🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ảnh Hưởng Của Sức Mạnh Trên Biển Đối Với Lịch Sử 1660-1783
Ebooks
Nhóm Zalo
https://thuviensach.vn
ẢNH HƯỞNG CỦA SỨC MẠNH TRÊN BIỂN ĐỐI VỚI LỊCH SỬ 1660 - 1783
Tác giả
Alfred Thayer Mahan
Dịch giả
Phạm Nguyên
Trường
Số trang
668 trang
Năm
2012
Tủ sách
Tủ sách Tinh hoa
Nxb
Tri Thức
✪
tran ngoc anh
https://thuviensach.vn
Lời Giới Thiệu
Khi độc giả cầm trên tay ấn bản tiếng Việt, tác phẩm Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, 1660-1783 thì nó đã có hơn 120 năm tuổi. Tuy vậy, nó vẫn là một trong những tác phẩm có ảnh hưởng nhất đến tư duy chiến lược hải quân trên thế giới. Điều này càng có ý nghĩa hơn đối với một nước như Việt Nam ngày nay, nhất là trong giai đoạn khi chúng ta phải đối mặt với những thách thức đang lớn lên mỗi ngày trên Biển Đông. Mặc dù tác phẩm này nói nhiều về những cuộc hải chiến và tư duy hải quân, nhưng thông điệp từ cuốn sách lại rất có ích cho các nhà lãnh đạo quốc gia muốn hoạch định chiến lược biển một cách tổng thể.
Khi tác phẩm này ra đời vào năm 1890, nước Anh đang thống trị trên các đại dương, và hải quân Mỹ chưa thực sự là một thế lực có thể cạnh tranh với họ. Tác giả A.T. Mahan qua đời khi Thế chiến I vừa kết thúc được vài tháng và chưa kịp chứng kiến sự oai hùng của hải quân Mỹ sau Thế chiến tiếp theo. Vậy mà, 100 năm trước khi ông hoàn thành bản thảo cuốn sách này, nước Mỹ từng không có hải quân trong một thập niên và tình trạng thê thảm đến mức tàu buôn của họ liên tục bị hải tặc tấn công. Cuộc Nội chiến 1861-1865 đã dạy cho nước Mỹ một bài học rất rõ ràng rằng, sức mạnh vượt trội nằm trong tay những người làm chủ được mặt biển. Trên thực tế, nước Mỹ cũng chỉ có thể trở thành siêu cường nhờ nắm được sức mạnh của đại dương.
Là một sĩ quan hải quân từng phục vụ trong cuộc Nội chiến 1861-1865, và sau này trở thành thuyền trưởng một tàu chiến Mỹ, A.T. Mahan đã viết về
https://thuviensach.vn
lịch sử từ năm 1660 đến năm 1783 của các quốc gia ven bờ Bắc Đại Tây Dương, dưới góc nhìn của mình. Ở đó, trật tự giữa các quốc gia được định đoạt trên mặt biển và bước ngoặt lịch sử được xác lập thông qua những cuộc hải chiến. Trong tác phẩm của mình, A.T. Mahan lần lượt miêu tả sự trỗi dậy và những thăng trầm của các đế chế hải quân châu Âu như Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, không chỉ qua những cuộc chiến tranh ở châu Âu mà còn ở Bắc Mỹ, trong việc tranh giành các lợi ích lớn lao ở châu lục mới này. Điều đó có nghĩa là, đằng sau sức mạnh hải quân và các cuộc hải chiến là sự thúc đẩy mạnh mẽ của các tham vọng thương mại. A.T. Mahan thậm chí còn cho rằng, thương mại là điểm tựa quan trọng nhất của các lực lượng hải quân, và sự tồn tại của hải quân chỉ chính đáng khi nó bảo vệ được những lợi ích thương mại tương xứng.
Những con tàu của nước Anh và Hà Lan đã ra khơi với một tâm thế không có đường lui, bởi họ sẽ chết đói nếu cứ bám vào những vùng đất nghèo nàn của mình. Lý do này cũng có thể dùng để lý giải cho vai trò quan trọng của kinh tế biển đối với dân cư miền Trung Việt Nam, vốn không thể khai thác được gì nhiều từ dải đất liền hẹp và bị chia cắt mạnh bởi đồi núi. Trong khi đó, trong một thời gian dài, nước Pháp đã không chú trọng vào hải quân, bởi họ tìm thấy rất nhiều lợi ích trên đất liền và gần như không có nhu cầu ra khơi xa.
Sự phát triển của các ngành kinh tế biển, đặc biệt là vận tải biển, đến một lúc nào đó, cần sự hỗ trợ của hải quân trước các nguy cơ trên biển, mà chủ yếu là sự tấn công của các lực lượng bên ngoài. Ngược lại, kinh tế biển cũng là chỗ dựa vững chắc về nguồn lực, đặc biệt là tài chính, để duy trì lực lượng hải quân. Tính gắn bó hữu cơ này giữa kinh tế và hải quân phải là nền tảng cho bất kỳ một chiến lược biển hiệu quả nào. Trong cuốn sách này, A.T. Mahan từng đặt ra cho người Mỹ một câu hỏi: Sự tồn tại của hải quân có ý nghĩa gì khi mà hàng hoá của nước Mỹ lại do tàu nước ngoài chuyên chở?
Tuy vậy, trong các tham số tham gia vào việc định đoạt tư duy chiến lược biển của các quốc gia, ngoài những yếu tố tự nhiên như vị trí địa lý,
https://thuviensach.vn
điều kiện vật chất, quy mô lãnh thổ và đặc điểm của người dân, còn có vai trò mang ý nghĩa quyết định của nhà nước.
Vua Louis XIV, người trị vì nước Pháp từ năm 1661 đến năm 1715, đã không đánh giá một cách chính xác vai trò của mối liên hệ hữu cơ giữa kinh tế và hải quân. Ông mê tàu chiến, nhưng lại bỏ rơi ngành vận tải biển và những ngành kinh tế biển khác; đồng thời, theo đuổi chính sách mở rộng lãnh thổ trên đất liền. Kết quả là, vào cuối triều đại của ông, nước Pháp đã bị Anh và Hà Lan gạt ra khỏi “cuộc chơi” trên mặt biển. Không có một hạm đội lớn nào của ông ra khơi trong những năm chiến tranh liên miên đó. Ngược lại, các triều đại của Hoàng gia Anh lại rất kiên trì với các mục tiêu kinh tế biển và trở thành siêu cường số một thế giới trong hàng trăm năm, với hệ thống thuộc địa trên khắp thế giới. Nhờ các đoàn tàu buôn đầy tham vọng mà “mặt trời đã không bao giờ lặn trên đất nước Anh”.
Trong tác phẩm của mình, A.T. Mahan cũng đưa ra những phân tích liên quan đến sự khác biệt về sức mạnh trên biển giữa các quốc gia tự do và chuyên chế. Ông cho rằng, các thể chế tự do luôn có cách tiếp cận hiệu quả nhất trong việc phát triển những tiềm lực kinh tế biển và hải quân quốc gia, nơi các nhà buôn được tự do phát huy mọi năng lực thương mại của mình và sau đó đóng góp trở lại cho ngân khố. Nước Anh là ví dụ điển hình của thể chế tự do này.
Các thể chế chuyên chế cũng có thể đạt được sự phát triển rực rỡ đó, nếu họ có các nhà lãnh đạo đủ thông minh và độc đoán, đủ sức ép nhân dân của họ đi theo một lộ trình, vươn tới những mục tiêu mà các thể chế tự do phải mất nhiều thời gian hơn mới đạt được. Tuy vậy, sức mạnh đó có duy trì được trong suốt cuộc đời nhà độc tài hay sau khi nhà độc tài đó qua đời hay không lại là chuyện khác. Bản thân vua Louis XIV cũng đã đạt được sức mạnh đáng nể về hải quân một cách độc đoán và duy ý chí, dựa trên ngân sách quốc gia chứ không phải hầu bao của những người đi biển. Kết quả là lực lượng hải quân trông có vẻ hùng hậu đó lại chỉ là một gã khổng lồ chân đất sét và nhanh chóng gục ngã trước thể chế tự do của nước Anh.
https://thuviensach.vn
Ngày nay, cuộc chơi biển trên thế giới đã phát triển đến mức một quốc gia không có biển như Thụy Sỹ cũng trở thành cường quốc vận tải biển. Bài toán đặt ra cho một nước có 3.260 km đường bờ biển như Việt Nam thực ra là một bài toán rất cũ. Chúng ta sẽ phát triển theo hướng nào khi đã cơ bản khai thác cạn kiệt những tài nguyên trên đất liền? Câu trả lời gần như chỉ có một. Điều rất rõ ràng là tương lai thịnh vượng của Việt Nam không còn nằm trên rừng nữa, bởi rừng đã hết vàng.
Lựa chọn những học thuyết, cơ sở lí luận nào để hoạch định chiến lược biển là việc không dễ dàng. Những món nợ khổng lồ của hai tập đoàn kinh tế biển Vinashin và Vinalines, sự manh mún của các cảng biển, cuộc vật lộn của những ngư dân ra khơi trên những chiếc tàu bằng gỗ và sức mạnh hải quân không thể nói là mạnh của Việt Nam đã cho chúng ta những bài học lớn về tư duy chiến lược biển. Rõ ràng, vai trò có tính chất trụ cột của nhà nước đối với sức mạnh trên biển của một quốc gia mà A.T. Mahan đã chỉ ra không chỉ đúng với các nước Âu, Mỹ. Cuốn sách này có trở thành một tham chiếu lí luận cho các chiến lược biển của Việt Nam hay không, sẽ phụ thuộc nhiều vào sự tìm hiểu và ý chí chính trị của các nhà lãnh đạo. Theo thời gian, cách “chơi” trên biển có thể khác đi, nhưng bản chất của nó dường như không thay đổi. Những bài học lịch sử trong cuốn sách này sẽ giúp cho chúng ta có một tư duy đầy đủ hơn về thế giới mà chúng ta đang và sẽ trải qua, nơi Việt Nam buộc phải lựa chọn cho mình một hệ thống thái độ hết sức rõ ràng trước sự hình thành của một trật tự chiến lược mới mà trọng tâm của nó là Châu Á – Thái Bình Dương.
Nhà báo Trịnh Hữu Long
https://thuviensach.vn
Người đặt nền móng cho lí thuyết
về sức mạnh trên biển
Hơn 100 năm đã trôi qua, kể từ lần xuất bản đầu tiên tác phẩm quan trọng nhất của Mahan, nhưng cho đến nay, nhiều luận điểm được trình bày trong cuốn sách này vẫn còn nguyên giá trị. Trong Lời nói đầu, lí thuyết gia này cho rằng, mặc dù có những thay đổi về phương tiện chiến tranh trên biển, nhưng chiến lược của hạm đội tàu chạy bằng hơi nước cũng chẳng khác gì chiến lược của thuyền chèo (galley) và thuyền buồm; những nguyên tắc của nghệ thuật hải chiến trong mọi thời đại là như nhau, và được hình thành trên cơ sở kinh nghiệm của những cuộc chiến tranh trên biển.
Mahan đã sai lầm khi cho rằng, các nguyên tắc và quy luật của nghệ thuật hải chiến là vĩnh cửu. Ông viết: “Thỉnh thoảng, thượng tầng kiến trúc của chiến thuật lại phải thay đổi hoặc bị vứt bỏ, nhưng nền tảng cũ của chiến lược thì vẫn giữ nguyên, như thể được xây trên nền đá”. Ông cho rằng, chỉ có chiến thuật là thay đổi, còn chiến lược và những nguyên tắc của nó thì sẽ không thay đổi theo thời gian. Chỉ có thể đồng ý với ông ở điểm là: khi vẫn còn lực lượng vũ trang, một số nguyên tắc của nghệ thuật quân sự về thực chất vẫn giữ nguyên. Nhưng do sự tiến bộ về khoa học kĩ thuật, chúng sẽ thay đổi và có những đặc điểm hoàn toàn mới. Ví dụ, những nguyên tắc như sự bất ngờ, áp đảo về lực lượng trên hướng chính của chiến trường, tập trung sức mạnh và phương tiện, tinh thần chiến đấu cao của các lực lượng hoạt động trên hướng chính của chiến trường, v.v. là những nguyên tắc bao giờ cũng có tính thời sự. Chúng được coi là những nguyên tắc quan trọng như
https://thuviensach.vn
nhau cả trong thời thuyền chèo, thuyền buồm và thuyền bọc sắt, trong giai đoạn của những hạm đội mang đầu đạn hạt nhân thì những nguyên tắc đó còn có giá trị cao hơn nữa. Khi có những loại vũ khí tầm xa và độ chính xác cao, sức công phá lớn, cũng như những phương tiện tình báo đáng tin cậy thì việc hạm đội có thể tận dụng được yếu tố bất ngờ càng trở nên rõ ràng hơn; nghĩa là hiện nay, trong một thời gian ngắn, có thể gây cho đối thủ thiệt hại không thể khắc phục được.
Trong khi biện hộ cho quan điểm của mình, Mahan thường viện dẫn hoạt động của các tư lệnh hải quân, tư lệnh lục quân, và tác phẩm của các lí thuyết gia quân sự. Ví dụ, nhằm khẳng định những kết luận của mình, ông trích dẫn Jomini, một người có uy tín lớn trong lĩnh vực này: “Nhân dịp tôi đến Paris vào năm 1851, một người có danh vọng ở đó đã dành cho tôi vinh dự khi hỏi ý kiến tôi về việc liệu những cải tiến súng ống vừa qua có tạo ra những thay đổi lớn trong cách thức tiến hành chiến tranh hay không. Tôi trả lời rằng, chúng có thể có ảnh hưởng đối với các chi tiết chiến thuật, nhưng trong những chiến dịch có tính chiến lược lớn lao và những trận đánh phối hợp trên những địa bàn rộng lớn thì chiến thắng, bây giờ cũng như mãi mãi, sẽ là kết quả của việc áp dụng những nguyên lí đã từng đưa đến chiến thắng của những người cầm quân vĩ đại thuộc mọi thời đại. Đó là nguyên lí của Alexander và Ceasar, cũng như của Frederick và Napoleon.”
Mahan khẳng định rằng, “trong lĩnh vực chiến lược hải quân, bài học của quá khứ vẫn còn nguyên giá trị”. Ông viết như sau: “thái độ coi thường quá khứ, cho quá khứ là lỗi thời, cùng với sự lười biếng cố hữu làm cho người ta không nhận thức được ngay cả những bài học mang tính chiến lược bất di bất dịch hiển hiện rõ ràng trong lịch sử hải quân”. Ông phân tích trận đánh ở Trafalgar, và cho rằng ở đây người thua không phải là Villeneuve mà là Napoleon, không phải Nelson thắng mà là nước Anh đã được cứu khỏi cuộc đổ bộ của quân Pháp – đây là kết luận mang tính chiến lược. Còn từ quan điểm chiến thuật, ông cho rằng trận đánh ở Trafalgar là chiến thắng của Nelson, đấy là do sự chuẩn bị kĩ lưỡng của sĩ quan và binh sĩ trong lực lượng hải quân Anh, và tài thao lược của vị đô đốc này. Tôi nghĩ rằng, tính
https://thuviensach.vn
đúng đắn của những kết luận của Mahan là không thể bác bỏ được. Đáng tiếc là trong giai đoạn đấu tranh với Chủ nghĩa Thế giới (Cosmopolitism) trong giới quân sự cao cấp của hải quân Liên Xô, người ta cho rằng Nelson chẳng có đóng góp gì mới vào nghệ thuật quân sự. Quan điểm đó đã gây tác hại to lớn đối với quá trình phát triển của khoa học hải quân đất nước chúng ta. Dưới áp lực của ban lãnh đạo cao cấp hải quân, người ta đã loại khái niệm “lí thuyết về chiến lược hải quân” ra khỏi nghệ thuật hải chiến và thay phạm trù quan trọng bậc nhất này bằng khái niệm “sử dụng theo lối chiến lược hải quân”. Sự thay thế đó là bằng chứng về tình trạng nghèo nàn của tư duy hải chiến. Rõ ràng là, “sử dụng theo lối chiến lược hải quân” – là hành động phù hợp với lí thuyết mà nay đã “không còn”.
Trong công trình của mình, Mahan đã trình bày cho ta cách hiểu nhiều phạm trù của nghệ thuật hải chiến. Ví dụ, trong sách báo viết về hải quân của nước ta, trận đánh ở Navarino, diễn ra vào năm 1827 giữa liên quân Anh-Pháp-Nga và liên quân Thổ Nhĩ Kì-Ai Cập, được mô tả đến từng tiểu tiết. Hầu như cuốn sách nào viết về lịch sử cũng đều mô tả trận đánh này. Nhưng về những bài học lịch sử được rút ra từ trận đánh này, cần phải ghi nhận như sau: nhấn mạnh không đúng chỗ, trận đánh không được đánh giá chính xác về mặt chiến lược. Lần đầu tiên tôi đưa ra đánh giá của mình trên bình diện chiến lược là tại hội thảo quốc tế “Người Hi Lạp trong lịch sử hải quân Nga”, diễn ra ở Saint-Peterburg trong các ngày 15 và 16 tháng 4 năm 1999. Tôi cho rằng, kết quả của trận đánh ảnh hưởng không chỉ đối với phong trào giải phóng của Hi Lạp mà còn ảnh hưởng đến chính sách của Nga ở cận Đông, ảnh hưởng tới quan hệ của nước ta với Anh và Pháp, những nước hoàn toàn không muốn chứng kiến thất bại của hải quân Thổ Nhĩ Kì ở Navarino, vì nó giúp tăng cường đáng kể vị trí của Nga. Không phải vô tình mà người Anh gọi thất bại ở Navarino là “bất ngờ”.
Nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đánh giá quá cao thất bại của Thổ Nhĩ Kì ở Navarino, họ coi nó là đỉnh điểm của phong trào giải phóng dân tộc của Hi Lạp. Nhưng sau Navarino, cuộc chiến vì nền độc lập của Hi Lạp còn kéo dài thêm 2 năm nữa (Hiệp ước hoà bình Adriapolsky chỉ
https://thuviensach.vn
được kí vào ngày 2 tháng 9 năm 1829). Hầu như tất cả các tác phẩm ở nước ta đều nói rằng hải đội liên quân đã tiêu diệt hoàn toàn hạm đội của liên minh Thổ Nhĩ Kì-Ai Cập. Có cảm tưởng rằng toàn bộ hạm đội liên minh Thổ Nhĩ Kì-Ai Cập, nghĩa là lực lượng tàu chiến nòng cốt của nó, đã bị đập tan. Nhưng tuyên bố như thế là không thể chấp nhận được. Thế thì trong giai đoạn chiến tranh Thổ-Nga (1828-1829), hải quân Nga chiến đấu với ai? Mọi người đều biết rằng trong trận Navarino, Thổ Nhĩ Kì chỉ mất có 3 tàu chiến (một bị cháy, một bị thương nặng không thể nào sửa chữa được, còn một chiếc bị biến thành trại giam nổi), nhưng đó chỉ là 1/3 lực lượng hải quân của Thổ Nhĩ Kì mà thôi! Sau thất bại ở Navarino, Thổ Nhĩ Kì còn 6 tàu chiến, 4 tàu khu trục và hơn 10 tàu nhỏ nữa, mà đây là lực lượng đáng kể, không thể coi thường.
Đầu chiến dịch mùa hè năm 1828, hải đoàn Biển Đen Nga có 9 tàu chiến, 5 tàu khu trục, 1 tàu chạy bằng hơi nước và 20 tàu nhỏ. Như vậy nghĩa là hải quân Nga không vượt trội đến mức có thể chiếm được thế thượng phong ở Biển Đen mà không cần chiến đấu. Tuy nhiên, sau thất bại ở Navarino, hải quân Thổ Nhĩ Kì đã rất yếu; vì thế Nikolai I quyết định tuyên bố chiến tranh với Thổ Nhĩ Kì. Nga thắng, nhưng nếu không có thất bại ở Navarino thì chiến thắng sẽ khó hơn.
Phần lí thuyết, nằm trong chương đầu tiên – Những thành tố của sức mạnh trên biển – là phần thú vị nhất. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, quan niệm về sức mạnh trên biển được trình bày một cách rõ ràng đến thế. Trọng tâm quan điểm của Mahan là luận điểm cho rằng đại dương thế giới là con đường giao thương, nối các quốc gia “bị nước chia cắt” lại với nhau. Nguyên lí do ông đưa ra – biển chia rẽ và liên kết – là nguyên lí chủ đạo. Mahan cho rằng, thương mại trên biển là nền tảng cho sự phát triển kinh tế, phải được hải quân bảo vệ. Vì vậy, cần phải xây dựng hạ tầng cơ sở cho lực lượng hải quân. Theo quan điểm của ông, hải quân cần cho quốc gia – không có nền thương mại trên biển – muốn thực hiện những chiến dịch quân sự với mục đích tấn công, nghĩa là với mục đích xâm chiếm lãnh thổ hải ngoại. Hiện nay định nghĩa về sức mạnh trên biển của quốc gia đầy đủ hơn
https://thuviensach.vn
định nghĩa của Mahan. Nhưng vào cuối thế kỉ XIX, hoạt động trên đại dương thế giới chỉ giới hạn ở việc chuyên chở mà thôi.
Mahan công nhận rằng, thành phần quan trọng nhất của cơ sở hạ tầng là hệ thống đồn trú của lực lượng quân sự: nếu có điều kiện, cần phải phát triển hệ thống này trên tất cả các khu vực quan trọng nhất của đại dương thế giới. Quan điểm này – sách báo Liên Xô gọi là “phản động và giả khoa học” – bị các lí thuyết gia hải quân phê phán kịch liệt. Trong khi đó, kinh nghiệm của Thế chiến II là bằng chứng đầy thuyết phục cho luận điểm của Mahan. Hoạt động tuần dương của những con tàu nổi cỡ lớn của hải quân Đức ở Đại Tây Dương không thu được nhiều thắng lợi, trước hết bởi họ không có các cơ sở đồn trú ở những khu vực xa xôi. Hiệu quả hoạt động của những con tàu ngầm Đức ở Đại Tây Dương được giải thích là do họ có hệ thống căn cứ hoạt động nhịp nhàng. Hoạt động quân sự ở Thái Bình Dương chủ yếu nhằm chiếm các hòn đảo, nghĩa là tìm cách mở rộng hệ thống đồn trú của các hạm đội. Trong giai đoạn tấn công chiến lược, hoạt động của các lực lượng vũ trang Nhật Bản chỉ nằm trong giới hạn tác chiến của lực lượng không quân đóng trên mặt đất mà thôi. Sau khi chiếm hết vị trí này đến vị trí khác, họ đã di chuyển vào những nước gọi là các nước ở Nam Hải. Người Mỹ cũng theo chiến lược như thế, đó là chiến lược mà họ gọi là “những bước nhảy của ếch”. Sau khi lần lượt chiếm các đảo và quần đảo, quân Mỹ tiến gần tới Nhật Bản. Lực lượng quân sự của cả Nhật lẫn Mỹ đều tuân thủ quan điểm của Mahan. Dù người ta có phê phán quan điểm của Mahan như thế nào đi nữa, thì những quan điểm này cũng được khẳng định không chỉ bằng kinh nghiệm của nhiều cuộc chiến tranh mà còn cả trong cuộc đối đầu giữa các quốc gia trong thời bình. Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, đã hình thành sự đối đầu giữa Liên Xô và Mỹ ở Địa Trung Hải. Nếu lực lượng hải quân của Mỹ trong vùng biển này có các nước đồng minh trong khối NATO, thì hải quân Liên Xô “bám” lấy mọi cơ hội – theo đúng nghĩa của từ này – nhằm tìm đồng minh và căn cứ trong khu vực (hải quân Liên Xô được trao cho những căn cứ ở Albania, Ai Cập, Syria và Nam Tư).
https://thuviensach.vn
Mahan kêu gọi phải giải quyết những vấn đề nghệ thuật hải quân một cách sáng tạo, và tư duy theo lối chiến lược, nhưng vì ông là một người cầm bút “tư sản”, cho nên tư tưởng của ông bị coi là xa lạ với hệ tư tưởng Xô Viết. Nhiều luận điểm của nghệ thuật hải quân do Mahan đưa ra bị bác bỏ, mặc dù sau này đã được khẳng định bằng chính kinh nghiệm của chúng ta. Ví dụ, những lời bình luận của lí thuyết gia này về bá quyền trên biển và đặc biệt là những phương pháp nhằm giành được quyền bá chủ trên biển bị coi là phản khoa học và thù nghịch với khoa học hải quân của Liên Xô. Trong cuộc chiến tranh Nga-Thổ (1828-1829), nhằm mục đích giành được quyền bá chủ trên Biển Đen, đô đốc A.S. Greig đã bao vây hạm đội Thổ trong eo biển Bosphore, còn chuẩn đô đốc L.P. Greiden thì tiến hành phong toả từ phía Địa Trung Hải. Sau khi phong toả Bosphore và Dardanelles, hải quân Nga không để cho kẻ thù vận chuyển hàng quân sự và dân dụng, ngoài ra họ còn trợ giúp được cho các đơn vị bộ binh đóng cạnh bờ biển và nhờ đó đã giành được những mục tiêu chiến lược. Trong cuộc chiến tranh Creame (1853-1856), hạm đội Biển Đen không chiến đấu với quân thù, để cho họ dễ dàng giành được quyền bá chủ trên biển. Người Nga lúc đó đã không tìm được các vị tư lệnh hải quân và tư lệnh lục quân biết tư duy bằng những phạm trù chiến lược, kết quả là hải quân quá thụ động và cuối cùng bị tiêu diệt.
Mahan dạy người ta tìm hiểu bản chất của chiến tranh trên biển (các lí thuyết gia Xô Viết bác bỏ cả phạm trù này). Khi nói về những cố gắng của người Tây Ban Nha nhằm giành lại pháo đài Gibraltar từ tay quân Anh, nhà bác học này đã nhận xét hoàn toàn đúng rằng, cả người Tây Ban Nha lẫn người Pháp đều không hiểu bản chất của chiến tranh trên biển, đặc biệt là chiến lược của hải quân. Việc bao vây quá lâu Gibraltar không đem lại kết quả nào. Theo Mahan, có thể chiếm pháo đài này bằng cách tiêu diệt hoặc làm suy yếu hạm đội Anh, phá hoại con đường vận chuyển của nước này hay đe doạ đổ bộ lên các hòn đảo của Anh. Tôi nghĩ rằng lí thuyết gia người Mỹ nói đúng.
https://thuviensach.vn
Mahan cho rằng vị trí địa lí, điều kiện vật chất, quy mô lãnh thổ, quy mô dân số và đặc điểm người dân, đặc điểm chính phủ, là những tác nhân chính có ảnh hưởng tới sức mạnh của quốc gia.
