🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook An - Durian Sukegawa & Kodaki (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Best Seller]
Ebooks
Nhóm Zalo
AN
Tác giả: Durian Sukegawa Người dịch: Kodaki
Phát hành: MintBooks
Nhà xuất bản Văn Học 04/2018 —★—
ebook©vctvegroup
Chương 01
T
iệm bánh dorayaki Doraharu.
Sentaro suốt ngày dài cứ nhìn vào bàn nướng.
Từ đoạn đường dọc theo tuyến đường ray xe lửa cắt ngang một con hẻm, có cửa tiệm nằm ở khu phố chợ tên là “đường hoa anh đào”. Đó là một con đường có những tấm cửa cuốn đóng kín còn nổi bật hơn cả những cây anh đào trồng lác đác. Dù vậy không biết có phải vì bị hoa quyến rũ hay không mà vào mùa này lượng người qua lại dường như tăng lên chút ít.
Khi nhận ra có người phụ nữ cao tuổi đứng bên đường, Sentaro lập tức quay mắt nhìn vào cái bát anh đang dùng để nhào bột. Ở trước cửa tiệm có cây hoa anh đào. Khi hoa nở rộ, tựa như có một vùng mây trắng nhỏ xíu đang rực lên. Sentaro nghĩ chắc hẳn bà là người đến ngắm hoa.
Tuy nhiên, vào lần tiếp theo Sentaro ngẩng đầu lên, người phụ nữ đội nón màu trắng ấy vẫn đang đứng đó. Hơn nữa, bà dường như đang nhìn Sentaro chứ không phải ngắm hoa. Theo phản xạ tự nhiên, Sentaro gật đầu chào. Ngay lập tức, người phụ nữ ấy chầm chậm tiến lại gần cửa tiệm, trên khuôn mặt bà hiện lên nụ cười phảng phất sự gượng gạo.
Sentaro nhớ ra đã từng trông thấy bà. Vài ngày trước đây, người này đã đến cửa tiệm một lần với tư cách là khách hàng.
“Cái này,” bà đột nhiên chỉ tay vào tờ giấy dán ở cửa kính. Ngón tay bà cong như một cái móc. “Thực sự là không giới hạn tuổi tác sao?” Bàn tay đang cầm cái sạn nhựa của Sentaro dừng lại.
“Bà hỏi cho ai, cháu bà phải không?”
Không hồi đáp lại, bà chỉ hấp háy một bên mắt.
Gió nổi lên. Cây anh đào rung rinh. Len qua khung cửa kính, những cánh hoa anh đào rơi xuống bàn nướng.
“À…” Bà ưỡn người về phía trước. “Tôi thì có lẽ không được phải không?”
“Hả?” Sentaro đáp lại bằng một câu hỏi. Bà đang chỉ ngón tay vào mũi mình.
“Tôi rất muốn thử làm công việc như thế này.”
Trong phút chốc, Sentaro bật cười mà không kịp cảm thấy rằng điều đó là thất lễ. “Bà bao nhiêu tuổi rồi?”
“Tôi tròn bảy mươi sáu tuổi.”
Phải trả lời lại như thế nào để không làm bà tổn thương đây. Trong lúc lựa lời, Sentaro đảo tới đảo lui cái sạn nhựa.
“Ừm… ở đây, thấp lắm. Bây giờ, chỉ có 600 yên.”
“Hả? Cậu nói gì cơ?”
Bà đặt bàn tay lên lỗ tai.
Sentaro khom người thấp xuống. Đây là tư thế mỗi khi anh đưa bánh dorayaki cho trẻ con hay người lớn tuổi.
“Ở đây trả lương theo giờ thấp lắm. Mặc dù cháu rất muốn thuê người phụ việc nhưng người có tuổi thì…”
“À. Cái này.”
Ngón tay cong của bà chỉ vào mấy chữ trên tờ giấy.
“Lương theo giờ có thể giảm phân nửa cũng được. Cậu trả tôi 300 yên
cũng được.”
“300 yên?”
“Vâng,” từ bên dưới chiếc mũ, đôi mắt bà như mở to hơn. “Không… quả thực là, cháu nghĩ không thể đâu. Xin lỗi. Mong bà thông cảm.”
“Tôi tên là Yoshii Tokue.”
“Hả?”
Không biết có phải vì lãng tai hay không mà người phụ nữ cao tuổi này đã hiểu nhầm gì đó rồi. Sentaro đan chéo hai tay trước ngực làm thành hình dấu X.
“Cháu thật sự xin lỗi.”
“Hả, vậy là?”
Yoshii Tokue cứ nhìn chằm chằm vào khuôn mặt Sentaro. Mắt trái và mắt phải của bà có hình dáng khác nhau.
“Đây là công việc lao động chân tay khá nhiều, vậy nên quả thực là…” Yoshii Tokue há miệng như thể muốn nuốt cả không khí vào trong, bà đột nhiên chỉ tay về phía sau lưng mình.
“Cây anh đào này, ai trồng vậy nhỉ?”
“Hả?”
Hướng mặt về phía cây anh đào, Tokue lặp lại: “Cây anh đào này.” Sentaro ngẩng lên nhìn những nhành hoa nở rộ sum sê.
“Ai nhỉ?”
“Phải có ai đó đã trồng chứ đúng không cậu?”
“Xin lỗi, cháu không phải là người lớn lên ở đây ạ.”
Khuôn mặt Tokue dường như còn muốn nói điều gì, nhưng khi nhìn Sentaro đã chỉnh lại tư thế cầm sạn nhựa, bà bước ra trước cửa kính chào tạm biệt anh: “Tôi sẽ đến đây nữa nhé!”
Bà đi về hướng ngược lại với nhà ga. Dáng đi của bà lóng ngóng tạo cảm giác như thể những khớp xương đã trở nên khô cứng. Sentaro thôi không nhìn bà nữa, anh quay trở lại việc nhào bột.
Chương 02
T
iệm Doraharu không có ngày nghỉ định kỳ. Mỗi ngày vào khoảng mười một giờ, cửa cuốn sẽ được kéo lên.
Sentaro thường mặc đồ bếp vào khoảng hai tiếng trước giờ mở cửa. Từ đó, anh mới bắt đầu chuẩn bị, có thể nói khá là muộn. Vốn dĩ với khoảng thời gian đó thì sẽ không thể chuẩn bị kịp nguyên liệu chế biến. Tuy nhiên, tiệm Doraharu có cách làm riêng.
Chẳng hạn, sáng nay Sentaro lại uống một lon cà phê để tỉnh ngủ, liền sau đó anh dùng chân đẩy thùng cạc-tông vừa được chuyển đến vào nhà bếp. Những thùng nhựa chứa mứt đậu đỏ lấy ra từ đó sẽ được trộn chung với phần mứt đậu còn sót lại của ngày hôm qua.
Đây không phải là việc phạm pháp, nhưng nếu là một tiệm bánh kẹo kinh doanh đàng hoàng thì người ta tuyệt đối không làm như vậy. Mứt đậu đỏ khi được đông lạnh sẽ có thể bảo quản. Nếu là trong quãng thời gian ngắn thì cả hương vị lẫn chất lượng đều không thay đổi. Tiệm bánh này đã lợi dụng tính chất đó của mứt đậu đỏ.
Mứt đậu đỏ đang sử dụng tại tiệm Doraharu là loại được chọn đưa vào kinh doanh từ thời của chủ tiệm đời trước. Những mối buôn quen thuộc hay gửi mỗi lần năm kilogram loại bột hàng Trung Quốc đến cho tiệm.
Dù không bị phá sản nhưng chắc chắn cũng không phải điểm kinh doanh hút khách, tiệm Doraharu là như thế đó. Mứt đậu đỏ đựng đầy một thùng nhựa thường không thể bán hết trong một ngày. Chắc chắn sẽ có phần dư. Phần mứt đậu đỏ bảo quản đông lạnh sẽ được trộn chung với
phần bột của ngày hôm sau hoặc của ngày hôm sau nữa, hoặc của nhiều ngày sau ngày hôm đó. Sau khi trộn lẫn phần bột cũ - mới, Sentaro mới bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu. Không hẳn là không có mối buôn nào nhận vận chuyển nguyên liệu làm bánh, nhưng vì chi phí đắt đỏ nên Sentaro phải tự mình xoay xở.
Sentaro bỏ nguyên liệu vào trong thau rồi nhào bột. Anh chỉnh nhiệt bàn nướng mà người ta gọi là Hiranabe, rồi đổ bột làm bánh xuống bàn nướng bằng muỗng chuyên dụng, nướng nóng lên, sau đó anh đặt bánh vào khay để giữ ấm lớp vỏ của bánh dorayaki. Khi ấy, cũng gần đến giờ mở cửa tiệm. Thở dài một hơi, Sentaro kéo cánh cửa cuốn lên từ bên trong. Và không phải vì thế mà anh có thêm tinh thần làm việc, cũng như không phải vì thế mà sắc mặt anh thay đổi.
Buổi chiều, đó là lúc Sentaro đang ngồi trên ghế đặt trong nhà bếp, trên tay cầm hộp cơm của cửa hàng tiện lợi. Chiếc nón trắng lại xuất hiện sau cửa kính.
“Bà…”
Bởi vì bà đã mỉm cười bước đến, Sentaro đành phải đứng dậy. “Ừm… có phải là bà Yoshii không ạ?”
Ở dưới chiếc mũ trắng, khuôn mặt đầy nếp nhăn của bà đáp lại: “Vâng!”.
“Có chuyện gì ạ?”
Yoshii Tokue lấy ra một mảnh giấy từ trong túi xách. Trên đó có những chữ viết bằng mực xanh. Đó là hàng chữ với nét bút run rẩy. Nó được viết lộn xộn như thể từng nét một đều đang nhảy loạn xạ.
“Viết bằng Hán tự là như thế này, tên tôi đó.”
“Ừm…”
Sentaro chỉ nhìn liếc qua rồi đưa lại mảnh giấy cho bà: “Xin lỗi. Bà không thể làm việc bán thời gian được.” Tokue định nhận lại tờ giấy bằng ngón tay cong veo nhưng rồi bà cứ để như thế mà nhẹ nhàng đẩy bàn tay về phía Sentaro.
“Như cậu thấy đó… Ngón tay tôi bị tật một chút. Vậy nên nếu cậu trả tôi với cái giá rẻ hơn mức chúng ta đã nói hôm trước cũng được. 200 yên cũng được mà.”
“Cái gì vậy ạ?”
“Lương theo giờ.”
“Không được, không phải chuyện đó ạ.”
Sentaro nhắc lại rằng ở đây không thể thuê bà được. Rồi cũng giống như lần trước, Tokue cứ nhìn chăm chú vào khuôn mặt Sentaro. Sentaro lùi một bước, với tay lấy bánh dorayaki trong tủ. Gói một chiếc bánh, anh định dùng chiêu bảo bà hãy cầm lấy mang về. Thế rồi, như thể đã nhìn thấu suốt ý định của Sentaro, Tokue đột nhiên cất tiếng hỏi anh.
“Nhân bánh cũng do cậu làm à?”
“À… cái đó thì, là bí mật kinh doanh ạ.”
Dù đã đáp lại như thế, nhưng yết hầu của Sentaro dường như cứ chạy lên chạy xuống. Nghĩ thầm trong đầu “lẽ nào là…,” anh quay người lại. Ở quầy bếp, cùng với hộp cơm của cửa hàng tiện lợi còn có thùng nhựa chứa mứt đậu đỏ. Hơn nữa, nắp đang mở ra, muỗng thì vẫn cắm trong đó. Sentaro liền nhích thân người sang ngang để che quầy bếp khuất hướng nhìn của Tokue.
“Dạo gần đây, tôi đã ăn bánh dorayaki của tiệm, tôi nghĩ lớp vỏ bánh thì
tạm ổn đấy. Nhưng mà nhân bánh thì hơi…”
“Nhân bánh thế nào ạ?”
“Ồ, đó là thứ nhân bánh mà tôi không cảm nhận được tâm ý của người làm.”
“Tâm ý ấy ạ? Kỳ lạ nhỉ!”
Mặc dù hoàn toàn có thể hiểu ngay từ đầu, nhưng Sentaro vẫn làm ra vẻ ngạc nhiên ngoài sức tưởng tượng.
“Hình như, có chút gì đó hơi lơ là.”
“Bởi vì nhân bánh đúng là khó làm thật đấy. Bà… bà Yoshii đã từng làm nhân bánh ạ?”
“Tôi đã luôn làm suốt đấy thôi. Cũng được năm mươi năm rồi.” Lúc đang định bỏ bánh dorayaki vào túi giấy, Sentaro gần như suýt đánh rơi nó xuống đất.
“Năm mươi năm?”
“Vâng, nửa thế kỷ rồi. Làm nhân bánh cần phải có cảm xúc, cậu à.” “Ồ… cảm xúc ư?”
Khi đưa cho bà Tokue gói bánh dorayaki, Sentaro cảm thấy dường như có cơn gió bất chợt cuốn lấy anh trong khoảnh khắc.
“Nhưng mà… xin lỗi bà. Quả thật là cháu vẫn không thể thuê bà được.” “Vậy ư?”
“Thành thật xin lỗi ạ.”
Tokue lại tiếp tục nhìn Sentaro chăm chú bằng cặp mắt phải trái hình dạng khác nhau, một lúc sau, bà lấy ví tiền làm bằng vải từ trong túi xách ra.
“Bà không cần phải trả tiền đâu ạ.”
“Sao lại thế được.”
Ở quầy tính tiền nhỏ bên cửa kính, Tokue đang xếp lại mấy đồng bạc lẻ. Những ngón tay ấy đều hơi cong một chút. Ngón tay cái đang cong hướng ra phía mu bàn tay.
“140 yên đúng không nhỉ?”
Vì cầm tiền bằng những ngón tay bị tật, đến khi Tokue lấy đủ một đồng 100 yên và bốn đồng 10 yên cũng phải mất một khoảng thời gian. “Này… cậu.”
“Vâng.”
“Cái này, hãy ăn thử một chút nhé.”
Thứ được lấy ra từ trong túi xách tay là một chiếc bình nhựa hình trụ. Nó được bọc bởi một chiếc túi xốp, mắt Sentaro dừng lại ở vật gì đó có màu đen chứa bên trong.
“Đây là cái gì vậy ạ?”
Trong lúc Sentaro cầm chiếc bình, Tokue đã cất bước rời khỏi cửa tiệm.
“Cái gì đây ạ? Mứt đậu đỏ?”
Tokue đang bước đi với dáng người khom khom khẽ gật đầu rồi biến mất ở góc đường.
Chương 03
T
ối hôm ấy, Sentaro uống rượu ở tiệm mì trước nhà ga.
Anh uống rượu ấm với tempura làm mồi và nhấm nháp tô mì nóng. Vừa ăn vừa uống. Dù vậy, Sentaro đang nhớ lại chuyện lúc ban trưa. Sau khi Tokue đi khỏi, Sentaro cứ để nguyên chiếc bình như thế rồi ném vào thùng rác. Không hẳn anh hoàn toàn không thấy cắn rứt lương tâm, chỉ là anh chẳng buồn động tay. Thế nhưng, cứ mỗi lần mở nắp thùng rác, nó lại rơi vào tầm mắt anh. Sau một hồi, Sentaro lôi chiếc bình ra. Anh có cảm giác rằng chỉ nếm một chút thôi cũng đã thực hiện được chút đạo nghĩa với người lớn tuổi rồi. Thế nhưng khi ăn thử một miếng, đôi lông mày của Sentaro nhướn cao như thể đang thốt lên: “Hả?”. Mứt đậu đỏ của Tokue hoàn toàn khác với loại trong thùng nhựa. Dường như có sự lan tỏa không thể tưởng tượng nổi của mùi hương, cửa vị ngọt đậm đà bên trong.
“Năm mươi năm ư…?”
Vừa hồi tưởng lại hương vị đã khiến anh đứng sững người trong giây lát ấy, Sentaro vừa nhấp chén rượu lên môi.
“Từ lúc mình chưa được sinh ra…”
Sentaro nhìn về phía tờ thực đơn dán trên tường. Nó được viết từ bàn tay người chủ tiệm mì. Trông có vẻ vẫn giống như mọi khi, nhưng không hiểu sao khi nhìn những nét chữ viết bằng bút lông ấy, Sentaro lại nhớ đến mẹ.
“Bà ấy… có lẽ cỡ tuổi mẹ nhỉ?”
Trong tâm trí Sentaro hiện lên hình ảnh bóng lưng nhỏ tròn đang trải giấy trên chiếc bàn trà, viết thư bằng bút lông rất thành thục. Nếu là lúc thường, Sentaro sẽ cắt dòng suy nghĩ ngay tại đó. Anh luôn cố gắng sao cho bản thân không nghĩ về người mẹ đã mất từ lâu và người cha đã mười năm rồi không gặp lấy một lần.
Thế nhưng, tối nay, anh không làm được việc này. Hình ảnh mẹ dạy anh những bài học đầu tiên về văn chương thuở ấu thơ cứ như hiện lên trước mắt anh không biết bao nhiêu lần.
“Thật là…”
Sentaro thở hắt ra hơi rượu.
Anh cảm nhận sâu sắc rằng quả thật không thể nào đoán trước được tương lai.
Một người dường như đã quyết chí trở thành người viết lách như anh, rốt cuộc lại đi theo con đường hiện tại. Lúc Sentaro ra tù, mẹ anh đã không còn trên thế gian này nữa rồi. Và từ đó đã bao nhiêu năm trôi qua, Sentaro đang sống những ngày mà trước đây mình chưa từng hình dung nổi, dù chỉ là một lần. Anh cứ tiếp tục đứng trước bàn nướng bánh dorayaki ngày qua ngày.
