🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bàn Về Tinh Thần Pháp Luật Ebooks Nhóm Zalo Bàn về TINH THẦN PHÁP LUẬT Nguyên tác: De l'Esprit des Lois Tác giả: Montesquieu Người dịch: Hoàng Thanh Đạm Nhà xuất bản: NXB Lý luận Chính trị Năm xuất bản: Hà Nội, 2006 Làm ebook: Nguyễn Tuấn Linh Ngày hoàn thành: 18/5/2016 Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com MỤC LỤC LỜI NGƯỜI DỊCH TIỂU SỬ MONTESQUIEU TIỂU DẪN I. Những việc đã xảy ra vào năm 1748 II. Montesquieu soạn thảo và xuất bản sách tinh thẩn pháp luật III. Cách bố cục sách tinh thần pháp luật IV. Những nguồn gốc của sách tinh thần pháp luật V. Đối tượng và phương pháp của sách tinh thần pháp luật VI. Ảnh hưởng của sách tinh thần pháp luật LỜI CẦU NGUYỆN CÁC NỮ THẦN ĐỒNG TRINH TRÊN NÚI PIERIE LỜI TỰA LỜI NÓI ĐẦU QUYỂN I: BÀN VỀ LUẬT PHÁP NÓI CHUNG Chương 1: Luật pháp trong mối tương quan với các sự vật Chương 2: Luật của thiên nhiên Chương 3: Các luật thực tiễn QUYỂN II: PHÁP LUẬT RÚT TRỰC TIẾP TỪ TRONG BẢN CHẤT CỦA CHÍNH TRỊ Chương 1: Bản chất của ba chính thể khác nhau Chương 2: Chính phủ cộng hoà và các luật liên quan đến dân chủ Chương 3: Các luật liên quan đến bản chất nhà nước quý tộc Chương 4: Các luật liên quan đến bản chất nhà nước quân chủ Chương 5: Các luật liên quan đến bản chất nhà nước chuyên chế QUYỂN III: BÀN VỀ NHỮNG NGUYÊN TẮC CỦA BA LOẠI CHÍNH THỂ Chương 3: Nguyên tắc của chính thể dân chủ Chương 7: Nguyên tắc của chính thể quân chủ Chương 9: Nguyên tắc của chính thể chuyên chế Chương 11: Suy nghĩ về những điều nói trên QUYỂN IV: LUẬT VỀ GIÁO DỤC PHẢI TƯƠNG ỨNG VỚI NGUYÊN TẮC CỦA CHẾ ĐỘ Chương 1: Về luật giáo dục Chương 2: Giáo dục trong chính thể quân chủ Chương 3: Giáo dục trong chính thể chuyên chế Chương 4: Sự khác nhau giữa tác dụng giáo dục của người xưa với chúng ta ngày nay Chương 5: Giáo dục trong chính thể cộng hoà QUYỂN V: CÁC LUẬT DO NHÀ LẬP PHÁP ĐƯA RA PHẢI TƯƠNG ỨNG VỚI NGUYÊN TẮC CỦA CHÍNH THỂ Chương 1: Ý tưởng của quyển V Chương 2: Đạo đức là gì trong nhà nước chính trị Chương 3: Thế nào là lòng yêu mến nền cộng hoà trong chính thể dân chủ Chương 4: Người ta cảm nhận lòng yêu bình đẳng và nếp sống thanh đạm như thế nào Chương 5: Trong chính thể dân chủ, luật pháp thiết lập sự bình đẳng như thế nào Chương 6: Trong chính thể dân chủ, luật pháp duy trì tính thanh đạm như thế nào Chương 11: Cái hay của chính thể quân chủ Chương 12: Tiếp chủ đề trên Chương 13: Ý niệm về chính thể chuyên chế Chương 14: Trong chính thể chuyên chế, các luật liên quan với nhau như thế nào Chương 17: Những quà cáp QUYỂN VI: HỆ QUẢ CỦA NGUYÊN TẮC TRONG MỐI LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC ĐƠN GIẢN HÓA CÁC LUẬT DÂN SỰ, HÌNH SỰ, HÌNH THỨC XÉT XỬ VÀ PHƯƠNG THỨC TRỪNG PHẠT Chương 3: Trong chính thể nào và trong trường hợp nào người ta phán xử theo đúng văn bản luật pháp Chương 4: Phương pháp xác lập sự phán xét Chương 10: Các luật cổ xưa ở Pháp Chương 13: Sự bất lực của luật pháp Nhật Bản Chương 14: Tinh thần của Viện Nguyên lão ở Rome Chương 16: Tỷ lệ công bằng giữa hình phạt và tội phạm Chương 17: Tra tấn hay hỏi cung người phạm tội Chương 18: Phạt tiền và phạt thân thể Chương 19: Về luật miếng trả miếng Chương 20: Phạt cha vì tội của con QUYỂN VII: HỆ QUẢ CỦA CÁC NGUYÊN TẮC KHÁC NHAU TRONG BA CHÍNH THỂ LIÊN QUAN TỚI LUẬT HẠN CHẾ XA HOA VÀ ĐIỀU KIỆN PHỤ NỮ Chương 1: Về sự xa hoa Chương 7: Hệ quả tai hại của tệ xa hoa ở Trung Hoa Chương 17: Phụ nữ cầm quyền cai trị QUYỂN VIII: SỰ SA ĐOA TRONG NGUYÊN TẮC CỦA BA LOẠI CHÍNH THỂ Chương 1: Ý chung của quyển này Chương 2: Sự sa đọa trong nguyên tắc của chính thể dân chủ Chương 3: Tinh thần bình đẳng cực đoan Chương 5: Sự sa đọa trong nguyên tắc của chính thể quý tộc Chương 6: Sự sa đọa trong nguyên tắc của chính thể quân chủ Chương 7: Tiếp chủ đề trên Chương 10: Sự sa đọa trong nguyên tắc của chính thể chuyên chế QUYỂN IX: PHÁP LUẬT TRONG QUAN HỆ VỚI LỰC LƯỢNG PHÒNG THỦ Chương 1: Các nước cộng hoà có được an ninh bằng cách nào Chương 6: Về lực lượng phòng thủ của các quốc gia nói chung QUYỂN X: CÁC LUẬT TRONG QUAN HỆ VỚI LỰC LƯỢNG TẤN CÔNG Chương 1: Bàn về lực lượng tấn công Chương 2: Bàn về chiến tranh Chương 3: Bàn về quyền chinh phục Chương 4: Một vài điều lợi của dân tộc bị chinh phục QUYỂN XI: CÁC LUẬT TẠO RA TỰ DO CHÍNH TRỊ TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI HIẾN PHÁP Chương 1: Ý chung Chương 2: Các định nghĩa dùng cho từ tự do Chương 3: Thế nào là tự do Chương 6: Hiến pháp nước Anh Chương 9: Cách suy nghĩ của Aristote Chương 11: Các vua trong thời đại anh hùng của Hy Lạp xưa Chương 12: Sự cai trị của các vua Rome và ba thứ quyền lực được phân phối như thế nào Chương 13: Suy nghĩ chung về nhà nước Rome sau khi xoá bỏ vua QUYỂN XII: CÁC LUẬT TẠO RA TỰ DO CHÍNH TRỊ TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI CÔNG DÂN Chương 1: Ý chính của quyển này Chương 2: Tự do của người công dân Chương 3: Tiếp chủ đề trên Chương 7: Tội chống vua (Lèse-majesté) Chương 11: Về chuyện ý nghĩ Chương 12: Về chuyện lời nói Chương 13: Về chuyện văn chương Chương 20: Các luật có lợi cho tự do của công dân nước cộng hoà QUYỂN XIII: TỰ DO TRONG QUAN HỆ GIỮA MỨC ĐÓNG GÓP VỚI SỰ DỒI DÀO CỦA THU NHẬP CÔNG CỘNG Chương 1: Thu nhập quốc gia Chương 12: Quan hệ giữa mức đóng góp với tự do Chương 13: Những người thu thuế Chương 17: Sự tăng gia quân đội QUYỂN XIV: PHÁP LUẬT TRONG QUAN HỆ VỚI KHÍ HẬU TỰ NHIÊN Chương 1: Ý chung của quyền này Chương 2: Con người khác nhau tuỳ theo khí hậu như thế nào Chương 4: Nguyên nhân của sự trì trệ tôn giáo, phong tục, phong cách, pháp luật ở các nước phương Đông Chương 12: Các luật chống lại những người tự sát Chương 14: Các tác động khác nhau của khí hậu QUYỂN XV: LUẬT NÔ LỆ DÂN SỰ CÓ QUAN HỆ NHƯ THẾ NÀO VỚI TÍNH CHẤT CỦA KHÍ HẬU Chương 1: Bàn về nô lệ dân sự Chương 5: Nô lệ hoá dân da đen Chương 6: Nguồn gốc thật sự của quyền nô lệ Chương 7: Nguồn gốc khác của quyền nô lệ Chương 11: Pháp luật phải làm gì đối với quan hệ nô lệ QUYỂN XVI: LUẬT VỀ NÔ LỆ TRONG GIA ĐÌNH QUAN HỆ THẾ NÀO VỚI TÍNH CHẤT KHÍ HẬU Chương 1: Việc phục dịch trong nhà Chương 2: Ở các xứ phương nam có sự bất bình đẳng tự nhiên giữa nam và nữ Chương 4: Tục đa thê và hoàn cảnh của nó Chương 5: Lý do của luật Malabar Chương 7: Bình đẳng trong trường hợp đa thê Chương 15: Ly dị và ruồng bỏ QUYỂN XVII: CÁC LUẬT PHỤC VỤ CHÍNH TRỊ TRONG QUAN HỆ VỚI KHÍ HẬU Chương 1: Về việc phục vụ chính trị Chương 2: Sự khác nhau giữa các dân tộc về tính dũng cảm Chương 3: Về khí hậu châu Á Chương 8: Về thủ đô của vương quốc QUYỂN XVIII: CÁC LUẬT TRONG QUAN HỆ VỚI TÍNH CHẤT ĐẤT ĐAI Chương 1: Tính chất đất đai ảnh hưởng đến luật như thế nào Chương 5: Dân ở đảo QUYỂN XIX: PHÁP LUẬT TRONG QUAN HỆ VỚI NHỮNG NGUYÊN TẮC TẠO RA TÍNH CÁCH CHUNG, TỨC LÀ PHONG TỤC TẬP QUÁN CỦA DÂN TỘC Chương 4: Tính cách chung là gì Chương 5: Chớ thay đổi tính cách chung của một dân tộc Chương 9: Tính khoe khoang và kiêu căng của các dân tộc Chương 13: Tập quán của người Trung Hoa Chương 17: Đặc điểm riêng của chính thể Trung Hoa Chương 18: Hệ quả của chương trên Chương 19: Tôn giáo, pháp luật, phong tục tập quán hoà nhập như thế nào ở Trung Hoa Chương 20: Giải thích một nghịch lý về người Trung Hoa QUYỂN XX: XÉT VỀ BẢN CHẤT VÀ ĐẶC ĐIỂM CÁC LUẬT TRONG QUAN HỆ VỚI THƯƠNG MẠI Chương 1: Bàn về thương mại Chương 2: Tinh thần thương mại Chương 5: Các dân tộc đã từng làm kinh tế thương mại Chương 7: Tinh thần thương mại của nước Anh Chương 13: Cái gì phá hoại tự do thương mại Chương 19: Vua chúa và công hầu không nên buôn bán Chương 20: Tiếp chủ đề trên QUYỂN XXI: PHÁP LUẬT TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI THƯƠNG MẠI KHI CÓ CÁC CUỘC BIẾN ĐỔI LỚN TRÊN THẾ GIỚI Chương 4: Điều khác biệt chính yếu giữa thương mại xưa và nay Chương 5: Những điều dị biệt nữa Chương 21: Phát hiện hai thế giới mới và tình trạng châu Âu trước sự kiện này QUYỂN XXII: PHÁP LUẬT TRONG QUAN HỆ VỚI VIỆC SỬ DỤNG TIỀN TỆ Chương 1: Lý do của việc dùng tiền tệ Chương 2: Bản chất của tiền tệ Chương 21: Cho vay qua hợp đồng và cho vay nặng lãi ở Rome Chương 22: Tiếp chủ đề trên QUYỂN XXIII: PHÁP LUẬT TRONG QUAN HỆ VỚI DÂN SỐ Chương 1: Người và loài vật trong vấn đề tăng nòi giống Chương 16: Các quan điểm của nhà lập pháp trong vấn đề sinh sôi nòi giống Chương 24: Những biến thiên ở châu Âu liên quan đến dân số Chương 25: Tiếp chủ đề trên Chương 26: Hệ quả Chương 27: Luật ở nước Pháp khuyến khích tăng gia dân số Chương 28: Có thể cứu vãn tình trạng giảm sút dân số như thế nào Chương 29: Các viện cứu tế (Des Hôpitaux) QUYỂN XXIV: PHÁP LUẬT TRONG TƯƠNG QUAN VỚI TÔN GIÁO Ở CÁC NƯỚC Chương 1: Các tôn giáo nói chung Chương 2: Nghịch lý của Bayle Chương 3: Chính thể ôn hoà thích hợp với đạo Thiên Chúa. Chính thể chuyên chế thích hợp với đạo Hồi Chương 4: Kết quả của tính chất đạo Thiên Chúa và tính chất đạo Hồi Chương 5: Thiên Chúa giáo (Catholique) thích hợp ở một nước quân chủ, Cơ Đốc tân giáo (Protestant) thích hợp ở một nước cộng hoà Chương 10: Môn phái khắc kỷ Chương 15: Các luật dân sự đôi khi uốn nắn lỗi lầm tôn giáo Chương 16: Các luật của tôn giáo uốn nắn điều bất tiện trong thể chế chính trị QUYỂN XXV: PHÁP LUẬT TRONG QUAN HỆ VỚI VIỆC THIẾT LẬP TÔN GIÁO Ở MỖI NƯỚC VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA TÔN GIÁO Chương 1: Tình cảm tôn giáo Chương 3: Các đền chùa Chương 8: Toà thánh Giáo chủ Chương 9: Sự khoan dung về tôn giáo Chương 10: Tiếp chủ đề trên Chương 12: Luật hình phạt Chương 13: Lời khuyên can rất cung kính trình lên tôn giáo pháp đình Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha QUYỂN XXVI: PHÁP LUẬT TRONG QUAN HỆ TẤT YẾU VỚI TRẬT TỰ CÁC SỰ VẬT LÀM CƠ SỞ XÂY DỰNG NÊN PHÁP LUẬT Chương 1: Ý chính của quyển này Chương 2: Luật của trời và luật của người Chương 5: Trường hợp xử theo luật nhân sự, có tham khảo các nguyên tắc của luật tự nhiên Chương 13: Trong việc hôn nhân, trường hợp nào nên theo luật tôn giáo, trường hợp nào nên theo luật dân sự QUYỂN XXVII: NGUỒN GỐC VÀ CÁC CUỘC CÁCH MẠNG TRONG LUẬT ROME VỀ QUYỀN THỪA KẾ Chương duy nhất: Luật Rome về quyền thừa kế QUYỂN XXVIII: VỀ NGUỒN GỐC VÀ NHỮNG CUỘC CÁCH MẠNG TRONG CÁC LUẬT CỦA NGƯỜI PHÁP Chương 17: Cách suy nghĩ của ông cha chúng ta Chương 20: Nguồn gốc của vấn đề danh diện Chương 42: Sự phục hưng luật Rome và hậu quả sự đổi thay trong các toà án Chương 43: Tiếp chủ đề trên Chương 45: Về phong tục nước Pháp QUYỂN XXIX: CÁCH SOẠN THẢO LUẬT Chương 1: Tinh thần của người lập pháp Chương 2: Tiếp chủ đề trên Chương 3: Những đạo luật có vẻ trái với quan điểm người lập pháp cũng đôi khi thích hợp Chương 4: Những đạo luật mâu thuẫn với quan điểm người lập pháp Chương 5: Tiếp chủ đề trên Chương 16: Những điều cần chú ý trong việc soạn thảo luật Chương 19: Về các nhà lập pháp QUYỂN XXX: LÝ THUYẾT CỦA LUẬT PHONG KIẾN Ở PHÁP TRONG MỐI TƯƠNG QUAN VỚI VIỆC THIẾT LẬP NỀN DÂN CHỦ Chương 1: Về các luật phong kiến Chương 2: Cội nguồn của luật phong kiến Chương 5: Cuộc chinh phục người Francs Chương 6: Người Goths, người Bourguignons và người Francs Chương 7: Nhưng cách chia đất khác nhau Chương 8: Tiếp chủ đề trên Chương 9: Vận dụng đúng đắn việc chia đất trong luật Wisigoths và luật Bourguignons Chương 10: Về chế độ nô dịch Chương 11: Tiếp chủ đề trên Chương 21: Quyền tài phán trong địa vực giáo hội QUYỂN XXXI: LÝ THUYẾT LUẬT PHÁP PHONG KIẾN CỦA NGƯỜI FRANCS TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI CÁC CUỘC CÁCH MẠNG TRONG THỜI QUÂN CHỦ Chương 17: Chuyện riêng tư trong việc bầu các vua dòng thứ hai Chương 18: Vua Charlemagne PHẦN PHỤ LỤC Phụ lục I: Bảo vệ tác phẩm Tinh thần pháp luật Phụ lục II: Tóm tắt Tinh thần pháp luật của Montesquieu Phụ lục III: Những lời bình về tác phẩm Tinh thần pháp luật Phụ lục IV: Những bức thư Ba Tư Khái quát nội dung Những bức thư Ba Tư Về nguồn gốc của Những bức thư Ba Tư Thư số 48 : USBEC gửi RHE’DI ở VENISE Thư số 52 : RICA gửi USBEC Thư số 24 : RICA gửi IBBEN ở SMYRNE Thư số 37 : RICA gửi IBBEN ở SMYRNE Phụ lục V: Những nhận định về nguyên nhân cường thịnh và suy thoái của ROME 1. Khái quát về sách Nhận định 2. Bảng phân tích sách Nhận định 3. D’Alembert phân tích sách Nhận định 4. Hai chương trong sách Nhận định Chương IX: Hai nguyên nhân suy vong của Rome Chương XIII: AUGUSTE Phụ lục VI: Hai tác phẩm văn học của Montesquieu 1. ARSACE và ISMÉNIE 2. LYSIMAQUE Phụ lục VII: Chú giải tên riêng LỜI NGƯỜI DỊCH Năm 1982, tôi dịch xong cuốn Bàn về Khế ước xã hội (Du Contrat social) của J. J. Rousseau. Mười năm sau (1992), bản dịch được Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành. Nhiều bạn đọc phản ánh với tôi niềm phấn khởi lần đầu tiên được đọc bản dịch đầy đủ Contrat social mà trước kia chỉ có Nguyễn An Ninh lược dịch một chương. Tuy vậy, cũng có bạn gợi ý, đáng lẽ Thanh Đạm nên dịch Esprit des lois (Tinh thần pháp luật) của Montesquieu, vì đó là một bộ đôi xây dựng lý thuyết về xã hội công dân và Nhà nước pháp quyền, dẫn tới cuộc Đại cách mạng Pháp 1789, mà Montesquieu lại là người đi trước. (“Esprit des lois” ra đời năm 1748, 14 năm sau (1762) mới có “Contrat social”). Gợi ý này giúp tôi thấy rõ điều bất cập của mình. Thật ra trước đây tôi chưa từng đọc “Esprit des lois”. May sao anh Dương Trung Quốc, hồi miền Nam mới giải phóng, mua được cuốn Vạn pháp tinh lý – bản dịch Esprit des lois, do Trịnh Xuân Ngạn dịch thuật, xuất bản tại Sài Gòn năm 1962. Bản dịch này dựa theo sách Esprit des lois – Extrait có nhiều phần “tiểu dẫn”. Biết tôi đang quan tâm tìm hiểu vấn đề Khai sáng nên anh Quốc đã tặng tôi cuốn sách này. Đọc Vạn pháp tinh lý, tôi vui sướng thâu nhận những ý kiến lỗi lạc của Montesquieu. Nhưng một điều băn khoăn nảy ra, vì sao Nhà xuất bản Classique Larousse tục bản chỉ có mấy chục chương của “Esprit des lois”? Vậy thì diện mạo toàn bộ tác phẩm quan trọng này như thế nào? Theo lời tiểu dẫn trong bản dịch của Trịnh Xuân Ngạn thì “Esprit des lois” gồm 31 quyển, mà ở đây Nhà xuất bản chỉ in lại 18 quyển, mỗi quyển cũng chỉ trích lấy mấy chương. Tuy vẫn chỉ là trích dịch nhưng tôi đã chọn lọc những chương, những đoạn thực sự cần thiết cho bạn đọc Việt Nam ngày nay. Những chương, đoạn không dịch thuộc về những vấn đề mà tôi thấy là không cần thiết lắm hoặc không