🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Alex (Cơn Giận Dữ Của Địa Ngục) - Pierre Lemaitre & Cao Việt Dũng (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Trinh Thám]
Ebooks
Nhóm Zalo
Cho Pascaline.
Tặng Gérald,
vì tình bạn của chúng ta.
i
1
Alex khoái chí lắm. Đã gần một tiếng đồng hồ cô hết thử rồi lại ngần ngừ, hết đi ra rồi trở vào, thử đi thử lại. Những bộ tóc giả. Cô sẵn sàng nán lại đây hàng chiều, hàng chiều liền.
Cách đây chừng ba bốn năm, cô tình cờ phát hiện cửa hàng này trên đại lộ Strasbourg. Cô không nhìn ngó kỹ mà chỉ bước vào vì tò mò. Cô choáng váng vô cùng khi đội bộ tóc hung lên đầu, mọi thứ ở cô đều thay đổi đến mức cô đã ngay lập tức mua bộ tóc giả ấy.
Alex có thể mang trên người gần như bất cứ thứ gì vì cô thực sự rất xinh đẹp. Trước đây thì chưa phải như vậy điều đó chỉ bắt đầu từ khi cô bước vào tuổi thiếu niên. Hồi trước, cô là một con bé xấu tệ và gầy đét. Nhưng lúc đã được khởi động thì, cứ như một cơn sóng ngầm, cơ thể bỗng nhiên lột xác, giống như phim tua nhanh, chỉ trong vòng mấy tháng Alex trở nên đẹp rực rỡ. Bởi chẳng một ai, tính luôn cả cô, còn trông đợi điều đó nữa, nên cô chưa bao giờ thực sự tin nổi ân sủng bất ngờ này. Giờ vẫn chưa tin nổi.
Chẳng hạn, cô chưa từng tưởng tượng một bộ tóc giả màu hung lại có thể hợp với mình đến thế. Đúng là cả một khám phá. Cô đã không ngờ đến tầm vóc và sức mạnh của sự thay đổi. Một bộ tóc giả thì thật giả tạo, nhưng khó mà giải thích nổi, cô thấy như thể đúng là có điều gì đó mới mẻ vừa xảy ra trong đời mình.
Thật ra thì cô chưa bao giờ đội bộ tóc giả ấy. Về đến nhà, cô nhận ngay ra rằng chất lượng của nó hết sức tồi tệ. Trông nó rất giả, xấu xí, thảm hại. Cô đã vứt nó đi. Không phải vứt vào thùng rác mà vào một ngăn kéo tủ. Thỉnh thoảng cô mới lôi ra rồi ngắm mình đội nó. Bộ tóc giả này trông có khủng khiếp đến đâu, như thể muốn hét lên: ‘Tôi được làm từ ni lông tổng hợp rẻ tiền’, thì cũng không ngăn Alex nhìn thấy trong gương một tiềm năng mà cô sẵn lòng tin tưởng. Cô đã quay lại đại lộ Strasbourg, bỏ thời gian nhìn ngắm những bộ tóc giả chất lượng tốt, đôi thứ hơi quá đắt với đồng lương y tá thời vụ của cô, nhưng là những bộ ta có thể thực sự đội trên đầu. Và thế là cô đã quyết.
Lúc đầu, thật không dễ dàng, phải cả gan dấn bước. Khi mà bản tính con người ta, tức là Alex, chất chứa nhiều mặc cảm, thì phải mất đến nửa ngày trời mới gom đủ dũng khí làm việc đó. Trang điểm sao cho thật ngon lành, chọn quần áo, giày và túi xách cho thật hợp (tức là chọn ra những gì có thể sử dụng từ đống đồ có sẵn, chứ đâu thể mỗi lần đổi kiểu tóc là lại đi mua hết thảy đồ mới…) Nhưng sau đó ta đi ra phố và ngay lập tức trở thành một người khác. Không hoàn toàn là một người khác, chỉ gần như vậy thôi. Và, cho dù điều đó không làm thay đổi cuộc đời thì nó cũng giúp ta giết thời gian, nhất là khi ta chẳng còn trông chờ gì nhiều nữa.
Alex thích những bộ tóc giả theo khuôn mẫu, những bộ tóc gửi đi các thông điệp rõ ràng như: ‘Tôi biết anh đang nghĩ gì’ hay ‘Tôi cũng rất giỏi môn toán.’ Bộ tóc cô đang đội hôm nay nói lên một điều gì đó như: ‘Anh sẽ không tìm thấy tôi trên Facebook đâu.’
Cô cầm lên một mẫu mang tên ‘Urban choc’, đúng lúc đó thì nhìn thấy hắn qua cửa kính. Hắn đứng trên vỉa hè đối diện, đang làm ra vẻ đợi ai đó hoặc một điều gì đó. Đây là lần thứ ba trong vòng hai tiếng. Hắn đi theo cô. Giờ thì cô đã chắc chắn rồi. Tại sao lại là mình? Đó là câu hỏi đầu tiên cô
tự đặt ra. Cứ như thể bất kỳ đứa con gái nào cũng có thể bị đàn ông theo đuôi, trừ cô. Cứ như thể chẳng phải cô vẫn thường xuyên cảm nhận được ánh mắt của bọn họ, ở khắp nơi, trên tàu xe, ngoài phố. Trong các cửa hiệu. Alex vừa mắt đàn ông mọi lứa tuổi, đó chính là lợi thế khi ta ở tuổi ba mươi. Dẫu vậy, cô vẫn luôn luôn thấy ngạc nhiên. ‘Có biết bao nhiêu cô gái khác khá hơn mình nhiều.’ Luôn thiếu tự tin, Alex ấy, luôn ngập trong ngờ vực. Từ hồi còn bé. Cô mắc tật nói lắp mãi cho đến tuổi thiếu niên. Thậm chí giờ vẫn vậy, vào những lúc cô bối rối.
Cô không biết tay kia, bởi nếu có biết thì một vẻ ngoài như thế hẳn đã để lại một dấu ấn sâu sắc, không, cô chưa bao giờ nhìn thấy hắn. Và rồi, một người đàn ông năm mươi tuổi đi theo một cô gái ba mươi… Chẳng phải cô khư khư với những nguyên tắc, mà chỉ là chuyện này làm cô thấy ngạc nhiên.
Alex cúi xuống xem các mẫu khác, làm ra vẻ do dự rồi đi sang phía bên kia cửa hàng, đến một góc có thể quan sát vỉa hè. Hắn có dáng xì po, trông có vẻ khó cựa quậy bên trong bộ quần áo quá chật, dạng đàn ông nặng cân. Vừa vuốt vuốt một bộ tóc giả màu vàng hoe, gần như ngả sang bạch kim, cô vừa nhớ lại xem lần đầu tiên mình nhận ra sự hiện diện của hắn là khi nào. Trên tàu điện ngầm. Cô đã thấy hắn ngồi ở cuối toa. Ánh mắt họ giao nhau và cô đã kịp nhìn thấy nụ cười mà hắn gửi đến cho cô, nụ cười cố làm ra vẻ mơn trớn, làm thân. Điều cô thấy không thích trên khuôn mặt hắn là như thể trong cái nhìn của hắn có một định kiến nào đó. Nhưng nhất là, cặp môi hắn quá mỏng. Theo bản năng, cô lấy đó làm nghi ngại, cứ như thể tất cả những ai môi quá mỏng đều mang bên trong mình điều gì đó, những bí mật không thể giãi bày, những điều độc ác. Và cái trán dô của hắn nữa. Cô không kịp nhìn cặp mắt hắn, thật đáng tiếc. Theo cô, mắt thì không thể đánh lừa, cô vẫn luôn luôn đánh giá người khác như vậy, căn cứ vào
ánh mắt. Lẽ dĩ nhiên là trên tàu điện ngầm, cô chẳng muốn mất thời gian với thể loại người như thế. Không tỏ ra quá phũ phàng, cô quay mặt sang hướng khác, quay lưng về phía hắn, lục tìm chiếc máy MP3 để trong túi xách. Cô bật bài Nobody’s Child, và đột nhiên nghĩ hình như đã nhìn thấy hắn hôm trước hoặc hôm trước nữa, ở dưới nhà. Hình ảnh quá mờ mịt, cô không chắc lắm. Chắc phải ngoái nhìn thêm một lần nữa thì mới hòng điều động lại được ký ức mờ ảo kia, nhưng cô không muốn tỏ vẻ khuyến khích hắn. Điều chắc chắn là sau khi chạm trán trên tàu điện ngầm, nửa tiếng sau đó cô lại thấy hắn trên đại lộ Strasbourg, đúng lúc cô quay lại chỗ này. Cô vừa đổi ý, cô muốn xem lại bộ tóc giả màu nâu dài vừa phải có nhiều lọn, đột nhiên cô quay phắt lại và nhìn thấy hắn, cách một quãng, trên vỉa hè, hắn dừng sững lại, làm ra vẻ đang nhìn một cửa kính. Sau cửa kính đó bày quần áo phụ nữ. Cho dù hắn có cố tỏ ra chăm chú đến đâu cũng vô ích…
Alex đặt bộ tóc giả xuống. Chẳng có lý do gì, thế nhưng hai tay cô vẫn run lên. Ngốc thật. Hắn thích cô, hắn ta đi theo cô, thử vận may, dù thế nào thì hắn cũng sẽ không tấn công cô trên phố. Alex lắc đầu như thể muốn sắp xếp suy nghĩ cho ngay hàng thẳng lối và, khi cô lại nhìn ra vỉa hè, người đàn ông đã biến mất. Cô nghiêng đầu nhìn sang phải rồi sang trái, nhưng không, chẳng có ai, hắn không còn ở đó nữa. Cô cảm thấy nhẹ nhõm hẳn nhưng cảm giác ấy có phần hơi quá. Tuy cô cứ không ngừng tự nhủ ‘Ngốc thật’ nhưng dù gì hơi thở của cô cũng trở lại bình thường hơn. Ra đến cửa, cô không thể ngăn mình dừng lại, kiểm tra thêm một lần nữa. Giờ thì như thể chính sự biến mất của hắn mới làm cô thấy lo lắng.
Alex xem đồng hồ đeo tay, rồi ngước nhìn trời. Thời tiết dễ chịu, sẽ còn sáng ít nhất thêm một tiếng nữa. Không muốn về nhà. Chắc cô sẽ phải ghé một tiệm tạp hóa. Cô cố nhớ xem trong tủ lạnh còn những gì. Cô thực sự quá ít để tâm đến chuyện chợ búa. Mối bận tâm của cô dồn cả vào công
việc, vào tiện nghi riêng (Alex hơi có chút ám ảnh vì những thứ ấy) và, mặc dù cô không muốn tự thú nhận điều này cho lắm, vào quần áo và giày dép. Và túi xách. Và những bộ tóc giả. Cô những muốn mối bận tâm của mình hướng vào tình yêu thì hơn, nhưng tình yêu là một chủ đề riêng biệt, cái khoảng buồn thảm trong đời cô. Cô từng hy vọng, từng mong muốn, thế rồi cô từ bỏ. Giờ cô không còn muốn nấn ná ở chủ đề này nữa, cô cố sao càng ít nghĩ đến nó càng tốt. Cô chỉ gắng sức để không biến nỗi tiếc nuối ấy thành chứng nghiện xem ti-vi, khiến cô tăng cân, hay làm cô trở nên quá xấu xí. Dẫu vậy, tuy sống độc thân nhưng hiếm khi nào cô cảm thấy cô độc. Cô có những dự đồ mà cô hết sức thiết tha, chúng giúp cô tổ chức quỹ thời gian. Còn về phần tình yêu, thì xôi hỏng bỏng không rồi, nhưng cũng chỉ vậy mà thôi. Và cũng bớt khó khăn nhiều kể từ khi cô chuẩn bị sẵn tinh thần rằng mình sẽ ở vậy suốt đời. Dẫu có một thân một mình, Alex vẫn cố sống sao cho bình thường, tự tìm lạc thú. Ý nghĩ đó thường xuyên giúp cô, cái ý tưởng tự tìm cho mình những lạc thú nho nhỏ, ý tưởng cho rằng cả cô cũng có quyền được hưởng chúng, như những người khác. Chẳng hạn, cô đã quyết định tối nay sẽ quay lại quán Mont Tonnerre trên phố Vaugirard để ăn tối.
Cô đến hơi quá sớm. Đây là lần thứ hai cô tới đây. Lần đầu tiên là vào tuần trước, và đương nhiên người ta vẫn còn nhớ một cô gái tóc hung xinh đẹp ăn tối một mình. Tối nay, cô được chào hỏi như một khách quen, mấy anh phục vụ huých khuỷu tay vào nhau, vụng về tán tỉnh cô khách xinh đẹp đôi chút, cô mỉm cười, và các anh chàng thấy cô thật kiều diễm. Cô muốn ngồi đúng cái bàn hôm trước, lưng quay ra đường, nhìn vào phía trong phòng, cô cũng gọi nửa chai vang Alsace lạnh như lần trước. Alex thở dài,
cô thích ăn, thậm chí cô còn phải dè chừng chuyện ăn uống, phải tự nhắc nhở mình điều đó suốt. Trọng lượng cơ thể cô cứ lên xuống chẳng khác gì con lắc yoyo. Tuy nhiên, cô vẫn kiểm soát khá tốt vấn đề này. Có lên đến mươi, mười lăm cân, biến dạng cả đi, thì cũng chỉ cần hai tháng là cô đã lại quay về với trọng lượng ban đầu. Vài năm tới, cô sẽ không còn chơi trò này được nữa.
Cô rút quyển sách của mình ra và gọi thêm một cái dĩa để giữ trang trong lúc ăn. Cũng như tuần trước, ngồi đối diện cô, hơi lệch về phía tay phải, vẫn là anh chàng tóc hạt dẻ rất sáng màu. Anh ta ăn tối với các bạn. Họ mới có hai người, nghe họ nói chuyện với nhau thì những người khác sắp đến. Anh ta nhìn thấy cô ngay lập tức, lúc cô vừa bước vào, cô làm ra vẻ không quá để ý thấy anh ta đang nhìn mình rất khiếp. Sẽ như thế này suốt bữa. Ngay cả khi những bạn bè khác đã tới, ngay cả khi họ đã lao vào những cuộc trò chuyện bất tận về công việc, về các cô gái, về phụ nữ, lần lượt kể cho nhau nghe những câu chuyện trong đó họ là nhân vật chính, thì anh ta vẫn không ngừng nhìn cô. Alex rất thích tình huống này nhưng không muốn công khai khích lệ anh ta. Anh ta không tệ, chừng bốn mươi, bốn lăm tuổi, chắc từng đẹp trai, uống hơi quá nhiều rượu nên mặt mũi trông buồn thảm. Với Alex, khuôn mặt này tạo ra nhiều cảm xúc.
Cô uống cà phê. Hành động nhượng bộ duy nhất, được tính toán rất kỹ lưỡng: một ánh mắt hướng về người đàn ông kia khi cô rời khỏi quán. Chỉ một cái nhìn. Alex rất giỏi làm chuyện này. Chỉ thoáng qua thôi nhưng cô thực sự cảm nhận được cảm giác đau đớn khi anh ta đặt lên cô ánh mắt thèm muốn ấy, nó làm bụng cô rộn lên, như một dấu hiệu của buồn bă. Alex không bao giờ tự nhủ thành lời, những lời lẽ có thực, khi đụng đến cuộc đời cô, như buổi tối hôm nay. Cô thấy rõ rằng trí óc mình đang đăm đắm vào những hình ảnh bất động, như thể cuốn phim đời cô bị đứt, cô
không thể trở ngược, không thể tự kể lại chuyện, không thể tìm ra từ ngữ được nữa.
Lần sau, nếu cô ở lại muộn hơn, có thể anh ta sẽ đứng đợi cô sẵn ở bên ngoài. Cứ đợi xem. Mà có chứ. Alex biết rất rõ chuyện sẽ xảy ra như thế nào. Vẫn cứ là gần như theo cùng một cung cách. Những lần cô tái ngộ với đàn ông chẳng bao giờ tạo nên câu chuyện thật đẹp, nhưng ít nhất thì đó cũng là một phần trong bộ phim cô từng xem và vẫn còn nhớ. Thế đấy, chuyện là vậy.
Trời đã tối hẳn và thời tiết rất dịu mát. Một chiếc xe buýt vừa dừng ở bến. Cô rảo bước, tài xế nhìn thấy cô trong gương chiếu hậu nên đợi cô, cô khẩn trương hơn, nhưng đúng lúc bước lên thì, không, cô đổi ý, cô sẽ đi bộ một lúc, cô sẽ bắt một chiếc xe buýt khác trên đường, cô ra hiệu cho tài xế, anh ta đáp lại bằng một động tác tỏ vẻ nuối tiếc, như thể muốn nói rằng trên đời quả thật có số mệnh. Dù sao anh ta cũng mở cửa:
“Sau xe tôi không còn xe nào khác nữa đâu, đây là chuyến cuối của tối nay rồi…”
Alex mỉm cười, phác một cử chỉ biết ơn. Kệ thôi, cô sẽ đi bộ vậy. Cô sẽ đi theo ngả phố Falguière, rồi sau đó là phố Labrouste.
Cô đã ở khu phố này được ba tháng, bên phía cửa ô Vanves. Cô liên tục chuyển nhà. Trước đây, cô ở cửa ô Clignancourt, còn trước đó nữa là phố Commerce. Có những người ghét chuyển nhà, còn cô lại thấy đó là một việc cần thiết. Cô khoái lắm. Cũng có thể, cũng như với đám tóc giả, đó là cảm giác được thay đổi cuộc đời. Cứ lặp đi lặp lại như thế. Rồi đến một ngày, cô sẽ đổi cách sống.
Trước mặt cô, cách vài mét, có một chiếc xe tải nhẹ màu trắng đang đỗ, hai bánh ghếch trên vỉa hè. Để đi qua, Alex nép sát vào tòa nhà, cô cảm thấy có ai đó, một người đàn ông, chưa kịp ngoảnh đầu lại cô đã lĩnh một
cú đấm trời giáng vào khoảng giữa hai vai. Cô mất đà, ngã bổ nhào về phía trước, trán đập mạnh vào thân xe làm phát ra một âm thanh đùng đục, cô quăng mọi thứ đi để tìm chỗ bám nhưng không quờ được gì, hắn tóm lấy tóc cô nhưng vớ phải bộ tóc giả. Hắn bật chửi thề, câu chửi mà cô không hiểu, và điên cuồng dùng một tay túm cả một mớ tóc của cô, lần này là tóc thật, còn tay kia hắn nhằm thẳng vào bụng cô, cú đấm đủ sức giết chết một con bò. Alex còn không kịp hét lên vì đau, cô gập người lại, nôn thốc. Gã đàn ông khỏe thật, vì hắn xoay người cô về phía hắn dễ như xoay một tờ giấy. Hắn vòng tay quanh người cô, giữ chặt lấy và nhét một nắm vải vào sâu trong miệng cô, đến tận cổ họng. Là hắn, gã đàn ông ở tàu điện ngầm, trên phố, chỗ cửa hàng, là hắn. Trong một tích tắc, mắt họ giao nhau. Cô gắng sức lấy chân đá hắn nhưng giờ hắn đã siết chặt lấy hai cánh tay cô, như một cái ê tô, cô không tài nào làm được gì hòng chống lại sức mạnh này, hắn giật cô chúi xuống, hai đầu gối cô không trụ nổi, cô ngã xuống sàn thùng sau xe. Hắn co chân đạp mạnh vào đoạn thắt lưng cô, Alex bắn vào trong thùng xe, má chà xuống sàn. Hắn leo lên sau cô, sỗ sàng xoay người cô lại, tì đầu gối lên bụng cô và tung một cú đấm vào mặt. Hắn ra đòn cực mạnh… Hắn thực sự muốn làm cô đau, hắn thực sự muốn giết cô, đó là ý nghĩ chạy qua óc Alex vào lúc cô phải nhận cú đấm ấy, đầu cô dộng xuống sàn, nẩy lên, một cú va chạm khủng khiếp, đúng chỗ đó, đằng sau đầu, chẩm, đúng rồi, Alex tự nhủ, chỗ đó gọi là chẩm. Ngoài từ ấy ra, cô chỉ có thể nghĩ được rằng mình không muốn chết, không phải như thế này, không phải bây giờ. Cô nằm co quắp ở tư thế bào thai, trong miệng đầy thứ mửa ra, đầu chực nổ tung, cô cảm thấy hai bàn tay mình bị giật thật mạnh ra sau lưng, bị trói lại, cả hai cổ chân nữa. Mình không muốn chết bây giờ, Alex tự nhủ. Cửa thùng xe đóng sập lại, máy nổ, vù một cái chiếc xe rời khỏi vỉa hè, mình không muốn chết bây giờ.
