🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bản Đồ Tâm Hồn Con Người Của Jung - Murray Stein full prc pdf epub azw3 [Tâm Lý Học] Ebooks Nhóm Zalo BẢN ĐỒ TÂM HỒN CON NGƯỜI CỦA JUNG Nguyên tác: Jung's Map of the Soul: An Introduction Tác giả: Murray Stein Dịch giả: Bùi Lưu Phi Khanh Nhà xuất bản: Tri Thức Kích thước: 14 x 20,5 cm Số trang: 332 Năm xuất bản: 2011 Giá bìa: 99.000đ Thể loại: Tâm lý Nguồn: tve-4u.org - tudonald78 Thông tin ebook Tạo ebook: Nguyen Thanh Liem Ngày hoàn thành: 31/03/2020 Dự án Green–Book # 226 Ebook này được thực hiện để phục vụ cộng đồng yêu đọc sách! MỤC LỤC LỜI CẢM ƠN Lời giới thiệu Dẫn nhập Chương 1 Bản ngã (Bản ngã-ý thức) Chương 2 Nội tâm (Các phức cảm) Chương 3 Năng lượng tâm thần (Lí thuyết libido) Chương 4 Những ranh giới của tâm thần (Các bản năng, cổ mẫu, và vô thức tập thể) Chương 5 Cái bộc lộ và cái che giấu trong các quan hệ với người khác (Mặt nạ và bóng âm - Persona và Shadow) Chương 6 Đường vào nội tâm sâu thẳm (Anima - phần tâm thần vô thức nữ và animus - phần tâm thần vô thức nam) Chương 7 Trọng tâm siêu việt của tâm thần và sự tổng thể (Tự Ngã) Chương 8 Sự xuất hiện của tự ngã Chương 9 Về thời gian và sự vĩnh cửu (Nguyên lí đồng thời tương ứng) Thuật ngữ Tài liệu tham khảo Cho Sarah và Christopher LỜI CẢM ƠN Cuốn sách này sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự giúp đỡ về đánh máy và hỗ trợ biên soạn của Lynne Walter. Tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn vì sự nhiệt tình và sự lạc quan không mệt mỏi của chị. Tôi cũng bày tỏ lời cảm ơn tôi Jan Marian vì sự khuyến khích và hỗ trợ hết mình. Những người tham dự những buổi giảng của tôi trong nhiều năm qua sẽ nhận ra những đóng góp của họ trong nhiều chi tiết đáng ra đã không có trong cuốn sách này nếu không có những câu hỏi và lưu ý của họ. Xin cảm ơn tất cả. Lời giới thiệu Tác giả cuốn Bản đồ tâm hồn con người của Jung do nhà xuất bản Open Court của Mỹ ấn hành là Tiến sĩ Murray Stein, Chủ tịch Hội Tâm lí học Phân tích Thế giới nhiệm kỳ 2001 - 2004. Murray Stein sinh năm 1943, học tập và lấy bằng Tiến sĩ ở Trường Đại học Yale và Đại học Chicago rồi học tập tiếp sáu năm ở Viện Jung Zurich, và hiện nay giảng dạy và thực hành tại Viện Jung ở Chicago. Murray Stein đã xuất bản nhiều tác phẩm nghiên cứu có giá trị về học thuyết tâm lí của C.G. Jung và cuốn mới nhất là Con đường cá nhân hóa năm 2007. Murray Stein xuất bản cuốn Bản đồ tâm hồn con người của Jung năm 1998 với mục tiêu giới thiệu những nét cơ bản, đặc sắc nhất về học thuyết của nhà tâm lí học phân tích nổi tiếng người Thụy Sĩ C.G. Jung mà ông đã bỏ công nghiên cứu suốt gần 30 năm. Trong cuốn sách dày 245 trang này (tiếng Anh), ngoài phần Dẫn nhập còn có 9 chương đề cập đến những vấn đề chính của học thuyết tâm lí của Jung. Trong Dẫn nhập, tác giả phác họa những lí do khiến ông viết cuốn sách này, và trình bày một vài yếu tố cơ bản nhất vẽ học thuyết của Jung. Rồi tiếp đến là từng chương chuyên biệt đề cập sâu hơn đến chín vấn đề chính: cái tôi ý thức, các tổ hợp, năng lượng tâm thần, cổ mẫu và bản năng, persona và shadow, anima và animus, Self, cá nhân hóa và cuối cùng là mối quan hệ giữa tâm thần con người và không thời gian. Trong chương về cái tôi ý thức, những đặc điểm chính của cái tôi được phác họa kèm theo một sự giới thiệu về các loại hình tâm lí phổ quát nhất của con người. Trong chương về các tổ hợp, phát hiện của Jung về vô thức cá nhân được trình bày kĩ càng. Đề cập đến năng lượng tâm thần, tác giả chỉ ra sự gắn bó mật thiết của Jung với vật lí học hiện đại. Cổ mẫu và bản năng giữ vị trí trọng tâm của cuốn sách khi tác giả đề cập đến vô thức tập thể, một đặc điểm đặc sắc rất riêng và đặc biệt trong học thuyết của Jung, khiến nó khác hẳn với các trường phái tâm lí học chiều sâu khác. Với persona và shadow là sự đề cập đến tính hai mặt của con người trong mối quan hệ với thế giới xung quanh. Trong chương về anima và animus với tiêu đề “Đường vào nội tâm sâu thẳm”, tác giả đã giới thiệu hai cổ mẫu quan trọng nhất của con người có tính năng làm biến đổi con người và xuất hiện ý thức. Chương kế tiếp đề cập đến Self (bản ngã), mô tả một trọng tâm thật sự và khó hiểu mà đời sống của con người luôn nỗ lực hướng tới. Cá nhân hóa là một chương mô tả quá trình để đạt tới trong sự phát triển của cá nhân và xã hội. Chương cuối cùng không chỉ như một sự tổng kết mà còn là sự đề cập đến mối liên quan giữa tâm thần con người và không gian với không gian và thời gian theo một mối liên hệ đặc biệt phi nhân quả mà Jung gọi là nguyên lí đồng thời tương ứng, một điều hiếm thấy ở các nhà tâm lí học khác trước và sau ông. Cuốn sách này của tác giả Murray Stein mang tầm khái quát cao và sâu nhưng lại được viết bằng một văn phong dung dị khiến độc giả thông thường dễ dàng thấu hiểu và tiếp cận học thuyết cao siêu của Jung, và qua đó thể hiện tài năng và trình độ uyên bác của một nhà cựu Chủ tịch Hội tâm lí học phân tích thế giới, tổ chức chính thức duy nhất của các nhà tâm lí học phân tích hiện nay trên toàn cầu. Cuốn sách đã nhận được sự khen ngợi và đón nhận nồng nhiệt của khá nhiều nhà phê bình tên tuổi và các độc giả khác ở Mỹ cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới; và nó thật sự thiết thực, hữu ích, đem lại sự khai mở mới lạ và cần thiết cho bạn đọc về Bản đồ tâm hồn con người vô cùng huyền bí và huyền diệu mà C. G. Jung tài năng, người sáng lập nên ngành Tâm lí học phân tích, đã dày công nghiên cứu và phát hiện. Người dịch: Bùi Lưu Phi Khanh Dẫn nhập Bạn có thể e dè thám hiểm vùng bờ biển châu Phi tới phía Nam, nhưng đi về phía Tây thì không có gì ngoài sự sợ hãi; những gì không được biết tới, không phải là “biển của chúng ta” mà là một Đại dương của những Bí ẩn, Mare Ignotum. Carlos Fuentes Tấm gương bị quên lãng Mùa hè khi Jung qua đời, tôi đang chuẩn bị bước vào trường đại học. Đó là năm 1961. Con người bắt đầu thám hiểm vũ trụ, và cuộc chạy đua bắt đầu để xem ai sẽ là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, người Mĩ hay người Nga. Mọi con mắt đều tập trung vào những nỗ lực to lớn trong việc thám hiểm không gian. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, con người đã thành công khi rời khỏi trái đất và bay đến những vì sao. Vào lúc đó, tôi còn chưa biết được rằng, thế kỉ của chúng tôi đã lưu những dấu mốc mang tính quyết định với những cuộc hành trình vào thế giới bên trong, những cuộc “thám hiểm” vĩ đại thế giới nội tâm của những người như Carl Jung, điều diễn ra nhiều thập kỉ trước sự kiện con tàu Sputnik và Apollo. Nếu như Glenn và Neil Armstrong mở ra cho chúng ta không gian bên ngoài với tư cách là những người thám hiểm vũ trụ, thì Jung chỉ báo cho chúng ta về không gian bên trong như một nhà thám hiểm dũng cảm và táo bạo vào những điều chưa được biết tới. Jung ra đi yên bình trong ngôi nhà của ông ngay ngoại vi Zurich, trong một căn phòng nhìn ra một khu hồ tĩnh lặng ở phía tây. Hướng về phía nam, chúng ta có thể nhìn thấy dãy núi Alps. Trước ngày ông mất, ông bảo con trai giúp ông bước ra cửa sổ để nhìn lần cuối những ngọn núi thân yêu của mình. Ông đã dành cả đời khảo sát thế giới nội tâm và mô tả những gì ông phát hiện được ở đó trong các tác phẩm của mình. Một điều trùng hợp là năm Neil Armstrong đặt chân lên bề mặt của mặt trăng cũng là thời điểm tôi bắt đầu cuộc hành trình tới Zurich, Thụy Sĩ để học tập tại Viện Jung. Những gì tôi nói đến trọng cuốn sách này là sự tinh lọc của gần ba mươi năm nghiên cứu bản đồ tâm thần con người của Jung. Mục tiêu của cuốn sách này là mô tả những phát hiện của Jung như ông đã trình bày trong những tác phẩm đã xuất bản của mình. Khám phá đầu tiên về Jung là một điều gì đó giống như lao xuống “Đại dương của những Bí ẩn” mà Fuentes viết trong tập mô tả của ông về những nhà thám hiểm đầu tiên đã phiêu lưu vượt qua Đại Tây Dương từ Tây Ban Nha. Chính với cảm giác hưng phấn này, nhưng cùng cả cảm giác sợ hãi nữa, mà người ta lao vào những miền xa xôi. Tôi nhớ đến những nỗ lực ban đầu của mình. Tôi đã bị cuốn hút bởi sự quá phấn khích về viễn cảnh, đến mức mà tôi đã phải lo lắng tìm kiếm lời khuyên của một số giáo sư đại học của mình. Tôi tự hỏi liệu điều này có “an toàn” hay không? Jung hấp dẫn đến mức đáng kinh ngạc. Liệu rồi tôi có bối rối, nhầm đường, và lạc lối? Thật may mắn cho tôi là những bậc thầy này đã bật đèn xanh và tôi bắt đầu hành trình của mình để rồi phát hiện được nhiều điều quý báu từ đó. Cuộc hành trình lúc đầu của Jung thậm chí còn đáng sợ hơn. Thực sự ông không hề biết là mình sắp phát hiện được một kho báu hay sẽ trượt ra ngoại biên thế giới này đi vào không gian vũ tru. Vô thức thực sự là đại dương của những bí ẩn (Mare Ignotum) khi lần đầu tiên ông tự mình bước vào đó. Nhưng ông còn trẻ và can đảm, và ông quyết tâm tìm ra những phát hiện mới mẻ. Thế là ông đã tiến xa. Jung thường tự xem mình như là một người tiên phong và người khảo sát vùng bí ẩn chưa được thám hiểm là tâm thần con người. Dường như ông có sẵn trong mình một tinh thần phiêu lưu mạo hiểm. Với ông - và cũng với cả chúng ta bây giờ nữa - tâm thần con người là một lĩnh vực rộng lớn mà vào thời của ông chưa được nghiên cứu nhiều. Nó là một bí ẩn thách thức người ưa mạo hiểm với một viễn cảnh về những khám phá phong phú, và làm kinh sợ người nhát gan với mối đe dọa bị mất trí. Với Jung, việc nghiên cứu tâm thần cũng trở thành một vấn đề có tầm quan trọng lớn về mặt lịch sử, vì như ông có lần đã nói, toàn bộ thế giới treo trên một sợi chỉ và sợi chỉ này là tâm thần con người. Điều quan trọng là tất cả chúng ta cần trở nên quen thuộc hơn với nó. Dĩ nhiên, một câu hỏi lớn sẽ là: liệu tâm thần con người bao giờ có thể được nhận biết, lúc nào thì chiều sâu cũng như phạm vi rộng lớn của nó có thể được thăm dò và phác họa? Có lẽ một số những thành quả khoa học lớn lao còn lại của thế kỉ 19 đã khiến những nhà tiên phong của tâm lí học chiều sâu như Jung, Freud và Adler thực hiện những nỗ lực này và tin rằng họ có thể tìm hiểu được tâm thần con người vốn cực kì khó hiểu và khó mô tả. Nhưng khi bắt đầu xâm nhập vào đại dương bí ẩn thì Jung trở thành một Christopher Columbus của thế giới nội tâm. Thế kỉ 20 là thời đại của những khám phá quan trọng mang tính khoa học và những kì tích công nghệ về mọi mặt; nó cũng là thời đại của sự nội quan (sự suy ngẫm) sâu sắc và sự thăm dò tính chủ quan chung của con người, những điều này đã dẫn đến lĩnh vực được biết đến rộng rãi ngày nay là tâm lí học chiều sâu. Có một cách để chúng ta thân thuộc với tâm thần là nghiên cứu những tấm bản đồ về nó đã được vẽ và trình bày sẵn bởi những nhà tiên phong vĩ đại này. Trong những công trình của họ, chúng ta có thể phát hiện ra nhiều điểm định hướng cho chính mình, và có lẽ chúng ta cũng sẽ bị kích thích để thực hiện những thăm dò sâu hơn và có được nhiều khám phá mới. Bản đồ của Jung về tâm thần mặc dù sơ bộ, có lẽ còn chưa được tinh luyện và còn bỏ ngỏ - bởi đó là toàn bộ những nỗ lực đầu tiên trong việc phác họa những địa hạt chưa được biết đến - nhưng có thể vẫn mang lại lợi ích to lớn giúp cho những người muốn tìm hiểu thế giới nội tâm, thế giới của tâm thần mà không hoàn toàn bị lạc lối. Trong cuốn sách này, tôi xem xét Jung trong vai trò mà ông tự nhận: là người khảo sát và vẽ bản đồ; và tôi để hình ảnh này dẫn dắt mình trong việc giới thiệu lí thuyết của ông về tâm thần con người. Tâm thần là một thế giới, một lãnh thổ chưa được biết mà ông tìm hiểu; lí thuyết của ông là tấm bản đồ mà ông sáng tạo để truyền tải sự hiểu biết của mình về tâm thần. Do vậy, chính tấm bản đồ tâm hồn của Jung mà tôi cố gắng mô tả trong cuốn sách này sẽ dẫn các bạn - những độc giả của chúng tôi - đi vào và đi qua địa hạt những tác phẩm của ông. Để làm như vậy, tôi sẽ đưa ra tấm bản đồ chỉ dẫn về tấm bản đồ đó, với hi vọng nó sẽ hữu ích cho bạn trong những chuyến hành trình của chính các bạn sau này vào cuộc đời và tác phẩm của Jung. Giống như những người vẽ bản đồ khác, Jung đã nghiên cứu những công cụ và bằng chứng sẵn có đối với ông vào thời của mình. Sinh năm 1875, ông hoàn tất tốt các nghiên cứu y khoa cơ bản tại Đại học Basel ở Thụy Sĩ vào năm 1900 và khóa đào tạo tâm thần học tại Bệnh viện tâm thần Burgholzli tại Zurich vào năm 1905. Sự gắn bó quan trọng của ông với Freud kéo dài từ 1907 đến 1913, sau đó ông dành nhiều năm cho việc tự phân tâm chiều sâu chính mình; và đến năm 1921, ông xuất hiện và giới thiệu cho thế giới lí thuyết tâm lí học đặc biệt của riêng mình - được gọi là tâm lí học phân tích - trong cuốn sách Các loại hình tâm lí1. Năm 1930, ở tuổi 55, ông đã hình thành nên hầu hết những đặc điểm căn bản của lí thuyết của mình dù vẫn chưa mô tả chi tiết một số vấn đề quan trọng. Những chi tiết này sẽ được Jung trình bày trong những năm sau năm 1930 và ngòi bút của ông vẫn tiếp tục tuôn chảy cho đến khi ông qua đời vào năm 1961. Kế hoạch nghiên cứu tâm thần con người một cách khoa học được khởi đầu từ sớm trong thời thanh niên của Jung. Nghiên cứu chính thức đầu tiên của ông được mô tả trong luận án tiến sĩ, Về tâm lí học và bệnh học của các hiện tượng được gọi là huyền bí2. Tác phẩm này đưa ra một giải thích tâm lí về thế giới nội tâm của một người nữ có thiên bẩm mà bây giờ chúng ta biết là một người chị họ của ông, Helene Preiswerk. Khi còn ở tuổi thiếu niên, cô ta có một khả năng phi thường là hoạt động như một bà đồng để gọi hồn của người chết, những người qua lời cô ta sẽ nói ra bằng những lời nói và giọng quá khứ khá chính xác. Jung cảm thấy bị lôi cuốn, ông bắt đầu tìm hiểu và giải thích hiện tượng tâm lí khó hiểu này. Sau đó, ông sử dụng test liên tưởng từ để khám phá những đặc điểm bị che giấu của bức tranh tâm thần chưa được phân loại trước đó. Tất cả được công bố trong nhiều bài báo, mà hiện tại nằm ở Tập 2 của bộ tác phẩm Toàn tập. Ông gọi những đặc điểm mới phát hiện này của vô thức là các “phức cảm”, một thuật ngữ đã gắn bó và làm cho ông nổi tiếng. Sau đó, ông nghiên cứu hai vấn đề tâm thần nổi bật của thời bấy giờ là loạn tâm và tâm thần phân liệt, và xuất bản cuốn sách Tâm lí học chứng mất trí sớm3 rồi gửi cho Freud như một ví dụ về công trình của ông và như một gợi ý của ông về việc một số ý tưởng của Freud có thể áp dụng trong tâm thần học như thế nào (Freud là một bác sĩ thần kinh). Sau khi nhận được lời hồi âm nhiệt tình và nồng ấm từ Freud, Jung bắt đầu một quan hệ nghề nghiệp với Freud và nhanh chóng trở thành một người lãnh đạo của phong trào phân tâm học mới ra đời. Ở đó, ông bắt đầu nghiên cứu về những lĩnh vực khó hiểu của các trạng thái nhiễu tâm, và cuối cùng đi tới việc phát hiện ra những huyễn tưởng phổ biến, và những mẫu hành vi gần như không biến đổi (các cổ mẫu) ở một miền tâm thần chiều sâu mà ông gọi là “vô thức tập thể”. Việc mô tả và diễn giải chi tiết cổ mẫu và vô thức tập thể này trở thành đặc trưng của riêng các nghiên cứu của ông, một dấu hiệu tách bản đồ của ông khỏi những tấm bản đồ của tất cả những người khảo sát tâm thần chiều sâu khác, tức là vô thức. Năm 1930 dường như đánh dấu sự chia tách cuộc đời nghề nghiệp của Jung thành hai giai đoạn: vào năm 1900, ông bắt đầu khóa đào tạo và nghiên cứu tâm thần học tại Bệnh viện Burgholzli, và vào năm 1961, ông qua đời khi đã là một ông già thông thái trong căn nhà ở Kusnacht bên bờ hồ Zurich. Hồi tưởng lại, chúng ta có thể thấy rằng ba mươi năm đầu của hoạt động nghề nghiệp của Jung mang tính sáng tạo sâu sắc. Trong những năm này, ông đã sáng tạo những yếu tố cơ bản của một lí thuyết tâm lí học đồ sộ cũng như đề cập đến những vấn đề chung cơ bản của thời đại. Ba mươi năm sau, dường như ông ít đưa ra các kiến tạo lí thuyết mới, nhưng số lượng sách và bài viết lại lớn hơn trước đó. Đó là những năm tháng làm sâu sắc và củng cố thêm những giả thuyết và trực giác mà ông có từ trước. Ông đã mở rộng các lí thuyết của mình hơn nữa, bao gồm các nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và tôn giáo; và tạo ra một mối liên quan quan trọng đối với khoa vật lí hiện đại. Hoạt động lâm sàng y học của Jung với những bệnh nhân tâm thần và những khách cần phân tâm chiếm nhiều thời gian và sức lực hơn trong nửa đầu cuộc đời nghề nghiệp của ông; nó giảm dần tới mức tối thiểu sau năm 1940, khi chiến tranh đã làm gián đoạn cuộc sống của người dân châu Âu nói chung, và chính Jung một thời gian ngắn sau đó cũng phải chịu đựng một cơn đau tim kịch phát. Việc nghiên cứu của Jung về tâm thần cũng mang đậm tính cá nhân. Sự khảo sát tâm thần vô thức của ông không chỉ được tiến hành ở các bệnh nhân và những chủ thể thực nghiệm. Ông cũng tự tiến hành phân tâm bản thân mình. Trên thực tế, trong một thời gian ông chính là đối tượng nghiên cứu chủ yếu của mình. Bằng việc quan sát kĩ những giấc mơ của mình và phát triển kĩ thuật tưởng tượng tích cực, ông tìm ra một con đường xâm nhập sâu hơn vào những miền bí ẩn của thế giới nội tâm chính mình. Để hiểu các bệnh nhân và cả chính mình, ông phát triển một phương pháp diễn giải dựa vào những nghiên cứu so sánh trong nền văn hóa nhân loại, trong huyền thoại và tôn giáo; có thể nói, ông đã sử dụng bất kì và mọi chất liệu trong lịch sử thế giới có mối liên quan với các quá trình tâm thần. Phương pháp này được ông gọi là “sự phóng đại”. Nhiều nguồn gốc và manh mối trong tư tưởng của Jung vẫn chưa được hiểu rõ về chi tiết. Trong các tác phẩm của mình, ông đã ghi nhận công lao của nhiều nhà tư tưởng trước đó, trong số đó có Goethe, Kant, Schopenhauer, Carus, Hartmann, và Nietzsche; và quan trọng nhất là ông xếp chính mình vào dòng những người Ngộ đạo (gnostic) cổ đại cũng như các nhà giả kim thuật trung cổ. Nhà triết học hàng đầu với ông là Kant. Ảnh hưởng của phép biện chứng của Hegel cũng rõ ràng trong kiến tạo lí thuyết của ông. Và Freud cũng để lại một dấu ấn quan trọng. Ta có thể thấy, một mặt tư tưởng của Jung có sự phát triển và mở rộng qua các chặng thời gian, nhưng mặt khác, tính liên tục vẫn hết sức rõ rệt trong định hướng học thuật của ông. Một số độc giả nhận thấy hạt nhân trong nhiều lí thuyết tâm lí sau này của Jung đã được thể hiện rõ trong một số những bài viết mà ông đã trình bày từ thời sinh viên, và chúng được xuất bản với tên gọi Những bài giảng Zofingia. Chúng được viết trước năm 1900 khi ông vẫn còn là một sinh viên của Đại học Basel. Nhà sử học Henri Ellenberger còn tiến xa hơn nữa khi khẳng định rằng “cơ sở của tâm lí học phân tích của Jung được Tìm thấy từ những buổi thảo luận của ông tại Hội sinh viên Zofingia và trong thực nghiệm của ông với cô em họ - bà đồng Helene Preiswerk”4. Những bài giảng Zofingia thể hiện những cuộc đầu tranh ban đầu của Jung trước những vấn đề đã chiếm lĩnh tâm trí ông trong suốt cả cuộc đời sau này, chẳng hạn như vấn đề đưa tôn giáo và kinh nghiệm thần bí vào việc khảo sát khoa học và thực nghiệm. Ngay từ khi còn trẻ, Jung đã luận chứng rằng những chủ đề như vậy cần phải được nghiên cứu thực nghiệm và tiếp cận bằng một đầu óc khoáng đạt. Việc ông gặp William James năm 1909 tại Đại học Clark đánh dấu một thời điểm quan trọng vì James cũng chấp nhận quan điểm như vậy và đã, gần như hoàn toàn, áp dụng phương pháp này khi xuất bản tác phẩm kinh điển của mình - Sự đa dạng của kinh nghiệm tôn giáo. Từ toàn bộ những nghiên cứu và kinh nghiệm này, Jung đã phác họa một tấm bản đồ về tâm thần con người. Đó là một tấm bản đồ mô tả tâm thần ở tất cả những chiều kích, và nó cũng tìm cách giải thích những động lực bên trong của tâm thần. Nhưng đối với bí ẩn tối hậu của tâm thần con người, Jung luôn giữ một thái độ hết sức tôn trọng. Lí thuyết của ông có thể hiểu như một tấm bản đồ về tâm hồn nhưng nó cũng là một tấm bản đồ về một điều bí ẩn mà con người hoàn toàn không thể hiểu được bằng những thuật ngữ và phạm trù lí tính. Nó là một tấm bản đồ về những gì sống động, linh hoạt, tức là tâm thần. Khi đọc Jung, chúng ta cần nhớ rằng tấm bản đồ này không chỉ để mô tả các vùng (của tâm thần). Việc hiểu biết về tấm bản đồ này không giống với kinh nghiệm về chiều sâu tâm thần. Nhiều nhất, tấm bản đồ này có thể được coi là một công cụ hữu ích cho những ai muốn có được một sự định hướng và hướng dẫn. Với một số người bị lạc đường, thậm chí nó còn như một người cứu hộ. Với những người khác, nó sẽ kích thích nhu cầu mãnh liệt được trải nghiệm những gì mà Jung nói đến. Tôi bắt đầu ghi lại những giấc mơ của mình khi lần đầu tiên đọc Jung. Thậm chí sau đó tôi còn đến cả Zurich và nghiên cứu bốn năm ở Viện Jung. Qua phân tâm và kinh nghiệm cá nhân về vô thức, tôi đạt được một sự hiểu biết trực tiếp về nhiều phát hiện của Jung. Nhưng thế giới nội tâm của tôi không giống với của ông. Bản đồ của ông có thể chỉ ra con đường và những phác thảo chung, nhưng nó không đưa ra nội dung đặc thù. Điều này hẳn là từng người đọc phải tự khám phá lấy. Nhiều đặc điểm của tấm bản đồ này đã được Jung xây dựng dựa vào trực giác khoa học và trí tưởng tượng hết sức mạnh mẽ. Chẳng hạn, những phương pháp khoa học vào thời của ông đã không thể xác nhận hay bác bỏ giả thuyết của ông về vô thức tập thể. Ngày nay, chúng ta gần như có thể làm được điều này. Nhưng Jung là một nghệ sĩ sử dụng những tư tưởng đầy sáng tạo của mình để hình thành nên một bức tranh về thế giới nội tâm của tâm thần. Giống như những tấm bản đồ đẹp của thời cổ đại và Phục hưng - những tấm bản đồ được vẽ trước khi công việc vẽ bản đồ trở nên có tính khoa học - tấm bản đồ mà Jung vẽ ra rất tráng lệ và không chỉ mang tính trừu tượng. Ở đó, chúng ta có thể thấy những nàng tiên cá và yêu quái, các anh hùng và kẻ xấu. Dĩ nhiên là một nhà nghiên cứu khoa học, ông có nhiệm vụ kiểm tra những trực giác và các cấu trúc giả thuyết theo kinh nghiệm. Nhưng ông vẫn dành nhiều chỗ cho tưởng tượng thần thoại. Jung hoạt động trong bộ môn tâm thần học, hay tâm lí y học như thỉnh thoảng ông có nói đến. Người thầy chính của ông trong những năm đầu tập sự ở Bệnh viện Burgholzli tại Zurich là nhà tâm thần học nổi tiếng người Thụy Sĩ Eugen Bleuler, người đã sáng tạo ra thuật ngữ “tâm thần phân liệt” (schizophrenia) để chỉ một trong những chứng bệnh tâm thần nặng nhất và đã viết nhiều về vấn đề tính hai chiều trái ngược của tâm lí. Trong khả năng tối đa của mình, Jung cố gắng tìm kiếm bằng chứng và sự kiểm chứng cho các lí thuyết và các giả thuyết của mình, từ những nguồn bên