🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ác Ý - Higashino Keigo full mobi pdf epub azw3 [Trinh Thám] Ebooks Nhóm Zalo KEIGO HIGASHINO An Nhiên dịch ÁC Ý dựa theo bản in của NXB Hồng Đức & IPM năm 2019 1 VỤ ÁN Ghi chép của Nonoguchi Osamu Vụ án xảy ra vào thứ Ba, ngày 16 tháng Tư. Hôm ấy, tôi rời khỏi nhà vào lúc 3 rưỡi chiều để đến nhà Hidaka Kunihiko. Nhà Hidaka cách chỗ tôi một ga tàu điện. Tuy từ ga phải đi xe buýt một chút, nhưng tính cả thời gian đi bộ cũng chỉ cần hai mươi phút là đến nơi. Bình thường, tôi cũng hay đến nhà Hidaka dù không có chuyện gì quan trọng, nhưng hôm ấy thì có chuyện đặc biệt. Chính xác hơn, nếu bỏ lỡ ngày này, tôi sẽ không được gặp cậu ấy một thời gian dài. Nhà Hidaka nằm trong khu dân cư được quy hoạch ngay ngắn. Khu này toàn nhà ở cao cấp. Thỉnh thoảng còn thấy những ngôi nhà có thể gọi là biệt thự sang chảnh. Khu vực này lúc trước vốn là rừng cây, nên có nhiều nhà cứ để nguyên cây cối coi như cây trồng trong vườn. Phía sau những bức tường là mấy cây họ sồi mọc um tùm, đổ bóng xuống mặt đường. Đường đi cũng không nhỏ hẹp gì, nhưng toàn bộ khu vực này là đường một chiều. Tính an toàn cũng là một tiêu chuẩn đánh giá chăng. Khi nghe Hidaka mua nhà ở khu này mấy năm trước, tôi đã nghĩ bụng quả nhiên là vậy. Bởi những thiếu niên lớn lên ở khu vực này đều từng mơ ước được sống ở đây. ế ắ ắ Nhà của Hidaka chưa đến mức biệt thự xa hoa, nhưng chắc chắn là quá rộng cho hai vợ chồng. Mái nhà kiểu Irimoya[1] truyền thống của Nhật, nhưng lại có cửa sổ lồi, cửa ra vào hình vòm, cửa sổ tầng hai trang trí những chậu hoa theo thiết kế phương Tây. Có lẽ đây là kết quả của việc dung hòa đồng đều ý kiến của hai vợ chồng. Không, nếu nghĩ đến bức tường gạch trần, thì chắc ý kiến của người vợ được thông qua nhiều hơn. Lúc trước, cô ấy từng thổ lộ muốn thử sống trong một ngôi nhà như lâu đài châu Âu. Đính chính, không phải vợ. Là vợ trước. Đi dọc theo bức tường gạch đó, đến trước cánh cổng cũng đắp những viên gạch nằm ngang, tôi bấm chuông gọi. Nhưng chờ mãi cũng không có tiếng trả lời. Nhìn lại, không thấy chiếc SAAB của Hidaka ở bãi đỗ xe. Tôi nghĩ cậu ấy đã ra ngoài. Đang tìm cách giết thời gian, tôi nhớ ra cây hoa anh đào. Trong vườn nhà Hidaka có trồng một cây hoa anh đào cánh kép, lần tôi đến mới đây, hoa đã nở được ba phần. Từ hôm đó cũng đã gần mười ngày trôi qua, không biết nó thế nào rồi. Tuy là nhà người ta nhưng tôi ỷ mình là bạn thân, nên tự ý bước vào. Lối đi vào cửa rẽ nhánh giữa chừng, dẫn đến phía Nam căn nhà. Tôi đi theo đó và vòng ra vườn. Hoa anh đào đã rụng kha khá nhưng vẫn còn lại số cánh hoa đủ để thưởng lãm. Có điều, đây không phải lúc để tôi ngắm hoa vãn cảnh. Có một người phụ nữ lạ mặt ở đó. Cô ta cúi gập người, dường như đang nhìn mặt đất. Trang phục đơn giản, quần jeans, áo len, trên tay cầm thứ gì như miếng vải trắng. “Này, cô ơi…” Tôi lên tiếng. Người phụ nữ có vẻ giật mình, nhìn về phía này rồi đứng phắt dậy. “À, xin lỗi.” Người phụ nữ nói. “Là vì cái này bị gió thổi, bay vào vườn. Hình như chủ nhà đi vắng, tôi cũng thấy thật ngại, nhưng…” Nói rồi cô ta cho tôi xem món đồ cầm trên tay. Một chiếc mũ trắng. Trông cô ta khoảng hơn ba mươi lăm tuổi. Mắt, mũi, miệng đều nhỏ, một gương mặt đơn điệu. Sắc mặt không tốt lắm. Tôi hơi nghi ngờ, vừa có một cơn gió mạnh đến mức thổi bay cả mũ sao? “Trông cô nhìn chằm chằm mặt đất…” “Vâng, à, do bãi cỏ đẹp quá nên tôi cứ nghĩ bụng không biết người ta đã chăm sóc ra sao.” “Ừm, tôi không rõ lắm. Đây là nhà người bạn thân của tôi nên…” Cô ta gật đầu. Có vẻ cô ta biết tôi không phải chủ nhân ngôi nhà. “Xin lỗi anh.” Cô ta cúi đầu rồi băng ngang qua tôi, đi về phía cánh cổng. Khoảng năm phút sau thì phải, tôi nghe tiếng động cơ ô tô ở phía bãi đỗ xe. Có lẽ Hidaka đã về. Tôi quay lại chỗ cửa ra vào. Đúng lúc chiếc SAAB màu xanh thẫm đang lùi vào bãi. Hidaka ngồi ở ghế tài xế nhận ra tôi, khẽ gật đầu. Cả Rie ngồi ghế bên cạnh cũng mỉm cười cúi chào. “Xin lỗi cậu. Tôi định ra ngoài mua sắm chút đỉnh mà kẹt xe quá. Chịu thua.” Vừa bước xuống xe, cậu ấy giơ tay trước mặt tỏ ý xin lỗi. “Chờ lâu không?” “Cũng không lâu lắm. Tôi tranh thủ ngắm cây anh đào.” “Rụng rồi mà?” “Chút chút. Nhưng cây hoa đẹp đấy chứ?” “Lúc nở thì đẹp thật, nhưng sau đó mệt lắm. Cửa sổ phòng làm việc gần đó nên thỉnh thoảng mấy con sâu bướm cứ bò vào.” “À à. Nhưng thời gian tới cậu cũng đâu còn làm việc ở đây nữa.” “Ừm, cứ nghĩ thoát được khỏi địa ngục sâu bướm đó là tôi lại thở phào. Mà thôi, vào đi. Ấm chén uống cà phê thì tôi còn để ở ngoài.” Đi qua cửa lớn hình vòm, chúng tôi bước vào nhà. Bên trong gần như đã dọn dẹp sạch. Cả tranh treo tường cũng không còn. “Đóng đồ xong rồi à?” Tôi hỏi Hidaka. “Trừ phòng làm việc, còn thì hầu như đã xong. Thật ra là dịch vụ chuyển nhà làm hết ấy mà.” “Đêm nay cậu ngủ ở đâu?” “Tạm thời đã đặt khách sạn. Khách sạn Crown. Nhưng không chừng tôi sẽ ngủ ở đây.” Tôi và Hidaka vào phòng làm việc của cậu ấy. Phòng kiểu Tây rộng chừng 16 mét vuông. Căn phòng trống trải, chỉ có máy tính, bàn làm việc và một kệ sách nhỏ. Những thứ còn lại chắc đã đóng thùng. “Tức là vẫn còn bản thảo đến mai phải viết cho xong à?” Hidaka nhăn nhó, gật đầu trước câu hỏi của tôi. “Vẫn còn một hồi truyện đăng dài kì. Trong đêm nay phải gửi fax cho họ, nên chưa cắt điện thoại được.” “Nguyệt san nhà Some à?” “Ờ.” “Còn phải viết mấy trang nữa?” “Ba mươi trang. Chắc cũng xong thôi.” Có hai chiếc ghế nên chúng tôi ngồi cách nhau một góc bàn làm việc. Một lúc sau, Rie mang cà phê vào. “Khí hậu ở Vancouver thế nào nhỉ? Chắc lạnh hơn ở đây?” Tôi hỏi hai người. “Vĩ độ khác nhau quá mà. Lạnh hơn đây là cái chắc.” “Nhưng được cái mùa hè mát mẻ. Chứ cứ ở suốt trong phòng máy lạnh cũng hại sức khỏe lắm.” “Ngồi trong phòng mát mà công việc thuận lợi thì tốt thôi. Nhưng chắc hơi khó.” Hidaka cười nói. “Anh Nonoguchi nhớ sang chơi nhé. Chúng tôi luôn sẵn sàng dẫn anh đi chơi.” “Cảm ơn. Nhất định tôi sẽ sang.” “Anh ngồi chơi thong thả.” Rie nói rồi rời khỏi phòng. Hidaka cầm cốc cà phê đứng dậy, ngắm khu vườn từ cửa sổ. “Thật may là được nhìn cây anh đào này nở rộ.” Cậu ấy nói. “Từ năm sau, khi nó nở thật đẹp, tôi sẽ chụp hình gửi sang cho cậu. Ờ mà, bên đó có hoa anh đào không nhỉ?” “Chịu. Hình như gần căn nhà tôi sẽ ở không có.” Hidaka nói rồi nhấp chút cà phê. “Mà này, lúc nãy ngoài vườn có người phụ nữ kì quái lắm.” Tôi hơi ấ ế ố ế do dự, nhưng nghĩ cậu ấy biết thì tốt hơn nên quyết định nói. “Người phụ nữ kì quái?” Hidaka nhíu mày. Tôi kể cho cậu ấy chuyện người phụ nữ lúc nãy. Thế là nét mặt ban đầu có vẻ hồ nghi của cậu ấy dần giãn ra. “Có phải người phụ nữ có khuôn mặt như Kokeshi[2] không?” “Ờ, đúng vậy. Cậu nói tôi mới thấy đúng là giống.” Phép so sánh quá chính xác khiến tôi bật cười. “Gọi là Niimi thì phải. Cô ta sống gần đây. Trông trẻ vậy chứ có lẽ cũng hơn bốn mươi rồi. Cô ta có đứa con trai học cấp hai. Một thằng nhóc khờ khạo. Ông chồng hiếm khi ở nhà. Rie đoán chắc là đi làm xa nhà.” “Biết rõ nhỉ. Thân lắm à?” “Với cô ta á? Không dám đâu.” Cậu ấy mở cửa sổ, để cửa lưới. Làn gió dịu nhẹ bay vào, mang theo mùi lá cây thoang thoảng. “Ngược lại thì có.” Cậu ấy tiếp tục. “Có vẻ cô ta căm thù tôi.” “Căm thù? Xem ra cũng không êm thắm nhỉ. Nguyên nhân là gì?” “Con mèo.” “Mèo á? Con mèo sao?” “Hình như con mèo cô ta nuôi mới chết dạo gần đây. Nghe đâu ngã bên vệ đường. Bác sĩ thú y xem thì chẩn đoán là bị trúng độc.” “Chuyện đó liên quan gì đến cậu?” “Cô ta nghi ngờ tôi làm viên bánh trôi có độc bẫy con mèo ăn phải.” “Cậu á? Sao cô ta lại nghĩ vậy?” “Hài hước lắm.” Hidaka lấy tờ nguyệt san trên kệ sách duy nhất còn lại, mở ra ở khoảng giữa, đặt trước mặt tôi. “Cô ta bảo đã đọc cái này rồi.” Đó là một bài tản văn dài độ nửa trang, có nhan đề Giới hạn của chịu đựng. Bên cạnh bài viết có hình chân dung Hidaka. Tôi đọc lướt qua. Nội dung nói về những phiền toái do mèo nhà được nuôi thả gây ra. Buổi sáng, trong vườn thể nào cũng có phân mèo, xe ở ngoài bãi đỗ thì trên mui đầy dấu chân mèo, lá của chậu hoa cảnh bị cắn xé. Tuy biết thủ phạm là con mèo lông trắng điểm nâu nhưng không ố ế ẳ cách nào đối phó. Đã xếp cả dãy chai nhựa nhưng chẳng ăn thua, mỗi ngày đều bị thử thách giới hạn chịu đựng. Nội dung đại khái là vậy. “Con mèo chết có lông trắng điểm nâu à?” “Thì vậy.” “Ra là thế.” Tôi cười cay đắng, gật đầu. “Vậy có bị nghi ngờ cũng không lạ.” “Tuần trước thì phải, cô ta đến đây với vẻ mặt thật kinh khủng. Không đến mức nói thẳng là tôi bỏ độc, nhưng những lời cô ta nói cũng gần như vậy. Rie tức giận nói nhà tôi không làm thế rồi đuổi cô ta đi, nhưng vẫn luẩn quẩn ở vườn thì chắc là còn nghi ngờ. Có lẽ cô ta đang tìm xem có rớt miếng bánh độc nào không đó mà.” “Cố chấp quá nhỉ?” “Kiểu phụ nữ đó là vậy.” “Cô ta không biết cậu sắp qua Canada sống một thời gian à?” “Rie có nói với cô ta rồi. Là tuần sau chúng tôi sẽ sang Vancouver sống một thời gian, cho nên con mèo nhà cô có phiền toái ít nhiều gì thì chúng tôi cũng chỉ cần chịu đựng thêm chút nữa thôi. Trông vậy chứ cô ấy cũng mạnh mẽ đấy.” Hidaka cười thích thú. “Nhưng Rie nói có lý mà. Chẳng việc gì các cậu phải vội vàng giết con mèo cả.” Không hiểu sao Hidaka lại không đồng ý ngay với câu nói này của tôi. Cậu ấy vẫn cười nhăn nhở nhìn ra ngoài cửa sổ, uống cạn cốc cà phê rồi buông một câu, “Tôi làm đấy.” “Hả?” Không hiểu ý cậu ấy là gì, tôi hỏi lại. “Cậu nói gì?” Hidaka đặt cốc cà phê xuống bàn, lấy thuốc lá và bật lửa ra. “Là tôi giết đấy. Tôi đã đặt sẵn viên bánh độc trong vườn. Không ngờ mọi việc lại suôn sẻ vậy.” Nghe những lời này, tôi vẫn chỉ nghĩ cậu ấy nói đùa. Thế nhưng nụ cười kia, lại không phải kiểu cười đùa. “Viên bánh độc gì đó cậu làm thế nào?” “Chẳng thế nào cả. Trộn thuốc trừ sâu với thức ăn cho mèo, rồi vứt lăn lóc ngoài vườn thôi. Mấy con mèo mất dạy thì cái gì mà ẳ chẳng ăn.” Hidaka ngậm điếu thuốc, mồi lửa rồi khoan khoái nhả khói. Khói thuốc tan biến trong làn gió thổi qua tấm cửa lưới. “Sao cậu lại làm vậy?” Tôi hỏi, cảm thấy không thoải mái cho lắm. “Tôi đã kể với cậu là chưa tìm ra người thuê nhà này rồi nhỉ?” Cậu ấy nói với nét mặt nghiêm túc hơn. “Ừ.” Vợ chồng Hidaka định cho thuê căn nhà này trong khoảng thời gian họ ở Canada. “Công ty bất động sản sẽ tiếp tục tìm giúp, nhưng mới đây họ nói với tôi một việc cũng đáng lưu tâm một chút.” “Chuyện gì?” “Họ nói xếp mấy chai nhựa trước nhà như vậy sẽ tạo ấn tượng không tốt. Vì nó khiến người ta cảm giác nơi này có nạn mèo quấy rối. Đúng là thế thì chẳng ai muốn thuê cả nhỉ.” “Vậy thì dọn mấy thứ đó đi là được mà?” “Làm vậy đâu giải quyết được bản chất của vấn đề? Lúc người muốn thuê nhà đến xem, phân mèo đầy vườn thì sao? Bọn tôi ở đây thì còn dọn dẹp được, nhưng từ mai chẳng còn ai nữa. Tha hồ ngửi mùi hương ngào ngạt.” “Vì vậy mà cậu giết à?” “Trách nhiệm nằm ở chủ nuôi đấy chứ. Nhưng cái bà nội trợ tên Niimi đó có vẻ chẳng hiểu được điều ấy.” Hidaka dụi điếu thuốc vào gạt tàn. “Rie có biết chuyện đó không?” Nghe tôi hỏi, Hidaka nhếch mép cười, lắc đầu. “Sao mà biết được. Phụ nữ có mấy người không thích mèo chứ? Nói sự thật rồi cô ấy sẽ coi tôi như ác quỷ.” Chẳng biết trả lời thế nào, tôi im lặng. Đúng lúc đó chuông điện thoại reo. Hidaka nhấc máy. “A lô. À à, chào anh. Tôi cũng đang nghĩ đến lúc có điện thoại gọi tới rồi. Vâng, đúng như kế hoạch. Ha ha, anh đi guốc trong bụng tôi rồi. Tôi chuẩn bị bắt tay vào việc đây. Đúng vậy. Tôi định trong đêm ồ À nay xong. Vâng, xong rồi tôi sẽ gửi. À, chuyện đó thì, cái điện thoại này chỉ dùng được đến trưa mai thôi, nên tôi sẽ gọi cho anh. Vâng, từ khách sạn. Vậy cứ thế nhé.” Cúp máy rồi, cậu ấy khẽ thở hắt một chút. “Biên tập viên à?” Tôi hỏi. “Yamabe nhà Some. Tôi vẫn thường xuyên trễ bản thảo, nhưng lần này xem chừng họ sốt ruột ra mặt. Gì thì gì, giờ mà họ để sổng tôi là ngày mốt tôi đâu còn ở Nhật nữa.” “Vậy tôi kiếu đây, không làm phiền cậu.” Tôi rời ghế, đứng dậy. Đúng lúc đấy, có tiếng chuông cửa. Cứ tưởng nhân viên tiếp thị hay gì đó nhưng hình như không phải. Tôi nghe tiếng Rie đi dọc hành lang, sau đó là tiếng gõ cửa. “Gì vậy?” Hidaka hỏi. Cửa mở, Rie thò đầu vào với vẻ mặt u uất. “Fujio đến…” Rie thì thào. Mặt Hidaka tối sầm như bầu trời trước cơn dông. “Fujio… Là Fujio Miyako à?” “Ừm. Cô ấy bảo có chuyện nhất định phải nói trong hôm nay.” “Bực thật.” Hidaka bặm môi. “Chắc đánh hơi được chúng ta đi Canada đây.” “Hay em nói mình bận để cô ấy về?” “Ừm…” Cậu ấy suy nghĩ một chút rồi nói. “Thôi, để anh gặp. Giải quyết dứt điểm ở đây cũng khỏe cho mình. Em dẫn cô ấy vào phòng này giúp anh.” “Cũng được, nhưng mà…” Rie ngần ngại nhìn về phía tôi. “À, tôi cũng định về đây.” Tôi nói. “Xin lỗi anh.” Cô ấy nói rồi khuất sau cánh cửa. “Thật phiền.” Hidaka thở dài. “Fujio… Có bà con gì với Fujio Masaya à?” “Em gái.” Cậu ấy gãi cái đầu với mớ tóc hơi dài. “Phải mà đòi tiền thì còn đơn giản, đằng này đòi thu hồi và viết lại thì sao mà đáp ứng được.” ế ế ầ ế Nghe tiếng chân đến gần, Hidaka không nói nữa. Tiếng Rie vang lên, “Hành lang tối quá, xin lỗi cô.” Rồi có tiếng gõ cửa. “Vâng.” Hidaka đáp. “Chị Fujio đến này.” Cánh cửa mở ra, Rie xuất hiện. Đằng sau Rie là một cô gái tóc dài, tuổi chừng trên hai mươi lăm. Cô mặc bộ vét như nữ sinh đại học khi đi chào hỏi các công ty. Là một người đến không báo trước, có thể thấy cô ấy đã rất cố gắng giữ vẻ ngoài chỉn chu. “Thôi, tôi về đây.” Tôi nói với Hidaka. Suýt nữa tôi đã nói lời hẹn ngày mốt sẽ đi tiễn nếu được nhưng kịp dừng lại. Tôi nghĩ không được khiến Fujio Miyako kích động ít nhiều. Hidaka im lặng, gật đầu. Rie tiễn tôi ra khỏi nhà Hidaka. “Lu bu quá, thật xin lỗi anh.” Cô ấy chắp hai tay lại, nhắm một mắt, nói với vẻ xin lỗi. Do dáng người thon thả, nhỏ nhắn nên khi làm vậy, cảm giác cô ấy cứ như một thiếu nữ. Không thể nghĩ rằng đó là người phụ nữ đã ngoài ba mươi. “Ngày mốt tôi sẽ đi tiễn.” “Anh đang bận mà?” “Không sao cả. Vậy nhé.” “Tạm biệt anh.” Cô ấy nói và tiễn tôi đến tận chỗ rẽ tiếp theo. Tôi về nhà, làm việc một chút thì chuông cửa reo. Nơi tôi sống khác hẳn với nhà Hidaka, là một căn hộ nhỏ trong chung cư năm tầng, gồm một phòng làm việc kiêm phòng ngủ rộng khoảng 10 mét vuông và một phòng LDK xấp xỉ 13 mét vuông. Và tôi cũng không có người bạn đời như Rie. Chuông cửa kêu thì phải tự mình ra mở thôi. Tôi nhìn qua lỗ nhòm trên cửa xem khách đến là ai rồi mở khóa. Là cậu Oshima của nhà xuất bản Doji. “Cậu lúc nào cũng đúng giờ nhỉ.” Tôi nói. “Ưu điểm của tôi chỉ có vậy thôi mà. Đây là chút quà.” Cậu ta đưa ra một gói vuông ghi tên một tiệm bánh truyền thống nổi tiếng. Cậu ta ế biết rõ tôi là dân hảo ngọt thứ thiệt. “Xin lỗi để cậu phải nhọc công đến tận đây.” “Không sao ạ, đằng nào cũng tiện đường về mà.” Tôi đưa Oshima vào phòng khách chật hẹp rồi rót trà. Sau đó tôi vào phòng làm việc, lấy xấp bản thảo đang để trên bàn. “Đây. Tôi cũng không biết có ổn không…” “Tôi xin phép đọc ạ.” Cậu ấy đặt cốc trà xuống, với lấy tập bản thảo rồi bắt đầu đọc ngay. Tôi mở báo ra. Tuy là việc thường ngày, nhưng chẳng lấy gì làm dễ chịu khi có người đọc bản thảo của mình ngay trước mặt. Khi Oshima đọc được khoảng một nửa thì điện thoại không dây đặt trên bàn ăn reo lên. Tôi xin phép rồi đứng dậy. “Alô, tôi Nonoguchi đây.” “A lô, tôi đây.” Là giọng của Hidaka. Cậu ấy có vẻ hơi chán nản. “Ừ, có chuyện gì à?” Tôi hỏi vậy vì vẫn băn khoăn chuyện Fujio Miyako, nhưng cậu ấy không trả lời câu hỏi đó mà yên lặng một chút rồi hỏi tôi, “Bây giờ cậu bận à?” “Cũng không hẳn, đang có khách thôi.” “Vậy à? Khoảng mấy giờ xong?” Tôi nhìn đồng hồ treo tường. Lúc đó hơn 6 giờ một chút. “Chắc chút nữa. Mà có chuyện gì?” “Ừm. Nói qua điện thoại hơi khó. Tôi có chuyện muốn trao đổi với cậu. Đến chỗ tôi được không?” “Không thành vấn đề, mà…” Tôi định hỏi có phải vụ Fujio Miyako không, nhưng lại đổi ý. Tôi quên là Oshima đang ở bên cạnh. “8 giờ được không?” Cậu ấy hỏi. “Được.” “Vậy tôi chờ cậu.” Nói rồi cậu ấy cúp máy. Tôi vừa đặt điện thoại xuống thì Oshima cũng có vẻ muốn đứng dậy khỏi chiếc ghế sofa. “Nếu anh có việc thì tôi xin phép…” ấ ồ “Không, không sao, không sao.” Tôi đưa tay ra hiệu cậu ấy cứ ngồi đấy. “Chỉ là hẹn gặp người ta lúc 8 giờ thôi. Vẫn còn nhiều thời gian, cậu cứ thong thả đọc.” “Vậy ạ? Vậy thì…” Oshima lại tiếp tục đọc bản thảo. Tôi cũng đọc báo tiếp nhưng trong đầu cứ thắc mắc suốt không biết Hidaka có việc gì. Có lẽ là