🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bài Sử Khác Cho Việt Nam - Tạ Chí Đại Trường full prc pdf epub azw3 [Lịch sử] Ebooks Nhóm Zalo BÀI SỬ KHÁC CHO VIỆT NAM PHẦN BÊN LỀ “Lịch sử chỉ là những tiếp diễn của sự kiện mà không có cùng đích. Một quan điểm lịch sử hiện đại hoá như đang được bênh vực [tán dương những công trình thống nhất trong lịch sử Việt, mang tính chất finaliste trong triết thuyết, là của tôn giáo chứ không phải của khoa học. Muốn mượn ý của A. Comte thì phải nói là chúng ta vẫn đang đứng trong thời kì tiền sử của sử học chứ chưa bước vào thời kì có sử…” Đó là một câu viết trong Sử Việt, đọc vài quyển (Nxb. Văn Mới, CA 2004, trang 294) tuy có vẻ dùng để chống báng một loại “sử học thời sự” như vừa có đủ bằng cớ chứng minh trong hơn 50 năm qua, nhưng quả thật chỉ là ý nghĩ bình thường của những người muốn làm việc sử học nghiêm túc. Nó vốn xuất phát từ những bài học căn bản cho “nghề nghiệp” của nhà trường đem dàn trải ra. Cho nên, đem áp dụng những bài học sơ đẳng từ trong thời nào xa tít, cộng với một chút lăn lộn tạo thêm tự tín bây giờ, chỉ mong rằng các dòng chữ sau đây là của một tập sử Việt thời có-sử, tuy chưa hẳn là hình ảnh trung thực của quá khứ nhưng chắc chắn đã không còn là huyền thoại bao trùm nữa. Từ lâu, người ta đã quen với việc đọc mười quyển sử đã ra đời rồi đọc quyển thứ mười một của người “sưu tập” sử phẩm viết tiếp theo, người này đến sau nhưng có khi cũng không hơn gì mười ông trước. Đó là vì sự hình thành một nền sử học khoa học Việt Nam đã không được tiến triển thuận lợi ngay từ căn bản của quá khứ, lại còn phải chịu đựng trầm trọng thêm vì một hệ thống chính trị, theo kinh nghiệm tranh quyền, đã thấy rằng sự sử dụng lịch sử theo hướng quá khứ thật có ích lợi trong việc củng cố quyền lực cho mình. Việt Nam từng vay mượn, chia xẻ một nền sử học chung thành hình ở Á Đông cho nên cũng phải vướng vào những khuyết điểm mà nếu bị xoáy sâu vào đó thì sẽ thấy ngay những dấu hiệu tiêu cực bộc lộ thật tệ hại. Trong hướng độc tôn hoá quyền bính thì việc viết sử là của nhà nước đã khiến cho sử quan lệ thuộc thật nhiều vào hệ thống tạo dựng, trả lương, điều khiển họ, lệ thuộc có khi ăn sâu cả vào trong tiềm thức, dù rằng đôi khi cũng có một vài chứng dẫn ngông nghênh của cá nhân, lôi từ trong hệ thống ra một số nguyên tắc lí tưởng dùng để “rửa mặt” cho tình trạng quỵ luỵ thảm hại kia. Việt Nam vừa thoát khỏi “đêm mù Trung cổ phương Đông” không lâu thì cuộc chiến giành độc lập lại lôi đất nước trở về khung trời chuyên chế ngàn năm cũ, trong đó chuyện kể về những anh hùng dân tộc, những chiến thắng vẻ vang có thật hay được tô vẽ theo tình hình mới, đã không cần thành sách vở nhưng vẫn tạo nên một khung lịch sử vững chắc trong đầu óc quần chúng để người cầm quyền mới tiếp tục khai thác, vò nặn lịch sử trong lòng tay mình. Lịch sử trở thành biên kịch, tiểu thuyết, thành huyền thoại ngay trong đời sống hiện tại, tin hay không mặc kệ! Thành phần trí thức Việt lại cũng không có quá khứ độc lập, cứng cỏi đủ để làm ảnh hưởng đến chiều hướng đã định của người cầm quyền. Từ “kẻ biên chép ở nhà trong” / nội-thư-gia của Lí đến “người trong nhà chủ” / gia-thần, “thằng bé biên chép” / thư-nhi của Trần, “bầy tôi của vua” / quốc-thần của Lê Nguyễn, “người trong biên chế, con em công nông” một thời gian dài của thời mới, họ không đủ sức để thoát khỏi những những khuôn khổ xếp đặt bởi những chủ nhân thật sự trong hiện tại và quá khứ của họ, dù rằng có khi loáng thoáng ta thấy một vài điểm xuyết thu nhận từ kiến thức mới còn sót lại của thời thuộc địa hay len lách được qua những ngăn cấm không cản trở được của kĩ thuật mới. Chính vì sự trì trệ quá sâu như thế mà ta thấy các sử gia, học giả trong nước không những bằng hành động mà cũng đã tuyên bố hoặc ghi rõ là họ làm việc nghiên cứu để phục vụ chế độ qua các văn kiện Đảng, các chỉ thị của cấp uỷ lớn nhỏ. Hãy nghĩ đến hệ thống thư lại văn sĩ, học giả cặm cụi viết các Văn kiện Đảng, Nhà nước (nghị quyết, diễn văn cho Bộ Chính trị, cho các ông chủ tịch…), đến những người đào tạo cấp bằng Đại học cho các “cán bộ khung” của hệ thống Đảng bộ, hành chính, những người từ trung ương về các địa phương chủ trì, đứng tên cho các công trình nghiên cứu của các tỉnh uỷ… Cho nên có những chỉ thị, quyết định trừng phạt những ai “nói xấu” anh hùng dân tộc, danh nhân nước nhà, bắt buộc các người đã chết này phải sống như thần, như thánh cho vừa lòng người cầm quyền vốn thật tình là bênh vực người của địa phương mình, phe phái (giai đoạn của) mình. Tính chất “dân chủ tập trung” trong chuyên môn đã làm lép vế những chuyên viên, hạ thấp trình độ của họ khiến nổi lên phong trào “quần chúng viết lịch sử,” như đã từng được ca tụng là “làm nên lịch sử.” Quần chúng đó lại không phải là dân tay cày tay cuốc mà là những tay ngang, ngoại đạo ngang ngạnh lớn tiếng “làm việc sử học.” Có vẻ dễ thương hơn nhưng cũng lạc loài không kém là trường hợp mới đây của một nhà thơ tháo vát, cổ động “cách nhìn mới” (cũ xì!) cho một triều đại đã chịu thật nhiều tai tiếng trong một thời gian dài mà sự nhận định xuôi/ngược không hề làm suy suyển uy tín những người cầm trịch điều khiển. Lôi người đi xa về xứ gốc là đi theo một phong trào địa phương chủ nghĩa trong sử học đang lan tràn, nổi bật trái khoáy là của “địa phương” Hà Nội với các công trình tân tạo, vẽ vời Thăng Long, thành lập Bảo tàng Hà Nội tranh giành cổ vật quốc gia… Vì không phải là chuyên viên nên ông ta không biết rằng những người kia, khi định dựng một NƯỚC riêng đã xác nhận quê hương mới cho mình: “Nhà ta phát xuất từ Ô Châu (Thuận Quảng).” Thế rồi khi có được Nước Lớn Hơn, họ đã đặt tên riêng (Việt Nam) cho dòng họ mình và xây Thành đô (UNESCO) nơi phát xuất được điều chỉnh đó (Phú Xuân / Huế) để sống theo một phong cách khác hẳn, không nghĩ gì nhiều về quê xưa, trừ cái mả hoang phế của ông tổ giữa rừng nhờ còn lưu mấy cục đá làm chứng tích cho đám dân thang mộc ấp ở đấy kiêu ngạo với người chung quanh, và để bây giờ có cuộc hội thảo quốc gia khỏa lấp những lời mắng mỏ tàn tệ xưa. Tuy nhiên những người theo/thuận chiều thời thế kia phải loay hoay trong tinh thần “dân tộc,” “yêu nước” đáng khen mà khô cạn sáng tạo đó không nói làm gì nhưng cả những đồng nghiệp bên ngoài, hoặc mang tinh thần chống đối về chính trị hay được thừa hưởng một nền giáo dục khác lại cũng không thể làm khác hơn, chỉ vì di chứng vẫn chưa dứt bỏ được và vì chịu sự cuốn hút trong vô thức từ vị thế nhỏ bé của mình đối với khối quốc gia gốc lớn rộng. Những bàn tán xôn xao về kiến thức sử học trong các trường trung, đại học xuất hiện trên báo chí Việt Nam tháng 3-2008 chỉ là sự đột khởi mới để lấp khoảng trống truyền thông của một tình trạng chính trị hoá lịch sử tệ hại đã được kéo dài rất lâu mà không phải người ta không thấy. Kiến thức về lịch sử Việt Nam rõ ràng là đã được điều kiện hoá chặt chịa, đã được “định hướng” trong thế quần chúng áp đảo, cả về tương lai lâu dài. Sự thụt lùi của một nền sử học khoa học ở Việt Nam từ trong quần chúng lên đến tầng lớp trí thức đã tỏ rõ trong hiện tượng công khai hay lẩn lút theo thuyết Việt nho của Lương Kim Định và thuyết “Việt Phật” của Lê Mạnh Thát, cho thấy cả một sự hoang tưởng để mong bù lấp sự trống vắng của kiến thức cá nhân và lấp liếm cho sự tự ti kéo dài của tập thể – với khác biệt nhỏ của hiệu quả là thuyết sau ra đời muộn màng nên không có tình hình thuận tiện để được đón chờ lan rộng, vồ vập đến hung hăng có lúc điên cuồng như thuyết trước. Nhưng viết một điều gì thì không phải chỉ cho người cầm bút mà còn phải quan tâm đến người đọc nữa. Một khuôn khổ đã được lập trình suốt cả ngàn năm, bây giờ sắp xếp lại tất không tránh được sự vụng về của người ra tay, đồng thời là sự bỡ ngỡ của người tiếp nhận. Chưa nói đến cái “mới”, cái “khác” cũng đã gây sốc cho người bảo thủ, có quyền bính hay không. Vì thế đã thấy phản ứng về những bài viết trước, là: nói ngược, lập dị, với thời thế là “nói xấu chế độ / dân tộc,” “phản động,” cả đến “cò mồi cho Việt Cộng” nữa… Tuy nhiên ngoi lên được từ những la ó – có khi gầm gừ ấy lại có những kết quả công nhận cụ thể, tuy theo tinh thần chính trị đương đại, không được phép ồn ào nhưng vẫn là có mặt, theo với sự thẩm thấu qua không gian nhờ kĩ thuật mới. Một số ý tưởng khó nuốt thì được hoà nhập thân xác mới theo những cấp độ trình bày mạnh dạn hay rụt rè ngượng ngập… dù sao cũng chưa từng thấy xuất hiện trước đây. Hãy kể chuyện nho nhỏ như chuyện làng ca trù Lỗ Khê tẩy chay, không dạy bài “Hồng Hồng Tuyết Tuyết” của ông nghè Dương Khuê cho cô nghiên cứu sinh Pháp (báo Thanh Niên 27-4-2007) dù rằng bài hát nổi tiếng này đã được Lỗ Khê trình diễn và được thưởng Huy chương Bạc 2005, được danh ca Hà Thị Cầu thu vào đĩa lưu trữ, và xa hơn, đã được đập tom chát trong xóm Cầu Kiệu ở Sài Gòn trước 1945 – tất cả hình như chỉ vì một nhận định rất bình thường của chúng tôi trong quyển Sử Việt, Đọc Vài Quyển (2004)… Trước khi chúng tôi mở bài khảo sát về lịch sử cái đình làng thì mọi người chỉ khảo tả “cái sườn,” xác thân của ngôi nhà chung cho rằng có từ thời Hùng Vương cổ sơ đó, và tán tụng ông thần mang ích quốc lợi dân trong các sắc vua ban mà thôi. Thế rồi trong tinh thần “chống phong kiến,” người ta bỏ cách nhìn lịch sử từ trên triều đại để chuyển qua nhìn ngắm quyền lực quần chúng, và từ đó sử dụng cái đình làng như chứng tích về tinh thần kết tập căn bản đã làm nên dân tộc Việt, đất nước Việt Nam. Những người quen nghe từ bài học nhà trường theo kiểu chuyện kể: “chém đầu vua Chàm, ruổi ngựa về kinh báo tiệp,” hay đọc trong Toàn thư về “lòng khoan dung đại độ đối với kẻ chiến bại” của Lê Thánh Tông, bây giờ đọc một số sách giáo khoa trong nước, hẳn không còn bỡ ngỡ với ý kiến của chúng tôi từ những năm 60 của thế kỉ XX, muốn đem Chiêm Thành, Phù Nam vào lịch sử Việt Nam – công việc không phải vì lòng hào hiệp, bao dung nào cả mà vì ý tưởng viết lịch sử cho tất cả những tập đoàn người sống trên vùng đất nay là Việt Nam. Hi vọng rằng với thời đại mới, với thế giới rộng mở, người ta thấy các tên, ví dụ Bradresvaravarman tuy có kì quái nhưng vẫn không có gì “mọi rợ” hơn Bạt-đa-la-thư-la-bạt-la, hay là Bờ-ra-đơ-rét va-ra-vác-man! Chưa kể đã có những chứng minh đầy tính thuyết phục – trừ những người không muốn nghe, về hậu duệ của tù binh Chàm làm vua nước Việt thực sự, làm tướng quấy đảo, chống đỡ cho các triều đại, về các tín ngưỡng đến từ vùng đất phía nam ngự trị trong cung vua, ngoài dân chúng, không phải chỉ hiện diện ở thời xa xưa mà đã thành một phần nền tảng dân tộc, tinh thần của người “Việt” ngày nay. Lại cũng phải nói, thật ra điều phối hợp lịch sử gồm các thành phần khác nhau trên một đất nước vẫn không có gì mới như đã thấy từ lâu trong sách của người ngoại quốc, hay của người Việt dùng tiếng nước ngoài, viết về Việt Nam. Nhưng cái “khác” ở đây là ở ý thức chấp nhận các sự kiện: Một đằng coi như chỉ ghi chép theo dòng khách quan phải có, ở đây, với việc đó lại là coi như uốn nắn theo một tiến trình chủ quan hoá, đem lại công bình lịch sử, mở lối cho một nền sử học quốc gia / dân tộc thành hình mà không phải lâm vào sự hẹp hòi thô lậu. Tuy nhiên vẫn phải công nhận là còn có sự thiên lệch trong cách trình bày, đó là vì tài liệu thấy được, quá khứ đã không lưu giữ đều ở các tập đoàn người khác nhau. Thiên lệch chứ không phải là thiên vị. Cũng như nếu có đề cập đến những vấn đề gần đây thì không phải chỉ là cay cú, phản động… Làm “khác” đi thì những điều khó khăn phải nói thật không cùng, nhưng làm khác đi không có nghĩa là vượt qua được những điều người trước đã gặp. Cho nên dù sao cũng phải có những thỏa hợp ở một mức độ nào đó để cho “bài sử khác” vẫn là bài sử Việt Nam. Khó khăn ngay ở những điều tầm thường nhất vẫn còn đó. Đến bây giờ dùng “quốc ngữ” để ghi lịch sử mà vẫn không làm sao gọi đúng tên các nhân vật – một thành phần thiết yếu để dệt nên quá khứ. Tất nhiên phần lớn danh từ riêng có gốc là danh từ chung nhưng khi chúng trở thành riêng thì không thể mang hình dạng “gần gần”, “sao cũng được” mà phải được định hình không thể nào thay đổi, một chừng mực nào đó giống như cái tên nằm trên tờ giấy khai sinh đi theo suốt cuộc đời, không phải chỉ chính là bản thân người mang tên đó mà còn là sự công nhận của xã hội đè lên nó nữa. Thế mà chưa kể những khó khăn từ gốc văn bản xưa mang hình thức văn tự khác, với những chồng chất vấn đề của nó, lời nói ngày nay vẫn mang dấu ấn lịch sử để một số khác biệt đã thành hình, thêm với tác động của những ngẫu nhiên bất chợt khiến không thể nào sửa chữa, đính chính được. Khoan nói đến sự chọn lựa có ý thức, một thói quen từ sự sai lạc nhưng tồn tại lâu dài cũng trở thành một dấu vết lịch sử. Ví dụ gần nhất là một lớp người rời nước được gọi là H-Ô, cái tên vốn từ một mã số hành chính H. 01, H. 02… thay vì đọc H zero 1, H zero 2… lại được phát âm là Hát Ô 1, Hát Ô 2… (lạc loài bất ngờ như theo kiểu đọc tên các nước Một Răng / Iran, Một Rắc / Irak), để rồi sự tiện lợi cứ tiếp tục lấn lướt lẽ đúng sai. Hai tên Ngô Thì Nhậm / Ngô Thời Nhiệm nằm trên hai đường phố Bắc Nam được hiểu rõ ràng không thắc mắc, nhưng tại sao một tướng của Tây Sơn lại có tên Vũ Văn Nhậm chứ không phải là Võ Văn Nhiệm(/Nhậm)? Lí do có lẽ vì đây là viên tướng Tây Sơn mang đầy đủ tên họ tuy thuộc loại có tranh chấp về phát âm (vũ/võ, nhậm/nhiệm) lại đi đánh miền Bắc, được các nho thần ở đấy ghi chép (Hoàng Lê nhất thống chí) rồi qua tay các sử gia cùng vùng đất địch, viết ra quốc ngữ theo phát âm tại chỗ, nên thành “chết tên,” không đổi được. Cũng như Võ Tánh, vì chưa vượt sông Gianh, không thể nào là Vũ Tính được. Ông Hoàng Diệu, nếu không chống đỡ cho Hà Nội mà làm Tổng đốc Bình Phú chẳng hạn thì chỉ là Huỳnh Diệu như Huỳnh Thúc Kháng thôi. Nhưng tại sao một cơ sở huấn luyện của triều đình Thăng Long lại được gọi là Giảng Võ chứ không phải là Giảng Vũ? Sự sai sót căn bản bắt nguồn bởi lí do từ xưa chúng ta không có một thứ văn tự biểu âm để, ví dụ có xác quyết rành rẽ là Lí Bí hay Lí Bôn. Rồi tiếp theo, là do rất nhiều nguyên cớ tụ hội vừa có tính cách địa phương (phương ngữ phía Nam ảnh hưởng bởi Hoa ngữ của dân lưu vong, biệt xứ như Hoàng Thị Châu và Cao Tự Thanh nêu rõ) vừa có tính cách lịch sử theo đà phát triển của quyền lực, dẫn đến những đổi thay của kẻ vội vã theo thời mà trong đó vẫn vướng víu những trì níu xưa cũ tạo thành những rối rắm thấy trên những trang sách. Thời thống nhất mang theo quyền lực của Nguyễn đã đưa các âm phía nam đi ra không gây chút thắc mắc nào, như chữ “thời gian” (loại kị huý) chứ không phải là “thì gian” chẳng hạn. Cũng như theo đà thống nhất vừa qua, dần dà có những đổi thay về tên cũ được đọc, viết theo cách phát âm mới của Miền Bắc, thành công cũng có (như Ghềnh Ráng chứ không phải là Gành Ráng – ở Quy Nhơn, như Tân Sơn Nhất chỉ còn là Tân Sơn Nhứt trong giao tiếp tại chỗ), hay thất bại trở về tên địa phương sau nhiều tranh cãi gay go (như cây cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương, muốn đề bảng tên Tràng Tiền cho giống một phố ở Hà Nội.) Quá khứ không được dứt bỏ và hiện tại rụt rè trong việc lơ đãng sử dụng đồng thời văn pháp Hoa/Việt khiến có những biện minh sai lầm mà cứ tưởng là chân lí, nhất là khi viện dẫn đến tinh thần dân tộc, yêu nước để khó có ai cãi lại. Thật là xưa, nhưng không ai thắc mắc nhiều về tên gọi Quan Bích chỉ là theo văn pháp Việt. Lại cũng hình như không ai thắc mắc về hai tên Bắc Hà, Nam Hà ngay trong nguyên bản chữ Hán. Bởi vậy cho nên mới có tranh cãi về danh hiệu Việt Nam có phải là riêng biệt của Nguyễn hay không. Tuy nhiên ngoài tính cách chính thức về tên quốc gia của riêng triều Nguyễn, chữ Việt Nam dù có thấy trong bia đá, trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi (giả định rằng chữ còn giữ đúng với bản gốc thế kỉ XV) thì đó cũng chỉ là lối viết hoặc sơ hở không quan tâm đến văn pháp Hán, hoặc bởi nhìn chữ “việt” theo lối khác, chữ “việt” chỉ đất Quảng Đông, Quảng Tây mà thôi! Đổi khác một lề lối suy nghĩ, tìm ra một tổng hợp thay cho cả một quan niệm sử học đã thành nếp, có quá khứ nhiều trăm năm, cộng thêm những áp lực quyền bính mới, đâu phải là chuyện dễ dàng. Thì hãy làm những thu xếp nhỏ, hãy cứ để sử dụng những từ ngữ, danh xưng đã thành quen, trừ phi cần đến một sự chính xác mang tính bao quát cho ngành sử học. Cho nên theo đà l’usage fait la loi, vẫn phải gọi tên Ngọa Triều cho ông vua đầy tai tiếng này. Ví dụ cứ dùng tên các ông chúa Nguyễn lâu nay, thay vì theo danh sách mới đưa ra gần đây. Hãy cứ gọi Nguyễn Ánh, Gia Long hơn là Nguyễn Chủng! Cũng như gọi Trần Cảnh chứ không phải Trần Bồ, Trịnh Cương, Trịnh Giang hơn là Trịnh Chù, Trịnh Khương… Nhưng tránh chữ Kinh (trừ khi mượn của sử quan) chỉ người Việt lâu nay vì không những mang tính hẹp hòi khu vực mà còn làm sai lệch lịch sử trong ý nghĩa tiền định về một tộc người “thuần chủng” trên đất nước Việt Nam ngày nay. Chỉ giữ chữ Việt cho tập đoàn đa số nói tiếng Việt trên toàn lãnh thổ, còn (dân) Việt Nam để chỉ các công dân của nước Việt Nam bao gồm dân Việt và các tộc người thiểu số khác. Vì dính dáng tới quá khứ lâu đời nên vẫn dùng chữ Chàm, Chiêm, Chiêm Thành cho tộc người từng lập quốc trên bờ biển Miền Trung ngày nay – chữ Chăm là để nói về tộc người này trong hiện tại mà thôi. Đáng lẽ có hình ảnh cho “sáng” sách, có đồ biểu, thống kê, bản đồ… cho “nghiêm túc” nhưng không làm được. Đành vậy (để bào chữa). Ai có nghĩa khí giang hồ thì xin giúp một tay. Cả Thư mục tham khảo để giúp ý kiến cũng được sao hay vậy (vừa có đó trong tay đã lộn mất đâu rồi), chỉ giữ tên sách cho thấy có món nợ gộp chung, phần lớn không nêu rõ ý tưởng riêng biệt nào là của ai, đành cứ coi như lấy của người mà cố ý chạy tội vậy thôi. Với lại người viết từ lâu vốn không gặp thuận tiện trong “nghề nghiệp” của mình thì có gì phải phàn nàn về những khuyết điểm lăng quăng? Ghi chú: * Tạm giữ làm dấu tích: 30 Tết Con Gà (Ất Dậu) / 9-2-2005, sáng thứ Bảy 6 tháng Tám 2005. Thay thế tựa đề cũ “Bài sử Việt cho người ngoài phố” (Một khoảnh Việt Nam Cộng hòa nối dài) vì nhận thấy chữ “Việt” hẹp hơn “Việt Nam,” thêm nữa, thời thế thay đổi chóng mặt, xe cộ vùn vụt không còn kịp cho những bước chân vật vờ trên đường phố, nay cũng đã mất dạng xưa rồi. “Phần bên lề” này sẽ được gỡ bỏ hay sửa đổi khi hết giai đoạn “Sơ thảo.” CHƯƠNG I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CĂN BẢN ĐỂ VIỆC TÌM HIỂU LỊCH SỬ VIỆT NAM MANG TÍNH HIỆN ĐẠI Đất cho người Giở một quyển sách địa lí của lớp trung học, một quyển sách giới thiệu về Việt Nam, đi tìm thêm những số liệu mới nhất cho các biến số trong đó thì ta có thể có những dữ kiện ví dụ như sau: 102 08’ – 109 28’ Đông 8 02’ – 23 23’ Bắc 329 241 km2 79 827 400 người (2002) Bờ biển 3.200 km, biên giới đất liền 4.510 km, rộng nhất 699 km Bắc Bộ, 50km Quảng Bình. 54 dân tộc. (Non nước Việt Nam, sách Hướng dẫn du lịch của Tổng cục Du lịch Việt Nam 2004, in lần thứ 6.) hay theo Nguyễn Đình Đầu lấy số liệu 2003 của Quốc hội: Diện tích Việt Nam là 329.314, 56km2, dân số 80.930.200 người. [Cứ tự nhiên thay đổi để được cập nhật hóa. Theo lối này thì biết đâu có thể hình thành một quyển sử của tập thể?] Đó là bằng chứng của hiện tại, không có gì như một thứ định mệnh để hãnh diện hay than vãn. Tuy nhiên vốn chỉ là một dấu vết định vị để tìm hiểu quá khứ, nó lại chứa đựng những yếu tố hướng dẫn tận trong tiềm thức những nhà nghiên cứu về thời đã qua của đất nước. Ví dụ biên giới phía bắc giáp với Trung Quốc đã khiến các học giả hai nước giành giật quyền làm chủ các trống đồng tiên khởi, giống như là các đường ranh ấy đã được vẽ ra để phụ thuộc vào các lập luận ngày nay vậy. Biên giới quy định vùng thống thuộc là kết quả vận hành lịch sử lúc nổi rõ, lúc chìm lắng của các tập đoàn tiếp giáp nhau. Cho nên cái u lồi qua phía tây của các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hoá, Nghệ An ngày nay có được chính là nhờ những dòng vua ngự trị nước Việt từ thế kỉ XV đã phát khởi ở quanh vùng ấy. Không biết thì hãy đọc Lam Sơn thực lục để nghe chính lời người chủ thời đại nói về Ai Lao: “… lấy đất đai của nó làm nơi chứa quân của ta…” Vì lẽ đó khi nhìn thấy biên giới miền đông bắc có cánh cung lõm về phía nam thì ta hiểu được áp lực của Trung Hoa đè về phía ấy trong ý thức muốn chiếm lại thuộc địa xưa qua con đường xâm nhập quen thuộc từ thời cổ. Đó là biên giới