🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bản Đồ Và Vùng Đất - Michel Houellebecq & Cao Việt Dũng (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết]
Ebooks
Nhóm Zalo
Lời cảm ơn
Thường thì tôi không có ai để cảm ơn, vì tôi ít khi đi tìm tài liệu, thậm chí là rất ít khi, mặc dù người ta cứ hay so sánh tôi với một tác giả người Mỹ. Nhưng lần này, tôi rất ấn tượng và rối trí trước ngành cảnh sát, và thấy có lẽ cần thu thập thông tin nhiều hơn.
Vậy nên tôi rất sung sướng được cảm ơn Teresa Cremisi, người đã thực hiện các thủ tục cần thiết, cũng như chánh văn phòng Henry Moreau cùng thiếu tá cảnh sát Pierre Dieppois, họ đã thân ái tiếp đón tôi ở Ke Orfèvres và cho tôi những lời giải thích rất hữu ích về nghề nghiệp khó nhọc của mình.
Lẽ dĩ nhiên tôi rất thoải mái trong việc thay đổi các sự kiện, và các ý kiến được nêu ra chỉ liên quan đến các nhân vật phát biểu ra chúng; nhìn chung, ta phải nhớ mình đang ở trong khuôn khổ một tác phẩm hư cấu.
Tôi cũng cảm ơn Wikipedia (http://fr.wikipedia.org) và những người đóng góp ở đó, thỉnh thoảng tôi đã lấy nguồn thông tin này làm cảm hứng, nhất là các thông tin về loài ruồi, về thành phố Beauvais và về nhân vật Frédéric Nihous.
“Thế giới chán tôi lắm rồi, Và tôi cũng đã chán nó.” Charles d’Orléans
Jeff Koons đứng bật dậy khỏi ghế, hai cánh tay vung về phía trước trong một cơn hứng khởi. Ngồi trước mặt ông trên ghế sofa bằng da màu trắng một phần phủ vải lụa, hơi thu mình lại, Damien Hirst(*) như thể sắp buột
miệng một lời phản đối; khuôn mặt ông ửng đỏ, sầu muộn. Cả hai đều mặc com lê đen - bộ của Koons có các đường sọc mảnh - áo sơ mi trắng và cà vạt đen. Giữa hai người, trên cái bàn thấp là một giỏ đựng những thứ trái cây dầm mà không ai mảy may chú ý đến; Hirst uống một lon Budweiser Light.
Sau lưng họ, một ô kính lớn mở xuống khung cảnh toàn những tòa nhà cao tạo thành khối chằng chịt kiểu Babylon những hình đa diện khổng lồ, trải dài đến tận chân trời; đêm thật sáng, không khí trong suốt. Như thể đang ở Qatar, hoặc Dubai; cách bài trí của căn phòng trên thực tế lấy cảm hứng từ bức ảnh rút ra từ một quảng cáo Đức rất xa xỉ, khách sạn Emirates ở Abu Dhabi.
Trán Jeff Koons hơi sáng bóng lên; Jed lấy bàn chải đánh mờ đi, rồi lùi lại ba bước. Chắc chắn là có một vấn đề với Koons. Hirst về cơ bản thì dễ nắm bắt: có thể làm ông trở nên tàn bạo, vô sỉ, theo kiểu “tôi ngồi trên đống tiền của tôi ị vào các người”; cũng có thể biến ông thành nghệ sĩ nổi loạn (nhưng dù sao thì vẫn giàu) theo đuổi một tác phẩm đầy hoang mang về cái chết; rồi thì ở khuôn mặt ông có cái gì đó như tứa máu và nặng nề, điển hình kiểu Anh, trông rất giống một người hâm mộ cuồng nhiệt của câu lạc bộ Arsenal. Nhìn chung là nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng có thể kết hợp được trong bức chân dung thuần nhất, khả dĩ tái hiện, về một nghệ sĩ Anh điển hình của thế hệ ông. Còn Koons thì như thể mang trong mình cái gì đó có tính chất kép, giống như một điều mâu thuẫn không thể vượt qua giữa sự mưu mô thông thường của địa hạt kỹ thuật-thương mại và trạng thái xuất thần của người khổ hạnh. Đã ba tuần nay Jed bỏ công sửa
sang biểu hiện của Koons đang đứng bật dậy khỏi ghế, hai cánh tay vung về phía trước trong một cơn hứng khởi như thể đang cố thuyết phục Hirst; việc này cũng khó y như khi phải vẽ một nhà văn theo phái Mormon(*) chuyên viết văn khiêu dâm.
Anh có những bức ảnh chụp Koons một mình, chụp với Roman Abramovitch, Madonna, Barack Obama, Bono, Warren Buffett, Bill Gates… Không bức ảnh nào diễn đạt được dù chỉ một mảy may tính cách của Koons, thoát được ra khỏi cái vẻ ngoài một tay bán xe ôtô mui trần Chevrolet mà ông đã chọn khoác lên mình để đối mặt với thế giới, thật đáng bực, mặt khác từ lâu nay các nhiếp ảnh gia đã làm Jed phát bực, đặc biệt là các nhiếp ảnh gia lớn, với lời tự phụ có thể hé lộ được trong những bức ảnh của mình sự thật của những người làm mẫu cho họ; họ chẳng hé lộ được cái gì hết, họ chỉ làm mỗi một việc là đứng ra trước mặt bạn và nhấn nút kích hoạt động cơ chiếc máy của họ để chụp lấy hàng trăm bức ảnh trong niềm sung sướng nhỏ mọn với những tiếng cục cục thốt ra từ cổ họng, và sau này họ chọn lấy những bức đỡ tệ nhất của cả loạt, đó chính là cách họ tiến hành, không có ngoại lệ, tất cả những tay tự cho mình là nhiếp ảnh gia lớn ấy, cá nhân Jed có quen biết một số trong đó và chỉ cảm thấy khinh bỉ bọn họ, anh xem tất tật bọn họ có khả năng sáng tạo gần gần ngang bằng với một cái Photomaton(*).
Trong bếp, vài bước chân đằng sau lưng anh, hệ thống sưởi liên tục phát ra những tiếng lạch xạch khô khốc. Anh đứng lặng, tê liệt. Đã là 15 tháng Chạp.
Một năm trước, gần như cùng ngày, hệ thống sưởi của anh cũng phát ra những tiếng lạch xạch giống hệt, trước khi ngừng hoạt động hẳn. Trong vài giờ, nhiệt độ trong xưởng vẽ giảm xuống 3°C. Anh cũng cố ngủ được một chút, đúng hơn là lịm đi từng quãng ngắn. Khoảng sáu giờ sáng, anh dùng những lít nước nóng cuối cùng trong bình đun để rửa ráy qua loa, rồi pha cho mình một tách cà phê, trong khi chờ nhân viên của Sửa đường ống thông dụng - họ đã hứa cử một người đến vào đầu buổi sáng.
Trên trang web của mình, Sửa đường ống thông dụng tự nhận sẽ “đưa nghề sửa đường ống bước vào thiên niên kỷ thứ ba”; họ nên bắt đầu bằng việc đúng giờ hẹn, Jed cáu kỉnh nghĩ vào khoảng mười một giờ, đi đi lại lại trong xưởng vẽ mà người mãi không ấm lên được. Khi ấy anh đang làm việc với bức tranh vẽ bố anh, mà hẳn anh sẽ đặt tên là “Kiến trúc sư Jean Pierre Martin rời chức vụ quản lý hãng của mình”; không thể tránh khỏi, nhiệt độ giảm sẽ làm chậm quá trình khô của lớp màu cuối cùng. Như mọi năm, anh nhận lời ăn tối với bố vào tối Giáng sinh, hai tuần sau đó, và hy vọng hoàn thành bức tranh từ trước; nếu một tay thợ đường ống không nhanh chóng can thiệp, việc này khéo mà hỏng mất. Nói cho thật đúng thì sự việc chẳng có chút quan trọng nào, anh không hề có ý định tặng bức tranh này cho bố, anh chỉ muốn cho ông xem nó; tại sao bỗng dưng anh lại gán cho nó tầm quan trọng lớn đến vậy? Nhất định lúc đó anh căng thẳng quá, anh làm việc quá nhiều, anh bắt tay vẽ sáu bức tranh cùng một lúc, từ vài tháng nay anh không dừng lại nữa, thật không hợp lý.
Quãng mười lăm giờ, anh quyết định gọi lại cho Sửa đường ống thông dụng; điện thoại bận suốt. Anh gọi được cho họ lúc quá mười bảy giờ một chút; cô nhân viên phụ trách trả lời khách hàng viện cớ công việc tăng vọt bất thường vì trời lạnh quá, nhưng hứa sáng hôm sau sẽ có người đến,
không sai hẹn. Jed bỏ máy, rồi đặt một phòng ở khách sạn Mercure trên đại lộ Auguste-Blanqui.
Hôm sau anh lại đợi, suốt cả ngày, người của Sửa đường ống thông dụng, và cả Đơn giản là thợ sửa đường ống, mà anh đã gọi điện tới để liên hệ. Đơn giản là thợ sửa đường ống hứa hẹn sẽ tôn trọng các truyền thống thủ công của “ngành sửa chữa đường ống cao cấp”, nhưng hóa ra cũng không hơn gì về khả năng đúng hẹn.
Trên bức tranh Jed vẽ bố anh, ông đứng trên cái bục giữa một nhóm gồm khoảng năm mươi nhân viên của công ty, nâng cốc cùng một nụ cười đau đớn. Bữa tiệc chia tay được tổ chức trong open space(*) tại văn phòng kiến trúc sư của ông, một phòng lớn tường sơn trắng, dài ba mươi mét rộng hai mươi mét, được chiếu sáng qua hệ thống kính, nơi đặt xen kẽ những bộ máy vi tính và những cái bàn gá trên giá đỡ các ma két dày vẽ những dự án đang thực hiện. Phần đông người dự tiệc là thanh niên trẻ có bộ dạng nerd(*) - những người dựng phối cảnh. Đứng bên dưới cái bục, ba kiến trúc sư trạc tứ tuần vây quanh bố anh. Theo một cấu hình vay mượn từ một bức tranh ít được biết đến của Lorenzo Lotto(*), mỗi người bọn họ tránh ánh mắt hai người còn lại, đồng thời tìm cách đón lấy ánh mắt của bố anh; mỗi người trong bọn họ, người ta sẽ hiểu ngay, đều nuôi hy vọng tiếp nối ông ở vị trí đứng đầu hãng. Ánh mắt của bố anh, hơi chếch lên phía trên những người khác, thể hiện mong muốn tập hợp lại lần cuối cùng ê kíp của mình ở xung quanh, một niềm tin vừa phải vào tương lai, nhưng chủ yếu là một nỗi buồn tuyệt đối. Nỗi buồn vì phải rời cái công ty mà ông dựng nên, nơi ông đã cống hiến phần lớn sức lực của mình, nỗi buồn về điều không thể thoát khỏi: hiển nhiên ta đang đứng trước một người đã kết thúc.
Giữa buổi chiều, Jed cố đến chục lần mà không sao gọi được cho Ze Plomb’, họ sử dụng Skyrock làm nhạc chờ, trong khi Đơn giản là thợ sửa đường ống chọn Những tiếng cười và những bài ca.
Khoảng mười bảy giờ, anh sang khách sạn Mercure. Bóng tối đã buông xuống trên đại lộ Auguste-Blanqui; đám người vô gia cư đã đốt một đống lửa bên mé đường phụ.
Những ngày tiếp theo diễn ra gần như theo cùng cách thức, bấm số điện thoại các hãng sửa đường ống, gần như luôn luôn bị chuyển ngay sang một đoạn nhạc chờ, đợi chờ, trong cái lạnh ngày một thêm băng giá, gần bức tranh mãi không chịu khô.
Một giải pháp xuất hiện vào buổi sáng ngày 24 tháng Chạp, dưới hình dạng một thợ thủ công người Croatia sống liền kề, đại lộ Stephen-Pichon - Jed tình cờ nhìn thấy biển hiệu khi từ khách sạn Mercure về nhà. Anh ta rỗi, vâng, ngay lập tức. Đó là một người đàn ông nhỏ thó tóc đen, nước da nhợt nhạt, những đường nét hài hòa và mảnh, mang một bộ ria khá Belle Époque(*); trên thực tế anh ta hơi giống Jed - nếu bỏ đi bộ ria.
Ngay sau khi bước vào căn hộ anh ta kiểm tra ngay bình đun nước, kiểm tra rất lâu, tháo bảng điều khiển ra, dùng những ngón tay mảnh khảnh lần theo đường đi phức tạp của hệ thống đường ống. Anh ta nói về mấy cái van, và các xi phông. Nhìn chung anh ta tạo cảm giác biết rất nhiều điều về cuộc sống.
Sau mười lăm phút xem xét, chẩn đoán của anh ta là như sau: anh ta có thể sửa, vâng, anh ta có khả năng tiến hành một dạng sửa chữa, đó là một công việc tốn năm mươi euro, không hơn. Nhưng không hẳn là sửa chữa đúng nghĩa đâu mà đúng hơn đó là một sự vụ thao tác vụn vặt, chắc phải mất vài tháng, thậm chí vài năm nếu mọi chuyện thuận lợi, nhưng dẫu có như thế anh ta cũng từ chối bảo hành lâu dài; nói chung hơn, anh ta thấy thật không lành mạnh khi đặt cược lâu dài cho tương lai của cái bình đun nước nóng này.
Jed thở dài; anh đã có phần chờ đợi chuyện này, anh thú nhận. Anh còn nhớ rất rõ cái ngày anh quyết định mua căn hộ, chín năm về trước; anh nhìn thấy lại cái tay môi giới bất động sản, tròn vo và đầy vẻ thỏa mãn, mặc dù tán tụng ánh sáng tuyệt vời, không che giấu là sẽ cần làm một số “chỉnh lý”. Khi ấy anh đã tự nhủ cái tay này hiển nhiên phải là môi giới bất động sản, hoặc bác sĩ phụ khoa.
Trong mấy phút đầu tiên mới chỉ tỏ ra nồng nhiệt, tay môi giới bất động sản tròn vo rơi vào một cuộc lên đồng trữ tình thực thụ khi biết Jed là nghệ sĩ. Đây là lần đầu, gã hét lên, gã có cơ hội bán một xưởng nghệ sĩ cho
một nghệ sĩ. Trong một lúc Jed e rằng gã sẽ tuyên bố mình đoàn kết với các nghệ sĩ chân chính chống lại bọn bobo(*) và những thể loại philitxtanh
(*) khác cùng dạng, bọn làm giá cả tăng lên, khiến các nghệ sĩ không có được xưởng nghệ sĩ, và làm thế nào bây giờ có phải không tôi không thể đi ngược lại chân lý thị trường có phải vai trò của tôi đâu, nhưng thật là may việc này không xảy ra, tay môi giới bất động sản tròn vo chỉ giảm giá 10% cho anh - có khả năng gã đã trù tính điều này từ trước một cuộc thỏa thuận nho nhỏ.
“Xưởng nghệ sĩ”, cần phải hiểu, là một cái vựa gắn nhiều kính, một bộ kính đẹp, cái đó thì đúng, và vài phòng phụ tối mờ, vừa đủ cho một người như Jed, vốn chỉ cần đến các phương tiện vệ sinh tối thiểu. Nhưng quả thực từ đây nhìn ra thì phong cảnh rất tuyệt: sau quảng trường Alpes còn nhìn được đến đại lộ Vincent-Auriol, bến tàu điện ngầm trên không, và xa hơn nữa, đến tận những pháo đài hình tứ diện xây vào giữa những năm 1970 với sự đối nghịch hoàn toàn với tổng thể phong cảnh thẩm mỹ Paris, và đó là những thứ Jed thích nhất ở Paris, rất thích, ở phương diện kiến trúc.
Người đàn ông Croatia sửa chữa xong xuôi, bỏ túi năm mươi euro. Anh ta không đưa hóa đơn cho Jed, mà anh cũng không hề chờ đợi. Cửa vừa khép lại sau lưng anh ta thì anh ta lại gõ, những tiếng gõ nhỏ và đanh. Jed mở hé cửa ra.
- À, thưa ông, người đàn ông nói. Chúc ông Giáng sinh vui vẻ. Tôi muốn nói với ông: Chúc ông Giáng sinh vui vẻ,
- Vâng, đúng thế, Jed đáp, đầy bối rối. Tôi cũng chúc anh Giáng sinh vui vẻ.
Khi ấy anh mới nghĩ đến vấn đề xe taxi. Đúng như anh trông chờ, AToute thẳng cánh từ chối chở anh đến Raincy, còn Speedtax chỉ nhận đưa anh đến ga tàu, cùng lắm thì tới tòa thị chính, chứ chắc chắn là không bén mảng lại sát khu Cigales. “Vì các lý do an ninh, thưa ông…” tay nhân viên
thì thầm với một chút âm sắc trách móc. “Chúng tôi chỉ phục vụ ở các vùng hoàn toàn được đảm bảo về an ninh, thưa ông”, về phần mình nhân viên trực của Voitures Fernand Garcin cho biết với một cái giọng trịnh trọng trơn tuột. Dần dà anh cảm thấy tội lỗi vì đã muốn qua đêm Giáng sinh ở một vùng kỳ quặc như khu Cigales, và như mọi năm anh bắt đầu giận bố mình vì cứ bướng bỉnh từ chối rời ngôi nhà tư sản đó, ngôi nhà có vườn
rộng bao quanh, đã bị những biến động dân số dần đẩy vào chính giữa một vùng ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, nói cho đúng thì từ lâu nay đã hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của các băng nhóm.
Trước tiên là phải gia cố tường bao, dựng một lưới sắt nối điện ở bên trên, lắp đặt hệ thống kiểm soát qua video kết nối thẳng với sở cảnh sát, tất tật những việc ấy chỉ là để bố anh có thể lảng vảng trong cô độc tại mười hai căn phòng không cách nào sưởi ấm nổi nơi chẳng ai đến thăm ngoài Jed, mỗi dịp đêm Giáng sinh. Từ lâu nay các cửa hàng gần đó đã biến mất, và không thể nào đi bộ ra các phố bên cạnh - những vụ tấn công ngay cả vào xe ôtô không hề hiếm gặp tại chỗ dừng chờ đèn giao thông. Tòa thị chính Raincy đồng ý cung cấp cho ông một người giúp việc nội trợ - một người phụ nữ Senegal quàu quạu và thậm chí độc ác tên là Fatty, ngay từ những ngày đầu tiên đã lấn lướt ông, từ chối thay ga trải giường hơn một lần mỗi tháng, và rất có khả năng ăn cắp khoản tiền chợ ông đưa.
Dù sao thì nhiệt độ vẫn chậm chạp tăng lên ở trong phòng. Jed chụp ảnh bức tranh đang vẽ dở, ít nhất thì làm vậy anh cũng sẽ có cái gì đấy cho bố xem. Anh cởi bỏ quần dài và áo pull, ngồi xếp bằng tròn trên tấm đệm nhỏ đặt ngay trên sàn nhà chỗ anh vẫn hay trải giường, quấn một tấm chăn lên người. Dần dà, anh giảm nhịp thở của mình xuống. Anh tưởng tượng trong óc những đợt sóng vỗ chậm chạp, lười biếng, dưới một hoàng hôn sẫm màu. Chủ định của anh là đưa tâm trí mình đến một vùng bình lặng; cố hết sức, anh chuẩn bị tâm trí mình cho đêm Giáng sinh mới này ở chỗ bố anh.
Sự chuẩn bị tinh thần này đã có hiệu quả, và buổi tối hôm ấy là một vùng thời gian trung tính, thậm chí là có phần vui tươi; từ lâu rồi anh không hy vọng có gì khá hơn.
Sáng hôm sau, quãng bảy giờ, cho rằng các băng nhóm, cả bọn họ nữa, cũng tổ chức tiệc Giáng sinh, Jed đi bộ ra đến ga Raincy và về tới Ga Đông mà không gặp phải phiền phức gì.
Một năm sau sự sửa chữa vẫn trụ vững, đây là lần đầu tiên hệ thống sưởi phát ra tín hiệu suy yếu. Bức “Kiến trúc sư Jean-Pierre Martin rời chức vụ quản lý hãng của mình” đã hoàn thành từ lâu, để trong kho gallery treo tranh của Jed, đợi một cuộc triển lãm cá nhân bị lần lữa mãi chưa tổ chức được. Bản thân Jean-Pierre Martin - trước sự kinh ngạc của con trai, và trong hoàn cảnh từ lâu đã từ chối nói với anh về chuyện này - quyết định rời ngôi nhà Raincy đến sống tại một nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế tại Boulogne. Bữa ăn hằng năm của họ lần này sẽ diễn ra trong một quán trên đại lộ Bosquet tên là Ở nhà bố. Jed đã chọn nó từ tạp chí Pariscope vì tin vào một quảng cáo hứa hẹn đảm bảo chất lượng truyền thống, kiểu cũ, và lời hứa, xét về đại thể, đã được thực hiện đúng. Những ông già Noel và những cây thông trang trí vòng hoa điểm xuyết căn phòng còn trống một nửa, chủ yếu gồm toàn các nhóm nhỏ những người già, thậm chí rất già, nhai nuốt rất cẩn thận, có ý thức và gần như ngấu nghiến những món ăn truyền thống. Có thịt lợn rừng, thịt lợn sữa, gà tây; món tráng miệng, rất tự nhiên, là một cái bánh ngọt hình khúc củi kiểu cũ do nhà hàng đề nghị được các nhân viên phục vụ lịch sự, nhũn nhặn đến mờ nhạt, mang ra trong im lặng, như thể phục vụ cho những người bị bỏng nặng. Jed đã làm một việc hơi trẻ con, anh nhận thức được hoàn toàn điều này, khi mời bố một bữa ăn như thế. Người đàn ông khô cằn, nghiêm túc, khuôn mặt dài khắc khổ này chưa bao giờ tỏ ra bị lôi cuốn vào những lạc thú bàn ăn, và những lần hiếm hoi Jed đi ăn bên ngoài với ông, khi ông cần gặp anh ở gần chỗ làm của ông, thì bố anh đều chọn một quán sushi - luôn luôn cùng một quán ấy. Thật ủy mị và vô vọng khi muốn thiết lập sự vui vẻ trong ăn uống không thể có nữa, thậm chí dường như chưa từng bao giờ có - vợ ông, lúc còn sống, luôn luôn ghét làm bếp. Nhưng đây là Giáng sinh, và nếu không thì gì bây giờ? Thờ ơ với các vấn đề ăn mặc, bố anh cũng ngày một ít đọc sách hơn, và như thể không còn quan tâm nhiều lắm đến cái gì nữa. Ông,
theo lời bà giám đốc nhà dưỡng lão, “hòa nhập một cách vừa phải” điều này dường như có nghĩa là gần như ông không còn nói chuyện với ai. Lúc này, ông cần mẫn nhai món thịt lợn sữa của mình, gần như là với cùng một biểu hiện khi đó là một cục cao su, không gì cho thấy ông muốn phá vỡ bầu không khí im lặng đã kéo dài, và Jed, nóng nảy (lẽ ra anh không nên gọi Gewurztraminer(*) với sò, anh đã hiểu điều đó ngay khi gọi món, rượu vang trắng lúc nào cũng làm rối loạn suy nghĩ của anh), bồn chồn tìm một cái gì đó ngõ hầu giống được với một chủ đề trò chuyện. Nếu anh từng lấy vợ, nếu ít ra anh có một cô bạn gái, hoặc giả một người phụ nữ nào đó, thì hẳn là mọi việc sẽ khác đi nhiều lắm - dù sao thì phụ nữ cũng xoay xở giỏi hơn đàn ông trong những câu chuyện gia đình, đó là chuyên môn mà ai cũng có, một chút, ngay cả khi vắng mặt những đứa trẻ thực thì chúng vẫn ở đó, theo lối tiềm năng, ở phía chân trời của cuộc trò chuyện, mà người già thì quan tâm đến cháu, điều này ai cũng biết, họ kết nối cái đó với các vòng xoay chuyển của tự nhiên hoặc với cái gì đó, dù thế nào thì cũng có một dạng cảm xúc rốt cuộc cũng sinh ra được trong cái đầu già nua của họ, đứa con trai là cái chết của ông bố điều ấy thì chắc rồi nhưng với người ông đứa cháu là một dạng hồi sinh hay trả thù, và như thế là rất đủ, ít nhất là trong khoảng thời gian của một bữa ăn Giáng sinh. Đôi khi Jed tự nhủ lẽ ra mình phải thuê lấy một escort(*) cho những bữa tối Giáng sinh này, chuẩn bị sẵn một tác phẩm hư cấu nho nhỏ, hẳn chỉ cần tóm tắt tình hình cho cô gái từ hai tiếng trước, bố anh đâu có quá tò mò về chi tiết đời người khác, không hơn gì đàn ông nói chung.
Tại các nước Latinh, chính trị có thể là đủ cho các nhu cầu trò chuyện của đàn ông trung tuổi hoặc lớn tuổi; ở các tầng lớp thấp hơn thì đôi khi thể thao có thể tiếp sức được, ở những người chịu rất nhiều ảnh hưởng của các giá trị Anglo-Saxon, vai trò của chính trị thường được chuyển sang cho kinh tế và tài chính; văn chương cũng có thể cung cấp một chủ đề hỗ trợ. Ở trường hợp của mình, cả Jed lẫn bố anh đều không thực sự quan tâm đến kinh tế, chính trị cũng không hơn gì. Jean-Pierre Martin về cơ bản tán thành cách thức đất nước được điều hành, và con trai ông không có chính kiến; dù thế, người này rồi người kia, bằng cách phân tích tỉ mỉ từng bộ một, họ cũng trụ vững được cho đến món pho mát.
