🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ánh Sáng Trong Bóng Tối - Semen Lyudvigovich Frank full prc pdf epub azw3 [Triết học] Ebooks Nhóm Zalo Mục Lục TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM LỜI NÓI ĐẦU DẪN NHẬP CHƯƠNG I NHỮNG VẤN ĐỀ TINH THẦN CỦA THỜI ĐẠI CHÚNG TA 1. “Uy quyền của bóng tối” 2. Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa nhân văn 3. Bàn về vô tín ngưỡng bi ai và thuyết ngộ đạo hiện đại 4. Tính chất bi thảm của cuộc sống và niềm tin CHƯƠNG II TIN MỪNG 1. Khải huyền của Đức Kitô như “tin mừng” 2. Tin mừng như tin báo về vương quốc Thiên Chúa 3. Khái niệm mới “vương quốc Thiên Chúa” 4. Tin mừng như tin báo về tính Thần-nhân. Phẩm giá mới của con người 5. Bản diện cá nhân Jesus Kitô. Cơ sở sinh động của luận thuyết Kitô giáo 6. Giáo hội Kitô giáo CHƯƠNG III VƯƠNG QUỐC THIÊN CHÚA VÀ CÕI TRẦN GIAN 1. Tính nghịch lí của tin mừng 2. Tin mừng và cứu độ trần gian 3. Tính lưỡng phân của hiện hữu Kitô giáo, vương quốc Thiên Chúa và vương quốc của Caesar 4. Hai thế giới. “tinh thần” và “xác thịt” 5. Ý nghĩa “sức mạnh toàn năng” của Thượng Đế. Bí ẩn tác động trong cõi trần gian của các sức mạnh ân phúc 6. Cuộc cải tạo cõi trần gian trong tương lai. Ý nghĩa của niềm tin tận thế CHƯƠNG IV TÍNH LƯỠNG PHÂN GIỮA CUỘC SỐNG Ở TRONG THUỢNG ĐẾ VÀ “Ở CÕI TRẦN GIAN” VÀ KẾT CẤU ĐẠO ĐỨC CỦA CUỘC SỐNG 1. Tính phổ quát của tính lưỡng phân đó 2. Cứu độ linh hồn hay cứu độ cõi trần gian? 3. Những hết luận đạo đức. Cứu đô cõi trần gian và giữ gìn nó tránh điều ác 4. Ân phúc và lề luật. Kết cấu bên trong của hiện hữu đạo đức và hoạt động đạo đức ở cõi trần gian 5. Những diễn giải trá ngụy về tính lưỡng phân của đời sống đạo đức 6. Khởi nguyên thống nhất của đời sống đạo đức CHƯƠNG V VƯƠNG QUỐC THIÊN CHÚA VÀ GIÁ TRỊ TÔN GIÁO CỦA SÁNG TẠO 1. Phương diện mới của đời sống lưỡng phân Kitô giáo: Hai mục đích của tính tích cực đạo đức 2. Thực chất tình thương yêu Kitô giáo đối với người gần. Tính thiêng liêng của con người ở trong bản chất súc vật của nó. 3. Giá trị tích cực của cõi trần gian. Cơ sở tiên khởi thần thánh của cõi trần gian 4. Dị giáo của chủ nghĩa không tưởng 5. Đặc tính chung và nội dung cơ bản của “quyền tự nhiên”: Ý nghĩa của chủ nghĩa hiện thực Kitô giáo 6. Cõi trần gian như hiện tượng “ánh sáng trong bóng tối” CHƯƠNG VI TÍNH TÍCH CỰC ĐẠO ĐỨC Ở CÕI TRẦN GIAN VÀ NHIỆM VỤ HOÀN THIỆN CÕI TRẦN GIAN 1. Những kiến giải dẫn nhập 2. Hoàn thiện và bảo vệ cõi trần gian 6. Thường hằng và biến đổi của cõi trần gian. Hoàn thiện cõi trần gian như khẳng định các cơ sở không thể tách rời của nó. Hoàn thiện và cứu độ cõi trần gian. 7. Ý nghĩa của lịch sử 8. Quá trình trí tuệ. Hoàn thiện cõi trần gian về mặt kĩ năng-tổ chức 9. Hoàn thiện đạo đức cõi trần gian. Các nhiệm vụ và thực chất của chính sách Kitô giáo 10. Vấn đề hoàn thiện cõi trần gian trong thời đại lịch sử hiện nay 11. Lời kết ebook©vctvegroup 06-03-2019 TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM Semen Lyudvigovich Frank sinh năm 1877, tại Moskva, trong một gia đình bác sĩ y khoa. Cha ông mất sớm (năm 1882), ông ngoại của ông - M. M. Rossyansky - là người chủ yếu giáo dục ông những năm đầu đời. Ông ngoại của ông là một trong những người sáng lập Hội đoàn Do Thái ở Moskva vào những năm 1860. Ông dạy cậu bé đọc Kinh Thánh và gieo vào tầm hồn cậu bé cảm xúc tôn giáo; trước khi mất, ông căn dặn cậu bé phải luôn nghiên cứu ngôn ngữ Do Thái và thần học. Hồi tưởng lại chuyện này S. Frank nói: “Tôi đã không thực hiện những căn dặn ấy của ông ngoại theo nghĩa đen. Nhưng sau khi theo Kitô giáo và đánh mất mối liên hệ với Do Thái giáo, tôi cho rằng tôi vẫn trung thành với những cơ sở tôn giáo mà ông ngoại đã gieo vào tôi”. Năm 1894 ông thi đậu vào khoa Luật của Đại học Tổng hợp Moskva. Thời gian này ông không chỉ nghe giảng bài mà còn tham gia vào những nhóm cách mạng của sinh viên. Năm 1899 ông bị lưu đày ở vùng Nijni Novogorod do hoạt động cách mạng. Sau đó ông được phép đi ra nước ngoài và theo học ở các Đại học Heidelberg và Munich. Mùa xuân năm 1901 ông thi đậu sát hạch ở Đại học Tổng hợp Kazan. Tuy nhiên, vào thời gian này những mối quan tâm của ông đã hoàn toàn chuyển sang lĩnh vực triết học. Có một quãng thời gian ngắn S. Frank bị lôi cuốn bởi K. Marx với kết quả là đã viết cuốn sách Lí thuyết giá trị của K. Marx và ý nghĩa của nó. Tiểu luận phê bình (M. 1900). Sau đó, vào mùa đông 1901-1902 ông cảm thấy choáng váng khi đọc tác phẩm Zarathustra đã nói thế của F. Nietzsche. Ông nhớ lại khoảnh khắc đó: “Tôi bị chấn động không phải bởi học thuyết của Nietzsche mà bởi bầu không khí của cuộc sống tính thần, của sự tranh đấu tinh thần mà cuốn sách đó thổi vào”. Ông đã viết bài báo triết học đầu tiên của mình “Nietzsche và đạo đức học đối với người xa” được công bố trong tuyển tập nổi tiếng Những vấn đề của chủ nghĩa lí tưởng (Идеализм) năm 1902. Sau này S. Frank đã tham gia vào những tuyển tập gây chấn động khác - Những cột mốc (1909) và Từ chiều sâu (1918), và là người trẻ tuổi nhất trong các tác giả của Những cột mốc. Năm 1908 S. Frank lập gia đình, ông chọn công việc giảng dạy và nghiên cứu triết học như chí hướng đời mình. Năm 1912 ông trở thành Phó giáo sư của Đại học Saint Petersburg, năm 1921 ông trở về Moskva - thành phố tuổi thơ của mình. Trong hoạt động văn hóa ông gần gũi với E B. Struve, một triết gia - nhà hoạt động cách mạng. Ông hợp tác chặt chẽ với N. Berdyaev và S. Bulgakov trong tạp chí Con đường mới và Những vấn đề của cuộc sống. Năm 1922 S. Frank bị trục xuất khỏi nước Nga cùng với một nhóm đông các nhà bác học, nhà văn và triết gia nổi tiếng trên chuyến tàu lịch sử được gọi là “chuyến tàu triết học”. Trong những năm tháng sống lưu vong ông giảng dạy ở Berlin; năm 1937 ông bị chế độ phát xít đuổi khỏi nước Đức. Ông sang Pháp. Sau chiến tranh ông được phép nhập cư vào nước Anh, và sống ở London cho tới khi mất (1950). Bề ngoài cuộc sống của S. Frank không có vẻ gì của một nhân vật sáng chói, mặc dù số phận đưa đẩy ông vào những biến cố lớn lao của đời sống văn hóa và xã hội của nước Nga trước cách mạng cũng như của giới kiều dân Nga sau cách mạng. Ông luôn luôn tập trung vào những vấn đề của cuộc sống tinh thần nội tầm. Chính điều này khiến ông trở thành một trong những triết gia Nga sâu sắc nhất. Tác phẩm Ánh sáng trong bóng tối được đánh giá là công trình có giá trị nhất của S. Frank, tổng kết nhiều suy tư của ông về trải nghiệm đạo đức Kitô giáo và triết học xã hội. Nhan đề của tác phẩm được lấy từ một câu trong Phúc Âm của vị tông đồ Yoan, điều này khiến cho nhiều người có thể lầm tưởng đây là một luận văn thần học. Tuy nhiên, ngay trong Lời nói đầu S. Frank đã minh định tác phẩm của mình như sau: “Qua vẻ bề ngoài, suy tưởng của tôi có tính cách của một luận văn thần học. Tôi muốn cảnh báo bạn đọc rằng. - không biết chuyện này là tốt hay xấu - vẻ bề ngoài ấy không hoàn toàn phù hợp với thực chất bên trong tư duy của tôi. Thực ra toàn bộ phát triển trí tuệ cũng như tinh thần của tôi đã dẫn đưa tôi đi đến, không chỉ có đánh giá cao tư duy Kitô giáo truyền thống, mà còn thừa nhận tính chân lí tuyệt đối ở khải huyền của Đức Kitô; tôi đã đi đến niềm tin chắc rằng tất cả mọi tai họa của nhân loại suy đến cùng đều có nguồn gốc từ tình trạng tách rời của nhân loại khỏi truyền thống Kitô giáo, - tình trạng tách rời xảy ra đã từ lâu và mỗi lúc càng lún sâu hơn nữa, và rằng tất cả những hoài vọng cao cả nhất của loài người đã được suy xét kĩ, đều chỉ là những biểu hiện của những đòi hỏi lương tâm Kitô giáo vốn có từ xa xưa. Tuy nhiên, mặt khác tôi thấy e ngại và không muốn là nhà thần học, không phải chỉ vì tôi không phải là nhà thần học mà là nhà triết học tự do theo đào tạo cũng như theo tư chất tinh thần, mà còn là vì tôi không sao khắc phục được cảm nhận, cho rằng trong bất cứ thần học giáo điều trừu tượng nào cũng đều có nguy cơ của lời nói trống rỗng đầy tội lỗi”. Nội dung của tác phẩm cho thấy đây đích thực là một cuốn sách triết học về đạo đức mà tác giả là một triết gia tự do có đức tin Kitô giáo sâu sắc, nhưng không ràng buộc bản thân với một giáo phái nào nhất định. Một số người Việt không thật sự có cảm tình với Kitô giáo (có thể là do những ngộ nhận lịch sử), nên ngoài những thành viên của các giáo hội Kitô giáo thì chẳng có mấy người chịu tìm hiểu nội dung cụ thể của Kitô giáo về phương diện văn hóa tinh thần, khả dĩ giúp cho con người có được một định hướng đạo đức trong cuộc sống thế gian đầy phức tạp này. Điều này có thể còn do cái nhìn của nhiều người Việt đương đại có học thức, tự gắn mình với thời kì Khai sáng của văn hóa phương Tây, vốn là thời kì đoạn tuyệt với Kitô giáo. Những người này vì vậy thường quan niệm Kitô giáo gắn liền với tổ chức giáo hội cùng với các giáo điều và huyền thoại hoang đường. Họ không biết đến những quan niệm khác về Kitô giáo. Nhà tư tưởng Hamvas Béla (1897- 1968) cũng đã nhận xét về cách hiểu thô thiển ấy như sau: “Truyền thống Kitô giáo ở châu Âu có ha kẻ thù: kẻ thù bên trong là tầng lớp giáo sĩ, kẻ thù thứ hai là thế lực chính trị, kẻ thù thứ ba là chủ nghĩa duy khoa học (szcientifizmus). Ba kẻ thù này cản trở việc thực hiện bất cứ điều gì từ Kitô giáo mang tính chất Phúc Âm. Các cuộc tấn công đều nhằm vào tôn giáo, cho dù mục tiêu không phải là tôn giáo mà là sự lạm dụng quyền lực của giới giáo sĩ, hạn chế và các tham vọng quyền lực của giới này. Nhưng cho đến tận thời gian gần đây, cả những kẻ tấn công và những kẻ bảo vệ đều ở trong một niềm tin: nói đến Kitô giảo là phải nói đến những giáo điều, các huyền thoại, các tổ chức giáo sĩ và đạo đức của nỗi sợ hãi mê tín” (Hamvas Béla, Minh triết thiêng liêng, tập III, Nguyễn Hồng Nhung dịch, NXB Tri thức, 2016). Khái niệm “Kitô giáo” của S. Frank trong tác phẩm này hoàn toàn khác với cách hiểu thô thiển thông thường của người đời. Ông viết: “Sự hoàn thiện được ngụ ý ở đây liên quan trực tiếp đến hiện hữu tinh thần nội tâm của con người vốn thuộc về lĩnh vực hoàn toàn khác của hiện hữu so với cỗi trần gian và môi trường bên ngoài bao quanh chúng ta. Lời dạy bảo cơ bản của Thượng Đế hiệu triệu chúng ta hoàn thiện không phải những người khác, không phải cõi trần gian, mà là hoàn thiện chính chúng ta; và như chúng ta đã thấy, lời dạy bảo ấy không quy định cho chúng ta những hành động xác định nào đó, mà quy định một trạng thái xác định, chính là trạng thái hoàn hảo tối đa của linh hồn, một kết cấu nào đó của hiện hữu tinh thần nội tâm - trực tiếp đối với mỗi chúng ta chính là kết cấu hiện hữu của riêng mỗi chúng ta. Thế nhưng vì nội dung của tình trạng hoàn hảo nội tâm ấy là tình thương yêu, nên - chúng ta cũng đã thấy rồi - lời dạy bảo hoàn thiện trùng khớp với lời dạy bảo phát triển trong bản thân mình những sức mạnh ân phúc của tình thương yêu. Nhưng sức mạnh của tình thương yêu, theo thực chất chính là tình trạng tỏa sáng nào đó phát ra bên ngoài, thể hiện một cách cụ thể ở trong tính tích cực đạo đức, trong hoạt động tình thương yêu vì lợi ích của người gần, trong việc lan tỏa điều thiện vào cõi trần gian. Tinh thần tích cực đạo đức ở cõi trần gian, cái mệnh lệnh nhất quyết chung của lời dạy tình yêu, như vậy trùng khớp với nhiệm vụ hoàn thiện cõi trần gian ở trong ý nghĩa bao quát nhất của khái niệm này”. Ông phân tích sâu sắc vấn đề phân biệt ranh giới Thiện và Ác và cho rằng xét đoán duy lí đơn thuần để phân biệt rạch ròi các hành vi thiện và ác là điều bất khả dĩ, không thể có được một bộ luật đạo đức chính xác tuyệt đối. Trong mỗi hành vi đều có thiện ác pha trộn với những liều lượng tỉ lệ khác nhau. Mỗi con người đều phải cân nhắc trong việc quyết định lựa chọn dựa vào “cái cân” bên trong của mình để xem nên làm hay không nên làm. Trách nhiệm đạo đức chủ yếu của con người cá nhân chính là chăm lo cho tình trạng của “cái cân” bên trong ấy được thanh sạch. Ở đây đòi hỏi đạo đức đối với cá nhân mang tính cách tuyệt đối. Dẫu rằng các hành vi có thể không tuyệt đối là hoàn toàn thiện hay hoàn toàn ác, nhưng tập hợp của các hành vi luôn soi rạng bản diện cá nhân của người thực hiện, xem anh ta là người thiện hay kẻ ác, sống chân thực hay giả dối. S. Frank viết: “Nếu như bản diện cả nhân là hình tượng và tương đằng đích thực với Thượng Đế, thì bản diện cá nhân ấy, và chỉ một mình nó, là biểu hiện đầy đủ duy nhất của chân lí... Chân lí trong cơ sở của nó không phải là lời xét đoán, mà là hiện hữu sinh động thể hiện dưới hình thức bản diện cá nhân”. Các triết gia Nga quan tâm đến vấn đề nhận thức luận đều hiểu nó như học thuyết về chân lí. Nhưng đối với họ đó không phải là tính tương quan giữa hình ảnh và đối tượng, mà là sự nở hoa của tồn tại, là bản thân tính hiện thực ở trong trạng thái khai ngộ và biến cải. S. Frank viết: “Tất cả các triết gia ảo tưởng về một hệ thống tư duy bao trùm hết mọi thứ và đưa mọi thứ vào trật tự - “hiểu rõ”, “giải thích” và cũng tức là đưa vào trật tự, [những người như thế] hoặc là những kẻ dối trá, hoặc là những kẻ ngu ngốc (thường là cả hai thứ)...”. Dưới ánh sáng trải nghiệm của “trái tim”, bất cứ cấu trúc tư duy nào cũng đều mang tính tương đối và ước lệ, cũng tức là mang tính biểu hiện nghệ thuật. Người đọc cần có được “cái tai âm nhạc” để cảm nhận thấy có hay không những cảm xúc nhân bản ở trong nhà tư tưởng đang đối diện với những nỗi đau của số phận con người. Tác phẩm của S. Frank được viết ngay sau kết thúc cuộc Đại chiến thế giới II với ấn tượng sâu sắc của tác giả về sự kinh khủng của cái ác ở cõi trần gian xảy ra trong thời kì này. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ thời gian đó, liệu nội dung của tác phẩm có trở nên lỗi thời với xã hội hiện nay của loài người hay không? ít nhất tôi cũng tìm thấy một cảm nhận đồng điệu với S. Frank ở hai triết gia phương Tây thời hiện đại: E. Fromm (1900-1980) và E. F. Schumacher (1911-1977). Trong tác phẩm To Have or To Be, E. Fromm đã cảnh báo định hướng lối sống sở hữu (To Have) đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của nhân loại với hai nguy cơ: chiến tranh hủy diệt và hủy hoại môi trường sống. Ông cho rằng cần có thay đổi căn bản định hướng tinh thần theo lối sống hiện hữu (To Be) thì nhân loại mới có hi vọng thoát khỏi hai nguy cơ này. E. Fromm không đề cập đến Kitô giáo, nhưng thái độ sống hiện hữu vốn chứa đựng trong những lời dạy của kinh Phúc Âm và được S. Frank bàn luận ở tác phẩm mà chúng ta đang đề cập đến. Trong tác phẩm A Guide for the Perplexed, E. F. Schumacher đã phê phán “chủ nghĩa khoa học duy vật luận” (materialistic scientism) ở nền giáo dục phương Tây, vì nó bỏ qua tất cả những gì “không chắc chắn” và chỉ giảng dạy những gì có được “chứng minh” (proof). Thế nhưng “chứng minh” phải bao hàm điều gì thì lại là chuyện gây tranh cãi. Trong khi đó, những điều “không chắc chắn” lại thường là những điều rất quan trọng cho cuộc sống. Ông viết: “Nếu tôi tự giới hạn mình ở những tri thức mà tôi xem là chân lí vượt ra ngoài mọi nghi hoặc, thì tôi giảm được nguy cơ lầm lẫn xuống mức tối thiểu, nhưng đồng thời tôi lại có nguy cơ ở mức tối đa bỏ qua những gì là huyền ảo nhất, quan trọng nhất và đáng giá nhất trong cuộc đời”. Theo E.F. Schumacher, tình trạng này có thể bắt nguồn từ Descartes (1595- 1650), là người cho rằng không nên bận tâm với những gì không có được tính chắc chắn tương đương với số học và hình học. Những thành tựu của khoa học tự nhiên có được sau đó dường như đã củng cố niềm tin của con người thời hiện đại vào sức mạnh toàn năng của phương pháp khoa học trong việc giải quyết mọi vấn đề “mới”. Tuy nhiên, tình trạng tội lỗi và suy đồi của xã hội con người khiến cho thái độ lạc quan ấy ngày càng bị xói mòn. Trong phần kết của tác phẩm này, E. F. Schumacher đã viết: “Ngay cả giả sử như tất cả các vấn đề “mới” đều được giải quyết bằng kĩ thuật, thì tình trạng phù phiếm, thiếu trật tự và đồi bại hẳn vẫn còn lại. Tình trạng ấy tồn tại cho đến khi những cuộc khủng hoảng hiện nay trở nên gay gắt, nhưng cũng không tự mình biến mất đi. Ngày càng có nhiều người bắt đầu ý thức được rằng, “cuộc thí nghiệm hiện đại” đã thất bại. Cuộc thí nghiệm ấy được thúc đẩy từ trước, bởi cái mà tôi gọi là cuộc cách mạng Descartes, tách biệt con người theo một logic thật cứng rắn ra khỏi các [Hiện hữu] Trình độ Cao ấy, mà chỉ có chúng mới giữ được tính nhân bản của nó. Con người đã đóng lại cánh cổng của Thiên đường trước mặt mình, rồi với năng lượng và tài trí mênh mông, tự hạn chế mình ở trên Trái đất. Con người nay đang phát hiện ra rằng Trái đất chỉ là một trạng thái trung chuyển, nên việc từ chối đi lên Thiên đường có nghĩa là đi xuống Địa ngục một cách không chủ tâm. Sống không cần tới các giáo hội có thể hình dung được là chuyện khả dĩ, nhưng không thể nào sống được mà không có tôn giáo, tức là làm việc có hệ thống nhằm giữ được giao tiếp với các [hiện hữu]Trình độ Cao và phát triển hướng tới