🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bãi Hoang - Jean-René Huguenin & Huỳnh Phan Anh (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Tâm Lý Xã Hội]
Ebooks
Nhóm Zalo
ebook©vctvegroup
Jean-René Huguenin
BÃI HOANG
Huỳnh Phan Anh dịch
Phát hành: DTBooks
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2018
JEAN-RENÉ HUGUENIN VÀ BÃI HOANG
Một con ong chết.
Nắng xế qua triền cửa sổ.
Mùa hè đổi hướng.
Cummings chết: tôi không buồn. Hemingway, Blaise Cendrars, Hermann Hesse, Faulkner chết: tôi không buồn. Một con ong chết: tôi buồn lắm.
Jean-René Huguenin chết: tôi buồn lắm. Anh mới hai mươi sáu tuổi và chỉ mới xuất bản một tác phẩm: La Côte Sauvage (Bãi hoang) là quyển tiểu thuyết duy nhất của anh. Anh viết tiểu thuyết quá buồn. Nắng chiều. Đêm. Đêm tối.
- Tôi không biết. Anh đã tìm thấy gì?
- Một con ong chết.
Je ne sais pas. Qu’est - ce que vous avez trouvé?
Une abeille morte.
Jean-Rene Huguenin đã viết hai câu trên trong quyển La Côte Sauvage (tr. 57).
Pierre, nhân vật trong quyển ấy, là một chàng trai trẻ rất buồn, một người cô độc, một kẻ ích kỷ không tự thương mình: L’egoiste qui ne s’aime pas (tr. 70). Pierre yêu người em gái của một người bạn thân chàng…
Một hôm, Pierre bỗng tìm thấy một con ong chết trên triền cửa sổ. Et ce fut l’autre versant de l’été, le jour où Pierre découvrit, sur le rebord de sa fenêtre, une abeille morte (tr. 65). Lòng người luân lưu thay đổi như những cây dương xỉ vàng sẫm, như hoa bát tiên chóng tàn, như những ngày xế bóng thoi đưa, như những con ong khô chết. Alors l’évidence éclatait:
les fougères brunissaient, les hortensias se fanaient, les jours déclinaient plus vite, les abeilles mouraient - c’était l’autre versantde l’été (tr. 65). Ừ, hỏi làm gì? Đời là ngộ nhận triền miên. Người làm gì biết được. Mỗi người là một vạn lý trường thành, chắn lại hết giao thông. Người làm gì hiểu được ta. Ngộ nhận chân lý: chắc người không hiểu tôi đã tìm thấy gì trên triền cửa sổ vào buổi sáng nay?
Vous ne savez pas ce que j’ai trouvé ce matin sur le rebord de ma fenêtre? (tr. 66).
* * *
Năm 1962, báo Pháp đăng tin rằng Jean-René Huguenin đụng xe chết. Như James Dean, Albert Camus.
Tôi giở lại quyển La Côte Sauvage và tình cờ gặp lại một đoạn văn như sau:
- Người ta không chết vì buồn chán.
- Không, không phải vì buồn chán. Mà không vì một căn cớ nào. Tôi sẽ chết như vậy, không một căn cớ nào.
On ne meurt pas d’ennui.
Non, pas d’ennui. De rien… Je mourais comme çà, de rien. (tr. 86). Jean-René Huguenin sinh ngày 1 tháng 3 năm 1936 tại Paris, bắt đầu viết văn hồi còn rất nhỏ, viết báo vào năm 18 tuổi, xuất bản quyển La Côte Sauvage vào năm 24 tuổi và chết ở tuổi 26.
* * *
Nhân vật chính của La Côte Sauvage là Olivier. Chàng đi quân dịch vài năm rồi được giải ngũ trở về sống lại với gia đình.
Gia đình chàng chỉ gồm có mẹ, chị và em gái. Quê hương chàng buồn lắm. Biển. Gió. Đá cuội. Sương mù. Olivier rất yêu em gái, nhưng không thích chị. Sau hai năm nhập ngũ, lúc trở về lại đời sống bình thường, Olivier thay đổi. Chàng cảm thấy cô đơn dị thường. Đứa em gái chàng tên
là Anne, chàng thương Anne ngay từ thuở bé thơ. Bây giờ chàng được tin em sắp lấy chồng; chồng Anne là bạn thân của chàng, tên Pierre. Pierre và Anne đầm ấm xoắn xuýt nhau. Olivier cô đơn. Olivier định ngăn cản đám cưới. Những thoáng nhìn, những câu hỏi xa xôi, những cử chỉ thông thường của Olivier đã khiến Pierre buồn nhiều. Pierre chán nản. Một dạo, Olivier cũng khiến Anne chán Pierre. Olivier vẫn muốn Anne sống mãi bên cạnh chàng. Tại sao thế? Thực khó trả lời. Sau cùng, Pierre và Anne vẫn lấy nhau. Họ dẫn nhau đi Paris và Tây Ban Nha. Chỉ còn Olivier ở lại sống cô đơn.
Quyển La Côte Sauvage đưa tôi vào nỗi cô đơn mênh mông của Olivier, của Pierre. Lối văn của Huguenin rất ngắn và giản dị. Tôi đã đọc quyển La Côte Sauvage đến hai lần. Thế mà tôi không thể nào viết nhiều về quyển này vì La Côte Sauvage là một quyển sách để đọc, cảm và im lặng. Chúng ta đã tìm được sao mai rồi?
PHẠM CÔNG THIỆN
1
Trong ánh sáng yếu ớt của buổi chiều, Olivier lần bước tiến đến gần trong khi Anne vẫn không hay biết, và anh dừng chân lại cách cô vài bước, nén lại hơi thở. Cô chợt quay đầu lại; anh lướt sau một thân cây sồi. Anh chỉ thấy khuôn mặt cô nhợt nhạt trong bóng râm - và màu xanh thẫm của hoa lá lốm đốm xung quanh. Anh cầm chiếc bật lửa, giơ thẳng tay ra trước thân cây: ngọn lửa chập chờn trong giây lát rồi tắt phụt.
- Ai đó?… Cô khẽ lên tiếng.
Anh đứng lặng im với chiếc bật lửa trong tay, không dám thở nữa. Nhưng khi cô em gái nhón chân đi về phía thân cây, đầu nghiêng nghiêng (mái tóc đen xổ tung, rơi dài xuống lưng), anh mỉm cười. - Anne.
- Anne ơi!
Trong cùng một lúc, tiếng gọi vang lên từ phía nhà, nhưng Anne chỉ nghe tiếng gọi của Olivier. Cô dừng bước, khẽ lắc đầu như không nhận ra anh, và rồi tức thì cô đã rơi gọn vào tay anh và không nói năng gì, anh vừa ôm cô vào lòng vừa ngửi mùi hương tóc cô, một mùi hạnh nhân.
- Em sợ, anh dịu dàng hỏi, em sợ hả Anne?
Một con chim cú vỗ cánh bay đi, một vật gì chuyển hết cành cây này tới cành cây khác nhưng không chạm tới mặt đất. Olivier khẽ rùng mình. Họ buông nhau ra.
- Anh đến bằng gì? Em không nghe tiếng xe.
- Anh để xe bên ngoài đường cái.
Họ bước khẽ trên lối đi cát mịn ở đầu một hàng rào trắng với cánh cửa rung rinh.
Lối đi giữa những thân cây. Mô đất bên ngã tư đường. Một cánh cửa xe hãy còn mở.
- Mẹ tưởng mai anh mới về.
- Còn em?
- Em không biết nữa.
Anh bật ngọn đèn trên trần xe, nghiêng người về phía Anne, nhìn cô bằng một cái nhìn kín đáo và lạnh lùng.
- Chắc anh mệt. Cô nói. Anh rời Paris sáng nay phải không? - Anh thấy khỏe mà.
Anh nhìn Anne không chớp mắt. Cô chợt ngoảnh đầu đi.
- Anh vẫn không có gì thay đổi.
- Còn em?
- Anh Pierre sẽ đến đây trong vòng ba hôm nữa. Chắc anh ấy có viết thư cho anh?
Olivier không đáp, lẳng lặng mở máy. Một nụ cười bồn chồn khẽ lay động đôi môi anh trong khi dưới mắt anh hiện lên cái giếng cũ, chiếc lồng bồ câu phủ đầy dây thường xuân, chiếc chòi nhỏ lẩn khuất dưới giàn nho hoang và trước nhà, một bóng đen thoáng hiện ra, lớn dần, rõ dần, bóng đen của một người đang đứng khoanh tay trên những bậc thềm, dưới ánh sáng đèn pha.
- Chắc mẹ hài lòng lắm.
Olivier vuốt lại mái tóc nâu của mình bằng một cử chỉ uể oải, đoạn bước xuống xe. Bà Androuze đứng lặng trên bậc thềm, trước mặt anh. Cơn gió nhẹ làm tà áo mặc trong phòng gợn nhẹ quanh tấm thân gầy yếu của bà và làm dao động bóng tối phía sau, nơi tiền sảnh. Cao hơn một chút, ngay phía trên cánh cửa, lũ côn trùng, bươm bướm đổ xô vào bóng đèn có chiếc chụp bằng sành. Anh ngước nhìn lên tầng lầu thứ nhất. Berthe vừa thụt đầu vào trong, giữ hai cánh cửa sổ. Bây giờ thì với hai tay giơ thẳng ra sau (chìa khóa công tắc lủng lẳng nơi bàn tay phải), anh hít lấy một mùi hương của bụi bặm, của mồ hôi lạnh; một làn da răn rúm lướt nhẹ dưới đôi môi của anh, và khi mẹ anh hôn trả lại, anh nhận ra cảm giác nhoi nhói từ những sợi lông nơi nốt ruồi trên mặt bà.
- Bất ngờ thật!
Olivier lướt qua người đàn bà để bước vào, anh cảm thấy người bà khẽ rung rinh. Anh đứng ở tiền sảnh, đảo mắt nhìn lên mấy bức tường, ngọn đèn lồng bằng sắt luyện, cái giá mắc gậy lúc nào cũng trống trơn, bức tượng Saint Jacques de Compostelle bằng gỗ, uy nghi với chiếc mũ dạ và chiếc gậy đi lễ. Tất cả những đồ vật này vẫn đợi anh trong sự bất động, mãi mãi trong sự bất động… “Con đi bình yên chứ, ông con, con đi bình yên chứ…?” Chính nơi đó, dưới cầu thang bằng đá, trong xó tối, trong cái hốc đầy bụi giăng mắc đủ thứ mạng nhện của ngôi biệt thự, anh vẫn bắt gặp Anne trong mỗi lần chơi ú tim, và trải qua suốt thời thơ ấu của cô, cô vẫn không hề thay đổi chỗ núp: cô rất đỗi sợ rằng anh sẽ không tìm thấy mình. Nhiều lần anh đi qua trước mặt cô mà không trông thấy cô, nghe tiếng cô thở mạnh, bước nhẹ ra xa, lên tiếng gọi cô ơi ới, rồi bước trở về cầu thang, cúi xuống phía dưới lan can… và bất thình lình cô đã ở sát bên anh, cô lại tiếp tục trốn, nhưng trốn trong vòng tay anh.
- Kìa, em mới về đấy à?
- Berthe, bà Androuze nói, con hãy mặc áo săng-đai vào kẻo lạnh đó. - Chị không nghe tiếng xe em à?
- Không, chị mắc lo may đồ.
- Lạ chưa, em thấy chị thò đầu ra cửa sổ mà.
Đứng im ở khúc quanh của cầu thang, đôi môi mím chặt, kéo thẳng ra, Berthe nhìn xuống cậu em trai, mặt đỏ rần. Chị bước xuống những bậc thang sau cùng và dừng lại cách anh hai bước:
- Chị không để ý… Bao giờ em lại đi?
- Nhưng mà em đâu có đi.
Anh mỉm cười nhìn Berthe.
- Con Anne đang dọn cơm cho con đó, bà Androuze nói.
- Em trông sắc diện chị tươi tốt đó, chị Berthe ạ!
- Ba đêm rồi chị không ngủ.
- Em trông sắc diện chị tươi tốt đó, chị Berth ạ! Anh lặp lại câu nói và khẽ chạm vào trán chị bằng mấy đầu ngón tay.
Berthe hất khuôn mặt phúng phính ra phía sau, và liếc nhìn Olivier rất nhanh:
- Bây giờ em để mẹ xách va li cho em à?
Anh đến bên mẹ trong cầu thang, xách lấy những chiếc va li. Khi đến trước cửa phòng mình, anh quay lại, nói giọng dịu dàng:
- Đợi con chút, con muốn được một mình trong chốc lát.
Và anh đóng cửa phòng lại trước mắt bà.
- Mẹ! Berthe kêu từ phía dưới. Mẹ không trở xuống à?
Olivier đặt va li xuống dưới chân giường, băng qua gian phòng và mở toang cửa sổ. Anh thoáng thấy một ánh phản chiếu trên tường, phía trên lò sưởi, nhưng không để tâm chú ý tới, hoặc có thể anh chỉ nhận ra nó trong một thoáng ngắn ngủi để quên bẵng nó tức thì. Đêm thoảng mùi nước biển. Hàng rào phủ bóng những dây bìm bìm. Những hàng răng cưa đen thẫm của những cây tùng. Bầu trời trong sáng ở phía trên ngọn đồi. Mái nhà của một nông trại bỗng sáng choang. Anh nghe những cây phu danh rùng mình. Hất mái tóc lên, anh thấy những ngọn tùng lắc lư. Sau đó tất cả đều tan biến. Cũng ở khung cửa sổ này, trải qua nhiều vụ hè trước, anh đã từng rình rập hàng giờ, vào buổi chiều, khi những cánh chim chợt nín bặt, từng cơn gió lùa xuống, mùi hoa nghe thơm ngát hơn bao giờ… Một thoáng chốc sau đó, Anne lần bước trở về, cô đi giữa những cây sồi, anh không thể trông thấy cô bởi phòng anh nhìn ra phía khác của khu vườn, nhưng anh nghe rõ tiếng rít của hàng rào và, mỗi lúc một gần hơn, tiếng leng keng của chiếc hộp đựng sữa. Cô lại rẽ bước nơi đầu kia của ngôi nhà, đầu nghiêng nghiêng xuống đất, dáng đơn côi, bím tóc khẽ chạm sau gáy, anh không nhìn thấy được… - cô đến từ một biển nước im lìm với bóng một con tàu có ống khói đỏ đậu nơi chân trời; trong lúc anh đứng lặng người bên cửa sổ, đối diện với cảnh vật phía sau, lắng nghe từng động tĩnh, và khuôn mặt lạnh như tiền. Một buổi chiều, anh hoài công đợi mà không nghe thấy gì, anh liền chạy xuống nhà; thì ra cô mang sữa về trong những cái chai.
Olivier xoay người, vuốt ve lưng một chiếc ghế dựa màu lục. Ngày nhỏ, thỉnh thoảng anh vẫn vùi đầu trong chiếc gối, hai tay ghì chặt lấy nó cho đến khi nghẹt thở. Trong chiếc hộp kẹo bằng sứ kia, ngày xưa, thỉnh thoảng có những viên kẹo màu đỏ người ta gọi là kẹo mỹ nhân. Và bây giờ trong đó có một cái còi, một ống thuốc aspirin trống, một điếu thuốc đã ngả sang màu vàng, một đồng năm quan. Anh đưa điếu thuốc lên môi, bật lửa, ngẩng đầu lên. Một khuôn mặt nhìn anh.
Anh nhảy lùi ra phía sau, tấm màn cửa sổ lay động, khuôn mặt biến mất tức thì.
- Sao lại để tấm gương này trong phòng con?
Lúc anh mở cửa, mẹ anh xoay mạnh người lại, đến nỗi chiếc áo choàng của mẹ bật nút ra.
- Không phải mẹ đâu, Olivier. Con có thể tin chắc như vậy, mẹ biết ý con mà.
- Vậy chính là chị Berthe chứ còn ai.
- Olivier! Anne kêu lên. Bữa ăn tối của anh dọn xong rồi. - Trời, con lại không sắp sửa khởi sự…
- Khởi sự cái gì?
Họ bước chậm rãi xuống những bậc thềm và lần theo lối đi đưa tới hàng rào trắng, bóng họ nhỏ lại dần trong mỗi bước đi - những cây sồi già như càng lớn hơn lên khi họ càng bước ra xa, đêm dày đặc, trộn lẫn họ vào nhau, sau cùng vây kín lấy họ. Họ nắm tay nhau. Họ không nói với nhau một lời nào nhưng khuôn mặt họ dường như lắng nghe - và có thể chính ánh trăng phản chiếu trên mặt họ đã gây nên nụ cười mỉm kia, biểu lộ một trạng thái chờ đợi hớn hở. Đêm rình rập họ với những tiếng động của nó - hơi thở xa xôi mơ hồ của biển, tiếng gãy của một cành cây, tiếng một loài chim vụt vỗ cánh bay về phía đồng hoang dưới kia, và nhất là tiếng gáy ngột ngạt chập chờn của những con dế mèn.
Anne chợt trượt chân trên một hòn đá, anh nắm lấy bàn tay thon nhỏ, trơn tru vì dang nắng, để yên nó trong tay mình, như người ta nắm lấy bàn tay một đứa trẻ; bàn tay lướt êm trong lòng bàn tay anh.
Đầu óc anh không nghĩ tới Anne: cô ở đó, cô lần bước bên anh trong bóng đêm, cô là bóng đêm. Anh nhớ lại những đêm nào - những đêm thời chiến với những mùi hầm rượu, với những khoảng hành lang chật hẹp chống đỡ bằng những thanh ván giống như những lối đi trong hầm mỏ, với tiếng chuột sột soạt liên hồi; những đêm mà anh đã từng bước xuống với cô, nắm lấy tay cô như đêm nay, cả hai lặng lẽ đi cách xa ở sau lưng mẹ và nỗi sợ hãi của Berthe, trong khi hồi còi báo động vọng xuống và ngân dài phía sau họ; Anne nép sát vào anh, họ không nghe thấy những tiếng nổ - chỉ có ngọn đèn bão trên trần chợt lay động, khẽ lắc lư. Sau đó hồi còi vẫn tiếp tục cho đến khi họ bước lên những chiếc giường lạnh giá.
Họ đi ngang qua mô đất: ánh trăng hắt lên lớp đá hoa cương của cây thập tự. Và họ bước vào con đường nhỏ và lướt qua những hàng cây kim tước, bước dọc theo những cụm hoa sáng và tiến về phía bờ biển.
- Chị Berthe không chủ tâm trong việc đó đâu, Anne nói bằng một giọng buồn bã đến nỗi Olivier phải trố mắt nhìn cô (nhưng cô không quay đầu đi). Lẽ ra em không nên nói với anh điều đó… khi mọi người biết ngày anh về, chị ấy đã mua một cuốn lịch - chị vốn không bao giờ dùng nhật ký, ngay cả đồng hồ cũng không - và em biết mỗi ngày, mỗi chiều, chị đều gỡ một tờ lịch trước khi đi ngủ…
- Dĩ nhiên… chị ấy không có việc gì làm.
Anh tưởng chừng cô đang thở dài. Đến khúc quanh nhìn xuống bãi, biển chợt hiện ra. “Anh chỉ thích ai làm vừa lòng anh”, cô nói nhỏ. Cũng trong lúc đó, cô buông tay anh ra, dừng bước lại hẳn, quay nhìn về phía anh, đón nhận gió biển thổi ập vào mặt cô. Tóc cô tung lên, rũ xuống trong khi cô nhìn thẳng vào mặt anh, chiếc cằm thanh tú ngẩng về phía anh:
- Olivier, em sắp lấy chồng.
Một đợt sóng đập mạnh vào bãi. Anh khẽ mỉm cười, đầu cúi thấp xuống. Những vụn đá li ti ánh lên từ lớp hắc ín của con đường, anh nghe rõ tiếng lạo xạo của những viên đá cuội trôi theo lượt sóng rút đi, và anh lên tiếng hỏi, đánh tan niềm im lặng:
- Ai?
- Pierre.
- Pierre à?
- Dạ, Pierre.
- A!
Olivier ngước mắt nhìn lên: những vì sao lần lượt tắt dần, hai ánh lửa cách khoảng nhau, xanh và đỏ, lần lượt thắp lên trong bầu trời. Trong giây phút, anh tưởng tượng những cái đầu ngả trên ghế, những mí mắt lim dim dưới ngọn đèn khuya, những thân thể chuyển dịch trong đêm tối về một thành phố nào đó ở phía nam. Có thể là Madrid, hay Beyrouth… Anne sắp sửa lên đường… Đó là một người đàn bà… Anh không bao giờ mơ tưởng đến cô như một người đàn bà, cũng như một đứa con gái, đúng hơn cô là một đứa trẻ đời đời còn bé bỏng…
Tiếng phi cơ rì rầm còn vang vọng bên tai anh trong khi anh lên tiếng hỏi bằng một giọng lơ đãng và đứt quãng như thể anh đang châm một điếu thuốc trong lúc nói chuyện:
- Và hắn yêu em chứ?
- Em không biết nữa… Anh ấy cho rằng anh ấy yêu em. Anh ấy buồn quá đỗi mỗi lúc gần em…
- Hắn buồn với tất cả mọi người, em biết mà.
- Em chỉ biết một điều là anh ấy cần tới em.
- Đó là người bạn thân nhất của anh, người bạn duy nhất của anh… Em không thể chọn khéo hơn.
Anne chợt chắp hai tay, đôi môi như toát lên một lời cầu xin thơ dại, rồi đôi mắt dịu dàng, như đôi mắt cô gái Việt Nam, chớp khẽ và nhìn từ ngực Olivier xuống rồi nhắm lại.
- Anh không chịu hiểu…
Anh không đáp và bước ra xa, tự nhiên như một kẻ đang tiếp tục đi trên con đường của mình, dửng dưng, với bước chân lang thang của mình; đoạn anh quay lại, liếc nhìn Anne, trong khi vẫn đứng trông nghiêng bên góc đường, mắt nhìn chăm chăm và tư lự, giống như cậu bé ngày nào bà Androuze vẫn thỉnh thoảng dẫn đi thăm công trường vào những ngày thứ Năm (với hy vọng một ngày nào đó, đến lượt anh điều khiển xí nghiệp của gia đình) và đã từng đứng trên tấm ván cao, theo dõi từng cử động của từng người với một vẻ chăm chú đầy giận dữ - cho đến ngày viên đốc công thú nhận rằng điều đó làm bọn thợ khó chịu trong lúc họ làm việc. Anh quay bước trở lại, đi về phía cô, điếu thuốc trên môi, dáng điệu ơ thờ. Anh không nhìn vào mặt cô mà nhìn vào chiếc váy lay động quanh đôi chân trần của cô.
- Kể cũng lạ, hắn không nói gì về điều đó trong những bức thư của hắn… Mới đây thôi à?
- Em không muốn anh ấy nói điều đó với anh.
- Tại sao?
- Anh hỏi thật chứ anh?
- Em biết hắn sắp được bổ nhiệm đi Beyrouth chứ?
- Kìa! Anh Olivier…
Cô lắc đầu, anh tiến đến gần hơn nữa, đặt một bàn tay lên cổ cô, vuốt ve sợi dây chuyền mạ vàng của miếng mề đay cô đeo.
Trời lạnh rồi, ta về đi.
