nhỏ, thế mới là bác sĩ Chồn Bự. Có một loại rượu trứ danh mang tên Hiroki. Loại rượu này không phải là rượu nhẹ như loại Tanrei Karakuchi được ưa chuộng gần đây. Ở Fukushima, nó là thứ rượu đặc sản vùng Aizu có vị ngọt đậm, mùi thơm êm dịu, dư vị nồng nàn kết hợp với nhau cân bằng tuyệt hảo, là loại rượu lừng danh thiên hạ. Vì số lượng hàng bán ra không nhiều nên không phải loại rượu dễ mua. Nhưng tại một con ngõ nhỏ từ đường Nawate đi vào một chút có một quán rượu tên Kyuubee là nơi ta có thể thưởng thức loại rượu này. Tôi yên vị ở một góc quầy, thong thả nhấm nháp thứ rượu trứ danh ấy. Quả là cực phẩm. Tôi lẩm bẩm "Ngon nhỉ.” ông chủ quán vạm vỡ phía bên kia quầy khẽ mỉm cười. Chỉ vậy thôi. Chỉ có vậy thôi đã khiến tâm hồn tôi thư thái. Bên cạnh tôi là một gã đàn ông cao to da đen thui đang nốc rượu gạo hiệu Goshun. Cứ nghĩ đến việc loại rượu nổi tiếng vùng Ikeda ấy phải chảy xuống dạ dày của thằng cha to xác cục mịch thô thiển này là tôi lại thấy hơi bực bội. Nhưng tôi cũng chẳng có quyền gì mà cằn nhằn chuyện đó. Đồng hồ trong quán đã chỉ mười một giờ đêm. Sáng nay tôi về nhà lăn ra ngủ như chết đúng theo nghĩa đen cho tới tận bốn giờ chiều. Khi tỉnh dậy, tôi đã tái sinh thành người thanh niên ưu tú chuyên cần thanh khiết trong sạch của mọi ngày. Sau đó, theo mệnh lệnh quý hóa của sếp, tôi gọi cho Touzai, hẹn cô đi ăn thịt nướng. Touzai nói cô rảnh, nhưng muốn dẫn theo cả Mizunashi. Nghe đến việc phải đãi phần thịt nướng cho hai người, trong chốc lát tôi có hơi ngại ngần, nhưng rồi tôi chợt nảy ra một ý tưởng tuyệt vời nên chấp nhận luôn. Sau khi ngắt máy, tôi liền gọi cho Jirou. "Jirou, đi ăn thịt nướng không?" "Sao tớ phải đi ăn thịt nướng với cậu?" "Không thích à?" "Vấn đề không phải là không thích. Việc ở khu vẫn chưa giải quyết xong. Đang khá là bận đây." "Nghe nói Mizunashi cũng đi đấy." "Tớ vừa xong việc tức thì. Ở đâu, mấy giờ?" Cái thằng đúng là dễ mua chuộc thiệt. Vậy là chi phí cho bữa thịt nướng không chỉ giảm xuống một nửa. Tôi làm phước tạo cơ hội cho hắn, có khi hắn sẽ bao luôn cả ba người. Tôi phục cái đầu thông minh của mình quá đi mất. Suy nghĩ ấy thật quá ngây thơ. Ngay từ đầu tôi đã sai lầm khi cho rằng hai cô nàng sẽ e lệ hài lòng với phần thịt nướng dành cho hai người. Trên thế giới có hai loại phụ nữ: phụ nữ ăn và phụ nữ không ăn. Không biết vị cao nhân nào đã truyền lại câu danh ngôn này. Dù thế nào thì hôm nay, tại quán thịt nướng cao cấp này, tôi cũng đã lĩnh ngộ sâu sắc rằng Touzai và Mizunashi đều thuộc loại thứ nhất. Cả hai cô nàng chén thịt hảo hạng nhiều đến hãi hùng. Sườn, nạc thăn, lưỡi bò nướng muối, cả gỏi bò và gan nữa, tất cả đều lần lượt mất hút trong miệng của họ như thể bị hút vào lỗ đen vũ trụ. Tôi vốn đã biết Touzai là người mê ăn từ trước