ngoài bản thân ông cũng như kinh nghiệm trực tiếp của ông. Phạm vi đọc và nghiên cứu của ông rất rộng. Ông nói rằng với tư cách là một người khảo sát về tâm thần theo kinh nghiệm thì ông không chỉ đang vẽ một tấm bản đồ mô tả những vùng thuộc thế giới nội tâm của riêng mình, mà còn đang vẽ cả một bản đồ về những đặc điểm của tâm thần con người nói chung. Giống như những nghệ sĩ lớn khác, những bức tranh mà ông vẽ có sức mạnh để nói về con người thuộc nhiều thế hệ và nhiều nền văn hóa. Quan điểm của tôi là nhà tâm lí học Thụy Sĩ này, người mà giờ đây tên tuổi được biết đến rộng rãi và được đánh giá cao nhưng tác phẩm của ông lại không được nghiên cứu cẩn thận và thường xuyên bị phê phán vì tính không thống nhất và mâu thuẫn, đã thực sự tạo ra một lí thuyết tâm lí học có sự gắn kết. Tôi nghĩ về nó như một tấm bản đồ ba chiều thể hiện các mức độ của tâm thần cũng như những quan hệ năng động giữa chúng. Đó là một tác phẩm nghệ thuật thống nhất có sức hấp dẫn đối với một số người nhưng lại không hấp dẫn nhiều người khác. Những giả định của tác phẩm nghệ thuật này được nêu ra như những gợi ý khoa học những nhiều giả định trong số này cực kì khó chứng minh hay phủ nhận về mặt kinh nghiệm. Các công việc quan trọng vẫn tiếp diễn ở đây và bất chấp những kết quả là thế nào, tác phẩm nghệ thuật của Jung sẽ vấn tiếp tục thu hút sự chú ý và ngưỡng mộ. Những tác phẩm nghệ thuật thì không bao giờ bị lạc hậu, mặc dù nhiều tấm bản đồ có thể mất đi sự thích hợp của nó với dòng chảy của thời gian và những biến đổi trong phương pháp luận. Mô tả bản đồ tâm thần của Jung trong một cuốn sách ngắn gọn không phải là một công việc mới hoàn toàn, và nhiều người khác, đáng chú ý như Jolande Jacobi và Frieda Fordham đã xuất bản những tác phẩm giới thiệu tương tự từ xưa. Những gì mà tác phẩm của tôi bổ sung, tôi hi vọng như vậy, là sự nhấn mạnh đến sự gắn kết chặt chẽ trong lí thuyết và hệ thống những liên hệ tinh tế. Khi một lí thuyết được nêu ra thì sẽ có một chút điểm này và một chút điểm kia, nhưng vấn đề là tất cả các chi tiết bắt nguồn từ một góc nhìn thống nhất chung ấy (điều mà tôi cho là một cái nhìn tuyệt vời về tâm thần) lại không thực sự rõ ràng. Và cũng đúng là đã nhiều năm trôi qua kể từ khi những tác phẩm giới thiệu ban đầu về lí thuyết của Jung được xuất bản, đã đến lúc cho việc ra đời một tác phẩm mới. Mục đích của tôi là chỉ ra rằng, mặc dù chắc chắn là trong tấm bản đồ của Jung có tồn tại những khoảng trống và điểm không vững chắc, nhưng sự thống nhất của tầm nhìn ẩn chứa trong đó sâu sắc hơn và có tầm quan trọng vượt xa một vài sai lầm liên quan đến sự chính xác về mặt logic. Mối quan tâm chính của tôi trong cuốn sách này không phải là chỉ ra sự phát triển tư duy của Jung hay xem xét những ứng dụng thực tế của nó trong liệu pháp tâm lí và phân tâm. Thay vào đó, tôi muốn chỉ ra sự thống nhất kiến thức căn bản bên dưới mớ lộn xộn những bình luận và chi tiết tạo nên tác phẩm toàn tập của ông. Các độc giả cẩn trọng, tôi hi vọng như vậy, sẽ chọn ra được từ cuốn sách này một bức tranh chung về lí thuyết tâm lí học phần tâm mà Jung đã trình bày chi tiết cũng như sẽ nắm bắt được những chi tiết quan trọng nhất và cách chúng thuộc về một tổng thể đơn nhất như thế nào. Tôi tin là nguyên nhân của sự thống nhất đặc biệt trong tác phẩm của Jung về cấu trúc tâm thần xuất phát từ một đặc điểm trong tư duy của ông chứ không phải từ phương pháp học kinh nghiệm của ông. Jung là một nhà tư tưởng trực giác sáng tạo, theo kiểu mẫu nhà tư tưởng cổ đại như Plato và Schopenhauer. Ông tạo ra một tấm bản đồ hoạt động tâm thần từ những tư tưởng đã có sẵn trong cộng đồng khoa học và tri thức nói chung của thời đại mình nhưng ông cũng làm cho những tư tưởng này có một đặc tính duy nhất. Ông không đưa ra quá nhiều khái niệm mới có tính cực đoan, ví dụ như dùng những gì chung chung, có sẵn và tạo dựng một hình thức mới mẻ và khác biệt từ chúng. Như cách của một nghệ sĩ lớn thực hiện trong truyền thống hội họa của mình, ông sử dụng những hình ảnh và những chất liệu sẵn có và tạo ra những tác phẩm mới chưa từng giống với một tác phẩm nào trước đó trong cách kết hợp các yếu tố. Jung cũng là một người nhìn xa trông rộng theo kiểu Meister Eckhart, Boehme, Blake, và Emerson. Nhiều trực giác quan trọng nhất của ông bắt nguồn từ những kinh nghiệm về những điều siêu phàm đã đến với ông trong những giấc mơ, ảo ảnh và sự tưởng tượng tích cực. Ông công khai thừa nhận điều này trong tự truyện của mình, trong đó ông viết rằng người thầy quan trọng nhất của ông về “tính hiện thực của tâm thần” là Philemon, người đầu tiên lộ diện với ông trong một giấc mơ và là người mà ông gắn bó trong nhiều năm bằng tưởng tượng tích cực5. Kinh nghiệm trực tiếp về linh hồn là nguồn gốc cơ bản của lí thuyết của Jung, và điều này giải thích cho sự thống nhất nội tâm sâu sắc và bền vững của nó. Những Jung còn là nhà một nhà khoa học tận tâm, và điều này khiến tác phẩm của ông tách biệt với các tác phẩm của các nhà thơ và nhà thần bí. Ông đã sử dụng phương pháp khoa học để tác phẩm của mình có thể đến được cộng đồng khoa học và có thể kiểm chứng được. Những ảo ảnh, trực giác và những nhận biết cặn kẽ về nội tâm không chỉ đơn giản được dựa trên giá trị tự thân của chúng mà chúng còn phải được kiểm chứng trước những kinh nghiệm của con người nói chung. Nhu cầu mạnh mẽ của Jung là có được những giải thích khoa học và thực nghiệm cho những góc cạnh chưa vuông vắn trong lí thuyết của ông, cho những ước đoán nguyên thô đã có thể thực hiện được trôi chảy hơn nhiều bằng kiến thức và tưởng tượng thuần túy. Thế giới kinh nghiệm này - cuộc sống như là nó được cảm nhận - là hỗn độn và không gắn một cách có trật tự vào những chiếc hộp được tạo ra bởi tư duy và tưởng tượng của con người. Bởi vì Jung vừa là một nhà tư tưởng trực giác có khả năng nhìn xa trông rộng vừa là một nhà khoa học thực nghiệm, nên bản đồ về tâm thần con người của ông có tính mạch lạc, chặt chẽ nhưng lại lỏng lẻo về tính hệ thống và tính thống nhất. Một lí do khiến tôi tiếp tục đánh giá cao những tác phẩm của Jung và đọc chúng liên tục trong hơn hai mươi năm qua là vì ông không tuyệt đối kiên định. Khi tôi nghiên cứu những nhà tư tưởng có tính hệ thống cao như Tillich hay Hegel, tôi luôn cảm thấy lúng túng trong các kênh chặt chẽ của bộ óc sắt đá của họ. Tư tưởng của họ có tổ chức quá cao đối với tôi. Vậy sự hỗn độn và vẻ tươi non của cuộc sống nằm ở đâu? Điều này dẫn tôi tới vực đi tìm sự thông thái ở những nghệ sĩ và các nhà thơ thay vì chỉ nhìn vào những nhà triết học và thần học. Tôi nghi ngờ những hệ thống cứng nhắc. Với tôi, nó có phần hoang tưởng. Những tác phẩm của Jung thì không khiến tôi cảm thấy như vậy. Khi đọc Jung tôi luôn cảm thấy sự tôn trọng sâu sắc của ông đối với những huyền thoại về tâm thần con người, và thái độ này cho phép phạm vi khám phá được tiếp tục mở rộng. Bản đồ của ông mở ra nhiều triển vọng hơn là khép lại. Tôi hi vọng mình sẽ có thể truyền được cảm hứng này cho các độc giả. Đây là một tác phẩm nhập môn. Mặc dù tôi thật sự hi vọng rằng cả những sinh viên xuất sắc về tâm lí học Jung cũng sẽ thu được lợi ích từ việc đọc nó, nhưng độc giả cơ bản mà tôi hướng tới là những người muốn biết Jung đã nói gì nhưng chưa tìm thấy đúng đường vào những tác phẩm đồ sộ và tư duy phức tạp của ông. Mỗi chương trong cuốn sách này tập trung vào một chủ đề trong lí thuyết của ông. Tôi đã tìm kiếm những đoạn đặc thù từ bộ Toàn tập của ông, trong đó trình bày một phần của tấm bản đồ đó. Những độc giả đặc biệt cần cù và nhiệt huyết có thể tìm đọc những đoạn đó khi rảnh rỗi. Tôi hi vọng việc trình bày tập trung vào văn bản này sẽ tạo ra tinh thần đam mê đọc những tài liệu gốc và dám đối mặt với những thách thức khi tìm hiểu ý nghĩa đôi lúc khó hiểu của Jung rồi suy nghĩ về những ẩn ý của chúng. Việc sưu tập những đoạn này là lựa chọn cá nhân của tôi. Những tác phẩm có giá trị khác cũng có thể được trích dẫn và sử dụng. Tôi cố gắng chọn những tác phẩm và các đoạn tiêu biểu nhất từ tác phẩm của Jung để chứng minh sự gắn kết cơ bản trong quan điểm của ông. Bản đồ tâm thần của Jung là một thành quả lớn của kiến thức, quan sát và trực giác sáng tạo. Chỉ một số ít nhà tư tưởng hiện đại có thể có được những tác phẩm tầm cỡ như vậy, bao gồm 18 tập trong Toàn tập, ba tập Những lá thư, nhiều tập hợp những cuộc phỏng vấn và tác phẩm lẻ tẻ, và tự truyện của ông (viết cùng Aniela Jaffe). Từ khối lượng tư liệu đồ sộ này, tôi lựa chọn ra những chủ đề chính yếu nhất của lí thuyết của ông và không đề cập đến những chủ đề thực hành cùng những diễn giải phân tâm về văn hóa, lịch sử, và tôn giáo. Tôi quay lại với câu hỏi đã đặt ra trước đó: Liệu có thực sự có một hệ thống trong những tác phẩm của Jung? Liệu ông có phải là một nhà tư tưởng có hệ thống? Câu trả lời có lẽ là đúng. Lí thuyết của ông có tính liên kết chặt chẽ, cũng giống như Thụy Sĩ là một quốc gia thống nhất mặc dù người dân nói bốn ngôn ngữ khác nhau. Tất cả gắn bó với nhau dù nhiều phần trông có vẻ tồn tại riêng biệt và hoạt động hoàn toàn độc lập. Jung không tư duy một cách hệ thống giống như một nhà triết học, người tạo dựng trên những tiền đề căn bản và đảm bảo các phần kết hợp chặt chẽ mà không có mâu thuẫn. Ông tuyên bố mình là một nhà khoa học thực nghiệm, và việc xây dựng lí thuyết của ông đã ghép thành hệ thống một mớ lộn xộn của thế giới thực nghiệm. Là một nhà tư tưởng trực giác, Jung trình bày những khái niệm lớn, diễn giải chúng chi tiết, và sau đó tiếp tục nêu ra những khái niệm lớn khác. Ông thường xuyên quay trở lại, suy ngẫm lại và bồi đắp những khoảng trống mà mình đã để lại. Điều này gây ra khó khăn trong việc đọc hiểu ông. Chúng ta phải hiểu toàn bộ các tác phẩm của ông để có được một bức tranh hoàn chỉnh. Nếu bạn chỉ đọc ngẫu nhiên các tác phẩm của ông trong chốc lát thì bạn sẽ ngờ là liệu các phần đó có ăn khớp cùng nhau theo một cách nào đó trong tư tưởng của Jung hay không, nhưng chỉ sau khi đọc toàn bộ tác phẩm của ông và xem xét chúng trong một giai đoạn dài thì bạn mới có thể thấy các phần đó thật sự gắn kết với nhau như thế nào. Tôi nghĩ Jung đã cảm thấy rằng, để nhận thức được chiều sâu và những tầm xa của tâm thần con người qua hoạt động lâm sàng và kinh nghiệm của riêng mình, ông phải làm việc kiên nhẫn trong một thời gian dài đáng kể để phát biểu có hệ thống và có trách nhiệm quan điểm to lớn này về tâm thần con người. Ông không hối thúc nó và thường trì hoãn việc công bố trong nhiều năm, khi ông đang nghiên cứu xây dựng những cấu trúc cơ sở có thể ủng hộ tư tưởng của mình trong cộng đồng trí thức. Nếu chúng ta muốn nắm bắt toàn bộ tầm vóc to lớn của quan điểm này, chúng ta luôn luôn phải nhớ rằng ông đã tạo dựng nó trong một giai đoạn khoảng sáu mươi năm. Chúng ta không nên quá bận tâm với tính thống nhất chính xác trong một tác phẩm như tác phẩm lớn này cũng như trong một tác phẩm đã được điều chỉnh để thích nghi với thực tế thực nghiệm. Có một câu chuyện của các học trò kể về Jung ở Zurich. Có một lần bị phê phán về sự không nhất quán trong một vài điểm của lí thuyết, ông đã trả lời: tôi đã để mắt tôi vào ngọn lửa trung tâm, và cố gắng đặt nhiều tấm gương xung quanh để trình chiếu nó cho những người khác. Thỉnh thoảng mép của những tấm gương đó tạo ra khoảng trống và không khớp với nhau chính xác. Tôi không thể làm gì hơn. Hãy nhìn vào những gì mà tôi đang cố gắng chỉ ra. Tôi coi nhiệm vụ của mình là mô tả chính xác nhất có thể những gì mà Jung chỉ ra trong những tấm gương đó. Nó là một cái nhìn đã trụ vững được trước nhiều người thuộc thế hệ chúng ta và có lẽ là một cái nhìn thấy trước được tương lai. Trên tất cả, những tác phẩm của ông đưa ra cho chúng ta những hình ảnh về một bí ẩn lớn, đó là tâm thần con người. Chương 1 Bản ngã (Bản ngã-ý thức) Tôi bắt đầu mở ra tấm bản đồ tâm thần của Jung bằng cách xem xét sự mô tả của ông về ý thức con người và đặc điểm quan trọng nhất của nó, bản ngã (Ego). “Bản ngã” là một thuật ngữ bắt nguồn từ một từ Latin có nghĩa là “tôi”. Ý thức là trạng thái tỉnh thức và tại trung tâm của nó có một cái “tôi”. Đây là một điểm khởi đầu rõ ràng, và là con đường dẫn vào không gian nội tâm rộng lớn mà chúng ta gọi là tâm thần. Nó cũng là một đặc điểm phức tạp của tâm thần và chứa đựng nhiều điều khó hiểu và những câu hỏi không lời giải đáp. Mặc dù Jung quan tâm nhiều đến việc phát hiện những gì nằm dưới ý thức trong các vùng sâu của tâm thần, nhưng ông cũng nhận lấy nhiệm vụ mô tả và giải thích ý thức con người. Ông muốn tạo ra một tấm bản đồ hoàn chỉnh về tâm thần, do vậy đây là điều không thể tránh khỏi: bản ngã ý thức là một đặc điểm quan trọng của vùng mà ông đang khảo sát. Thực sự Jung không thể được gọi là một nhà tâm lí học bản ngã, nhưng ông đã mang được cho nó một giá trị xã hội. Ông đưa ra một giải thích về những chức năng của bản ngã, và ông nhận thấy tầm quan trọng sâu sắc của một sự ý thức lớn hơn đối với tương lai của cuộc sống loài người và văn hóa. Hơn thế nữa, ông nhận thức sâu sắc rằng chính bản ngã ý thức là điều kiện tiên quyết cho sự khảo sát tâm lí. Nó chính là một công cụ. Với tư cách là một con người, kiến thức của chúng ta về bất kì điều gì cũng đều bị quy định bởi những khả năng và giới hạn của ý thức của chúng ta. Do đó, nghiên cứu ý thức, là đê hướng sự chú ý vào một phương tiện dùng cho sự khảo sát và thăm dò tâm lí. Tại sao lại là quá quan trọng, đặc biệt là trong tâm lí học, việc hiểu được bản chất của bản ngã - ý thức? Nguyên nhân là vì chúng ta cần điều chỉnh trước những sai lạc. Jung nói rằng mọi nền tâm lí học đều là một sự tự thú hay tự bạch có tính cá nhân6. Nhà tâm lí học sáng tạo nào cũng bị giới hạn bởi những thiên kiến cá nhân mình và những giả định không được kiểm chứng. Không phải mọi thứ tưởng như là đúng, ngay cả với ý thức của một người nghiên cứu chân thành và nhiệt tình nhất, đều nhất thiết là tri thức chính xác. Nhiều điều được xem là tri thức thì thật ra khi được kiểm tra kĩ lưỡng và nghiêm ngặt, chúng lại chỉ là những thiên kiến hay niềm tin dựa trên sự bóp méo, định kiến, tin đồn, suy luận, hay thuần túy huyễn tưởng. Những niềm tin được chấp nhận như là tri thức và được bám vào như những điều chắc chắn đáng tin cậy. “Tôi tin để tôi có thể hiểu”, một nhận xét nổi tiếng của Thánh Augustine, nghe có vẻ xa lạ với con người hiện đại ngày nay, nhưng điều này thường đúng khi con người bắt đầu nói về thực tại tâm lí. Jung tìm cách kiểm chứng những cơ sở của tư tưởng của mình một cách nghiêm túc bằng việc nghiên cứu công cụ mà ông sử dụng để có được các khám phá của mình. Ông luận chứng mạnh mẽ rằng sự hiểu biết cơ bản về ý thức là yếu tố cốt yếu cho khoa học cũng giống như nó đã từng là yếu tố cốt yếu cho triết học. Việc hiểu biết chính xác tâm thần hay những gì liên quan tới nó, phụ thuộc vào trạng thái ý thức của một người. Jung muốn đưa ra một sự hiểu biết chính xác về ý thức. Đó là mục tiêu hàng đầu của ông khi viết tác phẩm then chốt, Các loại hình tâm lí, mô tả tám phong cách nhận thức phân biệt ý thức con người với xử lí thông tin và kinh nghiệm sống một cách khác nhau. Quan hệ của bản ngã với ý thức Do vậy, Jung đã viết nhiều về bản ngã ý thức trong các tác phẩm đã công bố của mình. Vì mục đích của tôi ở đây, tôi sẽ nói chủ yếu đến chương đầu có tiêu đề “Bản ngã” của tác phẩm thời kì muộn của ông là Aion cũng như một số những tác phẩm và đoạn văn có liên quan khác. Chúng tóm lược quan điểm của ông một cách đầy đủ và phản ánh suy nghĩ chín chắn của ông về chủ đề này. Phần cuối của chương này tôi cũng sẽ trình bày một số tài liệu tham khảo về Các loại hình tâm lí. Aion có thể được hiểu ở nhiều cấp độ khác nhau. Nó là tác phẩm trong những năm cuối đời của Jung và phản ánh sự gắn bó sâu sắc của ông với lịch sử tri thức và tôn giáo phương Tây và tương lai của nó, cũng như tư tưởng chi tiết nhất của ông về cổ mẫu của tự ngã (self). Bốn chương đầu tiên về sau được đưa thêm vào cuốn sách nhằm cung cấp cho độc giả phần nhập môn lí thuyết tâm lí học đại cương của ông và đưa ra một điểm xuất phát để bước vào kho từ vựng của tâm lí học phân tâm. Dù những trang dẫn nhập này không chi tiết hay đặc biệt chuyên môn nhưng chúng lại chứa đựng những nghị luận cô đọng nhất của Jung về các cấu trúc tâm thần bao gồm bản ngã, bóng dáng vô thức trái ngược với ý thức (shadow), phần tâm thần nữ tính (anima), phần tâm thần nam tính (animus), và tự ngã. Ở đây, Jung định nghĩa bản ngã như sau: “Nó hình thành nên, có thể nói, trung tâm của trường ý thức, và trong chừng mực trường này bao hàm nhân cách kinh nghiệm thì bản ngã là chủ thể của tất cả mọi hành vi ý thức của cá nhân”7. Ý thức là một “trường” và cái mà Jung gọi là “nhân cách kinh nghiệm” ở đây chính là nhân cách của chúng ta như chúng ta nhận thức được và trải nghiệm được nó trực tiếp. Bản ngã, như “chủ thể của tất cả những hành vi ý thức của cá nhân”, giữ địa vị trọng tâm trong trường này. Thuật ngữ “bản ngã” nói tới kinh nghiệm về bản thân của một người như là một trung tâm của ý chí, khát vọng, suy nghĩ, và hành động. Định nghĩa về bản ngã như trung tâm của ý thức nói trên xuyên suốt nhất quán trong mọi tác phẩm của Jung. Jung tiếp tục bằng việc bình luận về chức năng của bản ngã bên trong tâm thần “Quan hệ của một nội dung tâm thần với bản ngã tạo nên tiêu chuẩn của ý thức của nó, vì không có nội dung nào có thể được ý thức trừ khi nó được phản ánh cho một chủ thể”8. Bản ngã là một “chủ thể”, còn những nội dung tâm thần được “phản ánh” cho nó. Nó giống như một cái gương. Hơn thế nữa, một sự gắn liền với bản ngã là điều kiện cần thiết để làm cho bất kì điều gì trở nên có ý thức - cảm xúc, suy nghĩ, tri giác hay huyễn tưởng. Bản ngã là một loại gương mà tâm thần có thể soi mình và có thể trở nên có ý thức. Mức độ mà một nội dung tâm thần được nắm lấy và phản ánh bởi bản ngã cũng chính là mức độ mà nó được xem là thuộc về phạm vi ý thức. Khi một nội dung tâm thần mới chỉ được ý thức một cách mơ hồ hời hợt thì nó vẫn chưa được nắm bắt và hiện diện trên bề mặt phản ánh của bản ngã. Trong các đoạn văn tiếp sau định nghĩa này về bản ngã, Jung đưa ra một sự khác biệt quan trọng giữa những đặc điểm ý thức và vô thức của tâm thần: ý thức là những gì chúng ta biết và vô thức là tất cả những gì mà chúng ta không biết. Trong một tác phẩm khác viết cùng thời, ông nêu ra điều này một cách chính xác hơn: “Vô thức không chỉ đơn thuần là những gì không biết mà thật ra nó là phần tâm thần không được biết; và chúng tôi xác định chúng... là tất cả những gì trong chúng ta mà nếu xuất hiện ở ý thức, sẽ không khác với những nội dung tâm thần được biết”9. Sự khác biệt giữa ý thức và vô thức, là vấn đề cơ bản trong lí thuyết tổng quát của Jung về tâm thần, vì nó hoàn toàn thuộc tâm lí học chiều sâu, nó cho rằng có một số nội dung được phản ánh bởi bản ngã và nằm trong ý thức, ở đó chúng có thể được tiếp tục khảo sát và thao tác, trong khi những nội dung tâm thần khác nằm ngoài ý thức tạm thời hoặc là thường xuyên. Vô thức bao gồm tất cả những nội dung tâm thần nằm ngoài ý thức, bất chấp mọi lí do và thời gian. Thực sự đây là phần rất lớn của thế giới tâm thần. Vô thức là lĩnh vực chủ yếu của việc nghiên cứu trong tâm lí học chiều sâu và mối quan tâm sâu sắc nhất của Jung nằm trong việc khảo sát vùng này. Tôi sẽ đề cập thêm về nó sau này. Thường trong các tác phẩm của mình, Jung nói tới bản ngã như một “phức cảm”, một thuật ngữ sẽ được thảo luận kĩ hơn ở chương sau. Tuy nhiên, trong đoạn này của Aion, Jung chỉ đơn giản gọi nó là một nội dung đặc thù của ý thức, qua đó ông cho rằng ý thức là một phạm trù rộng hơn bản ngã và bao hàm không chỉ bản ngã. Vậy thì bản thân ý thức, cái trường mà bản ngã nằm trong đó và chiếm giữ vị trí trung tâm là gì? Nói một cách đơn giản nhất, ý thức là sự nhận thức. Nó là trạng thái tỉnh thức, của quan sát và ghi nhận những gì diễn ra trong thế giới xung quanh và nội tâm. Dĩ nhiên con người không chỉ là sinh vật duy nhất có ý thức trên hành tinh này. Động vật khác cũng có ý thức, bởi vì rõ ràng chúng có thể quan sát và phản ứng trước môi trường sống theo những cách điều chỉnh thích ứng cẩn thận của chúng. Sự nhạy cảm của cây cỏ trước môi trường cũng có thể được coi như một hình thức của ý thức. Tự thân thì ý thức không tách con người ra khỏi những hình thức khác của sự sống. Cũng vậy, ý thức không phải là những gì tách người lớn ra khỏi trẻ con và đứa trẻ sơ sinh. Theo nghĩa chính xác nhất, ý thức con người, tuyệt nhiên, không phụ thuộc chút nào vào tuổi tác hay sự phát triển tâm lí. Một người bạn quan sát sự ra đời của con gái mình đã nói với tôi là anh ta đã xúc động như thế nào lúc mà, sau khi nhau được cắt và mắt đứa bé được lau sạch, bé gái mở mắt và nhìn xung quanh phòng. Rõ ràng đây là một dấu hiệu của ý thức. Con mắt là một chỉ báo sự tồn tại của ý thức. Sự sinh động và chuyển động của nó là tín hiệu của một sinh vật có nhận thức đang quan sát thế giới. Dĩ nhiên ý thức không phải chỉ phụ thuộc vào cái nhìn, mà cả các giác quan khác. Trong tử cung, trước khi mắt của đứa bé hoạt động, nó đã ghi nhớ các âm thanh, phản ứng với những tiếng nói và âm nhạc và biểu lộ một mức độ đáp ứng đáng kể. Chúng ta chưa biết chính xác khi nào thì phôi thai bắt đầu đạt được một mức độ nhận thức và phản ứng mà thực sự có thể gọi là ý thức nhưng nó chắc chắn là sớm và ở trong giai đoạn trước khi đứa trẻ được sinh ra. Đối lập với ý thức là giấc ngủ sâu không mơ, hoàn toàn không có đáp ứng và nhận thức bằng tri giác. Và sự mất ý thức thường xuyên ở một cơ thể thực sự chính là định nghĩa về cái chết, ngoại trừ trường hợp hôn mê kéo dài. Ý thức, dù chỉ ở dạng tiểm năng cho một ý thức trong tương lai, là một "nhân tố sống”; nó thuộc về những cơ thể sống. Với ý thức, bất kì sự phát triển nào cũng là bổ sung thêm nội dung đặc thù cho nó. Trên lí thuyết, ý thức con người có thể tách khỏi những nội dung của mình - những suy nghĩ, kí ức, cá tính, huyễn tưởng, tình cảm, hình ảnh, và ngôn từ lầp đầy không gian của nó. Nhưng trên thực tế, điều này gần như là không thể. Trên thực tế, hình như chỉ có những bậc thầy cao minh về tâm thần mới có thể làm được điều đặc biệt này một cách thuyết phục. Thật sự chỉ có một hiền nhân mới có thể tách ý thức khỏi những nội dung của nó và giữ chúng độc lập, ý