🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ăn, Cầu Nguyện, Yêu - Elizabeth Gilbert full prc, pdf, epub, azw3 [Best Seller]
Ebooks
Nhóm Zalo
Tên sách: Ăn, cầu nguyện, yêu
Nguyên bản tiếng Anh: EAT, PRAY, LOVE: One Woman’s Search for Everything Across Italy, India and Indonesia
Tác giả: Elizabeth Gilbert
Website của tác giả: http://www.elizabethgilbert.com/ NXB: Nhà xuất bản Phụ nữ
Ngày xuất bản: quý I/2009
Số trang: 544
Kích thước: 14x20.5 cm
Giá bìa: 87.000 VNĐ
Người gõ: picicrazy
Tạo ebook: picicrazy
Ngày hoàn thành: 15/6/2009
Nói sự thật. Chỉ nói sự thật. Elizabeth Gilbert đã tuyên ngôn vậy, khi cô kể lại
câu chuyện cuộc đời mình trong Ăn, cầu nguyện, yêu. Những đau khổ rất nhân bản nhưng vẫn quá ngỡ ngàng đã xuất hiện giữa tuổi ba mưoi đầy xáo động của cô. Vượt qua tuyệt vọng, Liz tự mình thực hiện một hành trình dũng cảm để tìmkiếm thanh thản. Chính vì sự thật mà chuyện kể của một con người đã đủ sức mở lối cho hàng triệu người khác nhau trên khắp thế giới tìm được con đường thoát khỏi trầm cảm, thấy lại niềm vui và sự cân bằng, đồng thời sẵn sàng yêu nhau lần nữa.
Ăn, cầu nguyện, yêu – cuốn hồi ký xuất sắc của Elizabeth Gilbert, một bestseller của The New York Times, được đánh giá là một trong những cuốn sách có ảnh hưởng lớn tới đời sống tâm
lý Mỹ hiện đại. Tác phẩm đã bán hơn 5 triệu bản và được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên toàn cầu. Thành công rực rỡ của Ăn, cầu nguyện, yêu cũng chính là bước ngoặt đưa Elizabeth Gilbert trở thành một trong bốn nhà văn được tạp chí Time bình chọn vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2008.
- “Món quà tôi mang tặng tất cả bạn gái của mình.” – Julia Roberts
- “Mọi phụ nữ đều nên đọc cuốn sách này” – Ellen Macpherson
- “Ăn, Cầu nguyện, yêu thật đáng yêu… Tôi thấm thía cả nỗi khao khát trải lòng trên từng trang giấy lẫn ước vọng chữa lành vết thương của tác giả” – Meg Ryan
- “Một suy ngẫm về yêu dưới muôn
dạng thức – yêu món ăn tinh tế, yêu ngôn ngữ mới mẻ, yêu con người, yêu thượng đế, và cả thứ tình yêu đã thực sự cứu rỗi Gilbert, yêu chính bản thân mình” – Los Angeles Times
- “Một giọng văn ríu rít mà bí ẩn, một tấm thảm thêu văn hoá cùng cảm xúc, một trạng thái say mê lẫn nồng nhiệt, một câu chuyện hấp dẫn kết nối tới cả lịch sử và giai thoại” – Publishers Weekly.
Giới thiệu tác giả:
Elizabeth Gilbert sinh năm 1969 tại Connecticut, Mỹ. Cô tốt nghiệp ngành Khoa học Chính trị tại Đại học New York năm 1991.
Elizabeth Gilbert say mê viết văn từ thuở nhỏ. Sự nghiệp sáng tác của cô bắt đầu từ khi cô bước vào nghề báo. Elizabeth là một trong những cây bút viết toàn diện, xuất sắc nhất của American GQ. Cô đã hai lần nhận được đề cử Giải thưởng Tạp chí Quốc gia.
Đến nay Elizabeth Gilbert đã xuất bản được 4 cuốn sách, bao gồm tập truyện ngắn Pilgrims (tác phẩm lọt vào chung kết giải thưởng Pen/Hemingway 1997), tiểu thuyết Stern Men (2000), tiểu thuyết
The Last American Man (đề cử Giải thưởng Sách Quốc gia, và ghi nhận Sách Tiêu biểu năm 2002 của The New York Times), và cuốn hồi ký xuất bản năm2006 Ăn, cầu nguyện, yêu (Eat, pray, love). Ăn, cầu nguyện, yêu được độc giả Mỹ cũng như trên khắp thế giới đón nhận hết sức nồng nhiệt. Tác phẩm hiện đang được dựng phim với sự tham gia diễn xuất của nữ minh tinh Julia Roberts.
Thành công rực rỡ của Ăn, cầu nguyện, yêu đã đưa Elizabeth Gilbert trở thành một trong bốn nhà văn được tạp chí Time bình chọn vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm2008. Hiện cô đang sống giữa Philadelphia (Mỹ) và Brazil.
Tặng Susan Bowen – người mang lại
miền trú ẩn dù cách xa 12.000 dặm xa. Nói sự thật, nói sự thật, nói sự thật. [1]
- Sheryl Louise Moller
MỤC LỤC
LỜI GIỚI THIỆU – hay - QUYỂN SÁCH NÀY THẾ NÀO – hay - Hạt thứ 109
Ý – hay - “Nói Như Ta Ăn” – hay - Ba Mươi Sáu Câu Chuyện Về Kiếm TìmHạnh Phúc
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24
25
26
27
28
29
30
31
32
33
34
35
36
ẤN ĐỘ - Hay - “Hân Hạnh Được Gặp Quý Vị” – Hay - Ba Mươi Sáu Câu Chuyện Về Theo Đuổi Tín Ngưỡng 37
38
39
40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57
58
59
60
61
62
63
64
65
66
67
68
69
70
71
72
INDONESIA – hay - “Ngay Cả Trong Quần Lót Của Mình Tôi Cũng Thấy Khác” – hay - Ba Mươi Sáu Câu Chuyện
Về Cuộc Mưu Cầu Cân Bằng 73
74
75
76
77
78
79
80
81
82
83
84
85
86
87
88
89
90
91
92
93
94
95
96
97
98
99
100 101 102 103 104 105 106 107
108
TRI ÂN CUỐI CÙNG VÀ CAM ĐOAN LẦN NỮA
10 FREQUENTLY ASKED QUESTIONS
ABOUT EAT, PRAY, LOVE
LỜI GIỚI THIỆU – hay - QUYỂN SÁCH NÀY THẾ NÀO – hay - Hạt thứ 109
LỜI GIỚI THIỆU
hay
QUYỂN SÁCH NÀY THẾ NÀO
hay
Hạt thứ 109
Khi du lịch ở Ấn Độ - nhất là qua các địa điểm linh thiêng và các Ashram[2], ta sẽ thấy rất nhiều người đeo tràng hạt ở cổ. Ta cũng sẽ thấy rất nhiều bức hình cũ
chụp những hành giả[3] mình trần, gầy trơ xương và dữ tợn (hay đoi khi là những hành giả béo tròn, hiền lành và rạng rỡ) cũng đeo tràng hạt. Tràng hạt này được gọi là japa mala. Ở Ấn Độ, trong nhiều thế kỷ tràng hạt được dùng để giúp các tín đồ đạo Hindu và Phật giáo sùng đạo tập trung khi tham thiền cầu nguyện. Người ta cầm tràng hạt và dùng ngón tay lần hạt theo vòng tròn – chạmvào một hạt là lặp lại một câu chú. Khi quân Thập Tự Chinh thời Trung cổ tràn sang phương Đông tiến hành Thánh Chiến, chứng kiến các tín đồ dùng những japa mala này để cầu nguyện, họ đã rất thán phục cách thức đó và đưa niệm này về quê nhà ở châu Âu, gọi là chuỗi tràng hạt.