Trong khi phân tích vị trí địa lí của các nước, ông đã mô tả kĩ lưỡng những điều kiện thuận lợi của nước Anh, một nước có nhiều thuộc địa hải ngoại, và cho rằng đó là “chúa tể của biển cả”. Anh có lối thông ra những con đường giao thương quan trọng nhất trên biển, cũng như có nhiều hải cảng được trang bị đầy đủ và dễ tiếp cận. Ngoài ra, do là một đảo quốc, không có đường biên giới trên bộ, Anh không cần có lực lượng lục quân mạnh. Mahan còn chỉ ra vị trí địa lí không thuận lợi của một số nước, ví dụ như nước Pháp, một phần hạm đội của họ đóng ở những hải cảng ở Địa Trung Hải, phần còn lại đóng ở các cảng của Đại Tây Dương, Pháp phải chi phí rất nhiều cho lực lượng lục quân để bảo vệ các đường biên giới trên bộ.
Mahan cho rằng, quốc gia nhắm tới quyền bá chủ trên biển thì đảo quốc với đường bờ biển dài, nhiều vịnh, vũng, hải cảng, nhất là lại nằm ở cửa những dòng sông tàu bè có thể ra vào được, có thể xây dựng cảng và căn cứ hải quân, là quốc gia có vị trí thuận lợi nhất. Ông chứng minh rằng, Mỹ có tất cả các đặc điểm của một đảo quốc, vì vậy, nước này phải có lực lượng trên biển đầy sức mạnh. Mặc dù ông có phóng đại tác nhân vị trí địa lí, nhưng hiện nay, một số kết luận của ông vẫn đúng.
Sức mạnh trên biển, theo quan điểm của Mahan, là một hệ thống phức tạp, bao gồm những thành phần như hạm đội tàu chiến và đội thương thuyền, cảng và căn cứ hải quân. Ông sử dụng công thức sau: SP = N + MM + NB, nghĩa là sức mạnh trên biển (Sea Power) là hải quân (Navy) + đội thương thuyền (Merchant Marine) + căn cứ hải quân (Naval Bases). Mahan nhận xét rằng, nguyên nhân của nhiều cuộc chiến tranh là giành giật “nền thương mại trên biển đầy lợi lộc”, “Xung đột lợi ích, lòng hận thù bùng lên là do các bên đều cố giành cho được phần lớn hơn, nếu không nói là tất cả, những lợi ích mà thương trường tạo ra, đã dẫn đến những cuộc chiến tranh”.
Xem xét cuộc chiến tranh diễn ra trực tiếp trên các con đường giao thương, Mahan viết: “Những cuộc chiến đó không thể diễn ra một cách đơn
https://thuviensach.vn
độc, dùng thuật ngữ quân sự thì phải nói cần được hỗ trợ; bản thân không có đủ sức mạnh, nó không thể vươn ra xa căn cứ của chính mình. Căn cứ phải là cảng trong nước hay tiền đồn vững mạnh của quốc gia ở trên bờ hay giữa biển, tức là lãnh thổ thuộc địa ở xa hay một hạm đội đầy sức mạnh”. Vì vậy, Mahan cho rằng nhiệm vụ chính của hải quân trong chiến tranh là giành được quyền làm chủ trên biển. Quyền làm chủ mặt biển được hiểu là đuổi toàn bộ hạm đội địch ra khỏi mặt biển. “Không phải việc bắt một vài con tàu riêng lẻ hay đoàn tàu vận tải, dù là đông, có thể làm lung lay sức mạnh của quốc gia” – Mahan viết – “mà sự vượt trội hơn hẳn trên mặt biển, đủ sức đuổi hạm đội địch hay chỉ cho phép họ xuất hiện như những kẻ đang tháo chạy; sự vượt trội như thế tạo điều kiện xác lập quyền kiểm soát mặt biển và chặn đứng những con đường mà tàu buôn dùng để đến và đi khỏi những bến bờ của họ”. Theo Mahan, tranh giành quyền bá chủ trên biển là mục đích của chiến tranh: “Làm chủ mặt biển hay kiểm soát và sử dụng nó mãi mãi vẫn là những tác nhân vĩ đại trong lịch sử thế giới”.
Như vậy là, Mahan coi quyền bá chủ trên biển không phải là phạm trù tồn tại một cách khách quan của nghệ thuật hải chiến, mà là một khái niệm, khái niệm này phải trở thành nguyên tắc quan trọng nhất của chính sách và chiến lược của Mỹ, vì việc chiếm được quyền bá chủ trên biển dường như có thể dẫn tới việc thiết lập quyền bá chủ trên thế giới.
Như đã nói, Mahan cho rằng biện pháp chính trong việc giành quyền bá chủ trên biển và chiến thắng trong chiến tranh trên biển là đập tan lực lượng hải quân địch trong một trận đánh tổng lực của các hải đoàn, hoặc là phong toả tàu địch trong những căn cứ của họ, hay kết hợp cả hai biện pháp trên, ông đã tạo cơ sở cho việc xây dựng lực lượng hải quân mạnh, với số tàu chiến đông hơn và có chất lượng cao hơn so với lực lượng hải quân của kẻ thù tiềm ẩn. Đồng thời, ông cũng xem xét tất cả các phương án bố trí lực lượng hải quân. Nếu như trong giai đoạn thuyền buồm, thuyền chiến (ships of-the-line) với lực lượng pháo binh mạnh đã giữ thế thượng phong trên biển, các tàu loại khác không thể nào cạnh tranh được với chúng, thì trong giai đoạn tàu bọc thép chạy bằng hơi nước, tức là khi đã xuất hiện những
https://thuviensach.vn
loại vũ khí mới (mìn, thuỷ lôi và phương tiện vận chuyển các loại vũ khí này – tàu rải mìn và tàu ngầm), vai trò của tàu chiến đã giảm đi đáng kể. Đương nhiên là Mahan không thể tính đến những tác nhân này, vì khi chấp bút tác phẩm những tác nhân này vẫn còn ở dạng phôi thai.
Những công trình đầu tiên của Mahan, trong đó có tác phẩm Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, là những tác phẩm có ý nghĩa lịch sử là chính, và là tài liệu chuẩn bị cho quá trình soạn thảo chiến lược hải quân, như một phạm trù riêng biệt của nghệ thuật hải chiến. Năm 1911, Mahan công bố công trình lí thuyết quân sự Chiến lược hải quân, chuyên bàn về các nguyên tắc hải chiến. Những bài giảng về chiến lược của ông tại Học viện Hải quân Hoa Kì trong những năm 1887 – 1911 được đưa vào tác phẩm này. Ở đây, nhà khoa học đã dành nhiều thời gian để xem xét thành tố “khu vực”, tức là tác nhân địa lí. Ông coi việc chia hạm đội Mỹ thành Thái Bình Dương và Đại Tây Dương là một khiếm khuyết.
Bình luận về tác phẩm Chiến lược hải quân của Mahan, giáo sư – thiếu tướng thuộc Viện Hải quân thành phố Nikolaev, ông N.L. Klado, viết: “Trong những chương này không hề có nghiên cứu nào viết về nguồn gốc của chiến tranh, không có những ‘nguyên lí’ được hình thành trên cơ sở của nghiên cứu như thế, không có nghiên cứu về thành phần và các tình huống, nếu không kể phần địa lí, không có nghiên cứu về điều kiện vật chất và tinh thần trong quá trình tác chiến, không có mục tiêu của chiến tranh, không có học thuyết về kế hoạch, không hề có phân loại chiến dịch… tóm lại, không có đường lối chiến lược, còn về cái có, ở đây đã trình bày xu hướng sai lầm và có hại, đó là ảnh hưởng của một mình thành tố địa lí đối với việc thực hiện các chiến dịch mang tầm chiến lược, luôn luôn cần phải nhớ điều đó trong khi sử dụng công trình này như một tài liệu trong lĩnh vực chiến lược và xây dựng lí thuyết về chiến lược.”
Quan điểm của Mahan bị các lí thuyết gia hải quân Liên Xô phê phán quyết liệt nhất. Trước hết đó là vì ông truyền bá tính bất di bất dịch của những nguyên tắc quan trọng nhất của nghệ thuật hải chiến.
https://thuviensach.vn
Người đầu tiên bác bỏ cơ sở của cái gọi là “học thuyết Mahan-Colomb” là ông A. P Aleksandrov, trưởng khoa những môn học về chiến thuật – chiến dịch thuộc Học viện Hải quân Liên Xô. Ông này đã cho đăng một loạt bài trong Tuyển tập hải quân, và năm 1950 cho xuất bản hẳn một cuốn sách nhan đề Phê phán lí thuyết về làm chủ mặt biển. Nhưng mục đích của những tác phẩm này không phải là phê phán Mahan và Colomb, mà là cuộc đấu tranh chống những người ủng hộ những quan điểm của họ cũng như những đối thủ của chính Aleksandrov (ông ta coi N.L. Klado và học trò của ông này là M..A. Petrov và B.B. Djerve là những người như thế). Năm 1956, trong tác phẩm Bàn về lí thuyết quân sự của các nước đế quốc, chuẩn đô đốc P.A. Trainin cũng phê phán một cách gay gắt các công trình của Mahan. Quan điểm của Mahan còn bị phê phán một cách dữ dội trong cuốn giáo trình dành cho các học viên môn Lịch sử nghệ thuật hải chiến của các học viện lục quân và hải quân, có lẽ những người phê bình không tính tới những điều kiện chính trị trong những năm Mahan chấp bút những tác phẩm của mình. Như mọi người đều biết, trong nửa sau thế kỉ XIX đã diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt nhằm xâm chiếm thuộc địa. Mahan cho rằng muốn giành và giữ thuộc địa, chính quyền phải có lực lượng hải quân mạnh, còn các thuộc địa thì phải trở thành căn cứ vững chắc cho hải quân.
Rõ ràng là Mahan viết tất cả những điều này không phải cho bạn đọc bình thường mà là cho các sĩ quan hải quân, tức là những người đã nắm được cơ sở của lí thuyết và lịch sử nghệ thuật hải chiến. Nhân đây tôi xin được trình bày quan điểm về những vấn đề có liên quan tới lịch sử nghệ thuật hải chiến, vì hơn 20 năm giảng dạy môn này tại Học viện Hải quân cho phép tôi rút ra một số kết luận.
Muốn nâng cao hơn nữa tư duy chiến lược-chiến dịch cho các sĩ quan hải quân thì phải tăng cường hơn nữa những môn học về lịch sử quân sự và lí thuyết quân sự. Cần phải đưa vào chương trình các môn học lịch sử nghệ thuật hải chiến và nghệ thuật chiến dịch của hải quân, được giảng tại Học viện Hải quân, phần nghiên cứu lí thuyết của Mahan và Colomb, cũng như các lí thuyết gia về lục quân và hải quân khác.
https://thuviensach.vn
Xin nói một chút về lịch sử. Cho đến giữa những năm 1930, chương trình lịch sử quân sự ở Học viện Hải quân bao gồm Lịch sử nghệ thuật hải chiến (72 giờ), Lịch sử chiến tranh đế quốc thế giới (108 giờ) và Lịch sử hải quân Nga (60 giờ). Sau này người ta còn giảng môn Lịch sử hạm đội đường sông (60 giờ) với phần chính là chiến lược chiến tranh trên sông, được hình thành nhờ kinh nghiệm của những chiến dịch của hạm đội đường sông trong những năm 1861-1865 và 1918-1929. Như vậy, ngoài phần lịch sử quân sự nằm trong các môn về kinh tế-xã hội và chiến lược, các môn Lịch sử hải quân và Lịch sử nghệ thuật hải chiến chiếm tới 300 giờ học.
Năm 1939, học viện không còn giảng môn Lịch sử hải quân nữa, còn môn Lịch sử nghệ thuật hải chiến rút lại còn 100 giờ. Môn học này gồm có bốn phần: nghệ thuật hải chiến từ thời cổ đại đến cuộc chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905), nghệ thuật hải chiến trong cuộc chiến tranh đế quốc (1914- 1918), nghệ thuật hải chiến trong cuộc nội chiến ở Liên Xô (1918-1922), nghệ thuật hải chiến trong những cuộc chiến tranh từ năm 1921 đến năm 1939.
Trong giai đoạn chiến tranh vệ quốc và những năm đầu sau chiến tranh, người ta đã đưa nhiều kinh nghiệm của hải quân Liên Xô cũng như hải quân nước ngoài vào chương trình giảng dạy. Môn Lịch sử hải chiến chiếm tới 350 giờ. Trước khi có sách giáo khoa, người học phải nghiên cứu tác phẩm Lịch sử nghệ thuật hải chiến, tất cả là 5 tập, viết cho học viên học viện và các trường sĩ quan hải quân. Trong những năm tiến hành cuộc đấu tranh chống lại những người theo chủ nghĩa Thế giới, các lí thuyết gia trong lĩnh vực khoa học quân sự gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đó công tác nghiên cứu kinh nghiệm cực kì phong phú của các nước tư bản thực chất là bị bãi bỏ. Sau khi xuất hiện bom nguyên tử, các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về lĩnh vực khoa học lịch sử phải chịu thử thách nặng nề nhất. Ban lãnh đạo chính trị-quân sự của đất nước, với sự đồng loã và tham gia của các tướng lĩnh và các lí thuyết gia quân sự, thể hiện rõ sự nghi ngờ đối với toàn bộ kinh nghiệm chiến tranh đã tích luỹ được. Khoa Lịch sử nghệ thuật hải chiến tại Học viện tàu và vũ khí hải quân mang tên A.N. Krylov và Học viện Hải
https://thuviensach.vn
quân mang tên K.E, Voroshilov, hợp nhất vào năm 1960, đã bị đóng cửa. Tất cả các nhà sử học hải quân đều trở thành sĩ quan dự bị. Nhưng ngay trong năm đó, sau khi giáo sư-chuẩn đô đốc E.E. Shvede gửi thư cho tổng tư lệnh hải quân, đô đốc S.G, Gorshov, thì khoa này đã được mở lại, với tên gọi mới là khoa Lịch sử nghệ thuật hải chiến và địa lí hải quân. Thời gian giảng dạy môn nghệ thuật hải chiến ở khoa chỉ huy là 250 giờ (sau này giảm dần còn 180, 150, 120, 90, 68 rồi 82 giờ). Từ năm 1962, lịch sử hải chiến được giảng cả cho các khoa chuyên về kĩ thuật của học viện, nhưng không phải như một môn riêng mà trong khuôn khổ môn nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật của hải quân (chỉ từ năm 1992 trở đi lịch sử nghệ thuật hải chiến mới trở thành môn riêng). Từ giữa những năm 1950, ở học viện người ta chỉ nghiên cứu kinh nghiệm Thế chiến II và chiến tranh Vệ quốc mà thôi. Có một hiện tượng trái khoáy: mấy thế hệ sĩ quan hải quân, tức là những người tốt nghiệp đại học, nhưng không hề có khái niệm về sự tồn tại của những công trình khoa học của các lí thuyết gia vĩ đại như P. Gost, J. Clerk, I.G. Kinsbergen, P.Ia. Gamaley, K. Clausewitz, A. Mahan, Ph. Colomb, H. Moltke, G.A. Leer, N.P. Mikhnecich, S.O. Makarov, A.A. Svetrin, N.L. Klado, M.A. Petrov, B.B. Djerve và những người khác nữa. Đây là khiếm khuyết nghiêm trọng trong nền giáo dục đại học quân sự. Napoleon I từng nói: “Đọc, đọc đi đọc lại những chiến dịch của Alexander, của Hannibal, của Ceasar, của Gustav Adolf, của Friedrich và học hỏi họ. Chỉ có làm như thế thì mới trở thành tướng lĩnh và nắm vững nghệ thuật quân sự”.
Bây giờ, xin được trình bày quan điểm của mình về cơ sở lí luận của môn lịch sử hải chiến và việc giảng dạy môn này trong Học viện Hải quân. Trước hết, xin giải thích thuật ngữ “Lịch sử nghệ thuật hải chiến” nhằm xác định đối tượng nghiên cứu, đề tài nghiên cứu cũng như mục tiêu và nhiệm vụ của bộ môn này, tức là trả lời câu hỏi thuật ngữ này có nghĩa là gì, và có thể coi nó là một trong những hướng trong khoa học hải quân hay không. Theo tôi, trong môn nghiên cứu lịch sử nghệ thuật hải chiến nhất định phải có phần phân tích tài liệu lịch sử nhằm tìm ra nguyên nhân của chiến thắng và thất bại, và trên cơ sở những bài học kinh nghiệm chiến đấu, rút ra những nguyên tắc của nghệ thuật hải chiến, tức là những nguyên tắc góp phần làm
https://thuviensach.vn
nên chiến thắng trong tương lai. Tài liệu dưới dạng những bài học (nguyên tắc) và kết luận sẽ là khuôn mẫu của nghệ thuật tìm kiếm những con đường đưa tới chiến thắng trong những điều kiện hoàn toàn khác nhau. Trong tài liệu này, sẽ có những chỉ dẫn cho việc phát triển lí thuyết hiện đại về nghệ thuật hải chiến như một khoa học. Như vậy là, trong quá trình nghiên cứu lịch sử, nghệ thuật hải chiến sẽ xuất hiện khả năng dự báo tính chất của những cuộc chiến trên biển trong tương lai. Từ đó, có thể rút ra kết luận rằng, tài liệu lịch sử chiến tranh đã được xử lí một cách khoa học chính là lịch sử của nghệ thuật hải chiến.
Như K. Clausewitz từng viết, trong khi nghiên cứu chiến tranh hoặc các chiến dịch, chính nghệ thuật mới là điều quan trọng cần phải khảo cứu, nghĩa là “kĩ năng hành động trên thực tế của các thiên tài quân sự và những người có tài năng xuất chúng, chứ không phải là kiến thức mà có thể họ không có, cũng như không phải là học thuyết nào đó mà có thể họ không nghiên cứu, vì nghệ thuật của họ, cảm hứng của họ và những biện pháp có tính mẫu mực của họ không phải lúc nào cũng là kết quả của chỉ riêng kiến thức, mà là biểu hiện có tính bản năng của tài năng và thiên tài của họ”. Clausewitz nhấn mạnh rằng, trong nghệ thuật quân sự, cần phải tập trung phân tích hoạt động thực tiễn, nghĩa là kinh nghiệm chiến đấu. Ổng gọi môn khoa học đó là “Lịch sử nghệ thuật chiến tranh”. Nhưng, vì hoạt động thực tiễn có mối liên hệ trực tiếp với mức độ phát triển của lực lượng và phương tiện của hải quân và quan niệm về việc sử dụng chúng, cũng cần phải phân tích chúng và thiết lập mối quan hệ nhân quả theo sơ đồ: những quan điểm về việc sử dụng lực lượng và phương tiện của hải quân – phát triển trang thiết bị, vũ khí của hải quân – sử dụng hải quân trong chiến đấu. Trong khi phân tích các quan điểm chiến thuật-chiến dịch, cần phải khảo sát cả những tác phẩm lí luận lẫn những tài liệu mang tính chỉ đạo, còn trang thiết bị và vũ khí của hải quân trước hết phải được xem xét từ quan điểm chiến thuật chiến dịch. Trong khi nghiên cứu việc sử dụng hạm đội trong chiến tranh, cần phải tìm cho ra những xu hướng trong phát triển nghệ thuật hải chiến và xác định được nguyên nhân của thắng lợi cũng như thất bại, đặc biệt là mối liên hệ nhân quả của chiến tranh trên biển. Việc đó sẽ tạo điều kiện cho ta
https://thuviensach.vn
rút ra những bài học cần phải tính đến trong thực tiễn của nghệ thuật hải chiến, ví dụ, giành được thời điểm bất ngờ trong trận đánh được lịch sử nghệ thuật hải chiến xem xét theo hai khía cạnh: nhờ đâu và được thực hiện như thế nào.
Nghệ thuật hải chiến là kĩ năng tuân thủ những nguyên tắc – do các lí thuyết gia lập ra trong thời bình (có tham khảo kinh nghiệm của những cuộc chiến tranh trong quá khứ) – của người chỉ huy trong việc lập kế hoạch và tiến hành các trận đánh. Những điều trình bày ở trên tạo ra cơ sở để coi đối tượng nghiên cứu của lịch sử nghệ thuật hải chiến là cuộc chiến đấu trên biển, còn đề tài là kinh nghiệm sử dụng hải quân trong các chiến dịch và các trận đánh. Từ bản chất và nội dung của đối tượng và đề tài, dễ dàng nhận thấy rằng lịch sử của nghệ thuật hải chiến là khoa học chiến thuật-chiến dịch.
Cơ sở phương pháp luận của lịch sử nghệ thuật hải chiến là phân tích và tổng hợp, tính khách quan và tính toàn diện, tiếp cận mang tính hệ thống…
Phân tích bao gồm chia chiến dịch hay trận đánh ra thành từng phần, khảo sát riêng từng phần đó nhằm rút ra những bài học và kết luận cụ thể. Ví dụ, sẽ có ích khi xem xét một cách riêng rẽ công việc chuẩn bị, công tác xây dựng lực lượng chiến dịch, tổ chức chỉ huy, tình báo, nguỵ trang, công tác tiếp tế ở hậu phương, v.v. Đến lượt nó, mỗi thành tố đã được tách ra lại được chia nhỏ hơn nữa. Ví dụ, có thể nghiên cứu công tác chuẩn bị theo sơ đồ: phân tích kế hoạch của người chỉ huy – nghiên cứu kế hoạch tác chiến và kế hoạch cung ứng đủ mọi loại – phân tích tương quan lực lượng của các bên trong chiến dịch – đánh giá khu vực – chuẩn bị lực lượng và phương tiện, v.v. Nhờ phương pháp tổng hợp, cần khái quát hoá tất cả những thành tố của chiến dịch nhằm rút ra những bài học và kết luận chung. Đây là phần khó nhất của lịch sử nghệ thuật hải chiến.
Trong những năm 70 của thế kỉ XX, đã xuất hiện xu hướng tiêu cực trong công tác giảng dạy lịch sử nghệ thuật hải chiến. Từ kinh nghiệm chiến đấu của hải quân Liên Xô, người ta chỉ rút ra những bài học tích cực, tức là
https://thuviensach.vn
những bài học dẫn tới chiến thắng. Cách tiếp cận đó mâu thuẫn với phương pháp luận của lịch sử hải chiến, nguyên tắc quan trọng nhất của nó là phân tích một cách có phê phán và thắng lợi lẫn thất bại. Trong đó, tính khách quan phải là nguyên tắc quan trọng nhất của nhà nghiên cứu.
Xa rời những phương pháp khoa học trong việc nghiên cứu cuộc đấu tranh trên biển thường dẫn tới những kết luận không đúng. Ví dụ, chỉ phân tích một cách hời hợt chiến dịch đổ bộ ở Gallipoli (Gallipoli Campaign, 1915), các lí thuyết gia phương Tây rút ra kết luận rằng trong tương lai khó có cơ hội đổ bộ một lực lượng lớn hải quân vì lực lượng phòng thủ bờ biển, nhờ khả năng cơ động cao, có thể tạo ra áp đảo về mặt hoả lực, có thể đánh tan lực lượng đổ bộ. Kết luận đó đã cản trở sự phát triển của cả lí thuyết lẫn công tác chuẩn bị lực lượng đổ bộ. Kinh nghiệm Thế chiến II cho thấy, đó là những quan niệm sai lầm. Khác với các lí thuyết gia phương Tây, các nhà nghiên cứu quân sự chiến dịch Gallipoli người Nga (Kolenkovski, Sakovich và Djerve) tiếp cận với vấn đề một cách có phê phán và đã rút ra những kết luận khác hẳn.
Vì lịch sử nghệ thuật hải chiến có đối tượng và đề tài nghiên cứu, có mục đích và nhiệm vụ, có phương pháp luận, cho nên có thể coi nó là một nhánh độc lập của khoa học hải quân và xin đưa ra định nghĩa như sau: Lịch sử nghệ thuật hải chiến là một phần của khoa học hải quân, bao gồm những nghiên cứu trong lĩnh vực lí thuyết của nghệ thuật hải quân, nghiên cứu về vũ khí và phương tiện của hải quân, nghiên cứu về công tác trang bị và huấn luyện các hạm đội, nghiên cứu kinh nghiệm chiến đấu của hải quân.
