🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu - David McRaney full mobi pdf epub azw3 [Self Help]
Ebooks
Nhóm Zalo
Mục lục
Lời giới thiệu: Về bạn
1. Mồi tiềm thức
2. Chứng bịa chuyện
3. Thiên kiến xác nhận
4. Thiên lệch nhận thức muộn
5. Sự ngụy biện của tay thiện xạ Texas 6. Sự trì hoãn
7. Sự ngộ nhận trạng thái bình thường 8. Nội quan
9. Tự nghiệm về sự phổ biến
10. Hiệu ứng bàng quan
11. Hiệu ứng Dunning-Kruger
12. Ảo quan
13. Lòng trung thành với thương hiệu 14. Lập luận dựa vào thẩm quyền 15. Lập luận từ sự thiếu hiểu biết 16. Ngụy biện bù nhìn rơm
17. Ngụy biện tấn công cá nhân 18. Ngụy biện về thế giới công bằng 19. Trò chơi lợi ích chung
20. Trò chơi tối hậu thư
21. Sự xác nhận chủ quan
22. Sự truyền bá của các giáo phái 23. Tư duy tập thể
24. Tác nhân siêu kích thích
25. Sự tự nghiệm cảm xúc
26. Con số Dunbar
27. Bán rẻ
28. Thiên kiến tự đề cao
29. Hiệu ứng ánh đèn sân khấu
30. Hiệu ứng người thứ ba
31. Thanh tẩy
32. Hiệu ứng thông tin sai lệch
33. Sự phục tùng
34. Sự bùng phát cuối cùng 35. Sự lười biếng xã hội
36. Ảo giác về sự minh bạch 37. Sự bất lực tự nguyện
38. Nhận thức từ cảm giác thứ phát 39. Hiệu ứng mỏ neo
40. Sự chú ý
41. Sự tự chấp
42. Những lời tiên tri tự hoàn thành 43. Thời khắc
44. Thiên kiến về sự nhất quán 45. Sự tự nghiệm về tính đại diện 46. Sự trông đợi
47. Ảo giác về sự kiểm soát 48. Lỗi quy kết bản chất
Lời cảm ơn
LỜI GIỚI THIỆU: VỀ BẠN
BẠN VẪN TƯỞNG
Bạn là một cá thể có lý í, biết suy nghĩ logic, và luôn nhìn thế giới một cách khách quan.
SỰ THẬT LÀ
Bạn cũng chỉ là một kẻ hay tự dối mình như tất cả những người khác. Nhưng không sao, chính điều đó lại giúp bạn có í óc lành mạnh.
Cuốn sách bạn đang cầm trên tay là một bản tóm tắt sơ lược về việc tự dối mình của con người và những cách tuyệt vời khiến tất cả chúng ta đều rơi vào cái bẫy đó.
Bạn tin rằng mình hiểu rõ quy luật vận hành của cuộc sống, nhưng sự thật là bạn chẳng biết gì hết. Trong suốt cuộc đời, bạn tự tạo nên những quan điểm, tự xâu chuỗi nên một câu chuyện về bản thân, về lý do cho những hành động trong quá khứ, và tất cả dẫn đến việc bạn đang đọc những dòng chữ này, ngay tại thời điểm này. Nhìn một cách tổng thể thì mọi thứ có vẻ rất thật.
Nhưng có một sự thật mất lòng là: Bộ môn tâm lý học nói riêng và ngành khoa học nhận thức nói chung đang ngày một thành công hơn trong việc chứng minh rằng chính bản thân bạn cũng chẳng nắm được tại sao mình lại làm những việc mà bạn vẫn làm, chọn những thứ mà bạn vẫn chọn, hay thậm chí là nghĩ những điều mà bạn vẫn nghĩ. Thay vào đó, bạn tự tạo ra những câu chuyện nhỏ để
giải thích lý do cho việc bỏ cuộc giữa chừng trong công cuộc ăn kiêng, tại sao bạn lại thích Apple hơn Microsoft, hay việc rõ ràng bạn nhớ rằng Beth là người đã kể cho bạn nghe câu chuyện chú hề với chiếc chân giả làm từ hộp súp rỗng, trong khi thực ra bạn được nghe từ Adam, và đó cũng chẳng phải là một chú hề.
Hãy dừng lại một chút và quan sát căn phòng bạn đang ngồi đi. Trong một khoảnh khắc thôi, hãy cảm nhận những công sức đã được bỏ ra để tạo nên mọi thứ xung quanh bạn, và cả những nỗ lực trong hàng thế kỷ qua để tạo tiền đề cho các phát minh đó.
Bắt đầu từ đôi giày bạn đang đi, cho tới cuốn sách bạn đang cầm trên tay, rồi hãy nhìn tới những máy móc đang hoạt động, nháy đèn và kêu bíp bíp khắp mọi ngóc ngách: lò vi sóng trong góc bếp, chiếc máy tính trên bàn làm việc, chiếc xe cứu thương đang hú còi ở con phố đằng xa. Trước khi chúng ta đi vào chủ đề chính, hãy dừng lại và ngẫm nghĩ về việc loài người đã giải quyết được biết bao vấn đề khó khăn trong cuộc sống và đã tạo nên vô vàn những thứ tuyệt vời xung quanh ta.
Những tòa nhà chọc trời và xe cộ, điện năng và ngôn ngữ – con người cũng thật đáng nể phải không? Chính thành công rực rỡ của trí tuệ loài người đã tạo nên những tiện nghi ngày nay. Kh nghĩ về điều đó, bạn sẽ dễ dàng chìm đắm trong niềm tin về trí thông minh của bạn cũng như của cả loài người.
Vậy mà bạn vẫn để chìa khóa trong xe. Bạn vẫn thường hay quên béng mất mình đang định nói gì. Bạn ngày càng tăng cân. Bạn chẳng còn một xu dính túi. Những người khác cũng vậy. Từ khủng hoảng ngân hàng cho tới những vụ bê bối tình dục, chúng ta đều có những thời điểm thật là ngu ngốc.
Từ những nhà khoa học lỗi lạc nhất cho tới những người thợ khiêm tốn, bộ não của mỗi cá thể đều chứa đầy những định kiến và khuôn mẫu. Những thứ này thường đánh lừa bộ não một cách khéo
léo khiến chúng ta chẳng thể nhận ra được. Vậy nên đừng vội lo lắng, bạn không phải là trường hợp đặc biệt đâu. Dù thần tượng hay sư phụ của bạn có là ai đi chăng nữa, chính họ cũng thường xuyên mắc lỗi.
Ta sẽ lấy bài thí nghiệm Sự Chọn Lựa Của Wason làm ví dụ đầu tiên. Hãy tưởng tượng một nhà khoa học đưa ra 4 lá bài trước mặt bạn. Khác với những loại bài thông thường, những lá bài này có một mặt in số và một mặt in màu. Các lá bài theo thứ tự từ trái sang phải là lá số 3, số 8, lá màu đỏ và lá màu nâu. Nhà khoa học láu cá này cho phép bạn quan sát 4 lá bài một lúc để ghi nhớ chúng rồi đưa ra câu hỏi như sau: “Bộ bài của tôi gồm toàn những lá bài kỳ lạ như thế này, nhưng chúng đều tuân theo một quy luật duy nhất. Nếu một lá bài có số chẵn ở một mặt, thì mặt còn lại chắc chắn sẽ là màu đỏ. Giờ thì bạn sẽ phải lật một hay những lá bài nào để kiểm chứng điều tôi vừa nói, sao cho số lá phải lật là ít nhất?”
Sao nào? Số 3, số 8, màu đỏ, hay màu nâu? Bạn sẽ lật lá nào?
Đây là một trong những thí nghiệm tâm lý học đơn giản nhất. Và nếu coi đây là một câu đố logic thì nó cũng chẳng hề khó. Vậy mà khi nhà tâm lý học Peter Wason thực hiện thí nghiệm này vào năm 1977, chỉ có dưới 10% số người tham gia trả lời chính xác. Trong thí nghiệm của mình, ông đã sử dụng các nguyên âm thay vì màu sắc; tuy nhiên ở những bài kiểm tra tương tự khi dùng màu sắc thì tỷ lệ số người trả lời sai vẫn không thay đổi.
Vậy câu trả lời của bạn là gì? Nếu đáp án của bạn là lật lá bài số 3 và màu đỏ, hoặc bạn chọn chỉ một trong hai lá số 8 hoặc màu nâu thì bạn thuộc số 90% đã làm sai bài này. Lật lá số 3 lên thì dù thấy màu đỏ hay màu nâu cũng chẳng chứng minh được gì. Bạn không có thêm thông tin nào cả. Nếu bạn lật lá màu đỏ và thấy một số lẻ thì điều đó cũng không vi phạm quy luật. Câu trả lời chính xác duy nhất cho bài đố logic này là lật cả 2 lá: lá số 8 và lá màu nâu. Nếu mặt sau của lá số 8 màu đỏ thì bạn mới chỉ chứng minh được quy luật ấy là đúng, chứ vẫn chưa biết được liệu nó có lỗ hổng nào không. Lúc này, nếu mặt còn lại của lá bài nâu là số lẻ thì nghĩa là quy luật đúng, còn nếu là số chẵn thì khẳng định ban đầu của nhà khoa học là sai. Chỉ 2 lá bài này mới có thể cho chúng ta câu trả lời chính xác. Một khi đã giải thích ra thì câu trả lời trở nên rất hiển nhiên.
Có câu đố nào đơn giản hơn câu đố với 4 lá bài và 1 quy luật này chứ? Vậy nếu có tới 90% số người tham gia đã trả lời sai thì làm thế nào mà con người có thể xây được thành Rome và tận diệt được bệnh bại liệt? Đây chính là chủ đề của cuốn sách này: Bạn bị giới hạn trong một số khuôn mẫu suy nghĩ nhất định, và cuộc sống quanh bạn là sản phẩm của việc sống chung với những khuynh hướng này, chứ không phải là chiến thắng và vượt qua chúng.
Quay trở lại với thí nghiệm trên, nếu bạn thay những con số và màu sắc trên các lá bài bằng các tình huống trực quan trong xã hội, câu đố bỗng dưng trở nên dễ hơn nhiều. Hãy tưởng tượng nhà khoa học đưa ra một câu hỏi mới: “Bạn đang ngồi trong một quán bar, và luật pháp không cho phép bán đồ uống có cồn cho người dưới 21 tuổi. Tôi có một bộ bài in tuổi của khách trong quán bar ở một mặt và đồ uống người đó đang dùng ở mặt còn lại. Bạn sẽ phải lật một hoặc một vài lá trong số 4 lá bài dưới đây để biết được liệu chủ
quán có đang vi phạm pháp luật hay không, sao cho số lá phải lật là ít nhất.” Và rồi nhà khoa học bày ra những lá bài như sau:
23 – Bia – Coca – 17
Giờ thì vấn đề có vẻ dễ hơn rất nhiều phải không? Lá bài Coca và 23 chẳng cho bạn biết điều gì đặc biệt cả. Tuy nhiên nếu cậu thanh niên 17 tuổi đang uống bia rượu, thì chủ quán đã phạm luật. Bạn cũng sẽ phải kiểm tra cả tuổi của người đang uống bia nữa phải không nào? Vậy là giờ bạn có thể dễ dàng thấy được 2 lá bài cần phải được kiểm tra là Bia và 17. Bộ não của bạn được lập trình để nhìn cuộc sống dễ dàng hơn dưới một số góc độ nhất định, ví dụ như về các vấn đề xã hội, nhưng lại kém hơn nhiều trong các mảng khác, như là câu đố logic với những lá bài được đánh số.
Đây sẽ là những điều bạn sẽ tìm thấy xuyên suốt trong cuốn sách này, kèm theo các giải thích khoa học và những điều để suy ngẫm, những nhận định của riêng tôi. Thí nghiệm Sự Chọn Lựa Của Wason đã cho thấy thực tế là chúng ta thường rất kém trong tư duy logic, nhưng lại rất giỏi vẽ ra những suy nghĩ nghe thì có vẻ hay ho trên lý thuyết, nhưng lại vỡ vụn khi đưa vào thực hành. Và khi điều đó xảy ra, chúng ta lại có khuynh hướng phớt lờ chúng. Con người luôn có một mong muốn mạnh mẽ là làm người đúng trong mọi trường hợp, và có một khát khao cháy bỏng hơn nữa là có thể nhìn thấy bản thân mình dưới ánh sáng tốt đẹp nhất ở cả góc độ tâm lý lẫn hành vi. Bởi vậy chúng ta thường xuyên lợi dụng và đánh lừa chính trí não của mình để có thể thỏa mãn điều này.
Ba chủ đề chính trong cuốn sách này là thiên kiến nhận thức, sự tự nghiệm và những phương pháp ngụy biện. Đây là những thành phần cấu tạo nên tâm trí của bạn, giống như các bộ phận trong cơ
thể vậy. Trong điều kiện lý tưởng thì chúng sẽ phục vụ bạn một cách đắc lực. Tuy nhiên, đời không như là mơ, và chúng ta chẳng mấy khi được sống trong điều kiện lý tưởng cả. Những thành phần này của tâm trí con người rất dễ bị bắt bài và có tính phụ thuộc cao nên đã bị lợi dụng từ hàng trăm năm nay bởi những kẻ lừa đảo, các ảo thuật gia, con buôn, ông bà đồng, hay bọn bán thuốc giả để kiếm lời. Phải cho tới khi bộ môn tâm lý học phát triển và đưa ra những phương pháp khoa học chặt chẽ để nghiên cứu về hành vi con người thì việc tự lừa dối bản thân mới được phân loại và định lượng.
— Thiên kiến nhận thức (Cognitive biases) là những khuôn mẫu suy nghĩ và hành xử thường dẫn bạn tới kết luận sai lầm. Khi chào đời, bạn, cũng như tất cả mọi người, đều phải bước vào một thế giới đã được lập trình sẵn những phương cách nhận thức đầy sai lệch này, và chẳng mấy ai nhận ra chúng. Nhiều thiên kiến có tác dụng giúp bạn tự tin trong cuộc sống hàng ngày và không tự coi mình là một kẻ đần độn. Việc giữ hình tượng có vẻ quan trọng với trí não con người đến mức nó đã phát triển một loạt những công cụ để khiến bạn luôn tự cảm thấy thỏa mãn với bản thân. Thường thì những thiên kiến nhận thức này sẽ dẫn tới những lựa chọn sai lầm, những đánh giá tồi tệ và những ý kiến ngớ ngẩn rất xa với sự thật. Ví dụ: Bạn có xu hướng tìm kiếm những thông tin củng cố cho một niềm tin nào đó của bản thân, trong khi lại thường lờ đi những thông tin trái nghịch với nó. Điều này được gọi là thiên kiến xác nhận (confirmation bias). Những quyển sách bạn đang có trên kệ và những trang bạn đánh dấu trên trình duyệt cá nhân là hệ quả trực tiếp của thiên kiến này.
— Sự tự nghiệm (Heuristics) là những con đường tắt trong tâm trí mà bạn sử dụng để giải quyết các vấn đề thường gặp trong cuộc
sống. Chúng giúp tăng tốc độ xử lý của não bộ, nhưng đôi lúc khiến bạn nghĩ quá nhanh và bỏ qua những chi tiết quan trọng. Thay vì chọn con đường dài và suy ngẫm thật cẩn thận về vấn đề để tìm ra giải pháp hợp lý nhất, hoặc đạt được một suy nghĩ đúng đắn nhất, bạn thường dùng sự tự nghiệm để đi tới kết luận trong khoảng thời gian cực ngắn. Một số sự tự nghiệm là học được, số khác lại được cài đặt sẵn trong mỗi phiên bản bộ não của con người. Khi sử dụng đúng cách thì chúng giúp cho tâm trí của chúng ta được thảnh thơi và hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng có những lúc chúng lại khiến ta nhìn nhận cuộc sống một cách quá đơn giản. Ví dụ như khi bạn thấy số lượng các bài báo về việc cá mập tấn công người bỗng tăng đột biến, bạn sẽ có xu hướng tin rằng có điều gì đó đang kích thích lũ cá mập và khiến chúng cắn người nhiều hơn, mặc dù điều duy nhất mà bạn thực sự biết chỉ đơn giản là các hãng thông tấn đang đưa tin về vấn đề này nhiều hơn bình thường mà thôi.
— Ngụy biện (Logical fallacies) giống như việc giải một bài toán sử dụng ngôn từ, và bạn bỏ qua một vài bước quan trọng, hoặc là bị mắc bẫy mà không biết. Chúng là những lý lẽ bạn tự đưa ra trong tâm trí để dẫn tới một kết luận khi không biết hết tất cả những thông tin liên quan tới vấn đề. Có thể là do bạn đã không để ý và bỏ qua những thông tin đó, hoặc là bởi bạn không nhận thức được sự hạn chế của lượng thông tin bạn đang nắm trong tay. Và thế là bạn trở thành một thám tử vụng về. Ngụy biện còn có thể là hệ quả của những mơ tưởng không thực tế. Có những lúc bạn đưa ra được những lập luận tốt, nhưng chính những cơ sở thông tin và giả thiết ban đầu lại không chính xác, và khi khác thì bạn lại áp dụng những lập luận sai lầm trên nền sự thật. Giả sử thế này, bạn nghe được một thông tin ở đâu đó nói rằng Albert Einstein không bao giờ ăn
trứng chiên và đưa ra kết luận rằng trứng chiên là một món không tốt cho sức khỏe. Đây được gọi là lập luận dựa vào thẩm quyền (argument from authority). Lúc này bạn tin rằng một người siêu thông minh như Einstein thì mọi quyết định của ông đều đúng đắn, nhưng biết đâu sự thật chỉ đơn giản là do ông không thích vị trứng chiên mà thôi.
Qua mỗi chủ đề trong sách này, bạn sẽ có được những cách nhìn nhận mới về bản thân. Rồi dần dần bạn sẽ nhận thấy rằng bạn chẳng thông minh như vẫn tưởng đâu. Vói một lô lốc những thiên kiến nhận thức lệch lạc, những phương pháp tự nghiệm cẩu thả và những lập luận ngụy biện vụng về, bạn đang tự đánh lừa bản thân mình từng phút một chỉ để đối mặt với thực tại của cuộc sống này.
Đừng sợ. Sẽ vui lắm đó.
MỒI TIỀM THỨC
BẠN VẪN TƯỞNG
Bạn biết rõ khi nào mình chịu tác động của một điều gì đó, và nó ảnh hưởng tới hành vi của bạn ra sao. SỰ THẬT LÀ
Bạn hoàn toàn không ý thức được về việc mình liên tục bị tác động bởi các ý tưởng do chính tiềm thức của mình tạo ra.
Bạn đang lái xe về nhà và chợt nhận ra rằng mình đã quên mua nước sốt rau, thứ vốn dĩ là lý do chính khiến bạn phải cất công lấy xe để ra siêu thị. Thôi thì bạn cũng có thể mua ở cửa hàng tạp hóa cạnh trạm xăng kế tiếp. Mà thôi, để lần sau vậy. Suy nghĩ về nước sốt khiến bạn trầm ngâm về giá xăng dầu, dẫn tới đắn đo về những hóa đơn đang còn nợ, từ đó lại nghĩ về việc liệu bạn có thể mua được một chiếc TV mới không, và TV lại gợi nhớ về cái lần mà bạn ngồi xem một mạch hết cả một mùa phim Battlestar Galactica. Cái quái gì thế này? Bạn đã về tới nhà và chẳng còn có chút ký ức nào về hành trình vừa diễn ra.
