🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Anh Em Nhà Himmler - Katrin Himmler full mobi pdf epub azw3 [Lịch Sử] Ebooks Nhóm Zalo Anh Em Nhà Himmler (chân dung nhân vật quyền lực thứ hai của Đức Quốc xã) Tác giả: Katrin Himmler Người dịch: Lý Thế Dân Phát hành: Alphabooks Nhà xuất bản Thế Giới 2015 (tái bản 2018) —★— ebook©vctvegroup Viết cho con trai tôi “Nếu chúng ta ở vị trí của họ, có lẽ chúng ta cũng sẽ làm như vậy” Tzvetan Todorov trong cuốn Về sự da dạng của con người Lờ ớ ệ Đ ức Quốc xã chỉ tồn tại trong 12 năm nhưng những bi kịch mà thời kỳ này để lại hẳn còn kéo dài hàng thế kỷ, cũng như đã và sẽ còn tốn nhiều giấy mực để nghiên cứu, phân tích về nó. Cùng với Adolf Hitler - Chân dung một trùm phát xít và Stalingrad - Trận chiến định mệnh, Công ty Cổ phần Sách Omega Việt Nam trân trọng giới thiệu tới bạn đọc một tác phẩm nữa trong bộ sách về thời kỳ Đức Quốc xã, Anh em nhà Himmler - Chân dung nhân vật quyền lực thứ hai của Đức Quốc xã. Tác phẩm này được ca ngợi là một cách nhìn mới về thời kỳ Đức Quốc xã. Ngay từ khi mới xuất bản tại Đức, nó đã gây được sự chú ý rộng rãi như một cuốn sách đặc biệt sắc bén và trí tuệ. Trong khi Adolf Hitler - Chân dung một trùm phát xít là một tác phẩm đồ sộ và chi tiết về cuộc đời và con người Adolf Hitler với những phân tích cặn kẽ con đường tiến thân cho đến khi lên đứng đầu Đức Quốc xã cùng những yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý và dẫn đến những tội ác mà ông ta gây ra, và Stalingrad - Trận chiến định mệnh tái hiện khung cảnh thảm khốc của Thế chiến II với quá trình Đức Quốc xã lên đến đỉnh cao chiến thắng rồi tuột dốc không thể cứu vãn, thì Anh em nhà Himmler cho chúng ta thấy rằng Đức Quốc xã không chỉ là Hitler, là Holocaust…, và trong những tên sát nhân tàn ác nhất thế kỷ không chỉ là tư tưởng diệt chủng man rợ, đằng sau đó là lý tưởng chung của cả một dân tộc, là những con người cống hiến một cách mù quáng mà không mong được công nhận. Lịch sử bao giờ cũng tàn nhẫn khi chỉ ghi nhận những chiến công và những tội ác. Và những cuốn sách như Anh em nhà Himmler sẽ là hồi chuông gióng lên, lay động lương tâm và hiểu biết của con người. Dù chỉ gói gọn trong hơn 400 trang sách, nhưng đây thực sự là một tác phẩm lớn và sâu sắc, nó cho thấy sức mạnh có thể biến con người thành ác quỷ của một đám đông-dân tộc; gánh nặng của hậu duệ những người Đức Quốc xã cũng như hậu duệ của những người Do Thái và “bức tường im lặng” vẫn tồn tại giữa họ cho đến tận ngày nay; cách họ tạo nên những bức màn huyền thoại để chối bỏ sự thật về cha ông mình rồi từ đó trở thành “đồng lõa” với thế hệ trước…, và có thể cuốn sách còn gợi lên trong độc giả nhiều vấn đề khác cần suy ngẫm. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc! CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH OMEGA VIỆT NAM Lờ  ầ Nữ ệ ũ K hi tôi 15 tuổi, trong giờ học Lịch sử, một trong những bạn cùng lớp bất ngờ hỏi rằng tôi có liên quan gì với “nhà Himmler” không. Tôi lúng búng đáp “Có”. Một khoảng lặng chết người bao trùm lớp học. Mọi người thật căng thẳng và cảnh giác. Cô giáo sững sờ nhưng rồi tiếp tục dạy như thể không có chuyện gì xảy ra. Cô đã bỏ qua cơ hội cho phép chúng tôi tìm hiểu xem liệu có còn mối liên hệ nào đó, nếu có, nối giữa thế hệ trẻ chúng tôi với “những chuyện cũ” hay không. Đó là câu hỏi mà bản thân tôi đã né tránh suốt một thời gian dài. Tôi có biết rằng Heinrich Himmler là ông họ của mình. Tôi có biết về “tên sát nhân tàn ác nhất thế kỷ”, kẻ đã ra lệnh thủ tiêu người Do Thái châu Âu và giết hại hàng triệu người khác. Cha mẹ tôi ngay từ rất sớm đã cho tôi đọc những cuốn sách về thời kỳ Quốc xã. Vừa run rẩy vừa khóc, tôi đọc về cuộc nổi dậy thất bại của những người dân Do Thái ở Warsaw (Warsaw ghetto*), về hồi ức của những người chạy nạn và nỗ lực sinh tồn của những đứa trẻ được che giấu. Tôi nhập vai vào những nạn nhân, cảm thấy xấu hổ với tên họ của mình và thường cảm thấy mình có tội theo một cách không thể cắt nghĩa được nhưng rất đau đớn. Sau này, khi theo học ngành chính trị học, lịch sử nước Đức là môn học chính của tôi. Nhưng đồng thời tôi luôn tránh nhìn lại lịch sử của chính gia đình mình. Động lực thúc đẩy tôi làm vậy chỉ xuất hiện sau này và phần nhiều là do tình cờ. Cha tôi bảo tôi tìm kiếm trong Kho Lưu trữ Liên bang ở Berlin hồ sơ về ông nội. Cho tới trước lúc ấy, ông nội tôi Ernst, người tôi không hề biết mặt, đối với tôi vẫn đơn giản chỉ là em út của Heinrich Himmler, là một chuyên gia về công nghệ, là kỹ sư giữ chức Kỹ sư Trưởng của Đài Phát thanh Đế chế tại Berlin - một con người khá phi chính trị theo lời kể của mọi người. Cho tới khi ấy, chẳng điều gì về ông có thể khiến tôi thấy tò mò, thắc mắc. Ngay từ lần đầu tiên xem xét kỹ càng các tài liệu, tôi đã có một phát hiện đáng lo rằng, hầu hết những chuyện mà gia đình kể về ông đều không khớp với những gì tập hồ sơ mỏng này tiết lộ. Hóa ra ngay từ rất sớm, Ernst Himmler đã là một người Quốc xã kiên định, và để đáp lại sự hỗ trợ về sự nghiệp từ người anh ruột là Thống chế SS* Heinrich, ông Ernst đã thực hiện những nhiệm vụ đáng ngờ do anh mình giao phó. Tôi cũng dần dần phát hiện ra Gebhard, người lớn nhất trong ba anh em trai, là một người hãnh tiến đầy tham vọng và là Đảng viên Quốc xã kiên định ngay từ những ngày đầu lập Đảng. Năm 1923, ông tham gia vụ Hitler Putsch, hay còn gọi là Chính biến Nhà hàng bia*, cùng với em trai Heinrich; sau này ông thăng tiến nhanh tới chức Vụ trưởng Bộ Giáo dục Đế chế. Tôi buộc phải kết luận rằng cả hai anh em đều đã tình nguyện cống hiến chuyên môn của mình với cùng chung niềm tin vững chắc như Heinrich và những người bà con khác, cũng như nhiều đồng nghiệp và hàng xóm của họ. Điều này cũng đúng với cha mẹ của ba anh em. Trước năm 1933, Gebhard Himmler Cha, hiệu trưởng một trường cấp hai, cùng với vợ là Anna đã rất nghi ngờ và thường chê trách người con thứ của mình, xem Heinrich là thiếu tham vọng. Tuy nhiên về sau, theo như các lá thư họ gửi cho Heinrich, họ đã trở thành những người Quốc xã nhiệt thành. Họ cũng thích thú với những ưu đãi và lợi lộc mà Heinrich có thể kiếm được cho họ nhờ địa vị của mình tại trung tâm quyền lực của Đệ tam Đế chế. Mấy năm sau đó, tôi tập trung chủ yếu vào những chuyện khác hơn là về lịch sử gia đình mình. Lúc ấy tôi cũng bị cuốn hút bởi những đất nước như Ba Lan hay Israel, mà lịch sử vốn có mối liên hệ gần gũi và đầy bi thảm với lịch sử nước Đức và cả với lịch sử gia đình của chính tôi. Ba Lan không chỉ là đất nước mà ở đó Heinrich Himmler đã tổ chức chiến dịch không khoan nhượng của Quốc xã để hủy diệt người Do Thái và người Slav “hạ đẳng”*. Năm 1939 người anh cả Gebhard đã tham dự cuộc xâm lược Ba Lan trong vai trò đại đội trưởng, điều mà sau này khi chiến tranh kết thúc đã lâu vẫn được ông mô tả là một chuyến phiêu lưu “táo bạo” thực hiện “với tốc độ chóng mặt”. Anh vợ của Gebhard là Richard Wendler từng làm Thống đốc Cracow vào thời gian người Do Thái trong thành phố bị trục xuất. Và Warthegau, tên mà người Đức dùng để gọi phần đất Ba Lan bị sáp nháp vào lãnh thổ Đế chế tháng 10 năm 1939, cũng là nơi bà nội tôi cùng các con đã chuyển đến sống sau khi sơ tán khỏi Berlin thời chiến, tại một điền trang mà vị chủ cũ người Ba Lan trước đó đã bị đuổi đi. Tôi tiếp tục lần theo những dấu vết về gia đình mình. Nhưng dường như tội ác ghê gớm của Heinrich Himmler lại khiến con cái các anh em của ông ta thoải mái miễn tội cho cha của họ, mặc dù trong lòng vẫn mang nỗi sợ hãi mơ hồ nhưng dai dẳng rằng cha họ có lẽ có liên can nhiều hơn rất nhiều so với những gì họ vẫn nghĩ. Tôi cũng chịu cùng nỗi sợ hãi đó. Nhưng, mặc dù nghe có vẻ khó tin, phải mất tròn 5 năm sau khi bắt đầu tiến hành nghiên cứu tôi mới dám đọc đến những tài liệu giấy tờ, chứng chỉ, thư từ và sổ ghi chép quan trọng được cất trong nhà của cha mẹ tôi. Tôi biết rằng, trong gia đình Himmler, mọi mẩu giấy viết tay, từ hóa đơn tiền điện cho tới bản nháp thư từ hay giấy tờ tùy thân và ảnh chụp đều được lưu giữ miễn có điều kiện cho phép, nhưng cho tới lúc đó tôi chưa khi nào chủ ý dò hỏi hay lục lọi đến chúng. Có một cặp tài liệu mà trong đó bà nội tôi, người tôi rất kính trọng, cất giữ khá nhiều thứ. Khi biết được rằng một thời gian dài sau năm 1945 bà vẫn là thành viên của một mạng lưới cựu Đảng viên Quốc xã lập ra nhằm giúp đỡ lẫn nhau, tôi đã vô cùng đau đớn. Khi bạn tiến hành nghiên cứu lịch sử gia đình của chính mình, rất khó để vượt qua những khoảng trắng thông tin và các vùng cấm tò mò mà người thân đã vạch ra đối với một chủ đề nào đó. Đó luôn là một quá trình đau đớn, và bạn thường xuyên bị hành hạ bởi nỗi sợ về những gì bạn có thể sẽ đánh mất. Tôi mất đến ba năm kể từ lần đầu tiên tìm thấy tài liệu về ông nội mình trong hồ sơ lưu trữ cho tới khi đi đến chấp nhận rằng tôi sẽ phải xem lại toàn bộ lịch sử gia đình mình đến từng tiểu tiết. Cùng thời điểm ấy, tôi sinh con trai đầu lòng, con tôi sẽ phải mang nỗi đau không chỉ kế thừa từ gia đình bên ngoại: Chồng tôi sinh ra trong một gia đình Do Thái từng bị ngược đãi bởi đám tay chân của ông họ tôi Heinrich và những thành viên gia đình anh ấy cho đến ngày nay vẫn còn mang nỗi đau vô hạn vì nhiều người thân đã bị giết hại. Tôi thấy rõ rằng mình phải cho con biết về một lịch sử gia đình không còn bị bóp méo bởi những huyền thoại vẫn được cả nhà kể lại. Kết quả của ý định trên là sự ra đời của cuốn sách này với đóng góp của rất nhiều người. Tôi muốn cảm ơn tất cả những người này. Chính cha tôi là người đã tạo động lực đầu tiên cho nghiên cứu của tôi. Giáo sư Wolff-Dieter Narr và nhóm nghiên cứu chuyên đề “Thế hệ cháu chắt của các Đảng viên Quốc gia Xã hội tích cực” tại Đại học Tự do Berlin đã biến nó thành một dự án nghiên cứu cụ thể. Tôi cũng muốn cảm ơn tất cả các thành viên gia đình tôi đã cung cấp tài liệu theo mong muốn của tôi và đã kiên nhẫn chịu đựng những buổi phỏng vấn liên tục của tôi. Các nghiên cứu toàn diện của tôi được nhân viên của rất nhiều cơ quan hỗ trợ. Tôi đặc biệt cảm ơn Herr Pickro của Cục Lưu trữ Liên bang tại Koblenz, người đã giúp đỡ rất nhiều và luôn sẵn sàng dành thời gian cho tôi. Tôi cũng nhận sự giúp đỡ của nhiều người làm trong Cục Lưu trữ Liên bang tại Berlin-Lichterfelde, kho lưu trữ của Đại học Kỹ thuật Munich, Tổng cục lưu trữ Quốc gia ở Düsseldorf, kho lưu trữ địa phương của Berlin và tổ chức Kontakte (Các quan hệ) ở Berlin. Tôi đặc biệt mang nợ Michael Wildt của Viện Nghiên cứu Xã hội tại Hamburg, ông là nhà sử học đầu tiên đã đọc bản thảo nháp. Công việc của tôi đã không thể tiếp tục được nếu thiếu sự khích lệ, chỉ dẫn và hỗ trợ của ông. Heinz Höhne đã cung cấp tài liệu từ kho lưu trữ cá nhân của mình theo yêu cầu của tôi; Anne Prior đã rộng lượng cung cấp cho tôi thông tin về chi Dinslaken của dòng họ tôi. Andreas Sander và Peter Witte thuộc Stiftung Topographie des Terrors (Topography of Terror Foundation) đã giúp tôi có được những thông tin quan trọng. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt của mình tới Ingke Brodersen, người không chỉ tìm ra một nhà xuất bản chịu nhận bản thảo của tôi mà còn biên tập nó thật sắc sảo và sát cánh cùng nó trong suốt quá trình thực hiện. Cô đã luôn sẵn sàng vì tôi; được làm việc cùng cô thật là một may mắn xét dưới mọi góc độ. Chồng tôi đã giúp tôi qua vô số lần thảo luận; ngay từ đầu, anh và cha mẹ chồng tôi đều đã khuyến khích tôi viết cuốn sách này. Các bạn bè đã lắng nghe kiên nhẫn, cùng thảo luận về chủ đề, đọc những phần bản thảo và giúp tôi trong những chuyến đi lại tìm hiểu. Cuối cùng, tôi muốn cảm ơn cha mẹ tôi, những người đã ủng hộ và giúp tôi đảm đương được công việc này suốt những năm qua. Không có họ cuốn sách này sẽ không bao giờ được viết ra. 1. T   ờ ượ ọ ộ ế“Ô ơ”: Cộ ệ ạ E rnst Himmler đã mất từ lâu trước khi tôi chào đời. Với thế hệ tôi, điều này không có gì bất thường. Nhiều người chồng, cha và ông đã không bao giờ trở về sau chiến tranh. Điều bất thường về ông tôi không phải ở chỗ ông đã mất, mà ở chỗ ông là em trai của SS Reichsführer (Thống chế SS) Heinrich Himmler - người đã tổ chức việc giết hại hàng triệu người trong thời Đệ tam Đế chế. Tôi biết rõ điều này, ngay khi còn nhỏ. Nhưng tôi không bao giờ tự hỏi về thái độ cá nhân và thái độ chính trị của người ông mà tôi chưa từng gặp mặt đối với người anh trai. Điều này không hề thay đổi cho tới khi tiếng chuông điện thoại vang lên vào một buổi sáng nọ, giữa mùa xuân năm 1997. Cha tôi gọi. Liệu tôi có thể thực hiện yêu cầu của cha đến Kho Lưu trữ Liên bang tìm xem họ có giữ bất cứ hồ sơ nào về ông nội không? Cha nói với tôi rằng những hồ sơ ấy đã được công khai cho mọi người, do người Mỹ đã chuyển chúng lại cho người Đức. Và tôi đến đó thì dễ hơn là ông. Vâng, tôi thì dễ thực hiện yêu cầu này hơn, bởi cha mẹ tôi sống khá xa Berlin. Sau khi thống nhất đất nước, Kho Lưu trữ Liên bang Đức thu thập mọi hồ sơ được giữ tại Trung tâm Tài liệu Berlin cũ và công bố hầu hết các bộ tài liệu cá nhân mở rộng về những quan chức Đảng, lãnh đạo SS và những tội phạm Quốc xã. Nhưng tại sao cha tôi lại nghĩ trong những hồ sơ này có thể có lưu lại gì đó về cha mình, Ernst Himmler? Tôi đề nghị được xem các hồ sơ. Vào thời điểm đó, yêu cầu này vẫn còn rất khó được chấp nhận và tôi phải chờ hàng tháng để được hẹn gặp. Sự chậm trễ này khiến tôi nhẹ nhõm, nó cho tôi thời gian để suy nghĩ về con người mà cho tới khi ấy không hề có vai trò gì trong cuộc đời mình. Chỉ một lần khi còn nhỏ, lúc tôi hỏi bà nội tôi - bà Paula, vợ của Ernst Himmler - về người thanh niên trông có vẻ hơi cứng nhắc mặc bộ com-lê đen trong tấm ảnh chụp lồng khung treo trên tường phòng khách nhà bà. Tôi nhớ mãi những giọt nước mắt đột nhiên trào ra từ khóe mắt của bà đã khiến tôi sợ hãi đến mức nào. Tôi không còn nhớ bà đã kể chuyện gì về ông. Bà không bao giờ chủ động nhắc đến ông và tôi cũng không hỏi thêm lần nào nữa. Cha tôi cũng vậy, hiếm khi nói về chuyện này. Những mẩu thông tin mơ hồ mà cha tiết lộ thường là “ông là một kỹ sư làm cho Deutscher Rundfunk ở Berlin và cha cho rằng ông cũng là Đảng viên Quốc xã”, nhưng luôn nói thêm câu: “Nhưng thời ấy người nào cũng vậy”. Cha tôi nói cha nghĩ rằng người anh trai Heinrich đã thuyết phục ông nội gia nhập Đảng, bởi “ông Ernst không mấy quan tâm tới chính trị”. Và có lẽ, cha tôi nói tiếp, ông nội “không muốn bị ảnh hưởng đến công danh”. Heinrich có lẽ đã cho ông một vị trí trong Đài Phát thanh Đế chế. “Heinrich luôn thấy phải có trách nhiệm với em trai mình. Nhưng hai người không gặp gỡ nhau thường xuyên”. Cho đến lúc ấy, những lưu ý này về ông nội tôi nghe luôn có vẻ hợp lý. Tôi không bao giờ thắc mắc chuyện gì. Không có điều gì về ông khiến tôi