Muốn nắm được bản chất và nền tảng của khoa học hải quân hiện đại thì phải nghiên cứu một cách kĩ lưỡng lịch sử hải quân và lịch sử của nghệ thuật hải chiến. Nhưng cần phải nhớ rằng, học lịch sử của nghệ thuật hải chiến không chỉ là mở mang hiểu biết về lịch sử quân sự, mà là áp dụng nó trên thực tế, nghĩa là từ kinh nghiệm chiến đấu trong những cuộc chiến đã qua, rút ra được những bài học (nguyên tắc) có giá trị thực tiễn và có thể được sử dụng trong tương lai. Mọi người đều biết rằng, kinh nghiệm của chiến tranh đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong quan điểm của các lí
https://thuviensach.vn
thuyết gia quân sự và nhà cầm quân về vai trò và vị trí của hải quân trong các lực lượng vũ trang nói chung, về hình thức và phương pháp chiến đấu, về cơ cấu tổ chức của các hạm đội và hệ thống cung ứng và huấn luyện cán bộ chỉ huy, về xu hướng phát triển vũ khí và thiết bị hải quân, cùng với nhiều vấn đề khác nữa trong cả lí luận lẫn thực tiễn quân sự. Trong lịch sử đã từng xảy ra những trường hợp do không phân tích một cách kĩ lưỡng kinh nghiệm chiến đấu mà các lí thuyết gia bị lâm vào tình trạng bế tắc. Khi thiết lập chiến thuật cho tàu bọc thép chạy bằng hơi nước đã từng xảy ra những việc như thế. Vì không có kinh nghiệm chiến đấu, các lí thuyết gia đã có những định nghĩa khác nhau về biện pháp chiến đấu của hải quân: một số người cho rằng, lao thẳng vào tàu đối phương là biện pháp chính, số khác lại gán cho pháo binh hay mìn, hoặc mìn do tàu kéo vai trò chính; một số người cho rằng trong chiến đấu tàu phải chạy nối đuôi nhau, số khác lại cho rằng phải xếp thành hình cái nêm hay hàng ngang, v.v. Sau trận chiến đấu đầu tiên trong lịch sử của những đoàn tàu bọc thép (trận chiến ở gần đảo Lissa vào năm 1886), nhiều vấn đề liên quan tới nghệ thuật hải chiến vẫn chưa được giải quyết. Do không có quan điểm rõ ràng về sự phát triển của hải quân và biện pháp tác chiến nên những cuộc đụng độ trên biển trong nửa sau thế kỉ XIX thường dẫn đến hoặc thái cực này hoặc thái cực kia. Chỉ mãi đến giai đoạn chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905) mọi sự mới thật rõ ràng. Ngay những vụ đụng độ đầu tiên giữa tàu chiến Nga và tàu chiến Nhật đã cho người ta đáp án cho nhiều câu hỏi về nghệ thuật hải chiến. Sau khi được trang bị vũ khí hạt nhân, các lí thuyết gia cũng lâm vào tình trạng tương tự. Họ lại bị bế tắc và toàn bộ kinh nghiệm của quá khứ đã bị nghi ngờ. Những vụ thử vũ khí hạt nhân ở Bikini Atoll và Đất Mới (Новая Земля), cũng như kinh nghiệm của chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) đã ảnh hưởng đến việc giải quyết nhiều vấn đề liên quan tới nghệ thuật hải chiến.
Nhiều lí thuyết gia quân sự và tướng lĩnh cho rằng, sau cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật diễn ra trong lĩnh vực quân sự, kinh nghiệm của những cuộc chiến trong quá khứ đã không còn ý nghĩa như trước nữa. Tôi cho rằng đó là sai lầm rõ ràng. Trong thời bình, không thể nào kiểm tra được tính đúng đắn của nhiều luận điểm và kết luận khoa học; cần phải có thực tế. Đối
https://thuviensach.vn
với khoa học hải quân, kinh nghiệm chiến đấu là thực tế. Những cuộc tập trận hay những biện pháp mô hình hoá các trận đánh hiện đại nhất cũng không thể nào thay thế được. Trong lịch sử đã có hàng trăm trường hợp, khi mà những sự kiện thực tế liên quan tới giai đoạn đầu của trận đánh hoàn toàn khác với những dự đoán mang tính lí thuyết được hình thành trước chiến tranh. Tất nhiên, không được (và không thể) khởi chiến nhằm kiểm tra tính đúng đắn của những khái niệm hay quan điểm về chiến thuật-chiến dịch. Nhưng nếu chiến tranh xảy ra thì các lí thuyết gia phải nghiên cứu một cách kĩ lưỡng kinh nghiệm chiến đấu và nhanh chóng đưa vào áp dụng.
Trong khi nói về những giai đoạn dài trong lịch sử hải chiến, trước hết cần phải xuất phát từ mục đích và nhiệm vụ của nó. Muốn rút ra được những kết luận đúng đắn, cần khảo sát hình thức sử dụng hải quân trong một giai đoạn lịch sử dài. Trên cơ sở một vài sự kiện rút ra từ sự phát triển của lịch sử chung chung thì không thể đánh giá được hoạt động của hải quân, nhưng trên cơ sở của nhiều ví dụ lịch sử, ta có thể khẳng định hay phủ nhận bất kì kết luận nào. Trong thời gian gần đây, các công trình lí thuyết khoa học quân sự thường được xây dựng theo nguyên tắc sau: tác giả tìm cách khẳng định kết luận của mình bằng một vài ví dụ lịch sử riêng biệt. Tôi cho rằng cách tiếp cận như thế là hoàn toàn phi khoa học; không xác lập được quy luật chiến tranh trên biển, một số tài liệu lịch sử hiện hữu không được tính đến, hậu quả là thiếu vắng sự phân tích kinh nghiệm chiến đấu và không có những kết luận khách quan. Xin dẫn ra một ví dụ. Sau chiến dịch đổ bộ vào Na Uy (1940) và vào Kerensk-Peodosia (1941-1942), các lí thuyết gia Liên Xô kết luận rằng, những cuộc đổ bộ lớn, đặc biệt là những cuộc đổ bộ mang tính chiến lược, chỉ có thể thực hiện được trong những hải cảng. Nhưng từ kinh nghiệm Thế chiến II, phải rút ra kết luận khác hẳn: các đơn vị lớn thường được đưa lên những vùng bờ biển không có trang bị và ở xa bến cảng.
Cho đến năm 1917, những vấn đề của lịch sử hải quân và lịch sử nghệ thuật hải chiến được xem xét theo giai đoạn cầm quyền của các ông vua, còn thời trước Pyotr Đại đế được tính chung là một giai đoạn. Sau năm 1917,
https://thuviensach.vn
người ta lấy mốc hình thái kinh tế-xã hội làm khuôn khổ nghiên cứu – nô lệ, phong kiến, tư bản. Theo tôi, phân chia theo giai đoạn tồn tại của hạm đội là đúng hơn cả, mà cụ thể là: giai đoạn thuyền chèo, giai đoạn thuyền buồm, giai đoạn tàu bọc thép chạy bằng hơi nước, giai đoạn của những hạm đội đa lực lượng. Trong đó, mỗi giai đoạn lại có thể chia thành mấy thời kì (ví dụ giai đoạn gần đây được chia thành thời kì trước khi có vũ khí nguyên tử và thời kì tàu vượt đại dương mang đầu đạn hạt nhân). Mỗi cuộc chiến tranh cũng có thể chia thành một loạt giai đoạn hay chiến dịch (ví dụ, người ta chia Thế chiến II, 1939-1945, thành 5 giai đoạn; chiến tranh Triều Tiên, 1950-1953, được chia thành 4 giai đoạn).
Sau năm 1945, hai vấn đề của lịch sử hải chiến được quan tâm, đấy là phối hợp tác chiến của lục quân và hải quân trên những khu vực gần biển, và hoạt động độc lập của hải quân trên biển. Đương nhiên có thể chấp nhận cách tiếp cận như thế. Nhưng hầu như không thể phân biệt được hành động phối hợp tác chiến với hành động độc lập. Những cuộc chiến tranh khu vực cuối thế kỉ XX có đặc điểm là sử dụng những đoàn quân đủ mọi loại. Xu hướng này không những sẽ tiếp tục mà còn trở thành xu hướng chính. Về vấn đề này, tôi đề nghị nghiên cứu một cách kĩ lưỡng kinh nghiệm của hải quân trong những cuộc chiến ở những khu vực nằm trên đất liền và chống hạm đội đối phương.
Bây giờ, xin giải thích vì sao sĩ quan hải quân cần phải biết lịch sử của nghệ thuật hải chiến. Thứ nhất, nó tạo điều kiện cho người ta nắm được những quy luật phát triển của hải quân và định hướng được trong những vấn đề nghệ thuật hải chiến hiện nay; thứ hai, nó mở rộng tầm nhìn và ảnh hưởng tới quá trình phát triển tư duy chiến thuật-chiến dịch.
Lịch sử chiến tranh có số lượng tài liệu cực kì phong phú, có liên quan tới nghệ thuật hải chiến. Trong lịch sử cũng có rất nhiều thông tin về hoạt động của các tướng lĩnh hải quân xuất chúng. Đó là lí do vì sao trong quá trình tiếp cận một cách sáng tạo, công tác giảng dạy lịch sử nghệ thuật hải chiến cần phải tạo ra ở các sĩ quan hải quân tinh thần chiến đấu-đạo đức cao cả, cần dạy họ giữ gìn và tiếp tục những truyền thống tốt đẹp nhất của hải
https://thuviensach.vn
quân Liên Xô. Trong quá trình nghiên cứu lịch sử nghệ thuật hải chiến, ở người sĩ quan sẽ hình thành phẩm chất vô cùng quan trọng, đó là sáng kiến cá nhân.
Sau khi học xong khoá lịch sử nghệ thuật hải chiến, người tốt nghiệp học viện sẽ nắm được quá trình phát triển của những hình thức và biện pháp sử dụng lực lượng hải quân, sẽ nghiên cứu di sản của các lí thuyết gia hàng đầu, sẽ bắt đầu phân tích tài liệu lịch sử quân sự và rút ra kết luận của mình, sẽ áp dụng những kiến thức đã học được trong quá trình giải quyết những nhiệm vụ đặt ra, tức là những nhiệm vụ liên quan tới nghệ thuật hải chiến, cũng như dạy và giáo dục các sĩ quan dưới quyền.
Xuất phát từ bản chất và nội dung của lịch sử nghệ thuật hải chiến, tôi xin đưa ra những hướng nghiên cứu sau đây:
lịch sử của lí thuyết về nghệ thuật hải chiến;
lịch sử trang bị, vũ khí hải quân;
những trận đánh chống lại những khu vực ven biển;
những trận đánh chống lại hạm đội địch.
Sau đây là những vấn đề nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật hải chiến:
lịch sử lí thuyết chiến lược biển;
lịch sử lí thuyết về nghệ thuật tác chiến của hải quân;
lịch sử lí thuyết của chiến thuật hải quân;
lịch sử lực lượng chiến đấu và phương tiện của hải quân;
lịch sử sử dụng lực lượng và phương tiện của hải quân;
đổ bộ bằng đường biển;
chống đổ bộ;
tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất của đối phương;
https://thuviensach.vn
trợ giúp các đơn vị bộ binh gần bờ biển trong tấn công và phòng thủ;
bảo vệ và chiếm các căn cứ hải quân;
tiêu diệt lực lượng hải quân địch trên mặt biển;
tiêu diệt lực lượng hải quân địch trong các căn cứ;
phá hoại đường giao thương trên biển và đại dương;
bảo vệ những đường giao thương trên biển và đại dương.
Sau năm 1945, ở Học viện Hải quân người ta đã thử nghiên cứu lịch sử hải chiến theo các vấn đề. Những người soạn thảo chương trình học tập đưa vào mục hoạt động của lực lượng đổ bộ, và hoạt động của hạm đội trong việc bảo vệ căn cứ hải quân, v.v. Thực tế là không có vấn đề nào được triển khai như dự tính. Trong khi đó, tại các trường sĩ quan hải quân và ở Học viện Hải quân, các học viên được học cùng một loại hoạt động chiến đấu; nhưng ở các trường, người ta xem xét theo trình tự thời gian trong cuộc đấu tranh vũ trang trên biển và đại dương, còn ở học viện thì xem xét từng hoạt động một cách riêng rẽ. Ví dụ, ở các trường người ta nghiên cứu hoạt động của hạm đội trong các chiến dịch bảo vệ Tallin, Khanko, Odessa và Sevastopol, ở học viện cũng nghiên cứu những chiến dịch đó. Nội dung chương trình học không khác nhau mấy. Tôi nghĩ rằng, trong các trường sĩ quan hải quân (hiện nay gọi là đại học hải quân) nên giảng môn lịch sử hải quân, trong đó cần nghiên cứu kĩ lưỡng lịch sử hải quân Nga. Các học viên Học viện Hải quân cần nghiên cứu lịch sử của nghệ thuật hải chiến, vì muốn hiểu môn này phải có một sự chuẩn bị nhất định, ví dụ, phải nắm được thuật ngữ chiến thuật-chiến dịch.
Không nên chia lịch sử của nghệ thuật hải chiến thành trong nước và thế giới, như người ta đã làm trong thời Xô viết – nguyên nhân là do ý thức hệ mà ra. Chúng ta đâu có chia toán, lí, hoá và các môn khoa học tự nhiên khác thành trong nước và quốc tế. Nếu một hướng khoa học nào đó có chung mục đích và nhiệm vụ, thì việc rút ra bài học từ lịch sử của ai – Nga hay nước ngoài – không phải là điều quan trọng.
https://thuviensach.vn
Sau 50 năm, tác phẩm đã trở thành của hiếm lại được xuất bản ở nước ta. Đó không phải là ngẫu nhiên, vì mới lạ chính là cái cũ đã bị người ta quên đi. Bỏ qua tất cả những tích tụ về mặt ý thức hệ và cố chấp, xin nhường cho độc giả tự đánh giá đóng góp của A.T. Mahan – một trong những lí thuyết gia vĩ đại nhất của thế kỉ XIX – về lí thuyết nghệ thuật hải chiến.
Giáo sư, thuyền trưởng bậc I, V.D. Dotsenko
(Trích trong “Lời bạt” ấn bản tiếng Nga của cuốn sách
này, Nxb St. Petersburg: Terra Fantastica, 2002.)
https://thuviensach.vn
Lời nói đầu
Mục đích của công trình này là nghiên cứu lịch sử châu Âu và châu Mỹ, đặc biệt về vai trò của sức mạnh trên biển đối với tiến trình lịch sử đó. Các nhà sử học nói chung thường không hiểu nhiều về tình hình trên biển, vì họ không có kiến thức chuyên môn cũng như không quan tâm tới vấn đề này. Vì vậy, ảnh hưởng mang tính quyết định của sức mạnh trên biển với những vấn đề quan trọng nhất thường bị bỏ qua. Điều này còn đúng cả với những sự kiện đặc biệt chứ không chỉ xu hướng của sức mạnh trên biển nói chung. Không khó để có thể nói rằng, kiểm soát mặt biển đã và đang là tác nhân cực kì quan trọng trong lịch sử thế giới, nhưng tìm và chỉ ra một cách chính xác vai trò của nó trong những trường hợp cụ thể lại là điều không dễ. Nếu không làm được như thế, hiểu biết về tầm quan trọng của nó không mang nhiều giá trị. Vấn đề không chỉ là thu thập những trường hợp đặc biệt, trong đó ảnh hưởng của sức mạnh trên biển là rõ ràng, mà còn phải phân tích những điều kiện trong từng giai đoạn cụ thể.
Hai tác giả người Anh, một dân tộc đã tận dụng được biển và nhờ biển mà trở nên hùng mạnh hơn bất cứ dân tộc nào khác, đã cho chúng ta những ví dụ về xu hướng coi thường sức mạnh trên biển đối với các sự kiện. “Đã hai lần”, Arnold viết trong cuốn Lịch sử thành Rome (History of Rome) của ông, “người ta được chứng kiến cuộc đấu tranh của những thiên tài vĩ đại nhất nhằm chống lại những nguồn lực và định chế của một đất nước vĩ đại, và cả hai lần đất nước đều chiến thắng. Hannibal đấu tranh chống lại Rome trong 17 năm, Napoleon đấu tranh chống lại Anh trong 16 năm. Nỗ lực của
https://thuviensach.vn
người thứ nhất kết thúc ở Zama, còn nỗ lực của người thứ hai kết thúc ở Waterloo”. Khi trích dẫn đoạn văn này, sử gia Edward Creasy còn nói thêm: “Tuy nhiên, có một điểm tương đồng giữa hai cuộc chiến tranh đã không được người ta chú ý đúng mức. Đó là sự giống nhau đáng kể giữa vị tướng thành Rome, cuối cùng đã đánh thắng một người Carthage vĩ đại, và vị tướng Anh, người đã lật đổ được Hoàng đế Pháp. Scipio và Wellington, trong nhiều năm ròng cả hai đều chỉ huy những chiến trường cực kì quan trọng, nhưng lại ở xa chiến trường chính, sự nghiệp quân sự chính yếu của họ đều diễn ra trên cùng một đất nước. Đó là nước Tây Ban Nha. Ở đây Scipio cũng như Wellington đã chiến đấu thành công và hạ hầu như tất cả những viên tướng cấp dưới của quân thù. Trước khi đối đầu và chiến thắng chủ soái của họ, cả Scipio lẫn Wellington đều khôi phục được niềm tin cho đồng bào của mình sau khi họ đã bị rúng động bởi một loạt thất bại, họ đã chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài, đầy nguy hiểm, bằng chiến thắng toàn vẹn và áp đảo trước người cầm quân cũng như những người lính kì cựu của kẻ thù.”
Nhưng hai vị này đã không nhắc tới một sự trùng hợp còn ấn tượng hơn: Người chiến thắng nắm được sức mạnh của biển cả. Việc vị tướng người Rome kiểm soát được mặt biển đã buộc Hannibal phải tiến hành một cuộc hành quân kéo dài và cực kì nguy hiểm qua vùng Gaul, trong đó hơn một nửa những chiến binh kì cựu của ông đã bỏ mạng: đồng thời còn tạo điều kiện cho Scipio-anh đưa đoàn quân của ông từ Rhone tới Tây Ban Nha nhằm ngăn chặn tuyến đường giao thông của Hannibal, để quay về đối đầu với kẻ xâm lược ở Trebia. Trong suốt cuộc chiến tranh, các binh đoàn La Mã từ Tây Ban Nha – căn cứ của Hannibal – đến Italy đều đi theo đường biển, vừa không bị quấy rối vừa không mệt mỏi. Trong khi kết quả trận đánh quyết định ở Metaurus, rốt cuộc là do người em không thể đưa đoàn quân cứu viện tới bằng đường biển mà phải đi theo đường bộ qua Gaul. Vì vậy, trong giờ phút quyết định, hai đội quân Carthage nằm cách nhau bằng cả chiều dài nước Italy, và một đội quân đã bị trận tập kích bởi sự phối hợp của các tướng lĩnh La Mã đập tan.
https://thuviensach.vn
Mặt khác, các nhà sử học chuyên về lĩnh vực hàng hải lại không chú ý tới mối liên hệ giữa lịch sử nói chung và đề tài đặc thù của họ. Họ cho rằng, trách nhiệm của mình chỉ đơn giản là chép lại những sự kiện trong lĩnh vực hàng hải mà thôi. Trong lĩnh vực này, người Pháp quan tâm hơn người Anh. Những người có học và có tài của Pháp khảo cứu nguyên nhân và quan hệ giữa các kết quả và sự kiện một cách kĩ lưỡng hơn.
Nhưng theo hiểu biết của tác giả, chưa có tác phẩm nào trình bày đối tượng được bàn thảo ở đây, cụ thể là đánh giá ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với tiến trình lịch sử và sự thịnh vượng của các quốc gia. Trong khi các tác phẩm lịch sử nói về chiến tranh, chính trị và hoàn cảnh kinh tế-xã hội của các quốc gia chỉ thỉnh thoảng mới đề cập tới vấn đề hàng hải và cũng chỉ nhắc tới với thái độ thiếu thiện cảm khiến tác phẩm này lại đưa những quyền lợi trên biển thành đề tài chính, nhưng vẫn không tách chúng khỏi môi trường nhân quả của lịch sử nói chung, và tìm cách chỉ ra rằng sức mạnh trên biển đã góp phần làm thay đổi lịch sử như thế nào cũng như bị lịch sử biến đổi như thế nào.
Giai đoạn này kéo dài từ năm 1660, tức là khởi đầu của thời đại thuyền buồm với những tính chất đặc biệt của nó, đến năm 1783, tức là kết thúc cuộc cách mạng Mỹ. Tác giả, vốn là một sĩ quan hải quân rất yêu mến nghề nghiệp của mình, không ngần ngại thảo luận những vấn đề về chính sách, chiến lược và chiến thuật hải quân; nhưng vẫn cố gắng tránh những thuật ngữ mang tính kĩ thuật, với hi vọng rằng vấn đề sẽ được trình bày một cách đơn giản và được cả các độc giả không chuyên quan tâm.
Tháng 12 năm 1889
https://thuviensach.vn
Dẫn nhập
Lịch sử của sức mạnh trên biển, chủ yếu – tuy không không phải hoàn loàn – là câu chuyện về sự cạnh tranh đầy bạo lực giữa các dân tộc, và đỉnh điểm của chúng thường là những cuộc chiến tranh. Người ta đã nhận thức được rằng, những tuyến đường giao thương trên biển có ảnh hưởng sâu sắc đối với sự thịnh vượng và sức mạnh của các quốc gia trước khi những nguyên lí chi phối sự phát triển và thịnh vượng được phát hiện. Muốn cho dân tộc mình chiếm được phần lớn hơn trong những lợi ích mà biển cả mang lại, người ta đã làm tất cả, bao gồm cả những biện pháp pháp lí ôn hoà, nhằm giữ độc quyền hoặc cấm đoán, và khi các biện pháp ôn hoà thất bại, họ sẽ dùng vũ lực nhằm đẩy các dân tộc khác ra xa. Xung đột lợi ích, lòng hận thù bùng lên là do các bên đều cố giành cho được phần lớn hơn, nếu không nói là tất cả, những lợi ích mà thương trường và những vùng đất vô chủ tạo ra, đã dẫn đến những cuộc chiến tranh. Mặt khác, trong quá trình giao chiến, những cuộc đụng độ có thể chuyển hoá vì những lí do khác nhau, nhưng cuối cùng vẫn là kiểm soát cho bằng được mặt biển. Vì vậy, lịch sử của sức mạnh trên biển, trong khi xem xét toàn bộ những xu hướng có thể làm cho các dân tộc trở thành cường quốc trên biển hoặc nhờ biển mà trở nên hùng mạnh, lại chủ yếu là lịch sử chiến tranh, và theo khía cạnh này nó sẽ được xem xét chủ yếu – tuy không phải hoàn toàn – trong những trang sau của tác phẩm.
Nghiên cứu lịch sử chiến tranh, như tác phẩm này đang làm, được những nhà cầm quân vĩ đại coi là cực kì cần thiết để có thể nắm được những
https://thuviensach.vn
tư tưởng đúng đắn và biết cách hành xử khôn ngoan trong cuộc chiến tương lai. Napoleon nói rằng, người lính muốn thăng tiến thì phải nghiên cứu các chiến dịch của Alexander, của Hannibal và Ceasar, những người chưa biết thuốc súng là gì. Và đa số những người cầm bút chuyên nghiệp đồng ý với nhau rằng, tuy điều kiện của chiến tranh thay đổi theo thời gian, do sự phát triển của vũ khí, nhưng một số bài học của lịch sử vẫn còn nguyên giá trị, và vì vậy, nó được áp dụng một cách phổ quát, có thể được coi là những nguyên lí chung, với cùng lí do như thế, nghiên cứu lịch sử của biển cả trong quá khứ sẽ là một bài học sâu sắc, nó cung cấp cho chúng ta những nguyên lí chung nhất của chiến tranh trên biển, mặc cho những thay đổi to lớn mà tiến bộ khoa học trong nửa sau của thế kỉ qua cũng như động cơ hơi nước đã được trang bị cho vũ khí, khí tài của lực lượng hải quân.
Như vậy, càng cần phải nghiên cứu một cách có phê phán lịch sử và kinh nghiệm của chiến tranh trên biển trong những ngày còn sử dụng thuyền buồm, vì chúng sẽ cung cấp cho chúng ta những bài học lịch sử có giá trị và có thể áp dụng cho hiện tại. Trong khi tàu thuỷ chạy bằng hơi nước chưa có lịch sử đủ dài để có thể rút ra được những bài học có ý nghĩa quyết định, chúng ta đã có nhiều kiến thức mang tính kinh nghiệm chủ nghĩa về hạm đội thuyền buồm, còn kiến thức về hạm đội tàu chạy bằng hơi nước thì gần như chưa có. Vì vậy, những lí thuyết về chiến tranh trên biển trong tương lai hầu như chỉ có tính giả định, và mặc dù người ta đã cố gắng tạo cho chúng một nền tảng vững chắc hơn bằng cách dựa vào sự tương đồng giữa hạm đội tàu thuỷ chạy bằng hơi nước và hạm đội gồm những chiếc thuyền galley (thuyền vừa có buồm vừa có mái chèo – ND) do người chèo, tức là hạm đội đã có lịch sử lâu dài và khá nổi tiếng, nhưng trước khi kiểm chứng một cách toàn diện, phép loại suy đó cũng khó mà thuyết phục được ai. Nhưng thực ra, sự tương đồng hoàn toàn không phải chỉ ở bề ngoài. Tàu chạy bằng hơi nước và thuyền galley có một điểm chung là có thể đi theo mọi hướng, không phụ thuộc vào chiều gió. Đặc điểm này làm cho những con tàu loại đó khác hẳn với thuyền buồm; vì thuyền buồm chỉ có thể đi theo một số hướng nhất định, đó là nói khi có gió, còn khi không có gió thì không thể di chuyển. Nhưng, trong khi thấy điểm nào đó là giống nhau, cũng cần phải thấy sự khác nhau
https://thuviensach.vn
của chúng. Khi trí tưởng tượng bay bổng vì phát hiện ra những điểm tương đồng – một trong những hoạt động trí tuệ thú vị nhất – là dễ mất kiên nhẫn trước những khác biệt, và vì vậy, có thể bỏ qua hay không công nhận những sự khác biệt như thế. Mặc dù, thuyền galley và tàu chạy bằng hơi nước có điểm chung quan trọng đã nhắc tới ở trên, nhưng ít nhất chúng cũng có hai điểm khác nhau; và khi quay về với lịch sử để tìm bài học cho tàu chiến chạy bằng hơi nước thì phải chú ý đến cả sự khác biệt lẫn sự tương đồng, nếu không ta có thể rút ra những kết luận sai lầm. Trong chiến đấu, sức đẩy của thuyền chắc chắn sẽ giảm đi một cách nhanh chóng vì người ta không thể làm những việc quá sức được lâu và chuyển động mang tính chiến thuật chỉ có thể diễn ra trong một thời gian nhất định*. Ngoài ra, trong giai đoạn thuyền galley, vũ khí tấn công không chỉ có tầm rất ngắn mà hầu như chỉ có tác dụng trong những trận đánh giáp lá cà mà thôi. Hai điều kiện đó hầu như chắc chắn dẫn đến việc người ta lao vào nhau, tuy nhiên bao giờ người ta cũng cố gắng buộc kẻ thù phải chiến đấu trên cả hai hướng, sau đó mới là hỗn chiến giáp lá cà. Những người rất đáng kính, thậm chí là những người lỗi lạc về chiến tranh trên biển cũng cho rằng chiến tranh trên biển hiện nay chắc chắn cũng sẽ kết thúc bằng cuộc tấn công ồ ạt và hỗn chiến như thế – những cuộc hỗn chiến sẽ không thể phân biệt được địch ta. Dù ý kiến này có giá trị như thế nào đi nữa thì nó cũng không thể được xem là căn cứ có tính lịch sử, bởi thuyền galley và tàu chạy bằng hơi nước có thể lao vào kẻ thù bất cứ lúc nào, và cả hai đều có mũi nhọn, mặc dù chúng có những điểm khác nhau. Hiện nay, ý kiến này mới là giả định, trước khi có những trận đánh có thể làm rõ hơn vấn đề thì chưa nên đưa ra kết luận cuối cùng. Còn hiện tại, có đủ cơ sở để nghĩ ngược lại – tức là ý kiến cho rằng những cuộc hỗn chiến giữa các hạm đội có số lượng như nhau, trong đó kĩ năng đã bị giảm đến mức tối đa, không phải là những điều tốt nhất mà người ta có thể làm với những loại vũ khí phức tạp và đầy sức mạnh của thời đại chúng ta. Người chỉ huy càng tự tin, hạm đội của ông ta càng nắm vững chiến thuật, thuyền trưởng của ông ta càng được huấn luyện tốt thì ông ta càng không cần phải lao vào một cuộc hỗn chiến với những lực lượng có cùng số quân, vì trong trận đánh đó ưu thế của ông ta sẽ không còn, ai may mắn sẽ thắng
https://thuviensach.vn
và hạm đội của ông ta sẽ rơi vào hoàn cảnh giống như những chiếc tàu chưa từng luyện tập với nhau bao giờ*. Lịch sử đã cho chúng ta những bài học, khi nào cần hỗn chiến, khi nào không.
