🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Án Mạng Mười Một Chữ - Higashino Keigo & Phương Phương (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Trinh Thám]
Ebooks
Nhóm Zalo
HIGASHINO KEIGO Phương Phương dịch
ÁN MẠNG
MƯỜI MỘT CHỮ
dựa theo bản in của
2020-03
ĐỘC THOẠI I
Vừa viết xong bức thư, tôi đã thấy hơi choáng váng.
Bức thư vụng về vỏn vẹn có một dòng chữ. Thế nhưng tất cả nguồn cơn lại bắt đầu từ dòng chữ ấy.
Và mọi thứ cũng không thể trở lại như trước được nữa.
Tôi không mất quá nhiều thời gian để đưa ra quyết định của riêng mình. Tóm lại, tôi chỉ có thể chọn làm hoặc không, ngoài ra không còn lựa chọn nào nữa.
Tất nhiên, mọi người sẽ có ý kiến khác. Có thể họ sẽ để tâm đến cái gọi là “điều đúng đắn”, mà lựa chọn con đường thứ ba.
Rồi họ sẽ biện minh. Rằng ấy chỉ vì con người vốn là sinh vật yếu đuối. Đấy đúng là quan điểm phổ biến, nhưng lại không thành thật. Những ý kiến này tẻ nhạt đến mức khiến tôi buồn ngủ. Trên con đường
họ chọn ấy chỉ có sự dối trá và trốn tránh. Những ý kiến đó, dù có trao đổi qua lại cách mấy cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Và tất nhiên cũng chẳng thể lay động trái tim tôi.
Tâm can tôi hiện giờ đã bị nỗi căm hờn chi phối hoàn toàn. Tôi không thể vứt bỏ nỗi căm hờn ấy, nhưng lại càng không thể ôm nó sống cả đời. Bởi thế tôi chỉ còn cách làm tới. Và tôi sẽ hỏi “bọn họ” một lần nữa.
Rằng câu trả lời thực sự là gì?
Thế nhưng…
Chắc chắn “bọn họ” sẽ không cho tôi đáp án. Bởi họ cho rằng ngay từ đầu tôi đã biết câu trả lời ấy là gì.
Cứ nghĩ đến việc đó, nỗi căm hờn trong lòng tôi lại bùng lên như ngọn lửa.
“Bí mật về vụ án mạng trên hòn đảo không người”. Bức thư chỉ có vậy. Và đó cũng là tất cả.
1
HÔM ẤY, CẢNH SÁT ĐÃ TỚI
1
~~~~~~~
“Anh đang bị đưa vào tầm ngắm đấy.”
Anh nghiêng ly rượu bourbon. Những viên đá trong ly lanh canh nhảy múa.
“Bị đưa vào tầm ngắm?” Nghĩ anh đang đùa, tôi nhếch môi cười, hỏi lại. “Nhưng cái gì… bị ngắm cơ?”
“Tính mạng anh.” Anh trả lời. “Hình như ai đó đang muốn giết anh.” Tôi vẫn cười. “Tại sao người đó lại muốn giết anh?”
“À thì…” Anh im lặng chốc lát rồi tiếp tục. “Anh cũng không biết. Tại sao vậy nhỉ?”
Giọng anh nặng nề quá đâm tôi không cười nổi nữa.
Ngắm nghía khuôn mặt nhìn nghiêng của anh một hồi, tôi quay qua nhìn gương mặt người pha chế đang đứng quầy, rồi nhìn lại tay mình. “Tức là anh không biết tại sao, nhưng linh cảm thế à?”
“Không chỉ linh cảm thôi đâu.” Anh nói. “Anh đang gặp nguy hiểm thật đấy.”
Rồi anh gọi thêm một ly bourbon nữa.
Tôi nhìn quanh, để chắc chắn không ai để ý, rồi mới quay sang gương mặt nhìn nghiêng của anh, cất lời:
“Anh có thể giải thích rõ hơn được không? Rốt cuộc đã có chuyện gì?” “Thì đấy…” Anh uống cạn ly rượu, rồi châm lửa hút thuốc. “Anh đang gặp nguy hiểm. Vậy thôi.” Rồi anh nói khẽ: “Anh cũng thật là… Không định nói với em, mà lại lỡ lời. Chắc do ảnh hưởng của câu chuyện hồi trưa.”
“Chuyện hồi trưa?”
“Không có gì đâu,” anh lắc đầu. “Nói chung em không cần biết chuyện này.”
Tôi chăm chú nhìn cái ly trong tay mình.
“Vì em có biết cũng chẳng giải quyết được gì à?”
“Không chỉ vì mỗi lý do đó.” Anh nói. “Em biết chỉ thêm lo thôi. Trong khi nỗi bất an của anh thì vẫn còn đó.”
Tôi không đáp lại lời anh, chỉ bắt tréo hai chân đang để dưới quầy. “Này, tức là ai đó đang muốn hãm hại anh à?”
“Ừ, cứ cho là vậy đi.”
“Anh có thấy gì khả nghi không?”
“Em hỏi lạ quá!”
Lần đầu tiên anh bật cười kể từ lúc bước vào quán bar này. Làn khói màu trắng bồng bềnh phả ra từ kẽ răng.
“Em nghĩ có ai đang yên đang lành lại kêu tính mạng mình đang bị đe dọa không? Em thì sao?”
“Ừ thì…” tôi ngập ngừng. “Có thể không mà cũng có thể có. Vì em nghĩ chủ ý sát nhân xét cho cùng cũng giống với quan điểm sống thôi.”
“Anh cũng nghĩ vậy.” Anh khẽ gật đầu.
“Vậy là anh thấy gì đó khả nghi đúng không?”
“Không phải tự mãn đâu, nhưng anh tìm được manh mối ở nhiều việc lắm.”
“Nhưng anh lại không thể nói ra.”
“Vì anh có cảm giác nếu nói ra rồi, thì những hoài nghi ấy sẽ trở thành sự thực.” Rồi anh tiếp. “Anh nhát gan lắm.”
Sau đó chúng tôi im lặng ngồi uống rượu, đến khi mệt rồi thì đặt ly xuống, rời khỏi quán, thả bộ trên con đường mưa rơi.
_Anh nhát gan lắm._ Tôi vẫn nhớ lời sau cùng của anh.
2
~~~~~~~
Tôi quen Kawadu Masayuki qua sự giới thiệu của một người bạn. Người bạn đó biên tập sách của tôi, tên Hagio Fuyuko. Fuyuko bằng tuổi tôi, là người phụ nữ chỉ biết đến công việc, và làm ở nhà xuất bản đã gần mười năm nay. Cô luôn đóng bộ áo vest đĩnh đạc như phụ nữ nước Anh, bước đi đầy tự tin. Tôi chơi với cô từ khi bước vào giới này, thấm thoắt cũng đã được ba năm. Nhưng khoảng hai tháng gần đây, một Fuyuko như thế bỗng nhiên lại hăng say bàn tán chuyện đàn ông nhiều hơn là bản thảo. Đúng cái hôm có thông báo quần đảo Amami sắp bước vào mùa mưa.
“Tớ biết một anh chàng tuyệt lắm.” Cô nói với gương mặt nghiêm túc. “Một nhà văn tự do tên là Kawadu Masayuki. Cậu biết anh ấy không?” Tôi trả lời là không biết. Tên người cùng ngành lắm lúc tôi còn chẳng
biết. Huống chi mấy nhà văn tự do.
Theo lời Fuyuko kể thì anh Kawadu Masayuki đó sắp ra sách, và họ đã dần trở nên thân thiết sau vài lần tình cờ cùng tham gia mấy buổi họp xuất bản.
“Anh ấy cao, đẹp trai lắm.”
“Ừ.”
Fuyuko mà lại nói về đàn ông cơ đấy, thật hiếm hoi làm sao. “Tớ thật muốn gặp người được Fuyuko khen hết lời như vậy một lần.” Nghe tôi nói, cô cười đáp: “Ừ, vậy để lần tới nhé.”
Tôi chỉ tiện miệng nói chơi, mà hình như cô cũng chẳng cho là thật. Thế nên chẳng bao lâu sau tôi đã quên béng mất lời hẹn như mấy câu chuyện làm quà khác ấy.
Nhưng sau đó vài tuần, rốt cuộc tôi cũng gặp Kawadu Masayuki. Anh tình cờ có mặt trong quán bar tôi đến cùng Fuyuko. Cùng đi với anh là một họa sĩ to béo đang mở triển lãm cá nhân tại Ginza.
Kawadu Masayuki quả là một người đàn ông bảnh bao. Anh cao khoảng một mét tám, gương mặt thon gọn, rám nắng. Chiếc áo jacket màu trắng trông thật hợp với anh. Vừa nhìn thấy Fuyuko, anh liền vẫy cánh tay đang đặt trên mặt quầy gọi.
Fuyuko thoải mái bắt chuyện với anh, rồi giới thiệu tôi. Đúng như tôi dự đoán, anh chưa từng nghe đến tên tôi. Kể cả khi nghe giới thiệu tôi là nhà văn viết truyện trinh thám, anh cũng chỉ gật đầu như thể đang bối rối. Hầu hết mọi người đều có phản ứng tương tự khi nghe tôi giới thiệu như vậy.
Sau đó, cũng tại quán bar ấy, chúng tôi trò chuyện một lúc lâu. Giờ
ngẫm lại, tôi vẫn thấy lạ, không hiểu sao chúng tôi có thể nói chuyện lâu đến vậy. Tôi cũng không nhớ nổi chúng tôi đã nói những gì với nhau. Trừ một việc là sau cuộc nói chuyện đó, chỉ có tôi và Kawadu Masayuki rời khỏi quán. Chúng tôi đi đến một quán khác, rồi rời đi sau khoảng một tiếng đồng hồ. Tôi hơi say, nhưng chưa tới mức cần anh đưa về. Mà anh cũng không gượng ép đề nghị.
Ba ngày sau, anh gọi điện, mời tôi đi ăn. Tôi không có lý do nào để từ chối, sự thực thì anh là một người đàn ông không tồi, nên tôi cũng chẳng mấy do dự, cứ thế nhận lời.
“Tiểu thuyết trinh thám hay ở điểm nào vậy?”
Anh hỏi khi chúng tôi đang nhâm nhi chút rượu vang ở nhà hàng trong khách sạn. Tôi không nghĩ ngợi gì, chỉ máy móc lắc đầu.
“Nghĩa là cô không biết?” anh hỏi.
“Tôi mà biết thì sách của tôi đã bán chạy hơn rồi,” tôi đáp. “Thế anh nghĩ nó hay ở điểm nào?”
Anh vừa gãi gãi mũi vừa nói, “Hay ở điểm người ta đã tạo ra nó chăng?” “Những vụ án trong đời thực nhiều khi không phân định rạch rời trắng đen. Ranh giới giữa cái đúng và cái sai rất mơ hồ. Vậy nên dù vấn đề được đặt ra rồi, nhưng người ta lại không thể mong chờ một kết luận tương xứng. Bởi vì nó chỉ là một phần của cái gì đó lớn lao mà thôi. Nhưng ở điểm đó thì tiểu thuyết lại làm trọn vẹn. Đó là một dạng kết cấu. Và tiểu thuyết trinh thám chẳng phải là thể loại kỳ công nhất trong việc xây dựng kết cấu đó hay sao?”
“Có lẽ là vậy,” tôi nói. “Anh đã bao giờ phải trăn trở trước ranh giới giữa cái đúng và cái sai chưa?”
“Có chứ.”
Anh nhếch môi. Tôi nghĩ anh không nói dối.
“Rồi anh có đem nỗi trăn trở ấy viết vào sách không?”
“Cũng có,” anh đáp. “Nhưng phần lớn là tôi không thể làm được.” “Tại sao lại không thể?”
“Vì nhiều lý do lắm.”
Gương mặt anh hơi khó chịu, nhưng chỉ một loáng sau anh đã lấy lại vẻ hiền lành vốn có, và rồi bắt đầu nói về tranh vẽ.
Tối hôm đó anh đến căn hộ của tôi. Căn hộ vẫn còn vương lại mùi của người chồng cũ. Thoạt đầu trông anh có vẻ hơi lúng túng nhưng chỉ một lát sau anh lập tức quen ngay.
“Anh ấy từng là nhà báo,” tôi nói về chồng cũ. “Anh ấy hiếm khi ở nhà. Rồi rốt cuộc cũng chẳng còn lý do nào để trở về ngôi nhà này nữa.” “Và thế là anh ta không quay lại đây nữa?”
“Vâng.”
Trên chiếc giường chồng cũ từng ôm ấp tôi, Kawadu Masayuki đã cho tôi những khoái cảm dịu dàng hơn rất nhiều so với người chồng cũ. Làm tình xong, anh còn vòng tay ôm vai tôi, đề nghị, “Lần sau em đến chỗ anh nhé?”
Chúng tôi gặp nhau khoảng một, hai lần một tuần. Hầu hết là anh đến chỗ tôi, nhưng cũng đôi khi tôi tới nhà anh. Anh độc thân, hình như cũng chưa từng kết hôn, vậy mà phòng ốc lại ngăn nắp như thể phòng của người đã lập gia đình. Tới mức tôi còn tưởng tượng hay là có ai đó dọn dẹp phòng giúp anh?
Rồi chẳng mấy sau đó, mối quan hệ của chúng tôi bị Fuyuko phát hiện. Số là Fuyuko đến chỗ tôi lấy bản thảo đúng lúc anh đang có mặt ở đó, nên
tôi không thể bịa ra được lý do nào để giải thích. Mà thật ra tôi cũng đâu cần phải giải thích điều gì.
“Cậu yêu anh ta à?” Fuyuko hỏi lúc chỉ có hai người chúng tôi. “Tớ thích anh ấy,” tôi trả lời.
“Thế cậu có định kết hôn không đấy?”
“Làm gì có chuyện.”
“Vậy à.”
Fuyuko thở phào như trút được gánh nặng, đôi môi khẽ nở một nụ cười duyên dáng.
“Thấy hai người thân thiết, người bắc cầu như tớ đây cũng vui lắm. Nhưng cậu đừng sa đà quá. Cứ duy trì mối quan hệ như hiện tại thôi.” “Không sao đâu. Tớ đã có bài học nhớ đời rồi mà,” tôi nói. Rồi hai tháng trôi qua.
Mối quan hệ giữa tôi và Kawadu Masayuki vẫn được duy trì đúng mực như lời hứa với Fuyuko. Ngay cả hồi tháng Sáu, khi chúng tôi đi du lịch cùng nhau, may thay anh cũng không đả động gì tới chuyện kết hôn. Bằng không hẳn tôi phải bối rối lắm.
Nhưng nghĩ lại, dẫu anh có nhắc đến chuyện kết hôn thì cũng chẳng có gì là lạ. Anh đã ba mươi tư tuổi, tính chuyện lập gia đình cũng là lẽ đương nhiên. Hay là anh cũng đang cố duy trì một mức độ nhất định nào đó trong mối quan hệ với tôi?
Nhưng nếu cứ mải bận tâm đến điều đó e là tôi sẽ làm mất đi ý nghĩa của mối quan hệ này mất.
Thế rồi khi chúng tôi quen nhau được hai tháng.
Thì Kawadu Masayuki chết ngoài biển.
3
~~~~~~~
Vào một ngày tháng Bảy, cảnh sát đến thông báo cho tôi về cái chết của anh.
Anh ta điềm tĩnh, song vẻ ngoài tầm thường hơn nhiều so với những cảnh sát tôi vẽ ra trong tiểu thuyết của mình. Có thể dùng từ “có sức thuyết phục” để miêu tả về người này.
“Sáng nay, người ta phát hiện một thi thể nổi trên vịnh Tokyo. Khi vớt thi thể ấy lên, từ di vật còn sót lại chúng tôi xác định đó là anh Kawadu Masayuki.”
Vị cảnh sát nhỏ nhắn nhưng có vẻ khỏe mạnh gần bốn mươi tuổi thông báo. Bên cạnh anh ta là một cảnh sát trẻ khác. Anh này thì chỉ yên lặng đứng đấy.
Tôi mất vài giây không thốt nên lời, sau đó nuốt nước bọt. “Vậy là các anh xác định được danh tính rồi ạ?”
“Vâng,” vị cảnh sát thu cằm lại.
“Nạn nhân quê ở Shizuoka. Em gái anh ta đã đến nhận dạng thi thể, ngoài ra chúng tôi cũng đã giám định răng và chụp X quang.” Rồi vị cảnh sát nhấn mạnh thêm, “Kết quả cho thấy đó là anh Kawadu Masayuki.”
Thấy tôi vẫn im lặng, anh ta tiếp, “Có thể phiền cô bớt chút thời gian để chúng ta thong thả trao đổi không?” Cánh cửa trước sảnh ra vào vẫn đang mở.
Tôi đề nghị họ đợi ở quán cà phê gần nhà, nghe vậy hai vị cảnh sát khẽ gật đầu rồi rời đi. Nhưng đến khi họ đi khuất, tôi vẫn đứng ở cái sảnh ấy,
lơ đễnh nhìn ra bên ngoài, mãi sau mới thở dài, đóng cửa, đi về phòng ngủ, thay đồ để ra khỏi nhà. Đứng trước bàn trang điểm để tô chút son mà tôi như ngừng thở.
Gương mặt phờ phạc của tôi phản chiếu trong tấm gương. Trông tôi có vẻ mệt mỏi ngay cả với việc biểu lộ cảm xúc.