Đến khi có pho mát thì bố của Jed hoạt bát lên một chút, và ông hỏi con trai về các dự án nghệ thuật. Thật không may, lần này chính Jed lại có nguy
cơ làm bầu không khí trở nên nặng nề, vì bức tranh gần đây nhất của anh, “Damien Hirst và Jeff Koons chia nhau thị trường nghệ thuật”, nhất định là anh không còn cảm thấy nó được nữa, anh sa lầy, một dạng sức lực vẫn nâng đỡ anh từ một hai năm nay đang đuối dần, teo tóp lại, nhưng ích gì khi nói tất cả những thứ ấy với bố anh, ông thì làm được gì, mà cũng chẳng ai làm được gì, trước một lời tâm sự như vậy người ta chỉ có thể buồn bã hơi hơi, dù gì thì cũng quá ít ỏi, những mối liên hệ con người.
- Con đang chuẩn bị một cuộc triển lãm cá nhân vào mùa xuân, cuối cùng anh thông báo. À mà việc này đang bị chậm trễ một chút. Franz, chủ gallery của con, muốn có một nhà văn cho quyển catalô. Ông ấy nghĩ đến Houellebecq.
- Michel Houellebecq?
- Bố có biết à? Jed hỏi, đầy kinh ngạc. Chưa bao giờ anh ngờ là bố anh lại vẫn còn quan tâm đến một sản phẩm văn hóa nào đó.
- Ở nhà dưỡng lão có một thư viện nhỏ; bố đã đọc hai tiểu thuyết của ông ta. Bố thấy đó là một tác giả hay đấy. Đọc dễ chịu lắm, và ông ta có một cái nhìn khá đúng về xã hội. Ông ta đã trả lời con chưa?
- Chưa, chưa thấy… giờ đây thì Jed đã suy nghĩ rất nhanh. Nếu ngay một người bị sa lầy sâu đến như vậy vào trong một cái vòng thói quen tuyệt vọng và gây chết người, một người dấn thân sâu sắc đến như vậy vào con đường u tối, vào lối đi của Những Cái Bóng của Cái Chết, tức là bố anh, mà còn biết đến sự tồn tại của Houellebecq, thì nhất định là có điều gì đó ở tác giả này. Khi ấy anh mới nhớ ra mình quên viết email giục Houellebecq, như Franz đã nhiều lần khuyên anh. Và thế nhưng mọi việc đã gấp gáp lắm rồi. Nhìn vào ngày tổ chức Art Basel và Frieze Art Fair, phải tổ chức cuộc triển lãm vào tháng Tư, muộn nhất là tháng Năm, và rất khó đòi Houellebecq viết một bài cho catalô trong vòng mười lăm ngày, đó là một tác giả nổi tiếng, thậm chí nổi tiếng trên toàn thế giới, ít nhất là theo lời Franz.
Sự phấn khích của bố anh đã tan biến, ông nhai miếng pho mát Saint Nectaire của mình cũng ít hào hứng như khi nhai thịt lợn sữa. Chắc hẳn vì lòng cảm thông mà người ta giả định rằng ở những người lớn tuổi có khả năng phàm ăn đặc biệt mạnh mẽ, bởi người ta muốn tự thuyết phục mình rằng ít nhất thì họ vẫn còn lại cái đó, trong khi phần lớn trường hợp các
khoái cảm nếm náp đã tắt ngấm không sao cứu vãn nổi, như mọi thứ khác. Còn lại những cơn rối loạn tiêu hóa, và bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Cách họ vài mét về bên trái, ba người phụ nữ trạc tám mươi tuổi như thể đang dưỡng tâm trên đĩa xa lát hoa quả của mình - có lẽ là để tưởng niệm những người chồng đã khuất bóng. Một trong số họ chìa tay về phía cốc sâm banh, rồi bàn tay rơi thõng xuống mặt bàn; ngực bà nhô lên vì cố gắng quá mức. Sau vài giây bà thử làm lại, bàn tay run lên khủng khiếp, khuôn mặt nhăn nhúm vì tập trung cao độ. Jed ngăn mình không can thiệp, anh hoàn toàn không ở vào vị thế để can thiệp. Bản thân người phục vụ, đứng cách đó vài mét, nhìn rõ sự việc bằng một cái nhìn chăm chú, cũng không ở vào vị thế để can thiệp; người đàn bà ấy giờ đây đang tiếp xúc trực tiếp với Chúa. Có khả năng bà gần tuổi chín mươi hơn tuổi tám mươi. Để mọi thứ được hoàn chỉnh, đến lượt món tráng miệng được mang ra. Với vẻ khinh khỉnh, bố của Jed bắt đầu tấn công món bánh ngọt hình củi truyền thống. Giờ thì không còn lâu nữa. Với họ thời gian trôi qua thật kỳ quặc: mặc dù chẳng có gì được nói ra, mặc dù im lặng giờ đây đã được thiết lập vững chắc quanh bàn hẳn mang lại cảm giác nặng nề toàn phần, có vẻ như là các giây, thậm chí là các phút, trôi đi với một tốc độ vũ bão. Nửa giờ sau, thậm chí chẳng có đến một ý nghĩ nào thực sự lướt qua trong óc, Jed đi cùng bố đến bến taxi. Mới mười giờ tối, nhưng Jed biết những người khác ở nhà dưỡng lão đã coi bố anh như một người nhiều may mắn; có được một ai đó, vài tiếng đồng hồ, cho dịp Giáng sinh. “Ông có một thằng con trai tốt đấy…”, người ta đã nhiều lần nêu nhận xét với ông. Sau khi vào nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế, nhà doanh nghiệp trước đây - đã trở thành, theo lối dù sao cũng không thể phủ nhận, một ông lão - thấy mình phần nào ở vào vị thế đứa trẻ ở nội trú. Thỉnh thoảng, có những cuộc viếng thăm: khi ấy thì là hạnh phúc, nó có thể khám phá thế giới, ăn Pépito và gặp thằng hề Ronald McDonald. Nhưng, thường xuyên nhất, nó không có cái đó: nó buồn bã đi lang thang, giữa những cọc gôn bóng ném, trên nền đất rải nhựa của khu ký túc xá trống hoác. Nó đợi được giải phóng, được bay lên.
Về lại xưởng vẽ của mình, Jed thấy hệ thống sưởi vẫn còn hoạt động, nhiệt độ bình thường, thậm chí còn nóng. Anh cởi một ít quần áo rồi nằm dài ra trên tấm đệm và thiếp đi ngay, đầu óc trống rỗng hoàn toàn.
Anh choàng tỉnh giữa đêm, đồng hồ chỉ 4 giờ 43. Nhiệt độ trong phòng rất nóng, gần như là ngột ngạt. Chính tiếng ồn của hệ thống đun nước nóng đã đánh thức anh, nhưng đó không phải những tiếng lạch xạch quen thuộc, lần này cái máy phát ra tiếng gầm gừ kéo dài, trầm, gần như là dưới mức độ
âm thanh. Anh giật mạnh cửa sổ phòng bếp mở nó ra, các ô kính phủ đầy giá. Không khí lạnh buốt tràn vào phòng. Sáu tầng phía dưới, những tiếng làu nhàu như lợn kêu khuấy động đêm Giáng sinh. Anh đóng ngay cửa sổ
lại. Rất có khả năng những người lang thang đã đột nhập vào sân; ngày hôm sau, bọn họ sẽ tận dụng thứ đồ ăn thừa đêm Giáng sinh chất đầy trong những thùng rác của tòa nhà. Sẽ không người thuê nhà nào dám gọi cảnh sát để tống khứ họ đi - chẳng ai làm vậy vào một ngày Giáng sinh. Thường thì rốt cuộc người thuê nhà dưới tầng hai sẽ phải lo chuyện này - một người đàn bà trạc sáu mươi tuổi, tóc nhuộm lá móng, mặc những chiếc pull-over nhiều mảng màu sắc sặc sỡ, Jed cho đó là một chuyên gia tâm phân học về hưu. Nhưng mấy ngày nay rồi anh không nhìn thấy bà, có khả năng bà đang đi nghỉ - trừ khi bà đã đột tử. Đám người lang thang sẽ còn ở lại thêm nhiều ngày, mùi những thứ họ thải ra sẽ tràn ngập trong sân, ngăn người ta mở cửa. Với những người thuê nhà họ tỏ ra lịch sự, thậm chí quỵ lụy, nhưng những cuộc đấm đá giữa họ thì rất ác liệt, và thường thì mọi thứ sẽ kết thúc như thế này, những tiếng hú hét đau đớn vang lên trong đêm, ai đó gọi SAMU(*) và người ta tìm được một tay tắm mình trong máu, rách mất một nửa cái tai.
Jed tiến lại gần cái máy giờ đã im tịt, thận trọng nhấc nắp che bảng điều khiển lên; ngay lập tức cái máy phát ra một tiếng gầm ngắn ngủn, như thể nó cảm thấy bị đe dọa vì bị đột nhập. Một đèn báo màu vàng nhấp nháy
gấp gáp, không hiểu vì lẽ gì. Rất nhẹ nhàng, từng mi li mét một, Jed vặn núm chỉnh cường độ về phía tay trái. Nếu mọi thứ xoay chuyển tệ hại, thì anh vẫn còn số điện thoại của người đàn ông Croatia; nhưng liệu anh ta có
còn làm nữa hay không? Anh ta không hề có ý định “chết mục trong ngành sửa đường ống”, anh ta đã thẳng thừng thú nhận với Jed. Tham vọng của anh ta, khi đã “kiếm bộn”, là trở về nhà mình, tại Croatia, chính xác hơn là đảo Hvar, để mở ở đó một công ty cho thuê thuyền máy chạy trên biển. Mở ngoặc đơn, một trong những hồ sơ cuối cùng mà bố anh xử lý trước khi về hưu là liên quan đến gói mời thầu xây dựng một khu nghỉ biển cao cấp tại Stari Grad, trên đảo Hvar, nơi quả thực đã bắt đầu trở thành một điểm đến có uy tín, ở đó hồi năm ngoái người ta đã bắt gặp Sean Penn và Angelina Jolie, và Jed cảm nhận được nỗi thất vọng khó hiểu của con người trước ý nghĩ về người đàn ông từ bỏ ngành sửa đường ống, một công việc thủ công cao quý, để chuyển sang cho một lũ nhát chết túi đầy tiền sống ở phố Faisanderie thuê những cái máy ầm ĩ và ngu xuẩn.
“Nơi đây chủ yếu có gì?” trang Internet của đảo Hvar tự đặt câu hỏi, trước khi trả lời như sau: “Ở đây các bạn có những cánh đồng oải hương, những cây ô liu già nua và những vườn nho có nét hài hòa độc nhất vô nhị, và vậy là người du khách muốn xích lại gần thiên nhiên trước hết sẽ đến thăm konoba (quán rượu nhỏ) của Hvar thay vì đến quán ăn đắt tiền nhất, anh ta sẽ nếm thứ rượu vang thông thường rất chuẩn ở nơi làm ra sâm banh, anh ta sẽ hát một bài dân ca cổ của hòn đảo và anh ta sẽ quên đi những thói quen thường nhật”, có khả năng đó chính là những thứ đã quyến rũ Sean Penn, và Jed hình dung ra mùa ít khách, những tháng Mười vẫn còn ấm, người thợ sửa đường ống ngày xưa thanh thản ngồi trước một đĩa risotto hải sản, lẽ dĩ nhiên lựa chọn này thì có thể hiểu được, thậm chí là có thể lấy làm một cái cớ được.
Hơi có chút không chủ định, anh tiến lại gần bức “Damien Hirst và Jeff Koons chia nhau thị trường nghệ thuật”, đang được dựng trên giá vẽ ngay giữa xưởng, và cảm giác thiếu thỏa mãn lại xâm chiếm anh, còn cay đắng hơn. Anh nhận ra là mình đói, chuyện này thì không bình thường, anh đã ăn cả một bữa Giáng sinh đầy đủ với bố anh - khai vị, pho mát và tráng miệng, không thiếu thứ gì, nhưng anh đói và quá nóng, anh không làm sao mà thở nổi. Anh quay trở vào bếp, mở một hộp cannelloni trộn nước xốt và ngốn ngấu từng miếng một, cái nhìn u ám hướng vào bức tranh thất bại của mình. Nhất quyết Koons không đủ nhẹ, không đủ bay bổng - có thể lẽ ra thì phải vẽ đôi cánh cho ông ta, như thần Mercure, anh nghĩ một cách
ngu ngốc; ở đây, với cái áo com lê kẻ sọc và nụ cười của tay thương gia, ông ta có chút gì gợi tới Silvio Berlusconi.
Trên bảng xếp hạng ArtPrice cho những tài sản nghệ sĩ lớn nhất, Koons đứng thứ 2 thế giới: từ vài năm nay Hirst, kém ông mười tuổi, đã chiếm mất vị trí thứ 1 của ông. Jed, về phần mình, cách đây khoảng chục năm đã leo tới vị trí năm trăm tám mươi ba - nhưng là thứ mười bảy của Pháp. Sau đó anh đã, như các bình luận viên cuộc đua Tour de France, “bị đẩy xuống sâu trên bảng xếp hạng”, trước khi biến mất hoàn toàn khỏi đó. Anh kết thúc hộp cannelloni, tìm được một chai cognac. Anh bật dãy đèn halôgen lên hết công suất, chĩa vào giữa bức tranh. Nhìn thật gần, bản thân màn đêm cũng không ổn: nó không có cái vẻ choáng lộn ấy, cái bí ẩn mà người ta gán ghép vào cho những đêm trên bán đảo Arập; lẽ ra anh phải dùng màu xanh lơ nhạt, chứ không phải màu da trời. Đây thực sự là một bức tranh cứt đái, cái bức anh đang làm đây. Anh cầm lấy một cái phay trét màu, rạch mắt Damien Hirst, dồn sức khoét rộng chỗ rách ra - đó là một tấm toan bằng sợi lanh dệt mau, rất chắc. Dùng một bàn tay tóm bức tranh dính nhớp, chỉ một đòn anh xé toang nó ra, làm giá vẽ rung lên bần bật rồi đổ xuống sàn nhà. Đã trấn tĩnh lại một chút, anh dừng tay, nhìn hai bàn tay dính đầy sơn của mình, uống hết chỗ cognac trước khi chụm hai chân lại nhảy mạnh lên bức tranh, giẫm lên nó và di nó xuống mặt sàn giờ đây đã trở nên rất trơn. Cuối cùng anh mất thăng bằng và ngã, khung giá vẽ đập mạnh vào sau ót anh, anh thấy choáng váng và nôn mửa, ngay lập tức anh cảm thấy khá hơn, không khí mát lạnh của đêm tự do lưu chuyển trên mặt anh, anh nhắm mắt lại, thấy hạnh phúc; rõ ràng anh đã đi đến tận cùng một chu kỳ.
PHẦN THỨ NHẤT
I
Jed không còn nhớ mình bắt đầu vẽ từ khi nào nữa. Chắc hẳn đứa trẻ nào cũng vẽ, ít hay nhiều, anh không biết bọn trẻ con, anh không rõ lắm. Điều duy nhất lúc này anh chắc chắn được là mình đã bắt đầu bằng việc vẽ hoa - trên những cuốn vở khổ nhỏ, bằng bút chì màu.
Thường thì các buổi chiều thứ Tư, và thỉnh thoảng cả Chủ nhật, cậu có những khoảnh khắc xuất thần, một mình trong khu vườn đầy nắng, trong khi cô trông trẻ gọi điện thoại cho bạn trai của thời điểm đó. Vanessa mười tám tuổi, đang học năm thứ nhất ngành kinh tế ở đại học Saint Denis/Villetaneuse, và trong một quãng thời gian dài cô là nhân chứng duy nhất cho những thử nghiệm nghệ thuật đầu tiên của cậu. Cô thấy những bức tranh cậu vẽ rất đẹp, cô nói cho cậu biết điều đó và cô rất thành thực, tuy nhiên đôi khi cô ném sang cậu cái nhìn bối rối. Bọn nhóc con trai hay vẽ những con quái vật máu me, các phù hiệu nazi và máy bay chiến đấu (hoặc, ở những đứa phát triển sớm hơn cả, âm hộ và dương vật), hiếm khi nào vẽ những bông hoa.
Khi ấy Jed chưa biết, cả Vanessa cũng thế, nhưng những bông hoa chỉ là các cơ quan sinh dục, những cái âm đạo sặc sỡ trang trí hoa lá cành cho sự hời hợt của thế giới, nương nhờ vào hoạt động bôi trơn của lũ côn trùng. Lũ côn trùng và con người, cả các loài vật khác nữa, dường như theo đuổi một mục đích, những dịch chuyển của chúng nhanh nhẹn và có định hướng, trong khi những bông hoa nằm yên đó trong ánh sáng, rạng rỡ và cố định, vẻ đẹp của những bông hoa thì buồn bã bởi hoa thì mỏng manh, được số phận an bài cho cái chết, cũng như mọi thứ khác trên Trái đất tất nhiên nhưng chúng đặc biệt như vậy, và cũng như các loài vật xác chúng
chỉ là một sự nhại thô kệch cho bản thể sống của chúng, và xác chết của chúng, cũng như xác chết lũ động vật, thối inh - tất cả những thứ này, người ta hiểu rõ ngay khi đã một lần trải qua thời kỳ giao mùa, và sự thối rữa của những bông hoa, về phần mình Jed đã hiểu ngay ở tuổi lên năm và có thể còn trước đó, vì có rất nhiều hoa trong khu vườn bao quanh ngôi nhà Raincy, cả rất nhiều cây nữa, và những cành cây bị gió lay động có thể là một trong những thứ đầu tiên cậu nhìn thấy khi được đẩy đi trong xe nôi bởi một người phụ nữ trưởng thành (mẹ cậu?), ngoài những đám mây và bầu trời. Ý chí sống của những con vật được thể hiện bằng các chuyển hóa nhanh chóng - một quá trình làm đầy cái lỗ, một sự cứng của thân hoa, và sau này là sự tiết ra của chất lỏng sinh dục - nhưng điều này thì mãi sau đó cậu mới khám phá được, trên một ban công ở Port-Grimaud, thông qua trung gian Marthe Taillefer. Ý chí sống của những bông hoa được thể hiện bằng sự tạo lập những mảng màu chói, phá vỡ đi sự tầm thường màu xanh lợt của khung cảnh thiên nhiên, giống như sự tầm thường nói chung vốn trong suốt của khung cảnh thành thị, ít nhất là tại các thành phố trồng nhiều hoa.
Tối đến bố của Jed về nhà, ông tên là: “Jean-Pierre” bạn bè ông gọi ông như vậy. Jed thì gọi ông là: “bố”. Đó là một ông bố tốt, ông được coi như thế bởi bạn bè ông và thuộc cấp của ông; một người đàn ông góa vợ cần đến rất nhiều lòng can đảm để một mình nuôi dạy một đứa trẻ. Jean Pierre là một ông bố tốt trong những năm đầu tiên, giờ đây ông kém tốt đi một chút, càng ngày ông càng trả nhiều tiền cho người trông trẻ hơn, ông thường xuyên ăn tối ở ngoài (thường xuyên nhất là với khách hàng, đôi khi với thuộc cấp, ngày càng hiếm ăn với bạn bè bởi với ông thời của tình bạn đã bắt đầu suy giảm, ông không còn thực sự tin rằng người ta có thể có bạn, rằng mối liên hệ tình bạn này có thể thực sự có ý nghĩa trong đời một người đàn ông, cũng như có thể làm biến đổi số phận ông), ông về nhà muộn và thậm chí còn không tìm cách ngủ với cô trông trẻ, việc phần lớn đàn ông tìm cách làm; ông lắng nghe báo cáo của ngày hôm đó, mỉm cười với con trai, trả số tiền được yêu cầu. Ông là chủ một gia đình tan vỡ, và không hề hướng đến một sự bù đắp nào hết. Ông kiếm được rất nhiều tiền: giữ chức tổng giám đốc một hãng xây dựng, ông là chuyên gia trong việc triển khai các khu nghỉ biển theo hình thức chìa khóa trao tay; ông có khách hàng ở Bồ Đào Nha, ở Maldives, ở Saint-Domingue.
Về quãng thời gian này Jed còn giữ được những quyển vở, chúng chứa đựng tất cả những bức vẽ của anh thời ấy, và tất cả những thứ đó chết dần đi một cách dễ ưa, không chút vội vàng (giấy không phải loại chất lượng cao lắm, bút chì cũng vậy), những cái ấy có thể kéo thêm được hai hay ba thế kỷ, các vật và các sinh thể có một khoảng kéo dài của cuộc đời.
Có khả năng là được vẽ vào những năm đầu tiên tuổi niên thiếu của Jed, một bức tranh bột màu tên là: “Vun cỏ khô ở Đức” (khá bí hiểm bởi Jed chưa hề biết nước Đức, và chưa bao giờ dự, huống hồ là tham gia các buổi “vun cỏ khô”). Những núi non tuyết phủ, mặc dù sự chiếu sáng hiển nhiên gợi tới khoảng giữa mùa hè, tạo khung cho cảnh tượng; những người nông dân dùng lưỡi hái chất cỏ khô lên, đám lừa thắng vào xe kéo được xử lý bằng những mảng màu tươi; nó đẹp ngang một bức tranh của Cézanne, hoặc bất kỳ cái gì khác. Vấn đề cái đẹp là thứ yếu trong hội họa, các họa sĩ lớn của quá khứ được xem là lớn khi từ thế giới họ triển khai được một viễn tượng vừa gắn kết vừa đổi mới; điều này có nghĩa là họ luôn luôn vẽ theo cùng một cách, họ luôn luôn dùng cùng một phương pháp, cùng những phương thức thao tác nhằm chuyển hóa các đồ vật của thế giới thành những đồ vật hội họa; và cách thức này, vốn hoàn toàn thuộc về họ, chưa bao giờ được sử dụng trước đó. Họ càng được đánh giá cao hơn với tư cách họa sĩ khi mà thế giới quan của họ có vẻ toàn triệt, như thể có thể áp dụng được vào mọi thứ đồ vật và mọi tình huống tồn tại hoặc có thể hình dung. Đó là viễn tượng cổ điển của hội họa, cái viễn tượng Jed đã được hướng dẫn xâm nhập lúc còn học trung học, nó dựa trên khái niệm biểu hình - cái biểu hình mà Jed, thật kỳ quặc, trong vài năm sự nghiệp của mình, sẽ còn quay trở lại và, điều này còn kỳ quặc hơn nữa, xét cho cùng là cái mang lại cho anh tài sản và vinh quang.
Jed cống hiến cuộc đời mình (ít nhất là cuộc đời nghề nghiệp, cái sẽ khá nhanh chóng hòa trộn với tổng thể cuộc đời anh) cho nghệ thuật, cho việc sản xuất ra những tái hiện thế giới, tuy nhiên trong những tái hiện đó con người sẽ hoàn toàn không sống. Anh có thể từ đây sản xuất ra những tái hiện có tính chất phê phán - phê phán trong một chừng mực nào đó, bởi vận động chung của nghệ thuật cũng như toàn xã hội vào những năm tuổi trẻ của Jed ấy hướng về phía tiếp nhận thế giới, đôi khi hào hứng, thường xuyên nhất là điểm xuyết sự mỉa mai. Bố anh hoàn toàn không có tự do lựa
chọn này, ông phải sản xuất ra những loại cấu hình có thể ở được, theo cách tuyệt đối không chút mỉa mai nào, nơi người ta được gọi đến để sống, và sẽ phải có được khả năng cảm thấy thích thú, ít ra là trong các kỳ nghỉ của mình. Ông chịu trách nhiệm khi có hỏng hóc vận hành nghiêm trọng của bộ máy dành cho việc ở - nếu một thang máy bị rơi, hoặc khi toa lét bị tắc, chẳng hạn vậy. Ông không phải chịu trách nhiệm khi xảy ra xâm chiếm nơi ở bởi một toán người thô tục, bạo lực mà cảnh sát và các cơ quan chính quyền không kiểm soát nổi; trách nhiệm của ông được giảm nhẹ khi có động đất.
Bố của bố anh là thợ chụp ảnh - nguồn gốc của bản thân ông thì mất hút vào một dạng vũng lầy xã hội học không mấy hấp dẫn, đình trệ từ những thời kỳ không còn nhớ được, chủ yếu gồm công nhân nông nghiệp và nông dân nghèo. Điều gì đã có thể đưa người đàn ông xuất thân từ một hoàn cảnh bần hàn đến chỗ phải đối đầu với các kỹ thuật đang ra đời của nhiếp ảnh? Jed không có ý tưởng nào hết về chuyện đó, bố anh cũng không hơn gì; nhưng ông là người đầu tiên trong một dòng giống rất dài thoát được ra khỏi sự tái sinh xã hội thuần khiết và giản đơn của cái y hệt. Ông đã kiếm sống bằng cách chụp ảnh, chủ yếu nhất là đám cưới, đôi khi là lễ rửa tội, hoặc tiệc hết năm của một trường làng. Sống tại cái tỉnh vẫn luôn luôn bị bỏ rơi, bị quẳng ra bên lề như Creuse, ông gần như không có cơ hội chụp ảnh những buổi khánh thành nhà, cũng như những cuộc viếng thăm của các chính trị gia tầm cỡ quốc gia. Đó là một thứ nghề thủ công tầm thường, kiếm ít tiền, và việc con trai ông xâm nhập được nghề kiến trúc sư đã tạo ra cả một cuộc thăng tiến xã hội nghiêm túc - thậm chí còn chưa cần nói tới những thành công ở cương vị chủ doanh nghiệp về sau này.
