🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Adolf Hitler - Chân Dung Một Trùm Phát Xít - John Toland full mobi pdf epub azw3 [Danh Nhân]
Ebooks
Nhóm Zalo
Adolf Hitler – Chân Dung Một Trùm Phát Xít Tác giả: John Toland
Người dịch: Nguyễn Hiền Thu, Nguyễn Hồng Hải Phát hành: Alphabooks
Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội 2015 —★—
ebook©vctvegroup
Lời giới thiệu
John Toland là tác giả, sử gia người Mỹ. Ông sinh ra tại thành phố La Crosse bang Wisconsin. John Toland tốt nghiệp Đại học Williams, sau đó tham gia học tại Trường Kịch Yale. Không chỉ vậy, ông còn có 6 năm công tác trong lực lượng không quân, ông luôn mong ước sẽ trở thành một kịch tác gia. Nhưng trong những năm đầu cầm bút, ông phải thừa nhận mình thất bại khi đã viết khoảng 25 vở kịch, 6 tiểu thuyết, 100 truyện ngắn nhưng không một tác phẩm nào bán được. Cuối cùng, vào năm 1954, truyện ngắn đầu tiên của ông được đăng trên tạp chí Magazine. John Toland từng nhận giải thưởng Pulitzer năm 1971 cho cuốn Mặt trời mọc: Sự suy tàn của Đế chế Nhật 1939 - 1945.
Một trong số những tác phẩm làm nên tên tuổi của John Toland phải kể đến cuốn Adolf Hitler - Chân dung một trùm phát xít. Đây là một cuốn tiểu sử đồ sộ chi tiết, với 31 chương kể về cuộc đời của một con người đã làm rung chuyển lịch sử thế giới thế kỷ XX - Adolf Hitler. Với những phân tích chi tiết, nghiên cứu suy xét kĩ lưỡng (tham khảo các nguồn tài liệu chưa công bố, phỏng vấn 200 người từng là đồng sự hoặc từng tiếp xúc với Hitler) cùng với cách kể chuyện dễ hiểu, John Toland tái hiện lại khá hoàn hảo, sinh động chân dung trùm phát xít Đức Quốc xã.
Điều gì đã khiến từ một chàng trai đam mê hội họa mặc dù hai lần thi trượt Học viện Mỹ thuật Vienna; từng sống lang thang trong các khu ổ chuột tại Vienna; phải xếp hàng xin cháo thí trước cổng nhà thờ; tá túc trong những ngôi nhà tồi tàn dành cho người vô gia
cư, trở thành nhân vật đứng đầu lực lượng đe dọa nền hòa bình thế giới? Vì sao Hitler có mối thâm thù và điên cuồng muốn tiêu diệt người Do Thái? Vì sao vẫn có rất nhiều người Đức khi đó, đặc biệt là thanh niên, vẫn tôn sùng Hitler? Một con người tàn nhẫn như vậy liệu tình yêu có tồn tại trong trái tim ông ta?… Tất cả sẽ được giải đáp trong cuốn sách này.
Trong cuốn sách này độc giả cũng có cơ hội hiểu thêm về những con người, những cá nhân làm nên nỗi ám ảnh lịch sử nhân loại, cũng như diễn biến lịch sử tư tưởng - văn hóa tại quốc gia có tư tưởng quân phiệt chủ nghĩa lâu đời này.
Chân dung một trùm phát xít là tài liệu tham khảo hết sức quý giá với những ai quan tâm muốn tìm hiểu cuộc đời và con người Hitler cũng như về tình hình châu Âu trong thế chiến II. Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!
Phần Một
TÔI, MƠ TƯỞNG HÃO HUYỀN
Chương 1
SÂU THẲM CỘI NGUỒN
1889 - 1907
1
H
itler rất ít khi nói về gia đình. Nhưng theo một số người bạn thân thiết, ông thú nhận rằng mình không thể hòa hợp được với cha, một người độc tài, trong khi rất kính trọng mẹ, người phụ nữ mềm yếu, dịu dàng. Bà đã luôn chiếm một vị trí thống trị trong cuộc sống của Hitler. Cha mẹ Hitler đều sinh ra ở Waldviertel, miền quê của nước Áo, phía tây bắc thành phố Viên, cách không xa biên giới với Tiệp Khắc. Theo một thành viên trong gia đình Hitler, dòng họ Hitler mang dòng máu Moravi. Hitler là cái tên rất lạ đối với một người Áo và rất có thể nó được phiên âm từ tên của Tiệp Khắc là “Hidlar” hoặc “Hidlareek”. Có rất nhiều tên như vậy đã xuất hiện ở Waldviertel từ năm 1430 và được đổi từ Hydler sang Hytler, sau đó sang Hidler. Năm 1650, một người họ hàng trực tiếp bên mẹ của Adolf Hitler có tên là Georg Hiedler. Những người cháu ông thi thoảng đánh vần tên của họ là “Huttler” và “Hitler”. Thời đó, chính tả là một vấn đề không quan trọng và là việc được chăng hay chớ kiểu như ở Anh thời Shakespeare vậy.
Waldviertel là một vùng có vẻ đẹp bình dị với nhiều đồi núi và rừng cây. Trên những sườn núi phong nhã là những khu rừng thẳng tắp, thi thoảng có những cánh đồng do nhiều thế hệ nông dân cần mẫn, chịu khó vỡ hoang. Cha của Hitler sinh ngày 7 tháng Sáu năm 1837 tại làng Strones. Bà nội ông khi đó là một phụ nữ quá lứa lỡ thì 42 tuổi tên là Maria Anna Stricklgruber. Làng Strones quá nhỏ, không có chính quyền địa phương, nên cha ông khi sinh ra được đăng ký khai sinh ở Dollersheim với tên là Alois Stricklgruber, là con ngoài giá thú. Chỗ dành để điền tên người cha bị bỏ trống, tạo thành một điều bí ẩn cho đến nay vẫn chưa có lời giải. Có giả thuyết cho rằng, ông nội Hitler là một người Do Thái giàu có tên là Frankenberger hoặc Frankenreither. Maria Anna là người hầu trong gia đình người Do Thái ở Graz này và người con trai trẻ của gia đình đó đã làm bà có thai.
Khi Alois (tên của cha Hitler được dùng từ đó về sau) lên 5 tuổi, Maria lập gia đình với Johann Georg Hiedler, công nhân một xí nghiệp lưu động đến từ làng Spital gần đó. Nhưng đứa con trai bé nhỏ của bà vẫn tiếp tục sống một cuộc sống gia đình tàn rụi; Maria chết sau khi kết hôn 5 năm và người bố dượng dường như tiếp tục buông trôi số phận. Alois được anh trai của Hiedler là Johann Nepomuk đưa về nuôi dưỡng tại nhà số 36 ở Spital. Ngôi nhà trong trang trại này và ngôi nhà bên cạnh có một vị trí quan trọng trong cuộc sống của chàng trai trẻ Adolf Hitler, bởi vì, ở đây, trong ngôi làng biệt lập này, Hitler đã tận hưởng nhiều kỳ nghỉ hè thú vị.
Tình hình ở Spital khiến Alois không thể chịu đựng nổi và ở tuổi 13, ông “thắt chặt chiếc ba lô nhỏ bé của mình và trốn chạy khỏi
nhà”. Cảnh tưởng cảm động này sau này được con trai ông, Adolf, miêu tả trong tác phẩm “Mein Kampf” (tạm dịch Đời tranh đấu của tôi). “Một quyết định thật liều lĩnh khi ra đi, với chỉ 3 đồng guđơn trong túi, dấn bước vào một nơi hoàn toàn xa lạ”. Ông đến Viên, một nơi rất hấp dẫn đối với tuổi trẻ ưa phiêu lưu. Ở đây, ông bắt đầu học nghề đóng giày, nhưng 5 năm sau khi học nghề này, ông quyết định trở thành “một người sáng giá hơn” nên gia nhập lính biên phòng. Điều này giúp ông trở thành một công chức, cao hơn một bước so với một giáo sĩ. Ông chịu khó học tập, qua được kỳ thi đặc biệt và đến năm 24 tuổi được thăng chức giám sát, một niềm vinh dự hiếm có của một thanh niên đến từ Waldviertel. Các đợt thăng chức định kỳ đều đặn đến với chàng Alois tham vọng, và năm 1875, Alois trở thành thanh tra hải quan chính ở Braunau trên sông Inn, ngay bên kia nước Đức.
Không ai tự hào về những thành công đó hơn người đã nuôi dưỡng Alois khôn lớn, ông Johann Nepomuk Hiedler. Chưa có người nào trong gia đình Hiedler thành đạt được đến vậy. Không có con trai để nối dõi dòng họ Hiedler, và vào một ngày cuối xuân năm 1876, Johann quyết định phải làm một điều gì đó. Ngày 6 tháng Sáu, con rể Johann và 2 người họ hàng khác đã đến thị trấn Weitra. Ở đây, Johann đã chứng thực nhầm trước công chứng viên địa phương rằng mình là “anh trai của Hiedler”. Họ đánh vần tên của ông là “Hitler” và tuyên bố vài lần rằng trước khi ông chết (năm 1857), với sự chứng kiến của họ, ông đã thể hiện mong muốn cuối cùng và không thể thay đổi của mình rằng ông có một đứa con ngoài hôn thú tên là Alois và muốn hợp pháp hóa việc thừa nhận
con trai cũng như trao quyền thừa kế cho nó.
Việc thay đổi tên từ Hiedler thành Hitler là một việc làm bất cẩn, nhưng có nhiều khả năng đây là một mánh khoé bịp bợm nhà quê để che đậy vấn đề. Ngay ngày hôm sau, Johann Nepomuk Hiedler cùng 3 người họ hàng của mình đến Dollersheim, nơi Alois đăng ký giấy khai sinh. Sau khi xem xét giấy tờ do 3 người làm chứng ký, cha xứ có tuổi đã chứng thực từ sổ đăng ký kết hôn của xứ đó rằng, người đàn ông có tên là Georg Hiedler thực tế đã cưới một cô gái tên là Schicklgruber năm 1842. Và do vậy ông đồng ý sửa sổ đăng ký khai sinh. Nhưng có lẽ ông đã miễn cưỡng hoặc gian lận khi làm vậy. Mặc dù ông sửa từ “ngoài giá thú” thành “hợp pháp” và gạch bỏ từ “Schicklgruber” trong chỗ dành ghi tên đứa trẻ, nhưng ông lại quên ghi một tên khác vào. Ở chỗ trống cuối cùng, ông ghi những dòng chữ vô cùng khó đọc: “Những người ký tên dưới đây chứng nhận rằng tên ông Georg Hitler được điền ở đây là cha, họ biết rất rõ về người này, và có quan hệ cha con với đứa trẻ Alois theo tuyên bố của mẹ đứa trẻ. Ông ấy mong muốn tên của mình được điền vào sổ đăng ký tên của giáo xứ này”. Cha xứ tự mình ký tên của cả 3 người làm chứng và lần lượt mỗi người trong số họ đánh dấu chữ thập thay cho chữ ký.
Việc sửa đổi sổ đăng ký không được ký tên cũng không được ghi ngày tháng. Vị cha xứ này có lý do để làm trò láu cá này. Cha xứ không chỉ biết rõ mình ghi tên của người cha là “Hitler” chứ không phải là “Hiedler” như trong sổ đăng ký kết hôn, mà còn biết rằng toàn bộ những thủ tục ông làm ở trên là không hợp pháp bởi 2 điểm: người đã chết không thể được công nhận là cha nếu không
có những giấy tờ hợp pháp, hơn nữa người mẹ phải chứng thực sự thật.
Còn một yếu tố mập mờ nữa trong vấn đề này đó là chính Alois Schicklgruber cũng muốn chấp nhận một cái tên mới. Tình trạng con ngoài giá thú gây một chút phiền toái cho ông. Ở vùng Hạ Áo đây là tình trạng phổ biến và ở một số huyện vùng xa, tỷ lệ đó, thậm chí lên tới 40%. Những đứa trẻ mang dòng máu của bất kỳ một cộng đồng trang trại và của tất cả những công nhân giàu có nào đều được chào đón. Tuy nhiên, khi đã đạt được một số thành công nhất định, việc thay đổi tên có thể sẽ làm ông lúng túng hơn.
Dù vì bất kỳ động cơ nào đi nữa thì việc Alois đổi tên cũng một phần là do Johann Nepomuk Hiedler xui khiến (ở làng đó người ta xì xào rằng Alois đã bị thuyết phục vì tin rằng Johann Nepomuk Hiedler sẽ thay đổi di chúc, và những lời bàn tán đó đã được khẳng định. Sáu tháng sau khi Hiedler chết, Alois đã mua một trang trại với giá 5 nghìn đồng florin). Dù sao đi nữa thì quyết định lấy tên là Hitler của ông cũng rất quan trọng. Thật khó có thể tưởng tượng được khung cảnh 7 triệu người Đức nghiêm trang hô “Heil Schicklgruber!”
Đối với các cô gái ở Spital, Alois là một chàng trai bảnh bao trong bộ quân phục, đầu cạo trọc, lông mày rậm, bộ ria ghi đông với hai chòm râu dài dữ tợn chờm xuống 2 bên cằm được cạo nhẵn. Ông quá hấp dẫn với các cô gái. Giống như người cha hợp pháp của mình, ông cũng có một đứa con gái ngoài giá thú. Đám cưới với người con gái của viên thanh tra trong ngành độc quyền thuốc lá cũng không kiềm chế được tính phiêu lưu của một chàng trai đa tình. Xét cho cùng, trông bà ốm yếu và già hơn ông đến 14 tuổi.
Một trong những cô gái duyên dáng nhất ở Spital là cháu nội của ông Johann Nepomuk Hiedler, cô gái 16 tuổi dịu dàng, khuôn mặt xinh xắn tên là Klara Polzl. Klara có dáng người mảnh dẻ, cao gần bằng Alois, mái tóc dày nâu đen và nét mặt điềm đạm. Không rõ đó là tình yêu sét đánh hay đơn giản chỉ là muốn tìm cho người vợ già ốm yếu của mình một người hầu tận tụy, Alois cố gắng thuyết phục gia đình Hiedler cho Klara theo ông tới Braunau. Bà được xếp ở cùng với gia đình Hitler tại một nhà trọ, nơi Alois đang dan díu với người phụ bếp tên là Franziska Matzelsberger (khách hàng gọi bà là Fanni).
Tình trạng này quá sức chịu đựng đối với Frau Hitler. Bà rời bỏ Alois và chấp nhận ly thân. Giờ đến lượt Fanni bước vào gia đình Hitler và bà ta tự cho mình là người vợ được công nhận do hôn nhân thực tế hơn là một người tình. Bà luôn ý thức rằng người hầu xinh đẹp có thể quyến rũ Alois đa tình và một trong những hành động đầu tiên của bà ta là đuổi Klara ra khỏi nhà. 2 năm sau, năm 1882, Fanni sinh một cậu con trai và giống như cha mình, cậu cũng là đứa con ngoài giá thú.
Một năm sau, người vợ bị ghẻ lạnh của Hitler chết vì bệnh lao phổi, Alois cưới Fanni. Hôn lễ diễn ra kịp thời, chỉ 2 tháng sau, đứa con thứ 2, Angela được sinh ra. Cuối cùng, Alois cũng có một người con hợp pháp, mặc dù mang thai phi pháp, ông cũng chấp nhận trách nhiệm pháp lý đối với người con trai, mà sau này là Alois Hitler, Jr. Mặc dù được khôi phục danh phận, nhưng Fanni cũng không hạnh phúc hơn và một lần nữa lại có biểu hiện nhiễm bệnh. Giống như người vợ trước của Alois, bà bị bệnh phổi nặng và phải
rời Braunau tới một làng có không khí trong lành gần đó. Từ khi bà rời đi, Alois sống cô đơn ở tầng thượng của phòng trọ Pommer với 2 đứa trẻ. Thật hợp lý khi ông tìm kiếm sự giúp đỡ từ cô cháu gái hấp dẫn của mình. Một lần nữa, Klara hay chiều theo ý người khác lại quay về phòng trọ Pommer và lần này bà trở thành người hầu, bảo mẫu và người tình. Người phụ nữ đang mang thai Adolf Hitler lúc đó là một người có trái tim nhân hậu đến nỗi bà cố gắng hết sức để giúp Fanni hồi phục, thăm Fanni thường xuyên. Thật kỳ lạ, Fanni tiếp nhận sự giúp đỡ này của tình địch.
Mùa hè năm 1884, cuộc sống khốn khổ của Fanni kết thúc. Có thể dự đoán được rằng người đàn bà tiếp theo đang chờ đợi bước vào gia đình Hitler là người đàn bà đã mang thai. Alois muốn cưới Klara, bà có thể chăm sóc cho 2 đứa con ông và thực sự ông cũng thích bà. Nhưng Nhà thờ ngăn cấm hôn lễ của họ, vì theo giấy tờ đã được hợp pháp hóa một cách giả mạo, cha đẻ của ông và ông nội của Klara là 2 anh em. Alois khẩn khoản yêu cầu các cha xứ địa phương xin tòa thánh Rome miễn trừ cho trường hợp đặc biệt này. Sau 1 tháng, đề nghị đó được chấp thuận, chắc chắn là vì lý do Klara đang mang thai. Sáng ngày 7 tháng Một năm 1885, thời điểm sớm nhất có thể, Alois và người cháu gái làm lễ kết hôn tại Pommer Inn. Quà cưới là 2 đứa trẻ, Alois, Jr. và Angela và 3 người chứng kiến: Johanna, em gái của Klara và 2 nhân viên hải quan. Người hầu mới đã thu xếp tất cả mọi việc, bà nhiệt tình khuấy động phòng khách và trong suốt lễ cưới, Alois luôn trêu chọc bà vì điều đó. Họ không có tuần trăng mật. Sau bữa cơm đơn giản, Alois trở về trạm hải quan. Sau này Klara bâng khuâng nhớ lại “chồng tôi lại sẵn
sàng nhận nhiệm vụ”.
Điều đáng chú ý là cuộc sống riêng tư phóng túng của Alois không bao giờ ảnh hưởng đến nhiệm vụ của ông. Ông vẫn luôn là một quan chức trung thành và có năng lực, được đồng nghiệp và cấp trên quý mến. Ông cố giữ mình để được quý trọng như vậy, mặc dù uy tín của ông ở địa phương không được tốt, những vụ ngoại tình của ông trong một thị trấn nhỏ như vậy chắc chắn trở thành chủ đề bàn tán chung. Trong số những lời đồn đại xấu về ông có lời xì xầm rằng ông đã mua quan tài cho người vợ đầu tiên của mình ngay khi bà vẫn còn sống.
Klara tỏ ra rất năng động trong vai trò “người nội trợ” mới. Bà là một người quản gia mẫu mực và hy sinh tất cả cho Alois, Jr. và Angela, bà coi chúng như con đẻ của mình vậy. Bốn tháng sau ngày cưới, bà sinh một cậu con trai. Hai năm sau, bà sinh một cô con gái và một cậu con trai nữa. Đứa con út chết vài ngày sau khi sinh và không lâu sau cả 2 đứa lớn mắc bệnh bạch hầu và chết. Bi kịch này khiến Klara khó có thể chịu đựng nổi. May thay, bà tìm được lối thoát cho chính mình ở Alois Jr. và Angela, nhưng mối quan hệ của bà với chồng vẫn căng thẳng. Đầu tiên, bà coi Alois như bề trên của mình và con đường từ người hầu đến người tình rồi đến người vợ quá phức tạp đối với một cô gái giản đơn đến từ Spital. Bà vẫn gọi chồng mình là “chú”.
Cái chết của 3 đứa con rõ ràng ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của Klara và mãi đến ngày 20 tháng Tư năm 1889, bà mới sinh được đứa con thứ tư. Cậu con thứ tư này 1/4 giống Hitler, 1/4 giống Schicklgruber, 1/4 giống Polzl và 1/4 giống ai không biết. Trong sổ
đăng ký tên thánh, tên của cậu là “Adolfus Hitler”. Sau này Klara khẳng định rằng Adolf là một đứa trẻ ốm yếu và bà luôn phải sống trong sợ hãi sẽ mất cậu, nhưng người hầu của họ thì lại nhớ rằng Adolf “là một cậu bé khoẻ mạnh, hoạt bát và phát triển rất tốt”.