Một xâu japa mala truyền thống có 108 hạt. Trong giới hiền triết phương Đông thần bí, số 108 được xem là tốt lành nhất, bội số ba chữ số hoàn hảo của số ba, các thành phần của nó cộng lại thành chín, là ba lần ba. Và ba, tất nhiên, là con số tượng trưng cho sự cân bằng tối thương như bất kỳ ai từng nghiên cứu về Chúa Ba Ngôi linh thiêng hay chỉ về cái ghế quầy rượu đơn giản đều có thể thấy rõ ràng. Vì toàn bộ cuốn sách này là về những cố gắng tìm thấy cân bằng của tôi, tôi quyết định tạo cho nó kết cấu như một japa mala, chia thành 108 câu chuyện, hay 108 hạt. Chuỗi 108 câu chuyện này sẽ được chia tiếp thành ba phần về Ý, Ấn Độ và Indonesia – ba xứ sở tôi đã ghé thăm trong năm tự khám
phá bản thân này. Sự phân chia này có nghĩa là một phần có 36 câu chuyện lôi cuốn tôi trên phương diện cá nhân vì tôi đã viết tất cả những điều này vào năm tôi ba mươi sáu tuổi.
Giờ thì trước khi tôi trở nên quá giống Louis Farrakhan với vấn đề thần số học ở đây này, cho phép tôi kết luận bằng cách nói rằng nó cũng thích cái ý tưởng xâu chuỗi những câu chuyện này theo kết luận của một japa mala vì nó rất... có kết cấu. Khám phá chân thực về tâm linh là, và luôn là, một nỗ lực của kỷ luật có phương pháp. Đi tìm Chân Lý không phải là một thứ ngớ ngẩn miễn phí-cho-tất-cả, ngay cả trong cái thời đại ngớ ngẩn vĩ đại miễn-phí-cho-tất-cả này. Với tư cách vừa là một người kiếm tìm
vừa là một nhà văn, tôi thấy cố gắng dựa vào chuỗi hạt là điều hữu ích, phương pháp tốt nhất giúp tôi tập trung chú ý vào cái mình đang cố hoàn tất.
Bất luận thế nào, mỗi japa mala đều có một hạt đặc biệt, hạt thêm vào – hạt thứ 109 – xâu bên ngoài cái vòng 108 hạt cân xứng như một đối trọng. Tôi vẫn thường nghĩ hạt thứ 109 là một thứ dự phòng khẩn cấp như cái khuy áo dự phòng dính vào chiếc áo len đẹp đẽ, hay người con trai út trong một gia đình hoàng gia. Nhưng rõ ràng ở đây có một mục đích cao cả hơn. Khi ngón tay ta chạm đến dấu mốc này là lúc cầu nguyện, ta phải ngưng trạng thái thiền định và đa tạ sư phụ mình. Vậy nên ở đây, ở hạt 109 của riêng mình, tôi dừng trước cả khi bắt
đầu. Tôi xin được dâng lời cảm tạ đến những người thầy của tôi, những người đã xuất hiện trước mắt tôi trong rất nhiều thể dạng lạ lùng trong năm này.
Nhưng lời cảm tạ đặc biệt nhất tôi dành cho Sư phụ[4]của tôi, người có lòng bi mẫn trong mỗi nhịp đập trai tim, và là người đã rất rộng lượng cho phép tôi học hỏi tại Ashram của bà khi tôi ở Ấn Độ. Đây cũng là lúc tôi muốn giải thích là tôi viết về những trải nghiệm của mình ở Ấn Độ thuần túy từ quan điểm cá nhân chứ không phải như một học giả thần học hay phát ngôn viên chính thức của bất kỳ ai. Đấy là lý do tôi sẽ không nhắc đến tên Sư phụ mình trong cuốn sách này – vì tôi không thể là người phát ngôn cho bà. Những giáo huấn của bà tự
nó nói lên tất cả. Tôi cũng sẽ không tiết lộ tên hay địa điểm Ashram của bà, để nơi đó tránh được sự chú ý của công chúng, một điều nó không quan tâm mà cũng chẳng có các nguồn lực để quản lý.
Một biểu hiện cuối cùng của lòng biết ơn: khi những cái tên rải rác khắp cuốn sách này đã được thay đổi vì nhiều lý do, tôi quyết định thay đổi tên của từng người mình gặp tại Ashram này ở Ấn Độ, cả người Ấn và người Tây phương. Vì tôn trọng một thực tế là hầu hết mọi người không thực hiện chuyến hành hương tâm linh để rồi sau đó xuất hiện như một nhân vật trong sách. (Trừ khi, tất nhiên, đó là tôi.) Tôi chỉ có một ngoại lệ cho cách giấu tên tự đặt ra này. Richard từ Texas thực sự tên là Richard, và đúng
là người Texas. Tôi muốn dùng tên thật của anh ấy vì anh là người rất quan trọng với tôi khi tôi ở Ấn Độ.
Một điều cuối cùng – khi tôi hỏi Richard nếu tôi nhắc đến việc anh từng là một người nghiện rượu và ma túy trong cuốn sách của mình thì có sao không, anh trả lời là điều đó hoàn toàn được.
Anh nói, “Dù sao thì tôi cũng đã thử tìm cách nói ra chuyện đó.”
Nhưng đầu tiên – nước Ý...
Ý – hay - “Nói Như Ta Ăn” – hay - Ba Mươi Sáu Câu Chuyện Về Kiếm Tìm Hạnh Phúc
Ý
hay
“Nói Như Ta Ăn”
hay
Ba Mươi Sáu Câu Chuyện Về Kiếm Tìm Hạnh Phúc
1
Tôi ước gì Giovanni hôn tôi.
Ồ, nhưng có quá nhiều lý do vì sao điều này sẽ là một ý tưởng khủng khiếp. Đầu tiên, Giovanni trẻ hơn tôi mười tuổi, và – như hầu hết các chàng trai Ý ở tuổi hai mươi – anh vẫn còn sống cùng mẹ. Chỉ riêng những điều này thôi cũng đã khiến anh khó có thể là một người tình lãng mạn của tôi, vì thực tế tôi là một phụ nữ Mỹ có nghề nghiệp khoảng ngoài ba mươi, vừa trải qua một cuộc hôn nhân thất bại và vụ ly dị tàn hại và bất tận, liền theo là cuộc tình say đắm có một kết cục làm tan nát cõi lòng. Mất mát này chồng lên mất mát khác khiến tôi cảm
thấy buồn, mong manh và chừng như đã già bảy ngàn tuổi rồi. Thuần về nguyên tắc thì tôi không thể để anh chàng Giovanni trong sáng, đáng yêu phải chịu đựng một kẻ sầu muộn già nua đổ vỡ trong hôn nhân là mình. Chưa kể là rốt cuộc tôi cũng đã tới cái tuổi mà một phụ nữ bắt đầu hỏi, có thực cách khôn ngoan nhất để vượt qua nỗi mất mát vì một người đàn ông trẻ đẹp mắt nâu là mời ngay một người đàn ông khác lên giường hay không. Đấy là lý do tôi đã đơn độc nhiều tháng nay. Đấy là lý do, trên thực tế, tôi đã quyết định sống độc thân suốt năm nay.
Một người quan sát sắc sảo có thể sẽ chất vấn, “Vậy thì tại sao cô lại đến Ý?” Và để trả lời, tôi chỉ có thể đáp – nhất
là khi nhìn anh chàng Giovanni đẹp trai ngồi bên bàn – “Một câu hỏi hay.” Giovanni là Bạn Giao Lưu Xe đạp đôi của tôi. Nghe có vẻ như ám chỉ cái gì đấy khác, nhưng tiếc là không phải. Thật ra tất cả chỉ có nghĩa là chúng tôi gặp nhau vài tối mỗi tuần ở đây, tại Roma, để thực hành ngôn ngữ của cả hai. Đầu tiên chúng tôi nói tiếng Ý anh ấy nhẫn nại với tôi; rồi chúng tôi nói tiếng Anh, và tôi kiên nhẫn với anh. Tôi đã phát hiện ra Giovanni vài tuần sau khi đến Roma, nhờ cái quán cà phê Internet lớn ở Piazza Barbarini ấy, bên kia đường đối diện đài phun nước có bức tượng chàng trai người cá gợi tình đang thổi cái vỏ sò. Anh (là Giovanni, không phải chàng người cá) đã dán một quảng cáo lên bảng
tin nói là một người Ý bản ngữ đang tìmmột người Anh bản ngữ để thực hành ngôn ngữ đàm thoại. Ngay dưới yêu cầu giúp đỡ của anh là một quảng cáo khác với cùng một yêu cầu, giống hệt nhau từng chữ một, đến cả kiểu chữ. Khác biệt duy nhất là thông tin liên hệ. Một quảng cáo ghi địa chỉ email của một ai đó có tên là Giovanni; còn cái kia thì giới thiệu ai đó tên la Dario. Nhưng ngay cả số điện thoại nhà cũng là một.