phù hợp. Tiêu đề sách “De l’Esprit des lois” tôi đã dịch là “Tinh thần Pháp luật”, nay đổi lại cho đúng nguyên tác, là “Bàn về Tinh thần pháp luật” như Montesquieu đã viết. Tôi cũng dịch thêm một số phần có tính chất tiểu dẫn và phụ lục, được in trong hai cuốn sách “Montesquieu – Pages choisies – Esprit des lois – Extrait” và “Montesquieu – Pages choisies – Lettres persanes et Considérations”, nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm về tác phẩm “Tinh thần pháp luật” cũng như quá trình chuẩn bị của Montesquieu trước khi viết tác phẩm và những lời bình luận sau khi tác phẩm ra đời.1 Riêng phần tiểu dẫn, về bố cục, soạn thảo, xuất bản, về phương pháp của Montesquieu và về ảnh hưởng của tác phẩm “Tinh thần pháp luật” thì tôi xin giữ nguyên những trang dịch của Trịnh Xuân Ngạn. Vì bản dịch này dựa theo bản tiếng Pháp in năm 1958 (mà tôi không sưu tầm được), so với bản tiếng Pháp in năm 1934 (mà tôi có trong tay) thì nó cung cấp cho ta nhiều tư liệu và nhận định phong phú hơn. Tôi chỉ thay thuật ngữ “Vạn pháp tinh lý” bằng “Tinh thần pháp luật”2. Trong lần tái bản năm nay (2004) tôi phải dịch bổ sung Chương 3 và Chương 4 Quyển II (trích dịch và bổ sung) vào phần Phụ lục một bài nghiên cứu của tôi: “Tóm tắt Tinh thần pháp luật của Montesquieu” để phục vụ bạn đọc tốt hơn. Vì tò mò khoa học, thích thú tìm hiểu các nhà Khai sáng Pháp, và muốn góp phần nhỏ bé vào việc giao lưu văn hoá Việt – Pháp trong giai đoạn đất nước đã vươn lên đổi mới, nên tôi đã dịch sách này với tất cả cố gắng và nhiệt tâm. Nhưng chắc rằng khó tránh khỏi thiếu sót. Xin sẵn sàng tiếp thu sự chỉ bảo của bạn đọc. Hà Nội, mùa thu 2004 HOÀNG THANH ĐẠM TIỂU SỬ MONTESQUIEU Và những sự kiện trọng đại trong thời đại của ông3 Charles de Secondat – nam tước de La Brède – Montesquieu ra đời ngày 18 tháng 1 năm 1689, đúng trước một thế kỷ cuộc đại cách mạng tư sản Pháp nổ ra tại lâu đài La Brède gần Bordeaux ở tây nam nước Pháp, trong một gia đình dòng dõi quý tộc. Cùng năm: – Nhà văn Racine trình diễn lần đầu vở kịch Esther. – Ở Nga, Pierre Đại đế (lên ngôi từ năm 1682) bắt đầu thực hiện chương trình cách tân, học tập văn minh phương Tây, cải tạo tình trạng lạc hậu, cổ hủ của nước Nga. * Năm 1696: người mẹ qua đời4. * Năm 1700: theo học với các giáo sĩ thuộc Giáo đoàn “Oratoire” ở Juilly. Ông học chữ Latinh giỏi hơn chữ Hy Lạp. * Năm 1705-1708: học luật ở thành phố Bordeaux. * Năm 1709: lên Paris tiếp tục học tập. Cùng năm: – Vua Louis XIV giải tán tu viện Post Royal des champs. – Vua Charles VII (Thụy Điển) thua Nga trong trận Poltava. * Năm 1713: người cha qua đời. * Năm 1714: được cử làm nghị sĩ tại Nghị viện Bordeaux. Cùng năm: – Fénelon viết “Thư gửi Viện Hàn lâm Pháp”. – Houdart de la Motte địch “llliade” và giải bài về Homère. * Năm 1715: cưới vợ. * Năm 1716: thay thế ông chú5, giữ chức vụ chánh án5 Bordeaux; được cử làm viện sĩ Viện Hàn lâm Bordeaux (thành lập từ 1712); đọc luận văn về “Chính sách tôn giáo của người Rome” và luận văn “Ký ức về các lần quốc trái”. Cùng năm: – Cuộc tranh luận thứ hai giữa phái Cổ điển và phái Tân tiến kết thúc; rạp hát “Hài kịch Italia” được mở cửa trở lại. – Nhà tài chính Law thiết lập ngân hàng đầu tiên. – Hoà ước Pháp – Anh được ký kết tại La Haye. * Năm 17186: thiết lập giải thưởng về khoa học giải phẫu; đọc các báo cáo khoa học “Về tiếng vang”, “Công dụng của các hạch ở thận”, “Tính trong suốt của vật thể”, “Lịch sử trái đất cổ xưa và hiện đại”. Cùng năm: – F. M. Arouet lấy tên là Voltaire cho diễn vở kịch đầu tiên “Oedipe” của ông. – Ngân hàng Law được công nhận là ngân hàng quốc gia. * Năm 1721: xuất bản “Những bức thư Ba Tư” (Lettres Persanes)7, không ghi tên tác giả. Sách được hoan nghênh, tái bản bốn lần trong năm đó, có kẻ in lậu nữa. Ông trở thành nhân vật nổi tiếng từ đấy và thường lui tới phòng khách của phu nhân De Lambert, gia nhập câu lạc bộ “Entresol” – một thứ hàn lâm viện tự do, để cùng nhau nghiên cứu các vấn đề khoa học về đạo đức và chính trị. Câu tạc bộ này có sự tham gia của linh mục (Saint Pierre d'Argention). Cùng năm: – Chính phủ Pháp mở cuộc điều tra về ngân hàng Law (hiện tượng thua lỗ). – Hiệp ước đồng minh Pháp – Anh – Tây Ban Nha được ký kết. * Năm 1722: trình bày bài “Đối thoại giữa Sylla và d’Eucrate”. * Năm 1723: xuất bản tác phẩm “Bàn về chính trị” (De la politique). * Năm 1724: xuất bản tác phẩm “Suy nghĩ về chính thể quân chủ phổ thông” (Réflexions sur la monarchie universelle). * Năm 1725: xuất bản tiểu thuyết “Đền thờ Gnide” (La temple de Gnide) – tiểu thuyết trữ tình. Cùng năm: – Marivaux xuất bản “Hòn đảo và những người nô lệ” (L’ile des esclaves). – Voltaire trình diễn vở bi kịch “Hérode và Marie”. – Bang giao Pháp – Tây Ban Nha trở nên căng thẳng. – Vua Pierre Đại đế ở Nga băng hà. * Năm 1726: thôi giữ chức vụ Chánh án Bordeaux mà trước đây ông đã làm thế chân ông chú mình. * Năm 1727: xuất bản tiểu thuyết trữ tình ngắn “Du lịch ở Paphos” (Le voyage à Paphos); được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm nước Pháp ngày 22- 12-1727. * Năm 1728: du lịch qua các nước Áo, Hung, Ý, Thụy Sĩ, Hà Lan. Cùng năm: – Voltaire viết “Nàng Hăngriađơ” (La Henriade). – J. J. Rousseau sống ở Turin. – Marivaux viết “Điều bất ngờ thứ hai trong tình yêu” (La seconde surprise de l'amour). – Georges II lên ngôi ở Anh. – Phát hiện ra eo biển Béring. * Năm 1729: sang Anh sống hai năm, ở nhà Lord Chesterfield; được nhận làm thành viên Hiệp hội Hoàng gia Anh tại Luân Đôn. Cùng năm: – Voltaire từ Anh trở về Paris. – J. J. Rousseau làm việc tại nhà mệnh phụ De Varen. – Hoà ước Sicile được ký kết giữa Pháp – Anh – Hà Lan – Tây Ban Nha. * Năm 1731: trở về Pháp, đọc nhiều báo cáo tại Viện Hàn lâm Bordeaux (các văn bản này đều đã thất lạc). Sau đó ông lui về ở lâu đài Brède. Cùng năm: – Voltaire viết “Lịch sử vua Charles VII”. – Linh mục Prévost viết tiểu thuyết “Manon Lescaut”. – Dainel De Foe qua đời. * Năm 1734: xuất bản sách “Nhận định về nguyên nhân thịnh đạt và suy thoái của Rome” (Considérations sur les causes de la gradeur des Romains et de leur décadence); kết giao với linh mục Castel, người trở thành cộng tác viên đắc lực của ông. Cùng năm: – Voltaire ra sách “Thư tín triết học” (Lettres philosophiques). – Bach (Jean Sébastien), nhạc sĩ thiên tài người Đức soạn bản giao hưởng nổi tiếng “Oratoire de Noel”. – Chiến tranh kế vị ở Ba Lan. – Quân Pháp thắng trận ở Parme và Guastalla (Italia). * Năm 1741-1747: tập trung toàn lực nghiên cứu, soạn thảo tập sách lớn “Tinh thần pháp luật”. Phần lớn thời gian sống ở lâu đài Brède, ông làm việc quá sức đến nỗi gần như bị loà mắt. * Năm 1748: xuất bản sách “Tinh thần pháp luật” ở Genève, in thành 2 tập, có một loại in thành 3 tập, khoảng 1000 trang. Cùng năm: – Voltaire viết truyện “Zadig”. – Diderot kết bạn chí thân với J. J. Rousseau. – Richardson (ở Anh) viết tiểu thuyết “Clarisse Harlowe”. * Năm 1749: bị công kích: Tạp chí Nouvelles Ecclésiastiques (Tin Giáo hội) viết bài phê phán Tinh thần pháp luật, coi tác giả là thuộc phái thần giáo (déiste). Cùng năm: – Diderot cho ra “Thư viết về những người mù” (Lettres sur les aveugles). – Buffon viết “Lịch sử tự nhiên” (Histoire naturelle), bị trường Sorbonne bác bỏ thuyết của ông về trái đất. * Năm 1750: trả lời những người Jansénistes bằng tác phẩm luận chiến “Bảo vệ Tinh thần pháp luật” (Défense de l’Esprit des lois). Cùng năm: – J. J. Rousseau viết “Khảo luận về các khoa học và nghệ thuật” (Discours sur les sciences et les arts). – Voltaire sang thăm nước Phổ. – Dupleix, toàn quyền Pháp ở Ấn Độ giành thắng lợi trong việc tranh chấp với Anh. Thiết lập quyền bảo hộ của Pháp ở vùng Carnatic. * Năm 1751: viết truyện cổ tích “Lysimaque” đăng tạp chí “Le Mercure”. Cùng năm: – Voltaire viết “Thế kỷ của Louis XIV” (Le siècle de Louis XIV). – Diderot xuất bản quyển “Bách khoa toàn thư”. – Nổ ra cuộc bút chiến quanh bài “Khảo luận về khoa học và nghệ thuật” của J. J. Rousseau. * Năm 1752: sách “Tinh thần pháp luật” bị cơ quan kiểm duyệt của Toà thánh Rome phê bình một cách ôn hoà. Trường Sorbonne cũng giám định tác phẩm này nhưng không tuyên bố gì chính thức. Nhưng Chính phủ Pháp ban hành lệnh cấm lưu hành sách “Tinh thần pháp luật” (lệnh ra ngày 29-11- 1751). Cùng năm: – Viết bài: “Hứng thú với Bách khoa toàn thư” (Gout pour L'Encyclopédie). * Năm 1754: viết truyện cổ tích huyền thoại “Arsace và Isménie”. Cùng năm: – Condillac “Nghị luận về cảm xúc” (Traité des sensations). – J. J. Rousseau khởi công xây dựng công trường Vua Louis XV. – Toàn quyền Dupleix rời bỏ Ấn Độ. * Năm 1755: qua đời ngày 10 tháng 2, để lại nhiêu nguyên cảo trong đó có tập “Những tư tưởng của tôi” (Mes pensées), thọ 56 tuổi. Cùng năm: – J. J. Rousseau viết “Khảo luận về sự bất bình đẳng” (Discours sur l’inégalité). – Quân đội Anh và Mỹ chiếm đóng xứ Arcadie. – Liên lạc ngoại giao giữa Anh và Pháp bị cắt đứt. TIỂU DẪN Về quá trình Montesquieu chuẩn bị soạn thảo Tinh thần pháp luật8 I. Những việc đã xảy ra vào năm 1748 (Khi “De l’Esprit des lois” ra đời) Về chính trị Những hồi cuối cùng của trận chiến tranh kế vị tại nước Áo, khởi từ năm 1740 trong đó nước Pháp liên minh với nước Phổ đánh nhau với nước Áo – nước Áo liên minh với nước Anh. Quân Pháp vây thành Maestricht, hoà ước Aix-La-Chapelle (vào tháng 10) bất lợi cho nước Pháp vì bị buộc phải hoàn trả những đất đai đã chiếm cứ được. Tại Ấn Độ, Dupleix tiếp tục chính sách thôn tính còn La Bourdonnais bị triệu hồi về Pháp và bị giam tại ngục La Bastille cùng bị cáo tội mưu phản vì những hành động của y hồi chiếm thành phố Madras, ở Anh Cát Lợi, ảnh hưởng của William Pit càng ngày càng gia tăng, mặc dầu lúc đó William Pit chỉ là một chi phó viên của thủy quân. Về văn chương Voltaire – ủy viên Viện Hàn lâm Pháp, sứ thần tại nước Pháp từ năm 1746, lúc thì ở Paris, lúc thì ở lâu đài Cirey, lúc lại ở tại triều đình Lunéville. Voltaire cho trình diễn bi kịch “Sémiramis”. Diderot đang soạn thảo bộ “Bách khoa từ điển” thì gặp gỡ J. J. Rousseau và kết giao với nhà văn này. Quyển đầu của cuốn “Bác vật học” (Histoire naturelle) của Buffon được ấn hành. Lesage và Vauvenargues qua đời (1747). Marivaux không viết thêm được vở tuồng nào kể từ năm 1740. Văn chương Anh Cát Lợi được hoan nghênh: La Place dịch cuốn “Các kịch bản Anh Cát Lợi” (1745-1748), trong đó có những kịch bản của Shakespeare. Về mỹ thuật Về hội họa, Boucher được bà De Pompadour nâng đỡ, Boucher còn là họa sĩ được hoan nghênh. Kể từ năm 1740, người ta đã tán thưởng chủ nghĩa tả chân của Chardin. Các nhà hội họa chân dung Quentin de la Tour và Nattier vẽ chân dung tất cả các vĩ nhân của thời đại… Về điêu khắc, Bouchardon, nhà thiết kế kiến trúc “bể nước bốn mùa ở phố” Grenelle, tạc tượng vua Louis XV; J. B. Lemoyne tạc tượng bán thân của Voltaire. Kiến trúc sư Héré hoàn thành công trường Stanislas ở Nancy. Một xưởng chế tạo đồ sứ được thiết lập tại lâu đài Vincenne. II. Montesquieu soạn thảo và xuất bản sách tinh thẩn pháp luật Trong bài tựa tác phẩm của Montesquieu có nói rằng ông đã mất hai mươi năm làm việc để soạn cuốn sách này. Thực ra, ngay trong cuốn “Lettres persanes” (Những bức thư Ba Tư), người ta đã thấy bằng chứng là Montesquieu lưu ý rất sớm tới những vấn đề trọng đại9, liên quan đến bản chất luật pháp, việc tạo thành luật lệ, sự tiến triển của các thứ luật cùng mối tương quan giữa pháp luật và phong tục, chế độ cùng tôn giáo. Trong cuốn khái luận ngắn ngủi “Khảo về chính trị* (De la politique), có lẽ được viết năm 1723, ta cũng thấy những mối bận tâm này rất là tự nhiên nơi một luật gia rất thiết tha với nghề nghiệp của mình, mặc dầu không tỏ vẻ tha thiết. Nhưng mà hình như là vào các năm 1728-1729, Montesquieu mới nghĩ một cách rõ rệt tới việc định phân tích trong toàn thể một tác phẩm, những lý do đã khiến cho các luật pháp bất đồng trong các nước. Như vậy, Montesquieu đã có ý định viết sách “Tinh thần pháp luật”, vào những năm mà ông du lịch tại lục địa Âu châu và sang Anh Cát Lợi. Sau đó, từ năm 1729 đến năm 1748, tác phẩm này đã được sửa soạn như thế nào? Các học giả thử tìm kiếm những giai đoạn của công trình lâu dài ấy, nhưng vì không có tài liệu và bằng cớ, họ chỉ đi tới những giả thuyết, chứ không đi tới những kết quả xác thực. Điều mà gắn như chắc chắn là việc MontGsquisu chỉ bắt đầu soạn thảo cuốn “Tinh thần pháp luật” sau khi đã viết xong cuốn “Khảo về nguyên nhân sự cường thịnh và sự suy vong của người La Mã” (1734). Chính quyển đầu có lẽ được soạn thảo từ năm 1734 đến năm 1738, ba quyển kế tiếp, từ năm 1738 đến nãm 1740. Theo một bức thư đề ngày 20-12-1741 của Montesquieu gửi cho bạn ông ở Bordeaux là ông Chánh án Borbot thì công việc soạn thảo tác phẩm tiến hành đều đều và bộ sách sẽ gồm 24 quyển. Nhưng sau đó ít lâu, ngày 2-2- 1742 Montesquieu lại nói tới những mối ưu tư của ông về tác phẩm ấy, càng viết nhiều cuốn sách càng phát triển. Montesquieu ở tại lâu đài La Brède trong tất cả những năm từ 1743 đến 1745 để soạn thảo lần cuối cùng tác phẩm của ông; cuối năm 1746, cuốn sách lên tới 30 quyển. Rốt cuộc đến tháng 10 năm 1748, khi cuốn “Tinh thần pháp luật” được Nhà xuất bản Barillot cho ấn hành tại Genève, thì tác phẩm này gồm 31 quyển, họp thành hai tập nhỏ, tất cả ước 1000 trang. Đó là kết quả của một công trình lâu dài, khiến cho sức khoẻ của tác giả đã vì thế mà suy nhược rất nhiều. Sách “Tinh thần pháp luật” nhanh chóng được hoan nghênh. Vào lần xuất bản đầu tiên, cuốn sách này đã được giấu giếm đưa qua biên giới, nhưng không gặp sự khó khăn nào; tiếp theo đó còn nhiêu lần tái bản nữa, có lần được in ở Pháp, mặc dầu không được phép cho in, nhưng các nhà chức trách đã làm ngơ để cho in. Nếu ta bằng vào lời của chính Montesquieu thì đầu năm 1750, sách “Tinh thần pháp luật” đã được xuất bản tới 22 lần, kể cả một bản dịch ra tiếng Anh và một bản dịch ra tiếng Italia. Trong giới triết gia, người ta hoan nghênh nhiệt liệt tác phẩm cùa Montesquieu. Chỉ có Helvétius, mặc dầu cũng đồng thanh khen ngợi cuốn sách ấy theo phép lịch sự, nhưng ông lại cho rằng, tốt hơn là tìm kiếm nền tảng cho một trật tự mới, chứ không nên giải thích những định chế đã lỗi thời. Chỉ có các giới thuộc Giáo hội là phần nhiều chỉ trích sách của Montesquieu: “Trévoux nhật báo” – cơ quan của