🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa kể con chó) - Jerome K. Jerome full prc, pdf, epub [Hài hước]
Ebooks
Nhóm Zalo
Tên eBook: Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa Kể Con Chó)
Tác giả: Jerome K. Jerome
Thể loại: Tiểu thuyết, Hài hước, Văn học Anh
Bộ sách: 100 Cuốn sách giá trị nhất thế giới
Công ty phát hành: Nhã Nam Nhà xuất bản: NXB Văn Học
Trọng lượng vận chuyển (gram): 330 Kích thước: 13 x 20.5 cm
Dịch Giả: Petal Lê
Số trang: 328
Ngày xuất bản: 05-2010
Hình thức: Bìa mềm
Giá bìa: 54.000 ₫
Ebook: Đào Tiểu Vũ eBook - www.dtv-ebook.com
Giới thiệu:
Bọn hắn có bốn mạng (tính cả con chó), và bọn hắn tiến hành chuyến du hành sông Thames để đời này với một lý do chính đáng không để đâu cho hết: để thư giãn. Quả thật, nếu không tính đến sự cứng đầu cứng cổ của mớ hành lý, sự vô ơn của con thuyền, sự quỷ quyệt của cái ấm trà, sự om sòm của bầy thiên nga (v.v. và v.v.) thì ái chà, bọn hắn quả đã được thư giãn thật. Thêm vào đó, bọn hắn còn được biết thế nào là một chuyến du hành đích thực…
Nhờ đó, độc giả có thể ngấu nghiến từng câu từng chữ những câu chuyện ly kỳ hấp dẫn mà gã J. ấy đã vui lòng kể lại, có thể
xuýt xoa trước tầng tầng lớp lớp kiến thức văn hóa, lịch sử, địa lý trong tác phẩm, có thể tấm tắc trước văn phong, có thể cười lăn trước những chi tiết khôn lường, có thể vỗ đùi đánh đét mà ngưỡng mộ văn tài của tác giả. Và, xin nhắc độc giả rằng, đây không phải một câu chuyện, đây là bản tường thuật chân thực không thể bỏ lỡ về một chuyến du hành sông nước “độc nhất vô nhị”…
Mời các bạn đón đọc Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa kể con chó) của tác giả Jerome K. Jerome.
MỤC LỤC
LỜI TÁC GIẢ
LỜI TỰA CHO LẦN XUẤT BẢN ĐẦU TIÊN
CHƯƠNG 1
CHƯƠNG 2
CHƯƠNG 3
CHƯƠNG 4
CHƯƠNG 5
CHƯƠNG 6
CHƯƠNG 7
CHƯƠNG 8
CHƯƠNG 9
CHƯƠNG 10
CHƯƠNG 11
CHƯƠNG 12
CHƯƠNG 13 CHƯƠNG 14 CHƯƠNG 15 CHƯƠNG 16 CHƯƠNG 17 CHƯƠNG 18 CHƯƠNG 19
LỜI TỰA CHO LẦN XUẤT BẢN ĐẦU TIÊN
Phần lớn vẻ đẹp của cuốn sách này không nằm ở phong cách văn chương hay phạm vi và sự hữu dụng của những thông tin nó truyền tải mà nằm nhiều hơn ở sự chân thực đơn giản của nó. Các trang sách lưu giữ những sự kiện thật sự đã xảy ra. Tất cả những gì đã được thực hiện là tô điểm cho chúng chút màu sắc; và cũng không tốn kém thêm cho việc này lắm. George, Harris và Montmorency đều không phải là những hình mẫu thơ ca mà là những tạo vật bằng xương bằng thịt - nhất là George, nhân vật có trọng lượng khoảng hơn bảy chục ký lô. Một số tác
phẩm khác có thể xuất sắc hơn cuốn này về độ sâu sắc của tư tưởng và kiến thức về bản chất con người: một số cuốn khác
có thể trội về mức độ độc đáo và độ dài; nhưng xét về tính chân thực vô vọng và không thể cứu chữa được của cuốn sách này, cho đến nay vẫn chưa có cuốn nào vượt qua được nó. Điều này, hơn tất cả những điểm duyên dáng khác của nó, có lẽ sẽ khiến cho cuốn sách đáng giá trong mắt những độc giả nghiêm túc nhất; và sẽ bổ sung thêm sức nặng cho bài học mà câu chuyện này dạy cho chúng ta.
London, tháng Tám năm 1889
CHƯƠNG 1
Ba thương binh - Những bệnh tật của George và Harris - Nạn nhân của một trăm linh bảy căn bệnh vô phương cứu chữa - Những đơn thuốc cứu mạng - Cách chữa bệnh gan ở trẻ con - Nhất trí rằng cả bọn đã làm việc quá sức và cần được nghỉ ngơi - Một tuần bò lê trên biển? - George đề xuất ý tưởng con sông - Montmorency đệ đơn phản đối - Kiến nghị ban đầu được thực hiện với tỉ lệ nhất trí ba trên một.
BỌN TÔI CÓ BỐN MẠNG -
George, William Samuel Harris, tôi và con Montmorency. Cả bọn đang ngồi trong phòng tôi, hút thuốc và tán chuyện
về tình trạng tồi tệ của mỗi thằng - dĩ nhiên, ý tôi là tồi tệ trên phương diện y học.
Cả bọn đều cảm thấy khó ở trong người và lo sốt vó về vấn đề này. Harris nói thỉnh thoảng hắn gặp phải những cơn choáng váng ghê gớm, và rằng lúc ấy gần
như hắn không biết mình đang làm gì nữa; sau đó đến lượt George than thở rằng chính hắn cũng có những cơn chóng mặt, và cũng gần như không biết mình lúc ấy đang làm gì nữa. Còn tôi thì gan có vấn đề. Tôi biết chính gan của tôi trục trặc, là vì tôi vừa mới đọc một tờ quảng cáo thuốc chữa gan, trong ấy liệt kê chi tiết ti tỉ các triệu chứng khác nhau để một người có thể xác định được khi nào thì gan mình có vấn đề. Tôi có tất cả các
triệu chứng ấy.
Thật là một việc hết sức lạ thường, nhưng tôi chưa bao giờ đọc một tờ quảng cáo thuốc nào mà không buộc phải đau đớn kết luận rằng tôi đang mắc phải chính căn bệnh được nhắc đến trong ấy và ở dạng nguy hiểm nhất. Có vẻ như mọi triệu chứng của các loại bệnh đều y hệt tất cả những gì tôi đã cảm thấy.
Tôi nhớ có hôm đã đến Bảo tàng Anh để tra cứu cách điều trị cho một cơn ươn người mà tôi có cảm giác mình đang mắc phải - sốt dị ứng phấn hoa, tôi cho là thế. Tôi tìm ra cuốn sách, đọc xong tất cả
những gì định đọc; và sau đó, trong một khoảnh khắc không suy nghĩ, tôi vẩn vơ lật các trang sách, bắt đầu nghiên cứu các loại bệnh tật nói chung một cách lơ
đãng. Tôi đã quên béng mất căn bệnh đầu tiên mình mắc phải là gì - một kiểu tai họa khủng khiếp ghê rợn nào đấy, tôi biết thế - và, trước khi liếc qua độ nửa danh sách “các triệu chứng báo trước” thì tôi đã hoàn toàn dám chắc thật sự mình đã mắc phải nó rồi.
Tôi ngồi chết lặng một lúc vì kinh hãi; và sau đó, trong nỗi tuyệt vọng bơ phờ, tôi lại tiếp tục lật giở các trang sách. Tôi giở mục bệnh thương hàn - đọc các triệu chứng - nhận ra rằng mình bị thương hàn, chắc là đã bị hàng tháng trời rồi mà không hề hay biết - băn khoăn không biết mình còn mắc phải bệnh gì nữa; đọc đến bệnh St Vitus’s Dance(1)- y như rằng, tôi cũng đã mắc bệnh ấy - tôi bắt đầu thấy quan tâm đến trường hợp
của mình và quyết định sẽ xem xét đến cùng, vì thế tôi bèn lần theo bảng chữ cái - bắt đầu từ [bệnh sốt rét(2), rồi nhận ra là mình đang phát ốm vì nó, và rằng giai đoạn cấp tính sẽ bắt đầu trong độ hai tuần nữa thôi. Đến bệnh Bright(3)thì thật tôi nhẹ cả người khi thấy mình chỉ mắc ở dạng biến thể, và, theo như những gì được biết, tôi có thể thọ thêm nhiều năm nữa. Bệnh thổ tả(4) mà tôi bị thì có các biến chứng ghê gớm; và có vẻ như từ bụng mẹ chui ra tôi đã mắc bệnh bạch hầu(5). Tôi nghiên cứu một cách cẩn thận hết hai mươi sáu chữ cái, và căn bệnh duy nhất tôi có thể kết luận mình không mắc phải là bệnh sản giật(6).