xê xích của hai châu Giao, Quảng thời thuộc trị qua kèn cựa tranh chấp mà ưu thế lấn lướt là thuộc về phía Bắc. Chính sự giao tiếp liên tục giữa hai nước về hướng này khiến biên giới ở đây được rõ ràng hơn phía tây bắc, mù mờ hơn, gây nhiều tranh cãi hơn. Biên giới phía tây dọc Bình Trị Thiên hẹp lại khiến con đường Hồ Chí Minh trong cuộc chiến vừa qua phải băng qua đất Lào, biên giới ấy là dấu vết phân biệt sinh hoạt vùng đồng bằng quen thuộc của dân Việt tách ra với dân miền sơn cước, như khi Lê Quý Đôn phân biệt Man thượng, Man hạ, hay khi Nguyễn Thân lập lũy Trấn Man vào nửa sau thế kỉ XIX trên vùng tây Quảng Ngãi. Phần phình ra phía Tây Nguyên là công trình lấn lướt đất Lào của người Pháp khi phân định ranh giới cho 5 “nước” Đông Dương của mình, cốt ý giành lấy một hậu phương sản xuất cho các cửa biển phía đông. Biên giới phía nam, tây nam là công trình của các vua chúa Nguyễn nhưng lại cũng có bàn tay người Pháp vẽ nên vào lúc cuối. Cũng chính bàn tay người Pháp với lực lượng hải quân lớn đã đẩy xa biên giới phía đông đến quần đảo Trường Sa nơi các tên Itu Aba, Spratley… Triều đình Việt xuất thân từ “miền Dưới” như Trần, vẫn chỉ chú ý nhiều đến các đảo ven bờ như Vân Đồn, cho đến khi chúa Nguyễn kế tục phần đất Chiêm Thành mới mon men ra ngoài Hoàng Sa để đất được ghi vào bản đồ của người Âu, thế mà cũng phải đợi đến triều Nguyễn mới có dấu hiệu chiếm lĩnh. Ý thức đại dương / biển lớn đến muộn trong đầu óc người Việt, các người cầm quyền Việt nên mới có chuyện năm 1958 Chính phủ VNDCCH công nhân đường biên giới lãnh hải của CHND TQ. Trước 1975, mua một tấm bản đồ Trung Quốc ở Chợ Lớn của Đài Loan in cho học trò trung học của họ dùng thì thấy ngay cái túi Tây Sa, Nam Sa thòng xuống sâu dưới biển Đông trong lúc VNCH có quân trấn đóng trên ấy, cũng từng xác nhận chủ quyền mà sách vở học đường thì hờ hững như là chuyện riêng của “ở trên” mà thôi. Và do đó khi người Pháp yếu thế, Trung Hoa Quốc Dân Đảng mới chiếm đảo Phú Lâm (phần đông bắc Hoàng Sa – sau về tay Hồng Quân) và Itu-Aba, đổi tên là đảo Ba Bình. Khi Đệ nhị Cộng hoà yếu thế thì các nước chung quanh giành thêm phần của mình như Thitu / Thị Tứ thành Pagasa của Philippin… Các chính phủ Quốc Gia Bảo Đại và Việt Nam Cộng hòa mang tính chất kế thừa quyền lực Pháp nên mới ra sức bảo vệ chủ quyền qua các hội nghị quốc tế, bắt đầu từ Hội nghị San Francisco 1951, và mang quân ra đóng ở các đảo. Còn đảng CSVN vốn theo một chủ thuyết quốc tế nhưng người lãnh đạo lại mang đầy tâm tình, kiến thức sách vở truyền thống, lớp người xưa hơn chỉ biết đến ông vua Hùng ở vùng Ngã Ba, thấy nơi dừng chân ở cái ải trên đường cống sứ cũng nhận là của mình; lớp người kế cận sôi động với tiếng gọi Nam tiến, chăm chắm nhìn vào đồng bằng Cửu Long màu mỡ, rồi theo tình hình chiến trận nhận ra vị trí chiến lược của Tây Nguyên gợi ý một tương lai quyền lực “Liên bang Đông Dương” làm thoả mãn cả hai lí tưởng quốc gia lẫn quốc tế. Thế là từ câu thuộc lòng “Từ ải Nam Quan (?!) tới mũi Cà Mau” họ không thể có tầm nhìn chiến lược lớn rộng hơn cái khung sông núi cũ có hướng phình to ấy. Thêm với sự căm thù họ Nguyễn, không cần biết gì đến sách vở của họ và viết về họ, nên mới có sơ hở chính trị tai hại 1958, trong đó ý tưởng về sự đồng hành chiến đấu cho quốc tế, cho giai cấp chỉ là một sự biện minh muộn màng. Chứng cớ “Đảng” đã thực tình không biết Việt Nam có phần đất mịt mù ngoài biển kia là: sau 1975, người dân Miền Nam còn thấy một bản đồ Việt Nam DCCH (ấn bản của Cục Bản đồ 1972?) ghi tên Tây Sa và Nam Sa! Rồi cũng sau 1975 còn thấy những sục sạo của nhà cầm quyền mới muốn vặn hỏi xem cuộc triển lãm chứng minh chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa năm 1974 của nhóm chủ trương Tập san Sử Địa là do ý đồ gì của “đế quốc và tay sai” nhằm chống phá Cách mạng? Các bản đồ biển Đông xác nhận chủ quyền in ấn gần đây thật là lạc loài trên các sách địa lí trong nước, dù là của chuyên gia khảo sát kĩ từng khu vực, bởi vì nếu không quên luôn thì họ cũng chỉ loáng thoáng nhắc đến những tên quần đảo hờ hững mà không ghi nổi một chút chi tiết để tỏ ra có chút quan tâm nào. Những ồn ào về biên giới biển loáng thoáng trong báo chí quốc nội gần đây chỉ là cái đà thuộc loại phản ứng cạnh tranh với thành phần di tản – các nhóm này thì như đã tìm ra được một chứng cớ để giành lại cái chính nghĩa về trách nhiệm đối với một địa vực đã vuột khỏi tầm tay mình từ lâu. Có nguyên nhân tạo dựng phức tạp như thế cho nên chính ba khu vực cổ điển của nước Việt cũng mang dáng dấp khác biệt, không phải là do riêng biệt một quyền lực nào cố ý lập nên. Tuy nhiên khung cảnh thiên nhiên lại vẫn là điểm khởi đầu cho con người hoạt động nên các dòng sông đã hướng dẫn con đường di chuyển Nam tiến toàn vùng Đông Nam Á lục địa, rõ rệt trong thời có sử vì các chứng cớ được ghi lại và các kết quả hiển hiện trước mắt. Đó là những đoàn người đi theo triền lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Cửu Long cũng như về phía tây xa hơn, trên các sông Chao Praya, Saluen, Irrawaddi. Và cũng như mọi sinh hoạt phức tạp khác của loài người, hướng Nam tiến lớn rộng đã nói cũng không ngăn được những hướng di chuyển ngắn theo các chiều khác đã gây được những biến động lịch sử khuất lấp hay lại bị xếp vào tầm nhìn quen thuộc của thành kiến. Khó có thể tìm ra bằng chứng cụ thể của các dòng người từ biển đổ vào đất liền. Trong khi đó dòng di chuyển của tộc Thái về phía phủ Đô hộ An Nam, vì phải uốn nắn theo hình thể địa lí theo các triền lưu vực nên đã có hướng đông lẫn lộn, và gặp sự ngăn chặn từ chính quyền thuộc địa Đường chống với ý định “thác Đông” (khai thác về hướng đông) của nước Nam Chiếu, còn với Đại Việt thì gặp chính quyền Lí, Trần. Áp lực của các triều đại này yếu thế trên vùng xa hơn phía nam đã là cơ hội cho các nhóm Thái khác xuyên được qua các lưu vực lớn hướng đông nam hay theo các ngóc ngách sông ngắn tây đông để góp phần vào việc tạo dựng một triều đại Việt lâu dài nhất. Vị trí nhiệt đới khuôn nắn nền nông nghiệp trồng lúa nước với những ưu thế và hạn chế của nó. Các dòng sông ngắn tuôn ra biển, mở ra những giao tiếp nhiều chiều trong những khuôn khổ vùng hạn hẹp vì các lưu vực nhỏ đã được nối với nhau qua đường nước mặn. Đó là tình hình các sông ngắn dọc miền Trung đã định hình cho các tập họp chính trị Chàm xưa. Các châu thổ lớn chứa đựng nhiều sức người, sức của lại làm cơ sở cho những tập đoàn lớn quy tụ và phát triển lấn át các tập đoàn nhỏ, rõ rệt trong trường hợp Đại Việt đối kháng với các tập đoàn Chàm trên những lưu vực miền Trung, và lanh chân trên châu thổ Cửu Long trong khi chính quyền Angkor khai thác cạn kiệt vùng Biển Hồ mới xuôi đến Phnom Pênh thì đã gặp chúa Nguyễn và Minh dân lưu vong. Biển khơi lại mở rộng giao tiếp không chỉ bắc nam mà còn là đông tây, khiến cho người ta nghĩ ra tập họp từ “(Việt Nam là) bao lơn trông ra Thái Bình Dương”. Lối nhìn khoa đại đó hợp với thói quen của tập thể nhưng dù sao thì nếu thu nhỏ lại cũng có ý nghĩa về nơi giao tiếp của một vùng riêng biệt được công nhận có tên là Đông Nam Á, sau những năm tháng tranh cãi về tính chất phụ thuộc của nó vào Trung Hoa hay Ấn Độ, hai trung tâm văn hoá khuynh loát một thời. Người Hán khi lần mò xuống phía nam để tìm cách thông thương với Đại Tần – đế quốc La Mã, đồng thời họ cũng chiếm được phần đất nằm trong khu vực nhiệt đới có các sản phẩm cần thiết cho nhu cầu sang cả của họ nên không buông bỏ, và sẽ cố tâm chiếm lại hoặc áp đặt ảnh hưởng trên-trước, khi không thể cai trị trực tiếp được nữa. Tính chất nhiệt đới đem lại hệ luỵ cho Việt Nam như trên thì cũng gây khó khăn cho triều đình phương Bắc với thủy thổ khắc nghiệt làm chùn bước những cuộc tiến chiếm hay đóng quân cai trị. Và thế là đưa đến tình trạng nhùng nhằng độc lập / phiên thuộc còn ảnh hưởng mãi đến tận ngày nay sau thời gian ngắn rứt ra để Việt Nam rơi vào vòng tay người Pháp, thế giới Tây Phương hiện đại. Các dấu vết và những tác động khúc xạ trong/ngoài, xưa/nay Quá khứ phải được ghi lại mới thành sử, sử phải được kí. Và tất nhiên có nhiều hình thức ghi lại, trong đó chữ viết là chứng cớ xác định nhất vì nó là biểu hiện cụ thể, rõ ràng về sinh hoạt của một tập đoàn lưu giữ được qua thời gian. Tuy nhiên không phải là tập đoàn nào cũng có chữ viết và hình thức chữ viết nào cũng được sử dụng với kết quả lưu giữ quá khứ như nhau. Chữ viết trong vùng ĐNÁ là mượn từ hai khối văn minh có trước: Trung Quốc và Ấn Độ, nên lịch sử ghi lại trong vùng cũng phải chịu chìm nổi một chừng mực theo với tính chất văn minh của hai nơi đó. Nói một cách sơ sài, nền văn minh Ấn hướng nhiều về suy tưởng triết lí nên các ghi chép để lại không nhiều chi tiết cụ thể rành rẽ hơn phần của người Trung Hoa, vốn từ rất sớm đã lưu tâm đến mặt sinh hoạt xã hội nhân sinh. Sự khác biệt đó thấy rõ rệt ở quá khứ Việt Nam, nơi từng xuất hiện các tập đoàn xây dựng những thể chế chính trị riêng biệt chịu ảnh hưởng Trung Hoa và Ấn Độ trước khi thành một khối thống nhất chính trị bây giờ. Có thể nói phần đất phía nam, bao gồm Nam Bộ ngày nay, được nhắc đến một thời mang tên Phù Nam rồi từ đó toả rộng ra, là do sự tái hiện của các nhà nghiên cứu người Pháp, từ sử sách lan qua các tài liệu khảo cổ học. Và nước/các nước Champa tuy xuất hiện có bằng cớ, thường xuyên, dài lâu hơn nhưng không được biết đến rành rẽ, liên tục chỉ vì những điều có thể gọi là sử của họ là những ghi chép của người ngoài, còn phần của chính bản thân thì lại khắc trên bia đá với những khuyết điểm của chứng tích mang quan niệm nhân sinh thể hiện như ta đã nói. Hình thức “kí” mang dấu địa phương, trên lá buông – không kể các thứ viết, sao chép lại trên giấy tây, giấy xi măng – không có độ tin cậy cao không phải vì khiếm khuyết của vật liệu dễ hư nát mà vì từ căn bản suy tưởng thiên về trừu tượng, tôn giáo đã khiến chúng thiếu sự chính xác đòi hỏi. Số phận của một dân tộc nhỏ, thành tựu tương đối ít, bia đá để lại không nhiều, ví dụ so ngay với đế quốc Khmer, khiến cho có một lúc người ta đã thiên về các đền đài Angkor, bỏ lơ một phần Champa vì chứng liệu dưới tay không bù lại được công sức học hỏi. Tuy nhiên các học giả Pháp dù không hoàn toàn lôi nước Champa từ trong tối tăm nhưng cũng chính nhờ họ khởi đầu mà lịch sử nước này được sáng sủa hơn, liên tục hơn. Cái ưu thế về kí cho sử thật không chối cãi khi ta nhìn về phần Việt Nam phía bắc, nơi có va chạm với Trung Hoa từ rất sớm, khi đế quốc Tần Hán tràn xuống nam để liên tục cai trị khoảnh đất này, khuôn nắn nó theo hình thức dù bị co cưỡng nhưng cũng không thể rời bỏ được suốt trong tiến trình dài của lịch sử. Và do đó, chính ở phần đất này của Việt Nam ta đã gặp những chứng tích xưa nhất, hay những bám víu xưa nhất để có thể ghi lại như là lịch sử. Sự khiếm khuyết về bằng cớ văn tự như đã nói khiến người Việt không thể có những hiểu biết về chính mình từ tập đoàn Chàm đối chọi ở phía Nam, để quân bình với những huênh hoang tự phụ trong sử Việt cũ. Tình trạng chênh lệch về ghi chép ảnh hưởng đến việc định giá nhân vật, biến động lịch sử cũng tiếp tục xuất hiện ở hai chính quyền Đàng Trong, Đàng Ngoài khiến cho sử gia chính thống ngày nay có dịp xoá thoả mãn tính địa phương dưới chính nghĩa thống nhất bây giờ, đã đem Đô đốc Đặng Tiến Đông đầy đủ tên họ, bằng sắc, bia tượng đá, thay cho Đô đốc Long cụt ngủn, chỉ xuất hiện có một lần trong trận Đống Đa vang danh mà không có “người xứ mình” tham dự. Và Bảo tàng Quang Trung, ngoài dụng ý dành cho các nhà lãnh đạo trồng cây “lưu danh hậu thế,” ăn-theo nhân vật lịch sử, toàn thể hệ thống tưởng niệm đó như một cái đền ở đất Bắc đem vào với các danh thần di cư, mang cả bằng cớ biết rằng không thật như tượng chùa Bộc thay ông Quang Trung, để có người trẻ địa phương cảm thấy ông Nguyễn Huệ không chỉ lạc loài trên gò Đống Đa mà còn cô đơn ngay cả trên quê hương của ông. Tuy nhiên, dù sao thì sử gia cũng phải làm việc trong thực tế có được mà thôi. Thật ra thì Phù Nam cũng có căn cứ xuất hiện đầu tiên rõ ràng là từ tài liệu Trung Hoa, ghi chép trong thế kỉ III. Trước khi Khang Thái, Chu Ứng từ đất Ngô Tôn Quyền đến (khoảng năm 250) thì đất này dù có hàng chục ông “vua”, ta cũng không thể biết được chỉ vì bờ đông vịnh Thái Lan của đất Phù Nam đó còn là cách biệt với Trung Hoa, nơi những người có thói quen ghi chép. Trong khi đó trung châu sông Hồng nằm trong vòng sinh hoạt có văn tự đã lâu, vào lúc đã thấy sự tranh chấp lấn chiếm giữa các quan chức Thục Hán cũ và nhà Ngô thắng thế, và đã lưu lại chứng tích của cả một sinh hoạt phồn tạp, tuy không đủ thỏa mãn người đời nay nhưng cũng làm đầy các trang sách… Cho nên ở đây, thật sớm, người ta đã biết đến không những các ông Lạc, Việt trước thời các ông Vua Núi ở phía nam kia mà còn biết có những ông mang tôn hiệu Vương dù “ở trần,” nhờ xác nhận của Triệu Đà vào thế kỉ II tCn. Thế là vùng đất này khi ghép vào với đế quốc Trung Hoa tuy chỉ là phần bên lề nhưng quá khứ của nó cũng trở nên liên tục, rành rẽ hơn phần phía nam. Ông An Dương Vương khởi đầu, móc nối với nhân vật lịch sử Triệu Đà, ráng níu kéo ông Lạc/Hùng Vương, cho tiếp tục với các quan lại Thiên triều cai trị, làm loạn, với những tập đoàn bản xứ nổi dậy, thất bại theo sự thăng trầm ở trung ương xa xôi. Cho đến khi lấy được nền độc lập thì phần đất này có tên riêng, mang sẵn một lề lối chép sử của chủ nhân ông cũ, cứ tiếp tục theo ông Khổng Tử, ông Tư Mã Thiên, ông Chu Tử, theo các Quốc sử quán… để gầy dựng một truyền thống sử kí tuy không dồi dào như nơi cỗi gốc nhưng cũng đủ để mà hãnh diện với nơi khác. Và từ ưu thế đó, theo bước nhân tuần của kinh sách học hỏi, người ta lấy làm nòng cốt để viết lịch sử toàn vùng. Chúng ta không nói đến những khuyết điểm tự thân của nền sử học gốc từ Trung Hoa tuy ở đó sự dồi dào các sách vở sử kí đã khiến người nghiên cứu ngày nay rộng đường tìm kiếm, suy luận hơn. Các vương triều Việt cai trị trên một đất nước nhỏ hẹp, chỉ “bằng bàn tay” như Trần Nhân Tông thú nhận, nên không để lại mỗi triều đại một quyển sử riêng biệt như ở nước lớn Trung Hoa mà chỉ chắp nối dồn vào một tập chính thức viết cho 17, 18 thế kỉ với tên chung là Đại Việt sử kí toàn thư, in năm 1697 . Chỉ có nó nên sử quan triều Nguyễn muốn viết tiếp cho hết triều đại trước cũng phải dựa vào nó để thành Khâm định Việt sử thông giám cương mục, mà không biết đến một quyển sử xưa lạc loài trong cung nhà Thanh, quyển Đại Việt sử lược viết cho triều Lí trước nó. Toàn thư mang tính độc nhất đến mức độ các gia phả, địa phương chí (như Hoan Châu kí ) cứ mang ra chép lại, gán ghép danh giá cho dòng họ mình khiến người sau thất vọng khi cứ tưởng có thể tìm thêm điều gì mới lạ cho sử học ở những bản sách mang tính cách riêng tư, khu vực như thế. Toàn thư mang tính cách độc nhất như vậy khiến cho các sử gia bây giờ, dù tân hay cựu, dù có lập trường chính trị chống đối không đội trời chung đi nữa cũng vẫn xê xích sao chép, tiếp nối truyền thống sử vương triều của nó, truyền thống thâm nhập sâu xa đến đương nhiên trở thành quốc sử thời của nhân dân, quần chúng. Các Thực lục của nhà Nguyễn thì dài hơi hơn nhưng đến lúc này thì sự giao tiếp quốc tế đã lớn rộng hơn. Nhưng khuyết điểm của sử kí, ghi chép cũ của Việt Nam, gần như không được nhắc tới, là sai lạc đến từ tình trạng mượn một thứ chữ bên ngoài để ghi những sự kiện, địa điểm bản xứ, chưa kể đến trường hợp người sử dụng hoặc không đủ khả năng tự thân hoặc vì ngập chìm trong hệ luỵ thời đại mà không thể diễn tả ra cho đúng. Thấy con giông không biết gọi là gì liền dùng chữ chỉ con thạch sùng / thằn lằn quen thuộc trong nhà. Có đệm thêm chữ Nôm để diễn tả ngôn ngữ bản xứ thì cũng là một loại chữ-Hán-khác, không biết phải đọc theo đâu, làm cớ cho sự che giấu điều tưởng là đáng “xấu hổ,” ví dụ tên của (Lí) “thường Kiệt.” Thấy người ta dùng chữ “giao long,” không chép chữ “thuồng luồng” Nôm trại ra (t’luồng) từ gốc Hán “long” lại cứ theo kinh sách văn hoa cũ, không chịu nghĩ ra rằng từ trong nguyên văn được tả, đó là con cá sấu quen thuộc ở xứ mình, con cá sấu hiện hình ngay trên các trống, đồ đồng Đông Sơn, không lẫn vào đâu được. Có lúc Nôm và Hán không loại trừ nhau, ví dụ địa danh lấy từ sự kiện có cái Thang (dùng để) Trông (xa) canh chừng địch quân, ghi vào sử chữ Hán: Vọng Thê thành danh xưng chính thức, lại không xoá được tên Nôm kia, thế là trên đất Nam Bộ ngày nay có cả hai: Thang Trông và Vọng Thê! Điều này rõ ràng nhất khi gần đây các ban viện, cá nhân cố sức dịch những tài liệu sử địa ngày xưa ra chữ quốc ngữ, và gặp những chữ Hán, Nôm ví dụ chỉ những loại cây trái, ngành nghề, các địa điểm mà dịch giả không thể nào kiểm tra để điều chỉnh cho chính xác được… Cho nên chúng ta gặp tình trạng có sách sử của một giáo sư Đại học cho quân Nguyễn Ánh Tây Sơn đánh nhau ở Giá Khê, Tam Phụ… như là ở bên Tàu chứ không phải lội bùn sình, lăn lộn cát bụi ở Rạch Giá, Ba Giồng trên đất Nam Bộ! Cũng may đây là sách vở của những thế kỉ gần gũi, tên đất chìm khuất nhưng vẫn còn đâu đó, sinh hoạt đổi thay nhưng còn có người nhớ lại, và còn có ý đi tìm. Với sách của những thế kỉ xa xưa thì không có những thắc mắc như trên để gợi sự hoài nghi, nên người ta cứ càng dễ dàng tin tưởng để sao chép, và nghi ngờ những ai nói khác đi. Thật khó mà kể hết những sai lạc của Toàn thư chỉ riêng vấn đề dùng chữ Hán để ghi sự kiện Việt. Vả lại không phải chỉ lầm lạc của người xưa mà còn là sai sót của người nay khi dùng thứ chữ của thời đại mình để phô diễn kiến thức lấy từ sách cũ. Khuyết điểm của dụng cụ, của con người, sự chênh lệch văn hoá, do thời gian níu kéo với nhau làm cho sự thật xưa cũ như chập chờn đùa bỡn, nhạo cợt người nghiên cứu cứ mãi phân vân giữa niềm tin sự thật và mối lo báng bổ tiền nhân khi tìm cách thoát khỏi thành kiến đã định hình. Về khả năng biểu diễn sự kiện thì ngay chữ Hán cũng không theo kịp với đòi hỏi của ngày nay. Ví dụ ở bản in chữ Hán (hay ngay chính nơi bản thảo?) đã có sự lỏng lẻo trong cách phân biệt các danh từ riêng với danh từ chung. Việc thêm dấu chỉ định bên lề như thường thấy là thêm sự cách biệt của bản văn với tác giả. Và thế là, ví dụ, xác quyết rằng chúng ta từng có một quyển sử tên là Việt Chí đã làm bận tâm các học giả trong ngoài, xưa nay trong lúc nếu có sự phân biệt hình thức ngay từ lúc đầu để chỉ ra ý nghĩa của tập họp Việt-chí – chữ in nghiêng hoặc đặt trong ngoặc kép, thì thấy ngay tính chất phiếm chỉ của tên quyển sách kia, vốn chỉ có nghĩa là “quyển sách viết về nước Việt”! Trong cuộc tranh cãi gần đây về quyển Toàn thư (muốn được gọi là) “bản Chính Hoà (1697),” một phe phản đối đã cho rằng cơ quan Nội các chỉ mới có từ thời Nguyễn cho nên bản sách kia không thể xuất hiện vào thời Lê Trung hưng, còn phe “chính thống” quan phương thì viện dẫn ngay ở Toàn thư, sự kiện năm 1673 ghi: (dịch) “Hạ lệnh cho các quan văn vào Nội các của Vương phủ để nghị bàn việc nước. Việc chầu hầu ở Nội các bắt đầu từ đấy…” để cho rằng Nội các đã được thành lập dưới thời chúa Trịnh từ trước năm in bản Chính Hoà (1697). Nhưng đó là cưỡng ép viết hoa một chữ không có dấu hiệu xác định trong nguyên bản! chứ tổ chức Nội các không hề được Phan Huy Chú nhắc tới. Các viện dẫn từ tổ chức của Minh, Thanh không có tính quyết định trong cuộc tranh luận này. Các từ trích dẫn “nội / Nội các” của thế kỉ XVIII hay đơn lẻ của chính Phan Huy Chú cũng không đủ bào chữa cho sự vắng bóng của một cơ cấu tổ chức chính quyền quan trọng như thế trong tác phẩm của ông sử gia. Trong lúc đó hàng chữ “Nội các quan bản” đối ứng với hàng chữ “Quốc tử giám tàng bản” chỉ rõ ràng đó là một cơ quan chính thức! Ông Hoa Bằng khi dịch (1975) Lịch triều tạp kỉ, đụng đến chữ “nội các” của năm 1673 trên, đã không viết hoa nó, chứng tỏ có sự dè dặt đáng kể hơn là những người nhiệt tình có quyền thế về sau. Tuy Mạnh Tử dạy “Tận tín thư bất như vô thư” nhưng học sách đâm ra nhiễm sách, các sử quan của ta đã đem chuyện ở đất của Thánh Khổng vào xứ sở của mình, thay cho những sự việc cụ thể, đơn giản hơn. Sử của nho thần đến sau đã che khuất một lớp người viết sử trước không thuộc truyền thống của họ, đã đem ý thức hệ của mình để dẫn giải lịch sử. Họ từng chép nguyên cả lời đe dọa của vua Tần (do Lí Tư viết) về việc “phần thư,” cho vào mệnh lệnh “đổi mới” của Lê Thánh Tông. Thế rồi cái đà chép sách đó đi vào sử, tên các sách sử Việt đầu tiên chưa thể xa rời quyển Sử kí Tư Mã Thiên nguyên