dòng Gia tô, hồi tháng 4 năm1749, chỉ trích một cách ôn hoà vài chương của cuốn “Tinh thần pháp luật”; còn tạp chí “Tin tức Giáo hội” có khuynh hướng Janséniste10thì đả kích tác phẩm này một cách kịch liệt hơn. Người ta tố cáo Montesquieu là kẻ vô đạo, là kẻ bênh vực tôn giáo tự nhiên và thần giáo. Người ta bài bác mạnh nhất là những chương trong cuốn sách có vẻ muốn chứng minh rằng tôn giáo là một hiện tượng xã hội, tuy thuộc phong tục, khí hậu, tình trạng chính trị. Để trả lời bọn người dèm pha, Montesquieu cho xuất bản vào tháng 2 năm 1750 bài “Để bênh vực cuốn Tinh thần pháp luật”, trong đó chứng minh rằng tác phẩm của ông chỉ đê cập tới các tôn giáo giả tạo và những lời kết luận của ông không liên quan tới Cơ Đốc giáo. Câu trả lời của Montesquieu không đủ sức thuyết phục nổi những người phản đối ông. Và cũng không khiến cho “Kiểm duyệt Thánh hội”11được hài lòng. Vì vậy, Thánh hội này đã quyết định lên án tác phẩm của Montesquieu thông qua sắc lệnh ngày 29-1-1751. Đại học viện Sorbonne cũng xem xét cuốn “Tinh thần pháp luật”, yêu cầu tác giả giải thích lập trường của mình, và (từ năm 1752) đã dự thảo một bản kiểm duyệt tác phẩm, nhưng bản này không bao giờ được công bố. Trong những năm cuối đời, những mối phiền nhiễu ấy đã khiến cho Montesquieu lo nghĩ nhiều, chắc chắn là ông đã sửa chữa lại nguyên cảo của mình. Điều đó ta thấy rõ trong lần tác phẩm được tái bản năm 1757, sau khi ông qua đời vì các sự sửa chữa ấy, tác phẩm đã khiến cho giáo hội được hài lòng. Phải chăng do đó mà kết luận rằng, Montesquieu là một triết gia khôn ngoan, hay ông là một tín đồ Cơ Đốc giáo thành thực, đã khiếp sợ những lời chú giải thiên lệch của người ta đối với tác phẩm của ông? Đó là hai lối giải thích đã được đề nghị để cắt nghĩa những sự sửa chữa trong tác phẩm của Montesquieu. III. Cách bố cục sách tinh thần pháp luật Sách “Tinh thần pháp luật” gồm có 31 quyển, trước kia Montesquieu nhập các quyển ấy lại và chia ra thành sáu phần, về sau ông không phân chia tác phẩm của ông như thế nữa, dù sao, lối phân chia đó cũng còn quan hệ. Trong phần thứ nhất (từ quyển I đến quyển VIII), sau khi đã xác định sơ lược rằng luật pháp là những mối tương quan bền chặt, phái sinh từ bản tính các sự vật và các vật thể (quyển I), Montesquieu nghiên cứu ngay những nguyên nhân chính trị đã quyết định các luật pháp. Trong phần này, tác giả định nghĩa ba loại chính thể (dân chủ, quân chủ và độc tài) và nguyên tắc của mỗi chính thể (đạo đức, danh dự, sợ hãi). Tiếp đến, ông chứng minh rằng những quy tắc của nền đạo đức công dân, những luật lệ dân sự và hình sự, những quy luật liên quan đến những sự tiêu pha phí phạm và thân phận của các người đàn bà thay đổi tuỳ theo những nguyên tắc của chính thể. Phần thứ hai (từ quyển IX đến quyển XIII), ông tiếp tục nghiên cứu những yếu tố chính trị bằng cách phân tích trước hết những luật lệ nào cần thiết trong ba loại chính thể, khiến cho quốc gia này bảo tồn được sức mạnh để chống đối với quốc gia khác hay để tấn công các quốc gia ấy. Những cũng cần phải xác định những quyền hạn của cá nhân trong một quốc gia, do đó Montesquieu đã nghiên cứu sự tự do chính trị, và đã có thể định nghĩa tam quyền (lập pháp, hành pháp và tư pháp). Trong chương rất dài nói về Hiến pháp nước Anh (chương VI, quyển XI), tác giả đã làm sáng tỏ cách thức quân bình và phân định tam quyền ấy ở Anh Cát Lợi. Đoạn cuối phần thứ hai này nói về những bảo đảm của luật pháp cho mỗi công dân về thân thể và tài sản. Trong phần thứ ba (từ quyển XIV đến quyển XIX), Montesquieu chứng minh rằng những nguyên nhân có tính cách vật chất (tính chất của khí hậu, của đất đai) hay tinh thần (tập quán và phong tục của một nước) tham gia vào việc tạo thành các luật pháp. Phần thứ tư (từ quyển XX đến quyển XXIII), nghiên cứu những nguyên nhân có tính cách kinh tế và nhân khẩu (những mối tương quan giữa các luật pháp và nền thương mại, tiền tệ, dân số). Phần thứ năm (từ quyển XXIV đến hết quyển XXVI), trình bày những nguyên nhân thuộc về tâm linh, có ảnh hưởng đến các luật pháp (mối tương quan giữa các luật pháp và tôn giáo), rồi xem xét những mối quan hệ giữa các luật pháp và đối tượng mà luật pháp quy định: tuỳ theo là tư pháp, công pháp, quốc tế pháp, các luật lệ phải phù hợp với mục đích mà các luật lệ muốn đạt tới. Phần thứ sáu (từ quyển XXVIII cho đến hết quyển XXXI), là một phần có tính cách lịch sử. Trong phần cuối cùng của tác phẩm, có những bài khảo cứu về các luật lệ của người La Mã liên quan đến chế độ thừa kế, về nguyên nhân các luật lệ dân sự ở Pháp, về những luật lệ phong kiến thời các người Francs. Người ta đã tranh luận nhiều về lối bố cục như đã kể ở trên của sách “Tinh thần pháp luật”. Vài nhà phê bình cho rằng đó là một bố cục hợp với một lý luận cực kỳ chặt chẽ, như thế có lẽ quá đáng. Tuy nhiên, đổ lỗi cho Montesquieu là không tuân theo một thứ tự nào, như một số nhà phê bình khác đã làm thì cũng không kém phần thái quá. Chắc chắn là mười ba quyển đầu chứng minh rằng, dưới mắt của Montesquieu, hiến pháp chính trị là yếu tố chính yếu xác định bản chất của luật pháp. Những yếu tố mà Montesquieu phân tích về sau (khí hậu, phong tục, nền thương mại, tôn giáo) là những yếu tố phụ thuộc. Như vậy, hai mươi sáu quyển đầu của cuốn “Tinh thần pháp luật” hợp thành một chỉnh thể có tính cách liên tục. Ghép năm quyển cuối cùng vào bố cục kể trên có phần khó hơn, bởi lẽ, phần lớn các quyển sau này là do Montesquieu thêm vào trong những tháng cuối cùng trước khi ông cho xuất bản tác phẩm của mình. Cái khiến cho ta ngạc nhiên hơn hết là việc tác giả khảo sát vài vấn đề về phương diện lịch sử, trái lại trong những quyển trước, ông đã không chịu áp dụng pháp chế sử để nghiên cứu những nguyên nhân đã tạo nên các luật pháp một cách không thay đổi. IV. Những nguồn gốc của sách tinh thần pháp luật Viết một tác phẩm phong phú như thế thì cần phải có rất nhiều tài liệu. Chính Montesquieu có lần đã kể trong bản đề cương “Tinh thần pháp luật” những tác giả mà ông đã phỏng theo, nhưng cố nhiên là số tác phẩm mà ông đã đọc nhiều hơn là những sách mà ông đã ám chỉ tới. Gần đây, người ta đã tìm được bản mục lục thư viện của Montesquieu tại La Brède và đã biết có những điểm đến nay chỉ là phỏng chừng12. Ngoài một số tài liệu về luật và về lịch sử bằng tiếng latinh, mà trước kia Montesquieu đã dùng để viết cuốn “Khảo về những nguyên nhân của sự cường thịnh và suy vong của các người La Mã”, còn phải kể thêm cuốn “Chính trị” (La politique) của Aristote, cuốn “Vua chúa” (Le prince) của Machiavel (1514), cuốn “Ảo tưởng” (L'Utopie) của Thomas Morus (1516), “Sáu quyển nói về chính thể cộng hoà” (Les six livres de la République) của Jean Bodin (1576-1578), cuốn “Khái luận về người công dân” (Du citoyen) của Hobbes (1642), trong thư viện của Montesquieu còn nhiều sách về lịch sử liên quan đến tất cả các nước châu Âu, châu Á và những du ký của các nhà truyền giáo. Trong bản mục lục kể trên, người ta lấy làm ngạc nhiên khi không thấy có ghi những tác phẩm mà Montesquieu đã dùng làm tài liệu, như cuốn “Lược khảo về chính thể dân sự” (Essai sur le Gouvernement civil) của Locke (Montesquieu đã dùng cuốn này để viết chương nói về Hiến pháp nước Anh Cát Lợi), hay là cuốn “Những nguồn gốc luật dân sự” (Les origines Juris civilis) của Gravina, một tác giả người Ý Đại Lợi. Có lẽ Montesquieu đã mượn cuốn sách ấy ở nơi khác để viết tác phẩm của ống. Dù sao chắc chắn là Montesquieu đã đọc rất nhiều sách và đọc có phương pháp, bởi vì người ta còn giữ được một phần các quyển vở13trong đó Montesquieu đã ghi chép những câu văn, những đoạn sách mà ông cho là có thể có ích cho ông sau này. Những trích văn ấy đã được xếp theo đề tài: luật học, địa lý, chính trị, kinh tế học. Sau hết, Montesquieu lại còn ghi chép rải rác trên những số sách khác những cảm tưởng hàng ngày của ông và những mẩu chuyện mà ông đã đọc được trên nhật báo, hay ngẫu nhiên, ông đã được người khác kể lại. Thêm vào những tài liệu do ông đọc sách hay trầm tư mặc tưởng mà có còn phải kể kinh nghiệm mà ông đã rút được ở những chuyến du lịch phương xa. Nếu cuộc viễn du hồi các năm 1728 – 1731 của ông đã được thực hiện từ trước khi ông quan niệm tới việc viết sách “Tinh thần pháp luật”, dầu sao ông cũng đã nhớ lại những điều ông quan sát, kết quả của việc ông lưu trú nhiều năm bên Anh Cát Lợi đã khiến cho ông xác định được các ý niệm chính trị của mình. V. Đối tượng và phương pháp của sách tinh thần pháp luật Với những tài liệu nói trên, tác giả đã viết một tác phẩm khiến cho công chúng lưu ý tới một khoa học thường dành cho các nhà chuyên môn: luật học. Montesquiue đã phổ thông hoá luật học. Mặc dầu đề tài rộng lớn nhưng yêu cầu cuốn sách phải ngắn gọn, lại không quá khó hiểu và không trừu tượng. Do đó, cần phối hợp những ý tưởng khái quát với những dật sử và những sự kiện cụ thể. Cuốn sách cần phải linh động, do đó cần thay đổi giọng văn, giọng văn này không thể có tính cách lý thuyết quá, và lúc thì phải hùng biện, lúc thì phải châm biếm. Cuốn sách sau hết cần phải viết cho minh mạch, do đó cần phải chia đề tài làm nhiều phần cần thiết để cho sự trình bày được rõ rệt. Đó là những sự khó khăn mà Montesquieu phải vượt qua và đó là những giải pháp mà Montesquieu đã đề ra. Có một số độc giả trách Montesquieu đã dùng nhiều kỹ xảo quá, chẳng hạn như bà Du Deffand khi bà quả quyết rằng Montesquieu đã “làm bộ tài khí về pháp luật”. Và Voltaire thì loan truyền một cách dễ dãi lời nói khôi hài rằng, ông tiếc là tác phẩm của Montesquieu đã viết không có phương pháp14, còn độc giả hiện đại thì không khỏi ngạc nhiên khi thấy tác phẩm được phân chia ra làm nhiều chương, mà có vài chương chỉ gồm có hai hay ba dòng (xin xem quyển V, chương XIII). Độc giả hiện đại lại còn ngạc nhiên về giọng châm biếm của trang nói về vấn đề nô lệ (quyển XV chương V) hay về trà thuật dùng trong “Lời can gián rất kính cẩn gửi các phán quan tại Tôn giáo pháp đình ở Tây Ban Nha và ở Bồ Đào Nha” (Très humble remontrance aux Inquisiteure d'Espagne et de Portugal – quyển XXV, chương XIII). Nhưng chính những phương sách ấy lại khiến cho công chúng được vừa lòng và khiến cho các độc giả hoan nghênh một tác phẩm mà chủ đề có vẻ không được thích thú cho lắm. Tuy tà một luật gia chuyên nghiệp, nhưng Montesquieu đã không đề cập những vấn đề pháp lý với những phương pháp cổ truyền. Là một triết gia, Montesquieu cũng như rất nhiều người cùng thời với ông, tin rằng chỉ có phương pháp thực nghiệm là phương pháp duy nhất có thể đem lại kết quả chắc chắn. Xưa nay, ông vẫn yêu thích khoa học tự nhiên và nhiều lần, ông đã đệ trình Hàn lâm viện Bordeaux những bản báo cáo về những vấn đề thuộc vật lý học. Giờ đây, đến lượt các luật lệ được coi như là những sự kiện, việc xem xét các sự kiện ấy có thể khiến cho ta khám phá ra những nguyên nhân của các sự kiện đó. Như vậy, trong phạm vi các luật pháp cũng có một định luật giống như định luật chi phối “bản chất của các sự vật”. Tuy nhiên, Montesquieu cũng không tránh khỏi một vài điều lưỡng lự: mặc dầu ông thực có ý muốn thiết lập một khoa học khách quan về các luật pháp, ông vẫn là một luân lý gia. Ông viết: “Trước khi những luật pháp được cấu thành, đã có những mối tương quan có thể có được về công lý”. Như thế, phải chăng ông đã quả quyết rằng ý niệm công lý có trước luật pháp? Nhưng mà nếu trong bản tính đạo đức của người đời theo tiềm thế, đã có khả năng quan niệm rõ rệt những luật pháp nào là công minh, thì không thể giải thích các luật pháp như chỉ là kết quả của một số điều kiện nào đó đã được đưa ra một cách khách quan. Nhà bác học giải thích các luật lệ theo bản chất của những luật lệ ấy. Nhà đạo đức quan niệm các luật lệ theo cách mà các luật lệ ấy phải tạo thành. Và trong nhiều chương, hai quan niệm ấy đi song song hay trộn lẫn với nhau: chẳng hạn trong những chương chính yếu của tác phẩm, nhà đạo đức chứ không phải nhà bác học đã định nghĩa những nguyên tắc (đạo đức, danh dự, sợ hãi) của ba loại chính thể như là những căn bản đạo đức đã quy định những chế độ khác nhau. Mặc dầu những kết quả của sự phân tích ấy rất đúng, người ta có thể tự hỏi rằng, phải chăng Montesquieu đã coi những kết quả như là những nguyên tắc, nhưng mà Montesquieu đã muốn tìm kiếm tâm lý của một chế độ chính trị, cũng như việc người ta suy luận cách xử sự của một cá nhân từ tính nết của cá nhân đó. Lối lý luận ấy, một lý luận đặc biệt của riêng nhà đạo đức, tạo thành một đẳng cấp giữa các chế độ: nếu chính thể dân chủ căn cứ vào một gia tài tinh thần, làm sao người ta không kết luận rằng chính thể ấy hơn chính thể quân chủ căn cứ vào thành kiến danh dự, và hơn chính thể độc tài nhiều, chính thể này sở dĩ mạnh là do sự sợ hãi, tức là sự phủ định mọi cảm tình đạo đức? Một kết luận như thế, ngay trong trường hợp người ta cho là đúng cũng biểu tộ những sự mong ước của một nhà đạo đức hơn là kết quả khách quan của một sự nhận xét có tính cách khoa học. Đối với Montesquieu, việc điều hoà phương pháp thực nghiệm với các kiến giải của ông về lịch sử cũng là một việc khó. Chắc chắn là ông đã dựa vào những sự kiện lịch sử để chứng minh các điều ông đưa ra, nhưng mà trong khi tìm cách khám phá những nguyên nhân phổ quát của luật lệ, với thành kiến của một sử gia, ông muốn gán cho một vài tỷ dụ rút ở lịch sử ra một giá trị ưu tiên. Khi ông nói về chính thể dân chủ, ông nghĩ tới các nước cộng hoà ở thời thượng cổ, ông nghĩ tới Athène, hơn nữa, ông nghĩ tới La Mã và định nghĩa chung về chính thể cộng hoà, hình như ông muốn gán cho những định chế chỉ là một giai đoạn trong sự tiến hoá về chính trị của Athène và của La Mã một giá trị vĩnh viễn. Người ta có thể kháng biện rằng, vào thời đại của Montesquieu, ông không thể nào viện dẫn những tỷ dụ khác được? Ít ra thì hình như ông đã không để ý tới chính thể dân chủ ở những tiểu bang Thụy Sĩ: sử gia Montesquieu quan niệm dân chủ theo kiểu mẫu duy nhất của các nước cộng hoà thời thượng cổ. Về chính thể quân chủ cũng thế, ông đã nghĩ tới nước Pháp hồi thế kỷ XVIII. Khi nói về sự độc tài, ông đã nghĩ tới sự độc đoán của hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ. Việc đem chính thể cộng hoà, chính thể quân chủ và chính thể độc tài so sánh với nhau khiến cho ta có cảm tưởng là tác giả đã