Frau Hitler quá yêu mến và chăm sóc cậu con trai, nhưng cũng từ đó mà có thể làm cậu hư. Cuộc sống bình lặng trôi qua ở Pommer Inn. Người cha dành nhiều thời gian cho bạn bè, thú vui, và công việc nuôi ong của mình hơn là thời gian ở nhà, nhưng rõ ràng ông đã bỏ được thói trăng hoa, hoặc ít nhất cũng kín đáo hơn. Người hầu của ông nhớ lại một cách thân mật rằng ông là người “rất nghiêm khắc nhưng dễ chịu”, luôn quan tâm giúp đỡ người khác. Chẳng hạn như có lần quan chức liêm khiết này thậm chí còn tháo ủng ra chứ không đi làm bẩn nền nhà. Nhưng đối với nhân viên giám sát hải quan mới, Alois Hitler là một người không dễ cảm thông, “ông ấy rất nghiêm khắc, hay đòi hỏi những yêu cầu cao và làm ra vẻ mô phạm, là một người khó gần nhất… Ông ấy luôn tự hào trong bộ quân phục của mình và luôn chụp ảnh trong bộ quân phục đó”.
Khi Adolf lên 3 tuổi 4 tháng, ông được thăng chức và cả gia đình chuyển đến Passau, một thành phố xuôi xuống hạ nguồn sông Inn, bên bờ nước Đức, nơi có cơ quan giám sát hải quan. Sống ở một thành phố của Đức và chơi cùng với những đứa trẻ người Đức đã tạo một vết lằn sâu trong cậu bé Hitler. Tiếng địa phương đặc trưng vùng Hạ Bavaria vẫn còn là tiếng mẹ đẻ của cậu. Nó gợi cho cậu nhớ về “thời thơ ấu của mình” - Hitler sau này nhớ lại.
Frau Hitler không thể mang thai một lần nữa. Người ta gợi ý bà
rằng để tránh những ảnh hưởng xấu đối với cậu bé “ốm yếu”, bà vẫn tiếp tục cho cậu bú. Mãi đến khi Adolf gần 5 tuổi, bà mới sinh người con tiếp theo là Edmund. Cuối cùng Adolf cũng được giải phóng khỏi sự giám sát chặt chẽ của mẹ và cậu gần như hoàn toàn tự do sau đó ít lâu khi cha được tái phân công nhiệm vụ về Linz. Rõ ràng, vì đứa trẻ mới sinh, gia đình ở lại Passau và cậu bé Adolf 5 tuổi bây giờ có thể chơi đùa thỏa thích với những đứa trẻ Đức hoặc đi lang thang hàng giờ liền.
Adolf say sưa tận hưởng cuộc sống tự do này trong 1 năm. Sau đó mùa xuân năm 1895, gia đình cùng chuyển đến sống ở Hafeld, một khu trang trại nhỏ cách Linz khoảng 30 dặm về phía tây nam. Họ sống trong một ngôi nhà xây trong trang trại trên khu đất rộng 9 hécta. Cơ ngơi đó đã đưa gia đình Hitler lên hàng giàu gần nhất khu. Một tháng sau, cậu bé Adolf 6 tuổi càng tách xa người mẹ luôn chăm bẵm của mình khi cậu vào học ở trường tiểu học Volksschule tại Fischlam, cách nhà vài dặm. Vài tuần sau, Adolf phải học tăng cường hơn với sự giám sát của người cha nghiêm khắc vừa mới nghỉ hưu để về với cuộc sống bình dị của một người đàn ông nhà quê bình thường.
Dưới ánh bình minh, ngôi nhà xinh xắn của gia đình Hitler nằm nép dưới một vườn cây ăn quả và cây óc chó, bên sườn nhà là một con suối nhân tạo uốn quanh tung bọt trắng xóa. Mặc dù phải chịu sự kìm kẹp mới, Adolf chắc hẳn đã có một cuộc sống hạnh phúc trong môi trường thoải mái, bởi vì ở đó không thiếu những người bạn hàng xóm để cậu chơi cùng.
Adolf và chị gái cùng cha khác mẹ Angela phải mất hơn một giờ
đi bộ đến trường, chặng đường dài thử thách đối với một đứa trẻ còi cọc. Trường học “tồi tàn và cũ kỹ” được chia thành 2 lớp, một cho nam sinh, một cho nữ sinh. Những đứa trẻ trong gia đình Hitler gây được ấn tượng tốt đối với thầy hiệu trưởng. Ông nhớ Adolf là “một cậu học trò lanh lợi, ngoan ngoãn nhưng hiếu động”. Hơn nữa, cả 2 đứa trẻ của gia đình Hitler “luôn giữ những thứ chúng đã được dạy ở trong cặp sách để làm theo”.
“Đó chính là thời kỳ mà những ý tưởng đầu tiên hình thành trong trái tim tôi” - Hitler viết trong cuốn Mein Kampt sau này. “Tôi dành hầu hết thời gian rảnh rỗi của mình ở ngoài trời, đi bộ xa đến trường và đặc biệt là tình bạn của tôi với những cậu bé quá “vạm vỡ”, điều đó đôi khi khiến mẹ tôi khổ tâm, vì thế tôi rất ghét phải ngồi ở nhà”. Thậm chí ở tuổi này Hitler đã có khiếu diễn thuyết và chẳng bao lâu sau trở thành “thủ lĩnh trẻ con”.
Những tháng sau đó, tình thế của Hitler ở nhà trở nên khó khăn hơn. Nghỉ hưu rõ ràng là một việc khổ sở đối với Alois bởi vì ông không có tài quản lý trang trại. Thêm vào đó, một đứa con khác, Paula, lại được sinh ra vào cuối thu năm 1896. Trong cảnh tù túng, với 5 đứa con, 1 đứa còn đang ẵm ngửa hay quấy khóc, Alois buồn chán, uống rượu nhiều hơn, hay sinh sự và dễ nổi cáu. Mục tiêu trút giận chính của ông là Alois, Jr. Nhiều khi ông đòi hỏi con cái phải nghe lời tuyệt đối một cách vô lý, sẵn sàng đánh khi nó không nghe lời. Sau này, Alois, Jr. cay đắng kể lại rằng cha thường xuyên đánh mình “không thương xót bằng roi da hà mã”. Nhưng ở Áo thời đó, việc đánh con tàn bạo không phải là hiếm gặp, thậm chí được coi là một hành động tốt để rèn rũa trẻ. Một lần, Alois, Jr. trốn học 3 ngày
để làm một chiếc thuyền đồ chơi. Người cha, mặc dù khuyến khích những sở thích như vậy của con cái, nhưng đã quất thẳng tay, sau đó “trói cậu vào một cái cây” cho đến khi ngất đi. Cũng có những chuyện kể về Adolf bị đánh, dẫu không thường xuyên như Alois, và người trụ cột trong gia đình đó “thường dữ đòn đến nỗi đánh con chó đái ra cả sàn nhà và phải quỳ xuống”. Theo Alois, Jr. thậm chí bà Klara phục tùng ông hết mức cũng có lúc phải chịu những hành động bạo lực này, và nếu đúng vậy thì đó hẳn là một ấn tượng không thể phai mờ trong tâm trí Adolf.
Đối với Alois Jr., cuộc sống ở Hafeld trở nên không thể chịu đựng nổi. Cậu không chỉ cảm thấy bị cha ngược đãi mà còn cảm thấy bị mẹ kế thờ ơ, và đã trút oán hận lên người em cùng cha khác mẹ với mình là Adolf. “Cậu ấy hống hách và dễ nóng giận ngay từ nhỏ và không nghe lời bất kỳ ai” - năm 1948, sau 50 năm, khi trả lời phỏng vấn, Alois, Jr. vẫn còn nguyên cảm giác bực tức. “Mẹ kế của tôi cứ bênh cậu ấy chằm chặp. Cậu ấy có thể có những ý nghĩ điên rồ nhất và có thể ra khỏi nhà với những ý nghĩ đó. Nếu không được chiều theo ý mình, cậu ấy sẽ giận dữ… Cậu ấy không có bạn bè, không có ai để nhờ cậy và có thể rất nhẫn tâm. Cậu ấy có thể nổi đóa lên vì những điều bình thường nhất”.
Cảm thấy bị phân biệt và bị chối bỏ, Alois, Jr. theo vết chân của Alois, Sr. trốn khỏi nhà vào năm 14 tuổi và không bao giờ quay trở về trong suốt thời gian cha cậu còn sống. Người cha giận dữ đã trả đũa bằng cách giảm quyền thừa kế của cậu đến mức thấp nhất mà pháp luật cho phép. Sự ra đi của người anh cùng cha khác mẹ đã khiến Adolf trở thành bia đỡ cho những thất vọng của cha. Cha cậu
giao thêm nhiều việc lặt vặt và thường xuyên xoi mói mỗi khi cậu không đáp ứng được mong đợi của mình. Vài tháng sau, người chủ trang trại phẫn chí này đã bán khu trang trại nhiều điều phiền toái ấy để đổi lấy một cuộc sống thú vị nơi thành thị tại Lambach, cách nơi ở cũ nhiều dặm. Trong 6 tháng, cả gia đình sống trên tầng 3 của tòa nhà Gashof Leingartner, đối diện với tu viện Benedictine hoành tráng. Thoát khỏi những công việc của trang trại, cuộc sống của Adolf trở nên dễ chịu hơn. Cậu học tốt ở trường hiện tại. Điểm số thường rất cao và nửa kỳ cuối cùng năm học 1897-1898, cậu đã đạt được kết quả tuyệt đối 20 điểm. Cậu cũng có một giọng hát hay tự nhiên vì thế định kỳ cậu tham gia đội hợp xướng của trường dòng tu viện, dưới sự hướng dẫn của Cha Bernhard Groner. Đến tu viện, Adolf phải đi qua một chiếc cổng hình vòm bằng đá, trên đó có khắc huy hiệu của tu viện - họa tiết nổi bật nhất là hình chữ thập ngoặc.
Lúc đó, Adolf “say sưa” với “vẻ lộng lẫy uy nghi của những lễ hội rực rỡ tại nhà thờ”. Cha tu viện trưởng trở thành thần tượng của cậu và cậu rất hy vọng sẽ được gia nhập nhà thờ, một mong muốn được cha của cậu, người luôn chống đối giáo hội, chấp nhận một cách kỳ lạ. Sau này, Adolf nói với Frau Helene Hanfstaengl rằng, “khi còn là một cậu bé, cậu mong muốn cháy bỏng được trở thành linh mục. Cậu thường mượn chiếc tạp dề rộng của người hầu, choàng lên vai giả làm lễ phục nhà thờ, sau đó trèo lên ghế ở bếp và đọc những bài thuyết giáo dài thiết tha sôi sục”. Người mẹ sùng đạo của cậu chắc chắn sẽ hoan nghênh sự nghiệp đó của cậu, nhưng rồi sở thích đó cũng kết thúc mau chóng như khi bắt đầu. Ít lâu sau, cậu bắt đầu hút thuốc.
Bấy giờ cả gia đình sống trong một căn hộ dễ chịu ở tầng hai tòa nhà rộng rãi gần một nhà máy. Đó đúng là nơi lý tưởng cho một cậu bé thích phiêu lưu với đầy những ngóc ngách để chơi mấy trò chơi ưa thích của người cao bồi hoặc người Anh-điêng. Đối với cặp vợ chồng là chủ nhà máy, Adolf “là một cậu bé tinh nghịch, hiếm khi ở nhà mà thường xuyên có mặt ở những nơi xảy ra một điều gì đó” và thường cầm đầu trong các vụ hái trộm lê hay những trò nghịch ngợm khác. Khi “cậu bé lêu lổng” này trở về nhà, quần áo thường rách toang, tay chân xây xước và thâm tím sau những chuyến phiêu lưu của mình.
Lambach rồi cũng chỉ là một nơi buồn tẻ kiểu như trang trại đối với Alois ưa hoạt động. Nên đến năm 1899, ông mua một ngôi nhà gọn gàng xinh xắn bên kia bức tường rào của nghĩa địa ở Leonding, một làng ngoại ô thành phố Linz. Ngôi nhà này không rộng rãi lắm, nhưng vị trí của nó phù hợp với sở thích của Alois. Leonding có khoảng 3.000 cư dân và nó cũng khoác một diện mạo văn minh giống thành phố Linz gần đó với những nhà hát, rạp opera và những tòa nhà của chính phủ gây ấn tượng mạnh mẽ. Dân cư ở đây cũng có mối quan hệ thân thiết gần gũi hơn.
Từ khi Alois, Jr. trốn khỏi nhà, Adolf là người phải chịu đựng gánh nặng những nguyên tắc cứng rắn của cha. “Anh ấy là người phản đối cha tôi về tính hà khắc quá mức và luôn phải hứng chịu những trận đòn roi hàng ngày. Anh rất cứng đầu, việc dùng đòn roi để trừng trị sự hỗn láo và để cố bắt anh theo đuổi nghề nghiệp một công chức nhà nước quèn là hoàn toàn vô ích. Ngược lại, mẹ tôi thường xuyên gần gũi và sự ân cần của bà đã chiếm được tình cảm
của anh, trong khi cha tôi không thể thành công với sự hà khắc của mình” - Paula Hitler nhớ lại.
Adolf bắt đầu có biểu hiện nổi loạn, cậu quyết định trốn khỏi nhà. Không hiểu vì sao, Alois biết được kế hoạch này và khóa trái cửa nhốt Adolf trên tầng 2. Suốt đêm đó, Adolf cố gắng ép mình chui qua cửa sổ có chấn song. Không thể chui qua được, cậu cởi bỏ quần áo. Khi đang cố gắng lách mình chui ra ngoài, cậu nghe thấy tiếng bước chân của cha đi lên cầu thang, nên vội vàng chui trở lại, dùng một tấm khăn trải bàn che thân. Lần này, Alois không trừng phạt bằng roi da. Thay vào đó, ông bật cười to và gọi Klara đến xem “cậu bé có chiếc áo choàng thời La Mã cổ”. Chính sự chế nhạo này khiến Adolf cảm thấy bị xúc phạm hơn bất kỳ một trận đòn roi nào và “phải rất lâu sau ông mới quên được tình cảnh đó” - ông tâm sự với Frau Hanfstaengl.
Nhiều năm sau, Hitler kể với một trong những thư ký, rằng mình đã đọc được ở đâu đó trong một cuốn truyện phiêu lưu rằng việc không thể hiện nỗi đau là bằng chứng của sự dũng cảm. “Sau đó tôi quyết định không bao giờ khóc khi bị cha đánh nữa. Vài ngày sau tôi có cơ hội kiểm nghiệm mong muốn của mình. Mẹ tôi sợ hãi náu sau cánh cửa, còn tôi cắn răng, lặng lẽ đếm từng roi quất vào mông”. Kể từ ngày đó, cha tôi không bao giờ động đến người tôi nữa - Hitler khẳng định.
Ngay khi lên 11 tuổi, có một điều gì đó trong vẻ mặt thanh tú khiến cho Adolf khác với những bạn cùng trang lứa với mình. Trong bức ảnh năm đó của trường Volksschule ở Leonding, ông ngồi giữa hàng đầu tiên, cao hơn các bạn cùng lớp vài centimet, hai tay
khoanh vào nhau, cằm hất lên. Với những tia nhìn nổi loạn, kèm theo vẻ tự tin tự phụ, rõ ràng Adolf là cậu bé hàng đầu của lớp. Cậu gây gổ khắp trường và mọi người còn phát hiện ra cậu có một tài năng khác. Cậu vẽ rất ổn. Bức tranh Wallenstein đề ngày 26 tháng Ba năm đó, năm 1900, cho thấy tài năng của một họa sĩ bắt đầu nảy nở. Trong lớp, cậu dành một chút thời gian học vẽ lén lút. Một lần, cậu bạn tên là Weiberger đã rất kinh ngạc khi nhìn thấy Hitler tái hiện lại qua trí nhớ lâu đài Schaumberg trên giấy.
Giờ giải lao và sau khi kết thúc buổi học, Hitler vẫn là người cầm đầu đám bạn. Hitler từng sống ở nhiều nơi hơn hầu hết các bạn cùng trang lứa với mình nên bạn bè coi cậu như người đàn ông của thế giới. Khi chơi, cậu được truyền cảm hứng từ những câu truyện phiêu lưu, mà cậu đọc ngấu nghiến, của James Fenimore Cooper và của người mà cậu hay bắt chước là Karl May. Karl May chưa bao giờ tới Mỹ, nhưng những câu chuyện về những người da đỏ quý tộc Bắc Mỹ và những chàng cao bồi dũng cảm của ông, được các thế hệ thiếu niên ở cả Đức và Áo tin là thật. Đối với Adolf, những cuộc phiêu lưu của Shatterhand già và những người bạn của nhân vật này gần như ám ảnh cậu. Cậu không mệt mỏi dẫn những người bạn cùng lớp vào những đạo luật bạo lực và khi sự nhiệt tình của những cậu bé lớn hơn giảm đi, cậu tuyển thêm những cậu bé ít tuổi hơn, thậm chí đôi khi cậu tuyển cả nữ.
Cũng trong khoảng thời gian này, Adolf tìm thấy động cơ quan trọng của cuộc đời mình trong 2 cuốn tạp chí minh họa cuộc chiến tranh Pháp - Phổ năm 1879. Cậu nghiền ngẫm từng từ và nghiên cứu kỹ từng bức tranh. “Trận đánh vĩ đại trong lịch sử đã trở thành
kinh nghiệm lớn nhất trong tâm trí của tôi” - Adolf khẳng định trong cuốn Mein Kampf, trong cuốn hồi ký này thi thoảng Hitler bóp méo sự thật vì những mục đích chính trị. “Kể từ đó tôi ngày càng trở nên nhiệt tình hơn đối với tất cả mọi thứ liên quan đến chiến tranh hoặc liên quan đến cuộc đời quân nhân”.
Cuộc chiến Boer xảy ra cùng năm đó đã truyền cho cậu chủ nghĩa yêu nước của người Đức cũng như cung cấp cho Hitler chất liệu tạo dựng nên vở kịch giả định của mình. Hàng giờ liền, cậu dẫn những người Phi gốc Hà Lan của mình vào “cuộc chiến gay cấn” chống lại những người không may mắn phải đóng vai người Anh. Cậu thường bị cuốn hút vào trò chơi này đến nỗi để cha mình phải đợi hàng giờ liền hoặc lâu hơn. Kết quả là “một cuộc tiếp đón nảy lửa” chờ đợi cậu ở nhà - Weinberger nhớ lại. Những ngày phiêu lưu đó có lẽ đã giúp hình thành nên con đường sự nghiệp của Hitler. “Cánh rừng và đồng cỏ là những bãi chiến trường diễn ra những ‘cuộc xung đột’ tồn tại ở khắp nơi trong cuộc sống được quyết định” - có lần Hitler từng viết như vậy.
Năm đó cậu út Edmund 6 tuổi chết vì bệnh sởi. Bốn cái chết cộng thêm sự ra đi của Alois, Jr. - người con trai duy nhất mang tên gia đình - là gánh nặng quá sức chịu đựng đối với Klara. Adolf đang hoàn thành năm cuối cùng ở trường Volksschule, bi kịch gia đình cuối cùng này càng làm gia tăng sự xung đột giữa cha và con. Alois muốn con trai phải noi gương mình và cố gắng truyền cảm hứng cho con bằng những câu chuyện từ cuộc sống công chức của chính mình. Con trai ông lại mong muốn trở thành họa sĩ, nhưng thời gian đã kìm hãm kế hoạch cách mạng này, và cậu phải chấp nhận kế
hoạch của cha mà không được tranh cãi cho giai đoạn học tập tiếp theo của mình. Cậu phải lựa chọn hoặc là vào học ở trường phổ thông, kiểu trường coi trọng giáo dục cổ điển và đào tạo học sinh cho các trường đại học, hoặc là vào học ở trường Realschule, nơi chuyên sâu về khoa học và kỹ thuật hơn. Alois là người có đầu óc thực tế đã quyết định cho con vào học trường Realschule, còn Adolf đồng ý vì trường đó có khóa học vẽ.
Trường Realschule gần nhất là ở Linz và ngày 17 tháng Chín năm 1900, lần đầu tiên Adolf lên đường tới trường, trên lưng đeo chiếc ba lô xanh. Đường tới trường rất xa, hơn 3 dặm, và giữa đường tới đó cậu có thể nhìn thấy thành phố Linz thấp hơn ở phía dưới, bên dòng sông Danube. Đó chẳc chắn là một khung cảnh có sức lôi cuốn kỳ diệu đối với một cậu bé sinh ra ở làng quê hoặc ở những thị trấn nhỏ. Ở đó, dưới ánh bình minh, hiện ra lâu đài Kurnberg nổi tiếng, phía dưới là một rừng các ngọn tháp của nhà thờ và cụm các tòa nhà ấn tượng. Cậu phải đi qua một ngọn đồi dốc đứng tới trung tâm thành phố đến trường Realschule, một tòa nhà 4 tầng tối tăm nằm trên một con phố hẹp, rõ ràng và thật khủng khiếp, ngôi trường này trông giống một tòa nhà văn phòng hơn là một trường học.
