🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ba Ngày Ở Nước Tí Hon - Vladimir Levshin full prc, pdf, epub, azw3 [Thiếu Nhi] Ebooks Nhóm Zalo BA NGÀYỞ NƯỚC TÍ HON Tác giả: Vladimir Levshin Dịch giả: Phan Tất Đắc NXB Văn hóa Thông tin 2001 Scan: TĐH (my.opera.com/tdh2011), Phạm Mạnh Hà(www.sachxua.net) Đánh máy: cuongnq (my.opera.com/cuongnq), 4DHN (e thuvien.com) Làm lại bìa: rockyou (tve-4u.org) Soát lỗi và làm eBook: 4DHN (e thuvien.com) Toán học dành cho trẻ em, Văn học thiếu nhi, Moscow, 1967 MỤC LỤC NGÀY THỨ NHẤT LÊN ĐƯỜNG! A-RA-BEN-LA QUỐC GIA CỔ XƯA NHẤT VƯỜN TÁO NHỮNG DẤU HIỆU BÍ ẨN QUẢNG TRƯỜNG CHÚC PHÚC VŨ KHÚC TRÊN SÂN BĂNG GẶP GỠ LẦN ĐẦU NHỮNG DẤU HIỆU MÀU NHIỆM CHUYỆN ĐAU BUỒN BẤT NGỜ NGÀY THỨ HAI NGUYÊN TỐ… ... VÀ HOÀN TOÀN CẢNH ĐIÊU TÀN CỦA LA MÃ NHỮNG DI VẬT LÝ THÚ KHAI QUẬT ĐƯỢC VIỆN BẢO TÀNG PÚT-SKIN NHỮNG NGƯỜI YÊU TRANH LUẬN TIẾT MỤC NGUY HIỂM CHẾT NGƯỜI TÌM THẤY NÓ RỒI NGÀY THỨ BA BAO DIÊM BỌN SỐ KHÔNG LẠI PHÁ QUẤY PHỐ GƯƠNG CÁI MÁY NGHIỀN ĐẶT NGẦM DƯỚI ĐẤT Q. S. T. K. CẢ VŨ TRỤ TRONG MỘT CĂN PHÒNG CON ĐƯỜNG LÝ TRÍ SÁNG SUỐT Chú thích NGÀY THỨ NHẤT LÊN ĐƯỜNG! - C ác em đã có ai đến nước Tí Hon chưa nhỉ? - Tôi hỏi bọn trẻ. Các em ngơ ngác nhìn nhau. - Nước Tí Hon là nước nào? - Nước Tí Hon ở đâu? - Người dân nước Tí Hon thế nào...? Tôi giơ tay lên. Các em thôi không xôn xao nữa. - Vậy là chưa có em nào đến nước Tí Hon chứ gì. Thật đáng tiếc. Nước Tí Hon có nhiều cái lý thú lắm. Anh đã từng đi chu du khắp đất nước này, đã kết bạn với hết thảy mọi người dân ở đó và vẫn thường trao đổi thư từ với họ. Bọn trẻ giỏng tai nghe, vẻ ngạc nhiên lắm. Tôi bèn hỏi: - Các em có muốn đi cùng với anh đến thăm nước Tí Hon không nào? - Hẳn rồi, chúng em muốn quá đi chứ! - Anh dẫn chúng em đến nước Tí Hon nhé! - Được, anh sẽ dẫn các em đi. - Tôi đáp. - Đi ngay bây giờ chứ anh? - Cũng được. Nhưng các em phải biết, chuyến đi không nhẹ nhàng thoải mái đâu nhé. Xê-va liền tuyên bố: - Càng tốt. Chỉ nháy mắt là em chuẩn bị xong ba lô thôi: bàn chải đánh răng là một này, khăn mặt là hai này, ca là ba này... Đủ hết mọi thứ như đi du lịch, phải không anh? - Không phải thế đâu! - Tôi trả lời. - Chẳng cần xà phòng, cũng chẳng cần bàn chải. Nước Tí Hon là một nước hoàn toàn đặc biệt, ở đó không có nước. - Thế thì tắm giặt bằng gì? - Ta nhi-a khoát tay. - Dễ cứ để bẩn như ma lem mà đi du lịch chắc? - Không, đâu có thể, - tôi phản đối, - người dân nước Tí Hon cũng có tắm chứ… họ tắm rửa bằng cái tẩy, cái tẩy bình thường của học sinh ấy mà. Bọn trẻ cười rộ. - Ngộ thật! Phải đi thử một chuyến xem sao! - Xê-va phát biểu. - Thế những người kỳ dị ấy tên là gì? - Vì họ ở nước Tí Hon cho nên người ta gọi họ tất nhiên là người tí hon rồi. - Tôi trả lời. - Thôi được, cứ cho là người tí hon tắm rửa bằng cái tẩy đi. Nhưng nếu ở đấy không có nước thì họ uống bằng gì nhỉ? - Ta-nhi-a thắc mắc. - Chắc là họ uống cà phê hay ca cao chăng. - Xê-va đoán. - Thế mà cũng đòi nói! Ca cao! - Ta-nhi-a phản đối - Không có nước thì đun thế nào được cao cao. - Mình biết rồi! Họ uống nước cà rốt đấy! - Xê-va mừng rỡ phát biểu. - Mình không thích nước cà rốt - Ta-nhi-a nhăn nhó - Nước nho ngon hơn. Người tí hon uống nước nho cơ. - Không phải đâu các em ạ, - tôi tham gia ý kiến, - các em chẳng đoán nổi người tí hon uống gì thay nước đâu. - Uống mực! - Xê-va láu táu nêu ý kiến nhưng chính em cũng đâm hoảng vì ý kiến hóm hỉnh của mình. Mọi người lại cười rộ. - Thế mà em đoán trúng đấy! - tôi nói - Người tí hon uống mực thật mà! Xê-va lấy làm khoái chí về thành tích của mình. Cậu ta hỏi với một vẻ quan trọng: - Mực xanh hay mực đỏ cơ ạ? - Mực xanh cũng có, mực đỏ cũng có, cả mực tím, mực xanh lá cây nữa. Và nếu không có mực thì người tí hon uống phẩm. Ta-nhi-a tỏ vẻ không tin: - Sao lại thế được nhỉ? Không có nước thì làm sao hòa được mực cơ chứ. - Họ nhập mực pha sẵn từ nước khác. - Tôi đáp. - Nhập từ nước Mực. - Xê-va đắc chí nói thêm. - Xin cậu để “cái thộn” của cậu lại cho mình nhờ, - Ta-nhi-a ngắt lời Xê-va, - ở nước Tí Hon người ta ghét cái ấy lắm đấy. Thế là chúng tôi chuẩn bị lên đường. Cùng đi với tôi có ba em: Ta-nhi a, Xê-va và Ô-lếch. Ô-lếch suốt ngày chẳng hé răng nửa lời, điều này chắc các bạn cũng đã thấy. Cậu ta ít nói lắm, nhưng đã nói điều gì thì bao giờ cũng đúng chỗ và chí lý. Người ta đã tặng cho cậu cái tên “Ô-lếch tiên tri”. Còn Xê-va thì không bao giờ chịu ngơi miệng, ngay cả khi chỉ có một mình. Ra phố, cậu hết đọc oang oang các tấm biển lại dừng lại “hỏi han” những con chó gặp ngang đường, có khi cậu ta lại tự nói với mình về những điều được nghe Ta nhi-a nói. Chẳng là cô nữ sinh Ta nhi-a vốn giỏi nhất lớp cho nên cô bé cũng có hơi lên mặt tí chút. A-RA-BEN-LA C húng tôi vào tới thành phố lúc nào không biết. Đó là một thành phố đẹp lạ thường. Trung tâm thành phố là một quảng trường lớn hình tròn, từ quảng trường này xòe ra chín phố. Tên phố được đặt là “Phố 1”, “Phố 2”, và cứ thế cho đến “Phố 9”, còn chính quảng trường thì tên là “Quảng trường Số”. Các đường phố có vô số đường ngõ cắt ngang, khiến ta có thể đi tắt từ phố này sang phố kia mà không cần phải vòng qua Quảng trường Số. Các ngõ cũng có tên riêng: “Ngõ phân số”, “Ngõ số thập phân”, “Ngõ phân số thường”… Lại còn có cả những “Ngõ phân số thập phân tuần hoàn” dài tít mù tắp, chạy ra khỏi thành phố. Một số đường đi vào ngõ cụt, cạnh đó lại có những đại lộ rộng thênh thang. Ở chính giữa Quảng trường Số đứng sừng sững một tòa nhà kính nguy nga, trên đỉnh tháp cao lấp lánh một dòng chữ rực rỡ như ánh sáng cầu vồng: THỦ ĐÔ NƯỚC TÍ HON: A RA-BEN-LA Chúng tôi lặng lẽ bước vào Phố 8, ở đây san sát một kiểu nhà tám tầng giống hệt nhau. Nhà nào cũng có tám cửa ra vào, mỗi tầng có tám cửa sổ. Và bạn hãy thử tưởng tượng xem, tất cả các nhà trong phố này đều đồng loạt mang số 8 cả mới kỳ chứ! Ta-nhi-a là người đầu tiên phá tan sự yên lặng: - Nhà nào cũng tuyền một số thì người đưa thư xoay xở ra sao nhỉ? Được dịp mở miệng, Xê-va khoái quá toan phát biểu thì bỗng có tiếng hát vọng ra từ khung cửa một căn nhà nào đó. Có lẽ đó là tiếng hát ru con của một bà mẹ: Ngủ đi con, ngủ đi con Bé Số Không của mẹ Sắp sang một ngày mới rồi Bảy giờ bảy phút Có là bao Mười bốn chú mèo con đang ngủ Bốn chục gã chuột nhắt cũng đang ngủ Ngay cả bác voi nặng trăm yến Cũng đang ngủ giấc nồng thứ một trăm linh chín. Ngủ đi con, ngủ đi con Bé Số Không của mẹ Sắp sang một ngày mới rồi Bảy giờ sáu phút Có là bao. Muốn mỗi năm một khôn lớn Đừng bao giờ con leo lên phía trước Cứ khiêm tốn nhũn nhặn Con sẽ lớn gấp mười Ngủ đi con, ngủ đi con Bé Số Không của mẹ Sắp sang một ngày mới rồi Bảy giờ năm phút Có là bao. Tiếng hát im bặt. Nghe thấy một tiếng vỗ nhẹ, rồi tiếng bà mẹ nói: - Ngủ đi, hư lắm! Chỉ còn bảy giờ bốn phút rưỡi nữa là sang một ngày mới. Con không ngủ đi thì con sẽ là số không suốt đời đấy. Chúng tôi rón rén đi tiếp và rẽ vào một ngõ cụt, tận cùng là một cái kho lớn. Xê-va liền đọc ngay tấm biển: KHO NGƯỜI TÍ HON, HÃY XẾP MỌI THỨ VÀO ĐÂY! Tuy ở A-ra-ben-la đang là đêm nhưng từ trong kho vẫn vọng ra tiếng ồn ào, rậm rịch. Có tiếng la hét, cãi cọ và tiếng vận chuyển những vật gì cồng kềnh lắm. Chúng tôi lại gần và lắng tai nghe. - Sao cháu lại xếp cam vào đây, cô bé kia?! - Một giọng nói ồm ồm tỏ ra bực dọc - Cháu không thấy ở đây xếp bóng điện ư? Bóng điện phải xếp với bóng điện, cam phải xếp với cam chứ. Nếu không cộng lại sẽ được “đầu bóng điện, đuôi cam” à! Cô giáo dạy cháu thế nào? Biết ngay cháu là Số Hai quèn mà! Phải, phải, Số Hai không hơn được! Chưa chừng ngày mai cháu lại xếp nhái với cò cũng nên, và thế là đi đời nhà nhái - cò nó sẽ lẩm hết nhái còn gì! - Thế tại sao chính bác lại cộng bánh mì