đặt cùng trên một bình diện những thực thể lịch sử thuộc về những thời rất khác nhau của sự tiến hoá về chính trị và các dân tộc. VI. Ảnh hưởng của sách tinh thần pháp luật Không nên vì những lời chỉ trích đối với phương pháp của Montesquieu mà quên mất giá trị lớn lao của tác phẩm: trong cuốn 'Tinh thần pháp luật”, Montesquieu đã tỏ ra là người sáng lập ra khoa xã hội học. Khoa học này thuộc ngành các khoa học triết lý mà phải đợi đến thời Auguste Comte (1798 – 1857) mới có cái tên ấy. Nhưng mà Montesquieu đã ý thức được tầm quan trọng của những hiện tượng xã hội. Khoa học xã hội đối với ông không phải là một khoa học trừu tượng nữa: dưới tất cả các hình thức (dân luật, hình luật, luật hiến pháp, quốc tế công pháp), khoa luật học dính líu tới một số lớn các yếu tố lịch sử, địa lý kinh tế luân lý. Như vậy, Montesquieu không những khám phá ra tính chất tương đối của luật pháp, mà còn tìm ra tính chất phức tạp của những nguyên nhân tham dự vào việc xác định luật pháp. Thực ra, Montesquieu có khi chỉ đoán trước một vài sự thực hơn là chứng minh các sự thực ấy. Các nhà xã hội học hiện đại dù chỉ trích những phương pháp của Montesquieu, nhưng cũng không bao giờ phủ nhận ông là một bậc tiền bối. Cuốn “Tinh thần pháp luật” được đặt lại vào thời đại cùa nó, là một tác phẩm hết sức mới mẻ. Còn những người đồng thời với Montesquieu đều nhận thấy tác giả 'Tinh thần pháp luật” là một triết gia đã có can đảm phản đối rõ rệt những sự lạm dụng của thời đại ông, sự cố chấp về phương diện tín ngưỡng, sự tra tấn, vấn đề nô lệ, tất cả mọi hình thức độc tài đều bị lên án. Những sự bài xích ấy lại càng có giá trị, vì cuốn “Tinh thần pháp luật” đưa ra cùng lúc ấy những phương pháp cứu chữa hợp lý căn cứ vào một lý tưởng tự do vừa phải: chương nói về Hiến pháp nước Anh đề nghị như là gương mẫu, những định chế trong đó thế quân bình được duy trì do sự phân quyền. Chủ trương thể hiện thái độ thiện chí với trật tự xã hội được thiết lập, Montesquieu đã đưa ra một chương trình cải cách về chính trị mà ảnh hưởng rất lớn. Năm 1789, các luật gia thuộc phái Bình dân sử dụng chương trình cải cách ấy. Nhiều điều khoản trong bản 'Tuyên ngôn nhân quyền” phỏng theo những ý tưởng của Montesquieu và bản hiến pháp năm 1791 đã thực hiện nguyên tắc phân quyền, tuy nhiên Lập hiến nghị hội đã bãi bỏ những đặc quyền của tất cả các đoàn thể trung gian (nghị hội quý tộc) mà Montesquieu xét là cần thiết để duy trì sự quân bình trong một quốc gia đã được khai hoá. Dẫu sao thì cuốn “Tinh thần pháp luật” đã đưa vào trong định chế chính trị của nước Pháp một nguyên tắc mà sau này chính thể quân chủ (Đế chế, Vương chế trung hưng) vẫn tôn trọng, luôn luôn tỏ ý không muốn xâm phạm đến sự độc lập tam quyền, tuy rằng trong thực tế, các chính thể ấy muốn mọi quyền đều bị quyền hành pháp chi phối. Montesquieu đã làm cho dân Pháp kinh sợ sự độc tài, còn như lý tưởng tự do và đạo đức mà Montesquieu cho là đặc tính của chính thể dân chủ và coi là đặc điểm của các nước cộng hoà thời thượng cổ, thì có lẽ ông không chỉ nghĩ tới việc lý tưởng ấy sẽ kích thích nhiệt tâm của phái dân chủ cấp tiến vào năm 1792. LỜI CẦU NGUYỆN CÁC NỮ THẦN ĐỒNG TRINH TRÊN NÚI PIERIE15 Hỡi các Nữ thẩn đồng trinh của núi Piérie16, có nghe chăng cái tên tôi gọi các nữ thần? Tôi đang theo đuổi một sự nghiệp lâu dài và chịu bao phiền muộn, nhọc nhằn17. Xin hãy đặt vào đầu tôi niềm vui êm dịu mà trước đây tôi từng cảm nhận, nhưng giờ đây đang rời xa tôi. Nữ thần sẽ vô vàn thánh thiện khi Người dùng niềm vui hứng thú để dẫn dẳt xã hội tới nơi sáng suốt và chân lý. Nhưng nếu các Nữ thần không muốn làm dịu nỗi nhọc nhằn trong sự nghiệp của tôi thì hãy giấu kín ngay cả tác phẩm đó. Xin hãy làm cho người ta hiểu biết, mà không phải do tôi giảng giải. Xin hãy làm cho tôi suy tưởng và dường như tôi xúc cảm18và khi tôi nói lên những điều mới mẻ thì xin hãy làm cho mọi người tin rằng tôi chẳng hiểu gì hết, mà đó là chính các Nữ thần đã nói giúp tôi. Khi những tia nước của các Nữ thần tuôn ra từ các mỏm đá thương yêu, xin đừng để chúng tung toé lên không trung rồi rơi rớt mất, hãy để chúng chảy vào đồng cỏ, chúng sẽ làm vui các Nữ thần vì chúng tạo niềm vui cho các mục đồng Hỡi các Nữ thần kiều diễm, nếu Người đoái nhìn đến tôi thì mọi người19sẽ đọc tác phẩm của tôi, và cái gì vốn chỉ là một trò chơi sẽ trở thành niềm hứng khởi. Hỡi các Nữ thần, tôi cảm thấy Người đang gợi niềm cảm hứng trong tôi, không giống như lời ca tiếng sáo ở Tempé20hay tiếng đàn thất truyền ở Délos20, Người đang mong cho tôi nói lên được tiếng nói của lý trí, điều hoàn thiện nhất, cao quý nhất và ngọt ngào nhất cho các giác quan người. LỜI TỰA Nếu như trong vô số những điều sách này viết ra, có điều nào làm cho bạn đọc khó chịu, trái với mong đợi của tôi, thì ít ra cũng không phải là tôi viết với ác ý. Tôi không hề có đầu óc bài xích. Platon đã từng cảm ơn Trời được sinh vào thời của Socrate, thì tôi cũng xin cảm ơn Trời được sống dưới thời chính phủ này, và Trời đã muốn cho tôi tuân theo những điều tôi yêu thích. Tôi xin, và chỉ sợ không được, xin đừng phán xét qua chốc lát cả một việc làm của tôi trong 20 năm. Xin hãy tán thành hay phản đối toàn bộ cuốn sách, chứ không phải chỉ một vài câu. Nếu muốn tìm ý đồ của tác giả thì xin khám phá nó ngay trong ý đồ tác phẩm. Trước tiên, tôi xem xét người đời, và tôi tin rằng trong vô số luật lệ và phong tục rất khác nhau, con người không chỉ tuân theo nó một cách ngẫu hứng. Tôi đã đề ra những nguyên tắc, tôi thấy các trường hợp cá biệt đều khép theo nguyên tắc. Lịch sử các dân tộc chỉ là những sự nối tiếp, và mỗi luật lệ cá biệt đều liên quan đến một luật lệ khác, hoặc là luật lệ thuộc vào một quy luật chung hơn. Khi tôi nhắc lại thời cổ xưa, tôi cố nắm lấy tinh thần của sự việc, không xem xét các trường hợp khác nhau một cách giống nhau, và tôi không quên rằng trong những sự việc có vẻ giống nhau đều có cái khác nhau. Tôi đề ra những nguyên tắc không phải từ định kiến, mà từ bản chất của sự việc. Ở đây, nhiêu sự thật chỉ được nhận ra khi người ta nhìn thấy mối tương quan với các sự thật khác, càng suy nghĩ về các chi tiết người ta càng thấy sự đúng đắn của các nguyên tắc. Ngay cả những chi tiết tôi cũng không nói ra hết đâu. Chẳng ai nói ra được hết mọi điều mà không chán ngán! Ở đây, người ta không thấy những nét lồi lõm mà các tác phẩm thời nay thường có. Khi người ta nhìn sự vật với một tầm bao quát nhất định, thì những chỗ lồi lõm sẽ mất đi; nó chỉ xuất hiện khi đáu óc người ta hướng về một phía mà bỏ qua mọi phía khác. Tôi viết không phải để phê phán cái đã được thiết lập ở một vài xứ sở nào đó. Mỗi dân tộc đều tìm ra lý do của các kỷ cương trong dân tộc mình. Và chỉ những người thông minh bẩm sinh, hiểu thấu hiến pháp nước nhà mới kiến nghị được những điểu thay đổi. Đó là lẽ tự nhiên! Nhân dân cần được soi sáng. Đó là điều ta chớ thờ ơ. Những định kiến của các nhà cầm quyền thường bắt đầu là định kiến của dân tộc. Thời còn dốt nát, người ta chẳng hoài nghi gì, ngay cả khi người ta làm điểu bậy bạ nhất. Đến thời sáng suốt người ta còn run lên khi làm điều tốt đẹp nhất. Người ta biết điều lạm dụng ngày xưa và tìm thấy cách sửa chữa, nhưng người ta còn thấy được cả sự lạm dụng trong khi sửa chữa nữa. Người ta để nguyên cái xấu nếu họ sợ cái tồi tệ hơn. Người ta giữ cái tốt vừa phải nếu họ còn hoài nghi cái ưu việt hơn. Người ta chỉ nhìn vào cái cục bộ để phán đoán cái tổng thể. Người ta xem xét mọi nguyên nhân để nhìn cho ra những kết quả. Tôi sẽ vô cùng sung sướng nếu có cách làm cho mọi người tìm ra lý do để thích thú với nhiệm vụ của mình, để yêu nhà vua, yêu tổ quốc, yêu luật pháp của mình, làm cho mọi người cảm nhận sâu hơn niềm hạnh phúc ngay trong xứ sở, trong nền cai trị, trong cương vị công tác của mình. Tôi sẽ là người sung sướng nhất đời nếu có cách gì làm cho mọi người cầm quyền tăng thêm tri thức về những việc họ phải quản lý, và làm cho mọi người thừa hành thêm hứng thú khi họ tuân lệnh. Tôi cũng sẽ sung sướng vô cùng nếu có thể làm cho người đời chữa khỏi thành kiến. Thành kiến, theo tôi, không phải vì người ta không biết một điều gì đó, mà vì người ta không tự biết chính mình. Trang khi giáo dục cho người đời, ta mới hiểu được lòng bác ái. Người là loài có thể uốn nắn được. Họ bị uốn nắn theo tư tưởng của người khác trong xã hội. Họ có thể hiểu được bản chất của mình nếu người ta chỉ ra cho họ, và khi bị tước đoạt thì họ có thể mất cả cảm giác về bản chất của mình. Tôi đã từng bắt tay vào viết rồi lại hủy bỏ công trình này. Tôi đã xé, vứt đi hàng nghìn trang giấy, và mỗi ngày tôi cảm thấy bàn tay rũ rượi. Tôi theo đuổi đối tượng của mình mà không vạch ra một định hướng, không biết gì về các ngoại lệ. Tôi đã có lúc tìm ra chân lý rồi lại đánh mất nó. Nhưng đến khi tôi khám phá ra các nguyên tắc thì mọi cái tôi đã tìm tòi đều quay lại với tôi; và trong 20 năm, tôi đã thấy tác phẩm của mình được bắt đầu, rồi tiến lên, phát triển, và kết thúc. Nếu như tác phẩm này đạt thành quả, tôi phải cảm ơn bản thân đề tài của tác phẩm có tính bao quát rộng lớn. Tuy nhiên, tôi cũng tin rằng mình có năng lực. Khi tôi đọc các vĩ nhân ở Pháp, ở Anh, ở Đức đã viết trước đây, tôi chiêm ngưỡng họ, nhưng không hề nhụt chí, và tự bảo mình: “Ta cũng là họa sĩ như Corrège đấy chứ!” LỜI NÓI ĐẦU “Prolem sine matre creatam” OVIDE (Đứa con ra đời không có mẹ) Xin lưu ý: tinh thần của bốn quyển đầu trong tác phẩm này là: 1) Điều tôi nói về phẩm hạnh trong nước cộng hoà chính là tình yêu tổ quốc, cũng tức là tình yêu đối với sự bình đẳng. Đó không phải là phẩm hạnh luân lý, cũng không phải phẩm hạnh Thiên Chúa giáo, mà là phẩm hạnh chính trị. Phẩm hạnh chính trị là động cơ thúc đẩy hoạt động của chính thể cộng hoà, cũng như danh dự là động cơ thúc đẩy chính thể quân chủ. Vì vậy, tôi gọi phẩm hạnh chính trị là tình yêu tổ quốc và tình yêu bình đẳng (…) 2) Nên chú ý sự khác nhau rất lớn giữa hai cách nói: nói rằng một phần phẩm hạnh nào đó không phải là động cơ thúc đẩy chính thể, thì khác hẳn nói rằng chính thể ấy không có phẩm hạnh. Nếu tôi nói cái bánh xe này không phải là động cơ làm cho đồng hồ chạy thì chớ hiểu rằng trong cái đồng hồ không có bánh xe ấy. Khi ta nói rằng phẩm hạnh luân lý và tôn giáo bị đẩy ra ngoài chính thể quân chủ thì cũng như nói rằng, chính thể ấy không có phẩm hạnh chính trị. Tóm lại, trong nước cộng hoà có cả danh dự, mặc dầu danh dự mới là động cơ của chính thể quân chủ. Cuối cùng, vấn đề trình bày trong chương 5 của quyển III là vấn đề con người. Không phải con người tốt trong đạo Thiên Chúa là con người tốt về chính trị, có phẩm hạnh chính trị. Đó là con người yêu luật pháp của nước mình và hành động với tình yêu ấy, Những điều trên đây là cái mới mẻ trong tác phầm để xác định tư tưởng, và hầu hết những chỗ tôi nói đến phẩm hạnh đểu là phẩm hạnh chính trị. QUYỂN I: BÀN VỀ LUẬT PHÁP NÓI CHUNG Chương 1: Luật pháp trong mối tương quan với các sự vật Luật, theo nghĩa rộng nhất, là những quan hệ tất yếu trong bản chất của sự vật. Với nghĩa này thì mọi vật đểu có luật của nó. Thế giới thần linh, thế giới vật chất, những trí tuệ siêu việt, cho đến các loài vật và loài người đều có luật của mình. Nói rằng một định mệnh mù quáng làm nên mọi việc trên thế giới này, thế là nói quàng xiên, vì còn gì phi lý hơn là cái mù quáng lại tạo ra cái thông minh! Vây thì phải có một cái lý nguyên thủy và các quy luật, tức là mối tương quan giữa cái lý nguyên thủy ấy với các sự vật, và giữa các sự vật với nhau. Thượng đế quan hệ với vũ trụ trong tư cách của người sáng tạo và người bảo tồn vũ trụ. Thượng đế dùng quy luật để tạo nên và cũng dùng quy luật ấy để bảo tồn. Chính Thượng đế làm ra các quy luật, vì quy luật ấy liên quan tới trí tuệ và quyền lực của Người. Như chúng ta thấy, thế giới hình thành bằng sự vận động của vật chất vốn luôn luôn tồn tại, sự vận động ấy có những quy luật không thay đổi. Và nếu người ta tưởng tượng ra một thế giới khác với thế giới này, thì cái thế giới ấy cũng phải có những quy luật bất biến, nếu không nó sẽ phải tan rã. Sự sáng tạo của Thượng đế hiện ra như một hành động độc đoán, cũng phải có quy luật, chẳng khác nào cái định mệnh vô thần mù quáng nói trên. Nói rằng đấng tạo hoá cai trị thế giới không theo một quy luật nào là nói chuyện mơ hồ, vì không có quy luật thì thế giới không tồn tại. Các quy luật có mối quan hệ tất yếu. Giữa hai vật vận động khác nhau đều phải theo những quan hệ về khối lượng và tốc độ mà mọi sự vận động đều có: tăng, giảm, hay đình chỉ. Mọi sự khác nhau đều nhất quán. Mọi sự thay đổi đều là kiên định. Những loài thông minh cá biệt có thể tự tạo nên quy luật cho nó, nhưng cũng phải tuân theo những quy luật không do nó tạo nên. Trước khi có loài thông minh cá biệt ấy thì đã có những quan hệ các loài và những quy luật tương ứng. Trước khi người ta làm ra luật thì đã có những quan hệ về sự công bằng tất yếu rồi. (…) Nếu như ai đó đã chịu ơn một người nào thì phải biết ơn. Một vật nọ sinh ra vật kia thì vật mới sinh phải tồn tại phụ thuộc vào nguồn gốc của nó. Ai đã làm hại một người khác thì phải có ngày nhận hậu quả tương đương, v.v.. Thế giới trí tuệ cũng phải được cai quản tốt như thế giới vật lý. Vì thế giới trí tuệ tuy có những quy luật không thay đổi theo bản chất, nhưng nó không tuân theo một cách nhất quán như thế giới vật lý. Đó là vì những cá nhân thông minh đều bị hạn chế theo bản chất của họ, do đó họ hay phạm sai lầm. Mặt khác, theo bản chất họ cứ tự mình hành động, họ không nhất quán tuân theo các luật nguyên thủy, và ngay cả những luật lệ do họ đặt ra họ cũng chẳng luôn luôn tuân thủ. Người ta không biết loài vật có bị cai quản bởi những quy luật vận động chung hoặc đặc biệt nào không. Loài vật không có mối quan hệ mật thiết với Thượng đế như là các loài khác trong thế giới vật chất, chúng chỉ có cảm xúc giữa chúng với nhau hoặc cùng với các giống khác. Loài vật bảo tồn nòi giống bằng sự thích thú, đó là luật tự nhiên, chúng liên kết với nhau qua cảm xúc chứ không phải qua hiểu biết. Chúng không tuân theo các luật tự nhiên một cách bất biến. Còn loài thảo mộc không tri thức mà cũng không cảm xúc thì tuân theo luật tự nhiên tốt hơn. Loài vật không có tính ưu việt tối cao như loài người chúng ta, nhưng lại có cái