🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook 99 Phờ - Răng - Frédéric Beigbeder full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết] Ebooks Nhóm Zalo 99 PHỜ - RĂNG Frédéric Beigbeder Making Ebook Project BOOKAHOLIC CLUB Tác phẩm: 99 PHỜ - RĂNG Tác giả: Frédéric Beigbeder Nguyên tác: 99 Francs Dịch giả: Vũ Quang, Nhật An Nhà xuất bản: Văn Nghệ TP.HCM Năm xuất bản: 2008 Số trang: 332 Khổ sách: 13 x 19 cm Giá bìa: 55.000 đồng Đánh máy: Bách Khoa, Thành Tài, Kim Ngân, Hoàng Thảo, Hồng Sơn Kiểm tra: Thu Hoài Chế bản ebook: Thảo Đoàn Ngày thực hiện: 04/12/2011 Making Ebook Project #207 – www.BookaholicClub.com Bạn đang đọc ebook 99 PHỜ - RĂNG của tác giả Frédéric Beigbeder do Bookaholic Club chế bản theo Dự án chế bản Ebook (Making Ebook Project). Mong rằng ebook này sẽ mang đến cho bạn một tác phẩm Văn học hay, giàu giá trị biểu cảm và nhân văn, với chất lượng cao. Chúng tôi luôn cố gắng mang đến những chế bản ebook tốt nhất, nếu trong quá trình chế bản có lỗi sai sót nào mong bạn góp ý và cho chúng tôi biết những ebook mà đang mong muốn. Making Ebook Project của Bookaholic Club là một hoạt động phi lợi nhuận, nhằm mục đích mang đến những chế bản ebook hay, có giá trị với chất lượng tốt nhất mà chúng tôi có thể với Cộng đồng đọc - người Việt. Tuy nhiên, nếu bạn có khả năng xin hãy đọc tác phẩm này bằng sách trước hết vì lợi ích cho Nhà xuất bản, bản quyền tác giả và góp phần phát triển xây dựng nền Văn hóa đọc. Hãy chỉ đọc chế bản này trong điều kiện bạn không thể tìm đến ấn phẩm sách. MỤC LỤC GIỚI THIỆU TÁC GIẢ Lời giới thiệu Khi cả một cuộc đời giá chỉ có 99 Phờ-răng I. Tôi 1. 2. 3. 4. 5. 6. 7. 8. 9. II. Mày 1. 2. 3. 4. 5. 6. 7. III. Hắn 1. 2. 3. 4. 5. 6. IV. Chúng tôi 1. 3. 4. 5. 6. 7. V. Chúng mày 1. 2. 3. 4. 5. 6. 7. VI. Họ 1. 2. 3. 4. 5. 6. Bạn đang cầm trên tay cuốn tiểu thuyết gây nhiều tranh cãi về thế giới quảng cáo, thế giới của những câu slogan ấn tượng, những clip quảng cáo gây nhiều tranh cãi, những con người thông minh, sáng tạo với mức lương ngất ngưởng. Nhưng, phía sau cái ánh hào quang giả tạo đó là những trăn trở, dằn vặt, là sự sám hối của nhân vật, một chuyên gia quảng cáo thành đạt nhưng nổi loạn trong tâm hồn, một mẫu người trẻ sành điệu, trí tuệ nhưng bế tắc. Cô đơn trong cuộc sống, tình yêu và đặc biệt ác cảm với chính nghề nghiệp của mình - một nghề đầy uy lực, ma thuật nhưng lại rất trơ trẽn, bịp bợm. “99 phờ-răng” là một cuốn sách châm biếm, mỉa mai ngành công nghiệp quảng cáo, trong đó tác giá bộc lộ cái nhìn không khoan nhượng về thế giới điên cuồng và đầy nghịch lý, nơi tất cả mọi người khinh bỉ nhau và tiêu phí những giá trị tốt đẹp của con người. “99 frăng” là cái tát đối với xã hội phương Tây hiện đại, là sự giễu cợt xã hội tiêu thụ với một trong những cái lò xo chính của nó là quảng cáo. “99 phờ-răng” đã được đạo diễn Jan Kounen dựng thành phim và chỉ trong mấy tháng từ khi công chiếu ở châu Âu ngày 26/9/2007, bộ phim đã thu được 12 triệu đô la tiền bán vé. Frederic Beigbeder viết “99 phờ-răng” như thể để trả thù những năm tháng dối lừa mà anh đã cống hiến cho xã hội tiêu thụ. Năm 2000, sau khi “99 phờ-răng” được xuất bản lần đầu tiên tại Pháp và trở thành cuốn sách bán chạy nhất trong năm, Frederic Beigbeder đã buộc phải giã từ nghề quảng cáo để rồi dấn thân vào một nghề đầy thú vị nhưng cũng đầy thách thức: viết tiểu thuyết. Anh là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy tại Pháp và châu Âu như “Kỳ nghỉ trong hôn mê”, “Tình yêu chỉ sống ba năm” hay “Cửa sổ trên tháp đôi”. GIỚI THIỆU TÁC GIẢ Sinh năm 1965 trong một gia đình khá giả, Frédéric Beigbeder theo học tại hai trường trung học nổi tiếng rồi vào Học viện nghiên cứu chính trị Paris, tiếp đó là Trường nghiên cứu khoa học thông tin và truyền thông. Năm 24 tuổi, Frédéric tốt nghiệp với tấm bằng cao học về marketing - quảng cáo và bắt đầu sự nghiệp khá lừng lẫy của một người đa tài: làm quảng cáo, nhà văn, phê bình văn học, làm chương trình thời luận... Frédéric Beigbeder đã từng làm cho nhiều tạp chí như Elle, Paris Match, Voici, VSD… và làm trong nhóm phê bình văn học cho một số chương trình trên kênh Paris Première, Canal +, sau đó anh làm riêng chương trình Des livres et moi (Sách và tôi) trên kênh Paris Première. Frédéric Beigbeder cũng từng là biên tập viên cho nhà xuất bản Flammarion. Là một người đam mê văn học thực sự, song song với những công việc trên, Frédéric Beigbeder không từ bỏ việc viết sách. Năm 1990, anh xuất bản tiểu thuyết đầu tay Mémoire d'un jeune homme dérangé (Hồi ký của một thanh niên bị quấy rầy). Năm 1994, tiểu thuyết thứ hai ra đời Vacances dans le coma (Kỳ nghỉ trong cơn hôn mê) và tiếp theo vào năm 1997 là Tình yêu kéo dài ba năm, kết thúc bộ ba tiểu thuyết về Marc Marronnier. Tiếp sau đó, các tiểu thuyết của Frédéric Beigbeder đều giành được thành công vang dội như 99 francs - bán được 380 000 bản, được chuyển thể thành phim; hay Windows on the world - bán được 100 000 bản, giành giải Prix Interallié, bản dịch tiếng Anh được nhận giải Independent Foreign Fiction Award. Ngoài tiểu thuyết, anh còn viết truyện ngắn, tiểu luận, truyện tranh. Frédéric Beigbeder là người sáng lập ra giải thưởng Prix de Flore vào năm 1994, giải thưởng này đã từng vinh danh những cây bút nổi tiếng như Michel Houellebecq, Amélie Nothomb, Virginie Despentes,... Năm 2009, Frédéric Beigbeder giành Giải Renaudot với cuốn tiểu thuyết Un roman françai. Lời giới thiệu Khi cả một cuộc đời giá chỉ có 99 Phờ răng Tại sao lại là “99 Phờ-răng”? 