với giăm-bông nào? - Một giọng thanh thanh phản đối lại. - Cháu mới ngốc làm sao chứ! - Giọng ồm ồm tức giận - Bác có cộng hai thứ này đâu. Bác làm món bánh mì kẹp giăm-bông đấy chứ. Đó là chuyện khác! Bánh mì kẹp giăm bông thì thật là ngon! À, mà cháu lại dám dạy bác hả? Chờ bao giờ bằng tuổi bác hãy dạy người khác. Còn bác thì tự bác cũng hiểu được phải làm thế nào, phải ăn giăm- bông với cái gì chứ. - Hì hì hì! - Cô bé cười rộ - Chẳng qua bác là kẻ phàm ăn. - Còn cháu thì dốt đặc cán mai! - Giọng ồm ồm phẫn nộ - Cút đi, không mai bác mách cô giáo hết mọi chuyện cho mà xem. Không nán chờ gặp hai người tranh cãi trong kho, chúng tôi rảo cẳng ra khỏi ngõ cụt. Xê-va nói: - Này, bây giờ có lẽ mình đã hiểu nước Tí Hon là thế nào rồi. Là nước Số Học đấy! - Úi chà! Cậu mới chỉ đoán mò thế thôi chứ gì? - Ta-nhi-a nói khích - Hôm qua chính cậu chả cộng quýt với công tắc điện là gì. Xê-va len lén liếc nhìn tôi nhưng tôi giả tảng như không nghe thấy gì cả. Chúng tôi trở lại Quảng trường Số. Trời đã rạng. Cửa sổ các nhà đã mở dần, ngoài phố bắt đầu lẻ tẻ có người qua lại. Một ngày mới bắt đầu ở A-ra ben-la. Dân trong thành phố chưa ai nhìn thấy chúng tôi. Chúng tôi nấp trong một khu vườn nhỏ. Và tôi bắt đầu kể cho các bạn đường của tôi nghe về nguồn gốc của quốc gia này. QUỐC GIA CỔ XƯA NHẤT C húng ta đã biết nhiều quốc gia cổ: Ấn Độ, Ai Cập, Babilon, Assyria, Hy Lạp… Chúng ta còn biết mỗi quốc gia ấy xuất hiện vào thời nào nữa. Thế nhưng quốc gia Số Học xuất hiện vào lúc nào thì không ai biết cả. Tuy vậy cũng có thể kết luận đó là một quốc gia rất cổ, bở vì ở Babilon cũng như ở Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Nga và ở tất cả các quốc gia cổ khác đều thấy người ta nhắc đến quốc gia Số Học cả. Như vậy là quốc gia Số Học cổ hơn mọi quốc gia. Phải chăng người sáng lập nên quốc gia ấy là một người cổ xưa nhất trên trái đất, không có ai cổ hơn thế nữa? Phải chăng người ấy đã ban hành sắc luật thành lập quốc gia Số Học? Hay là người ấy đã dùng sức mạnh chiếm đoạt một nước nào đó rồi đặt tên theo ý mình? Không, không phải như vậy. Sắc luật thì dĩ nhiên người thượng cổ ấy không biết cách viết rồi, bởi vì nói chung người ấy làm gì đã biết viết kia chứ, mà quốc gia thì thời đó cũng chưa có. Người thượng cổ ấy có một vợ và hai con. Một hôm người ấy đi săn và săn được một chú lợn rừng thượng cổ. Gã hì hục vác con thú về nhà, và bây giờ gã làm gì đây với chiến lợi phẩm vừa đem về? Dĩ nhiên là gã chia con thú làm bốn phần: Phần vợ, phần con trai, phần con gái và phần mình. Thế là một phép tính số học là phép chia ra đời. Con người cổ đại đã đặt viên đá đầu tiên cho quốc gia Số Học như thế đấy. Rồi sau đó thì sao? Trẻ con đứa nào chả thích ăn. Cần phải dự trữ thức ăn cho chúng. Người thượng cổ bắt đầu năng đi săn thú hơn trước và đem tích góp những con mồi săn được vào trong hang. Các em hiểu gã làm gì chứ? Gã cộng đấy. Mùa thu đến phải hái thật nhiều hồ đào và dâu tây - chẳng là trẻ con thích của ngọt mà. Cơ ngơi của người thượng cổ cứ nhân mãi lên. Và khi các con trưởng thành thì chúng xây dựng gia đình với con cái của một người thượng cổ khác. Phải lập cơ ngơi riêng cho chúng. Thế là cha mẹ chẳng tiếc lấy bớt ra từ phần của cải của mình những bộ lông thú đẹp nhất, những quả hồ đào mập nhất và nhường cho con. Ví thử trước đây cả nhà có ba chục quả hồ đào, sau ngày cưới chỉ còn lại mười tám quả. Thế tức là cha mẹ đã nhường cho con mười hai quả. Đó chẳng phải phép trừ, một phép tính thông thường nhất sao? Nhưng người thượng cổ còn chưa biết các phép tính số học là gì. Nói chung họ cũng không biết Số Học là gì nữa kia. Dĩ nhiên đó là chuyện từ ngày xửa ngày xưa. Ta chỉ có thể phỏng đoán mọi việc đã xảy ra như thế nào thôi. Người trên trái đất mỗi ngày một nhiều thêm, cơ ngơi của họ cũng tăng lên. Những việc chia, cộng, trừ, nhân