🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bão Lửa U23 – Thường Châu Tuyết Trắng
Ebooks
Nhóm Zalo
Mục lục
Lời cảm ơn
Lời giới thiệu
Phần một: U23 - HỌ LÀ AI?
HAGL: TỪ NHỮNG CÁI KHOANH TAY CHÀO... NHỮNG CẦU THỦ CHÂN TRẦN
BÙI TIẾN DŨNG
MỘT THẾ HỆ KIM CƯƠNG
MỘT THẾ HỆ KIM CƯƠNG
U23 VIỆT NAM
VINH QUANG VÀ NHỮNG NGƯỜI THẦY
VINH QUANG VÀ NHỮNG NGƯỜI THẦY
ÔNG PARK HANG SEO
CÓ MỘT HLV PARK HANG SEO RẤT KHÁC
HÀNH TRÌNH BÃO TÁP
HÀNH TRÌNH BÃO TÁP
Phần hai: HIỆU ỨNG U23 - CẢM XÚC VỠ ÒA SAU NHỮNG CHIẾN CÔNG LỪNG LẪY
XIN LỖI NGƯỜI HÂM MỘ
U23 VIỆT NAM
LỬA VẪN CHÁY TRONG TIM
THƯ GỬI CÁC CỔ ĐỘNG VIÊN
TRẬN CHUNG KẾT TRONG MƠ
KHOẢNH KHẮC CỦA GIẢI ĐẤU
U23 VIỆT NAM - ĐÃ QUÁ QUẢ CẢM RỒI
U23 VIỆT NAM - ĐÃ QUÁ QUẢ CẢM RỒI
SẼ DỐI LÒNG NẾU KHÔNG THỪA NHẬN...
SẼ RẤT BUỒN NẾU...
ĐOẢN KHÚC SỐ 171
NOTE
HIỆU ỨNG DIỆU KỲ
TÔI NGHĨ NHIỀU VỀ NHỮNG HIỆU ỨNG KHÁC PHẢI RỒI, KHÔNG ĐƠN THUẦN...
HÃY CÙNG TÔI
KHÔNG KHÍ ĐÓN CHÀO
MẠNH MẼ LÚC THẤT BẠI
ẤN TƯỢNG ĐẸP VỀ U23
BÁO CHÍ NƯỚC NGOÀI
Phần ba: NHỮNG BÀI HỌC VÔ GIÁ TỪ SỰ KIỆN U23 VIỆT NAM CÓ MỘT BÍ MẬT
BẦU ĐỨC: "CHIẾN CÔNG CỦA U23 VIỆT NAM..." TỪ CÂU CHUYỆN U23: TUỔI TRẺ LÀ NHỮNG ƯỚC MƠ...
BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ LỜI NHẮC NHỞ VỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO
NHỮNG BÀI HỌC LỚN
CÔNG THỨC, BÀI HỌC NÀO ĐỂ TIẾP TỤC...
NHỮNG "LÙM XÙM"
BÀI HỌC GIÁO DỤC TỪ U23 VIỆT NAM
TỪ KỲ TÍCH U23 VIỆT NAM
U23 VÀ LỜI NHẮC NHỞ
ĐỂ KỲ TÍCH KHÔNG SỚM NỞ TỐI TÀN
THƯ
ĐỂ KỲ TÍCH U23 VIỆT NAM KHÔNG "SỚM NỞ TỐI TÀN" SAU CHIẾN CÔNG CỦA U23 VIỆT NAM
LỜI CẢM ƠN
Cuốn sách được Ban Dự án Bão Lửa của Sống – Thương hiệu sách Tác giả Việt của Alpha Books thực hiện để tri ân tập thể cán bộ, cầu thủ U23 Việt Nam – những anh hùng trên sân cỏ, HLV Park Hang Seo cùng các thành viên Ban huấn luyện, các ông bầu Đoàn Nguyên Đức, Đỗ Quang Hiển… những người đã tâm huyết gây dựng, tận lực cống hiến cho thắng lợi vang dội của bóng đá Việt Nam trong Vòng chung kết U23 châu Á 2018.
Xin trân trọng cảm ơn báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Dân trí, VnExpress, VietNamNet, Kênh 14, Zing, các tác giả – các cây bút thể thao Trương Anh Ngọc, Phạm Trung Tuyến, Hoàng Linh, Phan Đăng, Võ Văn Thành, Thịnh Joey, Quốc Việt, Lan Phương, Vũ Hoàng, Nguyên Khôi, Vũ Song Toàn, Hồng Ngọc, Vũ Lê, Hoài Nam, Nguyễn Sóng Hiền, Hoài Thu, Trần Tuấn, Bảo Nhi, Minh Nhân, Phan Tuấn Anh, Phùng Thị Ngọc Linh, Cao Xuân Nhật, Khánh Trang; các phóng viên ảnh Phạm Tuấn Hữu, Nguyễn Khánh; các nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Thiều, Chu Văn Sơn; Tiến sĩ Toán học Đinh Hoàng Anh, Tiến sĩ Trần Vinh Dự; Trợ lý Ngôn ngữ của HLV Park Hang Seo – Lê Huy Khoa, ông Nguyễn Cảnh Bình,… cùng các đồng nghiệp đã giúp chúng tôi thực hiện cuốn sách này.
Mặc dù đã rất cố gắng nhưng cuốn sách sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, vì vậy chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của bạn đọc, tác giả để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung khi tái bản.
Chúng tôi chân thành cảm ơn!
Lời giới thiệu
Đối với không ít người Việt, đấy là một khoảng thời gian tuyệt vời chưa từng có. Trong vòng hai tuần, họ đã sống qua không biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc khi chứng kiến những chàng trai trẻ của đội tuyển U23 vượt qua mọi trở ngại để đi đến trận cuối cùng của một giải đấu trẻ cấp châu lục, để rồi chỉ chịu thua đúng vào phút cuối cùng của hiệp phụ. Sự tiếc nuối là vô bờ bến, bởi nhiều người tin rằng, nếu đứng vững đến hết 120 phút, bước vào loạt luân lưu, các chàng trai của chúng ta sẽ lại chiến thắng, bằng lòng quả cảm, bằng niềm tin sắt đá, như họ đã làm hai trận trước đó ở tứ kết và bán kết.
Điều đó không xảy ra. U23 Việt Nam chỉ đoạt ngôi á quân, nhưng trong lòng của hàng triệu người hâm mộ, họ đã vô địch. Màn chào đón họ trở về Tổ quốc ở Hà Nội, với những con đường tắt nghẽn người đợi xe bus chở họ đi qua trong gió lạnh của một ngày mùa đông, và rồi sự yêu mến của người hâm mộ cả nước trong những buổi vinh danh sau đó ở các địa phương, sẽ mãi mãi là một kỷ niệm đẹp đối với nhiều người và bản thân các cầu thủ, và là minh chứng cho thấy, những gì các cầu thủ trẻ đã làm trong giải đấu ấy quá tuyệt vời. Tôi đã bật cười khi được một hãng tin nước ngoài đặt câu hỏi, tại sao người Việt Nam lại ăn mừng một đội tuyển trẻ như là vừa đoạt chức vô địch World Cup như thế. Đơn giản là họ không hiểu rằng, đối với một quốc gia gần 100 triệu dân mà đội tuyển quốc gia quanh năm chỉ biết 'vẫy vùng' thành tích ở khu vực Đông Nam Á, với niềm vui lớn nhất là vượt qua Thái Lan, thì niềm hạnh phúc lớn lao chính là thấy những đội tuyển của họ chiến thắng ở những giải đấu cấp châu lục, dù là ở lứa nào.
Lứa cầu thủ dưới 23 tuổi ấy đã tạo ra một chiến công thực sự ngoài tưởng tượng và kỳ vọng, bằng sự mạnh mẽ, quả cảm, ý chí quyết thắng, đã kết nối mọi người lại, vực dậy trong họ tình yêu bóng đá đã nguội lạnh, để rồi tạo ra một không khí theo kiểu World Cup trên đất nước Việt Nam. Và còn một điều nữa mà tôi giải thích thêm cho một phóng viên người Trung Quốc, rằng người hâm mộ phát cuồng vì các cầu thủ không chỉ vì những điều trên, mà còn vì sau bao năm sống trong cảm giác thất vọng vì rất nhiều thất bại trong quá khứ, thậm chí từng trải qua những đau đớn vì bị phản bội, khi đã xảy ra nhiều trường hợp tuyển thủ quốc gia bán độ. Người phóng viên này cũng nói với tôi rằng, ở nước của anh, thành công của U23 Việt Nam được đưa ra mổ xẻ, thậm chí tranh cãi quyết liệt. Anh viết, nhiều người Trung Quốc sợ rằng, "rồi đây, cứ theo đà này, thì chỉ trong vài năm nữa, bóng đá Việt Nam sẽ vượt mặt Trung Quốc", và rằng, "báo chí Trung Quốc đã nói về việc cần
phải học bóng đá trẻ Việt Nam".
Sự bất ngờ và rồi thán phục của những người nước ngoài với hiện tượng ăn mừng của chúng ta trước sự kiện U23 cũng là điều dễ hiểu. Sự bất ngờ và thán phục của chính chúng ta với những gì mà U23 đã làm cũng dễ hiểu, nhưng theo một chiều rất khác. Đấy là chúng ta khâm phục những chàng trai ấy, bởi họ thể hiện một diện mạo khác hẳn về mọi mặt với những đội tuyển trước kia chúng ta từng chứng kiến, và những chiến thắng trên loạt luân lưu 11m là những nét đẹp đẽ trên bức tranh hoành tráng được vẽ ra chỉ trong hai tuần. Đương nhiên, không một quốc gia đam mê bóng đá nào lại chỉ biết hài lòng với thành tích của một hoặc nhiều đội tuyển ở lứa trẻ. Cái đích lớn của phát triển bóng đá các quốc gia luôn phải là đội tuyển quốc gia và xa hơn nữa, là hướng đến World Cup. Nói thế để hiểu rằng, con đường phía trước của nền bóng đá chúng ta còn dài và chông gai lắm. Ngủ quên trên thành công, có thể cho là hiện tượng, của một lứa trẻ là sai lầm nghiêm trọng. Và phải chăng, vì cảm nhận được những gì đã xảy ra khó có thể hoặc rất lâu nữa mới lặp lại, mà chúng ta đổ ra đường ăn mừng và háo hức như thể World Cup đang được đăng trên chính nước mình? Phải vui hết mình, vì biết rằng, không biết đến bao giờ mới lại hạnh phúc đến thế!
Đã có rất nhiều những bài báo viết về chiến công của đội tuyển U23 trong quãng thời gian ngắn ngủi ấy. Nhưng cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay đây khác hẳn với những gì đã được viết ra, đơn giản vì nó không chỉ cô đọng lại từng khoảnh khắc của những trận đấu đã qua, mà còn cung cấp những cái nhìn rất sâu về từng khía cạnh của những nguyên nhân và chân dung những con người đã làm nên chiến thắng, những khó khăn đã trải qua, những rắc rối gặp phải trên đường vào chung kết, nhưng cũng không quên nhắc đến con đường tiếp theo của bóng đá Việt Nam sau thành công này. Tập hợp được nhiều cây bút thể thao có tiếng thực ra cũng đã là thành công của những người biên tập, trong một cuốn sách rất đáng đọc vào lúc này, khi những dư âm của chiến công U23 vẫn còn, nhưng cũng là để ngẫm ngợi sâu hơn về nhiều điều liên quan đến họ nói riêng và cả nền bóng đá Việt Nam nói chung.
Mà nền bóng đá ấy, mang tiếng là đã lên chuyên, vẫn giống như một công trường ngổn ngang gạch đá, còn rất nhiều điều phải suy nghĩ, bàn bạc và thực hiện sao cho thực sự chuyên nghiệp. Ngay cả việc hành xử thế nào sau một thành công, để nó không chỉ là một hiện tượng nhất thời, cũng đã cho thấy chúng ta chuyên nghiệp ở mức độ nào rồi...
- TRƯƠNG ANH NGỌC -
Phần một: U23 - HỌ LÀ AI?
BÀI HỌC LÀM NGƯỜI...
BÀI HỌC TRƯỚC HẾT Ở CÁC LÒ ĐÀO TẠO CẦU THỦ: HỌC LÀM NGƯỜI
- Lan Phương - Quốc Việt -
Cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam không chỉ thi đấu thành công ở giải U23 châu Á mà còn có phong thái đĩnh đạc, cách hành xử văn minh. Đó là thành quả của quá trình chăm sóc, học hành từ các lò đào tạo trẻ nổi tiếng của bóng đá Việt Nam.
Việc đội trưởng U23 Việt Nam Lương Xuân Trường tự tin đối thoại trôi chảy bằng tiếng Anh hơn 1 tiếng đồng hồ trong chương trình Talk Việt Nam (VTV4) đã gây ấn tượng mạnh với người hâm mộ.
NGUYÊN TẮC 2 CHỮ T
Nói về việc thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp của cầu thủ từ lò Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), bầu Đức chỉ cười , vì từ hơn chục năm trước, với tầm nhìn táo bạo của mình, ông đã hướng tới điều đó, bất chấp nhiều người cho là ông 'nổ' hay 'gàn'. Ông đã chọn Arsenal vì tư duy chơi bóng kỹ thuật, thông minh. Qua giới thiệu của 'Giáo sư' Arsene Wenger, ông đã hợp tác với 'lò' JMG nổi danh vì có những triết lý phù hợp với bóng đá Việt Nam cũng như triết lý trồng người: Trước hết phải là những công dân tốt, có ích, sau mới là cầu thủ.
Nguyên tắc trồng người của HAGL dựa trên 2 chữ T là 'Tôn trọng' và 'Tiến bộ'. Thứ nhất, học viên phải tôn trọng tất cả các yếu tố của bóng đá, trò chơi, người chơi, trọng tài, luật lệ và quy định... Điều này được quy chuẩn bằng văn bản và nội quy, hướng các cầu thủ trẻ từ những ngày đầu bước vào Trung tâm Hàm Rồng phải theo khuôn phép của luật lệ. Sau đó là phát triển nhân cách, để cho mỗi cá nhân cống hiến sức mạnh, nghị lực và khả năng của bản thân cho đồng đội, cho câu lạc bộ (CLB) của mình. Đó là lý do vì sao những Công Phượng, Xuân Trường... luôn biết vượt qua thị phi để các cầu thủ trẻ noi theo.
Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo các cầu thủ trẻ đôi khi cũng có những khó khăn, bởi ở độ tuổi đó họ thường bốc đồng, thích làm theo ý mình. Như tiền đạo Thanh Bình của U20 Việt Nam từng phạm lỗi nặng. Nhưng thay vì đuổi
khỏi học viện, các thầy đã cùng ngồi lại chia sẻ, phân tích cho chàng trai cá tính này. Chính văn hóa như một gia đình, cùng sự trân trọng tài năng đã giúp Thanh Bình trưởng thành lên nhiều , để anh có cơ hội bước ra sân chơi World Cup, hứa hẹn sẽ là một trong những chân sút chủ lực của HAGL trong vài năm tới.
BẢN LĨNH TRƯỚC CÁM DỖ
Bên cạnh những tiêu chí về đào tạo chuyên môn và học vấn, HAGL luôn kiên trì với quan điểm tránh để các cầu thủ trẻ phải đối mặt với cám dỗ tiền bạc quá sớm. Trưởng đoàn bóng đá HAGL Nguyễn Tấn Anh cho biết: "Bầu Đức luôn tâm niệm các cầu thủ trẻ hãy tập trung rèn luyện, không vội dính đến tiền bạc. Bởi vậy HAGL là học viện bóng đá đặc biệt trong cả nước khi các học viên chỉ lãnh một phần lương, số lớn còn lại được kế toán gửi trực tiếp về gia đình". Hằng ngày, vào buổi sáng các học viên đến trường để học văn hóa. Vào các buổi tối (trừ Chủ Nhật), các em sẽ được học ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Pháp). Thậm chí bầu Đức còn thuê những giáo viên người nước ngoài như ông Servano Rene Gajardo (người Philippines) để giúp các em phát âm chuẩn.
Còn nhớ khi cơn sốt U19 Việt Nam đang lên cao trào, cuối năm 2014 bầu Đức lẳng lặng khánh thành phân viện Hàm Rồng của Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP. HCM. Khi mọi người đang khen các chàng trai giỏi ngoại ngữ, có phông nền văn hóa tốt thì ông đã nghĩ xa hơn. Ít người biết rằng ngoài lịch tập luyện và thi đấu dày đặc ở V-League cũng như các đội tuyển quốc gia, những lãnh đạo CLB HAGL luôn vất vả duy trì lịch học văn hóa cho những chàng sinh viên - cầu thủ. Để làm sao trong vài năm tới, khi đủ trưởng thành trên sân cỏ làm trụ cột cho đội tuyển quốc gia, lứa Công Phượng sẽ vững vàng khi trở thành một cử nhân chuyên ngành, có thể kiếm sống khi giải nghệ. Nhờ vậy, ngay ở tuổi 20 Xuân Trường đã tự tin hướng đến giấc mơ trở thành nhà quản lý thể thao, như Công Vinh đang làm.
PVF, VIETTEL CŨNG QUÁN TRIỆT DẠY CẦU THỦ THÀNH NHÂN
Hà Đức Chinh là một thanh niên rất ngoan, có hiếu với bố mẹ, lễ phép với các thầy và thân thiện với cộng đồng. Chinh là một trong những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo PVF.
Huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Việt Thắng cho biết: "Chúng tôi dạy dỗ các em từ những thứ tưởng như nhỏ nhặt nhất. Ra sân tập phải xếp hàng, để giày
thẳng hàng thẳng lối, không xả rác bừa bãi. Đi ăn phải tuyệt đối đúng giờ, đúng màu áo đội của mình. Chúng tôi cũng hướng các em tới những hoạt động mang tính cộng đồng, nhằm giúp các em thấu hiểu hơn những gì đang diễn ra xung quanh mình. Cầu thủ không nên chỉ biết mỗi đá bóng mà còn phải biết thông cảm, sẻ chia. Cầu thủ thời đại mới phải có trái tim ấm áp. Những HLV như chúng tôi thực sự mong muốn 'tưới' cho các em những dòng nước trong lành để các em trở thành những cây xanh không bị sâu trong tương lai".
Thế hệ sau Hà Đức Chinh, từ lứa 10 tuổi trở đi, PVF cho học văn hóa tại Vinschool. Mỗi tuần các cầu thủ được học thêm 4 buổi tiếng Anh vào buổi tối, với giảng viên Việt Nam và nước ngoài. Cũng 2 buổi trong tuần, họ được dạy kỹ năng sống, những kiến thức mà sách vở trường lớp không có.
Chia sẻ với Thanh Niên về cách dạy làm người ở Trung tâm thể thao Viettel, thượng tá Hà Hữu Tám, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc trung tâm, nói: "Giá trị cốt lõi của một đơn vị quân đội chính là truyền thống cách mạng, truyền thống của người lính. Chúng tôi đặt ra 4 tiêu chí, trong đó văn hóa được ưu tiên số 1. Văn hóa ở đây gồm cả văn hóa học đường và văn hóa ứng xử. Nếu cầu thủ không được đào tạo, không được học hành nghiêm túc sẽ không có kiến thức nền".
Theo thượng tá Tám, mỗi cầu thủ của Viettel đều phải trải qua thời gian huấn luyện quân sự, họ không được hưởng chế độ ăn 300.000 đồng/người/ngày của cầu thủ mà ăn đúng chế độ người lính để hiểu được sự vất vả mà có ý chí vươn lên. "Chỉ sau 1 tháng học quân sự, họ trưởng thành lên rất nhiều. Chúng tôi muốn các cầu thủ Viettel mang phong cách của công dân toàn cầu. Mục tiêu của Viettel không phải đào tạo cầu thủ lấy lợi nhuận mà phục vụ cho Tổ quốc, cho quân đội", thượng tá Tám chia sẻ.
CLB HÀ NỘI HƯỚNG CẦU THỦ TỚI CHÂN - THIỆN - MỸ
CLB Hà Nội rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, như hằng năm tham dự chương trình "Chạy vì trẻ em Hà Nội" hay hiến máu nhân đạo trong ngày "Chủ nhật đỏ". Các cầu thủ trẻ như Quang Hải, Duy Mạnh, Đức Huy, Thái Quý... là những nhân vật không bao giờ vắng mặt trong các sự kiện từ thiện này. Theo Chủ tịch CLB Nguyễn Quốc Hội: "Chúng tôi muốn cầu thủ của mình hướng tới chân - thiện - mỹ. Một trong những cách làm tốt nhất là tham gia nhiều hoạt động xã hội, như thế không chỉ giúp kết nối con người với con người, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái mà còn là sự thể hiện trách nhiệm cao của đội bóng với xã hội".
SÔNG LAM NGHỆ AN (SLNA) CẮT HỢP ĐỒNG NẾU CẦU THỦ TỰ Ý BỎ HỌC
Ông Hồ Văn Chiêm, Giám đốc điều hành CLB SLNA, cho biết: "Chúng tôi đề cao việc học hành của cầu thủ. Do đó, quy định của lò đào tạo SLNA là các cầu thủ phải học văn hóa đến nơi đến chốn, ít nhất phải tốt nghiệp lớp 12. Nếu trong quá trình tập luyện, thi đấu mà cầu thủ tự ý bỏ học, chúng tôi sẽ chấm dứt hợp đồng ngay lập tức. Cũng mừng là SLNA chưa phải cắt hợp đồng với ai vì lý do này". Được biết cầu thủ U23 Việt Nam Xuân Mạnh đã tốt nghiệp THPT với số điểm rất cao.
HAGL: TỪ NHỮNG CÁI KHOANH TAY CHÀO...
HAGL: TỪ NHỮNG CÁI KHOANH TAY CHÀO ĐẾN TUYỆT PHẨM "GÀ HẦM SÂM"
- Quốc Việt -
Là người tiên phong nâng cấp tư duy làm bóng đá trẻ tại Việt Nam, bầu Đức trong thời gian dài một mình vừa đi vừa dò đường để tìm ra phương trình phù hợp nhất cho đặc trưng con người Việt Nam.
NUÔI DƯỠNG TÂM HỒN TỪ TỪNG CHI TIẾT NHỎ
Triết lý đào tạo trẻ của HAGL thể hiện qua mỗi chi tiết nhỏ, như việc suất cơm của các anh lớn đội 1 giống hệt các đàn em đang theo học ở học viện hay các lớp năng khiếu. Các học viên nhí ăn ở tập trung tại Hàm Rồng tránh xa được rất nhiều tật xấu. Khu nhà của học viên luôn hướng ra các sân tập nhằm giúp các cầu thủ trẻ luôn cảm thấy bầu không khí bóng đá. "Ngay cả khi bị chấn thương không thể tập luyện thì ngồi trong phòng, các em cũng có thể xem bạn chơi bóng. Đó là cách nuôi dưỡng sự cạnh tranh, sự đam mê với trái bóng và cả trách nhiệm nữa", Giám đốc điều hành Huỳnh Mau cho biết. Hệ thống sân bãi, phòng chức năng... tại Hàm Rồng khiến Giám đốc kỹ thuật Chung Hae-seong khi đặt chân đến rất ấn tượng. Nhưng hơn thế, ông Chung đánh giá rất cao giáo trình giảng dạy của JMG. Bởi HLV Guillaume Graechen giúp phát huy tối đa trí sáng tạo, tư duy chơi bóng thông minh phù hợp với cá tính từng người. Đặc biệt, hình ảnh mọi học viên khi gặp người lạ đều khoanh tay chào, những đàn anh Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh góp tiền mua đầu điện tử tặng phòng giải trí của các 'ông tiên' đàn em ở nhà cũng khiến ông rất tâm đắc.