Sentaro rót rượu vào chén. Anh hớp một hơi thứ nước cay sè ấy như để xua đi vị đắng chát nơi lưỡi.
Người mẹ trong ký ức.
Mẹ là người có cách nói chuyện dịu dàng, nhưng ngược lại, cũng là người không thể giấu nổi sự bất ổn trong tâm trí. Mẹ có những khi gây gổ tưng bừng với bố, cãi cọ với người trong họ hàng, rồi thì nào là khóc, nào là gào thét. Cậu bé Sentaro lúc ấy rất sợ những kích động đó. Vậy nên,
mỗi khi một người thích đồ ngọt như mẹ trở nên vui hơn trước những chiếc bánh manju hay bánh bông lan, bản thân Sentaro cũng cảm thấy bình yên. Anh ước gì trên chiếc bàn trà lúc nào cũng có những thứ bánh kẹo ấy thì thật tốt biết bao. Anh rất thích hình ảnh mẹ nở nụ cười khi nói: “Ngon thật, Sen nhỉ?”.
Mứt đậu đỏ tuyệt phẩm của Yoshii Tokue. Nếu như mẹ còn sống và thưởng thức nó, khuôn mặt mẹ sẽ như thế nào nhỉ? Và mẹ sẽ nói gì? Aa, nếu vậy thì…
“Sẽ có người hạnh phúc,” Sentaro nghĩ.
Hơn nữa, Sentaro còn nghĩ thêm điều này.
“Lương một giờ… 200 yên.”
Thật sao?
Nếu như mức đó mà cũng chấp nhận được thì… có thể để cho bà giúp mình một chút nhỉ?
Sentaro nghĩ đến khả năng đó.
Việc dán giấy tuyển người làm bán thời gian cho tiệm không phải là vì công việc bận rộn. Vì dù có bắt đầu câu chuyện về bánh dorayaki, anh cũng sẽ không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Tóm lại là, Sentaro chỉ muốn có ai đó ở bên cạnh.
Liệu thật sự bà ấy đồng ý 200 yên không nhỉ?
Sentaro nhẩm tính với đầu óc say rượu. Nếu là số tiền như Yoshii Tokue đã nói thì chẳng khác gì làm việc không lương. Hơn nữa, là thứ mứt đậu đỏ ấy. Biết đâu lại giúp cho lượng hàng bán ra tăng lên thì sao. Nếu thế thì số tiền để trả nợ cho mỗi tháng cũng sẽ tăng lên. Và như vậy, anh có thể tiến nhanh đến ngày được thoát nợ.
Nhưng mà… nghĩ đến đó, bàn tay cầm chén rượu của Sentaro chợt khựng lại.
Anh rất bận tâm về ngón tay ấy. Hình ảnh ngón tay cong veo của Tokue cứ hiện ra chập chờn trước mắt anh. Có lẽ, khách hàng cũng sẽ để ý giống anh.
Đến đây, bất chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu anh.
Nếu như vậy, chỉ cần làm mứt đậu đỏ thôi là được chứ nhỉ? “Ừm,” Sentaro gật đầu.
Chỉ cần bà ấy làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Trong lúc đó, biết đâu anh còn có thể học trộm bí quyết làm mứt đậu đỏ. Bà ấy ở tuổi này rồi, thì cũng đến mệt mỏi mà nghỉ việc thôi.
“Không xuất hiện trước mặt khách cũng được.”
Sentaro chợt thì thầm như thế trong vô thức. Chủ tiệm đang nói chuyện với khách ở bàn khác quay đầu lại. Ông nhìn Sentaro bằng ánh mắt không mấy thiện cảm. Sentaro nhún vai, “xin cho thêm rượu,” anh giơ chiếc bình lên.
V
ài ngày sau.
Chương 04
Khi Sentaro ngẩng đầu lên khỏi chiếc bàn nướng, anh lại nhìn thấy người phụ nữ cao tuổi đội nón trắng đứng dưới tán cây anh đào. Bà đang nhìn về phía Sentaro và mỉm cười.
“Xin chào.”
Lời chào cất lên từ phía Sentaro. Bên dưới chiếc nón, Tokue nhe răng cười. Bà tiến đến với bước đi lúc nào cũng khập khiễng, lảo đảo bên trái bên phải.
“Hoa đã rụng hết rồi, cậu nhỉ!”
“Vâng, đúng thật vậy ạ.”
Sentaro cũng ngẩng đầu lên nhìn cây anh đào cùng bà.
“Là lúc thích hợp để ngắm lá nhỉ!”
“Ngắm lá ấy ạ?”
“Bây giờ là lúc lá đẹp nhất đấy. Nhìn kìa, ở phía bên kia.” Sentaro nhìn theo hướng Tokue chỉ. Từ trên ngọn cây, những chiếc lá non mơn mởn đang đung đưa.
“Tụi nó vẫy tay chào đấy.”
Nếu nghe những lời ấy, kiểu gì cũng nhìn ra đúng như vậy, Sentaro nghĩ thế. Những chiếc lá chồng chất lên nhau đung đưa tựa như thể một dãy bàn tay của trẻ con đang vẫy. Sentaro đồng ý chiếu lệ rồi đổi hướng nhìn về phía Tokue.
“Bà Yoshii này.”
“Vâng.”
“Mứt đậu đỏ bà đã cho cháu ăn rất ngon ạ.”
“A, cậu đã ăn rồi à?”
“Vậy nên, nếu được, bà có thể đến đây phụ giúp cháu không ạ?” “A?,” Tokue rướn cổ lên.
“Bà có thể đến đây làm mứt đậu đỏ được không ạ?”
“Vâng. Ủa? Được à?”
Tokue há nửa miệng, nhìn Sentaro.
“Nhưng mà, chỉ cần làm mứt đậu đỏ thôi. Không cần phải tiếp khách ạ.”
“Vậy ư?”
Dù vẫn có khoảng cách vừa phải giữa hai người nhưng vì cứ bị nhìn chằm chằm, Sentaro đưa tay chỉ hướng cho Tokue phía chỗ ngồi nơi quầy tính tiền. Khi ngồi xuống ghế, Tokue cởi mũ ra. Mái đầu bạc trắng với lớp da đầu có thể nhìn thấy rõ hiện ra.
“Bà có thể bưng nồi lên xuống được không ạ? Nồi khá nặng đấy. Làm mứt đậu đỏ cũng cần có thể lực.”
“Cái nồi để cậu bưng vậy.”
Ừm, đành thế. Trong lúc suy tính, Sentaro nhìn bàn tay của Tokue. Ở bàn tay bắt tréo nhau ấy, không thể hiểu nổi làm sao mà độ cong của các ngón tay có thể gấp khúc lên nhau vừa vặn như thế.
“Bà có thể cầm được cái sạn gỗ không?”
“Vâng.”
“Xin lỗi bà vì cháu có hơi thất lễ một chút, nhưng mà, bàn tay đó bị gì vậy ạ?”
“À, cái này hả?”
Dường như có một lực đang cố dồn vào bàn tay gấp khúc đó. Sentaro có thể thấy được điều này.
“Lúc còn trẻ tôi bị bệnh, để lại di chứng như thế này. Tôi đã nghĩ là không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng, chà, nhưng bề ngoài thì…” “Vậy nên, chỉ cần bà làm phụ giúp cháu mứt đậu đỏ là được rồi ạ.” “Nhưng tôi thực sự có thể làm việc được.”
Tokue bật cười với toàn bộ cơ mặt như thể đều căng lên. Thế rồi má phải của bà co rút lại. Sentaro có cảm tưởng rằng khuôn mặt ấy dường như đang giấu một tấm ván cứng hay cái gì đó bên dưới lớp da. Việc kích cỡ mắt phải trái khác nhau thấy rõ lẽ nào cũng là do vật đó.
“Vậy thì… cậu tên gì?”
Lần này đến lượt Sentaro được hỏi.
“Cháu tên là Tsujii Sentaro ạ.”
“Tsu-ji-i Sen-ta-ro? Cái tên hay thật nhỉ! Nghe như tên diễn viên ấy.” “Không. Không phải như thế đâu ạ. Cháu làm gì…”
Vì Tokue nói hãy viết cho bà xem, Sentaro viết tên mình lên giấy ghi chú.
“Vậy thì tôi nên gọi cậu là… cậu Tsujii, hay là cậu chủ?” “Sao cũng được ạ.”
“Vậy thì… cậu chủ. Mứt đậu đỏ ở đây có phải là do cậu chủ nấu không?”
“À… thì…”
Sentaro nghẹn lời như thể có ai đó đột nhiên túm cổ anh từ đằng sau. “À không, ừm, thành thật mà nói thì… Nếu cháu có tự làm thì cũng không mấy suôn sẻ. Có lúc ngửi thấy cả mùi khét nữa cơ.” “À, ra là vậy…” Tokue nhìn về phía bếp và nồi với nét mặt hệt như là bà đã hiểu ra nguyên nhân. Có vẻ như để cản hướng cái nhìn đó, Sentaro đứng trước mặt Tokue và rót trà.
“Trong năm mươi năm, bà đã làm ở đâu ạ? Tiệm bánh kẹo phải không ạ?”
“Tôi… ừm…”
“Hay ở nhà ạ?”
Thực ra, ở đâu cũng được, Sentaro nghĩ thế. Hơn nữa, vị cao niên này là bà Yoshii, hay bà Yoshida thì cũng không cần bận tâm. Chỉ cần người này có thể làm cho mình loại mứt đậu đỏ cao cấp là được rồi. Nếu như lượng hàng bán ra tăng lên, có thể sẽ kiếm được nhiều tiền hơn để trả nợ.
Chuyện Sentaro chỉ nghĩ như thế. Vậy nên, Sentaro không muốn bị hỏi về chuyện của bản thân mình từ trước cho đến nay. Nhưng mà, cũng không thể đối phó với Tokue bằng cách thông thường được.
“Đã có rất nhiều chuyện xảy ra với tôi… Nếu kể thì dài dòng lắm.” “À, vâng, đúng thật vậy nhỉ.”
“Vậy cậu chủ cũng là giám đốc ở đây?”
“Không, cháu chỉ là làm dài hạn ở đây thôi ạ.”
“Vậy là có người khác nữa ư? Giám đốc là…”
“Người chủ tiệm đời trước đã tạo ra nơi này. Thế nhưng, hiện tại thì vợ
của chủ tiệm làm chủ.”
“Vậy là cậu ở vị trí không chịu nhiều trách nhiệm mấy nhỉ!” “Cũng không phải như vậy ạ.”
“Nếu như tôi không chào hỏi người vợ ấy thì có sao không?” “Bây giờ, vì sức khỏe của bà ấy không tốt nên mấy tuần mới đến tiệm một lần hoặc không. Có thể vào một lúc nào đó, bà ấy lại đến.” Nghe đến đây, khuôn mặt Tokue dường như giãn ra, trong phút chốc trở nên nhẹ nhõm, Sentaro có thể thấy được điều ấy.
“Còn ngài chủ tiệm thì sao?”
“Ngài ấy đã mất rồi.”
“À, thế ư?”
Tokue ngừng nói, Sentaro đưa cho bà sổ ghi chú và bút.
“Ừm, bà… có thể viết cho cháu họ tên đầy đủ của bà và địa chỉ liên lạc vào đây được không ạ?”
Tokue cứ nhìn vào cuốn sổ, đứng bất động như thể bị siết chặt. “Ngón tay như thế này…” bà rụt rè cất lời.
Chẳng lẽ ngay lập tức trở nên như thế này sao? Sentaro thật chỉ muốn nhắm mắt lại. Tuy nhiên, sau một lúc, Tokue cũng cầm bút lên. Bà cẩn thận viết từng nét một. Đó là những chữ có nét đặc thù riêng giống như những chữ viết bằng mực xanh mà Sentaro đã được thấy trước đây. Đến khi bà viết xong cũng mất một khoảng thời gian.
“Số điện thoại thì sao ạ? Bà không có điện thoại di động à?” “Vâng, tôi không có điện thoại. Với tôi, viết thư là đủ rồi.” “Không phải là chuyện đó ạ…”
“Cậu yên tâm, tôi không đi trễ đâu. Tôi dậy còn sớm hơn cả chim non
nữa đấy.”
“Không, không phải là chuyện đó ạ…”
Trên giấy ghi chú có đề tên một thị trấn thuộc vùng ngoại ô thành phố. Đó là những nét chữ mà người ta có thể cảm nhận lực viết của nó mạnh đến nỗi còn để lại nét hằn trên mấy trang sau. Khi nhìn dòng địa chỉ ấy, Sentaro cảm giác nó có mối liên hệ với một nơi nào đó. Nhưng anh không hiểu vì sao mình lại có cảm giác đó.
Chương 05
K
im giây khắc ghi thời gian trôi qua.
Sentaro nằm trên nệm, hai tay để bên ngoài, nhìn chăm chăm lên trần nhà tăm tối. Trước khi nằm, anh đã nhấm nháp một chút rượu whiskey nhưng mãi mà vẫn không ngủ được.
Sentaro xoay đầu, với tay sờ chiếc đồng hồ báo thức đặt cạnh giường. Anh chạm vào nút báo thức để kiểm tra xem đã được chuyển sang chế độ “Bật” hay chưa.
Bởi vì công việc của Yoshii Tokue sẽ bắt đầu vào sáng mai. Hai ngày một lần, bà sẽ đến để làm mứt đậu đỏ cho Sentaro. Việc này không để trễ giờ được. Vậy nên, Sentaro lên giường sớm hơn hẳn ngày thường. Bà ấy, rốt cuộc là ai nhỉ?
Mặc dù đã quyết định dứt khoát là chỉ để bà làm mứt đậu đỏ thôi, không hiểu vì sao Sentaro vẫn bận tâm.
Không biết có phải vì lãng tai mà thỉnh thoảng Yoshii Tokue lại nói những việc không ăn nhập gì với nhau. Nhưng Sentaro nghĩ rằng những chuyện đó không liên quan đến tính cách của Tokue. Bên trong đôi mắt như đang mỉm cười dịu dàng của bà, thỉnh thoảng hiện ra luồng sáng mạnh mẽ. Bà nhìn Sentaro như thể soi thấu anh.
Sau khi Tokue viết địa chỉ cho Sentaro, anh mở lòng nói với bà về cách thức hoạt động của tiệm. Anh nói những chuyện đại loại như mình luôn sử dụng loại mứt đậu đỏ thương mại, việc chuẩn bị sẽ bắt đầu trước giờ mở cửa tiệm hai tiếng đồng hồ. Nói đến đây, trong khoảnh khắc, Tokue lớn
tiếng: “Tại sao vậy?”.
“Nếu muốn sử dụng mứt đậu đỏ vừa mới làm, thì cần phải bắt đầu trước cả khi Thần Mặt Trời ló mặt nữa cơ.”
“Nhưng chỉ cần gọi điện là người ta đem đến giao ạ.”
“Cậu nói gì vậy? Mứt đậu đỏ làm nhân là thứ quan trọng nhất mà, cậu chủ à.”
“À… thì… Vậy nên, cháu mới có ý định mời bà Yoshii đến đây.” “Nếu như cậu chủ là khách hàng, cậu có nghĩ rằng dù phải xếp hàng, mình vẫn muốn ăn bánh dorayaki ở đây không?”
“Ừm… không ạ.”
Sentarou bị Tokue chỉ trích khá dữ dội. Dù được gọi là cậu chủ nhưng anh hầu như không thể đối đáp lại.
Kết cuộc, Sentaro toàn làm theo chỉ dẫn của Tokue. Giờ chuẩn bị sẽ bắt đầu từ lúc sáu giờ sáng. Vào giờ đó, Sentaro sẽ vào nhà bếp, bắt đầu luộc đậu. Tokue sẽ bắt chuyến xe buýt đầu tiên để cùng tham gia việc này.
Thật là phiền phức, Sentaro nhìn lên phía trần nhà, thở hắt ra một hơi dài.
Việc lao động không có ngày nghỉ của Sentaro ở tiệm Doraharu đến năm nay đã là năm thứ tư. Thế nhưng, anh chưa từng một lần bắt đầu làm từ lúc sáng sớm như thế.
Sao mình lại nghe theo lời bà ấy mất rồi.
Hơn nữa, trái với ấn tượng ban đầu, bà ấy lắm lời ngoài dự tưởng. “Sao thế nhỉ… Hừm…”
Vẫn chưa chính thức làm việc cùng nhau, mà Sentaro đã cảm thấy chán nản rồi.
Lý do anh thở dài vẫn còn thêm một chuyện nữa. Anh nên báo lại với bà chủ tiệm này như thế nào. Vấn đề là ở đây.
Từ sau khi ông chủ qua đời, sức khỏe của bà chủ cũng yếu đi nhiều. Mỗi lần đến tiệm để làm những việc như kiểm tra sổ sách, bà đều bước vào với bộ mặt lãnh đạm, khó chịu. Bà cũng không ăn bánh dorayaki nữa vì bánh có lượng đường nhiều. Vốn là một người hay lo những chuyện vụn vặt, bà để ý đến tình trạng vệ sinh quá mức cần thiết. Đã mấy lần Sentaro bị bà gắt gỏng về những chuyện xoay quanh cách dọn dẹp.