Ban đầu Adolf học kém. Không còn là cán sự lớp, không còn là học sinh sáng giá nhất, tài năng nhất, cậu bị những người bạn xung quanh mình áp đảo. Những học sinh khác vốn khinh thường những cậu bé đến từ ngoại ô, mối quan tâm cá nhân và sự chú ý của các thầy cô giáo dành cho cậu ở những trường nhỏ hơn không còn tiếp tục ở một trường lớn như thế này nữa. Trong bức ảnh của lớp năm
đó, Hitler vẫn được xếp ngồi ở hàng đầu tiên nhưng không còn là một cậu Adolf vênh váo tự phụ nữa mà thay vào đó là một cậu bé mất mát, tổn thương.
Hitler sống thu mình, ngày càng không để ý đến bài học ở lớp và bài tập ở nhà. “Tôi nghĩ rằng, một ngày nào đó cha sẽ thấy tôi chậm tiến bộ ở trường Realschule, và ông ấy sẽ để tôi hy sinh bản thân cho mơ ước của mình, mặc cho ông ấy có thích hay không”. Lời giải thích này trong cuốn Mein Kampf có thể là một cái cớ hoặc là lý do cho thất bại của Hitler vì đã học kém môn toán và môn lịch sử tự nhiên. Những người nói xấu Hitler khẳng định rằng, sự thất bại đó là do tính lười nhác cố hữu, nhưng đó cũng có thể chỉ là một hình thức trả thù người cha, cũng có thể do một số vấn đề về tình cảm hoặc đơn giản chỉ là Hitler không muốn học những môn không phù hợp với mình.
Tuy nhiên, năm sau Adolf thay đổi chiến thuật và tiến bộ rõ rệt trong lớp học. Là người lớn tuổi hơn các bạn cùng lớp, một lần nữa cậu lại trở thành cán bộ lớp. “Tất cả chúng tôi đều quý mến cậu ấy, cả trong lớp học cũng như ngoài giờ ra chơi” - Josef Keplinger nói. “Cậu ấy ‘có khí phách’. Cậu ấy không phải là người nóng nảy nhưng thực sự còn dễ bảo hơn nhiều học sinh tốt. Cậu ấy thể hiện hai nét tính cách hiếm thấy cùng có ở một con người. Cậu là một người cuồng tín trầm lặng”.
Sau buổi học, các cậu bé, dưới sự lãnh đạo của Adolf, học ném dây thòng lọng, đóng vai những cao bồi và thổ dân da đỏ Bắc Mỹ ở những đồng cỏ bên sông Danube. Hitler cũng thống trị trong cả giờ ra chơi, cậu giảng giải cho nhóm của mình về cuộc chiến của
những người Bua (người Phi gốc Hà Lan) và say sưa giải thích những bức phác họa mà cậu đã vẽ về những chiến binh người Bua dũng cảm. Cậu thậm chí còn nói cả về việc gia nhập quân đội của họ. Cuộc chiến đó đã khơi gợi trong con người Hitler trẻ tuổi một niềm khao khát đối với chủ nghĩa yêu nước của người Đức, một cảm giác mà hầu hết các cậu bé khác cũng có. “Đối với chúng tôi, Bismarck là một anh hùng dân tộc” - Keplinger nhớ lại. “Những bài hát về Bismarck và nhiều bài hát và bản thánh ca của Đức về nhân vật đó bị cấm hát[1]. Thậm chí việc sở hữu một bức họa về Bismarck cũng là có tội. Mặc dù cá nhân các thầy cô giáo của chúng tôi cảm thấy học sinh của mình có cách nghĩ như thế là tốt, nhưng họ vẫn phải phạt chúng tôi vài lần vì đã hát những bài hát này và vì đã khuấy động lòng ái quốc của người Đức”.
Adolf sùng bái nước Đức hơn nhiều người khác vì một số lý do, và tất nhiên là vì sự nổi loạn chống lại chính cha cậu, một người ủng hộ mạnh mẽ chế độ Habsburg. Một lần Keplinger cùng đi với Hitler một đoạn đường tới dốc đứng Kapuizinerstrasse để về nhà. Đến đỉnh đồi, Hitler dừng lại trước một nhà thờ nhỏ. “Cậu không phải là người Đức”, cậu nói toẹt ra với Keplinger. “Cậu có mái tóc đen và mắt đen”. Mắt của Hitler, như cậu luôn tự hào ghi nhận, có màu xanh và mái tóc ông, ở thời điểm đó theo Keplinger, màu nâu nhạt.
Hitler thực sự bị những nhân vật anh hùng trong thần thoại Đức mê hoặc, và ở tuổi 12 cậu đã tham gia vở opera của Wagner đầu tiên, vở Lohengrin, tại nhà hát opera thành phố Linz. Ngay lập tức cậu bị hút vào những tình cảm của người Đức mà âm nhạc đã góp
phần khuấy động thêm. Những lời thoại truyền cảm - như những lời nói của Vua Henry với các hiệp sĩ của mình - đã đánh thức trong cậu những thôi thúc ban đầu về sự ganh đua và chủ nghĩa yêu nước:
Và bây giờ hãy để kẻ thù của đế chế Đức xuất hiện
Chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng để đón tiếp chúng
Từ sa mạc phía Tây của chúng
Chúng sẽ không bao giờ dám quấy rầy chúng ta nữa Người Đức nguyện sẽ giữ vững đất của người Đức
Do đó đế chế Đức sẽ trường tồn mãi mãi.
Lần này, Hitler kết thúc năm học thành công, vượt qua tất cả các môn học, nhận được điểm tốt và nhận xét “rất hài lòng” về hạnh kiểm và sự siêng năng cần cù. Nhưng sang đầu lớp 2, cậu lại bắt đầu lơ mơ, môn toán là môn quá khó, và rơi xuống mức “hay thay đổi” ở mục nhận xét về hạnh kiểm. Sau đó, gần cuối kỳ nghỉ giáng sinh, một thảm họa lớn xảy ra trong gia đình đã làm mờ đi những khủng hoảng ở trường.
Sáng ngày 3 tháng Một năm 1903, Alois rời nhà đến Gasthaus Stiefler. Vừa ngồi xuống chiếc bàn dành cho khách hàng thường xuyên thì ông gục xuống và qua đời sau vài phút vì căn bệnh xuất huyết màng phổi.
Hai ngày sau ông được an táng ở nghĩa địa của nhà thờ gần ngôi nhà của Hitler. Trên bia mộ khắc bức chân dung một cựu nhân viên hải quan hình chữ nhật - mắt nhìn thẳng về phía trước. Lời cáo
phó về ông ở Tagespost của thành phố Linz, viết “ông luôn là người tiên phong về nguyên tắc và luật lệ và là người hiểu biết rộng, ông có thể tuyên bố một cách cứng rắn về bất kỳ vấn đề gì mà ông đã để ý đến”.
2
T
rái ngược với ý nghĩ của nhiều người, Alois không để lại cho gia đình mình một cuộc sống cơ hàn. Vào thời điểm ông chết, ông đã nhận một khoản tiền trợ cấp 2.420 curon, một số tiền nhiều hơn cả số tiền mà Hiệu trưởng trường Volksschule được nhận. Bà quả phụ được nhận một nửa số tiền này cũng như toàn bộ số tiền gần bằng 1/4 lương hưu của ông trong 1 năm. Thêm vào đó, mỗi đứa con sẽ được nhận 240 curon hàng năm “cho đến khi chúng 24 tuổi hoặc đến khi chúng có thể tự lập được cuộc sống”.
Một thay đổi đáng kể trong ngôi nhà nhỏ bé này là bầu không khí đã hết căng thẳng. Đã qua rồi cái thời phải nhẫn nhịn chịu đựng sự độc đoán của Alois. Adolf, lúc đó gần 14 tuổi, trở thành người đàn ông của gia đình. Klara cố gắng thực hiện những mong ước của người chồng đối với cậu con trai, nhưng vũ khí duy nhất bà có chỉ là những lời cầu xin và nước mắt. Không cần phải nói, điều này chẳng ảnh hưởng gì đến mơ ước của Adolf; bất kỳ khi nào ai đó hỏi Adolf rằng sau này sẽ làm gì, câu trả lời lúc nào cũng là “một họa sĩ lớn”.
Ngay cả những ảnh hưởng dịu hiền của người mẹ đối với Adolf
cũng bị giảm bớt dần, khi vào đầu kỳ học mùa xuân Adolf được phép đến ở phòng trọ ở Linz, cậu không phải chịu đựng những chuyến đi dài hàng ngày đến trường nữa. Adolf được thu xếp ở trong gia đình của một người phụ nữ lớn tuổi, bà Frau Sekira, cùng với 5 học trò khác. Ở đây, cậu được biết đến vì tính dè dặt, luôn sử dụng từ Sie trang trọng không chỉ với bà chủ nhà mà cả với những người ngang hàng với mình. Sự thay đổi chỗ ở giúp cậu cải thiện được chút ít thứ hạng thấp của mình ở trường học và có thêm thời gian để vẽ và đọc. Theo Frau Sekira, Adolf sử dụng số lượng nến nhiều quá mức vì làm việc ban đêm. Một lần, nhìn thấy Adolf cúi xuống trên một chiếc bản đồ chăm chú trang trí bằng những chiếc bút chì màu. Bà hỏi “Tại sao vậy, Adolf, cậu dự định sẽ làm gì trên trái đất đó?”. Adolf trả lời ngắn gọn: “Nghiên cứu bản đồ”.
Năm học thường xuyên cúp cua đó kết thúc, Hitler trượt môn toán và Frau Hitler được nhà trường thông báo rằng, con trai bà sẽ bị đúp nếu không qua được kỳ thi đặc biệt vào mùa thu. Thông báo này chỉ làm bà buồn chốc lát, bởi vì mùa hè năm đó, cả gia đình được mời tới nghỉ ở Spital. Với 2 chiếc va li to cũ đựng đầy quần áo và đồ ăn, gia đình Hitler đến Spital bằng tàu hỏa. Họ được em rể của Klara, Anton Schmidt, đón ở ga Weitra và đưa đến một ngôi nhà nhỏ, cơ ngơi của ông ở Spital. Đó là một mùa hè thật vui vẻ. Klara mãn nguyện đắm mình trong tình ruột thịt và sự cảm thông của gia đình, còn Adolf luôn trốn tránh công việc phải làm ngoài cánh đồng, thi thoảng cậu chơi với những đứa con của ông Schmidt. Một lần, Adolf làm cho chúng một chiếc diều lớn hình con rồng “với chiếc đuôi dài sặc sỡ từ giấy nhiều màu khác nhau”, chiếc
diều “bay rất đẹp trên bầu trời”. Nhưng thông thường, cậu dành thời gian cho việc đọc sách và vẽ - hai việc chứng tỏ cậu là một đứa trẻ đặc biệt. Adolf thích sống trong thế giới ước mơ của mình. Khi trời mưa, Adolf buộc phải ngồi ở nhà trong phòng của những đứa con của ông Schmidt. “Những lúc như vậy, anh ấy thường đi đi lại lại hoặc vẽ gì đó và rất tức giận nếu bị làm phiền. Anh ấy đẩy tôi ra khỏi phòng và nếu tôi khóc ở bên ngoài, anh sẽ cố gắng gọi mẹ lấy cho tôi một ít nước chè hay cái gì đó để ăn. Chúng tôi thường trêu chọc Adolf, ném thứ gì đó vào cửa sổ khi anh ấy đang ngồi bên trong, và rồi anh ấy nhảy bật ra ngoài đuổi theo chúng tôi” - Maria Schmidt nhớ lại.
Không lâu sau khi trở về Leonding, gia đình lại có một thay đổi nữa. Angela, “người luôn vui vẻ, yêu thích cuộc sống và tươi cười”, cưới một nhân viên thuế ở thành phố Linz tên là Leo Raubal. Adolf rất ghét Leo, sau này cậu tiết lộ lý do vì Leo uống rượu quá nhiều và hay đánh bạc. Nhưng có một sự thật khác mà cậu Hitler trẻ tuổi hẳn không muốn tiết lộ đó là, người anh rể của mình, một công chức, đã phản đối gay gắt việc Hitler chọn mỹ thuật là một nghề.
Adolf qua được kỳ thi lại và bây giờ phải dồn hết tâm trí vào những công việc cần thiết cho năm học tiếp theo. Môn học khó khăn nhất đối với cậu là tiếng Pháp. Nhiều năm sau, Hitler phê phán đó chỉ là môn học “hoàn toàn lãng phí thời gian”. Giáo sư Hümer, giáo viên người Pháp, có những tình cảm trái ngược nhau về cậu Adolf trẻ tuổi. “Cậu ấy có tài năng nhất định, dù trong phạm vi hẹp” - ông nhớ lại. “Nhưng cậu ấy thiếu kỷ luật tự giác, là một người cứng cổ, ngạo mạn, nóng nảy và hay gây gổ khét tiếng. Đương nhiên cậu ấy
có khó khăn trong việc hòa nhập ở trường học. Hơn nữa, cậu ấy lại lười biếng, tuy nhiên, với những thứ thuộc sở trường của mình, cậu ấy làm rất tốt. Ở những bức phác họa vẽ tay, phong cách của cậu ấy rất lưu loát và cậu ấy học tốt những môn khoa học. Nhưng sự nhiệt tình của cậu đối với những công việc khó thường không mấy có”. Giáo sư Hümer tình cờ quan tâm đến Adolf khi ông dạy Adolf tiếng Đức và là thầy phụ trách của lớp. “Cậu ấy có thái độ phản ứng thù hằn với những lời khuyên hay khiển trách, đồng thời cậu ấy đòi hỏi bạn bè phải phục tùng mình tuyệt đối, tưởng tượng mình ở vai trò người lãnh đạo, tự cho phép mình thỏa mãn với những trò nghịch ngợm tinh quái, không hẳn là không nguy hiểm, ít thấy ở những chàng thanh niên bồng bột”. Có một điều gì đó về “chàng thanh niên da trắng hốc hác” đã cuốn hút giáo sư Hümer, và ông đã làm tất cả những gì có thể để uốn nắn Adolf. Nhưng những nỗ lực của ông không mang lại mấy kết quả. Adolf vẫn ương ngạnh theo cách của mình, thường rút lui mỗi khi ai đó cố gắng xoi mói vào thế giới riêng tư.
Giáo sư sử học Leopold Pötsch đã cố gắng gây ấn tượng đối với chàng thanh niên hay che giấu bản thân này. Adolf rất say mê các bài giảng của ông về người Đức cổ, được ông minh họa sinh động bằng các bức hình đa sắc màu. “Thậm chí đến nay - Hitler viết trong cuốn Mein Kampf - tôi vẫn thường hồi tưởng với tình cảm dịu dàng về người thầy có mái tóc màu xám ấy. Bằng cảm hứng từ những câu chuyện kể của mình, đôi khi thầy khiến chúng tôi quên đi hiện tại, bằng sự say mê, thầy đã dẫn chúng tôi vào quá khứ, kéo bỏ tấm khăn choàng che phủ hàng nghìn năm, biến những ký ức
lịch sử khô khan thành hiện thực sống động. Những lúc đó, chúng tôi ngồi nghe, sôi sục nhiệt tình và thậm chí đôi khi còn trào nước mắt”.
Tuy nhiên, ngoài giờ học môn này, Adolf vẫn thường chỉ học ở mức trung bình và đến mùa xuân năm 1904, như thông lệ, nhà trường bắt đầu gửi nhận xét của địa phương về học sinh tới gia đình. Tháng Năm năm đó, Adolf được chứng thực vào ngày Chủ nhật sau lễ Phục sinh ở nhà thờ lớn thành phố Linz. Đó là một sự kiện đáng buồn đối với chàng họa sĩ trẻ. Trong số tất cả các cậu bé, chỉ mình Adolf là bị Emmanuel Lugert nhận xét “không có ai sưng sỉa và cáu kỉnh như Adolf Hitler. Tôi phải dùng những từ như vậy để tả về cậu ta… Đó là tất cả những gì có thể nói về cậu, tất cả lời xác nhận đều chống lại cậu ta, mặc dù cậu chỉ miễn cưỡng xin xác nhận này”. Ngay sau khi nhận xét này được gửi đến Leonding, Adolf tới ẩn náu ở nhà những bè bạn cùng lớp. “Và sau đó - Frau Lugert nhớ lại - Họ bắt đầu tấn công xung quanh ngôi nhà, chơi trò của người da đỏ Bắc Mỹ - một cuộc chơi ồn ào khủng khiếp!”
Năm đó Hitler trượt môn tiếng Pháp. Đến mùa thu, kỳ thi lại cậu được chấm điểm đạt nhưng với điều kiện không được quay lại trường học ở Linz để học lớp cuối cấp. Trường Realschile gần nhất ở Steyr, cách đó khoảng 25 dặm. Lại một lần nữa Adolf buộc phải sống xa nhà. Frau Hitler và cậu con trai 15 tuổi lại lên đường đến Steyr. Ở đó bà tìm thuê được một căn phòng nhỏ cho Adolf trong ngôi nhà của gia đình Cichini. Lúc đầu, Adolf không vui. Cậu ghét cay ghét đắng thị trấn này và quang cảnh nhìn ra từ phòng của cậu dường như mang một điềm xấu. “Tôi thường bắn chuột từ cửa sổ”.
Adolf dành nhiều thời gian cho việc bắn chuột, đọc sách và vẽ hơn là cho việc học trên lớp và làm bài tập ở nhà. Do vậy, điểm số trong học kỳ đầu tiên của năm đó còn tồi tệ hơn trước. Trong khi đó, cậu nhận được nhận xét đánh giá “giỏi” môn thể dục và “tốt” môn vẽ bằng tay. Cậu chỉ “thích hợp” với 2 môn học ưa thích là môn lịch sử và địa lý trong khi trượt môn toán và môn tiếng Đức. Cậu có thể làm bất cứ việc gì, kể cả những việc lố bịch nhất để tránh phải học trên lớp và làm bài tập ở nhà. Một buổi sáng, khi đến lớp, Hitler quàng một chiếc khăn quàng cổ lớn, giả vờ mình bị mất tiếng và được gửi về nhà.
Mặc dù vậy, điểm học của Adolf vẫn tăng đều đều và nhà trường thông báo rằng cậu có thể tốt nghiệp nếu quay trở lại trường vào mùa thu để tham dự kỳ thi đặc biệt. Adolf thông báo tin khá vui này cho mẹ vào một ngày oi bức tháng Bảy năm 1905. Bà đã bán trang trại ở Leonding, nơi xảy ra quá nhiều xáo trộn và những điều buồn đau, để thuê một căn hộ ở tòa nhà có bề mặt ốp đá vững chắc ở Humboldstrasse 31, trung tâm thành phố Linz. Một năm thiếu vắng sự chăm sóc chở che của mẹ đã khiến Adolf thay đổi đáng kể về vóc dáng bề ngoài. Adolf không còn là một cậu bé mà đã trở thành một chàng thanh niên với mái tóc thả tự do, bộ ria mép lún phún và cách diễn đạt mơ màng của một chàng trai trẻ lãng mạn người Bohem. Một trong những người bạn cùng lớp của Adolf ở Steyr tên là Sturmberger đã thể hiện tất cả các nét này của Adolf trong một bức phác họa bằng bút mực với lời tựa “Chân dung của một họa sĩ thời thanh niên”.
Adolf được mẹ chào đón như một anh hùng, và hai mẹ con lại
có được mối quan hệ ấm áp ngày nào. Ngay sau đó, họ và Paula đã đến nghỉ một mùa hè nữa ở Spital. Ở đây, chàng thanh niên trẻ Adolf bị mắc bệnh phổi (gia đình có tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp). Việc Adolf bị ốm đã giúp cho mối quan hệ giữa 2 mẹ con thậm chí còn bền chặt hơn và mặc dù có một số vấn đề xảy ra, mùa hè đó là một mùa hè thực sự dễ chịu đối với cả 2 người kể từ khi Adolf phải sống xa nhà ở Steyr.
Khi gia đình Hitler rời miền quê này, Adolf đã khoẻ trở lại để có thể trở về Steyr tham dự kỳ thi lại vào ngày 16 tháng Chín. Cậu đã qua được kỳ thi này và đêm đó, một vài người bạn đã cùng nhau tổ chức một bữa tiệc rượu bí mật, bữa đó Adolf say bí tỉ. “Tôi quên hoàn toàn những gì xảy ra trong đêm đó”, chỉ nhớ mình được bà bán sữa đánh thức trên lề đường quốc lộ lúc rạng sáng. Nhưng Adolf không phải chịu sự bẽ bàng như vậy thêm một lần nào nữa. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Hitler uống rượu say.