gốc: Sử kí của Đỗ Thiện, (Đại Việt) Sử kí của Lê Văn Hưu. Người ta đưa chuyện con tin Đinh Liễn sống ở nhà họ Ngô theo giao kết liên minh trở thành chuyện của Bái Công Hạng Vũ thời Hán Sở tranh hùng. Chuyện Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn cướp ngôi Đinh theo tính chất truyền nghiệp cho thủ lĩnh mạnh thế được diễn tả như cuộc binh biến Trần Kiều chuyển từ Hậu Chu sang Triệu Tống như Nguyễn Nghiễm (thế kỉ XVIII) đã thấy ra nhờ tiếp xúc nhiều hơn với sách vở. Chuyện Lí Công Uẩn ôm thây Lê Long Việt khóc cứ như là bài bản của thời Xuân Thu Chiến Quốc! Trần Nhật Duật xông xáo vào vùng tập đoàn Thái ở Đà Giang được sử quan gia thần nịnh chủ coi như hành động của Đường Thái Tông, Quách Tử Nghi của nhà Đường khuất phục Hung Nô. Rồi chuyện bà vợ Trần Nhân Tông lấy chiếu che cho ông Hoàng Đế khi con hổ sút chuồng thật giống như sử quan đã viết giữa lúc nhìn vào bức hoạ của Cố Khải Chi (345-406) vẽ vợ Hán Nguyên Đế (48-33tCn.) che cho vua tránh con báo sút chuồng! Chẳng biết có gây oan uổng cho người xưa hay không nhưng chẳng hạn, khi đọc đoạn tả chuyện Ngô Nhật Khánh rút dao rạch mặt vợ vạch âm mưu lừa dối của Đinh, việc Lê Phụng Hiểu cứu giá (1028), kể tội phản nghịch, chém Vũ Đức Vương, thấy sao mà giống một “truyện Tàu” nào quá! (Một người không quen, qua internet , cho biết là chuyện Trần Thánh Tông sai đốt hồ sơ vương hầu Trần xin hàng Nguyên cũng thấy trong Tam Quốc chí diễn nghĩa!) Thật có quá nhiều những điều trùng hợp để không thể coi là ngẫu nhiên. Có thể sử quan xưa chỉ làm việc tô điểm văn chương trầm bổng cho những điều ghi chép, thế mà người nay đã có quá nhiều kẻ tin là thật. Việc dời đô về Thăng Long mở ra một thời đại lâu dài, văn minh khiến cho sử quan phải tô vẽ chuyện lấy ngôi Lê cho dài hơi, kéo theo thật nhiều dấu vết thần kì (sấm kí, chó trắng mang chữ “thiên tử”) cùng âm mưu về trước lâu ngày, nhiều nhân vật tham gia, tình tiết khuất khúc… trong lúc thật ra Ngọa Triều chết chỉ mới cách một ngày là đã có đảo chính! Và do đó, chuyện Dời Đô lại có dáng như một chuyến đi li khai! Tất nhiên cũng không nên coi nhẹ những điều tô vẽ không-thật ấy. Một khi đã được đưa vào sách của nhà nước, chính thức, chúng trở thành những tín điều càng lúc càng vững vàng hơn qua thời gian, nhất là khi được quyền bính phù trợ, bồi đắp. Rồi từ tín điều, chúng thúc đẩy hành động tạo ra lịch sử mới, lúc bấy giờ thì không thể gọi là giả trá nữa. Chuyện Hùng Vương của thời đại ngày nay là một minh chứng hùng hồn nhất. Tập họp Hùng Vương cùng tiên tổ đi vào sử Việt ở thế kỉ XV là do sự thỏa hiệp của tầng lớp nho sĩ trung châu phải chịu đựng sự chèn ép của tập họp Mường Thái đến cai trị xứ này sau khi họ đánh đuổi được quân Minh. Tuy nhiên cũng phải lưu ý rằng Ngô Sĩ Liên, người hạ bút, tuy nói đến “công đầu gây nên cơ nghiệp nước ta” vẫn đặt giai đoạn này vào phần Ngoại sử, hàm ý hoài nghi cẩn trọng – hay là để bày tỏ một phản kháng tinh tế? Nhưng đã ngự trị trong khung của quyền lực tối cao thì tác động của nó chỉ có đà tăng thêm mà thôi. Hơn một thế kỉ sau thời kì cái “triều đại” sơ khởi chỉ với 18 ông vua chưa có tên, với một ông tướng (Phù Đổng), hai ứng viên làm rể còn bị ngờ vực là không thật đấy, sau thời gian cũng vừa đủ cho một truyền thống bám víu, lớp hậu duệ Mường Thái thứ hai đã cố sức khai thác, thêu dệt để lấy chính danh cho phe Tây Việt làm công cuộc “trung hưng” cơ nghiệp cũ (Nguyễn Bính 1572), và tiếp tục củng cố nền trung hưng đó trong thế kỉ XVIII (Nguyễn Hiền 1737). Nhưng cũng trong thời gian đó lại có sự đổ vỡ khác của các tập đoàn đi từ đất Thanh Hoá: Trịnh và Nguyễn. Cho nên khi có sự thống nhất đầu thế kỉ XIX thì hệ thống Hùng Vương lại được khai thác như một sự thoả hiệp mới trong đó những nhận xét của sử quan, lời phê của Tự Đức cho thấy một chút gượng gạo công nhận của phe mới vừa thắng trận mà phải chịu lùi bước chiến thuật để việc chiếm vùng đất bên ngoài cương vực của mình, trở thành có chính nghĩa. Tác động của sách vở qua quá khứ lâu dài cũng đã thấy hiện lên trong sự kiện một phe của Quốc sử quán không chịu lối công nhận “một phần” (phần Hùng Vương) để đòi giữ nguyên công trình của Ngô Sĩ Liên. Tuy nhiên hệ thống Hùng Vương dù qua bao thế kỉ thì cũng chỉ dành cho tầng lớp cầm quyền tối cao để giữ danh vị của mình, dành cho những người dùi mài kinh sử để mon men vào cơ cấu quyền bính. Tính chất phổ thông, “bình dân” của ông vua Hùng chỉ được mở rộng về sau theo với sự tiến bộ của thời đại giao thông thuận tiện, với báo chí, với câu ca, tiếng nhạc gợi tâm tình sâu kín về một đất nước nhọc nhằn nằm trong vòng ngoại thuộc. Cho nên, với công cuộc chiến đấu giành độc lập lọt vào tay một tập đoàn chính trị chuyên trách vận động quần chúng từng đạt hiệu quả trên toàn thế giới, ông vua Hùng đã nhảy vụt lên trên điện đài lịch sử, không chỉ gợi tâm tình thân thuộc kính nể mà còn được khoác áo khoa học với các ngành nghiên cứu mới. Nhưng trong lúc cùng đi với đà tăng tiến phổ thông hóa, hình ảnh các vua Hùng cũng mang theo sự trì trệ của quá khứ chính danh được làm-mới lại. Các ông vua Hùng nay trở về trong tay những người lãnh đạo đất nước nắm giữ các phương tiện kĩ thuật, nhân văn mới đã không muốn chừa cho một sự phản kháng nào cả. Sự thống nhất bằng quân lực năm 1975 với những xáo trộn tiếp theo sau đã được củng cố bằng một lề lối cai trị khắt khe, trong đó có cả việc điều phối dân số vào Nam để củng cố chiến thắng tận nền tảng quần chúng. Rồi với sự thành công có chừng mực trong việc nâng cao mức sống, người ta nhận ra rằng ông vua Hùng có thể sử dụng như một hình ảnh mang tính tình cảm hơn, siết chặt thêm tính thống nhất mà còn có dáng thành công êm dịu hơn. Thế là có việc nâng ngày giỗ Tổ của các hội đoàn điện phủ đền Hùng lên thành ngày Quốc lễ. Ông Hùng Vương chính thức thành Quốc tổ nước Việt từ năm 2007 tiếp tục kéo theo sự xu phụ ồ ạt, tuy bình thường mà có dạng văn minh tân tiến: Danh hiệu Đông Sơn từng được ghép với “thời đại Hùng Vương” được cổ động, trở thành “thương hiệu” Việt Nam, nhắc kèm với danh vọng vài tay khoa bảng Tây chẳng biết gì về cổ sử Việt; cái bánh chưng (thiu), bánh giầy (độn) của truyền thống cạnh tranh với li cà phê đời nguyên tử, muốn lập kỉ lục Guinness để dâng Tổ đến nỗi nhân viên của tổ chức này phải đến “dâng hương” trong ngày lễ 2008. Cái cồng của người thiểu số Quảng Nam cũng được dâng cho tổ Việt nhận ra sự hiện diện nhỏ bé của mình… Bao nhiêu tiền của đổ ra để xây dựng đền Hùng mới ở TP. Hồ Chí Minh thay cái đền thờ lính Âu chiến trong Sở Thú. Bao nhiêu tiền của đổ ra tạo dựng một trung tâm đền Hùng hoành tráng cho Phú Thọ, có viện dẫn lời Tổng bí thư Lê Duẩn để xây dựng ngôi tháp 18 từng chứa bọc trăm trứng, hiện đại hoá với tính chất điển hình các thành phần khu vực địa lí Việt Nam mới… Người ta cương quyết biến huyền thoại thành bê tông, như các triều đại xưa đã phá dỡ ngôi miếu mái tranh vách lá để xây đền ngói gạch tường vây. Quá khứ, hiện tại quyện với nhau để những người di tản cũng lập đền Hùng trên đất mới, loan báo tổ chức Giỗ Tổ rầm rộ hơn (10-3 âl. 2008), tranh giành quyền chính thống với những người đã xua đuổi họ để chiếm lấy nhà cửa, tiền bạc. Cả một sự thoả hiệp khuất lấp ban đầu, với thời gian, nay đã trở thành một lịch sử hoành tráng trong sự lấp liếm cường điệu, không dễ gì có thể đánh đổ được. Chữ Hán, khung trời văn minh Hán đối với nhà nho là cao sang hơn tiếng nói, cuộc sống của tập thể dân chúng chung quanh cho nên họ thấy cần phải loại bỏ thực tế đó để vươn lên. Họ coi đất nước, triều đình họ phục vụ như một thứ mẫu hình (tiểu) Thiên tử chuyển từ phương Bắc xuống, giống như Lê Thánh Tông bắt chước Hán Cao Tổ đái vào mũ các quan, hay xưa hơn, Ngô Xương Văn xưng là Nam Tấn Vương mượn danh nhà Hậu Tấn đồng thời của phương Bắc, Lê Hoàn lấy niên hiệu Thiên Phúc (936-944) cũng của nhà Hậu Tấn ngắn ngủi (936-946). Truyện tích Phù Đổng có kẻ xâm lấn là giặc Ân cũng thật dễ hiểu: Nho sĩ viết truyện, coi mình đang phục vụ một dòng chính thống Chu (“Ngô tòng Chu” – Khổng Tử), thì kẻ chống cự thất bại tất phải là kẻ thất bại của nhà Chu từ nơi cỗi gốc, nhà Ân. Vì thế cái cổng ngoài của Hoa Lư cũng mang tên Đồng Quan như trên đất Vạn Lí Trường Thành. Mơ mộng chuyển hình mẫu trở thành thực tế, họ chép luôn cả lời đồn đãi ước mơ thành sử kiện như chuyện Mạc Đỉnh Chi chụp lầm chim sẻ nơi triều đình Nguyên kèm theo bài văn tế nàng công chúa nước lớn. Nho gia học thuộc lòng sách đã đem ra dẫn chứng, ngâm vịnh, sử dụng theo một tinh thần chiếm đoạt khá ngây thơ rồi để lại cho người sau bằng cớ như chính đó là của mình, của thời đại mình. Thơ Lạc Tân Vương, Tống từ được mượn để chứng tỏ kiến thức tột đỉnh của nhà ngoại giao thời mở nước. Cổ phong, từ khúc, Đường thi đã được Đặng Trần Côn xếp thành khúc ngâm của người Chinh phụ, tiền đề cho những dịch bản gây nhiều tranh cãi, đến ngày nay lại phảng phất thêm một ý hướng feminist tân thời. Điều vay mượn nhập-tâm này cũng dẫn đến một tinh thần hướng thượng trong hoang tưởng của tầng lớp trí thức gia thần xưa, là chứng cớ rắp ranh đi vào sách vở chính thức của triều đình với hàng chục câu chuyện truyền khẩu về các ông “lưỡng quốc trạng nguyên” có khi mang dấu vết tiền thân là hoàng đế phương Bắc (có chữ chứng minh trong lòng bàn tay nắm chặt của cậu bé vừa lọt lòng mẹ chẳng hạn!) Những khuyết điểm như thế đã không được sửa chữa mà nhân thời gian tranh đấu độc lập vừa qua, sự tự tôn lại được tiếp cánh với lớp sử gia cục bộ dân tộc / địa phương chủ nghĩa ngày nay. Các sự kiện trong sách của vương triều xưa trở thành bằng chứng hùng hồn không thể chối cãi về một quá khứ oai hùng, về một nền văn minh ưu việt của một trung tâm Thiên tử nhỏ chỉ có ban ơn chứ không thu nhận, chỉ có chiến thắng chứ không thất bại, chỉ có đạo đức vô cùng chứ không bạc ác xấu xa, dù chỉ là sai lầm bình thường như ở các khu vực nhân loại khác. Do đó khi giao tiếp được mở rộng trong thời đại mới để có dịp khoe khoang nhiều với các đối tượng vượt trên tầm mức địa phương, quốc gia, một lớp sử gia / học giả trịch thượng nối tiếp xuất hiện trên tư thế quyền uy, đương nhiên một cách thật trẻ con dễ thương. Cứ đem những nghiên cứu của các ông Nguyễn Văn Huyên, Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp ra so sánh với các tác giả ngày nay thì thấy rõ ràng sự khác biệt. (Ông Phạm Huy Thông, người có quyền chức bênh vực hùng hổ nhất cho Hùng Vương – Đông Sơn, trước 1945 chỉ nổi danh là thi sĩ chứ không phải là học giả, danh vị sau có vẻ là nhờ bằng cấp từ nước Pháp và sự nhanh chóng thích ứng với thời đại.) Tự ái địa phương giấu trong lớp vỏ dân tộc khiến người ta không thể chấp nhận sự thật rằng những bậc anh hùng khai sáng, vua chúa, con cháu dâu rể vua Hùng, tướng Hai Bà Trưng được ca ngợi, ghi vào sử sách từ lâu lại vốn chỉ là những loài “tinh gỗ đá, quái côn trùng,” ma da, rái cá, cá sấu, rùa, rắn… Không chỉ có những ông quan xứ Huế xa xôi mỉa mai như trên mà người xứ Hải Dương Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút cũng từng càu nhàu bực tức nên lời về tình trạng công kênh thần thánh, lịch sử xứ mình như thế. Chưa kể loại bằng chứng ngờ nghệch của Lê Quý Đôn về việc ông thần Long Uyên bày tỏ oai linh, vật chết con trâu ngay giữa công đường! Cái ưu thế của một hai tập sách, theo với thời đại, đã có tầm mức lớn rộng hơn số lượng và nội dung thông tin nằm trong đó. Đi theo với tính cách chủ nhân ông của đất nước, các sản phẩm tự tôn này xuống đến từng địa phương nhỏ, lan cả ra đến khối lưu vong, những người này hoặc dễ dàng chịu khuất phục vì sự nhỏ bé của mình, hoặc tuy mang tâm tình chống đối chính trị nhưng vẫn cảm nhận được thế yếu ớt của mình nên lại cũng ào ạt chia sẻ sự ngông nghênh kia, tưởng chừng như có thể lấy đó làm bằng cớ có thẩm quyền để phủ nhận quyền bính hiện tại nọ. Quyền bính vững chắc thêm một thế hệ nữa thì đủ thuyết phục đám con cháu của “khúc ruột ngàn dặm” không thích ứng được với xã hội mới, sẽ chịu lôi cuốn theo những Chuyện kể lịch sử, những phát hiện “sử liệu” mới vốn thật vô cùng xa lạ với tinh thần của nền giáo dục họ đang thụ nhận. Sử học của thời mới cũng được phát triển nhờ sự tiếp trợ của những bộ môn khảo sát mới, nhất là khoa khảo cổ học, để đi sâu vào quá khứ hơn, ở những khu vực không có chữ viết làm bằng cớ hay có thoảng qua mà bằng cớ vật chất tiếp trợ còn ẩn sâu trong lòng đất đâu đó. Tên Phù Nam thì đã có trong ghi chép Trung Hoa, được học giả Pháp hồi đầu thế kỉ XX (P. Pelliot, 1903) diễn giải dài dòng cho ra hình tượng một vùng đất, nhưng bằng cớ vật chất cho “đế quốc” ấy hiển hiện có tính cách thuyết phục là từ những khảo sát đào bới của L. Malleret trước Thế chiến II trên vùng Nam Bộ, tập trung ở Óc Eo, để đem danh xưng khuất lấp này vào bản đồ khảo cổ học quốc tế. Đất nước Champa nằm trong sử sách Việt, Trung Hoa chỉ có những ghi chép cống sứ cầu cạnh, những tù binh chiến bại, tình hình thật hợp với các tháp đổ nát còn lại nhưng khảo cổ học đã làm sáng tỏ thêm những giai đoạn lịch sử của nó, đã đào bới, lưu giữ, bảo trì những tượng đài, những công trình kiến trúc chứng tỏ một nền văn minh đáng hãnh diện không những của một thời mà, nếu chịu khó suy nghĩ, còn thấy ẩn khuất dưới những hiện tượng, sinh hoạt của lớp người hiện tại, trước mắt. Trên vùng Đại Việt, học giả Pháp đưa ra tên một nền văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn còn giữ lại cái tên Hoà Bình mở rộng cho cả vùng Đông Nam Á, thêm một nền văn minh Đông Sơn cùng những chứng tích mộ táng thời Bắc thuộc, một giai đoạn nghệ thuật Đại La với những đình đền, chùa miếu thời độc lập được khai thác sâu hơn với các nhà khảo cổ học Việt Nam về sau. Có tầm mức lớn hiện nay là việc khai quật “hoàng thành Thăng Long” đang tiến hành, quan trọng thì có đó nhưng đến tầm mức quốc tế như đã khoe khoang ầm ĩ thì thật chưa đủ để vội vã lập hồ sơ xin UNESCO công nhận – như ý định lập hồ sơ cho đền Hùng, biểu lộ một tinh thần hiếu danh bệnh hoạn phô trương ra ngoài biên giới. (Xem sách ảnh Hoàng thành Thăng Long 2006.) Không biết người ta có tránh được cung cách “khảo cổ mĩ thuật” vướng víu trong ý thức tự tôn như khi khai quật các khu vực mộ địa mà chỉ lo thu hồi vật dụng, không quan tâm đến các cách sắp xếp, dàn trải các đơn vị…, đại khái những điều thuộc phần tinh tế của kĩ thuật đào bới, giúp người nay hiểu hơn về sinh hoạt bình thường của các tập đoàn xưa. Ch. Higham đã chê nhẹ như thế khi nói về các khai quật thời đá mới, đồng thau của Việt Nam. Những ngành khoa học xã hội, nhân văn khác cũng góp phần vào việc làm sáng tỏ quá khứ toàn vùng. Có điều nền sử học khoa học non trẻ của Việt Nam đã phải chịu sự uốn nắn của những biến động chính trị hiện đại trong đó nền độc lập kết thành của đất nước lại lôi kéo sử gia trở về với vị trí sử thần xưa trong sự nhiệt thành mới, với quan niệm “văn chương để đời”, được khuyến khích bằng các loại Bảng vàng bia đá mới như các công trình chịu mất danh hiệu riêng để gộp chung trong các “Tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh”, như chứng cớ đã hiện hình nơi các tên đường “danh nhân” mới đặt ở các ngõ, xóm trung ương, nếu có chật hẹp thì lấn xuống phía nam! Đường hướng “Sử học phục vụ chế độ” được chỉ đạo đề ra từ quyền bính chính trị đã khiến các công trình tạo được tiếng vang với những người cả tin mà không thể nào ngờ đến mức độ sa sút phẩm chất của người nghiên cứu. Và vì thế chúng thiếu phần thuyết phục với những người nhìn ra, thấy được sự can thiệp trắng trợn của người cầm quyền: “Các đồng chí phải nặn óc tìm cho ra chế độ chiếm hữu nô lệ ở Việt Nam”, đó là lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói với các sử gia Miền Bắc. Cho nên, ví dụ trong công trình chứng minh Có một thời đại Hùng Vương tuy có sự nhiệt thành của những nhà nghiên cứu, nhưng vốn dụng ý về phía nhà chính trị là chứng minh một thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ đã khiến cho công trình khoa học kia thay vì là những lần mò tìm tòi theo chứng tích lại trở thành một bước đường tương đối giản dị: Chứng minh sự kiện theo một định đề có sẵn, chứng minh mọi sản phẩm đồng thau cao cấp (trống đồng, vũ khí, mộ táng…) đều là của một thời Hùng Vương hoàng kim không thể phủ nhận được. Hễ cứ thu nhặt được một sản phẩm đồng thì tất là của văn minh Đông Sơn (bao hàm thời đại Hùng Vương, thật xưa!) không nệ rằng chúng có chứng tích nằm trong thời đại lịch sử. Trống đồng Cổ Loa có các dòng chữ Hán của thế kỉ II, thế mà người ta cứ lập lờ để cả học giả ngoại quốc xếp chung với Ngọc Lũ thông thường được cho là của 6, 700 năm trước đó! Và vì thế người ta cứ giữ mãi thành Cổ Loa còn lại ngày nay cho là của An Dương Vương dù có chứng cớ trái lại. Chuyện xưa đến chuyện gần gũi, chuyện nay: Chứng minh một thứ tinh thần dân tộc thống nhất có từ trong sâu thẳm của lịch sử loài người, trong tiềm thức của người dân Việt (?), không cần biết đám “người”/homo-, đám dân ấy phải chịu chuyển biến như thế nào qua thời gian, trên bước đường di chuyển. Mọi lí thuyết, sự kiện dẫn chứng mới có thể đưa đến một lề lối suy nghĩ rộng mở đều bị thu hẹp vào trong tinh thần “thống nhất” chính trị bây giờ để vẽ ra một tiến trình lịch sử rồng rắn cắn đuôi quy về “tổ tiên ta từ Miền Bắc…” hàm ý khuất nhục người khác theo một tiến trình lịch sử Nam tiến thuần chủng, suông đuột, tuy là đề tài mới nhưng đôi khi cũng có vẻ ngang ngược như chuyện Quang Trung thống nhất đất nước được tận tình đe doạ bênh vực một thời. Thêm một thế hệ, kể từ 1975, uốn mình theo các chủ trương (chiến thắng đế quốc, chống bá quyền, nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh…) hay lúng túng xoay quanh các đề tài cũ, lúc co cụm, lúc rụt rè bứt phá, làm bằng chứng về phía học thuật cho tình hình chính trị co giật đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong tình trạng đó rõ ràng các sử gia, một phần vì còn phải bám sát vào hệ thống thư lại mới nên đã tỏ ra còn tuân phục quyền bính hơn nhân vật của các ngành khác, như phía văn học chẳng hạn… CHƯƠNG II QUÁ KHỨ XA XƯA Dấu vết những nền văn hoá khảo cổ Phát hiện ở cuối thế kỉ XIX của E. Dubois với “người Java” đã có lúc khiến người ta tưởng là nhân loại phát xuất từ ĐNÁ cho đến khi có các phát hiện ở châu Phi với R. Leaky. Thuyết cỗi gốc loài người nằm ở châu Phi được các nhà khảo cổ chứng thực bằng các hiện vật xương cốt, và đến nay nó cũng không suy suyển khi các nhà di truyền học ở Berkeley lập thuyết mới dựa trên khảo sát mtDNA, đi tìm người phụ nữ đầu tiên (The Search for Eve) của thành phần nhân loại hiện nay (Homo sapiens). Riêng về ĐNÁ, tuy có những phát hiện ở Chu Khẩu Điếm và những kết quả rải rác trên đất Trung Quốc, người ta vẫn thấy dấu vết người cổ xưa nhất là trên vùng đảo Java để phỏng đoán về một trung tâm địa phương cho con người nơi đây. Việt Nam với phát hiện vài cái răng, mảnh xương hàm ở Thẩm Khuyên (Lạng Sơn) tuy bị người ngoài chê nhẹ “chưa thấy đưa ra chi tiết”nhưng cũng được tham dự như một phần hiện diện của con người Homo erectus trong vùng. Có vẻ các học giả Việt Nam hoặc chậm chạp trong kiến thức hoặc sợ mất phần trong sự chia sẻ vinh dự xưa cũ của Thẩm Khuyên được cho là khoảng 300.000 đến 500.000 năm trước, nên không mặn mà với lí thuyết mtDNA đơn trung tâm. Và do đó chúng ta thấy có những con số nối kết trong khoảng trung gian đến thời đại vua Hùng: người H. sapiens “sớm” ở Hang Hùm (Hoàng Liên Sơn), người H. sapiens “chân chính” ở hang Kéo Lèng (Lạng Sơn) cách ngày nay 30000 năm, rồi Sơn Vi ở Mái đá Ngườm (Bắc Thái) 23-18000 năm, Hoà Bình 13000 năm, Bắc Sơn 10000 năm có gốm thô để chuẩn bị qua thời đại kim khí…(hay tuỳ tác giả mà có thay đổi địa điểm, xác định chủ thể, chuyển dịch thời gian) cứ như là đã chứng minh được phả hệ liên tục cha truyền con nối cả hàng chục vạn năm! Những dấu vết thời đá cũ của người cổ cũng thấy ở phía nam, trên đất Đồng Nai, Sông Bé cho là gần đồng thời với núi Đọ (Thanh Hóa), Thẩm Khuyên. Người ta còn nghĩ rằng có thể tìm dấu vết người cổ phía dưới lớp phún thạch trên đất Tây Nguyên như đã thấy chứng cớ thời đá cũ ở di chỉ Lung Leng (Kontum). Dấu vết người thì chưa tìm ra nhưng dưới lớp basalt ở Tân Lộc (Dak Lak) thấy có di cốt động vật hoá thạch mang dấu vết chặt của người (?) Các nhà cổ nhân học cố ghép những nhóm người xưa ấy vào những tập đoàn lớn với những di chủng còn lại ngày nay trên những vùng khuất lấp, cách biệt với những khu vực nhiều xáo