🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bàn Về Khế Ước Xã Hội
Ebooks
Nhóm Zalo
Khế ước xã hội
Du Contrat Social Jean-Jacques Rousseau
Jean-Jacques Rousseau
KHẾ ƯỚC XÃ HỘI
Du Contrat Social
Học Viện Công Dân
2006-2007
MỤC LỤC
Lời Giới Thiệu......................................................................................1
QUYỂN I
1 Đề tài của Chương 1........................................................................13 2 Các xã hội đầu tiên ..........................................................................14 3 Quyền của kẻ mạnh nhất .................................................................17 4 Chế độ nô lệ.....................................................................................19 5 Chúng ta phải luôn luôn trở về một quy ước đầu tiên .....................25 6 Khế ước xã hội: ...............................................................................27 7 Hội đồng Tối cao.............................................................................30 8 Trạng thái Dân sự ............................................................................33 9 Quyền sở hữu bất động sản .............................................................35
QUYỂN II
1 Quyền Tối thượng không thể chuyển nhượng được........................41 2 Quyền Tối thượng không thể phân chia được .................................43 3 Ý chí Tập thể có sai lầm không? .....................................................45 4 Các giới hạn của quyền tối thượng..................................................47
I
5 Quyền sống và chết .........................................................................52 6 Luật pháp.........................................................................................55 7 Nhà làm luật ....................................................................................59 8 Dân chúng........................................................................................64 9 Dân chúng (tiếp theo)......................................................................67 10 Dân chúng (tiếp theo)....................................................................70 11 Các hệ thống pháp luật ..................................................................74 12 Sự phân chia luật lệ .......................................................................77
QUYỂN III
1 Tổng quát về chính quyền ...............................................................81 2 Nguyên tắc cấu tạo các loại chính quyền ........................................88 3 Phân chia các loại chính quyền .......................................................91 4 Chính quyền dân chủ.......................................................................93 5 Chính quyền quý tộc........................................................................96 6 Chính quyền quân chủ.....................................................................99 7 Các chính quyền hỗn hợp ..............................................................106
8 Không phải mô hình chính quyền nào cũng thích hợp với mọi quốc gia .....................................................................................................108
9 Các dấu hiệu của một chính quyền tốt...........................................114
10 Sự lạm dụng quyền hành và khuynh hướng thoái hóa của chính quyền ................................................................................................117
11 Sự tiêu diệt của một cơ cấu chính trị ...........................................121
12 Hội Đồng Tối Cao tự duy trì bằng cách nào?..............................123 13 Hội đồng Tối cao tự duy trì bằng cách nào? (tiếp theo)..............125 14 Hội đồng Tối cao tự duy trì bằng cách nào? (tiếp theo)..............127 15 Nghị Viên hay Đại Diện..............................................................129 16 Sự thành lập chính phủ không phải là một khế ước ....................134 17 Thành lập chính quyền ................................................................136 18 Làm sao ngăn chặn các sự lấn quyền của chính quyền ...............138
QUYỂN IV
1 Ý chí tập thể không thể bị tiêu diệt................................................143 2 Sự đầu phiếu..................................................................................146 3 Bầu cử............................................................................................150 4 Những Dân Hội La Mã..................................................................153 5 Pháp Chế Nghị Viện......................................................................165 6 Sự độc tài.......................................................................................168 7 Tòa Kiểm duyệt.............................................................................172 8 Tôn giáo dân sự .............................................................................175 9 Kết luận .........................................................................................189
III
Lời Giới Thiệu
Tác phẩm
Jean-Jacques Rousseau ra đời trong Thời kỳ Khai sáng (Enlightenment) trong thế kỷ 18 của Âu châu. Tư tưởng và học thuật trong Thời kỳ Khai sáng chú trọng về lý tính (rationalism) và thực nghiệm. Trên căn bản duy lý và thực nghiệm, các triết gia thời kỳ này phủ nhận lề lối tư duy truyền thống về xã hội, tôn giáo, chính trị, và đề cao vai trò của khoa học. Họ đã từng tuyên bố: khoa học sẽ cứu chúng ta. Trong bài luận văn đoạt giải thưởng của Hàn lâm viện Dijon năm 1749, Rousseau đã tạo cho mình một tư thế riêng khi đưa ra những lập luận bác bỏ toàn bộ những tư duy thời thượng bấy giờ. Ông lập luận rằng càng văn minh thì đạo đức càng băng hoại, khoa học không cứu rỗi được con người, và “tiến bộ” chỉ là ảo tưởng, văn minh hiện đại không làm con người hạnh phúc hay đạo đức hơn. “Hạnh phúc chỉ đến với con người trong tình trạng thiên nhiên,” và đức hạnh chỉ xảy ra trong một xã hội đơn giản, nơi con người sống đời sống đạm bạc, chân chất. Những phát minh của khoa học, những sáng tạo của nghệ thuật, theo ông, chỉ là những “chùm hoa phủ lên trên xiềng xích trói buộc con người, khiến họ quên đi sự tự do nguyên thủy có từ lúc mới sinh ra, và quên đi mất là đang cam thân làm nô lệ trong kiếp sống văn minh.”1 Về điểm này, tư tưởng của Rousseau khá gần với Mặc Tử, nhà tư tưởng cổ Trung Hoa, người chủ trương thuyết công lợi và lên án các sự xa xỉ, xa hoa; ngay cả âm nhạc cũng bị Mặc tử lên án là vô bổ, làm sa đọa con người (trong khi Nho gia có cả Kinh Nhạc trong Ngũ Kinh). Mặc dù tư tưởng của Rousseau trực tiếp phản bác tư duy đương thời, Hàn lâm viện Dijon vẫn trao giải nhất cho luận đề của ông. Đây cũng là nền tảng tư tưởng của Rousseau để từ đó ông viết nên tác phẩm bất hủ Khế ước Xã hội.
1 The Essential Rousseau, Discourse, trang 208, New American Library, 1974. Bản dịch sang Anh ngữ của Lowell Bair.
Jean-Jacques Rousseau
Khế ước Xã hội gồm 4 quyển, mỗi quyển có từ mười tới mười lăm chương. Trong lời mở đầu Rousseau viết: “Với bản chất con người như ta biết, và với tính chất có thể xẩy ra của luật pháp, tôi muốn tìm xem trong trật tự của một xã hội dân sự có thể có một luật lệ cai trị nào cho chắc chắn và hợp tình hợp lý...” Trong cuộc hành trình này, Rousseau cũng như các nhà tư tưởng trước ông như Thomas Hobbes và John Locke đều bắt đầu từ nguyên thủy, nhận diện con người trong trạng thái thiên nhiên của nó. Mở đầu chương thứ nhất Rousseau viết: “Con người sinh ra được tự do, nhưng ở đâu nó cũng bị xiềng xích.” Đối với Rousseau, tự do là điều kiện thiết yếu để con người là một con người. Trong trạng thái thiên nhiên mỗi con người là chủ của chính mình, nhưng từng cá nhân một không thể chống chỏi với thiên nhiên để tự tồn mà phải cùng chung sống với nhau hầu có đủ sức để sống còn.
Từ xã hội sơ khai đầu tiên là gia đình, con người quần tụ lại thành những cộng đồng lớn hơn, nhưng trong cộng đồng lớn hơn này cần phải có luật lệ để điều hành trật tự sao cho phúc lợi và tự do của mỗi người vẫn được bảo đảm. Câu hỏi được đặt ra là ai sẽ là “người” đặt ra những luật lệ này khi mỗi cá nhân đều bình đẳng như nhau? Rousseau phủ nhận mô thức chính quyền quân chủ do Grotius và Hobbes đề ra, và lý giải rằng một xã hội dân sự hợp lý, hợp tình chỉ có thể được tạo nên bởi sự thỏa thuận của mọi người tham gia. Hay nói một cách khác bởi một khế ước xã hội do mọi người cùng lập nên và mọi người phải tuân thủ. Rousseau viết: “Cái mà con người mất đi khi chấp nhận khế ước xã hội là sự tự do thiên nhiên và sự vô giới hạn trong những việc anh ta muốn làm và muốn giữ khi chiếm được; bù lại cái mà anh ta nhận được là sự tự do trong văn minh và quyền sở hữu chính đáng những gì mà anh ta có.” “Người” có thẩm quyền làm ra luật để cai trị một cộng đồng lập nên bởi khế ước xã hội, theo Rousseau, không ai khác hơn là tất cả mọi người đồng trao quyền đó cho một con người nhân tạo gọi là “Hội đồng Tối cao” (sovereign) bao gồm tất cả mọi người; con người nhân tạo này khi được thành hình bởi khế ước xã hội có đời sống và ý chí riêng. Ý chí riêng của con người nhân tạo này là ý chí của cả tập thể, gọi là “ý chí tập thể”
2
Khế ước xã hội
(general will) chỉ nhằm đạt tới cái tốt chung cho cả cộng đồng, chứ không phải là ý chí của tất cả mọi thành viên (will of all) bao gồm ý chí và quyền lợi riêng tư của mỗi thành viên khác hơn quyền lợi của tập thể.
Trong chương 6 (quyển I) luận về Khế ước xã hội, Rousseau đã phân định con người nhân tạo thành nhiều loại khác nhau tùy theo trạng thái hoạt động của tác nhân này, từ Cộng đồng dân chúng (city)– có lẽ Rousseau theo các tác giả thời trước muốn nói đến các thị-quốc (city-state) của Hy lạp; ngày nay thuật ngữ này không còn được dùng nữa, đến Cộng hòa (Republic) hay là Cơ cấu chính trị (body politic), cho đến Hội đồng tối cao 2khi hoạt động và Nhà nước (State) khi không hoạt động. Chính Rousseau cũng thú nhận là cách phân định như vậy dễ làm người đọc thời đó nhầm lẫn, chưa kể đến người đọc thời nay khi các thuật ngữ trên đã được hiểu và định nghĩa khác đi rất nhiều. Điểm quan trọng Rousseau muốn nhấn mạnh là khi khế ước xã hội được lập thành, tức khắc nhà nước được khai sinh, và chủ quyền tối thượng của nhà nước nằm trong tay nhân dân, những người lập nên nhà nước này, chứ không nằm trong tay chính quyền (chương7, q. I). Các thành viên của nhà nước trở thành công dân. Hội đồng tối cao, như đã trình bày, chỉ là một khái niệm trừu tượng, phản ảnh ý chí tập thể qua luật pháp. Ý chí tập thể, Rousseau lý giải trong Chương 4 (q. II), phải “mang tính tổng quát trong mục đích cũng như trong bản chất, và phải phát xuất từ tất cả để áp dụng cho tất cả.” Từ nhận định này, Rousseau kết luận là không một ai, kể cả vị quân vương, có thể đứng trên pháp luật.
Tuy nhiên, Hội đồng tối cao chỉ là một tác nhân trừu tượng, cần có một thực thể để làm luật và thi hành pháp luật. Rousseau nhấn mạnh là cần có hai cơ quan tách biệt hoàn toàn để phụ trách hai nhiệm vụ này. Chính quyền, còn gọi là cơ quan hành pháp, là “cơ quan trung
2 Theo ghi chú của Robert Derathé, Rousseau dùng từ sovereign để chỉ toàn thể dân chúng Geneva khi nhóm họp thành một đại hội đồng, có chủ quyền tối thượng trên mọi vấn đề của thị-quốc Geneva.
3
Jean-Jacques Rousseau
gian làm nhiệm vụ truyền thông giữa người dân và Hội đồng tối cao, và thi hành luật pháp cũng như bảo đảm tự do dân sự và chính trị.” Chính quyền, hay người đứng đầu guồng máy chính quyền, do đó, chỉ là những nhân viên thừa hành, có ăn lương, nhân danh Hội đồng tối cao sử dụng quyền lực được trao cho để thi hành pháp luật. Quyền lực này có thể bị Hội đồng tối cao giới hạn hay thu hồi bất cứ khi nào. Đó là trên lý thuyết, trên thực tế, Rousseau nhận thấy có một vấn nạn là khi nắm giữ quyền lực trong tay, chính quyền dễ có khuynh hướng lạm dụng quyền hành, và khi chính quyền càng cần nhiều quyền lực để điều hành thì chủ quyền tối thượng cũng cần có quyền lực tương đương để kềm chế chính quyền khỏi lạm dụng quyền hành (chương 1, q. III). Thêm vào đó, quyền lập pháp là quyền riêng biệt, chỉ có thể nằm trong tay của Hội đồng tối cao–bao gồm tất cả mọi công dân mà chỉ nghĩ đến cái tốt chung cho cả tập thể. Đó chính là vấn nạn vì để cho luật pháp thể hiện cái tốt chung cho cả tập thể, quyền lợi riêng tư phải được gạt bỏ ra ngoài mỗi cá nhân. Rousseau viết: “cần phải có một người có sự thông minh siêu tuyệt để có thể thấu hiểu những nhiệt tình của con người mà vẫn không bị ảnh hưởng của thất tình, lục dục, một con người mà hạnh phúc độc lập với con người nhưng lại quan tâm đến hạnh phúc của con người, một con người mà sẵn sàng làm việc ở đời này cho kết quả ở đời sau” để làm luật, và Rousseau kết luận, chỉ có Thượng đế mới là một con người như vậy. Cả hai vấn nạn về quyền hành pháp và lập pháp Rousseau không có câu trả lời, nhưng cả hai vấn nạn này sẽ được các nhà sáng lập ra Hiệp chúng quốc Hoa kỳ giải quyết trong Luận cương về chế độ liên bang, khi soạn thảo hiến pháp cho đất nước của họ.
Trong quyển III, Rousseau luận về các hình thức chính quyền. Khi Hội đồng tối cao đặt chính quyền vào trong tay của tất cả công dân hay đa số công dân thì chính quyền đó được gọi là dân chủ; khi chính quyền nằm trong tay của một thiểu số, nghĩa là thường dân đông hơn quan chức, chính quyền đó được gọi là quý tộc; khi chính quyền nằm trong tay một cá nhân, chính quyền đó được gọi là quân chủ, và cuối cùng là chế độ hỗn hợp của các chế độ trên. Những thuật ngữ này Rousseau dùng khác với nghĩa chúng ta hiểu ngày nay. Ông cũng
4
Khế ước xã hội
phân tích các ưu và khuyết điểm của từng thể chế. Dân chủ, theo Rousseau, chỉ thích hợp cho một nước nhỏ khi tất cả mọi người đều tham gia nghị luận chính sách (nhận định này ngày nay không đúng nữa). Quý tộc lại được chia làm ba loại: tự nhiên, bầu cử và gia truyền. Quý tộc tự nhiên là hình thức chính quyền do các bậc trưởng lão điều hành, thích hợp cho các dân tộc sơ khai (hình thức bộ lạc). Hình thức chính quyền “quý tộc” do bầu cử có nhiều ưu điểm, khi quần chúng bầu ra những người có khả năng, kiến thức và kinh nghiệm. Hình thức này gần với thể chế cộng hòa ngày nay. Quân chủ, theo Rousseau, không phải là chế độ lý tưởng và tiềm ẩn nhiều hiểm nguy cho Chủ quyền tối thượng, trước hết là quyền lợi riêng tư của nhà vua có thể không tương đồng với quyền lợi của nhân dân, thứ đến là sự bổ nhiệm quan chức rất có thể không được căn cứ trên tài năng mà trên tình cảm hoặc tư lợi của nhà vua, và sau cùng là tính gia truyền không bảo đảm người kế vị có đủ tài đức của một vị vua.
Con người nhân tạo "Hội đồng tối cao", hay Cơ cấu chính trị cũng như một con người thường, có sinh và có diệt. Rousseau ví quyền lập pháp như trái tim của nhà nước, quyền hành pháp là bộ óc điều khiển các chi thể hoạt động. Khi bộ óc bị tê liệt, con người vẫn có thể còn sống dù chỉ sống như thực vật, nhưng khi quả tim ngừng đập thì con người sẽ chết. Cũng cùng một thể ấy, cơ cấu chính trị sẽ chết khi người dân thờ ơ với nghĩa vụ công dân của họ nhất là trong lãnh vực lập pháp (chương 11, q. III). Không những chỉ trong lĩnh vực lập pháp, “khi công dân không còn quan tâm đến việc phục vụ công ích nữa, và thích phục vụ quốc gia bằng tiền hơn là chính bản thân họ, thì quốc gia đó sắp sửa tiêu vong.” Nhưng làm thế nào để bảo đảm sự trường tồn của quốc gia, của nhà nước, khi con người luôn đặt quyền lợi cá nhân lên trước quyền lợi tập thể? Trong chương 8, quyển IV, Rousseau luận về một loại tôn giáo của dân sự, khác với tôn giáo của tín ngưỡng. Tôn giáo của tín ngưỡng, đặc biệt là Thiên Chúa giáo của Âu châu, không phù hợp với con người dân sự, vì tôn giáo dạy con người yêu mến vương quốc trên trời, chứ không phải đất nước dưới đất; dạy con người chịu đựng khổ đau, chứ không dạy con người chống lại cường quyền (quan niệm này của Rousseau gần với quan
5
Jean-Jacques Rousseau
niệm Marxist về tôn giáo). Rousseau cho rằng đó không phải là đức tính công dân, ông đề nghị nhà nước phải đứng ra giáo dục công dân về lòng yêu nước, về bổn phận, nghĩa vụ và đạo đức công dân.
Khi đặt bút viết Khế ước Xã hội, Rousseau minh định là tìm xem đâu là nguyên lý chính đáng thiết lập nên nhà nước và chính quyền dân sự. Nhà nước được lập nên bởi một khế ước do tất cả mọi người dân đồng thuận, trao quyền lực chính trị cho chính quyền là những người công bộc của dân để điều hành đất nước theo nguyện vọng và ý chí tập thể. Quyền lực chính trị của chính quyền sẽ bị thu hồi bất kỳ lúc nào, nếu chính quyền không làm đúng chức năng được nhân dân giao phó. Khế ước Xã hội, do đó, được coi là bản họa đồ xây dựng một thể chế dân chủ-cộng hòa hiểu theo nghĩa ngày nay, một chính quyền “của dân, do dân và vì dân”. Những vấn nạn Rousseau nêu ra về vai trò tuyệt đối vô tư của Lập pháp, về sự tiếm quyền của hành pháp đã được các nhà sáng lập ra nước Mỹ giải quyết bằng nguyên tắc phân quyền và đại biểu dân cử. Dĩ nhiên, không có chế độ nào có thể được coi là hoàn hảo, nhưng như Churchill đã nói: “Dân chủ không phải là một chế độ hoàn hảo, nhưng còn khá hơn bất kỳ một chế độ nào đã từng có trong lịch sử loài người,” và sau này Thủ tướng Nehru của Ấn độ cũng đồng tình: “Dân chủ là một chế độ tốt vì mọi chế độ khác đều tệ hơn rất nhiều.” Nền tảng tư tưởng chính trị của Rousseau, thể hiện trong Khế ước Xã hội–nhà nước được thiết lập bởi một khế ước xã hội, quyền lực chính trị thuộc về toàn dân, và nhận định về vai trò tôn giáo trong xã hội–đã tấn công thẳng vào chế độ chính trị đương thời, và khiến cho tác phẩm này bị liệt vào hàng các Tư tưởng Nguy hiểm và bị đốt tại Paris và Genève. Rousseau phải lưu vong sang Anh sống dưới sự bảo bọc của David Hume (một triết gia chủ trương thuyết công lợi). Năm 1767 Rousseau trở về Pháp và mất năm vào năm 1778. Khế ước Xã hội đã từng bị đốt, nhưng không ai có thể tiêu diệt được tư tưởng, và tư tưởng của Rousseau đã góp phần không nhỏ vào cuộc Cách mạng Dân chủ Nhân quyền Pháp năm 1789, sự hình thành Hiến pháp Hoa kỳ 1787, và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948.
