🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bà Chúa Chè - Nguyễn Triệu Luật full mobi pdf epub azw3 [Lịch Sử] Ebooks Nhóm Zalo Bà Chúa Chè Nguyễn Triệu Luật vietmessenger.com I Cô gái hái chè Giữa khúc đường từ huyện Tiên Du về tổng Ném 1, bây giờ người ta còn thấy một cái cầu bắc qua một quãng nước, thông hai cánh đồng chiêm. Cầu ấy bắc theo kiểu "thượng gia, hạ kiều" (trên nhà, dưới cầu), khum khum như một cái nhà dài, uốn mái, uốn xà, uốn rui, vắt ngang một quãng nước màu mỡ cua, nối hai đoạn đường ngoằn ngoèo cuộn khúc từ đồng làng Bịu 2 đến đồng làng Ném. Những tấm gỗ lát cầu, nguyên lúc bắc là những tấm gỗ chỉ xẻ bằng cưa chứ không bào giũa gì cả, thế mà bây giờ cũng đã nhẵn hết. Chỉ còn những tấm lát dưới hai dẫy ghế ngồi ở hai bên vệ cầu, chân người không đụng tới, là còn mang lờ mờ dấu cưa, những mép gỗ còn giữ theo khuôn khổ thân cây, nhắc lại cho khách tỉ mỉ hay xem xét tò mò rõ rằng xưa kia, gỗ pha đến đâu đem ra làm tươi đến đó. Cầu ấy bây giờ gọi là "Cầu Vồng". Gọi là "Cầu Vồng", chẳng phải vì thân nó uốn tròn như cái cầu vồng trên trời, mà do một sự tích của người bắc cầu. Cầu ấy bắc từ năm Chính Hoà thứ 23 (vào năm 1702) đời vua Lê Hi Tông. Nguyên về mấy đời vua Lê Chân Tông, Thần Tông, Huyền Tông, Hi Tông, Dụ Tông 3, ở làng Bịu có một họ to nổi tiếng về đỗ và làm quan. Nói theo kiểu cổ thì họ ấy là một vọng tộc 4 vùng Kinh Bắc về đời Lê Trịnh. Họ ấy là họ Nguyễn Đăng. Họ ấy nổi tiếng từ khi hai anh em ông Nguyễn Đăng Cảo và Nguyễn Đăng Minh cùng đỗ đại khoa một khoa, anh đỗ Thám Hoa, em đỗ Hoàng Giáp. Rồi nối nghiệp nhà, hai anh em ông Nguyễn Đăng Tuân và Nguyễn Đăng Đạo lại cũng đều đỗ đại khoa cả. Hiển hách nhất là ông em, ông Nguyễn Đăng Đạo, đỗ Trạng Nguyên khoa Quí Hợi, niên hiệu Chỉnh Hoà thứ tư đời vua Lê Hi Tông Chương hoàng đế, ông Đạo sau làm tới Thượng thư, hàm Đông Các đại học sỹ, tước Quận công, nhưng ở nơi thôn ổ, vì trọng khoa 5 hơn hoạn 6 nên vẫn gọn là ông Trạng Bịu mà cái cầu ông bắc, luôn thể cũng được dân chúng gọi là Cầu Vồng Trạng Bịu. Nguyên ông chết mất một người con gái ông rất yêu quí. Vợ ông vì thương tiếc mới cho mời đồng thiếp đến để đánh đồng thiếp xuống âm phủ tìm con. Trong giấc ngủ nồng do thày thiếp ru, bà gặp con, hỏi rằng: - Cha mẹ không có tội lỗi gì, sao con chẳng ở cùng cha mẹ, lại bỏ mà đi. - Kiếp này thì không có gì, nhưng kiếp trước thì tội bà to lắm. Tôi mượn cửa mà ra, thác sinh vào nhà bà mười mấy năm là để báo cái oán tôi đối với bà từ kiếp trước. Nay tiền oan nghiệp chướng đã đền bù, tôi với bà bây giờ "nhĩ ngã vô thù" 7... Trong mười mấy năm tôi ở nhờ cửa, xét ra kiếp này ông bà thật trung hậu tử tế. Nhưng phải chuộc hết tội và nợ kiếp trước thì sau đây mới mong thanh thản mọi bề được. - Làm sao mà chuộc được tội kiếp trước? - Nói là tội thì không đúng, nợ thì phải hơn. Kiếp trước ông nhà ta có nợ của một người một món tiền hai ngàn quan quí. Người ta vẫn rắp vào cửa để báo oán đó, hiềm vì nhà ông bà vận đương đỏ nên chưa vào được đó thôi. Sau đây lỡ ra - ai tránh được cái lỡ - lỡ ra phạm một điều gì, một cái lỗi con con nào thì oan tiền trái đến ngay. Nhờ trời ông bà hiển đạt, tiền của chẳng thiếu gì, sao chẳng đem ra làm một việc gì phúc đức như làm chay, làm chùa, bắc cầu, phát chẩn... Làm gì cũng được, miễn là có hơn hai ngàn quan quăng ra mà thôi. Bà dậy nói chuyện với ông. Ông liền chọn một việc trong mấy việc phúc đức: ông bắc cái cầu năm gian. Nguyên hai cánh đồng tổng Ném và tổng Bịu cách nhau một quãng nước sâu. Quãng nước ấy, nếu lấp đi thì tiện việc đi lại, nhưng không lợi cho việc lấy nước làm ruộng cho mấy tổng gần đấy, nhất là tổng Ném và tổng Bịu. Thành ra con đường đành cứ để cắt khúc ở giữa. Ở quãng ấy, người vẫn phải bắc một cái cầu tre nối hai khúc đường lại với nhau. Ông Nguyễn Đăng Đạo liền bỏ ra hai ngàn tám trăm quan quí bắc cái cầu năm gian thay cho dịp cầu tre bấp bênh nguy hiểm. Cầu ấy, theo tục của tín đồ đạo Phật, là cái "Cầu Vồng" để đi qua mà thoát tội. ° ° ° Năm ấy là năm Tân Mão, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 32 đời vua Lê Hiển Tông Vĩnh hoàng đế, nhà chúa vào năm thứ năm đời chúa Tĩnh đô vương Trịnh Sâm, lịch tây vào năm 1771. Một buổi trưa tháng năm, giữa mùa hạ. Hai bên cầu, hai cánh đồng ruộng chiêm nước ngập liền bờ, chạy thẳng tít đến lận chân núi Nguyệt Hằng và núi Chè. Giá không có những ngọn cây gáo nước lơ phơ trên mặt nước để phân bờ ruộng, giá không có mấy con trâu đương bừa bì bõm, nước chấm đến bụng, thì chiếc cầu và con đường người ta tưởng như vắt ngang một cái hồ rộng hoặc một cánh đồng lụt ngút ngàn. Trong cầu, một bọn vài chục người đương ngồi nghỉ mát, quang gánh không vứt bừa bãi giữa sàn cầu. Giữa cầu một bà già đương ngồi múc nước và chan canh riêu vào bún bán cho khách đi chợ về giải khát và đã đói. Ngoài ruộng, mặt nước mỡ cua hắt ánh nắng hạ đầu mùa, đưa lên toàn hơi lửa. Bọn ngồi trong cầu đều là bọn người tổng Ném đi bán chè ở chợ Lũng Giang chân núi Nguyệt Hằng về. Thấy bọn họ thiếu một người, bà già bán bún hỏi: - Sao hôm nay chị Huệ xóm Chè chưa thấy về? - Chúng tôi có thấy hắn ở chợ đâu. - Sao thế nhỉ? Sao hôm nay chị ta không đi chợ thế nhỉ? - Dễ thường hắn đi bán chợ chiều. - Bán chợ chiều thì chỉ rẻ như bèo! Không, dễ nó ở nhà. Lại bố hay em ốm hẳn thôi. - Tột nghiệp con bé! Một thân lo cả trăm chiều. Mới tí tuổi đầu đã vất vả. Thế mới biết không gì bằng có mẹ. Bố nó là học trò lại gặp cảnh gà trống nuôi con, thành ra con bé phải gánh vác cả. Sáng mờ đất đã phải lên đồi hái chè rồi về thổi cơm. Cơm xong đi bán chè, trưa về nộp tiền cho ông Quản, rồi thì băm bèo nấu cám, vá áo,... thôi trăm công nghìn việc. Con bé cũng ngoan. - Rồi thì trời đền công cho. Bé vất vả rồi sau lớn mới sướng, như thế càng hay. Con bé tuy còn bé, nhưng trông người khá lắm. Nhất là cái dáng đi, cái miệng cười thật là ung dung như bà chúa. Ra ngoài, tôi đố ai biết nó phải lo nghĩ. Đến đấy, một bà lão ngẫu nhiên nhìn ra ngoài đường rồi nói: - Kìa! Ai như hắn kia kìa. Mọi người nhìn: - Phải rồi, cái dáng ung dung kia... Một lúc sau, một người con gái gánh chè vào cầu. Miệng chào, tay đặt gánh trên vai xuống: - Kìa, chào các bà! Các bà đã đi bán chè về rồi đó à? Chợ còn đông không? - Cũng còn lẻ tẻ ít người. Sao hôm nay chị lại đi chợ trưa thế? - Vì sáng nay thày tôi mệt mà thằng em Lân tôi thì nó chạy đi chơi đâu từ hôm qua chưa về. Sáng nay tôi không đi hái chè được sớm. Đến lúc thày tôi đỡ mệt, tôi mới đi hái được chè. Hái xong thì trời gần đứng bóng. - Chà! cái thằng Lân ấy bé nứt mắt ra mà gớm lắm đấy. Huệ nói tiếp: - Thày tôi với tôi lắm lúc khổ vì nó. Ai lại bé nứt mắt thế mà dám rủ nhau với những quân con nhà mất dạy, đánh chết một con chó rồi mang vào rừng Lim ăn thịt với nhau. Chó lại là chó của thày Cai Tổng. Thày tôi thiếu lạy sống thày ta, thày ta mới cho ở ... Rồi nàng thở dài: - Sớm chầy rồi cũng đến phải bỏ đất này thôi, chứ con với em mà như giặc non thế thì ai chịu nổi. - Tại ông Đồ chiều nó quá. - Khốn nhưng thày mẹ tôi chỉ có nó là trai. Mẹ tôi mất sớm, thày tôi thì còn hòng lấy ai nữa... Rồi, vội vàng xốc áo, Huệ vừa đặt gánh lên vai vừa chào: - Thôi, chào các bà lại nhà. Tôi đi chợ chẳng mà chợ trưa. Ra tới chợ chợ vãn hồ hết người, Huệ tìm mãi không được khách mua. Trời gần xế bóng, nàng đành lủi thủi lại gánh gánh chè về. Tới Cầu Vồng, mặt trời đã nắng xiên khoai. Đặt gánh chè xuống sàn cầu, nàng ngồi xuống chiếc ghế dài đóng liền bên vệ cầu. Tỳ hai khuỷu tay vào đầu gối, hai bàn tay đỡ lấy hai má, nàng cúi đầu xuống. Óc nàng lan man nghĩ hết chuyện nọ đến chuyện kia, từ cái chuyện gần nhất là bữa gạo ngày mai với chén thuốc cho cha, đến cái việc xa lắc xa lơ từ ngày nhỏ dại, ở làng Dóng, là nơi nguyên quán của nàng, là nơi chứa mồ mả tổ tiên nàng, là nơi cha nàng, vì cùng quẫn phải bỏ mà đi. ° ° ° Năm năm trước, nàng còn là con bé lên mười tuổi. Nàng còn nhớ năm ấy cha nàng vừa thi hỏng khoa trước xong. Một chút gia tài, vài mẫu ruộng chiêm khô mùa thối, cũng theo mấy khoa thi hỏng mà vào tay nhà họ Lê là nhà giầu nhất trong làng. Cuối năm ấy, mẹ nàng mất. Nàng còn nhớ như in vào óc mấy câu mẹ nàng nói với cha nàng lúc gần tắt nghỉ: - Tôi chết đi thì thày nó nên liệu mà bán cái nhà này cùng mấy sào vườn này đi, rồi liệu mà đi chỗ khác. Ở đây không có nghề gì làm mà bố con nuôi nhau được. Tôi biết đã lâu rằng ngắn mệnh, nên đã sớm lo cả rồi. Tôi đã nói với ông Quản Ba bên làng Ném, xin ở nhờ miếng đất ở cái nương chè sườn núi. Con Huệ sang năm đã mười một thì làm việc nhẹ như hái chè có thể được. Con gái hái chè ở đấy, đức Bà trả cho mỗi thúng mười trinh. Thôi thì như thế cũng tạm lần hồi cho qua. Ông Đồ cứ ngồi lặng cả đi mà không nói gì. Một lúc, bà Đồ lại nói tiếp: - Hai năm nữa lại đến khoa thi... Làm sao ra tiền mà đi thi...? Rồi bà ứa nước mắt khóc. Muốn cho chồng không trông thấy những giọt nước mắt đau thương ấy, bà quay mặt vào vách. Ông Đồ lúc ấy mới nói bằng một cái giọng nửa khóc mếu, nửa cứng cát. Cái khóc mếu là tính tình tự nhiên, ông lại đem che đi bằng cái vẻ " tráng sĩ vô nhan", thành ra trông lại càng thêm thảm đạm. Dáng mặt ông, cử chỉ ông lúc đó, nó giống như cái nhà gần xiêu, chịu bão ba năm lại lấy que tăm mà đỡ. Ông nói: - Tôi đi thi đến khoa năm ngoái vừa năm khoa. Thôi, từ nay tôi cũng không màng chuyện thi cử gì nữa. Tôi không đỗ thì con nó đỗ. Lúc đó, bà Đồ nấc lên mấy tiếng. Ông biết rằng sắp tới lúc cuối cùng, liền gọi: - Hãy quay mặt ra mà nhìn con đã. Bà Đồ quay ra nhìn hai con: Huệ và Lân. Bà cầm tay Huệ: - Nửa chừng mẹ bỏ thày con và chúng con đi, thật như đứt từng khúc ruột. Con chịu thương chịu khó. Thày còn mạnh thì thày đỡ việc cho. Em con tính nết hung tợn, con trông coi nó. Giá là trẻ con nhà khác thì những câu ấy có nghĩa lý gì đâu. Già ra lắm thì cũng chỉ đến khóc là cùng. Nhưng hình như trời phú sẵn cho những trẻ mồ côi sớm một khối óc riêng, một tính tình riêng để hiểu biết, để cảm thấu những lời, những việc, mà đứa khác vào tuổi nó không hiểu tí gì. Khối óc riêng ấy, cái tính tình đặc biệt ấy, hoặc là trời ban cho để bù vào cái nỗi thiệt thòi đau đớn riêng: không mẹ để yêu thương, để che nấp. Cây ấm về bụi, nhưng cây không có bụi thì lại cứng cát hơn cây mọc chen nhau. Huệ nhận biết nỗi khổ của mình nay mai, Huệ đủ can đảm nhận trách nhiệm nuôi cha già, chăn nom em bé. Huệ chắp tay lại nói: Con xin chịu thương chịu khó... Huệ tuy muốn nói nhiều nhưng chỉ đủ sức nói được bằng ấy tiếng thôi. Bằng ấy tiếng, nhận lấy cả một cảnh thương tâm, cả một nghĩa vụ khó nhọc, ở miệng một đứa bé mười tuổi đầu, nó còn ngậm nhiều nghĩa chua chát đau thương, nhiều điều quả quyết cảm khái hơn là những lời nói dài dòng văn tự của người lớn, nhất là nó còn hơn cái câu nói bằng giọng "tráng sĩ vô nhạn" gượng gạo của ông Đồ. Nói xong, nàng một tay cầm chặt tay em, thằng Lân, đứng ở đầu giường, một tay để lên trên vai cha ngồi ở chiếc chõng cạnh giường. Dáng điệu ấy hình như muốn tỏ rằng hai tay nàng tuy còn non nớt nhưng sẽ nhận việc giúp giập cha goá và em côi. Mẹ nàng nấc lên mấy tiếng, rồi có lẽ vì đau thương quá, lại xoay mặt vào vách lần nữa. Nàng gọi thất thanh: - Mẹ ơi, mẹ nhìn thày con và chúng con đã. Bà Đồ lại quay mặt ra, đưa mắt nhìn hết chồng đến con, rồi dần dần nhắm lại. Nghĩ đến đó, nàng bỗng rưng rưng nước mắt. Rồi nàng lại nghĩ đến cái ngày tết Nguyên Đán năm sau, hai tháng sau khi mẹ nàng chết. Nàng còn nhớ rõ là đêm hôm ba mươi tết, cha nàng bảo: - Con Huệ sang năm thì mười một, thằng Lân sang năm lên mười. Lân lí láu hỏi: - Thày nói thiếu mất một tiếng: chị Huệ lên mười một, con lên mười. Hai chị em con cùng lên cả chứ. Ông Đồ cười mà cắt nghĩa cho con: - Từ lên một đến lên mười thì mới nói rằng lên. Từ mười một trở đi thì không lên nữa. - Thế xuống à? Không lên nghĩa là không còn trẻ con nữa. Nàng nghe thế, bụng bảo dạ: Mình không còn trẻ con nữa. Thì từ nay ta làm người lớn. Ta không lên tuổi nhưng lên một bực khác. Rồi năm sau, ba cha con sang ở bên tổng Ném, dựng một nóc nhà tre ba gian ở sườn đồi Núi Chè. Nàng được ông Quản Ba đưa vào làm con gái hái chè cho nương chè bà Trần Phi, vương phi chúa Trịnh. Mấy năm đầu vì chưa đủ sức, nên nàng chỉ hái chứ không gánh đi bán. Hái chè thì công một thúng mười trinh. Sức nàng năm đầu hái mỗi ngày được hai thúng, thành ra chỉ kiếm được có hai chục trinh một ngày. Nếu hái rồi đem đi bán thì cứ mỗi thúng may ra có khi được lãi đến hai mươi trinh. Mấy năm sau, từ năm ngoái, năm nàng mười bốn tuổi, nàng cũng bắt chước người khác, hái chè đem ra chợ bán. Nghĩ tới đó, nàng nhìn hai thúng chè còn đầy ăm ắp mà ngán ngẩm cho số phận hẩm hiu. Mặt trời đã khuất núi, phải về nhà. Đứng dậy đặt gánh lên vai, nàng thở dài một tiếng: - Trời ơi! tôi mới mười lăm tuổi đầu, sao trời đã đày cơ cực đến thế này? Nhưng cơ cực thế nào thì cũng phải gánh hàng về gánh nhà còn nữa nặng nề hai vai. Trời nhá nhem tối mà nàng còn lững thững trên con đường bờ ruộng chiêm. Bất giác nàng nhớ đến mấy chữ Nhật mộ đồ viễn... 8. Đến chân núi, nàng đặt