2
Anne giơ thẳng chiếc ly, chạm vào bình và chiếc ly rơi xuống mặt bàn, vỡ tan.
- Đó là thủy tinh trắng, Berthe nói. Phải nói cho Pierre biết việc này mới được.
- Con thật vụng về, con ạ.
- Nó ngủ muộn, Berthe nói, đêm qua em đi ngủ hồi mấy giờ? Anne nhặt những mảnh vụn trong tay, cô từ từ ngước đôi mắt đen láy nhìn lên với nụ cười thoáng một vẻ tội nghiệp đầy phiền muộn mà cô luôn dùng để chống trả lại những lời nhạo báng, những sự xúc phạm, như thể những vố người ta nhắm đến cô chỉ làm thương tổn chính tác giả của chúng mà thôi.
- Em vào giường hơi muộn, nhưng em ngủ liền tức thì. Như thường lệ. Không có thuốc men gì hết.
Berthe buông những viên thuốc của chị xuống, thì thầm.
- Mỗi người có một món thuốc riêng của mình.
Một con ong vò vẽ bay vo ve và đáp xuống một trái cây, và trong khung cảnh êm đềm, kín cửa, trong phút chốc, mọi người như lắng nghe tiếng đồng hồ gõ.
- Sắp có bão tới nơi rồi, bà Androuze nói. Mẹ cảm thấy điều đó nơi đôi chân khốn khổ của mẹ. Anne à, con đợi gì mà không dọn dẹp thức ăn trên bàn đi?
Olivier nhìn Anne ngoan ngoãn đứng dậy, nước da cô ngăm ngăm bánh mật trong chiếc áo dài sáng rực, và khi cô nghiêng xuống bên anh để lấy cái đĩa, “Này, anh không ăn hết phần táo của anh, như ngày nào à…”, anh thở ra, không đáp. Cô băng qua phòng ngoài, đôi dép cô êm ái lướt trên sàn
ván, không gây một tiếng động nào, chỉ có tiếng sột soạt của chiếc áo dài đang xa dần. Berthe cầm ly rượu của chị lên.
- Đời sống quân đội không khiến em dạn nói tí nào, chị vừa nói vừa nhìn anh. Em có điều gì lo âu không? Chị uống một hơi, đứng dậy, dùng mu bàn tay phủi những vụn bánh mì dính trên váy. Thôi, chị đi ngủ trưa đây.
- Chị bắt đầu ngủ trưa từ lúc nào vậy?
- Từ lúc bác sĩ dặn.
Berthe khoanh tay trước bụng. Một cây kim ghim nơi chiếc váy của chị ánh lên và một mảng da thịt trắng hiện ra. Cái nhìn của Olivier lần lên tới ngực chị.
- Đó là một sự lầm lẫn. Chị phải lo tập thể thao, chị sắp nghẹt thở tới nơi rồi đó.
- Olivier à, bà Androuze nói. Con đừng hung ác…
- Con không hung ác, chị ấy nên đi bơi thì tốt. Có nhiều bãi yên tĩnh, ở những nơi đó không ai trông thấy chị ấy đâu.
Berthe lùi lại đến tận bức tường, mặt mày tím ngắt. Mẹ anh nhìn anh bằng một dáng vẻ khẩn cầu trong khi Olivier, với một điếu thuốc trên môi, với một vẻ mệt mỏi đầy cung cách nhã nhặn, như đang chờ đợi giây phút họ sà vào lòng nhau, khóc nức nở. Nhưng Berthe đã đứng thẳng người lại, như đương đầu, thách thức - và trong lúc đó anh nghĩ Pierre sẽ đến vào ngày mai. “Mẹ và chị thừa biết em khinh miệt chúng tôi. Trong suốt hai năm trời đi quân dịch, xa cách chúng tôi hẳn em sung sướng lắm…” Bao giờ họ lên đường? Họ sẽ cưới nhau tại đâu? Anne có theo hắn đi Beyrouth không? Anh chợt nhớ anh chưa hỏi han gì, anh đã thức dậy thật trưa, anh có cảm tưởng mình bất chợt tỉnh giấc. “Vậy thì tại sao em trở về? Bởi Anne sắp lấy chồng…” Chị quay về phía mẹ. “Kể cũng may. Đã tới lúc nó thoát khỏi ảnh hưởng của tên điên này”.
Olivier đứng dậy và bước đến gần Berthe.
- Chị Berthe, em sắp nói cho chị nghe một câu tục ngữ miền Bretagne có thể giúp ích cho chị: “Không có gì tốt hơn trên đời bằng yêu và được yêu”.
Anh mỉm cười với chị, vờ nghiêng mình và bước ra ngoài. - Đồ máu điên…
- Berthe, bà Androuze nói. Con hãy kính trọng người chết! Người cha đáng thương của con không điên bao giờ.
- Mẹ biết rõ điều con muốn nói mà. Dù sao, mẹ không phải là người sắp sửa lên tiếng bênh vực cho cha đấy chứ!
- Con im đi. Olivier có thể nghe con nói đấy. Nó không chịu được khi nghe con nói về cha của các con như vậy đâu.
- Đương nhiên rồi! Cha vẫn linh thiêng đối với nó trong những lúc cha làm khổ mẹ con mình. Gia đình Androuze tốt đẹp thật! Mình luôn thiếu thốn một cái gì, con luôn biết điều đó… Điều này chỉ ngó ngàng đến mình con thôi…
Sau màn lệ, Berthe trông thấy mẹ tiến đến bên cạnh và đưa hai bàn tay về phía chị như dỗ dành, vuốt ve.
- Berthe! Mẹ thương con, mẹ…
- Kìa! Mẹ! Với con thì cũng vậy thôi.
Nằm sấp trên giường, mặt ập vào chiếc gối, tấm thân to lớn của Berthe run lên trong những tiếng khóc nức nở, ban đầu chị lắng nghe âm thanh đáng ghét của giọng nói họ, và bây giờ chị đã nguôi dần, những tiếng tranh luận xa xôi lại dỗ dành chị - Ôi! Một thế giới kỳ diệu trong đó mọi người đều thù ghét nhau… “Chị nên đi bơi thì tốt. Có nhiều bãi yên tĩnh, ở những nơi đó, không ai…” Chị phải trả lời ra làm sao đây? Không gì làm tổn thương được cậu em, không gì làm cậu xúc động, ngay cả những chiếc hôn cũng phải trượt đi trên đôi môi mím chặt, trơn nhẵn của cậu… “Em trông sắc diện chị tươi tốt đó, chị Berthe ạ”. Những câu khen tặng nhỏ nhặt của cậu, những sự chú ý mà thỉnh thoảng cậu dành cho chị, tất cả sau đó chỉ gieo rắc chất độc của chúng vào những lúc chị sắp sửa ngủ, khi chị gặm nhấm lấy chúng để xoa dịu nỗi cô đơn của mình. “Em trông sắc diện chị tươi tốt đó, chị Berthe ạ”. Đã bao nhiêu lần rồi, chị đã phó mặc cho cái vẻ dịu dàng đầy nhức nhối của cậu xâm chiếm lấy chị! Cậu vẫn còn bé bỏng khi chị ôm chặt cậu trong đôi tay. “Bé đẹp làm sao! Bé kháu khỉnh làm sao, bé kháu khỉnh tệ!” Cậu không chống cự nhưng lại lợi dụng lúc giả vờ đáp lại những cơn mơn trớn của chị, cậu đã véo hay cắn chị, đôi mắt hung dữ như đang trả thù - nhưng trả thù cái gì…? “Em trông sắc diện chị tươi tốt đó, chị Berthe ạ”.
Một Chủ nhật nọ, hai chị em đi xem xiếc về - lúc đó cậu mới bảy tuổi và chị, mười ba - cậu vụt bỏ tay chị trên bến xe điện ngầm và lẩn khuất trong đám đông; không thấy cậu đâu, chị vụt chạy đi tìm, gọi tên cậu inh ỏi, chị nghe tiếng cổng đóng lại và sau cùng trông thấy cậu đang lướt về phía đường hầm, đang áp sát vào mặt kính và nhìn chị, thản nhiên trong bộ đồ màu xanh đơm nút mạ vàng rực rỡ. Chị chạy đến bên chuyến xe điện trên bến vắng, chị cố nói cho cậu biết là cậu phải xuống xe nơi trạm kế tiếp và đợi chị ở đó. Nhưng cậu không xuống ở trạm kế tiếp, và cũng không xuống ở những trạm khác. Chị trở về, giàn giụa nước mắt; trời thật nóng bức; mẹ chị đã tát tai chị. Cả hai mẹ con nhìn nhau suốt ba tiếng đồng hồ liền trước chiếc đồng hồ treo. Khi trở về nhà, cậu nói giọng thản nhiên như không: “Con đi dạo chơi… Trời đẹp”. Khi bị phạt không cho thức ăn tráng miệng thì chính cậu lại bỏ buổi cơm chiều luôn, cậu đợi mẹ bãi bỏ hình phạt và năn nỉ cậu. Tối hôm đó, một lần nữa bà đã nhượng bộ cậu, còn cậu thì không, cậu bò dưới gầm bàn, nơi chốn thích hợp của cậu trong những lúc hờn dỗi. “Này con, con phải hiểu cho mẹ và chị con, chị con đã tìm con khắp nơi”. “Chị suýt bị xe cán đó”, Berthe nói thêm và giở tấm khăn bàn. Giọng Olivier chầm chậm vang lên từ dưới gầm bàn: “Đáng đời!”
Từ lâu rồi, Berthe đã hy vọng nếu không làm cho cậu em yêu mến chị thì ít ra cũng phải làm thế nào để thuần hóa được cậu, thu thập những lời tâm sự của cậu… Cậu trơ trọi quá, cậu đẹp quá, cậu không có bạn bè và khi đi học về với những điểm xuất sắc, cậu quăng cuốn sổ điểm lên bàn, ra điều giận dữ khi phải làm hài lòng kẻ khác.
Rồi thì chị giả vờ không biết đến điều đó. Trước khi đi học, hai chị em ngồi ăn điểm tâm, mặt đối mặt, trong ngôi nhà ở hạt Sèvres, và để khỏi phải nói chuyện với cậu, mỗi buổi sáng, chị cắm đầu đọc lại trang nhật báo mới phát hành từ bữa trước. Cậu xô ghế, chị cảm thấy cái nhìn của cậu đè nặng lên chị, thoáng một vẻ kinh ngạc, rồi cánh cửa đóng sầm lại sau cậu, cậu sắp sửa biến đi mất, chị không chịu đựng được nữa, chị đứng phắt dậy và chạy ra cửa sổ để nhìn cậu khép lại cánh cửa song sắt, ôi đứa em trai bé bỏng của chị, đứa em trai duy nhất của chị.
Năm mười hai tuổi, cậu không để ai đụng vào người mình nữa, cậu vội giật má về mỗi khi mẹ cậu muốn hôn cậu và thay vì hôn trả lại bà, cậu lại dang ra. Làm sao hiểu được cậu đây? Một buổi nọ, cậu hiện đến, mặt mày
rạng rỡ, với một đóa hoa trong tay, nhưng ngay khi trông thấy những khuôn mặt hớn hở, cậu liền quay đầu đi chỗ khác như lấy làm hổ thẹn và chạy vào phòng đóng cửa kín mít.
Ít ra cậu không còn làm tổn thương chị nữa. Cậu không còn gọi chị là con mẹ Berthe nữa. Khi chị rời khỏi phòng, nước mắt giàn giụa sau trận cãi vã với mẹ hay sau một cơn giận dữ nào đó, chị không còn nghe cậu thì thầm sau cánh cửa: “Đó là một con mẹ Berthe mập đối với tất cả mọi người…”. Chị nhận thấy cậu sửa chữa những bài làm cho Anne càng lúc càng thường xuyên hơn, nhận thấy cậu đưa con nhỏ đi dạo, nói chuyện với nó rất lâu trong phòng…
Berthe mở tủ, giở một chồng drap lên và bây giờ thì chị lại nằm dài, chị uống ngay nơi cổ chai. “Trên đời không có gì tốt đẹp bằng yêu và được yêu”. Trên một cái nhãn hiệu trắng, đứng trong một thửa ruộng mía, một đứa trẻ da đen đang mỉm cười với chị.
Berthe nghe tiếng họ bước xuống các bậc thềm, họ vừa nói chuyện với nhau vừa bước ra đường. Lúc bấy giờ đã quá trễ để có thể trông thấy họ qua những khe cửa; chị liền chạy ra đầu cầu thang, nghiêng người trên lan can, kêu lên: “Mẹ à, tụi nó đi đâu đó?”
Phía dưới, chiếc đồng hồ treo nơi phòng ăn gõ ba tiếng. Chị đếm từng tiếng, hai tay chống lên lan can, tim đập mạnh, rồi thì chị nghe sống lại và lớn lên một niềm im lặng, và chị hốt hoảng:
- Mẹ!
- Con muốn gì? Con làm sao thế? Sao con không đi nghỉ đi? - Tụi nó còn đi đâu nữa đó mẹ?
- Đi mở cửa ngôi biệt thự nhà Leroy, để đón Pierre tới. Con có cần gì không?
- Không.
Berthe khóa cửa phòng lại, uống thứ nước trong chai và nằm dài, miệng hé mở, tai nghe ngóng, chỉ cần tiếng động của cái bồ cào cũng đủ cho chị thích thú…
* * *
- Vậy em bỏ học vẽ luôn à?
Anne không đáp, đưa tay ngắt một nụ hoa vàng và cất tiếng hát nho nhỏ. Những dấu vết hằn trên mặt đường trũng chỉ chừa cho họ vừa đủ chỗ để sánh bước bên nhau, hai hàng cây dẻ và cây sồi thấp che khuất những đồng cỏ dưới mắt họ và thỉnh thoảng khi cành lá giao nhau và đan lẫn vào nhau trên đầu họ, họ hít thở một bầu không khí ngọt ngào có hương thơm làm cho họ ngây ngất. Olivier mượn cớ đốt một điếu thuốc để dừng chân lại, nhường cho Anne bước lên trước và nhìn cô lướt đi dưới bầu trời u ám không có đến một chiếc lá, một áng mây di động, trông cô có vẻ thảm thương với chiếc váy ca rô đen trắng.
Anh nhìn vào gáy cô. Trong bầu không khí nặng nề, có thể anh nghe nóng ran ở hai bên thái dương. Cô mới vừa thú nhận rằng họ sẽ lên đường đi Beyrouth ngay khi cử hành hôn lễ: Pierre sẽ bắt đầu dạy môn văn tại trường trung học Pháp vào đầu tháng Mười. Hàng rào biến mất, trên đồng cỏ chỉ còn lại một con ngựa con đang đứng gặm cỏ chợt ngoảnh đầu lại, rướn cổ nhìn họ qua bờ vai của nó và cất tiếng hí vang, da nó run lên dưới những con mòng. Tại sao chiếc váy ca rô kia lại có cái vẻ…?
- Chốc nữa anh không tắm à?
- Em điên rồi, trời sắp mưa mà.
- Ngày mai, cả bọn ta ra bãi.
Ngày mai, cả bọn ta ra bãi… Tất cả? Trên một cánh đồng, phía bên phải, một cái chĩa cắm trong một đống cỏ khô, giơ cao niềm đơn độc của nó dưới bầu trời thấp. Chừng như một cơn bão đang nổi dậy, bao trùm lên bầu không khí đang dấy lên những tiếng rì rầm, thổi sướt qua váy cô như trêu chọc, khiêu khích!… Nhưng mà những tiếng rì rầm xa vắng kia chỉ là tiếng của một chiếc xe bò đang khập khiễng lăn bánh ở đâu đó.
* * *
- Tại sao em lại đổi ý? Em không mặc chiếc váy này trong bữa ăn sáng? - Em đã làm đổ cà phê trên áo.
Họ tới khúc quanh của con đường; trong một sân trại, một người đàn ông mặc bộ đồ làm việc màu xanh, quần nhét trong đôi giày ống, đang cầm
cương dắt một con ngựa.
- Bây giờ dĩ nhiên là em làm đổ mọi thứ…
Họ đi tìm chìa khóa nơi lão Kervélegan, người tá điền nhà Leroy mà họ quen biết từ những ngày nhỏ. Và trong cái mùi vị của tuổi thơ họ - mùi chuồng ngựa, mùi đất nện, mùi củi hong khói - họ uống mỗi người một ly bia nhỏ. Đoạn Kervélegan quay về phía Anne, lưỡng quyền trông như người Mông Cổ, đôi mắt xanh lơ khẽ nhíu lại, chòm râu mép dài màu vàng hung mọc sát bên môi luôn điểm một vẻ tươi cười trên khuôn mặt lão.
- Còn cô Anne, bao giờ làm đám cưới đây?
- Dạ tháng Chín.
- Olivier, cậu hài lòng chứ? Kể từ khi họ quen biết nhau, câu chuyện phải kết thúc như vậy, không đúng sao?
Họ bước ra ngoài, bầu không khí đồng quê nghe lặng thinh. Trên cao một ngọn đồi nơi những cây dương xỉ đã cháy vào mùa hè năm ngoái, giữa những đám cây thông là biệt thự nhà Leroy trắng bệch dưới bầu trời u ám, cửa nẻo kín mít.
Olivier mở cửa, nhường cho Anne bước vào trước, anh có cảm giác như đang đắm chìm trong mùi hương của hầm rượu; của những thứ vải cũ. Phòng khách, nơi vừa mở cánh cửa sổ nhìn ra bầu trời dông bão, sáng lên trong thứ ánh sáng yếu ớt như ánh sáng ban mai, như thể những lớp vải bọc ghế ngồi, những đồ đạc phủ đầy bụi, tất cả đã thu hút lấy nó tức thì. - Em không mở cánh cửa kia à?
Anne băng qua gian phòng và bỗng nhiên Olivier nhớ tới chiếc váy ca rô đen trắng, cô đã mặc nó đúng vào buổi chiều anh lên đường nhập ngũ hai năm trước đây.
* * *
Một mình bước lên tầng lầu thứ nhất, Olivier rón rén bước vào phòng Pierre, anh mở toang cửa sổ và khẽ hạ các cánh cửa bản xuống. Trên những bức tường người ta không thấy dấu vết gì. Cái chụp đèn đã ngả sang màu vàng, hãy còn nguyên vẹn.
Dường như chỉ có thời gian đang trú ngụ trong gian phòng này.
Trong khoảnh khắc, anh đứng lặng người bên cửa sổ, trong bầu không khí dày đặc xông lên mùi dông bão lẫn lộn với mùi rừng thông, và anh đảo mắt nhìn khắp phòng, một cái nhìn lướt chậm đến nỗi căn phòng chợt trở nên bí ẩn. Anh bỗng đi vòng bên chiếc giường, mở ngăn hộc của chiếc bàn đêm: tấm bìa bằng giấy bồi xoi thủng bởi bốn viên đạn vụng về kia, có phải đó là thành tích của Pierre, hay của Anne?
Sau những cơn náo nhiệt của ngày lễ, đâu là cuộc dạo chơi lặng lẽ trên bờ biển, đâu là chiếc hôn thứ nhất mà mảnh giấy bồi vuông vức kia còn gợi lên được? Anne rất ngại làm gãy đổ niềm vui của kẻ khác: chiều hôm đó, chỉ cần Pierre tỏ ra vui sướng là cô đã có thể mặc tình buông thả.
- Olivier!
Một làn gió khẽ đập vào cánh cửa sổ. Anne sắp sửa bước lên đây chăng? Anh mở một ngăn tủ, cầm lên một chiếc áo sơ mi ngắn tay có thêu hình một con cá sấu màu xanh. Đôi giày chơi bóng rổ được gói lại trong một số báo Express cũ. Pierre bất chấp những giờ tập thể dục; hắn có thể leo được mười thước dây không dùng đến chân, nhưng trong những trò xà đơn, bóng rổ, nhảy cao, hắn lại lẩn trốn trong sự vụng về của mình. Cứng đờ trên đôi chân vồng lên những bắp thịt, với chiếc quần soọc xanh rộng và đôi giày chơi bóng rổ to tướng, hắn chạy thẳng tới trước trong một nước kiệu nặng nề, mắc vào sợi dây, bị vướng víu trong đó và sau cùng nhào lăn trên cát, lôi ngã theo những trụ bằng cây, trong khi vị giáo sư của họ - người từng bị lưu đày đã lén lút dạy học trò chặn cẳng đối phương - cất tiếng gọi: “Ồ! Cái cậu ở đằng kia! Cậu tìm cặp kính đấy à?” Rồi thì hắn đứng dậy và cất tiếng cười vang với mọi người.
Họ bắt đầu quen nhau ở năm đệ ngũ. Lúc bấy giờ họ đã lên mười ba tuổi. Họ chống báng nhau tức thì sau đó. Olivier xem hắn như một tên nhút nhát và chính anh vào thời kỳ này được gán cho là kiêu hãnh: Pierre và anh gần như không bao giờ nói chuyện với nhau nữa. Năm đó gia đình Leroy tậu được một ngôi biệt thự gần Portsaint và mãi đến cùng cả hai vẫn không biết họ sẽ là láng giềng với nhau trong mùa hè tới. Vào một buổi sáng rực nắng, họ gặp nhau ở gần bãi; trời đã mưa hai ngày liền và cát hãy còn mờ sẫm. Olivier leo lên tới bờ dốc để mua một miếng kem trái dâu của một người đàn bà bán hàng rong, anh đang gom tiền để trả chợt ngẩng đầu lên, anh thấy Pierre đang đi ở lề đường bên kia, và ba tuần lễ sau họ trở thành đôi bạn thân.
- Anh tìm cái gì đó?
Anh quay lại, mỉm cười.
- Anh tìm những dấu vết của Pierre…
Anne nhìn xuống chân. Tại sao cô không nói gì?
- Năm rồi em có đi dự lễ Portsaint với Pierre không?
- Em không biết nữa… Tại sao? Chắc là có. Ta đi chứ anh? Olivier đóng cửa sổ lại và lặng lẽ ngồi nơi mép giường.
- Hai người đã làm gì với nhau? Anh hỏi.
Sắc diện Anne không thay đổi, thoáng lay động của cặp lông mày ở cô cũng không có vẻ gì gọi là tra hỏi, chỉ nói lên một trạng thái trù trừ lặng lẽ, một cách nào đó như để phân trần rằng cô không hiểu anh nói gì. Trong khoảnh khắc, căn phòng chìm đắm trong ánh sáng vàng vọt và lặng lẽ. Một cánh chim vụt bay vù về phía biển, một con dế mèn gáy trước ánh chớp chợt im tiếng.
- Nhưng mà hai người vẫn gặp nhau thường chứ? Chuyện đó bắt đầu từ bao giờ?
- Em không biết nữa… vào năm rồi!
- Hai người đi chơi thường chứ? Đi những đâu?
- Ô kìa! Anh biết mà… Anh ấy rất bận. Anh ấy đang trong thời kỳ thực tập.
- Hai người đi xi-nê phải không?
- Thỉnh thoảng…
- Hai người xem những phim gì nào?