6
Khế ước xã hội
Thân thế và Sự nghiệp
Jean-Jacques Rousseau sinh ngày 28 tháng 6 năm 1712 tại Genève, Thụy sĩ, trong một gia đình lao động. Thân phụ của Rousseau là Isaac Rousseau, một người thợ sửa và chế tạo đồng hồ. Gia đình Rousseau là người gốc Pháp di cư sang Thụy sĩ hơn một trăm năm trước để tránh bị bách hại vì theo đạo Tin Lành.3 Thuở thiếu thời, Jean-Jacques gặp nhiều bất hạnh, vì mẹ ông mất ngay sau khi ông mở mắt chào đời; vì thế ông phải than lên rằng: “Ngày sinh của tôi là nỗi bất hạnh đầu tiên trong những bất hạnh của cuộc đời.” Lúc còn nhỏ Jean-Jacques được cha dạy đọc và viết, nhưng thừa hưởng tính ham đọc sách của cha, ngay từ năm 7 tuổi, ông đã cùng cha đọc hết cuốn sách này sang cuốn sách khác, nhiều lúc cho tới sáng. Trong thời gian này ông đã được đọc những cuốn sách thuộc loại kinh điển như Cuộc đời của Plutarch hay Sử Ký của Tacitus. Khi Jean-Jacques được 10 tuổi, một bất hạnh khác xảy ra khi cha ông–một người yêu nếp sống thiên nhiên và săn bắn–bị cáo buộc là đi săn trộm đã rút gươm chống lại cảnh sát, phải bỏ trốn sang xứ khác, để lại Jean-Jacques và người anh trai cho bà dì Bernard nuôi. Nhưng cũng chẳng bao lâu sau đó, dì Bernard cũng không nuôi nổi Jean-Jacques cùng với đàn con của bà, nên Jean Jacques lại được gửi đi nhờ một cha xứ ở ngoại ô Genève nuôi hộ. Tại đây Jean-Jacques chỉ được học Kinh Thánh, số học và các bài giảng đạo. Cũng tại đây Jean-Jacques bị một trận đòn oan và sự kiện này đã tạo ấn tượng sâu sắc cho một cậu bé mới mười một, mười hai tuổi, và là động lực khiến Jean-Jacques sau này viết nên Émile, tác phẩm về giáo dục nổi tiếng sau này.
Đến năm Jean-Jacques mười ba tuổi, thấy ông thông minh, nhanh nhẹn, cha xứ cho ông đi học nghề với người thợ làm nghề khắc chữ; trong suốt 5 năm làm việc này, Jean-Jacques tập được viết chữ thật
3Phong trào Cải cách Tôn giáo (Protestant) trong thế kỷ 16 do Martin Luther (người Đức) và Jean Calvin (người Pháp) khởi xướng khiến nhiều người Pháp theo Công giáo cải sang Tin Lành bị bách hại tôn giáo ngay trên chính quê hương của họ. Gia đình Rousseau, thuộc dòng Huguenots, cũng vì lý do tôn giáo di cư sang Thụy sĩ trong khoảng thời gian này.
7
Jean-Jacques Rousseau
đẹp. Nhưng ông thày dạy nghề, cũng như thày dạy chữ, là người thô lỗ, hay đánh đập và chửi bới học trò, nhất là khi thấy ông đọc sách. Sách vở đã là phương tiện giúp Rousseau chấp cánh thoát khỏi cảnh tù túng, khổ sở của một đứa trẻ mồ côi trong thành phố chật hẹp. Năm 16 tuổi Jean-Jacques từ bỏ cuộc đời tập sự khắc chữ và khung trời nhỏ hẹp đó để bắt đầu cuộc sống tự do nhưng cũng lắm gian truân của một nhà tư tưởng vĩ đại.
Trên bước đường trôi nổi, Rousseau may mắn được Phu nhân de Warrens cưu mang trong một thời gian ngắn (bà này sau trở thành tình nhân của Rousseau); trong thời gian này Rousseau được học âm nhạc. Máu giang hồ lại khiến Rousseau lên đường, tìm đường đến Paris. Rousseau phải làm đủ nghề để sinh sống, có lúc ông làm thư ký cho một nam tước, có lúc dạy nhạc để kiếm ăn, có lúc phải trộm táo, trộm lê cho đỡ đói. Cuộc sống giang hồ dạy cho Rousseau nhiều bài học bởi Rousseau có được óc nhận xét tinh tế, nhưng chưa bao giờ ông được học hành tử tế. Cuộc sống lang bạt cũng cho Rousseau cơ hội quan sát đủ hạng người từ thượng lưu cho đến cùng đinh trong xã hội, và giúp cho ông nhận diện được các tác động thực sự của xã hội trên những người bình dân, những người mà Rousseau cho là có “bản chất tốt lành.” Năm 25 tuổi nhân dịp trở lại thăm Phu nhân de Warrens, Rousseau nhận được một số tiền hương hỏa từ tài sản của mẹ ông, và vừa dạy nhạc, vừa kèm trẻ, Rousseau sống tương đối thanh thản không phải lo nghĩ về tiền bạc. Ông sống cách ly với thế nhân trong một căn nhà nhỏ, rồi bắt đầu sáng tác nhạc và tự đào luyện cho mình thành một nhà trí thức bằng cách “làm bạn” với Plato, Bacon, Copernicus, Newton, Galileo, Spinoza, và Locke. Chẳng bao lâu tiếng lành đồn xa về Rousseau, một thanh niên không những có học vấn uyên bác và tư duy độc đáo, mà còn đạo đức nữa, vì ông sống thực với triết lý sống của mình–một đời sống vật chất đơn giản đến mức khắc khổ như dân Sparta, không thỏa hiệp về tín ngưỡng, và không ngớt cổ võ cho sự bình đẳng giữa người với người. Khi đã nổi tiếng trong giới thượng lưu, Rousseau lên Paris và tại đây ông làm quen với những trí thức hàng đầu của Paris thời bấy giờ như Diderot (người soạn thảo Từ điển Bách khoa của Pháp), Condillac, d‟Alembert, vân vân. Tại đây
8
Khế ước xã hội
Rousseau gặp và yêu một cô gái giúp việc nhà, thất học tên là Thérèse le Vasseure. Thérèse ở với Rousseau cho đến khi Rousseau mất.
Sự nghiệp trước tác của Rousseau khởi đầu năm 1749 khi Viện Hàn lâm Dijon đặt ra một cuộc thi luận văn với chủ đề “Sự tiến bộ của văn minh làm băng hoại hay thăng tiến đạo đức?” Luận văn của Rousseau tuy đoạt giải thưởng của Hàn lâm viện Dijon, nhưng cũng tạo cho ông một thế đứng riêng biệt, tách khỏi giới trí thức – các triết gia philosophe – đương thời. Sau đó Rousseau viết một luận đề khác, cũng dự thi giải thưởng của Hàn lâm viện Dijon, với tựa đề “Luận đề về Căn nguyên của sự bất bình đẳng của con người.” Luận đề này còn giúp Rousseau nổi tiếng hơn nữa. Cuối thập niên 1750, Rousseau cho ra đời Tiểu thuyết Héloise và tạo nên một trường phái văn chương mới tách khỏi trường phái tân-cổ điển đương thời. Hai năm sau Tiểu thuyết Héloise, Rousseau viết Émile, một trứ tác về giáo dục có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của John Dewey, một triết gia và nhà giáo dục lừng danh của Hoa kỳ. Khế ước Xã hội cũng ra đời trong giai đoạn này, và mở đường cho cuộc Cách mạng Pháp và Tuyên ngôn Nhân quyền Pháp 1789.
© Học Viện Công Dân 2006
Tài liệu tham khảo:
– Jean-Jacques Rousseau –The Social Contract, bản dịch của Maurice Cranston, do Penguin Books xuất bản, 1968.
– The Essential Rousseau, bản dịch của Lowell Bair, do New American Books xuất bản, 1974.
9
Jean-Jacques Rousseau 10
QUYỂN I
KHẾ ƯỚC XÃ HỘI
Jean-Jacques Rousseau
Theo bản dịch của G.D.H. Cole
Ghi chú bằng số của Rousseau; ghi chú bằng chữ của HVCD
Với bản chất con người như ta biết, và với tính chất có thể xẩy ra của luật pháp, tôi muốn tìm xem trong trật tự của một xã hội dân sự có thể có một luật lệ cai trị nào cho chắc chắn và hợp tình hợp lý. Trong cuộc tìm kiếm này tôi sẽ luôn luôn cố gắng kết hợp cái do quyền cho phép với cái do quyền lợi quyết định để cho lợi ích và công bằng sẽ không bao giờ bị tách rời nhau ra.
Tôi bắt tay vào việc mà không chứng minh tầm quan trọng của đề tài. Người ta sẽ hỏi tôi rằng tôi có phải là một quân vương hay là một nhà lập pháp chăng mà viết về chính trị. Tôi trả lời rằng tôi chẳng phải là ai hết, và vì lý do đó mà tôi viết về chính trị. Nếu tôi là một quân vương hay là một nhà lập pháp tôi sẽ không lãng phí thì giờ để nói chuyện cần phải làm gì, tôi sẽ cứ làm hoặc tôi sẽ im lặng.
Sinh ra là công dân một nước tự do, và là một thành viên của Cộng Đồng Genève, tôi cảm thấy rằng, dù ảnh hưởng tiếng nói của tôi trên công việc chung nhỏ đến đâu chăng nữa, cái quyền đầu phiếu của tôi trong các công việc đó cho tôi bổn phận phải nghiên cứu chúng. Và khi tôi suy ngẫm về các chính quyền, tôi lấy làm sung sướng thấy rằng các cuộc tìm kiếm của tôi luôn luôn cung cấp cho tôi những lý do mới để yêu chính quyền của nước tôi.
Jean-Jacques Rousseau 12
Khế ước xã hội
1
Đề tài của Chương I
Con người sinh ra tự do, nhưng ở bất cứ đâu nó cũng bị xiềng xích. Một kẻ tự cho mình là chủ của những kẻ khác, nhưng chính mình còn bị nô lệ hơn nữa. Sự thay đổi ấy xảy ra như thế nào? Tôi không biết. Điều gì có thể làm cho nó trở thành hợp pháp? Tôi nghĩ rằng tôi có thể
trả lời được câu hỏi này.
Nếu tôi chỉ đề cập đến sức mạnh và các tác dụng của sức mạnh gây ra, tôi sẽ nói rằng “Chừng nào mà một dân tộc bị bắt buộc vâng phục, và dưới áp lực của sức mạnh thì họ tiếp tục phải vâng phục một cách ngoan ngoãn. Một khi mà dân tộc ấy có thể vứt bỏ ách áp bức, và khi không còn bị sức mạnh nào kềm chế nữa, họ sẽ nhanh chóng tháo gỡ xích xiềng ngay. Bởi vì khi đoạt lại được tự do, bằng chính cái quyền đã bị lấy đi, thì hoặc là dân tộc đó có lý do chính đáng để dành lại sự
tự do, hoặc là kẻ kia không có lý do chính đáng nào để mà cướp nó.” Nhưng trật tự xã hội là một quyền thiêng liêng, một quyền căn bản làm nền móng cho tất cả các quyền khác. Tuy nhiên, quyền này không tự nhiên mà có, mà phải đặt căn bản trên các quy ước. Trước khi đi đến đó, tôi phải chứng minh những gì tôi đã đề cập đến.
13
Jean-Jacques Rousseau
2
Các xã hội đầu tiên
Xã hội kỳ cựu nhất, và là xã hội duy nhất có tính cách tự nhiên, là gia đình, và ngay cả như vậy, con cái chỉ duy trì sự liên hệ với người cha chừng nào mà chúng còn cần để tồn tại. Khi mà nhu cầu này chấm dứt thì sự ràng buộc tự nhiên đó cũng được giải tỏa.
Khi mà con cái giải thoát khỏi sự phục tùng người cha, và người cha không còn bị bắt buộc phải lo cho con cái nữa thì tất cả trở nên độc lập với nhau. Nếu cha con còn sống chung với nhau thì đó không còn là theo tự nhiên nữa mà là với tính cách tự nguyện. Và gia đình, như vậy, được duy trì bởi các quy ước.
Sự tự do chung này là kết qủa của bản chất con người. Điều luật tự nhiên thứ nhất của con người là lo cho sự sinh tồn của nó; những sự quan tâm đầu tiên là nhắm cho cá nhân; và ngay khi đạt đến tuổi khôn ngoan con người trở thành người duy nhất có thẩm quyền tự định đoạt về các phương tiện để sống còn, và do đó trở nên chủ nhân của chính mình. Vậy nên ta có thể xem gia đình như là kiểu mẫu đầu tiên của các xã hội chính trị. Người cầm quyền là hình ảnh của người cha, dân chúng là con cái. Tất cả được sinh ra bình đẳng và tự do, và chỉ chuyển nhượng sự tự do của mình vì lợi ích của họ. Tất cả sự khác biệt là ở chỗ, trong gia đình sự săn sóc mà người cha dành cho con cái được đền bù bằng tình thương cha con, trong khi trong một quốc gia niềm vui thích cầm quyền thay thế cho tình thương, một tình thương mà kẻ cai trị không thể nào có cho đám dân chúng.
Grotius không cho rằng tất cả quyền lực được đặt ra vì lợi ích của kẻ bị trị. Ông ta dùng chế độ nô lệ làm thí dụ. Lối suy luận thông thường của ông là dùng sự kiện thực tế để chứng minh cho sự hiện
14
Khế ước xã hội
hữu của quyền.1 Người ta có thể sử dụng một phương pháp lô-gíc hơn, nhưng không có phương pháp nào có lợi cho các kẻ bạo ngược hơn [phương pháp này].
Theo Grotius, không biết loài người nằm trong tay khoảng một trăm người, hay một trăm người này thuộc về loài người. Ông ta dường như ngả về ý kiến đầu tiên. Đó cũng là suy nghĩ của Hobbes. Như vậy là loài người được phân chia ra làm nhiều bầy như thú vật; mỗi bầy có một ông chủ gìn giữ bầy để ăn thịt. Và như là người mục đồng có bản chất cao quý hơn bầy thú của mình, thì kẻ cầm quyền cũng cao quý hơn dân chúng bị trị. Philo cho chúng ta biết rằng Hoàng Đế Caligula lý luận như thế: Vua là thần thánh, dân là thú vật. Lý luận của Caligula giống như lý luận của Grotius và Hobbes. Aristotle, trước họ, nói rằng con người không tự nhiên bình đẳng, mà một số người sinh ra làm nô lệ và số người kia để thống trị.[a]
Aristotle có lý; nhưng ông ta lấy quả làm nhân. Con người sinh ra trong chế độ nô lệ lại trở thành nô lệ, chắc chắn như vậy. Kẻ nô lệ mất tất cả khi bị xiềng xích, ngay cả ý chí trốn thoát. Chúng yêu thích tình trạng nô lệ của mình, giống như các bạn đồng hành của Ulysses thích thú tình trạng sống như thú vật của họ.2 Vậy thì nếu tự nhiên mà có kẻ nô lệ, thì bởi vì đã có những nô lệ trái tự nhiên. Sức mạnh tạo ra những kẻ nô lệ đầu tiên, và sự hèn nhát làm cho họ suốt đời nô lệ.
1“Các công trình nghiên cứu về công quyền thường chỉ là về những nhũng lạm quyền hành trong quá khứ; và mất công nghiên cứu sâu xa về những chuyện này chỉ là một sự mê muội vô bổ.” (Luận văn về “Hiệp ước về lợi quyền nước Pháp liên quan lới các nước láng giềng” của Hầu tước d‟Argenson). Đây chính là cách Grotius làm.
[a] Hugo Grotius (1583-1645) là một luật gia, triết gia, kịch tác gia và thi sĩ người Hòa Lan. Grotius đặt nền móng cho Công pháp Quốc tế trên căn bản Luật Thiên nhiên (natural law). Thomas Hobbes (1588-1679), triết gia người Anh, nổi tiếng với quyển Leviathan, trong đó Hobbes luận giải về sự hình thành nhà nước, công quyền, dân quyền. Hobbes được coi như cha đẻ của triết lý chính trị hiện đại.
2 Xem thêm tiểu luận của Plutarch, nhãn "Loài vật cũng dùng lý trí."
15
Jean-Jacques Rousseau
Tôi không đề cập đến Adam và Noah, cha của 3 vì vua vĩ đại, những người đã chia sẻ vũ trụ như con cái của Saturn, mà một trong số những ông vua này đã tự nhận dòng họ. Tôi cảm thấy rằng tôi phải được cám ơn vì sự khiêm nhượng của mình: là một người nối dõi trực tiếp của một trong các vì vua đó, có thể là của ngành cả, làm sao ai biết được rằng, sau khi kiểm chứng các tước vị, tôi không là vị vua hợp pháp của nhân loại? Trong bất cứ trường hợp nào, không thể chối cãi rằng Adam là vua của thế giới cũng như Robinson Crusoe là vua của hòn đảo của anh ta, chừng nào mà anh ta còn là người dân duy nhất của đảo ấy. Và vương quốc này có cái thuận lợi là, nhà vua an toàn trên ngai vàng, không sợ nổi loạn, chiến tranh hay âm mưu lật đổ.
16
Khế ước xã hội
3
Quyền của kẻ mạnh nhất
Kẻ mạnh nhất không bao giờ đủ mạnh để luôn luôn làm người chủ, nếu y không biết chuyển sức mạnh thành quyền và chuyển sự vâng lời thành bổn phận. Tuy vậy, “quyền của kẻ mạnh nhất”– một cái quyền mà đối với tất cả mọi người nghe có vẻ như châm biếm – thật sự đã được đặt thành một nguyên tắc căn bản. Thế nhưng chẳng có ai buồn giải thích câu này cả. Lực là một sức mạnh thuộc về thể chất. Tôi không thấy nó có một tác dụng đạo đức nào. Khuất phục trước sức mạnh là một hành động cần thiết chứ không phải do ý muốn - cùng lắm là một hành động thận trọng. Như thế thì làm sao nó có thể là một bổn phận cho được?
