🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bàn Tay Kỳ Dị - Nigel Richardson full prc pdf epub azw3 [Giả tưởng]
Ebooks
Nhóm Zalo
ebook©vctvegroup 13-08-2018
Lời cảm tạ
Tôi mang ơn Clare Alexander về tầm nhìn,
Liz Cross về niềm tin, và Miren Lopategui về mọi thứ khác.
Gởi Miren
Lẽ nào tôi phải bằng lòng với điều bất ưng như chiền chiện và én bằng lòng với những đôi cánh?
• Edward Thomas
Lời giới thiệu
B
ay là một khát vọng muôn đời của con người. Ngay cả khi khoa học đã tiến rất xa trong việc chế tạo ra các phương tiện rất tối tân để di chuyển, thì trong sâu thẳm của những tâm hồn thơ mộng vẫn có niềm khao khát rất lãng mạn là được tự thân nhấc mình hổng chân lên khỏi mặt đất, bay lượn trên không, mà không phải cần đến một sự trợ giúp về kỹ thuật nào.
Graham Sinclair, một cậu bé 14 tuổi sống ở tỉnh lẻ, thừa hưởng sự di truyền kỳ dị của gia đình bên ngoại, cậu có đôi bàn tay to, thô kệch, xấu xí, và khi duỗi ra thì chúng có thể giúp cậu bay lên.
Trong chuyến nghỉ hè ở London, một tai nạn rớt máy bay xảy ra trong vùng, Graham tình cờ sử dụng kỹ năng bay đặc biệt của mình để cứu một đứa bé, khởi đầu cho một cuộc phiêu lưu hào hứng.
Graham còn có thêm một cuộc phiêu lưu khác trong chính con người mình. Cuộc phiêu lưu về giới tính. Những kinh nghiệm và cảm xúc, những bỡ ngỡ và xốn xang của một đứa con trai trong giai đoạn phát triển thành thanh niên.
Cậu yêu chăng? Chưa! Thế thì điều gì xảy ra? Cậu mê gái! Với văn phong dí dỏm, duyên dáng và khả năng hư cấu, Nigel
Richardson viết nên một chuyện cổ tích tân kỳ dành cho cả thiếu niên lẫn người lớn.
• Nguyễn Tuệ Đan
Chương một
T
ôi sẽ bắt đầu câu chuyện bằng vụ rớt máy bay vì đó là duyên cớ cho tôi gặp gỡ Jennifer. Nhưng trước tiên, bạn cần phải làm quen với đôi bàn tay của tôi.
Tôi ra đời mang theo tai họa ở đôi bàn tay của mình. Có những nếp gấp bằng thịt ở giữa các kẽ tay làm cho chúng trông giống như bên trong của chiếc dù khi đóng lại. Nếu mỗi đêm tôi không cọ rửa bằng bàn chải thì chúng sẽ đầy ghét. Bác sĩ Morrison là người khuyên tôi làm điều đó. Má đưa tôi đến cho ông khám khi tôi lên năm. Không phải khám tay, mà tôi nghĩ rằng lúc đó tôi bị chứng quai bị hay bệnh gì đó nhưng bác sĩ Morrison lại để ý đến bàn tay. Ông nâng đôi tay tôi lên như thể chúng là những đĩa CD và lật qua lật lại xem. Ngay chính lúc đó, với vẻ cau mày lo ngại và xem xét chăm chú của ông, lần đầu tiên tôi cảm thấy buồn bực về chúng.
Má nói: “Ồ, chúng tôi đã quen với điều đó rồi. Chẳng ai thấy sao hết“. Ý bà là, sau khi ra đời, tôi đã được đưa đến vô số bác sĩ và bệnh viện để khám tay mà chả ai phán được chút gì về nguyên do chúng lại như thế. Nhưng chẳng hề gì, vì chúng có ảnh hưởng gì đến ai đâu.
Bác sĩ Morrison nói: “Tôi không biết mình đã từng thấy thứ gì như thế này chưa. Mặt khác… ha ha ha…! Tôi không có ý đùa
cợt gì nhé, nếu chúng hoạt động bình thường thì…“ Má cắt lời: “Dường như thằng bé chẳng thấy có gì rắc rối cả.” Rồi bà mỉm cười với tôi.
Bác sĩ Morrison nói: “Cứ để y như vậy là hay nhất. Chỉ cần đảm bảo cậu nhóc phải giữ chúng thật sạch. Kỳ cọ kỹ lưỡng giữa các kẽ tay mỗi đêm. Nếu không thì kẹt về vụ vệ sinh lắm à nha.“
Đây là điều chúng tôi - tôi, má và ba - nghĩ về đôi tay của tôi. Những thứ phải được kỳ cọ. Duy nhất chúng được nhắc đến là vào mỗi đêm khi má bảo tôi kỳ rửa chúng thật kỹ. Ba thì chẳng bao giờ nhắc đến chúng, dù chỉ một lần. Nhưng có khi tôi bắt gặp ông ngó chúng chăm chăm, như khi tôi với tay lấy lọ bơ chẳng hạn.
Thật ra có lần ông nhắc đến chúng, hay suýt nhắc đến chúng. Tôi có một thói quen kỳ quặc là thích duỗi căng các ngón tay ra. Khi duỗi ra như thế thì làn da giữa các kẽ lại kêu lên lắc cắc sột soạt. Tôi có thể tả cho bạn nó kêu như thế nào vì có lần tôi nghe được thứ âm thanh gần giống như vậy. Nó nghe như tiếng lá khô bay lượn trong hành lang khi có người mở cửa trước. Tiếng khá lớn, và nó thường làm cho ba phát bực mình. Thường khi tôi làm thế, ông chỉ yên lặng trừng mắt ngó tôi cho tới lúc tôi phải ngó lảng đi. Có lần ông nổi giận, la lên:
“Trời ơi, mày dẹp trò đó ngay giùm tao.“
“Dẹp cái trò gì ạ?” tôi hỏi lại.
Ông lại phát khùng lên. Ông nghĩ tôi giở trò láu cá nhưng thật ra tôi đâu dám. Tôi chỉ không biết trả lời như thế nào cho đúng thôi.
“Mày biết dẹp cái trò gì mà,” ông nói. “Không thì tao phải bắt
mày mang bao tay à. Nếu mà tao kiếm được một đôi đủ bự cho tay của mày.“
Tôi dẹp trò duỗi các ngón tay thẳng ra khi láng cháng gần ông.
Trong ngày đầu tiên đến trường, một đám đông học trò bu lại quanh tôi ngoài sân chơi để cố nhìn cho được đôi tay. Bởi vì đông quá, cả đám đều chen nhau chí mạng, nên có đứa la lên. “Nào, mày hãy giơ tay lên cao xem, thằng Cả Quỷnh.” Nghe vậy, tôi liền giơ hai tay cao lên khỏi đầu, cả đám cười lăn chiêng. Sau một hai ngày thì chúng chán đôi tay tôi, nhưng trong suốt thời gian ở tiểu học, ít nhất mỗi ngày một lần, có đứa nào đó chợt nhớ đến và la lên. “A, Cả Quỷnh, giơ tay lên nào,” thì tôi lại giơ tay lên, rồi cả đám cười rộ. Tôi cũng cười, tôi đâu có ngu. Và tôi hoàn toàn không phải là thằng nhút nhát. Tôi khá khỏe, đặc biệt là đôi tay, cho dù trông tôi có vẻ yếu đuối. Nhưng tôi chả dại gì mà chọi với năm thằng cùng một lúc. Và dù sao đi nữa, tôi chỉ phải giơ tay lên thôi mà, sau cả đám được dịp cười một mẻ đã đời rồi thì yên chuyện, dù gì cũng yên được một lúc, chỉ vậy thôi.
Cái tên Cả Quỷnh đeo dính suốt thời tiểu học và lên đến trung học. Ngày đầu tiên ở trường phổ thông Sir Roger de Coverley không khá tí nào. Cứ như là bước ra trước đám đông 67 ngàn người ở sân bóng Old Trafford, trừ việc họ không cổ vũ mà họ lại cười ồ lên. Thêm nữa, nhiều đứa còn móc di động ra chụp hình rồi gởi cho bạn bè, có lẽ gởi ra khắp thế giới. Bọn nhóc này trước đây tôi chưa từng gặp, chúng đến từ các trường trong khắp thành phố, có vẻ như chúng đều biết chuyện đôi tay tôi. Có vẻ như chúng đều đang chờ. Thậm chí chúng còn hò hét như
một đám phát rồ quái gở. “Cả Quỷnh, Cả Quỷnh!” Có một điều thật tệ là cả bọn con gái cũng gào lên như thế. Mà tôi lại khoái con gái, thế mới khổ! Trước đây, ở tiểu học hầu như học sinh toàn là bọn con trai gà tồ.
Ngày nào cũng tệ. Cứ như là thức dậy nhìn vào gương thì thấy một vết đốm bự chảng bằng cái dĩa nằm ngay trên trán. Một núi lửa có các cạnh màu đỏ và một cái lỗ màu vàng là nơi dung nham sẽ phụt trào ra. Không, còn tệ hơn vậy nữa kìa. Cứ như là hai cái núi lửa, tươi rói xì khói ngùn ngụt, mỗi ngày. Tôi thích trời vào mùa đông, thật là lạnh. Khi đó tôi có thể mang găng tay. Mỗi khi nhiệt độ trong lớp học hạ xuống thì tôi cũng có thể mang găng trong lớp nữa. Thật là tuyệt, được che kín hai tay suốt cả ngày với lý do thật chính đáng. Tôi luôn mặc một chiếc áo thùng, ngay cả khi vào mùa hè oi bức cũng mặc. Nó có túi to đằng trước giống như cái lỗ mà tôi có thể chôn tiệt hai tay vào.
Thật là buồn cười về mấy cái tên. Khi tôi xuống London, người ta không gọi tên nào khác ngoài tên cúng cơm của tôi: Graham (đó là không kể những cái tên mà đôi khi cậu George và Derek gọi tôi, như là Joe Nhóc, hay Joe Ngố, hay Charlie Mặt Nhọn). Trước đây tôi chưa từng đến London nhưng chuyện tên tuổi này làm tôi ngay lập tức thấy mình như đang ở quê. Và quê nhà thật của tôi là nơi mà người ta gọi tôi bằng những cái tên xấu xí và ghét tôi thậm tệ, ngay cả chính ba má tôi cũng ghét nữa. Ba thì đã đành. Má thì còn phức tạp hơn.
Thế đấy, tình cảnh là vậy đó, tôi sẽ kể tiếp câu chuyện khủng khiếp đã xảy ra liền ngay đây. Tôi và ba má sống trong một căn hộ ở vùng ngoại ô một thành phố không lớn lắm, khu công
nghiệp Yorkshire. Khi tôi nhắc tới vùng này với người London, nếu họ không bảo rằng chưa từng nghe đến nó, thì cũng nghĩ rằng nó nằm trong thành phố Dales bởi vì đó là khu Yorkshire duy nhất mà họ biết. Nhưng không có quán trà kiểu cổ nào ở quanh khu chúng tôi. Từ cửa sổ phòng ngủ tôi thấy được hai mỏ than và những ngọn tháp làm nguội của nhà máy điện. Những ngọn tháp lớn này trông giống như mấy cái vại đựng cà phê nóng hôi hổi, có những cụm mây ngùn ngụt hơi nước chầm chậm bốc lên. Giữa ngôi nhà và phần gần nhất của mỏ than là một đường xe ô-tô và một đường sắt. Đường sắt này chạy về London. Các chuyến tàu réo còi ầm ĩ dọc theo nó vào ban đêm. Khi nghe chúng, tôi lại nghĩ đến trò cờ bạc thâu đêm suốt sáng; mấy gã béo phệ, giàu có bước ra khỏi một khách sạn khổng lồ, đi vào khu Park Lane[1] mà không ý thức được giờ giấc hay thậm chí ngày tháng gì cả.
Ngôi nhà của chúng tôi là một khối gạch trên một khu đất có khoảng năm mươi hay một trăm khối gạch tương tự như thế. Dân cư sống trong đó đều làm những công việc có dính dáng đến đường hỏa xa, hay nhà máy điện, hay các mỏ than. Họ lái các xe ô-tô của công ty như những chiếc Vauxhall Vectras, mặc đồng phục, cầm bảng kẹp hồ sơ, thủ những cái mũ bảo hộ và đôi ủng thô để ra vào công trường. Ba tôi bán xi-măng. Đặc quyền của ông là lấy xi-măng không mất tiền để xây một hòn non bộ. Một chiếc xe tải sàn phẳng khổng lồ chạy đến chỉ để giao có mỗi một bao xi-măng.
Cửa trước của nhà chúng tôi khác với mọi cánh cửa của những ngôi nhà khác. Nó được sơn màu gỗ với những ô vuông bằng kính giả kiểu cổ giống như đáy chai. Các ngôi nhà kia có
những thứ khác, như những cánh cửa chớp chỉ để làm cảnh (quá hẹp để che đủ cửa sổ và thế nào đi nữa thì chúng cũng được đóng đinh dính vào tường). Rồi dần dà các ngôi nhà bắt đầu trông khang khác nhau tí chút. Nhưng điều đó không lừa được tôi. Với tôi, chúng đều luôn luôn giống y chang như nhau.
Tôi nhớ vào khoảng bảy giờ, bước ra khỏi cổng mé hông của ngôi nhà thì gần như là đi thẳng ra ngoài đồng trống. Lúc đó thật là khoái. Tôi muốn nói là, buổi sáng thức dậy quả là không tệ và tôi có thể gần như đi suốt cả giờ mà không phải bận tâm nghĩ ngợi gì về đôi tay mình. Tôi la cà với bọn nhóc trong khu nhà. Ở trường, chúng là những đứa đầu têu trong việc gào lên Cả Quỷnh này, Cả Quỷnh nọ…, nhưng trong những ngày nghỉ chúng lại rất nhút nhát và chẳng nhắc nhở gì đến đôi tay tôi. Chúng tôi đạp xe tà tà loanh quanh rồi chạy xuống giao lộ đường sắt để ngó những chuyến tàu nhanh rú còi chạy ngang về London. Cạnh bên giao lộ đường sắt là một dòng suối nhỏ chúng tôi bắt cá gai ở đấy bằng những chiếc lưới màu xanh lục sáng móc ở đầu mấy cây gậy tre. Chúng tôi bỏ cá vào lọ đựng mứt rồi mang về nhà, nhưng chúng chẳng bao giờ sống quá vài ngày. Tôi làm một nghĩa trang mai táng cho cá gai ở cuối vườn. Tôi trôi lướt qua mùa hè đó như bông bồ-công-anh lãng du bay qua những cánh đồng. Nhưng những điều hay ho, thậm chí những thứ chỉ tàm tạm được, lại chẳng bao giờ kéo dài. (Này bạn, chú ý nhé! Tên tôi là Graham Sinclair. Đây là sự khôn ngoan của tôi đấy.)
Tôi đang đạp xe xuống một con đường nằm giữa hai cánh đồng thì một gã đàn ông bước ra khỏi đám bụi rậm, hai tay giơ lên trời. Cái lối giơ tay của gã làm tôi nhớ đến tay cảnh sát giao
thông trong một bộ phim hài được dựng ở Ý mà tôi đã xem (gã bị một chiếc Fiat trên đường chạy trốn tông phải ngã văng tưng). Gã có mái tóc xám bù xù trông thể như bạn có thể quẹt một que diêm vào làâ nó bùng cháy. Gã nói rằng gã làm việc cho đội mật vụ và đang có công tác mật theo dõi bọn tội phạm hoạt động trong vùng. Gã nói trông tôi ra dáng nhân viên mật vụ oách lắm. Liệu tôi có muốn tham gia với gã không? Tôi không hỏi thẻ công tác của gã nhưng gã cũng trao tôi một cái. Nó đáng ngó qua lắm chứ. Tôi ngượng nếu cầm cái thẻ quá lâu hay đường hoàng đọc nó vì lỡ mà gã phát hiện ra đôi tay của tôi rồi buông lời bình luận về chúng thì quả là rách việc. Tôi trả cái thẻ lại và nói mình phải đi ngay. Gã nói: “Trước khi gia nhập, cậu phải đi khám. Chỉ để bảo đảm cậu có sức khỏe thuộc loại trên cả tuyệt vời.“
Tuy vậy, tôi đâu có khờ. Tôi leo lên xe đạp một mạch về nhà. Tôi chần chờ mất hai ngày trước khi kể lại với má, tôi không biết vì sao tôi lại làm vậy. Cảnh sát đến. Ba nổi giận vì tôi đã chần chờ mà không kể lại ngay. Cảnh sát chẳng tìm ra ai cả. Sau vụ đó tôi không được phép ra ngoài cánh đồng và tha thẩn chơi một mình nữa.
Chuyện đó chẳng có gì quan trọng cả, vì thế nào đi nữa thì đất và các cánh đồng trống cũng biến mất, vì thế cho dù tôi được phép rong chơi ngoài đó thì chúng cũng không còn nữa, nhà cửa dần dà mọc lên phủ lấp chúng rồi. Và những con đường nữa. Thậm chí dòng suối nhỏ cũng bị phủ lấp mất luôn. Khu rừng bảo vệ cây sồi huyền hoặc bị đốn hạ, hiển nhiên luôn cả cây sồi cũng bị đốn. Những tảng đá xưa mà chúng tôi đã cho là cổng vào trung tâm địa cầu thì bị xe tải chở đi đâu mất biệt.
Cứ như là một giấc mơ mà trong đó chẳng hề có thứ gì quanh chúng tôi cả, ngoại trừ những ngôi nhà được cất thêm. Mỗi ngôi nhà có một cái cây nhỏ khẳng khiu trong khu vườn trước. Mấy cái cây được cột ghép vào những cây cọc bằng một đoạn dây cao su màu xanh, trong mùa đông chúng phai đi thành màu xám, rồi mục nát mất. Kế bên những ngọn cây là các nắp cống có lỗ trũng trông giống như chiếc khay mà má hay dùng làm bánh pudding theo kiểu Yorkshire. Chúng tôi ăn món thịt bò nướng và bánh Yorkshire vào mỗi Chủ nhật. Khi trời đổ mưa thì các cửa sổ bốc mờ hơi nước, và tôi thường bị mắng vì tội làm những lỗ cửa trong màn hơi nước để nhìn ra ngoài. Đêm đêm, tôi mơ mòng lắng nghe tiếng xe lửa chạy về London. Co ro cuộn mình lại như đứa trẻ trong bụng mẹ, hai bàn tay kẹp êm giữa hai đầu gối.
* * *
Lên mười hai tuổi, vào cuối năm học đầu tiên ở Sir Roger de Coverley, tôi đánh bạn với một đứa tên là Brian. Chúng tôi không chơi thân với nhau. Ngay lúc đó tôi đã biết thế. Nhưng không có ai chịu chơi với chúng tôi nên hai đứa đành chơi với nhau. Brian to con, vụng về và khá là thô lỗ. Không chỉ thô lỗ với tôi thôi, mà với tất cả mọi người khác, đó là phần nào lý do vì sao không ai ưa hắn. Tôi biết hai đứa đi với nhau trông rất tếu vì người ta thường bật cười khi thấy chúng tôi đi ngang, đôi khi ngay cả người lớn cũng cười như thế. Chắc là tôi phải thấp hơn Brian đến cả tấc, thêm nữa, tôi lại gầy gò và có vẻ yếu ớt so với hắn (tất nhiên là ngoại trừ đôi tay). Tôi biết ơn hắn một điều:
Hắn chẳng bao giờ nhắc nhở gì đến đôi tay tôi. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng vì hắn tốt. Hắn chỉ không muốn tôi nhắc một điều gì đó của hắn để trả đũa, như hai bàn chân to kếch sù của hắn hay cái cách hắn nhón bước trên những đầu ngón chân, nghiêng về phía trước trên đôi bàn chân khổng lồ, cái cách những tay khật khùng hay làm.