Bạn vừa mới lái xe về nhà trong trạng thái thôi miên trên cao tốc. Ở trạng thái đó trí óc và cơ thể của bạn dường như tách riêng ra và di chuyển song song với nhau. Khi dừng xe tắt máy, bạn trở lại bình thường. Trạng thái này nhiều khi còn được gọi là sự thôi miên dây
chuyền, do nó miêu tả trạng thái bị rơi vào thế giới tâm trí riêng, như những công nhân làm việc trong dây chuyền sản xuất công nghiệp
với các thao tác lặp đi lặp lại nhàm chán. Ở trạng thái này, sự tỉnh táo dần trôi đi, những hoạt động tay chân được đặt vào chế độ tự động, và phần còn lại của tâm trí được tự do suy nghĩ vẩn vơ.
Trải nghiệm chủ quan của bạn luôn được đưa vào hai phần: ý thức và tiềm thức. Ngay lúc này đây, bạn đang thở, chớp mắt, nuốt nước bọt, giữ nguyên tư thế, và giữ cho miệng ngậm trong khi đang đọc cuốn sách này. Bạn có thể lôi những hoạt động trên vào vùng kiểm soát ý thức, hoặc cứ để hệ thần kinh tự chủ điều hành một cách tự động. Bạn có thể chủ động lái xe xuyên đất nước, luôn tập trung vào những thao tác đạp ga, bẻ lái, đưa ra hàng triệu những quyết định nhỏ cần thiết để tránh gặp tai nạn thảm khốc trên đường cao tốc, hoặc bạn cũng có thể vừa lái vừa hát vang với những người bạn ngồi trên xe, trong khi để nhiệm vụ lái xe cho những phần tự động của bộ não xử lý. Bạn chấp nhận phần tâm trí tiềm thức này như một phần thiết yếu kỳ lạ của bản thân, nhưng lại thường coi nó là một thực thể nguyên sơ riêng biệt, nằm bên dưới lớp ý thức, và chẳng gây ảnh hưởng gì tới hành động của bạn.
Khoa học đã cho thấy điều ngược lại.
Một ví dụ tuyệt vời chứng minh cho tác động mạnh mẽ của tiềm thức đã được đưa ra trong nghiên cứu của Chen-Bo Zhong tại Đại học Toronto và Katie Liljenquist tại Đại học North Western. Nghiên cứu này đã được xuất bản trong một bài báo trên tạp chí chuyên đề Science, số ra năm 2006. Trong nghiên cứu này, hai nhà khoa học đã yêu cầu những người tham gia kể về một lỗi lầm khủng khiếp trong quá khứ, một việc họ đã làm trái với đạo lý. Các nhà nghiên cứu đã để những người này miêu tả về cảm giác của bản thân, sau đó bảo một nửa số người tham gia đi rửa tay. Cuối buổi, họ hỏi
những người này có sẵn lòng tham gia một nghiên cứu không trả công để giúp đỡ một nghiên cứu sinh nghèo hay không. 74% trong số những người không rửa tay đồng ý tham gia, trong khi đó, ở nhóm đã đi rửa tay thì con số này chỉ là 41%. Theo như phân tích của các nhà nghiên cứu thì nhóm này đã rửa đi cảm giác tội lỗi của mình một cách vô thức và nhu cầu làm việc thiện để sám hối đã bị giảm bớt.
Các đối tượng nghiên cứu không thực sự gột rửa cảm giác tội lỗi của mình và cũng không hề ý thức rằng mình đã làm vậy. Việc rửa ráy có ý nghĩa rộng lớn hơn là động tác giữ vệ sinh đơn thuần. Theo Zhong và Liljenquist, hầu hết các nền văn minh trong lịch sử đều sử dụng các ý niệm về sự sạch sẽ và thanh khiết cùng những từ đối nghịch diễn tả sự bẩn thỉu hay ô uế để nói về cả trạng thái vật chất lẫn tinh thần của con người. Rửa sạch là một phần không thể thiếu trong nhiều nghi lễ tôn giáo, và cũng là từ được dùng với ý nghĩa ẩn dụ trong ngôn ngữ hàng ngày. Giống như việc chúng ta hay so sánh những việc xấu xa là việc làm bẩn thỉu, hay gọi những kẻ xấu là lũ cặn bã vậy. Thậm chí, khi cảm thấy phẫn nộ vì hành vi xấu xa của người khác, gương mặt bạn cũng sẽ mang biểu cảm như khi nhìn thấy cái gì đó gớm ghiếc. Một cách vô thức, những người tham gia thí nghiệm này đã kết nối việc rửa tay với tất cả những ý niệm có liên hệ tới hành động này, và sự liên hệ đó đã ảnh hưởng lên hành vi của họ.
Việc một tác nhân trong quá khứ ảnh hưởng đến cách mà bạn hành xử, suy nghĩ, hay nhìn nhận các sự việc khác sau này được gọi là mồi tiềm thức. Mỗi nhận thức bạn có về thế giới xung quanh, dù bạn có ý thức được về nó hay không, cũng sẽ kích hoạt một loạt những ý niệm có sẵn trong não bộ. Bút chì khiến bạn nghĩ tới bút
máy. Bảng đen làm bạn liên tưởng tới lớp học. Điều này xảy ra mọi lúc mọi nơi, và mặc dù bản thân bạn không nhận ra, nó vẫn tác động đáng kể lên hành vi của bạn.
Một trong những nghiên cứu chỉ ra được sức ảnh hưởng mạnh mẽ của tiềm thức lên suy nghĩ và hành vi của bạn, cũng như chứng minh được rằng thực chất, bạn rất dễ bị thao túng bởi mồi tiềm thức đã được Aaron Kay, Christian Wheeler, và John Barghand Lee Ross thực hiện vào năm 2003. Người tham gia đã được chia thành hai nhóm và được giao nhiệm vụ nối hình ảnh với từ miêu tả. Một nhóm làm việc với những hình ảnh trung tính như con diều, cá voi, gà tây, v.v. Nhóm còn lại thì được giao cho những bức hình và miêu tả của các đồ vật liên quan tới giới kinh doanh như cặp tài liệu hay bút máy. Sau đó, tất cả được đưa vào những căn phòng riêng và được phổ biến rằng họ sẽ xếp cặp với một người tham gia khác. Thực chất thì người tham gia thứ hai này là diễn viên và biết hết về thí nghiệm đang diễn ra. Sau khi ổn định, người tham gia được thông báo rằng họ sẽ được chơi một trò chơi với phần thưởng lên tới 10 đô-la. Các nhà nghiên cứu đưa ra một chiếc cốc với hai mẩu giấy, một ghi là đề nghị, mẩu còn lại ghi quyết định. Ai bốc được mẩu giấy đề nghị sẽ được nhận cả 10 đô-la và được tùy ý lựa chọn cách chia số tiền này với người còn lại. Người bắt được lá thăm quyết định sẽ có quyền quyết định xem có chấp nhận đề nghị chia chác đó hay không. Nếu họ từ chối thì cả hai sẽ chẳng được gì. Đây được gọi là trò chơi tối hậu thư. Nhờ có tính dễ phỏng đoán nên nó đã trở thành công cụ ưa thích của các nhà tâm lý học và kinh tế học. Những lời đề nghị chia chác dưới 20% tổng giá trị giải thưởng thường sẽ bị từ chối ngay.
Tất cả các đối tượng tham gia trong thí nghiệm này đều không biết rằng cả hai lá thăm trong cốc đều ghi là đề nghị, và diễn viên sẽ
giả bộ như họ đã bốc được mẩu giấy quyết định. Như vậy là tất cả những người tham gia đều bị đặt vào tình huống phải đưa ra một đề nghị sao cho hợp lý, không thì họ sẽ bỏ lỡ chút tiền chùa. Và kết quả đáng kinh ngạc của thí nghiệm này đã giúp các nhà nghiên cứu có thể khẳng định chắc chắn về sự tồn tại của mồi tiềm thức.
Vậy hai nhóm tham gia khác nhau thế nào? Kết quả là trong nhóm làm việc với những hình ảnh trung tính trước khi chơi trò tối hậu thư, 91% số người đã chọn chia đều số tiền. Trong khi đó, ở nhóm còn lại, sau khi xử lý những hình ảnh liên quan tới giới doanh nhân, chỉ có 33% đưa ra đề xuất chia đều. Số còn lại cố chia sao cho mình được nhiều hơn một chút.
Các nhà khoa học đã tiếp tục thực hiện thí nghiệm này một lần nữa, nhưng với đồ vật thật thay vì hình ảnh và từ miêu tả. Họ cho một nhóm người chơi trò tối hậu thư trên trong một căn phòng có đầy những đồ vật liên quan tới giới kinh doanh: một chiếc cặp da và bộ hồ sơ để trên bàn, kèm theo những chiếc bút máy trong ống bút. Nhóm còn lại thì ngồi trong căn phòng với các đồ vật trung tính như balo, hộp bìa, bút chì gỗ. Lần này thì 100% những người trong nhóm trung tính đưa ra đề xuất chia đều số tiền, trong khi chỉ 50% số người trong nhóm còn lại làm như vậy. Một nửa trong số những người ngồi gần các đồ vật gợi nhớ tới việc kinh doanh đã cố gắng để mình được lợi nhiều hơn đối phương.
Khi được hỏi về lý do cho hành vi của mình trong thí nghiệm, tất cả những người tham gia đều không hề nhắc tới các đồ vật có trong phòng. Thay vào đó, họ nói về những vấn đề khác, ví dụ như về cảm xúc tức thời của họ, hay là quan niệm thế nào là công bằng và bất công. Một số người còn miêu tả về ấn tượng của họ với đối
phương, và cho rằng chính điều này đã ảnh hưởng lên quyết định họ đưa ra.
Chỉ một sự tiếp xúc đơn thuần với những chiếc cặp da và bút máy đắt tiền đã có thể khiến cho hành vi của những con người bình thường bị ảnh hưởng tới như vậy. Họ trở nên cạnh tranh hơn, tham lam hơn, và bản thân không hề nhận ra điều đó. Khi đối mặt với việc phải giải thích, họ cố gắng hợp lý hóa hành vi của mình bằng những lý do không có thật mà họ tự tưởng tượng ra.
Nhóm các nhà khoa học đó tiếp tục làm lại thí nghiệm trên theo các cách khác. Họ cho người tham gia chơi trò điền chữ cái còn thiếu. Và một lần nữa, 70% số người trong nhóm có tiếp xúc với tác nhân liên quan tới việc kinh doanh đã điền những từ như c_n___anh thành cạnh tranh, trong khi chỉ có 42% trong nhóm còn lại đưa ra đáp án tương tự. Khi được cho xem một cuộc hội thoại không rõ ràng giữa hai nhân vật nam đang cố gắng tìm tiếng nói chung, những người trong nhóm thứ nhất cho rằng đó là một cuộc thương lượng, trong khi nhóm thứ hai lại nghĩ hai nhân vật đang cố gắng thỏa hiệp. Trong mọi thí nghiệm, tâm trí của những người tham gia đều đã bị ảnh hưởng bởi mồi tiềm thức.
Tất cả những vật thể bạn gặp trong cuộc sống đều có khả năng kích hoạt một loạt những liên hệ chớp nhoáng trong tâm trí. Bạn không phải là một chiếc máy tính nối với hai cái camera. Thực tế cũng không phải là một khoảng chân không, nơi bạn có thể quan sát rõ ràng mọi thứ hiện hữu ở xung quanh mình. Mỗi giây trôi qua, chính bản thân bạn cũng đang xây dựng một thực tế riêng trong tâm trí mình, sử dụng những ký ức và cảm xúc xoay quanh khả năng cảm thụ và nhận thức; tất cả những điều này tạo nên một chuỗi dài ý
thức chỉ tồn tại trong hộp sọ của bạn mà thôi. Một số vật thể có ý nghĩa tinh thần, ví dụ như chiếc nhẫn đồ chơi người bạn thân nhất tặng bạn hồi trung học, hay như đôi găng len do chị gái bạn đan. Những thứ khác có ý nghĩa văn hóa hoặc ý nghĩa phổ biến, ví dụ như mặt trăng, một con dao, hay một chùm hoa nhỏ. Chúng luôn ảnh hưởng tới bạn, dù bạn có để ý hay không, và nhiều khi chúng len lỏi quá sâu vào bộ não khiến cho bạn chẳng bao giờ nhận ra được.
Một phiên bản khác của thí nghiệm nói trên sử dụng mùi hương. Vào năm 2005, nhà nghiên cứu Hank Aarts tại Đại học Utrecht đã cho những người tham gia trả lời một bảng những câu hỏi. Sau khi trả lời xong thì họ sẽ được ăn một chiếc bánh quy. Nhóm thứ nhất thực hiện thí nghiệm trong một căn phòng thoang thoảng mùi của chất tẩy rửa, trong khi nhóm thứ hai ngồi trong một căn phòng không có mùi gì. Kết quả là những người thuộc nhóm bị mồi bởi mùi chất tẩy rửa sau khi ăn bánh đã lau chùi nhiều gấp 3 lần so với nhóm còn lại.
Hay như trong nghiên cứu của Ron Friedman, đối tượng tham gia chỉ được nhìn thấy chứ không được phép uống nước tăng lực hoặc nước đóng chai. Và kết quả cho thấy những người được tiếp xúc với hình ảnh của nước tăng lực có khả năng chịu đựng các bài tập yêu cầu thể lực lâu hơn so với nhóm còn lại.
Mồi tiềm thức sẽ có tác dụng nhất khi bạn ở trong trạng thái lái tự động, hay chính xác hơn là khi bạn không cố gắng chủ động đưa ra các lựa chọn để điều khiển hành vi của mình. Khi mà bạn không chắc là mình phải làm gì thì những ý tưởng gợi ý sẽ trồi lên từ phần sâu thẳm trong tâm trí, nơi luôn chịu tác động mạnh mẽ của mồi
tiềm thức. Thêm nữa, bản thân bộ não của bạn rất ghét sự nhập nhằng nên nó sẽ chấp nhận việc chọn con đường ngắn nhất để thoát khỏi trạng thái lưỡng lự. Khi không có phương án nào rõ ràng thì bạn sẽ chọn trong số những cái có sẵn. Khi không nhận ra được khuôn mẫu nào, bạn sẽ tự tạo một khuôn mẫu riêng. Trong những thí nghiệm nói trên, bộ não của những người tham gia đã bị đặt vào tình huống nơi không có gì cụ thể để sử dụng làm manh mối quyết định trạng thái của tiềm thức, nên nó đã tập trung vào những vật thể liên quan tới kinh doanh và mùi hương của sản phẩm tẩy rửa. Vấn đề duy nhất là phần ý thức của những đối tượng tham gia không nhận ra được điều đó.
Bạn không thể tự mồi bản thân, ít nhất là không thể làm điều đó một cách trực tiếp. Việc này phải diễn ra trong tiềm thức; chính xác hơn thì nó phải diễn ra trong trạng thái được các nhà tâm lý học gọi là tiềm thức thích nghi (adaptive unconscious). Đây là vùng lãnh
địa trong tâm trí mà ý thức của bạn ít khi xâm nhập vào được. Khi bạn lái xe đường dài, chính phần tiềm thức thích nghi là nơi diễn ra hàng triệu những tính toán cần thiết, dự đoán các tình huống, đưa ra những vi quyết định, điều chỉnh cảm xúc và điều hòa các cơ quan trong cơ thể. Nó làm hết tất cả những việc nặng nhọc, để phần tâm trí có ý thức của bạn tự do suy nghĩ mạch lạc và đưa ra những quyết định ở tầm vĩ mô. Có thể nói rằng: Trong bạn lúc nào cũng tồn tại hai tâm trí cùng lúc, một phần là ý thức duy lý ở bậc cao, và phần còn lại là tiềm thức cảm xúc lẩn khuất ở bậc thấp.
Nhà khoa học Jonah Lehrer đã viết rất kỹ về sự phân chia này trong cuốn sách của mình – How We Decide (Chúng Ta Quyết Định Như Thế Nào.) Dưới cái nhìn của Lehrer, hai phần trong tâm trí là bình đẳng, và chúng luôn giữ một mối liên lạc chặt chẽ, luôn tranh
luận về từng hành động và quyết định của bạn. Những vấn đề đơn giản, liên quan tới những yếu tố biến thiên không quen thuộc sẽ được giải quyết một cách tốt nhất bởi phần tâm trí có ý thức. Phải là các vấn đề đơn giản, bởi vì phần não bộ có ý thức của bạn chỉ có khả năng xử lý từ 4 tới 9 mẩu thông tin trong cùng một khoảnh khắc. Không tin ư? Ví dụ nhé: Bạn thử nhìn vào chuỗi các chữ cái dưới đây chỉ trong 1 giây rồi sau đó nhắm mắt và đọc lại chúng xem.
RKFBIIRSCBSUSSR
Trừ khi bạn cực kỳ nhanh trí, không thì đó là một nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng hãy thử chia các ký tự trên thành nhóm nhỏ, bạn sẽ thấy khác đi nhiều:
RK FBI IRS CBS USSR
Thử nhìn lại một lần nữa rồi nhắm mắt đọc xem. Dễ hơn nhiều phải không? Bạn vừa mới biến 15 mẩu thông tin rời rạc thành 5 mẩu dễ xử lý hơn. Và bạn vẫn làm điều này một cách vô thức với mọi thứ trong cuộc sống. Bạn luôn có những cách để rút gọn một chuỗi thông tin dài thành một phiên bản gọn gàng dễ nhớ hơn so với thực tế. Đó cũng chính là lý do tại sao việc phát minh ra chữ viết lại trở thành một cột mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử loài người. Nó cho phép bạn ghi lại và lưu giữ thông tin vượt quá khả năng xử lý của bộ não bình thường. Nếu những công cụ như bút viết, máy tính, hay thước dây không được phát minh thì trí não của bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Phần tiềm thức cảm xúc của não bộ, theo quan điểm của Lehrer, là phần phát triển từ xa xưa hơn, và vì thế tiến hóa hơn so với phần tâm trí có ý thức. Để đưa ra những quyết định khó khăn hơn và quản lý quá trình xử lý tự động của những hoạt động vô cùng phức
tạp như nhào lộn hay nhảy breakdance, hát đúng tông hay tráo bài thì phần tiềm thức là phần phù hợp hơn. Những hoạt động này tưởng chừng đơn giản, nhưng chúng là một chuỗi những tính toán với vô số yếu tố biến thiên, quá nhiều để phần não có ý thức có thể xử lý được. Bởi vậy bạn đẩy việc này qua cho phần tiềm thức thích nghi. Những loài động vật với vỏ não ít phát triển, hoặc không có vỏ não, thì hầu như chỉ hoạt động ở chế độ tự động bởi vì phần trí não cảm xúc của chúng thường hoặc luôn luôn nắm vai trò chủ đạo. Trí não cảm xúc, hay tiềm thức thích nghi, là một phần rất cổ xưa và mạnh mẽ trong cấu trúc não bộ, là phần thiết yếu tạo nên bạn, không kém gì phần tư duy ý thức cả, chỉ khác là hoạt động của nó không thể được quan sát hay liên hệ tới ý thức một cách trực tiếp. Thay vào đó, kết quả đưa ra thường là trực giác và cảm xúc. Nó lúc nào cũng hiện diện ở phần nền trong tâm trí của bạn và cùng xử lý thông tin với phần ý thức. Luận điểm trung tâm của Lehrer là “Bạn biết nhiều hơn bạn nghĩ.” Sai lầm của bạn là tin rằng chỉ có phần ý thức mới điều khiển được hành vi, nhưng thực tế cho thấy tiềm thức ảnh hưởng rất lớn đến mỗi hành động và suy nghĩ của bạn. Trong cuốn sách này, tôi muốn đưa ra thêm một luận điểm bổ sung cho Lehrer: “Bạn không ý thức được mức độ thiếu ý thức của bản thân.”