chuyện về Fujio Miyako. Tôi không nghĩ ra gì khác ngoài việc ấy. Hidaka có một tác phẩm tên là Vùng cấm săn bắt. Một tiểu thuyết viết về cuộc đời một họa sĩ tranh khắc gỗ. Tuy gắn mác hư cấu, nhưng thật ra tác phẩm này có nguyên mẫu ngoài đời. Đó là người đàn ông tên Fujio Masaya. Fujio Masaya học cùng trường cấp hai với tôi và Hidaka. Có lẽ từ mối quan hệ đó mà Hidaka nghĩ đến chuyện viết tiểu thuyết về cậu ta. Nhưng, cuốn tiểu thuyết này có vài vấn đề. Tác phẩm miêu tả nguyên vẹn cả những sự việc không mấy tốt đẹp cho thanh danh của Fujio Masaya. Đặc biệt, những sự việc bất thường thời đi học, Hidaka viết gần như đúng với sự thật. Nếu chỉ đọc những đoạn đó và thay đổi tên nhân vật, thì với tôi chẳng hạn, đây không còn là tiểu thuyết. Chưa kể những phần như Fujio Masaya bị gái làng chơi đâm chết này nọ cũng hoàn toàn đúng với vụ án ngoài đời. Cuốn sách này đã trở thành sách bán chạy nhất. Những người biết Fujio Masaya dễ dàng đoán được nguyên mẫu của tiểu thuyết là ai. Cuối cùng, chuyện cũng đến tai gia đình Fujio. Người cha đã qua đời. Lên tiếng phản đối là bà mẹ và cô em gái. Lý lẽ của họ thế này, “Nguyên mẫu của tiểu thuyết rõ ràng là Fujio Masaya. Nhưng chúng tôi nhớ rằng không hề cho phép ai viết ra cuốn tiểu thuyết như vậy. Ngoài ra, vì cuốn tiểu thuyết này mà đời tư của Fujio Masaya bị tiết lộ, danh dự bị tổn hại một cách phi lý. Chúng tôi yêu cầu thu hồi và viết lại toàn bộ tác phẩm này.” Như Hidaka đã nói, họ không đòi hỏi bồi thường bằng tiền bạc. Họ chỉ đơn thuần muốn viết lại, hay muốn thương lượng điều gì thì đến giờ phút này vẫn chưa rõ. Nghe giọng điệu qua điện thoại lúc nãy, có lẽ việc thương lượng với Fujio Miyako không ổn thỏa lắm. Nhưng cậu ấy gọi tôi để làm gì? ề ể Phải chăng câu chuyện đã tệ hơn nhiều? Tôi thì có thể giúp gì được đây. Trong lúc tôi suy nghĩ những chuyện đó, dường như Oshima đang ngồi ở đối diện đã đọc xong bản thảo. Tôi cũng rời mắt khỏi tờ báo. “Được quá chứ.” Cậu ta nói. “Ấm áp, lại có cảm giác hoài niệm. Tôi thấy tốt đấy.” “Vậy à? Cậu nói vậy tôi yên tâm hẳn.” Tôi thở phào, nhấp ngụm trà. Oshima là người trẻ tốt bụng, nhưng không nói những lời khách sáo. Nếu như mọi lần thì chúng tôi sẽ bàn về hướng đi sau này, nhưng tôi lại có hẹn với Hidaka. Tôi xem đồng hồ. Đã 6 giờ rưỡi. “Thời gian của anh thế nào ạ?” Oshima giữ ý hỏi. “Ừm, không sao. Nhưng thế này, gần nhà có tiệm ăn, hay chúng ta ra đó dùng cơm rồi bàn việc tiếp được không? Nếu được vậy thì đỡ cho tôi lắm.” “Được chứ. Đằng nào tôi cũng phải ăn cơm tối.” Oshima vừa nói vừa cất bản thảo vào cặp. Sang năm cậu ta sẽ 30 tuổi, nhưng vẫn còn độc thân. Chúng tôi vừa ăn món gratin vừa bàn việc tại nhà hàng cách nhà tôi hai, ba phút đi bộ. Nói là bàn việc chứ hầu như toàn chuyện phiếm. Trong lúc trò chuyện, tôi có nói người mình hẹn gặp là nhà văn Hidaka Kunihiko. Oshima có vẻ hơi ngạc nhiên. “Anh quen anh ấy à?” “Ừ. Chúng tôi học chung cấp một, cấp hai. Nhà mẹ đẻ cũng gần nhau. Từ đây đi bộ cũng được đấy. Chỉ là nhà ai cũng bị đập bỏ, xây chung cư cả rồi.” “Vậy là bạn nối khố nhỉ?” “Ừm, đúng vậy. Nên vẫn còn thân thiết đến giờ.” “Ồ!” Mắt cậu ta ánh lên vẻ ghen tị pha lẫn ngưỡng mộ. “Tôi không biết chuyện đó.” “Tôi được viết bài bên chỗ cậu cũng là nhờ cậu ấy giới thiệu.” “Ồ, vậy sao?” ầ ổ ỗ ế “Hình như ban đầu tổng biên tập chỗ cậu đặt Hidaka viết bài. Nhưng cậu ấy từ chối vì không viết được văn học thiếu nhi, thay vào đó giới thiệu tôi. Nói cách khác, với tôi cậu ấy còn là chỗ ơn huệ nữa.” Tôi vừa dùng nĩa ghim miếng nui đưa lên miệng vừa nói. “Hừm, có cả chuyện đó nữa sao? Đúng là tôi cũng tò mò về văn học thiếu nhi của anh Hidaka.” Rồi Oshima hỏi tôi. “Anh Nonoguchi không định viết tiểu thuyết dành cho người lớn sao?” “Loại nào tôi cũng muốn viết hết. Chủ yếu là cơ hội thôi.” Đây là lời thật lòng tôi. Hai chúng tôi rời tiệm ăn lúc 7 giờ rưỡi, đi bộ đến nhà ga. Oshima lên chuyến tàu điện chiều ngược lại nên tôi chào cậu ấy ở sân ga. Ngay sau đó, tàu điện bên tôi cũng tới. Tôi đến nhà Hidaka đúng 8 giờ. Tôi đứng trước cổng, thấy là lạ. Vì khu nhà tối om. Đèn ngoài cổng cũng tắt. Dù vậy, tôi vẫn thử nhấn chuông gọi nội bộ. Tuy cũng đã dự đoán được phần nào, nhưng không hề có tiếng đáp lại. Lúc này tôi nghĩ hay mình nhầm rồi. Hidaka nói 8 giờ đến chỗ cậu ấy, nhưng có lẽ không phải là 8 giờ ở nhà riêng. Tôi quay lại con đường lúc nãy một đoạn. Ở đó có một công viên nhỏ, bên cạnh có một bốt điện thoại công cộng. Tôi vừa rút ví vừa bước vào. Sau khi hỏi số điện thoại khách sạn Crown qua tổng đài, tôi gọi đến khách sạn. Khi tôi nói muốn gặp người tên Hidaka đang nghỉ ở đó thì họ nối máy ngay. “A lô, tôi Hidaka đây ạ.” Tiếng của Rie. “Nonoguchi đây.” Tôi nói. “Hidaka có ở đó không?” “Không ạ, chồng em chưa đến đây. Em nghĩ anh ấy vẫn còn ở nhà. Vì còn việc phải làm mà.” “Chẳng là như vậy…” Tôi nói với cô ấy về việc đèn nhà họ tắt, dường như trong nhà không có người. “Lạ nhỉ?” Ở đầu dây bên kia, cô ấy như đang nghiêng đầu thắc mắc. “Anh ấy bảo sớm thì cũng nửa đêm mới đến đây mà.” ắ ấ ồ “Vậy chắc cậu ấy đi ra ngoài một chút rồi.” “Chắc chắn không có chuyện đó đâu.” Rie im lặng một chút như đang suy nghĩ rồi nói, “Thôi được rồi, bây giờ em sẽ đến đó. Khoảng bốn mươi phút là đến nơi, à mà bây giờ anh Nonoguchi đang ở đâu?” Sau khi chỉ chỗ mình đang đứng, tôi nói sẽ giết thời gian ở quán nước gần đó rồi cúp máy. Rời khỏi bốt điện thoại, tôi thử qua nhà Hidaka lần nữa trước khi đến quán nước. Không có gì thay đổi, đèn vẫn tắt. Trong bãi đỗ xe, chiếc SAAB vẫn còn đó khiến tôi có chút bận tâm. Quán nước tôi đến là tiệm cà phê Hidaka thường tới để thay đổi tâm trạng. Tôi cũng từng đến đó vài lần. Người chủ tiệm còn nhớ tôi, “Hôm nay anh không đi với anh Hidaka à?” Tôi trả lời, “Tôi có hẹn gặp cậu ấy, nhưng không có ai ở nhà.” Tôi trò chuyện với người chủ tiệm về bóng chày này nọ hơn ba mươi phút. Tôi trả tiền, rời tiệm rồi rảo bước về phía nhà Hidaka. Lúc tôi đến trước cổng cũng đúng lúc Rie vừa từ taxi bước xuống. Tôi gọi, cô ấy cười đáp lại. Nhưng khi nhìn về phía căn nhà, cô ấy sầm mặt có vẻ lo lắng. “Đúng là tối thui.” Cô ấy nói. “Có vẻ cậu ấy chưa về?” “Nhưng chắc chắn anh ấy không định đi đâu cả, sao lại…” Cô ấy vừa lấy chìa khóa trong túi xách ra, vừa đi về phía cửa ra vào. Tôi cũng đi theo sau. Cửa ra vào vẫn khóa. Rie mở khóa bước vào rồi bật hết đèn đóm lên. Không khí trong nhà thật lạnh lẽo. Không một bóng người. Rie bước trên hành lang, đi đến phòng làm việc của Hidaka, đặt tay lên nắm cửa. Cửa phòng đang khóa. “Khi ra ngoài, cậu ấy luôn khóa cửa à?” Tôi hỏi. Cô ấy vừa lấy chìa khóa vừa nghiêng đầu. “Gần đây hầu như không khóa…” Cô ấy mở khóa, cứ thế đẩy cửa bước vào. Phòng làm việc cũng không bật đèn. Nhưng không tối đen như mực. Máy tính còn bật, màn hình vẫn sáng. ẫ ắ ồ Rie mò mẫm tìm công tắc trên tường rồi bật đèn. Hidaka đang nằm giữa phòng, chân hướng về phía chúng tôi. Vài giây trống trải trôi qua, Rie không nói lời nào chạy đến đó. Nhưng giữa chừng cô ấy dừng lại, hai tay bụm miệng, toàn thân cứng đờ. Trong khoảng thời gian đó, cô ấy không nói được tiếng nào. Tôi cũng sợ hãi tiến lại gần. Hidaka nằm sấp, đầu quay qua một bên, má trái hướng lên trên. Đôi mắt mở hé. Đôi mắt của người chết. “Cậu ấy chết rồi.” Tôi nói. Rie từ từ khuỵu xuống. Lúc đầu gối vừa chạm sàn nhà, cô ấy bắt đầu nức nở từ tận đáy lòng. Trong lúc điều tra viên của sở cảnh sát Tokyo xem xét hiện trường, tôi và Rie chờ ở phòng khách. Nói vậy nhưng không có cả sofa lẫn bàn ghế. Để Rie ngồi trên thùng các-tông xếp đầy tạp chí, tôi đi quanh như một con gấu, thỉnh thoảng từ hành lang ló mặt nhìn ra, quan sát tình hình. Rie khóc suốt. Đồng hồ đeo tay của tôi chỉ 10 rưỡi. Có tiếng gõ cửa, chỉ huy Sakoda bước vào. Đó là một người đàn ông độ tuổi trên dưới năm mươi, tác phong chững chạc. Đây cũng chính là người đã dặn chúng tôi tạm thời chờ trong phòng này. Có vẻ ông ấy nắm quyền lãnh đạo cuộc điều tra. “Tôi muốn hỏi chút chuyện được không?” Chỉ huy hỏi tôi sau khi liếc qua Rie. “Tôi thì không sao, nhưng…” “Tôi cũng không sao.” Rie vừa nói vừa lấy khăn tay chấm mắt. Giọng nói sũng nước mắt nhưng ngữ điệu rất dứt khoát. Tôi nhớ lại trưa nay, Hidaka đã nói cô ấy có điểm mạnh mẽ. “Vậy, chỉ một chút thôi.” Chỉ huy Sakoda cứ đứng như vậy hỏi chúng tôi quá trình cho đến lúc phát hiện tử thi. Do diễn biến câu chuyện, tôi đành phải kể cả vụ Fujio Miyako. ấ “Anh Hidaka gọi điện thoại cho anh lúc mấy giờ?” “Tôi nghĩ là hơn 6 giờ.” “Lúc đó, anh Hidaka có nói gì về người phụ nữ tên Fujio đấy không?” “Không, cậu ấy chỉ bảo có chuyện muốn nói.” “Vậy cũng có thể là vì vấn đề khác?” “Vâng.” “Anh có suy đoán gì về chuyện đó không?” “Không.” Chỉ huy gật đầu, quay sang phía Rie. “Người tên Fujio ra về lúc mấy giờ?” “Tôi nghĩ là hơn 5 giờ.” “Sau đó cô có nói chuyện với chồng không?” “Có nói chuyện một chút.” “Tình trạng anh ấy thế nào?” “Cuộc nói chuyện với cô Fujio không suôn sẻ nên anh ấy có vẻ phiền lòng. Nhưng anh ấy bảo tôi không cần lo lắng.” “Sau đó cô rời khỏi nhà đến khách sạn, đúng không?” “Đúng vậy.” “Xem nào, hai người dự định đêm nay và đêm mai ngủ tại khách sạn Crown, ngày mốt đi Canada nhỉ? Nhưng chồng cô chưa xong việc nên ở lại căn nhà này…” Sau khi vừa xem lại những nội dung tự ghi chép vừa lẩm bẩm, ông ấy ngẩng mặt lên. “Những ai biết việc này?” “Tôi và…” Rie nhìn về phía tôi. “Đương nhiên tôi cũng biết. Ngoài ra chắc còn cả người của nhà xuất bản Some.” Tôi giải thích bản thảo Hidaka dự định hoàn thành đêm nay là phần sẽ giao cho nhà xuất bản Some. “Nhưng xác định thủ phạm dựa trên căn cứ đấy thì…” “Vâng, tôi biết. Tôi chỉ hỏi để tham khảo thôi.” Chỉ huy Sakoda khẽ mỉm cười. Sau đó, ông ấy chủ yếu hỏi Rie dạo này có trông thấy nhân vật ấ nào khả nghi quanh nhà không. Cô ấy bảo là không nhớ. Tôi nhớ lại chuyện người phụ nữ ban trưa. Tôi đã rất phân vân có nên nói hay không, nhưng rốt cuộc vẫn im lặng. Vì tôi nghĩ kể cả con mèo có bị giết thì cũng thật quá ngớ ngẩn khi đi giết người trả thù vì việc đấy. Sau khi kết thúc phần thẩm vấn, chỉ huy bảo sẽ cho cấp dưới đưa tôi về nhà. Tôi muốn ở cạnh Rie nhưng viên chỉ huy bảo họ đã liên lạc về nhà mẹ đẻ cô ấy nên chắc họ cũng sắp đến đón rồi. Cú sốc khi phát hiện cái xác của Hidaka dần dần lắng xuống, kéo theo đó là sự mệt mỏi dồn dập xâm chiếm cơ thể tôi. Cứ nghĩ bây giờ phải đi tàu điện về nhà thì thật tình chỉ muốn rũ cả người. Tôi quyết định nghe theo lời viên chỉ huy. Rời khỏi phòng, tôi thấy vẫn còn nhiều điều tra viên đi quanh hành lang. Cửa phòng làm việc vẫn mở nhưng không thấy gì bên trong. Chắc thi thể đã được khiêng đi. Một viên cảnh sát trẻ mặc đồng phục đến gọi tôi. Cậu ta dẫn tôi ra chiếc xe cảnh sát đang đỗ trước cổng. Tôi nhớ ra những chuyện chẳng liên quan gì, như là kể từ khi bị bắt vì chạy quá tốc độ, giờ tôi mới lại đi xe cảnh sát. Bên cạnh chiếc xe có một người đàn ông đứng chờ. Anh ta trông cao ráo. Vì ánh sáng nên tôi không thấy rõ mặt. Người đàn ông đó nói. “Lâu rồi không gặp, thầy Nonoguchi.” “Hả?” Tôi dừng chân, cố nhìn gương mặt anh ta. Người đàn ông tiến lại gần, gương mặt hiện ra từ trong bóng tối. Đường nét khuôn mặt rõ ràng, khoảng cách giữa mắt và chân mày khá hẹp. Trước hết tôi nghĩ mình biết gương mặt này, sau đó bắt đầu lục lọi kí ức. “A à, cậu là…” “Thầy nhớ tôi không?” “Tôi nhớ. Là…” Tôi xác nhận trong đầu rồi nói, “Cậu Kaga… phải không?” “Vâng, Kaga đây ạ.” Cậu ta lễ phép cúi đầu chào. “Dạo ấy đã được thầy giúp đỡ nhiều.” Ồ ầ ồ ầ “Ồ không, tôi mới phải nói vậy.” Tôi cũng cúi đầu rồi nhìn cậu ta lần nữa. Cũng mười năm rồi, không, chắc phải lâu hơn. Gương mặt rắn rỏi dường như sắc sảo hơn hẳn khi xưa. “Tôi có nghe tin cậu chuyển nghề làm cảnh sát nhưng không ngờ lại gặp nhau trong hoàn cảnh này.” “Tôi cũng ngạc nhiên lắm. Ban đầu cứ tưởng nhầm người, hỏi lại họ rồi mới dám chắc.” “Vì họ của tôi hiếm nhỉ. Mà…” Tôi lắc đầu. “Thật ngẫu nhiên quá.” “Chúng ta lên xe rồi nói chuyện. Tôi tiễn thầy. Tuy xe cảnh sát thì không hay ho gì.” Nói vậy rồi cậu ta mở cửa sau cho tôi. Cùng lúc, viên cảnh sát mặc đồng phục ban nãy cũng ngồi vào ghế tài xế. Thầy Kaga là người vừa tốt nghiệp đã vào dạy môn xã hội tại trường cấp hai tôi từng giảng dạy. Cũng như những giáo viên trẻ mới vào nghề, cậu ta tràn đầy nhiệt huyết. Cậu ta còn là một chuyên gia kiếm đạo, tinh thần đó lại càng được khắc họa rõ nét hơn qua cái dáng cậu ta huấn luyện đội kiếm đạo của trường. Một người như vậy lại rời bỏ nghề giáo chỉ sau hai năm, do vướng vào vài sự cố. Theo lý giải của tôi thì bản thân cậu ta chẳng phải chịu trách nhiệm về việc đó. Nhưng có thể nói thế này. Mỗi người đều có cái gọi là hợp, hay không hợp. Nếu hỏi nghề giáo có hợp với cậu ta hay không, thì tôi chỉ đành nghiêng đầu không chắc. Đương nhiên, việc này cũng liên quan sâu sắc đến thời thế lúc bấy giờ. “Thầy Nonoguchi giờ dạy ở đâu thế?” Chiếc xe chạy chưa được bao lâu, thầy Kaga cất tiếng hỏi. À không, giờ gọi là thầy thì thật không đúng. Phải gọi là cảnh sát hình sự Kaga. Tôi lắc đầu. “Mới đây tôi còn dạy ở trường trung học cơ sở số 3 ở quê nhà, nhưng tháng Ba này vừa nghỉ việc rồi.” Cảnh sát Kaga có vẻ bất ngờ. “Thế à? Vậy bây giờ?” “Ừm. Nói ra hơi ngượng nhưng tôi viết truyện cho thiếu nhi.” “À, ra vậy.” Cậu ta gật gù. “Vì vậy mà quen biết với anh Hidaka Kunihiko à?” “À không, chuyện đấy thì hơi khác một chút.” Tôi kể lại việc mình và Hidaka quen biết nhau từ nhỏ ra sao, nhờ cậu ấy mà tôi có được công việc hiện nay thế nào. Cảnh sát Kaga vừa nghe vừa gật gù ra vẻ hiểu vấn đề. Tôi hơi thắc mắc, chẳng lẽ cậu ta không nghe gì từ chỉ huy Sakoda sao? Vì lúc nãy tôi đã nói những chuyện này cho ông ấy nghe. “Vậy là trước đây thầy vừa đi dạy vừa viết truyện?” “Đúng thế. Nói vậy chứ tôi chỉ viết một năm hai lần, mỗi lần viết truyện ngắn chừng ba mươi trang thôi. Nhưng tôi thực sự muốn trở thành nhà văn nên mới quyết tâm nghỉ dạy ở trường.” “Thế ạ? Thầy quyết tâm nhỉ.” Cảnh sát Kaga nói có vẻ cảm phục. Có thể cậu ta so sánh với kinh nghiệm của bản thân. Đương nhiên, ở mức độ nào đó hẳn cậu ta cũng hiểu chuyển việc ở độ tuổi chưa đến hai mươi lăm với ở độ tuổi sắp bốn mươi có sự khác biệt to lớn. “Người tên Hidaka Kunihiko viết loại tiểu thuyết thế nào vậy?” Tôi nhìn mặt cậu ta. “Cậu Kaga không biết Hidaka Kunihiko sao?” “Xin lỗi, tôi từng nghe tên nhưng chưa từng đọc tác phẩm của anh ấy. Đặc biệt dạo này tôi đã xa rời việc đọc sách.” “Cậu bận nhỉ.” “Không, là tôi lười thôi. Tôi định mỗi tháng đọc hai, ba cuốn nhưng…” Cậu ta đưa tay lên đầu. “Tối thiểu cần phải đọc hai, ba cuốn sách mỗi tháng.” Đây là câu nói cửa miệng của tôi thời còn làm giáo viên môn Quốc ngữ. Tôi không rõ có phải Kaga nhớ điều đó mà nói vậy không. Tôi giải thích sơ về Hidaka cho cậu ta. Nào là đã mười năm kể từ khi ra mắt tác phẩm đầu tay, nào giành được một số giải thưởng văn học, nay đã trở thành một trong số ít những tác giả ăn khách, rồi thì các tác phẩm đa dạng từ văn học thuần túy đến giải trí. “Có tác phẩm nào tôi đọc được không?” Cảnh sát Kaga hỏi. “Ví dụ tiểu thuyết trinh thám chẳng hạn.” “Tuy ít nhưng có đấy.” Tôi trả lời. “Thầy có thể cho tôi tên truyện để tham khảo không?” “Được thôi.” Tôi giới thiệu cho cậu ta truyện Dạ quang trùng. Tôi đọc đã lâu nên không nhớ kĩ chi tiết, nhưng chắc chắn là truyện về giết người. “Tại sao anh Hidaka lại định chuyển sang Canada sống vậy?” “Hình như có nhiều lý do, nhưng tôi nghĩ cậu ấy hơi mệt mỏi rồi. Cậu ấy đã nói muốn sống thong thả ở nước ngoài từ mấy năm trước rồi. Nghe đâu Rie rất thích Vancouver.” “Rie là người vợ? Trông cô ấy còn trẻ quá.” “Họ mới kết hôn tháng trước. Cậu ấy tái hôn.” “Vậy ư? Anh ấy li hôn với người vợ trước à?” “Không, cô ấy mất vì tai nạn giao thông. Đâu cũng năm năm rồi.” Trong lúc nói chuyện, nghĩ đến việc nhân vật chính của câu chuyện là Hidaka Kunihiko đã không còn trên cõi đời này khiến tôi nghẹn ngào. Rốt cuộc cậu ấy muốn trao đổi chuyện gì với tôi? Nếu tôi sớm kết thúc buổi nói chuyện chẳng lấy gì làm quan trọng để đến gặp cậu ấy từ sớm, biết đâu có thể ngăn chặn được cái chết của cậu ấy rồi. Dẫu biết có nghĩ vậy cũng chẳng thay đổi được gì nhưng tôi không thể ngừng hối hận. “Về việc người tên Fujio phản đối do bị lấy làm nguyên mẫu tiểu thuyết…” Kaga nói, “Ngoài chuyện đó, anh Hidaka còn bị vướng vào rắc rối nào khác không? Liên quan đến tiểu thuyết hay đời sống riêng tư đều