trộn. Nhưng cũng có thể nói là phần lớn, như ngay chính các bộ xương còn lại chứng tỏ, họ không phải là tổ tiên trực tiếp của những người bây giờ đang sinh sống trên những vùng đất của họ. Người “Hoà Bình” không là tổ tiên của dân Việt không phải vì danh xưng kia chỉ mang tính cách quy ước của ngành khảo cổ học mà còn vì các chứng cớ xương cốt để lại đã không đưa đến kết luận như thế. (Phải nhắc đến tính chất quy ước về tên của một nền văn hóa khảo cổ học vì như có người, cả đến những nhà chuyên môn không đè nén được tinh thần tự tôn dân tộc, cứ cho người “Hoà Bình” [ở bắc Việt Nam] mang rìu đá đi khắp ĐNÁ, cứ thấy nơi nào có trống đồng thì cho là có người Việt-cổ – gốc Đông Sơn, Bắc Việt Nam – đã từng sinh sống nơi ấy, không cần biết sau đó thì họ đi đâu!) Thông thường thì người ta ghép các tập hợp người ĐNÁ theo hai nhóm ngôn ngữ: Austro-asiatic và Austronesian. Giở một tập sách hay một chương nào bàn về các tập họp người ở Việt Nam thì ta có thể thấy sự phân loại chi tiết từng nhóm một. Dân Việt thuộc nhóm ngôn ngữ Austro-asiatic, còn dân Chàm là một phân nhánh của Austronesian. Vấn đề hướng di chuyển thì trừ lí thuyết còn mới của S. Oppenheimer, thông thường người ta cho là từ lục địa tràn ra hải đảo như vẫn còn thấy trong thời đại lịch sử của quá khứ gần và trước mắt, có khi với những tập nhóm lẻ tẻ không phải không ảnh hưởng đến tình hình chung như ta vẫn tưởng. Lớp người Austronesian đi trước nên tiến xa hơn, kẻ chậm chạp là dân Chàm và những người đồng ngôn ngữ khác trên vùng Tây Nguyên – tuy chậm chạp nhưng họ đã ở phía đông Trường Sơn trong khi nhóm Mon-Khmer Austro-asiatic còn ở phía tây. Cũng có thuyết uyển chuyển hơn, cho Austronesian tuy cũng phát xuất từ Nam Trung Hoa như Austro-asiatic nhưng ra hải đảo phía Đài Loan rồi phát triển xuống nam, lộn ngược lên lục địa với dân Chàm và những nhóm liên hệ, ở đây họ lấn những dân nói tiếng Austro-asiatic trước khi bị người nói tiếng Việt thay thế. Có vẻ đến ngày nay thì thuyết này mang tính thuyết phục thêm với di chỉ khảo cổ Lung Leng (2001), huyện Sa Thầy của Kontum đậm nét Sa Huỳnh với các mộ chum, nối kết với vùng đông bắc Thái Lan và trên đất Lào. Truyện cổ của các dân tộc Tây Nguyên cũng có nhắc đến gốc gác biển của họ. Theo sự chấp nhận chung ngày nay thì tiếng Việt nằm trong phân nhánh Mon-Khmer của Austro-asiatic. Và chúng ta sẽ thấy, trên căn bản lịch sử ngôn ngữ, người ta nghĩ rằng đã có một dòng di chuyển thu hẹp hơn đưa một lớp người từ Thượng Lào và bắc Khu 4 cũ của Việt Nam, xâm nhập đồng bằng Bắc Bộ vốn đã có người nói tiếng Tày Thái cổ ở đấy. Có những khoảng thời gian đứt đoạn không thể giúp nhìn ra sự liên tục của những tập nhóm dân đến sinh hoạt trong vùng. Nhiều giả thuyết đã đưa ra nhưng không đủ sức thuyết phục vì thiếu chứng cớ đã đành mà còn vì sự tranh luận có chen vào những tâm tình, tự ái riêng tư của người ngày nay nữa. Không có dấu vết chứng tỏ dân săn bắn hái lượm Hoà Bình Bắc Sơn rời hang đá ở độ cao 15 mét trở lên, xuống đồng dù rằng những nhà khảo cổ học Việt Nam muốn chứng minh có các dấu vết trồng trọt để gán danh hiệu văn hoá nông nghiệp cho những người này. Những tập nhóm ở bờ biển khoảng 8000 năm trước sống bằng hái lượm đã để lại các đống vỏ sò dày lớn vùng Thanh Hoá, Nghệ An. Lớp người ở ven vịnh Hạ Long 5000 năm trước cũng sống chủ yếu bằng hải sản. Nền nông nghiệp trồng lúa nước lại đi theo với lớp người Austro asiatic vì khi phục hồi tiếng cổ thấy có dấu vết hiểu biết về lúa. Lúa Oryza sativa đã có mặt đầu tiên khoảng 5000 tCn. ở Hà Mẫu Độ tỉnh Chiết Giang (nam Trường Giang) với hàng mét thóc trấu để lại. Trong khi đó dấu vết thóc ở Đồng Đậu là khoảng nửa sau thiên niên kỉ II tCn. Các nhà khảo cổ học Việt Nam đã đem từ lòng đất ra những hiểu biết về những tập đoàn người sinh sống trên vùng đồng bằng mà họ đưa ra các mốc tiến triển với các tên địa điểm Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, và tên Đông Sơn có sẵn. Đấy là những người đi theo sinh hoạt nông nghiệp, săn bắn chủ yếu còn bằng các vật dụng đồ đá mài nhẵn. Vật dụng trang sức cũng đa số là đồ đá. Người ta đã thuần dưỡng được trâu bò, heo, gà, chó như các dân tộc nông nghiệp Á Đông khác. Các khu vực cư trú có diện tích rộng nhưng chưa thấy dấu vết nhà cửa có lẽ vì vật dụng xây cất bằng tre lá không thể lưu lại bền lâu được. Dấu vết đồng đã xuất hiện nhưng thay vì chất liệu đồng thau thời kì Đông Sơn về sau có chì thì thời kì này không có. Sinh hoạt sử dụng đồ đá còn chiếm ưu thế cho nên chỉ có thể coi các dấu vết kia như một thoáng “đổi mới” từ ảnh hưởng phương bắc tràn xuống hay từ Thái Lan qua, chưa kịp thay đổi nền tảng cũ. Thời đại đồng sẽ phát triển khoảng nửa sau thiên niên kỉ I tCn. với vật chứng tiêu biểu là trống đồng và các rìu đồng mang tính cách thờ cúng, phẩm vật tiêu biểu cho quyền lực hơn là để chiến đấu. Đó là thời đại thường được gọi là văn minh Đông Sơn. Tên gọi này nếu vẫn giữ tính chất quy ước của khảo cổ học thì tránh được tính chất tự tôn khu vực, khỏi gây nên tranh cãi để có thể xét đến những dạng đặc sắc từng vùng, và sự lan toả của nó có khi không phải chỉ vì uy thế văn minh mà chỉ giản dị là sự chuyển dịch vật dụng như các trống đồng kiểu Heger tìm thấy ngoài Việt Nam, hoặc trong một chừng mực phải dè dặt hơn, trên vùng Tây Nguyên, Bình Định, Khánh Hoà, Bình Dương… ngày nay, hay các đơn vị mang kiểu dáng Vân Nam trên đất Việt. Danh xưng Văn minh Đông Sơn vẫn thường được sử dụng như của một nền văn hoá khảo cổ nhưng thật ra nó đã có phần đi sâu vào thời đại lịch sử nếu ta chịu khó khảo sát chi li hơn với các bằng cớ xuất hiện ở Bắc Việt Nam. Với những phát hiện mới, người ta không dùng tên Đông Sơn cho cả vùng Đông Nam Á mà nay đã dành riêng cho Việt Nam. Thời kì Đồng này mang dấu vết liên hệ với vùng Lĩnh Nam của nam Trung Quốc, được cho là khoảng nửa sau thiên niên kỉ I tCn. Tính chất sông nước thể hiện thật rõ trên trống Đông Sơn chứng tỏ thêm một dấu vết duyên hải, hải đảo, hoặc có tự nguồn gốc hoặc là bằng chứng thiên di như khi ông Đào Duy Anh muốn chứng minh liên hệ của đám dân Việt miền Phúc Kiến đi theo loài chim hậu điểu ông gọi là Lạc. Việc phát hiện mộ Triệu Mạt / Triệu Văn Vương, cháu Triệu Đà cho thấy dấu vết Đông Sơn đậm đà trên vùng Quảng Châu ngày xưa vì hình tượng người lông chim trang trí trên tường mộ đã không khác trên trống đồng tí nào mà còn mang tính hoành tráng hơn. Tính sông nước cũng là dấu hiệu khác biệt với của tập đoàn Điền trên các trống đồng Vân Nam – ở đây tuy cũng có nhà sàn nhưng là tượng chứ không phải là tranh khắc, thêm có đánh nhau trên ngựa cỡi, có cọp leo thang, thuyền bè thô vụng hơn, có kho tàng vỏ sò gốc biển từ đó chứng minh cho tính chất lục địa của tập đoàn… Có nghĩa là hai tập đoàn cùng đúc trống đồng nhưng phát triển theo tính chất khu vực riêng biệt của mình. Vì thế ta mới gặp những dấu vết trung gian như khi thấy thạp đồng Đào Thịnh có tượng người, trống đồng đính theo tượng ở khu vực Việt Nam (cóc từng chùm, chó, vật giống như cáo), còn người Chuỳnh thiểu số nay ở Quảng Tây thì vừa có trống Đông Sơn, vừa chồng chất tượng xe trâu trên mặt trống. Trên vùng đất Chàm cũ thì cũng người Pháp đã phát hiện một nền văn hoá Sa Huỳnh với mộ chum còn nhiều bí ẩn. Đó là nền văn hoá được các nhà khảo cổ học Việt Nam cố chứng minh là tiền thân của văn minh Champa. Nó mang nhiều tính chất hải đảo với dấu vết gốm, các vật dụng trang sức, nhưng cũng có các gương đồng, tiền Hán… Và thắc mắc lớn nhất là nó mang tính chất thời kì đồ sắt, gần như không dính dấp gì đến vùng đồ đồng kề cận phía bắc – dù với các trống đồng phát hiện gần đây, chúng cũng mang sắc thái lạc loài với Sa Huỳnh thấy rõ. Xét theo tiến trình phát triển ngôn ngữ thì tiếng Chàm phát sinh khoảng 1000 năm tCn., do đó người ta cho rằng nhóm Chàm gốc Malayo-Polynesian lên lục địa trước cả thời kì đồng nơi này, rồi xuyên sâu vào vùng cao nguyên đông bắc Thái để chịu ảnh hưởng thời đại sắt nơi đây vốn có nhiều quặng sắt.Lối chôn cất Sa Huỳnh lại giống với ở Ban Kan Luang trên thung lũng Mun của Thái. Chúng ta cũng lưu ý vùng Trấn Ninh (thường gọi là Cánh Đồng Chum) có các chum đá chứa tro xương thiêu. Có hang đá vôi thiêu xác, tro người thường thì bỏ vào chum đất còn tro lãnh chúa thì trong chum đá. Nghĩa là vấn đề mộ chum lại bắt qua một nền văn hóa cự thạch: menhir ở Hua Pan tập trung từng vùng hay đặt cạnh đường đi, phía Việt Nam có dolmen Guốc vua Thục ở Cao Bằng, “bia đá” menhir ở Lào Cai, Lạng Sơn, lần xuống đồng bằng ở Bắc Giang, Bắc Ninh (núi Lạn Kha)… đến các ông Đống khổng lồ mơ hồ “bóp chết rắn, cắn nát núi, húi sạch rừng, bưng ngang lũ,” trong thời đại lịch sử đã biến thành ông Phù Đổng Thiên tướng giúp vua Hùng, ông Cao Lỗ giúp An Dương Vương, ông Lí Ông Trọng giúp vua Tần chống Hung Nô, ông thần Chàng Vàng / Đô Lỗ ở Thanh Hà, Hải Dương giúp Lê Đại Hành chống Tống. Trên đường vào nam có đá ở Quảng Ngãi, chuyển hoá thành người bắt cá biển bằng tay không ở cái Rổ Đó Khổng Lồ (nay là bán đảo Phương Mai, Bình Định), nối kết các ông bà Khổng Lồ của hệ thống Khmer, cuối đường có mộ đá Xuân Lộc nổi danh, và tràn ra ngoài hải đảo mang dấu khắc hoạ người đi theo trống Heger I. Lại cũng thấy dấu vết mộ chum ở lớp đất tiền Óc Eo, trên vùng đất đỏ, giồng ngập mặn lưu vực Đồng Nai, ngoài đảo Côn Sơn, trên Tây Nguyên theo các khai quật gần đây. Chưa kể là còn có thể liên hệ mộ chum với mộ nồi vò úp nhau trên vùng Bắc Việt Nam, xa hơn đến tận Trung Quốc… Chính từ trong điểm chung vẫn có sự khác biệt do ảnh hưởng từng khu vực. Ta đã thấy chum đá ở Thượng Lào, nhưng ở vùng Chàm cũ thì là chum đất chứa tro cải táng giống như ở Đồng Nai (Hàng Gòn, Phú Hoà…), ở Giồng Phệt (Bà Rịa Vũng Tàu) thì chôn người chết trực tiếp trong chum đồng thời với các mộ đất, còn ở Phú Chánh (Bình Dương) là chum gỗ! Nhưng lại cũng như tập nhóm Đông Sơn, Sa Huỳnh cũng kéo dài đến thời kì có sử như chứng cớ hiện diện của các vật dụng (gương Tây Hán ở Bình Yên – Quảng Nam, gương Đông Hán ở Phú Chánh.) Địa điểm Samrong Sen gần Biển Hồ thuộc vào thời đá mới + đồng, cư dân như người tại chỗ bây giờ. Có lẽ Nam Bộ ngày nay của thiên niên kỉ trước Công nguyên phần lớn còn thuộc cư dân Austronesian đồ đá. Đàn đá, một đặc trưng văn hoá Tây Nguyên ngày nay đã được tìm thấy trong tầng văn hoá khảo cổ ở Bình Đa (Đồng Nai). Tuy nhiên ảnh hưởng đồng thau cũng đã tràn tới theo ngả Thái Lan nơi có các nguồn mỏ đồng được khai thác cung cấp đến các vùng thật xa. Ở Dốc Chùa bên bờ sông Đồng Nai người ta đã đào được các khuôn đúc rìu đồng với số lượng nhiều nhất Việt Nam chưa kể số lượng khuôn đúc của dân vùng Bưng Bạc (Bà Rịa Vũng Tàu) sống trên nhà sàn. Nên mở ngoặc để nói về các qua đồng có văn khắc dấu chấm và chữ S rằn rện, thấy được ở Nam Bộ (Dốc Chùa 13 cái, Long Giao 18 cái – tổng cộng phỏng đoán là đến 70 cái) và một hai đơn vị ở Bình Thuận, được nhà khảo cổ Việt Nam cho là thuộc thời Chiến Quốc và học giả thế giới bắt chước theo mà không lưu ý rằng các đạo quân Trần Thượng Xuyên (Minh, thế kỉ XVII) hay Lí Tài (Thanh, cuối thế kỉ XVIII) trong vùng có thể sử dụng các vũ khí tượng trưng (chất đồng ở đây mềm giống như là của đồ lỗ bộ) mang đặc điểm Hán tộc như thế. Lập luận càng vững chắc hơn khi trong năm 2006 một người Chu Ru đã phát hiện một kho qua đồng khác lên đến 6, 700 đơn vị ở Cẩm Mĩ, cách Long Giao khoảng 4km. Qua lần này lại thếp vàng chứng tỏ không phải là để chiến đấu, và toán quân Trần Thượng Xuyên được kể là chủ nhân hẳn hợp hơn là Lí Tài. Những vùng sình lầy cửa sông Đồng Nai cũng không vắng người. Lưu vực miền hạ Cửu Long tuy là lớn nhưng không phải chỉ mới tạo thành gần đây. Mũi Cà Mau đã thấy rõ ràng trên các bản đồ châu Âu xưa nhất. Các không ảnh cho thấy vùng Hậu Giang có những đường nước ngang dọc hoặc mang công dụng tưới tiêu, hoặc là đường thuỷ lưu thông. Cho nên các nhà khảo cổ Việt Nam bây giờ đào xới lớp đất dưới Óc Eo lấy mẫu C14 đo đạc thấy có dấu vết cư trú nhà sàn và sinh hoạt dân bản xứ trước khi ảnh hưởng Ấn Độ tràn tới. Văn minh Đông Sơn và những đường nét sơ sử phía Bắc Như đã nói, vùng phía bắc Việt Nam thấy tộc Hoa Hạ tràn xuống phía nam nên có ưu thế tiếp cận văn tự Hán sớm và khiến cho lịch sử nơi này sáng tỏ trước tiên. Các tên chỉ về lãnh thổ, tập đoàn, lãnh tụ mà bây giờ người ta tranh cãi để xác định về nguồn gốc dân tộc, diễn giải về lịch sử nơi này đều bắt đầu bằng dấu vết nơi các thư tịch Trung Quốc. Sử kí Tư Mã Thiên (viết khoảng 104-91 tCn.), Hán thư (viết khoảng 58-79) có các tên Lạc, Việt với những tập họp nhiều dạng hình của chúng: Lạc Việt, Âu Lạc, Tây Âu Lạc, Tây Âu, Đông Âu… Cựu Đường thư (viết khoảng 924-946), phần Địa lí chí dẫn Nam Việt chí của Thẩm Hoài Viễn (viết khoảng 453-456) có tên Hùng Vương, Hùng hầu, Hùng điền. Còn Giao Châu ngoại vực kí gần với thời Nam Việt chí thì được Thuỷ Kinh chú (515) nhắc đến Lạc Vương, Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc điền, Lạc dân. Có điều rắc rối nan giải là dù ở các sách xưa nhất như Sử kí, Hán thư, các bản văn hiện tồn cũng trải qua nhiều sửa đổi, nhiều chú giải của người sau qua những biến đổi ngữ âm, do sự mù mờ văn tự, cách ngắt chữ ngắt câu… khiến cho vấn đề xác định lại tuỳ thuộc vào tâm tình sử gia hơn lúc nào hết. Ví dụ trong khi Giao Châu ngoại vực kí kể ra cả một hệ thống tổ chức chính trị, kinh tế thông suốt trên dưới thì Quảng Châu kí (420-436) lại không nhắc đến Lạc Vương. Còn cụm từ “tây âu lạc” chẳng hiểu có gốc là một chỉ danh khác-Hán như thế nào nhưng bây giờ có thể xếp thành: Tây Âu Lạc (một “nước”), (phía) tây (là) Âu Lạc, Tây Âu (và) Lạc (Việt) rồi từ đó vị trí các lãnh thổ, tập đoàn liên hệ có thể co dãn theo tinh thần yêu nước của các sử gia khiến cho nước Việt cổ xưa mở rộng ra không những chỉ kình địch với thủ lãnh địa phương là Triệu Đà mà còn tranh chiến với cả trung ương Tần Hán nữa. Các tên Việt, Lạc nhìn theo lối viết chữ quốc ngữ ngày nay được tranh luận nhiều để có người thấy có địa điểm L-Ạ-C ở vùng xuất phát của tộc Hoa Hạ, và không kể đến gốc gác chữ Hán như thế nào, bèn cho rằng dân Việt cũng có phần – mà là phần hơn, nên ghép Lạc thư là của Việt (Nam) rồi kéo luôn cả Hà đồ, âm dương ngũ hành…, càng lúc tin tưởng càng vững chắc không gì lay chuyển nổi. Như đã thấy, các tên chỉ tộc danh, lãnh thổ xưa nhất chỉ người Việt ngày nay là ở Sử kí, phần “Nam Việt Úy Đà liệt truyện,” Hán thư chỉ là chép theo và thêm bớt chi tiết. Những tranh luận về ý nghĩa đích thực của chúng chỉ gây thêm rắc rối vì đó là cách phiên âm một từ, một ý niệm địa phương – cũng không hẳn là cố định, của một người đi buôn, một nhân vật quân sự, một tay thư lại Hán ghi vào sổ sách, rồi qua bao nhiêu chặng đường khác nhau sẽ chuyền đến tai Tư Mã Thiên ngồi ở Lạc Dương hay đang trên con đường phiêu lãng tìm kiến thức của ông. Và cũng vì thế không có gì để xác nhận rằng tập đoàn Việt ở đây giống với nước Việt mà người Hoa Hạ biết có tranh giành quyền lực thời Chiến Quốc, thế kỉ V tCn. Tuy nhiên chính vì lẽ gần cận âm vận này mà người Hán giữ được cái tên đó, đến khi tràn xuống phương nam, hiểu biết về địa phương có phần chi li hơn trước, liền xếp các tộc đoàn khác-Hán với một số thói tục tương tự ít nhiều vào cùng nhóm “Việt” để gọi gọn là Bách Việt, từ người dưới đồng, ngoài hải đảo như Lạc Việt, đến người trên núi cỡi voi như Điền Việt sâu tận bên trong cao nguyên Vân Nam. Rõ rệt có sự liên tưởng sẵn nên lời người chú giải Hán thư âm nghĩa cho Sử kí cũng có thể hiểu “Lạc là Việt đấy” (Lạc, Việt dã). Rồi từ đấy là lí thuyết thiên di của L. Aurousseau vẽ đường cho tập đoàn tan rã Việt Câu Tiễn xuống châu thổ sông Hồng. Ông Đào Duy Anh tuy bài bác Aurousseau nhưng cũng cho dân Việt vùng Phúc Kiến theo đường biển đến Bắc Bộ. Và như đã nói, hình tượng người-chim trên vách mộ Triệu Mạt là bằng chứng mới nhất về một dạng văn hoá mang tính đồng biển ở trên vùng người Hán gọi là của dân Bách Việt. Có điều dấu hiệu đa tạp ngôn ngữ còn thấy về sau cũng chứng minh vấn đề đã không giản dị. Đám dân Lạc ấy làm ruộng nước, suy từ nguyên gốc nguồn tin (nói về ruộng, giống như với tập họp Hùng tương ứng) thì không thể nào có tô tem là chim Lạc (?) hay chuyển từ “ló”, “lúa” cả. Diễn giải thông thường ngay từ văn bản xưa, là dân ấy làm ruộng theo nước thuỷ triều lên xuống nhưng ông Nguyễn Duy Hinh lại cho rằng đó là làm ruộng theo vùng mực nước khô cạn hay đầy ngập – vùng ruộng mùa và ruộng chiêm, sự phân biệt này là của thời có sử lưu truyền đến ngày nay. Lí lẽ chưa đủ vững chắc nhưng đó cũng là thêm một chứng dẫn về sự nan giải trong việc tìm hiểu nguyên ngữ nữa. Tập họp Lạc làm ruộng theo nước triều lên xuống cũng tương hợp với các hình khắc hoạ trên trống đồng với sinh hoạt nhà sàn giã gạo cùng với sinh hoạt sông nước có dáng lan ra biển rộng, lên phía Bắc, bên ngoài địa giới quốc gia ngày nay. Rồi như đã thấy, gần đồng thời với nguồn tin tiếp về tập họp chính trị Lạc trên đồng bằng Bắc Bộ ngày nay thì cũng có nguồn tin về tập họp Hùng gần đâu đó. Thế là nảy ra ý cho rằng người xưa lẫn lộn. Có lẽ Ngô Sĩ Liên là sử gia Việt đầu tiên nêu ra ý kiến “Lạc tướng hậu ngoa vi Hùng tướng.” Chúng ta không hiểu tại sao ông không nói đến cấp bực Vương, chỉ biết rằng học giả Pháp H. Maspéro (1918) đã sử dụng lối viết chữ Hán để chứng minh chữ Hùng là Lạc viết sai qua, nghĩa là chỉ có Lạc Vương chứ không có Hùng Vương. Vấn đề không đi đến đâu cũng giống như khi ông chứng minh Văn Lang là từ Dạ Lang viết lẫn lộn qua. E. Gaspardone (1955) thì lưu ý rằng Lạc và Hùng là hai truyền thống khác nhau. Ông Nguyễn Duy Hinh có vẻ không tin vào danh xưng Hùng Vương nên đề tựa cho quyển sách của ông là Văn minh Lạc Việt chứ không gọi là thời đại Hùng Vương hay Văn minh sông Hồng… Tuy nhiên danh xưng Hùng Vương lại được một quyển sử khác đưa ra chắc nịch về thời kì xuất hiện, tuy không biết nguồn tin phát xuất từ đâu nhưng lại hợp với tính chất phối hợp thần, thế quyền của các chính quyền thời sơ sử và như thế làm an tâm các sử gia “Thời đại Hùng Vương” ngày nay hơn. Đại Việt sử lược ghi: “Đời Trang Vương nhà Chu (696-682 tCn.) ở bộ lạc Gia Ninh có dị nhân dùng ảo thuật quy phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chân chất, chính sự dùng lối thắt nút.” Không rõ tác giả vô danh kia lấy niên đại từ đâu. Nhưng căn cứ vào thời đại xuất hiện quyển sách thì đồng thời với tác giả cũng có Hồ Tông Thốc với các sách Việt nam thế chí, Việt sử cương mục vào cuối thế kỉ XIV nói đến 18 đời Hùng Vương. Ngay cả người Minh, tác giả An Nam chí (1419) cũng nhắc đến Mị Nương “con gái Hùng Vương” ở Tản Viên. Có điều còn một chút lẫn lộn: Ở nơi mà ngày nay là đền Hùng, họ thấy có “cố chỉ của cung Lạc Vương.” Hai chữ Lạc và Hùng do đó cứ ngập ngừng quanh quất trong công trình các sử gia Việt, và danh xưng Hùng chỉ trở thành độc bá khi có quyết định chính trị chen vào. Như thế các dấu vết sử liệu cũng như thực địa cho thấy nơi quanh đỉnh đầu lưu vực sông Hồng từ xưa đã có ít ra là một tập họp có người đứng đầu xưng là “vương”. Điều đó không phải là lạ. Từ năm 180 tCn, Triệu Đà đã nói với sứ giả Hán rằng phía đông của ông ta thủ lãnh Mân Việt một ngàn người tự xưng vương, phía tây, dân Âu Lạc ở trần cũng xưng vương! Gạt sang bên cách giải thích cụm từ “tây âu lạc” rắc rối như đã thấy, cứ cho rằng Âu Lạc Triệu Đà nói đây là nước của An Dương Vương thì thấy rằng dưới ảnh hưởng của văn minh Hán tộc tràn xuống nam, nhiều tập họp dân bản thổ đã bắt đầu tổ chức thành đơn vị lớn nhỏ mà người cầm đầu theo cung cách hướng thượng tự nhiên, đã xưng Vương như nơi khuôn mẫu họ bắt chước theo. Nghĩa là không phải chỉ có (Mân Việt và) Âu Lạc mà Triệu Đà tiếp cận được. Những “nước” khác trong vùng không tiếp xúc được với người “có chữ” (Hán), đã tan biến vào trong thời gian chỉ còn lại một nước Lạc và một nước khác kém may mắn hơn nhưng vẫn đủ may mắn để tồn tại là “nước” Hùng. Nhiều trăm năm sau khi người Hán chiếm đóng, họ còn thấy ở vùng này có rất nhiều tập họp người khác ngôn ngữ, muốn hiểu nhau phải qua thông dịch, như đối với Việt Thường của sách vở xưa. Mã Viện thắng Hai Bà Trưng, bắt cả hơn 300 “cừ soái” đem về Linh Lăng. Gần hai trăm năm sau, sớ Tiết Tổng dâng lên vua Ngô (231) còn cho ta biết: “(Giao Chỉ) sông núi xa xôi, tập tục không như nhau, ngôn ngữ phải thông qua nhiều lần phiên dịch mới hiểu…” Và cả đến thế kỉ VIII, sự xuất hiện của Vua Đen Mai Thúc Loan còn cho thấy dấu vết không nhỏ của