Thời kỳ vào học trường Mỹ thuật Paris, Jed đã bỏ vẽ tranh để chuyển sang nhiếp ảnh. Hai năm trước đó, anh khám phá trong kho chứa đồ của ông anh một cái máy ảnh dạng hộp hiệu Linhof Master Technika Classic - mà ông anh không còn sử dụng nữa vào thời điểm về hưu, nhưng vẫn còn chạy rất tốt. Anh bị choáng ngợp trước thứ đồ vật thời tiền sử này, nặng trịch, kỳ lạ, nhưng có chất lượng sản xuất đặc biệt cao. Dò dẫm một chút, anh học được cách làm chủ phương pháp lệch tâm, sử dụng cần gạt, bộ kéo Scheimpflug trước khi lao vào cái sẽ chiếm gần như toàn bộ chỗ trong các nghiên cứu nghệ thuật của anh: chụp ảnh theo lối hệ thống các thứ đồ vật
được làm ra của thế giới. Anh chụp trong phòng ngủ của mình, thuờng là dưới ánh sáng tự nhiên. Những tập hồ sơ treo trên cao, những thứ vũ khí, những sổ lịch trình, những hộp mực in, những cái dĩa: không gì thoát được ra khỏi tham vọng bách khoa toàn thư của anh, dựng ra một catalô toàn bộ những thứ đồ vật do con người làm ra ở kỷ nguyên công nghiệp.
Nếu, bởi tính chất vừa kỳ vĩ vừa ám ảnh của nó, nói cho thật đúng thì hơi bệnh hoạn, dự án này khiến anh có được sự kính trọng của các thầy giáo, thì nó cũng không hề cho phép anh tự nhét mình vào nhóm nào trong số các nhóm được tạo nên xung quanh anh dựa trên nền tảng một tham vọng mỹ học chung, hay theo lối đời thường hơn là một ý đồ cùng nhau bước vào thị trường nghệ thuật. Tuy nhiên anh cũng kết vài tình bạn, dù cho không mấy nồng nhiệt, không nhận ra chúng phù du đến mức nào. Anh cũng kết vài quan hệ yêu đương, cũng gần như không cái nào lâu dài được. Hôm sau ngày nhận bằng tốt nghiệp, anh nhận ra giờ đây mình sẽ khá là cô độc. Công việc của anh trong sáu năm vừa qua đã đem lại món tiền hơn mười một nghìn euro một chút. Được lưu trữ ở định dạng TIFF, với một bản sao định dạng JPEG có độ phân giải thấp hơn, chúng dễ dàng nằm gọn trên một ổ đĩa cứng 640 Go, hiệu Western Digital, nặng hơn 200 gam một chút. Anh sắp xếp thật cẩn thận cái máy ảnh của mình, các ống kính (anh có một ống Rodenstock Apo-Sironar 105 mm, độ mở 5,6, và một ống Fujinon 180 mm, cũng có độ mở 5,6), rồi xem xét các vật dụng còn lại. Anh có máy vi tính xách tay, iPod, vài bộ quần áo, vài quyển sách: sự thật là không nhiều nhặn gì, tất tật dễ dàng chứa đủ trong hai cái va li. Ở Paris trời rất đẹp. Anh không bất hạnh ở trong căn phòng này, cũng không quá hạnh phúc. Kỳ thuê nhà của anh sẽ hết hạn trong vòng một tuần nữa. Anh ngần ngừ chưa ra khỏi nhà ngay, để đi một vòng cuối cùng quanh khu phố, trên cái bồn nước của khu Arsenal - rồi anh gọi điện cho bố để nhờ ông giúp anh chuyển nhà.
Cuộc chung sống của họ trong ngôi nhà ở Raincy, lần đầu tiên từ rất lâu rồi, trên thực tế là lần đầu tiên kể từ khi Jed còn nhỏ, ngoài vài kỳ nghỉ ở trường, ngay lập tức rất dễ dàng và trống rỗng. Bố anh vẫn làm việc nhiều, còn lâu ông mới chịu thả sợi dây cương công ty của mình vào thời ấy, hiếm khi nào ông về nhà trước hai mươi mốt, thậm chí hai mươi hai giờ; ông ngồi rũ xuống trước cái vô tuyến trong khi Jed đi đun lại một thứ
đồ ăn sẵn mà anh đã mua vài tuần trước đó, chất đầy cốp chiếc Mercedes, tại siêu thị Carrefour ở Aulnay-sous-Bois; anh tìm cách thay đổi, tiếp cận sự cân bằng dinh dưỡng nào đó, anh cũng mua pho mát và các thứ hoa quả. Dù gì đi nữa thì bố anh cũng ít để ý đến đồ ăn; ông uể oải chuyển kênh, thường thì dừng lại ở một cuộc tranh luận về kinh tế buồn tẻ trên kênh LCI. Ông đi ngủ gần như ngay sau khi ăn xong; sáng ra, ông rời khỏi nhà trước cả khi Jed tỉnh dậy. Ngày nối ngày thật đẹp và nóng giống hệt nhau. Jed đi dạo giữa đám cây trong khu vườn, ngồi dưới một cây đoạn lớn, một quyển sách triết học cầm trên tay, mà thường thì anh không mở ra. Những kỷ niệm tuổi thơ trở về với anh, không nhiều lắm; rồi anh quay vào nhà theo dõi các buổi chiếu lại cuộc đua Tour de France. Anh thích những cú lia máy dài nhàm chán đó, từ máy bay trực thăng, chúng dõi theo đoàn đua lười biếng tiến lên ở giữa vùng nông thôn nước Pháp.
Anne, mẹ của Jed, xuất thân từ một gia đình tiểu tư sản Do Thái - bố bà là một thợ kim hoàn của khu phố. Ở tuổi hai mươi lăm bà lấy Jean-Pierre Martin, khi ấy còn là một kiến trúc sư trẻ tuổi. Đó là một cuộc hôn nhân vì tình yêu, và vài năm sau bà sinh ra một đứa con trai, đặt tên là Jed để tưởng nhớ người bác mà bà rất yêu quý. Rồi, vài ngày trước khi đến sinh nhật bảy tuổi của con trai, bà tự sát - mãi nhiều năm sau này Jed mới biết chuyện đó, bởi một lần lỡ miệng của bà nội anh. Khi đó bà bốn mươi tuổi - còn chồng bà bốn mươi bảy.
Jed gần như không giữ được kỷ niệm nào về mẹ mình, và cuộc tự tử của bà không phải là một chủ đề mà anh có thể đề cập trong quãng thời gian sống tại ngôi nhà Raincy, anh biết mình phải đợi chính bố anh nói về chuyện ấy - mà vẫn biết hẳn điều này sẽ chẳng bao giờ xảy ra, rằng cho đến cùng ông sẽ tránh chủ đề này, cũng như mọi người khác.
Tuy nhiên, có một điểm phải được làm sáng tỏ, và chính bố anh đảm nhiệm việc ấy, vào một chiều Chủ nhật, khi họ vừa cùng nhau xem một chặng đua ngắn - chặng Bordeaux bấm giờ tính điểm - không mang lại thay đổi quyết định nào trong bảng xếp hạng chung. Họ đang ở trong phòng thư viện - căn phòng đẹp nhất của cả ngôi nhà, sàn lát gỗ sồi, chìm trong cảnh tranh tối tranh sáng do cửa sổ đều theo kiểu tranh kính, đồ đạc phủ da Anh; các giá sách bao quanh phòng chứa gần sáu nghìn quyển sách, chủ yếu là
các khảo luận khoa học xuất bản vào thế kỷ mười chín. Jean-Pierre Martin đã mua ngôi nhà rất rẻ, bốn mươi năm trước, từ một người chủ đang cần tiền gấp, khu phố dạo ấy còn an toàn, đó là một vùng toàn những ngôi nhà thanh lịch và ông hướng tới một cuộc sống gia đình hạnh phúc, dẫu sao ngôi nhà cũng sẽ cho phép chứa được một gia đình đông người và thường xuyên tiếp đãi bạn bè, nhưng rốt cuộc thì chẳng gì trong những cái đó xảy ra cả.
Đúng lúc hình ảnh chuyển về với khuôn mặt tươi cười và dễ đoán của Michel Drucker(*), ông tắt tiếng, quay sang con trai. “Con định theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật à?” ông hỏi anh; Jed trả lời là đúng. “Và, lúc này, con không kiếm tiền đủ sống?” Anh cân nhắc câu trả lời. Trước nỗi kinh ngạc của chính anh, trong năm trước đó anh đã được hai hãng nhiếp ảnh liên hệ. Hãng thứ nhất, chuyên về nhiếp ảnh đồ vật, có các khách hàng như catalô của CAMIF hay La Redoute, đôi khi nó cũng bán lại ảnh cho các hãng quảng cáo. Hãng thứ hai chuyên về nhiếp ảnh đồ ăn; các tạp chí như Notre Temps hoặc Femme Actuelle đều đặn nhờ cậy đến dịch vụ của nó. Không mấy uy tín, các lĩnh vực này cũng không kiếm được nhiều tiền: chụp một bức ảnh xe đạp địa hình, hoặc bánh tác pho mát rơblôsông mang lại ít tiền hơn là một bức ảnh tương đương chụp Kate Moss, hay thậm chí George Clooney; nhưng nhu cầu thì ổn định, và có thể đảm bảo nguồn thu nhập vừa phải: vậy nên không phải là Jed, nếu anh chịu khó làm, tuyệt đối không có nguồn thu; và ngoài đó ra anh cho là cũng hay nếu giữ thói quen chụp ảnh, giới hạn vào nhiếp ảnh thuần túy. Anh chỉ giao các bức ảnh, được xác định và trình bày một cách hoàn hảo, rồi hãng scan lại và chỉnh sửa tùy ý; anh thích không phải thực hiện công việc sửa hình ảnh, có vẻ như là phải tuân theo những mệnh lệnh thương mại hoặc quảng cáo khác nhau, và chỉ giao những bức ảnh hoàn hảo về mặt kỹ thuật, nhưng trung tính.
- Bố hài lòng vì con tự chủ được, bố anh đáp. Trong đời, bố biết nhiều kẻ muốn trở thành nghệ sĩ, nhưng lại phải ăn bám bố mẹ; chẳng một ai đủ sức bứt phá hết. Thật là lạ, người ta có thể tưởng rằng nhu cầu tự thể hiện, để lại một dấu vết trong thế giới, là một lực mạnh mẽ; thế nhưng thường thì như vậy đâu có đủ. Cái chạy tốt hơn cả, cái đẩy con người ta vượt lên mạnh hơn cả, vẫn cứ là nhu cầu tiền bạc thuần túy và đơn giản mà thôi.
- Dù vậy, bố sẽ giúp con mua một căn hộ ở Paris, ông nói tiếp. Con sẽ cần gặp nhiều người, có nhiều quan hệ. Và rồi cũng có thể gọi đây là một
món đầu tư, dạo này thị trường xuống quá.
Trên màn hình tivi giờ đây đang có một trò vui nhộn mà Jed nghĩ là mình nhận ra được. Có một cảnh quay sát mặt Michel Drucker ngây độn, trông rất buồn cười. Đột nhiên Jed tự nhủ có thể chỉ đơn giàn là bố anh muốn được ở một mình; mối quan hệ giữa họ chưa bao giờ thực sự được thiết lập.
Hai tuần sau đó, Jed mua căn hộ mà anh vẫn đang ở, tại đại lộ Hôpital, phía Bắc quận XIII. Phần lớn phố lân cận được đặt tên theo các họa sĩ - Rubens, Watteau, Véronèse, Philippe de Champaigne - xét cho cùng có thể coi đây như là một điềm báo. Theo lối đời thường hơn, anh ở không xa các gallery được dựng lên quanh khu phố của cái Thư Viện Rất Lớn. Anh đã không thực sự đi mặc cả nhưng dù sao cũng tìm hiểu được về bối cảnh, khắp nơi trên nước Pháp giá cả sụt giảm, đặc biệt là ở những vùng đô thị, và thế nhưng nhà cửa vẫn không người ở, không tìm được người mua.
II
Ký ức Jed gần như không còn lưu giữ được hình ảnh nào của mẹ anh; nhưng, dĩ nhiên, anh đã xem các bức ảnh. Đó là một phụ nữ xinh xắn nước da nhợt nhạt, mái tóc dài đen nhánh, trên một số bức ảnh thậm chí còn có thể nói là bà rất đẹp; trông bà hơi giống chân dung Agathe von Astighwelt (*) được lưu giữ ở bảo tàng Dijon. Hiếm khi bà mỉm cười trên những bức ảnh này, và dường như thậm chí nụ cười của bà còn che giấu một nỗi hoang mang. Lẽ dĩ nhiên, hẳn người ta bị chi phối bởi ý nghĩ về việc bà tự sát; nhưng ngay cả khi tìm cách thoát khỏi chuyện ấy thì ở bà vẫn có cái gì đó hơi phi thực, hay nếu không phải vậy thì cũng là phi thời; người ta dễ dàng hình dung ra bà trên một bức tranh thời Trung cổ, hoặc thời Phục hưng sơ khai; ngược lại thật khó tin là bà lại có thể ở tuổi thiếu niên trong những năm 1960, rằng bà từng sở hữu một transistor hoặc từng đến những buổi biểu diễn nhạc rock.
Trong những năm ngay sau cái chết của bà, bố Jed cố theo dõi việc học hành ở trường của con trai, lên kế hoạch cho các hoạt động trong kỳ nghỉ cuối tuần, tại quán McDonald’s hoặc tại bảo tàng. Rồi, gần như không thể tránh khỏi, các hoạt động của hãng ông ngày càng lớn mạnh; hợp đồng đầu tiên của ông trong lĩnh vực khu nghỉ biển theo phương thức chìa khóa trao tay gặt hái thành công chói lọi. Không chỉ các hạn định và dự trù chi phí ban đầu được thực hiện đúng - tự bản thân điều này đã tương đối hiếm rồi - mà sản phẩm khi làm ra còn được nhất loạt ca ngợi bởi sự cân bằng của nó và việc nó tôn trọng môi trường - có những bài xưng tụng trên báo chí địa phương cũng như trên các tờ tạp chí kiến trúc toàn quốc, và còn có cả một trang kín chữ trên mục “Phong cách” của Libération. Ở Port-Ambarès,
người ta viết, ông đã biết cách xích lại gần “bản chất cách ăn ở của Địa Trung Hải”. Theo ông thì ông chỉ làm mỗi một việc là xếp thẳng hàng những khối đá kích thước khác nhau, màu trắng đục giống y sì đúc, trực tiếp sao chép từ những công trình xây dựng truyền thống của Maroc, và phân tách chúng bằng những mảng khối hình nguyệt quế-hoa hồng. Đơn đặt hàng, sau thành công ban đầu này, cứ ùn ùn kéo đến, và càng ngày ông càng hay phải đi nước ngoài. Khi Jed học lên đến lớp sáu, ông quyết định cho con trai đi học nội trú.
Ông chọn trường trung học Rumilly của dòng Tên, trong vùng Oise. Đó là một trường tư, nhưng không phải loại trường dành cho giới tinh hoa, mặt khác học phí cũng hợp lý, không dạy song ngữ, trang thiết bị thể dục thể thao không có gì xuất chúng. Phụ huynh của trường Rumilly không phải những người rất giàu mà là những người bảo thủ, tư sản cũ (nhiều phụ huynh là người bên quân sự hoặc ngoại giao), tuy nhiên cũng không phải dân Công giáo toàn tòng - phần lớn các trường hợp, bọn trẻ con bị đưa vào trường nội trú tiếp sau một cuộc ly hôn không ra gì.
Khổ hạnh và khá là xấu xí, những khu nhà mang lại một tiện nghi vừa phải - ở hai đứa một khi còn theo học các lớp nhỏ, học sinh có phòng riêng ngay khi vào lớp chín. Điểm mạnh của trường, điểm mấu chốt trong lời quảng cáo của nó, là sự trợ giúp về sư phạm mà nó cung cấp cho học sinh - và tỉ lệ đỗ tú tài quả thực, kể từ khi trường được thành lập, luôn luôn được giữ ở mức trên 95%.
Chính ở giữa mấy bức tường này, và nhờ những cuộc đi dạo dài bên dưới vòm cây u tối những lối đi trồng thông của khu vườn, mà Jed sẽ trải qua những năm tuổi niên thiếu của mình, chăm chỉ và buồn bã. Cậu không than thở về số phận của mình, và cũng không tưởng tượng đến một số phận nào khác. Những cuộc đụng độ đôi khi đầy bạo lực giữa học sinh, những mối liên hệ đầy tủi nhục bạo lực và tàn ác, và Jed, yếu ớt và gầy gò, lẽ ra không thể đủ sức tự vệ; thế nhưng tin đồn đã lan rộng rằng cậu là con mồ côi, hơn thế nữa lại còn mồ côi mẹ, và nỗi đau mà chúng không biết đã làm lũ bạn học của cậu trở nên e dè; vậy là bao quanh cậu đã có một thứ như thể vòng hào quang của sự kính trọng ngại ngần. Cậu không có bạn thân, và cũng không tìm kiếm tình bạn từ người khác. Ngược lại cậu dành
hàng buổi chiều trọn vẹn ngồi trong thư viện, và đến tuổi mười tám, đã lấy xong bằng tú tài, cậu sở hữu tầm hiểu biết rộng lớn, không thường thấy ở thanh niên thế hệ cậu, về di sản văn chương nhân loại. Cậu đã đọc Platon, Eschyle và Sophocle; cậu đã đọc Racine, Molière và Hugo; cậu biết Balzac, Dickens, Flaubert, các nhà văn lãng mạn Đức, các tiểu thuyết gia Nga. Còn đáng kinh ngạc hơn nữa, cậu quen thuộc với các giáo lý chính yếu của Công giáo, thứ tôn giáo có dấu ấn vô cùng sâu sắc lên nền văn hóa phương Tây - trong khi những người cùng thời với cậu thường biết về cuộc đời Jesus ít hơn về cuộc đời Người Nhện.
Cái cảm giác cậu làm nảy sinh ở người khác về vẻ nghiêm trang hơi cổ lỗ hẳn đã có tác dụng theo hướng thuận lợi lên các thầy giáo duyệt hồ sơ xin học trường Mỹ thuật của cậu; hiển nhiên là họ đang phải đối mặt với một thí sinh độc đáo, rất hiểu biết, nghiêm túc, có khả năng là cần cù. Bản thân hồ sơ, mang tên “Ba trăm bức ảnh kim khí”, thể hiện một độ chín về thẩm mỹ đáng ngạc nhiên. Tránh việc bày ra sự rực rỡ của các thứ kim loại và tính chất gây đe dọa của các hình thù, Jed đã sử dụng ánh sáng trung tính, ít tương phản, và chụp các mẫu kim khí trên nền vải nhưng màu xám trung bình. Bù loong, đinh vít và mỏ lết hiện ra giống như những món đồ châu báu, ít lóe sáng.
Ngược lại anh thấy rất khó (và sự khó nhọc này sẽ còn đi cùng anh suốt cuộc đời) viết lời trình bày cho những bức ảnh của mình. Sau nhiều toan tính biện minh cho chủ đề của mình anh ẩn náu vào tính chất sự kiện thuần túy, chỉ chăm chăm nhấn mạnh rằng các thứ đồ kim khí cơ bản nhất, làm bằng thép, đã có sẵn một độ chính xác khi được làm ra ở mức 1/10 mi li mét. Gần hơn với cơ khí chính xác đúng nghĩa, các thứ đồ bước vào trong cấu tạo những thứ máy chụp ảnh chất lượng cao, hoặc động cơ xe công thức 1, thường được làm bằng nhôm hoặc hợp kim nhẹ, và có tỉ lệ chính xác ở mức 1/100 mi li mét. Cuối cùng, cơ khí chính xác cao cấp, được dùng ví dụ như trong ngành sản xuất đồng hồ hoặc phẫu thuật răng, cần đến chất ti tan; tỉ lệ sai lệch khi ấy chỉ được phép nằm ở mức micrô mét. Nhìn chung, Jed kết luận một cách đột ngột và đại khái, lịch sử loài người xét về phần lớn có thể hòa chung với lịch sử chế ngự các kim loại - kỷ nguyên của polyme và chất dẻo, vẫn còn rất mới mẻ, theo anh chưa có đủ thời gian tạo dựng bước chuyển hóa tinh thần đích thực.
Các sử gia nghệ thuật, say mê hơn với trò nhào nặn ngôn từ, sau này sẽ ghi nhận rằng thành tựu thực thụ đầu tiên của Jed này đã tự thể hiện, cùng theo một hướng với mọi thành tựu sau này của anh, và mặc cho chất liệu anh sử dụng có là gì, như là một sự vinh danh lao động của con người.
Như vậy, Jed khởi động một sự nghiệp nghệ thuật mà không có dự án nào khác ngoài cái dự án - anh hiếm khi lĩnh hội được tính chất hão huyền của nó - mang lại một miêu tả khách quan về thế giới. Mặc cho nền học vấn cổ điển được hưởng, anh không hề - trái ngược với những gì sẽ được viết sau này - dành chút kính trọng theo kiểu tôn giáo cho các bậc thầy cổ; Rembrandt và Vélasquez, còn xa anh mới, ngay từ thời ấy, thích bằng Mondrian và Klee.
Trong những tháng đầu tiên tiếp theo khi đến sống ở quận XIII, anh gần như không làm gì ngoài đáp ứng các đơn đặt hàng chụp ảnh đồ vật, cũng nhiều, mà người ta gửi đến cho anh. Và rồi một hôm, trong lúc mở giấy gói một ổ đĩa cứng multimedia Western Digital vừa được một nhân viên bưu điện mang tới, với nó anh sẽ phải cung cấp những bức ảnh từ nhiều góc độ vào ngày hôm sau, anh hiểu ra mình đã chấm dứt với nhiếp ảnh đồ vật - ít nhất là ở phương diện nghệ thuật. Như thể chỉ riêng việc anh chụp những thứ đồ vật này với một mục đích thuần túy nghề nghiệp, thương mại, đã vô hiệu hóa mọi khả năng sử dụng chúng trong một dự án sáng tạo.
Sự hiển nhiên đột ngột cũng như bất ngờ này nhấn chìm anh vào trong một thời kỳ trầm uất cường độ nhẹ, trong đó trò giải trí hằng ngày chính yếu của anh là xem Những câu hỏi cho một nhà vô địch, một chương trình do Julien Lepers(*) dẫn. Nhờ kiên trì, năng lực làm việc đáng kinh hãi, người dẫn chương trình lúc đầu ít tài cán, hơi đần độn, có khuôn mặt và nét dục vọng của một con cừu đực này, lúc đầu muốn hướng tới một sự nghiệp ca sĩ nhạc nhẹ, và hẳn là vẫn còn giữ lại từ đó một hoài niệm bí mật, dần dần đã trở thành khuôn mặt không thể bỏ qua của khung cảnh truyền thông nước Pháp. Người ta nhận ra chính mình ở ông ta, sinh viên năm thứ nhất trường Bách Khoa cũng như các cô giáo về hưu ở Pas-de-Calais, các biker(*) ở Limousin cũng như các chủ quán ăn ở Var, ông ta không gây ấn tượng mạnh cũng không có vẻ xa cách, ông ta toát ra một hình ảnh trung
bình, và gần như dễ mến, của nước Pháp những năm 2010. Vốn là người rất chịu Jean-Pierre Foucault(*), về sự nhân đạo của ông, về vẻ tròn tròn quỷ quyệt của ông, Jed phải công nhận rằng, càng ngày càng thường xuyên hơn, mình bị Julien Lepers quyến rũ.
Đầu tháng Mười, anh nhận được một cú điện thoại của bố anh, thông báo bà anh vừa mất; giọng ông chậm chạp, hơi nặng nề, nhưng cũng chỉ hơn bình thường đôi chút. Bà Jed, anh biết điều đó, không bao giờ hồi phục được từ sau cái chết của chồng bà, người bà yêu đắm đuối, thậm chí là với một niềm say mê đáng kinh ngạc ở môi trường nông thôn và nghèo khó thông thường không mây chắp cánh cho những thể hiện lãng mạn. Sau khi ông qua đời không gì, kể cả cháu trai bà, có thể lôi bà ra khỏi vòng xoáy trôn ốc nỗi buồn dần dà khiến bà từ bỏ mọi hoạt động, từ nuôi thỏ cho đến làm mứt, rốt cuộc bà còn bỏ luôn cả làm vườn.
Bố Jed phải đi Creuse ngay ngày hôm sau để lo việc tang lễ rồi việc cái nhà, các vấn đề thừa kế; ông thích có con trai đi cùng. Thậm chí trên thực tế ông còn thích anh ở lại lâu hơn một chút, phụ trách mọi vấn đề thủ tục, lúc này ông đang có quá nhiều việc ở hãng. Jed nhận lời ngay lập tức.