Lúc đầu tôi có cảm giác khá bị xúc
phạm trước việc này; có vẻ như đó là một bệnh nhẹ. Can cớ gì mà tôi lại không bị bệnh sản giật? Tại sao lại có cái kiểu chừa lại gây cảm giác bị đối xử bất công này? Tuy nhiên, sau một lúc thì cảm giác cay cú cũng dịu đi. Tôi kiểm điểm lại rằng mình đã mắc phải tất cả các căn bệnh khác đã được biết đến trong ngành dược lý, tôi bắt đầu trở nên bớt ích kỷ hơn và quyết định mình sẽ tiếp tục nghiên cứu mà không cần mắc bệnh sản giật cũng được. Bệnh gút ở dạng ác tính nhất đã xuất hiện và túm lấy tôi mà tôi chẳng hay biết gì, và bệnh nhiễm trùng(7)thì rõ ràng tôi đã mắc phải từ lúc còn là một thằng nhóc. Không còn bệnh nào sau bệnh nhiễm trùng [vần Z], vì thế tôi kết luận là mình không mắc bệnh nào khác
nữa.
Tôi ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Tôi tự nhủ, theo quan điểm y học thì rõ ràng mình hẳn phải là một ca thú vị lắm, tôi mà được mang đến lớp học thì đúng là của quý! Đám sinh viên sẽ không cần phải “thực tập ở các bệnh viện” nếu đã có tôi. Tôi đã có nguyên một cái bệnh viện trong người rồi đây. Tất cả những gì bọn họ cần là đi vòng quanh người tôi mà nghiên cứu và sau đó thì cứ thế mà nhận bằng tốt nghiệp.
Rồi tôi tự hỏi không biết mình phải tồn tại trên đời này bao lâu. Thế là tôi thử tự khám cho mình xem sao. Tôi tự bắt mạch. Đầu tiên chả thấy mạch đâu cả. Sau đó bỗng nhiên mạch bắt đầu đập. Tôi rút đồng hồ ra đếm. Mạch tôi đập
một trăm bốn mươi bảy nhịp một phút. Tôi thử nghe tim. Chẳng nghe được gì. Nó đã ngừng đập rồi còn đâu. Sắp sửa bị thuyết phục bởi ý tưởng ấy thì tôi chợt nghĩ trái tim lúc nào cũng ở đó, và chắc chắn nó vẫn đang đập, nhưng tôi không thể giải thích nổi chuyện này. Tôi tự gõ vào tất cả mọi chỗ phía trước người mình, từ đoạn tôi gọi là eo lưng lên đầu, vòng sang cả hai bên nữa, và một chút phía đằng sau. Nhưng chẳng thấy gì cả. Tôi thử xem xét lưỡi. Tôi đã thè lưỡi ra hết cỡ rồi nhắm một mắt lại và cố gắng nghiên cứu nó thật kỹ càng bằng con mắt kia. Chỉ nhìn thấy mỗi chót lưỡi, và điều duy nhất tôi có thể rút ra được một cách chắc chắn hơn trước đó là mình đã bị bệnh sốt ban đỏ.
Khi đi vào cái phòng đọc ấy tôi là một người khỏe mạnh vui tươi, thế mà lúc lê khỏi đó lại thành kẻ suy nhược hom hem tàn tạ thế đấy.
Tôi đến gặp bác sĩ riêng của mình. Đó là một người bạn cũ, và mỗi khi tôi nghĩ mình ốm cậu ta đều bắt mạch, xem lưỡi tôi, chuyện trò với tôi về thời tiết, tất cả đều miễn phí; vì thế tôi nghĩ tôi sẽ đền đáp lại bằng cách đến thăm cậu ta bây giờ. “Điều một bác sĩ muốn là thực nghiệm,“ tôi nghĩ. “Cậu ta sẽ có được mình. Cậu ta sẽ được thực nghiệm với mình còn nhiều hơn cả với ba vạn chín nghìn bệnh nhân xoàng xĩnh tầm thường kia, mỗi người chỉ có mỗi một hay hai thứ bệnh trong người là cùng.” Thế là tôi đi thẳng tới chỗ bạn tôi, và cậu ta hỏi:
“Thế nào, cậu bị làm sao?”
Tôi bảo:
“Bạn thân yêu ơi, tớ sẽ không làm cậu mất thời gian bằng cách kể cho cậu biết tớ bị bệnh gì đâu. Đời ngắn lắm, và cậu có thể sẽ tạch trước khi tớ nói xong mất. Nhưng tớ sẽ cho cậu biết tớ không bị bệnh gì. Tớ không bị sản giật. Tớ không thể nói cho cậu biết tại sao, nhưng thực tế là tớ không mắc bệnh ấy. Tuy nhiên, tất cả các bệnh khác tớ đều mắc cả.”
Và tôi kể cho cậu ta nghe mình đã khám phá được tất cả những điều đó bằng cách nào.
Thế là cậu ta dang rộng hai cánh tay tôi ra rồi nhìn xuống người tôi, đồng thời
giữ chặt cổ tay tôi, sau đó nện tôi một phát vào lồng ngực đúng lúc tôi không hề chờ đợi điều đó - thật là hành động bần tiện hết sức, tôi xin nói thế - và ngay lập tức tương thêm một cú húc bằng đầu. Sau đó cậu ta ngồi xuống và viết một đơn thuốc, gập lại đưa cho tôi, tôi cho vào túi và ra về.
Tôi không buồn mở đơn ra mà đến ngay hiệu thuốc gần nhất đưa cho tay bán hàng. Tay này đọc xong rồi trả lại.
Anh ta nói không có thứ ấy.
Tôi nói:
“Anh có phải dược sĩ không?”
Anh ta bảo:
“Tôi là dược sĩ. Nếu tôi mở một chỗ
kết hợp giữa cửa hàng hợp tác xã và khách sạn gia đình thì tôi mới giúp anh được. Tôi chỉ là một dược sĩ, và điều đó khiến tôi không giúp anh được.”
Tôi đọc đơn thuốc. Nó ghi thế này: Bít tết..................4 lạng
Bia đắng.............1/2 lít
6 tiếng dùng một lần
Đi bộ..................16 km mỗi sáng Lên giường.........đúng 11h mỗi tối
Và không nhồi nhét vào đầu những thứ cậu không hiểu.
Tôi làm theo chỉ dẫn và kết quả thật mỹ mãn - xin tự lên tiếng về việc này - mạng tôi đã được cứu và tôi vẫn tiếp tục
sống nhăn răng.
Còn bây giờ, trở lại với tờ quảng cáo thuốc chữa gan, tôi đã có các triệu chứng và không còn nhầm lẫn gì nữa, triệu chứng tiêu biểu nhất là “không muốn lao động ở bất kỳ hình thức nào”.
Thật không lời nào tả xiết được những gì tôi đã phải chịu đựng với căn bệnh này. Từ lúc đẻ ra tôi đã là nạn nhân của nó. Đến khi thành một thằng nhóc, bệnh này vẫn gần như không để tôi yên lấy một ngày. Lúc đó người ta không biết là gan tôi có vấn đề. Y khoa thời đấy còn xa mới tiến bộ được như ngày nay, và người ta thường đổ riệt nó thành bệnh lười.
“Sao hả, cái thằng ranh con xấu xa
chuyên trốn việc kia,” người ta bảo, “bò dậy làm gì đi chứ!” - mà dĩ nhiên không hề biết rằng tôi bị ốm.
Và họ không cho tôi thuốc; chỉ cho tôi dăm cục u vào đầu. Mà lạ lùng thay, thường thì lúc ấy mấy cục u trên đầu này đã chữa khỏi bệnh của tôi - tạm thời thôi. Tôi đã biết một cục u trên đầu có tác dụng với lá gan của tôi, nó khiến tôi xoắn đít lên đi chỗ nọ chỗ kia và làm những gì người ta bảo mà không mất thêm nhiều thời gian nữa, tác dụng còn hơn cả nguyên một hộp thuốc thời nay.
Bạn biết đấy, thường thì thế - những bài thuốc đơn giản kiểu cũ đôi khi còn hiệu nghiệm hơn cả một mớ thuốc tướng ở phòng khám bệnh.