Tôi sử dụng năng lực trực giác nhạy bén của mình gửi email cho cả hai người một lúc, hỏi bằng tiếng Ý, “Có lẽ các anh là anh em?”
Chính Giovanni là người viết thư trả lời rất provocatio[5]như sau, “Còn hay hơn nữa. Sinh đôi!”
Đúng vậy, hay hơn nhiều. Hóa ra đây là hai anh em sinh đôi tuổi hai mươi lămgiống hệt nhau, to cao, đẹp trai, rám nắng với đôi mắt Ý to nâu mơ màng khiến tôi muốn mở lòng. Sau khi đích thân gặp cả hai người họ, tôi bắt đầu không biết có nên chỉnh lại chút xíu điều lệ độc thân trong năm nay của mình hay không. Ví dụ, có lẽ tôi vẫn độc thân hoàn toàn trừ việc giữ anh em sinh đôi người Ý hai mươi lăm tuổi đẹp trai này làm nhân tình. Chuyện này có chút làm nhớ lại chuyện một người bạn của tôi ăn chay trừ món thịt lợn muối xông khói, nhưng dù sao thì... Tôi đã bắt đầu viết thư cho tạp chí Penthouse:
Trong bóng tối lung linh ánh nến của quán cà phê Roman, chẳng thể nào
nói được tay ai đang vuốt ve... Nhưng không.
Không và không.
Tôi cắt ngang hình ảnh mộng mị này lưng chừng câu. Đây không phải là lúc tôi tìm kiếm lãng mạn và (như ngày tiếp nối đêm) làm cuộc sống đã nan giải của mình phức tạp thêm. Đây là lúc tôi tìmkiếm sự hàn gắn và yên tĩnh chỉ có thể có được từ sự đơn độc.
Dù sao thì, đến lúc này, vào giữa tháng Mười một, anh chàng Giovanni nhút nhát, siêng năng và tôi đã trở thành bạn thân. Còn về phần Dario – kẻ ưa tiệc tùng đàn đúm hơn trong hai anh em – tôi đã giới thiệu với cô bạn nhỏ Sofie đáng yêu người Thụy Điển của mình, và họ đã cùng chia sẻ những buổi tối của họ ở
Roma ra sao thì lại hoàn toàn là một kiểu Bạn Giao Lưu Xe đạp đôi khác. Còn Giovanni và tôi, chúng tôi chỉ trò chuyện. À không, ăn uống và chuyện trò. Đã nhiều tuần lễ thú vị chúng tôi cùng ăn uống và trò chuyện, chia nhau món pizza và nhẹ nhàng sửa những lỗi văn phạm, và đêm nay cũng không phải ngoại lệ. Một buổi tối dễ thương và những thành ngữ mới và món pho mát tươi mozzarella.
Giờ là nửa đêm và trời mù sương. Giovanni đưa tôi trở về căn hộ qua những con đường của Roma hiền hòa lượn quanh các tòa nhà cổ như những nhánh sông trườn quanh những khoảng rừng bách mờ ảo. Giờ thì chúng tôi đang đứng trước cửa, đối diện nhau. Anh trao tôi một cái ôm ấm áp. Đây là một tiến
bộ; trong mấy tuần đầu tiên anh chỉ bắt tay tôi thôi. Tôi nghĩ nếu mình ở lại Ý thêm ba năm nữa, rất có thể anh sẽ ghì lấy tôi mà hôn nồng nhiệt. Tuy nhiên, giá mà anh hôn tôi ngay lúc này, đêm nay, ngay đây cạnh cửa nhà tôi... có thể lắmchứ... ý tôi là chúng tôi đang ôm ghì nhau dưới ánh trăng này... và dĩ nhiên điều đó sẽ là một sai lầm khủng khiếp... nhưng đó vẫn thật là một khả năng tuyệt vời nếu anh thật sự có thể làm điều đó ngay lúc này... rằng giá mà anh cúi xuống... và... và...
Không.
Anh buông vòng tay.
“Chúc ngủ ngon, Liz yêu dấu,” anh nói.
“Buona notte, caro mio,”[6]tôi đáp.
Tôi bước lên những bậc thang dẫn đến căn hộ tầng bốn của mình, hoàn toàn đơn độc. Tôi trôi vào căn hộ bé xíu xiu của mình, cũng hoàn toàn đơn độc. Tôi đóng cánh cửa lại sau lưng. Lại một đêmngủ một mình nữa ở Roma. Lại một đêmdài nữa đang đợi, chẳng có ai và chẳng có gì trên chiếc giường ngoại trừ một chồng sách thành ngữ Ý và từ điển.
Tôi một mình, tôi cô độc, tôi hoàn toàn cô độc.
Hiểu thấu thực tế này, tôi buông túi xách, khuỵu xuống và tì trán vào tường. Nơi đây, tôi dâng lên vũ trụ lời cầu nguyện cảm tạ nhiệt thành.
Đầu tiên là bằng tiếng Anh.
Rồi đến bằng tiếng Ý.
Và rồi – để trình bày rõ ràng hơn –
bằng tiếng Phạn.
2
Và vì tôi đã quỳ trên sàn mà khẩn nguyện, cho phép tôi giữ nguyên tư thế đó để trở về thời điểm ba năm trước, khi toàn bộ câu chuyện này bắt đầu – thời khắc tôi cũng đang đúng trong tư thé đó: quỳ gối, trên sàn nhà, cầu nguyện.
Thế nhưng những thứ còn lại trong khung cảnh của ba-năm-trước thì có khác. Lúc đó, tôi không ở Roma mà trong phòng tắm trên lầu căn nhà lớn ở ngoại ô New York mới mua cho chồng. Khi ấy là khoảng ba giờ sáng một ngày tháng Mười một lạnh lẽo. Chồng tôi còn đang ngủ trên giường. Tôi náu mình trong phòng tắm đâu như đã đêm thứ bốn mươi bảy
liên tiếp rồi, và – cũng như tất cả những đêm trước – tôi đang khóc nức nở. Thật vậy, nức nở đến độ trên sàn gạch men phòng tắm trước mặt tôi lan dài một hồ rộng đầy nước mắt nước mũi, một Hồ Hạ[7]thật sự (nếu bạn cho phép), đầy nỗi tủi thẹn, sợ hãi, bối rối và đau buồn của tôi.
Tôi không muốn đời sống hôn nhân nữa.
Tôi cố hết sức không nghĩ đến điều này nữa, nhưng sự thật vẫn cứ bám riết lấy tôi.
Tôi không muốn đời sống hôn nhân nữa. Tôi không muốn sống trong căn nhà lớn này. Tôi không muốn có con.