99 phờ-răng là giá tiền của cuốn sách bán trong các cửa hàng ở Pháp và sau khi Liên minh châu Âu dùng đồng tiền chung thì tên cuốn sách được đổi thành 14,99 euro. Trong “99 Phờ-răng” là một cuộc đời, cuộc đời của Octave - nhân vật chính và được coi là hình bóng của chính tác giả Frederic Beigbeder. “99 Phờ-răng” là cuốn tiểu thuyết viết về thế giới quảng cáo – thế giới mà chúng ta đang sống trong đó, thế giới của những câu slogan ấn tượng, những clip quảng cáo gây nhiều tranh cãi, thế giới của những con người thông minh, sáng tạo với mức lương cao chót vót. Nhưng đằng sau thế giới đầy hào quang đó là những trăn trở, dằn vặt, là sự sám hối của một chuyên gia quảng cáo thành đạt nhưng bất ổn trong tâm hồn. Octave là một mẫu người trẻ tuổi sành điệu nhưng bế tắc, cô đơn trong cuộc sống, tình yêu và đặc biệt ác cảm với chính nghề nghiệp của mình - một nghề đầy uy lực, ma thuật nhưng lại rất trơ trẽn, bịp bợm. Trong con người Octave là sự giằng xé giữa hai mặt của nghề, với một bên là ánh hào quang, các giải thưởng, sự thăng tiến và một bên là sự cắn rứt của lương tâm trước sự giả dối, khắc nghiệt và tàn nhẫn của nghề quảng cáo. Octave cảm thấy day dứt vì đã gia nhập vào đội quân những kẻ dối lừa người tiêu dùng. Anh ta nhận thức rất rõ rằng, “quảng cáo như con bạch tuộc bám chặt tất cả và sở hữu thế giới. Khởi đầu như trò đùa, giờ đây quảng cáo điều khiển cuộc sống của chúng ta: quảng cáo tài trợ cho truyền hình, chỉ huy báo chí, ra lệnh cho thể thao (không phải Pháp hòa Brazin ở trận chung kết World Cup mà là Adidas thắng Nike!)” Hàng năm đầu tư quảng cáo trên thể giới đạt mức nhiều tỷ đô la. “Và có thể cam đoan rằng, với khoản tiền như thế thì mọi thứ đều có thể đem bán được hết - đặc biệt là linh hồn của bạn.” Octave mệt mỏi trong cái trạng thái bất ổn đó và luôn tự đặt cho mình câu hỏi: “Vì cái gì mà người ta lại biến tôi thành Vị Chúa tể Thế gian? Ðã từ lâu, tôi muốn nhận rõ bí mật: bằng cách nào mà quảng cáo lại trở thành là Chúa tể và trị vì trên đỉnh cao của thời đại chúng ta? Chưa bao giờ trong lịch sử hai nghìn năm nay, một kẻ đần độn như tôi lại có được sức mạnh như vậy.” Octave là đại diện cho một lớp người trẻ tuổi, thông minh, thành đạt nhưng đã mất hết niềm tin vào cuộc sống, vào tình yêu để rồi đắm mình vào thế giới của ma túy và thác loạn, để rồi đau đớn nhận ra rằng mình đang vô cùng cô độc. Thế giới của những công dân cổ cồn trắng như Octave gắn với những trò ăn chơi thác loạn trong nhà thổ, nơi chỉ có đám gái làng chơi dâm dật “mới có thể đánh thức chức năng đàn ông” trong con người anh ta, bởi anh ta không tin vào tình yêu mà mình từng có. Ðó cũng là thế giới của những gã đồng nghiệp khệnh khạng, suốt ngày dán mắt vào màn hình vi tinh chỉ để tải các bộ phim khiêu dâm, thế giới của những quý bà giám đốc béo ú như khúc giò và một đám nhân viên sáng tạo đang ra sức cười hô hô với khát khao được trông giống như các chuyên gia sáng tạo thực thụ”. Octave muốn thoát ra khỏi cái thế giới trơ trẽn đó và mong ước được cấp trên sa thải. Và cũng chính vì mục đích đó mà anh ta đã phơi bày hết chuyện bếp núc của quảng cáo. “99 Phờ-răng” là một cuốn sách châm biếm, mỉa mai ngành công nghiệp quảng cáo, trong đó tác giả bộc lộ cái nhìn không khoan nhượng về thế giới điên cuồng và đầy nghịch lý, nơi tất cả mọi người khinh bỉ nhau và tiêu phí những giá trị tốt đẹp của con người. “99 Phờ-răng” là cái tát đối với xã hội phương Tây hiện đại, là sự giễu cợt xã hội tiêu thụ với một trong những cái lò xo chính của nó là quảng cáo. Frederic Beigbeder viết “99 Phờ-răng” như thể để trả thù những năm tháng dối lừa mà anh đã cống hiến cho xã hội tiêu dùng. Năm 2000, sau khi “99 Phờ-răng” được xuất bản lần đầu tiên tại Pháp và trở thành cuốn sách bán chạy nhất trong năm, Frederic Beigbeder đã buộc phải giã từ nghề quảng cáo để rối dấn thân vào một nghề đầy thú vị nhưng cũng đầy thách thức: viết tiểu thuyết. Anh là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy tại Pháp và châu Âu như “Kỳ nghỉ trong hôn mê”, “Tình yêu chỉ sống ba năm” hay “Cửa sổ trên tháp đôi”. “99 Phờ-răng” đã được đạo diễn Jan Kounen dựng thành phim và chỉ trong mấy tháng từ khi công chiếu ở châu Âu ngày 26/9/2007, bộ phim đã thu được 12 triệu đô la tiền bán vé. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách thú vị này tới tất cả những ai muốn khám phá mặt trái của xã hội phương Tây, khám phá mặt trái của nghề quảng cáo - một nghề đang thịnh hành và đang là sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ hiện nay. Hy vọng rằng, “99 Phờ-răng” sẽ làm bạn đọc hài lòng khi khám phá ra nhiều điều thú vị về cái thế giới kín cổng cao tường đó. TP. Hồ Chí Minh, tháng 12/2007 PHAN AN I. Tôi “Cái mà chúng ta không thể thay đổi thì ít nhất cũng phải lột tả nó” Rainer Werner Fassbinder 1. Tất cả chỉ là tạm thời: tình yêu, nghệ thuật, hành tinh Trái Đất, bạn và tôi. Cái chết cũng là điều hiển nhiên không tránh khỏi và nó sẽ bất thình lình tóm lấy tất cả chúng ta. Làm sao biết được liệu ngày hôm nay có phải là ngày cuối cùng? Bạn cứ ngỡ rằng mình có vô khối thì giờ phía trước. Thế rồi, bỗng dưng bạn chết đuối, chấm hết khoảng thời gian đã được lặp thành lịch. Cái chết là cuộc hẹn duy nhất không được ghi vào cuốn lịch của bạn. Tất cả đều có thể được mang ra mua bán: tình yêu, nghệ thuật, hành tinh Trái Ðất, bạn và tôi. Tôi viết cuốn sách này cốt để cấp trên sa thải. Bởi nếu như tự nguyện xin thôi việc thì tôi lại không được hưởng bất cứ một khoản trợ cấp nào. Vì thế nên tôi buộc phải cưa đứt cái cành cây - nơi mà sự bình yên may mắn của tôi đang an ngự. Sự tự do của tôi có tên gọi là bảo hiểm thất nghiệp. Tôi muốn được tống khứ ra khỏi công ty hơn là ra khỏi cuộc sống, VÌ TÔI SỢ. Xung quanh tôi, đồng nghiệp chết như ruồi: đột tử trong bể bơi vì quá lạnh, cocain quá liều dưới hình thức nhồi máu cơ tim, tử nạn vì máy bay riêng nổ tung, lật xe hơi. Ví như đêm qua, tôi mơ thấy mình chết đuối. Tôi nhìn thấy mình chìm xuống đáy, vuốt ve mơn trớn những con cá đuối chúa, phổi õng nước. Đằng xa, trên bãi biển, một mệnh phụ kiều diễm gọi tôi. Tôi không thể trả lời vì miệng ngậm đầy nước mặn. Tôi chết đuối - nhưng không kêu cứu. Tất cả mọi người rơi xuống biển cũng giống hệt tôi. Dân