Ở góc khuất tiềm thức, tất cả các kinh nghiệm bạn có luôn được nhào nặn để đưa ra những gợi ý cho ý thức. Chính nhờ điều này mà khi gặp một tình huống quen thuộc, bạn luôn có thể tin tưởng vào trực giác của mình. Nhưng nếu đó là một tình huống mới, tư duy ý thức của bạn sẽ hoạt động mạnh hơn. Trạng thái thôi miên trên cao tốc luôn bị phá vỡ khi bạn rẽ vào một con đường mới. Điều này cũng đúng với mọi tình huống khác trong cuộc sống. Bạn luôn dao động giữa hai trạng thái: cảm xúc và lý trí, tự động và chủ động.
Con người bạn là một cá thể lớn và phức tạp hơn nhiều so với hình dung của chính bản thân bạn. Nếu hành vi của bạn là kết quả của mồi tiềm thức, là kết quả của những gợi ý tiềm ẩn được đưa ra bởi tiềm thức thích nghi, bạn sẽ sáng tác ra những lý do để giải thích và hợp lý hóa cảm xúc, quyết định, hay sự mơ màng của mình, bởi chính bản thân bạn cũng không biết tới sự tồn tại của những ảnh hưởng vô hình này.
Ví dụ, khi ôm một người bạn yêu quý rồi cảm nhận được dòng cảm xúc ấm áp dâng trào, bạn đã chủ động thực hiện một hành động khiến cho phần não cổ xưa trong bạn tiết ra những hormone hạnh phúc. Ảnh hưởng thuận chiều như thế này rất dễ hiểu phải không?
Dù vậy, những ảnh hưởng theo chiều ngược lại có vẻ rất kỳ lạ. Như khi bạn ngồi cạnh một chiếc cặp da và hành xử một cách tham lam hơn bình thường, cứ như thể trung tâm lý trí của bộ não gật đầu đồng tình với một cố vấn vô hình đang thì thầm vào tai bạn vậy. Điều này có vẻ không thật và khá đáng sợ bởi vì nó quá bí ẩn. Những kẻ muốn gây ảnh hưởng lên bạn rất nhạy cảm với điều này, và luôn cố gắng tránh để bạn nhận ra rằng mình đang bị lừa. Mồi tiềm thức chỉ có thể có tác dụng khi bạn không ý thức được sự tồn tại của nó, và những kẻ kiếm lời từ việc này phải làm mọi cách để che giấu nó.
Hãy thử nhìn vào các sòng bạc. Chúng thực sự là những ngôi đền của nghệ thuật mồi tiềm thức. Ở mọi ngóc ngách bạn đều có thể nghe thấy những tiếng ding ding, âm nhạc, tiếng lẻng xẻng của tiền xu, đầy rẫy những biểu tượng của sự giàu sang phú quý. Tuyệt hơn nữa, sòng bạc là một cái hộp kín mà khi bước vào, bạn sẽ mất hết ý niệm về thời gian, trong đó cũng không có một mẩu quảng cáo
nào cho thứ mà sòng bạc không cung cấp. Đây là một tập hợp của chuỗi những mồi nhử nội bộ vô cùng hấp dẫn, và bạn sẽ chẳng có lý do gì để bước ra khỏi đó cả, dù là để ăn, ngủ hay vì bất kỳ nhu cầu nào khác. Sòng bạc sẽ đáp ứng tất cả, và không có một mồi tiềm thức ngoại vi nào có thể lọt vào đó.
Coca-Cola đã khám phá ra sức mạnh của miếng mồi mang tên ông già Noel lên tiềm thức của bạn vào dịp lễ tết. Những ký ức hạnh phúc thời ấu thơ và một gia đình đầm ấm hiện ra trong tiềm thức bạn khi bạn lựa chọn giữa Coca-Cola và một nhãn hàng khác. Các cửa hàng cũng nhận ra mùi bánh mỳ mới nướng khiến khách hàng mua nhiều thực phẩm hơn, dẫn đến việc doanh thu tăng vọt. Thêm chữ 100% tự nhiên hoặc gắn hình ảnh một nông trại xanh mướt khiến cho bạn nghĩ về thiên nhiên, dập tan những ý nghĩ về nhà máy chế biến và các loại chất bảo quản. Các công ty truyền hình và tập đoàn lớn mồi các khách hàng tiềm năng bằng hình ảnh, thương hiệu để khiến bạn tương tác trước khi kịp đánh giá họ. Các nhà sản xuất phim bỏ ra hàng triệu đô-la để sản xuất những đoạn quảng cáo và những tấm áp phích nổi bật để tạo ấn tượng ban đầu thật tốt, từ đó mồi bạn yêu thích bộ phim theo cách mà họ đã định sẵn từ trước cả khi công chiếu. Từ các nhà hàng với nội thất sang trọng đến những quán ăn mang phong cách hippie, mục đích cuối cùng cũng chỉ để nhử bạn vào và gọi món. Ở mọi ngóc ngách trên thế giới, những người làm quảng cáo luôn tấn công tiềm thức của bạn bằng hàng loạt những công cụ tinh xảo khác nhau để khiến hành vi của bạn có lợi hơn cho khách hàng của họ.
So với các nhà tâm lý học, giới doanh nhân phát hiện ra phương pháp mồi tiềm thức từ trước đó rất lâu rồi. Nhưng chính nhờ những nghiên cứu của giới khoa học về tâm trí con người, ngày càng có
nhiều những ví dụ về hoạt động tự động vô thức được đưa ra, và cho đến giờ, chúng ta vẫn không rõ bao nhiêu phần trong hành vi thực sự do lý trí kiểm soát.
Câu hỏi về việc phần tâm trí nào mới thực sự đang cầm lái đã trở nên phức tạp hơn nhiều qua một loạt các bài nghiên cứu được xuất bản bởi John Bargh trên Journal of Personality and Social Psychology (Tạp chí về Tính cách và Tâm lý học Xã hội) vào năm 1996.
John Bargh đã sử dụng một số sinh viên của Đại học New York làm đối tượng nghiên cứu của mình, đưa họ nhiệm vụ sắp xếp lại 30 câu khác nhau, mỗi câu gồm 5 từ. Ông nói với họ rằng đây là một nghiên cứu về khả năng ngôn ngữ, nhưng thực chất ông đang làm thí nghiệm về mồi tiềm thức. Các sinh viên được tập hợp thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất làm việc với những câu gồm những từ thể hiện sự gây hấn hoặc thô lỗ như trơ tráo, quấy rầy, hay huỵch toẹt. Nhóm thứ hai làm việc với những từ thể hiện phép lịch sự như nhã nhặn hay phải phép. Nhóm thứ ba là nhóm đối chứng với những từ không liên quan tới nhau như vui vẻ, chuẩn bị, hay tập dượt.
Những người điều hành hướng dẫn ba nhóm sinh viên cách hoàn thành nhiệm vụ của mình, và dặn họ đi nhận nhiệm vụ tiếp theo sau khi làm xong. Thực ra đây mới là thí nghiệm thực sự. Khi các sinh viên nói trên hoàn thành việc của mình, họ tới tìm người điều hành. Người này vờ thảo luận với một diễn viên đóng giả là sinh viên tham gia thí nghiệm và đang gặp khó khăn với đề bài. Người điều hành có nhiệm vụ phớt lờ hoàn toàn các sinh viên và tiếp tục nói chuyện với diễn viên cho tới khi họ chen ngang, hoặc là 10 phút đã trôi qua.
Kết quả là gì? Trung bình, những sinh viên trong nhóm thứ hai chờ 9,3 phút trước khi chen ngang; nhóm đối chứng chịu đựng được trung bình 8,7 phút, trong khi đó nhóm tiếp xúc với những từ thể hiện sự thô lỗ chỉ chờ được trung bình là 5,4 phút. Điều khiến cho các nhà khoa học ngạc nhiên là có tới 80% số sinh viên trong nhóm lịch sự chờ hết khoảng thời gian giới hạn 10 phút mà không chen ngang. Chỉ có 35% số sinh viên trong nhóm thô lỗ lựa chọn làm điều tương tự. Tất cả những đối tượng trong bài nghiên cứu này đều được phỏng vấn sau thí nghiệm và không ai có thể xác định được chính xác lý do tại sao họ quyết định chờ hoặc chen ngang. Câu hỏi này không hề xuất hiện trong tâm trí của họ trước đó, bởi họ không hề ý thức được là mình đang chịu sự ảnh hưởng từ mồi tiềm thức. Họ cho rằng những câu từ rối rắm mà họ có nhiệm vụ sắp xếp không hề gây ra ảnh hưởng nào cả.
Trong thí nghiệm thứ hai, Bargh đã cho những người tham gia xếp lại những câu bao gồm các từ liên quan tới tuổi già như nghỉ hưu, nhăn nheo, hay bingo. Sau đó ông tính thời gian họ đi dọc hành lang để ra thang máy, và so sánh với thời gian họ đã đi qua đó khi vào. Những người tham gia đã đi chậm hơn từ 1 tới 2 giây trên cùng một khoảng cách sau khi bị tác động. Cũng giống như nhóm thô lỗ, họ đã bị ảnh hưởng bởi ý những ý niệm liên quan tới ngôn từ mà họ tiếp xúc. Để chắc chắn rằng đây là kết quả có được bởi mồi tiềm thức, Bargh đã lặp lại thí nghiệm này một lần nữa với đối tượng khác và thu được kết quả tương tự. Ông lặp lại lần thứ ba với một nhóm đối chứng, cho họ tiếp xúc với những từ liên quan tới nỗi buồn để đảm bảo rằng ông đã không khiến những nhóm kia chán nản đến mức phải đi chậm lại. Và đúng là nhóm tuổi già vẫn là những người bước đi chậm nhất sau thí nghiệm.
Bargh vẫn tiếp tục làm thí nghiệm về vấn đề này, lần này với một nhóm những người da trắng với nhiệm vụ ngồi trước màn hình vi tính và trả lời một loạt những câu hỏi tẻ nhạt. Trước mỗi một phân đoạn mới, sẽ có một hình ảnh của một người đàn ông da đen hoặc da trắng xuất hiện chỉ trong 13 mili giây, nhanh hơn khả năng nhận thức và xử lý của phần não có ý thức. Một khi họ làm xong nhiệm vụ, máy tính sẽ hiện ra thông báo lỗi và yêu cầu họ phải thực hiện lại từ đầu. Nhóm tiếp xúc với hình ảnh của những người đàn ông da đen trở nên tức giận và tỏ thái độ tiêu cực dễ dàng và nhanh chóng hơn so với nhóm nhìn thấy những khuôn mặt của người da trắng. Mặc dù bản thân họ không cho rằng mình phân biệt chủng tộc hay vốn có những định kiến xấu, những ý tưởng đó vẫn có trong hệ thần kinh của họ, và họ đã bị mồi cho hành động khác đi so với bình thường.
Những nghiên cứu về mồi tiềm thức cho thấy khi bạn chiêm nghiệm một cách sâu sắc về nguyên do cho hành vi của bản thân, bạn sẽ bỏ qua rất nhiều, thậm chí là hầu hết, những tác động dạng
này. Trong khi đó chúng lại tích tụ xung quanh tính cách của bạn như thể những con hàu bám trên thành tàu biển vậy. Mồi tiềm thức không có tác dụng nếu bạn nhận thức được nó, nhưng khổ nỗi là khả năng chú ý của bạn không thể dàn trải ra mọi hướng trong cùng một thời điểm được. Phần lớn những suy nghĩ bạn có, những cảm xúc bạn cảm nhận, những niềm tin bạn bám víu vào sẽ tiếp tục bị xô đẩy, bằng cách này hay cách khác, bởi những miếng mồi tiềm thức có nguồn gốc từ ngôn ngữ, màu sắc, vật thể, tính cách, hay những thứ mang ý nghĩa cá nhân hoặc văn hóa đối với bạn. Có những lúc mồi tiềm thức xảy ra một cách tự nhiên, nhưng cũng có lúc nó được khéo léo sắp đặt bởi một ai đó để định hướng các đánh giá của bạn.
Tất nhiên, bạn cũng có thể trở thành người chủ động định hướng. Bạn có thể mang tới ấn tượng tốt cho người phụ trách nhân sự bằng bộ quần áo tỉnh tươm trong buổi phỏng vấn. Bạn có thể định hướng cảm xúc cho những người khách tới dự tiệc bằng cách mà bạn tiếp đón họ. Một khi bạn hiểu được rằng mồi và định hướng tiềm thức là một mặt hiển nhiên của cuộc sống, bạn sẽ dần hiểu được sức mạnh và sự trường tồn của những tôn giáo, phong tục và ý thức hệ. Những hệ thống được thiết kế để mồi và định hướng tiềm thức có thể tồn tại lâu dài là bởi vì chúng hoạt động hiệu quả. Bắt đầu từ ngày mai, chỉ với những nụ cười và lời cảm ơn, bạn có thể gây ảnh hưởng lên cảm xúc của người khác, hy vọng là theo một hướng tích cực.
Hãy nhớ kỹ điều này: Bạn dễ bị ảnh hưởng nhất khi ở chế độ tự lái trong tâm trí hoặc ở trong hoàn cảnh không quen thuộc. Nếu mang theo danh sách đồ cần mua thì sẽ có ít khả năng bạn phải đứng ở quầy tính tiền, khệ nệ vác hàng túi đồ toàn những thứ không định mua khi bước ra khỏi nhà. Nếu bạn bỏ bê không gian cá nhân của mình và cho phép sự bừa bộn len lỏi vào, nó sẽ tác động lên chính bạn, và gần như chắc chắn là sẽ khuyến khích sự hỗn độn hoành hành. Một vòng tuần hoàn của những điều tích cực sẽ làm cho cuộc sống của bạn trở nên tốt hơn. Bạn không thể tự mồi cho chính tiềm thức của mình, nhưng bạn có thể tạo nên một môi trường có lợi để cho tâm trí được phát triển tốt nhất. Cũng giống như chiếc cặp da trên bàn, hay một căn phòng thoang thoảng hương thơm sạch sẽ, bạn có thể lấp đầy khoảng không gian của mình với những đồ dùng cá nhân mang ý nghĩa tốt, hoặc tìm được giá trị trong việc sống tối giản. Sao cũng được, không quan trọng. Nhưng những lúc
mà bạn không ngờ tới nhất, những điều này sẽ quay trở lại và đẩy bạn về đúng hướng.
CHỨNG BỊA CHUYỆN
BẠN VẪN TƯỞNG
Bạn biết khi nào bạn đang tự lừa dối bản thân.
SỰ THẬT LÀ
Bạn thường không nắm rõ về động cơ thúc đẩy đằng sau những hành vi của mình, và thường tự tạo dựng nên những câu chuyện để giải thích về quyết đinh, cảm xúc, lịch sử của bản thân mà không hề nhận ra điều đó.
Khi một bộ phim được bắt đầu với dòng chữ “Dựa trên một câu chuyện có thật”, bạn sẽ nghĩ gì? Liệu bạn có cho rằng tất cả những cuộc hội thoại, tất cả những bộ trang phục, hay những bài nhạc nền được chiếu trên màn ảnh giống hệt như ngoài đời thực? Tất nhiên là không phải vậy rồi. Bạn biết những phim như Trân Châu Cảng hay Erin Brockovich là những chuyển thể nghệ thuật dựa trên những sự kiện có thật, được biến tấu, nhào nặn lại thành những câu chuyện dễ hiểu với bố cục bao gồm mở đầu, phần thân và phần kết. Có những điều bị lược bỏ, có những con người ở ngoài đời thì khác nhau mà trong phim lại bị ghép vào thành một nhân vật. Lúc bạn xem những phim loại này, bạn cảm thấy chi tiết nhỏ không quan trọng bằng bức tranh lớn hay ý tưởng chung toàn cục.
Giá mà bạn cũng sáng suốt được như vậy khi nhìn vào bộ phim tài liệu về cuộc đời của bản thân ở trong đầu bạn. Nhưng bạn chẳng thông minh như bạn tưởng. Sự thật là bộ phim trong tâm trí bạn
cũng được cường điệu hóa, kịch tính hóa nhiều lần, và các nhà khoa học đã biết điều này từ khá lâu rồi.
Tất cả đều khởi nguồn từ nhu cầu lấp đầy những khoảng trống của bộ não.
Bạn hãy đưa hai ngón cái lên và đặt chúng cạnh nhau ngay trước mặt. Nhắm mắt trái lại và từ từ di chuyển ngón bên phải theo một đường ngang về bên phải trong khi giữ nguyên hướng nhìn vào ngón bên trái. Bạn có nhận thấy điều gì không? Có lẽ là không. Nhưng đâu đó trên khoảng mà ngón cái tay phải của bạn vừa di chuyển có một điểm được gọi là điểm mù, một điểm ở sau cầu mắt, giao điểm của thần kinh thị giác với võng mạc. Tại đây không có các đầu dây thần kinh nên không thể cảm nhận ánh sáng, và bạn có một điểm này ở mỗi bên mắt. Nó cũng lớn hơn là bạn tưởng đó, chiếm tới khoảng 2% toàn bộ vùng nhìn thấy của bạn. Nếu bạn muốn xác định được rõ điểm mù này, hãy lấy một tờ giấy trắng và vẽ lên đó hai chấm to bằng khoảng nửa đồng xu, cách nhau khoảng 5cm. Giơ tờ giấy ra trước mặt, tập trung nhìn vào điểm bên trái và nhắm mắt trái lại. Đưa tờ giấy vào gần thật chậm rãi và không di chuyển ánh nhìn, tới một lúc nào đó bạn sẽ thấy chấm bên phải đột nhiên biến mất. Đó chính là một trong hai điểm mù của bạn.
Giờ thì hãy nhìn quanh căn phòng bạn đang ngồi với một mắt vẫn nhắm. Hãy thử lại trò trên với một số chữ được in trên trang giấy này. Bạn có thấy gì không? Bạn có nhận ra một khoảng trống trong tầm nhìn của mình? Chắc là không. Bộ não của bạn đã lấp đầy khoảng trống đó như thể nó dùng Photoshop vậy. Những thông tin hình ảnh ở xung quanh điểm mù đã được sao chép và dán đè vào
phần còn thiếu một cách tự động. Bộ não đã đánh lừa bạn một cách nghệ thuật, và bạn thì không hề nhận ra điều đó.
Cũng như việc bộ não luôn lấp đầy khoảng trống trong tầm nhìn của bạn một cách khéo léo để bạn không thể nhận ra, bạn cũng luôn lấp đầy những khoảng trống trong chính ký ức và lý luận của bản thân.
Đã bao giờ bạn kể câu chuyện về việc bạn đã làm cùng với một ai đó từ ngày xửa ngày xưa, và ngay lúc bạn đang cao hứng thì họ ngắt lời bạn, nói rằng “Không, không đúng. Chuyện đó không phải như vậy.”? Bạn kể rằng đó là vào một bữa tiệc Giáng sinh, và bạn đã nhại lại tập cuối của bộ phim Lost với đôi bít tất dài trên tay; họ thì bảo rằng đó là bữa ăn tối Phục sinh. Bạn nhớ rõ việc mở quà và uống rượu trứng, nhưng họ thì lại chắc chắn rằng đó là những quả trứng, và thậm chí người mở quà còn không phải là bạn. Đúng hơn, đó là người em họ của bạn, và họ đã dùng một con thỏ sôcôla để giả làm quái vật khói.