Tôi đạp xe đến nhà Brian chơi trong những ngày nghỉ khi cha mẹ và tay anh trai của hắn vắng nhà. Chúng tôi xem các tạp chí “tươi mát” của anh hắn. Hai đứa ngồi bên nhau yên lặng trên giường của anh hắn, Brian lật giở từng trang. Một ngày nọ, hắn cưỡi xe đạp đến gặp tôi ở lối đi. Hắn chờ tôi. Hắn nói rằng vừa phát hiện được một điều bí mật. Tôi theo hắn xuống gần rìa con đường sắt. Giờ thì mọi thứ đã được xây lên. San sát dày đặc những là đường xá với đại lộ. Hắn dẫn tôi len qua một khoảng trống giữa hàng rào. “Đó, thấy chưa!” hắn khoe.
Đó là một cái rãnh. Sâu và khô ráo. “Mình hãy làm một cái hang, một cái sào huyệt”, hắn nói. Hắn đá chiếc giày thể thao cỡ số 10 vào đất cát.
“Cái hang ư?” tôi hỏi. Xưa rồi Diễm, hang là dành cho bọn nhóc tì thơ dại, mà bọn tôi đâu còn thơ dại gì nữa chứ. Giờ đây chúng tôi đã biết xem loại tạp chí “tươi mát” rồi kìa. “Nè Brian, mình đâu còn là nhóc tì nữa,” tôi nói.
“Không phải nhóc tì, không“, Brian đáp, ”nhưng mày có những điều bí mật, phải vậy không nào?” và trong thoáng giây tôi nghĩ rằng hắn đã biết bí mật của mình. Tôi thấy nóng bừng mặt. Một cách nào đó hắn đã khám phá ra bí mật của tôi, và tất cả chuyện lăng nhăng này chỉ có thế. Hắn không thật sự muốn làm bạn với tôi, hắn chỉ muốn làm thân với tôi để khám phá
thêm về bí mật của tôi mà thôi. Nhưng tôi đang hoảng sợ quá thể. (Thế nào đi nữa thì lúc đó tôi đã hoang mang lắm. Nhưng như người ta thường nói, khi bạn hoảng sợ thì không có nghĩa là bọn chúng sẽ tha cho bạn đâu. Tôi có tâm sự với Jennifer về điều đó và nàng lại giả vờ rằng nàng nghĩ là chuyện đó buồn cười quá. Nàng giả vờ như trước đây chưa từng nghe như thế. Nhưng tôi bảo đảm là nàng chỉ ra vẻ lịch sự thôi, bởi vì đó hoàn toàn là một câu người ta thường nói, và một phụ nữ ở tuổi nàng hẳn là phải biết nó rồi.)
Nhưng Brian không biết gì về bí mật của tôi. Thậm chí hắn không thấy tôi đỏ mặt, hắn quá háo hức bày tỏ rằng hắn có những bí mật rùng rợn riêng. Hắn nhướng mày, phùng má, làm trò khỉ với đôi mắt, khiến một con thì ngó lên, con kia thì ngó xuống, và cái đầu thì trông giống như của một con búp bê quá đát có hai con ngươi đảo lia đảo lịa. “Ô kê, làm thì làm,” tôi đáp.
Chúng tôi bắt tay vào việc khá suôn sẻ khi làm cái hang. Chúng tôi chờ cho tới lúc trời sẩm tối rồi đến giở lấy mấy thanh ván từ bên khu xây dựng nơi người ta đang cất một ngôi nhà. Chúng tôi đặt những thanh ván bắc ngang qua miệng rãnh ở đầu rãnh cụt để làm cái mái. Chúng tôi xếp vải bao tải lên các thanh ván rồi rãi đất và cỏ lá lên trên. Đến giờ chúng tôi phải về nhà rồi vì trời gần như đã tối mịt. Chẳng mấy chốc thì ba tôi sẽ lái xe chạy tà tà xuống phố quanh các con đường như một tay cớm Mỹ trong phim. Ông giả vờ tìm tôi và mong sao phải chạy thật lâu để có cớ nổi giận để cấm tôi ra khỏi nhà suốt một tuần. Cái kiểu của ông là như vậy.
Ngày hôm sau chúng tôi trở lại. Chúng tôi băn khoăn liệu mấy tay thợ có thấy mất mấy thanh ván không, nhưng họ
không nhận ra. Chúng tôi gom góp những cây dương xỉ, cỏ rác, một ít gạch cũ và các thứ khác, rồi cũng xếp lên mớ bao tải luôn thể, cho tới khi không còn thấy được các thanh ván nằm bên dưới, thì nó giống như một đám bụi rậm cỏ lá ngoài đồng. Chúng tôi bước lui ngắm công trình của mình. Sào huyệt của chúng tôi. Lối vào giống một chữ D nằm ngửa trên mặt cong của nó. Chúng tôi nhảy vào rãnh rồi khom người xuống, cố nhìn vào trong. Tối om mò mò, không nhìn thấy gì cả trong vòng mười giây đầu, và bốc mùi giun dế.
Brian có mang theo một số đồ nghề, một cuộn thảm cũ và các món khác trong cái bị rúm ró. Chúng tôi bò vào hang, trải cuộn thảm ra, rồi tấn góc nó vào những cạnh đất mềm của cái hang. Rồi chúng tôi nằm lăn ra trên thảm. Brian lục bị rồi bấm cây đèn pin, nó đã cháy sáng trong đó khi hắn lôi ra. Hắn lại rọi đèn vào bị rồi lôi ra một cây nến và một hộp diêm. “Để phòng ngừa,” hắn nói. Chúng tôi lại nằm xuống bên nhau. Brian rọi đèn lên các tấm ván trần. Những nhúm đất nhỏ từ trên trần rơi xuống, tôi thấy được chúng rơi. Một ít rơi vào mắt và một ít rơi trên môi tôi, tôi ho khúc khắc đẩy nó xuống. Chúng tôi nằm im lặng.
Ở chỗ người ta đang xây ngôi nhà mới, ở bên kia hàng rào, vang lên xình xịch tiếng máy trộn xi-măng. Đám thợ đang nghe radio chơi nhạc của Elvis Presley. Họ huýt sáo theo và một anh sủa lên như chó. Âm thanh rất gần làm chúng tôi nín thở. Brian rọi đèn vào mặt tôi và tôi khúc khích cười. Rồi hắn cũng cười. Thật là tếu, đám thợ ở gần xịt mà không biết chúng tôi đang có mặt ở đây. Thêm nữa, chúng tôi còn chôm vật liệu của họ để làm sào huyệt mà họ cũng không biết. Chúng tôi phải bóp mũi lại để nín cười.
Brian tắt đèn pin. Khi xoay đầu lại tôi thấy được tròng trắng trong mắt hắn lóe lên trong bóng tối. Tôi không cố ý làm điều tôi đã làm ngay sau đó. Tôi tình cờ nắm mớ đất cát và rác rưởi lăng nhăng trong tay, và thấy ngứa ngáy. Vì thế tôi duỗi thẳng bàn tay ra. Tiếng sột soạt lắc cắc vang lên thật to trong cái hang. Tôi cảm nhận được toàn thân của Brian căng ra, như thể hắn giật bắn người khi chạm phải dòng tĩnh điện. Hắn bật đèn pin lên hỏi: “Caaaái giiì vvvaaậy?” Tròng trắng của hắn lóe lên lia vào tôi.
Tôi không nói lời nào. Tôi không thể tin rằng Brian không nghe được tiếng tim tôi đập thình thịch. Bởi vì tôi sắp kể với hắn, tôi thật muốn kể ra luôn. Tôi sẽ bày ra cho hắn xem và sẽ kể với hắn. Hắn là người bạn mới của tôi, người bạn thật sự đầu tiên mà tôi có. Và khi đó tôi thấy sướng quá, nằm trong cái hang nghe đám thợ thầy huýt sáo vang bên ngoài, một nhúm đất rơi lên đầu gối để trần, nhồn nhột, đủ thấy khoái mà không thấy ngứa. Cho đến giây phút đó, tôi muốn kể ra với ai đó điều bí mật của mình quá đi mất. Tôi mở miệng để nói. Rồi tôi ngậm lại. Mình mở lời thế nào đây? Tôi nghĩ về cái câu mà tôi sẽ nói. Tim tôi đập như bắn ra ngoài. Nhưng rồi nó lại ngừng đập đột ngột vì tôi biết thời khắc thích hợp đã trôi qua. Tôi đã nhát cáy.
Brian nói: “Ồ, không. Lũ chuột kêu chút chít ấy mà.” Brian nói: “Tao chuồn đây.” Hắn bỏ lại cây nến và hộp diêm. Và tấm thảm. Tôi hỏi hắn có trở lại không. Hắn nói không biết. Tôi nghe tiếng hắn lôi chiếc xe đạp qua hàng rào. Rồi im ắng. Bọn thợ cũng im re. Thứ Sáu. Hẳn là bọn họ nghỉ việc về sớm. Tôi lại nằm xuống trong bóng tối, suy nghĩ về điều mình suýt nữa đã làm, tức là kể với Brian. Giờ thì tôi hài lòng vì mình chưa kể với
hắn. Tôi cho rằng mình không ưa gì hắn. Nhưng tôi vẫn muốn kể ra với một ai đó. Cứ như là bước đến đầu mút của cái cầu nhảy rồi nhìn xuống hồ bơi bên dưới. Sẽ tới lần sau, và trong lần sau tôi sẽ phóng mình ra khỏi cái cầu nhảy đó.
Tôi nhặt cây nến, rồi khoét một cái lỗ dưới đất cạnh bên tấm thảm để cắm nó đứng lên. Tôi sắp thắp nến thì nghe một tiếng động ở bên ngoài. Tôi nghĩ chắc là Brian trở lại để lấy tấm thảm. Đó là kiểu của Brian. Tôi đã ngạc nhiên vì hắn không lấy nó đi ngay lúc ấy. Tiếng động im bặt, rồi vang lên trở lại. Có ai đó đang đi qua hàng rào. Tiếng bước chân ngay bên ngoài. Nhưng không có ai vào hang cả. Tôi cất tiếng hỏi: “Brian hả?” thì tiếng động lại ngưng. Tôi bò đến cửa hang, ngó ra.
Tôi ngạc nhiên vì trời đã tối lắm. Có thể vẫn nhìn được lờ mờ, nhưng mọi vật ở mức chỉ còn màu đen và trắng, chỉ còn các hình thù và bầu trời. Ngay trước hang là hình dáng của một người. Tôi nghĩ ngay đến gã đàn ông bước ra khỏi bụi rậm. Tôi phải ngồi yên không gây tiếng động. Rồi tôi nhận ra đó là một đứa con gái. Cô đang quay đi, nghiêng đầu qua một bên như thể đang cố lắng nghe gì đó. Cô bước chầm chậm ra xa cái hang.
Rồi dừng lại và nhìn xuống. Cô lôi từ dưới đất lên một vật gì đó. Đó là chiếc xe đạp của tôi. Tôi đã quăng nó đó rồi phủ cỏ rác che lên. Cô dựng chiếc xe lên rồi đứng tựa vào tay lái. Rồi cô quay xe, đẩy nó về phía hàng rào. Tôi nghe tiếng bánh xe lăn lạo xạo. Tôi biết cô nàng này. Cô là Kylie Blounce.
Kylie ở trên con đường kế với đường nhà tôi. Cô học chung một lớp với tôi hồi tiểu học và cùng trường Sir Roger de Coverley nhưng không cùng lớp. Tôi hơi ngán vì cô rất hay chế nhạo, đặc biệt là với đôi tay của tôi. Cô không gọi tôi là Cả
Quỷnh như mọi đứa khác. Cô gọi tôi là Cà Ròn và như vậy, theo một cách nào đó, thì còn tệ hại hơn nữa. Cô tàn nhẫn với tôi khi tự tìm cách riêng để lăng nhục tôi thay vì dùng cách thông thường như bọn trẻ kia. Không phải chỉ đôi tay của tôi làm cô nổi cơn hào hứng lên thôi. Bất cứ điều gì tôi làm hay nói đều bị cô mang ra làm trò châm chọc.
Giờ thì cô nàng kia kìa, Cô Nàng Chua Ngoa Nhỏ Bé, đang đẩy chiếc xe đạp của tôi về phía hàng rào. Tôi không biết phải làm gì. Tôi không muốn nói năng gì vì cô sẽ lại châm chọc ngay. Cô sẽ nói điều gì đó như là: “Những cái hang thật là thảm hại, cậu không biết điều gì cả à, anh chàng Cà Ròn?” Thêm nữa, tôi sẽ bỏ cái hang đi và chúng tôi không bao giờ có thể sử dụng nó nữa. Nhưng cô nàng đang chôm xe đạp của tôi. Và mặc dầu tôi biết nó sẽ được cất ở đâu - trong nhà để xe của cha Kylie chứ còn ở đâu nữa - thì tôi cũng không thể lấy nó lại, bởi vì tôi phải giải thích do đâu mà tôi biết được có nó ở đó cơ chứ? Tôi hẳn phải chờ cho tới khi bắt gặp Kylie chạy nó, mà điều này thì có thể không bao giờ xảy ra.
Tôi bước ra khỏi cái hang, gọi to: “Kylie.”
Kylie không chua ngoa chút nào. Thậm chí cô không gọi tôi là Cà Ròn nữa. Cứ như thể tôi gặp một cô nàng Kylie nào khác. Cô vào hang, rồi tôi thắp nến lên. Chúng tôi nằm bên nhau, và tôi nhìn cô. Một điều gì đó xảy đến khi tôi nhìn cô. Cứ như thể máu tôi chảy nặng nề. Trong ánh nến, da cô trông mịn màng như thể cô mờ ảo trong mắt tôi. Tôi phát hiện ra rằng trước đây chưa bao giờ mình nhìn kỹ cô. Cô có gò má trông giống như đầu mút của cái giá treo áo của má, vừa mịn màng vừa cứng. Tôi không còn ngửi thấy mùi giun dế nữa, tôi ngửi thấy mùi táo. Kylie
thơm mùi táo.
Chúng tôi không nói năng gì cả. Chúng tôi chỉ nhìn nhau và nhoẻn cười. Rồi không dưng tôi cười phá lên. Tôi cảm thấy một chút nước mũi xì ra. Tôi phải chùi mũi bằng lưng bàn tay. Vụ này làm tôi sợ tái tê vì tôi đã giấu đôi tay mình đi từ nãy giờ, nhưng tôi không thể làm gì khác được. Nhưng dường như Kylie không để ý. Cô chỉ hỏi: “Gì thế?” Thật ra cô không nói ra, mà có vẻ như la lên như thế.
Có lẽ chúng tôi tiếp tục như thế thật lâu. Có lẽ chúng tôi hẳn trở nên bạn thân thiết với nhau. Nhưng rồi tôi nói bậy một câu và mọi điều thay đổi. Tôi thật sự không kịp hiểu điều mình muốn nói, nó chỉ phọt ra. Nhiều khi trời thật trong sáng và ấm áp, rồi đột nhiên thay đổi, bầu trời trở nên tối ám sa sầm lại. Rồi trời lại tràn nắng và ấm áp trở lại. Và khi trời tối sầm, mưa gió thì người ta không thể nhớ được khi đẹp trời là như thế nào, và ngược lại.
Cứ như thể trời đang đẹp, tràn nắng ấm trong cái hang ấy (tuy rõ ràng là nó đang rất tối và ánh nến đang cháy lung linh) thì tôi nói: “Mình muốn cho bạn xem cái này.” Ngay lập tức, trời trở nên tối om và mưa bão sụt sùi.
Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ chuyển đổi trở lại, như là thời tiết. Nhưng không. Kylie nói rằng cô phải đi. Cô chống gối ngồi dậy. Cô có mái tóc thật đẹp xõa trên cánh tay như những sợi vàng óng ánh trong ruột dây điện. Đất từ trên trần hang rơi xuống bám lên tóc và cô phủi đi. Lúc này cô không nhìn tôi. Tôi tin chắc rằng cô sắp nói điều gì cay độc, gọi tôi là Cà Ròn. Tôi van nài: “Đừng, đừng bỏ đi mà, Kylie.”
Tôi vươn tay ra nắm lấy cổ tay cô. Tôi ngăn cô phủi bụi trên cánh tay. Giờ thì cô đang nhìn bàn tay tôi. Nhìn thật kỹ, như thể cô đang tìm mảnh thủy tinh vỡ trên đĩa mì ống. Và tôi thấy như thể mình lại đang bước đi trên cái cầu nhảy. Tôi cảm nhận được tấm ván run rẩy nhún nhảy dưới bàn chân mình, và tôi biết rằng lần này tôi sẽ nhảy cắm đầu lặn xuống mặt nước dưới kia.
Chương hai
T
ôi chỉ muốn cho Kylie Blounce xem đôi tay mình để cô thấy rằng chúng không xấu xí thôi. Tôi muốn cô thấy chúng trông cũng đẹp đấy chứ. Vậy mà không được. Tôi vừa nhận thêm một cái biệt danh mới, nó còn tệ hơn cả cái cũ. Tôi cho rằng Kylie đã phản bội tôi. Nhưng hoàn toàn không phải như thế. Đời thiệt là phức tạp.
Sau đó cô chạy như bay về nhà, miệng tru lên như một con chó sói gào ánh trăng. Tôi bị trẹo cổ chân nên không thể đuổi kịp cô. Tôi bần thần đứng đó một lúc, đầu óc nghĩ ngợi quay cuồng mà chẳng ra làm sao cả. Ý nghĩ duy nhất mà tôi nghĩ ra được lại là một điều rất ngu xuẩn: đi xuống giao lộ đường sắt, nhảy đại lên một chuyến tàu nào đó chạy về London. Cái trò mà mấy gã râu ria bơ phờ, mắt thì xanh lè lừ đừ ra vẻ nghiêm trọng, biểu diễn trong mấy cuốn phim Mỹ. Giải quyết vấn đề bằng cách bỏ nó lại phía sau. Sống tiếp ở một phần đời khác. Nhưng đời sống thật đâu có dễ dàng như vậy (lắng tai mà nghe ta phán nè). Bạn không thể co cẳng chạy thoát được những rắc rối đâu, vì chúng sẽ dí theo bạn tới nơi tới chốn. Sớm hay muộn thì chúng cũng thộp cổ bạn lại. Vả lại, tàu lửa đâu có dừng ở giao lộ đường sắt mà mơ.
Tôi lên đường về nhà, bụng thấy sờ sợ. Tôi không ngờ là
mình ngu quá xá. Tại sao tôi lại tin Kylie vậy chứ? Giờ thì thấy ý tưởng của mình thật điên rồ. Chỉ nghĩ đến việc má sẽ nói gì thôi là cổ tôi đổ mồ hôi hột rồi. Tôi khập khiểng bước trong màn đêm. Một làn gió thổi qua, mát như bàn tay làm bằng nước đá ve vuốt cổ tôi làm mồ hôi khô đi.