ngày càng trở nên khó khăn phức tạp hơn. Và một số người thượng cổ xấu bụng đã lợi dụng tình hình đó. Một người thượng cổ thuộc loại xấu bụng bảo một người thượng cổ khác: - Này, ông bạn, ông đánh lừa tôi rồi! Ông hứa đưa cho tôi mười cái chân giò. Hôm qua ông đưa bốn cái, hôm nay ông đưa năm cái, thế mà ông lại bảo là xong. Còn một chân giò nữa đâu? Người thượng cổ kia là một người tốt bụng bèn trả lời: - Ông nói sai rồi, ông bạn ạ. Hôm qua tôi đưa ông năm cái chân giò chứ không phải bốn. Ông quên đấy. - Không, chính mày quên! - Gã bất lương phản đối. - Từ nay tao chẳng bạn bè gì với mày nữa. Tao phang cho mày một hèo chết tươi bây giờ. Dĩ nhiên, chuyện xô xát này sẽ chẳng xảy ra nếu người tốt bụng ghi lại số chân giò đã đưa cho người xấu bụng kia. Nhưng ông ta đã không làm thế vì ông ta không biết viết các con số. Thế là những người thượng cổ lương thiện đã nghĩ ra một cách: cứ mỗi lần nhận được hay nhượng lại một cái chân giò thì lại nhặt một viên đá cất vào một chỗ chắc chắn. Bây giờ thì không còn ai dám bảo ông ta đã đưa bốn cái chân giò chứ không phải năm. Và người cổ đại bắt đầu làm như thế. Nhưng rồi cũng lại bị nhầm lẫn. Với chân giò thì làm thế được vì số chân giò không nhiều lắm. Nhưng dùng cách này để đếm quả hồ đào hay quả dâu thì bất tiện lắm. Phải khuân bao nhiêu đá cho đủ? - Ta nghĩ ra rồi! - Một vài người nảy ra sáng kiến. - Ta sẽ không dùng đá nữa. Cứ mỗi cái chân giò hay một quả hồ đào ta sẽ dùng dao vạch vào tường vách một vạch. Đếm vạch là đủ biết có bao nhiêu. - Các ông bảo sao? - Một số người khác phản đối. - Các ông sẽ vạch nát hang mất thôi. Đến thế cũng quá tội. Phải nghĩ cách gì không ngoan hơn và cũng đơn giản hơn kia. Nói “đơn giản hơn” thì dễ, nhưng đó là một bài toán không đơn giản! Đã phải mất bao nhiêu thời gian trôi qua trước khi loài người nghĩ ra cách giải bài toán này, trước khi các chữ số, những “sinh vật” khác thường, mới mẻ ra đời. Các chữ số này chẳng giống những chữ số mà các em biết mấy tí. Chuyện này rồi sau anh sẽ kể cho các em nghe. Còn bây giờ thì… chúng mình đang ở A-ra-ben-la, ta hãy nói chuyện với nhau về những chữ số đang sinh sôi ở thành phố này. Các chữ số ở đây do người Ấn Độ cổ đại phát minh ra cho nên đáng lẽ phải gọi chúng là chữ số Ấn Độ mới đúng. Nhưng thời bấy giờ chưa ai biết đến sáng kiến đó của người Ấn Độ. Về sau Ấn Độ bị người Ả Rập chinh phục. Họ tàn phá các thành phố, cướp đi nhiều báu vật. Chữ số cũng bị đem theo cùng các báu vật. Thành ra chúng ta biết đến phát minh của người Ấn Độ qua người Ả Rập. Và chúng ta đã gọi các chữ số này là chữ số Ả Rập. Thời cổ có chín chữ số cả thảy: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9. Chính chúng đã sáng lập nên quốc gia này. Và thủ đô của quốc gia ấy lấy tên là A ra-ben-la. Bây giờ chắc các em đã rõ, chúng ta đang ở thăm một đất nước như thế nào chứ? Kìa có ai mở cổng vườn. Có lẽ chúng ta phải xin lỗi họ vì đã tự tiện đột nhập vào vườn của họ. VƯỜN TÁO T ôi chưa kịp nói thì một tốp những chú bé tươi vui đã ùa vào vườn. Một chữ số lớn tuổi hơn dẫn chúng đi. Đó là cô bé Số Bốn ăn mặc chỉnh tề, cài nơ trên tóc. Cô bé sửa lại nếp chiếc áo học sinh cho ngay ngắn rồi đến gần chúng tôi và lễ phép chào. - Xin lỗi, chúng tôi chưa xin phép mà đã vào vườn của các bạn. - Không sao các bạn ạ. - Cô bé nói - Thành phố của chúng tôi hân hoan đón chào tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn học sinh. - Sao bạn biết tôi là học sinh? - Xê-va hỏi vặn. Số Bốn mỉm cười ranh mãnh: - Chúng tôi vẫn gặp các bạn luôn đấy. Tôi còn phải xuất hiện trên các trang sổ điểm của các bạn nữa chứ. Thật thà mà nói thì cũng không được dịp ra mắt nhiều như tôi mong muốn đâu. - Thế nhưng cũng có những cuốn sổ điểm bạn không thể nào đến được cơ. - Xê-va nhanh trí đối đáp và hóm hỉnh liếc nhìn Ta-nhi-a. - Đúng