Một nét đột phá khác tại Hàm Rồng những năm qua và đang tiếp tục cải thiện là công tác dinh dưỡng. Sau khi bổ sung sữa và thực phẩm giàu dinh dưỡng cho bếp ăn Hàm Rồng, cùng với nhà tài trợ VPMilk, HAGL đã nâng chuyện ăn uống lên tầm chiến lược khi mời chuyên gia Hàn Quốc sang chia sẻ bí quyết nấu các món giàu dinh dưỡng như gà hầm sâm. Bên cạnh đó, chuyện uống sữa từ khuyến khích đã trở thành bắt buộc với tối thiểu 1000ml mỗi ngày. Đây cũng là một trong nhũng nhân tố giúp các cầu thủ HAGL ngày một mạnh mẽ và bền bỉ hơn trên sân cỏ.
ƯU TIÊN SỐ 1: ĐẦU TƯ CHO TƯƠNG LAI
Quan tâm số 1 luôn ưu tiên cho tương lai cũng thể hiện rõ trong những hoạt động khác của CLB HAGL. Ký hợp đồng với VPMilk, đầu tiên bầu Đức cho những đàn em của Công Phượng - lứa cầu thủ sinh năm 1999 - 2001 đã vô địch U15 quốc gia năm 2016 - sang Hàn Quốc tập huấn 3 tuần. Họ đã có 6 trận giao hữu với U19 Gangwon FC, FC Uijeongbu và 4 trận khác với các đại diện từ hạng Nhất đến hạng Ba Hàn Quốc. Ngoài ra, tập thể này còn thường xuyên đá giao hữu quốc tế, như các trận với U19 Mito Hollyhock...
Đây là truyền thống của học viện HAGL JMG, bởi sau khi các học viên bắt đầu mang giày từ năm thứ 4 thì sẽ được đi tập huấn nước ngoài. Khóa 1 và 2 được ưu tiên rất lớn với những chuyến du đấu nhiều tháng trời tại Thái Lan, Bỉ, Pháp và Anh... Học viện khẳng định và chứng minh tiếp tục duy trì cách làm này cho các khóa sau bất chấp giai đoạn kinh tế khó khăn nhất. Nỗ lực và sự kiên trì này thể hiện trách nhiệm rất rõ của bầu Đức với học viện HAGL JMG và rộng hơn là tương lai bóng đá Việt Nam.
Kết hợp những giải đấu quốc nội và mở rộng hoạt động giao lưu quốc tế, HAGL bằng cách linh hoạt hơn đang dần tạo thành một hệ sinh thái bóng đá rất riêng cho mình, để các cầu thủ nhí không những có nhiều kinh nghiệm bóng đá mà còn có thêm trải nghiệm chuyên nghiệp từ các nền bóng đá hàng đầu.
Ông Nguyễn Tấn Anh cho biết: "Từ rất nhỏ các cầu thủ HAGL đã được dạy ý thức không chửi thề, nói tục. Gặp người lạ biết khoanh tay cúi chào. Những việc nhỏ nhưng lặp đi lặp lại thành thói quen. Để sau này khi lớn các em không bao giờ cố ý chơi xấu hay làm đối phương bị chấn thương... Thời gian qua, khi đưa các em cho mượn tại Đắk Lắk, Long An, Hải Phòng, Nhật Bản, Hàn Quốc... luôn nhận được lời khen về kỹ thuật chuyên môn tốt. Nhưng sướng nữa là ai cũng khen ngợi nếp sinh hoạt và ứng xử của cầu thủ HAGL. Đó là niềm hãnh diện của chúng tôi. Có vậy, những đầu tư cho gà hầm sâm hay chuyên gia nước ngoài đẳng cấp mới thực sự đáng giá".
NHỮNG CẦU THỦ CHÂN TRẦN
LƯƠNG XUÂN TRƯỜNG - HÀNH TRÌNH TỪ CẬU BÉ TÍ HON CÙNG ƯỚC MƠ VỚI TRÁI BÓNG TỚI NGƯỜI HÙNG THẦM LẶNG CỦA ĐỘI U23 VIỆT NAM
- Hoài Thu -
Thủ quân Lương Xuân Trường của U23 Việt Nam được công nhận về tài năng, nhân cách, ngoại hình và cả sự chuyên nghiệp đối với nghề.
TUỔI THƠ GẮN LIỀN VỚI TRÁI BÓNG, NỐI DÀI ƯỚC MƠ CỦA CHA
Sinh ra ở Tuyên Quang, ngay từ nhỏ Lương Xuân Trường đã có tình yêu với trái bóng. Bà Nguyễn Thị Sơn, mẹ của tiền vệ Lương Xuân Trường kể: "Khi mang bầu Trường, mỗi khi cô xem bóng đá, em đạp khỏe hơn. Giờ nghĩ lại, thấy cứ như em biết chơi bóng từ lúc còn trong bụng mẹ ấy".
Động lực để chàng đội trưởng của U23 Việt Nam rèn luyện và chiến đấu chính là niềm đam mê với trái bóng được nuôi dưỡng từ mơ ước của bố. Bố của Lương Xuân Trường, ông Lương Bách Chiến, một cầu thủ nghiệp dư có tiếng ở Tuyên Quang là người thầy đầu tiên hướng cậu con trai đến với bóng đá chuyên nghiệp.
Mới 5, 6 tuổi, tiền vệ HAGL này đã phải thực hiện những bài tập nặng như ghi đủ 100 bàn vảo lưới của bố hay thực hiện đủ 100 đường tạt bóng trong mỗi buổi tập mới được ăn cơm tối. "Giáo án khắc nghiệt" của ông Chiến từng khiến cậu con trai phát khóc nhưng lại là bước đệm quan trọng để Xuân Trường trở thành một trong những tài năng của bóng đá Việt Nam.
12 tuổi, Lương Xuân Trường đã xa gia đình để vào Pleiku, tham gia vào đội tuyển HAGL. Khi đó cả gia đình đều rất lo lắng bởi Trường còn quá nhỏ để tự lập. Nhưng quyết định đó đã góp phần giúp Trường có ngày hôm nay.
Mỗi khi Trường được thi đấu ở sân Mỹ Đình, bố mẹ luôn sắp xếp thời gian để có thể tham gia trực tiếp cỗ vũ cho con trai. Đối với Trường, sẽ là một cảm giác thiếu thốn điều gì đó khi không thấy ánh mắt của cha, lời động viên của mẹ và những người thân trên khán đài.
Kể về nỗi nhớ nhà khi còn nhỏ, Xuân Trường tiết lộ, anh có buồn nhưng
không bao giờ khóc. Còn nhỏ, Trường cũng như các bạn, chỉ đá bóng và luyện tập với niềm đam mê. Ngoài giờ luyện tập, Trường cố gắng học tập và trau dồi kiến thức, tiếng Anh để khỏa lấp đi nỗi nhớ của người con xa gia đình. Nhờ đó, Trường là một trong những cầu thủ U23 Việt Nam có thể giao tiếp và trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh trôi chảy, linh hoạt.
LƯƠNG XUÂN TRƯỜNG - VIÊN NGỌC QUÝ CỦA ĐỘI TUYỂN VIỆT NAM
Lương Xuân Trường sinh năm 1995 và cao 1m78. Sở hữu gương mặt lạnh lùng và đôi mắt hí, nhiều fan nữ đều trầm trồ trước vẻ điển trai như sao Hàn của đội trưởng tuyển U23 Việt Nam.
Trưởng thành từ câu lạc bộ HAGL và xuất hiện cùng với những cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh hay Văn Toàn, Lương Xuân Trường đã được biết đến như một cầu thủ trẻ xuất sắc của bóng đá Việt Nam trong màu áo U19 quốc gia. Xuân Trường có lối chơi kỹ thuật và những đường chuyền tuyệt vời. Bình luận viên Vũ Quang Huy từng nhận xét: "Có lẽ bóng đá Việt Nam chưa từng có một tiền vệ nào có thể chuyền bóng đa dạng và tốt như vậy. Lương Xuân Trường là một của hiếm về khả năng chuyền bóng với những đường chuyền chuẩn xác cả về lực, hướng bóng bằng cả hai chân".
Ít ai biết, Lương Xuân Trường là cầu thủ bóng đá trẻ người Việt Nam vinh dự được thi đấu cho Gangwon FC (Hàn Quốc) theo dạng cho mượn từ HAGL và đội tuyển Việt Nam ở vị trí tiền vệ. Xuân Trường là một trong những tài năng xuất sắc bậc nhất khóa 1 HAGL Arsenal JMG và được coi là một trong những anh chàng "soái ca" của bóng đá Việt Nam.
Cách đây 2 năm, khi còn thi đấu cho Gangwon FC, Xuân Trường đã từng chia sẻ về ước mơ của mình trên Tri thức trực tuyến. "Khi tôi mới bước chân vào học viện HAGL Arsenal JMG, tôi đã khát khao một ngày nào đó mình và đồng đội sẽ được ra sân ở đấu trường cao nhất của giải quốc gia là V League. Tôi cũng mong muốn cùng đội U23 Việt Nam vô địch SEA Games 2017, bởi từ rất lâu bóng đá Việt Nam chưa làm được điều này. Đó cũng là mong mỏi của hàng triệu người hâm mộ nước nhà".
Khoảng thời gian chơi bóng tại Hàn Quốc là một bước đệm quan trọng giúp Xuân Trường có những bước tiến mới trong sự nghiệp bóng đá và trưởng thành hơn rất nhiều. Môi trường bóng đá rất cạnh tranh ở Hàn Quốc với những giáo án tập luyện dày đặc, thời tiết khắc nghiệt là thách thức rất lớn đối với Xuân Trường. Chàng cầu thủ trẻ thường xuyên bị chấn thương, đuối
sức bởi thể trạng không thể tốt như các cầu thủ bản xứ. Xuân Trường đã phải nỗ lực rất nhiều để theo kịp lịch trình luyện tập, đảm bảo phong độ trên sân cỏ. Đó cũng là một phần lý do khiến Xuân Trường ít có cơ hội được ra sân thi đấu khi chơi tại câu lạc bộ Hàn Quốc.
Thời gian tại xứ Hàn Quốc đã dạy cho Xuân Trường không chỉ kỹ thuật chơi bóng, cơ hội rèn luyện thể lực và sức bền mà còn cho anh những bài học sâu sắc. Khi đó, đội trưởng Lương Xuân Trường của U23 Việt Nam đang bị chấn thương ở chân. Thông qua người đại diện, anh xin phép HLV trưởng được vắng mặt trên sân khi đội nhà thi đấu. Nhưng câu trả lời của HLV trưởng của LCB Incheon United (nơi Trường đang biên chế) là không.
Vị này nói rằng, việc có mặt trên sân để theo dõi trận đấu của câu lạc bộ là điều bắt buộc đối với mọi cầu thủ, ngay cả khi không có tên trong danh sách thi đấu. Tất cả các thành viên của đội bóng, dù phải bó bột hay đi nạng cũng phải tới sân để theo dõi và cổ vũ đồng đội thi đấu. Đó là tinh thần tập thể, đoàn kết của một đội bóng và là sự chuyên nghiệp mà mọi cầu thủ cần có.
CHÀNG THỦ QUÂN ĐIỀM TĨNH, ẤM ÁP
Tại giải U23 và đặc biệt là trận tứ kết, bán kết vừa qua, Xuân Trường không ghi bàn thắng nào, nhưng người hâm mộ vẫn không thể nào quên hình ảnh người đội trưởng điềm tĩnh, quan tâm đến đồng đội này. Đó là nét mặt lạnh lùng và hành động cúi xuống hôn hình cờ tổ quốc in trên ngực áo, là dáng đứng hiên ngang khi thực hiện thành công pha sút luân lưu, là hành động quan tâm ấm áp đầy tâm lý của Trường đối với đồng đội.
Sự tự tin, điềm tĩnh của đội trưởng Xuân Trường không hẳn đến từ kinh nghiệm mà đến từ trong huyết quản, tố chất của cầu thủ này. Mọi thứ trong con người Trường đã ngay ngắn và chuẩn mực, điều đó đã làm nên một con người điềm tĩnh. Chính vì thế, Xuân Trường luôn tự tin trên sân cỏ và xứng đáng là người dẫn đầu đội tuyển U23.
Xuân Trường đã trở thành người thủ lĩnh thực sự của đội tuyển U23 Việt Nam trong AFC Cup vừa qua. Thủ lĩnh cả ở tinh thần, cả trong lối chơi. Xuân Trường đã làm rất tốt vai trò giữ nhịp trận đấu, thu hồi bóng, điều tiết lối chơi cho toàn đội.
Khi đội bóng cần đá chậm rãi để tránh bị cuốn vào lối đá của đối thủ, Xuân Trường triển khai bóng chậm rãi, đúng với ý đồ của HLV Park Hang Seo. Ngược lại, khi đội cần phản công chớp nhoáng, Xuân Trường cũng là người
thường xuyên tung ra những đường chuyền chớp nhoáng cho các đồng đội ở phía trên.
Những người hâm mộ bóng đá Việt Nam có thể dễ dàng nhận thấy sự tiến bộ vượt bậc cả về thể lực và kỹ thuật chơi bóng của Xuân Trường ở giải đấu này. Ở những năm trước Xuân Trường thường không đủ thể lực chơi hết 90 phút nhưng trong AFC Cup 2018 Xuân Trường đã chơi trọn vẹn tất cả các trận. Những trận gặp các đôi thủ Tây Á là những trận đấu "tra tấn" về mặt thể lực nhưng Xuân Trường đã hoán thành vai trò một cách xuất sắc góp phần quan trọng vào chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam.
Trong trận bán kết, sau cú sút phạt đầy bản lĩnh và thành công của mình, Trường đã xin phép rời sân bóng, lặng lẽ đi vào phía trong để lấy áo khoác và khăn ấm cho đồng đội khi nhiệt độ trên sân cỏ đang là 0 độ C. Có lẽ ý chí và sự ấm áp từ người đội trưởng đã truyền thêm động lực cho đồng đội của anh, mặc dù, sự "truyền lửa" đó không rõ ràng. Lương Xuân Trường luôn khiêm tốn trước những lời khen. Đội trưởng U23 Việt Nam luôn nói về công lao chung của tập thể. Với anh, chiến thắng của đội tuyển đều là công lao góp sức của các đồng đội, ban huấn luyện và các thành viên hỗ trợ.
(Bài viết được đăng tải trên mục Sống của CafeF ngày 30/01/2018)
BÙI TIẾN DŨNG
BÙI TIẾN DŨNG - TỪ NHỊN ĐÓI, PHỤ HỒ ĐẾN NGƯỜI HÙNG LỊCH SỬ CỦA U23 VIỆT NAM
- Bảo Nhi - Minh Nhân -
Đôi tay ấy từng lấm lem vữa, bùn, xi măng và cát. Đôi tay ấy từng bấm bụng thật chặt vượt qua cơn đói vì thiếu từng bữa ăn. Đôi tay ấy từng gạt đi hai dòng nước mắt vì nghịch cảnh số phận. Và đôi tay ấy đưa U23 Việt Nam đi từ ngưỡng cửa lịch sử này đến đỉnh cao lịch sử khác. Đôi tay ấy là của thủ môn Bùi Tiến Dũng...
LÀM RUỘNG, LÀM THUÊ, LÀM PHỤ HỒ
"Tiến Dũng! Không vàoooooo!" Bình luận viên truyền hình 2 lần lạc giọng sau những tình huống không thể tin nổi xảy ra trước tầm mắt. Anh là người duy nhất trong đội hình của U23 Việt Nam mà hai tiếng "Không vào!" có giá trị lớn chẳng khác nào một bàn thắng, thậm chí là cả một chiến thắng cho đội nhà.
Câu chuyện cổ tích dành cho U23 Việt Nam hết qua chương hào hùng này lại tới chương lẫy lừng khác. Chiến thắng sau loạt luân lưu nghẹt thở trước U23 Qatar đưa niềm tự hào của Đông Nam Á vào tới trận chung kết châu lục. Và với riêng Bùi Tiến Dũng, hai lần thành người hùng sau những màn đấu súng trước Iraq và Qatar như một sự chiều lòng của số phận, sau quá khứ cơ cực, khó khăn và nhiều nước mắt.
Làng Bào, xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa là nơi Tiến Dũng cùng em trai Tiến Dụng sinh ra và lớn lên. Tiến Dũng là con thứ hai trong gia đình 3 chị em. Nhà Dũng nghèo. Bố mẹ quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Tuổi thơ em gắn với bờ tre, gốc rạ, những củ sắn, củ khoai trở thành bữa ăn quen thuộc từng ngày, từng tháng.
Tiến Dũng và em trai Tiến Dụng thích bóng đá. Nhưng nhà lấy đâu ra điều kiện để mua cho hai anh em dù chỉ là một trái bóng nhựa. Dũng - Dụng lấy lá chuối, giấy vụn cuộn tròn lại để chơi. Hoặc may mắn hơn là chờ những quả bưởi hỏng sau nhà rụng để cùng nhau vui đùa. Cái thời đó, cái tủ kính ở nhà thay kính đến 3 lần! Sợ bố mẹ đánh, Dũng chui xuống gầm giường trốn, còn em Dụng cứ "hiên ngang" vì phận làm em lắm khi sung sướng hơn phận làm anh.
Khi về tới nhà thấy vắng 'thằng anh', cô Điều 'chất vấn' Dụng: "Em ơi, anh đâu rồi?".
Cậu bé Dụng lém lỉnh, cả gan nói dối mẹ: "Anh đi chơi chưa về, chắc đi đá bóng cùng bạn".
Đến lúc ăn cơm tối, cô Điều lại lo lắng: "Anh ở đâu gọi anh về ăn cơm chứ con. Bố mẹ không mắng đâu, kính vỡ rồi thì kệ chứ đánh các con nó cũng đâu lành lại được. Thôi các con về ăn cơm đi!".
Thế là Dũng từ gầm giường bò ra, quần áo bám bụi bẩn hết.
Đến năm lớp 7, trung tâm huấn luyện huyện Thường Xuân chiêu sinh, Dũng và Dụng xin bố mẹ cho đi thi tuyển. Nhưng nhà đã nghèo sẵn, giờ mỗi tháng lại phải chu cấp cho mỗi đứa 600.000 đồng, chú Khánh cô Điều nghĩ thì thương con nhưng thật chẳng biết xoay xở ra sao.
Ông Bùi Văn Nguyệt, chú ruột của Tiến Dũng kể lại: "Dù nhà rất nghèo nhưng thấy các cháu đam mê, gia đình đã cố gửi các cháu sang luyện tập ở huyện Thường Xuân".
Hằng tháng, bố mẹ cố gắng làm lụng gửi tiền sang cho hai con. Thế nhưng giấc mơ bóng đá đã không suôn sẻ với cả hai anh em. Trung tâm đào tạo trẻ tại huyện miền núi Thường Xuân hoạt động đi xuống. "Các cháu không còn được đi luyện tập thường xuyên nữa. Cùng lắm thì thi thoảng tham gia các đội bóng phủi của huyện", ông Nguyệt buồn bã kể lại.
May mắn sau đó đã mỉm cười nhưng chỉ là với cậu em trai Tiến Dụng. Đúng lúc đó, tình cờ Dũng đọc được trên mạng tin PVF Hồ Chí Minh tuyển sinh lứa 1998 tại Thanh Hóa. Nếu được tuyển, mọi chi phí ăn ở sẽ được lò đào tạo chi trả, gánh bớt nhọc nhằn cho bố mẹ ở quê. Thế nhưng, vì thương con chú Khánh khi đó sụt sùi nói với hai anh em: "Bây giờ các con ở gần đây, bố còn lo được. Chứ ở tận trong đó tụi con còn nhỏ nữa thì bố mẹ biết đường đâu mà đi. Chịu khó ở đây đi con, rồi thành tài cả".
Dũng không nghe lời, 'xui' em Dụng trốn về 'đầu quân' cho PVF: "Nhà mình khó khăn lắm, phải nộp tiền ăn uống hằng tháng. Không được đâu bố à, cho em về thi tuyển, còn con ở đây".
Vượt qua hàng loạt ứng viên, Dụng xuất sắc giành suất vào Nam. Nếu như người ta phải đá tới 5 lần để đánh giá, thì riêng Dụng chỉ cần 2 quả đã nhận được cú gật đầu quý báu của huấn luyện viên. Sợ em trai nghĩ ngợi, Tiến
Dũng vỗ vai: "Em yên tâm tập luyện. Việc nhà cửa, đồng áng, chăm sóc bố mẹ cứ để anh lo".
Vài tháng sau, trung tâm đào tạo trẻ tại huyện miền núi Thường Xuân ngừng hoạt động. Dũng về nhà giúp bố mẹ. Đến nước này, cô Điều đã nghĩ tới viễn cảnh cậu con trai vốn yêu bóng đá mê mệt sẽ nói lời từ biệt sân cỏ. Quả đúng như vậy, Dũng thưa chuyện với mẹ: "Bố mẹ khó khăn quá thì con ở nhà giúp đỡ bố mẹ, con tìm nghề khác con làm cho bố mẹ đỡ vất vả".
Nghe con thưa chuyện, cô Điều khóc thương: "Con ơi, bố mẹ thì vất vả thật đấy nhưng vẫn còn sức khỏe. Các con đam mê cứ theo đuổi sự nghiệp đi!".
Nhưng rồi suốt hơn 1 năm trời, Dũng không còn nghĩ nhiều đến bóng đá. Cậu ở nhà làm phụ hồ, làm đủ thứ việc linh tinh Nếu có ai thuê. Có lần đi thử việc ở Thanh Hóa, trong người Dũng chỉ có 50.000 đồng. Thương con mà nhà lại nghèo quá, còn mỗi 200.000 đồng, cô Điều thủ thỉ bảo Dũng cầm tiền đi đường mà uống nước. Tuy nhiên, khi đặt chân đến trung tâm Thành phố Thanh Hóa, Dũng gọi một cuộc điện thoại về cho mẹ.
"Mẹ ơi, mẹ cho con 200.000 đồng nhưng con đút lại vào túi áo của mẹ trong buồng rồi. Bố mẹ lấy tiền mà mua thức ăn. Con đủ tiền xe là được rồi!".
Và cô Điều lại khóc, nước mắt chảy lưng tròng nghĩ tới đứa con trai một mực lo cho bố mẹ.
Suốt hơn 1 năm trời, Tiến Dũng không còn nghĩ nhiều đến bóng đá. Cuộc sống của anh quanh quẩn với ruộng đồng, với những ngày tháng làm phụ hồ, trát vữa, trộn bê tông. Đôi tay Dũng chai sần cứng ngắc. Từng ngón tay sun lại, thô ráp và sần sùi vì nước, hóa chất, cát và xi măng. Nhớ lại những ngày tháng ấy, Dũng không hối hận. Bởi có đi làm thuê như thế, anh mới kiếm được tiền để đỡ đần bố mẹ khi khốn khó.
ĐĨA THỊT MỠ ĐỔI ĐỜI
Đã có lúc, Tiến Dũng nghĩ rằng cuộc đời anh sẽ gắn bó với xi măng, gạch vữa và những buổi cuốc mướn làm thuê. Thật may, cánh cửa này đóng lại thì sẽ có một cánh cửa khác mở ra. HLV Nguyễn Thành Dũng đưa Tiến Dũng về đội trẻ Thanh Hóa. Thời điểm đó, bóng đá trẻ xứ Thanh chìm trong khó khăn.
Mâm cơm của những chàng trai đang tuổi ăn, tuổi lớn chỉ độc một đĩa thịt lợn mỡ và chút ít canh, rau cho đủ bữa qua ngày. Tiến Dũng cùng những
đồng đội thuở ấy phải chia nhau từng muôi cơm, miếng thịt. Những buổi sáng đi học văn hóa, anh chỉ có nắm xôi tí hon ăn lót dạ. Thậm chí có hôm, Dũng phải bấm chặt bụng nhịn đói. Bóng đá trở lại với Tiến Dũng chẳng dễ dàng. Nhưng anh chẳng bao giờ than vãn rằng mình cơ cực đến vậy. Với Tiến Dũng, được đá bóng đã là điều may mắn, được ăn thịt, dù là thịt mỡ cũng là niềm hạnh phúc vô bờ bến.