Giả sử rằng cái gọi là “Quyền” có thật, thì tôi sẽ bảo rằng nó chẳng tạo ra được gì ngoài một mớ những chuyện vô lý không thể giải thích nổi. Bởi vì nếu lực tạo nên quyền thì quả thay đổi với nhân; một lực lớn hơn lực có trước đó sẽ thừa hưởng cái quyền do lực trước đó tạo ra. Ngay khi mà ta có thể từ chối vâng lời mà không bị phạt, sự bất tuân trở thành hợp pháp và bởi vì kẻ mạnh nhất luôn luôn có lý cho nên ta phải làm thế nào để ta là kẻ mạnh nhất. Khi không còn sức mạnh thì quyền hẳn cũng biến đi, vậy đó là loại quyền gì? Nếu chúng ta phải vâng lời vì sức mạnh thì đó là bởi chúng ta bị bắt buộc; và nếu chúng ta không bị bắt buộc vâng lời bằng sức mạnh thì đương nhiên chúng ta không cần phải làm. Rõ ràng là chữ „‟quyền‟‟ không thêm gì cho lực: ở đây nó tuyệt đối không có ý nghĩa gì hết.
Hãy vâng phục những kẻ cầm quyền. Nếu đó có nghĩa là tùng phục sức mạnh, thì đó là một lời khuyên đúng, nhưng thừa thãi. Tôi chắc rằng lời khuyên này không bao giờ bị vi phạm. Tôi công nhận rằng mọi quyền lực đến từ Trời, nhưng mọi bệnh tật cũng đến từ Trời vậy.
17
Jean-Jacques Rousseau
Và như thế, chẳng lẽ chúng ta bị cấm không được gọi bác sĩ khi bị bệnh hay sao? Khi một tên cướp chận tôi ở bìa rừng và chĩa súng bắt tôi phải đưa túi tiền cho hắn, rõ ràng khẩu súng tên cướp cầm trên tay tượng trưng cho sức mạnh đấy chứ, nhưng nếu mà tôi có thể dấu được túi tiền thì chắc chắn tôi cũng chẳng có bổn phận phải nộp cho nó.
Chúng ta hãy đồng ý rằng lực không tạo nên quyền, và chúng ta chỉ phải tuân lệnh các quyền lực hợp pháp. Như vậy, chúng ta lại phải trở lại vấn nạn đầu tiên tôi đã đặt ra.
18
Khế ước xã hội
4
Chế độ nô lệ
Bởi vì không người nào có một uy quyền tự nhiên trên người khác, và vì lực không tạo nên quyền, chúng ta phải kết luận rằng mọi quyền lực hợp pháp đều được đặt trên các quy ước. Grotius nói rằng, nếu một cá nhân có thể từ bỏ tự do của mình và tự đặt mình làm nô lệ cho kẻ khác, thì tại sao một dân tộc không thể làm thế và trở thành thần dân của một vị vua? Trong câu này có nhiều từ mơ hồ cần phải được giải thích, nhưng ta chỉ nên hạn chế trong từ "từ bỏ." "Từ bỏ" có nghĩa là "cho" hay "bán" – Một người không tự hiến mình khi làm nô lệ; anh ta tự bán mình, ít ra là để sinh sống. Nhưng một dân tộc thì bán mình vì cái gì? Vua không nuôi dân mà ngược lại dân phải nuôi vua, và theo Rabelais [b], thì vua không sống giản dị. Chẳng lẽ thần dân hiến mạng mình cho vua với điều kiện là của cải của họ cũng bị nhà vua tước hết? Nếu mà như vậy, tôi thấy là họ chẳng còn cái gì để mà giữ lại nữa. Người ta sẽ nói rằng kẻ bạo chúa đem yên ổn xã hội lại cho dân chúng. Cứ cho như vậy đi, nhưng dân hưởng được gì khi nhà vua vì lòng tham vô đáy gây ra chiến tranh, khi những nhũng nhiễu của nền cai trị còn làm khổ người dân hơn là các sự tranh chấp giữa họ với nhau? Họ được lợi lộc gì khi chính sự yên ổn ấy lại là nguồn khổ của họ? Trong tù ngục cũng có thanh bình, nhưng thanh bình kiểu đó có đáng để sống không? Người Hy Lạp bị bọn Cyclops nhốt trong hang
[b] François Rabelais (1484-1553): xuất thân là một tu sĩ dòng Francisco, sau trở thành nhà văn, nhà nghiên cứu thực vật và bác sỹ y khoa. Rabelais chuyên về thể văn châm biếm và hài hước; tác phẩm Gargantua và Pantagruel được liệt vào hàng danh tác thế giới và ảnh hưởng tới các nhà văn lừng danh khác như Cervantes, tác giả của Don Qui-xote. Các tác phẩm văn chương châm biếm của Rabelais đã từng bị Giáo hội La Mã cho vào Danh mục các sách bị cấm.
19
Jean-Jacques Rousseau
cũng sống thanh bình trong khi chờ đợi đến lượt mình bị ăn thịt. Nói rằng một con người tự dâng hiến mình mà không đòi hỏi gì cả là một điều ngu xuẩn không thể tưởng tượng nổi.
Một hành động như thế là bất hợp pháp và vô giá trị vì người làm việc đó không minh mẫn. Nói một dân tộc mà làm như vậy có nghĩa cho họ là những kẻ điên, và sự điên khùng không tạo nên quyền. Ngay cả khi một kẻ có thể từ bỏ tự do của mình, hắn ta cũng không thể đem cho tự do của con cái của hắn. Chúng được sinh ra là những con người tự do. Tự do của chúng thuộc về chúng, không ai có quyền xâm phạm đến. Trước khi chúng đạt đến tuổi trưởng thành, người cha, nhân danh con cái, có thể đặt ra luật lệ để bảo đảm sự sinh sống, phúc lợi của chúng, nhưng không thể hiến chúng một cách dứt khoát và vô điều kiện. Một sự dâng hiến như vậy là trái với thiên nhiên và vượt quá quyền làm cha. Vậy nên để hợp pháp hóa một chính quyền độc tài, thì mỗi thế hệ dân chúng phải có quyền chấp nhận hay từ chối chính quyền đó; nhưng, khi có được sự kiện này thì chính quyền đâu còn là độc tài nữa. Từ bỏ quyền tự do là từ bỏ làm người, từ bỏ các quyền của nhân loại, và cả những bổn phận của mình. Kẻ từ bỏ tất cả thì sẽ không có một sự đền đáp nào. Sự từ bỏ như vậy không thích hợp với bản chất của con người.
Tước đoạt tự do khỏi ý chí con người là tước đoạt đạo đức ra khỏi hành động của kẻ đó. Cuối cùng, thật là một quy ước trống rỗng và mâu thuẫn khi ta đặt một bên là quyền uy tuyệt đối và bên kia là sự phục tùng vô giới hạn. Đối với một kẻ mà ta có quyền đòi hỏi tất cả, thì rõ ràng là ta không cần có một bổn phận nào đối với kẻ đó cả; và chỉ sự kiện đó thôi, một hành động mà không có sự tương đương và bổn phận tương ứng, thì hành động đó có giá trị gì hay không? Bởi vì kẻ nô lệ có quyền gì đối với tôi khi mà tất cả những gì hắn có đều thuộc về tôi, và ngay cả quyền của nó cũng thuộc về tôi thì cái quyền của tôi chống lại chính tôi là một điều không có ý nghĩa gì hết. Grotius và những người khác tìm thấy trong chiến tranh một nguồn gốc khác của chế độ nô lệ. Theo họ, vì kẻ chiến thắng có quyền giết kẻ bại trận, cho nên kẻ bại trận chuộc lại sự sống bằng tự do của chính
20
Khế ước xã hội
mình. Và quy ước này lại hợp pháp hơn nữa vì nó làm lợi cho cả đôi bên. Nhưng rõ ràng rằng cái gọi là quyền giết kẻ chiến bại không phải là kết quả của chiến tranh. Con người, khi sống tự do thời ban sơ, không có những mối giao tế đều đặn và thường xuyên để tạo nên chiến tranh hay hòa bình; họ không thể tự nhiên mà trở thành kẻ thù.
Chiến tranh được gây ra bởi những tương quan giữa những sự vật chứ không phải giữa người với người. Và bởi vì trạng thái chiến tranh không thể nẩy ra từ các liên hệ cá nhân đơn giản, mà từ những liên hệ vật chất, cho nên, chiến tranh riêng tư hay giữa người này với người kia, không thể nào xảy ra trong trạng thái thiên nhiên, là nơi không có quyền sở hữu liên tục, hoặc trong trạng thái xã hội nơi mà tất cả mọi thứ đều được đặt dưới quyền uy của luật pháp. Các trận đánh tay đôi, tay ba, các cuộc đấu kiếm là những hành động không tạo thành một trạng thái chiến tranh; còn đối với các cuộc chiến giữa các lãnh chúa, được Vua Louis IX của Pháp cho phép và sau đó bị Phong trào Hòa Bình của Chúa cấm chỉ [c], chỉ là những lạm dụng của chế độ phong kiến, một chế độ tự bản chất đã là một hệ thống phi lý, trái nghịch với các nguyên tắc của luật tự nhiên và đi ngược với mọi nguyên tắc chính trị tốt đẹp.
Do đó, chiến tranh không phải là một quan hệ giữa người và người, mà là giữa quốc gia và quốc gia; các cá nhân chỉ trở thành kẻ thù một cách tình cờ, không với tính cách con người, cũng không phải với tính
[c] Phong trào Hòa bình của Chúa (The Pax Dei) là một phong trào quần chúng bắt nguồn từ miền nam nước Pháp vào cuối thế kỷ thứ 10 sau đó lan sang các nước Tây Âu và kéo dài mãi đến thế kỷ 13. Vì các cuộc chiến tranh thời Trung Cổ giữa các lãnh chúa tạo nên biết bao hoang tàn và bất ổn trong đời sống và xã hội các nước này đến nỗi quần chúng và Giáo hội cùng thiết lập các ủy ban Hòa bình nhằm thiết lập các luật lệ về chiến tranh và ổn định xã hội. Tại một vài nước, các Liên minh Hòa bình phải thành lập lực lượng dân quân do các tu sĩ chỉ huy để bảo vệ hòa bình hoặc ngăn cản chiến tranh giữa các lãnh chúa. Theo Richard Landes:
http://www.bu.edu/mille/people/rlpages/paxdei.html
21
Jean-Jacques Rousseau
cách công dân mà như là những người lính;3không phải với tính cách những thành viên của hai quốc gia mà chỉ là những người tự vệ. Sau rốt kẻ thù của quốc gia này chỉ là quốc gia khác chứ không phải là con người; bởi vì không thể có một tương quan thiết thực giữa những sự vật khác nhau hoàn toàn về bản chất. Xa hơn nữa, nguyên tắc này phù hợp với các điều luật đặt ra từ trước đến nay và được những quần chúng văn minh thi hành. Các lời tuyên chiến là những lời đe dọa không phải chỉ nhắm vào chính quyền của một nước, mà còn vào dân chúng của nước đó. Một ngoại nhân, dù là Vua, cá nhân hay một dân tộc mà đi ăn cướp, giết người hay bắt cầm tù dân chúng của một nước khác mà không tuyên chiến với nhà cầm quyền nước đó, thì đó không phải là kẻ thù mà chỉ là kẻ cướp. Ngay cả trong một cuộc chiến thật sự, kẻ cầm quyền đứng đầu phe chiến thắng có thể chiếm đoạt tất cả những gì thuộc về công sản của phe bại trận, nhưng vẫn phải tôn trọng đời sống và của cải riêng tư của người dân nước chiến bại; đó cũng là vì ông ta tôn trọng các quyền mà trên đó ông đã xây dựng quyền của mình. Mục đích của chiến tranh là tàn phá quốc gia thù nghịch, những người bên này có quyền giết những người bảo vệ phía bên kia khi họ cầm súng trong tay, nhưng khi mà vũ khí đã được đặt xuống và người ta đã đầu hàng thì họ không còn là kẻ thù hay là công cụ của kẻ thù nữa. Họ chỉ là những con người và ta không có quyền gì trên mạng sống của họ. Một đôi khi người ta có thể tiêu diệt một quốc gia mà
3 Người La Mã am hiểu và tôn trọng luật chiến tranh hơn bất cứ dân tộc nào, nhiều khi cứng nhắc đến nỗi không công dân nào được gia nhập quân đội nếu không công khai tuyên bố ý định chống quân thù. Khi đạo quân của chàng Cato dưới quyền chỉ huy của Popilius bị thua trận và phải tái-phối trí, bố của Cato viết thư cho Popilius yêu cầu rằng nếu muốn con ông tiếp tục chiến đấu trong quân ngũ, thì Popilus phải bắt quân sĩ tuyên thệ lại, vì lời tuyên thệ lúc đầu đã bị huỷ bỏ khi thua trận, và như thế chàng Cato không thể cầm vũ khí chiến đấu. Cụ Cato cũng cấm con giao chiến nếu chưa tuyên thệ trở lại. Tôi biết là nhiều người sẽ dùng cuộc bao vây Clusium và các sự kiện khác trong lịch sử La Mã để phản bác tôi, nhưng tôi chỉ dùng luật lệ và tập quán La Mã làm dẫn chứng. La Mã là một nước ít vi phạm những luật lệ do họ đặt ra hơn bất kỳ nước nào, và chưa có nước nào có luật lệ tuyệt hảo như họ.
22
Khế ước xã hội
không cần giết một người dân của nước đó. Và chiến tranh không cho ta quyền gây nên những thiệt hại không cần thiết để đạt lấy mục tiêu.
Các nguyên tắc này không phải là nguyên tắc do Grotius đặt ra; cũng như không phải được đặt trên căn bản uy tín của các thi sĩ; nhưng chúng phát xuất từ bản chất của thực tế và trên căn bản của sự hợp lý. Quyền xâm chiếm không có một căn bản nào ngoài cái quyền của kẻ mạnh nhất. Nếu chiến tranh không cho phép kẻ xâm lược giết kẻ bại, thì quyền bắt họ làm nô lệ không thể đặt căn bản trên một quyền hạn không có. Không ai có quyền giết kẻ thù, trừ khi kẻ thù không chịu đầu hàng, (và do đó trở thành kẻ nô lệ chiến bại); do đó, kẻ thắng không thể viện lý là đã tha chết để bắt kẻ bại làm nô lệ. Như thế là một sự trao đổi không công bằng, khi bắt kẻ nô lệ phải mua mạng sống bằng sự mất tự do của mình, trong khi kẻ chiến thắng không có quyền gì trên mạng sống đó. Hiển nhiên đây là một cái vòng lẩn quẩn nếu đặt cơ sở quyền sống chết trên quyền nô lệ, và quyền nô lệ trên quyền sống chết.
Ngay cả khi ta giả thiết rằng có cái quyền kinh khủng là được tàn sát quân thù, tôi vẫn cho rằng một nô lệ bắt được trong cuộc chiến hay một dân tộc bị chinh phục không có bổn phận phải thần phục mà chỉ phải tuân lời vì bị cưỡng bức. Bằng cách áp đặt ách nô lệ thay vì lấy mạng sống, kẻ chiến thắng không cho kẻ nô lệ một đặc ân gì cả: thay vì giết ngay kẻ chiến bại để chẳng được hưởng lợi lộc gì, kẻ chiến thắng giết hắn lần mòn bằng cách lợi dụng sức lao động của kẻ chiến bại. Nhưng làm như vậy, kẻ chiến thắng, ngoài cái “quyền của sức mạnh,” không có một quyền uy gì đối với kẻ nô lệ; và tình trạng chiến tranh vẫn tồn tại giữa họ. Mối quan hệ giữa họ là kết quả của chiến tranh và quyền sử dụng chiến tranh không hàm ý tạo nên một hiệp ước hòa bình. Kẻ thắng và người bại hiển nhiên đã cùng nhau thỏa thuận, nhưng sự thỏa thuận này không chấm dứt tình trạng chiến tranh mà chỉ kéo dài nó mà thôi. Vậy nên, dù ta xét vấn đề này dưới khía cạnh nào chăng nữa, quyền đặt ách nô lệ là vô giá trị; không những nó bất hợp pháp mà còn phi lý và vô nghĩa. Các từ ngữ ”nô lệ” và “quyền” mâu thuẫn và phủ định lẫn nhau. Thật là điên rồ khi một người nói với
23
Jean-Jacques Rousseau
người khác hay nói với dân chúng: "Chúng ta hãy làm một thỏa ước hoàn toàn thiệt thòi cho anh và hoàn toàn lợi lộc cho tôi; tôi sẽ giữ thỏa ước ấy cho đến bao lâu tôi muốn và anh cũng sẽ giữ thỏa ước ấy cho đến khi nào tôi muốn chấm dứt nó mới thôi."
24
Khế ước xã hội
5
Chúng ta phải luôn luôn trở về một quy ước đầu tiên
Ngay cả khi tôi chấp nhận tất cả những gì mà tôi đã bác bỏ trên đây, thì các cảm tình viên của chế độ chuyên chế cũng không được lợi gì hơn. Luôn luôn có một sự khác biệt lớn lao giữa sự đàn áp một số đông người và sự cai trị một xã hội. Khi mà một số người bị bắt buộc làm nô lệ cho một kẻ nào đó, dù số người đó đông đến bao nhiêu đi nữa, thì tôi chỉ thấy đó là một ông chủ và một bọn nô lệ. Tôi không thấy đó là một dân tộc và nhà cầm quyền. Đó chỉ là một sự tụ tập, chứ không phải là sự kết hợp: ở đó không có công ích, cũng như không có một cơ cấu chính trị. Kẻ áp bức ấy, dù có nô lệ hóa một nửa thế giới đi nữa thì vẫn chỉ là một cá nhân; quyền lợi của y, khác hẳn quyền lợi của tất cả những người khác, vẫn chỉ là những quyền lợi của cá nhân y. Nếu y chết đi, đế quốc của y sẽ bị phân tán vì không có mối dây nối kết các cá nhân đơn lẻ lại với nhau, giống như một cây sồi mục rã và chỉ còn là một đống tro tàn sau cơn hỏa hoạn.
Grotius nói rằng một dân tộc có thể tự dâng hiến cho một ông vua [qua sự chọn lựa hay bầu ra]. Do đó, cũng theo Grotius, một dân tộc là một dân tộc trước khi tự dâng hiến. Đây là một hành động dân sự, chỉ có thể xảy ra sau khi có một sự thảo luận công khai trong một xã hội. Vậy thì trước khi ta xét việc một dân tộc bầu ra một ông vua, ta hãy xét xem trước cái quy ước giúp các cá nhân kết hợp thành một dân tộc cái đã. Sự kiện các cá nhân kết hợp thành một dân tộc nhất thiết phải xảy ra trước sự việc hiến dâng, và đó mới chính là nền móng thật sự của một xã hội.