tập họp người mang dáng dấp Hải Đảo trên vùng Nghệ Tĩnh nay. Rõ ràng là trước khi người Hán biết đến xứ sở này, không thể có một chính quyền thống nhất dù sử gia ngày nay viện dẫn đến tài liệu thống kê dân số nói dân thuộc địa phương nam của nhà Hán đó có cả gần triệu người! Trở lại về trước, ta chỉ còn thấy hai tập họp Hùng và Lạc. Nguồn gốc của chữ Hùng thì cũng đã có nhiều giải thích trong đó có của ông Trần Quốc Vượng, minh định cho một nền văn minh bản địa cao cấp, nhưng cũng như với trường hợp của chữ Lạc, vấn đề vẫn không đi đến kết luận thoả đáng. Chúng ta chỉ thấy ngay khởi đầu, thông tin về hai tập họp người gần tương đồng thời đại đó đã có sự phân biệt về nơi cư trú. Lạc là để nói về một tập họp người trồng lúa nước nơi một vùng khoáng đãng, vùng đồng bằng gần biển, ít ra là tách biệt với rừng núi. Còn Hùng, cũng có gốc từ ruộng đất như Lạc – tên “hùng điền” lấy từ ý đất bốc hơi mạnh, nghĩa là đất ở những thung lũng hẹp, gần rừng núi hơn. Truyền thuyết 50 người con theo mẹ lên núi có vẻ là rơi rớt của một ý niệm “hùng” như thế. Khi người Hán tràn xuống nam, họ chiếm vùng đồng bằng không những vì Triệu Đà có liên hệ trước với Âu Lạc mà vì từ bản thân khai thác của dân Hán, họ chủ yếu tập trung quyền bính ở vùng châu thổ, dành các đất trên rừng núi xa, cho thuộc vào vòng ki mi (ràng buộc lỏng lẻo) vì không đủ khả năng chế ngự. Tên Lạc, Âu Lạc, Lạc Việt trở thành quen thuộc trên cửa miệng, văn thư quan lại Hán để chỉ đám dân thuộc địa vùng đồng bằng theo với địa danh hành chính Giao Châu gồm cả Hợp Phố của Quảng Đông ngày nay, nên có lúc họ gọi là Lạc Việt cả người ở đảo Hải Nam. Tập họp Lạc Việt trở thành bao trùm trên cả những vùng không hẳn được xác định lúc đầu. Còn người Hùng thì bị quên lãng vì lúc này đã trở thành điểm nhỏ bên lề những biến động lớn trong ghi chép của đế quốc Hán đã vươn đến tầm mức quốc tế, cho nên chỉ còn lại ở những kí ức địa phương. “Cung cũ của Lạc Vương,” lời ghi chép ở thế kỉ XV của người Minh đó là kết tụ của kí ức dân chúng địa phương về ông vua xưa của mình (Hùng), và sự lầm lẫn của người cai trị về một loại lãnh chúa mất địa vị (Lạc) đã bị lịch sử đưa vào vòng “nội thuộc” của họ từ lâu. Họ Trần kiêu ngạo của vùng đồng bằng không xây cất cung ấy vì họ không hề để ý đến một lãnh chúa ở vùng di man như họ từng ứng xử. Đền đài tàn tạ mà người Minh trông thấy là của dân chúng và lãnh chúa địa phương xây cất nên. Không biết các nhà khảo cổ Việt Nam hiện nay có lưu ý để tìm kiếm “cố cung” ấy hay không. Trường hợp “quên” của người Hán cũng xuất hiện với người Việt về sau khi các quan cai trị đã ra đi mang Lạc Vương theo gót chân họ. Hùng Vương trở lại nổi bật trong lịch sử độc lập Việt và càng lúc càng có uy thế hơn khi một dòng vua gốc man từ Thanh Hoá đến cai trị khiến cho nho sĩ trung châu Ngô Sĩ Liên thấy không có gì phải ngượng ngùng khi đưa một lãnh chúa man vào làm tổ nước Việt của ông, công việc hợp với tính chất xưng tụng vị chủ tể như đúng với vai trò thần tử phải có, chưa kể là do sức ép từ tập đoàn Mường Thái đang cai trị trên thành phần tập đoàn trung châu yếu thế của ông. Các sử gia Việt Nam ngày nay thường ghép “Thời đại Hùng Vương” với nền văn minh Đông Sơn, điều này thì cũng không gây tranh cãi lớn nếu không có ý tưởng Bốn ngàn năm văn hiến níu kéo vào. Muốn sử dụng từ “văn minh” cho giai đoạn Đông Sơn hẳn phải là nhìn từ những vật dụng cao cấp: vũ khí có trang trí, mang hình tượng người, thú dùng cho tế lễ hay để chứng tỏ uy thế một cấp bực quản lí vùng như đã nói. Và trống đồng. Trống đồng thấy nhiều nhất qua chứng tích sau trận thắng năm 43 của Mã Viện. Dù có đi tìm những ảnh hưởng từ bên ngoài vào thì dấu vết địa phương cũng nổi bật trên trống đồng, ví dụ trong khi trống đồng Vân Nam rườm rà với các khuôn tượng thì trống Việt phía nam tinh tế với các vành trang sức. Tất nhiên không thể bỗng nhiên người ta đúc ngay được một tuyệt phẩm của một dòng trống cao cấp bởi phải trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm, sáng tạo. Thế mà ngay trên trống Ngọc Lũ đã thấy khắc đến 15 trống loại 1 rồi, điều đó có nghĩa là không thể biết khoảng thời gian bao lâu từ lúc có trống đồng nói chung đến trống Ngọc Lũ. Nhưng không nên có ảo tưởng tìm lại được nguyên mẫu vì tự thân của tiến bộ người ta đã loại trừ những vật dụng xấu, kém một khi có các vật phẩm cao cấp hơn. Thêm nữa, đồng là hiếm thì không thể lấy nguyên liệu mới đúc trống mới mà phải lấy ngay trên các trống xấu, cũ. Lối phân loại của Heger chỉ xác định tương đối giai đoạn suy tàn của trống chứ không phải là giai đoạn hình thành. Việc tranh cãi giành nhau “quê hương của trống Đông Sơn” giữa các học giả Trung-Việt trong các năm 1980 chỉ là sự nổ bùng do hậu quả của cuộc chiến 1979 chứ không đưa đến kết luận thoả đáng nào ngoài việc ai giữ phần nấy trong im lặng bên phe mình. Phía Việt không chịu mẫu ở Vạn Gia Bá là nguyên thuỷ thì hẳn cũng không chịu kết quả C14 ở Thạch Trại Sơn: 690+/-90 tCn. Việc xác định thời điểm đúc trống cao cấp còn thấy của Việt Nam lại thêm rắc rối vì các trống Việt thường được tìm ra một cách tình cờ, tự bản thân không có dấu vết xác định thời đại. Trống ghép với mộ Việt Khê thì chỉ là 530 tCn. Nhưng mẫu thử nghiệm lấy từ gỗ thuyền thì phải tụt lại khoảng cả trăm năm. Trừ một điểm hơi tỏ rõ, có thể là muộn, ở trống Cổ Loa. Vì những mù mờ nói trên nên người ta xếp thời điểm cao cấp của trống Đông Sơn là trước thế kỉ III tCn, thời điểm chưa có sự xâm nhập của quân binh Hán trên vùng này, hay thế kỉ VII, VIII tCn. gì đó, có lẽ là do chịu ảnh hưởng của đoạn văn Đại Việt sử lược kể trên để đặt cho đúng với thời đại vua Hùng. Thế là, với một chút dè dặt người ta cho thời điểm trống Đông Sơn là ở thế kỉ V tCn, trung bình nằm giữa thiên niên kỉ đó. Trống Cổ Loa được cho là thuộc loại Heger I lại có những dòng chữ Hán không ai thiết tha tìm hiểu kĩ hơn nhưng được nhận ra là lối chữ của thế kỉ II. Như vậy trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ dù xưa hơn cũng vẫn khó có cách biệt đến cả mươi thế kỉ. Mặt khác, nhìn những biến dạng từ cá sấu thẳng mình rồi uốn mình, cách điệu trên trống, rìu đồng, trên các hộ tâm phiến rồi ghép với chứng cớ ngôn ngữ biểu diễn con vật đó bằng chữ “long”/rồng mang ý thức cao cấp, Hán đem đặt tên cho thủ phủ thuộc địa: Long Biên / Long Uyên, để lên đến tột đỉnh là kinh đô Cá Sấu Thăng Long của Lí, ta thấy rõ ràng có những vật dụng của “văn minh Đông Sơn” đã không xưa cũ như lòng tự tôn muốn thấy. Tuy nhiên việc có các trống xưa ở vùng đồng bằng, gần đồng bằng, cũng như các dấu vết sinh hoạt thời đồng thau cao cấp (như khu mộ Việt Khê chẳng hạn) cũng chứng tỏ rằng các thủ lãnh địa phương bản xứ đã có đủ khả năng về tiền bạc, tập họp người và quyền uy để đúc trống tạo thêm quyền uy trong các cuộc hội lễ từng được quan lại Hán đương thời ghi nhận. Có lẽ phải đến hàng vạn thủ lãnh như thế đã chìm lấp theo thời gian, theo với các trống đồng họ chôn hay lưu truyền cho Mã Viện tịch thu, có còn sót lại, tình cờ vẹt đất bày ra thì lại phải mang những cái tên lạ lùng chưa có ngày xưa: Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa… May mắn trong đám thủ lĩnh ấy có hai tập họp được người Hán ghi lại mà nay cũng chỉ đọc ra tên theo kiểu của họ, không biết gốc gác là gì: Hùng “Vương,” Lạc “Vương.” Và họ trở thành biểu tượng cho địa phương một khi toàn vùng thay đổi, phát triển . Các cấp bực “vương”, “hầu”, “tướng” chỉ là mượn của quan niệm Trung Quốc, không thể nào được coi là giống với nguyên mẫu nhưng cũng để lại cho ta một ý niệm về một tổ chức tuy không lớn rộng nhưng có trên có dưới, có phân công nhiệm vụ điều hành dân sự và quân sự. Cũng nên theo các nghiên cứu ngày nay mà nhận ra rằng các trống loại 1 xuất hiện nhiều nhất ở rìa tây nam đồng bằng sông Hồng và lan về nam đến sông Mã. Và cả những trống loại 1, hay các trống muộn hơn, vẫn có thể hoặc xuất hiện trong thời Bắc thuộc hay về sau, và nhờ giao thương phát triển mà lan tràn khắp Đông Nam Á. Cả hai tài liệu gây ra sự phân vân Hùng/Lạc đều công nhận một nhân vật duy nhất lật đổ nhóm thủ lãnh ăn ruộng kia: An Dương Vương. Lại cũng có điều phân vân không rõ, An Dương Vương là vua Thục của cái nước bị tiêu diệt năm 316 tCn., là “Con vua Thục” của dòng giống lưu lạc kia, hay chỉ là một tên Thục mượn-tiếng, không bà con dây mơ rễ má gì với nhau như sau này ta thấy rất nhiều trên các triều đại mượn tên Trung Quốc. Là gốc gác từ đâu không rõ nhưng chắc chắn là “nước” Thục kia không ở xa “nước” Hùng/Lạc, đâu đó phía tây bắc theo các dòng sông chuyển về đồng bằng tìm đất sống, mở mang địa vực, nới rộng quyền lực. Địa điểm Cổ Loa kèm theo, là nơi đóng đô, bằng chứng thường được chỉ ra là ngôi thành còn lại có vẻ không vững chắc hơn truyền thuyết lễ tế ngày nay ở làng Nhồi trong thành, liên kết thần đá Cao Lỗ với lãnh tụ thế tục: vua. Và nhân vật An Dương Vương này có dáng lịch sử vì bám vào một nhân vật lịch sử Trung Quốc: Triệu Đà. Dù có những loại chuyện thần thuyết kèm theo sự tranh chiến giữa đôi bên như chuyện nỏ thần lông ngỗng, nước Âu Lạc của An Dương Vương cũng xuất hiện với “Uý Đà” theo các tài liệu tiếp nối, cho thấy theo xác nhận thông thường là Đà đánh chiếm Âu Lạc vào khoảng năm 179 tCn. Quá khứ miền Bắc Việt Nam từ đây bắt đầu bước vào thời đại lịch sử thực sự. CHƯ ƠNG III: CÁC Q UYỀN LỰC BẢN XỨ TRƯỚC SỰ TRÀN LẤN HOA ẤN Vấn đề Triệu Đà – Nhà Triệu Như đã thấy, tài liệu muộn như Nam Việt chí kể chuyện Thục cướp nước của Hùng Vương, rồi sau đó Triệu Đà lại chiếm đất Thục. Nhưng Sử kí hơn năm thế kỉ trước thì chỉ nhắc đến Lạc, Âu Lạc để người sau (Quảng Châu kí) ghi chuyện “Thục vương tử” đánh Lạc hầu, xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Phong Khê, cuối cùng bị Triệu Đà diệt, “sai hai sứ giả coi việc cai trị hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân tức là Âu Lạc vậy.” Thế là nối kết các tài liệu mà không đi vào chi tiết, ta có nhân vật An Dương Vương, ít ra là làm vua trên vùng đất đỉnh đầu trung châu sông Hồng, theo Toàn thư là từ 257 đến 208 tCn. Các con số không vững chắc nhưng hãy cứ ghi lại như một định hạn cho tâm trí vào thời mù mờ này, cũng như về số tuổi quá cao của Triệu Đà: 256-136tCn. Sử gia Đào Duy Anh thì cho rằng Âu Lạc bị chiếm sau lúc Cao Hậu mất, sau năm 180 tCn. còn thời Thục Phán lên ngôi thì khoảng 214 tCn. theo lập luận dân Việt công cử người đánh Tần của ông. Triệu Đà chiếm Âu Lạc đặt hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, cũng theo sử ta, đặt hai viên điển sứ trông coi (về mặt hành chính?), còn về mặt quân sự có chức Tả tướng, nghĩa là “bảo hộ” Âu Lạc, nói theo lối bây giờ. Tên Giao Chỉ tuy gây nhiều tranh luận về ý nghĩa nhưng còn có thể tìm gốc gác trong các sách xưa của Trung Quốc chứ tên Cửu Chân thì hoàn toàn mới mẻ, hoặc có thể đó chỉ là phiên âm của một từ địa phương mà sau không còn tìm được dấu vết. Nhờ chuyện chiếm đóng của Hán về sau, ta có tài liệu để suy đoán thêm là Triệu Đà vẫn để con cháu nhà Thục giữ vùng Tây Vu, xưng là Tây Vu Vương cũng chẳng sao, nghĩa là các thủ lãnh ở các nơi khác vẫn trông coi phần đất, dân lệ thuộc mình. Các sự kiện được ghi lại rời rạc, chắp nối như thế không cho ta thấy rõ những thay đổi trong vùng – chắc cũng không nhiều, nhưng cả hàng thế kỉ tiếp xúc trực tiếp với quyền lực Hán tộc, dù của địa phương, hẳn cũng không phải là không có chút ảnh hưởng nào. Khi quân Hán tiến đến bờ cõi Âu Lạc cũ thì hai viên điển sứ của Triệu đã đem cống bò, rượu mừng và dâng sổ bộ hai quận. Cung cách giao tiếp không những đã có tính cách nghi lễ mà chi tiết còn chứng tỏ rằng những người cai trị của Triệu đã làm việc kiểm kê dân số trong vùng, hẳn là khác với lúc “tự do” trước kia. Vai trò của nhà Triệu trong nước Việt ngày sau đã gây nhiều tranh cãi và tuy có lúc bị phủ nhận nhưng kết quả để lại đã sâu đậm hơn là ta tưởng. Quyển sử chính thức đầu tiên cho Đại Việt, quyển Đại Việt sử kí , và quyển Đại Việt sử lược tiếp theo, cả hai đều sắp xếp nhà Triệu như một triều đại Việt. Cho nên không lấy làm lạ là tập họp sử chính thức tiếp theo, viết cho đến thế kỉ XVII cũng không đổi khác mà còn ghi chi tiết hơn: Người nối ngôi Triệu Đà là con Trọng Thuỷ, hàm ý con của Mị Châu với mớ lông ngỗng bay đâu đó. Những lời tán dương Triệu Đà không suy suyển qua các thời đại. Tuy nhiên dần dà thì tính chất tách rời hệ thống phương Bắc cũng sâu đậm hơn nên lại thấy có phản ứng ngược như trường hợp Hồ Sĩ Dương trong lời bình khi soạn lại Lam Sơn thực lục (1679), vương vấn gợi nhớ thời chống Minh: “Vũ Đế nhà Triệu… chẳng qua cũng là một người Hán sang cai trị nước ta, chưa được chính thống.” Hơn hai trăm năm sau, Ngô Thì Sĩ tuy cũng phủ nhận nhưng lúng túng trong tinh thần dân tộc hơn: Ông cho thời kì Triệu là “ngoại thuộc” nhưng với các triều Hán… Đường thì ghi là “nội thuộc.” Một khoảng cách rành rẽ trong thời gian người Pháp cai trị qua đến thời kì kháng chiến giành độc lập khiến cho vấn đề loại trừ nhà Triệu mang tính dứt khoát hơn (Đào Duy Anh). Tuy nhiên ảnh hưởng của sự công nhận nhà Triệu qua năm tháng dài không phải đã không đem lại tích cực từ một hướng khác: Đó là vai trò của nó trong sự hình thành quốc hiệu Việt Nam ngày nay. Được coi là Việt trong “vô số Việt” (bách Việt) vậy mà chỉ có nước Nam Việt dám đương đầu với Hán tộc, được chính quyền trung ương Hán tộc nhắc nhở luôn trong các văn thư với các triều đại độc lập về sau, cho nên Nam Việt có mặt trong sử Việt là một dấu hiệu bám víu hãnh diện. Một người chống đối trong thời thuộc trị (Lí Bí) xưng là Nam Việt Đế (541). Chính sử Việt dựng lên một ông vua thần nước tiếp theo, đã xưng là Việt Vương lại mang thêm tính danh Triệu, nhập nhoà với ông Triệu Vũ Đế xưa để thờ chung trên châu thổ sông Hồng. Thế rồi tên nước của Đinh đối với Tống là Nam Việt Vương dành cho Đinh Liễn, với bên trong là Đại Cồ Việt rồi văn hoa hơn, là Đại Việt suốt gần mươi thế kỉ độc lập nhưng vẫn ở thế phiên thuộc chính trị, văn hoá không rời trung ương phương Bắc. Truyền thống bám vào Triệu Đà đó thành điều in trí hiển nhiên trong đầu các sử quan, cho đến cả một triều đình thành danh xa tận phương nam như nhà Nguyễn, khi xưng tên nước, lúc khởi đầu cũng đã muốn là Nam Việt trước khi là Việt Nam theo sự ép uổng của nhà Thanh. Nước lớn muốn rẫy ra khỏi quá khứ, nước nhỏ vẫn lăn bám vào, cho nên đến ông Trần Trọng Kim với thế giới đã đổi khác mà vẫn còn giữ một chương Nhà Triệu trong quyển sử thời đại của mình! Các tập đoàn Lạc và quyền lực Hán: Vấn đề Mã Viện Nam Việt mất, quân Hán nhân đó tràn xuống chiếm lĩnh cả phần thuộc địa Âu Lạc cũ, ngoài hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân lại đặt thêm quận Nhật Nam (111 tCn.) có dáng là đã tiến xa hơn về phía nam. Thật ra thì phần lớn vùng thuộc địa mới này, một phần của Giao Chỉ Bộ, đều nằm về phía nam mặt trời luôn cả trong ngày Hạ chí (21-3) nhưng có vẻ người ta dành cái tên Nhật Nam (phía nam mặt trời) cho quận ở đuôi sau rốt. Biên giới của nó co dãn theo tình hình quyền lực của người chiếm đóng, có thể thấy là ở khoảng đèo Hải Vân ngày nay, nhưng có người muốn đẩy xa đến tận vùng đèo Cả. Trông coi mỗi quận là Thái thú có Đô uý cầm quân đồn trú. Triều đình Hán đưa một quan chức là Thứ sử (lập năm 107 tCn.), tháng 8 đến kiểm tra, tháng Giêng trở về kinh đô báo cáo. Suốt cả thời kì cai trị của Tây Hán (111 tCn.- 6 sau Cn.) qua thời gian soán đoạt ngắn ngủi của Vương Mãng (9-25), người ta chỉ ghi nhận có ba Thái thú, chứng tỏ sự thờ ơ của họ ở thuộc địa phương nam này. Ý định dùng Giao Chỉ làm vị trí trung gian để tiếp xúc với Đại Tần / Đông La Mã chỉ mới manh nha. Họ phải lo củng cố thuộc địa. Công việc mới mẻ, các quan Thái thú đốc thúc các trưởng lại trị dân qua tầng lớp Lạc tướng cũ, chỉ cốt giữ sao cho yên ổn. Trong buổi đầu còn phải lấy tiền bạc lúa gạo của các quận cũ cung cấp cho các quận mới, những đồ cống nạp dâng lên Triều đình chắc là thu từ các Lạc tướng, thuộc về những đặc sản địa phương như ngà voi, sừng tê giác, ngọc trai, lông chim trả… Tài liệu hiếm hoi nhưng cũng đã thấy có chênh mực từng vùng như Giao Chỉ phải cung cấp gạo cho Cửu Chân vì ở đây tình trạng sản xuất thấp kém hơn, dân chỉ biết lấy săn bắn làm nghiệp, Đô úy Triệu Quá phải dạy cày bằng bò, Thái thú Nhâm Diên chế điền khí, khai khẩn ruộng nương, lập quan hệ hôn nhân bằng giá thú… Ngay cả dân Giao Chỉ cũng làm sử gia Hán vốn quen với tập tục của mình, phải ngạc nhiên chê bai: “Người như cầm thú, ngôn ngữ khác nhau, không phân biệt trưởng ấu, bới tóc ở gáy, đi chân đất, lấy vải luồn qua đầu làm áo” – kiểu poncho còn thấy ở Nam Mĩ ngày nay. Chứng nhân Tiết Tổng làm thái thú Hợp Phố ở gần bên thì thấy chi li hơn: “Chu Nhai trừ chốn châu huyện việc giá thú tiến hành… (có) mai mối đến nhà, còn nam nữ dân chúng vào hội lễ thích nhau thì tự thành vợ chồng, cha mẹ không cản trở được. Hai huyện Mê Linh của Giao Chỉ và Đô Lung của Cửu Chân, hễ anh chết thì em lấy chị dâu làm tục đời đời (levirat), quan lại biết cũng không ngăn cấm được. Nam nữ quận Nhật Nam ở trần truồng không biết hổ thẹn…” Tất nhiên tình hình không thể giữ yên mãi như thế được. Về mặt tâm tưởng, quan lại Hán tự phụ mình mang sứ mệnh vương hoá, phải lo “giáo hoá” dân man di cho biết lễ nghĩa, theo luật pháp mới, làm con dân Triều đình trên cao. Về mặt thực tế, họ phải khai thác thuộc địa, thu thuế má để nuôi sống cả một hệ thống cai trị càng lúc càng phải cồng kềnh hơn. Trong công việc đó họ có thêm sự trợ giúp của những di dân đồng tộc hoặc đi tìm sinh kế, hoặc lánh nạn chính trị từ phương Bắc xuống như vào giai đoạn Vương Mãng chiếm quyền. Người ta kể trong loại cải cách này có hai viên Thái thú được coi như đã đem lại hạnh phúc cho dân chúng thuộc địa: Tích Quang coi Giao Chỉ thời Vương Mãng, được dẫn việc năm 29 của Đông Hán, Nhâm Diên quan chức cùng thời làm đổi thay ở quận Cửu Chân. Tuy nhiên khi quan lại thuộc địa tự coi như đã làm một ân huệ cho dân bản xứ thì người bị trị lại oán hận khi nhìn vào phần đời sống họ phải mất đi. Các Lạc tướng thấy dân dưới quyền cũa mình càng lúc càng vuột khỏi tầm tay trong lúc quyền lực Hán càng lúc càng chen vào mạnh mẽ hơn. Điều đó càng đậm nết với triều đại Hán thứ hai: Đông Hán bắt đầu năm 25, phục hưng dòng họ cũ, đem lại uy thế lấn lướt hơn. Thái thú đã lớn quyền thế mà năm 30, chức Đô uý còn được bãi bỏ để Thái thú kiêm nhiệm, có nghĩa là nắm quyền dân sự lẫn quân sự. Cũng thời Đông Hán, Thứ sử không phải về kinh báo cáo như trước mà hiện diện liên tục ngay tại trị sở giám sát. Chức này vốn nhỏ hơn Thái thú nhưng hẳn vì sự thay đổi này đã trở nên nhiều quyền hành hơn. Hệ thống cai trị như thế càng chặt chẽ hơn. Sử quan Hán khởi đầu đổ hết tội gây nên bạo loạn nơi Tô Định, người thay thế Tích Quang năm 34, tuy nhiên phải nhận rằng sự chuyển đổi người mới cũng là một nguyên cớ quan trọng. Thái thú đã lớn quyền, nhiệm sở lại cách xa triều đình, nên dễ dàng vơ vét, nghĩa là Tô Định không làm gì khác hơn các đồng sự của mình, chỉ có điều là có thể đã làm đậm hơn trong thời gian mới tới, hay là đã rủi ro đến vào lúc sự bất mãn của dân bị trị lên đến cao độ. Và thế là có cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40-43) theo lối thường gọi cho đến nay, nhưng thật ra đây là của hai trung tâm Lạc liên kết: Mê Linh và Châu Diên (của ông Thi, chồng bà Trưng Trắc). Sự liên kết hôn nhân đó là dấu hiệu đe dọa rõ rệt cho nhà cầm quyền. Sau này với cuộc viễn chinh của Mã Viện, người ta thấy thêm các “cừ soái” phía nam: Đô Dương và Chu Bá ở Cửu Chân, không có vẻ gì là tướng lĩnh của Hai Bà cả. Thế mà cuộc nổi dậy lại có “uy danh động đến Bắc Phương,” chứng tỏ tầm mức bất mãn đồng loạt rộng lớn của dân thuộc địa, không chỉ tuỳ thuộc vào số các lãnh tụ còn được lịch sử ghi tên. Có khoảng 65 thành bị triệt hạ (nhiều hơn số huyện chính thức toàn cõi), có nghĩa là chừng ấy đơn vị người Hán bị tràn ngập ở mức độ khác nhau. Sau này còn thấy đền thờ Hai Bà trên những vùng đất phía bắc ngoài Việt Nam, chỉ vì ngày xưa là thuộc Giao Châu nên chịu ảnh hưởng của cuộc nổi dậy năm 40. Cho nên, lo sợ cho sự sụp đổ của đế quốc mới hồi phục, Hán Quang Vũ mới cử viên tướng tài Mã Viện ra quân. Với khả năng của bản thân và sức mạnh của nhà Hán hưng khởi lại, đầu năm 42, Mã Viện đã điều động hai vạn quân cùng thuyền xe nghìn cỗ dẫn đến thành công trong những chiến dịch vũ bão: thắng ở Lãng Bạc (4-43), đầu năm sau chém được