Tôi rời mắt khỏi cái gương, lấy lại nhịp thở, rồi nhìn lại khuôn mặt mình trong gương. Lần này có vẻ khá hơn rồi. Tôi gật gù hài lòng với biểu cảm ấy. Tôi thích anh ấy. Nhưng anh đã chết, tôi buồn là lẽ đương nhiên.
Vài phút sau, tôi đã ngồi đối diện hai vị cảnh sát trong quán cà phê mình vẫn thường hay lui tới. Ở đây còn bán cả bánh ngọt nữa. Bánh ở đây tươi, vị ngọt thanh.
“Anh ta bị sát hại,” vị cảnh sát nói như tuyên bố. Nhưng tôi không lấy gì làm ngạc nhiên lắm. Vì đó là lời mà tôi đã lường trước.
“Anh ấy bị sát hại như nào vậy ạ?” tôi hỏi.
“Cực kỳ khủng khiếp,” vị cảnh sát nhăn mặt. “Gáy bị đập mạnh bởi một vật cùn. Thi thể thì bị vứt lại bên cạnh vịnh. Chỏng chơ như rác.” Người yêu tôi đã bị người ta vứt ở đó như một đống rác. Vị cảnh sát ho một tiếng. Tôi ngẩng mặt lên.
“Vậy nguyên nhân tử vong là do xuất huyết bên trong não hay là…?” “Không phải.”
Anh ta ngắt lời, nhìn lại gương mặt tôi rồi nói tiếp. “Hiện tại chúng tôi chưa thể khẳng định chắc chắn điều gì. Tuy có dấu vết bị đập vào gáy, nhưng chừng nào chưa có kết quả giải phẫu thì tất cả chỉ là phỏng đoán.”
“Vậy ạ?”
Nghĩa là có khả năng anh ấy bị sát hại bằng một phương thức khác, nhưng sau đó hung thủ còn đập mạnh vào gáy và vứt anh đi ư? Nếu đúng như vậy, thì tại sao hung thủ phải tàn bạo đến mức đó?
“Còn chuyện này…”
Vị cảnh sát gọi tôi, chắc do thấy tôi lơ đễnh quá. “Hình như cô cũng gần gũi với anh Kawadu Masayuki nhỉ?”
Tôi gật đầu. Chẳng có lý do gì để phủ nhận điều đó.
“Cô là người yêu của anh ấy à?”
“Tôi nghĩ vậy.”
Vị cảnh sát hỏi quá trình chúng tôi gặp gỡ. Tôi trả lời thành thật. Tôi cũng sợ sẽ phiền đến Fuyuko nhưng cuối cùng vẫn nhắc đến tên cô. “Lần cuối cùng cô nói chuyện với anh Kawadu là khi nào?” Tôi suy nghĩ giây lát rồi trả lời.
“Tối hôm kia. Anh ấy gọi tôi tới.”
Chúng tôi dùng bữa ở nhà hàng, sau đó uống rượu ở quán bar. “Hai người đã nói những chuyện gì?”
“Chúng tôi nói nhiều chuyện lắm… trong đó…” Tôi cúi mặt, mắt nhìn cái gạt tàn bằng thủy tinh. “Anh ấy có nói rằng mình đang bị ai đó nhắm.” “Bị nhắm sao?”
“Vâng.”
Tôi kể những điều mình đã nghe từ anh trong buổi tối hôm kia. Đôi mắt vị cảnh sát bỗng sáng lên lấp lánh.
“Và anh Kawadu cũng thấy có điều gì khả nghi?”
“Tôi không dám khẳng định.”
Vì anh cũng không khẳng định chắc chắn điều đó.
“Nhưng cô thì không thấy có gì khả nghi à?”
Tôi gật đầu. “Vâng.”
Sau đó vị cảnh sát hỏi về quan hệ bạn bè và công việc của anh. Tôi hầu như không biết gì.
“Tiện đây xin hỏi tối qua cô đã ở đâu vậy ạ?”
Câu hỏi cuối cùng của anh ta nhằm mục đích xác nhận chứng cứ ngoại phạm của tôi. Họ không hỏi thời gian cụ thể hẳn là do chưa xác định được thời gian tử vong chính xác. Nên dù tôi có đưa ra thời gian cụ thể thì cũng chẳng giúp ích gì cho chứng cứ ngoại phạm của mình cả.
“Hôm qua tôi ở nhà cả ngày,” tôi trả lời. “Tôi làm việc.”
“Nếu có ai làm chứng được cho cô thì tốt.” Vị cảnh sát ngước lên nhìn tôi với vẻ kẻ cả.
“Tiếc là không có,” tôi lắc đầu. “Việc đó e là không thể. Vì tôi ở nhà một mình, cũng chẳng có ai đến chơi cả.”
“Tiếc thật. Cuộc đời đúng là có nhiều chuyện đáng tiếc quá.” Sau đó vị cảnh sát xin lỗi vì đã làm phiền tôi rồi đứng dậy. Đúng như tôi đoán, chiều tối hôm đó Fuyuko tới. Cô thở gấp như thể đã
chạy như bay đến nhà tôi vậy. Khi ấy tôi đã mở sẵn văn bản để soạn thảo, dù chưa đánh được chữ nào, và đang uống bia. Trước khi uống bia tôi đã khóc. Khóc mệt nên tôi mới uống bia.
“Cậu nghe rồi chứ?” Vừa nhìn thấy tôi, Fuyuko lập tức hỏi. “Cảnh sát tới đây rồi,” tôi đáp. Cô có vẻ hơi ngạc nhiên, nhưng nhanh chóng chấp nhận điều hiển nhiên ấy.
“Cậu có thấy gì khả nghi không?”
“Tớ không, chỉ biết là anh ấy bị người ta nhắm đến thôi.” Đôi mắt Fuyuko tròn xoe, miệng há hốc vì ngạc nhiên, tôi kể cho cô chuyện hôm kia. Cô ấy lắc đầu tiếc nuối y chang vị cảnh sát đó. “Chẳng nhẽ không có cách gì để ngăn chặn sao? Như là báo cảnh sát chẳng hạn.”
“Tớ cũng không biết. Nhưng chắc anh ấy có lý do riêng nên mới không làm vậy.”
Cô lại lắc đầu.
“Vậy nghĩa là cậu không thấy có gì khả nghi à?’
“Không. Thật ra…” tôi ngập ngừng, rồi tiếp tục, “Tớ hầu như chẳng biết gì về anh ấy cả.”
“Thế à?” Fuyuko nghe chừng thất vọng lắm. Biểu cảm của cô y hệt vị cảnh sát đến đây hồi trưa.
“Từ nãy tới giờ tớ cứ nghĩ về anh ấy mãi,” tôi nói. “Nhưng mà tớ không biết gì cả. Có một đường kẻ được vạch ra giữa tớ và anh ấy, cả hai đều cố để không xâm phạm đường kẻ ấy. Mà vụ án lần này lại xảy ra bên vùng của anh ấy.”
Tôi hỏi Fuyuko có muốn uống gì không, cô gật đầu nên tôi vào bếp mang bia ra. Giọng Fuyuko vang lên từ sau lưng tôi.
“Trong số những chuyện anh ấy nói, có chuyện nào để lại ấn tượng với cậu không?”
“Dạo gần đây bọn tớ không chuyện trò với nhau nhiều.”
“Nhưng cũng phải nói chuyện gì chứ. Chẳng lẽ gặp nhau là lên giường ngay à?”
“Cũng gần như là vậy đó,” tôi nói, má hơi rúm lại.
4
~~~~~~~
Đám tang của anh được tổ chức hai ngày sau đó. Fuyuko chở tôi về quê anh ở Shizuoka trên chiếc xe Audi. Đường cao tốc vắng vẻ không ngờ, đâm từ Tokyo về tới quê anh chỉ mất có hai tiếng đồng hồ.
Bố mẹ anh sống trong một căn nhà hai tầng bằng gỗ với hàng rào bao xung quanh. Bước qua hàng rào ấy là một khoảnh vườn khá rộng và nó còn được tận dụng luôn làm vườn rau.
Bên cạnh cổng, hai người phụ nữ đang đứng lặng như tờ. Một người tóc đã bạc, khoảng trên sáu mươi tuổi, người còn lại thì vẫn trẻ, dáng dong dỏng cao và gầy. Có lẽ đó là mẹ và em gái anh.
Trong dòng người đến viếng đám ma, phải đến một nửa là họ hàng, nửa còn lại là bạn bè đồng nghiệp của anh. Tôi áng chừng được vậy là bởi người làm trong ngành xuất bản trông sẽ hơi khác người bình thường. Fuyuko gặp được người quen trong mấy người đến viếng, nên đã tới đó bắt chuyện. Nghe Fuyuko kể đó là biên tập viên phụ trách sách của Kawadu Masayuki. Một người đàn ông da đen, bụng bia. Nghe Fuyuko giới thiệu anh ta tên Tamura.
“Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng,” Tamura vừa lắc đầu vừa nói. “Theo kết quả giải phẫu, hình như anh ấy bị sát hại ngay trước hôm người ta tìm thấy thi thể. Có vẻ như là bị đầu độc.”
“Đầu độc sao?” Lần đầu tiên tôi nghe đến việc này.
“Một loại thuốc trừ sâu thì phải. Thứ đó cũng đủ tước đi mạng sống của anh ấy rồi, vậy mà hung thủ còn dùng búa hay thứ gì đó nện thêm vào đầu nữa.”
Có gì đó trào dâng trong ngực tôi.
“Hình như tối hôm đó anh ấy ăn ở quán quen, từ tình trạng tiêu hóa của đồ ăn có trong dạ dày, cảnh sát sẽ đưa ra được những phán đoán tương đối chính xác. À mà những việc này chắc hai người nắm rất rõ đúng không?”
Tôi gật đầu. Rồi hỏi thử, “Thời gian tử vong là khoảng mấy giờ vậy ạ?” “Thấy bảo là khoảng từ mười đến mười hai giờ. Thực ra, hôm đó tôi cũng đã rủ anh ấy đi ăn. Kiểu nếu có thời gian thì cùng đi làm vài chén. Nhưng anh ấy nói có hẹn rồi nên từ chối.”
“Vậy là anh Kawadu đã hẹn gặp ai đó nhỉ?” Fuyuko hỏi.
“Có vẻ là vậy. Những lúc như thế, bình thường tôi sẽ hỏi cho bằng được xem anh ấy có hẹn với ai.” Tamura nói, vẻ tiếc nuối.
“Anh đã nói việc này với cảnh sát chưa?” tôi hỏi.
“Đương nhiên tôi nói rồi. Thế nên cảnh sát có vẻ cũng đang tìm xem ai là người đã hẹn với anh ấy vào khoảng thời gian đó, nhưng hiện giờ hình như vẫn chưa có manh mối gì cả.” Anh ta cắn môi.
Thắp hương xong, họ toan ra về thì một người phụ nữ khoảng hai nhăm tuổi lại gần Tamura và chào hỏi. Cô ta có đôi vai rộng, trông như đàn ông. Kiểu tóc cũng nam tính.
Tamura cũng cúi đầu chào người phụ nữ đó và hỏi, “Dạo gần đây cô ít gặp anh Kawadu à?”
“Vâng, từ sau lần đó cũng không có cơ hội gặp lại. Chắc anh Kawadu thấy chúng tôi có nhiều điểm bất đồng.”
Đến cách nói chuyện cũng giống đàn ông. Nhưng hình như cô ta rất thân thiết với Tamura. Sau khi nói với nhau vài câu như vậy, cô ta chào hỏi qua loa chúng tôi rồi đi về phía trước.
“Cô ấy là Niizato Miyuki, nhiếp ảnh gia.” Sau khi cô ấy đi khỏi, Tamura mới thì thầm với chúng tôi. “Hồi trước cô ấy từng làm việc với anh Kawadu. Họ đã đi rất nhiều nơi cùng nhau, Kawadu viết ký sự, còn cô ấy chụp ảnh. Những bài đó đã được đăng lên tạp chí. Nhưng rồi bị gián đoạn hết.” Anh ta nói thêm, “Nhưng đó là chuyện của một năm trước rồi.”
Nghe vậy tôi lại nhớ ra mình chẳng biết gì về công việc của anh cả. Có lẽ nào từ giờ trở đi tôi sẽ biết thêm nhiều điều về anh chăng. Nhưng giờ có biết thì cũng làm được gì đâu chứ?
5
~~~~~~~
Buổi chiều hai ngày sau đám tang, lâu lắm tôi mới quay lại công việc thường lệ, thì bỗng chiếc điện thoại bàn không dây đặt cạnh máy đánh chữ đổ chuông. Tôi nhấc ống nghe, từ đầu bên kia vọng lại một giọng rất khẽ, như âm thanh truyền qua ống chân không. Tôi còn tưởng tai mình bị làm sao.
“Xin lỗi, có thể nói lớn hơn một chút không ạ,” tôi vừa dứt lời thì đột nhiên có tiếng “a” vang lên bên tai mình.
“Từng này đã được chưa ạ?”
Tiếng một cô gái trẻ vọng lại. Giọng hơi khàn nên càng khó nghe. “Vâng, được rồi ạ. Xin hỏi ai vậy ạ?”
“Vâng, tôi là em gái của anh Masayuki, Kawadu Sachiyo.” “À vâng.”
Tôi nhớ lại buổi tang lễ. Hôm đó chúng tôi chỉ chào hỏi rồi đi lướt qua nhau.
“Thật ra tôi đang ở căn hộ của anh Masayuki. Tôi định dọn dẹp đồ đạc ở đây.” Cô vẫn nói bằng cái giọng khó nghe ấy.
“Vậy à? Tôi có thể giúp gì không?”
“À không, không cần đâu ạ. Tôi lo được. Hôm nay tôi chỉ sắp xếp lại đồ đạc, ngày mai sẽ nhờ bên công ty chuyển nhà. Tôi gọi điện vì có chuyện muốn hỏi ý kiến chị.”
“Hỏi ý kiến tôi ư?”
“Vâng.”
Chuyện là như vậy. Lúc sắp xếp đồ đạc của anh Masayuki, cô ấy tìm thấy một lượng lớn tài liệu và báo ở trong tủ. Vốn dĩ có thể coi đó là di vật mà mang về Shizuoka, nhưng cô ấy lại nghĩ nếu chúng giúp ích được gì đó cho người quen của anh, biết đâu anh sẽ yên lòng hơn. Nên nếu tôi đồng ý thì cô ấy sẽ gửi tài liệu đó qua bưu điện cho tôi.
Đối với tôi, đây đúng là không cầu mà được. Nếu đó là tài liệu liên quan đến ngành viết văn tự do thì đúng là của báu. Với lại có khi nó còn giúp tôi hiểu hơn về con người anh lúc sinh thời nữa. Tôi đã đưa ra cả hai lý do và đồng ý nhận.
“Vậy tôi sẽ gửi qua bưu điện cho chị. Giờ tôi mang đi luôn thì sẽ kịp chuyến gom hàng hôm nay. À, mà chị còn cần đồ gì nữa không?” “Đồ gì cơ ạ?”
“Đại loại như chị có để quên vật gì đó ở đây, hoặc cần giữ đồ gì của anh
trai tôi không?”
“Tôi không để quên đồ gì ở đó đâu,” tôi nhìn cái túi xách để chỏng chơ trên bàn. Trong cái túi ấy có chìa khóa dự phòng căn hộ của anh. “Chỉ có đồ tôi chưa kịp trả lại anh ấy thôi.”
Khi tôi nhắc đến chiếc chìa khóa dự phòng, em gái anh Masayuki nói tôi cứ gửi cho cô ấy qua đường bưu điện cũng được. Nhưng tôi vẫn quyết định sẽ đến đó. Gửi bưu điện vừa mất công, mà tôi cũng muốn đến căn hộ của người yêu mình một lần cuối. Dù gì chúng tôi cũng đã qua lại hai tháng.
“Vậy tôi sẽ đợi chị.”
Giọng nói của em gái anh đến phút cuối vẫn vô cùng nhỏ nhẹ. Căn hộ của anh ở Kitashinjuku. Còn phòng anh là phòng 102, nằm ở tầng một. Tôi bấm chuông, cô gái gầy, dong dỏng cao mà tôi đã gặp ở đám tang đi ra. Gương mặt cô thon gọn, sống mũi cao, đúng chuẩn người đẹp, nhưng mà sự giản dị quá mức lại làm lu mờ đi vẻ đẹp ngọc ngà ấy. “Xin lỗi vì bắt chị phải tới tận đây,” cô cúi đầu, xếp dưới chân tôi đôi dép đi trong nhà.
Tôi cởi giày, xỏ dép vào thì nghe thấy tiếng động từ phía trong, rồi tiếp theo đấy ai đó ló mặt ra.
Nếu tôi nhớ không nhầm, thì đó chính là Niizato Miyuki, cô nhiếp ảnh gia tôi đã gặp ở đám tang anh. Vừa thấy tôi, cô ấy đã cúi đầu chào. Tôi cũng bối rối chào hỏi lại.
“Chị ấy làm việc cùng anh trai tôi,” em gái Masayuki giới thiệu. “Đây là Niizato Miyuki, chị ấy cũng vừa mới đến thôi. Chị ấy nói anh Kawadu đã giúp đỡ mình rất nhiều, nên muốn phụ một tay việc chuyển
đồ.”