Trong quá khứ, có duy nhất một lần Sentaro thuê cậu học sinh phụ việc. Vì không bàn bạc với bà trước mà sau đó anh cứ bị bà mỉa mai mãi. Tệ hơn nữa, cậu ta còn bị bắt gặp đang hút thuốc ở sau tiệm. Đương nhiên là anh nhận được điện thoại từ bà chủ. Bà đột nhiên hét lên, cửa tiệm bốc mùi rồi phải làm sao đây. Và rồi bà nói như đinh đóng cột: “Khi nào quyết định tuyển người, cậu cũng phải hội ý với tôi đấy nhé!”.
Anh quyết định sẽ im lặng về chuyện của Yoshii Tokue một thời gian. Khi trở mình qua lại trên giường, Sentaro đã quyết định như thế. Mà vốn dĩ, có thể làm việc với bàn tay trông như bị tật đó không nhỉ, cả chuyện này mình cũng chưa biết nữa mà.
Sentaro nhìn lên trần nhà tặc lưỡi.
Hình ảnh khuôn mặt của những nữ sinh trung học tụ tập ở quán dạo gần đây hiện lên trong tâm trí anh.
Những cô bé ấy đến một nhóm đông, chiếm cứ chỗ ngồi chỉ có năm chiếc ghế ở quầy tính tiền và làm ồn. Tệ hại hơn, ăn uống thì vung vãi lung tung.
Mới đây thôi, đám nhóc ấy còn than phiền với anh về chuyện cánh hoa
anh đào rơi vào vỏ bánh dorayaki nữa chứ. Vì phần lớn khách đều mua mang đi nên Sentaro cứ để cửa kính của tiệm Doraharu mở ra. Vào mùa hoa anh đào, những cánh hoa từ đó bay vào. Thỉnh thoảng, nó cũng lẫn vào bột nhồi lúc Sentaro đang nướng bánh.
Lúc ấy, Sentaro đã xin lỗi. Anh tặng cho cô bé đó một chiếc bánh dorayaki mới. Lập tức, xung quanh không còn tĩnh lặng nữa. Thế rồi, trong bánh dorayaki của ai cũng có cánh hoa anh đào, các cô làm ồn bằng giọng điệu chọc ghẹo người lớn. Giữa chừng có một cô còn lấy điện thoại ra, phao tin rằng: “Bánh dorayaki ăn thỏa thích luôn này.”
Nếu nhìn thấy những ngón tay của bà, đám trẻ ấy sẽ phản ứng như thế nào nhỉ. Mà không, chính bà nữa, bà sẽ tiếp nhận kiểu nghịch ngợm của tụi nó như thế nào.
Nhiều thứ phiền phức thật nhỉ, Sentaro nghĩ. Anh vẫn không ngừng trở mình.
“Hừm, bọn nhãi kia, có mỗi hoa anh đào rơi vào bánh thôi… mà nghĩ mình ngon hả?”
Sentaro đấm thùm thụp vào chỗ phồng của tấm nệm. Lúc ấy, anh lại với tay đến đồng hồ báo thức một lần nữa.
Chương 06
B
uổi sáng hôm sau, Sentaro dậy trễ một chút. Dưới bóng cây anh đào, đã thấy Yoshii Tokue đứng đợi. Khi Sentaro xin lỗi bà, Tokue chỉ tay lên phía ngọn cây trên đầu: “Những quả anh đào nhỏ xíu đã mọc ra rồi cậu nhỉ!”
“Có xe buýt hả bà? Vào giờ sớm như thế này?”
“Được rồi. Cậu đừng bận tâm.”
Rồi Tokue cứ thế mà bước vào cửa sau tiệm, không trả lời rõ ràng có hay không nhưng chắc là giờ này xe buýt vẫn chưa chạy. Lúc bước vào nhà bếp, những hạt đậu đỏ ngâm sẵn trong nước từ tối qua đã nở đầy hết trong bát. Từng hạt đậu đỏ lấp lánh khiến không khí xung quanh quầy bếp như đang thay đổi. Hơn cả thực phẩm đơn thuần, Sentaro có cảm giác như mình đang thấy một quần thể sinh vật nào đó. “A, hay thật nhỉ,” Tokue áp sát mặt vào cái thau.
Loại đậu này không phải là đặc sản của thành phố Obihiro hay của thành phố Tamba. Tính từ số tiền trung bình của một khách hàng, không thể sử dụng loại đậu thương hiệu trong nước được. “Nếu vậy, không cần là loại đậu nổi tiếng cũng được, tôi muốn thử sử dụng loại đậu khác,” đó là mong ước của Tokue. Chưa gì đã thấy phiền phức, nhưng Sentaro vẫn nhờ nhà cung cấp trước mắt hãy mang đến giúp anh loại đậu đỏ của Canada.
Lượng đậu đỏ tiêu chuẩn cho một lần làm mứt đậu đỏ là hai kilogram. Sau một đêm ngâm trong nước, trọng lượng đã vượt gấp đôi, hơn bốn kilogram. Theo trình tự thì sau khi nấu xong lượng đậu này, sẽ tiếp tục nấu
với xi rô chứa lượng đường tỷ lệ bảy mươi phần trăm so với trọng lượng đậu đỏ. Khi đó, tổng lượng mứt đậu đỏ ước chừng sẽ khoảng bảy kilogram.
Dù chỉ là ước lượng bằng mắt nhưng nếu giá định mỗi bánh dorayaki áng chừng có hai mươi gram mứt đậu đỏ thì theo tính toán, có thể làm được từ 330 đến khoảng 340 cái bánh. Thế nhưng, dù chỉ sử dụng năm kilogram cho việc kinh doanh thì cũng không thể bán hết trong một ngày, vậy nên chắc chắn là lượng mứt đậu đỏ còn dư sẽ trở thành nguồn tiêu thụ cho nhiều ngày sau nữa.
“Trước khi nấu thì…” Tokue thì thầm, rồi bắt đầu cần mẫn nhìn vào từng hạt đậu đỏ. “Cậu chủ, trước khi ngâm có nhìn thật kĩ không?” “Nhìn cái gì ạ?”
“Đậu đỏ đó.”
“Không,” Sentaro lắc đầu.
“Bởi vì cũng có những hạt đậu không đạt.”
Bằng những ngón tay cong queo, Tokue vốc những hạt đậu. Và rồi bà lấy ra một vài hạt, đặt lên lòng bàn tay cho Sentaro nhìn. Có hạt lớp vỏ còn cứng, có hạt vỏ dường như đang nứt toác ra.
“Những hạt đậu nước ngoài như thế này có thể là do quá trình tuyển chọn không tốt. Cậu chủ phải thận trọng nhé.”
Cách cư xử của Tokue trước những hạt đậu là việc chẳng quen thuộc với Sentaro chút nào.
Tokue áp mặt lại gần những hạt đậu đỏ. Cự ly ấy rất gần. Dáng vẻ hệt như là bà đang truyền tâm niệm đến từng hạt, từng hạt đậu. Từ lúc đặt đậu đỏ lên bếp gas, tư thế của Tokue vẫn không thay đổi.
Ở những tiệm bánh kẹo, có một loại nồi đồng chuyên dùng để nấu mứt đậu đỏ gọi là Sawari. Đến nay, Sentaro đã từng mấy lần thử làm mứt đậu đỏ; vào những lúc ấy, đến khi đậu đỏ mềm đi, anh vẫn tiếp tục giữ lửa cho Sawari.
Tokue thì khác. Cách làm khác hoàn toàn.
Trước tiên, nếu thấy nước có vẻ sắp sửa sôi, bà sẽ lập tức đổ thêm nước vào. Sau khi lặp lại việc này mấy lần thì sẽ có một lần bà chắt đậu qua rây lọc, bỏ đi phần nước luộc. Và rồi, bà lại bỏ đậu đỏ vào Sawari, lần này sẽ ngâm với nước ấm mới. Tokue gọi đây là công đoạn loại bỏ chất làm se. Dường như lớp bọt và vị đắng của đậu sẽ được rửa sạch qua công đoạn này. Và trong lúc đảo sạn gỗ sao cho không làm hỏng đậu đỏ, vẫn tiếp tục thong thả nấu bằng lửa nhỏ. Suốt toàn bộ những công đoạn này, Tokue luôn áp sát mặt đến nỗi chắn cả hơi nước.
Bà đang nhìn gì nhỉ? Chẳng lẽ trong đậu đỏ có gì biến đổi sao? Sentaro cũng tiến lên một bước về phía trước, nhìn vào những hạt đậu đỏ mờ hơi nước. Thế nhưng, anh không nắm bắt được thay đổi gì có vẻ đáng kể.
Tokue đang cầm sạn gỗ bằng bàn tay bị tật, nhìn chăm chú vào đậu đỏ. Sentaro liếc trộm khuôn mặt nhìn nghiêng ấy.
Một khi đã làm việc cùng người này, lẽ nào cũng bị đòi hỏi phải có lòng nhiệt huyết giống như vậy ư. Chỉ nghĩ thế thôi mà Sentaro đã thấy mệt mỏi rồi.
Thế nhưng, không biết từ lúc nào, Sentaro đã chăm chú nhìn vào những hạt đậu đỏ trong nồi Sawari mà ngay cả chính bản thân anh cũng không hiểu lý do vì sao. Những hạt đậu đang dao động khi bị bao phủ trong lớp nước luộc. Ở trong đó, không một hạt nào bị biến dạng.
Khi nước luộc chỉ còn lại một chút, Tokue tắt lửa, đặt cái thớt lên nồi
Sawari. Công đoạn này gọi là hầm. Toàn là các bước Sentaro chưa biết. Khi Sentaro thốt lên: “Nhiều thứ phức tạp quá nhỉ,” Tokue đáp: “Đó là để chiêu đãi”.
“Khách hàng ấy ạ?”
“Không. Là đậu đỏ.”
“Đậu?”
“Tụi nó đã cất công đến đây, từ tận Canada.”
Không để quá lâu, Tokue đã dời cái thớt đi. Bà nhìn đậu đỏ thật chăm chú rồi đổ nước lạnh vào nồi Sawari. Đây gọi là công đoạn tẩy. Cho đến khi nước trở nên trong vắt, bà còn ngâm đậu thêm mấy lần và dùng ngón tay để vuốt ve. Khuôn mặt áp sát gần như thế. Dáng vẻ cứ như đang đào kiếm từng mảnh vàng, Sentaro nghĩ.
“Ở tiệm này trước đây chưa từng có ai làm việc hết mình như thế này, bà ạ.”
“Làm lơ mơ thì toàn bộ thời gian và công sức làm đến đây sẽ trở thành vô nghĩa mất.”
Sentaro chỉ biết khoanh tay đứng nhìn.
“Nhưng mà… cháu thắc mắc mãi, bà nhìn gì vậy ạ?”
“Hả?”
“Bà áp mặt gần như thế là để nhìn cái gì đó của đậu đỏ phải không ạ?” “Tôi chỉ làm chuyện có thể làm thôi.”
“Chuyện có thể làm ạ?”
“Cậu chủ, nào, bưng cái nồi này.”
Sentaro đổi chỗ với Tokue, anh nhấc nồi Sawari lên bằng hai tay. Sau đó, tách lớp đậu đỏ ra qua rây lọc đặt ở bồn rửa. Khi hơi nước bốc đi hết,
những hạt đậu đã nấu xong hiện nguyên hình.
“Ôi… Đẹp quá.”
Sentaro rướn người lên phía trước. Có sự khác biệt tay nghề thấy rõ. Sentaro bất đắc dĩ cũng đành phải thừa nhận điều này. Tuy đã nấu đến tận lúc này nhưng hạt đậu nào cũng căng phồng. Không có vết nhăn. Với cách làm của Sentaro thì đến lúc này, thông thường những hạt đậu đỏ sẽ xảy ra hiện tượng bị nứt từ bên trong rất nhiều, chất tinh bột trong thân bung hết ra. Trong khi đó, những hạt đậu trước mắt anh cứ lấp lánh suốt lúc nấu. Thật trật tự, từng hạt một đang tỏa sáng.
“Nó sẽ thành như thế này khi xong nhỉ? Cháu đã không biết.” Nhìn thấy Sentaro bỡ ngỡ, Tokue nhún vai bật cười.
“Xong ư? Cậu chủ à, có thật là cậu đã từng nấu mứt đậu đỏ không đấy?”
“Cháu đã từng… Định làm, nhưng mà…”
“Nếu vậy thì, cậu không học là không được đâu.”
Từ đây, hai người quyết định làm bằng đôi tay của Sentaro. Trước nhất là việc chế biến xi rô ngấm vị ngọt vào đậu đỏ sống. Đầu tiên, đổ hai lít nước nóng vào nồi Sawari lúc này đã trống để nấu sôi. Tiếp đến cho hai kí rưỡi đường hòa tan trong đó.
Tokue ở ngay bên cạnh Sentaro, giải thích cho anh điểm quan trọng. Dù không còn thấy hạt đường nhưng vẫn phải tiếp tục chậm rãi trộn xi rô. Đừng để nó sôi quá mức cần thiết. Lúc cho đậu đỏ đã nấu xong vào xi rô cần phải cẩn thận. Và hết sức chú ý đến việc gia giảm lửa. Bằng cách nào đó, Sentaro đã vượt qua được từng ấy việc, cuối cùng cũng đến công đoạn nhào trộn đậu đỏ và xi rô với nhau.
“Cái này rất quan trọng đấy nhé. Vì dễ bị khét lắm.”
Tokue truyền đạt cho Sentaro kỹ thuật mà anh chưa từng nghe qua: “Cứ để đầu sạn chạm đáy nồi nhé!”. Vừa làm vậy vừa cho muối vào nồi Sawari.
“Dù sao đi nữa, nếu đến đây mà bị cháy là coi như xong đấy.” “Dựng cái sạn lên.”
“Làm nhanh lên.”
“Cứ đảo qua đảo lại như vậy là không được đâu.”
Bà nhanh chóng đưa ra những chỉ dẫn chi tiết từ cách cầm sạn đến góc cầm. Đứng trước đồ nóng thì việc đổ mồ hôi là đương nhiên, thế nhưng phần trán và gáy của Sentaro lại ra mồ hôi nhiều hơn mức bình thường.
Tuy vậy, Sentaro nghĩ rằng chắc chắn người phụ nữ này đã đúng. Trong những lần Sentaro thử làm mứt đậu đỏ, lúc nào anh cũng bị thất bại ở đây. Bởi vì đồ nào có trộn đường vào thì phần đáy sẽ rất dễ khét. Để tránh điều đó, anh đã nấu bằng lửa nhỏ liu riu, nhưng như vậy lại làm mất đi cảm giác chất liệu của mứt đậu đỏ do tốn quá nhiều thời gian. Để tạo ra loại mứt đậu đỏ nhìn cũng ngon mà ăn cũng ngon, quả nhiên là phải giữ lửa lớn một chút để nước bốc hơi, nhưng cũng phải mạnh dạn di chuyển sạn gỗ đúng lúc nhằm tránh cho bột không bị khét.
Vừa lấy ống tay áo lau mồ hôi trên trán, Sentaro vừa đảo sạn gỗ. Thế rồi bất ngờ Tokue cất tiếng: “Thôi đủ rồi đó, cậu tắt lửa đi.” “Nhưng vẫn còn lỏng mà bà.”
“Như thế là đủ rồi. Thời điểm thích hợp là đây.”
“Nhưng mà… như thế này thì…”
Thứ ở trong nồi Sawari nếu gọi là mứt đậu đỏ thì vẫn còn quá mềm. Dù
dở tệ trong việc chế biến mứt đậu đỏ nhưng Sentaro vẫn có cảm nhận riêng khi phết mứt đậu đỏ. Với độ mềm như thế này thì khi kẹp vào vỏ bánh, mứt đậu đỏ sẽ chảy ra ngoài mất.
Thế nhưng, khi tắt lửa và trong lúc dùng sạn gỗ, anh bắt đầu từ từ có cảm giác về chất liệu của thứ mứt đậu đỏ mà anh đã nghĩ là nó quá mềm. Tokue đã trải rộng một tấm khăn trên thớt.
“Đến đây thì tạm thời cứ để yên như thế. Đây gọi là công đoạn ủ mật. Sau đó, dùng sạn để xúc ra, xếp trên này.”
“Cái gì cơ ạ?”
“Mứt đậu đỏ do cậu chủ vừa mới làm ấy.”
Làm thế nào chứ? Sentaro bối rối, trong lúc đó, Tokue đã lấy đi sạn gỗ từ tay anh.
“Cậu chủ à, nghỉ một chút thôi.”
Chương 07
T
rong thời gian ủ mật, Tokue bảo Sentaro hãy ghi lại quá trình chế biến vào sổ tay. Hễ anh trả lời là: “Không sao đâu, cháu nhìn là nhớ mà,” thì bà lại ép anh: “Vậy thì, cậu hãy thử nói đầy đủ các bước làm từ lúc bắt đầu đến bây giờ đi,” không còn cách nào khác, Sentaro đành mở quyển sổ ghi chép ra.
“Cậu chủ thật là người tự tin quá nhỉ!”
“Không, không phải như thế đâu ạ.”
“Bởi vì cậu có tự tin nên mới không muốn ghi chép lại đấy thôi. Làm bánh kẹo rất cần chú ý những thứ nhỏ nhặt như thế này. Nếu không viết ra thì làm sao có thể nhớ được chứ?”
“Vâng.”
Sentaro rụt cổ lại, Tokue đang chỉ anh quá trình từ lúc thay nước ngâm mới.
“Những thứ này, bà học từ đâu ạ?”
“Tôi học từ lâu lắm rồi.”
“Những năm mươi năm mà nhỉ!”
“Khách hàng ở đây, có lẽ cũng nhiều người bằng tuổi với tôi.” Sentaro lắc đầu.