Alex bất tỉnh nhưng vẫn ý thức được chuyện đang xảy đến với mình. Cô khóc, nghẹn cả thở vì khóc. Tại sao lại là mình? Tại sao lại là mình? Mình không muốn chết. Không phải là bây giờ.
2
Trên điện thoại, ông cẩm Le Guen không cho ông lựa chọn: “Tôi thèm vào mà quan tâm xem anh cảm thấy gì, Camille ạ, anh làm tôi điên tiết rồi đấy! Tôi đang chẳng có ai hết, anh hiểu chưa, chẳng có ai hết! Thế nên tôi sẽ cho xe đến đón rồi anh phi đến đó ngay!”
Ông ngừng một lúc và rồi, để thêm phần hối thúc, ông nói thêm: “Và đừng có làm tôi bực nữa đấy!”
Nói đến đó, ông dập máy luôn. Đó là phong cách của ông. Xung nộ. Thường thì Camille chẳng mấy quan tâm. Nhìn chung, ông biết cách xoay xở với sếp cẩm.
Nhưng lần này là một vụ bắt cóc.
Và Camille không muốn làm những vụ như thế, ông vẫn luôn luôn bảo có dăm ba thứ ông sẽ không làm nữa, nhất là những vụ bắt cóc. Kể từ sau cái chết của Irène. Vợ ông.* Cô bị ngã trên phố, bụng mang thai hơn tám tháng. Phải đưa cô đến bệnh viện, và rồi cô bị bắt cóc. Lúc tìm lại được thì cô đã chết. Chuyện ấy làm Camille suy sụp. Mà không thể nào nói được nỗi hoảng loạn của ông là gì. Bị quật ngã. Suốt nhiều ngày ông như thể bị liệt, đờ đẫn. Khi ông bắt đầu hoang tưởng, người ta phải cho ông nhập viện. Rồi ông được chuyển hết từ các bệnh viện lại sang các trại an dưỡng. Ông còn sống thế này thực là một phép mầu. Chẳng còn ai hy vọng điều đó. Những tháng ông vắng mặt khỏi Đội Trọng án, mọi người tự hỏi chẳng
biết đến ngày nào ông lại ngẩng được đầu lên. Và khi rốt cuộc ông cũng trở lại, thật kỳ quặc vì ông tạo cảm giác mình vẫn giống y như trước khi Irène chết, ông chỉ già đi. Kể từ đó, ông chỉ còn nhận các vụ ít quan trọng. Ông xử lý các vụ phạm tội do ghen tuông, những cuộc ẩu đả giữa đám gái điếm, những vụ hàng xóm giết lẫn nhau. Các vụ mà cái chết nằm ở phía sau chứ không phải phía trước ta. Không phải các vụ bắt cóc. Camille muốn những kẻ đã chết thực sự đã chết, chết đứ đừ, chết không phải bàn cãi.
“Mà này,” Le Guen nói, ông thực sự làm tất cả những gì có thể để giúp Camille, “dẫu sao thì cũng chẳng hay ho gì khi tránh né người sống. Giống hệt một tay nhà đòn ấy.”
“Thì…” Camille đáp, “chính xác ta là vậy mà!”
Họ đã quen biết nhau được hai mươi năm, họ trân trọng nhau, không e ngại nhau. Le Guen là một Camille từ chối ra thực địa, còn Camille là một Le Guen từ chối trò quyền lực. Về căn bản, hai con người này khác nhau chỉ là hai bậc lon và tám mươi kí lô. Và ba mươi xăng ti mét. Được diễn tả theo cách này, khác biệt dường như thật lớn và quả thật, nếu nhìn hai người họ ở cạnh nhau, cảnh tượng chẳng khác nào một bức tranh biếm họa. Le Guen không cao lắm nhưng Camille thì rất lùn. Một mét bốn mươi lăm, cứ thử hình dung đi, ông nhìn thế giới từ dưới lên, như một thằng trẻ con mười ba tuổi. Vóc dáng này ông thừa hưởng từ mẹ, Maud Verhoeven, họa sĩ. Tranh của bà xuất hiện trong catalô của chừng một chục bảo tàng quốc tế. Họa sĩ lừng danh và cũng là một con nghiện thuốc lá nặng, bà sống ngập trong khói thuốc, một vầng hào quang thường trực, ta không thể nào hình dung ra bà nếu thiếu đám mây xanh lợt này. Camille thừa hưởng từ mẹ hai phẩm chất đáng nói nhất. Từ người nghệ sĩ, ông có được năng khiếu vượt trội về vẽ tranh và từ con nghiện thuốc lá mãn tính, chứng suy
thai khiến cho ông trở thành người đàn ông cao một mét bốn mươi lăm. Gần như chưa bao giờ ông gặp được ai để có thể nhìn từ trên xuống. Còn ngược lại thì… Vóc dáng như thế không chỉ là một khiếm khuyết. Ở tuổi hai mươi, đó là nỗi nhục nhã khủng khiếp, còn ở tuổi ba mươi thì đó là một lời nguyền, nhưng ngay từ đầu đã có thể hiểu đó là số phận. Cái thứ khiến ta phải dùng những lời to tát. Nhờ Irène, vóc dáng của Camille đã trở thành một sức mạnh. Irène đã khiến ông cao lên từ bên trong. Chưa bao giờ Camille được… như thế. Ông tìm từ. Không có Irène, ông thiếu cả từ ngữ. Ngược lại với Camille, Le Guen thuộc về phía khổng lồ. Ông rất nặng, chẳng ai biết đích xác là bao nhiêu cân, không bao giờ ông chịu nói, có người bảo tạ hai, người khác đoán phải tạ ba, thậm chí có những người nói còn hơn thế nữa, nhưng đâu có quan trọng gì, Le Guen thì đồ sộ, da dày sùi, má bệu nhưng nhờ ánh mắt sáng toát ra vẻ tinh anh thành ra, chẳng ai giải thích được, đàn ông thì không muốn công nhận, phụ nữ thì lại gần như nhất trí cả với nhau: sếp cẩm là một người đàn ông cực kỳ quyến rũ. Sao mà hiểu nổi.
Camille đã quen nghe Le Guen gào thét. Ông không bị chấn động trước những cuồng nộ của ông cẩm. Kể từ lúc… Ông bình tĩnh nhấc máy, bấm số:
“Tôi báo trước cho anh, Jean, là tôi sẽ đi xem câu chuyện bắt cóc kia. Nhưng anh phải chuyển vụ này lại cho Morel ngay khi cậu ấy quay về bởi vì…” ông gằn giọng nhả từng âm tiết một, với sự kiên nhẫn giống như đang đe dọa… “tôi sẽ không nhận phụ trách vụ này!”
Camille Verhoeven thì không bao giờ la hét. Rất hiếm khi. Đó là một con người đầy uy quyền. Ông thấp nhỏ, hói đầu, nhẹ cân nhưng ai cũng biết, Camille là một lưỡi dao. Vả lại, Le Guen không đáp. Vài kẻ miệng lưỡi xấu xa đồn thổi rằng giữa bọn họ Camille mới là người cầm cương.
Điều này không làm họ cười. Camille dập máy.
“Khốn kiếp!”
Đen thật. Vì rằng một vụ bắt cóc thì đâu phải ngày nào cũng xảy ra, ta đâu có sống bên Mexico, nó hoàn toàn có thể xảy đến vào một lúc khác, khi ông đang đi công tác hay nghỉ phép, đang ở nơi khác chứ! Camille đấm xuống bàn. Đấm chầm chậm thôi, bởi vì ông là một người rất mực thước. Ông không thích những hành động thái quá, ngay cả ở những người khác.
Thời gian đang gấp gáp. Ông đứng dậy, vớ lấy áo khoác và mũ, nhanh chóng xuống cầu thang. Camille nhỏ bé nhưng bước chân của ông thì nặng nề. Cho đến khi Irène chết, ông vẫn có bước chân khá nhẹ nhõm, thậm chí cô còn thường nói với ông: ‘Anh có dáng dấp của loài chim. Lúc nào em cũng có cảm giác anh sắp bay lên đến nơi.’ Irène mất đã bốn năm.
Chiếc xe dừng lại trước mặt ông. Camille leo lên.
“Cậu tên gì thế?”
“Alexandre, sế…”
Anh ta im bặt. Mọi người ở đây đều biết Camille ghét bị gọi là ‘sếp’. Ông bảo nói năng như thế bốc mùi bệnh viện, phim bộ. Đó đúng là kiểu của ông, những lời phán bảo sắc lẹm. Camille là một người không thích bạo lực nhưng có những lúc hành xử đột ngột. Đôi khi ông nổi điên. Ông từng là một người khá cố chấp, do tuổi tác, do góa vợ, ông trở nên có phần hay ngờ vực, dễ nổi xung. Sâu xa, đó là một người kém kiên nhẫn. Irène từng hỏi: ‘Anh yêu, tại sao lúc nào anh cũng giận dữ thế?’ Từ độ cao một mét bốn mươi lăm, nếu như thế cũng tính là độ cao, Camille đáp, vờ tỏ ra kinh ngạc quá lên: ‘Ừ, đúng rồi, chuyện ấy… Chẳng có lý do gì mà tức giận cả…’ Hay giận dữ nhưng lại mực thước, thô lậu nhưng lại khôn khéo, hiếm khi nào người ta có thể hiểu ngay được ông. Đánh giá ông cho đúng. Cũng bởi vì ông không mấy vui tính. Camille không yêu bản thân cho lắm.
Kể từ khi quay trở lại làm việc, gần ba năm nay, Camille nhận mọi nhân viên tập sự, thật là một điều tốt lành cho các trưởng bộ phận không muốn ôm rơm rặm bụng. Điều ông không muốn là tái lập một nhóm bền chặt, kể từ khi nhóm của ông tan rã.
Ông liếc sang Alexandre. Bộ mặt này nên mang một cái tên khác chứ chắc chắn không phải là Alexandre. Dù vậy, chỉ cần mang tên Alexandre anh ta đã cao hơn ông đến bốn cái đầu, vốn dĩ đây chẳng phải kỳ tích gì, và anh ta phóng xe đi trước cả khi Camille ra lệnh, ít nhất thì đó cũng là một dấu hiệu cho thấy anh ta hào hứng.
Alexandre phóng xe như tên bắn, anh ta thích lái xe, điều đó có thể thấy rõ. Có thể nói rằng GPS phải khó nhọc đuổi theo cho kịp để bù lại đoạn chậm trễ xuất hiện ngay từ lúc xuất phát. Alexandre muốn chứng tỏ cho chỉ huy thấy là anh ta lái xe giỏi, còi hụ bật, chiếc xe oai vệ băng qua các phố, các ngã tư, các đại lộ, hai chân Camille lúc lắc cách sàn xe hai mươi xăng ti mét, tay phải ông bám vào dây an toàn. Họ mất chưa tới mười lăm phút đã đến nơi. Giờ là mười giờ kém mười phút tối. Mặc dù vẫn chưa quá muộn, Paris đã có vẻ say ngủ, thanh bình, không thực sự là kiểu thành phố xảy ra những vụ bắt cóc phụ nữ. ‘Một phụ nữ,’ một nhân chứng đã nói vậy khi gọi điện cho cảnh sát. Rõ ràng nhân chứng đang bị choáng: ‘Bị bắt cóc, ngay trước mắt tôi!’ Ông ta vẫn chưa hoàn hồn. Phải nói rằng trải nghiệm kiểu như thế hiếm gặp lắm.
“Cho tôi xuống đây,” Camille nói.
Camille xuống khỏi xe, chỉnh lại mũ, anh chàng kia phóng đi. Chỗ này là đầu phố, cách barie đầu tiên năm mươi mét. Camille đi đến đó. Những khi nào có thời gian, ông luôn luôn tìm cách dõi nhìn các vấn đề từ xa, đó là phương pháp của ông. Cái nhìn đầu tiên hết sức quan trọng, nhất là khi nó lại bao quát, bởi vì sau đó ta phải bước thẳng vào các chi tiết, vô số sự
kiện, không có độ lùi nào. Đó là lý do chính thức mà ông tự nghĩ ra cho mình khi xuống xe cách nơi được chờ đợi chừng trăm mét. Lý do nữa, đây mới là lý do thực, nằm ở chỗ ông không muốn ở đây.
Tiến về phía những chiếc xe cảnh sát đang rọi đèn vào mặt tiền các nhà, ông cố hiểu xem mình đang cảm thấy gì.
Tim ông nện thình thịch.
Ông cảm thấy không ổn lắm. Ông sẵn sàng đánh đổi mười năm cuộc đời để được ở nơi khác. Nhưng dù có bước chậm đến đâu, ông vẫn cứ tới nơi. Chuyện xảy ra gần giống thế này, cách đây bốn năm. Trên phố nhà ông, cũng hơi giống phố này. Irène không còn ở đó nữa. Cô sắp sinh, một thằng bé con, chỉ vài ngày nữa thôi. Lẽ ra cô đã phải đến nhà hộ sinh rồi, Camille bấn lên, ông chạy tìm cô, những gì ông đã làm đêm hôm ấy để tìm ra cô… Ông như phát điên nhưng vô ích… Sau đó thì cô chết. Cơn ác mộng trong đời Camille đã bắt đầu vào một giây phút giống như lúc này đây. Thế nên tim ông nện thình thịch, như nẩy lên, hai tai ù đi. Cảm giác tội lỗi ở ông, mà ông tưởng đâu đã say ngủ, lại thức dậy. Nó khiến ông thấy buồn nôn. Một giọng nói hét lên bảo ông trốn đi, một giọng khác bảo ông phải đương đầu, ngực ông thắt lại như bị ê tô kẹp. Camille nghĩ mình sắp ngã. Thay vì vậy, ông nhấc một thanh barie ra để bước vào khu vực được bảo vệ. Nhân viên gác ở đó khẽ vẫy tay chào ông từ xa. Dù cho không phải ai cũng quen biết chỉ huy Verhoeven nhưng người nào cũng nhận ngay ra ông. Và rõ là ngay cả nếu như ông không phải một huyền thoại, thì với vóc dáng này… Và câu chuyện này…
“A, anh đấy à?”
“Trông cậu có vẻ thất vọng…”
Ngay lập tức Louis đã cuống cả lên, đầy hốt hoảng.
“Không, không, không, không hề!”
Camille mỉm cười. Lúc nào ông cũng rất giỏi làm anh ta phát hãi. Louis Mariani từng làm phó cho ông suốt một thời gian dài, ông biết rõ anh ta như thể anh ta do chính tay ông nhào nặn ra.
Hồi đầu, sau khi Irène bị giết, Louis thường đến thăm ông ở bệnh viện. Hồi ấy Camille không nói nhiều lắm. Vẽ tranh trước đó chỉ là thú vui giết thời gian, giờ trở thành hoạt động chính của ông, thậm chí là hoạt động duy nhất. Ông chỉ còn làm việc đó, suốt cả ngày. Những bức tranh, những bản phác họa, vẽ nháp dồn đống trong phòng, tuy nhiên Camille vẫn giữ cho căn phòng ấy chẳng mang bất kỳ chút màu sắc cá nhân nào. Louis tự kiếm cho mình một chỗ ngồi khiêm tốn, rồi một người ngó ra đám cây ngoài vườn, người kia nhìn xuống chân. Họ đã nói với nhau rất nhiều điều trong sự im lặng ấy, nhưng dẫu sao chúng vẫn không đáng giá bằng từ ngữ. Họ không tìm được từ ngữ. Và rồi một hôm, không hề báo trước, Camille bảo ông thích ở một mình hơn, ông không muốn kéo Louis vào nỗi buồn của mình. ‘Giao du với một tay cớm buồn thảm thì chẳng có gì thú vị cả,’ ông nói. Cả hai đều thấy sầu khổ vì đã chia tay nhau theo cách ấy. Và rồi thời gian trôi đi. Sau đó, khi mọi chuyện bắt đầu khá lên, thì đã quá muộn. Qua được kỳ để tang, những gì còn lại đã nhuốm chút màu cằn cỗi.
Đã lâu rồi họ chưa gặp nhau, chỉ thoáng chạm mặt, những cuộc họp, những buổi briefing, kiểu vậy. Louis không thay đổi gì mấy. Về già, anh sẽ chết mà vẫn có vẻ trẻ trung, có những người như thế đấy. Và vẫn sẽ phong nhã như vậy. Một hôm, Camille từng bảo anh: ‘Có mặc diện như đi đám cưới thì đứng bên cạnh cậu, tôi trông vẫn giống một tên ăn mày.’ Phải nói rằng Louis giàu, rất giàu. Tài sản của anh cũng giống số kí lô của sếp cẩm Le Guen, chẳng ai biết được con số nhưng ai cũng hay rằng rất lớn và chắc
chắn là cứ phình ra mãi không ngừng. Với số tiền lợi tức của mình Louis hoàn toàn đủ sống mà không phải làm gì, lại còn lo được cho đến bốn, năm thế hệ tiếp theo. Thay vì vậy, anh lại là cớm ở Đội Trọng án. Anh đã học rất nhiều thứ không cần thiết, chúng giúp anh sở hữu một nền tảng học vấn mà Camille chưa từng bao giờ tìm ra được điểm thiếu sót. Thực sự, Louis là cả một điều kinh ngạc.
Anh mỉm cười, anh thấy kỳ cục vì gặp lại Camille như thế, đến bất ngờ không báo trước.
“Ở đằng kia kìa,” anh nói, chỉ tay về phía barie.
Camille rảo bước đằng sau chàng trai trẻ. Cũng không hẳn là trẻ lắm. “Cậu bao nhiêu tuổi thế hả, Louis?”
Louis ngoái đầu lại.
“Ba mươi tư, có chuyện gì thế?”
“Không, không có gì.”
Camille nhận ra họ chỉ ở cách viện bảo tàng Bourdelle vài bước chân. Ông thấy hiện ra khá rõ khuôn mặt của Héraclès archer*. Chiến thắng của người anh hùng trước lũ quái vật. Camille chưa bao giờ nặn tượng, ông chưa bao giờ có đủ thể lực để làm việc ấy và ông bỏ vẽ tranh sơn dầu đã lâu lắm rồi, nhưng vẽ nói chung thì ông vẫn tiếp tục, cả sau đợt trầm cảm kéo dài, điều đó mạnh hơn ông, nó thuộc về con người ông, ông không thể ngưng, lúc nào trên tay cũng cầm cây bút chì, đó là cách ông nhìn thế giới.
“Cậu có biết bức tượng Héraclès archer ở bảo tàng Bourdelle không?” “Có,” Louis đáp.
Anh có vẻ bối rối.
“Nhưng tôi đang tự hỏi, hay nó ở bên Orsay nhỉ.”
“Cậu vẫn cứ dở người như thế.”
Louis mỉm cười. Kiểu nói năng này của Camille có nghĩa là tôi quý cậu
lắm. Ý muốn nói sao mà thời gian trôi nhanh thế, cậu với tôi, ta đã quen biết nhau bao lâu rồi? Rốt cuộc, nó còn muốn nói, ta đã gần như không gặp nhau kể từ khi tôi giết Irène, nhỉ? Thế nên, thật kỳ cục khi gặp lại nhau tại hiện trường vụ án. Đột nhiên, Camille thấy mình phải nói cho rõ:
“Tôi làm thay cho Morel. Le Guen không còn ai cả. Ông ấy đã đề nghị tôi.”
Louis ra dấu bảo anh hiểu, nhưng vẫn thấy hoài nghi. Chỉ huy Verhoeven làm việc thay người khác ở một vụ như thế này, dù sao cũng rất đáng ngạc nhiên.
“Cậu gọi cho Le Guen đi,” Camille nói tiếp luôn. “Tôi cần các đội. Ngay lập tức. Vào giờ này thì ta sẽ chẳng làm được nhiều việc đâu, nhưng ít nhất thì ta cũng sẽ thử…”
Louis gật đầu và rút điện thoại di động ra. Anh cũng nhìn nhận sự việc theo cùng cách ấy. Dạng vụ án này có thể được xem xét từ hai phía. Kẻ bắt cóc hoặc nạn nhân. Chắc chắn kẻ bắt cóc thì sống ở xa. Nhưng nạn nhân thì có thể sống ở ngay khu này, có thể cô ta bị bắt cóc ngay gần nhà, không phải chỉ chuyện của Irène mới khiến hai người đàn ông nghĩ vậy, mà còn căn cứ cả trên số liệu thống kê nữa.
Phố Falguière. Rõ ràng tối hôm nay rặt các nhà điêu khắc rồi*. Họ bước đi giữa lòng đường, cả hai đầu phố đều đã bị phong tỏa. Camille nhìn lên các tầng gác, mọi cửa sổ đều sáng đèn, đó là cảnh tượng của buổi tối.
“Ta có một nhân chứng, một nhân chứng duy nhất,” Louis vừa tắt điện thoại vừa nói. “Và có vị trí đỗ của chiếc xe dùng để bắt cóc. Bên Lý lịch tư pháp chắc sắp đến đấy.”