bơi lội đầu chết chìm dưới đáy nước mà không kêu cứu. Tôi nghĩ rằng, mình phải lìa bỏ hết từ lâu vì không sao ngoi được lên mặt nước. Tất cả đều là tạm thời và đều là thứ để bán mua. Con người là một thứ hàng hóa như những thứ khác với hạn sử dụng nhất định. Ðó là lý do vì sao tôi quyết định về hưu ở độ tuổi 33. Dường như, đấy là độ tuổi lý tưởng để phục sinh. 2. Tôi tên là Octave, diện quần áo hiệu APC. Tôi là nhân viên quảng cáo. Vâng, chính tôi gây ô nhiễm cho môi trường, là kẻ bán mọi thứ rác rưởi cho các bạn. Là kẻ khiến bạn mộng mơ về những thứ mình chẳng bao giờ có: bầu trời trong xanh vĩnh cửu, những cô nàng mãi mãi xinh tươi quyến rũ, hạnh phúc hoàn hảo được tút sửa trong chương trình Photoshop. Những hình ảnh liếm láp, âm nhạc thời thượng. Nhưng khi bạn thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm tiền bạc để tậu cho mình chiếc xe hơi - mục tiêu tối cao của bạn, thì đối với tôi, chiếc xe này đã đề mốt từ thuở nào. Tôi vượt xa các bạn về mặt sành điệu, nhưng hãy tin rằng tôi cũng biết cách làm cho các bạn nhanh chóng cụt hứng. Glamour[1] là ngày hội dành cho kẻ khác chứ không phải dành cho bạn. Tôi đem ma túy dưới cái tên “hàng mới” đến cho bạn, và tất cả mỹ miều của thứ hàng mới này chính là nó ngay lập tức không còn giữ nguyên trạng. Bởi luôn có một mặt hàng mới hơn xuất hiện khiến cho mặt hàng trước đó cũ đi, làm cho bạn thường xuyên thèm muốn, khát khao - đó là mục đích cao cả của tôi. Trong nghề của tôi, chẳng ai mong bạn hạnh phúc. Bởi những kẻ hạnh phúc không có nhu cầu tiêu thụ. Sự đau khổ của bạn chính là liều thuốc kích thích cho thương mại tiêu dùng. Trong tiếng lóng của dân quảng cáo chúng tôi, nó được gọi là “nỗi buồn thời hậu mãi”. Bạn cần một sản phẩm nào đó, nhưng khi có nó rồi thì bạn lại muốn sở hữu một sản phẩm khác, chủ nghĩa hưởng lạc không phải là một chủ nghĩa nhân văn mà là cash-flow. Bạn có biết phương châm của nó là gì không? “Tôi chi tiền, vậy nên tôi tồn tại.” Nhưng để làm nảy sinh nhu cầu mua sắm trong bản thân con người thì cần phải nhen nhóm trong lòng anh ta sự đố kị, nỗi đau, lòng tham - những thứ đó chính là đạn dược của tôi. Và mục tiêu để cho tôi bắn chính là bạn. Tôi sống trên đời này là để lừa dối bạn, và vì thế mà người ta ban thưởng hậu hĩnh cho tôi. Tôi kiếm được 13.000 euro, chưa kể tiền tiếp khách, chỉ phí công cán, cổ phiếu và golden parachute. Đồng euro được sáng chế riêng cốt cho mức lương cao chót vót của đám nhà giàu giảm bớt độ chướng tai gai mắt đi sáu lần. Bạn biết có bao nhiêu gã kiếm được 13 nghìn euro ở độ tuổi tôi? Tôi sơn phết não bạn, và người ta trả công cho tôi bằng cách cấp cho con xe Mercedes SLK mới toanh (với mui tự động gấp gọn trong cốp xe), con BMW Z3 hay con Porsche Boxter hoặc con Mazda MX5. (Bản thân tôi thì thích con xe BMW Z3 mui trần kết hợp thẩm mỹ khí động học của khung xe với lực nhờ 6 xi lanh đơn tuyến 231 sức ngựa cho phép vận tốc vọt lên 100 km/giờ trong 5,4 giây. Hơn nữa, con xe này giống như một thùng thuốc đạn khổng lồ, và để gây ô nhiễm Trái Ðất thì nó tỏ ra tiện dụng đấy). Tôi chèn logo của mình vào các bộ phim truyền hình của bạn và bởi thế, người ta chi tiền cho tôi đi nghỉ phép ở Saint Barth, Lamu, Phukhet, hay Lascabanes (Quercy). Tôi nhét đầy slogan quảng cáo vào các tờ tạp chí bạn ưa thích và nhận lại món quà thưởng là trang trại ở vùng Provence, lâu đài ở Perigourd, biệt thự ở đảo Corse, nông trại ở Ardèche, cung điện ở Maroc, chiếc thuyền buồm Catamaran ở quần đảo Antilles hay một du thuyền ở Saint Tropez. Tôi hiện diện khắp nơi. Và bạn sẽ không thoát khỏi được tôi đâu. Bạn để mắt vào đâu là quảng cáo của tôi ngự trị ở đó. Tôi không cho phép bạn buồn chán. Tôi quấy rầy dòng suy nghĩ của bạn. Chủ nghĩa khủng bố mang tên “sản phẩm mới” giúp tôi bán cho bạn sự trống rỗng. Hãy thử hỏi bất cứ tay vận động viên lướt sóng nào để thấy rằng, nếu muốn đứng được trên mặt nước, bạn cần phải có một khoảng lõm bên dưới. Lướt sóng là trượt trên bức vách dựng đứng của một hố vực khổng lồ (những cư dân cuồng nhiệt của mạng Internet cũng như các nhà vô địch ở Lacanau hiểu biết rõ điều này). Tôi ấn định cho những gì được gọi là Chân, Thiện, Mỹ. Tôi là kẻ chọn lựa các em người mẫu mà sáu tháng sau hẳn bạn vẫn sẽ còn nhớ mãi. Vâng, vâng, bạn gọi họ là top-models, các cô gái trẻ trung của tôi sẽ khiến cho bất kỳ phụ nữ nào trên 14 tuổi cảm thấy bị tổn thương. Bạn sẽ tôn thờ, sùng kính các cô gái mà tôi đã lựa chọn. Mốt mùa đông này là vú nhô cao hơn vai, mông phẳng. Tôi càng dũng cảm chơi trò chơi với tiềm thức của bạn, bạn càng vâng lời tôi. Nếu tôi lăng xê một loại sữa chua nào đó bằng những dải băng rôn trên các bức tường thành phố, tôi dám chắc rằng bạn sẽ mua nó. Bạn tưởng bạn là người tự do trong những lựa chọn của mình, nhưng chẳng chóng thì chầy, vào một ngày đẹp trời, bạn liếc nhìn sản phẩm của tôi trên kệ hàng siêu thị và sẽ mua nó - đơn giản là để nhấm nháp hương vi; tôi biết rõ công việc của mình mà, cứ tin tôi đi. Hừmmmm, còn gì thú vị hơn là được nhập vào bộ não của bạn! Còn gì ngọt ngào hơn là được sở hữu bán cầu phải của bạn! Mong muốn của bạn sẽ không còn thuộc về bạn nữa - bởi chính tôi đang áp đặt mong muốn của tôi cho bạn. Tôi không cho phép bạn mong muốn linh tinh. Mong muốn của bạn phải là kết quả của những vụ đầu tư trị giá hàng tỉ euro. Hôm nay tôi là kẻ quyết định về cái mà ngày mai bạn mong muốn. Tất cả những điều này có thể không gợi ra thiện cảm nơi bạn đối với tôi. Nói chung, khi bắt đầu viết một cuốn sách, bất cứ tác giả nào cũng cần phải cố làm cho nó hấp dẫn, nhưng tôi không muốn che đậy sự thật: tôi không phải là thằng kể chuyện tử tế. Chính xác hơn, tôi là kẻ súc sinh đê tiện, tới đâu thối tha đấy. Tốt hơn hết là bạn nên căm ghét tôi trước khi căm ghét cái thời đại đã tạo ra tôi. Nhưng, điều đáng ngạc nhiên nhất là, tất cả những kẻ xung quanh đang coi chuyện này là bình