Tiếp theo cô ấy giới thiệu tôi là người yêu của anh đồng thời là một nhà văn viết truyện trinh thám với Niizato Miyuki.
“Mong cô giúp đỡ,” Niizato Miyuki nói với giọng nam tính hệt lúc ở đám tang, rồi mất hút vào bên trong.
“Cô đã nói với cô ấy rằng mai sẽ chuyển đồ à?” đợi Niizato Miyuki vào trong rồi, tôi mới hỏi Sachiyo.
“Tôi không nói. Chắc chị ấy đoán được chỉ trong hôm nay hoặc mai thôi nên tự đến.”
“Vậy à?” tôi hoài nghi gật đầu.
Bên trong phòng đã được dọn dẹp khá sạch sẽ. Gần nửa đống sách báo tài liệu trên giá sách đã được nhét vào thùng các-tông, tủ bếp thì đã trống trơn. Dây điện của tivi và âm ly cũng đã được tháo gọn.
Tôi ngồi xuống ghế xô-pha ở phòng khách, Sachiyo mang trà ra. Chừng như cô bớt lại một số đồ để tiếp khách. Cô cũng mang trà cho cả Niizato Miyuki đang vùi đầu trong phòng của anh Masayuki.
“Tôi thường nghe anh trai kể về chị,” cô ngồi đối diện tôi, cất giọng điềm tĩnh.
“Anh ấy khen chị là một người tuyệt vời, và rất giỏi nữa.” Nghe thật giống tâng bốc, nhưng tôi cũng không lấy làm khó chịu. Mặt tôi hơi đỏ lên.
Nhấp ngụm trà cô pha, tôi hỏi, “Chắc cô cũng hay nói chuyện với anh trai nhỉ?”
“Vâng. Cứ một, hai tuần anh ấy lại về nhà một lần. Công việc của anh ấy hay phải đi đây đi đó, tôi và mẹ lúc nào cũng háo hức được nghe về
những chuyến đi của anh. Tôi làm ở ngân hàng gần nhà, nên chẳng biết gì về thế giới bên ngoài cả.” Cô nói rồi uống trà.
Tôi đã hiểu tại sao giọng nói của cô trên điện thoại lại nhỏ đến thế, đó là giọng bẩm sinh.
“À, cô cầm giúp tôi cái này.” Tôi lấy chìa khóa từ trong túi xách ra, đặt lên mặt bàn.
Sachiyo ngắm nó một lúc lâu, rồi hỏi “Chị và anh ấy đã tính đến chuyện kết hôn rồi ạ?” Đúng là một câu hỏi khó nhưng tôi không thể không trả lời. “Chúng tôi chưa từng nói về chuyện đó,” tôi đáp. “Cả hai không muốn ràng buộc đối phương, vì chúng tôi đều nghĩ nếu làm vậy đôi bên sẽ không được thoải mái. Mà chúng tôi cũng không biết nhiều về nhau.” “Chị không biết ư?” cô ngạc nhiên.
“Tôi không biết gì cả,” tôi đáp. “Hầu như là vậy, thế nên tôi không biết tại sao anh ấy lại bị sát hại. Cũng không đoán ra được điều gì. Quá khứ của anh, anh đang làm công việc gì, tôi cũng chưa từng nghe qua.”
“Vậy ư? Anh ấy không nhắc đến chuyện công việc sao?” “Anh ấy không để tôi biết.” Nói vậy thì đúng hơn.
“A, nếu vậy thì…” Sachiyo đứng lên, đi đến chỗ đồ đạc, rồi lấy ra một bó những mảnh giấy ở bên trong thùng các-tông to bằng thùng đựng quýt, và đặt nó xuống trước mặt tôi. “Hình như đây là lịch trình của anh ấy trong nửa năm qua.”
Ra là vậy, ở trong đó ghi chật kín những dự định của anh. Nhiều nhất là lịch họp với nhà xuất bản, rồi ngày đi lấy tin.
Bất chợt tôi nhìn vào lịch trình gần đây của anh. Biết đâu lịch hẹn hò với tôi cũng được ghi trong này.
Nhìn vào lịch trước ngày anh bị sát hại, quả là anh có ghi tên nhà hàng, thời gian hẹn tôi. Chính là hôm tôi gặp anh lần cuối. Tôi có cảm giác cơ thể mình như bị kim châm khi nhìn thấy ngày đó. Và thứ tiếp theo đập vào mắt tôi là dòng chữ nhỏ viết vội ở cột ban ngày cùng ngày. Ở đó ghi: 16:00 Yamamori sport Plaza.
Masayuki là hội viên của trung tâm thể thao nằm trong Yamamori Sport Plaza. Thi thoảng anh tập gym ởđó. Việc này thì tôi biết.
Nhưng có một chuyện tôi hơi thắc mắc, gần đây rõ ràng anh bị đau chân, thì sao có thể tập gym được. Hay hôm đó chân anh khỏi rồi? “Có chuyện gì không ổn à?”
Thấy tôi im lặng mãi, em gái anh Masayuki lo lắng hỏi. Tôi lắc đầu đáp, “À không, không có gì đâu.” Không phải là không có gì, mà hiện giờ tôi không đủ tự tin để nói bất cứ điều gì. “Tôi có thể mượn cái này không?” tôi giơ bảng lịch trình của anh lên.
“Chị cứ tự nhiên,” cô mỉm cười.
Khi câu chuyện bỗng ngừng lại, một khoảng lặng bao trùm lấy chúng tôi, thế rồi Niizato Miyuki đi ra từ phòng làm việc của anh. “Xin lỗi cho tôi hỏi, giấy tờ của anh Kawadu chỉ có từng này thôi sao?” Giọng điệu của Miyuki nghe như ngờ vực, xen lẫn trách móc. “Vâng, đúng vậy.”
Nghe Sachiyo đáp, cô nhiếp ảnh gia trẻ bỗng cúi mặt xuống như đắn đo suy nghĩ điều gì, nhưng rồi nhanh chóng lấy lại quyết tâm, ngẩng đầu lên. “Ngoài những giấy tờ này, còn có tài liệu công việc hay bút ký gì không?”
“Tài liệu công việc ư?”
“Cô muốn xem thứ gì đó à?” tôi hỏi.
Ngay lập tức ánh mắt cô ta trở nên sắc lạnh, nhìn về phía tôi. Tôi tiếp tục. “Ban nãy Sachiyo gọi cho tôi, và đã gửi tất cả tài liệu của anh ấy đến chỗ tôi rồi.”
“Gửi rồi?”
Mắt cô ta trông như xếch ngược lên. Rồi cô ta nhìn Sachiyo cũng với đôi mắt đó.
“Thật vậy ư?”
“Vâng,” Sachiyo đáp. “Vì tôi nghĩ vậy là thuận nhất… Có việc gì hay sao ạ?”
Miyuki cắn nhẹ môi dưới. Rồi một loáng sau, quay sang nhìn tôi. “Vậy chỗ đồ đạc đó sẽ đến chỗ cô vào ngày mai nhỉ?”
“Vâng, chắc là vậy ạ.”
Tôi nhìn Sachiyo. Cô lập tức gật đầu, quay về phía Niizato đáp, “Cùng trong nội thành nên chắc mai là tới thôi.”
“Vậy à…”
Miyuki đứng trân trân, cụp mắt xuống chừng như đang ngẫm nghĩ điều gì đó rất lung, mãi mới ngẩng đầu lên như đã hạ quyết tâm. “Thật ra trong chỗ tài liệu của anh Masayuki, có thứ này tôi rất muốn xem. Tài liệu ấy rất cần cho công việc…”
“Thế à?” Tôi bỗng thấy lạ. Nghĩa là cô ta đến đây giúp chỉ để xem được chỗ tài liệu ấy à? Nếu vậy tại sao cô ta không nói ngay từ đầu? Tất nhiên tôi không nói ra, mà ướm lời, “Vậy hay là ngày mai cô đến nhà tôi?” Gương mặt cô có vẻ yên tâm hơn hẳn.
“Thế có được không ạ?”
“Tôi thì không có vấn đề gì. Cô cần chỗ tài liệu đó ngay trong sáng mai à?”
“Không, chỉ cần có trong ngày mai là được.”
“Nếu vậy, tối mai cô tới nhé. Vì lúc đó chắc chắn tài liệu đã đến chỗ tôi rồi.”
“Vậy phải phiền cô rồi.”
“Không có gì đâu.”
Chúng tôi hẹn giờ gặp nhau. Sau đó Niizato Miyuki đề nghị thêm, “Xin lỗi vì yêu cầu hơi vô lý, nhưng cô có thể chờ tối đến rồi mới dỡ tài liệu ra được không? Vì nếu tài liệu bị lẫn vào nhau, sẽ khó tìm hơn.” “À, được thôi.”
Lại thêm một yêu cầu kỳ quặc nữa, nhưng rốt cuộc tôi vẫn đồng ý. Vì tài liệu ấy có đến chỗ tôi thì tôi cũng không thể dùng chúng ngay được. Câu chuyện có vẻ đã dừng ở đó, mà tôi cũng có việc cần suy nghĩ, nên đứng dậy cáo lui. Khi tôi sắp sửa ra về, Niizato Miyuki xác nhận lại thời gian hẹn một lần nữa.
6
~~~~~~~
Đến tối, Fuyuko mang một chai rượu vang trắng đến. Công ty cô ở gần đây, nên thi thoảng cô lại ghé nhà tôi trên đường về. Có khi cô cũng ngủ lại luôn.
Chúng tôi vừa ăn cá hồi hấp rượu, vừa uống vang. Fuyuko bảo rượu rẻ lắm, nhưng mùi vị cũng không tồi.
Lúc chai rượu còn khoảng một phần tư, tôi đứng lên, lấy bó giấy để bên cạnh máy đánh chữ. Đây là quyển lịch trình của Masayuki mà Sachiyo đưa cho tôi lúc ở nhà anh.
Tôi kể với Fuyuko chuyện hồi trưa, và chỉ vào một phần trong lịch trình.
“Tớ thấy thắc mắc chỗ này này.”
Đó là phần ghi, 16:00 Yamamori Sport Plaza.
“Tớ biết là anh Masayuki hay đến trung tâm thể thao.” Fuyuko nhìn tôi, gương mặt như muốn nói, ừ thì sao.
“Thì lạ chứ sao.”
Tôi giở đi giở lại quyển lịch trình.
“Xem quyển lịch trình, tớ chỉ thấy mỗi ngày đó là anh ấy có lịch đến trung tâm thể thao thôi. Mà có lần anh ấy cũng bảo không có lịch tập cố định, cứ rảnh lúc nào đi lúc ấy. Nên tớ thấy lạ là tại sao chỉ mỗi ngày này lại ghi thời gian tập. Với lại quan trọng hơn là gần đây anh ấy bị đau chân, nên phải hạn chế vận động.”
“Hừm.” Fuyuko hừ mũi, nghiêng đầu. “Nếu vậy thì lạ thật đấy. Thế cậu có suy đoán gì không?”
“Ừ, tớ nghĩ mãi từ nãy tới giờ, có khi nào đây là lịch hẹn gặp ai đó?” Fuyuko vẫn nghiêng đầu, tôi tiếp tục.
“Tức là, có thể ý nghĩa của câu này không phải là: sáu giờ đến tập ở Yamamori Sport Plaza, mà là sẽ gặp người tên Yamamori ở Sport Plaza.” “Nhìn những dòng ghi chú khác thì thấy anh ấy hay viết theo thứ tự: thời gian - tên người - địa điểm, ví dụ như, ‘13:00 Yamada công ty XX’. Vậy nên tớ mới đoán như vậy.”
Fuyuko gật gù hai, ba lần, đoạn nói, “Có khi thế thật. Hay Yamamori là giám đốc Yamamori Sport Plaza? Anh ấy đến phỏng vấn gì đó chăng.” “Cũng có thể…” tôi hơi chần chừ rồi dứt khoát. “Nhưng tớ nghĩ có khi không phải vậy đâu. Tớ kể với Fuyuko rồi nhỉ. Chuyện anh ấy bảo với tớ rằng hình như anh ấy đang bị ai đó tìm cách sát hại ấy.”
“Ừm.”
“Khi đó anh ấy đã nói thế này. Không định nói với em, mà lại lỡ lời. Chắc do ảnh hưởng của câu chuyện hồi trưa.”
“Câu chuyện hồi trưa là sao?”
“Tớ không biết. Dù anh ấy nói là không có gì đâu. Nhưng có khi nào trưa hôm ấy, anh ấy cũng đã nói chuyện với ai đó như nói với tớ chăng.” “Hôm đó chính là hôm này à?” Fuyuko chỉ tay vào quyển lịch trình. “Hôm anh ấy viết "16:00 Yamamori" ấy?”
“Ừm.”
“Vậy ư?” Fuyuko nhìn tôi với ánh mắt thương hại. “Nhưng tớ thì lại cho rằng cậu đang hơi cả nghĩ.”
“Cũng có thể.”
Tôi thành thật gật đầu. “Nhưng tớ muốn làm rõ những điều mình thắc mắc. Ngày mai tớ sẽ gọi điện đến Sport Plaza.”
“Cậu định gặp giám đốc Yamamori đấy à?”
“Nếu anh ta chịu gặp tớ.”
Fuyuko uống cạn chỗ rượu có trong ly, rồi thở dài.
“Tớ thật không ngờ cậu lại nghiêm túc đến vậy.”
“Thế ư?”
“Ừ.”
“Vì tớ thích anh ấy mà.”
Rồi tôi rót đều chỗ rượu vang còn lại trong chai vào hai chiếc ly.
2
VẬT ANH ĐỂ LẠI
1
~~~~~~~
Cuối cùng Fuyuko ngủ lại nhà tôi, và hôm sau còn gọi điện đến Sport Plaza xin phỏng vấn giúp tôi nữa. Bởi tôi nghĩ nếu lấy danh nghĩa nhà xuất bản thì đối phương sẽ yên tâm hơn.
Bên đó đồng ý việc đến lấy tin, nhưng khi nghe nguyện vọng muốn gặp giám đốc thì họ có vẻ lưỡng lự.
“Tôi có thể nói chuyện với ngài giám đốc được không? Nhà văn bên tôi nói muốn gặp trực tiếp giám đốc.”
Nhà văn mà cô nhắc đến là tôi.
Một lát sau, Fuyuko nói tên tôi. Hình như bên kia hỏi tên nhà văn. Tôi không nổi tiếng, chắc gì người ta đã biết. Mà đã vậy dễ họ sẽ từ chối mất thôi. Tôi hơi lo lắng.
Nhưng gương mặt Fuyuko lại rạng rỡ hẳn như xua tan nỗi bất an trong tôi.
“Vậy ạ? Xin cô đợi cho một lát.” Cô che lòng bàn tay lên ống nghe, nói nhỏ với tôi. “Họ bảo hôm nay thì được đấy. Hôm nay cậu đi được đúng không?”
“Ừ.”
Rồi Fuyuko chốt thời gian với bên kia. Nghe như họ hẹn một giờ chiều nay ở quầy lễ tân.
“Hình như giám đốc Yamamori biết cậu đấy,” đặt điện thoại xuống, cô vừa giơ tay hình chữ V vừa nói.
“Tớ cũng không biết nữa. Tớ chưa từng nghe đến tên anh ta, hay họ muốn tuyên truyền cho trung tâm thể thao chăng.”
“Nhưng nghe giọng điệu hình như không phải vậy đâu.”
“Chắc do tớ nghĩ quá.” Tôi hơi cong môi lên.
Từ nhà tôi đến trung tâm thể thao mất khoảng một tiếng đồng hồ, song tôi định rời khỏi nhà từ trưa cho thư thả. Nhưng vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì tiếng chuông cửa vang lên.
Tôi mở cửa, một người đàn ông trông khá luộm thuộm vận áo màu xanh tím than ướt sũng mồ hôi đang ung dung đứng đó, nói giọng không mấy niềm nở, “Tôi ở bên chuyển phát đồ ạ.” Hình như chỗ đồ Sachiyo gửi cho tôi đã đến. Tôi cởi chiếc giày đang xỏ ở chân, đi lấy con dấu của mình.
Đồ gồm hai thùng các-tông to gấp đôi thùng đựng quýt. Nhìn cách dán băng dính trên thùng, có vẻ Sachiyo là người cẩn thận.
“Có vẻ nặng nhỉ,” tôi nhìn hai thùng hàng và nói.
“Khá nặng đấy. Toàn giấy tờ thì phải. Giấy tờ nhiều cỡ này thường nặng lắm.”
“Anh bê giúp tôi được không?”
“Vâng.”
Sau đó nhân viên chuyển phát giúp tôi bê thùng đồ vào trong phòng. Đúng là nặng thật. Như thể nhét toàn cục chì ở bên trong vậy.
Khi vừa chạm tay vào thùng thứ hai, tôi vô tình thấy thứ gì đó chuyển động.
Gì thế nhỉ?
Theo phản xạ, tôi quay mặt ra. Một vật thể nào đó như vừa khuất dạng sau góc rẽ của hành lang.
Tôi ngừng tay, nhìn về hướng đó thì bắt gặp ngay một gương mặt đang nhòm vào nhà mình, rồi thụt lại. Tôi chỉ kịp thấy người đó đeo kính. “Này anh ơi,” tôi nắm lấy cánh tay người chuyển phát.
“Hình như có ai đang đứng ở góc kia, lúc tới đây anh có thấy ai không?”