Và, đúng lúc đó, họ đến thật. Các thanh barie nhanh chóng được đẩy ra, Louis chỉ cho họ khoảng trống dọc vỉa hè, giữa hai chiếc xe. Ngay lập tức bốn kỹ thuật viên cùng đồ nghề bước xuống.
“Anh ta đâu rồi?” Camille hỏi.
Ông sốt ruột, chỉ huy đang sốt ruột. Ta có thể cảm thấy ông không muốn ở đây. Điện thoại di động của ông rung lên.
“Không, thưa công tố viên,” ông trả lời, “lúc thông tin đến được chỗ chúng tôi qua sở cảnh sát quận mười lăm thì đã là quá muộn, không kịp tiến hành phong tỏa.”
Giọng khô khốc, gần như bất lịch sự, để nói chuyện với một công tố viên. Louis kín đáo lảng ra xa. Anh hiểu sự sốt ruột của Camille. Nếu là một đứa trẻ vị thành niên thì hẳn người ta đã báo động khẩn cấp nhưng đây lại là một phụ nữ trưởng thành. Họ sẽ phải tự đi mà xoay xở lấy.
“Điều ông đòi hỏi sẽ rất khó thực hiện, thưa công tố viên,” Camille nói. Giọng ông còn hạ xuống thêm một tông nữa. Và ông nói quá chậm. Những ai biết ông đều hiểu rằng ở ông, thái độ này thường là dấu hiệu báo trước.
“Ông biết không, thưa ông, vào lúc tôi đang nói chuyện với ông đây, có…” ông ngẩng đầu lên nhìn, “chắc là… một trăm người trên các cửa sổ. Các đội điều tra quanh đây sẽ khiến khoảng hai hay ba trăm người nữa để ý đến. Thế nên, trong điều kiện ấy, nếu ông có biết một biện pháp nào ngăn được tin tức lan truyền, thì tôi sẽ rất lấy làm biết ơn đấy.”
Louis lặng lẽ mỉm cười. Đúng kiểu Verhoeven rồi đây. Anh rất thích như vậy. Bởi vì anh lại thấy ông giống hệt như trước. Bốn năm qua, ông đã già đi nhưng vẫn cứ tợn như thế. Đôi khi, ông còn là một mối nguy công khai đối với các cấp lãnh đạo.
“Dĩ nhiên rồi, thưa ông công tố.”
Căn cứ vào giọng nói của ông, ta đoán được rõ ràng rằng dù có thế nào, Camille cũng tuyệt đối không hề có ý định giữ lời hứa ông vừa thốt ra. Ông tắt máy. Cuộc nói chuyện vừa xong còn khiến ông cảm thấy tồi tệ hơn
cả hoàn cảnh lúc này.
“Mà này, mẹ kiếp, cái tay Morel của cậu ấy, hắn ta đâu mất rồi?” Liouis không hề chờ đợi điều này. ‘Cái tay Morel của cậu.’ Camille đang bất công, nhưng Louis hiểu được. Bắt một người như Verhoeven, vốn đã có khuynh hướng hoảng loạn, phải làm vụ này…
“Ở Lyon,” Louis bình thản đáp. “Dự hội thảo châu Âu. Ngày kia anh ấy sẽ về.”
Họ bước tiếp về phía nhân chứng đang được một nhân viên mặc đồng phục trông coi.
“Các cậu chó thật đấy!” Camille thốt lên.
Louis im lặng. Camille dừng lại.
“Xin lỗi nhé, Louis.”
Nhưng khi nói ông không nhìn Louis, mà nhìn xuống chân mình, rồi lại nhìn lên các ô cửa sổ của những tòa nhà với bao khuôn mặt đang nhìn về cùng một hướng kia, như trên một đoàn tàu khởi hành ra mặt trận. Louis những muốn nói gì đó nhưng gì bây giờ, chẳng cần. Camille vừa có một quyết định. Rốt cuộc ông cũng nhìn sang Louis:
“Nào, ta sẽ làm như…?”
Louis đưa tay hất lại mái tóc. Tay phải. Ở anh hất tóc là cả một cách nói. Vào lúc đó, tay phải có nghĩa là tất nhiên, đồng ý, ta sẽ làm vậy. Louis chỉ vào một bóng người sau lưng Camille.
Đó là một người đàn ông trạc tứ tuần. Ông ta dắt theo con chó, nó ngồi chồm hỗm dưới chân ông ta, một giống chó hẳn đã được Chúa tạo ra vào một ngày đặc biệt mệt mỏi. Camille và con chó nhìn nhau và ghét nhau ngay lập tức. Con chó gầm gừ, rồi vừa lùi lại vừa khò khè cho đến khi vấp vào chân ông chủ. Nhưng ông chủ mới là người kinh ngạc hơn khi thấy Camille đứng trước mặt mình. Ông ta nhìn Louis, ngạc nhiên vì người ta
lại có thể trở thành sếp trong ngành cảnh sát với một vóc dáng như thế này. “Chỉ huy Verhoeven đây,” Camille nói. “Ông có muốn xem thẻ của tôi không, hay ông tin lời tôi?”
Louis khoái trá. Anh biết tiếp theo sẽ có chuyện gì. Nhân chứng sẽ nói: “Không, không cần đâu… Mà…”
Camille sẽ ngắt lời, hỏi:
“Mà cái gì?”
Người kia sẽ ấp úng:
“Tôi không nghĩ, kìa… đúng ra là…”
Vào lúc ấy sẽ có hai giải pháp. Hoặc Camille sẽ đẩy dúi người kia rồi dùng tay quặp chặt lấy đầu anh ta cho đến khi người đó xin tha, đôi khi ông rất nhẫn tâm. Hoặc ông thôi. Lần này, Camille thôi. Đây là một vụ bắt cóc. Đang gấp.
Chuyện là, nhân chứng đang dắt chó đi dạo. Và ông ta đã trông thấy một phụ nữ bị bắt cóc. Ngay trước mắt.
“Chín giờ,” Camille nói. “Ông có chắc chắn về thời điểm không?” Nhân chứng cũng giống như mọi người, khi nói về điều gì đó thì sâu xa cũng chỉ để nói đến bản thân mình.
“Chắc chắn, vì chín rưỡi tối nào tôi cũng xem xe cộ đâm nhau trên chương trình No-Limit*…! Tôi dắt chó đi dạo ngay trước đó.” Họ bắt đầu chuyển sang ngoại hình kẻ bắt cóc.
“Tôi chỉ nhìn thấy hắn từ góc chênh chếch thôi, các ông hiểu chứ. Nhưng đó là một tay cao lớn, kiểu đô con.”
Ông ta thực sự có cảm giác mình đã mang lại một sự giúp đỡ quý báu. Camille nhìn ông ta, chán hẳn. Louis bèn cất tiếng hỏi. Tóc thế nào? Tuổi tác? Quần áo? Nhìn không rõ, khó mà nói, bình thường. Với cái đó… “Được rồi, còn cái xe thì sao?” Louis hỏi, vẻ muốn khích lệ.
“Một chiếc xe tải nhỏ màu trắng. Kiểu xe cho thợ thủ công ấy, các ông hiểu không?”
“Dạng thợ thủ công nào?” Camille ngắt lời.
“À, tôi, cũng không biết, kiểu như… tôi không biết, thợ thủ công ấy!” “Điều gì khiến ông nói thế?”
Có thể cảm thấy như thể Verhoeven chồm lên ông ta. Ông ta há hốc miệng.
“Thợ thủ công,” rốt cuộc ông ta cũng nói, “họ đều có những cái xe hòm như vậy, phải không?”
“Đúng rồi,” Camille đáp, “thậm chí họ còn hay viết tên, số điện thoại và địa chỉ của mình lên xe luôn cơ. Kiểu như là quảng cáo miễn phí, lưu động ấy, ông hiểu không? Vậy, trên cái xe của tay thợ thủ công viết gì?”
“À, đúng ra thì trên cái xe ấy không viết gì cả. Dù sao thì tôi cũng đã không nhìn thấy gì.”
Camille rút sổ ghi chép ra.
“Tôi ghi lại nhé. Chúng ta đang nói đến… một phụ nữ nào đó… bị một thợ thủ công vô danh bắt cóc, trên một chiếc xe không xác định được, tôi có bỏ quên chi tiết nào không nhỉ?”
Tay dắt chó hoảng hồn. Môi run run. Ông ta quay sang Louis, làm ơn giúp với, xem kìa, ông ấy lại đang o ép tôi kìa.
Camille gập quyển sổ lại, mệt nhoài, rồi quay lưng đi. Louis liền tiếp sức. Lời chứng duy nhất này chẳng giúp ích gì mấy, nhưng vẫn phải bắt đầu từ đó. Camille nghe tiếp đoạn sau của cuộc thẩm vấn diễn ra sau lưng mình. Nhãn hiệu của chiếc xe (‘Một chiếc Ford, có lẽ… Tôi không rành các nhãn hiệu lắm, ông cũng biết đấy, lâu lắm rồi tôi không lái X…’) nhưng nạn nhân là phụ nữ (‘chắc chắn rõ ràng’). Miêu tả gã đàn ông thì vẫn rất vu vơ (‘Hắn chỉ có một mình, ít nhất tôi cũng không nhìn thấy ai khác…’)
Còn lại cách thức tiến hành. Cách thức mạnh bạo.
“Cô ấy la hét, cô ấy vùng vẫy, thế là hắn đấm mạnh vào bụng cô ấy. Đấm không nhẹ đâu nhé! Chính vào lúc đó tôi đã kêu lên. Để thử làm hắn sợ, ông hiểu không…”
Những miêu tả này khiến lòng Camille quặn lại, như thể cú đánh nào cũng nhằm vào chính ông. Một chủ cửa hiệu cũng đã nhìn thấy Irène ngày cô bị bắt cóc, cũng như vậy, không nói được gì, không nhìn thấy gì hoặc gần như thế. Giống y chang. Để rồi xem. Ông quay ngay trở lại.
“Ông đã ở chỗ nào, thật chính xác vào?” ông hỏi.
“Ở kia…”
Louis nhìn xuống đất. Gã đàn ông chìa tay chỉ.
“Chỉ cho tôi đi.”
Louis nhắm mắt lại. Anh cũng nghĩ đến cùng điều Camille đang nghĩ nhưng việc Verhoeven sắp làm thì chắc hẳn anh sẽ không làm. Nhân chứng kéo con chó, tiến bước trên vỉa hè, hai bên là hai cảnh sát đi kèm, rồi dừng lại.
“Ở quãng này này…”
Ông ta ước lượng, quay sang hai bên, môi hơi bĩu ra, trời ạ, quãng này này. Camille muốn có lời xác nhận.
“Ở đây? Không phải xa hơn đúng không?”
“Không, không,” nhân chứng đáp, vẻ mặt đắc thắng.
Louis cũng đi đến cùng kết luận với Camille.
“Hắn cũng đá cô ấy nữa, các ông biết đấy…” gã đàn ông nói, “Tôi thấy rất rõ rồi,” Camille kết luận. “Tức là ông đứng ở đây, cách bao xa nhỉ?”
Ông đưa mắt dò hỏi nhân chứng.
“… bốn mươi mét nhỉ?”
“Đúng rồi,” gã đàn ông hài lòng với khoảng ước lượng ấy. “Ông nhìn thấy một phụ nữ bị đánh, bị bắt đi, thế mà ở khoảng cách bốn mươi mét, ông đã làm một việc hết sức can đảm là hét lên.” Ông ngước mắt nhìn nhân chứng, ông ta đang chớp mắt liên hồi, như thể có cảm xúc gì mạnh mẽ lắm.
Không nói một lời, Camille thở dài rồi bỏ đi, chỉ dành ánh mắt cuối cùng cho con chó trông cũng có vẻ can đảm như chủ của nó. Cảm giác như thể ông đang rất muốn đạp cho nó một phát.
Ông cảm thấy, biết nói thế nào đây, ông tìm từ, một dạng uất hận, một cảm giác hơi… điện giật. Vì Irène. Ông ngoảnh đầu lại, nhìn phố vắng. Và cuối cùng, một lóe chớp làm người ông rung chuyển, ông đã hiểu ra. Cho đến lúc này, ông đã làm việc của mình, thuần túy chuyên môn, theo phương pháp, có tổ chức, ông đã hành động như người ta chờ đợi ở ông nhưng mãi lúc này, và là lần đầu tiên kể từ khi tới đây, ông mới thực sự ý thức được rằng ở nơi này, cách đây chưa đầy một tiếng đồng hồ, một phụ nữ, bằng xương bằng thịt, đã bị bắt cóc, một phụ nữ đã hú hét, đã bị đánh, bị đẩy lên một chiếc xe tải, rằng cô bị giam giữ, sợ hãi, có thể còn bị hành hạ cực độ nữa, rằng mỗi phút đều quan trọng, thế mà ông còn chưa vào cuộc bởi vì ông muốn giữ mình ở xa, thủ thế, ông không muốn làm công việc của mình, cái công việc mà ông đã lựa chọn. Công việc mà ông vẫn giữ sau khi Irène chết. Mi có thể làm khác đi, ông tự nhủ, nhưng mi đã không làm. Mi đang ở đây, vào đúng lúc này, và sự hiện diện của mi chỉ có một cách biện minh duy nhất: tìm ra người phụ nữ vừa bị bắt cóc.
Camille thấy chóng mặt. Ông chống một tay lên thân một chiếc xe, tay kia nới cà vạt. Chắc chắn việc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt này không phải là điều gì đó hay ho lắm với một người dễ bị nỗi bất hạnh đánh quỵ đến vậy. Louis đi đến chỗ ông. Bất kỳ ai cũng sẽ hỏi: ‘Ổn chứ?’ Nhưng Louis thì
không. Anh chỉ đứng cạnh Camille, nhìn đi nơi khác, như đang đợi một bản án, với vẻ kiên nhẫn, xúc động và lo lắng.
Camille thoát khỏi cơn khó ở, như thể vừa rùng mình giũ cánh. Ông hỏi các kỹ thuật viên bên bộ phận Lý lịch tư pháp đang ở cách đó ba mét: “Các anh tìm thấy gì rồi?”
Ông tiến về phía họ, hắng giọng. Vấn đề ở một hiện trường vụ án chình ình giữa phố là ta phải thu nhặt tất tật mọi thứ, và rồi xem trong đống đó có những gì thuộc về vụ việc của mình.
Một kỹ thuật viên, người cao hơn trong hai người, ngẩng đầu về phía ông:
“Các đầu mẩu thuốc lá, một đồng xu…” anh ta cúi xuống chỗ cái túi ni lông đặt trên hòm dụng cụ của mình “… tiền nước ngoài, một vé tàu điện ngầm, và xa hơn một chút, có thêm một cái khăn giấy - đã dùng - cùng một cái nắp bút bằng nhựa.”
Camille nhìn cái túi trong suốt có tấm vé tàu điện ngầm bên trong, ông giơ nó lên, hướng về phía ánh đèn.
“Và rõ ràng là,” kỹ thuật viên nói thêm, “cô ấy đã phải vật lộn ra trò đấy.”
Trong rãnh nước lề đường là những bãi nôn mửa đang được đồng nghiệp của anh ta dùng một cái thìa vô trùng cẩn thận múc. Phía barie xôn xao hẳn lên. Vài nhân viên mặc đồng phục đang vội vã bước đến. Camille đếm. Le Guen điều đến cho ông năm người.
Louis biết mình phải làm gì. Ba nhóm. Anh sẽ chuyển cho họ những dữ kiện đầu tiên, chia ô địa bàn quanh đây, vào giờ này sẽ không mở rộng phạm vi được, ra các mệnh lệnh, với Camille thì sẽ phải vậy thôi. Còn một
nhân viên cuối cùng sẽ ở lại với Louis để thẩm vấn người dân quanh đây, yêu cầu những người đang đứng sau cửa sổ nhìn ngó và những người ở gần hiện trường vụ bắt cóc hơn cả phải xuống đây.
Quãng mười một giờ đêm, Louis Quyến Rũ tìm được tòa nhà duy nhất trên cả phố vẫn còn có một người gác cổng sống ở tầng trệt, một chuyện hiếm có ở Paris. Bà gác cổng chết đứ đừ trước vẻ lịch thiệp của Louis. Nhờ thế phòng bà ta liền trở thành đại bản doanh của cảnh sát. Người đàn bà giữ cửa ấy ngay lập tức mủi lòng khi nhìn thấy vóc dáng của chỉ huy. Khiếm khuyết đó, chẳng khác gì những con thú bị bỏ rơi, khiến bà nhói đau. Bà đưa ngay tay lên che miệng, Chúa ơi! Chúa ơi! Chúa ơi. Trước cảnh tượng nhìn thấy, mọi thứ bên trong bà đều thương cảm, run rẩy, yếu đuối, thật bất hạnh. Bà liếc trộm chỉ huy, hai mắt nheo nheo đau đớn, như thể ông mang một vết thương mở miệng toang hoác và bà đang chia sẻ nỗi đau với ông.
Bà hỏi Louis thật kín đáo:
“Anh có muốn tôi tìm một cái ghế thấp cho sếp của anh không?” Cứ như thể Camille vừa bị thu nhỏ lại, và cần phải ứng đối với chuyện ấy.
“Không, cảm ơn bà,” Louis Mộ Đạo đáp, mắt nhắm lại. “Thế này là tốt lắm rồi, hết sức cảm ơn, thưa bà.”
Louis nở một nụ cười tuyệt mỹ với bà. Kết quả là bà pha cả một bình cà phê cho mọi người. Tách của Camille đi kèm một cái thìa rõ đẹp.
Các nhóm đều đang làm việc, Camille nhấm nháp tách cà phê trước cái nhìn thương cảm sầu muộn của bà gác cổng. Louis suy nghĩ. Đó là mặt mạnh của anh, Louis là một trí thức, lúc nào anh cũng suy nghĩ. Tìm cách
hiểu.
“Một món tiền chuộc…” anh thận trọng đề xuất.
“Sex…” Camille nói. “Điên loạn…”
Cứ thế thì có thể liệt kê đủ mọi dục vọng của con người: ham muốn phá phách, ý thích sở hữu, nổi loạn, chinh phục. Cả hai đều từng chứng kiến những dục vọng chết người, và giờ đây họ đang ở trong căn phòng gác cổng này, bất động… Gần như không làm gì.
Đã xong việc tìm kiếm ở xung quanh, đã yêu cầu những người sống trên tầng xuống phố, đã kiểm tra các lời chứng, những tin đồn, ý kiến của người này người kia, đã bấm chuông cửa nhiều nhà, lúc đầu cứ chắc sẽ tìm được gì đó rồi lại chẳng được gì, cứ thế hết một phần đêm.
Và đến giờ vẫn chưa có gì hết. Người phụ nữ bị bắt cóc chắc không sống ở khu này, hay ít nhất là không ở ngay sát địa điểm xảy ra vụ bắt cóc. Ở đây, có vẻ như không ai biết cô. Có ba dấu hiệu có thể khớp, những phụ nữ đang đi du lịch, đi vắng, không có nhà…
Tất tật đối với Camille chẳng hề nói lên điều gì có giá trị.
3
Cái lạnh làm cô tỉnh dậy. Cả những cú va đụng, vì chuyến đi rất dài. Bị trói nên cô không thể làm gì để ngăn người mình lăn qua lăn lại, đập vào thành xe. Rồi khi rốt cuộc xe cũng dừng, gã đàn ông mở cửa và trùm lên cô một tấm vải nhựa, buộc lại. Sau đó hắn vác cô lên vai. Thật hãi hùng khi bị biến thành một gói hàng đơn thuần, cũng hãi hùng khi nghĩ ta đang phải phó mặc vào tay một kẻ có thể vác ta trên vai như thế. Ta ngay lập tức hình dung được hắn có khả năng làm những gì.
Tiếp theo hắn chẳng buồn nương tay chút nào khi đặt cô xuống đất, khi kéo lê cô đi, lẫn cả khi lăn cô xuống cầu thang. Cạnh các bậc thang đập vào khắp người cô, và vì không thể bảo vệ đầu, Alex đã hét lên nhưng gã đàn ông vẫn tiếp tục hành trình. Khi đầu bị đập lần thứ hai, lần này là ở gáy, cô ngất đi.