chúng, chứ không phải hướng tới “cuộc sống tầm thường” với tất cả niềm vui và nỗi đau, cảm xúc và thỏa mãn, tinh tế hay thô thiển - dù nó có thể là gì đi nữa. Cuộc thí nghiệm hiện đại sằng không có tôn giáo đã thất bại, và một khi chúng ta hiểu ra điều này, thì chúng ta biết được những nhiệm vụ “hậu hiện đại” của chúng ta thực ra là gì”. Tác phẩm Ánh sáng trong bóng tối của S. Frank được xuất bản ở Paris năm 1948 (YMCA-Press, 1948) và được NXB (Факториал) Nga tái bản năm 1998 (Факториал, Москва, 1998). Bản dịch tiếng Việt mà các bạn đang cầm trên tay được thực hiện dựa trên ấn phẩm này. Những tư liệu trình bày trong chương này có một phần được lấy từ bài giới thiệu của tác giả A. V. Sobolev cũng in ở trong ấn phẩm đó. Nguyễn Văn Trọng LỜI NÓI ĐẦU Những suy tưởng được trình bày ở đây đã được nghiền ngẫm từ trước chiến tranh, và lần đầu được viết ra vào năm đầu tiên của cuộc chiến, khi tôi còn chưa thể tiên đoán được toàn bộ mức độ và hậu quả của những thế lực ma quỷ lộng hành gây ra nó. Những biến cố gần đây nhất cũng không hề thay đổi chút nào những ý tưởng của tôi, mà có lẽ lại càng củng cố và đào sâu thêm chúng. Tuy nhiên, sau toàn bộ cái ác đã trải qua trong những năm tháng kinh khủng ấy, cần phải thể hiện những ý tưởng đó bằng những lời lẽ hoàn toàn khác; vì vậy sau chiến tranh khi kết thúc bản thảo đã được viết lại khá căn bản. Qua vẻ bề ngoài, suy tưởng của tôi có tính cách của một luận văn thần học. Tội muốn cảnh báo bạn đọc rằng, - không biết chuyện này là tốt hay xấu - vẻ bề ngoài ấy không hoàn toàn phù hợp với thực chất bên trong tư duy của tôi. Thực ra toàn bộ phát triển trí tuệ cũng như tinh thần của tôi đã dẫn đưa tôi đi đến, không chỉ có đánh giá cao tư duy Kitô giáo truyền thống, mà còn thừa nhận tính chân lí tuyệt đối ở khải huyền của Đức Kitô; tôi đã đi đến niềm tin chắc chắn rằng tất cả mọi tai họa của nhân loại suy đến cùng đều có nguồn gốc từ tình trạng tách rời của nhân loại khỏi truyền thống Kitô giáo, - tình trạng tách rời xảy ra đã từ lâu và mỗi lúc càng lún sâu hơn nữa, và rằng tất cả những hoài vọng cao cả nhất của loài người đã được suy xét kĩ, đều chỉ là những biểu hiện của những đòi hỏi lương tâm Kitô giáo vốn có từ xa xưa. Tuy nhiên, mặt khác tôi thấy e ngại và không muốn là nhà thần học, không phải chỉ vì tôi không phải là nhà thần học mà là nhà triết học tự do theo đào tạo cũng như theo tư chất tinh thần, nhưng còn là vì tôi không sao khắc phục được cảm nhận, cho rằng trong bất cứ thần học giáo điều trừu tượng nào cũng đều có nguy cơ của lời nói trống rỗng đầy tội lỗi. Theo nhận xét sâu sắc và mang tính tôn giáo đích thực của Goethe, “thực ra chỉ có thể nói về Thượng Đế với Thượng Đế mà thôi”. Tính hiện thực của Thượng Đế và sự thật của Thượng Đế khai mở cho chúng ta chỉ ở trong trải nghiệm tinh thần trong lúc cầu nguyện hướng về Thượng Đế; và một khi chính Thượng Đế nói với chúng ta thông qua chiều sâu tinh thần của chúng ta, thì chúng ta chỉ có thể hoặc là câm lặng trong nỗi run sợ của sám hối, hoặc là nói lời tiên tri nhưng không thể bàn luận. Và mặc dù theo tính chất đầu óc của chúng ta, chúng ta buộc phải suy tưởng trải nghiệm ấy một cách logic, thế nhưng bất cứ mưu toan nào thể hiện nó ra trong một hệ thống các khái niệm trừu tượng đều có nguy cơ tách rời nội dung của chân lí tôn giáo ra khỏi cội rễ trải nghiệm sinh động của nó, thay thế niềm tin đích thực bằng cấu trúc trí tuệ đơn thuần. Hơn nữa, trải nghiệm tôn giáo không tách rời được khỏi trải nghiệm sống, khỏi số phận - số phận cá nhân riêng biệt của mỗi chúng ta và số phận của thế hệ hay của thời đại - trong toàn bộ tình trạng bi kịch và bất toàn của nó, trong toàn bộ tính phân đoạn và mờ ảo của nó. Thượng Đế được nhận ra chỉ ở trong tranh đấu đầy bi kịch và ở trong những đau đớn của hiện hữu con người; những nhà tư tưởng đơn độc của thời đại mới như Pascal và Kierkegaard đã nói về điều này thật hay. Kì vọng muốn đạt tới hoàn chỉnh hay là tính quá tự tin của một hệ thống thần học khách quan luôn mâu thuẫn gay gắt với điều này. Và mặc dù chúng ta hiểu rằng trải nghiệm của toàn thể loài người - đối với Kitô hữu có nghĩa là trải nghiệm của giáo hội Kitô giáo - luôn phong phú và sâu sắc hơn trải nghiệm cá nhân của chúng ta, và rằng chúng ta có thể và cần phải học hỏi ở đó, thế nhưng những chân lí rút ra từ đó trở thành có ý nghĩa đối với chúng ta, chỉ khi chúng được đối chiếu và kiểm tra lại với trải nghiệm của chúng ta; không một phút giây nào chúng ta được phép quên rằng Thượng Đế đang nói trực tiếp với chúng ta ngay cả trong lúc này. Nếu không thì niềm tin của chúng ta dễ bị suy đồi thành niềm tin giả hiệu của thần học, - thành điều khẳng định thuần túy trí tuệ hay thậm chí chỉ là ngôn từ về những gì thực ra chúng ta không tin mà chỉ muốn tin vào mà thôi. Với lòng kính trọng cần thiết đối với tính minh triết tôn giáo của quá khứ, đối với “niềm tin của các bậc cha mẹ”, chúng ta cần phải đề phòng để không bị lôi cuốn vào thái độ sùng kính Thượng Đế bằng lời nói chứ không bằng trái tim, thay thế sự thật của Thượng Đế bằng “các học thuyết, các di huấn của con người”. Ở mọi thời đại trong trái tim con người, đức tin luôn phải tranh đấu với vô tín ngưỡng - vô tín ngưỡng công khai, hay tệ hơn nữa là vô tín ngưỡng của phái Pharisees ẩn giấu dưới vỏ bọc thần học chính thống. Thế nhưng cho tới nay mối nguy hiểm của hai loại vô tín ngưỡng ấy và sự cần thiết phải bảo vệ đức tin chân chính - trung thành với sự thật của Thượng Đế - nhằm chống lại chúng, chưa bao giờ [mối nguy hiểm và sự cần thiết phải bảo vệ ấy] lại to lớn đến thế đối với con người đương đại được giáo dục trong nền văn hóa vô tín ngưỡng đã nhiều thế kỷ. “Con đang tin đây mà, Trời đất ơi, xin hãy giúp đỡ cho tình trạng vô tín ngưỡng của con” - lời kêu than vĩnh cửu ấy của tâm hồn con người ngày nay vang lên căng thẳng đầy bi thảm hơn rất nhiều so với các thế kỷ xưa kia. Một vực thẳm hầu như không thể vượt qua vào thời nay ngăn cách những cuộc đấu tranh đầy sinh động của tinh thần con người tìm kiếm lối ra khỏi những tai họa và cứu độ khỏi các hiểm nguy, lòng khát khao hiểu biết tôn giáo về cuộc sống giữa một thế giới vô hồn của khoa học hiện đại, vốn được biện minh bởi đạo đức hiện đại của thói tự tung tự tác của con người - [vực thẳm ấy ngăn cách chúng] với thế giới vững chắc khép kín trong bản thân nó, thế giới của những khái niệm thần học truyền thống. Các học thuyết thần học thường treo lơ lửng ở bên ngoài cuộc sống, còn cuộc sống cứ đi ngang qua chúng, bỏ qua chúng một cách khinh miệt; những cuộc gặp gỡ giữa họ với nhau thực chất chỉ là ngoại lệ hiếm hoi. Thực chất vấn đề ở đây không phải là ở tính trá ngụy hay tình trạng lạc hậu của chính nội dung các học thuyết ấy; thời nay hơn bao giờ hết ít cần đến một cuộc “cải cách”, ít cần đến thay đổi các giáo điều và các chuẩn tắc của giáo hội. vấn đề có lẽ chủ yếu là do tư duy đương đại đã lãng quên mất việc hiểu biết mục đích và cách thức trợ giúp cho tâm trí chung của nó, phong cách tinh thần tổng quát của những học thuyết ấy, và khi đối diện với những nỗi đau khổ của chúng ta cũng như những tìm kiếm khổ ải, thì tư duy đương đại ấy cảm thấy một tình trạng mất phương hướng nào đó. Có thể khâm phục tầm vóc vĩ đại và tính chặt chẽ ở hệ thống triết-thần học của Thomas Aquinas như thể hiện cao nhất của minh triết Kitô giáo thời trung đại; tuy nhiên - mặc dù những ý tưởng riêng biệt của hệ thống ấy vẫn còn đúng đắn và cần thiết cho chúng ta - sử dụng hệ thống đó như một tóàn thể cho cuộc sống của chúng ta cũng là chuyện bất khả dĩ, tựa như chuyện thay thế kiến trúc các nhà ở và nhà máy hiện nay của chúng ta, để làm theo kiểu kiến trúc Gothic của nhà thờ. Thời cơ vẫn còn chưa đến để cho một vị Thomas Aquinas mới sẽ xuất hiện ở đâu và khi nào. Trong tình cảnh nghèo nàn tôn giáo hiện nay, chúng ta không có con đường nào khác để đi đến chân lí cứu độ của đức tin Kitô giáo ngoài việc học hỏi lại chân lí ấy không phải từ những cuốn sách cũ, mà từ những bài học ở cuộc sống bất hạnh của chúng ta. Giờ đây chúng ta trước hết chỉ cần đến những đức tin giúp đỡ được chúng ta sống sót, đưa chúng ta vào con đường đúng đắn của cuộc sống; giống như bánh mì cho kẻ đang đói, chỗ đất vững chắc đứng được cho kẻ đang đuối nước, chúng ta cũng chi cần “những giáo điều” tôn giáo mang tính thời sự, dù chúng có sơ đẳng đến đâu đi nữa, nhưng đem lại cho chúng ta chỗ dựa đạo đức vững chắc trong cuộc sống; mọi thứ còn lại, toàn bộ sự xa hoa của các học thuyết giáo điều cũng như các cuộc tranh biện thời xưa, có lẽ chỉ thích hợp trong ý nghĩa tôn giáo đích thực cho một vài đầu óc tinh tế riêng lẻ, còn đối với số đông đang đối diện với nhu cầu tinh thần chung của chúng ta, chắc chỉ là thú vui giải trí mà thôi. Những suy tưởng trình bày ở đây vì vậy mong muốn không phải là một luận văn thần học trừu tượng, mà là một nố lực khiêm nhưỡng suy ngẫm tôn giáo về trải nghiệm tư tưởng cuộc sống của tác giả. Trải nghiệm ấy trước hết là một trải nghiệm lịch sử-xã hội. Cùng với đa số những người Nga có suy nghĩ ở thế hệ của tôi, tôi đã xuất phát từ niềm tin xã hội chủ nghĩa thời niên thiếu - tin vào cứu độ nhân loại thông qua một cuộc chính biến xã hội thật căn bản. Thế nhưng đã từ lâu lắm rồi, ngay từ hồi đầu của thế kỷ, một nhóm những người Nga có suy nghĩ mà tôi ở trong nhóm đó, bắt đầu ngày càng thức ngộ rõ ràng hơn tính chất không thỏa mãn và khốc hại của tâm trí vô tín ngưỡng chủ đạo mà niềm mơ ước ấy về tương lai xán lạn dựa vào. Chúng tôi ngay từ lúc đó đã tỉnh ngộ, thấy được mối hiểm họa ở trong việc bỏ qua những giá trị tuyệt đối, ở trong việc bác bỏ những cơ sở tinh thần của cuộc sống, chúng tôi đã hiểu được rằng cái chủ nghĩa hư vô ấy sẽ phải dẫn đến nền chuyên chế độc tài, bóp nghẹt và gây tàn phế cho bản diện cá nhân. Sự tỉnh ngộ ấy đã xác định việc chuyển hướng của chúng tôi từ “chủ nghĩa Marx” sang “chủ nghĩa lí tưởng” khá mơ hồ, rồi sau đó chuyển sang đức tin Kitô giáo thật sự. Mọi thứ xảy ra trong bốn mươi năm qua, thoạt tiên ở nước Nga, rồi sau đó ở châu Âu, thật không may đã khẳng định những hiểm họa ấy trong một quy mô mà không một ai hồi đó nhìn thấy trước được. Cuộc cách mạng Bolshevik và trật tự mà cuộc cách mạng đó thiết lập là một thí nghiệm trên cơ thể sống thật hoành tráng, vượt qua mọi e ngại tồi tệ nhất. Và hệ lụy sau đó: chúng ta là những người chứng kiến tình trạng bất lực và mù quáng ở chủ nghĩa nhân đạo phi tôn giáo của các nền dân chủ phương Tây, rồi tiếp đó là sự gia tăng ở châu Âu một hình thức mới của vô tín ngưỡng trong bộ mặt của chủ nghĩa nổi loạn thần nhân (titanism) công khai truyền bá thái độ sùng bái ma quỷ đối với bạo lực và thói ham mê quyền lực hung ác, phủ nhận về nguyên tắc đối với tất cả các khởi nguyên đạo đức của cuộc sống. Những ai hiểu được bản chất tinh thần của chủ nghĩa Bolshevik không thể không nhìn thấy ở trong chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa phát xít một sự tương đồng đáng ngạc nhiên về chủ nghĩa vô thần. Giờ đây, khi cái chủ nghĩa ma quỷ vô thần ấy dìm cả thế giới vào trong biển máu thì cả thế giới đã hiểu đuợc mối nguy hiểm chết người của nó. Tuy nhiên, ý nghĩa đích thực của những gì đã trải qua đối với nhiều người vẫn còn là điều không hiểu được, đó là vì nhờ sự tình cờ - theo quan điểm nguyên tắc ý thức hệ - [...] vô thần Xô Viết thành ra đồng minh tạm thời của dân chủ phương Tây, vốn dựa trên những khởi nguyên đạo đức Kitô giáo dù đã bị làm cho vô hồn. Bây giờ, chiến tranh mới kết thúc, điều hiểu lầm ấy phần nhiều đã bị xua tan. Các biến cố lịch sử có thể được diễn giải theo những cách khác nhau tùy thuộc vào việc người ta tập trung sự chú ý vào nguyên nhân nào trong số nhiều nguyên nhân chung và riêng của những biến cố ấy. Tuy nhiên, dường như nhiều người giờ đây bắt đầu ý thức được rằng nguyên nhân tiên khởi của vận động lịch sử nằm ở biến đổi cấu trúc cuộc sống tinh thần và những ý tưởng chỉ đạo cho cuộc sống ấy. Nếu đúng là như vậy thì chẳng có những hành động quân sự và chính trị nào, dù thành công đến đâu đi nữa, lại có thể tự thân chúng cứu độ được nhân loại, vì rằng cuộc đấu tranh ở đây, theo lời của vị tông đồ, “không phải nhằm chống lại máu thịt và hận thù của chốn trần gian”. Con đường cứu rỗi chỉ nằm trong việc xem xét lại những ý tưởng chỉ đạo. Những suy tưởng tôn giáo trình bày ở đây mong muốn phụng sự cho việc xem xét lại đó. Trong tinh thần của đức tin Kitô giáo việc suy ngẫm lại trải nghiệm lịch sử sinh động gắn liền với trực giác triết học tổng quát của tôi ở chủ nghĩa hiện thực siêu hình học - đối lập lại không những với chủ nghĩa duy vật và thực chứng luận, mà còn chống lại bất kì chủ nghĩa lí tưởng trừu tượng nào - kể cả phiếm thần luận mang tính tôn giáo: [đối với thuyết này] Thượng Đế không những siêu việt hóa sáng tạo của mình mà đồng thời còn hiện hữu một cách nội tại ở trong đó như là cơ sở vĩnh cửu của Thượng Đế và như là khởi nguyên sáng tạo đầy sinh động. Những luận điểm cơ sở cuốn sách của tôi được dẫn xuất ra từ những suy ngẫm đó. Khẳng định chân lí từ lâu rồi đã bị lãng quên và bị bác bỏ, về sức mạnh huyền bí của tội lỗi ở chốn trần gian được kết hợp với niềm tin vào giá trị tích cực của thế gian như tạo tác của Thượng Đế và như biểu hiện chính thực chất thần thánh của Thượng Đế. Kết hợp này một mặt dẫn đến việc phân biệt rành mạch giữa sự thật tuyệt đối của Đức Kitô vượt lên trên mọi cấu trúc trần gian mà chỉ có những chiều sâu siêu trần thế của tinh thần con người mới thấu đạt được, và luôn luôn bằng hiện thân trần thế bất toàn của sự thật ấy - nói cách khác, đó là phân biệt giữa cứu độ thực chất của thế gian và hoạt động che chở nó trước cái ác; mặt khác kết hợp đó dẫn đến việc xem xét bản chất của sáng tạo đạo đức như một quá trình mang tính Thần-nhân đầy kịch tính, làm lành mạnh thế gian thông qua việc đưa vào đó cơ sở tiên khởi thần thánh của nó và thông qua cuộc đấu tranh với thói tự tung tự tác đầy tăm tối của con người. Tôi nhìn thấy ở trong việc giác ngộ các chân lí ấy một cách vừa khiêm nhường vừa đầy trách nhiệm, lối thoát duy nhất ra khỏi các tai họa mà nhân loại đương đại đang chịu đau khổ vì chúng. Hãy để cho tất cả những gì một chiều, chủ quan và trá ngụy trong suy tưởng của tôi tan đi như mây khói mà không cám dỗ một ai. Nhưng xin hãy để cho những gì ở trong đó là chân chính, cũng tức là sự thật của Thượng Đế, sẽ giúp đỡ được cho những người khác như nó đã từng giúp đỡ được cho tôi. S. Frank London, tháng 11 năm 1945 DẪN NHẬP Trong đoạn giáo đầu đầy huyền bí của kinh Phúc Âm do thánh Yoan viết, mà ở đó ngoài khó khăn chung để thấu hiểu còn kết hợp cả với hàm ý không rõ ràng theo nghĩa đen, và việc diễn giải nó từ xưa cho đến nay vẫn gây khó khăn cho những người bình giải. Đồng thời chỗ đó lại có ý nghĩa quan trọng, vì nó đi vào thành phần diễn tả mang tính biểu tượng ý nghĩa siêu hình học của khải huyền Kitô giáo: nó nói về mối tương quan giữa ánh sáng của Thần ngôn (Logos) với thế gian. Đó là câu thơ Phúc Âm Yoan. 1.5. Theo ngôn ngữ Hi Lạp nó được viết như sau: “kai to phös en të skotia phainei, kai he skotia auto ou katelaben”. Tính chất bí ẩn của chỗ này trước hết là do tính đa nghĩa của từ ngữ “katelaben”. Động từ “katalambano” của ngôn ngữ Hi Lạp thông thường có nghĩa là “thu nhận”, “nắm bắt”, “hấp thụ” (cả trong nghĩa vật chất lẫn tinh thần), nhưng nó cũng có thể có nghĩa như: “chiếm lĩnh”, “bắt giữ”, “bắt được” (trong rượt đuổi), ý nghĩa cuối cùng là “xâm chiếm”, “chiến thắng”. Người viết kinh Phúc Âm muốn nói gì sau những lời “rồi ánh sáng rạng chiếu trong bóng tối”? Theo một diễn giải xuất xứ từ Origène , nó miêu tả “tính bất khả chiến bại” của ánh sáng trong cuộc đấu tranh của nó với bóng tối: ánh sáng một khi rạng chiếu trong thế gian thì bóng tối không thắng được nó - bóng tối không “bao trùm nó” được nữa; mặt trời tinh thần chiếu sáng thế gian không thể tắt đi được và cũng không biết đón tình trạng bị che khuất: nó sẽ vĩnh viễn chiếu sáng và ở bên ngoài quyền lực của bóng tối. Thế nhưng câu thơ này cũng cho phép một diễn giải khác, trong một ý nghĩa nhất định là diễn giải ngược lại, chúng ta sẽ hiểu động từ tiếng Hi Lạp ấy trong ý nghĩa “thu nhận”, “nắm bắt”, “hấp thụ”. Khi đó thì câu thơ ấy không thể hiện nhận thức vui mừng về tính không thể bị khắc phục của ánh sáng đối với bóng tối, mà ngược lại nó thể hiện nhận thức bi thảm, cay đắng về thái độ ngoan cố của bóng tối, về tình trạng không thể bị khắc phục của bóng tối đối với ánh sáng. Mặc dù ánh sáng bừng lên và rạng ngời, thế nhưng - trái ngược với những gì xảy ra ở thế giới vật lí và là điều được chờ đợi một cách tự nhiên - ánh sáng không xua đuổi, không làm tan đi bóng tối; ngược lại, người viết kinh Phúc Âm xác nhận hiện tượng ghê tởm, không thể hiểu nổi, tựa như phản tự nhiên. Ánh sáng chiếu sáng, nhưng vẫn bị vây quanh bởi bóng tối dày đặc không thể xuyên