thấy nghi ngờ, không có chuyện gì khiến tôi bối rối. Điều này chỉ thay đổi sau khi cha nhờ tôi lục tìm hồ sơ về ông tại Kho Lưu trữ Liên bang. Tôi bắt đầu tự hỏi mình đã biết gì về ông nội. Không nhiều - và toàn những chuyện khá vặt vãnh. Giống như những thông tin ta có thể tìm thấy trong một bản khai lý lịch theo mẫu: Sinh năm 1905 tại Munich, lớn lên trong một gia đình trung lưu đáng tôn trọng, kỹ sư phát thanh, từ năm 1933 làm việc trong Deutscher Rundfunk, cùng khoảng thời gian đó lấy Paula, sau đó sinh được ba con gái và một con trai - là cha tôi. Gia đình sống trong một biệt thự song lập có vườn tại Ruhleben ngoại ô Berlin. Trong những năm cuối chiến tranh, Ernst Himmler được thăng chức làm Kỹ sư Trưởng và Phó Giám đốc Kỹ thuật; không lâu trước khi kết thúc chiến tranh ông được gọi vào Volkssturm, tổ chức dân quân tự vệ Đức Quốc xã*, ông mất đầu tháng 5 năm 1945, trong một tình huống vẫn còn chưa rõ ràng. Tôi không biết gì về con người mà tôi gọi là ông nội: Ông đã lớn lên thế nào, ông cư xử với vợ con mình ra sao, ngoài công việc ra thì ông quan tâm tới chuyện gì, thái độ của ông với Đảng Quốc xã hay thái độ của ông với anh trai Heinrich ra sao. Cho tới lúc này Ernst Himmler dường như là một con người hết sức bình thường, không có gì nổi bật. Việc nhắc đi nhắc lại rằng hai anh em không liên lạc nhiều với nhau có vẻ hoàn toàn phù hợp với hình ảnh một kỹ sư không mấy quan tâm tới chính trị. Nhưng nếu vậy thì động cơ nào đã thúc đẩy Heinrich hỗ trợ cho sự nghiệp của Ernst? Thực tế có phải họ ít gặp nhau như mọi người đã nói hay không? Và nếu vậy thì tại sao? Do Ernst không quan tâm tới những gì anh mình đang làm, hay do Heinrich, người đứng đầu SS và sau này kiêm chức Bộ trưởng Nội vụ, đã hoàn toàn ngập đầu trong núi việc thanh lọc “lũ kẻ thù của nhân dân Đức” khỏi nước Đức và các quốc gia bị chiếm đóng kế cận? Liệu ông tôi Ernst và bà tôi Paula có biết về những gì Heinrich đang làm? Cha tôi luôn nói dường như ông nội có biết điều gì đó, nhưng bà tôi, một người “rất ngây thơ về chính trị”, thì tuyệt đối không biết gì. Tôi bắt đầu xét lại cả về tính xác thực của những điều cha nói và những việc mà trước kia tôi chưa từng hoài nghi. Bất cứ ai thân cận với người đứng đầu SS tới mức như bà tôi hẳn đều phải cực kỳ cố gắng mới có thể không biết chút gì về việc bắt bớ những người bất đồng chính kiến, về chuyện người Đức gốc Do Thái bị tước hết quyền công dân và “biến mất” trong các trại tập trung. Tôi thấy mình không tài nào hình dung nổi hình ảnh về ông Ernst một cách rõ nét hơn. Đột nhiên tôi cảm thấy xấu hổ vì thiếu hiểu biết, vì sự thờ ơ ngây thơ đối với lịch sử gia đình mình. Mặc dù biết ông nội tôi vốn gần gũi với Heinrich Himmler, nhưng tôi luôn vạch một ranh giới rõ ràng phân cách giữa một “Heinrich Ghê rợn” với một “Ernst Phi chính trị”. Hơn nữa, tôi ngạc nhiên nhận ra rằng dù tôi có hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa Quốc gia Xã hội từ khá lâu và có quan tâm đặc biệt tới ranh giới mong manh giữa các Đảng viên Quốc xã tích cực - những kẻ biết rõ chuyện gì đang diễn ra, với những người hưởng lợi từ nó và những người đơn giản là sống cùng với nó - nhưng tôi lại không áp dụng nó vào chính gia đình mình. Tháng 6 năm 1997, tôi được Kho Lưu trữ Liên bang hẹn lên gặp. Tôi lái xe tới Lichterfelde, và thậm chí khi bước vào bãi đất rộng của khu lán trại cũ tôi đã có cảm giác như mình đang đi ngược thời gian. Điều đầu tiên ta thấy qua khe hàng rào là những tòa nhà cũ bằng gạch đỏ bóng có từ thời Wilhelm II, xây vào cuối thế kỷ 19 cho Học viện Quân sự Phổ và được sử dụng vào mục đích ấy cho tới Thế chiến I. Ở cổng vào có một số tòa nhà từ thời Quốc xã - những công trình đồ sộ kỳ quái, xám xịt với các hàng cột hiên và tượng của các lực sĩ Bắc Âu. Trong thời Đệ tam Đế chế, đây là nơi trú đóng trung đoàn cận vệ của Hitler, trung đoàn Leibstandarte-SS Adolf Hitler dưới quyền chỉ huy của Sepp Dietrich, quân nhân của nó có lời tuyên thệ cá nhân trung thành với Führer và xem đơn vị mình là “đơn vị ưu tú trong số những đơn vị ưu tú”. Sau năm 1945, khu này do quân Mỹ trú đóng, họ thay thế các tòa nhà đã bị phá hủy nhiều bằng những khu nhà chung cư và hành chính, gọi tên là Doanh trại Andrews. Ngày nay Kho Lưu trữ Liên bang đóng tại một trong những tòa nhà này. Tại phòng đọc, tôi được đưa cho mấy tập hồ sơ mỏng về Ernst Himmler cùng một danh sách dài những tài liệu tham khảo để nghiên cứu thêm. Cầm các tập hồ sơ ấy mà lòng tôi lẫn lộn nhiều cảm xúc. Trước hết là cú sốc khi biết ở đây thực sự có những thông tin về ông nội, đồng thời xen lẫn cả sự tò mò; tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì tập hồ sơ hơi mỏng, nhưng cũng sợ những gì ẩn chứa trong đó. Trong cặp tư liệu cá nhân chỉ có vài tờ photocopy: Một tấm thẻ đảng có dán ảnh, một bản khai lý lịch và vài giấy tờ cá nhân. Tôi xem kỹ tấm thẻ đảng và nhìn thấy ngày ông gia nhập: 1/11/1931. Thật lạ. Tại sao lại là năm 1931, hơn một năm trước khi Quốc xã lên nắm quyền? Như vậy chẳng phải không khớp với khẳng định rằng Ernst đã bị Heinrich thuyết phục gia nhập Đảng sao? Tôi đọc tiếp và phát hiện trong tập hồ sơ có một tài liệu cho biết rằng ông đã chính thức trở thành thành viên SS ngày 1 tháng 6 năm 1933. Đó là ngày ông được nhận vị trí tại Đài Phát thanh Đế chế. SS sao? Chuyện này chưa bao giờ được nhắc tới! SS là tổ chức của Heinrich, và sự thật chấn động rằng thời điểm Ernst gia nhập nó trùng với lúc ông bắt đầu làm việc cho Đài Phát thanh khớp với giả thiết của cha tôi rằng Heinrich đã hỗ trợ Ernst thăng tiến trong sự nghiệp. Tôi ngồi nhìn mớ tài liệu vừa đột ngột khiến quá khứ trở nên xác thực hơn. Sau bao phỏng đoán và suy nghĩ rối bời của mấy tuần trước, sự thật này làm tôi thấy nhẹ người. Tôi tiếp tục nhìn xuống bức ảnh, một bức ảnh hộ chiếu bình thường trong đó Ernst trông thật trẻ trung và nghiêm túc. Ở thời điểm này, dường như ông trở nên xa lạ với tôi còn hơn cả trước kia. Tôi quan tâm đến điều gì ở con người này, người đã chết trước khi tôi ra đời tới 22 năm? Trong số giấy tờ đó, tôi tìm thấy một tài liệu đề cập tới khoản vay Ernst nhận được vào mùa thu năm 1937 để tậu căn nhà tại quận Ruhleben ở Berlin mà ông mua chung với Tiến sĩ Behrends nào đó. Khoản vay lấy từ sĩ quan phụ tá của Thống chế SS - chính là ông anh Heinrich. Các giấy tờ gồm có một lá thư đánh máy đề tháng 5 năm 1944 của Ernst gửi Heinrich trong đó cho thấy rõ ràng có những lần ông đã góp sức phục vụ cho người anh quyền thế hơn của mình. Trong thư, ông trả lời đề nghị của anh trai về việc đánh giá chuyên môn của phó giám đốc điều hành một công ty ở Berlin tên là C. Lorenz. Khi đó, tôi vẫn còn chưa hiểu rõ cả thời điểm lẫn tầm quan trọng của bức thư này. Nhưng nó khiến tôi băn khoăn. Có lẽ là do ngôn từ sử dụng trong bức thư. Dù viết với văn phong khô cứng của một báo cáo công vụ, nhưng những câu viết lòng thòng lại được thêm mắm dặm muối bằng các cụm từ đậm chất lý tưởng như “về mặt ý thức hệ” và “viễn cảnh của tiến trình Aryan hóa*”. Bức thư cho thấy thái độ tích cực quá mức của ông khi thực hiện một nhiệm vụ do Heinrich giao phó, và cũng cho thấy những quan tâm của chính ông mà tôi chưa hề biết đến. Ngoài phần đánh giá, bức thư đề cập tới một buổi trò chuyện kéo dài với Walter Schellenberg, người đứng đầu Cục Hải ngoại của Cơ quan An ninh (Sicherheitsdienst, viết tắt là SD). Tôi không hiểu tại sao ông mình, người được cho là chỉ quan tâm đến kỹ thuật chứ không phải chính trị, lại có thể tranh luận với người đứng đầu Cục Hải ngoại của SD, hay Schellenberg lại có thể dính dáng tới chuyện gì ở đây. Có lẽ Ernst chỉ muốn phô trương, muốn lợi dụng cơ hội để trò chuyện với một nhân vật Quốc xã cỡ bự như vậy. Toàn bộ câu chuyện là một bí ẩn đối với tôi. Tôi tiếp tục xem xét các hồ sơ. Tôi lướt qua nhiều loại danh hiệu: không chỉ có “Huy hiệu thể thao SA*”, “Huy hiệu danh dự Olympic” mà còn có cả “Huân chương chữ thập vì thành tích phục vụ quân sự nổi bật, hạng Hai và hạng Nhất”. Do là sĩ quan SS cao cấp, Ernst ban đầu được phân vào Ban Nhân sự SS, sau đó về ban tham mưu của cục trưởng Cục Thông tin Liên lạc. Việc bổ nhiệm dường như chỉ đơn thuần mang tính hình thức - tôi không tìm được bằng chứng nào cho thấy ông từng tham gia tích cực công tác dưới vai trò một sĩ quan SS. Lần thăng cấp cuối cùng của ông, lên chức Sturmbannführer (thiếu tá SS), là vào năm 1939, mười ngày sau khi xâm lược Ba Lan. Nhưng tại sao ông lại được tặng Huân chương chữ thập vì thành tích phục vụ quân sự nổi bật? Xét cho cùng, ông chưa bao giờ dính tới công tác ở chiến trường. Từ một báo cáo thống kê của Đảng Quốc xã mùa hè năm 1939, tôi biết được rằng Ernst, mặc dù là đảng viên, khó có thể nằm trong vô số tổ chức chi nhánh của Đảng Quốc xã (NSDAP, Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa) ngoại trừ Mặt trận Lao động Đức mà hầu như tất cả những “người sản xuất ra sản phẩm”, từ các công nhân cổ xanh và cổ trắng cho tới những người quản lý họ, đều là thành viên, và Tổ chức Phúc lợi Nhân dân Quốc gia Xã hội. Tôi thấy nhẹ lòng khi mọi thứ dường như đều dẫn tới thực tế rằng Ernst không phải là một đảng viên Quốc xã được đặc biệt giao nhiều trọng trách. Không có hoạt động cấp cao nào trong đảng hay trong bất cứ hội đoàn chuyên môn nào của đảng, chắc chắn không có bất cứ ghi nhận nào về đặc cách trên thẻ đảng của ông, và Sturmbannführer không hằn là một cấp bậc thể hiện nhiều tham vọng trong cái tổ chức đáng sợ đó. Hiển nhiên, mối quan tâm chính của ông là kỹ thuật phát thanh, và có lẽ là sự nghiệp của riêng ông, nhưng ông vẫn giữ thái độ cách biệt chính trị. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thấy hoàn toàn thuyết phục. Chính ngày gia nhập sớm ghi trong đảng tịch của ông khiến tôi thấy bối rối; cuộc trò chuyện của ông với Schellenberg; cùng sự thực rằng trong chiến tranh ông được đánh giá là “hết sức cần thiết”, cũng có nghĩa là ông không bị động viên vào quân đội. Ông được gọi nhập ngũ năm 1942 vào tiểu đoàn dự bị của Leibstandarte-SS Adolf Hitler, nhưng có vẻ như ông chưa bao giờ bước chân vào doanh trại Lichterfelde vì ông chỉ được yêu cầu phục vụ quân ngũ không lâu trước khi chiến tranh kết thúc, bởi với vai trò “quản lý cấp cao và Kỹ sư Trưởng của Ban Kỹ thuật Trung tâm thuộc Đài Phát thanh Đế chế”, ông là người “hết sức cần thiết và không thể thay thế”. Nhưng tôi vẫn chưa rõ ông can dự đến nhiệm vụ gì “thiết yếu cho an ninh quốc phòng”. Cả cha tôi lẫn người chị duy nhất còn sống của ông đều ngạc nhiên vì ngày gia nhập đảng rất sớm của ông nội. Khi tôi hỏi cha, bà nội có kể gì về ông không, cha tôi nói rằng bà chỉ im lặng và khóc khi hỏi đến ông. Sau đó bà không nói chuyện với cha suốt nhiều ngày liền. Tại sao bà tôi lại cảm thấy khó khăn như vậy khi nói về quá khứ? Có lẽ có điều gì đó bị che giấu, như cha tôi đã nghi ngờ khi còn nhỏ. Nhưng cũng có lẽ sự im lặng của bà đơn giản chỉ là một phản ứng phòng vệ trước sự thiếu thông hiểu của thế hệ trẻ. So với cuộc sống khó khăn của một góa phụ phải tự mình nuôi dạy bốn con nhỏ mà bà phải trải qua sau năm 1945, thời kỳ Quốc xã đối với cá nhân bà hẳn là thời gian hạnh phúc nhất cuộc đời. Cha và bác gái tôi rất biết ơn tôi đã thực hiện các nghiên cứu. Tuy nhiên, sau lần thứ hai tôi gửi những tài liệu tìm thấy ở kho lưu trữ, bác tôi nói rằng điều quan trọng nhất đối với bác từng là “được thấy mọi thứ một cách đen trắng rõ ràng”, nhưng giờ thì chúng ta nên “ngừng tại đây”. Tôi rất giận vì cả hai đều không hỏi thêm câu nào về những điều đáng ngờ, khó hiểu trong các tài liệu tôi tìm được. Thậm chí có thể họ đã chỉ tưởng tượng được một hình ảnh lờ mờ về cha mình từ hồi ấu thơ, và thật mâu thuẫn, họ vốn đã có thể ép mẹ của họ nói ra sự thật. Hay cả hai vốn biết nhiều hơn tôi vẫn nghĩ? Ban đầu, tôi nghiên cứu các tài liệu lưu trữ chỉ theo yêu cầu của cha tôi và với sự tán thành của bác gái. Nhưng những gì tôi tìm thấy lại chạm đến một sợi dây thầm kín trong tôi và tôi thất vọng vì thiếu sự phản hồi từ hai người ruột thịt. Tôi muốn trò chuyện với họ về những điều chưa rõ ràng và theo đuổi các phỏng đoán. Tôi vẫn chưa rõ rằng sự tò mò của tôi chỉ đơn giản là do cảm giác muốn làm rõ mọi chuyện, do bị khuấy động bởi sự thật trần trụi chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn những gì chúng tiết lộ, hay phải chăng tôi đột nhiên thấy quan tâm đến con người là ông nội tôi. Sau những phát hiện đầu tiên, tôi cảm thấy mất định hướng. Trong trí tưởng tượng, tôi hình dung ra mọi kiểu kịch bản về những gì ông tôi có thể đã hành động và suy nghĩ trong khoảng từ năm 1933 đến năm 1945. Tôi dằn vặt mình vì đã thiếu quan tâm đến lịch sử gia đình trong suốt những năm qua. Tôi giận cha tôi vì đã né tránh đối diện trực tiếp với các tài liệu, để mặc chuyện ấy cho tôi làm - mặc dù hẳn ông cũng không rõ gì hơn tôi về việc tôi sẽ đau khổ ra sao bởi những gì mà nghiên cứu của tôi đem lại. Dĩ nhiên tôi hoàn toàn đánh giá sai tính độc lập và khả năng giữ cho mình không bị tổn thương do ảnh hưởng từ quá khứ của ông nội. Tôi vật lộn với những vấn đề về sức khỏe kéo dài. Tôi nghẹt thở trước nỗi sợ hãi về tương lai. Tôi lâm vào thế bí. Sau đó, vào mùa thu năm 1997, tôi có cơ hội trò chuyện thật lâu với cha về những điều tôi tìm thấy trong kho lưu trữ. Mặc dù ông nói rõ rằng ông xem quá khứ là chuyện đã “qua và chấm dứt rồi”, ông vẫn sẵn sàng nói chuyện và kiên nhẫn trả lời mọi câu hỏi của tôi về gia đình mình. Chúng tôi trải qua một ngày thật dài, đi bộ xuyên qua thị trấn nhỏ bé với những ngôi nhà nẹp khung gỗ, leo lên thăm các vườn nho giữa cái nắng dịu của tháng Mười. Khi đứng ở vườn nho nhìn xuống đồng bằng phía dưới, lần đầu tiên tôi hỏi cha xem ông nhớ gì về cha mình và ngạc nhiên trước phản ứng dữ dội của cha: Con cho là ta sẽ nghĩ gì về một người cha mà chuyện duy nhất ta nhớ đến chỉ là ông đã trừng phạt và đánh đập ta?” Cha nói, bà nội Paula khá tôn trọng tự do trong việc nuôi dạy con cái, nhưng bà vẫn dựng lên hình ảnh ông nội như một hình mẫu sáng chói trước mặt con - nhất là với cha tôi, người con trai, cho tới khi cha tôi “không thể nghe nổi những thứ ấy thêm chút nào nữa”, đặc biệt khi ông ngày càng nghi ngờ về hình ảnh không tỳ vết của cha mình mà mẹ vẫn mô tả. Từ hai người chị gái mà ông biết rằng Ernst cũng có thể là một người cha đầy yêu thương, bởi vậy ông thấy vô cùng đau khổ khi ký ức ít ỏi của riêng ông lại hoàn toàn trái ngược. Những câu hỏi của tôi dường như đã khuấy động lại mọi chuyện - sự thực không như lời quả quyết của ông rằng “tất cả chuyện đó” với ông không còn quan trọng nữa. Trong cuộc trò chuyện, tôi liên tục vấp phải những rào cản mà tôi không thể ý thức rõ hay hiểu nổi. Gần như tình cờ, cha tôi nhắc