được.” “Chà, tôi không nghĩ ra gì cả.” Trong khi trả lời tôi đã nhận ra. Thì ra đây là thẩm vấn điều tra. Nghĩ vậy, việc viên cảnh sát ngồi trước cầm lái vẫn im lặng nãy giờ cũng khiến tôi thấy sờ sợ. “Nhân tiện,” cảnh sát Kaga mở sổ tay. “Thầy biết cái tên Nishizaki Namiko không?” “Hả?” “Cả những cái tên như Osano Tetsuji, Nakane Hajime nữa.” “A, đó là…” Tôi hiểu ra, gật đầu. “Tên các nhân vật trong Cánh cửa băng giá nhỉ. Tiểu thuyết đang đăng dài kì trên nguyệt san của Hidaka.” Vừa nói tôi vừa nghĩ truyện dài đó sẽ ra sao đây. ế ế ấ “Hình như ngay trước khi chết, anh Hidaka đang viết truyện đấy.” “Nhắc mới nhớ, máy tính vẫn còn bật nhỉ.” “Trên màn hình đang hiện tiểu thuyết đó.” “Ra vậy.” Tôi sực nhớ một chuyện nên hỏi cảnh sát Kaga. “Tiểu thuyết viết được bao nhiêu rồi nhỉ?” “Bao nhiêu tức là…?” “Ý là khoảng mấy trang rồi đó.” Tôi nói cho cậu ta biết trong đêm nay, Hidaka phải viết ba mươi trang. “Khổ giấy trên máy tính khác giấy bản thảo nên tôi không biết chính xác, nhưng ít nhất thì không phải là một, hai trang.” “Ta có thể suy đoán thời gian hung thủ ra tay dựa vào số trang mà? Vì lúc tôi rời khỏi nhà Hidaka, cậu ấy vẫn chưa bắt tay vào việc.” “Việc đó chúng tôi cũng có nghĩ đến. Có điều bản thảo đâu phải là thứ được viết theo một tốc độ nhất định đúng không?” “Biết là vậy, nhưng tôi nghĩ tốc độ nhanh nhất cũng có giới hạn.” “Anh Hidaka thì khoảng bao nhiêu trang?” “Chà, để xem. Lúc trước, có lần cậu ấy nói một tiếng viết được khoảng bốn trang.” “Vậy có nhanh cũng khoảng sáu trang?” “Chắc vậy.” Trước lời nói của tôi, cảnh sát Kaga im lặng một chút. Có vẻ đang tính toán gì đó trong đầu. “Có gì mâu thuẫn à?” Tôi hỏi. “Chà, vẫn chưa biết được.” Cảnh sát Kaga lắc đầu. “Chúng tôi cũng chưa xác nhận tiểu thuyết trong máy tính có phải là phần sẽ đăng lần này không.” “À, ra vậy. Nghĩa là có thể chỉ là mở lại những phần đã đăng từ trước đến nay lên màn hình máy tính.” “Ngày mai chúng tôi sẽ hỏi nhà xuất bản vấn đề đó.” Tôi nhanh chóng suy nghĩ. Theo lời Rie, Fujio Miyako ra về lúc 5 giờ. Sau đó, Hidaka gọi đến chỗ tôi là hơn 6 giờ. Nếu trong khoảng ấ ẫ ế ấ ề thời gian đó cậu ấy vẫn viết thì cũng được năm, sáu trang. Vấn đề là ngoài số đó ra có bao nhiêu trang. “Ừm, có thể đây là bí mật điều tra, nhưng…” Tôi hỏi cảnh sát Kaga. “Có cái gọi là ước tính thời gian tử vong đúng không? Phía cảnh sát cho là mấy giờ?” “Chuyện đó đúng là bí mật điều tra.” Cảnh sát Kaga cười đau khổ. “Mà thôi cũng được. Cụ thể còn phải chờ kết quả giải phẫu, nhưng chúng tôi cho rằng trong khoảng từ 5 đến 7 giờ. Có lẽ không chênh lệch nhiều lắm đâu.” “Tôi nhận điện thoại vào khoảng hơn 6 giờ, nên…” “Vâng, nếu vậy thì là 6 đến 7 giờ.” Chuyện gì thế này. Tức là Hidaka bị giết ngay sau khi kết thúc cuộc gọi với tôi. “Hidaka bị giết bằng cách nào vậy chứ?” Nghe tôi lẩm bẩm như vậy, cảnh sát Kaga toát lên vẻ kì lạ. Có lẽ cậu ta nghĩ người đầu tiên phát hiện xác chết mà lại hỏi vậy thì thật lạ lùng. Nhưng tôi thực sự không nhớ cậu ấy chết như thế nào. Nói thẳng ra thì, tôi đã sợ đến nỗi không dám nhìn thẳng. Khi tôi thú nhận như vậy, cậu ta cũng có vẻ đồng ý. “Điều này cũng phải chờ kết quả giải phẫu, nhưng tóm gọn lại là bị siết chết.” “Bị siết chết tức là bị siết cổ à… Bằng dây hay gì đó?” “Có sợi dây điện thoại quấn quanh cổ.” “Sao lại…” “Còn có một vết thương bên ngoài. Hình như bị đánh sau đầu. Chúng tôi cho rằng hung khí là đồ chặn giấy bằng đồng lăn lóc ở hiện trường.” “Vậy là hung thủ đánh từ sau làm cậu ấy bất tỉnh rồi siết cổ?” “Hiện tại chúng tôi cho là vậy.” Sau khi nói vậy, cảnh sát Kaga hạ giọng. “Tôi nghĩ những việc đấy rồi sẽ được công bố, nhưng cho đến lúc đó thầy vui lòng đừng nói ra ngoài.” “À, chuyện đó thì đương nhiên.” Cuối cùng, xe cảnh sát cũng đến trước chung cư nhà tôi. ề “Cảm ơn các anh đã chở tôi về nhà, thật đỡ quá.” Tôi cảm ơn họ. “Chúng tôi cũng phải cảm ơn thầy đã giúp tham khảo được nhiều điều.” “Vậy chào các anh.” “A, chờ chút.” Tôi đang định xuống xe thì cảnh sát Kaga gọi lại. “Thầy có thể cho tôi biết tên tạp chí đăng truyện không?” Vì vậy tôi nói tên tờ nguyệt san của nhà xuất bản Some. Nhưng cậu ta lắc đầu, “Tạp chí đăng truyện của thầy Nonoguchi ấy.” Tôi cười giấu ngượng, cộc lốc nói tên tạp chí. Cảnh sát Kaga viết lại vào sổ tay. Tôi quay về phòng mình rồi, nhưng cứ ngồi thừ trên ghế sofa một lúc lâu. Tôi thử nhớ lại sự kiện cả ngày hôm nay, không thể tưởng nổi chuyện đó thực sự đã xảy ra. Một ngày như vậy hẳn không dễ mà có lại trong một đời người. Nghĩ vậy, tôi cảm thấy ngủ thì thật tiếc, dù đây là một ngày bi kịch. À không, dù có muốn ngủ thì đêm nay tôi cũng khó lòng mà ngủ được. Thế là tôi nảy ra một ý tưởng. Phải ghi lại trải nghiệm này. Tôi sẽ tự tay viết lại bi kịch người bạn thân bị sát hại. Ghi chép này bắt đầu từ ý tưởng như vậy đó. Bây giờ tôi dự định tiếp tục viết cho đến khi sự thật được sáng tỏ. Cái chết của Hidaka nhanh chóng được đăng lên báo buổi sáng. Tối qua tôi không xem tivi, nhưng với tình hình này có lẽ tin tức đã được phát sóng rộng rãi. Gần đây có cả những chương trình tin tức sau 11 giờ. Trên báo, tiêu đề đơn giản được đăng trên trang nhất, còn chi tiết của vụ án được đăng trên trang xã hội. Bài báo đăng bức hình lớn chụp nhà Hidaka, bên cạnh đó còn có hình cận mặt của cậu ấy, có lẽ được chụp để dùng trong tạp chí. Nội dung bài báo hầu như truyền đạt sự thật một cách trung thực. Thế nhưng, phần phát hiện tử thi được viết là, “Sau khi nghe người quen báo đèn trong nhà bị tắt, người vợ tên Rie đã quay lại nhà ấ ằ ầ ề riêng, thấy ông Hidaka nằm ngã tại phòng làm việc ở tầng một.” Điều này có thể gây ngộ nhận cho độc giả rằng người đầu tiên phát hiện án mạng chỉ có mình Rie. Không dòng nào đề cập đến tên tôi. Theo bài báo, cảnh sát dự định điều tra hung thủ theo hai hướng, người lạ hoặc người quen. Vì cửa còn khóa nên có lẽ hung thủ đã vào nhà từ cửa sổ phòng làm việc. Khi tôi xếp tờ báo lại, đứng dậy định chuẩn bị bữa sáng thì có tiếng chuông cửa. Tôi xem đồng hồ, mới hơn 8 giờ. Tôi không hẹn ai vào cái giờ sớm như vậy. Tôi nhấc máy chuông nội bộ vốn hiếm khi sử dụng. “Vâng.” “A, nhà văn Nonoguchi phải không ạ?” Một giọng nữ với tiếng thở dốc. “Đúng là tôi.” “Xin lỗi đã làm phiền nhà văn vào sáng sớm. Chúng tôi là người của đài XX, rất mong có thể phỏng vấn nhà văn về vụ án đêm qua.” Thật ngạc nhiên. Tên tôi không hề xuất hiện trên báo nhưng người của đài truyền hình đã đánh hơi biết tôi là người phát hiện. “À, ừm…” Tôi nghĩ cách đối phó. Không thể bạ gì cũng nói được. “Ý cô là sao?” “Về vụ án ông Hidaka Kunihiko bị giết tại nhà riêng đêm qua. Chúng tôi được biết nhà văn Nonoguchi đây đã phát hiện tử thi cùng với vợ ông Hidaka là bà Rie. Chuyện đó có thật không, thưa nhà văn?” Có lẽ là nữ phóng viên bên chương trình tin tức, nhưng bình thản gọi tôi là nhà văn nên tôi có chút cụt hứng. Nhưng tóm lại, bị hỏi thế này thì không thể nói dối được. “Vâng, đúng vậy.” Tôi trả lời. Sự kích động của đoàn người vượt qua cả cánh cửa truyền đến đây. “Nhà văn đến nhà riêng của ông Hidaka vì việc gì vậy ạ?” “Xin lỗi, tôi đã nói hết với cảnh sát những gì cần thiết.” “Nghe nói nhà văn thấy căn nhà có vẻ kì lạ nên đã liên lạc với bà ể ể Rie, vậy cụ thể có điểm nào kì lạ ạ?” “Cô hãy hỏi phía cảnh sát.” Tôi cúp máy. Tôi từng nghe nói, nhưng giờ mới thấy phóng viên truyền hình quả thật vô lễ. Họ không hiểu được là mới hôm qua đến nay, tôi làm sao có tâm trạng nói chuyện trước mặt người khác chứ? Tôi quyết định hôm nay không đi ra ngoài. Tuy có chút bận tâm chuyện nhà Hidaka nhưng đằng nào cũng không thể đến gần hiện trường. Vậy mà, khi tôi đang hâm nóng sữa bằng lò vi sóng thì lại có tiếng chuông cửa. “Tôi là người của đài truyền hình, có thể hỏi chuyện ông một chút được không ạ?” Lần này là một giọng nam. “Dân chúng trên cả nước đang rất muốn biết những thông tin chi tiết, thưa ông.” Nếu không có bi kịch là cái chết của Hidaka, đây quả là lời thoại to tát đến độ khiến người khác phải bất giác cười chịu thua. “Tôi chỉ là người phát hiện thôi.” “Nhưng ông rất thân với ông Hidaka đúng không?” “Đúng là vậy, nhưng tôi không có chuyện gì để nói chi tiết về vụ án cả.” “Nhưng chỉ một chút thôi.” Người đàn ông không chịu bỏ cuộc. Tôi thở dài. Nếu họ cứ quanh quẩn trước nhà tôi mãi sẽ làm phiền hàng xóm. Trước mắt, đó là chuyện tôi quan tâm nhất. Tôi gác máy chuông nội bộ, ra cửa. Cửa vừa mở thì rừng micro nhất loạt chĩa về phía tôi. Rốt cuộc, cả buổi sáng đi tong bởi những cuộc phỏng vấn, thậm chí tôi cũng không kịp dùng bữa sáng một cách thỏa mãn. Quá trưa, vừa ăn mì ăn liền vừa xem tivi thì thấy mặt mình phóng to trên màn hình, tôi chợt mắc nghẹn. Phần thu hình sáng nay đã nhanh chóng được lên sóng. “Hai người quen nhau từ thời tiểu học, vậy ông Nonoguchi thấy ông Hidaka là người như thế nào?” Một nữ phóng viên đặt câu hỏi bằng chất giọng the thé. Tôi trong màn hình chìm vào suy nghĩ trước câu hỏi đó. Bản thân ằ ấ tôi đã không nhận ra rằng thời gian mình suy nghĩ lâu bất ngờ, hình ảnh như đang quay chậm. Có lẽ họ không kịp biên tập. Xem trên tivi như vậy mới thấy rõ các phóng viên xung quanh tỏ vẻ sốt ruột ra mặt. “Tôi nghĩ cậu ấy là một người đàn ông có cá tính mạnh mẽ.” Cuối cùng, tôi trong màn hình cũng lên tiếng. “Có khi thấy đó là một người vô cùng tử tế, nhưng cũng có điểm tàn nhẫn khiến ta phải ngạc nhiên. Mà thật ra có lẽ hầu hết con người ai cũng vậy.” “Ông có thể kể ví dụ về điểm tàn nhẫn đó không ạ?” “Ví dụ…” Nói vậy rồi tôi lập tức nghiêng đầu. “À, tôi không thể nhớ ra ngay được, với lại những chuyện như vậy, tôi không muốn nói ở đây vào lúc này.” Lúc đấy trong đầu tôi hiện lên việc Hidaka giết con mèo, nhưng đó không phải chuyện có thể cho lên sóng truyền hình công cộng. “Ông có gì muốn nói với thủ phạm giết ông Hidaka không?” Sau khi đặt vài câu hỏi tầm thường, nữ phóng viên hỏi một câu quyết định. “Không có gì.” Đó là câu trả lời của tôi. Nhóm phóng viên có vẻ thất vọng. Sau đó, người dẫn chương trình bắt đầu giải thích về hoạt động sáng tác lâu nay của Hidaka. “Là một nhà văn sáng tác về nhiều đề tài khác nhau, chắc hẳn bản thân tác giả phải có nhiều mối quan hệ phức tạp, và điều đó đã dẫn đến vụ án lần này chăng?” Họ muốn lái câu chuyện sang hướng như thế. Rồi họ đề cập đến vấn đề rắc rối gần đây mà Hidaka dính phải, đó là việc người nhà của người đàn ông là hình mẫu trong tiểu thuyết Vùng cấm săn bắt đã lên tiếng phản đối Hidaka. Dù vậy, có vẻ họ không biết rằng hôm qua, người nhà của người đàn ông ấy, Fujio Miyako, đã đến tận nhà Hidaka. Không chỉ người dẫn chương trình mà cả nghệ sĩ tham gia với tư cách khách mời cũng bắt đầu nói về cái chết của Hidaka một cách tùy tiện. Tôi thấy khó chịu sao đó và tắt tivi. Để có thông tin của những vụ án lớn thì tốt nhất là xem NHK, nhưng đáng tiếc, cái chết của Hidaka không to tát đến mức đài truyền hình công phải làm chương trình đặc biệt. ầ ấ ồ ế Điện thoại reo. Lần thứ mấy trong ngày hôm nay rồi nhỉ? Cứ lo biết đâu là điện thoại liên quan đến công việc nên tôi vẫn bắt máy tất cả các cuộc gọi đến, nhưng cho tới giờ đều là của giới truyền thông. “A lô, Nonoguchi nghe.” Tôi nói hơi chút cộc lốc. “A lô, Hidaka đây ạ.” Là giọng nói rõ ràng, dứt khoát của Rie. “A, chào cô.” Nhất thời, tôi không nghĩ ra nên nói gì trong trường hợp này. “Từ hôm đó cô thế nào?” Câu hỏi tuy mơ hồ nhưng không còn cách nào hay hơn. “Hôm qua em ở nhà mẹ. Biết là phải liên lạc đến nhiều nơi nhưng thực sự chẳng có chút tinh thần nào cả.” “Tôi hiểu mà. Bây giờ cô đang ở đâu? “Đang ở nhà ạ. Sáng nay bên cảnh sát liên lạc, nói muốn xem hiện trường và hỏi lại đầu đuôi câu chuyện.” “Vậy đã xong việc rồi à?” “Xong rồi. Nhưng cảnh sát còn ở đây.” “Giới truyền thông ồn ào lắm phải không?” “Vâng. Nhưng có người của nhà xuất bản và người của đài truyền hình vốn quen với chồng em đến xử lý giúp nên cũng đỡ ạ.” “Vậy à?” Tôi định nói “vậy tốt rồi” nhưng kịp dừng lại. Đó không phải là câu nói dành cho một quả phụ mới mất chồng đêm qua. “Mà thật ra anh Nonoguchi mới là người bị nhà đài tìm đến gây phiền toái đúng không? Em không xem nhưng nghe người của nhà xuất bản nói, thấy ngại quá nên gọi điện cho anh.” “Vậy à? Mà tôi không sao đâu. Đợt tấn công phỏng vấn cũng lắng rồi.” “Thực sự xin lỗi anh.” Lời xin lỗi từ tận đáy lòng. Tôi lấy làm kính phục trước sức mạnh tinh thần của cô ấy, có thể nghĩ cho người khác trong khi chắc chắn hiện giờ cô ấy là một trong những người đau khổ nhất thế gian này. Thật là một người phụ nữ mạnh mẽ. Tôi xác định lần nữa. “Tôi có thể giúp gì cô không? Có gì cô cứ nói, đừng ngại nhé.” “Không ạ, bà con bên chồng và mẹ em cũng đến nên không sao.” “Vậy à.” Tôi nhớ ra Hidaka có người anh lớn hơn hai tuổi, vợ chồng họ đang chăm sóc người mẹ già. “Nhưng nếu có chuyện gì tôi giúp được thì cô cứ bảo nhé.” “Cảm ơn anh. Vậy chào anh.” “Cảm ơn cô đã hỏi thăm.” Sau khi cúp máy, tôi nghĩ về Rie một lúc lâu. Từ giờ trở đi, cô ấy định sống thế nào nhỉ? Tuổi vẫn còn trẻ, nghe nói nhà cha mẹ ruột cô ấy kinh doanh vận tải nên kinh tế khá giả, chắc đời sống sẽ không đến nỗi khó khăn nhưng hẳn phải mất thời gian khá lâu để cô ấy gượng dậy sau cú sốc. Gì thì gì, họ chỉ mới kết hôn được một tháng. Lúc trước, Rie chỉ là một người hâm mộ cuồng nhiệt các tiểu thuyết của Hidaka. Sau một lần tình cờ gặp được người thật qua công việc, họ gặp gỡ nhau với tư cách cá nhân. Tức là đêm qua, cùng một lúc cô ấy đã mất đi hai thứ rất quan trọng, tôi nghĩ. Một là người chồng, và một thứ nữa là các tác phẩm mới của nhà văn Hidaka Kunihiko. Khi nghĩ đến đó, điện thoại lại reo. Một lời đề nghị xuất hiện trên chương trình tivi, nhưng tôi từ chối ngay lập tức. Cảnh sát Kaga đến vào khoảng hơn 6 giờ chiều. Chuông cửa reng, tôi cứ tưởng lại mấy tay phóng viên truyền thông nên bực bội đi ra, nào ngờ là cậu ta. Nhưng không chỉ một người, còn có một cảnh sát trông trẻ hơn cậu ta một chút, tên Makimura. “Xin lỗi, tôi có hai, ba việc muốn hỏi thầy.” “Tôi cũng nghĩ là sẽ có chuyện như vậy. Nào, các cậu vào nhà đi.” Nhưng cảnh sát Kaga có vẻ không định cởi giày, chỉ hỏi, “Chẳng phải thầy đang dùng bữa sao?” “À, chưa. Chỉ đang nghĩ không biết ăn gì.” “Vậy chúng ta ra ngoài ăn không? Thật ra tôi bận quá, cơm trưa cũng chưa được ăn, nhỉ?” Bị Kaga hỏi tới, viên cảnh sát Makimura cũng nhìn về phía tôi, cười giả lả. “Ờ, được thôi. Vậy đi đâu? Có tiệm tonkatsu ngon lắm, mấy cậu có thích không?” “Chúng tôi thì đâu cũng được nhưng…” Nói vậy nhưng dường như nhớ ra điều gì, cảnh sát Kaga chỉ ngón tay cái về phía sau, “Gần đây có nhà hàng đúng không? Chỗ hôm qua thầy ăn tối là tiệm đó nhỉ?” “Đúng vậy, hay là ăn ở đó?” “Vậy được không ạ? Chỗ đó gần, lại có thể uống cà phê thoải mái.” “Được đó.” Cảnh sát Makimura phụ họa. “Tôi thì không sao. Vậy để tôi chuẩn bị.” Để họ chờ đấy, trong lúc thay đồ, tôi suy nghĩ lý do cảnh sát Kaga rủ tôi đến nhà hàng đó. Có lý do nào đó, hay chỉ đơn giản do gần và có thể uống cà phê như cậu ta nói? Rốt cuộc, tôi rời khỏi nhà mà không tìm được câu trả lời. Ở nhà hàng, tôi gọi món doria tôm. Hai cảnh sát Kaga và Makimura lần lượt chọn suất cừu nướng và hăm bơ gơ. “Chuyện cuốn tiểu thuyết lần trước…” Sau khi phục vụ đi khỏi, cảnh sát Kaga gợi chuyện. “Tiểu thuyết còn trên máy tính của anh Hidaka, Cánh cửa băng giá đó.” “Ừm, tôi biết. Cậu có nói sẽ điều tra xem đó là phần viết hôm qua hay chỉ là phần đã công bố được mở lên màn hình nhỉ? Rõ ràng rồi à?” “Tra ra rồi. Có vẻ là phần được viết vào hôm qua. Tôi hỏi người của nhà xuất bản Some thì nó hoàn toàn liền mạch với phần đã đăng từ trước đến giờ.” “Vậy tức là cậu ấy đã cố gắng làm việc cho đến ngay trước khi bị giết?” Hẳn Hidaka cũng nỗ lực hết sức bởi ngày đi Canada đã đến gần. Nếu là cậu ấy mọi khi thì sẽ bình thản tìm lý do nào đó, bắt biên tập viên chờ đợi. “Chỉ là, có việc hơi lạ.” Cảnh sát Kaga hơi chồm lên, cùi chỏ tay phải tì trên bàn. “Lạ tức là…?” “Là số trang bản thảo. Tính trên trang 400 chữ thì có đến 27 trang. Tôi thấy cho dù anh ấy bắt đầu viết ngay sau khi Fujio ra về vào lúc hơn 5 giờ đi nữa thì cũng hơi nhiều. Như đêm qua thầy Nonoguchi nói, tốc độ viết của anh Hidaka nhiều lắm cũng chừng bốn đến sáu trang thôi đúng không?” “27 trang ư? Đúng là nhiều thật.” Tôi đến nhà Hidaka lúc 8 giờ, giả sử cậu ấy còn sống đến sát trước giờ đó, tức là một tiếng viết được chín trang. “Vậy thì…” Tôi nói. “Có thể cậu ấy đã nói dối.” “Nói