qua được, là bóng tối không bắt được, không thu nhận được ánh sáng, vì vậy mà không bị xua tan đi trước ánh sáng. Và thế gian vẫn còn là vương quốc của bóng tối, mặc dù trong chiều sâu của nó Ánh sáng Vĩnh cửu, Không-hề-tắt đang chiếu sáng. Ngay từ trong sự kiện: bất đồng giữa hai cách hiểu ngược nhau ấy kéo dài từ những người diễn giải cổ xưa nhất về Phúc Âm cho tới tận bây giờ, suy ra rằng không cách hiểu nào trong số đó có được chứng minh khách quan, mang tính quyết định, không-thể-tranh-cãi cho tính chân lí của mình, và để từ đó chứng minh được tính trá ngụy của cách hiểu ngược lại. Chúng tôi không cho rằng mình có đủ thẩm quyền để tìm ra cách hiểu mới mẻ có khả năng soi sáng đầy đủ để giải quyết vấn đề gây tranh cãi ấy, hầu như đã kéo dài suốt hai ngàn năm. Chúng tôi muốn nhận xét một điều khác có ý nghĩa quan trọng. Dù cho người viết Phúc Âm thực ra muốn nói điều gì ở chỗ này khi sử dụng từ ngữ có hai nghĩa “katelaben” - mỗi cách hiểu trong hai cách khả dĩ dẫn ra ở trên, đều chứa đựng ý nghĩa hoàn toàn hòa hợp với học thuyết tôn giáo của kinh Phúc Âm Yoan và đứng vững được trong tinh thần của học thuyết ảy. Hơn thế nữa, dù trên thực tế người viết Phúc Âm có ý nói gì ở chỗ này, chúng ta cần phải nói về ý nghĩa tôn giáo của nó trong toàn vẹn, rằng nó được xác định chính bởi sự kết hợp, cùng đồng thời khẳng định cả hai ý tưởng, thu nhận được từ hai diễn giải khác nhau ấy. Chắc chắn rằng trong thành phần của học thuyết tôn giáo thể hiện ở trong Phúc Âm Yoan có cả niềm tin vào tính bất khả chiến bại, không thể nào dập tắt của ánh sáng thần thánh, siêu trần gian, soi sáng cho thế gian và cả khẳng định cay đắng vạch trần tính ngoan cố phản tự nhiên của bóng tối, không tan đi trước những tia sáng, cũng như của bức tường không thể xuyên thấu nào đó bao quanh nó. Ở chỗ này hay chỗ kia riêng biệt của kinh Phúc Âm, trọng âm có thể đặt vào một trong hai ý tưởng ấy, nhưng cần nhớ rằng, điều quan trọng là chỉ có kết hợp của chúng, khẳng định chúng đồng thời mới thể hiện được quan điểm của người viết Phúc Âm thật đầy đủ trọn vẹn. Thế nhưng điều này giả định rằng, hai ý tưởng ấy - và tương ứng với hai cách hiểu khác nhau về ý nghĩa của câu thơ được xem xét - ít nhất cũng không hề mâu thuẫn với nhau. Nhân đây chúng tôi phải nhận xét một điều quan trọng liên quan đến hai ý nghĩa khả dĩ của chỗ này - một điều hoàn toàn không thể tranh cãi, nhưng khá lạ lùng là thường bị bỏ qua. vấn đề là sự khác biệt giữa hai ý tưởng khả dĩ ở đây ít ra cũng không khác biệt bao nhiêu, như cảm thấy lúc thoạt nhìn vào và như thường hay khẳng định. Khi đọc văn bản mà không thật chú ý nhiều, thì thấy có vẻ như ở đây có khác biệt căn bản giữa khẳng định vui mừng về chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối và nhận thức đau buồn ngược hẳn lại về tình trạng bất lực của ánh sáng trước thái độ ngoan cố của bóng tối, - tựa hồ như tính đối nghịch giữa quan điểm “lạc quan” vô điều kiện và “bi quan” vô điều kiện. Tuy nhiên, tính chất hòa hợp của cả hai quan điểm mà chúng tôi đã nhận xét ở trên, cho thấy rằng chuyện này không phải như vậy và nó không phải giản đơn như vậy. Nếu chúng ta quy ước kí hiệu - thực ra rất không chính xác - hai cách hiểu trên như lạc quan” và “bi quan”, thì điều quan trọng là ở trong diễn giải “lạc quan” những lời lẽ được xem xét không hề chứa đựng khẳng định tường minh và vô điều kiện về tính “nhất định thắng lợi của ánh sáng”, không hề khẳng định thật rõ ràng và hiển nhiên sức mạnh toàn năng và thắng lợi cuối cùng trước bóng tối (trong bình diện cuộc sống trần gian), những lời lẽ ấy chỉ nói về tính “bất khả chiến bại, không thể khắc phục” của ánh sáng đối với bóng tối đang cố dập tắt nó, - tất nhiên đây là một thứ gì đó hoàn toàn khác. Nói chung, nếu như chắc chắn rằng người viết Phúc Âm về thực chất tin tưởng vào sức mạnh toàn năng của ánh sáng thần thánh ở trong một bình diện khác của hiện hữu, vượt trên cõi trần gian (về chuyện này chúng ta sẽ còn phải nói tới), thì ở trong bình diện của hiện hữu trần gian ông ta thông báo (theo cách hiểu ấy) sự kiện vui mừng đầy an ủi chỉ ở trong hàm ý nói rằng ánh sáng phòng thủ thành công trước đòn tấn công của bóng tối, rằng ánh sáng ấy được đảm bảo sẽ không bị khắc phục trước các thế lực thù địch của bóng tối. Như vậy, chính ngay ở trong diễn giải “lạc quan”, “ánh sáng được suy tưởng như khởi nguyên bị vây hãm bởi bóng tối ở trong bình diện hiện hữu trần gian, như vậy bóng tối ở đây được gán cho vai trò chủ động tấn công, chỉ bày tỏ niềm tin chắc rằng pháo đài bị vây hãm (hiển nhiên là do nguồn gốc Thượng Đế thánh thiện siêu trần gian ở sức mạnh của nó) sẽ không khi nào chịu đầu hàng, không khi nào bị kẻ thù khuất phục. Bản thân an ủi này như vậy giả định rằng, số phận của “ánh sáng” ở chốn trần gian là số phận bi thảm đầy hiểm nguy; chính vì vậy mà diễn giải “lạc quan”, như được chi ra ở trên, hoàn toàn không mâu thuẫn với diễn giải khác, “bi quan”, mà ngược lại, dễ dàng cùng nó hòa hợp theo ý tưởng tôn giáo tổng thể toàn diện của Phúc Âm Yoan. Vì vậy, nếu chúng ta cố hiểu những câu thơ này trong ý tưởng tôn giáo tổng thể ấy, thì - bỏ qua một bên vấn đề người viết Phúc Âm muốn nói gì ở chỗ này - chúng ta có quyền kết hợp cả hai diễn giải mà vẫn trung thành với ý tưởng tổng thể của người viết Phúc Âm, và trình bày quan điểm tổng thể của người viết Phúc Âm ở trong luận điểm “ánh sáng rạng chiếu trong bóng tối, và bóng tối đối địch lại ánh sáng tuy không đủ sức nuốt chửng nó, nhưng cũng không chịu tan đi trước ánh sáng ấy”. Liệu người viết kinh Phúc Âm ở chỗ này thực ra muốn nhấn mạnh rằng bóng tối bất lực trong việc dập tắt ánh sáng, một khi nó đã bừng lên, hay là ngược lại, ông ta cay đắng vạch trần tính ngoan cố của bóng tối không thu nhận ánh sáng, nên vì vậy mà không tan đi trước nó - trong cả hai trường hợp ông ta đều xuất phát từ một hình dung tổng thể nào đó mang tính lưỡng diện - nên vì thế mà đầy bi kịch - về tình trạng đối chọi giữa sức mạnh của ánh sáng và bóng tối như là một thực tế cơ bản của hiện hữu trần gian. Tình trạng đối chọi không thể khắc phục được ấy có thể bộc lộ ra như nhau cả ở trong tính không thể bị khắc phục của ánh sáng trước sức ép của bóng tối, cũng như ở trong tính ngoan cố phản tự nhiên của bóng tối trước ánh sáng lẽ ra phải soi sáng và xua tan nó. Tôi cho rằng cách hiểu tổng hợp như thế được biện minh ngay ở phần đầu tiên của câu thơ “rồi ánh sáng rạng chiếu trong bóng tối”. Chúng ta đã quá quen với việc đọc Phúc Âm thật cẩu thả, không chịu suy nghĩ sâu vào ý nghĩa thực ở từ ngữ của nó, tiếp thu văn bản của nó thiếu suy ngẫm, xem nó như một công thức ngôn từ quen thuộc nào đó, ít có ai chịu suy xét đến ý nghĩa đích thực của những từ ngữ ấy. Đa số người ta hình như có xu hướng nhìn ở trong tập hợp ấy của các từ ngữ không gì khác hơn là một cách biểu đạt hoa mĩ nào đó về một thứ gì đó tương tự, ví dụ như câu thơ “chim họa mi đang hót trong tĩnh lặng”. Khó mà có thể chấp nhận được cách hiểu đơn giản và hời hợt như thế; điều này mâu thuẫn ngay với phần sau của câu thơ được xem xét ở trên. Dù cho ý nghĩa đích thực của phần sau câu thơ này có là gì đi nữa, thì ít ra việc nhắc đến bóng tối không phải là chuyện tình cờ, vì rằng bóng tối đối lập với ánh sáng như một sức mạnh thực tế thù địch với nó. Thế nhưng như vậy thì thực ra “ánh sáng rạng chiếu trong bóng tối” có nghĩa gì? Nếu giả sử như nói về thời quá khứ “ánh sáng đã bừng lên trong bóng tối”, thì mọi chuyện hẳn đã đơn giản và dễ hiểu: giữa bóng tối một nguồn ánh sáng được thắp lên - ở nơi trước kia là bóng tối, ở đó giờ đây rạng ngời ánh sáng. Một người viết Phúc Âm khác đã viết thế, trong khi đưa tin về chuyến đi thuyết giảng của Jesus “ở bờ biển Kapernaum trong ranh giới giữa Zavulon và Nevtalim”, hồi tưởng lại “lời kể của nhà tiên tri Isaiah”: “Dân chúng ngồi trong bóng tối đã nhìn thấy ánh sáng vĩ đại, và ánh sáng đã bừng lên soi rạng những người đang ngồi trong bóng tối chết chóc” (Isaiah 9,1-2. Phúc Âm Matth. 4, 13,16). Thế nhưng người viết Phúc Âm Yoan muốn nói lên điều khác: ông không nói về một biến cố hoàn tất một lần trong thời gian, rằng ở giữa bóng tối dày đặc ánh sáng đã bừng lên. Ông nói về một tình trạng siêu hình nào đó vĩnh cửu - hay nói khiêm tốn hơn là một tình trạng siêu hình dài lâu - hoặc là về mối tương quan giữa ánh sáng và bóng tối mà ông thể hiện bằng những lời “ánh sáng rạng chiếu trong bóng tối”. Thế nhưng làm sao chuyện này lại có thể được? Vì chúng ta được hướng dẫn bởi tương đồng với ánh sáng vật lí, nên chúng ta phải nói: ở đâu có ánh sáng, ở đó không có bóng tối, ở đâu có bóng tối, ở đó không có ánh sáng. Trạng thái này loại trừ trạng thái kia. Theo lẽ tự nhiên thì phải hình dung rằng một khi đã bừng lên thì ánh sáng xua đi bóng tối, soi rạng nó, tức là thay thế nó bằng bản thân mình, ánh sáng. Mặt khác, có thể hình dung trong một ý nghĩa bóng bẩy nào đó, rằng ánh sáng được thắp lên giữa bóng đêm, ví dụ như một ngọn nến giữa đêm tối đen, đầy bão tố, vào mùa thu có thể bị tắt đi, tựa hồ như thoái lui trước áp lực của bóng tối mạnh hơn nó. Tuy nhiên, vẫn còn có khả năng - có vẻ như ở đây là khả năng duy nhất - hình dung được một cách duy lí và trực quan một tình trạng có thể được kí hiệu như “ánh sáng trong bóng tối”. Như vậy vào một đêm không có trăng, nhưng trời đầy sao, như những điểm sáng rạng chiếu “trong bóng tối”. Chúng ta hình dung những điểm sáng giữa bóng tối ấy, nếu như nhìn ngắm từ xa, như là những ngọn đèn được thắp lên trong đêm tối. Và thậm chí ở gần ánh sáng yếu ớt, leo lét, ví dụ như ánh sáng của một ngọn đèn nhỏ, có thể rạng chiếu nhưng không soi sáng được gì ngoài một khoảng không gian kích thước thật bé nhỏ ở gần sát nó, cho nên nó bị vây quanh bởi bóng tối dày đặc mà nó không đủ sức xua tan. Thế nhưng người viết Phúc Âm, trong khi đang nói về ánh sáng rạng chiếu trong bóng tối, bằng cách nói đó đã loại trừ hai tình trạng đầu tiên - tình trạng ánh sáng rạng chiếu và xua tan bóng tối và tình trạng bóng tối dập tắt ánh sáng - đồng thời lại có ý nói về một thứ gì đó hoàn toàn khác với khả năng thứ ba. Chúng ta nhớ rằng ánh sáng mà ông ta đang kể là ánh sáng “chân chính”, ánh sáng xuất phát từ Thượng Đế, - cái ánh sáng của Logos thánh thần mà thông qua nó trần gian “bắt đầu hiện hữu”. Do đó không thể có chuyện để ánh sáng ấy chỉ leo lét thật yếu ớt, và chính là do tình hạng yếu ớt nội tại của nó mà nó không đủ sức xua đuổi bóng tối và soi sáng trần gian. Mặc dù vậy, ánh sáng ấy không chỉ không sao dập tắt được, mà còn vô cùng hùng mạnh do bản chất siêu hình nội tại của nó, tức là có sức mạnh toàn năng - vì có tính chất thánh thần - ánh sáng ấy bị đày xuống trần gian để rạng chiếu trong bóng tối. Trước khi làm sáng tỏ thật đầy đủ mối tương quan ấy trong toàn bộ tính nghịch lí được xác định bởi tính đối nghịch giữa tình trạng “yếu ớt” tương đối của ánh sáng trong biểu hiện thường nghiệm và sức mạnh toàn năng siêu hình học của nó, chúng ta cần phải nhận thức sơ bộ ý nghĩa sinh động của những khái niệm mà người viết Phúc Âm sử dụng. Giả sử như chúng ta xuất phát từ hình dung của vật lí hiện đại, theo đó thì bóng tối chẳng phải thứ gì khác ngoài tình trạng thiếu vắng ánh sáng, như vậy thì những lời lẽ của người viết Phúc Âm chỉ ra cuộc vật lộn của ánh sáng và bóng tối đối với chúng ta tưởng như thật vô nghĩa. Nhưng chúng ta không được quên rằng ở đây không phải chúng ta đang xem xét vật lí học, mà đang có vấn đề với siêu hình học đầy bí ẩn, chỉ được biểu tượng hóa trong các khái niệm “ánh sáng” và “bóng tối”. Nói đúng hơn thì chúng ta đang có vấn đề không phải với các khái niệm, mà là với các hình tượng “ánh sáng” và “bóng tối” cho ta một ám chỉ nào đó bằng hình ảnh về một bí ẩn trừu tượng không thể thấu đạt được. Hình tượng ánh sáng và bóng tối trực tiếp đem lại cho chúng ta - và trước tiên là cho tinh thần của con người - đặc điểm của ngày và đêm. “Ngày” - thời gian khi mặt trời mọc lên và chiếu sáng - tất nhiên chiến thắng bóng tối của đêm, nhưng rồi đêm quay lại vào thời gian của nó và thay thế cho ngày. Khi Thượng Đế lần đầu tiên tạo ra “ánh sáng” - theo sách Sáng thế, thì đó là hành động sáng tạo đầu tiên của Thượng Đế sau sáng tạo tổng thể “trời và đất”, hành động đầu tiên thiết lập trật tự của hiện hữu trần gian - khi đó thì thay thế cho “trái đất hoang vu và không có nước” mà ở đó “bóng tối ở trên không-có-ngày”, đã hiện ra tính lưỡng diện giữa ánh sáng và bóng tối như hình thức đầu tiên của hiện hữu. “Và Thượng Đế tách ánh sáng khỏi bóng tối, rồi gọi ánh sáng là ngày, còn bóng tối là đêm” (Sách Sáng thế, 1, 4-5). Và từ đó bắt đầu ngày đầu tiên của sáng tạo, và mối tương quan ấy kéo dài cho đến ngày nay và sẽ kéo dài đến hồi kết của trần gian. Như vậy, trong viễn cảnh này, tức là trong thành phần của hiện hữu trần gian, “ánh sáng” và “bóng tối” giống như “ngày” và “đêm”, thực chất là hai khởi nguyên đối lập và đối chọi với nhau. Tính nghịch lí của tình thế này là ở chỗ “ánh sáng” đồng thời theo thực chất siêu hình nội tại của mình là ánh sáng thần thánh, như ta đã thấy, ánh sáng từ chính Thượng Đế - nên vì vậy là khởi nguyên cao cả và có sức mạnh toàn năng. Chính người viết Phúc Âm Yoan trong thư tín của mình đã báo cho chúng ta “tin mừng”, “để cho niềm vui của chúng ta được hoàn hảo”; “Thượng Đế là ánh sáng, ở trong Người không có bóng tối nào” (I Thư tín. Yoan 1, 5). Tin mừng mới này xếp vào cùng với hàng loạt các bằng chứng mà chúng ta tìm thấy ngay cả ở trong Cựu ước, những bằng chứng khẳng định thắng lợi của Thượng Đế và ánh sáng, và như vậy gieo vào chúng ta niềm tin chắc vào thắng lợi của ánh sáng và tình trạng bất lực của bóng tối. Cả người hát thánh ca, cả con người đạo hạnh Iov, cả nhà tiên tri Isaiah cũng đều nói về Thượng Đế như là ánh sáng hoàn hảo và có sức mạnh toàn năng. “Ở trong Người là nguồn gốc của đời sống, ở trong ánh sáng của Người chúng con nhận biết ánh sáng” (Thánh ca. 36, 10). Và Thượng Đế, như ánh sáng, có sức mạnh toàn năng đến nỗi ở nơi Người “cả bóng tối cũng không còn tối nữa, và đêm tối rạng sáng như ban ngày và bóng tối - như ánh sáng” (Thánh ca. 139,12). Thượng Đế “ruồng bỏ những vực tối và đưa bóng tối đến ánh sáng” (Iov. 1,22). Và nhà tiên tri Isaiah dạy bảo con người rằng, nếu anh ta sẽ tạo nên sự thật mà Thượng Đế di huấn, thì “ngay cả bóng tối của anh cũng sẽ giống như ánh sáng giữa ban ngày” (Isaiah. 