Tuy vậy, tôi không mong đợi chuyện sắp xảy đến với mình chút nào. Khi đến gần góc phố, ánh sáng từ phía kia rọi thẳng vào tôi. Ánh sáng đó từ đèn pha của chiếc xe cảnh sát đậu trước nhà tôi; cũng là ánh đèn của căn nhà, mẹ tôi để mở cửa trước và quên hạ tấm rèm bếp xuống; nó còn là ánh đèn từ những cánh cửa để mở của các ngôi nhà hai đầu con phố. Vụ này giống như cảnh cuối trong cuốn phim kinh dị Đụng Độ Người Ngoài Hành Tinh, và không chỉ do ánh sáng mà thôi. Mà còn do người ta nữa. Những bóng người câm lặng nơi khung cửa, sau những cửa sổ. Ban đầu tôi không thấy họ. Tôi nghĩ rằng có lẽ ống ga bị nổ hay sao đó. Nhưng cái kiểu mọi người nhìn tôi chăm chăm trong khi tôi bước đi trên phố làm tôi hiểu rằng hẳn là Kylie Blounce đã chơi tôi một vố xiểng liểng rồi.
Nhiều khi bạn sợ chết khiếp một chuyện gì đó nhưng khi xảy ra thì nó lại không quá tệ như là bạn đã nghĩ.
Thật ra, nếu bạn nghĩ rằng nó sẽ rất kinh khủng, thì bạn lại thở phào nhẹ nhõm khi nó không quá tệ. Lần này tôi nghĩ sự việc sẽ rất tệ. Và thật sự nó còn tệ hơn là tôi đã nghĩ nữa. Nhưng một cách nào đó thì nó lại khá hơn. Tôi muốn nói đời sống phức tạp lắm là như vậy đấy.
* * *
Đi từ góc phố đến cửa nhà là đoạn đường dài nhất trong đời tôi. Tôi đang lê bước từ xà-lim đến ghế điện, mà chẳng hề có bữa ăn cuối cùng dành cho tử tội (nếu có, tôi sẽ chọn món gà chiên Jalfrezi). Trước đây tôi chưa từng thấy nhiều hàng xóm như thế này. Tôi thấy ánh mắt họ ngó xuyên thủng mình từ cả hai bên phố, từ phòng ngủ, nhà bếp và nhà kho dựng trong vườn. Có bọn nhóc của trường Sir Roger de Coverley trong đám đó, chúng đứng sau lưng cha mẹ, kể cho họ nghe về tên Cả Quỷnh này. Xúc xiểm những chuyện xấu nhất về tôi. Nhiều khi ra khỏi trường, tôi thấy một trong những thằng nhóc đầu têu trong trò chọc phá Cả Quỷnh đứng bên cha mẹ chúng. Tôi nhìn vào mắt hắn như thể nói rằng: “Nào, có ngon thì chọc tao xem nào, trước mặt má mày nè,” thì hắn chỉ nhìn lảng đi chỗ khác như thể trước đó chưa từng biết đến tôi. Ít nhất có bốn thằng như vậy ở con phố nhà tôi. Giờ đây cha mẹ chúng sẽ nói: “Ồ, vậy mà mình nghĩ là nó chỉ hơi kỳ cục nhưng mà vô hại chứ,” thì mấy thằng nhóc đế vào: “Không phải vậy đâu, nó quái lắm kìa.”
Tôi không nhìn qua trái hay qua phải gì cả, chỉ tập trung đi thẳng về nhà. Một tay cảnh sát vẫn ngồi trong xe nghe máy bộ đàm. Khi đến gần, tôi nghe được tiếng máy rọt rẹt và một giọng nói trong đó: “Nghe rooooõ, Delta gọi Tango…hết.” Một tay cớm khác thì đứng nửa trong nửa ngoài hành lang nhà tôi. Hắn đeo cái còng toòng teng trên thắt lưng. Tôi tự hỏi không biết hắn có xài nó với tôi không. Không biết nó có vừa với cổ tay của mình không. Khi tôi bước lên lối đi trải sỏi thì tay cớm ngước nhìn lên hỏi: “Graham Sinclair hả? Vào trong đây, nhóc.”
Tay cớm không tránh lối mà chỉ giơ cánh tay lên thôi. Tôi cúi xuống dưới tay hắn, đi suốt hành lang, vào phòng khách như
thể một cầu thủ đi ra khỏi đường hầm vào sân đấu. Có một đám đông tụ trong phòng khách. Thật là nhẹ nhõm khi không còn cảm thấy ánh mắt của đám hàng xóm chiếu tướng mình từ khắp mọi hướng nữa. Nhưng giờ đây thì có những ánh mắt chiếu tướng ngay trực diện, thật sát, toàn thân luôn. Những đôi mắt mà tôi thấy rõ, chứ không chỉ tưởng tượng. Mắt con người là thứ rất kỳ cục. Nhiều lúc chúng tuyệt đẹp, nhiều lúc chúng lại thô bạo và ướt sũng, giống các thứ ruột rà phèo phổi mà bạn chẳng bao giờ muốn ngó chứ đừng nói là nhìn thấy ngay trước mũi. Có đến mười sáu hay hai mươi con mắt trong căn phòng và mỗi con lại giống như các bộ phận bị cắt rời của súc vật. (Tôi đang mặc chiếc áo thùng như thường lệ. Hai bàn tay đút sâu vô túi và chẳng bao giờ bày ra cho tới nửa giờ sau, khi tôi lên phòng ngủ của mình.)
Má đi về phía tôi, hỏi: “Graham hả con?” Bà có ý muốn nói là: “Có phải chuyện đúng vậy không con?” Tôi không biết phải trả lời làm sao; tôi vẫn chưa biết Kylie đã nói những gì. Má muốn ôm tôi nhưng tôi lấy vai đẩy bà ra, rồi bà đứng yên đó kế bên chiếc đèn bằng đồng thau mà chúng tôi đã mua ở một cửa tiệm gần Lulworth Cove trong kỳ nghỉ lễ. Tôi không nhìn vào mắt má, không nhìn vào mắt ai cả. Không nhìn mắt ba, không nhìn mắt Kylie – tôi chỉ ngó thoáng qua đủ để thấy mắt Kylie ngầu đỏ - không nhìn mắt cha mẹ của cô ta, không nhìn mắt một gã hàng xóm mà tôi không biết tên nhưng gã có mái tóc chải bết ngược lên và có lần người ta nói với tôi rằng gã là một tay nghiện rượu, không nhìn mắt bà mập hàng xóm, tôi nghĩ thầm bà là một y tá có hai cánh tay khổng lồ đêm đó để trần. Không nhìn mắt của tay cảnh sát.
Tôi không nhìn vào mắt ai cả và tôi không đỏ mặt hay khóc lóc. Tôi không nghĩ thậm chí mình khó lòng nói được điều gì. Người ta không thích như vậy, họ nghĩ rằng tôi bất cần. Nhưng không phải. Có lẽ tôi bị sốc, bởi vì tôi nghĩ rằng điều bí mật của mình sắp bị phô bày ra. Má tôi nói rằng chỉ cần kể với một người thôi thì cũng đã tệ lắm rồi. Nhưng tất cả những người này thì sao? Làm sao bạn có thể tin rằng tất cả bọn họ sẽ giữ kín chuyện được, có phải không nào? Tôi tưởng tượng họ chạy về nhà, gọi điện cho bạn bè ở, cứ cho là, ở Bromsgrove đi. Gởi e mail cho ai đó ở Wyoming mà có lần họ tình cờ gặp ở Disneyland. Anh em họ ở Singapore, chẳng hạn… Có thể là gởi đi khắp mọi nơi chỉ trong tích tắc.
Tôi nghĩ vậy khi nhìn thẳng ra trước, không nhìn vào mắt một ai cả. Đầu óc kinh hoảng. Nhưng tôi cũng thật là bình tĩnh. Phần nào bộ não tôi giống như chiếc máy chụp ảnh. Đôi mắt tôi nhìn không được rõ nhưng tôi vẫn ghi nhận được mọi sự vật. Trước đây tôi chưa từng thấy nhiều người như thế này trong phòng khách nhà mình và cả chỗ ấy trông rất buồn cười. Tay cảnh sát kẹp chiếc mũ cối dưới nách phải và đang cố viết lên cuốn sổ cũng bằng tay phải nên hắn làm rớt cây bút. Tôi nghĩ, sao cha nội này không kẹp cái mũ dưới nách trái cho tiện việc nhỉ? Kylie không chỉ đỏ mắt, cô nàng đang sụt sịt. Cô có mấy vết đỏ trên cánh tay, một vết trầy dưới chân, và một vết bầm trên gò má.
Mọi người tranh nhau nói cùng một lúc rồi im bặt. Ba và ông Blounce kình nhau, điều này làm tôi ngạc nhiên: ba bênh tôi. Rồi đột nhiên Kylie òa khóc. Bà Blounce ôm cô còn bà y tá mập thì nói: “Sao chúng ta không bàn cho ra lẽ nào?”, má nổi sùng
với bà ta: “Không ai mượn bà xía vào, tôi sẽ bàn cho ra lẽ.” nhưng má không rời khỏi chỗ, vẫn đứng bên chiếc đèn bằng đồng. Bà không nhúc nhích vì mọi người bỗng nhiên yên lặng. Tay cảnh sát yêu cầu Kylie kể lại chuyện gì đã xảy ra.
Tay cớm cố ra vẻ dịu dàng ân cần nhưng nghe như thể hắn có cả khối đờm dãi trong cổ họng. Hắn nói với Kylie: “Nào Kylie, kể cho chúng tôi nghe chuyện gì xảy ra. Graham làm gì em. Để chúng tôi nghe được mọi chuyện từ chính miệng em nói ra.”
Kylie thút thít khóc. Thật khó mà nghe được cô nàng nói gì. Cứ như là lắng nghe chiếc di động liên tục bị mất sóng. Tất cả chúng tôi đứng yên đó, cố lắng nghe chiếc Nokia bị mất sóng ho cà khục cà khặc. Khi cô nói thì ông Blounce đứng đằng sau lưng, tay ông nghịch với mớ tóc của cô, nói hùa theo con những lời như: “Cứ thế, cục cưng”, hay “Con gái yêu của bố”. Bà y tá mập ù đang rên lên ư hử theo cái kiểu người ta thường nựng chó khi nó bị kẹt dái vào khe cửa. Tôi chỉ nghe được tiếng rọt rẹt của máy bộ đàm cảnh sát ở bên ngoài. Tôi không nhìn Kylie, tôi vẫn không chú ý nhìn vào ai hay vào cái gì cả. Tôi biết một số người nhìn cô nàng, nhưng phần lớn đang nhìn tôi. Hay họ liếc qua liếc lại giữa tôi và cô, tôi cảm nhận được điều đó. Họ đang chờ tôi trưng ra một điều gì đó. Chỉ một điều gì đó thôi. Đỏ mặt lên hay một giọt nước mắt lăn ra hay đôi chân ngọ ngoạy gì đó.
Kylie nói rằng cô đi dạo và thấy chiếc xe đạp này. Té ra là xe của Graham Sinclair. Graham bước ra từ cái rãnh mà cậu ta nói là cái hang của cậu. Kylie vào hang chơi và mọi chuyện xảy ra bình thường. Còn ai khác trong hang không? Không, không có ai cả. Chỉ một mình Graham thôi. Hai đứa làm gì trong hang? Không làm gì cả, chỉ nằm chơi thôi. Rồi Kylie nói là cô phải về
nhà, trời tối rồi. Thì lúc đó xảy ra chuyện.
Tiếng thút thít to hơn. Mọi cặp mắt đều nhìn xoáy vào tôi. Không thể nghe được Kylie nói gì cả. Nhưng thế là xong. Tôi đã phản ứng ở điểm này. Tôi nheo mắt lại. Tôi biết rằng khi mình mở mắt ra lại thì mọi việc không còn như cũ nữa.
Đó là điều mà má nói với tôi. Tại sao bà không nói năng điều gì để ngăn sự việc lại? Thế giới sắp sửa lật nhào và dẹp lép lại như cái bánh kếp bị hất văng từ chảo xuống đất mà tôi chẳng thể làm gì được để níu giữ nó lại. Khi mở mắt ra, thì nó đã chèm nhẹp ra trên nền nhà. Và cuộc đời tôi cũng chèm nhẹp với nó luôn.
Nhưng chuyện đời không xảy ra như người ta hằng mong đợi. Tim tôi lại rộn lên một niềm vui. Thế giới không suy suyển gì cả bởi vì… bạn thử đoán xem nào? Vì Kylie ba xạo! Cô nàng không kể ra chuyện gì đã thật sự xảy ra dưới cái hang. Tôi không thể tin được, nhưng thiệt tình nó là như vậy. Kylie đang bịa chuyện. Cô nàng kể chuyện hoàn toàn khác với điều đã xảy ra.
Cô nàng nói rằng tôi đục cô té bò càng. Chìa các vết bầm trên tay ra. Tuy vậy, nó còn hơn cả việc đục cô nữa. Hơn cả lời cô kể. Hai lần cô mở miệng để nói, nhưng lại không ra lời, cô chỉ đứng há hốc miệng hớp không khí. Mọi người xích lại gần hơn, cúi đầu lắng nghe nhưng không có lời nào thốt ra cả. Cứ như thể họ tụ lại với nhau quanh một cái lỗ sâu, cố tranh nhau nhìn xuống đáy lỗ. Nhưng không có cái đáy nào cả, cái lỗ chỉ càng lúc càng sâu hun hút và không khí trở nên càng lúc càng ngột ngạt cho đến khi bốc mùi như trứng ung làm người ta không thở nổi. Và ở đâu đó trong đó là điều kinh khủng mà tôi đã làm. Mãi về sau, khi gặp tôi thì người ta thấy cái lỗ sâu không đáy bốc mùi trứng
ung chứa đựng điều không thể nói ra thành lời đó. Tuy nhiên, xét ra thì tôi vui lắm. Điều mà người ta không biết được nằm trong cái lỗ là bí mật của tôi. Và không khủng khiếp, nó không bốc mùi như các cú xì hơi ủ lâu ngày. Mà hoàn toàn trái ngược lại. Tôi biết lẽ ra tôi không nên cười khì. Thật là một sai lầm lớn nhưng tôi không kềm lại được. Tôi chỉ cười khì ra. Cứ như thể tôi đang chờ bản án tử hình bằng cách tiêm cho một mũi thuốc độc thì sau cùng người ta chỉ lấy một con cá mà quất vào mông tôi thôi. Nhưng mọi người đều thấy tôi cười, và đột nhiên họ đều nặng lời với tôi, kể cả ba. Tay cớm nói: “Cậu muốn nói gì đây, hả Graham? Kylie nói thế có đúng không? Có phải chuyện xảy ra như vậy không?”
Tôi nói gì đây? Tôi im re. Điều đó có nghĩa là CÓ TỘI bằng chữ hoa sáng rực viết bự chảng, từng chữ cái nhảy cà tưng như hình quảng cáo trên internet.
Má chộp tay vào cây đèn làm cái chụp run rẩy lạch cạch, trong tích tắc mọi người dời mắt khỏi tôi để ngó bà. Má bảo tôi đi ngủ. Bà không thèm hôn tôi, điều mà bình thường không làm tôi bận lòng chút nào. Tôi nghe được tiếng xì xào dưới nhà, rồi tiếng la toáng lên, rồi trở nên im bặt. Tôi đứng ở cửa sổ cạnh giường, đèn đóm tắt tối om, tôi nhìn mọi người ra về. Tay nghiện rượu và bà y tá mập đi nghênh ngang giữa đường thay vì đi trên lề, cứ như thể chuyện vừa xảy ra là quan trọng cho đến nỗi các quy tắc bình thường không áp dụng. Kylie mất cả thế kỷ mới ra được đến xe của cha cô. Cha cô phải bước từng bước thật ngắn để đi chậm như cô nàng. Một tay cớm khạc nhổ lên bãi cỏ sau khi má tôi đóng cánh cửa trước. Dọc theo con đường các ngọn đèn đã tắt, nhưng người ta chưa vội đi xem
phần cuối của bộ phim nhiều tập The Bill, mà họ chạy vào phòng có đặt máy vi tính. Họ đều đang chế lại câu chuyện xảy ra trong cái lỗ không đáy đó, tôi đoán thế. Và không có ma nào có được manh mối gì.
Tôi ngắm ánh đèn của vài chuyến tàu trên đường đi London chạy ngang qua. Tôi thấy ba đi xuống nhà kho. Ông có một mảng đầu bị hói, đèn đường chiếu lên làm nó trông thật tròn và ánh bạc. Nếu không ở trong tình cảnh này thì hẳn tôi đã cười phá lên vì vẻ sáng bóng của nó. Tôi nghe tiếng má lên lầu đi ngủ.
Tôi bước ra ngoài cầu thang. Tôi thì thào: “Con đâu có uýnh con Kylie. Nó ba xạo đó.” Má dừng lại nhưng không nói lời nào. Bà cầm ly nước. Tôi lặp lại: “Con hổng có uýnh con Kylie. Con chỉ có…”
Má nói: “Má hổng nghe mày nói gì cả.”
Tôi nói lại, lớn hơn. Nhưng bà ngăn tôi lại. Bà giơ ly nước ra giữa bà và tôi. Bà nói: “Không, má muốn nói là… Má sẽ không thèm nghe mày. Kylie cũng vậy. Mày không thấy sao? Chẳng ai thèm nghe mày nói nữa đâu, Graham à, và vậy mà tốt.” Bà thì thầm: “Có nhớ chuyện mà mình đã nói không, cái lần ở Lulworth Cove đó?” Tôi gật đầu. “Đó là cách tốt nhất, tin má đi.” Rồi bà vò tóc tôi, để bù cho việc hồi nãy không hôn tôi.
Chương ba
S
au vụ xảy ra giữa tôi và Kylie, má trở nên kỳ cục vì bà ít khi chịu ra khỏi nhà. Không phải vì bà không thích ra ngoài, mà vì bà không thích bị bọn khốn kiếp mỏ nhọn trên phố nhìn ngó. Khi bà tránh ra đường thì bà thấy THOẢI MÁI miễn là đừng đụng đầu với tay hàng xóm nào, vụ này bà bị mấy lần ở siêu thị Morrison (đó là lý do mà bà đổi qua siêu thị Asda). Vì thế, ví dụ nếu bà phải đi mua sắm ở Asda thì bà yêu cầu ba lái xe vào tận ga-ra để bà lên xe mà không ai nhìn thấy. Rồi bà nằm ẹp xuống ghế sau cho tới khi xe chạy ra đường lớn. Lượt về cũng vậy, ba phải lái xe vào ga-ra để má xuống xe rồi cắm đầu đi một mạch vô nhà để không ma hàng xóm nào ngó thấy bà. Bà thường kỳ cục từ dạo đó. Vào bữa điểm tâm, khi tôi phải với tay lấy lọ bơ hay sô-côla, thì không chỉ có mình ba là người giả bộ không ngó chằm chằm đôi tay tôi mà thôi.