dối?” “Thật ra có thể tính đến trưa hôm qua, cậu ấy đã viết mười, mười hai trang rồi nhưng cứ nói chưa viết được trang nào, tính cậu ấy thế mà?” “Người của nhà xuất bản cũng có ý kiến như vậy.” “Đúng vậy rồi.” Tôi gật đầu. “Nhưng khi cô Rie rời khỏi nhà, anh Hidaka đã nói khoảng nửa đêm mới đến khách sạn. Vậy mà thực tế, trễ nhất là đến 8 giờ anh ấy đã viết được 27 trang. Một số của Cánh cửa băng giá là trên dưới ba mươi trang, vậy có thể nói là anh ấy gần xong việc rồi. Nói là bị muộn thì còn dễ hiểu, chứ lại có thể hoàn thành sớm hơn dự định nhanh vậy sao?” “Cũng có thể chứ. Viết lách không phải là công việc máy móc, khi chẳng nghĩ ra ý tưởng thì có ngồi bàn mấy tiếng đồng hồ cũng chẳng viết được trang nào. Ngược lại, chỉ cần lóe lên ý nghĩ nào đó là có thể viết trong nháy mắt.” “Anh Hidaka cũng có khuynh hướng đó sao?” “Có đấy. Nói đúng hơn chẳng phải hầu hết các nhà văn đều vậy sao?” “Vậy à? Đương nhiên chuyện đó thì tôi không hình dung được, nhưng…” Cảnh sát Kaga thu người về lại tư thế cũ. “Tôi không hiểu lý do cậu quan tâm đến số trang lắm.” Tôi nói. “Tóm lại, khi Rie rời khỏi nhà, tiểu thuyết vẫn chưa hoàn thành, khi ế ầ ế phát hiện xác chết thì gần như đã được viết xong. Tức khoảng thời gian cho đến khi bị giết, Hidaka đã làm một lượng công việc nhất định. Chẳng phải chỉ có vậy thôi sao?” “Có lẽ vậy.” Cảnh sát Kaga gật đầu nhưng có vẻ chưa thấy thuyết phục lắm. Tôi nhìn cậu thanh niên từng là giáo viên đàn em, nghĩ bụng cảnh sát đúng là kiểu người đeo đuổi điều tra tới cùng bất chấp đó là chi tiết nhỏ nhặt thế nào. Cô phục vụ bưng thức ăn đến. Câu chuyện dừng lại trong chốc lát. “Mà này, thi thể của Hidaka sao rồi?” Tôi thử hỏi. “Cậu nói là giải phẫu gì đó nhỉ?” “Đã thực hiện hôm nay.” Nói vậy rồi Kaga nhìn Makimura. “Cậu có đứng chứng kiến mà hả?” “Không, không phải tôi. Đứng xem thì tôi ăn thứ này sao nổi.” Cảnh sát Makimura nhăn mặt, ghim cái dĩa vào miếng thịt hăm bơ gơ. “Cũng đúng.” Kaga cũng cười đau khổ. “Nhưng thầy hỏi chuyện giải phẫu làm gì?” “À không, tôi chỉ thắc mắc đã biết được thời gian tử vong chưa.” “Tôi vẫn chưa xem bản phân tích giải phẫu nhưng điều đó thì chắc chắn là rõ rồi.” “Liệu có chính xác không?” “Tùy vào việc xác định dựa vào đâu. Ví dụ…” Đang nói dở thì cậu ta lắc đầu. “Mà thôi, dừng ở đây thôi.” “Tại sao?” “Món doria tôm sẽ dở đi đấy.” Cậu ta chỉ vào đĩa của tôi. “Ừ nhỉ.” Tôi gật đầu. “Vậy thôi, tôi không hỏi nữa.” Cảnh sát Kaga gật đầu như nói làm vậy là đúng. Trong lúc ăn, cậu ta không nói gì về vụ án, chỉ toàn hỏi về những tác phẩm dành cho thiếu nhi của tôi. Gần đây người ta có khuynh hướng đọc gì, hay tôi nghĩ gì về vấn nạn ít đọc sách chẳng hạn. Tôi nói đại loại sách bán chạy là những quyển được Bộ Giáo dục khuyến khích đọc, việc ít đọc sách là do ảnh hưởng của cha mẹ. ẳ ắ “Tóm lại, phụ huynh giờ chẳng đọc sách gì mà cứ nghĩ phải bắt con mình đọc sách. Nhưng vì bản thân không có thói quen đọc sách nên không biết cho chúng đọc gì. Thế là cứ nhắm mấy cuốn sách được các nhà chức trách tiến cử thôi. Nhưng mấy cuốn sách đó thì khô khan, chẳng hay ho gì nên con trẻ trở nên ghét đọc sách. Cứ nghĩ cái vòng luẩn quẩn đó lặp đi lặp lại không dứt là hiểu.” Hai chàng cảnh sát vừa ăn vừa nghe chuyện tôi nói với vẻ quan tâm. Tôi không rõ họ lắng nghe nghiêm túc đến mức nào. Do họ gọi theo suất nên cà phê được bưng ra cuối cùng. Tôi gọi thêm sữa nóng. “Thầy hút thuốc mà nhỉ?” Cảnh sát Kaga với tay lấy gạt tàn, hỏi tôi. “Không, không cần.” Tôi trả lời. “Ồ, thầy bỏ thuốc rồi à?” “Ừm, khoảng hai năm trước. Bị bác sĩ cấm vì không tốt cho bao tử.” “Vậy à? Nếu vậy ngay từ đầu chúng ta chọn chỗ ngồi cấm hút thuốc có phải tốt hơn không.” Cậu ta rút lại cái tay định lấy gạt tàn. “Vì nhắc đến nhà văn người ta thường nghĩ họ hút thuốc nên… Hình như anh Hidaka cũng là một tay nghiện thuốc lá?” “Ờ, đúng vậy. Phòng của cậu ta khi làm việc cứ như hun khói đuổi côn trùng vậy.” “Đêm qua khi phát hiện tử thi thì sao? Trong phòng có khói thuốc không?” “Lúc đó sao nhỉ? Nói gì thì nói tôi đã thất thần nên…” Tôi uống một ngụm sữa và suy nghĩ. “Đúng là có chút khói, ừm, chắc vậy.” “Vậy sao?” Cảnh sát Kaga cũng cầm cốc cà phê đưa lên miệng rồi chậm rãi rút quyển sổ tay ra. “Tôi có một chuyện muốn xác nhận. Về việc thầy đã đến nhà anh Hidaka lúc 8 giờ.” “Được.” “Lúc đó, thầy Nonoguchi nhấn chuông cửa không thấy ai trả lời, toàn bộ đèn trong nhà đều tắt nên đã gọi điện đến khách sạn cô Rie đang ở đúng không?” “Đúng vậy.” ẳ “Chuyện ánh đèn đó…” Cảnh sát Kaga nhìn thẳng vào tôi. “Có đúng là toàn bộ đều tắt hết không?” “Tắt hết mà. Chắc chắn không sai.” Tôi nhìn vào mắt cậu ta, trả lời. “Nhưng từ phía cổng thì đâu có thấy được cửa sổ phòng làm việc? Thầy đã đi vòng ra vườn à?” “Không, tôi không đi vòng ra vườn. Nhưng từ cổng chỉ cần vươn cổ ra nhìn là biết phòng làm việc không có ánh sáng.” “Vậy sao?” Cảnh sát Kaga có vẻ hơi nghi ngờ. “Ngay trước cửa phòng làm việc có cây anh đào lớn. Nếu phòng làm việc có ánh sáng thì có thể thấy rõ cây anh đào đó.” “A, ra là vậy.” Cảnh sát Kaga gật đầu với cảnh sát Makimura. “Tôi hiểu rồi.” “Chuyện này là vấn đề lớn vậy sao?” “Không, thầy cứ nghĩ là xác nhận đơn thuần đi. Nếu báo cáo lơ tơ mơ mấy chuyện này thì sẽ bị các sếp quở trách.” “Nghiêm nhỉ.” “Ngành nào cũng vậy thôi.” Cảnh sát Kaga cười như thời còn làm giáo viên. “Vậy cậu điều tra đến đâu rồi? Có biết được gì chưa?” Tôi lần lượt nhìn hai viên cảnh sát rồi cuối cùng ánh mắt dừng trên mặt cảnh sát Kaga. “Chỉ mới bắt đầu thôi nên…” Cảnh sát Kaga nhẹ giọng nói. Có lẽ cậu ta đang ngầm bảo không thể nói chuyện điều tra. “Tivi nói cái gì mà hung thủ là người lạ. Họ nói cũng có thể có khả năng đó. Tức là có người lẻn vào nhà với mục đích ăn trộm nhưng bị Hidaka phát hiện nên ra tay giết luôn.” “Khả năng đó không phải là số không.” “Tức là cậu không nghĩ vậy?” “Đúng vậy.” Cảnh sát Kaga có vẻ để ý đến người đàn em bên cạnh. “Cá nhân tôi cho rằng ít có khả năng đó.” “Tại sao?” “Nếu muốn trộm nhà vắng người thì thường sẽ vào từ cửa ra vào. Nếu chẳng may bị phát hiện vẫn có thể quanh co chối tội, rồi rời khỏi ấ ầ ế ẫ từ đấy. Nhưng nhà anh Hidaka thì như thầy đã biết, cửa ra vào vẫn khóa.” “Chắc không có chuyện thủ phạm cố tình khóa cửa lại đâu… nhỉ?” “Nhà Hidaka có ba chìa khóa, hai chìa do người vợ Rie giữ. Chiếc còn lại nằm trong túi quần của anh Hidaka.” “Nhưng cũng có kẻ trộm ra vào bằng lối cửa sổ mà?” “Có thì có, nhưng vậy là phạm tội có kế hoạch kĩ càng rồi. Chúng sẽ điều tra từ trước, khi nào chủ nhân vắng nhà, có bị người qua đường phát hiện không, kiểm tra kĩ rồi mới hành động.” “Không có hướng đó à?” “Thì đó…” Cảnh sát Kaga cười lộ hàm răng trắng. “Nếu đã điều tra trước rồi, chắc chắn thủ phạm phải biết nhà đó đâu còn lại gì.” “A!” Tôi há to miệng nhìn hai viên cảnh sát, “Đúng rồi.” Cảnh sát Makimura cũng cười nhẹ. “Tôi thì…” Nói rồi cảnh sát Kaga ngưng lại, có vẻ do dự. Sau đó nghiêm giọng tiếp tục. “Cho rằng hung thủ là người quen.” “Chà, không êm ả tí nào nhỉ?” “Chỉ nói ở đây thôi đấy.” Cậu ta đặt ngón trỏ lên miệng. “Ừm, chuyện đó đương nhiên.” Tôi gật đầu. Sau đó, cậu ta đưa mắt nhìn cảnh sát Makimura. Cậu cảnh sát trẻ cầm phiếu tính tiền đứng dậy. “Ồ không, để tôi…” “Không được!” Cảnh sát Kaga đưa tay chặn lại. “Là chúng tôi mời thầy mà.” “Nhưng đâu có được tính vào phí công tác đúng không?” “Không. Vì chỉ là cơm tối thông thường.” “Xin lỗi cậu.” “Thầy đừng bận tâm.” “Nhưng…” Tôi nhìn về quầy thu ngân. Cảnh sát Makimura đang trả tiền. Cuối cùng tôi nhận ra thái độ cậu ta có vẻ kì lạ. Cậu ta đang nói chuyện gì đó với cô gái thu ngân. Cô gái nhìn về phía tôi và trả lời gì đó. “Xin lỗi anh.” Cảnh sát Kaga nói, vẫn nhìn tôi mà không nhìn về phía quầy, thái độ cũng hoàn toàn không khác gì với lúc nãy. “Chúng tôi đang xác nhận chứng cứ ngoại phạm.” “Của tôi à?” “Vâng.” Cậu ta khẽ gật đầu. “Chúng tôi đã xác nhận với anh Oshima nhà xuất bản Doji. Nhưng lấy được bao nhiêu chứng cứ thì phải lấy hết là cách làm của cảnh sát. Mong thầy thông cảm.” “Vì vậy mà cậu chọn tiệm này?” “Nếu không cùng thời gian thì người phục vụ cũng sẽ khác nên…” “Thì ra là vậy.” Tôi thực sự bị ấn tượng. Cảnh sát Makimura đã quay lại. Cảnh sát Kaga hỏi cậu ta, “Tính đúng không?” “Vâng, đúng rồi.” “Vậy thì tốt.” Nói rồi cảnh sát Kaga nhìn tôi, nheo mắt trong khoảnh khắc. Khi tôi nói mình đang ghi chép lại vụ án lần này, cảnh sát Kaga quan tâm ra mặt. Lúc đó chúng tôi đã rời nhà hàng, đi bộ được một lúc. Nếu không nói ra chuyện đó, chắc hẳn chúng tôi đã tạm biệt nhau trước căn hộ của tôi. “Kinh nghiệm như thế này có lẽ cả đời không có lần thứ hai, nên tôi định ghi chép lại dưới hình thức nào đó. Mà thôi, cậu cứ nghĩ là căn tính của nhà văn cũng được.” Thế là Kaga im lặng như đang suy nghĩ một chút, rồi nói thế này. “Thầy có thể cho tôi xem ghi chép đó được không?” “Cho xem? Cho cậu xem á? Không, vì tôi viết không phải để cho người khác đọc.” “Mong thầy giúp cho.” Cậu ta cúi đầu. Cảnh sát Makimura cũng làm vậy. “Đừng mà. Làm vậy giữa đường không hay đâu. Hơn nữa những gì tôi viết đều là chuyện đã nói với các cậu rồi.” “Vậy cũng được.” “Thua cậu rồi đấy.” Tôi gãi đầu, thở dài. “Vậy lên nhà tôi nhé? Mà ế ằ ề ấ tôi viết bằng máy đánh chữ nên phải phiền mấy cậu chờ tôi in ra nữa.” “Rất sẵn lòng!” Cảnh sát Kaga nói. Hai viên cảnh sát lên tận phòng tôi. Khi tôi bắt đầu in, cảnh sát Kaga đến bên cạnh nhìn. “Đây là máy đánh chữ chuyên dụng nhỉ?” “Đúng vậy.” “Còn cái ở phòng anh Hidaka là máy tính?” “Cậu ấy là người rất hiếu kì.” Tôi nói. “Nào chia sẻ dữ liệu qua máy tính, nào game, có vẻ muốn thử nhiều thứ lắm.” “Thầy Nonoguchi không dùng máy tính à?” “Tôi dùng cái này là đủ rồi.” “Lúc nào cũng nhờ người của nhà xuất bản đến lấy bản thảo à?” “Không, thường thì tôi gửi fax. Ở đó kìa, thấy chưa?” Tôi chỉ vào máy fax nằm ở một góc phòng. Chỉ có một đường dây điện thoại nên tôi nối với máy chủ của điện thoại không dây. “Nhưng hôm qua thầy nhờ người đến lấy mà?” Cảnh sát Kaga ngẩng đầu lên. Không biết có phải tôi nghĩ quá không, nhưng sâu trong ánh mắt cậu ta chất chứa ánh sáng đầy ẩn ý. “Thủ phạm là người quen.” Tôi nhớ lại lời nói lúc nãy của cậu ta. “Do tôi có nhiều chuyện muốn gặp trực tiếp để trao đổi nên hôm qua thì đặc biệt nhờ họ đến.” Trước câu trả lời của tôi, cậu ta chỉ im lặng gật đầu và không hỏi gì thêm. In xong, trước khi trao cho cậu ta, tôi nói. “Thật ra, tôi có giấu chút chuyện.” “Vậy sao?” Cảnh sát Kaga có vẻ không ngạc nhiên lắm. “Cậu đọc rồi sẽ biết. Do tôi nghĩ không liên quan đến vụ án, lại không muốn nói những điều khiến người khác bị nghi ngờ.” Đó là chuyện Hidaka giết con mèo. “Tôi hiểu rồi. Cũng thường có chuyện như vậy.” Hai người họ cầm bản ghi chép đã được in, không ngừng cảm ơn ồ ề tôi rồi ra về. Và… Sau khi hai người Kaga ra về, tôi bắt đầu viết phần của ngày hôm nay. Tức đoạn tiếp theo phần đã giao cho họ. Có lẽ rồi họ sẽ lại muốn xem phần này, nhưng tôi cố gắng viết tiếp mà không nghĩ đến chuyện đó. Nếu không làm vậy, sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Đã hai ngày trôi qua kể từ hôm xảy ra vụ án. Đám tang của Hidaka Kunihiko được tổ chức tại một ngôi chùa cách nhà riêng cậu ấy vài cây số. Đông đảo người đến viếng, chẳng hạn như giới xuất bản, để thắp nhang cũng phải xếp hàng dài. Và đúng như dự đoán, người của đài truyền hình cũng kéo đến đây. Đứng xa cũng thấy cả đội ngũ phóng viên ai cũng mang vẻ mặt thần bí nhưng lại đảo mắt khắp nơi như mắt rắn với ý định bắt cho được cảnh đau thương. Chỉ cần có người khách nào nhỏ mấy giọt lệ là họ lia máy quay về hướng đó ngay. Tôi thắp hương xong thì đứng cạnh lều tiếp tân, nhìn đoàn khách lũ lượt đến viếng. Trong đó có cả nghệ sĩ. Tôi nhớ ra họ là những người đóng trong bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm của Hidaka. Thắp hương xong là đến buổi đọc kinh, tang chủ chào hỏi. Rie mặc bộ vét đen, tay cầm tràng hạt, bình tĩnh nói lời tạ lễ khách đến viếng, và nói về những kỉ niệm khó quên với chồng. Đây đó trong hội trường yên lặng có tiếng khóc sụt sùi. Trong bài nói của Rie, cho đến cuối cùng, tuyệt nhiên không nhắc đến từ "thủ phạm" hay những lời thù oán. Điều đó, ngược lại càng thể hiện sự tức giận và nỗi đau buồn của cô ấy. Khi quan tài được khiêng ra, khách đến viếng cũng bắt đầu ra về, tôi nhận ra một nhân vật ngoài suy nghĩ. Cô ta đang đi bộ một mình. Khi cô ta vừa ra khỏi chùa, tôi lên tiếng, “Cô Fujio!” Fujio Miyako dừng bước, quay lại. Mái tóc dài theo đó gợn sóng. “Anh là…” “Hôm kia, chúng ta đã gặp nhau ở phòng của Hidaka rồi nhỉ.” “Vâng, tôi nhớ.” “Tôi là bạn thân của Hidaka, tên Nonoguchi. Nếu nói thêm thì cũng là bạn cùng khóa với anh của cô.” “Hình như vậy. Hôm đó tôi có nghe anh Hidaka nói.” “Tôi muốn nói chuyện với cô một chút, cô có rảnh không?” Cô ta nhìn đồng hồ, sau đó hướng mắt ra xa. “Có người đang chờ tôi.” Tôi nhìn theo hướng mắt cô ta. Một chiếc xe van màu xanh lá cây nhạt đang đậu sát mép đường. Ngồi ở ghế tài xế là một người đàn ông trẻ đang nhìn về phía chúng tôi. “Chồng cô à?” “Không, không phải vậy.” Tôi hiểu là người yêu. “Vậy ở đây cũng được. Tôi muốn cô cho biết vài điều.” “Điều gì?” “Hôm đó, cô đã nói chuyện gì với Hidaka?” “Chuyện gì là sao, cũng như lâu nay thôi. Tôi đã yêu cầu anh ta thu hồi hết sách trong khả năng, thừa nhận lỗi lầm của mình trước công chúng và viết lại nội dung sao cho không liên quan đến anh tôi. Tôi nghe được anh ta sẽ đi Canada nên cũng có ý muốn xem thử anh ta định tỏ thành ý bằng cách nào trong tương lai.” “Vậy Hidaka đã nói gì?” “Anh ta nói vẫn luôn sẵn sàng xử lý với thành ý, nhưng không định bẻ cong đức tin của mình.” “Tức là cậu ấy nói không thể đáp ứng yêu cầu?” “Dường như anh ta cho rằng nếu không phải xuất phát từ tính hiếu kì mà là hướng đến tác phẩm mang tính nghệ thuật cao, thì việc động chạm đến đời tư của hình mẫu ở một mức độ nào đó cũng là chẳng đặng đừng.” “Nhưng cô không chấp nhận?” “Đương nhiên rồi.” Cô ta hơi nhoẻn miệng nhưng khó có thể gọi đó là nụ cười. ố ề “Vậy cuối cùng, hôm đó cô ra về tay không?” “Anh ta đã hứa sau khi ổn định ở Canada nhất định sẽ liên lạc, cố gắng tiếp tục trao đổi bằng cách nào đó. Trước giờ xuất phát nên họ cũng có vẻ bận rộn, lại nghĩ có dai dẳng kéo dài cũng không được việc gì nên tôi tạm chấp nhận.” Có lẽ Hidaka cũng không thể nói gì hơn. “Vậy sau đó cô đã về thẳng nhà à?” “Tôi? Đúng vậy.” “Không ghé đâu cả?” “Vâng.” Sau khi gật đầu, Fujio Miyako mở to mắt nhìn tôi chằm chằm. “Anh định hỏi chứng cứ ngoại phạm sao?” “Không, không phải vậy.” Tôi cúi đầu, chà tay dưới mũi. Nhưng chính tôi cũng thấy kì cục, đây không phải xác nhận chứng cứ ngoại phạm thì còn là gì. Cô ta thở dài. “Hôm qua cảnh sát đến, hỏi tôi như vừa rồi anh hỏi vậy. Mà không, cách hỏi thẳng thừng hơn một chút. Kiểu như cô có căm thù anh Hidaka không?” “Ha ha.” Tôi nhìn lại cô ấy. “Vậy, cô nói gì?” “Tôi trả lời không căm ghét gì cả, chỉ mong anh ta tôn trọng người đã khuất.” “Vùng cấm săn bắt…” Tôi nói, “Cô không thích nó đến vậy sao? Truyện báng bổ anh cô sao?” “Ai cũng có bí mật của riêng mình. Và họ có quyền không công khai nó. Dù là người chết đi nữa…” “Nếu có người cho rằng bí mật đó vô cùng cảm động thì sao? Việc muốn cho thế gian này biết đến sự cảm động đó tồi tệ đến thế sao?” “Cảm động ư?” Cô ta nhìn tôi chằm chằm. Sau đó từ từ lắc đầu. “Chuyện một học sinh cấp hai bạo hành một cô bé mà cảm động sao?” “Cũng có trường hợp phải viết để làm nền cho sự cảm động đó.” Cô ta một lần nữa thở dài. Rõ ràng là để cho tôi thấy. “Anh Nonoguchi đây cũng viết truyện đúng không?” “Vâng, truyện thiếu nhi thôi.” “Anh ra sức bênh vực anh Hidaka vì anh cũng là nhà văn?” Tôi suy nghĩ một chút rồi nói, “Cũng có thể.” “Một công việc đáng ghét.” Cô ta xem đồng hồ. “Tôi rất vội, xin phép anh.” Cô ta quay lưng, đi về phía chiếc xe hơi đang chờ. Khi tôi về đến căn hộ của mình, trong hộp thư có một mảnh giấy nhắn. “Tôi ở nhà hàng lần trước. Hãy gọi điện cho tôi. Kaga.” Trong giấy có ghi một dãy số, có lẽ của nhà hàng. Tôi vào phòng thay đồ rồi đến thẳng nhà hàng mà không gọi điện. Kaga đang đọc sách ở ghế cạnh cửa sổ. Cuốn sách có giấy bọc của tiệm sách nên tôi không thấy bìa. Khi thấy tôi, cảnh sát Kaga vội vàng định đứng dậy. Tôi ngăn lại. “Không cần đâu, cậu cứ ngồi đi.” “Xin lỗi, đến phiền thầy lúc mệt mỏi.” Cậu ta cúi đầu. Có vẻ cậu ta biết hôm nay có đám