thế, nhưng đó lại là chuyện khác. Ở đó thường xuyên có bạn tôi là Số Năm lui tới. Bạn tôi giỏi hơn tôi nhiều và tôi chẳng ghen tức với bạn ấy một tí nào cả. Xê-va đỏ ửng tai toan đáp, nhưng thật may là đúng lúc đó các chú bé đã chạy lại với Số Bốn. - Úi chà, những quả táo trong vườn này sao mà đẹp thế! Có nếm được không hả chị? - Được chứ, - Số Bốn nói - nhưng muốn nếm thì trước hết phải lấy được táo đã. - Chúng em muốn ăn nhưng không hái được quả chị ạ. Cây cao quá. - Thế các em không biết quy tắc của chúng ta hay sao? Nếu ta giải được một bài toán thì táo sẽ tự nhiên rụng xuống. Chúng tôi ngạc nhiên thấy các chú bé không tỏ ra thất vọng chút nào. Các chú vội vàng rút trong túi ra những cái que nhỏ và chuẩn bị ghi đề toán lên cát. Số Bốn tiếp tục nói. - Bài toán thế này nhé: Táo bày trên ba cái đĩa. Đĩa thứ nhất bày một nửa số táo. Nếu lấy từ đĩa thứ nhất ra một số quả bằng một nửa số quả trên đĩa thứ hai rồi lấy tiếp một số quả bằng nửa số quả trên đĩa thứ ba thì đĩa thứ nhất chỉ còn lại hai quả. Hỏi lúc đầu mỗi đĩa có bao nhiêu quả? Các em rõ rồi chứ? Các chú bé vừa cắm cúi vạch que lên cát làm tính, vừa thở phì phò, có chú hăng quá còn thè cả lưỡi ra. Nhưng chẳng mấy chốc các chú đã nản chí trông thấy. Thậm chí nhiều chú bắt đầu khóc. Số Bốn không tỏ vẻ ngạc nhiên về việc đó chút nào cả, cô rút chiếc mùi xoa trắng bong ra chùi mũi cho các chú bé và nói: - Thôi nín đi các em. Bài toán này hơi khó đối với các em đấy. Để các vị khách của chúng ta giải thử. Lúc ấy chúng ta sẽ cùng các bạn ấy nếm thử những quả táo kỳ diệu kia. - Ta-nhi-a, hy vọng đặt tất cả vào cậu đấy. - Xê-va thì thào. Chẳng là lâu nay cậu ta vẫn cứ ngại làm toán với mấy quả táo ranh. Một thoáng bỗng thấy táo rụng đầy vườn. Xê-va khoái chí kêu váng lên: - Hoan hô Ta-nhi-a, giỏi quá! Tớ biết mà, cậu phải giải được chứ. Các chú bé vỗ tay ran ra và xông ra nhặt táo. Nhưng Ta-nhi-a thì lúng ta lúng túng, má cô đỏ ửng lên. - Không phải mình giải được bài toán đâu! - Khó khăn lắm cô mới lắp bắp thú nhận điều đó rồi lấy tay che mặt. - Lạ thật! Thế ai giải được nhỉ? - Các chú bé xôn xao. - Dĩ nhiên không phải là mình. - Xê-va lẩm bẩm. Mọi người bèn nhìn sang Ô lếch. Cậu ta vẫn cứ yên lặng như mọi khi, nhưng mọi người đều nhìn thấy ba con số trên cát ở bên cạnh cậu ta. Đó là đáp số bài toán. - Hoàn toàn đúng. - Số Bốn tuyên bố sau khi xem đáp số, rồi cô lấy chân xóa ngay đi. - Sao chị lại xóa? - Các chú bé kêu toáng lên. - Để cho ai chưa giải được thì bắt buộc phải tự mình giải lấy. Số Bốn trả lời rồi quay lại vồn vã nói với chúng tôi: - Bây giờ tôi phải đến quảng trường Chúc Phúc. Nếu các bạn muốn ngắm cảnh đẹp của thành phố thì tôi sẽ dẫn các bạn đi, không có gì phiền hết. Chúng tôi đồng ý ngay và theo chân người bạn mới. NHỮNG DẤU HIỆU BÍ ẨN hành phố nườm nượp những Tngười. Với tất cả các phố lớn và vô số ngõ ngách, A-ra-ben-la giống như một mê cung khổng lồ, nhưng đã được người ta nắm rất vững Có thể tin chắc là như thế vì chúng tôi thấy dân chúng A-ra-ben la tìm ra rất nhanh và chính xác con đường đi đến đại lộ Dấu phép tính rộng thênh thang. Từ khắp mọi nơi, những người tí hon tươi vui, sôi nổi đều dồn về đây. Trẻ có, già có, người vội vã, kẻ khoan thai, người ba hoa, kẻ ít lời, người cười đùa, kẻ đăm chiêu. Tuy đông đúc thế nhưng không ai đụng ai, không ai giẫm chân ai cả. Nhiều người gật đầu thân thiện chào chúng tôi, có người còn bắt tay chúng tôi nữa. Tóm lại họ đối xử với chúng tôi như những người thân thuộc. Hai bên đại lộ san sát những tòa nhà dài có vô số cửa quay. Các người tí hon chốc chốc lại nhảy tọt qua cửa rồi lại quay ra ngay, tay xách những chiếc va li con, trong va li có cái gì kêu lanh canh nghe rất êm tai. Đâu đâu cũng thấy treo biển đề dòng chữ lớn: KHO CHỨA DẤU CÁC PHÉP TÍNH Phía dưới lại có dòng chữ khác nhỏ hơn một chút: HÃY TIẾT KIỆM CHỮ THẬP - Chữ thập là gì nhỉ? - Xê-va thắc mắc - Tại sao lại phải tiết kiệm chữ thập? Bỗng từ khung cửa quay có một cô nữ sinh nhảy vọt ra, trên đầu cô tết ba cái bím trông thật ngộ nghĩnh. Đó là cô bé Số Ba xinh xẻo. - Bạn Số Ba ơi, va li của bạn đựng gì đấy? - Xê-va hỏi cô bé. - Xin chào bạn! - Số Ba lễ phép đáp. - Chết! Tôi quên béng mất. - Xê va chợt nhớ ra - Xin chào bạn! Bạn có thể cho biết cái gì kêu lanh canh trong va li được không? - Dấu phép tính. - Số Ba chỉ vào tấm biển - Ở đây chẳng đề rành rành là gì. Chẳng lẽ bạn không biết đọc sao? - Biết chứ, nhưng tôi không hiểu các dấu ấy như thế nào và chúng tính ra sao. - Ờ, không phải thế đâu! Các dấu không thể tự mình làm tính được. Chúng chỉ giúp người khác làm các phép khác nhau mà thôi. - Phép tiên ấy à? - Xê-va hỏi. - Cũng không phải thế. - Số Ba bện chặt bím tóc lại - Không phải phép tiên mà là các phép tính số học. - Hiểu rồi: cộng, trừ, nhân, chia chứ gì. - Và nhiều phép tính khác nữa. - Còn phép tính nào khác nữa? - Ta-nhi-a ngạc nhiên hỏi - Ngoài bốn phép tính ấy ra chẳng còn phép tính khác nào nữa. - Bạn nói sao? - Số Ba thốt lên - Ngoài các phép tính số học ra còn có những phép tính khác hẳn, như phép tính đại số chẳng hạn. Ta-nhi-a nhún vai: - Mình không biết các phép tính ấy. Mà cũng chưa bao giờ nghe nói là khác. - Thật à? - Số Ba sửng sốt khoát tay. Bỗng nghe đánh choang một tiếng. Chiếc va li nhỏ rơi xuống đất, mọi thứ tung tóe cả ra ngoài. Chúng tôi vội vàng nhặt lên cho cô bé. Thôi thì đủ thứ bà dằn! Nào dấu chấm, dấu phẩy, nào gạch ngang, gạch ngang dài, nào dấu chữ thập, ngoặc tròn, móc vuông, móc nhọn và còn vô số những dấu chẳng ai hiểu là gì nữa. - Ôi mình hậu đậu quá! - Số Ba ân hận. - Phải có ý hơn mới được. Các dấu này quan trọng lắm đấy. Ví dụ như cái gạch ngắn này. Nếu quên không dặt nó giữa hai số thì ai mà đoán được phải lấy số thứ nhất trừ đi số thứ hai. - Đấy là dấu trừ. - Xê-va láu táu nói. - Dĩ nhiên! - Số Ba vui vẻ nói. - Nhưng nếu tôi đặt hai gạch ngang này cái nọ trên cái kia, thì không phải là hai dấu trừ nữa, mà là… - …dấu bằng. - Xê-va không kìm được miệng. - Bạn biết hết cả rồi còn gì nữa! Có lẽ tôi chẳng cần phải giải thích gì thêm nữa. Chẳng hạn như cái dấu chữ thập này… - Là dấu cộng. - Xê-va tiếp lời. - Nhưng tại sao ở đây lại treo biển “Hãy tiết kiệm chữ thập”? Chẳng lẽ ta nên cộng in ít thôi hay sao? - Ồ, bạn nói gì lạ vậy? - Số Ba cười vang - Tha hồ cộng chứ, muốn cộng bao nhiêu cũng được. Nhưng có cái phiền là chữ thập vừa dùng làm dấu cộng vừa dùng làm dấu nhân. Muốn nhân thì chỉ cần đặt chữ thập đứng dạng chân như thế này: X. Cho nên chúng tôi không đủ dấu thập, và chúng tôi phải thay bằng dấu chấm. - Nhưng dùng dấu chấm thì dễ lẫn với dấu chấm câu lắm! - Không đâu, không đâu! - Số Ba xua tay. - Rất đơn giản thôi: dấu chấm này đặt cao hơn dấu chấm câu một chút. - Thế còn cái này là cái gì? - Xê va lấy trong va li ra một cái hình con con trông rất ngộ và hỏi Số Ba. - Cái vợt bắt bướm à? - Bạn này buồn cười tệ! - Số Ba phì cười. - Đấy cũng là một cái dấu. Nó dùng để khai căn các số. Tên nó là dấu căn. - Chẳng lẽ các số cũng có căn cứ y như quân lính hay sao? - Xê-va cười hỏi. - Khiếp quá! - Số Ba kêu lên. - Cái gì bạn cũng cứ hiểu như theo nghĩa đen thôi. - Thế nhưng căn là cái gì cơ chứ? - Cho phép tôi được trả lời bằng một câu hỏi: ba lần ba là mấy? - Tất nhiên là chín. - Giỏi đấy! Nhưng chắc bạn không biết mình đã làm một phép tính rất quan trọng và hay ho: bạn đã nâng số ba lên lũy thừa! - Đâu có! - Xê-va phản đối. - Tôi chỉ nhân số ba với chính nó thôi chứ. - Đúng thế. Nhưng đấy cũng là phép tính nâng lên lũy thừa và là lũy thừa bậc hai. - Có lẽ còn lũy thừa bậc ba nữa hay sao? - Ta-nhi-a hỏi. - Dĩ nhiên rồi. Muốn thế phải nhân chín với ba một lần nữa. - Nghĩa là ba nhân với ba rồi lại nhân với