Tôi thấy rằng bà cần được chăm sóc, nhưng chính tôi mới là kẻ được chăm sóc. Không phải điều đóá giúp được gì nhiều đâu. Cảnh sát và nhân viên xã hội buộc tôi phải đi khám ở chỗ một tay bác sĩ tâm thần tại một bệnh viện ở Sheffield. Có một cái nhà đồ chơi nhỏ xíu dành cho búp bê để trước mặt tôi, rồi tay bác sĩ nói: “Hãy giả bộ đây là nhà của cậu nhé.” Ông nhặt lên mấy cái hình nhân nhỏ xíu rồi nói, đây là má cậu, đây là ba cậu,
đây là cậu, giờ thì hãy bỏ cậu và ba má vào trong nhà đi, ở chỗ mà mọi người thường có mặt đó.” Tôi bỏ mình vào một phòng ngủ, má vào ga-ra, và ba ở ngoài vườn. Ông bác sĩ hỏi: “Ba cậu đang làm gì đó? Ông đang cắt cỏ hả?” Tôi đáp không. Ổng đang nhậu rượu trong nhà kho nhưng ở cái nhà mẫu này không có nhà kho nên tôi phải thảy ổng ra ngoài vườn. “Còn má cậu?” ông ta hỏi tiếp. Tôi đáp, má đi shopping ở Asda. Ông bác sĩ nhướng mắt nhìn tôi qua đôi kính cận rồi ghi chép gì đó vào cuốn sổ.
Rồi ông hỏi, cả nhà không bao giờ ngồi chung với nhau sao? Ví dụ ăn cơm hay xem tivi chẳng hạn? Đúng vậy, thật ra má thường thích cả nhà ngồi xem một chương trình tivi kia. Bà gọi ba ra khỏi nhà kho để xem. Chương trình này về các món đồ cổ và thật là chán ngấy, nhưng má lại cho rằng nó là thứ chương trình nên có thêm trên tivi. Má nói nó không có hại gì ai cả, điều này thì đúng, ngoại trừ chuyện làm cho ai đó phải chết ngắc, lăn quay cu đơ vì buồn chán.
Ông bác sĩ nói, hãy nhặt mấy cái hình nhân lên rồi cho tôi thấy mọi người ngồi với nhau trong một căn phòng xem nào. Tôi nhặt chúng lên rồi cố nhét hết vào phòng khách, ở đó có một cái tivi nhỏ xíu đặt trong góc phòng trông giống như cái hộp diêm sơn màu bạc. Nhưng mấy cái hình nhân quá to, không vừa với cái phòng.
Chúng to bằng cả chiều dài của cái phòng khách làm cho chúng tôi trông cao đến cả ba mét. Tôi nhét chúng vào theo chiều nghiêng, do đó chúng tôi trông giống như mấy con cá gai nằm trong một cái huyệt. Rồi ông bác sĩ nói: “Có phải nó giống như ở nhà cậu không? Mọi người nhét vào chật ních thì không
đủ chỗ?”
* * *
Tôi bị gọi là Mất Nết từ dạo đó. Brian không nói năng gì với tôi nữa, ngoại trừ việc ghẹo tôi là Mất Nết với cả đám nhóc kia. Chúng thường khèo chân tôi khi sắp hàng trong giờ ăn hay lén đá ống quyển tôi ở dưới gầm bàn khi ngồi ăn. Chọt đôi tay tôi bằng những món lặt vặt có trong tay, nhét bình xịt nách vào họng tôi trong phòng thay đồ, đốt tóc tôi. Tôi vẫn còn nhớ mùi khét đó, mùi mái tóc cháy của tôi (lưng chừng giữa mùi đốt rác và mùi bụi trên bóng đèn). Tuy vậy tôi không thấy quá tệ vì tôi vẫn còn giữ được bí mật. Thậm chí tôi còn nghĩ đến việc phô bày nó ra. Tôi còn tưởng tượng đến chuyện tôi làm việc đó trước mặt cả trường nữa kìa. Tôi sẽ gọi mọi người vào đại sảnh rồi chơi nó luôn. Má hẳn cũng có mặt ở đó, một chỗ gần phía trước. Ba cũng có mặt ở đó luôn, nhưng ông sẽ mặc đồ như một người coi sóc nhà cửa, trong bộ áo liền quần màu xám. Ông sẽ quá bận rộn trong việc điều chỉnh hệ thống thủy lực trên các cánh cửa nên ông không hề ngó lên sân khấu.
Việc tệ hại nhất trong dạo đó là không có cô em nào chịu trò chuyện với tôi cả. Tôi luôn khoái bọn con gái và tôi mê cô nàng đóng trong chương trình ca kịch nhiều tập Phố Đăng Quang. Tôi rụng rời khi xem cô trả lời phỏng vấn như con người thật của cô. Cô trông hoàn toàn khác và nói năng cũng hoàn toàn khác. Cừ hơn nhiều. Thêm nữa cô không sống ở xứ Phố Đăng Quang, mà ở London. Tôi bình phẩm đôi điều thì má nói: “Con mong gì
cơ chứ, con nhỏ đó là diễn viên. Họ khoác áo đó thôi, nghề của họ là vậy. Họ vẫn đang diễn, ngay cả khi họ giả bộ không diễn. Tốt nhất là mê một cô người thiệt, Graham à.” Rồi bà ngó lơ đi.
Bà ngó lơ đi vì vừa nói một điều ngớ ngẩn. Thật ra là, vì chuyện tôi làm với Kylie – vì chuyện người ta nói tôi làm với con nhỏ đó – nên người ta không cho phép con gái họ chơi với tôi. Hay trò chuyện với tôi. Và tôi không được phép ra ngoài chơi vì tôi có thể dính vào chuyện gì đó, những chuyện đặc biệt phải bỏ trong mấy cái dấu ngoặc kép. Tôi có hẹn hò với một cô gái đôi lần. Tôi biết vì sao cô đồng ý chơi với tôi. Vì cô bị chứng chàm trên da. Không chỉ một chút trên tay hay chân hay ở đâu đó thôi, mà ở khắp người. Cứ như là toàn thân cô làm bằng giấy nhám vậy. Tôi không đá động gì đến vết chàm của cô và ngược lại cô không nhắc nhở gì đến đôi tay tôi. Chưa bao giờ chúng tôi nói điều đó ra nhưng cả hai hiểu rằng đó là sự thỏa thuận ngầm, và nó hiệu nghiệm trong một thời gian, chúng tôi chơi với nhau khá vui. Nhưng rồi mẹ cô nàng phát hiện ra và gọi điện cho má tôi, thế là chuyện tình chấm dứt.
Rồi một chuyện ghê rợn xảy ra. Chắc là cha khùng nhảy ra hù hồi tôi còn nhỏ đã trở lại. Đó là điều mà má con tôi nghĩ, dù cảnh sát cũng chưa phá được vụ án. Chuyện là, một gã đàn ông tấn công hai cô gái nhỏ gần dưới khu đường sắt, rồi bỏ chạy mất tiêu.
Hai cô nhỏ về nhà kể cho mẹ chúng nghe, mẹ chúng báo cảnh sát, và chuyện sau đó là: cảnh sát đến gõ cửa nhà tôi. Tôi bị họ thẩm vấn. Hai lần cả thảy. Một lần ở nhà tôi và một lần ở đồn cảnh sát địa phương, cái đồn có một cây đèn màu xanh kiểu thật cũ dựng bên ngoài và ở trong làng mỏ kế bên mỏ than. Hàng
xóm thấy xe cảnh sát đậu bên ngoài nhà tôi một hồi rồi chạy đi. Chạy trở lại, chạy đi, chở tôi về. Ba nổi giận ghê gớm vì chuyện đó. Giận tôi! Tôi muốn nói là tôi không lái xe cảnh sát. (Nhưng hẳn rồi tôi lái, rồi bạn sẽ thấy.) Má chỉ khóc ròng. Bà nói: “Tại sao tụi nó không đến bằng một chiếc xe thường thôi? Vì chúng muốn hạ gục mình. Khốn nạn vậy đó!”
Má và một nhân viên xã hội đi với tôi. Bà nhân viên xã hội là một trong những kẻ đã đưa tôi đến bệnh viện ở Sheffield. Má nổi điên lên với cảnh sát. Bà nói: “Nó chỉ là một thằng nhóc mười bốn tuổi thôi mà. Mấy cha nội bảo mấy đứa con gái nói đó là một gã đàn ông. Graham không phải là một gã đàn ông. Nhìn nó kìa.” Cảnh sát cứ truy hỏi tôi. Tôi đã ở đâu trong buổi chiều đó, hả hả? Họ nói như là bọn cớm trong phim bộ trên tivi. Tôi cứ im lặng suốt, nhưng trong lòng tôi không im lặng chút nào. Tôi thấy được họ không thích như vậy. Họ gọi tôi là tay tỉnh rụi. Bà nhân viên xã hội vỗ vào tay tôi nói tôi nên khai những gì mình biết, má liền la bà ta và nói tôi không biết chuyện gì cả. Tôi không biết chuyện gì cả vì tôi chưa làm điều gì bậy bạ.
Tôi cảm thấy như là, nếu tôi không đóng vai tỉnh rụi này thì tôi sẽ nổ cái bùm liền, như một chiếc bong bóng chứa đầy chất nước mũi dãi. Người ta sẽ phải kỳ cọ mũi dãi trên trần nhà. Sẽ có nước mũi dây ra khắp nơi. (Mong là khắp cả bộ mặt của bà nội nhân viên xã hội luôn.) Nhưng tôi không nói một lời. Bồ không nói những điều như thế bởi vì nó làm bồ có vẻ điên tiết lên. Đời là vậy. Ai cũng có một cục điên nằm bên trong mình, nhưng lại không muốn người khác biết điều đó. Vì nếu bạn phô bày sự điên rồ của mình ra thì người ta tóm lấy liền. Cứ như người ta nói: tao không khùng như mày đâu, tao tỉnh táo lắm
đây. Vụ này cũng là lý do mà chúng gọi tôi là Cả Quỷnh và Mất Nết.
* * *
Khi tôi làm bài thi hỏng, thì ba nổi giận trở lại. Ông nói tôi cố tình làm vậy để chọc giận ông và má. Để chửi đểu trường Sir Roger de Coverley (đó không phải là điều ông nói ra, nhưng là điều ông ám chỉ). Ông nghĩ tôi ngồi trong phòng thi đó và cố tình viết ra những câu trả lời sai cho những câu hỏi mà tôi biết chắc ăn như bắp. Ông nói chuyện đó là cọng rơm làm gãy lưng con lạc đà (ý nói giọt nước làm tràn ly). Tôi băn khoăn có đúng vậy không, tôi có làm thế mà không ý thức được chăng. Nếu đúng là thế, thì tôi khôn ngoan hơn là tôi nghĩ. Bởi vì một chuyện quan trọng xảy ra sau khi cọng rơm cuối cùng ấy làm gãy lưng con lạc đà. Tôi được gởi đi London cho rảnh nợ trong mùa hè để tôi hồi tỉnh lại, và cho mọi người dễ thở tí chút. Em của má, cậu George, nói rằng tôi sẽ ở căn hộ của cậu ở Putney và làm việc ở cửa hàng bán đàn piano của cậu ở Fulham, và chuyện đó thật là tuyệt.
Ba má có một trận cãi nhau ra trò về chuyện tôi sẽ đến ở với cậu George. Thật là tếu, ba là người hoàn toàn ủng hộ chuyện này, còn má thì hơi nghi ngại về ông em của bà. Tôi nghe hai ông bà cãi nhau dưới bếp mà họ không biết là tôi đang lắng nghe. Má nói: “Vince à, tui không thích nó xuống dưới đó. Ở đó đầy những bọn quái gở và chỉ có Chúa mới biết chuyện gì sẽ xảy ra.”
Ba đáp: “Đúng vậy.”
Im lặng một lúc lâu, tôi tưởng tượng họ đang nghinh nhau bằng mắt. Rồi má nói: “Tui sẽ độ lượng. Tui sẽ bỏ qua là ông nói như vậy.” Rồi chắc là hai người hết nghinh nhau, rồi bà nói những lời như là: “Trời ơi, nó còn nhỏ xíu hà,” còn ba thì cho rằng ở chơi suốt kỳ nghỉ ở London là rất tốt cho tôi. Má nói: “Nhưng Graham ở với George có tốt không nè?” Ba đáp: “À, ở với George có vẻ rất tốt mà.” Rồi má nói: “Đúng vậy. Chuyện này là gì đây? Ông biết đó, nó có bao giờ ngó ngàng gì tới thằng Graham đâu kìa.” Và ba đáp: “Nó cần phải đằm tính lại và trưởng thành. Chuyện này cũng tốt cho mình nữa, nó không làm vướng bận gì mình trong vài tuần cũng đỡ đó chớ.“
Im lặng thêm một hồi. Tôi tưởng tượng má chế nước sôi vào hai cái cốc có đựng trà gói uống liền. Rồi bà nói: “Thì ra là vậy phải không nào? Ông chỉ muốn đuổi nó đi thôi mà. Con trai ông làm cho ông xấu mặt mà.” Ba không nói lời nào nữa, nhưng chắc là ông đã cau mày với bà rồi.
Tôi chưa từng đến London. Thật ra tôi chưa từng đi đâu cả, ngoại trừ đến York một ngày trong chuyến đi chơi của trường và đến Dorset một tuần trong một chiếc xe moóc. Khi ba má vẫy tay tạm biệt tôi, má đang sụt sịt với chiếc khăn tay. Bà nhét món gì đó vào túi trên của chiếc áo khoác tôi khi ba không nhìn. Khi tàu chuyển bánh tôi không nhìn lại. Tuy nhiên tôi lục túi áo thấy có ba tờ bạc mười pao trong đó. Sau khi rời ga năm phút, xe lửa chạy ngang qua khu nhà chúng tôi ở. Tôi thấy nhà của mình khi tàu chạy ngang. Cổ tôi đau vì cố ngoái nhìn ngôi nhà trước khi nó khuất đi. Rồi tôi nhìn về phía trước. Sau những ngôi nhà là các cánh đồng như thể các cánh đồng đã hiện diện ở đó trước
những ngôi nhà. Các cánh đồng mà tôi đã bay la đà trên đó như một bông bồ-công-anh. Tôi có cảm giác mình nhẹ hều như bông bồ-công-anh khi ngồi trên chuyến tàu đang tiến đến gần London ấy.
Khi đến King’ Cross tôi chậm rãi bước xuống sân ga. Toàn bộ khu vực vang lên như âm thanh của những trái bóng bàn bay quanh. Tôi bị choáng ngợp, tôi quên mất đôi tay của mình, quên xem chúng đang ở đâu, người ta có nhìn thấy chúng không. Tôi không nhìn ra ngoài hàng rào. Tôi không muốn thấy cậu George, người chẳng hề quan tâm gì đến tôi, trước khi tôi phải gặp cậu. Tôi dừng lại nhìn những cái giảm xóc của con tàu. Chúng trông giống như những cái ống trục to bằng sắt thắng con tàu lại, ngăn nó chạy thẳng vào quảng trường Trafalgar hay khu Park Lane.
Tôi có cảm giác như đang trong một cuốn phim. Vù một cái là tôi tà tà đi ra khỏi cửa trước của nhà ga rồi bị nuốt chửng trong đủ loại tiếng động và những chiếc xe buýt màu đỏ… như thứ phiêu sinh vật bị một con cá voi hớp vào bụng. Nhưng theo như trong phim thì mọi chuyện rồi cũng ổn thôi. Còn tốt hơn thế nữa kìa. Trong chừng năm phút tôi sẽ là một tay nhiếp ảnh gia hay một khoa học gia sánh vai cùng một em gái xinh xắn thơ mộng cho coi.
Chương bốn
K
hi đến London là tôi phải trình diện với cảnh sát, vì tên tôi nằm trong danh sách những kẻ mà cảnh sát nghĩ rằng có thể làm những trò bất thường. Cậu George biết chuyện đó vì má đã nói với cậu. Ông dẫn tôi đến sở cảnh sát ở Putney. ÔNG KHÔNG THÍCH CHUYỆN ĐÓ CHÚT NÀO. Trên đường đi ông cứ kéo cổ áo khoác lên và nói: “Lạy Chúa toàn năng, Ngố à.” Tôi được đưa vào một phòng nọ để điền các tờ khai, cậu George không muốn vào cùng nhưng tay cớm nói cậu phải vào. Tôi sắp viết ‘George Oxnard’ vào chỗ kế bên mục “Quan hệ thân tộc” thì cậu George trông thấy, cậu nói: “Viết tên má cháu vào.”
Tay cớm nói: “Ai là người trông nom nó hằng ngày?” Tôi đáp: “Cậu George ạ.”
Tay cớm nói: “Vậy thì ghi vào.”
Cậu George nói: “Cám ơn nhiều.”
Tất nhiên cậu George nói với má là tôi ở với cậu và cậu chăm sóc tôi, từ việc cho tôi ăn sáng món ngũ cốc Sugar Puffs đến việc ủi quần sịp cho tôi…vân vân…, nhưng thật ra phần lớn thời gian cậu lại có mặt ở Sheen với cô ả mà cậu gọi là con chim của mình, khi cậu không lên Lancashire trông coi phòng nha sĩ mà cậu mua hồi đầu mùa hè để dự trù trong trường hợp tiệm bán piano
không bán chạy. Do đó tôi thường ở một mình. Cậu nói: “Tốt nhất là mày đừng cho má biết. Mày biết bả cằn nhằn dữ lắm mà. Và nhớ nè, mày không được la cà với bất cứ đứa cà chớn hư hỏng nào quanh đây đấy, nhưng nếu mày lỡ gặp tụi nó thì phải biến ngay, phải chạy xịt khói vào mặt chúng nó, hiểu chưa? Nói lại nghe coi?”
Tôi đáp: “Dạ, phải biến ngay, chạy xịt khói vào mặt chúng nó.”
Dù sao đi nữa thì tôi cũng không chịu nổi việc ở chung căn hộ với cậu vì nó chỉ rộng khoảng bằng cái nhà kho của ba thôi, và cậu George thì không có các số vòng hấp dẫn như cô người mẫu Kate Moss (đó là chưa kể những cái hốc thường xuyên thoang thoảng bốc mùi của cậu). Căn hộ khởi đầu khá độc đáo với cái đầu khá to bằng kim loại của tay ca sĩ John Lennon đặt trên bệ, nhìn ngay vào mặt bạn khi vừa mở cửa bước vào. Cái đầu đeo một cặp kính thật, rất dẻo, tròn xoe mà cậu George bảo là năm năm trước nó đúng là kính của Lennon. Nhưng khi tôi nói điều này ra trong lúc cậu dắt tôi đi quanh xem nhà thì cậu ngó tôi như thể tôi là một thằng khùng và nói: “Mày đang nghĩ gì vậy hả, Ngố?”
Nhưng sau cái tượng John Lennon thì căn hộ thiệt là bết. Đồ đạc bừa bãi tứ tung. Dụng cụ thể dục mà cậu chẳng bao giờ đụng đến, chỉ nhìn cái vẻ béo nung núc của cậu là biết ngay. Một tấm bạt lò xo để nhảy chơi mà cậu chưa từng lấy ra khỏi hộp. Một cái máy pha cà phê màu bạc và đen, to kềnh, có các nút vặn, cậu cũng chẳng bao giờ dùng tới vì có quán cà phê World Bean nằm ngay ở góc phố.
Trên tường phòng vệ sinh có một tấm hình thần tượng của
cậu, ca sĩ Elvis Presley, trông còn mập phệ hơn cả cậu George. Cậu chỉ nó nói: “Vua đấy. Vua bánh kẹp vào cái hồi đó[2]. Nhưng ngay cả vậy ổng vẫn là tay đàn ông quyến rũ nhất địa cầu. Thử hỏi bất cứ em nào coi thì sẽ biết.” Đêm đầu tiên tôi ở lại đó thì không có giấy vệ sinh, chỉ có mấy tờ báo Nguyệt Cầu cũ rách nằm trên nền nhà. Tôi phải lau bàn tọa của mình lên mái tóc sành điệu mới cắt của Beckham.