Thử ngẫm lại xem những chuyện như thế này có thường xuyên xảy ra không, nhất là nếu bạn đang có quan hệ với một người luôn có thể bắt lỗi những câu chuyện của bạn. Liệu có khả năng là não bạn có một cuộn phim quay lại từng khoảnh khắc trong đời, nhưng khi xem lại, bạn chẳng thấy giống chút nào so với những gì bạn nhớ? Hãy thử nghĩ về tất cả những bức ảnh khiến bạn phải sửng sốt khi thấy mình từng tạo dáng tại những nơi mà bạn chẳng thể nhớ ra là đâu. Hãy thử nghĩ về những điều mà cha mẹ bạn thường hay kể lại về thời niên thiếu: Có những câu chuyện mà bạn chẳng có ý niệm nào cả, hoặc là bạn nhớ rằng nó xảy ra theo hướng khác. Nhưng bạn vẫn có cảm giác về một dòng ký ức và trải nghiệm xuyên suốt
về cuộc đời mình. Những chi tiết nhỏ có thể thất lạc, nhưng bức tranh tổng thể của cuộc đời bạn thì vẫn còn đó. Nhưng bức tranh lớn này thực ra lại là một sự lừa dối được dựng lên từ những mẩu chuyện do bạn luôn tự bịa ra một cách vô thức. Tất cả tạo nên câu chuyện về con người bạn, những điều bạn đã làm, và tại sao bạn làm những việc đó.
Bạn làm điều này nhiều và thường xuyên tới nỗi bạn sẽ chẳng thể chắc chắn được bao nhiêu phần trong quá khứ của bạn là thật. Bạn chẳng thể biết chắc được tại sao ngay bây giờ bạn đang ngồi đọc những dòng chữ này, mà không phải đang lê la tại một góc phố hay đang chu du vòng quanh thế giới. Tại sao bạn lại không dám hôn cô ấy? Tại sao bạn lại nói những lời lẽ nặng nề với mẹ mình? Tại sao bạn lại mua chiếc laptop ấy? Tại sao bạn lại giận thằng cha đó đến vậy? Sự thật về bản thân bạn và lý do bạn đang ở đây là gì?
Để hiểu được về chứng bịa chuyện này, chúng ta sẽ cần nhờ tới giải phẫu. Thi thoảng, trong một số ca bệnh khó mà không phương pháp nào có hiệu quả, các bác sĩ cũng phải tính đến phương án cuối cùng là bổ đôi não của bệnh nhân ra. Và những gì họ phát hiện được thật đáng ngạc nhiên.
Để có được một ý niệm cơ bản về sự bổ đôi bộ não, bạn hãy nắm hai bàn tay lại, úp vào nhau sao cho các ngón tay hướng lên trên. Mỗi nắm tay của bạn tượng trưng cho một bán cầu não. Hai bán cầu não giao tiếp với nhau thông qua một mạng lưới dày đặc những nơ-ron thần kinh được gọi là thể chai. Tưởng tượng rằng giữa hai bàn tay đang nắm của bạn là một bó những sợi chỉ kết nối với nhau, bó chỉ đó chính là thể chai của bộ não. Trong trường hợp của những bệnh nhân mắc chứng động kinh nặng tới nỗi không loại
thuốc nào có thể chữa trị và giúp họ trở lại trạng thái bình thường, bác sĩ sẽ tiến hành cắt những sợi chỉ trên. Trong một cuộc phẫu thuật cắt thể chai, hai nửa của bộ não sẽ được chia cắt một cách cẩn thận giúp cho bệnh nhân có thể sống tương đối bình thường sau đó.
Những bệnh nhân đã tách não trông bên ngoài thì có vẻ ổn. Họ có thể làm các công việc và giao tiếp một cách tương đối bình thường. Nhưng khi nghiên cứu sâu hơn về các đối tượng này, các nhà khoa học đã tìm ra được những điểm mạnh và điểm yếu của mỗi bán cầu não. Từ những năm 1950, nghiên cứu về bệnh nhân sau khi cắt thể chai đã cho chúng ta biết thêm rất nhiều về hoạt động của bộ não. Để tập trung đúng vào trọng tâm chủ đề chương này, chúng ta sẽ chỉ đi sâu vào khả năng tạo ra những câu chuyện một cách rất nhanh chóng và thản nhiên, và rồi sau đó lại tin rằng đó là sự thật của những đối tượng này. Đây được gọi là chứng bịa chuyện tách não, nhưng bạn không cần phải có một bộ não đã bị bổ đồi để có thể bịa chuyện.
Bạn cảm thấy mình là một cá thể độc lập với một bộ não duy nhất, nhưng trên nhiều khía cạnh, thực chất bạn có tới hai bộ não. Suy nghĩ, ký ức, và cảm xúc được xử lý bởi toàn thể khối óc, nhưng một số chức năng khác thì lại được giải quyết một cách hiệu quả hơn bởi một bên bán cầu não. Lấy ví dụ như ngôn ngữ chẳng hạn. Đây là một chức năng được xử lý chủ yếu bởi bán cầu não trái, rồi mới được đẩy qua đẩy lại giữa hai bên bán cầu. Một số hiện tượng lạ sẽ xảy ra khi hai bán cầu não bị chia tách và sự trao đổi thông tin này không còn nữa.
Nhà tâm lý học Michael Gazzaniga từ Đại học California tại Santa Monica là một trong những người đầu tiên, cùng với Roger Sperry, nhờ tới sự trợ giúp của những người đã phẫu thuật cắt thể chai trong nghiên cứu của mình. Trong một thí nghiệm, đối tượng sẽ nhìn vào chữ thập ở giữa màn hình, sau đó một từ, ví dụ như xe tải nháy lên thật nhanh ở phía bên trái. Sau đó họ sẽ được hỏi là đã nhìn thấy gì. Tất nhiên là những người với não còn nguyên vẹn sẽ trả lời ngay được là xe tải. Những người đã qua phẫu thuật thì nói rằng họ không biết, nhưng kỳ lạ là khi được yêu cầu vẽ lại điều mà họ thấy bằng tay trái, họ lại dễ dàng vẽ một chiếc xe tải.
Một điều bạn cần chú ý đó là: Tay phải của bạn được điều khiển bởi bán cầu não trái, và tay trái bởi bán cầu não phải. Tương tự như vậy đối với thị giác. Những thứ mà mắt trái nhìn thấy được đi chéo qua hộp sọ vào bán cầu não phải, và ngược lại⦾. Những dây thần kinh này không bị ảnh hưởng khi thực hiện giải phẫu cắt thể chai.
Bình thường thì điều này không phải là vấn đề, bởi vì thông tin được xử lý bởi một bên bán cầu não sẽ được chuyển qua cả bên còn lại. Tuy nhiên, một người đã phẫu thuật cắt thể chai sẽ không còn khả năng này. Bởi vì trung tâm xử lý ngôn ngữ nằm ở bán cầu não trái, khi thiếu đi kết nối cần thiết, bán cầu não phải (bên nhìn thấy hình ảnh trên màn hình) không thể truy cập vào đây để đưa ra được miêu tả bằng lời. Tuy nhiên với một cây bút, não phải có thể vẽ ra hình ảnh đó. Và một khi đã vẽ được ra giấy, não trái có thể nhìn thấy, và lúc này người đó sẽ bật ra “Ồ, đó là một chiếc xe tải”. Mối liên hệ bình thường diễn ra giữa hai phần của bộ não nhờ thể chai giờ diễn ra trên giấy.
Đây là điều vẫn xảy ra trong thế giới của những người đã phẫu thuật cắt thể chai. Nhưng quá trình tương tự cũng diễn ra trong đầu bạn nữa. Cũng phần não trái đó chịu trách nhiệm biến suy nghĩ thành từ ngữ và chuyển cho miệng nói ra. Những gì mà não phải thấy được trong cuộc sống được chia sẻ với não trái trong những cuộc trao đổi mà bạn không biết tới. Dưới góc độ sinh học, đây chính là gốc rễ của chứng bịa chuyện, và điều này cũng đã được chứng minh trong phòng thí nghiệm.
Khi một người đã qua phẫu thuật tách đôi não được cho xem từ chuông bằng mắt trái và từ âm nhạc bằng mắt phải, rồi được yêu cầu sử dụng tay trái để chỉ thứ mà anh ta đã thấy trong bộ 4 bức ảnh, anh ta chọn bức ảnh của một quả chuông. Anh ta đã bỏ qua những bức ảnh của người đánh trống, một cây đàn organ và một chiếc kèn trumpet. Khoảnh khắc sự bịa chuyện diễn ra là vào lúc người này được hỏi lý do chọn bức hình đó. Anh ta nói thứ âm nhạc cuối cùng mà anh ta được nghe là tiếng từ tháp chuông của một trường đại học. Bán cầu não phải nhìn thấy chữ chuông và điều khiển tay trái chỉ vào bức ảnh thể hiện vật thể đó. Nhưng não bên trái lại thấy chữ âm nhạc, và nó phải nhào nặn lên một câu chuyện để giải thích cho việc người đó bỏ qua những hình ảnh liên quan nhiều hơn tới khái niệm mà nó thấy.
Phần não phụ trách về ngôn ngữ đã nhận thấy tay trái chỉ vào quả chuông, nhưng thay vì thú nhận là nó không biết lý do tại sao lại có sự bất đồng quan điểm, nó tự bịa ra một lý do. Phần não phải cũng chẳng thông minh hơn, nó ngay lập tức đồng tình với những gì não trái nói ra. Những người tham gia thí nghiệm không nói dối, vì họ thực sự tin rằng lý do họ đưa ra là thật. Họ đã tự đánh lừa bản thân mình và những người làm nghiên cứu trong vô thức. Họ không
hề thấy nghi ngờ hay bối rối, họ cảm thấy bình thường hệt như bạn vậy.
Trong một thí nghiệm khác, người đã phẫu thuật tách đôi não được yêu cầu phải thực hiện một hành động mà chỉ bán cầu não phải có thể nhìn thấy, bán cầu não trái lại tiếp tục đưa ra những lời giải thích như thể nó biết rõ nguyên nhân. Mệnh lệnh bước đi hiện ra; đối tượng nghiên cứu đứng dậy. Khi được hỏi tại sao lại đột nhiên đứng dậy như vậy, họ trả lời: “Tôi định đi tìm nước để uống.” Trong thí nghiệm khác khi được xem một cảnh bạo lực chỉ bằng mắt trái, người đó đã nói rằng họ cảm thấy bồn chồn lo lắng, và đổ lỗi cho cách bài trí của căn phòng. Trung tâm phụ trách cảm xúc ở sâu bên trong vẫn giữ được mối liên hệ giữa hai bán cầu não, nhưng chỉ có bán cầu não trái có khả năng miêu tả và giải thích cảm xúc lúc đó. Hiện tượng bịa chuyện tách não này đã được chứng minh rất nhiều lần qua nhiều năm. Khi mà não trái bị buộc phải giải thích về một hành động của não phải, nó thường tạo ra những câu chuyện giả tưởng và rồi cả hai bên cùng đồng tình như đó là sự thật hiển nhiên.
Hãy nhớ là về cơ bản, bộ não của bạn cũng hoạt động y như vậy, chỉ khác là bạn có lợi thế hơn một chút vì hai bán cầu não có thể trao đổi thông tin để tránh nhầm lẫn. Nhưng mối liên kết trao đổi thông tin này không phải là hoàn hảo tuyệt đối. Có những lỗi nhỏ vẫn xảy ra thường xuyên. Nhà tâm lý học Alexander Luria so sánh ý thức của chúng ta như là điệu nhảy của hai bán cầu não, với bán cầu trái là người dẫn. Bởi vì nó nhận hết trách nhiệm về ngôn ngữ, nên nhiều lúc nó cũng kiêm luôn phần giải thích. Hội chứng bịa chuyện tách não chỉ là phiên bản được phóng đại của xu hướng tạo ra những câu chuyện không có thực và rồi tin vào nó. Chứng bịa
chuyện này tồn tại một cách tự nhiên trong bạn. Bạn luôn tự giải thích cho bản thân về những động cơ cho mọi hành động, về những nguyên nhân dẫn tới các hệ quả trong cuộc sống của mình, và bạn thường hay tự dựng lên những câu chuyện khi không biết chắc câu trả lời. Dần dần, những lời giải thích, những câu chuyện này trở thành định nghĩa về con người bạn và vị trí của bạn trên thế giới. Nó trở thành bản chất của bạn.
Nhà thần kinh học V. S. Ramachandran đã từng gặp trường hợp bệnh nhân đã phẫu thuật tách não có bán cầu não trái tin vào Chúa Trời, trong khi bán cầu não phải lại là một kẻ vô thần. Ông đã đưa ra kết luận rằng, về bản chất, đây là trường hợp có hai người, hai bản ngã khác nhau tồn tại trong cùng một cơ thể. Ramachandran tin rằng ý thức về bản thân mà bạn có được một phần là nhờ vào hoạt động của những nơ-ron gương. Những cụm nơ-ron thần kinh phức tạp này kích hoạt khi bạn thấy ai đó bị thương hay khóc lóc, khi họ tự gãi tay mình hay cười ầm lên. Chúng đặt bạn vào vị trí của người khác nên bạn cũng phần nào cảm thấy được sự đau đớn hay ngứa ngáy của họ. Nơ-ron gương giúp chúng ta có thể đồng cảm và học tập từ việc quan sát. Một trong những phát kiến lớn nhất trong vài năm qua là việc phát hiện ra những cụm nơ-ron này của bạn cũng được kích hoạt khi chính bản thân bạn hành động. Cứ như thể là một phần trong não bộ đang quan sát chính bạn ở góc nhìn của một người ngoài cuộc.
Bản thân bạn là một câu chuyện bạn tự kể với chính mình. Nhìn vào nội tâm, bạn có thể tự tin nhớ về câu chuyện cuộc đời mình với tất cả những nhân vật và bối cảnh, và bạn là nhân vật chính. Tất cả đều là một màn kịch đẹp đẽ, tuyệt vời mà nếu không có nó, bạn sẽ
không thể tồn tại được.
Mỗi ngày trong cuộc đời mình, bạn không ngừng đưa ra hàng loạt những giả thiết về tương lai, hay về những tình huống có thể xảy ra ngoài tầm tiếp nhận của các giác quan. Khi đọc tin tức thời sự hoặc những cuốn sách về chuyện có thật, bạn tạo ra những thế giới giả tưởng để hình dung về những điều mình đang đọc. Thời điểm bạn hồi tưởng lại quá khứ là thời điểm bạn tự tái tạo lại ký ức. Hồi tưởng ấy trở thành một giấc mơ đan xen giữa sự thật với giả tưởng, nhưng bạn vẫn tin vào nó một cách tuyệt đối. Nếu bây giờ bạn nằm xuống và tưởng tượng rằng mình đang lái một chiếc du thuyền vòng quanh thế giới, ghé thăm mọi kỳ quan từ nơi này tới nơi khác, ở một mức độ nào đó, bạn có thể hình dung tương đối chi tiết về hành trình từ Paris tới Ấn Độ, từ Campuchia tới Kansas, mặc dù bạn biết rõ rằng mình chưa hề làm điều này. Nhưng cũng có các chứng rối loạn tâm thần khiến người mắc phải không thể phân biệt được giữa thực tại và những chuyện do họ tự bịa ra:
Bệnh nhân mắc hội chứng Korsakoff mặc dù có thể nhớ về quá khứ của mình nhưng lại không có khả năng ghi nhớ các sự kiện diễn ra trong quá khứ gần. Họ tự tạo nên những câu chuyện để trám vào chỗ trống trong ký ức và tin vào những câu chuyện đó một cách tuyệt đối. Nếu bạn hỏi một người bệnh Korsakoff họ đã làm gì trong thời gian vài tuần vừa rồi, họ có thể nói rằng họ đang làm nhân viên bảo vệ tại bãi đỗ xe của bệnh viện, trong khi thực tế là họ đang được điều trị hàng ngày tại chính bệnh viện đó.
Người mắc chứng mất nhận thức về bệnh tật của bản thân (anosognosia) có thể bị liệt mà không chịu chấp nhận đó là sự thật. Họ sẽ nói với bác sĩ và người thân rằng mình bị viêm khớp
rất nặng, hoặc là đang phải ăn kiêng. Khi được yêu cầu dùng bên tay đã bị liệt để nhặt một viên kẹo, họ nói dối, nhưng không biết rằng mình đang nói dối. Sự lừa dối này hướng vào chính bản thân họ, và họ không hề nghi ngờ nó.
Một người mắc hội chứng ảo giác Capgras sẽ tin rằng người thân và bạn bè mình đã bị thay thế bởi những kẻ mạo danh với ngoại hình y hệt. Phần não với chức năng xử lý cảm xúc khi gặp người quen ở những người này đã mất khả năng hoạt động. Họ nhận diện được những người họ gặp, nhưng không cảm thấy gì cả, bởi vậy họ dựng nên một câu chuyện để tự giải thích và chấp nhận nó một cách hoàn toàn.
Những người mắc chứng Cotard tin rằng mình đã chết. Họ nghĩ mình là những linh hồn đang tồn tại ở thế giới bên kia, nhiều trường hợp quá nặng không chịu ăn và đã chết vì đói.
Các nhà tâm lý học từ lâu đã cho rằng bạn không có khả năng nhận biết được về hoạt động nhận thức bậc cao của bản thân, điển hình là trong bài báo xuất bản trên tạp chí Psychological Review (Đánh Giá Tâm Lý) năm 1977 của Richard Nisbett và Timothy DeCamp Wilson từ Đại học Michigan. Trong bài nghiên cứu của mình, hai nhà tâm lý học đã chỉ ra những lỗ hổng của việc nội quan (introspection). Họ cho rằng bạn hiếm khi biết được tác nhân kích thích thực sự cho các quyết định của mình trong quá khứ, kể cả là từ nhiều năm trước hay mới chỉ hôm qua. Trong một thí nghiệm được miêu tả trong bài nghiên cứu, họ đã hỏi các đối tượng tham gia về tên khai sinh của mẹ mình⦾.
Nào. Bạn thử đi. “Tên khai sinh của mẹ bạn là gì?”
Câu hỏi tiếp theo trong thí nghiệm là: “Làm sao bạn biết được cái tên đó?”
Hãy thử trả lời xem.
Bạn không biết. Bạn vừa nghĩ vậy phải không? Bạn sẽ không bao giờ hiểu được cách bộ não của mình hoạt động. Và mặc dù bạn thường tin là mình hiểu hết mọi suy nghĩ hay hành động, mọi cảm xúc hay động cơ của bản thân, nhưng thực tế là, trong hầu hết các trường hợp, bạn chẳng biết chút nào. Việc nhìn lại chính mình đã bị tách ra khỏi ký ức mà bạn vừa gợi lại. Tuy nhiên, điều này lại không cản trở việc bạn tự cho rằng mình biết hết tất cả, và rằng bạn có thể nhớ lại mọi thứ kể cả những chi tiết nhỏ nhất, và thế là các câu chuyện ra đời. Đây là cách mà chứng bịa chuyện xây dựng nên một khuôn mẫu để bạn hiểu bản thân mình.
Nhà tâm lý học George Miller đã từng nói: “Điều xuất hiện trong tâm thức của bạn là kết quả của sự suy nghĩ, chứ không phải là quá trình của sự suy nghĩ.” Nói theo cách khác, bạn chỉ có thể cảm nhận, hành động dựa trên thứ mà tâm trí của bạn đã sản xuất ra, chứ không thể điều hành hoạt động của nó. Dòng chảy của tâm thức và việc hồi tưởng ngược lại dòng chảy đó là hai thứ hoàn toàn khác nhau, vậy mà bạn lại thường coi hai điều này là một. Đây là một trong những khái niệm lâu đời nhất trong tâm lý học và triết học – hiện tượng học. Một trong những cuộc tranh luận đầu tiên của các nhà nghiên cứu trong mảng này là về việc khoa học tâm lý có thể đào sâu vào tâm trí con người tới mức nào. Từ đầu những năm 1900, các nhà tâm lý học đã phải vật lộn với câu hỏi hóc búa là tại sao, ở một mức độ nhất định, trải nghiệm cá nhân là thứ không thể chia sẻ được. Ví dụ, màu đỏ trông như thế nào? Quả cà chua có
mùi thế nào? Hay khi bạn vấp ngón chân, bạn cảm thấy như thế nào? Bạn sẽ phải nói gì để có thể giải thích những cảm giác đó cho một người chưa từng trải nghiệm chúng? Bạn sẽ miêu tả màu đỏ cho một người bị mù bẩm sinh, hay miêu tả mùi hương của quả cà chua tươi cho một người chưa từng biết chúng thế nào?