“Hả?”
Anh ta tròn xoe mắt nhìn về hướng đó. Và gật đầu kêu lên một tiếng "a" như thể vừa nghĩ ra điều gì.
“Có đấy. Một ông già trông không được bình thường cho lắm. Khi tôi xếp đồ lên xe đẩy, ông ta cứ nhìn chằm chằm vào chỗ đồ. Tôi lừ mắt thì ông ta quay mặt đi ngay.”
“Ông già ư?”
Tôi nhìn lại góc đó một lần nữa, rồi vội vàng xỏ chân vào đôi dép xăng đan để bên cạnh. Nhưng góc hành lang giờ đã không còn bóng người. Nhìn sang thang máy, thì thấy tín hiệu đang đi xuống.
Tôi quay lại phòng, Fuyuko đang đứng đợi với vẻ mặt lo lắng. “Sao rồi?”
“Chẳng có ai cả.”
Rồi tôi hỏi nhân viên chuyển phát về dáng dấp ông già ấy. Anh ta hơi nghiêng đầu.
“Trông ông ta cũng không có gì đặc biệt. Tóc trắng, cao bình thường. Ăn vận khá chỉnh chu với chiếc áo khoác màu nâu nhạt. Có điều lúc ấy chỉ nhìn thoáng qua nên tôi quên mặt rồi.”
Tôi cảm ơn, tiễn anh ta ra cửa, rồi đóng cửa sảnh ra vào lại. “Fuyuko không có người bạn nhiều tuổi nào đâu nhỉ.”
Nói ra rồi mới thấy thật là một câu đùa nhạt nhẽo. Fuyuko không trả lời câu hỏi đó, chỉ suy đoán với vẻ nghiêm túc, “Ông ta nhìn gì thế nhỉ?” “Nhìn chăm chăm vào nhà tớ thế, thì ắt phải có việc gì với tớ rồi.” Mà tôi cũng chẳng biết có thật ông già ấy nhòm ngó căn hộ của mình không nữa. Cũng có thể ông ta chỉ tình cờ ngang qua đây trong lúc đi dạo thôi. Dù chẳng mấy ai lại đi dạo trên cái hành lang chật hẹp của chung cư thế này cả.
“Thế còn chỗ đồ đạc to đùng này là gì đây?”
Fuyuko chỉ tay vào hai cái thùng các-tông và hỏi, nên tôi cũng giải thích về thứ bên trong thùng. Tiện thể nói luôn việc Niizato Miyuki sẽ đến đây hôm nay. Cô ấy sẽ đến vào buổi tối nên tôi buộc phải về nhà trước lúc đó.
“Vậy là quá khứ của Kawadu Masayuki cất hết trong này nhỉ.” Fuyuko nói vẻ chân thành. Khiến tôi háo hức muốn mở ngay hai thùng ấy ra, song lỡ hứa với Niizato Miyuki rồi, nên tôi đành nhẫn nhịn. Với lại, cũng đến giờ tôi phải đi rồi.
Lúc rời khỏi nhà, bước vào thang máy, tôi nghĩ bụng biết đâu ông già đó không phải nhìn ai, mà là nhìn đống đồ được chuyển tới nhà tôi?
Trên đường tới trung tâm thể thao, Fuyuko nói cho tôi biết vài thông tin về giám đốc Yamamori Takuya. Cô ấy bảo phải nắm được đôi chút về đối phương không thì hỏng hết việc, nên sáng nay đã gấp rút tìm hiểu.
“Bố vợ Yamamori Takuya là ông Yamamori Hidetaka. Đó là một gia đình trong tập đoàn Yamamori. Vị giám đốc Takuya ấy là con rể.” Tập đoàn Yamamori lớn mạnh chủ yếu nhờ vào công ty đường sắt, song gần đây họ cũng đã bắt đầu lấn sân sang cả lĩnh vực bất động sản. “Hồi sinh viên, Yamamori Takuya từng là vận động viên bơi lội, có thời gian còn tập luyện để thi đấu Olympic nữa. Anh ta học ngành khoa học thể thao ở trường đại học, rồi cao học, sau khi tốt nghiệp thì vào làm trong trung tâm thương mại Yamamori. Hồi ấy, trung tâm thương mại này đang chuẩn bị xây dựng trung tâm thể thao, cần nhiều nhân viên chuyên ngành, thành thử anh ta mới trúng tuyển. Và anh ta đã làm việc đúng như những gì công ty kỳ vọng. Những ý tưởng và kế hoạch của Takuya đều thành công, dù ban đầu đã lường trước thất bại nhưng trung tâm thể thao đó lại sinh lời lớn.”
Vậy là anh ta không thành công khi là vận động viên bơi lội, nhưng lại hết sức thành đạt với vai trò doanh nhân.
“Năm ba mươi tuổi, anh ta gặp con gái của ngài Yamamori Hidetaka, họ yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên và kết hôn ngay sau đó. Năm sau đấy, trung tâm thể thao tách riêng ra thành Sport Plaza. Tám năm sau, Yamamori Takuya được giao phó việc kinh doanh ở nơi này. Tóm lại anh ta đã được thăng chức làm giám đốc. Chuyện cũng mới xảy ra hồi năm ngoái thôi.”
“Một câu chuyện thành công như bước ra từ trong sách nhỉ,” tôi thẳng
thắn phát biểu cảm tưởng.
“Sau khi đảm nhiệm chức giám đốc, anh ta làm việc không biết mệt mỏi. Để quảng bá cho trung tâm, anh ta đi diễn thuyết ở khắp mọi nơi, gần đây còn học để lấy chứng chỉ phê bình thể thao và các vấn đề giáo dục nữa. Người ta kháo nhau anh ta đang muốn lấn sân sang giới chính trị.”
“Tham công tiếc việc thật,” tôi nói.
“Nhưng nghe nói anh ta cũng nhiều kẻ thù lắm.”
Khi đôi mắt cô ánh lên vẻ lo lắng cũng là lúc chuyến tàu điện chở chúng tôi đến nhà ga.
Yamamori Sport Plaza là một tổ hợp được trang bị đầy đủ cả phòng tập gym, phòng tập thể dục thẩm mỹ, phòng thể dục cá nhân, bể bơi trong nhà, lẫn sân tenis. Trên sân thượng của tòa nhà còn có chỗ để tập golf.
Tôi thông báo cuộc hẹn của mình với lễ tân tầng một, cô lễ tân với mái tóc dài bảo chúng tôi lên tầng hai. Tầng hai là khu tập thể dục thẩm mỹ và gym, nhưng sâu bên trong vẫn có văn phòng.
“Giờ mà kinh doanh kiểu thế này là kiếm lời nhất nhỉ,” Fuyuko nói lúc thang cuốn đang đi lên. “Đời sống của nhiều người giờ dư dả rồi. Muốn gì được nấy. Chỉ còn vấn đề làm sao để duy trì sức khỏe và thân hình đẹp thôi. Mà người Nhật mình còn nổi tiếng là không biết cách sử dụng thời gian rảnh nữa. Thành thử những chỗ như này sẽ khiến người ta yên tâm rằng mình đang dùng thời gian một cách hiệu quả.”
“Ra là vậy,” tôi gật đầu thán phục.
Đúng như lời cô lễ tân nói, tầng hai là khu thể dục thẩm mỹ và gym. Mặt sàn rộng song người lại đông như mắc cửi khiến ta không thể cảm nhận được tầng này rộng đến vậy. Ngay trước mặt là một người trung tuổi
mập mạp đang chiến đấu cam go với chiếc máy tập nâng cơ ngực, và đối diện đó là một cô đang chạy. Cô quấn khăn trên cổ, miệt mài chuyển động đôi chân, nhưng cơ thể lại không di chuyển chút nào về phía trước. Nhìn kỹ hóa ra cô đang chạy trên băng chuyền lớn, băng chuyền cứ quay tròn tròn, thế nên cơ thể mới không dịch chuyển.
Rồi có cả quý bà mập đang đạp xe. Đương nhiên đây không phải xe đạp bình thường, mà là xe được gắn cố định xuống sàn, chỉ có tấm kim loại đằng trước là quay tròn thôi. Bà cật lực vận động cái chân béo mũm như thể vận động viên của cuộc thi ba môn thể thao phối hợp. Nếu lắp máy phát điện vào cái xe này, dễ sẽ có đủ điện dùng cho cả một tầng.
Băng qua khu toàn người là người, với đầy mùi mồ hôi lẫn hơi thở nóng bức, chúng tôi đến trước phòng thể dục nhịp điệu. Một cửa sổ rất lớn bằng kính gắn ở bên ngoài, từ đó có thể quan sát quang cảnh bên trong. Ba, bốn người phụ nữ mặc áo nịt sặc sỡ đang nhảy theo huấn luyện viên.
“Tớ phát hiện ra việc này thú vị lắm,” tôi vừa đi vừa nói. “Chỗ này giống lớp học ở trường cấp ba quá. Càng những người ngồi gần giáo viên lại càng học giỏi.”
Tôi vừa nhìn phòng tập bên trái, vừa bước đi trên hành lang, cuối cùng cũng thấy một cánh cửa ở phía cuối. Tôi mở cánh cửa đó ra thì thấy có chục cái bàn xếp thành hai dãy, với số lượng người tương đương với số bàn đó, người đang đứng, kẻ đang ngồi. Trên bàn có máy tính, nếu chỉ nhìn qua thì sẽ không biết đây là văn phòng gì.
Trông ai cũng bận rộn, Fuyuko đến chỗ cô gái trông có vẻ điềm tĩnh ngồi ở ngay hàng đầu tiên, thông báo mục đích ghé thăm của mình. Cô khoảng trên dưới hai nhăm tuổi, tóc uốn xoăn nhẹ, mặc áo cánh màu xanh nhạt. Cô gái mỉm cười gật đầu, rồi nhấc ống nghe điện thoại ở bên cạnh,
ấn số gì đó. Rất nhanh sau đấy đối phương đã nhấc máy, cô thông báo về việc chúng tôi ghé đến.
Nhưng chúng tôi không được vào luôn. Cô quay sang nhìn chúng tôi, vẻ lo lắng.
“Xin lỗi, giám đốc chúng tôi có việc đột xuất, không thể gặp các vị ngay được. Có lẽ phải mất khoảng một tiếng ạ.”
Chúng tôi quay mặt nhìn nhau.
“À, với lại…”
Cô ấy e ngại nói tiếp, “Giám đốc cũng nói rằng trong thời gian chờ đợi, mong các vị có thể trải nghiệm cơ sở vật chất ở đây rồi cho ngài ấy biết cảm tưởng ạ.”
“Nhưng chúng tôi chẳng đem theo đồ gì hết.”
Nghe giọng điệu hoảng hốt của tôi, cô ấy gật đầu với vẻ mặt như thể đã hiểu.
“Đồ tập thể dục và quần áo tắm chúng tôi đều chuẩn bị sẵn rồi ạ. Đương nhiên, sau khi dùng xong, các vị có thể mang về.” Tôi nhìn Fuyuko, mặt tỏ vẻ khổ sở.
Mấy phút sau, tôi đã tung tăng dưới bể bơi trong nhà. Bộ đồ bơi này thoải mái thật. Đúng là hội viên có khác. Tôi không vục mặt xuống nước vì sợ trôi lớp trang điểm, nhưng chẳng bao lâu sau chúng tôi đã duỗi cả chân lẫn tay mà bơi trong làn nước, quên đi cái nóng bức của ngày hè.
Thay đồ xong, trang điểm lại, đi đến văn phòng thì cô gái ban nãy đã đứng đó tươi cười đón chúng tôi.
“Hai chị bơi thấy thế nào ạ?”
“Thoải mái lắm,” tôi đáp.
“Ngài giám đốc xong việc chưa ạ?”
“Vâng. Xin mời hai vị đi vào từ cánh cửa đằng kia ạ.”
Cô chỉ tay vào cánh cửa bên trong. Tôi nói cảm ơn, rồi đi về phía đằng ấy.
Tôi gõ cửa, giọng một người đàn ông đáp lại, “Mời vào.” Fuyuko vào trước, rồi tôi theo sau.
“Hoan nghênh hai vị.”
Chính giữa phòng là một cái bàn lớn trông có vẻ đắt tiền, người đàn ông đang ngồi ở bên kia chiếc bàn đứng dậy. Anh ta không cao lắm, bờ vai rộng, thật hợp với bộ vest màu xanh đen. Tóc mái rơi lơ thơ, làn da rám nắng khiến anh ta trông khá trẻ trung, nhưng người này dễ cũng phải trên bốn mươi rồi. Cặp lông mày rậm cùng đôi môi dày mang lại cho người ta ấn tượng về một kẻ hiếu thắng.
“Thành thật xin lỗi. Ban nãy tôi có chút việc đột xuất,” anh ta nói bằng giọng rất vang.
“Không có gì đâu ạ,” tôi đứng ngang hàng với Fuyuko, cúi đầu chào. Phía bên trái cũng có bàn, một cô gái trẻ vận vest màu trắng đang ngồi ở đó. Có lẽ cô ấy là thư ký. Đôi mắt cô xếch lên như mắt mèo, toát ra vẻ cứng cỏi.
Khi chúng tôi xưng tên, anh ta cũng đưa danh thiếp. Trên đó in dòng chữ Yamamori Sport Plaza - Giám đốc Yamamori Takuya.
“Đây là tác phẩm mới nhất của cô ấy.”
Fuyuko lôi từ trong túi ra quyển sách mới được xuất bản của tôi, đưa cho Yamamori.
“Ra là vậy.”
Anh ta ngắm nghía quyển sách từ đủ các góc như thể đang thưởng ngoạn một bình trà đẹp đẽ, sau cùng là nhìn bìa cuốn sách và gương mặt tôi.
“Lâu lắm rồi tôi mới thấy một quyển tiểu thuyết trinh thám. Ngày xưa tôi cũng đọc Sherlock Holmes, nhưng sau đó thì không đọc gì thêm.” Tôi không nghĩ ra lời nào để đáp lại nên đành im lặng. Đây không phải cuốn sách khiến tôi tự hào khuyên người ta đọc thử, nhưng bảo người ta đừng đọc thì cũng kỳ quặc.
Ở giữa phòng có bàn tiếp khách, Yamamori Takuya mời tôi cùng Fuyuko ngồi xuống đó. Bộ ghế xô-pha bọc da mang lại cảm giác vô cùng dễ chịu.
“Vậy, ngọn gió nào đã mang các vị tới đây nhỉ?” Yamamori hỏi giọng điềm đạm. Tôi trả lời rằng muốn lấy tư liệu từ trung tâm thể thao để viết sách, nên cần tìm hiểu về các quy định liên quan đến việc vận hành của trung tâm và chế độ hội viên. Câu trả lời này đã được tôi và Fuyuko thống nhất từ trước đó. Bởi nếu đột ngột đề cập đến anh Kawadu thì sẽ bị nghi ngờ ngay.
Tôi nghĩ được gì thì hỏi nấy, về cơ cấu tổ chức, việc vận hành của trung tâm. Yamamori Takuya lịch sự giải thích từng câu hỏi một, thi thoảng còn thêm chút bông đùa. Giữa chừng, cô thư ký bưng cà phê vào, nhưng sau đó thì rời khỏi phòng ngay. Có lẽ cô đã được lệnh phải rời khỏi chỗ ngồi.
Tôi nhấp một ngụm cà phê, lựa lúc thích hợp để đi vào vấn đề chính mà tôi thắc mắc.
“Nhân tiện tôi muốn hỏi, nghe nói gần đây anh có gặp anh Kawadu.” Trước câu hỏi đường đột, biểu cảm trên gương mặt Yamamori Takuya vẫn không hề thay đổi, anh ta mỉm cười hỏi lại, “Anh Kawadu Masayuki
ư?”
“Vâng,” tôi đáp, tôi có cảm giác ánh mắt người này nhìn mình đã thay đổi.
“Cô là người quen của anh Kawadu Masayuki à?” anh ta hỏi. “Vâng, tôi có quen sơ qua. Mà trong sổ lịch trình của anh ấy có ghi lịch gặp anh Yamamori.”
“Ra vậy,” Yamamori khẽ gật gù. “Anh ấy đã tới đây vào tuần trước, để phỏng vấn.”
Đúng là anh đã đến đây.
“Anh ấy đến phỏng vấn về vấn đề gì vậy ạ?”
“Về những thứ liên quan tới ngành thể thao,” anh ta nói rồi cười khẽ. “Nói đơn giản thì anh ấy đến tìm hiểu xem việc kinh doanh kiểu này thu lời thế nào. Và tôi trả lời rằng không kiếm được nhiều như mọi người nghĩ đâu.”
Yamamori dí dỏm nói, đoạn lấy một điếu Kent từ trong bao thuốc để trên mặt bàn, đưa lên miệng, sau đó dùng cái bật lửa trang trí bằng pha lê cũng đặt trên bàn châm lửa.
“Anh quen biết với anh Kawadu từ trước ạ?”
Anh ta nghiêng đầu, đưa ngón tay út bên trái đang cầm điếu thuốc lên gãi lông mày.
“Đúng vậy. Thi thoảng tôi cũng tập ở phòng gym, và gặp cậu ấy ở đó. Cậu Kawadu là một chàng trai rất được.”
“Vậy trong buổi phỏng vấn ấy, hai người cũng có nói chuyện phiếm chứ ạ?”
“Toàn chuyện phiếm thôi ấy.”