Thật vậy, trừ trường hợp nhất trí trong một cuộc biểu quyết, nếu không có một quy ước từ trước, thì tại sao thiểu số lại phải phục tùng đa số trong một cuộc biểu quyết? Căn cứ vào đâu mà một trăm người
25
Jean-Jacques Rousseau
có quyền chọn một ông chủ thay cho mười người không đồng ý? Luật đa số trong cuộc đầu phiếu tự nó cũng chỉ là một quy ước, và chắc chắn từ đầu nó đã phải được mọi người cùng nhất trí tuân theo.
26
Khế ước xã hội
6
Khế ước xã hội:
Tôi nghĩ rằng đến một lúc nào đó sức mạnh của con người sẽ không đủ để duy trì sự sống còn của mình trước những trở ngại và khó khăn do thiên nhiên gây ra. Loài người sẽ bị diệt vong, nếu tiếp tục sống trong tình trạng sơ khai này mà không tìm cách cải thiện nó.
Vì con người không thể tạo ra những sức mạnh mới mà chỉ kết hợp và điều khiển những sức mạnh sẵn có, họ không còn cách nào để tự bảo tồn ngoài cách kết hợp lại tất cả các sức mạnh để vượt qua các chướng ngại. Họ phải tìm cách làm cho các sức mạnh ấy hoạt động một cách nhịp nhàng và được thúc đẩy bởi một động cơ duy nhất.
Sự kết hợp các sức mạnh này chỉ có thể hình thành với sự hợp tác của nhiều người; nhưng vì sức mạnh và sự tự do của mỗi người là hai công cụ quan trọng nhất cho sự sống còn của họ, thì làm sao họ có thể từ bỏ chúng mà không tổn hại đến quyền lợi và không bỏ quên sự săn sóc chính bản thân mình. Sự khó khăn trong vấn đề này, là ở chỗ: “Tìm ra một hình thức kết hợp để bảo vệ và che chở bản thân và tài sản của mỗi thành viên bằng tất cả sức mạnh chung, đồng thời, mỗi cá nhân, trong khi kết hợp bản thân mình với tất cả mọi người vẫn có thể chỉ nghe lời chính mình và vẫn được tự do như trước.” Lời giải của vấn đề căn bản này nằm ngay trong Khế ước xã hội.
Các điều khoản của bản khế ước được quy định một cách chính xác đến nỗi một sự thay đổi nhỏ cũng đủ làm cho chúng trở nên vô dụng và vô hiệu. Vậy nên, tuy rằng các điều khoản ấy chưa bao giờ được công bố một cách chính thức, chúng ở đâu cũng giống nhau, ở đâu cũng được mặc nhiên và công khai chấp nhận; cho đến khi khế ước bị vi phạm, mỗi cá nhân sẽ thu hồi lại những quyền và sự tự do
27
Jean-Jacques Rousseau
nguyên thủy của mình, và sẽ mất đi sự tự do mà khế ước cho anh ta hưởng.
Các điều khoản ấy - nếu được hiểu chính xác - có thể được rút gọn lại trong một điều: sự chuyển nhượng hoàn toàn của mỗi thành viên với tất cả quyền của mình cho cộng đồng; có nghĩa là, trước hết, khi mỗi người tự dâng hiến hoàn toàn thì tình trạng của mọi người đều ngang nhau; và ai nấy đều có quyền lợi tương xứng như nhau.
Thêm nữa, với sự chuyển nhượng không hạn chế, sự kết hợp không thể nào tốt hơn được nữa và mỗi thành viên không còn gì để đòi hỏi hơn nữa. Bởi vì, nếu một số cá nhân giữ lại một số quyền nào đó và vì không có thượng cấp để giải quyết vấn đề giữa họ và cộng đồng thì đến một lúc nào đó mỗi cá nhân sẽ tự trở thành quan tòa cho chính mình cũng như sẽ có thể đòi làm quan tòa của tất cả mọi người, như thế tình trạng nguyên thủy sẽ tiếp tục và sự kết hợp sẽ trở thành vô hiệu hay độc đoán.
Sau hết, mỗi cá nhân khi tự dâng hiến cho tất cả là không dâng hiến cho ai hết; và vì mình và mỗi thành viên kia cùng trao đổi các quyền như nhau, mình lấy lại cái gì mình mất, và mình có nhiều sức mạnh hơn để gìn giữ cái mình có. Và nếu ta gạt bỏ khỏi khế ước cái gì không phải là bản chất của nó, thì khế ước được tóm lược như sau: “Mỗi chúng ta đặt con người và sức mạnh của mình dưới sự điều khiển tối cao của nguyện vọng tập thể; và trong khả năng tập thể đó, chúng ta đón nhận mỗi thành viên như là một thành viên bất khả phân của tập thể‟‟.
Cùng lúc, thay vì từng cá nhân riêng rẽ, sự tập hợp của tất cả các người có quyền đầu phiếu, tạo ra một cơ cấu có tính tập thể và đạo đức; và cơ cấu này tự nó có sự đồng nhất, bản ngã, đời sống và ý chí của riêng nó. Cơ cấu công cộng này, do sự kết hợp của tất cả mọi
28
Khế ước xã hội
người, trước kia được gọi là Cộng Đồng Dân Chúng (City)4 [d]. Nay có tên là Cộng Hòa (Republic) hay Cơ Cấu Chính Trị (body politic). Cơ cấu này còn được các thành viên của nó gọi là Nhà nước (State) khi không hoạt động, Hội đồng Tối cao (Sovereign) khi hoạt động, và Cường Quốc (Power) khi so sánh với các nước khác. Những người tham gia vào cơ cấu được gọi chung là nhân dân (people) và một số thì lại được gọi là công dân (citizens) khi có chân trong quyền lực của nhà nước, và được gọi là thần dân khi bị đặt dưới pháp luật của quốc gia. Nhưng các danh từ này hay bị lẫn lộn và bị hiểu lầm: phải biết cách phân biệt chúng khi chúng được dùng một cách chính xác.
4 Ý nghĩa đích thực của từ này hầu như đã bị mất hẳn trong thời đại tân tiến này; phần đông mọi người nhầm lẫn phố thị (town) với thị-quốc (city), và thị dân với công dân. Họ không biết rằng nhà cửa làm thành phố thị, nhưng chỉ có công dân mới làm nên thị-quốc. Dân Carthage ngày xưa đã trả một giá đắt
cho lầm lẫn này. Tôi chưa bao giờ đọc được danh hiệu công dân dành cho thần dân của các ông vua, kể cả từ thời cổ Macedonia tới Anh quốc thời nay, dù rằng họ được gần với tự do hơn nhiều người. Người Pháp thì dùng từ công dân ở mọi chốn, bởi vì, cứ xem tự điển của họ thì rõ, họ chẳng biết nó nghĩa là gì nữa, nếu không, họ đâu có mắc phải tội tiếm dụng như thế; theo họ, từ
này chỉ giai cấp xã hội, chứ không phải quyền hợp pháp. Khi Bodin nói về công dân và thị dân, ông ta đã lẫn lộn hai từ này một cách thảm hại. Ông d‟Alembert tránh được lầm lẫn này; trong bài viết về Geneva, ông đã phân định bốn loại người (năm, nếu kể cả ngoại kiều) sinh sống trong phố thị của chúng ta. Chỉ có hai trong năm loại người này tạo nên nhà nước Cộng hòa. Các tác giả người Phap khac, theo như tôi biết, không hiểu nghĩa đích thực của từ công dân.
[d] City (Cité): nay có nghĩa là thành phố nhưng đối với Rousseau có nghĩa là Cộng Đồng Dân Chúng sống trong thành phố.
29
Jean-Jacques Rousseau
7
Hội đồng Tối cao
Thể thức này cho thấy, đây là một hành động kết hợp bao gồm sự cam đoan hai chiều giữa tập thể và cá nhân. Có thể nói, khi cam kết với chính mình, mỗi cá nhân bị trói buộc bởi hai phía: khi là thành viên của Hội đồng tối cao, kẻ đó bị ràng buộc với những cá nhân khác; và khi là phần tử của nhà nước, anh ta lại bị ràng buộc với Hội đồng tối cao. Tuy nhiên, điều luật dân sự cho rằng „không ai bị ràng buộc khi tự cam kết với chính mình‟ không áp dụng được trong trường hợp này, bởi có một khác biệt lớn giữa bổn phận đối với chính mình và bổn phận đối với tập thể, trong đó, mình là một thành viên.
Ta còn phải lưu ý rằng những quyết nghị lập nên từ các cuộc thảo luận công khai có khả năng trói buộc mọi cá nhân với Hội đồng tối cao nhưng vì hai chức năng khác nhau, bởi lý do đối nghịch nên lại không thể trói buộc Hội đồng tối cao với chính nó. Vì như thế là đi ngược lại với bản chất của một cơ cấu chính trị nếu Hội đồng tự đặt mình dưới điều luật mà mình không thể vi phạm. Vì chỉ có thể xét mình dưới một chức năng duy nhất nên Hội đồng tối cao là một cá nhân tự cam kết với chính mình; sự kiện này cho thấy rõ ràng: không có hoặc không thể có một loại luật căn bản nào ràng buộc được một đội ngũ dân chúng, ngay cả đến khế ước xã hội cũng thế. Việc này không có nghĩa là cơ cấu chính trị không thể cam kết với các cơ cấu khác [quốc gia khác], miễn là các cam kết này không vi phạm khế ước xã hội [tạo thành hội đồng tối cao]; bởi vì, khi liên hệ với bên ngoài, Hội đồng tối cao trở thành một tác nhân bất khả phân, một cá nhân.
Tuy nhiên, vì cơ cấu chính trị (Hội đồng tối cao) chỉ có thể hiện hữu từ sự bất khả xâm phạm của khế ước, cho nên, Hội đồng tối cao sẽ không bao giờ tự cam kết với mình, hay đối với một người ngoại
30
Khế ước xã hội
cuộc [nước khác], để làm một điều gì đó vi phạm đến khế ước nguyên thủy như chuyển nhượng một phần của mình hoặc quy phục một Cộng Đồng khác. Vi phạm khế ước––nhờ đó mình sinh tồn––là tự hủy vì rằng cái không sẽ tạo ra không.
Ngay khi một đám đông tập họp thành một cơ cấu, ta không thể xúc phạm một thành viên mà không đụng chạm đến cơ cấu đó, cũng như không thể xúc phạm đến cơ cấu mà không làm các thành viên của nó phật lòng. Thế nên, quyền lợi và bổn phận buộc cả hai phía phải giúp nhau, và chính những thành viên này phải tìm cách kết hợp, trong cả hai khả năng [vừa là thành viên của Hội đồng tối cao, vừa là thành viên của nhà nước], tất cả những thuận lợi có được.
Vì Hội đồng tối cao được hình thành bởi những cá nhân đã tạo ra nó, nên Hội đồng không có cũng như không thể có quyền lợi gì trái nghịch với họ; và tất nhiên Hội đồng chẳng cần có bảo đảm gì đối với các thành viên, bởi Hội đồng không thể nào có ý muốn làm tổn thương tất cả các thành viên, hay cho bất kỳ một thành viên nào. Tất cả chỉ vì bản chất của Hội đồng tối cao đơn thuần là như vậy.
Tuy nhiên, mối liên hệ giữa các thành viên và Hội đồng tối cao, tuy cùng chung quyền lợi nhưng không có gì chắc chắn về những cam kết của các thành viên nếu Hội đồng tối cao không tìm ra phương cách để bảo đảm lòng trung thành của họ.
Thực vậy, mỗi cá nhân, với tư cách là một con người, có thể có nguyện vọng khác hoặc trái ngược với nguyện vọng chung đứng ở vị trí một công dân. Quyền lợi riêng rẽ của anh ta có thể khác với quyền lợi chung. Sự hiện hữu tuyệt đối và sự độc lập tự nhiên của anh ta có thể làm anh ta tin rằng đóng góp cho mục tiêu chung là một đóng góp tự nguyện và mất mát của đóng góp này gây tổn thất cho tha nhân ít hơn là cho anh ta; và hơn thế nữa, khi quan niệm rằng pháp nhân tinh thần–Hội đồng tối cao–chỉ là một nhân vật hư cấu, chứ không phải là một con người thực, anh ta có thể ao ước thụ hưởng các quyền lợi
31
Jean-Jacques Rousseau
công dân mà không sẵn sàng làm tròn bổn phận của mình. Kéo dài mãi sự bất công như thế, hẳn sẽ khiến cơ cấu chính trị tiêu vong.
Để cho khế ước xã hội không phải là một công thức rỗng tuếch, nó phải hàm chứa sự cam đoan. Sự cam đoan này tự nó có thể mang lại sức mạnh cho những người khác, rằng kẻ nào từ chối không tuân thủ nguyện vọng chung sẽ bị mọi người cưỡng hành. Sự kiện này không có nghĩa gì khác hơn là kẻ đó bị bắt buộc để được tự do; bởi đây là điều kiện bảo đảm cho mỗi công dân khi hiến mình cho đất nước, tránh được sự ỷ lại của những kẻ khác. Đây là bí quyết hoạt động của guồng máy chính trị; chỉ có sự kiện đó mới hợp pháp hóa được các cam kết dân sự, nếu không, chúng sẽ vô nghĩa, độc đoán và có khả năng bị lạm dụng một cách kinh khủng.
32
Khế ước xã hội
8
Trạng thái Dân sự
Sự chuyển biến từ trạng thái thiên nhiên qua trạng thái dân sự mang lại một thay đổi rất lớn lao nơi con người; trong hành xử, công lý thay cho bản năng đã đem đến cho con người giá trị đạo đức chưa từng có. Chỉ lúc ấy, khi tiếng nói của bổn phận thay thế cho các thôi thúc vật chất và lòng ham muốn, thì con người–cho đến bấy giờ hãy còn nghĩ đến bản thân–mới nhận ra mình bị buộc hành động theo những nguyên tắc khác và phải lắng nghe lý trí trước khi làm theo sở thích của mình. Trong tình huống này, tuy anh ta phải hy sinh một vài thuận lợi từ thiên nhiên, nhưng anh ta lại thu thập được nhiều lợi nhuận khác tốt hơn như khả năng được kích thích và phát triển, ý tưởng được mở rộng, các xúc cảm trở nên cao thượng và tâm hồn được nâng cao. Như vậy, nếu những lạm dụng tình huống mới không khiến tình trạng của anh ta tồi tệ hơn khi còn trong tình huống cũ, anh ta bắt buộc phải luôn luôn cám ơn thời điểm hạnh phúc đã vĩnh viễn mang anh ta thoát khỏi tình huống đó, và, từ một con vật ngu đần, thiếu sáng tạo, anh ta trở thành một sinh vật thông minh, một con người.
Chúng ta hãy tóm lược toàn bộ vấn đề bằng những lời lẽ dễ so sánh. Cái mà con người mất đi vì khế ước xã hội là tự do thiên nhiên và quyền vô giới hạn trong những việc anh ta cố làm và làm cho bằng được; điều anh ta nhận là tự do trong văn minh và quyền sở hữu những gì anh ta có. Để tránh sai lầm trong sự chọn lựa giữa cái này và cái kia, ta phải phân biệt rõ giữa tự do thiên nhiên (chỉ bị ràng buộc bởi sức mạnh cá nhân) và tự do trong văn minh (được giới hạn bởi nguyện vọng chung), giữa sự chiếm hữu (hệ quả của sức mạnh hay là quyền của kẻ chiếm lĩnh đầu tiên) và tài sản (căn cứ vào văn tự pháp lý).
33
Jean-Jacques Rousseau
Trên hết, ta có thể nói rằng, trong tình trạng văn minh, con người còn thủ đắc thêm tự do luân lý mà chỉ có nó mới biến con người thành chủ nhân đích thực của chính mình, bởi vì chiều theo dục vọng là nô lệ, và tuân hành luật lệ do chính mình đặt ra là có được tự do. Tôi đã nói quá nhiều về vấn đề tự do, nhưng hiện giờ, ý nghĩa triết lý về chữ „tự do‟ lại chẳng liên quan gì đến chúng ta cả.
34
Khế ước xã hội
9
Quyền sở hữu bất động sản
Ngay khi cộng đồng được thành lập, mỗi thành viên đều tự hiến mình cho nó cùng với tài nguyên và của cải mình đang có. Hành động trao tay này không làm thay đổi bản chất quyền sở hữu khiến trở thành tài sản cộng đồng; nhưng vì sức mạnh cộng đồng quá lớn lao so với sức mạnh mỗi cá nhân, cho nên tính công hữu đương nhiên mạnh hơn, nếu không nói là hợp pháp hơn và không thể hủy bỏ được, ít ra là dưới nhãn quan của người ngoại cuộc. Vì Quốc Gia, trong sự liên hệ với các thành viên, là chủ tất cả của cải qua khế ước xã hội. Đối nội, khế ước này là căn bản của tất cả các quyền; nhưng trong mối liên hệ với các cường quốc khác, nó chỉ có giá trị bằng vào quyền của kẻ chiếm hữu đầu tiên mà Quốc Gia nắm giữ từ các thành viên của mình.
Quyền của kẻ chiếm hữu đầu tiên, cho dù thực tế hơn quyền của người mạnh nhất, chỉ trở thành quyền thực sự khi quyền sở hữu được thiết lập. Mỗi người vốn dĩ được quyền có những gì cần thiết cho mình nhưng chính sự chứng thực anh ta sở hữu một cái gì đó cũng sẽ loại trừ anh ta ra khỏi những cái khác. Nhận được phần của mình rồi, anh ta phải biết chỉ có thế thôi và không có quyền đòi hỏi gì thêm nơi cộng đồng nữa. Đó là lý do tại sao quyền của kẻ chiếm hữu đầu tiên, yếu kém trong tình trạng tự nhiên, lại được tôn trọng trong xã hội dân sự. Với quyền này, chúng ta không hẳn tôn trọng cái thuộc về người khác mà còn tôn trọng cả cái không thuộc về chúng ta nữa.
Một cách tổng quát, để xác minh quyền của kẻ chiếm cứ đầu tiên trên một mảnh đất, cần có các điều kiện sau đây: thứ nhất, phải là một mảnh đất không người ở; thứ hai, chỉ chiếm một diện tích vừa đủ để sinh sống; thứ ba, mảnh đất không phải được chiếm bằng một nghi
35
Jean-Jacques Rousseau
thức trống rỗng mà bằng lao động và canh tác, dấu chỉ duy nhất của quyền sở hữu được người khác tôn trọng, mặc dủ không có giấy tờ hợp pháp.
