🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bên Dòng Sông Hằng - Shūsaku Endō full mobi pdf epub azw3 [ Tiểu Thuyết] Ebooks Nhóm Zalo Bên Dòng Sông Hằng Shūsaku Endō —★— Nguyễn Văn Thực dịch Nhà xuất bản Hội nhà văn Nhã Nam phát hành —★— ebook©vctvegroup Chúa ơi! Con muốn lội qua Dòng sông sâu thẳm, Đến nơi sum vầy. (Linh ca da đen) CHƯƠNG MỘT Trường hợp ông Isobe Khoai nướng nóng hổi đây... Khoai nướng nóng hổi đây... Mỗi khi ông Isobe nhớ lại lúc người bác sĩ báo cho biết vợ ông mắc phải bệnh ung thư vô phương cứu chữa, tiếng rao hàng phía ngoài khung cửa sổ phòng xét nghiệm hôm đó lại văng vẳng trong tai như đang chế giễu nỗi kinh hoàng của ông. Giọng rao buồn tẻ của một người đàn ông vô tâm. Khoai nướng nóng hổi đây... Khoai nướng nóng hổi đây... - Cái ung nó nằm... ở đây này. Nó đang nhảy qua chỗ này nữa. - Ngón tay người bác sĩ từ từ bò trên tấm hình chụp X-quang như theo nhịp của tiếng rao ngoài kia; vẫn giọng đều đều, ông giải thích: - Tôi nghĩ khó có thể dùng phẫu thuật được nữa. Chúng tôi sẽ thử dùng thuốc kháng ung thư và tia xạ... - Thế nhà tôi còn sống được bao lâu nữa, thưa bác sĩ...? ' Ông Isobe nghẹn ngào hỏi. Người bác sĩ không nhìn vào ông: - Khoảng ba tháng, nhiều nhất là bốn. - Nhà tôi có phải đau đớn nhiều không? - Chúng tôi có thể dùng moóc phin để làm giảm đau một phần nào đó. Hai người yên lặng một lúc. Ông Isobe lại hỏi: - Nhà tôi có nên dùng vắc-xin Maruyama, cả thuốc bắc nữa...? - Được chứ! Ông cứ dùng bất cứ loại thuốc dân gian nào mà ông cho là có thể giúp cho bà nhà. Cái kiểu người bác sĩ Tây y nhanh chóng tán thành đề nghị dùng thuốc bắc như thế, cho thấy bệnh tình của vợ ông thực sự vô phương cứu chữa. Hai người lại rơi vào yên lặng. Ông Isobe không chịu đựng được nữa, đứng dậy. Người bác sĩ xoay người về phía tấm phim X-quang; chiếc ghế xoay kêu ken két khó chịu như báo cho ông biết về cái chết cận kề của vợ mình. “Mình... đang mơ...” Ông Isobe nghĩ. Trên đường đi ra thang máy, ông vẫn có cảm giác như không thực. Ông chẳng bao giờ nghĩ là vợ mình sẽ chết. Ông có cảm tưởng như đang xem một cuốn phim, thì đột nhiên người ta lại chiếu một phim khác lên màn ảnh. Ông buồn bã nhìn bầu trời chiều đông xám lạnh, vẫn còn tiếng rao bán khoai nướng ngoài kia: “Khoai nướng nóng hổi đây...” Ông băn khoăn kiếm câu nói dối với vợ. Ông nghĩ với trực giác bén nhạy vốn có của người bệnh, chắc vợ ông sẽ biết ông đang toan tính gì. Ông ngồi sà xuống ghế cạnh thang máy. Có hai người y tá đi qua trước mặt ông chuyện trò vui vẻ. Tuy họ làm việc ở bệnh viện nhưng bệnh tật cũng như những bất hạnh xảy ra trong bệnh viện không làm mất đi vẻ mạnh khỏe, tươi trẻ của họ. Ông hít một hơi thật sâu, nắm chặt núm cửa phòng bệnh. Vợ ông đang ngủ, một tay để trên ngực. Ông ngồi lên chiếc ghế độc nhất trong phòng, và lại một lần nữa, nghiền ngẫm câu nói dối ông đã sắp sẵn trong đầu. Người vợ mở mắt buồn bã, nhìn chồng mình, bà mỉm cười yếu ớt: - Mình đã nói chuyện với bác sĩ chưa? - Rồi... - Bác sĩ... đã nói gì với mình? - Bác sĩ nói là mình sẽ phải nằm viện một thời gian nhưng sẽ không quá ba hoặc bốn tháng, rồi mình sẽ khỏe lại. Vì vậy mình chịu khó một chút. Tự biết mình nói dối không xuôi, ông cảm thấy như mồ hôi đang rịn trên trán. - Vậy à... Người vợ nhìn thẳng vào cái trán đẫm mồ hôi của ông. Ông thấy phải coi chừng trực giác bén nhạy của người bệnh. - Như vậy là mình phải khổ trong ba bốn tháng trời! - Mình đừng có nói vậy! Có gì đâu mà khổ! Vợ ông lại mỉm cười. Từ trước đến bây giờ bà mới nghe ông nói câu tình cảm như vậy. Nụ cười đặc thù của vợ ông. Hồi mới lấy nhau, khi ông trở về nhà sau những mệt mỏi vì các mối quan hệ trong công việc, mở cửa ra, bà luôn đứng đón ông với nụ cười bao dung, âu yếm. Cảm thấy mình lâu nay quả có thiếu quan tâm đến vợ, ông nói dối thêm một lần nữa: - Khi được ra viện, mình cứ tạm thời tĩnh dưỡng một thời gian. Rồi tôi sẽ đưa mình đi suối nước nóng dưỡng sức. - Không việc gì mà phải phí tiền như vậy vì em đâu. “Không việc gì...” Câu nói nghe đượm vẻ cô đơn lẫn bi ai, giống với tiếng rao của người bán khoai ngoài kia một cách lạ lùng. Chẳng lẽ vợ ông đã mon men biết sự thật? Đột nhiên, bà như lẩm bẩm một mình: - Lúc nãy em đã nhìn cái cây. - Vợ ông hướng mắt ra ngoài cửa sổ nhìn cây ngân hạnh lá cành sum suê như đang ôm ấp một thứ gì đó. - Cây đó sống được bao lâu rồi mình nhỉ? - Dám cả hai trăm năm. Có lẽ nó là cây cổ thụ sống lâu nhất ở khu này. - Cây cổ thụ đó đã nói đó mình. Rằng sinh mệnh không bao giờ biến mất. Hồi vợ ông chưa bệnh, bà vẫn có thói quen nói chuyện với hoa cỏ như những cô gái xuân thì mỗi khi tưới các chậu hoa trước hành lang. “Hoa xinh đẹp kia ơi, nở cho tôi vài đóa!” “Cảm ơn hoa nhé!” Kiểu chuyện trò với hoa như thế, bà học theo người mẹ vốn yêu hoa của mình, và sau khi lấy chồng, bà vẫn giữ thói quen đó. Nhưng cái kiểu bà nói chuyện với cây cổ thụ lần này cho thấy, có vẻ bà cảm thấy bóng đen định mệnh đang phủ chụp lên đời mình. Để che giấu nỗi lo lắng trong lòng, ông cười chế giễu vợ: - Bữa nay lại nói chuyện với cả cây cổ thụ nữa! Tốt lắm! Ừ, khi đã biết rõ bệnh trạng của mình như thế, từ nay mình có thể yên tâm mỗi ngày nói chuyện với cây cổ thụ. - Ừ! - Vợ ông trả lời buông thõng, và có lẽ vì chợt nhận thấy thái độ thiếu sốt sắng của mình, bà đưa tay xoa lén đôi má đã có phần hốc hác. Có tiếng chuông điện reo. Đã hết giờ thăm viếng bệnh nhân. Ông Isobe cầm lấy túi đựng đồ dơ chưa giặt, đứng dậy. - Thôi tôi phải về rồi! - Ông cố tình ngáp dài rồi đưa tay cầm lấy tay vợ. Chưa bao giờ, cho tới khi vợ vào nằm bệnh viện, ông lại làm một cử chỉ đầy ngượng ngùng như thế. Cũng giống như nhiều người đàn ông Nhật khác, ông cho chuyện biểu lộ tình cảm ra mặt là một điều rất xấu hổ. Cườm tay của bà đã gầy thấy rõ, cho thấy cái chết đang lan tỏa âm thầm trong thân thể bà. Đáp lại bằng nụ cười quen thuộc, bà bảo: - Mình ăn uống đầy đủ vào nhé. Áo quần dơ mình cứ đưa sang nhà mẹ em. Ừ - Ừ! Ra đến hành lang, ông nghẹn ngào. Trong góc phòng, chiếc ti vi vặn âm lượng nhỏ đang phát một chương trình trò chơi truyền hình tạp nhạp nào đó. Bốn cặp vợ chồng trẻ đang ném những con súc sắc khổng lồ. Nếu cặp nào được mười điểm, họ sẽ được thưởng một chuyến du hí hai đêm ba ngày ở Hawaii. Ông ngồi bên cạnh giường vợ đang ngủ, thờ thẫn nhìn vào màn hình ti vi. Cặp vợ chồng gieo được mười điểm hớn hở nắm tay nhau. Muôn vàn mảnh giấy màu chúc mừng bay lả tả trên đầu hai người. Ông nghe như có ai đó đang cười giễu cợt ở một nơi nào đó trong phòng. Ai đó như đang cố ý phô ra cái hạnh phúc của cặp vợ chồng may mắn nhằm làm tăng nỗi khốn khổ của ông. Đã bao năm nay, ông đã phải rối đầu với công việc, với người đời nhiễu sự, đã nhiều lần cảm thấy lạc lối, nhưng giờ đây, trong khoảnh khắc này, tình huống ông đang gặp phải hoàn toàn khác với những buồn bực đã xảy đến với ông trong sinh hoạt thường ngày, thuộc một chiều không gian khác. Người vợ đang nằm ngủ trước mặt ông đây, ba bốn tháng nữa, sẽ chết. Một người đàn ông như ông Isobe, từ trước đến nay, chưa hề nghĩ đến điều này. Lòng ông nặng trĩu. Ông chẳng tin vào một tôn giáo nào, nhưng giả sử có Chúa, Phật nào đó, ông sẽ không ngần ngại kêu lên: “Tại sao Ngài lại giáng bất hạnh xuống cho vợ con như vậy? Vợ con chỉ là một người đàn bà bình thường nhưng nết na, đức hạnh. Ngài ơi, xin Ngài cứu chữa vợ con với!” Bà y tá trưởng Tanaka ông đã quen mặt đang ghi gì đó trên tấm phiếu theo dõi bệnh nhân trong phòng trực bỗng ngẩng đầu lên, nhìn ông với ánh mắt cảm thông. Lúc ông trở về căn nhà ở Ogikubo, người mẹ vợ sống ở gần nhà đang cho thức ăn vào trong tủ lạnh. Ông nói cho bà nghe bệnh trạng của vợ nhưng chỉ kể lại, một cách lập lờ, những lời bác sĩ đã nói với ông. Ông không dám nghĩ tới khuôn mặt đau đớn kinh hoàng của bà khi biết được sự thật về bệnh trạng con gái mình. - Hôm nay ba về sớm, mẹ phải về đây con! - Con cảm ơn mẹ. - Vợ con nằm nhà thương, nhà này bỗng trở nên trống trải thật. - Bởi vì nhà con tính tình vui vẻ đó mẹ. - Rồi ông lại lặp lại lời cầu xin với Thần Phật lúc trước: “Vợ con chỉ là người đàn bà bình thường nhưng nết na, đức hạnh. Xin Ngài cứu chữa vợ con với!” Khi mẹ vợ đi rồi, ông mới cảm thấy mình đang đụng phải sự trống trải bà nhận xét lúc nãy, một điều trước nay ông chưa hề nghĩ đến. Trống trải vì vợ vắng nhà. Chỉ mới cách đây một tháng, vợ ông ở nhà là chuyện đương nhiên, và vì thấy sự hiện diện của vợ mình trong nhà không có gì đặc biệt nên những lúc không có việc, ông cũng thấy chẳng cần chuyện trò gì với bà. Hai người không có con nên từng nhận một bé gái làm con nuôi, nhưng rồi sau đó, nó chẳng ưa gì hai ông bà, cho nên sự thể chẳng đi tới đâu cả. Đó chính là vì cái tính của ông ít nói ít năng với vợ, với con gái nuôi, không thể hiện tình cảm của mình, đã gây ra như thế. Trong bữa ăn chỉ có bà là người hay chuyện, còn ông, ông chỉ ừ hử cho qua. Đã có những lúc bà thở dài trách ông: “Chẳng lẽ mình không nói với con đôi câu được hay sao?” Ông chỉ thực sự mon men nói chuyện với vợ từ sau ngày bà phải nằm nhà thương. Đúng như lời người bác sĩ cảnh báo, trong vòng chưa đầy một tháng, vợ ông bắt đầu lên cơn sốt và than đau khắp cơ thể. Tuy nhiên, bà cũng cố cười cho vui lòng chồng. Nhưng sau lần điều trị bằng tia xạ, tóc bà bắt đầu rụng, và chỉ cần động nhẹ bà lại rên lên như có cơn đau dữ dội xẹt qua. Ngoài ra, thuốc chống ung thư làm bà nôn mọi thứ vừa ăn. Không thể chịu đựng hơn được nữa, ông van nài bác sĩ: - Bác sĩ có thể dùng moóc phin cho nhà tôi được không? - Được chứ, nhưng lạm dụng quá, bà nhà sẽ ra đi sớm hơn. Người bác sĩ nói trái với điều đã nói trước đây. Đúng theo chủ trương duy trì sự sống của Nhật, trong các bệnh viện, các bác sĩ và y tá thực hiện phương châm bằng mọi cách phải kéo dài sự sống người bệnh dù chỉ một ngày. Mặc dầu tự trong thâm tâm vẫn biết rằng phương pháp trị liệu này sẽ chẳng đi tới đâu, nhưng ông Isobe vẫn ước ao cho vợ mình sống thêm được giờ nào, phút nào thì càng tốt. Vậy mà khi thấy vợ ông, bà Keiko, cắn răng chịu đựng, không dám để cho đau đớn lộ ra ngoài, không rõ có phải là vì thấy có lỗi với chồng, ông những muốn nói với bà: “Mình không cần chịu đựng nữa đâu... Không cần nữa đâu...” Thế rồi có một ngày, trên đường đi làm về, ông ghé thăm bà, và khi mở cánh cửa phòng bệnh quen thuộc, ông rất ngạc nhiên thấy vợ mình quay bộ mặt tươi tỉnh, vui vẻ về phía ông: - Hôm nay em cảm thấy dễ chịu quá sức. VI người ta chích cho em một loại thuốc gì rất đặc biệt. Thật như thuốc tiên! Mình có biết thuốc gì không? - Chắc là họ chích cho mình loại thuốc kháng sinh mới. “Thế là họ đã bắt đầu dùng moóc phin.” Ông nghĩ bụng. - Thuốc công hiệu như thế thì chẳng bao lâu nữa em sẽ được ra viện, kẻo nằm phòng riêng như thế này thì tốn tiền lắm. - Mình đừng có lo! Tôi có thể xoay được phí nằm phòng riêng một hai tháng mà. Thực ra, ông đã tiêu hết số tiền bà dành dụm để khi ông về hưu sẽ đi du lịch qua Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, nhằm bù lại tuần trăng mật hai người chưa được hưởng. Bà đã trải bản đồ, khuyên son tên các đường phố của Lisbon, Coimbra bà chưa từng thấy, như những dấu ấn hạnh phúc. Bà cũng đã nhờ chồng, từng làm việc cho chi nhánh của hãng ông ở Mỹ trong hai năm, dạy cho bà những câu đàm thoại Anh ngữ thông thường. Sự thật không dám nói Đột nhiên: Hiền thê sống bao ngày? Ông đã làm một bài tạp cú như thế và ghi vào cuốn sổ tay trong khi ngồi chờ tàu điện trong thời gian bà nằm viện. Chẳng đánh cá ngựa, chẳng chơi mạt chược, thú vui ít ỏi của ông là nhâm nhi đôi chung rượu, chơi cờ tướng, làm một vài bài thơ bài cú bình thường, nhưng chẳng bao giờ đưa thơ ông làm cho bà xem. Ông là loại đàn ông quan niệm bộc lộ tình cảm chân thực bằng lời hay bằng chữ viết cho người khác là một điều xấu hổ, nhưng lại mong rằng vợ mình, là người thân thiết nhất, phải biết bụng mình, dù chẳng cần phải mở miệng. Trên đôi tay nhỏ nhắn của nàng Xanh xao tĩnh mạch Chạy... Loanh quanh. *** Vào một ngày thứ Bảy, ghé thăm bà sớm hơn thường lệ, ông thấy một phụ nữ đội nón