58,10). Như vậy ngay ở những điều tinh thức ấy của Cựu ước và lại càng hơn thế nữa ở trong tin mừng của Tân Ước, “ánh sáng” chính là khởi nguyên cứu độ cao cả, có sức mạnh toàn năng, nhất định thắng, tựa hồ như trùng khớp với bản chất của chính Thượng Đế. Và tất nhiên ý tưởng ấy chứa đựng một điều gì đó lớn lao hơn rất nhiều so với khái niệm vật lí học hiện đại nhắc tới ở trên, mà theo đó thì ánh sáng “chiến thắng” hay là “xua tan” “bóng tối” một cách tự động - đơn giản vì không có khởi nguyên đặc biệt của bóng tối, bóng tối chỉ đơn giản là không có ánh sáng. Không phải vậy, vấn đề ở đây nói về bóng tối như một sức mạnh hiện thực đối nghịch lại và thù địch với ánh sáng, bị khắc chế thực sự và bị đánh bại bởi sức mạnh toàn năng của ánh sáng thần thánh. Chỉ tới lúc này chúng ta mới có thể hiểu được lời nói của người viết Phúc Âm “ánh sáng rạng chiếu trong bóng tối” trong toàn bộ tính nghịch lí của những lời nói ấy. Trong những lời lẽ này tình trạng bất bình thường, phản tự nhiên của hiện hữu trần gian được mô tả. Ánh sáng có sức mạnh toàn năng và nhất định chiến thắng theo thực chất siêu hình học của nó - ánh sáng hoàn hảo vốn là bộc lộ của chính Thượng Đế nên vì vậy “soi sáng7” được cho con người bất kì, - nhưng trong biểu hiện thường nghiệm ở chốn trần gian lại ở trong tình trạng đối địch bất phân thắng bại với bóng tối: nếu như bóng tối - thật hoàn toàn tự nhiên - khống thể khắc phục được ánh sáng thánh thần siêu trần gian, thì mặt khác, chính ánh sáng ấy - thật phản tự nhiên - lại không đủ sức xua tan bóng tối; bóng tối không thu nhận nó, mà tựa hồ như chối từ nó, tỏ ra ngoan cố khi đối diện với nó. Đây chính là nghịch lí cực kì vĩ đại, một thứ gì đó thực ra không thể thấu hiểu hay “giải thích” nổi, nhưng lại cần phải xác nhận chính ở trong tính chất không thấu hiểu được và trong tính chất phản tự nhiên của nó. “Ánh sáng chân chính”, hoàn hảo, - ánh sáng có sức mạnh toàn năng đến nỗi chính ngay “cõi trần gian xảy ra thông qua Nó” - ánh sáng ấy “đã có ở cõi trần gian”, “và cõi trần gian không nhận ra Nó” (Phúc Âm. Yoan. 1.11). Chúng ta không nên tìm kiếm “việc thấu hiểu được” cho trí tuệ của chúng ta, cố sức giải thích bằng lí tính, toan tính làm lung lay hay làm giảm bớt toàn bộ tính nghịch lí của tình thế ấy. Làm sao mà khởi nguyên thần thánh, có sức mạnh toàn năng, lại có thể ở cõi trần gian trong vị thế của một khởi nguyên không được thừa nhận, bị xua đuổi, có vẻ bề ngoài đầy bất lực, nhưng không vì thế mà mất đi phẩm giá của mình, không mất đi sức mạnh khởi nguyên thần thánh của mình? Làm sao mà ánh sáng của chính Thượng Đế, đứng trước nó (trong bản chất siêu hình học của nó) thì “ngay cả đêm cũng rạng chiếu như ban ngày, và bóng tối - cũng là ánh sáng”, [ánh sáng ấy] lại có thể là ánh sáng về mặt thường nghiệm ở trong thành phần của hiện hữu trần gian, là ánh sáng rạng chiếu “trong bóng tối”! Làm sao mà “niềm vui mừng hoàn hảo” của chúng ta về việc “Thượng Đế là ánh sáng, trong Người không có bóng tối nào hết”, tức là niềm vui mừng hoàn hảo do ý thức được đầy tự tin và không chút phân vân về sức mạnh toàn năng thần thánh, lại kết hợp được với nỗi đau thương của ý thức biết rằng cõi trần gian không thu nhận ánh sáng, rằng bóng tối không tan đi trước ánh sáng? Nếu chúng ta muốn “triết lí” về cấu trúc ấy của hiện hữu nhằm “giải thích” nó trong những khái niệm trừu tượng, như vậy thì chúng ta chỉ càng thêm rối trí và sẽ đi vào ngõ cụt không lối thoát. Người nào không có được cảm nhận, dù khá mù mờ, về bí ẩn từ xưa về hiện hữu vượt quá cấu trúc cơ bản “trí tuệ” của chúng ta, thì người ấy nên thôi đừng suy nghĩ nữa về những chuyện như vậy. Hiện hữu trong chính cơ sở của nó đầy nghịch thường, chứa đựng bí ẩn về sự chồng chéo và thống nhất của các thứ đối lập. Người viết Phúc Âm ngay từ những lời đầu tiên của tin mừng đã khai mở cho chúng ta “tình trạng trùng khớp của những mặt đối lập” như một mối tương quan nào đó mang tính cơ sở đầy bi thảm của hiện hữu trần gian. Giải thích theo logic bí ẩn của mối tương quan đầy mâu thuẫn ấy - giải thích bí ẩn để sao cho bí ẩn không còn là bí ẩn nữa, - là bất khả dĩ, vì rằng tìm được “những nguyên nhân” hay là “những cơ sở” của sự kiện tính ngoan cố phản tự nhiên của bóng tối và thái độ đối nghịch của nó với ánh sáng, thì hẳn cũng có nghĩa như thừa nhận nó là “thật tự nhiên” và “chính đáng”, tức là biện minh được cho chính cái tính ngoan cố ấy của bóng tối. Nhưng đây chính là điều không được cho phép. Mọi biện thần luận dựa vào lí tính, mọi mưu toan hòa giải một cách logic và không mâu thuẫn cho sự kiện của cái ác trần gian với sức mạnh toàn năng và tính toàn thiện của Thượng Đế, không những là bất khả dĩ và không đúng đắn về logic, mà còn là không được phép theo thực chất tôn giáo, vì rằng ẩn chứa trong đó biện minh nào đó cho cái ác. Chỉ có “giải thích” nào cho tình trạng phản tự nhiên đó không phải là biện minh, mà là vạch trần nó thì mới là khả dĩ và được cho phép. Nói cách khác: ở đây không phải giải thích logic - hay nếu muốn - giải thích vũ trụ học về tính ngoan cố của bóng tối là khả dĩ, mà chỉ có thâm nhập tinh thần vào bí ẩn tôn giáo của nó, chính là phát hiện ra bản chất chống Thượng Đế và không chính đáng của nó. Người viết Phúc Âm đưa ra khám phá bí ẩn mang tính vạch trần về tính ngoan cố của cái ác trong những lời nói: “Ở đây chính là phiên xét xử, về việc ánh sáng đã đi đến trần gian, thế nhưng người ta cứ ưa thích bóng tối nhiều hơn ánh sáng, bởi vì những việc làm của họ là ác độc. Vì rằng bất cứ kẻ nào làm ác thì đều căm ghét ánh sáng và không đi đến chỗ ánh sáng, để cho những việc làm của họ khỏi bị vạch trần, vì rằng bọn họ là bọn ác” (Phúc Âm, Yoan. 3,18-19). Không được quên rằng hình tượng “bóng tối” đồng thời tượng trưng cho cả cái ác và cho cả tình trạng “không nhìn thấy được”, “tình trạng ẩn kín”, “tình trạng bị chôn giấu”, trong khi đó thì hình tượng “ánh sáng” tượng trưng ngay lập tức cho cái thiện và cả cho sáng tỏ, tự bộc lộ ra, chân thực - “chân lí”. Điều này đem lại cho người viết Phúc Âm khả năng “giải thích” (không phải theo logic trừu tượng và theo biểu tượng cụ thể) tính ngoan cố của bóng tối, khả năng ánh sáng không thể xuyên thấu nó. Bóng tối, trong tư cách là cái ác, e sợ ánh sáng - điều thiện vốn đồng thời là việc làm bộc lộ ra, khiến cho cái không nhìn thấy và bị che giấu trở nên hiển hiện. Nên chính ở trong tình trạng ngoan cố ấy của bóng tối, ở trong việc lẩn trốn của nó trước ánh sáng, thể hiện “phiên xét xử” - vạch trần bóng tối như là bóng tối và việc tự vạch trần nội tại của nó. Nếu giả sử bóng tối không đối địch lại ánh sáng mà tiếp đón nó và để cho ánh sáng soi chiếu bản thân, thì cuộc gặp gỡ của nó với ánh sáng hẳn cũng có nghĩa là nó biến mất như là bóng tối, là “tình trạng bừng tỉnh” của nó. Thế nhưng bản chất của bóng tối kháng cự lại điều này, tương tự kẻ phạm tội e sợ những việc làm tội ác của nó bị vạch trần; nó trốn tránh ánh sáng tựa như cuốn quanh mình nó một lớp che phủ không thể xuyên thấu. Chính bằng hành động như vậy mà bóng tối khẳng định bản thân mình trong hiện hữu của nó - [hiện hữu] lẩn trốn ánh sáng, bộc lộ ra khác biệt rõ ràng của nó với ánh sáng, tức là tự nó vạch trần bản thân mình trong tư cách bóng tối - thực hiện “phiên xét xử” chính bản thân nó. Chúng tôi bỏ lại không xem xét tất cả những gì vẫn còn chưa hiểu rõ và khơi ra những vấn đề mới mẻ trong nội dung của khám phá mang tính biểu tượng cho bí ẩn về tính ngoan cố của bóng tối. Đối với chúng tôi chỉ có một điều là thật quan trọng. Không “đi vào giải thích” theo logic cái điều mà theo thực chất của nó là không thể giải thích được, vì rằng người viết Phúc Âm, theo một cách thức phi trí tuệ và “khá tù mù”, nhưng làm sao đó vẫn khiến cho chúng ta hiểu được rõ bằng cách nào mà bóng tối vốn bất lực trong nội tại trước ánh sáng, nhưng lại có thể tiếp tục ngoan cố trước ánh sáng. “Bóng tối” tồn tại vì rằng ý chí độc ác lẩn trốn ánh sáng, né tránh nó. Ánh sáng thần thánh có sức mạnh toàn năng hóa ra lại vẫn không có sức mạnh toàn năng ở trong hiện hữu thường nghiệm của chốn trần gian, vì nó bị ý chí độc ác của con người kháng cự lại. Điều bất khả dĩ về phương diện siêu hình học - tính hạn hẹp về sức mạnh của khỏi nguyên thần thánh ở nơi ánh sáng - hóa ra lại là hiện thực về phương diện thường nghiệm. Trong câu thơ thứ năm lời giáo đầu của kinh Phúc Âm Yoan bao gồm chỉ có rất ít lời đã vạch ra đầy biểu tượng và thật sâu sắc một đề tài vĩ đại - chân lí đầy huyền bí cho biết rằng ánh sáng của trí tuệ thần thánh, của ân phúc Thượng Đế, có sức mạnh toàn năng trong cơ sở của nó, theo một cách thức không thể thấu hiểu được, lại phải chịu thái độ đối địch của bóng tối ở chốn trần gian, - mặc dù do sức mạnh toàn năng của mình đối với bóng tối nên nó vẫn không bị dập tắt ở trong trần gian. Ở trong chân lí này tựa hồ như tập trung lại toàn bộ thực chất của khải huyền Kitô giáo, của đức tín Kitô giáo. CHƯƠNG I NHỮNG VẤN ĐỀ TINH THẦN CỦA THỜI ĐẠI CHÚNG TA Những lời trên đây có ý nghĩa gì cho thực tiễn cuộc sống? Tôi hoàn toàn không có ý định trình bày ý kiến tư biện trừu tượng thần học độc lập của mình. Chân lí thần học bao giờ cũng là chân lí, như là đạo và đời. Những thứ khác đều là “văn chương” không cần thiết. Tôi cho rằng vấn đề thần học, tức là mang tính tôn giáo trong cơ sở của nó, của chủ đề “ánh sáng và bóng tối”, mà những câu kinh 1.5 Phúc Âm Yoan ta xem xét đã cho lời giải đáp có vẻ sâu sắc và thần bí như thế nào đó, có lẽ là vấn đề giày vò nhiều nhất, nhưng cũng thiết thân nhất cho đời sống con người. Trong ý nghĩa như thế nó mang một sắc thái đặc biệt gay gắt chính là vào thời đại mà chúng ta đang trải qua. Có thể nói rằng, trong vấn đề “ánh sáng và bóng tối”, trong ý tưởng ánh sáng rạng chiếu trong bóng tối, - tức là dung hợp hai ý tưởng cơ bản, thái độ ngoan cố phản tự nhiên, không thể hiểu nổi, nhưng hiển nhiên, trong thực tế của bóng tối đối diện với ánh sáng, và khả năng của niềm tin tưởng vào ánh sáng bất chấp tính ngoan cố đó của bóng tối, - [trong vấn đề ấy] tập trung lại mọi suy tư và hoài nghi, mọi hoài vọng mà ý thức của con người châu Âu đã đi tới, như kết quả của trải nghiệm những thập niên vừa qua của thế kỷ XX và đặc biệt là trải nghiệm kinh khủng của cuộc chiến tranh mới đây - tất cả những gì do kết quả của trải nghiệm này khiến cho niềm tín của chúng ta, những tín niệm của chúng ta khác biệt về nguyên tắc với những quan điểm thống trị của thế kỷ XVIII- XIX. Những người mà những tín niệm đạo đức đầu tiên của họ hình thành còn dưới ảnh hưởng của các ý tưởng thế kỷ XIX, không thể không ý thức - vì họ nói chung còn giữ được khả năng học hỏi từ trải nghiệm cuộc sống, - rằng họ đã nhận được và đang nhận được bài học nào đó của cuộc sống có tầm quan trọng hàng đầu, - bài học vạch trần rất nhiều tín niệm trước kia của họ, mà là những tín niệm quan trọng nhất, như là ảo tưởng và đặt ra trước họ những vấn đề mới mẻ giày vò họ. Những biến cố chính trị - tình thế bắt đầu từ năm 1914 nhân loại châu Âu bước vào một thời đại kéo dài của những cuộc chiến tranh phá hủy và những chấn động bên trong rất to lớn, lên tới đỉnh điểm trong những sự kiện mang tính tận thế ở tình trạng lộng hành man rợ của cái ác trong những năm gần đây, - những đổi thay xuất hiện trong các khái niệm và các tín niệm của thế giới châu Âu, phần nào do những nguyên nhân này, phần nào độc lập với chúng, cho ta một ấn tượng chung cuộc không phủ nhận được, là một thời đại lịch sử hoàn toàn mới mẻ nào đó đã đến trong thế kỷ XX. Ngày nay khi chúng ta ngoái nhìn lại quá khứ và so sánh thời đại bi thảm của chúng ta với thời đại tương đối thanh bình và yên ổn của nửa cuối thế kỷ XIX, khác biệt về phong cách sống và tư duy là rất nổi bật. Nếu như chúng ta tự hỏi thực chất của khác biệt ấy là gì, thì tôi nghĩ chúng ta sẽ phải thừa nhận rằng khác biệt ấy phần lớn được xác định bởi trải nghiệm mới mẻ về tình trạng ngoan cố và hùng mạnh của cái ác trên trần gian. 1. “Uy quyền của bóng tối” Khi các giáo sĩ và các trưởng lão của dân chúng Do Thái cùng đám đông tăng lử đến khu vườn Gethsemani để bắt Jesus, Người đã bảo bọn họ: “Bây giờ là thời của các vị và uy quyền của bóng tối” (Luc., 22, 53). Tôi nghĩ rằng, nhiều người, nếu muốn tổng kết trải nghiệm cuộc sống thời hiện đại, không tìm được biểu hiện nào tốt hơn những lời lẽ ấy. Ấn tượng chủ yếu mang tính quyết định từ những gì mà nhân loại châu Âu buộc phải trải qua trong thời gian gần đây, là ấn tượng uy quyền của bóng tối trên thế gian. Các thế lực của cái ác và của phá hoại đang chiến thắng các thế lực của cái thiện. Các lầm lạc theo quy tắc chung hóa ra hùng mạnh hơn các chân lí, trò chơi mù quáng của các thế lực phi lí tính đang đặt ra giới hạn cho mọi hoài vọng của trái tim con người - trong đời sống cá nhân cũng như trong đời sống lịch sử. Đó là ấn tượng nổi bật mà chúng ta có được từ cuộc sống. Nó dẫn đến tín niệm rằng mọi điều thiện, có lí trí, tốt đẹp, cao thượng vừa là ngoại lệ hiếm hoi trên thế gian, vừa là một thứ gì đó cực kì mong manh và yếu ớt, luôn luôn bị chèn ép bởi các thế lực của cái ác và lặn chìm trong chúng. Những thế lực của trật tự đối lập - những đam mê mù quáng, tự phát của thói hám lọi, lòng hận thù, thói ham quyền lực và thậm chí của cả thói hung bạo vô nghĩa đốn mạt - đang tạo thành một nền chung, tựa như là thực chất chủ yếu thống trị hiện hữu trần gian. Những gì mà chừng 40 năm về trước, - phần nào thậm chí chỉ mới 10 năm trước đây - còn tưởng chừng như tuyệt đối không thể có được trong nhân loại châu Âu, được giáo dục trong những khởi nguyên văn hóa cổ đại, trong ý thức Kitô giáo và phong trào nhân văn vĩ đại của tần lịch sử: chế độ nô lệ về mặt tàn bạo vượt xa các hình thức cổ xưa, cuộc tiêu diệt tập thể hàng loạt các dân tộc, thái độ đối xử với con người như với súc vật, thái độ khinh miệt trâng tráo các nguyên lí cơ bản nhất của nhân quyền và sự thật, [những thứ đó] đã được thực hiện thật dễ dàng đáng kinh ngạc. Cái được gọi là con người văn hóa đột nhiên thành ra bóng ma hư ảo; trên thực tế nó bộc lộ bản thân ra vô cùng tàn ác, kẻ man rợ mù quáng về đạo đức, tính văn hóa của nó chỉ biểu hiện ra trong một việc - tinh tế và hoàn thiện của các phương tiện hành hạ và giết chóc những người gần. Một trăm năm trước đây nhà tư tưởng Nga đầy sáng suốt Alexander Herzen đã tiên đoán cuộc xâm lăng của “Thành Cát Tư Hãn với các máy điện báo”. Điều tiên đoán đầy nghịch lí này đã thành sự thật trong một quy mô mà Herzen đã không thể ngờ tới. Tân Thành Cát Tư Hãn sinh ra ngay từ trong lòng châu Âu, lăn xả vào châu Âu bằng những máy bay ném bom phá hủy hàng loạt thành phố, bằng những buồng hơi ngạt giết người hàng loạt và nay đang đe dọa quét sạch loài người khỏi trái đất bằng bom nguyên tử. Tất nhiên có thể dễ dàng toan tính làm nhẹ đi nỗi kinh hoàng và tầm quan trọng mang tính nguyên tắc của ý thức này bằng cách né tránh rằng, chi một vài dân tộc, hay một số học thuyết đạo đức-chính trị chi phối các dân tộc ấy, là có tội. Chuyện này rất thường thấy ở con người, nhất là vào những giai đoạn bị ám ảnh bởi những đam mê hận thù, bởi tâm trạng giả nhân giả nghĩa không những sai trái về mặt đạo đức, mà về lí thuyết còn đặt trên cơ sở thiếu suy nghĩ thảm hại. Dĩ nhiên không thể phủ nhận rằng các khởi nguyên đạo đức và tinh thần ở một số dân tộc châu Âu này thể hiện vững vàng và ổn định hơn ở một số khác. Nhưng chuyện này không giải đáp được, tại sao trong lòng nhân loại châu Âu vốn thống nhất về sắc tộc và lịch sử văn hóa, một thứ man rợ mới lại có thể dễ dàng nảy sinh ra và lớn mạnh lên như thế. Đối với ai ý tưởng nhân loại châu Âu Kitô giáo, thế giới Kitô giáo (“chrétienté”) không phải là lời nói suông, người ấy không thể dập tắt trong lòng ý thức sám hối, rằng cái thế giới Kitô giáo ấy, như một toàn thể, phải chịu trách nhiệm về tai họa đạo đức đã xảy ra trong nó. Dân tộc Đức cũng là hiện thân của văn hóa Kitô giáo không ít hơn các dân tộc châu Âu khác; ở trong những nhà huyền học của mình dân tộc Đức đã tìm thấy một trong những biểu hiện sâu sắc nhất của tinh thần Kitô giáo; dân tộc ấy đă sản sinh ra phong trào cải cách, bất chấp tất cả những lầm lạc sau này của nó, đã thúc đẩy cuộc hồi sinh của Nhà thờ; và mới đây thôi, ở trong số các nhà tư tưởng và thi nhân vĩ đại [của châu Âu], dân tộc ấy đã có những đại biểu được thừa nhận chung của chủ nghĩa nhân văn và những vị thầy của nhân loại như Kant và Goethe. Vì vậy, việc dân tộc Đức bất ngờ bị rơi vào tình trạng man rợ chưa từng thấy, được coi là bộc lộ bệnh hoạn tinh thần của tất cả nhân loại châu Ầu như một toàn thể thống nhất. Điều này được xác nhận bởi sự kiện lây lan của nó. Trước chiến tranh, chủ nghĩa quốc xã (cũng như chủ nghĩa phát xít trước đó) được đón nhận với thái độ khoan dung độ lượng thật bất ngờ, thậm chí còn khoan đãi nữa và nó đã có được các ủng hộ viên trung kiên hầu như ở khắp châu Âu; còn trong thời gian chiến tranh, ở các quốc gia châu Âu bị tạm chiếm hay chư hầu, nó đã dễ dàng giáo dục được hàng loạt cán bộ cốt cán là những người áp dụng học thuyết man rợ ấy không kém phần tàn bạo hơn chính người Đức. Tín niệm phổ biến về xu hướng bẩm sinh của dân tộc Đức ưa tàn bạo và khinh rẻ con người cá nhân, bộc lộ ra như thói đạo đức giả và ngu tối khi đối diện với các sự thật ấy. Những sự kiện chứng tỏ một cách không thể phủ nhận rằng, trong những điều kiện nhất định, thật dễ dàng trong một thời gian ngắn biến đổi rất nhiều người châu Âu, vốn tựa như thấm nhuần văn hóa nhân bản Ki tô giáo, thành bọn man rợ và ác ôn. Và cũng thật thiển cận khi kiến giải nguồn gốc tận cùng của cái ác chỉ ở trong một học thuyết xác định. Học thuyết chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài và biện minh theo ý thức hệ cho bản năng của cái ác vẫn lim dim ngủ trong tâm hồn con người; toàn bộ thành công của học thuyết là ở chỗ nó dung túng cho tình trạng buông thả cái bản năng đó. Ở đâu mà tinh thần của cái ác trở nên tích cực và tìm cách bộc lộ ra, thì ở đó nó dễ dàng tìm được cho mình biện minh ngay cả ở những học thuyết khác [...]