thức của họ không bị xác định bởi sự đồng nhất với những suy nghĩ và hình ảnh chọn lọc. Với đa phần mọi người, ý thức mà không có một đối tượng ổn định thì chỉ là một điều gì cực kì thoáng qua và tạm thời. Tính thực tế của ý thức và cảm giác về sự vững chắc được quy định một cách điển hình từ những đối tượng và nội dung ổn định như các hình ảnh, kí ức, và suy nghĩ. Bản chất và sự liên tục trong ý thức được tạo dựng từ chúng. Nhưng, như bằng chứng từ những bệnh nhân đột quỵ cho thấy, những nội dung và thậm chí cả những chức năng bản ngã của ý thức - suy nghĩ, ghi nhớ, gọi tên, nói, nhận biết những hình ảnh, gương mặt và con người quen thuộc - thực sự là thoáng qua và mỏng manh hơn chính bản thân ý thức. Một người có thể mất trí nhớ hoàn toàn, nhưng vẫn còn ý thức. Ý thức giống như một căn phòng mà những nội dung tâm thần tạm thời lấp đầy nó. Và ý thức có trước bản ngã, cái sau này sẽ trở thành trung tâm cuối cùng của nó. Bản ngã, giống ý thức, vượt lên trên và tồn tại lâu hơn những nội dung đặc thù chiếm giữ căn phòng ý thức đó tại một thời điểm nhất định. Bản ngã là tiêu điểm bên trong ý thức, là đặc điểm quan trọng nhất và có lẽ thường xuyên nhất của nó. Trái ngược với quan điểm của phương Đông, Jung cho rằng nếu không có một bản ngã, thì bản thân ý thức sẽ trở nên đáng ngờ. Nhưng quả là có những chức năng nào đó của bản ngã có thể bị tạm ngừng hoặc dường như bị loại bỏ mà không có sự phá hủy ý thức hoàn toàn, và do vậy một loại ý thức “không có bản ngã”, tức một kiểu ý thức cho thấy rất ít biểu hiện của một trung tâm ý chí, tức một “cái tôi”, là một khả năng của con người ít nhất cũng trong một giai đoạn ngắn. Với Jung, bản ngã hình thành nên trung tâm cơ bản của ý thức và trên thực tế, nó quyết định, trong một phạm vi rộng lớn, những nội dung nào tồn tại trong ý thức và những nội dung nào bị đẩy vào vô thức. Bản ngã có nhiệm vụ duy trì những nội dung trong ý thức và nó cũng có thể loại bỏ những nội dung khỏi ý thức bằng cách ngừng phản ánh chúng. Jung sử dụng một thuật ngữ của Freud mà ông thấy hữu ích là bản ngã có thể “dồn nén” những nội dung nó không thích hay cảm thấy đau đớn không thể chịu được hoặc không thích hợp với những nội dung khác. Nó cũng có thể phục hồi những nội dung đó từ kho dự trữ trong vô thức (tức là kho kí ức) với điều kiện (a) chúng không bị ngăn chặn bởi cơ chế phòng vệ, chẳng hạn như dồn nén nhằm tránh những xung đột không thể chấp nhận được đó, và (b) chúng có một mối liên hệ liên tưởng đủ mạnh với bản ngã - chúng được “hiểu” tương đối đầy đủ. Bản ngã về cơ bản không được tạo thành và xác định bởi những nội dung được hậu đắc của ý thức, chẳng hạn như những sự đồng nhất nhất thời hoặc thậm chí trường diễn. Nó giống như một cái gương hay nam châm giữ những nội dung này ở tiêu điểm của nhận thức. Nhưng nó cũng thể hiện ý chí và hành động. Là trung tâm sống còn của ý thức, nó có trước sự sở đắc ngôn ngữ, bản sắc cá nhân, và thậm chí trước cả sự nhận biết một cái tên riêng. Những sở đắc về sau của bản ngã, chẳng hạn như sự nhận biết mặt và tên của một người là những nội dung kết hợp chặt chẽ xung quanh trọng tâm này của ý thức, và chúng có tác động trong việc xác định bản ngã và mở rộng phạm vi chi phối hành động và tự nhận thức của nó. Về cơ bản, bản ngã là một trung tâm ảo của sự nhận thức, tồn tại ít nhất từ khi (đứa trẻ) được sinh ra, là con mắt biết nhìn và đã luôn luôn nhìn thấy thế giới từ góc nhìn thuận lợi này, từ cơ thể, và từ quan điểm cá nhân. Tự thân thì nó không là gì cả, tức là, không phải là một vật. Do vậy, nó rất khó nắm bắt và không thể ghim chặt nó lại. Thậm chí chúng ta có thể phủ nhận rằng nó không hề tồn tại. Nhưng nó luôn luôn hiện diện. Nó không phải là sản phẩm của sự dinh dưỡng, trưởng thành hay phát triển. Nó mang tính bẩm sinh. Trong khi có thể thấy nó phát triển và đạt được sức mạnh từ đây trở đi thông qua “những va chạm” với thực tế (xem bên dưới), nhưng hạt nhân của nó đã “có sẵn”. Nó xuất hiện cùng lúc với sự ra đời của đứa trẻ. Như Jung mô tả về tâm thần, có một mạng lưới những liên tưởng trong số nhiều nội dung của ý thức. Tất cả đều liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với yếu tố trung tâm, tức là bản ngã. Bản ngã là trung tâm của ý thức không phải chỉ xét về địa lí mà còn về mặt động lực. Nó là trung tâm năng lượng làm vận hành những nội dung của ý thức và sắp xếp chúng theo những trật tự ưu tiên. Bản ngã là trung tâm của việc ra quyết định và ý chí tự do. Khi tôi nói “tôi đi đến bưu điện”, bản ngã của tôi đã quyết định và động viên năng lượng thể chất và xúc cảm cần thiết để làm việc ấy. Bản ngã hướng tôi đến bưu điện và mang tôi đến đó. Chính người điều hành đã đưa ra những ưu tiên: “đến bưu điện và không ngẫu hứng tạt sang công việc đi dạo!”. Trong khi bản ngã có thể được coi như trung tâm của chủ nghĩa vị kỉ (lấy bản ngã làm trung tâm), nó cũng là trung tâm của chủ nghĩa vị tha. Bản thân bản ngã như Jung hiểu và mô tả, là trung tính về đạo đức, không phải là một “cái xấu xa” như chúng ta thường được nghe thấy trong ngôn từ hằng ngày (ồ, anh ta có một bản ngã như vậy!) mà là một phần tất yếu của đời sống tâm lí con người. Bản ngã là cái gì tách con người khỏi những sinh vật cũng có ý thức khác; nó cũng tách một con người cá nhân khỏi những người khác. Nó là tác nhân cá thể hóa trong ý thức con người. Bản ngã tạo tiêu điểm cho ý thức con người và khiến cho hành vi ý thức có tính mục đích và phương hướng. Bởi vì chúng ta có một bản ngã, chúng ta có được sự tự do lựa chọn có thể trái với những bản năng sinh tồn, sinh sản và sáng tạo. Bản ngã có khả năng làm chủ một khối lượng lớn nội dung trong ý thức và nhào nặn chúng. Nó là một yếu tố liên kết mạnh mẽ và là một nhân tố tổ chức. Bởi vì con người có một sức mạnh như vậy ở trung tâm của ý thức nên họ có thể thống nhất và định hướng những khối lượng lớn dữ liệu. Một bản ngã mạnh có thể đạt được và làm chuyển động theo một hướng xác định một khối lượng lớn những nội dung ý thức. Một bản ngã yếu không thể làm được như vậy và dễ khuất phục trước những xung lực và những phản ứng xúc cảm. Một bản ngã yếu dễ bị phân tán và kết quả là ý thức mất đi sự tập trung và động cơ bền vững. Con người vẫn có thể duy trì ý thức trong lúc ngừng lại nhiều hoạt động bình thường của bản ngã. Bằng ý chí chúng ta có thể khiến cho chính mình trở thành thụ động và không hoạt động, chỉ đơn thuần quan sát thế giới bên trong và bên ngoài, giống như một chiếc máy quay phim. Tuy nhiên, bình thường thì con người không thể duy trì một ý thức quan sát do ý chí kiềm chế như vậy trong một khoảng thời gian dài, bởi vì bản ngã và phần tâm thần rộng hơn thường nhanh chóng gắn ngay với những gì đang quan sát. Chẳng hạn, khi chúng ta xem một bộ phim, có lẽ chúng ta chỉ bắt đầu bằng việc đơn giản xem và hiểu các nhân vật và các cảnh. Nhưng ngay sau đó chúng ta bắt đầu đồng nhất với nhân vật này hay nhân vật khác, và cảm xúc của chúng ta bị xao động. Bản ngã sẵn sàng hoạt động, và nếu ai gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa những hình ảnh trong phim và thực tế (một chức năng khác của bản ngã) thì người đó có thể bị lôi cuốn vào những hành vi thể chất. Cơ thể bị huy động và bản ngã cố gắng tìm một hướng hành động nào đó. Thực sự là chính các bộ phim được xây dựng để người xem cùng nhập vai và ủng hộ hành động mà các nhân vật trong phim đang thực hiện hay cảm nhận. Được nhập cuộc bằng cách ấy, bản ngã được kích hoạt trở thành trung tâm của ước muốn, hi vọng và thậm chỉ cả ý định nữa. Có thể hiểu được cho một người nào đó đã ra một quyết định quan trọng trong cuộc đời khi đang xem một bộ phim, mà nguyên nhân là do kết quả của những cảm xúc và suy nghĩ phát sinh trong ý thức bởi những hình ảnh trong phim. Nhiều người sau khi rời khỏi rạp chiếu phim trở nên bạo lực hay thèm khát nhục dục cũng do kết quả tác động trực tiếp của phim ảnh. Bản ngã trở nên nhập cuộc bằng xúc cảm, sự đồng nhất hóa và ham muốn, và sử dụng chức năng định hướng và năng lượng của mình để hành động. Hiển nhiên rằng, sự tự do của bản ngã là bị giới hạn. Nó dễ bị ảnh hưởng bởi cả kích thích tâm thần nội tâm lẫn bởi kích thích của môi trường bên ngoài. Bản ngã có thể đáp ứng với một kích thích đe dọa bằng cách giơ tay và chống đỡ; hoặc nó có thể bị kích hoạt và kích thích bởi một lực thúc nội tâm để sáng tạo, để yêu thương, hoặc tìm cách trả thù. Nó cũng có thể đáp ứng một xung lực của cái tôi, tức là theo hướng ái kỷ. Như vậy, có thể nó cũng bị chi phối bởi một nhu câu trả thù, chẳng hạn. Do đó, ý thức thức tỉnh được hội tụ bởi sự ghi nhận của bản ngã về những kích thích và hiện tượng của nội tâm cũng như môi trường, từ đó làm cho cơ thể hoạt động. Cần nhắc lại rằng nguồn gốc của bản ngã có từ thời ban đầu trẻ con và ấu thơ. Ngay cả một đứa bé sơ sinh cũng lưu ý đến những hình thể ở môi trường xung quanh, một số trong môi trường đó có vẻ thú vị và nó vươn tay để lấy. Những tín hiệu rất sớm này về tính hữu ý của sinh thể hữu cơ là bằng chứng cho những nguồn gốc nguyên sơ của bản ngã, của “Ngã tính” của mỗi người. Suy nghĩ về bản tính và bản chất của cái “Tôi” này sẽ đưa đến những câu hỏi tâm lí sâu sắc. Về bản chất bản ngã là gì? Tôi là ai? Jung chỉ đơn giản nói rằng bản ngã là trung tâm của ý thức. Cái “Tôi” có lẽ cảm nhận một cách ngây thơ rằng nó đã tồn tại mãi mãi. Ngay cả những ý niệm về các quãng đời trước đó cũng thể hiện cảm giác sự thật và hiện thực. Một câu hỏi còn bỏ ngỏ là liệu cái “Tôi” có biến đổi lớn trong đời một người hay không. Liệu cái “Tôi” khóc đòi mẹ lúc lên hai có khác gì cái “tôi” khóc vì mất người yêu lúc nó 45 tuổi hay cái tôi khóc cho người bạn đời mất lúc nó 80 tuổi? Trong khi nhiều đặc điểm của bản ngã rõ ràng là phát triển và biến đổi, đặc biệt là sự nhận thức, hiểu biết chính mình, bản sắc tâm lí - xã hội, năng lực v.v. thì chúng ta vẫn cảm thấy một sự liên tục quan trọng trong cốt lõi của bản ngã. Nhiều người thình lình phát hiện thấy một “đứa bé bên trong” mình. Đây chính là sự nhận biết rằng bản ngã lúc lớn cũng chính là bản ngã lúc bé. Có lẽ cốt lõi căn bản của bản ngã không biến đổi trong cả cuộc đời. Điều này có lẽ cũng giải thích cho trực giác và niềm tin mạnh mẽ của nhiều người rằng cốt lõi của bản ngã không biến mất khi thể chất con người chết đi mà chỉ hoặc là đi vào một nơi an nghỉ vĩnh hằng (Thiên đường, Niết bàn) hoặc sẽ tái sinh ở một con người khác trong một cuộc đời khác (tái sinh theo thuyết luân hồi). Đứa trẻ lần đầu tiên cất lên tiếng nói “Tôi” vào lúc hai tuổi. Trước đó nó nói đến mình bằng ngôi thứ ba hay bằng tên: “Timmie muốn” hay “Sarah đi”. Khi đứa trẻ có thể nói “tôi” và nghĩ về chính mình, đặt mình một cách có ý thức ở vị trí trung tâm của thế giới cá nhân và dành cho mình vị trí của ngôi thứ nhất đặc thù, đó là một bước tiến lớn trong ý thức. Nhưng đây hoàn toàn không phải là sự khai sinh của bản ngã nguyên sơ. Từ trước đó rất lâu, ý thức và hành vi đã được tổ chức xung quanh một trung tâm. Rõ ràng bản ngã đã tồn tại trước khi ta nói đến nó một cách có ý thức và có suy nghĩ, và quá trình nhận biết nó là dần dần và tiếp diễn trong suốt đời người. Phát triển đến tự thức (self-consciousness) là một quá trình kéo dài qua nhiều giai đoạn từ tuổi thơ tới tuổi trưởng thành. Jung đã mô tả khá chi tiết một phần của điều này trong Kí ức, Giấc mơ, Suy nghĩ khi ông nói về việc mình chợt bừng tỉnh lúc mười ba tuổi và lần đầu tiên nhận ra “giờ thì tôi là chính mình”10. Do khả năng đạt được một mức độ nhận thức và tự ý thức cao - tức là, một bản ngã tự phản tư - ý thức con người khác với ý thức con vật, ít nhất theo những gì chúng ta biết hiện nay. Sự khác biệt này không chỉ do khả năng có thể nói của con người khiến chúng ta có thể nói về “cái tôi” của mình và do đó làm tăng sự phức tạp của nó, mà chính là chức năng tự phản ánh hiện diện trong ý thức con người. Chức năng này vừa có trước vừa có sau ngôn ngữ. Nó biết con người đang sống (và sau đó con người sẽ chết). Do có một bản ngã - “tấm gương” sẵn có trong ý thức - chúng ta có thể biết mình đang sống và mình là gì. Các loài vật khác rõ ràng cũng muốn sống và kiểm soát môi trường và chúng cho thấy dấu hiệu của cảm xúc, ý thức cũng như ý muốn, kiểm nghiệm thực tế, tự kiểm soát mình và v.v. mà chúng ta gắn với chức năng bản ngã. Nhưng các con vật không có, hoặc có rất ít chức năng tự phản ánh bên trong ý thức. Nó có bản ngã ít hơn. Liệu chúng có biết chúng đang sống và chúng sẽ chết, chúng có phải là những cá thể độc lập? Đây là điều đáng nghi ngờ. Nhà thơ Rilke cho rằng loài vật không đương đầu với cái chết như cách của con người, và điều này khiến chúng có thuận lợi là được sống tròn đầy trong giây phút hiện tại. Loài vật không có ý thức bản thân giống như con người và vì không có ngôn ngữ nên chúng không thể biểu hiện được bất kì sự tự ý thức nào của mình với bất kì mức độ tinh tế nào hay phân biệt chúng khỏi những loài khác bằng loại công cụ ngôn ngữ như con người có được11. Đến một lúc nào đó trong quá trình phát triển, bản ngã và ý thức con người được xác định và định hình bởi thế giới văn hóa trong đó con người trưởng thành và được giáo dục. Đây là một lớp, hay một vỏ bọc, của cấu trúc bản ngã xung quanh bản ngã trung tâm. Khi một đứa trẻ lớn lên trong một nền văn hóa và học những hình thức và thói quen thông qua những tương tác gia đình và những kinh nghiệm giáo dục ở trường học, lớp vỏ bọc của bản ngã này trở nên ngày càng dày hơn. Jung nói tới hai đặc điểm này của bản ngã như “nhân cách số 1” và “nhân cách số 2”12. Nhân cách số 1 là bản ngã gốc và bẩm sinh còn nhân cách số 2 là lớp văn hóa hậu đắc của bản ngã lớn lên qua thời gian. Một số nội dung đặc thù của ý thức bản thân của một người cho thấy tính chất ổn định của nó trong thời gian. Tên riêng của một người thông thường là một đặc điểm bền vững của ý thức. Dường như đến một lúc nào đó nó được gắn vào bản ngã. Mặc dù tên là một dấu hiệu phi cá nhân và thuộc về xã hội như một phần của persona của một người (xem chương 5) nhưng khi nó được gọi bởi cha mẹ, đứa bé hay người yêu thì nó chạm vào nơi thầm kín nhất của sự cảm nhận bản thân của chúng ta. Nhưng cần phải nhận ra rằng tên là một sản phẩm văn hóa nhân tạo và vì vậy nó ít gắn sâu vào bản ngã hơn so với, chẳng hạn, cơ thể con người. Mọi người có thể đổi tên nhưng vẫn giữ nguyên chính mình. Hiện nay thì chưa ai có thể biến đổi cơ thể mình hoàn toàn để xem điều này có đúng không; nếu (hoặc khi) điều này được thực hiện, chúng ta sẽ thấy bản ngã có vượt ngoài cơ thể con người hay không. Tôi ngờ rằng câu trả lời có thể là: nó thực sự có thể vượt khỏi cơ thể dù mối liên hệ của nó với cơ thể đối với chúng ta dường như là một. Chúng ta có thể thấy hấp dẫn khi coi bản ngã, với tư cách là ý thức của cơ thể về chính nó, như một thực thể có ý chí, cá tính, bị giới hạn và duy nhất. Nếu một người bị đặt tên khác đi thì có thể lí luận rằng “bản ngã” chủ yếu vẫn sẽ không khác. Nhưng nếu người đó có một cơ thể khác, liệu bản ngã có khác về bản chất không? Bản ngã gắn chặt với cơ thể, thậm chí nhiều hơn cả văn hóa, chỉ có điều sự gắn bó này sâu sắc như thế nào thì vẫn là vấn đề còn tranh luận. Dẫu vậy bản ngã cực kì sợ cái chết của cơ thể. Đó là nỗi sợ rằng bản ngã cũng sẽ bị biến mất cùng cái chết của cơ thể. Nhưng theo Jung, bản ngã không hoàn toàn gắn vào cơ thể sinh học. Trong Aion, ông nói rằng bản ngã “không chỉ là một nhân tố đơn giản hay sơ đẳng mà là một nhân tố phức tạp, và vì vậy không thể mô tả nó đến cùng được. Kinh nghiệm cho thấy rằng nó dựa trên hai nền tảng có vẻ khác nhau, thể xác và tâm thần”13. Theo suy nghĩ của Jung, tâm thần không thể quy giản thành biểu hiện thuần túy của cơ thể, như là kết quả của tiến trình sinh hóa trong não bộ hay những quá trình vật lí tương tự như vậy. Vì tâm thần cũng gồm cả tâm trí hay tinh thần (từ Hi Lạp nous thể hiện đúng suy nghĩ của Jung về điều này), và vì vậy nó có thể và thỉnh thoảng vượt qua sự định vị thể chất. Trong những chương sau, chúng ta sẽ thấy rất rõ ràng Jung coi tâm thần bắt nguồn từ sự kết hợp bản chất sinh học và tinh thần hay tâm trí siêu nghiệm, nous. Nhưng hiện nay, đủ để nhận thấy rằng tâm thần và cơ thể không phải là một hay cái này sinh ra từ cái kia. Bản ngã mà Jung coi như đối tượng tâm thần hoàn toàn chỉ dựa một phần trên nền tảng cơ thể. Bản ngã dựa trên cơ thể chỉ là theo nghĩa nó trải nghiệm sự thống nhất với cơ thể, nhưng cơ thể mà bản ngã trải nghiệm mang tính tâm thần. Nó là một hình ảnh về cơ thể, chứ không phải là bản thân cơ thể. Cơ thể được trải nghiệm “từ tất cả những tri giác bên trong cơ thể”14 tức là từ những gì mà một người cảm nhận một cách có ý thức về cơ thể. Sự nhận biết cơ thể này “được tạo ra bởi kích thích bên trong cơ thể, mà chỉ một số vượt qua ngưỡng ý thức. Một phần lớn những kích thích này xảy ra một cách vô thức, tức là thuộc tiềm thức... Việc chúng là thuộc tiềm thức không nhất thiết nghĩa là chúng chỉ đơn thuần có tính sinh lí học, mà thực sự là mang một nội dung tâm thần. Thỉnh thoảng chúng có thể vượt qua ngưỡng ý thức, tức là được nhận biết. Nhưng không nghi ngờ là có một khối lượng lớn kích thích bên trong cơ thể này chỉ đơn giản là không thể được ý thức và sơ khai tới mức không có lí do gì để gán cho chúng một bản tính tâm thần”15. Trong đoạn này, chúng ta thấy Jung đã phác họa phạm vi của tâm thần bao gồm ý thức cái Tôi và vô thức, chứ không bao gồm cơ sở thể xác xét như là thể xác đơn thuần. Nhiều quá trình sinh lí học không bao giờ xâm nhập vào tâm thần, dù là tâm thần vô thức. Về nguyên tắc, chúng không bao giờ có thể trở thành ý thức. Chẳng hạn, một điều rõ ràng là hệ thần kinh giao cảm, phần lớn không thể đạt tới ý thức. Khi trái tim đập, máu tuần hoàn và neuron hoạt động thì chỉ một số chứ không phải tất cả quá trình thân thể có thể được ý thức. Có điều không rõ ràng là khả năng của bản ngã xâm nhập vào cơ sở thể xác có thể sâu đến đâu. Các nhà yoga qua tập luyện tuyên bố có thể thực hiện việc kiểm soát rất nhiều các quá trình thể xác. Họ được biết tới như những người có khả năng thách thức cái chết hay chỉ đơn giản là làm tim ngừng đập theo ý muốn. Khả năng của một nhà yoga biến đổi nhiệt độ mặt ngoài của lòng bàn tay bằng ý chí đã được kiểm tra và xác nhận: họ có thể chủ động biến đổi nó mười hay hai mươi độ. Điều này chứng tỏ khả năng tâm thần xâm nhập và kiểm soát cơ thể đáng kể nhưng vẫn còn những vùng chưa ai đụng tới. Bản ngã có thể xâm nhập vào cấu trúc tế bào sâu đến mức nào? Chẳng hạn liệu một bản ngã qua luyện tập có thể thu nhỏ một khối u ung thư hay không, hay chữa trị được căn bệnh cao huyết áp hay không? Còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Chúng ta nên nhớ là có hai ngưỡng: ngưỡng đầu tiên phân li ý thức khỏi vô thức, ngưỡng thứ hai phân li tâm thần (cả ý thức và vô thức) khỏi cơ sở thân thể. Tôi sẽ nói về những ngưỡng này chi tiết hơn ở các chương sau, còn bây giờ cần phải lưu ý rằng chúng là những ngưỡng rộng và nên coi chúng như những ranh giới linh hoạt chứ không phải là những rào chắn cố định và cứng nhắc. Với Jung, tâm thần được coi là gồm cả ý thức và vô thức nhưng không bao gồm tất cả cơ thể xét dưới khía cạnh thuần túy sinh lí học. Bản ngã, Jung cho rằng được dựa trên phần thân thể của tâm thần, tức là hình ảnh thân thể chứ không phải là cơ thể tự nó. Do đó, bản ngã về bản chất là một nhân tố tâm thần. Định vị bản ngã Toàn bộ lĩnh vực tâm thần gần như trùng với vùng tiềm năng của bản ngã. Tâm thần, theo Jung xác định trong đoạn này, bị hạn chế và giới hạn trong vùng mà bản ngã, về nguyên tắc, có thể đi đến được. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng tâm thần và bản ngã là đồng nhất, bởi vì tâm thần bao gồm cả vô thức còn bản ngã thì ít nhiều bị hạn chế trong phạm vi ý thức. Nhưng ít nhất thì vô thức có tiềm năng tiếp xúc được bản ngã, dù là thực tế bản ngã chưa trải nghiệm nó nhiều. Vấn đề ở đây chính là bản thân tâm thần có một giới hạn và giới hạn này là điểm mà tại đó những kích thích hay những nội dung ngoài tâm thần, về nguyên tắc, không bao giờ có thể được trải nghiệm trong ý thức. Trong triết học của Kant mà Jung là người tin theo, yếu tố không thể được trải nghiệm này được gọi là Ding an sich, “vật tự nó”. Kinh nghiệm con người là bị giới hạn. Tâm thần bị giới hạn. Jung không phải là một người theo thuyết phiếm tâm thần (pan psychist), tức là một người coi tâm thần hiện diện ở mọi nơi và tạo nên tất cả. Cơ thể nằm ngoài tâm thần, và thế giới thì rộng lớn hơn tâm thần nhiều. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá chú ý tới sự chính xác trong việc sử dụng thuật ngữ của Jung, đặc biệt là những thuật ngữ như tâm thần và vô thức. Nói cách khác, chúng ta cần tạo ra những khớp nối ở những khoảng trống và khe hở mà Jung chủ tâm để lại. Tâm thần không hoàn toàn có cùng ngoại diên với vùng kết hợp giữa vô thức và ý thức và nó cũng không bị giới hạn chính xác trong phạm vi lĩnh vực của bản ngã. Ở hai đầu nơi mà tâm thần và thân thể kết hợp với nhau và nơi mà tâm thần và thế giới gặp nhau, có những vùng mờ ảo giữa “bên trong/bên ngoài”. Những vùng xám này Jung gọi là psychoid (giống tâm thần). Đây là một vùng hoạt động giống như tâm thần nhưng không phải hoàn toàn là tâm thần. Nó hầu như là tâm thần (quasi-psychic). Chẳng hạn, trong những vùng xám này có những câu hỏi nan giải về tâm-thể. Tâm thần và cơ thể ảnh hưởng lẫn nhau Ở như thế nào? Ở đâu thì phần này kết thúc và phần kia bắt đầu? Những vấn đề này vẫn chưa có câu trả lời. Jung rút ra những phân biệt tinh tế này trong một đoạn của Aion, khi ông mô tả cơ sở tâm thần của bản ngã như sau: “một mặt, bản ngã dựa vào toàn bộ trường ý thức, và mặt khác, dựa vào tổng số những nội dung vô thức. Những nội dung này gồm ba phần: thứ nhất là những nội dung tạm thời dưới ngưỡng ý thức và có thể tái hiện theo ý muốn (trí nhớ)... thứ hai, những nội dung vô thức không thể tái hiện theo ý muốn... và thứ ba là những nội dung tuyệt đối không bao giờ có thể trở thành ý thức”16. Nhóm thứ ba này, theo những định nghĩa trước đây, là nằm ngoài tâm thần, nhưng ở đây Jung đặt nó bên trong vô thức. Rõ ràng ông nhận thấy vô thức đã đạt tới mức không còn là tâm thần nữa và mở rộng sang những miền phi tâm thần, tức là vào “thế giới” bên ngoài tâm thần. Nhưng ở một chừng mực nào đó thì ít nhất là thế giới phi tâm thần này nằm bên trong vô thức. Ở đây chúng ta đã đạt tới ranh giới của những bí ẩn lớn: cơ sở cho tri giác ngoại tâm thần, tính đồng thời tương ứng (Synchronicity), những cách kì diệu làm lành bệnh cơ thể, và những cái khác. Là một nhà khoa học, Jung buộc phải đưa ra những lập luận và bằng chứng cho những giả thuyết táo bạo như là sự tồn tại của vô thức, ở cả hai phương diện cá nhân và tập thể. Ở đây ông mới chỉ ngụ ý tới những lập luận này, và trong các tác phẩm khác thì được phát triển chi tiết hơn nhiều “Nhóm hai có thể được suy ra từ sự đột nhập tự phát của những nội dung dưới ngưỡng ý thức vào ý thức”17. Điều này cho thấy những tác động của các phức cảm tới ý thức như thế nào. “Nhóm ba có tính giả thuyết. Nó là sự suy luận logic từ những sự kiện làm cơ sở cho nhóm hai”18. Những hình thức bền vững nhất định nào đó trong phức cảm đã dẫn Jung tới giả định về các cổ mẫu. Nếu những tác động nào đó là đủ mạnh và kéo dài thì một nhà khoa học xây dựng một giả thuyết được hi vọng sẽ giải thích cho những tác động này và dẫn tới việc nghiên cứu sâu hơn19. Bản ngã, Jung tiếp tục nói đến trong văn bản Aion, dựa trên hai nền tảng: một là thân thể (cơ thể) và hai là tâm thần. Mỗi cơ sở này lại gồm nhiều lớp và tồn tại phần nào trong ý thức, nhưng chủ yếu trong vô thức. Nói rằng bản ngã dựa vào chúng cũng có nghĩa là nói rằng những gốc rễ của bản ngã ở tận vô thức. Trong cấu trúc bên trên của mình, bản ngã là lí tính, nhận thức, và hướng về thực tại, nhưng bên trong những lớp ẩn sâu hơn của mình, nó phụ thuộc vào dòng cảm xúc, huyễn tưởng và xung đột cũng như vào những sự xâm nhập từ những mức thể chất và tâm thần của vô thức. Do đó, bản ngã dễ dàng bị quấy rối bởi cả những vấn đề về cơ thể lẫn những xung đột tâm thần. Là một thực thể tâm thần thuần túy, một trung tâm sống còn của ý thức, là quê hương của bản sắc và ý chí, nên, bản ngã, ở những lớp sâu hơn của mình, dễ bị tổn thương trước những khuấy động từ nhiều nguồn khác. Như tôi đã chỉ ra ở trên, bản ngã cần phải được phân biệt với trường ý thức nơi nó “làm tổ”, và vì vậy nó hình thành nên trọng điểm quy chiếu cho trường ý thức này. Jung viết: “Khi tôi nói rằng bản ngã “dựa” trên toàn bộ trường ý thức, tôi không có ý muốn nói nó chỉ là trường này. Nếu như vậy, nó không thể phân biệt được khỏi trường ý thức xét như một tổng thể”20. Giống như William James phân biệt giữa “bản ngã” (the “I”) và “cái mình” (the “me”)21. Jung phân biệt giữa bản ngã với cái mà James gọi là “dòng ý thức”. Bản ngã là một điểm hay một chấm được nhúng vào trong dòng ý thức đó, và có thể tự tách biệt khỏi dòng ý thức này và nhận thức về dòng ý thức như là cái gì khác với bản thân mình. Ý thức không hoàn toàn chịu sự kiểm soát của bản ngã ngay cả khi bản ngã ở cách ý thức một khoảng đủ thuận lợi để quan sát và tìm hiểu dòng chảy ý thức này. Bản ngã di chuyển trong trường ý thức để quan sát, lựa chọn, định hướng sự vận động ở một chừng mực nhưng nó cũng không biết đến một lượng lớn tư liệu mà ý thức chú ý tới. Nếu một người lái một chiếc xe trên một con đường quen thuộc, sự chú ý của bản ngã sẽ thường giảm đi và chú ý tới những chủ đề khác hơn là lái xe. Anh ta vẫn đến nơi an toàn, đi qua đèn đường và vượt qua nhiều tình huống giao thông nguy hiểm, và tự hỏi mình sao lại làm được vậy! Tâm điểm của sự chú ý là ở nơi khác, bản ngã lơ đãng và để việc lái xe cho một ý thức không có bản ngã. Trong khi đó ý thức, tách khỏi bản ngã, vẫn luôn luôn giám sát, tham dự, xử lí, và phản ứng trước các thông tin. Nếu có một chuyện gì xảy ra, bản ngã liền quay trở lại và xử lí. Bản ngã thường tập trung vào một kí ức, một suy nghĩ, cảm xúc hay những kế hoạch được nhặt ra từ dòng ý thức. Còn những hoạt động thông thường khác được nó để lại cho ý thức đã trở thành tập quán. Tính có thể tách biệt của bản ngã khỏi ý thức là một thể nhẹ và không phải bệnh lí của trạng thái phân li. Bản ngã có thể phân li khỏi ý thức ở một mức độ nhất định. Mặc dù một bản ngã thô sơ hay nguyên thủy dường như hiện diện từ những khoảnh khắc sớm nhất của ý thức như một trung tâm ảo hay một điểm trung tâm, nó lớn dần và phát triển ở nhiều mặt quan trọng trong những giai đoạn đầu của thời ấu thơ và cuối thời thiếu niên. Jung viết: “mặc dù cơ sở của nó tương đối là vô thức và không được biết đến, cả tâm thần lẫn thể xác, bản ngã là một nhân tố ý thức đặc biệt. Nói một cách thường nghiệm, nó được sở đắc trong suốt cuộc đời của một cá nhân. Dường như nó xuất hiện trước tiên từ sự xung đột giữa nhân tố thân thể và môi trường, và khi được xác lập như một chủ thể, nó tiếp tục phát triển từ những xung đột xa hơn với thế giới bên ngoài và bên trong”22. Những gì làm cho bản ngã phát triển, theo Jung, là những gì được ông gọi là “những xung đột”. Nói theo cách khác đó là xung đột, phiền muộn, đau khổ, buồn rầu. Đó là những gì dẫn dắt bản ngã phát triển. Những đòi hỏi đối với con người buộc họ phải thích nghi với môi trường thể chất và tâm thần được dựa trên một trung tâm tiềm năng trong ý thức và tăng cường khả năng hoạt động của nó, nhằm tập trung ý thức và thúc đẩy sinh thể theo một hướng đặc thù. Là một trung tâm ảo của ý thức, bản ngã mang tính bẩm sinh, nhưng với tư cách là một trung tâm hiện thực và có tính hiệu quả, nó phát triển được là do những xung đột giữa cơ thể tâm thể và một môi trường đòi hỏi sự đáp ứng và thích ứng. Do đó, một lượng xung đột vừa phải với môi trường và một hẫng hụt nào, theo Jung, là những điều kiện tốt nhất cho sự lớn mạnh của bản ngã. Tuy nhiên, những xung đột này có thể là thảm họa và nó đưa tới sự tổn hại nghiêm trọng đối với tâm thần. Do vậy bản ngã bé nhỏ không đủ mạnh mà bị thương tổn và chấn thương quá nhiều sẽ khiến hoạt động sau này của nó bị suy giảm nghiêm trọng. Sự ngược đãi trẻ nhỏ và chấn thương tình dục thời niên thiếu là những ví dụ điển hình của những thảm họa tâm thần như vậy. Do vậy mà bản ngã thường bị suy giảm nghiêm trọng ở khu vực tâm thần thấp hơn. Về mặt nhận thức nó có thể hoạt động bình thường, nhưng ở những miền ít ý thức hơn thì giông tố cảm xúc và sự vắng mặt của cấu trúc cố kết tạo ra những rối loạn nhân cách nghiêm trọng và các xu hướng phân li. Những bản ngã như vậy không chỉ dễ bị tổn thương một cách bình thường - giống các bản ngã khác - mà chúng còn mỏng manh và có tính phòng vệ quá mức. Chúng dễ bị bể vỡ trước áp lực stress và vì vậy có xu hướng hướng về cơ chế phòng vệ nguyên thủy (nhưng rất mạnh) để ngăn chặn thế giới và bảo vệ tâm thần khỏi những sự xâm nhập và khả năng bị thương tổn. Những người như vậy không thể tin những người khác. Thật nghịch lí là họ cũng thường xuyên bị bỏ rơi và bị thất vọng bởi người khác và bởi cuộc đời nói chung. Dần dần những người này cô lập mình khỏi môi trường mà họ nhận thức là gây đe dọa cực kì lớn, và họ sống cuộc đời mình trong sự cô lập có tính phòng vệ. Bản ngã bé nhỏ có thể được mô tả như tiếng khóc đau khổ của một đứa trẻ báo hiệu sự thiếu hòa hợp giữa nhu cầu và sự thỏa mãn23. Từ đó nó bắt đầu phát triển và cuối cùng trở thành phức cảm. Khi một đứa trẻ lên hai tuổi và bản ngã của nó biết nói “không” với mọi người thì nó không chỉ gặp phải những thách thức từ môi trường, mà nó còn đang cố gắng biến đổi hay để kiểm soát nhiều mặt của môi trường quanh nó. Bản ngã của con người bé nhỏ tìm một cách trong việc củng cố chính mình bằng cách tạo ra nhiều xung đột, và khi những tiếng nói “không! ” hay “tôi sẽ không! ” là những bài tập tăng cường bản ngã như một thực thể riêng biệt và là một trung tâm mạnh mẽ bên trong của ý chí, tính ý hướng và sự kiểm soát. Một bản ngã đã hoàn thành được sự tự trị ở thời niên thiêu cũng cảm thấy rằng ý thức của mình bị kiếm chế quá mức và bị dẫn dắt bởi ý chí. Sự tự bảo vệ của một người lo lắng quá mức là một chỉ báo rằng bản ngã không hoàn toàn đạt được cấp độ này của sự tự chủ chắc chắn. Sự cởi mở và linh hoạt hơn chỉ có thể có khi bản ngã đạt được một mức độ kiểm soát đủ để đảm bảo sự tồn tại và nhu cầu cơ bản là thỏa mãn. Quan niệm của Jung về sự phát triển của bản ngã bắt nguồn từ những xung đột với môi trường đưa ra một cách nhìn mới đầy tính sáng tạo về tiềm năng trong tất cả những kinh nghiệm tất yếu của con người về sự hẫng hụt khi phải đối diện với một môi trường không làm thỏa mãn. Khi bản ngã tìm cách sử dụng ý chí, nó gặp phải một mức độ kháng cự nhất định từ môi trường, và nếu sự xung đột này được giải quyết tốt thì kết quả sẽ là sự phát triển của bản ngã. Quan điểm này cũng cảnh báo chúng ta về cố gắng tạo ra sự tách biệt nhiều nhất cho đứa trẻ trước sự tấn công của hiện thực bên ngoài đầy thách thức. Để thúc đẩy sự phát triển của bản ngã, một môi trường thường xuyên bảo vệ quá mức thực sự không hiệu quả. Các kiểu tâm lí Chương về cái tôi - ý thức này cũng đề cập ngắn gọn về lí thuyết các loại hình tâm lí của Jung. Những người biên soạn Toàn tập của Jung đã trích lời Jung trong lời giới thiệu của họ về Các loại hình tâm lí khi coi tác phẩm này là “tâm lí học về ý thức được nhìn từ cái gì có thể được gọi là góc nhìn lâm sàng y học”24. Hai kiểu thái độ chính (hướng nội và hướng ngoại) và bốn chức năng (tư duy, cảm xúc, cảm giác, và trực giác) có một ảnh hưởng lớn lên định hướng của bản ngã khi nó thực hiện những đòi hỏi và nhiệm vụ thích ứng của mình. Xu hướng bẩm sinh căn bản của bản ngã hướng tới việc nắm giữ một trong số những chức năng và thái độ hình thành nên một quan điểm đặc trưng cơ bản đối với thế giới và hướng tới việc đồng hóa kinh nghiệm. Những xung đột với thực tế đánh thức những tiềm năng của bản ngã và thách thức nó liên hệ với thế giới. Những xung đột như vậy cũng làm gián đoạn sự tham dự thần bí25 của tâm thần với thế giới xung quanh. Một khi được đánh thức, bản ngã phải điều chỉnh chính mình thích nghi với thực tế bởi tất cả những phương tiện mà nó có. Jung lí thuyết hóa rằng có bốn phương tiện hay chức năng như vậy của bản ngã và với mỗi cái trong số đó lại có thể định hướng bởi một thái độ hướng nội (tức là nhìn vào bên trong) hay thái độ hướng ngoại (nhìn ra bên ngoài). Sau khi một sự phát triển bản ngã nhất định diễn ra, xu hướng bẩm sinh của một người là hướng ra thế giới, cả bên trong lẫn bên ngoài, sẽ được thể hiện qua những cách xác định nào đó. Jung cho rằng bản ngã có một xu hướng di truyền bẩm sinh thích một loại hình kết hợp giữa thái độ và chức năng và dựa một cách thứ yếu vào một kết hợp bổ sung khác để tạo sự cân bằng, với một loại hình thứ ba hay bốn ít được sử dụng hơn và kết quả là gần như không có hay rất ít phát triển. Những kết hợp này tạo nên cái mà ông gọi là “những loại hình tâm lí”. Ví dụ, một đứa bé sinh ra với một xu hướng bẩm sinh là giữ một thái độ hướng nội trước thế giới. Điều này trước tiên tự thể hiện ở sự xấu hổ của nó, và sau này phát triển thành một sự ưa thích theo đuổi những sở thích đơn độc như đọc sách hay nghiên cứu. Nếu điều này gắn với một thái độ bẩm sinh hướng tới sự thích nghi với môi trường bằng việc sử dụng chức năng suy nghĩ thì người này tự nhiên sẽ dần có khuynh hướng thích nghi với thế giới bằng cách tìm kiếm những hoạt động nào đó, chẳng hạn như khoa học hay học thuật đáp ứng những khuynh hướng này. Trong những lĩnh vực như vậy, người này làm việc rất tốt, cảm thấy tự tin và tìm được sự thỏa mãn trong hoạt động một cách tự nhiên. Trong những lĩnh vực khác, chẳng hạn như xã hội hóa hay rao bán báo chí dài hạn từ nhà này sang nhà khác, hướng suy nghĩ hướng nội này rất ít hiệu quả và người ấy cảm thấy lúng túng với sự không hài lòng và căng thẳng đi kèm. Nếu người này sinh ra trong một nền văn hóa thích thái độ hướng ngoại hơn hướng nội, hay trong một gia đình làm tăng cường có một cách tiêu cực sự hướng nội, bản ngã buộc phải thích nghi với môi trường bằng cách phát triển hướng ngoại. Điều này phải trả một giá đắt. Người hưởng nội này phải chịu đựng nhiều căng thẳng tâm lí mãn tính để làm được việc. Bởi vì sự thích nghi của bản ngã này không diễn ra tự nhiên, nó cũng sẽ tác động vào người bên ngoài một cách không tự nhiên. Điều này diễn ra không thuận lợi nhưng nó là cần thiết. Người đó sẽ hoạt động với sự thiệt thòi cũng giống như người hướng ngoại bị thiệt thòi trong một nền văn hóa hướng nội. Những khác biệt về loại hình này giữa con người sẽ đưa tới nhiều xung đột trong các gia đình và các nhóm. Những đứa trẻ khác biệt về loại hình tâm lí với cha mẹ thường bị hiểu nhầm và bị buộc thích nghi với một loại hình sai lầm phù hợp với những mong đợi của cha mẹ. Đứa trẻ với loại hình tâm lí “đúng” sẽ được ưa thích và sẽ trở thành người được yêu mến. Điều này gây ra cành cạnh tranh và ghen tị giữa anh chị em. Mỗi đứa trẻ trong một gia đình lớn sẽ hơi khác nhau xét về loại hình tâm lí, cũng giống như cha mẹ chúng. Những người hướng ngoại có thể tìm cách lôi kéo những người hướng nội còn những người hướng nội thì không giỏi trong việc tạo dựng các nhóm và hội. Ngược lại, những người hướng nội lại giỏi trong việc che giấu. Nếu sự khác biệt về loại hình có thể được nhận biết như một giá trị tích cực và được coi trọng thì đời sống trong gia đình và trong các nhóm chính trị có thể có nhiều sự phong phú. Đóng góp của một người sẽ được những người khác nhìn ra được ích lợi vì bản thân họ không có điều đó. Sự nhận biết và đánh giá tích cực những khác biệt về kiểu tâm lí có thể hình thành nên cơ sở cho sự đa dạng sáng tạo trong đời sống gia đình và văn hóa. Sự kết hợp này giữa một chức năng cấp cao và một thái độ được ưa thích tạo nên công cụ tốt nhất và duy nhất của bản ngã để thích nghi và tương tác với thế giới bên ngoài và bên trong. Ngược lại, chức năng thứ tư cấp thấp, ít được bản ngã biết đến nhất. Chức năng thứ hai, gần với chức năng cấp cao, là hữu ích nhất với bản ngã, và sự kết hợp cả hai chức năng cấp cao và thứ hai này được sử dụng hiệu quả và thường xuyên nhất cho việc định hướng và hoàn tất. Thông thường, một trong hai chức năng chủ yếu này là hướng ngoại và chức năng còn lại là hướng nội, chức năng hướng ngoại dẫn đến việc diễn giải thực tế bên ngoài và chức năng hướng nội cung cấp thông tin về những gì đang diễn ra bên trong. Bản ngã sử dụng các công cụ này để kiểm soát và chuyển đổi cả thế giới bên ngoài và nội tâm trong khả năng tốt nhất của nó. Phần lớn những gì mà chúng ta biết về những người khác, và thực sự là tất cả những gì chúng ta nhận biết là thuộc về nhân cách của bản thân mình, thì đều không thuộc về bản ngã - ý thức. Sức sống mà một người có được, những phản ứng tự phát và những đáp ứng cảm xúc trước những người khác và cuộc sống, cơn bùng nổ khí sắc và cảm xúc và những cơn buồn bã, sự bối rối phức tạp của đời sống tâm lí - tất cả những phẩm chất và thuộc tính này sẽ được gán cho những mặt khác của tâm thần rộng lớn, chứ không phải cho bản ngã ý thức như vậy. Do đó thật là không chính xác khi nghĩ về bản ngã như là những gì tương đương với toàn bộ con người. Bản ngã đơn giản chỉ là một tác nhân, một trọng tâm của ý thức, một trung tâm của nhận thức. Chúng ta có thể gán quá ít hay quá nhiều cho nó. Tự do cá nhân Một khi bản ngã đạt được một sự tự chủ đầy đủ và một phương tiện kiểm soát ý thức, cảm nghĩ về sự tự do cá nhân trở thành một đặc điểm mạnh mẽ của thực tế chủ quan. Trong thời niên thiếu và thanh niên, phạm vi tự do cá nhân bị kiểm chứng, thách thức và mở rộng. Điển hình là một người trẻ tuổi sống với ảo tưởng về sự tự kiểm soát và ý chí tự do nhiều hơn là với một sự thực về mặt tâm lí. Tất cả những giới hạn với tự do dường như bị áp đặt từ bên ngoài, từ xã hội và những quy định bên ngoài, và người ta nhận biết rất ít về việc bản ngã bị kiểm soát từ bên trong nhiều như thế nào. Việc suy ngẫm sâu hơn bộc lộ rằng bản ngã phụ thuộc vào cấu trúc nhân cách của nó và ma quỷ bên trong cũng nhiều như việc phụ thuộc vào quyền uy bên ngoài. Thường thì điều này không được nhận ra cho đến nửa sau của cuộc đời khi mà nhìn chung con người bắt đầu có sự nhận thức rằng họ chính là kẻ thù lớn nhất, là người chỉ trích mạnh mẽ nhất, người giám sát nghiêm khắc nhất của chính bản thân mình. Số phận bắt nguồn từ bên trong cũng như từ bên ngoài. Jung có một số suy nghĩ đáng suy ngẫm về vấn đề ý chí tự do thực sự là như thế nào. Như chúng ta thấy trong những chương tới, bản ngã chỉ là một phần nhỏ của thế giới tâm lí rộng lớn hơn nhiều, giống như trái đất chỉ là một phần nhỏ của hệ mặt trời. Hiểu được rằng trái đất xoay xung quanh mặt trời cũng tương tự như việc nhận thức rằng bản ngã xoay xung quanh một thực thể tâm thần lớn hơn, đó là cái tự ngã. Cả hai cái nhìn nội quan đều gây rối và bất ổn với người coi bản ngã là trung tâm. Sự tự do của bản ngã là bị giới hạn. “Bên trong trường ý thức [bản ngã] có, như chúng ta thường nói, một ý chí tự do”, Jung viết vậy. “Nhưng, khi nói tới điều này tôi không có ý nói tới những gì mang tính triết học, mà chỉ là một sự kiện tâm lí mà ai cũng biết về “sự tự do lựa chọn”, hoặc đúng hơn là cảm nhận chủ quan về sự tự do”26. Trong phạm vi của nó, bản ngã - ý thức có số lượng lớn sự tự do biểu kiến. Nhưng phạm vi của nó đến đâu? Và chúng ta có thể lựa chọn trên cơ sở điều kiện hóa và thói quen đến một mức độ nào? Chọn một cốc Coke thay vì Pepsi thể hiện một mức độ tự do nhưng trên thực tế thì sự lựa chọn này bị giới hạn bởi sự điều kiện hóa trước đó như quảng cáo và khả năng có hay không có những lựa chọn khác. Một đứa bé có thể được khuyến khích thể hiện ý chí tự do và sự nhận thức của mình bằng cách tạo cơ hội lựa chọn giữa ba loại áo sơ mi là một ví dụ. Bản ngã của đứa bé cảm thấy thỏa mãn, vì nó được tự do chọn những gì nó muốn. Nhưng ý chí của đứa bé bị giới hạn bởi nhiều nhân tố: ước vọng tinh tế muốn làm hài lòng cha mẹ, hay ngược lại là sự chống đối cha mẹ, bởi phạm vi những khả năng, bởi áp lực và những đòi hỏi từ nhóm trẻ cùng lứa tuổi. Phạm vi tự do ý chí thực tế của chúng ta, cũng giống như của trẻ con, bị giới hạn bởi thói quen, áp lực, khả năng sẵn có, điều kiện hóa và nhiều nhân tố khác. Theo lời Jung thì “vì ý chí tự do của chúng ta xung đột với sự tất yếu ở thế giới bên ngoài, do vậy ý chí tự do cũng tìm thấy những giới hạn của nó bên ngoài trường ý thức trong thế giới bên trong chủ quan nơi mà nó rơi vào xung đột với những sự thực của bản ngã”27. Thế giới bên ngoài tạo ra những giới hạn kinh tế và chính trị, nhưng những nhân tố chủ quan cũng tạo ra giới hạn tương tự đối với chúng ta trong việc thực hiện sự lựa chọn tự do. Nói rộng ra, chính nội dung của vô thức đã cắt giảm ý chí tự do của bản ngã. Thánh Paul đã thể hiện điều này một cách kinh điển khi ông tự nhận: “Tôi không hiểu những hành động của mình. Vì tôi không làm những gì tôi muốn mà lại làm chính điều tôi ghét... Tôi có thể muốn làm những gì đúng nhưng tôi không thể làm nó”28. Những sức mạnh ma quái xung đột với bản ngã, Jung đồng tình với Thánh Paul: “giống như những hoàn cảnh và những biến cố bên ngoài “xảy đến” và giới hạn tự do của chúng ta thì tự ngã cũng tác động đến bản ngã giống như một sự kiện khách quan mà ý chí tự do chỉ có thể làm được rất ít để biến đổi”29. Khi tâm thần chiếm lĩnh bản ngã như một tất yếu bên trong không thể kiểm soát nổi, bản ngã cảm thấy bị đánh bại và buộc phải đối diện với đòi hỏi chấp nhận sự bất lực trong việc kiểm soát thực tại bên trong giống như nó đã đi đến kết luận như thế về thế giới vật chất và xã hội rộng lớn hơn xung quanh. Đa phần mọi người trong cuộc đời mình nhận ra rằng họ không thể kiểm soát thế giới bên ngoài, nhưng chỉ ít người ý thức được rằng những quá trình tâm lí bên trong cũng không chịu sự kiểm soát của bản ngã. Với nghiên cứu này chúng ta bắt đầu bước vào lãnh địa của cái vô thức. Trong các chương sau, tôi sẽ mô tả cách nhìn của Jung về những khu vực vô thức của tâm thần con người, tức những khu vực tạo nên phần rộng lớn nhất của lãnh địa này. Chương 2 Nội tâm (Các phức cảm) Trong chương trước, chúng ta đã thấy bản ngã ý thức - bề mặt của tâm thần - là đối tượng của những rối loạn và phản ứng xúc cảm được tạo ra bởi sự xung đột giữa môi trường của cá nhân và môi trường bên ngoài. Jung cảm thấy rằng những va chạm giữa tâm thần và thế giới này có một chức năng tích cực. Nếu không quá mạnh, chúng có xu hướng kích thích sự phát triển của bản ngã bởi vì chúng đòi hỏi năng lực tập trung cao hơn về phía ý thức và cuối cùng dẫn đến khả năng giải quyết vấn đề mạnh hơn và sự tự lập của cá nhân lớn hơn. Buộc phải đưa ra các lựa chọn và giữ các quan điểm, một người buộc phải phát triển khả năng làm nhiều và tốt hơn. Điều này giống như luyện tập cơ bắp bằng các phương pháp căng cơ. Bản ngã phát triển thông qua nhiều tương tác mạnh như vậy với thế giới. Những nguy hiểm, sự hấp dẫn, quầy rối, đe dọa và hẫng hụt từ người khác và nhiều nhân tố môi trường xung quanh sẽ đánh thức ở một mức độ nhất định năng lượng tập trung trong ý thức và bản ngã được huy động để giải quyết những mặt này của thế giới mà nó va chạm. Nhưng có những rối loạn khác của ý thức không có liên hệ rõ ràng với những nguyên nhân môi trường và nằm ngoài kích thích có thể quan sát được. Tất cả những gì gây ra rối loạn này không phải chủ yếu là những xung đột bên ngoài mà là những va chạm bên trong. Thỉnh thoảng, con người trở nên hết sức giận dữ với những lí do không mấy rõ ràng. Hoặc có những kinh nghiệm tưởng tượng nội tâm lạ lùng đã dẫn đến những dạng hành vi không thể giải thích được. Họ trở nên loạn tâm, hoang tưởng, họ mơ hay đơn giản chỉ phát điên, si tình hoặc nổi nóng. Con người không phải luôn hành động có lí trí và hành xử theo những tính toán cụ thể theo lợi ích cá nhân. “Con người lí trí” mà từ đó nhiều lí thuyết kinh tế được xây dựng nên nhiều nhất cũng chỉ là mô tả phần nào con người khi họ hoạt động. Con người bị thúc đẩy bởi những sức mạnh tinh thần hay những ý nghĩ không dựa trên những quá trình lí trí và là đối tượng của những hình ảnh và ảnh hưởng vượt ngoài những gì có thể đo lường trong môi trường có thể quan sát được. Nói một cách ngắn gọn, chúng ta là những sinh vật bị thúc đẩy bởi cảm xúc và hình ảnh cũng nhiều như bị thúc đẩy bởi lí trí và sự thích nghi với môi trường. Chúng ta mơ cũng nhiều như chúng ta suy ngẫm và có lẽ chúng ta cảm nhận nhiều hơn chúng ta nghĩ. Nhiều suy nghĩ của chúng ta chí ít cũng được tô điểm và định hình bởi các cảm xúc, và hầu hết những tính toán lí trí