tang của Hidaka. Sau khi gọi sữa nóng, tôi ngồi xuống ghế. “Tôi biết mục đích của cậu. Cái này chứ gì?” Tôi rút xấp giấy đã được gấp lại từ túi áo khoác ra, đặt trước mặt cậu ta. Là phần ghi chép hôm qua. Trước khi ra khỏi nhà tôi đã in nó. “Cảm ơn thầy. May cho tôi quá.” Cậu ta đưa tay định mở xấp giấy. “Xin lỗi, mong cậu đừng đọc ở đây. Cậu đã đọc phần hôm qua rồi chắc cũng biết, tôi có viết về cậu nữa nên thấy ngượng ngượng sao đó.” Nghe tôi nói vậy, cậu ta nhoẻn miệng cười. “Đúng nhỉ. Vậy phần này cứ để nguyên đây.” Cậu ta gấp xấp giấy lại, cho vào túi trong của áo khoác. “Vậy…” Tôi uống nước và hỏi. “Có giúp gì được cho cậu không, phần ghi chép của tôi đó?” “Có chứ.” Cảnh sát Kaga trả lời ngay lập tức. “Có những thứ như bầu không khí của vụ án, nếu nghe bằng tai thì không hiểu lắm, nay được viết bằng lời văn lại rất dễ nắm bắt. Mấy vụ án khác, nhân chứng hay người phát hiện vụ án mà viết được như vậy thì đỡ biết ấ mấy.” “Nếu vậy thì tốt.” Cô phục vụ bưng sữa nóng đến. Tôi dùng thìa hớt lớp váng sữa mỏng trên bề mặt. “Cậu nghĩ sao về chuyện con mèo?” Tôi hỏi. “Tôi rất bất ngờ.” Cậu ta trả lời. “Mấy chuyện thiệt hại do mèo thì thường nghe nhưng thật tình chưa từng nghe ai vì thiệt hại mà làm đến mức đó.” “Cậu có ý định điều tra người phụ nữ chủ con mèo không?” “Tôi đã báo cáo sếp và đã có người khác phụ trách.” “Vậy à?” Tôi uống sữa. Cảm giác như mình đã mách lẻo vậy, tôi thấy không thoải mái lắm. “Tôi nghĩ, những phần khác thì đều giống nội dung tôi đã kể cho các cậu.” “Đúng vậy.” Cậu ta gật đầu. “Nhưng những điểm chi tiết rất đáng tham khảo.” “Có điểm như vậy sao?” “Ví dụ đoạn thầy và anh Hidaka nói chuyện trong phòng. Lúc đó, anh Hidaka có hút một điếu thuốc. Nếu không đọc phần ghi chép của thầy sẽ không biết điều đó.” “Chà, tôi không chắc có phải một điếu không. Biết đâu lại là hai điếu. Tóm lại tôi nhớ cậu ấy có hút thuốc nên mới viết vậy.” “Không, đúng là một điếu.” Cậu ta khẳng định chắc nịch. “Chắc chắn.” “Hừm.” Tôi không biết chuyện đó có liên quan thế nào đến vụ án. Có lẽ cảnh sát có cách nhìn riêng của họ. Tôi nói với cảnh sát Kaga rằng sau đám tang, tôi đã nói chuyện với Fujio Miyako. Cậu ta có vẻ rất quan tâm. “Rốt cuộc tôi không hỏi được gì, nhưng cô ấy có bằng chứng ngoại phạm không nhỉ?” “Người khác đang điều tra, nhưng hình như là có.” “Vậy à? Nếu vậy thì không cần nghĩ đến cô ấy nữa nhỉ?” ầ ấ “Thầy nghi ngờ cô ấy à?” “Không đến mức nghi ngờ, nhưng tôi nghĩ nói đến người có động cơ thì là cô ấy.” “Động cơ là việc người thân bị xâm hại quyền riêng tư à? Nhưng có giết anh Hidaka cũng đâu giải quyết được vấn đề?” “Cũng có thể vì không thấy được thành ý của Hidaka nên cô ấy giận quá hóa hành động?” “Nhưng khi cô ấy rời nhà Hidaka, anh Hidaka vẫn còn sống.” “Biết đâu cô ấy tạm thời bỏ đi rồi quay lại?” “Để giết người?” “Ừ.” Tôi gật đầu. “Để giết người.” “Nhưng người vợ, cô Rie vẫn còn ở nhà mà?” “Có thể chờ người vợ đi khỏi rồi lẻn vào.” “Tức cô Fujio Miyako biết người vợ sẽ rời khỏi nhà?” “Có thể cô ấy đánh hơi được qua vài câu trò chuyện.” Cảnh sát Kaga đan hai tay đặt trên mặt bàn, nhịp hai ngón tay cái với nhau. Sau khi làm vậy một lúc, cậu ta nói, “Đột nhập từ cửa ra vào?” “Không, cửa sổ chứ? Cửa ra vào đã bị khóa mà.” “Một phụ nữ mặc vét đột nhập từ cửa sổ sao?” Cậu ta cười. “Chưa kể anh Hidaka có thể thấy?” “Chờ Hidaka đứng lên đi vệ sinh là được. Sau đó nấp sau cánh cửa chờ cậu ấy quay lại.” “Cầm cái chặn giấy?” Cảnh sát Kaga huơ nhẹ nắm đấm tay phải. “Đúng vậy. Và khi Hidaka bước vào thì…” Tôi cũng đưa nắm đấm tay phải lên. “Dùng đồ chặn giấy đó đập vào sau đầu cậu ấy.” “Ra vậy. Sau đó thì sao?” “Ừ thì…” Tôi vừa nhớ lại những gì hôm kia cảnh sát Kaga đã nói vừa kết nối câu chuyện. “Thì siết cổ. Dùng dây điện thoại… đúng không? Sau đó bỏ trốn.” “Từ đâu?” “Đương nhiên từ cửa sổ. Nếu từ cửa ra vào thì khi chúng tôi đến cửa đâu bị khóa.” “Đúng vậy nhỉ.” Cậu ta đưa tay cầm cốc cà phê nhưng nhận ra cà phê đã hết nên để nguyên đó. “Nhưng tại sao không chạy trốn bằng cửa ra vào?” “Chuyện đó thì tôi không biết nhưng cũng có thể cô ta không muốn bị người khác bắt gặp. Đây là vấn đề tâm lý. Mà thôi, nếu cô ta đã có chứng cứ ngoại phạm thì mấy chuyện như vậy chỉ là không tưởng.” “Vâng, đúng vậy.” Cậu ta nói. “Vì cô ta có chứng cứ ngoại phạm nên tôi mới được nghe chuyện không tưởng của thầy.” Tôi khá bất ngờ trước lời nói của cậu ta. “Cậu cứ quên nó đi.” “Nhưng rất đáng tham khảo. Tôi cho rằng đây là suy luận thú vị. Nhân tiện, thầy suy luận giúp tôi một chuyện được không?” “Tôi không chắc mình suy luận được không đâu, nhưng chuyện gì?” “Tại sao thủ phạm tắt đèn trong phòng?” “Này cậu…” Tôi suy nghĩ một chút rồi trả lời. “Để người ta nghĩ là vắng nhà. Chẳng may có ai đến thì cứ thế ra về nên sẽ khiến cho việc phát hiện xác chết chậm trễ hơn. Thực tế, tôi đã tưởng không có ai khi thấy căn nhà tối thui đó thôi.” “Tức thủ phạm muốn làm chậm trễ việc phát hiện tử thi?” “Chẳng phải đó là tâm lý của thủ phạm sao?” “Vậy…” Cậu ta nói. “Tại sao máy tính thì để mở?” “Máy tính?” “Vâng. Thầy có viết là khi vào phòng, màn hình sáng trắng mà?” “Đúng vậy nhỉ, nhưng có lẽ thủ phạm nghĩ máy tính để nguyên cũng được?” “Hôm qua, sau khi chia tay thầy, tôi đã làm một thí nghiệm đơn giản. Tôi tắt đèn, để mở màn hình, và kết quả là khá sáng đấy. Đứng ngoài cửa sổ có thể thấy lờ mờ qua rèm cửa. Tôi nghĩ nếu muốn tạo dựng cảnh vắng nhà thật thì chắc phải tắt cả máy tính.” “Vậy chắc do không biết cách tắt. Người nào chưa từng sờ qua máy tính thì không biết cách tắt cũng là chuyện thường mà.” ể ắ ầ ấ ế “Nhưng có thể tắt màn hình chứ. Chỉ cần bấm nút thôi. Nếu cả chuyện đấy cũng không biết thì rút dây điện.” “Chắc do đãng trí rồi.” Tôi nói. Cảnh sát Kaga chăm chú nhìn tôi, sau đó gật đầu. “Đúng vậy nhỉ. Có thể là đãng trí.” Không còn ý kiến gì hơn nữa, tôi im lặng. “Xin lỗi vì đã làm mất thời gian của thầy.” Cậu ta đứng dậy. “Hôm nay thầy cũng ghi chép lại chứ?” “Tôi định vậy.” “Vậy có thể cho tôi xem phần đó luôn không?” “Ừm, được thôi.” Cậu ta hướng về quầy tính tiền, giữa chừng đột nhiên dừng lại. “Tôi thực sự không hợp với nghề giáo à?” Cậu ta hỏi vậy. Có lẽ do trong ghi chép của tôi có viết ý đó. “Chỉ là ý kiến cá nhân thôi.” Tôi trả lời. Cậu ta nhắm mắt, thở dài một tiếng rồi đi ra. Tôi hoàn toàn không hiểu Kaga đang nghĩ gì. Nếu đã biết được điều gì đó rồi thì cứ nói cho tôi cũng được mà. 2 NGHI NGỜ Ghi chép của Kaga Kyoichiro Một điều tôi quan tâm trong vụ án lần này là việc kẻ thủ ác đã dùng đồ chặn giấy làm hung khí. Không cần nói cũng biết, đồ chặn giấy đó là một món đồ trong phòng của Hidaka Kunihiko. Tức lúc đầu khi đến nhà Hidaka, thủ phạm không định giết Hidaka Kunihiko. Vì có thể cho rằng nếu có ý định sát hại ngay từ đầu, đương nhiên phải chuẩn bị sẵn phương tiện gây án. Tuy cũng có cách nghĩ rằng hung thủ đã chuẩn bị nhưng vì phát sinh vấn đề gì đó nên đành thay đổi phương thức sát hại. Tuy nhiên, việc chọn cách đánh bằng đồ chặn giấy sau khi thay đổi cho thấy, quá thiếu kế hoạch. Hiển nhiên, suy đoán đây là hành vi phạm tội mang tính bộc phát nhất thời thì hợp lý hơn. Nhưng đến đây, tôi lại băn khoăn về cánh cửa nhà Hidaka. Theo lời khai của những người phát hiện đầu tiên thì cửa ra vào và cửa phòng làm việc của Hidaka Kunihiko đều khóa. Về điểm này, Hidaka Rie đã khai như sau. “Khi rời khỏi nhà lúc 5 giờ hơn, tôi đã khóa cửa ra vào. Vì tôi lo khi chồng tôi ở lì trong phòng làm việc, giả sử có ai vào nhà cũng chẳng hay biết gì. Nhưng có nằm mơ tôi cũng không ngờ lại thực sự có chuyện như vậy xảy ra.” Theo kết quả lấy dấu vân tay, trên nắm cửa chỉ có của vợ chồng Hidaka. Không có dấu vết găng tay hay vết tích lau xóa gì cả. Tức có thể cho rằng cửa vẫn khóa nguyên kể từ lúc Hidaka Rie rời nhà. Vậy khả năng cao là thủ phạm khóa phòng làm việc từ bên trong. Vì khác với trường hợp cửa ra vào, ở đây rõ ràng có vết tích của việc xóa dấu vân tay. Từ những việc trên, quả nhiên chỉ có thể cho rằng thủ phạm đột nhập từ cửa sổ. Nhưng nếu vậy, lại nảy sinh mâu thuẫn với nội dung lúc nãy. Liệu một thủ phạm vốn không có ý định sát hại có xâm nhập từ cửa sổ không? Khả năng hắn định trộm thứ gì đó lại càng thấp. Dù là người hôm đó lần đầu đến nhà Hidaka cũng thấy ngay trong nhà chẳng còn lại gì để trộm cả. Thật ra, có một giả thiết giải quyết mâu thuẫn này. Đó là thủ phạm đã đến nhà Hidaka hai lần vào hôm ấy. Lần đầu đến từ cửa ra vào để đạt mục đích chính. Người đó, sau khi tạm rời khỏi nhà Hidaka (chính xác là sau khi giả vờ rời khỏi) thì tiến hành cuộc viếng thăm lần thứ hai. Lúc này đã âm thầm quyết định trong lòng và xâm nhập từ cửa sổ. Quyết định đó, không cần nói cũng biết, là ý định giết người. Liệu có nên cho rằng nguyên nhân nảy sinh ý định đó phát sinh trong lần đầu tiên? Vậy thì, ngày xảy ra vụ án, ai đã đến nhà Hidaka? Hiện giờ rõ ràng nhất là có hai người. Fujio Miyako và Nonoguchi Osamu. Chúng tôi đã khoanh vùng điều tra hai người này. Nhưng kết quả lại trái với suy đoán của chúng tôi, người nào cũng có chứng cứ ngoại phạm. Fujio Miyako quay về nhà lúc 6 giờ chiều hôm đó. Người chứng minh điều này là vị hôn phu Nakazuka Tadao và người làm mai cho họ, Ueda Kikuo. Họ gặp nhau trao đổi về đám hỏi dự định sẽ tổ chức vào tháng sau. Ueda là cấp trên của Nakazuka, không có mối quan hệ trực tiếp với Fujio Miyako. Khó mà cho rằng ông ta cho lời khai giả vì vợ sắp cưới của cấp dưới. Ngoài ra, theo lời khai của Hidaka Rie thì Fujio Miyako rời khỏi nhà Hidaka lúc hơn 5 giờ, tính khoảng cách từ nhà Hidaka đến nhà riêng của Miyako và tình trạng giao thông thì việc cô ấy về đến nhà lúc 6 giờ hoàn toàn bình thường. Trước hết, có thể nói chứng cứ ngoại phạm của Fujio Miyako quá hoàn hảo. Tiếp theo là Nonoguchi Osamu. Khi điều tra về nhân vật này, tôi không thể phủ định việc ít nhiều có ỗ chút suy nghĩ riêng tư. Anh ta là đàn anh ở chỗ làm cũ, một trong những người biết đến quá khứ cay đắng của tôi. Nhưng nếu để những mối liên hệ cá nhân làm ảnh hưởng đến công việc điều tra thì phải nói là tôi không đủ tư cách làm nghề này. Trong khả năng có thể, tôi quyết tâm nhìn nhận quá khứ chung của tôi và anh ta thật khách quan để đối mặt với vụ án lần này. Tuy nói vậy nhưng tôi không có ý định lãng quên quá khứ. Vì tùy trường hợp, nó có thể trở thành vũ khí sắc bén để phá án. Chứng cứ ngoại phạm ngày hôm đó do chính Nonoguchi khai như sau. Khoảng 4 giờ 30 phút, nhân lúc Fujio Miyako đến, anh ta rời nhà Hidaka. Anh ta về thẳng nhà, làm việc đến khoảng 6 giờ. Lúc 6 giờ, biên tập viên nhà xuất bản Doji là Oshima Yukio đến, họ bắt đầu trao đổi công việc. Được một lúc thì có điện thoại của Hidaka Kunihiko nói rằng có chuyện muốn trao đổi, mong anh ta đến nhà vào lúc 8 giờ. Nonoguchi Osamu cùng đi với Oshima đến nhà hàng gần nhà, sau khi dùng bữa thì đến nhà Hidaka. Đến nơi vừa đúng 8 giờ. Anh ta lấy làm lạ khi thấy hình như không có ai ở nhà, bèn liên lạc với Hidaka Rie. Trong lúc chờ cô Rie, anh ta uống cà phê ở quán nước Cái đèn gần đó. Khoảng 8 giờ 40, anh ta quay lại nhà Hidaka vừa đúng lúc Hidaka Rie đến nơi. Hai người vào nhà và phát hiện xác chết. Khi sắp xếp lại như vậy, có thể cho rằng chứng cứ ngoại phạm của Nonoguchi cũng gần như hoàn hảo. Cả Oshima của nhà xuất bản Doji và chủ tiệm Cái đèn cũng chứng minh lời nói của anh ta đúng. Có điều, không phải hoàn toàn không có kẽ hở. Nếu muốn tìm ra cơ hội giết hại Hidaka Kunihiko của anh ta trong lời khai này, thì đó chính là trước khi điện thoại cho Rie. Có thể suy luận, sau khi chia tay Oshima và đến nhà Hidaka, anh ta ngay lập tức sát hại Hidaka Kunihiko rồi sắp đặt vài việc, gọi điện cho vợ của nạn nhân như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng pháp y đã chứng minh kịch bản này không thể thành lập. Trưa hôm đó, trong lúc đi mua sắm với vợ, Hidaka Kunihiko đã ăn hăm bơ gơ và thời gian tử vong được suy đoán dựa trên tình trạng ế ề ễ tiêu hóa là khoảng 5 đến 6 giờ chiều, có trễ bao nhiêu đi nữa cũng không thể sau 7 giờ. Vậy đành phải coi như chứng cứ ngoại phạm của Nonoguchi Osamu là hoàn hảo sao? Nhưng thành thực mà nói, tôi nghi ngờ thủ phạm là anh ta. Lý do là một câu nói bâng quơ của anh ta đêm xảy ra vụ án. Từ khoảnh khắc nghe được câu nói đó, tôi đã bắt đầu xem xét khả năng anh ta là thủ phạm. Tôi biết, hành động theo trực giác thường rất thiếu hiệu quả, nhưng riêng lần này tôi đã thử dựa vào đó. Việc Nonoguchi Osamu ghi chép lại vụ án lần này thật bất ngờ. Vì tôi nghĩ giả sử anh ta là thủ phạm, chắc chắn anh ta sẽ không làm ra những hành vi như làm rõ các chi tiết của vụ án. Thế nhưng khi đọc phần ghi chép đó, tôi nhận ra phải nghĩ hoàn toàn ngược lại. Thật ra, bản ghi chép được viết rất mạch lạc. Và những gì được ghi chép mạch lạc đó lại rất có sức thuyết phục. Trong lúc đọc, tôi suýt nữa đã quên rằng nội dung đó chưa chắc là sự thật. Nhưng biết đâu chính trong đây lại ẩn chứa ý đồ của Nonoguchi Osamu? Tôi tưởng tượng. Anh ta là thủ phạm, muốn đánh lạc hướng sự tình nghi của cảnh sát đối với mình. Anh ta suy đoán bản thân sẽ bị tình nghi do vấn đề thời gian. Xuất hiện trước mặt anh ta khi đó lại là một người từng dạy cùng trường với anh ta lúc xưa. Anh ta quyết định lợi dụng người này, viết lại các ghi chép giả để người này đọc. Chắc chắn một người đàn ông non nớt trong nghề giáo cũng sẽ chẳng giỏi giang gì khi làm cảnh sát, có lẽ sẽ dễ dàng bị mắc vào cái bẫy này. Liệu đây có phải suy đoán vô căn cứ không? Vì quá ý thức rằng không được để tình cảm riêng tư xen vào việc điều tra chỉ vì có quen biết, nên ngược lại đã khiến tôi khó nhìn ra sự thật hơn? Nhưng cuối cùng, tôi đã thành công trong việc phát hiện ra vài cái bẫy được giấu trong ghi chép của anh ta. Và mỉa mai thay, từ chính ghi chép của anh ta, tôi đã có thể tìm ra cả chứng cứ gián tiếp quan trọng chứng tỏ không ai khác ngoài anh ta là hung thủ. Điều đang cản trở tôi là chứng cứ ngoại phạm của anh ta. Nhưng tính ra cũng có thể nói đó là chứng cứ do anh ta tự chủ trương mà ế thôi. Ai biết cú điện thoại gọi cho anh ta lúc 6 giờ hơn có thật là từ Hidaka Kunihiko không. Tôi rà soát lại từ đầu những nghi vấn và bí ẩn liên quan đến vụ án lần này. Sau đó, tôi nhận ra chúng xâu chuỗi trên một đường thẳng đơn thuần. Gợi ý cho việc đó cũng nằm trong ghi chép của Nonoguchi Osamu. Sau khi một lần nữa xem xét lại suy luận của mình, tôi đã báo cáo lên cấp trên. Sếp là một người thận trọng nhưng đã đồng tình với suy nghĩ của tôi. Có vẻ ông cũng thấy Nonoguchi khả nghi ngay từ ấn tượng gặp mặt ban đầu. Tuy không viết trong ghi chép, nhưng đêm xảy ra vụ án, anh ta đã phấn khích một cách bất thường và trở nên lắm lời. Cả sếp và tôi đều hiểu đó là một thái độ điển hình thể hiện anh ta là thủ phạm thực sự. “Vấn đề là vật chứng.” Sếp đã nói vậy. Về việc này, tôi cũng đồng ý. Tuy rất tự tin với suy đoán của mình, nhưng phải công nhận rằng đó chỉ là dựa trên chứng cứ gián tiếp thôi. Ngoài ra còn một vấn đề nữa. Đó là động cơ. Tôi nghĩ mình đã thu thập khá nhiều thông tin không chỉ của Hidaka Kunihiko mà cả của Nonoguchi Osamu, nhưng không tìm được lý do để Nonoguchi Osamu giết Hidaka. Ngược lại, xét đến chuyện nâng đỡ trong công việc, Hidaka thậm chí còn là ân nhân của Nonoguchi Osamu. Tôi đã thử nghĩ lại về cá tính của người tên Nonoguchi Osamu trong kí ức của mình. Suốt thời gian dạy Quốc ngữ ở trường cấp hai, anh ta là một người điềm tĩnh trong mọi việc, luôn tiến hành công việc theo đúng trình tự đã được quy định, không chút sơ suất dù gặp phải chuyện gì. Cả khi đối diện với những tình huống bất ngờ như mấy trò quậy phá của học sinh, anh ta cũng không hề mất bình tĩnh, tham khảo những trường hợp tương tự trong quá khứ, khôn khéo chọn cách giải quyết an toàn nhất ở thời điểm đó. Nếu nói xấu thì đó là người cứ làm y theo sách hướng dẫn, không tự mình quyết định. Một nữ giáo viên Anh văn đã cho tôi biết đặc trưng đó của anh ta. “Thầy Nonoguchi thật ra không muốn làm nghề giáo đâu. Tôi nghĩ thầy ấy không muốn phải bận tâm vì những chuyện của học trò hay ẩ ố ắ chịu trách nhiệm với những việc vớ vẩn, nên cố gắng xử lý sự việc một cách lạnh lùng như vậy.” Theo cô ấy, thầy Nonoguchi chỉ muốn bỏ nghề giáo để trở thành nhà văn càng sớm càng tốt. Anh ta hiếm khi đi uống chung với các đồng nghiệp cũng là vì ở nhà viết bản thảo. Kết quả đúng như đánh giá của cô ấy, Nonoguchi Osamu đã trở thành nhà văn nhưng