gánh xuống ngẫm nghĩ một lúc rồi mới gánh gánh chè lên núi vào chiếc nhà tre. Ông Đồ thấy gánh hàng của con còn nguyên vội nói: - Chết chửa! sáng ngày thày đã bảo con là cứ đi hái chè sớm rồi cứ đi chợ sớm. Con không nghe. Không bán được thì lấy gì mà ăn. Gánh chè này mai bán thì lại lỗ vốn đó thôi. Nàng nói: - Con không thể nào bỏ thày ốm mà đi được! - Thày đau xoàng, có sao? Làm thế nào bây giờ Huệ? Thấy ông Đồ luống cuống lo âu, nàng trấn tĩnh nói: - Thày cứ an tâm. Rồi đâu sẽ có đấy. Thày nên nhớ rằng: Việc gì đã nghiệp dĩ rồi thì băn khoăn lo lắng cũng vô ích. Chi bằng ta nghĩ cái việc cần phải làm, cái việc kế tiếp sau này có hơn không. - Con nói cũng có lẽ, nhưng lẽ ấy chỉ phải với người còn có địa thế chứ triều bất cập tịch 9 như cha con ta thì nói lý lắm chỉ đến chết nhăn răng ra là cùng. Thì lo lắng băn khoăn mà đến lúc phải chết nhăn răng ra cũng vẫn phải chết như thường. Thày an tĩnh con hỏi nghĩa mấy chữ. - Ừ thì thày cũng nghe con... Nhưng con hỏi chữ gì? - Chữ nhật mộ đồ viễn, đảo hành nghịch thi ... nghĩa là gì? - Con chưa hiểu kia à? Thày vừa mới bảo con mấy chữ ấy hôm nào mà. - Con cũng hiểu sơ sơ, thày cứ cắt nghĩa lại. - Đó là chữ ở Sử ký. Lúc Ngũ Tử Tư vì thù cha anh, cam tâm bội nước Sở đi thờ nước khác và làm nhiều chuyện trái ngược đời. Bạn Ngũ Tử Tư là Thân Bao Tư có ý không bằng lòng. Ngũ Tử Tư nhắn lời bảo bạn rằng: "Người về thưa chuyện cùng bạn ta rằng: Ta tuổi đã già mà việc làm còn xa, còn nhiều; nên phải làm đảo ngược cả công việc lại." Con hỏi làm gì nghĩa chữ ấy? - Con hỏi cho nhớ đó thôi. ° ° ° Tối hôm ấy, nàng trằn trọc mãi không ngủ. Nàng khuyên cha không nên băn khoăn mà chính nàng bây giờ lại băn khoăn rối rít hơn cha. Tâm trạng người ta thật nhiều lúc trái ngược như thế. Người yêu bảo người yêu: mình quên tôi đi, ghét tôi đi; nhưng giá người ta có quên mình, ghét mình thì mình lại không bằng lòng. Nàng bảo cha nàng cứ bình tĩnh, nhưng giá cha nàng cứ bình chân như vại thì nàng lại buồn, buồn rằng chẳng ai chia đắng sẻ cay. Nàng băn khoăn mãi không thôi. Nàng băn khoăn mãi về mấy chữ nàng vừa sực nhớ đến ban chiều. Nhật mộ đồ viễn, Ngũ Tử Tư thế mới là nhật mộ đồ viễn, mới là trời tà đường xa chứ cha con mình đây thì đến nhật mộ đồ cùng nữa cũng có. Đường xa còn phải đảo hành nghịch thi, nữa là đồ cùng. Rồi ta cũng phải bắt chước họ Ngũ mà thôi. Mình có kém gì thiên hạ mà chịu khổ mãi, chịu khổ dấm dúi mãi ở sườn đồi này? Nhan sắc mình có, học thức mình có, đức hạnh mình có, mà mình chịu bỏ thân trong hang tối, trong khi những kẻ xấu như ma, ngu như lợn, hư thân mất nết, được cưỡi đầu cưỡi cổ mình, đạo trời còn có gì là công bằng nữa? Nàng sẵn lòng làm một điều nào ngược đời, quỉ quyệt để ra khỏi xó tối ấy lắm, nhưng làm thế nào mà làm được một cái hành động phi thường? Làm điều ác hay điều thiện cũng cần phải có thế, có cơ, có thì. Hiện nay, thân thế, thì cơ có gì lợi cho nàng đâu. Nàng định đảo hành nhưng hiện trước mắt có hành vi gì đáng để đảo; định nghịch thi, nhưng nào bây giờ có gì để thi thố một cách nghịch lại? Chẳng lẽ đi hái chè đem vứt chè ra sườn núi ? Chẳng lẽ tuốt ngược lá chè từ gốc tuốt lên?. Chẳng lẽ đi chợ bán chè ngược đời, giá cao không bán, bán giá thấp, chợ sáng không đi, đi chợ chiều? Đi chợ chiều thì đã hai ba phen ế chè về đó! Người anh hùng lúc bước đầu cùng người anh hùng lúc bước cùng, đều ở vào cái tình trạng giống nhau: " không biết làm gì cả, không làm gì được cả. ông Lưu Bị lúc không có miếng đất cắm dùi cùng ông Thạch Đạt Khai lúc chạy vào Thục thật là giống nhau. Tài có mà đành xếp xó, trí có mà đành bỏ không". Ở cô gái hái chè, có ủ sẵn tâm hồn một người nữ kiệt đó, nhưng cái gánh chè nặng trĩu vai vẫn dìm nàng xuống hàng một cô gái quê vứt bỏ mà thôi. Tệ hơn, vì nhan sắc, vì tài học, nàng thành ra một quái vật giữa bọn thôn nữ linh hồn mộc mạc sơ sài. ° ° ° Sáng hôm ấy, nương chè tấp nập hơn mọi hôm, vì bà chúa ở kinh đô về thăm quê và nhân tiện thăm nương chè trên núi. Hơn trăm con gái hái chè hôm ấy theo lệnh ông Quản Ba, quản lý đồn điền của bà chúa ăn mặc óng chuốt hơn mọi ngày và hái chè dẻo dang hơn mọi ngày. Các cô gái hái chè cô nào cô ấy thi nhau mà ăn mặc để khoe màu với Chúa. Trông mỗi người con gái tựa như cái nụ hoa hàm tiếu đứng dưới gốc chè. Chiếc áo đổi vai, trên bằng lụa mầu nâu, dưới bằng the thâm khép kín cái ngực, để lấp ló khi ẩn, khi hiện chiếc yếm nhiễu đại hồng. Phần the thâm dưới áo, lẫn với màu thâm chiếc váy sồi, trông tựa như cái cuống hoa. Phần lụa hung hung nửa trên áo, phản màu với phần dưới, trông như cái đài hoa đỡ lấy những cánh hoa: còn lấp ló bên trong. Cái nhị hoa cũng còn đương phong lại bằng một chiếc khăn vuông trùm mỏ quạ, để lộ những khuôn mặt tròn tròn đo đỏ tươi tươi xinh xinh. Rồi thì nương chè vang lên những tiếng hát đúm, hát quan họ: Đêm qua mất một cành sòi Để thuốc em nhạt để sồi kém thâm Đó là tiếng hát một cô trách vì đâu mà nồi thuốc nhuộm của mình nhạt, nên tấm sồi nàng nhuộm kém thâm. Đáp câu ấy, một cô khác thay con trai trả lời: Đêm qua anh bẻ cành sòi Anh vin lá thắm tìm tòi nhà em Một cô khác, ý chừng ghen cách ăn mặc của chị em, hát chua ngoa: Chị giầu chị mặc xống xanh, Chúng em khốn khó quấn quanh lụa đào Chị giầu chị tát cá ao Chúng em khốn khó đi trao cá mè. Chị giầu chị lấy ông Nghè Chúng em khốn khó trở về lấy vua Một chị khác đáp lại: Lấy vua chầu chực trong cung Sao bằng mộc mạc mặc lòng sớm khuya Hơn trăm đoá hoa quê, dưới hơn trăm gốc chè, giọng hát đúm lanh lảnh vang khắp ngọn đồi khe núi, khiến người ta quên mất một trang tuyệt sắc giai nhân đương hí húi cắt cỏ dưới chân đồi. Trang tuyệt sắc giai nhân ấy, vì nghèo, không có quần áo mới để hái hầu chè vào ngày bà chúa về thăm, nên bị ông Quản cắt đi cắt cỏ cùng dăm bảy chị em nghèo khác ở dưới sườn đồi chân núi, để dọn lối đi cho nhà chúa sắp qua. Tiếng hát trên đồi bỗng lặng thinh vì xa xa người ta đã nghe thấy tiếng lính hô người núp mặt, để chỗ cho bà Tiệp dư họ Trần của chúa Tĩnh Đô Vương. Xa xa người ta đã thấy bóng tàn quạt đám rước bà chúa đi thăm nương chè. Dưới sườn núi, bọn tổng lý đã mặc áo thụng xanh chực sẵn sau những chiếc hương án trên có đỉnh trầm nghi ngút. ông Quản Ba chạy lên chạy xuống dặn bảo các cô gái hái chè cùng cắt cỏ: - Lệnh bà sắp tới nơi, đừng đứa nào hát hổng gì nữa nhé. Mà hái cho nhanh nhẹn. Mà đừng có nhìn trộm lệnh bà mà chết đó. Võng bà Tiệp dư họ Trần đã đến chân đồi. Phu võng hạ võng xuống, phu kiệu mang ghế đăng sơn đến. Bà uy nghi bước chân xuống võng rồi lên ghế để cho bọn phu khiêng lên núi thăm các nương chè. Lúc đó tiếng người im phăng phắc, người ta chỉ nghe thấy tiếng rào rào mấy trăm bàn tay đương cùng hái lá chè. Khi bà Tiệp dư lên nửa sườn đồi, bỗng ở dưới chân có tiếng hát vang lên: Tay cầm bán nguyệt xênh xang Một trăm thức cỏ lai hàng tay ta! Vừa hát, người con gái vừa tươi cười lấy liềm vơ cỏ cắt cỏ. Bà Tiệp dư bắt phu dừng lại, bảo thị nữ gọi người con gái ấy đến gần. Ai nấy đều sợ hãi mà người con gái vẫn điềm nhiên tiến đến chiếc ghế đăng sơn. Bà Tiệp dư hỏi: - Con ở đâu, bao nhiêu tuổi? Nàng chững chạc nói: - Con ở nhờ chiếc nhà tre sườn núi này. Con làm nghề hái chè hầu lệnh bà. - Sao con không lên núi hái chè lại ngồi cắt cỏ? - Ông Quản bảo con hôm nay cắt cỏ. Mọi hôm con vẫn hái chè. Bà Tiệp dư cúi nhìn kỹ, nhận ra một người con gái tuyệt kỳ đẹp đẽ sắc sảo, dẫu rằng ăn mặc quá xuềnh xoàng. Mặt nàng trái soan, đôi mắt hơi xếch điểm bộ lòng đen đen ngời. Cái vẻ sáng như gương, sắc như dao của khoé mắt được cái sắc đen thẫm của lòng đen làm dịu lại. Thật là sáng như tia chớp mà êm đềm như nước hồ thu. Nàng cúi gầm mặt xuống, thì như đem cả làn thu ba chìm tận đáy lòng, mà khi nàng ngước mắt nhìn lên thì như đem hết tinh hoa bật lên một tia sáng làm chóa mắt người xem. Ngắm một lúc, bà Tiệp dư truyền cho phu tiến lên nương chè trên núi mà cho nàng lùi ra. Chiếc kiệu đăng sơn vừa đi khỏi, nàng lại ra lấy liềm vơ cỏ cắt, rồi lại cất tiếng hát tiếp: Tay cầm bán nguyệt xênh xang Một trăm thức cỏ lai hàng tay ta! Quên mình giữa đám cỏ hoa Buồn tênh những lúc trăng tà sao thưa! ° ° ° Hôm ấy, ông Đồ Đặng đợi con gái mãi đến chiều tối. Ông ra vào băn khoăn: Quái! con bé đi sang bên phủ làm chi mà lâu thế. Hay là bà Tiệp dư lại giữ lại rồi mang thẳng về kẻ chợ? Dễ thường mình phải sang đòi nó về mới được. Mình tuy cùng, nhưng không khi nào lại chịu cho con vào vương phủ làm con đòi con ở. Ông đã chít khăn mặc áo vừa toan ra đi thì con gái ông, cô Đặng Thị Huệ, cũng vừa về. Ông vội hỏi: - Mụ ta gọi con sang làm gì đó? Ý chừng lại muốn mang con về kẻ chợ làm thị nữ trong vương phủ hẳn thôi? Ung dung, nàng đáp: - Thày hãy khoan thai rồi con xin nói. Việc này con nghĩ còn có chỗ phân vân. Đêm nay thày nên tĩnh tâm mà bàn cùng con cho kỹ. - Thì việc gì? - Đúng như lời thày dự đoán. Bà Tiệp dư muốn đem con về kẻ chợ làm thị nữ trong phủ chúa. - Cái đó thì thày nhất định không bằng lòng. Dẫu rằng nhà ta nghèo túng, nhưng đem thân con làm đứa nô tỳ thì không nên. Thà rằng chết đói ở sườn đồi này còn hơn làm đứa con đòi mà sống. Con nghĩ lại mà xem: con nhờ trời nhan sắc cũng có, lại thiên tư sáng suốt, gọi là cũng có dự phần bút nghiên, sao lại có thể hạ mình làm những việc hạ tiện ấy được? Làm thị nữ trong vương phủ thì chẳng phải làm gì khó nhọc cả, nhưng... con có thể dìm tấm thân vào hàng tôi tớ được không? Điều ấy thày nhất định không nghe. Chẳng phải bàn tán gì cả. Để mai thày sang tận nơi nói cùng ông Quản hoặc với ngay bà Tiệp dư. - Con đã nhận lời rồi. Con cũng biết thày chẳng bằng lòng. Nhưng con đã có định kiến. Ông Đồ chua chát: - Định kiến làm con đòi ! Thật toi cả công tao dạy bảo. Mày làm tủi nhục đến cả vong linh mẹ mày! Rồi ông vùng vằng trở ra đi: - Cái đó xin tuỳ cô; tôi không dám dự. Cô muốn nhởn nhơ áo lụa quần là thì mặc cô. Vâng? mời cô theo bà chúa sang kẻ chợ ngay, tôi không giữ, không cấm. Nói xong, ông vùng vằng ra đi. Huệ chạy theo, van lơn: - Thày đừng giận con. Con hãy tạm náu mình cho qua lúc khó khăn này, rồi một mai con lại về quê nhà. Ông vùng vằng đòi ra đi cho hả cơn giận thế thôi. Ra cửa, ông cũng không biết đi đâu, đi đến nhà ai nữa. Tần ngần một lúc, ông lại trở vào, cởi khăn áo rồi nằm vật lên giường thở dài. Đêm hôm ấy, hai cha con đều trằn trọc không ngủ được. ông Đồ vì tủi nhục, Huệ vì cái định kiến và cái hi vọng của nàng. Nàng nghĩ: Thì cơ, muốn có thì phải đổi chỗ ở, bước sang một dịp cầu khác. May ra... Ta cũng chẳng cầu gì làm một đứa thị nữ, ta chỉ cầu lọt vào hoàng cung vương phủ để chờ xem có dịp gì không. Không vào rừng, sao bắt được cọp, mà đã vào rừng thì vào đường hoàng hay vào chui rúc cũng thế mà thôi. Sáng hôm sau, trời chưa bình minh, ông Quản Ba đã sang giục nàng sang bên phủ để theo bà Tiệp dư về kinh. Ông Đồ lạnh lẽokhông nói năng gì cả. Ông biết rằng có can con, cũng không được nào. Trước khi bước chân ra đi, nàng nói với cha: - Xin thày đừng giận con quá. Việc đời không biết đâu là chừng cả. Biết đâu phúc mà tìm, biết đâu hoạ mà tránh. Tái ông thất mã, an chi phi phúc? 10 -------------------------------- 1Tức là tổng Khắc Niệm, bây giờ thuộc huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. 2 Tức là làng Hoài Bão, thuộc huyện Tiên Du, tinh Bắc Ninh. 3Nhà Chúa vào những đời Văn Tổ Nghị Vương Trịnh Tráng và Hoàng Tổ Dương Vương Trịnh Tạc. 4 Họ to, được một vùng, một nước suy trọng. 5 Đỗ. 6 Làm quan. Ai vừa đỗ vừa làm quan là có cả khoa lẫn hoạn. 7 Đôi bên không thù oán gì nhau cả. 8 Ngày đã xế bóng mà đường còn xa. 9 Có bữa sáng lo bữa tối. Xưa có ông lão ở ngoài cửa quan mất con ngựa. Người ta đến thăm ông nói: "biết đâu chẳng là phúc cho tôi". Vài tháng sau, con ngựa ấy dắt được con ngựa khác về. Người ta đến mừng, ông nói: "biết đâu chẳng là hoạ cho tôi". 10 Sau người con cưỡi ngựa ngã què chân. Người ta đến thăm, ông nói: "biết đâu chẳng là phúc". Một năm sau, giặc Hồ đến, người ta phải ra trận, mười người chết chín. Con ông vì què chân nên tránh khỏi phải đi lính, khỏi chết. II Những cơn giông tố trong nội cung Theo cố sự 1, con trai trưởng Trịnh Vương khi tới mười hai tuổi thì dựng làm Đông Cung và cho xuất các 2. Tới năm mười tám tuổi thì cho ra ở riêng phủ và dự coi vào việc triều chính. Năm Cảnh Hưng thứ mười bốn, Trịnh Minh Đô Vương phong cho con trưởng là Trịnh Sâm làm thế tử và khiến quan Tham tụng Nguyễn Công Thể làm A Bảo. Tới tháng mười, năm Cảnh Hưng mười chín, Minh Đô Vương lại cho thế tử làm Tiết Chế thuỷ bộ chư quân, hàm Thái Uý, tước Tĩnh Quốc Công và cho Nguyễn Hoãn làm A Bảo. Thế tử được phong rồi bèn ở riêng phủ, dự coi vào việc triều chính. Phủ thế tử, gọi là Lượng Quốc phủ. Tĩnh Quốc Công năm ấy mới mười bảy tuổi. Cho tới năm hai mươi tuổi, ngài vẫn chưa định ngôi phu nhân, nghĩa là, theo lễ nghi, ngài vẫn chưa có vợ, tuy rằng trong nội phủ đã có đến ba người đàn bà đã từng được luôn luôn chăn gối và cũng đã từng bị bỏ gối lạnh chăn đơn. Ngoài ba người đàn bà nối nhau mà được thắm bị phai ấy, còn một đoàn thị nữ để dâng hoa rót nước, cầm đèn và... một đôi khi tạm cùng ngài chung bóng chung hơi. Ba người đàn bà, theo thứ tự vào cung là nàng Dương Ngọc Hoan, nàng Trương Ngọc Khoan và nàng Trần Thị Lộc. Ngọc Hoan tiến vào Lượng Quốc phủ năm Cảnh Hưng thứ hai mươi, nghĩa là một năm sau khi thế tử được mở phủ đệ riêng. Năm ấy nàng mười sáu và thế tử mười tám. Cuộc ái ân nồng nàn được hơn ba năm. Rồi đến năm thứ tư, lại một người khác chiếm mất nỗi sủng ái của thế tử đối với nàng. Người thứ hai này là Trần Thị Lộc. Hôm mười ba tháng giêng năm Nhâm Ngọ, nàng còn nhớ rõ lắm. ° ° ° Đêm hôm ấy nàng trằn trọc mãi không ngủ được. Một mình trong phòng, nàng hết đứng lại ngồi. Quái lạ, đêm hôm nay sao nàng thấy ruột nóng như lửa. Không phải vì nàng không được gọi lên hầu đấng quân vương mà nàng bối rối. Nhiều lần, nhiều lần lắm, nàng đã giữ phòng không, nhưng nàng cũng vẫn như thường. Nàng còn muốn giữ vị phu nhân thì có lẽ nào lại quá nặng tình chăn gối mà làm vướng vít thế tử là người nhất nhật vạn cơ 3? Phu nhân một vị thế tử bây giờ, vương phi một vị chúa tể thần dân, có đâu lại phải vì những nỗi nay chờ mai đợi mà động tâm? Mọi lần thì nàng coi sự không được gọi là thường, vì nàng cầm chắc thế tử đêm ấy bận việc gì trong cái then máy quốc gia mà quên tình nhi nữ. Lần này, dường như có một cái gì thần linh báo cho nàng rằng sắp có việc chẳng lành xảy ra. Hình như có tiếng gì bảo nàng rằng: cuộc đi quan phong 4 chuyến này của thế tử thế nào cũng khơi mào một chuyện gì không hay cho nàng. Rồi tự nhiên nàng băn khoăn bực dọc, nóng lòng sốt ruột. Lắm lúc nàng cũng tự lấy mình làm buồn cười, bỗng chốc không dưng mua lấy lo sợ hão. Có khi nàng muốn gạt bỏ ý ấy đi mình lại hỏi mình: lấy gì làm trưng triệu, lấy gì làm cớ cho nỗi lo sợ không đâu ấy? Nàng tự hỏi thế rồi nàng cũng không trả lời được, vì thật ra cũng không có cớ gì. Thật là chuyện vu vơ. Tự an ủi rằng chuyện không đâu, nàng tắt cây bạch lạp rồi vào giường nằm. Hồ nằm xuống, lại hình như có tiếng từ đâu đưa lại: Đêm nay, bắt đầu từ đêm nay, mày sẽ khổ, mày sẽ bị vứt bỏ. Ngồi nhổm dậy, nàng gọi con nữ tỳ bật bùi nhùi châm lại cây bạch lạp. Rồi nàng hỏi nó: - Con có nghe nói thượng công đi đâu không? Đứa nữ tỳ ngơ ngác: - Lệnh bà sảng hay sao thế? Sáng nay lệnh bà vừa nói rằng thượng công sang bên Kinh Bắc đi quan phong mà! Nàng chợt tỉnh ra. Thì ra trằn trọc với chuyện không đâu mãi, nàng đâm sảng thật. Vắt tay lên trán, nàng nghĩ lại những điều nàng đã qua từ sáng hôm nay. Nàng chợt tỉnh ra rằng sáng nay khi quân lính vào trình với thế tử rằng ngựa xe đã chỉnh tề, nàng hỏi thế tử: - Thượng công đi đâu mà đi sớm thế? - Ta sang bên Tiên Du xem hội làng Lim. Nũng nịu, nàng hỏi: - Thượng công có cho em đi cùng không? - Không được. Ta đi quan phong, dân gian trông vào, không thể mang ái khanh đi theo được. Ái khanh cứ ở nhà, chiều nay ta về. Thấy chủ trầm ngâm mãi, đứa nữ tỳ hỏi: - Lệnh bà đã nhớ chưa? Lệnh bà đã tỉnh ngủ chưa? Muốn giấu nỗi rối loạn vô lý trong lòng, nàng đáp: - Không. Ta đã ngủ đâu mà tỉnh với say. Thượng công đi sang Kinh Bắc sáng qua, sao ta lại không nhớ. Thượng công hẹn với ta rằng chiều tối thì về mà không thấy. Ta hỏi con là hỏi xem con có rõ rằng thượng công đã về chưa và nếu chưa về thì đi đâu, nếu đã về thì đi đâu? Đứa nữ tỳ nghe câu nói lúng túng của chủ, đoán là giữa thế tử với chủ nàng, hoặc có chuyện gì xích mích chi đây. - Lệnh bà hôm nay coi như có điều gì bận lòng thì phải. Bây giờ đã sang giờ Sửu, xin lệnh bà đi nghỉ kẻo nhọc. Có chuyện gì nữa thì cũng để đến mai. - Không, không có chuyện gì cả. Không biết tại sao đêm nay ta thấy buồn buồn và ta tưởng như sắp có tai vạ gì sắp tới. Đứa nữ tỳ cười: - Xin rước lệnh bà đi nghỉ. Nghĩ vẩn vơ chỉ hại thân thể mà thôi, vô ích. Sáng hôm sau, nàng vẫn chưa thấy tin thế tử về. Chiều hôm ấy, nàng không thấy Khê Trung hầu, người Thái giám coi việc nội cung, đến gọi nàng lên hậu đường hầu ngự. Trong ba bốn hôm liền, nàng không thấy ai hỏi han gì đến. Hôm thứ năm, sốt ruột, nàng chạy ra mé sau chiếc thảo đường tìm Khê Trung hầu thì cũng vừa gặp anh chàng ở hậu đường vừa xuống. Anh ta bảo nàng: - Lệnh bà đợi tôi ở nhà. Chiều nay, chừng cuối Thân đầu Dậu, tôi đến mách lệnh bà một câu chuyện sắp xảy ra trong phủ. Y hẹn, nàng ngồi đợi. Đúng hẹn, lúc nhá nhem tối, Khê Trung hầu đến. Nàng vội hỏi: - Việc gì thế, ông? - Việc có quan hệ đến lệnh bà. Nàng thất sắc. Khê Trung hầu nói: - Nhưng lệnh bà phải bình tĩnh... Hôm 13 mới đây, thượng công sang Kinh Bắc nghe hát xem hội. Tới đấy, thượng công để ý đến một người con gái vùng đó. Thượng công để ý vì một câu hát. Lúc đó thượng công đương đứng cửa chùa Giáng Vân. Bỗng lanh lảnh ở chân núi có tiếng hát đưa lên: Dao vàng bỏ đẫy kim nhung Biết rằng quân tử có dùng cùng chăng Rủ nhau lên núi Nguyệt Hằng Phù Dao chín vạn, chim bằng bay cao Nghe thấy tiếng hát, thượng công ban khen: "Giọng hát này hay, tiếng người con gái này trong trẻo". Thật ra tiếng hát ấy cũng trong và hay hơn tiếng hát khác thật. Sốt ruột, nàng hỏi: - Mặc cái tiếng trong trẻo ấy đấy. Ông nói nốt chuyện tôi nghe đã. Thế rồi làm sao? - Thế rồi làm sao? Lại còn làm sao nữa! Thượng công cho đòi người con gái hát ấy lên, rồi ngài truyền cho viên Tri huyện Tiên Du đem về tiến vào phủ. Hiện nay nàng ta còn trú tạm ngoài thành. Ngày mai thì nàng vào phủ. Kể ra cũng sắc nước hương trời lắm. - Nó tên là gì? người ở đâu? ông có biết không? Sao tôi lại không biết. Hắn tên là Trần Thị Lộc, người làng Khắc Niệm Đông, tên nôm là làng Ném Đông. Hắn năm nay kể ra còn hơn lệnh bà một tuổi, nghĩa là, nếu tôi mạn phép nhớ tuổi lệnh bà, thì hắn năm nay hai mươi tuổi. Ngọc Hoan nghe đến đó, thở dài: - Mấy hôm nay, bắt đầu từ hôm 13, tôi cứ nóng lòng sốt ruột như có tai vạ gì xảy đến. Nay quả nhiên thế thật. - Lệnh bà đừng vội buồn. Nếu thượng công say đắm Thị Lộc thì tôi đã có cách. - Cách gì? - Rồi hẵng hay. - Thì ông cứ nói đi đã sao? - Để xem xem đã. Nếu thượng công chỉ đậm đà chốc lát thì cũng bất tất phải thi thố gì. Nếu thật là say đắm thì chữa bệnh háo sắc, còn gì mạnh bằng sắc đẹp. - Nghĩa là làm sao? - Nghĩa là lại tìm một người khác đẹp hơn đem vào phủ làm thị nữ riêng của lệnh bà. Rồi làm sao cho thượng công đoái tới. Việc ấy đã có tôi. - Cho rằng kế ấy hay nữa thì có ích gì cho tôi. Trừ được một, lại sinh ra một, đâu cũng vào đấy cả. - Thế nhưng kế cuối cùng phải thế. Thượng công say đắm người do lệnh bà cất nhắc, làm sao lại chẳng hơn say đắm người khác. Không được ăn thì đạp đổ chứ gì. Như thế rồi, ba tháng sau, nàng Trương Ngọc Khoan vào làm thị nữ cho nàng Ngọc Hoan. Rồi thì Ngọc Khoan lọt mắt thế tử. Rồi thì thế tử mê Ngọc Khoan, bỏ quên hết cả mọi người. Thành ra trước kia có một người bị quên, nay thành hai người. Như thế được bảy tám tháng. ° ° ° Khê Trung hầu đương ngồi ở Nội tẩm đường lẩm bẩm nghĩ một mình: "Mình cũng chịu cái tài ông thế tử này! Một đêm không có đàn bà là không chịu được; thế mà mê man đến đâu, ông cũng không bỏ công việc hằng ngày. Người ta cứ nói gái đẹp làm nghiêng thành đổ nước, nhưng có lẽ nghiêng hay đổ cũng là vì người đàn ông. Mê gái mà vẫn không quên việc, ông thế tử này là một. Tối nào cũngchừng cuối giờ Dậu mới cho thư đồng 5 mang thẻ xuống gọi các bà lên. Hôm nay sao chậm thế này?". Một đứa thư đồng lúc đó cũng vừa tới. Khê Trung hầu hỏi: - Thẻ đâu? - Thượng công không đưa thẻ. Chỉ bảo xuống truyền ông cho gọi Ngọc Khoan. - Được! Cứ lên trước đi. Một tia sáng vừa bật trong óc Khê Trung hầu. Đã một năm nay, Ngọc Hoan bị bỏ quên. Đã một năm nay, ông phải trông những dáng điệu chán nản buồn rầu, phải nghe những kể lể than thân trách phận, những lời trách móc thở than của nàng. Đã bao lần ông bị nàng trách: "Chỉ vì ông xui tôi đưa con Ngọc Khoan vào. Thượng công mê Ngọc Khoan hơn mê Trần Thị Lộc. Thật là ông xui tôi đổ dầu chữa cháy." Thật ra chỉ vì yêu thương Ngọc Hoan mà ông bày cái kế lấy sắc chữa bệnh háo sắc đó. Hôm qua, nàng lại vừa trách ông một cách đau đớn chua xót hơn nữa. Sáng hôm kia, khi ông đến thăm, nàng rầu rầu bảo ông: - Ông Thái giám ơi. Hôm nay là ngày gì, ông có biết không? Ông không trả lời, vì biết rằng nàng nhắc lại cái ngày mười ba tháng giêng, ngày nàng bắt đầu bị quên, bị bỏ và hồ như bị ghét. Thấy ông ngần ngừ không nói, nàng thổn thức: - Hôm nay là mười ba tháng giêng... Một năm rồi... Ngày kia là tiết Thượng Nguyên, là ngày Nguyên Tiêu... Trong phủ thể nào cũng có cuộc vui, nhưng vui là vui cho ai chứ tôi thì có gì là vui. - Xin lệnh bà cứ an tĩnh. Ông cũng biết khuyên người lòng đương như bão táp mưa sa phải an tĩnh là vô lý, nhưng không biết lấy lời gì mà an ủi nữa, ông đành nói đỡ đòn trôi chuyện cho qua. Ông thương nàng như thương con, tuy rằng theo lễ phép nhà nước ông phải gọi là lệnh bà. Thương mà không giúp ích gì được, nên không muốn ngồi nói vã vô ích, ông đứng dậy: - Thôi, xin lệnh bà an nghỉ. Nàng chua chát: - Vâng, ông xếp cho tôi được an nghỉ thì tôi phải an nghỉ chứ sao! - Lệnh bà rõ cho và đừng trách móc tôi nữa. Lời trách móc cũng không làm vui lòng thêm cho lệnh bà mà chỉ làm cho lòng tôi khốn đốn thêm mà thôi. Tôi xin về. Nàng níu lại: - Tôi quên chưa nói với ông một điều. - Vâng, xin nghe. - Hôm qua, tôi nằm một giấc mộng, không rõ lành dữ ra sao. - Mộng thế nào? - Mộng thấy hình như tôi vào một nơi quân lính tụ họp thật đông, họ đội một cái mâm đồng đem đến và nói rằng biếu tôi. Tôi nhìn thì trên mâm có một tấm đoạn. Giở ra xem, tôi thấy giữa tấm đoạn vẽ một cái đầu rồng. Ông thử đoán xem lành hay dữ. - Đó là một điềm hay. Đoạn sắc gì, lệnh bà có nhớ kỹ không? - Đoạn sắc huyền, đầu rồng sắc vàng. - Hay, hay lắm. Rồng là tượng vua. Lệnh bà thế nào cũng sinh con trai. Rồi lệnh bà tất được dựng làm phu nhân, và làm vương phi, và vương thái phi. - Ông diễu tôi làm chi thế. Tấm thân vứt bỏ này còn dám mong gì nữa. - Biết đâu đấy. Một ngày kia thượng công nghĩ lại... Nghĩ tới đó, ông tủm tỉm cười, cái cười chứng rằng trong óc ông mới nghĩ được một việc gì tinh quái đắc ý: "Không cho thẻ gọi mà lại truyền miệng. Được rồi! Ngọc Hoan, Ngọc Khoan hai chữ có thể nghe lầm được. Đã thế, ta cho gọi Ngọc Hoan lên. Thế tử tuy sơ Ngọc Hoan, nhưng cũng không có lẽ gì mà ghét bỏ. Giấc mộng đầu rồng vàng vẽ trên tấm đoạn sắc huyền, cứ mình đoán thì vừa hay lại vừa dở. Long vi quân tượng..., rồng là tượng vua, Ngọc Hoan sau tất có con làm vua đây. Nhưng sắc đoạn huyền thì muốn như ứng vào hào từ hào thượng lục quẻ Khôn: Long chiến vu dã, kỳ huyết huyền hoàng) 6. Con nàng chắc sau làm vua, nhưng làm vua lúc loạn, có nạn chinh chiến. Hào từ này lại ứng vào điềm có cái hoạ âm thịnh. Lôi thôi lắm đây. Trời cho ta sống vài chục năm nữa, thử nghiệm xem ra sao thì hay quá." Nghĩ tới đó, ông quả quyết đứng dậy: Nào, ta thử xem cái triệu đầu rồng có ứng không nào. Rồi ông đến chỗ Ngọc Hoan ở, tươi cười hỏi: - Lệnh bà có biết tôi có việc gì vui không? Nàng lạnh lùng: - Ông thì thiếu gì cái vui! - Không, việc vui cho lệnh bà nữa kia. Nàng vẫn lạnh lùng: - Tôi thì có gì là vui! - Tôi nói lệnh bà rõ: thượng công có lệnh triệu lệnh bà lên hậu đường. - Ông nói thật đó? - Ai dám đùa chuyện ấy. Lệnh bà sắp sửa lên ngay. Hôm nay, thượng công xem giấy má sách vở hơi lâu hơn mọi hôm. Ngọc Hoan vội vàng sắm sửa áo khăn. Thấy nàng sung sướng, Khê Trung hầu nửa thương, nửa ái ngại, nửa buồn cười. Thương cho tấm lòng còn trẻ con măng sữa, ái ngại cho nỗi thất vọng sắp xẩy ra, nếu thế tử lãnh đạm hoặc đuổi về cũng nên, buồn cười cho cái mưu đổi mận thay đào của mình. Ông lầm nhầm đọc hai câu lục bát ông vừa nghĩ xong: Nọ Ngọc Khoan với Ngọc Hoan Khác nhau một chữ, mê man họa lầm? Đó lệnh bà coi: tôi nói có sai đâu. Giấc mộng đầu rồng thấy đêm mười hai thì đêm rằm nay ứng ngay. Tôi vẫn bảo là thượng công thế nào cũng có hồi tỉnh lại mà đoái thương đến người thuỳ mị như lệnh bà. ° ° ° Trên hậu đường, ngồi chờ mãi không thấy Ngọc Khoan lên, thế tử lại ngồi xuống ghế giở những bản khải 7 ở các trấn và ở các phiên 8 ra xem lại. Lúc Ngọc Hoan lên đến hè, thế tử còn đương xem dở một bản khải của quan Tri Hộ phiên 9 về việc xá thuế mấy huyện Gia Viễn, An Mô, An Khang, Tống Sơn, và một bản khải của Sắc mục Nghệ An hạch tội viên Đốc xuất Nghệ An Văn Đình Ý. Trông thoáng thấy bóng người đàn bà lên thềm, thế tử cứ cúi đầu xem, miệng nói: - Cứ vào nội tẩm trước. Xem nốt bản khải, rồi ta vào sau. Một lúc sau, thế tử vào. Trông thấy Ngọc Hoan, ngài hơi cau đôi lông mày và nét mặt hơi ngượng nghịu, vừa tức rằng Khê Trung hầu lầm, vừa ngượng với Ngọc Hoan là người tuy ngài bỏ quên nhưng ngài cũng không nỡ ghét, và, hơn nữa, ngài cũng có ý vì nể đôi chút. - Ái Khanh đấy ư? Ta lâu nay bận việc quốc gia trọng sự, thành ra có ý sơ ái khanh. Ngọc Hoan sung sướng quá, không biết nói lại thế nào, chỉ đến ngồi cạnh thế tử, vuốt ve đôi vai. Rồi nàng ngả đầu vào vai thế tử, nói: - Thượng công bây giờ là vị trừ quân 10 của thần dân. Thần dân trông thượng công là chúa thượng sau này, nhưng hiện nay em đã trông thượng công như vua rồi. Ông vua của em, ông vua của em mấy năm