của chúng ta là phục vụ cho những cảm xúc mạnh và sợ hãi. Cần phải hiểu là khía cạnh ít lí trí này của bản chất con người đã dẫn Jung tới việc sử dụng những công cụ của phương pháp khoa học và dành cả đời mình để nghiên cứu điều gì định hình và thúc đẩy xúc cảm, huyễn tưởng và hành vi con người. Thế giới nội tâm này là một terra incognita (địa hạt bất khả tri) vào thời của ông. Và ông phát hiện thấy nó có tính phổ biến. Với tới vô thức Hãy tưởng tượng rằng tâm thần là một đối tượng ba chiều giống như hệ mặt trời. Bản ngã - ý thức là trái đất, vùng đất cứng (terra firma), đó là nơi chúng ta sống, ít nhất trong lúc chúng ta thức. Không gian xung quanh trái đất bao gồm các vệ tinh và thiên thạch to nhỏ khác nhau. Không gian này được Jung gọi là vô thức, và những đối tượng mà chúng ta gặp trước tiên khi chúng ta thám hiểm không gian này là các phức cảm. Vô thức là nơi cư ngụ các phức cảm. Đây là địa hạt mà Jung đã khảo sát lúc khởi đầu sự nghiệp của mình với tư cách một nhà tâm thần học. Sau đó ông gọi nó là vô thức cá nhân. Ông bắt đầu phác họa vùng tâm thần này thậm chí trước khi ông xem xét kĩ càng phức cảm bản ngã hay bản chất của ý thức. Ông tiến hành việc khảo sát ban đầu này bằng cách sử dụng một công cụ khoa học được đánh giá cao vào đầu thế kỉ XX, là Thực nghiệm Liên tưởng từ (Word Associration Experimat)30. Về sau ông cũng áp dụng một số cách nội quan lấy từ những tác phẩm ban đầu của Sigmund Freud. Cùng với khái niệm về tính quyết định vô thức của các quá trình tâm thần và thực nghiệm liên tưởng từ, Jung dẫn đầu một ê kíp các nhà nghiên cứu về dự án khoa học tiến hành những thí nghiệm được kiểm chứng kĩ lưỡng để tìm hiểu những nhân tố tâm lí vô thức như vậy có thể kiểm chứng bằng thực nghiệm hay không. Kết quả của dự án này được tập hợp trong cuốn sách Diagnostische Assoziationstudien (Những nghiên cứu về liên tưởng từ) do Jung biên soạn. Những nghiên cứu này được tiến hành tại Bệnh viện Tâm thần của Đại học Zurich với sự giúp đỡ và khuyến khích của thầy giáo của ông, Eugen Bleuler31. Dự án này được thai nghén năm 1902 và tiếp tục trong năm năm sau. Các kết quả được xuất bản lẻ tẻ từ 1904 đến 1910 trong Journal fur Psychologie und Neurologie (Tạp chí Tâm lí học và thần kinh học). Chính trong quá trình nghiên cứu thực nghiệm này mà Jung bắt đầu sử dụng thuật ngữ “phức cảm” mà ông vay mượn từ nhà tâm lí học Đức Ziehen nhưng đã mở rộng và làm phong phú thêm với nhiều nghiên cứu và lí thuyết của riêng ông. Thuật ngữ này sau đó cũng được Freud chấp nhận và được sử dụng rộng rãi trong giới phân tâm học32cho đến khi Freud và Jung kết thúc quan hệ, và sau đó nó gần như bị xoá bỏ hoàn toàn khỏi từ vựng của Freud, cùng với Jung và những gì thuộc về Jung. Lí thuyết về phức cảm là đóng góp ban đầu quan trọng nhất của Jung đối với việc hiểu biết vô thức và cấu trúc của nó. Một phần nào đó nó chính là cách mà Jung khái niệm hóa những gì mà Freud đã viết cho đến lúc đó về những kết quả tâm lí của dồn nén, về tầm quan trọng của tuổi thơ đối với cấu trúc của tính cách, và về khó khăn của sự kháng cự trong phân tâm. Nó tiếp tục là một khái niệm hữu ích trong việc thực hành phân tâm cho đến tận bây giờ. Jung đã phát hiện trước tiên và phác họa đặc điểm này của vô thức như thế nào? Vấn đề bấy giờ là làm thế nào để xâm nhập vào lĩnh vực tâm thần nằm ngoài những rào cản ý thức. Ý thức có thể được nghiên cứu bằng cách hỏi những câu hỏi và ghi lại những câu trả lời, hoặc bằng cách nội quan. Nhưng làm thế nào để có thể xâm nhập sâu hơn vào thế giới chủ quan và khám phá các cấu trúc và hoạt động của nó? Để giải quyết vấn đề này, Jung và ê kíp các bác sĩ tâm thần nội trú đã tiến hành một loạt những thí nghiệm với các chủ thể nhiều người để hiểu xem liệu, bằng cách “tấn công” vào tâm thần bằng những kích thích lời nói và quan sát những đáp ứng trong ý thức - những “dấu vết” (nếu có thể nói như vậy được), của những phản ứng cảm xúc tinh tế - họ có thể phát hiện được bằng chứng của những cấu trúc bên dưới không. Làm việc gần gũi với những đồng nghiệp như Bleuler, Wehrlin, Ruerst, Binswanger, Nunberg và quan trọng nhất là Riklin, đầu tiên Jung đã tinh luyện công cụ thí nghiệm liên tưởng cho các mục đích nghiên cứu của mình và lựa chọn được khoảng 400 từ phổ thông, hằng ngày, những từ dường như là kích thích trung tính - những từ như bàn, đầu, mực, kim, bánh mì và cừu33. Rải rác trong các từ này còn có những từ có tính kích thích hơn - chiến tranh, sự tin tưởng, tấn công, cú đánh. Sau đó số lượng này giảm xuống còn 100 từ. Những từ kích thích này, được đọc lần lượt cho một người với yêu cầu phải đáp trả ngay với từ đầu tiên xuất hiện trong đầu đã đưa đến nhiều phản ứng khác nhau. Có thể có những khoảng dừng lâu, những đáp trả vô nghĩa, những nhịp điệu và những phản ứng bằng âm thanh, và thậm chí những phản ứng sinh lí học có thể đo lường bằng cách sử dụng một thiết bị gọi là máy đo điện tâm lí34. Một câu hỏi thú vị đối với Jung là, cái gì diễn ra trong tâm thần của những người được test khi từ kích thích được đọc lên. Ông tìm kiếm cảm xúc, và đặc biệt là những dấu hiệu của sự kích thích lo âu và tác động của nó lên ý thức. Thời gian đáp ứng được đo đếm và ghi lại cùng với những lời đáp nguyên văn. Sau đó tất cả những từ kích thích được lặp lại một lần nữa, và chủ thể được yêu cầu lặp lại mỗi lời đáp trước đây. Một lần nữa những kết quả được ghi lại. Test sau đó được phân tích, trước tiên bởi việc tính toán thời gian trả lời trung bình của chủ thể và chúng được so sánh với thời gian trả lời của những người khác. Một số từ cần một giây để trả lời, những từ khác cần mười giây và những từ khác nữa hoàn toàn không mang lại câu trả lời nào vì chủ thể bị bế tắc hoàn toàn. Sau đó những kiểu trả lời khác được ghi lại. Một số từ đưa tới những phản ứng đáp trả đặc biệt, chẳng hạn như nhịp điệu, những từ vô nghĩa, hoặc những liên tưởng khác thường. Jung xem những đáp trả này như là những dụng cụ chi báo phức cảm - những dấu hiệu của sự lo âu và bằng chứng của những phản ứng phòng vệ chống lại những xung đột tâm lí vô thức. Chúng sẽ mách bảo Jung điều gì về bản chất của vô thức? Các phức cảm Jung cho rằng những rối loạn của ý thức, được lưu trữ và đo lường như là những đáp ứng cho những kích thích bằng lời nói này, là do những liên tưởng vô thức tới những từ được đọc. Ở đây, quan điểm của ông trùng với quan điểm của Freud được thể hiện trong tác phẩm Giải thích các giấc mơ, trong đó Freud cho rằng những hình ảnh trong giác mơ có thể liên kết với những suy nghĩ và cảm xúc từ ngày trước (hoặc thậm chí từ những năm trước, bao gồm thời gian ngược lại tới đầu thời niên thiếu). Tuy thế, những liên tưởng như vậy là hoàn toàn khó hiểu và bị che giấu. Jung cho rằng, những liên tưởng tồn tại không phải giữa những từ kích thích và từ trả lời, mà là giữa những từ kích thích đó và những nội dung vô thức ẩn giấu. Một số từ kích thích làm kích hoạt những nội dung vô thức và chúng liên kết với những nội dung khác. Khi bị kích thích, mạng lưới chất liệu liên tưởng này - chủ yếu gồm những kí ức bị dồn nén, những huyễn tưởng, hình ảnh, ý nghĩ - tạo ra một sự rối loạn trong ý thức. Những chỉ báo phức cảm là những dấu hiệu của sự rối loạn. Nói một cách chính xác thì những gì gây ra rối loạn vẫn cần được khảo sát kĩ hơn, và điều này được thực hiện thông qua việc hỏi kĩ hơn về chủ thể và thông qua nhiều phân tích nếu điều đó là cần thiết. Nhưng những rối loạn được ghi lại bởi thực nghiệm này đưa ra những lĩnh vực quan trọng cho việc khảo sát sâu hơn và đưa ra những bằng chứng rằng những cấu trúc vô thức thực sự nằm dưới ngưỡng ý thức. Thường thì lúc đầu chủ thể không biết tại sao những từ đó lại gây ra những phản ứng này. Jung quan sát thấy những rối loạn có thể đo lường này trong dòng ý thức thỉnh thoảng có liên hệ tới những từ kích thích dường như vô hại như “bàn” hay “kho thóc”. Phân tích những mẫu trả lời, ông thấy rằng những từ chỉ ra rối loạn có thể tập hợp theo chủ đề. Những tập hợp đó hướng tới một nội dung chung. Khi chủ thể được yêu cầu nói về những liên tưởng của họ tới những tập hợp các từ kích thích này, dần dần họ có thể nói cho ông về những khoảnh khắc chứa đầy cảm xúc mạnh trong quá khứ của họ. Thông thường thì trong đó có các chấn thương. Những từ kích thích này thật ra đã đánh thức những liên tưởng đau đớn bị vùi sâu trong vô thức và những liên tưởng căng thẳng này là những gì đã làm rối loạn ý thức. Những nội dung vô thức là căn nguyên của những rối loạn ý thức được Jung gọi là “phức cảm”. Sau khi thừa nhận rằng các phức cảm tồn tại trong vô thức, Jung quan tâm tới việc khảo sát chúng kĩ hơn. Với những công cụ như thực nghiệm liên tưởng từ, ông có thể đo lường chúng chính xác hơn. Việc đo lường chính xác có thể biến đổi những trực giác mơ hồ và những lí thuyết suy đoán thành dữ liệu và khoa học, một điều làm hài lòng cá tính khoa học của Jung. Ông nhận thấy rằng ông có thể đo lường trọng tải xúc cảm do một phức cảm cụ thể nắm giữ bằng cách đơn giản là tăng thêm số lượng những chỉ báo phức cảm mà nó phát sinh và mức độ nặng nhẹ của những rối loạn này. Điều này cho ông biết khối lượng tương đối của năng lượng tâm thần tích luỹ trong phức cảm. Việc khảo sát vô thức, do đó, có thể định lượng được. Thông tin này cũng trở nên có tầm quan trọng cho phép chữa trị, như một sự chỉ dẫn nơi mà những vấn đề cảm xúc nghiêm trọng nhất của một bệnh nhân hiện diện ở đâu và những gì cần phải làm trong điều trị. Nó đặc biệt hữu ích cho liệu pháp tâm lí ngắn hạn. Kết quả của những thí nghiệm này thuyết phục Jung rằng có những thực thể tâm thần nằm ngoài ý thức, tồn tại những vật thể giống như vệ tinh liên quan với bản ngã - ý thức nhưng lại có khả năng gây ra những rối loạn của bản ngã một cách đáng ngạc nhiên và đôi khi áp đảo. Chúng là những “sinh vật” giả tưởng và ma quỷ bên trong có thể chi phối một người một cách bất ngờ. Những rối loạn gây ra bởi các phức cảm cần phải được phân biệt với những rối loạn do những nhân tố gây stress bắt nguồn từ môi trường bên ngoài, dù là chúng có thể và thường có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khi Jung gửi Diagnostichen Assoziationstudien (Nghiên cứu hiện tượng trong chẩn đoán) cho Freud vào tháng 4 năm 1906, ngay lập tức Freud tìm thấy ở đấy sự đồng cảm và viết cho Jung một bức thư cảm ơn nồng nhiệt. Hai người gặp gỡ nhau một năm sau đó, và từ thời khắc đó cho đến khi họ chấm dứt hẳn những liên hệ thư từ vào đầu 1913, mối quan hệ của họ tràn đầy những mục đích và cường độ cao về cảm xúc và trí tuệ. Ai đó có thể nói rằng họ đã thành công trong việc kích thích những phức cảm căn bản trong cả hai người. Chắc chắn là họ có liên hệ với nhau sâu sắc xung quanh mối quan tâm chung về vô thức. Đối với Jung, sự gắn bó cá nhân với Freud có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp của ông về tâm thần học và cũng cho cả sự phát triển học thuyết tâm lí học của chính ông sau này. Cả sự nghiệp và lí thuyết của ông đều định hình trong cái bóng của sự hiện diện về mặt văn hóa ngày càng tăng của Freud; tuy nhiên, trên tất cả, bản đồ cuối cùng của Jung về thế giới nội tâm con người độc lập đáng kể với ảnh hưởng của Freud. Tinh thần của Jung về cơ bản là khác với Freud, và do vậy bản đồ tâm thần của ông khác rất nhiều so với Freud. Đối với những độc giả quen thuộc với các công trình của Freud, điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn trong phần còn lại của cuốn sách này. Hai ông thực sự sống trong những thế giới tri thức khác nhau. Vào năm 1910, công trình lí thuyết của Jung về các phức cảm đã hoàn tất về cơ bản. Trong những năm sau, ông tiếp tục tinh luyện thêm đôi chút nhưng không bổ sung nhiều tài liệu mới hoặc thay đổi quan điểm về khái niệm cơ bản về phức cảm, ngoại trừ bổ sung thêm nội dung rằng, mọi phức cảm đều có một thành tố cổ mẫu (tức là, bẩm sinh và nguyên thủy). Bài viết của ông, “Xem xét lại lí thuyết phức cảm”35, xuất bản năm 1934, đưa ra một tóm tắt xuất sắc. Viết khá lâu sau sự sụp đổ quan hệ với Freud, lung đưa những giới thiệu có tính khen ngợi cao về người thầy cũ và cũng là đồng nghiệp của mình cũng như về phân tâm học nói chung khi ông thừa nhận tầm quan trọng của Freud với công trình của ông về lí thuyết phức cảm. Nếu có thể tìm thấy ở đâu đó ảnh hưởng quan trọng của Freud trong lí thuyết của Jung, thì chính là ở đây. Điều đáng lưu ý là Jung đã trình bày “Xem xét lại lí thuyết phức cảm” vào tháng 5 năm 1934 ở Bad Neuheim, Đức tại Đại hội lần thứ 7 về liệu pháp tâm lí. Vào thời điểm đó, Jung là Chủ tịch của Hội Y học Quốc tế về liệu pháp tâm lí, tổ chức tài trợ cho hội nghị này. Tình trạng chính trị ở Đức vào thời điểm này đang căng thẳng với những xung đột và sự hỗn loạn. Những người Quốc xã, vừa chiếm quyền lực ngay trước đó, đang tấn công Freud, một người Do Thái, như một ảnh hưởng độc hại cần phải loại khỏi văn hóa Đức. Những cuốn sách của Freud bị thiêu cháy và những quan điểm của ông bị chống đối dữ dội. Jung, người trước đó là Phó Chủ tịch của tổ chức này và sau đó chấp nhận vị trí chủ tịch năm 1933, phải đối diện với nhiều lựa chọn chính trị phức tạp và nguy hiểm. Về mặt khác, đây là thời điểm khó khăn cho người lãnh đạo bất kì một tổ chức nào trên những vùng đất nói tiếng Đức. Như những con diều hâu, những người Quốc xã tìm kiếm bất kỳ mọi dấu hiệu nhỏ nhất của sự tách khỏi những học thuyết phân biệt chủng tộc của họ. Hội y học này cũng không là ngoại lệ. Jung bị ép buộc mạnh mẽ phải nói những gì mà các quan chức Đức muốn nghe và phù hợp với những kế hoạch của họ. Về mặt khác, đây cũng là thời điểm để các nhà tâm thần học không phải người Đức có thể tạo ra một sự khác biệt trong hiệp hội quốc tế này. Đó chính là ý định của Jung để bảo vệ tổ chức này như một hội y học quốc tế. Một trong những hành động đầu tiên của ông với tư cách là chủ tịch là biến đổi hiến chương của hội để những bác sĩ Do Thái ở Đức có thể giữ vị trì thành viên của họ với tư cách là thành viên cá nhân dù họ đã bị loại khỏi tất cả những hội y học Đức. Vào năm 1933, không có cách nào để biết những động cơ xấu của những nhà lãnh đạo Quốc xã trở nên hiệu quả và tiêu tốn thời gian như thế nào. Tuy nhiên, trong cái bóng đen của bầu không khí đó cũng xuất hiện cơ hội nghề nghiệp cho Jung. Freud đã nổi tiếng trong giới tâm thần học và tâm lí học ở Đức một thập kỉ trước, và bây giờ những quan điểm của Jung có một cơ hội để xuất hiện. Jung đang đi trên dây. Thế giới đang dõi theo và tất cả những hành động ông thực hiện giai đoạn này ảnh hưởng đến công luận. Quan điểm của Jung là chấp nhận vị trí chủ tịch của tổ chức y học này vào năm 1933 và vai trò sau này của ông trong tổ chức đó đến tận những năm 1940 vẫn gây ra nhiều tranh luận nóng bỏng cho đến tận bây giờ. Những cáo buộc rằng Jung ủng hộ các chính sách của Hitler và kế hoạch của Đức Quốc xã “thanh lọc” Volk (người) Đức có nguồn gốc từ những gì mà ông thực sự, có lẽ có chủ ý và dưới những áp lực chính trị nặng nề, nói và làm trong năm đầu tiên làm chủ tịch36. Một biểu hiện ủng hộ khác của Jung [đối với Freud] là việc ông trình bày bài báo đặc biệt “Xem xét lại lí thuyết phức cảm” tại Bad Neuheim năm 1934; trong bài diễn văn chủ tịch này, ông đã không hạ thấp tầm quan trọng của Freud. Trên thực tế ông đã ca ngợi Freud, người mà ông đã chấm dứt quan hệ và không nói chuyện trong suốt 20 năm qua, là người có nhiều ảnh hưởng nhất. Vào năm 1934, việc nói tích cực về Freud, dù chỉ là chút ít cũng là rất dũng cảm. Jung dường như đã làm mọi thứ trong khả năng của mình để bảo vệ danh tiếng quốc tế của Freud bằng cách dành cho ông những lời tán thưởng trong bài viết của mình. Bài viết bắt đầu với một thảo luận về công trình liên tưởng từ mà Jung đã bảo trợ và thực hiện trong những năm đầu của sự nghiệp của ông. Hiểu được nhiều điều về cách mà con người phản ứng lại lẫn nhau trong những môi trường riêng tư hay trong lâm sàng, Jung bắt đầu tập trung vào những khía cạnh tâm lí của điều kiện thí nghiệm. Ông chỉ ra rằng chính bản thân tình huống làm test đã dẫn đến sự “hội tụ” các phức cảm. Các nhân cách ảnh hưởng lẫn nhau và khi họ bắt đầu tương tác thì một vùng tâm thần được thiết lập giữa họ sẽ kích thích các phức cảm. Thuật ngữ “hội tụ” thường xuất hiện trong các tác phẩm của Jung và là một từ quan trọng trong từ vựng tâm lí học của ông. Đó là một từ lúc đầu làm cho mọi người khó hiểu. Thường nó nói đến sự hình thành một khoảnh khắc đầy cảm xúc, một khoảnh khắc mà ý thức đã hoặc sắp chuẩn bị bị quấy rối bởi một phức cảm. “Thuật ngữ này đơn giản chỉ diễn đạt sự kiện là tình trạng bên ngoài đã giải phóng một quá trình tâm thần trong đó các nội dung nhất định kết hợp với nhau và chuẩn bị hành động. Khi chúng ta nói một người bị “hội tụ” chúng ta muốn nói rằng anh ta ở vào một vị trí mà từ đó có thể đoán chừng họ sẽ hành động theo một cách hoàn toàn xác định”37. Những phản ứng phức cảm hoàn toàn có thể dự đoán trước một khi chúng ta biết các phức cảm đặc thù của một cá nhân là gì. Chúng ta nói đến những miền tâm thần bao gồm rất nhiều các phức cảm như là những “nút bấm” như trong câu “cô ta biết cách ẩn những chiếc nút của tôi!”. Khi chúng ta ấn một nút như vậy, chúng ta sẽ có một phản ứng cảm xúc. Nói theo cách khác, chúng ta đã tập hợp một phức cảm. Sau khi chúng ta biết một người trong một thời gian, chúng ta sẽ biết một số nút bấm của họ ở đâu và hoặc là tránh những lĩnh vực nhạy cảm đó hoặc cố gắng tìm cách chạm vào nó. Xét về mặt thực nghiệm, tất cả mọi người đều biết bị “hội tụ” là gì. Nó xảy ra trong một phạm vi rất rộng từ hơi lo lắng đến mất kiểm soát và lên đến đỉnh điểm là sự điên khùng. Khi một phức cảm hội tụ, con người bị đe dọa bởi sự mất kiểm soát cảm xúc của mình và đến chừng mực nào đó là mất kiểm soát cả hành vi của mình. Con người sẽ phản ứng phi lí và thường lấy làm tiếc về nó hoặc nghĩ tốt về nó sau này. Đối với những người có hiểu biết về mặt tâm lí thì điều đáng buồn là họ đã từng ở vào trạng thái đó nhiều lần, đã phản ứng đúng như vậy trong nhiều trường hợp, nhưng hoàn toàn vô vọng để kiềm chế không lặp lại điều tương tự. Khi bị hội tụ, con người dường như bị chi phối bởi một con quỷ, một lực mạnh hơn ý chí của họ. Điều này tạo ra cảm giác tuyệt vọng. Thậm chí khi một người quan sát mình đang trở thành nạn nhân điên khùng của một lực cưỡng bức bên trong để nói hoặc làm những gì mà họ biết tốt hơn cả là không nên nói hoặc không nên làm, thì điều này vẫn tiếp tục diễn ra như dự đoán và các từ vẫn được nói ra, các hành động vẫn được thực hiện. Một sức mạnh nội tâm đã được thôi thúc hành động do một tình huống hội tụ. Cấu trúc của những sự hội tụ này là “những phức cảm xác định có năng lượng đặc hiệu riêng của nó”38. Năng lượng của phức cảm (thuật ngữ này sẽ được đề cập đến kĩ hơn trong chương sau) nói đến một số lượng sức mạnh tiềm ẩn của cảm xúc và hành động tích tụ trong hạt nhân giống nam châm của phức cảm. Các phức cảm có năng lượng và biểu hiện một loại spin (hệ vòng) điện tử của chúng, giống như các điện tử xoay quanh hạt nhân một nguyên tử. Khi bị kích thích bởi một tình huống hay một sự kiện, chúng làm bùng phát năng lượng và vượt qua các mức năng lượng cho đến khi xuất hiện trong ý thức. Năng lượng của chúng xuyên qua vỏ bọc của bản ngã - ý thức và tràn ngập nó, do đó làm cho bản ngã hoạt động theo cùng hướng với nó và giải phóng một lượng năng lượng cảm xúc đã được giải phóng trước đó do xung đột này. Khi điều này xảy ra, bản ngã hoàn toàn không kiểm soát được ý thức nữa và vì lí do này, cả cơ thể nữa. Người đó trở thành đối tượng của một sự giải tỏa năng lượng không chịu sự chi phối của bản ngã. Tất cả những gì bản ngã có thể làm, nếu nó đủ mạnh, là giữ lấy một lượng năng lượng nhất định của phức cảm và làm giảm đến tối thiểu các cơn bùng phát cảm xúc và cơ thể. Nhưng, ở một mức độ nào đó, chúng ta không phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho những gì chúng ta nói và làm khi bị chi phối bởi phức cảm. Dĩ nhiên, điều này không thể coi là một sự bảo vệ có hiệu quả trước tòa án luật pháp được. Thỉnh thoảng xã hội đòi hỏi một chuẩn mực cao hơn những gì mà tâm thần cho phép. Sự phức tạp của tâm thần đã trở nên rõ ràng hơn. Trên thực tế, lí thuyết của Jung thỉnh thoảng được gọi là tâm lí học phức cảm (bên cạnh tên gọi thông thường hơn của nó, tâm lí học phân tích): tính phức tạp và khái niệm phức cảm đều là cơ bản cho quan điểm của ông về tâm thần. Tâm thần được tạo thành từ nhiều trung tâm và mỗi trung tâm đó đều có năng lượng và thậm chí cả ý thức và mục tiêu riêng của chúng. Trong việc khái niệm hóa nhân cách này, bản ngã là một trong nhiều phức cảm. Môi phức cảm có một lượng năng lượng đặc thù của riêng nó. Khi chúng ta nói về năng lượng của bản ngã, chúng ta gọi đó là “ý chí tự do”. Nếu chúng ta muốn nói tới lượng năng lượng liên kết trong một phức cảm, chúng ta có thể nói về sức mạnh ma quỷ nội tâm của chúng ta. Đó là những lực cưỡng ép phi lí chi phối chúng ta và không nhiều thì ít khiến chúng ta thực hiện những gì nó muốn. Nhìn chung một phức cảm có thể tạo ra nhiều ảnh hưởng trong lĩnh vực ý thức, nhưng điều này không phải luôn luôn là vậy. Thỉnh thoảng những rối loạn xảy ra bên ngoài toàn thể tâm thần. Jung quan sát thấy rằng một phức cảm có thể ảnh hưởng tới những đối tượng và người khác ở thế giới xung quanh. Nó có thể hoạt động như một poltergeist hay một sự tác động tinh tế lên những người khác. Jung có một quan sát thú vị khác về các phức cảm. Một người thỉnh thoảng có thể ngăn chặn những ảnh hưởng của sự kích thích và loại bỏ sự tụ hội một phức cảm: “những chủ thể với ý chí mạnh mẽ có thể, thông qua khả năng vận động - ngôn ngữ, ngăn chặn ý nghĩa của một từ kích thích bởi thời gian phản ứng ngắn khiến nó không thể xâm nhập chút nào vào họ, nhưng điều này chỉ có thể diễn ra khi những bí mật cá nhân thật sự quan trọng cần phải được bảo vệ”39. Điều này có nghĩa rằng con người có thể kiểm soát được những phản ứng vô thức của mình bằng cách loại bỏ các kích thích một cách cố ý. Để vượt qua trở ngại này trong tình huống làm thực nghiệm, Jung thiết lập một kĩ thuật mà sau này sẽ trở thành test phát hiện nói dối. Nó là một sự mở rộng xuất sắc của các thí nghiệm liên tưởng từ. Bằng việc đo lường độ dẫn điện của da bằng một máy đo điện tâm lí, Jung chỉ ra rằng