Anne chợt nhíu mày: “Anh chế nhạo em đó phải không, anh Olivier?” Anh đưa một ngón tay về phía cô với một nụ cười láu lỉnh, ngây ngô. “Em giấu anh điều gì đây. Khi em còn bé, em nói cho ông anh của em nghe hết mọi điều”. Ngay lúc đó anh lại trở nên nghiêm trọng: “Phải nói hết cho anh nghe, Anne… Em có thể nói cho anh nghe hết mọi chuyện. Bao giờ anh cũng hiểu em, em biết chứ?” Anh nhìn chăm chăm vào vật gì ở bên cạnh cô, có thể một cánh cửa hé mở hay con ruồi bất động kia đang đậu nơi một cánh hoa trên tường.
- Anh cố tưởng tượng em và hắn với nhau… Anh thì thầm. Nhưng anh không tưởng tượng nổi.
- Anh biết đã quá năm giờ rồi chứ…? Anne thốt lên câu đó bằng một giọng dịu dàng đến nỗi dường như cô muốn nói lên một điều gì khác nhưng đôi môi của cô đã phản bội lại cô. Trong lúc đó, hẳn Pierre đã đóng lại chiếc rương da màu vàng của hắn; chiếc túi xách lớn bằng vải Tô Cách Lan đựng quần áo của hắn đang mở ra trên giường. Hắn huýt sáo rất khẽ, giữa hai hàm răng, bởi đó là ngày làm việc của giáo sư Leroy và phòng hắn sát bên phòng làm việc, người ta nghe hết mọi thứ. Nhưng hắn đã mở toang cánh cửa sổ nhìn ra bầu trời xế chiều của tháng Bảy ở Paris, và có thể hắn nghiêng người ra ngoài trong bầu không khí nóng bức, nhìn bóng những cây tiêu huyền lay động trên vỉa hè, hoặc nhìn một chiếc taxi màu đỏ dừng lại trước cổng nhà hắn, và hắn nghĩ: “Tôi sắp sửa lên đường. Bầu trời trong xanh. Tôi sẽ dùng bữa cơm chiều ở Morlaix. Tôi sẽ lái xe trong đêm tối. Ngày mai, Anne sẽ nằm gọn trong tay tôi. Olivier sẽ đi bên cạnh chúng tôi”. Hắn chưa lên đường, nhưng chuyến đi của hắn đã bắt đầu; giai đoạn tốt đẹp nhất của chuyến đi, giai đoạn sẽ được kết thúc bằng cuộc lên đường của hắn.
Nhưng khi cô ngồi lại bên anh và đặt một bàn tay lên vai anh, anh bỗng thấy mình trơ trọi - trơ trọi với cô bên cạnh - và anh đứng dậy. - Em còn nhớ trận bão nọ không, ngày cha dẫn anh em mình tới Huelgoat?
- Nhớ. Cha đã giấu em dưới vạt áo vest của người.
- Đó là lúc trước chiến tranh. Em mới lên bốn tuổi. Có phải thỉnh thoảng em vẫn nghĩ tới cha không?
- Anh biết, em còn nhỏ quá… Em chỉ còn nhớ rõ bộ râu mép và chiếc nón của cha, chiếc nón trắng.
- Còn anh thì nghĩ tới cha gần như mỗi ngày…
Anh chợt quay lại.
- Nhưng mà em yêu Pierre ở chỗ nào hở Anne?
Cô mím môi. Cô có cảm tưởng bị tổn thương, gần như bị xúc phạm. - Còn anh, anh buồn bã nói, anh thích hắn vì hắn thẳng thắn. Một tia chớp chiếu xuyên qua gian phòng. Cô ngẩng đầu lên và nói giọng bình thản:
- Kể cũng lạ là anh ấy vẫn còn thẳng thắn, với ảnh hưởng mà anh đã gây cho anh ấy và với tất cả những lý thuyết anh nhồi vào sọ anh ấy.
Mặt Olivier chuyển sang màu xám.
- Kìa! Hắn đã tâm sự với em những chuyện như vậy à? Anh thấy cái đó tồi quá.
- Ô kìa! Lúc nào anh cũng muốn biết! Muốn biết… Nhưng không đời nào anh chịu hiểu.
Anh đã trở lại ngồi bên cạnh cô và vừa dịu giọng thì thầm vừa lắc đầu: “Anh chỉ mong em hạnh phúc thôi, Anne à”.
- Anh im đi. Anh làm em sợ khi anh nói như thế.
Mặt anh nghiêng xuống đất; và bỗng nhiên, không nhích động, cũng không nhìn cô, như thể anh chỉ hướng về cái hình ảnh mà anh đã tạo nên về cô, anh thì thầm bằng một giọng giục giã: “Cô em gái của tôi”.
* * *
- Mẹ bịnh!
Trong trời chiều, Berthe đã nhìn họ băng ngang qua những cánh đồng trở về nhà, khuôn mặt họ, những bước chân thong thả của họ tan biến trong lớp sương mù lan tỏa trên những cánh đồng ẩm ướt. Bóng họ hãy còn ở đằng xa, nhưng trông dáng đi của họ, chị đã đoán biết được cái nhìn của họ. Khi họ dừng bước trước mặt chị, Berthe có vẻ ngạc nhiên vì họ vẫn trông thấy chị. Đôi lứa lạ thường! Anh thì với nét mặt nhìn nghiêng trông háo hức đang liếc xéo về phía Berthe, và Anne thì cứng đờ trong niềm im lặng giả tạo của mình, với mái tóc xổ tung, với miếng mề đay nơi cổ, đang cúi xuống đất khuôn mặt sùng kính của mình… Berthe đợi cho một khoảnh khắc trôi qua rồi mới nói thẳng vào mặt họ, như một lời buộc tội: “Mẹ bịnh!”
- Mẹ làm sao?
- Mẹ bịnh, chị đã nói với em rồi. Mẹ đang nằm. Mẹ không khỏe. - Mẹ đâu có bịnh gì lúc chúng em đi!
- Từ lúc đó mẹ đã bịnh rồi.
- Nhưng mà mẹ bịnh làm sao? Mẹ sốt à?
- Chị làm sao biết được? Chị đâu phải thầy thuốc.
- Em cũng vậy.
- Trái lại là đằng khác!
Một thứ ánh sáng màu hồng được lọc qua cái chụp đèn bằng giấy đã nhàu cũ. Bà Androuze nằm trên giường, một bàn tay khẳng khiu trên lớp drap.
- Không, có sao đâu, con. Tuổi tác, sự mệt mỏi - con biết mà… - Người ta vẫn nói như thế, Berthe nói.
Đó là lần đầu tiên Olivier thấy mẹ nằm bịnh. Bình thường, trong cơn mệt mỏi và đau đớn, dường như bà vẫn cố gắng phục hồi cái năng lực bướng bỉnh và lung lay kia dường như đã bắt đầu mang đến cho bà từng giây phút sống sót trong từng giây phút trôi qua. Bà nhấc người trên một khuỷu tay.
- Kìa, con bé Anne của mẹ, con làm gì mà đứng trơ người như một con ruồi vậy? Bữa ăn tối tự nó chín lấy à?
Họ đã bước trở xuống, bà không muốn dùng thức ăn gì cả, bà tắt ngọn đèn và đợi đêm xuống với hai bàn tay chắp tréo lên nhau. Giữa lúc trên bãi Portsaint, bọn trai trẻ còn nán lại trong một trận đánh bóng chuyền đang tắm lần sau cùng trong một thứ nước có màu xanh nhợt nhạt, và Pierre đang lái chiếc xe bốn ngựa trên một khoảng đường nào đó, giữa L’Aigle và Verneuil, lòng tràn đầy hạnh phúc, giữa lúc đó thì bà Androuze, hai mắt mở to, đang nhìn những tia sáng sau cùng trong ngày qua những khe cửa chớp…
3
- Không biết chừng nào hắn mới tới đây! Berthe nói.
Chị mặc một chiếc áo dài hoa. Chị nhìn quanh nhưng không nghe ai lên tiếng trả lời. Dầu sao không đợi gì có hắn người ta mới ngồi vào bàn… Chị nhún vai và uống một hơi đến hết ly rượu. Chị có vẻ dao động, nóng lòng như thể Pierre chỉ đến vì chị. “Anne à, con gà của em trông thật ngon lành!” Chị chợt nhíu mày, như đang lo nghĩ về một điều gì, và rồi chị ngẩng đầu nhìn lên và tặc lưỡi. Chị có vẻ như đang thích thú với chính những cử chỉ của mình.
- Có thể hắn gặp tai nạn chăng? Hay là xe bị ban? Em thấy sao hở Olivier?
- Em chả biết gì hết! Chị quấy rầy tất cả mọi người.
Berthe mỉm cười một cách đỏng đảnh và thì thầm: “Có duyên lắm!” bằng một giọng ngắn ngủi, lạnh lùng. Đoạn chị ngẩng đầu lên, mũi khẽ rung lên trong thứ tình cảm sung sướng, nóng nảy, chị hít mạnh từng hồi cái mùi hàng vải và mùi trái cây đang thấm đẫm bầu không khí trong phòng ăn.
- Mẹ không nên ngồi dậy. Con thấy mẹ hãy còn yếu.
- Hôm nay mẹ thấy đỡ rồi, bà Androuze nói.
- Con ngại cái điều mà mẹ thấy đỡ đó lắm, Berthe nói. Chiều nay người ta sẽ biết bác sĩ Le Gall nghĩ sao về điều đó.
Chị nhìn chăm chăm vào mọi người bằng con mắt vờ vĩnh: rõ ràng họ cố tình không trả lời trả vốn gì cho chị.
Từ nãy giờ, Olivier mãi đùa với mẩu ruột bánh mì. Chị nghĩ tiếp: Vả chăng, có lẽ cậu ta đang dò xét hết thảy các người đó!
* * *
Họ đang ngồi uống cà phê trong phòng khách thì nghe có tiếng quân nhạc.
- Dàn quân nhạc ở Portsaint đó! Berthe kêu lên. Họ đang đi ngược về phía Bertheaume. Tôi đọc thấy điều đó trong tờ Miền Tây nước Pháp. Mắt Anne nheo lại vì sung sướng: “Ai đến mô đất trước đây?” Nhưng chỉ có mình cô co giò chạy. Bây giờ thì cả ba đang ngồi dưới chân chiếc thập tự giá, trên một bậc đá hoa cương, nơi đây họ nhìn đoàn quân nhạc đi qua: người chỉ huy bước thụt lùi, mặt mũi tươi cười, điều khiển một cách nhịp nhàng, thỉnh thoảng hất đầu ra phía sau; một người thổi kèn đang phùng mang trợn mắt, chiếc mũ lệch ra sau gáy có vẻ như gây ngột ngạt khó chịu cho hắn, hai người thổi kèn khác mặc đồng phục xanh, đeo lon đỏ (viền nón họ lấp lánh dưới ánh mặt trời), một cô bé mặc áo hồng có dải đeo quần vừa len lỏi chạy giữa bọn họ, vừa vỗ tay, rồi thì những chiếc tù và, chũm chọe, kèn và trống, tất cả xuất hiện trong quang cảnh náo loạn với những ánh đồng sáng láng, những tiếng reo hò của trẻ con, những tia nắng rực rỡ.
- Coi kìa, ngộ chưa! Anne nói. Bên kia đường, một lão già nhỏ thó đang ngồi trên trụ cây số, hai bàn tay đặt lên cây gậy kẹp giữa hai chân, lão đội chiếc nón màu be, lão có cặp lông mày thật cao, vẻ mặt lão hồng hào, tươi cười và lặng lẽ.
Đoàn quân nhạc đi qua, người ta trông thấy những vết nhăn hằn rõ trên lớp da đỏ hồng, sạm nắng của những cái gáy; họ…
- Pierre! Olivier nói.
Tay xách chiếc rương bằng da màu vàng, Pierre bước theo sau đoàn quân nhạc, trông hắn to lớn, dinh dàng giữa đám trẻ nhỏ (hai cậu bé mặc quần nhung mang vớ trắng vừa mới trờ tới, xô đẩy hắn), cạnh một cô gái mặc áo dài hoa. Hắn vẫn chưa trông thấy bọn họ vì mải mê nhìn thẳng về phía trước trong khi người hắn thì nhễ nhại mồ hôi. Nhưng mà mồ hôi và sự mệt nhọc không làm biến đổi được cái vẻ mặt thẳng thắn, lạnh lùng của hắn, dưới cánh tay gấp lại hắn cắp chiếc áo vest như người ta cắp một khẩu súng.
“Xe bị ban! Ông bạn ạ! Xe bị ban một cách ngu xuẩn”. “A, tôi đã nói với các người làm sao?” “Đừng đụng vào anh, Anne, anh dính đầy dầu mỡ”. “Nào…” Anne nói. “Anh vẫn quen tới không kèn không trống…” Olivier nhìn thẳng vào mặt Pierre với một cái nhếch miệng cười đạo mạo, kéo dài. Pierre nắm lấy hai vai anh: “Nếu mày biết tao nhớ mày đến độ nào!” Olivier tức thì lách nhẹ đôi vai một cách kín đáo tránh khỏi đôi bàn tay của bạn. “Tao cũng vậy nữa”. Cô gái mặc áo dài hoa đứng im nãy giờ, khẽ chớp mắt dưới ánh nắng chói chang, đầu nghiêng nghiêng trên bờ vai trông như một con chim mắc bẫy. Cô xách trong tay một chiếc va li xanh bằng giấy bồi. “Cô để tôi xách hộ va li cho”, Olivier nói. Anh quay lại nhìn Pierre, tra hỏi, nhưng Pierre đã đi khỏi từ bao giờ, thân hình hắn dinh dàng và thẳng đờ, chen giữa Anne và Berthe.
- Cô đi đường bình yên chứ?
- Dạ bình yên, cảm ơn ông.
- Pierre lúc nào cũng lái xe dở ẹt đó chứ cô?
- À! Không, không dở đâu, thưa ông.
Olivier lặng lẽ bước một hồi lâu, không nói gì. Ở mấy bước trước mặt anh là màu áo và tiếng cười của Anne.
- Cô quen biết Pierre từ lâu rồi chứ?
- Tôi vào giúp việc trong gia đình bà Leroy sáu tháng nay rồi. * * *
Ngồi một mình trong phòng khách, Olivier đang lần giở quyển Arcana Coelestia của Swedenborg thì Pierre bước vào, lúc bấy giờ vào khoảng bốn giờ. Trông hắn sạch sẽ, nhẵn nhụi, thay đổi hẳn. Với đôi dép nhỏ, chiếc quần soọc màu be, chiếc áo sơ mi hở cổ, và với khuôn mặt tươi tắn với cái nhìn buồn bã, chăm chú, hắn khoác lên mình dáng vẻ một chàng thiếu niên. Hắn đảo mắt nhìn khắp gian phòng: Olivier đang một mình. Hai người trao đổi với nhau bằng một nụ cười quạnh hiu, xa vắng. Pierre bước tới trong thứ bóng tối lờ mờ, ánh sáng len qua các khe hở hắt lên người hắn thành những vệt rằn ri. Khi hắn dừng chân lại, quả lắc vàng của chiếc đồng hồ treo tường cũ kỹ tiếp tục gõ sau lưng hắn.
- À, Swedenborg… Anne đang làm gì nhỉ?
Olivier xếp sách, nhìn bốn cái vệt sẹo trắng trên lưng bàn tay trái của mình. Anh đốt một điếu thuốc, duỗi dài đôi chân ra phía trước và khoan khoái nhả khói, anh có vẻ chăm chú và tự tin nơi mình.
- Sao, Pierre! Hãy nói với nhau về mày một chút được chứ? Pierre dang ra xa vài bước… “… Không có gì lạ cả”, hắn thì thầm. Và hắn ngồi xuống bên cánh cửa.
- Quả thật là ngoài mái tóc hớt kiểu bàn chải ra, mày không có gì thay đổi.
- Mày cũng vậy. Mày định làm gì vào tháng Mười đây?
- Nhưng tao còn phải lo cho công ty Androuze và các con nữa chứ. Công việc còn đang đợi tao. Còn mày thì sao, đi Beyrouth hả? Pierre đứng dậy, đi vài bước rồi lại ngồi xuống. Olivier theo dõi hắn bằng một cái nhìn rình rập. Cái nhìn đó cũng như sự hiện diện lúc nào cũng có vẻ chăm chú lắm lúc đã tạo cho Pierre một cảm giác mệt mỏi, nặng nề. Ngay khi Olivier xuất hiện (hắn ta vẫn xuất hiện mỗi ngày, ít ra trong thời kỳ trung học), hắn cảm thấy mình bó buộc phải nhìn ngắm khắp mọi nơi, nghe ngóng tất cả mọi sự như bị lôi kéo không ngưng nghỉ vào những thị hiếu mới mẻ, vào một cuộc khám phá nào đó về siêu hình, vào những cuộc dạo chơi, hoặc những trang sách - Nerval, Valéry, hoặc Fabre d’Olivet - những lúc đó, Pierre không còn có giây phút nào rảnh rỗi để buồn chán nữa. Hắn bắt buộc phải sống một cách hùng mạnh. “Bây giờ làm gì đây?” Olivier luôn luôn biết rõ họ phải làm gì. “Mình đi đâu đây?” Anh thích bước đi một cách tình cờ, và sự tình cờ thì bám sát lấy anh hay đúng hơn anh chỉ thích tính cách tình cờ của mọi sự. Và nếu Pierre thỉnh thoảng một mình trở lại nơi chốn nào đó đã từng làm cho cả hai phải kinh ngạc, thích thú, hắn bực dọc nhận ra sự tầm thường của nó và cảm thấy mình bị phỉnh gạt. Thời đó, hắn đặc biệt phản đối một câu nói lặp lại quá nhiều lần của Olivier: “Tao tin vào sự may mắn của tao”.
- Beyrouth…, Pierre nói. Mày không đến đỗi vất vả lắm ở Algérie đó chứ?
- Tao đã nói tất cả những gì tao nghĩ trong những bức thư gửi cho mày, Pierre, tại sao mày lại chọn nhiệm sở tại nước ngoài?
- Vấn đề lương bổng, phụ cấp được thuận lợi hơn… Tao sắp sửa phải cần tiền rồi.
- Nhưng mà tụi mình lại không được gặp nhau nữa.
- Tao còn trở về mà.
- Dầu sao đây là vụ hè sau cùng của tụi mình.
Pierre nhìn xuống.
- Mày còn nhớ cuộc bơi thuyền trong đêm trăng nọ chứ? Và cái hôm mày bị dập mắt cá ở Bertheaume nữa? Tao đã phải bồng mày trên tay tới tận trang viên.
Họ nghe tiếng bước chân của người làm vườn bước trên sỏi và tiếng nước phun ra khỏi vòi tưới nước.
- Cũng may là mình còn có nhiều điều để luyến tiếc.
Olivier nói với nụ cười phớt nhẹ trên môi.
- Tao quên hỏi mày tin tức về Hélène.
- Tao cũng không biết nữa. Tao không gặp lại cô ấy.
- Có thể cô ấy đã quay trở lại Ấn Độ, phải không?
Có tiếng bước chân trên cầu thang: Berthe đi qua hai lần trước cánh cửa mở và biến mất.
- Nhưng mà cô ấy có từng ở Ấn Độ bao giờ đâu!
- Pierre! Tiếng Anne kêu lên. Anh ở trên ấy phải không?
* * *
Những trái banh, những chiếc lọng đỏ, những tiếng sóng vỗ, những lâu đài cát… Bước đi ở phía trước Anne và Pierre, Olivier phóng tầm mắt nhìn bãi biển ở đằng xa nơi những sinh hoạt chỉ còn thu gọn về những tiếng động lao xao vọng tới: tiếng người gọi nhau, tiếng trẻ con hò hét, tiếng sóng vỗ, mặt biển lấm tấm những ghe thuyền đầy màu sắc, những cô gái mặc áo tắm sặc sỡ với những cặp giò thon dài.
Nhưng khi đến gần, vượt qua bờ dốc, tiến bước trên thảm cát mịn, lúc đó anh chỉ còn trông thấy làn da rám hồng vì nắng, mớ thịt mềm nhũn của
một đứa bé trần truồng, một vết sưng trên cái mông đàn bà, những vết sẹo trồng trái, những kẽ nách…
Những bãi biển, những lâu đài cát, những tiếng sóng vỗ, những chiếc lọng đỏ, những trái banh… Hình ảnh của mùa hè năm nào khi anh mới lên năm tuổi: anh đi nghỉ hè với mẹ ở Touraine và anh say mê một cánh rừng. Anh đã ngồi trên bức tường của một khu vườn, nhìn hàng giờ một nét vạch có màu xanh hợp nhất và âm u chạy dài ở cuối chân trời: cánh rừng. Ôi, cánh rừng! Một bữa nọ, mặc dầu không được phép ra khỏi nhà một mình, anh vẫn cứ chạy băng qua những cánh đồng và đặt bước tới đó: thế giới của những loài cây.
- Bao giờ hai bác tới đây?
- Tao không biết họ có tới không nữa. Họ phải tham dự một hội nghị ở Argentina mà.
- Bao giờ mày đi Beyrouth?
- Tao chưa biết.
- Mình đi tắm biển nhé! Anne nói.
Cô mặc một chiếc áo tắm màu xanh da trời, một sợi dây chệch xuống bờ vai nhỏ vàng óng ả của cô. Không ai buồn cử động. Pierre dùng hai tay đùa với cát. Qua làn khói, Olivier ngắm nhìn đầu điếu thuốc gắn chặt trên miệng mình.
- Ở Algérie, tao có đọc một bài báo của bác trai.
- Ồ!… Ổng mỗi ngày một bề bộn công việc, tất thảy mọi người đều mang bệnh tim hết rồi.
Hắn cắn vào ngón tay cái của bàn tay phải, đoạn nhìn vào lòng hai bàn tay của mình trong khi Anne và Olivier chăm chú quan sát hắn. - Tao có gặp lại Touvel trước khi lên đường. Hắn đã mở văn phòng rồi. - Hắn vẫn ốm nhom chứ? Olivier nói.
- Lúc nào cũng ốm nhom. Hắn lại sắp lấy vợ.
- Thật là lành mạnh lắm đó.
- Lành mạnh à? Pierre vừa nói vừa cười. Và rồi người ta phải đi tới một chỗ kết thúc phải không?
Anne mỉm cười với hắn, đầu cô nghiêng nghiêng trên bờ vai, trông như một con mèo nhỏ.
Pierre chợt đứng phắt dậy.
- Mình đi tắm đi! Nước biển bây giờ chắc tốt lắm.
- Ai xuống nước trước đây? Anne hỏi.
Olivier nhìn Pierre sấn bước tới phía sau cô, nhấc cô lên trong đôi tay hắn và rồi thân thể họ hòa lẫn vào nhau, hắn ôm cô chạy vào biển nước trắng xóa đã bao phủ lấy họ trong khoảnh khắc.
Anh chạy đến với họ. Cả ba cùng bơi về phía một chiếc thuyền nhỏ và leo lên đó. Một cái dằm ghim sâu vào gót Pierre. Ngồi nơi mũi thuyền, Olivier nhìn Anne đang mân mê bàn chân to tướng, bất động của hắn dựng đứng giữa hai đầu gối của cô. “Xong, tao đã lấy nó ra rồi”, và anh nhìn những giọt máu rỉ ra, chảy dài trên bàn chân hắn. “Kìa! Như vậy là xong rồi”.
Olivier đứng dậy, giữ thăng bằng trên mép thuyền, ngả người ra sau một cách mềm mại, nhún mình nhảy xuống nước, khi đầu anh lại hiện lên mặt nước, anh bắt đầu bơi vào bờ.