Hôm sau, bố anh qua đón anh trên chiếc Mercedes của ông. Quãng mười một giờ, họ đi vào xa lộ A20, một trong những xa lộ đẹp nhất của Pháp, một trong những xa lộ đi ngang qua những khung cảnh nông thôn hài hòa hơn cả; bầu không khí trong vắt và dịu nhẹ, với một chút sương mù ở đường chân trời. Mười lăm giờ, họ dừng lại ở một trạm nghỉ trước khi đến La Souterraine; theo lời yêu cầu của bố, trong khi ông đổ đầy bình xăng, Jed mua một tấm bản đồ đường bộ “Michelin Các Tỉnh” Creuse, Thượng Vienne. Chính lúc ấy, khi mở tấm bản đồ ra, đứng cách những cái sandwich làm từ bánh mì ngọt có hai bước chân, anh có cơn khải ngộ mỹ học lớn thứ hai của mình. Tấm bản đồ này thật trác tuyệt; bị chấn động, anh bắt đầu run rẩy trước quầy tính tiền. Chưa bao giờ anh được ngắm nhìn thứ đồ vật nào tuyệt vời đến thế, giàu cảm xúc và ý nghĩa đến như tấm bản đồ Michelin tỉ xích 1/150.000 vẽ Creuse và Thượng Vienne này. Bản chất của tính hiện đại, của sự lĩnh hội khoa học và kỹ thuật về thế giới, nằm ở đó trộn lẫn với bản chất của cuộc sống động vật. Bức tranh phức tạp
và đẹp, vẻ sáng sủa tuyệt đối, chỉ sử dụng một bảng màu sắc rất hạn chế. Nhưng trong mỗi thôn làng, được trình bày theo tầm quan trụng của chúng, người ta cảm nhận được sự phập phồng, lời mời gọi, của hàng chục đời người, của hàng chục hoặc hàng trăm linh hồn - một số bị dành cho sự đày đọa, một số khác được dành cho cuộc đời vĩnh hằng.
Xác bà anh đã nằm trong một quan tài gỗ sồi. Bà mặc một chiếc váy dài tối màu, mắt nhắm nghiền, hai bàn tay chắp vào nhau; các nhân viên tang lễ chỉ còn đợi họ để đóng nắp lại. Họ để hai người lại trong phòng, khoảng mười phút. “Như thế này thì tốt hơn cho bà…” bố anh nói sau một lúc im lặng. Phải, có thể lắm, Jed nghĩ. “Bà tin vào Chúa, con biết đấy” bố anh rụt rè thêm vào.
Hôm sau, trong buổi lễ mixa lễ tang, nơi có mặt toàn thể dân trong làng, rồi trước nhà thờ, đúng lúc nhận những lời phân ưu, Jed tự nhủ là họ, bố anh và anh, thích ứng hoàn toàn với dạng hoàn cảnh này. Nhợt nhạt và mệt mỏi, cả hai đều mặc com lê sẫm, họ không gặp khó khăn nào trong việc thể hiện vẻ trang nghiêm, sự buồn bã nhẫn nhục cần phải có trong sự kiện này; thậm chí họ còn thưởng thức, dù không thể hòa nhập vào, bài nói thể hiện niềm hy vọng kín đáo của vị giáo sĩ - một giáo sĩ cũng đã nhiều tuổi, một người rất quen thuộc của các đám tang, những đám tang hẳn đã, nếu nhìn vào tuổi tác người dân, trở thành hoạt động chính yếu của ông.
Khi quay về nhà, nơi có rượu vang ngày lễ được phục vụ, Jed nhận ra đây là lần đầu tiên mình dự một đám tang nghiêm túc, kiểu cũ, một đám tang không tìm cách tăng tiến thực tại của cái chết. Đã nhiều lần ở Paris, anh dự những cuộc hỏa táng; lần gần đây nhất là của một bạn học trường Mỹ thuật, chết trong một tai nạn máy bay khi anh ta đi nghỉ ở Lombok; anh đã rất sốc vì một số người đến dự không tắt điện thoại di động vào lúc thiêu xác.
Ngay sau đó bố anh đi, sáng hôm sau ông có một cuộc hẹn công việc ở Paris. Jed đi ra vườn. Mặt trời đang lặn, đèn sau của chiếc Mercedes xa dần về phía đường quốc lộ, và anh nhớ đến Geneviève. Họ từng là tình nhân trong vài năm, khi anh còn học ở trường Mỹ thuật; chính là với cô, trên thực tế, mà anh đã mất trinh. Geneviève là người Madagascar, cô đã nói
với anh về những tập tục cải táng kỳ quặc ở đất nước của cô. Một tuần sau khi có người chết người ta đào cái xác lên, người ta tháo vải quấn quanh nó và ăn một bữa với sự hiện diện của nó, trong phòng ăn gia đình; rồi người ta lại chôn cái xác xuống. Người ta làm lại việc ấy sau đó một tháng, rồi sau ba tháng, anh không còn nhớ rõ lắm nữa nhưng dường như là có tổng cộng không dưới bảy cuộc đào mộ liên tiếp, cuộc cuối cùng được thực hiện một năm sau cái chết, trước khi người chết được coi là đã chết hẳn, và đã có thể bước vào cõi yên nghỉ vĩnh hằng. Cách thức đón nhận cái chết đó, cũng như đón nhận thực tại vật chất của cái xác, chính xác là đi ngược lại tâm tính phương Tây hiện đại, Jed tự nhủ, và thoáng chốc anh tiếc vì đã để cho Geneviève bước ra khỏi cuộc đời mình. Cô dịu dàng và rất lành; thời ấy anh rất hay mắc chứng đau nửa đầu khủng khiếp liên quan đến mắt, cô có thể không mệt mỏi ngồi bên giường anh hàng giờ, chuẩn bị đồ ăn cho anh, mang cho anh nước và thuốc. Cả tính khí nữa, cô khá là nóng bỏng, và về phương diện tình dục cô đã dạy cho anh mọi thứ. Jed thích những bức tranh của cô, chúng vay mượn một chút từ graffiti, nhưng nổi bật hẳn lên bởi tính chất trẻ con, vui tươi của các nhân vật, cả bởi cái gì đó tròn trịa hơn trong nét vẽ, và bởi bảng màu mà cô sử dụng - rất nhiều màu đỏ cađimi, vàng sậm, màu đất Sienne tự nhiên hoặc đã nung.
Để có tiền theo học, Geneviève đem bán sự quyến rũ của mình, như ngày xưa người ta vẫn hay nói; Jed thấy cách nói cổ lỗ này hợp với cô hơn là thuật ngữ Anglo-Saxon escort. Cô lấy hai trăm năm mươi euro mỗi giờ, thêm một trăm euro nếu có làm tình hậu môn. Anh không thấy có gì phải phản đối hoạt động này, thậm chí còn đề nghị chụp những bức ảnh gợi dục để trang trí cho trang web của cô. Đàn ông thường ghen tuông, và đôi khi ghen tuông khủng khiếp, về những người cũ của tình nhân của mình, đồng thời họ cũng hoang mang tự hỏi trong suốt nhiều năm ròng, thỉnh thoảng cho đến tận khi chết, không biết mọi chuyện có khá hơn với người khác không, không biết người khác có làm cho người tình của họ sướng hơn không, thế nhưng họ lại dễ dàng chấp nhận, chẳng cần tới chút nỗ lực nào, tất cả những gì người đàn bà của họ từng làm trong quá khứ ở khuôn khổ một hoạt động mãi dâm. Ngay khi được chấm dứt bằng một giao dịch tài chính, mọi hoạt động tình dục đều được tha thứ, đều trở nên vô hại, theo một cách nào đó đã được phán xử bởi lời nguyền cổ xưa của công việc đó. Tháng tháng Geneviève kiếm được từ năm nghìn đến mười nghìn euro, mà
chỉ cần dành ra vài giờ mỗi tuần. Cô để cho anh được hưởng lợi từ đó và khuyến cáo anh “đừng gây chuyện ầm ĩ”, và nhiều lần họ cùng nhau đi nghỉ đông, đến đảo Maurice hoặc đảo Maldives, những chuyến đi mà cô chi trả toàn bộ. Cô tự nhiên và vui vẻ đến mức chưa bao giờ anh cảm thấy một chút gợn nào, chưa bao giờ anh cảm thấy mình, dù cho cũng chẳng có gì, đang đội lốt một tên ma cô.
Ngược lại anh cảm thấy thực sự buồn khi cô thông báo sẽ ổn định cuộc sống với một trong các khách hàng thường xuyên của mình - một luật sư thương mại ba mươi lăm tuổi có cuộc sống, theo những gì cô nói cho Jed, giống y sì cuộc sống của các luật sư thương mại được miêu tả trong những bộ phim trinh thám về các luật sư thương mại - thường là của Mỹ. Anh biết cô sẽ giữ lời, rằng cô sẽ chung thủy với chồng, và nhìn chung ở thời điểm bước qua ngưỡng cửa căn hộ của cô lần cuối cùng, anh biết hẳn mình sẽ không còn bao giờ gặp lại cô nữa. Mười lăm năm đã trôi đi kể từ đó; chồng cô có vẻ là một ông xã hoàn hảo, còn cô, một bà mẹ trong gia đình hạnh phúc; các con của cô, anh chắc chắn như vậy dù không biết chúng, lịch sự và có giáo dục tốt, học hành xuất sắc. Thu nhập của chồng cô, luật sư thương mại, vào lúc này có trội hơn so với thu nhập của Jed với tư cách nghệ sĩ hay không? Đó là một câu hỏi khó trả lời, nhưng có thể là câu hỏi duy nhất xứng đáng được đặt ra. “Anh thì anh có thiên hướng nghệ sĩ, anh thực sự muốn…” cô nói với anh lần cuối họ gặp nhau. “Anh nhỏ xíu, xinh xắn, mảnh dẻ, nhưng anh có ý chí làm một điều gì đó, anh có một tham vọng rất lớn, em đã nhìn ngay thấy cái đó trong ánh mắt của anh. Còn em thì em chỉ làm để…” (cô mơ hồ khoát tay chỉ những bức than chì treo trên tường của mình), “em chỉ làm để cho vui thôi”.
Jed giữ vài bức tranh của Geneviève, và anh tiếp tục thấy chúng thực sự có giá trị. Có lẽ nghệ thuật phải giống như thế này, đôi khi anh tự nhủ, một hoạt động ngây thơ và vui tươi, gần như thú vật, đã từng có những ý kiến theo hướng đó, “ngu như một họa sĩ chân chính”, “anh ta vẽ như chim
hót” vân vân và vân vân, có lẽ nghệ thuật sẽ trở thành như thế chừng nào con người đã vượt qua được vấn đề cái chết, và có lẽ nó đã từng như vậy, ở một số giai đoạn, chẳng hạn ở Fra Angelico(*), rất gần với thiên đường, rất tràn đầy cái ý tưởng theo đó cuộc trú ngụ trần thế của ông chỉ mới là bước chuẩn bị nhất thời, sương khói, cho cuộc trú ngụ vĩnh hằng gần bên đức Chúa Jesus. Và giờ đây tôi ở với người, mọi ngày, cho tới tận thế.
Hôm sau ngày đưa tang, anh tiếp ông chưởng khế. Họ đã không nói chuyện đó với bố anh, anh nhận ra thậm chí họ còn không đề cập chủ đề - thế nhưng đó lại là mục đích chính cho chuyến đi của anh - nhưng ngay lập tức anh thấy hiển nhiên là sẽ không có chuyện bán nhà, và thậm chí anh còn không cảm thấy có nhu cầu gọi điện cho bố anh để bàn chuyện này. Anh cảm thấy thoải mái trong ngôi nhà này, ngay lập tức anh đã cảm thấy thoải mái ở đó, đây là một nơi người ta có thể sống. Anh thích sự đặt sát liền kề đầy vụng về của phần đã sửa sang, những bức tường phủ một lớp trát cách nhiệt màu trắng, với phần cũ, những bức tường xây bằng đá không đều nhau. Anh thích cái cửa hai cánh, không thể đóng hẳn lại được, dẫn ra đường đi Guéret, và cái bếp lò to tướng trong bếp, có thể chất vào đó củi, than, hẳn là mọi thứ gì cháy được. Trong ngôi nhà này anh bị cám dỗ tin vào những thứ như tình yêu, tình yêu hai chiều của cặp đôi làm tỏa rạng những bức tường bởi một sự ấm nóng nào đó, một sự ấm nóng dịu dàng truyền tới cho những người đến ở sau này để mang cho họ bình yên tâm hồn. Về khía cạnh này anh sẵn sàng tin vào những bóng ma, hoặc bất cứ điều gì..
Viên chưởng khế dù sao cũng không hề có ý định khuyến khích anh bán nhà; cách đây hai hay ba năm, ông thú nhận, thì có thể làm theo cách khác hẳn. Vào thời của những tay trader người Anh, những tay trader Anh trẻ mà đã già về hưu, sau khi đầu tư vào vùng Dordogne, mở rộng theo kiểu cuốn chiếu về hướng Bordelais và Massif trung tâm, nhanh chóng tiến lên bằng cách dựa vào những cứ điểm đã chiếm được, và đã đầu tư vào Limousin trung tâm; có thể đợi, không lâu lắm nữa, họ tới Creuse, và rồi giá sẽ tăng lên. nhưng suy thoái của thị trường chứng khoán London, khủng hoảng subprime(*) và sự sụt giảm của các giá trị đầu cơ đã làm thay đổi cục diện: không còn nghĩ đến việc chăm nom những nơi ở quyến rũ nữa, các tay trader Anh trẻ mà đã già giờ đây gập rất nhiều khó khăn trong việc trang trải tiền nhà ở Kensington, ngược lại càng ngày họ càng hay nghĩ đến bán lại, và nói cho đầy đủ thì giá đã tụt giảm ghê gớm. Lúc này cần phải, ít nhất đó cũng là dự đoán của viên chưởng khế, đợi sự xuất hiện của một thế hệ người giàu mới, có nguồn của cải vững chắc hơn, dựa trên nền sản xuất công nghiệp; đó có thể là người Trung Quốc, hoặc người Việt Nam làm sao mà biết được, nhưng dù thế nào đi nữa thì lúc này tốt hơn cả ông thấy nên đợi, giữ ngôi nhà đừng để xuống cấp, có thể sửa chữa đôi chỗ, lúc
nào cũng phải tôn trọng truyền thống thủ công của địa phương. Ngược lại không cần thiết phải tiến hành những sửa sang tốn kém chẳng hạn như là bể bơi, jacuzzi hay kết nối Internet tốc độ cao; những người giàu xổi, chừng nào đã mua được ngôi nhà, sẽ luôn luôn thích tự mình lo mấy việc đó, về điểm này thì ông tuyệt đối chắc chắn, chính kinh nghiệm đang nói, ông đã có bốn mươi năm hành nghề chưởng khế ở sau lưng.
Khi bố anh quay lại tìm anh vào cuối tuần tiếp theo, mọi thứ đã được giải quyết xong xuôi, đồ đạc được lựa chọn và sắp xếp, những món thừa kế nhỏ đã được phân chia cho các hàng xóm chiếu theo di chúc. Họ có cảm giác mẹ và bà họ đã có thể yên nghỉ, như người ta vẫn nói. Jed thả lỏng người trên chiếc ghế da Nappa trong khi chiếc classe S đâm vào xa lộ với tiếng gừ gừ đầy vẻ thỏa mãn cơ học. Trong vòng hai tiếng, với tốc độ vừa phải, họ đi ngang qua một vùng phong cảnh nhuốm sắc thu, họ ít nói chuyện nhưng Jed có cảm giác giữa họ đã được thiết lập một dạng đồng cảm, một sự hòa hợp về cách thức đề cập cuộc đời nói chung. Lúc họ sắp đến đoạn giao lộ Melun-Trung tâm, anh hiểu ra là mình đã trải qua, trong cái tuần này, một quãng ngoặc đơn yên bình.
III
Người ta vẫn thường giới thiệu tác phẩm của Jed Martin như là khởi phát từ một suy tư lạnh lùng, xa cách, về tình trạng thế giới, người ta biến anh thành một loại truyền nhân của các nghệ sĩ ý niệm lớn của thế kỷ trước. Thế nhưng chính là với một tâm trạng sục sôi mà anh mua, ngay khi về tới Paris, tất cả bản đồ Michelin mà anh có thể tìm được - hơn một trăm năm mươi tấm một chút. Rất nhanh chóng, anh nhận ra những tấm thú vị nhất thuộc xê ri “Michelin Các Vùng” phủ lên một phần lớn châu Âu, và nhất là “Michelin Các Tỉnh”, chỉ giới hạn ở Pháp. Quay lưng lại với nhiếp ảnh tráng bạc, mà cho tới lúc ấy anh vẫn chuyên chú tuyệt đối, anh mua một máy scan Betterlight 6000-HS, cho phép đạt tới độ phân giải 48 bit RGB ở cỡ 6.000 x 8.000 pixel.
Trong vòng sáu tháng anh rất ít ra khỏi nhà, nếu không phải là cho một cuốc đi dạo hằng ngày dẫn anh tới siêu thị Casino trên đại lộ Vincent Auriol. Những tiếp xúc giữa anh và các sinh viên khác của trường Mỹ thuật, vốn đã rất ít ỏi thời còn đi học, hiếm hoi dần cho đến lúc hoàn toàn biến mất, thế nên anh rất kinh ngạc khi nhận được, vào đầu tháng Ba, email đề nghị anh tham gia một cuộc triển lãm nhóm, Ta hãy lịch thiệp, sẽ được tổ chức vào tháng Năm bởi quỹ của hãng Ricard. Tuy nhiên anh vẫn viết email nói mình nhận lời, không thực sự nhận ra chính sự tách rời gần như bướng bỉnh của anh đã tạo ra xung quanh anh một bầu không khí bí ẩn, và nhiều bạn học cũ muốn biết anh đang ở đâu rồi.
Sáng hôm khai mạc triển lãm, anh nhận ra mình đã không thốt ra một lời nào từ suốt một tháng, ngoài từ “Không” mà anh lặp lại mỗi ngày với
cô thu ngân (hiếm khi là cùng một cô, quả vậy) hỏi anh có thẻ Club Casino không; nhưng anh vẫn, khi đến giờ, đi tới phố Boissy-d’Anglas. Chắc là có khoảng một trăm người, rốt cuộc thì anh cũng chưa bao giờ biết lượng định những thứ như thế này, dù sao thì các khách mời cũng phải tính theo đơn vị nhiều chục, và thoạt tiên anh cảm thấy chút lo lắng khi thấy mình không nhận ra ai cả. Trong một thoáng anh sợ mình nhầm ngày triển lãm, nhưng bức ảnh của anh thì ở kia rồi, gắn lên một bức tường trong góc, được chiếu sáng vừa đủ. Sau khi tự rót cho mình một cốc whisky anh đi nhiều vòng quanh phòng, theo một quỹ đạo hình elip, giả vờ ít nhiều chìm sâu vào suy tư, trong khi trí óc anh không sao hình thành được suy nghĩ nào ngoại trừ nỗi ngạc nhiên rằng hình ảnh về những người bạn cũ đã hoàn toàn biến mất khỏi ký ức anh, bị xóa, bị xóa triệt để, cứ thế mà suy thì còn phải tự hỏi liệu anh có thuộc về loài người hay không. Hẳn ít nhất thì anh cũng sẽ nhận ra Geneviève, phải, anh chắc chắn mình sẽ nhận ra được người tình cũ, đó là một sự chắc chắn mà anh có thể bấu víu vào.
Hoàn thành vòng thứ ba, Jed trông thấy một phụ nữ trẻ đang xem bức ảnh của anh vẻ hết sức chăm chú. Cũng khó mà không trông thấy cô: không chỉ cô là người phụ nữ đẹp hơn hẳn mọi người khác trong buổi tối này, mà hẳn cô còn là người phụ nữ đẹp nhất anh từng nhìn thấy. Với nước da rất nhạt, gần như trong suốt, mái tóc vàng platin và đôi gò má nhô cao, cô hoàn toàn tương hợp với hình ảnh về vẻ đẹp xlavơ đúng như các hãng người mẫu và tạp chí vẫn phổ biến sau khi Liên Xô sụp đổ.
Ở vòng đi tiếp theo của anh, cô không còn ở đó nữa; anh lại nhìn thấy cô vào quãng giữa vòng đi thứ sáu, tươi cười, một ly sâm banh cầm trên tay, giữa một nhóm nhỏ. Cánh đàn ông uống cô bằng mắt với vẻ thèm thuồng mà họ còn không buồn che giấu; một trong số họ có quai hàm trễ hẳn xuống.
Khi anh đi ngang qua, ở vòng tiếp theo, bức ảnh của mình, cô lại ở đó, lần này thì một mình. Anh do dự mất một giây, rồi đi lướt qua và đến lượt mình cũng đứng trước bức ảnh, anh ngắm nhìn nó kèm với một cái gật đầu.
Cô quay sang anh, tư lự nhìn anh trong vòng vài giây rồi hỏi: - Anh là nghệ sĩ phải không?
- Vâng.
Cô lại nhìn anh, chăm chú hơn, trong vòng ít nhất năm giây, trước khi nói:
- Tôi thấy nó rất đẹp.
Cô nói điều này một cách giản dị, bình tĩnh, nhưng với sự tin tưởng thực thụ. Không tìm được câu trả lời thích hợp, Jed quay lại nhìn bức ảnh. Anh phải công nhận là quả thực anh thấy khá hài lòng với chính mình. Tại triển lãm này anh đã chọn một phần tấm bản đồ Michelin vẽ Creuse, trong
đó có ngôi làng của bà anh. Anh đã dùng một hướng nhìn rất nghiêng, ba mươi độ so với chiều ngang, chỉnh tiêu cự cực đại để đạt được chiều sâu tối đa. Sau đó anh làm mờ khoảng cách và thực hiện hiệu ứng mờ dần ở
đường chân trời, bằng cách sử dụng các chức năng của Photoshop. Hiện lên trước hết là cái hồ Breuil và ngôi làng Châtelus-le-Marcheix. Xa hơn, những con đường uốn lượn trong rừng giữa các làng Saint-Goussaud, Laurière và Jabreilles-les-Bordes hiện ra như một vùng đất của giấc mơ, thần tiên và không thể phạm tới. Ở nền và bên trái bức ảnh, như thể hiện ra từ một làn sương mù, người ta vẫn còn nhìn thấy rõ ràng dải ruy băng trắng và đỏ của xa lộ A20.
- Anh vẫn thường chụp ảnh bản đồ đường bộ à?
- Vâng… Vâng, khá thường xuyên.
- Lúc nào cũng là của Michelin à?
- Vâng.
Cô suy nghĩ vài giây trước khi hỏi anh:
- Anh có chụp nhiều ảnh theo kiểu này không?
- Khoảng hơn tám trăm bức một chút.
Lần này cô nhìn anh chăm chăm, rõ ràng là đầy bối rối, trong vòng ít nhất là hai mươi giây, trước khi nói tiếp:
- Chúng ta phải nói chuyện về chúng. Chúng ta phải gặp nhau để nói chuyện về chúng. Có thể anh sẽ thấy ngạc nhiên nhưng… tôi làm việc cho Michelin.
Cô rút từ một cái xắc Prada nhỏ xíu ra một tấm các, mà anh ngây ra nhìn một lúc rồi cho vào túi: Olga Sheremoyova, bộ phận truyền thông, Michelin Pháp.
Sáng hôm sau anh gọi điện thoại; Olga đề nghị ăn tối ngay hôm đó. - Tôi không ăn tối nhiều lắm… anh phản đối. Đúng ra là tôi muốn nói, không ăn tối ngoài quán nhiều lắm. Thậm chí tôi còn nghĩ tôi chẳng biết quán ăn nào ở Paris cả.
- Tôi thì lại biết rất nhiều, cô đáp, đầy vẻ cả quyết. Thậm chí tôi có thể nói… đó là một phần công việc của tôi.
Họ gặp nhau tại quán Ở chỗ Anthony và Georges, một quán bé xíu khoảng chục bàn trên phố Arras. Mọi thứ trong phòng, bát đĩa cũng như đồ đạc, đều có màu sắc của các hiệu đồ cổ và tạo nên sự hòa trộn đỏm dáng và tản mát những thứ đồ bắt chước kiểu thế kỷ mười tám ở Pháp, các thứ đồ lặt vặt Nghệ Thuật Mới, bát đĩa và đồ sứ Anh. Tất cả các bàn đều có khách du lịch ngồi, nhất là người Mỹ và người Trung Quốc - cũng có cả một bàn toàn người Nga. Olga được Georges, gầy gò, hói đầu và mơ hồ có vẻ lo lắng, hơi có dáng một tay pê đê cứng cựa già, đón tiếp như một khách quen. Anthony, ở trong bếp, là bear(*) thuộc loại không mấy thái quá - có khả năng anh ta chỉ quan tâm thôi, nhưng thực đơn của anh ta để lộ nỗi ám ảnh thực thụ với món patê gan ngỗng. Jed xếp họ vào hạng những tay pê đê bán hiện đại, cẩn thận tránh những điều thái quá và những sai lầm về gu vẫn thường bị gán cho cộng đồng của họ, nhưng, dù sao, thỉnh thoảng cũng thoải mái được một chút - khi Olga đến, Georges hỏi cô: “Anh cầm hộ áo măng tô của em nhé, em yêu quý?” nhấn mạnh vào em yêu quý bằng một cái giọng rất nuột. Cô mặc một chiếc măng tô lông thú, lựa chọn khá kỳ quặc cho mùa này, nhưng ở bên dưới Jed nhìn thấy một chiếc minijupe rất ngắn và một nịt ngực bằng xa tanh trắng đính pha lê Swarovski; trông cô thật tuyệt vời.