Không thể biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua kể từ lúc ấy. Giờ đây, không còn tiếng ồn nữa nhưng lại có một cơn lạnh buốt khủng khiếp trên hai vai, trên cánh tay. Và hai bàn chân lạnh giá. Băng dính dán chặt đến nỗi máu cô không lưu thông nổi. Cô mở mắt, ít nhất là cô cố mở ra bởi vì mắt bên trái vẫn còn bị dán. Miệng cũng không thể mở được. Một thứ băng dính rộng bản. Cô không nhớ gì về chuyện này. Là trong khi cô còn đang ngất…
Alex nằm trên sàn, vật sang một bên, hai tay bị trói quặt ra sau lưng, hai
bàn chân bị buộc vào nhau. Hông cô đau nhức, đó là chỗ chịu toàn bộ trọng lượng cơ thể. Cô nhổm dậy, chậm chạp như người đang hôn mê, khắp người đau dần như sau một tai nạn ô tô. Cô cố nhìn xem mình đang ở đâu, cô lắc hông và nằm ngửa lên được, hai vai đau khủng khiếp. Mắt cô rốt cuộc cũng thoát khỏi cảnh bị dán chặt nhưng nó không nhìn thấy hình ảnh nào. Mắt mình lòi mất rồi, Alex hoảng sợ tự nhủ. Nhưng sau vài giây, con mắt mở được một nửa giúp cô nhìn thấy một hình ảnh mờ ảo như thể đến từ một hành tinh xa lắc cách nhiều năm ánh sáng.
Cô khụt khịt mũi, gạt mọi thứ ra khỏi đầu, cố suy nghĩ. Đây là một nhà chứa máy bay hoặc một nhà kho. Một nơi rất rộng trống không, với thứ ánh sáng lờ mờ hắt từ trên xuống. Nền nhà cứng ngắc, ẩm ướt, có mùi nước mưa bẩn, mùi nước đọng, chính vì vậy mà cô thấy lạnh đến thế: nơi này xâm xấp nước.
Điều đầu tiên quay trở lại trong trí óc cô là hình ảnh gã đàn ông ôm chặt lấy cô. Mùi của hắn hắc, nồng, mùi của mồ hôi, mùi thú vật. Vào những lúc bi thảm, thường thì ta lại có những suy nghĩ vụn vặt: hắn đã giật tóc mình, đó là ý nghĩ đầu tiên của cô. Cô tưởng tượng ra trên đầu mình có một khoảng trọc lốc, cả một túm tóc bị giật mất, và cô bật khóc. Thật ra thì không chỉ hình ảnh đó làm cô khóc, mà là tất tật những gì vừa xảy đến, cơn mệt mỏi, nỗi đau đớn. Và nỗi sợ. Cô khóc, và thật khó mà khóc được như vậy, với một miếng băng dính giữ hai môi khép chặt, cô nghẹn thở, cô muốn ho mà ho cũng chẳng dễ, họng cô nghẹt lại, mắt ầng ậng nước. Một cơn buồn nôn trào dâng trong bụng cô. Không thể nôn ra được. Miệng cô đầy một thứ dịch mà cô buộc phải nuốt vào. Việc ấy mất nhiều thời gian kinh khủng. Làm cô thấy thật kinh tởm.
Alex cố gắng hết sức để thở, cố gắng để hiểu, để phân tích tình hình. Mặc cho tình thế tuyệt vọng, cô vẫn tìm cách trấn tĩnh lại một chút. Không
phải lúc nào giữ được bình tĩnh đã là đủ nhưng nếu không làm được vậy, ta hẳn sẽ tiêu đời. Alex cố gắng lấy lại bình tĩnh, để tim đập bình thường trở lại. Hiểu xem chuyện gì vừa xảy ra, cô đang làm gì ở đây, tại sao cô lại ở đây.
Suy nghĩ. Cô đau đớn, nhưng còn một thứ gây phiền nhiễu nữa, là bàng quang, nó bị đè nén, đầy ứ. Cô chưa bao giờ giỏi nhịn trong chuyện này. Chưa mất đến hai mươi giây cô đã quyết định xong, cô thả lỏng mình, đái luôn xuống dưới, thật lâu. Hành động buông xuôi này không phải là một thất bại bởi vì chính cô đã lựa chọn làm thế. Nếu không làm vậy cô sẽ còn phải chịu đựng rất lâu, có lẽ còn phải vặn vẹo hàng tiếng đồng hồ và rồi cuối cùng vẫn phải làm thế. Và cứ nhìn vào tình hình thì cô còn khối điều khác để sợ, mót tiểu chỉ là một trở ngại vô tích sự. Trừ mỗi việc sau đó vài phút, cô bị lạnh hơn, cô đã không nghĩ đến điều này. Alex run rẩy và không còn biết là vì sao nữa, vì lạnh hay vì sợ. Cô thấy lại trong đầu mình hai hình ảnh: gã đàn ông trên tàu điện ngầm, ở cuối toa, hắn mỉm cười với cô, và mặt hắn, lúc hắn kéo cô sát lại, ngay trước khi đẩy cô vào thùng xe. Khi tiếp đất cô đã thực sự bị đau.
Đột nhiên từ xa có tiếng cánh cửa kim loại sập vào, vang vọng. Alex ngừng khóc ngay lập tức, rình chờ, đầy căng thẳng, gần như gục hẳn. Rồi, xoay hông, cô trả lại tư thế nằm nghiêng và nhắm mắt lại, sẵn sàng đón nhận cú đánh đầu tiên, bởi vì hắn sẽ đánh cô, chính vì vậy mà hắn bắt cóc cô. Alex nín thở. Từ xa, cô nghe tiếng gã đàn ông tiến lại gần, bước chân bình thản, nặng nề. Cuối cùng, hắn dừng lại trước cô. Qua làn mi, cô nhìn thấy đôi giày của hắn, đôi giày rất to, đánh xi cẩn thận. Hắn không nói gì. Hắn nhìn xuống cô, không nói một lời, và cứ như thế một lúc lâu, như thể đang trông chừng giấc ngủ của cô. Cuối cùng cô cũng quyết định, cô mở hẳn hai mắt nhìn về phía hắn. Hai tay hắn chắp sau lưng, mặt cúi xuống,
không thấy có ý đồ gì, hắn chỉ cúi xuống nhìn cô như nhìn… một thứ đồ vật. Nhìn từ dưới lên, mặt hắn trông thật ấn tượng, hàng lông mày đen rậm, phủ bóng xuống và che đi một phần cặp mắt, nhưng nhất là, trán của hắn, rộng hơn phần còn lại của khuôn mặt, có thể nói rằng trán hắn tràn ra khỏi mặt. Khiến cho hắn có vẻ gì đó chậm tiến, nguyên thủy. Bướng bỉnh. Cô tìm từ. Nhưng không thấy.
Alex những muốn nói gì đó. Miếng băng dính ngăn không cho cô làm vậy. Dù sao thì tất cả những gì cô nghĩ ra cũng chỉ là: ‘Tôi xin ông…’ Cô cố tìm xem mình có thể nói gì nếu hắn tháo miếng băng dính cho cô. Cô thực sự muốn tìm được điều gì đó khác ngoài cầu xin nhưng không gì hiện ra, không gì cả, không một câu hỏi nào, không một lời yêu cầu nào, mà chỉ có lời khẩn nài kia. Từ ngữ không chịu đến, trí óc Alex đã đông cứng lại. Và loáng thoáng điều này: hắn đã bắt cóc cô, trói cô, vứt cô ở đây, rồi hắn sẽ làm gì cô?
Alex khóc, cô không thể ngăn mình lại. Gã đàn ông đi ra xa, không nói một lời. Hắn tới tận góc phòng. Hắn giật mạnh một tấm bạt phủ, không thể nhìn được bên dưới có gì. Và vẫn là lời cầu khẩn thần diệu, phi lý trí ấy: xin đừng để hắn giết tôi.
Gã đàn ông quay lưng lại, cúi lom khom, hắn dùng hai tay kéo vật gì đó nặng lùi lại phía sau, một cái thùng chăng? Nó kêu rin rít trên mặt sàn bê tông. Hắn mặc quần vải thô màu ghi đậm, áo pull sọc, rộng thùng thình, sờn rách, có cảm giác hắn đã mặc nó từ rất nhiều năm.
Sau khi đi giật lùi như vậy vài mét, hắn ngừng kéo, ngẩng lên nhìn trần nhà như để ước lượng, rồi hắn cứ đứng yên như thế, hai tay chống nạnh, có vẻ đang tự cân nhắc cách thức tiến hành. Và cuối cùng, hắn quay đầu lại. Nhìn cô. Hắn tiến lại gần, cúi xuống, quỳ một đầu gối gần sát mặt cô, giơ tay ra và, bằng một động tác nhanh gọn, giật dải băng dính quấn chặt
hai mắt cá chân cô. Rồi bàn tay to tướng của hắn túm lấy một đầu miếng băng dính dán trên khóe môi cô và giật thật mạnh. Alex hét lên đau đớn. Hắn chỉ cần một tay đã dựng được cô đứng dậy. Tất nhiên, Alex không nặng lắm nhưng dẫu sao thì, chỉ bằng một tay! Cô cảm thấy cơn choáng váng chạy khắp người, tư thế đứng thẳng khiến máu vọt lên đầu cô, cô lại lảo đảo. Trán cô ở ngang tầm ngực gã đàn ông. Hắn túm lấy vai cô, rất chặt, xoay người cô lại. Cô không kịp nói gì, hắn cắt dây trói ở cổ tay cô chỉ bằng một động tác.
Vậy là Alex bèn thu hết can đảm, cô không suy nghĩ gì, chỉ thốt ra những từ ập đến trong óc:
“Tôi xin… ông…”
Cô không nhận ra nổi giọng của chính mình. Và rồi cô còn nói lắp, như một đứa trẻ con, như một đứa con gái.
Họ đứng đối diện nhau, đã đến thời điểm của sự thật. Alex khiếp sợ khi nghĩ đến những gì hắn có thể làm với mình đến nỗi đột nhiên cô muốn chết, ngay lập tức, không cầu xin gì, muốn hắn giết cô ngay bây giờ. Điều cô sợ hơn cả là khoảng chờ đợi mà trí tưởng tượng của cô đang rơi vào, cô nghĩ đến những gì hắn có thể làm với mình, cô nhắm mắt lại và thấy cơ thể mình, cứ như thể nó không còn thuộc về cô nữa, một cơ thể nằm thượt ra đó, chính xác ở tư thế như lúc nãy, đầy thương tích, đầm đìa máu, nó đau đớn, cứ như thể đó không phải là cô nhưng lại là cô. Cô thấy mình đã chết.
Cái lạnh, mùi nước đái, cô xấu hổ và cô sợ, chuyện gì sẽ xảy ra đây, chỉ mong sao hắn đừng giết mình, xin đừng để hắn giết tôi.
“Cởi quần áo ra,” gã đàn ông nói.
Một giọng trầm, bình thản. Mệnh lệnh nó phát ra cũng trầm, bình thản. Alex mở miệng, nhưng chưa kịp thốt ra lời nào thì hắn đã tát cô mạnh đến nỗi cô bổ nhào sang một bên, bước một bước, loạng choạng mất đà, rồi
thêm một bước nữa và ngã ra đất, đầu đập xuống. Gã đàn ông chậm rãi tiến về phía cô, túm lấy tóc cô. Đau khủng khiếp. Hắn nhấc cô dậy, Alex cảm thấy tóc mình sắp rời hết ra khỏi đầu, cô níu chặt hai tay lấy tay hắn, cố trì giữ, tuy cô không để ý nhưng hai chân cô đã lấy lại sức mạnh, Alex đang đứng thẳng. Khi tát cô lần thứ hai, hắn vẫn túm tóc cô thế nên người cô chỉ giật nẩy lên, đầu quay đi một góc chín mươi độ. Cái tát khiến cô nghe oàng một tiếng thật to, cô gần như không còn cảm thấy gì nữa, đờ ra vì đau.
“Cởi quần áo ra,” gã đàn ông nhắc lại. “Cởi hết.”
Và hắn thả cô ra. Alex tiến lên một bước, lảo đảo, cô cố sức đứng vững nhưng lại ngã khuỵu xuống, cố kìm không rên lên vì đau. Hắn tiến lên, cúi xuống. Phía trên cô, bản mặt to bè của hắn, cái đầu nặng nề với phần sọ to dị dạng, cặp mắt màu xám…
“Mày có hiểu không thế?”
Và hắn đợi câu trả lời, bàn tay mở to hết cỡ giơ lên, Alex vội vã nói ‘có’, nhiều lần, ‘có, có, có,’ cô đứng dậy ngay lập tức, phải làm mọi thứ hắn muốn để khỏi bị đánh nữa. Rất mau chóng, để hắn hiểu cô hoàn toàn, tuyệt đối sẵn sàng vâng lời hắn, cô cởi áo phông, tháo xu chiêng, gấp gáp tìm hàng khuy quần jean, như thể quần áo của cô vừa đột ngột bắt lửa, cô muốn mình trần truồng thật nhanh để hắn không đánh cô nữa. Alex vặn vẹo, trút bỏ mọi thứ cô đang mang trên người, tất tật, mau mau chóng chóng rồi cô đứng đó, hai tay buông dọc thân và mãi lúc ấy cô mới nhận ra mọi thứ mình vừa đánh mất, những thứ ấy sẽ không bao giờ cô còn tìm lại được nữa. Cô đã thất bại hoàn toàn, khi cởi quần áo nhanh đến như vậy, cô đã chấp nhận mọi chuyện, cô đã đồng ý với mọi chuyện. Theo một cách thức nào đó, Alex vừa chết. Cô tìm lại được những cảm giác rất xa xôi. Cứ như thể cô đang ở bên ngoài cơ thể chính mình. Có lẽ chính bởi vậy mà cô
tìm ra sức lực để cất tiếng hỏi:
“Ông muốn… muốn gì?”
Đúng là môi hắn quá mỏng. Ngay cả khi hắn mỉm cười thì ta cũng có thể tưởng tượng đó là bất kỳ cái gì, ngoại trừ một nụ cười. Vào lúc ấy, đó là biểu hiện của sự tra vấn.
“Mày có gì để chào hàng nào, con điếm bẩn thỉu?”
Hắn cố tỏ vẻ thèm thuồng khi nói câu ấy, như thể hắn đang thành thực tìm cách quyến rũ cô. Với Alex, câu nói này có nghĩa. Với mọi phụ nữ, câu nói này đều có nghĩa. Cô nuốt nước bọt. Cô nghĩ: hắn sẽ không giết mình. Đầu óc cô cuộn quanh niềm tin chắc chắn này và thắt lại thật chặt để ngăn mọi điều ngược lại. Nhưng bên trong cô có điều gì đó nói với cô rằng dù gì sau đó hắn cũng sẽ giết cô, nhưng nút thắt quanh trí óc cô đã siết chặt lại, siết chặt lại, siết chặt lại.
“Ông có thể… l… làm tình với tôi,” cô nói.
Không, không phải thế, cô cảm nhận được điều đó, không phải theo cách thế này…
“Ông có thể… h… hiếp tôi,” cô nói thêm. “Ông có thể làm m… mọi thứ…”
Nụ cười của gã đàn ông đông cứng lại. Hắn bước lùi lại để có thể đứng cách cô một khoảng mà nhìn. Từ chân lên đầu. Alex dang rộng hai tay, cô muốn tỏ ra mình đang dâng tặng, buông thả, cô muốn chứng tỏ mình đã thui chột toàn bộ ý chí, rằng cô quỵ lụy hắn, rằng cô thuộc về hắn, để kiếm thêm thời gian, chỉ thời gian mà thôi. Trong hoàn cảnh này, thời gian chính là sự sống.
Gã đàn ông bình thản nhìn cô chăm chăm, cái nhìn chầm chậm lướt từ trên xuống dưới, cuối cùng dừng lại ở bộ phận sinh dục của cô, thật lâu. Cô không nhúc nhích, hắn hơi nghiêng đầu, vẻ dò hỏi, Alex thấy ngượng vì
lâm vào tình cảnh như thế này, vì bày ra cho hắn xem như thế. Và nếu hắn không thích cô, nếu với hắn chút ít mà cô có để giao nộp kia là chưa đủ, thì hắn sẽ làm gì? Vậy là hắn lắc lắc đầu như thể thất vọng lắm, vỡ mộng, không, không xong rồi. Và để cô hiểu điều đó rõ hơn hắn chìa tay ra, dùng ngón cái cùng ngón trỏ chộp lấy đầu ti bên phải của cô rồi vặn nhanh và mạnh đến nỗi cô gập người làm đôi và hét lên ngay lập tức.
Hắn thả cô ra. Alex ôm lấy ngực, hai mắt lồi ra, hơi thở đứt đoạn, cô nhảy lò cò hết chân này sang chân kia, cơn đau làm mờ mắt cô. Những giọt nước mắt cứ thế chảy khi cô hỏi:
“Ông sẽ… ông sẽ làm gì?”
Gã đàn ông mỉm cười, như thể hắn muốn nhắc cô nhớ đến một điều hiển nhiên:
“Chà… tao sẽ nhìn mày chết, đồ điếm bẩn thỉu.”
Rồi hắn bước tránh sang một bên, trông như động tác của diễn viên. Thế là cô nhìn thấy. Đằng sau hắn. Trên sàn nhà, một cái khoan điện, bên cạnh một cái hòm gỗ, không quá lớn. Bằng kích cỡ một cơ thể.
4
Camille săm soi thật kỹ tấm bản đồ Paris. Đứng trước bà gác cổng, một nhân viên mặc đồng phục, do Sở cảnh sát cử ra, đang giải thích cho những người hiếu kỳ, những người sống gần đó, rằng họ không được ở lại đây trừ phi có lời chứng quan trọng về vụ bắt cóc. Một vụ bắt cóc! Hấp dẫn làm sao, khác nào một vở diễn. Thiếu mất ngôi sao đóng vai chính nhưng có hề gì, chỉ cần phối cảnh sân khấu thôi cũng đủ mê hoặc lắm rồi. Cả buổi tối, người ta cứ nhắc đi nhắc lại cái từ ấy, như tại một ngôi làng, thật quá sức ngạc nhiên, nhưng ai, ai, ai, ai, nói cho mà biết là tôi không biết, một phụ nữ, theo như tôi hiểu, nhưng ta có biết cô ấy không, nói đi, ta có biết cô ấy không? Lời đồn thổi lan truyền, cả đến lũ trẻ con cũng xuống phố để xem trong khi lẽ ra giờ này chúng đã phải lên giường, nhưng tất cả mọi người trong khu đều phấn khích trước tình huống bất ngờ này. Ai đó hỏi bên truyền hình có đến quay không, họ không ngừng đặt mãi cùng những câu hỏi ấy cho nhân viên gác, họ đứng đó suốt hàng chục phút, rảnh rỗi, chẳng biết chờ đợi điều gì, chỉ cốt là có mặt để nhỡ ra có chuyện gì đó rốt cuộc cũng xảy đến, nhưng chẳng có gì, thế nên dần dần những xì xào đồn thổi cũng lắng xuống, niềm hứng thú giảm dần, đã khuya rồi, chỉ vài tiếng nữa thôi là đêm tối sẽ trở nên nặng nề hơn hẳn, trò vui biến thành điều phiền nhiễu, đã có những lời phàn nàn đầu tiên bay qua cửa sổ, giờ thì chúng tôi muốn đi ngủ, chúng tôi muốn yên tĩnh.
“Thì họ cứ việc đi mà gọi cảnh sát,” Camille cất tiếng.
Louis thì bình tĩnh hơn, như mọi khi. Trên tấm bản đồ của mình, anh đã gạch đậm những tuyến đường dẫn về địa điểm xảy ra vụ bắt cóc. Bốn tuyến đường khả dĩ mà người phụ nữ có thể đã đi qua trước khi bị bắt cóc. Quảng trường Falguière hay đại lộ Pasteur, phố Vigée-Lebrun hay, ở hướng ngược lại, phố Cotentin. Cô ta cũng có thể đã đi một chuyến xe buýt, xe 88 hoặc 95. Các bến tàu điện ngầm nằm khá xa nơi xảy ra vụ bắt cóc nhưng vẫn là một khả năng. Pemety, Plaisance, Volontatres, Vaugirard…
Nếu mãi vẫn không tìm được gì, đến mai sẽ phải mở rộng phạm vi điều tra, đi xa hơn để tìm kiếm bất kỳ thông tin nào dù là nhỏ nhất, muốn thế thì phải đợi bọn ngu ngốc kia ngủ dậy, đợi đến mai, cứ như là có nhiều thời gian lắm ấy.
Bắt cóc là một loại tội ác theo kiểu khá đặc biệt: nạn nhân không xuất hiện ngay trước mắt ta như trong một vụ giết người, mà ta phải hình dung ra người đó. Đó là việc Camille đang cố gắng làm. Dưới cây bút chì của ông hiện ra: hình bóng một phụ nữ bước đi trên phố. Ông cố gắng đánh giá khách quan hơn: quá thanh lịch, hơi có kiểu phụ nữ đài các. Hình như Camille già đi một chút khi vẽ những phụ nữ như vậy. Vừa gọi điện thoại, ông vừa gạch xóa, vẽ lại. Tại sao ông lại thấy cô ta trẻ đến thế? Những phụ nữ già có bị bắt cóc không nhỉ? Lần đầu tiên, ông nghĩ đến cô không phải như nghĩ đến một phụ nữ mà như một cô bé. ‘Một cô bé’ đã bị bắt cóc trên phố Falguière. Ông vẽ lại bức tranh. Mặc quần jean, tóc cắt ngắn, đeo túi chéo qua vai. Không. Một bức khác, giờ đây cô mặc jupe, ngực to, ông lại gạch đi, tức tối. Ông thấy cô trẻ nhưng xét cho cùng, ông đâu có thấy cô. Và khi ông thấy cô, thì đó là Irène.