y tá, trán cao, mắt to, đang ở trong phòng vợ mình. - Cô đây là nhân viên tình nguyện. - Vợ ông, có vẻ bớt đau nhờ tác dụng của moóc phin, hớn hở giới thiệu người phụ nữ với ông. - Cô là nhân viên tình nguyện đầu tiên em gặp từ ngày vào nằm nhà thương. Cô ta nhìn chăm ông Isobe, nói: - Vâng đúng vậy, y tá trưởng Tanaka đã phân cho tôi giúp bà nhà. Tên tôi là Naruse Mitsuko. - Cô chắc là nội trợ phải không ạ? - Không, tôi đã lập gia đình nhưng đã ly dị từ hồi tôi còn trẻ. Ngày thường tôi đi làm cho có làm, riêng mỗi chiều thứ Bảy tôi tham gia các nhóm thiện nguyện ở bệnh viện. Ông Isobe lẳng lặng gật đầu nhưng trong thâm tâm thấy bồn chồn. Ông sợ người y tá không chuyên này sẽ tiết lộ bệnh trạng thực cho vợ mình biết. - Cô đây có nhiều kinh nghiệm trong việc giúp đỡ các bệnh nhân. Cô mới giúp em ăn bữa tối. - Chúng tôi rất mong cô giúp đỡ. - Ông vừa cúi đầu, vừa nói, nhấn mạnh đến hai chữ giúp đỡ. - Có ông nhà đây, tôi xin vô phép. Naruse Mitsuko cúi đầu lễ phép chào hai người, rồi bưng khay thức ăn còn dư một nửa rời khỏi phòng bệnh nhân. Qua lối ăn nói lễ phép và cung cách đóng cửa nhẹ nhàng của cô, ông Isobe nghĩ cô là người có thể tin cậy được. - Cô ấy thật tốt phải không! - Vợ ông nói, với cái giọng như thể bà là người có công khám phá ra cô. - Cô ấy tốt nghiệp cùng trường đại học với mình đó. - Người như thế mà... tại sao lại đi làm cái công việc tình nguyện này nhỉ? - Thì tính người ta thích như vậy. Cô ấy hiểu biết lắm, - bà lộ ra cái tính tò mò đàn bà, - không hiểu tại sao cô ấy lại đi ly dị như thế. - Tôi làm sao mà biết được. Mình đừng xía vô chuyện người khác như vậy! - Ông nói, làm vẻ giận nhưng tự thâm tâm ông sợ tình thân giữa hai người sẽ làm cho cô tình nguyện viên đó tiết lộ bệnh trạng của vợ. - Có chuyện này lạ lắm. - Vợ ông mắt nhìn xa xăm, nói với chồng. - Sau khi truyền thuốc, em ngủ thiếp đi và nằm mơ thấy phòng khách nhà chúng mình, em thấy mình từ phía sau lưng. Mình đang nấu nước sôi trong bếp, rồi sau đó, mình lên giường ngủ mà không tắt bếp ga. Em cố hết sức hét là nếu mình cứ để ấm nước trên bếp như thế, ấm sẽ cạn, sẽ cháy nhà... Nhưng mình cứ lơ đi. Em kêu nhiều lần. Nhưng mình vẫn tắt đèn. Ông Isobe nhìn thẳng vào cái miệng đang nói của vợ. Chuyện trong giấc mơ của bà thực sự đã xảy ra ở nhà. Đêm qua, khi tắt điện đi ngủ, ông cảm thấy trong lòng bất an liền mở mắt ra. Đúng lúc đó, ông nhớ ra mình chưa tắt bếp ga, ông giật bắn người nhào vào nhà bếp thì thấy ấm nước đã đỏ rực như cục than hồng. Ông hỏi: - Thật như vậy sao? - Vâng, mà có chuyện gì vậy mình? Khi nghe ông thuật lại đầu đuôi câu chuyện, bà lắng nghe, mặt lộ vẻ căng thẳng. Rồi như người vừa ra khỏi cơn mộng, bà thốt lên: - Xem ra em cũng còn được việc phải không mình? Người ta nói đôi khi chuyện trong mơ sẽ xảy ra thật. Có chuyện đó thật nhỉ. Ông Isobe cảm thấy lo lắng, vì chuyện vợ ông quả quyết rằng mình nói chuyện với cây, chuyện giấc mơ lạ lùng như vậy, là những dấu hiệu cho thấy bà sắp chết đến nơi. Khi còn nhỏ, ông có nghe bà ông nói những người sắp chết hay thấy những điều mà người còn mạnh khỏe không thấy. Mặc dù được chích moóc phin, nhưng sự suy nhược của bà lộ rõ đến mức mỗi ngày vào thăm, ông đều thấy rõ bà hư hao đi nhiều. Dẫu sao đi nữa, nhờ loại thuốc giảm đau đó, vào những ngày này, tinh thần bà vẫn còn thư thái. - Hôm nay cô Naruse cho em biết là các nhà nghiên cứu công nhận giấc mơ có những ý nghĩa khác nhau. Tên của ngành ấy là gì ấy nhỉ... À, mộng trị liệu pháp. Cô ấy nói rằng, nhờ giấc mơ, em có thể hiểu được những gì nằm trong vô thức. Nhưng cô ấy chỉ cho em biết có thế. Khi nghe vợ nói như vậy, ông Isobe cảm thấy e ngại cái cô Naruse có đôi mắt to đó. Chừng như cô ta đã thấy rõ tâm can của vợ mình. Cái vẻ khỏe khoắn nhờ moóc phin nơi vợ ông cũng giống như ráng đỏ chiều hôm mùa hạ, chỉ ánh lên trong chốc lát rồi lại tắt ngay. Từ đó về sau, cả ngày bà phải mang mặt nạ dưỡng khí, nằm thiêm thiếp với hơi thở nặng nề. Có một tối thứ Bảy, khi khẽ mở cửa phòng, ông thấy vợ mình, kim truyền vẫn còn ghim vào cánh tay, nằm nhắm nghiền mắt, có vẻ đau đớn; cô tình nguyện đang xoa bóp chân cho bà. Bà đưa đôi mắt bi thương nhìn chồng nhưng không còn mỉm cười được như trước nữa, bà thì thào: - Em như đang rơi... xuống đáy vực. - Rồi bà lại rơi vào hôn mê. Nhưng cô tình nguyện vẫn dửng dung nhìn bệnh nhân. Cảm thấy ánh mắt lạnh lùng đó như muốn nói “Hết hy vọng rồi”, ông đau đớn vô cùng. - Sức khỏe nhà tôi ngày hôm nay ra sao vậy cô - Vâng, bà nhà ngày hôm nay có nói được chút ít. - Cái chuyện đó nhà tôi có lẽ vẫn chưa biết chứ? - Ông Isobe hạ thấp giọng, thì thào với cô tình nguyện viên. - Tôi vẫn giữ kín chuyện đó. Mong cô hiểu cho. - Tôi biết ạ, nhưng... - Naruse Mitsuko nói thầm với ông, - nhưng tôi nghĩ là bà nhà cũng đã biết rồi. Những bệnh nhân vào giai đoạn cuối biết về cái chết của mình rõ hơn là người chung quanh tưởng. - Nhà tôi chưa bao giờ nói chuyện đó. - Ông Isobe vừa kiểm tra xem vợ mình đã ngủ say chưa, vừa phản đối. Cô tình nguyện vẫn giữ giọng thản nhiên, nói với ông: - Chẳng qua là... bà nhà không muốn ông phải lo lắng mà thôi. - Cô đừng nói cái điều khủng khiếp đó. - Xin lỗi ông, nhưng tôi làm công việc tình nguyện này đã lâu và đã từng chứng kiến nhiều trường hợp tương tự. - Hôm nay nhà tôi đã nói gì với cô? - Bà ấy cứ lo ông sẽ gặp phải khó khăn khi không còn bà ấy. - Thế hả? - Bà nhà còn nói nhiều điều kỳ lạ lắm. Bà nói là bà thấy hồn lìa khỏi xác và cứ từ trên trần nhà nhìn xuống xác mình vẫn còn nằm trên giường. - Cô có nghĩ là do phản ứng phụ của thuốc? - Cũng có thể, nhưng những bệnh nhân vào thời kỳ cuối cũng có người có trải nghiệm tương tự. Các bác sĩ và y tá, chẳng ai tin những chuyện như vậy. Ông Isobe thậm chí còn nghĩ rằng điều này là điềm báo vợ ông sắp mất. Hôm nay cũng thế, trời xám, và có tiếng rao bán khoai nướng kéo dài ngoài khung cửa sổ bệnh viện. Người bán khoai chắc không biết tiếng rao từng hồi buồn tẻ của mình ảnh hưởng đến tâm trí người nghe như thế nào. Cảnh Lisbon với những chậu hoa sắp hàng trước khung cửa sổ, cảnh bờ biển Nazareth với những người đàn bà áo đen đang vá lưới trên bãi biển cát trắng phau phau. Nếu vợ ông có thị kiến, ông ước ao bà thấy những cảnh trí ấy hơn là thấy cái xác không hồn của bà nằm trên giường. Hiện tượng thấy hồn lìa khỏi xác cho thấy cái chết cũng đã gần. Người bác sĩ kêu ông lại phòng trực, báo cho ông biết: - Tôi nghĩ bà nhà chỉ còn sống được bốn hoặc năm ngày nữa mà thôi. Ông cũng nên bắt đầu cho kêu bà con thân thích về là vừa. - Bốn, năm ngày thôi à, thưa bác sĩ? Đôi mắt của người bác sĩ khép lại sau tròng kiếng. Túi áo blu trắng lem luốc nhét đầy bút bi, nhiệt kế và các thứ linh tinh khác. Vào những lúc như thế này, ông không muốn nhìn thấy những đau khổ của thân nhân người bệnh. - Nhanh như vậy được sao? - Môi ông Isobe mấp máy những lời vô nghĩa như thế, mặc dù ông không hề quên bác sĩ đã báo cho biết là vợ ông chỉ có cơ may sống ba hoặc bốn tháng mà thôi. - Nhà tôi có tỉnh táo cho đến phút cuối được không? - Khó mà nói cho chính xác được, nhưng hai hoặc ba ngày trước khi mất có lẽ bà nhà sẽ rơi vào hôn mê. - Như vậy nhà tôi sẽ không phải chết trong đau đớn. - Chúng tôi sẽ cố hết sức cho bà không phải chịu đau đớn. Cuối cùng cái ngày nặng nề đó cũng đến. Tâm trạng của ông lúc này còn hơn là nỗi cô liêu, nó giống tâm trạng trống rỗng của một người đứng trên mặt trăng một mình. Trong tâm trạng trống rỗng đó, ông nhẹ nhàng nắm núm cửa. Y tá trưởng Tanaka đang ráp lều dưỡng khí với sự trợ giúp của một y tá trẻ. - À, ông nhà đã đến. - Người y tá trưởng giàu kinh nghiệm kêu lên, giọng úy lạo. - Mình ơi! - Vợ ông kêu lên, bàn tay máy động ra hiệu cho ông đến bên giường và chỉ cho ông chiếc bàn cạnh đó. - Sau này... mình nhớ xem cuốn sổ tay này. Ừ, tôi sẽ xem. Hai người y tá biết ý đi ra, bà nói tiếp: - Những năm dài chúng mình chung sống với nhau, em cảm ơn mình... - Mình nói chuyện gì kỳ cục vậy, làm như có chuyện gì ghê gớm lắm! - Ông Isobe vừa quay mặt đi vừa nói. - Em xin lỗi nhưng em biết cả rồi. Có lẽ ngày mai em sẽ chẳng nói năng gì với mình được nữa. Chẳng có gì mà phải xấu hổ, ngượng ngùng nữa. Có lẽ ngày mai người bạn đường mà ống cùng sống trong ba mươi lăm năm trường sẽ vĩnh viễn lìa bỏ thế giới này. Ông ngồi trên chiếc ghế cạnh giường và đăm đăm nhìn mặt vợ mình. Thân ông mệt mỏi hư hao, nhưng khuôn mặt của bà còn mệt mỏi hư hao hơn ông nhiều. Bà mơ hờ đôi mắt ưu phiền nhìn ông, rồi như chỉ nhìn ông thôi cũng làm bà đau đớn, bà khép mắt lại. Y tá trưởng Tanaka đi vào phòng, đeo mặt nạ dưỡng khí mới lên miệng vợ ông và nói: - Nếu nó làm bà khó chịu, bà có thể gỡ ra. Nhưng cái này sẽ làm bà dễ chịu hơn. Vợ ông nằm im không trả lời. Mắt bà nhắm chặt, hơi thở hổn hển. Từ đêm đó bà rơi vào hôn mê. Thỉnh thoảng bà lại nói lảm nhảm. Ông Isobe chỉ biết ngồi nắm tay vợ. Các bác sĩ và các cô y tá cứ thay nhau đo huyết áp, rồi chích, rồi bắt mạch cho bà. Ông đi báo cho cha mẹ vợ và đứa em trai vợ ở Tokyo biết. Khi ông vừa gác ống điện thoại công cộng và tính trở lại phòng bệnh, người nữ y tá, từ phía đầu kia hành lang, hối hả chạy lại báo cho ông: - Bà nhà muốn nói chuyện với ông. Ông làm ơn nhanh chân lên! Khi ông vào đến phòng, y tá trưởng mở lều dưỡng khí ra và hối ông: - Bà nhà muốn nói với ông điều gì đó. Ông áp tai vào miệng bà ấy đi. - Tôi đây! Tôi đây! Mình có nhận ra tôi không? Ông đưa tai ghé sát miệng vợ. Hơi thở nặng nhọc, bà cố gắng nói đứt quãng: - Em... biết chắc... em sẽ được tái sinh ở một nơi nào đó trong thế giới này. Mình nhớ đi kiếm em... tìm được em... Mình hứa đi! Mình hứa đi mình! Lời cuối cùng “Mình hứa đi! Mình hứa đi mình!” dường như chất chứa ước vọng khẩn thiết của bà, nên nghe mạnh mẽ hơn các lời khác. Vài ngày qua đi như giấc mộng. Ông khó mà tin được vợ mình đã chết. Vợ ông chẳng qua đang đi chơi xa với bạn bè và nay mai sẽ trở về - nhiều lần ông tự nhủ lòng như thế. Ngay cả ba hôm sau, khi ngồi trong phòng chờ, nhìn những chiếc xe tang màu đen đang đậu san sát trước nhà hỏa táng, và thân nhân người quá cố nối đuôi nhau như đang đứng trên băng chuyền để rồi bị nuốt chửng vào trong đó, ông vẫn cứ nghĩ là vợ ông chỉ đi chơi xa, rồi sẽ về. Nhìn qua khung cửa sổ phòng chờ, ông có thể thấy khói bốc ra từ ống khói lò thiêu và ông nhớ đến bầu trời u ám thường thấy ở bệnh viện. “Em chỉ đi xa,” ông Isobe nhìn làn khói bốc lên ngoài kia thì thầm, “rồi em sẽ trở về và chúng ta sẽ sống với nhau như những năm tháng cũ.” Vậy mà ông lại đang cảm ơn những người đến viếng. Một nhân viên đi vào thông báo lễ hỏa táng bắt đầu. Thế rồi, trước mắt ông, một người đàn ông trung niên, trong lễ phục nghiêm chỉnh, bật công tắc lò thiêu, âm thanh như tiếng tàu điện siêu tốc đang chạy trên cầu sắt vang lên. Cái gì đang xảy ra? Họ đang làm cái gì vậy? Đến bây giờ ông vẫn như ngây như dại chẳng biết gì cả. “Ông làm ơn cầm đôi đũa này, gắp cốt bỏ vào cái tiểu này.” Người đàn ông bận lễ phục nói bằng giọng đều đều rồi đưa ra một cái hộp lớn, màu đen. Ông không thể tin những mảnh xương rời rạc, trắng nhờ nhờ kia lại là của vợ ông được. “Cái này là cái gì vậy? Mình đang làm cái gì đây vậy?” Ông lẩm bẩm bên cạnh mẹ vợ và những người đàn bà đang khóc. “Đây không phải là cô ấy.” Ông Isobe bưng cái tiểu bọc khăn trắng cùng bà con thân thích theo nhà sư trở về nhà. Trong nhà những đồ đạc hai người đã cùng sử dụng, các đồ tế nhuyễn yêu thích của bà, vẫn đúng y như lúc vợ ông còn sống. Các bà bắt đầu đưa đồ ăn đã phân ra chén bát và bia lên phòng khách. - Sau khi làm cúng tuần bảy ngày, sẽ làm cúng tuần bốn mươi chín ngày nhỉ? - Một người bà con nào đó miệng còn đang dính bọt bia hỏi. Ông này là người đứng ra tổ chức tang lễ, nên đầu óc chỉ nghĩ đến những phần việc cần làm tiếp theo. - Kỳ cúng tuần bốn mươi chín ngày không biết rơi vào ngày thứ mấy vậy quý ông bà? - Nhằm vào ngày thứ Tư. - Tôi biết mọi người rất bận bịu nên sẽ tổ chức trong phạm vi nhỏ thôi, mong mọi người thông cảm. - Nhưng thưa thầy, - một người khác thưa chuyện với nhà sư trụ trì, - tại sao trong Phật giáo lại có nghi thức làm tuần bốn mươi chín ngày vậy thầy? Vị sư trụ trì đầu trọc lốc, tay vừa lần tràng hạt trên đầu gối, miệng vừa phấn khởi giải thích: - Như thế này này: theo Phật giáo, sau khi chết, hồn người ở trong trạng thái thân trung ấm. Thân trung ấm là trạng thái chưa thể tái sinh được, vẫn còn lẩn khuất trong cõi thế này. Và cứ mỗi bảy ngày, hồn người chết lại nhập vào cơ thể một cặp nam nữ, trở thành sinh mệnh mới và được tái sinh. Vì vậy mới có lễ cúng tuần đầu tiên. - À, thì ra là như vậy! - Đám đàn ông lần đầu nghe mấy chuyện ấy, tay vẫn cầm ly bia, đổ dồn mắt vào vị sư trụ trì. - Cứ mỗi bảy ngày ạ? - Đúng vậy, chậm đến mấy thì sau bốn mươi chín ngày người chết cũng hóa kiếp đầu thai làm con ai đó. - Ồ! - Mọi người thốt ra một tiếng không rõ là thờ phào hay thở dài, nhưng xem ra chẳng có ai tin lời thầy. - Hèn chi trong chùa người ta cứ nói đến lễ bốn mươi chín ngày. - Có ai đó trong đám lên tiếng tán thành, nhưng trong thâm tâm họ nghĩ đây chẳng qua là một kiểu làm tiền của nhà chùa mà thôi. Ngay khi đó, ông Isobe nghe tiếng vợ mình thều thào bên tai: “Em sẽ được tái sinh ở một nơi nào đó trong thế giới này... Mình nhớ đi kiếm em... tìm được em!” Trong khi ông Isobe đang ngồi thừ nhớ lại những lời đó, vị sư trụ trì đôn hậu lại gần ông, cúi đầu thi lễ: - Bần tăng đã thực hiện đầy đủ nghi lễ cho bà nhà. Bây giờ bần tăng xin vô phép. Khi mọi người đã ra về, ông Isobe mở hai cái túi du lịch ông đưa từ bệnh viện về. Hai túi đựng những thứ vợ ông đã dùng trong bệnh viện: áo khoác ngoài, áo khoác mỏng, đồ lót, một cái khăn, mỹ phẩm, đồng hồ và cả cuốn sổ tay vợ ông viết từ khi bà vào nằm viện. Cuốn sổ tay là loại sổ bìa da màu đen của ngân hàng M tặng cho khách hàng nhân dịp cuối năm để quảng cáo. Đồ quần áo của anh: - Đồ mùa đông (trong thùng gỗ hông có ghi chữ A ở trong tủ quần áo). Quần áo mùa hạ, các bộ lễ phục (trong thùng gỗ ghi chữ B). Anh nhớ chải và đưa đi giặt khi hết mỗi mùa. - Áo len cổ chui, áo len cài cúc (trong thùng gỗ ghi chữ C). - Em có dặn mẹ em thêm về chuyện này. Sổ tiết kiệm, con dấu, chứng khoán, giấy chứng nhận bất động sản và các giấy tờ khác em gửi ở nhà băng. Nếu có chuyện gì, anh cứ hỏi ông Inoue, giám đốc chi nhánh ngân hàng M và luật sư Sugimoto. Nước mắt rưng rưng, ông ngại ngần lần giở qua trang kế tiếp. Mỗi trang vợ ông đều dặn dò từng li từng tí những điều cần làm để ông không gặp khó khăn trong cuộc sống sau khi bà đã mất. Bà dặn ông nhớ tắt bếp ga trước khi đi ngủ và cả chùi bồn tắm như thế nào. Đó là những công việc mà lâu nay ông vẫn phó mặc cho vợ mình. Bà giải thích rõ ràng từng việc một. Ông nhìn vào bài vị và di ảnh của bà thờ trong phòng khách, hét lớn: - Tôi làm sao mà cáng đáng những công việc này được. Mình không thể bỏ nhà này ra đi luôn như vậy được. Mình... hãy sớm... trở về với tôi! *** Trong cuốn sổ tay, từ khoảng hai mươi ngày trước khi bà mất có cả những ghi chép nửa giống như nhật ký, nửa giống như chép những sự kiện đáng ghi nhớ. 22 tháng Giêng Trời u ám. Hôm nay lại truyền. Mạch máu nơi cánh tay giờ chi chít vết kim đâm; chỗ nào cũng có vết bầm do xuất huyết nội. Mình quay về phía cửa sổ nói chuyện với cây ngân hạnh ngoài đó: - Ông cây ơi, tôi sắp phải chết đến nơi rồi, đâu có được như ông sống tới hai trăm năm. - Lão đây, khi đông đến cũng tàn tạ nhưng khi xuân đến lại tươi xanh. - Nhưng con người... - Con người thì cũng giống như loài thảo mộc chúng tôi vậy thôi: Chết nhưng rồi sẽ tái sinh. - Tái sinh? Nhưng làm sao mà tái sinh được? Và cây trả lời là đến lúc đó thời sẽ hiểu. 25 tháng Giêng Cứ nghĩ mình chết rồi không có ai chăm sóc cho anh ấy, vốn vụng về, mình lại lo lắng khôn nguôi. 27 tháng Giêng Đau đớn cả buổi chiều. Thuốc có thể đánh lừa được cơn đau nhưng tâm trí mình rã rời vì nỗi sợ cái chết. 30 tháng Giêng Hôm nay cô tình nguyện Naruse tới. Thấy cô là người trầm tĩnh, tự chủ, mình tiết lộ cho cô biết những lo âu và bí mật thầm kín mà mình chưa dám tỏ với anh ấy. - Tôi biết là mình không còn sống được bao lâu nữa. Tôi không nói cho nhà tôi biết nhưng... Cô Naruse gật đầu. Không phủ nhận cho qua chuyện, cũng không động viên, đúng kiểu của cô ấy. - Thế cô có tin vào chuyện tái sinh không? - Tái sinh...? - Đúng là con người sau khi chết sẽ được tái sinh trên cõi thế này. Lúc đó, cô Naruse nhìn thẳng vào mình trong một tích tắc, không gật đầu. - Tôi thì lúc nào cũng có cảm giác là sẽ có ngày tôi lại được tái sinh và tái hợp với nhà tôi. Cô Naruse yên lặng, nhìn ra ngoài cửa sổ. Vẫn là cảnh quen thuộc mình đã nhìn ngày này qua ngày khác. Cây ngân hạnh già. Cô Naruse thì thầm: - Tôi không biết được chuyện đó. Rồi cô ấy cầm khay thức ăn và đi ra khỏi phòng. Nằm đây, mình có thể thấy lưng cô ấy giống như một thứ cứng đơ, lạnh lẽo. Ngày nối ngày trống vắng lạnh lùng. Để trong lòng đỡ trống trải, ông Isobe cứ rề rà trong sở, về nhà rất muộn. Ông rủ cấp dưới làm việc muộn ra phố ăn uống để cho khuây khỏa. Đau đớn là khi về nhà, nhìn thấy các đồ dùng ngày xưa của vợ. Đôi dép, chén uống nước, đôi đũa, những bút tích trên sổ chi tiêu, sổ điện thoại; mỗi khi nhìn những di vật đó, lòng ông lại nhói lên như kim chích. Đôi khi ông chợt tỉnh giấc giữa đêm. Trong bóng tối ông cứ ngỡ vợ vẫn còn nằm cạnh. - Này, này, - ông thử kêu lên. - Này, bộ mình ngủ rồi hả? Nhưng chỉ là thinh lặng đen sì, không gian tối tăm, và cô liêu vực thẳm. - Mình đi đến bao giờ mới về vậy? Chẳng lẽ mình đi mãi không về? Ông nhắm mắt lại trong bóng đêm và khuôn mặt bà cứ bềnh bồng mãi sau làn mi khép. Mình đi đâu vậy, đồ ngốc? Mình đang làm gì mà lại bỏ tôi bơ vơ như thế này cho đành, hở mình... “Em biết chắc... em sẽ được tái sinh ở một nơi nào đó trên thế giới này. Mình nhớ đi kiếm em, tìm được em.” Lời trăng trối trong mê sảng của bà cứ văng vẳng bên tai ông như thế. Nhưng ông không thể tin vào những chuyện huyền hoặc như vậy, bởi vì, cũng như nhiều người Nhật khác, ông là người vô tín ngưỡng, và cho rằng chết là hết. Chỉ có những đồ dùng hằng ngày của bà là còn tồn tại trong nhà này. - Mình có biết không... - ông nói một mình, - khi mình còn sống với tôi, cái chết đối với tôi còn như rất xa vời, nhưng cái chết mà mình đã dang rộng hai tay ngăn cản đó, từ khi mình mất, nó bỗng hiện ra trước mắt tôi đây. Điều ông có thể làm được là, cứ hai tuần một lần đến thăm nghĩa địa Aoyama, rảy cho vợ chén nước nơi tấm bia gia tộc Isobe, thay hoa, chắp tay cầu nguyện. Đó là tất cả những gì ông có thể làm được để đáp lại lời cầu khẩn của vợ ông: “Mình nhớ đi kiếm em... tìm được em!” Người cháu gái sống ở Washington gởi thư mời ông có dịp nghỉ thì sang Mỹ chơi. Vì muốn dịu đi nỗi buồn không hề nguôi ngoai dù đã cố lăn xả vào công việc, ông liền chấp nhận ngay lời mời. Hồi còn độc thân ông có sống một thời gian ở Washington. Ông lái xe của cô cháu đi đây đi đó, xem ra Washington không khác xưa lắm. Chồng của cô cháu là một nhà nghiên cứu thuộc khoa Y trường Đại học Georgetown, đưa ông đi xem tòa nhà kiến trúc theo kiểu trường đại học xưa cũ của Âu châu, và đi rảo qua khu đại học như còn nguyên vẹn từ thế kỷ thứ mười chín. Ông thấy trong phòng ăn nhà cô cháu có để cuốn sách bán chạy do nữ minh tinh điện ảnh Shirley MacLaine viết, in ảnh tác giả ở ngoài bìa. - Chà, là nữ tài tử Shirley à? Ngày xưa chú thích nữ tài tử này lắm. Cô ta cũng rất mến Nhật Bản. - Người ta đang bàn cãi về cuốn sách này nhiều lắm. - Cô cháu gái đáp lời. - Nội dung cuốn sách nói cái gì vậy? - Bà ấy tìm kiếm kiếp trước của mình. Chồng cô cháu cười mỉa: - Chà, cháu gái của chú cứ tin vào những chuyện tào lao như thế! Tủ sách của cô ấy toàn sách thể loại đó và sách New Science. Là bác sĩ y khoa, cậu ta giải thích rằng, hiện nay ở Mỹ, người ta chuộng những chuyện siêu năng lực và những trải nghiệm cận tử, đó là một kiểu hiện tượng khủng hoảng xã hội. - Chuyện gì anh ấy cũng chỉ suy nghĩ theo logic thôi, - cô cháu gái phụng phịu ra mặt, - nhưng những chuyện không lý giải được bằng logic vẫn xảy ra nhan nhản đó! - Chỉ là vẫn chưa giải thích được thôi. Rồi khoa học sẽ làm rõ tất cả. Ông Isobe nãy giờ yên lặng, bây giờ mới lên tiếng: - Nhưng, cuốn sách của nữ tài tử Shirley MacLaine này... À, nói ngay ra chú chẳng tin cái chuyện tiền kiếp đâu... nhưng nó sao lại bán chạy thế, chú quan tâm đến lý do đó hơn. Cô cháu gái cứ ngỡ chú mình tán thành lập trường của mình, nói tiếp: - Cho nên, sau chiến tranh Việt Nam, ở các đại học Hoa Kỳ, người ta bắt đầu nghiên cứu nghiêm chỉnh vấn đề này đó chú! Anh chồng lại cười nhạt: - Chỉ có mấy tâm lý gia chẳng có căn bản khoa học và các ông đạo phái New Age thôi. Cháu cũng có nghe nói là trường Đại học Virginia người ta có nghiên cứu vấn đề tiền kiếp. - Người ta có nghiên cứu mà! Hiện nay cuốn sách do học giả Stevenson thuộc Đại học Virginia bàn về đề tài này, là cuốn sách bán chạy hàng thứ ba tại tiệm sách gần nhà cháu đấy. - Cái ông Stevenson này là ai vậy? - Cháu chưa đọc cuốn sách của ông ấy, nhưng nghe nói ông ấy và cộng sự đã thu thập những câu chuyện về những đứa trẻ có ký ức về tiền kiếp trên khắp thế giới, rồi xác minh cẩn thận để thẩm định mức độ khả tín của mấy chuyện đó. Anh chồng vừa uống ly rượu pha loãng với nước vừa nhún vai khinh khỉnh. Ông Isobe xoay xoay ly nước, lời trối trăng của vợ như đang vảng vẳng trong tai ông. Liệu vợ ông có thực sự tin những chuyện tiền kiếp, hậu kiếp không? Ông cho là, vì vợ mình có phần nào ngây thơ, thích nói chuyện với cây cỏ và tin vào chuyện báo mộng, nên những câu nói mê sảng đó xuất phát tù ước vọng khẩn thiết của bà. Chỉ có điều, cứ nghĩ vậy, biết rằng ông đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống của bà, tim ông bỗng thắt lại. Ông chẳng mảy may tin vào cái chuyện kiếp sau, chuyện luân hồi. Ông, cũng giống như chồng cô cháu, chỉ mỉm cười thiểu não, gật đầu cho xong khi cô hăng hái nói về cuốn sách của nữ tài tử Shirley MacLaine nhưng trong bụng chẳng có ý tán thành. Người chồng ngáp dài, có vẻ như muốn chấm dứt câu chuyện: - Ôi, đàn bà, sao họ hảo những chuyện kiểu đó thế cơ chứ. - Thím các cháu... - Ông Isobe chỉ nói đến đó rồi dừng lại, mặc dầu không tin, ông vẫn coi lời trối trăng của vợ là điều bí mật trọng đại không thể tiết lộ cho người khác. Nó giống như báu vật bà đã để lại cho riêng ông. Ngày trở về nước, trong khi chờ đợi chuyến bay trong khu thương xá phi trường Washington, ông có thấy cuốn Out on a limb: Vất vưởng của Shirley MacLaine và cuốn Children who remember previous lives: Những đứa trẻ nhớ lại tiền kiếp của tiến sĩ Stevenson bày nghiêng trong tủ kiếng cùng với tấm bảng “Sách bán chạy”. Đây không chỉ là chuyện ngẫu nhiên, bởi vì, dù chẳng tin gì những điều kỳ lạ cô cháu nói, ông vẫn cảm thấy như có một sức vô hình, tựa như người vợ đã mất đang đẩy lưng ông, thúc ông tới gần tủ kiếng. Không cần đắn đo suy nghĩ, ông mua ngay hai cuốn sách đó. Lên máy bay, ông mở sách đọc ngay. Cô chiêu đãi viên hãng hàng không PAM trao cho ông ly nước, tình cờ thấy bìa cuốn sách của MacLaine, liền nói: - Cuốn sách ông đang đọc, rất hay. Tôi đã đọc say mê. Cháu gái ông không hề nói quá. Nhưng dẫu sao đi nữa, ông Isobe vẫn tâm đắc công trình nghiên cứu của tiến sĩ Stevenson hơn là cuốn của nữ tài tử Shirley MacLaine. Cả việc mặc dầu đưa ra nhiều kết quả điều tra thực địa nhưng tác giả vẫn thận trọng, khách quan “Mặc dù có những hiện tượng đã thực sự xảy ra như thế, nhưng không vì vậy mà chúng tôi dám khẳng định chuyện tiền kiếp là có thật” cũng toát ra vẻ đáng tin cậy. Khi đọc cuốn sách có sức thuyết phục cao như thế, ông Isobe cảm thấy dường như ông bắt đầu tin chút ít những lời trăng trối của vợ. Ông Isobe thân mến, Cảm ơn ông đã gởi cho chúng tôi lá thư đề ngày 25 tháng Năm. Chúng tôi xin trả lời hầu ông những thắc mắc của ông. Đúng là trường Đại học Virginia chúng tôi dã nghiên cứu vấn đề sự sống sau cái chết dưới sự dẫn dắt của giáo sư Stevenson từ năm 1962. Dưới sự hướng dẫn của giáo sư, chúng tôi đã tìm kiếm khắp thế giới những đứa bé dưới ba tuổi tự xưng có ký ức về tiền kiếp. Chúng tôi đã