“Toàn là đám nữ sinh trung học, phổ thông nghịch ngợm thôi ạ. Chúng làm ồn đến nỗi cháu phát bực.”
“À… những đứa trẻ đó…”
Khuôn mặt của Tokue đột nhiên phớt hồng.
“Ồn ào kiểu tụi nhỏ ấy thì có sao đâu cậu.”
“Bởi vì là khách hàng nên cháu mới chịu đựng.”
“Tôi, có thể gặp tụi nhỏ không nhỉ?”
“Không…”
Lời cự tuyệt đã lướt qua trong tâm trí, nhưng Sentaro không tài nào mở miệng được. Tokue chỉ chế biến mứt đậu đỏ thôi, sau khi kết thúc thì bà về, đó là quyết định Sentaro sẽ không thay đổi. Sentaro nghĩ rằng đó là điều anh không thể nhượng bộ được.
Tokue nhìn xuống nồi Sawari, bà dùng sạn gỗ để trộn đậu đỏ đã được ủ mật.
“Vừa đúng lúc nhỉ.”
Bằng sạn gỗ, bà xúc bột đậu ra, xếp trực tiếp lên khăn.
“Xúc ra đây sao?”
“Bởi vì chúng nó vẫn còn đang đổ mồ hôi, làm như thế để hút mồ hôi ra đấy. Có vậy thì khi đã lạnh, chúng sẽ trở thành loại mứt đậu đỏ thật tuyệt vời.”
Cùng với chuyển động của cái sạn gỗ, hơi nước từ mứt đậu đỏ cũng bốc lên. Bề mặt của mứt đậu đỏ trải dài trên tấm khăn tỏa sáng lấp lánh lấp lánh, mùi hương nồng lan tỏa khắp nhà bếp.
“Vấn đề còn lại là vỏ bánh của cậu chủ nướng có hợp với mứt đậu đỏ này không thôi!”
Sentaro dùng muỗng đổ bột làm bánh lên chiếc bàn nướng đã được làm nóng.
Bột làm bánh anh dùng là loại phân chia nguyên liệu theo lối chính
thống có tên gọi Sandouwari. Đây là loại duy nhất mà lúc ngài chủ tiệm còn sống đã chỉ dạy anh cách làm rất tường tận. Trứng, đường hạt nhỏ, bột mì. Lần lượt chia đều ba phần này với đơn vị gram bằng nhau rồi trộn lại và nhào. Tuy có thể thêm chút baking soda và mirin, thêm nước để điều tiết độ nhão, nhưng tỷ lệ ba phần bằng nhau không thay đổi trong suốt năm. Vì đây là cách làm không cần lý thuyết, đơn giản, rõ ràng nên nếu đã quen rồi thì bất cứ ai cũng có thể làm được.
Vấn đề nằm ở việc nướng. Chẳng hạn, khác với bánh Imagawayaki dùng khuôn đúc sẵn thì bánh dorayaki sử dụng loại bàn nướng gọi là Hiranabe. Chưa kể, để độ lớn và độ dày của bánh vừa vặn đồng đều nhau, phải nướng bánh sao cho nhịp nhàng. Tất cả thợ nướng bánh đều trông có vẻ đang làm việc rất thư thái, nhưng với những người mới vào nghề, đây là công việc thực sự khó nhọc. Chỉ gia giảm lượng nước một chút thôi là đã có thể dẫn đến sự khác biệt về kích cỡ, và vốn dĩ khi đổ nguyên liệu xuống bàn nướng thì không phải lúc nào cũng có thể nướng ra hình tròn hoàn hảo. Hơn nữa, thật phiền phức nếu như tính toán sai thời điểm lật bánh, bột sẽ bị khét ngay.
Ngày hôm ấy, không biết có phải là do ảnh hưởng của việc lần đầu tiên biết được cách làm mứt đậu đỏ tử tế, hay vì cảm giác căng thẳng do lúc nào Tokue cũng theo sát bên, Sentaro đã nướng nguyên liệu thật thành thục. Chỉ toàn là những chiếc bánh tròn trịa đồng nhất với nhau. Đối với Sentaro, đây là chuyện hiếm có.
Còn mười lăm phút nữa là đến giờ mở cửa tiệm. Hai người bắt đầu làm việc từ lúc hơn sáu giờ sáng một chút, như vậy có nghĩa là khoảng bốn tiếng rưỡi đã trôi qua. Cả Sentaro lẫn Tokue đều duỗi lưng, xoa bóp cánh tay trong lúc ngồi xuống chiếc ghế tròn nơi nhà bếp.
Kẹp mứt đậu đỏ vẫn còn hơi ấm vào trong vỏ bánh mềm mại, đầy đặn vừa mới nướng xong. Nếu là người yêu bánh, đây sẽ là khoảnh khắc khuôn mặt họ giãn ra.
Gật đầu với Tokue, Sentaro cho bánh vào miệng.
Lập tức, hương vị bao phủ quanh mũi, không gian phía sau lưng dần biến mất.
Hoàn toàn khác với mứt đậu đỏ bán sẵn, đây là hương vị của đậu đỏ nguyên chất. Mùi hương bật lên nảy xuống liên hồi như đang nhảy múa. Và có cả chiều sâu nữa. Vị ngọt thanh khiết lan rộng khắp trong đôi má Sentaro.
Hễ nhìn về phía Tokue và mỉm cười với bà, Sentaro lại cắn thêm một miếng. Quả là, rõ ràng anh đã bị rung động. “Thực sự khác biệt bà ạ,” Sentaro xoa má mình.
“Như thế nào hả cậu chủ?”
“Loại mứt đậu đỏ như thế này, lần đầu tiên cháu được ăn.” “Vậy ư?”
“Cuối cùng thì cháu đã gặp được loại mứt đậu đỏ mình có thể ăn.” “Hả?”
Đôi mắt Tokue tập trung vào chiếc bánh dorayaki Sentaro ăn dở. Bánh còn dính dấu răng đang được Sentaro nắm chặt trong tay. “Cậu vừa nói gì thế, cậu chủ?’’
Tokue cũng dừng lại khi còn phân nửa bánh.
“Không có gì ạ, ừm… bà Yoshii.”
“Vâng.”
Tokue để lại bánh dorayaki trên đĩa.
“Thực ra thì cháu hiếm khi nào ăn hết trọn một cái bánh lắm ạ.” “Hả?”
Tokue há hốc miệng.
“Sao vậy? Lẽ nào, cậu ghét dorayaki?”
Sentaro vội vàng xua tay.
“Không, không phải vậy đâu bà… Ăn thì cũng có ăn đấy ạ, chỉ là, cháu không phải người hảo ngọt.”
“À, vậy thì…”
“Nhưng cháu vẫn nhận ra mứt đậu đỏ bà Yoshii làm rất tuyệt vời. Lần trước cháu cũng nghĩ thế, nhưng mứt đậu đỏ này… nói chung đây là lần đầu cháu gặp mứt đậu đỏ như thế này.”
“Cậu chủ. Cậu ghét đồ ngọt ư?”
Tokue không rời mắt khỏi khuôn mặt Sentaro.
“Không, không phải là cháu ghét ạ, chỉ là, nếu ăn hết cả một chiếc bánh thì… có hơi…”
“Sao vậy, cậu chủ?”
Trong khi giọng Sentaro dần nhỏ đi thì giọng Tokue dần lớn hơn. “Tại sao, cậu chủ lại… tiệm bánh dorayaki?”
“Ừm… sao vậy nhỉ?”
Hoàn toàn không thể tin được, Tokue tròn xoe mắt.
“À không, vô tình thế nào ấy, cuối cùng cháu lại đứng đây.” “Vô tình thế nào ấy, nghĩa là…”
“Chuyện riêng của cháu thôi ạ.”
Sentaro lấy chiếc bánh dorayaki còn ăn dở, cắn thêm một miếng.
“Nhưng mà… cái này…”
“Sao cơ? Cậu chủ, cậu là người không rõ ràng gì cả.”
“Chuyện này cháu vừa mới nhận ra thôi, nhưng mà vì mứt đậu đỏ bà Yoshii làm quá ngon, vậy nên vỏ bánh trở thành thứ phụ chỉ để thêm vào thôi nhỉ! Có chút mất cân bằng.”
Tokue nghiêng đầu trầm tư, với tay đưa nốt phần bánh còn lại vào miệng.
“Chà, đúng thật là vậy…”
“Đúng vậy bà nhỉ? Vì mứt đậu đỏ quá ngon nên chỉ có thể cảm nhận được nó thôi. Chuyện kẹp vào vỏ bánh không có ý nghĩa gì cả. Trái lại, dường như còn đang cản trở nó nữa.”
Dẫu nói như thế nhưng trong lồng ngực Sentaro, có tiếng nói khác cất lên bảo “Mày hãy cẩn thận”. Nó đang kêu gào rằng đừng nói thêm về công việc nữa. Nhưng mà, miệng đã lại cử động mất rồi.
“Nếu vỏ bánh ngon thêm chút nữa, đã tốt hơn rồi bà nhỉ…?” “Thêm chút nữa bằng cách nào hở cậu?”
“Vâng, khó nghĩ thật. Thế nhưng, trước mắt, có mứt đậu đỏ ngon thế này kẹp vào bánh, chắc sẽ giúp tiệm ta bắt đầu khởi sắc từ đây đấy ạ.” “Dù được khen như thế nhưng cậu chủ à… tôi cảm thấy thật thất vọng. Người không thích đồ ngọt mà lại làm ở tiệm bánh dorayaki.” “Không phải như thế đâu ạ. Bà nhìn này, cháu đã ăn hết bánh rồi đấy. Chuyện thế này rất hiếm ạ.”
Cố tình cho bà thấy mình vừa mới ăn xong, Sentaro đập tay phủi bụi. “Tôi thấy tiếc sao đó.”
“Vốn dĩ như thế này rồi bà ạ.”
Khi Sentaro làm điệu bộ cầm chén rượu, Tokue liền nhăn mặt lại. “Vậy thì, nếu cậu làm ở quán rượu là tốt hơn rồi nhỉ.” Sentaro không trả lời lại, anh đứng lên mở cửa cuốn.
Chương 08
“M
ứt đậu đỏ của tiệm Doraharu đã thay đổi.”
Sentaro nghĩ rằng mình nên đăng những dòng chữ đó trước cửa tiệm. Nhưng mà nếu để vậy, anh có cảm giác rằng sẽ bị người ta hỏi thế thì mứt đậu đỏ từ trước đến giờ là loại nào; chắc chắn khi đó, anh không thể nói cho khách biết được.
Tuy nhiên, từ ngày làm mứt đậu đỏ ấy, đã có sự thay đổi diễn ra tức thì. Đám học sinh cấp hai, cấp ba lúc nào cũng chỉ ồn ào trở nên im lặng một cách lạ thường, “Sao mà lại thành ngon thế này hả anh?,” cả đám nhìn vào khuôn mặt Sentaro.
Anh đáp lại lập lờ rằng mình mua được đậu tốt, không đả động gì tới chuyện của Tokue.
Từ khách hàng mua mang đi cũng có sự phản ứng. Họ nói với anh là: “Có phải đã đổi nhà cung cấp rồi không?”.
Vào lần tiếp theo Tokue đến làm, Sentaro đã kể lại những chuyện ấy. “Tốt thật nhỉ,” Tokue mỉm cười nhưng bà không nói bất cứ điều gì tán dương bản thân.
“Thế nhưng, lượng hàng bán ra vẫn không thay đổi. Nếu như khách hàng khen ngợi mà họ mua nhiều hơn thì tốt biết bao.”
“Họ chỉ đến thôi là đã quý rồi cậu.”
“Nhưng mứt đậu đỏ thế này, mãi mà không thu hút người ta sao.” “Thế gian như thế đó…”
“Vâng, đúng là vậy thật.”
Đứng cạnh Sentaro đang nắm chặt cái sạn gỗ, Tokue vẫn chăm chú nhìn vào bát đậu đỏ như mọi khi.
Mứt đậu đỏ do Tokue nấu, lần nào cũng là loại có chất lượng hảo hạng. Sentaro có thể cảm nhận rằng tư thế lúc làm việc của Tokue dường như đã trở thành minh chứng đảm bảo cho điều đó.
Dù như thế nào đi nữa, bà luôn trân trọng những hạt đậu đỏ. Như thể đã quên đi sự khuyết tật của những ngón tay, bà cố gắng cẩn thận làm hết từng công đoạn, từng công đoạn. Lúc nào bà cũng áp sát mặt vào đậu đỏ.
Vì Tokue đề cập đến việc bà muốn thử những loại đậu khác nữa, Sentaro đã xin nhà cung cấp cho anh vay thêm loại đậu đỏ ở tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc và loại đậu đỏ của Mỹ, bên cạnh loại đậu đỏ của Canada. Dù là loại đậu nào, Tokue đều có thể nấu thuần thục. Từng loại từng loại đều tỏa mùi hương nồng nàn nhưng vẫn có sự khác biệt đâu đó, ngay cả độ sáng của đậu cũng toát ra khí chất riêng. Tokue nói rằng điều đó “thật thú vị nhỉ?”.
Nếu thay đổi loại đậu thì chỉ riêng việc ấy thôi cũng đủ khiến công đoạn chế biến trở nên phức tạp. Tuy thoạt tiên có phiền phức nhưng Sentaro dần cảm thấy rằng có thể nấu từng loại đậu đỏ theo cách riêng của nó. Khi tạo được đặc trưng như thế, nếu phân loại những chiếc bánh dorayaki theo giống đậu đỏ của từng địa phương rồi bán thì sẽ như thế nào nhỉ. Hoặc với những món cũng chế biến từ mứt đậu đỏ như thạch đậu đỏ, kintsuba; liệu có thể kiếm lời từ việc làm ra chúng dù chưa biết sẽ thành công hay thất bại không. Những chuyện ấy anh cũng có nghĩ thoáng qua.
Tuy nhiên, không thể tăng công việc nhiều hơn mức hiện tại được.
Anh đang nỗ lực làm không nghỉ ngày nào, công việc chế biến mứt đậu đỏ anh vốn không quen. Điều đó dẫn đến những ngày anh phải cố hết sức chịu đựng. Sự mệt mỏi về thể xác là điều đương nhiên. Hơn nữa, dường như đâu đó trong anh đã trở nên bất thường và anh cảm thấy khó chịu với bản thân mình vì điều đó.
Nếu dốc sức một cách nghiêm túc, có lẽ phía bên đậu đỏ cũng có một thế giới thú vị đang chờ đợi anh. Sentaro bắt đầu cảm nhận như thế. Và điều đó đã mang đến cho anh cảm giác rất tươi mới. Thế nhưng, cũng có một cái tôi khác trong anh ở đấy và nói rằng “Mày không đùa chứ?”. Nếu một ngày nào đó anh lại có thể nỗ lực học tập để trở thành tác gia, dù thế nào chăng nữa, ít nhất là anh phải nói lời tạm biệt với cuộc sống ngày qua ngày đứng trước bàn nướng. Điều đó là chắc chắn.
Không biết có phải vì tâm trạng ấy, hay vì anh không hợp với nó từ cốt lõi bên trong, mứt đậu đỏ mà Sentaro thử làm một mình vào những ngày không có Tokue vẫn còn khoảng cách rất xa để đạt được cảm giác ổn định về chất liệu. Hễ anh nghĩ rằng mình đã tiến bộ một chút rồi thì ngay sau đó mùi khét sẽ bốc lên. Lúc thì anh ninh nhỏ lửa quá lâu nên khi chạm vào đậu dính nhão nhoẹt, ngược lại lúc thì do lượng nước thoát ra quá nhiều mà đậu trở nên khô khan.
Tuy nhiên, từ khi không sử dụng mứt đậu đỏ trong thùng nhựa, nếu lúc nào mứt đậu đỏ của Tokue có vẻ như không đủ, Sentaro chỉ còn cách là trộn nó với mứt đậu đỏ anh làm. Khi Tokue nếm thử mứt đậu do bà làm với mứt đậu đỏ được trộn chung, Sentaro có cảm giác như cậu học sinh tiểu học đang chờ nhận lại bài kiểm tra.
Khi nếm thử, Tokue duỗi thẳng lưng, ngậm chiếc muỗng có mứt đậu đỏ trong miệng. Nhìn chằm chằm vào không trung, thế rồi mắt bà chuyển
động trở lại khi thốt lên: “Mùi vị có chút không ổn định đấy cậu.” Tuy nhiên, không hẳn là bà phủ định với lời nói ấy, “Nhưng mà thú vị thật nhỉ,” bà nói thêm. Trong lúc chế biến mứt đậu đỏ, bà là người để ý chi tiết đến nỗi có bộ dạng kỳ lạ, thế nhưng ngược lại, lúc đã hoàn thành thì dường như lại thích thú với sự biến đổi của chất liệu hơn.
“Cháu thì nghĩ bà sẽ kêu làm lại đấy.”
“Vì nó đã ngon hơn hẳn của nhà cung cấp rồi nên cần gì.” “Cháu không nghĩ bà lại nói thế.”
“Bởi đậu đỏ đã cố hết sức rồi.”
Khi đã làm xong việc, cách nhìn lẫn cách nói của Tokue về sự vật trở nên thoải mái hơn. Sentaro cảm thấy rất biết ơn bà về điều đó, nhưng đồng thời, cũng có khi bà trở thành mối phiền phức.
Bà dịu dàng sau khi chế biến mứt đậu đỏ xong. Và dù Sentaro có nói như thế nào rằng bà không cần xuất hiện trước mặt khách cũng được, thế nhưng Tokue chắc chắn sẽ cứ ở lại nhà bếp sau giờ mở cửa một, hai tiếng.
Việc này đương nhiên cũng có sự tình bất đắc dĩ. Tuổi nào tật đó. Cũng có phần là do cơ thể suy yếu. Tokue cứ ngồi lì rất lâu ở cái ghế trong nhà bếp, vừa ngồi bà vừa nhìn quanh quất không biết bao nhiêu lần. “Tôi mệt rồi,” bà nói. “Cái lưng…” bà há miệng ra, khuôn mặt trở nên lờ đờ. Những lúc như thế, bà dường như mất luôn cả sức lực để uống trà, đặt tạp dề trên đùi, bà cứ ngồi cố định mãi một chỗ. Bà còn có vẻ bị lãng tai nhiều hơn bình thường nên mỗi lần ở khu phố chợ có thông báo gì, bà đều ngẩng lên nhìn Sentaro và hỏi: “Có chuyện gì hả cậu?”. Quả nhiên là vào những lúc như thế, chính Sentaro cũng không thể nói là bà hãy ra về giúp cháu. Và cứ như thế rồi cũng đến lúc khách hàng ghé tiệm. Tệ hại thật, Sentaro nghĩ.
Lý do là vì, mặc dù Tokue đã cho anh thấy hành vi giống như thể bà đang cố ẩn mình dưới bóng cái kệ, nhưng không có vẻ gì là bà sắp sửa ra về cả. Hễ có khách bồng em bé đứng trước cửa kính, bà lại chường nửa mặt ra, thân thể lắc lư, “Ngoan nào, ngoan nào, ngoan nào”. Khi có một nhóm chỉ toàn con nít xuất hiện, bà sẽ cố nói sao cho Sentaro nghe thấy: “Cậu chủ à, khuyến mãi cho chúng một ít đi”. Những lúc như thế, Sentaro lại lỡ miệng nói lớn tiếng: “Bà sắp sửa về được rồi đó”. Tức thì, Tokue mở cửa sau, lẳng lặng đi về.
Một buổi chiều giữa mùa hè, khi nhiệt độ tăng cao. Sentaro cứ để tay nơi cửa tủ lạnh, miệng khẽ rên.
Dù chưa đến mức xếp thành hàng nhưng hôm đó khách đến tiệm không ngớt. Vì mứt đậu đỏ được trộn chung vào buổi sáng có vẻ như sắp dùng hết, Sentaro định lấy thêm phần bổ sung. Thế nhưng, trong tủ lạnh không còn mứt đậu đỏ nữa. Nếu như không nấu thêm mẻ mới thì không thể nhận thêm khách hàng. Cơ mà mặt trời thì vẫn còn ở trên đầu thế kia.
Vừa xin lỗi một vài người khách, Sentaro vừa treo tấm biển gỗ đề dòng chữ “Đã bán hết. Xin cám ơn” trước cửa kính. Trước kia, đây vốn là thứ chỉ để mua cho vui, rồi nó đã bị lẫn vào mớ đồ hỗn tạp trong kệ. Theo như Sentaro nhớ thì tấm biển gỗ này chưa từng một lần được treo ở đây.
Phải chăng do chuẩn bị mứt đậu đỏ quá ít? - Sentaro nhìn lại tờ giấy ghi chép lượng hàng cung cấp. So với ngày thường vẫn không có gì thay đổi. Ở thùng rác nằm kế bên bàn nướng, vỏ trứng đã sử dụng như muốn tràn ra ngoài.
Sentaro vội kiểm tra doanh thu. Tròn chẵn ba trăm cái đã được bán. Con số kỷ lục.
Sau khi kéo cửa cuốn xuống, Sentaro bước đi trên khu phố chợ đã bắt đầu nhuộm ánh tà dương. Dù có mệt mỏi nhưng cơ thể anh như đang bừng cháy. Đôi chân ấy hướng đến tiệm mì, anh vào đó uống một mình.
Đấy không phải là công việc anh muốn làm. Anh muốn nhanh chóng được tự do. Anh chỉ ước mỗi điều đó thôi. Thế nhưng, anh vẫn có cảm giác đạt được thành tựu như thế mình đã vượt qua một ngọn núi. Đến đây, Sentaro cảm thấy hoang mang. Anh dường như muốn làm gì đó để ăn mừng, nhưng không hiểu sao anh lại cảm thấy bối rối… cảm thấy không hiểu rõ lắm vị trí mình đang đứng.
Từ giờ, anh phải làm như thế nào đây.
Hơn nữa, anh phải tìm câu trả lời ấy ngay lúc này.
Sentaro dốc nghiêng bình rượu trong lúc nghĩ ngợi.
Cảm giác trong trẻo như lúc treo tấm biển gỗ khi hết mứt đậu đỏ, liệu rằng về sau này còn có chăng. Hơn nữa, liệu có nên xem đây như một cơ hội để cân nhắc đến chuyện kinh doanh cả về ban đêm không.
Dù là lựa chọn nào, Sentaro nghĩ rằng nó đều có cả ưu điểm và nhược điểm.
Nếu như lượng hàng bán ra tăng lên thì nguồn thu của anh cũng tăng lên. Số tiền trả nợ cho bà chủ cũng có thể tăng ngay lập tức. Thế nhưng mặt khác, chắc chắn là trong anh cũng có cái tôi dường như đang muốn đầu hàng công việc. Việc vùi đầu vào sự bận rộn còn hơn cả thế này đối với Sentaro thật khó tưởng tượng. Chỉ làm bánh dorayaki thôi đã hết một ngày rồi. Lặp đi lặp lại một công việc giống nhau và cứ thế ngày tháng trôi qua.
Nhưng dù thế nào thì… Sentaro nghĩ.
Nếu như từ giờ có thể làm việc cả ngày không ngưng nghỉ, chắc chắn ngày anh được giải phóng khỏi chốn lao tù trước bàn nướng sẽ càng đến gần. Như vậy thì chẳng phải là anh nên làm việc hết mình, lấy chuyện tiết kiệm làm mục tiêu hàng đầu sao. Vì mục đích đó, Thượng đế đã mang Tokue đến cho anh. Bà làm cho anh loại mứt đậu đỏ hảo hạng với tiền lương theo giờ bèo bọt. Nếu đây không phải là cơ hội thì còn cái gì là cơ hội nữa.
Sentaro lẩm bẩm trong miệng: “Thời cơ đến rồi chăng?”. Và bằng đầu óc đã say xỉn, Sentaro nghĩ về phương thức làm việc cụ thể từ nay về sau. Mặc dù đây là khu phố chợ tồi tàn, nó cũng có giờ cao điểm về lưu lượng người qua lại. Đó là bắt đầu từ lúc chiều tối khi người người về nhà và khách mua đồ ngày một đông. Ở những tiệm bánh trong trung tâm thành phố, cũng có tiệm chuẩn bị làm bánh từ lúc trưa, rồi lấy giờ kinh doanh bắt đầu từ chiều tối cho đến đêm khuya. Bất ngờ là phụ nữ công sở hay mấy cậu nhân viên kinh doanh sau khi nhậu xong muốn ăn đồ ngọt cũng rất nhiều. Nếu là như thế, việc đóng cửa tiệm vào lúc mặt trời còn tỏ là điều rõ ngốc nghếch.
Ít nhất thì đến tám hay chín giờ tối, anh muốn tiệm vẫn còn mở. Để đón lượng khách mới, từ nay về sau, anh không nên làm những chuyện như kéo cửa cuốn xuống trước giờ cao điểm khi mọi người về nhà nữa.
Tuy nhiên, nếu tính như thế thì ai sẽ làm lượng mứt đậu đỏ, thứ hiển nhiên sẽ phải làm nhiều lên đây?
Sentaro như đâm sầm vào bức tường ở điểm đó.
Anh không thể nghĩ rằng một người bảy mươi sáu tuổi chưa gì đã muốn ngồi xuống lại có khả năng lao động nhiều hơn mức độ hiện tại.
Chương 09
“B
à có thể làm mứt đậu đỏ nhiều hơn mức từ trước đến giờ không?” Sentaro hỏi để xác minh với Tokue về điều đó sau hôm treo tấm biển gỗ “Đã bán hết” được vài ngày. Tokue không thốt lên “Hả?” cũng không hỏi “Cái gì?,” bà chỉ im lặng nhìn Sentaro. Và sau một lúc lắng đọng, “Tốt quá nhỉ, cậu chủ,” đôi mắt bà giãn ra.
“Nhờ có bà mà khách hàng đang tăng dần ạ.”
“Mứt đậu đỏ cũng phải làm nhiều hơn đúng không?”
“Sớm thôi ạ.”
“Nếu là vậy, tôi cũng phải giúp cậu.”
Hoàn toàn không cho thấy một biểu hiện khó chịu nào, Tokue tiếp nhận việc tăng lượng chế biến mứt đậu đỏ. Và rồi hai người bàn bạc với nhau, từ bây giờ, cả hai dự định mỗi lần sẽ làm mười kilogram mứt đậu đỏ. “Sẽ bận rộn hơn bây giờ đấy bà.”
“Có gì đâu, tốt mà cậu.”
“Tình trạng sức khỏe của bà như thế nào ạ? Bà có thể chịu đựng mức công việc nhiều hơn bây giờ không?”
“Chẳng phải là những việc cần sức lực thì cậu chủ đã làm giúp tôi rồi sao?”
“Vâng, thì là thế…”
“Vậy hãy bắt đầu luôn từ hôm nay nhé.”
Giống như khi có bà mẹ bồng con đứng trước cửa kính, Tokue lại cho
Sentaro thấy thân thể bà đang lắc lư vì vui sướng.
Lần đầu tiên Sentaro mới hiểu ý nghĩa của chữ bận rộn. Vào những ngày bán được, ngay cả thời gian để duỗi lưng anh cũng không có, cứ phải tiếp tục nướng nguyên liệu. Trong lúc đó, anh cũng tiếp khách. Anh còn nhét nhân đậu vào bánh, và nhập máy tính tiền, mọi việc tiến hành song song, cùng lúc.
Tuy nhiên, Sentaro vẫn giống như từ trước đến giờ, anh không có ý định nghỉ ngơi. Anh cũng không tăng thêm ngày làm việc của Tokue. Cứ như bám dính vào cái bàn nướng, anh tiếp tục làm việc từ sáng sớm đến tối khuya.
Ngày ngày trôi qua như thế. Có lúc lên lúc xuống nhưng lượng hàng bán ra luôn duy trì ở mức tốt.
Cuối cùng, cây anh đào trước tiệm dần ướt đẫm trong những cơn mưa dài. Những tán lá trĩu nặng giọt mưa khiến màu xanh thẫm trở nên lấp lánh. Đối với cây cối thì đó là sự ẩm ướt tốt lành. Thế nhưng, đối với những tiệm bánh kẹo tươi không dùng chất bảo quản, đây là cuộc đổ bộ của một mùa khó khăn.
Nhiệt độ cao và khí ẩm là kẻ thù của mứt đậu đỏ. Mứt đậu đỏ có lượng đường dày đặc, chẳng hạn như, nếu là mứt đậu đỏ của bánh monaka thì cứ để yên cũng có thể bảo quản hiệu quả. Ngược lại, loại mứt đậu đỏ được sử dụng trong bánh dorayaki hay bánh manju thì rất yếu ớt trong việc đó. Tùy theo điều kiện mà có khi trong nửa ngày là đã biến chất mất rồi.
Sentaro cũng phải chú ý đến nguyên liệu nướng bánh. Nếu làm trước quá nhiều, bánh sẽ bị iu, nhão nhoẹt, thành ra không thể sử dụng được. Để tránh điều đó, Sentaro dự đoán trước lượng khách rồi chỉ nướng mỗi lần
một ít. Vào mùa mưa, làm cái gì cũng mất thời gian và sức lực. Thế nhưng, nhờ có mứt đậu đỏ của Tokue mà vẫn có lượng khách đến tiệm Doraharu. Dù một tay phải cầm ô, khách vẫn xếp hàng trước cửa kính. Nếu là mọi năm, vào thời điểm này, tình trạng mở cửa tiệm mà cũng như không cứ tiếp diễn thì năm nay, mỗi ngày đều trôi qua trong bận rộn. Sentaro trở nên cảm thấy chóng mặt khi đứng trước bàn nướng cũng là từ dạo đó.
Sự bận bịu cộng với hơi nóng chồng chất lên anh.
Từ cửa kính luôn để mở, khí nóng đặc trưng của mùa này tràn vào. Máy lạnh của tiệm vẫn hoạt động, nhưng chỗ Sentaro đứng lại là trước bàn nướng đang được đốt lửa. Mồ hôi rịn ra áo bếp của anh. Sentaro vừa nướng nguyên liệu vừa uống rất nhiều nước. Tự nhiên, cảm giác thèm ăn trong anh cũng giảm đi. Dù chỉ là bánh sandwich của cửa hàng tiện lợi anh cũng nuốt không trôi. Dù vậy, cứ như bị ám ảnh, Sentaro vẫn tiếp tục làm việc không ngơi nghỉ.
Vào một ngày phải treo tấm biển gỗ đã bán hết dù hôm đó trời mưa, Sentaro cảm thấy từ trước đến nay chưa bao giờ cơ thể anh nặng nề như thế. Vừa về đến căn hộ, Sentaro ngã ngay xuống nhà bếp, anh nằm ở đó một lúc. Chuyện lên giường ngủ phải để sau khi đã uống vài ly whisky.
Ngày hôm sau.
Sentaro ở trong nhà bếp Doraharu, anh cứ ngồi khom lưng trên ghế. Anh bỏ mứt đậu đỏ mình nấu vào nồi Sawari. Công đoạn ủ mật đã gần xong. Nếu dùng sạn gỗ để phân chia, trộn lượng bổ sung vào mứt đậu đỏ của Tokue thì công việc sẽ hoàn thành.
Biết được các công đoạn cơ mà Sentaro vẫn không thể làm gì. Cơ thể
anh không chịu cử động. Tắm mình trong hơi mát của máy lạnh, Sentaro cứ ngồi cố định một chỗ. Chỉ cử động ngón tay thôi cũng khó khăn. Ngày hôm đó, Sentaro đã không thể mở cửa tiệm.
Anh cứ ngồi yên rồi không biết từ lúc nào đã ngủ mất, lúc mở mắt ra, kim đồng hồ chỉ giờ đã gần trưa. Đến khi đó, cuối cùng anh mới cử động cơ thể được, nhưng không hiểu sao anh chẳng có chút tâm trạng gì muốn kéo cửa cuốn lên. Sentaro bọc mứt đậu đỏ lại, trong lúc ấy, không biết bao nhiêu lần anh thở hắt ra từng hơi ngắn. Trước khi cho bột đã bọc vào tủ lạnh, Sentaro lại ngồi xuống ghế lần nữa.
Cởi áo bếp, Sentaro bước ra khỏi tiệm.
Từ sáng sớm, trời vẫn còn mây mù, thế nhưng bây giờ ánh sáng phản chiếu chói lòa lên mặt đường lại ở ngay phía kia.
Tia nắng quá gắt khiến Sentaro nhăn mặt lại, anh bước vào bóng tán cây anh đào.
Chú ve sầu đã đến từ lúc sáng sớm kêu rít một tiếng rồi bay đi mất. Hai tay chạm vào vỏ cây xù xì, Sentaro chỉ vừa kịp đứng vững. Những giọt mồ hôi mệt mỏi túa ra toàn thân. Anh cứ dựa người vào thân cây anh đào, mắt nhìn những chiếc lá dao động trong gió. Màu xanh thẫm trên ngọn cây. Đó là thứ duy nhất mà Sentaro có thể nắm giữ trong tầm mắt. Thế rồi dường như thấp thoáng trong những chiếc lá, khuôn mặt mẹ anh hiện ra. Dạo Sentaro còn ở trong tù, mẹ anh đã đến gặp anh không biết bao nhiêu lần. Từ bên kia tấm kính ngăn cách, người mẹ mà anh có thể thấy rằng dường như đã già đi rất nhanh lúc nào cũng giữ im lặng. Bất giác, nước mắt Sentaro chực rơi. Vì có thể nó sắp trào ra, Sentaro tránh khu phố chợ đông người qua lại, anh đi ra con đường men theo
tuyến đường ray xe lửa. Sentaro nhận ra phía trước cũng như phía sau đều không thể đi được, anh nhìn thấy không biết bao nhiêu là xe điện đang băng qua. Đứng ở đây khiến bản thân anh cảm thấy lo sợ, Sentaro đi bộ về hướng khu dân cư.
Bầu trời trong xanh không gợn bóng mây, ánh nắng rực rỡ không ngừng rọi xuống. Sentaro cảm thấy rất rõ rằng chỉ có phong cảnh là thanh tao, còn riêng bản thân anh thì thật thảm hại. Thời gian lãng phí dường như xoắn quanh dưới đôi chân anh. Sentaro nghĩ bản thân anh cũng như rác rưởi. Anh đi qua hết con hẻm này đến con hẻm kia. “Chết đi,” trong không trung có ai đó đang thì thầm như thế.
Sau khi đã lang thang đây đó đến độ không còn chút ký ức gì về việc mình đã đi đâu, Sentaro cuối cùng cũng quay trở về căn hộ. Sentaro cứ nằm lăn qua lăn lại trên tấm nệm vẫn để nguyên không dọn.
Trong lồng ngực anh, máu như đang đông lại, tại đó nhiệt huyết hao mòn đã thoát ra.
“Chết đi. Chẳng phải chết là tốt hơn sao.”