thường! Này bạn, tôi đang cảm thấy ghê tởm vì bạn - tên nô lệ đáng thương đang phục tùng một cách cam chịu mọi bốc đồng nhỏ nhặt của tôi! Vì cớ gì mà bạn lại biến tôi thành Vị Chúa tể Thế gian? Ðã từ lâu, tôi muốn nhận diện rõ bí mật này: bằng cách nào mà quảng cáo lại được mệnh danh là Chúa tể và trị vì trên đỉnh cao của thời đại chúng ta? Chưa bao giờ trong lịch sử hai nghìn năm nay, một kẻ đê tiện như tôi lại có được sự mạnh mẽ đến như vậy. Tôi chỉ ước sao lìa bỏ được tất mọi thứ, biến khỏi cái chốn này với thứ hàng trắng cũng vài em gái điếm, chuồn đến một hoang đảo nào đó. Nhưng không, vì chẳng có gan tự xin thôi việc cho nên tôi viết cuốn sách này. Người ta sẽ tống khứ tôi đồng thời cho phép tôi trốn khỏi chiếc lồng son này. Tôi là kẻ chẳng ích lợi gì, và xin hãy rủ lòng thương ngăn tôi lại! Hãy ném vào cái mặt mo của tôi trăm đồng bồi thường là tôi biến khỏi đây vĩnh viễn, thề đấy! Không lẽ tôi là kẻ có lỗi khi loài người quyết định thay thế Ðức chúa Trời bằng hàng hóa tiêu dùng sao? Bạn có biết vì sao tôi lại cười mỉa không? Vì một khi việc xuất bản cuốn sách này có kết quả tốt, tôi sẽ lại được tăng lương thay vì bị tống cổ. Bởi vì trong cái thế giới mà tôi sắp lột tả cho bạn đây, bất cứ sự chỉ trích, phê bình nào cũng được tiêu hóa, sự xấc xược được cổ vũ, tố giác được thù lao, đả kích được xếp đặt, tổ chức. Sắp tới, chúng ta còn sẽ được trao giải Nobel về sự khiêu khích “hay” nhất trên thế giới mà tôi sẽ là một ứng cử viên đầu tiên. Nổi loạn được coi là một phần của cuộc chơi. Các chế độ độc tài xưa kia vì sợ tự do ngôn luận nên đã loại trừ hết các quan điểm phản đối, bắt bớ giam cầm nhà văn, thiêu hủy các loại sách viết trái ý. Cái thời vinh quang của những giàn hỏa thiêu rùng rợn đã cho phép ta phân biệt được người từ tế với kẻ giả nghĩa giả nhân. Chủ nghĩa toàn trị của quảng cáo là hình thức tinh vi để dễ bề giũ bỏ trách nhiệm. Để dụ loài người vào vòng nô lệ, quảng cáo đã chọn con đường khơi gợi mềm dẻo, khôn khéo. Ðây là khuôn khổ đầu tiên trong lịch sử thống trị của con người với con người, cái khuôn khổ mà ngay cả sự tự do cũng bó tay bất lực. Hơn nữa, khuôn khổ này tạo ra thứ vũ khí cho mình từ sự tự do, và đó là phát kiến vĩ đại nhất của nó. Bất cứ sự chỉ trích, phê bình nào cũng cố tô vẽ, nịnh bợ nó, bất cứ trận bút chiến nào cũng củng cố ảo tưởng về sự độ lượng ngọt ngào của nó. Nó phục tùng bạn ở mức độ cao. Tất cả đều được phép, và chẳng ai đụng chạm đến bạn nếu như bạn cam chịu với sự bừa bãi, ngổn ngang này. Khuôn khổ đã đạt tới mục đích của nó: ngay sự không vâng lời cũng trở thành một hình thức vâng lời. Số phận đổ gãy của chúng ta đã được trang trí đẹp đẽ. Và ngay cả bạn, độc giả của cuốn sách nhỏ này, chắc sẽ nghĩ rằng “Cái gã nhân viên quảng cáo oắt con này mới tử tế làm sao. Cái gã ăn cháo đái bát, ui chà, mày không thể trốn đi đâu được nhé, rồi mày cũng kẹt cứng ở đây giống như những người khác cả thôi, và rồi mày sẽ đóng thuế như tất cả chúng tao thôi.” Ðúng rồi, chẳng có cách nào chui ra khỏi cái vòng tròn ma thuật này đâu. Tất cả mọi cánh cửa đã được khóa chặt lại, còn đám bảo vệ thì mỉm cười tươi tắn. Người ta giữ chặt bạn bằng những khoản tín dụng dài hạn, những khoản phí phải đóng hàng tháng, những khoản tiền thuê nhà hàng tháng. Bạn có điều gì không ổn chăng? Hãy thử ngó ra ngoài cửa sổ mà xem: hàng triệu mống thất nghiệp đang nôn nóng chờ bạn giải phóng cái chỗ ngồi ấm cúng của mình. Bạn muốn dằn dỗi bao nhiêu mà chả được. 3. Chín giờ sáng hôm nay, tôi ăn sáng với Giám đốc Tiếp thị của bộ phận sản phẩm sữa Madone - một trong những tập đoàn thực phẩm nông nghiệp lớn nhất thế giới (doanh số 84,848 tỉ phờ-răng năm 1998, tương đương với 12,935 tỉ euro) - trong tòa boong-ke làm bằng kính và thép với kiểu thiết kế theo phong cách Albert Speer[2]. Ðể có thể lọt được vào trong đó, chân tay bạn phải sạch sẽ: người ta bảo vệ đế chế sữa chua này còn nghiêm ngặt hơn cả cơ sở quân sự. Chưa bao giờ mà sản phẩm sữa được bảo vệ tốt như lúc này. Chỉ còn thiếu những tấm bảng đề thời hạn sử dụng trên các cánh cửa tự động nữa mà thôi. Người ta cấp cho tôi một tấm thẻ từ để vào thang máy, rồi sau đó, tôi đi qua một khoang rỗng thông áp với những cò quay bằng kim loại hệt như ở tàu điện ngầm vậy. Tôi cảm thấy mình thật quan trọng, tựa hồ sắp được viếng thăm Tổng thống chứ không phải là đến gặp một lão già HEC[3] trong chiếc sơ mi cộc tay kẻ sọc. Trong thang máy, tôi thầm đọc một khổ thơ tứ tuyệt của Michel Houellebec: “Đám người chật như nêm trong thang máy lấp loáng ánh mạ kền Chấp nhận thử thách gian truân của họ Các nàng thư ký lăng xăng chạy tới chạy lui Dặm lại chút phấn son trên mặt” Và cái bài thơ tứ tuyệt này khiến tôi cảm thấy mình hoàn toàn lạ lẫm và khó chịu. Sau khi suy nghĩ kỹ càng, bạn sẽ đi đến kết luận rằng, buổi họp buổi sáng luôn quan trọng hơn cuộc gặp với Tổng thống. Hơn nữa, đối với tôi, nó đóng vai trò quan trọng nhất trong cuộc đời, có lẽ bởi vì nó định sẵn tất cả những gì tiếp tục xảy ra. Tại tầng chín của công ty Madone, ban giám đốc chải chuốt trong những chiếc áo sơ mi kẻ sọc với cà vạt có in hình những con vật dễ thương. Giám đốc marketing Alfred Duler liên tục khủng bố đám nữ trợ lý của mình, còn các nàng thì mắt sưng húp vì khóc. Alfred thường bắt đầu các cuộc họp bằng một câu quen thuộc “Chúng ta ngồi họp đây không phải vì sự thỏa mãn cá nhân, mà là vì sự thỏa mãn của khách hàng”. Cứ như thể người tiêu dùng là sinh vật thuộc hành tinh khác, “Untermensch”![4] Cứ mỗi một lần nghe thấy những từ này tôi lại có cảm giác buồn nôn - không đúng hay sao - phản ứng thật lạ lùng dành cho những kẻ khom lưng cúi gối vì đống thức ăn này! Tôi cứ tự hình dung cảnh gã ta cạo râu buổi sáng, thắt cà vạt, quấy rầy đám trẻ con bằng những câu hỏi về làn hơi thở của mình, cảnh gã đứng trong gian nhà bếp với tách cà phê trên tay, lắng nghe France Info, mắt dõi theo tờ “Les Echos”. Gã thôi không ngủ với vợ kể từ năm 1975 nhưng cũng chẳng tằng tịu với ai bao giờ. Gã đọc đúng một cuốn sách một năm, và đó là cuốn sách của tác giả Alain Duhamel. Gã vận bộ complê sang trọng, tin tưởng vào vai trò quan trọng của mình trong tập đoàn, đi lại trên chiếc Mercedec to vật vã hay gầm gừ mỗi khi kẹt đường, sử dụng điện thoại di động Motorola với âm thanh bíp bíp kêu trong chiếc bao bằng da để dưới phía chiếc radio của xe hơi, nơi tiếng gào quảng cáo vang lên “CASTO- CASTO-CASTORA-MA!”, “MAMOUTH ĐẠI HẠ GIÁ, “HÃY CHỌN LỰA SẢN PHẨM THÀNH CÔNG, HÃY CHỌN LỰA BẰNG LÝ TRÍ CỦA MÌNH!”