cho thu thập thông tin cụ thể như lời kể của đứa trẻ, lời chứng khách quan của cha mẹ và anh chị em chúng, và những đặc trưng cơ thể của từng trường hợp. Đây là một phần trong những nghiên cứu đã thu được kết quả ở Mỹ từ sau chiến tranh Việt Nam, nhằm làm rõ về kinh nghiệm cận tử, hiện tượng hồn lìa khỏi xác, siêu năng lực và những hiện tượng khác. Hiện nay, để trở thành đối tượng nghiên cứu của chúng tôi, các trường hợp tái sinh phải đáp ứng các điều kiện được liệt kê như sau: (1) Có khá nhiều chứng cứ xác nhận là sự thực mà không thể giải thích bằng thấu thị, thần giao cách cảm hay ghi nhớ trong tiềm thức; (2) Đương sự có những kỹ năng phức tạp, không thể học được trong hiện thế, như khả năng nói một ngoại ngữ hay chơi một nhạc cụ; (3) Đương sự có bớt ở cùng một chỗ với vết thương mà đương sự nhớ là mình đã bị trong kiếp trước; (4) Những ký ức mà đương sự nói đã xảy trong tiền kiếp không bị phai nhạt đi theo tuổi lớn, và không cần khơi gợi bằng thôi miên; (5) Đương sự được nhiều người thân và bạn bè của nhân vật trong kiếp trước công nhận là tái sinh của nhân vật đó trong suốt một thời gian dài; (6) Sự đồng nhất với nhân cách của tiền kiếp không thể giải thích là do ảnh hưởng của cha mẹ hoặc ai khác. Chúng tôi đặc biệt ưu tiên chọn các trẻ em dưới ba tuổi là vì, ở độ tuổi lớn hơn, trẻ có thể lẫn lộn vì những câu chuyện vô thưởng vô phạt của người lớn, bị ảo giác đó là ký ức của mình.) Chúng tôi phải đề ra những điều kiện nghiêm ngặt như thế, bởi vì nghiên cứu của chúng tôi là điều tra học thuật mang tính khách quan, không liên quan gì đến những điều kỳ bí, đến các thứ giáo phái bí ẩn hoặc các hình thức thông thiên thấu thị. Chúng tôi cũng xin thưa rằng hiện nay chúng tôi không dám khẳng định chắc chắn chuyện con người “tái sinh” là có thật. Chúng tôi chỉ dám phát biểu là, hiện tượng được coi là “tái sinh” xảy ra ở khắp các nước trên thế giới. Cho tới nay chủng tôi đã thu thập được một ngàn sáu trăm trường hợp “tái sinh” nhưng rất tiếc chỉ có một trường hợp đương sự tự xưng kiếp trước là người Nhật. Trường hợp đó như sau: Có một cô bé ở làng Nathul, Miến Điện, tên Ma Tin Aung Myo, sinh tháng Mười hai năm 1953, đã bắt đầu nói về tiền kiếp của mình từ khi khoảng bốn tuổi. Có một ngày kia đi dạo với cha, nhìn lên trời thấy một chiếc máy bay đang bay, cô bé tỏ vẻ kinh hãi khóc thét lên. Về sau, thấy con gái mình mỗi khi nhìn thấy máy bay lại cứ hét lên sợ hãi, ông mới hỏi cô bé cớ sự, thì cháu trả lời là vì sợ bị máy bay oanh kích. Từ đó về sau cô bé trở nên ủ rủ và cứ đòi: “Con muốn đến Nhật Bản.” Cô bé dần dần kể rằng kiếp trước cô bé sinh ở miền Bắc Nhật Bản, đã có gia đình và có con (số con có thay đổi mỗi lần nói chuyện), rằng khi đã vào quân ngũ, đóng ở Nathul, đúng lúc định nấu cơm bên cạnh đống củi, có một chiếc máy bay địch xuất hiện. Lúc ấy cô bé - nghĩa là anh lính Nhật đó - đang đứng mặc mỗi quần đùi, bụng quấn vải, máy bay địch nhào xuống quét súng liên thanh, anh lính định nấp trong đống củi nhưng bị đạn bắn trúng háng chết ngay lập tức. Đó là những gì cô bé Ma Tin Aung Myo đã kể. Sau đó cô bé còn nói rằng có cảm giác trước khi đi lính mình có một cửa hàng nhỏ ở Nhật, rồi khi ở trong lính mình là hỏa đầu quân và khi bị chết là lúc quân đội Nhật bắt đầu triệt thoái khỏi Miến Điện. Tuy nhiên không thấy cô bé kể tên của người lính Nhật, tên người nhà và địa danh trong câu chuyện. Có điều là, cô bé không thích đồ ăn Miến, chỉ thích ăn đồ ngọt và món cà ri nấu với đường thốt nốt. Cô bé cứ lặp đi lặp lại là sẽ trở về Nhật với các con; hoặc nói là khi lớn lên, cô bé sẽ đi qua Nhật. Người nhà cô bé có kể là Ma Tin Aung Myo cứ nói cái thứ tiếng gì đó mà người trong nhà hoàn toàn chẳng hiểu được. Chúng tôi không biết đó có phải là tiếng Nhật hay chỉ là tiếng con nít lau nhau. Lạ lùng hơn nữa, cô bé còn có một cải bớt ở ngay háng, nơi cháu nói là bị trúng đạn trong kiếp trước. Nếu muốn hiểu rõ hơn vấn đề này, xin ông hãy đọc thêm bản báo cáo điều tra của giáo sư Stevenson. Sau này, nếu xuất hiện trường hợp nào đối tượng nghiên cứu của chúng tôi tự xưng là người Nhật trong tiền kiếp, chúng tôi rất sẵn lòng liên lạc với ông. Trân trọng kính chào ông, John Osis Phòng nghiên cứu nhân cách Bộ môn tâm thần học Khoa Y Đại học Virginia CHƯƠNG HAI Buổi họp mặt thông báo “Dòng sông Hằng linh thiêng thanh tẩy cõi tâm, xoa dịu những khu phố chợ ồn ào, rối rắm, chen chúc người, thú. Và đây, dòng sông Ấn, nơi khai hoa nền văn hóa Ấn Độ xưa kia.” Hình đền Taj Mahal trắng như cái tách úp, hình các đạo sĩ Bà la môn với dấu son trên trán, hình các vũ công Ấn Độ đang uốn éo đôi tay đầy khêu gợi lần lượt xuất hiện trên màn hình video. Trong số hai mươi người cả đàn ông lẫn đàn bà tham dự buổi thuyết trình chuẩn bị cho chuyến thăm viếng các di tích Phật giáo ở Ấn Độ sau hai tuần nữa, có tới hơn một nửa là những người đã trọng tuổi. Tiếng ho húng hắng, tiếng ngọ nguậy khe khẽ vang lên trong khi những phong cảnh gần như giống nhau và những đền đài chẳng khác nhau lắm hiện ra trên màn ảnh nhỏ. Những đại lộ của thành phố Bombay và Calcutta đầm đìa mồ hôi và mùi hôi người; những thánh địa Phật giáo Lumbini, Kapilavastu, Bodh Gaya và Sanarth. Mitsuko không dám tin là trong chưa đầy ba tuần nữa thôi, khi mà ở Nhật Bản trời đã sang thu lạnh lẽo đìu hiu, thì chính cô chứ không phải ai khác, lại được bước đi trên vùng đất nắng ấm đó. Đèn bật sáng trở lại. Cảm thấy mùi hơi thở của mọi người hòa lẫn với không khí trong hội trường, cô liền thò tay vào túi xách lấy chiếc khăn tay. Người đàn ông ngồi phía trước, nghe thoang thoảng mùi nước hoa từ chiếc khăn tay, ngoái đầu lại phía cô, bỗng ra vẻ ngạc nhiên trông thấy. - Để cho chuyến dư lịch của chúng ta được thập phần hoàn hảo, hướng dẫn viên Enami sẽ nêu những điều quý vị cần chú ý đặc biệt trong chuyến đi. Xin quý vị nhìn vào tờ giấy trong tay mình. Người đàn ông tầm ba tư, ba lăm tuổi, đeo kiếng tròn đứng ra phía trước màn hình, cúi chào. - Tôi tên là Enami, đã từng du học ở Ấn Độ bốn năm. Trong thời gian du học tôi có dẫn khách du lịch cho chính hãng Cosmos này, cho nên, dựa trên những kinh nghiệm bản thân, tôi xin phép trình bày hầu quý khách ba điều cần lưu ý: Thứ nhất là chuyện nước nôi. Xin quý vị tuyệt đối không uống nước lã ở Ấn Độ. Xin chỉ uống nước đã nấu sôi, nước ngọt trong lon hoặc nước trái cây hộp. Có khách hàng của chúng tôi đã kêu thức uống có đá, rượu whiskey đá trong khách sạn, và đã bị đau bụng tháo dạ do đá đó. Anh ta giải thích từng mục, từng mục theo đúng nội dung in trên tờ giấy, như cách sử dụng nhà vệ sinh ở Ấn Độ cũng có những tục đặc biệt: người Ấn cho bàn tay trái là ô uế, cho nên không được đưa bàn tay trái xoa đầu con nít, không cần phải cho tiền boa, ngoại trừ được yêu cầu, và cả các biện pháp đề phòng ăn cắp, móc túi, vân vân. - Ở Ấn Độ có chế độ đẳng cấp tôn giáo gọi là Caste. Hay còn gọi là varna-jati. Chế độ đẳng cấp này rất phức tạp, tôi không thể chỉ trong vài lời đơn giản mà có thể giải thích hết được. Nhưng tôi nghĩ quý vị cũng nên biết rằng có một số người không thuộc giai cấp nào cả, dù là giai cấp thấp nhất trong hệ thống varna; người ta gọi họ là tiện dân, những kẻ không ai muốn đụng tới. Những kẻ không ai muốn đụng tới này, người đời nay vẫn gọi là Harijan, có nghĩa là “con của thần Hari”, nhưng thực ra kể từ người đời xưa đã có cảm xúc đặc biệt với hạng người này. Nếu trong chuyến đi, quý vị quan sát thấy có sự phân biệt đối xử như vậy, có lẽ quý vị sẽ không thấy thoải mái, nhưng xin hãy hiểu rằng điều đó nằm trong bối cảnh tôn giáo và lịch sử ngàn đời của Ấn. Khi trình bày những điều cần lưu ý xong, người hướng dẫn đề nghị mọi người đặt câu hỏi: - Để cho chúng ta sớm làm quen với nhau, khi đặt câu hỏi, xin quý vị cho biết luôn quý danh. Hai ba người gì đó giơ tay lên. - Tên tôi là Numata. Tôi muốn đi thăm khu bảo tồn chim hoang dã; tôi có thể lưu lại một thời gian ngắn ở Agra hoặc Bharatpur một mình được không? - Chuyến du lịch này đúng ra là chuyến đi viếng các Phật tích, nhưng nếu muốn ông có thể lưu lại một thành phố nào đó, rồi nhập lại với đoàn sau cũng được. Ông thích động vật ạ? - Vâng. - Ấn Độ cũng giống như một vườn bách thú tự nhiên. Đi đến đâu người ta cũng thấy khỉ, cầy mangut, hổ và cả rắn hổ mang nữa. Anh Enami khiến mọi người bật cười. - Có điều nếu ông muốn đặc biệt lưu lại một nơi nào đó, xin ông vui lòng ở trong một khách sạn do chúng tôi chỉ định. Và xin ông vui lòng trả thêm tiền cho chuyện ăn uống ở ngoài. - Tôi hiểu. Tiếp theo một phụ nữ hỏi về nhiệt độ ở Ấn vào thời điểm này và phải ăn mặc làm sao cho thích hợp, một người đàn ông trọng tuổi giơ tay hỏi: - Tôi muốn đến một ngôi chùa nào đó làm lễ cầu siêu có được không? - Chùa ông đề cập đến là chùa Phật giáo chứ không phải đền thờ Ấn giáo, phải không ạ? Xin lỗi, quý danh của ông là gì ạ? - Tên tôi là Kiguchi. - Vậy thưa ông Kiguchi, lễ cầu siêu ông dự tính cử hành có gì đặc biệt không? - Không, chả là trong thời chiến tranh, tôi đã mất nhiều đồng đội ở Miến Điện, tôi cũng đã chiến đấu với cả lính Ấn Độ nữa, nên tôi có ý định đến một ngôi chùa nào đó ở Ấn để cúng cầu siêu cho các chiến sĩ trận vong của cả hai bên... Mọi người bỗng yên lặng trong giây lát. - Chắc thì không chắc nhưng có lẽ tôi có thể thu xếp được chuyện này. Nhân đây, tôi cũng xin phép thưa rằng ở Ấn hiện nay, tín đồ Ấn giáo chiếm tuyệt đại đa số, thứ đến là tín đồ Hồi giáo, còn Phật giáo có thể nói là đã bị suy tàn. Theo con số chính thức thì có khoảng ba triệu Phật tử. Nhưng trên thực tế, những thiện nam tín nữ Phật giáo phần nhiều thuộc giai cấp tiện dân tôi vừa nói lúc trước. Nghĩa là những người ở tầng thấp nhất, không thuộc vào bất cứ đẳng cấp nào, cầu xin sự cứu rỗi nơi Phật giáo vì giáo lý của Phật dạy sự bình đẳng giữa người với người. Dù gì đi nữa, chế độ đẳng cấp vốn là rường cột làm nên Ấn giáo và xã hội Ấn, nên ở đất nước này Phật giáo đã bị suy yếu đi. Mọi người nghe hướng dẫn viên nói thế thì rất ngỡ ngàng. Đối với họ, những người đi Ấn Độ với mục đích chính là để viếng các Phật tích, Ấn Độ là đất nước của Phật, của Đức Thích Ca. - Như thế người theo Ấn giáo họ tin vào cái gì vậy thưa anh? - Một người phụ nữ trọng tuổi, vẻ mặt hiền lành, lên tiếng hỏi. Bà cũng đi hành hương Phật tích với chồng. - Quý danh của bà là gì ạ? - Tên tôi là Kokubo. - Xin cảm ơn bà! Ấn giáo vốn rất uyên áo, đa dạng; tôi không thể trong một vài lời giải thích hết được. Tôi nghĩ tốt nhất chúng ta nên đi xem các tượng thần của họ khi chúng ta đến Ấn. Trong Ấn giáo có nhiều thần lắm. Tôi xin mạn phép giải thích bằng trình chiếu. Hình dáng kỳ dị của một người đàn bà xuất hiện trên màn ảnh. Một chân đạp lên xác chết của một người đàn ông, một trong bốn tay của bà đưa lên quàng quanh vai, thay vì chuỗi cườm lại là một xâu đầu lâu. - Đây là hình ảnh nữ thần Kàlì thường được trang trí trong các gia đình và đền thờ ở Ấn Độ. Trong đạo Công giáo, Mẹ Maria tượng trưng cho tình mẹ hiền từ, nhưng các nữ thần Ấn Độ được gọi chung là địa mẫu thần, những vị thần đầy tình thương nhưng cũng đầy kinh hãi. Chỉ duy có nữ thần Chàmundà dường như gánh mọi khổ đau của Ấn Độ. Bằng mọi cách, tôi sẽ đưa quý khách đi thăm tượng của nữ thần này. Khi đèn trong phòng bật sáng trở lại, bà Kokubo kêu lên: - Chà, ghê quá! Làm mọi người cùng bật cười. - Thời giờ dành cho buổi hợp đã hết. Cảm ơn quý khách đã kiên nhẫn lắng nghe. - Anh Enami nói thế, rồi lại một lần nữa, đưa ngón tay đẩy cái kiếng đeo dày cộm lên vụng về cúi đầu chào mọi người. Ngay khi Mitsuko vừa đứng dậy để đi ra khỏi phòng họp, cô nghe người đàn ông ngồi ở hàng ghế trước gọi cô: - Cô Naruse phải không? - Vâng, đúng vậy! - Cô quên tôi rồi sao? Tôi là Isobe đây. Nhà tôi đã được cô chăm sóc ở bệnh viện. Tận đáy ký ức của cô hiện lên hình ảnh người đàn bà giỏi chịu đựng bị ung thư vào giai đoạn cuối và người chồng ngày nào cũng đến bệnh viện thăm. - Hồi đó, cô đã giúp đỡ nhà tôi rất nhiều. Nhưng tôi không ngờ lại gặp được cô ở đây. Ông Isobe nhìn đăm đăm Mitsuko như thể tìm kiếm nơi cô những