Sentaro như bị hút vào bên trong giọng nói ấy, anh chìm xuống đáy sâu. Như một người bị đuối nước, anh cứ hít vào thở ra từng hơi ngắn. Dù vậy, anh đã nhìn thấy một giấc mơ nào đó. Mồ hôi nhớp nháp, hơi thở hổn hển, bản thân Sentaro đang tuyệt vọng đấu tranh ở một nơi anh không rõ hình dáng ra sao.
C
huông điện thoại reo.
Chương 10
Sentaro ngẩng đầu dậy. Phía bên kia tấm rèm, trời đã sáng. Anh nhìn đồng hồ, đã tám giờ rồi. Bản thân anh sao lại bị tiếng điện thoại réo gọi, và vốn dĩ tại sao căn phòng lại sáng thế này, Sentaro thực không hiểu rõ lý do. Dù vậy, tiếng chuông vẫn không ngừng reo. Sentaro bước lê lết đến chỗ điện thoại trong nhà bếp.
“Cậu chủ à, có chuyện gì vậy?”
Đó là giọng của Tokue.
Sentaro trả lời ậm ừ, Tokue lại hỏi một lần nữa: “Cậu sao thế?”. “À…”
“Cậu ổn chứ? Cậu chủ?”
Trong đầu óc lờ mờ của Sentaro, anh nhớ lại phong cảnh ở gần tuyến đường ray, cảm giác về cây anh đào.
“À… cháu…”
Để phòng lúc có gì đó, Sentaro đã đưa cho Tokue chìa khóa phụ. Có lẽ một mình bà đã mở cửa tiệm và bắt đầu làm việc.
“Cậu ngủ quên à? Hay là có chỗ nào trong người thấy không khỏe?” “Xin lỗi bà.”
Sentaro định nói là bây giờ cháu sẽ đi, thế nhưng lời nói ấy cứ bị vướng lại nơi cổ họng, không thể thoát ra được. “Cháu cảm thấy không khỏe một chút ạ,” Sentaro chỉ trả lời như vậy.
“Cậu không khỏe ở đâu?”
“Cháu thấy mệt sao đó thôi ạ…”
“Cậu ổn chứ?”
“Có lẽ cháu nghỉ làm ạ.”
Tokue dừng lại một chút, rồi bà nói: “Cậu làm suốt mà. Nghỉ vậy lại tốt đấy!”.
“Thành thật xin lỗi bà ạ.”
“Vì tôi đã bắt đầu nấu mứt đậu đỏ rồi, nên sau khi làm xong tôi sẽ về nhé.”
“Cháu xin lỗi bà. Một mình bà có làm được không ạ?”
“Được chứ cậu. Hơn nữa là, cậu nghỉ thêm hai, ba ngày đi xem có khỏe hơn không?”
Nếu nghỉ nhiều như thế, không biết chừng bà sẽ đi đâu mất. Nhận ra điều đó, Sentaro ngắt lời Tokue:
“Ngày mai cháu sẽ đến ạ. À, nếu đã làm xong việc chuẩn bị ngày hôm nay, bà Yoshii có thể về được rồi ạ.”
“Ừm, như thế cũng được. Vậy thì…”
Đến đây, Tokue dường như do dự muốn nói điều gì đó, bà Yoshii nín thở chờ đợi. “Xin lỗi nhưng, bà giúp cháu nhé,” Sentaro chỉ chốt hạ như thế rồi anh cúp điện thoại.
Buổi sáng hôm sau, Sentaro đến tiệm Doraharu sớm hơn thường lệ. Thế nhưng, khi đến trước tiệm, phần dưới cửa cuốn đã được kéo lên phân nửa, mùi hương ngọt ngào phảng phất trong không khí.
“Bà Yoshii.”
“A, cậu chủ.”
“Bà Yoshii, sao bà đến sớm thế này?”
“Tôi định làm sẵn mứt đậu đỏ thay cậu.”
“Hả…?”
Vào ngày vốn dĩ không phải là ngày làm của mình nhưng Tokue đã một mình bắt đầu công việc. Không thể ngờ được tình huống này, Sentaro chỉ biết cúi đầu: “Xin lỗi bà ạ.”
“Sức khỏe của cậu chủ sao rồi?”
Tokue vừa nhìn những hạt đậu đang nấu trong nồi Sawari vừa mỉm cười với Sentaro.
“Có lẽ cháu đã khỏe lại rồi ạ.”
“Bởi vậy không nghỉ mới là lạ đấy.”
“Vâng. Cháu sẽ suy nghĩ một chút ạ.”
Trong lúc xin lỗi, Sentaro luồn cánh tay vào áo bếp. Khi định gài nút áo, đột nhiên anh dừng tay lại.
Trên điện thoại ngày hôm qua, Tokue nói rằng bà đã bắt đầu làm mứt đậu đỏ. Như vậy thì lẽ ra mứt đậu đỏ cần cho việc kinh doanh ngày hôm nay đã làm xong rồi chứ. Thế nhưng tại sao, sáng nay bà vẫn làm?
“BàYoshii. Mứt đậu đỏ ngày hôm qua bà đã làm xong rồi nhỉ. Nó đâu rồi?”
“À… cái của ngày hôm qua…”
Tokue đã rời mắt khỏi nồi Sawari nhưng bà không định nhìn Sentaro ngay lập tức. Trước khi quay mặt lại phía anh, bà nhún vai một lần. “À thì… biết nói thế nào đây… Sau khi làm xong mứt đậu đỏ, tôi đã nghỉ ở đây một chút. Thế rồi, khách đến nên…”
“Hả?”
“Bởi vì khách hàng đã đến rồi, nên hôm qua… không còn cách nào khác, tôi đã mở cửa tiệm.”
“Hả? Sao cơ?”
Sentaro nghểnh cổ lên.
“Mở cửa tiệm? Nếu vậy… cửa cuốn, bà làm thế nào để…?” “Đóng hết toàn bộ cửa cuốn thì tôi khó mà làm được. Vậy nên, tôi đã chừa cửa hé phần bên dưới giống như bây giờ đây, thế là khách hàng cất tiếng gọi.”
“Nhưng không phải bà đã hứa với cháu sao? Rằng bà làm xong mứt đậu đỏ rồi về.”
Sentaro cảm thấy mồ hôi đang rịn ra dưới nách anh.
“Còn vỏ bánh thì sao ạ?”
“À, cái đó thì… tôi đã nướng đấy.”
“Vậy là bà đã nướng. Rồi bà có làm được không ạ?”
“Tàm tạm. Bằng cách nào đó. Xin lỗi nhé, cậu chủ.”
“Dù cháu có được bà nói xin lỗi thì…”
Tokue đặt cái sạn gỗ xuống, chỉ tay phía trên quầy tính tiền. “Cái đó ấy mà. Tôi không hiểu cách ghi chép sổ sách, vậy nên tôi đã ghi lại hàng bán được bao nhiêu vào đây.”
Bà thật là tự ý…
Đó là bản ghi chép đơn giản. Bằng kiểu viết đặc trưng với từng nét đều loạn xạ ấy, những con số về lượng hàng bán ra và lợi nhuận được ghi chép lại. Đã bán ra rất nhiều.
“Cái này, một mình bà làm ạ?”
“Vâng, đã rất bận rộn cậu ạ. Không phút nào ngơi nghỉ luôn ấy.” “Thực sự là một mình ạ?”
“Vâng. Một mình. À, nhưng mà, cửa cuốn thì người khách đầu tiên đã kéo. Còn lúc đóng thì người khách cuối cùng làm giúp tôi…” Làm sao bà có thể quản lý được chứ? Rồi bà nướng bánh như thế nào? Và ngón tay cong veo đó làm sao nhận tiền và thối tiền? Khách hàng nghĩ gì nhỉ?
Sentaro muốn ngồi lì ở chỗ đó. Tokue cứ nói đi nói lại câu: “Xin lỗi nhé.”
“Không ạ… Cháu ngạc nhiên thôi. Nếu bà nói trước cho cháu biết một tiếng thì đã được cơ mà.”
“Là vì, có lẽ cậu sẽ nói với tôi là không được đó, cậu chủ à.” Dù Tokue rõ ràng đã vi phạm quy định, nhưng Sentaro cũng biết rằng mình không có tư cách để quở trách bà về điều đó. Tokue cầm lại cái sạn gỗ, người bà cứng đơ như một đứa trẻ bị bắt đứng phạt.
“Nhưng mà, nếu như một mình bán được hết chừng ấy thì… chắc là bà mệt lắm.”
“Vâng. Mệt thật đấy.”
“Vậy mà sáng nay bà vẫn làm việc từ sớm.”
“Vâng. Từ sớm.”
Chẳng biết nên tỏ thái độ như thế nào, không hiểu sao mà Sentaro lại tát vào má mình. Tokue sững người lại, nhưng Sentaro không bận tâm, anh lấy cái cân ra.
“Cậu chủ à…”
“Được rồi bà ạ. đậu đỏ hôm nay có bao nhiêu ạ?”
“À, sau khi ráo nước thì là hai kí lô nhỉ.”
Sentaro nhẩm tính trong đầu, anh bỏ loại đường dùng cho xi rô lên cân. “Cậu chủ à…”
“Vâng.”
“Cậu sao vậy? Cậu định xốc lại tinh thần hả?”
“Không phải vậy đâu ạ.”
Tại sao anh lại tát vào má mình, bản thân Sentaro cũng không hiểu rõ.
Ngày hôm ấy, Tokue đã vui vẻ suốt cả ngày. Trong lúc dùng sạn gỗ để trộn đậu đỏ, bà tán gẫu rất nhiều.
“Cậu chủ ơi, quê cậu ở đâu?”
“Là ở Takasaki ạ.”
“Sau khi lên Tokyo thì cậu luôn ở Tokyo?”
“À, cháu cũng có đi đây đó ạ.”
“Hả, ghen tị với cậu thật đấy,” Tokue thở dài.
“Không phải vậy đâu ạ. Cháu, chỉ là… chuyển từ nơi này sang nơi khác thôi ạ.”
“Vậy ư? Cậu chuyển đi đâu?”
“À không, chỉ quanh quẩn ở vùng Kanto thôi ạ.”
“Dù là vậy nhưng chẳng phải cũng tốt sao. Tôi thì… lúc nhỏ đã ở Aichi.”
“Aichi?”
“Vâng. Từ Toyohashi có tuyến đường Iida… nhà quê chính gốc đấy.”
Nếu là ngày thường thì đây quá thực là chuyện không thể xảy ra nhưng Tokue đã rời mắt khỏi những hạt đậu, bà nhìn Sentaro.
“Thế nhưng, đó là nơi có hoa anh đào đẹp lắm.”
“Ồ, đó là nơi như thế nào ạ?”
“Ừm, này nhé…”
Tokue ngắt lời ở đó.
“Này nhé, có vách đá, sông chảy bên dưới đó. Rồi thì, từ vách đá ấy đến dòng sông, tràn ngập hoa anh đào không đấy. Nơi có hoa anh đào đẹp như chỗ ấy chắc là không có đâu.”
Không hiểu sao, Tokue lại không nói ra tên của nơi ấy.
“Thỉnh thoảng, bà có về lại chốn đó không ạ?”
“Không cậu à, cũng đã bao nhiêu năm rồi…”
Tokue lắc đầu, mắt lại nhìn về những hạt đậu đỏ trong nồi Sawari. “Cậu chủ, cậu thích ăn món gì? Ở Takasaki thì món nào là nổi tiếng nhỉ?”
“Cái nào nhỉ… có lẽ là kiểu như cơm hộp Daruma chăng. Dù nó chỉ là loại cơm hộp bán ở nhà ga thôi ạ.”
Khi đổ lượng nước dùng cho xi rô vào nồi hầm, Sentaro bất chợt mỉm cười. Anh nghĩ những câu hỏi ấy giống hệt như thời học sinh tiểu học. Dù vậy, Sentaro của hiện tại vẫn cảm thấy quý trọng điều ấy ở một điểm nào đó.
“Cơm hộp Daruma thì cũng có loại hộp trắng, loại hộp đỏ đấy bà. Và thành phần bên trong cũng khác nữa.”
Cơm hộp ở nhà ga, hay thật nhỉ. Vừa đi du lịch vừa ăn.
“Bà Yoshii thì thích gì ạ? Nếu là ở Aichi, có phải là những món nấu với
tương miso không ạ? Hay là mì kishimen bà nhỉ?
“Những món ngon như vậy thì không có đâu, vào thời tôi còn nhỏ.” Tokue xua tay trước mặt.
“Bởi vì đó thực sự là ở vùng quê. Người ta có muối cánh hoa anh đào nữa đấy. Rồi sau đó pha với nước nóng để uống. Đó là nơi như thế cơ.” “Ồ. Nghe giống như là chuyện ở nước ngoài ạ.”
“Nhật Bản của thời đó và Nhật Bản của bây giờ cũng như hai nước khác nhau rồi cậu ạ.”
Sentaro vừa vặn lửa nồi vừa gật đầu.
“Đúng là đang thay đổi thật bà nhỉ! Cái gì cũng thế.”
“Là chuyện nào hả cậu?”
Tokue duỗi thẳng người, bà nhìn lại Sentaro từ đầu đến chân. “À không… ừm… à, cháu…”
“Hở?”
“À… chuyện vay tiền, cháu ấy mà. Ở cửa tiệm này.”
“Ôi trời.”
“Biết nói sao đây… Có một thời cháu hơi túng thiếu ạ.”
“Có phải số tiền lớn không cậu? Cậu chủ à, không lẽ là cậu đã bị lừa gạt ư?”
“Không phải ạ… Ông chủ tiệm đời trước đã gom nợ giùm cháu. Vậy nên, cháu ở đây. A, nồi Sawari, bà trông giùm cháu ạ.”
Bị Sentaro nhắc, Tokue vội nhìn vào trong nồi.
“Sao vậy cậu chủ, số tiền nợ đó?”
Sentaro nhìn vào nồi. Bên dưới làn nước nóng, lớp bọt nhỏ li ti đang
sục sôi.
“Chuyện xấu hổ thật, nhưng cháu không hẳn là đang sống có quy củ. Hoặc chính xác hơn thì là cháu cứ sống mà không biết nên làm điều gì mới tốt. Cơ mà trước đây cháu cũng có nghĩ đại loại mình sẽ trở thành người viết văn. Nhưng cháu làm gì cũng không được. Hơn nữa, dạo gần đây ngay cả một chữ cháu còn không viết, chỉ biết làm người lười biếng là giỏi thôi. Và cháu cũng không hẳn là người làm bánh dorayaki chuyên nghiệp.”
“Thế nhưng, chẳng phải cậu luôn làm việc mà không nghỉ ngơi đấy thôi.”
“Vâng.”
Đến đây, Tokue tắt lửa nồi Sawari. Tuy nhiên, không chuyển sang công đoạn tẩy nước, bà cứ nhìn chăm chú vào những hạt đậu đỏ vừa mới nấu xong. Và rồi, bà quay lại nhìn Sentaro.
“Hãy cùng nhau cố gắng nhé. Tôi cũng sẽ giúp cậu mà.”
Nồi hầm trước mặt Sentaro đang rung lắc vì đã quá sôi.
“Không cần đâu ạ, cháu đã nhận được sự giúp đỡ của bà đủ rồi. Cháu cảm thấy như có một người ủng hộ nhiệt tình đã xuất hiện. Tuy định mệnh lúc nào cũng khắc nghiệt bà nhỉ.”
Sentaro định lấy tách đường thì anh nghe ra âm sắc trong giọng nói Tokue biến đổi một chút.
“Định mệnh cái gì cơ? Những thứ như định mệnh, đừng nên nói quá đơn giản như thế, cậu chủ à.”
“Vâng ạ.”
“Những thứ như định mệnh, người trẻ mà nói thì không được đâu.”
Có cảm giác như mình đang bị quở trách, Sentaro nhìn xuống sàn nhà. “Tôi… cũng có thời ở suốt một nơi không được đi ra ngoài đấy.” Nói hết câu ấy, Tokue hốt hoảng lắc đầu, bà bắt đầu cho nước vào nồi
Sawari. Bà có biểu hiện như tự chán ghét chính lời mình vừa thốt ra khi nãy.
“Xin lỗi bà ạ. Thế nào mà cháu đã khiến bà lo lắng cho cháu nhiều quá.”
“Xin lỗi cậu nhé. Cả tôi nữa.”
Tokue không nhìn Sentaro, bà lại nói: “Cậu hãy quên giúp tôi nhé.”
T
hời gian lại xoay vần.
Chương 11
Có thể nghe tiếng những chú ve sầu từ cây anh đào vọng đến. Mặt trời bắt đầu lặn sớm hơn, mang theo mình những cơn gió phần nào dễ chịu hơn.
Tiệm Doraharu đang cố chinh phục cả mùa hè này mà không bị cái nắng của nó làm heo hắt.
Mọi năm, vào thời gian nghỉ hè, lượng học sinh trung học, phổ thông sẽ giảm đi. Năm nay thì không có chuyện đó. Trái lại, những nàng thiếu nữ lại tập trung ở hàng ghế quầy tính tiền hầu như mỗi ngày. Mục tiêu của các cô nàng là bánh dorayaki, thức uống lạnh, và ngạc nhiên thay cho Sentaro, Tokue dường như cũng nằm trong danh sách đó.
Có vẻ như trên đường về từ trường luyện thi, một số học sinh trung học đã cùng nhau đi đến tiệm. Các cô ngồi trong tiệm, rũ người xuống bàn và Tokue có thể nghe được lời than vãn: “Việc học chán quá tụi bây ơi!”.