Miệt mài tập luyện trong khung gỗ, Tiến Dũng được HLV Hoàng Anh Tuấn trao cơ hội triệu tập vào đội U21 Việt Nam chuẩn bị cho giải giao hữu Nations Cup tại Malaysia vào tháng 6/2016. Anh không phải là sự ưu tiên số 1, thậm chí là đứng thứ 4 trong số 4 người gác gôn của đội bóng. Khi ấy, Tiến Dũng chẳng bao giờ dám mơ mộng, rằng đến một ngày mình được đứng trong khung gỗ đội nhà. "Được một lần nữa tập luyện cùng em trai, lại trong màu áo đội tuyển trẻ quốc gia đã là điều tuyệt vời. Còn mọi thứ, em chỉ biết cố gắng hết mình thôi", Dũng tâm sự.
Tiến Dũng miệt mài, chăm chỉ rèn luyện trên sân. Anh kiên trì, không tự ái, chịu thương chịu khó với ý chí phấn đấu cao ngùn ngụt. Anh từng bước khẳng định được mình qua những trận đá tập nội bộ trước mắt các thầy của đội bóng.
Tiến Dũng sau đó vượt qua Sỹ Huy, Thanh Tuấn để trở thành thủ môn số 1 của U19 Việt Nam. Vòng chung kết U19 châu Á 2016, sự xuất sắc đến mức khó tin của anh chàng gác gôn giúp U19 Việt Nam tạo nên cơn địa chấn tại Bahrain. Tấm vé dự Vòng chung kết U20 World Cup 2017 vẫy gọi Tiến Dũng, Tiến Dụng. Hai anh em đứng trước cơ hội được cùng nhau sát cánh tại một giải đấu lớn mà cả hai thậm chí chưa từng mơ ước.
Và rồi một năm sau, Dũng cùng đồng đội làm nên hết cơn địa chấn này đến kỳ tích khác tại giải U23 châu Á. Dũng chẳng ngại bất kỳ cú sút nào của đối thủ, kể cả loạt đấu tay đôi trên chấm 11m. Người ta gọi Dũng là người hùng trên chấm luân lưu định mệnh. Bình thường chàng trai gốc Mường hiền lành, ít nói hay ngại ngùng nhưng hễ cứ xỏ găng là lột xác thành một tay gôn lì lợm. Một khi đã ra sân cỏ, Dũng sẵn sàng vô hiệu hóa tất cả cơ hội ghi bàn của đối thủ, điển hình như những cú bắt đúng bài 2 đội Iraq và Qatar vừa qua.
Mấy năm qua, Dũng chiến đấu trên cương vị là thủ thành nhưng trước đây, Dũng chỉ muốn đấu ở vị trí trung vệ. Vì thấy cậu có chiều cao HLV lại ngỏ ý cho cậu sang tập thủ môn. Dũng không muốn và tỏ ra chán chường một thời gian. "Thời điểm đó về nhà tôi vẫn thường xuyên khuyên bảo con. Con quyết
định theo sự nghiệp bóng rồi thì bố mẹ chấp nhận. Nhưng nếu con đã tập làm thủ môn thì phải tập trung một vị trí thôi. Như thế bản thân mình mới phát triển được", cô Điều nhớ lại thời gian Dũng lưng chừng giữa hai hướng sự nghiệp.
EM TRAI, GIỮ GÔN CÙNG ANH NHÉ!
Trước ngưỡng cửa lịch sử dự Vòng chung kết U20 World Cup, cả hai anh em Dũng, Dụng cùng dặn nhau rằng phải cố gắng hết mình để cùng nhau cất tiếng hát Quốc ca đầy tự hào tại Hàn Quốc. Thế nhưng ông trời đã không chiều lòng người. Tiến Dụng bị gãy xương quai xanh sau chuyến tập huấn tại Đức. Chứng kiến em trai không thể thi đấu ở World Cup, Tiến Dũng lặng người. Một lần nữa, họ lại vào cảnh "anh ở đầu sông, em cuối sông"...
... Ngày 10/5, sân Thống Nhất, trận giao hữu quốc tế giữa U20 Việt Nam và U20 Argentina, thủ môn Bùi Tiến Dũng bước ra sân với một sự khác lạ. Sau tấm áo màu vàng dành cho thủ môn là một chiếc áo khác. Đó là áo số 6. Số áo quen thuộc mà Bùi Tiến Dụng đã mặc xuyên suốt những giải đấu ngót 2 năm cùng U20 Việt Nam. Trước trận đấu đó, Tiến Dũng gặp em trai mình. "Anh qua Hàn Quốc sẽ mặc áo của em để cùng thi đấu". Câu nói ấy đủ khiến Tiến Dụng bùi ngùi. Thời khắc chàng tiền vệ trẻ xa anh trai, xa gia đình để vào PVF có lẽ cũng không xúc động đến nghẹn ngào như khi nghe câu nói ấy.
Không chờ đến khi sang Hàn Quốc, Tiến Dũng đã mặc chiếc áo ấy phía trong áo đấu của mình ngay từ trận đấu với U20 Argentina. "Em muốn em trai mình sẽ cùng toàn đội thi đấu ở U20 World Cup", thủ thành người Thanh Hóa bày tỏ thật lòng tình cảm của mình.
CHÀNG THANH NIÊN ÍT NÓI
CHUYÊN TRANH LÀM VIỆC NHÀ VỚI BỐ MẸ
Hai anh em Dũng thương bố mẹ, luôn cố gắng dành dụm tiền gửi về để lo cho cả gia đình. Có lần nghe tin bố nhập viện và thiếu máu gấp, Dũng bắt xe từ Thanh Hóa về làng Bào. Cho máu xong, cậu lại xuống trung tâm đào tạo. Khi đó, mẹ Dũng như ngồi trên đống lửa, ngủ không yên giấc chỉ lo sức khỏe của con. "Con ơi, bố con khỏe rồi. Con cho bố con máu, con có được nghỉ hay không. Con làm việc nặng nhọc, mẹ không yên tâm!". Dũng trấn an rằng mọi thứ vẫn ổn, cậu chỉ tập luyện nhẹ nhàng thôi, mong mẹ dành toàn tâm lo cho bố đang ốm đau.
Cứ hễ được nghỉ phép về nhà, Dũng lại 'tranh' nhổ sắn, cho lợn ăn, rửa bát, dọn nhà. Cô Điều đã phải thốt lên: "Thằng này không ngán một cái gì!" khi nói về đứa con trai 'ương bướng' này. Cô kể, mỗi lần ăn xong Dũng lại bảo mẹ xuống nhà xem ti vi đi, bát đũa để đấy cậu lo. Rồi khi thấy mẹ xách thùng rau cho lợn, Dũng lại chạy ù ra hét lớn: " Mẹ ơi để con xách cho!".
Vượt qua nghịch cảnh và rào cản của cuộc sống, của những ngày đầu đến với sự nghiệp, Tiến Dũng đã và đang khẳng định mình trên bước đường thành công của nghiệp gác gôn. Nhưng anh vẫn khiêm tốn chia sẻ rằng: "Còn nhiều việc phải làm lắm anh ơi. Đây là lúc em phải làm tốt hơn nữa để đền đáp người hâm mộ cũng như nỗ lực để cống hiến cho màu cờ tổ quốc nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Bởi nếu không có họ, không biết bây giờ em đã đi về đâu nữa".
(Bài viết được đăng tải trên mục eMagazine của Kenh14.vn ngày 26/01/2018)
MỘT THẾ HỆ KIM CƯƠNG
U23 VIỆT NAM: BỨC CHÂN DUNG KHÔNG DỞ DANG - Hoàng Linh -
Bóng đá được biết đến như là một môn thể thao tập thể, nhưng ở bất cứ đội bóng thành công nào đều có những ngôi sao và cả những người hùng thầm lặng làm nền cho đồng đội tỏa sáng, như câu chuyện của U23 Việt Nam ở Vòng chung kết U23 Châu Á 2018.
NHỮNG NGÔI SAO DẪN LỐI
Thủ môn Bùi Tiến Dũng
Sai lầm nghiêm trọng ở trận U23 Việt Nam - U23 Hàn Quốc tại vòng loại giải U23 châu Á 2018 đã khiến Tiến Dũng bị mất suất bắt chính tại SEA Games 29 năm 2017. Tuy nhiên, kể từ khi HLV Park Hang Seo dẫn dắt đội tuyển, Tiến Dũng đã thi đấu cực kỳ xuất sắc và trở thành chốt chặn không thể thiếu trong hành trình lịch sử của U23 Việt Nam tại Vòng chung kết U23 Châu Á 2018.
Ngoài những pha cứu thua xuất thần, Tiến Dũng còn chứng tỏ năng lực đặc biệt trên chấm 11m khi đã có tới 4 lần cản phá penalty thành công, trong đó gồm 1 quả 11m ở trận U23 Việt Nam - U23 Hàn Quốc tại vòng bảng và 3 lần đẩy penalty thành công khi U23 Việt Nam lần lượt giành chiến thắng trước U23 Iraq và U23 Qatar bằng thi đấu luân lưu 11m ở vòng tứ kết và bán kết.
Ít ai biết rằng trước khi bước vào giải đấu này Tiến Dũng vẫn chưa hoàn toàn bình phục chấn thương ở đầu gối, nhưng thủ thành này vẫn chơi rất ấn tượng và góp phần quan trọng trong chiến tích giành chức á quân châu lục của U23 Việt Nam.
Tiền vệ Nguyễn Quang Hải
Chỉ ghi ít hơn 1 bàn thắng so với Vua phá lưới Almoez Ali (U23 Qatar, 6 bàn), sẽ không quá lời nếu nói rằng Quang Hải là cầu thủ xuất sắc nhất của U23 Việt Nam tại Vòng chung kết U23 Châu Á 2018. Ngoại trừ bàn mở tỷ số trong trận thua 1-2 trước U23 Hàn Quốc ở vòng bảng, 4 bàn thắng còn lại của Quang Hải ở giải năm nay đều mang tính chất quyết định, trong đó đặc biệt đáng nhớ là cú đúp bàn thắng ở trận bán kết và cú sút phạt đẹp như mơ ở trận chung kết.
Quang Hải là cầu thủ duy nhất có tới 2 siêu phẩm trong danh sách bình chọn những bàn thắng đẹp nhất giải, và cuối cùng Quang Hải đã giành chiến thắng với 139.704 lượt bầu chọn (chiếm 64% số phiếu) trong tổng số 218.915 phiếu bầu chọn.
Trước đó, bàn mở tỷ số vào lưới U23 Hàn Quốc của Quang Hải cũng giúp cầu thủ này nhận được hơn 98% phiếu bầu ở cuộc bình chọn bàn thắng đẹp nhất vòng bảng.
Không sở hữu thể hình lý tưởng nhưng Quang Hải nổi bật nhờ nhạy cảm ghi bàn, kỹ thuật hoàn hảo cùng nhãn quan chiến thuật tuyệt vời. Nhờ thế, Quang Hải luôn được đồng đội tạo điều kiện tốt nhất trong tất cả những tình huống mà U23 Việt Nam có thể ghi bàn vào lưới đối phương, và chưa lần nào Quang Hải phụ sự kỳ vọng của mọi người.
Tiền vệ Lương Xuân Trường
Không phải là mẫu cầu thủ thi đấu máu lửa nhưng Xuân Trường vẫn được thừa nhận là thủ lĩnh thực sự của U23 Việt Nam nhờ lối chơi điềm đạm, thông minh cùng khả năng gắn kết đồng đội. Thật ra những ai theo dõi lứa cầu thủ Xuân Trường, Công Phượng... từ khi họ mới 'xuống núi' vào cuối năm 2013 đều biết Xuân Trường mới là đội trưởng đầu tiên của đội U19 HAGL, nhưng sau một chấn thương khá nặng Xuân Trường đã phải nghỉ thi đấu và chiếc băng thủ quân này tạm thời được trao cho Công Phượng rồi mới trở lại cánh tay Xuân Trường.
Là một trong những cầu thủ U23 Việt Nam được HLV Park Hang Seo tin tưởng cho thi đấu trọn vẹn trong cả 6 trận đấu của U23 Việt Nam tại Vòng chung kết U23 Châu Á 2018, Xuân Trường đã hoàn thành xuất sắc vai trò thủ lĩnh của mình. Cũng vì thế mà có thời điểm Xuân Trường gần như đã cạn kiệt thể lực, chẳng hạn những phút cuối hiệp phụ của trận chung kết, nhưng HLV Park Hang Seo vẫn giữ Xuân Trường ở lại trên sân vì vai trò quá đỗi quan trọng của cầu thủ này.
Trả lời phỏng vấn sau trận U23 Việt Nam - U23 Iraq, Xuân Trường chia sẻ sau mỗi trận đấu nhiều cầu thủ U23 Việt Nam, trong đó có Xuân Trường, kiệt sức tới mức độ đi bộ cũng khó, nhưng ý chí và nghị lực để giúp họ đứng lên để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng.
Tiền vệ Phan Văn Đức
Chỉ được góp mặt vào đội tuyển U23 Việt Nam ở những giây phút cuối cùng nhờ sự tiến cử của Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede nhưng Phan Văn Đức đã
mau chóng chiếm được niềm tin của HLV Park Hang Seo.
Sau khi được HLV Park Hang Seo cho làm quen với không khí thi đấu bằng cách cho vào sân thay người ở 3 trận vòng bảng, Phan Văn Đức đã được đá chính bắt đầu từ vòng tứ kết và cầu thủ của SLNA đã nhanh chóng khẳng định được chỗ đứng.
Với tốc độ cùng khả năng đi bóng và dứt điểm hiệu quả bằng cả hai chân, Phan Văn Đức giữ vai trò quan trọng trong nhiệm vụ kết nối giữa tuyến tiền vệ với hàng tiền đạo của U23 Việt Nam, và chính Văn Đức đã ghi được một bàn thắng rất ý nghĩa ở trận tứ kết với U23 Iraq để gỡ hòa 2-2 cho U23 Việt Nam.
VỆ BINH DẢI NGÂN HÀ
Trung vệ Bùi Tiến Dũng
Chấn thương kéo dài đã khiến Bùi Tiến Dũng không thể tham dự đầy đủ chuỗi trận giao hữu trước giải của U23 Việt Nam, nhưng HLV Park Hang Seo vẫn kiên nhẫn giữ chỗ cho trung vệ này ở U23 Việt Nam, và cuối cùng niềm tin của ông thầy người Hàn Quốc đã được đền đáp xứng đáng, khi Tiến Dũng kịp thời bình phục trước ngày khai mạc giải và tham gia trọn vẹn tất cả các trận đấu của U23 Việt Nam.
Thực ra không phải bây giờ mà từ cách đây vài năm, khi U23 Việt Nam còn là U19 Việt Nam thì Tiến Dũng đã là trụ cột của hàng thủ dưới thời HLV Guillaume Graechen, rồi HLV Toshiya Miura và HLV Hữu Thắng ở đội tuyển U23 Việt Nam, và không có gì ngạc nhiên khi HLV Park Hang Seo cũng đặt trọn niềm tin vào Bùi Tiến Dũng sau khi ông lên nắm quyền.
Tiến Dũng là trung vệ duy nhất của U23 Việt Nam được đề nghị tham gia loạt sút luân lưu 11m ở trận tứ kết với U23 Iraq và Tiến Dũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở lượt sút quyết định để giúp U23 Việt Nam đoạt vé vào bán kết.
Trung vệ Trần Đình Trọng
Đình Trọng là một trong những tuyển thủ U23 Việt Nam hiếm hoi lọt vào mắt xanh HLV Park Hang Seo ngay sau khi ông thầy này dự khán những trận đấu đầu tiên ở V-League 2017, và dưới thời HLV Park, Đình Trọng đã nhanh chóng chiếm giữ vị trí then chốt ở khu vực trung tâm hàng thủ của U23 Việt Nam.
Khi Bùi Tiến Dũng còn chưa góp mặt và Duy Mạnh vẫn chưa quen với việc
thi đấu ở hàng thủ gồm 3 trung vệ thì Đình Trọng đã là một trong những cầu thủ chơi ổn định và đáng tin cậy nhất ở tuyến phòng ngự.
Không những thế, Đình Trọng cũng là cái tên nhận được sự tín nhiệm khi U23 Việt Nam cần sự đột biến trong lối chơi, chẳng hạn như lúc chúng ta bị U23 Iraq dẫn trước 2-1 ở đầu hiệp phụ thứ 2, Đình Trọng từ vị trí trung vệ được đưa ra chơi hậu vệ phải và chính Đình Trọng đã góp công lớn vào bàn thắng gỡ hòa 2-2 của U23 Việt Nam với cú tạt bóng khiến thủ môn U23 Iraq mắc lỗi, tạo điều kiện để Phan Văn Đức chớp cơ hội ghi bàn.
Trung vệ Đỗ Duy Mạnh
Đây là một trong những cái tên phải nhận vô số lời chỉ trích trong giai đoạn U23 Việt Nam chuẩn bị cho Vòng chung kết U23 Châu Á 2018, nhất là tại giải giao hữu M-150 Cup tại Thái Lan, khi Duy Mạnh tỏ ra rất lúng túng và lạc lõng ở sơ đồ hàng thủ gồm 3 trung vệ mà HLV Park Hang Seo bố trí cho U23 Việt Nam.
Là cầu thủ có sở trường ở vị trí tiền vệ trung tâm nhưng đã không ít lần được HLV sắp xếp chơi trung vệ, Duy Mạnh là một trong những cầu thủ chậm thích nghi nhất với sơ đồ 3-4-3 mà HLV Park Hang Seo áp dụng với U23 Việt Nam, nhưng sự chậm chạp này chỉ diễn ra trong giai đoạn chuẩn bị, còn khi bước vào giải đấu chính thức thì Duy Mạnh như đã lột xác hoàn toàn.
Trên đất Trung Quốc, Duy Mạnh đã chơi rất chắc chắn và ổn định ở vị trí trung vệ, và người hâm mộ nhớ tới Duy Mạnh nhờ pha cứu thua ngay trên vạch cầu môn ở những phút cuối cùng của trận U23 Việt Nam - U23 Syria. Nếu không có tình huống cứu thua đó của Duy Mạnh thì có thể hành trình của U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á đã kết thúc ngay sau vòng bảng.
Hậu vệ trái Đoàn Văn Hậu
Là em út của đội tuyển U23 Việt Nam (sinh năm 1999) nhưng Văn Hậu lại là cầu thủ sở hữu chiều cao tốt nhất (1m85) và lựa chọn đương nhiên cho vị trí hậu vệ trái nếu như không gặp vấn đề về thể lực.
Chính Văn Hậu là người thực hiện đường chuyền quyết định để Quang Hải ghi bàn mở tỷ số trong trận U23 Việt Nam - U23 Hàn Quốc. Sự ăn ý giữa Văn Hậu và Quang Hải đã giúp cánh trái của U23 Việt Nam trở thành một hướng tấn công nguy hiểm trong các trận đấu tại vòng bảng.
Tuy nhiên, chấn thương rách bắp đã khiến Văn Hậu vắng mặt trong 3 trận đấu tiếp theo ở vòng loại trực tiếp, và đây được xem là một tổn thất rất lớn
với đội quân của HLV Park Hang Seo.
Hậu vệ phải Vũ Văn Thanh
Không có nhiều hậu vệ Việt Nam được báo chí nước ngoài đánh giá cao nhờ tư duy chiến thuật hiện đại và lối chơi công thủ toàn diện như Văn Thanh. Thuận chân phải nhưng Văn Thanh có thể chơi cực tốt ở vị trí hậu vệ trái, và thực tế là sau khi Văn Hậu vắng mặt vì chấn thương, Văn Thanh đã quán xuyến hành lang trái một cách cực kỳ xuất sắc, giống như lúc Văn Thanh từng tỏa sáng ở vị trí này tại AFF Cup 2016.
Văn Thanh cũng là hậu vệ duy nhất đã tham dự trọn vẹn cả 2 cuộc đấu súng trên chấm 11m của U23 Việt Nam, và cả 2 lần sút của Văn Thanh đều mang tính chất quyết định, bao gồm cú sút đầu tiên ở trận tứ kết với U23 Iraq và cú sút cuối cùng ở trận bán kết với U23 Qatar, trong đó đặc biệt đáng kể là cú sút 11m ở trận thắng U23 Qatar, khi Văn Thanh xung phong nhận sút ở lượt thứ 5 vì thấy các đồng đội đều không muốn sút quả này.
Hậu vệ phải Phạm Xuân Mạnh
Cùng với Phan Văn Đức, Phạm Xuân Mạnh cũng chỉ được góp mặt vào giờ chót sau khi đã thi đấu ấn tượng ở U21 Quốc gia 2017 và được ông Park Hang Seo trực tiếp đưa lên đội tuyển U23 Việt Nam.
Khác với Văn Đức được làm quen dần dần với không khí trên sân, Xuân Mạnh bất ngờ được đá chính sau khi Văn Hậu phải nghỉ thi đấu vì chấn thương và Văn Thanh được kéo sang cánh trái, nhưng đã không có bất cứ sự lúng túng hay bỡ ngỡ nào từ phía Xuân Mạnh.
Hậu vệ đang khoác áo SLNA đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhờ lối chơi cơ động, mạnh mẽ, rất phù hợp với vị trí chạy cánh, và việc Xuân Mạnh được HLV Park Hang Seo tin dùng trong suốt cả 3 trận đấu ở vòng loại trực tiếp chính là bằng chứng thuyết phục cho năng lực của cầu thủ này.
Còn tiếp...
MỘT THẾ HỆ KIM CƯƠNG
...Tiếp theo
NHỮNG NGƯỜI HÙNG THẦM LẶNG
Tiền vệ Phạm Đức Huy
Rất hiếm khi xuất hiện trên mặt báo cũng như trong các khuôn hình nhưng Đức Huy vẫn là một trong những cầu thủ quan trọng nhất của U23 Việt Nam ở Vòng chung kết U23 Châu Á 2018. Ở CLB Hà Nội và cả ở đội tuyển U23 Việt Nam dưới thời các HLV tiền nhiệm, Đức Huy thường được bố trí chơi tiền vệ cánh phải hoặc thậm chí là hậu vệ phải, nhưng tại Vòng chung kết U23 Châu Á 2018, Đức Huy được HLV Park Hang Seo sắp xếp ở vị trí tiền vệ trung tâm.
Công việc của Đức Huy là đảm nhiệm vai trò lá chắn trước hàng thủ và bọc lót cho đội trưởng Xuân Trường. Vì thế, Đức Huy đã tham gia vào hầu như mọi cuộc chiến nóng bỏng nhất ở khu vực trung tuyến và dù Đức Huy không lần nào có tên bảng tỷ số, nhưng nếu không có một nhân vật làm nhiệm vụ dọn dẹp và thu hồi bóng như Đức Huy thì những cầu thủ ở tuyến trên như Quang Hải hay Phan Văn Đức khó lòng có cơ hội tỏa sáng.
Tiền đạo Nguyễn Công Phượng
Sẽ là hơi bất công khi xếp Công Phượngvào nhóm này, bởi kể từ ngày "xuống núi", Công Phượng luôn được coi như là ngôi sao sáng giá nhất thế hệ mình. Tại giải giao hữu M-150 Cup diễn ra ngay trước thềm Vòng chung kết U23 Châu Á 2018, Công Phượng cũng chơi nổi bật với cú đúp bàn thắng vào lưới U23 Thái Lan.
Tuy nhiên, ở Vòng chung kết U23 Châu Á 2018 thì vai trò của Công Phượng đã khác. Anh vẫn đã chính đều đặn ở tất cả các trận, nhưng ít khi ở lại trên sân cho tới lúc mãn cuộc và ở giải này Công Phượng lại có những đóng góp khác, vẫn quan trọng nhưng lại khá thầm lặng.
Đấy là pha bỏ bóng thông minh để Quang Hải sút tung lưới U23 Hàn Quốc, hay tình huống đi bóng lắt léo buộc hậu vệ U23 Uzbekistan phải phạm lỗi để Quang Hải có cơ hội ghi bàn gỡ hòa 1-1 cho U23 Việt Nam từ chấm đá phạt ở trận chung kết.
Đấy là những pha đột phá và quấy rối không ngưng nghỉ ở 6 trận đấu của U23 Việt Nam tại Vòng chung kết U23 Châu Á 2018, khiến hàng thủ đối
phương mệt nhoài và mở ra khoảng trống cho các đồng đội khác, như Quang Hải, như Văn Đức.