mảnh nhớ về vợ mình, khiến cô cảm thấy nặng nề. - Hình như chúng ta sẽ đi Ấn Độ với nhau thì phải? Tôi rất mong ông giúp đỡ. Thật tình cờ, phải không ông? Khi thấy cô như muốn đổi đề tài câu chuyện, ông Isobe gật đầu, nói: - Nhưng tôi không biết cô Naruse lại thích đi viếng các Phật tích đấy. - Tôi chẳng hứng thú gì với Phật giáo đâu, - Mitsuko vừa nói vừa cười ngập ngừng. Hình ảnh những nữ thần đòi máu, đòi sinh lễ lúc nãy vẫn còn chờn vờn trong mắt cô. Cô thăm gì ở Ấn Độ, chính cô, cô cũng chẳng biết nữa. Có lẽ cô muốn chồng lên mình hình tượng của các vị nữ thần vừa thiện vừa ác, cả yêu thương lẫn tàn bạo. - Tôi cứ nghĩ là cô thích nước Pháp hơn. - Sao mà ông lại nghĩ như vậy được nhỉ? - Tôi nhớ là nhà tôi hồi đó có nói đại loại chuyện như vậy. - Tôi có đi Pháp một lần nhưng tôi chẳng thích gì Pháp cho lắm. Ông Isobe sượng sùng thinh lặng khi nghe Mitsuko nói huỵch toẹt ra như thế. Cô cũng cảm thấy mình có hơi gay gắt: - Tôi nói năng không được nhã nhặn. Thành thật xin ông thứ lỗi cho. Chắc ông qua Ấn Độ để tham quan? - Vâng, cũng có một phần... - Ông Isobe cảm thấy hơi ngại ngùng. - Tôi đi đến đó để kiếm một điều. Thực sự thì đó là một chuyến đi giống như đi kiếm của báu. - Mọi người đi Ấn Độ đều có một ý định nào đó trong lòng. Có người qua đó để xem cầm thú, nhưng cũng có người đến đó để làm lễ cầu siêu cho các chiến hữu của mình. Những chiếc lá màu vàng nâu từ hàng cây bên đường tơi bời rụng trên lối đi. Tắc xi đậu thành hàng trước lối ra. Cặp du khách Mỹ đang thích thú ngắm các món đồ chơi trưng trong tủ kiếng cửa hàng trên phố. Mitsuko cảm thấy khó chịu khi thấy ông Isobe có vẻ như còn cổ tìm cách chuyện trò với cô: - Xin thất lễ với ông. Tôi phải đi. Chúng ta sẽ gặp nhau tại phi trường Narita hôm đó. - Chúng ta sẽ tập trung vào lúc mười giờ rưỡi, phải thế không cô? - Vâng, đúng thế; trước khi khởi hành hai tiếng. Nói thế xong, cô khom người chui vào chiếc tắc xi đang chờ sẵn. Qua cửa xe, cô có thể thấy cái bóng cô đơn của ông Isobe đang lùi lại phía sau. Cái dáng vẻ cô độc muôn thuở của một người đàn ông mất vợ. Tắc xi chạy qua trường đại học mà cô đã tốt nghiệp rồi quay về phía ngã tư Yotsuya vàng lá ngô đồng. Khi xe ngừng đèn đỏ, cô thấy quán Allo Allo mà thời sinh viên cô vẫn hay lui tới, vẫn còn đó. Nó làm cô nhớ lại những ngày vui chơi thoải mái khi còn là một nữ sinh viên từ vùng Kansai quê hương lên Tokyo học. Thời gian này bạn học đặt cho cô biệt danh Moira. Thuở đó cô là một con nhỏ sinh viên ngốc nghếch, cứ có ảo tưởng rằng những ngày rong chơi với bạn học, uống rượu “trăm phần trăm” với đám bạn trai trong quán Allo Allo là “những ngày xanh” đáng sống. Tuy đám bạn bè như vậy bao quanh cô, ở một nơi nào đó khuất lánh của trái tim, cô vẫn khinh miệt họ. Từ hồi đó, cô đã muốn có một cuộc đời khác với những người bạn đồng song, những người chỉ nghĩ tới một cuộc sống bình thường trong tương lai. Nhưng vào lúc cô còn chưa nhận ra sự khác nhau của hai lối sống như thế, anh hề Pierrot đó lại xuất hiện trước mắt cô. Anh chàng Ootsu mà cô đã đùa giỡn... CHƯƠNG BA Trường hợp Mitsuko Thời gian cô theo học chuyên ngành văn học Pháp ở trường đại học, cô được các bạn bè trong nhóm ăn chơi tặng cho cái hỗn danh là “Moira”, theo tên nữ nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết Moira của Julien Green, tác phẩm dùng trong giáo trình học. Moira là cô gái đã quyến rũ anh chàng sinh viên Thanh giáo ở trọ trong nhà mình để tiêu khiển cho vui. Trường đại học cô theo học vốn là đại học của một dòng nam Công giáo, nên tuy không nhiều nhưng có một số sinh viên của trường đã được rửa tội. Các nam sinh viên bình thường khác coi những sinh viên này là những đứa quê mùa “không chơi được”, “không hợp”. Tuy không hẳn bị đối xử phân biệt nhưng cũng có người bị coi là kẻ khó chơi. Trong một buổi tiệc của các sinh viên, hai ba đứa nam sinh khóa dưới nói khích Mitsuko: - Sao bồ không nhào vô chọc anh chàng khờ Ootsu thử coi. Có khi lại hay đấy. - Anh chàng học ngành nào vậy? - Hắn học triết. Thuộc tuýp chỉ cần nhìn qua là muốn chọc rồi. Một đứa chẳng bao giờ được con gái bắt chuyện. Tui dám cá là hắn ta còn chinh. - Bộ anh chàng nhát lắm hay sao vậy? - Chính vì thế tụi này mới dám chắc là bồ thế nào cũng khoái dụ anh ta vô tròng. - Dụ làm gì chứ? - Thì bởi cái bản mặt hắn lúc nào cũng có vẻ tươi cười cứ như muốn cầu thân với tất cả mọi người. Tui bảo đảm chỉ cần nhìn mặt hắn một lần, thế nào bồ cũng muốn chọc hắn liền. Vào thời điểm này, các phong trào đấu tranh của sinh viên đã dần dần lụi tàn; phần nhiều các sinh viên bị rơi vào tình trạng tinh thần trống rỗng. Mà Mitsuko lại đang ở cái tuổi thích làm chuyện đội đá vá trời. Vì mặc cảm tự ti của một cô gái ở tỉnh lên, và ỷ vào sự chiều chuộng của cha, cô thuê cả một căn hộ sang trọng so với tiêu chuẩn của một sinh viên bình thường. Cô tụ tập bạn bè uống cô nhắc, loại rượu mà sinh viên không làm gì có tiền để mua, và lái xe hơi thể thao ào ào. Vậy mà, tâm hồn cô luôn trống rỗng. Khi nghe đám bạn bè khen cô uống rượu chì, khen xe cô ngầu, cô cảm thấy tự trong thâm tâm một cảm xúc không rõ là nỗi phẫn nộ không diễn tả được hay một nỗi cô đơn khôn thốt thành lời. - Vậy hả? Để xem tao có thích không cái đã. - Dẫu sao bồ cũng nên quyến rũ hắn ta kiểu như cái cô Moira đã quyến rũ anh chàng Joseph ấy. Dùng cái ngón chìa khóa đó... Trong cuốn tiểu thuyết Moira có cảnh cô bỏ chiếc chìa khóa phòng Joseph vào giữa khe ngực. Chàng Joseph phải chạm vào ngực cô mới lấy chìa khóa được. Đám sinh viên nam nửa đùa nửa thật bày cho cô như thế. Đó chỉ là một trong những đoạn hội thoại vô trách nhiệm của đám sinh viên năm hai đại học. Các nữ sinh uống rượu, hút thuốc và nói năng như thế vốn là chuyện thông thường trong đám sinh viên Tokyo. Nhưng sau đó cô quên béng luôn chuyện anh chàng Ootsu. Với cô, các câu chuyện đùa trong các buổi họp mặt chè chén giữa sinh viên với nhau, nghe đó rồi quên đó, chẳng mấy chốc đã tiêu tan như những chiếc kẹo bông đường mua ở hội chợ hồi còn bé mà thôi. Được khoảng chừng nửa tháng, khi Mitsuko đang ngồi bên chiếc bàn ngay giữa thư viện, vật lộn với từ điển tra những chữ trong phần kết của tiểu thuyết Moira cô phải dịch cho buổi thuyết trình trước lớp ngày mai, có ai thọc ngón tay vào lưng cô. Khi cô quay lại, hai nam sinh khóa dưới ghé mặt sát vào mặt cô, thì thầm như thể đang tiết lộ một tin tức tối mật. - Anh chàng Ootsu kìa... - Ootsu? Ootsu nào? À! Nhớ ra rồi. - Hắn ngồi gần chỗ cột đằng kia kìa. Cái anh chàng đang ghi ghi chép chép làm ra điều quan trọng đó. Những năm tháng dài đã trôi qua trong đời, nhưng hôm nay cô vẫn nhớ khuôn mặt nhìn nghiêng của Ootsu hôm đó. Thời đó các sinh viên không còn mặc đồng phục nữa, thế mà anh chàng Ootsu bầu bĩnh còn đi sắm loại áo khoác đồng phục cổ cứng quê mùa đó mà mặc. Anh ta ngồi trên ghế, áo sơ mi trắng xắn tay, trông giống như một nhân viên ngân hàng kiểu mẫu đang ngồi ở quầy đếm bạc, đếm từng tờ, từng tờ. - Tao phải chọc cái anh chàng đang ngồi gạo bài đằng kia? - Nhưng giờ thì bồ hiểu là vì sao tụi này lại muốn chọc hắn rồi chứ. Đúng là trong trường đại học, kiểu gì cũng có một số nam sinh viên cứ thôi thúc các bạn nữ chòng ghẹo. Dáng dấp quê mùa của Ootsu khiến chàng ta chính thuộc loại người như vậy. - Chắc bồ vẫn không quên lời hứa bữa họp mặt chứ? Này bồ, hắn ta chiều nào cũng đến nhà nguyện của trường cầu nguyện. - À, như vậy là hai đứa bay cứ muốn tao kéo anh chàng vào con đường tội lỗi? Để cho tao nghĩ lại xem sao cái đã. Nhưng hai tên vẫn cứ thúc sau lưng mãi, làm Mitsuko bắt bực, gay gắt mắng. Lúc này Mitsuko không muốn đụng tới Ootsu làm gì. Nhưng hai tên đã tìm ra cách khác để trêu Ootsu. Đến giờ thư viện đóng cửa, Mitsuko đứng dậy; vừa bước xuống cầu thang, cô thấy Ootsu đã đứng chỗ cửa ra vào tự lúc nào, ôm trước ngực tay nải lem luốc. - Xin lỗi cô! Tôi... là Ootsu. - Anh ta ấp úng nói với Mitsuko. - Hả? - Anh Kondo có nói là cô có điều gì đó muốn nói với tôi. Kondo chính là cậu sinh viên chỉ cho Mitsuko chỗ Ootsu ngồi lúc nãy. - Thưa anh, tôi chẳng có chuyện gì muốn nói với anh cả, - Mitsuko lạnh lùng nói. - Bọn họ giỡn anh đấy. - Giỡn tôi? Cái anh Kondo ấy á? - Ootsu gật gật. - ... Thì ra là thế. - Anh không giận à? - Tôi cũng quen rồi cô ạ! Từ nhỏ tôi đã bị chọc ghẹo hoài. Nói thế rồi, Ootsu nở nụ cười hiền lành trên khuôn mặt tròn như trăng rằm. - Tại anh trông nghiêm trang quá đấy. - Vậy sao? Tôi cứ nghĩ mình chỉ là một người bình thường như bao người khác. - Mọi người bảo anh trông cứ như ông cụ non. Lúc nhìn soi mói vào khuôn mặt của Ootsu, đột nhiên một ý nghĩ tinh quái vụt qua đầu cô. Cô đã hiểu vì sao Moira lại muốn chòng ghẹo anh chàng sinh viên Thanh giáo Joseph. - Mọi người đều nói anh như thế. - Vậy sao? - Ừ! Trước nhất, giờ còn mấy ai mặc đồng phục sinh viên như thế này vào mùa hè nữa. - Ô, xin lỗi! Chẳng qua mặc theo thói quen thôi. Tôi không cố tình mặc thế này đâu. - Này, bộ anh là người có đạo hả? - Vâng, đạo gốc, tôi có đạo từ hồi còn bé. - Anh thực lòng tin vào Chúa à? Mitsuko vô thức buột ra câu hỏi mà cô chưa hề nghĩ tới. Dù học ở đại học Công giáo này, cô không định tin vào những điều như thế và ghét những chuyện như thế. - Xin lỗi, - Ootsu nói như cậu bé mắc lỗi. - Đúng là như vậy. - Tôi chẳng bao giờ hiểu được. Anh thật không giống ai. Cô quay mặt ra phía sau, không thèm nhìn Ootsu, rồi đi xuống bậc thang. Dù nhìn ngang hay nhìn dọc, Ootsu vẫn không phải là mẫu người đàn ông làm cho các cô gái phải tò mò để ý. Nhưng tới bây giờ, nghĩ lại, cô thấy thật lạ là vì sao mình lại dính dáng tới anh chàng Ootsu đó. Nói rõ hơn, tất cả bắt đầu từ cảm xúc trẻ con, ban đầu chỉ muốn trêu ghẹo vị Chúa mà Ootsu tin chứ không phải Ootsu. Sau lần giáp mặt Ootsu trước cửa thư viện vài ngày, vào một ngày hè oi ả ngay trước khi nghỉ hè, cô đi ra khỏi tòa nhà có phòng học 109, ngồi trên chiếc ghế băng rọp bóng mát, uống nước ngọt đựng trong ly giấy với các bạn gái học chung. Cô thấy, trong đám sinh viên nam nữ đang đi qua trước mặt mình, bóng dáng Ootsu trong áo khoác đồng phục đen trông phát sốt đang rảo bước. Mitsuko nói với các bạn gái: - Anh chàng đi đằng kia, người gì mà trông quê mùa dễ sợ. - Anh chàng đằng kia đó hả? Lúc nào hắn ta cũng trong bộ dạng đó! - Các cô bạn gái đáp lời. - Nhưng tiếng sáo của hắn ta ngọt lắm à nghe. - Hắn ta biết thổi sáo hả? - Không nhớ là lúc nào nhưng anh chàng đã có lần chơi một bản Mozart trong buổi hòa nhạc ở trường. Đó là lần đầu tiên nên ai cũng ngạc nhiên. - Thật khó tin. - Ông nội của hắn là một người có tiếng tăm trong chính giới. - Thế thì tại sao hắn lại mặc bộ đồng phục quê mùa như vậy? - Thì mày đi lại mà hỏi hắn. Thời điểm khơi dậy lòng tò mò của Mitsuko đối với anh chàng Ootsu mà trước đây cô chẳng thèm đoái hoài tới, là lúc này đây. Nhưng băng chuyên môn phá phách trong ban văn học Pháp muốn chọc Ootsu vì một lý do khác. - Này, anh chàng đó có tài thổi sáo, tụi bay có biết không? Nghe Mitsuko nói thế, bọn Kondo cười ầm lên, nói: - Tụi này biết dư đi. Bồ không thấy thế là lạ sao? Chính vì hắn kỳ lạ như thế, tụi này mới nhờ bồ chọc hắn ta giùm. - Thôi dẹp đi! Hay ho gì mà chọc! - Hắn ta mỗi ngày đều đến Kultur Heim sau giờ học. - Đến Kultur Heim đó á? - Cái nguyện đường cổ kính của các cha nằm ở trong trường ấy. - Đến đó làm gì? - Cầu nguyện chứ còn làm gì nữa. Thì ra là vậy. Anh chàng này là như thế đó. Ootsu là người đàn ông thuộc về một thế giới mà Mitsuko, tự bản năng, cảm thấy rất ghét. - Này Naruse, bồ thích hay ghét kiểu người đó? - Ghét! Mất đi các mục tiêu của phong trào sinh viên đã dẫn dắt các bậc đàn anh bốn năm năm về trước, giờ họ phải tìm cái gì đó để phá phách, hầu che giấu sự trống rỗng của tâm hồn. Và họ vẫn biết rằng, dù có phá phách cách gì đi nữa, cô đơn vẫn cứ chồng chất cô đơn. Nói tiếng “ghét”, cảm xúc của Mitsuko một nửa là thật, một nửa là nói dối. Mitsuko mơ hồ thấy anh chàng Ootsu có lối sống không giống với các sinh viên khác, đồng thời cảm thấy anh ta còn có vẻ kênh kiệu, giả hình. Chính vì vậy, Mitsuko mới “ghét”. Nhằm tìm hiểu xem những lời đồn đãi về Ootsu thực hư như thế nào, Mitsuko, nửa đùa nửa thật, đề nghị với bọn Kondo là, sau khi tan học, cô và họ sẽ đi đến Kultur Heim gần tòa nhà các linh mục của trường sổng để thăm dò xem sao. Kultur Heim là một trong những tòa nhà cũ, yên tĩnh nhất của trường, dã tường vi phủ tới một nửa tường, tầng trệt có một sổ phòng dùng làm nơi hội họp và tầng hai được dùng làm nhà nguyện. Mitsuko vẫn còn nhớ là mỗi lần có ai đi lên, cầu thang cứ kêu cọt kẹt. Hồi mới nhập học, cô và các bạn gái đã được đưa đi xem qua nguyện đường, tiếng cọt kẹt đó vẫn còn in trong trí cô. Hồi đó, cô thấy một linh mục ngoại quốc đang quỳ gối, bàn tay đặt lên trán cầu nguyện. Vào giờ tan học, nguyện đường đẫm ánh nắng chói chang hắt vào từ khu vườn mùa hạ tốt tươi cây cỏ. Chẳng thấy một bóng người trong nguyện đường thanh vắng. Có tiếng chuông đồng hồ văng vẳng xa xa. Tiếng chuông khiến cô mơ hồ liên tưởng tới trường đại học ở miền Nam nước Mỹ trong tác phẩm Moira. - Đâu có chàng ta ở đây đâu. - Mitsuko cằn nhằn. - Toàn chuyện tào lao. - Thì nghe người ta đồn đãi sao thì nói lại cho bồ nghe vậy thôi. Thế mà đã cáu rồi. Bọn Kondo vốn biết tính của Mitsuko, nhưng nghe cô nặng lời như thế, chúng vẫn thấy nhợn. Phần Mitsuko, cô ngạc nhiên thấy mình khi không lại hăng hái đi làm chuyện trời ơi đất hỡi như vậy. - Thân nam nhi mà lại đến đây quỳ gối cầu nguyện, nghe mà muốn mửa. - Mitsuko nói như ói ra từng chữ. Cả bọn im lặng như thể đang cố đoán tâm trạng của Mitsuko. Khoảng năm, sáu phút sau, có tiếng chân lên cầu thang cọt kẹt. “Tiếng chân của Ootsu chứ ai vào đây,” trực giác mách bảo cô như vậy. Ánh mắt cả bọn đổ dồn vào Ootsu, đứng trước cửa nhà nguyện, trông như một linh hồn được bao bọc trong ánh sáng. - A. - Anh chàng tròn xoe mắt, cười ngượng ngập. - Các bạn mà cũng đến đây sao? - Anh Ootsu. - Giọng Mitsuko trở ngọt ngào, khác hẳn với lúc nãy. - Bộ mỗi ngày anh vẫn đến đây cầu nguyện hả anh Ootsu? - Xin lỗi. Đúng vậy. Còn các bạn đến đây để làm gì vậy? - Thì đến để mời anh đi dự buổi họp mặt của tụi này cho vui. Anh biết quán Allo Allo nằm ở ngã tư Yotsuya chứ? - Nó nằm ở phía sau nhà xuất bản Trung ương chỗ góc đường phải không? - Anh có thích đến đó chơi với tụi này không? - Thích, nhưng tôi đến đó, chỉ làm cho các bạn mất vui. - Ootsu bối rối nói. - Tôi chẳng quen đi chơi, nên... - Anh đừng ngại gì cả. Mà đi hay không, nói cho một tiếng. - Xin lỗi. Tôi sẽ đến. Khi Mitsuko ra khỏi nguyện đường, đồng hồ ở tầng dưới cũng vừa gõ năm tiếng. Bọn sinh viên bao quanh cô lao xao, không ngờ lại xuôi xắn ngon lành như vậy. - Hắn ta đến thật không nhỉ? - Anh chàng sẽ đến mà. Nhưng bọn mày không được trêu anh ta đâu đấy, mình phải phục rượu cho say. - Tụi này hiểu rồi. Xin tuân lệnh! Quán Allo Allo, nơi họp mặt của các sinh viên trong băng Mitsuko, mở tận tới khuya và cứ đến đây là Mitsuko bao tới cả một nửa tiền nhậu nên bọn Kondo thích lắm. Nhưng nửa tiếng rồi một giờ trôi qua, vẫn chưa thấy bóng dáng Ootsu đâu cả. - Hắn ta chẩu rồi! - Cả nhóm vừa chắt lưỡi vừa nhìn tới nhìn lui phía cửa ra vào. - Không sao đâu, anh chàng sẽ đến mà. - Không biết sao Mitsuko lại nói chắc như đinh đóng cột. Cô nhớ tới vẻ mặt cùng nụ cười hiền lành của Ootsu khi cô mời đến quán, khi anh ta hứa “Tôi sẽ đến”. Đồng thời cô linh cảm, Ootsu, giống như anh chàng Joseph, rồi cũng sẽ rơi vào chiếc bẫy của số mạng: Moira. Mitsuko vừa cả quyết như thế xong, thì cửa quán kêu cọt kẹt giống như cầu thang ở Kultur Heim. Ootsu, một tay xách tay nải, từ phía sau cánh cửa thấp, ngập ngừng ló khuôn mặt hiền lành vào. Kondo chụp ngay ly rượu, trao cho Ootsu: - Phạt một ly đến muộn! Trăm phần trăm! Phạt một ly đến muộn! Trăm phần trăm nè! - Tôi không uống được đâu. - Đâu có nói vậy được. Bồ phải uống với tụi này. Trong khi mọi người hò hét “Trăm phần trăm! Trăm phần trăm!”, Ootsu hổn hển nốc một hơi cạn ly rượu màu hổ phách. Mọi người nhìn nhau sửng sốt khi thấy anh chàng uống kiểu đó. - Cô Naruse cũng phải bồi tiếp chứ. - Ootsu đưa ly rượu Ấn cần mời Mitsuko. - Đàn bà con gái uống khoảng nửa ly cũng được. - Tại sao lại nửa ly? Sao anh coi thường đàn bà con gái quá vậy!? Rót đầy tới mép cho tui. Mitsuko, bị chạm tự ái, giằng lấy ly rượu, hô: “Trăm phần trăm! Trăm phần trăm!” và trút rượu cay như xé vào họng. Bỗng dưng, cái cảm giác hư vô lạnh lẽo cả châu thân như từ đáy tâm can trồi lên. Mình bày trò nghịch phá như thế này để tìm gì vậy, bị mọi người xúi bẩy đùa giỡn với Ootsu, liệu đây có phải là cuộc đời mình không. Để kìm nén cảm xúc chán nản, Mitsuko nốc cạn ly rượu, rồi khích Ootsu: - Dzô một ly nữa đi anh bạn. Ootsu lắc đầu: - Thôi! Xin lỗi. Lỗi tại tôi. - Tại sao? Anh có lỗi gì? - Mitsuko cướp lời. - Anh bạn nói năng gì mà lạ vậy? - Tôi xin đầu hàng! Xin lỗi! - Xin lỗi, xin lỗi hoài! Làm mất hứng. Mitsuko tức giận với chính mình, với chính cảm giác hư vô đã tràn về tâm tư. Có lẽ Ootsu chưa từng bị hư vô vây bủa. - Anh Ootsu, có đúng là anh đến Kultur Heim cầu nguyện mỗi ngày không? Ootsu lấp lửng: - Xin lỗi. Ờ thì.... - Anh có thực tâm? - Xin lỗi! - Và Ootsu làm mọi người sửng sốt. - Tin hay không tin, tôi cũng không chắc lắm. - Không chắc mà ngày nào cũng đến nhà nguyện quỳ gối? - Chẳng qua vì thói quen có từ lâu. Gia đình tôi ai cũng vậy. Người mẹ đã qua đời của tôi là một tín hữu rất ngoan đạo nên có lẽ đó là do gắn bó với bà... Tôi không biết phải giải thích thế nào. - Vì thói quen? Thế thì bỏ quách đi cho rồi. - ………… Mitsuko nhìn Ootsu như cám dỗ: - Tôi sẽ làm cho anh bỏ được. Ai đó trong bọn Kondo xì xầm: “Đến lúc Moira lộ diện rồi!” Mitsuko bấy giờ mới nhớ đến. Cả Moira lẫn Evà. Evà đã cám dỗ Adong, làm cho Chúa đuổi loài người vĩnh viễn không còn được ở trong vườn địa đàng. Trong mọi người đàn bà, đều có một sức mạnh hủy diệt bản thân. - Uống nữa đi. - Ừ, - Ootsu ngoan ngoãn ưng thuận, đưa ly lên miệng uống tiếp. Mitsuko biết anh ta chỉ đang tỏ ra nghe lời cô để bầu không khí bớt tẻ nhạt mà thôi. Hiểu vậy nên Mitsuko càng tức cành hông. - Bỏ đức Chúa của anh đi. Tôi sẽ bắt anh uống cho đến khi anh hứa với tụi này là sẽ bỏ. Chịu bỏ đạo rồi, anh sẽ được thôi vụ uống. Đối với đám sinh viên thì đây chẳng qua chỉ là một trò đùa nghịch vô hại. Chỉ có Mitsuko mới thấy rõ là những lời nói nửa đùa nửa thật của cô đang gây chấn động nghiêm trọng trong tâm hồn Ootsu. - Anh chọn thế nào: uống hay từ bỏ? - Tôi xin uống. Ootsu mặt đỏ kè tới cả mang tai. Chắc chắn anh ta là người có thể trạng không uống được rượu. Mitsuko bất giác nhớ tới chuyện quan lại bắt các Kitô hữu phải giẫm lên fumie trong thời bắt đạo[1]. Khi buộc một tín hữu phải từ bỏ Đức Chúa Trời mà anh ta kính tin như vậy, không hiểu các quan lại cảm thấy khoái trá đến mức nào. Tuy Ootsu vừa uống vừa thở hào hển nhưng cũng uống được một phần ba ly. Rồi đột nhiên, anh ta vùng dậy, bổ nhào vào nhà cầu. Bọn sinh viên, cảm thấy không thích thú gì chuyện chọc phá nữa, liền xin Mitsuko: - Thôi, bồ làm ơn làm phước cho hắn đi! Hắn sắp mửa đến nơi rồi. Nếu còn bắt uống nữa, hắn ta gục mất. - Tào lao không à. - Mitsuko lắc đầu bướng bỉnh không chịu. - Bắt anh chàng uống cho tới khi chịu bỏ đạo mới thôi. - Người gì đâu mà ác! - Thì chính tụi bay bảo tao phải đóng vai Moira mà, không phải vậy sao? - Ờ thì đúng rồi nhưng có điều... chơi hơi quá đáng... Cuối cùng Ootsu mặt xanh như tàu lá đi ra, một tay cầm chiếc khăn mùi soa trắng rẻ tiền lau miệng, một tay vịn vào tường. - Cho tôi xin miếng nước! - Anh ta năn nỉ. - Tôi vừa nôn xong. - Chẳng có nước nôi gì ở đây cả; làm ơn uống rượu giùm. Nếu không, phải giữ lời đã hứa lúc nãy. Ootsu ngước mắt, cay đắng nhìn Mitsuko đang đứng khoanh tay dựa vào cột với cái nhìn của một con chó đang van xin chủ. Điều đó càng thôi thúc sự tàn nhẫn trong Mitsuko. - Nhưng... - Ootsu than. - Nhưng... mà nhưng cái gì mới được chứ? - Dù tôi có bỏ Chúa đi nữa thì... Ngài vẫn không bỏ tôi. Mitsuko kinh ngạc, nhìn chằm chằm vào khuôn mặt như gần khóc đến nơi của Ootsu. Anh ta lại bưng miệng, lảo đảo bước vào nhà vệ sinh. - Ô! Hóa ra hắn ta không uống được à!? - Bọn Kondo lầm bầm như để đỡ mặc cảm tội lỗi. Dù Ootsu có cố gắng, bầu không khí vui chơi đã bắt đầu nhạt dần. Mitsuko đứng dậy, nói: - Thôi đi về. Chán bỏ mẹ. Nhưng cô đã hiểu rằng gã đàn ông vụng về vừa lao vào nhà vệ sinh là kiểu người cô chưa từng gặp cho đến lúc này. *** Về sau mỗi khi chợt nghĩ lại thời kỳ này, cô không muốn nhớ thêm nữa. Cô đâm ghét chính cái bản thân mình. Làm thân con gái ở tỉnh, năm đầu chân ướt chân ráo lên học đại học ở Tokyo, cô đã cố phô trương. Cô cảm thấy ghét và đồng thời cũng cảm thấy mình như đang vướng vào một sợi dây bí ẩn. Cô cảm thấy sợi dây vô hình đó đã buộc cô vào với Ootsu. Dẫu rằng không thể có chuyện đó được. Băng Mitsuko kéo nhau đi, bỏ mặc Ootsu đang nôn trong nhà vệ sinh như bỏ lại một miếng giẻ rách. Hôm sau, trước khi đến trường, cô chẳng mảy may nhớ gì về Ootsu, nhưng khi thấy anh chàng đang ngồi chán nản trên ghế băng cạnh hội quán sinh viên, cô chợt nhớ lại sự lạnh lùng của mình đêm qua. - Anh Ootsu. Cả lúc này, anh ta cũng ngước nhìn Mitsuko với đôi mắt đau khổ của một con chó hoang đang bị sa xuống hố. Một chút ân hận nhói lên trong tim cô. - Xin anh bỏ qua chuyện hôm qua cho. Tôi đâu ngờ anh lại uống yếu thế. - Xin lỗi. Cô đã tử tế mời tôi nhưng... - Không ngờ Ootsu lại xin lỗi. - Tôi thì xưa nay vẫn vậy đó. Cố gắng hòa đồng với mọi người nhưng rồi chẳng đi đến đâu, chỉ làm cho mọi người mất vui. Cô cảm thấy vừa thương hại vừa khinh bỉ cái con người hiền lành nơi Ootsu. Cô sà xuống ngồi gần, và để nhìn cho rõ mắt anh ta, cô ghé mặt sát lại, nói thầm: - Tôi có cách giúp anh kết bạn đấy. - Vâng. - Dễ thôi. Này nhé, đừng mặc chỉ cái bộ đồng phục vải len. Mỗi chiều đừng đến Kultur Heim quỳ gối cầu nguyện. Có lẽ bà mẹ của anh tin đạo nhưng anh không việc gì mà phải tin cái thứ đó cả. - Cái thứ đó...? - Tuy chỉ là đàn bà con gái nhưng tôi biết Karl Marx nói gì về tôn giáo. Tôi còn rõ cả chuyện Kitô giáo Tây phương mượn tiếng đi truyền giáo để chiếm đoạt nhiều đất đai, lại còn tàn sát cả dân địa phương. Thế mà anh cứ mù quáng tin vào cái thứ đó, cho nên các sinh viên khác mới lạnh nhạt với anh. Điều quan trọng là chính anh cũng chẳng dám chắc. - Tôi không dám chắc. Nhưng tôi cũng chẳng bạo gan suy nghĩ một cách lý trí như cô. Tôi được giáo dục trong môi trường như thế từ hồi còn bé. Đột nhiên, Mitsuko cảm thấy chán, cô không hiểu tại sao mình lại ngồi chung với anh chàng cù lần này. Ngồi bên cạnh một anh chàng mà mình chẳng hề quan tâm... - Bắt đầu từ ngày hôm nay anh đừng đi đến Kultur Heim nữa. Có thế tôi mới cho anh làm một trong số bạn trai của tôi... Để xua đi nỗi chán chường, cô buột miệng nói ra cái ý nghĩ đang bềnh bồng như bọt biển trong tâm tưởng. Và khi nói ra điều đó, cô cảm thấy chuyện Moira quyến rũ anh chàng sinh viên Joseph nghiêm nghị kia cũng giống như chính cô bây giờ, chỉ là một hành vi trốn chạy khỏi cảm giác hư vô. - Rõ rồi chứ. Từ hôm nay trở đi, - Mitsuko làm như tình cờ ép sát đùi mình vào đùi Ootsu, - anh đừng có đi cầu nguyện nữa. Niềm vui tước đoạt khỏi một người đàn ông điều anh ta tin tưởng. Khoái lạc được giày vò cuộc đời của một người đàn ông. Cô thích thú nhìn Ootsu đang cố gắng ghìm những biểu lộ tình cảm xuống. Rồi cô phóng nhanh đến giảng đường. Cả trong các giờ học buổi sáng và buổi chiều, cô cứ cười tủm với cái ý tưởng đang bồng bềnh trong trí. Buổi chiều, trong ánh nắng oi ả, vừa nghe vị linh mục người Pháp giọng nằng nặng giảng về văn chương Pháp thế kỷ mười bảy, cô vừa chuyện trò với ông Chúa mà cô chẳng hề tin. Giống như đứa bé chuyện trò với người bạn tưởng tượng của nó vậy. - Này Chúa, tôi sẽ cướp người đó ra khỏi tay Chúa. Ý tưởng này đã cứu cô khỏi cảm thấy cái tẻ nhạt của buổi học. Cuối cùng, khi vị linh mục già tóc trắng ôm chồng sách giáo khoa đi ra khỏi lớp, cô phóng ngay đến Kultur Heim với cảm giác tò mò lẫn hy vọng đang dấy lên trong lòng. Tòa nhà cổ chằng chịt cây dây leo, mùi ẩm và mùi sơn nghe thoang thoảng. Chiếc cầu thang cũ kỹ lên tầng hai lại kêu cọt kẹt như hôm nọ. Chẳng có ai trong nguyện đường. Cô ngồi xuống trên một chiếc ghế khuất lánh, đứng từ lối ra vào khó mà thấy được, quyết tâm đợi ở đó hai mươi phút. Cô biết là cứ mười lăm phút, chiếc đồng hồ lớn ở dưới chân cầu thang lại điểm tiếng chuông trang trọng báo thời khắc. Những tập thánh ca, sách kinh và Kinh Thánh đã cũ nằm rải rác trên ghế nhà nguyện. Mitsuko vừa ngáp vừa nhặt cuốn Kinh Thánh khổ lớn, đọc: ... Ngài không duyên dáng, không oai vệ;