Như vậy, thuyền galley có một điểm cực kì tương đồng với tàu chạy bằng hơi nước, nhưng lại khác ở những điểm quan trọng khác mà ta không thấy ngay được, vì vậy ít được chú ý tới. Ngược lại, thuyền buồm có điểm khác hẳn với tàu chạy bằng hơi nước hiện đại; mặc dù có những điểm giống nhau và dễ phát hiện, nhưng những điểm giống nhau lại không rõ ràng, nên cũng không được chú ý đúng mức. Ấn tượng càng tăng bởi cảm giác về sự yếu thế của thuyền buồm so với tàu chạy bằng hơi nước, vì nó phụ thuộc vào gió, mà quên mất rằng thuyền buồm chiến đấu với nhau cho nên bài học về chiến thuật của nó vẫn còn có giá trị. Thuyền galley không bao giờ bất lực chỉ vì không có gió, vì vậy hiện được đánh giá cao hơn thuyền buồm; mặc dù thuyền buồm đã chiếm được vị trí của thuyền galley và tiếp tục giữ thế thượng phong cho đến khi xuất hiện tàu chạy bằng hơi nước. Khả năng gây sát thương kẻ địch từ xa, khả năng hoạt động trong một thời gian dài mà không làm cho thuỷ thủ kiệt sức, khả năng đưa phần lớn thuỷ thủ đoàn tham gia chiến đấu chứ không phải chèo chuyền là những điểm chung giữa thuyền buồm và tàu chạy bằng hơi nước. Và về mặt chiến thuật, chí ít cũng quan trọng như khả năng di chuyển khi lặng gió và ngược chiều gió của thuyền galley.
Khi nghiên cứu những điểm tương đồng đó, người ta không chỉ dễ dàng bỏ qua những điểm khác biệt mà còn thổi phồng quá mức những điểm tương đồng nữa, cho nên cần phải chỉ ra rằng, trong khi thuyền buồm được trang bị súng với tầm bắn xa, khả năng xuyên thủng tương đối lớn và súng thần công (carronade) với tầm bắn ngắn hơn nhưng có sức công phá lớn, thì tàu chạy bằng hơi nước hiện đại được trang bị những khẩu đội súng máy tầm bắn xa và ngư lôi, ngư lôi chỉ hiệu quả trong khoảng cách có giới hạn và gây sát thương do sức công phá, còn súng thì vẫn như cũ, tức là nhằm xuyên thủng mục tiêu. Tất cả những điều vừa nói hoàn toàn chỉ có tính chiến thuật, nhất định có ảnh hưởng đến kế hoạch của người chỉ huy hạm đội và các thuyền
https://thuviensach.vn
trưởng, và sự tương đồng là có thực chứ không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng. Thêm nữa, cả hai loại – thuyền buồm và tàu chạy bằng hơi nước – đều tính đến khả năng va chạm trực tiếp – thuyền buồm thì bắt sống, còn tàu chạy bằng hơi nước thì lao thẳng vào nhằm đánh đắm tàu địch. Đó đều là những nhiệm vụ cực kì khó khăn, vì muốn làm được phải đưa tàu đến một địa điểm nhất định, còn súng thì có thể sử dụng từ rất nhiều điểm trên một không gian rộng.
Vị trí của tàu và hạm đội của hai lực lượng đối địch so với hướng gió là vấn đề có ý nghĩa cực kì quan trọng về mặt chiến thuật, và đây có thể là mối bận tâm hàng đầu của thuỷ thủ thời đó. Đối với người quan sát hời hợt thì bởi hướng gió không có ảnh hưởng gì tới tàu chạy bằng hơi nước cho nên điều kiện tác chiến hiện nay không thể giống với quá khứ, và vì vậy mà bài học của quá khứ cũng chẳng có giá trị gì. Xem xét một cách kĩ lưỡng những điểm nổi bật của vị trí ở trên* và dưới chiều gió, là những điểm cốt yếu và bỏ qua những chi tiết phụ, thì sẽ thấy đấy là quan niệm sai lầm. Điểm nổi bật của tàu hay hạm đội ở đầu chiều gió là có thể tự quyết định tham chiến hoặc không. Đến lượt nó lại kéo theo ưu thế của bên tấn công là có thể lựa chọn phương pháp tấn công. Nhưng ưu thế này cũng kèm theo một số nhược điểm; hoả lực bố trí không hợp lí, lại có thể bị đối phương tấn công bằng hoả lực theo chiều ngang hoặc bắn lia và không thể sử dụng toàn bộ hoả lực – tất cả điều này đều diễn ra trong khi đang tiến dần đến tàu địch. Tàu hoặc hạm đội ở cuối chiều gió không thể tấn công, nếu không muốn rút lui thì nó chỉ có thể phòng ngự và chấp nhận điều kiện chiến đấu do bên địch áp đặt. Tuy nhiên, sự bất lợi này lại được bù đắp bằng lợi thế như dễ dàng giữ được trật tự của các khẩu đội và có thể bắn liên tục, trong khi bên địch không thể đáp trả, dĩ nhiên là trong một khoảng thời gian nào đó. Về mặt lịch sử, những thuận lợi và khó khăn của bên ở đầu và bên ở cuối chiều gió đều có tính chất hỗ trợ và tương đồng trong tất cả các chiến dịch tấn công và phòng thủ thuộc mọi thời đại. Để có thể đuổi kịp và tiêu diệt được kẻ thù, bên tấn công phải chấp nhận một số rủi ro và bất lợi; còn bên phòng thủ, đấy là nói khi nó giữ chiến thuật phòng thủ, không chấp nhận rủi ro của cuộc tấn công, vẫn giữ nguyên những vị trí đã được chuẩn bị cẩn thận từ trước và lợi dụng
https://thuviensach.vn
được điểm yếu của đối phương, sự khác biệt căn bản giữa vị trí đầu gió và cuối gió, dù có bị rất nhiều cản trở, cũng được người ta nhận thức một cách rõ ràng. Người Anh thường chọn vị trí đầu gió vì chiến thuật của họ luôn luôn là tấn công và tiêu diệt kẻ thù, trong khi người Pháp lại tìm cách ở cuối gió, vì ở vị trí đó, họ dễ dàng làm cho kẻ thù kiệt sức trước khi họ tiến lại gần. Kết quả là tránh được những cuộc đụng độ mang tính quyết định và cứu được tàu của mình. Trừ những trường hợp ngoại lệ hiếm khi xảy ra, người Pháp buộc hạm đội hành động theo những chiến lược quân sự khác người Anh. Tiếc tiền chi phí cho hạm đội, người Pháp “tiết kiệm” bằng cách chấp nhận vị trí phòng thủ và chỉ có những hành động đáp trả những cuộc tấn công mà thôi. Đối với mục đích bảo toàn lực lượng, vị trí cuối chiều gió, nếu được sử dụng một cách khéo léo và khi quân địch tỏ ra dũng cảm hơn so với tính toán là vị trí tuyệt vời. Nhưng khi Rodney thể hiện ý đồ lợi dụng ưu điểm của vị trí ở đầu gió để không chỉ tấn công mà còn tìm cách tập trung lực lượng đầy đe doạ của mình vào một phần trong đội hình tàu địch thì De Guichen, đối thủ thận trọng của ông ta, đã thay đổi chiến thuật. Trong trận đánh đầu tiên của một loạt ba trận giao tranh, vị đô đốc người Pháp đã chiếm vị trí đầu gió; nhưng khi nhận ra mục tiêu của Rodney thì ông lại không tiến theo hướng gió – không phải để tấn công mà tránh giao tranh nếu điều kiện của mình không được đáp ứng. Hiện nay, khả năng ra đòn trước hay rút lui không còn phụ thuộc vào gió nữa mà do bên có tốc độ cao hơn quyết định, mà tốc độ trong một đội tàu thì lại phụ thuộc không chỉ vào tốc độ của từng con tàu mà còn phụ thuộc vào sự thống nhất trong hành động có tính chiến thuật, có thể nói, những con tàu có tốc độ cao hơn là những con tàu có ưu thế hệt như những thuyền buồm ở vị trí đầu gió.
Vì vậy, khác với nhiều người nghĩ, tìm những bài học hữu ích trong lịch sử thuyền buồm cũng như thuyền galley không phải là việc làm vô ích, cả hai đều có những điểm tương đồng và những khác biệt căn bản so với tàu chiến hiện đại, cho nên không thể coi kinh nghiệm và phương thức hoạt động của chúng như là mẫu mực về mặt chiến thuật để ta có thể sao chép. Mẫu mực thì khác với nguyên lí và không có giá trị bằng nguyên lí. Mẫu mực có thể sai ngay từ khởi thuỷ hoặc có thể không còn áp dụng được vì
https://thuviensach.vn
điều kiện đã thay đổi, còn nguyên lí lại có cội nguồn từ trong bản chất của sự vật, và mặc dù, khi điều kiện thay đổi thì việc áp dụng cũng thay đổi, nhưng nó vẫn là tiêu chuẩn hoạt động mà người ta phải tuân theo nếu muốn thành công. Nguyên lí của chiến tranh được phát hiện trong quá trình nghiên cứu quá khứ; quá khứ, thông qua những thành công và thất bại, sẽ cho chúng ta thấy những nguyên lí không hề thay đổi theo thời gian. Điều kiện tác chiến và vũ khí thay đổi, nhưng để có thể đương đầu với điều kiện tác chiến và sử dụng thành công vũ khí ta phải tôn trọng những bài học bất biến của lịch sử trong chiến thuật của chiến trường hoặc trong những chiến dịch lớn của chiến tranh được đưa vào trong thuật ngữ rộng hơn, gọi là chiến lược.
Nhưng chính trong những chiến dịch lớn bao trùm lên toàn bộ chiến trường và trong những cuộc hải chiến bao trùm lên phần lớn địa cầu, bài học của lịch sử càng rõ ràng và càng có giá trị vĩnh cửu vì điều kiện tác chiến của chúng không thay đổi nhiều, chiến trường có thể rộng hơn hoặc hẹp hơn, khó khăn mà chúng tạo ra có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn, quân đội giao tranh có thể đông hơn hoặc ít hơn, những cuộc chuyển quân có thể dễ dàng hay khó khăn hơn một chút, nhưng đó chỉ là những khác biệt về mức độ chứ không phải là khác biệt về bản chất. Khi những vùng hoang sơ nhường chỗ cho văn minh, khi các phương tiện truyền thông gia tăng, khi các con đường giao thông được xây dựng, khi các dòng sông đều có cầu, nguồn lương thực thực phẩm tăng lên thì các chiến dịch sẽ được thực hiện một cách dễ dàng hơn, nhanh hơn, trong những khu vực rộng lớn hơn; nhưng nguyên lí mà các chiến dịch này phải tuân thủ thì vẫn không thay đổi. Khi quân đội không còn phải hành quân bộ mà di chuyển bằng xe ngựa, và đến lượt nó, xe ngựa được thay bằng đường sắt thì khoảng cách đã gia tăng, hay nếu muốn, ta có thể nói rằng thời gian giảm đi; nhưng nguyên lí quyết định: điểm tập kết, hướng chuyển quân, những vị trí cần phải tấn công, nhiệm vụ bảo vệ đường giao thông vẫn như vậy. Như vậy là, trên mặt biển, việc chuyển từ những con thuyền được chèo bằng tay di chuyển một cách chậm chạp từ hải cảng này đến hải cảng kia sang những chiếc thuyền buồm lao vùn vụt trên khắp các đại dương, và từ những chiếc thuyền buồm chuyển sang những con tàu chạy bằng hơi nước thời hiện đại, chỉ làm gia tăng tầm hoạt động và tốc độ
https://thuviensach.vn
của chiến dịch mà không hề thay đổi những nguyên lí mà chiến dịch phải tuân thủ; và câu nói của Hermocrates cách đây 2300 năm, được nhắc tới ở trên, thể hiện một kế hoạch chiến lược đúng đắn, nguyên lí của kế hoạch đó vẫn giá trị cho đến tận ngày nay. Trước khi hai đạo quân hay hai hạm đội thù địch tiếp xúc với nhau (từ tiếp xúc [contact] có thể là từ thích hợp nhất để chỉ đường phân chia giữa chiến lược và chiến thuật), cần phải giải quyết một loạt vấn đề, bao trùm lên toàn bộ kế hoạch của những chiến dịch trên khắp chiến trường. Trong đó có: xác định chức năng của hạm đội trong cuộc chiến, mục tiêu của nó, hoặc những địa điểm tập kết, chuẩn bị kho than và kho quân nhu, bảo đảm đường giao thông giữa các kho này và các căn cứ trong nước, xác định xem tàn phá thương mại (commerce-destroying) là chiến dịch quyết định hay thứ yếu, lựa chọn các phương tiện để tiến hành chiến dịch phá hoại một cách hiệu quả nhất, bằng những con tàu tuần tiễu hay phải nắm được những trung tâm có ý nghĩa sống còn mà tàu buôn nhất định phải đi qua. Tất cả những vấn đề vừa nêu đều là những vấn đề chiến lược, và lịch sử có thể cho ta biết nhiều về mỗi vấn đề như thế. Cách đây chưa lâu, một số nhóm trong hải quân Anh đã có cuộc thảo luận quan trọng về ưu điểm tương đối giữa chính sách của hai đô đốc hải quân vĩ đại người Anh là Lord Howe và Lord St. Vincent đối với việc di chuyển của hải quân Anh trong cuộc chiến tranh với Pháp. Đây là vấn đề chiến lược, và nó không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn có ý nghĩa sống còn đối với giai đoạn hiện nay nữa. Hiện nay để ra quyết định, người ta vẫn dựa vào những nguyên lí có từ thời đó. Chính sách của St. Vincent đã cứu nước Anh khỏi sự xâm lược của kẻ thù, còn khi nằm trong tay Nelson và những vị đô đốc chiến hữu của ông thì đã dẫn tới chiến thắng ở Trafalgar.
Như vậy là, đặc biệt trong lĩnh vực chiến lược hải quân, bài học của quá khứ vẫn còn nguyên giá trị. Do những điều kiện tác chiến tương đối ổn định cho nên những bài học này không chỉ đóng vai trò minh hoạ cho những nguyên lí mà còn là những tiền lệ, về mặt chiến thuật, tức là đối với hành động của các hạm đội kể từ khi những tính toán về mặt chiến lược đã đưa chúng đến điểm xung đột, bài học của quá khứ không được rõ ràng đến như thế. Sự phát triển liên tục làm cho vũ khí thay đổi liên tục, và cùng với đó
https://thuviensach.vn
chiến thuật tác chiến cũng biến đổi không ngừng – thay đổi trong cách vận động và hành động của người lính hay tàu chiến trong cuộc giao tranh, vì vậy, nhiều người nghiên cứu các vấn đề hải quân có xu hướng nghĩ rằng nghiên cứu kinh nghiệm của quá khứ sẽ chẳng mang lại lợi ích gì, chỉ mất thời gian mà thôi. Quan điểm này, mặc dù rất tự nhiên, đã bỏ qua những tính toán chiến lược rộng lớn, tức là những tính toán đã đưa các dân tộc đến việc xây dựng các hạm đội, quyết định lĩnh vực hoạt động của chúng và vì vậy đã làm biến đổi và còn tiếp tục làm biến đổi lịch sử thế giới, là quan điểm phiến diện và hạn hẹp, ngay cả nếu xét về mặt chiến thuật. Những trận chiến trong quá khứ, dù thành công hay thất bại, đấy là xét theo quan điểm chúng có được tiến hành theo các nguyên lí của chiến tranh hay không; và nhà hàng hải nghiên cứu một cách kĩ lưỡng nguyên nhân của thành công hay thất bại sẽ không chỉ phát hiện và dần dần học được những nguyên lí này, mà còn có khả năng áp dụng những nguyên lí đó cho chiến thuật của tàu chiến và vũ khí ông ta có ngày nay. Ông ta sẽ thấy rằng, chiến thuật không chỉ thay đổi sau khi vũ khí đã thay đổi – chắc chắn là như thế rồi – mà phải rất lâu sau mới xảy ra. Không nghi ngờ rằng đó là do: cải tiến vũ khí chỉ phụ thuộc vào quyết tâm của một vài người, còn thay đổi chiến thuật thì phải chiến thắng quan niệm của cả một tầng lớp bảo thủ, đấy là một tai hoạ lớn, chỉ có thể sửa chữa được bằng cách thừa nhận thẳng thừng mọi thay đổi, bằng cách nghiên cứu cẩn thận khả năng và hạn chế của mỗi con tàu và mỗi loại vũ khí mới, và có những biện pháp sử dụng phù hợp với đặc điểm của chúng. Lịch sử cho thấy, hi vọng các quân nhân sẽ để hết tâm trí vào nhiệm vụ là hi vọng hão huyền, nhưng những người làm như thế sẽ tiến vào trận đánh với ưu thế vượt trội – một bài học không thể coi thường!
Nhân đây xin trích dẫn mấy câu của một chiến thuật gia người Pháp là Morogues, được viết cách đây 125 năm: “Chiến thuật của hải quân dựa trên những điều kiện mà tác nhân chính, cụ thể là vũ khí, có thể thay đổi. Đến lượt nó, sự thay đổi của vũ khí chắc chắn sẽ dẫn đến sự thay đổi trong kết cấu của tàu chiến, trong việc điều khiển, và cuối cùng là trong việc bố trí và điều khiển cả hạm đội.” Lời tuyên bố tiếp theo của ông ta rằng chiến thuật của hải quân “không phải là một môn khoa học dựa trên những nguyên lí bất
https://thuviensach.vn
di bất dịch”, còn đáng phê phán hơn. Đúng hơn, cần phải nói rằng việc áp dụng các nguyên lí sẽ thay đổi cùng với sự thay đổi của vũ khí. Không nghi ngờ rằng việc áp dụng các nguyên lí trong chiến lược cũng sẽ thay đổi cùng với thời gian, tuy ít hơn rất nhiều, và vì vậy, người ta dễ dàng nhận ra nguyên lí căn bản trong mỗi trường hợp như thế. Đây là luận điểm quan trọng đối với đề tài của chúng ta, xin được minh hoạ bằng một số sự kiện lịch sử.
Trận chiến trên sông Nile năm 1798 không chỉ là chiến thắng áp đảo của hạm đội Anh mà còn có ý nghĩa quyết định trong việc phá huỷ các phương tiện giao thông giữa nước Pháp và quân đội của Napoleon ở Ai Cập nữa. Ngay trong trận chiến, đô đốc Nelson của nước Anh đã cho ta thấy một ví dụ nổi bật của chiến thuật bậc cao, nếu chiến thuật bậc cao nghĩa là “nghệ thuật tạo ra một sự kết hợp tốt trước và trong suốt trận đánh”. Sự kết hợp mang tính chiến thuật cụ thể này dựa trên những điều kiện mà nay đã không còn, cụ thể là thuyền thả neo cuối chiều gió không thể tiến lên hỗ trợ thuyền đứng nơi đầu gió trước khi những con thuyền này bị phá huỷ hoàn toàn; nhưng nguyên lí của sự kết hợp này, cụ thể là chọn bộ phận khó hi vọng được hỗ trợ nhất và tấn công với lực lượng vượt trội, là nguyên lí vẫn còn nguyên giá trị. Đô đốc Jervis cũng sử dụng nguyên lí ấy trong trận đánh ở Cape St. Vincent, trong trận này 15 tàu chiến của ông đã đánh thắng 27 tàu địch, mặc dù tàu địch đang di chuyển chứ không phải thả neo. Đầu óc con người có đặc điểm là sự thay đổi của tình huống lại tạo ấn tượng mạnh hơn những nguyên lí tạo ra những tình huống như thế. Có thể dễ dàng nhận ra nguyên lí được đô đốc Nelson áp dụng, đã mang đến cho ông chiến thắng có ảnh hưởng chiến lược đối với toàn bộ cuộc chiến: chẳng những thế, hiện nay nó vẫn còn hữu ích. Kết quả của chiến dịch Ai Cập phụ thuộc vào việc giữ đường giao thông với Pháp, chiến thắng của quân Anh trên sông Nile đã đánh tan hạm đội Pháp, phương tiện bảo đảm giao thông duy nhất lúc đó, và đã dẫn đến thất bại cuối cùng của quân Pháp. Trong trường hợp này, ta có thể thấy ngay rằng không những quân Anh đã ra đòn theo đúng nguyên lí là cắt đứt phương tiện giao thông mà nguyên lí này vẫn có giá trị cho đến ngày
https://thuviensach.vn
nay, tức là thời của tàu chạy bằng hơi nước, cũng như nó đã từng có giá trị như thế trong thời đại thuyền galley cũng như thuyền buồm vậy.
Tuy nhiên, thái độ coi thường quá khứ, cho quá khứ là lỗi thời, cùng với sự lười biếng cố hữu làm cho người ta không nhận thức được ngay cả những bài học mang tính chiến lược bất di bất dịch nằm ngay trên bề mặt của lịch sử hải quân, ví dụ như có bao nhiêu người coi trận đánh ở Trafalgar – vòng nguyệt quế vinh quang của đô đốc Nelson và dấu ấn thiên tài của ông – chẳng khác gì một sự kiện vĩ đại đơn lẻ? Có bao nhiêu người tự đặt ra câu hỏi mang tính chiến lược: “Làm thế nào tàu của ông lại đến đó đúng lúc như thế?” Có bao nhiêu người nhận thức được rằng đó là hành động cuối cùng trong một loạt những sự kiện mang tính chiến lược kéo dài một năm hoặc hơn một năm, do hai vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại là Napoleon và Nelson thực hiện? Ở Trafalgar, không phải Villeneuve bại mà là Napoleon bị đập tan, không phải Nelson thắng mà là nước Anh được cứu, vì sao? Vì rằng sự kết hợp của Napoleon đã thất bại, còn trực giác và hoạt động của Nelson đã giữ cho chiến hạm của Anh lúc nào cũng bám theo quân địch và xông lên đúng vào lúc quyết định nhất*. Mặc dù có thể bị phê phán về mặt tiểu tiết, trong những nét chính, chiến thuật trong trận Trafalgar hoàn toàn phù hợp với các nguyên lí chiến tranh, sự khẩn trương của hoàn cảnh cũng như kết quả của trận đánh là những lời biện hộ cho sự táo bạo của trận đánh; nhưng bài học lớn nhất là khả năng chuẩn bị, là năng lực hoạt động và thực thi, là tư duy và sự sáng suốt của nhà cầm quân người Anh trong những tháng trước đó, đấy chính là những bài học có tính chất chiến lược, và vì vậy vẫn còn giá trị cho đến ngày nay.
Trong cả hai trường hợp vừa xét, các sự kiện đã kết thúc một cách tự nhiên và dứt khoát có thể dẫn ra ở đây trường hợp thứ ba, không có kết quả xác định nên câu hỏi: Làm gì? vẫn còn là đề tài gây tranh cãi. Trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Mỹ, năm 1779, Pháp và Tây Ban Nha đã tham gia liên minh chống lại Anh. Hạm đội liên quân đã ba lần xuất hiện trên eo biển Manche [tiếng Anh: English channel, từ đây sẽ gọi là eo biển Manche – ND], một lần có đến 66 chiến thuyền, buộc hạm đội Anh, với số lượng ít
https://thuviensach.vn
hơn, phải tìm nơi tránh. Mục đích chủ yếu của Tây Ban Nha là chiếm Gibraltar và Jamaica; và để chiếm Gibraltar, quân đồng minh đã có những nỗ lực rất lớn nhằm tấn công pháo đài gần như không thể chiếm được từ cả phía biển lẫn đất liền. Nỗ lực đã không mang lại kết quả. Vấn đề đặt ra – đây chính là vấn đề chiến lược của hải quân – là: Liệu việc chiếm lại Gibraltar có thể được giải quyết bằng cách chiếm eo biển Manche, tấn công hạm đội Anh ngay trong các cảng của họ và đe doạ nước Anh bằng cách tiêu diệt ngành ngoại thương và đổ quân lên lãnh thổ của họ chứ không phải là bằng những cố gắng lớn hơn rất nhiều nhằm chống lại một tiền đồn rất vững chắc và ở quá xa như thế? Người Anh, từ lâu đã không bị kẻ thù chiếm đóng, đặc biệt sợ quân đội nước ngoài đổ bộ, và tin tưởng hạm đội của mình đến mức sẽ mất hết nhuệ khí nếu niềm tin này bị lung lay nghiêm trọng. Dù được giải quyết như thế nào thì đây vẫn là vấn đề chiến lược của hải quân. Một sĩ quan Pháp thời đó đề nghị cách giải quyết là tấn công vào một trong những hòn đảo ở Tây Ấn, sau đó đánh đổi lấy Gibraltar. Nhưng có vẻ như người Anh sẽ không chịu đổi vị trí then chốt của họ ở Địa Trung Hải lấy bất kì tài sản nào ở nước ngoài, tuy nhiên, họ có thể chịu lép để bảo toàn lãnh thổ và thủ đô. Napoleon đã có lần nói rằng ông ta sẽ chiếm Pondicherry nằm trên bờ sông Visiula. Nếu ông có thể kiểm soát được eo biển Manche, như hạm đội đồng minh đã làm vào năm 1779, thì ai có thể nghi ngờ việc ông chiếm được Gibraltar trên bờ biển nước Anh?