Tuy nhiên, đời sống vẫn tươi đẹp vì tôi đã đến London. Điều tuyệt nhất của London là nó không biết gì về cái lỗ đen sâu thăm thẳm và điều khủng khiếp trong đó, điều mà người ta gán rằng tôi đã làm với Kylie Blounce. Thêm nữa người ta không phiền hà gì về đôi tay của tôi. Tôi cảm thấy rất thoải mái về chúng, tôi không thèm mặc áo thụng hằng ngày nữa. Sau hai tuần ở đây, London như là một tay quái đầy ấn tượng mà mình khó lòng hiểu hết. Trước tiên, tôi thấy rằng London không buồn để ý đến đôi tay tôi vì có quá nhiều thứ thú vị hơn đang diễn ra quanh đây. Rồi tôi lại cho rằng nó biết đấy, nhưng nó lại không nghĩ rằng điều đó đáng để quan tâm. Tôi muốn nói là, đây là một thành phố của những tay thật sự quái. Chính mắt tôi thấy một gã chỉ còn có nửa gương mặt trong khu trung tâm mua sắm Putney Exchange. Thế nên tôi nghĩ rằng London không buồn để ý đến. Nó chẳng thèm quan tâm. Dù sao đi nữa, mọi điều đều tốt đẹp. Tôi đang vui sướng.
Tôi rất thích đi làm. Không phải vì công việc, thật ra công việc này chỉ là sự hiện diện như một tên mặt nghệch trong tiệm bán đàn piano của cậu George, mà vì đoạn đường đi đến đó. Tôi đi bộ qua cầu Putney, nhìn qua bên trái dọc theo dòng nước bạc chảy cuồn cuộn mà tôi đã xem trên tivi bởi vì có cuộc đua
thuyền xuôi theo nó, đến những ngọn cây la đà nghiêng mình ra đối diện với khu đất xập xệ Fulham làm nó trông như cả trăm năm trước. Tôi nhìn theo mấy chiếc máy bay bay thấp về hướng Heathrow, hạ xuống từ từ như bàn tay của một con rối bị kéo dây. Tôi ngắm các cô gái sành điệu xinh tệ trong những bộ trang phục phấp phới trôi lướt trên vỉa hè. Rồi tôi chìm đắm vào tiếng nhạc ầm ầm dữ dội của chiếc máy CD hiệu Discman mà tôi mua bằng số tiền má nhét vào túi áo trong ngày tôi đi. Tôi cố không giậm giật theo điệu nhạc, cố không nhún nhảy theo bước chân. Nó phải là một niềm bí mật, cái điều đang rộn ràng trong đầu tôi. Tôi không muốn người đi ngang qua biết được cái tiếng náo nhiệt mà câm lặng đó chính là tôi. Rồi tôi cũng đến tiệm bán đàn. Mọi điều tốt đẹp đều phải chấm dứt (lại thêm một minh triết của chàng mặt nghệch nữa).
Tôi làm việc với Kate và Derek. “Hai chuyên viên vận hành vùng Nam London.” Cậu George gọi họ như vậy khi giới thiệu tôi. “Nhớ đừng để quý vị ấy vận hành trên cháu đấy.” Với Kate, mọi việc không tệ. Thậm chí còn khá hơn thế. Nhưng còn Derek? Vật duy nhất mà hắn vận hành là một bộ tàu lửa đồ chơi con nít.
Chúng tôi đều thích hơn khi Ông Heo, họ gọi cậu như vậy, không có mặt ở tiệm. Sự có mặt của cậu thật là ngột ngạt. Cậu George phá hỏng bầu không khí yên tĩnh, tức là cậu ngăn tôi có những giấc ngủ đứng. Nhiều lúc cậu xì hơi thật to vì nghĩ chuyện đó là rất tài hay rất tếu, nhưng tôi hoàn toàn không nghĩ thế, và tôi mới chỉ bằng phân nửa tuổi đời của cậu thôi. “Lampart. Một không…!” cậu gào lên như vậy, có nghĩa là đội bóng Chelsea mới làm bàn. Hay nhiều lúc cậu trở nên thật
nghiêm trọng. Có lần cậu nói: “Đàn piano không phải là món hàng mua trong cơn bốc đồng.” Ô, cám ơn nhiều. Cứ như thể cậu đang trao cho chúng tôi những thông tin thông thái trác tuyệt và huấn luyện chúng tôi trở thành kẻ suốt đời ngồi bán đàn.
Dù sao đi nữa, mọi việc suôn sẻ trong khoảng ba tuần, làm tôi vui lên khi ở Thành phố Khói[3] và biến toàn bộ vùng Bắc nước Anh thành một kỳ nghỉ hè thú vị, quên đi vụ nhảm nhí Cả Quỷnh, rồi có chuyện xảy ra. Vụ rớt máy bay ở Fulham.
Một ngày thứ Ba, bầu trời xanh trong, một Người Cõi Trên nào đó cắt dây chiếc RF 3409 bay đến từ Tashkent, thủ đô của Uzbekistan, và chiếc máy bay khổng lồ màu bạc này, nó trông giống như chiếc ống đựng xì-gà mà ba dùng đựng tắc-kê trong nhà kho, gần như ngự lại trên đầu tôi. Cũng trên hàng ngàn cái đầu khác nữa, nhưng đầu tôi mới là cái đầu quan trọng, đối với tôi. Chiếc Tupolev nhìn bên ngoài rất cũ, hẳn có vết rỉ sét quanh những đinh tán, và băng keo hiệu Sellotape dán dính mấy cái cần điều khiển lại với nhau, ủi sạch một tòa nhà cao gần sông. Sau này tôi xem lại trên tivi, băng video không chuyên nghiệp; tại sao lúc nào cũng có kẻ đang quay phim một cái thùng thư hay một tay cảnh sát ngủ gật rồi may mắn xoay cái máy và quay được cái cảnh đáng đồng tiền bát gạo thế nhỉ? Thật là một cú ác liệt, cứ như là một thằng ngố trong tiệc cưới loay hoay làm sao lại té ngửa trúng ngay vào cái bánh cưới! Rồi nó cày một đường rãnh rộng cả trăm mét và dài đến nửa cây số xuyên qua hàng chục con phố. Một trong những con phố đó cách tiệm đàn chỉ vài dãy nhà. Diêm vương réo tên ai nấy dạ (tay phóng viên truyền hình nói như vậy đấy). Thật ra, đối với một số người thì
đúng là Diêm vương gọi thật.
Điều đầu tiên tôi nhận ra là tiếng động, cứ như là một tiếng rít xé gió từ trên trời. Tôi vừa vù đến tiệm cà phê World Bean ở cuối phố mua vài ly. Tôi thường bị sai đi mua cà phê, như là chàng Mặt Nghệch vậy. Tất nhiên, tôi bị choáng váng. Tôi gặp một nàng tuyệt đẹp. Khi đi ngang qua nàng mặt tôi lạnh tanh, nhưng thật ra tôi đang “nghía” nàng thật kỹ. Thật ra thì nàng ra dáng đàn bà hơn là một cô gái. Nàng khá lớn tuổi, chừng hai mươi tám. Hẳn là nàng không thích thú gì với cái thứ nhóc tì như tôi, triệu lần không. Không chỉ vì sự cách biệt tuổi tác mà thôi, sự thật là tôi chưa bằng phân nửa số tuổi của nàng. Hay chuyện dính dáng với đôi tay quái dị của tôi, cái này quả là kẹt lớn.
Mà là do nàng quá cao sang. Tôi chưa từng thấy điều mà tôi cho là cao sang cho mãi tới khi xuống đến London. Theo tôi, ở miền Bắc, con gái và phụ nữ bước huỳnh huỵch khi họ đi. Hông họ xoay ngoay ngoáy như thể họ đang cố đuổi ruồi vậy. Họ bước cà phục cà phịch với những đôi giày to tổ bố nặng chình chịch. Còn tô son trắng làm họ trông ghê như ma. Lại chửi thề xoen xoét.
Người phụ nữ tôi gặp bên đường trong ngày máy bay rơi rất cao sang. Nàng đến từ một thế giới rất hoàn hảo mà mấy tuần trước tôi chưa hề biết rằng có nó hiện hữu trên cõi đời này. Trang phục của nàng bay lượn quanh người và nàng bay lượn bên trong chúng. Hoàn toàn không có kiểu bước đi huỳnh huỵch. Tóc nàng đen nhánh và cắt hơi cao, cạo một chút đàng sau cổ. Tôi nhận thấy như vậy khi quay nhìn lại sau khi nàng bước qua. Tôi cũng ngửi thấy mùi nàng. Mùi nước hoa, hay có lẽ
chỉ là mùi xà-bông. Tôi bước chậm để giữ mùi lại lâu hơn. Như một cái bong bóng nhỏ bay xuống từ trời. Nàng không ngó ngàng gì tôi. Và tôi không nghĩ thêm điều gì khác về nàng.
Vì đang bàng hoàng do nàng mà tôi không nhận ra điều gì đang xảy ra. Tiếng động của chiếc máy bay bị tiếng động trong đầu tôi phủ lấp mất. Và rồi tôi không thể tin được. Chiếc Tupolev già cỗi đuối đà đang băng ngang qua cuối đường cách khoảng một trăm mét và thấp hơn ngọn mấy cái ống khói. Có vẻ như nó không vội vàng gì. Rồi một tiếng nổ lớn vang lên. Các tòa nhà và đường phố biến mất trong đám mây mù khổng lồ và tôi có cảm giác như mình đứng trên một vỉa hè trượt huyên náo. Vỉa hè rung chuyển, mặt đất dưới chân rung chuyển. Tôi không đi đâu được, đi lui cũng như đi tới. Tôi chỉ cố đứng vững trên hai chân. Rồi tôi không còn nghe tiếng nhạc trong đầu nữa, và tôi nếm được một vị mới. Không chỉ có những đám mây mù bụi thôi. Miệng tôi nếm được một vị mới lạ và kinh dị. Vị của một thứ gì đó thật kinh khủng.
Đám mây mù là do vô số mảnh vụn li ti của các tòa nhà, chúng có màu đỏ của gạch ngói. Chúng vây phủ lấy tôi cho tới khi như thể tôi đang ở bên trong một cái lều màu đỏ khổng lồ. Thật là lạ lùng, những cái bóng đột ngột biến đâu mất. Cứ như thể có một cái mái che di động giăng ngang qua bầu trời. Tôi hiểu rằng mình phải di chuyển, phải thoát ra, nhưng tôi không thoát ra được. Tôi không hiểu vì sao. Nếu tôi thoát ra được thì mọi chuyện đã khác nhiều. Thay vì thoát ra, tôi lại chạy xuống con phố về hướng chỗ máy bay rớt, có thể xem việc đó như một hành động điên rồ. Cuối con phố là một đống gạch đá đổ nát chắn ngang mà một phút trước đó nó là một tòa nhà cũ thật to.
Tôi không tiến lên được nữa. Tôi lấy cái tai nghe ra. Tôi nhét chiếc Discman vào túi rồi đứng thở và ho sặc sụa vì bụi. Tôi cố lắng nghe, lần đầu tiên lắng nghe tiếng máy bay rớt.
Cứ như là đi ra ngoài bầu trời đêm trong vắt ngắm các vì sao, có lần tôi làm như vậy ở Lulworth Cove. Ban đầu, tôi không thấy nhiều sao như thế. Rồi chúng lóe lên giữa màn đêm như thể có ai đó từ một nơi xa xôi lặng lẽ vặn những chiếc nút cho chúng xuất hiện. Rồi bầu trời đầy sao, lấp lánh sống động. Ban đầu tôi chỉ nghe một tiếng thét ngắn, giống như một ai đó ngoài xa vừa ngó thấy một con chuột hay bị kẹt ngón tay trong cửa xe. Rồi thêm một tiếng thét khác, dài hơn và lớn hơn. Như thể ai đó đang bị giết. Rồi bầu trời rộ lên những tiếng la thét chết chóc khủng khiếp.
Một trong những tiếng thét ấy trở thành tiếng búa nện dữ dội vào sọ tôi. Những tiếng rú thét khác chìm lẫn mất và tôi chỉ nghe thấy tiếng kêu khóc của một đứa bé. Nó vang lên từ ngay trên đầu tôi, nhưng khi cố ngóng tìm thì tôi không thể nhìn thấy xa hơn tầm tay mà tôi giơ lên trên đầu mình bởi vì bụi đất bốc lên mù trời. Tôi chỉ biết rằng một nơi nào đó bên trên kia, là một chiếc nôi hay chiếc giường gì đó nhô ra khỏi tòa nhà đổ nát, có một đứa bé đang khóc bên trong.
Tôi nhìn đống gạch đá hỗn độn trước mặt tìm đường leo lên. Gạch đá từ đám đổ nát thành những nhúm bụi nhỏ rơi xuống quanh tôi. Tôi không liều mạng leo lên đó đâu. Tôi dám bị cả nửa khối nhà rơi xuống đè lên người lắm chứ. Tôi chợt nảy ra một ý. Tôi mò trong túi lấy ra chiếc di động. Tôi luôn mang theo di động. Ba má dặn tôi lúc nào cũng phải mang theo di động trong người, làm như vậy để họ không có mặc cảm tội lỗi vì đã
để tôi đi xa hàng 350 cây số, để họ tự nói với mình và hàng xóm rằng Graham luôn luôn ở trong vùng phủ sóng. Nhưng thật ra không phải như thế vì tôi luôn tắt nguồn. Nhưng giờ thì tôi sẽ dùng tới nó. Tôi sẽ gọi cho má để hỏi xem tôi có được làm điều mà tôi định làm hay không. Tôi trượt vỏ máy ra rồi bấm số. Ngón tay cái tôi chực trên cái biểu tượng nghe máy nhỏ xíu màu xanh.
Tôi băn khoăn bà sẽ trả lời câu hỏi tôi như thế nào đây. Có rất nhiều khả năng xảy ra cho câu trả lời, ví dụ: “Chết bây giờ con à!” Thế nào đi nữa thì chắc chắn bà cũng không đồng ý. Và tôi nhận ra là tôi không muốn nghe bà nói KHÔNG, có nghĩa là tôi đã quyết định mà không cần bà giúp. Do đó tôi cất di động lại vào túi. Rồi tôi hoảng sợ về việc mình sắp làm cho đến nỗi tôi mò mẫm lung tung tìm cái Discman để kiểm tra cái tai nghe không lòng thòng ra khỏi túi. Tôi quỳ xuống kiểm tra dây giày đã buộc chặt chưa. Tôi tự hỏi mình có bao nhiêu tờ hai mươi pao cất trong người.
Má ơi, đứa bé vẫn kêu khóc nhưng giờ đã giảm dần, như thể cơ thể nó chạy bằng pin mà pin đang hết dần. Ngay bây giờ hoặc chẳng bao giờ nữa, tiến lên hay là chết, như lời ba thường nói. Tôi cố lắng nghe, cố xác định nó từ đâu vang đến (nhìn lên chỉ cách năm mét cũng không thấy rõ được). Rồi tôi nhắm mắt lại hít một hơi thật sâu.
Chương năm
K
hi tôi lại đứng trên vỉa hè đổ nát trước đống gạch ngói cao chất ngất, ho sặc sụa và thở phì phò vì đuối sức với cả mớ bụi đất trong miệng, ngó xuống gương mặt nâu sậm bé xíu mà mình đang bồng, thì tôi có cảm giác như mình đang ôm giữ cả trần gian trong tay. Và cái trần gian này nhẹ bỗng như tơ.
Tôi suýt gọi điện cho má nhưng tôi không muốn mạo hiểm vì đứa bé có thể sẽ bị rớt trong lúc tôi lấy chiếc di động từ trong túi ra. Chắc tôi sẽ nói: “Con cứu được đứa bé này rồi. Hết chuyện nghen.” Nhưng điều đó sẽ rất ngớ ngẩn vì thật ra câu chuyện chưa bắt đầu.
Lát sau tôi nhận ra đứa bé là một cu cậu. Mái tóc thật đen và dày làm nó trông giống như một tiểu Elvis Presley (trong cái thời béo ị). Tôi nhặt cái mền màu hồng trong chiếc nôi quấn quanh người nó. Tôi ru nó nhè nhẹ khi đã trở lại bình thường. Rồi chân tôi cứ bước đi. Tôi quỳ xuống trên vỉa hè. Thằng bé thức giấc há cái miệng méo xẹo như bằng cao su, như miệng con cá, phát ra những tiếng kêu khóc vang trời. Rồi tôi biến thành chiếc xe cứu thương kêu í e í e chạy một mạch về cửa tiệm. “Nhanh lên nào. Đây nè, có ai giúp tôi với.” Tôi chìa thằng bé ra. Kate đón lấy nó. Mặt cô ngơ ngác. Cô không tin nổi: Graham với thằng bé khóc oe oe. Tôi bật khóc. Đôi chân tôi trở nên mềm
nhũn, rồi tay tôi, đầu tôi cũng thế. Năm giờ tiếp sau đó tôi như một đống thịt tàn phế.
Tôi muốn về nhà. Hay đúng hơn là tôi muốn về căn hộ của cậu George. Nhưng cậu bảo tôi cứ ở yên trong tiệm. Hôm đó cậu đi Lancashire giải quyết một số công việc với phòng nha sĩ mới. Sau khi nghe tin vụ rớt máy bay thì cậu gọi vào xem chúng tôi có bình an không. Thật ra là xem mấy cái đàn piano có bình an không, Kate nói như vậy sau đó.
Derek gọi điện cho 999, số điện khẩn, trong lúc Kate dìu tôi vào phòng vệ sinh đắp miếng thuốc dán lên chỗ trầy trụa trên đầu gối tôi. Có một cái lỗ thủng khá to trên áo khoác tôi. Trong một lúc nào đó chắc tôi đã cởi áo sơ-mi ra, bởi vì một lúc sau tôi chợt nhận ra mình đang mặc một chiếc áo len thùng thình có in dòng chữ: HONKERS GO GO GO trước ngực. Chiếc áo của cậu George, cậu to gấp ba người tôi, vì thế chẳng lạ gì mà nó rộng thùng rộng thình. Rồi mấy tay nhân viên y tế đến trong một chiếc xe to trông như kiểu xe của Mỹ để mang thằng bé đi.
Kate đặt tôi xuống chiếc sô-pha dành cho khách hàng ngồi, cô nói: “Ngồi đây thư giãn đi.” Rồi cô vòng tay đấm bóp sau cổ tôi. Tôi không thư giãn nổi, đúng ra là tôi cảm thấy đầu mình muốn nổ cái bùm tan tác. Tôi với tay lên ôm đầu rên rỉ. Kate như ôm lấy tôi từ phía sau và nói: “Naaàaooo, ổn rồi mà. Anh chỉ hơi bị choáng thôi. Ổn rồi mà.” Rồi cậu George gọi điện đến.
Kate kể lại mọi chuyện vừa xảy ra. Rồi cô nói tôi nên đi bệnh viện; tôi đang bị choáng. Nhưng cậu nói tôi nên ở yên đó, bệnh viện hẳn là đang rất hỗn loạn và tôi phải chờ nhiều ngày mới được khám. Và nếu tôi trở về căn hộ thì tôi phải ở một mình, chuyện đó không tốt chút nào. Tốt hơn hết là giữ tôi ở lại đó.