nay. Ông vua riêng của em... Nói đến đó, nàng ngập ngừng, thổn thức rồi tiếp: ....... Chẳng của riêng em được. Thế tử bỗng bật cười: - Thì của riêng ái khanh lúc này, bây giờ, đêm nay... Nàng tiếp: - Và đêm mai, đêm kia nữa. Sáng sau, thế tử cho gọi Khê Trung hầu và trách mắng: - Sao mà người lơ đễnh thế? Có một việc thế mà cũng lầm lẫn được! Ai bảo ngươi gọi Ngọc Hoan? - Đó là tội của tiểu thần nghe lầm. Sở dĩ thế là vì thượng công không ban thẻ mà chỉ diện truyền. Tiểu thần trộm tưởng là thượng công đoái thương đến Ngọc Hoan... vì sau không thấy thượng công đuổi Ngọc Hoan về. - Đuổi về thì... quá. Ta không nỡ. Khê Trung hầu bắt ngay lấy tiếng "không nỡ" mà nói tiếp: - Thượng công đã không nỡ đuổi về thì cũng chẳng nên nỡ để Ngọc Hoan buồn tủi suốt một năm ròng. Câu nói của Khê Trung hầu tuy đanh thép và khôn khéo, nhưng cái khôn khéo và đanh thép ấy không đủ để phá tấm lòng luyến ái của thế tử cùng Ngọc Khoan. Tối hôm qua, thấy Ngọc Hoan đến mà thế tử không đuổi, chẳng phải là chẳng nỡ mà chỉ là không muốn lộ cái tình thiên ái của mình một cách sỗ sàng. Bụng thì thiên lệch hẳn rồi mà ngoài mặt thế tử vẫn muốn tỏ mình là người vô tư hết sức. Thôi thì trót lầm thì ta cứ để lầm một hôm. Tóm lại, Ngọc Khoan hay Ngọc Hoan thì cũng đều là đàn bà cả. Thế tử cúi xuống nghĩ lan man một lúc. Khi ngẩng lên trông thấy Khê Trung hầu còn đứng đấy như ngạo nghễ cái tính háo sắc xấu xa của mình, thế tử muốn cắt câu chuyện, bảo: - Thôi, cho ngươi lui. Như cái máy, Khê Trung hầu cúi đầu thi lễ rồi xuống thềm. Đến tối hôm sau. Đã cầm bút viết hai chữ Ngọc Khoan vào thẻ, thế tử lại xoá đi vì cũng hơi ngượng với Khê Trung hầu. Lần thứ hai, hai chữ Ngọc Hoan cũng lại bị xoá. Tên thư đồng quen lệ thấy thế tử viết thẻ thì chắp tay đứng sẵn bên cạnh, đợi sai khiến. Thế tử cầm cái thẻ trắng gõ xuống cạnh bàn những tiếng nho nhỏ, lòng đương trù trừ. Liếc trông thấy tên thư đồng, ngài liền sai ngay: - Bảo Khê Trung hầu gọi Ngọc Khoan. Tên thư đồng đã bước xuống thềm, thế tử còn gọi vớt mà dặn lại: - Ngọc Hoan? Đêm ấy, Ngọc Hoan lại ở hậu đường hầu chăn gối Đêm thứ ba. Ngọc Hoan lại ở hậu đường. Một vì lầm lẫn, hai vì ngượng ngùng, ba vì tấm lòng giả trá của thế tử, nên Ngọc Hoan được thoả tình trong ba bận. Nhưng chỉ có thể được đến ba hôm là cùng thôi. Từ hôm thứ tư trở đi, người được chăn ấm gối êm cùng người bị chăn lạnh gối đơn lại như cũ, lại như trước ngày Nguyên Tiêu. Trong phủ còn một người nữa bị bỏ quên. Người ấy bị bỏ quên sau Ngọc Hoan, từ ngày Ngọc Khoan vào phủ. Ông quan bị thải hồi sau nếu còn hăng hái muốn xuất chinh hơn ông quan bị thải hồi trước thì người ấy còn hăng hái muốn chuộc lại tình luyến ái hơn Ngọc Hoan. Ngọc Hoan bản tính mềm mại thuỳ mị, nên bị bỏ quên, nàng chỉ biết thở than với bóng, buồn tủi cho thân mà thôi. Người kia tính khí sắc mắc hơn, khi nào lại chịu buồn suông tủi hão. Người ấy, độc giả còn nhớ là Trần Thị Lộc. Song, cho hay là thói hồng nhan, càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều. Nàng bị bỏ quên cho đến lúc thế tử nối nghiệp làm chúa rồi lại cho mãi đến lúc chúa qua đời. ° ° ° Đã hai năm nay, bây giờ Ngọc Hoan ăn tết mới vui. Chút tình luyến ái lầm lỡ cuối cùng của thế tử với nàng, may làm sao, lại có kết quả được tốt đẹp như thế này. Nàng hồi tưởng lại hồi tháng hai năm ngoái lúc uẩn bà 11 đến xem cho nàng và nói rằng nàng thụ thai. Nàng tươi tỉnh khi nhớ đến câu uẩn bà nói: - Lệnh bà có thai được hơn một tháng. Lúc đó, nàng còn cho là uẩn bà nói dối để vuốt ve nỗi buồn cô độc của nàng. Hai tháng sau, sau một lượt khám nghiệm nữa, uẩn bà nói một cách chắc chắn: - Lần này, lão tỳ quả quyết là lệnh bà hoài thai. Nếu thai thuận và đúng kỳ thì vào cuối tháng mười lệnh bà lâm bồn. Khi đó, không cần cái giọng nói chắc chắn, không cần những câu nói dài của uẩn bà, nàng cũng biết chắc là nàng hoài thai. Nghĩ tới đó, mặt nàng cau lại như vừa nghĩ tới chuyện gì tức mình. Tức mình thật và giận thân thật, nếu nàng nghĩ đến cái thái độ của ông thế tử chồng nàng đối với cái tin mừng đáng lẽ phải là tin mừng chung. Theo lệ trong cung, hễ phi tần hoặc cung nữ nào hoài thai thì ra ngoài ba tháng, Thái giám phải trình một cái thiếp báo hỉ. Thiếp ấy, khi Khê Trung hầu dâng lên thế tử thì thế tử không thèm nhìn nữa mà cầm vứt ngay vào sọt giấy lộn. Cái thái độ vô nghĩa và vô tình ấy, nghĩ đến, nàng như héo từng khúc ruột. Lắm lúc, nàng uất lên, tưởng như cái bào thai trong bụng đến phải thoát ra ngoài. Thế rồi đến hết tháng mười, cũng chưa thấy gì. Rồi đến giữa hôm rằm tháng chạp thì nàng lâm bồn. Nghĩ đến lúc này, lại càng giận con người vô tình. Đầy cữ, trên từ bố chồng là Ân Vương, dưới đến các cung nữ đều đến thăm đến mừng, chỉ duy có thế tử thoái thác không đến. Các quan thấy thế tử mới có con trai xin vào mừng thì thế tử gạt đi mà nói: - Đợi khi nào đứa hài nhi ấy thành người, mừng cũng chưa muộn. Làm như thế là ý thế tử chưa muốn nhận đứa con ấy là trưởng tử. Nhưng dù làm sao thì nàng cũng có con đầu tiên, dù làm sao thì con nàng cũng là trưởng tử, nàng cũng có thể vì con mà nguôi nỗi buồn được. Nàng lại càng chắc chắn hơn nữa, là vì chúa Minh Đô và Nguyễn Phi (bố mẹ chồng nàng) có ý yêu đứa cháu đầu lòng lắm. Năm nay, vì thế, nàng ăn tết vui vẻ hơn mọi năm. Đến rằm này, con nàng vừa được một năm, một tháng, tết Nguyên Tiêu năm nay nàng sẽ vui vẻ ấm áp làm sao! ° ° ° Nhà hậu đường bên Lượng Quốc phủ hôm nay trang hoàng thật rực rỡ để làm lễ "già năm" con trai đầu lòng ngài Thái úy Tĩnh Quốc Công và cháu đích tôn ngài đương kim chúa thượng Minh Đô Vương. Lễ ấy chính ra thế tử chẳng muốn làm, vì ngài không ưa đứa con vô tình ngài có. Nhưng vì chúa Minh Đô ép, nên bất đắc dĩ lễ phải cử hành. Vì thế, nên hôm rằm tháng chạp năm trước, là ngày đầy năm, thế tử không muốn làm lễ, thoái thác là cuối năm bận việc, để đến sang giêng làm vào lễ Nguyên Tiêu. Thế tử để lùi lại là mong rằng chúa Minh Đô nếu quên đi thì thôi, phế hẳn lễ "chu tuế" (đầy năm). Nhưng sang giêng, chúa Minh Đô lại nhắc đến ngay. Vì thế nên bất đắc dĩ, lễ phải cử hành. Từ hôm mồng mười, đoàn vũ nữ trong cung đã phải tập múa lục dật, tập hát khúc trình tường. Sáng hôm ấy, vào khoảng đầu giờ Thìn, ở hậu đường, ai nấy túc trực sẵn sàng cả để đợi chúa và nguyên phi. Cuối Thìn, Khê Trung hầu vào loan báo: - Chúa Thượng và nguyên phi đã ở vương phủ sang, xin thượng công và phu nhân lên kiệu. Thế tử cùng Ngọc Hoan đứng dậy. Hai người đều im lặng, mỗi người có một nỗi khó chịu riêng. Thế tử vì không thích, miễn cưỡng, Ngọc Hoan vì trông thấy vẻ miễn cưỡng của thế tử lộ quá. Một hồi sau, chúa, nguyên phi, thế tử, Ngọc Hoan cùng đến. Chúa và nguyên phi ngồi ở sập sơn then thếp vàng giữa nhà. Cạnh sập ấy, bên tả một chiếc đoản kỷ, thế tử ngồi; bên hữu một chiếc đoản kỷ nữa, Ngọc Hoan ngồi. Cạnh chiếc đoản kỷ ấy, một người cung nhân đứng bồng một đứa trẻ. Đứa trẻ ấy đầu đội mũ màu vàng nhợt thêu một con rồng bằng kim tuyến, mình mặc áo kim ngân đoạn màu huyền. Đôi mắt sáng mà hiền, mũi thẳng dọc dừa, miệng to, môi đỏ. Đứa trẻ ấy là con đầu lòng của thế tử Trịnh Sâm, mới được chúa đặt tên cho hôm mồng một tết là Trịnh Tông. Trước sập chúa và nguyên phi ngồi, kê một chiếc án thư, trên để một thanh gươm, một cái cung và một quyển sách. Đâu đấy ngồi yên, viên Nội giám Khê Trung hầu xướng to: 12 - Bẩm, xin thế tử cùng phu nhân ra chiếu. Thế tử cau mặt nhìn Khê Trung hầu rồi cùng Ngọc Hoan ra đứng ở chiếc chiếu cạp điều giải trước án - Bẩm .... quị....ị...ị.... Hai người cùng quì. - Cúc .... cung ... bái ái... Hai người cùng lễ. Dưới chiếu, người cung nhân cũng bồng Trịnh Tông và bảo vái. Sau cuộc lễ tạ ơn, chúa Minh Đô cùng nguyên phi ra đưa cho cháu thanh gươm, cái cung và quyển sách để ở bàn. Sau lễ ấy đến lễ thí nhi 13. Trên một chiếc sập to kê gian bên, bày đủ các thứ đồ chơi chế theo hình đủ các vật dùng của tứ dân: bút, mực, giấy, nghiên, cày, bừa, búa, đục, bay, kéo, v.v... Người cung nhân đặt Trịnh Tông lên sập. Trịnh Tông bò quanh sập mãi không cầm cái gì cả. Quanh sập, chúa, nguyên phi, thế tử, Ngọc Hoan, và quan A bảo Nguyễn Hoãn đã sốt ruột. Thế tử thì đứng lảng ra ngoài không thèm trông nữa. Ngọc Hoan chăm chú nhìn con không chớp mắt. Một lúc, Tông sờ vào thoi mực rồi lại quăng xuống, rồi sờ sang bên cạnh, nhìn năm cục tròn tròn bằng đất, vàng, gỗ, gạch đỏ, và thủy tinh biểu hiện cho năm hành: thổ, kim, mộc, hoả, thuỷ. Ngọc Hoan đứng trông trong dạ bồi hồi, chỉ sợ con cầm cục đất. Quả nhiên Tông cầm cục đất đập lên bốn cục kia. Thoạt tiên đập lên cục thuỷ tinh, rồi đập lên cục gạch đỏ, rồi cuối cùng đập lên cục vàng thì hòn đất vỡ tan. Rồi y oà lên khóc, đòi bế. Xung quanh ai cũng im lặng không nói gì và đều thầm cho là điềm gở. Lúc đó thế tử mới quay lại thì mọi người đã dời xa sập cả rồi. Hỏi biết đầu đuôi, thế tử nắm tay con, nói: - Làm mất đất nước của cha ông là mày à? Nguyễn Hoãn can: - Cái trò này là theo tục đặt ra, có thể tin sao được. Xin thế tử đừng làm mất vui trước mặt chúa thượng. Tiếp lễ ấy đến lượt các quan xin vào mừng. Thế tử nói: - Lễ này là gia lễ, các ông không được dự. Thật ra thế tử không muốn cho các quan vào, sợ lễ ấy thành lễ chính thức nhận Tông là trưởng tử đối với triều thần. Rồi đến lượt vũ nữ múa lục dật và nhạc công tấu nhạc mừng. -------------------------------- 1 Cố sự: nghĩa là theo phép cũ, việc đã thành lệ cũ. 2Ra ở "Trạch các": Thế tử nhà chúa ra ở Trạch các cũng như Thái tử nhà vua ra ở Đông cung. 3 Một ngày ngàn công vạn việc. 4 Đi xét phong tục trong dân gian. 5 Đứa trẻ dùng để sai khiến trong thư phòng. 6 Nghĩa đen chữ một là: Rồng đánh ở đồng máu tụ đen vàng. 7 Tờ các quan trình chúa Trịnh gọi là "khải". 8 Các "phiên" trong phủ chúa cũng như các "bộ" bên triều đình. 9 Quan đứng đầu Hộ phiên. 10 Ông vua được định sẵn. 11 Người đàn bà làm nghề bà đỡ trong cung. 12 Khi đó, xướng dùng chữ nôm. Vua thì xướng tấu chúa xướng bẩm. 13 Thử trẻ. III Dâng hoa Bốn năm sau. Chúa Minh Đô mất. Thế tử lên thay, hiệu là Tĩnh Đô Vương. Theo lệ thì con chúa phải có A bảo để dạy học. Chúa cho Hân Quận công làm A bảo. Ngôi nguyên phi vẫn để khuyết, vì chưa biết dựng ai. Muốn dựng Ngọc Khoan thì nàng lại chưa có con mà Ngọc Hoan thì không muốn dựng. Một năm sau nữa, Ngọc Hoan được dựng là tu dung 1. Dựng Ngọc Hoan làm tu dung, chẳng phải Trịnh Vương có yêu gì nàng mà chỉ là theo lệ có con thì phải dựng mẹ mà thôi, chỉ là theo ý bà Nguyễn Thái Phi. Song Ngọc Hoan được cái danh hờ là tu dung chứ không được Trịnh Vương đoái tới. Lúc chưa được dựng làm tu dung, Ngọc Hoan còn có thể vịn vào sự bất minh ấy mà nằn nì thái phi được, chứ từ khi đã được dựng rồi thì còn cái an ủi cuối cùng là làm nũng thái phi, nàng cũng mất nốt. Ngọc Khoan thì càng ngày càng được sủng ái. Trong cung, nàng không coi ai ra gì cả. Cho cả đến Ngọc Hoan là người dìu dắt nàng vào tới cung, nàng cũng chẳng chút nể vì. Như thế được sáu năm. ° ° ° Trong nội phủ chúa Trịnh, về đời chúa Tĩnh Đô Vương Sâm, những vườn hoa chăm nom rất kỹ lưỡng, vì chúa thích chơi hoa. Mỗi buổi sáng, một người thị nữ phải dâng lên một lẵng hoa. Hoa dâng lên phải theo đúng tiết. Cứ mười lăm ngày, qua một tiết, là phải đổi thức hoa. Chúa muốn theo như 24 tiết hoa của Tàu. Sách Tàu chép rằng mỗi một năm, từ tiết tiểu hàn đến tiết cốc vũ, gồm tám tiết, mỗi tiết chia ra làm ba thì hầu, mỗi thì hầu năm hôm. Mỗi thì hầu có một trận gió riêng, mỗi trận gió ăn vào một thứ hoa. Cứ gió ấy thổi đến thì hoa ấy nở, dường như gió thủ tín cùng hoa tới để mở đài hoa ra. Gió ấy gọi là hoa tín phong. Tám tiết, 24 thì hầu và 24 ngọn hoa tín phong cùng 24 thứ hoa hứng gió mà nở, theo sách kê ra như sau đây: Tiểu Hàn: Nhất hầu: Mai Nhị hầu: Sơn Trà Tam hầu: Thuỷ Tiên. Đại Hàn: Nhất hầu: Thuỵ Hương Nhị hầu: Lan Tam hầu: Sơn Phàn Lập Xuân: Nhất hầu: Nghênh Xuân Nhị hầu: Anh Đào (roi) Tam hầu: Vọng Xuân Vũ Thuỷ: Nhất hầu: Thái Nhị hầu: Hạnh Tam hầu: Lý (mận) Kinh chập: Nhất hầu: Đào Nhị hầu: Đường Lệ Tam hầu: Tường vi (hồng) Xuân phân: Nhất hầu: Hải Đường Nhị hầu: Lê Tam hầu: Mộc Lan Thanh Minh: Nhất hầu: Đồng Nhị hầu: Mạch Tam hầu: Liễu Cốc Vũ: Nhất hầu: Mẫu đơn Nhị hầu: Đồ li Tam hầu: Luyện. Những thứ hoa ấy, một là ở xứ ta không có, hai là dù có cũng không thủ tín được với thì hầu, thành ra mỗi năm, vì cố hết sức uốn hoa nở theo tiết, cố ghép hoa vào cho đủ tiết, bọn cung nhân trồng đủ trăm thức hoa rồi ép mỗi hoa vào một tiết. Hoa nở trong thâm cung, coi vậy cũng bị kiềm chế như người đẹp trong cung. ° ° ° Ngắm người thiếu nữ hái hoa ngoài vườn, bà Tiệp dư Trần Thị Lộc tựa lan can nghĩ ngợi lan man: "Người đẹp nhường kia thì mình đây cùng bạn má hồng cũng phải mê, nói chi đến đàn ông, nói chi đến vì quân trưởng mê sắc đẹp như vương thượng... Nhưng làm sao cho cái sắc đẹp khuynh thành này lọt được vào mắt ông chúa đĩ tính kia?" Bà mang người thiếu nữ ấy vào trong vương phủ đã hơn năm nay mà chưa có dịp nào đem cái sắc đẹp khuynh thành ấy để lọt dưới mắt chúa Trịnh. Bà cũng tính cái mưu như Ngọc Hoan: đem sắc đẹp chữa bệnh mê sắc đẹp của