mà chúng ta không có. Chúng không biết hy vọng như ta, nhưng chúng cũng không có cái sợ hãi như ta. Chúng cũng chết như ta, nhưng chết mà không tự biết. Phần đông loài vật còn biết bảo vệ hơn ta, nhưng không có một hành động bảo tồn nào thoát ra ngoài cái thích thú của chúng. Con người, như một thực thể vật lý, cũng bị các quy luật bất biến cai trị, giống như mọi vật thể khác. Nhưng con người là một thực thể có trí tuệ, lại không ngừng vi phạm cac luật do Thượng đế quy định, và thay đổi ngay cả các quy luật do chính mình quy định ra. Con người phải tự dẫn dắt lấy mình, nhưng họ lại bị hạn chế; hay phạm điều dốt nát và lầm lẫn như tất cả những trí tuệ hữu hạn, có khi họ còn đánh mất cả những kiến thức đơn sơ của mình nữa kia. Con người như một thực thể biết cảm xúc, họ bị lôi cuốn theo hàng nghìn thứ dục vọng, và lúc nào họ cũng có thể quên đấng tạo hoá sinh ra mình. Thượng đế phải nhắc lại cho họ bằng các luật của tôn giáo. Con người trong mọi trường hợp có thể quên cả bản thân mình, nên các nhà triết học phải nhắc nhở họ bằng các luật của luân lý. Con người sinh ra để sống trong xã hội, nhưng có thể quên mất cả đồng loại nên các nhà lập pháp phải nhắc nhở họ nhớ đến nghĩa vụ bằng các luật chính trị và dân sự. Chương 2: Luật của thiên nhiên Trước khi có những quy luật nói trên thì đã có những luật của thiên nhiên tạo ra sự tồn tại của chúng ta. Để hiểu được luật thiên nhiên thì phải xem xét một con người trước khi hình thành xã hội21, xem anh ta tiếp nhận các quy luật của thiên nhiên trong tình trạng đó như thế nào. Luật thiên nhiên đưa vào đầu óc ta ý niệm về Đấng tạo hoá. Đó là điểu quan trọng nhất, quan trọng nhất chứ không phải xếp thứ tự đầu tiên. Con người trong trạng thái tự nhiên có khả năng nhận thức trước khi có được những hiểu biết. Những ý nghĩ đầu tiên của anh ta chưa phải là suy lý. Anh ta nghĩ đến chuyện giữ mình trước khi suy tìm nguổn gốc của mình. Trước hết, anh ta cảm thấy mình yếu đuối nên rất ít nói. Nếu cần một thí nghiệm, hãy tìm một người nguyên thủy trong rừng: cái gì cũng làm cho anh ta sợ hãi và chạy trốn. Trong trạng thái đó, mỗi người đều thấy mình thấp kém và hầu như thấy ai cũng như mình. Họ không tìm cách tấn công nhau, và hoà bình là luật tự nhiên đầu tiên. Hobbes cho rằng, ngay từ đầu con người đã kẻ này chinh phục kẻ khác. Nói thế là không đúng. Tư tưởng về đế quốc và thống trị là một tư tưởng phức tạp, phụ thuộc vào nhiều tư tưởng khác chứ không phải là tư tưởng phát sinh ban đầu. Hobbes hỏi: nêu con người không ở trong trạng thái chiến tranh thì tại sao đi đâu họ cũng mang vũ khí, và họ phải có chìa khóa để đóng chặt cửa? Như vậy là ông ta gán cho con người tự nhiên những việc làm khi họ đã thành xa hội. Thành xã hội rồi con người mới có những lý do để tiến công lẫn nhau và để tự vệ. Những cảm giác về nhu cầu sống gắn liền với cảm giác về sự yếu đuối của mình, cho nên tiếp sau đó là quy luật con người phải tìm cách để tự nuôi sống. Tôi đã nói rằng vì sợ hãi mà người ta phải chạy trốn, nhưng khi hai người nhận ra đối phương cũng sợ hãi như mình thì họ lại gần với nhau. Ngoài ra, họ còn có sự thích thú của hai con vật được sống với đồng loại, nhất là khi con đực và con cái gần nhau thì sự thích thú càng tăng lên. Vì vậy, luật thứ ba là lời cấu khẩn tự nhiên mà luôn luôn nam nữ thường nói bên nhau. Ngoài tình cảm nói trên, con người còn cần có kiến thức. Đó là mối liên hệ của con người mà loài vật không có. Cho nên, nguyện vọng được sông thành xã hội lfà luật thứ tư. Chương 3: Các luật thực tiễn Khi con người được tổ chức thành xã hội thì họ mất cảm giác yếu đuối, cảm giác về bình đẳng trước đây cũng mất. Trạng thái chiến tranh bắt đầu. Mỗi xã hội riêng biệt dần dần nhận thức được sức mạnh của mình, điều đó dẫn tới trạng thái chiến tranh giữa các dân tộc. Thế rồi mỗi cá nhân trong một dân tộc cũng bắt đầu nhận thức về sức mạnh của mình và tìm cách chiếm ưu thế trong xã hội. Đó là điều dẫn tới trạng thái chiến tranh trong từng xã hội. Hai trạng thái chiến tranh nói trên dẫn tới việc phải thiết lập luật lệ giữa người với người. Là cư dân trên một hành tinh lớn, tất nhiên có nhiều dân tộc nên phải quy định quan hệ giữa các dân tộc. Đó là công pháp quốc tế (droit international public). Sống trong một xã hội, muốn duy trì được trật tự phải quy định rõ quan hệ giữa người cai trị với người bị cai trị. Đó là luật chính trị. Lại phải quy định quan hệ giữa các công dân. Đó là luật dân sự. Công pháp quốc tế tất nhiên phải dựa trên nguyên tắc: mỗi một dân tộc trong hoà bình phải làm điều tốt nhất, trong chiến tranh phải cố gắng hết sức làm ít điều xấu cho lợi ích thực tế của loài người. Mục đích của chiến tranh là chiến thắng. Mục đích của chiến thắng là chinh phục. Mục đích của chinh phục là bảo tồn cái đã giành được. Mấy điều này phải là nguyên tắc cho các điều khoản của công pháp quốc tế. Tất cả các dân tộc đều có quyền của họ. Ngay như dân Iroquois (Irôqua) từng ăn thịt tù binh cũng có luật lệ của họ: họ trao đổi người thương thuyết, quy định chiến tranh hay hoà bình. Có điều là luật của họ không dựa trên những nguyên tắc đúng đắn. Ngoài công pháp quốc tế liên quan đến các xã hội khác nhau, còn có luật chính trị cho từng xã hội. Một xã hội không thể tồn tại nếu không có nền cai trị. Gravina nói rất đúng rằng: “Mọi lực lượng cá biệt họp thành cái gọi là nhà nước chính trị”. Lực lượng chung của mọi người có thể đặt trong tay một người hoặc một số người. Có kẻ nghĩ rằng, trời đất đã sinh ra phụ quyền thì một người cai quản xã hội là hợp với tự nhiên. Nhưng đem quyền người cha trong gia đình ví với quyền trị nước của một cá nhân, thì sau khi người cha chết sẽ đến quyền người anh; sau khi người anh chết sẽ đến quyền con chú, con bác (như ở dân tộc Germain), thì quyển đó sẽ là quyền của nhiều người. Quyền lực chính trị tất yếu phải là sự liên kết nhiều gia đình. Sự cai trị phù hợp với tự nhiên hơn cả là làm cho địa vị từng cá nhân phù hợp một cách tốt nhất với địa vị của toàn thể nhân dân. Nhưng sức mạnh cá nhân không thể hoà nhập lại nếu mọi ý chí không hoà nhập. “Mọi ý chí cá nhân hoà nhập lại thành cái gọi là nhà nước dân sự”. Đây cũng là một lời nói đúng của Gravina. Luật đó là lý trí của loài người khi ta nói về luật chung cho mọi dân tộc trên trái đất. Luật chính trị và luật dân sự của mỗi dân tộc chỉ là sự vận dụng cụ thể lý trí loài người nói trên vào từng trường hợp mà thôi. Nêu như luật chính trị và luật dân sự của hai dân tộc trùng hợp với nhau thì đó là điều ngẫu nhiên lớn. Nó phải phù hợp với tính chất và nguyên tắc của nền cai trị mà người ta mong muốn. Luật chính trị là luật tạo ra nền cai trị. Luật dân sự là luật để duy trì nền cai trị ấy. Các luật phải tương ứng với vật lý của đất nước, tức là với khí hậu lạnh, nóng, hay ôn hoà; với diện tích, vị trí đất đai; với cách sống của dân chúng làm nông nghiệp hay săn bắn, chăn nuôi. Luật phải tương ứng với trình độ tự do mà hiến pháp có thể chấp nhận, hợp với tôn giáo trong nhân dân, với số lượng nhân khẩu, với khuynh hướng và mức tài sản, với cách buôn bán, phong tục và tập quán của nhân dân. Cuốỉ cùng, luật chính trị và luật dân sự có mối tương quan về nguồn gốc, về đối tượng của người lập pháp, với trật tự của các sự việc mà luật quy định. Đó là những quan điểm không thể bỏ qua. Trên đây là những điều mà tôi dự định trình bày trong tác phẩm này. Tôi sẽ xem xét đến mọi quan hệ, tổng quát lại thì gọi là Tinh thần pháp luật. Tôi không tách rời luật chính trị với luật dân sự, vì tôi không soạn luật mà chỉ nghiên cứu tinh thần của các luật. Tinh thần đó tồn tại trong mọi quan hệ giữa pháp luật với các sự vật. Tôi sẽ bám chặt vào các mối quan hệ ấy hơn là viết theo thứ lớp tự nhiên của các luật. Trước tiên, tôi xem xét các quan hệ giữa pháp luật với thiên nhiên và với những nguyên tắc của mỗi nền cai trị. Vì rằng, nguyên tắc đó có ảnh hưởng quyết định đối với luật nên tôi phải tìm hiểu thật kỹ, và nếu tôi xác định được nguyên tắc thì người ta sẽ thấy rõ pháp luật ngay từ nguồn gốc của nó; sau đó tôi sẽ chuyển qua tìm hiểu các mối quan hệ khác có phần cá biệt hơn. QUYỂN II: PHÁP LUẬT RÚT TRỰC TIẾP TỪ TRONG BẢN CHẤT CỦA CHÍNH TRỊ Chương 1: Bản chất của ba chính thể khác nhau Có ba cách cai trị khác nhau: dân chủ, quân chủ và chuyên chế. Muôn hiểu bản chất của ba chính thể này, chỉ cần tìm hiểu ý nghĩa của những người ít học là đủ. Tôi giả định có ba cách giải nghĩa, hoặc ba cách làm: “Chính thể dân chủ là chính thể mà dân chúng hay một bộ phận dân chúng có quyền lực tối cao. Chính thể quân chủ thì chỉ một người cai trị, nhưng cai trị bằng luật pháp được thiết lập hẳn hoi. Trong chính thể chuyên chế thì trái lại, chỉ một người cai trị, mà không luật lệ gì hết, chỉ theo ý chí và sở thích của hắn ta mà thôi”. Đó là bản chất khác nhau của ba chính thể cai trị. cần xem xét những luật nào trực tiếp thuộc về bản chất và là luật cơ bản của mỗi chính thể nói trên. Chương 2: Chính phủ cộng hoà và các luật liên quan đến dân chủ Trong nước cộng hoà, khi toàn thể dân chúng nắm quyền lực tối cao thì đó chính là chính thể dân chủ. Khi quyền lực tối cao nằm trong tay một bộ phận dân chúng thì đó là chính thể quý tộc. Trong chính thể dân chủ, theo một cách nhìn nào đó, có thể coi dân chúng như vua, mà cũng có thể coi là thần dân. Dân là “vua” bởi họ được thể hiện ý chí của mình bằng các cuộc đầu phiếu. Ý chí của vua chính là ông vua! Các luật quy định quyền đầu phiếu là luật quy định cơ bản trong chính thể dân chủ, cần phải quy định cách đầu phiếu như thế nào, chẳng hạn: ai đi bầu, bầu ai, bầu trên cơ sở nào. Điều này cũng giống như trong chính thể quân chủ phải biết rõ ông vua là thế nào và vua cai trị như thế nào. Libanius có ghi rằng, ở Athène, nếu một người ngoại bang trà trộn vào cuộc họp hội đồng toàn dân thì người đó bị phạt từ hình, vì người đó có thể tranh đoạt chủ quyền22. Điều cốt yếu là phải quy định số lượng công dân họp thành hội đồng, nếu không thì sẽ không biết đó là tiếng nói của toàn dân chúng hay chỉ là một bộ phận mà thôi. Ở Lacédémone quy định hội đồng gồm 10.000 công dân23). Ở Rome người ta không ấn định con số này, vì Rome từ chỗ nhỏ nhoi mà phát triển lên thành vĩ đại, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, có khi họp toàn thể công dân trong và ngoài thành, có khi họp cả xứ Italia và một phần dân chúng trong thành. Đây là một trong những nguyên nhân đưa tới sự suy vong của Rome. Dân chúng có quyền lực tối cao phải tự mình làm lấy những điều có thể làm tốt được, còn những điều mà dân không thể làm tốt được thì phải giao cho các vị bộ trưởng thừa hành. Các vị bộ trưởng nếu không do dân cử thì không phải là của dân. Châm ngôn cơ bản của chính thể dân chủ là: dân bầu ra bộ trưởng tức là bầu ra người quan chấp chính để cai trị mình. Dân chúng cần được như ông vua, và còn hơn thế, cần được sự hướng dẫn của một hội đồng, hoặc một nghị viện. Hội đồng hay nghị viện này phải được dân tin cậy, cho nên nó phải do dân bầu ra như ở Athène, hoặc do các vị pháp quan được dân chỉ định và giao cho thành lập nghị viện như một đôi trường hợp ở Rome24. Dân chúng rất giỏi khi chọn người để giao cho một phần quyền lực của mình. Họ chỉ cần xác định những điều mà họ biết, họ thấy, họ cảm nhận được. Dân biết rất rõ ai đã đánh thắng nhiều trận, nên họ có thể bầu ra một người chỉ huy quân đội. Dân biết ông quan toà nọ không nhận hối lộ, xử án cương quyết khiến nhiều người tham dự phiên toà hài lòng, thế là đủ để họ bầu ông ta làm thẩm phán. Dân rất nhạy bén biết tin một công dân kia trở nên giàu sang là do đâu, để họ bầu hay không bầu anh ta làm nghị viện thành phố. Đó là những điều dân chúng học được nơi quảng trường một cách sâu sắc mà ông vua không thể học được trong cung điện. Nhưng dân chúng có biêt cách chọn địa điểm, định thời điểm, tìm cơ hội thuận lợi để điều hành một công việc quốc gia hay không? Điều này thì không. Chỉ cần nhìn qua cách chọn lựa tài tình của dân chúng Athène và Rome ngày xưa thì chúng ta sẽ không hoài nghi về khả năng tự nhiên của dân chúng khi cần phân biệt ai là người xứng đáng. Ở Rome, mặc dầu có quyền chọn pháp quan trong tầng lớp bình dân, nhưng khi cân nhắc để bầu cử thì dân chúng thường không bầu người bình dân. Còn như ở Athène, mặc dầu Đạo luật Aristide quy định chọn pháp quan trong tất cả các giai tầng, nhưng Xénophon ghi lại rằng, chưa bao giờ người dân hạ đẳng ở đây thích làm một chức vụ quan trọng hoặc vinh quang. Số đông công dân đủ tư cách làm cử tri nhưng chưa đủ trình độ để ra ứng cử. Đúng thế! Dân đủ trình độ để cân nhắc nên bầu chọn người nọ hay người kia, chứ không phải ai cũng đủ trình độ để tự mình quản lý công việc. Công việc thì phải tiến triển theo nhịp độ thích đáng, không chậm quá mà cũng đừng nhanh quá. Nhưng dân chúng khi thì quá hiếu động, khi thì lại chần chừ. Nhiều khi với ngàn vạn cánh tay họ lật đổ tất cả, và nhiều khi với ngàn vạn đôi chân họ di chuyển chậm chạp như sên. Trơng một nhà nước thân dân (état populaire), người ta chia dân làm mấy giai tầng. Đó là cách mà các nhà lập pháp tài giỏi đã thực hiện để làm cho nền dân chủ được tồn tại lâu dài và thịnh vượng. Các nhà sử học Tite-Live và Denys d’Halicamasse đều ghi lại rằng vua Servius Tullius đã làm theo tinh thần quý tộc trong cách sắp xếp các giai tầng, trong đó những người giàu, số lượng ít nhất được đặt vào tổ đầu tiên; các tổ tiếp theo gồm số đông những người trung lưu, còn đám dân nghèo đông đảo thì xếp vào cac tổ cuối cùng. Thế mà mỗi tổ chỉ có một phiếu, cho nên thực tế là giai tầng giàu có và trung lưu đi bầu chứ không phải từng cá nhân công dân đi bầu. Solon thì chia dân chúng Athène làm bốn giai tầng. Ông theo tinh thần dân chủ, xác định ai là người được ứng cử, và quy định mỗi công dân đều có quyển bầu cử. Ông muốn trong cả bốn giai tầng đều có người được bầu làm phán quan (juge), còn như chức pháp quan cai trị (magistrat) thì chỉ chọn trong giai tầng trên gồm những công dân phong lưu mà thôi. Phân chia các người có quyền bầu cử, ứng cử là một luật trong nước cộng hoà, còn như cách bầu cử lại là một luật cơ bản khác. Tuyển cử bằng cách rút thăm là thuộc về thể chế dân chủ. Tuyển cử bằng cách bầu chọn là thuộc về thể chế quý tộc. Rút thăm thì không ai phải bất bình, vì mỗi một công dân đều