rồi, nhưng cái cảnh cô nàng Mizunashi nhỏ nhắn ấy cười mím chi và tọng từng miếng nạc thăn vào miệng với sắc mặt tỉnh bơ thực không khác gì một bộ phim kinh dị. Tôi rùng mình nghĩ ngộ nhỡ nếu tôi vì ngại trả tiền mà dừng gọi món, có khi nào tiếp theo chính tôi sẽ bị ăn thịt không? Thế nên tôi đành giục chủ quán mang hết món thịt này đến món thịt kia lên. Tiền thanh toán, dù đã chia với Jirou, vẫn tốn một khoản bằng phần ba người. Sau đó, chúng tôi tống hai cái lỗ đen vũ trụ mini ấy lên tắc xi bình an vô sự, rồi tới nhậu tăng hai ở quán rượu Kyuubee này, nằm cách đó khoảng một phút đi bộ. "Có chuyện này, dù thế nào tớ cũng không sao hiểu được." Jirou bỗng thầm thì. Hắn đắm đuối nhìn nhãn chai Goshun bằng đôi mắt hoe đỏ hơi nhuốm màu tửu sắc. "Chuyện gì?" "Tại sao cơ chứ?" Lần này Jirou nhìn tôi chằm chằm. Thật không gì hơn việc bị một gã to xác đen thui nhìn thẳng vào mặt. "... Thì chuyện gì mới được?" "Tại sao em Mizunashi lại dễ thương quá vậy?" Thông thường, có những ông bà cụ hằng ngày vẫn khỏe mạnh, đúng lúc nhập viện bỗng nảy sinh tình trạng kích động, la hét những lời lẽ khó hiểu. Hội chứng này gọi là "mê sảng kích động", một sự thay đổi thường gặp ở những người cao tuổi. Sau khi xuất viện thì nhiều trường hợp đã có cải thiện. “Nhưng thanh niên trai tráng thế này, lại chẳng nhân dịp gì mà lại phát bệnh mê sảng thì hiếm thấy thật..." "Cậu nói ai mê sảng cơ?" "A, xin lỗi. Cậu vẫn đang nghe tôi nói à?" Cứ rượu vào là những suy nghĩ trong đầu tôi cứ thế tuôn ra miệng. Phải chú ý mới được. "Em Mizunashi dễ thương nhỉ? Dễ thương quá chừng luôn nhỉ?" "Dễ thương hay không là vấn đề thuộc quan điểm cá nhân. Dù ép thì cũng khó nói." "Gì chứ? Vậy tức là không dễ thương à?" "Ừ dễ thương lắm." "A, nói rồi. Nói mất tiêu rồi nhé. Tớ mách Haru. Tớ sẽ bảo Haru là cậu khen cô khác dễ thương." "Haru là người dễ thương nhất thế giới. Haru lúc ngủ trưa còn dễ thương gấp trăm lần một trăm em Mizunashi tươi cười gộp lại." "Nói cái gì thế hả thằng kia? Quá đáng rồi đó." "Cái thằng này, thế cậu bảo tôi phải làm sao hả?" May thay, quán Kyuubee vào giờ này không còn vị khách nào khác. Chẳng ai để tâm đến con quái vật da đen và thanh niên ưu tú đang chí chóe ở góc quầy. Chứ nếu có khách là tôi đã không nương tay mà dùng chai 1,8 lít đập đầu thằng ngốc này và tống cổ hắn ra ngoài rồi. Hắn sẽ bị thương tí tí nhưng mà bác sĩ khoa ngoại thì chắc cũng tự khâu được cho mình thôi. Tôi lén nháy mắt với chủ quán. Ông mỉm cười chán nản, nhưng vẫn rót nước vào vại bia và mang đến cho chúng tôi. Cái kiểu tu nước ừng ực của tên này đúng chuẩn một con quái thú không lẫn đi đâu được. Ngộ nhỡ vị thần định mệnh nhầm lẫn, để cô gái tốt bụng kia và con quái thú này sánh bước bên nhau, có lẽ trong mười người nhìn thấy sẽ có chín người