đến một chiếc rương chứa các bức ảnh gia đình mà tôi nên xem qua. Ông nói tiếp, trong đó cũng có một cặp tài liệu của bà nội tôi, dù ông không biết liệu trong đó có gì hấp dẫn hay không. Tính tò mò nổi lên, tôi mở cái cặp giấy màu xanh và nhanh chóng nhận ra trong đó là cả một kho thông tin phong phú bổ sung cho những sự việc trần trụi trong tài liệu ở kho lưu trữ. Trong số các giấy tờ liên quan tới nhà cửa của bà tôi mấy năm cuối đời, tôi tìm thấy một bản khai lý lịch của ông tôi từ năm 1931, lần đầu tiên cung cấp thông tin về thời kỳ trước khi ông bắt đầu làm việc cho Đài Phát thanh Đế chế. Tôi tìm thấy những bức thư riêng của Ernst cùng những chứng nhận khác nhau về việc ông làm việc trong Đài Phát thanh Đế chế do các cựu đồng nghiệp của ông gửi cho bà tôi vào thập niên 1970. Có lẽ bà cần chúng để kẹp vào hồ sơ xin trợ cấp hưu trí. Tháng 9 năm 1948, một kỹ sư trưởng đã xác nhận, “theo đề nghị của bà Paula Himmler”, rằng Ernst được gọi vào Volkssturm tháng 4 năm 1945 và “đã được phân công cùng một số nhân viên khác của ban quản lý đài phát thanh đi phòng thủ đài phát tại Charlottenburg (một quận của Berlin)… Lần cuối cùng tôi trông thấy Himmler là chiều tối ngày 30 tháng 4 hay 1 tháng 5 trên sân trong tòa nhà. Do không bao lâu sau đó tôi bị lính Nga bắt làm tù binh nên không thể biết thêm chuyện gì đã xảy ra với anh ấy sau này”. Tôi cố gắng tưởng tượng chuyện sẽ xảy ra đối với những nhân viên kỹ thuật, biên tập viên và các nhân viên khác khi “phòng thủ” tòa nhà họ làm việc trước cuộc tiến công của Hồng quân, tất cả bọn họ đều là dân sự không hề có kinh nghiệm chiến đấu hay được huấn luyện đầy đủ, những người đàn ông như ông tôi, vào thời khắc cuối cùng khi việc bại trận đã rõ rành rành, bị lùa vào cuộc tàn sát Volkssturm. Chưa đầy một năm sau, tháng 8 năm 1949, Ernst Himmler được chính thức xác nhận là đã chết; tờ giấy chứng thực chuyện đó cũng kẹp trong cặp giấy này. Nhiều năm sau, đâu đó khoảng thập niên 1970, bà Paula hẳn đã gửi yêu cầu điều tra thêm tới văn phòng tìm người mất tích của Hội Chữ Thập Đỏ ở Munich. Mãi cho tới tháng 10 năm 1983, hai năm trước khi bà mất, mới có thư phản hồi rằng “khả năng rất cao là Ernst Himmler đã ngã xuống trong cuộc chiến quanh khu vực Berlin tháng 4 năm 1945”. Dù vậy, cái chết của ông tôi vẫn là một bí ẩn. Vài năm sau khi chiến tranh kết thúc, theo lời kể của cha tôi, một người đàn ông đến gặp cả nhà và khẳng định rằng ông ta từng ở bên cạnh Ernst “tới tận lúc cuối cùng” và có mặt khi ông nội cắn vỡ viên nhộng thuốc độc*. Đó là một kết cục tôi thấy rất khó chấp nhận. Tôi tự hỏi lúc ấy bà tôi thấy thế nào khi được cho hay rằng chồng mình đã tự sát, bỏ bà lại một mình nuôi nấng bốn con nhỏ. Chiếc rương đựng ảnh của bà tôi quả là một mớ lộn xộn vô vọng. Tôi đã thuộc hầu hết những bức ảnh này, trước hết là các chân dung gia đình cụ cố Himmler của tôi cùng các con trai Gebhard, Heinrich và Ernst. Bà cố tôi, người gốc Munich, từng là một thiếu nữ trẻ đẹp và về sau là một cụ bà đẹp lão như bước ra từ tranh vẽ với nụ cười hiền từ, mái tóc bạc trắng luôn hơi rối và trên đầu mũi là đôi mục kỉnh tròn. Ông cố tôi, hiệu trưởng một trường cấp hai và mang tước hiệu Geheimrat (Ủy viên Hội đồng Cơ mật), trông rất kỷ luật và đường bệ bất kể tuổi tác. Mọi người kể cả hai cụ đều có cảm tình với Chủ nghĩa Quốc xã. Từ các bức ảnh có thể nhận thấy họ là những bậc cha mẹ nghiêm khắc nhưng cũng rất yêu thương con cái. Thậm chí cậu bé bảy tuổi Gebhard, người anh cả, cũng có một ánh mắt đầy tự tin và quả quyết. Ernst, cậu em út, rõ ràng là đứa con cưng trong nhà. Duy những bức ảnh chụp Heinrich là gợi cho tôi một cảm giác ghê tởm mỗi lần nhìn thấy, không chỉ vì tôi đã biết rằng cậu bé trông có vẻ vô hại lớn lên trong gia đình đáng kính này về sau sẽ trở thành kẻ thế nào, mà đơn giản còn vì ông ấy có ở đấy, giữa tất cả những người khác trong chiếc rương này; họ là gia đình của tôi, mà ông ấy là một phần không thể chối bỏ được trong đó. Tuy nhiên, sau những lần nghiên cứu đầu tiên thì tôi bắt đầu xem xét các bức ảnh ấy với một con mắt khác. Những bức ảnh cưới lãng mạn của ông bà tôi mà tôi thường vô cùng ngưỡng mộ, nay đã mất hết vẻ trong sáng. Chỉ tới lúc này tôi mới nhận thấy chiếc huy hiệu đảng trên ve áo của Ernst. Heinrich, người anh kế của ông, đứng tạo dáng trước văn phòng đăng ký kết hôn cùng đôi vợ chồng hạnh phúc. Ông ta mặc bộ quân phục SS có đeo băng tay chữ thập ngoặc, tay phải đặt lên hông, ngực ưỡn ra và trên miệng nở nụ cười. Ngoài ra, tôi nhìn thấy nhiều bức ảnh khác rõ ràng đã bị lấy hoặc cắt ra từ các cuốn album. Một trong những bức đó chụp ông tôi; hình người đứng cạnh ông đã bị cắt mất, có lẽ do tay bà Paula. Cha tôi rõ ràng đã thực sự bất ngờ trước những gì tôi tìm được trong nhà của ông. Cha đã giữ chúng sau khi bà mất nhưng cha nói cha chưa bao giờ mở chúng ra. Khi tôi lộ vẻ ngạc nhiên và không tin, ông nói một cách hơi cộc cằn rằng tôi biết rõ về tính “không thích dính dáng tới mọi loại giấy tờ công việc” của ông. Nhiều lần tôi định hỏi cha rằng nếu vậy thì tại sao cha lại bảo tôi đến lục tìm ở Kho Lưu trữ Liên bang. Ông chờ đợi nghiên cứu của tôi, việc được thực hiện theo yêu cầu của ông, phát hiện ra điều gì? Tôi không bao giờ thốt ra được câu hỏi đó, có lẽ bởi khi ấy tôi cảm thấy trong đó có hai mặt không thể tách rời: nỗi khao khát muốn tìm ra sự thật và nỗi sợ hãi những gì có thể được tìm thấy. 2. Mộ    ư  ả: G, A     N hiều năm trước, cha đã đề nghị tôi đọc một cuốn sách mà tôi chỉ chịu liếc mắt qua: cuốn tự truyện Der Vater eines Mörders (tạm dịch: Cha của một kẻ sát nhân) của Alfred Andersch. Andersch học cấp hai tại trường trung học Wittelsbacher Gymnasium* ở Munich, ngôi trường mà Gebhard Himmler, cha của ba người con trai, làm hiệu trưởng. Cuốn sách này viết về ông. Câu chuyện diễn ra vài năm trước khi Đệ tam Đế chế ra đời, vào một ngày tháng 5 năm 1928 khi “Già Himmler” thực hiện một cuộc kiểm tra bất ngờ ở lớp của Franz Kien (Andersch) để kiểm tra kiến thức của học sinh về tiếng Hy Lạp, nhưng trên hết là để chấn chỉnh kỷ luật trong lớp. “Tôi hy vọng một ngày nào đó mọi học sinh trong lớp sẽ được phục vụ trong quân ngũ”, ông nói với lớp. Ông răn dạy một cậu bé cứng đầu cứng cổ: “Tôi hy vọng Đế chế sẽ sớm hùng mạnh trở lại”, bởi trong quân đội “họ chắc chắn sẽ dạy các em giá trị của kỷ luật”. Trong lúc nghe thuyết giảng, Franz nhớ lại rằng vào cái ngày cậu bước vào trường cấp hai này, cha cậu đã cảnh báo cậu về con người này, người mà mọi thứ trên mình đều thật “nhợt nhạt, phẳng lặng, nhẵn nhụi, không tỳ vết hệt như chiếc áo sơ mi trắng ông ta mặc trên người”. “Già Himmler”, cha cậu nói, “Công giáo tới tận xương tủy”, và là một người ham địa vị, khao khát được gia nhập “tầng lớp thượng lưu của Munich”. Ông kết luận, cần hết sức cẩn trọng trước Già Himmler. Đó là một buổi học đáng nhớ, ông hiệu trưởng đã nhẫn tâm khiến Franz Kien trở thành kẻ ngốc trước cả lớp; lý do duy nhất chỉ vì vốn ngữ pháp Hy Lạp của Kien còn yếu. Ông hiệu trưởng mắng nhiếc Kien là lười biếng, tiểu tư sản vô dụng. Giờ học kết thúc cũng là lúc chấm dứt chuyện học hành của Franz Kien tức Alfred Andersch. Andersch bị đuổi khỏi trường. Lần đầu tiên đọc cuốn sách này năm 1980, cha tôi rất bối rối trước nhân vật là ông nội của cha, người mà trong câu chuyện của Andersch là một kẻ chuyên quyền hãnh diện vì lối giáo dục cổ điển của mình, luôn tự cho bản thân là đúng đắn và rất độc đoán, quân phiệt, dân tộc chủ nghĩa. Cha lập tức điện thoại cho chị họ mình ở Munich, tức con gái của bác cả Gebhard anh trai của Ernst, và bà đã tìm cách làm cha tôi yên tâm. Bà nói hình ảnh mà Andersch mô tả “không giống chút nào với thực tế” mà chỉ là vu khống ông nội. Bà gửi cho cha tôi một bài báo trên tờ Süddeutsche Zeitung của một luật sư, Tiến sĩ Otto Gritschneder, người từng là học trò trong cùng ngôi trường kể trên và đã đưa ra một số chi tiết để khôi phục uy tín của Geheimrat* Himmler. Nhiều năm sau tôi cũng được nhận bài báo này từ bác tôi, con gái của Gebhard Con. Bác viết rằng ông nội của bác đúng là có nghiêm khắc nhưng cũng rất tốt bụng. Bản thân bác chỉ biết về “mặt vui tươi nhất của ông”; mỗi khi cụ và bác đi dạo, cụ thường cho bác “một cái kẹo”. Khi được xuất bản năm 1980, không lâu sau khi Andersch qua đời, cuốn sách đã gây nhiều tranh luận. Trước hết là đối với các cựu học sinh của trường Wittelsbacher Gymnasium, một số là bạn cùng lớp với Alfred Andersch, đã mô tả trong thư gửi cho biên tập viên tờ Süddeutsche Zeitung về việc vị hiệu trưởng cũ của họ thực sự là người ra sao. Theo một số người, ông là “một người đầy nhiệt huyết, có học thức cao và rất hiểu biết, khiến mọi người phải kính trọng”, và được “cả học trò lẫn giáo viên vừa nể sợ vừa kính trọng và khâm phục”. Đối với một số người khác ông nổi tiếng vì “khao khát tột độ muốn được bước vào giới thượng lưu, là loại người đội trên đạp dưới”. Ngài Tiến sĩ Gritschneder đã không mệt mỏi tung tiếp một loạt bài nữa vào năm 2001: Mọi thứ trong cuốn sách là “một mớ dối trá”, không gì khác ngoài “một kiểu hủy hoại danh tiếng”, “vu khống người đã khuất”. Hai mươi năm sau khi xuất bản, tôi đã đọc lại cuốn sách này lần nữa và cũng rối bời hệt như cha tôi khi đọc nó. Điều khiến tôi bối rối không phải là việc cuốn sách khắc họa tính cách về ông hiệu trưởng một cách khá thiếu thiện cảm mà là câu hỏi được tác giả gợi ra ở phần Lời bạt. Tác giả đã chỉ ra rằng Heinrich Himmler, “kẻ sát nhân khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại”, không phải “xuất thân từ tầng lớp vô sản thô lỗ” mà “trong một gia đình trung lưu lâu đời, được giáo dục tốt về lòng nhân đạo”. Và trong tuyệt vọng, ông ta hỏi: “Chẳng lẽ lòng nhân đạo không giúp ích gì để bảo vệ loài người sao?” Một số sử gia về Heinrich Himmler cho rằng tính nghiêm khắc và mô phạm của người cha phần nào chịu trách nhiệm cho những chuyện khủng khiếp mà ông ta gây ra sau này. Theo họ, tính nghiêm khắc, kỷ luật, tư cách đáng trọng -những đức tính quan trọng thứ yếu của người Đức - đã được nâng tầm quan trọng quá mức trong việc nuôi dạy ba người con trai của nhà Himmler. Trong các bức ảnh cũ, ông cố trông cứng ngắc như tượng, trang nghiêm và bệ vệ, vợ ông đứng bên trông thật nhỏ bé và thanh nhã. Đối với các cháu, bà là “Bà yêu quý”. Có rất nhiều tấm ảnh chụp hai ông bà ở giữa những đồ nội thất nặng nề cao cấp của căn phòng khách kiểu cuối thế kỷ 19, xung quanh là vô số bức ảnh chụp tổ tiên nội ngoại. Cả hai trông có vẻ là một cặp vợ chồng chuẩn mực: một bên là sự nghiêm khắc cần thiết của người cha, bên kia là sự dịu dàng của người mẹ để cân bằng lại. Dĩ nhiên cũng có những bức ảnh chụp gia đình trong tư thế cứng ngắc với phông cảnh ở tiệm ảnh, cũng như có các bức ảnh khác cho thấy một kỳ nghỉ hè vui vẻ, trong đó cha mẹ và con cái trồng thật gần gũi. Nếu xét đến bối cảnh lịch sử và xã hội của thời ấy, tôi cảm thấy gia đình Himmler là một gia đình trung lưu hoàn hảo về mọi mặt. Nhưng Gebhard Himmler là ai? Ông đã quen với vợ mình, bà Anna, như thế nào? Xuất thân của hai ông bà ra sao? Ông cố tôi, Joseph Gebhard Himmler, sinh năm 1865 tại Lindau bên Hồ Constance và được nuôi dưỡng trong điều kiện sống khá giản dị. Cha của ông, Johann Himmler, là một thợ dệt lành nghề nhưng mau chóng tìm được vận may khi đăng lính trong Trung đoàn Hoàng gia Bavaria. Tuy nhiên, tại đấy ông không đặc biệt nổi trội vì thành tích công tác, mà đúng hơn là vì hay cãi nhau và “có hành vi vô đạo đức với một phụ nữ hư hỏng”, điều có lẽ hàm ý rằng ông đã đi lại với gái điếm và không tìm cách che giấu chuyện này. Không có dấu vết gì về hành tung của ông trong 5 năm liền, cho tới khi ông xuất hiện trở lại ở Munich năm 1844 trong Đại đội Cảnh sát Hoàng gia. Vào lúc ấy ông đang sống cùng, mặc dù không cưới hỏi, với một cô gái thôn quê tên là Katharina Schmid. Năm 1847, họ sinh được một con trai tên Konrad, người sau này giành được quyền mang họ Himmler. Khi Konrad 15 tuổi, cha ông ruồng bỏ gia đình và giành được một vị trí quan chức hải quan ở Lindau bên Hồ Constance. Vài tháng sau ông cưới Agathe Kien, con gái một quan chức ở Bregenz và trẻ hơn ông đến 24 tuổi. Nhiều năm sau, mối quan hệ huyết thống với Konrad Himmler mới được tiết lộ. Chuyện được phát hiện khi Heinrich Himmler biến việc nghiên cứu phả hệ gia tộc thành nhiệm vụ bắt buộc đối với lực lượng SS. Heinrich hẳn hài lòng với phát hiện bất ngờ này và hỗ trợ thăng tiến cho Hans, cháu nội của Konrad Himmler, trong SS. Trong cuốn The Theory and Practice of Hell: The German Concentration Camps and the System behind Them (tạm dịch: Lý thuyết và hiện thực của địa ngục: Các trại tập trung Đức và hệ thống đằng sau chúng), tác giả Eugen Kogon, người từng là tù nhân trại Buchenwald từ năm 1939 tới năm 1945, khẳng định rằng Heinrich Himmler “có một người cháu họ, người này trong khi say rượu đã vô tình tiết lộ bí mật, bị giáng cấp và kết án tử hình, bản án được giảm xuống thành bị đưa ra mặt trận làm lính dù. Tay Himmler trẻ sau đó lại bị tống giam vì những lời bình phẩm xúc phạm nào đó và cuối cùng bị ‘thủ tiêu’ tại trại tập trung Dachau vì là người đồng tính”. Việc rất lâu sau gia đinh Himmler mới biết được mối quan hệ không mong đợi này không hoàn toàn đồng nghĩa với việc Johann Himmler không cho bà vợ biết về đứa con ngoài giá thú của mình. Có lẽ ông nghĩ rằng Gebhard, người con trai khác của mình, còn quá nhỏ để biết về sự tồn tại của người anh cùng cha khác mẹ kia. Gebhard chỉ vừa tròn tám tuổi khi cha cậu mất ở tuổi 63 và người mẹ có lẽ phải lo tới nhiều chuyện khác hơn là về quá khứ của người chồng quá cố. Tiền tuất quan chức hải quan của ông dường như không nhiều nhặn gì, và chật vật lắm người góa phụ mới lo đủ chi tiêu cho mình và con trai. Gia cảnh túng thiếu là điều mà ông cố tôi sẽ luôn nhớ mãi. Do là học trò giỏi nhưng nhà nghèo vì sớm mồ côi cha, Gebhard được hỗ trợ tài chính khi học tiểu học, và nhận một học bổng cho phép ông vào học trường Gymnasium kinh điển ở Neuburg an der Donau với tư cách học sinh nội trú của Trường dòng Hoàng gia tại đấy. Gebhard học xuất sắc đến mức ông được đề cử nhận học bổng của Viện Maximilianeum* ở Munich, một tổ chức giáo dục danh giá chu cấp toàn bộ chi phí cho học viên. Đổi lại, họ phải vượt qua các kỳ thi khắt khe tổ chức định kỳ để chứng tỏ họ có tiến bộ trong học tập. Tháng 10 năm 1884, cậu Gebhard 19 tuổi trúng tuyển Đại học Hoàng gia Bavarian Maximilian ở Munich. Ông đăng ký học triết học. Thời ấy, cùng với thần học, đây là ngành học ưa thích của các sinh viên nghèo bởi có thể nhận được nhiều học bổng hơn cả. Gebhard tập trung chủ yếu vào các môn cổ điển - tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh; ông cũng tham