Trong lúc nhìn Kate nói chuyện điện thoại với cậu George, tôi nghĩ về cô. Cô quê mùa hay sành điệu nhỉ? Cô không sành điệu cũng chẳng quê mùa. Cô chỉ là Kate, vậy thôi.
Có tiếng trực thăng và còi hụ bên ngoài. Kate nói tôi nên ngủ một lát. Di động của cô lại reo. Lại là cậu George. Tôi nghe được tiếng cậu gào lên. Kate đáp: “Được rồi, được rồi.” Khi tắt máy cô nói với tôi: “Cậu George bảo anh mở máy di động lên, má anh cố gọi cho anh mà không được.” Tôi đáp tôi không muốn nói chuyện với bà. Tôi cho Kate số của ba má, cô ra ngoài gọi cho họ. Qua cửa sổ tôi nhìn thấy cô gật đầu, rồi tôi thiếp đi một lát.
Derek tìm thấy một cái radio cũ bị vấy sơn trắng trong phòng vệ sinh. Có chương trình phát thanh liên tục về vụ máy bay rớt. Nhờ đó tôi biết được đó là chuyến bay RF 3409 cất cánh từ Tashken…vân vân… Họ chuyển qua một phóng viên đưa tin bên ngoài một bệnh viện. Cô ta tường thuật câu chuyện về một đứa bé được cứu sống ngay trong khu vực máy bay rớt, nơi mà cho tới nay người ta không tìm được người sống sót nào khác.
Người cứu nó đã biến mất. Anh ta là một anh hùng. Ban đầu không có ai trong chúng tôi nhận ra họ đang nói về tôi. Cô phóng viên cho rằng đây là một phép lạ trong cơn ác mộng. Kate đi qua sô-pha bóp vào vai tôi và tôi hiểu ra cô phóng viên nói về mình. Đó là giây phút đầu tiên tôi thắc mắc về điều mình đã làm.
Một tay cảnh sát gọi điện đến tiệm yêu cầu chúng tôi ở yên đó cho đến khi hắn cho chúng tôi biết mọi chuyện đã ổn. Vụ rớt máy bay xảy ra khoảng 9:30 sáng. Vào 3:30 chiều, một lúc ngắn sau khi tay cảnh sát gọi vào, những đám mây bụi bắt đầu tan đi.
Vào 4:30 chiều, các nhân viên đầu tiên của bản tin đài truyền hình khởi sự xếp đặt công việc trên con đường bên ngoài. Tôi mang ghế đến cạnh cửa sổ ngồi nhìn. Xe chở người và hệ thống đường truyền không dây đầy những đĩa vệ tinh và thiết bị kỹ thuật cao đang đậu dọc phố, nghiến lên mớ kính vỡ và gạch đá ngổn ngang. Mấy tay nhân viên mặc áo thun bố trí những chiếc máy quay nhỏ đến không ngờ. Họ có những cuộn băng keo dán màu bạc, chúng tạo ra âm thanh chói tai khi họ xé chúng ra. Họ dùng chúng để dán dây cáp dính lên vỉa hè và mặt đường, tôi thật ngạc nhiên vì không nghĩ rằng người ta có thể dán đồ vật lên những con đường.
Thật dễ dàng nhận ra các phóng viên. Họ có những cái đầu trông như bằng nhựa. Họ cầm mấy cái kẹp hồ sơ hay sổ ghi chép và cứ chải tóc bằng ngón tay. Một chiếc trực thăng của cảnh sát vần vũ thật thấp. Giấy báo, thùng cạc-tông và vỏ lon mà người ta không nhớ là chúng đang nằm ở đó bắt đầu bốc lên bay tung trên mặt đường. Giấy tờ trên kẹp hồ sơ cũng bay phất phới theo. Mấy tay phóng viên đè tay giữ mái tóc như thể họ đều đội tóc giả và chúng sắp bị thổi bay mất. Có người la lên: “Đuổi chiếc trực thăng đó ra khỏi đây ngay.”
Kate đến đứng cạnh tôi bên cửa sổ. Cô mang lại chiếc ghế của đàn piano rồi ngồi lên. Cô phủi phủi đôi chân trần, nói: “Cứ như là tận thế tới nơi rồi.” Derek bước đến sau lưng chúng tôi. Hắn nói với Kate: “Anh mát-xa cổ em nhé, nếu em thích thế.” Cái cách của hắn cứ như là hắn thật sự muốn nói rằng: Cô mát-xa cổ cho Graham được thì giờ tôi mát-xa cổ của cô cũng được. Nhưng Kate đáp: “Không, tôi không sao.”
Chúng tôi đứng nhìn qua cửa sổ. Không ai nói lời nào. Một
người đàn bà mặc chiếc áo lông không có tay áo và giày bốt màu vàng kén bướm đang hối hả bước xuống phố. Một tay bà cầm chiếc di động, tay kia thì cầm cái loa. Giày bốt của bà đạp lạo xạo lên mảnh kính vỡ. Trông bà ta như đang nhảy múa dưới ánh đèn sân khấu. “Chú ý. Xin mọi người chú ý.” Tiếng loa vang dội khắp nơi. “Đây là điều rất quan trọng. Có ai chứng kiến vụ rớt máy bay, có ai thấy chiếc máy bay đâm xuống không? Chúng tôi cần quý vị thuật lại nếu quý vị có chứng kiến.”
Và trước khi tôi kịp hiểu, Kate đập mạnh vào cánh cửa sổ la lớn. “Anh ấy thấy. Ở đây này, chị ơi. Anh ấy chứng kiến. Anh ấy cứu đứa bé, chính là anh ấy đấy!” Tôi có cố ngăn cô lại không? Lẽ ra tôi ngăn lại nhưng cô ấy quá nhanh. Cô nhảy lên, vọt ra khỏi cửa đuổi theo người đàn bà cầm loa.
“Này, bà ơi. Chính là Graham Sinclair,” cô nói với bà cầm loa. Tôi đuổi theo Kate ra đến ngoài đường, thật vậy đấy. Nhưng là để kéo cô lại. Quá muộn rồi. Cô nói: “Đồng nghiệp Graham Sinclair của tôi đã cứu đứa bé trên chương trình tin tức. Anh ấy… Ồ, anh ấy đây này!”
Có một vài người đang vây quanh bà cầm loa. Nhưng bà lại nhìn chằm chằm vào mắt tôi. Bà hỏi: “Cậu là Graham à? Cậu đã cứu bé Ade? Thật là hay quá. Cậu nói với chúng tôi vài lời nhé?” Tôi hỏi: “Bé Ade?”
Bà ta đáp: “Đó là cái tên mà mấy cô y tá gọi nó. Nó khỏe rồi. Cậu có thể cho chúng tôi biết chuyện gì đã xảy ra không?” Tôi thật sự không muốn chuyện này xảy ra nhưng có nhiều lúc bạn phải làm theo thôi. Họ đặt tôi đứng trước cửa sổ của tiệm và khi sau này tôi xem lại mình trên tivi thì tôi thấy sau
đầu tôi là cây đàn hiệu Bechstein. (Cậu George nói rằng nó là cây đàn tốt nhất mà cậu có. Những cây khác là đồ vất đi. Chính lời của cậu như thế. Chúng được làm ở Hàn Quốc hay Trung Quốc cho dù chúng có tên của Đức.)
Tay phỏng vấn gọi tôi là “Trợ lý cửa hàng Graham Sinclair”. Tôi nghĩ đến bọn nhóc ở trường Sir Roger de Coverley đang xem tivi. Tôi nghĩ, chống mắt mà xem này, mấy thằng chọc quê tao là Cả Quỷnh. Tôi thả hai tay dọc theo bên hông để máy quay không thấy chúng. Tay phỏng vấn nói: “Những giây phút cuối cùng của chuyến bay 3409 được trợ lý cửa hàng Graham Sinclair chứng kiến.” Rồi thêm những lời gì đó về “thảm kịch ngoài sức tưởng tượng”; “vai trò anh hùng mà anh ấy tham dự”; và “tử thần réo gọi”. Rồi hắn đẩy chiếc mic cho tôi và tôi bắt đầu kể. Tôi nhớ lúc đó mình đang nghĩ rằng những điều đang nói toàn là nhảm nhí, nhưng sau này khi xem lại trên tivi thì thấy cũng không tệ lắm, tôi đã không xuất hiện như là một thằng ngốc (và người ta không cách gì thấy được đôi tay tôi). Tôi nhắc lại chuyện thấy chiếc máy bay và nghe tiếng đứa bé – bé Ade – rồi tôi bịa ra cái ống thoát nước mà tôi đã trèo lên.
Vào buổi chiều, Kate, Derek và tôi đến quán rượu, và tôi xuất hiện trên bản tin tức của truyền hình. Lần đầu tiên tôi đến quán rượu đó thì tay phục vụ từ chối cho tôi vào vì trông tôi nhóc tì quá. Thế nên Kate kiếm cho tôi một cái thẻ căn cước giả, sau đó hắn để tôi vào nhưng vẫn không thích tôi hiện diện ở đó. Giờ thì hắn là bạn thân mới của tôi. Hắn thích thấy một chàng xuất hiện trên tivi và cùng lúc đứng ở quầy rượu của hắn. Hắn đãi chúng tôi uống miễn phí, làm tôi hơi bị xỉn. Không xỉn tới nỗi lăn quay ra, nhưng đủ để tôi cảm nhận được điều mà ba gọi là
quắc cần câu vào sáng hôm sau. Kate thả tôi xuống nhà cậu George bằng taxi, đưa tôi một mảnh giấy có ghi số điện thoại của cô và các số máy bàn, ngừa trường hợp trong đêm tôi phê quá và cần một ai đó để tâm sự. Nhưng tôi đã hết biết như một ngọn đèn tắt ngúm.
Buổi sáng chuông điện thoại reng trong căn hộ của cậu George, má gọi. Bà không nhắc gì về việc thấy tôi trên tivi nên tôi hỏi bà có thấy không. Bà chỉ đáp: “Nó là đám ma của mày đó, Graham à.” Tôi biết ngay mà.
Tôi đi làm. Cảnh sát và xe cứu hỏa ở khắp mọi nơi. Cả những toa xe có cửa sổ che kín và nhiều người mặc áo liền quần trắng, đeo mặt nạ, đi lại lăng xăng. Những bó hoa đầu tiên vẫn còn trong bao giấy gói do người ta mang đến được đặt nằm trên đường. Tôi nghĩ có lẽ mình không thể đến được con phố của tiệm đàn, nhưng trên đường lại không gặp trắc trở gì cả.
Tôi mua vài tờ báo. Tiệm cà phê World Bean trong khu vực phải đóng cửa vì các cửa sổ của nó bị vỡ kính, tôi phải lòng vòng thêm cả cây số để tìm tiệm khác. Cà phê bị nguội ngắt khi tôi đến được tiệm đàn. Lần này tôi là người đến tiệm đầu tiên. Tôi chưa lên mạng ngay. Tôi ngó qua mấy tờ báo.
Tôi có mặt cả trên hai tờ. Họ có chụp lại hình từ tin tức đêm qua. Tôi trông cũng oách. Tất nhiên là không rõ lắm, nhưng trông tôi già dặn hơn mười bốn tuổi. Không thấy được tôi gầy như thế nào và không thấy đôi tay. Có một dòng chữ lớn nằm trên một tấm hình như thế này:
CẬU BÉ ANH HÙNG XẢ THÂN CỨU ĐỨA BÉ
Bên dưới thì như thế này:
Em bé Ade “sẽ hồi phục”: việc cứu người thoát khỏi vụ rơi máy bay kinh hoàng là biểu tượng của hi vọng giữa tuyệt vọng. Tôi rất tự hào nhưng cũng “quíu”. Tôi có cảm giác như thể hàng triệu đôi mắt đang ngó mình, chắc hẳn là như vậy. Vào chính giây đó, thiên hạ nhìn tôi qua các tách trà, bánh mì kẹp thịt muối hay bánh kẹp trứng của họ. Bài báo nói ở bệnh viện, tình trạng Em bé Ade khá nghiêm trọng nhưng đã ổn định. Họ đoán rằng chắc cha mẹ bé đã tử nạn trong vụ rớt máy bay. Rồi tôi lên mạng. Chắc là Jennifer cũng đã xem báo rồi, đó là lý do nàng viết “Gởi Anh chàng anh hùng!” trong ô chủ đề của e mail. Tim tôi đập mạnh khi thấy thế. Tôi tợp một hơi hết nửa ly cà phê đầu tiên trước khi tôi nhấp chuột vào e-mail. Tôi kéo chuột thẳng xuống cuối để xem ai gởi. Tôi có ý nghĩ điên rồ rằng nó là của Kylie Blounce. Kylie đã thấy tôi trên tivi và theo dấu tôi. Cô nàng chỉ muốn tôi hiểu rằng cô rất hãnh diện về tôi, và cô sẽ không bao giờ gọi tôi là Cà Ròn nữa. Nhưng e-mail này là do một người tên là Jennifer Slater gởi. Ai vậy ta? Tôi nhớ là mình cảm thấy thất vọng, cái cảm giác mà người ta gọi là mỉa mai.
Tôi vừa kéo chuột lên trên đầu e-mail thì Kate bước vào. Tôi kéo cái e-mail xuống. Kate có một tờ báo giống tờ của tôi. Cô nói: “Xin chào, Anh chàng anh hùng.” và theo sau là một thôi một tràng những điều bài báo đó viết. Cô hỏi tối qua tôi có khỏe không, tôi đáp khỏe. Cô nói lẽ ra tôi không cần phải đi làm đâu, Ông Heo không để ý đâu, nhưng tôi đáp tôi không có chuyện gì khác để làm. Rồi cô nói: “Tốt lắm. Dù sao tôi rất vui vì anh đến.” Chuyện này tôi nghĩ hơi lạ. Và trong lúc tôi đang mong cô bỏ đi, đi vệ sinh hay đâu đó, để tôi được yên tĩnh đọc e-mail của người
tên Jennifer Slater này.
Rồi cô hỏi: “Muốn uống thêm một tách cà phê không?” Cô không biết rằng tôi đang uống tách thứ hai vì tôi đã uống hết tách thứ nhất và vất cái tách giấy rồi. Tôi cho cô biết tiệm World Bean trong vùng không mở cửa và địa điểm của tiệm gần nhất nằm ở đâu. Cô vừa đi ra cửa vừa huýt sáo.
Tôi tiếp tục đọc cái e-mail.
Gởi Anh chàng anh hùng! Nó lặp lại y như trên đầu. Hoan hô hành động can đảm. Tôi biết nó can đảm lắm vì tôi chứng kiến điều anh làm. Tôi chứng kiến tất cả những gì anh làm. Anh hiểu không? Tôi đang đi trên đường, ngay sau lưng anh, khi vụ rớt máy bay xảy ra. Tôi đi theo anh vì trong lúc đó tôi không biết mình sẽ đi đâu hay làm gì. Và rồi tôi chứng kiến anh cứu đứa bé. Tôi thấy rất rõ điều anh làm.
Những gì tôi chứng kiến là hoàn toàn không có gì nhầm lẫn trừ phi tôi khùng. Hay trừ phi tôi nổi cơn khùng trong vài phút đó. Điều này cũng có thể lắm chứ. Vụ rớt máy bay là một sự kiện kinh khủng và bất cứ ai chứng kiến cũng sẽ bị chấn động. Thật ra họ sẽ vẫn bị chấn động dài dài về sau. Tôi vẫn cảm thấy bất bình thường và còn run rẩy.
Tuy nhiên, như những bạn bè của tôi sẵn sàng xác nhận với anh, tôi là kiểu người rất sát mặt đất, tức là rất thực tế. Tôi không có xu hướng thích tưởng tượng bay bổng. Tôi không bịa chuyện hoang đường. Thậm chí vài người bạn của tôi còn cho rằng tôi là kẻ cuối cùng trong những người mà họ quen biết, có thể bị dẫn dắt bởi những cảm giác phiêu bồng.
Dù sao đi nữa thì tôi cũng cần làm rõ chuyện này. Tôi biết nơi anh
làm việc vì tôi đi theo anh sau khi anh cứu đứa bé. Tôi đi theo anh trở về tiệm bán đàn piano. Rồi sau đó tôi thấy anh xuất hiện trên tivi, bên ngoài tiệm.
Chung cư của tôi ở cách đó chưa đến nửa dặm. Anh biết cách liên lạc với tôi rồi đó. Chỉ đơn giản là trả lời e-mail này thôi. Có thể anh không muốn liên lạc. Tôi hiểu ngay nếu anh không muốn trả lời. Nhưng tôi e rằng nếu anh chọn thái độ không liên lạc với tôi thì tôi sẽ buộc lòng đến tìm anh tận mặt.
Xin hiểu rằng tôi không mong điều xấu cho anh. Nhưng tôi đã thấy anh làm điều đó, nó khiến tôi vô cùng hoang mang. Tôi cần hiểu điều mình nhìn thấy. Bằng cách này hay cách khác.
Trân trọng, Jennifer Slater
Tái bút: Đâu có cái ống thoát nước nào ở đó. Phải không nào?
Chương sáu
C
ậu George không trở lại London cho đến ba ngày sau vụ rớt máy bay, điều đó bình thường với chúng tôi. Tôi chỉ la cà loanh quanh nhìn mọi chuyện diễn ra ngoài đường phố trong lúc Kate và Derek sắp xếp việc bán cây đàn hiệu Bechstein danh tiếng. Nó là cây đàn mà Kate rất mê, cô nói nó như là một chiếc xe cổ tuyệt đẹp và cô không muốn thấy nó ra đi nhưng đó là chuyện chơi nổi mà (cô nói điều này với giọng mỉa mai vì đó là điều cậu George đã nói). Cô nói nó là một nỗi nhục gấp đôi, vì cô đã ngồi đánh cây đàn này, khi cô tìm được đúng bản nhạc hay để chơi. (Tôi nghĩ là cô đang nói nhảm về chuyện này.) Cái cách mà chúng tôi bán cây Bechstein này thật là quái lạ. Nó đã nằm sau lưng tôi trên màn hình tivi khi người ta phỏng vấn tôi. Ngày hôm sau, một tay nọ gọi điện cho Kate nói rằng hắn là đại diện cho một gã người Anh đang sống ở Thụy Sĩ, gã này xem cuộc phỏng vấn tôi và thấy cây đàn piano sau hậu cảnh, và muốn mua nó để trong văn phòng của mình.
Sau vụ rớt máy bay chúng tôi có nhiều khách đến tiệm hơn tôi từng thấy trước đây, nhưng họ không thú vị với việc mua loại đàn dành cho người mới tập chơi cho các cô chiêu, cậu ấm bé bỏng của họ. (Có rất nhiều nhóc tì hợm hĩnh đến tiệm với các bậc bố mẹ cũng hợm hĩnh không kém của chúng. Bọn nhóc bận
các bộ đồng phục quái gở màu hồng và xám, và đi cà nghêng cà ngang như lũ cá sấu bò lổm ngổm quanh tiệm. Các bà mẹ chở chúng đến trong những chiếc 4WDs[4] trông giống như mấy chiếc xe tăng).
Không. Họ đến vì họ khoái vụ rớt máy bay. Nhiều người mang hoa đến đặt trên đường. Chúng được gói trong giấy hoa. Họ cũng khoái tôi, họ nhận ra tôi nhờ xem tivi. Họ muốn biết có phải điều tôi làm là một phép lạ hay không. Việc cứu Bé Ade đó mà. Họ có đọc báo.