Nhằm tạo ra ấn tượng hơn nữa về sự thật rằng lịch sử vừa gợi ý cho ta nghiên cứu những vấn đề chiến lược vừa cung cấp cho ta những nguyên lí của chiến tranh thông qua những sự kiện mà nó ghi nhận được, xin đưa ra hai ví dụ liên quan đến những giai đoạn xa hơn giai đoạn vừa được xem xét trong tác phẩm này. Tại sao lại xảy ra sự kiện là trong hai trận chiến lớn giữa các siêu cường phương Đông và phương Tây ở Địa Trung Hải, một trong hai trận đó là để giải quyết vấn đề bá chủ thế giới, các hạm đội đối địch lại gặp nhau ở những vị trí gần nhau như là Actium và Lepanto? Đó có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay do những điều kiện giống nhau và có thể sẽ lặp lại một lần nữa*. Nếu thế, cần phải tìm hiểu kĩ nguyên nhân, vì nếu lại xuất hiện một cường quốc phương Đông nữa, tương tự Antony hay Thổ Nhĩ Kì, thì
https://thuviensach.vn
cũng sẽ nổi lên những vấn đề chiến lược như vậy. Hiện nay, dường như trung tâm của sức mạnh trên biển nằm chủ yếu ở Anh và Pháp, gần phương Tây hơn là phương Đông, nhưng nếu xuất hiện cơ hội kiểm soát Biển Đen (hiện do Nga nắm), chiếm được lối vào Địa Trung Hải thì những điều kiện chiến lược có ảnh hưởng tới sức mạnh trên biển chắc chắn sẽ hoàn toàn thay đổi. Hiện nay, nếu phương Tây dàn trận chống lại phương Đông thì Anh và Pháp sẽ đi đến Tây Á, như họ đã từng làm vào năm 1854 và mình nước Anh đã làm vào năm 1878. Trong trường hợp có những thay đổi như vừa nói, phương Đông sẽ gặp phương Tây, giống như hai lần trước.
Trong những giai đoạn quan trọng và rất đáng chú ý của lịch sử thế giới, sức mạnh trên biển đã có ý nghĩa chiến lược và sức nặng, nhưng lại không được chú ý đúng mức. Hiện nay, chúng ta không có đủ kiến thức cần thiết để theo dõi từng chi tiết ảnh hưởng của nó đối với kết cục của cuộc chiến tranh Punic lần thứ hai, nhưng những thông tin còn lại cho đến nay cũng đủ để khẳng định rằng nó là tác nhân quyết định. Không thể đánh giá chính xác được vấn đề này nếu chỉ dựa vào những sự kiện của những cuộc chiến đơn lẻ còn được ghi chép một cách rõ ràng, vì những ghi chép của hải quân thường bị bỏ qua, cần phải tiếp xúc với những tình tiết của lịch sử hải quân nói chung mới có thể rút ra được từ những thông tin mờ nhạt những kết luận chính xác, đó là những kết luận dựa trên sự hiểu biết về những điều có thể xảy ra trong những giai đoạn mà lịch sử của nó ta đã nắm vững, việc kiểm soát mặt biển, dù có chắc chắn đến mức nào, cũng không có nghĩa là một chiếc tàu hay một hải đội nhỏ không thể lèn ra được khỏi cảng, không thể đi ngang qua những tuyến hàng hải thường xuyên hay thỉnh thoảng mới được sử dụng, đổ quân lên những điểm không được bảo vệ trên bờ biển, xâm nhập vào hải cảng đang bị vây hãm. Ngược lại, lịch sử cho thấy những vụ như thế vẫn thường xảy ra, đó là nói đối với bên yếu hơn, dù lực lượng hải quân của nó có kém bên kia đến mức nào. Vì vậy, không có gì mâu thuẫn khi hạm đội của La Mã nắm được quyền kiểm soát trên biển hay kiểm soát được phần có tính quyết định của nó, thế mà đô đốc Bomilcar của Carthage, trong năm thứ tư của cuộc chiến, tức là sau thất bại thảm hại ở Cannae, vẫn đưa được 4 ngàn người và đội tượng binh đổ bộ lên miền Nam
https://thuviensach.vn
Italy. Hay là trong năm thứ bảy của cuộc chiến, sau khi thoát khỏi hạm đội của La Mã ở gần Syracuse, ông ta lại xuất hiện gần Tarentum, lúc đó đang nằm trong tay Hannibal; hoặc Hannibal đưa tàu vận tải đến Carthage, thậm chí cuối cùng ông ta đã rút lui cùng với đội quân đã bị đánh tơi tả của mình về phi Châu một cách an toàn. Tất cả những sự kiện trên đều không chứng minh được rằng chính phủ ở Cantage có thể, đó là nói nếu họ muốn, gửi quân tiếp viện thường xuyên cho Hannibal, thực ra ông ta không hề nhận được tiếp viện, nhưng những sự kiện này tạo cho người ta cảm giác rằng đó là việc có thể thực hiện được, vì vậy ý kiến cho rằng sự vượt trội của hải quân La Mã có ảnh hưởng quyết định đối với kết quả cuộc chiến cần phải được khẳng định bằng cách xem xét những sự kiện đã được biết một cách chắc chắn, chỉ có như thế mới đánh giá được một cách chính xác bản chất và mức độ ảnh hưởng của sức mạnh trên biển.
https://thuviensach.vn
https://thuviensach.vn
Địa Trung Hải
Ngay từ đầu cuộc chiến, Mommsen đã nói rằng La Mã kiểm soát được mặt biển. Dù sự kiện này có do những nguyên nhân nào thì trong cuộc chiến tranh Punic lần thứ nhất, quốc gia này thực chất không phải quốc gia có bờ biển, đã chiếm được thế thượng phong trên mặt biển so với quốc gia đối thủ có nghề hàng hải phát triển mạnh, sau này La Mã vẫn giữ được vị thế đó. Trong cuộc chiến tranh thứ hai đã không xảy ra trận hải chiến quan trọng nào – một sự kiện tự bản thân nó và nhất là khi liên hệ với các sự kiện được biết một cách chắc chắn khác chứng tỏ thế thượng phong trên mặt biển của một phía tham chiến so với phía bên kia, tương tự những sự kiện có cùng đặc điểm trong các thời đại khác.
Vì Hannibal không để lại hồi kí nên ta không thể biết được động cơ đã đưa ông đến những cuộc hành quân đầy nguy hiểm và thậm chí có thể dẫn đến phá sản qua vùng Gaul và dãy Alps. Có điều chắc chắn là hạm đội của ông trên bờ biển Tây Ban Nha không đủ sức giao chiến với hạm đội của La Mã. Nếu đủ sức, ông có thể vẫn đi theo con đường mà ông đã chọn, vì những lí do mà chỉ mình ông biết: nhưng nếu đi theo đường biển thì ông đã không bị mất 54 trong số 60 ngàn chiến binh dày dạn đã xuất phát cùng ông.
Trong khi Hannibal thực hiện một cuộc hành quân đầy nguy hiểm thì La Mã chuyển quân dưới quyền chỉ huy của hai anh em nhà Scipio đến Tây Ban Nha. Còn một phần hạm đội của họ làm nhiệm vụ chuyển quân của người đứng đầu chính phủ (consul). Cuộc chuyển quân đã không có thiệt hại đáng kể, và đoàn quân đã đổ bộ lên phía Bắc Ebro, ngay trên đường hành quân của Hannibal. Cùng lúc đó, một đoàn tàu khác, dưới quyền chỉ huy của một người khác, cũng được đưa tới bán đảo Sicily. Hai đoàn chiến thuyền tổng cộng 220 chiếc. Tại địa điểm đóng quân, mỗi đoàn đều đã gặp và đánh tan một cách dễ dàng chiến thuyền của Carthage, những nhận xét rất sơ sài về các trận đánh ở đây cho ta biết như thế, và điều đó cũng chứng tỏ sự vượt trội của hải quân La Mã.
https://thuviensach.vn
Sau hai năm, tình hình chiến sự diễn ra như sau: Hannibal đổ bộ vào Italy từ phía Bắc, và sau một loạt chiến thắng ông tiến xuống phía Nam và đóng ở miền Nam Italy, lấy lương thực của Italy cung cấp cho đạo quân của mình – làm cho dân chúng xa lánh và rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi tiếp xúc với hệ thống chính trị và quân sự mà La Mã đã thiết lập ở đây. Vì vậy, ông phải lập tức thiết lập cho bằng được những con đường cung cấp quân trang quân dụng và lực lượng tăng viện với những căn cứ đáng tin cậy, ngôn ngữ hiện đại gọi đó là “những phương tiện giao thương” [Communications]. Có ba khu vực có thể gọi là những căn cứ như thế, đó là Carthage, Macedonia và Tây Ban Nha. Hai khu vực đầu chỉ có thể đi bằng đường biển. Từ Tây Ban Nha, nơi ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ nhất, có thể đi bằng cả đường bộ lẫn đường biển, đó là nói nếu quân địch không cản trở, nhưng đường biển thì vừa ngắn vừa dễ dàng hơn.
Trong những năm đầu tiên, La Mã nhờ lực lượng hải quân, giữ quyền kiểm soát hoàn toàn vịnh nằm giữa Italy, bán đảo Sicily và Tây Ban Nha, có tên là biển Tyrrhenian và Sardinian. Bờ biển từ Ebro đến Tiber cũng có quan hệ hữu nghị đối với La Mã. Nhưng sang năm thứ tư, sau trận đánh ở Cannae, Syracuse ra khỏi liên minh với La Mã, bạo loạn lan khắp vùng Sicily, còn Macedonia thì tham gia liên minh tấn công của Hannibal. Những thay đổi như thế đòi hỏi hải quân La Mã phải gia tăng hoạt động và tạo áp lực lên lực lượng của nó. Hải quân đã hành động như thế nào và sau đó đã tạo được ảnh hưởng gì đối với cuộc đấu tranh?
Có những chứng cứ ghi nhận rõ ràng rằng La Ma bao giờ cũng kiểm soát được vùng biển Tyrrhenian, vì vậy, hạm đội của họ có thể đi từ Italy đến Tây Ban Nha mà không gặp trở ngại gì. La Ma cũng kiểm soát toàn bộ bờ biển Tây Ban Nha. Đó là nói trước khi Scipio-con quyết định phá huỷ hạm đội. Ở biển Adriatic cũng có một đội tàu và một căn cứ hải quân được xây dựng ở Brindisi để canh phòng Macedonia, các đơn vị này thực hiện nhiệm vụ xuất sắc đến mức không một người lính Hi Lạp nào có thể đặt chân lên được đất Italy. “Những hạn chế của hạm đội hải quân”, Mommsen
https://thuviensach.vn
nói, “đã làm tê liệt mọi cuộc chuyển quân của Philip”. Ở đây, ảnh hưởng của hải quân là vấn đề không còn phải bàn cãi.
Ở Sicily, cuộc giao tranh tập trung gần Syracuse. Hạm đội của Carthage và La Mã gặp nhau ở đây, nhưng rõ ràng là La Mã có sức mạnh vượt trội. Mặc dù có lúc người Carthage đã đưa được lực lượng vào thành phố, nhưng họ tránh đụng độ với hải quân La Mã. Nắm được Lilybaeum, Palermo và Messina, La Mã đứng vững trên vùng bờ biển phía Bắc hòn đảo. Cửa ngõ phía Nam lại bỏ ngỏ cho người Carthage, và họ có thể tiếp tục ủng hộ cuộc bạo loạn.
Với tất cả những sự kiện như thế, có thể rút ra kết luận rằng hải quân La Mã đã kiểm soát vùng biển nằm ở phía Bắc đường ranh giới nối giữa Tarragona ở Tây Ban Nha với Lilybaeum (hiện gọi là Marsala) ở cực Tây của Sicily, từ đó vòng qua mạn Bắc của hòn đảo qua eo biển Messina xuống Syracuse, và tới Brindisi trên biển Adriatic. La Mã đã kiểm soát vùng biển này trong suốt thời gian diễn ra cuộc chiến. Không thể loại trừ được những vụ đột kích lớn nhỏ khác nhau, như đã nói ở trên; nhưng đã ngăn chặn được con đường tiếp tế liên tục và an toàn mà Hannibal rất cần.
Mặt khác, rõ ràng là trong mười năm đầu, hạm đội của La Mã không đủ sức hoạt động liên tục trong vùng biển giữa Sicily và Carthage, cũng như ở những vùng nằm ở phía Nam đường ranh giới vừa nhắc tới ở trên. Khi Hannibal lên đường, ông đã giao nhiệm cho đoàn tàu của mình là phải giữ vững những tuyến đường giao thông giữa Tây Ban Nha và châu Phi, La Mã đã không tìm cách ngăn chặn.
Như vậy, hải quân của La Mã đã đẩy Macedonia ra khỏi cuộc chiến. Nó không ngăn chặn được những hành động phá hoại đầy hiệu quả và cực kì phiền phức của Carthage ở Sicily, nhưng nó đã ngăn chặn được những toán quân chi viện cho vị tướng vĩ đại của họ ở Italy, khi ông này đang rất cần. Còn ở Tây Ban Nha thì sao?
Tây Ban Nha là khu vực mà Hannibal-cha và chính Hannibal đặt căn cứ chuẩn bị xâm nhập vào Italy. Mười tám năm trước đó, họ đã chiếm được đất nước này, họ đã mở mang và củng cố lực lượng của mình, cả về chính trị
https://thuviensach.vn
lẫn quân sự, với một sự sáng suốt hiếm có. Họ đã thành lập và rèn luyện, trong những cuộc chiến tranh khu vực, một đội quân đông đảo và dày dạn kinh nghiệm. Trước khi lên đường, Hannibal giao chính phủ cho Hasdrubal – em ruột ông – một người trung thành và tận tuỵ đến cùng với ông. Đó là lòng trung thành mà ông không thể nào hi vọng ở thành phố quê hương châu Phi đang tức giận vì cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn.
Khi Hannibal lên đường, ở Tây Ban Nha, Carthage giữ được quyền kiểm soát từ Cadiz đến Ebro. Các bộ lạc sinh sống trong khu vực giữa con sông này và dãy núi Pyrenees vốn có thái độ hữu hảo với người La Mã, nhưng không có sự trợ giúp của quân đội La Mã họ không thể chống lại được đội quân của Hannibal. Ông đã chinh phục được họ, và để lại một đội quân 11 ngàn người, dưới quyền chỉ huy của Hanno, vì sợ rằng người La Mã sẽ chiếm vùng đó và làm rối loạn đường giao thông tới căn cứ của ông.
Nhưng ngay trong năm đó, Gnaeus Scipio cùng với 20 ngàn chiến binh đã đến đó bằng đường biển, họ đánh tan đội quân của Hanno và chiếm được cả vùng bờ biển lẫn khu vực nằm ở phía bắc sông Ebro. Như vậy là quân La Mã đã chiếm được vùng đất cắt đứt hoàn toàn con đường giữa Hannibal và lực lượng chi viện của Hasdrubal, và từ đây họ có thể tấn công lực lượng Carthage ở Tây Ban Nha trong khi đường tiếp tế trên biển của họ lại được lực lượng hải quân vượt trội bảo đảm. Họ đã xây dựng một căn cứ hải quân ở Tarragona nhằm đương đầu với căn cứ của Hasdrubal ở Cartagena, và sau đó đổ bộ lên những khu vực mà Carthage đã chiếm được. Cuộc chiến tranh ở Tây Ban Nha, có vẻ như chỉ giữ vai trò thứ yếu, diễn ra dưới quyền chỉ huy của hai anh em Scipio, ưu thế lúc nghiêng bên này, khi nghiêng bên kia. Cuối cùng, sau bảy năm giao tranh, Hasdrubal đã giáng cho họ một đòn chí tử, hai anh em nhà Scipio đều bị giết, người Carthage cùng với đoàn quân tiếp viện cho Hannibal suýt nữa thì vượt qua được dãy Pyrenees. Tuy nhiên, lần này họ đã bị ngăn chặn, và trước khi họ kịp tung ra một cuộc tấn công mới thì Capua thất thủ. Hai mươi ngàn chiến binh La Mã dày dạn kinh nghiệm tham gia chiến dịch Capua được đưa tới Tây Ban Nha. Tướng chỉ huy là Claudius Nero – một người có năng lực đặc biệt – sau này đã tiến
https://thuviensach.vn
hành một cuộc hành quân có ý nghĩa quyết định nhất trong cuộc chiến tranh Punic lần thứ hai. Đoàn quân tiếp viện kịp thời này – tạo ra một gọng kìm trên đường hành quân của Hasdrubal – di chuyển bằng đường biển, một tuyến đường vừa nhanh vừa thuận lợi, nhưng người Carthage không thể sử dụng vì bị hải quân La Mã ngăn chặn.
Hai năm sau, Publius Scipio-con, sau này được vinh danh là Africanus, trở thành người cầm quân ở Tây Ban Nha và dùng lực lượng hỗn hợp của lục quân và hải quân đánh chiếm Cartagena. Sau đó, ông đã thực hiện một bước đi cực kì lạ thường; phá huỷ hạm đội của mình và chuyển tất cả thuỷ thủ thành lính bộ binh. Không hài lòng với vai trò “kìm chân” đạo quân của Hasdrubal* bằng cách ngăn chặn tất cả những con đường đi vào dãy Pyrenees, Scipio đưa quân xuống miền Nam Tây Ban Nha và đánh một trận dữ dội nhưng không giành được chiến thắng quyết định ở Guadalquyvir. Hasdrubal trốn thoát, ông ta vội vàng đưa quân theo hướng bắc và vượt dãy Pyrenecs ở mỏm cực Tây của nó rồi nhanh chóng tiến vào Italy, nơi lực lượng của Hannibal đang ngày càng yếu đi vì không có quân thay thế cho số thương vong.
Chiến tranh đã kéo dài mười năm, khi Hasdrubal tiến vào Italy từ hướng Bắc mà chỉ bị tổn thất không đáng kể. Nếu các đơn vị ông đưa tới liên kết được với đạo quân nằm dưới quyền chỉ huy của Hannibal vô địch họ có thể tạo ra được bước ngoặt quyết định của cuộc chiến, vì lúc đó La Mã cũng đã gần kiệt sức; mắt xích rắn chắc gắn kết với các nước thuộc địa và các nước đồng minh đã căng hết mức, một số đã bị đứt. Nhưng lực lượng quân sự của hai anh em người Carthnge cũng rơi vào tình trạng cực kì nguy hiểm. Một người đang ở bên bờ sông Metaurus, còn người kia ở Apulia, cách nhau hai trăm dặm, mỗi đội quân đều phải đối mặt với một lực lượng vượt trội hơn mình, còn quân La Mã thì đứng giữa hai đạo quân bị chia cắt đó. Tình thế khó khăn đó cũng như sự chậm trễ của Hasdrubal là do La Mã đã kiểm soát được mặt biển, trong suốt cuộc chiến tranh, hai anh em người Carthage chỉ có thể hỗ trợ nhau bằng đường bộ qua ngả Gaul mà thôi. Đúng vào lúc Hasdrubal thực hiện cuộc hành quân bằng đường bộ kéo dài và đầy
https://thuviensach.vn
nguy hiểm, Scipio lại đưa thêm bằng đường biển 11 ngàn quân từ Tây Ban Nha đến tăng cường cho lực lượng La Mã đang chiến đấu với ông này. Kết quả là thư từ của Hasdrubal gửi cho Hannibal, phải đi qua vành đai rộng lớn của đất nước thù nghịch, đã rơi vào tay Claudius Nero, chỉ huy đạo quân phương Nam của La Mã, và vì vậy ông này đã biết trước đường tiến quân của Hasdrubal. Nero đánh giá đúng tình huống và sau khi đánh lừa được Hannibal, ông đã nhanh chóng đưa tám ngàn quân thiện chiến nhất lên miền Bắc để kết hợp với lực lượng ở đấy. Sau khi kết hợp, hai người đứng đầu chính phủ với lực lượng vượt trội về quân số đã tấn công Hasdrubal và tiêu diệt hoàn toàn đạo quân của ông ta; chính vị chỉ huy người Carthage cũng bỏ mình trong trận đánh này. Hannibal chỉ nhận được tin về tai hoạ khi đầu của người em bị vứt vào lều của ông. Có người nói ông đã kêu lên rằng La Mã sẽ trở thành chúa tể thế giới và trận đánh ở Metaurus được mọi người coi là trận quyết chiến giữa hai quốc gia.
Tình hình quân sự sau trận Metaurus và chiến thắng của La Mã có thể được tóm tắt như sau: Muốn lật đổ được đế chế La Mã thì phải tấn công vào Italy, tức là tấn công vào trung tâm quyền lực của nó và làm rung chuyển liên bang vững chắc do nó đứng đầu. Đó là mục tiêu. Để đạt được mục tiêu, người Carthage phải có một căn cứ vững chắc và một đường giao thông an toàn. Căn cứ đã được dòng họ Barca đầy tài năng thiết lập ở Tây Ban Nha, nhưng đường giao thông an toàn thì không bao giờ có, chỉ có hai con đường – một đường đi thẳng qua biển, đường kia vòng qua xứ Gaul. Đường biển đã bị hải quân La Mã ngăn chặn, đường kia đầy nguy hiểm, và cuối cùng, sau khi La Mã chiếm được miền Bắc Tây Ban Nha, thì cũng bị ngăn chặn nốt. Có thể chiếm được miền Bắc Tây Ban Nha là nhờ La Mã kiểm soát được mặt biển, người Carthage không phải là mối đe doạ đối với lực lượng hải quân La Mã. Như vậy, so với Hannibal và căn cứ của ông, La Mã đã chiếm được hai vị trí trung tâm là La Mã và miền Bắc Tây Ban Nha, được nối với nhau bằng đường biển nội thuỷ, có thể thường xuyên trợ giúp nhau.
Giả sử Địa Trung Hải là một sa mạc bằng phẳng và người La Mã chiếm được những dãy núi Corsica và Sardinia, các đồn bốt vững chắc ở
https://thuviensach.vn
Tarragona, Lilybaeum, và Messina, bờ biển Italy ở gần Genoa, và những pháo đài của quân đồng minh ở Marseilles và những vị trí khác; giả sử họ có một đội quân có thể vượt qua được sa mạc – khi cần – còn quân địch thì yếu hơn rất nhiều và vì vậy muốn tập trung quân thì buộc phải đi theo đường vòng, người ta sẽ nhận ra ngay tình hình chiến sự và sẽ không cần dùng những ngôn từ mạnh mẽ đến như thế để nói về giá trị và ảnh hưởng của lực lượng đặc biệt đó của La Mã nữa. Mọi người cũng sẽ hiểu ngay rằng kẻ thù của họ, dù yếu hơn rất nhiều, có thể đột kích vào lãnh thổ, có thể đốt phá một số làng mạc hay tàn phá sạch mấy dặm gần khu vực biên giới, thậm chí cướp các đoàn xe tiếp tế, mà không hề đe doạ được con đường giao thông. Bên tham chiến có lực lượng hải quân yếu hơn cũng vẫn thường thực hiện những chiến dịch cướp bóc như thế, nhưng những chiến dịch cướp bóc đó không thể nào biện hộ được cho kết luận không phù hợp với những sự kiện mà ai cũng biết. Đó là kết luận cho rằng dường như “có thể nói rằng cả La Mã lẫn Carthage đều không nắm được quyền làm chủ tuyệt đối trên mặt biển” vì “hạm đội La Mã thỉnh thoảng có ghé thăm bờ biển Phi châu, còn hạm đội Carthage cũng xuất hiện ngoài bờ biển của Italy”. Trong trường hợp chúng ta đang xem xét, hải quân đóng vai trò của lực lượng vượt trội trên sa mạc giả định vừa nói. Nhưng lực lượng này dựa vào một thành tố xa lạ đối với đa số người cầm bút, vì từ xa xưa những người hoạt động trên biển đã là những người xa lạ, họ không có những nhà tiên tri của mình, cho nên ảnh hưởng quyết định của họ đối với lịch sử thời đó đã bị người đời bỏ qua. Nếu luận cứ ở trên là đúng thì bỏ sức mạnh trên biển ra khỏi danh mục những tác nhân chính của các sự kiện lịch sử cũng như tuyến bố rằng nó là độc nhất vô nhị đều vô lí như nhau.
Các ví dụ ở trên được lấy ra từ những giai đoạn rất xa nhau, cả trước và sau giai đoạn sẽ được xem xét trong tác phẩm này, nhằm minh chứng cho sự thú vị nội tại của đề tài và tính chất của những bài học mà lịch sử có thể dạy cho chúng ta. Như đã nói ở trên, bài học lịch sử ở đây thường thuộc lĩnh vực chiến lược hơn là chiến thuật, chúng thường liên quan đến quá trình thực hiện chiến dịch hơn là các trận đánh, và vì vậy nó có giá trị lâu dài. Jomini, một người có uy tín lớn trong lĩnh vực này, từng nói: “Nhân dịp tôi đến Paris
https://thuviensach.vn
vào năm 1851, một người có danh vọng ở đó đã dành cho tôi vinh dự khi hỏi ý kiến của tôi về việc liệu những cải tiến súng ống vừa qua có tạo ra những thay đổi lớn trong cách thức tiến hành chiến tranh hay không. Tôi trả lời rằng, chúng có thể có ảnh hưởng đối với các chi tiết chiến thuật, nhưng trong những chiến dịch có tính chiến lược lớn lao và những trận đánh phối hợp trên những địa bàn rộng lớn thì chiến thắng, bây giờ cũng như mãi mãi, sẽ là kết quả của việc áp dụng những nguyên lí đã từng đưa đến chiến thắng của những người cầm quân vĩ đại thuộc mọi thời đại. Đó là nguyên lí của Alexander và Ceasar, cũng như của Frederick và Napoleon.” Đối với hải quân, việc nghiên cứu các nguyên lí này còn quan trọng hơn trước kia vì tàu chạy bằng hơi nước hiện đại có khả năng di chuyển nhanh và ổn định. Kế hoạch tốt nhất có thể thất bại vì thời tiết, đó là nói trong thời đại thuyền galley và thuyền buồm, bây giờ khó khăn như thế đã không còn. Những nguyên lí làm kim chỉ nam cho những chiến dịch phối hợp tác chiến của những lực lượng hải quân lớn từng được áp dụng cho mọi thời đại và được rút ra từ lịch sử; nhưng sức mạnh, giúp ta không cần chú ý nhiều tới thời tiết, lại mới chỉ được phát hiện trong thời gian gần đây mà thôi.