. Gã khẳng định hùng hồn, rằng sự tăng trưởng sản xuất là lợi ích cao cả, khi mà nó trở thành yếu tố “tái sản xuất”, quy tụ thành đống chồng chất những sản phẩm vô ích, không cần thiết cho cuộc sống con người mà với chúng, sớm hay muộn ta cũng sẽ bị chôn vùi. Vì gã giám đốc tiếp thị này có NIỀM TIN. Gã thao thao bất tuyệt về đức tin này trên các khóa đào tạo cao cấp: “Bạn sẽ tin vào SỰ TĂNG TRƯỞNG SẢN XUẤT!”. Cứ sản xuất ra hàng triệu tấn hàng hóa đi, chúng tôi sẽ rất vui sướng hân hoan đấy! Sự bành trướng muôn năm! Ðiều cơ bản là không được dừng lại và đừng nghĩ ngợi gì trong đầu! Chúng tôi ngồi trong phòng họp trống không, giống như tất cả các văn phòng khác trên thế giới, xung quanh chiếc bàn họp lớn hình ô van là những chiếc ly đựng sinh tố cam hoặc những tách cà phê (do có nàng thư ký - ả nô lệ, mặt cúi gằm, rót ra từ phích). Duler mở màn cuộc họp bằng những công thức thiêng liêng, cao cả “Tất cả những gì được công bố ở đây sẽ được coi là tối mật; chúng ta sẽ không lập biên bản cuộc họp. Ðây là cuộc họp trong điều kiện khủng hoảng; ta phải nghiên cứu khả năng cung ứng mới, nhưng mà tôi rất lo lắng tình hình quay vòng; đối thủ đã bắt đầu tung hàng nhái ra, và theo một số nguồn tin thì họ đang âm mưu chiếm lĩnh một phần thị trường tiêu thụ của ta, vì thế chúng ta đang đối mặt với sự nguy hiểm”. Trong khoảnh khắc này, tất cả mọi người ngồi quanh bàn họp bắt đầu cau mày. Nếu thêm vào đấy những chiếc mũ sắt, bộ đồng phục và bản đồ tham mưu thì có lẽ sẽ có được bộ phim hoàn hảo mang tên Le jour Le Plus Long[5]. Sau phần bình luận về thời tiết như thông lệ, Jean Francois, Giám đốc khách hàng công ty chúng tôi cất lời để tóm tắt buổi hội ý đồng thời bật máy chiếu và quét những tấm slider lên tường. - Nào, bây giờ chúng tôi sẽ cho các bạn xem một kịch bản với độ dài ba mươi giây để bảo vệ sản phẩm Maigrelette khởi sự tấn công của đám làm hàng nhái. Tôi xin nhắc lại mục tiêu chiến lược của chúng ta mà cuộc họp trước đã xác định: Maigrelette được tung ra đúng vào thời điểm thị trường đang tụt dốc như một sản phẩm cách tân và đưa lại cách nhìn mới mẻ về loại sữa chua nhờ bao bì mẫu mã mới một cách khoa học. Jean dứt ra khỏi máy quay và thay slide. Giờ đây, trên tường hiện ra những dòng sau bằng phông chữ đậm: “Tính ưu việt chủ yếu của nhãn hiệu (Tiếp theo): Ðặc trưng cảm tính Ðối với người sành ăn/không thể cưỡng lại được Sư thỏa mãn/mốt MAIGRELETTE thanh mảnh/ Vẻ Đẹp Bổ Ích/Dưỡng chất Đặc trưng Ðặc trưng phù hợp. Vì chẳng có ai phản ứng, gã giám đốc khách hàng vẫn tiếp tục lải nhải những điều mà nàng trợ lý (có đứa con đang bị bệnh viêm tai giữa ở nhà trẻ) đánh máy trên Word 6: - Như đã quyết vào ngày 23, chúng tôi cùng với Luc và Alfred xây dụng trên mô típ lợi ích của người tiêu dùng: “Với Mairgellet, tôi vẫn thanh mảnh và hơn nữa, tôi sẽ còn thực hiện chế độ dinh dưỡng thông minh nhờ các loại vitamin và can xi.” Và việc phân tích các nhãn hàng đối thủ trong khu vực bộn bề này cho thấy rằng, chúng ta cần hy vọng vào công thức kép: sắc đẹp + sức khỏe. Maigrelette tốt cho cả cơ thể lẫn tinh thần tôi. Và như các cụ vẫn nói, “bổ cả đầu lẫn chân”, ha ha... hề hề hề! Bài diễn văn này là kết quả suy nghĩ và tìm kiếm của phòng kế hoạch chiến lược (phòng của hai bà mụ bốn chục tuổi mắc chứng trầm cảm) và vài ba mống phó phòng quảng cáo (loại mặt búng ra sữa mới tốt nghiệp Cao đẳng Thương mại Dijon và chân ướt chân ráo về đây). Trước hết, bài diễn văn được sáng tạo theo mong muốn và sở thích của khách hàng đồng thời biện giải cho cái kịch bản mà tôi đề ra. Đến đây thì vị giám đốc Jean Francois của chúng tôi (hay gọi đơn giản hơn là Jet) thôi cười vì cảm thấy hơi lẻ loi. Gã tiếp tục điệu múa bụng của mình: - Chúng tôi đã vạch ra được khái niệm thống nhất, nó trùng với ý tưởng của các copywriter đồng thời có khả năng biến lời hứa nhãn hiệu trở thành điều hấp dẫn, ít ra là ở mức độ thị giác. Còn bây giờ xin nhường lời cho Octave. Bởi Octave là tôi cho nên tôi buộc phải đứng lên để trình bày dự án phim quảng cáo trong bầu im lặng chết chóc của các thành viên tham dự, thuyết trình về bố cục của cảnh phim từ cả tá hình ảnh màu sắc do một họa sĩ của công ty vẽ với mức thù lao quá cao: - Thế này: chúng ta đang ở trên bãi biển Malibu tại California. Thời tiết tuyệt diệu. Hai em tóc vàng lộng lẫy trong bộ đồ tắm màu đỏ chạy trên cát. Bỗng một em nói với em kia: “Kiểu chú giải các địa danh cổ xưa lại mâu thuẫn với môn diễn giải văn bản cổ sai lệch.” Nàng kia trả lời: “Cẩn thận kẻo lại rơi vào lối chơi chữ đồng âm dị nghĩa đấy.” Lúc này, hai gã lướt sóng, da rám nâu, chí chóe với nhau ngay trên biển: “Bồ có biết là trong Ecce Homo, Nietzsche đã dành cho môn bơi lội một lời khen tặng - chủ nghĩa hưởng lạc, không?” Gã kia cáu kỉnh độp lại: “Có gì đâu, ông ta chỉ bảo vệ khái niệm “Sức khỏe lớn” bằng thuyết duy ngã thực tồn đấy thôi!” Bây giờ, ta hãy quay lại với bãi biển nhé, nơi hai em tóc vàng đang vẽ lên cát những phương trình toán học. Đối thoại: “Giả thiết rằng căn hình phương của x thay đổi theo hàm vô định...”