những biến đổi độ dẫn diện tương quan với các chỉ báo phức cảm. Nói theo cách khác, khi một người lừa dối hay cố gắng che giấu dấu hiệu phản ứng nạp tải phức cảm, bản ngã có thể che giấu một số những dấu hiệu chỉ báo này, nhưng nó cần phải có nhiều thời gian hơn để xoá bỏ một cách khó khăn những phản ứng sinh lí học tinh tế hơn. Khi đáp ứng với một từ kích thích phức cảm hay một câu hỏi, chủ thể sẽ ra mồ hôi ở lòng bàn tay hoặc bắt đầu run hoặc cảm thấy khô miệng. Bằng việc đo tính dẫn điện của da, Jung đưa ra một phương pháp tinh tế hơn để thu được các chỉ báo phức cảm. Bằng việc sử dụng thiết bị này, Jung đã giải quyết được một ca ăn trộm trong bệnh viện tâm thần40 của ông. Tất nhiên, phương pháp này không phải là không thể phạm sai lầm. Phần lớn bản ngã của mọi người bình thường đều có thể hoá giải các ảnh hưởng của phức cảm ở một mức độ nào đó. Khả năng này có tác dụng cho việc thích nghi và thậm chí tồn tại. Điều này tương tự (hoặc có lẽ giống) khả năng phân li. Nếu một người không thể làm được điều này, bản ngã sẽ trở nên ngừng hoạt động vào thời điểm có một mối nguy hiểm lớn nhất đòi hỏi một người cần phải giữ một cái đầu lạnh. Trong đời sống chuyên môn, điều thiết yếu là phải gạt những phức cảm cá nhân ra một bên để tiếp tục công việc. Các nhà liệu pháp tâm lí phải có khả năng xếp sang bên những cảm xúc và những xung đột cá nhân của họ khi họ chữa trị bệnh nhân. Để luôn song hành cùng bệnh nhân - những người mà cuộc sống đang bị rối loạn, nhà liệu pháp tâm lí phải bình tĩnh ngay cả khi đây cũng có thể là một khoảnh khắc rối loạn trong chính cuộc đời của họ. Tất cả mọi nghề nghiệp đều đòi hỏi công việc phải được thực hiện bất chấp những gì diễn ra trong đời sống cá nhân. Như người ta nói, khi đã hiện diện trên sân khấu, buổi biểu diễn phải tiếp diễn. Điều này đòi hỏi khả năng vượt qua những tác động của phức cảm lên bản ngã - ý thức ít nhất cũng ở một mức độ nhất định. Khi bàn luận về khả năng chấp nhận lo âu của riêng mình cũng như các phản ứng của phức cảm, Jung nói tới bậc thầy về nghệ thuật này, nhà ngoại giao Talleyrand. Các nhà ngoại giao hoạt động trên sự chỉ dẫn từ những người đứng đầu nhà nước và sử dụng một cách tối thiểu ngôn từ biểu hiện cảm xúc hay sự yêu thích của họ. Họ đánh giá cao nghệ thuật nói sao cho có thể che giấu tình cảm và che giấu những chỉ báo phức cảm. Và họ có lợi thế trong việc không bị kiểm tra bởi máy đo điện tâm lí. Các cấp độ của vô thức Thông thường, người ta có thể coi các phức cảm là có tính “cá nhân”. Và đúng là nhiều phức cảm được sinh ra trong tiểu sử đặc biệt riêng của một người và hoàn toàn thuộc về cá nhân đó. Nhưng có những phức cảm gia đình và xã hội. Những phức cảm như vậy không thuộc về cá nhân như một căn bệnh thuộc về một cá nhân. Nó thuộc về tập thể và cá nhân chỉ “nắm bắt” lấy nó. Điều này có nghĩa là trong xã hội, nhiều người được gắn bó với nhau một cách tương tự nếu xét về mặt tâm lí. Con người trưởng thành trong những gia đình giống nhau, hoặc nhóm có huyết thống mở rộng hoặc những nền văn hóa truyền thống cùng chia sẻ nhiều cấu trúc vô thức chung này. Ngay cả trong một xã hội rộng lớn và phân tán như nước Mĩ, nhiều kinh nghiệm điển hình được chia sẻ trong toàn dân. Gần như tất cả mọi đứa trẻ đều bắt đầu trường học ở tuổi lên năm hoặc sáu, trải qua cùng những căng thẳng của các kì thi và sang chấn về thất bại và đau khổ, sau đó vượt qua nỗi sợ hãi để nộp đơn vào đại học nhằm có được một sự giáo dục tốt hơn hoặc đi làm. Tất cả những kinh nghiệm chung nằm trong tay những người có thẩm quyền trong chính quyền này tạo ra những mẫu hình tâm lí dựa trên xã hội thông qua hoạch định tinh tế của vô thức cá nhân. Những sang chấn chung tạo ra những phức cảm chung. Thỉnh thoảng chúng có tính thế hệ. Trước đây, mọi người thường nói về một “tinh thần suy thoái” đặc trưng của những người của thời đại những năm 1930 và chia sẻ những sang chấn của cuộc Đại khủng hoảng. Ngày nay chúng ta nói về “những cựu binh trong chiến tranh Việt Nam” và cho rằng tất cả những người tham dự vào cuộc chiến tranh cùng chia sẻ nhiều hay ít một kiểu hình thành phức cảm giống nhau từ những sang chấn phát sinh trong cuộc chiến tranh đó. Ở Ở đây chúng ta có thể nói về một lớp văn hóa của vô thức, hay một loại vô thức văn hóa41. Nó mang tính cá nhân theo nghĩa đó là những gì đạt được trong đời sống cá nhân, nhưng nó cũng còn có tính tập thể bởi vì nó được chia sẻ trong một nhóm. Vô thức, ở cấp độ này, được cấu trúc bởi những mẫu và thái độ văn hóa rộng hơn, và kết thúc bằng việc ảnh hưởng tới thái độ ý thức của cá nhân và các phức cảm đặc biệt hơn nhiều trong hệ thống những giả định văn hóa vô thức (Lớp vô thức văn hóa này khác với vô thức tập thể mà tôi sẽ nói đến trong chương 4). Điều này đưa ra một câu hỏi thú vị về việc các phức cảm được hình thành như thế nào. Câu trả lời thông thường là do sang chấn. Nhưng cần phải đặt nó vào trong một bối cảnh xã hội rộng lớn hơn. Một số nghiên cứu của Jung về liên tưởng từ hướng vào vấn đề ảnh hưởng của gia đình lên sự hình thành những nội dung vô thức ở trẻ. Thông qua các test liên tưởng từ này, ông tìm thấy những bằng chứng mạnh mẽ về những hình thức tương tự đáng kinh ngạc trong việc hình thành phức cảm trong các thành viên gia đình - giữa mẹ và con gái, cha và con trai, và mẹ và con trai... Trong số những kết hợp này, sự gần gũi nhất là giữa mẹ và con gái. Những đáp ứng của họ đối với những từ kích thích thể hiện những lo âu và xung đột gần như giống nhau. Từ đó Jung kết luận rằng vô thức được định hình một cách quan trọng bởi những liên hệ gần gũi trong môi trường gia đình. Tuy nhiên nó diễn ra chính xác như thế nào thì lại không thấy rõ trong tác phẩm của ông. Liệu có phải do sự truyền phát? Liệu có phải do sự lặp lại những sang chấn tương tự xuyên qua nhiều thế hệ? Không có câu trả lời ở đây. Sau này, trong quá trình phát triển của trẻ, những cấu trúc tâm thần ban đầu này được biến đổi đáng kế’ do sự tiếp xúc với văn hóa rộng lớn hơn. Sự tiếp xúc liên tục của tâm thần trước những kích thích văn hóa và xã hội, từ ti vi cho đến trường học, trở thành một nhân tố trong những giai đoạn niên thiếu sau này, và điều đó làm giảm ảnh hưởng tâm lí của các văn hóa gia đình và chủng tộc, ít nhất cũng ở trong một xã hội đa nguyên như Mĩ. Khi các nhóm đồng đẳng trở thành trung tâm, nó tạo ra những nhân tố cấu trúc quan trọng mới, tuy nhiên phần lớn trong số đó dựa trên những chuẩn mực văn hóa chung sẵn có. Nhưng những phức cảm do gia đình tạo ra buổi đầu không biến mất khỏi tâm thần. Những phức cảm người cha và người mẹ tiếp tục chi phối những gì diễn ra trong vô thức cá nhân42. Chúng là những tác nhân vô cùng to lớn. Những hình ảnh tâm thần Để hiểu được cấu trúc cơ bản của phức cảm, cần phải phân chia nó thành nhiều phần. “Do đó, xét về mặt khoa học, cái gì sẽ là một “phức cảm”?”, Jung tự hỏi. “Đây là hình ảnh của một tình huống tâm thần nhất định chất đầy yếu tố cảm xúc và hơn thế nữa, không tương thích với thái độ ý thức thông thường”43. Trong câu này, “hình ảnh” là một từ khóa. Nó là một thuật ngữ cực kì quan trọng với Jung. Hình ảnh xác định bản chất của tâm thần. Thỉnh thoảng Jung sử dụng từ Latin imago thay vì từ image (hình ảnh) để nói tới một phức cảm. “Imago người mẹ” là phức cảm người mẹ, khác với người mẹ thực. Vấn đề ở đây là phức cảm là một hình ảnh và như vậy xét về bản chất, nó thuộc về thế giới chủ quan; nó được tạo thành từ tâm thần thuần túy, mặc dù nó cũng phản ánh cho một con người thực sự, một kinh nghiệm, hay một tình huống. Không thể nhầm lẫn nó với thực tế khách quan - những con người thực khác hay những cơ thể vật chất khác. Phức cảm là một đối tượng nội tâm, và tại hạt nhân của nó là một hình ảnh. Thật đáng ngạc nhiên là có nhiều sự tương tự giữa một hình ảnh tâm thần và hiện thực bên ngoài, ngay cả khi không có khả năng là tâm thần bị in dấu bởi nó hay lưu giữ nó từ kinh nghiệm. Konrad Lorenz, một nhà tập tính học động vật nổi tiếng, nghiên cứu những đáp ứng phản xạ bẩm sinh ở một số loài vật phản ứng lại những kích thích đặc hiệu. Ví dụ, các con gà chưa bao giờ gặp phải những con diều hâu vẫn biết chạy tìm nơi ẩn nấp khi một con diều hâu bay qua đầu và bóng nó xuất hiện trên mặt đất. Sử dụng những thiết bị mắc trên dây cao đu đưa và tạo ra những cái bóng tương tự bóng diều hâu, các nhà tập tính học đã chỉ ra rằng những con gà không được tập luyện trước, khi nhìn thấy bóng vẫn chạy tìm nơi trú ẩn. Sự đáp ứng phòng vệ với một con vật săn mồi đã có sẵn trong con gà và hình ảnh của con vật săn mồi là mang tính bẩm sinh và được nhận biết mà không cần phải học. Các phức cảm hoạt động theo một cách tương tự, chỉ có điều là ở con người chúng chỉ có tính bản năng một phần chứ không hoàn toàn là bản năng. Chúng hoạt động giống như các bản năng bằng cách tạo ra những phản ứng tự phát đối với những tình huống hoặc con người cụ thể, nhưng chúng không chỉ có tính bẩm sinh thuần túy giống như các bản năng. Phần lớn chúng là những sản phẩm của kinh nghiệm - sang chấn, những tương tác và các kiểu gia đình, sự quy định của văn hóa. Chúng được kết hợp với một số yếu tố bẩm sinh mà Jung gọi là những hình ảnh cổ mẫu, để tạo nên một phức cảm toàn diện. Những phức cảm là những gì còn lại trong tâm thần sau khi nó đã hấp thu kinh nghiệm và tái cấu trúc thành những đối tượng bên trong. Ở con người, các phức cảm hoạt động giống như những bản năng ở các loài có vú khác. Những hình ảnh hay những phức cảm, theo một cách nói nào đó, kiến tạo những bản năng của con người. Những giấc mơ được tạo dựng từ những hình ảnh vô thức này - những phức cảm. Jung diễn thuyết ở nhiều nơi về các phức cảm như là những cấu trúc của các giấc mơ. Qua một thời gian nhất định, những giấc mơ biểu hiện những hình ảnh, hình thức, sự lặp lại và những chủ đề cho chúng ta một bức tranh về các phức cảm của một người sẽ như thế nào. “Hình ảnh này có một sự cố kết nội tâm rất mạnh, nó có tính tổng thể của nó và, ngoài ra, một mức độ tự trị tương đối cao đến mức nó chỉ chịu sự chi phối của tâm thần ý thức trong một phạm vi nhất định, và do đó xử sự như một con người xa lạ đầy sức mạnh trong phạm vi ý thức”44. Mỗi một đặc điểm này của hình ảnh - tính có kết nội tâm, tính tổng thể, và tính tự trị - là những khía cạnh quan trọng trong định nghĩa của Jung về phức cảm. Một phức cảm có sự bền vững về tâm thần của nó; nó có tính ổn định và kéo dài trong thời gian. Tồn tại trong không gian của riêng mình mà không có sự can thiệp của ý thức và thách thức của bản ngã ý thức, một phức cảm có xu hướng không biến đổi nhiều. Chúng ta có thể quan sát thấy điều này trong sự lặp lại của những hình thức tương tự nhau của phản ứng và giải tỏa cảm xúc, những lỗi lầm giống nhau, những lựa chọn không may giống nhau lặp đi lặp lại trong đời sống của một người. Việc phân tích có nhiệm vụ phát hiện các phức cảm và đưa chúng ra trước sự suy nghĩ có ý thức của bản ngã. Sự can thiệp này có thể biến đổi chúng đôi chút. Trong phân tích, một người sẽ hiểu được các phức cảm hoạt động như thế nào, những gì gây ra sự kích hoạt chúng và những gì có thể ngăn cản sự lặp lại vô tận của chúng. Không có sự can thiệp như vậy của bản ngã, một phức cảm sẽ hành xử như một con người xa lạ đầy sức mạnh hoặc một sự lây truyền. Khi bị chi phối bởi một phức cảm, con người có xu hướng cảm thấy vô vọng và không kiểm soát được cảm xúc. Nhìn chung, những tác động tâm lí của sự kích hoạt các phức cảm tồn tại trong một thời gian dài sau khi kích thích đã không còn ảnh hưởng tới tâm thần. “Những khảo sát thực nghiệm nhất định dường như chỉ ra rằng biểu đồ cường độ hay hoạt động của phức cảm có đặc điểm dạng sóng với một bước sóng là nhiều giờ, nhiều ngày hay nhiều tuần”45. Kích thích làm cho phức cảm hoạt động có thể nhẹ hay lớn, trong một thời gian dài hay ngắn, nhưng tác động của nó lên tâm thần có thể tiếp diễn trong một giai đoạn dài và có thể xuất hiện trong ý thức dưới dạng những đợt sóng xúc cảm hay lo âu. Một trong những dấu hiệu của một liệu pháp tâm lí có hiệu quả là làm cho những rối loạn gây ra bởi phức cảm tồn tại trong một thời gian ngắn hơn trước đó. Một sự phục hói nhanh chóng khỏi những rối loạn gây ra bởi phức cảm cho thấy sức mạnh tăng lên của bản ngã và sự hòa nhập những nội dung tâm thần, cũng như sức mạnh bị suy giảm trong các phức cảm. Một thời gian tồn tại ngắn hơn cũng có nghĩa là sức mạnh của phức cảm đã bị làm yếu đi. Tuy thế, phải thừa nhận rằng một phức cảm có thể không bao giờ bị loại bỏ hoàn toàn. Những tác động dạng sóng của phức cảm “sau shock” đang cạn kiệt và mất dần. Sự loại bỏ một phức cảm đầy sức mạnh có thể đòi hỏi một khối lượng lớn năng lượng tâm thần và thể chất. Những mảnh của nhân cách Các phức cảm cũng có thể được nghĩ đến như là những phần nhân cách hay các tiểu nhân cách. Nhân cách của mỗi người lớn khá dễ bị tan rã vì chúng được cấu thành từ những phần nhân cách nhỏ và rộng lớn hơn. Chúng có thể không còn gắn bó được với nhau nữa. “Các phát hiện của tôi về các phức cảm đã cho thấy một bức tranh không yên bình lắm về những khả năng của sự phân rã tâm thần, vì về cơ bản không có sự khác biệt trên nguyên tắc giữa một nhân cách phân chia và một phức cảm. Chúng có tất cả những đặc điểm căn bản chung, cho đến khi chúng ta đi tới một vấn đề tinh tế về ý thức bị phân chia. Những phần nhân cách đó không nghi ngờ gì là có ý thức của riêng chúng, nhưng vấn đề là những phần nhân cách tâm thần nhỏ là các phức cảm có thể có một ý thức hay không là một vấn đề còn bỏ ngỏ”46. Ở đây Jung nêu lên một vấn đề hết sức tinh tế và quan trọng về sự khác nhau giữa sự phân li bình thường, những rối loạn phân li nặng hơn nhiều và rối loạn đa nhân cách. Mọi người đều có thể và đôi khi thực hiện sự phân li, theo nghĩa trải qua những trạng thái biến đổi nhẹ của ý thức hoặc hoàn toàn phân li khỏi những kinh nghiệm sang chấn để có thể tiếp tục hoạt động. Bị “nắm bắt” bởi phức cảm trạng thái cũng chính là một phân li. Bản ngã ý thức trở nên rối loạn và tùy thuộc vào mức độ rối loạn, có thể rơi vào trạng thái mất phương hướng và lẫn lộn. Bởi vì các phức cảm có một ý thức theo ý nó nên khi một người bị “nắm bắt” bởi phức cảm sẽ ở vào trạng thái bị chi phối bởi một nhân cách xa lạ. Trong bệnh rối loạn đa nhân cách, những trạng thái khác nhau của ý thức này không kết hợp lại được bằng một ý thức thống nhất, trong khi mỗi phức cảm khác lại có một bản ngã của chính nó và hoạt động tương đối độc lập. Mỗi phức cảm có tính xác định riêng và thậm chí một kiểu kiểm soát những chức năng của cơ thể riêng. Một số nghiên cứu về rối loạn đa nhân cách đã chỉ ra những gắn bó tâm thể đáng ngạc nhiên trong mỗi một nhân cách đến mức mà mỗi nhân cách có những khả năng hay khó khăn sinh học không có ở nhân cách khác. Một nhân cách có thể dị ứng với khói thuốc, còn nhân cách kia lại là một con người nghiện ngập thuốc lá. Bệnh đa nhân cách biểu hiện một hình thức cực đoan của phân li nhân cách. Những quá trình hội nhập hoạt động bình thường trong tâm thần bị cản trở bởi chấn động thời bé (thường là tình dục). Nhưng ở một mức độ thấp hơn, tất cả mọi người đều có nhiều nhân cách bởi vì tất cả đều có các phức cảm. Sự khác biệt ở chỗ các phức cảm, theo quy luật là phụ thuộc vào một bản ngã thống - hợp (intergrated ego), và bản ngã ý thức được duy trì khi một phức cảm được hội tụ. Nhìn chung, các phức cảm có ít năng lượng hơn bản ngã và có ít ý thức riêng hơn. Trái lại, bản ngã có năng lượng đáng kể, có thể thực hiện được theo ý nó và nó là trung tâm tiên phát của ý thức. Trong khi bản ngã chịu trách nhiệm cho hầu hết những điều mà chúng ta gọi là động cơ và mục đích, các phức cảm khác dường như cũng có một mục đích và ý chí riêng. Thông thường nó xung đột với những gì mà tổ hợp bản ngã muốn tại một thời điểm cụ thể. Jung mô tả các phức cảm như là “những diễn viên trong các giấc mơ, những người mà chúng ta bất lực khi đương đầu; chúng là những yêu tinh đặc trưng trong truyện dẫn gian Đan Mạch theo câu chuyện về một giáo sĩ người tìm cách thuyết giảng những lời cầu nguyện của Chúa cho hai con yêu tinh. Cả hai cảm thấy đau đớn vô cùng khi lặp lại lời chính xác theo vị giáo sĩ, và ở câu cuối cùng, chúng không thể tránh khỏi việc thốt lên “Chúa của chúng ta không ở trên thiên đường”. Và từ cơ sở lí thuyết chúng ta có thể thấy được rằng những phức cảm tinh tế này không thể truyền dạy được”47. Tính đạo lí mà câu chuyện này chính là các phức cảm không thể bị bắt làm những gì mà bản ngã muốn chúng phải làm. Chúng giống như những hình ảnh kí ức bị đóng băng của những kinh nghiệm sang chấn. Và chúng không chỉ được trải nghiệm trong các giấc mơ mà còn trong cuộc sống hằng ngày, và ở đó chúng cũng làm cho bản ngã cảm thấy bất lực. Cấu trúc của phức cảm Xem xét sâu hơn về cấu trúc của phức cảm, Jung mô tả chúng như là được tạo dựng từ những hình ảnh liên tưởng và những kí ức bị đóng băng của những thời điểm sang chấn được chôn sâu trong vô thức và khó được phục hồi bởi bản ngã. Chúng là những kí ức bị dồn nén. Những gì làm cho nhiều yếu tố liên tưởng của phức cảm gắn bó và kết hợp với nhau chính là cảm xúc. Đó là chất keo. Hơn thế nữa, “nội dung mang sắc thái cảm xúc, các phức cảm, bao gồm một yếu tố hạt nhân và một số lớn những liên tưởng hội tụ thứ phát xung quanh”48. Yếu tố cơ bản này là hình ảnh cốt lõi và kinh nghiệm mà từ đó phức cảm được tạo dựng - kí ức đóng băng. Nhưng cái lõi này hóa ra lại bao gồm hai phần: một hình ảnh hay dấu vết tâm thần của chấn động sản sinh và một phần bẩm sinh (cổ mẫu) gắn bó chặt chẽ với nó. Cái hạt nhân kép này của phức cảm phát triển bởi việc tập hợp những liên tưởng xung quanh nó, và điều này có thể diễn ra trong suốt cả một đời người. Chẳng hạn, nếu một người đàn ông làm cho một người phụ nữ hồi tưởng lại sự lạm dụng, khắc nghiệt của người cha mình bởi tiếng nói, bởi cách mà anh ta phản ứng trước cuộc sống, bởi cường độ đáp ứng xúc cảm của anh ta v.v. Chắc chắn anh ta sẽ làm kích hoạt phức cảm người cha của cô gái. Nếu cô gái tương tác với chàng trai trong một giai đoạn, các nội dung mới sẽ được thêm vào phức cảm đó. Nếu anh ta lạm dụng cô gái, phức cảm người cha tiêu cực sẽ mạnh thêm và nhiều năng lượng hơn, và cô gái sẽ trở nên phản ứng nhiều hơn trong những tình huống mà phức cảm người cha được kích hoạt. Dần dần, cô có thể tránh những người đàn ông như vậy hoàn toàn, hoặc ngược lại, cô sẽ thấy mình bị thu hút một cách phi lí tới họ. Trong cả hai trường hợp, cuộc sống của cô gái trở nên ngày càng bị hạn chế bởi phức cảm này. Các phức cảm càng mạnh hơn, chúng càng hạn chế phạm vi tự do lựa chọn của bản ngã. Việc các phức cảm có thể bị biến đổi bởi kinh nghiệm sau này dĩ nhiên là mang lại lợi ích cho cá nhân, và khả năng chữa trị của liệu pháp tâm lí phụ thuộc vào điều này. Liệu pháp tâm lí là một hình thức phá vỡ những hình ảnh kí ức đã kết dính. Nó có thể tái cấu trúc nhân cách ở một mức độ nào đó bởi vì chuyển dịch cho phép nhà liệu pháp tâm lí thay thế cho (trong số những hình ảnh tâm thần khác của tâm thần) cha mẹ, bao gồm cả cha lẫn mẹ, ở những giai đoạn khác nhau của việc điều trị. Khi một phức cảm cha mẹ được kích hoạt bởi một nhà phân tích, kinh nghiệm của bệnh nhân về một hình ảnh cha mẹ khác sẽ bó sung cho phức cảm cũ này và tạo ra một lớp vỏ mới cho nó. Cấu trúc mới này không hoàn toàn thay thế cấu trúc cũ, nhưng nó biến đổi cấu trúc cũ một cách quan trọng, đến mức mà phức cảm không còn hạn chế đời sống của một người trong tình trạng bất lực. Sự khắc nghiệt của hình ảnh cha mẹ bạo hành có thể được làm giảm nhẹ đi - hoặc bị phá vỡ - hoặc bù đắp bởi những cấu trúc mới. Một phần khác của hạt nhân phức cảm là “một nhân tố bẩm sinh trong nhân cách cá nhân và được quyết định bởi khuynh hướng của anh ta”(20). Phần đó chính là cổ mẫu. Chẳng hạn, trong trường hợp những phức cảm cha mẹ, nó là hình ảnh cổ mẫu về một người Mẹ hay Cha, một hình ảnh không bắt nguồn từ kinh nghiệm cá nhân mà từ vô thức tập thể. Những yếu tố cổ mẫu trong nhân cách con người là những khuynh hướng bẩm sinh để phản ứng, ứng xử, và tương tác theo những cách thức điển hình và có thể dự đoán được. Nó tương tự như cơ chế giải phóng bẩm sinh ở các loài vật. Chúng được di truyền chứ không phải đạt được và chúng thuộc về mỗi một người từ khi sinh ra. Chúng là những gì làm cho chúng ta là những con người duy nhất và đặc trưng. Không chỉ cơ thể mà còn cả linh hồn - tâm thần - là những gì đặc trưng của con người và tạo ra những tiền đề cho tất cả kinh nghiệm, sự phát triển và giáo dục sau này. Tôi sẽ mở rộng lí thuyết về các cổ mẫu của Jung trong những chương sau. Còn bây giờ đủ để nhận ra rằng những yếu tố cổ mẫu của tâm thần được trải qua trong đời sống hằng ngày thông qua kinh nghiệm của các phức cảm. Nói chung các phức cảm được tạo ra bởi các sang chấn. Trước sang chấn, phần cổ mẫu tồn tại như một hình ảnh và một lực thúc đẩy nhưng không có những phẩm chất gây ra lo âu hay quấy rối như phức cảm. Sang chấn tạo ra một hình ảnh kí ức đầy cảm xúc gắn với một hình ảnh cổ mẫu và chúng cùng nhau đông kết thành một cấu trúc ít nhiều bền vững. Cấu trúc này bao gồm một lượng năng lượng đặc thù, và cùng với nó, cấu trúc này có thể gắn với những hình ảnh liên tưởng khác để tạo ra một mạng lưới. Do đó, một phức cảm trở nên phong phú và được mở rộng bởi những kinh nghiệm sau này về một loại tương tự. Nhưng không phải tất cả những sang chấn đều là từ bên ngoài hoặc bị tạo ra do những sự xung đột có tính phá hoại với môi trường bên ngoài. Có những sang chấn phần lớn xảy ra bên trong đời sống tâm thần cá nhân. Jung chỉ ra rằng các phức cảm cũng có thể được tạo ra hoặc bổ sung bởi một “xung đột đạo đức, mà xét một cách tuyệt đối thì bắt nguồn từ sự bất lực rõ ràng trong việc khẳng định tính tổng thể của bản chất một người”49. Những thái độ đạo đức liên tục biến đổi trong xã hội khiến chúng ta khó có thể khẳng định được hoàn toàn tính tổng thể của mình trong nhiều hoàn cảnh. Chúng ta buộc phải phủ nhận nhiều cảm xúc chân thực của mình và kiềm chế trải qua chúng để có thể hòa nhập hoặc, đôi khi, để tồn tại được. Thực hiện nhiều biến đổi xã hội như vậy vì lợi ích của sự thích nghi tạo ra một chiếc mặt nạ xã hội, một “persona”, loại bỏ những phần quan trọng nhất của bản thân. Nhìn chung, mọi người thích được tồn tại