nhà chúa. Trong vương phủ bấy giờ, kể ngôi thứ trong nội phủ có ba người: nguyên phi Dương Ngọc Hoan, Tiệp dư Trần Thị Lộc và tân Trương Ngọc Khoan. Ba người ở ba nhà riêng, người nào cũng có cung nữ hầu cả. Cứ sắp đến một tiết dâng hoa thì viên Nội giám rút thăm lấy một thẻ. Rút đúng thẻ người nào thì cung nữ nhà người ấy dâng hoa. Tiết dâng hoa đầu năm Nhâm Thìn thăm gắp đã vào cung nguyên phi họ Dương rồi; tiết dâng hoa năm ngoái năm Quý Tỵ lại về phần cung bà tân Ngọc Khoan. Năm nay, sao thăm gắp lại về Ngọc Khoan năm nữa. Hơn một năm nay, bà đợi dịp mà lại qua mất. Công vun xới vườn hoa trong mấy năm, thế là uổng cả. Chán nản, bà gọi người thị nữ hái hoa vào, bảo một giọng giằn dỗi: - Thôi! Con mang hoa ra vứt ngoài vườn. Người thị nữ nói: - Công vun xới hàng năm để hưởng một buổi sáng, can chi lệnh bà lại truyền bỏ đi. - Ta vun hoa vì chúa thượng. Hoa không được lượng trên thưởng thức thì vứt đi chứ để làm gì! Thị Huệ - tên người thị nữ, hẳn độc giả cũng thừa biết rồi, âu là gọi ngay tên ra - biết thừa cái ý của bà tiệp dư rồi, nhưng cố làm ra vô tình không biết. Không những nàng biết rằng hoa trồng trong vườn là để dâng lên nhà chúa mà nàng lại biết rõ cả rằng chính thân nàng cũng là cái mồi bà tiệp dư dùng để dâng nữa. Bà tiệp dư cũng có ý giấu nàng đoạn dưới đó, vì bà muốn rồi đây nếu Thị Huệ được ơn trên thương đến thì cũng là một sự ngẫu nhiên tình cờ chứ không phải ở như bà dụng tâm. Làm như thế để Thị Huệ không tủi thân rằng vì mình nghèo mà bị người ta đem ra làm cái mồi câu đế bá. Bà nghĩ rằng nỗi tủi ấy có thể biến thành nỗi oán hờn được. Nỗi oán hờn ấy sẽ chẳng hay cho bà, nếu sau đây Đặng Thị Huệ được nhà chúa thương yêu. Tâm cơ ấy giấu ai chứ giấu sao nổi người thông minh như nàng Đặng Thị Huệ. Nàng biết rõ cả, nhưng khéo giấu tâm tích, nàng vẫn giả dạng như ngơ ngẩn thật thà. Nàng thừa rõ rằng hiện bấy giờ ở trong cung chúa: Bà nguyên phi Dương Ngọc Hoan bị bỏ lửng đã ngoại mười năm, tuy rằng đã được dựng làm nguyên phi, tuy rằng con là Tông đã mười hai tuổi; nhưng ngôi nguyên phi cũng chẳng chắc chắn gì mà ngôi thế tử cũng khó lòng về được Tông. Bà tiệp dư Trần Thị Lộc bị bỏ lửng cũng đến mười một năm, và, tuy rằng tuổi đã ngoại tam tuần nhưng vẫn còn hi vọng câu lại tấm lòng luyến ái đấng quân vương. Bà tân Ngọc Khoan hiện giờ tuy được nhà chúa thương yêu, nhưng nghe chừng nỗi thương yêu ấy cũng có phần phai lạt rồi. Sở dĩ Ngọc Khoan chưa bị bỏ lửng, cũng chỉ vì chưa có cái nhan sắc nào hơn thế vào đó mà thôi. Nàng biết rõ thế lắm và cũng hi vọng một ngày kia sẽ dùng cái nhan sắc tuổi mười tám đương dậy thì của nàng để đánh đổ lòng vị chúa háo sắc kia. Bởi vậy việc cung nữ bà tiệp dư không được dâng hoa cũng làm cho nàng buồn như bà tiệp dư, mà nỗi buồn của nàng lại hơn nữa, vì từ ngày trái ý cha mà vào cung, nàng cũng đã rắp tâm đem mình, tài mình, sắc mình, thấu đến người "quyền khuynh thiên hạ" 2. Cái hi vọng "đảo hành nghịch thị" của nàng nếu cứ thế này mãi thì bao giờ mới thành tựu? Tháng tư năm ấy. 3 Nơi hậu đường, chúa Tĩnh Đô Vương đương xem bản khải của quan Trấn thủ Nghệ An là Đoàn Quận công Bùi Thế Đạt, nói về những việc biến loạn trong Nam của chúa Nguyễn và trình bày những lẽ nên thừa cơ đánh úp lấy đất Thuận Hoá. Tĩnh Đô Vương cầm bản khải nhấc lên đặt xuống mấy lần, ý vẫn trù trừ chưa quyết. Đứng hầu cạnh sập bấy giờ chỉ có Khê Trung hầu và một tên tiểu hoàng môn 4. Khê Trung hầu thấy Tĩnh Đô Vương băn khoăn, liền đánh bạo nói: - Việc trong Thuận, Quảng, trưởng công chúa 5 chắc biết rõ. Xin chúa thượng cho hỏi công chúa xem. Giữa lúc ấy, nhìn xuống hè, thấy có người con gái nhấp nhô dòm lên, Khê Trung hầu lên tiếng: - Ai đứng dưới thềm đó? Người con gái thưa lên: - Con là thị nữ cung bà tiệp dư họ Trần. Tiệp dư sai con đưa thiếp đến trình chúa thượng. Sự đường đột quá ấy khiến trên từ chúa Tĩnh Đô, dưới đến tên tiểu hoàng môn đều trố mắt ra mà kinh ngạc. Chỗ này, giờ này cho dẫu đến phi tần được sùng ái hết sức cũng không dám đến, nói chi đến một đứa thị tỳ mà lại đứa thị tỳ một bà tân bị bỏ xó hơn mười năm! Khê Trung hầu, trong bụng cầm chắc sẽ có một trận lôi đình theo sau, còn đương nhìn trộm chúa Trịnh để dò xem tình ý thì người thị nữ đã tiến lên thềm. Thấy người thị nữ liều lĩnh quá, Khê Trung hầu phải vội ra cầm lấy cái thiếp để trên lẵng hoa đưa vào trình. Chúa Tĩnh Đô cầm lấy thiếp, giở ra xem. Thiếp rằng: Hôm nay ngày lập hạ. Tiết cốc vũ qua đã hơn mười hôm, tín phong hoa hầu đã qua lâu rồi Thần thiếp trồng được thứ huệ ngũ sắc, mạo muội tiến lên ngự lãm Chúa Tĩnh Đô đọc xong thiếp, ngẩng lên nhìn thì rõ ràng trong lẵng hoa có năm giò huệ năm sắc: xanh, vàng, đỏ, tím, trắng. Luôn trong khoảnh khắc, chúa bị kinh ngạc mấy lần liên tiếp: kinh ngạc về sự đường đột của người thị nữ mà cách cử chỉ đã trái hẳn với thói quen trong cung; kinh ngạc về năm sắc hoa của người thị nữ, trái với lẽ thường của tạo vật; và kinh ngạc về sắc đẹp của người mang hoa, một trang thiếu nữ đã làm tăng sự khôn khéo của tạo vật. Nhìn hết năm giỏ hoa lạ trên lẵng, chúa lại nhìn đến đoá hoa sống kia, rồi như dại, như ngây, ngài ngồi im không nói gì cả. Một vị vua chúa đương ngồi xem khải tấu là một ông thần đương ngồi trên bàn thờ, là một đức phật đương ngồi trên toà sen. Giữa lúc ấy mà ai phạm tới thì tức khắc uy sấm sét phải tiếp theo để giữ địa vị cho tôn nghiêm. Dù tự vị thần ấy xét là người bị uy sấm sét có vô tình mà mắc oan đi nữa, thì uy sấm sét cũng vẫn phải cho ra để giữ nghiêm ngôi "bảo tộ" 6. Lúc đó, vị Đại nguyên suý, Tổng quốc chính, Thượng sư, Thượng phụ, Duệ Đoán Văn Công Võ Đức Tĩnh Vương thì muốn ra uy sấm sét để lập nghiêm, nhưng con người háo sắc là Trịnh Sâm thì lại mải mê nhìn cái sắc đẹp nghiêng thành nghiêng nước kia mà quên mất địa vị ngồi trùm trăm họ của mình. Lúc đó, từ địa vị ngồi trên ngai cao, chúa trông xuống địa vị anh chàng thiếu niên đa tình, thấy mình rùng rợn như muốn ngã. Người trượt ngã, trước khi ngã cũng còn cố giơ tay gượng lái mình một lần trót. Trước khi sa ngã hẳn, chúa Tĩnh Đô chỉ còn đủ sức giơ tay vẫy hắt Khê Trung hầu và tên tiểu hoàng môn một cái. Đã quen sự hắt tay ấy nghĩa là gì, hai người lùi xuống dưới thềm rồi lủi mất. Có sa ngã thì một vị chúa cũng phải sa ngã khuất mắt mọi người. Mọi người vắng cả, Tĩnh Đô Vương mới truyền người thị nữ: - Con trồng hoa này hay mua ở đâu? - Bẩm, lệnh bà thần thiếp khiến trồng. - Con kiếm giống hoa này ở đâu? - Bẩm, cũng là giống huệ trắng thường, nhưng bón một thứ màu riêng. - Được, con cắm vào cái lọ sứ Giang Tây ở góc phòng kia. Giá lúc khác, giá là người khác dâng hoa, thì ít ra chúa Tĩnh Đô cũng hỏi kỹ lưỡng về những màu hoa dị thường đó, nhưng vì chúa để ý đến đoá hoa biết nói kia hơn, nên cũng chẳng buồn hỏi nữa mà truyền cắm hoa ra một xó nhà. - Con cầm cái dùi, đánh vào cái khánh đồng này, gọi một tên tiểu hoàng môn ra ta bảo. Khoan thai, Đặng Thị Huệ đánh một tiếng khánh. Một tên tiểu hoàng môn chạy lên thềm, chắp tay cúi đầu chờ lệnh: - Cầm đôi bạch lạp ra đây rồi gọi Khê Trung hầu ta bảo. Cầm đôi bạch lạp để trên sập xong, tên tiểu hoàng môn lùi xuống thềm. Một lúc, Khê Trung hầu lên. - Thôi hôm nay cho nghỉ, không phải túc trực nữa. Mọi người lui rồi. Tĩnh Đô Vương hỏi Thị Huệ: - Con có biết chữ không? - Bẩm có. - Vậy kéo cái ghế ngồi cạnh sập đây, cầm những bản khải ở chồng này đọc ta nghe. Đọc xong vài bản khải thì trời đã sang canh hai... ° ° ° Ở Lộc Phong Điếm 7, bà tiệp dư họ Trần chờ đến canh hai không thấy Đặng Thị Huệ về, biết là nàng đã được ơn trên ban xuống. Bà gọi một người thị nữ ra hỏi: - Hồi cuối canh một, con dò la thấy gì? Trình lệnh bà, thấy Thị Huệ đương ngồi, thị đọc hầu chúa thượng. - À mà con ấy nó mưu mẹo giỏi đấy. Nói đến đấy, bà cười, vui rằng đã kiếm được người hất cẳng Ngọc Khoan. Nhưng cười xong, bà lại hơi rầu rầu mặt lo. Lo rằng rồi đây Thị Huệ xử với bà cũng như Ngọc Khoan đã xử với nguyên phi Dương Ngọc Hoan. Đọc tới đây, có lẽ độc giả muốn biết hoa huệ màu vì đâu mà có. Số là, sau cùng bà tiệp dư phải nói ý định của bà cho Thị Huệ rõ. Nàng cười mà nói: - Lệnh bà quá yêu con mà nghĩ thế, chứ con đâu đã có cái nhan sắc xiêu lòng chúa thượng. Và, con vì túng đói phải tạm náu mình nơi này, chứ dám đâu nghĩ tới những chuyện cao xa quá thế. - Không nữa thì con cũng nên vì ta mà nghĩ cách nào cho hoa vườn ta trồng khỏi uổng công vun xới. - Trình lệnh bà: Nay tiết dâng hoa đã hết. Nếu muốn cứ dâng thì trừ phi kiếm được thứ hoa gì không ai có được. Con có cách khiến cho hoa huệ trắng bắt được đủ các sắc. Rồi lấy cớ là hiến hoa khác thường, lệnh bà cứ cho con đem dâng. Mùa này là mùa huệ, lệnh bà cho con thử ngay. Thế rồi lấy bốn giỏ huệ để cả củ, nàng cắm vào bốn bình nước phẩm. Một vài giờ sau quả nhiên hoa hút nước phẩm lên mà biến sắc. Nàng giục bà tiệp dư viết thiếp dâng hoa. Bà sợ hãi nói: - Tuy vậy, tự nhiên đường đột, ta cũng sợ lắm. Chúa Thượng là người nghiêm khắc, rủi ra phạm đến mà ngài lôi đình thì chết cả lũ chứ chẳng phải chuyện vừa. Thị Huệ cười: - Không lẽ giết người vì tội dâng hoa. Lệnh bà cứ nghe con. Con sẽ tuỳ cơ ứng biến. ° ° ° Sáng hôm sau. Chúa Tĩnh Đô ngự uống nước sớm ở mái tây hậu đường, có Khê Trung hầu và thị nữ Đặng Thị Huệ đứng hầu. Chúa tự pha lấy nước uống. Pha lấy nước uống đó là một cái thú riêng của người sành uống nước chè Tàu, của người thường vẫn tự gọi mình là "trà nô". Những người ấy, dù làm to đến đâu; dù có bao nhiêu kẻ hầu người hạ, cũng không khiến ai pha chè và chuyên chè cho mình uống cả. Bộ đồ chè của những người ấy cũng hơi phiền phức và lôi thôi. Ấm để đun nước sôi, họ không dùng cái to mà chỉ dùng những cái siêu đồng nhỏ, đủ để pha bốn chén chè con con. Siêu này nước sôi đem pha thì siêu khác đã đặt sẵn ở lò. Pha siêu này vừa hết thì nước siêu khác cũng vừa sôi trên cái hoả lò con, đun bằng than tàu. Ấm để chuyên nước làm bằng đất nung màu nâu thắm như gan, gọi là da chu. Có hạng độc ẩm để uống một mình, có hạng đối ẩm để uống hai ba người, có hạng quần ẩm để uống từ bốn người đến năm người là cùng. Hạng to nữa, gọi là ngưu ẩm (trâu uống), dùng khi nào người thưởng nước có từ sáu người trở lên. Một người tự gọi mình là trà nô thì ít khi chịu uống cùng ba người trở lên. Rượu uống ba người, chè uống hai người (tửu tam trà nhị) đó mới là lúc thưởng hết hương vị, nhã vị cùng thi vị của thú thưởng trà. Ấm chuyên chè lại phải là ấm thuộc, nghĩa là ấm chuyên đã lâu mới ngon, ấm thuộc, từng trong cao chè bám vào một lần gồ ghề ram ráp. Chè trong ấm thoạt tiên rót ra một cái chén to, gọi là chén tống, rồi mới đem chuyên ở chén tống sang những cái chén con, gọi là chén quân (đủ bộ bốn chiếc, nhưng lúc độc ẩm hoặc đối ẩm thì chỉ dùng có hai). Bốn chén quân để trên một cái đĩa giầm, ấm chuyên và chén tống cũng để trên một cái đĩa giầm. Chén đĩa làm bằng sứ và có nhiều kiểu khác nhau, tuỳ theo men sứ và nét vẽ. Có bộ "đối tọa" vẽ hai người ngồi nhìn dòng nước chảy; có bộ "vị thuỷ", vẽ ông Tề Thái Công câu ở bến Vị; có bộ "Tô Vũ mục dương", vẽ ông Tô Vũ chăn dê. Đẹp và quí giá hơn hết là bộ "Thiên tử" men trắng toát, không vẽ gì cả; khi rót nước vào thì màu biến hồng nhạt. Chúa Tĩnh Đô dùng bộ chén "Thiên tử", nó vừa đẹp vừa quí lại vừa nịnh cái ý thích của ngài: làm đấng thiên tử thay vua Lê. Bộ ấm chén " thiên tử" ấy để trên một cái khay gỗ sưa 8 chân quì. Chè uống thì dùng thứ chè bạch mao hầu thượng hạng, thửa từ xưởng làm chè ở núi Vũ Di bên Tàu. Mỗi buổi nước, ngài dùng chừng bốn năm ấm. Lúc đó, chè đã chuyên đến ấm thứ tư. Ngài pha bốn chén, cầm đưa ban cho Khê Trung hầu một chén. Tay giơ chén chè ra miệng cười nói: - Việc trong Nam, đáng để ý nhất là anh em Nhạc, Huệ ở Tây Sơn. Ta nghe nói rằng Huệ là tay kiệt hiệt nhất. Ta vừa có triệu được Huệ, nay mai tất y vào tay ta. Khê Trung hầu cúi rạp đỡ chén nước, uống xong rồi nói: - Nhờ hồng phúc tiên vương, chúa thượng chuyến này tất được thêm người thêm đất. Chúa Tĩnh Đô lại cầm chén chè nữa ban cho Thị Huệ: - Thưởng cho giai nhân ở phương Bắc đã mang tới cho ta cái tường triệu ở phương Nam. Nàng rón rén đến nhận chén chè. Giữa lúc đó, một tên Thái giám vào bẩm: - Lão Tướng Việp Quận công và quan Hành Tham tụng Nguyễn Nghiễm vào chầu, hiện túc trực ở Tiểu Bút Điểm, cúi xin chúa thượng tài định. Chúa thung dung nói bằng một giọng dõng dạc và nghiêm trang: - Truyền hai người tới Nghị Sự Đường túc trực. Lấy kiệu, ta ra Nghị Sự Đường. Nếu ai được nhìn nét mặt và nghe giọng nói của ngài từ lúc ban chè đến lúc ban câu dõng dạc nghiêm trang này, thì sẽ có cái cảm giác như trông một ngọn đèn đương lù mù lụt bấc, được ai khêu, ngọn sáng bật hẳn lên. Ở một chỗ, trong khoảng nửa ngày, Khê Trung hầu đã được trông một vị chúa tể ngã từ cái địa vị chúa tể xuống cái địa vị anh si tình cợt nhả rồi vọt một cái lại nhảy phắt lên cái địa vị một người ngồi trùm trăm họ, cầm then máy cho thiên hạ. Kiệu đỗ ở dưới hè. Chúa chỉnh đốn áo khăn, ung dung đường hoàng lên kiệu. ° ° ° Ở Nghị Sự Đường. Trên chiếc sập thành chạm hồi văn, sơn son thếp vàng, chúa