Pierre dõi mắt nhìn theo anh trong khoảnh khắc.
- Này, hắn nói với một vẻ quả quyết gượng gạo, còn tụi tao, tụi tao sẽ bơi tới bến tàu, và sẽ lái xe về ga ra.
* * *
Tắm xong, Olivier nằm dài trên bãi cát, tận hưởng hương vị của điếu thuốc đầu tiên, hai mắt nhắm nghiền dưới ánh mặt trời chiều. Anh không cần tìm hiểu xem họ đang ở đâu cũng như tại sao họ không tìm cách gặp lại anh. Anh thừa hiểu rằng cái trạng thái dửng dưng tuyệt vời, cái trạng thái sung mãn kia của thân thể rồi sẽ tàn lụi tức thì, và khi đánh mất nó đi, anh sẽ gặp lại chính mình: anh trong cơn nóng nảy cùng với nỗi khổ của mình. Qua những sợi lông mi, anh ngắm nhìn một trong số những khổ hình xảy ra hằng ngày trên các bãi biển miền Bretagne: một đứa bé bị bắt buộc phải tắm đang xụi lơ, hai mắt nhợt nhạt trông dữ tợn, nước từ trên đầu nhỏ giọt xuống trán, nó cầm trong tay một miếng bánh mì phết bơ dính đầy cát, vừa nhai vừa nghiến răng trèo trẹo.
* * *
Chiều xuống, nước biển rút đi. Một chiếc thuyền màu xanh mới đây còn bập bềnh trên mặt nước giờ đây đã yên nghỉ trên bờ cát. Một chiếc thuyền đánh cá trở về cảng. Thiên hạ lao nhao trên cát, kéo theo lũ trẻ con phía sau.
- Tụi tao đang đi tìm chiếc xe đây. Pierre kêu lên.
- Chuyện gì đó?
- Em không biết, em không hiểu gì cả: Chắc anh ấy nói về chuyện bugi… Dầu sao xe đã sửa chữa lại rồi.
Pierre mặc quần áo, mang dép, nhảy từng bước một. Hắn có vẻ cương quyết, vui tươi.
- Nhìn xem, em vừa tìm được cái này nè. Anne nói.
Cô cầm trong tay một vỏ sò đong đầy nước trong đó có một con cua bé tí ti đang bơi. Mặt trời chiều hắt lên mặt cô.
- Em sẽ nuôi cho nó sống. Khi nó lớn lên, em sẽ bỏ nó vào giường của chị Berthe. Em tin chắc chị ấy sẽ hài lòng được nó bầu bạn bên cạnh mình…
- Khi nó lớn lên thì em đã đi mất rồi. Tại sao em lại xoa mũi? - Pierre muốn thử thắng xe.
Pierre cũng cất tiếng cười theo. Trong xe, cả hai vẫn tiếp tục cười. “Em gọi nó là gì, con cua nhỏ bé của em đó?” Pierre hỏi. “Em sẽ gọi nó là Pierre”, cô bảo. Và trong chiếc kính chiếu hậu, cô chạm phải cái nhìn của Olivier.
Xe chạy qua khỏi khúc quanh nơi chiều hôm trước cô dừng bước, tóc cô bay trong gió lộng, và nói: “Em sắp lấy chồng”. Bây giờ thì anh lại nghe họ cười vang và từ phía sau lưng họ, anh trông thấy vai họ kề sát vào nhau.
- Mày có thể cho tụi tao xuống ngoài hàng rào, Olivier nói. Tụi tao lội bộ lên con đường dốc cũng được rồi.
Anh chìa tay ra cho hắn thật nhanh, “Mày khỏi phiền phức, mất công”, đoạn bước xuống xe và nóng lòng đợi Anne, “Nào, Anne, em bước xuống chứ?”. Pierre nghiêng đầu ra khỏi cửa xe.
- Tao mời Anne ăn tối.
- À, được rồi.
Olivier vuốt lại mái tóc. Bầu trời hãy còn trong sáng.
Anh đi vòng theo xe, đẩy cửa rào và quay lại, đưa tay vẫy chào bọn họ, mỉm cười.
4
Ngày lại ngày.
Họ tắm vào buổi trưa. Pierre trở lại dùng bữa trưa tại trang viên. Vào khoảng xế chiều, nếu không trở ra bãi thì cả ba cùng dạo chơi ngoài đồng hoang, lúc nào cũng đủ bộ ba với nhau, và rồi giữa đám dương xỉ đã nhuốm màu nâu sẫm dưới nắng hè, con đường mòn nhỏ hẹp của những nhân viên thuế quan sẽ đưa họ về một mũi đất nào xa lạ. Olivier, tiếp đến là Anne, rồi Pierre, họ bước đi ở phía trên mặt biển phẳng lì như đông lại dưới ánh mặt trời, sau đó, vào buổi chiều, cũng con đường đó đưa họ trở về, bước chân họ giờ đây ngưng đọng, lặng lẽ, khuôn mặt họ giờ đây cúi xuống trong dáng điệu trầm tư. Vẫn Olivier, tiếp đến là Anne, rồi Pierre, họ bước về phía hàng rào trắng, nơi họ chia tay nhau. Kể từ khi Louise, người giúp việc trong gia đình Androuze trở về từ Quimper sau khi ở lại trong gia đình tám ngày, Anne có thể dùng cơm tối gần như mỗi ngày tại nhà Pierre. Buổi chiều, Olivier một mình ngồi đợi cô trong phòng khách, vừa lần giở những trang sách đã đọc vừa nghe ngóng niềm lặng thinh bát ngát của miền thôn dã chìm đắm trong bóng đêm bấy giờ chỉ còn có tiếng chó sủa đáp lại từ đâu đó. Bỗng một tiếng động, dịu nhẹ và đều đều, khẽ vang lên, rõ dần trong tiếng lạo xạo của đá sỏi, tiếng bước trên những bậc thềm, tiếng cánh cửa sịch mở, rồi trong một phút giây thần kỳ, tất cả đều ngưng bặt, và tức thì cô đã đứng đó, trong vùng ánh sáng, và lúc bấy giờ chỉ có giọng nói của cô lấp đầy gian phòng.
- Anh vẫn còn thức đấy à?
- Anh đã đợi suốt ba tiếng đồng hồ để được nghe mỗi một câu đó. Thỉnh thoảng họ vẫn kéo nhau đi thưởng thức các món ăn ở Brest, đúng hơn, họ dẫn Anne đi thưởng thức. Gần như lúc nào cũng vậy, Anne luôn đòi ăn bánh mứt và bánh kem trong khi họ uống bia Đan Mạch. Đôi khi họ
rủ nhau đi ăn bánh tráng, những chiếc bánh dày, béo, giòn tan, tại nhà những người nông dân quen biết với họ, gia đình Kervélegan, Pérec hay Le Gallois. Sau đó họ lần bước trở về, đi dọc theo những con đường trồng táo tây hai bên. Họ dừng bước trước hàng rào muôn thuở. Và rồi anh nhìn họ sánh bước đi xa dần, xa dần khỏi chỗ đứng của anh, anh tiếp tục đứng lặng bên hàng rào, nghe tâm hồn mình tan nát trong cái ảo tưởng chia ly, ngăn cách.
Một buổi chiều anh đi ngược lên con đường dốc sau khi nhìn theo bóng họ đã khuất xa, anh chợt nghe tiếng đàn ghi ta vọng ra từ cửa sổ phòng khách. Hẳn nhiên là Berthe đang nghe radio. Anh dừng bước. Từ một cánh đồng lân cận, người ta đang đốt cỏ khô, làm tỏa ra một vùng sương lam dịu dàng gợi nhớ bầu trời tháng Chín. Rồi bất chợt anh trông thấy rõ mồn một hình ảnh những buổi chiều tháng Chín ở Paris, những buổi chiều tháng Chín nhuốm một màu xanh lơ mát dịu, với những tia nắng hấp hối của mùa hè chỉ còn giữ lại cái vẻ êm ái, dịu dàng của những sợi lông mi, khi mặt trời đã lặn khuất sau cánh rừng của hạt Sèvres, khi những ngọn đèn trên cầu, trên những khung cửa tò vò của xưởng Renault, trên những khung cửa sổ bên kia sông, tất cả chưa bật sáng, và những vì sao cũng chưa mọc, lúc bấy giờ tất cả đều đã tàn lụi, tan biến và kỳ lạ thay, tất cả lại bàng bạc trong một thứ ánh sáng hiền hòa, anh thấy cả người đàn bà mặc áo cánh đỏ đang phơi áo trên chiếc thuyền buồm trong lúc những tay vợt cuối mùa từ Boulogne trở về. Gần đến bảy giờ, chiếc cầu cạn như hổn hển, như run rẩy, một cái gạt tàn nhích động trên lớp đá hoa của lò sưởi, các khung kính rít lên. Nhưng mà liền tức thì sau đó, vẻ êm dịu nồng nàn của ánh sáng quyện lấy anh và nhận chìm tiếng bẻ ghi trên đường xe lửa, khói bụi, tiếng xe chạy vụt qua ngã tư, tiếng động cơ của một chiếc sà lan… Và trong những buổi chiều xanh lơ của tháng Chín kia, bỗng đâu anh thấy hiện lên một buổi chiều, buổi chiều sau cùng, buổi chiều độc nhất, khi anh đứng tựa lưng vào chấn song, nhìn họ bước lên chiếc xe bốn ngựa màu xám, mặt họ còn ngoảnh lại, mờ dần trong khoảng cách, chiếc xe dị hình với những chiếc va li trên mui, nhỏ dần, tới khúc quanh, và lúc bấy giờ trời gần như đã vào tối, anh sẽ trông thấy đèn thắng xe sáng lên, lấp lánh và sau cùng biến mất; bấy giờ anh sẽ lững thững bước lên phòng mình, anh sẽ đi rảo qua các phòng khác, thăm hỏi từng món đồ vô tri vô giác, một cái thắt lưng màu trắng, một cái xuyến cũ, một chiếc khăn quàng, và chỉ lúc đó anh mới
nghe được những tiếng động đã bị khuất lấp trong những cơn dao động, xao xuyến của chuyến lên đường - tiếng mở cửa, tiếng va li đóng lại, tiếng gọi, tiếng chân bước lên và bước xuống cầu thang bốn bậc một, “Mẹ ơi, mẹ để giấy thông hành của con ở đâu?”. “Con làm gì với đôi giày này, con không mang chúng theo à?” Lúc đó anh sẽ mường tượng lại khuôn mặt nhỏ nhắn của cô đã mệt lử vì buổi lễ thành hôn nơi giáo đường, bữa ăn, buổi tiếp tân cùng những tiếng cười nói, khuôn mặt đăm chiêu với bao ý nghĩ, bao điều lo toan về cuộc sống vật chất trong đó không có anh, với đôi mắt vừa phấn khởi vừa mệt mỏi lướt qua lướt lại trước anh nhưng vẫn không thấy anh, rồi lúc bấy giờ anh cảm nhận, dưới làn môi của mình, chiếc má cô giơ ra dưới đường thật nhanh khiến anh không tài nào ý thức kịp và nghĩ tới việc lưu giữ trong ký ức mình cái cảm giác êm đềm nó mang tới, và anh cũng không thấy con mèo nhún mình nhảy phóc lên bao lơn chiếc cầu. Tuy nhiên, hương vị của chiếc hôn kia cùng hình ảnh con mèo, chi tiết nhỏ nhặt của phút giây đó, rồi sẽ chợt trở về trong trí tưởng của anh để không bao giờ tan biến đi được. Sát bên bức vách kia, một chiếc va li của cô vẫn mở, một tiếng đồng hồ trước đó, chỉ một tiếng thôi, cô vẫn còn đó, và anh có thể đặt một ngón tay lên bàn tay của cô, đặt một bàn tay lên mái tóc cô, anh có thể nói để cô trả lời, gọi tên cô để cô quay lại nhìn anh. Phía dưới, trong phòng ăn, những miếng bánh sandwich ăn được nửa còn nằm ê hề trong những cái đĩa, những hạt ô liu, những mảnh giấy. Làn khói của một điếu thuốc bỏ quên sẽ dịu dàng bay lên ở một nơi sấp bóng, những dấu son môi sẽ còn in trên những cái cốc.
* * *
Ngày lại ngày, Olivier một mình tìm kiếm những trò giải khuây, chọn lựa những địa điểm dạo chơi, khám phá những xóm làng heo hút, những bãi biển đìu hiu. Anne vẫn thường dùng cơm chiều tại nhà Pierre, nhưng càng lúc họ càng ít có dịp gần nhau. Có khi, ngay lúc chín giờ, Olivier trông thấy họ trở về trang viên trong niềm lưu luyến lạ kỳ, chẳng khác gì những đứa trẻ sợ sệt cả sự tự do người ta ban bố cho chúng. Khi họ đẩy cửa phòng khách bước vào, bắt gặp anh đang ngồi đọc sách, khuôn mặt họ chợt sáng lên và họ thở ra nhẹ nhõm, như thể họ chỉ chịu đựng được cuộc
gặp gỡ riêng tư với nhau để sửa soạn cho nỗi thích thú bất chợt, nỗi sung sướng và sự giải thoát lẫn nhau khi gặp lại anh. Một vài lần anh tìm cách lánh mặt trước khi họ trở về, anh đi lang thang trên những nẻo đường xa lạ, tắm gội dưới ánh trăng xanh, tưởng kéo dài đến vô tận. Anh bước mãi, càng lúc càng lãng quên lối về trang viên, nơi họ đang mỏi mắt đợi anh, anh bước đi với nỗi lòng đày ải. Càng nôn nao trong ý nghĩ tháo lui, anh lại càng tiếp tục lẩn trốn về phía trước như một con vật mù quáng. Bình sinh anh vẫn thích niềm khoái cảm đầy tự phụ trong sự thôi thúc chính mình hơn là bằng lòng với niềm vui của sự nhượng bộ, gần như luôn luôn anh nhượng bộ trong cơn mê hoặc đầy choáng váng này: anh đề kháng như người ta bị đè bẹp.
Họ đang ở dưới kia, cô đang ở dưới kia. Họ đợi anh, rình rập từng bước chân của anh, có thể họ bắt đầu lo âu cũng không chừng…
* * *
Một buổi sáng, anh lên đường đi Brest để mua những chiếc bông tai bằng vàng trắng. Trong lúc ăn tráng miệng, anh đem chúng ra tặng cho nàng, ngay trước mặt mọi người.
- Kìa, Olivier! Nhưng mà tại sao vậy?
- Thánh Anne đó, anh nói, mắt nhìn lảng đi khỏi chỗ Pierre. - Thánh Anne à? Em cũng chẳng nghĩ tới điều đó nữa.
- Không ai nghĩ tới điều đó cả! Berthe nói.
Anh đã lặng người đi một hồi lâu trong cơn dao động ray rứt. Người ta nghe rõ cả tiếng ruồi bay. Pierre đưa tay đập nhẹ vào má. - Những con ruồi chúng làm sao hôm nay vậy kìa!
- Có lẽ là tại anh thu hút chúng đó, Anne bảo.
Hắn đứng dậy, bên má còn lại của hắn cũng đỏ rần, hắn nhìn vào hai lòng bàn tay xòe ra, một nụ cười gượng gạo khiến cho khuôn mặt hắn trở nên nhăn nhó.
- Mình làm gì buổi xế chiều hôm nay đây? Hắn nói.
* * *
Vào buổi xế chiều, lắm khi họ kéo nhau đi đánh quần vợt. Nàng vừa đi trước anh, bên cạnh Pierre, vừa cầm cây vợt lơ đãng nhịp vào mắt cá theo từng bước chân đi. Những con ong vờn bay, va vào lưới sắt, vài chiếc lá khô đáp xuống nền xi măng, mặt biển xanh ngắt, một mình anh đánh với hai người bọn họ. Pierre phóng người lên mặt lưới, nhận một trái banh vào ngay mắt và buông vợt, đi tìm nước uống; Olivier, mặt mày nóng bừng, uống một hơi cạn chai nước. Nàng trao chai nước của nàng cho anh: “Anh uống nữa không?”
Bận về, Pierre và Anne vừa đi vừa thì thầm to nhỏ trước mặt anh. Cô cất giọng cười rất dịu dàng. Oliver thoáng nghe: “… Sao anh buồn bã vậy?”, đoạn: “Anh nhất định không thay đổi bao giờ hết à?” Buổi chiều hôm đó, cô đứng bên bờ rào, đợi Pierre lên tiếng hỏi cô có đến dùng cơm chiều với hắn hay không, hoặc cho biết hắn có đến trang viên tìm cô vào khoảng chín giờ hay không. Nhưng mà hắn vẫn tiếp tục siết chặt bàn tay cô, thì thầm một lời nói giã từ, mắt nhìn xuống, đoạn quay lưng tức thì. Một con gà điên cất cao tiếng gáy. Em không lên tiếng gọi hắn lại, em cũng không nhìn hắn bước đi, em lặng lẽ trở lại trang viên với anh, trên con đường có những cây sồi bị gió thổi ngã, mùa đông, những trái cây rừng kia, em vẫn lầm tưởng, vào những ngày còn nhỏ, đó là những hạt dẻ, em còn nhớ, bây giờ, chúng ta có trọn một buổi chiều cho riêng chúng ta, cho riêng hai đứa mình, chiều xuống và anh tưởng chừng ngày mới bắt đầu - bắt đầu cho riêng ta, riêng hai đứa mình đó, Anne!
Ngày tháng trôi qua, trôi qua mãi, ôi những ngày tháng ngất ngơ, bàng hoàng. Những buổi sáng Chủ nhật, anh vẫn đến đón cô xem lễ ra. Anh luôn đến trước, đứng đợi bên ngoài, và khi tiếng đàn Harmonium ngừng bặt, anh nghe tiếng đồng nội, tiếng côn trùng rên rỉ, tiếng cỏ cây dao động. Và rồi dưới vòm cổng hình trái xoan nơi anh đang lần bước tiến tới, hình như dang rộng mãi trong một màu xanh mát dịu. Dưới chiếc cổng chính bằng cây son đỏ đóng đầy đinh, thánh Joseph đang bồng hài nhi Jesus trong đôi tay. Một cọng rêu màu xanh dợt mọc lên trong kẽ đá. Sau cùng, người ta mở cổng chính, một bà già nhỏ thó mặt mày hớn hở đang ngập ngừng trên những bậc cao, tiếp theo là hai người nhà quê mặc đồ nhung, tiếp theo nữa là cả một gia đình ăn mặc chỉnh tề với những đứa bé và những lão già với
nhiều khuôn mặt khác nữa, những khuôn mặt lúc nào cũng vui tươi, mới mẻ, hiện ra từ những khoảng mờ tối bên trong, cho tới khi, sau cùng, cô xuất hiện, với bao tay và khăn quàng màu trắng, tay cầm cuốn sách lễ cũ kỹ, đôi mắt cô ánh lên trên khuôn mặt rạng rỡ, rồi cô đứng lặng yên trong giây phút dưới vòm cổng đảo mắt ngó quanh, tìm kiếm, và bắt gặp ngay cái nhìn run rẩy của anh dưới ánh sáng mặt trời, cô mỉm cười. Họ cùng nhau trở về nhà bằng xe, và trước khi chạy ngang nhà Pierre, họ ngừng lại bên lề đường để được “bơi trong đám dương xỉ”, như họ vẫn gọi từ những ngày thơ ấu; cô chạy tung tăng, hai tay giữ mãi cái thói quen của những ngày Chủ nhật vui đùa hớn hở, và khi cô từ biển cỏ trở lại tìm anh, đôi khi anh đã không ngần ngại nhấc cao người cô trên hai cánh tay và quay tròn cô trong gió, cho tới khi cô giàn giụa nước mắt. Và rồi em nhớ không, khi anh đặt em trở xuống đất, em choáng váng tựa người lên vai anh, rồi lảo đảo bước đi, đê mê trong cơn xây xẩm, trong lúc anh đang đợi em bên xe, hai cánh tay dang rộng.
5
Một buổi chiều đầu tháng Tám, họ đi thăm lại mũi Raz. Theo sau Anne và Pierre trên con đường mòn chật hẹp, Olivier chợt dừng bước để cột lại dép. Rồi thay vì đi tiếp, anh ngồi xuống một tảng đá. Trời và biển nhạt nhòa ngoài khơi, cuối cùng trộn lẫn vào nhau nơi chân trời, và vệt trắng của đàn hải âu nơi xa xa trông giống như đường vẽ của một con tàu. Olivier nhìn đám khách du lịch đi qua, những gia đình đông đủ với bầy con, một bà cô hoặc có khi một cô gái già trịnh trọng với một chiếc mũ phớt, một chiếc nón rơm, đang xuýt xoa, giọng thán phục, tiếc rẻ hoặc biết ơn. Những người đi dạo từ Mũi trở về thì bước chậm hơn những người đang hăm hở tới đó, mặt họ có vẻ dửng dưng, như thể mươi phút thôi đã đủ cho họ trở nên quen thuộc với vẻ đẹp nơi này và họ không còn gì để xem nữa. Và họ chỉ còn khề khà tận hưởng cái khoái cảm trong việc nói năng, hỉ mũi, lột vỏ những trái cam ngay trong một cảnh trí vẫn hiện diện trên những tấm bưu thiếp hoặc những quyển địa lý.
Olivier nghe có ai gọi tên mình. Anh vẫn không nhúc nhích. Tảng đá phủ một lớp rêu mỏng như tro. Một chập sau, anh trông thấy họ đang đi ngược về phía anh.
- Kìa! Tại sao mày không đi với bọn này?
Họ trở lên xe. Pierre thích lái. Olivier ngồi một mình phía sau. - Olivier, hay là chúng ta đùa với sóng đi?
Họ đã dừng lại trước Portsaint một chút, phía trên những khối đá lớn vùng Trégal. Những đợt sóng xanh biếc và chậm chạp nâng làn nước lên mà không làm nó xê dịch rồi dội lên những khối đá mà chúng nhuộm trắng xóa có khi tới ngọn. Anh chỉ nó, cánh tay thò ra khỏi cửa xe:
- Hãy nhìn những ngọn sóng kìa. Đẹp hơn ở mũi Raz.
Và Pierre dừng xe. Anne quay nhìn về phía anh.
- Olivier, hay là chúng ta đùa với sóng đi?
Họ bước xuống bãi Trégal. Họ nhìn những tảng đá. Thời thơ ấu, họ vẫn đùa nghịch bằng cách vừa tiến đến thật sát mé nước vừa chạy trên những tảng đá và chạy lui trở lại trước khi sóng phủ lên họ. Họ mặc may-ô nhưng vẫn giữ lại dép đế gai để đỡ trượt trên đám rong biển ẩm ướt. Pierre cảm thấy Olivier đang dò xét mình.
- Thế này thì không thận trọng lắm đâu, hắn nói, vẻ mặt vẫn thản nhiên và có vẻ lơ đãng.
Olivier nhún vai. Một đợt sóng trải dài dưới chân họ.
- Nếu thận trọng thì buồn cười lắm, không phải sao? Olivier đáp lại. Anh chồm tới trước. Anne cũng chồm tới phía sau anh, được vài mét thì cô dừng lại. Olivier chỉ quay lại khi chạm phải một tảng đá lớn phủ một lớp rong màu hung. Anh gặp lại họ với nụ cười gượng gạo, hơi thở hổn hển, người ướt đẫm. Anne le lưỡi nhạo anh:
- Lần tới em sẽ chạm tới nó cho mà xem, cô nói.