- Em thế nào, cô em dịu dàng? Anthony, một cái tạp dề nấu bếp buộc quanh hông, uốn éo trước bàn họ. Em có thích dùng món gà với tôm không? Bọn anh vừa nhận được chuyến tôm từ Limousin, tuyệt diệu, tuyệt đối tuyệt diệu. - Xin chào ông, anh ta nói thêm khi quay sang Jed.
- Anh có thích không? Olga hỏi Jed khi anh ta đã đi khỏi. - Tôi… có. Rất đặc trưng. Tức là có cảm giác thật là đặc trưng, nhưng cũng chẳng biết rõ là cho cái gì nữa. Có trong sách hướng dẫn không? anh có cảm giác đây là câu hỏi cần đặt.
- Chưa. Chúng tôi sẽ thêm vào ấn bản năm tới. Đã có một bài báo trên Condé Nast Traveller, và trên Elle bản tiếng Trung.
Lúc này đang làm ở văn phòng Paris của Michelin, nhưng trên thực tế Olga là người của holding Công ty tài chính Michelin, trụ sở đặt bên Thụy Sĩ. Trong một toan tính đa dạng hóa khá lôgic, mới đây hãng đã tham gia mạnh mẽ vào các chuỗi Trạm nghỉ và lâu đài, và nhất là French Touch, đang lên rất mạnh từ vài năm nay - trong khi vẫn giữ, vì các lý do thuộc về khoa học quản lý, một sự độc lập chặt chẽ đối với việc soạn thảo các loại sách hướng dẫn khác nhau. Hãng đã nhanh chóng ý thức được rằng người Pháp, xét về tổng thể, không còn đủ tiền trả cho những kỳ nghỉ trên đất Pháp nữa, và dù thế nào đi nữa thì cũng chắc chắn là không phải ở những khách sạn mà các chuỗi này đề xuất. Một bảng câu hỏi thăm dò phân phát trong chuỗi French Touch năm vừa qua cho thấy 75% lượng khách hàng có thể phân chia trong ba nước: Trung Quốc, Ấn Độ và Nga - tỉ lệ lên tới 90% đối với các cơ sở “Nơi ở đặc biệt”, có uy tín lớn nhất trong toàn bộ. Olga đã được tuyển để tái tập trung công tác truyền thông nhằm làm cho nó thích hợp được với những chờ đợi của giới khách hàng mới này.
Làm mạnh thường quân trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại không thực sự là một phần trong văn hóa truyền thống của Michelin, cô nói tiếp. Hãng đa quốc gia này, đặt tại Clermont-Ferrand từ khởi đầu, trong hội đồng điều hành gần như lúc nào cũng có một hậu duệ của những người sáng lập, có tiếng là một công ty khá bảo thủ, thậm chí gia trưởng. Dự án mở tại Paris một không gian Michelin dành cho nghệ thuật đương đại của cô đã vấp phải rất nhiều khó khăn mới được các cấp lãnh đạo thông qua, trong khi, cô chắc chắn vào điều đó, nó ngày càng trở nên quan trọng hơn trong quy trình xây dựng hình ảnh của hãng tại Nga và Trung Quốc.
- Tôi có làm anh chán không? đột nhiên cô ngừng lời. Tôi rất tiếc, tôi chỉ nói chuyện business, trong khi anh thì lại là một nghệ sĩ… - Không chút nào, Jed thành thực đáp. Không chút nào, tôi thấy rất cuốn hút. Xem này, thậm chí tôi còn chưa chạm đến món patê gan ngỗng… Quả thực là anh thấy cuốn hút, nhưng là với đôi mắt cô, với cử động của cặp môi cô khi cô nói - cô dùng loại son môi màu hồng sáng, hơi lấp lánh, rất hợp với mắt.
Khi ấy họ nhìn nhau, không nói gì, trong vòng vài giây, và Jed không còn chút nghi ngờ nào nữa: cái nhìn cô đang thả vào cái nhìn của anh kia hiển nhiên là một cái nhìn của ham muốn. Và, thấy biểu hiện của anh, cô cũng biết ngay là anh đã biết.
- Tóm lại… Olga tiếp tục, hơi bối rối, tóm lại với tôi thật là tuyệt vọng để có được một nghệ sĩ dùng những tấm bản đồ Michelin làm chủ đề cho các tác phẩm của mình.
- Nhưng, cô biết đấy, tôi thấy chúng thực sự đẹp mà, những tấm bản đồ ấy.
- Thấy rõ mà. Điều đó thấy rất rõ trong những bức ảnh của anh.
Việc mời cô đến nhà xem những bức ảnh khác trở nên quá dễ dàng. Dù vậy, vào lúc taxi đi vào đại lộ Gobelins, anh vẫn thấy hơi gờn gợn. - Tôi e là nhà tôi hơi lộn xộn đấy… anh nói.
Lẽ dĩ nhiên cô đáp là không sao, nhưng khi đi lên cầu thang nỗi khó ở của anh càng tăng thêm, và khi mở cửa anh liếc trộm sang cô: dù sao thì cô cũng hơi nhăn nhó. Lộn xộn thực sự là một uyển ngữ. Quanh cái bàn có giá trên đó anh dựng cái máy ảnh Linhof của mình, khắp mặt sàn phủ đầy ảnh, đôi khi thành những lớp dày, có thể là đến mấy nghìn bức. Chỉ có một lối đi rất hẹp được vạch ra từ cái bàn đến chỗ cái đệm, đặt thẳng xuống đất. Và căn hộ không chỉ lộn xộn, nó còn bẩn nữa, ga trải giường gần như đã chuyển sang màu nâu, và lấm tấm những vết bẩn đồ ăn.
- Đúng, đúng là nhà của đàn ông con trai… Olga nói đầy vẻ nhẹ nhõm, rồi cô tiến đến giữa phòng, ngồi thụp xuống để xem một bức ảnh, cái minijupe nhích lên rất cao trên đùi cô, hai chân cô dài và mảnh đến khó tin, làm sao mà người ta lại có thể có những cái chân dài và mảnh đến thế? Jed chưa từng bao giờ cương cứng dữ dội như vậy, anh run rẩy ngay tại chỗ và có cảm giác mình sắp ngất đến nơi.
- Tôi… anh thốt ra bằng một giọng nghèn nghẹt, không nghe rõ. Olga quay đầu lại và nhận thấy sự việc rất nghiêm trọng, ngay lập tức cô nhận ra cái ánh mắt mờ đi, hoảng loạn của đàn ông không thể kìm giữ được ham muốn kia, cô đi vài bước về phía anh, dùng thân hình nồng nàn của mình ôm lấy anh và hôn lên miệng anh.
IV
Dù sao, thuận tiện hơn cả vẫn là đến nhà cô. Lẽ dĩ nhiên là mọi thứ khác hẳn: một căn hộ hai phòng rạng rỡ, phố Guynemer, nhìn thẳng xuống vườn Luxembourg. Olga thuộc vào những người Nga tính khí trìu mến đã học được trong những năm tháng đào tạo của mình cách ngưỡng mộ một hình ảnh nào đó về nước Pháp - sự lịch duyệt, ăn uống, văn chương, vân vân và vân vân - và sau đó đều đặn buồn bã vì đất nước thực rất ít tương ứng với những trông chờ của họ. Người ta thường nghĩ người Nga đã hoàn thành cuộc đại cách mạng cho phép họ thoát khởi chủ nghĩa cộng sản nhằm có thể ăn đồ McDonald’s và xem phim của Tom Cruise; điều này khá là đúng, nhưng ở một nhóm thiểu số trong họ vẫn tồn tại ham muốn nhấm nháp rượu vang trắng Pouilly-Fuissé hoặc tới tham quan Sainte-Chapelle. Nhờ trình độ học vấn và hiểu biết nói chung, Olga thuộc vào giới tinh hoa này. Bố cô, nhà sinh học tại đại học Matxcơva, là một chuyên gia về côn trùng - thậm chí một loài bọ cánh phấn Siberia còn mang tên ông. Cả ông lẫn gia đình ông đều không thực sự tận dụng được sự chia tách vĩ đại đã diễn ra vào thời điểm Đế chế sụp đổ; họ cũng không bị rơi vào cảnh bần cùng, trường đại học nơi ông giảng dạy vẫn giữ được những danh tiếng tốt đẹp, và sau vài năm không mấy chắc chắn họ đã tự bình ổn được trong một vị thế trung lưu khá hợp lẽ - nhưng Olga sống được phong lưu ở Paris, thuê một căn hộ hai phòng phố Guynemer và mặc đồ hàng hiệu là chỉ nhờ vào tiền lương mà hãng Michelin trả cho.
Sau khi họ trở thành tình nhân, một nhịp sống đã nhanh chóng được thiết lập. Sáng ra, Jed rời căn hộ cùng lúc với cô. Khi cô lên chiếc Mini Park Lane của mình lái đến chỗ làm trên đại lộ Grande-Armée, anh đi tàu
điện ngầm về xưởng vẽ tại đại lộ Hôpital của mình. Tối đến anh trở về, thường là trước cô một lúc.
Họ đi chơi rất nhiều. Đến Paris được hai năm nay, Olga không gặp khó khăn gì trong việc tự tạo ra cho mình một mạng lưới quan hệ xã hội dày đặc. Hoạt động nghề nghiệp của cô dẫn cô tới giao du với báo chí và ngành truyền thông - đúng hơn là trong các mảng, nói cho đúng thì cũng ít glamour(*), của ký sự du lịch và ăn uống. Nhưng, dù cho có thế nào, một cô gái có vẻ đẹp như cô có thể vào bất kỳ đâu, sẽ được tiếp nhận ở bất kỳ nhóm nào. Thậm chí còn rất đáng kinh ngạc khi vào thời điểm gặp Jed cô chưa hề có tình nhân chính thức nào; còn đáng kinh ngạc hơn nữa khi cô lại chọn anh. Chắc chắn, anh khá xinh trai, nhưng là theo kiểu nhỏ thó và thanh mảnh thường không mấy được phụ nữ săn tìm - hình ảnh dữ dội đực tính đóng cọc dữ dằn đang trở lại đầy mạnh mẽ từ mấy năm nay, và nói cho đúng đó còn hơn là một sự thay đổi mốt, đó là sự trở về với những nền tảng của tự nhiên, của sự hấp dẫn giới tính ở những gì sơ khai nhất và dữ dội nhất, cũng như kỷ nguyên của những cô người mẫu chết đói dở đã chấm dứt hoàn toàn, và những phụ nữ người dây quá mức chỉ còn hấp dẫn vài anh châu Phi và mấy kẻ biến thái, ở mọi lĩnh vực thiên niên kỷ thứ ba ngay từ khởi đầu đã trở về, sau nhiều chao đảo với tầm vóc chưa từng bao giờ quá lớn, với sự thích thú dành cho một dạng đơn giản, đã qua thử thách: vẻ đẹp được biểu hiện trong sự đầy đặn ở phụ nữ, trong sức mạnh hình thể ở đàn ông. Một tình huống như vậy không mấy thực sự ưu đãi cho Jed. Sự nghiệp nghệ sĩ của anh cũng không có gì thú vị - nói cho đúng thì thậm chí anh còn không phải là nghệ sĩ, anh chưa bao giờ triển lãm riêng, chưa bao giờ có bài báo nào nhắc đến tác phẩm của anh, giải thích tầm quan trọng của anh cho thế giới biết, thời ấy anh gần như không được ai biết tới. Phải, lựa chọn của Olga là rất đáng kinh ngạc, và hẳn Jed cũng sẽ rất ngạc nhiên nếu bản tính riêng cho phép anh ngạc nhiên về những chuyện như thế, thậm chí là nhận ra chúng.
Trong vòng vài tuần, dù sao anh cũng được mời đến các buổi khai mạc triển lãm, buổi ra mắt phim và tiệc cocktail văn học nhiều hơn so với suốt những năm theo học ở trường Mỹ thuật. Anh nhanh chóng có được cách cư xử thích hợp. Không nhất thiết phải thật xuất sắc, thậm chí thường xuyên nhất tốt hơn cả là không nói gì cả, nhưng nhất định phải lắng nghe người đối thoại với mình, nghe thật nghiêm trang và thân thiện, thỉnh thoảng thúc
đẩy cuộc trò chuyện bằng một: “Thật à?” để chứng tỏ có quan tâm và sự ngạc nhiên, hoặc một: “Chắc chắn rồi…” mang hơi hướm vẻ nhất trí đầy thấu hiểu. Ngoài ra, tầm vóc nhỏ bé của Jed cũng khiến anh dễ dàng chọn lựa một dáng vẻ khuất phục thường được đánh giá cao bởi các nhân vật trong ngành văn hóa - nói cho đúng thì bởi bất kỳ ai. Nhìn chung đó là một nơi dễ xâm nhập, chắc hẳn cũng như mọi nơi khác, và vẻ trung tính lịch thiệp của Jed, sự im lặng của anh về các tác phẩm của mình, làm lợi to lớn cho anh bằng cách mang lại cảm giác thật ra rất đúng rằng anh là một nghệ sĩ nghiêm túc, một nghệ sĩ làm việc thực sự. Trôi nổi giữa những người khác trong một vẻ thờ ơ lịch sự, Jed có cái vẻ, mà tự anh không biết, groove(*) từng khiến Andy Warhol thành công vào thời của ông, điểm xuyết thêm vào đó đôi chút nghiêm túc - người ngay lập tức được diễn giải như một người nghiêm túc chứa đựng nhiều bận tâm, một công dân nghiêm túc - sẽ trở thành không thể thiếu năm mươi năm sau này. Một tối tháng Mười một, nhân dịp trao một giải thưởng văn chương nào đó, thậm chí anh còn được giới thiệu với Frédéric Beigbeder lừng danh, khi ấy đang ở trên đỉnh vinh quang truyền thông của mình. Nhà văn và chuyên gia quảng cáo, sau khi thơm má Olga thật lâu (nhưng là theo một lối rất phô trương, đượm chất kịch sân khấu đến mức trở nên vô tội bởi chỉ dẫn quá rõ ràng tới ý hướng của sự chơi) nhìn Jed nghi hoặc, trước khi bị túm chặt lấy bởi một cô diễn viên phim khiêu dâm people(*) vừa xuất bản một cuốn sách trò chuyện với một nhà sư Tây Tạng. Liên tục gật đầu trước những lời lẽ của cô cựu diễn viên hạng nặng, Beigbeder nhiều lần liếc nhìn Jed như thể để ra lệnh cho anh không được tan biến vào đám đông, ngày càng dày đặc hơn tỉ lệ thuận với tốc độ biến mất của những cái bánh ngọt nhỏ. Rất gầy guộc, tác giả Cứu với xin lỗi thời ấy mang một bộ râu lởm chởm, chắc hẳn là với ý đồ làm mình giống một nhân vật chính trong tiểu thuyết Nga. Rốt cuộc, cô gái bị quơ lấy bởi một tay cao lớn người hơi nhão và phệ, tóc dài lưng chừng, cái nhìn nửa trí tuệ nửa ngu ngốc, hình như đang phụ trách bộ phận biên tập ở nhà xuất bản Grasset, và Beigbeder đã có thể thoát thân. Olga đứng cách đó vài mét, vây xung quanh là đám mây thường lệ những gã đàn ông ngưỡng mộ.
- À, ra là anh đấy hả? cuối cùng anh ta hỏi Jed, nhìn thẳng vào mắt anh với cường độ mạnh đáng lo ngại - thực sự lúc này thì anh ta trông rất giống một nhân vật chính trong tiểu thuyết Nga, kiểu “Razoumikhine, cựu sinh
ẳ
viên”, nhưng cũng dễ nhầm lắm, ánh nhìn của anh ta hẳn là xuất phát từ cocain nhiều hơn so với từ niềm say mê tôn giáo nhưng thật ra thì có khác biệt gì không nhỉ? Jed tự hỏi. Anh là người đã vơ được cô ấy đấy hả? Beigbeder lại hỏi thêm với một cường độ tăng tiến. Không biết phải nói sao, Jed giữ im lặng.
- Anh có biết là anh đang ở cùng một trong năm người phụ nữ đẹp nhất Paris không? Giọng anh ta đã trở lại nghiêm túc, chuyên nghiệp, rõ ràng anh ta biết bốn người kia. Cả điều này nữa, Jed cũng không biết đáp lại thế nào. Thường thì phải trả lời ra sao trước những tra vấn của con người?
Beigbeder thở dài, đột nhiên có vẻ rất mệt mỏi, và Jed tự nhủ cuộc trò chuyện sẽ dễ dàng trở lại; anh sẽ có thể, như thường lệ, lắng nghe và ngầm nhất trí với các quan niệm và câu chuyện do người đối thoại với mình phát triển; thế nhưng lại không phải như vậy. Beigbeder quan tâm đến anh, anh ta muốn biết nhiều hơn về anh, bản thân việc này đã là lạ lắm rồi, Beigbeder là một trong các people được chiều chuộng nhất Paris và hẳn ở đây người ta đã bắt đầu ngạc nhiên rồi, có khả năng đã rút ra được kết luận riêng, hướng ánh mắt nhìn về phía họ. Trước hết Jed tìm cách thoái lui bằng cách nói mình chụp ảnh, nhưng Beigbeder muốn biết thêm: chụp ảnh loại nào? Câu trả lời khiến anh ta choáng lắm: anh ta biết các tay nhiếp ảnh gia quảng cáo, các tay nhiếp ảnh gia thời trang, thậm chí vài tay nhiếp ảnh gia chiến tranh (anh lại còn hay gặp họ hơn trong hoạt động paparazzo mà họ làm, có che giấu ít nhiều, bởi thường thì trong nghề chụp ảnh người ta thấy chụp ngực Pamela Anderson thì kém cao quý hơn là chụp những mảnh thân thể bay tứ tung của một kamikaze người Libăng, thế nhưng thường thì các loại ống kính được sử dụng là như nhau, và các kỹ năng chụp cũng gần như là tương tự - thật khó tránh việc tay bị run vào thời điểm bấm máy, và độ mở cực đại chỉ hợp với một mức độ chiếu sáng đã rất mạnh, đó là các vấn đề mà người ta gặp phải với các ống têlê có độ phóng quá lớn), ngược lại những người chụp ảnh bản đồ đường bộ, không, cái này với anh quá mới mẻ. Hơi rối trí một chút, rốt cuộc Jed buông ra, đúng, theo một nghĩa nào đó, người ta có thể nói anh là nghệ sĩ.
- Ha ha haaaa!… nhà văn phá lên cười, điệu cười quá đà, làm khoảng một chục người quay đầu lại, trong đó có Olga. Nhưng đúng, tất nhiên, phải là nghệ sĩ! Văn chương đã hoàn toàn bị nạo rỗng mất rồi! Để ngủ
được với những người phụ nữ đẹp nhất, ngày nay ấy, cần phải là nghệ sĩ! Cả tôi nữa, tôi cũng muốn trở thành ngh-ệ-sĩ!
Và thật đáng kinh ngạc, hai cánh tay dang rộng hết cỡ, anh ta hát rống lên, hát rất to và gần đúng nhạc, mấy câu sau trong bài Blues của businessman:
Tôi những muốn trở thành nghệ sĩĩĩĩĩ
Để làm lại thế giới này
Để có thể là một tên vô chính phủủủủủ
Và sống như một tay triệu phú!…
Cốc vodka run lên giữa hai bàn tay anh ta. Giờ đây phân nửa căn phòng đã quay về phía họ. Anh ta bỏ tay xuống, nói thêm, giọng lạc lõng: “Nhạc Michel Berger, lời Luc Plamondon” rồi òa khóc nức nở.
- Mọi việc ổn đấy chứ, với Frédéric ấy… Olga nói với anh khi họ đi bộ về nhà, dọc theo đại lộ Saint-Germain. “Phải…” Jed bối rối đáp. Trong số những gì anh đọc hồi còn thiếu niên, tại ngôi trường dòng Tên của mình, có những tiểu thuyết chủ nghĩa hiện thực thế kỷ mười chín của Pháp trong đó các nhân vật thanh niên đầy tham vọng thành công được nhờ phụ nữ; nhưng anh rất ngạc nhiên khi thấy mình ở vào tình huống tương tự, và nói cho đúng thì anh đã quên đi một chút những cuốn tiểu thuyết chủ nghĩa hiện thực thế kỷ mười chín của Pháp, từ vài năm nay anh chỉ còn đọc được Agatha Christie, và thậm chí còn đặc thù hơn, những cuốn tiểu thuyết của Agatha Christie có nhân vật Hercule Poirot, cái đó thì chẳng giúp gì được mấy cho anh trong hoàn cảnh hiện tại.
Rốt cuộc anh đã được lăng xê, và gần như là hết sức dễ dàng Olga thuyết phục được giám đốc của cô tổ chức triển lãm đầu tiên cho Jed, tại một địa điểm của hãng trên đại lộ Breteuil. Anh đến thăm chỗ đó, rộng nhưng khá buồn thảm, tường và sàn nhà bằng bê tông màu ghi; sự trơ trọi này anh lại thấy là rất tốt. Anh không đề nghị sửa sang gì hết, chỉ yêu cầu lắp ở lối vào một tấm pa nô lớn. Ngược lại anh có những chỉ dẫn rất chính
xác về chiếu sáng, và tuần nào cũng ghé qua để kiểm tra xem chúng có được tuân thủ nghiêm ngặt hay không.
Ngày khai mạc triển lãm được ấn định vào 28 tháng Giêng, khá thông minh - đó là lúc các nhà phê bình trở về từ kỳ nghỉ đông, đang lên lịch làm việc mới. Ngân sách chi cho bữa tiệc rất khá khẩm. Điều ngạc nhiên thực thụ đầu tiên của Jed là cô tùy viên báo chí: đầu óc vốn đầy những suy nghĩ cũ mòn, anh luôn luôn hình dung các cô tùy viên báo chí như là những cô ngực to, và rất kinh ngạc khi thấy xuất hiện một cô gái bé tí tẹo ốm yếu, gầy và gần như bị gù lưng, lại còn có cái tên rất không hợp là Marylin, thêm vào đó lại còn có vẻ căng thẳng thần kinh - toàn bộ thời gian buổi gặp đầu tiên giữa họ cô cứ xoắn xoắn những sợi tóc suôn dài màu đen của mình vẻ đầy hoảng hốt, dần dà tạo ra những cái nút không thể tháo trước khi giật thật mạnh lọn tóc một cái. Mũi cô liên tục chảy nước, và trong cái xắc cầm tay kích thước khổng lồ của mình, đúng hơn là một cái bị, cô trữ đến chừng mười lăm gói khăn giấy dùng một lần - khoảng khoảng mức tiêu thụ hằng ngày của cô. Họ gặp nhau trong phòng làm việc của Olga và thật là khó nghĩ khi nhìn thấy ở bên cạnh nhau cái sinh thể chói lòa ấy, với những hình dạng đáng thèm muốn đến mức vô biên, và cái mẩu đàn bà tội nghiệp kia, mang cái âm đạo chưa được khai phá; thậm chí trong thoáng chốc Jed còn tự hỏi không biết có phải Olga chọn cô vì vẻ xấu xí ấy, để tránh tạo ra xung quanh anh mọi sự cạnh tranh phụ nữ. Nhưng không, chắc chắn là không, cô có ý thức quá rõ là mình đẹp, cũng như quá mức khách quan thành thử không thể cảm thấy mình rơi vào tình trạng phải tranh đấu hay cạnh tranh gì cả, chừng nào sự vượt trội của cô còn chưa bị đe dọa theo một cách thức khách quan nào đó - và điều này thì chưa từng bao giờ xảy ra trong đời thực, ngay cả khi cô cũng có lúc ghen tị với gò má của Kate Moss hay bộ hậu của Naomi Campbell, một cách thoáng qua, khi kênh M6 chiếu lại một buổi trình diễn mốt. Olga chọn Marylin là bởi cô ta có tiếng là một tùy viên báo chí tuyệt hảo, hẳn là người giỏi nhất trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại - ít nhất là trên thị trường Pháp.
- Tôi rất sung sướng được làm việc với dự án này… Marylin tuyên bố bằng giọng than vãn. Sung sướng một cách sâu sắc.
ẳ
Olga ngồi tụt hẳn xuống nhằm cố gắng ngang bằng về chiều cao với cô ta, cảm thấy khó chịu đến thảm thương và cuối cùng chỉ cho họ một phòng họp nhỏ bên cạnh phòng làm việc của cô. “Tôi để hai người làm việc với nhau…” cô nói trước khi biến mất, lòng đầy nhẹ nhõm. Marylin rút ra một cuốn sổ làm việc lớn khổ 21x29,7 và hai gói khăn giấy trước khi nói tiếp:
- Hồi đầu, tôi học địa lý. Rồi tôi rẽ ngang sang địa lý con người. Giờ thì tôi chỉ còn ở trong lĩnh vực con người, ngắn gọn thế thôi. Đấy là nếu như người ta có thể gọi như thế là những con người… cô nhỏ nhẹ.