Khi chấp nhận quyền chiếm hữu đầu tiên qua nhu cầu và lao động, chúng ta thực ra có đi quá xa không? Có thể giới hạn quyền ấy được chăng? Có phải chúng ta chỉ cần đặt chân lên một mảnh đất công nào đó để có thể tuyên bố ngay rằng mình là chủ của nó? Có thể nào trong một lúc nào đó, chỉ cần sức mạnh xua đuổi những kẻ khác đi rồi xác minh rằng mình có quyền không bao giờ cho họ trở lại? Làm thế nào một cá nhân hay một dân tộc có quyền chiếm cứ một lãnh thổ bao la và giữ riêng nó cho mình, nếu không phải là một sự sang đoạt đáng bị trừng phạt? Làm như thế, những kẻ khác bị cướp mất nơi cư ngụ và các phương tiện sinh sống mà thiên nhiên đã cho họ. Khi Nunez Balboa, đứng trên bờ biển nhân danh vương triều Castile, tuyên bố chiếm hữu các Biển phía Nam và toàn vùng Nam Mỹ... sự kiện này có đủ để truất quyền sở hữu của toàn thể cư dân đương thời và ngăn cấm các thân vương trên thế giới không được bén mảng đến đấy? Các nghi thức tương tự cứ thế tiếp tục và từ nơi làm việc của mình, ông Vua Công Giáo đã tức khắc chiếm cứ cả thế giới ngoại trừ những vùng đất thuộc quyền sở hữu của những vì vua khác.
Ta có thể tưởng tượng, làm thế nào những mảnh đất tư nhân giáp ranh nhau được kết hợp lại và trở thành đất công; làm sao quyền của Cộng Đồng, đi từ người dân qua điền thổ của họ bổng chốc trở nên thực sự tư hữu? Làm được vậy, các chủ đất bị lệ thuộc hơn và chính sức mạnh làm chủ bảo đảm lòng trung thành của họ. Dường như không nhận ra các lợi điểm đó, các vị vua ngày xưa của Persia, Scythia, Macedonia vẫn xem mình là những người thống trị dân hơn là chủ nhân của đất nước. Các vị vua thời nay như vua Pháp, vua Tây Ban Nha, vua Anh v.v....khéo léo hơn vì trong khi giữ đất, họ tin chắc giữ được thần dân trong tay mình.
Sự kiện khác thường trong việc chuyển nhượng này là, khi nhận của cải từ các thành viên, thay vì tước đoạt, cộng đồng lại bảo đảm họ
36
Khế ước xã hội
được sở hữu một cách hợp pháp, thay thế sự chiếm đoạt bằng một quyền thực sự và sự thụ hưởng thành quyền tư hữu. Như thế, các chủ đất giờ được xem như người giữ của công, được tất cả các thành viên tôn trọng quyền sở hữu của mình và được toàn bộ sức mạnh của Quốc Gia bảo vệ chống ngoại xâm. Bằng một chuyển nhượng vừa có lợi cho tập thể vừa có lợi cho chính mình, ta có thể nói các chủ đất thu lại được hết tất cả những gì họ đã hiến tặng. Mâu thuẫn này được giải thích một cách dễ dàng bởi sự khác biệt về các quyền lợi mà Cộng Đồng và sở hữu chủ có trên cùng một mảnh đất như chúng ta sẽ thấy sau này.
Có thể xảy ra việc con người bắt đầu kết hợp nhau trước khi họ sở hữu cái gì đó và khi họ chiếm được một vùng đất rộng đủ cho tất cả, họ sẽ cùng thụ hưởng hay cùng chia cho nhau, hoặc đồng đều hoặc theo kích thước do Cộng Đồng ấn định. Tuy nhiên, dù được sở hữu cách nào chăng nữa, quyền của mỗi cá nhân trên mảnh đất lúc nào cũng tùy thuộc quyền cộng đồng có trên tất cả mọi người. Không thế, sự liên hệ xã hội sẽ không vững chắc cũng như Cộng Đồng sẽ không có sức mạnh thực sự.
Tôi sẽ kết thúc chương này của quyển sách bằng sự lưu ý về một yếu tố được dùng làm căn bản cho toàn bộ hệ thống xã hội: đó là, thay vì hủy bỏ sự bất bình đẳng tự nhiên thì trái lại, khế ước căn bản thay thế sự bất bình đẳng trên hình thức mà thiên nhiên có thể đã tạo ra giữa người với người bằng một sự bình đẳng hợp pháp có tính đạo đức. Cho nên, bất cứ kẻ nào không được bình đẳng trong sự thông minh và sức mạnh, sẽ trở nên bình đẳng qua khế ước và quyền lợi về pháp luật.5
5 Dưới các chính quyền tồi tệ, sự bình đẳng này chỉ có tính cách biểu kiến, và chỉ nhằm mục đích giữ kẻ nghèo ở mãi trong sự nghèo khốn của họ, và kẻ giàu cứ ở trong vị thế đè đầu cỡi cổ đã tiếm đoạt được. Thực tế là luật pháp luôn luôn có lợi cho những kẻ có của và thiệt hại cho những kẻ bạch đinh. Từ đó ta có thể suy ra rằng trạng thái xã hội chỉ có lợi cho con người khi mọi
37
Jean-Jacques Rousseau
người cùng có của cải, và không ai có quá nhiều của cải hơn những người khác.
38
QUYỂN II
Jean-Jacques Rousseau 40
Khế ước xã hội
1
Quyền Tối thượng không thể chuyển nhượng được[e]
Hậu quả đầu tiên và quan trọng nhất của các nguyên tắc đã được nêu ra trước đây là chỉ có ý chí của tập thể mới có thể điều khiển Nhà Nước đạt đến cứu cánh của mình là công ích: bởi lẽ nếu các tranh chấp về quyền lợi cá biệt khiến việc thành lập xã hội trở nên cần thiết thì sự thoả thuận về chính các quyền lợi đó giúp cho sự thành lập này khả thi. Yếu tố chung nằm trong các quyền lợi khác biệt là sợi dây liên kết tạo nên xã hội và nếu không có điểm đồng thuận giữa các quyền lợi ắt sẽ không có một xã hội nào được hình thành. Chính phải dựa vào quyền lợi chung đó mà xã hội được cai trị.
Do đó, theo tôi, vì bản chất của Quyền Tối thượng không là gì khác hơn sự thi hành ý chí của cả tập thể nên Chủ quyền Tối thượng không thể được chuyển nhượng; và rằng, Hội đồng Tối cao, vì là một cơ cấu tập thể nên chỉ có thể được đại diện bởi chính nó mà thôi; cho nên, quyền hành có thể được uỷ nhiệm, nhưng ý chí thì không được.
Thực ra, ý chí một người có thể đồng thuận trên một điểm nào đó với ý chí tập thể nhưng sự đồng ý này không trường tồn và bất biến; bởi ý chí cá nhân, theo bản chất tự nhiên, hay thiên vị trong lúc ý chí tập thể hướng tới sự công bằng. Không thể có một bảo đảm nào cho cam kết này dù rằng sự bảo đảm phải luôn hiện diện; chẳng qua đó là hiệu quả của rủi may chứ không phải của toan tính. Hội đồng Tối cao có thể nói rằng: „Bây giờ, cái gì người ấy muốn, tôi cũng muốn, hoặc
[e] Trong “Manuscrit de Geneve” (1.I, Chap. IV) Rousseau định nghĩa quyền tối thượng như sau “Trong quốc gia (État) có một sức mạnh chung chống đỡ nó, một ý chí tập thể điều khiển sức mạnh đó, và chính sự áp dụng của cái này lên cái nọ làm nên quyền tối thượng.”
41
Jean-Jacques Rousseau
ít nhất, tôi muốn cái gì anh ta nói rằng anh ta muốn‟; nhưng Hội đồng Tối cao không thể nói: „Cái gì mà ngày mai người ấy muốn, tôi cũng sẽ muốn‟ bởi vì, thực hết sức vô lý nếu ý chí bị trói buộc vào tương lai; cũng như không một ý chí nào có bổn phận phải đồng ý về một điều gì không tốt cho người đó. Vậy nếu dân chúng chỉ đơn thuần hứa tuân lệnh thì chính hành động đó sẽ làm họ tan rã và đánh mất luôn đặc tính của mình; khi một người làm chủ, Hội đồng Tối cao sẽ không còn và kể từ lúc đó, cơ cấu chính trị không tồn tại nữa.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mệnh lệnh của nhà cầm quyền không được xem như đại diện cho ý chí tập thể, nếu Hội đồng Tối cao, tuy có tự do chống lại các mệnh lệnh đó, lại không làm gì cả. Trường hợp này, sự im lặng của toàn thể được xem như là sự đồng ý của cả dân tộc. Việc này sẽ được giải thích thêm sau.
42
Khế ước xã hội
2
Quyền Tối thượng không thể phân chia được
Với cùng một lý luận rằng Quyền Tối thượng không thể chuyển nhượng được, nó cũng không thể phân chia; bởi vì ý chí hoặc là của tập thể, hoặc không thuộc tập thể.1 Trường hợp đầu, ý chí, khi được ban ra, là một hành động của Quyền Tối thượng và trở thành luật. Trường hợp sau, đó chỉ là ý chí cá nhân hay một hành động của Toà, cùng lắm là một sắc lệnh. Thế nhưng, các lý thuyết gia chính trị của chúng ta, vì không thể phân chia Quyền Tối thượng được trên nguyên tắc nên chia nó theo đối tượng: thành sức mạnh và ý chí, thành quyền lập pháp và hành pháp, thành quyền đánh thuế, tư pháp và chiến tranh, thành hành chính nội bộ và quyền đối ngoại. Có khi, họ lẫn lộn giữa những phần đó và có lúc họ cũng phân biệt chúng rõ ràng. Họ biến Hội đồng Tối cao thành một vật quái dị gồm nhiều mảnh liên kết với nhau: như thể họ cấu tạo một con người với nhiều thân thể, một với mắt, một với tay, một với chân và một không có chi cả. Chúng ta được nghe kể rằng, những tay lang băm bên Nhật Bản có thể cắt một đứa bé thành nhiều mảnh trước mắt khán giả, tung các mảnh ấy lên không và đứa bé rơi xuống, vẫn sống và lành lặn. Trò ảo thuật của các lý thuyết gia chính trị của chúng ta cũng giống như thế. Họ cắt xén cơ cấu chính trị, bằng một màn ảo thuật ngoạn mục có thể đem ra diễn giữa hội chợ, rồi kết hợp chúng lại bằng cách nào chúng ta không biết.
Sai lầm này bắt nguồn từ sự hiểu biết thiếu sót các khái niệm chính xác về quyền lực của Hội đồng Tối cao và đã tham dự vào các thành phần thoát ra từ quyền lực đó. Ví dụ, các hành động tuyên chiến và tạo
1 Ý chí tập thể không nhất thiết phải là sự “nhất trí” của mọi người, nhưng mọi ý kiến đều phải được thu nhận (cả thuận lẫn nghịch). Nếu nhà nước loại trừ một số ý kiến nào đó ra, thì đó không còn là ý chí tập thể nữa.
43
Jean-Jacques Rousseau
hòa bình vẫn được xem như là những hành động của Quyền Tối thượng, nhưng thực ra không phải thế, vì các hành động đó không cấu thành luật mà chỉ là sự áp dụng luật, một hành động đặc thù xác định xem luật được áp dụng như thế nào như chúng ta sẽ thấy tường tận khi ý nghĩa gắn liền với chữ “luật” được định rõ.
Nếu xem xét các sự phân chia quyền hành khác một cách chi ly, ta sẽ nhận thấy rằng ta đã lầm lẫn khi nghĩ rằng Quyền Tối thượng bị phân chia; vì các quyền bị phân ra từ Quyền Tối thượng, đều là những quyền phụ thuộc của Quyền Tối thượng, và chính sự hiện hữu của những quyền này chỉ là sự thể hiện một ý chí tối cao đã hiện hữu từ trước mà thôi.
Không thể ước lượng được sự thiếu chính xác trên đây đã làm tối tăm các quyết định của những tác giả viết về quyền chính trị đến mức nào khi họ muốn xét đến các quyền của vua và của dân dựa trên những nguyên tắc mà họ đặt ra. Mỗi người trong chúng ta có thể thấy ở các Chương 3 và 4 trong Quyển Thứ Nhất của Grotius, tác giả, và Barbeyrac, dịch giả, bị vướng mắc và lúng túng như thế nào trong các ngụy biện của họ bởi sợ nói quá ít hay quá nhiều về điều họ nghĩ, và khi nói như thế, họ đụng chạm đến các lợi ích mà họ phải thu phục. Không hài lòng với quê hương của mình, Grotius đã lánh nạn tại Pháp và vì muốn làm đẹp lòng Pháp Hoàng Louis XIII, người mà ông đề tặng quyển sách, đã không ngần ngại tước đoạt mọi quyền lợi của người dân để dâng cho vua tất cả các quyền ấy bằng mọi kỹ xảo có được. Barbeyrac cũng làm thế đối với Anh Hoàng Georges I bằng cách đề tặng nhà vua quyển sách nói trên. Nhưng rủi thay, Vua James II bị truất ngôi, việc mà Barbeyrac cho là „thoái vị‟, buộc Barbeyrac phải do dự, thay đổi ý kiến, nói quanh co hầu tránh gọi Williams là kẻ soán ngôi. Nếu hai tác giả kể trên chấp nhận những nguyên tắc chính đáng, họ đã tránh được mọi khó khăn và hẳn đã giữ được tính nhất quán trong lý luận; nhưng làm như vậy, họ sẽ phải nói ra sự thực và nói sao cho được lòng dân chúng. Nhưng họ biết sự thực không dẫn đến giàu sang và dân chúng lại chẳng phải là người ban phát các chức vụ đại sứ, các ghế giáo sư hoặc các món trợ cấp nào.
44
Khế ước xã hội
3
Ý chí Tập thể có sai lầm không?
Những gì chúng ta đã nói trên đây cho thấy rằng ý chí tập thể luôn luôn đúng và thiên về quyền lợi của dân chúng; nhưng không phải vì vậy mà những bàn cãi của dân chúng bao giờ cũng đúng. Chúng ta bao giờ cũng muốn làm tốt cho chúng ta, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng thấy được cái tốt đó là gì. Dân chúng không bao giờ bị mua chuộc nhưng thường bị lừa dối, và chính lúc đó mới dường như muốn làm điều xấu.
Thường có một khác biệt lớn giữa ý chí của mọi người và ý chí tập thể. Ý chí tập thể chú ý đến quyền lợi chung, trong khi ý chí của mọi người chú ý đến quyền lợi riêng tư. Ý chí của mọi người chỉ là tổng số nhiều ý chí cá nhân; nhưng nếu ta lấy ra từ đó những điều tích cực và những điều tiêu cực mà sẽ triệt tiêu nhau2thì ý chí tập thể là tổng số của những khác biệt.
Khi dân chúng được thông báo dữ kiện đầy đủ và thảo luận, và nếu các công dân không trao đổi tin tức với nhau, thì tổng số của các khác biệt nhỏ ấy sẽ luôn luôn là ý chí tập thể, và quyết định lúc nào cũng đúng. Nhưng lúc các bè phái nổi lên, những hội đoàn riêng rẽ được thành lập và làm tổn thương tập thể lớn thì ý chí của mỗi tập thể đó trở
2 Hầu tước d'Argenson nói: „'Mỗi quyền lợi có nguyên tắc khác nhau. Sự kết hợp của 2 quyền lợi khác nhau được hình thành để chống với quyền lợi của kẻ thứ ba''. Ông ta có thể nói sự kết hợp của tất cả các quyền lợi được hình thành để chống đối với quyền lợi của mỗi người. Nếu không có những quyền lợi khác nhau ta sẽ ít nhận thấy được quyèn lợi chung vì không bao giờ thấy được chướng ngại: mọi việc sẽ trôi chảy và chính trị sẽ không còn là một nghệ thuật.
45
Jean-Jacques Rousseau
nên ý chí tập thể đối với các thành viên của mình, trong khi chúng chỉ là ý chí cá biệt đối với quốc gia; rồi ta có thể nói rằng số phiếu không còn phải là của thành viên nữa mà là của các tập hợp. Các sự khác biệt trở nên ít hơn và cho một kết quả ít tổng quát hơn. Sau rốt, khi một trong những tập hợp đó trở nên lớn đến nỗi có thể lấn áp các tập hợp còn lại, kết quả không còn là một tổng số của các khác biệt nhỏ, nhưng chỉ là một khác biệt đơn độc. Trong trường hợp này thì không còn một ý chí tập thể nữa, và quan điểm thắng chỉ là một quan điểm cá biệt.
Vậy nên nếu muốn rằng ý chí tập thể tự phát xuất ra thì việc quan trọng là phải không có các hội đoàn riêng rẽ trong quốc gia, và mỗi công dân phải có ý kiến riêng của mình 3; đó thật là một hệ thống tuyệt vời và độc nhất đặt ra bởi Lycurgus. Nhưng nếu có những hội đoàn riêng rẽ, thì nên có càng nhiều càng tốt và làm sao không có sự chênh lệch giữa các hội đoàn đó, như là Solon, Numa và Servius đã làm.[a] Chỉ những biện pháp đề phòng này mới có thể bảo đảm rằng ý chí tập thể luôn luôn được sáng tỏ và dân chúng không sai lầm.
3 Machiavelli nói rằng: "Thật ra, có vài sự phân chia làm hại đến nền Cộng Hòa và vài sự phân chia lại làm lợi. Những sự phân chia khuấy động lên các bè phái, đảng phái làm hại; sự phân chia không có bè phái đảng phái nào tham dự làm lợi; vậy thì người sáng lập ra nền Cộng Hòa không thể làm cho sự thù hằn dậy lên, ông ta ít nhất phải ngăn chận chúng trở nên những bè phái." (Lịch sử Florence, quyển VII)
[a] Solon là một trong Bảy Nhà Thông thái của Hy Lạp, gồm có Solon, Chilon, Thales (cũng là nhà toán học với định lý Thales nổi tiếng), Bias, Cleobulus, Pittacus, và Periander. Numa là một vị vua nổi tiếng của La Mã trị vì sau khi Romulus (sáng lập nên La Mã) chết, đã phân chia dân số theo ngành nghề chứ không theo sắc dân [xem thêm Plutarch-Life of Numa tại http://penelope.uchicago.edu/Thayer/E/Roman/Texts/Plutarch/Lives/Numa*.
html. Servius Tullius là vị vua thứ sáu của Cổ La Mã, người đã cải cách Hiến pháp thời bấy giờ và cho phép thị dân giàu có được gia nhập hàng ngũ quý tộc, và tất cả mọi công dân được tham gia vào chính trị [xem thêm tại: http://en.wikipedia.org/wiki/Servius_Tulius]
46
Khế ước xã hội
4
Các giới hạn của quyền tối thượng
Nếu Nhà nước là một pháp nhân tinh thần mà đời sống là sự kết hợp của các thành viên, và nếu bổn phận quan trọng nhất là bổn phận gìn giữ sự sống còn của mình, thì nó phải có một sức mạnh toàn bộ có tính cưỡng chế để di chuyển và sắp xếp mỗi phần tử sao cho có lợi nhất cho tập thể. Cũng như thiên nhiên cho mỗi con người quyền tối hậu trên việc sử dụng tay chân của mình, khế ước xã hội cho cơ cấu chính trị một quyền tối hậu trên các thành viên của mình; và chính quyền này là quyền tối thượng khi được hướng dẫn bởi ý chí tập thể.