Nhưng lẽ ra tôi phải muốn có con. Tôi đã ba mươi mốt tuổi. Chồng tôi và
tôi – chung sống trong tám năm, cưới nhau được sáu năm – đã xây dựng toàn bộ đời sống cả hai quanh một mong đợi chung là, sau khi bước qua ngưỡng cửa tuổi ba mươi già nua lập cập rồi, tôi sẽ muốn ổn định và có con. Chúng tôi cùng trông đợi là, đến lúc đó, tôi sẽ chán ngấy đi đây đó và sẽ sống hạnh phúc trong một đại gia đình bận bịu đầy bọn nhóc và chăn bông tự làm, có vườn ở sân sau và món hầm sôi lục bục trên bếp. (Thực ra đây là miêu tả khá chính xác về mẹ tôi, cho thấy ngay cả tôi cũng từng khó mà nêu ra được sự khác biệt giữa tôi và người phụ nữ mạnh mẽ đã nuôi dạy mình ấy ra sao.) Nhưng, tôi kinh hoàng nhận ra, mình không muốn bất cứ gì trong những thứ này cả. Thay vì vậy, khi thời
hai mươi của tôi đã qua, cái hạn chót BA MƯƠI TUỔI đó lơ lửng trước mặt tôi như một bản án tử hình, và tôi hiểu ra là mình không muốn có mang. Tôi cứ chờ lúc mình muốn có con, nhưng điều đó không xảy ra. Và tôi biết cái cảm giác muốn một điều gì đó như thế nào, xin hãy tin tôi. Tôi biết rất rõ cảm giác khát khao thì sẽ ra sao. Nhưng o có. Vả chăng, tôi không thể thôi nghĩ đến điều chị tôi đã từng nói với tôi khi đang cho đứa con đầu lòng bú, “Có con giống như xămhình trên mặt mình vậy. Em phải thật sự chắc chắn đó là điều mình muốn trước khi cam kết.”
Thế nhưng làm sao tôi có thể quay trở lại? Mọi thứ đã sẵn sàng cả rồi. Năm đó là dành cho việc có mang. Trên thực tế,
chúng tôi đã cố để có con vài tháng nay rồi. Nhưng chẳng có gì xảy ra cả (trừ việc – gần như một trò chế giễu mỉa mai của thai nghén – tôi bị mệt mỏi căng thẳng thần kinh vào buổi sáng, bồn chồn đến độ ngày nào cũng nôn hết bữa sáng đã ăn.) Và mỗi tháng tới chu kỳ tôi thường thầm thì lén lút trong phòng tắm: Cám ơn, cám ơn, cám ơn, cám ơn đã cho tôi sống thêm một tháng nữa...
Tôi đã cố thuyết phục mình rằng điều đó là tự nhiên. Mọi phụ nữ khác hẳn cũng cảm tháy vậy khi cố để có mang, tôi nghĩ. (Tôi dùng từ “do dự” để tránh một miêu tả chính xác hơn nhiều, “khiếp đảm cực độ”.) Tôi cố buộc mình tin những cảmgiác đó là bình thường, bất chấp mọi bằng chứng ngược lại – ví như tuần
trước tôi tình cờ gặp một người quen vừa biết mình có thai lần đầu sau khi đã dành trọn hai năm và một món tiền lớn cho việc điều trị sinh sản. Cô ấy vô cùng sung sướng. Cô nói với tôi rằng lúc nào cô cũng muốn được làm mẹ. Cô thú nhận nhiều năm rồi đã âm thầm mua quần áo sơ sinh và giấu dưới giường, nơi chồng cô không thể phát hiện. Tôi thấy niềm vui trên khuôn mặt cô và tôi nhận ra nó. Đó chính là niềm vui rạng rỡ trên mặt tôi mùa xuân năm ngoái, cái ngày tôi được biết là tờ tạp chí nơi tôi làm việc sắp cử tôi đi New Zealand công tác để viết một bài về cuộc tìm kiếm loài mực khổng lồ. Và tôi tự nhủ, “Chừng nào mình chưa thể cảm thấy sướng rơn về chuyện có con như mình đã cảm thấy về chuyến đi đến
New Zealand tìm loài mực to tướng thì mình chưa thể có con được.”
Tôi không muốn đời sống hôn nhân nữa.
Ban ngày, tôi cự tuyệt ý nghĩ ấy, nhưng đêm đến nó thường giày vò tôi. Thật là một thảm họa. Làm sao tôi lại có thể ngu xuẩn một cách vô đạo đức khi dấn thân đến thế vào hôn nhân, chỉ để rồi bỏ đi? Chúng tôi chỉ mới mua căn nhà này một năm trước thôi. Tôi không muốn căn nhà xinh đẹp này sao? Tôi không yêu thích nó sao? Vậy sao giờ đây tôi lại lang thang khắp các gian phòng hàng đêm, gào khóc như Medea[8]? Phải chăng tôi không hãnh diện về tất cả những gì chúng tôi đã tích lũy được – ngôi nhà hoành tráng ở thung lũng
Hudson, căn hộ ở Manhattan, tám đường điện thoại, bạn bè, những cuộc dã ngoại và tiệc tùng, những ngày cuối tuần lang thang trên các lối đi của các cửa hiệu lớn ưa thích, sắm thật nhiều đồ dùng bằng thẻ tín dụng? Tôi đã hăng hái tham gia vào mỗi phút giây tạo nên cuộc sống này – vậy tại sao tôi lại cảm thấy như chẳng có gì ở đó tương đồng với mình? Tại sao tôi lại cảm thấy ngập trong nghĩa vụ, phát chán phải làm người nuôi sống gia đình, người nội trợ, người sắp xếp giao tế xã hội, người dắt chó đi dạo, người vợ và người mẹ tương lai, và – đâu đó trong những khoảnh khắc giành giật được – một nhà văn...?
Tôi không muốn đời sống hôn nhân nữa.
Chồng tôi đang ngủ trong căn phòng khác, trên giường chúng tôi. Tôi yêu anh ấy đồng thời cũng không chịu nổi anh ấy. Tôi không thể đánh thức anh dậy để chia sẻ nỗi khốn khổ của mình – để làm gì cơ chứ? Anh đã chứng kiến tôi suy sụp từ nhiều tháng nay rồi, thấy tôi cư xử như một mụ điên (cả hai chúng tôi cùng đồng ý với từ này), và tôi chỉ làm anh kiệt sức mà thôi. Cả hai đều biết có điều gì đó không ổn với tôi, và anh đã mất kiên nhẫn với chuyện đó. Chúng tôi cãi nhau và khóc, rồi chúng tôi mệt mỏi theo lối chỉ một cặp vợ chồng có hôn nhân đang sụp đổ mới cảm thấy. Ánh mắt chúng tôi trở thành ánh mắt của những kẻ tị nạn.
Những lý do khiến tôi không muốn làm vợ của người đàn ông này nữa là quá
riêng tư và quá buồn để chia sẻ ở đây. Phần lớn các lý do đó liên quan đến những vấn đề của tôi, nhưng một phần khá lớn những rắc rối của chúng tôi cũng liên quan đến các vấn đề của anh ấy. Cũng tự nhiên thôi; suy cho cùng, hôn nhân nào cũng có hai nhân vật – hai biểu quyết, hai ý kiến, hai khuynh hướng quyết định, hai ước muốn và giới hạn mâu thuẫn nhau. Nhưng tôi cho rằng nói về những vấn đề của anh ấy trong cuốn sách của mình là không thích hợp. Tôi cũng không thể đòi hỏi ai đó tin là tôi có thể thuật lại câu chuyện của chúng tôi một cách khách quan, và do vậy, biên niên sử cuộc hôn nhân thât bại của chúng tôi sẽ không bao giờ được đề cập đến ở đây. Tôi cũng sẽ không thảo luận ở đây tất cả
những lý do tại sao tôi vẫn đã rất muốn là vợ anh, hay điều tuyệt vời nơi anh, hay tại sao tôi yêu anh, tại sao lại cưới anh và tại sao không thể hình dung nổi một cuộc sống thiếu anh. Tôi sẽ không thổ lộ bất kỳ điều gì hết. Hãy cứ biết là, vào đêm đó, anh ấy vẫn là ngọn hải đăng và cũng là con chim hải âu lớn của tôi. Điều duy nhất khó nghĩ hơn ra đi là ở lại; điều duy nhất bất khả hơn ở lại là ra đi. Tôi không muốn phá hoại bất kỳ điều gì hay bất kỳ ai. Tôi chỉ muốn lẳng lặng lẻn ra cửa sau, không làm ầm ĩ hay gây ra một hậu quả nào, và rồi chạy một mạch tới khi đến được Greenland.