Mặc dù được cấp chứng chỉ, nhưng Hitler không thể đương đầu được với kỳ thi Abitur, kỳ thi tốt nghiệp để lấy bằng. Trên thực tế, chỉ mới nghĩ đến việc học thêm ở trường Oberrealschule hoặc một viện kỹ thuật nào đó là cậu đã phát ớn. Lấy cớ mình bị bệnh phổi - “bỗng nhiên căn bệnh trở thành cứu tinh cho tôi” - cậu thuyết phục Klara cho phép bỏ học. Sau này, những người không ưa Hitler đã công kích rằng, ông nói dối về sức khoẻ ốm yếu của mình trong cuốn Mein Kampf, nhưng Paula đã xác nhận rằng, anh trai bà bị bệnh xuất huyết. Một người bạn thời niên thiếu của Hitler nhớ lại rằng “ông hay bị ho và bị viêm phổi nặng, nhất là vào những ngày sương mù ẩm ướt”. Người hàng xóm của Hitler cũng chứng nhận ông “ốm
yếu và phải nghỉ học vì có những vấn đề về phổi - và vì căn bệnh này ông còn ho ra máu”.
Không bị cha gò ép, không bị trường học cản trở, chàng thanh niên 16 tuổi này được tự do kiểm soát bản thân, coi thường quyền lực. Đó là cách sống của một người theo trường phái thoát ly hiện thực. Adolf đọc ngấu nghiến, vẽ đầy hết các trang vở nháp, đến các viện bảo tàng, nhà hát opera và viện bảo tàng hình người bằng sáp. Adolf không còn đi tìm bạn bè, không còn là thủ lĩnh trong các trò chơi thời thơ ấu nữa. Cậu đi lang thang khắp các đường phố của thành phố Linz, một mình nhưng không đơn độc - bởi tâm trí luôn rối tung với những giấc mơ về tương lai. Đi cùng với những người khác sẽ trở nên chán ngắt. Đến cuối thu năm 1905, cậu gặp được một người bạn có thể chịu đựng được tính khí thất thường của mình - August Kubizek, con trai của người buôn bán bàn ghế, người cũng có giấc mơ trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng thế giới. Kubizek có thể chơi violon, viola, kèn trompet, kèn trompon và đang nghiên cứu lý luận âm nhạc tại trường nhạc của Giáo sư Dessauer. Một tối, hai chàng thanh niên trẻ gặp nhau ở nhà hát opera. Kubizek ghi nhận, Hitler là một người dè dặt, ăn vận kỹ càng. “Cậu ấy là một thanh niên xanh xao, gầy trơ xương, cũng tầm tuổi như tôi. Cậu ngồi xem buổi trình diễn mà 2 mắt sáng long lanh”. Bản thân Kubizek cũng có một vẻ mặt dễ đồng cảm, trán cao, tóc quăn, mắt mơ màng dường như dành riêng cho cuộc sống của một nghệ sĩ.
Adolf và Gustl (Hitler không muốn gọi người bạn mới của mình là “August”) bắt đầu đi xem gần như hầu hết các vở opera. Những tối khác, họ có thể đi dạo dọc đường phố Landstrasse. Adolf xoay
tròn và làm cong tay nắm chiếc ba-toong bằng ngà màu đen của mình. Một lần Kubizek đánh bạo hỏi người bạn ít nói của mình là liệu cậu có thể làm nghề sản xuất ba-toong không. “Tất nhiên là không” - Adolf trả lời gọn lỏn; “một công việc tầm thường” không phải dành cho cậu.
Hitler không thích nói về bản thân nên câu chuyện giữa họ thường xoay quanh chủ đề về âm nhạc và nghệ thuật. Tuy nhiên, một lần Adolf lấy ra một quyển vở màu đen và đọc to bài thơ mà cậu vừa sáng tác. Một lát sau, chỉ cho người bạn mới của mình một vài bản vẽ và bức phác họa, sau đó thú nhận rằng, mình thực sự muốn trở thành họa sĩ. Sự quyết tâm ở độ tuổi đó khiến Kubizek có ấn tượng mạnh mẽ (“Tôi run lên vì sự vĩ đại mà tôi được chứng kiến ở đây”), và kể từ giây phút đó, cậu ngưỡng mộ Hitler tới mức tôn sùng. Mặc dù những hồi ức của Kubizek thường được phóng đại hóa và thậm chí đôi khi còn được tiểu thuyết hóa, nhưng không có người bạn nào biết về tuổi trẻ của Hitler tường tận đến như thế.
Hai người có khá nhiều điểm chung, nhưng họ lại trái ngược nhau về cá tính. Kubizek coi mình là “dễ thích nghi và bởi vậy luôn muốn nhường nhịn”, trong khi đó Hitler lại “quá hung bạo và dễ bị kích động”. Những nét tính cách khác nhau này càng củng cố tình bạn giữa họ. Kubizek, một người biết lắng nghe, thích thú với vai trò thụ động của chính mình, “bởi vì nó khiến tôi nhận thấy bạn tôi cần tôi đến nhường nào”. Hitler rất yêu mến thính giả dễ cảm thông này và thường phát biểu “kèm với những cử chỉ sinh động, chỉ dành riêng cho tôi”. Những bài diễn thuyết trịnh trọng mà Hitler thường nói khi họ đi qua cánh đồng hoặc trên con đường mòn trong rừng
vắng đã khiến cho Kubizek liên tưởng đến một núi lửa đang phun trào. Nó giống như một cảnh trên sân khấu. “Tôi chỉ có thể đứng ngây ra, quên cả vỗ tay”. Phải mất một lúc, Kubizek mới nhận ra bạn mình không phải đang đóng kịch mà “có thái độ hoàn toàn nghiêm túc”. Cũng phát hiện ra rằng tất cả những gì Hitler có thể chịu đựng là sự tán thưởng, và bị mê hoặc bởi tài hùng biện hơn là vì những điều Adolf nói, Kubizek sẵn sàng làm điều đó.
Vào những ngày đẹp trời, trong giai đoạn có ảnh hưởng mạnh mẽ mãi về sau này, hai chàng trai trẻ chiếm một chiếc ghế dài ở Turmleitenweg, Adolf đọc, vẽ phác chì hay màu nước, hoặc họ ngồi trên một gờ đá xa trên bờ sông Danube. Ở những nơi hẻo lánh đó, Hitler tuôn ra những hy vọng và kế hoạch của mình, thỏa sức tưởng tượng sinh động. Nó là mối tương tác phiến diện. Adolf dường như biết chính xác Kubizek cảm thấy như thế nào. “Cậu ấy luôn biết tôi cần gì và tôi muốn gì. Đôi khi tôi có cảm giác rằng cậu ấy coi cuộc sống của tôi cũng như chính cuộc sống của cậu ấy”.
Trong khi Adolf đang thích thú với cuộc sống thảnh thơi của một công tử bột trẻ tuổi người Bohem thì thực tế, cậu lại đang sống trong một căn hộ xoàng xĩnh. Căn hộ trên tầng 3 ở tòa nhà Humboldtstrasse khá vừa ý nếu không có một số hạn chế. Khu bếp nhỏ nhưng giống như ở gia đình. Paula và Klara ngủ ở phòng ngủ, với điểm nhấn nổi bật là bức chân dung của Alois, hiện thân của một công chức có phẩm cách. Phòng thứ ba thực ra chỉ là một căn buồng nhỏ là phòng của Adolf. Không giống như những ngôi nhà trước đây gia đình đã từng ở, đây là một căn hộ yên tĩnh, rộng rãi đối với ông chủ trẻ Adolf, người thường tặng mẹ vé đi xem hát vào
mỗi dịp Giáng sinh. Đối với Klara, Adolf là một hoàng tử trẻ mà tài năng chưa phát lộ, tất nhiên mơ ước trở thành người nổi tiếng, và bà phản đối những gợi ý thực tế hơn của người thân rằng Adolf nên học một nghề đáng trọng nào đó để có thể đóng góp vào thu nhập của gia đình.
Mùa xuân năm 1906, một trong những mơ ước của Adolf đã trở thành hiện thực khi được mẹ cho phép tới thăm thành phố Viên, một địa điểm hấp dẫn về hội họa, âm nhạc và kiến trúc. Cậu đi lang thang khắp thành phố cổ kính lãng mạn này suốt một tháng (cậu ở tại nhà cha mẹ đỡ đầu của mình, Johann và Johanna Prinz). Adolf không ngừng gửi thư cho Gustl. “Ngày mai mình tới nhà hát opera để xem vở Tristan, ngày kia tới xem vở Flying Dutchman,.. cậu viết đằng sau tấm bưu thiếp gấp làm 3 phần vào ngày 7 tháng Năm. “Mặc dù mình thấy mọi thứ đều đẹp, nhưng mình vẫn nóng lòng muốn được đến Linz một lần nữa, tới Stadttheater ngày hôm nay”. Bức bưu thiếp thứ hai gửi cùng ngày hôm đó là bức hình nhà hát opera Hoàng gia. Theo Adolf thì kiến trúc bên trong nhà hát cũng bình thường. “Chỉ khi những làn sóng âm thanh ngân vang trong không trung và tiếng rít gió của những sóng âm thanh cuồn cuộn xô tới đến khủng khiếp mới khiến người ta cảm thấy nghệ thuật đích thực cao quý mà quên đi khung cảnh vàng son nhung lụa bên trong”. Những dòng này là tiêu biểu cho một tài năng họa sĩ bắt đầu nảy nở - văn phạm tồi kết hợp với hình tượng đầy chất thơ và những tình cảm lớn lao nhưng nhạy cảm.
Adolf trở về thành phố Linz cống hiến cho đời sống hội họa và kiến trúc nhiều chưa từng thấy. Cậu khăng khăng rằng Gustl phải
chia sẻ giấc mơ này cùng mình. Cuối cùng Adolf cũng thuyết phục được Gustl cùng đi mua một vé xổ số nhà nước giá 10 curon. Hitler nói không ngớt về dự định sẽ sử dụng số tiền thưởng như thế nào nếu trúng xổ số. Họ có thể thuê được toàn bộ tầng 2 của một tòa nhà rộng bên kia sông Danube và làm việc ở 2 phòng cách xa nhau nhất để tiếng nhạc của Gustl không làm Adolf mất tập trung. Adolf sẽ tự mình trang trí mọi phòng, vẽ các bức tranh tường và thiết kế đồ đạc. Căn hộ của họ, như cậu vẫn hàng ngày mong ước, sẽ trở thành nơi lui tới của những con người ham mê nghệ thuật. “Ở đó, chúng ta có thể sáng tác nhạc, nghiên cứu, đọc và trên tất cả là học; Lĩnh vực nghệ thuật của Đức rộng đến nỗi không bao giờ có thể học hết được”. Câu cuối cùng bộc lộ một ý khá thú vị: “và một người phụ nữ có văn hóa, đẹp và tinh tế sẽ quán xuyến căn hộ như một “bà chủ”, nhưng người phụ nữ có giáo dục này sẽ phải biết giữ bình tĩnh và biết làm dịu thời gian để không có những hy vọng hoặc dự định nào được khuấy động mà đến với chúng ta không đúng lúc”. Nhưng rồi những viễn tưởng tươi đẹp ấy, giống như hầu hết những mộng tưởng khác, đã vỡ tan bởi một thực tế: vé của họ không trúng thưởng.
Lại một kỳ nghỉ hè yên ổn nữa trôi qua ở Spital, điểm đáng nhớ là chiếc đèn lồng ảo thuật, món quà Adolf tặng cho những đứa trẻ nhà Schmidt. Adolf tiếp tục cuộc sống của một họa sĩ tài năng bắt đầu nảy nở và một người mơ tưởng vẩn vơ. Đầu tháng Mười, cậu bắt đầu học đàn piano với thầy giáo của Gustl. Paula nhớ lại rằng, anh trai mình “ngồi hàng giờ bên cây đàn piano Heitzmann đẹp đẽ mà mẹ đã tặng”. Không có một chi phí nào là quá lớn đối với đứa
con trai như vậy. Cũng trong khoảng thời gian này, Hitler thổ lộ với Kubizek mình bắt đầu một vai trò mới. Điều đó xảy ra vào một tối khi họ xem công diễn lần đầu vở Rienzi của Wagner. Câu chuyện về sự xuất hiện và sự sụp đổ của nhân vật này khi là lãnh đạo thành Rome đã ảnh hưởng một cách kỳ lạ đến Adolf. Adolf có thói quen hay nhận xét và phê phán các diễn viên hoặc các nhạc sĩ khi bức màn sân khấu cuối cùng buông xuống. Nhưng đêm đó, cậu không những không nói gì mà còn quở trách Kubizek giữ im lặng “với cái nhìn rất lạ, gần như căm phẫn”. Hitler sải bước trên đường phố, im lặng, nhợt nhạt hơn bình thường, cổ chiếc áo choàng màu đen được bẻ lên để chống chịu với cái rét tháng Mười một. Nhìn thấy “gần như là điềm xấu”, Adolf dẫn người bạn đang không hiểu điều gì xảy ra đến đỉnh đồi dốc. Đột nhiên, Adolf nắm chặt tay Kubizek, đôi mắt “lộ rõ vẻ xúc động”, cậu bắt đầu nói bằng giọng khàn khàn. Kubizek cảm giác như bạn mình trở thành một con người khác - “Đó là một trạng thái hoàn toàn xuất thần và mê đắm, ở đó cậu ấy chuyển thể tính cách nhân vật Rienzi mà thậm chí không cần viện đến nhân vật ấy như là mẫu hình hoặc một tấm gương, với tài nhìn xa trông rộng và mức độ tham vọng của mình”. Đến tận lúc đó Kubizek vẫn tin chắc rằng mục tiêu thực sự của bạn mình là trở thành một họa sĩ hoặc có thể là một kiến trúc sư. Nhưng lần này Adolf thực sự là một con người hoàn toàn khác lạ, cậu nói thao thao cứ như đang “có một nhiệm vụ đặc biệt mà một ngày nào đó sẽ được giao phó cho mình” - một nguyện vọng của những người dẫn dẫn dắt họ tới tự do. Cảnh này có thể là một trong những điều tưởng tượng của Kubizek, nhưng nó chắc chắn đã ảnh hưởng đến tâm trí của người bạn lãng mạn của cậu. Họ đi xuống nhà Kubizek
lúc 3 giờ chiều. Sau khi 2 người vẫy tay tạm biệt theo nghi thức, Adolf không về nhà. Thay vào đó, cậu lại lên đồi một lần nữa với lời giải thích: “Muốn được ở một mình.” Gia đình giờ đây đã bắt đầu được hưởng lợi một cách không rõ ràng lắm từ những kinh nghiệm nhìn xa trông rộng của cậu. “Anh ấy rất hay giảng giải về các chủ đề liên quan đến lịch sử, chính sách cho mẹ tôi và tôi theo cách hoa mỹ nhất” - Paula nhớ lại.
Những điều tưởng tượng ở trên đồi đó còn tăng thêm bởi một giai đoạn buồn rầu mà Adolf cảm thấy như mình bị chối bỏ và bị tổn thương giống nhân vật của Dostoevski, ông như vừa bước ra khỏi những trang sách của cuốn The Adolescent. Những bài học piano bị dừng trong 4 tháng. Kubizek cảm thấy Adolf dừng học bởi vì “những bài tập ngón tay đơn điệu, buồn tẻ không phù hợp với Adolf”, nhưng nhiều khả năng Adolf ngừng học là do sức khoẻ ốm yếu của mẹ. Ngày 14 tháng Một năm 1907, hai tuần trước buổi học piano cuối cùng của Adolf, mẹ cậu đã đến phòng khám của bác sĩ Edward Bloch, một bác sĩ người Do Thái được biết đến như là “một lương y của người nghèo”. Với giọng nói nhỏ nhẹ, giấu giếm, bà giải thích về cơn đau ở vú của mình, nó làm bà không ngủ được hết đêm này đến đêm khác. Sau khi khám, bác sĩ cho biết Frau Hitler có “một khối u lớn ở vú”. Bác sĩ không nói với bệnh nhân là bà đã bị ung thư, nhưng ngày hôm sau ông gọi Adolf và Paula đến. Mẹ của họ “bị bệnh hiểm nghèo”, và một hy vọng duy nhất nhưng cũng rất mong manh là phải phẫu thuật. Bloch nhận thấy ngay phản ứng của Adolf. “Khuôn mặt dài vàng vọt của cậu trở nên méo xệch. Nước mắt lăn dài trên má. Có phải mẹ của cậu không có cơ hội sống nữa
không - cậu hỏi. Chỉ đến khi đó tôi mới nhận thấy sự gắn bó khăng khít giữa 2 mẹ con họ”.
Gia đình đã quyết định phẫu thuật cho Klara và bà đã nhập viện dành cho các nữ tu ở Linz ngày 17 tháng Một. Ngày hôm sau, bác sĩ Karl Urban đã cắt một bên vú của bà. Lúc này dì Johanna, người phụ nữ lưng gù, hay cáu kỉnh nhưng thường xuyên phải cáng đáng các công việc, từ Spital chuyển đến để trông nhà và bọn trẻ. Klara nằm hồi phục trong một phòng bệnh hạng xoàng với giá 3 curon mỗi ngày trong 19 ngày. Bà có thể nằm ở một phòng khác thuận tiện hơn nhưng bà tiết kiệm. Trèo lên 3 dãy bậc cầu thang tới căn phòng ở Humboldtstrasse là quá khó khăn đối với Klara và cuối mùa xuân năm đó, gia đình chuyển sang sống ở căn hộ ba phòng trên tầng 2 của tòa nhà bằng đá Bliitengasse tại vùng ngoại ô Urfahr, bên kia sông Danube. Đó là một nơi dễ chịu, yên tĩnh, chỉ vài phút đi xe điện qua chiếc cầu dài là đến những địa điểm mà Adolf yêu thích.
Chàng thanh niên Adolf còn có mối quan tâm mới. Adolf đã yêu. Trước đó cậu thường xem nhẹ những mối quan hệ của mình với các cô gái. Ví như, trong một lần đi nghi ở Spital, cậu gặp một cô gái đang vắt sữa ở chuồng bò, nhưng khi cô gái tỏ ra thân mật hơn, Adolf đã bỏ chạy và va vào một chậu sữa tươi. Khi tản bộ ở Landstrasse cùng với Kubizek, họ đã tiếp cận được một cô gái “trông đàng hoàng, cao và mảnh mai” có mái tóc dày màu vàng được tết thành nhiều lọn nhỏ, cô gái trẻ ấy người Valkynie. Adolf vui sướng nắm chặt cánh tay của người bạn đồng hành. “Cậu cần phải biết” - cậu quả quyết, “mình đã yêu cô ấy”. Cô gái đó tên là
Stephanie Jansten; cô cũng sống ở Urfahr. Adolf đã sáng tác rất nhiều thơ để tặng Stephanie, trong đó có một bài tiêu đề “Hymn to be beloved”, và đọc tất cả những bài thơ đó cho Gustl nghe. Adolf thú nhận rằng, mình chưa bao giờ nói với Stephanie nhưng rốt cuộc “tất cả mọi thứ sẽ rõ ràng mà không cần phải nói với nhau điều nào”. Hôn nhân của họ bình dị đến nỗi họ hiểu nhau chỉ cần qua ánh mắt nhìn. “Những điều ấy không thể giải thích được,” - cậu nói. “Những gì có trong tôi thì cũng có trong Stephanie”. Kubizek giục cậu giới thiệu mình với Stephanie và với mẹ cô ấy. Hitler từ chối làm điều đó; cậu e ngại sẽ phải giới thiệu về nghề nghiệp của mình mà hiện thời bản thân vẫn chưa phải là một họa sĩ thành danh. Cậu đang mải mê đắm chìm vào thần thoại của Đức và Na Uy, trong những câu chuyện đó thân phận người phụ nữ không gì hơn những người bình thường, và cậu đã nuôi dưỡng trong mình khái niệm được lãng mạn hóa của một hiệp sĩ về tất cả những gì liên quan đến tình dục. Không thể có một sự giới thiệu tầm thường đối với Siegfried trẻ trung này! Tưởng tượng được hình thành trên những tưởng tượng. Nếu tất cả vẫn thất bại, cậu sẽ bắt cóc Stephanie trong khi Kubizek hẹn gặp để nói chuyện với mẹ Stephanie.
Khi Stephanie tiếp tục phớt lờ sự có mặt của Hitler, cậu tưởng tượng rằng cô gái đang giận (thực tế Stephanie đang chuẩn bị đính hôn với một trung úy, và nhiều năm sau, khi biết Hitler là người si mê mình, bà đã rất bất ngờ). Đang trong nỗi thất vọng, cậu thề với bản thân không thể chịu đựng được điều đó thêm một lần nào nữa. “Mình sẽ chấm dứt điều đó!”. Cậu quyết định sẽ gieo mình xuống dòng sông Danube. Nhưng phải có Stephanie tự vẫn cùng. Adolf
nghĩ ra một kế hoạch hoàn thiện đến từng chi tiết, tham khảo tất cả mọi người, trong đó có Kubizek, người phải chứng kiện sự kiện bi thương này.