Những định nghĩa người ta gán cho từ “chiến lược” thường gắn nó với sự phối hợp của lực lượng quân sự bao trùm lên một hoặc một vài vùng chiến sự, độc lập hay phụ thuộc vào nhau, nhưng bao giờ cũng được coi là những tình huống thực tế hoặc trực tiếp của chiến tranh. Nhưng định nghĩa này có thể chỉ đúng đối với lực lượng bộ binh mà thôi, một tác giả người Pháp gần đây đã nói rất đúng rằng nếu đem áp dụng cho chiến lược của hải quân thì định nghĩa đó tỏ ra quá hẹp. “Chiến lược của hải quân”, ông nói, “khác với chiến lược của bộ binh ở chỗ nó cần cho cả thời bình lẫn thời chiến. Trên thực tế, trong thời bình nó có thể giành được chiến thắng quyết định bằng cách chiếm lấy những vị trí có lợi nhất ở một quốc gia – mua hoặc thông qua hiệp ước – mà chiến tranh chưa chắc đã chiếm được. Nó dạy ta cách sử dụng tất cả mọi cơ hội để có thể đặt chân lên một địa điểm được lựa chọn trên bờ biển và biến khu vực ban đầu chỉ là nơi đóng quân tạm thời thành khu vực chiếm đóng vô thời hạn.” Một thế hệ đã chứng kiến nước Anh trong vòng mười năm lần lượt chiếm được Cyprus và Ai Cập bằng
https://thuviensach.vn
những hiệp định mà thời hạn và điều kiện dường như là tạm thời, nhưng đến nay vẫn chưa rời bỏ những vị trí mà họ nắm được, có thể sẵn sàng đồng ý với nhận định trên. Nhận định trên còn được minh hoạ bằng sự kiên trì thầm lặng của tất cả các siêu cường trên mặt biển trong việc tìm kiếm hết vị trí này đến vị trí khác, tuy không được nhiều người biết và không có giá trị bằng Cyprus và Ai Cập, trong những vùng biển khác nhau mà người dân hay tàu của họ xâm nhập được. “Chiến lược của hải quân có mục tiêu là thiết lập, ủng hộ và làm gia tăng, cả trong thời bình lẫn thời chiến, sức mạnh trên biển của đất nước.” Vì vậy, nghiên cứu chiến lược của hải quân là mối quan tâm của tấc cả các công dân của đất nước tự do, và đặc biệt là của những người có trách nhiệm trong lĩnh vực quân sự và ngoại giao.
Trước hết, chúng ta sẽ nghiên cứu những điều kiện chung nhất, tức là những điều kiện có ảnh hưởng sống còn hoặc có ảnh hưởng mạnh đối với quyền lực của một quốc gia trên mặt biển. Sau đó, chúng ta sẽ nghiên cứu một cách cụ thể hơn các dân tộc gần biển ở châu Âu trong giai đoạn giữa thế kỉ 17. Chúng ta sẽ bắt đầu khảo sát lịch sử từ giai đoạn này, nó sẽ cung cấp những bằng chứng làm sáng tỏ và giúp đưa ra những kết luận chính xác về chủ đề chính của chúng ta.
Ghi chú: Niềm vinh quang sáng chói của Nelson đã làm lu mờ tất cả những người đương thời với ông, và niềm tin tuyệt đối của người Anh rằng ông là người duy nhất có thể bảo vệ được đất nước trước những toan tính của Napoleon, dĩ nhiên là không thể che giấu được sự kiện là ông chỉ chiếm hoặc chỉ có thể chiếm được một phần chiến trường mà thôi. Mục tiêu của Napoleon trong chiến dịch, kết thúc bằng trận đánh ở Trafalgar, là tập trung ở Tây Ấn hạm đội Brest, Toulon và Rochefort của Pháp, cùng với đoàn tàu của Tây Ban Nha để tạo ra một lực lượng áp đảo mà ông dự định đưa về eo biển Manche nhằm bảo vệ cho công cuộc vượt biển của quân đội Pháp. Ông hi vọng rằng quyền lợi của người Anh nằm rải rác khắp thế giới cho nên họ sẽ bị lầm lẫn và bối rối vì không nắm được nơi tập kết của tàu chiến Pháp và hải quân Anh sẽ bị đưa ra khỏi mục tiêu của ông ta. Chiến trường của Nelson là Địa Trung Hải, nơi ông theo dõi hoạt động của hạm đội Toulon và
https://thuviensach.vn
những con đường tấp nập sang phương Đông cũng như ra Đại Tây Dương. Nhiệm vụ này cũng có ý nghĩa không kém bất cứ nhiệm vụ nào khác, và theo Nelson thì còn có phần quan trọng hơn vì ông tin rằng việc xâm chiếm Ai Cập sẽ được khởi động lại. Vì tin tưởng như thế cho nên ban đầu ông đã có một bước đi sai lầm, gây chậm trễ cho việc đuổi theo hạm đội Toulon, dưới quyền chỉ huy của Villeneuve. Trong khi đó, hạm đội Pháp lại có thuận lợi là đi theo chiều gió trong một thời gian dài, còn hạm đội Anh thì đi ngược chiều gió. Nhưng nếu tất cả những chuyện này đều đúng, nếu thất bại của Napoleon đều được gán cho vòng vây siết chặt của quân Anh ở Brest cũng như việc Nelson đuổi theo hạm đội Toulon khi hạm đội này rời khỏi Tây Ấn và tiếp tục đi theo sau khi nó vội vã trở về châu Âu thì việc đuổi theo này đúng là sự độc đáo lỗi lạc của Nelson, như lịch sử đã ghi nhận và sẽ được khẳng định ở bên dưới. Đúng là Nelson không biết kế hoạch của Napoleon. Điều này có thể là do thiếu sáng suốt, như một số người nói; nhưng có thể đơn giản là do phía phòng thủ không thể biết được vị trí ra đòn đầu tiên của phía tấn công. Nắm chắc được điểm mấu chốt của hoàn cảnh đã là sáng suốt rồi, và ở đây Nelson coi hạm đội chứ không phải điểm dừng chân là mấu chốt. Vì vậy, hành động của ông cung cấp cho chúng ta một ví dụ đáng chú ý về việc nếu bám chắc và kiên trì thực hiện mục tiêu thì ta có thể sửa chữa được sai lầm ban đầu và đập tan kế hoạch đã được chuẩn bị kĩ lưỡng của kẻ thù. Đội quân dưới quyền của ông ở Địa Trung Hải có nhiều nhiệm vụ và mối lo, nhưng ông nhận thức rõ rằng theo dõi hạm đội Toulon là nhiệm vụ quan trọng nhất vì nó là tác nhân chủ đạo ở đây và cũng là tác nhân quan trọng trong bất kì sự kết hợp hải quân nào của Hoàng đế Pháp. Vì vậy, ông kiên trì theo dõi hoạt động của hạm đội này đến mức gọi nó là “hạm đội của tôi”, một câu nói đã làm cho những nhà phê bình người Pháp bực mình. Quan niệm đơn giản và chính xác về tình hình chiến sự như thế đã củng cố niềm tin của ông trong việc đưa ra quyết định đầy trách nhiệm: rời bỏ vị trí được giao và đi theo “hạm đội của mình”. Sự sáng suốt không thể phù nhận của quyết định này không thể làm lu mờ sự vĩ đại của trí tuệ của con người thực hiện nó, ông đã thực thi quyết định một cách kiên định và đã đến được Cadiz trên đường trở về một tuần trước khi Villeneuve vào
https://thuviensach.vn
được Ferrol. Mặc cho những sự trì hoãn không thể tránh được vì những tin tức sai lầm và không chắc chắn về sự di chuyển của hạm đội địch. Trí kiên cường không mệt mỏi đã giúp ông đưa đoàn tàu của mình từ Cadiz đến Brest đúng lúc, làm cho hạm đội ở đây có quân số vượt trội hơn hạm đội của Villeneuve, nếu ông này cố tình mang quân tới đó. Như vậy là, hạm đội Anh, với số lượng tàu chiến ít hơn hẳn số tàu chiến của các hạm đội đồng minh, đã đưa được lực lượng tăng viện là 8 con tàu đã trải qua nhiều trận chiến vào đúng vị trí chiến lược thuận lợi nhất. Việc này sẽ được chỉ rõ trong khi xem xét những hoàn cảnh tương tự trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Mỹ. Lực lượng Anh tập trung thành một hạm đội ở vịnh Biscay, nằm giữa hai đơn vị Pháp ở Brest và Ferrol. So với từng đơn vị Pháp thì Anh vượt trội về quân số và có nhiều khả năng là sẽ đập tan một trong hai hạm đội trước khi được hạm đội kia ứng cứu. Có được điều kiện thuận lợi như vậy là do chính quyền Anh đã có những hoạt động hữu hiệu, nhưng tác nhân quan trọng nhất chính là quyết định của một mình Nelson trong việc đuổi theo “hạm đội của mình”.
Một loạt vụ chuyển quân mang tính chiến lược đó đã kết thúc vào ngày 14 tháng 8, đấy là khi Villeneuve, tuyệt vọng vì không thể đến được Brest, đã cho hạm đội hướng vào Cadiz và thả neo ở đây vào ngày 20. Napoleon tỏ ra vô cùng tức giận khi nhận được tin này, ông lập tức hạ lệnh điều quân tới Ulm và Austerlitz, không còn theo đuổi mục tiêu là chống lại Anh nữa. Trận thuỷ chiến ở Trafalgar, ngày 21 tháng 10, xảy ra đúng hai tháng sau những vụ chuyển quân trên một vùng biển rộng lớn và chính là kết quả của những vụ chuyển quân đó. Một thời gian sau, chiến công của Nelson mới được công nhận, nhưng đấy chính là dấu ấn của một thiên tài. Hoàn toàn có lí khi nói rằng nước Anh đã được cứu ở Trafalgar, mặc dù Hoàng đế Pháp đã huỷ bỏ kế hoạch xâm lược Anh từ trước đó. Sự thất trận của hạm đội Pháp ở đây càng làm nổi bậc và chứng thực cho chiến thắng mang tính chiến lược của quân Anh, góp phần phá huỷ một cách thầm lặng các kế hoạch của Napoleon.
https://thuviensach.vn
I
Những thành tố của sức mạnh trên biển.
Từ quan điểm xã hội và chính trị, biển cả là một con đường lớn, hay nói đúng hơn, là một đồng bằng cực kì rộng, đi theo hướng nào cũng được. Nhưng việc người ta chỉ chọn một số tuyến đường này chứ không phải một số tuyến đường khác, chứng tỏ có những lí do quyết định của nó. Những tuyến đường này được gọi là tuyến đường giao thương, lịch sử thế giới sẽ cung cấp cho chúng ta câu trả lời tại sao người ta lại chọn những tuyến đường đó.
Mặc dù biển cả tiềm ẩn đầy hiểm nguy, những hiểm nguy thường gặp hoặc hiếm gặp, nhưng vận tải bằng đường thuỷ bao giờ cũng dễ dàng và rẻ hơn so với vận tải bằng đường bộ. Nền thương mại Hà Lan to lớn như thế không chỉ bởi nước này có thể vận chuyển theo đường biển mà còn bởi họ có những đường nội thuỷ không có thác ghềnh, dễ dàng đến những khu vực trong nước cũng như đến các khu vực của Đức. Trong giai đoạn đường bộ còn ít và xấu, chiến tranh và bạo loạn diễn ra thường xuyên – tình trạng của 200 năm trước – tính ưu việt của giao thông đường thuỷ so với giao thông đường bộ còn nổi bật hơn nữa, vận tải đường biển hồi đó còn bị bọn cướp đe doạ, nhưng dù sao vẫn an toàn và nhanh hơn vận tải đường bộ. Một tác giả người Hà Lan thời đó, trong khi đánh giá về khả năng chiến tranh của nước ông với Anh quốc, đã nhận xét rằng đường nội thuỷ ở Anh không đi tới tất cả các vùng trong nước, còn đường bộ thì xấu nên phải vận chuyển hàng hoá bằng đường biển và trên đường đi có thể bị cướp. Nếu chỉ nói về nội thương,
https://thuviensach.vn
hiện nay nguy cơ như thế đã không còn. Trong phần lớn các nước văn minh, việc phá hoại công cuộc giao thương gần bờ biển chỉ gây ra một chút bất tiện. Mặc dù vậy, vận chuyển đường thuỷ vẫn rẻ hơn. Tuy vậy, tất cả những ai đã đọc lịch sử cũng như sách báo viết về hải quân dành cho đại chúng liên quan đến giai đoạn những cuộc chiến tranh của Cộng hoà Pháp và Đế chế Thứ nhất đều biết rằng, người ta thường nhắc tới những đoàn tàu buôn đi dọc theo bờ biển của Pháp, mặc dù mặt biển đầy tàu tuần tiễu của Anh và đường bộ lúc đó cũng tương đối tốt.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nội thương chỉ là một phần hoạt động kinh doanh của những nước có đường biên giới là biển, cần phải đưa những hàng hoá thiết yếu và hàng xa xỉ của nước ngoài về cảng bằng tàu của mình hoặc tàu nước ngoài, đến lượt nó, những con tàu này lại mang đi những sản vật mà nước này khai thác được hay sản xuất được. Nước nào cũng muốn tàu của họ sẽ thực hiện công việc vận tải trong quá trình trao đổi như thế. Những con tàu vận tải cần có hải cảng an toàn để quay về và được đất nước bảo vệ.
Thời chiến, tàu của hải quân cũng phải tham gia vào công tác bảo vệ. Như vậy, sự cần thiết của lực lượng hải quân, theo nghĩa hẹp của từ này, xuất phát từ sự tồn tại của đội tàu vận tải dân sự và sẽ biến mất nếu người ta không còn vận tải theo đường biển nữa, đó là nói nếu đất nước đó không có ý định gây hấn và xây dựng hải quân thành một trong những nhánh lực lượng vũ trang của họ. Vì hiện nước Mỹ không có ý định gây hấn và nền ngoại thương của họ hầu như cũng không còn nên hạm đội của họ đã thu hẹp lại và người ta cũng không còn chú ý đến nó nữa. Đó cũng là kết quả hợp lí. Nếu vì lí do nào đó, việc buôn bán bằng đường biển được phục hồi, mối quan tâm đến vận tải đường thuỷ sẽ gia tăng và những hạm đội hải quân sẽ lại xuất hiện, có khả năng, khi việc đào kênh qua eo đất ở Trung Mỹ sắp trở thành hiện thực thì những xung lực mang tính gây hấn (nguyên văn: aggressive impulse) sẽ mạnh lên, đủ sức tạo ra kết quả tương tự. Người ta cũng ngờ rằng, một dân tộc yêu chuộng hoà bình, hoặc hám lời thường
https://thuviensach.vn
không biết nhìn xa trông rộng; mà cần phải biết lo xa thì mới có sự chuẩn bị thích hợp về mặt quân sự, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Khi một quốc gia đưa tàu có vũ trang và không có vũ trang đi xa khỏi bờ biển của mình, chẳng mấy chốc nó sẽ cảm thấy cần phải có những điểm mà tàu có thể dựa vào trong hoạt động thương mại hoà bình cũng như trú ẩn và tiếp tế. Hiện nay, có thể tìm được hải cảng hữu hảo, tuy là của nước ngoài, trên khắp thế giới, vì vậy vấn đề an toàn có thể được đảm bảo, đó là nói thời bình. Nhưng hoà bình không phải được kéo dài mãi, mặc dù nước Mỹ đã được hưởng hoà bình trong một thời gian khá dài. Trước đây, người buôn bán bằng đường thuỷ tìm kiếm quan hệ giao thương trong những vùng đất mới chưa có người khai phá, vì lợi nhuận họ sẵn sàng hi sinh cả tính mạng lẫn sự tự do của mình trong những vụ va chạm với các dân tộc đa nghi và thù nghịch. Tìm đủ hàng hoá có lãi để chất đầy tàu đòi hỏi khá nhiều thời gian. Vì vậy, ở cuối mỗi con đường giao thương người ta thường thiết lập bằng vũ lực hoặc bằng quan hệ hữu hảo, một vài trạm dừng chân, nơi họ hay đại lí của họ có thể cảm thấy tương đối an toàn, nơi tàu của họ có thể trú ẩn và mua những sản phẩm có thể bán được trong khi chờ đợi hạm đội của quê hương đến chở những món hàng đó về. Lợi nhuận cũng như những mối hiểm nguy trong những chuyến đi như thế là rất lớn, cho nên các trạm dừng chân sẽ được nhân lên và phát triển thành những khu định cư của kiều dân, sự phát triển và thành công của các khu vực này phụ thuộc vào sự sáng suốt và chính sách của đất nước lập ra chúng, các khu vực này có vai trò rất lớn trong lịch sử thế giới và đặc biệt là lịch sử hàng hải. Không phải tất cả các khu định cư đều được hình thành và phát triển một cách tự nhiên và đơn giản như thế. Nhiều khu vực được hình thành do những mục tiêu chính trị, là hành động của nhà cầm quyền chứ không phải của những cá nhân riêng biệt. Nhưng các trạm dừng chân của thương nhân sau khi đã được mở rộng, chỉ là việc tìm kiếm lợi nhuận của những người phiêu lưu, về lí do và bản chất cũng không khác gì những khu định cư được tổ chức một cách công phu và có quy chế. Trong cả hai trường hợp, tổ quốc đã đặt được chân lên vùng đất của nước khác, trong khi tìm kiếm đầu ra cho hàng hoá, tìm kiếm những khu
https://thuviensach.vn
vực hoạt động mới cho đội tàu, tìm kiếm thêm công việc cho dân chúng, thêm tài sản và tiện nghi cho chính mình.
Nhu cầu của thương mại không chỉ là sự bảo đảm an toàn trên những điểm đến của con đường thiên lí. Tất cả các chuyến hải hành đều dài và nguy hiểm, trên đại dương lại thường xuất hiện những con tàu thù nghịch. Trong thời kì việc xâm chiếm các vùng đất làm thuộc địa còn diễn ra phổ biến, trên các đại dương dường chẳng có luật lệ gì, hiện chẳng còn mấy người nhớ được chuyện đó, và có những giai đoạn hoà bình giữa các dân tộc ven biển vừa hiếm lại vừa ngắn. Vì vậy, xuất hiện nhu cầu phải có những trạm dừng chân trên đường hàng hải, ví dụ như mũi Hảo Vọng, đảo St. Helena và Mauritius. Lúc đầu không phải vì mục đích thương mại mà vì mục đích phòng thủ và chiến tranh nên người ta cần chiếm những vị trí như Gibraltar, Malta, Louisburg, ở lối vào vịnh Lawrence – những vị trí trọng yếu có tính chiến lược, nhưng cũng không phải hoàn toàn như thế. Các thuộc địa và những vị trí ở các nước thuộc địa, về tính chất, có khi là vị trí thương mại, có khi lại là vị trí quân sự; chỉ những khu vực đặc biệt, ví dụ như New York, mới có giá trị quan trọng như nhau, cả về thương mại lẫn quân sự.
Ba lĩnh vực: 1) sản xuất hàng hoá để trao đổi, 2) vận chuyển đến nơi trao đổi và 3) các thuộc địa hỗ trợ, mở mang hoạt động vận chuyển và che chở bằng cách tạo thêm những khu vực an toàn – chìa khoá cho nhiều vấn đề của lịch sử cũng như chính sách của các nước nằm bên bờ biển phải được tìm trong ba lĩnh vực trên, chính sách thay đổi cùng với tinh thần của thời đại, với đặc điểm cùng khả năng nhìn xa trông rộng của nhà cầm quyền. Nhưng lịch sử các nước ven biển phần lớn lại được quyết định bởi những điều kiện của vị trí địa lí, chiều dài và hình thế bờ biển, số dân và đặc điểm người dân – tức là được quyết định bởi điều kiện tự nhiên chứ không phải bởi sự khôn ngoan và nhìn xa trông rộng của chính phủ. Tuy nhiên, phải công nhận và sau này sẽ thấy rằng hành động sáng suốt hoặc thiếu sáng suốt của những con người cụ thể, trong những giai đoạn nhất định, đã có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của sức mạnh trên biển theo nghĩa rộng, bao
https://thuviensach.vn
gồm không chỉ sức mạnh đủ sức khống chế mặt biển hoặc một phần mặt biển bằng quân sự mà còn cả việc buôn bán trong thời bình và việc vận chuyển bằng đường biển nữa, từ đó mới xuất hiện hạm đội và nhờ hạm đội mà việc vận chuyển trở nên an toàn hơn.
Những điều kiện chính ảnh hưởng đến sức mạnh trên biển của quốc gia có thể được đánh số như sau: I. Vị trí địa lí. II. Điều kiện vật chất, trong đó có sản phẩm tự nhiên và khí hậu. III. Quy mô lãnh thổ. IV. Quy mô dân số. V. Đặc điểm người dân. VI. Đặc điểm chính phủ, bao gồm cả các định chế của quốc gia.
I. Vị trí địa lí. Trước hết, có thể chỉ ra ngay rằng nếu đất nước nằm ở vị trí không cần phải phòng thủ trên đất liền cũng như không tìm cách mở rộng lãnh thổ bằng đường bộ thì mục tiêu duy nhất của nó là hướng về biển, và như vậy có ưu thế hơn so với các nước có đường biên giới trên đất liền. Nói về quyền lực trên biển thì nước Anh có lợi thế hơn so với Pháp và Hà Lan. Hà Lan đã nhanh chóng suy kiệt vì phải duy trì một đạo quân đông đảo và phải tiến hành những cuộc chiến tranh tốn kém nhằm bảo vệ nền độc lập; trong khi Pháp quay lưng lại với biển – đôi khi đó là chính sách thông minh, nhưng cũng có khi lại là cực kì ngu ngốc – nhằm theo đuổi những kế hoạch mở rộng lãnh thổ trên lục địa. Những nỗ lực quân sự như thế đã làm hao mòn tài sản, trong khi nếu biết sử dụng một cách khôn ngoan hơn và kiên trì hơn vị trí địa lí của mình, có thể họ đã giàu có hơn, kiếm được nhiều tài sản hơn, của cải của họ sẽ càng gia tăng.
Vị trí địa lí có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc tập trung hay buộc phải phân tán lực lượng hải quân, ở đây, nước Anh có lợi thế hơn nước Pháp. Nước Pháp tiếp giáp với cả Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, tuy có nhiều ưu điểm, nhưng lại là nguồn gốc của sự yếu kém về mặt quân sự. Hạm đội phía đông và phía tây của Pháp phải đi qua eo biển Gibraltar mới gặp được nhau; trong khi làm như thế, họ thường gặp nhiều rủi ro và có khi còn bị thiệt hại. Nước Mỹ nằm giữa hai đại dương cũng là nguồn gốc của sự yếu kém hoặc phải chi phí rất nhiều, đó là nói trong trường hợp thương mại ở cả hai bên bờ đại dương đều phát triển.
https://thuviensach.vn
Nước Anh, vì là một đế chế có rất nhiều thuộc địa, đã phải hi sinh nhiều lợi thế khi không thể tập trung toàn bộ lực lượng xung quanh bờ biển của mình. Nhưng như sự kiện đã cho thấy, đấy lại là sự hi sinh thông minh vì lợi nhiều hơn thiệt. Cùng với sự phát triển của hệ thống thuộc địa, hạm đội của họ cũng phát triển, nhưng đội tàu chở hàng và tài sản của họ còn phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh giành độc lập ở Mỹ và trong cuộc chiến tranh của nước cộng hoà Pháp và Đế chế, theo lời một tác giả người Pháp thì: “Nước Anh, mặc dù lực lượng hải quân phát triển rất mạnh, dường như lúc nào cũng nằm trên đống của, lại cảm thấy bối rối vì nghèo túng”. Anh mạnh đến mức có thể giữ cho tim và những bộ phận khác của cơ thể cùng hoạt dộng, trong khi đế chế Tây Ban Nha cũng rộng lớn như thế, nhưng do sự yếu kém của lực lượng trên biển nên đã để lộ quá nhiều yếu điểm.
Vị trí địa lí của đất nước không chỉ giúp tập trung lực lượng mà còn tạo ra lợi thế về mặt chiến lược, nó là vị trí trung tâm và căn cứ tốt phục vụ cho những chiến dịch nhằm chống lại kẻ thù tiềm ẩn của họ. Đó là trường hợp của nước Anh. Một mặt, nó phải chống lại Hà Lan và các nước ở phía bắc, mặt kia là Pháp và Đại Tây Dương. Khi bị liên minh giữa Pháp và các nước có lực lượng hải quân ở biển Bắc và biển Baltic tấn công – như đã từng xảy ra trong những cuộc chiến tranh khác nhau – hạm đội của họ ở Downs và eo biển Manche, thậm chí ở Brest, nằm ở vị trí bên trong so với kẻ thù, và vì vậy nó có thể sẵn sàng dùng lực lượng hợp nhất để chống lại một trong những hạm đội đối địch, vì để có thể liên kết với nhau, quân địch phải tìm cách đi qua eo biển Manche. Ngoài ra, ở cả hai phía bờ biển, thiên nhiên đã ban tặng cho nước Anh những hải cảng tốt và bờ biển an toàn, dễ tiếp cận. Thời xưa, đó là thành tố cực kì hệ trọng trong việc đi qua eo biển Manche. Mãi sau này, nhờ có tàu chạy bằng hơi nước và sự cải thiện của các hải cảng, Pháp mới khắc phục được phần nào bất lợi so với nước Anh. Trong thời đại thuyền buồm, trong những chiến dịch tấn công Brest, hạm đội Anh lập căn cứ ở Torbay và Plymouth. Kế hoạch đơn giản như sau: khi có gió Đông hoặc thời tiết ôn hoà, hạm đội vây hãm dễ dàng giữ được vị trí, nhưng khi gió Tây thổi mạnh thì tàu chiến Anh trở về cảng của mình, họ biết rằng tàu Pháp chỉ
https://thuviensach.vn
ra khơi khi gió đổi chiều và như thế cũng là giúp cho họ quay lại vị trí của mình.