Phần này của câu chuyện không vui, tôi biết. Nhưng tôi chia sẻ ở đây vì một điều gì đó sắp xảy ra ngay tại sàn phòng
tắm ấy đã vĩnh viễn thay đổi tiến trình cuộc đời tôi – kiểu như một trong những siêu sự kiện thiên văn điên rồ khi một hành tinh lật ngược trong vũ trụ không vì một lý do nào cả, rồi cái tâm nóng chảy của nó dịch chuyển, kéo theo vị trí hai cực dịch chuyển và hình dạng của nó thay đổi hoàn toàn, đến mức toàn khối hành tinh đột nhiên trở thành hình khuôn thay vì hình cầu. Đại loại như vậy.
Điều xảy ra là tôi bắt đầu cầu nguyện. Bạn biết đấy, như là cầu nguyện Thượng Đế.
3
Bấy giờ, đó là lần đầu tiên đối với tôi. Và vì đây là lần đầu tiên tôi đưa từ gay go ấy – THƯỢNG ĐẾ - vào quyển sách của mình, và vì đây là từ sẽ xuất hiện lặp lại nhiều lần trong suốt các trang sách này, có lẽ là đúng đắn nếu tôi dừng ở đây giây lát nhằm giải thích chính xác ngụ ý của mình khi dùng từ này, để mọi người có thể quyết định ngay mình có cần cảm thấy khó chịu thế không.
Để dành tranh luận liệu Thượng Đế có tồn tại hay không về sau (mà không, tôi có một ý kiến hay hơn: ta hãy bỏ qua luôn tranh luận đó), cho phép tôi trước tiên giải thích tại sao tôi dùng từ Thượng
Đế khi có thể chỉ đơn giản dùng các từ như Jehovah, Allah, Shiva, Brahma, Vishnu hay Zeus. Hoặc giả, tôi có thể gọi Thượng Đế là “Đó” là cách gọi của kinh Phạn cổ mà tôi cho là sát với thực thể bao trùm vạn vật và không thể gọi tên từng được tôi đôi lần chứng nghiệm. Nhưng tôi cảm thấy từ “Đó” có vẻ phi nhân cách – một vật, không phải một sinh thể - và bản thân tôi không thể cầu nguyện với một Đó. Tôi cần một cái tên riêng, để cảm nhận trọn vẹn một sự hiện diện cá nhân. Cũng vì lý do này, khi cầu nguyện, tôi không hướng lời nguyện cầu đến Vũ Trụ, Đại Không, Sức Mạnh, Bản Thể Tối Thượng, Toàn Thể Tính, Đấng Sáng Tạo, Ánh Sáng, Quyền Năng Cao Cả, hay ngay cả lối biểu thị tên gọi
Thượng Đế nên thơ nhất, tôi tin là từ sách Phúc âm phái Ngộ đạo, “Bóng của Vần Xoay”.
Tôi chẳng chống đối bất cứ thuật ngữ nào trong những thuật ngữ này cả. Tôi cảm thấy chúng như nhau vì chúng đều là những miêu tả tương xứng và không tương xứng như nhau về cái không thể tả được. Nhưng mỗi người chúng ta cần một cái tên thiết thực cho cái không thể tả được đó, và “Thượng Đế” là cái tên với tôi có vẻ ấm áp nhất, vậy nên tôi dùng từ này. Tôi cũng nên thú nhận là tôi thường nghĩ Thượng Đế là “Ông” mà không áy náy vì theo tôi, đó chỉ là một đại từ cá nhân hóa tiện dụng, không phải một miêu tả cơ thể học chính xác hay một động cơ cách mạng. Tất nhiên, tôi không
phiền nếu mọi người gọi Thượng Đế là “Bà”, và tôi hiểu sự thôi thúc khi người ta làm vậy. Lần nữa, với tôi, những từ này ngang bằng nhau, tương xứng và bất xứng như nhau. Tuy nhiên tôi thực sự cho rằng viết hoa bất kỳ đại từ nào cũng đều là một nét hoa mỹ, một sự lễ phép nho nhỏ với sự hiện diện của thiêng liêng.
Về mặt văn hóa, dù không phải thần học, tôi là một tín đồ đạo Cơ đốc. Tôi xuất thân là một người da trắng Anglo Saxon theo đạo Tin lành. Và trong khi vẫn yêu kính vị thầy vĩ đại của hòa bình
là Jesus, trong khi vẫn bảo lưu quyền tự hỏi trong những tình huống thử thách rằng quả thực Ông có thể làm gì, tôi không thể chấp nhận cái nguyên tắc bất di bất dịch của đạo Cơ đốc cứ khăng khăng Chúa là
con đường duy nhất đến với Thượng Đế. Vậy thì, nói đúng ra, tôi không thể nhận mình là tín đồ Cơ đốc. Hầu hết những tín đồ Cơ đốc tôi biết đều chấp nhận những cảm nhận của tôi về điều này với lòng khoan dung và đầu óc cởi mở. Nhưng ngược lại, hầu hết tín đồ Cơ đốc tôi biết không phân định khắt khe. Đối với những người phân định (và nghĩ) khắt khe, tất cả những gì tôi có thể làm ở đây là xin lỗi nếu có gì xúc phạm và giờ thì xin cáo lui khỏi công việc của họ.
Theo truyền thống, tôi hưởng ứng những nhà thần học siêu việt của tất cả mọi tôn giáo. Tôi đã luôn hưởng ứng với niềm phấn khích đến nghẹt thở bất kỳ ai nói rằng Thượng Đế không ở trong kinh sách giáo điều hay ngự trên một ngai
vững cách biệt trên trời mà thật ra ở rất gần chúng ta – gần hơn chúng ta tưởng rất nhiều, hít thở ngay qua chính tim của chúng ta. Tôi hưởng ứng với lòng biết ơn bất kỳ ai đã từng du hành đến tận tâm của trái tim ấy, và rồi trở lại thế gian cho tất cả những người còn lại chúng ta biết, Thượng Đế là một chứng nghiệm tình yêu cao cả. Mọi truyền thống tôn giáo trên trái đất đều luôn có những vị thánh thần bí và những con người siêu việt truyền đạt lại chính xác chứng nghiệmnày. Rủi thay là nhiều người trong số họ cuối cùng đã bị bắt và bị giết. Dù vậy, tôi vẫn đánh giá rất cao về họ.
Cuối cùng, điều tôi dần dần tin về Thượng Đế rất đơn giản. Nó như thế này – tôi từng nuôi một con chó rất tuyệt vời.
Nó vốn đến từ nơi nhốt chó, mèo lạc. Con chó ấy là sự pha trộn của hoảng mười giống khác nhau, nhưng dường như nó thừa hưởng những ưu điểm trội nhất của tất cả các giống ấy. Bộ lông của nó màu nâu. Khi mọi người hỏi, “Nó là chó gì vậy?” tôi luôn trả lời cùng một câu, “Nó là con chó màu nâu.” Tương tự, với câu hỏi đặt ra, “Cô tin vào Thượng Đế nào?”, câu trả lời của tôi rất đơn giản, “Tôi tin vào Thượng Đế cao cả.”
4
Tất nhiên, tôi đã có rất nhiều thời gian để hình thành quan điểm của mình về linh thiêng từ cái đêm trên sàn phòng tắm tôi lần đầu tiên trực tiếp nói chuyện với Thượng Đế. Dù sao, ngay giữa cơn khủng hoảng tháng Mười một tối tăm ấy, tôi đã không lưu tâm đến chuyện hình thành quan điểm thần học của mình. Tôi chỉ nghĩ đến việc cứu lấy đời mình. Cuối cùng tôi nhận ra rằng dường như mình đã rơi vào một tình trạng hiểm nghèo tuyệt vọng vô phương và tôi chợt nghĩ rằng đôi khi trong tình trạng hiểm nghèo tuyệt vọng vô phương, và tôi chợt nghĩ rằng đôi khi trong tình trạng này người ta sẽ
tìm đến Thượng Đế cầu xin giúp đỡ. Tôi chắc đã đọc điều này đâu đó trong một cuốn sách.