Tokue vẫn ngồi yên trên ghế, hướng khuôn mặt mỉm cười về phía các cô: “Vậy thì các cháu thử chơi một ngày cho thỏa chí đi nào”. Các cô gái nhăn mũi.
“Nếu nói như vậy, chắc cháu sẽ bị bố mẹ nói là mày đi ra khỏi nhà luôn quá.”
“Đi ra khỏi nhà chẳng phải cũng tốt hay sao. Các cháu muốn vui chơi mà.”
“Bà nói nghiêm túc đấy ạ?”
“Nghiêm túc đấy.”
“Ủa, đây là cái tiệm dụ dỗ học sinh trung học làm chuyện trái phép cơ à?”
Dù giữ chút khoảng cách với các cô bé, dường như Tokue vẫn chờ thời điểm thích hợp để cất lời. Sentaro nhận thấy điều đó. Mỗi khi nghe những giọng nói sôi nổi vọng đến từ khu phố chợ, Tokue lại lặng lẽ lui vào ghế bên trong. Thế nhưng, lúc ấy trên khuôn mặt bà đã nở một nụ cười.
“Nhà ơi là nhà, chán quá đi mất. Tao không muốn về nhà!” Trong lúc các cô bé đang tán dóc, đột nhiên có một cô hét lên như thế. Tokue không bỏ lỡ thời cơ: “Vậy thì cháu hãy tự quyết định cuộc đời mình đi,” bà nói. “Bằng cách nào ạ?,” cô bé hỏi ngược lại. “Làm bán thời gian ở đây thì thế nào hả cháu?,” Tokue gợi ý. Từ phía bàn nướng, Sentaro đáp lại: “Bà thôi đi ạ”.
Từ lập trường của Sentaro, lời nói đó phân nửa là thật lòng. Dù đối phương có là học sinh trung học hay học sinh phổ thông mà một cái bánh dorayaki lại kéo nhây đến hai tiếng đồng hồ thì thật khốn đốn cho anh. Thậm chí anh còn định lên tiếng rằng các em nói chuyện chắc chán rồi nhỉ, thôi chuẩn bị về nhà nào. Thế nhưng, hệt như là lời nói cũng có sự kết nối, Tokue đã lại xen vào tán gẫu.
Từ hôm được Tokue cho biết rằng bà đã một mình mở cửa tiệm, cách suy nghĩ của Sentaro cũng thay đổi. Anh cho phép Tokue được tự do làm điều bà thích. Dù mức lương theo giờ rẻ bèo nhưng khi ở tiệm, bà đã tính toán chu tất đâu vào đấy. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là bà đã xóa được khoảng cách với khách hàng.
Hơn nữa, Sentaro cũng có mấy điều bận tâm.
Có những khách hàng đã thay đổi sắc mặt khi nhìn thấy Tokue trong tiệm. Điều này không qua được mắt Sentaro. Cả đám học sinh trung học, phổ thông ngồi ở ghế gần quầy tính tiền cũng vậy. Có đứa khi nhìn thấy Tokue đã bất chợt im bặt. Trong phút chốc, những ánh mắt ấy đều chứa đựng một suy nghĩ nào đó.
Trong số học sinh không đi theo nhóm, có một em học sinh cấp II được gọi với biệt danh Wakana. Bản thân đương sự không kể ra nguồn gốc cái tên này nhưng theo lời kể của những em học sinh phổ thông khác thì hình như có thời Wakana để kiểu tóc giống nhân vật Sazae xuất hiện trong anime. Vào đúng khoảng thời gian bố mẹ em ly hôn thông qua phán quyết của tòa án, “Từ dạo ấy, cả mái tóc lẫn tính cách đều thay đổi luôn nhỉ,” bạn em nói như vậy.
Wakana là cô bé kiệm lời. Trong lúc ăn bánh dorayaki, em cứ nhìn chăm chú về phía nhà bếp bằng đôi mắt long lanh. Ánh nhìn không biết hướng về nơi đâu ấy khiến Sentaro để ý, đến nỗi có một lần hiếm hoi anh đã cất tiếng hỏi: “Có chuyện gì vậy em?”.
Nhưng dù Sentaro có hỏi, lúc nào Wakana cũng im lặng. Khi em bắt đầu kể về những chuyện của bản thân chẳng hạn như chuyện mẹ làm công việc buổi tối, cuộc sống không dư dả gì, gia đình chỉ có hai mẹ con mà tại sao lại có đồ lót của đàn ông trong nhà… là bắt đầu từ khi Tokue đưa cho em loại bánh dorayaki khác thường.
Không chỉ là lần đưa bánh cho Wakana, thỉnh thoảng Tokue cũng làm loại bánh khác thường kiểu đó. Bánh được làm từ những vỏ bánh Sentaro đã nướng hỏng với phần nhân kẹp bên trong là những thứ như mứt đậu đỏ hoặc kem. Mỗi lần đám học sinh trung học phổ thông nói năng huỵch toẹt
đến tiệm là Tokue lại đưa loại bánh này cho tụi nó và nói: “Quà khuyến mãi đấy”.
Sentaro không vừa lòng chuyện này. Dù anh đã thử nói với bà rằng đừng làm như thế nữa, Tokue vẫn không chịu lắng nghe: “Chẳng phải tốt hay sao cậu. Thế vẫn hơn là bỏ đi mà”.
Wakana dành những lời khen ngợi cho loại bánh khác thường ấy: “Cái này ngon quá ạ”. Tâm trạng Tokue trở nên vui vẻ, bà phết thêm nhiều mật ong.
Và rồi, cái ngày Wakana hỏi Tokue về chuyện đó cũng là lúc sau khi ăn hết trọn một cái bánh thuộc loại khác thường ấy.
“À… ngón tay của bà Tokue bị sao vậy ạ?”
Khi Sentaro quay đầu lại đã thấy Tokue ngồi trên ghế vừa mới chồng hai bàn tay lên nhau để che đi những ngón tay.
“Cái này ấy nhỉ, những ngón tay của bà cứ bị cong như thế luôn rồi. Do thời trẻ bà bị bệnh.”
“Bệnh như thế nào vậy bà?”
Sentaro có thể thấy sắc mặt của Tokue dường như trở nên cứng đơ. “Là một bệnh rất nặng cháu ạ.”
Tokue chỉ trả lời như thế. Wakana gật đầu, cô bé cũng không có ý định hỏi thêm. Không biết có phải vì khó lòng bắt chuyện tiếp hay không, Wakana lại tiếp tục nhấm nháp phần bánh dorayaki còn sót lại, em nhai bánh mà không nói gì. Sentaro có thể cảm nhận dường như chỉ mỗi tiếng nhai ấy đang đi qua đi lại giữa Tokue và Wakana.
Từ sau hôm ấy, Wakana không xuất hiện nữa.
Trong lúc rửa đồ, Tokue nói rất nhiều chuyện về đám khách học sinh trung học, phổ thông.
“Dạo gần đây, cuối cùng tụi nhỏ cũng cười rồi. Có vẻ như tình cảnh mỗi đứa đã tốt hơn nhỉ. Tụi nó hình như cũng thất tình. Tôi đã thấy chúng đang an ủi nhau đấy. Dù thời đại thay đổi nhưng những chuyện như thế thì thời nào cũng giống nhau cậu nhỉ. Nói đến đây mới nhớ, tụi nó còn cho tôi xem điện thoại di động kiểu dáng tối tân đấy. Cái đó chắc là cậu chủ cũng không biết đâu. Tụi trẻ sống ở thời bây giờ toàn cầm nó trong tay không à. Giờ thành ra thời đại nào rồi nhỉ?”
Trong lúc huyên thuyên, Tokue cũng đề cập đến chuyện về Wakana. “Con bé ấy dạo này không thấy đến nhỉ,” bà nói.
Sentaro đang rửa đi phần khét của bàn nướng, bất chợt anh đáp lời: “Có phải là con bé thất lễ ấy không ạ?”.
“Sao cậu nói vậy?”
“Tại vì, nó đột nhiên hỏi về ngón tay của bà Yoshii.”
“Thì cậu chủ cũng đã hỏi tôi như thế đấy thôi.”
“Cháu là vì công việc ạ. Trước tiên, việc hỏi như thế là cần thiết.” “Nhưng mà, những chuyện như thế ấy…”
“Vâng.”
“Tôi nghĩ là nó sao sao ấy…”
Vì không hiểu ý nghĩa trong phản hồi của Tokue, Sentaro ngẩng đầu lên.
“Giả vờ không thấy những gì đã thấy, ừm, đó là thái độ của người lớn. Thế thì nên vờ luôn hay là thẳng thắn hỏi thì sẽ tốt hơn nhỉ!” “Vâng, là vấn đề nan giải thật bà ạ.”
“Wakana đã chú ý từ trước rồi. Chuyện ngón tay của tôi ấy. Tôi cũng biết điều đó. Cô bé hỏi tôi là để kết thân thôi.”
“Thế hả bà?”
“Vậy nên, cậu hãy tiếp nhận con bé và bỏ cách nói đó đi.” “Chà, vậy cháu mới là đứa làm bà tức giận nhỉ.”
Đến đây, Tokue bật cười, Sentaro cũng vui lây một chút.
“Bà Yoshii, bà thích trẻ con thật nhỉ. Còn cháu thì khi tụi nó đến cả đám như thế lại có hơi…”
“Ngày xưa ấy… tôi từng muốn trở thành giáo viên trong trường đấy.” “Ở trường tiểu học ạ?”
“Cái đó cũng được, nhưng mà… tôi lại muốn trở thành giáo viên dạy môn quốc ngữ ở trường phổ thông. Hồi đó, tôi đã rất muốn học hỏi này kia.”
“Ừm, hồi sau chiến tranh chắc là nước mình khá nghèo khổ bà nhỉ?” Theo phản xạ vô thức, Sentaro đã cố tạo ra kết nối giữa khoảng trống trong lời nói của Tokue.
“Không phải chỉ có nhà tôi đâu, tất cả mọi người đều nghèo khổ hết.” “Giáo viên quốc ngữ hả bà?”
Để chuyển hướng câu chuyện, Sentaro hỏi gặng lại.
“Tôi thích thơ lắm. Heine* này, Kitahara Hakushu* này, từ nhỏ tôi đã đọc những tuyển tập thơ có trong phòng của anh tôi rồi đấy.” “Ồ, bà Yoshii. Bà là người như thế ư?”
“Đó là thời tôi chỉ biết tìm niềm vui trong việc tưởng tượng thông qua những con chữ. Tôi thích tưởng tượng. Vậy nên, khi nghe cậu chủ nói
muốn trở thành nhà văn, tôi đã giật mình đấy.”
“Chuyện xưa rồi bà ạ.”
“Nhưng mà, giấc mơ ngày xưa ấy, cậu vẫn còn giữ chứ? Tôi thì đã không nghĩ là trong cuộc đời này mình còn có thể trò chuyện với tụi trẻ dễ thương như thế kia. Vậy nên tôi vui lắm.”
“Dễ thương, đám quỷ sứ ấy hả bà?”
“Vâng. Dù không thể trở thành giáo viên, nhưng mà bây giờ dường như tôi đã có thể phần nào cảm nhận niềm vui ấy. Cám ơn cậu rất nhiều vì đã cho tôi được gặp những đứa trẻ ấy.”
“Đủ rồi ạ. Không phải bà cũng đã giúp đỡ cháu rất nhiều đấy sao.” Trong lúc chùi vết khét trên bàn nướng bằng bàn chải, Sentaro thầm ước, “Wakana à, mau xuất hiện đi”.
Chương 12
N
hững ngày nghỉ hè kết thúc, các cô nàng hay tụ tập ở tiệm Doraharu cũng quay trở lại trong bộ đồng phục. Mặc dù lúc còn mặt trời thì vẫn rất nóng nhưng gần về chiều, trời lại khá mát mẻ. Cây hoa anh đào đung đưa xào xạc, những chiếc lá đã phai sắc xanh lác đác rơi trước tiệm.
Ngày hôm đó, Sentaro kết thúc việc dọn dẹp trong cửa tiệm, anh đang quét những chiếc lá vướng ở rãnh cửa cuốn. Và rồi anh nghe có tiếng gọi từ phía sau lưng.
“A, bà chủ.”
“Xin lỗi cậu nhé, tôi đến muộn thế này rồi.”
Trong lúc dẫn bà chủ ngồi vào ghế ở quầy tính tiền, Sentaro suy nghĩ rối bời trong vòng luẩn quẩn. Để kiểm tra sổ sách hay tiền chuyển qua ngân hàng, Sentaro và bà chủ sẽ gặp nhau mỗi tuần một lần. Hai người cũng có khi gặp ở tiệm, cũng có khi Sentaro đến nhà của ông chủ đã mất. Thế nhưng tất cả những lần đó, cả hai đều liên lạc trước với nhau. Việc vào bệnh viện mỗi ngày không ngờ cũng khiến bà chủ bận rộn. Và một khi Sentaro đã làm việc quần quật cả ngày, không phải lúc nào anh cũng có thể gặp bà. Về cơ bản, việc bàn bạc chuyện quản lý sẽ vào lúc không có khách, tức là sau giờ đóng cửa.
Vô hình trung hai người đã ngầm quy ước như vậy; đối với Sentaro, đây là một điều tốt. Mỗi khi bà chủ đến tiệm, vào ngày trước đó chắc chắn bà sẽ gọi điện thoại. Dọn dẹp hay tính toán sổ sách thì làm từ lúc đó vẫn
còn kịp. Và quan trọng nhất là anh sẽ không để cho Yoshii Tokue gặp bà chủ.
Thế nhưng hôm nay tại sao, bất chợt lại… Sentaro có dự cảm không lành. Tokue vừa mới rửa đồ trước đó không lâu. Nếu bà chủ xuất hiện sớm hơn một tiếng, hai người đã gặp nhau mất rồi.
Gác cây gậy ở quầy, bà chủ chỉ tay về phía tách trà: “Cậu Sentaro, cậu làm tách trà cho tôi nhé?”. Sentaro đặt ấm đun nước lên bếp gas. “Tôi đến vào lúc bận rộn, phiền cậu nhỉ?”
“Không, không hề ạ. Bà đến có việc gì ạ?”
Bà chủ ngồi nhìn quanh quất trong tiệm, rồi đột nhiên bà bĩu môi với vẻ cáu kỉnh, mắt nhìn Sentaro chằm chằm.
“Này cậu. Đây chỉ là tin đồn thôi nhưng mà… là về người đang làm thêm ở đây đấy.”
“À, là bà Yoshii ạ.”
“Người đó tên là Yoshii à?”
Điều đáng sợ dường như cuối cùng đã đến rồi đây. Sentaro quay đầu tránh khuôn mặt bà chủ, anh chạm vào tay cầm của ấm đun nước. “Là người quen của tôi nói đấy. Này nhé, ngón tay bị tật của người đó là như thế nào?”
Sentaro vờ như không biết. “À, đúng là tay bà ấy có bị chút tật như vậy… nhưng mà đâu còn vấn đề gì nữa đâu ạ?”
“Khuôn mặt cũng bị liệt đấy còn gì?”
Chà, Sentaro nghiêng đầu ra vẻ nghĩ ngợi.
“Là người quen của tôi nói đấy nhé… nhưng xin lỗi cậu trước. Dù đoán đúng hay đoán sai thì cũng đều là chuyện chẳng tốt lành về người đó… Đó
chẳng phải là bệnh hủi hay sao?”
“Bệnh hủi?”
“Bây giờ người ta gọi cái gì như là bệnh Hansen ấy.”
Bệnh Hansen…
Sentaro nhẩm lại trong miệng, anh có thể cảm nhận máu đang chảy thẳng từ trán xuống.
“Vì thế nên tôi mới lo lắng. Một tiếng trước tôi đến tiệm rồi, thực ra tôi đã nhìn lén vào trong tiệm từ ngoài đường đấy.”
“Bà đâu cần làm chuyện phiền hà như thế ạ, nếu bà cứ đường hoàng bước vào tiệm chẳng phải sẽ tốt hơn sao. Khi ấy, cả bà Yoshii cũng có thể chào hỏi bà.”
Dù gật đầu đồng ý nhưng bà chủ lại dồn lực vào ánh mắt đang nhìn Sentaro.
“Vậy thì, chắc cậu Sentaro sẽ lo lắng đấy nhỉ? Đến tận bây giờ cậu đã làm mọi thứ lén lút để tôi khỏi phải gặp bà ấy mà.”
“Hả? Không phải vậy đâu ạ, bà đang nói gì thế?”
Cơn rung lắc từ nước đang sôi truyền đến bàn tay Sentaro qua tay cầm của ấm đun nước. Thế nhưng, hơn cả cơn rung lắc ấy, cơ thể Sentaro mới là phía đang run rẩy nhiều hơn.
“Vậy nên, tôi đã không thể kiểm tra kĩ lưỡng, nhưng quả nhiên là tôi thấy ngón tay bà ấy có gì đó bất thường.”
“Nhưng mà, cái đó không hẳn là điều gì đáng bận tâm đâu ạ.” “Nhưng khách hàng thì họ để ý đấy. Cái này đối với một cửa tiệm là điều rất tệ.”
“Vâng…”
“Cậu biết được điều gì nào, nói tôi nghe thử coi.”
“Không, không có gì đặc biệt đâu ạ… Dù sao thì, nhờ có mứt đậu đỏ của bà Yoshii mà cửa tiệm đã được hồi sinh. Bà là người đã làm mứt đậu đỏ năm mươi năm rồi ạ.”
Không đợi nước sôi hẳn, Sentaro rót nước nóng từ ấm đun nước sang ấm trà.