gia một số môn học bổ trợ không thông dụng như “Nhân chủng học kết hợp dân tộc học của các bộ lạc nguyên thủy”, ông còn học tốc ký và sử dụng kỹ năng này trong suốt cuộc đời mình để ghi chép, ông cũng dạy lại cho các con trai mình kỹ năng này; cả ba đều nắm vững và sử dụng nó khi trưởng thành. Trong học kỳ đầu tiên tại đây, Gebhard gia nhập hội sinh viên Apollo, một tổ chức mà sau này Heinrich con trai ông cũng là thành viên. Không như hội sinh viên Burschenschaften* tự do của thế kỷ XIX, các hội sinh viên Đức thời kỳ đế chế kiên quyết theo xu hướng bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa. Những hội sinh viên phân biệt đối tượng nhất là các hội quyết đấu, mệnh danh là Korps, chủ yếu tập trung các thanh niên nhà giàu để tự tiêu khiển. Tại đây, các mối quan hệ được gây dựng rất cần thiết cho sự nghiệp sau này của học viên và hình thành những tình bạn suốt đời, nhưng trên hết, tất cả các hội ấy nhận định nghĩa vụ của mình là hoàn thành quá trình nghiên cứu khoa học và chuyên môn tại đại học bằng việc rèn giũa tính cách. Điều này bao gồm cả việc phục tùng cơ cấu quản trị của hội (“Anh phải tình nguyện phục vụ để có thể chỉ huy trong tương lai”), và có nghĩa vụ phải trụ được trong những cuộc uống rượu theo nghi thức, và những buổi quyết đấu bằng kiếm theo nghi thức mà trong đó các sinh viên Korps không chỉ phải thể hiện được lòng dũng cảm và tính kỷ luật, họ còn phải sẵn sàng hy sinh, phải bảo vệ được “danh dự” của bản thân khi bị xúc phạm. Do bị cận thị nặng, ông cố tôi hẳn đã cảm thấy thật khó khăn với yêu cầu thứ hai. Năm 1885, do khuyết tật trên nên ông bị xác định là vĩnh viễn không phù hợp để phục vụ trong quân đội. Không biết cảm giác của ông sau này ra sao khi nhiều thanh niên có cùng tư tưởng bảo thủ dân tộc chủ nghĩa như vậy vội vã đăng ngũ vào thời điểm Thế chiến I mở màn? Gebhard dường như rất được quý mến trong các hội nhóm ấy. Trong cáo phó đăng tháng 12 năm 1936 có viết ông là “trụ cột chống đỡ cho ngôi nhà tráng lệ một thời từng là Hội Apollo”. Đối với ông, tư cách hội viên trên hết là một cơ hội để tiến thân trong xã hội, và chuyện này với ông rất quan trọng. Ngay khi còn là sinh viên, ông đã đi làm gia sư, đôi khi cho nhiều nhà cùng một lúc. Một trong những người thuê ông là Geheimrat (ủy viên hội đồng cơ mật) von Bacyen; một người khác là Freiherr (nam tước) von Bassus Sanderdorf. Một sinh viên khác được ông dạy kèm tiếng Latinh và Hy Lạp năm 1887 là Emst Fischer, con trai một giáo sư tại Đại học Bách khoa, người sau này là bạn cùng hội trong Hội Apollo và là cha đỡ đầu của ông nội tôi. Mặc dù tham gia nhiều hoạt động, Gebhard vẫn tốt nghiệp hạng xuất sắc chuyên ngành Hy-La kinh điển vào tháng 8 năm 1888, cùng lúc với việc nhận chứng chỉ giáo viên đầu tiên. Mùa thu năm ấy, ông đến St Petersburg, tại đây từ tháng 11 năm 1888 tới Phục sinh năm 1890 ông làm gia sư cho Albrecht và Ferdinand, hai con trai của vị lãnh sự danh dự Freiherr von Lamezan. Điều này không hoàn toàn bất ngờ, khi xét đến việc trước đấy ông từng làm gia sư cho các gia đình thượng lưu. Nhưng tôi vẫn ngạc nhiên khi thấy ông đi cách nhà quá xa, mặc dù thời ấy có nhiều người Đức đến sống ở St Petersburg: Nhiều nhà khoa học, bác sĩ, dược sĩ, thương gia và thợ giỏi đã từng được tuyển dụng làm chuyên gia nước ngoài ngay từ thời Sa hoàng thành lập thành phố này. St Petersburg được dự định trở thành một “cửa sổ nhìn ra châu Âu” cho Đế quốc Nga, qua đó Peter Đại đế hy vọng sẽ bắt kịp với đà phát triển của phương Tây. Cộng đồng người Đức ở đây có trường học, báo chí, nhà hát và câu lạc bộ riêng; thế kỷ 19 phát triển văn hóa và kinh tế là thời kỳ huy hoàng của cộng đồng Đức ở đây. Điều này đặc biệt hấp dẫn với những người nhập cư tiềm năng từ Đế quốc Đức. Nhiều thập kỷ sau, thậm chí Heinrich Himmler vẫn còn tung hứng với ý tưởng di dân tới nước Nga. Sau khi Đức đánh bại Pháp trong chiến tranh Pháp - Đức* 1870- 1871, quan hệ giữa Đức và Nga nhanh chóng nguội lạnh, mặc cho mọi nỗ lực của Bismarck,* người cố gắng hàn gắn tình bạn với nước Nga vì những lý do chiến lược. Trong suốt nửa sau của thế kỷ, Đức trở thành nước có sức mạnh kinh tế đang lên và tầng lớp trung lưu Đức lớn tiếng đòi hỏi vị trí tương xứng trong trật tự chính trị. Xu hướng dân tộc chủ nghĩa ngày càng phát triển cũng đã hướng đến các mục tiêu thuộc địa, và đang đùa bỡn với ý tưởng về một Lebensraum* mới ở phía đông. Năm 1888, Wilhelm II lên ngôi hoàng đế. Ông không mặn mà với “chính sách ngoại giao với nhận thức đúng đắn của Thủ tướng Bismarck, thay vào đó ông xem việc bành trướng đế quốc là tuyệt đối cần thiết cho dân tộc Đức nếu nó muốn giữ được chỗ đứng trên sân khấu quyền lực thế giới. Giữa bầu không khí căng thẳng đó, ông cố tôi đến nhận làm gia sư tại nhà của ngài lãnh sự Đức ở St Petersburg. Điểm quan trọng mà ông cân nhắc có lẽ ở chỗ ông thấy vị trí này là cơ hội lớn để thăng tiến trong xã hội. Một vị trí gần cận ngài lãnh sự không chỉ đem lại lý lịch làm việc tốt - một ông chủ như Freiherr von Lamezan cũng có thể đem đến cho người thanh niên hãnh tiến có xuất thân khiêm tốn một cơ hội tuyệt vời được gặp gỡ những người quan trọng thuộc tầng lớp trên trung lưu và giới quý tộc. Lamezan là bạn của Luitpold, Công tước Nhiếp chính xứ Bavarian, thông qua ông, ông cố tôi đã liên hệ được với gia đình Hoàng gia Bavarian, nhà Wittelsbach*- một mối quan hệ sẽ giữ nguyên tầm quan trọng đối với ông cho đến cuối đời. Gebhard Himmler hẳn đã gây ấn tượng với gia đình Lamezan; tận cuối năm 1936 một người bạn của gia đình này vẫn đã nhắc lại trên tờ báo tỉnh Bavaria việc ông cố được hai con trai của Lamezan kính trọng thế nào trong vai trò một người thầy. Ngoài ra, nhiệm vụ của ông ở St Petersburg là “làm một gia sư Đức để gieo trồng và khắc sâu tính cách cũng như văn hóa Đức vào những người ông dạy dỗ”. Ngay khi quay về Munich dịp Phục Sinh năm 1890, Gebhard được bổ nhiệm làm trợ giảng tại trường Ludwigsgymnasium. Nhưng ông muốn chức vị cao hơn. Ba năm sau - chắc chắn nhờ có lý lịch công tác tốt, nhưng có lẽ cũng thông qua các quan hệ của Lamezan với gia đình hoàng gia - ông nhận thêm việc làm gia sư cho Công tước Heinrich von Wittelsbach, một vị trí ông đảm nhận trong bốn năm. Cha cậu học trò của Gebhard là Công tước Arnulf, con trai thứ ba của Công tước Nhiếp chính Luitpold. Việc ông được bổ nhiệm làm giáo viên thường trực tại trường Wilhelmsgymnasium sau khi kết thúc thời hạn làm gia sư có lẽ phần lớn nhờ ảnh hưởng của người bảo trợ trong hoàng gia. Lúc này Gebhard đã 32 tuổi, điều kiện kinh tế và địa vị của cá nhân ông đã được bảo đảm, vậy nên ông bắt tay vào bước kế tiếp: Cùng năm ấy, ông cưới Anna Maria Heyder, trẻ hơn ông một tuổi và xuất thân trong một gia đình thương gia giàu có. Vợ đầu của cha bà là một góa phụ lớn hơn chồng 18 tuổi, khi qua đời bà ta đã để lại cho chồng một gia tài kếch xù. Cũng như Gebhard, Anna mồ côi cha từ khi bà mới tám tuổi. Vào lúc làm đám cưới, bà cố Anna của tôi đã 32 tuổi, sắp sửa trở thành “bà cô già” theo quan niệm thời ấy và đã qua cái tuổi lý tưởng để lập gia đình từ lâu. Do được bổ nhiệm làm giáo viên tại Wilhelmsgymnasium, Gebhard đã khá vững về tài chính, có những mối quan hệ tốt và đầy triển vọng thăng tiến cả trong sự nghiệp lẫn địa vị xã hội. Về phần mình, Anna Heyder mang theo món hồi môn 300.000 mark vàng. Họ làm đám cưới ngày 22 tháng 7 năm 1897 tại nhà thờ Cơ đốc giáo St Anna ở trung tâm Munich. Tiệc cưới buổi sáng được tổ chức tại Phòng Bạc của tiệm Café Luitpold trang nhã trên phố Briennerstrasse - con phố mà sau này Heinrich Himmler đã sống trong thời sinh viên và về sau nữa được sửa thành nhà tù SS, nơi những người bất đồng chính kiến với chế độ Quốc xã bị hỏi cung. Các thành viên của gia đình Hoàng gia Bavaria được mời đến dự tiệc cưới, và thực đơn - in bằng tiếng Pháp, theo truyền thống của giới quý tộc Đức thời ấy - giống với các bữa ăn mà Gebhard đã quen thuộc trong những năm ông làm gia sư cho tiểu công tước, với vô số món ăn và các loại rượu vang. Ban đầu đôi vợ chồng trẻ sống trong căn hộ của Anna tại quận trung tâm của Munich, số 14 phố Sternstrasse, nhưng sau đó mau chóng chuyển đến một căn hộ lớn hơn trong cùng khu vực, số 6 Hildegardstrasse. Ngày 29 tháng 7 năm 1898, con trai Gebhard Ludwig của họ chào đời (tên đệm này nhằm tỏ ý kính trọng công tước Bavaria). Con thứ của họ, Heinrich Luitpold, ra đời hai năm sau, ngày 7 tháng 10 năm 1900. Tên của Heinrich được đặt theo tên hai vị công tước, Công tước Heinrich là cha đỡ đầu của ông. Ngày 17 tháng 6 năm 1901 Gebhard Himmler được mời dự “Tiệc tối Absolutorial”: Tiểu công tước đã đậu kỳ thi tốt nghiệp bậc học Absolutorium vào thời ấy. Đây rõ ràng là một dịp đáng nhớ đối với ông cố tôi - một dạ tiệc với tám món được đưa lên lần lượt và mời rượu; món tráng miệng là charlotte à la Prince Henri; ông đã giữ lại tờ thiệp mời đến cuối đời, cùng với một đoạn cắt trên báo đưa tin về sự kiện này. Mối quan hệ giữa Gebhard Himmler với Công tước Heinrich hết sức thân tình. Người thầy trong nhiều bức thư của mình gọi người học trò cũ là “Công tước Heinrich thương mến”, trong khi ngài công tước, người thường trả lời theo kiểu tốc ký và quan tâm sâu sắc đến mọi vấn đề dính dáng tới gia đình Himmler, ký tên là “Heinrich quý mến chân thành của ngài”. Thỉnh thoảng các thành viên Hoàng gia Bavaria đến thăm gia đình Himmler khi họ đi nghỉ hè ở vùng núi, và hằng năm họ đều đến chơi nhân dịp Giáng sinh. “Một phần truyền thống trong lễ Giáng sinh của chúng tôi,” Gebhard Con sau này đã viết trong Những hồi ức của mình, là chuyến thăm của bà vợ Công tước Arnulf và con trai của họ, Công tước Heinrich von Bayern. Vào thời ấy họ phải “cư xử hết sức cung kính”, mặc dù chưa bao giờ hai thành viên hoàng gia này “mang được một món quà nhỏ nào” tặng họ. Những chuyến viếng thăm của các thành viên hoàng gia khiến Gebhard Cha tiêu tốn một khoản tiền lớn, nhưng lại hết sức quan trọng với ông, như có thể thấy qua một mảnh giấy viết tháng 4 năm 1914, trên đó ông ghi lại chi tiết một bữa tiệc đón tiếp: một bữa trưa Chủ nhật truyền thống với đủ lệ bộ, bao gồm rượu vang, cà phê, rượu mùi và xì gà. Sáng hôm sau ông hãnh diện cắt hai bài tường thuật trên hai tờ báo địa phương có viết rằng, vào Chủ nhật ngày 26 tháng 4, công tước và mẹ ngài đã đi dạo băng ôtô từ Altötting đến Landsberg”, tại đó họ vào thăm “ngài gia sư cũ của công tước, hiệu phó trường Gymnasium”, và dùng bữa trưa tại nhà ông. Ngài công tước qua đời khi con trẻ, nhưng mẹ ông vẫn tiếp tục đến thăm nhà Himmler. Con gái cả của ông Gebhard vừa cười lớn vừa kể cho tôi lần bác được gặp nữ công tước: “Bác quá thất vọng cháu ạ. Một bà già lẩy bẩy, mặc toàn màu đen, mặt mũi nhăn nhúm - trông thế mà cũng là bà hoàng!” Mùa hè năm 1902, gia đình chuyển tới Passau, nơi Gebhard được thăng chức “giáo sư” (một danh hiệu dành cho giáo viên trình độ cao hơn của trường phổ thông) tại trường Gymnasium ở đây. Họ sống hạnh phúc và có nhiều bạn bè, người thân sống trong thị trấn. Tuy nhiên sáu tháng sau, cậu bé Heinrich bị bệnh rất nặng - ngay từ hồi còn ở Munich câu đã rất yếu ớt. Hai vị bác sĩ chữa trị cho cậu, gồm một bác sĩ ở Passau và vị bác sĩ gia đình từ Munich đóng vai trò tư vấn, lại không thể xác định đây là bệnh lao hay viêm phổi tái phát; dù vậy cả hai đều khẩn thiết khuyên cậu phải thay đổi hẳn môi trường sống. Kết quả là mùa xuân năm 1904, gia đình quay về Munich, sống tại một căn hộ ở số 68 Amalienstrasse. Heinrich đã hồi phục, mặc dù cho đến cuối đời sức khỏe của ông rất kém và dễ nhiễm bệnh, điều đó là nỗi lo lắng thường trực của mẹ ông vì khi còn bé, bà đã mất cha vì bệnh thương hàn và mất anh trai vì bệnh bạch hầu. Gebhard Con bắt đầu đi học sau khi họ quay về Munich tháng 9 năm 1904. Ban đầu cậu thường bị bệnh và phải nghỉ học nhiều ngày đến nỗi cha mẹ cậu dành trọn kỳ nghỉ hè sau năm học đầu tiên để chăm sóc sức khỏe cho cậu và tự dạy cậu học; vào lúc bắt đầu năm học thứ hai, cậu đã theo kịp được với lớp. Anna Himmler mang thai một lần nữa, và ngày 23 tháng 12 năm 1905 con trai út của họ, Ernst Himmler, tức ông nội tôi, chào đời tại Munich. Chào đời muộn, nhỏ hơn hai anh người năm tuổi người bảy tuổi, Ernst là cục cưng được nuông chiều trong nhà và là “tia nắng bé nhỏ” của cha mẹ, cả hai đều đã trên 40 khi ông ra đời. Căn hộ tại Amalienstrasse rất rộng. Đám trẻ có riêng một phòng trẻ sáng sủa, đẹp đẽ với bộ đồ chơi xây dựng Anker bằng gỗ, một bộ đường ray xe lửa đều tăm tắp với một đầu máy hơi nước. Trong phòng khách ở phía sau, nhìn thẳng ra sân trong, cậu anh cả Gebhard ngồi hàng giờ để chơi những căn nhà mô hình tinh xảo và các món đồ chơi khác. Cạnh đó là căn buồng nhỏ của vú em Thilde, trong buồng có chiếc bồn tắm bằng sắt tráng men tuyệt đẹp, vào thời ấy là của hiếm trong những gia đình ở Munich. Trong khi sở thích của Gebhard là đầu máy hơi nước và kỹ thuật xây dựng giống như tuyến đường sắt treo mà cậu tự làm lấy, thì “Heini”, như gia đình và các bạn thân hay gọi, lại sớm ưa thích các chú lính chì. Trò cậu khoái nhất mỗi tối Chủ nhật là ghép các lâu đài gỗ trên chiếc bàn xếp trong phòng sinh hoạt chung để chuẩn bị chơi đánh trận giả với Gebhard. Cả hai có những khẩu thần công đồ chơi có thể bắn bằng đạn nút và mẩu cao su hay đậu hột. Phần trước căn hộ là nơi nghiên cứu của người cha với những món đồ bằng gỗ sồi nặng nề theo phong cách Tân-Gothic và một thư viện liên tục được bổ sung thêm sách. Vào những dịp Giáng sinh, khu này được chuyển thành “phòng Chúa Hài đồng” đầy huyền bí cho lũ trẻ con, tại đấy các món quà được xếp sẵn trên chiếc đi-văng. Chờ cho tới khi tất cả đã có mặt đẩy đủ, đám trẻ thỏa sức chơi đùa trong căn phòng, chúng có thể làm chuyện mà thường ngày vẫn bị cấm là nhòm qua ô cửa nhỏ trên cánh cửa bị khóa chặt. Trong một góc phòng khách trang trí bằng nhung đỏ và gấm kim tuyến, là nơi để tiếp khách đến thăm, có một cái giá vẽ kiểu baroque mạ vàng đặt chân dung tiểu Công tước Heinrich. Tại phòng này cũng trưng bày ảnh chụp và thành tích của dòng họ mà theo thời gian có thêm các quà tặng và đồ lưu niệm của họ hàng và bạn thân. Gebhard Himmler Cha sưu tập tem, tiền xu và giấy tờ liên quan tới lịch sử nước Đức; mọi thứ đều được tỉ mỉ lập danh mục trên thẻ tra cứu. Cả gia đình thường quây quần bên nhau mỗi buổi tối, bà mẹ bận rộn thêu thùa, người cha đọc một cuốn sách trong thư viện lớn của ông. Những cuốn này chủ yếu là các tác phẩm về lịch sử Đức; ít nhất, các con của họ đều nắm rõ tên tuổi và ngày tháng mọi trận đánh lịch sử quan trọng ngay từ khi lên 10. 