Những điều tôi vừa khóc nấc vừa nói với Thượng Đế gần như vậy, “Xin chào, Thượng Đế. Ngài khỏe không? Tôi là Liz. Hân hạnh được biết ngài.”
Đúng thế - tôi đang trò chuyện với đấng sáng thế như thể chúng tôi vừa làmquen với nhau tại một buổi tiệc rượu. Nhưng trong cuộc sống chúng ta thường làm theo cách quen thuộc với mình, và đây là câu tôi luôn dùng khi bắt đầu một mối quan hệ. Thật ra, đó là tất cả những gì tôi có thể làm để ngăn mình không nói, “Tôi vẫn luôn là một người hâm mộ cuồng nhiệt tác phẩm của ngài...”
“Tôi xin lỗi đã làm phiền ngài đêm
hôm khuya khoắt thế này,” tôi tiếp. “Nhưng tôi đang gặp rắc rối thật sự. Và tôi cũng xin lỗi vì chưa bao giờ trực tiếp nói chuyện với ngài trước đây, nhưng tôi tin tôi đã luôn bày tỏ lòng biết ơn vô bờ đối với tất cả những phước lành ngài ban cho tôi trong đời.” Ý nghĩ này càng khiến tôi nức nở hơn. Thượng Đế đợi cho tôi dịu xuống. Tôi cố trấn tĩnh lại đủ để nói tiếp: “Tôi không thạo việc cầu nguyện, ngài biết rồi đấy. Nhưng ngài có thể giúp tôi không? Tôi đang quá cần được giúp đỡ. Tôi không biết phải làm sao. Tôi cần một câu trả lời. Xin hãy cho tôi biết tôi phải làm gì đi. Xin hãy cho tôi biết tôi phải làm gì. Xin hãy cho tôi biết tôi phải làm gì...”
Và rồi lời cầu nguyện rút gọn lại chỉ
còn là một khẩn nài đơn giản lặp đi lặp lại: hãy cho tôi biết tôi phải làm gì. Tôi không biết mình đã cầu khẩn bao nhiêu lần. Tôi chỉ biết là tôi đã cầu xin như một người đang cầu xin cho mạng sống của mình. Và tôi cứ khóc mãi.
Cho đến khi – hoàn toàn đột ngột – tôi thôi khóc.
Hoàn toàn đột ngột, tôi nhận ra mình không còn khóc nữa. Tôi đã thôi khóc, thật sự, giữa lúc đang thổn thức. Nỗi thống khổ trong tôi rút đi sạch trơn. Tôi nhấc trán khỏi sàn và ngồi dậy ngạc nhiên, không biết mình có sắp thấy một Đấng Chí Tôn nào đấy vừa lấy những giọt nước mắt của mình đi hay không. Nhưng chẳng có ai ở đó cả. Chỉ có mình tôi. Mà cũng không hoàn toàn một mình.
Một cái gì đó bao quanh tôi mà tôi chỉ có thể mô tả như một cái túi nhỏ tĩnh lặng – một sự tĩnh lặng mong manh đến nỗi tôi không muốn thở ra, e sẽ làm nó tan mất. Tôi đã tĩnh lặng một cách hoàn toàn. Tôi không biết đã có bao giờ mình cảm thấy một sự tĩnh lặng như vậy chưa.
Rồi tôi nghe thấy một giọng nói. Xin đừng hoang mang – đó không phải là một giọng như Charlton Heston của Hollywood đọc Cựu ước, cũng không phải một giọng ra lệnh tôi phải xây bóng chày ở sân sau nhà mình đâu. Đó chỉ là giọng của chính tôi, phát ra từ bên trong bản ngã của tôi. Nhưng đây là giọng nói của tôi mà tôi chưa từng nghe thấy trước kia. Giọng của tôi, nhưng lại hoàn toàn sáng suốt, điềm tĩnh và cảm thông. Đó là
giọng nói, của tôi nếu có lúc nào đó trong đời tôi có chứng nghiệm được tình yêu và sự vững vàng. Làm sao tôi có thể tả nổi sự ấm áp yêu thương trong giọng nói đó khi mà câu trả lời nó đem lại đã vĩnh viễn đóng dấu đức tin của tôi vào thiêng liêng?
Tiếng nói bảo: Đi ngủ lại đi, Liz. Tôi thở ra.
Thật rõ ràng, ngay lập tức đó là điều duy nhất cần làm. Tôi không thể chấp nhận bất kỳ câu trả lời nào khác. Tôi không thể tin cậy một giọng nói trầmhùng phán rằng: Mi Phải Ly Dị Chồng! hay: Mi Không Được Ly Dị Chồng! Vì đó không phải là sự sáng suốt đích thực. Sáng suốt đích thực phải đem lại câu trả lời khả dĩ duy nhất vào một thời khắc
nhất định, và vào đêm đó, đi ngủ lại là câu trả lời khả dĩ duy nhất. Đi ngủ lại, giọng nói nội tâm toàn tri nói, vì ngươi không cần phải biết câu trả lời tối hậu ngay lúc này, vào ba giờ sáng một ngày thứ Năm của tháng Mười một. Đi ngủ lại, vì ta yêu ngươi. Đi ngủ lại, vì điều duy nhất ngươi cần làm lúc này là nghỉ ngơi và tự chăm sóc mình cho đến khi biết được câu trả lời. Đi ngủ lại để khi bão tố đến, ngươi sẽ đủ mạnh mẽ để đối phó. Và giông tố đang đến, con thân yêu. Chóng thôi. Nhưng không phải đêm nay. Vậy nên:
Đi ngủ lại đi, Liz.
Về một phương diện mà nói, tình tiết nhỏ này có tất cả những dấu hiệu của một chứng nghiệm cải tạo Cơ đốc giáo điển
hình – đêm tối của tâm hồn, tiếng kêu cứu, giọng nói đáp lại, cảm giác chuyển hóa. Nhưng tôi không thể nói đó là một sự cải đạo với tôi, không phải theo cách truyền thống là được sinh ra lần nữa hay được cứu rỗi. Thay vì vậy, tôi sẽ gọi điều xảy ra đêm đó là sự khởi đầu của một cuộc chuyện trò tôn giáo. Những lời đầu tiên của một cuộc đối thoại cởi mở và khám phá, cuối cùng, quả thực đã có thể đưa tôi đến rất gần Thượng Đế.
5
Nếu có cách nào đó để tôi biết rằng mọi sự - như Lily Tomlin từng nói – sắp sửa trở nên hoàn toàn tồi tệ hơn trước khi chúng đã trở nên tồi tệ hơn, tôi không chắc làm sao mình đã có thể ngủ ngon đêm đó. Nhưng bảy tháng rất khó khăn sau đó, tôi đã chia tay chồng mình. Khi cuối cùng có quyết định này, tôi tưởng điều tồi tệ nhất đã qua. Chuyện này cho thấy tôi ít hiểu biết về ly hôn ra sao.
Trước đây có một biếm họa trong tạp chí The New Yorker. Hai phụ nữ đang trò chuyện, người này nói với người kia: “Nếu ta thật sự muốn biết rõ ai, ta phải ly dị anh ta.” Tất nhiên, kinh nghiệm của
tôi thì ngược lại. Tôi sẽ nói là nếu ta thật sự muốn NGỪNG biết ai đó, ta phải ly dị anh ta. Hay cô ta. Vì đó là điều đã diễn ra giữa tôi và chồng. Tôi tin là cả hai chúng tôi đã làm người kia sốc khi nhanh chóng từ những người hiểu nhau nhất thành hai kẻ xa lạ khó hiểu đối với nhau nhất trên đời. Nguyên nhân sâu xa của sự xa lạ đó là sự thật thăm thẳm rằng cả hai chúng tôi đều làm điều mà người kia chẳng bao giờ quan niệm là có thể; anh ấy không bao giờ nghĩ là tôi sẽ thật sự rời bỏ anh, và tôi ngay cả trong tưởng tượng rồ dại nhất cũng không nghĩ được là anh ấy sẽ gây khó khăn cho sự ra đi của mình đến vậy.