Trưng Trắc, Trưng Nhị, rồi đi suốt chiều dài thuộc địa, đánh dẹp ở địa phương, cuối năm 44 đã thu quân khải hoàn. Ta biết được tình hình chiến trận, địa phương nhờ tờ tấu trình công tích lên vua Hán cùng những lời ông nói với tướng sĩ được ghi lại. Chiến tích đó đã đem đến đảo lộn lớn cho thuộc địa, chứng tỏ là sau cả hai ngàn năm mà dân chúng Việt còn thờ Đông Hán Đại Vương / Phục Ba trong các đình làng. Nhưng tầm mức quan trọng của nó gợi nên cho các sử gia bây giờ lại là từ phân tích của H. Maspéro trong công trình khảo cứu của ông mà ngay cả những người muốn bác bỏ cũng phải đồng ý theo một lối công nhận quanh co khác. Mã Viện đã xoá sạch tầng lớp Lạc tướng (hay con cháu) của chế độ bản xứ cũ qua chiến trận, hoặc tiêu diệt, hoặc bắt đi đày ở Linh Lăng phía bắc cho bật gốc rễ. Việc tịch thu trống đồng đúc ngựa, cấp thời cũng là phá vỡ nền tảng, lề lối sinh hoạt truyền thống cũ gây cản trở cho các giới chức cầm quyền. Ông đã sắp xếp việc cai trị ở quận huyện chặt chẽ hơn. Chính ông đã chia hai vùng đất bản bộ của con cháu An Dương Vương xưa để làm yếu đi sức đề kháng mà lại còn xây thành trì đóng quân kềm giữ nữa. Ngôi thành ấy, Kiển Thành / thành Kén, với hai lớp vòng lũy bao quanh một trung tâm, đã đứng sừng sững trên một vùng cho đến mãi thời cận đại vẫn không có loại tương đương. Ngôi thành sẽ được sử quan Việt gọi là Cổ Loa và gán cho An Dương Vương ấy, ghép với kì tích thần nhân xây dựng, được đồn thổi ra đến 9 vòng thành, rất cao, chu vi 9 dặm làm niềm hãnh diện cho sử gia Việt đến bây giờ. Tác động huỷ diệt của chiến tranh sâu xa đến mức khiến không còn sức phản kháng nào đáng kể của dân bản xứ trong một thời gian dài lâu. Họ phải chờ sự thay đổi nơi chính bản thân họ, mà lần này thì lại là từ người cai trị họ đưa tới. Đổi thay lớn tới mức cho tới nay có người phải tự hỏi: Qua ngàn năm Bắc thuộc, đám dân bản xứ đã bị đồng hoá hay chỉ là chuyển hoá thôi? Thật ra thì vấn đề đổi thay ở thuộc địa Giao Chỉ cũng không phải chỉ là do công tích của Mã Viện. Tự bản chất, chiến tranh nào cũng là nguồn gốc của phá hoại, triệt tiêu, do đó sự suy sụp của tầng lớp Lạc tướng khi thất bại cũng là điều dễ hiểu. Và tiếp theo đó thì phải có sự thay thế nhưng lại tiến triển rất chậm chạp. Cứ nhìn những điều ghi chép trong sử các triều đại Trung Quốc cai trị vào thời này mà sử ta chép lại thì rõ ràng là rất lưa thưa. Số mộ Hán khai quật trước Thế chiến II cho thấy các quan lại phải chịu chôn tại chỗ, không thể đưa xác về quê hương bản quán, chứng tỏ một tình trạng giao tiếp xa xôi cách trở giữa các khu vực. Trận địa, theo lời Mã Viện than thở với thuộc tướng: “Trời thì dưới nước lụt, trên mây mù, khí độc bốc lên ngùn ngụt, trông lên thì thấy diều hâu bay bổng rớt xuống nước chết…” Với viên tướng nổi danh đã để lại cho đời nguyện vọng “da ngựa bọc thây” mà còn bi quan đến như thế, trông con chim bói cá thành chim diều hâu chết ngộp (Bình Nguyên Lộc 1971), thì tình hình đối với các viên quan khác phải thấy là bi đát đến đâu! Và chính tình trạng phân cách đó đã khiến cho thuộc địa từ từ đi vào đổi thay để giữ được một phần bản sắc của mình. Cuối đường Đế quốc Hán: Lâm Ấp Không những các sử quan Hán đã ghi lại những biến động ở vùng Bắc Việt Nam ngày nay mà họ còn lưu giữ được sự hiện diện của một tập họp chính quyền xuất phát từ chính thuộc địa của họ, có tên là nước Lâm Ấp. Phần này thoát được số phận của phần phía Bắc, không phải chịu đeo đuổi mãi trong vòng lệ thuộc văn hoá Hán cả sau thời độc lập mà lại mang một tính cách riêng trước khi phải chịu khuất phục hẳn, lần này lại là qua kẻ nối tiếp tính chất họ đã rời bỏ trước kia. Chúng ta đã biết quận Nhật Nam của nhà Hán có phần cuối là huyện Tượng Lâm, đi xa về phía nam mà sử gia ngày nay chỉ định một giới hạn khá rộng, hoặc đến đèo Cù Mông, hoặc mãi tận đèo Cả. Trong khoảng địa vực ấy, sử quan Hán đã ghi những biến động chống đối của một/những tập họp dân bản xứ không lầm lẫn được với di dân phương Bắc mà họ gọi là “lại dân.” Tập họp dân bản xứ có sức mạnh khiến cho người nổi dậy ở Cửu Chân phải nương tựa vào họ (chuyện năm 157), và làm e dè chính quyền trung ương không muốn cất quân chinh phạt (138). Biến động trải suốt thế kỉ I, II (các năm 100, 137, 144, 157, 190), cuối cùng dẫn đến việc thành lập nước Lâm Ấp mà quốc danh chỉ thấy ghi vào năm 347 trong Lâm Ấp kí , sách viết có lẽ vào khoảng nửa sau thế kỉ V. Hành trạng của những người cầm đầu nước này được sử quan Hán ghi rõ: Khu Liên, Phạm Hùng (làm vua 270-280), Phạm Dật (+336), Phạm Văn (làm vua 336-349), Phạm Phật (349-380), Phạm Hồ Đạt (380-413) nối tiếp nhau từ thế kỉ II đến thế kỉ V. Tên vua được ghi bằng âm Hán vì lí do qua ghi chép của người Hán nên không thể nào hoàn nguyên lại âm bản xứ được. Tuy nhiên có thể thấy rằng Khu Liên được nhắc tới qua hai lần nổi dậy (137, 190) là chứng cớ không phải tên riêng cá nhân hoặc tộc đoàn. Sử gia Đào Duy Anh đã cho rằng chỉ có lần nổi dậy năm 137 là đúng thôi, còn lần thứ hai là do lầm lẫn của người ghi chép về sau. Nếu nhớ rằng người Hán không có âm R, phải thay thế bằng âm L thì Khu Liên có thể là Khu Riên và do đó có âm gần cận với ku rung, danh xưng chỉ tộc trưởng, thủ lĩnh trong ngôn ngữ austro-asiatic như đã bàn luận. Điều này có vẻ mâu thuẫn với sự hiểu biết của ta về tộc chủ thể thành lập nước Champa có nguồn gốc hải đảo nói tiếng malayo-polynesian, một nhánh của austronesian. Nhưng có lẽ chính vì dấu vết Hán tràn ngập trên thuộc địa khiến ta không nhận ra rằng những Đinh, Lê sau này vẫn có dáng dấp những kurung / khu liên của Lâm Ấp. Nghĩa là một sự nhập nhoà văn hoá vẫn có thể xảy ra trong một khu vực chính trị tập họp nhiều chủng loại. Người ta có thể nghi ngờ sự liên tục lịch sử của phần đất phía nam này với các tên “nước” tiếp theo: Hoàn Vương, Chiêm Thành. Tuy nhiên, dấu hiệu xuất phát của Lâm Ấp như đã thấy là từ một mảnh thuộc địa Hán tách rời ra, phần huyện Tượng Lâm bị chuyển đổi là Tượng-Lâm-ấp rồi đánh rơi một phần, còn lại là Lâm-ấp được giữ thành tên nước, theo cách gọi tiện lợi cho một triều đình Hán. Tấn thư cho biết “Khu Liên” là con viên công tào huyện Tượng Lâm mà công tào là chức quan dưới quyền Thái thú coi việc đề bạt công lao, điều đó chứng tỏ người nổi dậy đã thấm nhuần ảnh hưởng Hán không ít. Mặt khác, ảnh hưởng hải đảo thấy trên dấu vết văn hoá Sa Huỳnh đã khiến có sự tách rời dễ dàng thuộc địa Hán ở một vùng xa xôi mà binh lực chính quyền khó đạt hiệu quả. Các lưu vực nhỏ cách biệt bằng những khối núi đâm ngang ở Miền Trung ngày nay, trong khi dung chứa những tập họp cư dân Sa Huỳnh, phải có những phản ứng khác nhau theo thời gian, do ảnh hưởng từ hai khối Hoa Ấn để vươn lên đến tổ chức tập quyền lãnh thổ cao, đó là lí do cấu thành chênh lệch các nước Chàm sau này và cũng là lí do chính về sự trưởng thành và suy yếu của họ. Ảnh hưởng Hán đến với Lâm Ấp không phải chỉ từ những manh mún kiến thức xâm nhập vào thuộc địa mà còn là từ nội địa của chức quyền chiếm đóng: Phạm Văn là thuộc tướng của một nhân vật bên trong Nhật Nam, với kinh nghiệm đi buôn Trung Quốc đã trở về bày vẽ cho Phạm Dật xây cung thất, thành trì rồi sau đó phát triển thêm quyền lực lãnh thổ. Nét vạch văn hoá xê xích quanh vùng Thuận Quảng còn thấy về sau khiến ta nghĩ đến giai đoạn đầu mà kinh thành Khu Túc quanh vùng Huế mang ảnh hưởng Hán hơn, và thành Trà Kiệu (Quảng Nam) thì đậm ảnh hưởng Ấn hơn của khu vực Amaravati ở đấy, cả hai yếu tố đã đồng thời làm nên nước Lâm Ấp trong tình trạng tiên khởi của nó. Từ đó ta nhận ra sự mập mờ nguyên ngữ của họ Phạm làm vua nơi này. Họ Phạm được ghi lại của các vua Lâm Ấp không phải là điều chứng tỏ họ theo chế độ tông pháp của Trung Hoa. Bởi vì Phạm Văn không dính dấp thân tộc gì với Phạm Dật mà ông ta cướp ngôi, còn chủ tướng của Văn cũng được gán là họ Phạm, Phạm Chuỳ/Trĩ. Các vua Phù Nam được sử quan Trung Hoa chép ra cũng không thoát họ Phạm. Vua Lâm Ấp không có bia đá mang tên tương đương nhưng các vua về sau đã được khắc để người ta đem ra đối chiếu, và thường gán cho chữ “phạm” là chuyển từ cái đuôi “…varman” của Phạn ngữ, nên nếu không có đối chứng người ta vẫn cố hoàn nguyên theo hướng này như khi G. Maspero cho Bê-mi-thuế bị Lê Hoàn giết (982) là Paramesvaravarman. Dù sao thì đó cũng là chứng cớ ảnh hưởng Ấn Độ đã tràn đến trong vùng mà cũng có thể vì ảnh hưởng này khiến cho vùng chịu đựng quyền lực Hán ít nhất – vì xa xôi cách trở này, đã có đủ khả năng tách rời khỏi đế quốc Hán. Rồi với thời gian, khi Trung Hoa gặp nạn phân liệt Nam Bắc triều không đủ sức thu hồi lại phần đã mất, nhóm người chống đối đã tiếp thu ảnh hưởng Ấn mạnh hơn để không những không trở lại tuỳ thuộc mà còn lấn ra phía bắc, làm kẻ kình địch trong nhiều thế kỉ tiếp theo. Những cuộc đánh phá Lâm Ấp của các quan lại Giao Chỉ thường cho thấy là đã cướp nhiều vàng bạc, tượng thần bằng vàng… và ngược lại, các ghi chú về những trận cướp phá Tháp Bà của “cướp biển” Mã Lai trên bia kí, chứng tỏ Lâm Ấp (và Chiêm Thành về sau) đã lậm sâu vào dòng giao thương thời cổ của Ấn hướng về tính cách thu mua vàng ở bán đảo Mã Lai, ảnh hưởng đến Phù Nam, Java. Hết thời kì Phù Nam, họ còn hưởng tiếp với vai trò bến đậu của các ghe thuyền từ Trung Quốc đi qua eo biền Sunda và ngược lại, khi có sự xê dịch chuyển đổi đường giao thương đông tây từ thế kỉ V. Kinh đô Lâm Ấp tuy không được xác định rõ, nhưng vị trí không ngoài vùng Thừa Thiên Quảng Nam ngày nay vốn có ưu thế là phần lục địa chồm ra biển khơi nhiều hơn so với vùng phía bắc, nên là chốn thuận lợi cho những cuộc giao tiếp hàng hải, là trạm trung chuyển của các chuyến thương buôn Hoa qua Ấn, ra vùng hải đảo hay ngược lại. Truyện tích Bà Chúa Xứ ghi nhận ở Tháp Bà Nha Trang ngày nay là kết tụ của dòng giao thương sản vật quý trong vùng: trầm hương, lan đến tận Trung Hoa phía bắc, và cũng ẩn hiện trong khúc gỗ trôi nổi ở truyện tích Lợi tế Linh thông Huệ tín Vương (Việt điện u linh tập). Trung tâm của Lâm Ấp tả ở Thuỷ Kinh chú mang dáng vẻ thô sơ có thể tạm dùng cho giai đoạn đầu được: “Đô thành có điện quay về hướng đông, cao hơn thành quá một trượng rưỡi… dùng phân bò trát tường vách màu xanh (?)… Phi tần không có cung quán ở riêng… Đền thần tháp quỷ lớn nhỏ 8 miếu, đài tạ nhiều tầng giống như tháp Phật, ngoài thành không có phố xá, ít người ở; bờ bể tiêu điều, không thể là nơi người ta ở được…” Rõ ràng là nội địa Lâm Ấp không đủ cho một nền nông nghiệp nuôi sống vững vàng một số đông người để làm cơ sở cho sự cường thịnh lâu dài. Lợi tức bấp bênh từ việc khai thác sản phẩm hái lượm địa phương nhiệt đới và từ vai trò trung gian buôn bán là chứng cớ về sự bất thường trong những giai đoạn cường thịnh và yếu ớt của họ. Đất đai không đủ nuôi một số dân đông cần thiết cho tổ chức chính quyền lớn, quân lực mạnh. Xứ sở đó làm bến đỗ của dòng giao thương lớn cũng từng mang lại sự thịnh vượng nhưng lại dung chứa nhiều thành phần lưu dân trên biển bất hợp pháp, vì thế đất nước Lâm Ấp / Chàm thường bị lôi cuốn vào những cuộc cướp phá các nước lân cận (mà không đủ khả năng mở rộng lãnh thổ) hoặc vì cạnh tranh hoặc để lấy của cải. Cho nên trong lịch sử của họ có thật nhiều giai đoạn với những nhân vật nổi bật trong chiến tranh lại dễ dàng suy sụp tiếp theo chỉ vì nhân vật kia chết đi đã để lại cả một khoảng trống quyền lực dẫn đến tình trạng tranh giành, rối loạn. Sử Trung Hoa tuy là mang tính cách tài liệu thiết yếu giúp ta hiểu về vùng đất trung Việt Nam thời xưa này nhưng phần lớn mang tính tổng hợp nên khó tách ra để hiểu cư dân Lâm Ấp sống như thế nào, chịu đựng thể chế chính trị làm sao… Tuy nhiên nếu dùng tài liệu xưa nhất là Tấn thư (nửa đầu thế kỉ VII) thì có thể nghe tả: “Tục nước đó đều mở cửa phía bắc hướng về mặt trời, còn như nhà ở hướng đông hay tây không nhất định. Người tính hung hãn, giỏi chiến đấu, tài đi núi, quen ở nước, không quen ở đất bằng. Bốn mùa ấm áp… không tuyết, người ở trần, đi chân đất, cho màu đen là đẹp, quý nữ khinh nam, cùng họ kết hôn với nhau, phụ nữ đi hỏi rể trước. Con gái lúc cưới mặc áo già bàn (?), quấn ngang tấm vải may kín như bờ rào giếng, đầu đội hoa báu. Người có tang cắt mái tóc, coi là có hiếu. Đốt thây ngoài nội coi là tang lễ. Vua đội mũ thiên quan, đeo chuỗi ngọc mỗi lần ra triều, tử đệ thị thần đều không được tới gần… (Thư thông hiếu Trung Quốc) đều viết chữ Hồ…” Gộp lại để suy đoán thì thấy dân Lâm Áp thiên về nghề đi biển, thân tộc truyền theo dòng mẹ, việc đốt thây có dáng như làm chứng cho các mộ chum đào được ngày nay. Một chi tiết đáng chú ý vì còn được Lê Quý Đôn ghi thoáng chút liên hệ: Vua chúa, dân chúng họ mặc áo vải cát bá / cổ bá / cổ bối, tên cây đã chuyển qua âm Hán Việt nhưng còn dễ thấy nguyên gốc Mã Lai qua tiếng Anh Pháp là kapok ngày nay . Đó là vải dệt từ bông (cây) gòn mà Lê Quý Đôn có ghi nhận với tên “mộc miên”, với dư âm trong ngôn ngữ dân chúng ngày nay còn chữ “bông gòn” để chỉ loại bông vải dùng trong ngành y tế. Tuy nhiên cũng không hẳn có sự đồng nhất văn hoá hay chủng tộc ở vùng này. Thứ sử Giao Châu Đào Hoàng từng tâu với Tấn Đế (353): “(Lâm Ấp) rất nhiều chủng loại, bè đảng dựa nhau…” Ngày nay người ta còn thấy một nhóm khá lớn nói tiếng chamic, Chàm H’roi, ở ngay phía tây kinh đô Vijaya của các thế kỉ X – XV, vậy mà có vẻ không chút gắn bó nào với đồng chủng phía đông. Chính sự tiếp xúc với người Hán trong tình cảnh thuộc trị đã khiến cho một nhóm Chăm học được cách tập họp người, tổ chức quản lí của Hán gây dựng nên một trung tâm quyền lực mà ta theo Trung Quốc gọi là nước Lâm Ấp, trong khi không thể biết đến những tập họp khác mà chứng cớ ngày nay vốn là từ những nhà khảo cổ. Họ tìm thấy những tấm bia chỉ rõ vào nửa sau thế kỉ IV trên vùng Quảng Nam đến Phú Yên ngày nay có một ông vua tên Phạn là Bhadravarman, người dựng ở Mĩ Sơn ngôi đền đầu tiên thờ thần Civa tượng trưng bằng linga, cái linga xưa nhất trên vùng Đông Dương. Thung lũng Mĩ Sơn trở thành Thánh địa của nhiều triều đại với hòn Chụp Mahaparvata lù lù to lớn trong vùng tượng trưng cho núi Meru, trung tâm vũ trụ theo tin tưởng Ấn Giáo. Và trên vùng Trà Kiệu, phía đông Mĩ Sơn lại cũng có tấm bia xưa nhất bằng chữ Chàm, nghĩa là lúc đó có một tập họp nói tiếng Chàm trong vùng Quảng Nam này. Các học giả đã cố đồng hoá ông vua này với Phạm Hồ Đạt hay Phạm Phật trong sách sử Trung Hoa nhưng sự đối chiếu không được sít sao, không gây được thoả thiếp. Chỉ có thể giả định rằng đó cũng là một trung tâm Chàm khác mang dấu Ấn hoá đậm hơn, có thể là Amaravati với kinh đô Sinhapura, nòng cốt của tập họp mang tên Champa sau này, kết hợp với Lâm Ấp trong sự phát triển để đương cự với nhà cầm quyền thuộc địa phương bắc. Vào giữa thế kỉ III, Lâm Ấp đã lấn ra đến sông Gianh ngày nay, đẩy tiền đồn đến nơi này mà có người đoán định là thành Khu Túc. Phạm Văn, người với kiến thức Hán nhiều như đã nói, có bốn năm vạn quân (Tấn thư) từng đánh chiếm các vùng mang tên không Hán tí nào, nghĩa là ngoài vòng của Nhật Nam, bên trong của Lâm Ấp: Đại Kì Giới, Tiểu Kì Giới, Thúc Bộc, Từ Lang, Khuất Đô Càn, Lỗ Phù Đan. Với lực lượng đó, năm 347, Văn công hãm Nhật Nam, giết thái thú, san bằng thành trì rồi đề nghị lấy Hoành Sơn làm biên giới và còn tiếp tục đánh phá các năm sau cho đến khi chết. Sức phản công của châu Giao đối với Lâm Ấp nổi rõ khi có sự hợp nhất từ trung ương như nhà Tấn với thứ sử Nguyễn Phu (353), với các quan thuộc địa cai trị nổi bật như trường hợp nhà họ Đỗ các năm 381, 399, 413 còn thì chỉ nghe những lời than phiền bất lực: “(Lâm Ấp hàng năm) cướp bóc dân lành, phá quận huyện, giết hại trưởng lại.” (Lời Đào Hoàng, chuyện TT nhắc năm 353.) Vào thế kỉ sau, Phạm Dương Mại đầy tự tín nên đề nghị với vua Lưu Tống để mình cai trị châu Giao (432) khiến Tống phái Thứ sử Đàn Hoà Chi đánh phá kinh thành, xâm nhập sâu vào đất kẻ địch (446). Càng về sau quan chức Trung Hoa càng tiếp xúc sát sao hơn với tình hình của nước mà họ vẫn còn gọi là Lâm Ấp, cho nên ta thấy họ ghi nhận các tên vua hoặc rõ nghĩa như Dương Mại / Yan Mah (Vua Vàng) hoặc mang dấu ấn phiên âm khúc mắc như Bật Xuế Bạt Ma, Cao Thú Luật Đà La Bạt Ma… chứ không chỉ Phạm… Phạm… như trước nữa. Do tình hình phát triển đó mà Lâm Ấp sẽ có tình trạng chuyển đổi trung tâm quyền lực, đương cự hoặc cử người giao tiếp với Trung Hoa để các sử quan nơi này đặt những tên khác nhau: Hoàn Vương, Chiêm Thành tiếp theo, không nệ rằng trong nước họ đã có tên Champa ghi trên bia đá Mĩ Sơn III (657). Diễn biến trong giai đoạn đầu thành lập một nước mang dấu vết ảnh hưởng Ấn Độ như thế, xuất phát ngay từ bên trong đế quốc Hán chỉ còn lại trong sử Việt về sau, là những cuộc tranh chiến cướp phá của đôi bên, không cho thấy ảnh hưởng gì đến phần thuộc địa còn lại, ví dụ xem chúng có cản trở tiến trình Hán hoá trên đất Việt hay không? Những ảnh hưởng đó qua giai đoạn khác, giữa những tranh chiến của hai thành phần nối tiếp – Chiêm Thành và Đại Việt – sẽ xuất hiện rõ ràng hơn, cho thấy chúng đã thực sự ăn sâu vào trong xã hội của Đại Việt, Việt Nam ngày nay. Bên kia Đế quốc Hán: Phù Nam đi sâu vào đường giao tiếp Ấn Biên giới phía nam Nhật Nam mù mờ như thế nào thì giới hạn quyền lực lãnh thổ của vùng được xác định là của Chiêm Thành và nước Phù Nam cũng mù mờ như thế ấy. Có cái bia ở làng Võ Cạnh gần Nha Trang được tranh cãi lâu ngày xem nó là của bên nào trong hai nước mang tính Ấn ở phía nam Việt Nam này. Rốt lại điều giải thích mới nhất cho biết nhân danh Sri Mara được trưng dẫn trên bia là bắt chước theo lối tự nhận của một dòng vua thuộc Nam Ấn Độ, và bia có vẻ thuộc cuối thế kỉ III đầu thế kỉ IV, nghĩa là không thể chứng minh được có dính dấp gì đến hai hệ thống chính trị kia. Bia Võ Cạnh chỉ chứng tỏ một điểm vươn tới của ảnh hưởng Ấn Độ không có dấu vết Trung Hoa trong thời cổ trên đất Việt Nam mà mối liên hệ đậm nét nhất lại là ở xa hơn về phía nam, nơi được xác nhận là có một nước, có lúc được coi là một đế quốc: Phù Nam. Tên nước thì lại cũng từ nguồn tin Trung Hoa. Dấu vết xưa nhất là bút kí của Khang Thái, Chu Ứng, hai sứ giả của Ngô Tôn Quyền trong chuyến đi xuống phía nam (245-250) tìm đường thông thương mua vật dụng quý vì đường bộ đã bị nhà Nguỵ chận tắc. Tài liệu gốc: Phù Nam kí của Chu Ứng không còn nhưng thấy rải ra trong thư sử Trung Hoa, xưa nhất là ở Tam Quốc chí (giữa thế kỉ III), với chi tiết thành lập nước ở Tấn thư (thế kỉ VII). Đó là chuyện về một nước tên là Phù Nam có quân trưởng là một người con gái bị một “người nước ngoài là Hỗn Hội” / Hỗn Điền vượt biển đến bắt làm vợ và chiếm giữ lãnh thổ. Tổ chức “nước” được kể là từ cuộc phối hợp đó nhưng chắc cũng còn lưu giữ sinh hoạt đã có từ trước. Đó là nước phía tây Lâm Ấp hơn ba ngàn lí, trong vùng vịnh biển lớn. Đất rộng 3000 lí, có thành trì cung điện nhà ở. Người đen điu xấu xí, búi tóc thân trần, đi chân đất, phụ nữ mặc áo chui đầu, người chất phác, thẳng thắn, không trộm cướp, theo nghề cày cấy, trồng trọt. Ham thích điêu khắc, chạm trổ. Bát đĩa phần nhiều bằng bạc. Dùng vàng bạc, châu ngọc, hương liệu làm đồ cống và nạp thuế. Họ cũng có sách vở, có nhà lưu giữ. Văn tự giống chữ người Hồ. Ma chay hôn nhân đại khái cũng giống như Lâm Ấp… Nguồn tin đó vốn từ người Trung Hoa nên các vua Phù Nam, lại cũng giống như trường hợp Lâm Ấp, phải mang âm giọng Hán, trong đó lẫn lộn vài ông họ Phạm. Đất nước Phù Nam được xác định rõ hơn nhờ công trình khảo cứu của học giả phương Tây, nhất là Pháp, trong đó nghiên cứu của P. Pelliot (1903) chiếm phần mở đầu quan trọng. Tài liệu thư tịch lại cũng được sự phối hợp của các công trình khảo cổ mà khởi đầu trên diện rộng là của L. Malleret từ tháng 2 đến tháng 4-1944. Tổng hợp lại thì trung tâm Phù Nam là phần phía tây sông Hậu có cảng vùng Óc Eo (phát hiện năm 1942), có kinh đô trên vùng núi tây nam Campuchia ngày nay, nghĩa là trên “vịnh biển lớn” (Thái Lan) như Tấn thư đã tả. Tên nước là từ một tiếng cổ mà có người cho là từ tiếng Khmer phnom, bnam có nghĩa là núi, riêng ông Lương Ninh cho bnam là tên tộc người – người Núi. Dù thế nào đi nữa thì hình ảnh “núi” cũng được lưu giữ như một tiêu biểu cho các vua Phù Nam để chuyển qua triều đại trên đảo Java và trở lại với đế quốc Angkor rồi rơi rớt nơi biệt hiệu của một tướng cướp Nam Bộ thời Pháp thuộc, còn lưu giữ tiếng tăm bằng một hồi kí thời VNCH: Sơn Vương. Dấu hiệu bản xứ thấy nơi lời tả về hình dáng người dân, về tình trạng có nữ chúa cầm đầu và hẳn là có sinh hoạt trồng