Trước hết cô muốn biết anh có những “trợ giúp mà anh tin tưởng” trong lĩnh vực báo viết hay không. Không có; trên thực tế, Jed không nhớ trong đời mình đã có lần nào từng mua một tờ báo hay một tờ tạp chí hay chưa. Anh thích vô tuyến, nhất là buổi sáng, ta có thể chuyển kênh rất thư giãn từ phim hoạt hình sang các bản tin chứng khoán; thỉnh thoảng, khi có
chủ đề nào đặc biệt cuốn hút, anh truy cập Internet; nhưng báo viết với anh như thể là một sự sống thừa kỳ quặc, có khả năng sắp bị kết án, và dù thế nào thì cũng không hề hấp dẫn anh.
- Đồng ý… Marylin rụt rè bình luận. Vậy tôi xin nói là không ít thì nhiều, chúng ta cứ tự nghĩ ý tưởng thôi.
V
Quả thực là tự nghĩ ý tưởng, và cô đã sử dụng điều này một cách tốt đẹp nhất. Khi họ bước vào căn phòng trên đại lộ Breteuil buổi tối hôm khai mạc, Olga bị sốc nặng. “Đông người quá…” rốt cuộc cô nói, rất choáng váng. “Phải, mọi người đã đến”, Marylin xác nhận với một vẻ hài lòng câm lặng, như thể, thật kỳ cục, điểm xuyết một dạng thù hận nào đó. Có khoảng một trăm người, nhưng điều mà cô muốn nói là có những người quan trọng, và cái đó thì làm sao mà biết được? Người duy nhất mà Jed nhận ra khi nhìn quanh là Patrick Forestier, sếp trực tiếp của Olga, giám đốc phụ trách truyền thông của Michelin Pháp, một cựu sinh viên Bách Khoa theo mẫu phổ biến bỏ ra ba tiếng đồng hồ tìm cách ăn vận kiểu nghệ sĩ, xem đi xem lại cả tủ quần áo trước khi đặt tay xuống một trong những bộ com lê màu xám quen thuộc - không đi kèm cà vạt.
Lối vào phòng bị một tấm pa nô lớn chặn lại, để dành chỗ ở bên cạnh cho những lối đi rộng hai mét, nơi Jed cho đặt cạnh nhau một bức ảnh chụp từ vệ tinh khu lân cận đỉnh núi Guebwiller và một tấm bản đồ Michelin phóng to loại “Các Tỉnh” cùng vùng ấy. Sự tương phản thật mạnh: trong khi bức ảnh vệ tinh chỉ để xuất hiện một thứ nước xúp màu xanh ít nhiều giống hệt nhau xen kẽ những vệt xanh dương mơ hồ, thì tấm bản đồ phát triển một mạng lưới rất hấp dẫn những đường tỉnh lộ, những con đường đẹp như tranh, các điểm nhìn, những khu rừng, hồ và đồi núi. Phía trên hai bức ảnh phóng to, viết bằng chữ in màu đen, là tên của cuộc triển lãm: “BẢN ĐỒ THÚ VỊ HƠN VÙNG ĐẤT”.
Trong bản thân căn phòng, trên những kệ lớn di động được, Jed đã cho treo khoảng ba mươi bức ảnh phóng to - tất cả đều lấy từ những tấm bản đồ Michelin “Các Tỉnh”, nhưng được lựa chọn từ các vùng địa lý đa dạng nhất, từ núi cao cho tới bờ biển Bretagne, từ các khu rừng thấp ven biển Manche cho tới những đồng bằng trồng ngũ cốc của Eure-et-Loir. Lúc nào cũng đi sát Olga và Jed, Marylin dừng chân ở ngưỡng cửa, quan sát đám đông nhà báo, các nhân vật nổi tiếng và nhà phê bình, như con thú ăn thịt quan sát đàn linh dương sắp đi uống nước.
- Pépita Bourguignon(*) đang ở đây, cuối cùng cô nói, nhếch miệng cười khô khốc.
- Bourguignon? Jed hỏi lại.
- Bà phê bình nghệ thuật của Le Monde.
Thiếu điều thì anh đã ngu ngốc nhắc lại: “của thế giới?” trước khi nhớ ra đó là tên một tờ báo buổi tối, và quyết định im miệng, hết mức có thể, trong suốt phần còn lại của buổi tối. Khi đã tách khỏi Marylin, anh không gặp khó khăn nào trong việc đi vòng vòng đầy yên bình giữa những bức ảnh của mình, mà không một ai nhận ra anh là nghệ sĩ, thậm chí còn không tìm cách nghe lỏm những lời bình luận. Anh thấy có vẻ, nếu so với những buổi khai mạc khác, tiếng ồn ào tương đối ít hơn; bầu không khí tập trung, gần như thành kính, nhiều người xem các tác phẩm, có khả năng như thế là dấu hiệu tốt. Patrick Forestier là một trong những người hiếm hoi cư xử như một khách mời bồng bột: một ly sâm banh cầm trên tay, ông quay mình ra tứ phía để mở rộng đám thính giả và ầm ĩ tự chúc mừng về “kết thúc sự hiểu nhầm giữa Michelin và thế giới nghệ thuật”.
Ba hôm sau, Marylin lao vào phòng họp nơi Jed đóng đô, ngay gần phòng làm việc của Olga, để chờ các phản hồi. Cô rút từ cái bị của mình ra một gói giấy ăn và tờ Le Monde của ngày hôm ấy.
- Anh còn chưa đọc à? cô la lên với cái vẻ, ở cô, có thể coi là hết sức phấn khích. Thế thì tôi tới đây là rất đúng rồi.
Ký tên Patrick Kéchichian(*), bài báo - đầy một trang, với hình chụp lại rất đẹp, đủ màu, bức ảnh anh chụp tấm bản đồ Dordogne, Lot - hết lời ca ngợi. Ngay từ những dòng đầu tiên, ông ta đã đồng hóa điểm nhìn của tấm bản đồ - hoặc của hình ảnh vệ tinh - với điểm nhìn của Chúa. “Với sự bình ẳ
yên sâu thẳm của những nhà cách mạng vĩ đại”, ông ta viết, “nghệ sĩ - một người còn rất trẻ - tách mình ra, ngay từ tác phẩm mở đầu anh ta dùng để dẫn chúng ta bước vào thế giới của mình, khỏi viễn tưởng tự nhiên chủ nghĩa và tân thế tục thông qua đó những người đồng thời với chúng ta miệt mài đi tìm lại hình ảnh của Người Vắng Mặt. Không thiếu đầu óc táo bạo, anh ta đã dùng điểm nhìn của một vị Chúa cùng tham gia, ở bên cạnh con người, để (tái) xây dựng thế giới.” Sau đó ông ta nói, rất dài, về các tác phẩm, thể hiện một hiểu biết đáng kinh ngạc về kỹ thuật nhiếp ảnh, trước khi kết luận: “Giữa sự thống nhất thần bí với thế giới và môn thần học duy lý, Jed Martin đã lựa chọn. Có thể là người đầu tiên trong nghệ thuật phương Tây kể từ các nhà Phục hưng vĩ đại, anh ta đã, thay vì những quyến rũ ban đêm của một Hildegarde de Bingen(*), thích những cấu trúc khó và sáng sủa của ‘con bò câm lặng’, như các bạn đồng môn ở đại học Cologne vẫn hay gọi l’Aquinite. Nếu lựa chọn này dĩ nhiên có thể gây phản đối, thì tầm cao của những cái nhìn mà nó hàm ý lại không như vậy. Vậy là một năm nghệ thuật đã tự thông báo với những dấu hiệu hứa hẹn nhất(*).”
- Không ngốc lắm nhỉ, những gì ông ta nói… Jed bình luận. Cô nhìn anh vẻ khó chịu ra mặt.
- Bài báo này thật là kỳ vĩ! cô nghiêm khắc đáp lại. Mà cũng đáng ngạc nhiên khi Kéchichian viết bài này, bình thường ông ta chỉ phụ trách mảng sách thôi. Thế nhưng, Pépita Bourguignon có mặt ở đó cơ mà nhỉ… Cô có vẻ bối rối mất vài giây trước khi kết luận, rất cả quyết: Dù sao thì tôi cũng thích đầy một trang của Kéchichian hơn một đoạn ngắn tủn của Bourguignon.
- Thế bây giờ, mọi chuyện sẽ như thế nào?
- Bắt đầu rồi đây. Các bài báo sẽ tới tấp, ngày càng nhiều hơn.
Họ ăn mừng sự kiện ngay tối hôm đó tại Ở chỗ Anthony và Georges. “Người ta nói rất nhiều về anh…” Georges nói với sang anh trong khi giúp Olga cởi chiếc măng tô. Các quán ăn thích people, họ hết sức chăm chú dõi
theo thời sự văn hóa và giới thượng lưu, họ biết sự hiện diện của các people ở chỗ mình có thể tạo ra một lực hút thực thụ đối với phân khúc dân số giàu xổi, đối tượng khách hàng tiềm năng hàng đầu của họ; và các people, thông thường, thích các quán ăn, và thế là một dạng cộng sinh
được tạo ra, một cách hết sức tự nhiên, giữa những quán ăn và các people. Là một people nhỏ trẻ măng, Jed không gặp khó khăn gì trong việc áp dụng cái thái độ thờ ơ khiêm tốn rất thích hợp với vị thế mới của anh, điều mà Georges, chuyên gia về các people hạng trung, chào đón bằng một cái liếc mắt rất ủng hộ. Tối hôm ấy không có nhiều khách trong quán, chỉ duy nhất một cặp Hàn Quốc rời đi khá sớm. Olga chọn gaspacho kèm aragula và một con tôm hùm tái cùng củ cải nghiền, còn Jed gọi một chảo sò Saint Jacques đảo qua và một bánh phồng nhân cá bơn trộn hạt carum kèm với lê nạo. Đến món tráng miệng Anthony tới chỗ họ, cái tạp dề nấu bếp buộc chặt vào người, tay vung vẩy một chai bas-armagnac Castarède 1905. “Quà tặng của nhà hàng…” anh ta nói, thở hổn hển, trước khi rót đầy hai ly. Theo quyển Rothenstein và Bowles, loại rượu ngon này làm người ta thèm muốn vì biên độ của nó, sự cao quý của nó và sự bay bổng của nó. Vị mận và mùi thơm là hình mẫu chuẩn của một thứ rượu lâu năm, để lại dư vị rất lâu trong miệng, với cảm giác sau rốt về chất da cũ. Anthony đã hơi phát tướng kể từ lần trước họ đến đây, hẳn điều này là không thể tránh khỏi, quá trình tiết testosteron giảm đi theo tuổi tác, tỉ lệ mỡ tăng lên, anh ta đang tiến lại gần cái tuổi tắt dục.
Olga hít hà thật lâu, đầy khoái trá, hương vị của rượu, trước khi nhúng môi vào thứ nước uống, cô thích nghi thật tuyệt diệu với nước Pháp, thật khó tin là cô đã trải qua tuổi thơ trong một căn hộ xập xệ tại ngoại ô Matxcơva.
- Làm sao mà các đầu bếp mới, cô hỏi sau khi nhấp ngụm rượu đầu tiên, em muốn nói những đầu bếp mà người ta hay nhắc tới, gần như đều là người đồng tính cả thế nhỉ?
- Haaa!… Anthony duỗi người vẻ khoan khoái trên ghế của mình, đưa ánh mắt vui vẻ dạo quanh quán. Ở đây em yêu quý ạ chính là bí mật lớn đấy, vì người đồng tính vẫn luôn luôn t-h-í-c-h bếp núc, ngay từ đầu rồi cơ, nhưng chẳng ai nói cả, tuyệt đối chẳng-một-ai. Vai trò rất lớn, anh nghĩ thế, là của ba ngôi sao của Frank Pichon(*). Việc một đầu bếp chuyển đổi giới tính có thể lấy được ba sao ở chỗ Michelin, đó, cái đó thì quả là một tín hiệu quá mạnh!… Anh ta nhấp một ngụm rượu, như thể đắm chìm vào quá khứ. Và rồi, dĩ nhiên! Anh ta tiếp tục với vẻ hoạt bát đặc biệt, dĩ nhiên cái đã khởi động cho mọi sự, quả bom nguyên tử, đó là outing của Jean Pierre Pernaut(*)!
- Phải, chắc chắn là outing của Jean-Pierre Pernaut rồi, nó thật là gớm ghiếc… Georges nhất trí với vẻ khó chịu. Nhưng anh cũng biết đấy, Tony… anh ta nói tiếp với những âm sắc rít lên đầy gây gổ, xét cho cùng thì không phải là xã hội từ chối chấp nhận các đầu bếp đồng tính, mà là những người đồng tính từ chối được chấp nhận với tư cách đầu bếp. Nhìn đây này, chúng tôi, chúng tôi chưa từng có lấy một bài báo trên Têtu, chẳng có gì, chính tờ Le Parisien nói đến quán đầu tiên đấy chứ. Trong giới gay truyền thống, họ thấy làm đầu bếp là chưa đủ glamour. Với họ như thế thật chui rúc, thật chui rúc, chính xác đấy! Đột nhiên Jed có trực giác rằng sự thù hận rõ rành của Georges cũng đang hướng tới những ngấn mỡ đang nảy sinh trên người Anthony, rằng bản thân anh ta cũng đang bắt đầu tiếc nuối một quá khứ đồ da và dây xích mù mờ, trước thời kỳ nấu bếp, mà dù sao thì tốt hơn hết là nên đổi chủ đề. Khi ấy anh bèn khéo léo nhắc lại về outing của Jean-Pierre Pernaut, chủ đề hiển nhiên, kỳ vĩ, bản thân anh với tư cách khán giả truyền hình cũng đã cảm thấy bị đảo lộn, cái câu: “Vâng, đúng thế, tôi yêu David” của ông ta, trực tiếp trước những chiếc camera của kênh France 2 trong mắt anh vẫn là một trong những khoảnh khắc không thể bỏ qua của truyền hình những năm 2010, một sự đồng thuận nhanh chóng được thiết lập ở chủ đề này, Anthony rót thêm một vòng rượu bas-armagnac nữa. “Tôi thì tôi tự định nghĩa mình, trước hết, như một khán giả truyền hình!” Jed tung ra câu nói đột xuất khiến anh nhận về một cái nhìn đầy ngạc nhiên của Olga.
VI
Một tháng sau Marylin bước vào phòng làm việc, cái bị của cô còn nặng hơn thường lệ. Sau khi hỉ mũi ba lần, cô đặt xuống trước mặt Jed một tập hồ sơ dày cộm, buộc dây chun.
- Báo chí đây…, cô nói, vì anh không có phản ứng gì.
Anh nhìn tập giấy bọc bìa bằng một con mắt trống rỗng, không mở nó ra.
- Như thế nào? anh hỏi.
- Tuyệt vời. Ta có tất tật. Chắc cô chỉ sung sướng được đến ngần ấy. Bên dưới dáng điệu người ngạt mũi kinh niên của cô, người phụ nữ trẻ tuổi này là một nữ chiến binh, một chuyên gia các hoạt động du kích: điều khiến người cô rung bần bật là khởi động chiến dịch, mang về bài báo lớn đầu tiên; sau đó, khi mọi thứ đã bắt đầu tự xoay chuyển lấy, thì cô rơi trở lại về trạng thái lãnh đạm theo dạng buồn nôn của mình. Càng lúc cô càng nói bé hơn, Jed chỉ nghe loáng thoáng cô nói thêm: “Chỉ có đúng Pépita Bourguignon là không làm gì cả.”
- Được rồi…, cô buồn bã kết luận, làm việc với anh thật là hay. - Ta sẽ không gặp nhau nữa à?
- Nếu anh cần đến tôi thì có chứ, tất nhiên rồi. Anh có số di động của tôi rồi đấy.
Và cô từ biệt, lại khởi hành về phía một số phận không chắc chắn - quả thực, người ta có cảm giác cô sẽ đi nằm ngay lập tức và pha cho mình một cốc tizan. Khi đi ngang qua cửa, cô quay lại lần cuối cùng và nói thêm
giọng nghẹn ngào: “Tôi nghĩ đây là một trong những thành công lớn nhất của đời tôi.”
Sự phê bình quả thực, Jed nhận ra như vậy khi đọc lướt qua tập hồ sơ, nhất trí một cách đặc biệt trong khoản ngợi ca. Trong các xã hội đương đại, mặc cho niềm hăng say mà các nhà báo dành cho việc truy lùng và nhìn ra những thứ mốt đang hình thành, thậm chí nếu có thể thì tạo luôn ra chúng, cũng có lúc một số thứ mốt phát triển theo đường lối vô chính phủ, man dã, và lớn mạnh trước khi được gọi tên - trên thực tế thậm chí chuyện này còn xảy ra ngày một thường xuyên hơn, kể từ khi có sự lan truyền tổng lực của Internet và cùng lúc là sự sụp đổ của các phương tiện truyền thông viết. Thành công tăng lên, trên tổng thể lãnh thổ nước Pháp, của các khóa học nấu bếp; sự xuất hiện mới đây của những cuộc thi địa phương nhằm trao thưởng cho những sáng tạo mới về cách chế biến thịt lợn hay làm pho mát; sự phát triển tổng lực, không thể lay chuyển của mốt đi chơi xa, và cho đến outing của Jean-Pierre Pernaut, mọi thứ đều củng cố cho cái sự kiện xã hội học mới này: trên thực tế lần đầu tiên ở Pháp kể từ Jean-Jacques Rousseau, nông thôn lại trở thành xu hướng. Sự kiện này, có vẻ như xã hội Pháp nhận thức được một cách đột ngột, qua trung gian là các tờ nhật báo và tạp chí chính của mình, trong vòng vài tuần tiếp sau buổi khai mạc triển lãm của Jed. Và bản đồ Michelin, thứ đồ vật vị lợi, hoàn toàn chẳng bao giờ được để tâm, chỉ trong vài tuần ấy đã trở thành động lực được ưu tiên phát động cho cái mà tờ Libération chẳng ngượng ngùng gì mà gọi ngay là “ma thuật của đồng ruộng”.
Phòng làm việc của Patrick Forestier, với các cửa sổ nhìn ra được Khải Hoàn Môn, làm theo lối mô đun rất khéo léo: chỉ cần dịch chuyển một vài yếu tố là người ta có thể tổ chức được ở đây một cuộc họp, một buổi chiếu phim, một bữa ăn nhẹ, tất tật trong một không gian xét cho cùng rất chật chội của bảy mươi mét vuông; một cái lò vì sóng cho phép hâm nóng các món ăn; người ta cũng có thể ngủ luôn ở đó. Để tiếp Jed, Forestier đã chọn phong cách “bữa sáng công việc”; nước quả, các thứ bánh ngọt, cà phê đợi sẵn trên một cái bàn thấp.
Ông dang rộng hai cánh tay đón tiếp anh; nói ông rạng rỡ vẫn là chưa đủ. “Tôi đã tin mà… Tôi vẫn luôn luôn tin tưởng!” ông kêu lên, cái đó, theo
Olga, đã cảnh báo cho Jed trước cuộc gặp, là ở mức độ cực thiểu về quá lời. “Giờ đây… sẽ phải thay đổi thử nghiệm!” (ông lúc lắc hai cánh tay theo những cử động chiều ngang nhanh nhẹn, và Jed hiểu ngay ra, đó là một cách bắt chước những đường chuyền bóng trong môn rugby). “Anh
ngồi xuống đi…” Họ ngồi xuống mấy cái ghế sofa đặt quanh chiếc bàn thấp; Jed tự rót một tách cà phê. “We are a team(*)“, Forestier nói thêm, không thực sự cần thiết.
Doanh số bán bản đồ của chúng tôi đã tăng 17% trong tháng vừa rồi, ông tiếp tục. Lẽ ra chúng tôi đã có thể, người khác hẳn sẽ làm đấy, đẩy giá nhích lên một tẹo; nhưng chúng tôi sẽ không làm thế.
Ông để cho anh thời gian ước lượng tầm nhìn cao vời vợi ngự trị ở trên quyết định thương mại này trước khi nói thêm:
- Điều bất ngờ nhất là có nhiều người đi mua các bản đồ cũ của Michelin, chúng tôi đã thấy có những cuộc bán đấu giá trên Internet. Thế mà cho đến cách đây vài tuần, các bản đồ cũ này, chúng tôi chỉ mang đi giã thành bột giấy mà thôi… ông nói tiếp, giọng ảm đạm. Chúng tôi đã để tiêu biến một di sản mà không một ai ở hãng ngờ đến giá trị… cho đến khi có những bức ảnh tuyệt vời của anh. Như thể ông chìm vào dòng suy tư day dứt về món tiền đã bay hơi đầy ngu ngốc, có lẽ chung hơn, về sự phá hủy giá trị, nhưng ông đã hồi tâm. Còn về phần anh… (ông tìm từ thích hợp), về phần các tác phẩm của anh, thì phải dấn thật mạnh vào! Ông đứng phắt lên khỏi ghế sofa, đột nhiên Jed có cảm giác ông sẽ chụm hai chân mà nhảy lên cái bàn thấp và lấy hai nắm tay đấm vào ngực để bắt chước Tarzan; anh nheo mắt lại để đuổi ảo ảnh đó đi.
- Tôi đã nói chuyện rất lâu với Cô Sheremoyova, với cô ấy, tôi nghĩ… (ông lại tìm từ, đây chính là điều bất tiện với những cựu sinh viên trường Bách Khoa, họ đã trở nên không cao giá bằng các cựu sinh viên ENA(*) trên thị trường tuyển dụng, nhưng họ bỏ nhiều thời gian để tìm từ hơn; rốt cuộc, ông nhận ra là mình đang lạc đề). Nói ngắn gọn, chúng tôi đã đi đến kết luận là hiện tượng thương mại hóa trực tiếp thông qua các mạng lưới của chúng tôi là điều không thể. Sẽ không có chuyện chúng tôi làm tổn hại sự độc lập nghệ sĩ của anh. Tôi nghĩ, ông tiếp tục, không mấy chắc chắn, rằng thường thì công việc thương mại đối với các tác phẩm nghệ thuật phải được thực hiện thông qua các gallery…
- Tôi không có chủ gallery nào.
- Tôi cũng nghĩ là đã biết như thế. Vậy nên, tôi đã nghĩ đến mô hình sau đây. Chúng tôi sẽ đảm nhiệm công việc dựng một trang Internet nơi anh giới thiệu các tác phẩm của anh, và trực tiếp bán chúng. Lẽ dĩ nhiên trang đó sẽ mang tên anh, Michelin sẽ không hề được nhắc đến. Tôi nghĩ tốt hơn hết là anh tự quản lý việc in ảnh. Ngược lại, chúng tôi có thể phụ trách hậu cần và gửi tác phẩm đi, một cách hoàn hảo.
- Tôi đồng ý.
- Tuyệt vời, tuyệt vời. Lần này, tôi tin chúng ta thực sự đang ở trong trạng thái win-win(*) đấy! ông hào hứng. Tôi đã lên bản dự thảo hợp đồng, tất nhiên tôi sẽ để anh nghiên cứu nó.
Jed đi ra một hành lang dài rất sáng, xa xa khuôn cửa kính lớn nhìn ra những mái vòm của khu La Défense, bầu trời xanh màu mùa đông rực rỡ, trông như là nhân tạo; một màu xanh lục đậm, Jed thoáng nghĩ. Anh bước đi chậm rãi, đầy do dự, như thể đang giẫm chân lên bông; anh biết mình
vừa cập tới một bước ngoặt mới trong đời. Cửa văn phòng Olga đang mở; cô mỉm cười với anh.
- Tốt. Hệt như những gì em đã nói với anh, anh tóm tắt.
VII
Học vấn của Jed thuần có tính văn chương và nghệ thuật, và anh chưa bao giờ có cơ hội suy tư về cái bí ẩn tư bản rất đặc thù: bí ẩn về ra giá. Anh đã chọn loại giấy Hahnemühle Canvas Fine Art, có độ hòa màu tuyệt hảo và giữ được rất lâu. Nhưng với loại giấy này việc định cỡ các màu rất khó thực hiện và rất khổng ổn định, máy in Epson không đủ tầm, anh quyết định chỉ phóng mỗi bức ảnh thành hai mươi bản. Chi phí in mỗi lần nhìn chung là ba mươi euro, anh quyết định để giá bán hai trăm euro trên trang web.
Khi anh cho tung bức ảnh đầu tiên lên mạng, một bức phóng to vùng Hazebrouck, loạt ảnh đã được mua sạch trong vòng chưa đầy ba tiếng đồng hồ. Rõ ràng là giá chưa hợp lý. Dò dẫm một chút, sau vài tuần, anh đã đặt được mức giá ổn định xung quanh hai nghìn euro cho ảnh cỡ 40x60. Đó, giờ thì được rồi: anh đã biết giá trên trị trường của mình.
Mùa xuân đã đến trên vùng Paris, và anh đang tiến thẳng, mà chẳng hề nghĩ trước, đến một sự dễ chịu tiện nghi. Tháng Tư, họ ngạc nhiên nhận ra rằng thu nhập hằng tháng của anh vừa vượt thu nhập của Olga. Năm ấy, các kỳ nghỉ tháng Năm thật đặc biệt: mồng một tháng Năm rơi vào một thứ Năm, ngày 8 cũng vậy - sau đó như thường lệ lại có lễ Thăng Thiên, và mọi thứ kết thúc bằng kỳ cuối tuần dài của lễ Pentecôte. Catalô mới của French Touch vừa mới ra. Olga đã kiểm soát việc soạn thảo nó, đôi khi sửa chữa những văn bản được các ông chủ khách sạn, quán ăn gửi đến, nhất là lựa chọn ảnh, cho làm lại nếu cô thấy ảnh mà cơ sở gửi sang không đủ hấp dẫn.