. Tinh thần của lòng hận thù, của thói vô liêm sỉ, của thái độ khinh miệt đời sống con người, còn rộng khắp hơn nhiều và phổ biến hơn nhiều, so với một học thuyết nào đó; trong thời gian chiến tranh tất nhiên nó đã giành được những thành tích to lớn kinh tởm chi phối tâm hồn những kẻ thù về nguyên tắc của “chủ nghĩa toàn trị”. Có ai trong chúng ta trong những năm tháng vừa qua mà đã không từng gặp những con người tử tế có văn hóa, cổ xúy đầy tin tưởng cho việc tiêu diệt không để sót hay nô dịch toàn thể dân tộc Đức? Và dù cho những luận cứ tán thành tính hợp lí quân sự của việc sử dụng bom nguyên tử có thế nào đi nữa - sự kiện áp dụng lần đầu tiên phương pháp chiến tranh bằng cuộc động đất nhân tạo và gây chết chóc hàng trăm ngàn người vô tội, thuộc về thế giới Anglo Saxon, hiện thân được thừa nhận chung của những nguyên lí nhân quyền và tôn trọng con người, sẽ vĩnh viễn đi vào lịch sử thế giới như nỗi ô nhục không sao rửa sạch của loài người. Không, cần phải có can đảm nhìn thẳng vào sự thật. Tất cả những gì chúng ta trải qua trong những năm tháng vừa qua và cũng đã được tiên cảm từ rất lâu trước tai họa ấy - đã chứng tỏ một điều: linh hồn của cái ác không tập trung vào những hiện thân cụ thể riêng biệt nào đó của nó và việc đánh bại những hiện thân ấy bằng hủy diệt quân sự không có nghĩa là chiến thắng và tiêu diệt được bản thân linh hồn của cái ác; nó có một khả năng huyền bí, như tia lửa của đám cháy, nhảy từ một tâm hồn này sang tâm hồn khác; nó như con chim Peniks hồi sinh từ tro tàn trong những hình thức mới mẻ bất ngờ. Vì nó từ ngàn xưa đã ẩn náu trong tâm hồn loài người, là một sức mạnh siêu tự nhiên nào đó, không thể vượt qua được bằng những nỗ lực thuần túy con người và những biện pháp ngoại tại nào hết. Nó đích thực là “chúa tể của cõi trần gian này”, và vì vậy cõi trần gian ở trong “uy quyền của bóng tối”. Triết gia hiện đại Đức N. Hartman bày tỏ ấn tượng bi quan của mình về thế giới trong một khẳng định chung mang tính siêu hình rằng trình độ hiện hữu tỷ lệ nghịch với sức mạnh của nó, - rằng cái cao cả là thượng tầng phái sinh ở trên cái thấp kém, bao giờ cũng yếu ớt hơn cái thấp kém. Sức mạnh của cấp bậc linh hồn yếu ớt hơn sức mạnh súc vật, sức mạnh của thế giới hữu cơ yếu ớt hơn sức mạnh thế giới vô cơ. Nhưng thậm chí chẳng cần phải chấp nhận công thức này mói kiến giải được uy quyền của bóng tối thống trị thế gian. Chỉ cần giới hạn trong ý thức khiêm tốn nhưng không thể tranh cãi được, nhìn nhận đơn giản là trong hiện hữu trần gian không có bất cứ đảm bảo nào cho thắng lợi của những khởi nguyền thiện và lí trí - nói cách khác, giữa trình độ giá trị của một biểu hiện hiện hữu trần gian nào đó và sức mạnh thực tế của nó hay là mức độ ảnh hưởng của nó, ít nhất cũng không thể thiết lập bất cứ một tỷ lệ thuận nào. Thiên nhiên, cấu trúc của hiện hữu trần gian - bao gồm ở đây cả lĩnh vực lịch sử, tức là các số phận con người, - có lẽ vô cảm với cái thiện và cái ác, sự thật và phi sự thật, lí trí và ngu tối. Trong ý nghĩa ấy “vương quốc trần gian này” thật hiển nhiên là “uy quyền của bóng tối”. Tất nhiên, ý tưởng này về “uy quyền của bóng tối”, cũng như ý tưởng của kinh Phúc Âm về “ánh sáng trong bóng tối”, nói chung thật ra cũng là những chân lí xưa cũ, xưa cũ như kinh nghiệm sống hoặc như trái tim con người tin tưởng đầy táo bạo - bất chấp bất cứ sự hiển nhiên nào của trật tự thực tế. Trong một ý nghĩa nào đó niềm tin ở mọi thời đại đều là niềm tin vào cái bất khả dĩ về mặt kinh nghiệm, vào cái mâu thuẫn với kinh nghiệm tỉnh táo dựa trên lí trí của cuộc sống. Mặt khác, từ xa xưa trái tim tin tưởng và trái tim tìm kiếm niềm tin đều giày vò với những hoài nghi, trong khi không thể điều hòa niềm tin của mình, việc tìm kiếm sự thật của mình với tình trạng vô nghĩa và bất công của số phận con người trên thế gian: chỉ cần nhớ lại cuốn sách của Iov, tính bi quan của cuốn sách Ecclesiastes, phân vân thắc mắc đầy bi ai của các thi sĩ cổ Hi Lạp về cuộc đời, khởi đầu ngay từ Homère. Thế nhưng, nếu như vào mọi thời đại đều có bất đồng giữa nội dung của niềm tin và trật tự khách quan của sự vật, [bất đồng trong] nhận thức lí trí xác nhận trải nghiệm trật tự ấy thế nào, - nếu như vào mọi thời đại những người vô tội chịu nhiều đau khổ đặt cho mình câu hỏi của Iov và trái tim con người giày vò với việc cái ác quá thường hay thắng thế trên trần gian, còn điều thiện bị hi sinh, - thì dẫu sao quan niệm chung về cơ cấu và tiến trình của hiện hữu trần gian, trong khi nói chung khác biệt nhau vào các thời gian khác nhau, cũng cho cả những lời giải đáp hoàn toàn khác nhau về vấn đề tương quan giữa nội dung của niềm tin và nội dung của kinh nghiệm sống hay của nhận thức khoa học. Ví dụ như dân chúng Do Thái cổ đại hình dung một Thượng Đế toàn năng - người sáng tạo ra trời và đất - nhưng đồng thời là người bảo hộ chính trị, người lãnh đạo trực tiếp số phận dân tộc Israel - “Thượng Đế của chiến trường”, ban tặng cho Israel thắng lợi trước quân thù và đảm bảo cho nó sự hùng mạnh chính trị. Nói cách khác, nội dung của niềm tin tôn giáo và nội dung tri thức lịch sử cũng như minh triết chính trị hồi đó tựa như trùng hợp với nhau. Mặt khác, người Hi Lạp cổ đại hình dung cõi trần gian - “vũ trụ” - như hiện thân trực tiếp của lí trí thần thánh và hài hòa thần thánh: nội dung của niềm tin tôn giáo (ít nhất cũng của niềm tin đã được thanh lọc về mặt triết học) đã hoàn toàn phù hợp với các dữ liệu thiên văn, vật lí học, sinh vật học và tìm thấy ở đó xác nhận cho nó. Nhưng có lẽ hài hòa giữa niềm tin và tri thức đạt được mức độ cao nhất ở trong thế giới quan thời trung cổ, kết hợp ý thức tôn giáo Kitô với tri thức về tự nhiên học cổ đại và với siêu hình học cổ đại. Nếu như chúng ta lấy bức tranh thế giới như nó biểu hiện trong triết học Thomas Aquinas chẳng hạn, hay trong “Hài kịch thần linh” của Dante, thì chúng ta sẽ có được ấn tượng rất mạnh, những trí tuệ tốt đẹp nhất của thời đại ấy đã có niềm tin sắt đá như thế nào về việc cấu trúc của cõi trần gian và tiến trình của đời sống thế gian được xác định bởi những khởi nguyên của trật tự tôn giáo, - bất chấp kinh nghiệm hàng thế kỷ về chiến thắng của cái ác và cái phi lí tính trên trần gian. Đạo đức tôn giáo, học thuyết về tận thế, mơ ước về vương quốc trên trời, đều được sắp đặt hài hòa trong khuôn khổ bức tranh thế giới mà vũ trụ luận khoa học mô tả. Thượng Đế, như tình yêu, - ý tưởng của niềm tin Kitô giáo cao cả nhất và tựa hồ như “phi trần thế” nhất, khó tin nhất xét từ quan điểm tri thức khách quan - đối với Dante chính là sức mạnh vũ trụ khiến cho mặt trời và các vì sao chuyển động (l'amor che muove il sol e l'altre stelle). Đó là cái thời, khi người ta chân thành cảm thấy rằng - bất chấp tất cả vẻ bề ngoài nhìn thấy được là trái ngược lại - mọi thứ trên trần gian, việc lớn lên của mỗi một cọng cỏ và chuyển động của các thiên thể, số phận của mỗi con người riêng biệt và số phận lịch sử của nhân loại, không những nói chung được hoàn tất một cách hợp lí phù hợp với Thiên Ý, mà sự phù hợp ấy còn được niềm tin khẳng định, có thể được phát hiện bằng toàn bộ kinh nghiệm cuộc sống và tri thức khoa học. Tựa như là bức tranh cấu tạo thế giới được khoa học và tư duy triết học phát hiện, cũng như kinh nghiệm lịch sử đều khẳng định trực tiếp hoài vọng tôn giáo của trái tim con người. Các chân lí trong kinh Phúc Âm hóa ra phù hợp với chân lí thiên văn và vật lí học, lịch sử và triết học chính trị. Chúng ta không cần thiết phải mô tả lịch sử tư duy con người phế truất những quan niệm ấy và giải thích tại sao đối với chúng ta ngày nay chúng không còn khả dĩ nữa. Rỗ ràng là có một vực thẳm không thể vượt qua ngăn cách cảm nhận thế giới và cuộc sống trong ý thức của con người mới với loại ý tưởng như thế. Khác biệt ở đây là to lớn đến nỗi việc so sánh trở nên hầu như bất khả dĩ và không mấy ích lợi. Vì vậy ta hãy gác sang một bên kiểu cách tư duy đã quá xa xôi với chúng ta bây giờ và chỉ dừng lại ở tương phản đáng để học hỏi trong việc xác định tính độc đáo của các ý tưởng thế kỷ XX. Như đã nêu ra, thời đại hiện nay khác biệt chủ yếu với những quan niệm của một quá khứ rất gần đây, mà là những quan niệm hợp thành tín niệm của những giới tiên tiến nhất, có học thức khoa học, của xã hội châu Âu. Chúng tôi hàm ý có lẽ nét đặc trưng nhất của cuộc khủng hoảng thời đại hiện nay - ấy là sụp đổ của niềm tin vào cái được gọi là “tiến bộ” của nhân loại. Ý tưởng “tiến bộ” được tiên cảm một cách mơ hồ từ thời đại Phục hưng, tức là hoàn thiện tất định - về trí tuệ, về đạo đức, về xã hội - của cuộc sống con người, được ấn định vào một phần ba cuối cùng của thế kỷ XVIII trong các công trình trí tuệ của Turgot, Lessing, Condorcet. Từ kết hợp của niềm tin vào sứ mệnh cao cả của con người, vốn là niềm tin sinh ra một cách vô thức từ hạt giống của Kitô giáo, với chủ nghĩa duy lí ngây thơ, đã sinh ra chủ nghĩa lạc quan về lịch sử, tạo thành cơ sở thế giới quan của những con người tốt đẹp nhắt, có học thức và cao quý nhất của cuối thế kỷ XVIII và toàn bộ thế kỷ XIX. Chủ nghĩa lạc quan ấy về lịch sử, niềm tin ấy vào “tiến bộ”, đã thành niềm tin vào tính tất định của việc thực hiện mau chóng cái thiện tuyệt đối - “Vương quốc Thiên Chúa” - dưới hạ giới. Vào thời đại ấy (hồi kết thúc của nó hãy còn thật gần với chúng ta và nhiều trí tuệ không phê phán đến bây giờ vẫn còn sống trong tiếng vọng của nó) nhân loại đã sống trong niềm tin vào thắng lợi dễ dàng, được đảm bảo trước của điều thiện và lí trí, trước cái ác và tình trạng ngu tối; họ cứ tưởng rằng họ đang đi trên con đường thẳng tắp tiến đến thực hiện trạng thái lý tưởng của hiện hữu con người mà không gặp cản trở nghiêm trọng nào; và chủ nghĩa tự do, rồi chủ nghĩa xã hội thay thế nó sau đó, chỉ là những phiên bản khác nhau của niềm tin ấy vào khả năng thực hiện mau chóng trên Trái đất toàn thể sự thật trọn vẹn. Nhân loại sống trong sự vững tin vào khả năng thực hiện mơ ước cao cả tối hậu của mình. Trong tình trạng vững tin ấy, niềm tin, như một hoài vọng thầm kín đầy táo bạo của trái tim con người, tựa hồ như trùng hợp với hiểu biết hiện thực mang tính hợp lí khách quan - các thành tựu của khoa học chính xác và chặt chẽ. Niềm tin vào “tiến bộ” có thể là niềm tin vào “tiến hóa”, tức là việc hoàn thiện bản chất con người và các điều kiện nhân sinh một cách liên tục, tiệm tiến, có tính hữu cơ, nên vì vậy diễn ra hòa bình, hoặc cũng có thể là niềm tin - theo công thức nổi tiếng của Marx - [niềm tin] vào “bước nhảy vọt” đột nhiên của loài người “từ vương quốc của tất yếu vào vương quốc của tự do” - từ vương quốc của cái ác và vô nghĩa vào vương quốc của điều thiện và lí trí. Nhưng trong cả hai trường hợp, niềm tin ấy chính là cái mà ngày nay ta gọi bằng từ ngữ khá man rợ, nhưng đầy biểu cảm: “chủ nghĩa không tưởng”: trong cơ sở của nó, như ta đã nêu ra, là niềm tin vào khả năng thực hiện và sự thực hiện tất định của cái thiện tuyệt đối trên thế gian. Đặc trưng của thế giới quan này là: “uy quyền của bóng tối” đối với họ hoặc là chuyện hiểu lầm ngẫu nhiên (thực chất không hiểu nổi) trong lịch sử loài người (do thừa nhận “tính duy lí” và “tính tốt đẹp” là bản chất bẩm sinh của con người), hoặc dù sao chăng nữa cũng chỉ là trạng thái phản tự nhiên nhất thời của đời sống con người. Ngược lại, trạng thái bình thường tự nhiên được thừa nhận là “uy quyền của ánh sáng” nên việc thực hiện nó được cho là dễ dàng và được đảm bảo. Quan điểm này phát triển đa phần đối lập với tôn giáo - không chỉ đối lập với niềm tin mà giáo hội Kitô giáo tin theo và rao giảng, mà còn đối lập với niềm tin tôn giáo nói chung; những người theo nó thường tự coi mình là “không tín ngưỡng”; tuy nhiên, thực chất, như đã được chi ra, nó bao hàm tín niệm cho rằng bản chất thế giới và con người có thể được nhận thức một cách khách quan phù hợp với trông đợi của trái tim con người, chính là phù hợp với niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của “ánh sáng”, tức là của điều thiện và lí trí, thậm chí còn khẳng định niềm tin ấy, gán cho nó tính chất của một tri thức xác thực. Thế nhưng chính niềm tin ấy ngày nay đối với con người biết suy nghĩ, tức là con người đã trải qua kinh nghiệm lịch sử và tinh thần của những thập niên vừa qua một cách có ý thức, thì nó chỉ là thứ lỗi thời theo nghĩa đen của từ ngữ này, tức là vào thời trước khi có trận “đại hồng thủy” lịch sử của thế kỷ XX và đã bộc lộ trên thực nghiệm tính vô căn cứ của nó khi đối diện với trận đại hồng thủy này. Không cần thiết phải phân tích chi tiết ở đây ý nghĩa của các biến cố lịch sử thời đại hiện nay vốn còn gây tranh cãi về nhiều mặt. ít nhất một chuyện cũng thật đã rõ ràng: niềm tin vào “tiến bộ”, vào hoàn thiện liên tục và tuyến tính về vật chất, trí tuệ và đạo đức cho loài người, đã bị kinh nghiệm lịch sử mà chúng ta trải qua, giáng cho một đòn không gượng lại được. Bây giờ tư duy của chúng ta không còn chứa đựng ý tưởng “tiến bộ” nữa: trái lại, nó bị thu hút vào vấn đề mà những người của quá khứ mới đây đã hoàn toàn quên mất một cách thật lạ lùng - hiện tượng mang tính lịch sử của sụp đổ những nền văn minh vĩ đại và thay thế chúng bằng những thời đại man rợ kéo dài nhiều thế kỷ. Bây giờ chúng ta không thể suy nghĩ rằng “uy quyền của bóng tối” chỉ là tình trạng ngẫu nhiên tạm thời của thế gian và rằng nó bị xua đuổi liên tục và bị uy quyền của ánh sáng đang bừng lên chiến thắng. Ở đây chúng ta không quan tâm tới chính trị và lịch sử như tự thân chúng. Tất nhiên là thật nhẹ dạ và chẳng mấy thông minh nếu định xây dựng một thế giới quan triết học-lịch sử tổng quát dựa trên kinh nghiệm chính trị của 2-3 thập kỷ - mưu toan chứng minh những chân lí buộc phải có ý nghĩa tổng quát bằng những sự kiện diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn. Ở đây không thể có chuyện đó được. Chúng tôi nhắc lại những nét chủ yếu của thời đại mà chúng ta đã trải qua, không phải trong tư cách cơ sở đầy đủ cho những kết luận tổng quát cấp độ triết học, mà chỉ phần nào trong tư cách nguyên cớ cho sự xuất hiện một thế giới quan mới, và phần nào mang tính minh họa tự nhiên cho nó. Không rõ có phải do ảnh hưởng của những biến cố lịch sử ấy hay thậm chí có thể độc lập với chúng hay phần nào còn có trước chúng nữa, nhưng do một tiến hóa nội tại nào đó không thể giải thích được của cuộc sống tinh thần, đã xảy ra một thứ gì đó và chúng tôi chỉ ghi nhận ở đây như một sự kiện chắc chắn: sụp đổ niềm tin - mói đây thôi còn có ý nghĩa xác thực như định đề - niềm tin vào tiến bộ, vào hoàn thiện không ngừng của con người, vào thắng lợi liên tục và tất định của ánh sáng trước bóng tối bằng chính việc sắp xếp tổ chức cõi trần gian và con người. Niềm tin này bây giờ bị thay thế, nếu như không phải bằng tín niệm có cơ sở, thì cũng bằng ý thức theo bản năng nhưng thật mãnh liệt, về uy quyền của những thế lực đen tối - “uy quyền của bóng tối” đối với thế gian và con người. Hay là dùng lời nói cũng của tông đồ Yoan, người đã viết những lời huyền bí về ánh sáng rạng chiếu trong bóng tối, - lời nói “toàn cõi trần gian nằm trong cái ác” bây giờ đối với chúng ta đã không còn là công thức ước lệ quen thuộc của giáo hội nữa, mà đã trở thành sự thật nghiêm túc và cay đắng. Nếu như có một tín niệm nào về cuộc sống chi phối tất cả chúng ta, thì đó chính là ấn tượng không chủ tâm đầy cay đắng không sao xóa đi được - trái ngược với niềm tin mới đây thôi vào tính tất định của tiến bộ - rằng đặc trưng cho cõi trần gian là nó cứ ngoan cố ở trong cái ác, rằng cái ác là một sức mạnh nào đó thật to lớn và đáng sợ thống trị cõi trần gian và là đặc trưng nội tại của nó. Dưới ấn tượng này niềm tin lạc quan ngây thơ vào tính tất định và chiến thắng dễ dàng, mau chóng của cái thiện trước cái ác, không chỉ sụp đổ và bộc lộ ra như một lầm lẫn chết người, mà còn hình thành nên một tín niệm trái ngược hẳn với nó, rằng cuộc đấu tranh giữa thiện và ác - trong phạm vi hiện hữu trần gian - là cuộc đấu tranh vĩnh viễn muôn đời nào đó. Nhiệm vụ khắc phục cái ác thế gian không những không dễ dàng, mà trái lại, còn khó khăn đầy khổ ải, không những kết cục thuận lợi không được xác định từ trước, mà còn thay đổi ngay cả nhận thức ý nghĩa và thực chất của nhiệm vụ này. Vì rằng “toàn cõi trần gian nằm trong cái ác” và cái ác là đặc trưng nội tại cho thế gian và bản chất con người, cho nên cuộc đấu tranh chống lại nó có ý nghĩa hoàn toàn độc lập vôi niềm tin chiến thắng được cái ác - hơn thế nữa, có ý nghĩa ngay cả khi tin chắc rằng thắng lợi cuối cùng của cái thiện - trong phạm vi hiện hữu trần gian - là bất khả dĩ. Đó không phải là thất bại chủ nghĩa, không phải là hàng phục đầy cay đắng khi đối mặt với cái ác; trái lại, vì thấy rõ rằng thắng lợi của cái ác đơn giản có nghĩa là kết thúc cuộc sống - chỉ cần nhớ về đe dọa “chiến tranh nguyên tử” là đủ, - thì nghĩa vụ và sự cần thiết của cuộc đấu tranh căng thẳng và không mệt mỏi chống lại cái ác sẽ được cảm nhận sâu sắc đến tận cùng. Càng ý thức sâu sắc được cội rễ của cái ác, thì càng thấy rõ tính khẩn thiết của cuộc đấu tranh với nó. Cái chuyện cuộc đấu tranh này trong khuôn khổ lịch sử thế giới sẽ kéo dài vô tận, - không hề làm giảm ý nghĩa và sự cần thiết của nó; từ sự kiện là mỗi con người riêng biệt và toàn nhân loại nói chung suốt đời phải phòng ngự trước các thế lực phá hoại của cái ác, không suy ra rằng cuộc đấu tranh này là vô nghĩa và cần phải chấm dứt. Cuộc sống đầy những khó khăn khổ ải và bi thương nhưng vấn tổt hơn hi sinh, chết chóc và tha hóa; và lòng dũng cảm kết hợp với thái độ tỉnh táo nêu trên vẫn lớn lao hơn, trong ý nghĩa nào đó vẫn minh triết hơn là lòng dũng cảm được nuôi dưỡng bằng những ảo tưởng. Việc viện đến những ảo tưởng lạc quan chỉ tố giác rằng con người trong nội tâm còn chưa sẵn sàng cho những thử thách nặng nề nhất của cuộc đấu tranh; và nuôi dưỡng mình bằng những ảo tưởng ấy - có nghĩa là mạo hiểm đầu hàng trước khó khăn đích thực của cuộc đấu tranh, không đủ sức gánh vác ý nghĩa anh hùng của cuộc nhân sinh. Trong ấn tượng mãnh liệt và minh bạch đối với chúng ta về tính vĩnh hằng của cuộc đấu tranh giữa các thế lực ánh sáng và các thế lực bóng tối, trong tình trạng bẳt khả dĩ của các quan điểm nào đó khác dựa trên thái độ coi thường nó - dù là khoa học hay thần học thì cũng vậy thôi, - chính là tính độc đáo tinh thần của thời đại chúng ta. 2. Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa nhân văn Tín niệm ấy về “quyền lực của bóng tối” thống trị thế gian đặc trưng cho trạng thái tinh thần thời đại hiện nay còn có một khía cạnh nữa rất đáng chú ý. Chính là trong so sánh với thế giới quan được mô tả ở trên của một thời cách đây chưa lâu, nó có thể được xác định như là cuộc khủng hoảng niềm tin vào con người - như là cuộc khủng khoảng của chủ nghĩa nhân văn. Trong cơ sở của niềm tin vào tiến bộ - tin vào hoàn thiện tất định của con người - và chủ nghĩa không tưởng - niềm tin vào khả năng thực hiện trọn vẹn sự thật và điều thiện trong cõi trần gian, chứa đựng niềm tin vào phẩm giá và sứ mệnh cao cả của con người ở cõi trần gian, nói ngắn gọn - niềm tin vào con người. Nguồn gốc của niềm tin này vào con người gắn với một ngộ nhận sâu sắc, quyết định tính cách của việc đặt cơ sở tiêu biểu cho niềm tin ấy và gây ảnh hưởng tai hại cho số phận của nó. Thực chất niềm tin này chắc chắn có nguồn gốc Kitô giáo. Trong khải huyền Kitô giáo, quan niệm của kinh Cựu ước về con người như là “hình tượng và đồng dạng với Thượng Đế”, như thực thể hưởng đặc ân ở dưới sự bảo hộ của Thượng Đế và được hiệu triệu thống trị toàn thể các tạo vật còn lại, được nhấn mạnh trong ý tưởng con người là con của Thượng Đế, trong khái niệm về con người như hiện thân của tinh thần và theo ý nghĩa này là thực thể được sinh ra “từ trên trời”, ‘âtừ Thượng Đế”. Tuy nhiên, do một ngộ nhận thật kì quặc mà ý nghĩa và nguyên nhân của nó ta sẽ còn phải nói tới chi tiết hơn ở phần sau, liên quan đến vấn đề khác, nguồn gốc này của niềm tin vào con người vẫn không được ý thức và “chủ nghĩa nhân văn” của thời đại mới đã xuất hiện trong đối lập trực tiếp với thế giới quan Kitô giáo, và chính trong hình thức như thế nó đã xác định đặc tính niềm tin vào con người cho đến thời đại hiện nay. Cảm giác niềm tin vào chính bản thân mình và sứ mệnh vĩ đại của mình trên trần thế, tràn ngập con người từ khỏi đầu thời đại thường vẫn được gọi là “thời đại mới”, được con người cảm nhận như là một ý thức nào đó hoàn toàn mới mẻ, như một cuộc cách mạng tinh thần nào đó chống lại kiểu cách chung của nhân sinh quan thời trung cổ được giáo hội thần thánh hóa. Sự chào đời này của chủ nghĩa nhân văn thời đại mới mang tính chất một cuộc nổi loạn nào đó đầy kiêu hãnh của con người chống lại các lực lượng nô dịch và hạ nhục nó. Một trong những người báo tin sớm nhất và có ảnh hưởng nhiều nhất, Giordano Bruno, định nghĩa nguồn cảm hứng của ý thức tự giác mới mẻ ấy của con người như là “cuộc nổi giận anh hùng” (heroice furore). Thoạt tiên niềm tin đó vào con người, bất chấp tình trạng đối lập gay gắt của nó với thế giới quan Kitô giáo thời trung cổ, vẫn còn bao phủ một bầu không khí tôn giáo chung nào đó. Vào thời Phục hưng chủ nghĩa nhân văn có dính líu với các khuynh hướng phiếm thần luận, bác bỏ khác biệt về nguyên tắc giữa trần thế “dưới ánh trăng” và thế giới trên trời, hoặc lý tưởng của Plato về chốn quê hương trên trời của linh hồn con người. Cũng như niềm tin của Descartes vào lí trí con người là niềm tin vào “ánh sáng tự nhiên” (“lumière naturelle”): vị trí đứng đầu và tính khả tín của lí trí con người dựa vào sự kiện là trong ý thức lí trí của mình, trong những “ý tưởng hiển nhiên và sáng rõ” của mình, con người là hiện thân của “lumière naturelle” - về. thực chất là “ánh sáng” của Thượng Đế; thậm chí môn đệ của Descartes là Malebranche còn có thể kết hợp quan điểm ấy với huyền học thánh thiện của Augustine. Mọi người cũng đều biết rằng những tín đồ Thanh giáo di cư sang Mỹ lần đầu tiên tuyên bố “quyền vĩnh cửu của con người và công dân”, đã đặt cơ sở cho những quyền ấy bằng tính thiêng liêng của quan hệ cá nhân với Thượng Đế. Và mối ràng buộc này của niềm tin vào con người với niềm tin vào Thượng Đế trong hình thức “tôn giáo tự nhiên” vẫn còn vang lên ở Rousseau. Nhưng nói chung, chính là vào thế kỷ XVIII, vào thời đại Khai minh của Pháp, đã hoàn tất việc đoạn tuyệt giữa hai niềm tin ấy: niềm tin vào con người ở thời đại này bước vào tình trạng đối lập đặc trưng của chủ nghĩa nhân văn thời đại mới đối với bất kì niềm tin tôn giáo nào nói chung; niềm tin ấy đã kết hợp vô tín ngưỡng tôn giáo với thế giới quan tự nhiên và duy vật. Trong kết hợp ấy bao hàm thực chất quan điểm đã ngự trị trong tư duy con người trong hai thế kỷ mới đây và có thể gọi nó là “chủ nghĩa nhân văn thô thiển”. Nhưng chủ nghĩa nhân văn trong hình thức này của nó chứa đựng mâu thuẫn sâu sắc không sao vượt qua được. Thái độ sùng bái con người, niềm tin lạc quan vào sứ mệnh vĩ đại của nó là thống trị thế gian và khẳng định địa vị bá chủ của lí trí và điều thiện trong con người, được kết hợp trong đó với quan niệm lí thuyết về con người như một thực thể thuộc về vương quốc tự nhiên và hoàn toàn phụ thuộc vào các thế lực mù quáng của tự nhiên. Ngay các nhà duy vật luận của Pháp thế kỷ XVIII cũng đã rút ra từ đó kết luận, về thực chất là không tương hợp với niềm tin vào con người: họ khẳng định rằng motif phổ quát trong hành vi con người là tính vị kỉ và thậm chi khẳng định con người chỉ là một cỗ máy đặc biệt (“rhomme-machine”). Nếu như, bất chấp điều này, trong thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX dẫu sao vẫn còn có thể tin vào vị trí cấp bậc đặc biệt, cao cả của con người trong thế giới trần gian, thì niềm tin ấy là dựa trên cở sở quan niệm từ xa xưa về con người như một thực thể có đẳng cấp đặc biệt, cao cả, khác biệt về nguyên tắc với thế giới động vật còn lại; chẳng hạn như có thể tin vào việc con người có lí trí (homo sapiens) hoặc có ý thức đạo đức như một nét khác biệt. Thế nhưng cơ sở lí thuyết của những giả định ấy (ngay từ đầu đã khá mơ hồ) đã bị học thuyết Darwin giáng cho một đòn quyết định. Học thuyết Darwin đã phá hủy luận điểm vốn có từ xa xưa về khác biệt có tính nguyên tắc của con người với thế giới tự nhiên còn lại và thay thế nó bằng quan niệm rằng con người đơn giản chỉ là một bộ phận của thế giới động vật, là bà con gần huyết thống với loài khỉ, là hậu duệ của một thực thể giống như loài khi. Ngay trong ký ức chúng ta, motif nhân chủng học của học thuyết Darwin - vạch trần mang tính khoa học đối với lòng kiêu ngạo của ý thức tự giác ở con người - đã tìm được thêm một khẳng định mới trong học thuyết phân tâm học (ý nghĩa này của phân tâm học, chính Freud, người sáng tạo ra nó, đã nhấn mạnh): chuyện con người hóa ra là một thực thể giống như loài khi vẫn còn là ít; từ nay nó còn được công nhận như một cục xác thịt sống mà đời sống tâm hồn và mọi ý tưởng của nó được quyết định bởi một cơ chế mù quáng của ham muốn tình dục; không phải ý thức lí trí, không phải linh hồn và không phải lương tâm, mà là những thế lực của tiềm thức đầy hỗn mang điều khiển đời sống con người. Những đòn đánh phá hoại đó giáng vào mọi quan niệm mà niềm tin vào phẩm giá và sứ mệnh cao quý của con người có thể dựa vào một cách khách quan (những đòn đánh thực chất không thể tránh khỏi do phương hướng tự nhiên cơ bản mà chủ nghĩa nhân văn thô thiển ràng buộc với nó), trong suốt thời gian dài (đối với những hậu bối của quan điểm này thì cho đến tận bây giờ) không rõ bằng cách nào mà chưa hủy diệt hết uy quyền phi lí tính của niềm tin ấy vào con người vẫn còn ngự trị trong lòng người. Nói cách khác, chủ nghĩa nhân văn thô thiển theo thời gian ngày càng trở thành niềm tin mù quáng giả-tôn-giáo, bất chấp ý đồ được dự tính một cách có ý thức của nó. Như vậy, dần dần đã hình thành một tình thế đầy nghịch lí, nặng nề và ẩn chứa những nguy cơ. Chủ nghĩa nhân văn thô thiển (căn cứ trên các kết quả thực tiễn ban đầu là một quan điểm không những có ảnh hưởng hùng mạnh phi thường, mà còn có tác dụng tốt đẹp thật sâu sắc) - đối tượng của niềm tin tận tụy đầy nhiệt tình của những con người tốt đẹp nhất của thế kỷ XVIII và XIX, học thuyết mà nhân loại châu Âu chịu ơn vì những thành tựu tốt đẹp nhất của mình - xóa bỏ chế độ nô lệ, [thiết lập] nền tự do chính trị và những đảm bảo bất khả xâm phạm cho cá nhân, những cải cách mang tính xã hội và nhân văn, hóa ra trong hình thức truyền thống của nó lại rõ ràng là đầy mâu Ihuẫn và không xác đáng. Bây giờ thì sự tình ấy đã hiển nhiên đốn nỗi ta không khỏi có đôi chút thắc mắc và mủi lòng bi thương, khi hồi tưởng lại thái độ nhẹ dạ cả tin của trái tim con người đã có thể say mê nó và tin tường vào nó. Một trong những trí tuệ tiên tiến đầy tinh tố của thế kỷ XIX, nhà tư tưởng xác định thời đại của mình rất xa, có lẽ là người đầu tiên đã đau xót mãnh liệt với cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa nhân văn thô thiển, nhà văn Nga Alexander Herzen đã viết trong lời phản tỉnh Từ bờ bên kia (dưới ấn tượng trực tiếp từ sự sụp đổ những lí tưởng của phong trào năm 48): “Rốt cuộc xin hãy giải thích cho tôi, tại sao lại không nên tin vào Thượng Đế - và nhất thiết phải tin vào con người? Tại sao tin vào vương quốc của Thượng Đế ở trên trời là ngu xuẩn, còn tin vào thiên đường trên trái đất thì lại không ngu xuẩn?”. Còn vào cuối thế kỷ XIX nhà tư tưởng Nga Vladimir Soloviev đã tổng kết thế giới quan của chủ nghĩa nhân văn tự nhiên - thế giới quan theo đó con người, trong khi là sản phẩm của các thế lực động vật mù quáng của tự nhiên, đồng thời lại được hiệu triệu để thực hiện trên trần thế một vương quốc của điều thiện, của lí trí và công bằng, - trong một công thức mỉa mai dữ dội: “Con người là con khi, và chính vì thế mà phải thương yêu những người gần”. Và nếu như một hậu bối chưa được học hành đến nơi đến chốn là Makxim Gorki mới đây còn có thể viết một bài hùng ca ca ngợi con người và đã ngây thơ thốt lên: “Con người - tên gọi vang lên đầy kiêu hãnh!” - thì một con người có tư duy và được học hành tử tế lẽ dĩ nhiên sẽ đối lại lời đó bằng thắc mắc: tại sao chính cái tên gọi của một thực thể về nguyên tắc không khác biệt gì với con khỉ, một thực thể không phải gì khác hơn một sàn phẩm và một công cụ của các thế lực mù quáng của tự nhiên, lại nhất thiết phải “vang lên đầy kiêu hãnh”? Dù cho tư duy của châu Âu có ngoan cố tiếp tục mù quáng khẳng định niềm tin, thi tất cả các cơ sở khách quan của niềm tin ấy đã bị phá hủy, trạng thái tinh thần đầy mâu thuẫn này không thể nào bền vững và kéo dài vô thời hạn; rốt cuộc thì mâu thuẫn phải nổ ra từ bên trong và hủy hoại bản thân thế giới quan của chủ nghĩa nhân văn. Ngay từ những năm 40 của thế kỷ XIX, vào thời đại nỗ lực đầy cuồng nhiệt của niềm tin chủ nghĩa nhân văn thô thiển, một nhà tư tưởng Đức đơn độc đã dũng cảm và trắng trợn khẳng định quyền tự nhiên của con người, hòa hợp với bản chất tự nhiên của nó, chối bỏ mọi phụng sự cho các lí tưởng cao cả và công khai làm kẻ vị kỉ không biết thẹn thùng (Max Stirner). Bằng cách này đã rút ra kết luận logic duy nhất từ học thuyết nhân văn của Feuerbach tuyên cáo con người là cái tuyệt đối tự đầy đủ và thừa nhận rằng trong tôn giáo và trong ý tưởng Thượng Đế, con người chỉ làm xa lạ bản thân mình một cách hư ảo và tự hạ thấp niềm tin của mình vào chính bản thân mình, vào địa vị tối cao tuyệt đối của mình. Lí thuyết mang tính hư vô của Stirner tuy nhiên mới chỉ là cuộc tấn công mở màn, thực tế còn vô hiệu quả, nhắm vào pháo đài của niềm tin nhân văn. Nhưng chẳng bao lâu sau một người học trò khác của Feuerbach đã đi đến một học thuyết mà theo định mệnh không những gây ra những chấn động to lớn nhất cho thế giới, mà còn phá hủy chính những nền tảng của niềm tin nhân văn. Một sự trùng hợp đáng ghi nhớ: vào năm xuất hiện Nguồn gốc của giống loài của Darwin (1859) cũng xuất hiện cuốn sách của Karl Marx Phê phán kinh tế chính trị học mà trong lời tựa của nó lần đầu tiên đã hệ thống lại học thuyết “chủ nghĩa duy vật kinh tế” vô cùng nguy hại cho số phận của chủ nghĩa nhân văn thô thiển. Trong tư cách niềm tin vào thực hiện tất định trong tương lai gần của chủ nghĩa xã hội như chiến thắng tuyệt đối của lí trí và điều thiện trong đời sống con người (niềm tin thậm chí ở đây còn mang diện mạo của một tiên đoán khoa học chính xác), chủ nghĩa Marx tiếp tục truyền thống niềm tin đầy lạc quan vào tiến bộ - cái motif nền tảng của chủ nghĩa nhân văn thô thiển. Thế nhưng bản chất con người ở đây đã không còn được xác định là thiện và có lí trí nữa, mà là độc ác và hám lợi: nhân tố chủ yếu của lịch sử hóa ra là thói hám lợi, là cuộc đấu tranh giai cấp nhằm chiếm đoạt những lợi ích trần thế, là lòng căm thù giữa người giàu và người nghèo. Nghịch lí vĩ đại nhất mang tính đặc trưng của chủ nghĩa Marx, được bộc lộ ra như tình trạng tha hóa hiển nhiên của chủ nghĩa nhân văn, là học thuyết cho rằng con đường duy nhất dẫn đến vương quốc xã hội chủ nghĩa, vương quốc của điều thiện và lí trí, chính là buông thả cuộc đấu tranh giai cấp - buông thả cho những bản năng độc ác của con người. Trong chủ nghĩa Marx niềm tin vào con người và tương lai vĩ đại của nó dựa trên niềm tin vào sức mạnh sáng tạo của cái ác. Hoàn toàn không phải tình cờ mà điều này được kết hợp với việc thay thế con người, như một bản diện cá nhân, bằng thái độ sùng bái “giai cấp” hay “tập thể”. Vì rằng nếu như mọi thứ cao cả, tốt đẹp, tinh thần được thực hiện trong hình dạng con người như một bản diện cá nhân (bởi vì chính nhân diện là hình ảnh của Thượng Đế trong con người), thì sức mạnh tự phát của cái ác thể hiện thích đáng trong con người như một phần tử vô diện mạo của đám đông, của quần chúng, của tập thể. Vì vậy, chủ nghĩa Marx theo lẽ tự nhiên đã là một cái gì đó khác, chứ không còn là chủ nghĩa nhân văn thô thiển, phi tôn giáo nữa: nó là “chủ nghĩa nhân văn” phản tôn giáo và phản đạo đức. Niềm tin vào con người ở đây không những bị đặt đối lập với niềm tin vào Thượng Đế, mà còn đối lập với niềm tin vào điều thiện nữa. Trong chủ nghĩa Marx chủ nghĩa nhân văn được dự tính trở thành chủ nghĩa thần nhân Titanx, như niềm tin vào chiến thắng của khởi nguyên nổi loạn trong con người, được thực hiện thông qua tình trạng buông thả sức mạnh của cái ác. Mâu thuẫn giữa quan niệm về mục đích và tương lai của con người và quan niệm về bản chất đích thực của con người, hay là giữa mục tiêu tiến bộ của con người và các phương tiện để thực hiện nó, ở đây đã đạt tới độ căng thẳng khiến cho có thể nói về tình trạng tha hóa nội tại của tư tưởng nhân văn ở trong chủ nghĩa Marx. Cuối thế kỷ XIX đã mang tới một hiện tượng nhiều ý nghĩa nữa về sự tha hóa của chủ nghĩa nhân văn thô thiển. Nó được thể hiện trong những ý tưởng của Nietzsche. Công lao vĩ đại nhất của Nietzsche là ở nơi ông, tư duy của con người đã đi tới ý thức minh bạch về tình trạng bất tương hợp giữa khái niệm con người đã bị làm ô uế và thái độ sùng bái con người mang tính nhân văn. Bất chấp thái độ hưng phấn phản tôn giáo và phản Kitô giáo của Nietzsche, việc ông khước từ tôn kính con người trong thực thể thường nghiệm, tầm thường, tự nhiên - hay như chính ông đã nói, “mang tính con người, quá đỗi con người” - bộc lộ ra một hoài vọng tinh thần nào đó của ông có tính tôn giáo đích thực và chứa đựng gợi ý về một sự thực cơ bản nào đó bị quên lãng. Trong công thức hành văn cô đọng của ông: “con người là một thứ gì đó phải được vượt qua” đã tổng kết tình trạng phá sản bên trong của chủ nghĩa nhân văn thô thiển và tuyên án tử hình cho nó. Trong công thức khủng khiếp này chứa đựng một hồi tâm mơ hồ rằng con người ở trong thực thể thuần túy tự nhiên là đi lệch khỏi một ý tưởng cao cả nào đó của con người, rằng tính người đích thực trong con người, thực thể cao cả, “siêu nhân” của nó chính là thực thể thần nhân và rằng trong ý nghĩa đó khởi nguyên con người-tự nhiên phải được vượt qua và bừng sáng lại. Thế nhưng chân lí cứu độ bị lãng quên này chỉ đến với Nietzsche một cách mơ hồ và trong tư duy của ông nó đã bị xuyên tạc thật ghê gớm và kinh khủng. Đòi hỏi “vượt qua con người” ở đây đồng thời có nghĩa là lật đổ bản thân ý tưởng con người. Cái hiện thực mà từ xa xưa trong suốt bao thế kỷ - cho dù được hiểu đúng hay hiểu sai đi nữa - đã luôn luôn được tiếp nhận như thể hiện trên trần thế của khởi nguyên cao cả, thần thánh, suy ngẫm cuộc đời, cái hiện thực con người trong khác biệt của nó với tất cả những thực thể còn lại thuần túy mang tính tự nhiên - [hiện thực ấy] ở đây đã bị quẳng xuống vực thẳm. Thế chỗ vào đó là cái gì? Vì lẽ Nietzsche bị cầm tù trong xu hướng truyền thống phản Kitô giáo và phản tôn giáo của chủ nghĩa nhân văn thô thiển, cho nên ý tưởng “siêu nhân” không những buộc phải mang tính chất chủ nghĩa thần nhân Titan chiến đấu chống lại thần linh, mà còn không thể được đặt trên cơ sở nào khác hơn là cơ sở sinh học. Xu hướng thực chất đúng đắn gợi ý con người nhớ lại nguồn gốc và sứ mệnh cao