Đó là một sự vụ tình yêu thuận lợi đối với một chàng trai hay tưởng tượng và dễ bị tổn thương về tình cảm. Sự vụ ấy thành công có thể dẫn đến một đám cưới và chấm hết sự nghiệp của một họa sĩ, nếu thất bại, nó chỉ đóng góp thêm vào những tưởng tượng đau khổ nhưng mang lại niềm thích thú khác cho Adolf. Nhưng có sự kiện quan trọng hơn xảy ra đã sớm đưa Stephanie sang vị trí quan tâm thứ yếu. Nỗ lực sáng tạo của Adolf đã chuyển từ hội họa sang kiến trúc. Vẫn là một họa sĩ say mê vẽ màu nước không mỏi mệt, nhưng những bức vẽ ấy không thể thỏa mãn ý tưởng và tình cảm đang sôi sục trong lòng. “Adolf chưa bao giờ vẽ một cách nghiêm túc” - Kubizek nói - “vẽ là một sở thích riêng bên ngoài những khát vọng nghiêm túc hơn của ông.” Mặt khác, những bản thiết kế kiến trúc của Adolf tạo ấn tượng về một sự thôi thúc sáng tạo không thể cưỡng lại được cũng như trạng thái trật tự gần như ám ảnh cậu. Cậu nỗ lực thay đổi hình dạng và bộ mặt của thành phố Linz. Cậu có thể đứng trước một nhà thờ mới, khen nét này, chê nét kia. Cậu thiết kế lại hết cấu trúc này đến cấu trúc khác với cảm xúc mạnh mẽ thúc đẩy phải thay đổi. “Cậu ấy dồn hết nỗ lực vào những tòa nhà trong tưởng tượng và cậu hoàn toàn bị nó chi phối”. Khi thả bộ dọc những đường phố cùng với một thính giả bị bắt buộc đi cùng, Hitler chỉ ra những đặc điểm cần phải thay đổi, sau đó giải thích chi tiết những điều cần phải làm. Tòa thị chính thành phố không gây được mấy ấn tượng, cậu tưởng tượng ra ở vị trí đó là một cấu trúc hiện
đại trang nghiêm. Cậu sẽ tu sửa lại hoàn toàn tòa lâu đài xấu xí, đưa nó trở lại vẻ huy hoàng vốn có của nó. Bảo tàng mới dường như làm cậu hài lòng đôi chút và cậu thường quay trở và chiêm ngưỡng trụ gạch bằng đá cẩm thạch miêu tả những quang cảnh lịch sử của nó. Nhưng ngay cả điều này cũng phải thay đổi, cậu dự định sẽ kéo dài gấp đôi độ dài của nó để nó trở thành trụ gạch dài nhất châu Âu.
Kế hoạch của Adolf cho nhà ga mới cho thấy sự tài tình của cậu trong việc quy hoạch thành phố: để giải phóng thành phố Linz đang phát triển khỏi những chiếc xe tải xấu xí cũng như giảm sự ùn tắc giao thông, Adolf muốn đưa nhà ga ra ven thành phố, và những chiếc xe tải sẽ chạy dưới lòng thành phố. Công viên công cộng sẽ tràn rộng ra cả vị trí nhà ga cũ. Sự tưởng tượng của Adolf là vô tận. Cậu vạch kế hoạch xây dựng một đường ray lên tận đỉnh Lichtenberg, ở đó sẽ đặt một khách sạn nhiều phòng và một ngọn tháp bằng thép cao 300 foot, từ đó có thể nhìn xuống cây cầu cao nguy nga lộng lẫy mới bắc qua sông Danube.
Cuộc sống của Adolf là một cuộc sống tách biệt. Cậu thức khuya và ở nhà gần như cả ngày để đọc sách, vẽ và thiết kế. Người hàng xóm dưới tầng dưới, vợ của ông giám đốc sở bưu điện, chỉ nhìn thấy cậu rời khỏi nhà sau 6 giờ tối và khi trở về sau những chuyến phiêu lưu với Kubizek, bà nghe thấy tiếng bước chân của Adolf đi quanh phòng cho đến sáng sớm. Một ngày, chồng bà đã gợi ý Adolf vào làm tại ngành bưu điện nhưng cậu trả lời rằng mình sẽ trở thành một họa sĩ vĩ đại một ngày nào đó. “Khi ông giám đốc chỉ ra rằng Adolf thiếu những phương tiện và mối quan hệ cần thiết để
thực hiện điều đó, cậu trả lời ngắn gọn: ‘Makart và Rubens tự họ phát triển được từ những cảnh ngộ nghèo khó’”.
Adolf không lúc nào nghỉ ngơi; và thành phố Linz không còn chỗ cho cậu nữa. Khao khát được ra thế giới bên ngoài, đặc biệt là tới Viên, Adolf cố gắng thuyết phục mẹ rằng, mình sẽ được vào học ở Học viện Mỹ thuật. Klara cũng chịu sức ép của Alois, Jr. và Josef Mayrhofer, người giám hộ những đứa trẻ. Cả 2 người đều khăng khăng rằng đã đến lúc cậu Adolf phải lựa chọn được một nghề nghiệp đứng đắn. Mayrhofer thậm chí còn tìm được một người làm bánh mỳ muốn nhận Adolf vào học việc.
Nhưng Klara không thể cưỡng lại được lời cầu xin thiết tha của cậu con trai cưng. Mùa hè năm đó, bà cho phép Adolf rút phần tài sản được thừa kế của cha, khoảng 700 curon, từ Ngân hàng Mortgage, Thượng Áo. Số tiền này đủ để Adolf sống 1 năm ở Viên, bao gồm cả tiền học phí học ở Học viện. Niềm vui chiến thắng bị giảm bớt đôi chút bởi tình trạng sức khoẻ của mẹ ngày càng xấu đi và Adolf rời nhà ra đi với những cảm giác tội lỗi, tiếc nuối và vui sướng lẫn lộn. Nhưng kỳ thi vào Học viện Mỹ thuật chỉ được tổ chức vào đầu tháng Mười và nếu không tới Viên bây giờ, sự nghiệp của Adolf có thể sẽ phải hoãn thêm một năm nữa. Một buổi sáng cuối tháng Chín năm 1907, Kubizek có mặt ở tòa nhà Blütengasse 9. Cả Klara và Paula đều khóc và thậm chí hai mắt Adolf cũng nhòa nước. Chiếc va li của cậu nặng đến nỗi phải cả hai thanh niên mới nhấc nó xuống được cầu thang và đưa ra xe điện.
Chuyến đi đầu tiên của Adolf tới Viên, cậu đã tới tấp gửi cho bạn mình những bức bưu thiếp để thông báo và chia sẻ. Nhưng lần này,
đã 10 ngày trôi qua mà không nhận được tin tức gì từ Adolf, Kubizek mường tượng ra cảnh tượng bạn mình bị ốm, bị tai nạn, thậm chí bị chết. Cậu quyết định hỏi thăm Frau Hitler. Những lời đầu tiên ông nghe được là “Cháu có nhận được tin tức gì của Adolf không?” Mặt bà tíều tụy hơn bao giờ hết; hai mắt như không còn sự sống, giọng nói thều thào. Adolf đi xa, bà dường như buộc mình phải dứt ra để cậu đi và trở thành “một người đàn bà già nua, ốm yếu”. Bà bắt đầu lặp lại những lời than vãn mà Kubizek đã nghe rất nhiều lần: Tại sao Adolf không chọn một nghề nào thích hợp? Nó không bao giờ sống được bằng nghề vẽ hoặc viết truyện; Tại sao nó lại lãng phí tài sản được thừa kế của cha nó cho “một chuyến đi điên rồ tới Viên” như thế chứ? Tại sao nó lại chối bỏ trách nhiệm nuôi em Paula bé bỏng của nó cơ chứ?
Adolf sống ở gần ga Westbahnhof trong căn hộ tầng hai tòa nhà Stumpergasse 29 của một phụ nữ Ba Lan tên là Zakreys. Cậu đang rất thất vọng. Cậu đã tham dự kỳ thi vào Học viện Mỹ thuật với sự tự tin. Kết quả thật sốc: “Bức vẽ kiểm tra không đạt yêu cầu”. Khi chàng trai trẻ đang choáng váng này yêu cầu giải thích, Giám đốc Học viện khẳng định rằng, những bức vẽ “cho thấy tôi không phù hợp với nghề vẽ, và khả năng của tôi rõ ràng là nằm ở lĩnh vực kiến trúc”.
Phải mất vài ngày buồn chán, Hitler mới thấm thía nhận ra những điều Kubizek đã từng dự đoán - việc vẽ vời chỉ là một sở thích riêng và điểm đến thực sự của cậu là trở thành một kiến trúc sư. Con đường phía trước dường như không thể vượt qua được; đầu vào trường Kiến trúc của Học viện này phụ thuộc vào bằng tốt
nghiệp của trường Xây dựng, và để vào được trường ấy, cậu phải có bằng của trường Realschule. Quyết tâm đạt được thành công, nhưng cậu lại nản lòng trước những khó khăn. Adolf để một tuần tiếp đó trôi đi không mục đích, đọc sách hàng giờ liền trong căn phòng nhỏ, đi xem những vở opera và dạo chơi trên phố để ngắm nghía những tòa nhà.
Ở Urfahr, Klara Hitler đang hấp hối. Vợ của ông giám đốc Sở Bưu điện đã đánh điện cho Hitler và cậu lập tức trở về nhà. Ngày 22 tháng Mười, Adolf đến hỏi ý kiến bác sĩ Bloch. Bác sĩ cho biết, việc điều trị tăng cường là cần thiết để cứu chữa bệnh nhân. Klara có vẻ được phẫu thuật quá muộn và “khối u đã di căn”. Việc chữa trị - bác sĩ Bloch tiếp tục - không chỉ nguy hiểm - sử dụng iodoform liều cao lên vết thương hở - mà còn quá đắt. Đối với Adolf, tiền không là vấn đề và cậu đồng ý trả trước tiền iodoform cho bác sĩ Bloch và hứa sẽ thanh toán tiền chữa trị sau.
Kubizek giật mình khi Adolf bất ngờ xuất hiện ở nhà với vẻ mặt xanh xao nhợt nhạt như người chết, hai mắt thẫn thờ. Sau khi giải thích những thứ mình đã mua tặng Kubizek từ Viên, cậu bắt đầu công kích kịch liệt các bác sĩ. Sao họ lại nói mẹ cậu không thể chữa trị được? Họ đơn giản là không có khả năng chữa trị cho bà. Adolf nói mình sẽ ở nhà để giúp chăm sóc mẹ, vì chị gái Angela cùng cha khác mẹ đang chuẩn bị sinh đứa con thứ hai. Kubizek cảm thấy ngạc nhiên vì bạn mình không hề hỏi gì về Stephanie, cũng không hề nhắc đến, Adolf dành hoàn toàn thì giờ cho mẹ.
Đến ngày 6 tháng Mười một, bà Klara được điều trị bằng iodoform gần như hằng ngày. Tẩm dung dịch iodoform (một chất rất
khé, gây buồn nôn và có mùi vị “rất bệnh viện”), rồi còn bôi xung vết thương hở. Chất iodoform không chỉ đốt cháy các mô tế bào, mà khi nó xâm nhập hệ thống mô, người bệnh không thể chịu đựng nổi. Cổ họng Klara khô cháy, nhưng bà không thể làm hết cơn khát này vì dung dịch ấy có vị giống như thuốc độc.
Hitler dành hết thời gian và sức lực cho mẹ, giúp việc nhà với dì Johanna, Paula và vợ ông giám đốc Sở Bưu điện. Klara được sắp xếp ở trong bếp bởi vì chỉ ở đó bà mới được sưởi ấm cả ngày. Chiếc tủ bếp được chuyển đi, thay vào đó là một chiếc giường. Adolf ngủ ở đó để tiện chăm sóc mẹ. Suốt ngày, cậu nấu nướng và Frau Hitler thú nhận với Kubizek một cách tự hào rằng chưa bao giờ bà ăn ngon miệng đến thế. Khi nói những lời này, hai gò má xanh xám của bà ửng hồng. “Niềm vui khi được con chăm sóc và sự tận tâm của con đối với bà đã làm tôn thêm chút sức sống cho khuôn mặt mệt mỏi và kiệt sức của bà”.
Những ngày lạnh giá ẩm ướt sau đó, Kubizek không thể tin được là sẽ có sự thay đổi nào đó ở Hitler. “Không có trò chơi ô chữ, không một lời nhận xét thiếu kiên nhẫn, không một sự nài nỉ quá đáng nào”, Adolf “chỉ sống cho mẹ” và thậm chí còn tiếp quản nhiệm vụ của người đàn ông trụ cột trong gia đình. Cậu mắng Paula vì học không tốt ở trường và một hôm bắt Paula phải chính thức thề với mẹ từ nay trở đi sẽ là một học sinh chăm chỉ. Kubizek ấn tượng sâu sắc bởi cách cư xử không thuộc tính cách điển hình này của Hitler. “Có lẽ bằng những hành động nhỏ bé này, Adolf muốn cho mẹ thấy cậu ấy đã nhận ra lỗi lầm của chính mình”.
Mỗi giờ thức giấc là mỗi giờ đau đớn đối với Klara. “Bà ấy cũng
buồn vì mình trở thành gánh nặng của gia đình” - bác sĩ Bloch nhớ lại. “Bà ấy không chùn bước, không kêu ca, nhưng chính điều đó lại tra tấn đứa con trai của bà. Cái nhăn đau đớn có thể trùm lên cậu khi cậu nhìn thấy nỗi đau đớn trên khuôn mặt mẹ”. Tối 20 tháng Mười hai, Kubizek thấy Frau Hitler mặt buồn rầu, 2 mắt trũng sâu ngồi trên giường, bên cạnh là Adolf đang giúp mẹ làm dịu cơn đau. Hitler ra hiệu cho bạn mình ra về. Khi Kubizek ra ngoài, Klara thì thào “Gustl”. Bình thường bà vẫn gọi ông là Herr Kubizek. “Hãy tiếp tục là người bạn tốt của con trai bác khi bác không còn trên cõi đời này. Nó không còn ai thân thiết nữa”.
Đến nửa đêm, cái chết rõ ràng đang đến gần Klara, nhưng gia đình quyết định không làm phiền bác sĩ Bloch nữa. Bệnh tình của Klara đã vượt khả ngoài khả năng giúp đỡ của ông. Trong bóng tối những giờ đầu tiên của ngày 21 tháng Mười hai - dưới ánh sáng rực rỡ của cây thông đêm Noel, bà đã ra đi lặng lẽ. Sáng ra, Angela mời bác sĩ Bloch đến tòa nhà Bliitengasse và ký giấy chứng tử. Ông thấy Adolf ngồi bên cạnh mẹ mình, khuôn mặt thất thần. Trên vở nháp là bức vẽ chân dung Klara, một ký ức cuối cùng. Bác sĩ Bloch cố gắng xoa đi nỗi buồn đau của Hitler bằng việc nói rằng trường hợp như mẹ cậu thì “cái chết là một sự giải thoát”, nhưng không thể an ủi được Adolf. “Trong cả sự nghiệp của tôi, tôi chưa bao giờ nhìn thấy ai phủ phục đau khổ như Adolf Hitler.” - bác sĩ Bloch nhớ lại.
Chương 2
“TRƯỜNG HỌC CỦA ĐỜI TÔI”
12.1907 - 5.1913
1
S
áng 23 tháng Mười hai năm 1907, trời sương mù và ẩm ướt. Klara được đưa ra khỏi ngôi nhà Blütengasse 9 trong “một chiếc quan tại gỗ bóng chắc có các góc gắn kim loại”. Xe tang chạy chậm trên đường phố đầy tuyết tan tới nhà thờ. Sau vài phút làm lễ, chiếc xe chở quan tài và 2 xe chở đoàn người đưa tang chạy qua sông Danube, qua đồi tới Leonding. Klara được an táng bên cạnh mộ chồng theo ước nguyện của bà, tên bà được khắc trên bia đá của ông. Toàn gia quyến trong trang phục màu đen đứng lặng lẽ trên nghĩa địa mịt mù sương, cách không xa ngôi nhà nhỏ ấm cúng mà họ đã từng ở. Adolf mặc áo choàng đen, tay cầm một chiếc mũ đen. Theo Gustl quan sát, Adolf thậm chí còn nhợt nhạt hơn bình thường, khuôn mặt “xanh xao nhưng điềm tĩnh”.
Đêm Giáng sinh là một đêm sầu thảm đối với gia đình Hitler. Cả gia đình đến gặp bác sĩ Bloch để thanh toán hóa đơn khám chữa bệnh. Tổng số tiền phải thanh toán là 359 curon, trong số đó 59 curon đã trả trước. Đây là số nợ đáng kể, bằng hơn 10% tài sản mà
Klara để lại, nhưng đó cũng là con số hợp lý bởi nó gồm 77 lần khám chữa bệnh tại nhà và tại phòng khám và 47 lần điều trị, hầu hết các lần điều trị đều dùng iodoform. Số tiền còn lại được thanh toán bằng nhiều lời cảm ơn. Trong khi các chị gái thương lượng với bác sĩ, Adolf vận bộ com-lê đen, cà vạt lòng thòng, mớ tóc rối bù loà xoà xuống trán, cúi gằm nhìn xuống sàn nhà. Cuối cùng, ông nắm chặt tay người bác sĩ và nhìn thẳng vào mắt ông ta. “Tôi sẽ đội ơn ông suốt đời,” - Hitler nói và cúi gập người xuống. “Không biết liệu bây giờ ông ấy còn nhớ cảnh tượng này không” - bác sĩ Bloch viết trong cuốn Collier’s 33 năm sau đó. “Tôi chắc chắn rằng, ông ấy còn nhớ và vẫn giữ lời hứa của mình. Ông ấy dành cho tôi những đặc ân mà tôi cảm giác rằng không một người Do Thái nào ở Đức hoặc ở Áo có được”.
Adolf và Paula được mời đến nhà Raubals ở, nhưng cậu từ chối. Cậu ngày càng trở nên khó chịu với anh rể Leo, bởi Leo luôn thuyết giáo mỗi khi có cơ hội để thuyết phục Adolf từ bỏ ước mơ dại dột muốn trở thành họa sĩ của mình. Thực ra, Adolf đã tiết lộ kế hoạch bí mật cho Kubizek rằng, vì tất cả những người họ hàng đều ngăn cản nên cậu sẽ trốn tới Viên. Cậu chắc chắn sẽ trở thành một họa sĩ để chứng tỏ rằng mình đúng chứ không phải họ.
Adolf quả quyết rằng, bạn mình sẽ rời cửa hàng buôn bán bàn ghế của người cha để trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp. Gia đình Kubizek đã không cho Gustl (tên thân mật của Kubizek) tới Viên mùa thu năm ngoái, nhưng Hitler nài nỉ và tranh luận, khơi dậy trí tưởng tượng của Gustl và mẹ cậu với bao nhiêu câu chuyện tưởng tượng về Viên, về các nhà hát opera, về các buổi hòa nhạc
và vô số cơ hội học nhạc. Thuyết phục Herr Kubizek còn khó hơn. Ông coi Adolf là “một chàng trai trẻ không có khả năng học ở trường phổ thông và tự đánh giá mình quá cao để học nghề”. Nhưng Hitler ngay từ lúc bấy giờ đã có khả năng thuyết phục hiếm có và con người thực tế như Herr Kubizek cuối cùng đã đồng ý để con trai mình thử đến thủ đô. Một trong những lý lẽ tranh luận khiến ông này xuôi lòng là Gustl sẽ sống cùng với một sinh viên mỹ thuật chân chính.
Hitler lại đến Leonding. Cậu nói với người giám hộ về quyết định đến Viên của mình. Lần này Herr Mayrhofer không ngăn cản nữa. Ông miễn cưỡng đồng ý. Ông nói với con gái mình rằng, bổn phận của Hitler là phải làm vậy. Adolf ở lại thêm vài tuần nữa với Angela và dì Johanna, giải quyết những việc còn lại trong gia đình. Đến giờ, tất cả các hóa đơn đã được thanh toán hết, bao gồm cả tiền tang lễ khá lớn, tổng số 370 curon. Adolf đến cảm ơn những người hàng xóm vì sự giúp đỡ của họ trong thời gian mẹ ốm. Cậu hàm ơn vợ chồng ông Giám đốc Bưu điện đến nỗi đã tặng họ một bức vẽ của mình. Sau khi giải quyết xong mọi việc, di sản mà Klara dành dụm được để lại còn hơn 3.000 curon. Vì Angela phải nuôi Paula mới 11 tuổi, có thể cô sẽ hưởng hơn 2/3 số này. Sau này, Alois Hitler, Jr. nói rằng ông đã thuyết phục Adolf “để hết phần thừa kế của họ cho các chị em gái”, bởi vì Raubals thì túng thiếu; Adolf sẵn sàng chia phần của mình cho Angela, trong khi Alois chia cho Paula. Nếu đó là sự thật thì Adolf còn rất ít tiền để bắt đầu sự nghiệp của mình ở Viên: số tiền trợ cấp dành cho trẻ mồ côi là tất cả những gì còn lại trong gia sản của cậu.