3. “N ưỡ   ở  ườ ấ ẫ  ầ Đứ”: Tờ  ế ở Đế ố Đứ M ỗi sáng hai người anh lớn đều cắp sách đến trường công giáo, đi bộ cùng với người cha dạy học ở trường Gymnasium ngay cạnh. Gebhard Himmler Cha coi đây là cơ hội để trò chuyện với các con trai. Việc giáo dục con cái rất quan trọng với ông, và cả Gebhard lẫn Heinrich đều là những học trò giỏi. Chỉ với thể thao là Heinrich gặp phải rắc rối, vì thế cậu luôn hăng hái tập luyện. Năm này qua năm khác, người cha tỉ mỉ ghi lại điểm số của các con và ghi nhận xét tóm tắt về những giáo viên, bạn học của các con mình và cha của chúng. Xét theo nghề nghiệp của những người cha mà ông đưa ra quyết định về việc người bạn nào là thích hợp hay có lợi cho con để chơi cùng. Sau giờ học, hai anh em chơi với nhau và nghĩ ra đủ trò nghịch ngợm, vì chuyện đó mà cả hai được cha mẹ “thoải mái thưởng”, như lời kể mỉa mai của Gebhard về những hình phạt phải nhận, bao gồm cả những trận đòn roi thường xuyên. Theo Gebhard nhớ lại thi Ernst, cục cưng trong nhà, khi đó vẫn còn nhỏ và luôn được người mẹ, chị vú em và vị quản gia cẩn thận theo dõi, nên chưa thể tham gia chơi cùng hai anh. Gebhard và Heinrich được phép tự đi đến cửa hàng gần nhà, nơi bán những món đồ chơi thủ công và các bộ phận của mô hình xe lửa, hai anh em thường xuyên ghé xem và thỉnh thoảng lại mua một vài món. Trên đường tới đó, ở góc đường Amalienstrasse và Theresienstrasse, theo như Gebhard nhớ lại trong cuốn Những hồi ức, “đôi khi chúng tôi dán mắt nhìn qua cửa kính quán Café Stefanie, nơi các họa sĩ ở quận Schwabing thường gọi là “Café Megalomania”, và xem đám chơi cờ mặt mũi nghiêm trang đi các nước cờ, trước mặt họ thường đặt cốc nước trắng và miệng ngậm chiếc tăm”. Mấy năm sau cả hai anh em đều thành thạo môn cờ vua và Gebhard, giống như các họa sĩ mà ông vẫn khâm phục khi còn nhỏ, cũng cho thấy mình có tài trong lĩnh vực âm nhạc và nghệ thuật. Thế nhưng đám lang thang Schwabing và hai cậu bé có gia cảnh sung túc đứng mê mẩn nhòm họ qua ô cửa sổ sống trong hai thế giới hoàn toàn riêng biệt. Tiệm cà phê này sẽ là nơi gặp gỡ của giới trí thức thành phố mà Gebhard vài năm sau, trong những tuần lễ vô chính phủ của cái gọi là cuộc Cách mạng tháng Mười một, sẽ xem đó là “lũ văn nghệ sĩ xoàng” phạm tội đang hoành hành tại Munich, để rồi thành phố này có may mắn được “giải phóng” nhờ Heinrich và các thành viên khác của Freikorps (những đơn vị cánh hữu bán vũ trang). Mùa hè nào cả gia đình cũng đi nghỉ ở vùng núi phía nam Munich. Năm 1910, họ đến nghỉ ở làng Lenggries trên rìa dãy Alps. Họ đi chơi rất nhiều nơi: đến xem những nghệ sĩ đi trên dây tại quảng trường làng, hay đến thăm nhà máy làm bột giấy. Hai anh lớn thường đi bộ cùng cha đến chơi một địa điểm ở gần, trong khi người mẹ và Ernst đến sau bằng tàu hỏa. Do là em út, Ernst không thể theo kịp hai anh còn người mẹ thì không đủ sức đi bộ. Đó hẳn là một mùa hè rực rỡ; vào lúc họ kết thúc kỳ nghỉ ngày 2 tháng 9, Heinrich ghi lại trong nhật ký của mình rằng cả nhà đã đi bơi đến 40 lần. Chính trong những tuần lễ ấy cậu bé chín tuổi này học được cách viết nhật ký. Đây rõ ràng không phải ý tưởng của riêng Heinrich - có lẽ cha cậu là người đã yêu cầu việc đó, ông đã viết dòng đầu tiên để làm mẫu cho con trai cách viết nhật ký. Suốt nhiều năm sau đó Heinrich ghi lại mọi điều xảy ra với gia đình: thời tiết, các bữa ăn, những chuyến đi chơi, các bài tập piano, những chuyến đi bơi. Các đoạn ghi chép của cậu bé thường khô khan, thực tế, không có chút rung cảm tưởng tượng nào của trẻ thơ. Người cha đều đặn kiểm tra cuốn nhật ký và thường viết thêm vào hay chỉnh sửa vài chỗ, chủ yếu liên quan tới cách thức kể lại sự việc, thường là sửa lại danh xưng chính xác của mỗi nhân vật. Cha cậu cũng phê bình chữ viết của con trai quá xấu, dù điều này không tác động nhiều tới Heinrich, bởi cậu vẫn tiếp tục viết cẩu thả. Điều này cho thấy rằng, ít nhất là lúc ban đầu, việc viết nhật ký là một nhiệm vụ chán ngắt hơn là một chuyện đương nhiên như sau này. Từ tuần thứ ba của kỳ nghỉ hè, Heinrich phải hoàn tất một định mức bài tập hằng ngày, do kỳ thi tuyển của trường Gymnasium đã gần kề. Đấy là một điểm mốc quan trọng trong cuộc đời Heinrich và cậu phải chuẩn bị kỹ càng, đặc biệt bởi cha cậu sẽ không có ở đó để khai giảng năm học mới. Vào cuối kỳ nghỉ, Gebhard Himmler Cha sẽ du lịch tới Hy Lạp, “chuyến du lịch bằng đường biển dài nhất mà ông từng thực hiện”, người cháu gái lớn nhất của ông nhớ lại. Và ông đã chuẩn bị rất kỹ càng - phòng trường hợp ông không sống sót trở về. Ông đã sắp xếp mọi thứ từ nhiều tháng trước khi khởi hành; ba tuần trước khi đi, ông viết những bức thư dài vĩnh biệt mọi thành viên trong gia đình, nhồi nhét mọi loại chỉ dẫn cho cuộc sống tương lai của họ. Trong bức thư viết cho vợ, ông hướng dẫn các cách đảm bảo tài chính trong trường hợp ông chết, lần lượt nêu tên từng người bạn mà vợ ông có thể tới xin lời khuyên về những vấn đề khác nhau, tương ứng với mỗi chuyện nhà nhỏ nhặt nào đó cần phải giải quyết, liệt kê những khoản mà theo đó lương của người giúp việc có thể tăng lên, nêu chi tiết về việc phải làm gì với từng cuốn sách, thư từ cũng như sổ tay của ông, và đưa ra yêu cầu về người có thể được chấp nhận làm người bảo trợ cho lũ trẻ. Bức thư của ông cho Gebhard, khi ấy mới 12 tuổi, thể hiện rõ mối quan hệ đầy thương yêu giữa hai cha con và sự tôn trọng của người cha đối với con trai: “Con đem lại cho cha niềm vui khôn xiết, Gebhard yêu dấu ạ, cha vô cùng cám ơn con vì điều này”. Tuy nhiên, bức thư lập tức tiếp nối bằng những lời cổ vũ và chỉ dẫn cho người con trai cả. Nếu cha cậu không quay về, Gebhard phải liệu trước “mọi ý muốn của mẹ, làm mẹ vui lòng bằng sự siêng năng, hết lòng vì bổn phận, đạo đức trong sáng)* của con, và, do con là con cả, phải mau chóng trở thành người biết hỗ trợ cho mẹ, đặc biệt trong việc nuôi dạy hai em trai con”. Nhưng trên hết: “Phải trở thành người chăm chỉ lao động, sùng tín và thấm đẫm tinh thần Đức”. Câu đó của ông muốn nói đến điều gì? Chẳng may, bức thư vĩnh biệt gửi Heinrich không được giữ lại; tuy nhiên bức thư gửi Ernst mới bốn tuổi rưỡi có nội dung như sau: Ernstimändi bé bỏng yêu dấu của cha, Chỉ cần nghĩ tới việc cha có thể không bao giờ được ôm con nữa, không bao giờ được nhìn thấy cặp mắt đáng yêu nhỏ xíu đen láy của con, cũng đủ làm tim cha thắt lại, và cha đã lặng lẽ khóc; mắt cha đỏ ướt lệ. Nụ cười rạng rỡ của con khiến con luôn là tia nắng nhỏ của Mẹ và Cha. Nhưng mặc dù có đoạn mở đầu đầy trìu mến, ngay cả cậu con út cũng không tránh được những chỉ dạy của cha: Con phải ngoan và biết vâng lời, luôn yêu thương Mẹ và các anh, làm theo mọi điều thầy cô yêu cầu, sao cho mọi người đều mến con và phải luôn đem điểm tốt về nhà giống như anh con Beda*. Và tới khi con lớn, con có thể làm một bác sĩ tốt, đóng tàu, chế tạo động cơ, nhà cửa, hay những thứ tuyệt vời khảc. Chỉ đừng trở thành một thầy giáo giống như cha; sẽ chẳng ai vừa ý nếu con làm thầy giáo. Nhưng thậm chí tới khi con đã là một người đàn ông to lớn khỏe mạnh, con vẫn phải yêu Mẹ bé nhỏ của con và cùng hai anh chăm sóc, đem niềm vui cho mẹ cho tới tận lúc mẹ nhắm mắt xuôi tay. Siêng năng, hết lòng vì trách nhiệm, có đạo đức trong sáng và biết vâng lời: Đó là những lý tưởng quan trọng nhất của Giáo sư Himmler. Dường như ông coi vợ mình là quá yếu ớt và không thể tự lực (“Mẹ bé nhỏ của con”) đến nỗi ông bắt các con phải có trách nhiệm giúp đỡ mẹ dù vẫn còn là những đứa trẻ. Trách nhiệm đối với mẹ mà ông áp đặt lên các con lại là điều mà ông không thực hiện được bao nhiêu với mẹ mình. Trong bức thư vĩnh biệt gửi vợ, ông cho rằng mặc dù họ đã làm rất nhiều điều cho mẹ ông trong vài năm gần đây nhưng căng thẳng giữa họ cho tới lúc ấy đã trở nên quá mức đến nỗi Anna, ông nhấn mạnh, “trong bất cứ trường hợp nào cũng không thể” để mẹ chồng vào ở chung nhà và nếu cần thiết thì phải tìm một nhà dưỡng lão - “loại tốt nhất” - cho bà. Thậm chí ông còn nghĩ trước về chuyện học đại học của các con: Ngay từ đầu chúng phải “theo đuổi việc học dựa trên một kế hoạch được trù tính kỹ lưỡng và nhắm tới học vị tiến sĩ”. Bản thân ông không học tới tiến sĩ, và ba con ông sau này cũng vậy. Tuy nhiên, các con được phép chọn nghề nghiệp cho mình: “Chúng không nhất thiết phải trở thành công chức nhà nước”. Nhưng ta có thể thấy rõ xung đột dữ dội giữa sự nuông chiều và tính nghiêm khắc, giữa mặt tự do và mặt gia trưởng trong lòng Gebhard Cha khi nhìn vào thực tế rằng ông chỉ cho phép các con chọn nghề cho mình trong những giới hạn cụ thể: “Sẽ tốt hơn nếu chúng không trở thành các học giả kinh viện hay sĩ quan quân đội, và anh cầu xin em đừng cho chúng học thần học”, ông nhắn nhủ vợ mình. Đối với các vấn đề tôn giáo, ông cố tôi dường như không phải lúc nào cũng muốn dính dáng tới. Anna Himmler là một con chiên Kitô ngoan đạo và việc truyền dạy tín ngưỡng cho con cái là trách nhiệm của bà, nhưng rõ ràng chồng bà đôi khi có xen vào nếu ông cảm thấy bà đã đi quá xa. Trong bức thư này cũng vậy, Gebhard nhắc nhở vợ mình rằng “đừng cho phép niềm tin Ki tô can thiệp quá mức”. Vào thời điểm thích hợp, khi con cái đã lớn và trưởng thành hơn, chúng phải được vị bác sĩ của gia đình “nhẹ nhàng nói cho biết những thực tế của cuộc sống”; và cuối cùng, ông yêu cầu vợ “tìm cách dẫn dắt việc chọn lựa bạn đời cho lũ trẻ, nhưng đừng quyết định thay chúng. Khiến chúng ý thức được những tiêu chuẩn lý tưởng, nhưng khi chúng đưa ra quyết định phải ngăn chúng lao đầu theo vật chất vào đáy sâu của cuộc sống khắc nghiệt, điều này có thể bóp chết tất cả ngay từ đầu và chính là điều mà anh đã từng phải tự lôi mình ra”. Gebhard Himmler hết sức quan tâm đến việc không làm hư con cái, ngoài ra ông còn quan tâm hơn đến việc giúp chúng không phải trải qua những thiếu thốn vật chất mà bản thân ông từng trải qua. Ông hết sức chú trọng đến việc giáo dục tổng thể: “Bất cứ hy sinh nào cũng là xứng đáng để có một nền tảng giáo dục tốt và toàn diện cho các con”. Đối với ông, ngoài những gì đám trẻ được học tại trường Gymnasium kinh điển như “các ngôn ngữ hiện đại (hướng dẫn thực hành), âm nhạc, hội họa, tốc ký”, chúng còn phải có được một nhóm bạn bè “nhỏ nhưng có chọn lọc”. Việc nuôi dạy các con trai trở thành “những người thấm đẫm tinh thần Đức” ắt hẳn rất quan trọng đối với ông: “Như những gì chúng ta đã làm được cho tới lúc này, hãy tiếp tục nuôi dạy các con yêu dấu của anh theo đúng cách mà chúng ta suy nghĩ, nghiêm khắc nhưng đầy thương yêu, mộ đạo nhưng đừng quá khích, để chúng trở thành những người thực sự thấm đẫm tinh thần Đức”. Những gì ông dạy cho các con được nối tiếp bằng lý tưởng chính trị mà cả ba người con trai sau này đều theo đuổi; trong đó Heinrich đã thực hiện nó theo cách quá khích nhất. Dù rất nghiêm khắc, nhưng mối quan hệ trong gia đình Himmler thật nồng ấm và đầy trìu mến. Tuy nhiên, đám trẻ càng lớn thì những kỳ vọng và yêu cầu về kỷ luật mà cha mẹ áp đặt lên cảm xúc của chúng càng nhiều. Và ba anh em trai rõ ràng đã hết sức cố gắng để làm họ vui lòng. Cả ba đều là những học sinh xuất sắc trong suốt thời đi học, thể hiện rõ kỷ luật mẫu mực mà cha của họ, vừa là một thầy giáo và sau này là hiệu trưởng, luôn đòi hỏi “với sự nghiêm khắc đầy yêu thương” đối với các học trò của mình. Ngày 31 tháng 8 năm 1910, Gebhard Himmler thanh thản khởi hành sau khi đã sắp xếp trước cho mọi tình huống có thể xảy ra. Đến tháng 9, Heinrich vào học trường Wilhelmsgymnasium ở Munich, nơi anh cậu đang học. Có những lúc cả hai đều học với một đồng nghiệp của cha mình tên là Hudezeck. Tình thân giữa họ với ông này kéo dài suốt nhiều năm sau đó thông qua việc hỗ trợ lẫn nhau: Heinrich giúp đỡ Hudezeck trong sự nghiệp của ông về sau và Hudezeck đã giúp đỡ Gebhard Con trong thời kỳ tẩy trừ Quốc xã sau chiến tranh. Ernst bắt đầu đi học vào tháng 9 năm 1911. Cậu mới năm tuổi, nhưng rất vui tươi và tự tin. Câu học thuộc bài thật dễ dàng và giống như hai anh, luôn là một trong những học sinh đứng đầu lớp. Khó khăn duy nhất cậu gặp phải là trong thể thao, giống như anh trai Heinrich, bởi cậu bị cận thị nặng, do đó phối hợp vận động không được tốt lắm. Hai năm sau, cha cậu được bổ nhiệm làm hiệu phó trường Gymnasium ở Landshut, Đông Bắc Munich. Sau một thời gian dài tìm kiếm, gia đình tìm thấy một căn nhà cũ có khu vườn thật lãng mạn mà nhiều năm sau Gebhard Con vẫn còn nhắc tới đầy hào hứng: “Lần đầu tiên nhà chúng tôi có một khu vườn, đối với đám con trai chúng tôi quả là vô cùng sung sướng”. Tại đây hai anh lớn cũng đi học ở ngôi trường mà người cha đang dạy, ông dạy môn tiếng Đức và môn Lịch sử trong lớp Gebhard. “Tôi nhanh chóng quen với chuyện này - không hề gì, chủ yếu là tôi phải cố gắng hơn một chút so với khi có giáo viên khác đứng lớp”. Con trai ông hiệu phó không được hưởng một ưu ái đặc biệt nào. Nhìn chung, những năm tháng đó đối với ba anh em là thời kỳ rất hạnh phúc. Cha mẹ đã cố gắng hết sức để các con có được tuổi thơ êm ấm mà cũng rất sôi động. Họ cũng chú ý để đảm bảo cho con mình có những chuẩn bị cần thiết nhằm đạt tới địa vị xã hội và nghề nghiệp trong tương lai, và điều này đòi hỏi không chỉ quá trình giáo dục toàn diện về mặt nhân cách, chủ yếu thuộc trách nhiệm của người cha, mà còn cần có những đức tính phụ được đánh giá quá cao vào thời ấy. Và như trong hầu hết những gia đình trung lưu được kính trọng, nhất là khi các con trai ngày càng lớn, dường như người cha gánh lấy vai trò nghiêm khắc của người rèn giũa kỷ luật, trong khi vai trò của bà mẹ là hỗ trợ cho người cha nhưng dịu dàng tình cảm hơn. Suốt nhiều năm sau, khi các con đã ra ở riêng, bà vẫn tiếp tục làm vậy bằng việc gửi thư khuyên nhủ và những bưu kiện thức ăn, những món ăn mà Heinrich đặc biệt thích. Bà cũng cố gắng truyền cho các con sở thích mà bản thân bà đã có từ thời thiếu nữ, là sấy khô cỏ cây hoa lá và xếp chúng thành bộ sưu tập. Ít nhất có Heinrich nhiệt tình hưởng ứng chuyện này: Ngay từ thời niên thiếu Heinrich đã có được một bộ sưu tập khá phong phú. Tháng 7 năm 1914, cả gia đình đi nghỉ hè tại Tittmoning, gần biên giới Áo, ở nhà bạn thân là gia đình Lindner. Như thường lệ, chương trình nghỉ hè của họ bao gồm đi dạo, vào thăm các nhà thờ và chèo thuyền du ngoạn. Heinrich ghi nhật ký về kỳ nghỉ này và ba anh em chơi đùa cùng hai cô con gái chủ nhà: Cuốn album ảnh của Heinrich có cảnh năm cô cậu bên ngoài ngôi nhà nghỉ, đám con trai mặc quần soóc có dây đai. Mấy ngày sau lễ sinh nhật thứ 16 của Gebhard, cảnh điền viên mùa hè bị chấm dứt một cách thô bạo: Ngày 1 tháng 8, Đức tuyên chiến với Serbia đồng minh của Nga, sau đó là với Pháp, khiến gia đình Himmler phải bỏ dở kỳ nghỉ của mình. Trên sân ga, trong khi đứng chờ tàu hỏa về Landshut, đám con trai giải trí bằng cách chơi trò diễu binh, đi đều bước tới lui và tập động tác quân sự. Không ai bất ngờ khi chiến tranh nổ ra; nó đã được