trong các nhóm xã hội và những ai công khai nói ra suy nghĩ riêng của mình hoặc không tuân thủ những chuẩn mực xã hội có xu hướng bị đào thải hoặc bỏ rơi. Nghịch lí xã hội này đẩy con người vào cái mà Jung gọi là một xung đột đạo đức. Ở cấp độ sâu nhất, sự cưỡng chế này là trở thành một tổng thể. Bản chất con người chống lại những sự khắc nghiệt của xã hội và văn hóa nếu họ bị ngăn cản quá nhiều những động cơ bẩm sinh hướng tới cái tổng thể này và đây là nguồn gốc sâu xa hơn của các phức cảm. Đây là vấn đề mà Freud đã gặp phải ở Vienna, một xã hội bị chính thức ngăn cản về tình dục nhưng cũng lại hoàn toàn đạo đức giả về những chuẩn mực tình dục của nó. Freud đã chứng tỏ những xung đột xoay quanh tình dục đã trở nên bám rễ trong những mô hình tâm lí và gây ra những chứng nhiễu tâm thế nào. Tình dục, được gắn vào cấu trúc bẩm sinh của con người, trở nên không tương thích về mặt xã hội và do đó bị tách khỏi ý thức và bị dồn nén. Chúng tạo ra một phức cảm tình dục mà các sang chấn có liên hệ xoay quanh. Xét về bản chất thì những gì tạo ra sự dồn nén tình dục như nguồn bệnh lí học chính là sự cưỡng chế cương quyết của cơ thể con người đạt được tính tổng thể bẩm sinh của nó, bao gồm cả tình dục bị ngăn cấm. Không phải là xung đột giữa cá nhân và xã hội xét tự thân đã gây ra vấn đề nhiễu tâm như quan niệm của Freud mà xung đột đạo đức nảy sinh trong tâm thần muốn phủ nhận chính nó về một mặt còn mặt kia lại muốn tự khẳng định mình. Sự xuất hiện của các phức cảm Các phức cảm có khả năng xuất hiện đường đột và xâm nhập tự phát vào ý thức rồi nắm quyền kiểm soát các chức năng của bản ngã. Những gì ban đầu xuất hiện dường như hoàn toàn tự phát lại có thể không hoàn toàn phải vậy. Thường thì có những kích thích tinh tế có thể được phát hiện thấy nếu chúng ta xem xét cẩn thận quá khứ gần đây. Chẳng hạn, chứng trầm cảm tâm can có vẻ như là nội sinh cho đến khi người ta phát hiện được sự xúc phạm nhỏ đã làm nó xuất hiện. Khi bản ngã bị chi phối dưới hình thức này, nó được đồng hóa vào phức cảm, và những mục đích của phức cảm và kết quả là những gì chúng ta gọi là “manh động”. Người đang manh động thường không nhận thức được những gì đang diễn ra. Đơn giản họ chỉ “rơi vào cảm xúc đó”, và hành vi dường như không hài hòa với bản ngã. Đó là bản chất của sự chi phối: bản ngã bị lừa dối bởi suy nghĩ rằng nó đang tự do thể hiện mình. Chỉ sự hồi tưởng lại mới khiến một người nhận ra rằng “có cái gì đã xâm nhập vào tôi và khiến tôi làm vậy. Tôi không biết rằng tôi đang làm cái gì”. Nếu một người khác cố gắng chỉ ra rằng một người đang đóng vai một nhân vật, đáp ứng thông thường sẽ là trạng thái phòng vệ giận dữ. Một người trong trạng thái ám ảnh chi phối không thích nhận những phản hồi một cách thân thiện. Jung nói rằng trong thời Trung Cổ sự đồng nhất với một phức cảm “mang một cái tên khác; nó được gọi là “ma ám”. Có lẽ không ai lại có thể tưởng tượng được trạng thái này là đặc biệt vô hại và trong đó không có sự phân biệt trên nguyên tắc giữa sự lỡ lời do một phức cảm gây ra và những báng bổ ghê gớm nhất”50. Sự khác biệt này là mức độ. Có những mức độ chi phối khác nhau, từ tạm thời và nhẹ đến loạn tâm và mãn tính. Những gì mà chúng ta nhìn thấy trong sự ám ảnh là sự trở nên rõ rệt của những đặc điểm của nhân cách thường không phải là một phần của đặc trưng và phong thái của cái ngã. Những đặc điểm chưa biết này đã được tồn tại trong vô thức trong một giai đoạn và thình lình bản ngã bị chế ngự bởi cực đối lập nội tâm này. Và người đó bây giờ bị ám bởi một con “quỷ” bên trong và nguyền rủa những điều mà trước đó ý thức của anh ta đã hết sức tôn sùng. Những người mắc hội chứng Tourette thể hiện điều này rõ ràng và một cách triền miên. Với một người may mắn có được một tâm lí bình thường, những nhân cách phân tách này thể hiện chúng theo nhiều cách tinh tế hơn nhiều, một số rất nhẹ đến mức không thể phát hiện ra được - như sự lỡ lời, sự quên. Trong một giờ đồng hồ một người có thể trải qua nhiều trạng thái khác nhau của ý thức, những cảm xúc, các tiểu nhân cách, và hiếm khi nhận ra sự thay đổi này. Một cách tinh tế, chúng chuyển thành những hình thức lớn hơn nhiều khi chúng ta gặp phải trạng thái bị chi phối thực sự. Sự chi phối có một đặc điểm khác biệt và cực đoan hơn nhiều. Nó khó có thể quên được và thậm chí thường có những đặc điểm của một kiểu tính cách đặc hiệu. Một phức cảm “người cứu hộ” chẳng hạn, được phát triển chủ yếu từ những kinh nghiệm đau đớn về sự bị bỏ rơi trong thời trẻ con, và sau đó thể hiện qua hành vi thực hiện lòng tốt và giúp đỡ. Tuy vậy, những đặc điểm này không thuộc về bản ngã dưới hình thức hòa nhập mà chúng có xu hướng lúc tăng lúc giảm bởi vì chúng có gốc rễ trong một phức cảm tự trị mà bản ngã ít kiểm soát được. Đó là những người không thể kiềm chế được sự giúp đỡ người khác bất chấp sự nguy hiểm mà họ có thể gặp phải cho mình hay những người khác như thế nào. Hành vi này thực sự bị kiểm soát bởi một phức cảm và do đó không nằm dưới sự kiểm soát của bản ngã. Nó cũng có xu hướng dao động khá tùy tiện. Có những sự bất ổn đột ngột không thể dự đoán hay giải thích được. Thỉnh thoảng một người trở nên quá trầm tư và quan tâm tới người khác, và thỉnh thoảng lại thô bạo, bàng quan, hoặc thậm chí ngược đãi họ. Những phần tâm thần bị phân li khác (các phức cảm) xung đột với nhau trong việc tìm kiếm sự bảo trợ của bản ngã. Khi một bản ngã có xu hướng bị chi phối từ bỏ sự đồng nhất với một phức cảm, nó chuyển sang một phức cảm khác. Phức cảm này thường là một hình bóng của phức cảm trước. Một phức cảm “giống Chúa cứu thế” với những đặc điểm tâm linh, hướng về chỗ cao thượng, ban cho, vị tha được gắn chặt với một phức cảm giống Ma quỷ với một thái độ duy vật chủ nghĩa và cá nhân. Cả hai đều có thể thay thế trong việc giành quyền kiểm soát bản ngã, giống như Jekyll và Hyde. Một phức cảm sẽ hoạt động như cái mặt nạ chính thức trọng nhiều hoàn cảnh xã hội công khai còn phức cảm kia sẽ chi phối nhân cách ý thức trong hoàn cảnh thầm kín và riêng tư. Bản ngã này dễ bị tổn thương trước cái mà Jung gọi là “enantiodromia”, một sự đảo ngược sang mặt đối lập. Các phức cảm là những đối tượng của thế giới bên trong. “Chính chúng là nơi mà niềm vui hay nỗi buồn của đời sống cá nhân của một người dựa vào. Chúng là những lares và penates [những vị thần trong gia đình] đợi chúng ta bên những chiếc lò sưởi, và sẽ là nguy hiểm nếu ca tụng sự bình yên này của họ”51. Những vị thần đó không thể bị coi nhẹ. Chương 3 Năng lượng tâm thần (Lí thuyết libido) Trong hai chương trước, tôi đã mô tả hai cấu trúc cơ bản của tâm thần - bản ngã ý thức và các phức cảm - như Jung đã nhận biết và viết về nó. Bây giờ tôi sẽ xem xét cái sức mạnh làm hoạt động những cấu trúc này và tạo cho chúng một đời sống, tức là libido. Nó là ham muốn và xúc cảm, là huyết mạch sống của tâm thần. Jung gọi libido là năng lượng tâm thần. Trong hai chương trước, tôi đã thường xuyên sử dụng từ năng lượng. Đây là đặc điểm năng động của tâm thần. Lí thuyết của Jung về libido đã xây dựng khái niệm, theo một cách trừu tượng, mới liên hệ giữa các phần khác nhau của tâm thần. Sử dụng ẩn dụ về tâm thần như hệ mặt trời, chương này sẽ đề cập đến vật lí và những sức mạnh ảnh hưởng đến nhiều đối tượng khác nhau trong vũ trụ này. Theo nghĩa triết học chung, chủ đề năng lượng tâm thần được các nhà tư tưởng nghiên cứu qua nhiều thời đại. Thật ra, không phải là một cái gì mới mẻ và hiện đại khi suy nghĩ về các câu hỏi xung quanh sức sống, ý chí, đam mê và xúc cảm, sự lên và xuống của sự thích thú và khát vọng. Các nhà triết học ở phương Tây đã xem xét những vắn đề này từ thời Heraclitus và Plato, và ở phương Đông là từ thời Lão Tử và Khổng Tử. Những thế kỉ gần đây, các nhà triết học như Schopenhauer, Bergson, và Nietzsche đã dành sự chú ý đặc biệt tới những vấn đề này. Các nhà vật lí cũng vậy, chẳng hạn như Anton Mesmer với lí thuyết về chất lỏng tâm thần trong cơ thể, bắt đầu theo đuổi chủ đề chuyển động và động cơ tâm lí học theo nhiều cách có tính thực nghiệm và khoa học. Nhà triết học và vật lí học nổi tiếng thế kỉ XIX người Đức C.G. Carus suy đoán sâu rộng và sâu sắc về vô thức như là nguồn năng lượng và lưu ý về những ảnh hưởng sâu rộng của nó lên phần tâm thần ý thức. Jung cũng trích dẫn những tác giả khác như vậy, chẳng hạn như von Hartmann, Wundt, Schiller và Goethe, và coi họ như người báo trước quan điểm của ông. Mặc dù Freud cũng là một người tạo ra thuật ngữ tâm lí học hiện đại libido và là người mà Jung kính phục trong những thảo luận phân tâm học của ông về lí thuyết libido, nhưng Freud không phải là người duy nhất ảnh hưởng lên Jung hoặc là người mà ông trả lời trong những tác phẩm lớn hơn của ông về libido và năng lượng tâm thần. Quan điểm về bản chất và dòng năng lượng tâm thần trên thực tế là cơ bản cho mọi triết thuyết về bản chất con người và linh hồn, vì nó chứa đựng những quan điểm của tác giả về động cơ và những yếu tố động lực trong đời sống tách những sinh vật sống ra khỏi cái chết. Sự khác biệt giữa chuyển động và sự tĩnh tại tạo thành một phạm trù cơ bản về tư tưởng con người và một cách tự phát, nó dẫn tới sự suy ngẫm về điều gì có thể giải thích cho sự khác biệt giữa hai trạng thái tồn tại này. Tại sao vật thể lại có thể di chuyển trong không gian, và tại sao chúng lại di chuyển theo hướng này thay vì hướng khác? Trong khoa học vật lí, những câu hỏi này dẫn tới các lí thuyết về nhân quả và sự hình thành những quy luật về chuyển động, giống như luật vạn vật hấp dẫn. Điều tương tự cũng đúng với triết học và tâm lí học, ở đó những vấn đề về nhân quả, động cơ và những quy luật chi phối những vật thể tâm thần đang chuyển động cũng mang tầm quan trọng tương ứng. Trong tâm lí học, nó trở thành câu hỏi về linh hồn và những chuyển động cũng như năng lượng làm dịch chuyển các đối tượng của nó. Aristotle đã suy nghĩ về điều này. Năng lượng tâm thần hiện diện ở một cơ thể sống và không có trong các xác chết; nó hiện diện trong cả đời sống khi thức lẫn khi nằm mơ; nó là những gì tạo ra sự khác biệt giữa trạng thái “bật” và “tắt” nếu sử dụng một chút ẩn dụ ở đây. Nhưng nó là cái gì? Tình dục và libido Cái mà Schopenhauer gọi là “Ý chí” và coi đó như là động cơ chính của hoạt động và tư tưởng của con người, Freud chọn gọi là libido. Với sự lựa chọn thuật ngữ này, ông nhấn mạnh yếu tố nhục dục, tìm kiếm sự thỏa mãn thích thú trong bản chất con người. Từ linh hồn với Freud về bản chất được xác định chủ yếu bằng năng lượng tình dục. Từ Latin libido đặc biệt phù hợp với những mục đích của ông bởi vì Freud tin rằng động cơ tình dục là cơ sở của đời sống tâm thần và là nguồn tiên phát của những chuyển động tâm thần. Lí thuyết libido của Freud, về một mặt, là một cách lịch sự để nói về tình dục, cho từ tình dục một cái tên Latin và làm cho những cuộc thảo luận có vẻ y học hơn; về mặt khác, nó là một cách để tiếp tục việc thảo luận trừu tượng và dường như khoa học về những động thái tình dục và thúc đẩy một người tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau và trong một số trường hợp nó đã kết thúc bằng việc gây ra những thái độ và hành vi nhiễu tâm như thế nào. Đó chính là quan điểm của Freud khi cho rằng tình dục là động cơ căn bản của hầu như, nếu như không muốn nói là tất cả, những quá trình và hành vi tâm thần. Libido là nguồn “nhiên liệu” làm cho con người hoạt động và phát triển, ngay cả những hoạt động đặc thù mà một người tham dự, chẳng hạn như chơi violin hay tính tiền, không có vẻ gì là tình dục cả. Tình dục là động cơ tiên phát của ngay cả những hoạt động đó của con người, cũng như là nguyên nhân tiên phát của những xung đột tâm lí mà kết quả là làm cho một người rơi vào trạng thái nhiễu tâm và bệnh tâm thần trầm trọng chẳng hạn như hoang tưởng hay tâm thần phân liệt. Cuối cùng, Freud muốn chỉ ra rằng tất cả những biểu hiện của năng lượng tâm thần trong đời sống cá nhân và tập thể có thể gán, ít nhất là trong phần quan trọng nào đó, cho động cơ tình dục và sự thăng hoa hay dồn nén của nó. Freud đặc biệt có ý định chứng minh rằng xung đột tình dục là gốc rễ của tất cả những chứng nhiễu tâm và loạn tâm. Trước đó trong những thảo luận của mình với Freud về lí thuyết tâm lí và việc thực hành lâm sàng, Jung đã chỉ ra những ranh giới quan trọng về vị trí cao nhất của tình dục và gợi ý một điểm rõ ràng rằng có thể có những động cơ khác cũng hoạt động trong đời sống con người. Chẳng hạn có động cơ căn bản là đói: Như anh đã biết, có thể là sự dè dặt của tôi về những quan điểm sâu sắc của anh là do sự thiếu hụt kinh nghiệm. Nhưng liệu anh có nghĩ rằng một số nhiều hiện tượng ranh giới có thể được xem xét thích hợp hơn qua một động cơ cơ bản khác, là đói: ví dụ như ăn uống, mút (chủ yếu là đói), hôn (chủ yếu là tình dục)? Hai phức cảm tồn tại đồng thời này luôn luôn gắn chặt với nhau thành một sự thống nhất xét về mặt tâm lí, đến mức mà một phức cảm này luôn tụ hội mặt của phức cảm kia52. Lá thư thể hiện sự khác biệt quan điểm này dường như đã xuất hiện trong lá thư thứ hai của Jung gửi cho Freud, đề ngày 23 tháng 10 năm 1906. Ngay từ lúc bắt đầu của sự hợp tác này, rõ ràng Jung đã nghi ngờ và thận trọng về sự nhấn mạnh của Freud lên tính trung tâm của xung đột tình dục trong bệnh học tâm lí. Trong những năm sau này, có nhiều lá thư hơn và nhiều trao đổi được xuất bản về chủ đề các động cơ và nguồn gốc của năng lượng tâm thần và Jung trở đi trở lại về sự gắn bó của ông với học thuyết Freud. “Dưới dấu ấn về nhân cách của Freud”, Jung viết nhiều năm sau này trong tự truyện của mình “tôi đành phải gạt sang một bên những quan điểm của mình và từ bỏ mọi sự chỉ trích. Đó là điều tiên quyết để hợp tác với Freud”53. Thỉnh thoảng trong những tác phẩm đầu tiên của mình, có cảm tưởng Jung như một người theo thuyết quy giản theo khuôn mẫu của Freud. Tuy nhiên cũng từ những ghi chép này mà ta thấy rõ ràng là ông không phải một môn đệ luôn tuân phục của Freud, dù ông có thể phải kìm giữ những quan điểm bất đồng của mình vì lợi ích làm nhẹ những khác biệt và những điểm mâu thuẫn tiềm ẩn trong liên hệ giữa hai người. Khi điều này xảy ra, cuộc tranh luận nổ ra xung quanh việc phải khái niệm hóa năng lượng tâm thần như thế nào và gọi tên nó là gì trở thành vấn đề lớn hơn nhiều vấn đề chuyên môn thứ yếu. Trong khi những quan niệm tản mát ban đầu của Jung dường như vụn vặt và mơ hồ hoặc hiểu nhầm những gì Freud muốn nói, những hàm ý trở nên ngày càng sâu và theo thời gian chúng đưa tới một sự bất đồng lớn về lâm sàng, lí thuyết và triết học. Trên thực tế những khác biệt giữa họ về chủ đề libido trở thành điểm căn bản trong sự phân chia lí thuyết giữa họ. Và còn một vấn đề nữa là khái niệm bản chất con người và ý nghĩa của ý thức. Trong những năm đầu tiên, điều này không thể được nhìn thấy rõ ràng như sau này. Jung đang nỗ lực học từ Freud cũng như từ các bệnh nhân của mình và nhiều nguồn khác. Trong tiểu luận xuất sắc Về năng lượng tâm thần54xuất bản năm 1928, Jung giải thích rõ ràng quan điểm rất sâu sắc của ông về chủ đề libido này. Tiểu luận đó là nguồn tài liệu chính cho chương này. Vào lúc ông viết nó vào giữa những năm 1920, lúc ông đã tách khỏi Freud và phong trào phân tâm học hơn một thập kỉ. Tiểu luận này mang tính khách quan đến lạnh lùng, trong khi các công trình chủ yếu trước kia của ông về chủ đề này, Wandlun- gen und Symbole der Libido (1912-1913) (được dịch sang tiếng Anh năm 1916 thành Psychology of the Unconscious (Tâm lí học vô thức) bởi Beatrice Hinkle và tôi sẽ sử dụng cái tên này trong toàn bộ cuốn sách), được tập hợp vội vã và mang những dấu vết của một suy nghĩ sáng tạo nồng nhiệt nhưng chưa được bố trí gọn gàng. Trong tác phẩm này, được viết khi ông vẫn còn có liên hệ gần gũi với Freud và thực sự vấn là “thái tử” và người kế tục của Freud khi là chủ tịch Hội Phân tâm học quốc tế, ông đã xem lí thuyết libido như một vấn đề phụ, nhưng nó trở thành vẫn đề trung tâm khi ông kết thúc cuốn sách. Tôi sẽ đề cập tác phẩm này một cách ngắn gọn ở đây như một cơ sở lịch sử trước khi tiếp tục mô tả tiểu luận sau này của Jung về năng lượng tâm thần. Trong một lá thư viết cho Freud, để ngày 14 tháng 11 năm 1911, Jung viết: Trong phần hai [Tâm lí học vô thức] tôi sẽ trình bày những thảo luận cơ bản về lí thuyết libido. Trong đoạn phân tích của anh về Schreber gặp phải vấn đề libido (thiếu hụt libido = mất thực tế) là một trong những vấn đề mà các tâm thần của mọi người sẽ gặp phải. Theo quan điểm của tôi, khái niệm libido được nêu ra trong Ba tiểu luận cần phải được bổ sung bởi yếu tố di truyền để có thể áp dụng cho bệnh mất trí sớm55. Ở đây Jung đang nói đến chương hai trong phần II của Tâm lí học vô thức, “Khái niệm và lí thuyết di truyền về libido”. Trong chương này ông đề cập đến vấn đề, đã được nói đến trong lá thư trước đó, mối quan hệ giữa libido (được Freud xác định có tính chất tình dục trong tác phẩm “Ba tiểu luận về lí thuyết tình dục” năm 1905) và fonction du reel - chức năng của cái thực (một thuật ngữ được sử dụng bởi nhà tâm thần học người Pháp Pierre Janet nhằm nói tới bản ngã ý thức). Liệu có phải cái sau bắt nguồn từ cái trước. Nếu bản ngã ý thức chỉ là một phái sinh của những gắn bó với đối tượng do tình dục quyết định thì chắc chắn rằng những rối loạn của tình dục sẽ gây ra những rối loạn của bản ngã, và thực sự là những rối loạn của bản ngã có thể coi là có gốc rễ trong những rối loạn tình dục. Những gì mà Freud (và nhà phân tâm học Berlin là Karl Abraham) muốn tranh luận là những rối loạn nghiêm trọng của bản ngã, trong loạn tâm và tâm thần phân liệt, là do sự thiếu hụt sự quan tâm tình dục đến thế giới đối tượng, bởi vì trước hết chức năng thực tế và những gắn bó với các đối tượng được tạo ra bởi sự quan tâm tình dục. Tuy nhiên, đây là một lập luận luẩn quẩn và Jung đã chỉ ra rõ ràng điều này56. Thay vì điều này, ông đưa ra những giải thích khác đối với tâm thần phân liệt và loạn tâm, nhưng nó lại đưa đến sự xét lại căn bản lí thuyết libido. Jung bắt đầu bằng cái ông gọi là tính di truyền thay vì quan điểm mô tả. Ông bắt đầu với một khái niệm rộng hơn về libido như là năng lượng tâm thần, theo sau khái niệm của Schopenhauer về ý chí. “Như anh biết,” ông viết hơi có tính xin lỗi cho Freud, “Tôi luôn luôn bắt đầu từ bên ngoài vào bên trong và từ tổng thể tới bộ phận”57. Từ quan điểm rộng này, libido tình dục chỉ là một nhánh của một ý chí tổng quát hơn nhiều hay sức sống. Dòng năng lượng tổng quát này có nhiều nhánh, và trong lịch sử của sự tiến hóa con người, một số những nhánh này nổi bật hơn các nhánh kia tại những thời điểm nhất định. Tại một số giai đoạn của sự phát triển con người, cả tập thể và cá nhân, libido tình dục là cơ bản và thiết yếu; tại các giai đoạn khác, nó ít phổ biến hơn. Hơn thế nữa, Jung viết, có thể cho rằng những hoạt động mà một thời đã quan hệ chặt chẽ với tình dục và thực sự có thể được thấy rõ ràng là phái sinh của bản năng tình dục, thông qua quá trình phát triển của ý thức con người và văn hóa, đã trở nên tách khỏi phạm vi tình dục ở một mức độ lớn đến mức mà chúng không còn liên quan gì với tình dục: Do đó, chúng ta phát hiện thấy những bản năng nghệ thuật đầu tiên ở động vật được sử dụng cho xung lực sáng tạo, và bị hạn chế vào mùa sinh sản. Đặc điểm tình dục nguyên thủy của những tổ chức sinh học này trở nên mất đi trong sự cố định vào các cơ quan của chúng và sự độc lập về chức năng. Dù không nghi ngờ gì về nguồn gốc tình dục của âm nhạc, nhưng nếu ai định đưa âm nhạc vào phạm trù tình dục thì đó chỉ là một sự tổng quát hóa tầm thường và phi thẩm mĩ. Việc định danh như vậy sẽ dẫn chúng ta tới việc phân loại giáo đường Cologne thuộc về khoáng vật học vì chúng được xây dựng bằng đá58. Rõ ràng là với Jung, không phải tất cả những biểu hiện của hoạt động tâm thần đều có một nguồn gốc hay mục đích tình dục, dù thậm chí chúng từng đã có những gắn bó như vậy với lịch sử nguyên thủy của loài người. Nhìn nhận dưới góc độ tiến hóa như vậy, sau đó Jung đã suy luận về việc những hoạt động một thời là tình dục về ý nghĩa và mục đích sau đó đã được biến đổi thành những hoạt động phi tình dục khác, chẳng hạn như âm nhạc và nghệ thuật. Sự biến đổi của năng lượng tâm thần Làm thế nào mà năng lượng tâm thần được biến dạng thành một biểu hiện bản năng đơn giản, từ sự giải tỏa một xung lực mạnh mẽ (tức là ăn bởi vì bị đói hoặc quan hệ tình dục vì cảm thấy có nhu cầu tình dục) thành những biểu hiện và nỗ lực văn hóa (nghĩa là nghề nẫu ăn hoặc viết nhạc)? Khi nào thì những hoạt động đó mất di tính “bản năng” theo bất kì nghĩa nào của từ này và trở thành một cái gì khác với ý nghĩa và mục đích hoàn toàn khác. Jung cho rằng trong Tâm lí học vô thức, sự chuyển dạng năng lượng này có thể xảy ra dưới hình thức khả năng bẩm sinh của tâm thần con người tạo ra những sự tương tự. Con người có khả năng và nhu cầu suy nghĩ qua những ẩn dụ và điều này nằm sau quá trình chuyển dạng. Do đó mà săn bắn chẳng hạn, giống với (gleich wie) việc tìm kiếm một bạn tình nên sự tương tự này có thể áp dụng và sử dụng để tạo nên sự nhiệt tình và hưng phấn trong săn bắn. Qua thời gian, hoạt động săn bắn phát triển những ý nghĩa văn hóa và động cơ của riêng nộ và có cuộc sống riêng của mình. Nó không còn cần ẩn dụ tình dục nữa, và do vậy mà tình dục không thể áp dụng cho nó được nữa. Nhưng một số tàn tích của sự tương tự mạnh mẽ này vẫn luôn còn lại, và những tàn tích này cho phép khả năng diễn giải theo tính quy giản tình dục các hoạt động văn hóa đương đại. Do khuynh hướng tạo ra những sự tương tự, thế giới ý thức của con người và văn hóa theo thời gian trở nên được mở rộng đáng kể: Dường như là bằng cách tạo ra cải giống như ảo ảnh này mà libido dần dần trở nên phi tình dục hóa bởi vì những tương quan có tinh ảo ảnh ngày càng tăng được thay thế cho những thành quả nguyên thủy của, libido tình dục. Cùng với điều này, sự mở rộng rộng lớn ý tưởng thế giới dần phát triển bởi vì có nhiều đối tượng mới luôn luôn được đồng hóa như là những tượng trưng tình dục59. Do đó, thế giới có xưa của hoạt động con người và ý thức qua hàng ngàn năm trở nên được tình dục hóa hơn nhưng cũng đồng thời được phi tình dục hóa: tình dục hóa là bởi vì nhiều sự tương tự với tình dục được tạo ra, nhưng phi tình dục hóa 'bởi vì những