Đầu tháng Hai, Adolf nhận được nguồn động viên không ngờ từ Viên. Một người hàng xóm đã thuyết phục giáo sư Alfred Roller, Giám đốc thiết kế sân khấu (director of scenery) Nhà hát Opera Hoàng gia, để mắt tới những bức họa của chàng trai trẻ Hitler và khuyên Hitler tiếp tục sự nghiệp của mình. Đề nghị của giáo sư Roller khiến gia đình không ai còn phản đối nữa, Adolf lên kế hoạch rõ ràng sẽ tới Viên. Ngày 10 tháng Hai năm 1908, Adolf điền đơn xin trợ cấp cho mình và cho Paula. Ba ngày sau, đơn bị trả lại với ghi chú rằng đơn phải được người giám hộ của họ tiếp ký. Adolf chuyển tiếp đơn này đến Herr Mayrhofer, nhưng cậu không đủ kiên nhẫn để chờ câu trả lời từ phía Văn phòng trợ cấp. Gói gém quần áo, sách vở và dụng cụ vẽ, cậu chào tạm biệt gia đình và rời ngôi nhà Blütengasse 9 lần cuối cùng.
Hôm đó là ngày 17 tháng Hai, Gustl tiễn Adolf ra tận ga. Trong lúc đợi tàu, Adolf nói chuyện về Stephanie. Cậu nói rằng vẫn chưa tự giới thiệu mình với cô ấy nhưng có lẽ sẽ viết thư cho cô. Khi chuyến tàu rời sân ga, Adolf gọi với qua cửa sổ “Hãy đi theo mình, Gustl nhé”. Không biết chàng trai trẻ này có đọc những tác phẩm truyền cảm của Horatio Alger hay không, nhưng chắc chắn anh có những nét giống với những nhân vật của Alger. Giá vé tàu hạng 3 là 5,30 curon và sau 5 giờ đồng hồ, chàng trai 18 tuổi Adolf Hitler lần thứ 3 tới thành phố Viên có sức lôi cuốn kỳ diệu. Đi bộ từ ga Westbahnhof tới cơ ngơi của Frau Zakreys ở tòa nhà Stumpergasse 29 chỉ mất vài phút, nhưng chắc chắn đó không phải là một quãng đường dễ dàng với một túi hành lý kềnh càng như vậy. Thời tiết tháng đó rất ảm đạm, nhưng Adolf cảm thấy rất phấn
chấn. Cậu viết tấm bưu thiếp đầy hăng hái gửi cho Kubizek ngày 18 tháng Hai:
Bạn thân mến! Mình thiết tha chờ đợi tin bạn đến. Hãy viết cho mình ngay và dứt khoát để mình có thể chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ đón tiếp bạn. Tất cả thành phố Viên đang chờ đợi bạn… Như chúng ta đã nói với nhau từ trước, bạn sẽ ở với mình. Chúng ta có thể biết được chúng ta hợp nhau đến mức nào. Ở đây, trong hiệu cầm đồ của Nhà nước Dorotheum, piano giá chỉ có 50-60 hào. Mình chúc sức khoẻ bạn, cho mình gửi lời hỏi thăm tới cha mẹ đáng kính của bạn. Một lần nữa, mình mong bạn đến sớm.
Năm ngày sau, vào ngày Chủ nhật đầy sương, Gustl đã đến ga Westbahnhof với chiếc túi vải “đựng quá tải các loại đồ ăn”. Cậu chàng đang đứng bối rối trong phòng chờ ồn ào của nhà ga thì nhìn thấy Adolf đi về phía mình, trông rất ra dáng công dân Viên: “Áo choàng đen đúng điệu, mũ đen, cầm gậy có tay nắm bằng ngà voi, trông rất lịch sự”. Hitler rất vui khi nhìn thấy bạn mình, ôm hôn bạn, rồi cầm một bên quai túi nặng, Kubizek cầm bên kia, họ hòa mình vào sự náo nhiệt của thành phố. Trời đã tối nhưng ánh điện khiến sân ga “sáng như ban ngày”.
Họ đi qua lối vào rộng của tòa nhà Stumpergasse 29, một kiến trúc rất ấn tượng, qua một chiếc sân nhỏ tới một gian nhà phụ, leo qua những bậc cầu thang tối tăm tới một phòng trên tầng hai. Những bức phác họa nằm rải rác khắp phòng. Adolf trải một tờ báo lên bàn và mang ra những món ăn lèo tèo gồm sữa, xúc xích, bánh mỳ. Kubizek gạt những món ăn này sang một bên, và giống như một thầy phù thủy, cậu lôi từ chiếc túi vải ra thịt lợn quay, bánh bao
nhân nho nướng, pho mát, mứt và cả một chai cà phê. “Chà” - Hitler kêu lên “Có mẹ sướng vậy chứ!”.
Sau bữa tiệc, Hitler nài nỉ để cố kéo người bạn đã thấm mệt của mình đi thăm thành phố. Kubizek làm sao có thể ngủ được khi không đi xem tòa thị chính Ring của thành phố Viên? Trước tiên, Adolf giới thiệu cho bạn vẻ huy hoàng của Nhà hát Opera. “Tôi cảm thấy mình như được đến một hành tinh khác. Ấn tượng tràn ngập trong tôi”. Sau đó, họ đến ngọn tháp St. Stepen thanh nhã và cuối cùng Adolf nài nỉ bạn đi tiếp đến “một nơi nào đó đặc biệt”, nhà thờ St. Maria am Gestade. Nhưng có vẻ Kubizek chẳng xem gì mấy và chỉ thực sự cảm thấy dễ chịu khi về đến nhà lúc nửa đêm và bò vào chiếc giường mà bà chủ nhà đã chuẩn bị sẵn trên sàn nhà.
Do căn phòng quá nhỏ đối với 2 người và một chiếc piano, Adolf có tài thuyết khách đã tài tình khiến Frau Zakreys đổi căn phòng rộng của bà cho họ. Hai chàng trai trẻ đồng ý trả 20 curon mỗi tháng, gấp đôi giá tiền thuê ban đầu. Chiếc đàn piano cánh chiếm nhiều không gian hơn họ tưởng và việc đi đi lại lại là nhu cầu thiết yếu đối với Adolf, nên đồ đạc trong phòng được sắp xếp lại để dành cho anh một lối đi dài 3 sải chân.
Trong hai ngày Gustl đã đăng ký thi vào Nhạc viện và qua được kỳ thi đầu vào. “Tôi không nghĩ rằng mình lại có một người bạn thông minh đến vậy” - Hitler nhận xét ngắn gọn. Cậu không vui khi nghe về những tiến bộ của Kubizek trong các tuần sau đó. Hitler hay sinh sự mỗi khi Gustl có một người bạn cùng học, một cô gái trẻ đẹp đến thăm. Sau khi cô gái đó về, Hitler sẽ bước tới bước lui, sổ ra những lời chỉ trích về “sự ngu xuẩn của việc tìm hiểu phụ nữ”.
Kubizek có ấn tượng rằng, Adolf trở nên điên rồ. “Cậu ta có thể nổi cơn tam bành vì những việc nhỏ nhất”. Gustl cảm thấy Adolf không phù hợp với bất kỳ điều gì và “cậu ấy làm cho cuộc sống chung của chúng tôi trở nên không thể chịu đựng nổi… Cậu ấy xung đột với thế giới. Nhìn bất kỳ điều gì cậu ấy cũng thấy không công bằng, cũng căm ghét và hằn học”.
Nguyên nhân cơ bản là Hitler luôn bị loại trong các kỳ thi và mọi người biết đến điều này nhiều hơn khi cậu bất ngờ xuất hiện, lăng mạ một cách cay đắng Học viện Mỹ thuật. “…. quá nhiều những cán bộ, nhân viên lạc hậu, lỗi thời, thiếu hiểu biết, một lũ quan chức ngu ngốc. Cả Học viện đáng bị chê trách!”. Mặt Hitler bầm tím, hai mắt long lên giận dữ. Cuối cùng Hitler lộ ra rằng mình lại bị trượt. “Làm thế nào bây giờ?” - Kubizek lo lắng hỏi. Hitler ngồi xuống bàn, bắt đầu đọc sách. “Không quan tâm” - cậu bình tĩnh trả lời.
Mặc dù Hitler nói rằng mình quyết tâm đạt được thành công, nhưng cậu chưa hề nhờ đến lời đề nghị giúp đỡ của giáo sư Roller. Đã vài lần, Hitler cầm hồ sơ đến xưởng vẽ của nhà thiết kế sân khấu nổi tiếng này nhưng chưa bao giờ có đủ dũng khí để gõ cửa. Cuối cùng Hitler xé bỏ lá thư giới thiệu “để mình không bị xúi giục đến đó nữa”. Có thể Hitler sợ tác phẩm của mình chưa được tốt, cũng có thể sợ thất bại một lần nữa hay chỉ đơn giản sự nổi tiếng của Roller lấn át và cậu sợ việc phải diện kiến ông ta.
Khoảng một tuần sau khi Hitler rời Linz, Herr Mayhofer được Văn phòng trợ cấp thông báo rằng hai trẻ mồ côi là Paula và Adolf Hitler mỗi người sẽ được nhận trợ cấp 300 curon một năm cho đến 24 tuổi. Mayrhofer được ủy quyền phân chia toàn bộ 600 curon này
trong một năm cho phù hợp. Ông quyết định chia cho mỗi người 25 curon mỗi tháng.
Số tiền thường xuyên được nhận này (tương đương với 6 đô-la Mỹ lúc bấy giờ) chắc chắn đã khiến Hitler lại có quyền hy vọng, nhưng cứ cho là cậu vẫn còn gần như nguyên số tiền 650 curon từ tài sản được thừa kế, cuộc sống vẫn sẽ vất vả. Bạn cùng phòng của Hitler khẳng định, Hitler thường xuyên bị đói. “Liên tục trong nhiều ngày, Hitler chỉ sống bằng sữa, bánh mỳ và bơ”. Kubizek không bao giờ biết được Adolf có bao nhiêu tiền và nhận thấy rằng Hitler giấu thẹn vì số tiền ít ỏi đó. “Thi thoảng, cơn giận dữ của Hitler giúp mọi người hiểu hơn về cậu, khi cậu hét lên trong giận dữ, “Đây là cuộc sống của chó chứ không phải của người”.
Số tiền Hitler nhịn ăn, nhịn tiêu tiết kiệm được như kiểu “là” quần dưới đệm (đặt quần phẳng phiu xuống dưới tấm đệm, để bớt công là) giúp ông có thể đi xem ở nhà hát Burg hoặc nhà hát Opera vài lần một tuần. Hitler không ngồi trong phòng tranh với các cô gái bao giờ - “tất cả họ đều chỉ ve vãn, tán tỉnh”. Hitler bắt Kubizek đồng ý với mình, khi đi chơi không có phụ nữ, giá vé nhiều lắm là 2 curon 1 vé. Họ không bao giờ xem hết được những vở opera dài hơi, bởi họ phải ra về lúc 9h45 tối để kịp về nhà trước khi lối vào tòa nhà Stumpergasse 29 đóng cửa. Nếu không họ sẽ phải đánh thức người gác cổng. Khi trở về phòng, Hitler thường bắt Kubizek đàn piano những phần họ đã không được xem hết.
Hitler không bao giờ chán nghe những tác phẩm của Wagner. Thậm chí khi Gustl muốn xem vở kịch hạng nhất của Verdi ở Nhà hát Opera Hoàng gia, Adolf vẫn nài nỉ bạn mình đến Nhà hát Opera
Nhân dân để nghe tác phẩm hạng hai của Wagner. Âm nhạc gây xúc động mạnh đối với Hitler và “là một lối thoát vào thế giới thần bí mà cậu cần để chịu đựng những căng thẳng vì bản tính ngỗ nghịch của mình”. Họ cùng xem vở opera mà Adolf ưa thích, vở Lohengrin, 10 lần. Tương tự, vở Die Meistersinger khiến Hitler, người chưa bao giờ chán trích dẫn những dòng trong lời 2 của bài hát, xúc động:
Và bây giờ tôi vẫn chưa thành công
Tôi cảm thấy điều đó và tôi vẫn chưa thể hiểu được điều đó Tôi không thể nhớ được, cũng không thể quên được Và nếu tôi túm được nó, tôi không để đo được.
Kubizek cố thuyết phục Adolf tới xem một vài vở opera của Verdi nhưng cậu chỉ đồng ý xem vở Aida. Adolf phản đối những ảnh hưởng ảo của sân khấu. “Những người Italia này sẽ làm gì nếu họ không có dao găm?”. Một lần, họ nghe người quay đàn hộp chơi bài La donna è mobile, Hitler hét lên: “Verdi của cậu đấy! Cậu có thể hình dung ra câu chuyện của Lohengrin trên cây đàn thùng đó không?”
Hai chàng thanh niên trẻ cũng đi nghe một số buổi hòa nhạc cùng nhau, vì Kubizek là sinh viên Nhạc viện, nên cậu có vé miễn phí. Gustl rất ngạc nhiên khi Adolf bắt đầu “phát triển khiếu thẩm mỹ đối với nhạc giao hưởng” và đặc biệt thích những nhạc sĩ theo chủ nghĩa lãng mạn như Weber, Schubert, Mendelssohn và Schumann. Ngoài ra, Hitler cũng yêu thích các nhạc sĩ như Bruckner, Beethoven và Grieg, những nhạc sĩ mà những vở côngxectô dành cho đàn piano của họ làm cậu cảm động.
Thiếu tiền không làm họ phai nhạt ý nghĩ tận hưởng vẻ hào nhoáng của thành phố Viên. Đó là thời kỳ vàng son của âm nhạc và opera. Gustav Mahler vừa nghỉ ở Nhà hát Opera Hoàng gia để nhận vị trí chỉ huy chính của Nhà hát Metropolitan ở New York, nhưng ông đã để lại sau mình những tác phẩm tuyệt diệu, trong đó nhiều tác phẩm do giáo sư Roller thiết kế. Đáng chú ý là sự cộng tác của họ trong vở Rienzi và hai phần đầu tiên của vở The Ring. Giám đốc mới, ông Felix Weingartner, đã làm một số việc gây tranh cãi, cắt bớt những tác phẩm của Mahler, triển khai ngay kế hoạch của người tiền nhiệm là hoàn thiện vở The Ring với phần trang trí sân khấu mới của Roller. Thật ngẫu nhiên, cả 2 vị giám đốc cũng như những người có ảnh hưởng lớn tới văn học và nhà hát của thành phố Viên như Hugo von Hofmannsthal, Arthur Schnitzler, Richard Beer-Hofmann và Hermann Bahr đều là người Do Thái.
Viên là thủ đô của một nước đế quốc đang trong những năm hưng thịnh cuối cùng, là trung tâm nói rất nhiều thứ tiếng nhưng không có ngôn ngữ chung, dân cư ở đây chủ yếu là người Áo và người Hungary. Đây là thành phố rực rỡ, nổi tiếng toàn thế giới, nơi mà niềm vui của cuộc sống trôi đi cùng với cảm giác chết chóc sắp xảy ra. Dưới triều đại Habsburg, thành phố này thuộc về nước Đức, và cho đến thời điểm ấy nơi đây vẫn là thủ đô độc nhất vô nhị trong số các thủ đô. Đây không chỉ là trung tâm tài chính, ngân hàng mà còn là trung tâm văn hóa và thời trang. Không giống như nước Đức, đây là nơi tụ cư của những người không cùng chí hướng. “Là nơi mà người Slavs, người Magyar và người Italia chiếm đại đa số trong nhiều thập kỷ, thành phố này không còn mang dòng máu của
người Đức nữa,” - một phóng viên đương thời nhận xét. Ở đây có một nhà hát của Bohem, một nhà hát của Italia, có các ca sĩ đến từ Pháp và từ các câu lạc bộ của Ba Lan; Trong một số quán cà phê thường có các tờ báo bằng tiếng Czech, tiếng Slav, Ba Lan và Hungary nhưng không có tờ báo nào bằng tiếng Đức. “Bạn có thể là một người mang dòng máu Đức hoàn toàn, nhưng vợ của bạn sẽ là người Galici hoặc người Ba Lan, đầu bếp của bạn là người Bohem, y tá của bạn là người Istriote hoặc người Dalmation, người giúp việc nhà bạn là người Xéc-bi, đánh xe ngựa của bạn là người Slav, thợ cắt tóc là người Magyar và thầy giáo của bạn là một người Pháp…. Không, Viên không phải là một thành phố của Đức”.
Những người đó cũng giống như Adolf. Họ rời những thành phố và làng quê của mình để đến Viên. Họ bị Viên quyết rũ bất chấp những mâu thuẫn đến náo loạn của thành phố này. Viên là thành phố của vẻ đẹp hào hoa nhưng cũng là thành phố của những ngôi nhà ổ chuột, của những hội nghị không mệt mỏi và của những cuộc thử nghiệm trí tuệ cơ bản, của những tư tưởng tự do và những định kiến phân biệt chủng tộc. Sự hấp dẫn khiến Hitler tới thành phố hoa lệ này, “một sức lôi cuốn vô hình của một nơi tụ cư quốc gia”, đã bắt đầu không còn trong Hitler, bởi đã nhiều tháng trôi qua mà không đạt được một thành công nào - sau này ông mô tả lại.
Hitler và Kubizek thường rời phòng trọ của họ ở tòa nhà Stumpergasse với cái dạ dày trống rỗng, đi qua những đường phố bẩn thỉu của tầng lớp trung lưu tới trung tâm thành phố với “những lâu đài nguy nga lộng lẫy có những người phục vụ trang điểm loè loẹt đứng trước cửa những ngôi nhà của giới quý tộc và những
khách sạn xa hoa”. Adolf dần trở nên nổi loạn. Cậu không ngớt lời xỉ vả sự bất công xã hội của sự giàu có ăn trên ngồi chốc đó. Điều khiến cậu sợ hơn cả cái đói là vi khuẩn bẩn thiu đã tấn công các phòng ở tòa nhà Stumpergasse. Hitler là người “nhạy cảm một cách bệnh hoạn về bất kỳ thứ gì liên quan đến cơ thể,” - Kubizek nhớ lại.
Cảm giác của Hitler về thành phố này không phải là duy nhất. “Mỗi người xuất sắc lớn lên trong bầu không khí trí tuệ đặc thù của Viên thì sau đó bao giờ cũng sống theo thuyết biện chứng hổ lốn của tình yêu và lòng hận thù đối với thành phố lộng lẫy, có nhiều tiềm năng để đạt được những danh hiệu cao quý nhất, cũng như sẽ gặp phải sự đối kháng khó khăn nhất cản trở việc thực hiện của họ”. Bruno Walter đã viết như vậy trong cuốn tiểu sử Mahler, người đã viết nên tác phẩm Tristan đầy cảm hứng với sắc màu cam, màu tím và màu xám mà Roller thiết kế và Adolf Hitler sẽ diện kiến gần như hàng tháng trong năm năm tiếp theo. Nói tóm lại, Viên là thành phố của người Raunzer (những người hay cằn nhằn) và có truyền thống công kích những người nổi tiếng nhất; nhạo báng thuyết phân tâm học của Freud, chê bai những âm thanh quá hiện đại của Arnold Schonberg và những sắc màu quá sáng của Oskar Kokoschka, và tìm thấy nhiều điều để chỉ trích trong các tác phẩm của Hofmannsthal và Schnitzler.
Chàng trai trẻ Hitler vừa háo hức, vừa lưỡng lự, đã dành thời gian tìm hiểu những thói xấu của thành phố xa hoa này. Theo Kubizek, người coi Hitler là một Werther trẻ có lương tâm xã hội, Hitler theo một chương trình tự giáo dục không thường xuyên, lang thang ở khu vực Meidling để “nghiên cứu” các điều kiện nhà ở của
người lao động; cậu thường đến thăm khu Ringstrasse, tìm hiểu khu vực này và các khu vực lân cận hàng giờ trước khi trở về căn phòng tồi tàn của mình để nung nấu thiết kế lại những khu vực lớn của thủ đô. Chàng trai vừa như một nhà quy hoạch thành phố, vừa như một kiến trúc sư. Anh ta bước những bước dài tới lui trong khoảng hẹp giữa cửa ra vào và cây đàn piano, bắt Kubizek phải nghe những bài thuyết trình bất tận về “Quy hoạch chu đáo”. Sau khi biến mất trong ba ngày, anh chàng trở về với lời tuyên bố “các khu nhà ở sẽ bị phá bỏ”, và bắt đầu làm việc thâu đêm với các bản thiết kế về một khu nhà ở kiểu mẫu cho công nhân.