có thể hy vọng được làm quan chức phục vụ tổ quốc. Nhưng cách này cũng có chỗ chưa thỏa đáng nên các nhà lập pháp lớn đều tìm cách điều chỉnh, uốn nắn lại. Solon bầu chọn tất cả các quan chức nhà binh, còn các pháp quan và nguyên lão nghị viên thì rút thăm… Các vị pháp quan cầm quyền thì phải bầu chọn, còn các viên chức dân sự khác đều rút thăm. Nhưng đế uốn nắn cách rút thăm, Solon quy định chỉ rút thăm trong số người hiện diện, kẻ trúng thăm phải qua sự thẩm xét của pháp quan, và mỗi công dân đều có quyền khiếu nại nếu thấy kẻ trúng thăm không xứng đáng. Như vậy thì còn phải qua phán xét xem anh ta đã phục vụ tốt hay xấu như thế nào. Do đó, những kẻ bất tài thường không muốn đưa tên mình vào để rút thăm. Luật về cách bầu cử cũng là một luật cơ bản trong nền dân chủ: bầu cử công khai hay bí mật là một vấn để quan trọng. Ciréron ghi rằng những điều luật quy định bầu cử cuối thời Rome là nguyên nhân quan trọng đưa Rome tới suy vong. Vì cách bầu cử ở mỗi nước cộng hoà làm một khác, nên tôi cho rằng cũng nên bàn thêm: tất nhiên khi dân đi bỏ phiếu thì cuộc bầu cử phải công khai. Đây phải là một điều luật cơ bản của nền dân chủ. Đám tiện dân nhỏ nhoi cần được những công dân sáng suốt hướng dẫn, và việc bầu cử của họ phải mang nội dung nghiêm chỉnh của người đi lo việc nước. Vậy mà ở Rome khi bầu cử, người ta đã hủy bỏ tất cả những việc đó, bầu cử bí mật, đám tiện dân đông đảo bị mất hút, mất tác dụng, vì không được hướng dẫn. Còn như ở Venise, khi các nhà quý tộc đi bỏ phiếu, hoặc khi dân chúng đi bầu các nguyên lão nghị viên (ở nước dân chủ) thì chỉ có một điều phải ngăn chặn, đó là âm mưu chạy chọt, cho nên ở đây cuộc bầu cử không có gì phải bí mật cho lắm. Âm mưu chạy chọt là điều nguy hiểm trong nghị viện dân chủ cũng như trong cơ chế quý tộc, còn đối với dân chúng thì khác, bản chất của họ là hành động theo sở thích, nên âm mưu chạy chọt không nguy hiểm gì lắm. Trong một nước mà dân không tham dự vào việc quản lý đất nước thì họ chỉ nồng nhiệt lên vì một diễn viên hay vì một công chuyện gì đó của họ. Điều bất hạnh cho một nước cộng hoà là khi mà người ta không dùng âm mưu chạy chọt nhưng lại dùng tiền để làm bại hoại dân chúng, khiên dân chúng thờ ơ, chỉ thích thú với tiền bạc mà không thích thú công việc quốc gia, chẳng cần biết đến chính phủ và các dự án quốc gia là gì mà chỉ lẳng lặng chờ được thuê tiền để bỏ phiếu. Lại còn một điều luật cơ bản nữa cho chính thể dân chủ là: tuy rằng dân chúng làm ra luật, nhưng cũng có hàng nghìn trường hợp mà nghị viện phải định ra thể lệ. Có khi phải đem một dự luật ra làm thí điểm trước khi ban hành chính thức. Hiến pháp Rome và Athène ngày xưa thật là thông minh: các nghị định của Viện Nguyên lão chỉ được có hiệu quả trong vòng một năm, sau đó nếu dân chúng biểu quyết đồng tình thì mới trở thành luật thường xuyên mãi mãi. Chương 3: Các luật liên quan đến bản chất nhà nước quý tộc Trong chế độ quý tộc, quyền lực tối cao nằm trong tay một số người. Chính họ làm ra luật và chấp hành luật. Số đông dân chúng còn lại dưới con mắt họ chỉ là những thần dân. Ở đây người ta không tổ chức đầu phiếu, vì nó trở ngại. Cho nên trong chế độ có nhiều sự phân biệt đối đãi phiền toái, người ta chỉ thích làm nhà quý tộc mà không thích làm quan toà. Khi mà số người quý tộc quá đông thì phải có một nghị viện để điều tiết các sự việc và bày vẽ ra các sự việc theo ý định của nghị viện. Trong trường hợp này có thể nói nhà nước quý tộc là nhà nước trong nghị viện. Dân chủ chỉ có trong giới quý tộc, và dân chúng chẳng là cái gì. (…) Chương 4: Các luật liên quan đến bản chất nhà nước quân chủ Các thứ quyền lực trung gian và phụ thuộc tạo ra bản chất của nhà nước quân chủ, tức là nhà nước chỉ do một người cai trị bằng những đạo luật cơ bản. Ở đây, ông vua là nguồn gốc của mọi quyền lực chính trị và dân sự. Các đạo luật cơ bản chỉ tính đến các dòng quyền lực trung gian: do đó không có gì thật sự đáng gọi là “luật cơ bản”. Cái gọi la quyền lực trung gian và phụ thuộc chính là quyền lực của giới quý tộc. Giới quý tộc là một bộ phận của nền quân chủ (…) thực chất chế độ này cũng chỉ là một thứ chuyên chế mà thôi. (…) Chương 5: Các luật liên quan đến bản chất nhà nước chuyên chế (…) Một con người mà cả năm giác quan luôn luôn thể hiện rằng ông ta là tất cả, và mọi người khác không là cái gì hết, thì tất nhiên ông ta chỉ là một kẻ nhác nhớn, ngu xuẩn, đầy dục vọng. Ông ta (vua) bỏ mặc mọi việc, nhưng nếu ông ta giao việc cho nhiều người thì sẽ xảy ra tranh chấp, người nào cũng tìm cách chạy chọt để được làm tên đầy tớ hạng nhất của ông ta. Thế là ông vua đành phải tìm cách nắm việc cai trị, mà đơn giản nhất là giao cho một anh làm tể tướng, lúc đầu cũng có quyền lực như vua. Trong một nhà nước chuyên chế; việc đặt chức tể tướng là một luật cơ bản. (…) Đất nước càng rộng lớn, cụng điện càng tráng lệ, ông vua càng say sưa lạc thú. Ở những nước như thế này, dân càng đông vua càng ít nghĩ đến việc nước, công việc càng nhiều vua càng nhởn nhơ. QUYỂN III: BÀN VỀ NHỮNG NGUYÊN TẮC CỦA BA LOẠI CHÍNH THỂ Chương 3: Nguyên tắc của chính thể dân chủ Trorơ một nhà nước quân chủ hay một nhà nước chuyên chế, không cần phải có đạo đức nó cũng cứ tồn tại được. Luật của vua và cánh tay chuyên chế là đủ để duy trì tất cả. Nhưng trong nhà nước dân chủ thì phải có thêm một điều, đó là đức hạnh25. Điều tôi nói trên đây được lịch sử khẳng định và rất phù hợp với bản chất của sự vật. Trong một nước quân chủ vua là kẻ bắt mọi người phải làm theo luật lại tự mình đứng lên trên pháp luật, nên không cần nhiều đạo đức hạnh như trong nước dân chủ, nơi mà người dân chấp hành luật pháp vói ý thức mình làm cho mình, tự gánh lấy gánh nặng của mình. Ông vua, nếu vì chểnh mảng hoặc vì nghe lời xu nịnh mà để cho luật pháp không được chấp hành, thì ông ta có thể sửa chữa bằng cách thay đổi sắc dụ, hoặc bỏ thói chểnh mảng, lơ là. Trái lại, trong một nuớc dân chủ, khi luật pháp không được chấp hành chính là khi cơ chế của nền cộng hoà bị suy đốn, nhà nước không còn là nhà nước nữa. Một khi đạo đức của nền dân chủ đã mất, tính tham lam lọt vào các trái tim, cái hư hỏng lồng vào tất cả mọi ngóc ngách của xã hội, các ước vọng bị đổi mục tiêu: cái người ta vốn yêu thì người ta không yêu nữa, người ta thấy mình vẫn tự do, nhưng tự do làm trái luật pháp. Mỗi công dân giống như một nô lệ trốn khỏi nhà chủ nô. Điều trước đây được coi là kỷ cương thì nay người ta coi là hà khắc. Cái trước đây được coi là luật thì nay họ coi là phiền nhiễu. Điều đáng lưu ý thì người ta coi là đáng sợ. Cách sống thanh đạm bị coi là thói hà tiện. Trước kia, tài sản của mỗi công dân được coi như một phần sự giàu có của quốc gia, thì nay kho tàng chung bị coi như sở hữu tư nhân, nước cộng hoà chỉ là cái túi cho người ta bòn rút, và sức mạnh quốc gia chỉ còn là quyền lực của một vài công dân, là nơi phá rối của mọi người. (…) Chương 7: Nguyên tắc của chính thể quân chủ Như trên đã nói, chính thể quân chủ ắt phải có những đặc quyền, những đẳng cấp và cả nguồn gốc quý tộc. Bản chất của danh diện26đòi hỏi phải có sự ưu đãi, phải khác người, hơn người. Vậy thì danh diện phải đặt vào trong chính thể quân chủ. Trong một nước cộng hoà, tham lam là mối nguy hại, nhưng trong một nước quân chủ tham lam còn có tác dụng tốt, làm cho chính thể có sinh khí. Nó không nguy hiểm, vì lúc nào nhà vua cũng có thể chế ngự được nó. Cũng như trong vũ trụ có lực ly tâm và lực hấp dẫn để thu hút các vật thể, thì trong một nước quân chủ, danh diện làm cho mọi bộ phận trong cơ thể chính trị lay chuyển, liên kết lại trong hành động, làm cho mọi người thấy mình hướng về cái lợi của đất nước và tin rằng như thế sẽ có lợi cho cá nhân mình. Nói một cách triết lý: một danh dự hão huyền đang lôi cuốn mọi bộ phận của quốc gia, nhưng nó cũng có ích như danh diện thật sự đối với những ai theo đuổi nó. Chương 9: Nguyên tắc của chính thể chuyên chế Nêu trong chính thể dân chủ phải có đạo đức, trong chính thể quân chủ phải có danh diện, thì trong chính thể chuyên chế phải có sự sợ hãi. Vì ở đây đạo đức là không cần thiết và danh diện sẽ là nguy hiểm. Quyền uy vô hạn độ của ông vua chuyên chế được trao cho người cận thần tin cậy. Những người có năng lực mà không được dùng thường ở trạng thái muốn nổi dậy. Cho nên phải lấy cái sợ hãi để đánh bạt lòng can đảm và dập tắt cả những tham vọng danh diện nhỏ nhất (…). Chương 11: Suy nghĩ về những điều nói trên Trên đây là những nguyên tắc của ba chính thể cai trị. Nó không có nghĩa rằng trong một nước cộng hoà dân chủ thì ai ai cũng sẵn có đạo đức. Cũng không phải trong một nước quân chủ nào đó thì ai ai cũng sẵn có danh diện, hoặc trong một nước chuyên chế mọi người đều luôn luôn sợ hãi. Vấn đề là phải làm cho cái đạo đức, cái danh diện, cái sợ hãi được thể hiện, nêu không thì tính chất của chính thể sẽ không trọn vẹn. QUYỂN IV: LUẬT VỀ GIÁO DỤC PHẢI TƯƠNG ỨNG VỚI NGUYÊN TẮC CỦA CHẾ ĐỘ Chương 1: Về luật giáo dục Các điều luật về giáo dục là những điều tiếp nhận đầu tiên của chúng ta. Vì giáo dục là chuấn bị cho chúng ta làm người công dân, và khiến cho mỗi gia đình riêng lẻ cũng phải được cai quản theo kế hoạch của ”đại gia đình” toàn dân. Nếu nhân dân nói chung có một nguyên tắc thì mỗi gia đình cũng phải có nguyên tắc. Các luật về giáo dục trong mỗi chính thể tất nhiên không giống nhau: trong chính thể quân chủ, mục đích của giáo dục là danh diện, còn trong chính thể dân chủ là đức hạnh và trong chính thể chuyên chế là sợ hãi. Chương 2: Giáo dục trong chính thể quân chủ Ở các nước quân chủ, không phải là từ trong nhà trường dạy trẻ người ta đã tiếp thu được sự giáo dục chính yếu. Chỉ đến khi vào đời, người ta mới bắt đẩu tiếp thu giáo dục, đó là nhà trường của danh diện, là ông thầy học tổng quát dìu dắt chúng ta ở khắp nơi. Ở đây người ta luôn luôn thấy và nghe ba điều: “Phải đặt vào các đức hạnh một ý niệm về sự cao quý, đặt vào các phong tục ý niệm về sự thật thà, đặt vào các cử chỉ ý niệm về lễ độ”. Những đạo đức mà người ta dạy bảo chúng ta bao giờ cũng ít hơn cái đạo đức mà ta phải giữ đối với người khác và đối với bản thân mình. Nhưng đạo đức ấy làm cho ta cao quý khác người hơn là làm cho ta chan hoà với nhân dân mình. Người ta đánh giá các hành động của con người không phải ở điểm tốt mà ở điểm đẹp, không phải ở sự đúng đắn mà ở sự cao cả, không phải ở chỗ hợp lý mà ở chỗ phi thường. Danh diện không phải lúc nào cũng đổng nhất với sự cao quý. Nhiều khi phải dùng đến người phán xét hay dùng đến phép ngụy biện mới xác định được một hành động danh diện có bao hàm ý nghĩa cao quý. Người ta cho phép dùng mánh khoé lừa lọc khi nó gắn với ý niệm trí tuệ cao siêu hoặc hành động vì một việc trọng đại, vì trong chính trị, mưu mô, lừa lọc không trái với sự khôn khéo, tinh vi. Người ta chỉ ngăn cấm sự nịnh hót khi nó biểu thị tính cách hèn hạ hoặc không dính với ý đồ mưu cầu nghiệp lớn. Về mặt phong tục, tôi đã nói rằng nền giáo dục trong chính thể phong kiến phải mang tính chân thực ở một mức độ nào đó. Người ta thích các diễn giả nói lên sự thật không phải vì người ta yêu sự thật đâu, mà chỉ vì người diễn giả nào dám nói sự thật thường là người tỏ ra dũng cảm, phóng khoáng, tự do. Trong chính thể phong kiên, các diễn giả như thế đủ bảo vệ một sự việc nào đó chứ không bảo vệ sự thật như người ta tưởng đâu. Cho nên, cái tính chân thực kiểu đó không phải là tính chân thực của nhân dân; vì nhân dân hiểu tính chân thực là sự thật và sự giản dị. Cuối cùng, nền giáo dục của chính thể phong kiến đòi hỏi trong cách cư xử phải có lễ độ một mức nào đó. Người đòi sinh ra để sống chung với nhau và làm vừa lòng nhau, ai không giữ lễ độ, làm chướng tai gai mắt người khác thì sẽ thất bại chẳng làm được điều gì tốt đẹp. Nhưng trong chế độ phong kiến, lễ độ không bắt nguồn từ quan niệm chung của người đời như vừa nói trên mà người ta lễ độ chỉ để tỏ ra hơn người. Khi lễ độ, người ta tự kiêu rằng thế là không hèn kém, không sống như hạng người bị bỏ rơi trong mọi thời đại. Ở các nước quân chủ, lễ độ trở thành chuyện cố hữu trong triều đình. Vua là cao cả thì mọi người phải nhỏ bé lại. Từ đó, suy ra cách nhìn đối với mọi người. Đã ở trong triều đình thì người ta phải xứng đáng là người của triều đình. Phong thái các đại thần trong triều đình là từ bỏ cái oai vệ của mình vì sự oai vệ của vua. Mức độ của oai vệ hay của khiêm tốn tuỳ theo hoàn cảnh ông đại thần ở xa hay ở gần ông vua. Trong sinh hoạt cung đình, người ta tỏ ra tế nhị về sở thích để thể hiện sự giàu sang, sự thừa thãi. Có khi họ tỏ ra chán chường các lạc thú vì đã hưởng quá nhiều. Ý thích của người ta bị lẫn lộn, hay thay đổi, nhưng khi mà lạc thú được vừa ý thì bao giờ nó cũng được chấp nhận. Nền giáo dục hướng vào đó. Ai mà thể hiện đúng điều nói trên thì được coi là người quân tử (honnête homme)27, tức là người đủ phẩm cách được chính thể quân chủ thừa nhận. Ở đây, danh diện xen vào mọi thứ, tham gia vào mọi cách suy nghĩ cũng như cảm giác, và chỉ huy cả nguyên tắc xử thế! Cái danh diện kỳ quặc ấy bịa ra mọi thứ đạo đức, đặt ra mọi thứ quy tắc theo ý nó, mở rộng hay thu hẹp nghĩa vụ của chúng ta, mà nghĩa vụ này thật ra bắt nguổn từ trong tôn giáo, trong chính trị hay trong luân lý. Trong chính thể quân chủ, chỉ có luật pháp, tôn giáo và danh dự truyền bảo chúng ta vâng theo ý chí nhà vua; nhưng danh diện cũng phán bảo rằng nhà vua chớ nên bắt thần dân làm điều ô nhục, vì như vậy thì dân sẽ không xứng đáng để phục vụ vua nữa. Crillon từ chối không ám sát công tước Guise, nhưng lại đề nghị vua Henry VII làm việc đó. Sau trận Saint Barthélémy, vua Charles IX ra lệnh cho các thống đốc giết hết nhưng người Huguenot, nhưng Tử tước Orto đang chỉ huy ở Bayonne viết sớ đệ trình vua: “Tâu bệ hạ, thần chỉ tìm được trong đám quan quân của mình những công dân và chiến binh tốt mà không có ai là người đao phủ. Xin bệ hạ hãy dùng cánh tay của thần và thuộc hạ vào những việc có thể làm được”. Trái tim khoan dung cao cả của ông coi việc làm hèn nhát là điều không thể chấp nhận. Danh diện ra lệnh cho các nhà quý tộc hết sức phục vụ nhà vua trong chiến tranh, đây là một nghề đặc biệt mà chiến công, hạnh ngộ hay rủi ro đều mang ý nghĩa cao cả. Nhưng khi buộc người ta theo luật này thì danh diện muốn làm trọng tài, và nếu