Và đấy là bàn mở tỷ số ở trận tứ kết với U23 Iraq, giúp U23 Việt Nam có được khởi đầu thuận lợi để hướng thế trận theo ý muốn của mình.
VŨ KHÍ BÍ MẬT TỪ BĂNG GHẾ DỰ BỊ
Tiền đạo Hà Đức Chinh
Hà Đức Chinh được HLV Park Hang Seo xếp đá chính ở hai trận đầu tiên tại vòng bảng với U23 Hàn Quốc và U23 Australia, nhưng ông thầy người Hàn Quốc mau chóng nhận ra rằng Đức Chinh sẽ thích hợp hơn nếu được tung vào sân ở giữa hiệp 2, khi hàng thủ đối phương đã mệt nhoài và lơi lỏng sự cảnh giác sau những pha đột phá liên miên của Công Phượng.
Và sự thật là Đức Chinh đã chơi tốt hơn sau khi được vào thay người, như tình huống tiền đạo này đánh đầu tung lưới U23 Iraq để nâng tỷ số lên 3-2 ở cuối hiệp phụ thứ 2, hay pha bóng Đức Chinh suýt nữa xé lưới U23 Uzbekistan với pha bay người đánh đầu lái bóng ở tầm thấp trong trận chung kết.
Tiền đạo Nguyễn Văn Toàn
Văn Toàn luôn là cái tên được HLV Park Hang Seo nhớ tới đầu tiên khi cần có một sự đột biến và tươi mới trên hàng công, chẳng hạn như khi U23 Việt Nam đang bị dẫn bàn ở trận tứ kết với U23 Iraq. Sau khi được tung vào sân, Văn Toàn đã góp công lớn trong tình huống dẫn tới bàn gỡ hòa 2-2 của U23 Việt Nam, khi Văn Toàn cướp được bóng từ thủ môn U23 Iraq và chuyền ra cho Văn Đức trong tư thế không bị ai kèm.
Tiền vệ Nguyễn Phong Hồng Duy
Hồng Duy được HLV Park Hang Seo cất kỹ trên băng ghế dự bị của U23 Việt Nam và phải tới trận bán kết với U23 Qatar thì tiền vệ này mới được tung vào sân. Chỉ không lâu sau khi xuất hiện trên sân, Hồng Duy đã biến cánh trái trở thành hướng tấn công cực kỳ nguy hiểm của U23 Việt Nam bằng khả năng đi bóng lắt léo và tốc độ của mình, buộc chân sút nguy hiểm nhất của U23 Qatar là Almoez Ali phải lùi sâu về sân nhà để theo kèm Hồng Duy. Ở trận chung kết Hồng Duy cũng được đưa vào sân thay người nhưng tiếc là mặt sân bị đóng băng vì mưa tuyết đã cản trở khả năng cầm bóng và dắt bóng của Hồng Duy.
Trung vệ Nguyễn Thành Chung
Giống như Văn Đức và Xuân Mạnh, Thành Chung cũng là một trong những cầu thủ được triệu tập bổ sung vào giờ chót nhưng lại chiếm được một suất chính thức tham dự Vòng chung kết U23 Châu Á 2018.
Thành Chung được tung vào sân thay thế Duy Mạnh ở trận tứ kết với U23 Iraq do Duy Mạnh bị chấn thương, và dù không có nhiều thời gian làm quen nhưng Thành Chung vẫn chơi rất tốt trong những phút có mặt trên sân, góp phần giúp hàng thủ U23 Việt Nam đứng vững trước sức công phá dữ dội của U23 Iraq.
Tiền vệ Bùi Tiến Dụng
Do phong độ quá ổn định và chắc chắn của cặp Đức Huy - Xuân Trường nên Tiến Dụng chỉ có thể vào sân từ ghế dự bị, nhưng trong cả 2 lần được HLV Park Hang Seo cho vào thay người thì Tiến Dụng đều thi đấu đạt yêu cầu. Là một trong những thành viên trẻ tuổi nhất của U23 Việt Nam (sinh năm 1998), Tiến Dụng vẫn còn rất nhiều cơ hội ở những kỳ giải sau.
U23 VIỆT NAM
U23 VIỆT NAM - MỘT THẾ HỆ ĐỘT PHÁ
-Hồng Ngọc -
Tài năng, bản lĩnh và không ngừng tiến bộ, U23 Việt nam xứng đáng được xem như một thế hệ đột phá của nền bóng đá nước nhà.
Họ tài năng, với cả một dàn cầu thủ chất lượng và đồng đều, nhưng không loại trừ các cá nhân xuất sắc như Quang Hải. Họ bản lĩnh, khi vượt qua được những thời điểm đầy thử thách cả ở vòng bảng lẫn hai trận đấu loại trực tiếp. Và họ trình diễn một thứ bóng đá hiện đại mà tinh tế. Và họ tiến bộ không ngừng trong giải đấu. Một thế hệ đột phá làm ngỡ ngàng tất cả chúng ta.
TÀI NĂNG
Một phần trong số họ là lứa đầu tiên của lò đào tạo HAGL Arsenal JMG, một mô hình đào tạo của Arsenal mà bầu Đức đã nhập khẩu về Việt Nam, mà khi họ "xuống núi" lần đầu tiên gần 4 năm trước đã làm ngất ngây những người yêu bóng đá Việt Nam.
Nhưng đó không phải là tất cả. Chỉ có 3 cầu thủ của lứa đó thường xuyên được ra sân trong đội hình đội tuyển U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á năm nay: Đội trưởng Lương Xuân Trường, tiền đạo Nguyễn Công Phượng và hậu vệ Vũ Văn Thanh.
Bóng đá Việt Nam còn ghi danh rất nhiều cầu thủ tài năng khác, cùng thế hệ với họ. Nổi bật là lò đào tạo CLB Hà Nội, không ồn ào nhưng cực kỳ hiệu quả. Có tới 5 cầu thủ của CLB Hà Nội thường xuyên ra sân ở giải lần này, nổi bật nhất là tiền vệ tấn công Nguyễn Quang Hải.
Chàng trai đó là một phiên bản nâng cấp vượt trội của đàn anh Phạm Thành Lương, với cái chân trái kỳ diệu hơn, giàu sức mạnh hơn, và tính hợp lý cũng cao hơn.
Tài năng của Quang Hải không chỉ nằm ở việc thực hiện các siêu phẩm, anh đã ghi 5 bàn tại giải lần này, xếp thứ nhì trong danh sách ghi bàn tại giải, dù không phải là một tiền đạo thực thụ. Anh giữ bóng, xử lý bóng, phối hợp trong không gian hẹp theo cách mà giới bóng đá gọi là 'dị', nhưng rất hợp lý và chính xác.
Khả năng giữ bóng, phối hợp đoạn ngắn thì không phải là tài của riêng Quang Hải. Hầu hết cầu thủ thường xuyên ra sân của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải châu Á đều có kỹ năng này tốt hơn hẳn các thế hệ trước, ù không 'dị' như Quang Hải.
Không chỉ các tiền vệ, hậu vệ cánh mà cả các trung vệ đều có thể tự tin cầm bóng, phối hợp nhóm rất tự tin và khéo léo để giải tỏa sức ép và phát triển bóng. Đó là lý do đội tuyển U23 Việt Nam có thể cầm bóng tấn công trước mọi đối thủ khi cần thiết, dù tất cả đều là đối thủ mạnh, luôn trên cơ bóng đá Việt Nam.
Nhưng về tổng thể, chất lượng của họ là không phải bàn cãi. Đó có thể là lý do HLV Park Hsng Seo đã luôn miệng nhắc tới điều đặc biệt mà đội tuyển U23 Việt Nam sẽ làm được, bởi sau thời gian làm việc, ông đã nhận ra chất lượng của họ.
TƯ DUY CHIẾN THUẬT
Nhờ kỹ thuật của cả một thế hệ cầu thủ cho phép, đội tuyển U23 Việt Nam có thể chơi phối hợp nhóm tốt trên cả ba tuyến. Những tiến bộ về thể lực và ý thức chiến thuật được gia tăng dưới bàn tay của HLV Park Hang Seo cũng cho phép cả ba tuyến giữ được cự ly đội hình rất tốt để triển khai lối chơi. Cự ly đội hình là khoảng cách phù hợp giữa các tuyến, cho phép các cầu thủ ở hai tuyến kề nhau (hậu vệ - tiền vệ; tiền vệ - tiền đạo) phối hợp bóng ngắn mà ít có nguy cơ bị đối phương băng cắt (trừ khi để lộ ý đồ chuyền bóng). Bóng đá Việt Nam thời thế hệ Hồng Sơn, Huỳnh Đức hầu như không có ý thức giữ cự ly đội hình.
Khi các hậu vệ còn ở trước vòng cấm địa đội nhà, tiền đạo có thể vẫn đứng ở... gần vòng cấm địa đối phương. Việc chuyền bóng giữa cầu thủ ở hai tuyến liền kề thậm chí cần đến các đường chuyền dài và trung bình. Thời đó, chỉ có Cảng Sài Gòn và Đồng Tháp là giữ cự ly đội hình tương đối phù hợp.
Do không giữ cự ly đội hình phù hợp để các tuyến hỗ trợ nhau, các đợt tấn công chủ yếu thực hiện bằng các đường chuyền dài, hướng lên rất nhanh theo kiểu đột kích. Từ khi HLV Weigang đến Việt Nam, những cải tiến về cự ly đội hình bắt đầu thực hiện, nhưng thói quen tấn công kiểu đột kích tốc độ bằng số ít đã ngấm vào máu của các cầu thủ.
Nỗ lực giữ cự ly đội hình chỉ thực hiện được giữa hai tuyến mà không kết nối tốt với tuyến thứ ba: khi phòng ngự thì tuyến tiền đạo ở quá xa tuyến tiền
vệ, khi tấn công thì tuyến hậu vệ lại ở quá xa tuyến tiền vệ. Khi đột kích gặp bế tắc trước các đối thủ có tổ chức thì tấn công bị tê liệt, trong khi hàng thủ thiếu sự hỗ trợ phòng ngự của các cầu thủ tấn công cũng bị bóp nát trước các đội bóng mạnh có khả năng tấn công bằng cả đội hình. Đó là lý do ngay cả "thế hệ vàng" cũng nhanh chóng bị sụp đổ trước các đối thủ mạnh ở ngoài khu vực, thậm chí trước Thái Lan.
Thế hệ vô địch Đông Nam Á năm 2008 đã cải thiện đáng kể về việc giữ cự ly đội hình thời HLV Calisto, nhưng kỹ năng đan bóng hạn chế của các tiền vệ và khả năng cầm bóng còn hạn chế của các hậu vệ đã khiến đội tuyển Việt Nam gặp hạn chế trong việc dàn đội hình để tấn công các đối thủ mạnh trong khu vực. Những chiến thắng trước Singapore, Thái Lan vẫn đến từ các pha bóng tấn công kiểu đột kích.
Nhưng thế hệ U23 hiện tại đã khắc phục được những hạn chế ấy. Đó là lý do cả đội bóng có thể dâng đội hình lên tấn công Iraq hay Qatar khi bị dẫn bàn, hoặc tình huống cho phép. Đó cũng là lý do cả đội hình có thể triển khai phòng ngự khắp các tuyến, khiến đội bóng không bị thua quân số cục bộ, và người hâm mộ không rơi vào cảm giác lo lắng thường trực theo kiểu cứ đối thủ mạnh lên bóng lại khiến chúng ta thót tim như trước đây.
Nhờ cải thiện về kỹ thuật và tư duy chơi bóng, cuộc chơi không còn là những chặng đua tốc độ thường trực khiến cầu thủ không trụ nổi sau 90 phút như truyền thống của bóng đá Việt Nam. Thế hệ này thậm chí đã vượt qua 2 trận đấu liên tiếp với 120 phút và loạt sút luân lưu chỉ cách nhau 3 ngày, và đều có ít hơn đối phương 1 ngày nghỉ.
BẢN LĨNH
Các thế hệ cầu thủ trước khi đương đầu với đối thủ mạnh chỉ trông chờ vào việc tử thủ: phòng ngự nhiều lớp, ranh chấp bóng kiểu lăn xả và hy vọng ở các đợt phản công đột kích. Hy vọng đó chỉ duy trì khi vẫn còn là tỷ số hòa, và sáng hơn khi chúng ta dẫn bàn. Còn khi bị dẫn bàn là coi như... ván đã đóng thuyền.
Đó là lý do khi Iraq vươn lên dẫn trước 2-1 ở hiệp phụ, theo truyền thống đa số chúng ta đều tin rằng chuyến phiêu lưu đã kết thúc.
Nhưng thế hệ này đã khác. Họ không còn phòng ngự kiểu tử thủ nữa, mà có tổ chức, tư duy và kỹ thuật, nên giữ được thể lực đến cuối trận và có thể dâng đội hình lên tấn công khi cần. Họ đã tấn công Iraq trở lại, gỡ hòa và
vượt lên, trước khi bị gỡ để kết thúc 120 phút ở tỷ số 3-3.
Đó không phải là lần duy nhất họ bị dẫn trước. Họ cũng bị Hàn Quốc, Qatar và Uzbekistan dẫn trước, nhưng không một lần sụp đổ. Chỉ có trước Hàn Quốc là không có bàn gỡ, trận trước Qatar thậm chí bàn gỡ hòa còn được ghi ở phút 89.
Cách các cầu thủ đối diện với những quyết định sai lầm của trọng tài thì quá mẫu mực, dù đó là quả phạt đền oan ức dẫn đến việc Iraq gỡ hòa 1-1 hay Qatar dẫn 1-0, cả đội bóng chỉ phản ứng có chừng mực để không bị phạt thẻ, và giữ được cái đầu lạnh để tiếp tục thi đấu như thể chưa từng chịu bất công nào. Vì sai lầm của trọng tài là một phần của bóng đá, ấm ức với nó như các thế hệ đàn anh thì chỉ góp phần loại đội mình khỏi cuộc chơi. Nhưng để không ấm ức lại vô cùng khó khăn về tâm lý.
Các cầu thủ cũng đối diện tuyệt vời với loạt sút luân lưu. 10 lần thì thành công tới 9, cú sút không thành bàn duy nhất là của Quang Hải cũng rất chất lượng, nhưng thủ môn đối phương đã phán đoán và phản xạ quá tốt. Nhìn cách Vũ Văn thanh khoanh tay đứng ngạo nghễ ăn mừng sau cú sút quyết định ở bán kết, chúng ta hiểu rằng bản lĩnh của họ thật vững vàng, chứ không đơn giản thành tựu của họ là may rủi.
Với tất cả lý do trên, chúng ta có thể đặt niềm tin vào thế hệ cầu thủ này. Những gì họ đã thực hiện ở giải lần này sẽ không phải là lần duy nhất.
VINH QUANG VÀ NHỮNG NGƯỜI THẦY
BẦU ĐỨC VÀ BẦU HIỂN - NHỮNG NGƯỜI MANG TRÁI NGỌT CHO U23 VIỆT NAM
- Hồng Ngọc -
Hai ông bầu cùng sinh năm 1962 đã góp tổng cộng 11 cầu thủ trong danh sách đội tuyển U23 dự Vòng chung kết giải châu Á, và góp 8 trong số 13 cầu thủ thường xuyên ra sân của đội bóng.
Những cầu thủ nổi bật ở U23 Việt Nam thuộc biên chế các đội bóng của bầu Đức và bầu Hiển có thể kể đến hậu vệ Đoàn Văn Hậu (Hà Nội), Vũ Văn Thanh (HAGL), Đỗ Duy Mạnh (Hà Nội); tiền vệ Phạm Đức Huy (Hà Nội), Nguyễn Quang Hải (Hà Nội), Nguyễn Phong Hồng Duy (HAGL); tiền đạo Nguyễn Công Phượng (HAGL)...
BẦU ĐỨC - NGƯỜI KHAI PHÁ
Bầu Đức, tên thật là Đoàn Nguyên Đức, một trong ba người khai phá việc tư nhân hóa bóng đá, khi 'mua' đội hạng nhất Gia Lai, đổi tên thành Hoàng Anh Gia Lai năm 2001, ngay lập tức thăng lên hạng chuyên nghiệp, và cũng vô địch V.League ngay ở mùa đầu tiên tham dự.
Hai ông bầu còn lại là Võ Quốc Thắng (Gạch Đồng Tâm Long An) và Nguyễn Đức Kiên (ACB Hà Nội). Cũng chính ba ông bầu này về sau (năm 2011) đã lập Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong điều hành V.League.
Cùng với việc tuyển mộ Kiatisak và vô địch V-League, HAGL từ một thương hiệu tỉnh lẻ lập tức trở thành thương hiệu lớn, được biết đến rộng rãi trên toàn quốc.
Bản thân vụ tuyển mộ Kiatisak là lần đầu tiên bóng đá Việt thực hiện một thương vụ chuyển nhượng quốc tế có ảnh hưởng lớn về truyền thông, được xem như "không tưởng", khi lúc đó bóng đá Việt đang ở vị thế thấp hơn Thái Lan về mọi mặt, trong khi Kiatisak lại là biểu tượng của bóng đá Thái.
Kiatisak không phải là cái tên duy nhất. Gần như tất cả cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá Việt có thể mua được lúc đó, bầu Đức đều mua, tạo ra đội hình trong mơ với lối chơi đẹp mắt, mang lại hai chức vô địch V-League liên tiếp
năm 2002, 2003. Nên bầu Đức cũng là người khai phá, tạo ra thị trường cầu thủ Việt.
Nhưng HAGL giống như chiếc trực thăng, cất cánh thẳng đứng mà không thể bay đường dài. Sau 2 chức vô địch quốc gia, họ không bao giờ trở lại vị trí này nữa. Những cố gắng miệt mài của bầu Đức sau đó, gồm cả thương vụ gây chấn động hơn cả vụ tuyển mộ Kiatisak là đón cầu thủ Việt kiều Lee Nguyễn từ châu Âu về (từ CLB Randers FC của Đan Mạch), cũng không thể chấn hưng lại HAGL.
Dường như là những sai lầm về quản trị đã không giúp HAGL duy trì được vị thế. Bầu Đức khai phá ra thị trường cầu thủ thì cũng bao gồm cả khai sinh tác động tiêu cực. Ông đặt ra tiền lệ chế độ lót tay khi ký hợp đồng với cầu thủ, làm giàu nhanh chóng cho họ nhưng cũng làm hư họ, và bòn rút nguồn lực của các đội bóng đã đào tạo nên họ.
Chế độ thưởng nóng đầy cảm hứng theo thành tích của đội bóng cũng là do ông đặt tiền lệ, và cũng làm hư cầu thủ. Nó khiến cầu thủ nhìn thấy treo thưởng mới cố gắng, thay vì nỗ lực thi đấu là trách nhiệm đương nhiên của họ. Nó khiến các cầu thủ so bì về mức thưởng giữa các đội khác nhau, thấy thấp thì bĩu môi không cố gắng.
Cuộc chạy đua về chế độ lót tay, tiền thưởng ở V-League mà bầu Đức khơi mào đã vắt kiệt nguồn lực của các ông bầu, khiến hàng loạt doanh nghiệp chỉ nhảy vào như cuộc chơi ngắn hạn rồi rút đi. Bầu Đức khai mào việc làm hư cầu thủ, rồi lại quay sang chửi cầu thủ hư, khi có đội bóng khác lôi kéo cầu thủ của mình với số tiền lót tay nhiều hơn.
Bất lực, ông cho rằng sự hỏng hóc này là cả một thế hệ, quyết tâm làm lại bằng đào tạo.
Lại một cú đột phá mới với việc khai trương lò đào tạo HAGL Arsenal JMG, hợp tác với CLB Arsenal và bê mô hình của họ, tuyển sinh lứa đầu năm 2007. Không chỉ dạy họ đá bóng, lò đào tạo này còn dạy cầu thủ những kỹ năng sống và sống tử tế. Niềm vui của ông chuyển dần từ việc dự khán đội bóng đá V-League sang xem các cầu thủ trẻ tập luyện và trưởng thành.
Quả ngọt của công việc đó bắt đầu được chứng kiến sau đó 7 năm, khi lứa đầu của HAGL JMG "xuống núi" năm 2014 với việc tham gia các giải trẻ quốc tế, gây nức lòng người yêu bóng đá Việt Nam, và góp phần chủ yếu khi đội U19 Việt Nam thắng đồng đội trang lứa Australia tới 5-1.
Thêm một cú đột phá gây chấn động nữa của bầu Đức. Trong hơn 1 năm trời, lứa cầu thủ này là hiện tượng có sức hút lớn nhất của bóng đá Việt Nam.
Rồi một ngày kia, ông bê cả đội hình đó lên thay đội hình 1 của mình để dự V-League. Đó là hiện tượng bất thường trong bóng đá, nhưng là tiến trình tất yếu trong cách làm của bầu Đức khi nỗi thất vọng với đội hình 1 được ông quy về sự hỏng hóc về con người của cả thế hệ trước.
Nhưng lò đào tạo lẫn lứa cầu thủ đó vẫn như chiếc trực thăng vậy, cất cánh thẳng đứng mà không thể bay đường dài. Sau lứa một, lò HAGL JMG vẫn chưa giới thiệu được khuôn mặt nào khả dĩ của các lứa tiếp theo.
Và sau màn khởi đầu hoành tráng, lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường cứ lụi dần, từ chỗ áp đảo trong danh sách đội tuyển U19 3 năm trước, nay chỉ còn 2-3 cầu thủ thường xuyên đá chính ở đội tuyển U23.
Nhưng cảm hứng to lớn của việc đào tạo trẻ quy mô mà bầu Đức khai phá thì không tàn lụi.
Còn tiếp...
VINH QUANG VÀ NHỮNG NGƯỜI THẦY
BẦU ĐỨC VÀ BẦU HIỂN - NHỮNG NGƯỜI MANG TRÁI NGỌT CHO U23 VIỆT NAM
- Hồng Ngọc -
...Tiếp theo
BẦU HIỂN - NGƯỜI TẠO ĐƯỜNG RAY
Khác hẳn với phong cách của bầu Đức, bầu Hiển - tên thật là Đỗ Quang Hiển, không tạo ra một sự kiện chấn động nào kể từ ngày làm bóng đá. Ông cần mẫn tập hợp các cựu cầu thủ Việt có tài năng và tâm huyết về để xây dựng đội bóng và đào tạo cầu thủ.
Cái tên Hà Nội T&T bắt đầu xuất hiện trong bản đồ bóng đá Việt Nam từ năm 2006 từ hạng thấp nhất, sau 3 năm thăng 3 hạng để lên V-League. Và cũng chỉ mùa thứ hai dự V-League, họ đã đăng quang. Tính chi li, mùa giải thứ năm từ khi xắn tay làm bóng đá, bầu Hiển mới thực sự nếm trái ngọt đầu tiên, chậm rãi hơn nhiều so với chức vô địch ngay ở mùa thứ hai của bầu Đức.
Cái tên "bầu Hiển" ngay từ đầu không mang đến quá nhiều thiện cảm cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam, vì không tạo ra sự kiện chấn động, đánh vào cảm xúc của người hâm mộ như bầu Đức.
Trái lại, bầu Hiển còn mang một hình ảnh tiêu cực, một ông bầu khuynh đảo V-League. Ngoài đội bóng ruột Hà Nội T&T mang tên doanh nghiệp T&T của mình (mới đổi tên thành CLB Hà Nội để tăng thiện cảm của người hâm mộ), ông còn đỡ đầu cho hàng loạt đội bóng khác ở V-League qua hình thức tài trợ như SHB Đà Nẵng, QNK Quảng Nam, Sài Gòn FC và Than Quảng Ninh.
Với các tiêu chuẩn về quản trị giải đấu, nó tạo ra nguy cơ thông đồng giữa các đội cùng phe nhóm. Nhưng đây là lỗi của những nhà tổ chức hơn là lỗi của bầu Hiển.