Cả ba người cùng đến mép nước. Nhưng khi họ chạy trốn thì biển chụp lên họ, trong khoảnh khắc dâng lên tới đầu và quật ngã Anne mất hút trong lớp bọt, rồi cô vừa trồi lên vừa cười và ho sặc sụa, bàn tay xây xát. - Bây giờ chúng ta sẽ vượt qua nó.
- Ngốc! Pierre nói. Anh nhất định thích tắm hơn.
Olivier cũng không nhúc nhích.
Một thanh niên mặc quần nhung đen đang tiến về phía tảng đá, chân hơi khập khiễng, tay thọc vào túi, hướng thẳng tới sóng biển. Anh ta tới tảng đá và leo lên đó trong khi sóng phủ lên nó. Anh ta lại hiện ra, vùng vẫy trong nước rồi lại leo lên; anh ta đứng đó, trên sóng biển, mỉm cười và chào họ theo kiểu nhà binh. Một đợt sóng tiếp theo ập tới, tràn ngập lên bóng dáng kỳ dị của anh ta. Tiếp theo, anh khập khiễng đi về phía họ, mái tóc xoăn rỏ giọt, môi nhếch một nụ cười.
- Thế là xong rồi chứ? Anh ta hỏi.
Cả bọn phá lên cười.
Sau khi trút bộ quần áo ướt đẫm, Nicolas Goryak - tên người thanh niên - đi theo bọn họ dọc bãi biển, anh ta nói nhiều và nhanh bằng một giọng
khó nghe. Bọn trẻ đang ngồi trên cát cất tiếng gọi anh ta, anh ta dừng bước. Một giọng đàn ông kêu lên:
- Androuze!
François Lebout, người bạn học chung trường luật với Olivier, đứng phắt dậy, lảo đảo, thẳng người trở lại và chạy về phía anh.
* * *
… Và mọi sự đều thay đổi. François và các bạn của anh ta cho tới bấy giờ vẫn tắm trên bãi Trégal mai đây chuyển đến bãi Portsaint. Cùng vợ - một con chim sẻ bé bỏng màu đen vẫn nghiêng đầu để lắng nghe và phần nào giống chị giúp việc của Pierre, François ở tại một ngôi biệt thự mà cha anh ta đã thuê cho họ vào mùa hè.
Olivier luyến tiếc thời kỳ họ chỉ có ba người với nhau, Pierre, Anne và anh, luôn tránh làm tổn thương nhau, làm mất đi sự đồng tình tế nhị, tình bạn khổ sở mà niềm bí ẩn bắt nguồn từ những kỷ niệm của họ. Nhưng anh vẫn không tránh né bọn François mà Anne có vẻ thích. Nicolas thích chọc Anne cười trong khi bản thân anh ta thì gần như không cười bao giờ, anh ta chứng kiến niềm vui của bọn họ với một vẻ phớt lạnh dịu dàng và đầy tính bông lơn. Anh ta tự tin, anh ta luôn ân cần đến kỳ lạ. Luôn là người đầu tiên và kín đáo nhất trong việc trả tiền thức uống, xăng, kem, bánh, anh ta tặc lưỡi như xem nhẹ mọi điều khi có ai bảo rằng đến lượt mình hoặc đòi chia sẻ. Anh ta hiếm khi đến nhà François mà không mang theo một chai rượu hoặc bánh ngọt xứ Bretagne, hoặc một đĩa nhạc mua ở Brest, hoặc những trái cam mà Anne thích. Anh ta đáp lại những lời cảm ơn bằng những cái tặc lưỡi, một nét mặt kín bưng hoặc một chút độc ác trong giọng nói trầm đục và đặc sệt của mình.
Khi cả ba gặp lại nhau vào sụp tối, bước khỏi hàng rào, leo lên lối đi đến tận trang viên nơi Pierre càng ngày càng thường đến ăn tối. Có lúc Olivier hỏi: “Chiều nay em còn muốn trở lại nhà François không? Em không thấy phần nào họ gây phiền phức hay sao?” Anne đáp mà không nhìn anh: “Thỉnh thoảng… có thể… nhưng François có nhiều đĩa nhạc rất hay”, hoặc: “Anh phải nhìn nhận rằng Nicolas thật buồn cười”. Và có lúc: “Em thấy Ariane rất hấp dẫn. Còn anh?” Anh không nói gì. “Em nghĩ họ
thích anh đấy!” Anne tiếp lời. Anh nhún vai, đẩy cánh cửa và khi để họ bước qua trước anh, anh nhìn hàng rào tử dương hoa nơi bóng tối dâng lên bầu trời còn sáng trong mùi hương của mùa hè.
* * *
Olivier không bao giờ tận hưởng tất cả hương vị nồng nàn của những ngày tràn trề đó bởi tâm hồn anh luôn bị phân tán; anh không thể buông thả hoàn toàn trong sự vô tư chung của mọi người, cũng không thể lui về với nỗi phiền muộn đơn độc của mình. Anh chỉ sống những ngày đó có một nửa, trong sự luyến tiếc, nhưng anh nghĩ sự tháo lui, sự dứt bỏ vô vọng của ký ức rồi sẽ trả lại sự trọn vẹn cho chúng sau này.
Bữa ăn ngoài trời tại Ménez-Hom, chuyến đi đến Ouessant, đôi song sinh xuống biển bằng cách đi trên hai bàn tay, nàng Ariane tóc vàng mắt xanh quay đầu lại mỉm cười với vẻ dịu dàng long lanh trong ánh mắt khi nhìn anh. “Chị ấy không nhìn anh”, Anne nói, “chị ấy đang mơ tới anh… ”
Những hình ảnh đó trộn lẫn với những tiếng kêu, những câu nói tình cờ nhớ lại. “Em đói dễ sợ! Tới nơi mình phải ăn đôi song sinh mới được”, “Trái bóng! Olivier, trái bóng!”, Anne kêu lên, trộn lẫn với hương vị rượu tần, bánh xốp, với mùi gỗ của tủ, kệ kiểu Bretagne trong các tiệm bánh kẹp ở Locronan, với chất muối trên vai cô sau buổi tắm, “Trái bóng! Olivier, trái bóng!” Còn anh thì sững sờ, không nhích động, chỉ nhìn cô, nghe cô kêu lên: “Trái bóng! Olivier, trái bóng!”, lông mày căng ra, cô chực vén mái tóc đen ướt đẫm, dán chặt vào má cô, “Olivier!” và cuối cùng anh chạy tới lượm trái bóng và ném về phía cô. Không nói gì, chính những hình ảnh, những kỷ niệm không quan trọng đó, sau này sẽ làm anh khổ sở khi từ sau cửa kính, đối diện với con đường rải đầy lá khô mà một người quét đường sẽ đùa xuống suối, anh nhìn lũ trẻ đi qua, cặp đeo trên vai, đùa bằng cách nhảy một chân trên những chiếc lá, miệng ríu rít, những chú học trò nhỏ, những đứa trẻ tháng Mười, những người đến sau đàn chim én… Cho đến lúc anh sẽ thấy những kỷ niệm mùa hè đó tan biến trong bầu trời xám đục, những tiếng kêu hẳn đã từng làm anh run lên sẽ lắng dịu, “Trái bóng! Olivier, trái bóng…”, sẽ chỉ còn là tiếng thầm thì, rồi anh không còn nghe gì nữa, cả mùi hương của biển cũng sẽ biến mất, trọn mùa hè sẽ lùi sâu
trong tận cùng ký ức anh. Bấy giờ sa mạc, niềm im lặng cùng cái lạnh, tất cả sẽ làm anh ngột ngạt, giống như những gì trong cảm nhận của anh đã bắt đầu xuất hiện giữa những ngày tháng Tám nóng bức và náo động, khi nước của buổi tắm có vẻ lạnh hơn hôm trước, mặt trời nhợt nhạt hơn, lá bớt xanh đi, ngày không còn dài nữa, và anh tưởng tượng đến khoảnh khắc mùa đông Bretagne sẽ ngự trị trên mặt biển trắng bạc, trên những ngôi biệt thự kín mít, trên bãi biển im lìm…
* * *
Tại Ouessant, họ ăn trưa tại khách sạn Nữ Công tước Anne. Bầu trời đầy mây. Họ uống cô-nhắc nơi quán rượu. Đôi song sinh bị kích động bởi chuyến đi và sự buồn tẻ của cảnh vật, đang đùa với những trái quýt tráng miệng.
- Cái đó có nghĩa là gì, tên con tàu ấy?
- Enez Heussa ấy à? Đảo kinh hoàng.
- Cô Anne à, hòn đảo đẹp làm sao cho một chuyến đi hưởng tuần trăng mật! Nicolas nói.
Anh ta quay đi trong giây phút để tính tiền. François dựng cổ áo tơi lên: - Thế nào? Sẵn sàng rồi chứ?
Họ cùng bước hàng ngang tới tháp hải đăng vùng Creach, nhưng sau khi đã thăm tháp hải đăng, họ tản ra các tảng đá, theo từng nhóm, còn lại Olivier một mình. Một cơn mưa bụi rơi xuống, phủ mờ các tảng đá, nhận chìm mọi màu sắc, cả cỏ dường như cũng có màu xám. Anh bước tới trên một cái chỏm đá mà sóng, bị đá ngầm đập tan, chỉ còn ập tới bằng bọt của nó. Từ khối đá nơi anh tựa, anh trông thấy xa xa, nhạt nhòa trong màn sương vùng Ouessant. Nicolas, François và vợ, tiếp đến đôi song sinh và Ariane, cuối cùng là Pierre và Anne đang kéo nhau đi, nhóm này cách nhóm khác khoảng ba mươi mét, mập mờ như kỷ niệm. Bây giờ thì họ đã đi khá xa để anh có thể đuổi kịp họ trước khi họ khuất dạng bên kia chỏm đá. Nếu anh kêu lên, gió sẽ mang tiếng kêu anh đi, và những cử chỉ anh có thể thực hiện để gọi họ thì không ai quay đầu lại để trông thấy chúng.
Họ biến mất.
Xa xa, phao tiêu vùng Creach hụ lên hai lần. Trên dải đất không gì động đậy ngoài những hình dạng mờ nhạt của mấy chú cùu. Olivier vẫn đứng bất động hồi lâu, đối mặt với gió, hai bàn tay thọc vào túi áo va-rơi vàng. Đầu hơi ngửa ra sau, một mình trên cát, anh nhìn sóng biển lô xô.
Anh lại nghe tiếng hụ của phao tiêu, hai hồi kéo dài không giống một tiếng than van, mà giống tiếng thét vô nghĩa của một người câm điếc hoặc một tên ngốc. Những người khác trên những tảng đá khác cũng đang nghe nó. Nicolas quay về phía phao tiêu, kêu lên: “Kia rồi, tôi đến đây”, Ariane và đôi song sinh phá lên cười trong khi cách đó không xa, François với chòm râu mép đỏ hung phất phơ trong gió và hai ngọn lửa rực lên trong đôi mắt chuột của mình, anh ta đang vòng tay ôm vai vợ như để bảo vệ chị ta trước tiếng ồn.
Đuổi theo họ để làm gì? Ai đợi anh? Anh đang một mình. Đơn giản sự hiện diện của những con người khác, những câu hỏi và những tiếng kêu của họ đôi khi làm cho anh quên đi sự cô đơn của mình, lại dựng lên giữa anh và họ một cái gì giống một tấm màn trong suốt và hư ảo. Một sức mạnh đau đớn xuyên qua anh, anh từ từ xoay người - những khối đá nham nhở, đen đúa, tháp hải đăng xa xa, trảng ngập nước, những con cừu, những khối đá - và anh có cảm tưởng chỉ với một cái nhìn anh đã đi vòng quanh trọn trái đất. “Không ai hiện hữu cả”, anh thì thầm.
Một con chó đen, mõm rà sát mặt đất, đang đi theo một cái mùi trong trảng, vài giây sau nó biến mất sau một tảng đá trơ trọi trông giống một tu sĩ đang cầu nguyện. Khi Olivier quay lại, một tia mặt trời xuyên qua các đám mây và rải xuống sóng biển một luồng ánh sáng xanh nhạt. Anh nghe đói mà không biết đói cái gì, anh như lớn lên, như lấp lánh, máu cuồn cuộn chảy trong huyết quản anh và anh nghe tim mình đập… Chết là điều không thể. Anh không mong ước gì, anh không có gì để mất, anh tự do.
Mặt trời tắt lịm.
Giờ đây trong đáy túi, bàn tay anh vô tình bóp mạnh một trái quýt mà anh đã lấy ở khách sạn, anh định mang nó cho Anne trong lúc đi dạo bởi đó là thứ trái cây cô thích. Nhưng lúc này Anne đang bước đi trong vòng tay Pierre ở đâu đó trên những tảng đá vùng Oeussant, dĩ nhiên họ đã tách khỏi các nhóm khác để được gần nhau hơn, và hẳn họ đã tìm ra một cái hang nào đó, một cái hố nào đó khuất gió nơi họ hôn nhau. Anh lột trái quýt và ném vỏ xuống biển, nó lướt đi vài giây trước khi bị nuốt chửng. Có
thể cô đang tựa đầu lên vai Pierre, cái gò má mịn màng của cô kề sát vào lớp áo đẫm chất muối; Pierre khẽ đẩy cô ra để nhìn cô, tiếp theo bằng cử chỉ tầm thường đó vốn không hợp với hắn chút nào mà hắn đã ngây ngô tập thành thói quen, hắn dùng đầu ngón trỏ, nâng cằm cô lên.
- Em lạnh, cô nói. Hay là chúng ta đến với mọi người đi? Cô quay lưng về phía con đường mòn đã đưa họ tới cái hố, giữa những khối đá. Mặt Pierre thoáng đăm chiêu. Hắn mỉm cười tức thì sau đó. - Những người khác thì anh bắt đầu thấy chán rồi. Em không chán họ sao?
- Không, em thấy Nicolas thật buồn cười.
Xa xa, phao tiêu hụ lên. Anne đặt bàn tay lên cánh tay hắn: “Anh hãy nhìn nhận là anh ta làm cho anh cười…”, nhưng hắn vẫn không trả lời, như thể cô đã làm tổn thương hắn, và hắn nhìn đăm đăm những khối đá phía sau cô.
Một con chó đang đứng án ngữ nơi ngõ vào con đường mòn, lông đen mượt và ướt đẫm, mắt đỏ ngầu; gió thổi từng hồi trong cái hố và họ có thể nghe tiếng con chó gầm gừ nho nhỏ.
- Nào, Pierre kêu lên. Chú mày có muốn quay về chăn giữ bầy cừu của chú mày không?
Con chó không động đậy, nó nhìn họ. Sau đó nhiều giây, như thể trong giọng nói của Pierre chỉ mới vọng tới đôi tai thẳng và nhọn của nó, nó duỗi hai cẳng sau ra và gầm gừ to hơn. Nó tiến về phía họ bằng một nước kiệu khập khiễng, trong tiếng lăn của những hòn đá cuội dưới chân nó. Rồi nó dừng bước, mắt vẫn đăm đăm giương về phía họ, chăm chú và dữ tợn. Phao tiêu lại hụ lên.
Pierre cúi xuống và nhặt một hòn đá cuội.
- Nó muốn gì chúng ta đây? Hắn thì thầm. Nó có vẻ không hiền. Đúng lúc đó, Anne trông thấy chiếc áo va-rơi vàng của Olivier lướt đi trên chóp những tảng đá; cô cất tiếng gọi; anh đưa tay ra dấu với cô và bước vào con đường mòn. Con chó không nghe tiếng Olivier đang đến gần và gió từ biển vào hẳn đã ngăn cản nó đánh hơi; Olivier lơ đãng vỗ nhẹ vào mõm nó hai cái và tiếp tục bước tới một cách dửng dưng. Sau đó anh đưa tay về phía chân trời:
- Trời sắp nổi gió. Đáng tiếc… anh nói và dừng bước trước họ.
- Mày ở đâu thế? Tụi này lạc mất mày.
- Mày lạc mất mọi người… Những người khác đâu?
Pierre cúi đầu và nhìn xuống hai bàn tay của mình, một bàn tay vẫn còn cầm một hòn đá cuội. Hắn ném nó ra xa và con chó vội chạy theo sau: - Chúng ta đi tìm họ đi, hắn nói. Anne chán bọn họ lắm.
- Em không hề nói thế.
Olivier ôm vai cả hai với một tiếng cười hiền hòa và thân thương. - Anne chỉ thích điều cô ấy còn thiếu, anh thì thầm.
Họ rời khỏi cái hố và trở về phía Lampaul bằng cách bước dọc theo bờ vách. Con chó bước theo họ, thỉnh thoảng cọ vào chân Olivier, rồi bất chợt nó biến mất. Chiều xuống, Olivier dừng bước. Phía tây, bầu trời đỏ ối; ngọn hải đăng đã thắp sáng. Một điếu thuốc trên môi, anh nhìn dáng đi mạnh bạo của Pierre, thân thể bó chặt trong chiếc áo đi mưa màu thuốc lá, bằng thân hình và sức nặng của mình, hắn như đè bẹp cái bóng dáng mảnh dẻ giấu trong lớp áo khoác. Anh nghe họ nói chuyện với nhau nhưng không hiểu được gì, anh theo kịp họ thì họ im bặt. Bờ biển họ đang bước dọc theo tạo thành một vòng cung quanh tháp hải đăng, dấu mốc duy nhất của họ với ánh sáng cố định phía bên trái của họ, luôn luôn trong cùng khoảng cách, và họ tưởng chừng họ không tiến bước, mà chỉ lướt mãi trên thảm cỏ ướt át với những tảng đá giống nhau, tất cả trong một vùng ánh sáng nhợt nhạt.
- Em có sao không, Anne? Em không nói gì cả.
- Hai bàn chân em ướt cả rồi.
Xa xa, trên con đường, một bóng người cưỡi xe đạp, nép mình trên tay lái. Bất chợt Olivier nhìn Pierre:
- Mày sẽ ở lại Beyrouth bao lâu?
Pierre có vẻ như tìm kiếm trên khuôn mặt Olivier câu trả lời của mình. “Trên nguyên tắc phải bốn năm”, cuối cùng hắn nói. Họ lại im lặng. Gió đã lặng và biển gần như không gây tiếng động. Cứ mỗi phút tia sáng của ngọn hải đăng lại lướt trên họ và dang ra xa.
- Và sau đó? Olivier hỏi, giọng lừng khừng không có vẻ gì là tò mò. Với cùng giọng lừng khừng, không xác tín, Pierre đáp:
- Tao nghĩ mình sẽ được bố trí đi tỉnh.
Ở
- Ở tỉnh bao lâu?
Họ không nhìn nhau. Họ giống như hai chú học sinh đang dùng chân và tay đuổi bắt nhau dưới gầm bàn.
- Bốn hoặc năm năm nữa. Sau đó là Paris… Trong một cuộc chiến đấu âm thầm và dữ dội.
- Cho đến khi về hưu à?
Nhưng vẻ mặt vẫn không tỏ lộ chút gì.
- Đúng.
- Với tuổi nào người ta về hưu?
- Sáu mươi.
- Rồi… sau đó?
Họ bước vào vùng Lampaul. Pierre không đáp. Con đường lấp lánh nước, và trong khoảnh khắc Pierre nhớ lại những đống lá khô trên đó Olivier và hắn sánh bước, vào những buổi chiều mùa thu, từ trường về. Hắn trông thấy Nicolas đang đứng trên những bậc thềm khách sạn.
- Các bạn đã về rồi đấy à? Nicolas kêu lên.
- Chiều rồi, còn gì. Pierre nói giọng trầm trọng.
- Con người vụng về! Nicolas nói.
6
Một buổi sáng, bất chợt những cô nàng đập lúa cất tiếng hát. Và đó là một bộ mặt khác của mùa hè, ngày Pierre khám phá một con ong chết trên bờ cửa sổ. Trên bãi biển vẫn không có gì thay đổi, không khí vẫn nóng bức, nước vẫn ấm áp, vẫn không thiếu người chơi bóng chuyền, vẫn những gia đình quen thuộc nằm dài dưới những cây dù đỏ; sự đe dọa khó lòng nhận ra, không thể định vị được, có thể lớp sương mù nơi chân trời mà người ta không thể nói là sương mù của hơi nóng được nữa và nó cũng chưa phải là sương mù tháng Mười nhẹ nhàng, ấm áp, tỏa rộng, và phía sau nó ánh sáng lùi lại… hoặc một sự biến đổi khó nhận ra trên những khuôn mặt, một vầng trán mơ mộng hơn, một nụ cười thoáng đượm vẻ âu sầu, và có khi một câu nói tình cờ, “đã đến lúc gửi những tấm bưu thiếp”, hoặc thậm chí “chúng ta sẽ trở về vào tuần sau”. Bấy giờ điều hiển nhiên nổ bùng: những cây dương xỉ ngả sang màu nâu, những cây hoa đĩa héo úa, ngày qua nhanh hơn, những con ong chết - đó là một bộ mặt khác của mùa hè.
Sáng hôm đó, trên bãi biển, Anne lơ đãng chấp thuận, sau bữa ăn tối, đi một mình với Pierre xem mũi Saint-Mathieu; buổi chiều, khi ba người trở về trong tiếng hát của những cô nàng đập lúa, đến lúc phải bỏ anh lại sau hàng rào trắng cô mới nói với anh:
- Anh phải ở lại ăn tối.
- Tốt hơn hết là anh nên về. Anh không báo trước cho Nicolas. - Vậy thì anh hãy nhanh lên đi. Em đã hứa với François là tụi này sẽ tới sớm.
* * *
Đó chỉ là một sự vô ý. Chắc chắn rồi. Một sự vô ý vô nghĩa, bởi Anne vẫn không thay đổi - trừ một sự biến đổi khó nhận ra trên nét mặt, một cách mỉm cười hoặc nhìn anh khác lạ: không ngạc nhiên, không tò mò, như một khuôn mặt quen thuộc không còn bí ẩn nữa và không thoát đi đâu được nữa. Những sự vô ý, những sự lơ đãng, hoặc niềm thích thú được mở cửa lồng… Vì thích đùa chơi. Để thấy.
- Lại François! Olivier nói. Nhưng chúng ta trông thấy anh ta cả ngày, điều đó không đủ cho em sao? Tại sao hai người không cùng nhau đi dạo? Hai người không bao giờ được riêng lẻ với nhau nữa.
- Ồ!… Bởi Anne đã hứa. Mày không biết sáng nay tao đã thấy cái gì trên bờ cửa sổ của tao à?
… Nhìn anh một cách nào đó, những sự vô ý, những chi tiết: điếu thuốc cô đốt lên trong xe cho Nicolas; sự cố nài của cô để gặp những người khác khi chỉ có hai người trong cái hố ở Ouessant; sự ngoan cố của cô trong việc xổ tóc trên lưng trong khi hắn vẫn thích búi tóc hoặc dải vấn đầu hơn; tiếng lao xao của những cô nàng đập lúa. “Nhưng mà Pierre à, người ta không dùng dải vấn đầu để ra bãi biển đâu”. “Bởi anh luôn nói với em rằng anh thích điều đó…”, “Thôi được, vậy thì ngày mai…”, tiếng hát của những cô nàng đập lúa, những sự vô ý, những cái nhìn mới mẻ… Nhưng cô đã không chống đối khi hắn ấn định ngày cưới của họ, và khi chỉ có hai người với nhau, cô vẫn để hắn hôn cô như thông lệ.