tôi không biết anh ta nghĩ gì về nghề giáo viên. Tuy nhiên đương thời, anh ta từng nói với tôi thế này. “Quan hệ giữa giáo viên và học sinh là thứ được thành lập dựa trên ảo giác. Giáo viên thì ảo giác mình đang dạy gì đó, học sinh thì bị ảo giác đang được dạy gì đó. Và quan trọng là với ảo giác như vậy, hai bên đều cảm thấy hạnh phúc. Vì sự thật thì chẳng có gì tốt đẹp cả. Việc chúng ta đang làm chỉ là trò chơi giáo dục, không hơn không kém.” Tôi không biết anh ta dựa vào trải nghiệm như thế nào mà nói vậy. 3 GIẢI QUYẾT Ghi chép của Nonoguchi Osamu Những đoạn văn sau đây là phần ghi chép sau khi được cảnh sát Kaga cho phép. Tôi đã nài nỉ được hoàn thành ghi chép trước khi rời khỏi căn phòng này, và cậu ta đã phá lệ chấp nhận. Nhưng chắc chắn cậu ta không thể lý giải được tại sao đã đến nước này rồi mà tôi còn viết mấy thứ này để làm gì. Có lẽ cậu ta không thể hiểu dù tôi có nói giả dụ đây là bản ghi chép gian dối thì bản năng của nhà văn là hễ đã bắt tay vào viết thì muốn viết đến cùng. Nhưng với tôi, trải nghiệm trong một giờ đồng hồ này đủ để viết lại. Việc muốn ghi chép lại những kinh nghiệm có ấn tượng sâu sắc có lẽ cũng là bản năng của nhà văn. Cho dù đó là ghi chép hủy hoại chính mình. Cảnh sát Kaga đến vào đúng 10 giờ sáng hôm nay, tức ngày 21 tháng Tư. Từ khoảnh khắc chuông cửa reo, tôi đã bắt đầu có một dự cảm, và khi biết khách đến là cậu ta, tôi biết dự cảm đó đã trở thành sự thật. Dù vậy tôi vẫn cố gắng che giấu sự dao động, đón cậu ta vào nhà. “Tôi xin lỗi vì đã đường đột đến đây. Tôi có chuyện muốn nói với thầy.” Cậu ta vẫn nói với giọng điệu như mọi lần. “Chuyện gì vậy? Cứ vào nhà đi đã.” “Vâng, tôi xin phép.” ế ế ầ Tôi mời cậu ta đến ghế sofa và rót trà. Cậu ta nói, “Thầy đừng khách sáo.” “Có chuyện gì vậy?” Tôi vừa đặt cốc trà trước mặt cậu ta vừa thử hỏi. Lúc đó, tôi nhận ra tay mình đang run. Khi ngẩng mặt lên, cảnh sát Kaga cũng đang nhìn chằm chằm vào tay tôi. Cậu ta không đụng đến cốc trà, nhìn thẳng vào mặt tôi. “Thật ra tôi phải báo với thầy một tin vô cùng khó nói.” “Tin gì?” Tôi cố giữ bình tĩnh. Thực tế, tim tôi đã đập nhanh đến nỗi tôi có thể thấy chóng mặt bất cứ lúc nào. “Chúng tôi xin phép được khám xét căn nhà của thầy… căn nhà này của thầy.” Cảnh sát Kaga khổ sở nói. Trước tiên tôi tỏ vẻ bất ngờ, sau đó mỉm cười. Đương nhiên tôi không biết mình diễn có tốt không. Có thể Kaga chỉ thấy khuôn mặt tôi vặn vẹo mà thôi. “Sao vậy? Có tìm ở phòng tôi cũng chẳng được gì đâu.” “Nếu vậy thì tốt nhưng… tôi nghĩ có thể sẽ tìm ra gì đó.” “Khoan đã. Chẳng lẽ là vậy hả? Cậu nghi ngờ thủ phạm giết Hidaka là tôi và chứng cứ nằm ở căn phòng này…” Cảnh sát Kaga khẽ gật đầu, “Đúng vậy.” “Thật ngạc nhiên.” Tôi nói. Tôi lắc đầu và thở dài cho cậu ta thấy. Một màn diễn sâu. “Chuyện quá bất ngờ ngoài dự đoán, tôi thật không biết trả lời thế nào. Nếu không phải cậu đang nói đùa, nhưng nghe không giống đùa.” “Vâng, thưa thầy. Tiếc là tôi đang nghiêm túc. Tôi thực sự khổ tâm khi nói điều này với một thầy giáo đàn anh đã giúp đỡ mình, nhưng công việc của chúng tôi là tìm ra sự thật.” “Đương nhiên tôi hiểu công việc của cậu. Nếu thấy khả nghi, thì dù là bạn thân hay người nhà cậu cũng có nghĩa vụ phải nghi ngờ mà? Nhưng thật lòng tôi thấy bất ngờ và lúng túng. Gì thì gì việc xảy ra quá đột ngột.” “Tôi có đem lệnh đến.” “Lệnh khám xét à? Đương nhiên rồi nhỉ. Nhưng trước khi cho tôi ể xem thứ đó, cậu có thể nói lý do được không? Tức là…” “Tại sao tôi nghi ngờ thầy à?” “Ừ thì vậy. Hay là không cần giải thích gì nhiều, nhanh chóng lục lọi, bới tung cả căn nhà lên là cách làm của các cậu?” “Cũng có trường hợp như vậy.” Cậu ta nhắm mắt lại, cầm lấy cốc trà lúc nãy không đụng đến uống một ngụm, sau đó lại nhìn về phía tôi. “Nhưng tôi định sẽ nói với thầy.” “Cậu làm vậy thì tôi cảm ơn. Tuy không biết nghe xong tôi có thấy thuyết phục không.” Nhưng Kaga không đáp lại, lấy sổ tay từ túi áo khoác ra. “Điểm quan trọng nhất là…” Cậu ta nói. “Thời gian tử vong của anh Hidaka. Tuy tạm thời cho là trong khoảng từ 5 giờ đến 7 giờ, nhưng theo pháp y giải phẫu thì rất ít khả năng xảy ra sau 6 giờ. Phương pháp suy đoán thời gian tử vong từ tình trạng tiêu hóa thức ăn trong bao tử có độ tin cậy cực kì cao và trong trường hợp lần này, không cần phải giãn rộng thời gian đến hai tiếng đồng hồ. Nhưng có người chứng minh sau 6 giờ anh Hidaka vẫn còn sống.” “Người đó là tôi à? Cậu có nói vậy tôi cũng đành chịu, vì đó là sự thật mà. Khả năng có thể thấp nhưng đã là hiện tượng tự nhiên thì cũng có chênh lệch hai mươi, ba mươi phút chứ?” “Đương nhiên là vậy. Nhưng chúng tôi bị vướng mắc ở điểm căn cứ cho lời khai là một cú điện thoại. Vì qua điện thoại thì không biết có đúng là người đó gọi không.” “Giọng nói đó là của Hidaka mà. Tôi chắc chắn.” “Nhưng không thể chứng minh điều đó. Ngoài thầy, không ai nghe cú điện thoại đó.” “Điện thoại vốn là vậy mà. Còn cách nào khác ngoài việc nói cậu hãy tin tôi?” “Tôi muốn tin, nhưng chỉ vậy thì không thể thuyết phục được quan tòa đúng không?” “Đúng là chỉ có tôi bắt điện thoại, nhưng cậu đừng quên có người bên cạnh tôi lúc ấy chứ. Cậu không hỏi cậu Oshima nhà xuất bản Doji về việc đấy sao?” “Tôi đã hỏi. Anh Oshima đã làm chứng có cú điện thoại vào thời gian thầy nói.” “Cậu ấy không nghe được nội dung chúng tôi nói lúc đó sao?” “Không, anh ấy có nghe. Anh ấy nói dường như thầy Nonoguchi có hẹn gặp với người ta. Và sau đó mới biết đó là anh Hidaka.” “Ra vậy. Ý cậu là chỉ thế thì không chứng minh được nhỉ. Ý cậu là cú điện thoại từ người khác, và tôi giả vờ nói như thể đó là điện thoại từ Hidaka.” Kaga chau mày, cắn môi rồi nói. “Tôi không có lý do gì để loại bỏ khả năng đó.” “Tôi thì muốn cậu dẹp nó đi, mà xem ra không được nhỉ.” Tôi giả vờ hài hước. “Nhưng không hợp lý chút nào. So với thời gian tử vong suy đoán từ kết quả giải phẫu có thể chênh lệch đôi chút nhưng đâu phải hoàn toàn, đúng không? Nhưng sao lại nói như thể quả quyết là tôi nói dối vậy? Còn có lý do nào khác à?” Kaga nhìn chằm chằm vào mắt tôi rồi nói. “Vâng, có.” “Tôi rất muốn nghe.” “Thuốc lá.” Cậu ta nói. “Thuốc lá?” “Thầy cũng đã nói rồi đó. Rằng anh Hidaka là người nghiện thuốc lá, lúc làm việc anh ấy hút như hun thuốc trừ sâu bọ.” “Ừm, tôi có nói nhưng… sao?” Vừa nói tôi vừa cảm thấy một dự cảm không lành lan tỏa trong lồng ngực như một đám khói đen. Kaga nói, “Nhưng trong gạt tàn chỉ có một mẩu đầu lọc.” “Hả?” “Chỉ có một mà thôi. Trong gạt tàn ở phòng làm việc của anh Hidaka chỉ có một đầu lọc bị dụi nát. Cô Fujio Miyako ra về vào khoảng 5 giờ hơn, sau đó nếu anh ấy làm việc thì đương nhiên số đầu lọc phải tăng lên. Nhưng đầu lọc duy nhất đó là của điếu thuốc hút lúc nói chuyện với thầy đấy, thầy Nonoguchi. Tôi biết điều này nhờ ghi chép của thầy.” Không nghĩ ra được lời nào để đáp trả, tôi im lặng. Tôi nhớ lại có ầ ề ố ế ố lần nào đó, cảnh sát Kaga đã nói về số điếu thuốc Hidaka đã hút. Tức lúc đó cậu ta đã hướng nghi ngờ về phía tôi. “Tức là…” Cậu ta tiếp tục. “Từ lúc chỉ có một mình cho đến lúc bị giết, anh Hidaka không hề hút một điếu thuốc nào cả. Tôi đã hỏi cô Rie về vấn đề này, câu trả lời là giả sử anh ấy chỉ làm việc trong ba mươi phút, ít nhất cũng hút hai đến ba điếu. Chưa kể, nghe nói một khi đã bắt đầu công việc, số điếu đặc biệt có khuynh hướng tăng lên. Nhưng thực tế anh ấy lại không hút điếu nào cả. Việc này phải nghĩ sao đây?” Trong lòng mình, tôi bắt đầu nguyền rủa bản thân. Tuy tôi không hút thuốc nên hoàn toàn không nghĩ ra, nhưng đáng lẽ phải nhận ra chứ. “Hết thuốc rồi chăng?” Tôi tạm nói vậy. “Hoặc cậu ấy nhận ra không mua sẵn thuốc nên hút ít đi?” Nhưng chắc chắn cảnh sát Kaga không hề bỏ qua những việc như thế. “Anh Hidaka đã mua bốn bao lúc trưa. Trên bàn có một bao còn 14 điếu, và ba bao chưa khui còn trong ngăn kéo.” Giọng điệu nhẹ nhàng, nhưng từng lời, từng lời của cậu ta mang theo một thứ áp lực ào tới trấn áp tôi. Tôi sực nhớ cậu ta là một tay kiếm đạo thuần thục. Khoảnh khắc đó, một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng tôi. “Hừm, vậy sao? Nếu thế thì đúng là rất không tự nhiên khi chỉ có một đầu thuốc. Lý do đó chỉ có thể hỏi chính Hidaka. Biết đâu lý do lại ngoài ý muốn như thình lình bị đau họng hay gì đó?” Tôi thử ra sức phòng vệ. “Nếu vậy anh ấy đã không hút trước mặt thầy? Quả thật chúng tôi phải chọn suy đoán phù hợp nhất.” “Ý cậu là cậu ấy đã bị giết sớm hơn nữa?” “Khá sớm. Có lẽ ngay sau khi người vợ, cô Rie rời khỏi nhà.” “Cậu khẳng định nhỉ.” “Quay trở lại việc hút thuốc, cả khi gặp Fujio Miyako, anh Hidaka cũng không hút điếu nào. Tôi biết lý do. Theo lời bà Rie, do lúc trước Fujio Miyako từng tỏ vẻ khó chịu với khói thuốc nên chính anh ề ấ ế ố Hidaka đã nói từ nay về sau, trước mặt cô ấy sẽ hạn chế hút thuốc để cuộc trò chuyện tiến triển trôi chảy.” “Ồ…” Cách suy nghĩ đầy tính toán rất Hidaka, tôi nghĩ. “Chắc chắn cuộc trò chuyện với Fujio Miyako đã rất căng thẳng. Vậy nên ngay khi cô ấy ra về, anh Hidaka nhất định sẽ hút thuốc như được giải phóng khỏi cơn đói. Vậy mà không có đầu lọc thuốc. Không hút hay không thể hút? Tôi cho là vế sau.” “Tức cậu muốn nói do cậu ấy đã bị giết.” “Đúng vậy.” Cậu ta gật đầu. “Nhưng tôi đã rời khỏi nhà Hidaka trước đó từ lâu rồi.” “Vâng, tôi biết. Thầy đã tạm thời ra khỏi cửa, nhưng có thể cho rằng sau đó, thầy vòng qua vườn, đi về phía phòng làm việc của anh Hidaka.” “Cậu nói như đã thấy vậy nhỉ?” “Bản thân thầy cũng đã suy đoán tương tự mà. Khi giả sử Fujio Miyako là hung thủ, thầy đã bảo cô ấy giả vờ rời nhà Hidaka rồi đi vòng về phía phòng làm việc. Chẳng phải thầy đã nói về hành động của chính mình sao?” Tôi chậm rãi lắc đầu. “Tôi đến là chịu. Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ cậu đã nhìn nhận sự việc theo cách đó. Tôi cứ nghĩ mình đã hỗ trợ cậu.” Thế là cảnh sát Kaga cúi xuống xem sổ tay rồi nói. “Thầy đã viết về việc mình rời khỏi nhà Hidaka như thế này trong bản ghi chép lần trước. ‘Cô ấy nói tạm biệt và tiễn tôi đến tận chỗ rẽ tiếp theo’, ở đây, ‘cô ấy’ là người vợ, cô Rie.” “Vậy thì sao?” “Nếu theo câu này thì cô Rie đã tiễn thầy ra ngoài cổng. Tôi đã thử xác nhận với cô ấy về điểm này. Câu trả lời của cô ấy là chỉ tiễn thầy đến cửa ra vào. Tại sao phát sinh mâu thuẫn này?” “Đâu đến nỗi to tát để gọi là mâu thuẫn? Là một trong hai người nhớ nhầm thôi.” “Vậy sao? Nhưng tôi lại không nghĩ vậy. Chỉ có thể cho rằng thầy đã cố tình viết sai sự thật. Viết như vậy, thầy đã ngụy trang cho việc ổ mình không rời cổng nhà Hidaka mà đi vòng ra vườn.” Tôi cố tình thốt lên. “Đúng là điên rồ. Cậu nghĩ quá nhiều dẫn đến gượng ép. Do cậu đã đưa ra kết luận tôi là thủ phạm nên mới có cách nhìn như vậy.” “Bản thân tôi…” Cậu ta nói. “Nghĩ là mình đang phán đoán một cách khách quan.” Trong một lúc, tôi bị ánh mắt của cậu ta uy hiếp. Tuy vậy trong đầu tôi lại nghĩ chuyện chẳng liên quan gì, kiểu như bình thường người đàn ông này có dùng "bản thân tôi" để chỉ chính mình sao? “Được, tôi hiểu rồi. Được thôi. Suy đoán thế nào là tùy cậu. Sẵn đó, tôi cũng muốn cậu cho biết kịch bản tiếp theo. Nấp dưới cửa sổ rồi thì tôi làm gì? Đột nhập từ cửa sổ và thình lình đánh Hidaka à?” “Vậy sao?” Cảnh sát Kaga nhìn sâu vào mắt tôi. “Người đang hỏi là tôi mà.” Cậu ta thở dài một tiếng rồi khẽ lắc đầu. “Chi tiết phạm tội phải do chính miệng thủ phạm nói, không thì chẳng có ý nghĩa.” “Vậy nên cậu bảo tôi tự thú sao? Nếu tôi là thủ phạm thì bây giờ sẽ nói tất cả. Nhưng tôi không phải thủ phạm. Cậu có thể lấy làm tiếc nhưng chịu thôi. Quan trọng hơn, chúng ta quay lại cuộc điện thoại nào. Đó là điện thoại của Hidaka gọi cho tôi. Nếu đó không phải điện thoại của Hidaka vậy chứ của ai? Lời khai của tôi đã được giới truyền thông đăng tải khá nhiều, nếu hôm đó có người khác gọi đến cho tôi vào giờ đấy thì bây giờ, người đó đã thông báo cho cảnh sát rồi, không phải sao?” Rồi tôi chĩa ngón tay trỏ ra như thể mới vừa nghĩ ra. “Đúng rồi. Cậu cho rằng tôi có đồng phạm? Cho rằng kẻ đó gọi điện cho tôi à?” Nhưng cậu ta không nói gì, chỉ nhìn quanh căn phòng. Khi phát hiện ra cái điện thoại không dây trên bàn ăn, cậu ta cầm lấy rồi ngồi lại. “Không cần đồng phạm gì cả. Tóm lại chỉ cần cái điện thoại này reo là được.” “Nói thì nói vậy nhưng không ai gọi thì điện thoại sao kêu được?” ể ồ ố Sau khi nói vậy, tôi đánh tay. “Thì ra là vậy. Tôi hiểu rồi. Cậu muốn nói thế này à? Lúc đó tôi đã giấu điện thoại di động mang trên người, lén cậu Oshima gọi đến nhà này. Đúng không?” “Cách đó cũng có thể làm cho điện thoại này reo.” Cậu ta nói. “Nhưng chuyện đó là không thể. Tôi chẳng có di động cũng chẳng mượn ai. Ngoài ra… À mà, nếu dùng mánh khóe đó thì điều tra dễ dàng thôi. Vì sẽ còn lưu cuộc gọi ở NTT.” “Rất khó để điều tra cuộc gọi xuất phát từ đâu.” “À, vậy sao? Gọi là truy ngược nhỉ?” “Có điều…” Cậu ta nói. “Điều tra việc gọi đi đâu thì rất dễ. Trong trường hợp này, có thể điều tra hôm đó anh Hidaka đã gọi đi đâu.” “Vậy, cậu đã điều tra?” “Vâng, tôi đã điều tra.” Cảnh sát Kaga gật đầu. “Hừm, vậy, kết quả là?” “Có lưu cuộc gọi đến nhà này vào lúc 6 giờ 13 phút.” “Ừm… Đúng vậy. Vì sự thật là có điện thoại gọi đến mà.” Nói rồi tôi càng sợ hãi hơn. Xem bản lưu cuộc gọi đi mà cảnh sát Kaga vẫn không loại trừ nghi vấn, vậy chắc chắn cậu ta đã nhận ra cái bẫy ở đó. Cảnh sát Kaga đứng dậy, trả cái điện thoại không dây về lại chỗ cũ. Nhưng lần này cậu ta không ngồi vào ghế sofa nữa. “Hôm đó, lẽ ra anh Hidaka đã gửi fax ngay khi xong bản thảo. Nhưng ở phòng làm việc không có máy fax. Đương nhiên thầy biết tại sao, đúng không?” Tôi định trả lời không biết, nhưng rốt cuộc cứ thế im lặng. Cảnh sát Kaga nói, “Vì có thể gửi trực tiếp từ máy tính. Thầy biết mà nhỉ?” “Tôi có nghe.” Tôi trả lời ngắn gọn. “Tiện lợi nhỉ. Không cần chuẩn bị sẵn giấy. Vốn dĩ anh Hidaka cũng định đến Canada rồi thì dùng e-mail, nên hình như đã nói với ban biên tập chuẩn bị sẵn. Vậy thì còn có thể tiết kiệm tiền điện thoại.” “Tôi không hiểu mấy chuyện khó nhằn đó. Tôi không quen dùng ể ế máy tính. Chỉ nghe Hidaka nói là có thể gửi trực tiếp qua fax mà không cần in ra.” “Đâu có gì khó. Ai cũng có thể làm được. Chưa kể còn có nhiều chức năng tiện lợi. Có thể dễ dàng gửi cho nhiều người, lại có thể lưu lại nơi gửi. Và…” Cậu ta dừng lại, tiếp tục nhìn tôi. “Nếu thiết lập sẵn giờ thì có thể tự động gửi vào giờ đó.” Tôi lảng tránh ánh mắt cậu ta, cúi xuống nói. “Ý cậu là tôi dùng chức năng đó?” Cậu ta không trả lời câu hỏi đó. Có lẽ cậu ta nghĩ rằng không cần thiết chăng? “Tôi vẫn luôn thắc mắc chuyện ánh sáng lần trước.” Cậu ta nói. “Chuyện nhà cửa tối thui khi thầy đến nhà Hidaka ấy. Lúc trước tôi có nói chắc hung thủ muốn làm như chủ nhà đi vắng, nhưng không hiểu sao chỉ máy tính lại để bật. Cuối cùng tôi đã tìm ra câu trả lời. Vì máy tính là công cụ quan trọng để tạo ra cái bẫy nên phải để nó chạy. Sau khi giết anh Hidaka, thầy bắt đầu vội vã tiến hành tạo chứng cứ ngoại phạm. Cụ thể là thầy khởi động máy tính, mở bản thảo thích hợp và thiết lập sao cho bản thảo đó được gửi đến căn phòng này vào lúc 6 giờ 13 phút. Tiếp theo, thầy tắt tất cả đèn trong nhà. Đó là việc làm cần thiết cho những hành động tiếp theo của thầy. Thầy phải tạo dựng câu chuyện khi đến nhà Hidaka lần nữa vào lúc 8 giờ, do đèn trong nhà tắt nên nghĩ Hidaka không có nhà, liền gọi điện cho vợ anh ấy đang ở khách sạn. Vì thầy sợ sẽ có người nghi ngờ, nếu trong phòng sáng đèn thì thường sẽ dòm qua cửa sổ trước khi gọi điện đến khách sạn chứ? Thầy đã dự định hai người, bản thân và cô Rie sẽ phát hiện xác chết.” Sau khi nói một hơi đến đây, cảnh sát Kaga ngưng một chút. Có lẽ cậu ta nghĩ tôi sẽ phản bác hay biện minh gì đó. Nhưng tôi im lặng. “Thầy cũng đã nghĩ đến màn hình CRT của máy tính phải không?” Cậu ta lại tiếp tục suy luận. “Vì như tôi đã nói lúc trước, màn hình đó khá sáng. Nhưng phải để máy tính chạy. Nếu vậy thì chỉ còn cách tắt màn hình, nhưng làm vậy ngược lại càng nguy hiểm. Vì ở hiện trường phát hiện cái xác còn có cô Rie, nếu cô ấy phát hiện máy tính đang chạy mà màn hình lại không có gì thì có thể sẽ là mấu chốt để ẫ cảnh sát tìm ra cái bẫy.” Tôi muốn nuốt nước bọt nhưng không thể vì trong miệng khô khốc. Tôi thấy sợ hãi sự sắc sảo của cảnh sát Kaga. Cậu ta đã suy đoán thấu đáo những gì tôi nghĩ trong lòng lúc đó. Hoàn hảo. “Tôi nghĩ thầy rời khỏi nhà Hidaka vào khoảng 5 rưỡi chiều. Sau đó