6 trên 9 danh hiệu vô địch V.League mà các đội bóng "của bầu Hiển" giành được tại V.League từ 2009 đến nay (Hà Nội T&T 2010, 2014, 2016, SHB Đà Nẵng 2009, 2012, QNK Quảng Nam 2017) càng củng cố thêm cơ sở cho
những nghi ngờ. Chỉ có Bình Dương (2 lần) và SLNA (1 lần) chen chân được vào ngai vàng V.League trong khoảng thời gian này.
Nhưng thật ra, ai chứng kiến Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng chơi bóng trong những mùa họ đăng quang, chỉ có thể nói rằng cả hai xứng đáng lên ngôi, thể hiện qua lối chơi và chất lượng bóng đá mà họ trình diễn.
Bảng vàng danh hiệu mà các đội bóng "của bầu Hiển" áp đảo ở V.League, cùng sự ổn định đáng kinh ngạc của Hà Nội T&T (CLB Hà Nội) trên đỉnh cao - dù vài năm gần đây họ trẻ hóa rất mạnh mẽ khi cho ra sân hàng loạt cầu thủ chưa đầy 20 tuổi - cho thấy năng lực làm bóng đá của bầu Hiển là không thể phủ nhận và rất bền vững.
Những cầu thủ được tham dự V.League khi chưa đầy 20 tuổi những năm qua có tên là Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng, Phạm Đức Huy và Đoàn Văn Hậu, đều đang đá chính ở đội tuyển U23, nếu không bị chấn thương.
Họ là "cây nhà trồng được", khi được đào tạo bởi chính lò đào tạo của đội bóng, không chỉ được tuyển chọn ở Hà Nội (Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng) mà cả ở các tỉnh phía bắc (Đức Huy từ Hải Dương, Văn Hậu từ Thái Bình).
Xét về quân số tham gia đội tuyển U23, họ nhỉnh hơn lò đào tạo nổi tiếng của bầu Đức (6-5). Xét về số thường xuyên đá chính thì còn chênh lệch hơn nữa (5-3 hoặc 5-2). Nhưng chúng ta thậm chí chẳng mấy khi chứng kiến lò đào tạo của CLB Hà Nội xuất hiện trên mặt báo và càng không có hiện tượng truyền thông đáng kể nào.
Có thể cách thức quản trị của bầu Hiển đã giúp họ phát triển bền vững. Những cầu thủ có tính chất biểu tượng của đội như Thành Lương, Văn Quyết hay mới đây là Quang Hải không bị đối diện với những tin đồn xấu về lối sống, ứng xử và vẫn gắn bó với đội bóng.
Bầu Hiển từng có thương vụ tuyển mộ đình đám là tiền đạo nổi tiếng Lê Công Vinh, nhưng khi tiền đạo xứ Nghệ kết duyên với một ngôi sao showbiz, ông đã không tìm cách giữ lại nữa.
Người ta lập luận rằng, ngay cả với con mình, bầu Hiển cũng không nuông chiều, khi vẫn cùng gia đình ở ngôi nhà cũ, sinh hoạt giản dị, tự tìm việc làm ở nước ngoài, thì dễ hiểu khi ông không nuông chiều để làm hư cầu thủ. Nhưng đủ hậu đãi họ để các cầu thủ giỏi gắn bó, chứ không phải tìm đường
bỏ đi như đội bóng của bầu Kiên.
Bầu Đức - bầu Hiển, mỗi người một vẻ, đều đóng góp rất lớn cho bóng đá Việt Nam, đặc biệt là đội tuyển U23 hiện tại, và xứng đáng nhận sự tri ân của người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Nhưng nếu như bầu Đức đã được tung hô rất nhiều, thì bầu Hiển còn chưa được đánh giá đúng mực, dù thành tựu của ông với bóng đá Việt Nam còn lớn hơn, và bền vững hơn.
ÔNG PARK HANG SEO
ÔNG PARK HANG SEO VÀ "CON ĐƯỜNG" ĐẾN VỚI BÓNG ĐÁ VIỆT
- Nguyên Khôi -
Sau khi thất bại với phương án một là một HLV người Nhật Bản, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) mới chuyển sang phương án hai đàm phán, mời ông Park Hang Seo làm HLV trưởng.
Thất bại của đội tuyển U23 Việt Nam tại SEA Games 2017 ở Malaysia buộc HLV Nguyễn Hữu Thắng xin từ chức. Từ đây, bóng đá Việt Nam lại phải bắt đầu tìm một HLV mới.
Vấn đề là chọn HLV nội hay ngoại? Sau khi tham khảo nhiều nguồn, đặc biệt từ Hội đồng HLV quốc gia, phương án HLV ngoại được chọn.
CHỈ LÀ ỨNG VIÊN THỨ HAI
Biết được bóng đá Việt Nam cần tuyển HLV ngoại, các ứng viên từ khắp nơi đã gửi hồ sơ khá nhiều về cho VFF.
Từ các hồ sơ gửi đến, VFF cùng Hội đồng HLV quốc gia đã xem xét, gút lại còn ba ứng viên ưng ý nhất vào "chung kết" để bắt đầu đàm phán.
Theo thứ tự ưu tiên, HLV Park Hang Seo là cái tên xếp thứ hai sau ứng viên số một Takashi Sekizuka (Nhật Bản) và trên một HLV đến từ châu Âu.
HLV Takashi Sekizuka được ưu tiên thương thảo đầu tiên vì từng đưa đội tuyển U23 Nhật Bản giành vị trí thứ 4 tại Olympic London 2012, từng làm trợ lý cho HLV trưởng đội tuyển Nhật Bản và được các CLB hàng đầu Nhật Bản đánh giá cao về chuyên môn.
Và quan trọng hơn, ông Takashi Sekizuka đang không dẫn dắt CLB nào sau khi chia tay CLB Chiba (Nhật Bản).
Trong khi đó, HLV Park Hang Seo cũng có bản lý lịch không thua kém khi từng là trợ lý số một của HLV Guus Hiddink (Hà Lan) ở đội tuyển Hàn Quốc giành hạng tư World Cup 2002 và cũng từng là HLV trưởng đội tuyển U23 Hàn Quốc giành Huy chương đồng Asiad 2002.
Tuy nhiên, HLV Park Hang Seo không phải là người tự do khi đang dẫn dắt CLB Changwon City thi đấu ở Giải hạng 3 Hàn Quốc 2017.
Với danh tiếng của mình, HLV Takashi Sekizuka đã yêu cầu mức lương, chế độ đãi ngộ khá cao cùng đòi hỏi khá khắt khe về điều kiện sân bãi cho đội tuyển tập luyện. Tuy nhiên, VFF vẫn quyết định sang Nhật Bản để thương thảo cụ thể.
Chính phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn là người bay sang Nhật Bản để đàm phán.
Sau cuộc gặp, nhà cầm quân người Nhật Bản xin phép được suy nghĩ và sẽ trả lời trong vòng 10 ngày. Sau đó ông đã tế nhị gửi mail xin lỗi VFF là không thể sang Việt Nam được vì nhiều lý do.
Cuối cùng, ông ký hợp đồng dẫn dắt CLB Chonburi (Thái Lan) vào tháng 12/2017.
Thất bại với phương án một, VFF lập tức chuyển sang phương án hai là HLV Park Hang Seo. Sau khi trao đổi qua lại, người đại diện Lee Dong Jun (người đã nộp đơn ứng cử thay cho ông Park) muốn VFF sang Hàn Quốc bàn bạc cụ thể.
Cuộc thương thảo diễn ra tại Bảo tàng Bóng đá Hàn Quốc ở sân vận động FIFA World Cup 2002 (thủ đô Seoul), với sự có mặt của phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn, phó chủ tịch Đoàn Nguyên Đức, tổng thư ký Lê Hoài Anh, người đại diện Lee Dong Jun cùng vợ chồng ông Park.
Tại sao lại có vợ ông Park ở buổi đàm phán? Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh giải thích vì bà muốn tiếp đón những người Việt Nam, như là cách để thể hiện tình cảm của người vợ và sự ủng hộ tuyệt đối của mình dành cho người đàn ông của mình khi quyết định sang Việt Nam làm việc.
Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh kể: "Bà ấy đứng từ ngoài cửa niềm nở tiếp đón mọi người. Và sau cuộc thương thảo, bá ấy lại bịn rịn chia tay mọi người đầy cảm động".
Chỉ ít phút sau khi cuộc đàm phán tại Hàn Quốc kết thúc và cơ bản thống nhất được mọi thứ, trang Twitter tin tức bóng đá Hàn Quốc loan tin "Cựu HLV trưởng CLB Gyeongnam và Jeonnam Park Hang Seo sẽ là tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam".
Báo chí Việt Nam lập tức xôn xao, vì trước đó chẳng ai nghe VFF nói gì về ứng viên Hàn Quốc và cũng chẳng ai biết việc lãnh đạo VFF sang tận đây ký hợp đồng.
Điện thoại của phó chủ tịch thường trực VFF và tổng thư ký Lê Hoài Anh hiện tin nhắn từ Việt Nam qua liên tục chỉ với một câu hỏi "VFF đã ký hợp đồng với HLV Hàn Quốc?".
Ngay cả ông Park cũng ngạc nhiên và "nghi ngờ" VFF bắn tin về nhà, khi mà mọi thứ còn chưa chính thức.
Vì sao tin này được loan ra ngoài? Nguyên nhân là do sự có mặt tình cờ của một phóng viên Hàn Quốc ngay ngày VFF sang thương thảo.
Anh này đến Bảo tàng Bóng đá Hàn Quốc chơi và được người phụ trách bảo tàng cho biết lát nữa sẽ có VFF sang thương thảo hợp đồng với HLV Park Hang Seo.
Thế là sau khi VFF làm việc xong với HLV Park Hang Seo, phóng viên này đã viết lên Twitter tin tức bóng đá Hàn Quốc.
Vì thế, thay vì trả lời từng phóng viên, VFF đã chẳng đặng đừng viết ngay bản thông cáo báo chí ngắn công bố ngay trên trang web chính thức của VFF, bởi vẫn chưa muốn công bố ngay thông tin này khi mọi thứ chỉ mới đạt được 90%.
VÌ SAO ÔNG PARK CHỌN VIỆT NAM?
Nói về lý do quyết định sang Việt Nam, HLV Park Hang Seo kể: "Người đại diện của tôi gọi cho tôi và nói về việc đội tuyển Việt Nam đang cần một HLV trưởng.
Tôi cảm thấy đây là thông tin thú vị, vì trước đây tôi cũng mong muốn dẫn dắt một đội tuyển quốc gia nào đó. Do đó khi nhận được thông tin này, tôi quyết định đến Việt Nam nếu chúng tôi thương thảo thành công và đi đến việc ký hợp đồng.
Thật ra, tôi cũng cân nhắc kỹ lưỡng và suy nghĩ nhiều trong một tuần trước khi quyết định ký hợp đồng dẫn dắt tuyển Việt Nam tại Hàn Quốc hôm 29/9.
Người đại diện của tôi đã cung cấp cho tôi rất nhiều điều về tiềm năng của bóng đá Việt Nam. Chẳng hạn như bóng đá trẻ Việt Nam đang có nhiều tiến
bộ, gần đây nhất là đội tuyển U20 Việt Nam giành quyền vào Vòng chung kết U20 thế giới 2017 tại Hàn Quốc.
Vì thế, tôi quyết định chia tay CLB Changwon khi có cơ hội thực hiện giấc mơ dẫn dắt một đội tuyển quốc gia của mình".
CÓ MỘT HLV PARK HANG SEO RẤT KHÁC
CÓ MỘT HLV PARK HANG SEO RẤT KHÁC
- Nguyên Khôi -
Cực kì dễ mến ngoài sân tập nhưng khi bước vào trận đấu, HLV trưởng đội tuyển U23 Việt Nam Park Hang Seo lại là một người khác hẳn. "Ông già gân" 59 tuổi này sẵn sàng chiến đấu vì các học trò, vì đội bóng mà mình đang dẫn dắt.
Khác hẳn cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Toshiya Miura (Nhật Bản) luôn giữ thái độ lạnh tanh với báo chí, HLV Park Hang Seo - dù có gương mặt nghiêm nghị - thường nở nụ cười khi bắt gặp giới truyền thông Việt Nam. Những buổi tập ở Côn Sơn (Trung Quốc), thời tiết lạnh giá, ông Park luôn là người vào sân sớm nhất để kiểm tra sân bãi. Và khi trông thấy anh em phóng viên Việt Nam đang đứng chờ sẵn trên sân, ông nở nụ cười và vẫy tay chào đầy thân thiện trước khi bắt tay vào công việc của mình.
Vậy mà trên sân thi đấu, HLV Park lại 'dữ' hơn bao giờ hết. Mọi việc chỉ đạo trên sân trong suốt trận, ông hầu như giao cho trợ lý Lư Đình Tuấn ra đường biên nhắc nhở các cầu thủ. Nhưng khi cần thiết, ông sẵn sàng từ khu kỹ thuật lao ra đường biên để phản ứng với trọng tài hay cả với HLV đối thủ để bảo vệ cho các học trò. Như ở trận thắng lịch sử 1-0 trước U23 Australia, chứng kiến đội trưởng Xuân Trường đoạt bóng trong chân đối thủ và bị trọng tài thổi phạt ở gần giữa sân, HLV Park đã chạy ra biên giơ tay phản ứng vì cho rằng học trò đã truy cản đúng luật. Hay khi thấy HLV trưởng U23 Australia Ante Milicic phản ứng với trọng tài bàn về việc U23 Việt Nam đôi lúc ra đường biên chỉ đạo đến 2-3 người, ông Park cũng không ngần ngại quay ra "nói chuyện" ngay với đối thủ để bênh vực cho các trợ lý của mình.
Nhưng điều lớn nhất mà HLV Park Hang Seo làm được ở U23 Việt Nam chính là từ cách ông cư xử bằng cả tấm lòng của mình với các cầu thủ. "Không có thần kinh thép, không có sự tinh tế, không có sự nhạy bén, tinh tường trong đọc trận đấu, không có cái uy, không năng lực chuyên môn khi còn là cầu thủ, không giữ được cái đầu lạnh, không thương yêu hòa đồng với cầu thủ, không giúp họ phát huy được tính ưu việt của từng người, không công bằng rõ rệt, không được mọi người phục thì không làm HLV trưởng được", trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa đã nhận xét đầy tình cảm về ông Park.
Khi thay người, ông Park không chỉ bắt tay mà còn ôm lấy cầu thủ bị thay ra
sân đầy tình cảm chứ không phải là cái bắt tay vội vàng mắt nhìn ra sân xem trận đấu đang diễn ra. Và khi đội chiến thắng, ông cũng không quên ôm lấy từng cầu thủ để cùng nhau ăn mừng. Hình ảnh ấy cho thấy U23 Việt Nam thật sự là một gia đình.
Ở trận mở màn, báo chí Hàn Quốc đã đánh giá cao màn trình diễn của U23 Việt Nam trong trận thua ngược U23 Hàn Quốc 1-2. Còn hôm 14-1, báo chí Hàn Quốc lại một phen "bùng nổ" với người đồng hương Park Hang Seo sau chiến thắng 1-0 của U23 Việt Nam trước Australia. Thậm chí ngay sau trận đấu, kênh truyền hình của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã xin phỏng vấn HLV Park Hang Seo ngay trên sân Côn Sơn và bày tỏ không ngờ thể lực U23 Việt Nam lại tốt như vậy, chiến thuật rõ ràng và tiến bộ đến thế ở sân chơi lớn của bóng đá trẻ châu lục.
Thể lực và chiến thuật là điều đáng ghi nhận của U23 Việt Nam dưới thời HLV Park. Nhưng cũng không thể không kể đến niềm tin mà ông Park xây dựng cho các cầu thủ U23 Việt Nam. Ông luôn nhắc đi nhắc lại với các cầu thủ rằng "đừng nghĩ mình thua kém đối thủ rồi vào trận với tâm lý thiếu tự tin". Ông Park đã giữ đúng lời hứa đưa U23 làm nên điều kỳ diệu tại Vòng chung kết U23 châu Á. Và như ông nói, mọi thứ chỉ mới bắt đầu.
HÀNH TRÌNH BÃO TÁP
HÀNH TRÌNH BÃO TÁP CỦA ĐỘI TUYỂN U23 VIỆT NAM - Lê Huy Khoa -
Bóng đá mang lại cho chúng ta nhiều cung bậc cảm xúc, hạnh phúc vì trên sân được sẻ chia từng giây phút bóng lăn, từng đường bóng hồi hộp và vỡ òa, thắng một trận cũng chưa là gì, nhưng có lẽ sau chiến thắng cũng cần có chút lắng đọng.
10H30' NGÀY 8/1/2018
Thời tiết, kẻ thù số 1 của đội tuyển chúng ta hiện nay.
Thời tiết từ Thượng Hải cho đến Côn Sơn, Tô Châu rất lạnh, có khi xuống âm độ, gió thổi, buốt, gần như không thể đứng ra ngoài trời khoảng 5 phút với quần áo mong manh.
Những chiến binh Việt Nam vẫn quyết tâm nỗ lực hết sức.
Chỉ còn 2 ngày nữa sẽ bước vào trận đấu đầu tiên. Hy vọng là mọi sự sẽ tốt đẹp.
12H16' NGÀY 9/1/2018
Cuộc đời có nhiều điều không thể thay đổi hay lựa chọn: Gia đình, cha mẹ, anh em, đất nước, thời điểm mình sinh ra. Đó là những biến số cố định.
Có những biến số không cố định, đó là thể chế, là văn hóa, là hệ thống, là quan niệm, niềm tin, tôn giáo...
Với một đội bóng cũng thế: thời tiết, bốc thăm, địa điểm thi đấu... không phải là yếu tố có thể lựa chọn...
8H10' NGÀY 12/1/2018
Học tiếng Hàn từ trận đấu hôm qua nhé!
, 2-1
(Báo Hàn Quốc: Hàn Quốc toát mồ hôi hột thắng ngược Việt Nam 2-1)
19H11' NGÀY 14/1/2018
Úc đã thưa vì quá chủ quan, họ thay 7 cầu thủ chính thức. Trong khi đội tuyển Việt Nam được chuẩn bị rất kỹ về đấu pháp và tinh thần, tự tin. Thực sự trận với Hàn Quốc chúng ta cũng đáng giành tối thiểu 1 điểm. Hôm nay chúng ta có nhiều cơ hội hơn cả Australia. Hàng phòng ngự hôm nay gần như chơi hoàn hảo, chiến thuật của chúng ta rõ ràng, tinh thần đội rất đoàn kết và nỗ lực. Cứ thế tiếp thôi. Giá như Phượng làm 1 quả và Hải làm 1 quả trước đó và Đức cũng làm 1 quả nhỉ?
9H51' NGÀY 15/1/2018
Phía sau một trận thắng của những chiến binh.
Bóng đá mang lại cho chúng ta nhiều cung bậc cảm xúc, hạnh phúc vì trên sân được sẻ chia từng giây phút bóng lăn, từng đường bóng hồi hộp và vỡ òa, thắng một trận cũng chưa là gì, nhưng có lẽ sau chiến thắng cũng cần có phút lắng đọng.
1. Tâm thế của người bước vào cuộc chơi luôn phải là tự tin chiến thắng, sau trận đấu khi các phóng viên hỏi HLV Park ông có nghĩ rằng hôm nay mình sẽ thắng, ông trả lời: Có thể không biết trước kết quả, nhưng đã chuẩn bị thi đấu thì phải có niềm tin chiến thắng thì hãy làm. Niềm tin của ông đã truyền cho các cầu thủ rằng Hàn Quốc hay Australia cũng chẳng phải là con ngáo ộp gì cả, cứ chơi với tràn đầy niềm tin và sẽ thắng thôi. Thực ra, kể cả trận Hàn Quốc mình cũng xứng đáng được 1 điểm. Các cầu thủ rất tự tin khi vào trận.
2. Muốn chiến thắng, phải thay đổi quan điểm về tiếp cận. HLV Park đã nhắc đi nhắc lại các cầu thủ rằng về kỹ thuật cá nhân, chúng ta nhanh, bén, nhạy cảm, tốc độ hơn các đội khác, về thể lực, chúng ta cũng không thua đâu, đừng nghĩ mình thua thiệt rồi ngán ngại họ, mạnh dạn va chạm tranh chấp đi thôi, tuyệt đối không cho phép vào trận với tâm lý thiếu tự tin. Các cầu thủ bây giờ đã dám tranh chấp, dám chơi tay đôi, dám biểu diễn kỹ thuật, dám đột phá, đá thẳng đối diện trung lộ. Nếu không tự tin, Hải không dám vuốt bóng và đá như thế được đâu.
3. Bóng đá là chiến thuật; năng lực cầu thủ đã gần ngày một bằng nhau thì chiến thuật là cực kỳ quan trọng, chiến thuật rõ ràng và dứt khoát sẽ giúp cầu thủ chơi rõ ràng, chắc chắn hơn. Chúng ta đã thắng họ bằng chiến thuật rất cụ thể và rõ ràng.
4. Thắng phải có trí tuệ, không dùng sức được. Hiểu đặc tính cầu thủ của chúng ta, ban huấn luyện đã dùng đội hình 3-4-3 thay cho 4 hậu vệ như trước đây. Ban huấn luyện đã phân tích rất kỹ đội bạn, riêng Australia chơi dãn rất rộng và luôn có 2-3 cầu thủ áp sát nên phải mở bóng ngay, Australia lại hay bị hở hai cánh. Hàn Quốc thực ra cũng đã bị chúng ta bắt bài rất kỹ nên bế tắc. Thậm chí còn phân tích cầu thủ này cầu thủ kia thuận chân nào, phải dồn bóng sang chân nghịch ra sao, bắt người có theo sát hay không, họ chạy cắt mặt hay tạt nhiều hơn... Tóm lại về phòng ngự hay phản công đều đã phân tích rất kỹ. Kể cả tấn công cũng rất rõ ràng. Quang Hải sau khi ghi bàn vào lưới Hàn Quốc đã nói: "Bàn này đúng như mình vừa tập hôm qua mà chú Khoa". Công Phượng phải chịu hy sinh lùi một chút vì hàng phòng ngự đội bạn đã hiểu quá rõ về độ nguy hiểm của Phượng. Có thể nói chúng ta đã thắng vì chúng ta hiểu họ.
5. Xin gọi đây là chiến thắng của Những Chiến binh Rồng lửa. Thắng nhờ sự đồng lòng của một tập thể: Có thể thấy hôm qua (trận Việt Nam - Australia) Công Phượng gần như kiệt sức vì cùng tham gia phòng ngự, cánh bên kia Hải cũng thế, Trường và Huy tả xung hữu đột đến nỗi gần như đội bạn vào giữa là ta bắt hết, họ không chuyền được. Riêng hàng hậu vệ mấy hôm nay được tập chiến thuật giao tiếp rất rõ ràng, ai ra thì ai phải lót, tuyến nghiêng luôn có 4 hậu vệ và thậm chí có nhiều chuyên gia đã nói rất khó để xuyên thủng hàng phòng ngự này. Sau mỗi trận thắng, trận thua, cả đội đều tự họp riêng, họ quyết tâm rõ ràng cho từng trận đấu dưới sự hô hào của đội trưởng Xuân Trường. Mình có cảm tưởng đây là một đội quân, rất kỷ luật, rất có nền nếp, trật tự, rõ ràng và họ là những người hiểu rõ nghĩa vụ của màu áo đại diện cho đội tuyển quốc gia.
6. Sau chiến thắng là một trăm ngàn sự vất vả. Đội ngũ bác sĩ và y tế 2 người làm việc đến tận 11h đêm rất vất vả, một mình bạn Minh trang thiết bị cũng vậy, đội ngũ trợ lý chuyên môn người Việt cũng hết lòng, VFF cử cả ban lãnh đạo động viên, giải tỏa tâm lý, điện thoại hỏi thăm, sát cánh hằng ngày. Mình chỉ là kẻ ngoại đạo, mình yêu thích những con người thầm lặng này, nếu không có tình yêu và ý thức nghĩa vụ, họ cũng khó để mà đồng hành.
Còn tiếp...