Adolf cũng sẽ ngồi ở bàn cho đến khuya, viết dưới ánh sáng chập chờn của ngọn đèn dầu đầy khói duy nhất trong phòng. Cuối cùng, Kubizek cũng tò mò hỏi xem Hitler đang làm gì. Hitler đưa cho cậu xem một số tờ giấy vẽ nguệch ngoạc.
Nền bức vẽ là ngọn núi Holy, phía trước ngọn núi là khối nhà hiến tế đồ sộ được bao quanh bởi các cây sồi to lớn; hai chiến binh hùng mạnh giữ con bò đực đen, và ấn cái đầu to tướng của con thú vào chỗ hõm trong khối nhà hiến tế. Phía sau họ, nổi bật lên trong những chiếc áo choàng sáng màu là vị linh mục đang đứng. Ông cầm sẵn thanh gươm để giết con bò đực làm vật hiến tế. Mọi thứ xung quanh đều trang nghiêm. Những người đàn ông râu ria xồm xoàm, cầm chắc khiên giáo sẵn sàng, đang chăm chú theo dõi buổi lễ.
Hitler giải thích cho Kubizek còn đang lúng túng rằng đó là một vở kịch. Ông hào hứng mô tả hành động đó đã từng diễn ra ở thời Cơ-đốc giáo và lan truyền sang Bavaria; những người vùng núi này sẽ không chấp nhận đức tin mới và quyết tâm giết chết các nhà
truyền giáo Cơ-đốc. Vở kịch này có lẽ không bao giờ kết thúc và những vở khác như vở kịch về họa sĩ Murillo - đã dự kiến và đôi khi đã bắt đầu, cốt truyện của những vở kịch này thường được lấy từ thần thoại hay lịch sử của người Đức. Adolf sẽ viết cho đến bình minh, sau đó quăng các kết quả lên giường của Gustl hoặc đọc to lên một hoặc hai trang. Mỗi vở kịch này đều đòi hỏi chi phí dàn dựng đắt đỏ với những cảnh khác nhau, từ thiên đàng đến địa ngục, và Gustl gợi ý Adolf viết cái gì đó đơn giản hơn, chẳng hạn, một vở hài kịch “khiêm tốn”. Từ “khiêm tốn” này đã khiến Hitler tức giận và càng chú tâm vào một dự án còn nhiều tham vọng hơn. Dự án được lấy cảm hứng từ lời nhận xét vô tình của Kubizek rằng bản phác thảo của vở nhạc kịch về Wieland Smith được phát hiện trong số giấy tờ sau khi chết của Wagner.
Ngày hôm sau, ăn trưa xong, Kubizek trở về, nhìn thấy Hitler đang ngồi bên đàn piano. “Tôi sẽ soạn Wieland thành một vở nhạc kịch”, cậu nói. Kế hoạch của Adolf là soạn nhạc và ném nó lên cây đàn piano để Gustl “đưa nó lên giây, điều chỉnh những chỗ cần thiết và cuối cùng viết bảng tổng phổ”. Mấy đêm sau, Hitler chơi khúc dạo đầu trên đàn piano, sau đó hồi hộp chờ đợi ý kiến của Gustl. Kubizek nghĩ rằng đó là sự lặp lại của Wagner, nhưng các chủ đề chính đều hay và ông đề nghị chuyển nhạc sang dạng thích hợp. Khi Hitler còn chưa bao giờ hài lòng với những thay đổi của bạn mình, ngày qua ngày ông tiếp tục soạn nhạc, cũng như thiết kế trang phục, dàn cảnh và phác họa nhân vật chính bằng chì than. Adolf có thể dành các buổi tối cho việc viết lời nhạc kịch, để mắt đến Kubizek, và khi cậu này ngủ thiếp đi trong khi đang phối âm, thì
sẽ lắc vai đánh thức dậy và sau đó đọc khe khẽ bản thảo vì đêm đã khuya. Tuy nhiên, sau vài tuần, Adolf gạt vở opera đó sang một bên. Có lẽ đã có vấn đề nào đó nảy sinh khiến cậu chú ý hơn, hoặc giả ngọn lửa sáng tạo đã nguội dần. Càng ngày cậu càng nói ít về dự án dở dang của mình và cuối cùng hoàn toàn không nhắc đến nữa.
Mùa xuân năm đó Kubizek trở về nhà nghỉ lễ Phục Sinh. Cậu viết lại lời nhắn rằng mình bị viêm kết mạc, có lẽ là do học tập quá nhiều dưới ánh sáng đèn dầu, và có thể phải đeo kính đến Westbahnhof. Đó là ngày Chủ nhật của lễ Phục Sinh cô đơn, buồn tẻ đối với Adolf. Năm đó, năm 1908, lễ Phục Sinh rơi vào ngày 19 tháng Tư, một ngày trước sinh nhật lần thứ mười chín của Adolf. Câu trả lời của Adolf cho Gustl viết trên giấy cáo phó mang đậm tính hài hước: “Tôi đau buồn vô hạn khi biết bạn sẽ bị mù; bạn sẽ ngày càng viết sai nhiều hơn, đọc sai bản nhạc và kết thúc là bị mù còn tôi đần bị điếc. Oweh!”
Căn phòng ở Stumpergasse dường như ảm đạm hơn bao giờ hết đối với Gustl khi cậu trở lại sau kỳ nghỉ ở vùng quê Linz. Gustl thuyết phục Hitler về chơi ở miền quê thoáng đãng. Trong nắng mới mùa xuân nhẹ nhàng, họ đã dành vài Chủ nhật dạo chơi trong rừng Viên và đi tàu thủy hơi nước dọc sông Danube. Mặc dù mùa xuân được coi là mùa các chàng trai trẻ có cảm hứng yêu đương, nhưng tình dục chỉ đóng một phần rất nhỏ và kín đáo trong cuộc sống của họ. Trong các cuộc dạo chơi, các cô gái và phụ nữ thường kín đáo liếc nhìn họ. Lúc đầu Kubizek nghĩ họ quan tâm tới mình, nhưng sau đó nhanh chóng nhận thấy ngay rằng Adolf mới là đối tượng chính; mặc dù cậu lạnh nhạt phớt lờ ý tứ mời mọc của họ. Nếu như
cả hai không có hành động nào liên quan đến tình dục, thì buổi tối họ lại thường nói chuyện hàng giờ về phụ nữ, tình yêu, hôn nhân và Adolf thường chi phối cuộc nói chuyện. Lúc nào Adolf cũng nhấn mạnh rằng phải giữ “Tình yêu cuộc sống” tinh khiết. Nghĩa là, do được dạy dỗ theo Công giáo, Adolf tin rằng, nam nữ nên giữ mình trong sạch cả về thể chất và tâm hồn cho đến khi kết hôn, có như vậy mới sinh được những đứa con khỏe mạnh cho dân tộc.
Nhưng mặt tối của tình dục cũng ám ảnh Adolf và cậu nói “hàng giờ” về các thói quen [tình dục] đồi truỵ”. Cậu lớn tiếng phản đối nạn mại dâm, không chỉ lên án bọn gái điếm và khách làng chơi mà cả xã hội. Lời kết tội của Adolf biến thành nỗi ám ảnh và một đêm, sau khi dự buổi biểu diễn Spring’s Awakening của Wedekind, ông nắm cánh tay Gustl và nói: “Chúng ta phải xem ‘vũng lầy tội lỗi’ một lần”. Họ rẽ xuống một con hẻm nhỏ tối tăm - đó là hẻm Spittelberggasse - và đi qua một dãy nhà nhỏ, đèn sáng tới mức có thể nhìn thấy các cô gái bên trong. “Họ ngồi đó với quần áo bó sát và trễ nải”, Kubizek nhớ lại, “họ đang trang điểm, tết tóc, hoặc soi gương, nhưng vẫn để ý đến những người đàn ông qua lại”. Thỉnh thoảng có người đàn ông dừng lại trước một ngôi nhà, trao đổi vài câu với một cô gái và ngọn đèn vụt tắt. Khi hai thanh niên đến cuối con hẻm, Adolf đi theo một đôi và tận mắt chứng kiến cảnh kinh hoàng. Trở về phòng, Adolf nói một thôi một hồi, đả kích những cái xấu xa của nạn mại dâm “một cách khách quan lạnh lùng như thể đó là quan điểm cá nhân đối với cuộc chiến chống bệnh lao, hay đối với hỏa táng”.
Gustl đã hoàn thành các cuộc thi tuyển với điểm xuất sắc và thực hiện buổi hòa nhạc cuối kỳ. Ba bài hát của ông đã được hát và
hai phần trong bộ sáu của ông cho đàn dây đã được biểu diễn. Trong phòng của các nghệ sỹ, Adolf tự hào đứng bên cạnh Gustl, nhận lời chúc mừng không chỉ của Hiệu trưởng Trường đào tạo Nhạc trưởng, mà cả Giám đốc Nhạc viện.
Đó là đầu tháng Bảy, thời gian để Gustl trở về Linz. Gustl sẽ nghỉ hè cùng với cha mẹ, nhưng vẫn khăng khăng đòi trả một nửa tiền thuê nhà cho đến khi trở lại vào mùa thu. Adolf như thường lệ vẫn không hề hé mở chút gì về những kế hoạch cá nhân. Khi Gustl thông báo đã xin được một vị trí chơi vĩ cầm trong dàn nhạc giao hưởng thành phố Viên, do vậy có thể cáng đáng hơn một nửa số tiền chi tiêu, Hitler đã nổi cáu. Guslt vốn quen phục tùng, luôn chiều theo cách của người bạn dốt nát. Guslt vẫn thế, vui sướng với thành công của chính mình và không bao giờ phản công lại Hitler. Ở Westbahnhof, Adolf đã khẳng định với Guslt “hàng trăm lần” rằng sẽ là ngu ngốc nếu sống một mình trong căn phòng của tòa nhà Stumpergassse, nhưng lại che giấu, chẳng thể hiện một chút cảm xúc bề ngoài nào khi họ chia tay (“Càng nhiều điều tác động đến cậu ấy, cậu ấy càng trở nên lạnh nhạt”). Thế mà lần này, Adolf đã làm một điều không giống bản tính bình thường: nắm chặt cả hai tay Kubizek, bóp chặt và vội quay đi mà không ngoái đầu nhìn lại.
Từ Linz, Gustl viết cho Hitler một bức thư kèm bưu thiếp và nhận được một tấm bưu thiếp từ Hitler giải thích rằng, cậu đã “phải làm việc rất vất vả, thường đến 2 hoặc thậm chí 3 giờ sáng”. Adolf hứa sẽ viết thư cho Gustl trước khi đi nghỉ lễ ở Spital, đồng thời bực tức thêm rằng “sẽ không muốn đi nếu chị gái của mình cũng đến đó”. Có thể Adolf muốn nói đến Angela. Hai vợ chồng người chị gái
đã luôn hoài nghi chỉ trích con đường sự nghiệp của Adolf. Hai tuần trôi qua, Gustl không hề nhận được thêm tin tức gì từ Adolf. Cuối cùng ngày 20 tháng Bảy, Gustl nhận được một bức thư từ Adolf. Với những gì mà bức thư đề cập và cả những gì mà thư không đề cập cho thấy Adolf đang có một cuộc sống thật đơn độc và kỳ dị:
Bạn yêu quý! Chắc có lẽ bạn sẽ đoán được tại sao mình lại không viết cho bạn trong thời gian dài như vậy. Câu trả lời rất đơn giản, mình chẳng nghĩ được điều gì để kể cho bạn hoặc điều gì mà bạn sẽ quan tâm. Mình vẫn ở Viên. Mình đang đơn độc ở đây bởi vì Frau Zakreys đang ở nhà anh của bà ấy. Mình vẫn khá ổn trong cuộc sống đơn độc này. Duy chỉ một điều mình không hiểu. Cho đến tận bây giờ Frau Zakrey vẫn thường xuyên gõ cửa đánh thức mình vào buổi sáng. Mình đã quen với việc thức dậy rất sớm để làm việc, nhưng ngược lại bây giờ mình phải chăm sóc chính bản thân mình. Ở Linz có gì mới không?
Adolf hỏi cách đi tới Linz và lịch chạy của tàu ở sông Danube.
… Mặt khác, mình không hề biết bất kỳ tin tức gì. Sáng nay mình bắt được một đàn rệp đầy sát khí mà chẳng lâu nữa nó sẽ hút máu mình, và bây giờ mình đang run lên, răng va vào nhau cầm cập. Mình nghĩ những ngày lạnh giá như thế này sẽ rất hiếm vào mùa hè năm nay.
Hitler sống những ngày còn lại của tháng đó ở trong một căn phòng ngột ngạt và đầy rệp. Bức thư tiếp theo Kubizek nhận được vào tháng Tám cho thấy cuộc sống của Hitler ngày càng tiếp tục tối tăm. Lá thư đầy ắp những lời than thân trách phận của Hitler, nhiều lỗi ngữ pháp và lỗi chính tả. Đó là “một bức thư đáng yêu” đối với chàng thanh niên Gustl thiếu óc phê bình. “Có thể đó là bức thư bộc
lộ bản thân nhiều nhất mà cậu ấy đã từng gửi cho tôi”. Nó thể hiện ngay từ lời chào hỏi rất tình cảm “Bạn tốt của mình!” Đầu tiên cậu ấy xin lỗi vì đã không viết thư trong thời gian gần đó. “Cũng có những lý do tốt hay đúng hơn là lý do xấu. Mình không thế nghĩ ra bất cứ tin tức gì. Bây giờ bỗng dưng viết cho cậu chỉ đơn thuần là mình đã phải tìm kiếm trong một thời gian dài để thu thập một vài mục tin cho cậu.” Adolf kể chuyện bà chủ nhà cám ơn vì tiền thuê nhà, bất cẩn gọi bà là “Zakays” và sau đó là “Zakrays”, mặc dù trong bức thư trước đó cậu đã viết đúng tên của bà ta. Kể mình vừa trải qua một trận “viêm phổi nặng” và đùa vui về thời tiết - “thời tiết bây giờ thật quá ‘dễ chịu’ đối với chúng ta, mưa to và nóng như đổ lửa, đó thực sự là phúc lành mà Thượng đế ban cho”. Tiếp tục kể rằng các nhà chức trách ở Linz thay vì xây dựng lại nhà hát (một trong những dự án mà Adolf ưa thích) đã quyết định “đắp vá lại nhà tạm cũ” và công kích rằng, họ đã “có ý tưởng xây dựng một nhà hát như hà mã chơi violon”.
Cuối cùng, Hitler cho biết sẽ rời Viên đến Spital và “có thể sẽ đi vào ngày thứ Bảy hoặc Chủ nhật”. Cuối tháng Tám cậu sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành của làng quê đó. Ở đó không có nhiều thứ để thưởng thức. Áp lực ngày một gia tăng đối với việc lựa chọn hướng đi cho cuộc sống ở Viên của Adolf, lần này là từ dì Johanna. Nhưng, “lần thử thuyết phục Hitler chọn làm một công chức cuối cùng này cũng không đem lại kết quả gì” - Paula nhớ lại. Ngay Paula cũng tỏ ra không nghe lời người anh của mình. Mới 12 tuổi, nhưng cô đã bực tức trước lời khuyên của anh, gồm cả việc đọc những quyển sách Hitler lựa chọn (trong đó có cuốn Chàng
Đông-ki-sốt mà cậu gửi về từ Viên). “Đương nhiên anh ấy là người anh vĩ đại đối với tôi, nhưng tôi chỉ phục tùng anh bề ngoài mà luôn phản đối bên trong. Trên thực tế, anh em chúng tôi hay cãi nhau, nhưng rất yêu mến nhau và không ai làm mất đi niềm vui sướng được sống cùng nhau của người kia”.
Đó cũng là thái độ của Angela và Alois, Jr., và bây giờ đến lượt Paula. Họ vẫn yêu mến nhau, nhưng ít hiểu nhau hoặc có ít mối quan tâm chung. Điều khó chịu ở Spital mùa hè năm đó đã đánh dấu chấm hết cho tuổi trẻ của Hitler. Việc Adolf từ chối xem xét một nghề nghiệp thực tế hơn đã đẩy cậu lìa xa gia đình. Spital gắn với những niềm vui thời niên thiếu sẽ không bao giờ là nơi để Adolf trở về nương tựa nữa. Lần thứ tư Adolf bỏ nhà đến Viên và lần này thật sự cậu phải dựa vào chính bản thân mình.
Giữa tháng Chín, Hitler lại nộp đơn vào Học viện Mỹ thuật. Nhưng những bức họa mà cậu nộp để sơ tuyển, công sức nghiên cứu của cậu cả một năm trời, lại bị đánh giá quá thấp. Adolf không được tham dự kỳ thi. Cùng với cú sốc bị trượt lần thứ 2 này, Hitler phải đối mặt với vấn đề mưu sinh. Việc thuê căn phòng tại tòa nhà Stumpergasse có thể đã làm Adolf tiêu hết khoản tiền thừa kế. Thậm chí nếu Adolf nhận tất cả phần di sản của mẹ để lại (và điều này là không chắc chắn lắm), thì cũng không đủ để kéo dài thêm một năm nữa ở Viên. Hành động tiết kiệm đầu tiên của Adolf là tìm một phòng trọ rẻ tiền hơn. Giữa tháng Mười một, cậu thông báo điều này cho bà Frau Zakreys và trả phần tiền thuê nhà của tháng đó. Không hề để lại một tin nhắn nào cho Kubizek, người mà Adolf mong chờ từng giây, cậu chuyển sang phía bên kia của ga
Westbahnhof, đến một tòa nhà tồi tàn ở Felberstrasse, nhìn xuống đường ray tàu hỏa.
Ngày 18 tháng Mười một, Adolf đăng ký địa chỉ mới với cảnh sát (luật ở cả Áo và Đức quy định bất kỳ khi nào ai đó chuyển chỗ ở đều phải đăng ký với cảnh sát), kê khai nghề nghiệp của mình là “sinh viên” chứ không phải là “họa sĩ”. Mấy ngày sau, Kubizek trở lại Viên. Adolf đã gửi cho bạn một bức bưu thiếp gửi từ Spital với một dòng nhắn: “Mọi lời chúc tốt đẹp nhất nhân ngày đặt tên thánh của bạn”. Mặc dù không nhận được một lời nào của Adolf từ đó, nhưng đã quen với những khoảng im lặng kéo dài của bạn nên Kubizek không thắc mắc gì nhiều. Khi đến ga Westbahnhof, Kubizek hy vọng gặp bạn mình ở sân ga, nhưng không thấy Hitler đâu cả. Cậu kiểm tra lại chiếc vali nặng của mình và vội vàng đi về tòa nhà Stumpergasse 29. Kubizek không thể hiểu tại sao Adolf lại chuyển đi mà không hề để lại tin nhắn hoặc gửi địa chỉ chỗ ở mới cho bà Frau Zakreys. Hàng tuần lễ trôi qua không nhận được tin gì từ Hitler, Kubizek rất bối rối. Liệu có lúc nào cậu đã xúc phạm bạn mình mà không biết hay không? Nhưng họ đã chia tay như những người bạn tốt nhất và những bức thư của Adolf chắc chắn không phải là lạnh nhạt.
Lần trở về Linz tiếp theo, Kubizek đến thăm chị gái của Adolf. Khi cậu hỏi địa chỉ mới của Adolf ở Viên, Angela gắt gỏng trả lời rằng không biết, Hitler không thông báo gì hết. Rồi Angela bắt đầu chỉ trích Kubizek vì đã tiếp tay cho những mơ mộng xa rời thực tế của em trai mình. Kubizek bảo vệ bạn mình “một cách kịch liệt”, cho rằng Angela chỉ cường điệu những ý kiến của Leo lên và khi cuộc
tranh luận trở nên gay gắt, cậu bất ngờ bỏ đi.
Adolf tự mình rời xa Kubizek, lìa xa tất cả những gì gợi nhớ về Linz và gia đình. Tình cảm của Adolf đối với Kubizek không mạnh mẽ bằng tình cảm của Kubizek dành cho cậu. Ngay cả khi Hitler lo lắng, mối quan hệ của họ vẫn bình thường, ít nhất là trong thời gian qua. Tuy nhiên, Gustl thành công, còn ông thì thất bại. Ngày 20 tháng Tư năm 1909, Adolf đơn độc kỷ niệm sinh nhật lần thứ 20 trong một tòa nhà trông kinh khủng ở Felbetstrasse. Tháng này qua tháng khác, Adolf sống trong môi trường ảm đạm, tiếp tục nuôi những mơ mộng mà cậu đã bắt đầu từ khi ở Linz, lặng lẽ, đơn độc, hiếm khi phá vỡ sự đơn độc của mình. Những người hàng xóm chỉ nhớ rằng Adolf là một người lịch sự và khá dè dặt. Tuy nhiên, nhân viên thu ngân của nhà hàng cạnh đó, nhà hàng Cafe Kubata, lại có ấn tượng sâu sắc về Hitler “bởi vì ông ấy rất dè dặt và trầm tính, đọc nhiều sách và có vẻ rất nghiêm túc, không giống như những người đàn ông trẻ khác”. Bà quý mến Adolf đến nỗi thường dành cho cậu khẩu phần ăn thêm Mehlspeisen, một đĩa thức ăn không có thịt, chủ yếu là tinh bột.