Ngài bị khinh khi, và là đồ phế bỏ của người đời,
con người đớn đau và những ốm o xo bại,
như một kẻ có gặp chúng tôi thì lo giấu mặt,
bị khinh khi, và chúng tôi đã chẳng thèm đếm xỉa.
Trái lại, chính các bệnh tật của chúng tôi, Ngài đã mang, chính các đau khổ của chúng tôi, Ngài đã vác.[2] Mitsuko che miệng lại ngáp. Lời lẽ gì mà chán phè! Những lời lẽ thiếu cảm xúc như thế này không hiểu tại sao anh chàng Ootsu lại đi đọc, đi tin cho được. Cùng lúc ấy cô nhớ tới những lời Ootsu tự chê trách mình: “Tôi thì xưa nay vẫn vậy đó. Cố gắng hòa đồng với mọi người nhưng rồi chẳng đi đến đâu, chỉ làm cho mọi người mất vui.” Không hiểu Ootsu đã đọc trang Kinh Thánh này chưa nhỉ. Cầu thang lại kêu cót két như báo cho biết có ai đó đang đi lên. Không phải Ootsu mà là cha linh mục của trường trong chiếc áo chùng trắng mùa hạ. Không để ý gì đến Mitsuko, cha đi lại phía bàn thờ, quỳ gối, chắp tay. Cô ngắm nhìn tư thế đó một lúc, ngỡ như mình đang nhìn một dị nhân từ hành tinh khác tới. Nhìn ông cố hoài cũng chán, cô quay sang nói chuyện với người đàn ông trần truồng gầy gò bị treo trên thập tự giá phía bên phải bàn thờ. - Anh ta đâu có đến. Anh ta đã bỏ ông rồi, thấy chưa? Cô nói chuyện với người đàn ông xấu xí mà cô chẳng hề tin, và rồi nghe thấy tiếng chuông đồng hồ ở tầng dưới vang lên báo mười lăm phút đã trôi qua. Cô đứng dậy rời khỏi nhà nguyện. Vừa mở cánh cửa Kultur Heim vắng vẻ, tĩnh lặng, đột nhiên tiếng các sinh viên câu lạc bộ nhạc đang dợt nhạc, tiếng các nhóm thể thao la hét, ào vào tai cô như đạt thủy triều đang lên. Và rồi, cô thấy Ootsu, chồng sách để trên gối, ngồi ủ rũ trên chiếc ghế băng lúc trước. - Anh Ootsu. - Mitsuko reo lên như người yêu thấy người yêu ở chỗ hẹn hò. - Như vậy anh đã giữ lời hứa với tôi phải không? - Phải! - Ootsu ngước mặt lên, nở một nụ cười gượng gạo, khổ sở. - Nhưng... - Phần tôi, tôi cũng giữ lời hứa với anh. Tôi nhận anh làm một trong những bạn trai của tôi. Chúng ta đi thôi. - Đi... đâu? - Đến phòng trọ của tôi. Mitsuko nhìn Ootsu với cái nhìn tàn bạo của một người nhìn con mồi mình vừa săn được. Gã đàn ông bảo sao nghe vậy, gã đàn ông từ bỏ cả Chúa vì mình, anh ta là kẻ như thế nên cô càng muốn, càng muốn chọc ghẹo. Cô giật một cuốn sách đang nằm trên đầu gối Ootsu, thì ra là sách của học giả Nakamu Hajime. - Ái chà, anh đọc loại sách này hả? Ootsu từ từ đứng dậy khỏi ghế, líu ríu đi theo Mitsuko. - Bộ anh không đi nhanh lên một chút được sao. Anh mà cũng quan tâm đến Phật giáo à? - Không phải vậy đâu. Chẳng qua vì giáo sư Bell dạy môn triết bảo chúng tôi phải viết một bài luận về cuốn sách này. - À, giáo sư Bell, cái ông cha hay tọa thiền phải không. Nhưng lối suy nghĩ kiểu Âu châu đã thành sạn trong đầu ông ta rồi cơ mà. Cái ông cố này mà cũng bảo anh làm điều đó à? - Ừ! - Tôi ghét cái kiểu đó. Các linh mục ở đây miệng thì ra chiều hiểu biết về Phật giáo và Thần đạo nhưng lại cho rằng Kitô giáo của phương Tây là tôn giáo duy nhất. Từ hồi vào đại học đến giờ cô vẫn hay nói như thế với các sinh viên đàng hoàng. Đó là cách đám bạn của cô gọi những sinh viên không làm lễ rửa tội dù vào học ở trường đại học Kitô giáo này. - Cô nghĩ vậy à? Cũng có thể là như thế nhỉ. - Ootsu rụt rè đáp lại một cách mơ hồ, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn lại đàng sau. Mitsuko thấy anh chàng như đang vô thức tìm kiếm cái gì đó. Vẻ ngập ngừng hiện lên trong mắt, Ootsu hỏi: - Bộ chỉ một mình tôi thôi hả? Chỉ mình tôi đến phòng cô Naruse à? - Đúng vậy. Hôm nay, không có Kondo và Tanabe đâu. Mitsuko muốn nói với Ootsu, bây giờ anh đã trở thành bạn trai của tôi rồi, nhưng cô ghìm lại. Câu đó hãy để dành dùng khi trêu chọc anh ta sau này. Anh là con mồi đã rơi sập bẫy của tôi. Cô mở khóa căn hộ nằm ở khu phố hai, Koujimachi, hối: - Vào đi. Gì mà đứng xớ rớ ra đó? Cởi giày ra đi. - Cô vừa nói vừa đẩy nhẹ Ootsu. Ootsu lí nhí: - Xin lỗi. - Y chang như anh chàng Joseph. - Ai cơ? - Một sinh viên trong tiểu thuyết Moira của Julien Green. Anh ta cũng giống như anh ấy, quê một cục, đứng trước đàn bà con gái là cứ run bắn lên. - Thì tại sợ quá mà! Đây là lần đầu. - Cuối cùng anh chàng Joseph đó cũng bị cô nàng Moira quyến rũ. - …… Ootsu liếc nhìn đăm đăm Mitsuko. vẻ mặt anh ta hoàn toàn khác với anh chàng Ootsu lúc nào cũng cố gượng cười. Chàng ta lại lí nhí trong cổ họng: - Thế... sau đó anh chàng Joseph đó thế nào? Lúc này, lần đầu tiên Mitsuko nhớ lại thật sống động đoạn kết cuốn tiểu thuyết của Green: 0 Joseph đã giết Moira, người quyến rũ mình. Trời chẳng phú cho anh chàng Ootsu này cái gan làm thế. Cô biết dư đi và cô cảm thấy thích thú. Im lặng được một lúc. - Thật không? Ootsu nhướn mắt lên nhìn như dò xét Mitsuko. Rốt cuộc, đàn ông ai cũng như ai. Mitsuko nhận ra, cô đã hy vọng thấy nơi Ootsu có gì đó khác với các sinh viên khác. Một cá tính nam nhi khác người: Mơ cây xanh, nước biếc, mơ lửa rực trời, mơ sa mạc trắng. Cô lấy trong tủ lạnh ra một lon bia và trao cho Ootsu. Khi trao, cô giả bộ như muốn ngã. Nhưng anh ta chỉ đỡ Mitsuko, chẳng làm gì hơn. “Cái đồ nhát như thỏ đế,” cô nói. Vừa nghe Mitsuko nói như thế, Ootsu vồ lấy thân thể cô, như thể vừa bùng vỡ lần đầu tiên dục vọng bị dồn nén trong bao năm tháng dài. Hơi thở anh ta có mùi cà ri ở nhà ăn sinh viên. Lúc này, Mitsuko cảm thấy một sức mạnh vô hình đang thôi thúc cô xé nát chính bản thân mình. - Khoan đã! - Mitsuko đưa cả hai tay đẩy Ootsu ra. - Cho tôi đi tắm cái đã. Lúc này, sự chán ghét và cái khoái cảm muốn tự dìm mình xuống bùn đang hỗn độn trong cô. Mùi cơ thể đẫm mồ hôi, hơi thở nặng mùi cà ri, bàn tay vụng về lần đầu chạm vào bầu ngực thiếu nữ. Mitsuko, từ hồi lên đại học đến nay đã từng thân mật với một số nam sinh viên khác, lạnh lùng nhìn Ootsu hành sự. Cô vừa nhìn cái đầu của Ootsu lay nhay lên xuống trên vú cô vừa nói: - Anh cù lần thấy mồ đi. - Xin lỗi. Cô cảm thấy bực bội nhưng ý thức được sự nguội lạnh tự trong thâm tâm mình. Khác với những cô gái khác, cô không hề cảm thấy khoái lạc với bất cứ người đàn ông nào. Nghe đâu đó trong tòa nhà có tiếng chương trình truyền hình trực tiếp một trận bóng chày. Mitsuko chịu cho Ootsu vuốt ve nhưng không cho phép nút lưỡi hoặc giao cấu. Sau đó, cô cố tình hỏi vặn anh ta: - Chủ nhật này có đi lễ không vậy? - …… - Anh không đi chứ? - Ừ, không đi. Cô nhắm mắt chịu đựng cặp môi của Ootsu rà trên ngực mình. Một cảm giác hư vô như cái rét đột ngột tháng Ba chấp chới trong cô. Trong làn mi khép của cô, lại hiện lên thật sống động cái thân thể trần truồng xấu xí treo cạnh bàn thờ nhà nguyện Kultur Heim. Cô nói với người đàn ông xương xẩu đó: “Ông bất lực rồi. Tôi thắng ông rồi. Anh chàng đó đã bỏ ông. Anh chàng bỏ ông và đi đến phòng tôi.” “Anh chàng đó đã bỏ ông...” - Cô nói thầm trong lòng như thế, và đột nhiên, cô nghĩ, chính cô, một ngày nào đó cũng sẽ bỏ Ootsu. Ngay bây giờ đây, cô đã biết. Biết rằng cái khoái cảm mà cô cảm thấy được từ Ootsu hoàn toàn không phải do xác thịt mang lại, mà là do anh ta đã từ bỏ người đó. Cảm giác thỏa mãn sẽ ào qua rồi biến mất giống như con nước ròng. Vào cái khoảnh khắc hơi thở của con mồi trở nên yếu ớt, cái khoái cảm săn được mồi trong Mitsuko cũng trở nên lạnh lạt, rồi tắt hẳn. “Sau khi bỏ anh chàng, mình phải làm sao để xoa dịu anh chàng đây?” Trong giây lát cô như thấy khuôn mặt Ootsu đang hoảng hốt, đang khóc lóc. Ootsu có lẽ không coi chuyện này chỉ là một đam mê thoáng qua, là một trò chơi qua đường như các sinh viên đồng trang lứa, mà đây là khát vọng yêu đương lần đầu của một kẻ rất nghiêm túc. Nhân vật chính Joseph trong truyện Moira, lúc đó, đã giận điên lên, và siết cổ đến chết cô gái rủ quyến mình vào con đường xấu xa. - Thôi ngừng lại. Tôi không thích nữa. Trời đã hoàng hôn, Mitsuko trở nên chán nản. Cô đẩy cái thân thể Ootsu lúc này đang còn nằm ép sát vào lòng mình. Hoàng hôn tịch liêu, tiếng xe gắn máy và tiếng huyên náo lúc náy còn nghe thấy giờ đã chuyển sang tĩnh lặng. Có tiếng thiếu nữ hát bên khung cửa. Em lắc cây mơ, em rung cây mộng Cô liêu một cõi, đứng giữa đồng xanh. Câu hát làm cô nhớ tới thời thơ ấu đã mất từ lâu. - Thôi, về đi. - Tôi... có làm điều gì không phải? - Tôi mệt rồi. Ootsu không hề phản đối. Khi thấy Ootsu đang quay lưng thiểu não mặc quần áo vào, cô tự nhiên cảm thấy thương hại và thấy cần phải nói một lời tử tế với anh ta: - Anh đã quyết định chọn đề tài nào cho bài luận tốt nghiệp chưa? - Rồi. Trường phái triết học kinh viện hiện đại. - Cái gì vậy? Cái mà anh vừa nói đó. Cô đâm phì cười cho cái đề bài đầy chữ nghĩa thánh hiền phát ra từ miệng một anh chàng, chỉ vừa mới đây thôi, đã vồ vập vú cô như một đứa con nít. - Chắc lại cũng ông giáo sư Bell hướng dẫn chứ gì? - Xin lỗi. Giáo sư Bell nói rằng nếu không biết ít nhiều về triết học kinh viện, thì không thể nào hiểu được Âu châu. - Cái thứ đó chẳng phải là di sản báu giá gì đâu. Mấy ông cha dùng nó như một vũ khí để bảo vệ cho chính cái tôn giáo mốc xì của mấy ổng. Tôi không rõ lắm nhưng có lẽ ở Nhật Bản này chẳng có ai nghiên cứu ba cái đồ cũ rích đó mà làm gì. - Giáo sư Bell bảo tôi làm vì chẳng có mấy người Nhật hiểu Âu châu. - Lạ quá ha. Sao lại bảo một anh chàng đang đến phòng con gái viết về triết học Kitô giáo cơ chứ. Ba ngày Chủ nhật tựa mùi sung vữa tiếp tục trôi qua như thế. Mitsuko vừa nhìn cái đầu của Ootsu đang cử động vừa nghĩ tới chuyện khác. Trong khi Ootsu mê mải chúi xuống vú mình, cô lại chăm chú nhìn lên tấm lịch tháng treo trong phòng. Phải đi một đâu đó. Phải đi kiếm cho ra một cái gì. Một cái gì đó có cội có nguồn đích thực. Cô muốn nắm lấy cuộc đời. Tấm lịch chụp các danh lam thắng cảnh Nhật Bản không biết tự lúc nào đã được giở sang tờ tháng Mười hai với phong cảnh mùa đông vùng Đông Bắc tuyết trắng. - Kỳ nghỉ đông này hay là đi Bangkok chơi nhỉ? Cô không nói với Ootsu đang vục mặt vào bầu ngực mơn mởn mà nói với chính mình. - Hả? - Ootsu ngóc đầu lên hỏi, trán đẫm mồ hôi, nước bọt lem nhem quanh miệng trông thật dơ dáng. - Kỳ nghỉ đông này anh ở đâu? Ootsu giương đôi mắt đỏ ngầu thấp thoáng nụ cười hiền lành: - Tôi nghỉ đông ở Tokyo vì gia đình tôi ở Tokyo. - Anh không đi trượt tuyết à? - Thần kinh vận động của tôi không được nhạy bén cho lắm cho nên tôi trượt tuyết rất loạng quạng. Còn cô? - Tôi đang suy nghĩ nên đi Bangkok hay đi đảo Guam. - Đi một mình? - Bộ anh đùa hay sao chớ? Bọn Kondo nói là sẽ đi cùng. - Đi với mấy người trong nhóm Kondo? Mitsuko cảm thấy thích thú khi nhìn cái vẻ nhăn nhó khổ sở hiện ra trên mặt Ootsu. Có tiếng hát của cô gái nhỏ hát bên khung cửa sổ như buổi hoàng hôn ngày đầu tiên Ootsu tới đây. Tiếng hát vẳng vào tai cô, và cô cảm thấy đã đến lúc bỏ Ootsuu. - Tôi không được đi cùng Kondo à? - Cô thích Kondo à? - Tôi không phải là vật sở hữu của ai cả. Không phải của Kondo, cũng không phải của anh. - Cô đã làm tình với Kondo chưa? - Làm mạnh đi chớ! - Mitsuko trả lời một cách khiêu khích. - Chúng ta đâu còn là học sinh trung học nữa đâu. - Vậy... - Ootsu kinh hãi gặng hỏi. - Cô không yêu tôi ư? - Đừng có giở cái giọng con nít. Anh thì cũng sung sướng đã đời rồi còn gì. Tôi muốn chấm dứt chuyện này. Ootsu nhẫn nhục nhìn Mitsuko như dò hỏi: - Tôi... định... một ngày gần đây, sẽ giới thiệu cô Naruse với cha và anh tôi. - Cha!? A, quả là người có đạo có khác. - Nhưng cha tôi rất thương tôi. Tôi nghĩ là cha cũng sẽ hiểu cho việc cô Naruse. - Này anh Ootsu, nghe đây: Tôi không hề có ý định kết hôn với anh. Không chỉ riêng anh mà những người tôi đang có quan hệ đều như vậy. - Mitsuko ngồi dậy tuyên bố