HÀNH TRÌNH BÃO TÁP
HÀNH TRÌNH BÃO TÁP CỦA ĐỘI TUYỂN U23 VIỆT NAM - Lê Huy Khoa -
...Tiếp theo
7. Sau trận đấu, nhìn thấy Hải khóc mà xúc động. Nếu các bạn tìm hiểu thì cậu ấy là một chàng trai tuyệt vời hơn cả tuyệt vời. Mình sẽ viết bài về cậu ấy sau. Không chỉ mình Hải, các cầu thủ Việt Nam họ sao mà đáng yêu đến thế, họ không bao giờ nghĩ mình là ngôi sao, họ ngoan, họ nói có dạ có thưa, đá xong đến chào ban huấn luyện và đội bạn dù thắng dù thua, họ không chơi xấu, họ không dùng tiểu xảo dù hoàn toàn có thể chơi. Bản thân ông Park và trợ lý cũng phải thốt lên: cứ mỗi sáng mai, nhìn khuôn mặt trong sáng, tươi mới và rất thuần khiết của họ mà tôi cảm thấy sướng trong lòng. Họ rất khiêm tốn khi nói về mình, sau trận đấu thì các chàng trai của chúng ta cũng vẫn rất bình thản, đôi chân họ vẫn ở trên mặt đất và họ vẫn còn giữ nguyên cái quyết tâm như lúc trước khi vào trận. Về khách sạn, họ cũng chẳng khác ngày thường là mấy, họ vẫn ăn cơm như bữa ăn bình thường và chỉ tâm sự với nhau thêm về những tình huống.
8. Khoảng 100 cổ động viên Việt Nam tại Thượng Hải, Tô Châu đã phải thuê xe đi 2-3 tiếng đồng hồ để đến cổ vũ đội tuyển, tình yêu của họ dành cho tổ quốc thật lớn lao. Nhìn những lá cờ họ choàng trên lưng, nghe bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng của họ hát có lẽ cầu thủ nào cũng rất xúc động. Và hai trận liên tiếp, hàng trăm, ngàn cổ động viên Trung Quốc đã đến sân chỉ để cổ vũ cho... đội tuyển Việt Nam chứ không phải Australia hay Hàn Quốc, phút 91 gần hết trận, những tràng pháo hoa, pháo đã bắn và nổ tung trên bầu trời sân Kim Sơn chào mừng chiến thắng của đội chúng ta. Tình cảm của người dân Trung Quốc với chúng ta cũng là điều chúng ta hết sức trân trọng.
9. Đội quân ra chiến trường thì HLV trưởng là tư lệnh. Không có thần kinh thép, không có sự tinh tế, không có sự nhạy bén, tinh tường trong đọc trận đấu, không có cái uy, không năng lực chuyên môn khi còn là cầu thủ, không giữ được cái đầu lạnh, không thương yêu hòa đồng với cầu thủ, không giúp họ phát huy được tính ưu việt của từng người, không công bằng rõ rệt, không được mọi người phục thì không làm HLV trưởng được.
10. Sau trận đấu, dù thắng dù thua, chúng ta vẫn là bạn với nhau. Hôm qua,
mình cãi nhau với lão HLV trưởng Australia vì cho rằng quân lão đã không "fair" khi Đức Chinh đã nằm sân, nhưng sau trận đấu, về khách sạn gặp lão thì vẫn bình thường.
11. Báo chí Hàn Quốc đã "nổi loạn" vì bàn thắng ghi trước của đội tuyển Việt Nam và ngày hôm nay thì càng bùng nổ vì chiến thắng với Australia. Họ nói không ngờ thể lực Việt Nam tốt thế, chiến thuật rõ ràng và tiến bộ đến thế. Sau khi HLV người Hàn Quốc giúp cho Hoàng Xuân Vinh giành huy chương vàng bắn súng, hy vọng là đội tuyển Việt Nam cũng sẽ có vinh quang với một người Hàn Quốc khác. Hy vọng rằng tình hữu nghị Việt - Hàn sẽ được vun đắp hơn nữa trong thời gian sắp tới nhờ những cầu nối như thế này.
Nhưng có lẽ cũng chỉ sướng được đêm nay nữa thôi, ngày mai chúng tôi lại đã phải tập trung hết sức cho trận đấu mới rồi. Hy vọng những chiến binh sẽ vẫn tỉnh táo, tập trung để không phụ lòng người hâm mộ và tất nhiên, cầu chúc tất cả chúng ta luôn may mắn.
Đây chỉ là cảm xúc nhất thời về những chiến binh mà tôi rất yêu quý và ngưỡng mộ họ, và ngày mai, có thể thắng và thua trận tiếp theo, nhưng xin phép BHL và mọi người cho tôi ghi lại cảm xúc lúc này và hy vọng đây không phải là những bí mật của đội tuyển.
10H44' NGÀY 18/1/2018
Xin lỗi tất cả người hâm mộ cả nước vì những trận đấu đau tim mà đội tuyển gây ra...
Tôi cũng muốn tìm cho mình sự thư thái chút ít bằng cách đi dạo bên ngoài, thực sự công việc trợ lý ngôn ngữ ở đội tuyển không quá nhiều nhưng áp lực thì khá dồn dập, nhiều khi căng thẳng.
Tất nhiên, ra chiến trường thì ai cũng vậy cả thôi. Từ tướng đến lính. Lại chuẩn bị cho trận tiếp theo.
17H03' NGÀY 20/1/2018
Thư chúc mừng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho toàn đội U23 đang thi đấu tại Trung Quốc.
Cùng với sự cổ vũ và tình cảm của hàng triệu người hâm mộ, hy vọng U23
sẽ có kết quả tốt chiều nay với Iraq.
Tinh thần đội tốt, tâm lý sẵn sàng sẽ quyết chiến đá không hối hận chiều nay. Anh em chiến hữu ủng hộ đội bóng nhé!
1H17' NGÀY 21/1/2018
Vậy là những chiến binh yêu quý của chúng ta đã viết tiếp kỳ tích. cảm động rơi nước mắt. Hôm nay chúng ta có mấy cái bất lợi trước trận đấu:
1. Chúng ta nghỉ ít hơn đối thủ 1 ngày.
2. trọng tài người Australia, bắt quả 11m có vẻ oan cho chúng ta. 3. Đội hình chấn thương và phải thay đổi một số vị trí.
4. Trận Syria có thể nói là chúng ta đã bị mài mòn thể lực quá nhiều.
Nhưng hôm nay, nhìn những cầu thủ chúng ta chạy 120 phút vẫn đá tốt. Kỳ tích này chứng minh:
Chỉ cần một phương pháp đúng;
Chỉ cần một niềm tin vững chắc mãnh liệt;
Và chỉ cần đồng lòng đoàn kết;
Chỉ cần một quyết tâm và sức mạnh tinh thần;
Chỉ cần một vài liệu pháp tâm lý tốt;
Người Việt chúng ta có thể làm được mọi thứ, tất cả mọi thứ. Và từ nay, chiến thắng này sẽ gieo niềm tin ấy cho tất cả dân tộc chúng ta. Về đến phòng riêng là 1h sáng.
21H40' NGÀY 22/1/2018
Thông tin mới nhất về U23 Việt Nam:
Mọi thứ đã sẵn sàng quyết chiến, kể cả BHL, cầu thủ hay cổ động viên.
Có một bí mật nói ra lần đầu: 90% người Việt đọc sai tên họ HLV trưởng Park . Kể cả Đài truyền hình lớn như VTV.
Ngày hôm nay, khi sau khi họp báo, ông xin phép Ban Tổ chức trả lời thêm phỏng vấn của các anh chị phóng viên Việt Nam chứ không dành cho phóng
viên nước khác khi đang rất bận, và ông luôn làm như thế vì biết tình cảm người hâm mộ dành cho đội tuyển và người hâm mộ có quyền biết thông tin về đội tuyển chúng ta.
Và sẽ còn hàng trăm câu chuyện đặc biệt nữa về ông.
(Phần sau là phần hai rồi. Đọc phần hai xúc động lắm, hay lắm các bạn ạ. Ai không đọc P1 cũng không sao, nhưng nhất định phải đọc P2 nhé! Thân yêu ♡)
Phần hai: HIỆU ỨNG U23 - CẢM XÚC VỠ ÒA SAU NHỮNG CHIẾN CÔNG LỪNG LẪY
ĐÃ LỠ RỒI, VÔ ĐỊCH LUÔN THÔI
VIỆT NAM, VÔ ĐỊCH LUÔN THÔI!
- Trần Tuấn -
Những người Tây Á Syria, Iraq, Qatar chắc chắn rất lâu nữa sẽ còn phải tự hỏi mình, rằng đã bao giờ gặp phải một đội bóng Đông Nam Á nào "khó chịu" như vậy chưa?
Vậy là hôm qua Qatar cũng chưa phải Star!
Chiều qua, sau chuỗi 4 trận toàn thắng "Đế chế" Ba Tư hùng mạnh đã phải dừng bước trước những chàng trai lúa nước. Trên sân đấu bóng đá lớn nhất châu lục.
Những người Tây Á Syria, Iraq, Qatar chắc chắn rất lâu nữa sẽ còn phải tự hỏi mình, rằng đã bao giờ gặp phải một đội bóng Đông Nam Á nào "khó chịu" như vậy chưa?
Đông Nam Á, chứ không phải lãnh địa Đông Á rộng lớn. Khi những ông lớn của Đông Á là Nhật Bản, Trung Quốc (chủ nhà) đã phải sớm rời cuộc chơi, để những chàng trai U23 của Việt Nam duy nhất đại diện Đông Nam Á vào đến trận chung kết. Câu hỏi sẽ còn ám ảnh dài lâu, khi trang chủ của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã "ghi sẵn" U23 Iraq vào bán kết, trong khi những chàng trai xứ sở cây đàn Oud diệu kỳ đã bị U23 Việt Nam "tiễn" về nước!
Chiều qua, màu đỏ thuộc về những chàng trai Qatar. Màu của loại thuốc nhuộm đỏ-tím làm từ vỏ sò mà xứ sở này đã tìm ra từ hơn 4.000 năm trước. Màu của lá quốc kỳ 9 cạnh răng cưa, sắc nhọn...
Nhưng những thân lúa nước mềm mại đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Mạnh mẽ trong sự mềm dẻo đầy chất Á Đông mà người xứ sa mạc khó tưởng tượng ra. Đông phương học đã nói rằng: Lúa gạo với những nghi lễ cổ xưa của nó, đã trở thành biểu tượng của thức ăn và sức mạnh tinh thần!
Chiều qua, hầu như không còn thấy chiếc "xe bus" nào trên phần sân của tuyển U23 Việt Nam. Kể cả loại "bus nhanh" BRT. Không phải chỉ trong
trận bán kết gặp Qatar, mà là suốt hành trình của U23 chúng ta tại giải. "Không thể tin nổi", giờ đây chúng ta có thể thoải mái nói to lên điều đó. Rằng chúng ta đã không còn sợ hãi!
Kỳ lạ đến từ các cầu thủ. Kỳ lạ đến từ vị HLV xứ sở Kim Chi có khuôn mặt bầu bĩnh, dù đã 59 tuổi vẫn bận bịu con thơ, và vẫn khóc vì... nhớ mẹ!
Lý giải ra sao về các sự 'lạ' kỳ diệu ấy? Tại sao cũng những cầu thủ ấy, với những cái tên ấy, chỉ vài tháng trước thôi, chỉ như những chiếc bóng nhạt nhòa trên sân cỏ. Mà bây giờ...?
Tôi không am tường về bóng đá. Chỉ liên tưởng theo cách nghĩ của một người làm thơ. Liên tưởng đến những cú bật tường dựng đứng. Dẫu không có bàn thắng nào của chúng ta đến từ những màn "không chiến". Đối thủ vừa ghi bàn, các chàng trai của chúng ta đã lập tức lạnh lùng 'xé' lại lưới đối phương. Chỉ trong mấy phút, khi khán giả đôi bên còn chưa kịp chuyển trạng thái cảm xúc. Bằng những bàn thắng được dàn xếp cực đẹp, chứ không "ăn may" như đối thủ. Những cú "bật vọt" bất chấp ngưỡng tâm lý thông thường kiểu ấy trên sân cỏ, đã có mấy đội bóng lớn nào trên thế giới làm được? Và làm được một cách đều đặn đến vậy?
Dariush Shayegan, triết gia hiện đại người Iran khi bàn về thi ca của phái Thần hiệp Hồi giáo, đã thừa nhận rạng đông là "biểu thị cho một trạng thái tinh thần căng thẳng, nơi xảy ra sự kiện đầu tiên". Còn với Kinh thánh, ban mai không chỉ tượng trưng cho sự thanh sạch, mà còn là "giờ phút của niềm tin ở bản thân, ở người khác, ở cuộc đời".
Chúng ta - những người Á Đông nơi đầu tiên trên Trái đất đón ánh mặt trời. Chúng ta đã tìm ra sức mạnh của niềm tin.
Hôm qua, người Trung Quốc sau khi bất ngờ trở thành khán giả trên chính sân nhà mình, đã lo lắng hộ U23 Việt Nam. Rằng "U23 Qatar được cơ cấu để vô địch U23 châu Á" nên các vị "vua áo đen" sẽ xử ép U23 Việt Nam!!!". Điều đó suýt xảy ra sau vài tình huống xử lý khó hiểu của trọng tài người Singapore ở hiệp 1. Nhưng, ơn Giời, bằng sự quả cảm và tinh thần thi đấu tuyệt vời, bằng niềm tin mãnh liệt, các chàng trai U23 chúng ta đã "tiễn" về nước đội chủ nhà của World Cup 4 năm nữa. Để tiến thẳng vào trận chung kết trong mơ.
"Lão thợ hàn" người Ý - HLV Claudio Ranieri, từng triết lý: "Người huấn luyện bóng đá giống như một người nhảy dù. Vào thời điểm mà nó chưa bật
ra thì nó là là một cái ô". "Chiếc ô"... tròn vo Park Hang Seo (mà trên mạng người ta phát hiện ra ông chính quê ở... Lạng Sơn!) ấy, đã kịp đến, kịp bật ra đúng lúc, giúp những chàng trai của chúng ta thực sự tạo ra địa chấn đi vào lịch sử bóng đá châu lục và thế giới. Hẳn triệu người Việt đang ngả mũ kính phục và biết ơn người đàn ông Hàn Quốc có gương mặt phúc hậu này.
Việt Nam ơi, hơn 10 năm rồi mới được khóc vùi vì vui cùng trái bóng... Việt Nam ơi, Vô địch luôn thôi, chờ gì nữa!
(Trong sách không có highlight hai câu này, nhưng mình đọc tới đây thấy xúc động ghê gớm, thành ra muốn in đậm, nhấn mạnh tí! Tự hào lắm! ♡)
XIN LỖI NGƯỜI HÂM MỘ
XIN LỖI NGƯỜI HÂM MỘ VÌ NHỮNG TRẬN ĐẤU ĐAU TIM - Lê Huy Khoa -
Chắc người hâm mộ đau tim lắm vì loạt trận tra tấn tinh thần khủng khiếp vừa qua? Trên sân, các cầu thủ đều thấu hiểu tình cảm của người hâm mộ nên luôn chiến đấu với tinh thần cao nhất.
Nếu có bị VFF hay HLV Park trách mắng, tôi sẽ vẫn phải ghi lại những giây phút này và chia sẻ, bởi vì đây không là giây phút của một tập thể, mà là của cả lịch sử bóng đá của dân tộc ta. Xin phép các báo không lấy thông tin để diễn đạt không đúng nội dung tôi muốn nói, nếu điều đó xảy ra sẽ ảnh hưởng đến cả đội tuyển và cả chúng ta, mặc dù thông tin này ai cũng đã đọc rồi.
1. Hết hiệp một, khi bị dẫn, trong phòng thay đồ, thấy cầu thủ xuống tinh thần, HLV Park đã quát lên: Việc gì mà phải mất tự tin đến thế hả? Mình cũng phải hét lên đúng như thái độ ông nói, lập tức các cầu thủ như tỉnh lại, họ động viên nhau, như tìm lại được tự tin để chiến thắng. Ông GIÀ là niềm cảm hứng vô tận cho cầu thủ, là người truyền lửa bất tận và một lão chiến tướng cực kỳ kinh nghiệm.
2. Trợ lý Lư Đình Tuấn và Nguyễn Đức Cảnh, anh Tuấn Long đều đã khản tiếng sau trận đấu này vì hò hét chỉ đạo. Hai anh đã phải làm việc cật lực từ trận đầu tiên đến nay. Tôi cảm thấy chạnh lòng khi báo chí và mọi người chỉ nhắc đến một vài cá nhân trong đội tuyển, mà ít nói đến các anh, nói đến anh Lâm trưởng đoàn, anh Hoàng Anh, anh Tuấn Của VFF tất bật, anh Đoàn truyền thông phải tải một lượng công việc khổng lồ về nước và hôm nào cũng làm việc đến tận khuya, rồi đội ngũ bác sĩ Thủy, Giáp, Minh đêm nào cũng làm việc đến 11 giờ và có lẽ cũng không còn ai nhiệt tình hơn họ nữa.
3. Trước trận đấu, khi khởi động Qatar chơi tiểu xảo. Họ đá bóng, phát bóng sang tận sân tập của chúng ta để làm các cầu thủ mất tập trung, mình phải đứng ra tranh cãi với cả mấy cầu thủ và ban huấn luyện của họ, thậm chí cả người của Ban tổ chức để yêu cầu họ làm đúng. Qatar là đội bóng không ở khách sạn do ban tổ chức sắp xếp, họ nhiều tiền, tự ra tìm khách sạn. Hôm qua, thua trận xong họ về luôn.
4. Qatar thua vì nhiều lý do, nhưng có vẻ như họ giàu có nên không chơi tranh chấp quyết liệt giữa sân, giữa chân cẳng và đó là điểm yếu chết người
của họ bị Việt Nam khai thác. Và Việt Nam đã đọc bài Qatar quá rõ, họ tập trung bóng cho số 19 nhưng Tiến Dũng và Đình Trọng lạ gì những cầu thủ châu Phi kiểu này, bắt chết là hết. Trận nào Việt Nam giữa được trung tuyến thì coi như giải quyết xong. Thực ra Việt Nam còn những con bài nhưng chưa khai thác hết. Chờ xem.
5. Nhìn cầu thủ mình té ngã trên sân mà thương, nhìn cái mũi Duy Mạnh chảy máu mà xót, nhìn cảnh cầu thủ ức chế trọng tài mà tức. Trọng tài bắt thế nào, chắc các bạn tự cảm nhận, vì lý do tế nhị, mình không đưa ra phán xét.
6. Nếu hỏi tại sao cầu thủ đá đủ 120 phút mấy trận mà vẫn xung thế. Tôi xin quả quyết rằng họ đá bằng tinh thần quả cảm, họ đá bằng tất cả những gì còn lại. Đá xong mình hỏi Văn Đức và Xuân Mạnh, "đã kiệt sức chưa hầy?", hai em nói: "Em nỏ thấy chi cả, vẫn chạy được nếu đá". Và những cầu thủ còn lại đều trả lời thế, thế thì có lý do gì thua trận?
7. Sau trận đấu, thấy phóng viên, nhà báo, nhân viên của tất cả các nước đều nhìn chúng tôi Việt Nam với con mắt sững sờ, những người dân Trung Quốc thì hể hả: Việt Nam đá thắng Qatar trả thù cho Trung Quốc... Hàng ngàn khán giả Trung Quốc trên sân cũng chỉ cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam từ đầu đến cuối. Khoảng 500 cổ động viên đã cổ vũ nhiệt tình suốt trận đấu và đội chúng ta đã đền đáp sự cổ vũ của họ.
8. Đừng hỏi tại sao chúng tôi không tổ chức ăn mừng sau trận đấu. Sau trận đấu, tất cả đội chúng tôi không bao giờ có việc thả cửa, vẫn 10 giờ đi ngủ, không lang thang, không nhậu nhẹt, không la cà, không nói nhiều đến chiến thắng, không ngủ quên trên chiến thắng, không làm việc chưa được phép nếu ảnh hưởng đến mọi người... Và tất nhiên, quân lệnh như sơn.
9. Hỏi vì sao thành công, nói thẳng luôn nhé: Việt Nam đang hội tụ đầy đủ những yếu tố rất tuyệt vời. Và nếu có một nhân tố cực kỳ quyết định đến toàn đội thì đó là một cầu thủ mà có lẽ ai cũng đã biết. Nhưng cứ thử đoán xem.
10. Đề nghị mọi người từ nay hãy gọi các cầu thủ bằng cái tên Chiến binh Rồng lửa, "Chiến binh" vì họ chiến đấu hết mình, "Rồng" vì chúng ta là con rồng cháu tiên và "lửa" là màu của nhiệt huyết và chiến thắng.
ĐÃ LỠ RỒI, TA VÔ ĐỊCH ĐI THÔI.
Thường Châu, 24/01/2018
U23 VIỆT NAM
U23 VIỆT NAM, HÃY YÊN TÂM!
- Thịnh Joey (Lý Quốc Thịnh) -
Các bạn không hề một mình bởi sau lưng là trái tim hàng chục triệu người hâm mộ.
Ngay khi trận bán kết đầu tiên giải U23 châu Á vừa kết thúc, trong tiếng reo hò khản cổ và niềm phấn khích tột độ, tôi vội lao ra ngoài phố. Tất cả những gương mặt tôi gặp đều mang một vẻ tự hào và một niềm vui bùng cháy! Và khi bước chân ra ngoài cổng nơi làm việc, tôi bị choáng ngợp thực sự trước những gì diễn ra trước mắt. Một cơn sóng người với hai màu đỏ vàng, với bầu không khí như muốn nổ tung bởi những tiếng hét "Việt Nam, Việt Nam!!!". Không tự hào sao được, khi đội tuyển U23 của chúng ta đã lọt vào tới trận chung kết của giải đấu? Xin nhắc lại, trận đấu tiếp theo sẽ là trận CHUNG KẾT!!!
Như một hiện tượng, à không, thực sự là một hiện tượng khi mà bạn có thể nghe từ bà già bán nước, các chú bảo vệ cho tớ Chị gái đang bồng con... đều đang bàn luận về trận đấu, và hò reo đến khản tiếng vì niềm hạnh phúc vượt ngoài sức tưởng tượng của bất cứ người yêu bóng đá nào. Đã lâu lắm rồi, chúng ta lại có một thời điểm mà tất cả cùng vui một niềm vui chung, một niềm hạnh phúc chung, một sự phấn khích sục sôi cả dân tộc như vậy.
Có thể nói chiến thắng của đội tuyển U23 trong trận bán kết thực sự là một kỳ tích vượt ngoài khuôn khổ của thể thao, một kỳ tích khiến chúng ta xích lại gần nhau hơn.
Gạt qua những lo toan bộn bề của công việc, cơm áo gạo tiền hằng ngày, 15 giờ chiều ngày 23/1/2018 trở thành ngày "Toàn quốc ốm tập thể để cổ vũ U23". Trên mạng xã hội, người người chia sẻ cảnh tượng nhân viên công ty tụ tập trong hội trường công ty, trước màn hình vô tuyến gắn trong phòng sếp, trước chiếc máy tính còn đang dở công việc... " U23 Việt Nam là thứ quan trọng duy nhất, những công việc còn lại có hay không... không quan trọng" là lời ông trùm Phan Quân sẽ nói với nhân viên Phan Thị nếu chẳng may tập đoàn của "Người phán xử" có công chuyện vào ngày U23 đá.
Tôi từng ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày đội bóng nước này giành vé vào Euro 2016, từng hòa mình vào dòng người Hungary tràn khắp thủ đô Budapest khi đội
tuyển nước này vượt qua vòng bảng Euro. Nhưng không cảm giác nào khiến mình lâng lâng và tự hào như thấy cách U23 Việt Nam chinh chiến và vượt xa mọi kỳ vọng tại giải U23 châu Á năm nay. Quên Messi hay Ronaldo đi, thần tượng số một của người Việt Nam hôm nay phải là "gà son" Quang Hải. Sút bóng cận thành Ronaldo đã làm nhiều, cứa lòng chân trái là ngón nghề tủ của Messi, nhưng xem cả hai siêu sao trên đều chẳng thể đem lại cảm giác bùng nổ về cảm xúc như khi thấy chàng trai máu đỏ da vàng hai lần cân bằng tỷ số trước những đối thủ to cao tới từ Trung Đông.