Trong đời ông không có người phụ nữ nào khác. Vào những dịp hiếm
hoi mà một người đàn ông vóc dáng như ông có được, một phần vì cảm giác tội lỗi, một phần vì căm ghét bản thân và nỗi sợ phải nối lại những mối quan hệ bình thường với phụ nữ, nhu cầu tình dục của ông phụ thuộc vào sự hội tụ của quá nhiều điều kiện, không sao làm nổi. À có, một lần. Một phụ nữ rơi vào tình huống khó khăn, ông kéo cô ra khỏi rắc rối. Nhắm mắt lờ đi. Ông đọc thấy cảm giác nhẹ nhõm trong ánh mắt cô, ngay lúc đó thì không có gì thêm nữa. Và rồi ông gặp lại cô ở gần nhà ông, cứ như là tình cờ vậy. Thế là uống với nhau một cốc ở hàng hiên quán La Marine, rồi ăn tối, và đương nhiên trò chơi tiếp diễn, họ lên nhà để uống một cốc cuối cùng, và sau đó… Thường thì đó không phải loại sự việc mà một tay cớm thanh liêm có thể chấp nhận. Nhưng mà dễ thương lắm, hơi dị, vẻ như muốn thành thực cảm ơn ông. Dẫu sao đấy cũng là những gì Camille nhắc đi nhắc lại với mình sau đó để biện bạch. Hơn hai năm trời không chạm vào người phụ nữ nào, tự bản thân chuyện ấy đã là một lý do, nhưng chưa đủ. Ông đã mắc lỗi. Một buổi tối êm dịu và bình yên, ta thấy mình không bị buộc phải tin vào những gì cảm thấy. Cô đã biết chuyện của ông, ở Đội ai cũng biết chuyện ấy, vợ của Verhoeven đã bị sát hại. Cô đã nói những điều giản dị, mấy chuyện tầm phào, cô cởi quần áo ngay bên cạnh và ngay lập tức đến với ông, không có màn mào đầu nào, họ nhìn vào mắt nhau, rốt cuộc Camille nhắm mắt lại, không thể nào làm khác được. Thỉnh thoảng họ vẫn chạm mặt nhau, cô sống không xa nhà ông lắm. Có lẽ bốn mươi tuổi. Và cao hơn ông mười lăm xăng ti mét. Anne. Cả tinh tế nữa: cô đã không ngủ lại, bảo cô muốn về nhà hơn. Với Camille, như thế giúp ông tránh được những buồn bã, rõ là thế. Khi họ gặp nhau, cô làm như thể chưa hề có chuyện gì xảy ra. Lần gần đây nhất, giữa chỗ đông người, thậm chí cô còn bắt tay ông. Tại sao giờ ông lại nghĩ đến cô? Đó có phải kiểu phụ nữ mà một gã đàn ông có thể muốn bắt cóc không?
Ý nghĩ của Camille hướng sang tên bắt cóc. Người ta có thể giết người bằng rất nhiều phương cách và vì rất nhiều lý do, nhưng mọi vụ bắt cóc đều giống nhau. Và có một điều chắc chắn: để bắt cóc ai đó, phải có dự đồ. Tất nhiên, người ta có thể làm chuyện đó theo cảm hứng bất chợt, vì cơn giận đột ngột nhưng như thế chỉ hiếm thôi, và hứa hẹn sẽ thất bại nhanh chóng. Trong phần lớn các trường hợp, tác giả phải tổ chức, suy tính từ trước, chuẩn bị cẩn thận. Theo số liệu thống kê thì không thuận lợi cho lắm, những giờ đầu tiên cực kỳ quan trọng, khả năng còn sống giảm xuống rất nhanh. Một con tin thì phiền lắm, người ta nhanh chóng muốn rũ bỏ.
Louis là người đi tiên phong. Anh gọi cho mọi tài xế xe buýt có ca làm việc từ bảy giờ đến chín rưỡi. Đánh thức từng người một. “Tài xế đi chuyến cuối của tuyến 88,” anh nói với Camille trong khi lấy tay che ống nghe. “Khoảng chín giờ. Anh ta nhớ có một cô gái chạy đuổi theo xe anh ta nhưng sau đó lại đổi ý.”
Camille đặt bút chì xuống, ngẩng đầu lên.
“Bến nào?”
“Viện Pasteur.”
Run rẩy đến tận xương sống.
“Tại sao anh ta còn nhớ cô ấy?”
Louis truyền đạt các câu hỏi.
“Xinh lắm,” Louis nói.
Anh bịt chặt lấy ống nghe.
“Thực sự rất xinh.”
“A…”
“Và anh ta chắc chắn về giờ giấc. Họ đã khẽ ra hiệu cho nhau, cô ấy đã mỉm cười với anh ta, anh ta nói với cô ấy đó là chuyến cuối ngày nhưng cô ấy thích đi bộ trên phố Falguière hơn.”
“Vỉa hè bên nào?”
“Bên phải nếu đi xuôi.”
Đúng hướng rồi.
“Có dấu hiệu nhận dạng nào không?”
Louis hỏi thêm về các chi tiết nhưng cũng chẳng thu thêm được kết luận gì.
“Mơ hồ. Mơ hồ lắm.”
Đó là vấn đề với những cô gái thực sự xinh đẹp: ta bị ngây ngất, không nhìn được chi tiết. Điều duy nhất mà ta còn nhớ được là mắt, miệng, mông hay cả ba thứ cùng một lúc nhưng còn chuyện cô ấy mặc gì thì… Đó là điều bất lợi với các nhân chứng là đàn ông, phụ nữ thì chính xác hơn.
Camille nghĩ tới nghĩ lui những điều ấy suốt một phần đêm. Quãng hai rưỡi sáng, mọi việc có thể làm đều đã được làm. Giờ đây, chỉ còn có thể hy vọng sẽ có một sự kiện nhanh chóng xảy tới, điều gì đó cung cấp cho họ sợi chỉ đầu tiên để kéo, một lời đòi tiền chuộc mở ra một triển vọng mới. Một xác chết được tìm thấy khép lại mọi xác chết khác. Một dấu vết nào đó, điều gì đó cần túm lấy.
Việc khẩn cấp nhất, nếu ta có thể, dĩ nhiên là xác định được danh tính nạn nhân. Lúc này, ở tổng đài điện thoại vẫn vậy: vẫn chẳng có tin báo nào về một vụ mất tích có khả năng trùng hợp với người phụ nữ này.
Chẳng có gì ở quanh hiện trường vụ bắt cóc. Và sáu tiếng đồng hồ đã trôi qua.
5
Đó là một cái hòm gỗ, song thưa. Các thanh chắn cách nhau chừng chục xăng ti mét; ta có thể nhìn rất rõ vào bên trong. Lúc này, bên trong không có gì, trống rỗng.
Gã đàn ông đã tóm lấy vai Alex, siết chặt lấy với sức mạnh khủng khiếp và lôi cô đến chỗ cái hòm. Rồi hắn quay đi, làm như cô không còn ở đó. Máy khoan trên thực tế là một máy bắt vít chạy điện. Hắn dùng máy tháo một thanh gỗ ở mặt trên cái hòm, rồi một thanh nữa. Hắn quay lưng lại phía cô, người cúi xuống. Cái gáy đỏ to bè của hắn lấm tấm mồ hôi… Người Neanderthal, đó là ý nghĩ lướt qua đầu Alex.
Cô đứng ngay sau lưng hắn, hơi lùi lại, trần truồng, một tay ôm quanh ngực, tay kia úp lại che bộ phận sinh dục bởi vì cô vẫn thấy ngượng, ngay cả trong tình huống như thế này, thật rồ dại khi nghĩ đến nó. Cái lạnh làm cô run rẩy từ chân đến đầu, cô chờ đợi, hoàn toàn thụ động. Cô có thể thử làm gì đó. Lao vào hắn, đánh hắn, bỏ chạy. Nhà kho trống hoác và rất rộng. Đằng kia, phía trước mặt họ, cách chừng mười lăm mét, có một khoảng hở, như một cái lỗ lớn, những cánh cửa trượt to bản trước đây hẳn từng được dùng làm cửa ra vào phòng này giờ đã biến mất.
Trong khi gã đàn ông tháo các thanh gỗ, Alex cố làm cho đầu óc mình rục rịch hoạt động trở lại. Chạy trốn? Đánh hắn? Tìm cách giật cái khoan kia từ tay hắn? Hắn sẽ làm gì sau khi tháo xong cái hòm? Khiến cô phải
chết, hắn đã nói thế, chính xác như vậy nghĩa là gì? Hắn muốn giết cô thế nào? Cô ý thức được con đường đáng lo ngại mà tâm trí cô đã trải qua chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Từ: ‘Mình không muốn chết’ cô đã đến chỗ: ‘Miễn sao hắn làm cho nhanh.’ Vào lúc cô hiểu ra điều đó, có hai sự kiện. Thứ nhất, trong óc cô xuất hiện một ý nghĩ đơn giản, kiên quyết, khăng khăng: đừng để cho hắn làm, không được chấp nhận, kháng cự đi, đánh trả đi. Rồi gã đàn ông quay đầu lại, đặt máy bắt vít xuống cạnh mình và chìa tay túm lấy vai cô. Vậy là một quyết định bí ẩn chợt nảy ra trong óc cô, như một mệnh lệnh bất ngờ, cô vùng chạy về phía khoảng trống ở đầu kia gian phòng.
Gã đàn ông bị bất ngờ vì chuyện xảy ra nhanh quá, hắn không kịp nhúc nhích. Trong vài tích tắc, cô đã nhảy qua cái hòm rồi chạy, vẫn chân trần, nhanh hết sức. Chấm dứt cái lạnh, chấm dứt nỗi sợ, động lực thực sự của cô là ý chí chạy trốn, thoát khỏi nơi đây. Sàn nhà lạnh giá, cứng ngắc, trơn trượt vì ẩm ướt, một thứ nền bê tông thô, gồ ghề nhưng cô không cảm thấy gì, chỉ cắm cúi vào chạy. Nước mưa đã làm nền nhà ướt đẫm, hai bàn chân Alex làm nước bắn tung tóe khi chạy băng qua những vũng đọng to. Cô không ngoái đầu lại, cô thầm nhắc đi nhắc lại ‘chạy đi, chạy đi, chạy đi’, cô không biết gã đàn ông có chạy đuổi theo mình hay không. Mi nhanh hơn. Đó là điều chắc chắn. Hắn đã già, nặng nề, còn mi thì trẻ, mảnh mai. Mi nhanh nhẹn. Alex đến được chỗ khoảng trống, hơi chậm bước lại một chút, vừa kịp nhìn thấy phía bên tay trái ở cuối phòng có một khoảng hở khác, giống hệt cái cô vừa vượt qua. Mọi căn phòng đều giống hệt nhau. Lối ra nằm ở đâu? Cô không hề nảy ra ý nghĩ rời khỏi tòa nhà này trong tình trạng hoàn toàn trần truồng rồi cứ thế chạy ra ngoài phố. Tim cô đập thình thịch với tốc độ chóng mặt. Alex thèm được quay đầu lại để ước chừng xem mình đã vượt gã đàn ông kia bao xa nhưng nhất là cô thèm
được thoát khỏi đây đến chết đi được. Phòng thứ ba. Lần này Alex dừng lại, hụt hơi và thiếu điều ngã gục, không, cô không làm sao mà tin nổi. Cô chạy tiếp nhưng nước mắt đã trào ra, cô đã đến đầu kia của tòa nhà, trước khoảng trống hẳn là dẫn ra bên ngoài.
Đã bị xây bít lại. Bằng những viên gạch đỏ to, từ đó phơi ra những đường chỉ xi măng dùng để gắn kết chúng với nhau, xi măng không được xoa kỹ mà chỉ vội vã trét vào, để bịt lối. Alex rờ rẫm những viên gạch, chúng cũng rỉ nước. Bị nhốt kín mất rồi. Cái lạnh đột ngột ụp xuống cô, cô đấm tay vào gạch, bắt đầu hét lên, có lẽ ở bên kia bức tường người ta sẽ nghe thấy giọng cô. Cô hét lên, chẳng nghĩ ra gì nhiều. Cho tôi ra ngoài. Tôi xin đấy. Alex đập mạnh hơn nhưng cô đã kiệt sức, thế nên cô dán người sát vào tường, như vào một thân cây, như thể muốn tan biến vào nó.
Cô không hét nữa, đã mất giọng, chỉ là một lời cầu xin vướng vất lại nơi cuống họng. Cô im lặng nức nở và cứ đứng như vậy, dán chặt vào tường như một tấm áp phích. Rồi đột nhiên cô ngừng lại vì cảm thấy sự hiện diện của gã đàn ông, ở đó, ngay sau lưng cô. Hắn không hề vội vàng, hắn bình thản đi đến chỗ cô, cô nghe thấy những bước chân cuối cùng của hắn đang lại gần, cô không nhúc nhích nữa, những bước chân dừng lại. Cô nghĩ mình cảm nhận được hơi thở của hắn nhưng cái mà cô nghe thấy lại là nỗi sợ của chính mình. Hắn không nói một lời, hắn túm tóc cô, đó là cách thức của hắn, túm tóc. Cả một nắm, đầy lòng bàn tay, rồi giật thật mạnh. Cả người Alex bắn về phía sau, cô ngã ngửa ra, rơi phịch xuống, cố nén một tiếng hét. Cô sẵn sàng thề rằng mình đã bị liệt, cô bắt đầu rên rỉ nhưng hắn đã quyết định không để cô lại đó. Hắn đá một cú dữ dội vào bên sườn cô và, vì cô chưa nhúc nhích kịp, hắn đá thêm một cú nữa, còn mạnh hơn. ‘Con điếm.’
Alex hét lên, cô biết chuyện này sẽ không dừng lại, thế nên cô dồn hết
sức co quắp người lại. Tính toán ấy thật sai lầm. Chừng nào cô chưa nghe lời hắn, hắn còn đánh đập, hắn lại bồi thêm một cú đá nữa, lần này vào ngang thắt lưng, bằng mũi giày. Alex hét lên vì đau, lồm cồm chống khuỷu tay nhổm dậy, giơ tay lên ra dấu đầu hàng, cử chỉ ấy đã nói rõ: dừng lại, tôi sẽ làm những gì ông muốn. Hắn không cử động, hắn chờ đợi. Thế là Alex lảo đảo đứng dậy, xác định hướng đi, khập khễnh, thiếu điều thì ngã dúi, lảo đảo tiến lên. Cô đi không đủ nhanh thế nên hắn đá vào mông cô, cô ngã chúi về phía trước vài mét, sấp bụng xuống nhưng cô lại đứng dậy, đầu gối rướm máu, và lại bắt đầu bước đi, nhanh hơn. Thế là xong, hắn không phải đòi hỏi gì thêm nữa. Alex bỏ cuộc.
Cô bước về phía căn phòng đầu tiên, đi qua khoảng hở trên tường, giờ cô đã sẵn sàng. Hoàn toàn kiệt sức. Đến gần cái hòm lớn, cô quay về phía hắn. Hai tay buông thõng, cô đã đánh mất mọi cảm giác thẹn thùng. Cả hắn cũng không nhúc nhích. Hắn đã nói gì lúc nãy nhỉ, câu cuối cùng ấy? ‘Tao sẽ nhìn mày chết, đồ điếm bẩn thỉu.’
Hắn nhìn cái hòm. Alex cũng nhìn. Đây là điểm bước qua rồi thì không thể trở ngược được nữa. Điều cô sẽ làm, điều cô sẽ chấp nhận, là không thể đảo ngược. Không thể sửa chữa. Sẽ chẳng bao giờ cô còn có thể quay lại quá khứ được nữa. Hắn sẽ hiếp cô à? Hay giết cô? Giết cô trước hay sau? Hắn có bắt cô chịu đau đớn thật lâu không? Hắn muốn gì, tay đao phủ chẳng chịu nói năng gì này? Câu trả lời cho những câu hỏi ấy, cô sẽ có trong vài phút nữa. Chỉ còn lại một điều bí ẩn duy nhất.
“N… nói cho tôi biết…” Alex cầu khẩn. Cô thì thào, như thể muốn được nghe một lời tâm sự. “Tại sao? Tại sao lại là tôi?”
Gã đàn ông nhíu mày như thể hắn không nói được ngôn ngữ của cô và đang đoán xem câu hỏi của cô có nghĩa là gì. Một cách máy móc, Alex thò tay ra sau lưng, những ngón tay cô lướt qua mặt gỗ thô ráp của cái hòm.
“Tại sao lại là tôi?”
Gã đàn ông chậm rãi mỉm cười. Cặp môi mỏng kia…
“Bởi vì tao muốn xem mày chết, đồ điếm bẩn thỉu.”
Giọng nói đầy hiển nhiên. Có vẻ như hắn lấy làm chắc rằng mình đã trả lời câu hỏi một cách rõ ràng.
Alex nhắm mắt lại. Nước mắt trào ra. Cô những muốn nhìn thấy lại cuộc đời mình nhưng chẳng có gì hiện ra, những ngón tay cô đã thôi lướt trên mặt gỗ của cái hòm, giờ đây cô đặt cả bàn tay lên đó để ngăn mình khỏi ngã.
“Nào…” hắn nói, giọng tức tối.
Và hắn chỉ vào cái hòm.
Alex không còn là chính mình khi cô quay người lại, không còn là cô bước vào trong cái hòm, chẳng còn gì của cô trong cái cơ thể đang co quắp lại này. Cô đây, hai bàn chân chẽ ra để mỗi chân nằm trên một tấm ván, hai đầu gối khép lại giữa hai cánh tay như thể cái hòm này là nơi trú ẩn sau chót của cô, chứ không phải quan tài của cô.
Gã đàn ông tiến lại gần, ngắm nhìn cảnh tượng cô gái trần truồng đang nằm nép dưới đáy hòm. Hai mắt mở thật to, sung sướng, như nhà côn trùng học đang quan sát một loài hiếm. Hắn có vẻ toại nguyện.
Cuối cùng, hắn thở hắt ra và cầm lấy máy bắt vít.
6
Bà gác cổng để lại căn phòng cho họ sử dụng rồi đi ngủ. Bà ngáy như kéo bễ suốt đêm. Họ để lại tiền trả cho bình cà phê, Louis viết thêm vài câu cảm ơn.
Đã ba giờ. Các đội đều đã đi khỏi. Sáu tiếng sau khi xảy ra vụ bắt cóc, kết quả hẳn có thể nằm gọn trong một bao diêm.
Camille và Louis ra đến ngoài vỉa hè. Họ sẽ về nhà, tắm rửa rồi ngay sau đó gặp lại nhau.
“Đi đi,” Camille nói.
Họ đang đứng trước bến taxi. Camille từ chối đi taxi.
“Không, không, tôi sẽ đi bộ tiếp một đoạn.”
Họ chia tay nhau.
Camille đã phác họa cô gái ấy vô số lần, như ông hình dung, bước đi trên vỉa hè, ra dấu với người tài xế xe buýt, ông không ngừng vẽ đi vẽ lại bởi vì vẫn luôn luôn có một chút Irène ở trong đó. Chỉ cần nghĩ đến chuyện ấy thôi là Camille đã cảm thấy tồi tệ. Ông rảo bước chân. Cô gái này là một người khác. Đó là điều ông phải tự nhủ với mình. Nhất là khác biệt khủng khiếp này: cô ấy vẫn còn sống.
Con phố trầm lặng, xe cộ lác đác chạy qua.
Ông cố suy nghĩ theo logic. Logic, đó là thứ đã hành hạ ông ngay từ đầu. Người ta không bắt cóc ai đó một cách tình cờ, thường thì người ta
bắt cóc ai đó có quen biết. Đôi khi không biết rõ lắm nhưng biết đủ để ít nhất có được một động cơ. Thế nên, chắc chắn hắn biết cô ấy sống ở đâu. Camille cứ nhắc đi nhắc lại điều đó suốt hơn một tiếng nay. Ông bước nhanh hơn. Và nếu hắn đã không bắt cóc cô ấy ở nhà cô ấy, hoặc trước nhà cô ấy, thì là bởi vì không thể làm thế được. Ta không biết tại sao, nhưng không thể làm thế được, nếu không hắn đã không làm việc đó ở đây, trên phố, với tất tật những nguy cơ mà việc này có thể gặp phải. Thế nhưng, hắn đã làm chuyện đó ở đây.