“Anh có nhớ là hai người đã nói chuyện gì không?”
“Toàn chuyện vớ vẩn thôi. Như chuyện về gia đình tôi, hay chuyện kết hôn của cậu ấy. Cậu ấy vẫn còn độc thân đấy, cô biết chứ?” “Tôi biết,” tôi đáp.
“Vậy à? Lúc đó tôi còn động viên cậu ấy phải nhanh chóng kiếm một cô nào tốt tốt đi.”
Anh ta nói vậy, hít một hơi thuốc thật sâu, rồi vừa thở ra làn khói trắng ngà, vừa cười. Tràng cười vừa dứt, lần này anh ta vặn ngược lại. “Mà cho tôi hỏi, cô đang làm gì vậy? Viết tiểu thuyết thì đâu cần mấy tư liệu thế này nhỉ.” Anh ta vẫn giữ vẻ mặt điềm tĩnh đó, không chút thay đổi, nhưng tôi nhận ra một tia áp bức xuyên qua ánh mắt sắc lạnh. Tôi cụp mắt xuống tránh ánh mắt ấy trong chốc lát, suy xét lại rồi ngẩng mặt lên. “Thật ra anh ấy mất rồi.”
Miệng Yamamori há hốc. Rồi hỏi: “Cậu ấy trẻ thế mà. Cậu ấy bị bệnh ư?”
“Không. Anh ấy bị sát hại.”
“Sao cơ?” Anh ta chau mày. “Cậu ấy mất khi nào?”
“Mới đây thôi.”
“Tại sao lại thành ra cơ sự như vậy chứ?”
“Tôi không biết,” tôi đáp.
“Một ngày nọ, cảnh sát tới tìm tôi và báo tin rằng anh ấy đã bị sát hại. Anh ấy bị đầu độc, bị đánh vào đầu, và vứt lại trên vịnh như người ta vứt một đống rác.”
Trong phút chốc anh ta dường như không nghĩ ra được lời nào để đáp lại.
Phải mất một lúc lâu, Yamamori mới mở miệng.
“Vậy ư? Tội nghiệp cậu ấy quá. Mới gần đây à? Tôi hoàn toàn không biết gì cả.”
“Chính xác là anh ấy bị sát hại vào buổi chiều hai ngày sau hôm gặp anh Yamamori.”
“Hả?”
“Lúc gặp anh, anh ấy có nói điều gì không?”
“Điều gì là sao?”
“Kiểu như ám chỉ mình sẽ bị người ta sát hại.”
“Không hề có chuyện đó,” giọng anh ta bỗng cao vút. “Nếu nghe được những lời như vậy, tôi sẽ không để cậu ấy ra về khi chưa hỏi rõ sự tình đâu. Tức là cậu ấy đã nói những lời như vậy ở đâu đó ư?”
“Không, không phải vậy.”
Đôi mắt Yamamori ánh lên những tia ngờ vực.
“Tôi chỉ hơi thắc mắc thôi,” tôi cố mỉm cười. Càng đi sâu vào chuyện này tôi sẽ càng bị nghi ngờ.
Sau đó anh ta mời chúng tôi tham quan trung tâm một lần nữa. Yamamori ấn chuông, gọi thư ký đang ở bên ngoài. Không lâu sau, cô thư ký xinh đẹp đã dẫn một cô gái cùng vào phòng. Chính là cô gái làm việc văn phòng đã giúp đỡ chúng tôi từ nãy tới giờ. Hình như cô ấy được giao nhiệm vụ giới thiệu cho chúng tôi.
“Các cô cứ từ từ tham quan nhé,” Yamamori Takuya nói khi chúng tôi chuẩn bị rời khỏi phòng.
Cô gái đưa cho chúng tôi tấm danh thiếp ghi tên Harumura Shiduko. Tôi và Fuyuko đi theo sau cô tham quan trung tâm.
Tại khu thể dục thẩm mỹ, chúng tôi được giới thiệu cho một người đàn ông trên dưới ba mươi tuổi đang làm huấn luyện viên trưởng ở đây, tên Ishikura. Ishikura trông như vận động viên thể hình, mà có khi đúng là vậy thật, với cơ bắp cuồn cuộn. Đã vậy anh ta còn mặc một chiếc áo phông mỏng tang như để khoe ra chỗ cơ ấy. Anh ta dường như cũng rất thành công trong việc gây dựng hình tượng người đàn ông với gương mặt ngọt ngào đúng gu của mấy cô trung tuổi, cùng mái tóc cắt ngắn mang lại vẻ gọn gàng.
“Cô đến lấy tư liệu để viết tiểu thuyết trinh thám à?”
Ishikura thẳng thừng ném cái nhìn dò xét về phía chúng tôi. “Tôi rất vui nếu được đọc truyện cô viết, nhưng truyện về huấn luyện viên bị sát hại thì chắc tôi xin phép.”
Tôi chẳng thấy vui vẻ gì, song dường như anh ta rất hài lòng với câu đùa của mình, còn phá lên cười hết mực vô duyên.
“Anh Ishikura là em trai của giám đốc.”
Sau khi rời khỏi sàn tập thể dục thẩm mỹ và gym, Shiduko mới nói với chúng tôi như vậy.
“Anh ta hình như cũng xuất thân từ trường thể thao đấy.” Tức họ thời độc thân của Yamamori Takuya là Ishikura à. Anh em nhà Ishikura hẳn phải rất khôn khéo khi ở dưới trướng gia tộc Yamamori. Trên đường đi tới sân tập tennis trong nhà, chúng tôi gặp hai người phụ nữ đang đi ngược hướng, Shiduko chào hỏi hai người ấy. Đó là một phụ nữ trung tuổi cùng một cô gái nhỏ nhắn, trông như học
sinh trung học. Có lẽ họ là mẹ con. Người phụ nữ mặc váy liền thân màu đen, trông cực kỳ quyền quý. Chị ta đeo cặp kính râm to hơn cả mặt, mắt kính màu tím nhạt. Gương mặt cô con gái trắng trẻo, đôi mắt trong veo, đang nhìn về phía lưng người phụ nữ nọ.
Người phụ nữ vừa chỉnh lại gọng kính, vừa hỏi Shiduko, “Anh Yamamori có ở trong phòng không?”
“Có ạ,” Shiduko đáp.
“Thế à.”
Người phụ nữ khẽ gật đầu, sau đó đưa mắt nhìn chúng tôi. Tôi và Fuyuko cũng cúi đầu chào, nhưng đối phương chỉ im lặng, nhìn Shiduko. “Dạ thưa bà, hai vị đây là…”
Shiduko vội vàng giới thiệu hai chúng tôi. Nhưng chị ta chẳng buồn thay đổi biểu cảm, chỉ đáp lại bằng giọng thờ ơ, “Cô vất vả rồi.” “Đây là phu nhân của giám đốc,” Shiduko giới thiệu chị ta với chúng tôi. Tôi đã đoán trước, nên chẳng ngạc nhiên, chỉ đại diện nói mấy câu cho phải phép.
“Giám đốc Yamamori đã rất thân thiện với chúng tôi.”
Chị ta không đáp lại, chỉ nhìn Shiduko và hỏi như để xác nhận lại lần nữa.
“Anh ấy ở trong phòng nhỉ?”
Đoạn tóm tay phải cô con gái, quàng vào tay trái mình, nói nhỏ, “Đi thôi con.” Cô con gái gật đầu.
Chị ta chậm rãi bước đi, cô con gái cũng theo sau. Hai người đó đi đến hành lang.
Chúng tôi nhìn theo họ, sau đó đi tiếp.
“Tiểu thư đó tên là Yumi,” Shiduko nói bằng giọng e dè.
“Đó là con gái của giám đốc Yamamori à?” Tôi hỏi, cô liền gật đầu. “Từ lúc sinh ra mắt cô ấy đã bị tật… Không hẳn là không nhìn thấy gì, nhưng dù đã phẫu thuật nhiều lần, thị lực vẫn không cải thiện.” Tôi không nghĩ ra lời nào để đáp lại nên đành im lặng. Fuyuko cũng chẳng mở miệng.
“Nhưng giám đốc bảo tiểu thư không được nhốt mình trong phòng, nên một tháng, cô ấy lại đến trung tâm vài lần để vận động.”
“Vì cô bé chịu thiệt thòi nên ông Yamamori lại càng yêu quý con hơn để bù đắp nhỉ,” Fuyuko nhận xét.
“Có lẽ chúng ta nên dừng nói về chuyện này ở đây,” giọng Shiduko như chứa đầy sức mạnh.
Không lâu sau chúng tôi đã tới sân tennis. Có hai phần sân chơi, mấy cô mặc quần soóc ngắn đang luyện tập đánh bóng với huấn luyện viên. Huấn luyện viên trông có vẻ bận rộn, vì không chỉ mỗi đánh bóng, người này còn liên tục bình luận mấy câu kiểu “Cú đánh đẹp lắm”, “Dùng thêm cả đầu gối đi”.
“A, tôi xin phép một chút,” Shiduko nói với chúng tôi, rồi chạy ra phía hành lang. Tôi nhìn theo, thì thấy một người đàn ông mặc quần áo bảo hộ đang dựa vào xe đẩy đợi cô ấy. Đó là một người to lớn, đeo cặp kính viền vàng trên gương mặt đen sì. Bộ ria mép dưới mũi khiến tôi càng chú ý. Khi cô ấy đến nơi, người đàn ông quay mặt về phía này và nói điều gì đó. Shiduko cũng vừa đáp lại, vừa liếc qua chỗ chúng tôi.
Không lâu sau đó, cô quay lại.
“Xin lỗi hai vị.”
“Nếu cô bận việc thì chúng ta dừng ở đây cũng được,” Fuyuko nói, nhưng cô ấy xua tay.
“Không có gì đâu ạ.”
Tôi nhìn người đàn ông mặc đồ bảo hộ. Anh ta đang đẩy cái xe đi trên hành lang. Rồi khi anh ta quay lại nhìn, mắt chúng tôi chạm nhau. Anh ta hốt hoảng nhìn sang hướng khác, nhanh chóng đẩy xe đi.
Sau đó nhờ Shiduko hướng dẫn, chúng tôi tới tham quan sân tập chơi golf, nhận rất nhiều tờ rơi, rồi mới rời trung tâm. Shiduko tiễn chúng tôi ra tận cửa.
2
~~~~~~~
Trên chuyến tàu điện ngầm trở về nhà, chúng tôi trò chuyện về cuộc viếng thăm trung tâm thể thao Yamamori.
“Tớ không dám khẳng định, nhưng hình như Yamamori Takuya có vẻ hơi khác thường nhỉ,” tôi nhận xét. “Kiểu như anh ta biết điều gì đó, và cố che giấu điều ấy vậy.”
“Nghe giọng điệu thì hình như anh ta không biết chuyện anh Kawadu bị sát hại,” Fuyuko tiếp.
“Nếu thế thì lạ quá. Dù không thân thiết, cũng không lý nào lại không biết chuyện một hội viên của trung tâm mình bị giết hại cả.” Fuyuko thở dài thay cho câu trả lời, rồi lắc đầu hai, ba lần. Đó là biểu cảm khi cô không thể đưa ra ý kiến nào cả.
Đương nhiên tôi cũng vậy.
Tạm biệt Fuyuko, tôi quay lại căn hộ của mình, đúng lúc chiếc điện thoại đặt ở góc làm việc đang reo. Vội vàng nhấc ống nghe, từ đầu dây bên kia vọng lại giọng nói chừng như tôi đã nghe ở đâu đó.
“Tôi là Niizato,” đầu dây bên kia nói.
Tôi gật đầu, đáp “Vâng.” Nhìn đồng hồ thì còn khá lâu mới đến giờ hẹn.
“Thật ra tôi không cần mượn tài liệu của anh Kawadu nữa.” Giọng cô như thể đang bực tức điều gì đó.
“Nghĩa là…”
“Hôm nay tôi đi tìm hiểu chuyện khác, tình cờ tìm thấy tài liệu mình cần. Xin lỗi vì đã làm phiền cô.”
“Vậy là cô sẽ không đến chỗ tôi nữa đúng không?”
“Vâng.”
“Vậy tôi mở thùng ra được chứ?”
“Vâng. Thành thật xin lỗi cô.”
“Tôi hiểu rồi,” nói đoạn tôi dập máy, và nhìn hai cái thùng các-tông đặt trong góc phòng. Chúng được đặt cạnh nhau ngay ngắn như hai anh em sinh đôi thân thiết vậy.
Tôi cởi đồ, thay sang bộ áo nỉ, rồi lấy một lon bia trong tủ lạnh ra uống. Ngồi xuống xô-pha, tôi ngắm nghía mấy thùng các-tông. Bên trên thùng các-tông có lẽ là mua của công ty vận chuyển in dòng chữ nổi bật Nếu muốn chuyển đồ, hãy gọi theo số xx.
Uống được nửa lon bia, tôi bỗng nhận ra một điểm lạ. Hai cái thùng tưởng chừng giống hệt nhau lại khác nhau một chút.
Đó là ở cách đóng gói.
So với thùng còn lại, thùng kia dán băng dính nhăn nhúm, trông thật cẩu thả.
Lạ thật đấy, tôi nghĩ.
Khi mấy thùng này được chuyển đến đây vào sáng nay, tôi vẫn nhớ cảm giác an tâm của mình với cách đóng gói cẩn thận thể hiện tính cách của Kawadu Sachiyo. Băng dính dán thẳng băng như căn bằng thước kẻ. Cả hai thùng đều như vậy, chắc chắn là thế.
Tôi uống cạn lon bia, rồi đi về phía hai thùng các-tông, cẩn thận xem xét chiếc thùng được dán băng dính một cách tạp nham. Nói xem xét cho hay, chứ thật ra tôi chỉ nhìn chăm chăm xung quanh thùng thôi.
Chỉ quan sát không thì cũng chẳng biết được gì cả, nên tôi quyết định bóc băng dính, mở thùng ra. Đồ bên trong nào sách, sổ, bút ký để lộn xộn như bị quăng vào thùng.
Tôi để nguyên thùng đó như vậy, mở nốt thùng còn lại. Đúng như tôi nghĩ, bên trong thùng này được sắp xếp rất gọn gàng. Giống như cách dán băng dính, cách sắp xếp này cũng thể hiện tính cách cẩn thận của Sachiyo.
Tôi lấy chai bourbon từ trong tủ, ném mình xuống ghế xô-pha. Rồi rót rượu vào ly, uống ực một hơi. Trái tim từ nãy vẫn đập loạn lên của tôi tạm thời đã bình tĩnh lại.
Khi định thần rồi, tôi với tay nhấc ống nghe, ấn số. Chuông reo ba lần, đầu bên kia nhấc máy.
“Hagio xin nghe,” là giọng của Fuyuko.
“Tớ đây,” tôi nói.
“À, có chuyện gì không?”
“Gay rồi.”
“Sao vậy?”
“Hình như có kẻ đột nhập vào nhà tớ.”
Fuyuko chừng như nín thở, một lúc lâu sau mới nói.
“Có bị mất trộm thứ gì không?”
“Có.”
“Mất gì vậy?”
“Tớ không biết.” Tôi vẫn áp ống nghe bên tai và lắc đầu. “Nhưng có lẽ là một thứ quan trọng.”
3
~~~~~~~
Ngày hôm sau, tôi đến nhà xuất bản mà Fuyuko đang làm việc để gặp biên tập viên Tamura - người tôi đã gặp ở đám tang. Đương nhiên người sắp xếp buổi gặp này là Fuyuko.
Chúng tôi gặp nhau ở sảnh của nhà xuất bản, rồi ba người cùng đi đến quán cà phê gần đó.
“Cô muốn biết về cô Niizato ư?”
Tamura khựng cánh tay đang nâng cốc cà phê, mở to đôi mắt đầy thiện cảm.
“Vâng, xin hãy cho tôi biết về cô ấy.”
“Nhưng mà bản thân tôi cũng không biết rõ lắm về cô ấy đâu. Tôi phụ trách anh Kawadu, chứ không phụ trách cô Niizato.”
“Anh cứ nói những điều anh biết thôi cũng được ạ,” Fuyuko ở bên cạnh nói chen vào. Ban đầu, người đề xuất việc nói chuyện với Tamura là cô ấy.
Hôm qua, sau khi gọi điện cho Fuyuko, tôi đã kiểm tra và thấy đồ đạc của mình không bị mất mát gì cả. Sổ tiết kiệm lẫn số tiền mặt ít ỏi vẫn còn nguyên. Dấu vết của kẻ đột nhập chỉ lưu lại ở phần đóng gói thùng các tông.
“Chắc hắn không nghĩ tớ lại nhớ cách đóng gói. Trông thế này thôi, chứ tớ quan sát tỉ mỉ lắm đấy,” khi nhận ra sự thay đổi trên thùng các-tông, tôi đã nói với Fuyuko như vậy.
“Cậu tài thật,” cô thán phục.
“Tức là tên hung thủ kia chỉ muốn lấy mấy thứ trong thùng các-tông nhỉ. Thế cậu có nghĩ ra manh mối gì không?”
“Tớ chỉ nghĩ đến duy nhất một điều thôi.”
Khi biết chỗ tài liệu của anh Masayuki bị xáo trộn, điều đầu tiên hiện lên trong đầu tôi là Niizato Miyuki - người vừa gọi điện thoại đến cho tôi ngay trước đó. Hôm trước, cô ta xông xáo muốn xem chỗ tài liệu đến vậy, mà đột nhiên lại gọi điện nói không cần nữa. Đương nhiên là tôi sẽ thấy lạ.