- “Ðúng, nàng kia nói, - nhưng cậu còn chưa tách mẫu số kia, nó sẽ tiến đến đường tiệm cận đấy.” Đoạn phim kết thúc bằng cảnh những chiếc bánh Maigrelette với dòng chữ sau: “MAIGRELETTE CHO BẠN DÁNG VẺ THANH MẢNH VÀ TRÍ THÔNG MINH”. Sư im lặng chết người vẫn bao phủ khắp gian phòng. Giám đốc Tiếp thị đưa mắt nhìn đám phụ trách thương hiệu đang cắm cúi ghi ghi chép chép để tránh phải đóng góp ý kiến. Cuối cũng thì Jean Francois cũng miễn cưỡng lên tiếng: - Rút cục thì ta cũng sẽ đưa ra âm thanh leng keng thế này “Ừm, ừm, Madone”. Hừm, chúng ta quyết định rằng đây là một bước ngoặt thú vị: chiếu lên màn hình biểu tượng của sự thanh mảnh dưới dạng những cuộc trò chuyện trí tuệ ở mức độ cao... Hơn nữa, xin nhớ rằng, thể thao ngoài trời đang ngày càng trở nên chủ đạo. Tuy nhiên, có thể xuất hiện một số phương án ở đây: ví dụ, vài nàng hoa hậu Pháp tranh luận với nhau về vấn đề địa chính trị hoặc hiệp ước Brest-Litovsk (1918); hai gã Chippendale trần truồng vừa phô trương cơ bắp vừa giải nghĩa sự khỏa thân như một hình thức giải phóng thân xác và phủ nhận sự tha hóa hậu hiện đại v. v. Chẳng lẽ điều này không thú vị hay sao? Đám phó của Bule bắt đầu lần lượt lên tiếng bình luận: “Tôi thích kiểu đó”, “Tôi ủng hộ”, “Ðối với tôi, điều này không thuyết phục lắm dù hiểu rõ ý tưởng”, “Ðây là một phương án cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng”… Cũng cần ghi nhận rằng: mỗi thành viên dự họp đều nhắc lại như vẹt đúng cái kiểu cấp dưới mà hắn đã nói. Rồi cũng đến lúc Duler cất lời. Sếp lớn không đồng ý với đám nhân viên cấp dưới. - Tại sao ta lại phải cần đến sự hài hước chứ? Nói chung thì Alfred Duler cũng đã nói đúng: nếu ở vào vị trí gã thì tôi cũng chẳng cười. Nén cơn buồn nôn, tôi vặc lại: - Ðiều này cần thiết cho thương hiệu của các anh chứ. Sự hài hước sẽ khiến cho thương hiệu trở nên hấp dẫn. Nó giúp người ta nhớ đến thương hiệu. Người tiêu dùng sẽ không bao giờ quên được những gì khiến cho họ cười: rồi sau đó, họ sẽ kể lại câu chuyện vui này cho người khác ngay trong các bữa ăn tối, trong văn phòng, trong sân chơi. Thử lấy ví dụ hài kịch chẳng hạn. Người ta vào nhà hát hay rạp chiếu bóng chỉ là để giải trí một chút... Lúc này, Alfred Duler bèn buông ra một câu bất tử thế này: - Ðúng, nhưng xem xong, họ cũng đâu có ăn phim. Tôi xin lỗi và đi ra toilet, bụng thầm nghĩ: “Đồ phân chó, rồi mày cũng sẽ có chỗ trong cuốn sách của tao thôi. Mày sẽ là nhân vật đầu tiên, bắt đầu từ chương ba mà tao định đặt tên là “ALFRED DULER LÀ ĐỒ CỨT CHÓ.” Bất cứ nhà văn nào cũng là tên chỉ điểm. Bất cứ áng văn chương nào cũng đều là tố giác. Lợi lộc gì khi viết sách nhỉ, nếu không phải là để phỉ nhổ vào mặt ân nhân mình? Tôi cũng đã từng là chứng nhân của một vài sự kiện nhất định của thời dại này, hơn nữa, tôi lại quen một tay khùng làm bên ngành xuất bản để cho phép mình công khai kể lại mọi chuyện. Ban đầu, tôi chẳng yêu cầu gì. Tôi đã rơi vào trong lòng một cỗ máy nghiền đáng sợ và nó đang nghiền nát tất cả mọi thứ trên đường đi, và tôi cũng chẳng còn hy vọng chui ra khói cỗ máy này một cách nguyên vẹn. Tôi chỉ muốn nhận biết xem ai là kẻ có quyền thay đổi thế giới khi chưa thấu hiểu được điều này: có lẽ, người đó chính là tôi. 4. Nói tóm lại, ý đồ của đám này là phá rừng và đem xe hơi vào thay thế cho những cánh rừng. Ðó không phải là một kế hoạch có ý thức và được suy nghĩ thấu đáo mà thực tế nó còn tồi tệ hơn. Chính đám này chẳng biết là sẽ đi tới đâu nhưng họ cứ huýt sáo mồm mà sải bước - và sau lưng họ là cơn đại hồng thủy (hay đúng hơn là cơn mưa a xít). Lần đầu tiên trong lịch sử hành tinh Trái Ðất, công dân của tất cả các quốc gia đều có mục đích y hệt nhau: kiếm tiền để được giống như các nhân vật quảng cáo. Họ sẵn sàng phỉ nhổ vào mọi thứ còn lại, và hậu quả thì họ đâu có phải hứng chịu bao giờ. Một chút đính chính nhỏ. Tôi không viết bản tự phê bình hay một bản phân tích tâm lý công chúng mà đơn giản là tôi đang viết lời sám hối của đứa con thiên niên kỷ. Từ “sám hối” trong trường hợp này chỉ đơn thuần mang ý nghĩa tôn giáo. Tôi đang muốn cứu rỗi linh hồn mình trước khi biến khỏi thế gian này. Vì “trên trời còn có nhiều niềm vui sướng dành cho một kẻ phạm tội nhưng biết sám hối ăn năn chứ không phải cho chín mươi chín kẻ mộ đạo không có nhu cầu sám hối” (Phúc âm - thánh Luca). Kể từ nay, ông chủ duy nhất mà tôi sẵn sàng ký kết một hợp đồng vô thời hạn - đó là Ðức Chúa Trời. Tôi xin lưu ý rằng, tôi đã toan cưỡng lại, thậm chí nhận thức rằng, chỉ nội việc tham dự những cuộc họp như thế này cũng chính là một hình thức hợp tác. Cùng họ ngồi vào bàn trong những gian phòng bằng cẩm thạch bệnh hoạn có máy điều hòa không khí bạn đã bắt đầu tham dự vào cuộc tẩy não rồi. Từ điển nhà binh đã chỉ ra tất cả: những từ chiến dịch, mục tiêu, chiến lược, cú đánh... dính chặt trên môi họ. Họ lập kế hoạch cho các mục tiêu, cho chiến dịch tấn công thứ nhất hay chiến dịch tấn công tiếp theo. Họ lo sợ nạn ăn thịt người trở thành phổ biến, họ từ chối chung công chung việc với đám ma cà rồng. Tôi nghe nói ở hàng Mars (nhà sản xuất kẹo sô cô la mang tên thần chiến tranh!), người ta chia một năm thành 12 kỳ, mỗi kỳ 4 tuần: họ không nói ngày 1 tháng Tư mà nói “P4 S1”! Tóm lại, đó là những vị tướng đang tiến hành cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ ba. Quảng cáo là kỹ thuật đầu độc trí não được công dân Mỹ Albert Davis Lasker sáng chế vào năm 1899, còn trong thập niên 30 của thế kỷ chúng ta, nó đã được hoàn thiện và phát triển bởi gã Joseph Goebbels nào đó nhằm thuyết phục dân Ðức thiêu chết tất cả người Do Thái. Goebbels là một chuyên gia tài năng về ý tưởng quảng cáo, một hình thức tuyên truyền: “DEÚTCHLAND UBER ALLES”, “EIN VOLK, EIN REICH, EIN FUHRER”, “ARBEIT MACHT FREI”[6]... Hãy cố gắng lưu giữ điều này trong tâm trí: Xin đừng có đùa giỡn với quảng cáo.Vì sự khác nhau giữa động từ “tiêu thụ” và “tiêu hủy” không là bao[7]. Trong một khoảnh khắc nào đó, tôi ngờ rằng mình có thể trở thành hạt cát ngăn guồng máy giết người này lại. Là kẻ phiến loạn trong bụng còn mắn sinh sôi của loài thu. Là chàng lính trơn