ba, và đấy là lũy thừa bậc ba của ba phải không? - Ta-nhi-a nói. - Rất đúng. Cho nên lũy thừa bậc ba của ba bằng… - … hăm bảy. - Ta-nhi-a tiếp luôn. - Thành ra có thể cứ làm như thế mãi không cùng! - Xê-va nhận xét. - Bạn nhận xét đúng quá! - Số Ba phục lắm. - Đúng là không bao giờ hết. Và ta sẽ được các lũy thừa bậc bốn, bậc năm, bậc sáu… - Hay nhỉ! - Những chúng ta hãy quay trở lại câu hỏi lúc đầu. - Số Ba tiếp tục. - Lúc nãy bạn hỏi tôi căn là gì? Ta hãy bắt đầu từ ba lần ba là chín. Bây giờ tôi hỏi bạn ngược lại: phải nâng số nào lên lũy thừa bậc hai để được chín? - Phải nâng số ba. - Xê-va trả lời ngay. - Bạn thấy đấy, ta đã tìm ra con số nâng lên lũy thừa bậc hai thì thành chín. Đó là số ba. - Phép tính này gọi là phép khai căn phải không? - Ta-nhi-a hỏi. - Đúng thế! - Số Ba vui vẻ nói. - Và người ta ký hiệu nó bằng dấu căn. - Thế mà cậu tưởng đấy là cái vợt bướm. - Ta-nhi-a châm chọc. Xê-va giơ cao tay, trịnh trọng tuyên bố: - Xin thề là từ nay tôi sẽ luôn luôn nhớ căn của chín là bao nhiêu. - Ấy, đừng tưởng là căn của chín lúc nào cũng bằng ba! - Số Ba góp ý. - Còn tùy thuộc vào vấn đề căn bậc mấy nữa cơ. - Sao, - Xê-va ngơ ngác. - chẳng lẽ các căn lại khác nhau sao? - Khác nhau hoàn toàn! Có căn bậc hai, căn bậc ba, căn bậc bốn. Vấn đề này lúc khác các bạn sẽ tìm hiểu. Còn bây giờ tôi xin lỗi, tôi phải đến quảng trường Chúc Phúc kẻo muộn. Cô bé Số Ba xách va li, ba chân bốn cẳng chạy đi. Lúc này chúng tôi ngoảnh lại mới biết cô bé Số Bốn có chiếc nơ cài trên tóc đã biến mất từ lúc nào. Chúng tôi bàn nhau và quyết định dạo chơi một mình vậy. Như thế cũng không có gì khó khăn cả vì tất cả mọi người dân thành phố lúc này đều đi cùng một chiều. QUẢNG TRƯỜNG CHÚC PHÚC Đ ó là một khoảng đất rộng, đông nghịt người. Cũng như trên đại lộ Dấu phép tính, ở đây trật tự hết chỗ nói. Trên quảng trường, ngay cạnh cổng vào sừng sững một công trình kiến trúc kỳ lạ. Mấy người bạn đường của tôi mê quá cứ ngắm mãi, rồi trèo lên các bậc nhòm vào bên trong qua các ô cửa tròn đủ màu. - Bệ phóng tên lửa hay sao ý nhỉ? - Không, con tàu vũ trụ đấy. - Theo mình, có lẽ là nhà máy điện nguyên tử. Tôi cứ lặng thinh để mặc các em tự phân tích với nhau. Bỗng thấy cô Số Tám béo phục phịch từ đâu đi tới, tay dắt một bé Số Không. - Chào các bạn! - Cô đon đả chào chúng tôi. - Chào các bạn! - Bé Số Không bắt chước mẹ nói theo rồi ngáp một cái đến là điệu. Cô Số Tám lắc đầu: - Không biết làm thế nào bây giờ đây! Mãi gần sáng mới chịu ngủ cho, để bây giờ ngáp. Ta-nhi-a bèn hỏi: - Đêm hôm qua chính cô ru “Ngủ đi con, ngủ đi con, bé Số Không của mẹ” phải không ạ? - Còn ai vào đấy nữa? Chỉ có cô mới biết ru bài ấy thôi, vì chính cô đặt ra mà. Thế ra đêm qua các cháu đi qua nhà cô đấy nhỉ? - Cô Số Tám hỏi lại. - Đúng rồi, đúng rồi, đêm qua các anh chị ấy đi qua nhà mình đấy. - Bé Số Không mừng rỡ - Đúng cái chị kia, - chú bé chỉ vào Ta-nhi-a, - chị ấy hỏi nhà nào cũng tuyền một số thì người đưa thư xoay xở ra sao. - Ai nhận thư mà chẳng thế, - cô Số Tám không đồng tình với cách đặt vấn đề như vậy. - thư gửi cho bất kỳ ai trong chúng tôi thì cũng đều có quan hệ với tất cả mọi người. - Đến cả con nữa! Đến cả con nữa! - Số Không reo lên. - Thằng bé khôn thật! - Cô Số Tám âu yếm nói. Xê-va hỏi: - Thưa cô Số Tám kính mến, cô làm ơn cho cháu hỏi một câu nhé: tại sao con trai cô lại là Số Không? Cháu cứ tưởng con cô cũng phải là Số Tám chứ. - Dĩ nhiên rồi, con cô cũng như con của tất cả các cô Số Tám khác. Còn con của các cô Số Năm đều là Số Năm, con các cô Số Hai đều là Số Hai… Nhưng cô nào cũng có con là Số Không nữa. Số Không là con nuôi. Nhưng các cô đều yêu chúng như con đẻ, có lẽ còn yêu hơn nữa. Vì chúng bé bỏng và yếu đuối lắm. Nếu không có các cô thì chúng chẳng làm nên trò trống gì hết. - Thế chúng ở đâu ra ạ? - Xê-va ngạc nhiên hỏi. - À, chuyện