“Nghĩa là cô ta đã lấy cắp ư?” Fuyuko ngạc nhiên.
“Dĩ nhiên tớ không thể khẳng định. Nhưng lời nói và hành động của cô ta ngay từ đầu đã rất lạ rồi. Để lấy được chỗ tài liệu đó mà cô ta đã cất công tới dọn dẹp nhà anh Kawadu…”
“Nhưng cậu đã hứa sẽ cho cô ta chỗ tài liệu ấy rồi mà? Cần gì phải lấy cắp nữa chứ?”
“Nghiêm túc mà nghĩ thì đúng là như vậy,” tôi ngập ngừng, rồi dứt khoát nói. “Nhưng nếu chỗ tài liệu đó là thứ cô ta không thể cho người khác thấy thì sao? Nên cô ta mới lén lút lấy cắp nó.”
“Không thể cho người khác thấy?”
Fuyuko lặp lại lời tôi nói, ngẫm nghĩ một lúc lâu rồi mở to đôi mắt hình hạnh nhân.
“Cậu đang nghi ngờ cô ta giết anh Kawadu đấy à?”
“Cực kỳ nghi ngờ là đằng khác,” tôi thẳng thừng nói. “Nếu như giả thuyết của tớ đúng, thì ta hoàn toàn có thể nghĩ rằng anh Kawadu bị giết vì biết bí mật nào đó của cô ta.”
“Ra là cậu suy luận như vậy à?” Fuyuko khoanh tay, lại nhìn vào trong thùng các-tông.
“Nhưng lập luận cô ta đột nhập vào đây của cậu vấp phải hai bức tường lớn đấy. Một là làm sao cô ta biết trưa nay cậu đi vắng? Hai là cô ta vào trong bằng cách nào? Cậu đã khóa cửa cẩn thận đúng không?” “Ừ, đây là phòng kín,” tôi đáp.
“Vậy phải làm rõ điểm đó. Có lẽ cậu nên tìm hiểu đôi chút về cô Niizato ấy.”
“Cậu có cách gì không?”
“Có chứ.”
Rồi cô ấy nhắc đến cái tên Tamura.
Nhưng câu chuyện của Tamura không hề kích thích sự tò mò của tôi. Chuyện Niizato Miyuki là một nhiếp ảnh gia hoạt động trong nhiều lĩnh vực thì tôi thừa biết rồi, đó không phải điều tôi muốn hỏi. “Tôi muốn hỏi về công việc mà cô ấy và anh Kawadu đã làm chung với nhau,” tôi nói thẳng. “Họ đã cùng làm ký sự để đăng lên các tạp chí nhỉ?” “Đúng vậy. Nhưng như tôi đã nói, việc đó chẳng bao lâu sau thì bị gián đoạn.”
“Đúng là khi gặp ở đám tang, cô ta thừa nhận rằng mình và anh Kawadu
có nhiều điểm khác biệt.”
Lời nói của cô ta khiến tôi lưu tâm, nên vẫn còn nhớ rõ.
“Quả là cô ấy có nói vậy.” Tamura hình như cũng nhớ.
“Hay cô ấy muốn nói đó là lý do khiến việc kia bị ngừng lại?” “Không phải vậy đâu.” Tamura ngồi ngay ngắn lại trên ghế, người hơi nhoài về đằng trước. “Nội dung của những bài ký sự ấy không hề tệ. Phản hồi của độc giả cũng tốt. Nhưng khi họ đến lấy tư liệu ở đảo Y lần nào đó, thì đã gặp tai nạn. Cả anh Kawadu lẫn cô Niizato. Hình như sự khác biệt về quan điểm bắt đầu từ lúc đó.”
“Gặp tai nạn ư?”
Đương nhiên đây là lần đầu tiên tôi nghe đến chuyện này. “Tai nạn lật thuyền,” Tamura nói. “Tôi nghe bảo một người quen nào đó của anh Kawadu đã lên kế hoạch du lịch đảo Y bằng thuyền. Nhóm Kawadu cũng tham gia chuyến đi ấy, nhưng trên đường đến đảo, thời tiết xấu nên thuyền đã bị lật.”
Tôi không tài nào tưởng tượng nổi tình thế lúc đó.
“Thiệt hại có lớn không?”
“Có mười một người trên thuyền, một người đã thiệt mạng. Những người còn lại trôi dạt đến hòn đảo hoang gần đó và được cứu sống. Khi ấy anh Kawadu bị thương ở chân, rồi kể từ đấy những bài ký sự cũng bị ngừng lại hết.”
Tôi chưa từng nghe chuyện này.
“Thế anh Kawadu có viết về chuyến đi ấy không? Nó thích hợp để làm tư liệu về tai nạn hơn là ký sự nhỉ,” Fuyuko lên tiếng.
“Anh ấy không viết,” Tamura thì thào đáp. “Bên nhà xuất bản có nhờ
anh ấy viết bài, nhưng anh ấy từ chối. Hình như anh ấy lấy lý do là lúc đó mình đã bị mất ý thức, nên không nhớ được gì nhiều. Mà có lẽ bản thân anh ấy cũng không muốn đăng chuyện mình gặp nạn lên báo.”
Vô lý quá, tôi nghĩ. Một khi làm nghề viết lách, không ai lại bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời này cả, cho dù bản thân mình là người gặp nạn. Trước tiên là chẳng cần đi lấy tin mà đã có cơ hội trải nghiệm, lại có thể viết ra tiếng nói chân thực của bản thân.
“Tóm lại là do tai ương lần đó, nên chuỗi ký sự đã bị ngừng lại.” Không phải việc của công ty mình có khác, Tamura nói với tâm trạng vô cùng thoải mái.
“Nhân tiện cho tôi hỏi, tour đi biển này do công ty du lịch nào tổ chức vậy?”
Tamura nhẹ nhàng đáp lại câu hỏi của tôi, “Không phải tour của công ty du lịch đâu. Nghe đâu là kế hoạch du lịch của một trung tâm thể thao ở trong thành phố. Tên trung tâm đó là gì thì tôi quên mất rồi.” “Lẽ nào,” tôi liếm môi, “là Yamamori Sport Plaza ư?”
Lập tức Tamura gật đầu, mặt anh ta như thể vừa gỡ được cái xương dăm mắc trong răng hàm.
“Đúng rồi, hình như là cái tên đó.”
“Ra là vậy,” tôi và Fuyuko nhìn nhau.
Sau đó chỉ mình Tamura quay về công ty, còn tôi và Fuyuko vẫn nán lại quán cà phê, gọi thêm ly nữa.
“Tớ lại thắc mắc điểm này,” tay chống cằm, tôi nói.
“Trước khi bị sát hại, anh Kawadu đã gặp Yamamori Takuya. Anh ấy còn cùng Niizato Miyuki tham gia chuyến du lịch bằng thuyền của Yamamori Sport Plaza.”
“Ý cậu là có bí mật gì đó trong vụ tai nạn ấy?”
“Tớ không biết nữa,” tôi lắc đầu.
“Nhưng nếu đúng vậy, thì có khi nào chỗ tài liệu bị đánh cắp trong nhà tớ là viết về vụ tai nạn ấy không? Và thứ Niizato Miyuki muốn cũng là tài liệu ấy.”
“Và anh Kawadu bị giết hại là vì những điều viết ở trong đấy.” “Việc đó xét cho cùng chỉ là suy đoán của tớ thôi. Fuyuko là người hiểu rõ nhất những suy đoán nóng vội của tớ mà.”
Trước sự lém lỉnh của tôi, Fuyuko chỉ cười rồi lại ngay lập tức đăm chiêu.
“Nghĩa là những bí mật của vụ tai nạn đó liên quan đến Niizato Miyuki nhỉ.”
“Không chỉ mỗi cô ta đâu,” tôi bắt tréo chân, và khoanh tay lại. “Anh Kawadu đã gặp Yamamori Takuya, nên tớ nghĩ anh ta cũng liên quan gì đó.”
“Không phải anh ta bảo đó chỉ là cuộc phỏng vấn bình thường à.” “Vì anh ta đang che giấu điều gì đó,” tôi tạm ngừng lời, rồi lại tiếp tục. “Có lý do khiến họ phải che giấu.”
“Họ là ai cơ?”
“Điều đó thì vẫn còn là ẩn số,” tôi thẳng thừng.
Hôm đó, lúc trở về căn hộ, tôi vội vàng lật ngược thùng các-tông lên, kiểm tra xem suy đoán của mình có chính xác không. Những tài liệu liên quan đến ký sự mà anh Kawadu thực hiện vào năm ngoái hầu hết đều nằm trong hộp, riêng tài liệu liên quan đến chuyến đi biển ấy thì dù tôi có tìm thế nào cũng không thấy.
Chuyến đi ấy đã xảy ra chuyện gì đó ngoài việc họ gặp phải tai nạn, và có người không muốn chuyện ấy được công bố. Niizato Miyuki cũng là một trong số những người đó.
Vấn đề là làm cách nào để tìm ra được điều ấy, tất nhiên tôi và Fuyuko đã quyết định phương án hành động.
Trước bữa tối hôm ấy, Fuyuko gọi điện cho tôi. Giọng cô nghe như đang phấn khích, dù không quá nhiều.
“Tớ hẹn được Niizato Miyuki rồi đấy.”
“Cậu vất vả quá,” tôi cảm kích. “Cậu viện lý do gì vậy?”
“Tớ nói sự thật thôi. Rằng muốn hỏi về anh Kawadu.”
“Cậu có thấy cô ta đề phòng không?”
“Nói qua điện thoại nên tớ không rõ lắm.”
“Thế à?”
Giờ chỉ cần tìm cách để cô ta nói ra sự thật. Ánh mắt kiên cường của cô ta hiện lên trong đầu khiến tôi hơi nản lòng.
“Hai đứa mình hiệp sức dồn ép biết đâu cô ta lại nói.”
Nghe tôi nói vậy, Fuyuko đáp lại bằng giọng trầm ngâm, “Thế không được đâu.”
“Sao lại không được?”
“Vì cô ta đã ra điều kiện. Rằng chỉ muốn gặp một mình cậu thôi.” “Mình tớ ư?”
“Ừ. Đó là điều kiện của cô ta.”
“Cô ta có ý đồ gì vậy?”
“Tớ không biết. Chắc cô ta nghĩ nếu một mình cậu đến thì có thể tin được.”
“Nhẽ nào lại vậy?”
“Tóm lại đó là yêu cầu của cô ta.”
“Hừm…” Tôi vẫn cầm ống nghe, mải nghĩ ngợi xem rốt cuộc việc này là thế nào. Hay Niizato Miyuki sẽ nói cho tôi nghe về bí mật đó nhỉ? “Tớ hiểu rồi,” tôi nói với Fuyuko. “Tớ sẽ đi một mình. Thời gian và địa điểm thế nào vậy?”
4
~~~~~~~
Ngày hôm sau, tôi rời khỏi nhà sớm để tránh bị muộn giờ hẹn. Chúng tôi hẹn gặp nhau ở quán cà phê trong khu Kichijoji lúc hai giờ. Nghe Fuyuko nói căn hộ của Niizato Miyuki ở gần khu ấy.
Không gian quán vô cùng yên tĩnh với những chiếc bàn gỗ tự đóng mộc mạc xếp ngay ngắn. Chính giữa quán đặt một cái cây bằng nhựa trông hơi lạc quẻ. Ánh sáng mờ mờ, đúng là một nơi thích hợp để thong thả nói chuyện.
Cô phục vụ mặc váy bó màu đen cùng bộ tóc tém lại gần chỗ tôi, tôi gọi
trà quế.
Tôi có thói quen bỏ đồng hồ vào trong túi xách chứ không đeo, nên phải nhìn quanh quán tìm đồng hồ xem giờ. Trên tường treo một chiếc đồng hồ kiểu cổ, kim đồng hồ chỉ gần hai giờ.
Cô bé phục vụ mang trà đến, khi tôi nhấp được hai, ba ngụm thì đồng hồ vừa điểm đúng hai giờ.
Tôi ngắm vật dụng trong quán, thêm năm phút nữa trôi qua, nhưng Niizato Miyuki vẫn chưa xuất hiện. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành vừa nhấp từng chút trà, vừa nhìn ra phía cửa ra vào. Đến khi cốc trà đã hết nhẵn, kim đồng hồ chỉ thêm mười phút nữa, vẫn không thấy bóng dáng Miyuki đâu.
Tôi bắt đầu có linh cảm chẳng lành.
Tôi đứng dậy, đến chỗ chiếc điện thoại ở quầy tính tiền, bấm số điện thoại của Miyuki mà Fuyuko đã cho tôi. Chuông điện thoại reo hai, ba lần. Nghĩ chắc không ai nhấc máy, tôi toan gác ống nghe thì đúng lúc ấy điện thoại được kết nối.
“A lô”, là giọng một người đàn ông.
“Đây có phải nhà cô Niizato không ạ?” Tôi căng thẳng hỏi. “Đúng rồi,” người đàn ông đáp. “Cô là?”
Tôi xưng tên mình, rồi hỏi xem Niizato có nhà không. Người đàn ông im lặng một lát, rồi nói bằng giọng vô cảm, “Rất tiếc, cô ấy mới qua đời rồi.”
Lần này tới phiên tôi im lặng.
“Cô có đang nghe không đấy?”
“À vâng… Xin hỏi anh nói cô ấy mất rồi, chuyện là thế nào vậy ạ?”
“Cô ấy bị giết,” người đàn ông tiếp tục. “Họ vừa mới tìm thấy thi thể cô ấy xong.”
ĐỘC THOẠI 2
Khi biết thân phận thật của tôi, cô ta nói xin lỗi. Rằng cô ta không thể làm gì khác, và đó là sự thực.
Tôi im lặng nhìn cô ta. Cô ta có vẻ mất bình tĩnh, rồi nhanh chóng đứng dậy. Cô ta nói mình sẽ đi pha trà, và cố tránh ánh mắt tôi.
Nhân lúc cô ta không đề phòng, tôi đã tấn công từ sau lưng. Lạ lùng thay tôi không có cảm giác gì.
Cứ như tôi đang nghiền nát hộp diêm thôi.
Cô ta mềm nhũn đổ nhào xuống, sau cùng chỉ còn là một tảng thịt khó coi. Tôi có cảm giác thời gian như ngừng lại, xung quanh tôi chỉ có sự yên ắng bủa vây.
Vài giây sau tôi cứ đứng chôn chân ở đó, rồi nhanh chóng dọn dẹp. Đầu óc tôi tỉnh táo đến mức đáng sợ.
Dọn dẹp xong, tôi nhìn xuống cô ta.
Quả thật cô gái này biết câu trả lời. Chỉ là cô ta đã ranh mãnh che giấu nó dưới cái tên yếu đuối.
Ngọn lửa căm hờn trong tôi không hề biến mất.
3
CÔ GÁI MẤT TÍCH VÀ
NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐÃ CHẾT
1
~~~~~~~
Căn hộ của Niizato Miyuki ở gần nhà ga, tòa nhà trông khá mới. Phòng cô ấy ở tầng năm.
Ra khỏi thang máy, tôi bắt gặp một dãy cánh cửa quay mặt ra hành lang, nhưng tôi biết ngay cánh cửa nào dẫn tới phòng cô ấy. Bởi những người đàn ông nhìn đã biết là cảnh sát với dáng vẻ oai nghiêm đang đi tới đi lui qua cánh cửa ấy.
Khi tôi đến gần cánh cửa, một cậu cảnh sát mặc đồng phục trông có vẻ ít tuổi hơn tôi nhanh chóng tiến lại và nghiêm nghị hỏi tôi đến đây có việc gì.
Không chịu kém cạnh anh ta, tôi nói thật rõ ràng rằng tôi đến đây do người đàn ông nói chuyện với tôi qua điện thoại lúc nãy yêu cầu, thì anh ta bối rối và bước vào trong phòng.
Rồi ngay sau đó, thay vì cậu cảnh sát hợm hĩnh, một vị trung niên khá đẹp trai, gương mặt sắc nét bước ra. Anh ta xưng tên là Tamiya ở Đội điều tra số Một. Nghe giọng tôi đoán anh ta chính là người ban nãy đã nói chuyện với mình trên điện thoại. Cảnh sát Tamiya dẫn tôi tới tận chỗ chiếu
nghỉ của cầu thang.
“Ồ, cô viết tiểu thuyết trinh thám ư?” Vị cảnh sát ngạc nhiên nhìn tôi. Giọng điệu anh ta ẩn chứa cả sự hiếu kỳ. “Vậy chúng tôi phải điều tra cho hẳn hoi rồi, không lại thành trò cười của cô mất.” Thấy tôi dửng dưng im lặng, anh ta mới thôi đùa cợt, nghiêm nghị hỏi, “Cô có hẹn với nạn nhân lúc hai giờ hôm nay nhỉ?”
“Vâng.”
“Xin thứ lỗi, nhưng hai người có quan hệ thế nào vậy?”
“Tôi quen cô ấy qua người yêu mình.”
Đó không phải lời nói dối.
“Ra thế,” nói rồi vị cảnh sát e ngại nhìn tôi, “Có thể cho tôi biết tên người yêu cô được không?”