Nhưng ngoài con người công cộng ta phải xét đến các cá nhân tạo ra con người công cộng. Đời sống và sự tự do của những cá nhân này đương nhiên là độc lập với con người công cộng. Vậy thì ta phải phân biệt rõ các quyền của người công dân và quyền của Hội đồng Tối cao4 và các bổn phận mà các công dân phải có khi là thần dân, cũng như quyền tự nhiên mà họ được hưởng trong tư cách là con người.
Tôi công nhận rằng, qua khế ước xã hội,mỗi người chuyển nhượng một phần sức mạnh, của cải và tự do của họ mà cộng đồng cho là quan trọng và cần kiểm soát, nhưng ta cũng phải thừa nhận rằng chỉ có Hội đồng Tối cao mới là chủ thể duy nhất để xét xem điều gì là quan trọng.
Tất cả các việc mà mỗi công dân làm để giúp ích cho quốc gia thì phải làm tức khắc ngay khi Hội đồng Tối cao đòi hỏi ; nhưng về phía mình Hội đồng Tối cao không thể bắt người dân gánh chịu những gì 4 Tôi xin những người đọc kỹ đừng hối hả kết tội là tôi mâu thuẫn. Tôi không thể tránh việc đó được vì sự nghèo nàn của ngôn ngữ; nhưng xin hãy chờ đợi.
47
Jean-Jacques Rousseau
vô ích cho cộng đồng. Ngay Cộng đồng cũng không thể có cái ý muốn đó: bởi vì dưới luật của lý trí cũng như dưới luật của thiên nhiên không có gì có thể xảy ra mà không có nguyên nhân.
Những cam kết của chúng ta với cơ cấu xã hội có tính bắt buộc bởi vì chúng liên hệ hai chiều; và bản chất của chúng là khi mà ta thực hiện lời cam đoan ta không thể làm việc cho kẻ khác mà không làm việc cho chúng ta. Tại sao ý chí tập thể luôn luôn đúng, vì ai mà chẳng nghĩ đến "mỗi người," nghĩa là có cả anh ta trong đó, khi bỏ lá phiếu của mình để quyết định cho cả tập thể. Sự việc này chứng minh rằng sự bình đẳng về quyền và ý niệm về sự công bằng do sự bình đẳng ấy tạo ra, bắt nguồn từ sự ưu đãi mà mỗi người tự dành cho mình, và theo đúng bản chất của con người. Việc ấy chứng minh rằng để có thể thực sự là ý chí tập thể, thì ý chí tập thể phải có tính phổ thông đối với mọi đối tượng, cũng như tự trong bản chất; rằng ý chí tập thể phải đi từ tất cả mọi người để áp dụng cho tất cả mọi người, và rằng nó sẽ mất tính ngay thẳng tự nhiên của nó khi nó thiên về một đối tượng cá biệt nào đó; nếu không thì chúng ta phán xét về một cái gì xa lạ với chúng ta mà không có một nguyên tắc công bằng xác thực nào để tự hướng dẫn.
Thực vậy, khi có vấn đề về một sự kiện hay một quyền cá biệt về một điểm đã không được quy định bởi một quy ước tổng quát có từ trước, thì vấn đề này có thể bị tranh cãi. Đó là một vụ trong đó các cá nhân liên hệ là một bên, và dân chúng là một bên, nhưng tôi không thấy được một luật nào phải theo và quan tòa nào ngồi xử. Trong trường hợp đó thật là lố bịch nếu ta đề nghị đưa một vấn đề ra để có một quyết định tức thì của ý chí tập thể. Quyết định đó chỉ có thể là kết luận đoạt được của một trong những phe phái, và như vậy, đối với phe phái kia, đó chỉ giản dị là một ý chí xa lạ, cá thể và có thể không công bằng và bị sai lầm. Vậy thì cũng như một ý chí cá nhân không thể đại diện cho ý chí tập thể, thì cũng vậy ý chí tập thể thay đổi bản chất khi đối tượng của mình là một cá thể và như vậy không thể có quyết định về một người hay một sự kiện. Khi dân chúng thành Athens bổ nhiệm hay cách chức các người cầm quyền, tôn vinh người
48
Khế ước xã hội
này, trừng phạt kẻ khác, và thi hành các chức năng cai trị của mình một cách bừa bãi bằng một số sắc lệnh, thì dân chúng không còn ý chí tập thể nữa, nói cho sát nghĩa, dân chúng không còn hành xử như là một Hội đồng Tối cao nữa, mà như là một quan tòa. Sự việc này có thể xem như là trái ngược với các quan điểm thịnh hành, nhưng tôi cần phải có thời gian để trình bày ý kiến của tôi.
Qua những gì nói trên đây, ta thấy rằng ý chí tập thể không phải là số lượng người bỏ phiếu mà là cái quyền lợi chung kết hợp họ lại; bởi vì trong hệ thống này mỗi người cần phải phục tùng các điều kiện mà anh ta áp chế cho những kẻ khác: một sự hòa hợp đáng phục giữa quyền lợi và luật pháp, với sự hòa hợp này, các cuộc thảo luận công cộng có một tính cách công bằng sẽ biến đi tức khắc khi bất cứ một việc riêng rẽ nào được nêu lên, chỉ vì không có một quyền lợi chung để kết hợp và giúp nhận dạng ra luật của quan tòa và luật của phe phái.
Dù tiếp cận đến nguyên-lý [kể trên] từ khía cạnh nào đi nữa, chúng ta cũng đi đến cùng một kết luận rằng khế ước xã hội đặt ra giữa các công dân một sự bình đẳng đặc thù, kết hợp tất cả với nhau trong cùng những điều kiện, và do đó, cùng hưởng những quyền như nhau. Như vậy, bởi bản chất của khế ước, mọi hành động của Hội đồng Tối cao, tức là những hành động chính đáng của ý chí tập thể ràng buộc hay làm lợi đồng đều cho tất cả mọi công dân, thế nên Hội đồng Tối cao chỉ nhìn nhận cơ cấu của quốc gia, và không phân biệt giữa những người làm nên nó. Nói một cách chính xác thì hành động của Hội đồng Tối cao là gì? Đó không phải là một quy ước giữa một người trên và một người dưới, nhưng đó là một quy ước giữa một cơ cấu và mỗi thành viên của nó. Nó hợp pháp vì được căn cứ trên khế ước xã hội, và công bằng vì chung cho tất cả mọi người; ích lợi vì không có đối tượng nào khác ngoài ích lợi chung, và vững vàng vì được bảo đảm bởi sức mạnh quần chúng và quyền lực tối thượng. Chừng nào mà các thần dân chỉ phải theo các quy ước như vậy, họ không tuân lệnh ai khác ngoài ý chí của chính mình; và nếu hỏi rằng quyền của Hội đồng Tối cao và của các công dân rộng đến đâu, là hỏi các công
49
Jean-Jacques Rousseau
dân có thể cam kết đến mức nào với chính họ; mỗi người đối với tất cả, và tất cả đối với mỗi người.
Từ chỗ này, ta có thể thấy rằng quyền tối thượng, tuy rằng tuyệt đối, thiêng liêng và không thể bị xâm phạm nhưng không vượt qua và không thể vượt quá giới hạn của các quy ước tổng quát[b], và rằng mỗi người có thể hoàn toàn sử dụng phần của cải và phần tự do mà các quy ước ấy để lại cho anh ta; cho nên Hội đồng Tối cao không bao giờ được quyền đặt gánh nặng trên một người này nhiều hơn người kia, vì làm như vậy việc đó trở thành việc riêng rẽ, và Hội đồng Tối cao không còn thẩm quyền nữa.
Khi mà các sự khác biệt ấy đã được công nhận, thật khó mà nghĩ được rằng, trong khế ước xã hội, lại có một cá nhân nào thật sự từ bỏ [quyền lợi của mình], vì lẽ vị trí mà họ có hiện nay nhờ khế ước xã hội thật là tốt hơn vị trí mà họ có trước kia. Thay vì từ bỏ, họ đã làm một sự trao đổi có lời: thay vì một lối sống tạm thời và không ổn định, họ có một đời sống tốt hơn và ổn định hơn; thay vì sự độc lập thiên nhiên, họ có được sự tự do; thay vì có thể làm hại người khác họ được sự an toàn cho chính họ; và thay vì một sức mạnh mà kẻ khác có thể đánh đổ, họ được một quyền mà sự kết hợp xã hội làm cho trở nên vô địch. Đời sống của họ, mà họ đã hiến dâng cho quốc gia, được quốc gia luôn luôn che chở; và khi họ liều mạng sống để bảo vệ quốc gia, họ chẳng làm gì hơn là trả lại những gì mà họ đã nhận được. Chẳng phải những gì mà họ phục vụ quốc gia là những gì mà khi còn sống trong tình trạng thiên nhiên họ phải làm nhiều hơn và nguy hiểm hơn, vì ở đó họ không tránh khỏi phải liều mạng đánh nhau để bảo vệ sự sống còn của họ, hay sao? Thật ra ai cũng phải tòng quân khi đất nước cần đến; nhưng cũng không ai phải tự chiến đấu cho chính mình. Chẳng lẽ vì những gì đã đem lại an ninh cho chúng ta, chúng ta lại
[b] Trong chương IV, phần 8, nói về tôn giáo, Rousseau viết rằng: "Cái quyền đối với thần dân mà khế ước xã hội cho Cộng Đồng không đi quá các mức của lợi ích công."
50
Khế ước xã hội
không thể chịu một phần nguy hiểm mà chúng ta phải chịu khi sự an ninh đó bị tước đi hay sao?
51
Jean-Jacques Rousseau
5
Quyền sống và chết
Một câu hỏi thường được đặt ra là, do đâu mà các cá nhân, trong khi không có quyền tự định đoạt về mạng sống của mình, lại có thể chuyển nhượng cho Hội đồng Tối cao một quyền mà họ không có? Cái khó khăn để trả lời câu hỏi này đối với tôi dường như là ở chỗ câu hỏi ấy được đặt sai. Ai cũng có quyền liều mạng sống của mình để bảo vệ nó. Có ai bao giờ lại nói rằng một người nhảy ra khỏi cửa sổ để thoát một vụ cháy nhà là phạm lỗi tự tử? Có ai chết trong một cơn bão lại bị kết án vì khi bước chân lên tàu đã biết sẽ có nguy hiểm?
Mục đích tối hậu của khế ước xã hội là bảo tồn các thành viên. Kẻ nào muốn đạt được mục đích cũng cần có phương tiện, nhưng các phương tiện nào bao giờ cũng bao gồm một số rủi ro, và cả mất mát nữa. Kẻ nào muốn bảo tồn mạng sống của mình bằng mạng sống của những người khác thì cũng phải sẵn sàng hiến mạng sống của mình cho người khác khi cần thiết. Hơn nữa, người dân không phải là kẻ có quyền phán xét về các sự nguy hiểm khi luật pháp muốn anh hy sinh tánh mạng mình; khi người cầm quyền nói: "Anh nên chết cho quyền lợi của Quốc gia," thì anh phải chết; vì anh được sống trong an ninh cho đến ngày nay là nhờ được quốc gia bảo vệ, và cũng bởi vì mạng sống của anh không còn là một tặng vật của thiên nhiên, mà là một món quà có điều kiện của quốc gia ban cho anh.
Án tử hình mà các kẻ phạm tội bị kết án có thể được nhìn dưới cùng một lý lẽ: chính vì ta không muốn chết dưới tay một kẻ sát nhân nên ta đồng ý rằng sát nhân thì phải đền mạng. Trong khế ước này, [khi đồng ý có án tử hình] không phải chúng ta chấp nhận để mất
52
Khế ước xã hội
mạng sống của ta, mà chính là để bảo vệ nó, và cũng chẳng ai nghĩ rằng [khi đồng ý có án tử hình] thì họ sẽ bị treo cổ.
Ngoài ra, mọi kẻ bất lương, khi vi phạm luật xã hội, đã trở thành kẻ nổi loạn và kẻ phản bội quốc gia; khi vi phạm luật xã hội, y không còn là thành viên của xã hội nữa và đã tuyên chiến ngay cả với xã hội. Trong trường hợp này, sự bảo tồn Quốc Gia mâu thuẫn với sự bảo tồn mạng sống của kẻ đó, và như thế một trong hai phải chết; khi giết một tội phạm, ta không giết một công dân mà là giết một kẻ thù. Sự xét xử, và phán quyết [của tòa] là những bằng chứng rằng kẻ đó đã vi phạm khế ước xã hội, và như vậy, kẻ đó không còn là thành viên của quốc gia nữa. Và vì anh ta là một thành viên trong cộng đồng đã vi phạm khế ước nên anh ta phải bị lưu đày ra khỏi cộng đồng, hay là bị xử án tử hình như là một kẻ thù của cộng đồng; vì một kẻ thù không phải là một con người đạo đức mà chỉ là một con người, và như vậy quyền chiến tranh cho phép giết kẻ chiến bại.
Nhưng người ta sẽ nói rằng sự kết án một kẻ có tội là một hành động đặc thù. Tôi công nhận việc đó; vì vậy sự kết án này không thuộc về chức năng của Hội đồng Tối cao; đó là một quyền mà Hội đồng Tối cao có thể trao mà không thể tự mình thi hành. Tôi không thay đổi trong sự suy nghĩ của tôi, nhưng tôi không thể trình bày tất cả cùng một lúc. Chúng ta có thể nhận định thêm rằng sự trừng phạt thường xuyên luôn luôn là dấu hiệu của nhược điểm hay sơ suất của chính quyền. Không có một kẻ làm bậy nào mà ta không thể giúp họ trở thành một phần tử tốt. Quốc gia không thể kết án tử hình một kẻ nào, ngay cả trong trường hợp để làm gương, nếu chúng ta có thể để cho họ sống mà không gây nguy hiểm cho ta.
Chỉ có Hội đồng Tối cao mới có quyền ân xá hay giảm án sau khi quan tòa đã tuyên bố kết án tội phạm. Phải nhấn mạnh rằng quyền hạn này không được rõ rệt và cũng được sử dụng trong những trường hợp rất hiếm. Trong một quốc gia mà guồng máy cai trị được hoàn hảo thì sẽ có rất ít sự trừng phạt - không phải vì sự khoan hồng tăng mà vì ít tội phạm, chính những lúc quốc gia suy tàn là những lúc mà tội ác gia
53
Jean-Jacques Rousseau
tăng vì quốc gia không bảo đảm sẽ trừng trị được tất cả những tội phạm. Dưới thời Cộng Hòa La Mã, cả Thượng viện lẫn các quan chấp chính tối cao đều không muốn áp dụng sự ân xá, ngay cả dân chúng cũng vậy, tuy rằng đôi khi họ cũng có thu hồi bản án của họ. Ân xá thường xuyên sẽ khiến cho những kẻ tội phạm lờn mặt và ai cũng biết là việc này sẽ đưa đến kết quả như thế nào. Nhưng tôi cảm thấy lòng tôi bảo nhỏ rằng mình nên ngừng bút nơi đây: hãy để những vấn đề này cho những bậc lương thiện không bao giờ phạm lỗi và không bao giờ cần đến sự khoan hồng.
54
Khế ước xã hội
6
Luật pháp
Với khế ước xã hội, chúng ta đã tạo nên và đem lại sự sống cho cơ cấu chính trị: bây giờ ta phải đem lại sinh hoạt và ý chí cho nó qua luật pháp. Bởi vì hành động nguyên thủy cấu tạo và kết hợp cơ cấu này chưa xác định nó phải làm gì để tự bảo tồn.
Cái gì tốt và đúng với trật tự của thiên nhiên là do bản chất của sự vật chứ không do quy ước của con người. Mọi công lý đến từ Đức Chúa Trời, và Ngài là nguồn gốc duy nhất của Công Lý; nhưng nếu chúng ta mà biết cách tiếp nhận nguồn công lý cao siêu như vậy, thì chúng ta sẽ chẳng cần đến chính phủ và cả đến luật pháp. Hiển nhiên là phải có một loại công lý có tính phổ cập đến tất cả mọi người, và từ lý trí mà ra; nhưng muốn được chúng ta chấp nhận, thì công lý này phải có tính tương hoán giữa người với người. Cứ theo bản tính của con người mà nói thì luật pháp của công lý thiên nhiên không có hiệu quả với con người, vì thiếu tính chế tài; chúng chỉ làm lợi cho kẻ xấu, và làm hại người công bằng, vì người công bằng tôn trọng luật pháp với tất cả mọi người, trong khi đó kẻ xấu thì lại bất tuân luật lệ.
Vậy thì phải có những quy ước và những luật pháp để kết hợp quyền lợi với bổn phận và đem công lý về với đối tượng của nó. Trong trạng thái thiên nhiên khi mà mọi sự là của chung, tôi không nợ ai điều gì khi tôi không hứa gì với họ cả; tôi công nhận rằng chỉ những cái gì không ích lợi cho tôi mới thuộc về người khác. Sự việc không phải như vậy trong xã hội văn minh, mà ở đó quyền của mọi người được ấn định bởi luật pháp.
55
Jean-Jacques Rousseau
Vậy thì rốt cuộc luật pháp là gì? Nếu chúng ta chỉ cố gắng định nghĩa từ này bằng những ý niệm siêu hình, thì ta sẽ tiếp tục tranh luận mà không đi đến sự đồng thuận với nhau, và ngay cả khi ta đã định nghĩa được luật của thiên nhiên là gì, thì không chắc lúc ấy ta đã thấu hiểu luật của quốc gia là gì.
Tôi đã nói rằng không có một ý chí tập thể dành cho một đối tượng riêng rẽ. Một đối tượng như vậy phải nằm trong hay nằm ngoài quốc gia. Nếu nó ở ngoài quốc gia, thì đối với nó, ý chí tập thể là một ý chí khác biệt; nếu đối tượng này nằm ở trong quốc gia thì nó là một phần tử của cộng đồng, và như vậy tạo ra một quan hệ giữa hai phần tử tách biệt, gồm có phần tử này là một cơ cấu, và tổng thể trừ phần tử này ra là một cơ cấu khác. Nhưng một tổng thể mà lấy một phần tử ra thì không còn là một tổng thể nữa, và khi mà sự tương quan này còn tồn tại thì không có tổng thể nữa mà chỉ có hai phần không bằng nhau; từ đó ta có thể nói rằng ý chí của một phần không còn là tổng thể đối với phần kia.
Nhưng khi toàn thể dân chúng ra sắc luật cho toàn thể dân chúng, đó chỉ là nghĩ đến chính mình; và nếu có một quan hệ nào xảy ra thì đó là việc giữa hai khía cạnh của một tổng thể toàn diện chứ không phải một sự việc phân chia tổng thể. Trong trường hợp này, khi một đạo luật được tạo thành và phản ảnh được cả tập thể dân chúng cũng như ý chí tập thể, thì đạo luật này được tôi gọi là luật pháp.