Hai ngày sau vụ rớt máy bay, có một bài trên một tờ nhật báo lớn và trang trọng mà bình thường chẳng bao giờ tôi ngó tới, tờ báo nặng chừng nửa tấn và có đủ thứ quảng cáo hào nhoáng ở bên trong sẵn sàng rớt ra khi bạn cầm nó lên. Kate là người thấy nó. Tựa đề bài báo như thế này: Có phải Bé Ade đúng là con của Chúa Trời?
Bên dưới là một tấm ảnh của tác giả. “Ồ, Ông Hai Lợn Ỉ.” Kate kêu lên thế khi cô thấy tấm hình. “Nếu tôi mà trông giống như thế thì tôi không chường mặt lên báo đâu.” Bài báo dông dài một hồi rồi nói rằng:
Xem xét kỹ màn giải cứu kẻ được gọi là Bé Ade (một lỗi lầm rất kẹt về cách sử dụng ngôn ngữ mà các đồng đạo báo lá cải phải giơ những bàn tay vấy mực của họ lên phản đối), ai có thể nghi ngờ sự mém-phi thường của kỹ năng và lòng can đảm hẳn đã có trong cuộc giải cứu an toàn bé Ade? Tóm lại, có phải bậc thành trẻ tuổi Graham Sinclair, người mà theo những thông tin thu thập được, phải là một vị anh hùng có đặc trưng tính cách Ăng-lê nhất, một người khiêm tốn, được một chiếc thang của lính cứu hỏa từ trời gởi xuống giúp đỡ? Giữa hành vi tàn bạo của quỷ sứ trong sáng ngày thứ Ba vừa qua, có phải
Thượng đế đã để lại trần gian tấm danh thiếp của ngài? Vân vân… Cứ thế, nó cứ con cà con kê kéo dài đến bất tận. Nhưng sau khi đọc được chừng mười lần, tôi hiểu ra rằng nói chung là tất cả chỉ lặp lại một điều giống nhau, đó là công cuộc cứu thoát Ade là một phép lạ, như Chúa Giê-su đã làm. Chuyện này làm tôi phát khiếp. Tôi phải tìm hiểu xem nó còn tiếp tục thêm bao lâu nữa.
Rồi người ta bắt đầu tìm đến và gọi điện đến. Vài tờ báo. Một số đài phát thanh. Tôi đã nghĩ gì về cái ý kiến cho rằng Thượng đế đã thực hiện một phép lạ qua tôi? Tôi đáp tôi nghĩ rằng nó dính líu nhiều hơn với việc tôi là một tay leo núi thượng hạng (một sự dối trá) rồi cúp máy.
Chuyện đó thật là tệ. Nhưng điều thật sự làm tôi muốn bể cái đầu là khi một gã nọ xuất hiện trong tiệm, ăn mặc như Chúa Giê-su trong một tấm vải trắng. Gã chìa cuốn Thánh kinh dày cộp vào mặt tôi và gào lên, Kate phải gọi cảnh sát can thiệp. Gã giống y chang cái kiểu bọn khùng giấu súng dưới áo thầy tu và nghĩ rằng tôi là ma quỷ cần được cho đi tàu suốt về địa ngục. Sau vụ đó Kate giúp tôi rất nhiều. Cô đánh một bảng thông báo trên máy vi tính:
TIỆM ĐÓNG CỬA
CHỈ TIẾP NGƯỜI CÓ HẸN TRƯỚC
Rồi dán nó lên cửa sổ. Khi cậu George trông thấy nó trong ngày hôm sau, ông nổi giận.
* * *
Tôi có quên Jennifer Slater giữa các chuyện này không? Tất nhiên là không. Nhưng tôi không có chút thì giờ nào để nghĩ đến. Đầu óc tôi cứ kêu ong ong. Tôi cần phải chờ một thời gian cho mọi chuyện lắng xuống để có thể suy xét nên làm gì, nhưng điều đó chẳng thể được. Một phần cũng do má làm tôi điên cả đầu lên.
Sau khi thấy tôi trên tivi, bà lại đọc báo và cố gọi tới số di động của tôi nhưng tôi không mở máy, cho nên bà lại gọi cho cậu George. Cậu gọi cho tôi bắt tôi phải hứa gọi cho má vào tối đó. Thế nên tôi gọi cho bà. Sau một hồi khóc lóc ỉ ôi, bà nói tôi phải về nhà ngay. Má nói chắc bà đã khùng nên mới để tôi đi London. Tôi chỉ mới đến đó có năm phút thôi là chỉ có Chúa mới biết tôi sắp làm chuyện gì.
Tôi đáp đó không phải là lỗi của tôi, mà là vì vụ rớt máy bay. Tôi cố giải thích nhưng má không muốn nghe. Tôi nói tôi rất vui ở đây và không muốn về nhà đâu. Má nói nếu vậy bà sẽ xuống London lôi tôi về. Lúc đó tôi phang ngang ngay. Tôi không định làm vậy, lời nói chỉ vọt ra khỏi miệng tôi. Và vừa nói xong là tôi biết có hiệu nghiệm liền. Tôi nói: “Nếu con là má thì con sẽ không làm như vậy đâu, má à. Con sẽ không xuống đây để lôi con về đâu.”
“Mày muốn nói gì vậy?” bà hỏi lại.
Tôi đáp: “Có thể con làm một điều gì đó. Má biết mà.” Má im lặng. Rồi bà cúp máy. Thắng lợi.
Cơ hội tốt nhất cho tôi suy nghĩ là vào ngày thứ ba sau vụ rớt máy bay. Tôi vừa thoát được má đêm hôm trước, khi tôi đến tiệm vào buổi sáng thì Kate nói Derek gọi vào báo là hắn bị bệnh
nên sẽ không đến. Thế nên chỉ có tôi và Kate thôi. Rồi khi gã ăn mặc như Chúa Giê-su xuất hiện, Kate phải gọi cảnh sát đến bắt gã đi, thì Kate dán bảng thông báo tiệm đóng cửa lên. Rốt lại, chỉ còn có tôi và Kate.
Tôi đang suy nghĩ, tôi phải làm gì đó về vụ Jennifer Slater, thì Kate hỏi: “Đầu gối anh sao rồi?”
“Ổn rồi,” tôi đáp, nhưng cô cứ buộc tôi duỗi chân ra trên cái ghế piano và xăn ống quần lên để cô xem, rồi cô nắn bóp nó. Cứ như thế này thì làm sao tôi có thể nghĩ đến Jennifer Slater cho được, nên tôi lại nghĩ về Kate. Như, ví dụ nhé, đường rẽ trên tóc cô có hình chữ chi ngoằn ngoèo. Trước đây tôi không hề chú ý đến nó nhưng khi cô đang cúi xuống thì tôi không thể không nghĩ. Mái tóc còn được nhuộm nữa. Người ta cứ nghĩ rằng nó màu đồng như dây điện nhưng thật ra nó lại màu đen, ở ngay chỗ ngoằn ngoèo đó thì lại đen mun. Chân cô lại hơi cong vòng kiềng. Chúng thò ra khỏi váy như chạc xương gà, chỉ có điều sậm màu hơn.
Khi đó tôi không biết cô bao nhiêu tuổi. Tôi đoán, có lẽ hai mươi lăm chăng. Cô đã kiếm cho tôi cái thẻ căn cước để vào tiệm rượu mà không rắc rối gì thì cô phải là khá lớn tuổi mới làm được những chuyện như thế. Tôi biết cô không có cha và có một
đứa em trai, nhưng nó đang bị nhốt trong trại cải huấn trẻ em vì tội ăn cướp, thỉnh thoảng cô lại đi thăm nó cùng với mẹ. Mẹ cô hát trong ban hợp xướng của nhà thờ mỗi Chủ nhật. Cô thì muốn thành một người chơi đàn dương cầm. Hay giống như một nghệ sĩ dương cầm. Không phải chơi trong ban nhạc mà là chơi nhạc cổ điển. Cô nói có cơ hội loanh quanh bên các cây đàn đã là tốt rồi. Có lẽ việc nhận sự rung cảm ở chúng làm cô chơi
đàn hay hơn chăng. (Nếu quả thật cô biết chơi.)
Giờ thì cô hỏi: “Anh nói chuyện với má anh chưa?” Cứ như thể cô đang nói chuyện với cái đầu gối của tôi vì cô cầm một ca nước ấm, nhúng bông băng vào đó rồi đắp lên vết thương của tôi. Tôi đáp rồi, rồi cười khẽ, như muốn nói rằng má làm tôi ngứa ngáy cái lỗ tai quá. “Chắc là bà muốn anh về nhà,” Kate nói: “Tôi mà là bà thì tôi muốn vậy.”
“Tôi không về đâu,” tôi đáp.
Cô ngước lên. Cô có đôi mắt nâu thật to trông như thủy tinh và kẹo bơ trộn lại với nhau. “Hay lắm”, cô nói: “Tôi vui lắm.” Tôi không nói gì. Cô đắp miếng thuốc dán mới lên đầu gối tôi rồi xả ống quần xuống. Cô vỗ vỗ đầu gối tôi qua ống quần và nói: “Xịn như mới.”
Vẫn có người gọi điện cho tôi về vụ Thượng đế và phép lạ… vân vân. Kate nói rằng cô sẽ trả lời điện thoại. Cô giống như một thư ký đầy năng lực trong phim. Cô nói những câu như: “Làm ơn viết ra những gì ông muốn, ông Sinclair là người rất bận rộn.” Cô nhìn qua bàn của tôi và lấy tay che miệng lại, cố ngăn tiếng cười khúc khích phì ra.
Sau cùng thì tôi cũng có thì giờ nghĩ về Jennifer. Tôi xem cô ta có gởi e-mail nữa không. Không có gì cả. Tôi lấy bản in e-mail của cô mà tôi đã cất nó trong túi sau ra, xem những chi tiết đặc biệt này:
Anh biết cách liên lạc với tôi rồi đó. Chỉ đơn giản là trả lời e-mail này thôi. Có thể anh không muốn liên lạc. Tôi hiểu ngay nếu anh không muốn trả lời. Nhưng tôi e rằng nếu anh chọn thái độ không liên lạc với tôi thì tôi sẽ buộc lòng đến tìm anh tận mặt.
Tái bút: Đâu có cái ống thoát nước nào ở đó. Phải không nào? Tôi thầm hi vọng rằng nếu mình không làm gì cả thì chuyện rắc rối sẽ biến mất. Nhưng không phải như vậy. Nó không biến mất. Tôi ở ngay trong tầm mắt của người đàn bà Jennifer Slater này. Nơi cô ở chỉ cách đây có nửa dặm thôi. Có thể cô có một đứa anh em trai gì đó là cớm. Nghĩ đến điều đó làm tôi rùng mình ớn lạnh. Có một điều gì đó về cái cách bọn cớm hành xử, về cái vẻ bên ngoài của chúng. Khi còn bé tôi có một hình nhân của Người Hùng Hành Động, kiểu rẻ tiền. Trông hắn rất rắn chắc nhưng khi mình thọc ngón tay vào má hắn thì nó lõm vào. Hắn làm bằng một cái bao giấy hoa hòe. Bọn cớm làm tôi nhớ đến cái đó.
Có thể Jennifer đang theo dõi tôi, ngay lúc này đây. Tôi nhìn qua cửa sổ đến tiệm truyện tranh bên kia đường. Có hai cửa sổ trên mặt trước tiệm. Một cái hé mở và có màn lưới bay phất phơ. Có thể có một gã đứng bên trong với chiếc máy ảnh đặt trên chân giá.
Tôi đang nghĩ mình sẽ viết gì trong e-mail trả lời Jennifer Slater. Trước tiên tôi nghĩ nó trong đầu, rồi viết ra trong một e mail nghiêm chỉnh bởi vì tôi không thể nhớ được điều mình mới vừa nghĩ. Tôi nên gọi cô nàng là gì đây, để khởi đầu? Tôi gõ phím:
Jennifer thân mến
nhưng coi bộ không được. Với những gì tôi biết thì có thể cô nàng đã sáu mươi tuổi rồi. Tôi gõ lại:
Chào bà Slater
nhưng coi bộ cũng không xong vì có thể bà ta chưa lập gia
đình thì sao? Rồi:
Chào cô Slater
Nhưng chưa chắc là cô/bà ấy là người theo chủ nghĩa nam nữ bình quyền. Tôi lăng quăng về chuyện này mất cả mười phút. Mất thì giờ quá, cứ tránh né mãi khi thật ra tôi phải nói điều gì thật đúng đắn với cô ấy. Tôi biết mình sẽ bắt đầu như thế nào rồi. Tôi gõ:
Chào Jennifer Slater
và sắp sửa viết ra trọn câu này thì Kate nói: “Tôi đang làm giấy tờ cho cây đàn Bechstein. Anh phải điền hết mớ giấy chuyển hàng này đó.” Tôi gần như quên mất cô đang ở đó. Điện thoại không reng trong một lúc khá lâu và cả hai chúng tôi cùng im như thóc.
“Được,” tôi đáp. Cô làm tôi quên mất tiêu những gì tôi sắp viết cho Jennifer Slater. Tôi đặt một dấu phết sau chữ “Slater” trong lúc chờ câu văn trở lại.
Rồi Kate hỏi: “Graham à? Tôi hổi anh điều này nhé?” Cô nói “hổi” thay vì hỏi.
Tôi đáp: “Ừa.” Tôi nhấn phím xóa và xóa đi dấu phết. Tôi chưa kịp nghĩ về điều Kate sắp sửa hỏi. Cứ như thể cô nàng phục kích tôi vậy.
Cô nói: “Tôi thắc mắc về đôi tay của anh. Nếu anh không phiền.”
Chuyện này làm tôi hoảng thiệt. Tôi không nghĩ là người ở London để ý gì đến đôi tay của tôi, nhưng giờ thì chính Kate lại quan tâm đến chúng. Tôi không biết phải trả lời như thế nào nên tôi chỉ nói: “Vâng.”
Cô nói: “Tôi xin lỗi.” Cô giả vờ chấm dứt câu chuyện nhưng thật ra cô đang chờ tôi nói: Không, được mà. Cô muốn biết gì nào?… chẳng hạn, để cả hai có thể tiếp tục câu chuyện. Nhưng tôi không nói năng gì cả, sau một vài giây cô nói xin lỗi lần nữa.
Và tôi đáp: “Không sao đâu.” Rồi chúng tôi im lặng trong suốt hai giờ.
Tôi nói dối. Kate có nói với tôi trong hai giờ đó nhưng chỉ để cho tôi biết cậu George đang gọi điện cho tôi.
Cậu hỏi: “Cháu nói chuyện với má chưa?”
Tôi đáp: “Dạ, nói rồi.”
Cậu nói: “Tốt. Nhà cửa thế nào rồi? Vẫn còn nguyên chứ?” Chuyện này thật là nhảm vì cậu ấy còn nhếch nhác hơn tôi nhiều. Rồi cậu nói: “Mai gặp nhé. Cậu sẽ về ngay đấy.”
Trong lúc trò chuyện với cậu George thì tôi gõ chơi lăng nhăng trên bàn phím và tôi vô ý nhấn phím “Send”. Điều này gây ra hai chuyện. Chuyện thứ nhất là nó gởi cái e mail viết dang dở của tôi cho Jennifer Slater. Cái e-mail viết rằng:
Chào Jennifer Slater
và chỉ thế thôi. Trông thật ngu xuẩn nhưng chưa đến nỗi tận thế. Và chuyện thứ hai là một e-mail mới được gởi đến. Nó như sau:
Xin chào. Chàng anh hùng. Tôi có phải đến gặp anh không? Chỉ vậy thôi. Nó là do cô ấy gởi đi, từ địa chỉ: jennifer. [email protected].
Tôi không suy nghĩ gì được cả. Cứ như thể tôi lại đứng trên
cái cầu nhảy lần nữa. Tôi nhấn nút “Reply” và gõ phím thật nhanh:
Chào Jennifer Slater
Xin lỗi về e-mail vừa rồi. Tôi vô ý gởi nó đi. Tôi sẽ gặp cô. Xin cho biết lúc nào và ở đâu.
Kính
Graham Sinclair
Rồi tôi ngồi yên đó loay hoay vớ vẩn, chờ e-mail hồi đáp. Tim tôi đập thình thịch. Tiếng động vang vang trong đầu. Mỗi phút tôi lại nhấn nút “Check Mail” hai lần. Hẳn là Kate cũng thấy. Tôi cảm nhận được ánh mắt cô nhìn tôi. Cô nghĩ tôi vẫn đang giận cô, như thể tôi là cái gã khùng trong phim, gã không ngừng gõ tay hay loay hoay nghịch vớ vẩn rồi đột nhiên bùng nổ và giết người. Tôi không nhìn cô. Tôi hy vọng cô đi về, quá năm giờ rồi. Rồi tôi nghe tiếng ghế cô kéo lại. Tiếng ví cô lách cách. Trên đường đi ra, cô ngừng lại ở bàn tôi. Tôi cảm thấy cô nhìn tôi thật sát. Cô nói: “Graham này, tôi xin lỗi rồi mà,” kèm theo tiếng thở dài.
“Không có vấn đề gì đâu,” tôi đáp.
“Có vẻ là có đấy,” cô nói: “Ít ra anh sẽ đi uống với tôi một ly chứ? Xài cái thẻ căn cước đó luôn.”
Tôi đáp: “Tôi bận rồi.”
Cô nói: “À, tôi biết vậy mà.” Tôi vẫn không nhìn cô. Cô gõ gót giày rồi bước ra cửa. Cô nói: “Anh khóa cửa và cài hệ thống báo động nhé?”
Tôi đáp: “Ô kê.” Rồi tôi cảm thấy hơi tội nghiệp cô.
Tôi nói: “Ông Heo nói ông ta sẽ đến thật sớm đấy.” Cô nói: “Ô, hay quá.”
Tôi chờ thêm ít nhất là một giờ. Jennifer Slater không hồi đáp gì cả. Tôi quyết định trở về căn hộ, mua một cái bánh pizza trên đường về. Có một tiệm gần cầu Putney bắt chước đúng y như tiệm của Ý. Tường được sơn như gạch có hoa phủ trên đó. Thậm chí có cả một con thằn lằn nữa nếu bạn biết nhìn vào chỗ nào. Họ có một cái lò nướng thật to và tay đầu bếp đưa bánh pizza vào lò bằng một cái thuổng dài. Pizza ở đó thật ngon.
Tôi cài đặt hệ thống báo động. Cậu George đã dùng ngày sanh của chị mình (má tôi) làm sáu số mật và bắt tôi phải nhớ (070661). Tôi bước ra khỏi cửa. Tôi vừa khóa khóa trên và khóa dưới, vừa mò trong túi tìm chiếc máy Discman để làm bể màng nhĩ chơi trên đoạn đường đến tiệm pizza. Do đó tôi không nhìn mình đang đi đâu. Tôi quay lại và bước thẳng đâm sầm vào một người phụ nữ. Tôi muốn nói theo nghĩa đen đấy. Tôi đâm sầm vào ngực của cô.