uy nghi ngồi giữa. Hai chiếc ghế bành kê trước sập, một chiếc Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc ngồi, một chiếc quan Hành Tham tụng Nguyễn Nghiễm ngồi. Chúa nói: - Trong Nam, ở Phú Xuân thì loạn thần Trương Phúc Loan làm sự phế lập, lòng người chia tan; ở phía Nam thì anh em Tây Sơn quấy rối; cơ nghiệp họ Nguyễn đến hồi mạt vận. Đó là trời cho ta lấy Phú Xuân. Mạnh Tử rằng: "Trời cho mà không lấy, phản lại sau chịu hoạ". Ý ta đã quyết. Hoàng Ngũ Phúc: - Tuy vậy, chúa Nguyễn có sông Gianh làm hào, luỹ Trường Dục làm thành, cũng khó đánh cho nhanh được. Mà thế ta là phải đánh nhanh khiến cho kẻ kia không kịp đỡ. Ngạn ngữ nói rằng: Sét đánh nhanh không kịp che tai, là nghĩa thế. Vì thế, thần hơi ngại. Chúa cười: - Ta mở Thượng Đạo theo lối Qui Hợp, Trần Ma Than cho quân đi đánh về phía Tây, theo lối Thiên Nhận Sơn và dùng thượng lưu Linh Giang thì sợ gì sông Gianh cùng luỹ Trường Dục? - Lão thần rõ lắm. Thượng Đạo là nơi đức Lê Thái Tổ khởi nghĩa rồi được thiên hạ. Thượng Đạo đã lâu không dùng đến, bây giờ nếu dùng cũng hơi phiền... - Khanh định nói rằng Thượng Đạo lấp rồi à? Lấp thì mở ra. - Thần biết rõ lắm. Mở Thượng Đạo hoặc bạt luỹ Trường Dục, hai việc ấy cũng dễ. Chỉ e một điều... Tới đó, Việp Quận ngập ngừng không muốn nói nốt. Chúa Tĩnh Đô hỏi tiếp: - Chỉ e gì ? Khanh e gì ? Việp quận lúc đó mới nói giằn từng tiếng, giọng nghiêm mà buồn: - Mình mở lối vào, thì tức là mở lối cho người ta ra. Thần chỉ e một ngày kia, họ lại do lối ấy mà ra... Việp Quận ngập ngừng một lúc rồi vừa đứng đậy vừa nói tiếp: - Thần thì già rồi, không chắc còn tới ngày ấy mà đền ơn chúa thượng không? Hai người đều đứng dậy, xin cáo lui. Việp quận nói: - Ý chúa thượng đã quyết, đạo làm tôi phải theo. Thần còn ngày nào thì giặc Nam chưa đáng lo ngày ấy. Chúa Trịnh đứng dậy tiễn. Đến bực hè, chúa cầm tay Việp Quận: - Khanh vào chuyến này nên thận trọng. Tới Nghệ An hãy đóng quân tại đó, ta thu xếp xong công việc rồi cũng cử đại quân vào sau. Tới Nghệ, hãy cho người đưa thư và tin vào Nam, nói rõ cái ý cất quân của mình, chờ xem Tây Sơn với chúa Nguyễn ra sao, rồi sẽ liệu sau. Đừng vô cớ gây biên hấn. -------------------------------- 1 Chức vị đàn bà trong nội đình: dưới phi, trên tiệp dư. 2Câu sấm về nhà Trịnh: "không vương, không bá, mà uy quyền nghiêng thiên hạ". 3 Năm Cảnh Hưng 35, lịch tây năm 1774. 4 Lính hầu trong phủ chúa. 5Trưởng công chúa là con gái Tĩnh Đô Vương, vợ Bùi Thế Toại (con trai Bùi Thế Đạt). 6 Ngôi báu, ngôi vua chúa. 7 Chỗ ỗ của bà Tiệp dư Trần Thị Lộc. 8 Một thứ gỗ vân rất đẹp. IV Mưa móc tẩm nhuần Á Đông có hai chữ để chỉ những ơn huệ của vua chúa ban xuống cho thần dân hay và đúng hơn bên phương Tây. Chữ ấy là chữ vũ lộ, nghĩa là mưa móc. Thật vậy, ơn trên quốc gia ban xuống, nhất là khi cái quốc gia ấy lại dồn vào một người gọi là hoàng đế, vương hầu có giống như trận mưa hạt móc đối với cây cỏ là bọn thần dân. Chữ ấy, dùng vào trường hợp cuộc ân ái giữa chúa Trịnh Sâm với nàng Đặng Thị Huệ, lại càng đúng lắm. Cây huệ mọc lẫn với cỏ gà làng Dóng (tên nôm làng Phù Đổng) đương hồi nẩy giò thêm rễ thì bị nhổ bật lên trồng ở đồi chè tổng Ném, cằn cỗi giữa đám cỏ lau. Cây huệ ấy nay được trồng giữa vườn vương Phủ, giữa đất kinh kỳ, được mưa móc tẩm nhuần tới, mới đến hồi nẩy lộc trồi hoa. Vì bông hoa huệ sống ấy, nhà chúa cho dựng một nếp nhà mới trong phủ, gọi là Bội Lan Thất (hoa huệ có một tên nữa là bội lan). Xung quanh Bội Lan Thất, bốn mặt là vườn trồng toàn huệ. Đến mùa hoa nở, đứng trên Tả Xuyên Đường cùng hậu đường trông sang toàn cảnh như một cái cung xây trên đám mây trắng. Chiều chiều mùa hạ, vào khoảng giờ Thân giở đi, hương hoa huệ thơm ngát cả một vùng. Nhà chúa mỗi buổi chiều lui vào hậu đường làm việc; hương hoa xông đến lại nhắc ngài cái người trùng tên với hoa. Cái hoa trùng tên với người cũng phải vì người mà đổi tên. Những cung nữ trong cung, những bọn gia thần trong phủ, người nào muốn nịnh đấng quân vương, đều gọi tránh là hoa tuệ. Một hôm, chúa sắp cùng Đặng Thị đi hành hương ở chùa Báo Thiên. Hôm ấy chúa đầu đội cái mũ ni trên đính hòn ngọc dạ quang. Hòn ngọc ấy là hòn ngọc lấy ở Quảng Nam về, chúa quí lắm. Dưới hè, hai cái kiệu để sẵn chờ. Đặng Thị trông thấy hòn ngọc ở trên mũ, hỏi: - Chúa Thượng đeo hòn ngọc gì thế? - Hòn ngọc này quí lắm. Đêm đến ánh sáng toả ra sáng được một khu nhỏ để xem sách. Đeo vào trừ gió độc. Đặng Thị thò tay rút hòn ngọc ra ngắm nghía mãi rồi lại tung lên rồi lấy tay đỡ lấy để đùa. Chúa nói: - Đừng đùa thế, lỡ ra rơi vỡ đó. Đặng Thị sầm mặt lại: - Lỡ vỡ thì sao? - Đừng đùa nhảm! Có thế mà nàng tru tréo lên: - Chúa Thượng quí vật hơn người! Lỡ ra vỡ thì chúa thượng giết thần thiếp chứ gì! Thôi thì tấm thân đã không được chuộng bằng hòn đá Quảng Nam thì thà chết cho xong, sống làm gì. Đầu thần thiếp cùng ngọc này cùng vỡ! Nói đoạn, nàng cầm hòn ngọc quật xuống thềm vỡ tan rồi ngồi phục xuống: - Tấm thân vứt bỏ xin chịu tội trước mặt chúa thượng. Chúa Tĩnh Đô phải lấy tay đỡ nàng dậy rồi dỗ dành: - Thôi đi! Cô Lạn Tương Như! Đây không phải triều đường nước Tần mà cô cũng không phải sứ nước Triệu mà đe "thần đầu dữ bích câu toái" (đầu tôi cùng ngọc này cùng vỡ). Nàng đứng dậy nói: - Chúa thượng tiếc hòn ngọc là phải. Hòn ngọc ấy cũng có giá liên thành. - Không phải là ta quý hòn ngọc hơn ái khanh, nhưng hòn ngọc ấy quân sĩ đã vượt ngàn dặm mang về, ta quí là quí tướng sĩ đã xông pha tên đạn, dãi gió, dầm sương... mới mang được hai trấn Thuận Quảng với hòn ngọc ấy về. Nay khanh đập vỡ thì thôi. Những câu nói của nàng đều khéo dùng điển cố văn chương khiến chúa Trịnh đã yêu lại càng thêm yêu, đã nể lại tăng bội phần nể. Vì nàng mà Trịnh Tông không được dựng làm thế tử. Độc giả đã rõ rằng Trịnh Tông khi đẻ ra đã không được chúa để ý lắm rồi. Nhưng dù sao thì Tông cũng là trưởng tử. Theo cố sự, vương tử khi lên bảy tuổi thì xuất các đọc thư, nếu là trưởng tử thì năm mười ba được mở phủ riêng và phong làm thế tử. Năm lên bảy, tuy chúa không cho xuất các, nhưng cũng cho Nguyễn Phương Đình làm A bảo. Đến năm lên chín, chúa đã khiến Nguyễn Ly, Lý Trần Thản làm quan Tả tư giảng và Hữu tư giảng cho Tông. Đến đầu năm nay - năm Cảnh Hưng 36, chín tháng sau việc dâng hoa - các quan theo cố sự, làm khải xin chúa cho Vương trưởng tử Tông xuất các. Chúa trù trừ chưa nói quyết ra sao. Đêm hôm ấy, vào nội đình, chúa mang việc ấy nói với Đặng Thị, Đặng Thị nói: - Đó là quốc gia trọng sự, thần thiếp đâu dám dự nghe, dự bàn. - Nhưng khanh có ý gì không? - Không, thiếp đã nói rằng thiếp không dám biết tới việc ấy. Xin chúa thượng nói sang chuyện khác. Bằng chúa thượng còn bận nghĩ về việc ấy thì thần thiếp xin cáo lui. - Thôi, ta không nói tới việc ấy nữa. Đặng Thị miệng nói thế, nhưng trong bụng thì băn khoăn vô cùng. "Nếu Tông dựng làm thế tử thì sau đây ta còn địa vị gì? Vương thượng năm nay đã ba mươi tư tuổi mà ta mới mười chín, thế nào ta cũng chết sau. Nay được chúa yêu đương, nhưng một người yêu trăm người ghét. Người ghét ta nhất sau đây tất là Dương Nguyên Phi và Tông. Sau đây, vương thượng chết đi, ta sẽ là cái bia chịu trăm mũi tên ghen ghét. Nếu ta lại có con thì mẹ con ta biết sống vào đâu? Là vợ con thường dân thì dễ, chứ là vợ con vua thì chỉ có: một là mẹ là thái phi, con là vua; hai là mẹ con đều chết oan chết uổng...". Bụng nàng nghĩ thế, nhưng miệng nàng lại gạt đi. Gạt đi để tìm cách đưa lời gièm pha cho khéo. Nói len ngay vào, có khi lời nói không đắt cũng nên. Là người tinh ranh sâu sắc, khi nào nàng lại vụng dại thế. Dịp đến thì phải bắt lấy, nhưng nàng tính cái kế bắt thế nào cho chúa Trịnh không chút ngờ là nàng chờ dịp. Câu chuyện rồi chuyển sang chỗ khác. Đến quá nửa đêm, nhân một câu chuyện về tính nết người ta - câu chuyện ấy cũng do nàng lôi kéo đến - nhân câu chuyện ấy, nàng mới nói: - Con hay giống tính mẹ hơn cha. Nhất là những tính xấu. - Khanh lấy gì làm bằng? - Lấy việc Thuỵ quận công năm Đinh Hợi làm bằng 1. Cái máu phản nghịch ấy ở họ Dương làng Long Phúc đưa lại. Chúa Trịnh nghe nhắc đến việc em mình định giết mình bỗng động tâm. Rồi như nói một mình: - Hay là Long Phúc có đất phản nghịch ? Xưa kia, bà thái phu nhân sinh ra Cối 2 cũng người Long Phúc. Nàng biết thừa là Dương Ngọc Hoan, mẹ đẻ ra Tông cũng người Long Phúc, Trương Ngọc Khoan cũng người Long Phúc, nhưng cố ý làm như không biết mà thỏ thẻ: - Cũng may mà trong phủ hiện nay không có ai người Long Phúc. Chúa Trịnh đáp một tiếng dài: - Cũng ma....a...ay.... Tiếng ấy, trong bụng chúa Trịnh nghĩa là: Cũng may mà ta sớm biết ý nghĩa ấy. Còn nàng, nàng cũng biết, biết rõ lắm. Sáng hôm sau, ở Nghị Sự Đường, chúa Tĩnh Đô nói với các quan: - Tông tính hung hãn, hãy tạm cho ra ở nhà A bảo là Hân quận công Nguyễn Phương Đình, sau đây tính thuần thục lại hãy dựng cũng vừa. Ba hôm sau, ở Trạch Các, quan Tham tụng Nguyễn Hoãn cung lục lệnh chỉ rằng: Ta nghe rằng: Nhà có đích tử, nước có trừ quân. Cha có con hiền là phúc cho nhà, nước có trừ quân hiền là phúc cho nước. Nay trưởng tử Tông ta xét tính khí hung hãn, vậy hãy tạm để hư vị thế tử mà khiến Tông ra ở nhà A bảo Hân quận công Nguyễn Phương Đình. Đợi sau đây y sửa lại tính nết, khi đó dựng cũng còn vừa. Chỉ ấy truyền ra, các quan đều im thin thít, không ai dám nói gì. Ngự sử đài Đô ngự sử là Nguyễn Thưởng nói: - Không được! Ý chúa muốn hư vị thế tử để đợi cho Đặng Thị có con. Tôi là Đài quan phải nói. Thế rồi Nguyễn Thưởng dâng khải lên. Kết quả: Nguyễn Thường bị giáng ra làm Nghệ An Hiệp thống. Từ đó không ai đám nói nữa. ° ° ° Hoãn được việc dựng Tông làm thế tử, nàng ngày đêm mong mình có thai. Thôi thì chùa nào nàng cũng đi lễ, bọn sư thày chùa ra vào vương phủ như chợ. Quan Bồi tụng Quốc sư là Nguyễn Hoãn cố hết sức tìm thày chạy thuốc cho nàng chóng có thai. Nguyễn Hoãn tuy là người khoa bảng xuất thân, văn hay chữ tốt, nhưng tính nết tròn trặn quá. Ông chỉ đáng chê ở cái chỗ tính tròn trặn quá ấy mà thôi. Vì tròn trặn, nên ông chỉ cầu "duyệt lòng người", mặc lòng cái cách "duyệt lòng người" nhiều khi có thương tổn đến cái phẩm giá nhà nho của ông. Cái tính thích "duyệt lòng người" khiến ông thờ nhà Trịnh rồi lại ra đón chúa Tây Sơn, rồi lại theo Nguyễn Hữu Chỉnh, rồi lại theo Võ Văn Nhậm, rồi kết cục theo nhà Tây Sơn. Ông thọ hơn tám mươi tuổi, theo đủ hạng người, qua bao nhiêu biến cố mà không hề gì. Nhiều khi cần nghỉ để giữ sạch tâm thuật, ông không nghỉ. Nhiều khi cần dại để giữ thanh giá cho địa vị ông, ông vẫn cứ khôn. Nhiều khi cần tìm chỗ nguy, để không phụ những người đã yêu trọng, ông vẫn tìm chỗ an. Thế mà ông vẫn tự dối mình mà tự phụ rằng theo đúng thánh học ở chỗ "nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư" (nước nguy không tới, nước loạn không ở) và ở chỗ: "bang vô đạo, miễn ư hình lục" (lúc nước nhà vô đạo thì phải thoát việc bị giết bị tội). Nhưng ông chỉ dối được ông chứ không dối nổi người đồng thời với ông. Người ta đã tặng ông cái huý hiệu nó chỉ rõ rệt cái hành trạng sớm Sở tối Tần quí hoá của ông: Trường Lạc Lão. Trường Lạc Lão là "Ông già vui dài đến chết". Người ta lo lắng, sầu khổ, bi thương, riêng ông vẫn vui. Nước nhà biến cố loạn ly, ông vẫn an tĩnh vui vầy. Thiên hạ cho ông cái hiệu Trường Lạc Lão là muốn vạch vào mặt ông một vết vô sỉ như anh chàng Phùng Đạo hồi Ngũ Đại, thờ bốn họ mười ba vua. Bốn lần đổi chủ, làm tôi mọi đến mười ba ông vua, chàng họ Phùng còn tưởng mình là hay, tự ban cho mình cái hiệu Trường Lạc. Khi chúa Tĩnh Đô làm thế tử, chúa Minh Đô cho ông làm A bảo. Kịp khi chúa Tĩnh Đô lên ngôi chúa, ông được phong là Quốc sư. Trung Thành với chúa Tĩnh Đô, đó là nhiệm vụ của ông, không ai dám hé răng nói gì. Nhưng trung thành đến nịnh hót cả các ái phi của chúa, ông thật đã ra ngoài cái địa vị sư phó đại thần. Kể tuổi, ông có thể đẻ ra chúa; kể địa vị, ông là Quốc sư thì cứ ngồi yên ở địa vị cùng niên xỉ ấy, chúa cũng không dám bạc đãi nào. Nhưng muốn "'duyệt lòng" hết sức, ông đi lấn cả vào địa vị bọn nội thần là lũ hoạn quan. Ở Bội Lan Thất - chỗ ở riêng của nàng Đặng Thị Huệ - người ta thường thấy ông mang bộ râu bạc luồn cúi vào ra. ° ° ° - Thế nào, tiên sinh? Tôi uống thuốc của Hải Thượng Lãn Ông cũng chưa thấy gì cả? Cúi đầu, Quốc sư nói: - Thần có một người bạn, thuốc cũng khá. Ông ta lại chuyên khoa phụ nữ. Lệnh bà cho phép, tôi xin gọi vào hầu mạch. - Ai thế? sao tiên sinh không nói trước. - Gởi 3là một viên Huấn đạo hiện làm ở huyện Nam Trân. Ông ta có một phương thuốc, gọi là Tuỵ tiên cao, uống vào thì hoài thai ngay. - Ừ thế mai ta sẽ cho triệu về xem sao. Thôi! tiên sinh về nghỉ. Rạp đầu, ông lui gót. Ra cửa, bọn đồng liêu 4 trông thấy nói bỡn: - Quốc sư thật trung trinh với chúa thượng. Dạy dỗ cho biết chữ lại chăm nom cả đến việc kín trong phòng khuê! Ông cười xoà rồi lên kiệu. Kiệu đi khỏi, họ tủm tỉm bảo nhau: - Ngũ Kinh tảo địa rồi 5. Thế rồi, nửa tháng sau, bạn Quốc sư là Lê Bá Thực cũng được vào Bội Lan Thất làm cái trò "tảo địa" ấy. Rồi, một hai tháng sau, vương phi Đặng Thị Huệ hoài thai, Lê Bá Thực được thăng Tiến Triều, Quốc sư được thưởng ba chục nén bạc. Người khách Chu Nghĩa Long, buôn thuốc bắc ngoài phố, chỉ vì cắt thuốc dưỡng thai, cũng được phong hầu. -------------------------------- 1Năm ấy, chúa Tĩnh Đô mới lên ngôi, bị em là Trịnh Lệ (Thụy quận công) mưu giết. 2Trịnh Cối, anh Trịnh Tùng. Các chúa Trịnh sau này đều là con cháu Trịnh Tùng. 3 Tức là tiếng "bẩm" hoặc tiếng "thưa". 