Chúng tôi ngồi đó cả nửa tiếng, kể lể cho nhau về cái sự đau ốm của mình. Tôi giải thích cho George và William Harris nghe tôi thấy khó chịu thế nào lúc thức
dậy vào buổi sáng, William Harris kể chúng tôi nghe hắn cảm thấy ươn mình ra sao khi đi ngủ, còn George thì đứng trên tấm thảm trải trước lò sưởi làm một vài điệu bộ thông minh và biểu cảm mạnh mẽ để minh họa cho việc mình đã ốm đau ra sao trong đêm.
Bạn biết rồi đấy, George tưởng tượng hắn đang ốm: nhưng thực ra chẳng bao giờ có chuyện gì với hắn cả.
Lúc này, bà Poppets gõ cửa hỏi xem chúng tôi đã sẵn sàng ăn tối chưa. Bọn tôi nhìn nhau cười buồn bã và nói rằng có lẽ chúng tôi nên cố nuốt chút gì đó thì
hơn. Harris bảo thường thì có cái gì đó trong dạ dày sẽ giữ được căn bệnh trong tầm kiểm soát; và bà Poppets mang khay thức ăn vào, sau đó chúng tôi lết ra bàn, ăn hương ăn hoa, ít bít tết, hành tây và vài cái bánh nướng nhân đại hoàng.
Lúc đó tôi hẳn là suy nhược lắm rồi; vì tôi thấy mới có nửa tiếng mà hình như tôi đã chẳng còn hứng thú với bất kỳ món gì nữa - đúng là một việc bất thường - và lại còn không muốn ăn tí pho mát nào.
Miễn cưỡng ăn cho xong nhiệm vụ, chúng tôi lại rót đầy ly, châm tẩu lên và tiếp tục chủ đề tình trạng sức khỏe. Thật sự vấn đề của chúng tôi là gì thì không kẻ nào có thể biết chắc; nhưng tất cả đều nhất trí rằng nó - dù nó có là gì đi nữa - thì cũng do làm việc quá nhiều mà ra cả.
“Thứ chúng ta cần là nghỉ ngơi,” Harris nói.
“Nghỉ ngơi và thay đổi triệt để,” George nói. “Đầu óc căng thẳng quá độ làm toàn bộ các cơ quan rơi vào tình trạng suy thoái chung. Thay đổi môi trường và không cần phải động não sẽ giúp phục hồi lại sự cân bằng của tinh thần.”
George có người bà con mà nghề nghiệp khai trong giấy phạt của cảnh sát là sinh viên y khoa, vì thế chuyện hắn có
cách diễn tả sự việc hơi theo chiều hướng y học kiểu truyền thống gia đình như thế là hoàn toàn tự nhiên thôi.
Tôi đồng ý với George và bảo rằng chúng tôi nên tìm nơi hẻo lánh cổ kính
nào đó, tránh xa đám đông ồn ã cuồng loạn và nghỉ ngơi chơi không cả một tuần lễ chan hòa ánh nắng giữa những con đường nhỏ vắng lặng ở đó - một góc yên tĩnh dường như đã bị lãng quên, được các bà tiên giấu đi khỏi tầm với của thế giới ồn ào - một cái tổ chim kỳ quái cheo leo trên vách Thời Gian mà tại đó, những làn sóng ồn ào của thời đại này nghe sẽ có vẻ xa xôi mờ nhạt.
Harris bảo theo hắn thì chẳng ổn tí nào. Hắn nói hắn thừa biết mấy cái nơi mà tôi ám chỉ; người ở đấy đều lên giường khò từ tám giờ tối, và ta không tài nào kiếm nổi một tờ Referee dù có đổi bằng tình hay tiền đi nữa, mà lại còn phải cuốc bộ cả chục dặm mới mua được thuốc lá.
“Không,” Harris nói, “nếu muốn nghỉ ngơi và thay đổi không khí thì chẳng có gì hay hơn một chuyến đi biển.”
Tôi phản đối kịch liệt ý tưởng đi chơi biển. Một chuyến đi biển thì cũng tốt đấy nếu ta dành hẳn vài tháng cho nó, nhưng nếu chỉ có một tuần thì thật quá tệ.
Ta khởi hành vào thứ Hai, trong lòng đinh ninh rằng mình đang đi hưởng thụ. Ta thong dong vẫy tay tạm biệt bạn hữu trên bờ biển, châm chiếc tẩu to nhất, nghênh ngang trên boong như thể mình là thuyền trưởng Cook, Ngài Francis Drake và Christopher Columbus ba trong một vậy. Sang ngày thứ Ba, ta ước gì đã không đi chuyến này. Thứ Tư, thứ Năm và thứ Sáu, ta ước gì mình đã chết. Ngày thứ Bảy ta đã nuốt được ít nước thịt bò
hầm, có thể ngồi trên boong và trả lời bằng một nụ cười ngọt ngào đờ đẫn mỗi khi có người nào tử tế hỏi xem giờ ta thấy thế nào. Đến Chủ nhật, ta bắt đầu có thể đi lại và ăn được thức ăn đặc. Rồi sáng thứ Hai tuần sau, khi đứng bên mép tàu, chờ bước lên bờ với túi và ô trong tay, ta mới bắt đầu thấy thích chuyến đi vô cùng.
Tôi nhớ anh rể mình đã có một chuyến đi biển ngắn để cải thiện sức khỏe. Anh ấy mua vé giường nằm khứ hồi từ London đến Liverpool; và khi đến Liverpool, điều duy nhất anh ấy băn khoăn là làm sao bán cái vé chặng về đó đi.
Cái vé được rao bán trên toàn thành phố với mức giá hạ ghê gớm, ấy là tôi
nghe kể thế; và cuối cùng được bán với giá mười tám xu cho một cậu thanh niên trông có vẻ cáu kỉnh vừa được bác sĩ khuyên nên đến bờ biển để tập thể dục.
“Bờ biển!” anh rể tôi nói, thân ái nhét chiếc vé vào tay cậu ta. “Sao nào, rồi cậu sẽ có đủ để mà hưởng thụ cả đời; còn tập thể dục ấy à! Sao chứ, ngồi lên con tàu đó đi, rồi cậu sẽ được tập nhiều hơn cả vận động viên biểu diễn nhào lộn trên đất liền ấy chứ.”
Còn anh ấy - anh rể của tôi - đi về bằng tàu hỏa. Anh ấy nói Hỏa xa Tây Bắc là đã đủ tốt cho sức khỏe của anh ấy lắm rồi.
Một người quen khác của tôi có một tuần du lịch men bờ biển, và, trước khi
chuyến đi bắt đầu, chiêu đãi viên đến chỗ anh này hỏi xem anh ta thích trả tiền sau từng bữa hay trả trước cho tất cả.
Tay chiêu đãi viên gợi ý cách thứ hai vì như thế thì rẻ hơn nhiều. Hắn nói họ sẽ phục vụ anh chàng kia tất cả các bữa ăn cho cả tuần chỉ với hai bảng rưỡi. Bữa sáng sẽ có cá, tiếp theo là thịt nướng. Bữa trưa được phục vụ lúc một giờ và gồm bốn món. Bữa tối lúc sáu giờ - có xúp, cá, món khai vị, thịt lợn nguyên súc, thịt gia cầm, xa lát, bánh nướng, pho mát và món tráng miệng. Và một bữa ăn khuya nhẹ có thịt lúc mười giờ.
Bạn tôi nghĩ cậu ta sẽ hợp với gói dịch vụ ăn uống giá hai bảng rưỡi này (cậu ta là một thực khách nồng nhiệt), và đã làm đúng như thế.
Bữa trưa được phục vụ ngay khi họ rời Sheerness. Cậu ta không thấy đói như đã tưởng, và tự lấy làm vui lòng với một ít thịt bò luộc, một ít dâu và kem. Suốt cả buổi chiều cậu ta phân vân suy nghĩ, và lúc thì cậu ta thấy có vẻ như đã hàng tuần liền mình chẳng ăn gì ngoài thịt bò luộc, lúc lại có vẻ như hàng năm trời nay anh chàng chỉ sống nhờ có dâu và kem.
Cả thịt bò lẫn dâu và kem có vẻ đều không làm thỏa lòng cậu ta, chẳng thỏa lòng tí nào ấy chứ.