báo cảnh sát. Người còn lại hẳn đã bỏ chạy lấy thân. "À đúng rồi Ichito. Nghe nói bên trường đại học gọi cậu hả?" Vậy là cái chủ đề khó ưa này đã tới, thật giống như say rượu trăm năm cũng đến hồi phải tình. "Sao đột nhiên hỏi thế?" "Tớ nghe đàn anh trong trường nói lại. Anh ấy bảo có lẽ bác sĩ Kurihara ở bệnh viện Honjou sang năm sẽ vào khoa nội tiêu hóa." Nói mới để ý, Jirou trước đây là nhân viên văn phòng y tế khoa ngoại trường Đại học Shinano, vậy mà đến chuyện của khoa nội cũng biết thì lạ thật. Như đọc được vẻ thắc mắc trên mặt tôi, Jirou đáp: "Đại học là một nơi thế đó. Những chuyện như năm sau ai đến, ai nghỉ đều được truyền tai nhau cặn kẽ từng chi tiết." "Chẳng phải toàn là chuyện vặt vãnh sao?" "Buôn dưa lê về những chuyện vặt vãnh chính là đặc trưng của bệnh viện trường đại học mà." "Càng ngày tôi càng không muốn đến đó. Nói chung tôi là người rất ghét tụ tập. Nếu phải đến chỗ như thế, thì làm việc tới tàn tạ cả người ở bệnh viện Honjou vẫn còn thoải mái chán." "Chậc, từ thời sinh viên cậu đã là đứa như vậy rồi mà..." Ánh mắt Jirou thoắt trở nên xa xám. "Lúc nào cũng một mình đi loanh quanh tới lui, tiệc liên hoan cũng chẳng đến, sự kiện cũng chẳng giúp một tay, cứ cầm theo quyển sách cũ rích Thối rồi nên bỏ gì đó của Souseki..." "Không lẽ cuốn sách mà cậu nói là Gối đầu lên cỏ?' "Ờ, đúng đúng. Lúc nào cũng đi một mình, cầm theo quyển Gối đầu lên cỏ đó. Từ lần đầu gặp, tớ đã nghĩ cậu là một thằng cha kỳ quặc, nhưng chắc chắn tớ chẳng thể ngờ tới chuyện cậu không vào văn phòng y tế mà cứ tiếp tục công việc bác sĩ ở cái nơi như thế này." Tôi hoàn toàn chẳng hiểu hắn muốn nói gì. Vấn đề chính là hắn đã vặn vẹo Gối đầu lên cỏ thế nào mà thành ra Thối rồi nên bỏ. Đồ đần này! Dù trong lòng nguyền rủa hắn nhưng bây giờ suy nghĩ trong đầu tôi cứ rời rạc, bởi tôi cũng say rồi. "Nhưng mà!" Đột nhiên Jirou la toáng lên. "Cậu nên tới bệnh viện đại học một lần đi!" Hắn bỗng gí sát mặt vào tôi và nhìn tôi chằm chằm. Tôi suýt thì nôn. Khó mà biết được là do uống nhiều rượu quá hay do bản mặt của hắn nữa. "Cậu là một bác sĩ ưu tú. Chỉ trong năm năm, kinh nghiệm đã chất cao như núi. Tay nghề giỏi, được lòng bệnh nhân, lại linh hoạt hơn tất thảy. Bất cứ khi nào có chuyện xảy ra cũng lao tới ngay, đó không phải là việc đơn giản có thể nói bằng lời. Ngay cả ERCP hôm nay cũng đáng kinh ngạc. Chỉ là một bác sĩ năm thứ năm mà có thể sử dụng kính chiếu hậu chính xác đến như vậy, thật không tầm thường đâu." "Có nịnh mấy thì tiền rượu hôm nay vẫn cưa đôi đấy nhé." "Rõ ràng từ thời sinh viên cậu đã nổi danh là đồ lập dị rồi. Trong các tiết học hay tiệc tùng đều thoắt ẩn thoắt hiện, trên tay cầm khư khư cuốn Thối rồi nên bỏ. Là kẻ quái dị nhất khóa. Bây giờ dị vẫn dị, nhưng tay nghề thì số một