như nó không ưng ý thì nó ra lệnh hoặc cho phép người ta rút lui. Danh diện để cho người ta cầu xin hay từ chối một chức vụ, điều tự do này còn cao hơn cả số phận thần dân. Như vậy, danh diện có những quy tắc tối cao mà nền giáo dục buộc phải thích ứng với nó. Quy tắc chủ yếu là phải nghĩ đến vận mệnh chung, sự nghiệp chung, tuyệt nhiên không tính đến đời sống của mình. Quy tắc thứ hai là một khi đã được đặt vào địa vị nào đó thì không được làm điều gì biểu lộ rằng ta dưới tầm của địa vị đó. Quy tắc thứ ba là điều gì danh diện đã cấm đoán thì phải coi là nghiêm ngặt hơn cả luật pháp cấm đoán điều gì danh diện đòi hỏi phải làm thì coi đó là cần thiết hơn cả điều luật bắt làm. Chương 3: Giáo dục trong chính thể chuyên chế Trong chính thể quân chủ, giáo dục chỉ tìm cách nâng cao trái tim. Trong chính thể chuyên chế, giáo dục chỉ tìm cách hạ thấp trái tim. Ở đây, giáo dục phải là một công cụ nô dịch. Cái đó cũng sẽ là một điều hay ngay trong hệ thống những người chỉ huy, không một ai vừa là kẻ độc tài mà lại không đổng thời là nô lệ. Sự phục tùng tuyệt đối đòi hỏi sự ngu dốt của người thừa hành, và cả sự ngu dốt trong người chỉ huy. Anh ta không cần phải hiểu rõ, không cần phải hoài nghi, không cần phải lý giải. Anh ta chỉ cần muốn. Trong một nước chuyên chế, mỗi gia đình là một vương quốc riêng rẽ. Giáo dục ở đây chủ yếu nói về cách ăn ở với người khác nên rất hạn chế, chỉ quy vào một điểm là đưa sự sợ hãi vào trái tim và đưa ít nhiều nguyên tắc thật đơn giản của tôn giáo vào đầu óc. Như vậy, hiểu biết rộng là nguy hiểm, thích ganh đua là tai hại, còn về đức hạnh thì Aristote cũng không thể tin rằng có một thứ đức hạnh nào thích hợp để dạy cho những người nô lệ. Tất cả những cái đó làm hạn chế nền giáo dục trong chính thể chuyên chế. Giáo dục ở đây, nói một cách nào đó, là con số không. Phải tước bỏ tất cả để đưa vào đầu óc người ta một cái gì, và bắt đầu bằng cách biến một thần dân xấu thành một nô lệ tốt. Này! Tại sao nền giáo dục lại cột vào mình cái sứ mệnh đào tạo ra một người công dân tốt để anh ta tham gia vào nỗi khổ hạnh chung của mọi người? Nếu anh ta yêu nước thì anh ta sẽ gắng sức làm cho động cơ của chính thể chuyên chế phải chùng lại, và nếu thất bại thì anh ta không thể tiếp tục tồn tại được nữa, còn nếu anh thành công thì anh sẽ làm cho mất hết, mất cả vua, mất cả nhà nước chuyên chế. Chương 4: Sự khác nhau giữa tác dụng giáo dục của người xưa với chúng ta ngày nay Nhiều dân tộc cổ xưa sống dưới chính thể dân chủ, lấy đạo đức làm nguyên tắc. Khi mà đạo đức phát huy tác dụng thì họ làm được nhiều việc mà ngày nay chúng ta không còn thấy nữa. Sự giáo dục của thời xa xưa ấy hơn hẳn thời nay ở chỗ nó không bao giờ lừa dối. (…) Ngày nay, chúng ta tiếp nhận ba loại giáo dục khác nhau hoặc mâu thuẫn nhau: giáo dục của người cha đẻ, của thầy giáo và của xã hội. Những điều xã hội dạy ta làm đảo lộn tất cả tư tưởng của người cha đẻ và thầy giáo truyền cho ta. Về mặt nào đó ta thấy những điều cam kết trong tôn giáo thật tương phản với những điều cam kết trong xã hội. Người đời xưa không bao giờ biết chuyện này đâu! Chương 5: Giáo dục trong chính thể cộng hoà Trong chính thể cộng hoà, người ta cần đến tất cả sức mạnh của giáo dục. Sự sợ hãi trong chính thể chuyên chế là do sự trừng phạt và đe dọa mà sinh ra. Danh diện trong chính thể quân chủ là do các dục vọng kích thích, và nó cũng kích thích lại dục vọng. Nhưng đạo đức trong chính thể cộng hoà lại là sự đấu tranh với bản thân mình, đó là chuyện rất khó. Có thế định nghĩa đạo đức chính trị là tình yêu luật pháp và tình yêu tổ quốc. Tình yêu ấy đòi hỏi luôn luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Tình yêu ấy đặc biệt phù hợp với các chính thể dân chủ. Ở đây, vận mệnh của chính thể được giao cho mỗi công dân, mà chính thể là đủ mọi thứ trên đời, muốn bảo vệ nó thì phải yêu mến nó. Chưa bao giờ nghe nói một ông vua lại không yêu chính thể quân chủ, một nhà độc tài lại ghét chính thể chuyên chế. Trong chính thể cộng hoà, tất cả tuỳ thuộc ở tình yêu trong sáng nói trên, do đó mà phải quan tâm đến giáo dục. Muốn cho trẻ em có được tình yêu luật pháp và tổ quốc thì điều chắc chắn là các ông bố trong gia đình phải có tình yêu ấy đã! Thầy giáo truyền kiến thức cho học trò, thì phải gợi cho các em sự đam mê, hứng thú. Người ta không làm được điều này là vì sự giáo dục trong gia đình đã bị hủy hoại bởi những tình cảm ngoại lai. Không phải người ta sinh ra đã mất gốc, mà vì những con người thành nhân trước đó đã bị hư hỏng.28 QUYỂN V: CÁC LUẬT DO NHÀ LẬP PHÁP ĐƯA RA PHẢI TƯƠNG ỨNG VỚI NGUYÊN TẮC CỦA CHÍNH THỂ Chương 1: Ý tưởng của quyển V Cũng như việc giáo dục, các luật phải tương ứng với nguyên tắc của chính thể. Mối quan hệ giữa luật pháp với nguyên tắc là nhằm thúc đẩy cho chính thể phát triển và ngược lại, tạo thêm sức mạnh cho nguyên tắc. Ta thấy rằng, trong các vận động vật lý, mỗi tác động đều kèm theo phản tác động. Chúng ta sẽ xem xét mối quan hệ này trong mỗi chính thể khác nhau, và hãy bắt đầu với chính thể cộng hoà, nơi mà đạo đức được coi là nguyên tắc. Chương 2: Đạo đức là gì trong nhà nước chính trị Đạo đức trong chính thể cộng hoà là một điều rất giản dị: đó là lòng yêu mến cộng hoà, đó là tình cảm chứ không phải một chuỗi kiến thức. Người kém cỏi nhất cũng như người giỏi giang nhất đều có thể có được tình cảm ấy. Khi dân chúng có lòng tin ở kỷ cương thì họ giữ vững kỷ cương hơn là người quân tử trong chính thể phong kiến. Rất ít khi sự phá hoại kỷ cương bắt đầu từ dân chúng, vì dân chúng chỉ hiểu biết sơ lược nên thường gắn bó chặt chẽ với những gì đã từng được thiết lập. Lòng yêu nước dẫn tới phong tục tốt và phong tục tốt nhắc nhở lòng yêu nước. Chúng ta càng ít hài lòng với thị hiếu riêng thì lại càng say sưa với các thị hiếu chung. (…) Chương 3: Thế nào là lòng yêu mến nền cộng hoà trong chính thể dân chủ Lòng yêu mến nền cộng hoà trong chính thể dân chủ là lòng yêu dân chủ. Lòng yêu dân chủ lại là lòng yêu sự bình đẳng và không những yêu vì quyền lợi mà yêu cả về nghĩa vụ. Lòng yêu dân chủ còn là lòng yêu cuộc sống thanh đạm. Trong khi mọi người đều có những hạnh phúc và những thuận lợi chung thì họ phải được hưởng lạc thú như nhau và cùng chung ước vọng. Điều này chỉ có thế đạt được trong sự sống thanh đạm nói chung. Do lòng yêu bình đẳng, người ta chỉ có một tham vọng duy nhất là được giúp ích tổ quốc nhiều hơn người khác. Không thể trao cho mọi người những công việc như nhau, nhưng phải coi mọi người là ngang nhau khi trao công việc. Như vậy, sự khác nhau chỉ nảy sinh trong nguyên tắc bình đẳng khi có những công việc may mắn hay tài năng xuất chúng. Tính thanh đạm hạn chế ước vọng thu vén riêng cho gia đình mình, mà khuyến khích tình cảm ước mong cho tổ quốc được giàu có, thừa thãi. Của cải quốc gia tạo nên sức mạnh chung mà một công dân không thể dùng riêng cho mình, vì dùng riêng là không công bằng. (…) Cho nên các nước dân chủ tốt thường thiết lập nếp sống thanh đạm trong các gia đình, nhưng lại mở cửa cho các chi phí hào phóng công cộng, như ở Athène và Rome ngày xưa29. Vẻ huy hoàng và hào phóng nơi công cộng chính là dựa vào sự thanh đạm của các công dân mà có được. Cũng giống như tôn giáo yêu cầu con chiên dâng lễ Chúa với bàn tay sạch sẽ, luật pháp mong muốn xây dựng nếp sống thanh đạm để công dân có thể đóng góp nhiều cho tổ quốc. Lương tri và hạnh phúc cá nhân phần nhiều là do tài năng và tài sản khiêm tốn mà có. Một nước cộng hoà mà luật pháp tạo nên thật nhiều những con người chừng mực thì sẽ có nhiều nhà uyên bác, biết cách cai trị thông minh, sẽ có nhiều người sung sướng và cả nước sẽ sung sướng. Chương 4: Người ta cảm nhận lòng yêu bình đẳng và nếp sống thanh đạm như thế nào Trong các nước quân chủ và các nước chuyên chế, không ai mong được bình đẳng. Mỗi người chỉ vươn lên địa vị bề trên, làm thầy, làm chủ kẻ khác. Họ cũng chẳng nghĩ đến nếp sống thanh đạm. Chỉ có những người đã bị phá sản vì trác táng thì đành phải chịu sống thanh đạm mà thôi (…), còn những người đang thèm khát xa hoa thì chẳng ai ham gì nếp sống thanh đạm. Họ còn khinh rẻ cuộc sống thanh đạm, xa lánh kẻ nghèo nàn nữa kia. Những kẻ đang hau háu nhìn vào các nhà giàu có và nhìn lại những người cùng khổ như họ, thì họ chỉ ghét sự nghèo nàn của họ mà thôi. Họ chẳng yêu mà cũng chẳng biết cái gì làm nên sự nghèo nàn ấy. Đối với nếp sống thanh đạm cũng vậy, muốn yêu nó thì phải có cái gì hưởng thụ trong nếp sống thanh đạm đó. Cho nên, ngay trong chính thể cộng hoà cũng phải có những điều luật để đưa người ta đến chỗ nảy sinh lòng yêu bình đẳng và nếp sống thanh đạm. Chương 5: Trong chính thể dân chủ, luật pháp thiết lập sự bình đẳng như thế nào (…) Mặc dầu trong chính thể dân chủ, linh hổn của nhà nước phải là sự bình đẳng thực tế, nhưng thật khó mà thiết lập nó một cách tuyệt đối chính xác. Chỉ cần một cách định mức tương đối để rút ngắn khoảng cách chênh lệnh, ví dụ như yêu cầu người giàu đóng góp cho xã hội nhiều hơn người nghèo và có những chính sách cụ thể nâng đỡ người nghèo. Chỉ những người trung lưu mới thoả mãn với chính sách đó, còn những người cực kỳ giàu có mà không được hưởng quyền lợi và vinh dự hơn người thì họ coi chính sách này là đáng nguyền rủa. Mọi sự bất bình đẳng trong chính thể dân chủ đều phải tương đối hợp với bản chất của nền dân chủ. Ví dụ, những người nào đó cần có việc làm thường xuyên để không bị nghèo khổ quá, thì họ không được lười biếng trong công việc; và ngươi thợ cả thì không được lên mặt kiêu ngạo. (…) Như vậy là vẫn tồn tại một phần chưa bình đẳng, tồn tại theo lợi ích của nền dân chủ, và đó chỉ là chưa bình đẳng về bề ngoài mà thôi. (…) Chương 6: Trong chính thể dân chủ, luật pháp duy trì tính thanh đạm như thế nào (…) Khi chính thể dân chủ được xây dựng trên một nền kinh tế thương mại thì sẽ có một số công dân trở nên giàu to, và phải làm sao cho thuần phong mĩ tục không bị sa đọa. Tư tưởng thương mại, về bản chất là hướng tới sự thanh đạm, tính tiết kiệm, tính khiêm tốn, thích làm việc, thích yên tĩnh, chuộng trí thông minh, cần có trật tự và kỷ cương v.v. (…). Chỉ khi nào tình trạng thừa thãi của cải phá hoại mất tư tưởng thương mại thì mới nảy sinh điều tồi tệ và mọi thứ lộn xộn của bất bình đẳng. Để duy trì tư tưởng thương mại thì người công dân chủ yếu30phải làm gương, khiến cho tư tưởng thương mại chân chính đóng vai trò chủ đạo, không bị pha tạp, mọi điều luật đều phù hợp với nó, khiến cho thương mại làm tăng tài sản của mọi người, đặt các công dân nghèo vào cảnh ngộ dễ chịu, có thể làm việc như mọi người khác, và đặt các công dân giàu có vào một địa vị khiêm tốn, khiến họ cũng phải làm việc thì mới có thu nhập, mới tồn tại được. (…) Chương 11: Cái hay của chính thể quân chủ Chính thể quân chủ có nhiều điểm ưu việt hơn chính thể chuyên chế31. Về bản chất, nhiều chỉ dụ của nhà vua phải dựa theo hiến pháp, nhà nước được cố định, hiến pháp khó lung lay, nhân cách của những người cầm quyền khá ổn định. (…) Trong sự vận hành của chính thể chuyên chế; dân chúng tự lo lấy cho mình, thường đẩy sự việc đi quá xa. nhiều khi gây ra lộn xộn đến cực điểm. Trong khi đó, ởcác nước quân chủ, sự việc không mấy khi bị đẩy tới quá khích. Các quan cũng phải lo cho mình, họ sợ bị thất sủng. Các lực lượng trung gian phụ thuộc thì không muốn để dân chúng chiếm thế thượng phong. Cho nên hiếm khi thấy trật tự nhà nước quân chủ bị tê liệt hoàn toàn. Vua thì cố giữ kỷ cương, những kẻ gây rối thường thiểu ý chí và ít hy vọng lật đổ được triều đại nên không thể và cũng không muốn thoán đoạt ngôi vua. Trong trường hợp nhà nước có rối ren, những người uyên bác và có uy tín can thiệp vào, họ giữ lại mức độ, họ dàn xếp, họ uốn nắn lệch lạc, do đó luật pháp lấy lại được tính năng động, làm cho người ta phải nghe theo. Chẳng thế mà trong lịch sử chế độ phong kiến của chúng ta có nhiều nội chiến chứ không có cách mạng, còn trong các nước chuyên chế thì thường có cách mạng mà không có nội chiến. (…) Chương 12: Tiếp chủ đề trên Chớ hoài công đi tìm cái phóng khoáng, rộng lượng trong những nhà nước chuyên chế. Ông vua ở đây không có gì là cao cả để ban phát: ông ta không có vinh quang. Trong chính thể quân chủ, các quần thần tiếp nhận hào quang của vua. Họ có không gian khá rộng để thể hiện tính cách và tâm hồn mình, tuy đó chưa phải là sự thể hiện một cách độc lập, nhưng cũng giữ được tính cao thượng của họ. Chương 13: Ý niệm về chính thể chuyên chế Những người dã man ở xứ Louisiane muốn ăn quả thì chặt cây từ gốc cho cây đổ xuống để hái quả. Chính thể chuyên chế là như thế đó! Chương 14: Trong chính thể chuyên chế, các luật liên quan với nhau như thế nào Nguyên tắc của chính thể chuyên chế là sợ hãi. Nhưng đối với loại dân chúng dốt nát, ít ăn nói, đã bị đè cổ xuống rồi thì không cần phải nhiều luật lệ. Tất cả sẽ vào khuôn phép với vài ba ý nghĩ: không cần đổi mới. Khi anh dạy một con vật anh chỉ cần giữ cho nó đừng thay đổi chủ, đừng quên bài học, đừng quên nếp sống. Anh chi cần nhồi nhét vào óc nó sao cho nó thuộc một vài cử chỉ, thế là đủ. Không cần gì hơn. (…) Một ông vua nhiều khuyết điểm tất nhiên không muốn phô bày cái ngốc nghếch của mình ra. Dân không thể biết ông ta là người như thế nào. May thay cho những con người trong một nước như thế, họ chỉ cần biết một cái tên của con người đang cai trị mình mà thôi! (…) Ở đây, sức mạnh không có trong nhà nước mà có trong quân đội, quân đội đã tạo dựng ra nhà nước. Muôn bảo tồn nhà nước thì phải bảo tồn quân đội. Như thế, quân đội cũng trở nên đáng sợ đối với cả nhà vua. Vậy phải làm thế nào kết hợp được sự an toàn của nhà nước với sự an toàn của cá nhân nhà vua… (…) Trong những nước như thế, tôn giáo có nhiều ảnh hưởng hơn ở các nước khác. Một thứ sợ hãi góp thêm vào một sự sợ hãi có sẵn. Trong các nước Hồi giáo, dân chúng kính trọng vua ng một cách kỳ lạ chính là do một phần thông qua tôn giáo. Chính tôn giáo đã sửa chữa ít nhiều Hiến pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các thần dân quan tâm đến vinh quang và sự vĩ đại của nhà nước không phải vì danh diện mà vì sức mạnh đáng sợ và nguyên tắc của tôn giáo. (…) Ở đây không có các luật cơ bản. Quyền nối ngôi là do nhà vua quy định, chọn lựa, nội trong hoàng gia mà cũng có thể ngoài hoàng gia. Vua có