“Anh ấy là Kawadu Masayuki,” tôi đáp. “Anh ấy là nhà văn tự do. Nhưng mới mất gần đây. Và cũng bị sát hại.”
Cái tay đang quay bút của cảnh sát Tamiya đột nhiên dừng lại. Miệng anh ta mở to như đang ngáp.
“Anh ấy là nạn nhân của vụ án ấy sao?”
“Đúng vậy,” tôi gật đầu.
“Vậy à?”
Cảnh sát Tamiya bỗng đăm chiêu cắn môi, rồi gật mạnh đầu ba lần. “Vậy việc cô hẹn gặp nạn nhân hôm nay cũng liên quan đến vụ án đó ư?”
“Không hẳn là vậy. Tôi đang giữ đống tài liệu công việc của anh Kawadu, nên định cho cô Niizato nếu cô ấy cần.”
Tôi nói câu trả lời mà mình đã chuẩn bị sẵn trước khi tới đây.
“Ra thế, tài liệu à?”
Vị cảnh sát chau mày, ghi chép điều gì đó vào sổ tay.
“Ngoài việc đó ra, cô có quan hệ cá nhân với Niizato Miyuki không?” “Không, tôi cũng chỉ gặp cô ấy ở đám tang của anh Kawadu thôi.” “Buổi hẹn hôm nay là do ai đề xuất?”
“Là tôi đề xuất.”
“Cô hẹn cô ấy từ khi nào?”
“Hôm qua. Tôi hẹn gặp cô ấy qua một biên tập viên mà tôi quen biết.” Tôi nói tên và số điện thoại của Fuyuko cho cảnh sát.
“Tôi hiểu rồi. Vậy chúng tôi sẽ thử liên lạc với cô Hagio Fuyuko.” “Nhân tiện cho tôi hỏi, cô Niizato bị giết khi nào vậy?” Tôi nhìn gương mặt nghiêng sắc nét của cảnh sát Tamiya và hỏi.
Anh ta hơi nghiêng đầu, rồi đáp, “Theo kết quả giám định, cô ấy cũng mới bị giết cách đây chừng một, hai tiếng thôi…”
“Cô ấy bị giết như thế nào vậy ạ?”
“Đầu.”
“Đầu sao?”
“Có vẻ cô ấy bị một vật trang trí bằng đồng đập vào gáy. Cô có muốn xem hiện trường không?”
“Tôi xem được ư?”
“Lần này tôi đặc cách.”
Trong phòng, các chuyên gia giám định và cảnh sát đang hối hả làm việc. Tôi len lỏi đi theo sau cảnh sát Tamiya.
Bước vào sảnh ra vào, tôi bắt gặp một phòng khách rộng cỡ mười hai
chiếu, phía bên kia phòng có giường. Trong phòng khách để chiếc bàn bằng kính, trên bàn đặt một cốc trà. Ở góc phòng là bếp, trong bồn vẫn để vài bộ bát đĩa chưa kịp rửa.
Trong phòng, mùi vị cuộc sống vẫn còn lưu cữu, chỉ có thời gian là ngưng đọng.
“Người phát hiện thi thể là một cô bạn của nạn nhân. Bình thường cô ấy hay ghé chơi, hôm nay thấy cửa mở, nên cô ấy đã tự ý vào và thấy Niizato chết ở trên giường. Cô ấy quá sốc, hiện đang ngủ rồi.”
Thật đáng thương, tôi lẩm bẩm.
Khi tôi len khỏi mấy cảnh sát, ra khỏi chung cư ấy, thì bên ngoài trời đã tối. Những bóng đèn đường treo trên cột cách đều nhau chiếu sáng con đường dẫn tới ga. Tôi bước dưới ánh đèn, ghé vào một trạm điện thoại mình bắt gặp. Giờ này chắc chắn Fuyuko đang ở nhà.
“Cậu có gặt hái được thông tin gì không?” Vừa nghe giọng tôi, cô ấy đã hỏi vậy. Hẳn là cô ấy nghĩ tôi đã nói chuyện với Niizato Miyuki đến tận giờ.
“Cô ta bị giết rồi,” tôi nói. Tôi chẳng tìm được lời hoa mỹ nào để mà vòng vo.
Thấy cô im lặng, tôi bèn nói tiếp.
“Cô ta bị sát hại. Đầu bị đập mạnh… Đến giờ hẹn mà mãi không thấy cô ta xuất hiện, tớ gọi điện thì cảnh sát nghe máy. Cậu có nghe không đấy?”
Fuyuko đáp lại “ừ” rồi im lặng một lúc lâu. Tôi hình dung ra gương mặt của cô lúc này.
Cuối cùng cô ấy cũng lên tiếng.
“Biết nói sao nhỉ… Tìm từ thích hợp cho những trường hợp như này khó quá.”
“Cậu đến nhà tớ được không?” Tôi đề xuất. “Tớ nghĩ chúng ta cần phải trao đổi khá nhiều việc.”
“Có vẻ như vậy nhỉ,” giọng cô u ám.
Một giờ sau đó, chúng tôi ngồi đối diện nhau, uống rượu bourbon. “Thế là rõ rồi,” tôi mở lời. “Chúng ta đã đến muộn. Và kẻ địch đã nhanh hơn chúng ta một bước.”
“Thế kẻ địch là ai?”
“Tớ không biết.”
“Cậu có nói cho cảnh sát nghe về vụ đắm tàu không?”
“Tớ không nói. Tại chưa có gì chắc chắn, với lại lần này tớ muốn tự tìm hiểu xem sao. Thật ra tớ cũng đã nói đại lý do hẹn gặp Niizato khi cảnh sát hỏi.”
“Thế à?”
Fuyuko như đang suy nghĩ gì đó, đôi mắt cô nhìn xa xăm. “Tóm lại là chúng ta phải điều tra vụ đắm tàu hồi năm ngoái,” nghe tôi nói vậy, cô đặt cốc xuống, rồi nói.
“Trước khi đến đây, tớ đã tìm hiểu một chút về vụ ấy,” đoạn lấy tờ giấy từ trong túi xách ra.
Đó là bản phô tô của một bài viết trên báo. Nội dung tóm tắt bài báo đó như sau, khoảng tám giờ tối ngày mùng một tháng Tám, con tàu thuộc sở hữu của Yamamori Sport Plaza đang trên đường đến đảo Y thì bị sóng đánh chìm. Mười trong số mười một người trên tàu đã dạt vào hòn đảo hoang
gần đó bằng thuyền cao su, rồi được một tàu cá đi ngang đó vào sáng hôm sau cứu, người còn lại bị va vào bãi đá gần đó nên tử vong. Người tử vong là Takemoto Yukihiro, ba mươi hai tuổi, hành nghề tự do ở Toshima, Tokyo.
“Phải điều tra về những việc xảy ra khi ấy nhỉ. Như tớ có nói, tớ nghĩ những bí mật ấy được viết trong chỗ tài liệu của anh Kawadu đã bị lấy cắp,” tôi vừa tăng nhiệt độ điều hòa vừa nói. Mải mê trò chuyện, phòng đã lạnh cóng như trong tủ lạnh từ lúc nào.
“Có khi nào những người muốn bảo vệ bí mật đó sẽ lần lượt bị giết hại không?”
“Tớ không biết. Có lẽ vậy. Nhưng Niizato Miyuki là người muốn che giấu bí mật đó. Và nếu Yamamori Takuya cũng liên quan đến vụ tai nạn, thì ắt hẳn anh ta cũng vậy.”
Fuyuko nhún vai, rồi nói, “Đúng vậy nhỉ. Cụ thể cậu định làm gì? Nếu muốn liên hệ với Lực lượng bảo vệ bờ biển thì tớ có thể giúp.” “Ừm.” Nhưng tôi cũng nghĩ bụng, cho dù đã xảy ra chuyện gì, một khi những người liên quan đến chuyện đó muốn giữ bí mật, thì sẽ không bao giờ bí mật ấy được công khai trong bất cứ giấy tờ nào. “Có khi hỏi thẳng những người liên quan thôi.”
“Nghĩa là cậu muốn gặp Yamamori Takuya lần nữa ư?” Gương mặt Fuyuko không chút hào hứng.
“Dù chúng ta có gặp bao nhiêu chăng nữa, mà không có biện pháp nào để đối phó, thì anh ta sẽ chỉ thoái thác thôi. Nên hãy thử tiếp cận những người khác cũng tham gia chuyến đi đó xem.”
“Vậy trước tiên phải tìm tên và địa chỉ của những người đó.”
“Không sao. Tớ có đây rồi,” nói đoạn tôi nhấc tấm danh thiếp ở bên cạnh lên.
Tấm danh thiếp này Harumura Shiduko đã đưa cho tôi hôm tôi đến trung tâm thể thao.
2
~~~~~~~
Quá trưa hôm sau, tôi lại đến Yamamori Sport Plaza. Bước vào quán giải khát ở tầng một, gọi soda chanh xong, tôi điện cho Shiduko. Cô ấy nói sẽ đến ngay, và đúng chỉ trong vòng năm phút đã có mặt.
“Xin lỗi vì đã nhờ cô chuyện phiền phức này,” cô vừa ngồi xuống ghế, tôi cúi đầu nói. Trước khi tới đây, tôi đã nhờ cô chuẩn bị giúp danh sách những thành viên tham gia chuyến du lịch bằng tàu ấy. Vì cô nói tầm này năm ngoái còn chưa làm việc ở đây, nên tôi khá băn khoăn không biết cô có giúp được không.
“Có gì phiền phức đâu ạ. Tôi chỉ in nội dung nhập sẵn trong máy tính ra thôi mà. Nhưng sao cô lại cần thứ này?”
Shiduko nở nụ cười hệt như lần gặp trước, và đặt lên bàn tờ giấy mới in ra.
“Tôi định dùng nó làm tư liệu viết cuốn tiểu thuyết mới. Nếu được, tôi muốn tận tai nghe chuyện của những người đã gặp nạn trong vụ ấy.” “Vậy à? Cứ phải nghĩ ra hết cốt truyện này đến cốt truyện khác đúng là mệt nhỉ.”
“Vâng, đúng đấy ạ.”
Tôi cười khổ, với tay lấy tờ danh sách.
Trong đấy là tên và địa chỉ của mười một người. Đầu danh sách là giám đốc Yamamori Takuya, phu nhân Masae, rồi đến Yumi.
“Yumi là cô bé bị khiếm thị đó ư?” Nghe tôi hỏi, Shiduko gật đầu thật mạnh như thể đang mong chờ câu hỏi này.
“Giám đốc luôn dạy con theo phương châm đừng mong được đối xử đặc biệt trong bất kể hoàn cảnh nào. Ngài ấy nói dù mắt không nhìn thấy biển nhưng được tiếp xúc với biển thì nhất định cũng sẽ có một ý nghĩa nào đó.”
“Ra thế.”
Mắt tôi nhìn vào tờ danh sách. Trong đây cũng có tên của anh Kawadu Masayuki và Niizato Miyuki. Tôi cũng thấy tên của người đã chết, từng được đăng trong bài viết trên báo - Takemoto Yukihiro. Ngoài ra, còn có Murayama Noriko - thư ký của Yamamori Takuya, Ishikura - huấn luyện viên trưởng.
“Cô thư ký cũng tham gia chuyến đi này sao?”
“Vâng. Mẹ của cô Murayama là chị gái của phu nhân giám đốc, họ đều có quan hệ họ hàng.”
Nghĩa là cô ta là cháu gái Yamamori Takuya.
“Còn người có tên Kanei Saburo này, theo như trong đây thì cũng làm ở trung tâm à?”
Cạnh tên Kanei Saburo có dấu ngoặc đơn, trong đó ghi chữ: nhân viên. “Vâng, người này làm những việc hỗ trợ như bảo dưỡng máy móc…” Giọng Shiduko bỗng trầm lại, chắc thấy khó hiểu với hành động của tôi. “Người này cũng là họ hàng của giám đốc Yamamori ư?”
“À không. Anh ấy chỉ là nhân viên thôi.”
“Vậy à?” Tôi gật gù. Nếu không phải người thân của giám đốc, có lẽ tôi sẽ dễ khai thác thông tin hơn.
“Tôi muốn nói chuyện với người này, cô có thể thu xếp giúp tôi gặp mặt luôn được không?” Tôi ướm thử.
“Vâng, ngay bây giờ sao?”
“Vâng, tôi có chuyện này rất muốn hỏi anh ấy.”
Shiduko có vẻ do dự, nhưng sau vẫn đáp, “Tôi hiểu rồi, vậy cô chờ tôi một lát nhé,” rồi đứng dậy. Tiếp nữa cô ấy đi đến chỗ quầy thanh toán, gọi điện thoại đi đâu đó.
Cô nói chuyện trong vài phút, sau đấy thì vừa cười hớn hở, vừa quay lại chỗ tôi.
“Người đó sẽ đến ngay ạ.”
“Xin lỗi vì đã làm phiền cô,” tôi cúi đầu.
Vài phút sau, một người đàn ông mặt đầy râu ria, mặc quần áo bảo hộ cộc tay xuất hiện. Tôi thấy người này quen quen. Chính là người đã gọi Shiduko ra lúc tôi đến tham quan trung tâm lần trước, sau đó còn dò xét tôi mãi.
Tôi có linh cảm chẳng lành. Nhưng cũng không thể cứ thế mà rút lui được.
Kanei ngập ngừng ngồi xuống bên cạnh Shiduko. Rồi nhìn tấm danh thiếp tôi đưa thật lâu tới mức khiến tôi khó chịu. Khi nhìn vùng quanh mắt anh ta, tôi mới nhận ra người này còn khá trẻ.
“Tôi vào thẳng vấn đề luôn nhé, có phải anh Kanei đã tham gia chuyến du lịch bằng thuyền năm ngoái không ạ?”
“Vâng,” anh ta đáp. Giọng nói nhẹ, xem chừng đang căng thẳng. “Vậy thì sao ạ?”
“Có phải anh đã gặp tai nạn không?”
“… Vâng.” Gương mặt Kanei Saburo hiện rõ sự bối rối.
“Nghe nói thời tiết xấu nên tàu bị lật ạ?”
“Vâng.”
“Mọi người không xem thời tiết trước ư?”
“Chúng tôi biết thời tiết không tốt. Nhưng giám đốc vẫn chỉ thị mọi người xuất phát.”
Ý anh ta chắc là mọi người đều đã đồng thuận.
“Lịch trình của chuyến đi hôm đó thế nào vậy ạ?” Tôi hỏi. “Hai ngày một đêm. Theo kế hoạch chúng tôi sẽ đi từ Yokohama đến đảo Y, rồi về vào ngày hôm sau.”
“Vụ tai nạn xảy ra trên đường đi nhỉ?”
“Vâng.”
“Theo bài viết trên báo, thì những người có mặt trên tàu đã trôi dạt vào đảo hoang gần đó và được cứu.”
“Khi đó,” Kanei gãi gãi gương mặt râu ria, “chúng tôi đã may mắn được cứu sống.”
“Nhưng một người trong đoàn đã mất mạng nhỉ. Người tên Takemoto Yukihiro ấy.”
Lập tức anh ta nhắm mắt, khẽ gật đầu.
“Tại sóng dâng cao khiến tầm nhìn bị hạn chế.”
“Anh Takemoto là người quen của anh Kanei à?”
“Không phải,” Kanei Saburo vội vàng lắc đầu. Phản ứng này của anh ta khiến tôi chú ý.
“Vậy anh ta có quan hệ thế nào mà được tham gia chuyến đi này? Theo như danh sách, thì anh ta không phải hội viên của trung tâm.” “Cái này thì… tôi nghĩ ai đó đã giới thiệu anh ta,” Kanei Saburo rút điếu thuốc, vội vàng hút.
Tôi nhìn sang Shiduko đang ngồi bên cạnh nghe từ nãy đến giờ, và hỏi. “Cô Harumura có biết anh Takemoto này không?”
Đúng như tôi nghĩ, cô ấy lắc đầu bảo không biết. Cũng phải thôi, một năm trước cô ấy còn chưa làm ở đây mà.
Tôi quay lại phía Kanei Saburo.
“Tôi muốn biết chi tiết hơn về những việc xảy ra sau khi anh đến đảo hoang.”
“Những việc trên đảo ư? Cũng chẳng có gì đâu. Chúng tôi chỉ tránh mưa bão trong hang, và chờ cứu hộ tới.”
“Mọi người đã nói những chuyện gì vậy? Chắc ai nấy đều hoảng loạn nhỉ.”
“Đúng vậy… Nhưng tôi bị mất ý thức, nên chẳng nhớ đã nói những gì.” Anh ta phả ra làn khói trắng, tay luống cuống gãi lên râu. Chắc anh ta có thói quen gãi lên râu mỗi khi mất bình tĩnh.
Tôi quyết định đổi chủ đề.
“Anh có nhớ người tên Kawadu Masayuki, cũng tham gia chuyến đi đó không? Anh ấy là nhà văn tự do, tham gia chuyến đi để lấy tư liệu viết báo.
Và cũng là hội viên của trung tâm này.”
“A…,” ánh mắt Kanei nhìn xa xăm. “Là người khi ấy bị thương ở chân nhỉ.” Anh ta nói như vậy nghĩa là đã biết chuyện anh Kawadu bị thương. “Anh có nhớ tình hình anh ấy lúc ở trên đảo như thế nào không? Hoặc anh ấy đã nói những gì thôi cũng được.”