Bóng tối buông xuống trên vườn Luxembourg, họ ngồi trên ban công và nhiệt độ rất dịu; những tiếng hét cuối cùng của bọn trẻ con tắt dần ở xa xa, người ta sắp đóng cửa để nghỉ đêm. Xét cho cùng về nước Pháp Olga chỉ biết Paris, Jed vừa giở quyển sách hướng dẫn French Touch vừa tự nhủ; và cả anh nữa, nói cho đúng, cũng không hơn gì nhiều. Qua cuốn sách, nước Pháp hiện lên như một đất nước thần tiên, một tấm khảm những mảnh đất tuyệt vời chi chít lâu dài và dinh thự, có sự đa dạng gây choáng váng nhưng là nơi, khắp nơi, sống rất dễ chịu.
- Em có muốn đi nghỉ cuối tuần không? anh đặt quyển sách xuống, cất tiếng. Ở một trong những khách sạn được miêu tả trong quyển sách hướng dẫn của em…
- Có, ý hay đấy. Cô suy nghĩ vài giây. Nhưng thế thì phải đi theo kiểu không để ai biết. Không nói cho ai là em làm việc cho Michelin. Ngay cả khi có là như vậy, Jed tự nhủ, thì họ vẫn có thể chờ đợi một sự đón tiếp đầy ưu đãi từ những người chủ khách sạn: cặp tình nhân đô thị còn trẻ giàu có không con, về mặt thẩm mỹ thì rất nổi bật, vẫn còn trong giai đoạn đầu mối tình của họ - và bởi vậy rất sẵn sàng bị mê hoặc trước mọi thứ, với hy vọng tự tạo dựng một kho chứa những kỷ niệm đẹp sẽ có ích cho họ sau này, khi phải đối diện với những năm khó khăn, những thứ thậm chí còn có thể cho phép họ vượt qua được cuộc khủng hoảng bên trong cặp đôi - họ là đại diện, với bất kỳ ai trong ngành khách sạn - ăn uống, mẫu hình của những khách hàng lý tưởng.
- Anh thích đi đâu nhất nào?
Suy nghĩ kỹ hơn, Jed nhận ra vấn đề này không hề đơn giản. Nhiều vùng, theo những gì anh biết, có sức hấp dẫn rất thực. Có lẽ đúng, anh tự nhủ, Pháp là một đất nước tuyệt diệu - ít nhất từ quan điểm một khách du lịch.
- Ta sẽ bắt đầu bằng Massif trung tâm, rốt cuộc anh quyết định. Với em thì như thế là hoàn hảo. Chắc không phải vì không có chỗ nào hơn, nhưng anh nghĩ vùng này rất Pháp; hoặc giả nó chẳng giống cái gì khác ngoài nước Pháp cả.
Đến lượt Olga lật giở quyển sách hướng dẫn; cô chỉ cho anh một khách sạn. Jed nhíu mày. “Chọn cửa sổ kém quá… Trên nền đá màu xám nếu là
anh thì anh sẽ cho lắp cửa sổ màu hạt dẻ hoặc màu đỏ, cùng lắm thì xanh lá cây, nhưng chắc chắn là không thể màu xanh dương được.” Anh đọc đoạn viết giới thiệu; sự bối rối của anh càng tăng thêm. “Cái mớ hổ lốn này là gì thế nhỉ? ‘Ở giữa tỉnh Cantal pha trộn chất Miền Nam, nơi truyền thống ăn vần với ưa sống và tự do ăn vần với tôn trọng…’ Tự do và tôn trọng, có vần tí nào đâu!”
Olga cầm lấy quyển sách và đọc.
- A đúng rồi, em hiểu rồi!… “Martine và Omar sẽ đưa các bạn khám phá tính chân thực của những món ăn và các loại rượu vang”, bà ấy cưới một người Arập, chính vì thế nên có sự tôn trọng.
- Có lẽ cũng không tệ đâu, nhất là nếu như ông ấy là người Maroc. Ngon lắm đấy, đồ ăn Maroc ấy. Có thể họ trộn lẫn food(*) Pháp-Maroc. Kiểu như bánh pastilla nhồi patê gan ngỗng.
- Vâng, Olga đáp, không mấy bị thuyết phục. Nhưng em là một khách du lịch, em muốn kiểu Pháp-Pháp cơ. Một thứ Pháp-Maroc hay Pháp-Việt, có thể ổn cho một quán ăn đúng mốt ở kênh Saint-Martin, Paris; chứ chắc chắn là không được với một khách sạn quyến rũ tỉnh Cantal. Có lẽ em sẽ cho cái khách sạn này biến khỏi sách hướng dẫn…
Cô không làm gì cả, nhưng cuộc trò chuyện khiến cô suy nghĩ, và mấy hôm sau cô đề nghị cấp trên của mình thực hiện một điều tra có thống kê về những món ăn thực sự được dùng tại các khách sạn trong chuỗi. Mãi sáu tháng sau mới có kết quả, nhưng sẽ chứng nhận mạnh mẽ cho trực giác đầu tiên của cô. Đồ ăn sáng tạo, cũng như đồ ăn châu Á, bị vứt bỏ đồng loạt. Đồ ăn Bắc Phi chỉ được thích thú ở Miền Nam và đảo Corse. Dù có là vùng nào đi nữa, các quán ăn tự tuyên xưng một hình ảnh “truyền thống” hay “kiểu cũ” đều có được doanh thu cao hơn doanh thu trung bình đến 63%. Các món liên quan đến thịt lợn và các món pho mát giữ được các giá trị chắc chắn, nhưng đặc biệt là các món xoay quanh những loài thú vật kỳ quái, có hàm ý không chỉ Pháp mà còn theo vùng, chẳng hạn như bồ câu rừng, ốc sên hay cá mút đá, đạt tới những thành tích xuất chúng. Người phụ trách phân mảng food xa xỉ và trung cấp, người viết nhận xét tổng hợp đi kèm bản báo cáo, kết luận thẳng thừng như sau:
“Có khả năng chúng ta đã sai lầm khi cứ mải tập trung vào gu ăn uống của một nhóm khách hàng Anglo-Saxon tìm kiếm một trải nghiệm về ăn uống light, kết hợp các hương vị và an toàn vệ sinh, chăm chú đến vấn đề tiệt trùng và thích đồ ăn nguội. Nhóm khách hàng này, trên thực tế, không tồn tại: khách du lịch Mỹ chưa bao giờ rất đông ở Pháp, và người Anh thì đang liên tục giảm dần; thế giới Anglo-Saxon xét về tổng thể chỉ còn chiếm 4,3% doanh số của chúng ta. Các khách hàng mới của chúng ta, các khách hàng có thực, xuất thân từ những đất nước nhỏ hơn và gu ăn uống thô hơn, với các chuẩn mực vệ sinh mới và xét cho cùng ít được áp dụng, ngược lại tìm kiếm, khi lưu lại Pháp, một trải nghiệm về ăn uống vintage, thậm chí hard-core(*); chỉ những quán ăn đủ sức thích ứng với yếu tố này mới xứng đáng, trong tương lai, có tên trong sách hướng dẫn của chúng ta.”
VIII
Họ trải qua nhiều tuần đầy hạnh phúc (đó không phải, không còn có thể là cái hạnh phúc quá đà, hừng hực sốt của bọn trẻ, trong vòng một kỳ nghỉ cuối tuần với họ không còn có chuyện nổ tung đầu óc hay cắn xé nhau điên loạn nữa; đây đã là - nhưng họ vẫn còn trong độ tuổi vui thích với cái đó - sự chuẩn bị cho cái hạnh phúc kiểu Épicure, yên bình, tinh tế không chút kiêu kỳ ấy, mà xã hội phương Tây đề xuất cho các đại diện những tầng lớp trung lưu bậc cao của mình ở giai đoạn giữa cuộc đời). Họ quen với cái giọng rất kịch mà người phục vụ ở các cơ sở hạng nhất nhiều sao sử dụng để thông báo thành phần của những thứ đồ nhấm nháp vui miệng cũng như các “món ăn cho no” khác; với cả cái cung cách này nữa, nhừa nhựa và đầy khoe khoang, mà họ dùng khi kêu lên: “Sự tiếp tục tuyệt hảo đây, thưa ông thưa bà!” mỗi khi đổi món, và lần nào cũng khiến Jed nhớ lại câu “Ăn mừng vui vẻ nhé!” mà một vị tu sĩ trẻ tuổi béo ị và có khả năng là người theo lý tưởng xã hội chủ nghĩa đã nói, khi họ, Geneviève và anh, tuân theo một xung lực không lý lẽ, bước vào nhà thờ Notre-Dame-des-Champs, đúng lúc đang có lễ mixa sáng Chủ nhật, ngay sau khi làm tình với nhau trong căn hộ của cô hồi ấy trên đại lộ Montparnasse. Sau này nhiều lần anh nhớ tới vị tu sĩ đó, về vẻ bên ngoài thì hơi giống François Hollande(*), nhưng trái ngược với nhà lãnh đạo chính trị, ông ta đã tự thiến vì Chúa. Nhiều năm sau này, sau khi đã bắt tay vào “loạt những nghề nghiệp đơn giản”, Jed đã không ít lần định thực hiện chân dung một trong những con người ấy, trong trắng và tận tâm, ngày càng ít hơn, đi tứ tung trong các thành phố lớn để mang lại sự an ủy từ lòng tin của họ. Nhưng anh đã thất bại, thậm chí anh còn không sao nuốt trôi nổi chủ đề này. Là những người kế thừa truyền thống tinh thần dài cả thiên niên kỷ mà không một ai thực
sự hiểu được, xưa kia từng được xếp ở hàng đầu tiên trong xã hội, ngày nay các tu sĩ bị buộc phải, sau khi đã qua cuộc học hành dài và khó đến phát sợ bao gồm làm chủ tiếng Latinh, giới luật, thần học duy lý và nhiều môn khác gần như là không thể hiểu nổi, sống lay lắt trong những điều kiện vật chất bần cùng, họ đi tàu điện ngầm giữa những người khác, đi từ nhóm chia sẻ Phúc Âm đến một lớp học xóa mù chữ, sáng sáng đọc kinh mixa cho một cử tọa lác đác và đang già đi, mọi niềm vui xác thịt đều bị cấm ngặt, cho đến cả những thú vui cơ bản của cuộc sống gia đình, tuy thế vì chức năng của mình vẫn bị buộc ngày này qua ngày khác thể hiện niềm lạc quan không tì vết. Gần như mọi bức tranh của Jed Martin, các sử gia nghệ thuật sẽ phải ghi nhận, đều trình bày những người đàn ông hoặc phụ nữ đang thực hiện công việc của mình trong một tinh thần thiện ý, nhưng cái hiện lên ở đó là một lòng tự nguyện vừa phải, nơi sự quy thuận trước các mệnh lệnh nghề nghiệp sẽ đảm bảo cho bạn để được đổi lại, theo những tỉ lệ khác nhau, một sự pha trộn của thỏa mãn về tài chính và sự hài lòng của lòng tự trọng. Khiêm nhường và nghèo nàn, bị tất cả khinh bỉ, quy phục trước mọi phiền nhiễu của cuộc sống đô thị mà không xâm nhập vào một thú vui nào của nó, các tu sĩ thành thị trẻ tuổi tạo nên, với những ai không chia sẻ lòng tin với họ, một chủ thể lạc lối và bất khả xâm nhập.
Sách hướng dẫn French Touch, đối nghịch hẳn lại, đề xuất một loạt thú vui có giới hạn nhưng có thể kiểm chứng. Người ta có thể chia sẻ sự thỏa mãn của ông chủ Con mác mốt tươi cười khi ông ta kết thúc đoạn viết giới thiệu của mình bằng cái câu bình thản và chắc cú này: “Những phòng ngủ rộng có hiên (bồn tắm jacuzzi), thực đơn quyến rũ, mười món mứt nhà tự làm cho bữa sáng: hẳn nhiên là chúng ta đang ở tại một khách sạn duyên dáng.” Người ta có thể để mặc cho mình bị lôi cuốn bởi thứ văn xuôi đầy chất thơ của nhà quản lý Carpe Diem lúc ông giới thiệu kỳ lưu trú tại chỗ của ông bằng những câu sau đây: “Một nụ cười sẽ dẫn bạn từ khu vườn (các loài cây Địa Trung Hải) vào phòng suite của bạn, một nơi sẽ làm đảo lộn mọi giác quan của bạn. Khi ấy bạn chỉ cần nhắm mắt lại là đã lưu giữ được trong ký ức những hương vị của thiên đường, những tia nước kêu rì rào trong phòng tắm nước nóng lát đá hoa cương màu trắng với mục đích chỉ để lọc qua một điều hiển nhiên: ‘Ở đây, cuộc đời thật đẹp.’” Trong khuôn viên kỳ vĩ của lâu dài Bourbon-Busset, nơi các hậu duệ phong nhã kéo dài mãi nghệ thuật đón tiếp thân ái, người ta có thể chiêm ngưỡng
những kỷ niệm cảm động (cảm động với gia đình Bourbon-Busset, có thể là như vậy) có tận từ thời các cuộc thập tự chinh; vài phòng ngủ có trang bị đệm nước. Sự đặt liền kề các yếu tố Pháp cổ hay thổ ngơi với những trang thiết bị khoái lạc chủ nghĩa đương đại này đôi khi tạo ra một hiệu ứng kỳ lạ, gần giống một khiếm khuyết về gu; nhưng cũng có thể chính sự hòa trộn bất khả này, Jed tự nhủ, là cái mà khách hàng của chuỗi tìm kiếm, hoặc ít nhất là hồng tâm đích ngắm của nó. Lời hứa hẹn đầy thực tế của những đoạn giới thiệu, dù gì đi nữa, đều được giữ đúng. Công viên của Lâu đài các vách núi vùng Haut-Cézallier quả là có nai thật, cả lũ sóc và một con lừa nhỏ nữa; đúng là có một con lừa nhỏ. Khi đi lang thang trong những khu vườn của Nhà trọ thẳng đứng, người ta hoan toàn có thể nhìn thấy Miguel Santamayor, đầu bếp trực giác người tiến hành “sự tổng hợp vượt ra khỏi mọi chuẩn mực giữa truyền thống và chủ nghĩa vị lai”; đúng là người ta thấy một gã mơ hồ có dáng vẻ một guru lăng xăng trong bếp, trước lúc xong xuôi món “giao hưởng các loại rau và mùa màng” thậm chí gã còn thân chinh đến mời bạn một điếu xì gà của đam mê của mình.
Họ dành đợt cuối tuần cuối cùng của mình, đợt lễ Pentecôte, đến ở trong lâu dài Vault-de-Lugny, một chốn trú ngụ đặc biệt với những phòng ngủ tráng lệ mở xuống một khu vườn rộng bốn mươi héc ta mà người ta bảo bản vẽ đầu tiên là của Le Nôtre(*). Đồ ăn thì, theo sách hướng dẫn, “làm thăng hoa một vùng đất trù phú phong phú vô biên”; ở đây ta có “một trong những kết tinh đẹp đẽ nhất của nước Pháp” hiện diện. Chính ở đây, ngày thứ Hai lễ Pentecôte, vào bữa sáng, Olga thông báo với Jed là cuối tháng cô sẽ quay về Nga. Lúc ấy cô đang nhấm nháp món mứt dâu rừng, và những con chim thờ ơ với mọi tấn kịch của con người kêu lích chích trong khu vườn trước kia được Le Nôtre vẽ kiểu. Một gia đình Trung Quốc, cách họ vài mét, đang ngốn ngấu bánh gốp và xúc xích. Xúc xích vào bữa sáng trước tiên được đưa vào lâu dài Vault-de-Lugny để chiều ý một nhóm khách hàng Anglo-Saxon thích truyền thống, gắn bó với một breakfast nhiều protein và chất béo; chúng đã bị đưa ra tranh cãi, trong một cuộc họp công ty ngắn nhưng có tính chất quyết định; các loại gu vẫn còn chưa chắc chắn, được hình thành một cách vụng về, nhưng có vẻ đang hướng về phía các loại xúc xích, ở nhóm khách hàng Trung Quốc mới mẻ này, đã dẫn tới việc lưu giữ dòng thực phẩm ấy. Các khách sạn duyên dáng khác của vùng Bourgogne, cùng những năm ấy, cũng đi tới một kết luận
tương tự, và chính bởi vậy mà Xúc xích và các loại thịt muối Martenot, được mở ra trong vùng từ năm 1927, thoát khỏi phá sản, và thoát phải trở thành “Vấn đề xã hội” ở bản tin của kênh FR3.
Tuy nhiên, Olga, một cô gái dù sao thì cũng không protein lắm, thích món mứt dâu rừng hơn, và cô bắt đầu cảm thấy thực sự căng thẳng vì hiểu rằng đời mình sẽ được quyết định tại đây, trong vòng vài phút, và đàn ông ngày nay thì thật là khó nắm bắt, không phải lúc đầu khi mà những chiếc minijupe lúc nào cũng có hiệu quả, mà là sau đó, mỗi lúc họ lại trở nên kỳ quặc hơn. Michelin có tham vọng rất lớn trong việc củng cố sự hiện diện của mình ở Nga, đất nước này là một trong những trục phát triển được ưu tiên của nó và mức lương của cô sẽ được nhân thẳng lên gấp ba, dưới quyền mình cô sẽ có khoảng năm mươi nhân viên, đó là một sự thuyên chuyển mà cô không thể nào từ chối được, trong mắt ban giám đốc lời từ chối sẽ không chỉ là không sao hiểu nổi, mà thậm chí còn là tội lỗi, một cán bộ ở một cấp bậc nhất định không chỉ có các bổn phận đối với hãng mà còn đối với bản thân mình nữa, anh ta phải lo lắng và chăm chút cho sự nghiệp của mình giống như Đức Kitô từng làm với Giáo hội, hoặc giả người vợ làm với người chồng, ít nhất thì anh ta cũng phải dành cho những mời gọi của sự nghiệp mình chút quan tâm tối thiểu mà nếu không có thì với những cấp trên có liên quan anh ta sẽ tỏ ra mình không bao giờ xứng đáng vươn lên trên vị trí thuộc cấp.
Jed vẫn giữ im lặng ngoan cố, quấy quấy cái thìa bên trong vỏ quả trứng luộc qua, len lén liếc nhìn Olga nhiều lần, như một đứa trẻ bị phạt. - Anh có thể sang Nga… cô nói. Anh có thể sang khi nào anh muốn. Cô trẻ, hay nói chính xác hơn thì cô còn trẻ, cô vẫn tưởng tượng rằng cuộc sống mang lại nhiều khả năng đa dạng, rằng qua thời gian, mối quan hệ con người có thể trải qua nhiều quá trình tiến triển nối tiếp nhau, mâu thuẫn với nhau.
Một làn gió thổi tới làm rung động những tấm ri đô khung cửa sổ nhìn ra công viên. Tiếng lích chích của lũ chim đột ngột rộn hẳn lên, rồi im bặt. Nhóm người Trung Quốc đã biến mất không gây tiếng ồn, họ đã bị phi vật chất hóa theo một cách nào đó. Jed vẫn im lặng, rồi anh đặt cái thìa xuống.
- Anh suy nghĩ rất lâu trước khi trả lời… cô nói. Đồ người Pháp bé nhỏ… cô nói thêm với vẻ trách cứ đầy dịu dàng. Đồ người Pháp bé nhỏ
thiếu kiên quyết…
IX
Chủ nhật ngày 28 tháng Sáu, giữa buổi chiều, Jed đi cùng Olga ra sân bay Roissy. Thật là buồn, có cái gì đó bên trong anh hiểu rằng họ đang trải qua khoảnh khắc buồn bã chết người. Thời tiết, đẹp và yên ả, không hề khuyến khích những cảm giác thích hợp xuất hiện. Lẽ ra anh nên cắt ngang tiến trình chia rẽ, nhào xuống dưới chân cô, van xin cô đừng đi chuyến máy bay này; có khả năng lời anh sẽ được nghe. Nhưng sau đó thì làm gì đây? Tìm một căn hộ mới (kỳ thuê nhà ở phố Guynemer sẽ hết vào cuối tháng)? Hủy bỏ cuộc di chuyển sang hôm sau? Cũng có thể làm thế được, các khó khăn kỹ thuật không lớn lắm.
Jed không còn trẻ, nói cho thật đúng thì anh chưa từng bao giờ trẻ; nhưng anh là một con người tương đối ít trải nghiệm, về mặt con người anh chỉ biết có bố anh, nhưng cũng chẳng biết gì nhiều. Sự giao du này không thể thúc đẩy anh đến với một niềm lạc quan to lớn trong lĩnh vực những mối liên hệ con người. Trong những gì anh có thể quan sát được thì sự tòn tại của những con người được tổ chức quanh công việc, cái chiếm phần lớn nhất của cuộc đời, và hoàn thành trong các tổ chức có quy mô khác nhau. Hết những năm làm việc là mở ra một giai đoạn ngắn hơn, được đánh dấu bởi sự phát triển của những thứ bệnh lý khác nhau. Một số người, trong giai đoạn tích cực nhất của đời mình, còn tìm cách tự liên kết vào các nhóm vi mô, được gọi tên là gia đình, với mục đích tái sản sinh loài; nhưng những ý đồ này, thường xuyên nhất, rất ngắn ngủi, với các nguyên do gắn với “bản tính các thời”, anh mơ hồ tự nhủ trong lúc cùng uống một tách expresso với tình nhân của anh (chỉ có họ ở quầy quán Segafredo, và nhìn rộng hơn ra thì sự náo nhiệt trong sân bay khá là yếu,
tiếng ồn ào của những cuộc trò chuyện không thể tránh khỏi bị át đi bởi sự im lặng dường như là thành tố nhất định phải có cho chốn này, cũng như ở một số phòng khám tư). Đó chỉ là một ảo ảnh, bộ máy giao thông nói chung
của những con người, cái ngày nay đóng vai trò quan trọng đến vậy trong thành tựu của những số phận cá nhân, chỉ đơn giản là có một quãng nghỉ thoáng qua trước khi khởi động một chuỗi vận hành hết tốc lực, vào giai đoạn có nhiều những đạt khởi hành lớn đầu tiên. Tuy nhiên thật cám dỗ việc thấy ở đó một sự tưởng niệm, một sự tưởng niệm kín đáo của bộ máy xã hội trao cho mối tình nhanh chóng đứt đoạn đến thế của họ.
Jed không có phản ứng nào khi Olga, sau một nụ hôn dài cuối cùng, tiến về phía khu vực kiểm soát hộ chiếu, và mãi đến khi về nhà, đại lộ Hôpital, anh mới hiểu là mình vừa, mà gần như chẳng hề hay biết, bước qua một đoạn mới trong tiến trình cuộc đời. Anh hiểu ra điều đó khi mà mọi thứ mới đây, mới cách vài ngày thôi, từng cấu thành thế giới của anh, giờ đây đột nhiên như thể trở nên hoàn toàn trống rỗng. Những bản đồ đường bộ và ảnh chụp nằm tung tóe hàng trăm cái trên sàn nhà, và toàn bộ đều chẳng có nghĩa gì nữa hết. Đầy nhẫn nhục, anh ra khỏi nhà, đi mua hai cuộn bao ny lông đựng rác “vôi vữa” ở siêu thị Casino trên đại lộ Vincent Auriol, rồi quay về và bắt đầu chất đầy chúng. Giấy nặng thật, anh nghĩ, phải đi rất nhiều chuyến mới chuyển được hết những cái túi xuống nhà. Đó là công việc của hàng tháng, đúng hơn là hàng năm, những gì mà anh đang tàn phá đây; tuy nhiên anh không do dự lấy một giây. Nhiều năm sau này, khi đã trở nên nổi tiếng - và thậm chí, nói cho đúng, cực kỳ nổi tiếng - Jed sẽ rất nhiều lần được hỏi trong mắt anh việc là một nghệ sĩ có nghĩa gì. Anh sẽ không tìm được điều gì quá mức thú vị hay độc đáo để nói, ngoại trừ một thứ duy nhất, mà bởi vậy anh sẽ lặp đi lặp lại gần như ở mọi cuộc phỏng vấn: là nghệ sĩ, trong mắt anh, trước hết đồng nghĩa với là một ai đó quy phục. Quy phục những thông điệp kỳ bí, không thể đoán trước, mà bởi không có gì tốt hơn và bởi thiếu vắng mọi niềm tin tôn giáo nên người ta đành phải gọi là các trực giác; những thông điệp cũng hách dịch, uy quyền mạnh mẽ vô cùng, không để người ta có chút khả năng nào thoát được ra khỏi - trừ khi đánh mất đi mọi khái niệm về tính toàn vẹn và mọi tôn trọng đối với bản thân. Những thông điệp này có thể hàm ý sự phá hủy một tác phẩm, thậm chí một tập hợp đầy đủ tác phẩm, để dấn thân triệt để vào một
ẳ
hướng mới mẻ, hay thậm chí đôi khi còn chẳng có hướng nào hết, không định ra một dự án dù là nhỏ nhặt nào, một hy vọng dù là nhỏ nhặt nào về sự tiếp nối. Chính ở trong cái đó, và chỉ trong cái đó mà thôi, mà thân phận người nghệ sĩ mới có thể, thỉnh thoảng, bị cho là khó. Cũng chính ở trong cái đó, và chỉ trong cái đó mà thôi, mà nó khác biệt với các thứ nghiệp hay nghề được anh vinh danh trong phần thứ hai sự nghiệp của mình, cái phần sẽ khiến anh có được danh tiếng trên toàn thế giới.