thể chọn hoàng tử làm thái tử mà cũng có thể chọn người khác. Người nối ngôi có khi do vua đặt lên, có khi do các vị thượng thư, có khi do một cuộc nội chiến. Cho nên, một nhà nước chuyên thế dễ bị tan rã hơn một nhà nước quân chủ. (…) Qua những điều vừa nói ở trên, ta thấy dường như bản tính “người” sẽ không ngừng nổi dậy chống lại chính thể chuyên chế. Mặc dầu người ta yêu tự do, ghét bạo lực nhưng hầu hết vẫn cứ phải phục tùng. Điều này dễ hiểu thôi! Để tạo ra một nền cai trị vừa phải, người ta kết hợp các sức mạnh để điều chỉnh nó, ức chế nó và làm cho nó vận động, như là dùng một vật đối trọng cho lực này để hạn chế lực khác. Đây là một tuyệt tác về lập pháp, nhiều khi do ngẫu nhiên hơn là do sự khôn ngoan mà làm nên được. Một chính thể chuyên chế thì trái lại, họ dám làm điều ngang tai trái mắt: đâu đâu cũng một thứ đồng phục, chỉ cần một sở thích duy nhất là thứ đồng phục ấy, mọi người cứ mặc đồng phục là tốt rồi! (…) Chương 17: Những quà cáp (…) Trong một nước dân chủ, chuyện đút lót, quà cáp là điều ô nhục, vì đạo đức chính trị không cần đến động tác đó. Trong một nước quân chủ, danh diện là điều quý hơn cả quà cáp. Nhưng trong nước chuyên chế; đạo đức và danh diện đều không tồn tại, người ta hoạt động chỉ với một hy vọng là kiếm thêm được tiện nghi cho cuộc sống, cho nên việc quà cáp, hối lộ là bình thường, phổ biến. Với tư tưởng cộng hoà, Platon yêu cầu kẻ nào nhận quà cáp mới làm nhiệm vụ của mình thì phải chịu tội chết. Ông nói: “Không được nhận quà cáp, dù đó là của quý báu hay vật xoàng xĩnh”. Còn như ở Rome xưa có luật xấu là cho phép các quan nhận quà nhỏ không quá 200 đồng êquy một năm. Rõ ràng là những kẻ đưa quà đều mong được mang về món lợi to hơn món quà. Kẻ đã nhận một món quà sẽ mong được có món quà to hơn nữa, và họ cố tìm ra lý lẽ, hoặc viện cớ để tha thứ cho hành động tham nhũng của mình. QUYỂN VI: HỆ QUẢ CỦA NGUYÊN TẮC TRONG MỐI LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC ĐƠN GIẢN HÓA CÁC LUẬT DÂN SỰ, HÌNH SỰ, HÌNH THỨC XÉT XỬ VÀ PHƯƠNG THỨC TRỪNG PHẠT Chương 3: Trong chính thể nào và trong trường hợp nào người ta phán xử theo đúng văn bản luật pháp Chính thể càng gần với dân chủ thì cách phán xử càng cố định. Ở Rome, các quan chấp chính đầu tiên phán xử theo ý mình như các vị pháp quan (éphores) ở Sparte Hy Lạp thời xưa. Về sau, người ta thấy thế là bất lợi nên họ đặt ra các điều luật cụ thể để cứ theo từng điều mà phán xử. Ở các nước chuyên chế thì chẳng có luật nào cả. Ông quan cai trị với các phép tắc của ông ta là một. Ở các nước quân chủ thì có một luật. Gặp cảnh ngộ ngang trái không phù hợp với luật thì quan dùng đầu óc phán đoán của mình mà xử. Ở các nước dân chủ, có hiến pháp hẳn hoi, phán quan cứ theo đúng lời văn trong từng điều khoản của hiến pháp mà xét xử. Không có một điều luật nào có thể vận dụng đế làm hại đến tài sản, danh dự và sinh mạng của người công dân. Ở Rome xưa, pháp quan chỉ tuyên bố kẻ gây tội đã phạm vào điều luật nào và hình phạt được quy định luôn trong điều luật ấy, Ở nước Anh, quan toà xác định sự việc đang xét xử là có thật hay không. Nếu có thật thì toà tuyên án phạt theo đúng điều luật tương ứng, nêu không có thật thì thôi. Như vậy, chỉ cần mắt thấy tai nghe được sự việc là xác định được hình phạt. Chương 4: Phương pháp xác lập sự phán xét (…) Ở Rome, người ta học theo Hy Lạp, vận dụng “công thức hành vi” để dẫn dắt sự việc đúng theo hành vi của bản thân người có liên quan. Trong cách phán xét phải xác định hình thức câu hỏi để dân chúng dễ thấy được sự việc một cách hiển nhiên. (…) Các pháp quan Rome chỉ chấp nhận lời cung khai chính xác, không thêm, không bớt, không vặn vẹo. Nhưng những cung chứng còn nghĩ đến những công thức hành vi khác mà người ta gọi là “lòng thành” (bonne foi), mà cách trình bày của họ có thể tác động thêm vào sự cân nhắc của pháp quan. Điều này có phần phù hợp với tinh thần của chính thể quân chủ. Ngày nay, người Pháp thường nói: “Ở Pháp mọi hành vi đều có lòng thành”. (…) Chương 10: Các luật cổ xưa ở Pháp Người ta thấy các luật cổ xưa ở Pháp có tinh thần quân chủ. Khi phạt bằng tiền thì dân thường bị phạt nhẹ hơn quý tộc. Trái lại, khi xử tội thì quý tộc phạm tội bị truất danh dự trong triều đình, còn người dân thường không có danh vị gì thì phải chịu hình phạt thân thể. Chương 13: Sự bất lực của luật pháp Nhật Bản Các hình phạt quá đáng có thể hủy hoại ngay cả nền chuyên chế. Chúng ta hãy liếc nhìn qua Nhật Bản, ở đây hầu như tất cả các tội trạng đều bị phạt tử hình, vì bất tuân lệnh nhà vua là tội phạm rất to, người ta không đặt vấn để sửa chữa cho người phạm tội mà chỉ có vấn đề trả thù cho nhà vua. Mọi tư tưởng đều xuất phát từ lòng trung thành với Thiên hoàng. Ông ta là chủ sở hữu của mọi thứ, nên hầu hết các tội phạm đều bị coi là trực tiếp chống lại lợi ích của ông ta. (…) Chương 14: Tinh thần của Viện Nguyên lão ở Rome Ở Rome, có trường hợp chỉ bắt người phạm tội nộp một món tiền phạt (theo luật Acilia), rồi sau này anh ta không được ứng cử vào Viện Nguyên lão hay là pháp quan. Như vậy là để chấm dứt mọi thứ chạy chọt lộn xộn. Dion nói: Viện Nguyên lão đưa ra luật này là vì trước đó, ông Bảo dân quan đã thiết lập hình phạt ghê gớm, khiến dân chúng phải chịu đựng nặng nề. Viện Nguyên lão cho rằng hình phạt quá mức chỉ gieo rắc sợ hãi trong dân. Nhưng phạt nặng thì mới có hiệu quả, sau đó ít người bị tố cáo, ít người phạm tội. Trái lại, phạt nhẹ quá thì lúc nào cũng có người bị tố cáo và phải lập toà án luôn. Chương 16: Tỷ lệ công bằng giữa hình phạt và tội phạm Vua Charles II thấy người bị treo lên cột, ông hỏi: Tại sao hắn bị phạt? – Vì hắn làm thơ châm biếm các vị bộ trưởng ạ! – Hắn ta điên rồi – vua nói – nếu hắn viết thư châm biếm gửi thẳng cho ta thì chẳng bị ai phạt cả đâu! Lại còn chuyện của Basile bị 70 người âm mưu làm phản nhưng ông chỉ đánh roi và đốt trụi râu tóc họ. Trái lại, khi ông dùng dây và gậy đánh bẫy được con nai mà có người dùng gươm chặt đứt dây, giải thoát con nai thì vua ra lệnh chém đầu anh ta, với lý do anh ta đã dùng gươm xúc phạm đến bản thân nhà vua. Ở Trung Hoa, bọn trộm cướp tàn ác bị xử tội tùng xẻo, còn bọn phạm các tội khác thì không bị phạt nặng như thế. Ở Nga, kẻ ăn trộm và kẻ giết người đều bị phạt ngang nhau, vì vậy luôn luôn có tệ nạn giết người. Dân chúng nói: người chết không kể lại được tội gì cả. Đã không phân biệt các loại hình phạt thì phải có cách khoan hồng để gây hy vọng, ở nước Anh không ai giết người, vì kẻ trộm cắp còn hy vọng được đưa sang các nước thuộc địa, chứ kẻ giết người thì phải xử ở trong nước, không được đuổi ra thuộc địa. Chương 17: Tra tấn hay hỏi cung người phạm tội Vì có nhiều người tàn ác, nên luật pháp phải giả định như là người đời không đến nỗi tàn ác như thế. Có hai nhân chứng thì đủ cho kẻ phạm tội bị trừng phạt. Luật pháp tin vào nhân chứng, coi lời nói của họ là phát ngôn của sự thật. Người ta xác định mọi đứa con được thai nghén trong hôn thú là con hợp pháp, vì tin rằng người mẹ là hiện thân của sự trinh bạch.32Nhưng việc tra khảo kẻ phạm tội không giống như vấn đề nhân chứng nói trên. Ngày nay, ở một nước rất văn minh33đã hủy bỏ việc tra khảo, vì về bản chất, việc tra khảo là không cần thiết34. Biết bao người khôn khéo, bao thiên tài giỏi giang đã viết để chống lại việc tra khảo. Tôi không dám nói gì thêm sau họ. Tôi sẽ nói rằng việc tra khảo có thể thích hợp trong chính thể chuyên chế, vì mọi thứ gây sợ hãi đều nằm trong động cơ của chính thể này. Tôi sẽ nói đến những người nô lệ ở Hy Lạp và Rome từng bị đánh đập… Nhưng tôi đang nghe thiên nhiên phán bảo tôi đừng nói nữa. Chương 18: Phạt tiền và phạt thân thể Ông cha ta xưa ở Đức chỉ chấp nhận phạt tiền. Những con người chinh chiến và tự do ấy chỉ thích được tuôn máu khi có vũ khí trong tay. Người Nhật thì trái lại, không chấp nhận phạt tiền, vì phạt tiền thì bọn giàu có sẽ luồn lọt, tránh được hình phạt. Nhưng phải chăng người giàu không sợ mất của cải? Những món tiền phạt phải chăng không thể tương ứng một tỷ lệ nào đó với gia tài của họ? Và cuối cùng cũng có thế làm cho họ mất cả thanh danh nữa chứ! Nhà lập pháp giỏi sẽ giữ đúng vị trí của mình: không phải lúc nào cũng phạt tiền, và không phải lúc nào cũng dùng hình phạt thân thể. Chương 19: Về luật miếng trả miếng Các nhà nước chuyên chế thích những luật giản đơn. Nhiều khi người ta vận dụng luật “miếng trả miếng”. Các nhà nước loại ôn hoà cũng thỉnh thoảng dùng đến luật này, nhưng có chỗ khác là không hà khắc như bọn chuyên chế; mà luôn luôn giữ mức vừa phải. Bộ “Luật 12 bảng” thời Rome cổ đại chấp nhận hình phạt “miếng trả miếng” trong trường hợp nếu không có cách gì làm dịu sự căm phẫn của phía bị thiệt hại. Ngoài ra, sau khi tuyên phạt kẻ phạm tội một mức vừa phải, còn bắt y bồi thường quyền lợi cho người bị thiệt và đổi hình phạt thân thể “miếng trả miếng” ra thành phạt tiên. Chương 20: Phạt cha vì tội của con Ở Trung Hoa, người ta phạt cha vì tội của các con. Cách này ở Pérou cũng thường áp dụng. Đây còn là cách thể hiện của tư tưởng chuyên chế. Ở Trung Hoa, người ta còn lý giải rằng, sở dĩ người cha bị phạt như thế là vì ông ta không thực hiện tốt chức năng làm cha mà thiên nhiên đã trao cho và luật pháp cũng buộc người cha phải làm. Như vậy, người ta luôn luôn giả định rằng ở Trung Hoa không có vấn đề danh diện. Ở Pháp35chúng ta, nếu ông cha có những người con phạm tội, hoặc con cái có người cha phạm tội thì bị phạt bằng cách làm cho mất danh dự tương ứng, nếu như ở Trung Hoa thì họ bị mất đầu. QUYỂN VII: HỆ QUẢ CỦA CÁC NGUYÊN TẮC KHÁC NHAU TRONG BA CHÍNH THỂ LIÊN QUAN TỚI LUẬT HẠN CHẾ XA HOA VÀ ĐIỀU KIỆN PHỤ NỮ Chương 1: Về sự xa hoa Xa hoa luôn luôn tỷ lệ thuận với tình trạng bất bình đẳng về tài sản. Nếu trong một nước, của cải đuợc phân bổ công bằng thì sẽ không có xa hoa. Xa hoà là dựa trên những tiện nghi sắm được bằng lao động của kẻ khác. (…) Trong chính thể cộng hoà theo kiểu Platon, sự xa hoa có thể tính được chính xác và định ra bốn mức thuế. Mức thứ nhất đánh vào người đã chấm dứt nghèo khổ. Mức này coi là bậc xa hoa số không. Mức thứ hai cao gấp đôi mức thứ nhất, được coi là bậc một xa hoa. Mức thứ ba cao gấp ba mức thứ nhất, được coi là bậc hai xa hoa. Mức thứ tư cao gấp bốn mức thứ nhất, được coi là bậc ba xa hoa…, và cứ thế theo toán học mà tính thuế (…). Người sau xa hoa gấp đôi người trước thì cách tính cộng thêm một đơn vị theo cách luỹ tiến: 0, 1, 3, 7, 15, 31, 63, 127… (…) Càng có nhiều dân số trong một vùng thì con người càng trở nên kiêu sa và họ nảy sinh ham muốn được trội hơn người khác bằng những thứ nhỏ nhặt (…). Một số người nghĩ rằng tập hợp thêm dân chúng vào thủ đô thì buôn bán sẽ giảm đi, vì người ta ở gần nhau hơn. Tôi không tin như thế. Tụ tập lại với nhau người ta càng thêm nhiều dục vọng, nhiều nhu cầu, nhiều thị hiếu xa hoa, nên buôn bán tất nhiên càng tăng. (…) Chương 7: Hệ quả tai hại của tệ xa hoa ở Trung Hoa Trong lịch sử Trung Hoa, hai mươi hai triều đại nối tiếp nhau. Ba triều đại đầu kéo dài vì cai trị thông minh và đất nước chưa rộng lắm. Nhưng cũng có thể nói chung là các triều đại đều khá trong giai đoạn đầu. Tính đạo đức, cẩn thận, cần mẫn rất cần cho buổi đầu của mỗi triều đại, nhưng về sau những đức tính ấy mất dần đi. Thường là các ông vua đầu triều đại chịu đựng gian khổ qua chiến chinh, đã đánh đổ ông vua trước đang chìm trong xa hoa, lạc thú. Nhưng đến đời vua thứ ba, thứ tư thì bị thói xa hoa, đồi bại, lười biếng, trác táng quyến rũ. Họ khép mình trong cung điện, đầu óc thoái hóa, đời sống rút ngắn lại, hoàng tộc cũng suy vi. Các vị đại thần ngoi lên. Bọn hoạn quan được tin dùng. Bọn họ đặt mấy chú bé con lên ngai vàng. Cung điện trở thành kẻ thù của đất nước. Bọn ăn không ngồi rồi trong cung đình bòn rút hết của cải của người lao động. Thế rồi ông vua bị một tên gian hùng thoán đoạt giết hại hoặc thanh toán đi. Một triều đại mới xuất hiện để rồi các ông vua thứ ba, thứ tư của nó lại chìm trong cung điện chẳng khác gì triều đại cũ. Chương 17: Phụ nữ cầm quyền cai trị Thật là trái với lý trí và trái cả tự nhiên khi mà đàn bà làm chủ trong gia đình như chuyện ở Ai Cập, nhưng chuyện đàn bà cầm đầu cả quốc gia thì chẳng có gì là trái với lý trí và trái tự nhiên. Ở trong nhà, người đàn bà mềm yếu nên không được phép nắm quyền. Còn như việc nước thì người đàn bà giỏi giang, mềm yếu nhưng thường có đức tính dịu dàng và mức độ vừa phải khiến cho nền cai trị được tốt hơn đức tính cứng rắn và hung bạo của đàn ông. Ở Ấn Độ, người ta thấy đàn bà cai trị là tốt. Có lệ rằng, nếu hoàng tử không cùng dòng máu với nữ hoàng thì công chúa đích danh con của nữ hoàng sẽ lên ngôi. Người ta sẽ đặt một vài người năng cán giúp công chúa đảm đương gánh nặng quốc gia. Theo sách “Du lịch ở Guinée” của M. Smith thì đàn bà ở châu Phi cai trị đất nước cũng rất hay. Còn như ở Nga và ở Anh, các nữ hoàng thành công cả trong chính thể chuyên chế và trong chính thể quân chủ ôn hoà. QUYỂN VIII: SỰ SA ĐOA TRONG NGUYÊN TẮC CỦA BA LOẠI CHÍNH THỂ Chương 1: Ý chung của quyển này Sự sa đọa của mỗi chính thể hầu như bao giờ cũng bắt đầu từ sa đọa trong nguyên tắc của chính thể ấy. Chương 2: Sự sa đọa trong nguyên tắc của chính thể dân chủ Nguyên tắc của chính thể dân chủ tự nó sa đọa chẳng những khi người ta để mất tư tưởng bình đẳng, mà còn trong trường hợp người ta hiểu tư tưởng bình đẳng một cách cực đoan, và mọi người đều muốn ngang bằng với các vị mà họ đã bầu làm người điểu khiển xã hội. Như thế là dân chúng không chịu nổi chính quyền mà họ đã ủy thác. Họ muốn tự mình làm lấy tất cả, bàn cãi thay cho viện nguyên lão, hành pháp thay cho quan chấp chính và xét xử thay các vị thẩm phán. Nếu như thế thì trong chính thể dân chủ không còn đạo đức nữa. Người ta không còn kính trọng nhà cầm quyền. Quyết định của viện nguyên lão mất trọng lượng. Đã coi thường các nguyên lão nghị viện thì người ta cũng không kính nể người già cả; con không hiếu thảo với cha mẹ, vợ không kính trọng chồng, đầy tớ không phục tùng chủ. Mọi người thích cái kiểu “tự do quá trán” (libertinage) ấy. Dần dần việc chỉ huy cũng như việc tuân lệnh trở thành phiền toái (…). Phong tục, tập quán, lòng yêu trật tự, rồi đến cả đạo đức đều không còn nữa. Cuốn sách “Đại tiệc” của Xénophon đã khéo vẽ nên một nước cộng hoà