Tự hào chưa, cầu thủ Việt Nam đấy!
Sau trận bán kết, cầu thủ gốc Đông Anh đã ghi 4 bàn thắng kể từ đầu giải, trong đó cú đúp trước U23 Qatar tuyệt vời đến mức chẳng ai có thể trách anh đã bỏ lỡ cú sút luân lưu đầu tiên. Có hề gì, khi chúng ta còn đó thủ thành Tiến Dũng - "soái ca" mới của mạng xã hội! Chàng thủ môn sinh năm 1997 tiếp tục làm người hùng trên chấm phạt đền, khiến bao con tim Việt phải thổn thức.
Quang Hải hay Tiến Dũng chỉ là hai cái tên nổi bật trong một tập thể đồng đều và đá với quyết tâm máu lửa chưa từng thấy. Đã từ lâu lắm rồi, người hâm mộ Việt Nam mới lại thấy 'đã' đến vậy khi xem đội tuyển cấp quốc gia thi đấu. Những học trò của HLV Park Hang Seo thi đấu với tinh thần rực lửa, vượt qua giới hạn của chính mình là điều mà ai cũng thấy được.
Cái cảm giác lâng lâng tự hào và hạnh phúc vì bóng đá này, bẵng phải một thập niên kể từ trận chung kết AFF Cup năm 2008 mới được tái hiện. Ngày ấy, tôi đã gào thét đến lạc giọng khi Công Vinh ghi bàn thắng quyết định mang về chiếc cúp vàng cho đội tuyển Việt Nam. Đường từ sân Mỹ Đình về nhà vốn chỉ khoảng nửa tiếng, đêm ấy bỗng thành... 5 tiếng bởi dòng người mang cờ quạt, chiêng trống và cả... nồi niêu xoong chảo ra đường ăn mừng.
Lứa U23 này đã tái hiện cảm giác ấy, khi những ngày nay đi đến đâu, mở trang báo nào bạn cũng sẽ thấy các chàng trai áo đỏ sao vàng trên ngực là tâm điểm. Trước khi U23 bước vào trận bán kết, các quán cà phê trong trung tâm thành phố đều đông nghịt người dù đang là... giờ công sở. Khi trận đấu đang diễn ra, khắp nơi như chìm trong im lặng vì tập trung theo dõi đội tuyển, trước khi vỡ òa để ăn mừng các bàn thắng. Trận đấu kết thúc, cả newsfeed Facebook lẫn đường phố đều ngập tràn một màu đỏ. Chúng ta đã chiến thắng và trở thành một trong hai đội bóng U23 mạnh nhất châu Á. Lịch sử chính là đây!
Mà đâu phải đến hôm nay các chàng trai U23 mới đá với hơn 100% khả năng và tinh thần đến vậy? Xuân Trường chia sẻ rằng sau trận hòa Syria, cả đội mệt tưởng không đi nổi. Duy Mạnh ráng thi đấu với mũi phải bịt bông để cầm máu, Tiến Dũng ra sân với đầu gối quấn băng... Chúng luôn phải thi đấu với những đối thủ được đánh giá là mạnh hơn, có nhiều ưu thế hơn. Trận đấu với Iraq, trọng tài người Australia (quốc gia vừa bị Việt Nam hạ gục từ vòng bảng) có những quyết định gây tranh cãi như quả phạt đền quá nặng tay. Trận đấu với Qatar, ông trọng tài người Singapore tiếp tục khiến người hâm mộ Việt Nam "tăng xông máu". Cả hai trận đấu loại trực tiếp, chúng ta đều phải trải qua 120 phút căng thẳng đến nghẹt thở.
Các chàng trai U23 vẫn chiến đấu với tinh thần của những chiến binh, không ngừng cố gắng cho dù có ít ngày nghỉ hơn đối thủ, dù có thể hình thua kém và kể cả khi bị dẫn trước. Lứa U23 Việt Nam ngày nay khiến nhiều người theo dõi bóng đá Việt Nam phải bất ngờ bởi khả năng và đặc biệt là bản lĩnh. Khi bị dẫn trước dù là trong hiệp phụ hay khi kim đồng hồ sắp điểm phút 90, các cầu thủ của chúng ta vẫn bình tĩnh triển khai bóng có ý đồ chứ không hề luống cuống hay tự phát kiểu "mạnh ai người nấy đá" như nhiều người từng lo sợ. U23 của chúng ta đã không hề lép vế mà ngang cơ, thậm chí còn có lúc lấn át đối thủ.
Chẳng thế mà cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn phải cảm khái chia sẻ sau trận thắng U23 Qatar: "Kể từ khi tôi bắt đầu xem bóng đá thì đây là trận đấu cảm xúc nhất. Trận thắng Iraq ở tứ kết đã hay rồi, trận bán kết này lại còn hay hơn nữa. Quá kịch tính. Họ đã tiến rất xa so với lứa của chúng tôi. Họ có kỹ thuật, chiến thuật tốt, tinh thần thi đấu lì lợm, khả năng phối hợp nhuần nhuyễn... Họ thực sự là thế hệ vàng mới".
Trước tinh thần thi đấu rực lửa của "thế hệ vàng mới", người hâm mộ Việt Nam đã dốc hết trái tim để một lòng cổ vũ đội tuyển. Trên mạng xã hội người ta quên đi mình là fan Real, fan Barca, hay fan Manchester United. Ở ngoài phố, tất cả đều vỡ òa một niềm vui sau khi cùng nhau trải qua đủ cung bậc cảm xúc từ tuyệt vọng tới cao trào với những pha bóng nghẹt thở. Suốt con đường về nhà mất đúng 1 tiếng đồng hồ của tôi, chẳng còn những con người khác nhau về công việc, về xuất thân, về địa vị,... mà tất thảy chỉ là những người hâm mộ bóng đá Việt Nam, đang hạnh phúc hò reo với những người anh em khác của mình trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng hát rền trời đầy máu lửa.
Chúng ta đều là người hâm mộ nhiệt thành của tuyển U23 Việt Nam, đi đủ cung bậc cảm xúc trước khi vỡ òa sau cú sút luân lưu cuối. Mở đâu chỉ ở
Việt Nam, những người bạn xa xứ cũng cập nhật trạng thái trên Facebook khi theo dõi U23 đá, dù lúc đó là rạng sáng ở nước ngoài. Trên những sân vận động của Trung Quốc, vẫn vang lên những tiếng hét cổ vũ "Việt Nam, Việt Nam" quen thuộc mà ai xem trận đấu qua ti vi đều có thể nghe rõ mồn một.
Chiến thắng của U23 là một kỳ tích, là một bất ngờ chấn động cả khu vực. Nó nói với tất cả chúng ta rằng: Điều kỳ diệu là có thật! Và chỉ cần ta cố gắng hết sức, ta không bỏ cuộc với mỗi trận chiến của mình. Giữa biển cờ hoa rực rỡ với những tiếng hò reo đến lạc đi vì hạnh phúc, tôi không chỉ cảm nhận được niềm vui và sự phấn khích đơn thuần, mà còn được tiếp thêm sức mạnh bởi những chàng trai ấy. Bởi, họ đã không bỏ cuộc, đã lì lợm chiến đấu và đã thực sự tạo nên một điều kỳ diệu. Chiến thắng sẽ đến cho người có đủ can đảm để chiến đấu đến cùng, và hôm nay, U23 Việt Nam đã cho tôi thấy cái ý nghĩa đẹp đẽ ấy từ chiến thắng vinh quang của họ.
Có câu nói: " Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Còn muốn đi xa, hãy đi cùng nhau".
Các chàng trai U23 Việt Nam đã cùng nhìn về một hướng và đi xa tới trận đấu mà không ai có thể nghĩ tới trước khi giải đấu diễn ra. Đội tuyển hãy yên tâm, các bạn không hề bước một mình, bởi đằng sau lưng các bạn là sự ủng hộ và trái tim tin yêu từ hàng chục triệu người hâm mộ. Cảm ơn đội tuyển U23 về những sự cống hiến không biết mệt mỏi trên sân và cảm xúc bùng nổ và các bạn mang lại.
Giờ, chúng ta cùng nhau bước tiếp!
(Bài viết được đăng tải trên mục eMagazine của Kenh14.vn ngày 24/01/2018)
(Từ hôm nay, mỗi ngày sẽ cố gắng ra một phần, hoặc có thời gian thì ra hai phần cho mọi người nhé! ♡)
LỬA VẪN CHÁY TRONG TIM
LỬA VẪN CHÁY TRONG TIM
- Phùng Thị Ngọc Linh -
Khi tuyển U23 chơi trận chung kết, dù người người Việt Nam đã khát khao và đầy hi vọng được chạm tới chiếc cúp vô địch trong mơ, nhưng trận đấu khác thường trên sân Thường Châu lại chứng minh một điều: lòng yêu mến các cầu thủ U23 không chỉ bởi những đôi chân làm nên kỳ tích, mà còn là tình yêu thương chân thành và đầy cảm kích với những người con nước Việt đang rực cháy như những đốm lửa nhỏ giữa một trời tuyết trắng.
Bữa đó, nhìn những đốm lửa nhỏ vốn sinh ra trên mảnh đất hình chữ S của nắng và gió, lần đầu phải thi đấu trong cơn bão tuyết mù trời, biết bao người đã xúc động đến xót xa mà than rằng được thua không quan trọng, giờ chỉ mong kết thúc trận đấu cho các chàng trai nhỏ được sưởi ấm đôi chân. "Về nhà thôi các em, mọi người đang chờ" có lẽ là câu nói trìu mến và ấm áp nhất mà những cổ động viên muốn dành tặng cho những người hùng của họ với tất cả niềm tin yêu.
Câu chuyện cổ tích kể cũng thật hài, các chàng trai U23 thực tình đã giỏi tới nỗi khiến biết bao cô gái trước nay chẳng biết đến trái bóng nặng nhẹ thế nào hay được tạo nên bằng bao nhiêu miếng ghép hình ngũ giác lục giác, sao có một ông cầm còi chạy loăng quăng trên sân để làm gì thế kia, ấy vậy mà chỉ 90 phút thôi đã đọc họ tên cầu thủ vanh vách, anh ấy cao thấp ra sao, anh ấy là hoa có chậu hay chưa, anh ấy có mấy anh chị em và thậm chí không ngoa, việc con mèo nhà anh ấy đã sinh nở mấy lứa có khi cũng biết hết cả. Thế nên sự yêu thương nhường ấy cũng dẫn đến những câu chuyện dở khóc dở cười, khi mà hiểu bóng bánh thì ít còn mê "lửa" của các chàng trai U23 phần nhiều. Ngay trên Facebook đấy thôi, nhiều cô gái đã mạnh dạn đăng status với những câu cảm thán " Quang Hải bắt bóng siêu hay", "Thủ môn Bùi Văn Tiến siêu đẹp trai" hay "Thủ môn Bùi Tiến Dũng đá bóng giỏi quá". Nhưng các cầu thủ đừng thấy vậy mà buồn, bởi chính những người hâm mộ hồn nhiên đó dù đến hôm nay mới biết thế nào là một trận đấu bóng, ấy vậy đã luôn theo sát U23 Việt Nam trong từng giây, từng phút, bằng sự thân thương cùng niềm tự hào về những chàng trai vàng của họ.
Sau hội chị em chưa chồng thì tới lượt hội các chị vợ, trước này luôn cằn nhằn việc trồng người hú hét trước màn hình tivi mỗi khi xem ngoại hạng Anh hay Bundesliga, cấm tiệt chuyện làm ồn khi con ngủ, thế mà bỗng đâu
như phải bùa mê thuốc lú của các em trai nhỏ U23 đến nỗi ngồi say sưa dõi theo từng đường bóng dù.nào có biết anh chàng dẫn bóng kia là hậu vệ hay tiền đạo. Chả thế mà trong trận Việt Nam gặp Qatar, có cô đồng nghiệp đã một chồng một con nhiệt tình cổ vũ cho những chàng trai áo ĐỎ, mà không hề hay rằng hôm đó, tuyển Việt Nam mặc áo TRẮNG!
Rồi, thiên hạ ngỡ đâu chỉ có tụi con trẻ mới phát cuồng như phải bùa phải bả, ấy lại tới lượt các cụ phụ lão, cũng say mê "bọn trẻ ranh" U23 như điếu đổ mới kỳ. Clip ghi hình một cụ bà Sài thành tóc bạc tay cầm đũa cả gõ mâm rộn ràng bên vỉa hè, hay những bức hình cụ bà ngồi sau xe đi "bão" với lá cờ trên tay, sung sức không kém thanh niên, được đăng đầy trên các trang báo mạng. Một cụ phấn khởi trả lời phỏng vấn rằng "đây là niềm vui ngàn năm có một" nên phải hưởng thôi. Niềm vui toàn dân có lẽ là điều không thể chối cãi.
Phụ nữ lão ấu đã vậy, còn các anh trai hẳn không niềm vui nào bằng. Ngoài việc được vợ lần đầu cho phép làm ồn khi con ngủ, thì có anh đập cửa rầm rầm, khóc như ma làm khi đội tuyển vào chơi trận chung kết. Có anh lại khấn vái như lên đồng khi Văn Thanh chuẩn bị đá quả luân lưu cuối cùng. Cậu bạn tôi thì sau khi thả tim tới cả trăm dòng trạng thái trên Facebook đã phải đăng một status xin phép cho cậu không thả tim nữa vì quá mỏi tay rồi.
Có nói cả nước phấn khởi cũng phải, ngay tôi đây còn mừng tới nỗi nhai tờ giấy ăn ngon lành!
"Sao cả thiên hạ cứ phát cuồng vì mấy chú 23 vậy?" "Này, ông bình thường như chúng tôi được không, vì người bình thường sẽ không hỏi thế, người bình thường còn bận vui với niềm vui toàn dân lâu lắm mới có một lần." Đây là đoạn đối thoại dưới một dòng trạng thái Facebook của anh bạn tôi về câu chuyện lịch sử và U23 mới lập nên. "Phát cuồng" và "niềm vui toàn dân", chính là những cụm từ, có lẽ không hề thậm ngôn, đã nói lên hết thảy cung bậc cảm xúc mà cả nước Việt vừa có cơ hội trải qua.
Mà tại sao không thể phát cuồng kia chứ? Khi bỗng nhiên một ngày, những người trẻ có Idol chuẩn Việt, lại không phải các anh trai Hàn xinh trai hay các anh trai Tây men-lỳ hết sảy. Lần này là người Việt, 100% Việt mũi tẹt da vàng, sinh ra từ làng quê Việt Nam vốn đầy mùi cỏ rạ và ruộng rau cần đã đến mùa thu hái.
Mà tại sao không thể phát cuồng kia chứ? Khi những ngày đông màu xám, nắng thi thoảng mới hé lên chút xíu là người ta đã thấy hạnh phúc lắm rồi,
thế mà bỗng dưng nay lại được no nê và say sưa thứ cảm giác hạnh phúc suốt cả tuần trời, khiến ai cũng mặt mày hân hoan, rạng rỡ.
Vậy nên, chúng tôi biết ơn những chàng trai U23, những người với đôi chân diệu kỳ cùng trái tim ấm nóng, đã giúp chúng tôi cảm nhận được dòng máu Việt chảy trong cơ thể hóa ra luôn nồng đượm và đầy sức sống. Vậy nên, chúng tôi biết ơn những chàng trai U23, kỳ tích của họ đã giúp thế giới biết tới tinh thần đoàn kết cùng sức mạnh của người Việt ta, biết tới sự quả cảm không chỉ trong chiến tranh mà còn luôn tồn tại trong thời bình.
Chân thành cảm ơn các bạn, đã sưởi ấm trái tim chúng tôi, và kéo chúng tôi lại gần bên nhau.
--- Một ngày nắng đẹp
THƯ GỬI CÁC CỔ ĐỘNG VIÊN
THƯ GỬI CÁC CỔ ĐỘNG VIÊN U23 VIỆT NAM
- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều -
Xin các bạn hãy tin rằng: câu chuyện về U23 Việt Nam sẽ được kế lâu dài về sau cho dù sau này chúng ta có những đội tuyển U23 hay đội tuyển quốc gia chiến thắng tất cả các đội bóng mạnh nhất thế giới.
Các bạn thân mến,
Đội tuyển U23 của chúng ta đang bước tới trận đấu cuối cùng. Tất cả chúng ta cũng đang song hành cùng đội tuyển của mình. Có một điều mà ai trong chúng ta cũng nhận ra rằng: qua mỗi trận đấu, U23 của chúng ta lại thêm một lần trưởng thành đến ngỡ ngàng cả về chuyên môn, đấu pháp, sự gắn kết, khát vọng và ý chí chiến đấu cho khát vọng ấy. Và quan trọng hơn cả là nỗi sợ hãi trước những đối thủ đâu có trong những trận đấu trước kia giờ đã hoàn toàn tan biến. Cũng qua từng trận đấu, không chỉ người hâm mộ Việt Nam mà cả những người yêu bóng đá trên nhiều quốc gia đều nhận ra một điều mà tôi nghĩ là quan trọng nhất của bóng đá nói riêng và của thể thao nói chung. Đó là vẻ đẹp không chỉ của một môn thể thao mà là vẻ đẹp của một đời sống. Đó là vẻ đẹp của sự trong sạch, của sự gắn kết những con người khác biệt với nhau, của một giấc mơ chính đáng, của ý chí mãnh liệt, của sự dâng hiến, của lòng quả cảm. Không ít những đội bóng mạnh trong châu lục nhìn chúng ta bước vào vòng chung kết của giải này với một con mắt thờ ơ. Họ đã bước về phía chúng ta với lòng kiêu ngạo không cần che giấu. Nhưng khi tiếng còi khai cuộc vang lên thì mọi chuyện đã khác. Không có đội tuyển nào thi đấu với chúng ta lại không muốn đè bẹp chúng ta, lại không muốn bước qua chúng ta để đi tới "ngai vàng". Nhưng rồi lần lượt từng đối thủ đầy uy lực đã gục ngã: Australia, Iraq, Qatar...
Những gì mà các cầu thủ U23 Việt Nam làm đã minh chứng cho vẻ đẹp ấy cho dù trước đó quá ít người trên thế giới biết đến bóng đá Việt Nam, cho dù U23 có thể khó vượt qua được khó khăn quá lớn trong trận chung kết, có thể nhiều năm nữa bóng đá chúng ta vẫn chưa bước vào được "vương quốc" World Cup. Nhưng đâu cứ phải bất cứ đội vô địch trong bất cứ một giải đấu nào đó cũng chứng minh được vẻ đẹp của bóng đá. Cũng như trong lịch sử nhân loại, không phải bất cứ đội quân nào chiến thắng cũng có thể trở thành ví dụ cho lòng kiêu hãnh của con người. Trong lịch sử của nhân loại, có những dân tộc bị chinh phạt, bị đày đọa nhưng vẫn trở thành một bản hùng
ca vọng tới tận bây giờ về khát vọng tự do và lòng quả cảm đấu tranh cho tự do.
Sau mỗi trận đấu của U23 Việt Nam, tôi thường chìm vào im lặng. Trong sự tận hưởng hạnh phúc ngọt ngào ấy có sự suy tưởng của tôi về những gì đã diễn ra trên một không gian giới hạn là sân cỏ. Nhưng một điều lớn lao đã phá tan cái giới hạn một sân cỏ và một môn thể thao. Tôi đang nghĩ về những nguyên lý và những bí ẩn của đời sống. Vì sao một đội bóng mờ nhạt biết bao năm trước đó lại hiện lên và lướt trên sân cỏ như một ngôi sao? Vì sao những cầu thủ trước kia còn nhiều lúng túng và hoang mang thậm chí sợ hãi trước những đối thủ trung bình khá như người Thái bây giờ lại trở nên mạnh mẽ và gầm vang như sư tử? Vì sao lần đầu tiên những người yêu bóng đá và cả những người không quan tâm đến bóng đá trên xứ sở chúng ta lại run người lên vì xúc động và tự hào? Cái gì chỉ diễn ra trong 90 phút, hoặc 120 phút hoặc hơn thế một chút trên một sân cỏ không phải to rộng lắm lại có thể làm cho con người khóc vì hạnh phúc? Lại làm cho những đứa bé còn đang học nói và những người già đã đến gần phần mộ của mình bỗng thấy lòng mình thay đổi? Lại làm cho những người dưng ngày ngày bỗng thấy yêu nhau và kỳ diệu hơn là cùng nhau cất tiếng gọi tên tổ quốc mình trong ngập tràn xúc động và thiêng liêng?
Điều kỳ lạ của U23 Việt Nam đối với những người yêu bóng đá trên thế giới không phải là kỹ thuật siêu đẳng của mỗi cầu thủ mà là trong một đội bóng bé nhỏ và mờ nhạt lại hiện ra những điều kỳ vĩ. Xin các bạn hãy tin rằng: câu chuyện về U23 Việt Nam sẽ được nghỉ lâu dài về sau cho dù sau này chúng ta có những đội tuyển U23 hay đội tuyển quốc gia chiến thắng tất cả các đội bóng mạnh nhất thế giới. Bởi câu chuyện của U23 của năm 2018 đã trở thành câu chuyện phi thường của con người trước mọi thách thức và mọi sợ hãi. Có những người Việt Nam dửng dưng trước những gì mà U23 Việt Nam đã làm trong những trận đấu vừa qua và thậm chí có người nhếch mép cười trước những con sóng khổng lồ của đại dương cảm xúc đang dâng lên trên toàn bộ xứ sở này. Vì sao họ lại làm vậy? Vì họ không thể nào tìm ra một gợn cảm xúc và những điều hệ trọng và thiêng liêng giấu sau mỗi trận đấu của các cầu thủ U23 chúng ta. Khi một người không mang cảm giác run rẩy trước một ngọn cỏ mọc lên từ cằn khô thì họ cũng không bao giờ có nổi cảm xúc trước một đại ngàn. Đấy là chân lý. Và đấy cũng là bí mật giản dị nhưng lớn lao trong đời sống con người.
Các bạn thân mến,
Tôi biết những gì đang diễn ra trong lòng các bạn - những người yêu đội
tuyển U23 và yêu xứ sở này. Các bạn đang hạnh phúc, các bạn đang đợi chờ trong hy vọng, các bạn đang lo lắng về trận đấu chiều nay. Nhưng thưa các bạn thân mến, trong cách nhìn của tôi điều lớn lao nhất U23 của chúng ta đã làm xong từ trước trận đấu này với toàn bộ ý nghĩa và tinh thần của cả bóng đá và đời sống. Còn về chuyên môn, U23 của chúng ta thực ra cũng vừa mới lớn lên, vừa mới đi qua những thách thức đầu tiên cho dù đó là những thách thức vô cùng lớn. Vì thế trận chung kết với tôi chỉ là thêm một cơ hội để tôi được ngắm nhìn những đứa con của xứ sở này sống như thế nào trước một thách thức. Tôi thực sự không biết kết quả cuối cùng của trận chung kết sẽ ra sao. Chúng ta đừng bắt các cầu thủ phải mang về cho chúng ta một chức danh, nhưng chúng ta bắt họ phải sống không được sợ hãi và biết dâng hiến. Nhưng có một điều tôi tin chắc chắn rằng: các cầu thủ U23 của chúng ta lại "chiến đấu" với một tinh thần bất diệt. Họ sẽ lại gửi cho chúng ta một thông điệp lớn lao rằng: khi những điều tốt đẹp trong một con người được đánh thức thì con người đó trở nên kỳ diệu. Và một dân tộc cũng vậy.
Xin các bạn thấu hiểu niềm hạnh phúc chúng ta đang có.
Cầu mong những điều tốt lành đến với đội tuyển U23 và xứ sở chúng ta. CHÚA PHÙ HỘ CHÚNG TA!