Lúc sáu giờ, người ta đến thông báo cho cậu ta biết bữa tối đã sẵn sàng. Tuyên bố này chẳng gợi lên trong cậu ta chút hứng khởi nào, nhưng cảm thấy sẽ có một phần của hai bảng rưỡi kia bị
phung phí, cậu ta bèn vịn vào dây rợ đồ đạc trên tàu để xuống phòng ăn. Một mùi thơm dễ chịu của hành tây và dăm bông
nóng trộn lẫn mùi cá khô và rau xanh chào đón cậu ta dưới chân cầu thang; ngay sau đó tay chiêu đãi viên xuất hiện với một nụ cười ngọt xớt:
“Tôi có thể phục vụ ngài món gì đây, thưa ngài?”
“Đưa tôi ra khỏi đây,” cậu ta yếu ớt đáp lại.
Và họ nhanh chóng đưa cậu ta lên, đỡ đến nơi kín gió rồi để lại đó.
Suốt bốn ngày tiếp theo cậu ta sống thanh bạch và hoàn toàn chay tịnh chỉ nhờ ít bánh bích quy Thuyền Trưởng mỏng dính (ý tôi là bánh bích quy mỏng
chứ không phải thuyền trưởng) và nước soda, nhưng đến hôm thứ Bảy thì cậu ta tự tin đến ngạo mạn và đã bước vào xơi một ít trà loãng và bánh mì khô, còn đến
thứ Hai thì cậu đã xì xụp nước xuýt gà. Cậu ta rời con tàu hôm thứ Ba, và khi nó phì khói đi khỏi bến tàu thì cậu chòng chọc nhìn theo đầy nuối tiếc.
“Đi mất rồi,” cậu ta nói, “nó đi mất rồi, với mớ thức ăn đáng giá hai bảng của tớ, mà tớ vẫn chưa đụng đến.”
Cậu ta còn nói, nếu họ cho thêm một ngày nữa, cậu ta nghĩ mình sẽ lấy lại được công bằng cho vụ ấy.
Thế nên tôi phản đối ra mặt cái trò đi biển này. Như tôi đã giải thích, đây không phải là vì bản thân tôi. Tôi chẳng
bao giờ chóng mặt cả. Nhưng mà tôi lo cho George. George nói hắn hoàn toàn ổn, và thích thế hơn, nhưng hắn khuyên Harris và tôi đừng có nghĩ về việc ấy, vì
theo hắn thì chắc cả hai chúng tôi sẽ lừ đừ thôi. Harris thì bảo rằng đối với hắn, việc người ta làm thế nào mà lại bị say sóng được luôn luôn là một bí ẩn - và hắn nghĩ chắc người ta làm thế là có chủ đích cả, như kiểu để làm màu làm mè chẳng hạn - và rằng hắn thường ước gì mình có thể làm thế, ấy nhưng có bao giờ làm được đâu.
Thế rồi hắn kể cho chúng tôi nghe các giai thoại rằng hắn đã vượt qua biển Manche giữa lúc thời tiết khủng khiếp đến độ người ta phải buộc hành khách vào giường, rằng hắn và ông thuyền
trưởng là hai người duy nhất trụ vững được trên boong mà không bị say sóng. Thỉnh thoảng nhân vật lại là hắn và một người bạn nào đó vẫn còn khỏe; nhưng nói chung đều là hắn và một người khác. Nếu không phải hắn và một người khác thì là một mình hắn.
Đây là một sự thật lạ lùng, nhưng chẳng có ai lại say sóng - trên đất liền. Trên biển quả là ta gặp phải vô khối kẻ say sóng thảm hại, đầy cả một tàu ấy chứ; nhưng trên đất liền thì tôi chưa từng gặp người nào có vấn đề gì liên quan đến chuyện say sóng cả. Còn việc cả hàng nghìn hàng nghìn thủy thủ kém cỏi tụ tập trên các con tàu đã chui lủi đi đâu khi lên bờ thì vẫn còn là một bí ẩn.
Nếu mọi người đều như anh chàng tôi
gặp trên tàu đi Yarmouth một ngày nọ thì tôi đã có thể dễ dàng giải thích cái điều có vẻ như rất bí ẩn đó rồi. Tôi còn nhớ,
lúc đó tàu mới rời khỏi bến Southend, và anh ta đang thò người ra ngoài qua một ô cửa sổ bên mạn tàu trong tư thế hết sức nguy hiểm. Tôi bước đến xem có giúp được anh ta không.
“Này! Lùi vào trong tí đi,” tôi nói, lắc vai anh ta. “Anh sẽ rơi ra ngoài mất thôi.”
“Ôi trời ơi! Ước gì tôi rơi ra ngoài đi cho rồi,” là câu trả lời duy nhất tôi nhận được; vậy là tôi phải để anh ta lại đó.
Ba tuần sau, tôi gặp lại anh chàng trong quán cà phê của một khách sạn ở
Bath, đang diễn thuyết về các chuyến phiêu lưu của mình và nồng nhiệt bày tỏ rằng anh ta yêu thích biển đến nhường nào.
“Thủy thủ cừ chứ!” anh ta trả lời câu hỏi có vẻ ghen tỵ của một chàng thanh niên lịch thiệp, “à có một lần tôi thấy hơi chóng mặt, xin thú nhận như thế. Đó là khi chúng tôi đi qua Mũi Hảo Vọng. Sáng hôm sau thì tàu đắm.”
Tôi nói:
“Không phải là hôm nọ anh hơi ngất ngư ở gần bến Southend và chỉ mong được ném ra ngoài tàu à?”
“Bến Southend!” anh ta đáp lại với vẻ mặt bối rối.
“Đúng, xuống Yarmouth, thứ Sáu ba tuần trước ấy.”
“Ồ, à... phải rồi,” anh ta trả lời, mặt sáng lên; “giờ thì tôi nhớ ra rồi. Chiều hôm ấy tôi bị đau đầu. Anh biết đấy, món dưa góp ấy mà. Đúng là món dưa góp đáng xấu hổ nhất tôi từng được nếm trên một con thuyền đáng kính. Anh có ăn tí nào không?”
Về phần mình, tôi đã khám phá ra một biện pháp tuyệt vời để chống say sóng, đó là tự cân bằng cơ thể. Ta đứng ở giữa boong nhé, và khi tàu nhồi lên hụp xuống thì ta cũng đu đưa cơ thể theo để giữ cho người mình lúc nào cũng thẳng. Khi phía đầu tàu nhồi lên, ta ngả về phía trước cho đến khi sàn tàu gần chạm vào mũi mình; rồi đến khi đuôi tàu nhồi lên
thì ta lại ngả về phía sau. Làm như thế này trong độ một hai tiếng thì tuyệt chẳng có vấn đề gì, nhưng ta không thể giữ cân bằng kiểu ấy suốt cả tuần được.
George bảo:
“Hay đi ngược sông nhỉ.”
Hắn bảo chúng tôi cần không khí trong lành, vận động và sự yên tĩnh, và sự thay đổi liên tục của cảnh trí sẽ chiếm hết chỗ trong tâm trí chúng tôi (chiếm chỗ của cả những cái gì đấy chẳng ai biết trong tâm trí Harris nữa); vận động nhiều sẽ khiến chúng tôi ăn ngon miệng và ngủ ngon giấc.
Harris nói hắn không nghĩ George cần đến bất cứ hoạt động nào có xu hướng khiến thằng cha đó buồn ngủ hơn
bình thường, vì như thế có khi lại nguy hiểm. Hắn bảo hắn không hiểu George làm cách nào để có thể ngủ nhiều hơn
nữa, vì rõ là mỗi ngày chỉ có hai mươi tư tiếng, mùa hè hay mùa đông thì cũng thế; nhưng cứ thử tính đến chuyện thằng cha này ngủ nhiều thêm tí nữa thật, thì có khi sẽ làm luôn một giấc nghìn thu, thế là tiết kiệm được khối tiền ăn ở.
Tuy nhiên Harris bảo sông thì hợp với tiêu chuẩn “T” của hắn. Tôi không biết “T” là cái gì (trừ món Trà sáu xu có kèm bánh mì bơ và bánh ngọt không hạn chế, chỉ rẻ nếu như ta chưa ăn bữa tối). Tuy nhiên, cái này có vẻ hợp với cả bọn chúng tôi, và vì thế nó xứng đáng với sự ca ngợi ấy.
Con sông cũng hợp với tiêu chuẩn T
của tôi, và cả tôi lẫn Harris đều cho rằng ý đó của George rất hay, và chúng tôi nói với giọng dường như phần nào ngụ ý là hai thằng bọn tôi lấy làm kinh ngạc khi thấy hóa ra George cũng có thể sáng suốt ra phết.
Kẻ duy nhất không bị gợi ý đó quyến rũ là con Montmorency. Nó chẳng bao giờ quan tâm đến sông nước cả, cái con Montmorency ấy.