trên đường vội vã trở về nhà, thầy gọi điện cho anh Oshima nhà xuất bản Doji đề nghị đến lấy bản thảo ngay lập tức. Anh Oshima đã nói rằng hôm đó dự định nhận bản thảo qua fax, nên anh ấy đã rất hối hả khi thầy bảo phải đến ngay. May mắn là từ Doji thì chỉ cần đi một chuyến tàu điện, chừng ba mươi phút đã đến nơi.” Sau đó, cảnh sát Kaga bổ sung, “Những việc như thế không được viết trong ghi chép của thầy nhỉ. Thầy viết như thể việc anh Oshima đến lấy bản thảo đã được định từ trước.” Đương nhiên tôi cố tình không viết. Tôi thở dài thay cho câu trả lời. “Lý do gọi anh Oshima đến là gì? Không cần nói cũng biết. Để trở thành nhân chứng ngoại phạm cho anh. 6 giờ 13 phút, máy tính của anh Hidaka gọi điện đến căn phòng này đúng như anh đã thiết lập. Lúc đó, máy fax ở đây không được bật. Anh cầm điện thoại không dây bắt máy. Âm thanh trên điện thoại khi đó chỉ là tín hiệu báo fax. Từ đây, anh bắt đầu diễn một màn kịch tuyệt hảo, vừa nghe tín hiệu lạnh lẽo của máy vừa bắt đầu nói chuyện như thể bên kia có người. Từ việc anh Oshima hoàn toàn bị đánh lừa, đủ để hình dung màn diễn của anh tuyệt vời thế nào. Sau khi bình yên kết thúc vở kịch một người, anh cúp máy. Máy tính của anh Hidaka kết thúc nhiệm vụ do lỗi truyền tin. Đến đây, phần việc còn lại của anh chẳng còn khó khăn gì. Chỉ cần cùng cô Rie phát hiện xác chết của anh Hidaka đúng như kế hoạch là được. Và trong khoảng thời gian chờ cảnh sát đến, anh lén cô Rie xóa lịch sử truyền tin của máy tính.” Tôi không để ý tự lúc nào, cảnh sát Kaga không còn gọi tôi là "thầy" mà chuyển sang "anh", nhưng tôi không để tâm. Ngược lại cách gọi đó thích hợp hơn trong trường hợp này. “Một cái bẫy hoàn hảo. Không thể tin nổi anh đã nghĩ ra trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng có một sai lầm nhỉ?” ầ Sai lầm gì, tôi nghĩ bụng. Cậu ta nói, “Đó là cái điện thoại vốn có ở nhà Hidaka. Nếu anh Hidaka thực sự có gọi đến đây thì chỉ cần bấm nút gọi lại là sẽ kết nối đến đây ngay đúng không?” Trong lòng tôi đã thét lên, “A!” “Nhưng nó lại không dẫn đến đây. Nơi gọi đến là Vancouver ở Canada. Theo lời cô Rie, hôm xảy ra vụ án, lúc 6 giờ sáng, anh Hidaka đã gọi điện. Có thể cho rằng số được bấm gọi lại là số khi đó. Đương nhiên có thể phản bác lại điều này. Có khả năng sau khi anh Hidaka gọi đến đây lại định gọi đi Canada và bấm số, nhưng trước khi kết nối đã cúp máy. Nhưng tôi cho rằng, làm gì có người đã cố tình dậy sớm gọi điện vì nghĩ đến chênh lệch múi giờ lại quên rằng bên kia đang là nửa đêm mà gọi điện được?” Rồi cảnh sát Kaga kết thúc, “Tôi xin hết.” Sau đó, một quãng thời gian im lặng trôi qua. Có lẽ cảnh sát Kaga đang chờ phản ứng của tôi. Nhưng tôi lại trong tình trạng không thể nghĩ ra một lời nào trong đầu. “Anh không định phản bác à?” Cậu ta hỏi với vẻ ngạc nhiên. Đến lúc này tôi mới ngẩng đầu lên. Mắt chạm mắt cảnh sát Kaga. Ánh mắt sắc sảo nhưng không gây cảm giác xảo quyệt. Đó không phải ánh mắt một cảnh sát nhìn kẻ bị tình nghi nên tôi an tâm đôi chút. “Không nói gì về bản thảo à?” Tôi nói. “Là truyện đăng nhiều kì Cánh cửa băng giá trong máy tính của Hidaka ấy. Nếu suy đoán vừa rồi của cậu đúng thì cậu ấy viết bản thảo đó lúc nào?” Thế là cảnh sát Kaga cứ bặm môi nhìn lên trần nhà. Có vẻ như cậu ta đang tìm cách trả lời chứ không phải do không trả lời được. Cuối cùng cậu ta cũng lên tiếng. “Có hai giả thiết có thể nghĩ đến. Một là, anh Hidaka đã viết xong chỗ bản thảo đấy và anh biết điều đó nên dùng để tạo hiện trường giả.” “Còn một nữa là?” “Một giả thiết nữa là…” Cậu ta nhìn về phía tôi. “Bản thảo đó do anh viết. Hôm đó, anh đem đĩa mềm có bản thảo đến và vội vàng lưu vào máy tính của anh Hidaka để tạo hiện trường giả.” “Suy đoán lớn mật nhỉ.” Tôi cố cười nhưng mặt cứng đơ, không nhúc nhích được. “Tôi đã nhờ anh Yamabe nhà xuất bản Some là nhà xuất bản truyện đó, xem qua bản thảo. Anh Yamabe cho rằng đây rõ ràng là bản thảo do người khác viết. Văn phong hơi khác với của anh Hidaka, hình thức trình bày như cách xuống dòng này nọ cũng khác biệt nhiều.” “Vậy là cậu…” Giọng tôi khản đặc. Tôi húng hắng ho. “Cho rằng từ đầu tôi đã có ý định giết cậu ta và chuẩn bị sẵn bản thảo như thế?” “Không, tôi không cho là như vậy. Nếu có kế hoạch, chắc chắn anh đã bắt chước văn phong và hình thức giống hơn nữa. Vì tôi nghe nói chuyện đó không khó lắm. Với lại, nếu xét những chuyện hung khí là đồ chặn giấy, rồi gấp rút gọi anh Oshima đến để làm nhân chứng ngoại phạm, thì rõ ràng đây là hành động phạm tội bột phát.” “Vậy tại sao cậu nói tôi đã chuẩn bị sẵn bản thảo?” “Vấn đề ở chỗ đó. Tại sao anh có bản thảo Cánh cửa băng giá? Mà không, tại sao anh viết bản thảo đó từ trước? Tôi vô cùng quan tâm đến điểm này. Và tôi cho rằng động cơ giết anh Hidaka của anh nằm ở đây.” Tôi nhắm mắt. Để ngăn bản thân trở nên hoảng loạn. “Toàn bộ câu chuyện của cậu là tưởng tượng đúng không? Không hề có chứng cứ nào cả.” “Đúng vậy. Chính vì lẽ đó, tôi muốn khám xét nhà riêng. Tôi đã nói đến đây, hẳn anh đã hiểu chúng tôi muốn tìm cái gì rồi nhỉ?” Tôi im lặng, cậu ta nói. “Đĩa mềm. Cái đĩa có bản thảo đó. Hoặc có thể bản thảo đó còn trong đĩa cứng của máy đánh chữ. À không, chắc là còn. Nếu là hành động mang tính kế hoạch thì anh đã tiêu hủy ngay, nhưng tôi thấy không phải vậy. Chắc chắn anh còn để lại bản thảo ở đâu đây.” Tôi mở mắt. Đôi mắt sáng của Kaga đang nhìn tôi. Không hiểu sao tôi lại có thể tiếp nhận ánh mắt ấy với tâm trạng yên bình. Một chút tĩnh lặng trong khoảnh khắc đã khiến tôi tĩnh tâm. “Tức là nếu tìm được, sẽ bắt tôi?” ế “Tôi nghĩ vậy. Thật tiếc nhưng…” “Trước đó,” Tôi hỏi. “Có thể tự thú không?” Đôi mắt cảnh sát Kaga mở thật lớn. Sau đó, cậu ta chỉ lắc đầu một lần. “Tiếc là đến giai đoạn này rồi thì không được xem là tự thú. Nhưng tôi nghĩ việc chống đối bừa bãi cũng không phải là cách hay.” “Vậy à.” Tôi buông thõng hai vai. Trong tuyệt vọng, tôi lại cảm thấy yên tâm. Bởi như vậy, tôi không cần phải đóng kịch nữa. “Cậu nghi ngờ tôi từ lúc nào?” Tôi hỏi cảnh sát Kaga. “Từ đêm đầu tiên.” Cậu ta trả lời. “Đêm đầu tiên? Tôi lại phạm sai lầm gì sao?” “Vâng.” Cậu ta gật đầu. “Thầy đã hỏi về thời gian tử vong.” “Chuyện đó có gì lạ à?” “Lạ chứ. Vì thầy nói chuyện với anh Hidaka lúc 6 giờ hơn, và lúc 8 giờ đã biết vụ án xảy ra. Đương nhiên chỉ có thể nghĩ thời gian tử vong nằm trong khoảng đó. Vậy tại sao lại cố tình hỏi cảnh sát?” “A…” “Chưa kể, hôm sau thầy lại hỏi câu hỏi đó, khi đang dùng bữa ở nhà hàng. Lúc đấy tôi đã xác nhận chắc chắn, rằng không phải thầy muốn biết thời gian xảy ra vụ án, mà thầy muốn biết cảnh sát suy đoán thời gian tử vong là mấy giờ.” “Thì ra là vậy sao…” Đúng như cậu ta nói. Tôi đã rất thắc mắc liệu cái bẫy mình giăng ra có suôn sẻ không. “Cậu thật xuất sắc.” Tôi đã nói với cảnh sát Kaga như thế. “Tôi nghĩ có lẽ cậu là một cảnh sát tài ba đấy.” “Cảm ơn.” Sau khi cúi đầu, cậu ta tiếp tục nói. “Vậy bây giờ thầy có thể chuẩn bị lên đường chứ? Có điều, xin lỗi là tôi phải ở đây canh chừng. Đã có không ít trường hợp lơ là để nghi phạm một mình, và rồi không cách nào sửa chữa sai lầm.” Tôi hiểu cậu ta đang nói gì. “Tôi không tự sát đâu.” Tôi vừa cười vừa nói. Kì lạ thay, tôi có thể cười thật tự nhiên. “Vâng, mong là như vậy.” Kaga cũng nở nụ cười thật tự nhiên. 4 TRUY TÌM Lời độc thoại của Kaga Kyoichiro Đã tròn bốn ngày kể từ ngày bắt Nonoguchi Osamu. Anh ta thừa nhận mọi nghi ngờ là thật, nhưng duy nhất một điều dứt khoát không chịu mở miệng. Đó là động cơ. Anh ta dứt khoát không chịu nói tại sao phải giết Hidaka Kunihiko, người bạn thân từ thuở nhỏ và cũng là người giúp đỡ anh ta trong công việc. “Tôi đã giết cậu ấy. Động cơ là chuyện nhỏ nhặt thôi. Các anh cứ lý giải đây là hành động bột phát khi cáu giận đi.” Nonoguchi chỉ nói như vậy với người thẩm vấn. Tuy nhiên, không hẳn là tôi không có manh mối gì. Đó là bản thảo Cánh cửa băng giá. Nhân tiện, chúng tôi đã tìm ra bản thảo đó. Đúng như dự đoán, nó còn trong đĩa cứng của máy đánh chữ. Ngoài ra, cả đĩa mềm Nonoguchi đem đến nhà Hidaka hôm gây án cũng được tìm thấy trong hộc bàn. Đĩa mềm này tương thích với máy tính của Hidaka. Tôi cho rằng hành vi gây án lần này không mang tính kế hoạch. Đây cũng là suy nghĩ của toàn thể tổ điều tra. Nhưng nếu vậy, tại sao hôm đó Nonoguchi lại vừa đúng lúc mang theo cái đĩa mềm chứa phần tiếp theo của Cánh cửa băng giá? Đó là vấn đề. Mà không, tại ế ố sao trước đó Nonoguchi lại viết bản thảo Cánh cửa băng giá vốn là tác phẩm của Hidaka? Từ trước khi bắt Nonoguchi Osamu, tôi đã có một giả thiết về điều này. Tôi tin chắc cứ phát triển theo hướng đó sẽ thấy động cơ phạm tội. Bây giờ chỉ cần chính miệng Nonoguchi nói ra giả thiết đó. Nhưng anh ta không chịu nói gì. Về việc có trong tay đĩa mềm chứa bản thảo Cánh cửa băng giá, anh ta khai như sau. “Tôi chỉ viết chơi thôi. Mang nó đi để hù Hidaka ấy mà. Tôi bảo nếu không kịp hạn nộp bản thảo thì dùng cái này cũng được. Đương nhiên cậu ta không làm vậy thật.” Không cần phải nói, lời khai này hoàn toàn không có sức thuyết phục. Nhưng anh ta một mực nói tin hay không tùy tôi. Vậy nên điều tra viên phía chúng tôi đã thử khám xét phòng Nonoguchi lần nữa. Lần trước chỉ lục tìm trong máy đánh chữ và ngăn bàn nên chưa thể gọi là khám xét. Kết quả, chúng tôi thu thập được 18 món đồ có thể gọi là chứng cứ quan trọng bổ sung cho giả thiết của tôi. Trong đó có tám cuốn vở kẻ ngang kiểu cũ khá dày, tám đĩa mềm 2HD và hai xấp bản thảo được đóng thành tập. Khi điều tra những thứ này ở trụ sở điều tra, chúng tôi thấy tất cả đều là tiểu thuyết. Bút tích trong mấy cuốn vở lẫn hai xấp bản thảo đều được xác nhận là của Nonoguchi. Vấn đề nằm ở nội dung của những tiểu thuyết đó. Trước tiên, chúng tôi đã tìm thấy một thứ không tưởng trong một chiếc đĩa mềm. Mà không, với tôi thì phải nói thứ đó đúng như dự đoán. Đó là bản thảo Cánh cửa băng giá. Nhưng không phải của lần này mà là tất cả những phần đã được đăng trên tạp chí. Tôi đã nhờ anh Yamabe, biên tập viên của nhà xuất bản Some, xem phần bản thảo này. Ý kiến của anh ta như sau. “Đây đúng là phần đã đăng tải cho đến nay của Cánh cửa băng giá. Chỉ là cốt truyện giống, nhưng có vài phần không có trong bản thảo tôi nhận được và ngược lại. Với lại, đúng là văn phong và cách dùng từ có chút khác biệt.” Tức chỗ này cũng có khuynh hướng giống phần bản thảo Nonoguchi dùng để tạo chứng cứ giả. Chúng tôi tập hợp tất cả các tác phẩm lâu nay của Hidaka Kunihiko và chia nhau đọc. Ngoài lề một chút nhưng phần lớn điều tra viên đã cười đau khổ pha trò rằng lâu lắm rồi mới tập trung đọc sách như vậy. Và nỗ lực đó đã làm minh bạch một chuyện đáng kinh ngạc. Tổng cộng năm tiểu thuyết được viết trong tám cuốn vở thu được từ phòng của Nonoguchi có nội dung giống với nội dung các tác phẩm từng công bố của Hidaka Kunihiko. Tuy nhan đề, tên nhân vật có thay đổi và chi tiết có khác đôi chút, nhưng chắc chắn cốt truyện giống hệt nhau. Ngoài ra, có ba tiểu thuyết dài kì và hai mươi truyện ngắn được lưu trong một đĩa mềm khác. Tiểu thuyết nào cũng tương tự tác phẩm của Hidaka, và mười bảy truyện ngắn cũng vậy. Các truyện ngắn không giống đều thuộc lĩnh vực văn học thiếu nhi và được công bố là tác phẩm của Nonoguchi. Về phần hai truyện ngắn được viết trong giấy bản thảo thì không tìm thấy tác phẩm tương tự trong số các tác phẩm của Hidaka. Suy đoán từ mức độ cũ của giấy thì xem ra chúng đã được viết từ lâu. Vậy thì lần ngược về quá khứ một chút có lẽ sẽ phát hiện được điều gì đó. Dù sao đi nữa, bản thảo của hàng loạt tác phẩm được tìm thấy ở một nơi không phải nơi ở của tác giả thì thật không bình thường chút nào. Ngoài ra nội dung của chúng lại không hoàn toàn giống với tác phẩm đã công bố mà có chút khác biệt, điều này cũng thật khó hiểu. Những tác phẩm được viết trong vở có dấu vết của việc ghi chú hoặc chỉnh sửa ở khắp nơi, cho thấy đang được trau chuốt dở dang. Đến đây, tôi đành phải tuyên bố giả thiết của bản thân là đúng. Giả thiết đó chính là 'Nonoguchi Osamu là "tác giả ma" của Hidaka Kunihiko'. Và tôi cho rằng mối quan hệ kì lạ đó đã rạn nứt, dẫn đến vụ giết người lần này. Tôi đã chất vấn Nonoguchi Osamu về điều đó ở phòng thẩm vấn. ề ổ Nhưng anh ta phủ định mà không hề thay đổi nét mặt. “Không phải.” “Vậy những tiểu thuyết được viết trong số vở và đĩa mềm đó là gì?” Khi tôi hỏi, anh ta nhắm mắt và im lặng. Điều tra viên đàn anh cùng thẩm vấn với tôi có ra sức chất vấn bao nhiêu đi nữa, anh ta cũng dứt khoát không trả lời. Và hôm nay, trong lúc tra hỏi, đã xảy ra một chuyện bất ngờ. Nonoguchi Osamu thình lình ôm bụng, nhăn nhó khổ sở. Chứng kiến sự đau đớn đó, tôi cứ tưởng anh ta giấu thuốc độc và thừa cơ uống nó. Anh ta nhanh chóng được chở đến bệnh viện cảnh sát. Hiện nay đang nằm nghỉ trên giường bệnh. Sếp gọi tôi đến. Và tôi nghe được một chuyện không ngờ. Nonoguchi Osamu bị ung thư di căn. Tôi đến bệnh viện nơi Nonoguchi Osamu đang nằm vào hôm sau ngày anh ta lên cơn đau bụng. Tôi quyết định hỏi thăm bác sĩ phụ trách trước khi gặp anh ta. Theo lời bác sĩ, tế bào ung thư đang di căn đến màng bụng bao bọc nội tạng. Tình trạng vô cùng nguy hiểm và có lẽ sẽ phải phẫu thuật khẩn cấp. “Có phải tái phát không ạ?” Trước câu hỏi của tôi, bác sĩ trả lời, “Đúng vậy.” Tôi có lý do để hỏi như vậy. Vì kết quả điều tra cho biết hai năm trước, Nonoguchi Osamu từng phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày cũng do căn bệnh này. Anh ta phải nghỉ dạy ở trường một vài tháng do tác động của việc này. Có điều hình như không ai trong số các đồng nghiệp của anh ta biết rõ tên căn bệnh, chỉ có hiệu trưởng lúc ấy biết. Kì lạ là cho đến khi bị bắt, Nonoguchi Osamu không hề đi bệnh viện. Bác sĩ bảo chắc chắn phải có triệu chứng khiến anh ta tự nhận biết được bệnh. ẫ “Phẫu thuật thì có cứu được không ạ?” Tôi đã thử hỏi. Vị bác sĩ có vẻ mặt đầy lý trí hơi nghiêng đầu nói. “Ừm, có lẽ 50-50.” Với tôi, đây là câu trả lời rắc rối nhất. Sau đó, tôi đến thăm Nonoguchi Osamu ở phòng bệnh. Anh ta được nằm phòng riêng. “Một kẻ bị bắt mà lại được thong thả nằm đây thay vì vào tù, thật ngại quá.” Nonoguchi Osamu cười yếu ớt đón tôi với khuôn mặt gầy rộc. Tôi nghĩ lại, dung mạo của người này trở nên già nua so với thời tôi biết không đơn thuần chỉ do thời gian. “Anh thấy trong người thế nào?” “Ừm, không thể nói là tốt nhưng khi nghĩ đến căn bệnh thì tôi thấy thế này vẫn còn tốt chán.” Nonoguchi Osamu ám chỉ việc biết bản thân mình bị ung thư. Là tái phát nên việc anh ta nhận ra cũng không có gì lạ. Khi tôi im lặng, anh ta cất tiếng hỏi. “Vậy khi nào tôi bị khởi tố? Cứ lừng khừng hoài thì không chừng tôi chẳng sống được đến ngày ra tòa đâu.” Tôi không phân biệt được anh ta nói đùa hay thật lòng. Có điều chắc chắn ở mức độ nào đó, anh ta đã chuẩn bị tinh thần cho việc đón nhận cái chết nên mới nói được những lời như vậy. “Khởi tố thì chưa. Vì chưa đủ tài liệu.” “Tại sao vậy? Tôi đã tự thú, chứng cứ cũng đã có. Nếu khởi tố là chắc chắn sẽ bị phán có tội. Như vậy chẳng tốt sao? Cậu cứ yên tâm là không có chuyện ra tòa rồi tôi lại phản cung đâu.” “Không được. Vì còn chưa rõ động cơ.” “Lại là chuyện đó sao.” “Chừng nào thầy chưa chịu nói thì tôi cứ phải hỏi đi hỏi lại thôi.” “Chẳng có động cơ gì đâu. Cậu cũng có nói rồi mà. Hành vi phạm tội lần này là do kích động. Đúng vậy đấy. Tôi đột nhiên bị kích động nên giết người. Chỉ vậy thôi. Chẳng có lý lẽ gì đâu.” “Vậy nên tôi mới hỏi tại sao bị kích động. Làm gì có người tức giận không lý do.” “Chuyện nhỏ nhặt thôi. Nói đúng hơn thì từng là chuyện nhỏ nhặt. Thật ra tôi cũng không nhớ tại sao máu nóng dồn lên đầu như thế. Mà chắc là phát điên đi. Vậy nên, thực sự, dù tôi có muốn giải thích cũng không được.” “Thầy nghĩ là tôi thấy thuyết phục với cách giải thích đó sao?” “Cậu chỉ có thể chấp nhận thôi.” Tôi im lặng, nhìn chằm chằm vào mắt anh ta. Thế là anh ta cũng nhìn thẳng lại. Tôi cảm nhận được sự tự tin tràn trề trong ánh mắt đó. “Tôi xin phép hỏi lại một lần nữa về những quyển vở ghi chép và đĩa mềm tìm được trong nhà thầy.” Đề tài thay đổi, ngay lập tức Nonoguchi Osamu tỏ vẻ mệt mỏi. “Mấy thứ đó chẳng liên quan gì đến vụ án đâu. Cậu đừng có liên hệ theo hướng kì cục giùm tôi.” “Nếu vậy, mong thầy giải thích cụ thể giúp tôi. Đó là gì?” “Chẳng là gì cả. Chỉ là vở với đĩa mềm thôi.” “Nhưng bên trong là tiểu thuyết của Hidaka Kunihiko. Nói chính xác, là tác phẩm