Hà Đông, 27/01/2018
TRẬN CHUNG KẾT TRONG MƠ
CHUNG KẾT U23 CHÂU Á 2018: TÌNH CA TRONG TUYẾT TRẮNG - Vũ Hoàng -
Anh cúi xuống hất những mảng tuyết bám dày đặc trên mặt sân, mặc cho đầu ngón tay tê cóng trong giá lạnh, rồi từ từ lùi lại vài bước lấy đà. Mắt anh chăm chú nhìn về phía khung thành của đối thủ. Và rồi anh lao tới, tung ra cú sút. Cầu vồng hiện lên trong cơn mưa tuyết. Trái bóng vẽ nên một đường cong hoàn hảo, găm thẳng vào góc chếch khung thành thủ môn Ergashev. 1-1, là 1-1! Khán đài màu đỏ như nổ tung. phút thứ 41 của trận chung kết, hai đội lại quay trở về vạch xuất phát.
CHUNG KẾT TRONG BÃO TUYẾT
Bảy tiếng đồng hồ trước giờ bóng lăn, mưa tuyết vẫn tiếp tục rơi và ngày càng dày đặc. Cái lạnh lên tới -4 độ kéo dài trong suốt ba ngày đã khiến nguy cơ phải hoãn trận chung kết hiển hiện. Vào lúc 8 giờ sáng ngày 27/1, AFC thông báo trận đấu vẫn diễn ra như bình thường. Tuy nhiên, họ bổ sung thêm rằng các khán giả nên giữ lại cuống vé để đề phòng trận đấu có thể bị hoãn bất cứ lúc nào.
Năm tiếng trước giờ bóng lăn, gần 6.000 cổ động viên Việt Nam lặn lội hàng ngàn cây số, đã có mặt ở sân vận động để mua vé. Đó là những người hạnh phúc nhất trong số mấy vạn người đăng ký các tour du lịch trong những ngày qua. Có những người bị kẹt ở cửa khẩu, một số thậm chí đã sang Trung Quốc nhưng không thể di chuyển tiếp tục đến Thường Châu.
Cho đến đầu giờ chiều, tuyết vẫn không ngừng rơi. Mặt sân Thường Châu phủ một màu trắng xóa. Trận chung kết chỉ còn vài mươi phút nữa...
ĐỐI THỦ TÀNG HÌNH...
Các cầu thủ áo đỏ buộc phải đẩy cao đội hình tìm kiếm bàn thắng quân bình tỷ số. Hai bên thi đấu giằng co mà không tạo được pha nguy hiểm thực sự nào trong những phút kế tiếp. Một bên vẫn liên tục tìm cách câu bóng bổng vào khu cấm địa. Một bên vẫn nỗ lực bằng những pha đột phá mang màu sắc cá nhân.
Phút 35, từ pha đá phạt góc, thủ môn Ergashev phá ra. Quang Hải cố gắng
cướp bóng nhưng cầu thủ Uzbekistan đã chặn ngay trên vạch 16m50. Có lỗi không? Không có lỗi! Trọng tài vẫn để trận đấu tiếp tục. Uzbekistan nhanh chóng chuyền bóng lên phía trước. Đình Trọng buộc phải cản người. Trọng tài cắt còi. Các cầu thủ áo đỏ lập tức khiếu nại về tình huống phạm lỗi (?) trước đó của đối thủ. Những cầu thủ áo trắng nổi xung lao vào đấu khẩu. Cuộc tranh cãi suýt biến thành hỗn chiến giữa những cái đầu nóng trong giá lạnh.
Phút 40, Xuân Mạnh dẫn bóng từ cánh phải, chuyền vào trung lộ cho Quang Hải. Số 19 bị hai cầu thủ áo trắng ập vào áp sát. Anh lập tức chọc khe cho Công Phượng. Công Phượng xoay lưng về phía khung thành Uzbekistan đón bóng và cố gắng vượt qua hậu vệ đối phương. Nhưng... phạm lỗi rồi. Công Phượng đã bị Tursunov phạm lỗi. Điểm đá phạt chỉ cách khung thành của Ergashev khoảng 20m.
Quang Hải đặt bóng. Mặt sân lúc này phủ đầy tuyết và rất trơn. Anh cào tuyết xung quanh trái bóng. Ba bốn cầu thủ khác cũng hất tuyết ra tứ phía, cố gắng tạo thành một điểm đá phạt thuận lợi nhất có thể. Sau 40 phút, U23 Việt Nam không hề tạo được một pha nguy hiểm nào. Đây là cơ hội gần như duy nhất.
Quang Hải cuối xuống kéo tất rồi đứng thẳng lên. Anh lùi lại phía sau vài bước để lấy đà, vừa lùi, vừa hò hét các đồng đội đứng vào vị trí thuận lợi. Đôi mắt anh vẫn nhìn đăm đăm vào khung thành đối phương. Không chớp. Anh ra chân rất nhanh. Chân trái chạm bóng. Quả bóng từ phần sân hiếm hoi không còn tuyết vẽ thành một đường cầu vồng tuyệt đẹp. Bóng nhìn thẳng góc chếch bên phải khung thành Uzbekistan. Có lẽ, không một thủ môn nào trên thế giới có thể cản phá được nét bút kì diệu ấy. Không một ai!
1-1, các cổ động viên áo đỏ trên sân như vỡ òa. Các bình luận viên trong cabin như vỡ òa. Hàng triệu người hâm mộ ở khắp mọi miền đất nước như vỡ òa. Phút 41 của trận chung kết, tỷ số là 1-1 sau cầu vồng rực rỡ ở Thường Châu.
TUYẾT, MÁU VÀ NƯỚC MẮT
Tuyết rơi càng lúc càng dày đặc. Ban tổ chức buộc phải kéo dài giờ nghỉ giữa hai hiệp để dọn sạch tuyết trên sân. Các cầu thủ Uzbekistan cũng đổi sang màu áo xanh cho dễ quan sát. Mặt sân đã chuyển sang màu xanh nhợt nhạt và ướt đẫm. Cầu thủ cả hai bên đều rất vất vả khống chế bóng trong điều kiện tồi tệ này.
Phút 54, bóng được tạt thẳng từ cánh phải vào khu cấm địa của U23 Việt Nam. Phá bóng. Bóng đến chân Sidikov. Một cú sút trái phá từ khoảng cách 11m. Tiến Dũng ngã người nhanh như điện, để bóng đi hết đường biên ngang. Hai đội chuyển sang lối chơi đá rát, vào bóng quyết liệt và không ngần ngại phạm lỗi. Phút 64, Sidikov đi bóng vào khu cấm địa và bị ngã. Không penalty! U23 Việt Nam đã phải chịu hai quả đá penalty khá oan uổng ở 2 trận trước đó. Nhưng đã không có lần thứ 3.
Hai mươi phút sau khi hiệp 2 bắt đầu, mặt sân lại trắng xóa. Uzbekistan vẫn cố gắng áp đặt thế trận nhưng bất thành. Hiệp 2 kết thúc. Lần thứ 3 liên tiếp trong giải này, U23 Việt Nam phải đá thêm 2 hiệp phụ.
Phút 96, trọng tài buộc phải ngừng trận đấu và yêu cầu Tiến Dũng (II) ra sân để cầm máu. Va chạm ở trên sân đã khiến trung vệ của U23 Việt Nam chảy máu từ lúc nào không rõ. Mỗi bước chạy của anh, những giọt máu rớt xuống loang lổ trên nền tuyết trắng. Nhưng U23 Việt Nam vẫn không hề nao núng. Phút 115, Xuân Trường dẫn bóng, mở màn đường phản công. Bóng được chuyền vượt tuyến cho Đức Chinh bên cánh phải. Đức Chinh cố gắng dẫn bóng vào khu 16m50 rồi chuyền cho đồng đội. Một cú sút rất căng của Xuân Mạnh. Bóng chạm chân các hậu vệ áo xanh bật ra đến chân Xuân Trường. Đội trưởng U23 Việt Nam bình tĩnh dẫn thêm và nhịp rồi dùng chân trái lật thẳng vào vòng cấm. Đức Chinh hạ thấp người đánh đầu. Bóng đi sạt cột dọc ra hết đường biên ngang. Cơ hội rõ rệt nhất của Việt Nam trong hiệp phụ đã trôi qua.
Phút 118, Sidorov vào sân thay người. Không ai có thể tưởng tượng rằng đây chính là bước ngoặt của trận đấu. Thời gian trôi dần về cuối và dường như hai bên đã nghĩ đến loạt sút luân lưu. Phút 119, Ganiev dẫn bóng xuống sát đường biên ngang rồi bất ngờ đá thẳng bóng vào chân Xuân Mạnh. Phạt góc cho Uzbekistan. Bóng bay vào vòng 5m50 rồi bật ra. Sidorov lao vào đệm cận thành. Quá nhanh! Tiến Dũng dù cố hết sức cũng không thể đẩy được. Phút cuối cùng của trận đấu, U23 Uzbekistan đã vượt lên.
Không còn điều kỳ diệu nào xảy ra nữa. Những cổ động viên áo đỏ bật khóc khi nhìn nỗ lực trong tuyệt vọng của các cầu thủ trên sân. Khi trọng tài nổi còi kết thúc trận đấu, các cầu thủ Uzbekistan ùa vào nhau ăn mừng. Trên khán đài, những người Việt Nam vẫn giơ cao lá cờ trong nỗi buồn vô hạn. Nước mắt đã chảy trên khuôn mặt của các cầu thủ áo đỏ. Nước mắt hòa vào với mưa tuyết. Lạnh buốt. Tới tận trái tim.
VĨ THANH...
Sau khi cúi chào khán giả, những người đã đội mưa tuyết suốt 4 tiếng đồng hồ để cổ vũ, các cầu thủ bước vào đường hầm, Duy Mạnh mang theo lá cờ đi ở cuối. Khi ngang qua một đống tuyết cao, anh chợt dừng lại, cắm lá cờ rồi nghiêng người cúi chào. Chàng trai áo đỏ đứng trước lá cờ Tổ quốc đỏ thắm. Những bông tuyết vẫn lất phất bay trong gió, vương lên lá cờ, đọng lại trên vai áo anh.
Màu đỏ lẫn trong tuyết trắng.
Đẹp đến nao lòng!
KHOẢNH KHẮC CỦA GIẢI ĐẤU
KHOẢNH KHẮC CỦA GIẢI ĐẤU:
DUY MẠNH CẮM CỜ TRÊN TUYẾN TRẮNG!
- Hoàng Linh -
Một trong những khoảnh khắc đẹp nhất của U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á là hình ảnh trung vệ Duy Mạnh cắm cờ Tổ quốc trên một ụ tuyết cao ở sân Thường Châu sau khi kết thúc trận chung kết để ghi lại kỷ niệm không thể nào quên trên đất Trung Quốc.
Chuyện xảy ra khi các cầu thủ U23 Việt Nam bước tới khán đài B để cảm ơn cổ động viên Việt Nam vì đã cổ vũ không ngơi nghỉ cho họ trong suốt 120 phút thi đấu. Ở 5 trận trước đó, bao gồm 3 trận vòng bảng và 2 trận tứ kết, bán kết, các cầu thủ U23 Việt Nam đều bước tới trước khàn đài có cổ động viên Việt Nam để cảm ơn sau mỗi trận đấu.
Tuy nhiên, ở lần cảm ơn trong trận chung kết của U23 Việt Nam thì có một khác biệt là cổ động viên Việt Nam liên tục chuyển cờ Tổ quốc từ khán đài xuống cho các thành viên của U23 Việt Nam, gồm cả BHL cũng như cầu thủ. Thậm chí, khi một số cầu thủ U23 Việt Nam chưa kịp nhận cờ do cổ động viên Việt Nam liên tục chuyển xuống quá nhiều và quá nhanh thì lực lượng cảnh sát Trung Quốc đang làm việc ở khu vực này đã hỗ trợ quá trình chuyển cờ cho cổ động viên và cầu thủ Việt Nam.
Duy Mạnh đã nhận được một lá cờ từ cổ động viên Việt Nam trên khán đài B sân Thường Châu trong một hoàn cảnh như thế, và Duy Mạnh đã cầm theo lá cờ này đi dọc khán đài B để vẫy tay cảm ơn khán giả khi mà nước mắt trên khuôn mặt Duy Mạnh vẫn chưa ngừng rơi vì thất bại quá tiếc nuối ở những phút cuối cùng của trận chung kết.
Khi di chuyển tới khán đài D, Duy Mạnh dừng lại rất lâu để cảm ơn và vẫy chào các cổ động viên Việt Nam đang gọi tên mình. Sau một thoáng suy nghĩ, chúng tôi nhận thấy Duy Mạnh một mình tách ra khỏi đội hình U23 Việt Nam để tiến về phía một đống tuyết khá cao ở trước khán đài D với lá cờ trên tay.
Đống tuyết này không phải được hình thành một cách tự nhiên mà là nơi tập kết tạm thời của số tuyết được lực lượng tình nguyện viên lấy từ mặt cỏ sân Thường Châu nên có chiều cao khá đáng kể. Vì thế, Duy Mạnh đã phải khá
vất vả khi leo lên đống tuyết để cắm cờ, và sau khi hoàn tất công việc, Duy Mạnh đã cúi đầu rất nghiêm túc để chào cờ rồi mới tiếp tục di chuyển cùng đội tuyển U23 Việt Nam sang khán đài A.
Chia sẻ trên truyền hình K+ sau khi trở về Việt Nam, Duy Mạnh đã kể lại thời khắc mà trung vệ U23 Việt Nam quyết định cắm lá cờ Tổ quốc lên đống tuyết cao ngất ở sân Thường Châu sau khi trận chung kết U23 châu Á 2018 khép lại:
Sau trận đấu, tôi và rất nhiều các đồng đội đã rơi nước mắt.
Khi chúng tôi tới chỗ cổ động viên để tri ân thì người hâm mộ đã đưa lá quốc kỳ để chúng tôi khoác lên vai hoặc giơ cao ăn mừng. Trước mắt tôi lúc đó là đống tuyết khá cao và cùng lúc đó người hâm mộ vẫn đang gọi tên tôi.
Ngay lập tức, tôi đã nghĩ tới việc sẽ lên cắm cờ trên đống tuyết để sau này có nhìn thấy khoảnh khắc này sẽ giúp tôi nhớ tới những kỷ niệm không thể nào quên ở Trung Quốc. Thực sự, khi cắm lá cờ cũng là lúc tôi vẫn còn đang khóc vì tiếc nuối. Sau đó, tôi đã cúi chào lá cờ với tất cả sự tự hào nhất vì U23 Việt Nam đã làm được điều kỳ tích cho bóng đá nước nhà.
Hình ảnh Duy Mạnh cắm cờ trên tuyết trắng ở sân Thường Châu đã nhận được sự khen ngợi nhiệt liệt của người hâm mộ cũng như cư dân mạng về ý nghĩa cao đẹp của hành động này, và thậm chí trong những cuộc tiếp đón được tổ chức ở Việt Nam, Duy Mạnh tiếp tục được ngợi khen vì đã thực hiện được một cử chỉ thể hiện tình yêu Tổ quốc và lòng tự hào dân tộc nơi đất khách quê người.
U23 VIỆT NAM - ĐÃ QUÁ QUẢ CẢM RỒI
U23 VIỆT NAM - ĐÃ QUÁ QUẢ CẢM RỒI, VỀ NHÀ THÔI! CẢ VIỆT NAM ĐANG CHỜ!
- Thịnh Joey (Lý Quốc Thịnh) -
Dù không giành chiến thắng cuối cùng trên sân cỏ, U23 Việt Nam vẫn là những NHÀ-VÔ-ĐỊCH-QUỐC-DÂN!
ĐÂU LÀ KHOẢNH KHẮC ĐÁNG NHỚ NHẤT CỦA U23 VIỆT NAM?
Nếu một người ngoại quốc vô tình có mặt ở trung tâm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Hải Phòng... đêm ngày 27/01/2018, họ đễ nghĩ rằng Việt Nam vừa có một chức vô địch kỳ vĩ. Hàng dòng người cứ thế đổ ra chật kín những con đường, quốc kỳ cầm trên tay, dán trên má, trên trán... và hô vang khẩu hiệu "Việt Nam vô địch!". Như ở Hà Nội, bất chấp tiết trời giá lạnh và mưa rét, những con phố gần Hồ Gươm vẫn cứ chật kín những biển người áo đỏ, nhảy múa ăn mừng. Nhưng không, sự thực là Việt Nam chỉ là đội về nhì trong trận chung kết U23 châu Á.
Khi đối thủ U23 Uzbekistan ghi bàn vào phút áp chót của hiệp phụ thứ hai, có lẽ ai cũng hiểu những điều thần kỳ sẽ chẳng thể tiếp tục. Chúng ta đã mơ mộng, bởi U23 Việt Nam đã tạo ra những chiến thắng thần kỳ còn đẹp hơn mơ. Thế rồi thực tại cũng trở lại khi Sidorov dứt điểm trái phá khiến thủ thành Tiến Dũng không thể cản phá. Tỷ số là 2-1 cho Uzbekistan, để lại sự nuối tiếc cho cả đội U23 lẫn hàng chục triệu người Việt Nam theo dõi trận đấu này.
Nhưng như ai đó đã nói: "Đích đến đôi khi không quan trọng bằng cả hành trình". Kể từ trận đấu đầu tiên với Hàn Quốc cho tới trận chung kết - xin nhắc lại là một trận CHUNG KẾT CẤP CHÂU LỤC - U23 Việt Nam càng đá càng hay, vượt xa mọi kỳ vọng từ người hâm mộ và thậm chí là vượt qua cả giới hạn của bản thân. Làm sao có thể trách được những người đã cố gắng đến cùng và đem tới cho người hâm mộ những cảm xúc ngất ngây chẳng ai dám nghĩ đến trước khi giải đấu diễn ra. Vậy nên chỉ sau một chút hụt hẫng và tiếc nuối, những dòng ngưới lại đổ ra đường để ăn mừng như thể U23 Việt Nam vừa vô địch thật vậy.
Biết chọn đâu ra khoảnh khắc đáng nhớ nhất của U23 Việt Nam ở giải đấu này, khi trận nào cũng có những hình ảnh đẹp khiến ngưới ta nhớ mãi và cảm
thấy ấm lòng, cảm thấy tự hào khi nghĩ đến.
Là khi Quang Hải nghẹn ngào khóc vì xúc động sau khi trận đấu với Australia kết thúc với chiến thắng mà Hải là người ghi bàn duy nhất.
Là khi cả đội vỡ òa để ăn mừng trận hòa 0-0 với Syria, giúp U23 Việt Nam lần đầu vào tứ kết cấp châu lục.
Là khi Văn Đức ghi bàn gỡ hòa 2-2 trước U23 Iraq, giúp chúng ta trải qua cảm giác "chết đi sống lại".
Là khi Tiến Dũng bước lên chấm phạt đền, sút thành công và cởi áo khoe thân hình sáu múi trong niềm vui vô bờ bến.
Là khi "Lionel Cristiano" Hải hóa siêu nhân, lập cú đúp tuyệt với vào lưới U23 Qatar.
Là Xuân Trường ấm áp chạy đi lấy áo khoác cho đồng đội đang đứng co ro giữa trời lạnh, thể hiện phẩm chất của người đội trưởng thực thụ.
Là Văn Thanh với "dáng đứng Việt Nam" đầy ngạo nghễ, tự tin sau khi đưa U23 Việt Nam bước vào trận đấu cuối cùng.
Là khi đồng đội xúm vào lấy tay cào tuyết cho Quang Hải, để chàng trai gốc Đông Anh có thể vẽ nên một siêu phẩm "cầu vồng trong tuyết" trong trận chung kết. Để rồi khi ghi bàn, những cầu thủ của chúng ta ôm chầm lấy nhau. Những bóng áo đỏ trong nền tuyết trắng, đẹp tựa một cảnh phim.
Là khi những trang thể thao lớn của thế giới như Marca hay Bleacher Report cũng phải đăng tin về U23 Việt Nam một cách nể phục.
Là khi ở Việt Nam, người người nhà nhà bàn tán rôm rả về những cầu thủ của U23 Việt Nam. Park Hang Seo trở thành "Oppa" Hàn Quốc được yêu mến nhất, còn những "soái ca" như Tiến Dũng hay Xuân Trường vụt sáng che mờ đi mọi ngôi sao giải trí khác. Họ - chứ không phải Hugh Jackman - mới thực sự là "Bậc thầy của những giấc mơ". Những ngày quả thực không muốn ngủ, bởi hiện tại còn đẹp gấp mấy lần mơ!
Là khi với đa số người dân Việt Nam, "cả nguồn sống bỗng chốc bé lại vừa bằng một đội bóng". Từ thủ đô cho tới nơi đảo xa, từ Việt Nam cho tới những đại sứ quán, những nơi tập trung cộng đồng người Việt ở nước ngoài... đều rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Quên hết đi những lo toan bộn bề của
cuộc sống, những tranh cãi bất tận trên mạng xã hội, những nỗi buồn không biết chia sẻ cùng ai... tất cả cùng hướng về cổ vũ những chàng trai U23 Việt Nam. Nếu từng xem U23 Việt Nam chiến thắng ở giải năm nay và hòa mình vào những đêm không ngủ, bạn sẽ biết thế nào là "Vui hơn cả Tết".
Là khi thanh xuân của những chàng trai U23 rực cháy, giúp hàng triệu người trẻ có một thanh xuân rực rỡ không thể nào quên: tụ tập ở ký túc xá, hội trường đại học, văn phòng cơ quan, cà phê quán nước vỉa hè, quán nhậu... để cùng nhau "cháy" hết mình. Mà đâu chỉ những người trẻ, các cụ già cũng bàn chuyện rôm rả bên miếng trầu và chén trà, các bố các bác cũng có dịp hào hứng hòa mình vào biển người đi "bão". Nhà của các cầu thủ thi đấu chật ních bà con làng xóm đến xem, cổ cũ chung. Nhìn những hình ảnh ấy mới thấy ấm áp làm sao. Thanh xuân của các chàng trai U23, cũng là thanh xuân của hàng triệu người Việt Nam bất-kể-tuổi-tác.
Là khi không giành chiến thắng trong trận chung kết, nhưng các cầu thủ U23 Việt Nam vẫn khiến những người máu đỏ da vàng xem trận đấu phải tự hào và khâm phục. Một đội bóng bản lĩnh, tự tin và thi đấu với tinh thần nhiệt huyết của những chiến binh thực thụ. Cho tới khi hết trận đấu, Quang Hải vẫn không khỏi tiếc nuối: "Chúng tôi đáng lẽ ra đã làm được nhiều hơn..."
Là khi cả đội tuyển U23 cùng nắm tay nhau, cầm quốc kỳ đi vòng quanh sân Thường Châu để cảm ơn hàng ngàn người hâm mộ bất chấp thời tiết giá lạnh đã tới để tiếp lửa.
Là khi các cầu thủ Việt Nam vun tuyết lại và cắm lá cờ Việt Nam tung bay trên tuyết sau trận đấu. Neil Armstrong khi đặt chân lên Mặt Trăng từng nói: "Bước đi nhỏ của con người nhưng lại là một bước tiến dài của nhân loại". Nhìn lá cờ đả sao vàng tung bay phấp phới giữa không gian trắng xóa tuyết ấy, mới thấy việc nền bóng đá Việt Nam đã có một "bước tiến dài" đến như thế nào. Khong chỉ "dài" trong thành tích mà còn "dài" cả trong công cuộc tìm lại niềm tin, thắp sáng niềm hy vọng tưởng như đã nguội tắt sau nhiều giải đấu kỳ vọng nhiều để rồi phải thất vọng.
U23 Việt Nam trở thành chất xúc tác, thành sợi chỉ kết nối tinh thần dân tộc của hàng triệu người Việt Nam. Đã phải rất lâu rồi chúng ta mới lại thấy cả newsfeed Facebook, Instagram, các trang báo lẫn ngoài đường phố "đồng lòng" đến thế, toàn tin tức liên quan đến U23. Tin nào cũng phải đọc, phải thả tim đến mỏi cả tay! Nhưng vẫn hạnh phúc, vẫn lâng lâng. U23 Việt Nam không chỉ mang đến hạnh phúc, niềm cảm hứng ngày hôm nay mà còn thắp lên ngọn lửa hy vọng cho tương lai.