trong đoàn quân của thị trường toàn cầu. Tôi tự nhủ: “Không thể chiếm được chiếc máy bay nếu không leo được lên nó; thế giới này cần phải được thay đổi ngay từ bên trong nó... Đôi khi, từ công sở trở về căn hộ rộng thênh thang của mình, tôi rất khó ngủ khi nghĩ tới những kẻ vô gia cư. Trên thực tế, chính thứ bột trắng là cocain đã khiến tôi khó ngủ. Vị kim loại của cái thứ bột này trào ngược lên cổ họng. Tôi thủ dâm trong phòng tắm rồi uống một viên thuốc ngủ Stilnox và tỉnh dậy vào giữa ngày. Bên cạnh tôi sẽ chẳng bao giờ còn bóng dáng người đàn bà nào nữa. Tôi có cảm giác rằng, ban đầu tôi luôn muốn làm chỉ những điều tốt xung quanh mình. Nhưng cái mong muốn đó đã không thành vì hai lý do: thứ nhất, vì người ta ngăn cản tôi và thứ hai, bởi tôi từ chối thực hiện những điều đó. Những người nung nấu ý đồ tốt đẹp lại luôn hóa thành quái vật. Hôm nay tôi biết rằng, mình sẽ chẳng thay đổi được điều gì và chẳng thể nào thay đổi nổi, tất cả đã quá muộn rồi. Không nên vượt mặt đối thủ, kẻ hiện diện khắp nơi, hư ảo và không hề có cảm giác với sự đau đớn. Nếu để phản đối Pierre de Coubertin, có lẽ tôi đã nói rằng, điều cơ bản là - KHÔNG tham dự. Ðơn giản là nên biến đi thật xa như Gauguin, Rimbaud hay Castaneda, chấm hết. Hoặc phắn ra một hoang đảo nào đó với em Angelica và em Juliana. Ở đó, Angelica sẽ xoa kem vào vú của Juliana, trong khi Juliana xoa bóp “thằng bé” của tôi (đương nhiên là không phải xoa bằng kem). Hoặc gieo trồng mảnh vườn (thuốc phiện) của mình với hy vọng là mọi người sẽ chết trước khi thế gian này tới ngày tận thế. Nhãn hiệu thương mại đã chiến thắng trận đánh của con người trong Thế chiến thứ ba. Ðặc điểm của cuộc chiến thế giới lần thứ ba này là tất cả các quốc gia đều thua cùng một lúc. Tôi thông báo cho bạn một thông tin sốt dẻo nhé: David sẽ chẳng bao giờ chiến thắng Goliath. Tôi đúng là một thằng ngu toàn tập. Mà sự ngây ngô đâu phải là đặc tính tập đoàn này đòi hỏi. Nó đã tồn tại khi tôi sinh ra trên cõi đời này. Và đó chính là điểm chung duy nhất giữa tôi và bạn. 5. Tôi nôn hết tất cả mười hai cốc cả phê trong phòng vệ sinh của “Madone International” rồi tự mồi cho mình một liều bột trắng để tỉnh táo trở lại. Trước khi quay trở lại cuộc họp, tôi vả nước lạnh khắp mặt. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chẳng có mống nào với tư duy sáng tạo muốn làm việc cho tập đoàn này. Nhưng tôi lại có một ít kịch bản khác dự trữ; tôi đã trình bày một dự án có tên gọi Những cô nàng thú vị với ba em xinh đẹp chạy lăng xăng trên màn ảnh, chĩa súng vào camera trên nền nhạc soul của thập niên 70; họ bắt đám lưu manh bất hảo rồi đọc cho chúng nghe những bài thơ của Baudelaire, xen kẽ vào đó là những màn ju-đo, những cú đá kung-fu, trò lăn người hay nhào lộn; lúc đó, một có nàng vừa nhìn vào ống kính camera vừa bẻ tay một tên cướp khốn nạn đang rên rỉ vì đau rồi dõng dạc nói: - Chúng tôi sẽ không thể thực hiện được màn bắt giữ này nếu thiếu loại sữa chua trái cây không chất béo Mairgellet. Loại sữa chua này sẽ giúp chúng tôi giữ được thân hình khỏe mạnh và trí tuệ minh mẫn! Đề nghị này đã bị bác bỏ, giống như các đề nghị tiếp theo: l. Một kiểu phim Ấn Độ cấu trúc chủ nghĩa, 2. Cô nàng điệp viên 007 đến bác sĩ phân tâm học khám bệnh, 3. Làm lại bộ phim Wonderwoman của Jean-Luc Godard, 4. Bài giảng của Julia Kristeva do David Hamilton quay phim, Gã nhà quê của cái tập đoàn toàn cầu tiếp tục bài tụng ca rên rỉ về đề tài hài hước: - Các anh, những con người sáng tạo cho rằng mình là những nghệ sĩ vĩ đại, chỉ mơ tưởng đến các giải thưởng Cannes, trong khi tôi lại phải quyết định nhiều chuyện quan trọng, phải giải quyết chuyện tiêu thụ sản phẩm và trước mắt chúng ta là nhiệm vụ tối quan trọng. Octave, xin anh hiểu cho, tôi rất có cảm tình với anh, và những trò hài hước của anh có làm cho tôi vui đấy nhưng tôi không phải là bà mụ nội trợ dưới năm mươi, chúng ta đang làm việc trong lĩnh vực quảng cáo, và nghĩa vụ của chúng ta là trừu tượng hóa các ý kiến cả nhân đồng thời biết lắng nghe người tiêu dùng - những người nhìn thấy sản phẩm “gondole”[8] của chúng ta trên các kệ hàng siêu thị. - Không phải của chúng ta, mà là của Vơ-ni-dơ chứ - tôi chỉnh lại. Hãy để “gondole” ở lại Vơ-ni-dơ. Nhưng gã Alfred của hãng Procter này đã không đánh giá ưu điểm trong câu nói sắc sảo của tôi. Gã đã chuyển sang ca ngợi việc thử nghiệm. Đám tay chân của gã tiếp tục nghí ngoáy gì đó trong cuốn sổ tay. - Chúng tôi đã tập hợp được nhóm thử nghiệm bao gồm hai chục nữ khách hàng và họ không hề hiểu gì về nội dung hoang tưởng của quý vị - họ không hiểu và không thể giải thích được. Những gì họ cần - đó là thông tin cụ thể: giới thiệu sản phẩm và giá cả hàng hóa, chấm hết! Vậy tôi hỏi các anh nhé: cái ý tưởng thị giác cơ bản của tôi nằm ở đâu? Những ý tưởng sáng tạo của các anh đương nhiên là rất tuyệt, nhưng tôi là một gã thương gia đơn giản, tôi cần tiêu thụ sản phẩm, và việc quảng cáo cho hàng hóa này phải làm sao để gây được ấn tượng cho khách hàng mãi mãi! Tôi sẽ quảng cáo sản phẩm như thế nào đây trên Internet? Người Mỹ đã tạo ra “spam” - hình thức phát tán quảng cáo bằng thư điện tử, trong khi anh vẫn còn mắc kẹt ở cái thể kỷ XX! Không, không thể như thế được! Tôi đã không còn ảo tưởng nữa rồi, đúng thế! Các lớp vỏ cứng cáp dưới chân mới là điều cơ bản! Và lúc đó, tôi sẵn sàng mua một thứ gì đó gây ngạc nhiên - nhưng nó phải nằm trong phạm vi mà chúng ta đòi hỏi. Tôi cố gắng bình tĩnh hết sức. - Cho phép tôi đặt ra cho anh một câu hỏi: anh định gây ngạc nhiên cho đám nữ khách hàng bằng cách nào nếu như trước đó anh đã hỏi ý kiến họ? Không lẽ anh lại đề nghị bà xã mình chọn món quà mà anh đang muốn tạo ra sự bất ngờ cho cô ấy nhân ngày sinh nhật? - Bà xã tôi ghét mọi sự bất ngờ. - Và chính vì điều này mà có ta đã lấy anh? Jean Francois ho một thôi một hồi liền. Ðôi khi tôi có cảm giác rằng, các nhà công