Đến cuối mùa hè, Hitler phải đối mặt với một khủng hoảng khác. Trừ 25 curon, khoản tiền trợ cấp hàng tháng, cậu đã tiêu đến những đồng cuối cùng của mình. Adolf chuyển từ tòa nhà Felberstrasse sang tòa nhà nhỏ hơn ở phía Nam Westbahnhof, địa chỉ 58, Sechshauserstrasse và thuê một phòng nhỏ khác, phòng số 21. Chỗ ở mới này cũng ồn ào như chỗ ở trước vì những chuyến xe điện chạy qua con phố nhỏ hẹp. Ngày 22 tháng Tám, Hitler đăng ký thay đổi địa chỉ tại đồn cảnh sát, lần này cậu điền nghề nghiệp của
mình là “nhà văn”. Nhưng chưa đầy 1 tháng sau, Adolf đã rời nơi trú ngụ ra dáng cuối cùng này để hòa vào tầng lớp đáy của xã hội. Adolf đi mà không để lại lời nhắn nào. Trong bản kê khai ở đồn cảnh sát, cậu để trống mục “địa chỉ tương lai” và đánh dấu “chưa biết” vào câu hỏi “khi nào chuyển”. Không có tiền và không có khả năng hoặc không muốn làm việc, Adolf trở thành kẻ lang thang trong 3 tháng sau đó, ngủ vạ vật ở công viên hay các các ô cửa. Trong một thời gian, nhà của Adolf là chiếc ghế ở Prater, một trung tâm giải trí nổi tiếng ở bờ bên kia của sông Danube; khi trời mưa, cậu tìm chỗ trú ở cửa tò vò của những nhà có mái tròn và dùng áo vét tông làm gối. Năm đó, mùa đông đến rất sớm, đến cuối tháng Mười năm 1909, Adolf buộc phải tìm những chỗ ngủ trong nhà. Một chỗ ngủ ở quán bar, ở những căn phòng bẩn thỉu, những quán trọ rẻ tiền, quán cà phê nào đó trên phố Kaiserstrasse, ở những “phòng tình thương” trên phố Erdbergstrasse do một nhà hảo tâm người Do Thái sáng lập. Cũng có khi Adolf tìm một nơi ẩn trú hoàn toàn xa lạ trong tòa nhà dành cho người lao động, hay tìm một chỗ trú bẩn thỉu cùng với những người vô gia cư khác, và không thể ngủ vì mùi hôi thối cùng những tiếng ồn vì trẻ con khóc hoặc của một vài người say xỉn đánh vợ.
“Thậm chí đến giờ tôi vẫn rùng mình khi nghĩ đến những cái răng bẩn thỉu, những ngôi nhà tạm và nhà cho thuê, những quang cảnh đầy rác rưởi bẩn thỉu, ghê tởm và còn hơn thế nữa” - Hitler sau này viết lại. Viên đã từng một thời “có sức hấp dẫn kỳ lạ bởi câu chuyện ‘nghìn lẻ một đêm’” đã chuyển sang là một cuộc chiến của những người khốn khổ và là đại diện cho “ký ức sinh động trong giai
đoạn buồn đau nhất của cuộc đời tôi, tôi rất tiếc khi phải nói vậy”. Adolf đến nhà thờ xin sự giúp đỡ và hàng sáng xếp hàng đến 9 giờ tại một tu viện gần phòng trọ cũ ở Stumpergasse để nhận cháo thí. Đối với những người lang thang, họ đến đây để “cầu xin Kathie” bởi vì đó hoặc là tên của Mẹ bề trên hoặc là tên của chính tu viện St. Katherine.
Đến cuối mùa thu, Hitler đã bán hầu hết quần áo của mình, trong đó có chiếc áo choàng mùa đông màu đen, vì thế tuyết và giá rét càng khiến tình trạng bi đát hơn. Buổi chiều trước ngày Giáng sinh, chỉ khoác một chiếc áo vét tông mỏng, Hitler lê bước trên con đường tới Meidling ở ngoại ô thành phố. Sau 2 giờ 30 phút đi bộ, Hitler đến Asyl fur Obdachlose, một chỗ nương thân cho những cảnh đời nghèo túng. Khi đến nơi, cậu kiệt sức, hai chân đau nhức. Được điều hành bởi một hội bác ái, nhà tài trợ chính là gia đình Epstein, Asyl fur Obdachlose được xây dựng năm 1870, mở rộng và mở cửa lại năm trước. Ở đây, những người vô gia cư (có thể gồm toàn bộ gia đình) được sắp xếp chỗ ở. Những người có sức khoẻ sẽ giúp đỡ việc nhà hoặc chăm sóc vườn tược. Đây là một khu rộng rãi, có kiến trúc hiện đại, nằm độc lập trên cánh đồng rộng rãi thoáng mát. Nhà ở tập thể ở đây rộng, thoáng gió với những chiếc giường ngủ được xếp thành hàng như trong quân đội, mỗi giường đều đánh số, bên trên là một giá treo quần áo bằng kim loại. Phòng ăn chính phục vụ cháo bổ dưỡng và bánh mỳ là một mô hình hiệu quả tuy chưa tạo được bầu không khí vui vẻ. Ở đây có rất nhiều buồng tắm có vòi hoa sen, chậu rửa và nhà vệ sinh - tất cả đều sạch sẽ.
Vào đêm tháng Mười hai lạnh buốt đó, Hitler đứng xếp hàng cùng với những người run rẩy, thất vọng khác bên ngoài cổng chính của khu Asyl. Cuối cùng cánh cửa cũng mở và đám đông những người vô gia cư được sắp xếp theo giới tính, trẻ em đi theo mẹ. Hitler nhận một phiếu ở tạm thời trong 1 tuần và được phân 1 phòng rộng. Đối với một chàng trai trẻ luôn thích sự riêng biệt, đây chắc hẳn là một sự trải nghiệm đau lòng. Đầu tiên, cậu cảm thấy nhục nhã khi phải tẩy uế quần áo nhiễm đầy rệp của mình trước nhiều người chứng kiến. Sau đó nhóm của cậu xúm lại như những người tù để đến phòng ăn chính lấy cháo và bánh mỳ.
Bất kỳ ai trong số những người nhận cứu trợ của hội từ thiện này đều khó có thể hiểu được nỗi nhục mà một chàng trai trẻ đầy kiêu hãnh phải chịu đựng trong ngày đầu tiên bị cách biệt với thế giới sau những cánh cổng của một cơ sở như vậy. Lối vào một cơ sở hiệu quả và có nhiều khả năng bảo trợ như Asyl đánh dấu một số lượng người không thể thay đổi vào tầng lớp đáy nghèo khó của xã hội. Những người ở đây dường như bị mất tự do của chính mình và có cảm giác sẽ trở thành tù nhân. Người mới đến bị sự đầu hàng của mình lấn át và ngay tức khắc cảm thấy lúng túng. Hitler cũng vậy, cậu hẳn là người buồn chán điển hình trong cái đêm đầu tiên ở Asyl đó khi ngồi trên chiếc giường ngăn nắp của mình trong một căn phòng rộng được sắp xếp như trong quân đội, xung quanh là những người bạn đang nói huyên thuyên, hầu hết trong số họ đã từng trải qua cuộc sống như vậy rồi.
Một người đầy tớ lang thang ở giường bên cạnh chịu trách nhiệm trông nom Hitler. Người này cho Hitler biết những điều kiện
như: muốn ở Asyl nhiều hơn tuần quy định, chỉ cần bỏ ra vài đồng để mua phần chưa sử dụng đến trong các thẻ cho phép của những người đã rời khỏi Asyl. Người đầy tớ có tên là Reinhold Hanisch đó cũng theo đuổi mơ ước trở thành họa sĩ và rất ấn tượng vì những câu chuyện bình dị của Adolf. Về phía mình, Hitler cũng như bị thôi miên bởi những câu chuyện mà Hanisch, người đã sống vài năm ở Berlin, thêu dệt về nước Đức. Hanisch đã dạy cho người bạn mới của mình những từ để “chiêm ngưỡng vùng sông Rhine”, nhận thấy mắt Hitler ánh lên khi nghe những câu như “Chúng tôi, những người Đức sợ Chúa, nhưng không sợ gì khác trên thế gian này”. (“Chúng tôi gặp nhau tất cả mọi tối và giữ vững tinh thần thù hận về một số vấn đề”).
Quan trọng hơn, Hanisch dạy cho người học trò bất đắc dĩ của mình cách để sống sót qua mùa đông này mà không lãng phí một biện pháp nào hay mất đi một cơ hội nào: vào các buổi sáng, họ rời Asyl đủ sớm để vượt qua được quãng đường đi bộ dài tới “Nhà thờ Kathie” đúng giờ để xin cháo - Adolf mặc chiếc áo vét tông rũ rích của mình, “thất vọng và tê cóng”; sau đó đi tới một phòng ấm hoặc tới một bệnh viện để bảo vệ mình vài giờ khỏi cái lạnh buốt và cái đói sau khi chỉ được ăn chút cháo và trở về Asyl lúc nhá nhem tối khi cổng vừa mở. Trong những lần dừng để nghỉ, thi thoảng họ dọn tuyết hoặc mang hành lý vào ga Westbahnhof để kiếm thêm vài đồng. Nhưng Hitler quá yếu để làm những công việc chân tay nặng nhọc như vậy, mỗi bước đi trên bàn chân đau nhức là một bước khó nhọc. Một lần, có người gọi thuê đào rãnh, Hitler đang băn khoăn không biết mình có làm được không. Hanisch khuyên ông nên quên
điều đó đi. “Nếu cậu bắt đầu làm một công việc vất vả như vậy, cậu sẽ khó có thể gượng lên được”.
Adolf thử vận may bằng việc đi ăn xin, nhưng không đủ năng khiếu cũng như sự trơ tráo để đi ăn mày và trở thành một khách hàng của một người cùng ở Asyl, chuyên sống bằng nghề tán tỉnh lừa bịp những người “dễ động lòng trắc ẩn”. Hitler đồng ý sẽ chia tiền thu được theo tỷ lệ 50-50 và không chỉ bắt đầu bằng những lời tán tỉnh mà còn hướng dẫn cụ thể cho mỗi khách hàng, ví dụ cậu định sẽ chào đón một quý bà đứng tuổi ở Schottenring bằng câu “đội ơn chúa Jesus”, và sau đó tự giới thiệu mình là một họa sĩ nhà thờ thất nghiệp hoặc là một tiều phu sùng đạo. Thông thường, quý bà khả kính đó sẽ cho cậu 2 curon cho mỗi câu chuyện như vậy, nhưng Hitler chỉ có những câu chuyện tẻ nhạt, nên lại gặp vận rủi trong các trường hợp khác. Cậu phải quay trở lại nhà thờ và nhận 3 chiếc chả thịt và 1 curon từ Mẹ bề trên bằng việc chào “Đội ơn Chúa Jesus”, cùng với việc nhắc đến Hội thánh Vincent.
Hanish không thể hiểu tại sao một người với trình độ học vấn và tài năng như vậy lại cho phép mình buông trôi số phận như thế. Hanisch hỏi Hitler đang chờ đợi điều gì. “Chính tôi cũng không biết nữa” - Hitler trả lời nhát gừng. Hanisch chưa bao giờ nhìn thấy sự thờ ơ trên khuôn mặt nào buồn khổ hơn Hitler lúc ấy và quyết định phải làm một điều gì đó. Sự quan tâm của Hanisch không đơn thuần là vì lòng vị tha. Thấy được khả năng tiềm tàng có thể kiếm được tấm vé ăn từ Adolf gầy trơ xương, bộ dạng thiểu não, Hanisch khuyến khích Adolf kiếm tiền bằng việc vẽ bưu thiếp. Hitler phản đối, cho rằng thật đáng khinh nếu bán tranh dạo trên đường hoặc
bán trực tiếp đến tận nhà mọi người. Không vấn đề gì cả - Hanisch nói. Hanisch sẽ làm điều đó và hưởng 50% số tiền bán được. Nhưng cả hai có thể sẽ gặp vấn đề với cảnh sát vì không có giấy phép bán hàng rong. Không vấn đề gì luôn: Hanisch sẽ bán tranh ở những quán rượu và sẽ cải trang thành một người mù, hoặc người bị bệnh lao phổi. Điều khó khăn là Hitler đã bán hết những dụng cụ vẽ cùng với quần áo của mình. Nhưng lại một lần nữa điều đó cũng không vấn đề gì đối với Hanisch tháo vát. Không phải Adolf vẫn có bà con thân thuộc sao? Phản đối cuối cùng Adolf đưa ra thật yếu ớt, rằng không có cách nào để viết hay gửi bưu thiếp cho họ, cũng không làm Hanisch thoái chí. Cùng với một người bán hàng đến từ Silesia, Hanisch hộ tống Adolf đến quán cà phê Arthaber, đối diện với ga Meidling. Theo những gì mà 2 người bạn ủng hộ đọc cho và sử dụng chiếc bút chì mượn được, Hitler viết một tấm bưu tiếp gửi tới một người thân trong gia đình, có thể là dì Johanna, đề nghị bà gửi một ít tiền tới phòng thư lưu. Vài ngày sau, Hitler nhận được một bức thư ở bưu điện. Trong bức thư có tờ giấy bạc 50 curon (“một tờ tiền rất giá trị ngày đó”). Đêm đó, Hitler phấn chấn không thể nào cưỡng lại được việc phô tờ giấy bạc của mình ra khi đang đứng xếp hàng vào Asyl. Người bạn láu cá của khuyên Adolf giấu tờ tiền đi, nếu không sẽ bị mất trộm hoặc sẽ bị “tấn công” để vay.
Ưu tiên đầu tiên là mua một chiếc áo choàng mùa đông cho họa sĩ, người mà bệnh ho đã ngày càng trở nên trầm trọng. Hitler từ chối gợi ý mua lại một chiếc áo cũ của một gia đình người Do Thái ở nơi mà cậu đã bị lừa khi bán chiếc áo của mình. Thay vào đó, họ tới một hiệu cầm đồ của chính phủ và tìm được một chiếc áo
choàng tối màu với giá 20 curon. Hanisch muốn Hitler bắt đầu vẽ ngay lập tức nhưng Hitler nài nỉ cần một tuần nghỉ ngơi. Hơn nữa, ở Asyl không có một chỗ thích hợp để làm việc. Có những cơ sở tốt hơn ở Männerheim, nhà tập thể dành cho nam giới, nơi mỗi người đàn ông có phòng riêng cho bản thân, dù là phòng nhỏ, cùng một phòng sinh hoạt chung.
Ngày 9 tháng Hai năm 1910, Hitler bắt đầu một hành trình dài qua trung tâm thành phố Viên tới khu nhà tập thể đó ở bên kia sông Danube. Hanisch không đi cùng vì đã quyết định kiếm việc làm một người hầu hơn là làm bảo mẫu cho Hitler. Quận 20, Brigittenau, là một quận công nghiệp, dân cư ở đây gồm nhiều sắc tộc khác nhau, trong đó người Do Thái nhiều hơn người thuộc các sắc tộc khác ngoại trừ người Leopoldstadt. Đó là một nơi cư trú trong một thời gian ngắn của những người coi nơi đây là điểm dừng trên con đường tiến tới nấc thang danh vọng. Männerheim cách sông Danube khoảng nửa dặm, là một tòa nhà lớn ở Meilemannstrasse 25-27, có chỗ ở cho khoảng 500 người.
Tòa nhà có kiến trúc hiện đại, được xây trước đó chưa đầy 5 năm, cơ sở vật chất của nó khiến một số người trong tầng lớp trung lưu ở Viên phải choáng trước sự “trang trọng” của nó. Ở tầng chính của tòa nhà là một phòng ăn rộng được chiếu sáng bằng các bóng đèn hồ quang, nửa bức tường phía dưới được sơn màu xanh ấm áp. Thức ăn được lấy ở các quầy và được trả tiền theo biên lai nhận được từ một thứ kỳ diệu của thời đó, người máy tự động. Đồ ăn rẻ nhưng ngon và khẩu phần ăn cũng thịnh soạn. Thịt lợn quay kèm suất rau giá 19 đồng và một bữa ăn đầy đủ thêm 4 đồng.
Đối với những người không đủ tiền ăn đủ bữa như thế này, một tá hoặc nhiều hơn thế các lò nướng bằng ga được đặt ở phòng sát ngay đó. Bất kỳ một khách hàng nào cũng có thể tạo ra cho mình một bữa ăn bình thường “bằng những dụng cụ nấu bếp tuyệt vời nhất” mà không phải trả tiền. Khoai tây là thành phần cơ bản, bánh kếp khoai tây rán có thịt hoặc không có thịt là món ăn được ưa chuộng nhất. Số người ở đây được chia thành từng nhóm. Những người không có nghề nghiệp ở nhà để nấu nướng trong khi những người khác đi làm và chấp nhận trả tiền cho những xuất ăn đã được chế biến.
Ra khỏi khu bếp này, cách khoảng 3 bước chân là một phòng đọc có rất nhiều bàn đọc sách. Ở đó cũng có một số phòng đọc và phòng tập thể dục khác cũng như có thư viện và phòng “viết”, nơi mọi người có thể thực hiện những công việc cá nhân của mình: Một người Hungary cắt các tấm bưu thiếp từ bìa cứng và bán ở các quán rượu ở Prater; một ông già đang sao chép lại tên của những đôi uyên ương từ những tờ báo và bán cho các cửa hiệu.
Ở đây cũng có những phòng ngủ tập thể gọn gàng ngăn nắp như ở Asyl, nhưng hầu hết những người sống ở đây đều thích sự kín đáo riêng tư trong những phòng ngủ nhỏ rộng khoảng 1,6m và dài khoảng 2m. Trong phòng chỉ đủ chỗ kê một chiếc bàn nhỏ, một giá treo quần áo, một chiếc gương, một bô đựng nước tiểu trong góc phòng, một chiếc cũi sắt nhỏ của trẻ em, một chiếc đệm gấp 3 mảnh, một cái gối lông ngựa, một chiếc chăn đôi và điều huyền diệu của mọi điều huyền diệu đối với bất kỳ một người tạm trú nào ở đây thuộc tầng lớp thấp hơn đó là 2 tấm ga trải giường được thay đổi
hàng tuần. Không có phòng nào quá tối tăm cả, mỗi phòng đều có cửa sổ cộng thêm ánh sáng nhân tạo nữa. Mỗi tầng đều có nhiều chậu rửa, máng xối để rửa chân và nhà vệ sinh; dưới tầng hầm có nhiều nhà tắm có vòi hoa sen được ốp đá. Ở đây cũng có hiệu may và tiệm cắt tóc, có một hiệu đóng giầy và một hiệu giặt. Hơn nữa, còn có những hàng dài các tủ sạch, mọi người có thể thuê để cất giữ thêm quần áo hoặc những tài sản khác.
Người quản lý ở đây là một người kỷ luật cứng nhắc, ông yêu cầu mọi người tuân thủ triệt để những quy định: không ở trong phòng ban ngày; chỉ được chơi cờ tướng, cờ đam và cờ đôminô trong các phòng giải trí, những ai gây ồn quá đáng khi tranh luận hoặc hăng hái quá sẽ bị đuổi ra ngoài; rượu và bia chỉ được dùng ở trong nhà, nhưng không được uống rượu mạnh; phải tôn trọng tài sản của thành phố (“không được đứng trên giường”). Cũng nảy sinh một số vấn đề kỷ luật. Một vài người lang thang tuyệt vọng đã đi ăn cắp vặt, nhưng hầu hết họ đều thực sự cố gắng chăm chỉ đế làm lại cuộc đời, trở thành người tử tế.
Chính chỗ ở ấm cúng dành cho những người tuyệt vọng này Adolf Hitler đã đến ở vào một ngày tháng Hai lạnh giá năm 1910. Adolf trả lệ phí, nửa curon một ngày, rồi bước vào nhà tắm, làm thủ tục tẩy uế và được phân cho một phòng ngủ nhỏ (ở tầng 3 theo những khách hàng quen thuộc hiện tại của nơi này). Cơ sở thiết bị ở đây cũng tốt như ở Asyl, ở đây lòng từ thiện không bị thể chế hóa, Adolf có thể cảm thấy giống một con người hơn.
Sau gần 1 tuần, Hanisch xuất hiện ở Männerheim. Bốn ngày làm đầy tớ là quá đủ đối với Hanisch. Một lần nữa, Hanisch lại nhận