Camille đi nhanh thêm và suy nghĩ của ông theo sát nhịp điệu. Có hai lời giải, kẻ kia đi theo cô ấy hoặc đón lõng cô ấy. Lái chiếc xe tải đi theo cô ấy à? Không. Cô ấy không lên xe buýt, cô ấy đi bộ trên vỉa hè, và hắn đi theo cô ấy trên chiếc xe tải? đi thật chậm? đợi đến thời điểm… Nghe thật là vớ vẩn.
Thế thì, hắn đã rình cô ấy. Hắn biết cô ấy, hắn biết lộ trình của cô ấy, hắn cần một nơi cho phép hắn nhìn thấy cô ấy đi đến… và chuẩn bị sẵn để vồ lấy cô ấy. Và nơi này hẳn nhiên phải nằm trước cái nơi hắn bắt cóc cô ấy bởi vì đây là đường một chiều. Hắn nhìn thấy cô ấy, cô ấy đi qua hắn, hắn đuổi kịp cô ấy, hắn bắt cóc cô ấy.
“Mình đang nhìn nhận sự việc như vậy.”
Không hiếm khi Camille tự nói chuyện với mình thành tiếng. Ông mới góa vợ chưa lâu nhưng các thói quen của đàn ông sống một mình thì hình thành nhanh lắm. Chính vì vậy mà ông đã không bảo Louis đi cùng, ông đã đánh mất phản xạ làm việc theo nhóm, quá cô độc, đã quá lâu chỉ suy tư và do vậy chỉ nghĩ đến mình. Ông đã tự vật lộn. Ông không thích mình thành ra thế này.
Ông tiếp tục đi thêm vài phút nữa, trong đầu vẫn nghiền ngẫm những ý nghĩ ấy. Ông tìm kiếm. Ông thuộc kiểu người cứ khăng khăng ngay cả khi
nhầm lẫn cho đến lúc có các sự kiện ngược lại chứng minh họ đã nhầm. Đó là một khiếm khuyết nặng nề nếu là bạn của ai đó nhưng là một phẩm chất đáng quý ở một tay cớm. Ông đi qua một phố, tiếp tục tiến lên, một phố nữa, chẳng có gì bật ra. Và rồi rốt cuộc, điều gì đó thành hình trong tâm trí ông.
Phố Legrandin. Một ngõ cụt dài chưa đầy ba mươi mét nhưng đủ rộng để xe cộ đỗ được cả hai bên lề. Nếu là kẻ bắt cóc, thì ông sẽ phải đỗ xe ở đây. Camille tiến lên rồi quay ngược về phố kia. Ở chỗ giao lộ có một tòa nhà. Tầng trệt có một hiệu thuốc.
Ông ngẩng đầu lên. Có hai máy camera chĩa xuống phía trước hiệu thuốc.
Họ nhanh chóng tìm được hình cái xe hòm màu trắng. Ông Bertignac là một người lịch sự từ trong trứng nước, kiểu thương gia rất thích giúp đỡ cảnh sát. Những người như thế lúc nào cũng khiến ông, Camille, thấy hơi căng thẳng. Trong căn phòng phía sau cửa hiệu, ông Bertignac ngồi trước một màn hình máy tính khổng lồ. Ông không có dáng vẻ thích hợp với các dược sĩ nhưng cách thức thì có. Camille có biết qua điều này, bố ông là dược sĩ. Khi về hưu, trông ông thật giống một dược sĩ về hưu. Ông đã chết cách đây gần một năm. Ngay cả khi ông đã chết, Camille vẫn không thể không thấy ông có dáng vẻ của một dược sĩ đã chết.
Vậy là ông Bertignac giúp đỡ cảnh sát. Để làm việc ấy, ông hoàn toàn sẵn lòng dậy mở cửa cho chỉ huy Verhoeven vào lúc ba rưỡi sáng. Và ông không hề thù dai, mặc dù hiệu thuốc Bertignac từng bị trộm năm lần cả thảy. Đối mặt với cơn thèm muốn vơ vét các hiệu thuốc của đám buôn ma túy, câu trả lời của ông là công nghệ. Mỗi lần bị trộm xong ông lại
mua thêm một chiếc camera. Nay đã có năm cái, hai bên ngoài, chĩa vào từng khoảng vỉa hè, ba cái còn lại bên trong. Các cuộn băng lưu được hai mươi tư tiếng, sau đó chúng tự xóa. Và ông yêu thiết bị của mình, ông Bertignac ấy. Ông quá sung sướng nên không đòi được xem lệnh mới chịu trưng bày đồ nghề của mình. Chỉ mất vài phút đã chiếu đến phần ngõ cụt do máy camera thu được và chẳng có gì nhiều, chỉ có gầm những chiếc xe đỗ dọc theo vỉa hè, những bánh xe. Và vào lúc chín giờ bốn phút, chiếc xe tải nhỏ màu trắng đỗ lại rồi tiến lên, đủ để người lái có thể nhìn toàn cảnh phố Falguière. Điều Camille hẳn sẽ thích không chỉ là giả thiết của mình được xác nhận (cái đó thì ông cũng rất thích, ông vô cùng thích mình có lý), nhưng hẳn ông còn thích nhìn được nhiều hơn, bởi vì chiếc xe, trên hình ảnh được ông Bertignac cho dừng lại, chỉ bao gồm mỗi phần dưới thùng xe và các bánh trước. Đã biết thêm về cách thức, giờ giấc của vụ bắt cóc nhưng không biết thêm được gì về kẻ bắt cóc. Thật tuyệt vọng là trên phim chẳng hề xảy ra điều gì. Không gì hết. Rút lui thôi.
Dẫu vậy, Camille vẫn chưa quyết định được là sẽ đi khỏi đây ngay. Bởi thật bực vì đã có được kẻ bắt cóc ngay trong tầm tay, thế mà cái camera này lại ngu ngốc chỉ quay mỗi một chi tiết chẳng ai thèm quan tâm đến… Chín giờ hai mươi bảy phút, chiếc xe rời khỏi ngõ cụt. Và đúng lúc ấy có lóe chớp.
“Kia!”
Ông Bertignac tự hào đóng vai kỹ sư phòng thu. Tua ngược lại. Đây rồi. Camille gí mặt vào sát màn hình, đòi phóng to ra. Ông Bertignac thực hiện liền. Vào lúc chiếc xe tiến lên để rời khỏi chỗ đỗ, nhìn phần dưới thùng xe có thể thấy rất rõ là xe đã được sơn lại, theo lối thủ công, và vẫn còn nhìn được dấu vết những chữ từng được viết ở hai bên. Nhưng không thể đọc được những chữ ấy. Nhìn chỉ thấp thoáng và, hơn thế nữa, chúng còn bị
cắt ngang bởi đã kịch chiều cao màn hình, đó là giới hạn khuôn hình của loại camera theo dõi. Camille yêu cầu in ra giấy và viên dược sĩ đã đon đả cho ông mượn ổ USB chứa đầy đủ bản sao cuộn phim. Để độ tương phản tối đa, hình ảnh in ra trông tương tự thế này:
Trông rất giống một ký hiệu morse. Phía dưới thùng xe có chỗ bị xước ra, có thể nhìn thấy vài vết sơn xanh lục nhỏ.
Bên khoa học hình sự lại có việc để làm rồi.
Rốt cuộc Camille cũng về tới nhà.
Đêm vừa rồi đã khiến ông hơi xáo trộn. Ông bước lên các bậc cầu thang. Ông sống ở tầng năm, ông không bao giờ đi thang máy, đó là vấn đề nguyên tắc.
Họ đã làm những gì có thể. Điều sắp đến bây giờ mới là khủng khiếp nhất. Chờ đợi. Ai đó thông báo về việc một phụ nữ mất tích. Có thể một ngày, hai ngày nữa, có thể hơn. Và trong thời gian đó… Khi Irène bị bắt cóc, chỉ mất chưa đầy mười tiếng là tìm được cô, đã chết. Cho đến lúc này, đã hơn nửa số thời gian ấy trôi qua. Nếu bên Lý lịch tư pháp tìm ra một dấu vết thực sự có thể dùng được thì họ đã phải biết rồi. Camille biết bản nhạc buồn và chậm này, bản nhạc của những dấu vết cần phải thu thập, cuộc chiến mòn mỏi này mất rất nhiều thời gian, làm tê liệt thần kinh con người ta.
Ông nghiền ngẫm cái đêm bất tận này. Ông đã kiệt sức. Chỉ đủ thời gian để tắm, uống vài tách cà phê.
Ông không giữ lại căn hộ từng sống chung với Irène, ông không muốn,
kể cũng hơi khó khăn khi lại thấy cô ở khắp nơi trong nhà, ở lại đó thì cần phải can đảm một cách vô tích sự, tốt hơn là đem lòng can đảm ấy dùng vào việc khác. Camille từng tự hỏi sống sau khi Irène chết có phải là vấn đề liên quan đến lòng can đảm, có phải là chuyện về ý chí. Làm thế nào để trụ vững một mình khi mà chẳng còn gì xung quanh vững vàng nữa? Ông cần ngăn không cho bản thân sụp đổ. Ông cảm thấy căn hộ ấy nhấn mình chìm sâu trong tuyệt vọng nhưng lại không đủ can đảm rời bỏ nó. Ông đã hỏi bố (dù sao thì ông ấy cũng sẽ trả lời các câu hỏi một cách rõ ràng…) rồi hỏi Louis, anh đã đáp: ‘Để giữ thì phải thả.’ Hình như đó là tư tưởng của Đạo giáo. Camille không chắc mình hiểu rõ câu trả lời.
“Như là trong Cây sồi và cây sậy*, nếu anh muốn biết.”
Camille muốn biết. Thế là ông đã bán nó đi. Từ ba năm nay, ông sống ở ke Valmy.
Ông bước vào căn hộ. Doudouche chạy ngay đến. À phải, còn có cả nó nữa, Doudouche, một con mèo cái lông vằn nhỏ bé.
“Một tay góa vợ với một con mèo,” Camille từng hỏi, “cậu không thấy như thế là hơi quá sáo mòn ư? Hình như lúc nào tôi cũng có quá nhiều thứ sáo mòn thì phải?”
“Còn tùy thuộc vào con mèo nữa chứ, phải không?” Louis đáp. Đó là toàn bộ vấn đề. Bởi tình yêu, bởi mong muốn được hài hòa, bởi bắt chước, bởi nỗi thẹn thùng, ai mà biết được, Doudouche nhỏ bé đến không thể tin nổi nếu căn cứ vào tuổi của nó. Nó có một khuôn mặt xinh xắn, những cái chân khoèo như một tay cao bồi và nó nhỏ xíu. Về điều này, ngay Louis cũng không có giả thiết nào, bí ẩn đến thế cơ mà. “Có phải cả nó cũng quá bé không?” Camille cũng từng hỏi. Tay bác sĩ thú y được hỏi thấy rất phiền khi Camille mang con mèo đến và đặt cho ông ta câu hỏi về vóc dáng.
Ông có về nhà vào giờ nào thì Doudouche cũng sẽ thức giấc, chạy ra đón ông. Đêm nay, sáng nay, Camille chỉ gãi gãi lưng nó. Không có quá nhiều nhu cầu thổ lộ tâm tình. Cho một ngày, vậy là đã quá nhiều.
Trước tiên là vụ bắt cóc một phụ nữ. Sau đó là chuyện gặp lại Louis trong hoàn cảnh ấy, phải đặt câu hỏi liệu Le Guen…
Camille đột ngột dừng lại.
“Đồ khốn.”
7
Alex đã trèo vào cái hòm, còng lưng lại, nằm co ro. Gã đàn ông đã đặt nắp lên, vít chặt vào rồi sau đó lùi lại để ngắm nghía tác phẩm của mình. Alex bầm giập từ chân đến đầu, cả người cô run rẩy. Cô thấy chuyện thật phi lý nhưng không thể chối bỏ điều hiển nhiên: trong cái hòm này, gần như cô cảm thấy được yên ổn. Như thể được ở trong chỗ trú ngụ. Những giờ vừa qua, cô không ngừng tưởng tượng xem hắn sẽ làm gì với mình, sẽ làm gì mình, nhưng ngoài những hành động tàn nhẫn hắn sử dụng để bắt cóc cô, ngoài những cái tát hắn giáng xuống cô… Thôi được rồi, những thứ đó đâu phải chuyện nhỏ, Alex vẫn còn bị đau ở đầu, vì những cái tát ấy quá mạnh, nhưng giờ thì cô đã ở đây, trong cái hòm này, toàn vẹn. Hắn đã không hiếp cô. Hắn đã không tra tấn cô. Hắn đã không giết cô. Điều gì đó bảo cô rằng ‘chưa’, Alex không muốn nghe thấy điều đó, cô coi từng giây có thêm là từng giây giành được, từng giây sắp tới vẫn còn chưa tới. Cô cố thở càng sâu càng tốt. Gã đàn ông vẫn bất động, cô nhìn thấy đôi giày công nhân to tướng của hắn, ống quần của hắn, hắn nhìn cô. ‘Tao sẽ nhìn mày chết…’ Hắn đã nói thế, đó gần như là điều duy nhất hắn nói. Là vậy ư? Hắn muốn khiến cô phải chết? Hắn muốn nhìn cô chết? Hắn sẽ giết cô như thế nào? Alex không còn tự hỏi tại sao nữa, giờ cô tự hỏi như thế nào, bao giờ.
Tại sao hắn lại căm ghét phụ nữ đến mức ấy? Hắn từng gặp chuyện gì,
để phải dựng nên một vụ việc như thế này? Để phải đánh cô mạnh đến thế? Cái lạnh không còn quá buốt nữa, nhưng với cơn mệt mỏi, những cú đánh, nỗi sợ hãi và màn đêm, Alex đông cứng người lại, cô cố đổi tư thế. Chuyện ấy không hề dễ dàng. Cô đang ngồi còng lưng xuống, đầu đặt lên hai cánh tay vốn đang ôm lấy hai đầu gối. Vừa nhổm dậy một chút để thử quay người, cô đã buột miệng hét lên. Cô vừa bị một cái dằm gỗ dài cắm vào cánh tay, tít phía trên cao, gần bả vai, cô buộc phải dùng răng rút nó ra. Không có khoảng trống. Gỗ làm hòm thô, ráp. Làm thế nào cô có thể trở mình đây, chống tay lên ư? Hay xoay mông? Trước tiên cô sẽ cố dịch chuyển hai bàn chân. Cô cảm thấy nỗi hãi hùng dâng lên trong bụng. Cô bắt đầu hét lên, cựa quậy theo đủ mọi hướng nhưng cô sợ làm mình đau với thứ gỗ không bào kỹ này, tuy nhiên cô vẫn phải cựa quậy, đến phát điên mất, cô vùng vẫy, tất tật những gì cô thu lượm được là có thêm vài xăng ti mét, cơn hoảng loạn trùm lên cô.
Khi ấy cái đầu to tướng của gã đàn ông xuất hiện trong tầm mắt cô. Đột ngột đến nỗi cô vội lùi lại ngay, khiến đầu cô đập vào thành gỗ. Hắn cúi xuống nhìn cô. Hắn ngoác miệng cười, với cặp môi mỏng dính. Một nụ cười nghiêm trang, không vui vẻ gì mà hẳn sẽ rất lố bịch nếu không mang nhiều vẻ dọa dẫm đến vậy. Cổ họng hắn phát ra một tiếng nghe như tiếng làu nhàu, vẫn không một lời, hắn gật đầu, như thể muốn nói: ‘Thế nào, mày hiểu rồi chứ?’
“Ông…” Alex mở đầu, nhưng cô không biết mình muốn nói gì với hắn, muốn hỏi hắn điều gì.
Hắn thì chỉ gật đầu, chỉ cái nụ cười đê tiện ấy. Hắn điên mất rồi, Alex tự nhủ.
“Ông điên rồi…”
Nhưng cô không kịp nói thêm, hắn vừa lùi lại, rồi bỏ đi, cô không còn
nhìn thấy hắn nữa, thế nên những cơn run rẩy của cô càng tăng thêm. Ngay khi hắn biến mất, cô đâm hoảng. Hắn sẽ làm gì đây? Cô ngoái cổ lại, chỉ nghe thấy tiếng động, từ khá xa, vang vọng trong căn phòng trống không rộng mênh mông này. Trừ mỗi việc giờ đây, nó động cựa. Cái hòm khẽ rung lên. Có tiếng gỗ răng rắc. Qua khóe mắt, sau khi cố hết sức vặn mình, cô nhìn thấy sợi dây phía trên. Lúc trước cô đã không nhìn thấy nó. Nó thòng vào nắp hòm. Alex vặn vẹo để có thể thò tay lên phía trên, luồn qua khe hở: một cái vòng thép, cô tóm được nút thắt của sợi dây, một nút thắt rất lớn, siết chặt.
Sợi dây rung lên và căng ra, cái hòm như thể buột ra một tiếng hét, nó được nâng bổng lên, rời khỏi mặt đất và bắt đầu chao đảo, chầm chậm xoay quanh. Gã đàn ông lại xuất hiện trong tầm mắt cô, cách cô chừng bảy hay tám mét, đứng gần bức tường, hắn đang kéo mạnh sợi dây được tròng qua hai ròng rọc. Cái hòm đi lên rất êm, gây cảm giác nó sắp lật nhào đến nơi, Alex không cựa quậy, gã đàn ông nhìn cô. Khi cô ở cách mặt đất khoảng một mét rưỡi, hắn dừng lại, buộc cố định sợi dây, đến chỗ đống đồ ở gần khoảng hở trên tường lục lọi, rồi quay trở lại.
Họ đối diện với nhau, ngang tầm mắt nhau, và có thể nhìn vào mắt nhau. Hắn rút điện thoại di động ra. Để chụp ảnh cô. Hắn chọn góc, di chuyển, lùi lại, hắn chụp một, hai, ba lần… rồi kiểm tra các bức ảnh, xóa đi những bức hắn thấy chưa đạt. Sau đó, hắn quay lại chỗ gần bức tường, cái hòm lại lên tiếp, giờ đây cô ở cách mặt đất hai mét.
Gã đàn ông buộc sợi dây lại, thấy rõ là hắn đang rất hài lòng với bản thân. Hắn khoác áo vest vào, vỗ vỗ lên mấy cái túi để kiểm tra xem có quên gì không. Alex như thể không còn tồn tại nữa, hắn chỉ thoáng liếc nhìn cái hòm lúc đi khỏi. Thực sự hài lòng với tác phẩm của mình. Như thể hắn đang rời căn hộ của mình để đi làm.
Hắn đi khỏi.
Im lìm.
Cái hòm nặng nề đung đưa ở đầu sợi dây. Một luồng gió lạnh xoáy đến thành từng đợt phủ lên cơ thể đã đờ ra của Alex.
Cô chỉ còn một mình. Trần truồng, bị nhốt kín. Khi ấy đột nhiên cô hiểu ra.
Đó không phải là một cái hòm.
Đó là một cái lồng.
8
“Đồ khốn…”
‘Sao cứ phải chửi bậy ngay thế…’, ‘Đừng quên tôi là sếp của anh!’, ‘Thế anh sẽ làm gì nếu ở vào vị trí của tôi?’, ‘Bổ sung vốn từ vựng đi, nghe anh nói mệt quá rồi đấy.’ Theo năm tháng, sếp cẩm Le Guen đã thử đủ mọi phương cách với Camille, hoặc gần như vậy. Thay vì cứ không ngừng dùng lại các mẫu câu có sẵn, ông chẳng thèm đáp nữa. Và thế là chơi được Camille, người thường cứ thế lao thẳng vào phòng làm việc mà chẳng buồn gõ cửa rồi đứng sững trước sếp mình. Trong trường hợp tốt đẹp nhất, sếp cẩm nhún vai, vẻ chấp nhận số phận; còn trong trường hợp tệ hại nhất, ông cụp mắt xuống, vờ vịt tỏ vẻ ăn năn. Không nói một lời, như một cặp đôi đã già, những gã đàn ông ở tuổi năm mươi mà vẫn còn độc thân thì thất bại quá còn gì. Nói cho đúng ra là không có phụ nữ. Camille thì góa vợ. Còn Le Guen thì đã xong xuôi lần ly hôn thứ tư hồi năm ngoái. ‘Lạ thật đấy, cứ như thể anh luôn cưới cùng một người phụ nữ ấy,’ lần gần đây nhất Camille đã nói thế với ông. ‘Thế anh muốn gì nào, người ta phải có thói quen chứ,’ Le Guen đáp. ‘Anh sẽ nhận ra là tôi cũng chưa hề đổi người làm chứng, lần nào cũng là anh hết!’ Và ông nói thêm, giọng càu nhàu: ‘Thêm nữa, thay đổi hay cứ lấy cùng một phụ nữ thì có khác quái gì nhau đâu,’ qua đó mà chứng tỏ rằng ở địa hạt nhẫn nhục, ông quyết không chịu thua một ai.