Đó là những cảm thụ tính (qualia), tầng trải nghiệm sâu nhất mà bạn có thể cảm nhận trước khi chạm đáy. Hầu hết mọi người đều đã thấy màu đỏ, nhưng không thể nào giải thích màu đỏ là gì. Mọi định nghĩa về tất cả các trải nghiệm trong đời của bạn đều chỉ có thể được xây dựng nên từ cảm thụ tính chứ không thể nào đi sâu hơn nữa. Chúng là những thành phần căn bản nhất của nhận thức. Bạn chỉ có thể so sánh chúng trong mối quan hệ với những trải nghiệm khác, chứ không bao giờ có thể miêu tả một cách chi tiết vẻ các cảm thụ tính cho một người khác, hay cho bản thân mình⦾.
Nhưng trí não bao gồm những tầng lớp bạn không thể nào truy cập được; bên dưới tầng đáy còn có những suy nghĩ và cảm xúc phức tạp mà bạn không thể nắm bắt trực tiếp. Một số hành vi của bạn là kết quả của quá trình tiến hóa và thích nghi, là khuynh hướng hành động được thừa hưởng qua hàng ngàn thế hệ những con người đã sống và phát triển. Bạn muốn ngủ vùi trong một buổi chiều mưa lạnh có thể là bởi tổ tiên của bạn đã luôn phải tìm kiếm chỗ trú ẩn an toàn trong điều kiện tương tự. Đối với những hành động khác, nguyên nhân thúc đẩy có thể khởi nguồn từ một thứ mà bạn không nhận ra. Bạn không biết tại sao lại cảm thấy muốn ra về giữa buổi tiệc lễ Tạ ơn, nhưng bạn vẫn bịa ra được một lý do có vẻ hợp lý vào lúc đó. Giờ ngẫm lại thì lý do có thể đã thay đổi rồi.
Nhà triết học Daniel Dennett gọi việc nhìn nhận bản thân này là hiện tượng học từ góc nhìn người thứ ba (heterophenomenology). Về căn bản, Daniel khuyên rằng khi bạn tự đưa ra biện minh cho cảm xúc hay hành vi của mình, đừng chấp nhận chúng một cách dễ dàng mà hãy biết nghi ngờ một chút, giống như khi bạn nghe ai đó kể về buổi đi chơi qua đêm của họ vậy. Khi nghe người khác kể chuyện, bạn thường cho rằng câu chuyện đó đã ít nhiều có thêm thắt, và bạn biết họ chỉ đang kể về sự việc dưới góc nhìn của bản thân họ. Tương tự như vậy, bạn biết thực tế đang hoặc đã xảy ra như thế nào, nhưng đó mới chỉ là góc nhìn của một mình bạn thôi, bởi vậy hãy biết cách nghi ngờ về câu chuyện của chính bản thân mình một chút.
Trong nghiên cứu của mình, Miller và Nisbett đã dẫn ra các ví dụ cho thấy nhiều người nhận thức được suy nghĩ của mình, nhưng không thể xác định quá trình dẫn tới suy nghĩ đó. Mặc dù vậy, các đối tượng nghiên cứu thường không hề gặp khó khăn trong việc đưa ra giải thích nội quan, nhưng những giải thích này không chỉ ra được nguyên nhân thực sự. Trong một thí nghiệm, các đối tượng được chia ra làm hai nhóm và đều bị cho giật điện nhẹ trong lúc thực hiện một số bài tập về trí nhớ. Sau khi hoàn thành, cả hai nhóm đều được yêu cầu thực hiện lại một lần nữa. Nhóm thứ nhất được phổ biến rằng lần lần giật điện thứ hai này rất quan trọng trong việc tìm hiểu về hoạt động trí não của con người. Nhóm còn lại thì được cho biết là lần chạy thứ hai chỉ có tác dụng thỏa mãn trí tò mò cho các nhà khoa học mà thôi. Sau khi so sánh kết quả, người ta thấy rằng nhóm thứ hai đã thực hiện bài kiểm tra trí nhớ tốt hơn, bởi vì họ phải tự nghĩ ra một động cơ thúc đẩy mình thực hiện thí nghiệm. Họ nghĩ rằng những cú giật điện này không đau đớn lắm. Thực tế rút ra từ
phỏng vấn sau thí nghiệm cho thấy trong tâm trí của những người ở nhóm thứ hai, so với những người ở nhóm thứ nhất, thì những cú giật điện này không gây đau đớn bằng.
Trong một thử nghiệm khác, hai nhóm người nói rằng mình rất sợ rắn được xem những bộ ảnh trình chiếu về các loài rắn, cùng lúc được nghe thứ mà họ được phổ biến là tiếng tim đập của chính mình. Điểm khác nhau ở hai nhóm là: Một nhóm sẽ thỉnh thoảng được thấy bức ảnh với chữ giật điện, bị cho giật điện nhẹ, và nghe thấy tiếng tim đập của mình trở nên to hơn. Họ không biết là thực chất các nhà khoa học đã cố ý điều chỉnh âm lượng của tiếng tim đập. Sau đó, khi cả hai nhóm được đề nghị cầm một con rắn trong tay, những người trong nhóm bị giật điện và nghe tiếng tim đập bị điều chỉnh đã mạnh dạn hơn nhóm còn lại. Họ đã tự thuyết phục mình rằng họ sợ bị giật điện hơn là sợ rắn, và sử dụng chính nội quan này để trở nên thực sự gan lì hơn.
Nisbett và Miller cũng tự thực hiện một thí nghiệm ở cửa hàng bách hóa. Họ xếp bốn đôi quần tất giấy cạnh nhau rồi bảo các khách hàng đi qua chọn đôi có chất lượng tốt nhất. Có tới 80% số người được hỏi chọn đôi tất bên tay phải, mặc dù thực chất cả bốn đôi giống hệt nhau. Khi được hỏi tại sao, những người này đã bình phẩm về chất tất và màu sắc, nhưng không đả động gì tới vị trí của đôi tất họ chọn. Khi hai nhà nghiên cứu hỏi kỹ lại xem liệu vị trí sắp xếp có ảnh hưởng lên lựa chọn của họ hay không, họ đá khẳng định là không.
Trong những nghiên cứu như thế này, đối tượng thí nghiệm không bao giờ nói rằng họ không thể giải thích cho cảm xúc và hành động của mình. Việc không biết lý do không làm họ bối rối; thay vào
đó họ đưa ra những biện hộ và không hề để ý tới những hoạt động ẩn sâu trong trí não của bản thân.
Vậy làm sao để bạn có thể tách bạch được tưởng tượng và thực tế? Làm sao để bạn có thể chắc chắn được rằng những câu chuyện về cuộc đời bạn, cả từ ngày xửa ngày xưa lẫn chỉ mới vài phút trước là thật? Bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn ở mức nào đó khi chấp nhận sự thật rằng bạn không thể làm điều đó. Không ai có thể làm thế, vậy mà con người chúng ta vẫn tồn tại và phát triển tốt. Câu chuyện về cuộc đời bạn cũng giống như một bộ phim dựa trên những sự kiện có thật. Điều đó không nhất thiết là xấu. Các chi tiết có thể đã bị thay đổi và thêm thắt, nhưng ý tưởng chung hay bức tranh toàn cảnh thì vẫn là một câu chuyện đáng để kể phải không?
THIÊN KIẾN XÁC NHẬN
BẠN VẪN TƯỞNG
Quan điểm cá nhân của bạn là kết quả của hàng năm ời quan sát và phân tích một cách khách quan. SỰ THẬT LÀ
Quan điểm cá nhân của bạn là kết quả của hàng năm ời chỉ tập ung chú ý tới các thông tin xác nhận những điều vốn đã nằm ong niềm tin của bạn, ong khi bỏ qua những thông tin ái ngược với quan niệm có sẵn.
Đã bao giờ bạn đang nói chuyện và chợt một bộ phim thời xưa được nhắc đến, ví dụ như The Golden Child, hay thậm chí là một phim nào đó còn ít nổi tiếng hơn?
Bạn đã cười nhạo nó, trích dẫn vài câu thoại, tự hỏi không biết chuyện gì đã xảy ra với những diễn viên trong phim, và rồi quên sạch.
Cho tới khi…
Bạn đang ngồi chuyển hết kênh này tới kênh nọ trên TV vào một buổi tối buồn tẻ, và đột nhiên, bạn thấy The Golden Child đang được chiếu. Lạ ghê.
Ngày hôm sau bạn đọc tin tức trên báo, và tự dưng lại thấy một bài viết nói về những bộ phim đã bị lãng quên từ những năm 1980, và trời đất ơi, những ba cột chữ viết về The Golden Child. Tối đó bạn xem một đoạn quảng cáo về bộ phim mới của Eddie Murphy
trong rạp, và rồi thấy một bảng quảng cáo về chương trình tấu hài của Charlie Murphy ngoài phố. Chưa hết, sau đó một người bạn còn gửi cho bạn một đường dẫn tới trang TMZ với toàn ảnh gần đây của một diễn viên trong The Golden Child.
Chuyện gì đang xảy ra vậy? Có phải vũ trụ đang cố gắng truyền tải thông điệp gì đó tới bạn không?
Không. Đây chỉ đơn giản là tác dụng của thiên kiến xác nhận⦾.
Từ thời điểm của cuộc hội thoại có nhắc tới The Golden Child, bạn đã chuyển kênh rất nhiều lần, đã đi ngang qua vô số những biển quảng cáo, đã thấy hàng chục những tin tức mới nhất về các ngôi sao, và bạn cũng đã được xem hàng tá những đoạn phim quảng cáo mới.
Vấn đề nằm ở chỗ bạn đã bỏ qua tất cả những thông tin còn lại, những thứ không liên quan tới bộ phim The Golden Child. Trong đám hỗn độn của tất cả những mẩu thông tin lẻ tẻ, bạn chỉ nhận ra và để ý tới những thứ có đôi chút liên quan tới điều đang ở sẵn trong não bạn. Một vài tuần trước, trước thời điểm của cuộc hội thoại định mệnh kia, Eddie Murphy và chuyến du hành tới Tây Tạng của ông ấy vẫn còn đang lặn sâu dưới đống tin tức văn hóa hỗn độn ở đáy não bạn, và bạn đâu có để ý chút nào.
Nếu bạn đang tính tới chuyện mua một chiếc xe mới, bỗng dưng tất cả mọi người xung quanh bạn đều lái đúng mẫu xe đó. Nếu bạn vừa mới kết thúc một cuộc tình, mọi bài hát mà bạn nghe đều có vẻ nói về tình yêu. Nếu bạn đang chuẩn bị có em bé, bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy chúng ở mọi nơi. Thiên kiến xác nhận là việc nhìn thế giới qua một thấu kính lọc.
Những ví dụ trên chỉ là một phiên bản thụ động của hiện tượng này. Rắc rối thực sự bắt đầu khi thiên kiến xác nhận làm méo mó quá trình chủ động tìm kiếm thông tin của bạn.
Phê bình chính trị là cả một ngành công nghiệp được xây dựng nên từ thiên kiến xác nhận. Rush Limbaugh và Keith Olbermann, Glenn Beck và Arianna Huffington, Rachel Maddow và Ann Coulter⦾ – tất cả bọn họ đều là những người tiếp nhiên liệu cho niềm tin, bọn họ sàng lọc trước thông tin sao cho khớp với những thế giới quan khác nhau. Nếu bộ lọc của họ giống với bộ lọc của bạn, bạn sẽ rất thích họ. Nếu bộ lọc khác nhau, bạn sẽ ghét cay ghét đắng họ. Bạn xem chương trình của những người này không nhằm mục đích thu thập tin tức, mà để có được sự xác nhận.
“Hãy cẩn thận. Người ta thích được nghe những điều mà họ đã biết rồi. Hãy nhớ lấy điều đó. Họ cảm thấy không thoải mái khi bạn kể về một điều mới mẻ. Những điều mới mẻ… Thế đó, những điều mới không phải là điều mà họ mong chờ. Họ muốn biết rằng, ví dụ nhé, con chó sẽ cắn người. Đó là điều mà chó vẫn làm. Họ không muốn nghe chuyện về người cắn chó, bởi vì thế giới không vận
hành như vậy. Nói tóm lại, con người tưởng là họ muốn nghe tin tức mới, nhưng thực chất điều mà họ thực sự thèm muốn là tin
cũ… Không phải mới mà là cũ, để họ có thể được nghe lại những điều mà họ tin là thật.”
— Terry Pratchett,
thông qua lời nhân vật Chúa tể Vetinari
trong tiểu thuyết của ông:
“The Truth: a Novel of Discworld”
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, nhà nghiên cứu Valdis Krebs tại trang orgnet.com đã phân tích về xu hướng mua hàng trên Amazon. Những người vốn đang ủng hộ Obama cũng chính là
những người mua sách viết về ông dưới góc nhìn tích cực. Những người vốn đã không thích Obama là những người mua sách chỉ trích ông. Cũng giống như với trường hợp của những nhà phê bình chính trị, họ không mua sách đọc để lấy thông tin, họ mua để tự xác nhận quan điểm của mình. Krebs đã nghiên cứu về xu hướng mua hàng trên Amazon và thói quen phân nhóm của người dùng mạng xã hội trong nhiều năm. Những nghiên cứu của ông cho thấy điều mà các nhà tâm lý học đã tiên đoán: Bạn luôn muốn mình có cái nhìn đúng đắn về cuộc sống, bởi vậy bạn săn tìm những thông tin xác thực niềm tin của mình, và tránh xa những chứng cứ và quan niệm đối nghịch.
Nửa thế kỷ nghiên cứu đã cho thấy thiên kiến xác nhận là một trong những rào cản tâm lý đáng tin cậy nhất. Các nhà báo khi đưa tin về một vấn đề nào đó cần phải tránh việc phớt lờ những thông tin trái chiều; các nhà khoa học khi chứng minh một giả thiết cần phải xây dựng những thí nghiệm chặt chẽ, tránh tạo ra những yếu tố biến thiên có thể gây xáo động trong kết quả cuối cùng. Nếu không có thiên kiến xác nhận, thuyết âm mưu sẽ không thể tồn tại. Liệu con người đã thực sự đặt chân lên Mặt Trăng? Nếu bạn cố gắng, chắc chắn bạn sẽ tìm được bằng chứng chứng minh đó là chuyện dàn dựng.
Trong một nghiên cứu vào năm 1979 của Đại học Minnesota do Mark Snyder và Nancy Cantor thực hiện, các đối tượng tham gia được đọc về cuộc sống một tuần của một cô gái giả tưởng tên Jane. Trong tuần đó, Jane đã thể hiện mình là người hướng ngoại trong một số trường hợp, và là người hướng nội trong một số trường hợp khác. Một vài ngày sau, những người tham gia thí nghiệm quay trở lại. Các nhà nghiên cứu chia họ thành hai nhóm và hỏi họ liệu Jane
có thích hợp với một công việc cụ thể nào đó không. Một nhóm được hỏi là liệu cô ấy có thể trở thành một thủ thư tốt; nhóm còn lại được hỏi là liệu Jane có đảm nhiệm được công việc của một người môi giới bất động sản. Trong nhóm thủ thư, người ta nghĩ Jane là một người hướng nội, và ngược lại, trong nhóm môi giới bất động sản, ý kiến chung cho rằng Jane là một người hướng ngoại. Sau đó, các nhóm này được hỏi là liệu Jane có thể làm tốt cồng việc còn lại không, và lúc này thì những người tham gia bị ảnh hưởng bởi câu trả lời đầu tiên của chính mình, cho rằng cô ấy không phù hợp với công việc còn lại. Nghiên cứu này cho thấy ngay cả trong chính những ký ức của bản thân, bạn cũng có thể trở thành nạn nhân của thiên kiến xác nhận, chỉ nhớ lại những điều hợp với niềm tin mới có của mình và quên đi những điều trái nghịch.
Một nghiên cứu tại bang Ohio năm 2009 cho thấy người ta có thể đọc một bài luận lâu hơn tới 36% nếu bài luận đó đồng quan điểm với họ. Một nghiên cứu khác lại cho các đối tượng xem những trích đoạn trong chương trình hài The Colbert Report, và kết quả cho thấy những người có quan điểm chính trị bảo thủ liên tục cho rằng “Colbert⦾ chỉ đang diễn và nói vui thôi chứ đó không phải là những gì ông ấy thực sự nghĩ.”
Qua thời gian, bằng việc không bao giờ tự tìm đến những phản đề, bằng việc tích tụ các đơn đặt mua tạp chí, những chồng sách và hàng ngàn glờ xem TV, bạn trở nên quá tự tin về thế giới quan của mình và không ai có thể thuyết phục bạn khác đi.
Hãy nhớ rằng ở ngoài kia luôn có những kẻ sẵn sàng bán lượng xem cho những nhà quảng cáo bằng việc cung cấp những tập khách hàng chỉ biết tìm sự công nhận các quan điểm của bản thân, bởi đây
là những khách hàng béo bở nhất, dễ chiều nhất. Hãy tự đặt câu hỏi xem liệu mình có thuộc nhóm khách hàng đó không. Trong khoa học, con người tiến gần hơn tới sự thật bằng việc tìm ra những bằng chứng trái ngược. Có thể chính phương pháp này cũng cần phải được áp dụng lên các quan điểm cá nhân của bạn trong cuộc sống hàng ngày.
THIÊN LỆCH
NHẬN THỨC MUỘN
BẠN VẪN TƯỞNG
Sau khi học được một điều mới, bạn nhận thức được rằng mình đã từng thiếu hiểu biết và sai lầm. SỰ THẬT LÀ
Bạn thường nhìn lại những điều vừa mới học được và cho rằng mình đã biết hết từ lâu rồi.
— Biết ngay là kiểu gì đội này cũng sẽ thua mà.
— Đó là điều tôi nghĩ sẽ xảy ra.
— Đã bảo rồi mà.
— Đấy rõ ràng là chuyện ai cũng phải biết.
— Tôi đã đoán trước là anh sẽ nói thế.
Đã bao nhiêu lần bạn nói những điều giống như trên và tin rằng đó là sự thật?
Bạn thường xuyên sửa đổi ký ức của mình để bản thân không trở thành một kẻ ngốc khi sự việc diễn ra không như bạn tiên lượng. Khi học được những điều mà bạn mong muốn mình biết từ trước, bạn cứ thế tự cho rằng bạn thực sự đã biết. Khuynh hiróng này là một phần cơ bản trong tiềm thức mỗi con người, và được gọi là thiên lệch nhận thức muộn (the hindsight bias).
Hãy cùng nhìn vào kết quả của nghiên cứu sau đây:
Một nghiên cứu mới đây của Đại học Harvard cho thấy khi càng già đi, người ta càng có xu hướng giữ vững những quan niệm cũ và cảm thấy việc chấp nhận những thông tin mới có tính đối nghịch trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là về những chủ đề quen thuộc. Điều này dường như củng cố cho câu: “Tre già khó uốn.”
Tất nhiên là phải thế rồi. Rõ ràng là bạn đã biết điều này ngay từ đầu; đó là một sự thật hiển nhiên.
Giờ thì hãy xem qua nghiên cứu tiếp theo nhé:
Một nghiên cứu từ Đại học Alberta cho thấy những người lớn tuổi, với kinh nghiệm dày dặn và những kiến thức đã thu thập được qua hàng thập kỷ tiếp xúc với truyền thông có thể hoàn thành bốn năm đại học trước thời hạn dễ dàng hơn nhiều so với một thanh niên 18 tuổi với bộ não còn đang phát triển. Điều này cho thấy bạn không bao giờ là quá già để có thể tiếp tục học hỏi.