lúa nước, hay đúng hơn, là khai thác “lúa trời” (Oryza rufipogon và Oryza nivara), lúa hoang còn thấy gần đây nên được ghi nhận “một năm trồng, thu hoạch ba năm.” Bia Đồng Tháp Mười nói đến một “Đức vua… khơi cạn nước biến biển sữa bằng một đầm hồ hương thảo [khai khẩn, khơi úng, đắp đất làm đền, làm hồ nước]..,” một vị hoàng tử “được cai quản một cơ sở gồm những người sống bằng lộc thánh (trên đất khai khẩn) từ bùn lầy…” Những hồ nước công cộng như thế, có tên trapeang, được khuếch trương về sau trong việc xây dựng Angkor của Kampuchia và cũng còn trong danh xưng tỉnh Trà Vang/Vinh cũ, chuyển qua tên ao Bà Om gần tỉnh lị. Dòng thương mại Ấn Hoa trong sự khai thác vàng bạc, hương liệu Đông Nam Á mở rộng con đường giao thương từ Ấn theo thuyền đến bán đảo Mã Lai, chuyển đường bộ qua eo Kra, lại lên thuyền qua vịnh Thái Lan đến vùng Tây Nam Bộ ngày nay trước khi hướng về phía Bắc, đã mở đường cho hình ảnh Hỗn Điền vượt biển đến nơi này. Truyền thuyết thành lập Phù Nam cũng được ghi trên bia Mĩ Sơn III với nhân vật mang tên Ấn tương đương: Kaundinya, người lấy công chúa Soma, con gái vua tộc Naga. Do đó Hỗn Điền chỉ là tên Hán hoá của Kaundinya, cũng không phải là một danh xưng cá nhân mà là tên của một tộc tăm tiếng ở tây bắc Ấn. Phạm Sư Man (cầm quyền khoảng 225-230) khuếch trương quyền lực “tiến đánh hơn 10 nước… mở rộng đất đai năm sáu ngàn lí” có vẻ như đã bao trùm cả vịnh Thái Lan, khiến chính quyền nhà Lương biết đến danh hiệu “Phù Nam Đại Vương” của ông ta. Kết quả là đất nước có thành trì, sử dụng chữ Phạn để ghi chép, có thư viện lưu trữ. Văn tự tìm thấy trên những di vật Óc Eo là loại chữ Phạn cổ. Giao tiếp về xa được người Hán ghi nhận là Phạm Chiên (khoảng 230-250) sai sứ cống nhà Ngô, Phạm Tầm (250-290) tiếp phái bộ Khang Thái Chu Ứng, năm 289 còn sai sứ cống Tấn Vũ Đế. Sau các năm 268, 285 cũng có ghi sứ Phù Nam đến. Khảo cổ học đồng bằng Cửu Long tìm được huy chương, đồng tiền vàng hình các Hoàng Đế La Mã Antonius Pius (138-161), Marcus Aurelius (161-180), có phù điêu vua Ba Tư trên hột thuỷ tinh… Dấu vết còn lại như thế cho thấy một sự phát triển cương vực của Phù Nam trong những thế kỉ đầu Công nguyên, dẫn đến sự thành lập một “đế quốc,” hẳn là không được chặt chẽ lắm vì phải tuỳ thuộc nhiều vào yếu tố giao thương trong vùng. Sự toả rộng như thế cũng làm yếu các thành phần ở trung tâm cho nên ta thấy những chuyện tranh đoạt quyền bính gay gắt (ví dụ sau thời kì Phạm Sư Man) gây ra những sự tàn phá chắc đã để lại trên lớp đất khảo cổ năm 1944. Do đó những người xây dựng các triều Phù Nam tiếp theo lại cũng từ nơi xa đến, với những Kaundinya mới, theo lời phân trần với vua Trung Quốc là “do thần nhân phái đến cai trị” (Phù Nam) nhưng hẳn không phải được mời gọi mà là bằng kết quả của binh đao giống như nhân vật trước kia. Đó là người được Tấn thư ghi tên Chiên Đàn (Chandra), gốc Thiên Trúc, cống voi năm 357. Tình hình như thế khiến cho tính chất Ấn hoá sâu đậm hơn trong giai đoạn chuyển hoá này của Phù Nam. Tiếp theo là “vua nước Phù Nam họ Kiều Trần Như tên Đồ Gia Bạt Ma [lại cũng Kaundinya] phái thuyền buôn đến Quảng Châu, năm 484 dâng biểu xưng thần” với nhà Lưu Tống, xúi Tống đánh Lâm Ấp, hay ít ra là không can thiệp để Phù Nam tự mình thanh toán kẻ thù. Sử Trung Quốc cho biết khoảng giữa thế kỉ V có một hoàng tử Phù Nam làm vua Lâm Ấp (hay một vùng của khu vực được cho là của Lâm Ấp). Tuy nhiên mối lo không phải là từ phía Lâm Ấp mà là từ những thế lực xa. Theo với sự chuyển hướng buôn bán từ vai trò tham dự của Trung Quốc, đường giao thương đông tây sẽ không sử dụng lối chuyển vận phức tạp qua bán đảo Mã Lai ở eo Kra mà thẳng bằng đường biển, vòng xuống tận cùng phía nam qua eo biển Sunda, như thế là bỏ rơi Phù Nam sang bên lề. Một tập họp người ở vùng Korat của Thái Lan ngày nay phát triển thành tộc người Khmer, lập nước được sử Trung Hoa gọi là “Chân Lạp, nguyên là thuộc quốc của Phù Nam, họ vua là Sát Lợi, tên là Chất Đa Tư Na (Sitrasena/Mahendravarman) đã dần dần làm cho nước trở nên cường thịnh… bèn chiếm luôn cả Phù Nam” (Lương Ninh dẫn Tuỳ thư ). Chất Đa Tư Na chết năm 624, và có thể coi như Phù Nam đã tan rã vào đầu thế kỉ VII, các tàn dư quyền bính rải rác trong vùng không còn giữ được uy danh lớn lao như cũ nữa. Vùng đất sau này gọi là Khmer Krom (Khmer hạ) nằm lệch bên lề của đế quốc Angkor xây dựng trên cơ sở nông nghiệp vùng Biển Hồ, chỉ có dân cư tụ tập trên những giồng đất cao trong thế tạo dựng của một lưu vực sông lớn (Mekong) nên không có ưu thế khai thác theo lối vùng trên nữa, đành phải chờ đến những biến động khác mới trở lại trên chính trường khu vực. Chuyển hoá trong thời thuộc trị: Vấn đề Sĩ Nhiếp và bóng dáng các lực lượng mới của thuộc địa Phần thuộc địa còn lại của Trung Quốc phải chịu qua ảnh hưởng của sự thịnh suy, hưng vong của các triều đại cầm quyền từ trung ương. Như đã thấy, vai trò của Mã Viện tuy được nhấn mạnh vào sự thay đổi sau biến động năm 40 nhưng điều chính yếu là từ đây, các triều đình Hán tộc đã chuyên chú đến phương Nam nhiều hơn vì nguồn lợi thổ sản nhiệt đới ở đây đem về cho chính quyền, và nhìn với vị trí trung gian giao thương xa hơn về phía tây, nam của vùng đất này. Nhưng ý muốn lấn lướt, đi sâu vào việc cai trị dân bản xứ không phải lúc nào cũng đạt được kết quả. Nhà Hán tàn tạ thì thời đại Tam Quốc tiếp theo chỉ có nước Ngô (222-277) can thiệp mạnh vào thuộc địa mà lại cũng không bền lâu. Dấu ấn “Ngô” chỉ người Trung Quốc trong tâm trí người Việt miền Bắc có lẽ một phần là do sự lưu giữ về một thời Sĩ Nhiếp làm “Nam Giao học tổ” của các nhà nho truyền lại như sẽ bàn tới. Một triều Tấn với thời gian thống nhất ngắn ngủi, chuyển quyền hành qua các triều đại phía nam, ảnh hưởng trực tiếp đến thuộc địa: Lưu Tống (420-479), Tề (479-502), Lương (502-557), Trần (557-589). Quyền bính trung ương yếu ớt dẫn tới sự tự chủ của các quan lại địa phương mà nổi bật lên lúc đầu là trường hợp Sĩ Nhiếp (137-226). Có thể nói đại khái, Sĩ Nhiếp vốn là Thái thú Giao Chỉ của nhà Hán tàn tạ đã chuyển sang dùng cống sứ hối lộ thần phục nhà Ngô rồi dựa vào thế phân tranh mà Ngô phải chịu để trấn giữ thuộc địa như một vùng đất tự trị với quyền hành phân phối cho anh em trông coi cả biên cảnh Giao Chỉ bộ (Hợp Phố, Quảng Châu, Cửu Chân). Chứng nhân đương thời ghi nhận ông “mỗi khi ra vào chuông khánh đánh lên thật uy nghi, kèn sáo, trống phách, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi bên đốt hương, hàng chục thê thiếp ngồi trong xe, đệ tử cỡi ngựa đi theo, uy chấn vạn lí đến Uý Đà cũng không hơn được…” Rõ ràng tính chất trọng tâm của quận Giao Chỉ trên toàn thể thuộc địa đã được kết tập từ đây. Vấn đề được đưa ra là kí ức về Sĩ Nhiếp đã được lưu giữ ở địa phương thật lâu dài và vượt quá tầm mức của một ông quan cai trị một quận, dù là quận trù phú. Sau ông cũng có những dòng họ được chính quyền trung ương giao cho trọng trách trấn giữ thuộc địa suốt đời, cả đến trường hợp cha truyền con nối như Đào Hoàng từ Ngô qua đầu Tấn, họ Đỗ với Đỗ Viện, thứ sử Giao Châu 381, có con là Đỗ Tuệ Độ thay 411. Thế mà cho đến thời gian gần đây (chúng tôi không rõ tình hình sau thời Phá đình của VNDCCH) Sĩ Nhiếp vẫn còn được thờ cúng. Ông được sắp xếp ở hàng đầu trong danh mục thần linh đất Việt (Việt điện u linh tập) với hai dấu vết: nơi thờ và mộ táng, trên đất Hà Bắc, năm 1706 còn được dân đúc ngựa sắt cho miếu đền. Tại sao? Lí do có lẽ vẫn nằm trong vấn đề “có chữ.” Sĩ Nhiếp được lưu truyền là nhờ tầng lớp nho gia ghi nhớ, tôn sùng. Châu Giao là đất dung chứa những người lánh nạn từ các biến loạn triều đình phương Bắc, tuy nhiên với sử sách ghi lại thì chỉ có thẩm quyền địa phương là Sĩ Nhiếp chiếu cố đến họ nhiều nhất kể cả với những trường hợp có bất đồng, xung đột. Tên Sĩ Nhiếp được ghi nhớ ngang với Triệu Đà trong chiếu vua Hán ban cho chính ông, trong chiếu vua Tống cho Lê Hoàn, còn được đề cao hơn Triệu Đà trong lời thư Trần Quốc Huy đương thời. Quyền tước và danh vọng văn hoá khiến ông được tôn “vương”, gọi là “Nam giao học tổ,” nghĩa là tán tụng bởi thành phần trí thức tụ tập quanh ông. Những người tị nạn với chức tước, đất đai được ban phát, che chở rồi sẽ trở thành một tầng lớp trí thức có tài sản, sẽ bám chặt vào địa phương hơn là các quan chức đến rồi đi theo sự bổ nhiệm của triều đình. Những mẫu nhà thu gọn có lầu gác, sân trong ở Phao Sơn (Hải Dương) hay có tường thành, vọng canh ở Nghi Vệ (Bắc Ninh) do khảo cổ học đào được chứng tỏ dấu vết hiện diện của những lớp người thực dân đời Hán đó. Có điều chúng ta không biết đến lúc nào thì con cháu những người này ý thức được mình là người địa phương. Sử Việt cho rằng Sĩ Nhiếp sáu đời ở Giao Chỉ thì thành người địa phương, trường hợp Lí Bí cũng có thể kể như vậy tuy ông này còn một khoảng thời gian xa hơn đến vài trăm năm sau nữa. Sử Việt cũng rộng rãi cho cả Đỗ Viện (381) là “người Chu Diên nước ta.” Cho nên cũng khó thấy mức độ nào là dân địa phương thực thụ, những người nổi dậy như Lương Thạc (đầu thế kỉ IV, liên quan đến các năm 322, 323), Lí Trường Nhân (468), Lí Thúc Hiến (479)… Chỉ có thể phỏng đoán theo chức vụ, vai trò thấp thỏi như “đốc quân dưới trướng (Thái thú),” “người trong châu”… để xác định mà thôi. Trường hợp Bà Triệu (248) thì dễ tin nhờ tính chất “người khổng lồ” vú-dài-ba-thước còn lưu dấu trên bán đảo Đông Dương ngày nay. Những Lạc hầu, Lạc tướng đeo ấn đồng thao xanh làm huyện lệnh qua cơn bão Mã Viện hẳn đã trở nên hiếm nhưng dấu vết một Khu Riên / Kurung liên hệ đến chức vụ công tào ghi công lao của quận thú, trở thành thân thuộc / người mở đầu nước Lâm Ấp cũng là chứng cớ gián tiếp cho sự hiện diện trong thời gian tan rã này của những người thuộc “chế độ cũ” đi vào làm nhân viên cấp thấp trong hệ thống cai trị. Lại cũng chứng nhân Tiết Tổng kể chuyện thuộc địa: “Thái thú Cửu Chân là Đam Manh vì bố vợ là Chu Kinh mà bày tiệc mời các quan to. Khi rượu say cho cử nhạc, công tào Phan Hâm đứng dậy múa, rồi mời Kinh, Kinh không chịu đứng lên, Hâm cứ thúc ép mãi. Manh nổi giận giết Hâm. Em của Hâm đem quân đánh Manh. Thái thú Giao Chỉ trước là Sĩ Nhiếp sai quân đến đánh dẹp không được…” Cung cách ứng xử của công tào Phan Hâm rõ ràng không phải của quan lại Hán khuôn thước; họ Phan như sẽ chứng tỏ về sau, biểu hiện một họ man di. Quyền lực nhà họ Phan này rõ ràng lại đủ sức đương đầu với cả Sĩ Nhiếp, nghĩa là tuy làm thuộc cấp nhưng họ là những lãnh tụ địa phương. Sinh hoạt theo chức phận mới, những người này sẽ làm đổi thay tập họp dưới quyền, cụ thể là mở hướng tư nhân hoá tài sản để chính quyền có thể thu thuế má, điều động nhân lực theo đường hướng mới chứ không phải chỉ vơ vét cống nạp như trước. Các cuộc kiểm tra dân số thời Tấn, Tề, Lương cho thấy có sự thu hẹp số lượng hộ khẩu hẳn một phần vì sự đổi thay tính chất kiểm kê (chỉ dừng ở “hộ”, không ghi đến “khẩu”, cá nhân) đi theo với tình trạng xét định nhân khẩu mới. Phần khác cũng có thể vì sự đổi thay sinh hoạt, văn hoá đã gây nên khủng hoảng, làm sa sút đà sinh sản, số chết chóc tăng lên. Về phía di dân Hán, có thể nghĩ đến tính chất địa phương hóa bằng cách nhìn vào tình trạng hôn nhân của họ. Họ phải lấy vợ địa phương, dù là với tình trạng thê thiếp như chứng dẫn ở Sĩ Nhiếp thì sự pha trộn chủng tộc vẫn là thực tế. Dân bản xứ lại đông như chứng tỏ ở thống kê đầu thế kỉ I, ở những cuộc chống đối làm nản lòng quan chức trung ương phải đi bình định, điều đó có nghĩa là dân nhập cư không thể tràn ngập, lấn át về mặt chủng loại được. Có điều thực tế phản kháng muốn đi đến thành công trong một chừng mực nào cũng phải dựa vào tầng lớp có quyền bính, thân thế, có cuộc sống theo đúng với trào lưu hiện hành, nghĩa là trào lưu Hán hoá chứ không phải vọng về với Lạc dân xưa kia. Cho nên lớp người lai là ứng viên có ưu thế nhất để những cuộc nổi dậy có tiếng vang hoặc đi đến thành công. Vấn đề còn lại là sự thống nhất ngôn ngữ. Tiếng bản xứ đã được kết hợp vào lúc nào để có một chừng mực hình dạng chung nhất cho dân thuộc địa trao đổi với nhau không phải qua trung gian phiên dịch như Tiết Tổng đã phàn nàn hồi thế kỉ III, để làm điều kiện kết tập địa vực lớn, tạo sức mạnh đối kháng với quyền lực bên ngoài? Các nhà ngữ học Việt Nam ngày nay cho biết tiếng Việt thuộc dòng Môn Khmer của ngôn ngữ Austro-asiatic / Nam Á. Họ đã dùng phương pháp nghiên cứu riêng của ngành, không tuỳ thuộc vào các tài liệu lịch sử thông thường, để cho biết cách đây 4000 năm, một nhánh chi phái của Mon Khmer là proto Việt Chứt “đã từ vùng Thượng Lào và bắc Khu 4 cũ (Việt Nam) do sự hấp dẫn của nền văn minh lúa nước phía bắc mà di dân ra vùng vịnh Bắc Bộ ngày nay, hoà huyết với những cư dân nói tiếng Thái Kadai, có lúc bằng con đường hoà bình, có lúc bằng con đường chiến tranh… Tiếng nói mới mà đa số là từ Việt Chứt đã vận hành theo cơ chế mới Tày Thái, giản hoá âm tiết và đi vào con đường đơn tiết hoá trở thành tiếng Việt chung… và mở đầu quá trình thanh điệu hoá rồi lại tiếp xúc với tiếng Hán thời Bắc thuộc…” (Nguyễn Ngọc San, 2003.) Tuy chúng ta thấy có hơi dị ứng với con số 4000 năm quen thuộc và cũng thắc mắc vì sao dân nói tiếng tiền – Việt Chứt lại áp đặt được tiếng nói của mình trên đám dân nói tiếng Tày Thái ở vùng vịnh Bắc Bộ “quanh Hà Nội (?)” nhưng cũng phải theo chuyên viên mà nhận rằng tiếng Việt Chứt trên vùng đồng bằng phía bắc đã thành hình khoảng 2500, 2000 năm cách ngày nay trước khi tiếp xúc với tiếng Hán của người cai trị vùng đất. Tuy nhiên nhóm từ gộp “ngôn ngữ Việt Chứt” dễ làm cho ta nghĩ rằng đã sẵn sàng có một thứ tiếng chung để cùng nghe, cùng hiểu được trong khi chứng dẫn lịch sử thì lại không cho ta thấy điều đó như đã biết. Vậy thì chỉ có thể hiểu rằng khi người Hán đến, đám dân địa phương đã có những từ, ngữ từng địa vực khác nhau nhưng dùng trao đổi với nhau được vì đặt trên một căn bản chung mà nhà khoa học ngày nay mang óc tổng hợp gọi là ngôn ngữ Việt Chứt thôi. Tuy nhiên, chính trên căn bản chung ấy, với một khung ngữ pháp chung, với những từ ngữ gần giống nhau, các tập đoàn có thể học được tiếng nói của nhau dễ dàng để trao đổi với nhau. Giống như người Anh học tiếng Pháp hay ngược lại. Muốn tìm chứng dẫn có vẻ xa rời thời công kĩ nghệ hơn thì có thể nhìn vào lớp người Phi Châu dưới-xích-đạo nói tiếng khác nhau nhưng cũng có cách thông hiểu với nhau được nhờ cùng khung ngôn ngữ Bantu. Các tập họp liền lạc địa vực có thể làm trung gian thông hiểu cho các tập họp ở về phía xa hơn. Các tập họp người sống gần nhau gây ảnh hưởng với nhau về mặt ngôn ngữ, như ngày nay dân Chàm Bình, Ninh Thuận nói có dấu giọng vì tiếp xúc với người Việt trong khi người Chàm Châu Đốc lại không thấy có. Do đó, trong trường hợp Lạc dân của thuộc địa Hán, chính khung cai trị của đế quốc Hán khi kết hợp họ với nhau trong một hệ thống hành chính quân sự – và văn hoá, qua thời gian, đã tạo nên một ngôn ngữ thống nhất. Chúng ta không biết thời điểm cụ thể dứt khoát nhưng người ta thường cho là phải đến thời kì thuộc Đường thế kỉ VIII mới có dấu hiệu rõ rệt. Đó là chứng cớ, có thể về sau nhưng được gán cho Phùng Hưng với danh hiệu tôn vinh từ dân chúng: Bố Cái Đại Vương. Ông K.W. Taylor đã đọc khác là Vua Cái Đại Vương dựa trên lối ghép tương tự một tập họp tiếng bản xứ “vua lớn” với tập họp từ Hán “đại vương” giống như ở tên nước Đại/Cồ Việt. Nhưng theo lối nào thì đó cũng là chứng cớ xa xưa nhất về một thứ tiếng Man ở thuộc địa phía nam của các triều đại Trung Quốc. Đồng thời ta cũng thấy chứng cớ về một dòng Thiền xâm nhập thuộc địa trong đời Đường, đúng tên phải là Bích Quan (“nhìn vào tường”) lại vẫn được gọi là Quan Bích, theo kiểu dùng chữ Hán mà theo văn pháp Việt, không hiểu đã được dùng vào lúc khởi thuỷ hay không. Lí Bí và cuộc tranh khởi độc lập đầu tiên của thuộc địa Giao Chỉ Tình hình trung ương yếu ớt dẫn đến sự tiếm quyền ở địa phương nhưng lần này thì lại tiến lên một mức độ trầm trọng hơn: Người chiếm quyền lập triều đại, xưng Nam Việt Đế. Đó là Lí Bí, muốn lưu giữ truyền thống Triệu Đà xưa nhưng lấy quốc hiệu mới là Vạn Xuân, đặt niên hiệu Thiên Đức, chia người cai trị (541-546). Trong quá khứ, khi có sự đảo lộn ở trung ương thì quan cai trị địa phương, nhất là ở bộ phận xung yếu: châu Giao, quan thái thú hay thứ sử ở đấy hoặc chống cự lại triều đình mới để bị tiêu diệt, hoặc đầu hàng để hi vọng tiếp tục quan chức. Tuy nhiên càng về sau thì có lúc họ đã tự xử lí với nhau không cần câu viện đến sức mạnh từ xa. Năm 502 nhà Tề mất, Thứ sử Giao Châu Lí Nguyên Khải chống lại triều mới (505) bị Trưởng sử Lí Tắc dùng tông binh giết, chiếm châu tự cai trị đến 513 mới thấy được Lương phong chính thức. Vấn đề tông binh – binh riêng thuộc dòng họ – của Lí Tắc làm nên việc chứng tỏ ngay cả quan cấp dưới cũng có lực lượng riêng lấy từ vùng đất quản trị của người đại biểu dòng họ. Và điều này thì cũng không phải đúng riêng cho trường hợp Lí Tắc. Nghĩa là cho cả Lí Bí, người “hào trưởng” nhưng lại cầm quân ở biên cương (Cửu Đức, phía giáp với Lâm Ấp), hẳn là một nơi vẫn bị coi như là đày ải. Tướng cầm quân thì năng động hơn quan ở chốn yên lành, nên Lí Bí đã đánh đuổi được Tiêu Tư, Thứ sử Giao Châu (541). Lại cũng không phải chỉ là sự bất mãn của một dòng họ. Theo về với Bí còn có một bộ phận trí thức địa phương không tìm được cơ hội thành đạt theo đường lối chính thức mà đại biểu là Tinh Thiều, người lặn lội đến tận kinh đô, mỏi mòn chờ đợi tiến cử mà không được, liền xoay đi tìm hướng tiến thân nơi chính địa phương mình. Lí Bí được sử Việt công nhận là “người Nam” vì dòng dõi sống ở thuộc địa đã đến năm trăm năm. Nhưng dấu bản xứ sâu đậm hơn thì đúng là trường hợp tù trưởng Triệu Túc ở Chu Diên, trên vùng đồng bằng có hướng tiếp giáp biển khơi, là một bộ phận quan trọng của một vùng trù phú. Không phải chỉ có sự tiếp trợ vật chất mà còn cả sự tiếp trợ tinh thần chứng tỏ Lí Bí bám chặt với địa phương hơn các ông quan cai trị nổi loạn khác. Đó là trường hợp làm nổi lên trong lịch sử vai trò của tập họp các ông thần nước, về phía tây sẽ có tên là Lí Phục Man, phía đông có tên là Trương Hống, Trương Hát, Triệu Quang Phục. Ông thần cửa biển vùng Lục Đầu chặn hướng tiến quân của quân địch từ ngoài biển vào xâm nhập kinh đô của Vạn Xuân (Long Biên cũ) nên được Nam Việt đế coi trọng, trở thành truyền thuyết được Lí Bí giao trách nhiệm “lấy lại cơ nghiệp” cho mình, do đó có tên Quang Phục, mang họ Triệu của xứ Nam Việt xưa – rồi với thời gian sẽ trở thành nhân vật lịch sử thực thụ trong chính sử nhà nước cuối thế kỉ XV. Tuy nhiên uy thế của nhiên thần địa phương lại gặp sự cạnh tranh của một tôn giáo mang tính toàn cầu, tuy có ý thức địa phương hoá nhưng vẫn không chịu bỏ phần lãnh đạo trên trước. Thời Sĩ Nhiếp thấy có (sư) người Hồ đốt hương theo xe quan thái thú. Sử Phật Giáo Việt Nam cho biết Luy Lâu (được ngày nay cho là thuộc Thuận Thành, Hà Bắc), từ thế kỉ III đã là một trung tâm Phật Giáo quan trọng ngang với Lạc Dương của Hán. Hai dòng Thiền trong đó dòng Nam Phương, cái tên chỉ rõ hướng xuất phát – đến trước, sau mới là dòng Quan Bích của Trung Hoa. Dòng Nam Phương với sư Ấn làm thụ thai Man Nương trong truyện truyền kì ở Lĩnh Nam chích quái , chứng tỏ ngành Phật Giáo Mật tông đã cố gắng hoà nhập với tục thờ sinh thực khí ở địa phương, nhưng sự kiện tính nữ ở đấy trở thành Phật Bà / Phật Mẫu lại là dấu vết ương ngạnh chống trả của địa phương. Thời gian vị sư Ấn Vinitaruci / Tì Ni Đa Lưu Chi (chết 594) đến làng Dâu (580) là đồng thời với câu chuyện xung đột tranh chiếm quyền hành của ông thần biển Triệu Quang Phục và Lí Phật Tử. Ông đệ tử nhà Phật được cho thắng, tức là chứng tỏ có sự rời bỏ một phần mối tin tưởng vào thần quyền của nhà cầm quyền mới, điều đó chắc cũng làm yếu đi lực lượng của những người nổi dậy. Lí Bí không chống nổi với quân Trần Bá Tiên, bị giết (546), người anh là Lí Thiên Bảo cũng bỏ chạy ra ngoài cõi, cơ nghiệp được coi như truyền lại cho anh em, và bộ tướng Lí Phật Tử, như đã nói, đã hướng mạnh vào sự phát triển Phật Giáo từ Ấn qua, và có lẽ tồn tại được nhờ sự rối loạn ở triều đình Lương, khi tướng Trần Bá Tiên phải rút về dự phần tranh chiếm quyền hành mà bỏ lơ phương nam. Nguồn thông tin ít ỏi của sử Trung Quốc về phía này cũng chứng tỏ trong một thời gian, phần cựu thuộc địa không có sự can thiệp từ phương Bắc để cho Phật Giáo Ấn phát triển, và có lẽ là nguyên nhân khiến Lí Phật Tử xa rời tin tưởng thần quyền địa