rồi." "Jirou, tiền rượu cậu trả hết đi." "Nhưng chỉ dừng ở đó thì không được. Có những phương pháp chữa trị cao cấp chỉ có thể học được ở đại học thôi. Nếu là cậu, học những thứ đó rồi cậu sẽ nhắm được tới những đỉnh cao hơn nữa. Gặp gỡ nhiều bác sĩ, mài giũa kỹ năng, nâng cao kiến thức. Nếu là cậu thì sẽ làm được." "Không có hứng thú." "Nói dối." Tôi giật mình. "Đâu phải cậu không có hứng thú, đúng không? Chỉ là cậu không muốn bỏ lại những bệnh nhân trước mắt mình thôi." Khi Jirou say, có lúc hắn nói ra những lời trúng tim đen một cách đáng sợ. Nhưng điều đáng nói là chỉ đến ngày mai hắn sẽ quên sạch những lời này, không những thế lúc tính rồi hắn chỉ toàn nói sai bét thôi. "Nhưng cậu phải nhìn xa hơn, Ichito ạ. Cứ bị tình cảm cuốn đi như thế, phải chăng cậu sẽ bỏ phí mất cuộc đời đáng giá? Hãy nhìn vào những thứ xa hơn!" "Tức là làm một bác sĩ khoa nội bình thường ở bệnh viện tư thì địa vị thấp hơn là một chuyên gia y tế của bệnh viện đại học chứ gì?" "Cậu đừng nói khó nghe như vậy. Nhưng ở một phương diện thì đó là chân lý đấy." Tôi quả thật không thể thốt lên câu: "Nếu vậy tôi làm bác sĩ khoa nội cũng được." Bởi tôi cũng hiểu hắn vì quan tâm đến tôi nên mới nói vậy. Trong đôi mắt gã Jirou đang diễn thuyết hùng hồn kia, chẳng rõ từ lúc nào đã ngân ngấn nước. Bị một tên khổng lổ gí khuôn mặt nhòe lệ sát rạt chỉ làm con buồn nôn của tôi trở nên tồi tệ hơn. "Từ Hokkaido, tớ lặn lội tới Nagano. Thành phố này rất đẹp. Tớ muốn mãi mãi được làm bác sĩ ở thành phố đẹp đẽ này. Thế nhưng tất cả bạn bè cùng khóa đều tới những thành phố lớn rồi. Trong cả trăm người bạn thời ấy, bây giờ còn mấy kẻ ở lại nơi đây? Chẳng đáng buồn sao? Chính vào lúc buồn bã ấy, cậu thành bác sĩ nội khoa còn tớ thành bác sĩ ngoại khoa... Cậu không muốn hai ta gắn bó với nhau, cùng nhau thực hiện những phương pháp y khoa cao cấp ư... Nếu là cậu với tớ thì..." Vẫn đang nói câu được câu mất, Jirou bất thần gục xuống bàn và bắt đầu ngáy o o nom rất chi là thoải mái. Thật là một gã tùy tiện hết sức. Tôi bịt miệng, từ từ giơ tay phải lên. "Ông chủ, cho mượn toa lét!" Nguyên nhân gây buồn nôn có vẻ là do uống quá nhiều. o0o Sau hôm đó một tuần, ông Tagawa, bệnh nhân ung thư tụy ở phòng 300, đã qua đời. Do tình trạng đau đớn, buồn nôn, nôn mửa, mất ngủ mỗi ngày lại thêm tệ hơn, kết quả là ông bị mất sức rất nhanh. Trong ba ngày cuối tôi cũng ở lại bệnh viện, điều chỉnh thuốc cho ông. Tôi tăng liều lượng morphine, kết hợp thuốc chống nôn dạng nhét hậu môn và sandostatin. Nhận thức rõ nguy hiểm nên tôi cũng sử dụng cả thuốc ngủ. Thế nhưng rất khó để kiềm chế cơn đau. Mười tiếng đồng hồ trước khi mất, ông vẫn rên rỉ suốt vì đau bụng. Tuy vậy, dường như có đôi lúc cơn đau hoàn toàn biến mất. Những khi ấy ông nhìn tôi bằng ánh mắt tỉnh táo: "Bác sĩ vất vả rồi, cứ phải dính lấy một kẻ già nua mang bộ dạng khó coi đến thế này." Gương mặt mỉm cười của ông lão tươi sáng và thanh thản đến mức phải dùng từ "rạng rỡ" mới tả hết được. Trên khuôn mặt ấy chỉ thấy "hình hài của sự sống", như thể đang cười nhạo cả những vị bác sĩ, những liệu trình hay công dụng của các loại thuốc tân tiến nhất. Mizunashi thường xuyên tới phòng bệnh. Cô đổi túi chườm đá, lau người, đo huyết áp, kiểm tra thuốc. Chỉ trong vòng một tuần mà cô gầy rộc đi trông thấy. Mỗi lần Mizunashi đến, ông Tagawa có vẻ rất an lòng. Ông dõi đôi mắt hiền từ theo cô một lúc, rồi lại nhanh chóng thiếp đi, cứ thế cứ thế. "Bác sĩ không làm sao để ông ấy bớt đau được à?" Hai ngày trước khi ông mất, Mizunashi hướng ánh nhìn mạnh mẽ về phía tôi. Cô không thể chịu được khi nhìn ông Tagawa thường xuyên chìm trong cơn đau dai dẳng đến hơn nửa ngày, nên đã gọi tôi. Tôi không nhớ rõ mình đã trả lời ra sao. Chỉ có điều, với tư cách bác sĩ, có lẽ tôi đã giải thích bằng những lý lẽ hơi nhàm chán. Chí ít thì một người mệt mỏi như tôi chẳng còn hơi sức đâu mà cảm thông cho những nỗi muộn phiền trong lòng cô. Cô lạnh lùng nhìn tôi thật nhanh rồi quay lưng đi. Rồi bất lịch sự nữa là chẳng có đến một câu cảm ơn tôi vì đã mời cô thịt nướng. Đối với bệnh nhân giai đoạn cuối, có một tác dụng phụ của morphine cần chú ý là gây ức chế hô hấp. Tăng lượng morphine sẽ kéo theo việc hô hấp yếu đi. Người kê đơn morphine phải tìm ra một lượng vừa chuẩn để có thể làm ngưng cơn đau mà không gây ức chế hô hấp. Nhưng trong trường hợp của ông Tagawa, cùng với việc tăng liều morphine, mặc dù thường xuyên xuất hiện hiện tượng ngừng thở khi ngủ, nhưng lúc ông thức cơn đau vẫn không biến mất. Tôi đã thử cả những loại thuốc hạn chế sử dụng mà vẫn không đạt kết quả như mong muốn. Ông từ giã cõi trần vào một đêm Chủ nhật, cũng là thời điểm tháng Chín lụi tàn. Mười tiếng cuối đời ông ngủ trong yên bình, trút hơi thở cuối cùng tự lúc nào chẳng rõ. Gương mặt ông bình an đến mức tôi đã nghĩ phải chăng việc tôi điên cuồng tìm cách điều chỉnh lượng thuốc trong hai tuần qua là không có thực. Ngay cả bây giờ, gương mặt tươi cười thanh thản mà đôi lúc tôi thấy ở ông vẫn còn in đậm trong tâm trí. Những người thân của ông vội vã đến. Trong khi ai cũng khóc thương cho ông lão cuối cùng cũng kết thúc cuộc chiến dai dẳng, một thiếu niên có vẻ là cháu hai ông lại nhìn tôi trân trối bằng ánh mắt mãnh liệt như muốn xuyên thấu tôi. "Mày đã chẳng làm gì cho ông phải không?" Có lẽ vì quá mệt mà tôi tưởng như đã nghe thấy cậu bé thốt lên những lời ấy. Tôi biết mình thật ngớ ngẩn. Nhưng theo lẽ thường, chắc chắn trong ánh mắt đó có tồn tại nỗi đau buồn tuyệt vọng và sự phẫn nộ không biết nhằm vào đâu. Cái chết của con người là như vậy đấy.