Việc không còn cần phải nói chuyện mới hiểu được nhau là lý do đầu tiên khiến Camille không tấn công Le Guen vào sáng hôm nay. Ông gạt sang một bên trò mèo của sếp cẩm, lẽ dĩ nhiên ông ấy hoàn toàn có thể giao việc này cho một người khác nhưng lại làm ra vẻ mình không còn một ai để dùng. Điều khiến Camille choáng váng nằm ở chỗ lẽ ra ông đã phải ngay lập tức nhận ra, thế nhưng ông lại chẳng hề thấy. Như thế thật lạ và, còn hơn thế, thật đáng ngờ. Lý do thứ hai là ông không hề ngủ, ông kiệt sức và chẳng còn hơi đâu mà phung phí bởi ông còn phải chịu đựng thêm cả một ngày dài nữa trước khi chuyển được vụ này sang cho Morel.
Lúc đó là bảy rưỡi sáng. Các nhân viên mệt mỏi đi từ phòng này sang phòng khác, í ới nói chuyện, những cánh cửa mở ra, nghe có tiếng la hét, trong các hành lang nhiều người đang chờ đợi, vẻ nhớn nhác, Sở vừa kết thúc một đêm cũng trắng như bao đêm khác.
Louis đến. Cũng không ngủ. Camille thoáng nhìn anh. Bộ com lê Brooks Brothers, cà vạt Louis Vuitton, giày Finsbury; lúc nào cũng giản dị thế đấy. Đôi tất thì Camille còn chưa thể nói gì và, dù thế nào đi nữa, ông cũng không rành mảng này. Louis rất sang trọng nhưng, mặc dù đã cạo râu đâu vào đấy, trông mặt anh vẫn đầy vẻ mệt mỏi.
Họ bắt tay nhau như vào một buổi sáng bình thường, như thể họ chưa từng bao giờ ngừng làm việc chung. Kể từ khi gặp lại vào đêm qua, họ chưa thực sự nói chuyện với nhau. Không hề gợi lại chút gì về bốn năm vừa qua. Chẳng có gì bí mật cả, không, mà là do lúng túng, do những nỗi đau và rồi, có thể nói gì trước một thất bại như thế đây? Louis và Irène từng rất quý nhau. Camille nghĩ rằng Louis cảm thấy mình cũng có trách nhiệm trong việc cô bị sát hại. Louis không vờ tỏ ra cũng buồn khổ như Camille nhưng anh có nỗi buồn khổ riêng. Điều đó không thể thổ lộ được. Xét cho cùng, họ đã cùng bị một thảm họa quật ngã, nó đã làm cả hai mất
khả năng nói năng. Vả chăng hai người đều choáng váng, nhưng lẽ ra họ phải nói chuyện với nhau. Họ đã không làm được như vậy rồi, dần dà, họ vẫn tiếp tục nghĩ đến nhau, nhưng đã ngừng gặp nhau.
Những kết luận đầu tiên của bên Lý lịch tư pháp không mấy khích lệ. Camille lật nhanh bản báo cáo, đọc xong trang nào thì đưa trang nấy cho Louis. Lốp xe thuộc loại thông dụng nhất, chắc phải được dùng cho khoảng năm triệu chiếc xe. Chiếc xe tải thì thuộc loại vô cùng thông thường. Bữa ăn cuối cùng của nạn nhân gồm có rau, thịt đỏ, đậu, rượu vang trắng, cà phê, với cái mớ ấy thì…
Họ đứng trước tấm bản đồ lớn trong phòng làm việc của Camille. Điện thoại đổ chuông.
“A, Jean đấy à,” Camille nói, “anh gọi đúng lúc lắm.”
“Ừ, chào anh thêm lần nữa nhé,” Le Guen đáp.
“Tôi cần khoảng mười lăm nhân viên.”
“Tuyệt đối không thể được.”
“Tốt nhất là phụ nữ nhé.”
Camille ngừng vài giây để suy nghĩ thêm.
“Tôi cần họ ít nhất hai ngày. Có thể là ba ngày, nếu đến lúc đó vẫn chưa tìm được cô gái. Và thêm một chiếc xe nữa nhé. Không, hai xe đi.” “Nghe này…”
“Và tôi muốn có Armand.”
“Được, Armand thì được, tôi cử cậu ấy đến ngay đây.”
“Cảm ơn vì mọi chuyện nhé, Jean,” Camille nói rồi dập máy luôn. Rồi ông quay lại với tấm bản đồ.
“Ta sẽ có những gì?” Louis hỏi.
“Một nửa chỗ ấy. Cộng thêm Armand nữa.”
Camille vẫn nhìn chăm chăm vào tấm bản đồ. Có cố lắm, giơ cả tay lên
thì ông cũng chỉ có thể chạm tới quận sáu. Để với được đến quận mười chín, ông phải đứng lên ghế. Hoặc cầm một cái que. Nhưng cầm que thì trông giống một tay giáo sư lắm. Theo năm tháng, ông đã nghĩ đến nhiều chiêu để đối phó với tấm bản đồ này. Treo nó thấp hết mức, đặt luôn nó xuống sàn nhà, cắt nó ra thành từng mảnh rồi dán lại thành hàng… ông đã không sử dụng cách nào bởi vì tất cả những giải pháp cho vấn đề chiều cao của ông lại đặt ra vấn đề cho những người khác, theo chiều ngược lại. Thế nên, cũng như ở nhà, cũng như bên Viện Pháp y, cả ở đây ông cũng có các loại dụng cụ của riêng mình, về ghế thấp, thang, kệ, thang gấp, ông là một chuyên gia. Trong văn phòng của mình, để làm việc với đống hồ sơ, tài liệu lưu trữ, đồ đạc và giấy tờ kỹ thuật, ông chọn một cái thang nhôm nhỏ, hẹp, cỡ trung và để dùng tấm bản đồ Paris thì có một cái ghế loại dùng trong thư viện, có thể di chuyển và đứng im khi ta trèo lên trên. Camille kéo nó lại gần rồi leo lên. Ông quan sát các trục đường dẫn tới địa điểm xảy ra vụ bắt cóc. Họ sẽ tổ chức các đội rà soát toàn bộ khu vực, vấn đề là phải xác định phạm vi hoạt động. Ông chỉ vào một khu phố, đột nhiên nhìn xuống chân, suy nghĩ, rồi quay sang Louis hỏi:
“Trông tôi rất giống một tay tướng ngu xuẩn, cậu có thấy vậy không?” “Tôi cứ tưởng trong đầu anh, ‘một tay tướng’ thì đã có nghĩa là ‘ngu xuẩn’ rồi cơ mà.”
Họ nói đùa nhưng thật ra, họ đâu có nghe nhau nói. Cả hai đều mải suy nghĩ.
“Dù gì thì…” Louis tư lự nói. “Gần đây không có chiếc xe tải nào thuộc loại này bị ăn cắp. Trừ phi hắn đã chuẩn bị cho việc này từ nhiều tháng trước, còn không thì dùng xe của mình đi bắt cóc một cô gái, như thế quá sức mạo hiểm.”
Một giọng nói cất lên sau lưng họ.
“Có thể thằng cha đó quá đần…”
Camille và Louis quay đầu lại. Đó là Armand.
“Đần thì lại rất khó đoán,” Camille mỉm cười nói. “Như thế thì mọi việc sẽ lại càng khó khăn hơn nữa.”
Họ bắt tay nhau. Armand từng làm việc với Camille hơn mười năm, trong đó có chín năm rưỡi dưới quyền ông. Đó là một tay gầy khủng khiếp, mang vẻ ngoài buồn thảm và mắc chứng keo kiệt bệnh lý, nó gây hoại thư cả cuộc đời anh. Mỗi giây phút sống ở trên đời Armand đều hướng đến sự tiết kiệm. Giả thiết của Camille là anh sợ chết. Louis, người từng học gần như đủ mọi thứ mà người ta có thể học, xác nhận rằng điều đó hoàn toàn có thể, xét từ phương diện phân tâm học. Camille rất tự hào vì trở thành một lý thuyết gia giỏi trong một bộ môn mà ông hoàn toàn mù tịt. Về mặt chuyên môn, Armand là một con kiến không biết mệt mỏi. Hãy đưa cho anh ta niên giám điện thoại Bottin của bất kỳ thành phố nào rồi một năm sau đó gặp lại anh ta, anh ta hẳn đã kiểm tra xong tất tật các thuê bao.
Armand vẫn luôn ngưỡng mộ Camille hết sức. Lúc họ mới bắt đầu làm cùng nhau, khi biết rằng mẹ của Camille là một họa sĩ lừng danh, niềm ngưỡng mộ của anh biến thành sự cuồng nhiệt. Anh cắt báo sưu tầm mọi thứ liên quan đến bà. Trong máy vi tính của anh có bản sao mọi tác phẩm của bà mà ta có thể tìm thấy trên Internet. Khi biết rằng chính thói nghiện thuốc lá hãi hùng của bà mẹ khiến Camille phải mang vóc dáng dị dạng như vậy, Armand vô cùng bối rối. Anh đã cố dung hòa niềm ngưỡng mộ một họa sĩ mà anh không hiểu tác phẩm nhưng lại ngưỡng mộ danh tiếng với nỗi căm hận mà ta có thể dành cho một người đàn bà ích kỷ nhường ấy. Nhưng hai tình cảm quá mức trái ngược này đã thắng được logic trong anh. Người ta bảo anh vẫn đang tìm cách. Tuy nhiên, điều đó mạnh hơn anh, anh không thể tự ngán mình, cứ mỗi khi tin tức thời sự có gì đó liên
quan đến tên tuổi hay một tác phẩm của Maud Verhoeven là Armand lại sướng điên.
“Lẽ ra cậu phải là con trai bà ấy mới đúng,” một lần Camille vừa ngước lên nhìn Armand vừa bảo thế.
“Đòn hạ cấp quá đấy,” Armand lẩm bẩm, vốn dĩ ở anh cũng có khiếu hài hước.
Khi Camille phải ngừng làm việc, cả anh cũng từng đến thăm ông ở bệnh viện. Anh đợi xem có ai đi xe đến nơi nào đó không cách xa bệnh viện lắm để xin đi nhờ, đỡ phải trả tiền tàu xe, anh đi tay không đến, mỗi lần lại viện ra một cái cớ khác nhau, nhưng anh từng đến. Tình trạng của Camille khiến anh choáng váng. Nỗi khổ sở của anh rất thật. Ta làm việc nhiều năm, nhiều năm liền với người khác, rồi rốt cuộc té ra ta chẳng hề hiểu họ. Chỉ cần xảy ra một vụ tai nạn, một bi kịch, một căn bệnh, một cái chết, thế rồi ta phát hiện những gì biết về họ chẳng qua chỉ đơn thuần là những thông tin hoàn toàn ngẫu nhiên. Armand cũng có những điểm rất hào phóng, mặc dù nói vậy nghe hơi điên. Chắc chắn chuyện không bao giờ liên quan đến tiền rồi, phải không được phép khiến anh tốn tiền cơ, nhưng, theo cách của mình, anh cũng hết sức rộng rãi. Ở Đội, sẽ chẳng ai tin điều đó, nói một điều tương tự sẽ khiến tất cả những ai từng bị anh moi tiền mười lần, nghĩa là mọi người, cười rũ ra.
Khi anh đến bệnh viện thăm ông, Camille đưa tiền nhờ anh đi mua cho ông một tờ báo, hai cốc cà phê ở máy tự động và một quyển tạp chí. Armand giữ lại tiền thừa. Và khi cuộc thăm hỏi đã xong xuôi, đứng từ cửa sổ nhìn ra, ông trông thấy Armand dưới bãi đỗ xe, hỏi những người đến thăm bệnh nhân sắp rời bệnh viện xem có ai nhận đưa mình về đến quãng nào gần nhà rồi sau đó đi bộ nốt.
Dẫu sao cũng thật đau lòng khi lại cùng nhau thế này, bốn năm sau.
Trong ê kíp ban đầu, chỉ thiếu mỗi Maleval. Bị đuổi khỏi ngành cảnh sát. Bị tạm giam nhiều tháng. Chuyện xảy ra với cậu ta*… Camille nghĩ Louis và Armand thỉnh thoảng vẫn gặp cậu ta. Ông thì không thể.
Cả ba đứng trước tấm bản đồ Paris lớn, không nói gì và dần dà cảnh tượng trông thật giống một buổi cầu kinh vờ vịt, Camille thở hắt ra. Ông chỉ vào bản đồ.
“Được rồi. Louis, ta sẽ làm như đã nói. Cậu đưa mọi người đến hiện trường. Ta tiến hành theo phương pháp chải răng lược.”
Ông quay sang Armand.
“Còn cậu, Armand, một chiếc xe tải màu trắng loại hết sức thông thường, dùng loại lốp phổ biến, nạn nhân thì đã ăn một bữa rất vớ vẩn, một vé tàu điện ngầm… Cậu sẽ phải lọc nhiều thông tin đấy.” Armand gật đầu.
Camille nhặt chùm chìa khóa. Vẫn còn phải đương đầu với một ngày nữa, trước khi Morel quay về.
9
Lần đầu tiên hắn quay trở lại, trái tim Alex chao đảo. Cô nghe thấy tiếng hắn nhưng không thể quay đầu nhìn. Bước chân hắn nặng nề, chậm chạp và vang vọng như một lời đe dọa. Từng giờ từng phút trước đó Alex đều mường tượng ra cảnh hắn đến, thấy mình bị hiếp, bị đánh, bị giết.
Cô đã thấy cái lồng được hạ xuống, cô đã cảm thấy gã đàn ông túm lấy vai cô, lôi cô ra khỏi lồng, tát cô, vặn vẹo người cô, cưỡng ép cô, đi vào cô, làm cô hét lên, giết cô. Đúng như hắn đã hứa. ‘Tao sẽ nhìn mày chết, đồ điếm bẩn thỉu.’ Khi coi một phụ nữ là đồ điếm bẩn thỉu thì tức là người ta muốn giết họ, đúng không nhỉ?
Chuyện ấy còn chưa xảy ra. Hắn chưa chạm vào cô, có lẽ bởi vì trước hết hắn muốn tận hưởng khoảng chờ đợi này đã. Nhét cô vào lồng như thế, mục đích của hắn là biến cô thành một con vật, làm nhục cô, thuần hóa cô, cho cô thấy hắn là ông chủ. Chính vì thế mà hắn đã đánh cô dữ dội đến vậy. Những ý nghĩ này, rồi thêm vô vàn ý nghĩ còn khủng khiếp hơn, ám ảnh cô. Chết không phải chuyện nhỏ. Nhưng chờ đợi cái chết thì…
Alex luôn tự hứa sẽ thầm ghi lại trong đầu những lúc hắn đến, nhưng các điểm mốc nhanh chóng trở nên rối mù. Sáng, ngày, tối, đêm, tất tật tạo thành một chuỗi thời gian liên tiếp, trong đó tâm trí cô mỗi lúc một thấy khó tìm ra con đường của mình hơn.
Khi đến, lúc đầu hắn đứng bên dưới lồng, hai tay đút túi áo, hắn nhìn cô
một lúc lâu, rồi hắn bỏ cái áo bu dông da xuống đất, hạ cái hòm xuống ngang tầm mắt, rút điện thoại di động ra, chụp ảnh rồi dịch ra vài mét, nơi hắn để mọi thứ đồ nghề, khoảng một chục chai nước, đống túi ni lông và quần áo của Alex, vứt dưới sàn, cô thấy thật đau khổ khi vừa bị nhốt vừa phải nhìn thấy chúng, gần như ngay trong tầm tay. Hắn ngồi xuống. Hắn chỉ nhìn cô, vào lúc này hắn không làm việc gì khác nữa. Cứ như thể hắn đang chờ đợi điều gì đó, có điều hắn không nói đó là gì.
Và rồi cô chẳng biết sao mà đột nhiên hắn lại quyết định đi nhưng hắn bỗng đứng dậy, vỗ đùi như để tự khích lệ, treo cái lồng lên cao rồi, sau khi nhìn lại lần cuối, hắn đi.
Hắn không nói gì. Alex đã đặt cho hắn nhiều câu hỏi, nhưng không nhiều quá bởi vì cô không muốn làm hắn giận, hắn chỉ đáp đúng một lần, thời gian còn lại hắn không nói gì, thậm chí còn có thể nói rằng hắn chẳng nghĩ đến điều gì, chỉ chằm chằm nhìn cô. Và điều hắn nói là: Tao sẽ nhìn mày chết.
Tư thế của Alex là không thể chịu đựng nổi, đúng theo nghĩa đen. Không thể đứng vì cái lồng không đủ cao. Lại không đủ dài để nằm ra. Ngồi thì cái nắp quá thấp. Cô đành thu mình vào, gần như cuộn hẳn người lại. Nỗi đau đớn nhanh chóng trở nên không thể chịu đựng nổi. Cơ bắp đờ ra, các khớp như đông cứng lại, mọi thứ tê dại, mọi thứ đều nghẽn lại, mà đấy là còn chưa kể đến cái lạnh. Toàn thân cô cứng đơ và, vì Alex không thể cựa quậy nên tuần hoàn máu bị chậm lại, khiến cho nỗi đau do cơ căng cứng vốn đã thường trực lại càng tăng thêm. Nhiều hình ảnh xuất hiện trở lại trong tâm trí cô, các sơ đồ cô từng nhìn thấy hồi còn học y tá, các cơ bị teo, các khớp đơ ra, xơ cứng lại, đôi khi cô nghĩ mình đang dự phần vào quá trình băng hoại của cơ thể mình, cứ như thể cô là nhân viên chụp X quang, rằng cơ thể này không còn là của cô và cô hiểu tâm trí mình đang bị
chia đôi, một nửa ở đây, nửa kia không ở đây, đang sống ở nơi khác, nguy cơ sắp phát điên đang rình rập cô và sẽ là kết quả cơ học của cái tư thế khủng khiếp, phi nhân tính này.
Cô đã khóc rất nhiều nhưng sau đó, nước mắt cô đã cạn. Cô ngủ ít, không thể ngủ được lâu vì cơ bị căng cứ liên tục khiến cô thức giấc. Những cơn chuột rút đau thấu xương đầu tiên xuất hiện đêm trước, cô choàng tỉnh hét lên, cả chân vặn xoắn khủng khiếp. Để tìm cách làm giãn cơ, cô lấy hết sức đạp mạnh chân vào các tấm ván, như thể muốn làm cái lồng vỡ tung. Cơn chuột rút dần thuyên giảm nhưng cô biết mình đã cố gắng vô ích. Nó sẽ quay lại như đã đi. Tất tật những gì cô thu được là cái lồng bắt đầu đung đưa. Khi đã bắt đầu đung đưa, phải rất lâu nó mới ổn định trở lại. Sau một lúc thì thật không thể chịu nổi. Alex đã trải qua nhiều giờ với nỗi ám ảnh cơn chuột rút kia sắp quay lại. Cô săm soi từng bộ phận trên người nhưng càng nghĩ đến, cô càng thấy đau hơn.
Trong những lần hiếm hoi chợp mắt được, cô mơ thấy mình bị cầm tù, bị chôn sống, hay dìm xuống nước, những lúc không phải cơn chuột rút hay cái lạnh hoặc nỗi sợ làm cô thức giấc thì lại chính là những cơn ác mộng. Giờ đây, vì trong suốt nhiều chục tiếng đồng hồ chỉ nhúc nhích vài xăng ti mét, người cô cứ liên tục giật nẩy lên, cứ như thể các cơ của cô đang diễn lại các chuyển động, đó là những phản ứng co thắt mà cô không thể làm gì để tránh được, tay chân cô đập mạnh vào thành lồng, cô hét lên. Cô sẵn sàng chấp nhận bị đày đọa để có thể nằm duỗi mình ra, chỉ để nằm dài ra, dẫu chỉ một tiếng đồng hồ.