sự tương tự này ngày càng trở nên xa rời nguồn gốc của nó hơn. Quan điểm của Jung là những động cơ và suy nghĩ tình dục được thay thế dần dần bởi những ẩn dụ, sự tương tự, và biểu tượng trong đời sống ý thức và vô thức của con người. Tuy nhiên động cơ tình dục sẽ tái hiện mạnh mẽ trong sự thoái lùi ở đời sống tâm thần của bệnh nhân và đây chính là những cơ sở mà các khái niệm của Freud được dựa vào. Trong việc tranh luận về điểm này, Jung đã đưa ra các chi tiết và những lập luận bổ trợ cho quan điểm rằng nhiều thứ trong đời sống tâm thần của người lớn hiện đại bắt nguồn từ những nguồn gốc tình dục ngay cả khi tự thân nó không còn liên hệ nhiều với tình dục nữa. Những khác biệt như vậy mà ông chỉ ra từ góc nhìn chính thống của Freud về vấn đề này không tạo ra sự “dị giáo”. Phần quan trọng hơn nhiều hơn sẽ xuất hiện sau đó, trong chương cuối cùng của cuốn sách Tâm lí học vô thức với tiêu đề “Sự hi sinh”, đề cập chủ đề loạn luân. Trong tự truyện của mình, Jung nhớ lại: Khi tôi đang viết cuốn sách của mình về libido và tới đoạn cuối của chương “Sự hi sinh”, tôi biết trước rằng việc xuất bản nó sẽ khiến tôi phải trả giá bằng tình bạn với Freud. Vì tôi chuẩn bị nêu ra quan điểm của mình về loạn luân, sự biến đổi cố tính chất quyết định của khái niệm libido... Đối với tôi, loạn luân biểu hiện những khó khăn cá nhân chỉ trong một phạm vi rất hẹp. Thông thường nó có một khía cạnh tôn giáo, và vì lí do này mà chủ đề loạn luân chiếm một vị trí quan trọng trong tất cả các vũ trụ quan và trong rất nhiều thần thoại. Nhưng Freud chỉ gắn vào việc diễn giải nó theo nghĩa đen và không thể nắm được ý nghĩa tinh thần của loạn luân như là một biểu tượng. Tôi biết là Freud sẽ không bao giờ có thể chấp nhận bất kì quan điểm nào của tôi về vấn đề này60. Tại sao Jung lại quan niệm về loạn luân như là “sự biến đổi có tính quyết định của khái niệm libido”. Đó là bởi vì ông đã làm mất đi ý nghĩa ham muốn loạn luân thuần túy của từ này. Freud coi ham muốn loạn luân là một ham muốn vô thức có quan hệ tình dục với một người mẹ thực sự. Trái lại, Jung diễn giải ham muốn loạn luân một cách biểu tượng như là một khát vọng chung muốn tiếp tục ở trong thiên đường của thời thơ ấu. Khát vọng này trở nên nổi bật hơn khi một người phải đối mặt với thách thức to lớn trong cuộc sống, để trưởng thành, để thích nghi với một môi trường đầy căng thẳng. Họ muốn leo lên giường và trùm kín chăn. Khát vọng về một người mẹ trở nên, trong cách diễn giải có tính tượng trưng của Jung, khát vọng về một sự thoái lùi về sự phụ thuộc ấu thơ, trở về thời trẻ con, về sự vô thức và không có trách nhiệm. Đây là động cơ đằng sau sự nghiện ngập rượu và ma túy. Do đó, khi những huyễn tưởng loạn luân xuất hiện trong việc điều trị nhiễu tâm, Jung diễn giải chúng như những sự kháng cự lại sự thích nghi thay vì như sự xuất hiện của những ham muốn vô thức thực sự hoặc những kí ức trẻ con về những ham muốn đấy. Sự hiện diện của loạn luân thật sự trong một số những cư dân cổ đại, chẳng hạn như các pharaon Ai Cập chẳng hạn, được Jung hiểu như là có tính biểu tượng tôn ẳ giáo, khẳng định một địa vị được ưu tiên và chỉ ra sự thống nhất với một nguồn năng lượng thần thánh. Nó là cuộc hôn nhân với Người Mẹ - cội nguồn của sự sống chứ không phải một sự thỏa mãn những ham muốn tình dục theo nghĩa đen. Thực tế Jung cho rằng tình dục có ít liên hệ với loạn luân. Loạn luân có ý nghĩa tượng trưng chứ không phải ham muốn sinh học. Việc diễn giải có tính biểu tượng những chủ đề và hình ảnh tâm lí này đã khiến Freud nổi giận. Chống lại học thuyết của Freud, Jung cho rằng libido không chỉ bao gồm ham muốn tình dục với những đối tượng đặc thù và nó cũng không thể được coi là một áp lực nội tâm tìm kiếm sự giải tỏa chính nó bằng việc gắn với (“thanh lọc” là một thuật ngữ phân tâm học hơi sang trọng) những đối tượng yêu được cố định. Libido là “ý chí”. Jung đang chấp nhận quan điểm của Schopenhauer ở đây. Nhưng Jung còn tiếp tục quan điểm này, ý chí được chia làm hai phần, một ý chí để sống và một ý chí để chết: “Trong nửa đầu của cuộc sống, ý chí [của libido] là để phát triển và trong nửa sau của cuộc đời, nó gợi nhắc mơ hồ lúc đầu và rõ dần về sau, là ý chí để chết”61. Điều đáng ngạc nhiên là, đoạn này nói tới tính hai mặt của libido và một ý chí để chết báo trước lí thuyết của Freud về ước vọng chết khoảng một thập kỉ sau và chủ yếu dựa vào sự hợp tác với Sabina Spielrein, người là học trò của ông lúc đó. Cần phải lưu ý rằng, Jung đã xóa đoạn này ra khỏi văn bản sau khi ông sửa chữa nó vào năm 1952, trong tác phẩm có tên gọi là Những kí hiệu của sự chuyển dạng62. Vào lúc đó, ông đã loại Spielrein khỏi lí thuyết của mình và không còn chấp nhận khái niệm về bản năng chết nữa. Chủ đề sự hi sinh mà Jung viết khá dài trong Tâm lí học vô thức là một điểm trung tâm trong những tư tưởng của ông về sự phát triển của ý thức và nhu cầu của nhân cách con người để phát triển trạng thái thành thục. Nếu con người vẫn tiếp tục ở trong sự gắn bó với ham muốn và hành vi loạn luân nói bằng kí hiệu tượng trưng thì sẽ không có chuyển động tâm thần nào nhằm thoát khỏi thời thơ ấu. Thiên đường sẽ là gia đình. Đồng thời, loài người sẽ thất bại trong việc phát triển bởi vì sự thích nghi với những môi trường khắc nghiệt và đòi hỏi cao không thể xảy ra. Ham muốn loạn luân cho một tuổi trẻ vĩnh cửu cần phải được hi sinh một cách tập thể ở thời nguyên thủy, và cần phải được hi sinh cá nhân ở từng con người hiện đại nhằm thúc đẩy vận động của ý thức hướng tới ý thức lớn hơn. Và đối với Jung, chuyển động hướng tới sự thành thục tâm lí này xuất hiện tự nhiên thông qua những cơ chế và động thái nội tại. Nó không bị gây ra bởi những nguy hiểm bên ngoài. Sự hi sinh to lớn sự loạn luân được tạo ra một cách tự nguyện chứ không (như lí thuyết của Freud) phải do đe dọa bị thiến. Lí thuyết của Freud về tội giết cha hay là sự chuộc tội là cơ sở của ý thức là xa lạ với cách suy nghĩ của Jung. Con người phát triển lương tâm, đạo lí và văn hóa một cách tự nhiên như là một phần của bản chất mình. Do đó, văn hóa là tự nhiên đối với loài người. Trong Tâm lí học vô thức, Jung cho rằng điểm quan trọng chủ yếu là việc chuyển dạng libido không xuất hiện qua xung đột giữa động cơ tình dục và thực tế bên ngoài mà thông qua sự can thiệp của một cơ chế nằm chính trong bản chất con người. Cơ chế này đưa đến việc hi sinh loạn luân vì mục đích phát triển. Có thể thấy điều này biểu hiện trong nhiều tôn giáo, đặc biệt là trong tôn giáo Mithraism và Thiên chúa giáo mà ở đây Jung đã so sánh một đoạn khá dài. Vào thời điểm này trong sự nghiệp của mình, Jung vẫn chưa khái niệm hóa cổ mẫu như là một sức mạnh cấu trúc nên tâm thần và năng lượng tâm thần. Điều này sẽ xuất hiện sau và cho phép ông đạt được mức độ đặc thù lớn hơn nhiều để vạch ra những sự chuyển dạng khác trong nền tảng bản năng. Khi ông đưa ra bản sửa đổi bao quát tác phẩm năm 1912- 1913 này vào năm 1952, được xuất bản với tiêu đề Những kí hiệu của sự chuyển dạng, ông đã đưa lí thuyết cổ mẫu vào nhiều chỗ để đạt được một cách chính xác loại hình các đặc điểm này. Tuy nhiên vào năm 1913, ông bị giới hạn về mặt lí thuyết và chỉ có thể nói mơ hồ về khái niệm là có một xu hướng tự nhiên hướng tới hi sinh sự thỏa mãn ham muốn bản năng, có tính bẩm sinh đối với hệ thống tâm thần của con người, mà nếu không có nó thì văn hóa và ý thức con người như chúng ta biết sẽ không thể đạt được. Sự hi sinh giải thích cho sự chuyển dạng năng lượng từ dạng biểu hiện và hoạt động sang một hình thức khác, nhưng vẫn có một điều không rõ ràng là cái gì đã thúc đẩy con người thực hiện những sự hi sinh phi thường như vậy63. Hơn thế nữa, vẫn còn có một câu hỏi là cái gì đã thúc đẩy năng lượng theo những hướng cụ thể tới những nghề nghiệp và các nỗ lực đặc thù. Một quan điểm căn bản là khả năng của các kí hiệu chuyển dạng và định hướng libido. Khi nhìn nhận quan điểm về bản năng và libido như vậy, Jung biết trước rằng những ngày ông là người kế vị và thái tử của Freud sắp hết. Freud là một người không chấp nhận những khác biệt quá lớn về quan điểm trong các môn đệ mình. Uy quyền đang bị đe dọa và Freud đòi hỏi một sự tuân phục. Jung gây trở ngại trong vấn đề libido và đây là cốt lõi tâm lí của sự chia tay cay đắng giữa hai người64. Và điều này đã thực sự xảy ra khi quan hệ đồng nghiệp giữa Freud và Jung kết thúc vài tháng sau khi Jung xuất bản phần II cuốn Tâm lí học vô thức. Ngày xuất bản là tháng 9 năm 1912, khi tài liệu này xuất hiện trong tập sáu của Niên giám nghiên cứu tâm bệnh học và phân tâm học mà Jung là tổng biên tập. Đối với Jung, toàn bộ những khác biệt với Freud về định nghĩa và khái niệm libido nằm ở việc tránh phương pháp quy giản cực đoan của Freud khi coi tất cả những biểu hiện của đời sống ý thức và hoạt động văn hóa được quy cho tình dục với các mức độ khác nhau. Đối với Freud, việc khẳng định tính trọng yếu của tình dục là nhằm duy trì cách nhìn nhận phân tâm học đối với việc con người hiện đại lần tránh các sự thật và chịu đựng việc giải quyết vấn đề tình dục một cách khó khăn. Ngoài ra, Jung có mục đích tạo ra một lí thuyết chung về năng lượng và một tâm lí học tổng quát, trong khi Freud tìm kiếm sâu hơn những sự bóp méo và lẩn tránh đời sống tâm lí đối với vấn đề tình dục và (sau đó) là sự phá hoại và dục vọng chết. Vào năm 1928, khi xuất bản tiểu luận “Về năng lượng tâm thần”, Jung đã suy nghĩ về chủ đề này trong hai mươi năm. Lập luận và những liên hệ chi tiết với nhiều tài liệu trong tiểu luận này vẫn phản ánh sự bất đồng của ông với Freud và phân tâm học, nhưng chúng cũng thể hiện ước muốn của ông trình bày vấn đề có thể là quan trọng nhất đối với quan điểm chung về libido trong vai trò là năng lượng tâm thần. Vật lí học như là một mô hình Vật lí học với những vấn đề quan trọng mà Jung không quen thuộc lắm lại rất phổ biến xung quanh ông ở Zurich vào đầu thế kỉ XX, cung cấp cho ông một mô hình để suy nghĩ về năng lượng tâm thần. Đối với Jung, nó là một ẩn dụ đưa ra những khả năng cho việc hình thành sự hiểu biết tương tự đối với năng lượng tâm thần. Vật lí học đã xây dựng nên một lí thuyết chi tiết về năng lượng, với các quy luật về nhân quả, entropy65 bảo tồn năng lượng, sự biến dạng v.v. Xem xét những quy luật vật lí này và bỏ qua những công thức và phương trình toán học, Jung bắt đầu khái niệm hóa tâm thần theo cách đã nhắc nhở người đọc điều gì đó của công trình trước đó của ông về tâm lí học thực nghiệm với các test liên tưởng từ. Jung chỉ ra rằng khi xem xét năng lượng con người có xu hướng định lượng66. Năng lượng là một sự trừu tượng hóa từ thế giới vật thể, ông viết. Chúng ta không thể nhìn, sờ hay nếm được nó. Nói về năng lượng là đề cập đến quan hệ giữa các vật thể hơn là chính các vật thể. Chẳng hạn, lực hấp dẫn mô tả cách mà một vật thể ảnh hưởng đến vật thể khác chứ không đề cập điều gì cụ thể về đặc tính của các vật thể đó. Tương tự, Jung cho rằng, lí thuyết về năng lượng tâm thần hay libido, sẽ giải thích cho việc các đối tượng trong thế giới tâm thần ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào. Jung cho rằng năng lượng có tính mục đích và có liên quan đến việc biến đổi của vận động hay xung lượng trong những đối tượng (tâm thần) khi chúng liên tục chuyển động theo một gradient (suất biến đổi) và kết thúc ở trạng thái cân bằng. Điều này giống với sự mô tả một chuỗi những sự kiện vật lí: khi một vật va vào một vật khác, thì vật thứ nhất bị chậm lại và xung lượng (momentum) của vật thứ hai tăng lên. Định luật bảo toàn năng lượng được áp dụng cho quá trình này, định luật khẳng định rằng năng lượng không được tạo ra hay mất đi, nên lượng năng lượng mất đi của vật thứ nhất phải bằng lượng năng lượng mà vật thứ hai nhận được. Điều này có thể đo lường một cách chính xác. Do đó, trong khi năng lượng là trừu tượng và không thể sờ mò được, những tác động của nó có thể quan sát được, giống như những người chơi bi-a đều biết. Jung áp dụng mô hình này cho tâm thần và tiểu luận này nói về việc đo lường năng lượng tâm thần và suy nghĩ về đời sống tâm thần dưới hình thức những chuyển đổi và vận động của năng lượng. “Sự thấu cảm đưa tới quan điểm cơ chế, sự trừu tượng đưa tới quan điểm năng lượng”67, Jung viết và tiếp tục đối lập quan điểm năng lượng và cơ học khi xem xét thực tế thể chất và tâm thần. Cả hai quan điểm này không tương thích lẫn nhau nhưng cả hai đều đúng. “Quan điểm cơ chế nguyên nhân xem xét chuỗi những sự kiện a-b-c-d như sau: a gây ra b, b gây ra c, c gây ra d và v.v.”68sự tập trung của nó là vào nguyên nhân. Quả bóng thứ nhất chạm vào quả bóng thứ hai và quả bóng thứ hai chạm vào quả bóng thứ ba. Va chạm đầu tiên gây ra một hiệu ứng, hiệu ứng này lại tạo ra một hiệu ứng khác và v.v. Do đó những hiệu ứng có thể truy nguyên tới nguyên nhân ban đầu. “Ở đây khái niệm kết quả thể hiện ra như là sự xác định phẩm chất, như là kết quả của nguyên nhân, hay nói theo cách khác là động lực”69. Áp dụng quan điểm này vào đời sống tâm lí thì một phức cảm có thể được coi như được gây ra bởi một sang chấn. Sức mạnh của sang chấn xâm nhập vào hệ thống tâm thần và gây ra một chuỗi những kết quả mà liên tục biểu hiện trong nhiều năm dưới dạng những triệu chứng. Từ quan điểm cơ học, sang chấn được xem như các gốc nguyên nhân của phức cảm. Và hiểu biết này dẫn tới sự thấu cảm đối với phức cảm bị chấn thương. “Quan điểm mục đích - năng lượng”, Jung viết “trái lại, xem kết quả như sau: a-b-c là những phương tiện cho sự chuyển dạng năng lượng mà xuất phát không có nguyên nhân từ a, một trạng thái không thể, bằng cách đo năng lượng đối với b-c và cứ như vậy đối với trạng thái có thể là d. Ở đây, tác động nguyên nhân hoàn toàn bị bỏ qua bởi vì chỉ có các cường độ của hiệu ứng là được xem xét tính đến. Trong phạm vi cường độ là như nhau, chúng ta có thể sử dụng công thức w-x-y-z khác thay cho a-b-c-d”70. Từ quan điểm năng lượng - mục đích có thể thấy năng lượng được chuyển từ trạng thái ít có thể xảy ra sang một trạng thái nhiều khả năng xảy ra hơn bằng việc di chuyển theo gradient của các cường độ cho đến khi kết thúc ở trạng thái cân bằng. Áp dụng quan điểm này cho đời sống tâm lí - và ở đây chúng ta hiểu được tại sao Jung lại gọi đây là quan điểm trừu tượng chứ không phải thấu cảm - thì bất cứ ở đâu con người kết thúc sự sống, nói về mặt tâm lí và tình cảm, ở đó cũng chính là nơi mà cường độ của các gradient đã dẫn dắt để đạt tới trạng thái cân bằng. Sự cân bằng là mục đích, và theo nghĩa này, nó là nguyên nhân, một nguyên nhân có tính kết thúc, vạch ra một chuỗi những sự kiện cho nó. Tất cả chỉ là như vậy. Quan hệ nhân quả dường như giống với số phận cá nhân71. Cho dù bất cứ lí do nào, dù được thúc đẩy từ đằng sau hay hướng về phía trước tới một mục tiêu trong tương lai, năng lượng luôn vận động. Theo quy luật vật lí về đo năng lượng (entropy), năng lượng lưu chuyển từ mức cao tới mức thấp, từ những trạng thái cường độ xác suất thấp tới trạng thái cường độ xác suất cao; và ngược lại, theo quy luật negentropy, nó chuyển động hướng tới những trạng thái phức tạp hơn. Quan điểm năng lượng xem trạng thái kết thúc là sự kiện quan trọng nhất, trong khi quan điểm cơ học - nguyên nhân tập trung vào xung động ban đầu đã đưa năng lượng vào hệ thống ở vị trí thấp nhất. Không có quan điểm nào cho rằng kết quả là ngẫu nhiên hay không thể đoán định được. Và cả hai đều đầy tiềm năng khoa học. Cần phải lưu ý rằng ở đây Jung không đề cập đến các vấn đề về mục đích tối thượng hay ý nghĩa. Thường bị cáo buộc là một nhà thần bí, ông đặc biệt nhạy cảm trước những nguy hiểm của việc phóng chiếu mục đích hay ý nghĩa vào các quá trình tự nhiên. Ông không coi quan điểm năng lượng-kết thúc là có tính mục đích luận theo ý nghĩa tôn giáo về các quá trình tự nhiên và lịch sử hướng tới và tìm kiếm một kết luận tinh thần có ý nghĩa. Chỉ đơn giản, ông nói về quan điểm xem xét sự chuyển đổi năng lượng từ trạng thái ít có khả năng tới các trạng thái nhiều khả năng. Những câu hỏi sẽ là: Có nhân tố thiết kế nào đứng đằng sau những mô hình này? Liệu Chúa có kiểm soát và định hướng năng lượng và dẫn dắt chúng theo những mục tiêu và kết luận định trước? Và mặc dù những câu hỏi này rất hấp dẫn xét về siêu hình học nhưng Jung không muốn trình bày những vấn đề như vậy ở đây. Ông chỉ đơn giản đề cập đến sự chuyển đổi của năng lượng từ một mức này sang mức khác. Trong khi lí thuyết tâm lí của ông mang tính mục đích về nhiều mặt quan trọng, Jung cũng cố gắng tạo ra một sự tổng hợp giữa những quan điểm nhân quả và mục đích. Ông nghĩ rằng sự bất đồng giữa Freud và Adler có thể gán cho sự khác biệt giữa một tâm lí học hướng về nguyên nhân và một tâm lí học hướng về mục đích. Trong khi tâm lí học của Freud (hướng ngoại) tìm kiếm những nguyên nhân thì tâm lí học mục đích của Adler (hướng nội) hướng vào những điểm kết thúc. Adler giả định rằng hoàn cảnh sống hiện tại của một con người, bất chấp nó là gì đi nữa, được cấu trúc để phù hợp với những nhu cầu và sở thích cá nhân về một số mặt. Quan điểm mục đích - năng lượng của Adler hoàn toàn xung đột với quan điểm cơ học - nguyên nhân của Freud. Jung đang tìm kiếm một nền tảng trung gian, một quan điểm có thể tính đến cả hai quan điểm trên72. Những mô hình cơ học - nguyên nhân và mô hình mục đích bắt đầu với một giả định khác nhau về những trạng thái năng lượng ban đầu. Mô hình cơ học - nguyên nhân khởi đầu với giả định về một sự tĩnh tại ban đầu. Vào lúc khởi đầu, không có gì xảy ra cả, và sẽ không có gì xảy ra cho đến khi có sự can thiệp từ bên ngoài hệ thống và gây ra cho nó một sự tăng năng lượng. Ai đó đá bóng, nó chạm vào người khác và một chuỗi các sự kiện bắt đầu hoạt động. Ngược lại, quan điểm năng lượng - mục đích lại cho rằng từ một trạng thái có năng lượng cao lúc khởi đầu, và từ đó xuất hiện những mô hình vận động khi năng lượng tìm kiếm những trạng thái có thể hơn, và cuối cùng đạt được sự cân bằng và tĩnh tại. Chẳng hạn những phức cảm - Jung viết - chứa đựng một lượng năng lượng đặc thù, và chúng có thể đưa tới sự chuyển động nếu hệ tâm thần ở vào trạng thái không cân bằng. Do đó các phức cảm không chỉ có tính phản ứng mà thỉnh thoảng chúng cũng còn có tính tích cực. Nếu các phức cảm không tích cực và chủ động mà chỉ mang tính phản ứng, chúng không thể coi là tự trị theo nghĩa thật sự của từ này. Dưới những điều kiện nào đó, chúng sẽ xâm nhập vào bản ngã - ý thức với những huyễn tưởng hay khát vọng hoặc ý nghĩ mà hoàn toàn không bị kích phát bởi môi trường. Những kích thích môi trường chỉ đơn giản thúc đẩy hoặc giải phóng năng lượng tồn tại trong phức cảm. Xét từ cái nhìn mục đích, phức cảm có thể được coi như đang tìm kiếm sự giải phóng năng lượng của nó và trở về mức năng lượng thấp hơn. Nó thực hiện điều này bằng cách đưa vào chủ thể có ý thức một ý nghĩ, một cảm xúc hay tình cảm hay huyễn tưởng, và điều này có thể dẫn một người đến việc ứng xử theo một cách xác định. Khi việc giải phóng năng lượng hoàn tất, nó sẽ trở lại trạng thái tiềm ẩn nhiều hơn trong vô thức và chờ đợi việc tạo dựng nhiều năng lượng hơn trong hệ thống nội tâm hoặc việc hội tụ bởi một kích thích bên ngoài. Nguồn năng lượng Trong tiểu luận “Về năng lượng tâm thần”, Jung không diễn giải chi tiết về những nguồn đặc hiệu của năng lượng của một phức cảm. Chỉ đơn giản ông tuyên bố rằng năng lượng tâm thần được phân bố trong nhiều thành phần khác nhau của tâm thần, và ông quan tâm tới việc tìm hiểu, từ góc nhìn năng lượng, làm thế nào mà chúng ta có thể theo dõi sự phân bố năng lượng từ một trạng thái này sang một trạng thái khác. Câu hỏi của ông là: Năng lượng di chuyển thế nào trong tâm thần? Tại sao một số phức cảm tích lũy năng lượng nhiều hơn các phức cảm khác và thỉnh thoảng lại tích lũy nhiều năng lượng ở một thời điểm này hơn so với một thời điểm khác? Tại sao năng lượng bản năng, có nguồn gốc trong nền tảng sinh học của cơ thể, có thể biến dạng thành những hoạt động khác? Một phức cảm tập hợp thêm năng lượng tâm thần cho nó theo hai cách: từ những sang chấn mới gắn với nó và làm giàu phức cảm với nhiều nội dung mới, và từ sức mạnh hấp dẫn của hạt nhân cổ mẫu của phức cảm. Hạt nhân này thu hút năng lượng vào nó từ hai nguồn. Về một mặt nó được cung cấp năng lượng từ bản năng mà cổ mẫu gắn bó. Các bản năng và cổ mẫu là hai mặt của một thực tại trong tâm thần, mà tôi sẽ thảo luận chi tiết trong chương tiếp theo. Do đó, hình ảnh cổ mẫu hoạt động như một tác nhân thu hút năng lượng khi năng lượng này trở nên sẵn có cho tâm thần từ nền tảng sinh học (thông qua một quá trình gọi là tâm thần hóa - psychization). Về mặt khác, các cổ mẫu cũng thu hút năng lượng từ những nguồn khác. Nó hòa nhập vào nền văn hóa, hòa nhập những trao đổi với những người khác, thậm chí cả với chính bản thân tinh thần, như Jung sẽ đề cập trong tiểu luận sau này: “Về bản chất của tâm thần”. Tâm thần không phải là một hệ đóng. Nó mở ra thế giới thông qua cơ thể và tinh thần. Sự xuất hiện của phức cảm trong ý thức cho thấy rằng nó tạm thời tích lũy năng lượng nhiều hơn bản ngã. Năng lượng tuôn chảy từ phức cảm vào bản ngã và làm nhấn chìm hay chi phối bản ngã. Bản ngã có tìm cách kiểm soát luồng năng lượng này hay không là một vấn đề thực hành quan trọng. Liệu bản ngã có thể hội tụ và sử dụng những gì mà thỉnh thoảng lại giống như một khối lượng khổng lồ năng lượng không được kiểm soát như thế nào? Vấn đề nằm ở chỗ bản ngã, nếu nó đủ mạnh và quyết đoán, thì có thể lựa chọn định hướng luồng năng lượng này vào việc tạo ra những cấu trúc, ranh giới và kế hoạch chẳng hạn. Hoặc ngược lại con người có thể sẽ bị ngập tràn cảm xúc và rối loạn chức năng. Do đó, đối với Jung, tâm thần không phải là một hệ năng lượng khép kín. Những hệ năng lượng kín vận động theo hướng đo được năng lượng (entropy) và những hệ hoàn toàn đóng sẽ ổn định ở trong trạng thái kết thúc hoàn toàn tĩnh tại. Jung tin rằng hệ tâm thần chỉ tương đối khép kín. Một tâm thần lành mạnh thường thỉnh thoảng hơi đóng và biểu hiện một xu hướng hướng tới entropy, nhưng nó cũng có tính mở khi được cung cấp và bị ảnh hưởng bởi thế giới xung quanh. Những hệ tâm thần hoàn toàn đóng sẽ mang tính bệnh lí. Chúng sẽ bị cô lập khỏi những ảnh hưởng bên ngoài đến mức mà liệu pháp tâm lí cũng thất bại. Chẳng hạn như tâm thần phân