“Với các vị thì mọi thứ đều ổn,” nó bày tỏ, “các vị thích sông, nhưng tớ thì không. Chẳng có gì cho tớ làm cả. Ngắm cảnh thì không phải kiểu của tớ, mà tớ lại không hút thuốc. Nếu tớ nhìn thấy một con chuột nước thì các vị cũng chẳng dừng lại; còn nếu tớ đi ngủ thì các vị loay hoay với con thuyền một lúc rồi thế
nào chẳng hất văng tớ xuống nước. Nếu các vị hỏi thì tớ xin gọi tất cả những thứ chết tiệt này là một trò ngu ngốc.”
Tuy nhiên, tỉ lệ nhất trí là ba chọi một, và phương án vẫn được thực hiện.
CHƯƠNG 2
Các kế hoạch được thảo luận - Niềm vui thú của việc “cắm trại ngoài trời” vào những đêm đẹp trời - Như trên, vào những đêm mưa gió - Quyết định thỏa hiệp - Montmorency, ấn tượng đầu tiên - Những nỗi lo ngại rằng nó quá tuyệt vời đối với thế giới này cuối cùng đã bị bác bỏ vì không có căn cứ - Cuộc họp bị hoãn.
CHÚNG TÔI TRẢI BẢN ĐỒ RA VÀ THẢO LUẬN CÁC KẾ HOẠCH.
Bọn tôi bố trí khởi hành vào thứ Bảy tuần sau ở Kingston. Harris và tôi sẽ xuống đó từ sáng và mang thuyền đến Chertsey, còn George, vì không thể rời
khỏi thành phố trước buổi chiều (George có nhiệm vụ đến một ngân hàng để ngủ từ mười giờ sáng đến bốn giờ chiều mỗi ngày, trừ các ngày thứ Bảy, khi họ đánh thức hắn dậy và tống ra ngoài lúc hai giờ), sẽ gặp chúng tôi ở đó.
Chúng tôi nên “cắm trại ngoài trời” hay ngủ trong nhà trọ đây?
George và tôi ủng hộ cắm trại bên ngoài. Theo chúng tôi thì như thế sẽ thật phóng túng và tự do, thật hết sức nam tính.
Ký ức dát vàng của một mặt trời đã chết mờ nhạt dần trong trái tim những đám mây lạnh lẽo u buồn. Lặng lẽ như những đứa trẻ đang sầu não, lũ chim ngừng hót bài ca của chúng và chỉ còn
tiếng kêu não nùng của những con gà gô đỏ cùng tiếng cục cục của lũ gà nước làmkhuấy động sự tĩnh lặng đáng sợ quanh làn nước, nơi ngày tàn đang trút hơi thở cuối cùng.
Từ những cánh rừng âm u hai bên bờ, đoàn quân ma quái của Bóng đêm, những bóng xám lặng lẽ bò ra xua đuổi đạo quân tập hậu của ánh sáng đang lảng vảng, rồi với đôi chân vô hình không gây tiếng động, chúng lướt trên lớp cỏ đang dợn sóng dập dềnh và xuyên qua làn sóng đang thở dài; Bóng đêm, trên ngai vàng ảm đạm của nó, gập đôi cánh đen bao phủ thế giới đang tối dần, và từ cung điện bóng ma được các ngôi sao xanh nhờ chiếu sáng của mình, Bóng đêm ngự trị trong tĩnh lặng.
Lúc ấy chúng tôi đã chèo con thuyền nhỏ vào một góc yên tĩnh nào đấy, chiếc lều bạt đã được dựng lên, bữa tối đạm bạc đã được nấu và ăn xong. Thế rồi, những cái tẩu lớn được nhồi đầy thuốc và châm lên, cuộc tán gẫu dễ chịu đưa đẩy vòng quanh trong tiếng thì thầm du dương; trong khi đó, giữa những khoảng lặng trong câu chuyện của chúng tôi, dòng sông nô giỡn quanh con thuyền, thì thào những câu chuyện và những bí mật cổ xưa kỳ lạ, khe khẽ ca bài hát thiếu nhi xưa cũ mà nó đã hát hàng nghìn năm nay - và hàng nghìn năm sau nữa vẫn sẽ hát, trước khi giọng nó trở nên khàn đặc và già nua - một bài hát mà chúng tôi, những người đã học cách yêu vẻ mặt luôn thay đổi của nó, những người đã thường xuyên
được ấp ủ yên ấm trong lồng ngực mềm mại của nó, không hiểu sao nghĩ rằng mình hiểu, mặc dù chúng tôi không thể kể lại bằng lời cho bạn nghe câu chuyện mà chúng tôi lắng nghe ấy.
Và chúng tôi ngồi đó, bên bờ sông, trong khi mặt trăng, cũng yêu dòng sông tha thiết, cúi xuống hôn nó bằng nụ hôn của tình chị em và quàng hờ vòng tay bạc quanh nó; và chúng tôi ngắm nhìn con sông, vẫn hát rì rầm, vẫn thì thào như thế, trôi đến gặp biển cả, chúa tể của nó - cho đến khi giọng chúng tôi tắt đi trong im lặng, và tẩu thuốc đã cháy hết - cho đến khi chúng tôi, những kẻ thường dân, những chàng trai bình thường, lạ lùng thay lại cảm thấy trong mình tràn đầy những suy tư, vừa buồn man mác vừa
ngọt ngào, và chẳng còn khao khát hay mong muốn nói ra thành lời nữa - cho đến khi chúng tôi cười thành tiếng, đứng lên, gạt tàn thuốc từ những chiếc tẩu đã cháy hết và nói “Chúc ngủ ngon,” rồi được tiếng sóng vỗ bập bềnh và những hàng cây xào xạc ru ngủ, chúng tôi thiếp đi dưới những ngôi sao vĩ đại đang đứng yên lặng lẽ, và mơ thấy thế giới trẻ lại - trẻ trung và ngọt ngào như đã từng như thế, trước khi bao thế kỷ lo phiền làm hằn sâu những nếp nhăn trên gương mặt đẹp đẽ của người, trước khi bao tội lỗi và hành động rồ dại của con cái khiến trái tim yêu thương của người già nua đi - lại ngọt ngào như đã từng như thế trong bao tháng ngày xưa cũ, khi người mới là một bà mẹ trẻ, nuôi nấng chúng ta, con
cái của người, trong lồng ngực rộng lớn ấy - trước khi những mưu kế của nền văn minh được tô vẽ dụ dỗ chúng ta xa khỏi vòng tay yêu thương đó, và những lời nhạo báng tẩm thuốc độc của sự nhân tạo đã khiến chúng ta thấy xấu hổ với cuộc sống giản dị mà chúng ta đã có bên người, và với tổ ấm đơn sơ, đường hoàng nơi nhân loại đã được sinh ra bao nhiêu ngàn năm trước ấy.
Harris bảo:
“Nếu trời mưa thì sao nhỉ?”
Chẳng bao giờ khích động được Harris. Chẳng có cái gì gọi là thơ mộng trong Harris hết - hắn không hề có cái mong muốn ngông cuồng là được với tới những thứ không thể. Harris chẳng bao
giờ “tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồ”. Nếu Harris mà có đầm đìa nước mắt thì quý vị có thể chắc chắn rằng đấy là vì hắn đã ăn hành sống, hoặc cho quá nhiều tương ớt Worcester lên miếng sườn mà hắn vừa tọng vào bụng.
Nếu bạn đứng bên bờ biển trong đêm với Harris và nói rằng:
“Nghe này! Cậu không nghe thấy ư? Đó là tiếng các nàng tiên cá hát ở tít sâu dưới làn nước đang dập dềnh kia; hay những linh hồn u sầu đang ngâm nga bài ca cầu hồn cho những xác chết tái nhợt bị rong biển quấn quanh?”
Harris sẽ chộp lấy cánh tay bạn và nói:
“Tôi biết đấy là cái gì rồi, anh già ơi;
cậu dính cảm đấy. Nào, đi với tớ. Tớ biết một chỗ ở ngay góc kia thôi, ở đấy cậu có thể nhấp một ít whisky Scotland ngon nhất trần đời - và rồi cậu sẽ trở lại bình thường ngay cho mà xem.”
Harris luôn biết một chỗ nào đấy ngay ở góc kia, nơi ta luôn có thể có gì đó tuyệt vời để uống. Tôi tin rằng nếu ta gặp Harris trên Thiên đường (cứ giả sử là có nơi nào đó như thế đi), hắn sẽ ngay lập tức chào đón ta thế này:
“Hay quá, cậu đến rồi, bạn già ơi. Tớ biết một chỗ ở ngay góc kia, cậu sẽ kiếm được ít tiên tửu thượng hảo hạng ở đấy đấy.”