Khi tôi nói rằng đối tượng của các điều luật luôn luôn là tổng quát, tôi muốn nói rằng luật pháp được áp dụng cho toàn thể các thành viên của tập thể và các hành động được hiểu một cách trừu tượng, chứ luật không áp dụng cho riêng một cá nhân nào hay vì một hành động đặc thù nào. Vì vậy, luật pháp có thể ấn định rằng sẽ có những đặc quyền, nhưng không thể ban đặc quyền ấy cho một cá nhân nào với tên tuổi rõ ràng; luật pháp có thể tạo nhiều giai cấp công dân, ngay cả ấn định những tiêu chuẩn để xếp loại những giai cấp đó, nhưng luật pháp không thể chỉ định người này hay người kia thuộc vào một giai cấp này hay giai cấp khác; luật pháp có thể thiết lập một nền quân chủ với
56
Khế ước xã hội
việc cha truyền con nối nhưng không thể chọn một vị vua hay chỉ định một hoàng tộc. Tóm lại, tất cả mọi chức vụ liên hệ đến một đối tượng riêng rẽ đều không thuộc thẩm quyền của lập pháp.
Về vấn đề này, ta thấy ngay rằng không cần phải hỏi ai là người làm luật bởi vì đó là hành động của ý chí tập thể; cũng không cần phải hỏi người cầm quyền có ở đứng trên luật pháp hay không vì người ấy là thành viên của quốc gia; cũng không cần phải hỏi liệu luật pháp có công bằng hay không, vì chẳng có ai mà lại đi bất công với chính mình; cũng không hỏi vì sao mà ta vừa được tự do vừa phải tuân theo luật pháp, bởi vì luật pháp chỉ là những gì thể hiện ý chí của chúng ta.
Nhìn xa hơn ta còn thấy rằng, vì luật pháp kết hợp tính chất chung của ý chí với tính chất chung của đối tượng, cho nên, điều gì mà một người - bất kể là ai - dùng quyền của mình để ra lệnh thì đó không phải là luật; điều gì mà Hội đồng Tối cao đưa ra về một đối tượng riêng rẽ cũng không phải là điều luật, nhưng đó chỉ là một sắc lệnh, không phải là một đạo luật của quyền tối thượng mà là một hành vi của chính quyền.
Vậy theo tôi, từ "Cộng Hòa" là dành cho bất cứ quốc gia nào được cai trị bằng luật pháp, dù dưới bất cứ hình thức hành chánh nào: vì chỉ chính trong môi trường đó mới có sự cai trị của quyền lợi công, và cái gọi là "công vụ" [c] mới trở thành một hiện thực. Tất cả mọi chính quyền hợp pháp là cộng hòa 5: tôi sẽ giải thích chính quyền là gì trong các phần sau.
[c] "Res publica" là một thuật ngữ tiếng La-tinh, đã được sử dụng từ thời Cổ Hy Lạp và La Mã, nghĩa căn bản là tất cả những gì thuộc về "của công;" nghĩa bóng chỉ một hệ thống các cơ quan của nhà nước, hay vắn tắt hơn, chỉ nhà nước. Cicero trong tác phẩm De re publica (thế kỷ thứ nhất trước công
nguyên) đã dùng res publica để chỉ các "việc công" và chính trị. 5 Tôi không dùng chữ này để chỉ một chế độ quý tộc hay dân chủ, mà tổng quát mọi chính phủ được hướng dẫn bởi ý chí tập thể, tức là luật pháp. Để được hợp pháp, chính phủ không phải là Hội đồng Tối cao, nhưng là người
57
Jean-Jacques Rousseau
Nói rõ hơn, luật pháp chỉ là những quy ước của sự kết hợp dân sự. Dân chúng chịu quyền của luật pháp nên cũng phải là những người làm ra luật; quyền này chỉ thuộc những người kết hợp lại để thành lập xã hội: nhưng họ điều hòa bằng cách nào? Có phải bằng một sự thỏa thuận chung, hay bằng một cảm hứng đột khởi? Cơ cấu chính trị có một cơ quan để đưa ra các ý chí chung không? Ai cho cơ cấu này sự viễn kiến cần thiết để làm ra những đạo luật và tuyên cáo trước [cho dân biết]. Hay làm sao để thông báo luật lệ đến dân chúng khi cần? Làm sao mà một đám đông mù lòa thường không biết mình muốn gì và ít khi biết cái gì tốt cho mình lại có thể đảm nhận một công việc lớn lao và khó khăn như là hệ thống lập pháp? Dân chúng luôn luôn muốn cái tốt cho chính mình, nhưng ít khi họ thấy được những cái tốt đó là gì. Ý chí tập thể luôn luôn đúng, nhưng sự phán đoán để đưa đến các hành động thường không phải lúc nào cũng sáng suốt . Nó phải thấy các sự vật dưới thực chất hiện tại của chúng, và đôi khi cũng phải nhận diện được là tình trạng hiện tại của chúng chưa đạt đến điều cần có; nó phải được hướng dẫn đến con đường tuyệt hảo mà nó đang đi tìm và bảo đảm rằng nó sẽ không bị những ảnh hưởng của các ước muốn cá nhân quyến rũ; nó phải được hướng dẫn để nhận thấy không gian và thời gian như là một chuỗi dài nối tiếp nhau; và nó phải biết cân nhắc những quyến rũ trước mắt và lợi ích hiện tại với những nguy hiểm và những tai họa đang rình rập trong tương lai. Các cá nhân nhìn thấy cái tốt mà rồi lại từ bỏ đi; quần chúng muốn cái tốt nhưng mà lại không thấy. Cả hai bên đều cần sự hướng dẫn. Cá nhân phải buộc ước muốn tuân theo lẽ phải; và quần chúng phải được dạy bảo để biết mình muốn gì. Nếu việc đó được thực hiện, sự sáng suốt của quần chúng sẽ dẫn đến sự kết hợp giữa sự thông cảm và ý chí của cơ cấu xã hội: từ đó các phe phái sẽ làm việc chặt chẽ với nhau và tổng thể sẽ được nâng lên mức mạnh nhất. Sự kiện này cho thấy cần phải có nhà làm luật.
thừa hành; như vậy, ngay cả một nền quân chủ cũng là một Cộng Hòa. Sự kiện này sẽ được nói rõ hơn trong cuốn sau.
58
Khế ước xã hội
7
Nhà làm luật
Hầu tìm được những luật lệ của xã hội thích ứng nhất cho các quốc gia, cần phải có một người có sự thông minh siêu tuyệt để có thể thấu hiểu những nhiệt tình của con người mà vẫn không bị ảnh hưởng của thất tình, lục dục, một con người mà hạnh phúc độc lập với con người nhưng lại quan tâm đến hạnh phúc của con người, một con người mà sẵn sàng làm việc ở đời này cho kết quả ở đời sau.6 Chỉ có thần thánh mới là một "người" như vậy.
Trong khi Caligula lý luận dựa trên sự kiện thì Plato trong tác phẩm "Politicus" dựa trên luật để định nghĩa quyền căn bản của một con người bình thường hay các vị vua chúa. Nhưng nếu những vị cai trị danh tiếng đã hiếm, thì các nhà làm luật danh tiếng còn hiếm hơn bao nhiêu lần? Nhà cai trị chỉ vận hành theo các đường hướng mà nhà làm luật đặt ra. Nhà làm luật là người kỹ sư phát minh ra cái máy, người cai trị chỉ là người ráp máy và làm cho nó chạy. Montesquieu đã nói: "Lúc ban đầu khi các xã hội được hình thành, các nhà cầm quyền của nền Cộng Hòa đặt ra các định chế, và sau đó các định chế lại định hình các nhà cầm quyền."7
Kẻ nào dám đứng ra tạo thể chế của một dân tộc phải cảm thấy rằng mình có thể làm thay đổi bản tính của con người; có thể biến đổi mỗi cá nhân từ một tổng thể hoàn bị và cô đơn ra thành phần tử của
6 Một dân tộc chỉ nổi tiếng khi nền luật pháp của họ bắt đầu thoái hoá. Chúng ta không biết hệ thống của Lycurgus giúp dân thành Sparta được hạnh phúc trong bao nhiêu thế kỷ trước khi phần còn lại của Hy Lạp biết được chuyện này.
7 Montesquieu „'The Greatness and Decadence of the Romans'' ch.i
59
Jean-Jacques Rousseau
một tổng thể lớn hơn mà từ đó anh ta nhận được đời sống và sự tồn tại của mình; có thể sửa đổi thể trạng của con người để cho nó tốt hơn; có thể thay thế đời sống vật chất và sự độc lập mà tất cả chúng ta nhận được từ thiên nhiên bằng một đời sống chung [với cộng đồng] và đạo đức. Tóm lại, người đó phải lấy ra khỏi con người các sức mạnh mà thiên nhiên cho nó, và thay vào đó là những sức mạnh ngoại tại mà nó chỉ có thể sử dụng các sức mạnh mới này khi có sự giúp đỡ của người khác. Các sức mạnh từ thiên nhiên càng bị hủy diệt hoàn toàn thì các sức mạnh mới nhận được càng lớn và lâu dài và thể chế càng chắc chắn và hoàn hảo hơn; thế nên, vì mỗi cá nhân công dân không là gì cả và không thể làm gì cả nếu không có những người khác trợ giúp, và khi sức mạnh mới nhận được bởi tổng thể bằng hay lớn hơn tổng số sức mạnh thiên nhiên của tất cả mọi người, thì ta có thể nói rằng nền lập pháp đã đạt đến mức hoàn mỹ nhất mà nó có thể đạt được.
Xét trên mọi phương diện, nhà làm luật chiếm một vị trí phi thường trong quốc gia. Phi thường không những vì ông ta là một thiên tài, mà còn vì chức vụ; nhưng chức vụ này lại không thuộc nhà nước cũng không thuộc Hội đồng Tối cao. Chức vụ này tạo nên nền cộng hòa nhưng không ở trong hiến pháp. Đó là một chức vụ đặc biệt không có điểm gì chung với thế giới con người; bởi vì kẻ nào làm chủ con người thì không thể làm chủ luật pháp, và kẻ nào làm chủ luật pháp thì cũng không thể làm chủ con người; nếu không các điều luật của anh ta sẽ chỉ là kẻ thừa hành của xúc cảm và sẽ duy trì các nỗi bất công: các mục đích riêng tư của anh ta chắc chắn sẽ làm hư hỏng tính cách thiêng liêng của công trình của mình.
Khi Lycurgus làm luật cho xứ sở của ông ta, việc ông làm trước nhất là từ bỏ ngai vàng. Phần lớn các thành phố Hy Lạp có tục lệ giao cho người ngoại quốc làm luật cho mình. Các Cộng Hòa ở Ý thời nay thường bắt chước làm như vậy; Cộng Hòa Genève cũng theo gương như thế và thấy có kết quả tốt.8 La Mã, trong thời kỳ thịnh vượng
8 Những người chỉ biết Calvin như là một nhà thần học đánh giá quá thấp thiên tài của ông ta. Ông đã dự một phần lớn trong việc soạn thảo các sắc
60
Khế ước xã hội
nhất, đã phải khổ sở, và lắm lúc gần như bị sụp đổ vì tội ác của các bạo chúa lại xảy ra, khi quyền lập pháp và quyền tối thượng nằm trong tay một người.
Tuy nhiên ngay cả các thành viên trong Hội Đồng 10 người (decemvirs) không bao giờ đòi quyền tự đưa ra luật pháp. Họ tuyên bố với dân chúng: "Những gì mà chúng tôi đề nghị không bao giờ trở thành luật nếu đồng bào không đồng ý. Hỡi dân La Mã, hãy tự mình là những nhà làm luật để đem lại hạnh phúc cho chính mình."
Vậy nên kẻ làm luật không có hay không được có thẩm quyền lập pháp nào, và ngay cả dân chúng, khi muốn cũng không được từ bỏ cái quyền không thể chuyển nhượng này, bởi vì theo khế ước căn bản chỉ có ý chí tập thể mới ràng buộc được các cá nhân; và không có gì bảo đảm rằng ý chí của một cá nhân sẽ đồng thuận với ý chí tập thể cho đến khi nó được đưa ra để dân chúng đầu phiếu tự do. Tôi đã nói đến việc này rồi nhưng nó vẫn đáng được lập lại.
Vì vậy trong việc làm luật chúng ta thấy có hai việc mà dường như không tương hợp với nhau: thứ nhất đó là một công tác quá khó khăn cho sức người, và thứ hai là một chính quyền không có thẩm quyền để làm luật.
Còn có một khó khăn khác đáng cho chúng ta lưu ý. Các nhà thông thái, nếu dùng ngôn ngữ của mình để nói với người dân thường, thay vì dùng ngôn ngữ bình dân, sẽ khó làm cho người dân hiểu hết những tư tưởng của mình, vì có cả hàng ngàn tư tưởng không thể chuyển tải được bằng ngôn ngữ bình dân. Những khái niệm quá tổng quát và những sự vật quá xa vời cũng ở ngoài tầm hiểu biết của họ: mỗi cá nhân- thường không quan tâm đến bất cứ kế hoạch nào của chính phủ
lệnh, và công việc này đem lại cho Calvin nhiều danh dự như cuốn „'Institute'' không biết thời gian có đem lại thay đổi gì cho tôn giáo của chúng ta không, nhưng chừng nào mà tinh thần ái quốc và tự do còn sống trong chúng ta thì ông ta vẫn còn được tưởng niệm và tôn trọng.
61
Jean-Jacques Rousseau
ngoài những gì thích hợp cho quyền lợi riêng tư của mình-khó nhận thức được các lợi ích mà anh ta có thể rút tỉa được từ những luật lệ tốt được ban hành. Để cho một dân tộc mới được thành lập có thể hưởng ứng một cách nhiệt tình những nguyên tắc khôn ngoan của chính trị và tuân theo các luật lệ căn bản của quốc gia thì hiệu quả phải trở thành nguyên nhân; tinh thần xã hội phải là điều kiện tiên quyết để tạo ra các thể chế, và con người, phải là những con người có tinh thần xã hội trước khi luật pháp được tạo thành, và lại phải chịu sự chi phối của pháp luật. Vậy thì nhà làm luật, vì không thể sử dụng được sức mạnh hay lý luận, phải cần có một quyền lực từ một cơ chế khác để ép buộc mà không dùng võ lực và làm cho người ta tin mà không cần phải chứng minh.
Đó cũng là lý do tại sao mà, từ trước đến nay các nhà lập quốc phải nhờ đến các Đấng Thiêng Liêng và tôn vinh các thần thánh đã cho họ có sự khôn ngoan [khi làm luật], để cho dân chúng quy phục luật lệ của quốc gia cũng như luật của thiên nhiên; và chấp nhận quyền lực này trong sự hình thành của con người và của thị quốc (City), [có như vậy] thì người dân mới tự tuân phục luật lệ và ngoan ngoãn khoác lên mình cái ách của hạnh phúc công cộng.
Cách lập luận cao siêu này vượt qua khỏi sự hiểu biết của con người thường, và cũng là cách mà nhà làm luật nói rằng các quyết định của họ là do thần thánh truyền dạy; họ dùng thần quyền để kềm chế những kẻ mà sự khôn ngoan của con người vẫn không thuyết phục được.9 Nhưng không phải ai cũng có thể nói rằng các thần thánh phát biểu như vậy, hay có thể tự cho mình là người thông dịch của thần linh. Chính tâm hồn cao cả của nhà làm luật mới thật sự là phép lạ chứng minh cho sứ mệnh của mình. [Vì thực ra], ai cũng có thể khắc 9 Machiavelli nói: „'Thật ra, ở bất cứ xứ nào, không bao giờ có một nhà làm luật phi thường nào mà lại không cần đến Chúa; nếu không làm như vậy, luật của ông ta không bao giờ được chấp nhận: thật ra, có những sự thật ích lợi mà nhà làm luật hiểu được tầm quan trọng; và các sự thật đó mang trong chúng những bằng chứng hiển nhiên để có thể thuyết phục kẻ khác." (Discourses on Livy, Bk.v, ch.xi)
62
Khế ước xã hội
những tấm bia đá, hay mua một lời tiên tri, hay rêu rao là đã được giao dịch bí mật với một vị thần nào đó, hay huấn luyện một con chim để nói thì thầm vào tai anh ta, hoặc bày ra những trò hoa hòe hoa sói để gây ấn tượng với người khác. Nhưng kẻ nào chỉ biết làm những việc như vậy có thể tụ tập quanh hắn ta một đám đông khờ dại, và sẽ không bao giờ lập được một quốc gia, và các trò ngông cuồng của hắn sẽ mau chóng tàn lụi. Những trò gian trá màu mè và vô bổ chỉ tạo nên một mối quan hệ phù phiếm, chỉ có sự khôn ngoan mới làm cho mối quan hệ trở nên lâu dài. Luật Do Thái, mà hiện nay vẫn còn tồn tại qua hậu duệ của Ishmael, đã thống trị trên một nửa thế giới từ 10 thế kỷ nay và vẫn còn tuyên xưng các vĩ nhân đã làm ra các luật đó; và mặc dù sự kiêu ngạo của triết học hay sự mù quáng của bè phái chỉ xem những vĩ nhân này là những kẻ giả danh may mắn, thì các nhà chính trị chân chính, qua các định chế đã được kiến tạo, ngưỡng mộ thiên tài vĩ đại của những bậc đã kiến tạo nên các công trình bền vững với thời gian.
Dù sao, ta cũng không nên kết luận như Warburton, rằng chính trị và tôn giáo có chung một mục đích, nhưng trong những thời điểm khởi đầu khi lập quốc, yếu tố này được sử dụng như là một phương tiện cho yếu tố kia.
63
Jean-Jacques Rousseau
8
Dân chúng
Như trước khi xây cất một tòa nhà lớn, kiến trúc sư quan sát và thăm dò đất để xem miếng đất có thể chịu đựng được sức nặng của tòa nhà hay không, nhà làm luật khôn ngoan không bắt đầu bằng việc soạn ngay các luật lệ tốt, mà trước đó ông quan sát xem dân tộc mà ông ta soạn luật pháp xem họ có khả năng chịu đựng các luật ấy không? Chính vì lẽ đó mà Plato từ chối không làm luật cho dân Arcadian và dân Cyranaeans bởi vì ông biết rằng hai dân tộc đó giàu có và không thể chấp nhận được sự bình đẳng; vì vậy mà ta thấy ở đảo Crete có những luật tốt và con người xấu vì Minos đã áp đặt kỷ luật trên một dân tộc có đầy thói hư tật xấu.
Cả ngàn quốc gia trên trái đất đã tiến đến mức tuyệt hảo nhưng chưa bao giờ có được luật pháp anh minh và ngay cả có được luật pháp anh minh đi chăng nữa thì cũng chỉ có được trong một thời gian ngắn trong quá trình lịch sử của họ. Quốc gia cũng như con người, chỉ dễ bảo khi còn trẻ, nhưng khi đến tuổi già thì khó mà thay đổi được họ nữa. Một khi các thói quen và định kiến đã ăn sâu vào tâm trí họ, thì việc cải tạo là một việc nguy hiểm và vô ích; dân chúng, giống như những con bệnh ngu xuẩn và hèn nhát, run sợ khi thấy bác sĩ, không thể nào chịu để người khác giúp mình diệt đi các tật xấu.