cả, quý tộc, “siêu nhân” của nó đã biến thành thái độ ca ngợi con người siêu nhân như một chủng loại hay sắc tộc động vật cao cấp, trong đó thước đo chiều cao của chủng loại chính là nhân tố uy quyền, tính tàn nhẫn, tính vô đạo đức đầy ngạo mạn; không hẳn là một kẻ ác thời phục hưng Cesare Borgia, cũng không hẳn là gã người Đức cổ đại - “một kẻ vô lại tóc vàng”. Vậy là trên thế giới đã xảy ra một sự kiện đáng sợ đầy khốc hại: việc vượt qua chủ nghĩa nhân văn thô thiển đã trở thành việc tuyên cáo chủ nghĩa vô lại. Mới đây thôi cái hỗn hợp kì quặc và ghê tởm này của những hồi tâm tinh thần thật thiên tài và những lầm lạc đạo đức đầy mê sảng còn có thể tưởng chừng như một bông hoa lạ thường nào đó của tư duy quý tộc lẻ loi; và sự việc chủ nghĩa Nietzsche nhanh chóng trở thành thời thượng tưởng chừng như hẳn vẫn còn là thứ tiêu khiển trí tuệ của giới phù hoa tương đối vô hại cho đời sống. Giờ đây, sau khi chủ nghĩa Nietzsche bị thô tục hóa đã thành cơ sở, thoạt tiên là cho học thuyết của giới quân phiệt Đức, và sau đó là kết hợp một cách thiếu tự nhiên với thói mị dân và thái độ sùng bái “quần chúng”, suy đồi thành lí thuyết và thực hành của chủ nghĩa quốc xã, - bây giờ thái độ sùng bái tính tàn bạo không biết thương xót, những nỗi khủng khiếp của cuộc chiến tranh tổng lực, việc hủy diệt “các chủng tộc thấp hèn” trong các buồng hơi ngạt, đã cho thấy tình trạng suy đồi của chủ nghĩa nhân văn và cuộc chuyển hóa của nó thành chủ nghĩa vô lại, trên thực tế đã dẫn đến điều gì. Ở trong diện mạo của chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Nietzsche, chủ nghĩa nhân văn thô thiển đã sụp đổ nội tại. Sự tố giác tính ảo tưởng và tính mâu thuẫn của nó, vốn dĩ không tránh khỏi và hoàn toàn chính đáng tự thân, như vậy đã dẫn đến kết quả ghê tởm đầy khốc hại. Sự tố giác việc sùng bái thần thánh hóa con người như một thực thể tự nhiên đã mang tính chất phủ định niềm tin vào bản thân ý tưởng con người - vào tính thánh thiện của con người như hình tượng của Thượng Đế. Diễn đạt điều này theo thuật ngữ của chủ đề chính ở trong những suy tư của chúng ta, ta có thể nói: suy xét tính vô căn cứ của tư duy cho rằng, thực thể con người mang tính tự nhiên và chưa được hồi tâm, có thể là người sáng tạo và thể hiện ánh sáng cao cả, [tư duy ấy] dẫn đến một cách đầy nghịch lí thái độ sùng bái trực tiếp bóng tối như lực lượng tự phát có khả năng tự bản thân mình sinh ra ánh sáng. Chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Nietzsche - đối lập với nhau trong những phương diện khác - như vậy hóa ra lại nhất trí với nhau trong thái độ sùng bái này - nhất trí trong niềm tin rằng trạng thái cao cả của loài người có thể được thực hiện thông qua việc buông thả và phê chuẩn cho các sức mạnh thấp hèn, thú vật, độc ác của thực thể con người. Cái niềm tin mới mẻ bị xuyên tạc này có thể gọi là chủ nghĩa không tưởng ma quái. Tính mâu thuẫn của chủ nghĩa nhân văn thô thiển được thay thế ở trong chủ nghĩa không tưởng ma quái bằng mâu thuẫn còn quá quắt hơn nữa. Lịch sử thời đại hiện nay đã cho thấy mâu thuẫn ấy trên thực tế dẫn đến điều gì. Thông qua chủ nghĩa Bolshevik của Nga, chủ nghĩa Marx đã biến chủ nghĩa xã hội nhân văn cũ thành nền thống trị chuyên chính; những phương tiện không chính đáng đã được áp dụng nhằm thực hiện vương quốc của điều thiện và sự thật, hóa ra trở thành mục đích tự thân - cái ác không sinh ra điều thiện mà trâng tráo tự khẳng định mình, tự đăng quang trên trần thế. Còn chủ nghĩa quý tộc sinh vật học và vô đạo đức của học thuyết Nietzsche, sau khi kết hợp với tính cách mạng mị dân, đã suy đồi thành học thuyết về vai trò sáng tạo của bạo lực, thành quả thực tiễn của học thuyết ấy nay loài người đã thu hoạch được trong những nỗi kinh hoàng mà nó trải qua. Sụp đổ của chủ nghĩa nhân văn thô thiển đưa thế giới đến nền thống trị của định hướng trí tuệ và việc thực hành trong đời sống của băng đảng ăn cướp, dìm thế giới vào biển máu và nước mắt ngay trước mắt chúng ta. Như vậy số phận lịch sử đầy bất hạnh của chủ nghĩa nhân văn thô thiển, do mâu thuẫn nội tại phá hoại nó ngay từ đầu, dẫn đến chỗ niềm tin vào sự vĩ đại và sứ mệnh cao cả của con người như vật thiêng liêng, đang kết thúc bằng phủ nhận đầy báng bổ tất cả những gì thiêng liêng trong đời sống con người, bằng việc ngợi ca vô liêm sỉ khởi nguyên ác độc đầy thú tính - bằng việc đánh mất đi chính hình dạng con người. Trái tim con người không thể chịu nổi thái độ báng bổ và vô liêm sỉ ấy. Bằng một bản năng nào đó nằm ngoài mọi suy luận - bằng một cơ quan nhận thức tinh thần nào đó đặc trưng cho trái tim con người - đã từ lâu nó bắt đầu cảm thấy rằng số phận lịch sử của chủ nghĩa nhân văn thô thiển đang dẫn dắt tư duy con người theo con đường sai lầm và sẽ phải dẫn đến vực thẳm. Trải nghiệm khủng khiếp của thời đại chúng ta với sự hiển nhiên tối hậu đã khẳng định linh cảm ấy, ít nhất cũng đối với việc áp dụng đại chúng của chủ nghĩa Nietzsche dung tục, một bộ phận sáng suốt của dân chúng châu Âu đang bắt đầu nhận thấy rằng chủ nghĩa Marx dung tực thực tế cũng dẫn đến cùng một kết quả như vậy. Ý thức này cũng thuộc về thành phần đặc trưng của cuộc khủng hoảng tinh thần hiện nay. Thế nhưng tư duy con người có thể lấy gì đối chọi lại với cái kết cuộc kinh khủng ấy mà nó đã bị đưa tới? 3. Bàn về vô tín ngưỡng bi ai và thuyết ngộ đạo hiện đại Trước khi toan tính trả lời câu hỏi này chúng ta hãy sắp xếp lại chủ đề và các kết quả của hai suy tư trên đây. Mới thoạt nhìn có thể tưởng rằng ý thức bi quan đầy cay đắng về “uy quyền của bóng tối” trên thế gian và thái độ sùng bái bóng tối như sức mạnh sáng tạo, sinh ra từ tình trạng suy đồi của chủ nghĩa nhân văn, thực chất là những định hướng trí tuệ cùng huyết thống. Trong giả định này có một phần sự thật là chúng cùng đối lập với niềm tin lạc quan ngây thơ vào sự hùng mạnh thực tế và tính tất thắng của những nguyên lí thiện và lí tính trong đời sống con người. Trong so sánh với niềm tin lạc quan ngây thơ ấy, dựa trên việc lí tưởng hóa cả cấu trúc thực tại của hiện hữu trần gian và nhất là của cả bản chất thực tại của con người, hai khuynh hướng tinh thần thời đại hiện nay mà chúng ta xem xét đều có thể được xác định là vô tín ngưỡng; cả hai khuynh hướng ấy thực chất là tổng kết một trải nghiệm cuộc sống đầy cay đắng nào đó, vạch trần những quan niệm lạc quan trước đây như là ảo tưởng. Marx chắc chắn đã đúng khi, chống lại thái độ ca ngợi dễ dãi về cái thiện bẩm sinh của con người, đã chỉ ra sự hùng mạnh của thói hám lợi và tính vị kỉ giai cấp; Nietzsche cũng đã đúng khi vạch ra trong chủ nghĩa nhân văn thô thiển thói tự phụ tự say mê chính mình của con người, thật không chịu nổi trong tất cả thói ti tiện và dung tục “quá con người” ở nơi thực thể bẩm sinh của nó. Nhưng đến đây chấm hết sự giống nhau giữa hai hình thức suy đồi của chủ nghĩa nhân văn, ở một bên, và ý thức về “uy quyền của bóng tối” được trình bày ở trên. Xét về tổng thể hay dựa trên motif chủ yếu xác định chúng, thì hai định hướng trí tuệ ấy không những không giống nhau mà còn đối nghịch nhau gay gắt. Thực vậy, quan niệm về “uy quyền của bóng tối” chứa đựng khía cạnh quyết định là phủ định chủ nghĩa không tưởng, là phủ định niềm tin vào tính khả thi trạng thái lí tưởng của cuộc sống con người và thế gian. Ngược lại, quan niệm mà thái độ sùng bái “bóng tối” dựa vào và chúng tôi gọi nó là chủ nghĩa không tưởng ma quái, như ta vừa thấy, kết hợp một cách phản tự nhiên và đầy mâu thuẫn phủ định sức mạnh của cái thiện, niềm tin vào sức mạnh của các khôi nguyên tăm tối, với chính cái chủ nghĩa không tưởng độc đáo, tức là với niềm tin rằng bóng tối chính là sức mạnh sáng tạo được ban cho để thực hiện trạng thái lí tưởng của hiện hữu thế gian và con người. Cả hai định hướng trí tuệ mâu thuẫn với nhau như là hoài nghi và cuồng tín, như là minh triết và quỷ ám. Tính phá hoại và tính khốc hại thực sự của định hướng trí tuệ được thiết lập vào thời đại hiện nay trên kết cục sụp đổ của chủ nghĩa nhân văn, không phải ở chỗ nó là vô tín ngưỡng, mà ngược lại, chính vì nó là một thái độ sùng bái điên cuồng nào đó, một niềm tin mất trí đầy ác độc nào đó, đòi hỏi hiến tế vô số sinh mạng. Với tư cách niềm tin mù quáng làm lóa mắt, nó kích động mạnh mẽ tính tích cực của con người, hướng nó vào mục đích trá ngụy và khốc hại. Chủ nghĩa không tưởng ma quái chính là học thuyết cách mạng trong ý nghĩa nền tảng và sâu sắc nhất của khái niệm này: nó rao giảng tính tất yếu (và tin vào khả năng) của việc lật đổ chính những cơ sở của hiện hữu trần gian, như là để xây mới lại thế gian, sử dụng những khởi nguyên tăm tối, độc ác của hiện hữu con người vào mục đích ấy như là những sức mạnh sáng tạo. Tuyên cáo rằng sức mạnh sáng tạo ấy là thói hám lợi và lòng căm thù giai cấp, như trong chủ nghĩa Marx, hay đó là thói ham muốn quyền lực và tính tàn nhẫn với kẻ yếu, như trong chủ nghĩa Nietzsche, - trong cả hai trường hợp con người được giáo dục tôn thờ những dục vọng độc ác, tin tưởng rằng những dục vọng ấy sẽ giúp nhân loại tiến lên phía trước, đi tới trạng thái mới mẻ tươi sáng tuyệt vời, tới “thiên đường trên trái đất”. Nếu như đã có lúc niềm tin vào Thượng Đế được thay thế một cách khiên cưỡng bằng niềm tin mù quáng vào con người, thì nay sụp đổ của chủ nghĩa nhân văn dẫn đến một niềm tin mù quáng và mất trí còn nhiều hơn nữa: niềm tin vào con người như hiện thân của các khởi nguyên thiện và lí tính đến lượt mình bị thay thế bằng niềm tin vào sức mạnh sáng tạo của thế lực độc ác chi phối con người; sùng bái nhân vị thay thế bằng sùng bái ma quỷ như là chúa tể đích thực của cõi trần gian này. Thế nhưng từ một khía cạnh khác, việc vượt qua chủ nghĩa nhân văn này giữ lại dấu vết nguồn gốc của nó chính từ thái độ sùng bái con người và chỉ là một bậc thang trong tình trạng suy đồi mới của nó: vì hiện thân của tính ma quỷ này là ý chí tùy tiện của con người; người ta chờ đón cứu độ từ cuộc nổi loạn của con người trong thực thể tăm tối hỗn mang được buông thả để chống lại Thượng Đế - không phải chỉ chống lại Thượng Đế như cấp bậc cao nhất đứng trên con người, mà còn chống lại tính thánh thiện nội tại trong bản thân con người - chống lại nhứng nguyên lí thiện và đức hạnh. Cái chủ nghĩa thú vật ma quỷ ấy không còn có thể gọi là chủ nghĩa nhân văn theo bất cứ nghĩa nào; nhưng trong tư cách là niềm tin vào khả năng cứu độ và sức mạnh sáng tạo của thói tùy tiện và càn rỡ ở bản chất con người trống rỗng về tinh thần, thì vẫn có thể gọi nó là “chủ nghĩa dã nhân”. Chính trong tư cách này mà nó là hình thức xuyên tạc đầy mâu thuẫn nhất của chủ nghĩa không tưởng, kết hợp một cách phản tự nhiên vô tín ngưỡng cực đoan với niềm tin mù quáng đến tận cùng. Đối lập trực tiếp với điều đó là tín niệm tỉnh táo đầy cay đắng được mô tả ở trên - ý thức về sự bất toàn không thể đổi thay ở hiện hữu căn bản của thế gian và nếu như không phải là tình trạng bất lực thì cũng là nhược điểm của tính không thể bảo đảm về mặt bản thể trong cõi trần gian cho niềm mơ ước của con người, cho những nỗ lực của con người khẳng định những nguyên lí của sự thật và điều thiện trong thế gian - khi đối diện với “uy quyền của bóng tối”. Thế nhưng tính đối lập của hai quan điểm ấy đạt đến độ căng thẳng cao nhất, khi sùng bái bóng tối, như sức mạnh sáng tạo được trao sứ mạng thực hiện trạng thái lí tưởng của thế gian, bản thân nó suy đồi thành vô liêm sỉ thuần túy, thành nỗi ám ảnh ma quỷ bởi các thế lực độc ác như tự thân chúng. Tình trạng suy đồi ấy là hoàn toàn không thể tránh được do mâu thuẫn nội tại thật quá quắt, mâu thuẫn ấy từ bên trong, như con trùng gặm nhấm quan điểm này, mà ta đã nói ở trên. Vô liêm sỉ hay là vô tín ngưỡng trâng tráo là phủ định bản thân khởi nguyên của vật thiêng liêng cũng như phủ định sự cần thiết phải tôn kính vật thiêng liêng. Đó chính là định hướng trí tuệ theo đúng nghĩa xứng đáng được gọi là chủ nghĩa hư vô. Theo một ý nghĩa nhất định có thể nói rằng chính chủ nghĩa nhân văn thô thiển - niềm tin vào con người đã mất đi các cơ sở tôn giáo và siêu hình và dựa trên việc thay thế niềm tin vào các giá trị khách quan, tuyệt đối bằng việc phục vụ cho các giá trị thuần túy chủ quan của con người, - ngay từ ban đầu đã ẩn chứa trong bản thân nó một motif hư vô nào đó. Vì vậy nó có khuynh hướng nội tại chuyển thành chủ nghĩa hư vô nhất quán. Những kẻ hâm mộ thái độ sùng bái lăng xăng con người, những đệ tử của niềm tin vào việc thực hiện dễ dàng và mau chóng “thiên đường trên trái đất” - thiên đường không có Thượng Đế, thuần túy bằng các phương tiện ngoại tại của con người - do tính vô căn cứ nội tại của niềm tin ấy và tình trạng vỡ mộng không tránh khỏi mà kinh nghiệm cuộc sống đem lại cho họ, - nói chung hay có khuynh hướng thiên về chuyển từ niềm tin sùng bái lăng xăng sang vô tín ngưỡng trâng tráo. Họ dễ dàng chịu đựng được sụp đổ niềm tin của mình, như là sụp đổ bất cứ niềm tin nào nói chung; họ tiếp nhận “buổi hoàng hôn của các thần tượng” không-thể-tránh-khỏi, như hạ bệ vật thiêng liêng nói chung; và một khi không thể thiết lập vương quốc của sự thật và điều thiện cho toàn nhân loại thì chắc hẳn không có gì khác ngoài việc quay lưng lại với việc phục vụ lí tưởng nói chung - còn bản thân thì lo sắp xếp tiện nghi cho mình trên Trái đất này. Có vẻ như khuynh hướng tâm lí của bất cứ cuộc cách mạng nào dựa trên giấc mơ thực hiện trạng thái lí tưởng bằng sức lực con người, cũng đều như vậy cả: thái độ cuồng tín ban đầu do vỡ mộng không-thể-tránh-khỏi, được thay bằng tâm trạng vô tín ngưỡng trâng tráo. Tuy nhiên, cái khuynh hướng này bộc lộ ra trong mức độ hoàn toàn đặc biệt ở niềm tin của chủ nghĩa nhân văn suy đồi được mô tả ở trên, niềm tin dựa trên sùng bái cái ác và trông mong đạt được lí tướng bằng việc buông thả các sức mạnh độc ác - niềm tin vào chủ nghĩa không tưởng ma quỷ. Những hậu quả thực tiễn của niềm tin ấy khiến cho con người bắt đầu phải nuốt nghẹn cái ác trong sức mạnh buông thả bởi chủ nghĩa không tưởng này. Vì rằng những sức mạnh độc ác đó, bất chấp kì vọng, không đưa đến “cứu độ” được mong đợi, vì rằng do vậy mà cứ cần phải buông thả liên tục trong hi vọng đạt được kết quả mong muốn, cho nên dần dần trong con người được bồi đắp thói quen với cái ác như mục đích tự thân; cái ác trở nên có vẻ như tình trạng bình thường, tự nhiên; trong những điều kiện ấy nói chung rất dễ dàng mất đi niềm tin vào mục đích tối hậu của việc buông thả cái ác ấy, hơn thế nữa - mất đi ngay cả bản thân ham muốn mục đích tối hậu ấy. Trên con đường này dễ dàng củng cố ý thức không những xem chiến thắng của cái ác là tự nhiên, mà còn cho chiến thắng của cái ác như tự thân nó là hợp quy luật và chính đáng trong đời sống con người. Cái ác, lúc đầu được hiểu và được sử dụng như phương tiện thực hiện, nếu như chưa phải điều thiện đạo đức, thì chí ít cũng một trạng thái nào đó cao hơn, đầy lý tưởng và chính đáng, nay đang biến thành mục đích tự thân. Uy quyền đích thực của quỷ dữ đang lên ngôi thống trị trái tim con người, trong những trái tim ấy đang chết đi niềm tin vào vật thiêng liêng vốn làm sinh động tâm hồn con người; hàng loạt dân chúng bị đem dâng cho thánh lễ đen tối. Những kẻ ham quyền lưc và những kẻ hám lợi đầy tàn bạo trâng tráo cười nhạo thầm trên đám đông quần chúng đã bị chúng làm ngu dại đi bằng cách rao giảng phục vụ cho mục đích cao quý nào đó, nhưng thực tế bắt họ phục vụ cho riêng chúng mà thôi, biến họ thành bầy đàn ngoan ngoãn, có thể tùy ý bị vắt sữa hay bị đem giết chết để cho những kẻ thống trị có thể sống cuộc sống truy hoan. Đó chính là kết quả thực tế của chủ nghĩa chuyên chế vô giới hạn mà chủ nghĩa không tưởng ma quỷ dẫn tới. Bây giờ ta quay trở lại câu hỏi của chúng ta: tư duy con người có thể lấy gì đối chọi lại với cái kết cuộc kinh khủng ấy mà nó đã bị đưa tới? Không phải chỉ có suy đồi đạo đức mà vô tín ngưỡng trâng tráo thể hiện ở đó, và không phải chỉ có chủ nghĩa không tưởng ma quái phản tự nhiên đang dẫn đến vô liêm sỉ trần trụi, mà cả nguyên bản của những lầm lẫn ấy - bản thân chủ nghĩa nhân văn thô thiển với tính không tưởng đặc trưng của nó, do mâu thuẫn nằm trong cơ sở của nó như đã mô tả ở trên, cũng gây ra một phản ứng lành mạnh trực tiếp nào đó của lương tri và lương tâm con người. Chính kết hợp ấy của lương tri với tiếng nói của lương tâm đang dẫn đến một định hướng trí tuệ cực kì phổ biến trong những trí tuệ tốt đẹp nhất của thời đại chúng ta - một định hướng trí tuệ có thể gọi là vô tín ngưỡng bi ai. Khác với vô tín ngưỡng trâng tráo và đối lập gay gắt với nó, vô tín ngưỡng bi ai là ý thức đầy cay đắng về quyền lực trên thực tế của bóng tối trên thế gian, tức là không tin tưởng vào sức mạnh hiện thực của những khởi nguyên lí tưởng, tuy nhiên vẫn giữ “niềm tin” vào bản thân những khởi nguyên ấy, tức là vẫn giữ lòng tôn kính đối với bản thân vật thiêng liêng và ý thức nghĩa vụ phụng sự vật thiêng liêng. Vô tín ngưỡng bi ai là kết hợp chủ nghĩa tự nhiên, tức là quan niệm nền tảng về uy quyền vạn năng của các sức mạnh tự nhiên mù quáng, vô nghĩa, vô cảm đối với hoài vọng của trái tim con người - nói cách khác là kết hợp vô tín ngưỡng nhất quán về lí thuyết với tình cảm hiệp sĩ anh hùng phụng sự cho lý tưởng bất khả thi. Một trong những người phát ngôn triết học cho định hướng trí tuệ này, Bertrand Russel, định nghĩa nó như lập trường “bảo vệ lí tưởng của chúng ta chống lại toàn vũ trụ thù địch”. Vô tín ngưỡng bi ai này là một trong những hiện tượng đặc trưng cảm động nhất của đời sống tinh thần thời đại hiện nay. Con người thất vọng không chỉ trong niềm tin lăng xăng vào chủ nghĩa không tưởng, mà còn trong việc thực hiện nói chung những giá trị cao cả trên thế gian; con người đi đến khẳng định rằng thắng lọi trên thế gian của điều thiện và lí trí không những không được đảm bảo, mà thậm chí thất bại của chúng chắc hẳn còn được định đoạt trước, vì các thế lực độc ác và điên rồ chiến thắng theo quy luật chung của cõi trần gian. Tôi không sao quên được công thức ngắn gọn và buồn bã của chủ nghĩa bi quan ấy: “Để thành nhà tiên tri thì làm người bi quan là đủ”. Thế nhưng chủ nghĩa bi quan ấy đối với trật tự thế gian và tiến trình đời sống thế gian không thủ tiêu trong trái tim con người lòng tôn kính điều thiện và lí trí, tính thánh thiện trong bản ngã con người. Vật thiêng liêng trên thế gian hóa ra yếu đuối và bất lực, nhưng không vì thế mà nó thôi không còn là vật thiêng liêng nữa. Từ định hướng trí tuệ này suy ra đòi hỏi đạo đức phải bảo vệ lập trường vô vọng của cái thiện chống lại sức mạnh hùng hậu đắc thắng của cái ác. Ý nghĩa cuộc sống con người ở đây là để bảo vệ phẩm giá của lí tưởng trong ý thức hoàn toàn tuyệt vọng ở việc thực hiện nó trong cuộc sống; chiến công là ở chỗ hi sinh anh dũng, bảo vệ sự nghiệp của điều thiện và sự thật, sự nghiệp không thể cứu vãn khỏi diệt vong. Tinh thần anh dũng cổ đại thuờ nào ở nước cộng hòa La Mã đang bị diệt vong đã vang lên trong công thức buồn bã và cay đắng như thế: “Sự nghiệp đắc thắng hợp với các thần linh, còn sự nghiệp bại trận thì hợp với Catoni” (Causa victrix deis placuit, set victa Catoni). Định hướng trí tuệ mà ta gọi là “vô tín ngưỡng bi ai” này lẽ dĩ nhiên trước hết và gần gũi nhất, theo ngữ nghĩa thông dụng chính là vô tín ngưỡng. Trong giới hạn nhất định nó trực tiếp đối lập với cái niềm tin ngây thơ đồ sộ đem lại cho con người cảm giác được chu cấp đầy đủ suốt đời do ý thức được quyền lực toàn năng vô biên của Thượng Đế đầy sáng suốt. Trái ngược lại với niềm tin đồ sộ ấy, vô tín ngưỡng bi ai bác bỏ không thương tiếc lòng tin cậy vào các thế lực điều khiển thực tại và khẳng định bất cứ hoài vọng nào của trái tim con người đều là hư ảo, khẳng định nỗi cô đơn vô vọng và cảm giác tuyệt vọng của con người trong tình yêu của mình đối với vật thiêng liêng, cái duy nhất là nền tảng lí tưởng đích thực cho hiện hữu của mình. Tuy nhiên, vì rằng vô tín ngưỡng này là vô tín ngưỡng bi ai, - vì rằng trái tim con người đau buồn do ý thức được sự đắc thắng của cái ác trên thế gian, nên nó nổi lên chống lại sự đắc thắng ấy, tự cho mình có trách nhiệm giữ lòng trung thành và phụng sự cho sự nghiệp của cái thiện và sự thật, sự nghiệp vô vọng trong con mắt của nó, - trạng thái tính thần này về một mặt nào đó lại vẫn liên hệ thân thuộc với niềm tin. Chính là nó chứa đựng yếu tố của niềm tin do niềm tin là tôn kính một cách bất vụ lợi đối với cái khởi nguyên cao cả thiêng liêng, sùng kính trước vật thiêng liêng. Việc mở ngỏ tâm hồn cho vật thiêng liêng tác động vào, kiên quyết không chịu khuất phục trước các thế lực độc ác của hiện hữu trần gian - mà theo quan điểm duy lí thì chẳng có gì làm cơ sở, thậm chí còn vô nghĩa nữa, - thái độ sẵn sàng cho lòng dũng cảm bất vụ lợi - tất cả những cái đó chắc chắn có giá trị cao trước phán xét cao nhất không phải của khối óc mà của trái tim. Hẳn sẽ là một ngộ nhận rất lớn nếu lẫn lộn vô tín ngưỡng bi ai với vô tín ngưỡng trâng tráo dưới tên gọi chung “vô tín ngưỡng” như người ta vẫn thường hay làm. Ngược lại, cần phải nói rằng khác biệt giữa chúng đích thực là đường phân thủy giữa niềm tín và vô tín ngưỡng theo ý nghĩa nguyên thủy và thực tiễn chủ yếu nhất của những khái niệm ấy. Dẫu cho ý nghĩa của khác biệt giữa thừa nhận và phủ nhận có lớn đến đâu đi nữa, ví dụ như thừa nhận hay phủ nhận sức mạnh tối thượng của Thượng Đế hay hiện hữu của Thượng Đế nhân xưng, - là khác biệt giữa niềm tin và vô tín ngưỡng theo ý nghĩa phổ biến thông thường, - thì khác biệt ấy vẫn không đáng kể trong so sánh với khác biệt giữa việc có cảm nhận vật thiêng liêng, có ý thức nghĩa vụ phụng sự cho điều thiện và sự thật, và việc đánh mất hay phủ nhận ý thức ấy. Thừa nhận trừu tượng tồn tại của Thượng Đế chẳng có được chút giá trị nào nếu nó không xuất phát trực tiếp từ thái độ kính ngưỡng và không dựa trên lòng kính ngưỡng ấy; và ngược lại, ở đâu có kính ngưỡng này thi ở đó có cốt lõi sinh động trong bản thể tiên phát của niềm tin. Không bao giờ được quên một sự thật giản dị, rằng niềm tin là một trạng thái nào đó của trái tim chứ không phải một ý tưởng nào đó của trí óc chúng ta. Nhưng có thể còn đi xa hơn nữa: có thể khẳng định rằng, nếu chúng ta khai mở các tiền đề của “vô tín ngưỡng bi ai”, dẫu không được ý thức nhưng thực chất cần thiết cho việc giải thích nó, thì ta sẽ khám phá được trạng thái tinh thần ấy như một niềm tin tôn giáo đặc thù nào đó, thậm chí trong ý nghĩa thừa nhận lí thuyết về thực tại của một khởi nguyên tuyệt đối siêu trần gian nào đó. Thực vậy, giả sử - như vô tín ngưỡng bi ai khẳng định một cách có ý thức - rằng vật thiêng liêng, điều thiện và lí trí không hề có cội rễ bản thể nào hết trong hiện hữu, không có hiện thực khách quan nào hết, giả sử rằng chúng không phải gì khác hơn là sản phẩm thuần túy chủ quan của trái tim con người, thì thực chất không thể nào hiểu được lấy gì làm cơ sở cho nghĩa vụ kính ngưỡng và phụng sự cho vật thiêng liêng. Người ta sẽ bảo rằng vấn đề đặt cơ sở ở đây là không đúng chỗ; chính là vì trái tim con người hoàn toàn tự do, tức là chẳng có cơ sở nào hết, vật thiêng liêng lôi cuốn đơn giản là vì nó có sức quyến rũ nội tại đối với trái tim con người; một thứ tình yêu bất vụ lợi, giống như sức quyến rũ của cái đẹp thuần túy, không đòi hỏi phải đặt cơ sở và cũng chẳng cần đến nó. Diễn đạt điều này bằng ngôn ngữ tư duy triết học trừu tượng có thể nói rằng: “vật thiêng liêng” duy trì ý nghĩa giá trị - là cái quý giá đối với trái tim con người, - hoàn toàn độc lập với vấn đề sức mạnh bản thể khách quan cố hữu của nó và khả năng thực hiện hiện hữu ở mức độ nào. Ý kiến phản bác này không để ý đến một tình tiết quan trọng: khác biệt giữa giá trị trong ý nghĩa chủ quan - giá trị như là biểu lộ đơn giản sức lôi cuốn thực tế đối với trái tim con người - và giá trị khách quan, tức là cái được thử thách như một giá trị cố hữu của hàn thân thực tại và hoàn toàn độc lập với việc con người thừa nhận nó trên thực tế, và vì vậy được ý thức như một cấp bậc nhất thiết phải tôn kính. Giá trị, vì là sản phẩm của trái tim con người, chỉ có thể là giá trị trong ý nghĩa chủ quan. Điều này có nghĩa: tất cả ý nghĩa của nó bị vắt kiệt bởi sự kiện nó là cảm xúc thực tế của con người. Ở đâu có được cảm nhận như thế, thì ở đó có giá trị tương ứng với nó, phát sinh ra từ nó; ở đâu không có cảm nhận như thế, thì ở đó cũng không có giá trị nào. Như người ta thường nói: không phán xét cái không có. Ở đây thực chất không thể có việc đánh giá nào, không có tán thành hay chỉ trích với tham vọng có tầm quan trọng khách quan. Giá trị trong ý nghĩa chủ quan mang tính tự do không tùy thuộc, giống như tình yêu của con người sản sinh ra nó, vốn dĩ cũng tự do và đỏng đảnh. Rõ ràng là tính chủ quan thuần túy trong việc giải thích cái khởi nguyên được tôn kính như vật thiêng liêng không thể tương hợp được với tầm quan trọng khách quan của những nghị luận đạo đức là thành phần tất yếu của định hướng trí tuệ mà chúng ta gọi là “vô tín ngưỡng bi ai”. Tính chủ quan thuần túy chỉ tương hợp với chủ nghĩa hư vô nhất quán, thuần túy phủ nhận hết thảy mọi giá trị bắt buộc khách quan và khẳng định tùy tiện vô giới hạn cho các đánh giá và các dục vọng của con người. Có thể diễn tả bằng một cách khác như sau: dù cho nội dung của “vô tín ngưỡng bi ai” có mang tính hoài nghi đến đâu đi nữa - trong tư cách là “thế giới quan” hay “chính kiến”, nó vẫn có tham vọng là nguyên tắc chỉ đạo của cuộc sống con người, hay là nền tảng, là điểm tựa của con người. Thế nhưng cái chi đạo cho chúng ta, cái mà căn cứ vào đó chúng ta xác định đường đời cho mình, hay là cái mà chúng ta nương tựa vào, cái đó ít nhất cũng phải là một thứ gì đó khác và to lớn hơn cái tâm trạng chủ quan của riêng ta. Nương tựa vào được chỉ có thể là nền tảng nâng đỡ ta, chứ không thể là “nội tạng” của riêng ta, và cái chỉ đạo chỉ có thể là các vì sao chứ không phải là điều bịa đặt của riêng ta. Như vậy, ở ngay trong việc kính ngưỡng vật thiêng liêng mà định hướng trí tuệ “vô tín ngưỡng bi ai” bao hàm nó, đã lặng lẽ và vô ý thức chứa đựng việc công nhận vật thiêng liêng làm khởi nguyên của trật tự phi trần thế, theo một ý nghĩa nào đó vượt trên mọi hiện thực thực tế, lại càng vượt trên cái bản chất “sinh vật” của “trái tim” con người. Cái chuyện khởi nguyên thứ bậc cao hơn này hóa ra lại bất lực và không đủ mạnh mẽ trong bình diện hiện hữu trần gian - chuyện đó không làm giảm đi phẩm giá bản thể tuyệt đối của nó, một tầm quan trọng nội tại nào đó, gắn bó cố hữu với nó trong một bình diện nào đó khác, mang tính siêu nghiệm, siêu trần thế. Vậy thì vô tín ngưỡng bi ai kính ngưỡng vật thiêng liêng mang tính khách quan và siêu nghiệm, tự nó phải thôi không còn là vô tín ngưỡng nữa, thậm chí ngay cả trong nghĩa thông thường của khái niệm này. Nói cách khác, định hướng trí tuệ đó không bị vắt kiệt trong nhân tố vô tín ngưỡng, vì rằng vô tín ngưỡng trong nó quan hệ không phải với bản thân khởi nguyên của vật thiêng liêng tuyệt đối siêu trần gian, mà chỉ quan hệ với sự hùng mạnh của nó trong thành phần hiện hữu trần gian. Dù cho khởi nguyên của vật thiêng liêng này có bất lực trong trần gian đến đâu đi nữa - bản thân việc thừa nhận vật thiêng liêng và thái độ kính ngưỡng nó đã là niềm tin vào hiện hữu của nó theo một nghĩa nào đó rồi. Nếu không lẫn lộn hiện hữu trần gian, thực tại kinh nghiệm với hiện hữu nói chung thì có thể nói rằng định hướng trí tuệ này thực chất phải dựa trên niềm tin vào hiện hữu cao hơn nào đó của vật thiêng liêng, dù cho hiện hữu ấy thuộc loại hoàn toàn khác với hiện hữu trần gian cho nên bất lực trong thành phần của hiện hữu này. Bản thân cảm nhận nỗi cô đơn bi tráng và tình trạng bất lực trên trần thế của con người trong niềm hi vọng thần thánh và sâu sắc nhất, thực chất đã bao hàm trong đó ý thức rằng trong chính niềm hi vọng này con người hiện thân trên trần thế như một cấp bậc của một trật tự cao hơn và phi trần thế. Theo thực chất thì đây là một thứ niềm tin “kiểu Plato” vào một khu vực tách biệt khỏi trần gian, bên ngoài trần gian và ở trên trần gian của một hiện hữu lí,tưởng cao nhất, vào một ái lực của tâm hồn con người với “quê hương trên tròi”, chỉ duy nhất bằng vào đó mà giải thích được tình trạng bị trục xuất đọa đầy xuống trần thế, là chốn lưu đày đau buồn và độc ác. Nhưng chính vì thế mà đó là một thứ niềm tin lưỡng diện kiểu “thuyết ngộ đạo” - niềm tin vào một Thượng Đế xa xôi, xa lạ với trần gian, như hiện thân của tính toàn thiện, nhưng lại không có tính toàn năng, và nói chung không có quyền lực trực tiếp đối với trần gian. Kể từ khi J.S. Mill vào giữa thế kỷ XIX phát biểu tín ngưỡng của mình, đã nói rằng ông tin vào tính toàn thiện của Thượng Đế, nhưng không tin vào tính toàn năng của Người, - thì niềm tin kiểu thuyết ngộ đạo ấy - một cách có ý thức, nhưng thường là vô ý thức - đã trở thành sở hữu của nhiều trí tuệ độc lập tốt đẹp nhất thời nay. Niềm tin ấy, xưa kia vào buổi xế chiều của thời cổ đại, đã từng hấp dẫn nhiều trái tim con người, nay tựa như lại tràn ngập trong bầu khí quyển tinh thần của thời hiện đại, - mặc dù đa số các đệ tử của nó không ý thức rõ ràng về chuyện này. Trong niềm tin kiểu này chứa đựng căn cơ đích thực duy nhất của cái định hướng trí tuệ mà chúng ta định danh là vô tín ngưỡng bi ai. Tuy nhiên, ngay cả ở đây tính nhất quán và căn cơ lí thuyết đúng đắn không phải chỉ là thứ xa hoa trí tuệ, mà còn có cả giá trị thực hành đáng kể. Vì vậy rất đáng để ta xem xét liệu tiền đề ấy vẫn còn chưa được ý thức hay đã đi vào ý thức rồi. Vì rằng tiền đề mang tính bản thể luận - suy đến cùng là mang tính tôn giáo - của vô tín ngưỡng bi ai vẫn còn chưa được ý thức, vì rằng vẫn còn để ngỏ vấn đề giá trị mà nó tin vào có phải là một hiện thực nào đó, một cấp bậc đích thực có thật hay không, - cho nên trạng thái tinh thần của vô tín ngưỡng bi ai là chủ nghĩa anh hùng cá nhân đầy kiêu ngạo: ở đây con người kiêu hãnh lấy bản thân mình đối lập với toàn vũ trụ - đó là bí mật được cắt giấu của tâm hồn. Thực chất mà nói thì ở đây lại nổi lên thái độ sùng bái thờ ngẫu tượng con người, dù trong một hình thức khác, tố giác tính vô căn cứ của chủ nghĩa nhân văn thô thiển đầy không tưởng - sự tố giác mà chính từ đó sinh ra vô tín ngưỡng bi ai, - nghiêm khắc mà nói, ở đây tựa như tình trạng nửa vời, không thực hiện mục tiêu của mình một cách nhất quán. Trái lại, một khi hiện thực cao cả siêu trần gian của vật thiêng liêng đi vào trong ý thức, thì con người sẽ tràn đầy ý thức phụng sự khiêm nhường của mình đối với Khởi nguyên vô cùng vượt trội hơn bản thân nó. Thực ra thì trên thực tế khác biệt giữa trạng thái này và trạng thái kia cũng không gay gắt lắm như có thể tưởng trong khi diễn đạt trừu tượng nội dung tư tưởng của chúng. Trái lại, ở đây sự chuyển hóa hoàn toàn tiệm tiến, thường khó nhận ra được; vì rằng, một mặt, trong thành phần của ý thức anh hùng chủ nghĩa thực ra đã có nhân tố phụng sự vật thiêng liêng rồi, mặt khác, ý thức phụng sự khiêm nhường cho khởi nguyên cao cả dù sao vẫn ràng buộc với ý thức được chế ước bởi khởi nguyên ấy về phẩm giá quý tộc cao cả của con người. Mặc dù vậy, ý thức minh bạch về những tiền đề đích thực mà chúng ta cần phải xuất phát từ đó, vẫn có ý nghĩa thực tiễn đáng kể; cũng như mọi sự minh bạch tư duy khác, nó giúp tố giác ở đây những lầm lẫn khả dĩ và làm cho việc đi theo chính đạo trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thuyết ngộ đạo hiện đại này, như đã được chi ra, trong khi chứa đựng yếu tố niềm tin tôn giáo, dẫu sao cũng vẫn là niềm tin khiếm khuyết, bị hạ thấp. Nếu như, theo định nghĩa kinh điển của Thông điệp gửi dân Do Thái, niềm tin là “thông báo những hoài vọng, tố giác những vật vô hình”, thì thuyết ngộ đạo hiện đại trong một ý nghĩa nào đó chứa đựng dấu hiệu thứ hai trong những dấu hiệu kể trên, nhưng không chứa đựng dấu hiệu thứ nhất và thậm chí còn cương quyết phủ nhận nó: đó là niềm tin không có hoài vọng - niềm tin của trái tim con người đã bị đổ vỡ ở bên trong, niềm tin không có khả năng đem lại niềm an ủi, sự an bình trong tầm hồn và niềm vui. Đó là một thứ hơp kim độc đáo tạo ra từ niềm tin và vô tín ngưỡng. 4. Tính chất bi thảm của cuộc sống và niềm tin Niềm tin khiếm khuyết ấy - niềm tin vào hiện thực của vật thiêng liêng kết hợp với ý thức đầy cay đắng về tình trạng bất lực của nó trên trần gian và do đó ý thức về tình trạng cô đơn và bị bỏ rơi của con người, - vào thời buổi hiện nay liệu có phải là kết cục tối hậu mà tâm hồn con người đi tìm Thượng Đế và mở ngỏ cho vật thiêng liêng có thể đi tới hay không? Hay là ngay cả tâm hồn con người hiện đại dẫu sao cũng vẫn có hi vọng sẽ được thỏa mãn tôn giáo trọn vẹn hơn, sâu sắc hơn - trong khi không rơi vào thái độ dối trá tín ngưỡng, và vẫn giữ được tính trung thực trí tuệ và đạo đức? Khi chúng ta nói về “tinh thần thời đại”, về tâm trạng mà “thời đại chúng ta” “đang ngả theo” chúng ta không được quá tôn thờ những khái niệm như thế hay gán cho chúng một ý nghĩa phổ quát có sức mạnh toàn năng. Quỷ Mephisto [trong tác phẩm] của Goethe đã nói rằng cái được gọi là “tinh thần thời đại” chẳng qua chỉ là “tinh thần của chính các ông chủ” mà thời đại được phản ánh qua họ. Nhận xét mỉa mai này khá xác đáng. Không phải cái “tinh thần thời đại” nào đó là hiện thân và là người sáng tạo ra các ý tưởng, mà suy đến cùng thì đó là tâm hồn sinh động của con người với các khát vọng và niềm đam mê, về cơ bản lúc nào cũng vẫn là cùng một thứ vậy thôi. Vì rằng khát vọng niềm tin tôn giáo cũng thuộc về những khát vọng ấy, vì rằng đối với bản chất con người vào mọi thời đại vẫn có hiệu lực lời nói thiên tài của thánh Augustine: “Người đã tạo ra chúng con cho Chính mình - và trái tim chúng con vẫn chẳng bình an chừng nào còn chưa yên nghỉ ở