- Tao không biết. Mày đã thấy cái gì?
- Một con ong chết.
* * *
Đó là một bộ mặt khác của mùa hè, với những tiếng xôn xao của những cô nàng đập lúa, ngay từ buổi sáng những âm điệu đều đều của họ luôn đuổi theo Pierre trên đường về trang viên, sau đó trên đường ra biển, cho tới khúc quanh nơi chúng chợt tan biến trong những tiếng hò hét ầm ĩ trên bãi, tiếng nước, tiếng “trẻ nhỏ! trẻ nhỏ!”, tiếng sóng. Và khi Pierre trở về vào buổi trưa hay buổi chiều, những âm điệu đó lại nổi lên, nghe xa vắng, êm đềm, trong mùi cỏ khô, khi trầm khi bổng, ấm áp và êm đềm, chúng vẳng lại từ nhiều phía cùng một lúc - dĩ nhiên là có rất nhiều cô nàng đập
lúa. Một người trong bọn họ như rất gần gũi đâu đây để hắn có thể nghe rõ bên tai, với cảm giác được tan nhập vào những lời than vãn đều đều cùng với cơn trườn lướt chầm chậm trong bầu không khí hăng nồng nóng bức với những vỏ trấu bay lên tung tóe, với những nhịp rây dồn dập, với tiếng trơn tuột của cái đai da, và tiếng bọn thợ gặt gọi nhau ơi ới. Tuy nhiên, ngay cả cô nàng đó, hắn cũng không trông thấy bao giờ.
Đó là một mặt khác của mùa hè, nhưng dường như không ai nhận ra điều đó. Họ bắt đầu làm quen với một người Hà Lan, chủ nhân của một chiếc thuyền buồm. Nicolas gọi hắn là người Hà Lan bay; họ đã trải qua những ngày sống trọn trên mặt biển. Khi chiếc thuyền chuyển hướng - cánh buồm căng ra, kêu răng rắc trong gió, mặt nước lao xao, sủi bọt, bắn tung tóe lên mặt họ, “coi chừng bẻ lái!” - tất cả bọn họ vội vã chạy sang đầu kia, gập người làm đôi để bước qua cánh buồm. Họ cười cợt, giằng co, xô đẩy nhau và trong suốt ngày trời, Pierre đã phải chịu đựng niềm vui điên dại và ấu trĩ của họ, đã phải tham dự vào những cuộc chơi của họ, chia sẻ những trò liều lĩnh của họ như phóng từ một tảng đá cao sáu thước xuống nước hoặc đứng trên mép thuyền buồm đang lướt nhanh. Olivier mỗi ngày một tìm kiếm ra những trò mới lạ để làm cho phức tạp thêm cái nhịp điệu êm đềm của những ngày nghỉ hè, với những thách thức mà mọi người buộc lòng phải chiều theo khi anh nói về chúng với một dáng vẻ hững hờ, xem đó như một trò giải trí thơ ngây: “Nào, mình phóng xuống nước đi nhé?” “Mày đến đây chứ Pierre? Mình bơi nữa đi”. Được an toàn với cái chân đau của mình, Nicolas đứng ngoài cổ vũ với nụ cười ngạo nghễ của hắn. “Coi chừng bẻ lái!” Thỉnh thoảng Pierre lại va vào cột buồm, té nhào, vướng víu trong những sợi dây thuyền. Lúc đầu, họ bảo hắn giữ tay lái hoặc vận dụng cánh buồm, nhưng trong trò thể thao của sự khéo léo và dẻo dai kia, sức mạnh bắp thịt không giúp ích được gì cho hắn; hắn không thể nào giương nổi cánh buồm ra, hắn vụng về, lúng túng, hai tay ghì chặt lấy cột buồm khập khiễng, người hắn ướt đẫm mồ hôi, những vạch muối biển chạy dài trên mặt, hắn kéo lên để nhờ mọi người chỉ dẫn, nhưng tiếng gió, tiếng buồm phe phẩy và tiếng nước lao xao văng tung tóe lên mặt hắn, tất cả đã đánh bạt và cuốn những tiếng kêu của hắn ra xa, mãi cho tới khi chiếc thuyền tròng trành và Olivier hay một người nào khác hiện đến. Bấy giờ, hắn lặng lẽ trở lại tìm chỗ ngồi, nở nụ cười lễ độ với mọi người, hắn chỉ biết mỉm cười như thế khi người ta nhìn vào hắn và
khẽ xoay người khi chiếc thuyền chuyển hướng trong tiếng sóng lao xao, tiếng buồm răng rắc, và những tiếng hò reo vang dậy.
Chiều xuống, cả ba người lại gặp nhau. Họ bước ngược trở lên con đường mà kỷ niệm về những ngày sống trên mặt nước còn tròng trành dưới những bước chân của họ. Qua khỏi khúc quanh, tiếng những cô nàng đập lúa lại vang lên từ khắp mọi phía, đại dương vụt biến mất. Trong khoảnh khắc đó, gần như chiều nào cũng thế, Olivier sẽ lên tiếng hỏi han hắn đủ điều, trong một dáng vẻ lơ đãng, với một điếu thuốc trên môi, và đôi mắt ngó mông ra ngoài. Nhưng những câu hỏi đầy kiên nhẫn và bền bỉ, và ngay cả giọng nói lặng lẽ của anh cũng ngày một trở nên ngầy ngà khó chịu hơn. “Liệu ở Beyrouth mày có dễ tìm chỗ ở hay không?” “Bộ sống ở ngoại quốc mày không thấy chán à?” “Nhưng mà nếu được phê điểm cao, có thể mày sẽ thành thanh tra phải không?” Pierre nhìn vào hai lòng bàn tay trống trải của mình, vẫn luôn luôn là những chuyện liên quan tới tương lai của hắn. Mệt mỏi, hai tai lùng bùng, hắn trả lời bằng một giọng đơn điệu:
- Dù sao tao cũng không lưu tâm tới chuyện đó.
- Mày lưu tâm tới chuyện gì nào?
- Tới việc tranh thủ thì giờ…
- Để làm gì?
- Mày biết rõ mà. Để viết.
Và chiều ngày hôm sau nữa, vẫn bằng một giọng nói không mỏi mệt, với một điếu thuốc trên môi và với mắt ngó mông ra ngoài, Olivier lại tiếp tục: “Nhưng mày tưởng có thì giờ để viết lách à? Mày định viết tiểu thuyết loại nào đó?” “Ồ! Olivier… mày làm tao mệt quá, mình đã nói với nhau hàng trăm lần về chuyện đó rồi mà”. Không hiểu Anne có nghe họ nói chuyện không? Thỉnh thoảng, trước bờ rào, Olivier kết luận với một dáng vẻ đầy tư lự:
- Đúng ra mày là một con người cô độc.
Hoặc:
- Mày sinh ra không phải để đi nghỉ hè.
Và một buổi chiều khác:
- Nào, Pierre… Bởi mày muốn viết tiểu thuyết, tao nghĩ tới một nhân vật kỳ lạ: con người ích kỷ không biết yêu chính mình.
- Mày nói sao chứ?
- Con người ích kỷ không biết yêu chính mình.
* * *
Một xế nọ, cả ba cùng đi tới cái vịnh nhỏ ở Bertheaume.
- Hai người có may-ô không? Anne hỏi. Nếu chúng ta cùng bơi qua cái vịnh này?
- Không, em bơi không giỏi lắm đâu.
Cô nhún vai:
- Em bơi không thua hai anh đâu. Lại nữa, em chẳng có bệnh hoạn gì. - À! Đúng rồi. Em bơi một trăm thước trong sáu mươi tám giây chứ gì? - Em không biết ai tính giờ cho anh. Hẳn người ta nhìn lộn kim đó. Pierre nhìn họ nói chuyện với nhau.
- Được rồi. Olivier lạnh lùng nói. Để xem em xoay xở cách nào cho biết.
Anh nhấc bổng cô lên và ôm cô trong hai cánh tay tiến về mép núi đá. Chiếc lược giắt trên búi tóc của Anne rơi ra, tóc cô xổ tung, đong đưa trên mặt nước. Cô nghe cứng đờ ở hai chân: “Nào, buông em ra đi…” cô thản nhiên nói. “Đợi gì mà chưa buông em ra?” Pierre nhìn thân thể họ chấp chéo nhau thành hình chữ thập.
- Anh không dám hả? Cô nói. Anh khá như vậy đó. Anh không hề kết thúc điều gì anh đã khởi sự.
- Em tưởng như vậy à?
Không mấy chốc, cô lại xuất hiện trên mặt nước, tay bám chặt vào tảng đá, Olivier giả vờ kéo cô lên rồi lại buông tay cô ra, cô biến mất. “Đồ khùng! Đồ khùng hiểm ác. Rồi anh sẽ trả giá cho coi!”
Pierre nhìn Olivier nghiêng người xuống bên cô.
- Em thấy chưa: không những kết thúc, anh còn kết thúc một cách hoàn hảo nữa.
Cô leo lên ở cách xa đó, lặng lẽ bước về phía anh, chiếc áo sơ mi không tay và chiếc quần “cẳng gà” dán chặt vào thân thể, mái tóc dính lại,
nhễu nhão những nước. Cô đánh rơi một chiếc dép trong nước và co chân vứt tung chiếc còn lại. Và cô dừng bước. Pierre nhìn nàng… Cô cởi áo quần ném lên bãi cát. Cô lại bước đi trong chiếc may-ô màu xanh da trời. Pierre nhìn theo cô. Olivier nhanh nhẹn nhảy sang một bên để tránh cô. Pierre nhìn họ đuổi nhau chạy trước mặt hắn, chung quanh hắn, sau cùng họ ngã dưới chân hắn, trên bãi cát. Anne quỳ gối trên bụng Olivier và vung tay đấm thùm thụp lên ngực anh. Cô đánh anh thật tình, thật lực, hai hàm răng nghiến chặt, mái tóc che kín cả hai mắt; một sợi dây của chiếc áo tắm rơi chệch xuống và Pierre trông thấy một vệt da trắng trên bờ vai nâu sẫm của cô. Sau cùng cô đứng phắt dậy. Olivier cười ngất, trên ngực anh người ta trông thấy hai dấu cào. Bây giờ thì cả hai cùng nhìn nhau cười.
* * *
Đó là một bộ mặt khác của mùa hè. Thức giấc trong những tiếng động xôn xao của những cô nàng đập lúa, Pierre có thể đoán chừng giờ giấc khi nhìn ra mặt trời, tròn và trắng, lấp lánh sau những nhánh cây tùng trước cửa sổ. Một buổi sáng, hắn không thấy bóng mặt trời đâu mà chỉ thấy một bầu trời xanh lơ. Hắn nhìn đồng hồ: gần mười một giờ.
Bình thường hắn ngủ rất ít, thức thật sớm và thả rễu trước trang viên trong khi đợi nhà Olivier mở cửa. Hắn kiên nhẫn đợi trong một khắc đồng hồ và gặp họ trong phòng ăn, nơi đó Anne, trong bộ đồ ngủ, hai mí mắt phồng lên, đưa về phía hắn cái gò má ấm áp còn thoảng mùi cát mịn và đêm thâu. Berthe mặc áo choàng trắng, cằm bóng lưỡng, miệng nhai ngấu nghiến, đang vừa uống một ngụm cà phê sữa vừa cầm một cái chén trong đôi tay như người ta cầm một cái cốc - hắn có thể trông thấy gò mỡ nơi cổ họng chị chạy lên chạy xuống trông giống như cuống họng con bồ câu đang gù - và chị khe khẽ lên tiếng, sắc mặt vẫn nghiêm lại, bằng cái giọng chanh chua của chị: “A! Kia rồi, người quý phái thức sớm”. Olivier hất mái tóc lên trán: “Mày làm thế nào để thức sớm như vậy?”
Gần mười một giờ. Hắn vừa lỡ một việc, một biến cố quan trọng nào đó đã, hay sắp sửa xảy ra, bởi hắn không có mặt ở đó - đó là một định luật, sự vắng mặt của hắn là một điều may mắn cho kẻ khác: “Nicolas!” Hắn đã tra vội quần áo, uống cà phê, chạy một mạch tới trang viên, xông thẳng vào
phòng ăn, hắn chợt đứng sững im lìm ở đó, hai chân run rẩy, mắt thao láo. Một luồng gió đóng ập cánh cửa sau lưng hắn.
- Họ không có ở đây à?
- Không. Họ không có ở đây.
- Họ ở đâu?
- Họ đi dạo. Tôi đâu biết…
Ngồi trước một cái bàn xoay ba chân, Berthe đang rút những con bài và lơ đãng trả lời hắn; chị vẫn mặc áo ngủ.
- Họ không đợi tôi…
- Cậu tưởng thế à? Chị che lá bồi bích. Tại sao họ lại đợi cậu chứ? - Kìa, Berthe… sáng nào tôi cũng đến tìm họ mà. Chuyện gì xảy ra. Họ không nhắn gì cho tôi hết sao?
- Louise! Chị trộn lại những quân bài. Bánh pa-tê khét rồi, ở đây tôi nghe. Nhưng mà Louise đang làm gì vậy kìa!
Chị đứng dậy, hắn theo chị vào bếp, xớ rớ sau lưng chị, bắt chước chị cúi xuống bên cái lò đến nỗi khi đứng thẳng người dậy, Berthe đã chạm vào đầu hắn.
- Nhưng mà cậu tìm cái gì? Tôi thề với cậu là họ không có ở trong lò đâu. Cậu uống cà phê nghe?
Hắn ngập ngừng, có vẻ như đang chờ đợi một cái lệnh.
- Họ đi lâu chưa? Chắc chắn là họ đang ở ngoài bãi…
- Làm sao tôi biết được? Chúng tôi không nói chuyện với nhau. - Không nói chuyện với nhau à? Chuyện gì xảy ra vậy?
- Có gì đâu, thật mà! Chính vì không có chuyện gì mà chúng tôi không có gì để nói với nhau, và vì không có gì để nói nên chúng tôi không trò chuyện với nhau.
Chị mỉm cười đắc thắng, hai bàn tay đặt ở hai bên hông.
- Uống cà phê nghe, cậu xanh lắm đó!
- Tại sao chị làm ra vẻ không thương yêu gì họ? Hắn nhún vai. Chị tự làm khổ chị thôi.
Hai gò má Berthe đỏ lên, chị mở miệng tới hai lần nhưng không nói được gì. Bất thình lình, chị mỉm cười, đặt bàn tay nhỏ nhắn của chị lên vai
Pierre, nói bằng một giọng toại nguyện:
- Cậu Pierre đáng thương… cậu luôn nhìn mọi sự một cách ngây thơ: như một người mù.
Hắn co giò chạy dọc theo lối đi giữa những cây sồi, vượt qua bờ rào, chạy trên đường mòn, đến tận mô đất, rẽ sang đường cái - những con ong, những cô nàng đập lúa, mặt trời, những cánh hoa kim tước dọc theo bờ rào - tới khúc quanh nơi hắn chợt đứng lại, xa hẳn tiếng xôn xao của những cô nàng đập lúa, đưa mắt nhìn xuống bãi, nơi có bọn người tắm biển chạy lăng quăng giữa bờ nước trắng xóa và những chiếc lọng. Nơi đó, hắn dịu lại. Hắn đứng thẳng người trên đôi chân rắn rỏi, sạm nắng, hai bàn tay thọc trong túi quần, hắn nhìn ngắm những bóng người lúc nhúc, xôn xao trông như một đám sâu bọ. Khuôn mặt hắn lạnh lùng, trầm mặc trông như một loài khoáng chất: những người tắm biển dưới kia cơ hồ như thuộc một loài sinh vật nào khác với hắn và sự di động của họ từ biển nước tới bờ cát gần như không mang một ý nghĩa nào đối với hắn.
Bây giờ đến lượt hắn bước xuống bãi cát, theo con đường thẳng, khuôn mặt vẫn lạnh lùng và cái nhìn cố định, đôi vai hắn cứng đờ. Chợt hắn dừng chân lại, đờ đẫn dưới ánh nắng trông như một tên lính chì vĩ đại. Bằng một cử động của một thứ người máy, hắn nghiêng đầu rồi lại ngoảnh nhìn ra phía biển, đoạn nhìn xuống lớp cát dưới chân hắn một lần nữa - và hắn ngồi xuống.
Hắn vẫn ngồi như vậy cho tới lúc họ trở lại, giữa đám quần áo vung vãi trên những chiếc khăn tắm, giữa cái áo sơ mi màu kem của Olivier và cái quần “chân gà” mà Anne gần như mặc mỗi ngày để ra bãi. Một chập sau, hắn cầm lên một chiếc giày trắng của Anne và xoay nó trên đôi tay của mình, quan sát nó vẫn với một vẻ tò mò lặng lẽ, trù trừ như thể đó là một món đồ quái dị rơi xuống từ một thế giới nào khác lạ. Nhưng có thể là hắn quan sát đôi bàn tay của hắn, quan sát cái vẻ chậm chạp kinh dị trong những cử động của chúng, hoặc những hạt cát lấp lánh phía dưới hoặc không gì cả…
* * *
- Nào, Pierre? Mày không nói gì cả…
- Mày muốn tao nói gì bây giờ?
- Bất luận chuyện gì, như mọi khi.
Pierre phá lên cười. Như lúc nào, khi trời nóng, những cánh cửa sổ nơi phòng ăn của trang viên đều hé mở. Một tia sáng yếu ớt chiếu qua kẽ hở của hai cánh cửa. Trên một cái rương, người ta đặt một cái cốc bằng thiếc đựng đầy những trái mận, lê và táo tây, làm tăng thêm cái mùi hương tự nhiên, tươi mát và ngào ngạt của khoảng tranh tối tranh sáng.
- Cũng vậy thôi, Berthe nói, người ta có thể nói hết cho cậu nghe, không có gì làm tổn thương cậu đâu!
- Ồ! Chị biết, Olivier và tôi… Chúng tôi quen biết nhau từ lâu rồi. Chị mím môi, nhìn xuống đĩa ăn của mình. “Dầu sao cũng cứ…”, chị ghim một miếng thịt nguội và tiếp lời một cách lơ đãng:
- Có điều là cậu có vẻ lo lắng.
- Đâu có. Tôi đoán chắc với chị.
Hắn nghiêng người ra phía sau và vệt ánh sáng cắt ngang khuôn mặt hắn. Hắn tránh về phía trước, đặt hai bàn tay nằm sát trên mặt bàn, đưa mắt nhìn họ. “Bao giờ… Bag-noz…”, Olivier hát nho nhỏ. Anne bật cười như một đứa trẻ: “Anh biết có hội chợ ở Brest không? Không nên để lỡ…”
- Vả lại, Berthe nói, nói lo lắng cũng không đúng, cậu có vẻ buồn. - Buồn à? Tại sao buồn mới được chứ?
- Đúng như vậy đó. Không có lý do. Chính vì vậy mà tôi mới chú ý. Cậu đang nghỉ hè, cậu sắp cưới Anne, lại đang kỳ hội chợ ở Brest và cậu có vẻ buồn. Cậu muốn tôi phải nghĩ sao mới được chứ? Tôi chắc chắn là mọi người đều đồng ý. Cậu có vẻ buồn.
Pierre quay đầu đi và nhìn lên các cánh cửa sổ, sau các cánh cửa đó, mùa hè đang run rẩy. Dưới gầm bàn, hai bàn tay hắn vò lấy chiếc khăn ăn, đoạn kéo nó ra và đặt lên mặt bàn. Hắn cầm lấy chiếc ly không và chừng như đang lưỡng lự không biết có nên rót đầy hay không. “Bag-noz là cái gì vậy?”
- Xong rồi! Em đã tìm ra, em đã tìm ra! Anne kêu lên và dứ dứ hai nắm tay của cô. Từ lâu em cố tìm kiếm cái gì còn thiếu trên khuôn mặt của Pierre: nó thiếu một nụ cười. Anh ấy thỉnh thoảng vẫn có phá lên cười, nhưng em chắc chắn là không hề trông thấy anh ấy mỉm cười. Bây giờ thì
ẳ
hai bàn tay cô nắm lấy nhau và cô nhìn thẳng vào mặt Pierre bằng một cái nhìn đắm đuối. Không hiểu sao mà anh ấy không biết mỉm cười nhỉ? - Nhưng mà đừng nhìn cậu ấy như thế, Berthe nói. Người ta sẽ nói là em mê cậu ấy đó.
- Thôi các con! Bà Androuze rên rỉ. Hãy để cậu Pierre yên. Các con thấy rõ là các con làm phiền cậu ấy chứ; cậu ấy không ăn nữa kìa. - Cảm ơn bác, cháu ăn xong rồi.
Olivier đứng dậy, vươn vai và hả họng ngáp, đoạn chống tay ngang hông và kêu lên sung sướng:
- Nào! Các người trở ra bãi chứ?
Đến lượt Pierre đứng dậy. Hắn nhìn Anne đang ngồi bất động. - Tôi, Olivier nói, tôi thì tôi bắt đầu thấy mệt vì cát, mặt trời và mấy đứa bé rồi. Tôi sắp sửa đánh một giấc đây. Như chị Berthe. Môi điểm một nụ cười, anh đi vòng qua bàn trên những bước chân dịu dàng và biến mất trong bầu không khí mát mẻ của gian nhà ngoài. - Olivier, Pierre kêu lên. Tao đi với mày lên đó được không? Hắn đứng im, người khẽ run lên, trán ướt đẫm mồ hôi, bàn tay mở ra ở ngang tầm thân thể như sắp sửa cầm lấy một thứ khí giới nào đó. Một chập sau, hắn lại kêu lên: “Olivier!” Đoạn hắn nhìn xuống, ngồi vào bàn trở lại. “Nó không nghe mình”, hắn thì thầm.
- Nhưng mà Pierre à, cháu biết ở đây như nhà cháu mà, bà Androuze nói. Cháu có thể lên đó nếu cháu thích.
- Đúng thế, Berthe nói. Tôi không ngờ cậu lại ngại ngần như vậy. Bạn thân với nhau như hai người…
* * *
Xuyên qua rặng thông trên ngọn đồi, mặt trời chiếu vào gian phòng trống trải của Pierre, cửa sổ mở toang, giường chiếu đã sửa soạn tươm tất. Một con ong vò vẽ kêu vo ve trên những cánh hoa giấy trên tường. Một chiếc đồng hồ kêu tích tắc trên chiếc bàn đêm: hai giờ mười lăm phút. Một bóng người lần bước chậm chạp trên mặt thảm trải dưới chân giường.
Chiếc va li bọc vải Tô Cách Lan và chiếc rương da nhỏ màu vàng nằm trên đầu tủ. Một quyển sách thuộc tủ sách “Feux Croisés” nằm lật ngược cạnh chiếc đồng hồ. Tiếng hát của các cô nàng đập lúa đã ngừng bặt từ giờ cơm, giờ đây lại thoảng bay là đà trên cánh đồng - khi chậm chạp, êm đềm, đơn điệu, khi ngắn ngủi, khàn khàn. Thỉnh thoảng trong gian phòng trống trải này, một tấm ván dưới sàn bỗng kêu lên răng rắc; thỉnh thoảng, những bức màn the khẽ lay động. Giờ đây, bó kim tước tạo thành một đốm vàng. Những cô nàng đập lúa đã im bặt tiếng hát.