cực kì giống với tiểu thuyết của Hidaka Kunihiko. Cứ như bản nháp vậy.” Anh ta bật cười trước lời nói của tôi. “Cho nên cậu nghĩ tôi là "tác giả ma" của cậu ấy? Điên rồ. Cậu nghĩ nhiều rồi.” “Nhưng, nghĩ vậy thì hợp lý.” “Để tôi cho cậu câu trả lời hợp lý hơn. Đó là một cách rèn luyện. Những ai muốn trở thành nhà văn đều phải luyện tập thật nhiều theo cách của mình. Tôi thì chọn cách chép lại tác phẩm của Hidaka và học hỏi nhịp điệu trong lời văn, rồi cách diễn đạt. Chuyện này hoàn toàn chẳng có gì đặc biệt. Nhiều tay bút trẻ đều làm vậy.” Câu trả lời của anh ta không ngoài dự đoán của tôi. Biên tập viên phụ trách Hidaka Kunihiko cũng suy đoán như vậy. Tuy nhiên, biên tập viên đó cũng đã nói, dù vậy vẫn có ba điểm nghi vấn. Điểm thứ nhất là bản thảo tìm được không giống hệt của Hidaka Kunihiko mà có vài chỗ hơi khác biệt. Điểm thứ hai, dù có là luyện tập đi nữa thì ề ẩ cũng không bình thường khi chép lại nhiều tác phẩm như vậy. Và điểm thứ ba, tuy Hidaka Kunihiko là nhà văn có sách bán chạy nhưng văn phong không hay đến mức để làm mẫu. Vì vậy, tôi đã thử hỏi Nonoguchi Osamu về ba điểm đó. Thế là anh ta không hề thay đổi sắc mặt, nói như sau. “Tất cả đều có câu trả lời hợp lý đấy. Thật ra, ban đầu tôi chỉ chép lại một cách đơn thuần nhưng dần dần thấy chán. Tôi quyết định đến chỗ nào mà nghĩ ra nếu là mình sẽ diễn tả thế này, thì sẽ viết thử. Cậu hiểu chứ? Vừa lấy văn của Hidaka làm mẫu, vừa muốn tạo ra bản hay hơn, đó là mục đích của việc rèn luyện này. Về việc chép lại quá nhiều, chỉ có thể nói do đã rèn luyện trong một thời gian dài. Tôi độc thân, về đến nhà chẳng có việc gì nên cứ cắm đầu làm thôi. Cuối cùng, về điểm văn phong của Hidaka không quá hay thì tôi muốn nói đó là sự khác biệt chủ quan mà thôi. Tôi mua tác phẩm của cậu ấy. Có thể văn phong không được trau chuốt, nhưng trong sáng, dễ hiểu, rất tốt. Tôi nghĩ việc cậu ấy chiếm được cảm tình của nhiều độc giả như vậy đã có thể chứng minh điều đó.” Giải thích của Nonoguchi quả thật có vẻ hợp lý. Nhưng nếu đó là sự thật, vậy lại phát sinh điểm nghi vấn tại sao anh ta không nói sớm? Anh ta đã giữ im lặng về điều này cho đến khi ngã bệnh. Tôi suy đoán nhờ tình cờ nhập viện, trong thời gian không bị điều tra, anh ta đã nghĩ ra những lời ngụy biện. Có điều, tại thời điểm hiện tại, khó mà chứng minh việc này. Đến đây, tôi quyết định đề cập đến chứng cứ mới được phát hiện. Đó là vài tờ giấy ghi chép trong ngăn kéo bàn của Nonoguchi Osamu. Ở đó có những dòng chữ viết thấy có vẻ là tóm tắt của câu chuyện nào đó. Dựa vào tên nhân vật ghi trong đấy, tôi biết đó là Cánh cửa băng giá đang được đăng tải của Hidaka Kunihiko. Tuy nhiên, không phải là nội dung của những phần đã được công bố lâu nay. Có vẻ như đó là phần triển khai sắp tới của Cánh cửa băng giá. “Tại sao anh viết phần triển khai tiếp theo của Cánh cửa băng giá? Anh có thể giải thích về chuyện này không?” Tôi đã hỏi Nonoguchi Osamu như vậy. Anh ta trả lời. “Với tôi, đó cũng là cách luyện tay nghề thôi. Đã là độc giả, ai cũng vô thức nghĩ phần kế tiếp theo ý của mình mà phải không? Chỉ là tôi tích cực thực ầ hiện việc đó hơn, cho ra hình ra dạng thôi. Không cần phải nghĩ đó là chuyện gì đặc biệt đâu.” “Chẳng phải anh đã nghỉ dạy và bắt đầu con đường viết văn chuyên nghiệp rồi sao? Vậy mà vẫn luyện tay nghề kiểu này à? Chấp nhận hi sinh cả thời gian viết bản thảo của chính mình?” “Đừng châm chọc tôi. Tôi chưa ở giai đoạn được gọi là nhà văn chuyên nghiệp đâu. Còn phải mài giũa tay nghề hơn nữa. Với lại, tôi có thừa thời gian. Dù sao cũng không có việc làm.” Vẫn vậy, những lời nói của Nonoguchi Osamu không thuyết phục được tôi. Không biết có phải suy nghĩ đó hiện rõ trên mặt tôi không mà anh ta nói thế này. “Có vẻ cậu suy đoán tôi là "tác giả ma" của Hidaka, nhưng cậu đánh giá tôi cao quá rồi. Tôi không có tài năng đó đâu. Ngược lại, nghe cậu nói, tôi đã nghĩ phải chi đó là sự thật thì hay biết bao. Nếu đúng như cậu suy đoán, tôi đã hét to lên rồi. Rằng, ‘Tất cả các tác phẩm đó là do tôi viết! Tác giả thực sự của chúng là Nonoguchi Osamu!’ Nhưng tiếc là tôi không viết. Nếu là tác phẩm do tôi viết, tôi đã công bố bằng tên của mình rồi. Chẳng có lý do gì cần đến tên của Hidaka. Cậu không nghĩ vậy sao?” “Tôi có nghĩ. Vì vậy mới thấy kì lạ.” “Chẳng có gì kì lạ cả. Vì suy đoán của cậu trật lất nên mới dẫn đến kết luận buồn cười như vậy. Cậu nghĩ phức tạp quá rồi.” “Tôi không cho là vậy.” “Tôi xin cậu đó, cứ nghĩ vậy đi. Thôi, tôi mong chuyện này chấm dứt ở đây. Và mau làm thủ tục khởi tố tôi đi. Động cơ thì sao cũng được. Cứ viết báo cáo theo ý cậu.” Nonoguchi Osamu nói với ngữ điệu có thể gọi là hờ hững. Sau khi rời phòng bệnh, tôi ôn lại những gì đã nói với anh ta. Nghĩ sao cũng thấy những lời khai của anh ta có quá nhiều điểm bất hợp lý. Nhưng như anh ta nói, đúng là trong suy đoán của tôi cũng có khiếm khuyết. Giả sử anh ta là "tác giả ma" của Hidaka, vậy tại sao anh ta phải làm chuyện đó? Vì Hidaka Kunihiko đã trở thành nhà văn có sách bán chạy, nên sẽ ề ể bán được nhiều sách hơn thay vì để cái tên của một người mới toanh? Nhưng bản thân tác phẩm khiến Hidaka trở nên nổi tiếng vốn do Nonoguchi Osamu viết ra. Vậy Nonoguchi Osamu ra mắt với tác phẩm đó có phải tốt không? Hay tạm thời không để lộ tên vì đang làm song song nghề giáo viên? Không, như vậy cũng kì. Theo như tôi biết, không hề có chuyện vì làm nghề tay trái là nhà văn mà người giáo viên khó sống ở trường. Vả lại, đó là Nonoguchi Osamu, nếu phải chọn hẳn anh ta đã từ bỏ nghề giáo không chút đắn đo rồi. Ngoài ra, cũng như chính anh ta nói, nếu là "tác giả ma" thì anh ta không có lý gì lại phủ nhận chuyện đó vào thời điểm này. Bởi việc là tác giả thực sự của vô số tác phẩm của Hidaka Kunihiko sẽ mang lại thanh danh cho anh ta. Nếu vậy, có nghĩa Nonoguchi Osamu không phải là "tác giả ma" sao? Những quyển vở và đĩa mềm được phát hiện trong phòng anh ta không có ý nghĩa gì khác ngoài những điều anh ta nói sao? Tôi khẳng định không thể như vậy. Tôi có đôi chút hiểu biết sơ bộ về con người Nonoguchi Osamu. Theo đó, anh ta là người có lòng tự trọng cao và rất tự tin. Gần như không thể có chuyện anh ta luyện tay nghề bằng cách lấy tác phẩm của ai đó làm mẫu, cho dù để trở thành nhà văn. Quay về trụ sở, tôi báo cáo với sếp về buổi nói chuyện với Nonoguchi Osamu. Từ đầu đến cuối, chỉ huy Sakoda lắng nghe báo cáo của tôi với vẻ mặt cau có. “Tại sao Nonoguchi muốn che giấu động cơ nhỉ?” Sau khi nghe xong báo cáo, sếp đã nói vậy. “Tôi không rõ. Nhưng anh ta có thể thừa nhận mình giết người mà lại không thể nói về động cơ, vậy phải chăng có một bí mật động trời nào đó?” “Quả nhiên phải coi là có liên quan đến tiểu thuyết của Hidaka?” “Bản thân tôi nghĩ vậy.” “Tức Nonoguchi Osamu là tác giả thực sự? Nhưng đương sự lại phủ nhận…” Rõ ràng chỉ huy rất khó chịu khi phải mất thời gian vào vụ này. Thật ra, không biết người ở giới truyền thông đánh hơi từ đâu mà có người đã hỏi trụ sở điều tra về khả năng Nonoguchi Osamu là "tác giả ma" của Hidaka Kunihiko. Đương nhiên, tổ điều tra đang tránh khẳng định. Nhưng có lẽ sớm thì báo sáng mai đã đăng tải thông tin đó rồi. Nếu vậy sẽ phải khổ vì điện thoại thắc mắc gọi đến đây. “Anh ta nói sau khi tranh cãi liền tức giận mà giết người, nhưng chúng ta không thể làm gì khi không biết ngay cả nội dung cuộc tranh cãi. Tôi đã nghĩ không cần anh ta nói động cơ thực sự là gì, chỉ cần anh ta phát huy tài năng văn chương mà chế đại một câu chuyện nào đó cũng được, nhưng ra tòa mà bị tuyên không hợp lý thì cũng gay go.” “Tôi nghĩ không phải do bị kích động sau khi tranh cãi mà giết người. Nonoguchi Osamu đã từng rời khỏi nhà Hidaka Kunihiko một lần và sau đó đi vòng ra vườn, đột nhập vào phòng làm việc từ cửa sổ. Tức vào thời điểm này, anh ta có ý giết người. Quả nhiên chúng ta nên xem xét trong quá trình trao đổi với Hidaka trước đó đã nảy sinh động cơ cụ thể?” “Vậy vấn đề là hai người đã nói chuyện gì?” “Trong ghi chép của Nonoguchi Osamu chỉ kể hai người nói chuyện tầm phào, nhưng tôi cho rằng họ có nói về hoạt động sáng tác trong tương lai.” Hidaka Kunihiko sẽ chuyển sang sinh sống ở Canada. Nếu Nonoguchi Osamu là "tác giả ma" thì chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều vấn đề trong cách tiến hành công việc. Phải chăng trong lúc trao đổi về điều đó, Nonoguchi Osamu đã nảy sinh bất mãn? “Vậy là họ nói về điều kiện tiếp tục viết thay?” “Có lẽ vậy.” Tôi đã điều tra tài khoản ngân hàng của Nonoguchi Osamu. Nói thẳng ra thì, không thấy có dấu vết gì cho thấy tiền được chuyển định kì từ Hidaka Kunihiko. Nhưng có thể họ giao nhận bằng tiền mặt. “Có vẻ nên điều tra thêm chút nữa về quá khứ của Hidaka và Nonoguchi nhỉ?” Chỉ huy nói như đưa ra kết luận. Tôi cũng cùng suy nghĩ. Hôm đấy, tôi quyết định đi gặp Hidaka Rie cùng với một cảnh sát đồng nghiệp. Cô ấy không còn ở nhà riêng nơi người chồng bị giết mà đã về lại nhà mẹ đẻ ở Mitaka. Kể từ ngày bắt Nonoguchi Osamu, đây là lần đầu tôi gặp lại cô ấy. Tuy sếp đã gọi điện nói về diễn biến cho đến lúc bắt Nonoguchi nhưng vẫn chưa cho cô ấy biết gì về việc "tác giả ma". Chắc chắn cô ấy đang gặp phiền toái với những cuộc điện thoại của giới truyền thông. Tôi nghĩ hẳn cô ấy có cả núi câu hỏi dành cho chúng tôi. Sau khi giải thích đơn giản một lần nữa diễn biến từ đầu đến giờ, tôi nói về những bản thảo được phát hiện trong phòng của Nonoguchi Osamu. Xem chừng Hidaka Rie rất kinh ngạc. Tôi thử hỏi cô ấy có manh mối nào về lý do Nonoguchi có bản thảo với nội dung rất giống với tác phẩm của Hidaka Kunihiko không. “Tôi hoàn toàn không biết lý do.” Đó là câu trả lời của cô ấy. “Tôi chắc chắn chồng tôi không lấy ý tưởng tiểu thuyết từ ai hay dựa trên tác phẩm của người khác để viết cả. Vì anh ấy luôn khổ sở vắt óc để nghĩ ra ý tưởng cho truyện. Đừng nói gì để người khác viết thay… Không thể tin được.” Giọng điệu của Hidaka Rie tuy rất ôn hòa nhưng trong mắt đậm màu tức giận. Nhưng tôi không thể dễ dàng tin lời nói của cô ấy. Cô ấy chỉ mới kết hôn với Hidaka Kunihiko được một tháng. Khó mà nói cô ấy biết cặn kẽ mọi điều về chồng mình. Thế rồi không biết có phải vì đoán được suy nghĩ đó của tôi không mà Hidaka Rie tiếp tục nói. “Nếu anh lấn cấn việc chúng tôi chỉ mới kết hôn được một thời gian ngắn thì thật sai lầm. Vì tôi từng là người phụ trách của chồng tôi mà.” Chuyện đó thì chúng tôi cũng đã xác nhận. Cô ấy từng làm việc ở ấ ể ấ một nhà xuất bản và đó cũng là cơ duyên để cô ấy gặp Hidaka Kunihiko. “Khoảng thời gian đó, chúng tôi đã trao đổi rất nhiều về việc nên viết tác phẩm thế nào. Xét cho cùng tôi chỉ phụ trách một tiểu thuyết dài kì, nhưng đó là tác phẩm được viết từ những trao đổi giữa hai người. Vì vậy, hoàn toàn không có chỗ để anh Nonoguchi can dự vào.” “Tác phẩm đó tên là gì?” “Là tác phẩm tên Dạ quang trùng. Đã được xuất bản năm ngoái.” Vì tôi chưa đọc tác phẩm đó nên hỏi đồng nghiệp cùng đi có biết gì về nó không. Để điều tra vụ án lần này, nhiều cảnh sát đã lướt qua các tiểu thuyết của Hidaka Kunihiko bằng nhiều cách. Câu trả lời của cậu ta thật rõ ràng, lại rất thâm ý. Dạ quang trùng là một trong những tác phẩm không có bản thảo cùng nội dung trong vở và đĩa mềm của Nonoguchi Osamu. Những tác phẩm như vậy thật ra có rất nhiều. Một đặc trưng là đều là các tác phẩm trong ba năm đầu từ khi Hidaka Kunihiko ra mắt. Ngoài ra, khoảng một nửa tác phẩm sau đó cũng không có bản thảo tương ứng trong phòng của Nonoguchi. Từ những việc này, tôi cho rằng Hidaka Kunihiko vừa dùng "tác giả ma" Nonoguchi Osamu, vừa tự mình viết tác phẩm. Vì vậy, nếu có tồn tại tiểu thuyết là "tác phẩm được viết từ những trao đổi giữa hai người" như Hidaka Rie nói cũng không có gì lạ. Tôi thay đổi nội dung câu hỏi một chút, hỏi xem cô ấy có biết manh mối gì về động cơ Nonoguchi Osamu giết Hidaka Kunihiko. “Tôi đã nghĩ mãi về điều đó. Nhưng thực sự không thể nghĩ ra điều gì. Tại sao anh Nonoguchi lại… Thật lòng mà nói, tôi vẫn chưa tin được việc người đó là thủ phạm. Vì họ rất thân với nhau. Tôi chưa từng thấy hai người họ cãi nhau hay tranh luận gì cả. Đến giờ tôi vẫn nghĩ hay là có gì nhầm lẫn.” Tôi không cảm thấy có gì giả tạo trong nét mặt của cô ấy. Khi ra về, Hidaka Rie đã tặng tôi một quyển sách. Là quyển Dạ quang trùng có bìa như thể rắc bột vàng trên nền đất xám. Có lẽ ý cô ấy là 'Anh hãy đọc và ngưng ngay việc nghi ngờ thực lực của chồng tôi đi'. Từ đêm đó, tôi bắt đầu đọc cuốn sách này. Nhắc mới nhớ, khi tôi hỏi Nonoguchi Osamu có tiểu thuyết trinh thám nào trong số tác phẩm của Hidaka Kunihiko không, thì anh ta đã nói tên cuốn này. Tôi không rõ anh ta có ý đồ gì không. Nếu nghĩ sâu xa thì có thể cho rằng anh ta cố tình giới thiệu tác phẩm mình không dính líu đến. Dạ quang trùng là câu chuyện về một người đàn ông lớn tuổi và cô vợ trẻ. Người đàn ông là họa sĩ, người vợ là người mẫu cho ông ta. Người họa sĩ nghi ngờ vợ mình đang ngoại tình. Đến đây thì cảm giác như kiểu tiểu thuyết phổ biến có đầy ngoài kia. Nhưng người vợ thật ra là người có hai nhân cách và từ khi người chồng phát hiện ra điều này, câu chuyện đột ngột thay đổi. Một trong hai nhân cách của người vợ có một người tình trẻ và họ đang lên kế hoạch giết họa sĩ. Nhưng nhân cách còn lại thì hết mực chung thủy với họa sĩ và yêu ông ta từ tận đáy lòng. Họa sĩ đang cân nhắc việc dẫn vợ mình đi khám bệnh. Thế rồi một lần nọ, trên bàn có một mẩu giấy thế này, “Kẻ bị bác sĩ khoa thần kinh giết sẽ là ‘cô ta’ hay ‘tôi’?” Điều đó có nghĩa khi khỏi bệnh, chưa chắc phần nhân cách yêu ông ta sẽ còn lại. Đương nhiên, người viết mẩu giấy này là nhân cách ma quỷ. Ông ta khổ sở, hằng đêm thường mơ thấy ác mộng mình bị giết. Người vợ có khuôn mặt thiên sứ cười với ông ta rồi mở cửa sổ phòng ngủ. Một người đàn ông tiến vào. Người đàn ông cầm dao uy hiếp ông ta nhưng ngay sau đó, người đàn ông hóa thành người vợ. Cơn ác mộng như vậy. Kết cục là người họa sĩ thực sự bị đe dọa tính mạng, nhưng ông ta đã đâm chết vợ mình để phòng vệ chính đáng. Từ đó, trong lòng ông ta xuất hiện nỗi khổ tâm mới. Bởi vì ngay trước khi bị giết, nhân cách của người vợ dường như đã thay đổi. Ông ta đã giết thiên sứ hay ác ma? Câu trả lời vĩnh viễn là một bí ẩn. Tôi chỉ tóm tắt cốt truyện, còn những người có năng lực đọc hiểu có lẽ sẽ hiểu ở mức độ khác cao hơn. Có lẽ cần phải thấy được nào vấn đề tính dục khi về già, nào tâm hồn xấu xí ẩn giấu trong một nghệ thuật gia chẳng hạn. Nhưng với người dở môn Quốc ngữ như tôi thì không thể đọc được ẩn ý, cũng như không thể đánh giá năng lực ễ diễn đạt của tác giả. Thật xin lỗi Hidaka Rie nhưng thành thật mà nói, cảm tưởng của tôi là không mấy thú vị. Bây giờ tôi thử so sánh tiểu sử của hai người. Hidaka Kunihiko vào học trường cấp ba trực thuộc một trường đại học tư và cứ thế vào đại học khoa Văn học ngành Triết học. Sau khi tốt nghiệp, anh ta làm việc ở công ty quảng cáo và chuyển sang nhà xuất bản. Trong khoảng thời gian này, anh ta đoạt giải nhà văn mới với một truyện ngắn, từ đó bắt đầu làm nhà văn. Chuyện đó là khoảng mười năm trước. Khoảng ba năm sau đấy sách không bán chạy lắm, nhưng đến năm thứ tư, anh ta nhận giải thưởng văn học với tác phẩm Đốm lửa không cháy. Kể từ đó, anh ta bắt đầu bước đi trên con đường của một nhà văn nổi tiếng được nhiều người yêu thích. Còn Nonoguchi Osamu, vào một trường cấp ba tư lập khác với trường của Hidaka, sau một năm thi rớt thì đậu khoa Văn một trường đại học quốc lập, chuyên ngành Văn học trong nước. Lấy chứng chỉ giáo viên và nhận nhiệm sở tại một trường cấp hai công lập sau khi tốt nghiệp. Cho đến khi nghỉ việc vào năm nay, anh ta đã đứng trên bục giảng của ba trường. Ngôi trường tôi và anh ta dạy chung là trường thứ hai của anh ta. Nonoguchi Osamu ra mắt với tư cách nhà văn vào khoảng ba năm trước. Anh ta viết bản thảo chừng ba mươi trang cho một tạp chí dành cho thiếu nhi phát hành hai lần một năm. Tuy nhiên, anh ta chưa có cuốn sách nào phát hành dưới tên mình. Hai người đã đi hai con đường khác nhau và theo Nonoguchi Osamu nói, họ gặp lại nhau vào khoảng bảy năm trước. Anh ta nói do nhìn thấy tên Hidaka trên tạp chí tiểu thuyết nên nhớ lại chuyện xưa và tìm gặp hỏi thăm. Tôi cho rằng đó là sự thật. Như đã nói, khoảng một năm sau, Hidaka được giải thưởng văn học, nhưng tác phẩm đoạt giải Đốm lửa không cháy là quyển đầu tiên có nội dung giống với bản thảo của ằ