rành rọt. - Nhưng mà cô đã bảo tôi là bạn trai của cô... - Đúng, tôi có nói với anh như vậy nhưng không lẽ tôi phải kết hôn với tất cả bạn trai hay sao? - Sao mà ác độc quá vậy! - Ootsu kêu lên, trong tiếng kêu có chứa đựng sự phẫn nộ khác thường. - Tôi sẽ giết cô. - Sao không giết đi. Anh chàng Joseph giận quá đã siết cổ người tình. Nhưng Mitsuko biết tỏng là Ootsu làm gì có cái can đảm đó. - Đi về đi. - Mitsuko lạnh lùng nói. - Anh làm tôi muốn lộn mửa. Ootsu im lặng cúi đầu. Em lắc cây mơ, em rung cây mộng Cô liêu một cõi, đứng giữa đồng xanh. Tiếng hát thiếu nữ bên song cửa vang lên bài đồng dao quen thuộc. Đôi má bầu bĩnh hiền lành của Ootsu méo xệch. Thế rồi, anh ta quay lưng lại, khe khẽ đeo giày, ren rén mở cửa, và biến mất. Vài ngày sau, thư năn nỉ của Ootsu gởi tới. Mitsuko đọc qua và vất ngay vào giỏ rác. Điện thoại reo, nhưng cứ nghe thấy tiếng là cô bỏ ống nghe xuống. Ở trường, thấy Ootsu đang đứng chờ sẵn, cô chào: “Hôm nay anh thế nào?” như không có chuyện gì xảy ra rồi cùng đám bạn đi qua. Mitsuko kết hôn với một người rất bình thường, đến nỗi các bạn học cũ phải kinh ngạc. “Chơi và kết hôn là hai chuyện hoàn toàn khác nhau,” cô vẫn hay nói như thế, nhưng khi các bạn trong băng được cô mời đến dự tiệc cưới ở khách sạn Okura, thấy cô đứng chào khách bên tấm bình phong mạ vàng, cạnh chú rể biết qua mai mối, cha mẹ hai bên và bà mai, chúng nó xì xầm với nhau: “Con nhỏ cừ thật”, “Dám chú rể cứ nghĩ là cô nàng còn chinh à nghe!” Người chồng cô chọn qua mai mối này là con trai của một nhà thầu chuyên xây dựng cao ốc ở Tokyo, chỉ mới hai mươi tám tuổi mà đã có chân trong hội đồng quản trị. Cho nên, sau buổi lễ, có mặt trong buổi tiếp tân thứ hai ở quầy rượu khách sạn toàn là con cái của các chính trị gia và các nhà kinh doanh tăm tiếng. Đề tài chuyện trò của họ xoay quanh đánh golf, các loại xe thể thao vừa mới ra lò, và các sự kiện của Thanh thương hội Nhật Bản. Và cô thấy, giữa đám bạn đó, chồng mình hào hứng khác hẳn với trong thời gian đính hôn ngắn ngủi của họ. Mitsuko đi bên cạnh chồng, giả vờ lắng nghe và mỉm cười cho có lệ. Ngay sau khi đính hôn, Mitsuko đã nhận ra rằng nhận thức của cô quá khác với người đàn ông sẽ trở thành chồng mình. Hồi đầu, cô có rủ anh cùng đi xem triển lãm tranh in của họa sĩ Roualt và đi nghe dàn nhạc thính phòng thành Vienna trình tấu, nhưng chẳng mấy chốc cô hiểu ra là anh chỉ vì chiều cô mà đi. “Đi chỉ vô ích thôi! Anh đâu có hiểu gì hội họa mấy đâu mà đi!” Khi hai người đi xem vở ba lê của Morishita Youko, anh ta cứ tỉnh bơ dựa vào cô đánh giấc, lại còn ngáy khe khẽ nữa. Nhưng điểm đáng quý của người đàn ông này là ở chỗ dám nói thẳng, và chính điểm này lại làm cho cô nhớ tới anh chàng Ootsu. “Mình sẽ kết hôn với người này,” khi đó cô đã nghiêm túc nghĩ vậy, “chẳng qua là vì muốn triệt hẳn cái thôi thúc ích kỷ của mình.” Khi bước chân vào trường đời, cô đã nhận ra cái thôi thúc muốn dìm mình xuống bùn đen chạy suốt cơ thể mình trong thời còn đi học là một điều ngu xuẩn. Một thứ gì đó có sức phá hoại đang âm ỉ trong lòng Mitsuko. Và cô muốn triệt đi trước khi nó ra hình ra dạng, như dùng giẻ lau xóa những dòng chữ viết trên tấm bảng đen. Cô thành tâm mong muốn kết hôn với một người đàn ông chẳng thích, cũng chẳng quan tâm gì đến những điều kích thích cái xung năng phá hoại trong cô - nhạc kịch Wagner, tranh của Redon - và tự chôn mình giữa những người đàn ông đàn bà giống như chồng cô. - Này bồ, bồ cũng nên bán cái Benz của bồ cho rồi! - Các bạn hữu cứ lải nhải với chồng cô như thế trong bữa tiệc thứ hai. - Bây giờ chỉ có Yakuza mới lái loại xe đó! Thiếu gì các kiểu xe xịn khác sản xuất trong nước. Một người bạn làm trong công ty bán xe hơi nói thế rồi đưa mắt về phía Mitsuko. - Chị cũng nên đến lái thử một lần các kiểu xe mới của hãng chúng tôi. - Tôi chẳng biết gì về xe cộ cả. - À, nhưng mà này, - bỗng anh ta như nhớ ra điều gì đó, - chị Mitsuko có biết một người tên là Ootsu không? - Vâng, có một anh tên Ootsu học chung đại học với tôi. - Mitsuko vẫn tỉnh bơ trả lời. - Nếu là Ootsu này thì... - Chị tôi kết hôn với ông anh của anh ta. Chính chị tôi nói là anh chàng em chồng của chị mê mẩn cô sinh viên có tên là Naruse. - Thật thế ạ? Nhưng dẫu gì đi nữa chúng tôi không học cùng khoa. Lúc này, cũng thế, mặt vẫn không biến sắc, cô chọc cười mọi người: - Thế mà tôi chẳng hề nhận ra. Nếu nhận ra, tôi đã chẳng lấy cái anh Yano này mà làm gì. Người chồng, trước mặt bạn bè, cười ra vẻ đau khổ nhưng cũng tỏ ra đắc ý về câu nói đùa của vợ. - Giờ thì chịu rồi. - Người bạn kia đáp lại câu đùa. - Anh chàng Ootsu đó đã vào một thần học viện ở Lyon, Pháp rồi. Anh ta sẽ làm linh mục. Có tiếng ai đó góp chuyện: - Làm linh mục? Làm linh mục thì cả đời không được qua lại với đàn bà con gái, phải giữ mình đồng chinh nhỉ? Mitsuko cúi đầu, cầm lấy ly sâm banh trên bàn đưa lên môi. Ootsu đã nhập thần học viện! Và sẽ trở thành linh mục. Cái anh chàng đã từng nép vào ngực cô, đầu cứ lay nhay trên vú cô như đứa trẻ. Cô nốc ly rượu cạn một hơi, như những ngày xưa. - Chà, chì quá ta! - Bạn bè của Yano kinh ngạc reo lên. - Ngầu lắm, ngầu lắm! Đến tôi cũng phải chịu thua đấy. Cô ấy có thể uống see bốn ly martini liền mà vẫn tỉnh queo. Yano nói vẻ tự mãn. - Cha tôi là một người uống rượu như hũ chìm mà. Cố tránh né góp chuyện về Ootsu, nhưng cô vẫn nhớ tới Kultur Heim xế chiều hôm đó: ngôi nguyện đường với người linh mục tóc trắng như sương trong chiếc áo dòng trắng, tiếng chuông đồng hồ vang lên từ tầng dưới, lời cô nói với người đàn ông gầy yếu hư hao treo trên thập tự giá cạnh bàn thờ: “Này Chúa, tôi sẽ cướp người đó ra khỏi tay Chúa.” Người đàn ông ốm yếu, hai cánh tay dang ra đó đã giành lại anh ta hồi nào vậy kìa? Nhưng, mình vẫn là kẻ thắng cuộc, vì Chúa chẳng qua chỉ tham lam lượm lại gã đàn ông mà mình đã vất bỏ. Chồng cô, vẫn chẳng biết những gì đang diễn biến trong tâm tư cô, cứ tiếp tục chuyện trò về chiếc Cruiser của một người bạn. Mitsuko vừa nhìn khuôn mặt nghiêng của chồng, vừa hình dung ra cuộc sống của cô với anh ấy. “Cũng được. Mình sống âm thầm với cái người đơn sơ, vui vẻ này thì cũng không đến nỗi tệ lắm,” cô thầm nghĩ. Mitsuko đã chọn chỉ đi hưởng tuần trăng mật ở Pháp. Yano muốn đến bờ biển Tây nước Mỹ, nơi anh đã đến nhiều lần nhưng đành phải chiều theo ý vợ. Anh ta chẳng vừa ý chút nào, bèn nói gỡ gạc: - Chỉ đi Pháp thôi sao? Tại sao không nhân thể đi xem Luân Đôn, Roma và Thụy Sĩ luôn? - Em chỉ muốn tham quan kỹ nước Pháp. Em đã từ lâu ước ao đi thăm cho được Pháp. Khách sạn mà cô đã đặt phòng ở Paris, nằm gần sông Seine, là khách sạn Intercontinental kiểu Mỹ mà chồng cô thích. Tuy nhiên, nếu được hoàn toàn theo ý riêng, cô chỉ muốn chọn một khách sạn nhỏ, kiểu xưa có phong cách Pháp; nhưng ở điểm này, cô nhượng bộ chồng. Vì khách sạn nằm gần quảng trường Concorde, nên có thể đi bộ đến thăm nhà thờ Thánh nữ Madeleine, viện bảo tàng trường phái Ấn tượng và bảo tàng Louvre. Nhưng mặc dầu đã chuẩn bị sẵn tinh thần, ngay hôm sau khi đến Paris, đã có mòi thất vọng. Dù Mitsuko phấn khởi giải thích: - Quảng trường này thời xưa là quảng trường Cách mạng. Vào thời Cách mạng, vua Louis thứ mười sáu và hoàng hậu Marie-Antoinette bị lên máy chém ở đây. Thì người chồng cũng chỉ gật đầu chiếu lệ “Vậy hả?”, xem ra chẳng quan tâm gì lắm tới Cách mạng Pháp cũng như hoàng hậu Marie Antoinette. Trước khi đi Pháp, những kiến thức đủ để rong chơi phố xá Paris thu lượm từ đám bạn của anh là: đi xem sô cabaret ở Lido, mua cà vạt hiệu Sulka, trèo lên tháp Eiffel, vào các quán rượu chanson ở khu Montmartre. Khi đến bảo tàng viện Louvre, anh mở cuốn cẩm nang Paris bằng tiếng Nhật ra, và trong khi vừa hối hả đi xem các danh tác mà bất cứ du khách nào đến bảo tàng cũng phải xem, anh vừa nói: - A há, Mona Lisa là như vậy! Khi Mitsuko thấy chồng gật gù như thế, cô đâm nhớ tới một cảnh y như vậy trong tác phẩm mà cô dùng để làm luận văn tốt nghiệp. Đó là tác phẩm Thérèse Desqueyroux của nhà văn Francois Mauriac, người đã từng đoạt giải Nobel văn chương. Nhân vật chính là Thérèse, con của một địa chủ ở Landes, gần Bordeaux, kết hôn với Bernard, con trai của một địa chủ khác trong vùng. Bernard tốt nghiệp Đại học Paris khoa Luật - một điều hiếm có ở cái vùng thôn dã quê mùa này. Gia đình anh cũng là dân Công giáo như gia đình cô, cho nên phải nói rằng Bernard là một chú rể hoàn toàn môn đăng hộ đối. Nhưng sau khi đám cưới được cử hành trang trọng theo tập tục ở quê nhà, hai người lên Paris hưởng tuần trăng mật, Thérèse bắt đầu cảm thấy chán chồng mình, như Mitsuko. Bernard không phải là một người đàn ông xấu. Anh là con người suy nghĩ bình thường, phải nói là quá sức tuân thủ lối tư duy phổ biến. Một người với tâm lý luôn giữ mình không làm trái với đạo đức và luân lý thông thường, cứ sợ đi trật ra khỏi những lề thói của đời thường và chỉ lo sao cho được sống một cuộc đời phẳng lặng. Chính vì sống cạnh một người đàn ông có cuộc đời bằng phẳng như thế, Thérèse luôn cảm thấy mệt mỏi không rõ lý do. Nhà văn Mauriac đã lạnh lùng đến độ tàn nhẫn miêu tả phong cách của Bernard. Ông đã vẽ một cách chi tiết cảnh hai người, trong tuần trăng mật, đi thăm viện bảo tàng nghệ thuật Louvre như thế nào. Bernard vừa mở cuốn cẩm nang Michelin vừa chạy như ma đuổi từ phòng này tới phòng khác, chỉ xem mỗi các bức danh họa mà ai khi du lịch Paris cũng phải xem cho được. Bức Mona Lisa cũng là một trong số đó. - Rộng thật đấy! Mệt quá. Anh chẳng rành chuyện tranh với ảnh. Yano bỏ dỏ cuộc đi xem tranh và nói sẽ chờ vợ ở quán giải khát trong viện bảo tàng. Khi còn một mình, Mitsuko thậm chí còn cảm thấy hân hoan như vừa mới được cởi trói. Hình ảnh của Bernard và chồng cô, của Thérèse và cô, bất giác cứ hòa vào với nhau trong trí cô. Khi nhớ rằng mình đã không lựa Moira mà lại chọn Thérèse Desqueyroux làm đề tài luận văn tốt nghiệp, cô thậm chí cảm thấy đây như một điềm báo đáng sợ. Hôm đi thăm viện bảo tàng, cô mua cuốn Thérèse Desqueyroux, ấn bản của nhà xuất bản Grasset mà cô hằng ước ao, tại một hiệu sách trong Palais-Royal gần khách sạn. Cô nhớ lại những ngày còn học đại học, phải vật lộn với từ điển để đọc bản gốc của cuốn sách được viết bằng thứ tiếng Pháp khó hơn cả cuốn Moira. Hồi đó, sau khi cắt đứt với Ootsu, cảm thấy mình đã hành động ngu xuẩn, cô dốc toàn lực vào chuyện học. Vừa nhìn chồng nằm bên cạnh mình đã ngủ lăn lóc, cô vừa đọc lại đoạn tả đêm tân hôn của Thérèse. Bernard đòi hỏi thân xác của Thérèse như một con heo cứ đưa mõm lùng sục chỗ này đến chỗ khác trong chuồng vậy. Cả chồng cô, cả anh chàng Ootsu cũng đều một tuồng như thế. - Em chưa ngủ sao? - Yano trở mình, mắt nhắm mắt mở nhìn sang vợ. - Thôi đừng đọc sách nữa. Làm ơn ngủ đi. - Vâng. Cái anh chàng Ootsu sắp làm linh mục. Và bây giờ đang ở Lyon, Pháp quốc. Người con trai mà cô đã bỏ, nay cái ông gầy yếu hư hao kia lại nhặt lên, giống như một đứa bé nhặt lên con chó con bị rớt xuống rãnh, rên ư ử, mình mẩy lấm lem. Hôm sau khi đang ngồi ăn sáng trong khách sạn, người chồng than phiền: - Anh ngán Paris quá rồi. Gì mà ngày nào cũng đi xem tranh với kịch. - Chắc có lẽ anh thích đi xem mấy cái sô ở Lido, Montmartre chứ gì? - Ừ, đã mang tiếng đi Paris thì cũng phải có gì khi trở về mà kể cho bạn bè nghe chứ. - Chuyện khó xử đây. Anh biết, em là đàn bà con gái, em chẳng cảm thấy thú vị gì khi đến những nơi ấy. Không biết có ai ở đây có thể hướng dẫn anh đến những nơi vui chơi đó không? - Có đấy. Đối tác của công ty có văn phòng đại diện ở Paris. - Thế thì anh nhờ bên ấy đưa anh đi. Em không chấp lách gì đâu. - Mitsuko bỏ tách cà phê xuống nói tiếp. - Đổi lại, em cũng tính đi xem một nơi khác một mình trong bốn, năm ngày mới trở lại, trong thời gian này anh cứ tự nhiên đi du hí ở những nơi anh thích. - Em đi một mình đến một nơi, mà nơi đó là nơi nào vậy? - Đó là một vùng đất mà từ ngày xưa đi học em đã muốn đi thăm rồi. Anh cũng thấy đến khách sạn này, ban đêm em hay nằm đọc lại cuốn tiểu thuyết lúc ra trường em đã dùng làm đề tài cho luận văn tốt nghiệp.