Giống như những chứng bệnh làm xáo trộn tinh thần của bệnh nhân và làm cho họ quên cả quá khứ thì trong lịch sử, các quốc gia sau khi phải trải qua những cuộc xáo trộn bạo lực và cách mạng, cũng sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ cho dân tộc họ: những cơn ác mộng rùng rợn sẽ được thay thế bằng những quên lãng. Nhưng rồi các quốc gia này sau những trận khói lửa của nội chiến, sẽ trỗi sống dậy từ đám tro tàn
64
Khế ước xã hội
và lấy lại sức mạnh của tuổi trẻ sau khi thoát khỏi bàn tay của tử thần. Đó là các trường hợp của Sparta vào thời Lycurge, của La Mã sau thời Tarquins và của các xứ Hòa Lan và Thụy Sĩ sau khi đã trục xuất được các nhà độc tài ra khỏi nước.
Nhưng những biến cố như thế rất hiếm; đó chỉ là những trường hợp ngoại lệ nhờ vào thể chế đặc biệt của quốc gia đó. Những biến cố này không thể xảy ra hai lần cho cùng một dân tộc, bởi vì một dân tộc có thể giành được tự do khi còn man rợ, nhưng [khi đã trở thành một dân tộc văn minh] và nếu ý chí và năng lực công dân đã mất đi, thì một khi đã mất tự do sẽ không lấy lại được nữa. Các cuộc biến động sẽ tiêu diệt xã hội dân sự mà không một cuộc cách mạng nào có thể khôi phục lại. Người dân lúc đó cần một chủ nhân ông chứ không cần một người giải phóng họ. Hỡi các dân tộc tự do, hãy nhớ lấy chân lý này: "Ta có thể giành được tự do, nhưng nếu để mất đi, sẽ không bao giờ khôi phục lại được nữa."
Tuổi thanh niên không phải là tuổi thơ ấu. Đối với các quốc gia cũng như với con người, phải có một khoảng thời gian thanh niên, hay nói đúng hơn, khoảng thời gian trưởng thành trước khi bị được cai trị bởi luật pháp, nhưng cũng không dễ biết được khi nào một dân tộc trưởng thành, và nếu chúng ta cho nó hưởng quá sớm thì công việc sẽ bị hư hỏng. Dân tộc này có thể ép vào kỷ luật từ khi mới ra đời, dân tộc kia phải sau mười thế kỷ mới được. Dân Nga không bao giờ thật sự trở thành văn minh, bởi vì họ đã được văn minh quá sớm. Nga Hoàng Peter là một thiên tài về việc bắt chước; nhưng ông ta không có thiên tài thực sự, nghĩa là có óc sáng tạo và tạo ra mọi việc từ số không. Ông đã làm được vài việc tốt, nhưng phần đông những việc ấy lại không hợp lúc. Ông biết rằng dân của ông chưa được khai hóa nhưng không thấy rằng họ chưa đủ trưởng thành để tiến tới văn minh: ông ta muốn văn minh hóa dân chúng mà không biết rằng họ cần được huấn luyện trước. Ước muốn đầu tiên của ông là biến dân Nga thành những người Đức hay Anh, trong khi việc phải làm là giúp họ trở thành người dân Nga thật sự; ông ngăn chận dân của ông trở thành những người Nga thực sự thay vào đó lại thuyết phục họ bắt chước để
65
Jean-Jacques Rousseau
trở thành những người khác. Làm theo cách này thì một giáo sư Pháp cũng có thể làm cho học trò của mình trở thành thần đồng, nhưng rồi sau đó trong suốt cuộc đời nó sẽ không là gì cả. Đế quốc Nga sẽ mưu đồ xâm chiếm Âu Châu, và nó cũng sẽ bị xâm chiếm. Bọn Tartars, thần dân hay láng giềng của nó sẽ trở thành chủ nhân của Nga và cả của chúng ta nữa, qua một cuộc nổi dậy mà tôi thấy sẽ không thể tránh được. Thế mà các vì vua ở châu Âu lại đang cùng nhau hợp sức để cho việc này đến sớm hơn.
66
Khế ước xã hội
9
Dân chúng (tiếp theo)
Thiên nhiên đã đặt ra những kích thước cho tầm vóc một con người viên mãn, ngoài các kích thước đó thì con người hoặc là to lớn như những kẻ khổng lồ hoặc nhỏ thó như những chú lùn, cũng như vậy, để cho thể chế một quốc gia được tốt nhất thì phải đặt những giới hạn sao cho cho thể chế đó không quá lớn để cho việc cai trị gặp khó khăn, và không quá nhỏ để không thể tự bảo tồn. Trong mọi cơ cấu chính trị có một sức mạnh tối đa không thể vượt qua được, vì nếu nó cứ tăng trưởng thì nó sẽ mất sức mạnh đó đi. Mối liên hệ xã hội càng lan rộng thì nó càng lỏng lẻo đi, và một cách tổng quát, một quốc gia nhỏ thì, [tính theo tỷ lệ giữa kích thước và sức mạnh,] mạnh hơn một quốc gia lớn.
Có cả ngàn lý do để hậu thuẫn cho điều nói trên. Trước hết, khoảng cách càng xa thì sự cai trị càng khó, giống như một vật sẽ cân nặng hơn ở đầu một đòn bẫy dài. Việc cai quản ở những nơi càng xa thì càng nhiều tốn kém; vì mỗi thành phố có một nền hành chánh riêng của mình, và người dân ở đó đóng góp mọi chi phí; mỗi địa hạt lại có một nền hành chánh riêng và dân chúng lại phải đóng góp vào; rồi thì đến tỉnh bang, đến cấp chính quyền lớn hơn, các thống đốc, các phó vương; càng lên cao thì người dân lại càng phải đóng góp nhiều; sau hết nền hành chánh tối cao đè bẹp tất cả. Mọi sự đóng góp liên tục này làm người dân kiệt quệ, họ sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn nếu họ chỉ bị cai trị bởi một cấp trên thay vì nhiều cấp. Ngoài ra, đâu còn tài nguyên để sử dụng khi khẩn cấp; và khi cần đến nó thì quốc gia luôn luôn ở bên bờ bị tiêu diệt.
67
Jean-Jacques Rousseau
Đó chưa phải là hết: không những chính phủ sẽ kém mạnh đi và kém nhanh nhạy khi áp dụng luật pháp, hay ngăn ngừa các phiền hà về hành chánh, chỉnh đốn các vụ lạm quyền, và ngăn chận các mưu toan dấy loạn nẩy mầm ở các chỗ xa xôi; mà còn làm cho dân chúng ít có thiện cảm với nhà cầm quyền hơn vì họ có bao giờ gặp người lãnh đạo đâu; và cũng ít yêu mến quốc gia hơn, vì đất nước trong mắt họ cũng mênh mông như thế giới [xa lạ]; họ cũng ít thương mến đồng bào hơn vì phần lớn đối với họ là người xa lạ. Cũng cùng một luật lệ nhưng lại không thể áp dụng đồng bộ cho những tỉnh có phong tục khác nhau, có khí hậu và địa lý khác nhau, và như thế không thể có được một chính quyền đồng nhất; [còn nếu làm ra] luật lệ khác nhau thì lại chỉ làm cho người dân nói chung thêm bối rối, vì cùng sống dưới sự cai trị của một chính quyền sao luật chỗ này lại khác chỗ kia. Cũng cùng là bà con qua liên hệ gia đình (cưới hỏi), nhưng vì luật lệ khác nhau, người dân không hiểu đâu mới thật sự là di sản của mình. Còn như tập trung đám người đông đúc không hề quen biết nhau lại, tại trung tâm hành chánh thì tài năng bị chôn vùi, đức hạnh không được biết đến và tệ nạn không bị trừng phạt. Các nhà lãnh đạo, bị tràn ngập bởi công việc, không tự mình xét đoán được chuyện gì, họ để quốc gia cho các viên chức cai quản. Sau hết, các biện pháp cần áp đặt để duy trì quyền lực cho chính phủ-một quyền mà các viên chức ở những nơi xa xăm muốn tránh không thi hành hay chỉ làm để thủ lợi riêng-đã làm tiêu hao tất cả nghị lực của dân chúng, cho nên không còn lại gì để tạo hạnh phúc cho dân chúng; và may ra chỉ còn chút đỉnh để bảo vệ họ khi cần. Vì vậy một cơ cấu quá lớn cho thể chế của nó sẽ tự sụp đổ và bị đè bẹp bởi chính sức nặng của mình.
Còn nữa, quốc gia phải có một nền móng vững chắc để có sự ổn định, để chống với các xáo trộn mà nó không thể tránh được, và để từ đó có thể phát huy các nỗ lực cần thiết để duy trì sự sống còn; bởi vì tất cả các dân tộc đều chịu một loại lực ly tâm làm cho chúng luôn luôn chống đối nhau và có khuynh hướng bành trướng qua đất của
68
Khế ước xã hội
nước láng giềng, y như các cơn lốc xoáy của Descartes.[d] Vậy nên nước yếu có thể bị nước lớn nuốt trọn; và gần như là không nước nào có thể sống còn trừ trường hợp tự đặt mình vào một vị thế cân bằng với tất cả, để cho áp lực từ mọi phía được cân bằng.
Vậy thì các nhà làm chính trị phải vô cùng khéo léo để lựa chọn, giữa các lý do để bành trướng và lý do để thu nhỏ lại, cái trung dung thích hợp nhất để quốc gia được sống còn. Nói một cách tổng quát, các lý do để bành trướng, hướng ra ngoài và tương đối, phải tùy thuộc vào các lý do để thu nhỏ, hướng vào trong và tuyệt đối; việc đầu tiên là phải thành lập ra một thể chế lành mạnh dựa trên sức mạnh của một chính phủ tốt hơn là dựa trên tài nguyên của một vùng đất rộng lớn.
Ta có thể thêm rằng đã có nhiều quốc gia mà sự cần thiết đi xâm chiếm nằm trong thể chế của họ, và để sống còn, họ bị bắt buộc phải bành trướng không ngừng. Có thể rằng họ tự mãn nguyện về sự cần thiết may mắn này; nhưng nếu ngẫm nghĩ lại thì đi kèm với sự bành trướng có giới hạn này là một sự sụp đổ không tránh khỏi.
[d] Descartes (1596-1650) là một bác học thời Phục hưng, ông vừa là một triết gia, nhà toán học, vật lý và thiên văn học, cũng là người nói câu bất hủ: "tôi tư duy nên tôi hiện hữu." Ông cũng là cha đẻ ra hệ tọa độ trực chuẩn cho môn hình học giải tích. Về thiên văn học, Descartes đưa ra thuyết "Lốc xoáy," theo thuyết này thì vũ trụ chứa đầy những vật thể dưới nhiều dạng khác nhau và quay cuông theo những cơn lốc xung quanh mặt trời. (HVCD).
69
Jean-Jacques Rousseau
10
Dân chúng (tiếp theo)
Người ta có thể đo lường [sức mạnh] của một cơ cấu chính trị bằng hai cách: hoặc bằng sự rộng lớn của đất đai, hoặc bằng dân số, và giữa hai yếu tố đó, một sự tương quan đúng đắn sẽ tạo nên một quốc gia hùng mạnh thật sự. Con người tạo ra quốc gia, và đất đai nuôi con người; vậy sự tương quan này là có đủ đất đai để nuôi sống người dân và có vừa đủ số dân để cư ngụ trên lãnh thổ. Chính trong cái tỷ lệ này ta có thể tìm thấy sức mạnh tối đa nằm trong dân số; bởi vì lãnh thổ quá rộng lớn, sẽ mang lại khó khăn trong việc bảo vệ nó cũng như trong sự trồng trọt, và có thể sản xuất nhiều hơn nhu cầu; và đó là nguyên nhân của chiến tranh tự vệ. Nếu không đủ đất đai, quốc gia sẽ tùy thuộc vào các nước láng giềng vì [phải nhập cảng lương thực] thiếu thốn [từ nước ngoài], và trong tương lai sẽ xảy ra chiến tranh xâm lược. Bất cứ dân tộc nào, mà địa thế của mình bắt buộc phải lựa chọn giữa thương mại và chiến tranh, là một dân tộc yếu kém: nó tùy thuộc vào các nước láng giềng, và vào các hoàn cảnh [không kiểm soát được]; sự sống còn của một dân tộc như vậy luôn luôn bất trắc và ngắn ngủi. Hoặc là nó phải xâm chiếm các nước khác để thay đổi hoàn cảnh khó khăn của mình, hoặc là bị xâm chiếm và bị tiêu diệt. Một dân tộc như vừa nói, chỉ có thể giữ được tự do bằng cách bành trướng thành một nước mạnh hoặc co rút lại thành một không nước đáng kể.
Ta không thể tính được chính xác mức tương quan giữa sự rộng lớn của đất đai và dân số để xem đâu là sự cân bằng, vì [nhiều lý do khác nhau như] sự khác biệt giữa phẩm chất, độ màu mỡ của đất, các loại sản phẩm, ảnh hưởng của thời tiết, và tánh tình khác nhau của dân ở đó; dân trên đất màu mỡ có thể ăn ít trong khi dân trên đất cằn cỗi lại ăn nhiều. Ta còn phải kể đến mức sinh sản nhiều hay ít, đến các
70
Khế ước xã hội
điều kiện thuận lợi hay khó khăn cho mức tăng trưởng dân số, đến tầm mức ảnh hưởng của các luật lệ mà nhà làm luật mong áp dụng. Vậy nhà làm luật không nên dựa trên những gì mình thấy mà trên những gì mình dự đoán; cũng không nên dựa vào tình trạng của dân số hiện tại mà phải tiên đoán mức tăng trưởng của dân số một cách tự nhiên. Cuối cùng có vô số tình huống trong đó các hoàn cảnh địa phương đặc biệt bắt buộc hoặc cho phép một sự bành trướng lãnh thổ lớn hơn là cần thiết, như là sự bành trướng các vùng núi mà ở đó các tài nguyên thiên nhiên - rừng, đồng cỏ - đòi hỏi ít sức lao động, ở đó kinh nghiệm cho thấy tỷ lệ sinh sản cao hơn là ở miền đồng bằng, và ở đó một vùng đồi núi chỉ cho phép một khoảng đất nhỏ hẹp dành cho sự trồng trọt. Ngược lại, đất đai có thể thu hẹp lại dọc theo ven biển, ngay cả ở các vùng đất đá và cát, bởi vì nghề đánh cá có thể thay thế phần lớn cho sản phẩm của đất đai và con người phải tụ họp đông đảo để chống lại bọn cướp biển; và hơn nữa họ có thể dễ dàng đi chinh phục các thuộc địa để giảm bớt gánh nặng dân số.
Ngoài những điều kiện kể trên, ta phải cần thêm một yếu tố khác nữa; tuy rằng yếu tố này không thay thế được các điều nói trên, nhưng nếu không có nó thì tất cả các điều ấy đều vô dụng: đó là sự sung túc và hòa bình trên lãnh thổ; vì trong thời gian mà một quốc gia đang ở trong tình trạng xây dựng - giống như thời gian một tiểu đoàn đang được thành lập - là lúc đơn vị này ít có sức đề kháng nhất và là lúc dễ bị tiêu diệt nhất. Một quốc gia có thể tự vệ một cách hữu hiệu trong lúc loạn lạc nhất, hơn là trong thời kỳ xây dựng nhà nước, là lúc mà mọi người chỉ bận tâm với tư thế của mình hơn là đối đầu với nguy cơ. Nếu chiến tranh, đói kém hay nổi loạn xảy ra vào thời kỳ nguy hiểm này thì nhà nước đó không tránh khỏi bị lật đổ.
Không phải là không có nhiều chính quyền được dựng lên trong những lúc bão tố như vậy, nhưng trong trường hợp ấy thì chính các chính quyền đó lại là những kẻ phá hủy quốc gia. Các kẻ tiếm quyền gây nên hoặc lợi dụng các thời kỳ xáo trộn đó để nhân sự khiếp sợ của quần chúng mà cho thông qua các luật lệ nguy hại, những luật lệ mà dân chúng không bao giờ chấp nhận khi tỉnh trí. Cách chắc chắn nhất
71
Jean-Jacques Rousseau
để phân biệt việc làm của nhà lập pháp và của bạo chúa là nhìn xem thời điểm luật pháp được ban hành.
Vậy thì dân tộc nào là dân tộc thích ứng cho pháp luật? Đó là một dân tộc đã được kết hợp bằng sợi dây liên hệ hoặc về nguồn gốc, về lợi ích, hay trên một quy ước [đồng thuận với nhau], và chưa bao giờ thật sự mang cái ách luật pháp; một dân tộc không bị ảnh hưởng sâu đậm của tục lệ, dị đoan; một dân tộc không sợ bị áp đảo bởi một cuộc xâm chiếm bất thần; một dân tộc không dính líu với các sự bất hòa của các nước láng giềng và có thể một mình chống cự với mỗi nước hay liên kết với nước này để đẩy lui nước kia; một dân tộc trong đó mỗi người dân có thể được tất cả mọi người biết đến và ở đó không một ai bị bắt buộc phải mang một gánh nặng lớn hơn sức chịu đựng của mình; một dân tộc có thể không cần đến các dân tộc khác, và các dân tộc khác cũng không cần đến họ;10 một dân tộc không quá giàu và cũng không quá nghèo và có thể tự túc được; sau rốt một dân tộc có khả năng kết hợp tính nhất quán [trong đặc tính] của một dân tộc xưa với tính uyển chuyển của một dân tộc mới [sống trong pháp luật]. Điều khó khăn cho việc làm luật pháp không phải là việc thiết lập mà là việc hủy bỏ; và điều này hiếm khi thành công là vì không thể tìm ra được tính chất đơn giản của thiên nhiên cộng với các nhu cầu [phức tạp] của xã hội. Kết hợp được các điều kiện này với nhau là điều khó, vì lý do đó ít quốc gia nào có được một thể chế tốt.
10 Trong hai dân tộc láng giềng mà một dân tộc này phải nhờ cậy đến dân tộc kia thì đó sẽ là một tình huống rất khó khăn cho dân tộc thứ nhất, và rất nguy hiểm cho dân tộc thứ hai. Trong trường hợp này một quốc gia khôn khéo nên cố gắng giúp nước kia thoát khỏi sự tùy thuộc này. Nước Cộng Hòa Thlascala, nằm trong đế quốc Mễ Tây Cơ chẳng thà không cần đến muối còn hơn là phải mua muối từ dân Mễ, và từ chối không nhận ngay cả khi được Mễ tặng không. Dân Thlascala đã khôn ngoan thấy cái bẫy che dấu dưới sự hào phóng này. Họ gìn giữ sự tự do của họ, và quốc gia nhỏ bé này, nằm chìm giữa Đế quốc Mễ to lớn, lại là nguồn gốc cho sự sụp đổ của đế quốc này.
72