“Tôi cũng không nhớ nữa,” chàng trai râu ria nghiêng đầu. “Dù gì cũng là chuyện từ một năm trước. Mà khi ấy tôi khá hoảng loạn.” “Sau tai nạn đó, anh có nói chuyện với anh Kawadu không?” “Không,” anh ta đáp. “Sau đấy tôi còn chẳng nói chuyện với anh ta, chứ đừng nói là về vụ tai nạn. Dù thỉnh thoảng tôi cũng thấy anh ta ở trung tâm.”
Tôi nhớ lại lời của Shiduko, rằng anh ta làm công việc hỗ trợ cho trung tâm.
“Còn về vụ tai nạn, gần đây anh có thấy điều gì khác thường không?” “Điều khác thường ư?”
“Gì cũng được. Như đã nói chuyện với ai, hay bị ai đó hỏi chuyện chẳng hạn?”
“Không có,” Kanei Saburo trả lời dứt khoát. “Tôi cũng quên vụ tai nạn ấy rồi. Mà cô tìm hiểu vụ tai nạn ấy để làm gì? Cô có vẻ khá hứng thú.” Anh ta nhìn tôi, dò xét những biểu cảm hiện trên gương mặt. “Tôi đang tìm hiểu về các vụ đắm tàu để làm tư liệu cho cuốn tiểu thuyết sắp tới.”
Tôi bịa ra một lý do đã chuẩn bị sẵn, nhưng ánh mắt dò xét của anh ta vẫn không thay đổi.
Tôi nhìn xuống danh sách người tham gia chuyến đi.
“Ngoài anh Takemoto đã chết, trong đây còn có một người nữa cũng không phải hội viên. Người tên Furukiwa Yasuko ấy. Người này nhờ mối quan hệ nào mà được tham gia chuyến đi vậy?”
Trong danh sách có ghi chú “Hai mươi ba tuổi, làm công sở”. Địa chỉ ở quận Nerima.
“Tôi không biết đâu. Tôi cũng chỉ được giám đốc mời đi ngay trước hôm xuất phát thôi.”
Người còn lại trong danh sách tên là Sakagami Yutaka. Người đàn ông này hình như là hội viên của trung tâm. Ở cột nghề nghiệp viết: diễn viên. “Thi thoảng tôi có trông thấy anh ta.” Nghe tôi hỏi đến Sakagami Yutaka, Kanei Saburo khó chịu đáp. “Nhưng gần đây tôi không nói chuyện với anh ta. Có lẽ anh ta cũng quên tôi rồi.”
Tôi đáp vậy à, rồi ngẫm nghĩ một chút. Đúng như tôi nghĩ, thông tin thu hoạch chẳng được là bao. Từ những thông tin này, có thể suy ra hai khả năng. Một là vụ đắm tàu ấy không có bí mật nào cả, hai là anh Kanei Saburo này đang nói dối. Song dẫu sự thật là gì thì hiện tại tôi cũng chẳng có cách nào để xác minh cả.
Đành vậy, tôi cảm ơn Kanei Saburo và Shiduko rồi kết thúc buổi nói chuyện. Hai người đó cùng nhau rời khỏi quán.
Tôi uống hết cốc nước, lấy lại tâm trạng rồi đứng dậy. Khi trả tiền ở quầy thanh toán, cô thu ngân hỏi tôi, “Quý khách là bạn của cô Harumura ạ?”
“Cũng không hẳn là bạn, nhưng có chuyện gì vậy ạ?”
Cô gái cười khúc khích.
“Có phải chị đến thuyết giáo anh Kanei không? Rằng hãy nhanh cưới cô
ấy đi.”
“Cưới ư?” Tôi ngạc nhiên.
“Hai người đó yêu nhau à?”
“Chị không biết sao?” Gương mặt cô sửng sốt.
“Ai cũng biết mà.”
“Cô ấy không kể với tôi chuyện đó.”
“Vậy ư? Thế thì tôi lại nhiều chuyện rồi,” cô nói vậy rồi lại cười.
3
~~~~~~~
Rời khỏi Yamamori Sport Plaza, tôi ghé qua công ty Fuyuko, gọi cô ấy ra. “Tớ có chuyện muốn nhờ cậu,” vừa thấy mặt cô, tôi đã nói. “Chuyện gì mà gấp vậy? Cậu không thu hoạch được gì ở trung tâm thể thao à?” Fuyuko cười nhăn nhó.
Tôi đưa cho Fuyuko xem tờ danh sách mình vừa nhận từ Shiduko. “Tớ muốn nhờ cậu điều tra thân thế của Takemoto Yukihiro, người đã chết trong vụ tai nạn.”
Gương mặt Fuyuko bỗng trở nên nghiêm túc.
“Cái chết của người này có vấn đề gì à?”
“Tớ không biết. Nhưng tớ thấy khúc mắc ở đây. Một người không phải nhân viên, cũng chẳng phải hội viên mà lại được tham gia chuyến đi này, lại thêm chuyện ai cũng được cứu, chỉ duy người đó chết nữa.” “Nghĩa là cậu muốn tìm đến tận nhà người này để tìm hiểu ư?”
“Ừm.”
“Tớ hiểu rồi.”
Fuyuko lấy sổ tay ra, ghi địa chỉ của Takemoto Yukihiro vào đó. Nhưng có lẽ giờ có tới, thì cũng là người khác đang sống ở đấy rồi. “Tớ sẽ cố tìm ra điều gì đó. Yên tâm, sẽ không mất nhiều thời gian đâu.”
“Xin lỗi cậu.”
Tôi lại làm phiền Fuyuko rồi.
“Đổi lại, cậu sẽ chấp nhận yêu cầu của tớ chứ?”
“Yêu cầu?”
“Một thương vụ,” Fuyuko cười đầy ẩn ý. “Khi vụ này được giải quyết xong xuôi, cậu hãy dùng nó làm tư liệu để viết một cuốn tiểu thuyết hư cấu nhé.”
Tôi thở dài. “Cậu cũng biết tớ rất dở việc này mà.”
“Tớ biết. Nhưng đây là một cơ hội tốt.”
“… Để tớ xem đã.”
“Cậu cứ nghĩ cho kỹ đi. Thế giờ cậu định làm gì?”
“Thật ra tớ muốn tiếp cận một người nữa.”
“Một người nữa ư?”
“Người tên Furukiwa Yasuko ấy,” tôi chỉ tay vào tờ danh sách Fuyuko đang cầm. “Có viết ở đây này. Giống Takemoto, người này không phải nhân viên, cũng chẳng phải hội viên trung tâm. Nghĩa là không thuộc tập đoàn Yamamori.”
Fuyuko nhìn chằm chằm tờ danh sách rồi gật đầu hai, ba lần như đồng tình với suy nghĩ của tôi.
“Vậy tớ sẽ gọi cho cậu lúc cậu về nhà nhé.”
“Ừ, nhờ cậu cả đấy,” nói rồi tôi chia tay Fuyuko.
Theo bản đồ, thì ga Nakamurabashi thuộc tuyến Seibu là nhà ga gần chung cư của Furukiwa Yasuko nhất. Từ nhà ga, tôi bắt taxi, nhờ tài xế đưa đến địa chỉ ghi trong tờ danh sách.
Chạy được mười phút, tài xế nói, “Theo như địa chỉ thì là khu này đây,” rồi giảm tốc độ. Qua cửa kính ô tô, nhìn ra bên ngoài, tôi thấy xe đang chạy ở giữa con phố với những căn nhà nhỏ nằm san sát. Tôi nói dừng ở đây được rồi, và xuống xe.
Nhưng sau đấy mọi chuyện lại không suôn sẻ cho lắm. Nếu địa chỉ trong danh sách này đúng, thì phải có một tòa chung cư nằm bên hông đường quốc lộ, song lại chẳng có tòa nhà nào như thế cả. Thay vào đó là một tiệm bánh hamburger dành cho dân lái xe được trang hoàng sặc sỡ.
Chẳng có lẽ, tôi nghĩ, rồi mua bánh burger phô mai cùng cà phê đá, và thử hỏi cô bé bán hàng xem có phải chỗ này mới được xây từ khoảng tầm này năm ngoái không? Cô bé ngạc nhiên, cười đáp, “Vâng, cửa hàng chúng tôi mới khai trương từ ba tháng trước.”
Tôi nuốt miếng bánh hamburger, hỏi địa chỉ đồn cảnh sát rồi rời khỏi quán.
Một vị cảnh sát tuần tra để đầu đinh, tóc trắng, gương mặt nghiêm nghị đang ở trong đồn. Theo trí nhớ của ông ấy thì đúng là trước khi tiệm bánh hamburger được xây dựng, đã có một tòa nhà ở đó.
“Tòa nhà ấy cũng xuống cấp rồi, nhưng vẫn nhiều người ở lắm. Nếu cô đến công ty bất động sản Matsumoto, chắc sẽ xin được thông tin của
những người từng ở đó đấy.”
“Bất động sản Matsumoto?”
“Cứ đi thẳng con đường này thì công ty ấy ở ngay bên phải.” Tôi nói cảm ơn rồi rời đi.
Công ty bất động sản Matsumoto nằm ở đúng chỗ vị cảnh sát chỉ. Đó là một tòa nhà nhỏ ba tầng, ở mặt trước của tầng một dán đầy những tờ rơi giới thiệu bất động sản.
“Chúng tôi không biết họ đã chuyển đi đâu,” anh nhân viên trẻ tiếp tôi trả lời với vẻ khó chịu.
“Vậy chí ít các anh còn giữ địa chỉ liên lạc chứ?”
“Chúng tôi không giữ.”
Hình như anh ta cũng không có ý định tìm.
“Vậy anh có nhớ cô gái tên Furukiwa Yasuko không?”
“Furukiwa Yasuko?”
Người nhân viên trẻ đó lẩm bẩm lặp lại một lần nữa cái tên ấy, và nghiêng đầu kêu lên “À”.
“Tôi gặp cô ấy một, hai lần nên không nhớ rõ, nhưng hình như là một cô gái khá được.”
“Anh có biết cô ấy đã chuyển nhà đi đâu không?”
“Tôi bảo rồi, chúng tôi không biết đến mức đó đâu.” Anh ta nhăn mặt trông như buồn bã, nhưng rồi mắt nhìn sang bên cạnh. “À, cô chờ chút.” “Sao vậy ạ?”
“Hình như cô ấy nói sẽ đi nước ngoài. Dù tôi không nghe trực tiếp từ cô ấy, mà là người thuê nhà khác kể lại.”
“Ra nước ngoài ư?”
Nếu việc đó là thật, thì tôi đành bỏ cuộc thôi, không thể đuổi theo Furukiwa Yasuko được.
“Cô ấy hình như hay ra nước ngoài,” anh nhân viên nói thêm. “Năm ngoái cũng vậy, thấy bảo cô ấy đi Úc từ mùa xuân đến hết mùa hè. Kết cục căn hộ đó chỉ như nơi ở tạm.”
Từ mùa xuân đến hết mùa hè ư?
Nhưng vụ đắm tàu đó là vào ngày mùng một tháng Tám. Rõ ràng là giữa mùa hè mà.
“Chuyện đó có đúng không thế ạ?”
“Chuyện gì cơ?”
“Chuyện cô ấy ở Úc từ mùa xuân đến hết mùa hè ấy?”
“Đúng mà. Cô ấy đã gộp mấy tháng tiền nhà để trả cho tôi. Nhưng cái đó thì cũng chỉ là tôi nghe lại, cô ấy bảo đi Úc nhưng biết đâu chỉ đi bơi ở Chiba,” anh ta nở nụ cười đầy ẩn ý.
Khoảng tám giờ tối hôm ấy, Fuyuko gọi điện đến. Tôi kể cho cô nghe chuyện mình không tìm được nơi ở của Furukiwa Yasuko, cũng như việc cô ta đang ở Úc lúc tai nạn kia xảy ra.
“Nhưng liệu có thật thế không?” Fuyuko kêu lên một hồi, rồi hỏi. “Theo như lời người kia, thì cũng có thể cô ta nói dối. Nhưng tớ không hiểu tại sao cô ta phải làm thế?”
“Nhưng nếu như đó không phải là nói dối thì sao?” tôi giả định. “Furukiwa Yasuko đã gặp tai nạn kia là ai được chứ?”
Người ở đầu dây bên kia như ngừng thở. Tôi cũng im lặng. “Tóm lại,” Fuyuko phá vỡ sự yên ắng. “Hiện giờ không rõ tung tích của cô ta nhỉ.”
“Đúng vậy. Thế cậu tìm hiểu đến đâu rồi?”
“Tớ biết địa chỉ nhà Takemoto Yukihiro rồi,” cô trả lời. “Tớ cứ tưởng ở sâu trong núi Tohoku cơ, mà hóa ra gần quá. Ngay vùng Atsugi. Giờ tớ đọc địa chỉ, cậu ghi lại nhé.”
Tôi ghi lại địa chỉ và số điện thoại cô ấy đọc.
“OK. Cảm ơn cậu. Tớ sẽ tới đó sớm.”
“Tớ đang bận quá chứ không cũng sẽ đi cùng cậu,” Fuyuko nói như thấy có lỗi với tôi.
“Tớ đi một mình cũng được mà.”
“Cậu có cần tớ giúp việc gì nữa không?”
Tôi nghĩ một lát, rồi nhờ cô sắp xếp một cuộc gặp với người đàn ông tên Sakagami Yutaka. Sakagami Yutaka cũng tham gia chuyến đi, trong tờ danh sách ghi anh ta là “diễn viên”.
“Tớ hiểu rồi. Đơn giản thôi mà.”
“Vậy phiền cậu nhé,” tôi cảm ơn Fuyuko, rồi dập máy, sau đó lại nhấc ống nghe lên luôn, quay số điện thoại nhà Takemoto Yukihiro mà Fuyuko vừa cho.
“A lô, nhà Takemoto xin nghe ạ,” tôi nghe thấy giọng nói trầm ấm của một chàng trai trẻ. Tôi xưng tên, nói muốn hỏi về anh Yukihiro. “Lại là các người đấy à?” chàng trai đột nhiên cáu gắt. “Chính các người đã thám thính quanh nhà tôi dạo gần đây đúng không?” “Sao cơ ạ?”
“Các người đến điều tra đúng không? Còn lén la lén lút.” “Là sao ạ? Hôm nay là lần đầu tiên tôi biết đến anh mà.” Hình như chàng trai nuốt nước bọt.
“Không phải à? Thế thì cho tôi xin lỗi nhé.”
“Mà có chuyện đó thật ạ?”
“Không liên quan đến cô. Cũng tại tôi cả nghĩ thôi. Cô có quan hệ thế nào với anh trai tôi?”
Có vẻ anh ta là em trai của Yukihiro.
“Không, tôi không có quan hệ gì với anh Yukihiro hết.”
Tôi nói rằng mình là nhà văn viết truyện trinh thám, và chỉ đơn thuần muốn thu thập thông tin vụ đắm tàu để viết tiểu thuyết.
“Hả, cô viết tiểu thuyết ư? Giỏi thật đấy.”
Dù tôi cũng không hiểu anh ta nghĩ tôi giỏi cái gì nữa.
“Nên tôi rất muốn hỏi về vụ tai nạn năm ngoái. Nếu được anh có thể bớt chút thời gian gặp tôi một lần không?”
“Được thôi, nhưng tôi đang đi làm, nên phải sau bảy giờ thì mới rảnh được.”
“Không sao. Tôi có thể nói chuyện với những người thân khác trong gia đình anh không ạ?”
“Tôi không có người thân nào cả. Chỉ có một mình thôi.” “À…?”
“Thế cô định bao giờ gặp?”
“Nếu được thì càng sớm càng tốt.”
“Nếu vậy thì ngày mai nhé. Bảy giờ ba mươi phút ngày mai, ở gần ga
Honatsugi được không?”
“Dạ được.”
Tôi hỏi tên quán cà phê ở phía trước nhà ga, rồi gác điện thoại. Sau đó, những lời anh ta nói cứ luẩn quẩn trong đầu tôi.
Các người đến thám thính quanh nhà tôi đúng không?
Việc này là sao nhỉ, tôi nghĩ. Ai đấy đang điều tra nhà Takemoto Yukihiro với mục đích gì đó sao?
4
~~~~~~~
Hôm sau, tôi gặp em trai của Takemoto Yukihiro tại quán đã hẹn. Trên tờ danh thiếp anh ta đưa in dòng chữ Công ty công nghiệp XX, Takemoto Masahiko.
Masahiko trẻ hơn nhiều so với hình dung của tôi khi nghe giọng anh ta qua điện thoại. Có lẽ anh ta chỉ khoảng hai nhăm tuổi. Dáng người cao, có gu ăn mặc. Tóc cắt ngắn và xoăn nhẹ trông khá chỉn chu.
“Cô muốn biết điều gì về anh trai tôi?” anh ta hỏi với giọng trịnh trọng. Từ giọng nói của tôi trên điện thoại có lẽ anh ta hình dung tôi là một phụ nữ trẻ hơn.
“Nhiều lắm ạ,” tôi đáp. “Ví dụ như chuyện anh ấy gặp tai nạn, hay là về công việc của anh ấy.”
Masahiko gật đầu, bỏ sữa vào cốc hồng trà mình đã gọi. Ngón tay anh thon dài, có vẻ khéo léo.
“Cô nói cô là nhà văn viết truyện trinh thám nhỉ?” anh ta hỏi sau khi