Tuy nhiên, trở về với hoàn cảnh hiện tại, về vụ cắm trại ngoài trời, thì quan
điểm theo chủ nghĩa thực tế của hắn quả là một lời nhắc nhở đúng lúc. Cắm trại ngoài trời trong cơn mưa gió không phải chuyện dễ chịu cho lắm.
Lúc ấy trời đã tối. Ta ướt nhẹp từ đầu đến chân, có đến năm centimet nước lõng bõng trong thuyền và tất cả mọi thứ đều ướt sũng. Sau khi tìm được một chỗ trên bờ sông không có quá nhiều vũng nước và ngầu bùn như những chỗ khác, ta đổ bộ và lôi lều ra, và hai người bọn ta bắt đầu xử lý cái lều.
Cái lều ướt sũng và nặng trịch, nó cứ sụp xuống và đổ vào đầu ta, rồi lủng lẳng trên đầu và làm ta điên tiết. Mưa thì cứ dần nặng hạt thêm mãi. Trời khô ráo đã khó dựng được cái lều cho chắc chắn rồi; lúc trời mưa thì nhiệm vụ này đúng
là phải khỏe như Hercules may ra mới làm được. Thay vì đỡ ta một tay thì có vẻ như cái thằng cha kia chỉ làm tình hình rối thêm. Chẳng hạn ta vừa mới dựng xong bên thành lều của mình một cách đẹp đẽ, thì hắn lại húc một phát vào phía bên kia cái lều và làm hỏng bét hết cả.
“Đây cơ mà! Cậu làm cái gì thế hả?” ta gào với sang.
“Cậu đang làm cái gì thế?” hắn vặn lại. “Không nhanh lên được à?”
“Đừng có mà kéo; cậu làm lộn hết cả lên rồi, đồ ngu!” ta gào lên.
“Tớ chẳng làm gì cả,” hắn gào trả lại, “buông bên ấy ra!”
“Tớ bảo là cậu đã làm lộn hết cả lên rồi!” ta rống lên, ước gì có thể túm lấy hắn, và ta kéo sợi dây bên mình một phát mạnh đến mức tất cả các cọc lều phía hắn bị nhổ bật cả lên.
“Ối giời, đồ ngu của nợ!” ta nghe thấy hắn lầu bầu một mình; và sau đó là một cái giằng thô bạo, và cọc bên ta cũng bật tung lên sạch. Ta đặt cái vồ xuống và bắt đầu đi sang phía bên kia để bày tỏ cho hắn biết ta nghĩ gì về toàn bộ chuyện này, và chính trong lúc ấy hắn cũng đi vòng cùng chiều với ta để sang bên này và giải thích quan điểm của hắn cho ta. Và hai người cứ đi vòng quanh mãi thế, chửi rủa lẫn nhau cho đến khi cái lều lộn nhào xuống thành một đống, để lại cả hai nhìn nhau trừng trừng qua mớ hoang tàn,
rồi căm phẫn đồng thanh thốt lên: “Đấy! Tớ đã bảo cậu thế nào hả?”
Trong lúc đó thì kẻ thứ ba, người vừa tát hết nước khỏi con thuyền và để nước chảy tong tỏng dọc ống tay áo sơ mi, lại còn chửi rủa một mình trong suốt mười phút vừa qua, cũng muốn biết hai thằng kia đang lên cơn chơi trò gào thét rú rít gì thế, và tại sao cái lều tội nghiệp vẫn chưa được dựng lên.
Cuối cùng, bằng cách này hay cách khác, cái lều cũng được dựng xong và ta đem đồ đạc lên bờ. Nỗ lực nhóm lửa bằng củi là vô vọng, vì thế ta phải đốt bếp cồn và xúm xít quanh nó.
Nước mưa là món chính của bữa tối ăn kiêng. Độ hai phần ba bánh mì được
tẩm nước mưa, bánh nhân bít tết thì ngâm sũng nước, và món xúp là một thứ hổ lốn kết hợp từ thịt dăm bông, bơ, muối, cà phê và nước mưa.
Sau bữa tối, ta thấy thuốc lá bị ẩm, và ta không thể hút thuốc được. May là ta còn có một chai gì đó có thể khiến người ta vui lên và say sưa nếu uống với liều lượng thích hợp, và chính cái này đã trả lại cho ta đủ niềm yêu sống để lên giường đi ngủ.
Ở đấy ta mơ thấy có một con voi bỗng nhiên ngồi chễm chệ lên ngực ta và rằng núi lửa đã phun trào và ném ta xuống tận đáy biển - nhưng cái con voi kia vẫn ngủ một cách bình yên trên lồng ngực ta. Ta tỉnh dậy và lập tức trong đầu hiện ra ngay ý tưởng rằng thật sự có gì
đó khủng khiếp đã xảy ra. Ấn tượng đầu tiên là ngày tận thế đã đến; rồi ta lại nghĩ rằng không thể thế được, và rằng đó là bọn kẻ cắp và giết người, hoặc nếu không thì đã có hỏa hoạn, và ta bộc lộ ý kiến này theo cách thông thường nhất. Tuy nhiên, chẳng thấy ai đến cứu giúp, và tất cả những gì ta biết là có đến hàng nghìn kẻ đang đá tới tấp vào mông ta và ta đang sắp chết ngạt đến nơi.
Có vẻ như ai đó khác cũng đang gặp rắc rối. Ta có thể nghe thấy tiếng kêu yếu ớt của hắn ta đâu đó bên dưới giường mình. Quyết định rằng, dù trong tình huống nào đi nữa cũng không thể bán rẻ cuộc đời mình, ta vừa gào thét dữ dội vừa vùng vẫy quyết liệt, chân tay đập lung tung sang cả trái lẫn phải, và cuối
cùng cái thứ đó cũng phải nhường lối cho ta, để rồi ta nhận ra đầu mình đang ở ngoài không khí trong lành. Cách đó chừng nửa mét ta lờ mờ thấy một tên vô lại mình trần đang chờ sẵn để cắt tiết ta, và ta đang chuẩn bị tinh thần cho một cuộc vật lộn sống mái với hắn thì bỗng dưng nhận ra đó chính là Jim.
“Ô, cậu đấy à?” hắn nói, cùng lúc đó cũng nhận ra ta.
“Ừ,” ta trả lời, dụi dụi mắt, “chuyện gì thế?”
“Cái lều khốn kiếp đổ sụp xuống, tớ nghĩ thế,” hắn nói. “Bill đâu rồi?”
Thế rồi cả hai cùng cao giọng lên hét gọi “Bill!” rồi mặt đất dưới chân ta bỗng rùng rùng chuyển động, cái giọng nghèn
nghẹt mà ta đã nghe thấy lúc trước đáp lại trong đống đổ nát hoang tàn:
“Nhấc cái chân ra khỏi đầu tôi đi, được không hả?”
Và Bill vất vả chui ra, trong hình hài một đống thảm hại bị giẫm đạp và bê bết bùn, và với một vẻ cau có hết sức không cần thiết - hắn đang có một niềm tin vững
chắc rằng tất cả chuyện này đều được thực hiện một cách có chủ ý.
Suốt buổi sáng cả ba đều chẳng nói được câu nào vì đã bị cảm lạnh nặng trong đêm; cả bọn đều thấy cáu kỉnh hết sức, và cả lũ chửi rủa nhau bằng cái giọng khàn khàn phều phào suốt bữa sáng.
Vì thế nên chúng tôi quyết định rằng
chúng tôi sẽ ngủ ngoài trời vào những đêm đẹp trời; và nếu trời mưa hay khi thấy muốn thay đổi thì sẽ ngủ ở khách sạn, nhà trọ hoặc quán rượu như những
con người đáng kính.
Con Montmorency chào đón sự thỏa hiệp này với vẻ rất đồng tình. Nó chẳng ham thích cái kiểu cô độc lãng mạn ấy lắm. Cho nó thứ gì đó ồn ào, nếu có thêm ít tiếng súng đì đùng thì càng vui hơn nữa. Nhìn Montmorency bạn sẽ hình dung rằng nó là một thiên thần, vì lý do nào đó mà loài người không được phép biết đến, đã bị đày xuống hạ giới trong hình dạng một con chó săn cáo nhỏ. Có một vẻ kiểu như ôi-đây-thật-là-một-thế giới-tồi-tệ-và-ước-gì-tôi-có-thể-làm-gì đó-khiến-nó-tốt-đẹp-và-cao-quý-hơn
trong Montmorency, cái vẻ mà ai cũng biết là đã đem đến những giọt nước mắt long lanh trong mắt các quý bà quý ông già nua ngoan đạo.