Chiều xuống. Người ta chia tay nhau. Trên bãi Portsaint, trên những ngả đường làng chạy băng ngang con lộ thẳng tắp phơn phớt xanh, trên tất cả những bãi cát thuộc vùng Bretagne, tại những ngã tư đường, tại những cửa khách sạn, trên những bậc thềm, người ta từ giã nhau. Ra khỏi Portsaint, con lộ trở nên khúc khuỷu, không còn những ngôi nhà thở khói nghi ngút ở hai bên. Người ta chia tay nhau, đêm xuống, rồi mày đơn độc và mày nhắm nghiền hai mắt khi màn đêm buông xuống, mời mọc mày tìm tới cái chết. Mày còn đợi gì nữa? Còn ai mà mày không nhận ra nữa? Con lộ chạy trốn về những ngôi làng khác, những cánh cửa sổ đã đóng kín, con lộ lầm lũi chạy về Brest, với niềm cô đơn đuổi theo sau nó, và băng qua chiếc cầu treo trên xưởng đóng tàu. Ở tận cùng hải cảng, cái chuông nhỏ của một chiếc tàu binh kêu vang. Xa xa, về phía quảng trường Chợ Cũ, người ta nghe điệu nhạc quay cuồng của ngày lễ.
* * *
- Em có muốn đến đó không, Anne? Hội chợ ấy mà…
Cô ngồi trên chiếc trường kỷ, hai chân xếp lại ở một bên, trong phòng khách biệt thự của Pierre với chiếc váy rộng màu đỏ làm nổi bật thân hình mảnh mai trông giống như một cánh hoa lật úp, và Pierre đứng quay lưng bên cánh cửa sổ mở toang, nhìn ra khu vườn chìm đắm trong bóng đêm.
- Anne, em muốn có…
- Dù sao thì chuyện đó đã quyết rồi. Olivier đợi chúng ta tại trang viên, ta đã nói với mọi người là sẽ ghé chở họ đi.
Hắn dừng bước trước mặt cô, hai chân hơi dang ra, dáng nghiêm nghị. Không một đường gân nào trên khuôn mặt rõ nét của hắn và không một bắp
thịt nào trên thân thể của hắn động đậy. Cô đưa mu bàn tay vuốt miệng, nhìn hắn bằng một cái nhìn chế báng nhẹ nhàng (anh đang đóng cái tuồng gì mà lúng túng thế? Hoặc: liệu anh im lặng mãi được không?) và dưới gò má trái của cô lúm đồng tiền nhỏ khẽ rung động.
- Anh cảm thấy, hắn nói trong khi vẫn đứng im, là chúng ta không được hợp ý nhau trong mấy lúc gần đây.
- Em thì không thấy gì cả. Buổi cơm chiều nay thật vui vẻ. Hắn ngồi xuống bên cạnh cô. Một cánh bướm màu vàng vừa bay vào phòng qua ngõ cửa sổ, chạm vào ngọn đèn, rơi xuống như một cánh hoa kim tước.
Pierre nghiêng người về phía trước. Tiếng dế trở nên vang rân. Hắn nắm đôi vai của cô và lật ngược cô ra phía sau.
- Hãy nhắm mắt lại.
Hắn nhìn trên khuôn mặt sạm nắng của cô, đôi mi mắt trắng, đôi môi hé mở.
- Em có biết điều này không, Anne? Anh thích em nhắm mắt lại hơn. - Anh thật đáng yêu: tại sao không thích em chết đi chứ?
- À! Ai biết.
Cô dùng lưng bàn tay sửa những nếp nhăn của chiếc váy: “Nào? Chúng ta đến đó nhé? Cuộc lễ…”
7
Olivier dùng cạnh bàn tay đánh vào cổ tay tên du mục giống như một kiểu chào nhà binh khi người ta hạ bàn tay xuống thật mạnh, tên này buông Nicolas ra và quay đầu lại. “Họ làm gì thế?” “Henry, đừng xen vào”. Một người đàn bà mặc áo hường dừng chân lại trong chốc lát, mỉm cười vu vơ, bà ta có một nốt ruồi trên gò má phụng phịu.
- Hắn không trả tiền cho tôi! Hắn đi mà không trả tiền! Liên can gì tới anh hả?
- Cút đi cho rồi.
Người ta nghe thấy, trong những khoảng cách đều đặn, những tiếng động chát chúa và những tiếng kêu ầm ĩ từ khu xe điện.
- Mình phải trả tiền cho cái gì mới được chứ? Nicolas nói khi chỉ còn lại hai người với nhau. Mình chả có lấy thứ gì. Mình không biết cậu cừ thế.
- Điều lạ lùng nhất, là tôi không cừ. Nhưng tôi làm cho người ta sợ… người ta không dám đánh tôi, tôi không hiểu tại sao nữa… - Có thể, Nicolas nói giọng mơn trớn, bởi vì người ta thấy những vết thương của cậu.
Một anh lính thủy người Mỹ rời khỏi chỗ bắn bia, liếc mắt nhìn Anne tình tứ. “Trong khi chờ đợi”, cô nói, “chúng ta đã lạc mất Pierre rồi”. Một chập sau, cô nép sát vào người Olivier: “Nếu có Pierre ở đây!…” nhưng đôi môi của Olivier quá khô héo, tiếng động từ toa xe nhỏ quá ồn ào, cái dốc kế tiếp thì quá gần kề - liệu anh có điều gì để đối đáp, nói năng?
Trong lúc đó thì Pierre đang mải tìm kiếm bọn họ dọc theo những lối đi đầy bụi giữa những căn lều. Hắn chạm mặt một người đàn bà mặc áo hường có nốt ruồi trên gò má phụng phịu. Hắn không lấy gì làm hấp tấp, hắn không có điều gì phải lo lắng. Hắn đưa mắt nhìn quanh với một vẻ
thích thú trên mặt, không phải để quan sát nhưng chỉ để nhận biết sự vật: những tia lửa xẹt ra từ những chiếc ô tô húc nhau, những tiếng reo hò ầm ĩ, một mùi vị của dầu mỡ nóng và đường, những anh lính vơ vẩn, một người đàn bà mặc áo hường…
Khi Nicolas gặp lại hắn, miệng bập bập một điếu xì gà đen cỡ nhỏ cháy được nửa, Pierre vẫn không quay đầu lại.
- Cậu có thấy Anne không?
- Cô ta ở khu xe điện. Với Olivier. Cậu quen biết với nàng bao lâu rồi vậy hả?
- Nào… tôi biết cô ta cùng lúc với Olivier, dĩ nhiên rồi - bởi cô ta là em gái của anh ta mà.
Hắn nhíu mày. Nicolas dừng bước trước một quán giải khát và nhìn người đàn bà mặc áo hường lướt đi ở đầu lối đi.
- Đúng thế, hắn nói. Tôi không hề nghĩ đó là em gái của hắn. Cậu yêu cô ta lâu chưa?
- Này, Nicolas! Tôi không thích những câu hỏi của cậu lắm đâu. Tôi có hỏi tại sao cậu đi cà thọt bao giờ không?
- Nhưng mà tôi sẽ trả lời cho cậu biết: đó là một tai nạn trong vụ trượt tuyết.
- Kìa, François bảo với tụi này là cậu té ngựa mà.
- Có thể lắm. Người ta hỏi hoài về chuyện đó, còn tôi thì sợ phải kể mãi cùng một câu chuyện.
Hắn hớp một ngụm bia, nheo mắt và đưa đầu ngón tay vuốt ve lên đôi môi, chầm chậm và khoan khoái.
- Mày có nghĩ là Olivier thích cô ta không?
- Ai… Anne à?
* * *
- Ồ! Olivier… cái động. Mình thử vào chứ?
* * *
- Hắn thích loại đàn bà nào?
- Hắn không có loại đàn bà nào để thích cả.
- Nhưng mà ở Paris, anh phải biết hắn đi chơi với những cô nào chứ? - Hắn không đi chơi với gái.
- Hắn chỉ yêu họ thôi à?
- Còn cậu?
- Mọi người đều có tính ghét đàn bà, Nicolas nói và mỉm cười. Nhưng Olivier thì khác: điều làm cho hắn thích thú là không yêu ai cả.
* * *
Ariane tươi cười xắn lên cao trên cánh tay và Pierre cũng vừa vào trong động, hai tay quờ quạng phía trước như một người mù, hai người bước lại gần nhau, sắp sửa tới bên nhau, sắp sửa đụng vào nhau… cho đến khi chạm phải một mặt kính trong suốt ngăn cách họ; bây giờ thì họ quay lưng về phía nhau, mỗi người tìm kiếm lối đi của mình trong những con đường động.
Pierre quay đi, hai tay đưa về phía trước, khuôn mặt thản nhiên và không mỉm cười bao giờ; những bức tường kính làm nghẽn tắt tiếng reo hò, tiếng nhạc, tiếng ồn ào của ngày lễ và thế giới bên ngoài giờ đây chỉ còn là một thế giới hoạt động đầy vẻ phi lý (Anne và Olivier vừa đến gần và đứng bên cạnh Nicolas), một thế giới lặng lẽ như một giấc mơ mà hắn đang nhìn vào, đồng thời chính nó cũng đang nhìn lại hắn. Thỉnh thoảng hắn chạm mặt một người đàn bà mặc chiếc áo hường bồng bềnh bên những khung kính với một vẻ dịu dàng lặng lẽ; thỉnh thoảng có một chàng thanh niên đang bước lang thang, dáng vẻ dửng dưng lạnh lùng.
Đến lượt Ariane dừng bước trước động. “Nếu cô có một sợi chỉ”, Nicolas nói nhỏ, “thì đúng rồi đây”. Đôi song sinh đến bên cô, một trong hai đứa vừa trúng được một con búp bê quái dị bằng bông gòn mà nó nâng niu trong tay vừa đưa mắt nhìn Pierre. Hai chàng quân nhân bước tới. Một người da đen vừa trệch hai khóe miệng xuống, vừa cúi đầu mỗi lúc một thấp hơn như muốn cắn lấy cây kim cà vạt của hắn.
Pierre trông thấy người ngợm, cảnh vật mỗi lúc một trở nên vui nhộn hơn; hắn bước tới rồi quay lưng bước trở lại trên chính con đường mà hắn đã đi qua, hai tay đưa về phía trước với một vẻ chăm chú kín đáo. Bây giờ thì khuôn mặt hắn ướt đẫm mồ hôi và Olivier đoán chừng một nỗi sợ sệt bắt đầu xâm chiếm lấy hắn khi người đàn bà, có cậu thanh niên đi theo, sau cùng tìm được lối ra, hắn hăm hở đến bên họ nhưng một tấm biển chợt nằm ngay ra đó, chắn đường hắn.
- Người ta không thể ở mãi nơi đó trọn buổi chiều để nhìn anh ấy như một con vật kỳ lạ. Anne nói. Cô đỏ mặt, giẫm chân và quay mặt đi. Đến đây, Olivier, mình đi bắn bia đi.
Những bước chân lang thang đưa Pierre đến gần cửa ra vào, từ cuối chiếc lồng kính của hắn, hắn trông thấy bọn họ kéo nhau đi. Bỗng nhiên hắn nhảy chồm tới trước, xô đám đông, nhảy qua cánh cửa nhỏ và đến gần Anne.
- Một màn đặc biệt à?
- Không vui bằng các người, hắn nói bằng giọng khô khan. - Và rồi, Nicolas nói, từ lúc họ bắt quái vật Minotaure đi thì không còn gì buồn cười nữa.
Pierre vẫn không mỉm cười; họ bước đi, không ai nói gì. Bỗng nhiên Anne thốt lên cười: “Khi em nghĩ rằng anh có thể vẫn còn ở đó…” Cô đặt bàn tay mềm mại của cô lên gáy Pierre và hắn có cái cảm tưởng độc ác là cô yêu hắn vì sự yếu đuối của hắn. Không ai dừng bước trước những chỗ bắn bia.
Mùi vị hội chợ chợt tan biến thật nhanh trước mùi dầu mazout, mùi bùn lầy và mùi nước biển. Pierre và Olivier để mặc cho mọi người trên những chiếc ô tô húc nhau, họ nghe tiếng kêu của một loài chim biển bay qua trong đêm tối.
- Mày thấy thế nào nếu mất Anne?
- Ồ!… Pierre nói, chẳng quan trọng gì cho lắm.
Họ bước đi. Một quán nước sáng choang trông giống như một nhà ga. Từ một con đường cạnh đó, một người đàn bà kêu lên: “José (e)!” - Olivier nhún vai.
- Không quan trọng gì cho lắm: đó là tính xấu của mày.
Dưới tấm bảng hiệu màu đỏ của khách sạn Continental, một người đàn ông đang đi bách bộ chợt dừng chân, xem đồng hồ tay. Họ sánh bước bên nhau, ngắm nhìn mặt nước nặng nề, lặng lẽ, nơi nhấp nhô những khung cửa sườn tàu. Olivier ngẩng đầu lên:
- Xem kìa, một vì sao đổi ngôi.
- Tao tự hỏi mày đang ao ước điều gì, Pierre nói.
- Còn mày… Một tác phẩm lớn? Hay một cuộc hôn nhân trên căn bản tình yêu?
- Không, Pierre nói giọng khép kín: ước muốn được sống. Nếu phó mặc cho sự rong ruổi thì tao tưởng rằng tao chết mất.
- Người ta không chết vì buồn chán.
- Không, không phải vì buồn chán. Cũng không vì một căn cớ nào… Tao sẽ chết như vậy, không vì một căn cớ nào. Tao sẽ nguội lạnh đi một cách thật dịu dàng và tao sẽ chết mà không trông thấy chính mình. - Tao không thích cái chết đó.
- Mày không liều mạng chút nào hết. Có thể đó là điều đầu tiên mày sẽ làm mà không biết.
Hắn thấy Olivier nhún vai và lặng lẽ bước dang ra và đứng chống khuỷu tay trên bờ tường, như không muốn bước đi theo anh nữa, để mặc anh đi sâu vào bóng đêm mãi mãi. Khi đến bên anh, hắn khẽ đưa tay về phía trước nhưng không đặt lên vai anh.
- Mày không nói gì về điều mày hỏi.
- Tao à? Chả có gì. Olivier nắm hai tay lại, vung ra, anh có vẻ như đang mỉm cười trong bóng tối. Tất cả những gì tao yêu thương đều thuộc về tao. Họ trở về với cảnh hội chợ. Họ không nói gì. Họ lặng nhìn thành phố đang buổi bình minh như chưa muốn tan biến bao giờ, với ánh sáng lan tỏa trên các bến tàu, với những nỗi buồn trên những nhà trọ tạm bợ, với khúc hát của nó trên những con tàu sắp sửa rời bến. Họ cảm nhận buổi bình minh này trong đêm tháng Tám, cạnh bến tàu, buổi bình minh vội vã, với tiếng chuông đồng hồ báo thức, mùi cà phê sữa, những lát bánh mì mà thứ bơ quá lạnh nên trải không đều. Tiếng còi của chiếc tàu người ta sắp sửa bước lên, những tiếng nói người ta cố tình lẩn tránh và cái nhìn người ta không dám chạm tới, những chiếc va li phải đóng lại và nụ hôn sau cùng cố tình trì hoãn - một buổi bình minh, một cuộc chia tay, không còn gì nữa.
Đến trước một quang cảnh huyên náo, đầy màu sắc, Olivier dừng bước lại.
- Thật ra, tại sao mày lấy Anne?
Họ biến mất trong vùng ánh sáng.
8
Vào buổi xế chiều, lấy cớ đi Brest có công chuyện và thăm viếng những người mà Pierre không quen biết, Olivier và Anne thường đi chung với nhau và họ gặp lại hắn sau đó trên bãi, có khi thật muộn màng. Hắn không than phiền gì cũng không thắc mắc hỏi han gì. Hắn đón nhận niềm cô đơn của hắn cùng một vẻ nhẫn nhục thản nhiên khi hắn được hài lòng, sung sướng.
* * *
- Ngày Chủ nhật, Nicolas nói, ta phải dự cuộc hành hương ở Plougonvelin mới được.
Có một cuộc đi xe đạp với sự tham dự của đôi song sinh. “Mình đi đầu…”, “Không nổi đâu”, “Nổi chứ”, đứa kia nói, “mình là những người đầu bứt đi xa mà”.
Một chàng thanh niên ở trong khách sạn bãi biển, lúc nào cũng cô đơn, mà Nicolas gọi là chàng trí thức hang động, bị một con cá hay một con tôm nào đó đâm cho một phát và ngã bịnh luôn.
Ariane đánh mất cái nịt vú của cô khi phóng từ trên thuyền xuống nước; cô bơi quanh chiếc thuyền buồm, người cô vàng nâu, dịu dàng và mềm mại như một loài rong biển. Vợ của François đưa cho cô một chiếc khăn tắm và cô cũng đánh mất luôn khi lội vào bờ. Hai đứa bé song sinh đọc lên những câu thơ tứ tuyệt theo điệu Ta sẽ không vào rừng nữa: Chúng béo mập làm sao - Người ta thèm hái chúng - Ta không thấy chúng đâu - Nàng giấu chúng mất rồi.
Trời mưa suốt hai ngày liền.
Sau kỳ đập lúa là một ngày hội vui vầy.
Rồi thì những cô nàng đập lúa im bặt tiếng hát. Đã bắt đầu tàn một vụ hè.
* * *
Bây giờ Pierre, vào buổi chiều, bỏ đi một mình, thân thể nặng nề. Sau khi nhường cho Anne bước qua, Olivier đóng cửa rào và quay mặt lại trong chốc lát, Pierre đi về phía một cây điền ma cằn cỗi mọc bên phải con đường. Olivier nhìn theo hắn đang bước đi dưới những cành lá mềm mại có một màu xanh uể oải, lúc bấy giờ, trong một khoảnh khắc thật ngắn ngủi, anh chính là Pierre; và anh nghe thấy cái mùi vị buồn bã của cây điền ma mặc dù những cánh hoa của nó đã rụng từ bao giờ.
Một buổi chiều khi vừa leo lên con đường dốc vừa nắm lấy bàn tay của Anne, anh chợt nghe cổng rào lại rít lên sau lưng họ. Pierre nhìn chằm chặp vào họ, một bàn tay tì lên cánh cổng, im lặng. “Có chuyện gì vậy?” Olivier kêu lên, “Mày có quên điều gì không?” Pierre không đáp. “Mày có muốn ở lại dùng bữa tối với tụi này không? Pierre! Hãy ở lại với tụi này…”. Nhưng Pierre vẫn lặng thinh; nỗi thỉnh cầu mù quáng dâng lên trong đôi mắt hắn như muốn xin họ, không phải yêu thương hắn hoặc đến với hắn, nhưng chỉ xin họ xuất hiện mà thôi. Rồi bất chợt hắn quay đi và biến mất sau những thân cây. Họ lại bước đi. Pierre sắp sửa gặp lại niềm cô đơn của hắn trong ngôi biệt thự kia. Hắn dùng nỗi cô đơn của hắn vào công việc gì? Olivier thừa biết rằng hắn có thể trải qua trọn một ngày dài không làm điều gì chắc chắn, cũng không mơ mộng, cũng không buồn chán. Hắn ngủ vùi. Hắn sẽ dùng bữa cơm tối do Nicole dọn lên và hắn sẽ trao đổi với chị vài câu không quan trọng. Đoạn hắn sẽ mở ra một quyển sách, thí dụ như cuốn Tự thú mà hắn đã đọc hôm qua trên bãi (một ít cát rơi lên những trang sách), và thỉnh thoảng lại xem đồng hồ… Olivier trông thấy hắn ngồi bên cửa sổ, sát kề với đêm tối tháng Tám, đôi vai rộng và vầng trán rộng của hắn nghiêng xuống trang sách, hắn đọc chậm rãi, tra dò từng chữ một với đôi mắt lạnh lùng của hắn - hắn yêu chữ nghĩa làm sao! Hắn không thích những điều do chữ nghĩa chỉ định. Những khuôn mặt cùng người ngợm lúc nào cũng đề kháng trước hắn, công thức mà hắn tìm thấy của chúng là:
“chỉ bằng con số không”. Olivier nhớ lại kỳ hội chợ… Pierre không ngừng bước lang thang trong một cái lồng kính. Và suốt những ngày dài náo động trên bãi, trên thuyền buồm, ngay khi hắn có vẻ như phá lên cười và tham dự vào những cuộc chơi của họ, hắn vẫn câm lặng như tờ, nhìn ngắm những khuôn mặt cùng ngày tháng đi qua như những bóng hình tang tóc.
(- Kìa, Olivier! Anh không đói à? Anh không ăn gì hết… - Cậu ta đang mơ mộng… Berthe nói. Các người còn nhớ khi chiếc tàu nọ…).
… Có thể Pierre đang đứng dậy, bàn tay trái co lại làm thành một động tác khô khan, cổ tay đưa ra và lộn lại cùng một lúc, giống như một cú đấm móc trong một trận đấu quyền, và hắn nhìn đồng hồ. Olivier mường tượng lại buổi sáng tháng Giêng nọ, vào lúc hết giờ chơi - một ít tuyết còn bám trên những thân cây - anh đã quèo chân làm hắn té nhào: chiếc đồng hồ của hắn vỡ tan. Lúc bấy giờ Pierre bình thường vẫn lặng lẽ và tốt bụng biết bao, sự tốt bụng dần dà vén mở cái nguồn cội bí ẩn của nó: hắn thiếu hẳn lòng xác tín, hắn vẫn kiên nhẫn và độ lượng biết bao, thế mà bỗng nhiên người ta thấy hắn giận dữ đến tím mặt. Hắn run run nhặt cái vỏ đồng hồ đã long ra và ném đi. Hai giọt nước mắt lăn tròn trên má hắn. Ngày giải phóng Paris, sáu tháng sau, khi đứa em trai hắn chết bên cửa sổ vì một viên đạn bắn từ mái nhà, Olivier không thấy hắn khóc. Chuông vào lớp đã reo vang, bọn học trò đã xếp thành hàng lối chỉnh tề, mọi người đã bước lên cầu thang và Pierre vẫn đứng lặng im trong sân trường vắng, hai ống quần nhàu nát - vẫn còn một ít tuyết dưới thân cây.
(- Olivier, sao anh không nói gì hết vậy? Anh đang nghĩ gì? - Không).
và nhìn những vụn thủy tinh dưới chân hắn.
Bây giờ thì hắn đang làm gì? Hắn rời bỏ quyển sách, hắn đi qua đi lại, không với dáng đi chậm rãi nặng nề, đầu cúi xuống, như một người đang bận suy nghĩ nhưng với những bước chân mạnh bạo, vừa cắn móng tay cái. Có khi hắn phóng người về phía trước, sức mạnh hắn bùng vỡ, hắn có vẻ như đang tìm kiếm một chướng ngại vật để nghiền cho nát vụn. Nhưng không, hắn vẫn bất động, hắn vẫn ngồi lì ra đó, hai tai đong đầy bóng tối, cái bóng tối vo ve, buồn phiền của đêm tháng Tám: chim chóc, trùn dế, cành khô, muôn ngàn tiếng động ngột ngạt như lơ lửng ở những độ cao và
những chiều sâu khác biệt nhau của một bờ tường dày đặc, gợi nên những cuộc sửa soạn nôn nao, những tiếng gọi lên đường, một đoạn tình ca cho cái chết.