Khi chia tay chồng, tôi đã thành thật tin là chúng tôi có thể thu xếp mấy vụ
việc thực tế của mình trong vài giờ với một cái máy tính, một chút lương tri và một ít thiện chí đối với người mình đã từng yêu. Gợi ý ban đầu của tôi là chúng tôi bán căn nhà và phân chia tất cả tài sản theo tỉ lệ 50/50; tôi chưa từng thoáng nghĩ có thể có cách thu xếp nào khác hơn. Anh ấy không cho gợi ý đó là công bằng. Vậy nên tôi nâng đề nghị của mình lên, thậm chí đã gợi ý cách chia đôi khác: hay là anh ấy lấy hết toàn bộ tài sản còn tôi nhận tất cả trách cứ? Nhưng ngay cả đề nghị đó cũng không đem lại một thỏa thuận. Bây giờ thì tôi lúng túng. Ta thương lượng ra sao khi đã dâng hết mọi thứ? Giờ tôi chẳng thể làm gì ngoài việc chờ đợi một phản đề nghị của anh ấy. Tội lỗi rời bỏ anh ấy không cho phép
tôi nghĩ đến việc giữ dù chỉ một hào tiền mình đã kiếm được trong mười năm qua. Hơn nữa, tinh thần mới tìm thấy trong tôi khiến tôi thấy điều thiết yếu là chúng tôi không phân tranh. Vậy nên đây là lập trường của tôi – tôi sẽ không tự vệ trước anh ấy mà cũng không tranh đấu với anh. Trong một thời gian rất dài, trái với lời khuyên của những người quan tâm đến tôi, tôi phản đối ngay cả chuyện hỏi ý kiến luật sư, vì tôi cho rằng ngay cả điều đó cũng là một hành vi bạo động. Tôi đã muốn hoàn toàn là một Gandhi trong chuyện này. Tôi muốn hoàn toàn là Nelson Mandela trong chuyện này mà lúc đó lại không nhận ra là cả Gandhi và Mandela đều là luật sư.
Nhiều tháng trôi qua. Cuộc sống của
tôi treo lơ lửng khi tôi chờ được giải thoát, chờ xem những điều khoản sẽ ra sao. Chúng tôi sống ly thân (anh ấy đã chuyển về căn hộ của chúng tôi ở Manhattan), nhưng chẳng có việc gì được giải quyết. Hóa đơn chất đống, công việc đình trệ, ngôi nhà rơi vào tình trạng hư hỏng, còn chồng tôi thì thỉnh thoảng phá tan sự im lặng chỉ để nhắc chuyện tôi là kẻ ngu ngốc tội lỗi ra sao.
Và rồi David xuất hiện.
Tất cả những phức tạp và tổn thương của những năm ly hôn đáng sợ đó được nhân lên nhiều lần với biến cố David – chàng trai tôi đã phải lòng khi giã từ cuộc hôn nhân của mình. Tôi đã nói tôi “phải lòng” David phải không? Điều tôi muốn nói là tôi đã lao ra khỏi cuộc hôn
nhân và ào vào vòng tay David cũng y như một người biểu diễn xiếc trong phimhoạt hình phóng ra từ một cái bục cao rồi lao vào một chén nước nhỏ, mất tămhoàn toàn. Tôi bám chặt lấy David để thoát khỏi hôn nhân như thể anh là chiếc trực thăng cuối cùng rút khỏi Sài Gòn. Tôi trút lên anh tất cả mọi hy vọng về cứu rỗi và hạnh phúc của mình. Và, đúng, tôi đã yêu anh ấy. Nhưng nếu tôi có thể nghĩ ra một từ nào mạnh hơn từ “tuyệt vọng” để miêu tả tôi đã yêu David như thế nào, tôi sẽ dùng từ đó ở đây, và yêu tuyệt vọng luôn là cách yêu mãnh liệt nhất rồi.
Tôi dọn đến ở với David ngay sau khi chia tay chồng. Anh từng là – và đang là – một chàng trai trẻ tuyệt đẹp. Một người
sinh quán New York, một diễn viên và một nhà văn, với cặp mắt Ý nâu mơ màng luôn làm tôi xáo trộn (tôi đã đề cập điều này chưa?). Lõi đời, độc lập, ăn chay, ăn nói thô lỗ, tâm linh, quyến rũ. Một tay hành giả-thi sĩ nổi loạn từ Yonkers. Một lính mới ở vị trí chặn ngắn[9]gợi tình của Thượng Đế. Lớn hơn cả sự sống. Lớn nhất thế giới. Hay chí ít anh đã là như vậy đối với tôi. Lần đầu tiên khi Susan người bạn thân nhất của tôi nghe tôi kể về anh ấy, cô nhìn vẻ say sưa trên mặt tôi và nói, “Ôi lạy Chúa, cưng ơi, bồ gặp rắc rối to rồi.”
David và tôi gặp nhau vì anh đang tham gia một vở kịch dựa trên các truyện ngắn tôi viết. Anh đóng một nhân vật hư cấu của tôi, điều đó có đôi chút ấn
tượng. Trong tình yêu tuyệt vọng vẫn luôn là vậy, phải không? Trong tình yêu tuyệt vọng, chúng ta luôn bịa ra những phẩm chất của người bên cạnh của mình, đòi hỏi họ là cái mà ta cần ở họ, và rồi cảm thấy tan nát khi họ từ chối đóng vai trò ta tạo ra ban đầu.
Nhưng, chao ôi, chúng tôi đã có một thời gian tuyệt vời bên nhau trong suốt những tháng đầu tiên ấy khi anh vẫn còn là nhân vật nam chính lãng mạn của tôi và tôi vẫn còn là mộng tưởng sống của anh. Sôi động và tương hợp tới mức tôi chưa từng tưởng tượng được. Chúng tôi chế ra ngôn ngữ của riêng mình. Chúng tôi thực hiện những chuyến đi trong ngày và những chuyến đi xa. Chúng tôi lên đến đỉnh của mọi thứ, chìm nghỉm xuống tận
đáy những thứ khác, lập kế hoạch những chuyến đi khắp thế giới chúng tôi sẽ cùng nhau thực hiện. Chúng tôi cùng nhau xếp hàng tại Cửa hàng Xe động cơ mà vui hơn hầu hết những cặp khác trong tuần trăng mật. Chúng tôi cho nhau cùng một biệt danh để không có gì ngăn cách giữa chúng tôi. Chúng tôi đặt ra các mục tiêu, thề nguyện, hẹn ước và ăn tối cùng nhau. Anh đọc sách cho tôi nghe, và anh giặt giũ cho tôi. (Lần đầu tiên chuyện đó xảy ra, tôi gọi cho Susan kể điều kỳ lạ ấy với vẻ sửng sốt, như thể tôi vừa thấy một con lạc đà sử dụng điện thoại di động. Tôi nói: “Một người đàn ông vừa giặt giũ đồ của tớ! Anh ấy thậm chí còn giặt tay đồ lót của tớ nữa!” Và cô ấy lặp lại, “Ôi lạy Chúa, cưng ơi, bồ gặp rắc rối to rồi”.)
Mùa hè đầu tiên của Liz và David giống như cảnh người ta phải lòng nhau trong mọi phim lãng mạn chúng ta từng xem, giống đến cả cảnh bắn nước tung tóe trong biển sóng và tay trong tay băng qua đồng cỏ ánh vàng lúc hoàng hôn. Lúc đó tôi vẫn còn nghĩ là vụ ly hôn của mình sẽ được tiến hành một cách lịch thiệp, tuy vậy tôi vẫn cho chồng mình một mùa hè nghỉ ngơi không đả động gì về chuyện đó để cả hai có thể lắng dịu lại. Dù sao, trong hạnh phúc như thế thì thật dễ dàng không nghĩ về tất cả những mất mát. Rồi mùa hè đó (hay còn gọi là “thời điểmhoãn thi hành”) cũng kết thúc.