nhen nhóm từ rất lâu. Dưới triều Wilhelm II, Đế quốc Đức đã tích cực chạy đua vũ trang và các cường quốc châu Âu khác cũng theo bén gót. Mọi người dường như đều thấy rằng chiến tranh là không thể tránh khỏi - nhiều người thậm chí còn trông chờ nó xảy ra. Do vậy, vào năm 1914 việc tiến hành chiến tranh được nhiều người đồng tình, trên hết là tầng lớp trung lưu và giới trí thức, những người xem đây là cơ hội cho nước Đức để cuối cùng có được vị thế xứng đáng trong số các cường quốc trên thế giới. Chỉ có một vài người, ví dụ như August Bebel lãnh tụ Đảng Dân chủ Xã hội Đức, là nhận thấy rằng cuộc chiến sắp tới tiên báo cho “buổi hoàng hôn của các vị thần của thế giới tư bản”. Nhưng sự nhiệt tình ban đầu dần bị thay thế bởi một quyết định khá lãnh đạm rằng cần phải sống sót vượt qua chiến tranh. Sau khi say sưa với những chiến thắng nhanh chóng ban đầu, mặt trận mau chóng sa lầy thành chiến hào chịu nhiều hao tổn và thiệt hại nặng nề. Đối mặt với những thiệt hại cũng như những thiếu thốn ngày càng gia tăng, hậu phương cũng trở thành chiến trường. Đế quốc Đức cố gắng chống lại sự bất mãn ngày càng tăng bằng các báo cáo chiến sự được thổi phồng, đồng thời cũng áp đặt sức ép thường trực lên những người ở hậu phương - ví dụ như thông qua những chương trình hành động vì sự đoàn kết quốc gia. Các cuộc quyên góp được tổ chức thường xuyên, bà ngoại tôi, bà sinh năm 1901, vẫn còn nhớ rõ cả lớp của bà đều tình nguyện đan bít tất cho chiến sĩ và làm băng cứu thương, đến mức ngón tay họ đều phồng rộp lên. Do là con cả nên mới 15 tuổi bà đã phải chia sẻ gánh nặng với gia đình bằng cách dạy kèm tại nhà để ít nhất kiếm thêm chút bánh mì cho bữa ăn. Ban đầu Gebhard và Heinrich, mặc dù lớn hơn bà ngoại tôi, vẫn có thể duy trì cuộc sống như bình thường. “Hầu như cuối mỗi chiều chúng tôi đều gặp đám bạn cùng lớp để đi dạo quanh khu phố cũ. Khu vườn nhà tôi thật là nơi lý tưởng cho đám con trai chúng tôi”. Tại đó hai người anh lớn “chiến đấu bằng mớ táo ủng”, và việc này thường sẽ dẫn đến chuyện bị quở trách vì làm bẩn quần áo. Cả hai vẫn thích chơi với đám lính chì và những khẩu súng nạp đạn tự chế. Gebhard kể, “Khi ấy, đây vẫn là một trò chơi vô hại mà khi chơi chúng tôi chẳng nghĩ gì đến tính nghiêm trọng chết người của chiến tranh thực sự”. Sau này Gebhard nhớ lại rằng tại Landshut có rất ít điều nhắc họ nhớ đến chiến tranh, ngoại trừ có lần quân lính hành quân qua thị trấn cùng một khẩu lựu pháo Skoda 305mm mang từ Áo tới, khẩu pháo này khiến đám trẻ con hết sức tò mò. Heinrich ghi trong nhật ký của mình rằng cha mẹ cậu thường đem nhu yếu phẩm tới nhà ga cho các binh sĩ bị thương. Trái ngược với những người khác, họ không chút phân biệt giữa lính Đức và lính Pháp bị thương; đối với họ, giúp đỡ người khác là một hành động nhân đạo rất tự nhiên. Mặt khác, chiến tranh ít gây ảnh hưởng đối với họ, “ngoại trừ việc lâu lâu lại có người bị động viên”. Hai anh em phải học nhiều tại trường, đặc biệt với những môn mà cha họ đứng lớp. Sau giờ học buổi chiều, họ phải ở lại trường đến tận năm giờ để làm bài tập về nhà, vì thế trong tuần họ còn rất ít thời gian chơi với các bạn hay giải trí vui đùa. Mặc dù vậy, trong cuốn Những hồi ức của mình Gebhard có kể về những buổi chiều muộn vui vẻ đi trượt tuyết trên các cánh đồng nước ngập đóng băng vào mùa đông, hay vào một mùa hè nọ, khi được tặng xe đạp, họ đạp xe quanh vùng ven Landshut. Cũng như trong mọi loại hoạt động thể thao khác, Gebhard làm điều này dễ dàng hơn Heinrich, Heinrich thường mất kiểm soát và phải nhảy vội xuống ngay giây cuối cùng trước khi chiếc xe đâm vào xe đạp của anh trai hay của bạn bè đi cùng. Gebhard thích đi xem hòa nhạc, hoặc vào các buổi tối cậu thường thích chơi nhạc trên chiếc đàn phong cầm mới trong nhà thờ dòng Dominican ở địa phương; Heinrich và bạn cậu là Falk Zipperer thường tới đó ngồi nghe. Gebhard cũng thích vẽ màu nước và được một thầy dạy hội họa khá giỏi ở trường động viên rất nhiều. Các bức phác thảo đầu tiên khá ấn tượng của Gebhard vẽ những khu phố cổ của Landshut được thực hiện ngay từ năm 1915. Trái lại, Heinrich thường đi nhà thờ vào buổi sáng, say mê sưu tập tem và tiền xu, và gần như ngày nào cũng chơi với cậu bạn Falk. Hai cậu bé cùng mơ được đi chiến đấu, đó sẽ là cuộc phiêu lưu lớn nhất diễn ra trong quãng đời yên bình của họ tính cho đến lúc đó: “Trên hết, Falk và tôi muốn được tham dự vào cuộc đánh nhau này”. Heinrich khó chịu vì thấy người dân Landshut thiếu hăng hái đối với chiến tranh. Bản thân cậu theo dõi tin tức chiến sự rất chăm chú, chép lại hàng trang báo cáo từ các tờ báo và trong nhật ký của mình tỏ rõ sự vui mừng trước những thắng lợi ban đầu. “Hiện nay quân ta đang tiến công rất cừ. Tôi rất vui sướng trước chuyện này, lúc này bọn Pháp và đặc biệt là bọn Anh hẳn rất tức tối”. Tháng 9 năm 1914 câu ghi lại con số tù binh chiến tranh Nga đang ngày càng tăng: “Số lượng quân Nga bị bắt ở Đông Phổ không phải 70.000 mà là 90.000 (chúng hẳn phải sinh sản nhanh như dòi).” Hình ảnh một Đông Âu bẩn thỉu và sơ khai nổi lên từ cuối thế kỷ 19 như một hậu quả của việc đám người di cư Do Thái nghèo đói chạy từ phía đông sang để tránh những cuộc khủng bố pogrom* của Sa hoàng. Khoảng giữa năm 1881 và năm 1914, có hơn hai triệu người Do Thái Đông Âu phải bỏ nhà để sang phương Tây, hầu hết đều hy vọng được qua Mỹ. Nhiều người không đi quá được nước Đức. Bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa bài Do Thái thịnh hành thời ấy, người ta xem bọn họ là lạc hậu, nghèo đói, bẩn thỉu và kỳ dị. Chiến tranh đã xác nhận lại hình ảnh về Đông Âu “bẩn thỉu, cần được thanh tẩy, đầy đe dọa, một vùng cần và nên được chinh phục”, như Sarah Jansen viết trong cuốn nghiên cứu lịch sử Schädlinge. Geschichte eines wissenschaftlichen und politischen Konstrukts 1840-1920 của mình. Chủ yếu là các bác sĩ và chuyên gia sức khỏe cộng đồng đã tuyên truyền hình ảnh đó ở hậu phương, khuyến khích ý tưởng “thanh lọc chủng tộc” tại những vùng chiếm đóng. Từ năm 1915 trở đi có một chiến dịch gửi thỉnh nguyện thư lên chính phủ của Năm Hội đoàn Kinh tế nêu lên ý tưởng rằng, các vùng đất sáp nhập phải được giao lại mà không có cư dân địa phương, chuyện này trở thành vấn đề được công chúng tranh luận sôi nổi; câu hỏi phải làm gì với những người “nằm ngoài nhu cầu” đã bị bỏ ngỏ. Có lẽ cậu bé 14 tuổi Heinrich đã tóm nhặt được điều gì đó trong cuộc tranh luận về “bản chất sơ khai” được gán cho các dân tộc Đông Âu từ ghế nhà trường, trên mặt báo hay thậm chí từ trong gia đình. Vào thời điểm viết ra những điều trên trong nhật ký, cậu không thể ngờ rằng nhiều năm sau, trong cuộc đại chiến kế tiếp do nước Đức khởi xướng, chính cậu là kẻ, với vai trò Thống chế SS và Cao ủy Đế chế tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng phía đông, sẽ cố gắng biến giấc mơ thuộc địa hóa phương Đông về tay nước Đức trở thành sự việc tàn ác nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau khi viết những dòng nhật ký trên, khi còn là sinh viên, cậu đã phát triển khái niệm về “nhiệm vụ đối với phương Đông man rợ” - ban đầu đó chỉ là một ý tưởng lãng mạn đưa nông dân đến định cư ở Đông Âu, vùng “đất hoang chưa được canh tác” và do đó rõ ràng là đang chờ đợi các nhà chinh phục văn minh. 4. “Hế ố ạ  ế ố ạ ”: Sự ụ ổ ủ Cự Tế ớ T rong khi bà ngoại tôi dành những kỳ nghỉ hè trong suốt Thế chiến I đi mót những bắp ngô còn sót lại trên cánh đồng để nghiền bột nấu súp và thường “đói hoa mắt đến không tài nào ngủ được”, đặc biệt là trong “Mùa đông củ cải” năm 1916-1917, thì gia đình Himmler vẫn tiếp tục đi xa nghỉ hè. Ngày 5 tháng 8 năm 1915, như mọi người Đức ái quốc chân chính, họ ăn mừng việc chiếm được Warsaw bằng cách xem bắn pháo hoa ở Burghausen, cách Tittmoning không xa, nơi họ đã đi nghỉ mùa hè năm ngoái. Nhưng sau những thắng lợi ban đầu, đà tiến của quân Đức mau chóng bị chặn lại. Hàng ngàn binh sĩ tử trận trong chiến tranh hầm hào đầy chết chóc ở vùng Flander và Ardennes. Nước Đức cần gấp lực lượng dự bị gồm các thanh niên sẵn sàng hy sinh thân mình “vì Tổ quốc”. Đám học trò tham gia vào ngày càng nhiều, chúng không chỉ được đưa đi giúp thu hoạch mùa màng để quyên góp cho binh sĩ ngoài mặt trận, mà còn được huấn luyện những kỹ năng cơ bản để chuẩn bị cho chiến đấu thực sự. Từ thập niên 1890, người ta đã lập ra Jugendwehren (các lữ đoàn thiếu sinh quân), tổ chức theo các quy tắc quân sự nghiêm ngặt dưới quyền các sĩ quan với cơ cấu như các chi nhánh của những hội đoàn ái quốc và dân tộc. Mục tiêu của các tổ chức này là in sâu trong các thế hệ hậu bối “việc tuân lời cha mẹ, thầy giáo và người hướng dẫn”, để biến họ thành “những công dân trung thành với Đức Vua, hoan hỉ và tự hào về Tổ quốc mình” và, cần nhưng chưa phải là đủ, để khuyến khích họ hun đúc một “tinh thần chiến đấu”. Những khái niệm như vậy được chấp nhận rộng rãi trong giới trung lưu bảo thủ Đức. Từ đầu năm 1915, Gebhard và Heinrich cũng trở thành đội viên của Jugendwehr vùng Landshut. Tại đây, cùng với các đội viên lớn khác, họ được huấn luyện sử dụng súng và kỹ năng cận chiến; tham gia vào những khóa tập ngắn hạn dưới sự hướng dẫn của các sĩ quan; và diễu binh tại trường Gymnasium nhân các dịp lễ quốc gia. Tuy nhiên, theo như Heinrich ghi trong nhật ký, hai anh em mau chóng nhận thấy toàn bộ trò này quá “nhí nhố”, không đủ chất lính. Đối với ông nội tôi, Ernst, những năm tháng đó ra sao? Các giấy tờ gia đình còn lưu lại cho chúng ta biết rất ít. Ngay từ rất sớm, cũng như các anh mình, Ernst thích những món đồ chơi mang tính kỹ thuật như đường sắt và đầu máy hơi nước. Chiến tranh nổ ra khi ông mới tám tuổi rưỡi, và kết thúc khi ông gần 13 tuổi. Sau kỳ nghỉ hè năm 1915, ông nối bước Gebhard và Heinrich vào học trường Gymnasium, ông cũng là học trò gương mẫu, có thái độ và thành tích không thể chê vào đâu được. Vào thời điểm này, theo như Heinrich ghi trong nhật ký, Ernst cũng bắt đầu học chơi piano; tuy nhiên ông không có khiếu nhạc như anh trai Heinrich. Đôi khi các anh cho ông đi cùng - như lần họ được mời tới chơi nhà bạn là gia đình Zipperer. Falk Zipperer, bạn thân nhất của Heinrich, có cô em gái mà Ernst rất thích chơi cùng, nhờ thế mà các ông anh được yên thân. Ernst vẫn chưa thể tham gia với các anh trong những trò thú vị hơn, và thậm chí đến cuối chiến tranh ông vẫn còn quá nhỏ để được gia nhập Jugendwehr. Nhưng có lẽ ông cũng tha thiết mơ ước được thực hiện những hành động anh hùng giống như các anh. Sebastian Haffner, nhỏ hơn ông nội tôi hai tuổi, xuất thân trong một gia đình trung lưu đáng kính và bảo thủ tương tự, kể lại chuyện những cậu thiếu niên bị bỏ lại ở “mặt trận hậu phương” đã xem chiến tranh như một trò chơi “trong đó, theo các quy định bí ẩn cụ thể, con số tù binh bắt được, số dặm lãnh thổ chiếm được, những pháo đài bị công phá và tàu chiến bị đánh đắm, cũng đóng vai trò hệt như các bàn thắng trong bóng đá và điểm ghi được trong trò đấm bốc”. Cuộc chiến này, Haffner viết tiếp, đem lại cho cả một thế hệ học sinh Đức “sự thỏa mãn đầy phấn khích và sự xúc động sâu sắc hơn nhiều so với bất cứ nền hòa bình nào”. Haffner khẳng định rằng trải nghiệm này về sau đã trở thành một trong những cội rễ của Chủ nghĩa Quốc xã - thực chất, đó là “tầm nhìn chính của Chủ nghĩa Quốc xã”, có nguồn gốc “từ những trải nghiệm trong chiến tranh - không phải của binh sĩ Đức ngoài chiến trường mà là của đám học trò Đức tại hậu phương”. Chính từ thế hệ này mà Chủ nghĩa Quốc xã tuyển chọn được những đảng viên hăng hái nhất và giàu tham vọng nhất. Ngày 29 tháng 7 năm 1915, vào sinh nhật thứ 17 của mình, Gebhard gia nhập Landsturm tức lực lượng quân đôi dự bị. Ông đã chán những trò tập trận anh hùng rơm và không thể chờ cho đến khi được tham gia chiến đấu thực sự. Heinrich, khi đó 15 tuổi, đã thở dài đầy ghen tỵ: “Ôi, giá như tôi bằng tuổi anh ấy, tôi hẳn đã ra trận từ lâu rồi”. Nhà văn Carl Zuckmayer*, người đã tình nguyện ra trận ngay từ khi chiến tranh mở màn, cũng chia sẻ nỗi khao khát chiến đấu đã khiến thanh niên thời ấy hăng hái lên đường ra trận. Trên sườn toa tàu chở binh lính ra chiến trường có câu khẩu hiệu viết bằng phấn “Thong dong dạo chơi tới Paris!” Với đám thanh niên đó, không chỉ là lòng yêu nước bồng bột, Zuckmayer nói, mà cả cảm giác đột ngột trưởng thành, được cân nhắc mọi việc thật nghiêm túc. Đồng thời, ông thừa nhận, có một kiểu “khao khát được chết, ao ước thần bí được đổ máu hy sinh”, và điều này không chỉ có đối với người Đức. Họ nhiệt thành ca hát về khao khát hy sinh của mình ngay trên chiến trường, cho tới lúc không còn muốn ca hát nữa. Bởi trong chiến tranh, Zuckmayer nói tiếp, họ đã học được “những điều khắc nghiệt nhất, nỗi buồn chán mênh mang, bản chất tầm thường không chút anh hùng của chiến tranh, đi kèm nỗi sợ hãi, kinh hoàng, chết chóc”. Đã thành quy luật, những người ở hậu phương được biết rất ít về sự vỡ mộng đó. Thông báo chính thức không bao giờ nhắc tới việc bại trận. Và những ai nghỉ phép hay được xuất ngũ từ mặt trận hầu hết đều cảm thấy khó có thể mô tả nỗi kinh hoàng của thực tế chiến tranh cho những người ở nhà. Trong tiểu thuyết All Quiet on the Western Front* (Phía tây không có gì lạ) - đây có lẽ là cuốn sách nổi tiếng nhất mô tả về Thế chiến I, Erich Maria Remarque đã cho nhân vật chính của mình thốt lên: “Sẽ thật nguy hiểm cho tôi nếu tìm cách diễn tả tất cả thành lời, tôi sợ rằng chúng sẽ vuột khỏi tầm tay và tôi không thể kiểm soát nổi chúng nữa. Chúng ta sẽ ra sao nếu mọi người biết rõ về những gì thực sự diễn ra ngoài mặt trận?” Năm 1916, lứa của Gebhard đến tuổi bắt buộc tòng quân. Ban đầu người ta tuyên bố tất cả đều được động viên, nhưng sau đó lệnh động viên được hoãn với những người như Gebhard - những người được nhận giấy Abitur sớm (Giấy chứng nhận tốt nghiệp phổ thông để được vào đại học). Sau khi đọc lời tuyên thệ được chuyển tới tháng 3 năm 1917, ông phải lựa chọn giữa việc đi thẳng ra mặt trận hay hoàn tất khóa huấn luyện sĩ quan trước. Suốt nhiều tháng Gebhard trao đổi chuyện này với em trai và bạn bè, và chắc chắn cả với cha mẹ mình. Cuối cùng ông quyết định: Ông muốn được đào tạo như một sĩ quan tại ngũ. Đầu tháng 5 ông đăng ngũ với hàm thiếu úy, cấp bậc thông thường cho học viên sĩ quan, vào tiểu đoàn dự bị của Trung đoàn bộ binh Bavaria số 16 ở Passau. Khu doanh trại phân cho đơn vị ông đã kín chỗ, do đó đám lính trẻ được phép đi tìm chỗ trọ trong thị trấn. Gebhard ở chung nhà với một cựu đồng nghiệp của cha mình, tại đó ông được thu xếp chỗ ở rất thoải mái. Mọi việc chỉ trở nên khó khăn khi ông được gửi đi học một khóa học viên sĩ quan tại Grafenwöhr miền Bắc Bavaria vào mùa hè năm đó, tiếp theo là khóa học sử dụng đại liên ở Trại Lechfeld gần