Vào một trong những lần đầu quay trở lại, hắn dùng một sợi dây khác kéo lên ngang tầm cái lồng một giỏ mây, nó chao đảo một lúc lâu rồi mới chịu đứng yên. Mặc dù nó ở không hề xa, Alex đã phải vận dụng tất tật kho ý chí của mình, đã để tay mình bị cào xước khi luồn qua kẽ hở giữa những
thanh gỗ hòng với được một phần những gì đựng trong giỏ, một chai nước và mấy viên đồ ăn cho thú nuôi. Cho chó hoặc cho mèo. Alex không hề khăn khò mà vồ lấy ngay, chẳng suy nghĩ gì. Và gần như uống một hơi cạn ngay chai nước. Mãi sau cô mới tự hỏi không biết hắn có cho thứ gì vào đó không. Cô lại bắt đầu run rẩy nhưng không thể biết vì sao lại run, vì lạnh, vì kiệt sức, vì khát, vì sợ… Mấy viên thức ăn chỉ khơi dậy cơn khát trong cô chứ không thực sự làm cô no. Cô cố động đến chúng càng ít càng tốt, chỉ những lúc nào bị cái đói cào xé. Và rồi, còn phải đi tiểu nữa, lại còn… Thoạt đầu, cô thấy xấu hổ, nhưng biết làm thế nào đây? Nó rơi bẹt xuống sàn nhà chỗ ngay phía dưới cái lồng, như phân của một con chim khổng lồ. Cảm giác ngượng ngùng nhanh chóng trôi qua, nó chẳng nhằm nhò gì so với nỗi đau đớn, chẳng nhằm nhò gì so với nỗi ám ảnh phải sống như thế này hàng nhiều ngày trời, không thể nhúc nhích, không thể động cựa, không biết hắn sẽ còn giữ mình thêm bao lâu nữa, nếu quả thật hắn có chủ ý bắt cô phải chết ở đây, như thế này, trong cái lồng này. Cứ theo cách này thì phải mất bao nhiêu thời gian ta mới chết?
Những lần đầu, khi hắn tới, cô cầu xin hắn, cô xin lỗi hắn, cô cũng chẳng biết tại sao mình xin lỗi nữa, và thậm chí, có một lần cô còn buột miệng đề nghị hắn giết cô đi. Cô đã không ngủ suốt nhiều tiếng đồng hồ liền, cơn khát giày vò cô, cô nôn ra đống thức ăn cho thú nuôi tuy rằng trước đó đã nhai rất kỹ, cô ngửi thấy mùi nước tiểu và mùi đống nôn mửa, tư thế gò bó khiến cô phát điên, vào lúc này, với cô dường như cái chết là thứ đáng mong chờ hơn cả. Ngay lập tức, cô thấy tiếc lời vừa thốt vì thật ra cô không muốn chết, không phải lúc này, cô chưa từng hình dung cái kết của cuộc đời mình như thế này. Cô còn biết bao điều phải làm. Nhưng cô có nói gì, có đề nghị gì, thì gã đàn ông cũng không bao giờ đáp lại.
Trừ một lần.
Alex đã khóc rất nhiều, cô kiệt sức, cô cảm thấy tâm trí mình bắt đầu lơ mơ, rằng đầu óc mình đang trở thành một electron tự do, không kiểm soát, không kết nối, không điểm định vị. Hắn hạ cái lồng xuống để chụp ảnh và Alex cất lời, có lẽ là lần thứ một nghìn:
“Tại sao lại là tôi?”
Gã đàn ông ngẩng đầu lên, như thể hắn chưa từng bao giờ tự đặt cho mình câu hỏi ấy. Hắn nghiêng người xuống. Qua các thanh gỗ, mặt họ chỉ còn cách nhau vài xăng ti mét.
“Bởi vì… bởi vì đó là mày.”
Câu nói làm Alex chấn động. Cứ như thể mọi thứ đột ngột ngưng lại, như thể Chúa đã gạt cầu dao điện, cô không còn cảm thấy gì nữa, cả những cơn chuột rút, cả cơn khát, cả những đau đớn trong dạ dày, cũng như đám xương cốt lạnh thấu tủy, mọi thứ hướng hết về điều hắn sẽ trả lời.
“Ông là ai?”
Hắn chỉ mỉm cười. Có lẽ hắn không quen nói nhiều, có lẽ chỉ vài từ kia thôi đã làm hắn kiệt sức. Hắn kéo cái lồng lên, rất nhanh, cầm lấy áo bu dông rồi đi khỏi mà không buồn nhìn lại, thậm chí hắn còn có vẻ nổi giận. Chắc hẳn hắn đã nói nhiều hơn mình muốn.
Lần ấy, cô không động đến đống thức ăn nữa, hắn vừa mới đổ thêm vào, cô chỉ với lấy chai nước và uống thật tiết kiệm. Cô muốn suy nghĩ về điều hắn vừa nói nhưng khi ta phải chịu đau đớn nhường ấy, làm sao còn nghĩ được đến thứ gì khác nữa?
Nhiều tiếng đồng hồ liền cô thò tay lên phía trên, bàn tay nắm chặt, vuốt ve cái nút buộc khổng lồ ở đầu sợi dây treo cái lồng. Một nút buộc to bằng nắm tay cô, chặt đến không thể tin nổi.
Đêm tiếp theo, Alex rơi vào một dạng hôn mê. Tâm trí cô không còn chuyên chú vào điều gì nữa, cô có cảm giác toàn bộ cơ bắp mình đã tan
chảy, rằng cô không còn gì khác ngoài đống xương cốt, rằng tất cả với cô giờ chỉ còn là một cảm giác cứng nhắc hoàn toàn, một cơn co cứng khủng khiếp từ chân lên đầu. Cho tới lúc này, cô vẫn giữ được kỷ luật, những bài thể dục nhẹ nhàng cô tập gần như mỗi tiếng một lần. Trước tiên là ngọ nguậy các ngón chân, rồi hai mắt cá chân, quay theo một hướng ba lần, rồi ba lần sang hướng ngược lại, sau đó tiến lên tiếp, đến bắp chân, gồng bắp chân lên, thả lỏng, lại gồng, cả hai bên, duỗi chân bên phải dài hết mức, thu nó lại, rồi lại bắt đầu, ba lần, v.v… Nhưng lúc này, cô chẳng còn biết mình mơ thấy những bài thể dục đó hay đã thực sự tập. Điều khiến cô tỉnh dậy là những tiếng rên rỉ. Đến mức cô đã nghĩ là của một người khác, một giọng nói bên ngoài cô. Những tiếng rên buột lên từ bụng, những thanh âm mà cô không nhận biết được. Dù cho đã tỉnh hẳn, cô vẫn không sao ngăn được những tiếng rên rỉ này thoát ra từ trong mình, theo nhịp thở của cô.
Alex đã chắc chắn về điều đó. Cô đã bắt đầu chết.
10
Bốn ngày. Cuộc điều tra giẫm chân tại chỗ đã bốn ngày nay. Các phân tích đều vô vọng, những lời chứng chẳng mang lại điều gì. Đây đó người ta từng nhìn thấy chiếc xe tải màu trắng, nhưng ở chỗ khác nó lại màu xanh. Xa hơn nữa, người ta cứ tưởng có một phụ nữ mất tích, một người hàng xóm, rồi khi gọi cho cô ta thì hóa ra cô ta đang ở chỗ làm. Một phụ nữ khác đã bắt đầu được điều tra mất tích thì lù lù từ nhà chị gái về, người chồng thì không hề biết vợ mình có chị gái, loạn xạ hết cả…
Công tố viên đã chỉ định một thẩm phán, một tay còn trẻ rất năng nổ, thuộc cái thế hệ lúc nào cũng thích nhoắng lên. Báo chí thì gần như không nhắc đến, sự việc được nêu lên rồi ngay lập tức bị phủ kín bởi con lũ tin tức thường ngày. Kết quả là vẫn chưa khoanh vùng được kẻ bắt cóc, mà cũng vẫn chưa biết được nạn nhân là ai. Mọi thông báo mất tích đều đã được kiểm tra, nhưng không ai có thể là cô gái ở phố Falguière. Louis đã mở rộng cuộc tìm kiếm ra toàn khu vực, anh còn xem lại cả những vụ mất tích những ngày trước đó, rồi những tuần trước đó, những tháng trước đó, vẫn vô vọng, Chẳng có gì tương ứng với một cô gái, còn trẻ và được cho là xinh đẹp, với một lộ trình có khả năng đi qua phố Falguière ở quận mười lăm Paris.
“Tức là chẳng một ai biết cô gái này? Chẳng ai thấy lo lắng vì đã không gặp cô ấy từ bốn ngày nay?”
Đã gần mười giờ tối.
Họ ngồi trên băng ghế nhìn ra dòng kênh. Một hàng cớm ngay ngắn. Camille để phòng làm việc lại cho nhân viên tập sự mới rồi dẫn Louis và Armand đi ăn tối. Về chuyện quán ăn, ông không tưởng tượng được cũng như chẳng nhớ nổi để mà có được trong đầu một địa chỉ tốt, đây lúc nào cũng là vấn đề quá khó. Hỏi Armand thì thật ngốc, cậu ta đã không đi ăn quán từ lần gần đây nhất được mời, quán ấy hẳn đã đóng cửa từ đời nào rồi. Về phần Louis, những gì anh ta có thể gợi ý đều nằm ngoài khả năng chi trả của Camille. Tối đến, căng tin của anh là Taillevent hoặc Ledoyen. Thế nên, Camille đành tự quyết định. Quán La Marine, trên ke Valmy, gần như ngay bên dưới tòa nhà ông ở.
Lẽ ra họ phải có nhiều điều để nói với nhau. Khi còn làm chung với nhau, những hôm công việc kết thúc muộn, không hiếm lần họ cùng ăn tối trước khi ai về nhà nấy. Quy định luôn luôn là Camille trả tiền. Theo ông, để Louis thanh toán thì sẽ là bất nhã với những người khác, sẽ nhắc nhở họ rằng mặc dù ăn lương công chức, với anh tiền không phải là vấn đề. Với Armand thì thậm chí chẳng ai còn nghĩ đến chuyện này, khi nào rủ Armand đi ăn tối cùng thì đều có nghĩa người rủ sẽ trả tiền, về phần Maleval, cậu ta lúc nào cũng có vấn đề về tiền bạc, và ta đã biết chuyện kết thúc thế nào.
Tối hôm ấy, Camille thích được trả tiền, ông không nói gì nhưng thấy sung sướng vì có hai nhân viên của mình ở bên. Chuyện thật bất ngờ. Mới ba hôm trước đó, thậm chí ông còn không tưởng tượng ra nổi chuyện ấy. “Tôi không hiểu nữa…” ông nói.
Bữa tối xong đã lâu, họ qua bên kia phố, bước đi dọc con kênh, ngắm nhìn tàu thuyền neo đậu ở đó.
“Cùng làm với cô ấy, không có ai à? Không có chồng, chồng chưa cưới, bạn trai, bạn gái, không ai hết cả à? Không người thân? Vả lại, trong
một thành phố như thế này, vào cái thời này, việc chẳng có ai lên tiếng…” Cuộc nói chuyện hôm nay cũng giống mọi cuộc trò chuyện của họ trước đây, điểm xuyết bằng những quãng im lặng kéo dài. Mỗi người một kiểu im lặng, tư lự, suy tính hoặc tập trung.
“Thế anh thì có phải ngày nào anh cũng hỏi thăm bố không?” Armand hỏi.
Dĩ nhiên là không, thậm chí còn không được ba ngày một lần, nếu giả dụ bố ông chết bất đắc kỳ tử ở nhà thì chắc phải đến một tuần mới… Bố ông có một bà bạn gái hay qua lại, chính bà tìm thấy ông ấy đã chết, rồi thông báo. Camille đã gặp bà hai hôm trước lễ tang, bố ông từng lơ đãng nhắc đến bà, như thể đó chỉ là một mối quan hệ thoáng qua. Thế mà đã phải mất đến ba chuyến xe mới chở hết được mọi thứ bà để ở nhà ông ấy về lại nhà mình. Đó là một người đàn bà nhỏ nhắn, tươi tắn như một quả táo, gần như hồng lựng, với những nếp nhăn, những nếp nhăn ấy trông thật trẻ trung. Người bà tỏa ra mùi oải hương. Với Camille, thật không thể hình dung, theo đúng nghĩa đen của từ này, là người đàn bà này đã thế chỗ mẹ ông trên giường của bố ông. Hai người phụ nữ ấy khác hẳn nhau. Đó là một thế giới khác, một hành tinh khác, đến nỗi thậm chí ông từng tự hỏi giữa bố mẹ ông có điểm gì chung, người ta hẳn sẵn sàng nói rằng chẳng có gì. Maud, họa sĩ, lại đi lấy một dược sĩ, ai mà hiểu nổi. Ông từng nghìn lần tự đặt cho mình câu hỏi ấy. Ở quả táo nhỏ nhắn nhăn nheo theo kiểu xinh xắn ấy có nét gì đó tự nhiên hơn. Dù có nhìn theo bất kỳ hướng nào thì với chúng ta, những gì bố mẹ làm cùng nhau thường là một điều bí ẩn. Tuy nhiên, vài tuần sau đó, Camille nhận ra rằng quả táo nhỏ đã nẫng mất một phần đáng kể tài sản của ông dược sĩ, chỉ trong vòng vài tháng. Camille rất khoái chuyện này. Ông đã để mất dấu bà ta, thật đáng tiếc, hẳn đó phải là một con người hay ho lắm.
“Còn tôi thì,” Armand nói tiếp, “bố tôi có nhiều mối quan hệ, chuyện khác hẳn. Nhưng với ai đó sống một mình thì anh còn muốn gì nữa nào, nếu người đó chết thì phải may mắn lắm ta mới phát hiện được ngay lập tức.”
Câu nói này khiến Camille bối rối. Ông nhớ đến chuyện gì đó kiểu như thế. Ông bèn kể. Có một tay tên là Georges. Do hoàn cảnh ngẫu nhiên, chẳng ai thấy ngạc nhiên vì không có tin tức gì của ông ta trong suốt hơn năm năm. Về mặt hành chính, ông ta đã biến mất nhưng chẳng ai đặt ra câu hỏi, điện nước đều bị cắt. Từ năm 1996, bà gác cổng cứ tưởng ông ta ở bệnh viện, nhưng thật ra ông đã từ đó về nhà mà không ai hay. Xác ông ta được tìm thấy ở nhà vào năm 2001.
“Tôi đã đọc được chuyện này trong…”
Ông không nhớ ra nhan đề cuốn sách.
“Edgar Morin, một quyển tên là Suy tưởng… gì gì đó.”
“Vì một nền chính trị của văn minh,” Louis lãnh đạm nhắc. Anh dùng tay trái hất mớ tóc lên. Cần phải hiểu động tác đó có nghĩa là: rất lấy làm tiếc.
Camille mỉm cười.
“Gặp lại nhau thế này vui quá phải không?” Camille hỏi.
“Có rất nhiều điều gợi nhớ đến Alice,” Armand buột miệng. Dĩ nhiên rồi. Alice Hedges, một cô gái người bang Arkansas, người ta tìm thấy xác cô ta trong một thùng xe ben, trên bờ kênh Ourcq, không xác định được nhân thân suốt ba năm trời. Tóm lại, biến mất không để lại dấu vết là một chuyện không hiếm gặp như người ta vẫn tưởng. Nhưng dù sao điều đó cũng khiến ta phải suy nghĩ. Bạn đang đứng trước dòng nước xanh lục của con kênh Saint-Martin, biết rằng vài hôm nữa vụ việc sẽ bị xếp lại, bạn tự nhủ rằng việc cô gái xa lạ ấy biến mất sẽ chẳng còn liên quan đến
một ai nữa. Cuộc đời cô ta: chỉ là vài vòng tròn trên mặt nước. Chẳng một ai đặt dấu hỏi về việc Camille vẫn tiếp tục phụ trách cái vụ mà ông không hề thích thú với bất cứ giá nào. Hôm kia, Le Guen đã gọi điện cho ông để xác nhận Morel sắp về.
“Anh làm tôi cáu tiết với thằng cha Morel của anh rồi đấy,” Camille đáp.
Nói xong, Camille hiểu ra, ngay từ đầu ông đã biết rằng tạm thời nhận một vụ như thế này cũng đồng nghĩa với nhận theo nó đến cùng. Ông không biết có phải biết ơn Le Guen vì đã đẩy ông vào câu chuyện này hay không. Vả lại, trong mắt hàng ngũ lãnh đạo, đây không còn là một vụ cần ưu tiên nữa. Một kẻ bắt cóc vô danh bắt đi một phụ nữ xa lạ và, ngoài lời của một nhân chứng, bị tra hỏi đi tra hỏi lại không biết bao nhiêu lần, không gì ‘chứng tỏ’ là có vụ bắt cóc này. Có nhiều bãi nôn mửa trong rãnh nước, có tiếng lốp xe tải nghiến xào xạo mà nhiều người đã nghe thấy, có một người sống gần đó nhớ ra rằng lúc đang đỗ xe thì thấy chiếc xe tải đỗ xiên xẹo trên vỉa hè. Nhưng tất tật vẫn chưa đáng giá bằng một người đã chết hẳn, một xác chết thật, rất thật. Bởi vậy, Camille đã gặp không ít khó khăn mới giữ được Louis và Armand lại với mình để làm vụ này nhưng sâu xa, Le Guen, cũng như những người khác, như tất tật mọi người, đều sung sướng khi thấy ‘đội của Verhoeven’ được tái lập. Điều này có thể sẽ không kéo dài, có thể là một hai ngày, còn lúc này họ chỉ nhắm mắt làm ngơ. Với Le Guen, nếu đó không còn là một vụ điều tra thì vẫn là một món đầu tư.
Ba người đi dạo một lúc sau bữa tối, rồi họ tìm thấy cái ghế này, họ ngồi đó quan sát đám người dạo bộ dọc theo bờ ke, chủ yếu là các cặp tình nhân, rồi những người dắt chó. Tưởng đâu như ta đang ở tỉnh lẻ.
Dù sao thì đây cũng là một nhóm kỳ quặc, Camille tự nhủ. Một đằng thì có cậu con trai nhà rất giàu, đằng kia thì có một tay hà tiện đến mức không
thể cứu chữa nổi. ‘Còn mình thì có vấn đề gì với tiền bạc không nhỉ?’ Thật kỳ khôi khi nghĩ như vậy. Cách đây mấy hôm, ông đã nhận được giấy tờ thông báo về việc bán đấu giá các tác phẩm của mẹ ông, nhưng ông vẫn chưa mở phong bì.
“Tức là,” Armand nói, “anh không muốn bán chúng. Theo tôi làm thế thì hơn.”
“Dĩ nhiên rồi, với cậu thì tốt hơn cả là cứ giữ lại hết.”
Nhất là các tác phẩm của Maud. Điều này thực sự khiến Armand khó chịu.
“Không. Không phải tất cả,” anh đáp. “Nhưng những bức tranh của mẹ mình, dù sao thì cũng…”
“Nghe cứ như cậu đang nói đến châu ngọc gắn trên vương miện ấy!” “Thì, dẫu sao đó cũng là báu vật gia đình mà, chẳng phải sao?” Louis không nói gì. Anh ta thì, cứ khi nào động đến chuyện riêng tư… Camille quay trở lại với vụ bắt cóc:
“Cậu tìm hiểu về đám chủ sở hữu xe tải đến đâu rồi?” ông hỏi Armand. “Thì vẫn đang miệt mài thôi…”
Lúc này, đầu mối duy nhất vẫn là bức ảnh chụp chiếc xe. Đã biết được mẫu xe nhờ hình ảnh mà camera an ninh của hiệu thuốc Bertignac quay được. Có hàng chục nghìn chiếc như thế đang lưu hành. Bộ phận khoa học đã phân tích dòng chữ bị sơn đè lên và đã cung cấp cho họ bản danh sách đầu tiên gồm những tên riêng có thể tương ứng với nó. Từ ‘Abadjian’ đến ‘Zerdoun’. Ba trăm ba mươi tư cái tên.
Armand và Louis truy theo từng cái một. Mỗi khi tìm thấy trên danh sách ấy tên của một ai đó từng sở hữu hoặc chỉ từng thuê một cái xe tải thuộc loại ấy là họ kiểm tra, để biết được rằng nó đã được bán lại cho ai, và nếu có gì phù hợp với chiếc xe đang được tìm kiếm thì họ liền cử
người đến xem.
“Với những cái xe ở dưới tỉnh ấy, tha hồ mà mệt nhé.”
Thêm nữa, người ta không ngừng mua đi bán lại những chiếc xe tải nhỏ, đó là một dòng chảy hỗn loạn, cho nên để tìm ra những người ấy rồi nói chuyện được với họ… Càng tìm được ít thứ, vụ này càng khó và Armand càng hớn hở. Mặc dù ‘hớn hở’ không phải từ thích hợp với anh cho lắm. Sáng nay Camille đã nhìn anh ngồi làm việc, quấn mình trong một chiếc áo săng đay cũ sì, đống giấy lộn trước mặt, tay cầm chiếc bút bi dán hình quảng cáo của Tiệm giặt Saint-André.
“Sẽ phải mất nhiều tuần đấy,” Camille kết luận.
Cũng không hẳn.
Điện thoại của ông rung lên.
Đó là nhân viên tập sự, đang rất phấn khích. Anh ta lắp bắp, quên béng luôn lời dặn dò của Camille.
“Sếp à? Tên bắt cóc tên là Trarieux, ta vừa xác định được hắn xong. Sếp cẩm yêu cầu ông tới đây ngay lập tức.”