Chương bảy
Đ
ó là người phụ nữ sang trọng tôi thấy ngay trước khi vụ rớt máy bay xảy ra, người phụ nữ lướt đi trên con phố. Tôi phải mất mấy giây để nhận ra điều này. Tôi chỉ nhìn nàng đăm đăm, cố nghĩ xem mình đã gặp nàng ở đâu. Thậm chí tôi còn nghĩ rằng có thể mình thấy nàng trên tivi, nàng đặc biệt như thế đấy. Chính mùi nước hoa giúp tôi nhận ra. Nó kéo tôi vụt trở lại như một cỗ máy thời gian, trở lại ngày trước vụ rớt máy bay, và tôi đó, bước đi vô tư, không hề biết rằng chiếc máy bay sắp rớt. Rồi tôi gặp người phụ nữ sang trọng này, và cảm nhận nỗi hạnh phúc đau nhói khi gặp một người đặc biệt trên phố mà biết người này sẽ chẳng bao giờ trò chuyện với mình hay quan tâm đến việc mình là ai. Trừ phi chính nàng làm điều đó.
Tôi bước ra khỏi tiệm và đâm sầm vào nàng, ngay vào bộ ngực nàng. Tôi cảm nhận được chúng trên ngực tôi, sự cảm nhận về chúng gần như ở lại trong máu tôi vài giây sau khi tôi bước lui lại. “Graham,” nàng nói. “Jennifer Slater.” Tôi chỉ nhìn nàng đăm đăm, nàng phất tay ngang qua trước mặt tôi như thể tôi là một bệnh nhân đang trong cơn hôn mê, rồi nàng phá cười lên nói: “Chính là Graham, phải không nào? Để tôi cho anh biết vài điều, Graham à.”
Đôi mắt nàng. Đôi mắt nàng màu nâu như mắt của Kate
nhưng còn to hơn. Chúng như mặt trời vậy, tôi chỉ có thể nhìn vào chúng trong một tích tắc, ngay vào chỗ giữa hai mắt, rồi tôi phải nhìn lảng đi nơi khác. Giọng của nàng có âm hưởng sang trọng của miền Nam nhưng nó không giống giọng của những người đàn bà thường đến tiệm. Những người đàn bà đó đi bằng xe Range Rovers hay xe 4WD. Bạn thấy họ đậu xe bên ngoài cửa sổ. Họ không màng đến chuyện có thể bị phạt, họ giàu mà. Nhiều khi xe của họ màu xám pha xanh cứt ngựa, màu của mấy chiếc xe tăng, điều đó nhắc tôi nhớ đến họ như những vị chỉ huy xe tăng. Họ lên giọng bề trên quát tháo tôi. Lẽ ra họ nên đội mũ sắt và mang tai nghe, báo cáo tình hình với trung tâm chỉ huy hành quân ở một chiếc lều bí mật nằm đâu đó. Giọng họ rất lạnh lùng, đó là điều tôi muốn nói. Nhưng giọng của Jennifer thì ấm áp.
Má có dạy tôi một mẹo vặt để lấy mật ra từ một cái hũ đang để trong ngăn đá tủ lạnh. Bạn hãy nhúng một cái muỗng vào nước nóng, rồi bạn ấn cái muỗng vào mật cho mật tan ra và bọc quanh nó. Cái muỗng nóng làm mọi chuyện trở nên dễ dàng và tốt lành đúng theo ý muốn. Giọng của Jennifer cũng thế, dễ dàng và tốt lành, muỗng và mật.
Nàng nói: “Tôi là người không dễ bị làm cho kinh ngạc. Tôi muốn anh biết như thế.” Giờ nàng đang giữ vai tôi. Khá chặt. Nàng khỏe nhưng không khỏe bằng tôi. Tôi khỏe hơn nhiều so với vẻ bên ngoài, đôi tay góp phần rất lớn. Tôi thoáng nhìn thấy ngực nàng. Áo ngực nàng màu kem quả hồ trăn.
“Ok,” tôi nói. Tôi nhún vai và nàng buông vai tôi ra. Nàng nghĩ rằng tôi cố vùng ra khỏi tay nàng nhưng không phải vậy. Tôi thích nàng chạm vào tôi, tôi chỉ không hiểu nàng đang nói
gì. “Tùy ý anh vậy,” nàng nói.
Nàng nắm cánh tay tôi. Tôi đang mặc áo thùng rộng. Tôi không lấy tay ra khỏi túi áo, tôi để cho nàng đẩy cánh tay tôi mở ra để nàng xỏ tay nàng qua tay tôi. Nàng hơi dựa vào tôi, như thể muốn nói: “Ta đi nào,” rồi chúng tôi cùng bước đi. Đế giày nàng gõ lách cách. Người ta nghe tiếng quay lại nhìn, họ nhìn một lần, rồi thêm lần nữa. Không phải nhìn tôi, mà nhìn Jennifer. Vì nàng đẹp quá. Và có lẽ phần nào họ cũng nhìn cả hai chúng tôi, ồ, thằng nhóc còm nhom này dính dáng gì với cô nàng hấp dẫn này. Trong một lúc chúng tôi không nói lời nào. Chúng tôi đi về hướng nơi chiếc máy bay rớt. Phải mất một lúc tôi mới nhận ra. Khi tôi nhận ra thì hẳn nàng cũng đã nhận ra. Tôi thấy hơi kỳ cục và Jennifer nói: “Chuyện này phải làm cho ra lẽ.” rồi tiếp tục kéo chúng tôi về phía đó.
Một lát sau nàng hỏi: “Anh thích loại thức ăn nào? Tôi nghĩ một lúc nào đó tôi sẽ mời anh đi ăn tối.”
Tôi thật sự bối rối với chuyện này. Tôi vẫn đang cố nhớ lại ở đây người ta ăn tối lúc mấy giờ và ăn loại thức ăn gì. Tôi thích loại thức ăn nào nhỉ? Tôi chỉ có thể nghĩ ra bánh pizza thôi. “Đừng bận tâm,” nàng nói. “Tôi sẽ cho anh biết sau. Một nơi nào đó khá sang trọng. Anh sẽ phải quen dần với sự sang trọng.”
Nàng dùng đúng chữ đó! Tôi muốn cho nàng biết điều đó thật là tếu, việc nàng dùng từ sang trọng. Nhưng chuyện đó nghe ra không hay lắm. Giờ thì chúng tôi đi dọc theo con phố nơi mà tôi gặp Jennifer lần đầu tiên. Tôi nói cho nàng biết tôi đã chú ý nàng, nàng hỏi: “Vậy sao?” giọng thật trìu mến. Nàng không nói rằng nàng đã chú ý tôi, điều đó không hẳn là tệ. Tôi phát ngán tận óc việc bị chú ý bởi các lý do tầm phào, ví dụ như việc có đôi
bàn tay kỳ dị chẳng hạn. Tôi tự hỏi thầm bao giờ thì chúng tôi dừng chân.
Jennifer hỏi: “Anh có đọc báo không? Anh nên đọc, anh biết đấy. Không chỉ một tờ thôi, hãy đọc vài tờ mỗi ngày. Tìm xem anh đang theo đuổi điều gì.” Nàng nhìn tôi và cười phá lên, tôi không thích như vậy chút nào. Nàng đang mang sự cù lần của tôi ra chọc quê. Trên mặt tôi hẳn biểu lộ ra vẻ khó chịu. “Đừng lo,” nàng nói. “Tôi hiểu mà. Tôi sẽ là người hỗ trợ tốt cho anh.”
Tôi thật sự không hiểu điều nàng nói. Nhưng theo cái cách mà nàng nói như thể nàng cho rằng tôi hiểu, và tôi không muốn làm phật ý nàng nên tôi cứ gật đầu. Chúng tôi đi xa hết mức có thể. Dây băng keo màu xanh và trắng của cảnh sát tạo thành một rào chắn ngang qua mặt đường. Chúng tôi đứng cạnh dây băng nhìn. Trước mặt chúng tôi là một dãy tòa nhà đổ nát. Một số bị bay mất mặt tiền. Trông chúng như những ngôi nhà đồ chơi. Có thể thấy một lò sưởi cũ treo trên nửa chừng của bức tường, và một tấm áp-phích in hình một cô gái bang nhạc pop nữ. Nhưng chúng tôi chỉ thoáng liếc qua những thứ đó. Cái mà chúng tôi thật sự tìm nằm ở cuối con đường. Cái tòa nhà từng là dãy căn hộ mà Bé Ade từng sống ở đó. Tòa nhà này là phần tệ nhất trong khu. Nó chỉ còn là một đống gạch đá đổ nát, cao hơn cả một ngôi nhà cao, với một đám bụi mù lơ lửng trên đó. Có một cái chuồng chim nhô ra làm tôi nhớ đến chú chim mà tôi biết tên là Eddie.
Từ sau vụ rớt máy bay tôi chưa trở lại đây. Không dưng tôi cảm thấy khác thường. Hai chân tôi bắt đầu run rẩy như trong ngày chuyện đó xảy ra, và tôi lại cảm nhận được vị bụi đất nằm trong cuống họng, và tôi thoáng nếm được cái vị kỳ lạ mà tôi đã
nếm trong hôm ấy, cái vị của điều gì đó thật khủng khiếp. Jennifer bóp mạnh tay tôi và gần như đỡ tôi dậy. “Tôi đã đứng khoảng chỗ này,” nàng nói. “Tôi đi theo anh vì tôi nghĩ rằng anh biết mình đang đi đâu. Rồi tôi chứng kiến điều anh làm. Như tôi nói, tôi không phải là người dễ kinh ngạc.”
Chuông di động của Jennifer reng. Tiếng reo giống như tiếng một chiếc xe tải kêu lên khi chạy lùi lại. Nàng buông tay tôi ra và quay đi. Nàng không nói a-lô khi mở máy lên mà chỉ lắng nghe. Nghe chừng một phút nàng nói: “Đồng ý. Làm đi.” Rồi gấp di động lại. Giọng nàng nghe quái dị, không ấm áp nhưng lại lạnh tanh. Rồi nàng nói với tôi thì nó lại ấm áp trở lại. “Tôi phải đi rồi. Tôi rất mừng vì chúng ta gặp nhau. Tôi sẽ báo cho anh biết về bữa ăn tối tôi mời.”
Nàng bước đi bỏ lại tôi ở đó, bên dây băng màu trắng và xanh. Tôi nhìn theo. Dáng nàng lướt đi, và cái hình tam giác ở sau cổ nơi tóc nàng cạo đi trông giống như mảnh lụa đen.
Tôi dậy trễ một tí trong buổi sáng sau lần đầu tiên gặp Jennifer. Tôi không có đủ thì giờ mua ly cà phê sữa ở tiệm World Bean. Tôi mãi nghĩ về nàng trên suốt con đường đến tiệm, rồi tôi thấy chiếc Merc của cậu George và lúc này tôi không thể nghĩ gì thêm về Jennifer trong một lúc. Giờ thì tôi phải đối phó với cậu George. Khi cậu ta nhảy vào đầu bạn thì cậu lấn mọi người khác văng tưng ra ngoài.
Qua cửa sổ, tôi thấy cậu bước quanh mấy cây đàn, như cậu thường làm khi nổi giận. Cậu cầm một miếng giấy trên tay. Và tôi thấy mảnh giấy mà Kate dán trên cửa không còn ở đó nữa. Có một cái chuông nhỏ kêu leng keng khi cửa mở ra. Nó tượng trưng cho tiếng nhạc dương cầm. Lần đầu tiên đưa tôi đến tiệm,
cậu George chỉ lên phía trên đầu mình và hỏi: “Nghe ra không?” Tôi đáp tôi nghĩ rằng mình có nghe nó đâu đó trong chương trình quảng cáo của tivi. “Trời đất ơi, Joe!” Cậu la lên, “Sô panh. Sô-panh phải không nào?” Tôi lắc đầu.
Chức năng của ông Sô-panh là làm cho bất cứ ai chuồn vào tiệm cũng bị người bên trong nhận biết, nhưng nó không có mấy tác dụng, tôi nhận ra vậy. Không có ma nào chôm được một cái piano bỏ trong túi áo rồi bỏ chạy cả.
Tôi mở cửa, cái chuông reo lên tăng-tăng tăng-tăng tăng-tăng tăng-tăng tằng, và mọi người ngó tôi. Cậu George ngưng nói với họ và nói với tôi: “Chào buổi trưa.” Derek cười sằng sặc. Cậu George chờ cho tôi ngồi xuống. Rồi cậu lại bước quanh mấy cái đàn. Cậu mặc một cái áo khoác mới mà trước đây tôi chưa thấy. Cái áo khoác làm tôi vui lên. Nó là một cái áo da nhẹ, gần như màu cam và đầy những cái túi vô tích sự. Tôi biết những cái áo thùng của tôi cũng có nhiều túi, nhưng chúng có lý do của chúng. Nào là di động, máy nghe nhạc Discman, đĩa CD… đều cho vào túi gọn gàng. Túi của cậu George là chỉ để làm dáng thôi, người ta biết ngay vì trông chúng xẹp lép, và trông thật dỏm. Cậu thật bự con, và toàn bộ các thứ đó làm cho cậu trông giống như một cái tủ có nhiều hộc. Cái lý do nó làm tôi vui lên là tôi biết cậu George nghĩ rằng mình trông sang trọng.
Còn một điều khác nữa về cậu George. Cậu có đôi tai kỳ cục. Lông đen mọc thò ra ngoài và dái tai thì rất dài nên chúng trông giống như đôi bông tai làm bằng thịt. Người ta chẳng thể nào biết rằng cậu là em của má. Má khá nhỏ nhắn với đôi tai thanh nhã. Má cũng có màu da sáng như tôi. Bà có hàng ria nhạt nhưng người ta không thể thấy vì các sợi lông tơ màu trắng.
Nếu tóc má sậm như tóc cậu George thì bà đã trông giống một mụ đồng bóng. Có lẽ họ là con nuôi, hay một trong hai người là con nuôi. Có lẽ ông bà ngoại – vào lúc này thì họ đều qua đời rồi – có một bí mật. Có rất nhiều bí mật trong gia đình mà người ta chẳng hề biết, hay chỉ biết khi có ai đó qua đời khoảng năm mươi năm rồi, và khi đó thì quá muộn để nó mang lại một ý nghĩa gì nữa. Ví dụ, trước đây tôi thường băn khoăn rằng có phải mình là con nuôi không. Tôi không giống má hay ba.
Cậu George rê các ngón tay lên mặt một cây đàn Rickenmuller xem có bụi không. Cậu xem kỹ đầu các ngón tay. “Chà,” cậu giơ tấm bảng lên, đọc to: “‘Tiệm đóng cửa. Chỉ tiếp người có hẹn trước.’ Ngon nhỉ?” Cậu ngưng lời nhìn chúng tôi, nhìn từng đứa một. “Ta muốn nói là, hãy mở cửa tiệm nhưng suốt ngày không cho ai vào cả. Bằng cách đó chúng ta có thể vui chơi rửng mỡ. Phải không?” Chúng tôi không ai trả lời nên cậu lại hỏi tiếp: “Phải không nào?”
“Mọi chuyện rối tung lên,” Kate nói: “rớt máy bay và đủ thứ chuyện.” Cô nhún vai.
George chỉ ngón tay vào cô và hỏi: “Ai dán cái thông báo lên đó?”
Mọi người im lặng, cứ như là lũ học trò trở lại trường học, vậy mà tôi nghĩ mình đã gia nhập vào đám người lớn. Cậu George nhìn hết người này đến người khác. Rồi Derek khai: “Chính là nhóc Joe.”
Tôi căm ghét khi Derek gọi mình như thế. Cha nội Derek này được mấy tuổi rồi chứ? Chẳng cần biết, nhưng nhiều khi mày bao nhiêu tuổi cũng chẳng quan trọng, cái đầu mày luôn luôn
chỉ vừa mới lên bảy thôi. Derek là gần như thế. Nếu hắn bằng tuổi tôi, học cùng trường với tôi, thì hẳn là hắn cũng sắp hàng để châm lửa lên tóc tôi. Nếu bọn Đức mà thắng Thế Chiến Thứ Hai thì Derek đã mặc đồng phục của chúng và có đặc quyền để chơi cha người Anh rồi.
Kate nói: “Derek, Chúa ơi. Ông không có mặt ở đây mà. Tôi làm đó. Ô kê, George à.”
Derek nói: “Đúng vậy. Nhưng em làm vì nó. Em phải làm vậy.”
Kate nói: “Mọi chuyện cứ phát rồ lên, phải không nào? Người ta cứ đổ xô vào. Tôi nghĩ đó là cách tốt nhất.”
Derek nói: “Họ nghĩ nó là Chúa Giê-su hay sao đó. Tôi nói bọn khùng kìa.”
Tôi nói: “Chuyện đó đâu phải là lỗi của tôi phải không? Làm sao tôi cản được chuyện người ta làm.”
Cậu George nói: “Thưa quí vị. Đinh đong! Mình phải bán đàn nhé. Này, nói cho vui thôi mà.” Rồi cậu đổi ngay thái độ. Vừa đang hoạnh họe đó thì lại đổi giọng cười vui xuề xòa, người đẫm mồ hôi, hai tay xoa xoa nhau.
“Mình thảy được cái Bechstein rồi, tôi nghe thế,” cậu nói: “Cái ở cửa sổ. Giỏi lắm, Joe.” Cậu đấm vào cánh tay tôi. Giờ thì cậu giống như một anh hề chọc cười trên sân khấu và chúng tôi là khán giả. “Ta có đọc một số chuyện hay ho về con cháu trong nhà mình trong mấy ngày vừa qua. Mấy người có xem cái này không?” rồi cậu giơ tay ra như thể đang viết một cái tựa đề to đùng lên bầu trời:
JOE NGỐ CHẠM VÀO HỒN CỦA ĐẤT NƯỚC
“Mấy người có hiểu không? Tốt, miễn là mày đừng chạm đến vào mông đít của nó, Joe à. Cái kế tiếp rõ là:
NHÓC JOE LỠ CHẠM VÀO MÔNG CỦA NƯỚC ANH – RỒI HỐI HẬN
“Ha ha ha! Tha cho tụi tao đi, Joe à. Tao phạm lỗi đậu xe cán lên hai vạch vàng rồi.”
Cậu George có hai điều hay. Thứ nhất là, cậu không bao giờ nhắc nhở gì đến đôi tay của tôi, dù một lần cũng không. Và thứ hai là, cậu cho tôi lái chiếc Merc của cậu. Nhưng những điều này không có nghĩa cậu là một người tốt. (Sự khôn ngoan xuất chúng của Graham Sinclair đây này: Người ta có thể làm những điều tốt vì những lý lẽ xấu.) Về chuyện đôi tay, tôi nghĩ rằng cậu không nhắc nhở gì đến chúng là vì cậu mập ù. Còn chuyện chiếc xe thì phức tạp hơn.
Lần cậu George đến thăm chúng tôi khi tôi lên mười hai tuổi, cậu chở tôi bằng chiếc Merc mới toanh đến cái sân bay cũ mà ba chỉ cho, rồi cậu dạy tôi lái. Cậu phải đẩy cái ghế tới trước cho tôi, nhưng cơ bản thì việc lái xe trở nên dễ ẹt khi tôi hiểu cách vận hành tay số tự động. Tôi nắm bắt được dễ dàng, đó là lý do vì sao tôi lái xe được khi đến London dù là tôi chỉ mới mười bốn tuổi và chưa bao giờ học một bài học lái xe đúng đắn nào.
Thậm chí cậu còn để tôi lái trên những con đường chính. Nếu cậu đậu trên hai vạch vàng bên ngoài tiệm thì cậu ném cho tôi chùm chìa khóa, hay bảo tôi tìm chùm chìa phụ trong phòng vệ sinh, rồi tôi phải lái chiếc Merc ra hướng đường Hammersmith đậu vào chỗ đậu có tính tiền ở đó.
Tôi đã từng nghĩ cha này tuyệt quá, nhưng sau đó tôi không