Lợi thế của việc ở gần quân địch hay gần mục tiêu tấn công thể hiện rõ nhất dưới dạng cuộc chiến tàn phá thương mại, người Pháp gọi là guerre de course. Chiến dịch quân sự này, nhằm chống lại các tàu buôn không vũ trang, chỉ sử dụng những tàu chiến loại nhỏ. Những chiếc tàu chiến này, vì khả năng phòng vệ không cao, cần phải có chỗ trú ẩn hoặc trợ giúp bên cạnh; tức những vị trí trên biển do tàu chiến của nước mình kiểm soát hoặc hải cảng của nước hữu hảo. Những hải cảng như thế thường rất có ích, vì bao giờ cũng ở yên vị trí và bên tàn phá thương mại biết rõ lối vào hơn địch thù của họ. Việc Pháp ở gần Anh làm cho cuộc chiến guerre de course chống lại nước này diễn ra dễ dàng hơn nhiều. Vì có những hải cảng, cả ở biển Bắc lẫn trong eo biển Manche và trên Đại Tây Dương, tàu tuần dương của Pháp xuất phát từ những điểm gần đường giao thương, cả đến và đi, của Anh. Khoảng cách tương đối lớn giữa các cảng là điểm bất lợi cho sự phối hợp tác chiến của lực lượng quân sự thường trực, nhưng lại là lợi thế cho những chiến dịch không thường xuyên và có ý nghĩa thứ yếu, vì trường hợp thứ nhất cần tập trung sức mạnh, còn trong cuộc chiến tàn phá thương mại lại phải phân tán lực lượng. Bên phá phân tán lực lượng để có thể nhìn thấy và khống chế một cách dễ dàng hơn. Đó là những sự thật đã được lịch sử của những tên cướp biển có căn cứ và hoạt động tại eo biển Manche và biển Bắc, hoặc đặt căn cứ ở những hòn đào như Guadaloupe và Martinique – có thể cung cấp những vị trí trú ẩn tương tự – chứng minh. Nhu cầu tiếp thêm than còn khiến cho những con tàu tuần dương hiện nay phụ thuộc vào hải cảng hơn những thuyền buồm xưa kia. Dư luận xã hội Mỹ rất tin tưởng vào cuộc chiến tranh chống lại nền thương mại của kẻ thù, nhưng phải nhớ rằng nước cộng hoà (Mỹ – ND) không có hải cảng nằm gần các trung tâm thương mại quốc tế. Vị trí địa lí của nó hoàn toàn không thuận lợi cho cuộc chiến tranh guerre de course, đó là nói nếu nó không tìm được căn cứ trong những hải cảng đồng minh.
https://thuviensach.vn
Nếu bên cạnh những điều kiện thuận lợi cho hoạt động quốc phòng, thiên nhiên còn ban cho đất nước vị trí dễ tiếp xúc với những đường hàng hải thiết yếu, đồng thời kiểm soát được một trong những tuyến đường giao thông chính, thì rõ ràng đó là vị trí có giá trị chiến lược vô cùng quan trọng. Một lần nữa, Anh đúng là nước có vị trí chiến lược giá trị hơn các nước khác. Tàu buôn của Hà Lan, Thuỵ Điển, Nga, Đan Mạch và các nước khác, theo những con sông lớn để vào các tỉnh của Đức phải đi qua eo biển Manche, ngay gần cửa ngõ của Anh, vì thuyền buồm phải bám sát bờ biển của nước này. Ngoài ra, nền thương mại ở phía bắc còn có quan hệ đặc biệt với lực lượng biển, vì nhu yếu phẩm của hải quân, như người ta thường gọi, chủ yếu được chuyên chở từ các nước vùng Baltic.
Trước khi mất Gibraltar, vị trí của Tây Ban Nha tương tự Anh. Vừa nhìn ra Đại Tây Dương vừa nhìn ra Địa Trung Hải, với Cadiz ở bờ bên này và Cartagena ở bờ bên kia, giao thương với Tây Á diễn ra thuận lợi. Con đường vòng qua mũi Hảo Vọng cũng đi qua cửa ngõ nước này. Việc mất Gibraltar không chỉ khiến cho Tây Ban Nha mất quyền kiểm soát eo biển mà còn gây ra trở ngại cho việc liên kết giữa hai hạm đội của nó.
Nếu chỉ nhìn vào vị trí địa lí của Italy, mà bỏ qua những điều kiện ảnh hưởng tới sức mạnh trên biển khác, thì dường như, với đường bờ biển kéo dài và những hải cảng tốt, nước này nằm ở vị trí rất thuận lợi và có thể có ảnh hưởng quyết định đối với tuyến đường giao thông đến Tây Á và eo biển Suez. Điều này đúng ở mức độ nào đó, và còn đúng hơn nếu Italy nắm giữ tất cả các hòn đảo đương nhiên thuộc quyền của nước này. Nhưng khi Malta nằm trong tay Anh, còn Corsica nằm trong tay Pháp thì những lợi thế về vị trí địa lí của nó đã bị giảm đi rất nhiều, xét về vị trí và quan hệ chủng tộc, việc Italy muốn sở hữu hai hòn đảo này là hợp pháp, cũng như Tây Ban Nha muốn sở hữu Gibraltar vậy. Nếu biển Adriatic cũng là một tuyến giao thông có nhiều tàu bè qua lại thì Italy còn có nhiều ảnh hưởng hơn nữa. Những khiếm khuyết về mặt địa lí vừa nói, cùng những lí do có ảnh hưởng tiêu cực khác đối với sự phát triển toàn diện và vững chắc của sức mạnh trên biển,
https://thuviensach.vn
làm người ta nghi ngờ việc Italy có thể đứng vào vị trí đầu của những cường quốc biển.
Mục đích của chương này không phải là bàn một cách thấu đáo vấn đề, mà chỉ tìm cách chỉ ra qua các ví dụ, vị trí địa lý đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với các hoạt động liên quan đến biển, cho nên chúng ta có thể tạm dừng chủ đề này tại đây và sẽ quay trở lại với nó khi xem xét các vấn đề lịch sử. Tuy nhiên, có hai nhận xét cần phải đưa ra ngay.
Đối với lịch sử thế giới, hoàn cảnh đã buộc Địa Trung Hải phải giữ vai trò lớn hơn, cả về mặt thương mại lẫn quân sự, so với bất kì vùng biển có diện tích tương tự nào khác. Các dân tộc tranh giành kiểm soát nó, hiện cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn, vì vậy, nghiên cứu những điều kiện đã từng và vẫn là chỗ dựa cho quyền bá chủ trên vùng biển này, cũng như giá trị tương đối về mặt quân sự của những vị trí khác nhau trên bờ biển của nó sẽ cung cấp cho ta nhiều bài học hơn là nghiên cứu những khu vực khác. Hơn nữa hiện nay Địa Trung Hải và Caribe còn tương đồng ở nhiều khía cạnh – khi kênh đào Panama được xây dựng xong thì sự tương đồng còn gia tăng hơn nữa. Nghiên cứu những điều kiện chiến lược của vùng biển Địa Trung Hải, với rất nhiều ví dụ minh hoạ sẽ là khởi đầu tốt cho việc nghiên cứu vùng biển Caribe, có lịch sử ngắn hơn.
Nhận xét thứ hai liên quan đến vị trí địa lí của Mỹ đối với kênh đào ở Trung Mỹ. Nếu đào được con kênh này, và nếu hi vọng của những người xây dựng nó trở thành hiện thực, biển Caribe sẽ lột xác từ chỗ chỉ dành cho tàu bè địa phương trở thành một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới. Những đoàn tàu buôn đầy ắp hàng hoá sẽ đi theo đường này, kéo theo sự chú ý của các cường quốc khác, kéo theo sự chú ý của các nước châu Âu đến gần bờ biển của Mỹ hơn bao giờ hết. Cùng với nó, chúng ta sẽ không thể dễ dàng đứng bên lề những rắc rối quốc tế như trước đây được nữa. Vị trí của Mỹ đối với tuyến đường này cũng tương tự vị trí của Anh đối với eo biển Manche, hay của các nước vùng Địa Trung Hải đối với con đường đi qua kênh đào Suez. Vì ảnh hưởng và việc kiểm soát phụ thuộc vào vị trí địa lí, rõ ràng là trung tâm quyền lực quốc gia cũng như căn cứ thường
https://thuviensach.vn
trực* của Mỹ ở gần nó hơn bất cứ siêu cường nào khác. Những vị trí trên đảo hoặc trên đất liền, mà những nước đó đã hoặc sẽ chiếm, dù có mạnh đến đâu, cũng chỉ là những tiền đồn; còn tất cả các nguồn lực đem lại sức mạnh quân sự thì không nước nào có thể vượt được Mỹ. Nhưng Mỹ lại yếu vì tự nhận rằng chưa sẵn sàng ứng phó với chiến tranh. Tính chất của bờ biển vịnh Mexico cũng làm giảm bớt giá trị của vị trí địa lí, ở đây không có đủ hải cảng vừa an toàn vừa có thiết bị sửa chữa tàu chiến loại một, không có những tàu chiến như thế thì không quốc gia nào có thể tranh giành quyền kiểm soát bất cứ vùng biển nào. Có vẻ như rõ ràng trong trường hợp giành quyền kiểm soát vùng biển Caribe, Mỹ cần phải tập trung sức lực vào châu thổ sông Mississippi, luồng phía nam của nó rất sâu và nằm gần bình nguyên New Orleans: châu thổ sông Mississippi có nhiều thuận lợi cho giao thông đường thuỷ, các căn cứ hoạt động thường trực của nó cũng sẽ được xây dựng ở đây. Nhưng việc bảo vệ lối vào sông Mississippi sẽ gặp nhiều khó khăn, trong khi chỉ có hai cảng cạnh tranh với nó là Key West và Pensacola, cả hai đều nông và về mặt nguồn lực thì không thuận lợi bằng. Muốn thu được tất cả lợi ích của vị trí địa lí vô cùng thuận lợi đó, phải khắc phục các nhược điểm vừa nêu. Hơn nữa, vì nằm khá xa eo đất (kênh đào Panama sau này – ND) nên Mỹ phải thiết lập các trạm dừng chân trên bờ biển Caribe để làm căn cứ cho những hoạt động ngẫu nhiên hoặc phụ trợ. Những căn cứ này phải có lợi thế tự nhiên, dễ bảo vệ và nằm gần vị trí chiến lược trung tâm, tạo điều kiện cho hạm đội Mỹ thường xuyên có mặt gần khu vực hành động như bất kì lực lượng đối địch nào khác. Nếu việc ra vào trên sông Mississippi cùng các vị trí tiền đồn vừa nói, hệ thống giao thông giữa các khu vực đó và căn cứ nêu trên được bảo đảm an toàn, tóm lại có sự chuẩn bị thích hợp về mặt quân sự với tất cả các phương tiện cần thiết, thì chắc chắn Mỹ sẽ chiếm được vùng này. Đó chính là lợi thế của vị trí địa lí và sức mạnh của nước này.
II. Điều kiện vật chất. Những tính chất đặc biệt của vùng bờ biển vịnh Mexico vừa nói ở trên rất phù hợp với tiêu đề của phần điều kiện vật chất, phần thứ hai trong mục thảo luận về những điều kiện ảnh hưởng đến sự phát triển của sức mạnh trên biển.
https://thuviensach.vn
Đường bờ biển là một trong những đường biên giới quốc gia, và đường qua biên giới cảng dễ dàng, ở đây là đi ra biển, thì mong muốn được giao thương với nước khác bằng đường biển càng cao. Nếu đất nước có bờ biển dài nhưng hoàn toàn không có hải càng thì nước đó sẽ không có ngoại thương bằng đường biển, không có tàu vận tải biển và không có hải quân. Đó là trường hợp nước Bỉ, khi nước này còn là một tỉnh của Tây Ban Nha và Áo. Hà Lan năm 1648, sau khi giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh đã đòi đóng cửa hải cảng Scheldt, như một trong những điều kiện của hiệp ước hoà bình. Điều này đã dẫn đến việc đóng cửa cảng Antwerp và chuyển nền thương mại bằng đường biển từ Bỉ sang Hà Lan. Khu vực Hà Lan thuộc Tây Ban Nha không còn là thế lực trên biển nữa.
Nhiều cảng và cảng lại sâu là một trong những nguồn gốc của sức mạnh và của cải, đặc biệt nếu đó lại là các cảng nằm ở cuối những dòng sông mà tàu bè có thể đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho nền nội thương tập trung vào đó. Nhưng vì dễ tiếp cận nên chúng lại cũng dễ trở thành những điểm yếu, nếu xảy ra chiến tranh và không được bảo vệ phù hợp. Năm 1667, hạm đội Hà Lan có thể đi theo sông Thames và đốt một phần hạm đội Anh ở gần London mà hầu như không gặp bất kì khó khăn nào, trong khi vài năm sau đó hạm đội Anh và Pháp đã thất bại, không thể đổ bộ lên Hà Lan, vì bờ biển nước này rất khó vượt qua và hạm đội Hà Lan chiến đấu rất ngoan cường. Năm 1778, người Anh đã gặp bất lợi, và nếu viên đô đốc người Pháp không do dự, họ đã mất cảng New York và cùng với nó là mất quyền kiểm soát sông Hudson. Nếu kiểm soát được con sông này, New England đã có thể khôi phục được con đường giao thương vừa gần, vừa an toàn với New York, New Jersey và Pennsylvania. Cú giáng này, tiếp ngay sau thảm hoạ của Burgoyne một năm trước đó, có thể đã buộc nước Anh phải kí hiệp ước hoà bình sớm hơn. Sông Mississippi là nguồn lực đáng kể cho sức mạnh và tài sản của nước Mỹ, nhưng việc phòng thủ trên các cửa sông còn yếu và những phụ lưu trải dài khắp đất nước làm cho nó trở thành điểm yếu, và nguồn gốc của những thảm hoạ đối với Liên bang miền Nam. Cuối cùng, việc chiếm đóng Chesapeake và phá huỷ thành phố Washington vào năm 1814 cung cấp cho chúng ta bài học rất rõ ràng về những nguy cơ trên
https://thuviensach.vn
những tuyến đường thuỷ thuận lợi nhất, nếu lối dẫn vào những tuyến đường đó không được bảo vệ. Bài học này còn tương đối mới nên dễ nhớ, nhưng cứ xét tình hình bảo vệ bờ biển hiện nay thì có vẻ như bài học này cũng dễ bị bỏ quên. Cũng không nên nghĩ rằng điều kiện đã thay đổi. Hiện nay cũng như trong quá khứ, hoàn cảnh và các nội dung chi tiết của việc phòng thủ và tấn công có thể thay đổi, nhưng những điều kiện chủ yếu thì vẫn vậy.
Trước và trong những trận chiến lớn của Napoleon, ở phía đông Brest, nước Pháp không có hải cảng cho chiến thuyền lớn. Nước Anh có nhiều thuận lợi hơn, vì trên cùng một khoảng cách đó, họ có tới hai quân cảng, ở Plymouth và Portsmouth, đó là chưa kể những hải cảng có thể trú ẩn và nhận đồ tiếp tế khác. Những công trình xây dựng ở Cherbourg đã khắc phục được khiếm khuyết đó.
Ngoài ra, hình thế của bờ biển, bao gồm cả những điều kiện thuận lợi cho việc tiếp xúc với biến cả và những điều kiện địa lí khác có thể đưa người dân ra biển hoặc khiến cho họ quay lưng lại với nó. Mặc dù Pháp không có đủ quân cảng trên eo biển Manche, nhưng nước này lại có những hải cảng tuyệt vời ở đây cũng như ở Đại Tây Dương và Địa Trung Hải, rất thuận tiện cho thương mại quốc tế, và ngoài ra, họ còn có các cảng trên cửa những con sông lớn, góp phần thúc đẩy nền nội thương. Nhưng khi Richelieu chấm dứt được cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn thì người Pháp lại không hướng ra biển với lòng nhiệt tình và thành công như người Anh và người Hà Lan. Nguyên nhân chính có lẽ do điều kiện địa lí, khiến cho Pháp trở thành đất nước có nhiều lợi thế, thời tiết tuyệt vời, sản xuất được nhiều sản phẩm hơn so với nhu cầu. Anh thì ngược lại, nhận được từ thiên nhiên rất ít; khi các ngành công nghiệp còn chưa phát triển, nước này không xuất khẩu được bao nhiêu. Nhiều nhu cầu của người dân cùng với sự hoạt động liên tục của họ và những điều kiện khác, thuận lợi cho việc giao thương trên biển đã đưa người dân của họ ra nước ngoài và họ đã tìm thấy những vùng đất hấp dẫn hơn, giàu có hơn đất nước mình. Nhu cầu và những tố chất bẩm sinh đã làm cho họ trở thành các nhà buôn và những người đi khai phá thuộc địa, sau đó, những nhà sản xuất và hàng hải là mắt xích
https://thuviensach.vn
không thể thiếu giữa người sản xuất và thuộc địa. Nhờ thế, sức mạnh trên biển của họ mới phát triển như ta thấy. Nhưng nếu Anh cảm thấy hứng thú với biển thì Hà Lan lại bị buộc phải vươn ra biển. Không có biển, nước Anh sẽ yếu kém, nhưng Hà Lan thì sẽ diệt vong. Một người rất nhạy bén với tin tức thời đó cho rằng, khi Hà Lan đạt đến đỉnh cao và là một trong những tác nhân của nền chính trị châu Âu thì đất đai của nó không thể nuôi sống quá một phần tám số dân trong nước, sản xuất công nghiệp lúc đó rất phát đạt và có vai trò quan trọng, nhưng vẫn chậm hơn so với lợi nhuận do ngành vận tải biển mang lại. Đất đai cằn cỗi và đặc điểm của vùng bờ biển buộc người Hà Lan phải làm trước hết là nghề đánh cá. Sau đó, việc phát hiện ra quy trình ướp muối cá đã cung cấp cho họ sản phẩm xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa. Đó chính là yếu tố quan trọng nhất đối với sự giàu có của họ. Họ trở thành những nhà buôn đúng vào lúc nước Italy do áp lực của Thổ Nhĩ Kì và việc phát hiện ra đường đi qua quanh mũi Hảo Vọng, bắt đầu suy tàn. Họ trở thành những người kế tục nền thương mại Italy trong việc giao thương với Tây Á. Tiếp theo, do điều kiện địa lí thuận lợi, nằm giữa biển Baltic, Pháp và Địa Trung Hải, và cửa những con sông của Đức, họ đã nhanh chóng kiểm soát hầu như toàn bộ công việc vận chuyển của toàn châu Âu. Lúa mì và nhu yếu phẩm cho tàu biển từ vùng Baltic, việc buôn bán của Tây Ban Nha với các thuộc địa ở Tân Thế Giới, rượu vang của Pháp và việc buôn bán gần bờ biển của Pháp, hơn hai trăm năm trước, tất cả đều được chở bằng tàu của Hà Lan. Thậm chí phần lớn hàng hoá của Anh cũng được chở bằng tàu Hà Lan. Dĩ nhiên không nên nghĩ rằng, tất cả sự thịnh vượng đó đều do điều kiện tự nhiên nghèo nàn sinh ra. Sự thật là, hoàn cảnh khắc nghiệt đã buộc người dân Hà Lan phải vươn ra biển, đồng thời do làm chủ được nghề vận tải biển và đội tàu to lớn, họ đã lợi dụng được sự phát triển ngẫu nhiên trong lĩnh vực thương mại và tinh thần thám hiểm, xuất hiện sau khi người ta phát hiện ra châu Mỹ và đường vòng qua mủi Hảo Vọng, có cả các nguyên nhân khác nữa, nhưng toàn bộ sự thịnh vượng của họ là nhờ vào sức mạnh trên biển và sự nghèo đói của dân chúng. Thức ăn, quần áo của họ, vật tư cho ngành công nghiệp, ngay cả gỗ để đóng thuyền (số thuyền họ đóng gần bằng số thuyền của châu Âu còn lại) cũng là hàng nhập khẩu, và khi cuộc chiến tàn
https://thuviensach.vn
khốc với Anh kéo dài tám tháng vào năm 1653-1654, làm ngưng trệ ngành vận tải biển, người ta nói rằng: “Nguồn lợi nhuận luôn luôn giữ cho đất nước giàu có, cụ thể là nghề cá và nghề buôn, đã cạn kiệt. Nhà máy đóng cửa, công việc bị đình trệ. Zuyder Zee trở thành rừng cột buồm, người ăn xin đầy đường, cỏ mọc cả trên đường phố, ở Amsterdam có một ngàn năm trăm ngôi nhà bỏ hoang.” Họ buộc phải chấp nhận hiệp ước hoà bình với những điều kiện nhục nhã, nhưng điều đó đã tránh cho họ khỏi bị phá sản hoàn toàn.
Kết quả đáng buồn này cho thấy điểm yếu của một đất nước phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn lực bên ngoài mới giữ được vai trò của mình trên thế giới. Nếu không kể khá nhiều ngoại lệ do sự khác biệt về điều kiện, không cần nói tới ở đây, lúc đó Hà Lan có nhiều điểm tương đồng với tình trạng của nước Anh hiện nay. Những người cảnh báo rằng sự thịnh vượng của nước Anh trước hết phụ thuộc vào việc gìn giữ sức mạnh của họ ở nước ngoài đúng là những nhà tiên tri, mặc dù dường như ở trong nước, họ không được nhiều người kính trọng lắm. Người ta có thể bất mãn vì không được tự do về mặt chính trị, nhưng họ còn bất mãn hơn nếu không có đủ bánh mì. Đối với người Mỹ, cần nói thêm rằng những nguyên nhân như đất đai rộng lớn và trù phú, phong cảnh nên thơ đã đưa nước Pháp đến kết quả như ta đã biết – đó là nói về sức mạnh trên biển của nó – cũng đang diễn ra ở Mỹ. Khởi thuỷ, tổ tiên của người Mỹ chỉ có một dải đất hẹp ven biển, một số khu vực khá màu mỡ nhưng chưa phát triển, có nhiều bến cảng và gần các ngư trường. Những điều kiện tự nhiên như thế cùng với lòng yêu biển cả bẩm sinh, nhịp đập của dòng máu Anh vẫn còn trong huyết quân người Mỹ, khuyến khích họ giữ vững các xu hướng và nghề nghiệp làm chỗ dựa cho sức mạnh trên biển của đất nước. Hầu như khu định cư ban đầu nào cũng nằm ven biển hoặc nằm cạnh một trong những con sông lớn. Tất cả hàng xuất và nhập khẩu đều hướng đến bờ biển. Mối quan tâm đến biển và việc đánh giá đúng vai trò của nó đối với sự thịnh vượng của đất nước đã lan truyền nhanh chóng và rộng khắp trong xã hội. Động cơ có sức thuyết phục hơn đó là sự lo lắng về quyền lợi của xã hội. Cụ thể là, sự có sẵn vật tư đóng thuyền và lợi nhuận thấp trong các lĩnh vực đầu tư khác khiến việc vận tải
https://thuviensach.vn
bằng tàu thuỷ trở thành ngành mang lại nhiều lợi nhuận cho các doanh nghiệp tư nhân. Mọi người đều biết điều kiện đã thay đổi như thế nào. Trung tâm quyền lực đã không nằm trên bờ biển nữa. Sách báo đua nhau viết về sự phát triển ngoạn mục và những khu vực giàu tài nguyên nhưng vẫn chưa được khai thác trong đất liền. Vốn được đầu tư vào những dự án có lợi nhất, lao động cũng có rất nhiều cơ hội. Khu vực biên giới bị người ta lờ đi và yếu về mặt chính trị. Bờ biển vịnh Mexico và Thái Bình Dương yếu hoàn toàn, bờ Đại Tây Dương cũng yếu hơn so với bình nguyên trung tâm của sông Mississippi. Vận tải bằng đường biển lại có lợi nhuận, khi họ nhận ra rằng, cả ba vùng biên giới trên biển không chỉ yếu về mặt quân sự mà còn nghèo. Vì không có phương tiện vận tải đường thuỷ thì những cố gắng chung của họ không thể giúp khôi phục nền tảng sức mạnh trên biển của nước Mỹ. Cho đến lúc đó, người Mỹ nào có điều kiện theo dõi những hạn chế của nước Pháp trên trường quốc tế – do sự yếu kém của lực lượng trên biển mà ra – sẽ nhận định rằng do quá dư thừa những điều kiện thuận lợi nên đã coi thường một công cụ tuyệt vời như thế.