Đợi chút. Cái này cũng có vẻ giống một sự thật hiển nhiên.
Vậy cái nào mới là đúng? Tre già khó uốn, hay là bạn không bao giờ là quá già để học tập?
Thực ra, cả hai nghiên cứu trên đều do tôi bịa ra. Chẳng cái nào trong hai cái đó là thật cả. Sử dụng những kết quả nghiên cứu giả như thế này là cách ưa thích của các nhà khoa học để chỉ ra thiên lệch nhận thức muộn. Cả hai đoạn trên đều có vẻ rất hợp lý là bởi vì khi bạn đọc được một điều mới, bạn nhanh chóng thu lại những ý kiến cũ của mình để có được sự thoải mái khi biết rằng mình luôn đúng.
Năm 1986, Karl Teigen, giờ là giảng viên tại Đại học Oslo, đã làm thí nghiệm yêu cầu sinh viên đánh giá những câu thành ngữ. Teigen đã cho những người tham gia đọc những câu nói nổi tiếng và thông dụng để đánh giá. Khi đọc những câu như “Cái áo không làm nên thầy tu”, họ thường tỏ ra đồng tình. Bạn thì sao? Bạn có nghĩ điều đó đúng không? Từ kinh nghiệm của mình, bạn có thể chắc được rằng đây là sự thật? Thế còn câu “Nếu nó trông giống con vịt, bơi giống con vịt, và kêu giống con vịt, thì nó là con vịt” thì sao? Điều này cũng có vẻ cũng là hiển nhiên phải không? Vậy cái nào mới đúng?
Trong thí nghiệm của Teigen, hầu hết những người tham gia đều đồng tình với các câu thành ngữ được cho xem, kể cả khi chúng mang nghĩa đối lập. Khi được yêu cầu đánh giá câu “Tình yêu mạnh hơn nỗi sợ hãi”, họ đồng ý với quan điểm đó. Một lúc sau, khi đọc câu “Nỗi sợ hãi mạnh mẽ hơn tình yêu”, họ cũng lại đồng tình. Teigen đã cho thấy thứ mà bạn cho là sự thật hiển nhiên thực ra hầu hết đều không phải vậy. Thông thường, khi sinh viên, nhà báo và những người bình thường khác nghe về kết quả một nghiên cứu khoa học, họ sẽ nói “Phải rồi, đương nhiên là thế chứ”. Teigen đã chỉ ra được rằng đó chỉ là kết quả của thiên lệch nhận thức muộn mà thôi.
Bạn luôn nhìn lại con người cũ của mình, luôn xây dựng lại câu chuyện cuộc đời để nó khớp hơn với con người của bạn trong hiện tại. Con người có nhu cầu giữ một tâm trí sạch sẽ và ổn định để có thể lèo lái trong cuộc đời ngay từ thời tiền sử, khi chúng ta còn sống
trong rừng rậm và thảo nguyên. Tâm trí rối ren sẽ hoạt động kém hiệu quả, và cơ thể mà nó điều khiển sẽ dễ dàng trở thành miếng mồi ngon. Một khi bạn học được từ sai lầm của mình, hoặc thay thế
một thông tin mới, những thứ còn lại trở thành thừa thãi. Vì vậy bạn xóa nó khỏi bộ nhớ. Hành động xóa bỏ này là cách tự thanh lọc cổ xưa của tâm trí. Đúng là bạn đang tự nói dối bản thân, nhưng với một mục đích tốt. Bạn thu thập mọi thứ bạn biết về một chủ đề, mọi thứ bật ra trong tâm trí bạn và xây dựng nên một mô hình tâm trí mới.
Ngay trước khi tổng thống Nixon sang thăm Trung Quốc, một nhà nghiên cứu đã làm bản thăm dò đánh giá về khả năng một số sự kiện sẽ xảy ra trong chuyến đi của tổng thống. Sau đó, khi chuyến công du đã hoàn thành, biết rõ được kết quả, những người tham gia lại nhớ rằng mình đã đưa ra được dữ liệu tiên đoán chính xác hơn về kết quả chuyến đi. Điều tương tự cũng xảy ra sau vụ 11/9. Nhiều người dự đoán sẽ có một vụ tấn công khủng bố nữa xảy ra ngay sau đó, nhưng khi thực tế cho thấy không có gì xảy ra, những người này đã nhớ lại rằng mình đã đưa ra dự đoán thấp hơn nhiều.
Thiên lệch nhận thức muộn có một người anh em họ gần với tên gọi sự tự nghiệm sẵn có (availability heuristic). Bạn có xu hướng tin những mẩu chuyện nhỏ, hay những tin tức giật gân cá biệt đại diện cho bức tranh toàn cảnh nhiều hơn thực tế. Nếu bạn thấy dạo gần đây có nhiều tin bài về những vụ cá mập tấn công, bạn sẽ nghĩ là: “Ôi trời, lũ cá mập này mất kiểm soát rồi.” Trong khi điều mà bạn thực sự cần phải nghĩ là: “Trời ạ, sao dạo này mấy trang báo thích đưa tin về cá mập thế không biết.” Sự tự nghiệm sẵn có cho thấy bạn suy nghĩ và quyết định hành động dựa trên những thông tin hiện đang có trong tay mà bỏ qua những thông tin có thể có mà mình chưa biết. Bạn cũng làm điều tương tự với thiên lệch nhận thức
muộn: Suy nghĩ và quyết định hành động dựa trên những thứ bạn đang biết, bỏ qua những điều bạn đã biết.
Nhận thức về sự tồn tại của thiên lệch nhận thức muộn sẽ trang bị cho bạn một liều nghi ngờ cần thiết khi nghe những chính khách và doanh nhân nói về quyết định trong quá khứ của họ. Và cũng hãy nhớ tới điều này khi lần tới bạn tham gia vào một cuộc tranh cãi trên mạng, cãi nhau với người yêu hay vợ hoặc chồng – đối phương thực sự tin rằng họ chưa bao giờ sai cả, và bạn cũng vậy.
SỰ NGỤY BIỆN CỦA
TAY THIỆN XẠ TEXAS
BẠN VẪN TƯỞNG
Bạn biết cách tính tới sự ngẫu nhiên khi xác định nguyên nhân và kết quả.
SỰ THẬT LÀ
Bạn có xu hướng bỏ qua sự ngẫu nhiên khi kết quả có vẻ có ý nghĩa, hoặc khi bạn muốn một sự việc ngẫu nhiên có nguyên nhân hợp lý.
Abraham Lincoln và John F. Kennedy đắc cử tổng thống Hoa Kỳ cách nhau đúng 100 năm. Cả hai bị bắn chết bởi hai tên sát thủ với tên gọi gồm ba từ và tổng số chữ cái là 15: John Wilkes Booth và Lee Harvey Oswald. Hai tên sát thủ này cũng đều không sống đến ngày xét xử. Nghe trùng hợp đáng sợ nhỉ? Nhưng còn nữa đây. Kennedy có một người thư ký tên là Lincoln. Hai vị tổng thống đều bị ám sát vào một ngày thứ Sáu khi đang ngồi cạnh vợ mình. Lincoln bị bắn trong nhà hát Ford, còn Kennedy bị bắn khi đang đi trên một chiếc xe Lincoln của hãng Ford. Cả hai người đều được kế nhiệm bởi một người mang họ Johnson – Andrew cho Lincoln và Lyndon cho Kennedy. Andrew Johnson sinh năm 1808, còn Lyndon Johnson sinh năm 1908. Tại sao lại có sự trùng hợp quái lạ thế này được?
Năm 1898, nhà văn Morgan Robertson viết một cuốn tiểu thuyết mang tựa đề Futility (Sự Vô Vọng). Được viết 14 năm trước thảm
họa Titanic, 11 năm trước khi con tàu được khởi công, nhưng những chi tiết trong cuốn sách và ngoài đời thật có sự giống nhau kỳ lạ. Cuốn tiểu thuyết nói về một con tàu lớn mang tên Titan, được tin là không thể chìm. Nó là con tàu lớn nhất từng được chế tạo, và bên trong được thiết kế như một khách sạn sang trọng – giống hệt với con tàu còn chưa được lên khung Titanic. Titan chỉ có 20 xuồng cứu hộ, một nửa so với số lượng cần thiết trong trường hợp nó bị đắm. Con tàu Titanic ngoài đời thật có 24 xuồng, cũng chỉ bằng một nửa so với số lượng cần phải có. Trong cuốn sách, tàu Titan đâm vào một tảng băng trôi vào tháng Tư khi cách Miền Đất Mới 400 dặm. Vài năm sau, tàu Titanic gặp phải thảm họa tương tự cũng vào tháng Tư và cũng tại địa điểm đó. Tàu Titan chìm đã khiến hơn một nửa số hành khách thiệt mạng, giống như những gì đã xảy ra với Titanic. Số người tử vong trong truyện và ngoài đời là gần như y hệt nhau. Nhưng sự trùng hợp không dừng lại ở đó. Con tàu tưởng tượng Titan và con tàu thật Titanic đều có 3 chân vịt và 2 cột buồm. Cả hai đều có khả năng chuyên chở 3000 hành khách. Cả hai đều đâm phải một tảng băng trôi lúc gần nửa đêm. Liệu có phải Robertson là một nhà tiên tri? Sao mà trùng hợp được tới vậy?
Trong khoảng những năm 1500, Nostradamus đã viết những câu thơ sau:
B’tes farouches de faim fleuves anner
Plus part du champ encore Hister sera.
En caige de fer le grand sera eisner,
Quand rien enfant de Germain observa.
Đoạn này thường được dịch là:
Hàng đàn quỷ đói àn qua sông,
Đại chiến dồn công chống Hister.
Vĩ nhân than khóc ong lồng sắt,
Đứa con nước Đức lộng pháp quyền.
Nghe có vẻ đáng sợ nhỉ, nhất là khi bạn liên tưởng đến một nhân vật có ria mép sinh ra vào khoảng 400 năm sau. Dưới đây là một lời sấm truyền nữa:
Từ vùng sâu thẳm xứ miền Tây
Dưới mái nhà anh sẽ ra đời
Nhờ vào miệng lưỡi, bao người mến
Danh tiếng àn qua đất miền Đông.
Chu choa! Hister nghe gần giống Hitler phải không? Và đoạn thứ hai lại càng có vẻ rõ hơn. Thực ra, rất nhiều lời tiên tri của Nostradamus nói về một kẻ đến từ nước Đức, gây nên một cuộc chiến cực kỳ khốc liệt, và rồi chết một cách bí hiểm. Sao lại có thể trùng hợp đến vậy?
Nếu bạn thấy bất cứ điều gì trên đảy có vẻ quá tuyệt vời để có thể là sự trùng hợp, quá kỳ lạ để có thể là ngẫu nhiên, quá giống nhau để có thể là may rủi, thì bạn không thông minh lắm rồi. Xin phép cho tôi được giải thích.
Giả dụ nhé, bạn đi hẹn hò, và khi gặp đối phương, bạn thấy họ cũng lái cùng một mẫu xe hơi, chỉ khác màu thôi. Ừ có vẻ hay đó, nhưng chưa có gì đặc biệt.
Ngồi nói chuyện một lúc, bạn được biết tên của mẹ họ cũng giống tên mẹ bạn, và hai bà mẹ còn có chung ngày sinh nhật nữa. Chờ chút, có vẻ thú vị ghê. Có thể đúng là bàn tay của số phận đang đẩy bạn tới gần đối phương chăng? Sau đó nữa, bạn phát hiện ra cả hai đều sở hữu trọn bộ Monty Python’s Flying Circus, và hồi còn bé cả hai đều rất yêu thích Rescue Rangers. Cả hai người đều thích ăn pizza, nhưng ghét củ cải Thụy Điển. Thôi đúng rồi, số phận sắp đặt cả rồi, bạn và đối phương sinh ra là để dành cho nhau.
Nhưng hãy dừng lại một chút và bước lùi lại một bước xem. Rồi. Lùi thêm bước nữa đi. Bao nhiêu người trên thế giới sở hữu mẫu xe hơi đó? Bạn và đối phương có tuổi sàn sàn nhau, vậy thì hai bà mẹ cũng phải như vậy, và bởi vậy tên của họ có lẽ là một cái tên khá phổ biến thời đó. Bởi vì bạn và đối phương có lai lịch gần giống nhau, lớn lên trong cùng một thập kỷ, nên hai người gần như chắc chắn là đều xem những chương trình TV giống nhau hồi bé. Còn Monty Python thì ai chả thích. Pizza cũng là món khoái khẩu của rất nhiều người. Và cũng chẳng ít người ghét củ cải Thụy Điển.
Nhìn lại tất cả những yếu tố trên từ một góc nhìn xa hơn, bạn có thể chấp nhận sự thật rằng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Bạn đã bị đánh lừa bởi những dấu hiệu mà quên mất về những nhiễu động khác. Khi chúng có ý nghĩa nhất định, bạn bỏ qua tính ngẫu nhiên, và quên mất rằng ý nghĩa là khái niệm do con người tạo ra. Những gì diễn ra trong đầu bạn chính là sự ngụy biện của tay thiện xạ Texas.
Tên của sự ngụy biện này khởi nguồn từ giai thoại về một chàng cao bồi tập bắn súng. Anh ta bắn liên tiếp vào hông của căn nhà gỗ, dần dần có tới hàng trăm vết đạn găm lên đó. Có những điểm thì đạn găm chi chít, có những chỗ lại không có mấy. Sau đó, chàng cao bồi lấy sơn và vẽ vòng tròn đồng tâm với điểm giữa ở chỗ có nhiều vết đạn nhất. Vậy là anh ta có thể khoe rằng mình là một thiện xạ. Bằng việc vẽ bia tập bắn vào chỗ có nhiều đạn găm nhất, chàng cao bồi đã đè một trật tự sắp xếp giả tạo lên sự phân bổ ngẫu nhiên. Sở hữu bộ não người, bạn cũng làm điều này hàng ngày. Chọn lọc những điều trùng hợp trong một tập ngẫu nhiên là một trong những lỗi dễ đoán của logic loài người.
Khi bạn đang bị choáng ngợp bởi lời sấm truyền của Nostradamus về Hitler, bạn quên mất rằng ông ta đã viết hơn 1000 lời tiên tri vô cùng chung chung, và phần lớn chẳng có ý nghĩa gì. Chuyện sẽ còn bớt thú vị hơn nhiều khi bạn biết được rằng Hister thực chất là tên tiếng Latin của sông Danube. Khi còn đang trầm trồ về những sự giống nhau giữa tàu Titan và tàu Titanic, bạn đã bỏ qua những chi tiết như là trong tiểu thuyết thì chỉ có 13 người sống sót, con tàu chìm ngay tức khắc, và thực ra thì tàu Titan đã vượt đại dương nhiều lần rồi, chưa kể là nó còn dùng buồm nữa. Trong cuốn tiểu thuyết, một trong những người sống sót còn phải chiến đấu với một con gấu Bắc cực trước khi được cứu. Khi bạn còn đang ngạc nhiên về mối liên hệ giữa Lincoln và Kennedy, bạn đã bỏ qua việc Kennedy là người Công giáo, trong khi Lincoln được sinh ra trong một gia đình theo đạo Baptists. Kennedy đã bị bắn bằng một khẩu súng bắn tỉa, trong khi Lincoln bị giết hại bởi một khẩu súng lục. Kennedy bị ám sát ở Texas, còn Lincoln thì ở Washington D. C. Kennedy có mái tóc nâu bóng, trong khi Lincoln thì tóc đen rậm và dày.
Trong cả ba ví dụ trên, có tới hàng trăm hàng nghìn những điểm khác nhau ở mỗi trường hợp, nhưng bạn lại bỏ qua hết. Sau đó bạn vẽ vòng tròn bia tập bắn xung quanh chỗ có nhiều đạn găm nhất, là một vài điểm có sự trùng hợp. Và thế là… ôi chao! Nếu thiên lệch nhận thức muộn và thiên kiến xác nhận có một đứa con, chắc chắn nó có tên là sự ngụy biện của tay thiện xạ Texas.
Để sản xuất một chương trình truyền hình thực tế, có tới hàng trăm giờ phim tư liệu được quay. Việc cô đọng lại các đoạn phim đó vào một giờ chiếu chính là hành động vẽ bia tập bắn lên những lỗ đạn. Họ tìm ra những câu chuyện từ các khoảnh khắc đời thường,
chọn lọc những đoạn đúng ý và bỏ đi phần còn lại. Điều này có nghĩa là họ có thể tạo nên bất cứ câu chuyện logic nào mà họ muốn từ đám hỗn độn những thước phim đã quay. Có thực là cô gái đó rất xấu tính? Có thực là chàng trai nhuộm da, tóc vuốt keo ngốc nghếch đến như vậy? Trừ khi bạn có thể lùi lại và nhìn toàn bộ bức tường của căn nhà gỗ, bạn sẽ chẳng thể nào biết được.
Sự ngụy biện này không chỉ hiện hữu trong những chương trình truyền hình thực tế, những sự thật thú vị về các vị tổng thống, hay những sự trùng hợp kỳ lạ đáng sợ. Việc sử dụng nó để xác định nguyên do từ kết quả có thể gây hại cho nhiều người. Một trong những lý do mà các nhà khoa học phải dùng các thí nghiệm mới để phản biện lại một giả thiết là để tránh lối ngụy biện này. Đây cũng là mối quan tâm đặc biệt của các nhà dịch tễ học khi nghiên cứu về các nguyên nhân gây bệnh. Nếu bạn nhìn vào một tấm bản đồ của nước Mỹ với các chấm thể hiện những nơi có tỷ lệ người mắc ung thư cao nhất, bạn có thể dễ dàng tìm ra những khu vực tập trung nhiều người bệnh. Có vẻ như đây là chỉ dấu rõ ràng về những nơi có nguồn nước ngầm bị nhiễm độc, nơi trường điện từ từ các đường dây điện cao áp đang gây ảnh hưởng lên con người, nơi mà các tháp phát sóng di động đang đốt cháy nội tạng của những người sống gần đó, hay là nơi đã từng xảy ra những vụ thử bom hạt nhân. Một bản đồ như thế này chẳng khác gì bức tường của căn nhà gỗ trong câu chuyện về chàng cao bồi cả, và đưa ra giả thiết một cách thiếu cẩn trọng về nguyên nhân gây ung thư cũng giống y như việc vẽ bia tập bắn vậy. Thực tế cho thấy, thường thì những cụm dân cư có tỷ lệ ung thư cao không phải là hệ quả từ các vấn đề ô nhiễm môi trường đáng sợ mà là từ nhiều nhân tố khác. Họ hàng thường sống ở gần nhau. Những người già có xu hướng chọn cùng một chỗ để
nghỉ hưu. Các thói quen ăn uống, hút thuốc và luyện tập của những người ở trong cùng một khu vục thường giống nhau. Và, quan trọng nhất, cứ ba người thì sẽ có một người mắc một loại ung thư nào đó trong cuộc đời của mình. Nhưng việc chấp nhận sự thật rằng sự tập
trung về chỗ ở của những người mắc ung thư hay những thứ tương tự chỉ là do ngẫu nhiên thì vô cùng không thỏa mãn. Sự bất lực, cảm giác yếu ớt trước sức mạnh của sự may rủi có thể bị giảm bớt phần nào khi xuất hiện một kẻ phản diện. Nhiều lúc bạn chỉ cần có một kẻ
xấu, và sự ngụy biện của tay thiện xạ Texas là cách mà bạn tạo ra kẻ xấu đó.
Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh, trường hợp mắc bệnh tự kỷ ở trẻ 8 tuổi tăng tới 57% trong khoảng từ năm 2002 đến 2006. Nhìn lại số liệu từ 20 năm trước thì con số này đã tăng tới 200%. Ngày nay, cứ 70 bé trai thì có 1 trẻ mắc một dạng nào đó của chứng tự kỷ. Đây thực sự là những con số vô cùng đáng sợ. Các bậc phụ huynh khắp nơi trên thế giới lo lắng. Phải có thứ gì đó khiến số trẻ tự kỷ tăng đột biến chứ, đúng không? Lúc đầu, bia tập bắn đã được vẽ quanh các loại vaccine, bởi vì các triệu chứng của bệnh tự kỷ bắt đầu xuất hiện vào khoảng thời điểm sau khi trẻ được tiêm phòng. Một khi đã có mục tiêu để nhắm vào, họ không nhìn thấy những mối liên hệ khác nữa. Sau hàng năm trời nghiên cứu và tiêu tốn hàng triệu đô-la, vaccine đã được minh oan, nhưng rất nhiều người không chấp nhận sự thật này. Lấy vaccine ra để chỉ trích, trong khi bỏ qua hàng triệu tác nhân khác cũng giống như việc chỉ ra rằng tàu Titan đã đâm vào băng trôi, nhưng lại không nhắc tới việc nó dùng buồm vậy.
Chuỗi may mắn tại sòng bạc, những bàn tay vàng trong trận bóng rổ, một nhà thờ may mắn tránh được cơn lốc xoáy – tất cả đều
là ví dụ của việc con người tìm thấy ý nghĩa sau khi sự việc đã xảy ra, khi sự ngẫu nhiên đã an bài, những con số đã được lật mở. Bạn bỏ qua những lần thua, những lần bóng không rơi trúng rổ, và tất cả những căn nhà mà trận lốc xoáy đã phá tan.
Trong Thế chiến thứ hai, người dân London nhận thấy những trận ném bom luôn tránh một số khu dân cư. Người ta bắt đầu nghi ngờ rằng gián điệp của Đức đang nằm vùng tại đó. Thực tế không phải vậy. Phân tích số liệu sau này của nhà tâm lý học Daniel Kahneman và Amos Tversky cho thấy mô hình ném bom của quân đội Đức hoàn toàn là ngẫu nhiên.
Ở bất cứ đâu mà người ta cố gắng tìm kiếm một ý nghĩa nào đó, bạn sẽ tìm thấy ví dụ cho sự ngụy biện của tay thiện xạ Texas. Đối với nhiều người, cuộc sống sẽ mất đi sự thú vị và ý nghĩa nếu phải chấp nhận rằng đột biến ngẫu nhiên là một trong những nguyên nhân chúng ta có đôi mắt, hoặc là một vết cháy trên vỏ bánh mì nướng chỉ ngẫu nhiên trông giống với khuôn mặt một ai đó.
Nếu bạn tráo một bộ bài và rút ra 10 lá, xác suất để rút ra bộ 10 lá khác nhau lên tới con số hàng tỷ. Nếu bạn rút được một bộ cùng chất theo đúng thứ tự, khá là ấn tượng đó, nhưng xác suất để bộ đó xuất hiện cũng chẳng khác gì bất kỳ bộ 10 lá nào khác cả. Ý nghĩa của chúng là do con người tự quy định.
Nhìn ra cửa sổ đi. Bạn có thấy cái cây đó không? Khả năng để nó mọc lên đúng tại vị trí đó, trên đúng hành tinh này, xoay quanh đúng ngôi sao này, trong đúng dải ngân hà này trong vũ trụ là cực kỳ nhỏ, nhỏ tới nỗi dường như việc ấy phải có ý nghĩa gì đó. Nhưng ý nghĩa chỉ là thứ trong tưởng tượng của bạn mà thôi. Bạn đang vẽ bia tập bắn lên một lỗ đạn trên một bức tường gỗ rộng lớn. Khả
năng nó mọc lên ở đúng vị trí hiện tại cũng chẳng nhỏ hơn so với khả năng nó mọc lên ở mảnh đất bên cạnh. Điều tương tự cũng đúng khi bạn nhìn quanh sa mạc và thấy một con thằn lằn, nhìn lên trời và thấy một đám mây, hay nhìn vào khoảng không và chỉ thấy các nguyên tử hydro bay lượn. Chắc chắn 100% sẽ có thứ ở đó, ở bất kỳ đâu bạn nhìn, nhưng nhu cầu về ý nghĩa là thứ thay đổi điều mà bạn cảm thấy về sự vật sự việc đó.
Việc chấp nhận rằng sự hỗn độn, vô tổ chức và các biến cố ngẫu nhiên định đoạt cuộc sống của bạn, hay thậm chí cao hơn, là định đoạt quy luật của chính vũ trụ, là vô cùng khó khăn. Bạn sử dụng kiểu ngụy biện của tay thiện xạ Texas khi cần có một khuôn mẫu để tạo ra ý nghĩa, để tự an ủi mình, hay để đổ lỗi. Bạn cắt tỉa vườn tược, sắp xếp bộ dao nĩa bạc, chải tóc ngay ngắn. Bất cứ khi nào có thể, bạn cũng cố gắng chống lại sức mạnh của entropy⦾ và đập tan sự xáo trộn không ngừng của nó. Bạn làm điều này một cách bản năng. Bạn cần có trật tự. Trật tự giúp con người sống dễ dàng hơn, có thể lèo lái tốt hơn trong cuộc đời đầy bất trắc.
Khả năng nhận dạng khuôn mẫu giúp người tiền sử tìm thức ăn và tự bảo vệ tốt hơn. Bạn đang hiện diện trên thế giới này là bởi tổ tiên của bạn nhận dạng được các kiểu mẫu và thay đổi hành vi của mình để có thể kiếm ăn tốt hơn, thay vì bị ăn. Sự tiến hóa đã khiến chúng ta trở thành những sinh vật luôn tìm kiếm những núi ngẫu nhiên chồng chất.
Carl Sagan đã nói rằng trong không gian vũ trụ rộng lớn và sự vĩ đại của thời gian, đối với ông niềm vui lớn nhất là được chung sống trên cùng một hành tinh và cùng một khoảng thời gian với vợ mình.
Mặc dù ông biết rằng chẳng phải định mệnh đã đưa họ tới với nhau, nhưng nó cũng chẳng mang đi niềm hạnh phúc khi ông ở bên bà.
Bạn nhìn thấy các khuôn mẫu ở khắp mọi nơi, một số được tạo ra bởi sự ngẫu nhiên và chẳng mang ý nghĩa gì. Đặt trên nền nhiễu động của xác suất, chắc chắn sẽ có lúc mọi thứ sắp thẳng hàng mà chẳng cần lý do gì cả. Đó là cách mà thế giới vận hành. Nhận thức được điều này là một phần thiết yếu trong việc bỏ qua sự ngẫu nhiên khi nó không quan trọng, và nhận ra được những thứ thực sự có ý nghĩa đối với bạn trên hành tinh này, tại thời điểm này.
SỰ TRÌ HOÃN
BẠN VẪN TƯỞNG
Bạn thường ì hoãn công việc bởi vì bạn là một kẻ lười biếng và không biết cách kiểm soát thời gian của mình.
SỰ THẬT LÀ
Sự ì hoãn được thúc đẩy khi bạn yếu đuối ước những cám dỗ và không tự ngẫm về các suy nghĩ của bản thân.
Netflix có lẽ đã cho bạn thấy điều gì đó về hành vi của bản thân mà tới giờ chắc hẳn bạn cũng đã phải nhận ra, một thứ luôn chen vào giữa bạn và những việc mà bạn muốn hoàn thành. Nếu bạn có tài khoản Netflix, đặc biệt là nếu bạn dùng nó trên TV nữa, khả năng là bạn đã tích cóp tới hàng trăm tựa phim mà bạn nghĩ ngày nào đó sẽ lôi ra xem phải không?
Hãy nhìn vào danh sách đó. Sao lại có nhiều phim tài liệu và phim sử thi nằm đóng bụi vậy? Tới thời điểm này có lẽ bạn đủ khả năng vẽ lại được ảnh bìa của phim Dead Man Walking từ trí nhớ rồi. Vậy sao bạn lại cứ lướt qua nó mà không nhấn vào để xem?
Các nhà tâm lý học thực ra đã biết câu trả lời cho việc tại sao bạn cứ tiếp tục cho thêm vào bộ sưu tập những phim bạn sẽ chẳng bao giờ xem. Đó cũng là lý do cho việc bạn tin rằng tới một lúc nào
đó bạn sẽ làm điều tốt nhất cho bản thân ở những lĩnh vực khác, nhưng rồi cuối cùng lại không làm.
Trong một nghiên cứu được thực hiện vào năm 1999 bởi Read, Loewenstein, và Kalyanaraman, các nhà nghiên cứu đã cho người tham gia lựa chọn 3 trong tuyển tập 24 bộ phim để xem. Một số là những phim đơn giản và dễ xem như Sleepless in Seattle hay Mrs. Doubtfire. Số còn lại là những phim mang tính hàn lâm hơn như Schindler’s List hay là The Piano. Nói cách khác thì đây là sự lựa chọn giữa những bộ phim vui vẻ, dễ quên, và những bộ phim đáng nhớ nhưng cần phải cố gắng một chút mới hiểu được. Sau khi lựa chọn, những người tham gia sẽ phải xem ngay một phim. Rồi xem một phim nữa sau đó hai hôm. Và xem phim cuối cùng cách phim thứ hai thêm hai hôm nữa. Hầu hết mọi người đều chọn Schindler’s List trong bộ ba phim họ sẽ xem. Họ biết rằng đó là một tuyệt tác điện ảnh – bạn bè họ đều nói vậy mà, chưa kể là bộ phim này cũng giành một loạt những giải thưởng danh giá nữa. Nhưng hầu hết mọi người lại đều không chọn xem phim này vào ngày đầu tiên. Thay vào đó, phần lớn đều chọn một phim dễ hiểu để xem trước. Chỉ có 44% chọn các phim được đánh giá là khó nuốt cho lượt xem đầu tiên. Số đông đều chọn những phim hài dạng như The Mask hay là những bom tấn hành động như Speed khi biết rằng họ phải xem ngay lập tức. Những người lên kế hoạch xem các phim mang tính hàn lâm ở ngày thứ hai chiếm tới 63%, và ở ngày cuối cùng là 71%. Sau đó, các nhà khoa học cho chạy thử thí nghiệm một lần nữa, lần này yêu cầu người tham gia phải xem cả 3 phim liền một lúc. Trong thí nghiệm lặp lại này, số người chọn Schindler’s List ít hơn 13% so với ban đầu. Các nhà nghiên cứu cho rằng kết quả này cho thấy
người ta thích chọn đồ ăn vặt trước, rồi mới lên kế hoạch cho những bữa lành mạnh trong tương lai.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng bạn thường có biến động ưu tiên theo thời gian. Khi được hỏi bạn sẽ chọn ăn hoa quả hay bánh ngọt vào tuần sau, khả năng cao là bạn sẽ chọn hoa quả. Một tuần sau đó, khi đứng giữa các lựa chọn thực tế: một bên là miếng bánh sôcôla Đức và một bên là quả táo, nhiều khả năng bạn sẽ chọn miếng bánh thay vì quả táo. Các số liệu thống kê đã minh chứng cho điều này.
Đây là lý do tại sao bộ sưu tập phim trên Netflix của bạn chứa đầy những tựa đề kinh điển nhưng bạn lại luôn lướt qua chúng để nhấn vào xem Family Guy. Với Netflix, việc lựa chọn giữa phim để xem ngay bây giờ và phim để xem sau cũng giống với việc chọn lựa giữa thanh kẹo ngọt và củ cà rốt. Khi lên kế hoạch cho tương lai, thiên thần trên vai bạn chỉ vào những thứ có ích, nhưng tại thời điểm quyết định thì bạn sẽ chọn việc tận hưởng thứ ngon hơn.
Điều này đôi khi được gọi là thiên kiến hiện tại – việc không nhận thức được rằng ý muốn của bạn có thể thay đổi, và thứ mà bạn muốn bây giờ có thể sẽ không còn là thứ mà bạn muốn sau này. Thiên kiến hiện tại là thủ phạm khiến bạn phải vứt bỏ chỗ xà lách và chuối đã hỏng đi vì nhỡ mua mà quên không ăn. Đây là lý do mà khi còn là một đứa trẻ, bạn thắc mắc tại sao người lớn không còn chơi đồ chơi. Thiên kiến hiện tại là nguyên nhân khiến danh sách quyết tâm đầu năm của bạn không đổi trong 10 năm liên tiếp. Nhưng năm nay sẽ khác. Bạn sẽ giảm cân thành công và tập luyện để có được sáu múi cơ bụng chắc khỏe tới mức tên xuyên không thủng, nhỉ?
Bạn đứng lên bàn cân. Bạn mua những đĩa DVD hướng dẫn tập luyện. Bạn đặt mua một bộ tạ. Rồi một ngày, bạn đứng trước lựa chọn giữa việc ra ngoài chạy bộ hoặc nằm nhà xem phim, và đương nhiên là bạn sẽ chọn phim rồi. Một ngày khác bạn đi chơi với lũ bạn và phải chọn giữa chiếc bánh burger phô mai thơm lừng và một đĩa salad. Sau một hồi cân nhắc thì bạn chọn chiếc bánh. Những sự sơ suất nho nhỏ, những cái tặc lưỡi trở nên thường xuyên hơn, nhưng bạn vẫn tự khẳng định với bản thân là rồi bạn sẽ bắt đầu luyện tập. Bạn sẽ bắt đầu lại từ thứ Hai, và rồi thứ Hai tuần này trở thành thứ Hai tuần sau. Những cái tặc lưỡi nho nhỏ đã đánh gục ý chí quyết tâm của bạn. Và khi mà mùa đông tới, có lẽ bạn đã tự biết quyết tâm cho năm sau của mình là gì rồi.
Sự trì hoãn hiện diện ở khắp mọi ngóc ngách trong cuộc sống của bạn.
Bạn đợi cho tới phút chót mới mua quà Giáng sinh. Bạn trì hoãn việc tới gặp nha sĩ, đi khám định kỳ, hay là kê khai nộp thuế. Bạn quên mất không đăng ký đi bầu cử. Bạn cần phải thay dầu xe. Đang có một chồng bát đĩa ngày càng cao hơn trong chậu rửa. Chẳng phải là bạn nên giặt quần áo ngay bây giờ để khỏi phải mất cả một ngày Chủ Nhật ngồi giặt hết đống đồ tích tụ của cả tuần sao?
Nhưng đôi khi rủi ro bạn phải đối mặt lại cao hơn nhiều so với việc chọn giữa chơi Angry Birds hay là tập thể dục. Có thể là một bản kế hoạch lớn sắp phải trình, một bài luận án, hay là một cuốn sách.
Bạn sẽ làm nó. Bạn sẽ bắt đầu từ ngày mai. Bạn sẽ dành thời gian để học một ngôn ngữ mới, để học chơi một nhạc cụ. Và có một
danh sách ngày càng dài những quyển sách mà bạn sẽ đọc trong tương lai.
Trước khi làm những điều trên, có khi bạn cần phải kiểm tra email một chút đã. Rồi lướt qua Facebook xem có gì mới không. À, một cốc cà phê cho tỉnh táo nữa nhỉ, cũng không tốn thời gian lắm đâu mà. Xem mấy tập phim bạn thích nữa nhé.
Bạn có thể cố chống lại thế lực vô hình này. Bạn bỏ tiền ra mua sổ lịch trình và chương trình lập kế hoạch trên điện thoại. Bạn có thể tự viết cho mình những ghi chú và điền đầy vào thời gian biểu. Bạn có thể trông giống một kẻ nghiện việc, bao vây bởi những công cụ làm cho cuộc sống trở nên hiệu quả hơn. Nhưng những thứ này chẳng giúp ích gì mấy, bởi vì vấn đề không phải là cách bạn quản lý thời gian – vấn đề nằm ở chỗ bạn là một nhà hoạch định chiến thuật tồi trong cuộc chiến diễn ra bên trong bộ não của chính mình.
Sự trì hoãn len lỏi khắp mọi ngóc nghách trong đời sống của con người, tới nỗi đã có hơn 600 đầu sách đang nằm trên kệ hứa hẹn có thể giúp bạn thoát khỏi nó. Và chỉ trong năm nay thôi đã có thêm 120 đầu sách mới về vấn đề này được xuất bản. Rõ ràng đây là một căn bệnh mà ai cũng mắc phải, vậy tại sao nó lại khó trị đến vậy?
Để giải thích cho vấn đề này, hãy nghĩ tới sức mạnh của những viên kẹo dẻo.
Walter Mischel đã từng tiến hành nhiều thí nghiệm với trẻ con tại Đại học Stanford vào những năm 60 và 70. Ông và đồng nghiệp đã cho chúng những lời đề nghị hấp dẫn. Lũ trẻ tham gia thí nghiệm ngồi trước một cái bàn có để một chiếc chuông và một số món bánh kẹo. Chúng được phép chọn giữa bánh mỳ pretzel, bánh quy, và một viên kẹo dẻo lớn. Các nhà nghiên cứu nói với những đứa trẻ là
chúng có thể ăn món mình thích ngay lập tức, hoặc cố gắng chờ. Nếu chúng chịu khó chờ thì sẽ được nhân đôi số bánh kẹo. Nếu chúng không thể chờ nổi nữa thì sẽ phải rung chuông và thí nghiệm sẽ dừng lại.
Một số đứa trẻ chẳng buồn kiềm chế bản thân và ăn ngay lập tức. Số khác thì nhìn chằm chằm vào món mà chúng thích nhất cho tới khi phải chịu khuất phục trước cám dỗ. Nhiều đứa vặn vẹo người
vì khó chịu, nhúc nhích tay chân trong khi cố nhìn ra chỗ khác. Có những đứa tạo ra những tiếng động buồn cười. Và cuối cùng thì ⅓ trong số đó đã không thể kiềm chế. Thí nghiệm với mục đích ban đầu là tìm hiểu về sự kiểm soát ham muốn, giờ đây sau vài thập kỷ, đã gieo mầm cho những khám phá thú vị về siêu nhận thức – tư duy về tư duy.
Mischel đã theo dõi cuộc sống của tất cả những đứa trẻ tham gia thí nghiệm trên qua thời trung học, những năm tháng đại học, cho tới lúc họ trưởng thành, bắt đầu có con, có việc làm và vay tiền mua nhà. Kết quả nghiên cứu của ông cho thấy những đứa trẻ có khả năng chiến thắng cám dỗ của món lợi trước mắt để nhận được phần thưởng hậu hĩnh hơn không hề thông minh hơn hay ít tham lam hơn nhóm còn lại. Những đứa trẻ này chỉ đơn giản là biết cách tự đánh lừa bản thân để làm việc có lợi hơn cho mình. Chúng nhìn vào những bức tường thay vì đồ ăn. Chúng dậm chân thay vì ngửi mùi kẹo ngọt. Việc phải chờ đợi trong thí nghiệm đó giống như một sự hành hạ đối với tất cả các đối tượng tham gia, nhưng có những đứa trẻ ý thức được rằng chúng sẽ không thể kiềm chế được bản thân nếu chỉ ngồi đó và nhìn chằm chằm vào những miếng kẹo ngon lành. Những đứa trẻ có khả năng kiểm soát ham muốn tốt hơn cũng sử dụng khả năng đó để có được cuộc sống thỏa mãn hơn. Còn
những đứa trẻ rung chuông sớm thì bị dính vào nhiều rắc rối liên quan tới hành vi hơn. Trung bình cộng điểm SAT chênh lệch giữa những đứa trẻ đã nhịn tới cuối cùng và những đứa chọn ăn kẹo ngay lên tới 200 điểm.