4 Cùng làm việc tại triều. Đời thường, Khâm Minh học Ngũ Kinh thông lắm, làm quan đến Thượng thư. Một hôm, vua cùng quần thần uống rượu, Khâm 5 Minh muốn hiến nịnh và mua vui, nói rằng biết múa bộ "Bát phong vũ". Rồi y đứng dậy múa. Vì y béo, nên bụng lê quệt đất. Thức giả cười nói rằng "Cái bụng chứa Ngũ Kinh ấy bây giờ quét đất". V Giữ Cán bỏ Tông Năm ấy, vương tử Cán đã lên hai, vương tử Tông thì đã mười sáu. Vương phi Đặng Thị Huệ, tuy vui vẻ, nhưng nàng vẫn băn khoăn lo nghĩ. "Sung sướng ngày nay, nhưng mai kia thì sao? Ngày kia chúa mất, đảng vũ mình chưa có thì dù Cán được dựng nữa, nào đã chắc được hưởng ngôi cao. Huống chi chưa chắc Cán đã được dựng?" Nàng nhớ lại lời nói của ông sư chùa Thiên Bảo đoán số cho nàng, có câu kín đáo mà có ý nghĩa: - Lệnh bà có cái dáng ung dung, đáng làm mẫu nghi thiên hạ, nhưng phải cái tướng lộ thần: bao nhiêu tinh thần lộ hết cả ra nét mặt, bần tăng sợ là một tướng xấu. Người ta, cái tinh anh có lúc trông rõ, có lúc trông không rõ, có lúc hiện lúc ẩn mới hay. Lúc nào trông nét mặt lộ hết thần thái tinh anh, cái đó là một điều không đáng mừng hẳn. Nàng còn nhớ rõ lúc ra về, có nghe thấy sư cụ bảo tiểu ở ngoài vườn: - Đừng trồng hoa huệ trong chùa. Hoa ấy nở từ trưa, thơm về chiều về đêm, không phải là chính hương chính sắc, không trồng nơi thờ Phật được. Mà quí gì con! Quí gì thứ hoa không kết quả! Nàng nhận ra rằng câu ấy rõ ràng là sư cụ chùa Thiên Bảo định giả tiếng mắng tiểu mà nói cho nàng nghe. Giá là người khác nói thì cứ một cái không kiêng chữ tên nàng, nàng đã đủ nổi giận mà phá chùa đuổi sư, nhưng vì nàng trọng và sợ vị sư trưởng, nên nàng không những làm thinh như không nghe thấy mà còn có ý phục và trọng vị sư già nữa. Nàng còn nhớ rõ lắm. "Có lẽ ta là đoá hoa không kết quả thật chăng?" Nhưng dù sao thì đã có con cũng phải lo tương lai cho con. Ở địa vị nàng, địa vị bây giờ người ta sợ khiếp, tâng bốc, nhưng sau này nếu bất như ý thì người ta khinh bỉ, ghét bỏ, chôn vùi, ở địa vị mà chính cái phúc cái hạnh là mầm cho cái hoạ cái tủi thì lo tương lai cho con tức là lo sao cho con được dựng làm thế tử rồi làm chúa. Nhưng làm những việc to thế phải có vây cánh. Những người nịnh hót luồn cúi nàng bây giờ, nàng biết thừa là chỉ vì thế lợi. Ngày kia thế lợi đổi thay thì những câu nịnh hót, những dáng luồn cúi sẽ biết tìm nơi khác mà vào cửa. Những người ấy chỉ có thể dùng làm đầy tớ sai bảo lúc đắc thế, quyết không thể dùng làm người chân tay lúc có việc, hoặc người vây cánh lúc chờ việc. Tìm ai làm vây cánh được bây giờ? Trong óc, nàng lần lượt nhẩm lại những người có thể dùng được. Trước hết, nàng soát lại những người nội thần thân tín: "Tạ Danh Thuỳ? Anh này người cơ trí. Có thể dùng được. Phải cái tính hơi hèn, hay tâng bốc nhảm. Có dùng cũng chỉ làm quân sai chứ không ỷ cả vào được. "Trần Xuân Huy? Lê Đình Châu? Hay là Tứ Xuyên hầu Phan Lê Phiên? Phan Lê Phiên, phải đó, ta cũng cần một người khoa giáp thì mới thuyết phục được bọn ngậm bút lông mèo! Lại còn Quốc sư Nguyễn Hoãn nữa. Ông này thì nhất định theo ta rồi. Ta lại cần một người vai cao trong vương tộc nữa. Thì còn ai hơn Khanh quận công. Khanh quận công là chú ruột, địa vị trong vương thất còn ai hơn nữa. Thế là ta chấm tạm được sáu người rồi, nhưng chưa ai ta xem ra có đủ tài đủ trí, đủ đảm lược để đương đầu với những việc to cả. Ta cần một người tài trí phi thường, một người anh hùng để đỡ đầu cho Cán, để một mai việc lớn xảy ra, có thể đương đầu với thiên hạ. Tông thế lực cũng to lắm chứ có phải vừa. Quan Tả tư giảng cũ của Tông hiện giờ cầm binh bính ở Sơn Tây. Tuân sinh hầu cầm binh bính ở Kinh Bắc cũng là người của Tông. Một mai họ cất quân về phù lập Tông thì ta lấy ai đỡ lại? Ta cũng cần có một người có binh quyền trong tay ! Rồi, như trong óc mới nẩy ra một tia sáng gì, nàng mỉm miệng cười, gật gù tự đắc. Gõ chiếc khánh đồng, nàng gọi thị nữ. Sau một tiếng dạ ở nhiều miệng ra, một người thị nữ được nép sau bình phong chờ sai khiến. - Bảo lấy kiệu ta đến thăm Phụng Công quận chúa. ° ° ° Phụng Công quận chúa là con gái chúa Nghi Tổ Ân Vương 1. Chúa Ân Vương vì yêu Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc, nên gả nàng cho con nuôi Việp Quận công là Hoàng Đình Bảo. Đình Bảo hiện lúc ấy làm Trấn thủ Nghệ An. Người ta thường gọi nàng là Phụng Công Quận chúa là vì Đình Bảo người làng Phụng Công. Độ ấy, nàng về thăm mẹ và anh là chúa Tĩnh Đô. Khi thị nữ vào báo tin rằng có vương phi họ Đặng đến chơi, quận chúa đã toan không tiếp, vì đó không phải là chị dâu chính thức của nàng, nhưng sợ mất lòng anh, nàng lại ra tiếp. Thi lễ xong, Thị Huệ bắt đầu nói trước: - Phu nhân về kinh đã lâu mà nay tôi mới rảnh đến chơi riêng được. Quận Chúa chỉ đáp xoàng mấy tiếng: - Xin đa tạ. Không gọi Thị Huệ là gì cả, cũng không tự xưng là gì cả, quận chúa tỏ ra người tròn trặn mà đứng đắn lắm. Thấy lời ăn tiếng nói, dáng dấp, cử chỉ của quận chúa còn cách biệt lạnh lùng quá, nàng nói thẳng ngay đến việc định nói: - Tôi sở dĩ đến đây là vì một việc hoạ phúc cho quận chúa và nhà họ Hoàng. Nói đến đó, quận chúa cũng hơi động tâm, vì nàng từ Nghệ về kinh cũng vì có phong thanh thấy đôi chút tin tức chẳng hay cho chồng nàng. Tuy vậy, không chịu khuất ngay, nàng vẫn đĩnh đạc: - Nhà tôi trong Nghệ có chuyện gì đâu. - Xin quận chúa cho thị nữ lui tôi xin nói rõ. Quận Chúa liếc mắt, bọn thị nữ lùi cả. Nhìn kỹ xung quanh xem còn ai không. Thị Huệ thung dung từng tiếng: - Cái chuyện tôi vừa nghe trộm được hôm nọ. Nhưng trước hết, quận chúa hãy cho tôi biết rõ mấy điều. - Vâng. - Tướng công ở trong Nghệ được lòng dân lắm, phải chăng ? - Vâng, cái đó có làm sao? - Tướng công chia ra doanh cơ, có đặt chức Tả tham quân, Hữu tham quân, phải chăng? - Vâng, đó là cách trị quân lữ cần phải thế. - Còn câu đồng dao "Thảo nhất điền bát, nhất thỉ trục nhị dương" có không? - Tôi không rõ. - Thế mà tôi rõ. Người ta đồn về tới tai chúa thượng rằng tướng quân định phản. Có người làm mật khải về rõ ràng lắm. Người ta nói rằng: Thảo nhất điền bát là chữ Hoàng; nhất thỉ trục nhị dương là một lợn đuổi hai dê, tức là tướng quân sẽ hại chúa thượng và vương trưởng tử Tông. Tướng công tuổi Hợi là tuổi lợn, chúa thượng cùng vương tử Tông tuổi Vị là tuổi dê. Người ta lại nói rằng tướng quân có ý phản nghịch, nên đặt ra hai câu ấy để phiến động lòng người. Nghe đến đó, quận chúa thất sắc, vội hỏi: - Thế ý chúa thượng làm sao? Vừa cười. Thị Huệ vừa nói: - Làm sao? Làm sao thì mai vào phủ tôi cho biết. Hay là bảo tướng quân về mà hỏi chúa thượng! ° ° ° Trên lầu Trạch Các, chúa lấy tay gạch hai nét tréo nhau, liếc mắt nhìn Nguyễn Ly và Nguyễn Phương Đĩnh. Khi các quan vái từ chúa, hai người lùi lại xuống sau cùng. Chúa khẽ nói nhỏ: - Khanh vào hậu đường ta bảo. Hai người vào tới hậu đường, chúa mở tủ lấy một bản khải ra: - Nó lại có khải xin về kinh nhập cận. 2 Nguyễn Ly nói: - Càng hay! Hổ lại khinh thị mà ly sơn thì càng dễ bắt. - Hắn về thì tưởng cũng không cần phải bắt nữa. Nếu hắn về tay không, nếu xét quả có ý định làm phản thì một tên võ phu đủ trói hắn. Nếu mang quân về thì công nhiên làm phản rồi, khi đó phải mang quân chẹn đường mà bắt. Nguyễn Ly nói: - Tôi thiết nghĩ hắn không dám công nhiên hưng bình làm phản. Hơn hết là chúa thượng giữ hắn ở lại rồi giải binh bính đi đã. Phương Đĩnh nói: - Xin được xem bản khải của hắn. Xem giọng nói, có thể dò biết tâm tích. Chúa Tĩnh Đô đưa bản khải, Phương Đĩnh mở ra đọc: "Nghệ An Trấn thủ, thần: Hoàng Tố Lý cúi dâng chúa thượng ngự lãm: Thần tự năm Giáp Ngọ tòng nhung rồi vâng lệnh trấn ở ngoài, bấy lâu chưa được về kim khuyết, đêm ngày trằn trọc không an. Nay việc biên trấn đã tạm thư, thần cúi xin chúa thượng đặc lệnh cho được giao công việc trấn Nghệ An cho Đốc đồng Bùi Huy Bích để thần được về chầu chúa thượng, trước là để báo chính, sau là được chiêm cận long nhan. Thần: Hoàng Tố Lý Cảnh hưng tam thập bát niên, thập nhị nguyệt, nhị thập ngũ thật" Sao hắn chẳng xưng cái tên cũ Hoàng Đăng Bảo! Mai thảo lệnh chỉ cho hắn về! Câu nói gay gắt ấy của chúa Tĩnh Đô như một lời tuyên án, Phương Đĩnh và Nguyễn Ly nghe, biết là Hoàng Đình Bảo phen này tất chết. Nguyên Hoàng Đình Bảo tên là Hoàng Đăng Bảo. Hai chữ Đăng Bảo có người ghét nói gièm là có ý dòm dỏ ngôi cao vì Đăng Bảo nghĩa là: "lên ngôi quí". Vì thế, Đình Bảo mới đổi tên là Tố Lý nghĩa là: giữ bản phận của mình, để tỏ ý trung trinh cùng thiên hạ và cùng vua chúa. Ba chữ Hoàng Tố Lý đã dùng trong thư trát, khải, lệnh, nhiều lần rồi, đã thành tên chính thức rồi. Nay chúa lại nhắc lại cái tên Đăng Bảo cũ, tức là ngả theo sự nghi kỵ gièm pha của người khác. Sở dĩ có bức khải xin về nhập cận là vì quận chúa biết rõ tình thế nguy ngập của chồng, về Nghệ xui chồng sớm liệu và khuyên chồng nên về ngay kinh mà bộc bạch sự ngay thẳng của mình cùng ông anh vợ. Đình Bảo cũng cho như thế là phải. Nhưng ngoài ý nghĩ của vợ, Đình Bảo còn có một định kiến khác. Y định về dò tình thế trong kinh xem nên theo đảng nào. ° ° ° Sau một bữa hội kiến cùng chúa Tĩnh Đô, Đình Bảo đã nhận rõ tình thế của mình. Không về trấn Nghệ An được nữa. Có xin về cũng không được mà cứ tự tiện về thì ra khỏi cửa ô Trường Bắn là có quân lính bắt lại. Thế là tự nhiên mình giam lỏng mình ở đây. Quan văn khoẻ bằng sách vở chữ nghĩa mà quan võ thì khoẻ bằng binh bính. Vây cánh, quân lính mình ở cả Nghệ An, lên kinh bây giờ không có quân thì như con hổ mất vuốt con rồng mất vẩy. Chẳng lẽ chịu chết gí ở đây để nhìn thiên hạ họ múa rìu trước mắt, họ hãm hại mình. Hoàng Đình Bảo là người cơ trí khi nào lại chịu thế. Một lúc ông ta toan theo Đặng Thị, nhưng rồi ông lại nghĩ lại: Đặng Thị tuy được chúa yêu nhưng Cán còn nhỏ, đã chắc gì. Hay là ta hãy thử ướm vương tử Tông xem sao. Bè đảng của Tông cũng to. Nếu Tông bằng lòng ta giúp thì binh hai trấn Kinh Bắc, Sơn Tây cũng thừa cho ta dùng. Ông đi đi lại lại trong phòng hàng mấy trăm lượt, nét mặt đăm đăm lo nghĩ. Ông mong Hoàng Lương, người em ông, chóng về để biết tin tức, ngõ hầu định rõ cái thái độ nhất định của mình. - Kìa, sao nhanh thế? - Nhanh nữa cũng có! Nếu em không phải đợi mất mấy giờ thì còn nhanh nữa ấy. Vì có gì đâu ? - Thế nào? Ý người làm sao? Hoàng Lương giơ tay ra cổng, chỉ mấy đứa người nhà đương lễ mễ bưng lễ vật về. Đình Bảo nhìn kỹ: mười tấm đoạn Kinh Lăng vẫn còn nguyên cả gói; cái hộp đựng trăm lạng vàng vẫn còn nặng như trước, thằng lính ôm dạng vẫn lễ mễ khó nhọc. - Thế nào? Đầu đuôi làm sao? Kể lại anh nghe. - Em đến cửa phủ đệ nhà Hân Quận 2, đưa thiếp rồi được vào ngồi chực ở nhà chè. Một lát có tên đội hầu chè ra nói: vương tử còn ngủ chưa dậy, ông có thể chờ được thì cứ chờ ở đây. Em bảo tên đội hầu chè rằng xin chờ và khi vương tử dậy thì bẩm hộ ngay rằng có người nhà quan Trấn thủ Nghệ An xin đến hầu riêng. Chờ chừng hơn một tiếng đồng hồ mới được đòi lên hầu. Lên đến nơi, vương tử nghiêm sắc mặt, hỏi: - Anh là thế nào với Hoàng Tố Lý - Dạ, tiểu tốt là em. Anh tiểu tốt mới ở biên trấn về triều, xin có lễ bạc đến hầu vương tử, mong vương tử thu nhận cho. Vương tử lạnh lùng lạt lẽo: - Anh về thưa chuyện cùng quan Trấn thủ rằng tôi chưa có địa vị được nhận đồ lễ mừng của quan Trấn thủ. - Thế em nói sao? - Em vái từ rồi mang đồ lễ về ngay, không nằn nì nửa lời nào cả. - Thế là phải. Thế là vương tử không dùng ta. Đợi đến ngày ông có địa vị thì thân tôi còn gì? Thế là ông phụ tôi trước nhé, sau này ông đừng trách tôi! ° ° ° Hoàng Lương về rồi, vương tử Tông mới thuật chuyện cho quan Tả tư giảng Nguyễn Phương Đĩnh, Đĩnh hỏi: - Thế vương tử nói với hắn làm sao? Vương tử thuật câu nói trước. Đĩnh nói: - Vương tử lộ khuê giốc quá! Không nên để cho tiểu nhân nó dòm rõ bụng quá. - Ta cần gì! Dòm thì nó làm gì được ta? Thằng giặc già ấy, sao nó chẳng ở Nghệ mà làm phản, lại về triều làm gì! Ngày sau, ta tịch gia sản nó, lấy đầu nó, chứ lại thèm lấy một lễ tương kiến nhảm ấy à? - Đành thế. Nhưng cũng không nên lộ liễu quá. May mà vương tử nói còn ôn tồn, thằng giặc già ấy nó cũng còn mong ngày kia vương tử thương đến. Phương Đĩnh nghĩ thế, nhưng Hoàng Đình Bảo biết rõ lắm. Y không mong ngày kia ngày khác gì cả. Y tính ngay kế thoát thân trước và quay lại làm hại người đã làm tủi nhục y khi y đã chịu nén lòng mà đến làm thân. - Tài ta đủ đổi nguy làm an, an làm nguy. Mày không muốn dùng ta thì ta đem tài trí cho người khác dùng. Địa vị mày đã bấp bênh mà mày lại không biết trọng người, không biết thu dụng người thì mày phải chết! ° ° ° Ở Bội Lan Thất, Đặng thị ngồi chờ chúa Tĩnh Đô để thưởng trăng rằm tháng tám. Ngoài sân dưới gốc cây mai già đã bày sẵn tiệc thưởng