Lúc đầu khi nó đến ăn nhờ ở đậu chỗ tôi, tôi không bao giờ nghĩ mình có thể giữ nó ở lại được lâu. Trước đây, tôi hay ngồi ngắm nó những lúc nó ngồi trên tấm thảm ngước mắt nhìn tôi, và nghĩ: “Ôi, cái con chó kia sẽ chẳng sống nổi đâu. Rồi nó sẽ bị tóm cổ vào một cỗ xe ngựa rồi bay thẳng lên trời thôi, đấy là điều chắc chắn sẽ xảy ra với nó.”
Nhưng sau khi đã phải trả tiền cho khoảng độ nửa tá gà con bị nó làm thịt; và đã phải tóm gáy nó lúc nó đang vừa gầm gừ vừa đá chân lung tung để kéo nó ra khỏi độ một trăm mười bốn cuộc đánh
lộn ngoài phố; và đã bị một quý bà giận dữ gọi tôi là kẻ giết người mang một con mèo chết đến dí vào mặt bắt phải điều tra; và đã được người hàng xóm cách một nhà mời sang phàn nàn vì tội là chủ của một con chó dữ thả rông đã khiến ông ta phải chết dí trong nhà kho của chính mình, không dám ló mặt ra khỏi cửa suốt hai giờ liền trong một đêm lạnh lẽo; và biết rằng một người làm vườn, mà chính tôi cũng chẳng quen, đã thắng ba mươi xu nhờ đặt cược cho nó trong cuộc cá cược giết chuột tính giờ, thì cuối cùng tôi cũng bắt đầu nghĩ rằng có lẽ người ta đã để cho nó ở lại trái đất này hơi lâu quá chăng.
Quẩn quanh bên một cái chuồng ngựa và tập hợp một đám đàn em toàn những
con cẩu có thành tích bất hảo nhất trong khu phố và dẫn chúng diễu qua các khu ổ chuột để đánh nhau với những con cẩu mất dạy khác, đây chính là ý niệm về “cuộc sống” của Montmorency; và vì thế, như tôi đã nhận định từ trước, nó ủng hộ đề xuất về các nhà trọ, quán rượu và khách sạn với sự tán thành nồng nhiệt nhất.
Vậy là đã thu xếp xong vấn đề ngủ nghê thỏa lòng cả bốn chúng tôi, điều duy nhất cần bàn bạc là chúng tôi sẽ mang theo những gì; và cả bọn lại bắt đầu tranh cãi, lúc này Harris chợt nói đêm nay hắn nghe diễn văn đủ rồi, và gợi ý rằng chúng tôi nên đi chơi và tươi tỉnh lên một tí, tiện thể nói thêm rằng hắn mới tìm được một chỗ ngay góc đằng kia, và
chúng tôi có thể tới đó nhấm nháp một ít cái thứ rượu Ailen xịn rất bõ công đổ vào mồm.
George bảo hắn thấy khát (tôi chưa lúc nào thấy George không khát cả); và vì tôi có linh cảm rằng chút whisky ấm với một lát chanh sẽ có ích cho căn bệnh của mình, cuộc tranh luận được dời sang tối hôm sau với sự đồng thuận của tất cả; rồi các đại biểu đội mũ vào và tớn đi chơi.
CHƯƠNG 3
Những sự sắp xếp được ấn định - Phương pháp làm việc của Harris - Làm thế nào mà bậc tiền bối trong gia đình có
thể treo một bức tranh - George có một nhận xét chí lý - Niềm vui của việc tắm buổi sáng - Đồ dự trữ đề phòng thuyền lật.
VẬY LÀ TỐI HÔM SAU, chúng tôi lại tụ tập, để thảo luận và bố trí các kế hoạch. Harris bảo:
“Bây giờ việc đầu tiên cần xác định là nên đem theo cái gì. J., cậu lấy một mẩu giấy để ghi lại, còn Geogre, cậu lấy cuốn danh mục hàng tạp hóa ra đây, và ai đó đưa cho tớ mẩu bút chì nào, tớ sẽ
thảo một danh sách.”
Đấy đích thị là Harris - vô cùng sẵn lòng tiếp nhận gánh nặng của mọi thứ, và rồi chất nó lên lưng những người khác.
Hắn luôn làm tôi nhớ đến ông chú tội nghiệp của tôi - chú Podger. Cả đời ta sẽ chẳng bao giờ thấy được cảnh hỗn loạn tanh bành đến thế trong một căn nhà như khi chú Podger của tôi đảm nhận việc gì đó. Một bức tranh - được mang về nhà từ cửa hàng đóng khung - đang dựng trong phòng ăn chờ được treo lên; và cô Podger sẽ hỏi nên làm gì với nó, và rồi chú Podger sẽ bảo:
“Ồ, bà để cái đó cho tôi. Đừng có ai, bất kỳ ai trong nhà, lo lắng về việc đó. Tôi sẽ xử lý mọi việc cho.”
Rồi chú sẽ cởi áo khoác ra và bắt đầu công việc. Chú sẽ cử cô con gái đi mua sáu xu đinh, và sau đó cử một trong số các cậu trai đuổi theo để bảo cần mua đinh cỡ nào; và kể từ lúc đó, dần dần chú sẽ sai phái và khuấy động cả nhà lên.
“Will, mày đi lấy cho tao cái búa,” chú sẽ hét lên thế; “thằng Tom, mang cho tao cái thước; và tao sẽ cần cái thang gấp đấy, và tốt nhất là tao nên có cả một cái ghế trong bếp nữa; và này Jim! Mày chạy ngay ra chỗ ông Goggles và bảo ông ấy là ‘Bố cháu gửi lời hỏi thăm và hy vọng chân ông đã đỡ rồi; và liệu ông có thể cho bố cháu mượn cái thước đo độ ngang không?’ Và đừng có mà đi đâu đấy, Maria, vì tôi sẽ cần có ai đó giữ đèn; và khi nào con bé về thì nó phải đi tiếp để
mua ít dây treo tranh nữa; và này Tom! Thằng Tom đâu? Tom, mày đến đây; tao sẽ cần mày giơ cái tranh lên đấy.”
Và rồi chú sẽ nhấc cao cái tranh lên, sau đó đánh rơi nó, tiếp theo, nó sẽ bung ra khỏi cái khung, và rồi chú sẽ cố cứu lấy tấm kính, và tự làm đứt tay mình; và rồi chú sẽ nhảy dựng lên khắp cả phòng để đi tìm cái khăn tay. Chú Podger sẽ không thể tìm thấy cái khăn vì nó đang ở trong túi cái áo khoác mà chú đã cởi ra, mà chú lại không biết mình đã để cái áo ở đâu, và thế là cả nhà sẽ phải ngừng tìm các dụng cụ cho chú, để bắt đầu đi tìm cái áo khoác; trong lúc đó thì chú Podger nhảy chồm chồm xung quanh và cản trở họ.
“Có ai trong cái nhà này biết áo
khoác của tôi ở đâu không? Cả đời tôi chưa bao giờ gặp phải chuyện gì như thế này - thề là chưa bao giờ. Sáu con người! - ấy thế mà các người không thể tìm nổi một cái áo khoác tôi vừa mới đặt xuống chưa đến năm phút trước à! Ôi, thật là...”
Và rồi chú đứng lên và nhận ra mình đang ngồi lên cái áo, vậy là chú sẽ hét:
“Ôi, các người có thể ngừng tìm được rồi đấy! Tôi tự tìm được rồi. Thà bảo con mèo đi tìm cái gì đấy còn hơn trông đợi lũ các người tìm được.”
Và sau khi đã mất độ nửa tiếng băng bó ngón tay và một tấm kính mới đã được khênh tới và các dụng cụ, cái thang, cái ghế và cây nến đã được mang
đến, chú sẽ thử lại lần nữa, và toàn bộ gia đình, kể cả cô con gái và người giúp việc, đứng xung quanh theo hình bán nguyệt trong tư thế sẵn sàng hỗ trợ. Hai người sẽ phải giữ cái ghế, người thứ ba sẽ giúp chú Podger trèo lên và giữ chắc chú ở đó, rồi người thứ tư sẽ đưa cho chú một cái đinh, còn người thứ năm sẽ chuyển cho chú cái búa, và cuối cùng chú sẽ cầm lấy đinh và làm rơi.