này dài lắm! Chắc các cháu đã biết, ở quê hương Ấn Độ của các cô cả thảy chỉ có chín chữ số thôi. Đó là chín người già cả nhất, các cụ đã lập nên quốc gia Số học. Hiện nay các cụ đang họp Hội đồng Bô lão và đang nắm quyền điều khiển ở đây. Chẳng bao lâu người ta nhận thấy không có số không thì bất tiện lắm. Các cháu thử nghĩ xem: cần viết số 205 mà chỉ có chín chữ số, không có số không. Các cháu làm thế nào? Các cháu viết số hai ở hàng trăm, viết số năm ở hàng đơn vị. Còn ở hàng chục thì viết gì đây? Vì trong số này chẳng có chục nào cả! Không thể viết số 205 là 2KHÔNG5 được! Viết như thế trông đến khiếp! Và người ta quyết định dùng “số không” thay cho tiếng “không”. Thế là ở nước các cô đã xuất hiện những chú bé kháu khỉnh, đáng yêu này và cô có thằng con trai tròn như hạt mít này… Nhưng thôi, ta đi nào, bé ngoan của mẹ, kẻo lại nhỡ chuyến tên lửa. Con chào tạm biệt các anh chị đi. - Xin tạm biệt! - Chú bé Số Không thỏ thẻ nói rồi rảo cẳng bước theo bà mẹ phục phịch. Vừa lúc đó chúng tôi nghe giọng ai quen quen: - Các bạn ấy đây rồi! Tôi đã tưởng không bao giờ còn gặp lại các bạn nữa - Cô bé Số Bốn cài nơ đã đứng trước mặt chúng tôi. - Xin lỗi nhé, vì tôi còn phải dắt bọn trẻ lên chuyến xe tốc hành. Chẳng là hôm nay lần đầu tiên chúng được đi máy bay mà. - Lạ nhỉ, - Xê-va nói - thế các bạn đáp máy bay đi đâu? - Sao, còn đi đâu nữa, - Số Bốn ngạc nhiên. - Đi đến chỗ các bạn, đến với con người đấy thôi! Đến các nhà máy, công xưởng, nông trường. Đến với các chú công nhân, đến với các cô cán bộ máy tính, các nhà khoa học. Và dĩ nhiên cũng đến với cả các bạn học sinh nữa. Nơi nào cũng đều chờ đón chúng tôi: ở các thôn trang miền Trung Á, ở các trạm Bắc cực, trên các con tàu chạy đường dài, trong các tên lửa vũ trụ. Cứ mỗi năm lại càng cần đến chúng tôi nhiều hơn. Chúng tôi tỏa đi khắp mọi nơi. Nói đúng ra là đi khắp năm châu: chúng tôi được mời đến châu Á, đến châu Phi… Cô bé Số Bốn chưa kịp nói hết thì đã nghe hàng chục cái loa phóng thanh nói oang oang: - Đồng bào Tí Hon chú ý! Chỉ còn một phút nữa thôi các bạn sẽ viễn du tới xứ sở con người. Đồng bào hãy lắng nghe lời chúc mừng của Hội đồng Bô lão. Vị thủ lĩnh của chúng ta có mấy lời nói với đồng bào. - Thưa các bạn thân mến, những nhà du hành dũng cảm, những người lao động không hề mệt mỏi. Hội đồng Bô lão chúc các bạn lên đường bình an và trở về mạnh giỏi. Chúng tôi tin tưởng rằng các bạn sẽ không làm mất danh dự đất nước vinh quang của chúng ta, các bạn sẽ lao động trung thực vì lợi ích của loài người. Trong tay người tốt các bạn sẽ đem lại hạnh phúc, trong tay kẻ xấu các bạn sẽ đem lại sự hủy diệt. Hãy phục vụ những người nhân hậu, hãy đề phòng những kẻ độc ác. Chúc các bạn lên đường may mắn! Âm nhạc nổi lên, và những cái máy bay khổng lồ sáng lấp lánh theo nhau vút lên không trung. Nhiều máy bay lắm, mỗi cái chở hàng triệu người. Cảnh tượng thật là kỳ vĩ! Chúng tôi ngây ngất, say sưa, cứ ngẩng đầu lên mãi nhìn bầu trời lúc này chỉ có những đám mây trắng trôi bồng bềnh. Một lúc Xê-va mới lên tiếng: - Lạ thật. Cơ man là người đã bay đi rồi mà trên quảng trường vẫn đông như trước. Có lẽ mình tưởng thế chăng? - Ồ, không đâu, bạn nhận xét tinh đấy! - Số Bốn nói. - Quả thực số người trên quảng trường không giảm đi chút nào cả. - Sao thế? - Xê-va thắc mắc. - Một hộp kẹo dù to đến đâu mà chốc chốc lại nhón một cái thì rồi cũng phải hết chứ. Số Bốn mỉm cười: - Kẹo thì dĩ nhiên là phải hết, nhưng người Tí Hon thì không bao giờ hết cả. - Chỉ bốc thôi! - Xê-va cắt lời. - Sao bạn phát biểu hồ đồ thế! - Số Bốn nghiêm khắc nói. - Trong những trường hợp thế này đáng ra tôi chẳng thèm tranh cãi nữa đâu. Nhưng riêng lần này thì cũng nhân nhượng bạn. Tôi lấy làm tiếc là tại sao bạn lại không biết vô tận là gì. - Sao tôi không biết? - Xê-va chạm tự ái. - Vô tận là rất nhiều,