Ngày hôm sau anh vác những cái túi đựng rác đầu tiên xuống nhà, rồi rất chậm rãi, tỉ mỉ, tháo rời cái máy ảnh ra trước khi cho cái hộp xếp, bộ phận lọc sáng, ống kính, hộp phim, thân máy vào thùng đựng của chúng. Thời tiết trên toàn vùng Paris vẫn rất đẹp. Vào giữa buổi chiều anh bật vô tuyến để theo dõi chặng đua đầu của giải Tour de France, người giành chiến thắng là một tay đua người Ukraine gần như chẳng ai biết. Tắt tivi, anh tự nhủ có lẽ là mình nên gọi điện thoại cho Patrick Forestier.
Viên giám đốc phụ trách truyền thông của tập đoàn Michelin Pháp đón nhận cái tin này gần như không có chút cảm xúc thực nào. Nếu Jed quyết định không chụp ảnh những tấm bản đồ Michelin nữa, thì không gì có thể buộc anh phải tiếp tục cả; anh có thể dừng lại bất cứ lúc nào, điều này đã được ghi rõ hết mức trong hợp đồng. Trên thực tế ông tạo cảm giác gần như là kệ xác anh, và Jed rất ngạc nhiên khi ông đề nghị họ gặp nhau vào sáng hôm sau.
Một lúc sau khi đến phòng làm việc tại đại lộ Grande-Armée, anh hiểu ra là trên thực tế Forestier mong được thổ lộ tâm tình, trình bày những mối lo âu nghề nghiệp với một người đối thoại dễ chịu. Với việc Olga thuyên chuyển công tác, ông vừa mất đi một cộng tác viên thông minh, tận tụy, thạo nhiều ngôn ngữ; và, điều này mới thật là khó tin, vào lúc này người ta vẫn chưa đề xuất cho ông một ai khác để thay thế. Ông đã bị ban giám đốc “chơi một vố đau”, đó là những từ cay đắng của ông. Lẽ dĩ nhiên cô ấy quay về Nga, lẽ dĩ nhiên đó là đất nước của cô ấy, lẽ dĩ nhiên cái bọn chết tiệt Nga mua hàng tỉ cái lốp, với những cái đường xuống cấp chết tiệt của chúng và cái thứ khí hậu điên khùng chết tiệt, thì Michelin vẫn cứ là một công ty Pháp cơ mà, và mọi chuyện hẳn không thể nào diễn tiến như thế được, mới chỉ cách đây vài năm thôi. Những gì nhánh Pháp muốn, chỉ mới
gần đây thôi, còn là mệnh lệnh, hay ít nhất thì cũng được nhìn nhận với một mối quan tâm đặc biệt, nhưng kể từ khi mấy bọn đầu tư nước ngoài chiếm được đa số về vốn trong tập đoàn thì mọi thứ ấy đã chấm dứt hẳn rồi. Phải, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều, ông nhắc lại với vẻ khoái trá buồn thiu, lẽ dĩ nhiên là phần lợi của Michelin Pháp chẳng là gì nếu so với bên Nga, ấy là còn chưa nói đến bên Trung Quốc, nhưng nếu mọi chuyện cứ đi theo hướng này thì sẽ phải tự hỏi liệu có nên bỏ sang làm cho hãng Bridgestone không, thậm chí là hãng Goodyear. À mà tôi nói điều này riêng giữa anh và tôi thôi đấy nhé, ông nói thêm, với một mối e ngại bất chợt.
Jed đảm bảo với ông là anh sẽ giữ kín đáo, rồi thử lái cuộc nói chuyện quay trở về với trường hợp của anh. “A vâng, trang Internet…” Forestier làm ra vẻ vừa sực nhớ ra. “Vâng vâng, ta sẽ cho đăng một thông báo nói anh coi loạt tác phẩm này đã kết thúc rồi. Những bức ảnh trước đây vẫn sẽ được rao bán, anh không thấy có gì phải phản đối chứ?” Jed không thấy gì. “Mặt khác cũng không còn lại gì nhiều, chúng đã bán rất chạy…” ông nói tiếp bằng một cái giọng đã bắt đầu lộ ra một chút lạc quan le lói. “Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nói trong mục truyền thông của chúng tôi rằng những tấm bản đồ Michelin có nền tảng là một tác phẩm nghệ thuật được giới phê bình đồng loạt ca ngợi, anh cũng không thấy có gì phiền chứ?” Jed chẳng thấy phiền gì cả.
Forestier đã hoạt bát trở lại khi đưa anh ra đến cửa phòng làm việc của ông, và trong lúc nồng nhiệt bắt tay anh, ông kết luận: “Tôi rất sung sướng vì được biết anh. Giữa chúng ta là win-win, tuyệt đối win-win.”
X
Không có gì xảy ra, hoặc gần như tương đương với không có gì, trong suốt nhiều tuần; và rồi một buổi sáng, khi đi chợ về, Jed thấy một người đàn ông trạc năm mươi tuổi, mặc quần jeans và một chiếc bu dông da đã cũ, đứng đợi trước lối vào tòa nhà của anh; ông ta có vẻ đã đứng đợi từ lâu rồi.
- Xin chào… ông ta nói. Tôi rất tiếc vì phải tiếp cận anh như thế này, nhưng tôi không tìm được cách nào khác. Đã nhiều lần, tôi thấy anh đi qua trong khu. Anh là Jed Martin phải không?
Jed bảo là đúng. Giọng người nói chuyện với anh là giọng một người có học, quen nói năng; trông ông rất giống một tay theo chủ nghĩa tình thế người Bỉ, hoặc một trí thức vô sản - mặc dù là mặc áo sơ mi Arrow; tuy nhiên, nhìn vào đôi bàn tay khỏe, thô, có thể đoán rằng trước đây ông ta từng làm một nghề tay chân.
- Tôi biết nhiều tác phẩm của anh về những tấm bản đồ đường bộ, tôi đã theo dõi gần như ngay từ khởi đầu. Tôi cũng ở khu này. Ông ta chìa tay ra. Tôi tên là Franz Teller. Tôi là chủ gallery.
Trên đường đi đến gallery của ông ở phố Domrémy (ông đã mua một căn nhà ngay trước khi khu này ít nhiều trở thành mốt; đó, ông nói, là một trong những ý tưởng đúng đắn duy nhất trong đời ông), họ dừng lại uống cái gì ghé chân vào quán Ở chỗ Claude, phố Château-des-Rentiers, sau này sẽ trở thành quán cà phê quen của họ, và là cơ hội để Jed có được bức tranh thứ hai trong “loạt những nghề nghiệp đơn giản”. Quán vẫn bướng bỉnh
phục vụ những ly tròn đựng rượu vang đỏ thông thường và sandwich patê, dưa chuột muối cho những người nghỉ hưu “thuộc các tầng lớp bình dân” cuối cùng của quận XIII. Từng người trong bọn họ chết đi, không loại trừ một ai, mà không được thay thế bởi các khách mới.
- Tôi đã đọc được trong một bài báo rằng, kể từ cuối Thế chiến thứ hai, 80% quán cà phê đã biến mất khỏi Pháp, Franz vừa nêu nhận xét vừa nhìn khắp lượt quanh quán. Không xa họ, bốn người về hưu im lặng ném ra những cây bài trên mặt bàn phoóc mi ca, theo những luật chơi không thể hiểu nổi, như thể thuộc về thời tiền sử của trò chơi bài (bơ lốt? hay pi kê?) Xa hơn, một người đàn bà to béo mặt đỏ mọng uống một hơi hết cốc pastis của mình. Người ta bắt đầu ăn trưa trong vòng nửa tiếng, ngày càng uống ít rượu đi; và rồi, đòn ân huệ, lại còn cái lệnh cấm hút thuốc đó nữa chứ.
- Tôi nghĩ rồi những cái đó sẽ quay trở lại thôi, dưới các hình thức khác. Đã từng có một pha lịch sử dài tăng tiến sức sản xuất, giờ thì đang kết thúc rồi, ít nhất là ở phương Tây.
- Thực sự anh có cách nhìn mọi thứ kỳ lạ thật đấy… Franz nói sau khi nhìn anh một hồi lâu. Tôi đã rất quan tâm, tác phẩm của anh với những tấm bản đồ Michelin ấy, thực sự rất quan tâm; tuy nhiên, tôi cũng sẽ không nhận anh vào gallery của tôi đâu. Anh ấy mà, tôi sẽ nói, anh quá tự tin vào bản thân; với tôi như thế cũng không hoàn toàn bình thường đối với một người trẻ tuổi như anh đâu. Và rồi, khi tôi đọc trên Internet rằng anh đã quyết định ngừng loạt bản đồ này, tôi mới quyết định đến gặp anh. Để đề nghị anh trở thành một trong các nghệ sĩ mà tôi đại diện.
- Nhưng tôi hoàn toàn không biết mình sẽ làm gì. Thậm chí tôi còn không biết liệu mình có tiếp tục trong nghệ thuật nói chung nữa hay không. - Anh chưa hiểu rồi… Franz kiên nhẫn nói. Không phải là một hình
thức nghệ thuật đặc thù, hay một cách thức khiến tôi quan tâm, mà là một tính cách, một cái nhìn đặt lên động tác nghệ thuật, lên tình thế của anh ta ở trong xã hội. Nếu ngày mai anh đến chỗ tôi với một tờ giấy, giật ra từ một cuốn vở gáy xoắn, trên đó anh viết: “Thậm chí tôi còn không biết liệu mình có tiếp tục trong nghệ thuật nói chung nữa hay không”, thì tôi cũng vẫn sẽ không do dự mà cho triển lãm tờ giấy đó. Và, thế nhưng, tôi không phải là một trí thức; nhưng tôi quan tâm đến anh.
- Không, không, tôi không phải một trí thức, ông nhấn mạnh. Ít nhiều thì tôi tìm cách có một cái dáng vẻ tay trí thức của các khu phố đẹp, bởi vì trong giới của tôi như thế rất có ích, nhưng tôi không phải trí thức đâu, thậm chí tôi còn không có bằng tú tài. Tôi khởi nghiệp bằng cách dựng và gỡ các cuộc triển lãm, và rồi tôi mua được cái chỗ nho nhỏ ấy, rồi tôi có được vài may mắn với các nghệ sĩ. Nhưng tôi vẫn luôn luôn lựa chọn theo trực giác, mãi mà vẫn vậy thôi.
Sau đó họ đến thăm gallery, lớn hơn là Jed tưởng, trần cao, tường bê tông đỡ bên dưới là những thanh xà kim loại. “Đây từng là một nhà máy cơ khí”, Franz bảo anh. “Họ phá sản vào khoảng giữa những năm 1980, rồi để không đó khá lâu, cho đến khi tôi mua lại. Phải dọn dẹp rất nhiều, nhưng cũng đáng. Đây là một không gian đẹp, tôi thấy thế.”
Jed đồng ý. Các vách ngăn di chuyển được xếp sang một bên, thành thử khoảng trưng bày ở vào kích thước cực đại của nó - một chiều ba mươi mét, một chiều hai mươi mét. Lúc này đang có những bức tượng lớn bằng kim loại tối màu, cách xử lý hẳn lấy cảm hứng từ tượng châu Phi truyền thống, nhưng các chủ đề thì rõ ràng là gợi tới châu Phi ngày nay: tất cả các nhân vật đều hấp hối, hoặc bắn giết lẫn nhau bằng dao rựa và súng Kalachnikov. Sự pha trộn giữa tính chất bạo lực của hành động cùng sự cứng đơ trong biểu hiện của các diễn viên tạo ra một hiệu ứng đặc biệt u ám.
- Về phần kho bãi, Franz nói tiếp, tôi có một hăng ga ở Eure-et-Loir. Các điều kiện chống ẩm không ra gì lắm, không có an ninh, nói tóm lại là điều kiện kho bãi rất tồi tệ; dẫu thế, cho đến giờ, tôi vẫn chưa gặp phải vấn đề nào.
Họ chia tay nhau sau đó vài phút, để lại Jed bối rối cùng cực. Anh đi lang thang rất lâu trong Paris rồi mới quay về nhà, thậm chí còn lạc đường hai lần. Và những tuần tiếp theo cũng giống hệt, anh ra khỏi nhà, bước đi không mục đích cụ thể trên những phố của cái thành phố xét cho cùng anh biết rất ít này, thỉnh thoảng anh dừng chân trong một quán cà phê để định hướng, thường xuyên nhất anh phải dùng đến một bản đồ sơ lược.
Một buổi chiều tháng Mười, đang đi ngược phố Martyrs, đột nhiên anh thấy một cảm giác thân quen đầy bối rối. Phía xa, anh còn nhớ, có đại lộ Clichy, với các sex-shop và cửa hiệu bán đồ lót khêu gợi. Cả Geneviève lẫn Olga đều, thỉnh thoảng, thích cùng anh đi mua những thứ trang phục khêu gợi, nhưng thường thì họ cùng đến chỗ Rebecca Ribs, xuôi hẳn xuống nữa trên đại lộ, không nhưng đây là một chuyện khác hẳn.
Anh dừng lại ở góc đại lộ Trudaine, hướng mắt nhìn sang bên phải và anh đã biết. Cách đó vài chục mét là khu văn phòng nơi bố anh làm việc trong những năm cuối cùng. Anh chỉ tới đó đúng một lần, không lâu sau khi bà anh qua đời. Văn phòng vừa được dựng lên ở địa điểm mới. Sau hợp đồng ký với trung tâm văn hóa Port-Ambonne, họ cảm thấy cần thiết phải tăng tiến đẳng cấp, giờ đây trụ sở công ty phải được đặt trong một biệt thự riêng, tốt hơn cả là trong một cái sân lát đá, cùng lắm thì trên một đại lộ có trồng cây. Và đại lộ Trudaine, rộng rãi, yên tĩnh gần như kiểu tỉnh lẻ với những hàng tiêu huyền, hoàn toàn thích hợp với một văn phòng kiến trúc sư có danh tiếng nhất định.
Jean-Pierre Martin đang ở trong một cuộc họp kéo dài suốt buổi chiều, cô nhân viên tiếp tân nói với anh. “Tôi là con trai ông ấy”, Jed nhẹ nhàng nói. Cô ngần ngừ, rồi nhấc điện thoại lên.
Bố anh bước vào sảnh vài phút sau đó, mặc độc cái sơ mi, cà vạt đã nới, trên tay cầm một tập hồ sơ mỏng. Ông thở phì phò, vì đang ở vào trạng thái cảm xúc mạnh.
- Có chuyện gì thế? Có tai nạn à?
- Không, không có gì. Con chỉ đang đi ngang qua khu này thôi. - Bố đang khá là bận, nhưng… hượm đã. Ta ra ngoài uống cốc cà phê đi.
Công ty đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn, ông giải thích với Jed. Trụ sở mới đắt quá, và họ đã trượt mất một hợp đồng quan trọng cải tạo một khu nghỉ bờ biển bên bờ Biển Đen, ông vừa cãi cọ nặng nề với một cộng sự. Ông đã thở đều hơn, dần dà bình tĩnh trở lại.
- Tại sao bố không dừng lại? Jed hỏi. Bố anh nhìn anh không phản ứng gì, với vẻ hoàn toàn không hiểu.
- Con muốn nói là bố đã kiếm được không ít tiền. Chắc chắn là bố có thể rút lui, hưởng thụ cuộc sống một chút. Bố anh vẫn nhìn anh chăm chú,
như thể các từ không đến được tâm trí của ông, hoặc giả ông không sao hiểu nghĩa của chúng, rồi sau ít nhất là một phút ông hỏi: “Nhưng bố sẽ làm gì nào?”, và giọng ông là giọng của một đứa trẻ lạc lối.
Mùa xuân ở Paris thường xuyên chỉ là sự kéo dài đơn thuần của mùa đông - nhiều mưa, lạnh, bùn lầy và bẩn. Mùa hè ở đây thì rất thường xuyên khó chịu: thành phố ầm ĩ và đầy bụi, những đợt nóng không bao giờ trụ được lâu, sau hai hoặc ba ngày là sẽ đến một cơn giông, tiếp theo đó là một đợt hạ nhiệt độ mạnh. Chỉ có mùa thu Paris mới thực sự là một thành phố dễ chịu, mang tặng những ngày đầy nắng và ngắn, khi không khí khô và trong để lại một cảm giác tươi mát khỏe khoắn. Trong suốt tháng Mười, Jed tiếp tục những cuộc đi dạo của mình, nếu người ta có thể gọi một cuộc đi bộ gần như tự động nơi không một ấn tượng bên ngoài nào tới được trong óc anh, nơi cũng không một suy tư hay dự án nào hiện ra lấp đầy cho nó là một cuộc đi dạo, và nó chẳng có mục đích nào khác là tối đến dẫn anh tới một trạng thái đủ mệt.
Một buổi chiều đầu tháng Mười một, quãng mười bảy giờ, anh lại đứng phía trước căn hộ Olga từng ở, phố Guynemer. Điều này chắc chắn phải xảy tới, anh tự nhủ: bị mắc bẫy trong những cơ chế tự động của mình, anh đã đi theo, gần như vào đúng giờ ấy, con đường anh từng đi mỗi ngày trong suốt nhiều tháng. Hơi thở nghẹt lại, anh đi ngược lại, về phía vườn Luxembourg, buông người xuống cái ghế băng đầu tiên. Anh ở ngay bên cạnh ngôi nhà kỳ cục xây bằng gạch đỏ, trang trí các bức khảm, án ngữ một góc vườn, gần phố Guynemer và phố Assas. Phía xa, mặt trời lặn chiếu sáng hàng cây dẻ tạo thành sắc cam thật đặc biệt, nóng - gần như là màu vàng sậm, Jed tự nhủ, và một cách vô thức, lời bài hát Vườn Luxembourg bật ra trong trí nhớ của anh:
Thêm một ngày
Không tình yêu
Thêm một ngày
Trong đời tôi
Vườn Luxembourg
Đã già đi
Có phải đó là nó?
Có phải đó là tôi?
Tôi chẳng biết.
Cũng như nhiều người Nga, Olga rất thích Joe Dassin, nhất là những bài hát trong đĩa nhạc cuối cùng của ông, tâm trạng buồn bã nhẫn nhục, đầy sáng suốt. Jed rùng mình, cảm thấy một cơn khủng hoảng không thể đè nén đang dâng lên và khi trong trí nhớ anh hiện lại lời bài Xin chào những người yêu nhau, anh òa khóc.
Ta đã yêu nhau như ta bỏ nhau
Đơn giản vậy thôi, chẳng nghĩ tới ngày mai
Tới cái ngày mai khi nào cũng đến quá sớm,
Tới những từ biệt đôi khi quá tốt lành.
Trong quán cà phê ở góc phố Vavin anh gọi một cốc rượu bourbon, ngay lập tức nhận ra sai lầm của mình. Sau sự an ủy của cháy bỏng anh lại đắm chìm trở lại vào trong nỗi buồn, những giọt nước mắt lăn xuống gò má. Anh lo lắng liếc nhìn ra xung quanh, nhưng thật may mắn không ai để ý đến anh, tất cả các bàn đều có người ngồi, các sinh viên ngành luật nói về xe ôtô hoặc “các cộng sự nhỏ”, hoặc là những gì hấp dẫn sinh viên ngành luật, anh có thể thoải mái mà khóc.
Khi ra khỏi đó anh đi nhầm đường, lang thang vài phút trong trạng thái thiếu ý thức ngây độn và lại thấy mình đứng trước cửa hàng Sennelier Frères, phố Grande-Chaumière. Ở cửa kính bày những bút vẽ, toan khổ thông dụng, phấn màu và tuýp màu. Anh bước vào và, không suy nghĩ gì, mua một hộp “sơn dầu” vẽ nền. Có hình chữ nhật, bằng gỗ sồi, bên trong được ngăn ô, nó chứa mười hai tuýp màu dầu cực mịn Sennelier, một bộ bút vẽ và một lọ chất pha.
Chính trong hoàn cảnh ấy đã diễn ra trong cuộc đời anh sự “trở lại với hội họa” sẽ trở thành đối tượng cho không biết bao nhiêu lời bình luận.
XI
Tiếp theo đó, Jed sẽ không chung thủy với nhãn hiệu Sennelier, và những bức tranh giai đoạn trưởng thành của anh gần như hoàn toàn được thực hiện với dầu Mussinê của Schmincke. Có những ngoại lệ, và một số màu xanh lục, đặc biệt là xanh lục pha đỏ thần sa mang lại thứ ánh sáng hết sức ma thuật cho những cánh rừng thông California chạy thẳng xuống biển trong “Bill Gates và Steve Jobs bàn luận về tương lai ngành tin học”, được vay mượn từ gam dầu Rembrandt của hãng Royal Talens. Và, với các màu trắng, gần như lúc nào anh cũng sử dụng dầu Old Holland, mà anh rất thích độ đục.
Những bức tranh đầu tiên của Jed Martin, sau này các sử gia nghệ thuật nhấn mạnh, có thể dễ dàng đưa đến một hướng đi sai. Khi cống hiến hai bức tranh đầu tiên, “Ferdinand Desroches, chủ hiệu thịt ngựa”, rồi “Claude Vorilhon, quản lý quán bar-tiệm thuốc lá”, cho những nghề đang suy thoái, Martin có thể mang lại cảm giác về một sự hoài nhớ, như thể nuối tiếc một trạng thái trước đây, có thực hoặc huyễn tưởng, về nước Pháp. Không gì, và đó là kết luận rốt cuộc đã tiết lộ ra từ mọi tác phẩm của anh, còn xa lạ với những mối bận tâm thực của anh; và nếu Martin trước hết quan tâm đến hai nghề nghiệp đang suy giảm, thì hoàn toàn không phải là vì anh muốn thúc đẩy người ta than khóc cho sự biến mất có thể của chúng: chỉ đơn giản là chúng, quả thực, sắp biến mất, và cần phải ấn định hình ảnh của chúng lên toan trong khi còn có đủ thời gian. Ngay từ bức tranh thứ ba trong loạt nghề nghiệp, “Maya Dubois, trợ lý bảo trì từ xa” anh đã hướng tới một thứ nghề không hề suy giảm hay buồn cười, ngược lại còn là một
nghề có tính chất biểu tượng của chính sách quản lý đến từng phút đã định hướng cho tổng thể quá trình tái bành trướng kinh tế của phương Tây trong bước ngoặt của thiên niên kỷ thứ ba.
Trong chuyên luận đầu tiên viết về Martin, Wong Fu Xin trình bày điểm tương đồng đáng ngạc nhiên dựa trên phép so màu. Màu các đồ vật của thế giới có thể được tái hiện bằng một số màu cơ bản nhất định; số lượng tối thiểu, để có được sự tái hiện gần như có tính chất hiện thực chủ nghĩa, là ba. Nhưng người ta có thể xây dựng một cách hoàn hảo một bảng màu trên bốn, năm, sáu, thậm chí nhiều hơn các màu cơ bản; quang phổ của tái hiện nhờ đó mà sẽ chỉ rộng hơn và tinh tế hơn.
Theo cùng cách thức, tiểu luận gia người Trung Quốc khẳng định, các điều kiện sản xuất của một xã hội nào đó có thể được tái lập dựa trên một số lượng nghề-mẫu nào đó, với số lượng theo ông (đây là một con số ông đưa ra mà không có lập luận giải thích nào) có thể được ấn định từ mười đến hai mươi. Trong phần quan trọng nhất xét về con số của loạt “các nghề nghiệp”, vẫn được các sử gia nghệ thuật quen gọi là “loạt nghề nghiệp đơn giản” Jed Martin tái hiện không dưới bốn mươi hai nghề-mẫu, bằng cách đó mà mang lại, cho nghiên cứu điều kiện sản xuất của xã hội thời mình, một phổ phân tích đặc biệt rộng lớn và phong phú. Hai mươi hai bức tranh tiếp theo, hướng vào những đối đầu và gặp gỡ, được đặt tên một cách cổ điển là “loạt những cấu tạo công ty”, thì lại nhằm tới việc mang lại một hình ảnh, duy lý và biện chứng, về cách thức vận hành của nền kinh tế trong tổng thể của nó.
Việc thực hiện những bức tranh thuộc “loạt những nghề nghiệp đơn giản” lấy mất của Martin hơn bảy năm một chút. Trong những năm ấy anh không gặp nhiều người, không tạo dựng thêm một mối liên hệ mới nào - dù cho là về mặt tình cảm hay chỉ đơn giản là bạn bè. Anh có những khoảnh khắc hạnh phúc về cảm giác: một cuộc truy hoan với mì Ý, sau cuộc càn quét ở siêu thị Casino trên đại lộ Vincent-Auriol; một vài buổi tối với một escort-girl người Libăng với năng lực tình dục minh chứng rất đầy đủ cho những lời ca ngợi mà cô nhận được trên trang Niamodel.com. “Layla anh yêu em, em là mặt trời trong những ngày ở phòng làm việc của anh, vì sao phương Đông nhỏ bé của anh”, những người đàn ông ngũ tuần