nguyệt. Trên một cái sập gỗ kim giao trắng bóng như ngà, bày đủ các thức hoa quả thì trân 3 cùng những món thực phẩm thưởng nguyệt: ốc nhồi, gỏi cá. Xung quanh mâm, đặt ba chiếc nệm điêu thử để chỗ sẵn ba người ngồi: chúa, Đặng Thị và vương tử Cán. Lúc đó mới đầu giờ Dậu, trăng chưa lên, nên Đặng Thị còn ngồi trong nhà. Một lúc, vào cuối giờ Thân, chúa Tĩnh Đô ngự đến, đi giữa hai dãy đèn lồng phất lượt đỏ, vẽ long mã. Thưởng chè trong Bội Lan Thất xong, chúa cùng ái phi ra dự tiệc. Xung quanh sập bọc một lần thị nữ cầm đèn lồng soi sáng. Một lúc trăng lên. Chúa truyền tắt đèn để hưởng ánh trăng bạc. Trông ánh trăng luồn qua cành mai chúa tươi cười: - Trăng hôm nay trong, tăng thêm vẻ mặt cho gốc mai. Thi nhân nói rằng: Hữu mai vô tuyết bất tinh thần 4, nhưng mai với trăng có lẽ đẹp hơn mai với tuyết. Đặng Thị tiếp: - Hữu mai hoa xứ, nguyệt minh đa 5. Có mai trăng lại càng trong. Huệ kia không quả còn mong nỗi gì. Chúa xoa đầu Tử Cán: - Huệ không quả là gì đây? - Quả vô dụng, có cũng uổng thôi. - Xưa Sở Chiêu Vương bắt được quả bèo. Đức Thánh 6 cho là điềm tan rồi lại hợp. Ngài cho là điềm tốt vì bèo ít khi có quả. Huệ ít khi có quả nay có quả thì quả ấy phải đắc dụng sau này. - Đắc dụng hay không là ở vương thượng. Khi trăng đã gác đỉnh đầu, hai người mới lui vào tư phòng. Câu chuyện ân ái rồi chuyển sang câu chuyện triều chính. Khéo gợi chuyện, nàng Huệ khiến chúa nói đến việc Hoàng Đình Bảo. Được dịp nàng nói: - Cứ thần thiếp trộm nghĩ thì y là người trung lương. Lời đồn của thiên hạ cũng không nên tin cả. "Chúng nhân đều bảo giết đi" 7, là đem giết ngay đi hay sao? - Ái khanh lấy gì làm chắc rằng y là người trung lương? - Lấy đức xét người của tiên vương trước. Tiên vương không lẽ xét lầm người mà mang quận chúa gả cho y. Sau nữa, xét đến công việc. Chúa Thượng chắc còn nhớ đó. Năm Tuất bọn giặc ở Sơn Nam đưa thư suy tôn y làm Minh chủ, y kèm cả thư rồi gửi khải về trình. Khi ấy chúa thượng cũng cho y là trung thành, sao bây giờ lại nghe lời sàm trấm 8 mà gia tội một người bề tôi trung thành bách chiến? Cứ một việc y tự giải binh bính về chầu, một việc đó đủ chứng rằng y không có tâm địa nào. Nếu định phản thì ở trong Nghệ mà phản, sao lại chí thân tử địa mà về đây giữa lúc hiềm nghi. Tháng mười một năm ấy - năm Cảnh Hưng thứ 39 - hốt nhiên quan Tri lại phiên tiếp được lệnh chỉ ở Phủ Liêu bắt phải cung lục ngay. Lệnh chỉ ấy như một tiếng pháo nổ giữa nhà, khiến cả hàng phiên xúm lại đọc: "Nghệ An Trấn thủ, Huy quận công Hoàng Tố Lý, xét là người cơ trí thao lược, nên để vào chỗ then máy của quốc gia. Vậy đặc chỉ cất lên Ngũ quân Đô đốc phủ. Thực Phủ sự giao lĩnh nam Trấn thủ. Lại xét hiện bây giờ, ngoài cõi cường lân dòm dỏ, việc phòng thủ phải cần, nên đặc lệnh cho được mở quân phủ riêng để phòng lúc quốc gia có việc" "Khâm tai lệnh chỉ" ° ° ° Bốn năm sau. Vương tử Trịnh Tông bị phế làm quí tử 9, đổi tên là Khải và giam ở Tam gian đường đã được hai năm. Vương tử Cán được dựng làm thế tử cũng đã được ngót một năm. Bốn năm qua, bao nhiêu việc qua, bao nhiêu người chết theo việc. Xương cũng đã mục, bao nhiêu người đắc chí vì việc, cũng đã quen và đã bắt đầu chán cái địa vị cướp được một cách ít nhiều bất nhân, ít nhiều phi nghĩa. Bốn năm qua, năm nay đã là năm Cảnh Hưng thứ 43. Chúa Tĩnh Đô làm chúa kể năm, cũng đã được mười sáu năm. Nàng Huệ được Chúa sùng ái đã được chín năm. Nàng đã hai mươi sáu tuổi mà con nàng, thế tử Cán, đã được sáu tuổi. Năm ấy, tiết thu đối với nàng Huệ dường như buồn bã hơn mọi năm. Con được dựng làm thế tử, mình được dựng làm chính phi, chí bình sinh thế là toại nguyện, còn chi nữa mà buồn. Thế mà nàng buồn. Buồn vì cái trụ nàng vơ víu, cái cơ sở cả hạnh phúc nàng dường như lung lay. Hơn hai năm nay, chúa phải bệnh sợ gió. Luôn luôn ở trong cung, ban ngày mà cửa đóng kín, đèn thắp như sao sa. Từ đầu năm nay bệnh đã muốn như lui thì vừa rồi tiết thu tới, lại muốn tăng lên kịch liệt. Dưới trăm ngọn bạch lạp, hồng lạp sáng trưng, nàng ủ rũ như ngọn đèn muốn tắt bên cạnh chiếc sập ốm chúa Tĩnh Đô. Ngoài cung có yết lệnh chỉ cấm không cho ai ra vào, có việc gì cần thì đến phủ Đô đốc. Dân gian đồn đại bàn tán ra vào: - Khéo chẳng mà chúa thượng lại có cái vạ giòi bò ra mà chưa được chôn như Tề Hoàn khi xưa. - Hay là có việc thí nghịch gì cũng nên. Ngã tư, cửa ô, trẻ con đua nhau hát mấy câu đồng dao: Đục cùn thì giữ lây tông 10. Đục long cán gẫy, còn mong nỗi gì ! Trong cung, tình thế đã vào lúc nghiêm trọng: giờ cuối cùng của chúa đã gần tới. Thấp thoáng dưới ánh sáng những ngọn bạch lạp, hồng lạp, người ta nhận thấy cạnh sập ngự, trên chiếc ghế, tuyên phi Đặng Thị Huệ; đứng cạnh bình phong: Huy Quận công Hoàng Đình Bảo. Tuyên Phi khóc nói: - Thiếp may được chúa thượng yêu dấu, nhưng được ơn trên thương bao nhiêu thì gây thù oán bấy nhiêu. Thân thiếp thật là cái bia chịu đạn. Ngày kia chúa thượng khuất núi thì mẹ con thiếp chưa biết sống chết lúc nào. - Ái khanh khéo lo quá xa. Thế tử danh vị đã phân minh rồi. Sau đây làm chủ bách tính, còn lo nỗi gì. Chúa Tĩnh Đô nói đến đó, liếc mắt nhìn xung quanh rồi lấy tay vẫy Hoàng Đình Bảo lại gần: - Sau đây, ta nhờ khanh hết sức bảo hộ thế tử cho ta được mát ruột dưới hoàng toàn. Đình Bảo quì cạnh ngự sàng: - Thần mang ơn tri ngộ, lẽ nào lại chẳng tận tâm. Sau đây, thế tử giữ được ngôi báu thì thần xin hết sức phù tá. Bằng việc không xong thì xin lấy chết báo đền chúa thượng cùng quốc gia. Nhưng, trước hết xin chúa thượng cho thảo ngay cố mệnh thư 11 sách cho Chính cung tuyên phi cùng thính chính 12. - Khanh nói chí phải. Khanh cũng dự vào phụ chính nữa. - Chịu di mệnh phụ chính, một mình thần không dám cáng đáng cả. - Thế thì theo ý khanh, những ai nên cho vào phụ chính phủ? Khanh quận công 13là chỗ tôn thân; Nguyễn Hoãn là Sư bảo đại thần; Lê Đình Châu, Phan Lê Phiên đều ở chính phủ mà vốn là người có danh vọng; Trần Xuân Huy, Tạ Danh Thuỳ đều là A bảo tín thần. Bằng ấy người, xin cùng chịu cố mệnh. - Phải đó, khanh cho thảo cố mệnh thư ngay. Hoàng Đình Bảo vái tạ rồi lui. Một tên tiểu hoàng môn vào báo: - Quốc mẫu giá lâm. Chúa Tĩnh Đô cố gượng chống tay nhỏm một nửa người dậy, Tuyên phi đỡ lưng. - Con chẳng may đoản mệnh, chịu tội bất hiếu cùng mẹ. Con chết đi, không có gì ân hận, chỉ ngại cho mẹ con thế tử Cán. Cúi xin mẹ tha tội bất hiếu cho con và xin thương đến đứa con nhỏ của con. Nguyễn Thái Phi toan nói thì chúa Tĩnh Đô lại nói tiếp ngay: - Con hiểu rằng mẹ vẫn bất mãn về chuyện dựng Cán bỏ Khải, dựng con bé, bỏ con lớn. Nhưng năm ngoái con đã nói cùng mẹ rằng: Quốc gia trọng sự không phải là việc riêng, chẳng thiên vị được cho con nữa, chứ chẳng nói con bé con lớn. Nếu Cán không ra gì thì ngôi báu nên để cho Bồng 14 để giữ lấy bá thị chính hệ chứ không nên để cho đứa con bất tiếu 15là Khải. Con chim sắp chết, tiếng kêu buồn bã, người ta sắp chết, lời nói lành. Mẹ hiểu cho và thương cho mà đừng trách gì con cả. Thái phi nói: - Thôi, ta ra thăm con qua đó thôi. Bây giờ chắc con còn nhiều việc hệ trọng, mẹ hãy tạm lui. Thái phi lui rồi, Tuyên phi mới vừa khóc vừa nói: - Chúa thượng nghĩ kỹ mà coi. Tuy vậy, công việc cũng còn gian truân lắm. - Ta nửa chừng cùng ái khanh chia rẽ, ruột ta đau như cắt. Công việc ta đã xếp đâu vào đấy cả rồi, bất tất phải nghĩ ngợi lôi thôi nữa. Chúa Tĩnh Đô nói đến đó, nằm xuống thở dài, ra dáng nhọc mệt không muốn nói nữa. Tuyên phi vội chạy ra cho người tìm Hoàng Đình Bảo cùng các cố mệnh đại thần. Một lúc bọn Trịnh Kiều, Nguyễn Hoãn, Lê Đình Châu, Phan Lê Phiên, Trần Xuân Huy, Tạ Danh Thuỳ, Nhữ Công Trân cùng đến. Trịnh Kiều, Nguyễn Hoãn đi đầu. Tới ngự sàng, mọi người phân chỗ ngồi quanh. Chúa nắm tay Trịnh Kiều, khóc nói: - Tiểu tử bệnh nặng không dậy được, xin thúc phụ xá cho. Thế tử Cán tập vì, tuổi còn trứng nước, dám mong thúc phụ, Quốc sư cùng các đại thần hết lòng giúp phụ để qua bước gian nan. Đình Bảo liền lấy sắc chỉ bỏ sẵn trong tay áo ra. Chúa vẫy lại, Đình Bảo nói: - Trong cố mệnh thư, tên còn bỏ trống cả. Nay chúa thượng mệt nặng xin cho Khanh quận viết thay. Chúa gật đầu. Trịnh Kiều điền tên thế tử cùng bảy người phụ chính cố mệnh đại thần vào xong rồi, cầm định đưa chúa đọc thì nhìn kỹ ra chúa đã nhắm mắt rồi. Năm ấy thọ bốn mươi mốt tuổi, ở ngôi mười sáu năm, ở Lượng quốc phủ đủ mười bốn năm, truy tôn là Trịnh Vương, miếu hiệu Thánh tổ. -------------------------------- 1 Tức Trịnh Doanh, bố đẻ Trịnh Sâm. 2 Xin vào hầu vua. 3Hân Quận công Nguyễn Phương Đĩnh là Tả tư giảng cho thế tử. Khi đó, thế tử ở nhà Hân Quận công. 4 Hoa quả giữa mùa. 5 Có mai mà không có tuyết mất tinh thần. 6 Nơi có mai thì trăng sáng hơn. 7 Chỉ Khổng Tử. 8 Một câu của Mạnh Tử. 9 Dèm pha. 10 Con út. 11Tông là phần cắm vào cán bằng gỗ. Trong câu ấy: Đục chỉ chúa Tĩnh Đô, Tông chỉ thế tử Tông, Cán chỉ vương tử Cán. 12 Thư viết những lời dặn bảo sau cùng của vua. 13 Cùng dự biết vào chính sự. 14 Tức Trịnh Kiều (chú ruột chúa). 15 Bồng là con Trịnh Giang (bác ruột Trịnh Sâm). 16 Bất tiếu: con không giống cha mẹ, con hư; người ngu xuẩn. (BT). VI Huy quận với Tuyên phi Trong nội cung lầu Ngũ phượng, Tuyên phi đương ngồi xét những bản khải các phiên vừa đệ lên. Xem và phê một lúc, nàng đặt bút xuống thở dài, ngán ngẩm cho cái duyên phận và số mệnh nàng. Làm mẹ một vị quốc chủ, đành rằng cao quý, nhưng cái cao quý này, phỏng có bền không? Lại còn nỗi hãy còn đầu xanh - nàng mới hai mươi sáu tuổi - mà đã phải làm kẻ vị vong 1. Hai mươi sáu tuổi, vào trạc tuổi ấy, nếu là người đàn bà quê mùa vất vả thì đã vào lúc gần đứng bóng. Nhưng hai mươi sáu xuân ủ ấp trong cung thì nhị xuân còn như vừa hé mở. Thế mà đã hai năm nay, từ ngày chúa Tĩnh Đô mắc bệnh sợ gió, nàng cứ chịu hãm cái xuân tình đương như nung nấu trong lòng. Đã hai năm nay, nàng không trông thấy ở chúa Tĩnh Đô cái khí sắc một vị anh chủ cường tráng nữa, mà chỉ trông thấy cái muộn khí một người già, cái khí phách bạc nhược một người mà từ linh hồn, tình cảm, đến thân thể gân cốt sắp là những thứ bỏ đi. Thế rồi, đồng thời, nàng được luôn luôn trông thấy cái sức lực cường tráng, cái khí phách tuổi trẻ anh hùng, cái chí quật cường của một người hết sức che chở, hết sức trung thành với nàng. Thế là tự nhiên nàng so sánh, cân nhắc, rồi tự nhiên đem lòng yêu dấu. Con người ấy, sao hôm nay mãi chưa thấy vào? Ô hay! Cuối giờ Dậu rồi, mà sao chưa thấy vào? Thị nữ quì báo: - Tâu lệnh bà, quan Trưởng phủ xin vào. Theo sau hai người cung giám cầm đèn lồng, Huy quận công Hoàng Đình Bảo bước lên thềm. Cúi đầu trước sập ngự, Huy quận công xin lỗi: - Lệnh bà xá cho, hôm nay trong Trung duệ quân nhiều việc, thần vào hơi muộn. - Việc chính phủ hôm nay cũng nhiều điều quan trọng, ta đợi tướng quân để cùng bàn. - Thần cũng vào khải một việc quân quốc trọng sự. Đã quen lệ, nghe thấy bốn chữ "quân quốc trọng sự", bọn cung giám thị nữ lui cả. Khi chỉ còn hai người, Tuyên phi nói: - Thiếp mong chàng mãi. Hãy để quân quốc trọng sự đó. Tuyên phi toan đứng dậy, Huy quận gạt đi: - Ái khanh cứ ngồi đó. Rồi kéo một chiếc ghế gần ngự sàng, Huy Quận công nói tiếp: - Xin ái khanh thận trọng chút nữa. Việc kín của đôi ta, tôi e người ngoài đã mong manh. Từ nay, tôi phải thưa việc vào nội cung. Việc nước, xin bàn ở Nghị sự đường cho được quang minh chính đại, để lấp miệng những kẻ tiểu nhân. Tuyên phi vừa cười vừa đứng dậy đi đến chỗ Đình Bảo ngồi: - Vâng thì từ mai thiếp xin nghe... Nhưng hôm nay... Tuyên phi đi vòng chưa hết một góc sập thì có tiếng một người thị nữ dưới thềm qua hai lần mành mành nói lên: - Chúa thượng ! Điện Đô vương 2 ung dung từ ngoài vào. Huy quận đứng dậy cúi đầu thi lễ: - Thiên tuế! Điện Đô vương nói với Tuyên phi: - Xin mẫu thân đi nghỉ. Mai là tuần tam thất tiên khảo 3. Ở những nhà vua chúa thường được trông nghe thấy những hiện tượng kỳ khôi ấy. Mới chừng năm sáu tuổi mà cử chỉ ăn nói đã như người lớn, rập đúng khuôn, đúng địa vị chí tôn của mình. Chúa Điện Đô năm ấy mới lên sáu mà ăn nói ta tưởng như người đã đứng tuổi. Một người Pháp được yết kiến vua Duy Tân năm ngài lên tám, về chép tập ký ức có nói một câu rằng: "... thấy một đứa trẻ lên bảy lên tám, lúng túng trong chiếc áo chầu rộng quá, lại có những cử chỉ bộ điệu uy nghi như người lớn, ta bất giác bật cười, cho như những cử chỉ ngôn ngữ ấy đều là cử chỉ ngôn ngữ mượn (des gestes et des paroles d'emprunt)". Có chỗ chép rằng năm lên bốn, chúa Điện Đô, sau khi xem Hải Thượng Lãn Ông lạy mừng chúa Tĩnh Đô, nói rằng: ông già ấy lạy khéo lắm. Huy Quận công lùi xuống thềm. Tuyên phi vào phòng khuê. ° ° ° Ở bãi cỏ trước cửa Đông Hoa, dân gian đương đứng xúm vòng trong vòng ngoài, xem lính phủ Trung duệ sắp hành hình cắt lưỡi một bọn năm người vừa mới bắt và điệu ở chợ Đông Thành đến. Lúc lính vào chợ, sấn vào giữa đám đông bắt thì người ta chạy giạt cả ra phía bờ sông, Cầu Cháy, sợ phải bắt lây. Lính vào túm được có năm người, bắt trói giải. Khi số người xấu số bị bắt đã bị giải, thiên hạ lại túm đông lại xem, rồi riều riễu vây theo cho đến tận bãi cỏ trước cửa Đông Hoa.