phương. Tuy nhiên rõ ràng là tôn giáo mới chưa đủ khả năng kết tập lực lượng mới giúp cho người làm chủ Giao Châu giữ được quyền bính. Phía bắc, Tuỳ thống nhất đất nước, sai Dương Tố diệt Lí Xuân (590), nghe lời Tố cử thứ sử châu Qua là Lưu Phương chinh Nam, bắt Lí Phật Tử đưa về Bắc (602), kết thúc một giai đoạn cố gắng độc lập ngắn ngủi nhưng quan trọng vì đã mở màn cho các lực lượng li khai về sau có đà khoét sâu sự phân hoá trên thuộc địa phương Nam của Trung Hoa. Phụ lục KHẢO CỔ HỌC PHÙ NAM TRÊN ĐỒNG BẰNG CỬU LONG Như đã nói, lịch sử Phù Nam bắt đầu từ khi P. Pelliot (1903) tách các tài liệu thư sử Trung Hoa phối hợp với một số bia đá để đưa ra một đề mục có ý nghĩa dứt khoát “Le Fou Nan” (Nước Phù Nam). Nhưng để cho Phù Nam có một địa vực thì lại phải cần đến những khai quật rộng lớn, đầu tiên là của L. Malleret trong năm 1944 trên vùng đất Miền Tây Nam Bộ, phát hiện ra di tích nổi tiếng Óc Eo để tạo lập danh xưng Văn hoá Óc Eo cho khảo cổ học thế giới. Địa điểm Óc Eo nằm dưới chân núi Ba Thê, trước chiến tranh thuộc xã Mĩ Lâm, tổng Kiến Hào, tỉnh Rạch Giá nay thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ở đây, từ đầu những năm 40 thế kỉ XX, trên vùng đất ngập nước phần lớn trong năm này, người làm ruộng thường lượm được nhiều vật trang sức bằng vàng bạc, đá quý khiến người ta đổ xô đến “tìm của,” tụ tập thành dãy phố có quán ăn, rạp hát… ồn ào huyên náo. Trường Viễn Đông Bác Cổ phải lật đật tổ chức khai quật do L. Malleret dẫn đầu, trong đó một nhân viên, ông Trần Huy Bá nhân tiện đi theo làm việc, cũng để lại một kí sự ngắn trên tờ Tri Tân tạp chí số 172: “Hai tháng ở gò Óc Eo hay là câu chuyện đi đào vàng.” Công việc dang dở vì chiến tranh nhưng cũng đủ cho Malleret thu xếp trình bày trong bộ L’Archéologie du delta du Mékong (Bốn tập, 1959, 1960, 1962, 1963). Chính ở Óc Eo, Malleret đã tìm được các bằng cớ vật chất chứng minh có sự giao tiếp thật xa của một dòng thương mại quốc tế mà Óc Eo đóng vai trò thương cảng: vài chiếc nhẫn mặt ngọc khắc chữ viết loại sớm ở Ấn Độ, vài chiếc gương Hán thế kỉ II, những huy chương có nguồn gốc La Mã xuất phát từ thế kỉ II… Những dấu hiệu lịch sử này khiến Malleret đã dành quyển III của ông cho nhan đề “Nền văn hoá Phù Nam,” và xác định rằng Óc Eo là “cảng thị… là bộ phận duyên hải của Vương quốc cổ Ấn Độ hoá Phù Nam.” Ông đã tách biệt Phù Nam ra khỏi lịch sử Khmer, chứng minh Phù Nam có trước, ngoài tính chất quốc tế, còn có sinh hoạt nội địa với các công trình kênh đào, trồng lúa nước với tổ chức xã hội cao cấp có bia đá, chữ viết, xây cất tín ngưỡng, tượng tôn giáo gỗ, đá… Óc Eo chỉ là tiền cảng của kinh đô Phù Nam mà Malleret đặt ở Angkor Borei thuộc tỉnh Takeo, Kampuchia ngày nay. Sau 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam tiếp tục công trình, ban đầu là kiểm tra lại những địa điểm khảo sát ngày trước đã bị bỏ phế lâu năm, đồng thời tìm những địa điểm mới và khai thác tìm hiểu sâu rộng thêm. Các năm gần đây lại có sự hiện diện trở lại của Trường Viễn Đông Bác Cổ. Kết quả là người ta đi sâu vào trong thời gian hơn để có thể nói đến một thời kì tiền – Óc Eo và mở rộng về mặt không gian Phù Nam trên đất Nam Bộ, ví dụ sự phát hiện vùng trung tâm Đồng Tháp Mười như một khu vực phát triển khác nữa, không những chỉ là khu cư trú nông nghiệp mà còn có ngành nghề thủ công, có giao tiếp thương mại từ xa, không thua Óc Eo. Di vật tìm thấy dồi dào hơn làm sáng tỏ hơn cuộc sống của dân cư trong vùng một thời, nay là Việt Nam. Những nghiên cứu cũng đưa các nhà khảo cổ tìm ra các địa điểm nặng tính chất Ấn Giáo trên vùng Nam Tây Nguyên như di tích Proh (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng), như nơi được gọi là “Thánh địa Cát Tiên” (Lâm Đồng), với cả một hệ thống đền thờ còn di vật linga vàng, bạc, lá vàng… với mộ táng, có dáng như bằng cớ phát triển cao độ vào khoảng các thế kỉ IV- IX, X của những tập đoàn thiểu số Mạ, Kơho, Churu… trong vùng, chịu ảnh hưởng của Óc Eo, Champa. CHƯƠNG IV: CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN ĐỘC LẬP Thân phận chìm nổi theo đế quốc Tuỳ Đường Nhà Tuỳ tuy có đời sống ngắn ngủi (29 năm, 589-618) nhưng đã mở đầu cho sự thống nhất của Trung Quốc sau những thế kỉ phân li nên lực lượng tràn bờ của họ khi tái chiếm thuộc địa phương nam đã đặt lại nền tảng cai trị vững chắc, làm đà cho nhà Đường lâu dài tiếp theo, ảnh hưởng sâu đậm đến tương lai mảnh đất này từ trong tình trạng li khai tiến đến cơ hội độc lập. An ninh của Giao Châu được vững vàng còn nhờ sức đàn áp của quân Tuỳ lên đất Lâm Ấp, nơi này cũng từng hưởng được những giai đoạn yên ổn để phát triển có khi đi đến độ tràn lấn ra phía bắc dẫn đến những phản ứng của chính quyền thuộc địa như đã thấy. Tiếng đồn Lâm Ấp có nhiều của báu lạ đến tai triều đình, vua Tùy liền sai Lưu Phương vươn trách nhiệm về phía nam hơn với chức vụ Hoan Châu đạo Hành quân Tổng quản để “kinh lược” / đi đánh Lâm Ấp. Họ không biết rằng từ cuối thế kỉ VI, nước này đã có tên Champa khắc trên bia đá Mĩ Sơn ghi việc đời Sambhuvarman mà tên Hán là Phạm Phạn Chí / Phạm Chí, và tên nước sẽ được xác nhận thêm trên bia Chân Lạp (668). Trong lúc đó thì những tập họp xa về phía nam cũng đã tổ chức thành vùng lãnh địa nhưng vì cùng chung hệ thống văn hoá nên các lãnh chúa ở đấy cũng đến xây dựng đền tháp ở Mĩ Sơn và lúc hưng thịnh cũng xưng mình là vua toàn cõi Champa. Do sự tiếp xúc lan xa nên lần đầu tiên Cựu Đường thư cho thấy có người mang dáng như dân Thượng ngày nay, hiện diện ở triều đình Tràng An: “Thời Đường Huyền Tông, Khai Nguyên thứ 12 (724), vua tế lễ Thái Sơn có rất nhiều người theo… trong đó có tả hữu hiền vương phía tây Nhật Nam, cà răng, xâm trán…” Lưu Phương đánh Phạm Phạn Chí, chiếm thành đô Sinhapura trên vùng thung lũng Thu Bồn hiện nay, thu được nhiều vàng bạc nhưng chết dọc đường (605). Thái thú Giao Châu Khâu Hoà của Tuỳ hưởng thành quả đó, mở rộng chiến tích, thu lợi riêng từ các nước phía nam, được tiếng là “giàu như vương giả,” của cải hẳn không ít là từ cống phú của Sambhuvarman (+629) khi ông này trở lại Trà Kiệu, tái xây dựng đền Bhadravarnan ở Mĩ Sơn bị cháy từ trước, và của các con cháu ông (Phạm Trấn Long / Prabhasadharma +645) tiếp theo. Khi Tuỳ mất, Hoà đầu nhà Đường được chức Giao Châu Đại tổng quản, cai trị hơn 60 năm. Tên của thuộc địa cũng theo thời gian thay đổi nhưng danh xưng An Nam Đô hộ phủ từ 679 được lâu bền nhất, kéo dài mãi về sau, riêng từ “An Nam” vẫn còn đến hồi Pháp thuộc trên sách vở (An Nam sử lược 1920 của Trần Trọng Kim), trong dân chúng trước 1945. Bắt đầu từ năm 622, Đường tổ chức lại toàn bộ thuộc địa, chia nhỏ để dễ bề cai trị cho nên đã bắt đầu có các tên huyện nguyên gốc từ quận – có lẽ là huyện trung tâm của quận: huyện Giao Chỉ, huyện Cửu Chân, và tên nhiều châu, có khi mang tính phù du, xuất hiện theo thời lấn chiếm rồi lại biến đi khi co rút quyền hành. Đại khái có đến hơn 200 lị sở mà quan trọng là Tống Bình (Hà Nội ngày nay) coi vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã, và nơi thứ hai ở vùng sông Cả vươn quyền lực về phía nam. Số lượng các châu ki mi cũng nhiều hơn, như về phía bắc đến biên giới Quảng Châu có 28 đơn vị. Đã bắt đầu thấy thành trì ở vùng Tống Bình như tử-thành (thành con – 618) của Khâu Hoà chống Nịnh Trường Chân, mở đầu tiếp tục cho các la thành, đại la thành ở thế kỉ VIII, IX rồi sẽ trở thành tên riêng cho vùng đất. Tổ chức hành chính như thế cũng chứng tỏ sự cai trị mang tính hợp lí, sâu sát với tình hình thực tế hơn các đời trước. Chế độ thuế má ở trung ương đã áp dụng được ở thuộc địa nâng tầm sinh hoạt của địa phương lên cao gần với chính quốc. Tuy lúc đầu có ông quan nhút nhát như Lư Tổ Thượng không dám đi nhậm chức ở Giao Châu đến nỗi bị giết, thêm việc đày các quan lại không được ưng ý đi phía nam chứng tỏ vẫn còn có sự e ngại vùng hiểm độc, nhưng lại là dấu hiệu khác cho thấy triều đình đã đủ vững tin nơi quyền lực bao trùm của mình trên khắp đế quốc. Địa phương đã có những người làm quan to trong triều Đường như hai anh em họ Khương – Công Phụ và Công Phục. Những người đi đày là trí thức nho sĩ, cựu quan chức nên cho thấy thêm các dấu hiệu sinh hoạt ở thuộc địa phồn tạp hơn. Họ thường tiếp xúc với trí thức địa phương, trong trường hợp này lại là những nhà sư, vừa vì là gặp kẻ “có chữ,” vừa hợp với tình trạng thất thế u uất bị xô lệch bên lề xã hội của họ. Nhà sư nằm trong một dòng tôn giáo quốc tế nên cho thấy cả những người đi thỉnh kinh, truyền đạo xuyên qua đại dương trên những tàu thuyền ngược xuôi buôn bán khắp vùng biển cả nối kết lục địa hải đảo mà An Nam, Lâm Ấp / Hoàn Vương là một bộ phận. Hợp tác và chống đối ở phủ Đô hộ An Nam Không nhà cầm quyền nào ghìm giữ được xã hội khỏi thay đổi bởi vì ngay chính sự chuyển đổi là có lợi cho họ, tuy nó chứa chất mầm mống đảo lộn mà họ phải lo đối phó, đề phòng. Cũng không ai tự dưng buông bỏ quyền lực nên vấn đề còn lại chỉ là sự cân bằng mà người cầm quyền thao túng được hay không mà thôi. Thuộc địa An Nam của Đường trong phát triển cũng tạo ra những vấn đề hợp tác và chống đối của dân địa phương như bất cứ nơi nào khác, còn dân địa phương thì cũng phải thay đổi theo với tình thế của thời đại dẫn dắt. Cuộc loạn năm 687 xảy ra vì Đô hộ Lưu Diên Hựu bắt các hộ người Lí thay vì nộp một nửa thuế theo chủ trương triều đình dành cho dân không phải Hán, nay phải nộp đủ. Không thấy nêu lí do nhưng có lẽ dưới mắt viên đô hộ này, sinh hoạt của đám dân dưới quyền đã không có gì phân biệt rạch ròi với dân xâm nhập như suy tính của viên chức chính quyền trung ương ngồi ở xa vẫn bám giữ theo thông lệ từ những sự kiện nay đã trở thành lỗi thời. Diên Hựu vốn từng là nhân viên ưu tú dưới quyền Tể tướng Lí Tích của Đường nên hẳn không hành động cẩu thả mà chính là từ chiêm nghiệm thực tế đã dẫn ông đến ý muốn cải cách việc cai trị. Thuế được tính theo hộ chứ không phải là khẩu, quyền ân giảm được hưởng lâu dài trở thành quyền đương nhiên nên đến nay việc nộp đủ thuế dù là hợp lí vẫn có nghĩa là tăng thuế gấp đôi đối với các chủ hộ người Lí, những người lúc này đã có sự sản, có kẻ phục vụ dưới tay mà họ bao bọc và phải nộp thuế thay. Thế là loạn xảy ra, không phải vì một “chủ nghĩa dân tộc” khởi động hay có ý nghĩa của một cuộc bạo động vì bị áp bức. Diên Hựu giết người chủ mưu là Lí Tự Tiên. Dư đảng là Đinh Kiên vây phủ thành giết Đô hộ, phải có quân ngoài từ Quế Châu đến mới bình định được. Ở đây chúng ta thấy thêm được một dấu vết của tầng lớp bản xứ. Những người này vốn không có họ , họ là một thứ tông phả, một quan niệm truyền dòng của văn hoá Hán. Lớp người khác-Hán chắc đã giữ mối truyền dòng theo lối sách Hán gọi là “phụ tử liên danh” – lấy tên cha làm họ con, với bằng cớ được bãi bỏ ở nước Nam Chiếu khoảng 823-859, còn thấy ở các nước Đông Nam Á ngày nay trong tầng lớp thấp, và dưới hình thức lệch lạc ở vùng xưa nước Việt thường được coi là trung tâm của Mê Linh. Sự khác biệt đó đã thấy trong lí do cải cách của các quan lệnh từ những buổi đầu như Nhâm Diên hay trong sớ của Tiết Tổng. Tầng lớp bản xứ bên trên muốn theo thời, có thể bắt chước các quan, dân đến cai trị mình nên cố khoác cho mình một “họ” để ứng hợp với yêu cầu của nền hành chính thuộc địa, để được coi là “hợp thời,” “tiến bộ.” Còn dân chúng bên dưới vẫn chỉ độc một cái tên gọi thường ngày, như mãi đến đầu thế kỉ XIII, trên tấm bia 1210, một số chủ ruộng cũng chỉ được gọi trống trơn: “thằng” Hàm, “thằng” Chạy, “thằng” Tạo… Cho nên tuy họ người Việt sau này mang dáng dấp sít sao Trung Hoa nhưng vẫn có thể nhận ra những khởi đầu thô thiển. Quan chức Trung Hoa gọi người khác-Hán là Lí, có vẻ từ tổ chức hành chính cơ sở mà họ áp đặt cho những người này, từ đó nảy sinh ra họ Lí – không kể các trường hợp dua nịnh họ “lớn”. Cuộc loạn Lí Tự Tiên đã được coi là của các “lí hộ” (dân các nhà trong làng xóm), thì bọn đầu đen, lê dân cũng có thể phát sinh họ Lê. Họ Phan từ tên gọi phiếm chỉ về người “phiên”. Người Thái với đơn vị “chiềng” sẽ có họ Trịnh. Và rồi phức tạp hơn, Phan chuyển qua Phạm, hay Phạm lại chính từ các âm kham/cam của Thái chuyển qua Việt thành Cầm, Phạm. Người dân thuộc địa đi vào sổ bộ để đánh thuế sẽ có họ Đinh trong ví dụ muộn màng là người dân Thượng phía tây Quảng Ngãi ngày nay, và cũng có thể thấy nơi người chống đối năm 687 đã đủ sức đánh giết quan Đô hộ của nhà Đường. Đinh Kiến mới chỉ là “dư đảng,” như thế người chủ mưu là Lí Tự Tiên hẳn có thế lực hơn nhiều. Xa hơn về phía nam thì những người bản thổ có thế lực còn mang thêm dấu vết chủng loại rõ rệt. Người cầm đầu cuộc nổi dậy năm 722 ở đây có tên Hán Việt là Mai Thúc Loan / Thúc Yên / Lập Thành nhưng khi muốn minh chứng quyền hành đã xưng là Hắc Đế – hay được tôn xưng là Đế mà không đánh mất dấu sắc màu thân xác: đen . Không thể coi đây là ghi nhận về một trường hợp lẻ loi, một sự kiện tình cờ của cá nhân bởi vì một danh vị phải mang tính tượng trưng, đại biểu của nó, người nào muốn tìm quần chúng, thần dân ai cũng hiểu được điều ấy. Cho nên Mai Thúc Loan xưng “đen” là một hành vi có ý thức của kẻ chiêu tập người theo dưới cờ, mang màu da rạm nắng của dân hải đảo. Quân số gây rối được báo cáo về trung ương lên đến hàng chục vạn hẳn là khoa đại để tăng công tích tướng đánh dẹp nhưng việc tìm được tương trợ từ bên ngoài với những tên quen thuộc như Lâm Ấp, Chân Lạp hay xa lạ: Kim Lân (muốn vươn đến tận đất hạ-Miến của thư tịch Trung Quốc?) chứng tỏ có sự đồng cảm của những tập họp tương tự, dẫn đến mối liên hệ quyền lợi buôn bán lan về lục địa phía tây có dòng Mékong toả rộng, từ vị trí châu Hoan bao quanh quê hương người nổi dậy ở đông nam tỉnh lị Hà Tĩnh trên bờ biển Đông. Mai Thúc Loan thất bại nhưng cuộc nổi dậy có dáng như sự tái diễn một trường hợp thành lập Lâm Ấp thứ hai nếu thành công. Nhưng nhà Đường không phải là nhà Hán, và dân Hoan Diễn tuy vẫn còn ngập ngừng, chông chênh trong tranh chấp nam bắc suốt nhiều thế kỉ sau nhưng đã đậm màu Hán hoá, không dễ bị lôi kéo bởi những tập họp Ấn hoá nhỏ bé để có thể tách lần nữa ra khỏi khối Trung Hoa to lớn, vững chắc. Trong những người nổi dậy chỉ có Phùng Hưng là được người đương thời có liên hệ tại chỗ ghi nhận: Đó là Đô hộ Triệu Xương, người đánh dẹp Phùng An (791), con Phùng Hưng. Danh vị “(biên khố) di tù trưởng” (tù trưởng mọi) mang ý khinh miệt nhưng “quan lang” là dấu vết gần đây, cho thấy không những ông không lệ thuộc lắm vào chính quyền đương thời mà vốn là một công cụ cần thiết cho họ giữ gìn chốn biên cương. Tên Đỗ Anh Hàn mà sử Bắc cho là thủ lĩnh cuộc nổi dậy, theo Triệu Xương là một kẻ chỉ dẫn cho Hưng tiến chiếm phủ Đô hộ chứng tỏ ông cũng không thụ động với các biến chuyển ngoài khu vực của mình. Đền thờ ở địa phương Đường Lâm cụ thể được xác định đến ngày nay, danh hiệu Bố Cái Đại Vương (hay Vua Cái Đại Vương, theo K.W. Taylor) còn lưu truyền là chứng tích hiếm có về một nhân vật lịch sử xa đời. Họ Phùng có vẻ không bị tuyệt diệt vì biến động nên hẳn còn con cháu nơi các nhân vật xuất hiện dưới các triều Lí, Trần cũng như họ Đỗ cùng sống trên đất Đường Lâm như ông. Việt điện u linh tập dẫn Triệu Xương chỉ Đỗ Anh Hàn là người cùng quê với Phùng Hưng nhưng bằng chứng vật chất còn lại cho thấy địa vị Đỗ Anh Hàn quan trọng hơn nhiều. Ông này có tên trên cái chuông (“chuông Thanh Mai”) đúc năm 798, với chức Kinh lược Tiên phong Binh mã sứ, từng làm Thứ sử châu Ái, coi quân châu Trường (vùng Hoa Lư). Phùng Hưng mất năm 798, như thế chuông Thanh Mai được đúc trong thời kì họ Phùng chiếm quyền, và những người có tên trên chuông là nhân vật đương thời. Không thấy hành trạng về sau của Đỗ Anh Hàn nhưng một người khác: Đỗ Tồn Thành, được ghi là Thứ sử châu Ái thì khoảng nửa thế kỉ sau bị Đô hộ Lí Trác giết, sử ghi là “tù trưởng Man” và hình như vẫn còn được coi châu Ái. Năm 819, Dương Thanh nổi dậy giết Đô hộ, chiếm phủ thành, lại cũng được gọi là “đời đời làm tù trưởng Man,” sau khi lui quân lại lấy hậu cứ nơi người “Man Lạo,” chống cự đến cả mười năm trời. Thanh cũng được ghi là dòng dõi thứ sử châu Hoan. Tù trưởng Man làm chức quan lớn ở triều Đường không phải là điều lạ nữa, kể cả việc có người lên gần đến tột đỉnh quyền hành. Đó là Đỗ Anh Sách, Phó Đô hộ đời Đường Đức Tông (780-804). Lại cũng là thời gian có biến động Phùng Hưng nên không thể không liên tưởng đến người có tên họ gần giống: Đỗ Anh Hàn. Ở đây lại có chứng cứ quan trọng là các nhân vật này đúng là dân bản thổ. Lê Tắc (An Nam chí lược) thuật chuyện Phạm Đình Chi và Đỗ Anh Sách (Phó Đô hộ) là những nhân vật giàu mạnh ở địa phương “khe động,” nhưng đối với Kinh lược sứ An Nam Bùi Hành Lập làm việc kiểm soát hành vi quan chức dưới quyền thì những người này chỉ là loại “bọ thuộc” trong tầm tay sinh sát. Trong khi Đỗ Anh Sách tuân thủ luật lệ thì Phạm Đình Chi cứ buông thả theo cuộc sống của mình, của tập đoàn mình, theo một phong tục địa phương mà quan Kinh lược không hiểu được: “tắm lâu chẳng về.” “Tắm” ở đây rõ ràng không phải công việc làm sạch thân thể thường ngày mà đúng là một hành vi văn hoá, một nghi lễ Rửa sạch tội lỗi như ta còn thấy trên sông Hằng, của dân Rađê đất Ban Mê Thuộc gần đây, hay nằm trong du kí của Châu Đạt Quan ghi vào thế kỉ XIII ở Chân Lạp, và cả ở đàng sau câu nói ngày nay tưởng là để đùa bỡn: “Có tội lội xuống sông hết tội.” Đáng lưu ý thêm nữa là khi quan Kinh lược đánh chết người phạm tội thì cho trả thây về bộ tộc và bảo chọn người khác thay thế, có nghĩa là vai trò của người bản thổ trong guồng máy cai trị không thể mất đi chỉ vì một người trong bọn lầm lỗi. Vậy là thủ lĩnh bản xứ, địa phương của Đường tuy vẫn còn ở địa vị phụ thuộc nhưng đã được phép tập luyện cầm quyền theo cung cách như những quan lại từ xa đưa tới. Cả một hệ thống người nằm ngoài hay trong chính quyền thuộc địa như thế, đã khiến cho phủ Đô hộ An Nam có đủ người địa phương để tự quản một khi chính quyền trung ương suy yếu. Đó là điều sẽ xảy ra trong các thế kỉ tiếp theo. Thách thức từ bên ngoài của chính quyền thuộc địa Đường Đế quốc Đường to rộng nhưng không thấy có những cuộc chinh phạt về phía nam như những triều đại về trước. Chỉ có dấu vết họ đương cự mà thôi. Biên giới phía nam vẫn còn xê xích giữa vùng Hải Vân và Hoành Sơn. Đường giữ được vùng Tuỳ chiếm đến nửa sau thế kỉ VIII thì vì bận tâm với chiến cuộc ở Tây Vực nên phải bỏ đi để biên giới lại ra đến Hoành Sơn. Có vẻ như đây là thời cường thịnh của các triều đại Chàm ở phía nam, vùng Kauthara (Nha Trang) và Panduranga (Phan Rang), với những ông vua lần đầu tiên được ghi trên bia ở Phan Rang, là “vua tối cao đã từng thừa hưởng toàn bộ lãnh thổ Champa” hay trên bia năm 875 ở Đồng Dương (Quảng Nam) ghi là có vị vua gốc phía nam, được suy cử làm “vua duy nhất của đất nước… cai trị toàn bộ lãnh thổ Champa.” Thời kì này, sử Trung Quốc chép việc đổi tên nước là Hoàn Vương (750) với kinh đô Virapura đâu đó trong khoảng vùng Phan Rang ngày nay, theo với sự hưng thịnh bắt đầu từ trước trong những vụ việc phát triển quyền lực như cùng với Chân Lạp phụ giúp cho Mai Thúc Loan nổi dậy (722). Tên nước mới do đó có thể đoán theo nghĩa chữ Hán, có vẻ phản ảnh về một thời hưng thịnh trở lại (“hoàn”), tập trung thế lực trọn vẹn vào tay một chính quyền mạnh của phần đất mà quan lại Bắc còn nhớ là cựu thuộc địa của mình. Đó cũng là thời kì phát triển thương mại Đông Tây dưới quyền lực của triều Đường đưa đến sự phồn thịnh lại của cảng Quảng Châu và do đó cũng ảnh hưởng gián tiếp đến sự hưng thịnh của triều đại Sailendra ở Java. Sử còn ghi việc năm 767, người Côn Lôn, Chà Bà (nghĩa là tập họp phát xuất từ hải đảo) đến cướp phá Giao Châu bị đánh tan trên vùng hạ du châu thổ. Bia Tháp Bà (Nha Trang) 774 ghi việc vua Satyavarman đánh đuổi “bọn cướp từ biển tới” đốt phá “nhà ở” của thần, mang đi đầu thần (kosa) và nhiều bảo vật. Đền thần được xây cất lại và năm 784 tạc tượng Yan Pu Nagara / Bà Chúa Xứ, là chứng cớ xưa nhất về việc thờ cúng Nữ thần Xứ sở của Champa. Hình như những giao tiếp qua biển đã đem lại những yếu tố từ rất xa đến phần đông bán đảo Đông Dương. Thử nhìn lại người vũ nữ trên bệ thờ Trà Kiệu. Nó không giống với các nhân vật nữ tròn trịa, đầy đặn của Ấn Độ, nơi cỗi gốc văn hoá mà ta cho là người Chàm phải bắt chước theo. Lại cũng chẳng giống với các apsara Kampuchia trong khung cảnh chung, nhỏ nhắn hơn nhưng vẫn vú vê tròn trịa, thân xác đầy đặn của hình mẫu Ấn. Người vũ nữ Trà Kiệu rắn chắc,