Tư duy về tư duy, tự ngẫm về các suy nghĩ, đó chính là điểm mấu chốt. Trong cuộc chiến dai dẳng giữa muốn và nên, có những người đã ngộ ra điều tối quan trọng – muốn sẽ không bao giờ biến mất. Bản chất của sự trì hoãn chỉ đơn giản là việc bạn chọn làm điều mình muốn thay vì điều cần làm bởi vì bạn đâu thể lên kế hoạch cho những lần bị cám dỗ. Bạn thực sự rất kém trong việc dự đoán trước trạng thái tâm lý của mình. Và lại càng chẳng giỏi giang gì trong việc lựa chọn giữa bây giờ và để sau. Chắc bạn cũng biết rằng, để sau là một nơi vô cùng tăm tối mà bất kỳ điều gì cũng có thể đi sai hướng.
Nếu tôi đề nghị đưa bạn 50 đô-la ngay bây giờ, hoặc là đưa 100 đô-la sau một năm, bạn sẽ chọn phương án nào? Rõ ràng là bạn sẽ lấy luôn 50 đô-la phải không? Ăn chắc mặc bền, ai mà biết được điều gì sẽ xảy ra trong vòng một năm tới. Được rồi, vậy sẽ ra sao nếu tôi thay đổi đề xuất: 50 đô-la sau 5 năm, hoặc là 100 đô-la sau 6 năm? Về cơ bản thì chẳng có gì thay đổi trong đề xuất của tôi, ngoại trừ việc có một khoảng thời gian trì hoãn. Vậy mà bây giờ thì bạn có vẻ thiên phía sẽ chờ nhận luôn cả 100 đô-la phải không? Đằng nào cũng mất công đợi mà. Nếu đưa đề xuất này cho một sinh vật có logic thuần túy thì hẳn nó sẽ nghĩ: “nhiều hơn là nhiều hơn” và sẽ luôn chọn phương án với số tiền lớn hơn trong cả hai trường hợp. Vấn đề là ở chỗ bạn không phải là một sinh vật logic thuần túy. Khi đối mặt với hai món hời, bạn luôn có xu hướng chọn thứ mà bạn có thể hưởng thụ ngay thay vì phải chờ đợi, kể cả là khi phần thưởng cho sự chờ đợi có lớn hơn nhiều đi chăng nữa. Ngay tại lúc này,
việc sắp xếp lại hệ thống các thư mục trong máy tính của bạn có vẻ hấp dẫn hơn nhiều so với một nhiệm vụ phải hoàn thành trong tháng tới, ví dụ như một bài khóa luận hay một bản báo cáo. Mặc dù nhiệm vụ này có thể ảnh hưởng tới vị trí công việc hay bằng cấp của bạn, khả năng cao là bạn vẫn sẽ chờ cho tới những ngày cuối mới xắn tay lên làm đúng không? Nhưng nếu bạn cân nhắc xem điều gì sẽ có giá trị hơn sau một tháng – tiếp tục có một công việc được trả lương hay có một màn hình máy tính gọn gàng – chắc chắn là bạn sẽ chọn thứ có giá trị cao hơn. Xu hướng trở nên lý trí hơn khi bị buộc phải chờ đợi được gọi là chiết khấu hyperbol, bởi vì xu hướng gạt bỏ lợi ích lớn hơn từ các giá trị tương lai của bạn giảm dần theo thời gian và tạo thành một đường dốc trên đồ thị hàm số.
Nếu đứng trên phương diện tiến hóa thì quan niệm ăn chắc tại thời điểm hiện tại lại vô cùng hợp lý. Tổ tiên của bạn không phải lo nghĩ về chuyện nghỉ hưu hay mắc bệnh tim mạch khi về già. Bộ não của bạn đã tiến hóa trong một thế giới mà con người ít khi sống được đến lúc gặp cháu mình. Và chính phần não khi ngu ngốc này là thứ khiến bạn muốn bốc ngay đống kẹo và mặc kệ đống nợ chồng chất.
Chiết khấu hyperbol khiến cho để sau trở thành một nhà kho lý tưởng ôm trọn những việc mà bạn không muốn xử lý, nhưng chính nó cũng khiến các kế hoạch tương lai của bạn trở nên quá tải. Bạn chẳng còn đủ thời gian để hoàn thành mọi việc bởi vì bạn nghĩ rằng trong tương lai, tại cái nơi huyền bí trong mơ ấy, bạn sẽ rảnh rỗi hơn hiện tại.
Một trong những cách tốt nhất để biết được mức độ nghiêm trọng của tính trì hoãn là nhìn vào cách mà bạn xử lý các công việc
có thời hạn. Hãy thử tưởng tượng bạn đang tham gia một khóa học và cần phải hoàn thành 3 bài nghiên cứu trong 3 tuần, và giáo viên hướng dẫn đồng ý cho bạn tự đặt lịch nộp bài của mình. Bạn có thể nộp mỗi tuần một bài, nộp hai bài vào tuần đầu tiên và bài cuối vào
tuần tiếp theo. Bạn có thể nộp cả 3 bài vào ngày cuối, hoặc có thể dàn trải ra. Thậm chí bạn cũng có thể nộp cả 3 sau tuần đầu tiên là xong. Tất cả là do bạn quyết định, nhưng một khi đã chọn ngày nộp thì bạn phải hoàn thành đúng thời hạn. Chỉ cần chậm là bạn sẽ ăn ngay trứng ngỗng.
Vậy bạn sẽ quyết định thế nào? Phương án tối ưu nhất sẽ là nộp cả 3 bài trong ngày cuối cùng phải không? Với cách này, bạn có nhiều thời gian để làm tất cả các bài một cách chỉn chu và có cơ hội đạt kết quả tốt nhất. Có vẻ đó là lựa chọn sáng suốt, nhưng bạn chẳng thông minh lắm đâu.
Đó cũng chính là thí nghiệm do Klaus Wertenbroch và Dan Ariely thực hiện với các sinh viên vào năm 2002. Các sinh viên này được chia thành 3 lớp, mỗi lớp đều có 3 tuần để hoàn thành hết các bài nghiên cứu. Lớp A được phép nộp cả 3 bài vào ngày cuối, lớp B phải tự chọn cho mình 3 thời hạn hoàn thành, và lớp C phải nộp mỗi tuần một bài. Lớp nào được điểm cao hơn? Câu trả lời là lớp C, nhóm có thời hạn nộp bài cụ thể. Lớp B, nhóm được tự do chọn thời hạn, xếp thứ hai về điểm số. Và nhóm được phép nộp dồn hết bài vào ngày cuối cùng, lớp A, đã đội sổ. Những sinh viên được phép tự do chọn thời hạn có xu hướng tự chia thời hạn của mình ra khoảng mỗi tuần một bài. Họ ý thức được sự trì hoãn của bản thân nên đã tự tạo ra những khoảng thời gian để ép mình làm việc. Mặc dù vậy, một số người quá lạc quan hoặc là đã đợi đến ngày cuối cùng, hoặc là đã đặt ra những thời hạn không tưởng đã kéo điểm trung bình của
cả nhóm xuống. Những sinh viên không nhận được sự hướng dẫn và áp lực cụ thể, đại diện là lớp A, thường để dồn cả ba bài cho tới tuần cuối cùng mới vội vàng làm. Trong khi đó những người thuộc lớp C, vốn không được phép lựa chọn và bị ép phải chia nhỏ sự trì
hoãn của mình ra thì lại làm tốt nhất, bởi những kẻ phá đám như trong nhóm B đã bị kìm nén. Những người không thành thực với bản thân về xu hướng trì hoãn công việc của mình, hay những người quá tự tin đã không có cơ hội tự huyễn hoặc mình.
Nếu bạn không tin rằng mình sẽ trì hoãn, hay lý tưởng hóa khả năng làm việc chăm chỉ và quản lý thời gian của bản thân, bạn sẽ chẳng bao giờ có thể phát triển được chiến thuật để vượt qua chính điểm yếu của mình.
Sự trì hoãn là một cơn bốc đồng nhất thời, cũng giống như việc bạn mua kẹo ở quầy thanh toán vậy. Sự trì hoãn cũng mang tính chiết khấu hyperbol, ưu tiên chọn một thứ chắc chắn trong hiện tại hơn là một tương lai xa xôi mờ mịt. Bạn phải cực kỳ thông thạo trong việc tư duy về chính những suy nghĩ của mình mới có thể đánh bại sự trì hoãn. Bạn cần phải ý thức được rằng phiên bản hiện tại của bạn đang ngồi đây đọc cuốn sách này, nhưng rồi sẽ có phiên bản khác của bạn trong tương lai chịu ảnh hưởng từ những ý tưởng và ham muốn khác; vẫn sẽ là bạn thôi nhưng với bộ não sở hữu một bảng màu khác để vẽ nên một bức tranh khác về thực tại.
Phiên bản hiện tại của bạn có thể thấy rõ được điểm lợi và hại nhất khi phải lựa chọn giữa việc ngồi nhà học ôn thi hay đi lên sàn nhảy với lũ bạn, ăn salad hay bánh ngọt, ngồi viết bài hay là chơi điện tử. Mẹo là bạn cần phải chấp nhận rằng phiên bản hiện tại của bạn mặc dù ý thức được vậy, nhưng lại không phải là người thực sự
ra quyết định. Kẻ đưa ra quyết định sẽ là bạn-trong-tương-lai, một người không đáng tin cho lắm. Bạn-trong-tương-lai sẽ bị khuất phục trước các cám dỗ, và rồi khi lấy lại được sự minh mẫn như hiện tại thì bạn sẽ cảm thấy vô cùng yếu ớt và xấu hổ. Bởi vậy, bạn-trong hiện-tại cần phải tìm cách đánh lừa bạn-trong-tương-lai, làm sao để hắn buộc phải làm điều tốt nhất cho cả hai. Đây là lý do vì sao những kế hoạch dinh dưỡng như của Nutrisystem⦾ lại có hiệu quả với nhiều người. Họ-trong-hiện-tại đã bỏ rất nhiều tiền ra để mua những hộp thức ăn khổng lồ mà họ-trong-tương-lai phải giải quyết theo đúng kế hoạch. Một số người cũng vì lý do này mà sử dụng những công cụ hỗ trợ như Freedom, một chương trình có khả năng ngắt kết nối Internet trên máy tính trong khoảng thời gian lên tới 8 giờ mỗi ngày, giúp cho họ-trong-hiện-tại kiểm soát và ngăn chặn được họ-trong-tương-lai phá hoại những công sức đã bỏ ra.
Tâm hành gia là những người biết suy nghĩ về chính cách mà họ tư duy, về trạng thái của tâm trí, về hoạt cảnh và bối cảnh. Họ có thể làm việc một cách hiệu quả không hẳn là bởi họ có ý chí hay động lực mạnh mẽ, mà bởi vì họ nắm được rằng hiệu suất làm việc đơn giản là một trò chơi chiến đấu chống lại bản năng ngây ngô vốn không thể tách bỏ của mỗi con người. Nó là thứ luôn ưa chuộng những việc nhẹ nhàng và những điều mới mẻ. Sẽ ý nghĩa hơn nhiều nếu bạn để dành nỗ lực của mình vào việc chiến thắng trò chơi đó, thay vì đặt ra những lời hứa suông hay viết đầy lên quyển lịch những thời hạn vô nghĩa chẳng thể thực hiện được.
SỰ NGỘ NHẬN
TRẠNG THÁI BÌNH THƯỜNG
BẠN VẪN TƯỞNG
Bản năng đương đầu hay chạy ốn của bạn sẽ được kích hoạt khi đối mặt với hiểm nguy.
SỰ THẬT LÀ
Bạn thường ở nên bình thản một cách kỳ lạ ước mối nguy và vờ như mọi chuyện vẫn ổn.
Khi biết một thiên tai khủng khiếp đang ập tới, bạn sẽ làm gì? Gọi điện cho những người yêu thương? Ra khỏi nhà và đứng ngắm cơn bão đang kéo tới? Hay bạn sẽ chui vào bồn tắm và lấy tấm đệm che thân?
Trước bất kỳ tình huống nào bạn gặp trong cuộc sống, phản ứng phân tích đầu tiên của bạn sẽ là đặt nó vào trong một bối cảnh bình thường đối với bản thân, sau đó so sánh và đối chiếu thông tin mới với những điều mà bạn biết rằng thường sẽ xảy ra. Chính bởi điều này mà bạn có xu hướng nhận định những việc kỳ lạ hoặc những tình huống đáng báo động như thể đó là những chuyện bình thường.
Năm 1999, hàng loạt cơn lốc xoáy khủng khiếp đã tàn phá cả một vùng quê của bang Oklahoma liên tục trong ba ngày. Trong số chúng có một cơn lốc kinh hoàng với cái tên Bridge Creek-Moore F5. Phần F5 trong tên của nó là lấy từ Thang đo Lốc xoáy Fujita Cải
tiến. Thang đo này đi từ mức EF1 cho tới EF5 và được dùng để đo sức tàn phá của những cơn gió lốc. Chỉ có dướl 1% những cơn lốc xoáy có thể đạt tới mức độ cao nhất. Ở mức 4 thôi là đã đủ để cuốn
bay xe hơi và phá tan những dãy nhà. Để đạt được mức 5 trên thang đo này, tốc độ gió của cơn lốc phải vượt 200 dặm⁄giờ (322 km⁄h). Cơn lốc Bridge Creek-Moore có gió giật lên tới 320 dặm⁄giờ (515 km⁄h). Cảnh báo thiên tai đã được đưa ra 13 phút trước khi thảm họa ập đến, nhưng nhiều người vẫn không phản ứng gì. Họ đi quanh quẩn với hy vọng rằng cơn lốc sẽ chừa mình ra. Họ thậm chí còn chẳng buồn chạy tới nơi trú ẩn. Hậu quả là cơn lốc đã phá hủy tới 8000 căn nhà và giết chết 36 người. Số thương vong sẽ cao hơn nhiều nếu trước đó không có cảnh báo. Ví dụ như vào năm 1925, một cơn lốc tương tự đã giết chết 695 người. Vậy tại sao đã có cảnh báo rồi mà nhiều người vẫn không hành động và tìm chỗ trú ẩn?
Những người săn bão và các nhà khí tượng học hiểu rõ và mặc nhiên công nhận sự tồn tại của xu hướng trở nên lúng túng khi đối diện với hiểm nguy của con người. Câu chuyện về những người cố gắng lái xe vượt mặt các cơn bão hay gió lốc đã quá phổ biến. Các chuyên gia thời tiết và nhân viên cứu hộ hiểu rằng bạn có thể bị cuốn vào vòng tay ấm áp của sự bình thản khi nỗi sợ hãi len lỏi vào thâm tâm. Các nhà tâm lý học gọi hiện tượng này là ngộ nhận trạng thái bình thường (normalog bias). Nhân viên cứu hộ khẩn cấp thì gọi nó là nỗi hoảng loạn tiêu cực. Hiện tượng kỳ lạ và gây tác dụng ngược này luôn được tính đến trong dự báo thương vong của các trường hợp khẩn cấp từ đắm tàu đến di tản sân vận động. Những bộ phim thảm họa đều sai toét. Khi được cảnh báo về một mối hiểm nguy cận kề, bạn và những người xung quanh thường sẽ không nhanh chân chạy trốn trong lúc vừa khua tay vừa la hét đâu.
Mark Svenhold, một người chuyên săn lốc xoáy, đã viết về tính lây lan của sự ngộ nhận trạng thái bình thường trong cuốn sách Big Weather của mình. Ông nhớ lại những lần người ta thuyết phục ông bình tĩnh và rằng không cần chạy trốn khỏi thảm họa sắp xảy ra. Mark nhận xét rằng ngay cả khi đã có cảnh báo thiên tai, nhiều người vẫn cho rằng đó là vấn đề của người khác. Có những người còn cố gắng chế nhạo ông để khiến ông phải phủ nhận thực tại vì xấu hổ, nhờ đó bản thân họ có thể tiếp tục bình tĩnh. Họ không muốn ông phá vỡ cái bong bóng đời thường của mình.
Ngộ nhận trạng thái bình thường len lỏi vào bộ não của bạn không cần biết mức độ hiểm nguy lớn tới cỡ nào. Nó sẽ xuất hiện cho dù bạn đã được cảnh báo trước từ nhiều ngày, hay chỉ có vài giây để phản ứng giữa sự sống và cái chết.
Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trên một chiếc máy bay Boeing 747 vừa mới hạ cánh sau một chuyến bay dài. Bạn cố giấu đi tiếng thở phào nhẹ nhõm sau khi máy bay đã chạm bánh thành công trên đường băng. Bạn nâng tay vịn của chiếc ghế ngay khi tiếng động cơ đã giảm bớt. Bạn cảm nhận được sự hối hả vội vã của 400 con người đang chuẩn bị rời khỏi máy bay. Quá trình di chuyển chậm rãi tới nhà ga bắt đầu. Bạn nhớ lại một số khoảnh khắc vừa trải qua trên chiếc máy bay khổng lồ này, đó là một chuyến bay tương đối thoải mái, ít xóc và bạn đồng hành dễ chịu. Bạn đã bắt đầu thu dọn hành lý và chuẩn bị tháo dây an toàn. Nhìn ra cửa sổ, bạn cố căng mắt tìm một thứ gì đó quen thuộc trong đám sương mù dày đặc. Bỗng dưng, chẳng có một tiếng cảnh báo nào cả, một cú sốc nhiệt và áp suất cực mạnh cắt vào da thịt bạn. Tiếng nổ khủng khiếp làm rung động tất cả các bộ phận trong cơ thể bạn và xé toạc chiếc máy bay. Tiếng rít của kim loại như tiếng hai đoàn tàu đâm sầm vào nhau
ngay dưới cằm bạn làm đôi tai muốn nổ tung. Luồng nhiệt nóng rát chạy xuyên qua không gian xung quanh bạn, lấp đầy mọi chỗ trống. Ngọn lửa phun trào qua những hàng ghế, lối đi, và ngay cả trên đầu lẫn dưới chân bạn. Nó rút đi rất nhanh, nhưng để lại một luồng khí nóng không thể chịu đựng được. Tóc bạn cháy xém thành tro. Giờ thì bạn chỉ có thể nghe thấy tiếng lửa cháy râm ran xung quanh mình.
Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi đó, trên ghế của mình. Nóc của chiếc máy bay đã biến mất và bạn có thể nhìn thấy bầu trời phía trên. Hàng loạt những cột lửa lại đang bùng lên dữ dội. Những lỗ lớn bên hông máy bay có thể trở thành đường thoát thân. Vậy bạn sẽ hành động thế nào?
Hẳn bạn đang nghĩ rằng mình sẽ đứng bật dậy thật nhanh và hét to “Nhanh lên! Hãy chạy ra khỏi đây!” Nếu không phải vậy thì chắc bạn nghĩ mình sẽ hoảng loạn tột cùng và co người lại tư thế của một thai nhi. Dựa trên số liệu thống kê thì không phải là cái nào trong cả hai phương án trên đâu. Điều bạn làm trong trường hợp ấy kỳ quặc hơn nhiều.
Năm 1977, trên đảo Tenerife thuộc quần đảo Canary, một loạt những biến cố và sai lầm đã dẫn tới việc hai chiếc máy bay Boeing 747 đâm vào nhau trong lúc một chiếc chuẩn bị cất cánh.
Một chiếc máy bay của hãng Pan Am chở 496 người đang di chuyển chậm dọc theo đường băng trong điều kiện thời tiết sương mù dày đặc. Cùng lúc đó, ở cuối đường băng, máy bay của hãng hàng không Hà Lan KLM với 248 hành khách xin phép được cất cánh. Sương mù dày tới nỗi phi hành đoàn của chiếc KLM không thể nhìn thấy chiếc máy bay còn lại, và tháp điều khiển cũng không