“Tụi nhỏ ăn bánh cũng đánh giá cao đấy ạ.”
“Thế à. Thế thì đúng là bà ấy làm việc tốt thật nhưng…” “Đúng thật vậy ạ. Rất tốt là đằng khác đấy ạ.”
“Mà bà đó bao nhiêu tuổi rồi?”
Trong lúc rót trà vào tách, Sentaro mỉm cười trả lời: “Chắc khoảng bảy mươi lăm rồi ạ. Nhưng mà sức khỏe của bà tốt lắm.”
“Vậy là cũng cỡ tuổi tôi nhỉ,” đã nhận tách trà trong tay rồi nhưng bà chủ đột nhiên bật ra tiếng kêu nhỏ “a” và vội nín thở.
“Có chuyện gì vậy ạ?”
“Tách trà này, bà đó cũng đã dùng hả?”
Sentaro không trả lời lại, anh chỉ gật đầu.
“Người ta nói là trong những sinh hoạt bình thường thì sẽ không bị lây nhiễm đâu nhưng mà… có hơi phiền phức đấy, cậu Sentaro. Nếu người ngoài mà biết được chuyện kiểu như ở quán ăn uống có người bệnh hủi dùng chung đồ thì như thế nào hả?”
“Không phải vậy đâu ạ… tay của bà Yoshii bị như thế là do di chứng sau một căn bệnh hồi trẻ, bây giờ đã chữa khỏi hẳn từ lâu rồi ạ.” “Thì có thể là đương sự nói như vậy. Nhưng mà cậu Sentaro này, cậu có biết gì chưa? Bệnh hủi ấy mà, mấy người bệnh nặng là bị rụng ngón tay
luôn đấy.”
“Bà Yoshii vẫn còn ngón tay ạ.”
“Bà đó đang sống ở đâu vậy?”
Như đang cố gắng đè nén tiếng ồn, Sentaro quay người về phía sau, tay đặt lên lồng ngực. Quyển sổ mà Tokue đã viết địa chỉ liên lạc được đặt trên kệ trong nhà bếp. Anh lấy quyển sổ ấy, mở ra cho bà chủ xem. Bà chủ xem xong rồi nhắm mắt lại.
“Có gì không ạ?”
Dù chẳng có ai khác, nhưng bà lại nói nhỏ giọng. “Đó là, nơi cách ly người bệnh hủi đấy. Nơi đó có viện điều dưỡng.”
Sentaro chống hai tay lên bàn làm bếp. Anh không nói gì, chỉ nhìn vào những nét chữ Tokue đã viết.
“Thì ra là thế. Thì ra là như thế.” Sentaro nghĩ.
Lần đầu tiên nhìn địa chỉ của Tokue, Sentaro cũng cảm thấy rằng có điều gì đó vướng mắc trong lòng. Vào khi đó, anh đã không hiểu ra lý do. Thế nhưng, bây giờ được bà chủ nhắc anh mới nhớ, quả thực tên con phố ấy là nơi có viện điều dưỡng mà anh đã mấy lần vô tình nghe lời đồn đại.
“Những con chữ ngoằn ngoèo này.”
“A, nhưng mà… bệnh đã chữa khỏi rồi ạ.”
“Bây giờ nó như thế nào thì tôi không biết, nhưng cậu Sentaro à. Nếu là ngày xưa thì đây là bệnh cách ly cả đời luôn đấy. Hồi còn nhỏ, tôi đã thấy rồi nhé. Những người như thế sẽ ở trong các khu kiểu như cách ly của nhà chùa đấy. Có những người khuôn mặt rất ghê. Trông cứ như đã biến thành quỷ ấy. Nơi nào mà những người đó đã đi qua là sở y tế sẽ đến khử trùng hết một lượt luôn.”
“Thế nhưng mà, bà chủ à..
Sentaro nhận lại tách trà bị khước từ trong tay. Anh mang nó đến bồn rửa.
“Cứ nói mãi thế này có thể khiến bà thấy phiền, nhưng mà tiệm này cuối cùng cũng bắt đầu đắt khách đều là do công của bà Yoshii đấy ạ. Từ sáng sớm bà ấy đã phụ cháu chuẩn bị nguyên liệu và làm mứt đậu đỏ ạ.”
Bà chủ liếc nhanh qua nồi Sawari đặt trên bếp gas và nồi đậu đang ngâm nước.
“Ngay cả tôi cũng hiểu điều đó. Thế nhưng, nếu những người đã mách lại với tôi chuyện này, họ vô tình đi bép xép với những người xung quanh thì chẳng phải lúc đó cái tiệm này coi như đi đời sao. Rồi lỡ như khu vực xung quanh đây lại có ai đó bệnh hủi, tiệm này chắc sẽ bị coi là nguồn lây bệnh mất…”
“Ai đã mách lại với bà như thế nào vậy ạ?”
“Không, cái đó thì tôi không nói được.”
Và bà chủ ngưng bặt, nhìn chằm chằm vào khuôn mặt Sentaro. “Cậu Sentaro. Cậu ở bên bà đó suốt thì sẽ như thế nào đây? Cả cậu cũng có khả năng bị lây nhiễm đấy nhé.”
Sentaro chỉ biết chớp mắt, đầu hướng về phía những hạt đậu đỏ ngâm trong nước.
“Dù sao thì, cái bà đó ấy… là bà Yoshii có phải không?”
Không để cho Sentaro kịp trả lời, bà chủ nói tiếp.
“Tốn tiền cho bà ấy một chút cũng được, nhưng chắc chắn không cho bà ấy nghỉ là không được đâu đấy. Hoặc là cậu cho bà ấy nghỉ, hoặc là cái tiệm này tan tành, cậu muốn cái nào hả?”
“Nhưng mà, nếu vậy thì, mứt đậu đỏ tính sao hả bà?”
“Cậu Sentaro làm là được chứ gì. Nếu cậu đã làm mứt đậu đỏ chung với bà đó thì chắc cậu sắp biết được cách làm đấy thôi.” Phải làm sao đây? Sentaro không có tự tin. Dáng vẻ của Tokue khi đối diện với đậu đỏ đến bây giờ vẫn còn tiếp tục khiến Sentaro ngạc nhiên. Trong dáng vẻ ấy, có điều gì đó khác biệt từ căn nguyên. “Thế nào hả, cậu Sentaro? Tự cậu không thể làm mứt đậu đỏ ư?” “Không, không phải là vấn đề đó ạ.”
“Vậy thì là cái gì?”
“Bà Yoshii và cháu, cả hai đã nỗ lực bằng mọi giá để nơi này trở thành cửa tiệm đắt khách. Bây giờ thậm chí cũng có những lúc khách đứng xếp hàng. Cũng có cả những đứa trẻ đang tin cậy bà Yoshii nữa. Một bà Yoshii như thế, làm sao cháu có thể nói bà ấy nghỉ việc được đây hả bà chủ?”
“Ngay cả tôi cũng không hẳn đã có thể điềm nhiên nói ra được. Nhưng không còn cách nào khác đâu, chuyện bệnh tật mà. Hơn nữa lại là cái bệnh đáng sợ như thế. Chắc cũng đã có những người nhận ra rồi đấy.”
Bà chủ là người cố chấp. Sentaro không thể thẳng thừng từ chối, nhưng anh cũng không quên nói với bà là: “Xin hãy cho cháu thêm một thời gian”.
Bà chủ trưng ra khuôn mặt rầu rĩ, “cậu đã hứa là khi nào gặp người đến xin làm thêm sẽ nói tôi biết đấy nhỉ,” bà nói theo cách như đang ép buộc. Và rồi bà chỉ tay vào một góc trong nhà bếp, “Cái kia, cậu lấy giùm tôi,” bà hất cằm. Đó là bình xịt diệt khuẩn được dùng khi chế biến thức ăn.
Nhận bình xịt từ Sentaro, tự tay bà chủ xịt thuốc. Những tia cồn li ti rải khắp nhà bếp, phủ lên cả trên lớp đậu đỏ mà Tokue đã ngâm nước.
“Ừm, tôi cũng hiểu tâm trạng của cậu Sentaro đấy. Cả tôi cũng không hẳn là thích thú gì khi nói cậu phải làm như vậy. Thế nhưng, ngay cả khi xử trảm Mã Tắc* đang rơi lệ, người ta cũng có tuyên cáo mà. Chẳng phải cậu Sentaro là người đã được chồng tôi giao phó cửa tiệm này hay sao? Chẳng phải cậu Sentaro là chủ tiệm ở đây hay sao? Thế nên chỗ này không được lôi tình cảm vào, cậu mà không làm nghiêm cho tôi là không được đâu đấy. Hơn nữa, chẳng phải là cậu vẫn còn nợ tiền chúng tôi hay sao.”
Không hẳn là gật đầu, Sentaro chỉ chầm chậm hạ thấp tầm nhìn xuống. Và cho đến tận khi bà chủ đi khỏi, anh vẫn không ngẩng đầu lên.
Sentaro đã không thể ngủ được đêm hôm ấy.
Đó là buổi tối hiếm hoi anh lên giường mà không uống rượu, cứ nhìn chăm chăm lên trần nhà u ám. Trong lúc đó, bản thân anh đi đến suy nghĩ rằng mình chẳng biết gì về căn bệnh Hansen cả.
Dù thế nào cũng không ngủ được, Sentaro đạp tấm mền sang một bên, bật đèn bàn gần sát tường. Ở trên bàn là máy tính phủ đầy bụi. Sentaro khởi động chiếc máy đời cũ đã lâu lắm rồi không sử dụng, anh kết nối mạng bằng đường dây analog để sẵn bấy lâu nay. Ở trang tìm kiếm, anh thử nhập cụm từ “bệnh Hansen”.
Trên màn hình, hàng loạt tiêu đề những bài viết hiện ra. Sentaro không biết nên đọc từ đâu. Anh cũng nghĩ rằng mình không muốn nhìn thấy những bức hình có khuôn mặt đáng thương của người bệnh. Tuy nhiên, cứ ngần ngừ mãi thì không thể bắt đầu. Trước tiên, anh đọc lướt qua các tiêu đề theo thứ tự. Nội dung của những bài viết dường như điểm qua rất nhiều khía cạnh. Có bài viết trình bày căn bệnh này trên phương diện lịch sử, có bài là giải thích mang tính y học, có bài nói về sự đấu tranh của những
người hồi phục đã giành được chiến thắng trong công cuộc phòng ngừa và ngăn chặn bệnh hủi ra sao, có bài đề cập đến chuyện buồn vui trong mối liên hệ giữa con người với nhau xoay quanh căn bệnh này, có những bài tóm tắt về bệnh hủi của từng tờ báo, rồi lại có trang web bao gồm tất cả những dạng bài nói trên của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi nữa, vân vân.
Sentaro chọn một trang web với lượng thông tin vừa phải, mắt chầm chậm đọc lướt qua. Bài viết nào cũng xuất hiện nhiều thuật ngữ y học có thể gây cảm giác khó hiểu, anh chỉ chọn đọc những phần hiểu được rồi kết nối chúng lại với nhau, tuy thế nhưng anh cũng nhận được hơn phân nửa những chuyện anh muốn biết.
Trước tiên, đó là chuyện những người đang ở viện điều dưỡng của nước Nhật toàn bộ đều là người bệnh đã hồi phục. Không có bệnh nhân nào ở đó. Rủi mà có người phát bệnh đi nữa, nếu như nhận được các phương pháp trị liệu hiện tại thì sẽ có công hiệu tức khắc, người bệnh hoàn toàn được chữa khỏi, và cũng không có chuyện trở thành nguồn lây nhiễm, vốn dĩ vì khả năng truyền nhiễm rất thấp nên trong quá khứ, không có ai làm công tác y tế ở Nhật bị mắc bệnh này cả. Thế nhưng, vào thời môi trường vệ sinh còn kém, các phương pháp trị liệu cũng chưa được thiết lập đã khiến bệnh hủi bị cho là căn bệnh không thể trị được, người bệnh bị cách ly theo quy định pháp luật. Và những di chứng kiểu như bộ phận ngoại biên của cơ thể hao mòn cũng khiến họ trở thành đối tượng bị kỳ thị. Tuy nhiên đó là di chứng từ chính việc người bệnh bị bỏ mặc một thời gian dài; nếu như người bệnh được tiếp nhận biện pháp trị liệu thích hợp, toàn bộ biến chứng sẽ không còn để lại trên cơ thể.
Sau nhiều lần đọc những thông tin chọn lọc, Sentaro tắt máy tính.
Không hẳn là để tránh những bức hình anh không muốn nhìn, mà là vì những gì liên quan đến vấn đề của Tokue đã trở nên nhẹ gánh trên đôi vai anh.
Không có chuyện lây nhiễm.
Dù vẫn còn sót lại viện điều dưỡng nhưng đã không còn bệnh nhân. Không có người mang nguồn lây bệnh.
Theo những gì bà chủ đã chỉ ra, cho dù trong quá khứ Tokue đã từng là bệnh nhân của căn bệnh này, hiện tại có thể khẳng định rằng hoàn toàn không còn vấn đề gì nữa. Hơn nữa, Tokue có nói rằng: “Đây là căn bệnh thời trẻ”. Nhiều năm tháng đã trôi qua từ lúc bà được trị dứt bệnh.
Không cần thiết phải cho Tokue nghỉ việc. Sentaro cảm nhận sâu sắc điều ấy.
Vậy thì, anh nên làm thế nào đây?
Anh có nên in một vài bài viết trên mạng rồi cho bà chủ xem hay không? Ở Nhật thì căn bệnh này cũng giống như đã bị tuyệt diệt. Một người phụ nữ đã chữa khỏi bệnh hoàn toàn từ nhiều thập niên về trước không thể nào trở thành nguồn lây bệnh được. Liệu anh có nên thuyết phục bà như thế không?
Tuy nhiên, cách làm trực diện thế này liệu có được bà chủ thấu hiểu không, Sentaro cảm thấy không tự tin lắm. Dù nói rằng trên phương diện y học bệnh hủi đã không còn là căn bệnh đáng sợ nữa, thế nhưng điều đó không có nghĩa là ngón tay của Tokue có thể quay lại trạng thái lúc ban đầu. Đó là điều người ta nhìn thấy. Cảm giác muốn đuổi Tokue ra khỏi cửa tiệm của bà chủ cũng không hẳn vì vậy mà dịu bớt đi.
Nếu là như thế, anh nên làm sao đây?
Hay là cho Tokue tạm nghỉ một thời gian. Có lẽ không chừng cách ấy cũng được, suy nghĩ đó thoáng qua trong Sentaro. Anh có thể nói quá lên lúc giao phó trách nhiệm cho bà rằng sau khi bà nghỉ việc, chừng nào đến lúc thích hợp hãy quay trở về tiệm dạy anh cách chế biến cải tiến mứt đậu đỏ. Nếu làm vậy thì sẽ thế nào nhỉ? Anh có thể qua mắt bà chủ, và để bắt kịp chất lượng mứt đậu đỏ của Tokue, bản thân anh sẽ nỗ lực hết mình trong khoảng thời gian ấy.
Tuy nhiên, trong lúc suy nghĩ, Sentaro cũng không cảm thấy có mấy hứng thú với phương án này. Dù chỉ là sa thải trên hình thức, nhưng tại sao lại bắt bà nghỉ việc, lý do nghỉ việc để thông báo với Tokue không hiện lên trong đầu anh. Hơn nữa, vốn dĩ đó cũng là nơi bản thân Sentaro đang có ý định rời khỏi. Có nhất thiết phải bám víu nơi đó cho đến khi giải quyết được vấn đề này hay không.
Không sắp xếp được suy nghĩ, Sentaro chỉ biết tiếp tục nhìn lên trần nhà tối tăm.
Chương 13
R
ốt cuộc, Sentaro không thể quyết định dứt khoát được điều gì. Chuyện đi hay ở của Tokue cũng vậy, chuyện cửa tiệm từ nay về sau cũng vậy, toàn bộ anh đều không thể quyết định, chỉ tiếp tục đứng trước bàn nướng. Anh không nói bất cứ điều gì với Tokue. Cách cư xử cũng không thay đổi. Chuyện bà chủ đã nói, chuyện tra cứu trên mạng về chứng bệnh Hansen, Sentaro chỉ biết giữ trong lòng.
Thế nhưng, sẽ không có chuyện anh được thoát khỏi cảm giác bồn chồn như đang đè nặng trong lòng. Chuyện bà chủ lại xông vào cửa tiệm lần nữa chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Vào lúc đó, anh biết phải thuyết phục bà như thế nào mới được đây.
Thật phiền phức. Hay bản thân anh cũng nghỉ việc luôn cho rồi. Hay cứ vứt bỏ hết trách nhiệm đi, Sentaro cũng đã suy nghĩ như vậy. Và rồi lần đó đã khiến anh nhớ đến khuôn mặt vuông vức của ông chủ đời trước.
“Tôi sẽ giúp cậu giải quyết chuyện tiền bạc, vậy nên hãy làm thêm ở chỗ tôi nhé.”
Thời anh còn đang làm thêm ở tiệm rượu sau khi ra tù, từ chỗ ngồi dành cho khách, ông chủ đã xuất hiện và bắt chuyện như thế. Lý do Sentaro vào tù, tội trạng trực tiếp dẫn đến việc đó là vì anh đã vi phạm đạo luật kiểm soát cần sa. Tuy là người phạm tội lần đầu, nhưng Sentaro đã dính líu vào đường dây buôn bán. Dù không phải là người phạm tội chính, nhưng anh có mối quan hệ với nhóm ngoại biên của băng