Và Olivier chợt hiểu ra rằng lòng dửng dưng cũng là một đam mê, một đam mê khốn khổ trong mọi thứ đam mê, một đam mê không thể nào thỏa mãn được bởi đối tượng của nó buộc ta phải đuổi theo nó: đó là đam mê thời gian. Bị giày vò trong thứ tình cảm kỳ lạ đối với thời gian, Pierre không còn quan tâm gì tới thế giới bên ngoài nữa. Trong khi Olivier vẫn tưởng hắn là con người khô khan thì thật ra hắn lại phải từng phút từng giây sống trong khốn khổ, khi ăn uống cũng như lúc cười cợt hoặc thu mình nhẫn nhục trong tình cảm khổ sở đầy mù quáng và không đối tượng - khổ sở vì không được khổ sở. Và nếu giờ đây, khi sắp sửa mất Anne, hắn ra vẻ yêu cô trở lại, chính vì khi thoát khỏi tay hắn, cô đã đánh thức nơi hắn niềm hy vọng được cảm nhận một nỗi khổ được minh định rõ ràng.
Nhưng hắn sẽ lên đường đi Beyrouth một mình. Và thời gian rồi sẽ trôi qua. Hắn sẽ không lấy vợ. Thời gian tiếp tục trôi qua. Hắn sẽ không có ai là bạn nữa. Thời gian vẫn trôi qua. Hắn sẽ không đời nào viết được quyển sách. Thời gian trôi qua mãi. Hắn sẽ không già thêm nữa: mặc dù những vết nhăn, khuôn mặt hắn vẫn giữ được một làn da tươi thắm, giống như một bóng dáng của tuổi hoa niên dang dở…
- Hãy miễn lỗi cho tụi này, Berthe nói. Trong lúc em nghĩ ngợi điều gì, tụi này nói chuyện chắc làm em phiền lắm phải không?
Olivier nhìn chị rất lâu với đôi mắt đen láy và đầy tư lự, không đáp. - Mẹ hãy nhìn nó kìa… hãy nhìn nó mà xem! Con đã bảo là sau cùng nó sẽ điên mà. Nó có những trò giải trí giống như cha ngày nào. Olivier châm một điếu thuốc. Anh vẫn nhìn Berthe chăm chăm và bây giờ thì anh mỉm cười - nụ cười xa vắng mơ hồ khẽ lay động hai khóe môi của anh.
- Chị nói cho em biết coi nào. Theo chỗ em biết thì cha không chết vì bệnh điên.
- Con im đi, Berthe, bà Androuze nói. Con nói đủ mọi chuyện chỉ để làm phiền mọi người. Im đi. Đừng nói nữa.
- Sao lại im? Olivier lặng lẽ nhả một làn khói mỏng, nhưng ngón tay trỏ của anh lại không ngừng gõ vào đầu điếu thuốc cho tàn thuốc rơi trong ly
rượu tần của anh trong khi anh vẫn vô tình không hay biết. Chuyện riêng của tụi con mà, con thích chị ấy giải thích câu chuyện.
- Nó không có gì để giải thích, bà Androuze bảo. Bà đảo cặp mắt thật nhanh qua khắp phòng ăn như tìm kiếm một đối tượng để đánh đập. Anne, nói cho mẹ nghe coi… Tại sao con không đến nhà Pierre dùng cơm tối nữa?
Anne chớp mi:
- Dạ, dạ… tại không có dịp.
- Giữa hai đứa đang có chuyện gì thay đổi phải không? Mẹ cảm thấy như vậy.
- Đâu có.
Berthe im lặng, con mắt ti hí của chị dò xét các khuôn mặt, nó ánh lên một vẻ ác tâm và ham hố. Mấy con ruồi bay quanh một vệt nước. - Con giấu mẹ điều gì phải không, Anne? Berthe đã nói với mẹ. - Tôi chả nói gì cả! Berthe cắt ngang. Tôi có nói gì đâu? Tôi không biết ất giáp gì. Tôi có trông thấy họ bao giờ. Họ đi cả ngày còn tôi thì ở nhà một mình nghe radio như một bà già. Radio đâu nói rằng họ sẽ không cưới nhau đâu.
- Con không muốn lấy chồng nữa, hở Anne? Hãy nói sự thật coi nào! - Ồ! Mẹ! Con xin mẹ. Con cũng không biết nữa.
- Hắn chỉ mong chị đến, chị Berthe ạ. Tụi này có thể đưa chị đi nếu chị muốn… Olivier nói.
- Cảm ơn. Chị muốn chết ở nhà hơn.
- Chết à? Bà Androuze rên rỉ. Chính mẹ chết vì con mới phải chứ!… Ôi, các con của mẹ, các con đáng thương của mẹ…
Bà đưa tay lên ngực và ngửa mặt ra sau, trên lưng ghế, hai mắt nhắm nghiền.
- Kìa mẹ! Berthe kêu lên và đứng dậy. Mẹ làm sao vậy, mẹ? - Không có gì cả. Olivier nói. Đó chỉ là một câu chuyện giải khuây nho nhỏ.
Bà Androuze thở dài.
- Mẹ đi nằm đây… mẹ không chịu đựng được nữa. Berthe… giúp mẹ.
* * *
- Olivier…
Bà đã bật ngọn đèn ở đầu giường khi nghe tiếng họ bước lên, bởi trong khoảnh khắc sẽ không còn một khung cửa sổ nào còn sáng đèn. Thân thể bà nằm im lìm trên chiếc giường hắt hiu dưới ánh sáng ngọn đèn đêm trong buổi mặt trời lặn, hai mắt bà mở ra trong cái nhìn thẳng đứng, khuôn mặt bà hốc hác quằn quại trong một nỗi giày vò bí ẩn, thăm thẳm.
- Mẹ có cần gì không?
- Mẹ muốn nói với con, ông con trai của mẹ. Con từ nhà François về đó à? Con đóng cửa giùm mẹ coi nào. Những bức rèm xanh nơi khung cửa sổ gợn nhẹ. Bà ngồi dậy, tựa vào gối. Con hãy ngồi gần bên mẹ đây. Hãy đưa bàn tay cho mẹ nắm… Mẹ thích đôi bàn tay của con, chúng mảnh khảnh, dịu dàng làm sao, dịu dàng hơn cả những bàn tay của cha con. Trông chẳng khác gì bàn tay đàn bà con gái. Mắt con sáng làm sao! Nhưng con có bị sốt không đó?
Then cửa trắng hiện ra giữa hai bức rèm. Anh rút tay về.
- Con gớm ghiếc mẹ lắm hả? Bà dịu dàng nói. Tuy nhiên… nếu con biết là mẹ thận trọng lắm! Mẹ cố nén để đừng chạm tới con. Ngay cả… chiều nay… Con biết chứ, Olivier: có thể đây là lần sau cùng… - Không ai chết vì một cơn mệt đâu, mẹ.
- Này ông con của mẹ. Con phải hứa với mẹ một điều. Mẹ như một con vật, con biết chứ, mẹ chết đến nơi rồi. Mẹ thấy cái chết gần kề ở cùng một nơi mà mẹ cảm thấy đói, một nơi mà mẹ cảm thấy thương con… - Mẹ nói sảng rồi, tốt hơn mẹ nên ngủ.
Anh đứng dậy, bước ra cửa, và đứng khựng lại.
- Hãy để em con đi lấy chồng.
- Ai bảo mẹ là con cấm cản nó?
- Nó chỉ đổi ý từ lúc con trở về nhà đó, ông con trai cưng của mẹ! - Chính chị Berthe giết mẹ thì có, anh nói nhỏ.
Bà ráng sức nắm hai bàn tay lại với một nụ cười rên rỉ.
- Con hãy để nó lấy chồng. Con hứa với mẹ đi! Mẹ không đòi hỏi con điều gì hết, mẹ không cần biết gì hết… Hãy để nó đi…
Tiếng gót chân anh đặt xuống sàn ván như vang dội trong gáy anh. - Điều con có thể hứa với mẹ là chị Berthe sẽ trả giá cho con trong vụ này.
Anh đến bên mẹ, nghiêng người xuống, bà đưa một cánh tay lên, chạm phải cây đèn, cây đèn rơi xuống nền nhà, nằm lộn ngược. - Mẹ tưởng con là ai, hở mẹ? Anh thì thầm.
Bà lắc lư cái đầu khốn khổ trên chiếc gối, hai con mắt ảo não khẽ nhắm lại.
- Mẹ đâu biết gì, Olivier. Lâu rồi mẹ không biết gì nữa… Có một hôm - con lên mười lăm tuổi, con làm thơ - con còn nhớ chứ? Mẹ bảo con đọc cho mẹ nghe một bài. Con đã đọc cho mẹ nghe một bài sonnet của Baudelaire. Chắc con tưởng mẹ vẫn không nhận ra nó?
- Rồi sao nữa? Anh nói và cầm cây đèn lên.
- Không sao cả. Mẹ thích tìm hiểu con.
Bà eo sèo rơi xuống gối.
- Mẹ chưa hề làm con vui lòng. Đó không hẳn là lỗi của mẹ, con thấy chứ… Mẹ nhớ lại tất cả các kỳ Giáng sinh, những kỳ sinh nhật - à, nếu mẹ biết được con đòi hỏi điều gì! Nhưng con lại không đòi hỏi gì cả. Tặng con món quà gì, con cũng nở một nụ cười, con cảm ơn mẹ cũng bằng cách đó, mẹ không hiểu nổi.
Anh ngồi xuống giường, một nụ cười run rẩy vô vọng tìm chỗ đậu trên môi anh.
- Olivier con, bà nói nhỏ nhẹ, con chưa hề là một cậu bé.
Dù hai mắt nhắm nghiền, anh vẫn đoán biết được bàn tay đang trờ tới gần bàn tay anh và anh lảng ra xa.
- Không. Thật thế. Con chỉ là một đứa bé với cha con. Mẹ không thể nào hiểu được đâu…
- Người cha đáng thương của con không hề có đó.
- Cha có ở đó vào ngày Chủ nhật.
- Ồ!... Sáu hay bảy cái Chủ nhật mới có một lần.
… Ngày Chủ nhật trong số những ngày Chủ nhật, ngày dạo chơi trong Sèvres hay rừng Saint-Cloud, với người đàn ông ăn mặc theo lối người chơi xuồng, đôi mắt ngạo nghễ, chỉ hôn anh phớt qua bằng bộ ria mép… Rồi thì ngày thứ Hai u ám lại mang người ấy đi mất, trên tay lái của chiếc xe đua. Một ngày vào mùa xuân, hai cha con tìm thấy những trái dâu rừng, anh thấy ông đứng trong một khoảng rừng thưa, cầm giữa hai ngón tay một trái dâu, đưa lên mũi ngửi và ông cho anh. Ông cho anh tất cả những trái dâu, chỉ giữ lại một trái để thưởng thức một cách chậm rãi như một viên kẹo. Hôm sau, một mình Olivier trở lại ngồi trong khu rừng thưa, anh vừa bước xuống ngọn đồi vừa cất tiếng hát vang. Tuần lễ sau, anh trông thấy cha anh trên đường, tay cầm một chiếc khăn, anh bước theo sau trong nỗi thích thú sẽ gây ngạc nhiên cho ông, nhưng anh đã dừng lại một giây phút để nhìn một quả bóng nhỏ bay trên nền trời, và khi anh đuổi theo ông thì đã quá trễ, cánh cửa của khu vườn đã khép chặt sau ông. Cánh cửa sơn màu xanh lá cây. Anh leo lên bờ rào sắt nhưng những sợi dây leo thì quá dày đặc. Anh ngồi sát bên cánh cửa trong suốt hai tiếng đồng hồ, anh trở về vào buổi chạng vạng. Những cánh tay hiện ra ngoài khung cửa sổ để đóng lại cửa. Một con chó hoang đã bước theo anh trong một quãng khá xa. Trên dòng sông Seine hiện lên những đốm lửa và những con tàu.
- Cha chết cách nào hở mẹ?
- Nhưng con đã biết rõ rồi mà…
- Con biết cha bị người ta giết. Con chỉ biết có vậy. Mẹ còn nhớ đã bỏ thì giờ kể cho con nghe chuyện đó không? Ban đầu, mẹ và chị Berthe còn sợ sệt, muốn để cho con đoán biết câu chuyện một mình. Con đành phải đoán chừng mọi sự. Trong cuộc tản cư…
Bao giờ? Ở đâu trên con đường đông người như kiến cỏ dưới ánh mặt trời, trong sự hoảng hốt và kinh hoàng? Không ai nói cho anh biết bao giờ. “Olivier, phải can đảm lên” (và không ai, vào thời đó, thốt lên một lời lẽ như thế). Ban đầu anh chỉ nghe lòng mình nổi lên một tình cảm mơ hồ, đầy hoài nghi trước cuộc sống, một tình cảm dần dà được xác định rõ, sẽ siết chặt lại trên sự hiện hữu của cha anh. Không phải là những nỗi ngờ vực mà là một tình cảm hoài nghi trước sự khám phá về một điều gian trá hơn là sự khám phá về cái chết.
* * *
Họ đã vùi đầu dưới những hầm núp, họ đã chạy, họ đã bò, họ đã van xin, họ đã gõ những cánh cửa mà người ta đóng trước mũi họ, anh đã trông thấy mẹ anh kêu la, cầu khẩn một lời khuyên, một sự giúp đỡ, một ân huệ, người ta đã bắt họ phải trả tiền từng ly nước, người ta đã thả chó vào họ - nhưng có khi người ta cũng giúp đỡ họ, đó là những người nông dân đã mang cho họ những chén sữa, canh, đã cho họ ở trong những vựa lúa, một bà lão đã cho họ bước lên chiếc xe hòm của bà do một anh tài xế có nét mặt ngạo nghễ cầm tay lái. “Hãy nói cảm ơn đi. Hãy nói cảm ơn đi. Hãy trông người ta ăn ở tốt bụng làm sao!” Hổ thẹn, ươn hèn, nhục nhã, những tình cảm đó - đúng hơn là những cảm giác đó mà chính anh vẫn chưa hiểu rõ, chúng ghim chặt vào da thịt anh và sự tàn bạo đầy bí ẩn của chúng, anh lại tưởng đó là hậu quả của một căn bệnh thầm kín đang lớn lên trong bụng anh, đang đục khoét đôi má của anh, đang gặm mòn cái nhìn xanh xao lúc nào cũng nơm nớp sợ sệt của anh. “Nói cảm ơn đi, Olivier. Nói cảm ơn đi”. Anh ngoan ngoãn thốt lời cảm ơn; dưới cặp mắt ấu thơ của anh lúc bấy giờ, việc tản cư, chạy loạn chỉ là một chuyến du lịch được quyết định vào một lúc xấu trời, được kéo dài một cách khó hiểu, và mỗi giai đoạn được đánh dấu bằng hai nỗi cực hình: chứng tháo dạ và sữa tươi. Nhưng nó cũng có những khía cạnh tốt: một cuộc cắm trại ly kỳ trên khắp một nửa nước Pháp; những chuyến đi dạo trên xe bò; những chiếc phi cơ đẹp, lấp lánh bạc, đầy dọa nạt với những tiếng gầm gừ nho nhỏ, nghe chói tai của một loài chó đang tới gần - nó cắn hay không cắn đây? - Đoàn phi cơ bất chợt như dừng lại bất động, rồi bay vụt ra xa, êm đềm và lấp lánh, mất hút ở chân trời nơi chúng tan biến, lẫn lộn vào cơn run rẩy của ánh sáng. Sự khích động của những tin tức chẳng lành. “Bọn Anh đã xuống tàu rồi”, “Bọn họ đã vượt tỉnh Somme, bọn họ đã vượt sông Seine”, những tin tức mà anh không hiểu có ý nghĩa gì, anh dửng dưng và thong thả dò xét, trên những khuôn mặt người lớn, những phản ánh của một biến cố còn hứa hẹn nhiều sự ngạc nhiên. Nhưng càng đi sâu về phía nam, anh càng thấy rõ hơn là anh sẽ không gặp lại cha anh nữa.
Hình ảnh của những ngày đẫm máu, buồn nôn và đầy hoạt kê đó chỉ làm cho anh xúc động sau này khi chúng đã định rõ trong trí nhớ của anh. Niềm hối tiếc khổ sở nhất của con người là niềm hối tiếc về những lỗi
lầm vô thức, những lỗi lầm mà chúng ta mắc phải vì bất cẩn, không màng tới việc biện minh cho chúng vào cái ngày mà kỷ niệm về chúng trở về đòi ta trang trải - niềm hối tiếc đã bị lừa phỉnh, về những cuộc lẩn trốn, ẩn nấp, bố thí, cảm ơn, anh chỉ cảm nghiệm được sức nặng khốn khổ của chúng rất trễ sau này, đó là cái vết chàm mà trọn kiếp anh không tẩy sạch nổi. Năm lên mười, anh đã trông thấy đàn ông, đàn bà cùng trẻ nhỏ của cả một dân tộc tìm lại được tình nghĩa đồng bào thắm thiết, niềm vui thích được giúp đỡ lẫn nhau, được tin cậy lẫn nhau và được thương yêu nhau chỉ vì họ đã từng chung chịu cảnh trốn tránh, run sợ và nhục nhằn với nhau, bởi vì trong một góc rừng nọ, khi đoàn người phải dừng lại vì một cuộc hỏng xe, họ có dịp cùng chung thỏa mãn những nhu cầu tự nhiên của họ. Và vào hôm sau, anh đã trông thấy những người đàn ông đang tần ngần thúc thủ trong một thôn làng nào đó, trông giống như đàn kiến đang bò trên một cọng rơm, tình cờ bị một hòn đá chặn đầu trong khoảnh khắc cho tới khi một dòng nước cuốn chúng đi mất, những người đàn bà nọ vừa mệt nhoài vì cuộc tháo lui vừa bị khích động bởi ám ảnh của một giống đực hung bạo (những tên Hung nô đó, những tên man rợ đó đã từng bức hiếp trẻ con, chặt những ngón tay của phụ nữ để cướp những chiếc nhẫn của họ, giúp cho những bà mẹ sinh đẻ bằng những gót giày ống của chúng và ngay đó họ sẽ thấy chúng “mã thượng”, “đàng hoàng” làm sao) cũng những người đàn ông đó, cũng những người đàn bà đó tràn xuống những con đường chói chang ánh mặt trời và ôm chầm lấy nhau vừa khóc òa trong nhẹ nhõm, mặt mày họ méo xệch đi vì nỗi mệt mỏi đầy thống khoái, tách biệt khỏi tất cả mọi sự, đang trôi chảy chầm chậm trong thân thể vừa được trả tự do, và rồi trong tận cùng của những khoái cảm đó, anh chỉ trông thấy sự nhục nhằn thảm bại. Họ nức nở, họ hôn hít nhau, người ta đã thất trận, chiến tranh đã kết liễu. Anh không gặp lại cha anh nữa.
Chính vào lúc đó, bọn Đức đã tới, với những người đi xe máy dầu ở phía trước đang chạy chầm chậm, hai cánh tay dang ra, nửa thân trên dựng thẳng. Lúc đó, vào giờ ăn trưa, từ những ngôi nhà, người ta ùa ra để nhìn họ. Họ hát vang một điệu khàn với những ngắt khoảng thật lâu và người ta chỉ còn nghe những nhịp chân rầm rập của họ, khúc hát không gợi lên một hơi men chiến thắng nào mà chỉ khơi dậy một ý chí tiến tới, tiếp tục tiến tới, luôn luôn đẩy xa hơn nữa, nghiền nát mọi chướng ngại vật, hướng về một vùng đất xa lạ và hứa hẹn - cùng thứ ý chí diễn tả bằng nhịp bước rầm
rập của họ (như thể họ đang giẫm nát một cái gì trên mỗi bước chân đó), cái nhìn họ ném thẳng về phía chân trời, vầng trán họ không còn vương chút mộng mơ. Họ đi qua, họ đi qua, không ngừng nghỉ, dưới lớp đồng phục xanh và đen, họ chìm khuất trong lớp bụi mù, không một ai trong bọn họ đưa mắt nhìn vào đám đông đang đứng rạp bên những bức tường như một hàng rào danh dự. “Mẹ, con muốn làm dân Đức” “Có câm họng đi không, chỉ nói nhảm” “Con muốn làm dân Đức quá, mẹ ạ!” Và bất chợt anh tưởng trông thấy cha anh, trong bộ đồng phục Đức, đang đi trong hàng binh. Anh nghe có tiếng nói: “Không phải tôi thích họ, nói có trời, nhưng dù sao họ cũng có một dáng vẻ tự phụ”… Tên lính đi qua trước mặt anh, mắt nhìn thẳng. Hắn có một vết thẹo trắng trên gò má. Trong giây phút, Olivier đã suýt chạy theo hắn. Anh nhìn hắn biến mất lần đầu tiên kể từ buổi đầu của cuộc tản cư, anh đã khóc. Anh khóc, hai hàm răng nghiến chặt, và anh vừa khóc vừa chạy tới đầu đường, ở cuối làng, để nhìn theo lớp bụi mù tung lên phía sau họ, và bước theo họ trên con đường giữa những cánh đồng lúa đã thuộc về họ, dưới ánh nắng một giờ trưa.
* * *
- Mới đây, chị Berthe muốn nói gì? Con muốn biết.
- Không có gì đâu con ạ… Mẹ bảo đảm với con đó. Không có gì cả. - Con muốn biết, anh lặp lại giọng nhỏ nhẹ.
- Nhưng mà có gì đâu… chỉ là một ước đoán… phi lý!
- Con muốn biết.
- Berthe giả bộ tin rằng cha con đã tự tử; người ta tìm thấy ông bị giết bởi một viên đạn nơi màng tang, ở phía sau.
- Ở phía sau hả mẹ? Tại sao lại ở phía sau?
- Berthe cho rằng ông đã đào ngũ.
- Đào ngũ là sao, hở mẹ? Olivier nói, và anh bật cười.
- Thì đào ngũ… Phản bội, nếu con thích.
Anh đứng dậy, cười lớn hơn chút nữa và lặp lại: “Nhưng mà phản bội ai? Cái gì? Nước Pháp à?…” Rồi bỗng nhiên anh trở nên trầm trọng, anh bước lại gần và cúi xuống bên mẹ.
- Tại sao con cười, hả ông con trai cưng của mẹ? Con làm mẹ khổ khi con cười như vậy.
- Này mẹ: người ta chỉ gặp cái gì người ta muốn gặp, anh cúi xuống bên bà, nói nhỏ từng tiếng, như người ta dạy một bài học cho một đứa trẻ. Chính vì vậy mà con cười. Con cười vì cái khoảnh khắc nó khiến cho con cười, con cười vì con muốn cười, mẹ hiểu chứ?
- Mẹ chẳng hiểu chút nào cả, Olivier ạ… bà vừa thì thầm vừa khép hai mí mắt lại. Mẹ tường rằng con thích làm khổ cả mẹ lẫn con thì đúng hơn. - Vậy thì đúng rồi đó. Mẹ không cần gì nữa chứ? Thôi mẹ ngủ đi, con tắt đèn đây.