Landsberg, khoảng 30 kilômét về phía nam của Augsburg. Chẳng bao lâu sau, Falk Zipperer tình nguyện nhập ngũ và Heinrich ngày càng bồn chồn sốt ruột hơn. Những đoạn ghi chép trong nhật ký của Heinrich cho thấy ông hết sức nôn nóng được “chứng tỏ bản thân” trên chiến trường. Ông mong sớm học xong để được huấn luyện thành sĩ quan giống như Gebhard. Cha ông liên hệ với mọi mối quen biết của mình - gồm cả những người thuộc hoàng tộc - nhằm thực hiện ước nguyện của Heinrich, dù không tha thiết lắm với dự định của con trai. Chiến tranh và cơn sốt ái quốc tập thể dường như đã cuốn phăng đi những lo âu trước đây của ông khi để các con theo đường binh nghiệp, nhưng có lẽ ông muốn Heinrich trước hết phải tốt nghiệp cho xong. Thoạt đầu, mọi nỗ lực của người cha đều vô vọng, nhưng cuối cùng, ngày 23 tháng 12 năm 1917, vào đúng sinh nhật thứ 12 của Ernst, Heinrich nhận được giấy gọi nhập ngũ, và ngày 1 tháng 1 - lòng bừng bừng nhiệt huyết, như ông viết trong thư cho bạn bè và người thân - Heinrich tới Regensburg học khóa huấn luyện sĩ quan. Tuy nhiên, không như Gebhard, Heinrich không thích thú với việc huấn luyện khắc nghiệt và vất vả vật lộn với nỗi nhớ nhà. Ông viết thư về nhà gần như mỗi ngày và dù được đáp lại thường xuyên, ông vẫn liên tục than vãn về chuyện cha mẹ ít thư từ: “Cuối cùng thì con cũng nhận được thư của cha mẹ. Con thật đau khổ biết bao trong lúc chờ đợi nó đến.” Những bức thư cho thấy ông bị giằng xé ra sao giữa việc ca thán như vậy với niềm kiêu hãnh mà ông cảm thấy khi cuối cùng cũng được trở thành một chiến sĩ. Một bức thư viết vào tháng 1 được ông ký tên: “Miles Heinrich”, tiếng Latinh có nghĩa là Heinrich-chiến binh, kèm theo mô tả chi tiết về các nghi thức quân sự. Ông đều đặn xin gia đình gửi lương thực do thức ăn ở đấy không đầy đủ, và xin gửi những vật dụng khác cũng như thực hiện các mong muốn của mình, mặc dù ngay sau tháng đầu tiên ông đã được cấp giấy cho phép về thăm nhà gần như mỗi dịp cuối tuần. Mẹ ông cố gắng làm giảm đi sự khắc nghiệt của cuộc sống trong quân ngũ bằng việc đều đặn gửi tới những hộp bánh apfelstrudel* “tuyệt hảo thực thụ”. Đánh giá của ông về thức ăn ở căng-tin rằng “khá ngon, nhưng nấu khét và nguội ngắt” và về món thịt lợn rán được phát ở quầy bia vườn hoa rằng “tuyệt, dù không mềm bằng hôm qua” vẫn mang tính thưởng thức và phê bình hệt như trong thời bình. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc Heinrich đã quen với cuộc sống mới của mình. Ông trở nên tự tin hơn và ít viết thư hơn. Giờ đây ông mô tả công việc hằng ngày của mình thật chi tiết để cho cha mẹ rõ rằng ông “thực sự không có nổi một phút rảnh rỗi” để viết thư, sau đó lập tức quả quyết với họ “mặc dù vậy, con thích nơi đây bởi đây là một tổ chức quân sự quan trọng”. Ngày 9 tháng 4 năm 1918, sau một khóa huấn luyện được rút gọn chỉ kéo dài trong một năm, Gebhard được phân tới mặt trận phía tây. Trên đường từ Passau tới Lorraine, trung đoàn của ông dừng chân ở Regensburg, tại đây Heinrich tất tả đi tìm nơi trọ và thực phẩm dự trữ cho đơn vị của Gebhard. Heinrich rất có tài tổ chức, ông cũng thích tặng quà cho những người gần gũi với mình, giúp đỡ hay hỗ trợ cho họ. Ban đầu trung đoàn của Gebhard đóng quân ở Lorraine, nhưng sau đó họ trải qua một thời gian dài trên chiến tuyến, tại Château Thierry, Đông Bắc Paris. Sau này ông ghi lại trong cuốn Những hồi ức của mình: Có những lúc rất nhiều chuyện dồn dập xảy ra, trọng pháo liên tục nã xuống càng lúc càng dữ dội cho tới khi cuộc phản công của quân Mỹ/Pháp buộc chúng tôi phải rút lui. Chúng tôi ở ngay trước một đột phá khẩu rộng của quân Đức trên phòng tuyến địch, nhưng không tài nào khai thác được do thiếu quân dư bị và khí tài. Chuyển những tin nhắn tới lui giữa tiểu đoàn và trung đoàn, mỗi ngày tôi đều đi qua một cột mốc có ghi “còn 65 kilômét nữa tới Paris”! Gebhard hẳn cũng thích chuyến “thong dong dạo chơi tới Paris”; thậm chí nhiều năm sau ta vẫn còn có thể cảm thấy sức hấp dẫn kỳ diệu của thành phố này qua hồi ký của ông. Trong những năm hòa bình, ông chưa lần nào có dịp đến thăm Paris. Gebhard ghi lại rằng bọn họ thoát khỏi cuộc giao tranh này “với cả tiểu đoàn chỉ còn sót lại 30 người”. Ngoài một vết bỏng trên tay do một mảnh đạn sượt qua, ông không hề hấn gì. Con số có thể sai lệch đôi chút, nhưng một tiểu đoàn nhìn chung gồm từ ba đến năm đại đội với tổng cộng 400 tới 800 người cả thảy. Như thế có nghĩa là đơn vị của Gebhard chỉ còn lại dưới 10 phần trăm quân số. Trong cuốn Phía Tây không có gì lạ, một đại đội đã chịu những thiệt hại giống với tiểu đoàn của Gebhard. Nhưng Remarque, không như Gebhard, đã bóc trần việc tất cả gần như bị xóa sổ hoàn toàn ra sao, mô tả cuộc tàn sát kinh khủng, chuyện cắt xẻo xác chết, những đau khổ của cái chết dai dẳng nhiều ngày trời. Theo lời Remarque, về mặt tinh thần, trong khi đám lính lớn tuổi được chuẩn bị tốt hơn để sống sót qua chiến tranh bởi đối với họ chiến tranh chỉ là sự gián đoạn cuộc sống đời thường, thì lớp trẻ hai mươi tuổi khi bị chiến tranh “quét qua”, “theo những cách lạ thường và buồn thảm [họ] đã trở nên chai sạn đi”. Thậm chí chỉ sau vài tháng ngoài mặt trận tuổi trẻ của họ dường như đã hoàn toàn lùi vào dĩ vãng: “Chúng tôi giờ đã già”. Sau cuộc rút lui bắt buộc, đơn vị của Gebhard được cho đi nghỉ hồi sức tại Flanders gần thị trấn Ypres thuộc Bỉ, vốn đã bị phá hủy hoàn toàn sau mấy tháng chiến tranh hầm hào khiến cảnh quan khu vực xung quanh trở nên lồi lõm như trên mặt trăng. Ngày 4 tháng 9 năm 1918, không lâu trước khi chiến tranh kết thúc, tại đây ông đã viết một lá thư gửi em trai, lúc này vẫn đang nôn nóng vì bị kẹt lại trong trại huấn luyện. Gebhard vừa được thăng chức cai ngũ cấp thấp và được tặng Huân chương Chữ thập Sắt hạng Hai. Ông nói ông vẫn khỏe, ngoại trừ vấn đề với lũ rận trong hầm do lây của bọn Anh. Cảnh quan nói chung “rất Flanders, trong tầm mắt không thấy một cái cây hay bụi rậm nào còn lành lặn, chỉ toàn những hố đạn nối tiếp nhau”. Ông lo lắng liệu em trai mình có vượt qua được khóa học bắn súng liên thanh sắp tới không bởi trong đó học viên sĩ quan bị đối xử đặc biệt khắc nghiệt. Mặc dù vậy, điều ông còn lo hơn là Heinrich có thể bị đưa tới một trung đoàn “vẫn còn bị kẹt trong cảnh hỗn loạn thực sự - đó không phải là nơi ta có thể làm quen dần được”. Khi nhắc đến “cảnh hỗn loạn thực sự” có lẽ ông muốn nói tới những trận đấu pháo dữ dội dẫn đến những thiệt hại lớn về người mà bản thân ông chắc hẳn đã trải qua, mặc dù ông không đề cập đến chuyện này cả trong những bức thư khi ấy lẫn những gì ông viết sau này về thời gian chiến tranh. Tuy nhiên, con gái ông nhớ lại rằng cha mình đã kể về việc ông kiệt sức đến nỗi lăn ra ngủ trong một hố đạn pháo và ngủ say tới mức có một viên đạn bay qua sát người mà ông vẫn không tỉnh dậy. Bác cho tôi xem cuốn sổ phác họa ông dùng kể từ mùa hè cuối cùng của cuộc chiến tranh đó, trong đó ông đã phác họa hình ảnh nhà thờ, phong cảnh, làng xóm và thị trấn, một số bức vẽ bằng màu nước. Giữa những cảnh bị tàn phá mà bản thân ông tham dự vào việc gây ra chúng, Gebhard vẽ những cảnh điền viên. Một trong những phác thảo của ông vẽ những thân cây xơ xác và các hố đạn sau một trận đánh; ở bức khác là cảnh ban đêm cũng chính tại mặt trận ấy, được chiếu sáng bởi ánh lửa đạn pháo. Có lẽ đó là cách để ông vượt qua được những xúc cảm trong chiến tranh, là cách để ông chiến đấu chống lại sự chai sạn trong tâm hồn mình. Trong cuốn I was a German (tạm dịch: Tôi là một lính Đức) Ernst Toller đã viết về những trận đánh mà trong đó, khi bị vây quanh bởi bẩn thỉu, bùn lầy và xác chết, con người không còn biết mình đang đánh nhau với ai hay họ đang chiến đấu vì cái gì; những trận đánh mà trong đó mọi thứ đều tan biến, vấn đề chỉ còn là liệu họ có sống sót được không; rồi cho tới cuối cùng, ngay cả chuyện đó người ta cũng không cần biết tới nữa. Zuckmayer và Remarque xem cuộc chiến này là “cuộc tự sát của thế giới”, sự tự hủy diệt tương lai bằng việc xóa sổ gần như cả một thế hệ. Chiến tranh khiến Toller trở thành một người vì hòa bình và một nhà cách mạng cánh tả. Không lâu sau đó ông đóng một vai trò quan trọng trong chính phủ đoản mệnh Räterepublik Bavaria (một chế độ cộng hòa cách mạng kiểu Xô-viết) - trong khi Gebhard và Heinrich lại ở phe đối lập với vai trò thành viên Freikorps chống lại phe cộng hòa. Ngày 23 tháng 9 năm 1918, trong khi dẫn đầu một nhóm xung kích, Gebhard đã tình cờ bắt gặp một toán quan trắc pháo binh Anh và bắt họ làm tù binh. Vì chiến công này ông được trao Huân chương Chữ thập Sắt hạng Nhất. Vài ngày sau, trận đánh cuối cùng tại vùng Flanders nổ ra, trong đó quân Đức không còn cách nào khác ngoài việc rút lui trước một đối phương có lực lượng vượt trội. Với nhiều người Đức, chiến tranh chấm dứt với việc nước Đức phải đưa ra đề nghị đình chiến ngày 3 tháng 10, việc thoái vị và lưu vong của Đức hoàng (Kaiser) và việc tuyên bố thành lập nước cộng hòa ngày 9 tháng 11 đã nổ ra như sấm động giữa trời quang. Những năm tháng được tuyên truyền và thường xuyên nghe về các trận thắng đã khiến họ sống lơ lửng trong một thế giới không có thật; giờ đây họ bị đánh thức đột ngột một cách thô bạo khỏi giấc mơ bá chủ thế giới và hy vọng thắng trận. Nước Đức không trực tiếp bị chiến tranh tàn phá bởi chiến tranh diễn ra trên lãnh thổ các nước kế cận, nhưng số lượng người Đức bị giết và bị thương tật thật khổng lồ. Hơn nữa, nền kinh tế Đức gần như phá sản và không nghi ngờ gì rằng các đại cường quốc thắng trận không hề muốn thấy nước Đức lấy lại được sức mạnh vốn có trước đó. Giới quân sự - trước hết và trên hết là Tướng Ludendorff đầy quyền lực, vị anh hùng đầy huân chương của trận thắng Tannenberg ở Đông Phổ, người có tiếng nói quyết định trong việc xác định chiến lược của quân Đức trong hai năm cuối chiến tranh và là người đã ngăn trở mọi bước đàm phán hòa bình - cảm thấy dễ đổ lỗi việc bại trận và các hậu quả thảm khốc sau đó cho những người mà, sau cuộc cách mạng đoản mệnh thời hậu chiến, đang cố gắng tạo lập nền dân chủ đầu tiên tại nước Đức. Một chuyện hoang đường được thêu dệt rằng đám đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội và Đảng Cộng sản đã chuẩn bị từ lâu một cuộc cách mạng tại Đức và, phản bội lại Tổ quốc, họ đã “đâm sau lưng” các chiến sĩ chiến đấu vì Tổ quốc. Chuyện hoang đường này được phổ biến rộng khắp trong số những người bảo thủ, đặc biệt sau khi phe thắng trận áp đặt các điều kiện khắc nghiệt và những khoản bồi thường thiệt hại khổng lồ tại Hiệp ước Versailles năm 1919*. Thế giới của gia đình Himmler sụp đổ. Giống như nhiều người khác, họ đã mua nhiều trái phiếu chiến tranh. Bởi truyền thống của gia đình là làm mọi thứ để được hoàng gia tin tưởng, họ thậm chí đã đầu tư một phần tài sản đáng kể của mình vào đó. Căn cứ tính tiết kiệm thường ngày và thái độ ưu tiên an toàn là hàng đầu của họ đối với chuyện tiền bạc, hẳn họ đã chắc mẩm rằng nước Đức sẽ thắng trận. Việc bại trận không chỉ làm tiêu tan mọi hy vọng của họ về vị trí cường quốc trên thế giới của nước Đức, sự kết thúc của nền quân chủ còn làm tiêu tan vĩnh viễn những mối quan hệ đầy ảnh hưởng của họ với hoàng tộc mà họ bỏ bao cố gắng mới xây dựng được và đã luôn nhờ cậy vào đó, mặc dù điều này đã suy giảm khá nhiều sau cái chết của Công tước Heinrich, ngài đã tử thương tại Romania tháng 11 năm 1916. Cái chết của vị công tước 32 tuổi là một đòn nặng đối với gia đình Himmler; ngay từ lúc ấy hẳn họ đã lo lắng về khả năng đánh mất địa vị của mình trong xã hội. Là những người ủng hộ trung thành nền quân chủ, họ luôn phấn đấu càng gần gũi giới quý tộc càng tốt, bởi với một gia đình trung lưu, như thế tức là được mở mày mở mặt với đời. Do đó, họ khó mà có cảm tình với những thay đổi chính trị sắp sửa diễn ra khi ấy. “Tháng 11 năm 1918”, Gebhard Con than thở trong Những hồi ức của mình rằng, “cách mạng đã quét bay nền quân chủ Đức. Ludwig III, vị vua cuối cùng của Nhà Wittelsbach, không còn chút lòng kiêu hãnh của vương triều Phổ, ông ta đã lên máy bay trong đêm mà không một người lính nào trong vô số binh sĩ đang êm ấm đóng quân ở Munich chịu giúp gì”. Sau Hiệp ước tháng 11, Gebhard hành quân từ Flanders về Aachen, “tiêu chuẩn” mỗi ngày từ 30 tới 40 kilômét trên quãng đường khoảng 450 kilômét. Đơn vị của ông mau chóng được bố trí canh gác cây cầu bắc qua sông Rhine tại Duisburg; sau đó - khi này đã là giữa tháng 12 - họ chuyển về nơi đồn trú ở Passau, tại đó Heinrich vui mừng được gặp lại anh mình. Cả hai đều xoay xở về thăm nhà ở Landshut đúng dịp Giáng sinh. Gebhard tận hưởng “cảm giác tuyệt vời được quay trở về nhà và được sống sót lành lặn sau những trải nghiệm khủng khiếp trong cuộc chiến tranh tàn bạo toàn bom đạn hạng nặng”. Làm sao một thanh niên 20 tuổi có thể tiếp tục sống yên bình với những ký ức như vậy, đặc biệt là khi anh ta được nuôi nấng trưởng thành trong điều kiện êm ấm đầy đủ? Thậm chí ngay Heinrich hẳn cũng khó là kiểu người có thể nói về những gì mình đã trải qua, bởi trong thời gian đi lính ông chưa khi nào rời khỏi nơi đồn trú. Với Heinrich, lúc này đã vỡ mộng người hùng, việc thiếu cơ hội để chứng tỏ bản thân trong chiến đấu không chỉ là một nỗi thất vọng to lớn mà có lẽ nó vẫn dai dẳng bám lấy ông như một nỗi nhục cho tới cuối đời. Ông không chỉ phải từ bỏ giấc mơ trở thành sĩ quan chuyên nghiệp mà thậm chí còn không được nhận bằng tốt nghiệp trường sĩ quan. Trong khi Gebhard về nhà sau chiến tranh trong tư thế dạn dày trận mạc, được khen thưởng huân chương và, như thể có phép màu, không mang thương tích nào, hơn nữa còn có thể bắt đầu học đại học ngay sau khi từ Pháp trở về, Heinrich lại phải cực kỳ miễn cưỡng quay về trường phổ thông. Dẫu vậy, kinh nghiệm ông rút ra được, dù có ít ỏi, là cần giữ vững nỗi khao khát thực hiện các chiến công; mơ ước lãng mạn và thần bí của ông ta về cuộc đời chiến binh vẫn nguyên vẹn không sứt mẻ. Nhật ký của Heinrich cho ta rõ cảm xúc khâm phục pha lẫn ghen tỵ mà ông luôn có đối với anh trai mình, mặc dù hai người luôn gắn bó với nhau. Đó không đơn giản là chuyện Gebhard lớn tuổi hơn, mà ông còn vượt trội hơn Heinrich ở nhiều khía cạnh. Thậm chí khi còn nhỏ Heinrich đã luôn cố gắng, dù thường lóng ngóng và không thành công, để học được những thứ mà Gebhard rõ ràng là rất dễ đạt được. Nhưng ông ta không thể bì được với ưu thế không cần nỗ lực của Gebhard. Trong nhiều năm liền sự tự tin của ông có được là từ cảm giác vượt trội so với Ernst. Không nghi ngờ gì, ông yêu quý người em trai mà ông vẫn gọi là “Ernsti” hay “Ernstl, hay “Bubi” hay “Mizzi” như mọi người vẫn gọi, còn Ernst thì thấy thích khi Heinrich, trái hẳn với ông anh Gebhard, rất quan tâm tới mình. Cho tới khi học xong phổ thông ít nhất tình trạng sức khỏe đáng lo của Heinrich đã giúp ông luôn có được sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ. Những than thở thường xuyên của ông trong thư từ về sức khỏe kém mau chóng khiến sự quan tâm của cha mẹ tăng lên, đặc biệt là của bà mẹ, điều đó khiến ông rất thích thú. Tuy nhiên việc được xem như kẻ yếu ớt trong gia đình khiến ông khó tự đứng trên đôi chân mình. Nỗi nhớ nhà mà ông phải chịu ở Rengensburg cho ta thấy điều này. Ngay khi rời khỏi mái ấm gia đình, để có được sự công nhận của gia đình, Heinrich đã cương quyết ném mình vào một vai trò mới: vai trò một nhà tổ chức sẵn sàng nhìn thấy hết mọi chuyện, kẻ khiến mình trở nên không thể thiếu được nhờ kiếm ra và mang về những món hàng hiếm và các thứ khó kiếm khác. Đó là vai trò mà ông thực hiện ngày càng rõ hơn trong những năm tiếp sau và là vai trò mà ông nắm giữ cho tới tận khi Đệ tam Đế chế sụp đổ. 5. “Tứ S    ẽ ổ ”: H    F S au chiến tranh, Gebhard không có nhiều thời gian để hồi sức: học kỳ mới đã bắt đầu. Đó là thời kỳ rất bất ổn. Hàng triệu người trở về sau chiến tranh và không biết phải làm gì tiếp theo. Đất nước tan tác hỗn loạn. Ngày 29 tháng 10 năm 1918, các thủy thủ tại Kiel và Wilhelmshaven nổi loạn, trong vài ngày cuộc nổi loạn đã lan đi khắp nước Đức. Tất cả các thị trấn lớn đều thành lập ủy ban cách mạng của công nhân và binh sĩ (các xô-viết), yêu cầu Đức hoàng (Kaiser) thoái vị và tuyên bố thiết lập nền cộng hòa. Ngày 15 tháng 1 năm 1919, khi Gebhard đang bắt đầu khóa học kỹ sư cơ khí của mình tại Đại học Kỹ thuật Munich, Karl Liebknecht và Rosa Luxemburg* bị bắt và sát hại tại Berlin Bốn ngày sau diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu quốc hội, đi kèm với những trận chiến đường phố đầy bạo lực ở thủ đô. Sự bất ổn của tình hình chính trị khiến Gebhard thật khó tập trung vào việc học và sự nghiệp tương lai. Thêm nữa, điều kiện sống của ông không mấy dễ chịu: “Một căn phòng bất tiện vừa là buồng ngủ vừa là phòng khách ở phố Schellingstrasse, không đủ than để sưởi, không đủ bánh mì để mua theo tem phiếu… một thời kỳ hết sức khó chịu”. Chiến tranh vẫn bám theo Gebhard với đủ thứ thiếu thốn; điều làm ông khó chịu nhất là “bầu không khí bất ổn trong thành phố”, sự mất trật tự, hỗn loạn của thời hậu chiến. Tại Bavaria cũng vậy, “các ‘ủy ban binh sĩ’ đang ba hoa khoác lác đủ thứ trên đời”. Munich là trung tâm của “phong trào Xô-viết”. Từ ngày 8 tháng 11 có một chính phủ liên minh tại thủ phủ vùng Bavaria giữa những người Dân chủ Xã hội Chính [Majority Social Democrats] và Dân chủ Xã hội Độc lập dưới sự dẫn dắt của nhà xã hội độc lập Kurt Eisner. Eisner, một nhà báo sinh tại Berlin, đã rời khỏi Đảng Dân chủ Xã hội năm 1916 để phản đối việc đảng này ủng hộ chiến tranh. Đầu năm 1918 ông đã tổ chức các cuộc bãi công tại nhiều nhà máy vũ khí ở Munich, sau đó bị bắt, rồi vài tháng sau được thả. Ngày 7 tháng 11, sau một cuộc tuần hành lớn ở khu Theresienwiese (nơi ngày nay vẫn tổ chức Hội bia Oktoberfest), ông đã thành công trong việc chiếm được các bộ và cung điện hoàng gia. Đức vua tháo chạy và nền cộng hòa được tuyên bố thiết lập. Eisner trở thành Thủ tướng của Cộng hòa Bavaria, nhưng phải đấu tranh chống lại những phản kháng đáng kể. Với những nhà Xã hội Chủ nghĩa như Ernst Toller và Max Levien cùng những người vô chính phủ như Gustav Landauer và Erich Mühsam, cuộc cách mạng này đi chưa đủ xa. Họ đòi hỏi phải củng cố vị thế của các ủy ban công nhân binh sĩ. Với chỉ 2,5% số phiếu, phe Xã hội Độc lập của Eisner bị thất bại liểng xiểng; phe Dân chủ Xã hội Chính được 33% số phiếu bầu. Chiến thắng trong cuộc bầu cử là Đảng Nhân dân Bavaria mới thành lập, cánh chính trị của phe Cơ đốc giáo, bản thân nó đại diện cho việc đảm bảo ổn định và trật tự trong thời kỳ bất ổn. Tại cuộc bầu cử vào quốc hội Bavaria ngày 12 tháng 1, lần đầu tiên phụ nữ Bavaria, trong số đó có bà cố tôi, được phép đi bầu cử. Có lẽ gia đình Himmler đã đồng loạt bầu cho Đảng Nhân dân Bavaria. Ngày 21 tháng 2 năm 1919, Eisner bị một sĩ quan Dân tộc Chủ nghĩa cánh hữu trẻ tuổi, Bá tước Arco-Valley, ám sát trên đường tới quốc hội Bavaria. Ngày 17 tháng 3, đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội Johannes Hoffman trở thành tân Thủ tướng. Tình trạng vô chính phủ diễn ra trong những tuần tiếp theo, trên hết là tại Munich. Ngày 7 tháng 4 tại Cung Wittelsbach, Hội đồng Trung ương, hình thành bởi phe Xã hội Chủ nghĩa Độc lập và Vô chính phủ, đã tuyên bố thành lập chính phủ Räterepublik Bavaria; chẳng bao lâu sau nó bị lật đổ bởi chính phủ thứ hai, Räterepublik “thực thụ” của phe Cộng sản dưới chỉ đạo của Eugen Leviné. Nền cộng hòa này kéo dài chưa đầy hai tuần đã kết thúc trong bạo lực và đổ máu. “Hồng quân” vừa được vội vã tập hợp không có một cơ hội nào để chống cự nổi với những đơn vị quân đội thường trực và các Freikorps Bavaria đang diễu hành tại Munich. Đồng thời, sau vụ ám sát Kurt Eisner - có tên thật là Salomon Kosmanowskis, Cộng hòa Xô-viết đã được thành lập [Gebhard ghi chú lại trong Những hồi ức của mình]. Có nhiều lần, thường chỉ trong vòng vài giờ, không chỉ thế giới ngầm chính trị mà cả bọn tội phạm ở Munich đã lộ mặt sau một thời gian ẩn mình và chiếm lấy thành phố - những bóng hình đen tối, được gọi là thủy thủ -cho tới ngày 1 tháng 4 năm 1919, cuối cùng thì thành phố cũng nằm trong tay của chúng. Việc học của tôi tất nhiên lại bị gián đoạn… Munich - từ đây chính phủ yếu ớt của Hoffman đã phải bỏ chạy về Bamberg - phải được giải phóng từ bên ngoài. Thực ra, vẫn có thể chiếm lấy Munich mà không cần can thiệp vũ trang, “ủy ban Hành động”, đặc biệt là Ernst Toller, đã nhiều lần đề nghị đàm phán với Hoffman, và ngày 1 tháng 5 “Hồng quân” đã được lệnh định ngày hạ khí giới. Trong quá trình diễn ra những “chiến dịch phổ thông” mà, theo lời Gebhard, đã đặt dấu chấm hết cho “cơn ác mộng đỏ”, một đội quân 33.000 người với pháo binh, súng phun lửa, xe bọc thép và thậm chí cả máy bay đã chiếm ưu thế vượt trội trước những công nhân chỉ được vũ trang những trang bị hoàn toàn không phù hợp. Thậm chí nhiều thập kỷ sau, mô tả của Gebhard vẫn còn bao che cho thái độ của cánh Freikorps: không có đàm phán với những người cách mạng cánh tả mà họ xem là “đám tội phạm”. Chiến dịch này có cách thức của một cuộc tàn sát và theo thống kê thì có 650 người chết, với hơn phân nửa là thường dân. Trong tình trạng thiết quân luật, những tháng sau đó có thêm hàng trăm người là nạn nhân của các cuộc hành quyết ngay tại chỗ. Heinrich đã tham gia cuộc tuần hành tại Munich cùng phân đội Schaaf của Freikorps Landshut, mặc dù khi ấy đáng ra ông phải học một khóa học cấp tốc để nhận được bằng chứng nhận tốt nghiệp. Cuối cùng ông đã có cơ hội chứng tỏ bản thân là một chiến binh. Đơn vị của ông chiến đấu từ phía đông của thành phố, dọc theo phố Rosenheimer Strasse và băng qua những chiếc cầu bắc ngang sông Isar dẫn tới khu trung tâm. Tại quảng trường Karlplatz, ông tham gia trận đánh dữ dội chống lại các công nhân cách mạng được vũ trang nghèo nàn. Ngày 3 tháng 5 Munich được “giải phóng”. Điều này đồng nghĩa với việc kết thúc “sự cai trị của bọn nhà văn ở Café Megalomania, bọn Toller, Erich Mühsam cùng đồng bọn” như Gebhard vui vẻ ghi lại - Mühsam đã bị bắt và tống giam, Gustav Landauer bị giết chết trong Nhà tù Stadelheim - nhưng cũng viết thêm là ông tiếc rằng “bọn tội phạm vẫn tìm cách giết hại những con tin ở tầng hầm của Trường Gymnasium Luitpold”. Vào học đại học, Gebhard một lần nữa trở lại sống trong khu dân cư nơi ông đã trải qua thời niên thiếu, và “Café Megalomania” cũng vẫn là quán Café Stefanie đằng sau trường đại học; qua cửa sổ quán, ông quan sát đám chơi cờ, hệt như hồi còn nhỏ. Tình hình hỗn loạn, đặc biệt là vụ “Hồng quân” xả súng bắn chết 22 con tin - bao gồm bảy thành viên Hội Thule là những kẻ bài Do Thái và Dân tộc Chủ nghĩa - tại Trường Gymnasium Luitpold; vụ việc đã khiến người dân Munich kinh hãi. Nó phủ bóng đen lên những tội ác do các lực lượng “giải phóng” thực hiện, vốn có khuynh hướng được xem như những biện pháp cần thiết “để lập lại trật tự”; từ nay trở đi ký ức về thời khủng bố của nền cộng hòa kiểu Liên Xô, bị phóng đại phục vụ cho mục đích tuyên truyền, sẽ đóng góp cho việc lý tưởng hóa “những người giải phóng”. Điều này xảy ra bất chấp thực tế như Sebastian Haffner kể lại trong Geschichte eines Deutschen*: Tổ chức Freikorps rất giống với những đội xung kích Quốc xã mà hầu hết bọn họ về sau đều gia nhập. Rõ ràng chúng có cùng quan điểm, cùng cung cách ứng xử và cùng cơ chế chiến đấu. Chúng đã phát minh ra nguyên tắc “nổ súng nếu đối tượng tìm cách chạy trốn”, và có những tiến bộ đáng kể trong cách thức tra tấn. Chúng cũng tham gia những sự kiện ngày 30 tháng 7 năm 1934 cùng thói trơ tráo bắt những người chống đối đứng úp mặt vào tường mà không cần hỏi han hay phân bua gì nhiều. Những tuần lễ của “Cộng hòa Xô-viết” đã đi vào ký ức tập thể như là “triều đại của khủng bố”, được kết luận là một âm mưu giáng xuống xứ Bavaria của bọn Do Thái, bọn can thiệp bên ngoài và mấy nhà văn trong những quán cà phê ở Schwabing*. Vì vậy, việc Gebhard viết thêm rằng tên thật của Kurt Eisner là Salomon Kosmanowskis đã phản ánh cách thức tuyên truyền của cánh hữu thời kỳ đó với những cố gắng nhằm bôi bẩn các chính trị gia cánh tả bằng cách biến họ thành những kẻ xấu để hù dọa giai cấp trung lưu - “bọn Bolshevik Do Thái”. Trong cuốn Volksbuch vom Hitler (tạm dịch: Sổ tay của Hitler, xuất bản năm 1924) của Georg Schott, cuốn sách rất nổi tiếng trong giới cánh hữu và sẽ rất quan trọng đối với Heinrich vài năm sau đấy, Eisner cũng được mô tả là một người Do Thái xứ Galicia* tên là Salomon Kosmanowskis. Những người thực sự chiến thắng xuất hiện sau những tuần lễ thảm họa của “Cộng hòa Xô-viết” Bavaria là đám cánh hữu cấp tiến. Trong các năm tiếp sau đó họ đã thành công trong việc khuấy động lòng căm thù “chủ nghĩa Bolshevik” và nỗi lo sợ một âm mưu quốc tế của bọn Do Thái”. Mùa hè năm 1919, Giáo sư Himmler được bổ nhiệm chức hiệu trưởng trường Gymnasium ở Ingolstadt, phía bắc Munich. Đó là một bước chuyển mới, với tất cả những phiền nhiễu đi kèm, và thêm một lần nữa đứa con nhỏ nhất của họ phải chuyển trường. Ngoài ra, Ingolstadt là một thị trấn có lính đồn trú không mấy hấp dẫn. Nhưng việc địa vị xã hội được nâng lên nhờ chức hiệu trưởng chắc hẳn khiến chức vị đó rất hấp dẫn đối với Gebhard Cha. Ban đầu ông chuyển tới đây một mình, vợ ông và Ernst đến sau vào cuối tháng 9, khi căn hộ nhà nước cấp bên trong trường đã được thu xếp sẵn sàng. Ingolstadt nằm bên sông Danube, chỉ cách Neuburg an der Donau khoảng 20 kilômét, nơi Gebhard Cha từng học trong trường nội trú. Cách đấy không xa là Abensberg, thị trấn nhỏ nơi cha của Anna Himmler sinh ra và là nơi bà vẫn còn nhiều bà con họ hàng. Lần này Heinrich thi qua kỳ tốt nghiệp Abitur. Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, ông bất ngờ khẳng định mình muốn học canh nông, một ngành vốn hoàn toàn nằm ngoài phạm vi các nghề nghiệp mà cha mẹ họ cho là phù hợp với các con. Nhưng họ đã tôn trọng quyết định của ông và, như thường lệ, đã hết sức hỗ trợ ông; họ tìm cho ông một nơi để làm việc lấy kinh nghiệm, nhờ đó ông có thể ngay từ tháng Tám lập tức bắt tay vào làm trong một điền trang ở phía bắc Ingolstadt. Rõ ràng Heinrich chỉ có trong đầu một hình ảnh lý tưởng hóa về miền thôn quê, cũng như về cuộc sống sĩ quan trong quân ngũ. Sự hoài nghi của cha mẹ đối với lựa chọn của ông dường như được xác nhận khi mà với thể chất yếu, ông rõ ràng không kham nổi việc lao động chân tay nặng nhọc mặc dù có tính kiên quyết lì lợm, và cuối cùng nằm liệt giường vì bệnh phó thương hàn chỉ sau bốn tuần ở đó. Ông nằm suốt tháng Chín ở bệnh viện tại Ingolstadt, được cha đến thăm mỗi ngày trong khi mẹ thì lo lắng đến mức phát bệnh ở Munich. Trong một bức thư ngày 11 tháng 9, ông cam đoan với mẹ rằng mình đang khá hơn, và rằng bà không cần lo lắng thêm về mình nữa. Ông khinh khỉnh nhắn thêm cho Ernst, cậu em rõ ràng đã không viết gì cho ông trong một thời gian dài: “Nếu thằng Ernsti lười chảy thây ấy có đủ tự phụ để tưởng tượng rằng con sắp trả lời lá thư đầu tiên của nó sáu tuần trước thì quả là nó đã sai lầm nghiêm trọng.” Và nhân cơ hội này, ông lôi cả cha mình vào, “Cả cha lẫn con sẽ không thèm viết cho kẻ lười biếng ấy.” Sau lần bệnh nặng ấy, ông phải từ bỏ chỗ làm lấy kinh nghiệm. Mùa thu năm 1919, chỉ muộn một học kỳ so với Gebhard, ông ghi danh vào Đại học Kỹ thuật ở Munich để học canh nông. Ban đầu ông nhận một phòng trong cư xá sinh viên ở Schellingstrasse giống như anh trai, nhưng chỉ ít lâu sau hai anh em cùng chuyển ra một ngôi nhà tại khu phố mà cả hai từng sống thời thơ ấu: “Cả Heinrich và tôi đều đang học ở Munich, chúng tôi có một nơi ở rất ấm cúng nhuốm đầy vẻ ẩn dật quý phái trang nhã, Lâu đài Nữ bá tước, trên tầng bốn của ngôi nhà ở góc đường Theresienstrasse giao với Amalienstrasse. Bữa trưa và bữa tối của chúng tôi được chuẩn bị chu đáo tại Quán trọ Loritz ở phố Jägerstrasse gần đấy, tại đây chúng tôi mau chóng gia nhập một nhóm bạn rất thân thiện và dễ mến”, Gebhard nhớ lại. Về tiền bạc, họ duy trì mức chi tiêu khá chi li bởi gia đình Himmler không còn dư dả như trước chiến tranh. Mặc dù vậy, cha mẹ họ vẫn nỗ lực để họ theo học đại học trong những điều kiện rõ ràng là khá thoải mái. Quán trọ Loritz chỉ cách trường đại học vài con phố và cách phòng trọ của họ năm phút đi bộ. Ở đấy họ có một tổ ấm với bầu không khí xã hội dễ chịu - cha mẹ họ biết rõ Frau* Loritz từ thời bản thân họ còn sống ở phố Amalienstrasse. Tại đó hai anh em được gặp những người cùng trang lứa, trong đó có hai cô con gái nhà Loritz là Kätha và Maja, và một người anh em họ xa là Ludwig Zahler, còn được gọi là Lu. Hai anh em Himmler vốn là bạn thân với anh em Zahler từ thời còn ở Landshut; họ liên tục được nhắc đến trong nhật ký và thư từ của Heinrich. Tại nhà Loritz, đám thanh niên thường ngồi trò chuyện cùng nhau sau bữa ăn, và hai anh em có dịp nhận được những kinh nghiệm quan trọng đầu đời với nữ giới cùng độ tuổi. Nhìn chung những chuyện này đều diễn ra dưới sự trông chừng của một người lớn tuổi hơn. Mọi chuyện được nới lỏng hơn đôi chút trong kỳ lễ Fasching (lễ hội carnival) vốn thường được tổ chức náo nhiệt ở Munich. Ngày 2 và 3 tháng 11 - khi học kỳ mới vừa bắt đầu - hai anh em viết bức thư chung đầu tiên gửi về nhà. Trước hết là Gebhard: “… cả hai chúng con giờ đều thích trò trượt băngvới gậy chống, nếu trời đủ rét và nếu có thời gian chúng con thích trượt băng tại đây. Vậy nên nếu được, Mẹ thân yêu ơi, xin mẹ bỏ chúng vào gói đồ gửi lần sau nhé”. Chẳng lẽ họ không thể đem theo bộ dụng cụ trượt băng