“Đấy!” chú sẽ nói với một giọng bị tổn thương sâu sắc, “giờ thì cái đinh lại rơi mất rồi.”
Và tất cả bọn tôi sẽ phải bò lê bò càng ra mà tìm trong khi chú đứng trên ghế cằn nhằn, rồi đòi biết liệu chú ấy có phải đứng trên đó suốt buổi tối không.
Cuối cùng cũng tìm thấy cái đinh, nhưng đến lúc đó thì chắc chú đã làm lạc mất đâu cái búa rồi.
“Cái búa đâu? Tôi đã làm gì với cái búa? Trời đất ơi! Cả bảy mạng các người đang há hốc mồm ra đó mà không biết tôi đã làm gì cái búa hả?”
Chúng tôi sẽ đi tìm cái búa cho chú, và rồi chú lại chẳng thấy cái vệt do chính chú đánh dấu trên tường đâu nữa, đấy là chỗ cái đinh cần được đóng vào, và mỗi người bọn tôi sẽ phải trèo lên ghế, đứng đằng sau chú, và xem có thể tìm ra nó không; và mỗi người sẽ phát hiện ra cái dấu ấy ở một chỗ khác nhau, rồi chú sẽ gọi tất cả bọn tôi là lũ ngốc, hết người này đến người khác, và bắt chúng tôi trèo xuống. Và rồi chú Podger sẽ cầm thước
ra đo lại, và nhận ra rằng chú muốn đóng vào chỗ cách đó một khoảng trung bình cộng của bảy mươi tám và chín mươi sáu centimet tính từ góc, và sẽ cố lẩm bẩm tính nhẩm trong đầu rồi cáu điên lên.
Và tất cả chúng tôi sẽ thử tính nhẩm, rồi tất cả đều có kết quả khác nhau, và người này cười nhạo người kia. Và tất yếu là con số đầu tiên bị quên lãng hoàn toàn, và chú Podger sẽ phải tính lại từ đầu.
Lần này chú sẽ sử dụng một ít dây, và vào thời khắc quan trọng khi ông già gàn đang nghiêng người một góc bốn nhăm độ qua cái ghế, và đang cố vươn đến một điểm cách xa tầm với của mình chỉ gần mười centimet, thì sợi dây tuột mất, và chú sẽ trượt vèo xuống cái đàn piano,
một hiệu ứng âm thanh hết sức tinh tế sẽ được tạo ra nhờ việc cả đầu và người chú đột ngột đập vào tất cả các phím cùng một lúc.
Và cô Maria sẽ bảo cô sẽ không cho phép bọn trẻ đứng xung quanh nghe thứ ngôn ngữ ấy nữa.
Cuối cùng, chú Podger cũng đánh dấu lại được chỗ cần đóng, và chú tay trái cầm mũi đinh dí lên đấy còn tay phải cầm búa. Và, phát đập đầu tiên, chú sẽ đập te tua ngón tay cái của mình và đánh rơi cái búa, kèm theo một tiếng rú, vào ngón chân ai đó đứng dưới.
Cô Maria sẽ dịu dàng phát biểu rằng, lần sau khi nào định đóng đinh vào tường thì hy vọng chú Podger sẽ cho cô biết
kịp thời để cô còn thu xếp đến ở một tuần với mẹ cô trong khi cái việc ấy được thực hiện.
“Ôi, đàn bà các người, chuyện gì các người cũng làm ầm ĩ hết cả lên,” chú Podger đáp lại, nhấc người lên. “Sao chứ, tôi thích làm những việc nho nhỏ kiểu này đấy.”
Và rồi chú tiếp tục thử lại lần nữa, và, với cú đập thứ hai, cái đinh sẽ đi gọn gàng xuyên qua lớp vữa, cộng thêm một nửa cái búa kéo theo sau, và chú Podger sẽ bị xô vào tường với một lực gần đủ để làm mũi chú bẹp dí.
Thế rồi chúng tôi lại phải đi tìm thước và dây, sau đó thêm một cái hố mới lại được tạo ra; và đến khoảng nửa
đêm thì bức tranh sẽ được treo lên - xiên xẹo và lung lay, bức tường quanh đấy hàng mấy mét trông cứ như thể bị một cái bồ cào oanh tạc, và tất cả mọi người đều mệt lử và khổ sở - chỉ trừ mỗi chú Podger.
“Đấy nhé,” chú nói, nặng nề bước xuống ghế rồi giẫm lên ngón chân của người giúp việc, và khảo sát mớ hỗn độn mình vừa tạo ra với niềm tự hào lộ liễu: “Sao chứ, người ta cần một người đàn ông trong nhà để làm những việc nho nhỏ như thế này đấy!”
Harris sẽ là một người như thế khi hắn già đi, tôi biết thế, và tôi cũng bảo hắn thế. Tôi bảo rằng tôi không thể cho phép hắn huy động của bản thân nhiều sức lao động đến thế. Tôi bảo:
“Không; cậu lấy giấy đi, cả cái bút chì và cuốn danh mục nữa, George ghi lại, còn tớ sẽ lên danh sách cho.”
Danh sách đầu tiên của chúng tôi buộc phải quăng đi. Rõ ràng các nhánh thượng nguồn sông Thames không thể lưu thông nổi một con thuyền đủ rộng để chứa hết những thứ chúng tôi gạch chân là tuyệt đối cần thiết; vậy là chúng tôi xé danh sách ấy đi và đành ngồi nhìn nhau!
George bảo:
“Các cậu biết đấy, ta đã đi hoàn toàn sai hướng. Chúng ta không nên nghĩ đến những thứ chúng ta có thể mang theo mà chỉ tính tới những thứ không thể không cần đến thôi.”
Thỉnh thoảng George hóa ra lại rất có lý. Bạn sẽ phải ngạc nhiên cho mà xem. Tôi gọi đó là trí tuệ đích thực, không đơn thuần xét đến tình huống hiện nay mà còn liên hệ đến chuyến đi của chúng tôi trên dòng sông cuộc đời nói chung. Trong hành trình ấy, biết bao người chất đầy con thuyền của họ cả mớ những thứ đồ ngu ngốc mà họ tưởng là thiết yếu cho một chuyến đi vui vẻ và thoải mái, nhưng thật sự chỉ là những thứ đồ bỏ đi vô dụng, cho đến khi con thuyền có nguy cơ bị ngập nước.
Họ đã chất đầy lên đến tận cột buồm của con thuyền nhỏ bé tội nghiệp những quần áo đẹp và những ngôi nhà to; những người hầu vô dụng, và một đám bạn bè bảnh chọe chẳng buồn quan tâm đến họ tí
nào, và họ cũng chẳng quan tâm đến những người ấy nhiều hơn; những trò giải trí đắt giá mà chẳng ai thích, với lễ tiết và kiểu cách, với sự giả vờ giả vịt và sự phô trương khoe của, và với - ôi, cái thứ đồ bỏ đi nặng nhất và rồ dại nhất! - nỗi lo lắng không hiểu hàng xóm sẽ nghĩ gì, với những thứ đồ xa xỉ chỉ làm người ta phát ngấy, với những niềm vui đã phát ớn, với những buổi trình diễn trống rỗng mà, y như chiếc vương miện sắt của bọn thảo khấu ngày xưa, làm cái đầu đeo nó chảy máu và sưng phồng lên!
Đấy là những thứ đồ bỏ đi thôi, các bạn ạ - toàn là đồ bỏ đi thôi! Vứt khỏi thuyền đi. Chúng khiến con thuyền nặng nề, làm ta gần như ngất xỉu với mấy mái chèo. Chúng làm việc điều khiển con tàu
trở nên vướng víu và nguy hiểm, và rồi ta sẽ chẳng bao giờ biết đến, dù chỉ trong khoảnh khắc, sự tự do khi thoát khỏi những nỗi lo lắng và bận tâm, không bao giờ có được một khoảnh khắc nghỉ ngơi dành cho sự mơ màng lười biếng - không có thời gian để ngắm nhìn bóng cơn gió nhẹ nhàng lướt qua những chỗ nước nông, ngắm ánh mặt trời lấp lánh vút qua làn sóng gợn lăn tăn, những thân cây to lớn bên bờ cúi xuống nhìn bóng của chính chúng, hay những khu rừng toàn màu xanh và ánh vàng kim, những bông bách hợp trắng và vàng, những cây bấc đu đưa ủ rũ, những cây lau cây lách, hoa phong lan, và cả hoa lưu ly xanh nữa.
Hãy vứt cái mớ đồ bỏ đi ấy đi, bạn ơi! Hãy để cho con thuyền cuộc đời bạn