Một trong những điều kiện vật chất có ảnh hưởng đối với sức mạnh trên biển là các nước có hình thế giống Italy – một bán đảo dài với những dãy núi chia đất nước thành hai dải hẹp, đường nối các hải cảng với nhau phải chạy song song với những dãy núi như thế. Phải kiểm soát hoàn toàn được mặt biển mới bảo vệ được những con đường đó, vì không thể biết được quân địch xuất phát từ những vùng nằm ngoài tầm quan sát sẽ tấn công vào đâu. Nhưng nếu có lực lượng hải quân phù hợp và được bố trí ở vùng trung tâm thì vẫn có thể hi vọng tấn công vào hạm đội địch, tức là tấn công vào căn cứ và phương tiện giao thông của địch, trước khi chúng có thể gây ra những thiệt hại đáng kể. Bán đảo Florida vừa dài vừa hẹp, với cảng Key West nằm ở điểm tận cùng, mặc dù bằng phẳng và dân cư thưa thớt, mới nhìn tưởng như có cùng điều kiện với Italy. Sự tương đồng có thể chỉ là bề ngoài, nhưng khi vịnh Mexico trở thành chiến trường chính thì đường giao thông với hải cảng nói trên sẽ trở thành vấn đề có ý nghĩa quan trọng và có thể bị tấn công bất cứ lúc nào.
https://thuviensach.vn
Khi biển không chỉ là biên giới hay phương tiện bảo vệ mà còn chia đất nước thành hai hoặc nhiều phần thì việc kiểm soát mặt biển không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu sống còn. Điều kiện địa lí như thế hoặc tạo điều kiện cho sự hình thành và củng cố sức mạnh trên biển hoặc sẽ khiến cho đất nước trở nên bất lực. Vương quốc Italy hiện nay – với hai hòn đảo là Sardinia và Sicily – đúng là đang nằm trong những điều kiện như thế. Và vì vậy, ngay từ những ngày đầu lập quốc và còn gặp nhiều khó khăn về tài chính, nước này đã có những cố gắng rất lớn và rất thông minh trong việc thành lập lực lượng hải quân. Như đã nói ở trên, nếu có lực lượng hải quân mạnh hơn hẳn quân địch thì căn cứ trên đảo sẽ có lợi hơn căn cứ trên đất liền. Vì sự mất an toàn của đường giao thông trên bán đảo, như đã chỉ ra ở trên, có thể tạo ra những rắc rối nghiêm trọng cho quân đội xâm lược, vừa bị dân chúng có thái độ thù nghịch bao vây, vừa bị đe doạ từ phía biển.
Biển Ireland, chia cắt các hòn đảo của nước Anh, giống như một cửa sông. Nhưng lịch sử cũng cho thấy nó cũng tiềm ẩn nhiều hiểm nguy đối với vương quốc Anh. Dưới thời Luise XIV khi hải quân Pháp có sức mạnh gần tương đương với liên quân Anh và Hà Lan, ở Ireland đã xảy ra những rắc rối cực kì nghiêm trọng, và hòn đảo này gần như hoàn toàn rơi vào tay người Pháp và thổ dân ở đấy. Tuy nhiên, biển Ireland là mối nguy đối với nước Anh – điểm bất lợi trên con đường giao thông của họ – chứ không phải thuận lợi đối với nước Pháp. Nước Pháp không dám đưa chiến thuyền lớn đến vùng nước hẹp này và phải đưa quân đổ bộ đến các hải cảng ở bờ Nam và bờ Tây. Trong giờ phút quyết định, hạm đội lớn của Pháp được đưa đến bờ biển phía nam của nước Anh, và đánh tan quân Đồng Minh ở đấy. Cùng thời gian đó, 25 tàu khu trục nhỏ được đưa đến kênh st. George nhằm tấn công đường giao thông của Anh. Bị dân chúng có thái độ thù nghịch bao vây, quân Anh ở Ireland rơi vào tình trạng hiểm nghèo, nhưng đã thoát nạn nhờ trận đánh ở Boyne và vụ đào tẩu của James II. Hành động tấn công đường giao thông của quân địch là một hành động hoàn toàn có tính chiến lược và hiện nay là nguy cơ đối với nước Anh, cũng như đã từng xảy ra vào năm 1690 vậy.
https://thuviensach.vn
Trong cùng thế kỉ đó, Tây Ban Nha cũng cung cấp cho chúng ta một bài học ấn tượng nữa về yếu điểm của đất nước khi bị biển chia cắt, nhưng các khu vực lại không được lực lượng hùng hậu trên biển liên kết với nhau để bảo vệ. Lúc đó, Tây Ban Nha vẫn còn giữ được Netherlands (nay là nước Bỉ), Sicily và những thuộc địa khác của Italy, chưa nói đến các thuộc địa rộng lớn của nước này ở Tân Thế Giới. Nhưng lúc đó sức mạnh trên biển của Tây Ban Nha đã suy yếu đến mức một tác giả người Hà Lan được tiếng là nghiêm lúc và thạo tin đã viết: “Dọc bờ biển Tây Ban Nha chỉ có mấy chiếc tàu Hà Lan mà thôi. Từ thời hoà bình năm 1648, tàu và thuỷ thủ của họ ít đến mức họ bắt đầu thuê tàu của chúng ta để đi Ấn Độ, trong khi trước đây họ từng tìm mọi cách không cho người nước ngoài nào bén mảng tới… Rõ ràng là”, ông viết tiếp, “Tây Ấn là cái dạ dày của Tây Ban Nha (hầu như tất cả các nguồn thu đều nằm ở đây), cần phải được nối với đầu bằng lực lượng trên biển. Naples và Netherlands lại như hai cánh tay, nếu không có đường biển thì cũng chẳng cung cấp hoặc nhận được gì từ Tây Ban Nha – trong thời bình, tất cả những việc này đều có thể được thực hiện bằng đường biển một cách dễ dàng, nhưng trong thời chiến nó cũng dễ dàng tạo ra khó khăn”. Nửa thế kỉ trước, Sully, một vị quan đầu triều của Henry IV, đã mô tả Tây Ban Nha như sau: “Đó là một trong những quốc gia có tứ chi rất phát triển, nhưng tim thì lại vô cùng yếu”. Từ đó đến nay, hải quân Tây Ban Nha không chỉ bị làm nhục mà còn bị tan rã, không chỉ gặp thảm hoạ mà còn bị xoá sổ. Kết quả là, ngành vận tải biển mất đi và cùng với nó là các ngành công nghiệp cũng bị xoá sổ. Chính phủ không dựa vào nền thương mại và công nghiệp lành mạnh, phát triển rộng khắp và có thể sống sót sau những đòn choáng váng mà lại dựa vào số bạc ít ỏi được vận chuyển từ Mỹ về, những con tàu vận tài này dễ dàng và thường xuyên bị tàu chiến địch ngăn chặn. Chỉ cần mất năm sáu chiếc thuyền lớn là đất nước đã tê liệt cả năm. Trong thời gian chiến tranh với Hà Lan, do người Hà Lan kiểm soát được mặt biển nên Tây Ban Nha buộc phải đưa quân tới đó bằng đường bộ, so với đường biển thì vừa lâu vừa tốn kém hơn rất nhiều. Việc Hà Lan kiểm soát được mặt biển đã đẩy Tây Ban Nha vào tình trạng khó khăn đến nỗi theo thoả thuận – hiện nay được coi là kì quặc – tàu Hà Lan sẽ vận tải lương thực
https://thuviensach.vn
thực phẩm cho nước này, và như vậy người Tây Ban Nha đã góp phần củng cố sức mạnh của kẻ thù, nhưng họ lại nhận được những đồng tiền được đánh giá cao trên thị trường ngoại hối ở Amsterdam. Ở Mỹ, người Tây Ban Nha phải tìm cách tự bảo vệ sau những bức tường đá mà không nhận được sự hỗ trợ nào từ chính quốc. Trong khi ở Địa Trung Hải, do sự thờ ơ của người Hà Lan nên họ đã chạy thoát mà không hề hấn gì, lúc đó Pháp và Anh chưa bắt đầu đấu tranh đòi quyền bá chủ vùng này. Trong lịch sử Hà Lan, các khu vực như Naples, Sicily, Minorca, Havana, Manila và Jamaica đã bị cướp khỏi tay Tây Ban Nha – đế chế không có đội tàu vận tải biển – vào những thời kì khác nhau. Tóm lại, sự bất lực trên biển của Tây Ban Nha có thể là dấu hiệu đầu tiên cho sự sụp đổ một cách toàn diện của nước này, nó cũng là tác nhân nổi bật trong việc đẩy nước này xuống vực thẳm mà nó chưa thể vực dậy.
Nếu không kể Alaska thì Mỹ không có thuộc địa nào. Đường biên giới trên biển ít có những điểm bất lợi đặc biệt vì nó nhô ra ngoài, có thể dễ dàng đi tới tất cả những khu vực biên giới quan trọng – muốn rẻ thì đi đường thuỷ, muốn nhanh thì đi đường sắt. Đường biên giới yếu nhất là bờ Thái Bình Dương thì ở xa những kẻ thù tiềm ẩn nguy hiểm nhất. Nguồn lực nội địa có thể nói là vô cùng vô tận, đó là so với nhu cầu hiện tại; một sĩ quan người Pháp đã nói với tác giả; chúng ta có thể sống mãi trong “cái góc nhỏ của mình”. Nhưng nếu con đường giao thương mới qua eo đất (Panama – ND) tấn công vào góc nhỏ này thì đến lượt mình, nước Mỹ sẽ cảm thấy hậu quả của việc đã bỏ qua phần thừa hưởng của mình trong việc sử dụng biển, quyền mà tất cả các dân tộc đều được hưởng.
III. Quy mô lãnh thổ. Điều kiện cuối cùng ảnh hưởng tới sự phát triển sức mạnh trên biển của quốc gia – liên quan đến đất nước chứ không phải dân chúng sinh sống tại đó – là quy mô lãnh thổ. Điều này có thể được nói một cách ngắn gọn.
Nói về sự phát triển của sức mạnh trên biển thì điều quan trọng không phải là diện tích tính bằng dặm vuông mà là chiều dài của bờ biển và đặc điểm các hải cảng của nó, cần phải nói rằng, nếu điều kiện địa lí và vật lí
https://thuviensach.vn
như nhau, chiều dài bờ biển là nguồn sức mạnh hay điểm yếu, tuỳ thuộc vào dân số nhiều hay ít. Về khía cạnh này, đất nước cũng giống như một pháo đài. Quân đồn trú phải tỉ lệ với chiều dài hàng rào bao quanh nó. Cuộc Nội chiến ở Mỹ cung cấp cho chúng ta những ví dụ như thế. Nếu dân số miền Nam cũng nhiều như tinh thần chiến đấu của họ, và nếu hải quân tương ứng với các nguồn lực khác, thì chiều dài bờ biển và rất nhiều vịnh nội thuỷ có thể là những yếu tố tạo nên sức mạnh to lớn của họ. Người dân và chính phủ Hợp chúng quốc thời đó lấy làm tự hào vì đã phong toả thành công toàn bộ bờ biển miền Nam. Đó là một chiến công vô cùng vĩ đại. Nhưng nếu miền Nam có đông dân hơn và là những người quen đi biển thì người miền Bắc không thể nào thực hiện được chiến công như thế. Như đã nói ở trên, chúng ta không xem xét cách thức tiến hành việc phong toả mà là việc phong toả chỉ trở thành khả thi khi dân chúng không những không quen với biển mà còn ít cả về số lượng. Những ai còn nhớ cách thức tiến hành phong toả và loại tàu tiến hành phong toả trong hầu như suốt thời gian diễn ra chiến tranh đều biết rằng kế hoạch, tuy đúng trong hoàn cảnh đó, sẽ không thực hiện được nếu đối phương có lực lượng hải quân thật sự. Tàu chiến của Hợp chúng quốc nằm rải rác từng chiếc một hoặc thành nhóm nhỏ, ngay trước mặt những hệ thống chằng chịt đường giao thông nội thuỷ, rất thuận lợi cho việc tập trung quân một cách bí mật. Đằng sau những con đường giao thông thứ nhất là những cửa sông khá dài, đôi chỗ có những pháo đài mạnh, tàu của miền Nam có thể tìm được chỗ trú ẩn trong đó. Nếu miền Nam có lực lượng hải quân đủ sức tận dụng được những lợi thế đó hoặc tận dụng được sự phân tán của tàu chiến Hợp chúng quốc, các tàu chiến này sẽ phải tập hợp lại, miền Nam sẽ có nhiều cửa cho giao thông hơn. Nhưng nếu bờ biển miền Nam, do dài và có nhiều vịnh, có thể là nguồn gốc của sức mạnh, thì chính những tính chất như thế lại có thể trở thành những điểm yếu. Câu chuyện về việc phá thủng phòng tuyến trên sông Mississippi chính là một minh hoạ đầy ấn tượng về những hoạt động diễn ra trên khắp miền Nam. Tàu chiến địch thâm nhập vào tất cả các điểm yếu trên bờ biển. Những dòng sông từng mang lại sự thịnh vượng và hỗ trợ cho nền thương mại của các bang li khai giờ lại trở thành điểm yếu giúp cho kẻ thù thâm nhập vào tận trung tâm của
https://thuviensach.vn
họ. Mất hết nhuệ khí, sự bất an và tê liệt bao trùm lên những khu vực mà trong những điều kiện thuận lợi hơn có thể giúp quốc gia vượt qua được cuộc chiến hao người tốn của nhất, chưa bao giờ lực lượng trên biển lại có vai trò lớn hơn hoặc quyết định hơn vai trò mà nó đã đóng góp trong cuộc đối đầu này. Đó là cuộc đối đầu đưa tới kết quả; một siêu cường ở lục địa Bắc Mỹ, chứ không phải một số quốc gia cạnh tranh nhau, tham gia vào việc định hình lịch sử thế giới. Nhưng nếu niềm tự hào về vinh quang đã giành được trong những ngày đó là chính đáng, và cho rằng kết quả vĩ đại như thế là do sự vượt trội về mặt hải quân, thì những người Mỹ hiểu biết không bao giờ được bỏ qua cơ hội nhắc nhở những đồng bào quá tự tin của mình rằng miền Nam không những không có hải quân, không những không phải là dân đi biển mà còn có dân số không tương đương với chiều dài bờ biển mà họ phải bảo vệ.
IV. Quy mô dân số. Sau khi đã xem xét những điều kiện tự nhiên của đất nước, cần phải xem xét đặc điểm dân cư ảnh hưởng đến sự phát triển của sức mạnh trên biển như thế nào. Trước hết là dân số, vì thành tố này có liên quan đến vấn đề lãnh thổ vừa được bàn ở trên. Như đã nói, không chỉ diện tích tính bằng số dặm vuông mà chiều dài và tính chất bờ biển cũng ảnh hưởng tới sức mạnh trên biển của quốc gia, tương tự, nói về dân cư thì cần phải tính đến không chỉ tổng số dân mà phải tính cả số người theo nghề biển hoặc ít nhất là sẵn sàng tham gia làm việc trên tàu hay tham gia vào việc sản xuất hàng hoá cho hải quân.
Ví dụ, trước khi kết thúc những cuộc chiến tranh lớn tiếp sau cuộc Cách mạng Pháp, Pháp đông dân hơn Anh. Nhưng về lực lượng trên biển nói chung, cả thương mại hoà bình lẫn năng lực quân sự, thì Pháp lại kém Anh rất nhiều, vấn đề này càng dễ nhận thấy, bởi khi chiến tranh nổ ra, Pháp thường có ưu thế về mặt quân sự, nhưng lại không giữ được, ví dụ, năm 1778, khi chiến tranh nổ ra, thông qua việc đăng kí tàu, Pháp có thể lập tức cung cấp đủ người cho 50 tàu chiến lớn, Anh thì ngược lại, do việc phân tán đội tàu – mà lực lượng hải quân phải dựa vào – trên khắp địa cầu nên phải khó khăn lắm nước này mới cung cấp đủ người cho 40 tàu chiến trên vùng
https://thuviensach.vn
biển của mình. Nhưng năm 1782, nước này đã có 120 tàu đang làm nhiệm vụ hoặc sẵn sàng nhận nhiệm vụ, trong khi Pháp không bao giờ có đến 71 chiếc. Sau đó, vào năm 1840, khi hai nước suýt tham chiến ở Tây Á, một viên sĩ quan Pháp rất có kiến thức thời đó, trong khi tán dương hiệu quả của hạm đội Pháp và những khả năng siêu đẳng của vị đô đốc của mình, thể hiện sự tự tin vào kết quả khi đụng độ với địch thủ có sức mạnh tương đương, đã nói: “Ngoài đội tàu gồm 21 chiếc mà chúng ta có thể tập hợp, không còn chiếc dự bị nào. Trong sáu tháng nữa cũng sẽ không có thêm chiếc nào”. Nhưng đó không chỉ vì không đủ tàu và trang thiết bị, dù cả hai đều thiếu. “Việc đăng kí của chúng ta”, ông nói tiếp, “đã cạn kiệt (để cung cấp người cho 21 con tàu nói trên), nên việc tuyển quân thường xuyên tại tất cả các khu vực cũng không bổ sung đủ người thay thế cho những người đã phục vụ trên ba năm”.
Những sự kiện tương phản vừa được trình bày cho thấy sự khác nhau của cái gọi là lực lượng dự trữ hay lực lượng dự bị của Anh và Pháp – sự khác nhau còn lớn hơn ta tưởng lúc mới nhìn. Vì đội tàu càng lớn thì ngoài số thuỷ thủ còn cần rất đông người tham gia vào những ngành thủ công khác nhau, nhằm cung cấp và sửa chữa phương tiện hải quân hoặc có liên quan đến nhu cầu của các phương tiện đi biển. Những nghề gần gũi như chế chắc chắn sẽ cung cấp cho người ta kĩ năng đi biển ngay khi được huy động. Có một truyện cười của Sir Edward Pellew, một trong những nhà hàng hải nổi tiếng của nước Anh, đã chứng tỏ một quan niệm đáng ngạc nhiên về vấn đề này. Khi chiến tranh nổ ra vào năm 1793, như thường lệ, người ta thấy ngay cảnh thiếu hụt thuỷ thủ. Muốn ra khơi ngay, nhưng chỉ có thể huy động được người chưa từng đi biển bao giờ. Pellew chỉ thị cho các sĩ quan tìm kiếm những người thợ mỏ ở vùng Cornwall, vì ông cho rằng, những điều kiện và mối nguy hiểm của nghề này sẽ làm cho họ nhanh chóng đáp ứng được những đòi hỏi của cuộc sống trên biển. Kết quả chứng tỏ ông là người thông thái, vì đó là cách duy nhất nhằm khắc phục được sự chậm trễ, ông đã may mắn bắt được một tàu khu trục đầu tiên trong chiến tranh trong một trận đánh duy nhất. Điều đặc biệt đáng ghi nhận là, mặc dù chỉ nhận nhiệm vụ có
https://thuviensach.vn
vài tuần, trong khi đối thủ chuẩn bị cả năm nhưng thương vong của hai bên gần như bằng nhau.
Có thể có người nói rằng, lực lượng dự bị như thế hiện đã gần như mất vai trò mà trước đây nó từng giữ, vì sản xuất tàu và vũ khí hiện đại là công việc phải làm trong một thời gian dài và còn vì các nhà nước hiện đại đặt ra mục tiêu là phát triển tất cả các lực lượng vũ trang, để – trong trường hợp xảy ra chiến tranh – có thể nhanh chóng giáng một đòn đủ sức làm tê liệt đối phương trước khi đối phương kịp tổ chức lực lượng chống trả tương xứng. Nói một cách hình tượng, sẽ không có thời gian để động viên toàn
thể dân tộc tham gia kháng chiến. Đòn tấn công sẽ giáng xuống hạm đội có tổ chức, và nếu thành công, sự ổn định của toàn bộ cơ cấu sẽ chẳng còn ý nghĩa gì. Ở mức độ nào đó, điều này đúng. Nhưng điều này lúc nào cũng đúng, dù rằng trước đây không đến mức như hiện nay. Giả sử trong cuộc xung đột giữa hai hạm đội đại diện cho hầu như toàn bộ sức mạnh của hai nước, nếu một bên bị đánh tan, còn bên kia vẫn giữ được khả năng hành động thì, khác với trước kia, hiện nay sẽ khó hi vọng là bên bị đánh bại có thể khôi phục được lực lượng hải quân của mình ngay trong thời gian chiến tranh; và kết quả sẽ thảm khốc, tương ứng với sự phụ thuộc của đất nước vào sức mạnh trên biển của nó. Nếu Anh thua ở Trafalgar thì đó chắc chắn đã là đòn chí tử đối với nó hơn là đối với Pháp, là nước thực sự thất bại trong trận này. Đó là nói nếu hạm đội Anh – cũng giống như hạm đội Đồng Minh – đại diện cho toàn bộ sức mạnh của quốc gia. Trong trường hợp đó, Trafalgar đối với Anh cũng sẽ giống như Austerlita đối với Áo và Jena đối với Phổ. Việc tiêu diệt hoặc làm rối loạn lực lượng vũ trang sẽ dẫn nước Anh đến tình trạng suy kiệt và như người ta nói, sẽ là miếng mồi ngon đối với Napoleon.
Nhưng liệu việc xem xét những thảm hoạ hiếm có như thế trong quá khứ có làm giảm vai trò của lực lượng dự bị, tức là lực lượng dựa trên số người đủ sức tham gia một số hoạt động quân sự, được nói tới ở đây? Những đòn đánh được nhắc tới ở trên là do những thiên tài xuất chúng, những người đứng đầu những đội quân được huấn luyện đặc biệt kĩ lưỡng, có tinh
https://thuviensach.vn
thần đồng đội, có uy tín, thực hiện. Ngoài ra, họ còn chiến đấu với kẻ địch đã mất tinh thần vì cảm thấy yếu hơn và trước đây đã từng thất bại. Austerlitz xảy ra ngay sau Ulm, nơi ba mươi ngàn người Áo đã buông vũ khí mà chưa cần giao tranh. Và lịch sử những năm trước đó đã là những bản tường trình dài về thất bại của Áo trước sức mạnh của Pháp. Trận chiến ở Trafalgar xảy ra ngay sau chuyến đi biển, được gọi một cách đúng đắn là chiến dịch với toàn thất bại. Xa hơn nữa trong quá khứ, nhưng cũng không phải quá lâu, là thất bại của Tây Ban Nha ở St. Vincent và của Pháp trên sông Nile, mà hạm đội Đồng Minh vẫn còn nhớ. Trừ trận đánh ở Jena, sự thất bại hoàn toàn ở đây không chỉ là thảm hoạ mà còn là đòn giáng cuối cùng đối với những người thua trận, ở Jena, lực lượng, vũ khí và sự chuẩn bị của hai bên chênh lệch nhau cho nên hậu quả của nó không thích hợp đối với việc thảo luận kết quả có thể xảy ra từ một chiến thắng đơn lẻ.
Hiện nay, Anh là siêu cường trên biển lớn nhất thế giới. Trong thời đại của máy hơi nước và sắt thép, nước này vẫn giữ được thế thượng phong như nó đã từng giữ trong thời đại của gỗ và cánh buồm. Pháp và Anh là hai siêu cường có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. Đến nay, câu hỏi nước nào mạnh hơn vẫn còn để ngỏ, cho nên hai nước vẫn được coi là gần như tương đương trong việc chuẩn bị về mặt vật chất cho cuộc chiến trên biển. Trong trường hợp xảy ra đụng độ, có thể giả định rằng sự khác nhau về nhân lực hoặc huấn luyện sẽ dẫn đến khả năng chỉ cần một trận đánh hoặc một chiến dịch cũng đủ tạo ra sự khác biệt quyết định? Nếu không phải như thế, lực lượng dự bị sẽ tham chiến. Đầu tiên là lực lượng dự bị có tổ chức, sau đó là lực lượng dự bị bao gồm những người lao động trên biển, những người có nghề cơ khí, rồi đến dự trữ về của cải. Dường như người ta đã quên, ở mức độ nào đó, rằng Anh đứng đầu về lĩnh vực cơ khí nên nó cũng có lực lượng dự bị từ những người làm cơ khí, những người dễ dàng thích nghi với các công việc trên tàu bọc thép hiện đại. Khi thương mại và công nghiệp cảm nhận được gánh nặng của chiến tranh, những thuỷ thủ và thợ cơ khí thất nghiệp sẽ tham gia phục vụ trên các chiến hạm.
https://thuviensach.vn
Toàn bộ vấn đề là giá trị của lực lượng dự bị – dù được tổ chức hay chưa được tổ chức – rốt cuộc là: Liệu những điều kiện của cuộc chiến tranh hiện đại có thể dẫn tới khả năng một trong hai đối thủ tương đương sẽ bị đo ván ngay trong một chiến dịch duy nhất, và đó cũng là kết quả quyết định? Chiến tranh trên biển chưa đưa ra bất cứ câu trả lời nào. Thắng lợi áp đảo của Phổ trong cuộc chiến chống lại Áo và của Đức trong cuộc chiến tranh chống lại Pháp, có vẻ như là chiến thắng của những nước mạnh hơn trong cuộc chiến chống lại những nước yếu hơn nhiều, họ yếu có thể do nguyên nhân khách quan hoặc do sự bất tài của giới lãnh đạo. Nếu Thổ Nhĩ Kì có lực lượng dự bị thì việc chậm trễ, giống như đã xảy ở Plevna, đã gây ra ảnh hưởng như thế nào đối với kết quả của cuộc chiến tranh Nga – Thổ Nhĩ Kì?
Nếu thời gian, như mọi người đều công nhận, là tác nhân quan trọng nhất trong thời chiến, thì các quốc gia, nơi dân chúng không có tinh thần hiếu chiến và cũng như các dân tộc tự do khác, phản đối việc chi quá nhiều cho các cơ sở quân sự, phải tìm cách làm cho họ ít nhất cũng đủ mạnh để có thời gian hướng tinh thần và khả năng vào những hoạt động mà chiến tranh đòi hỏi. Nếu lực lượng hiện có của quốc gia, bộ binh cũng như thuỷ quân, đủ sức đứng vững thậm chí ngay cả trong những điều kiện bất lợi, đất nước có thể dựa vào những nguồn lực tự nhiên – dân số, tài sản – và tất cả các nguồn lực đều sẽ được huy động. Nhưng mặt khác, nếu lực lượng quân sự bị đánh bại một cách nhanh chóng, ngay cả những nguồn lực tự nhiên dồi dào nhất cũng không thể cứu đất nước đó khỏi những điều kiện nhục nhã. Đó là nói khi kẻ thù của họ là những người thông minh, buộc họ phải chịu những điều kiện khiến cho việc báo thù không thể xảy ra trong một tương lai gần. Trên những chiến trường nhỏ, người ta thường nói: “Nếu cái này có thể đứng vững được một thời gian nữa thì có thể giữ được cái kia hay làm được cái nọ”, cũng như người ta thường nói về người bệnh: “Nếu bệnh nhân có thể sống thêm được từng này thời gian thì thể chất của anh ta sẽ giúp anh ta vượt qua”.
Ở mức độ nào đó, hiện nay Anh là nước như thế. Hà Lan đã là đất nước như thế. Nước này đã không chịu chi, và nếu nó thoát được thì cũng chỉ là
https://thuviensach.vn