Vào ngày 9 tháng Chín năm 2001, tôi gặp mặt riêng chồng lần chót mà không nhận ra rằng mỗi lần gặp sau phải có luật
sư giữa chúng tôi, để điều đình. Chúng tôi ăn tối ở một nhà hàng. Tôi cố đề cập đến chuyện chia tay của chúng tôi, nhưng cả hai chỉ lại tranh cãi. Anh bảo tôi là kẻ dối trá, kẻ phản bội và rằng anh căm ghét tôi và sẽ không bao giờ nói với tôi nữa. Hai sáng sau đó tôi thức dậy sau một giấc ngủ không yên để rồi biết rằng những chiếc máy bay bị không tặc đã đâm sầm vào hai tòa nhà cao nhất trong thành phố tôi, khi tất cả những gì không thể bị đánh bại từng đứng cùng nhau giờ đã trở thành một đống đổ nát âm ỉ cháy. Tôi gọi cho chồng mình để biết chắc anh vẫn bình an vô sự và chúng tôi cùng khóc vì thảm họa này, nhưng tôi không đến chỗ anh. Trong tuần đó, khi mọi người trong thành phố New York từ bỏ
thù oán vì một thảm kịch lớn lao hơn gần kề, tôi vẫn không trở về với chồng. Vì cả hai chúng tôi đều biết là mọi chuyện đã kết thúc, thật sự kết thúc rồi.
Chẳng có gì là phóng đại khi nói rằng tôi không ngủ được trở lại trong liền bốn tháng sau.
Tôi đã nghĩ mình tan nát từ trước đó, nhưng giờ đây (hài hòa với sự sụp đổ rành rành của toàn thể thế giới này) cuộc sống của tôi thật sự vỡ vụn. Giờ đây tôi đang cau mày nghĩ lại những gì mình đã buộc David phải chịu trong những tháng chúng tôi chung sống, ngay sau ngày 11/9 và việc ly thân của tôi với chồng. Hãy hình dung anh ấy ngạc nhiên ra sao khi khám phá ra rằng người phụ nữ hạnh phúc nhất, tự tin nhất anh từng gặp đã
thật sự - khi ta để cô ấy một mình – là một lỗ hổng âm u của sầu muộn thămthẳm. Một lần nữa, tôi không thể thôi khóc. Đó là lúc anh ta bắt đầu rút lui, và đó là khi tôi thấy mặt trái của người hùng lãng mạn đam mê của mình – một David cô độc như kẻ bị ruồng bỏ, lạnh ngắt cảmxúc, cần không gian cá nhân hơn cả một đàn bò rừng bizon Mỹ.
Sự bất ngờ thoái lui về cảm xúc của David có thể là một thảm họa với tôi ngay cả trong tình huống tốt đẹp nhất, vì rằng tôi là thể dang sống cần nhiều âu yếm nhất trên hành tinh (như một giống lai giữa một loài chó cưng và một con hàu), mà đây lại là tình huống tồi tệ nhất của tôi. Tôi đã tuyệt vọng và cần được che chở, cần nhiều chăm sóc hơn cả một
đứa bé đẻ non trong cặp sinh ba. Anh rút lui càng làm tôi thêm thiếu thốn, và sự thiếu thốn của tôi chỉ càng thúc đẩy anh rút lui, cho tới khi chẳng mấy lâu sau anh rút lui trong những cầu xin khóc lóc vỡ òa của tôi kiểu, “Anh đi đâu? Điều gì đã xảy ra giữa chúng mình?”
(Mẹo hẹn hò: Đàn ông THÍCH chuyện này.)
Sự thật là, tôi đã trở nên say mê David (tôi thường biện hộ, anh đã khuyến khích điều này để trở thành một thứ gì đó như “man-fatale”[10]), và giờ đây khi sự quan tâm của anh đang dao động, tôi gánh chịu những hậu quả có thể thấy trước dễ dàng. Say mê là dấu hiệu của mọi cuộc tình dựa trên mê muội. Toàn bộ bắt đầu khi đối tượng ta tôn thờ
ban cho ta một liều gây ảo giác nặng thứ gì đó thậm chí ta chưa từng dám thú nhận là mình muốn – có lẽ thế, một liều tiêmcocain lẫn heroin cảm xúc của tình yêu sấm động và phấn khích trào dâng. Chẳng mấy chốc ta sẽ bắt đầu thèm khát sự quan tâm chăm sóc nồng nàn đó, với cái ám ảnh đói khát của một kẻ nghiện. Khi không được cấp thuốc nữa, ta sẽ nhanh chóng ngã bệnh, điên khùng và suy yếu (chưa kể phẫn uất kẻ bán thuốc là người đã khuyến khích chứng nghiện này đầu tiên nhưng giờ lại từ chối không chi cho thứ này nữa – bất chấp sự thật là ta biết hắn ta có giấu nó đâu đó, chết tiệt, vì hắn ta thường đưa nó cho ta miễn phí). Giai đoạn kế tiếp ta sẽ da bọc xương và run cầm cập trong một xó, chỉ
biết chắc một điều là ta sẽ bán linh hồn mình hay trộm cướp nhà hàng xóm chỉ để có thứ đó dù chỉ một lần nữa. Trong khi đó, đối tượng ta tôn thờ giờ đã ghê tởmta. Hắn nhìn ta như thể ta là ai đó hắn chưa từng gặp trước kia, chứ đừng nói là người hắn đã từng yêu say đắm. Trớ trêu là ta khó lòng trách hắn. Ý tôi là, ta biến đi thôi. Ta là một mớ hỗn độn đáng khinh, không còn nhận ra được ngay cả trong mắt mình.
Nên kết thúc rồi. Giờ thì ta đã đến trạm cuồng si cuối cùng – sự mất giá trị toàn triệt và không thương tiếc của bản ngã.
Ngày hôm nay tôi có thể thậm chí bình thản viết về điều này là bằng chứng hùng hồn cho khả năng hàn gắn của thời gian,
vì tôi đã không chịu đựng được khi nó xảy ra. Mất David ngay sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, ngay sau vụ khủng bố thành phố mình, và ngay trong cái khó chịu tồi tệ nhất của ly hôn (một trải nghiệm sống mà bạn Brian của tôi ví như “mỗi ngày bị một vụ tai nạn xe thật sự tồi tệ trong chừng hai năm”)... thế đấy, điều này đơn giản là quá nhiều.
Ban ngày David và tôi tiếp tục những chầu vui và sự tương hợp của mình, nhưng tối đến, trên giường anh ta, tôi trở thành kẻ sống sót duy nhất của một mùa đông hạt nhân khi mà anh ấy rõ ràng đã rút lui khỏi tôi, mỗi ngày một xa thêm, như thể tôi bị bệnh truyền nhiễm. Tôi dần dần sợ buổi tối như thể đó là phòng giamcủa kẻ tra tấn. Tôi nằm đó cạnh cơ thể
David xinh đẹp đang ngủ, không thể tiếp cận, và tôi quay sang nỗi hoảng loạn đơn độc và những ý nghĩ tự sát được vạch ra chi tiết tỉ mỉ. Mọi bộ phận cơ thể tôi đều làm tôi nhức nhối. Tôi cảm thấy mình như một loại máy thô sơ có lò xo nào đó, bị đặt dưới sức ép lớn hơn nhiều lần sức chịu đựng thực của nó, sắp sửa nổ tung thành từng mảnh đe dọa bất cứ ai đứng gần. Tôi hình dung các bộ phận cơ thể mình đang bay ra khỏi thân mình để thoát khỏi cái tâm hỏa diệm sơn bất hạnh đã trở thành là: tôi. Hầu hết các buổi sáng khi tỉnh dậy David thường thấy tôi ngủ chập chờn trên sàn cạnh giường anh, rúc trong một đống khăn tắm, như một con chó.
“Chuyện gì xảy ra thế này?” anh