nghiệp - những kẻ điên cuồng khao khát bán sản phẩm của mình cho người tiêu dùng, đã không hề xấu hổ để dồn họ vào toa hàng chuyên chở gia súc. Bạn có cho phép tôi trích dẫn ba câu nói khác không? “Chúng ta tìm kiếm hiệu quả chứ không phải là sự thật”. “Tuyên truyền sẽ mất hiệu nghiệm khi nó hiện ra rõ ràng”. “Sự dối trá cảng thô bỉ bao nhiêu, người ta lại dễ dàng tin vào nó bấy nhiều”. Tất cả những câu nói này lại là của Joseph Goebbels. Alfred Duler tiếp tục lè nhè: - Trước mắt chúng ta là mục tiêu cụ thể - tiêu thụ 12.000 tấn sản phẩm trong năm nay. Những cuộc tranh luận mang tính triết học, trí tuệ của các cô thiếu nữ chạy trên bãi biển chỉ hữu ích đối với quán cà phê de Flora, còn bà khách hàng bình dân thì chẳng hiểu mô tê gì cả! Về câu trích dẫn từ Ece Homo thì tôi hiểu nó là cái gì nhưng e rằng, đối với số đông công chúng thì nó nghe có vẻ ngớ ngẩn đấy! Không, nói một cách thẳng thắn thì anh phải làm lại cho tôi tất cả những thứ này từ đầu đến cuối. Có lẽ anh hiểu rõ nguyên tắc của Procter “Ðừng coi thiên hạ là lũ ngu đần, nhưng cũng đừng bao giờ quên rằng, họ chính là những kẻ đần ngu”. - Ô, điều đó thật là tàn nhẫn! Nghĩa là chế độ dân chủ sẽ đến lúc tự hủy hoại. Với những câu châm ngôn như anh vừa nói, ta sẽ quay trở lại với chủ nghĩa phát xít: ban đầu, con người ta bị chỉ là ngu đần, và sau đó, họ lại bị thủ tiêu chính bởi cái cớ đó. - Ô, cậu chớ có nghĩ đến việc mô tả kẻ sáng tạo phản loạn ấy ở đây nhé! Chúng ta chỉ bán sữa chua chứ không phải để làm cách mạng. Hôm nay cậu làm sao thế? Sao bỗng dưng cậu lại nóng này thế! Tối qua, người ta không cho phép cậu bước vào quán “Bains” phải không? Không khí trở nên căng thẳng tột độ. Jean Francois cố lái câu chuyện chệch sang hướng khác: - Thành thực mà nói, tôi có cảm giác rằng, sự tương phản giữa vẻ ngoài sexy của các cô em và câu chuyện của họ về khoa học diễn giải văn bản cổ kia thể hiện đúng những điều mà cậu mong muốn: sắc đẹp và trí tuệ... đúng thế không? - Câu cú của họ quá dài - một trong những gã phó đeo kính trắng của Duler cắt ngang. - Cho phép tôi nhắc lại một trong những nguyên tắc của quảng cáo: chúng ta đang cố để đạt được sự chênh lệch hài hước (trong tiếng lóng của chúng ta, nó được gọi là “bước đột phá sáng tạo”) và nó có khả năng khiến cho khán giá mỉm cười đồng thời tạo ra cho họ cảm giác rằng giữa họ và sản phẩm có một chút gì đó liên quan, điều sẽ giúp chúng ta bán được sản phẩm. Tuy nhiên, đối với dân Procter thì chiến lược của cậu, xin lỗi nhé, hơi khập khiễng đấy: ở đây, công thức “thanh mảnh và thông minh”, như một lời đề nghị bán hàng độc nhất vô nhị nảy sinh ở đây. Jean Francois ra hiệu cho tôi đừng tranh luận nữa. Tôi rất muốn đề nghị họ một slogan khác “Madone Uberalles”[9] nhưng tôi lại nhút nhát. Có thể bạn có cảm giác rằng tôi đã thổi phồng quá mức, rằng mọi việc không đến nỗi quả nghiêm trọng như thế. Nhưng bạn hãy thử nghĩ xem trò gì đã diễn ra tại cuộc họp buồn tẻ sáng nay. Hoàn toàn không phải là cuộc bàn luận cho chiến dịch quảng cáo kế tiếp mà là một hội nghị quan trọng hơn cả hiệp định Munich (Ở Munich, vào năm 1838, những nhà lãnh đạo Pháp và Anh, Edouard Daladier và Neville Chamberlain, đã thí Tiệp Khắc cho Ðức quốc xã đơn giản bằng thủ tục ký hiệp ước ở góc bàn). Hàng trăm vụ thương thảo tương tự cuộc họp diễn ra hôm nay ở Madone đang hàng ngày “tỉ thí” cả thế giới. Vả hàng nghìn cuộc hội nghị Munich đang diễn ra hàng ngày! Những gì diễn ra ở đây quả thực là đáng sợ: đó là sự bóp chết các ý tưởng, là sự cấm đoán thay đổi. Bạn ngồi đối mặt với những loại người khinh miệt công chúng, muốn dồn công chúng vào thế buộc phải thực hiện hành vi mua hàng ngu ngốc nhưng có sự quy ước, thao túng từ trước. Họ dán chặt vào cái ý nghĩ rằng họ có chung mối quan tâm với bà già nội trợ lẩm cẩm “dưới năm mươi”. Bạn muốn đề nghị họ một thứ gì đó hay hay, cái thứ ít ra cũng thể hiện sự kính trọng nào đó đối với con người và có thể nâng họ lên cao hơn một chút, bởi cũng cần phải thể hiện chút lịch thiệp tối thiểu khi chèn quảng cáo của mình vào bộ phim truyền hình nhiều tập của họ. Cần thiết - nhưng điều đó lại bị ngăn cấm. Và vĩnh viễn vẫn chỉ một câu chuyện như vậy, mỗi ngày, mỗi giờ... vĩnh viễn, hàng nghìn gã đồng nghiệp của tôi trong bộ com-lê hiệu Tergan, cụp đuôi lấm lét đầu hàng. Hàng nghìn “cuộc giải khuây đê tiện” diễn ra thường nhật. Dần dần, hàng trăm nghìn cuộc họp nhạt thếch đang chuẩn bị cho một lễ khải hoàn thấm đẫm tính toán lạnh lùng, đê tiện ngớ ngẩn đối với niềm khát khao giản dị và ngây thơ của loài người hướng đến sự tiến bộ của nhân loại. Lý tưởng mà nói, có lẽ người ta nên sử dụng cái quyền lực khủng khiếp của truyền thông đại chúng để thức tỉnh khả năng trí tuệ thay vì đàn áp chúng. Nhưng điều này sẽ chẳng bao giờ xảy ra bởi những kẻ có trong tay quyền lực này lại không muốn quàng rủi ro vào cổ. Các nhà quảng cáo đều muốn mọi thứ bày sẵn trước hay đã thử nghiệm trước, lạy chúa, để bạn khỏi cần phải động não; họ muốn biến bạn thành con cún; tôi chẳng đùa đâu, vào một ngày đẹp trời, họ sẽ dán vào cổ tay bạn một mã vạch. Họ thừa biết rằng, sức mạnh duy nhất của bạn nằm trong tấm thẻ tín dụng. Họ không muốn trao quyền tự do chọn lựa cho bạn. Họ muốn biến tất cả các hành động không kích thích của bạn sang hành vi kích thích – mua hàng ở mức độ cao nhất. Ðiều khó chịu thật sự của việc thay đổi - đó là những gì người ta sám hối trong tất cả các phòng họp hời hợt, nhạt nhòa này. Chủ nghĩa Ù lì đang ngự trị, thống soái cái chốn này mà cung điện của nó là tòa nhà, còn thần của nó là đám quản trị cấp trung đang ngồi với gàu vương trên tóc và những miếng lót giày dưới chân. Người ta đã trao cho họ chìa khóa của quyền lực mà chẳng ai hiểu vì sao. Họ là trung tâm của thế giới! Các chính trị gia không còn kiểm soát được nữa, giờ đây nền kinh tế sẽ điều khiển chúng ta. Marketing là nền dân chủ được xếp đặt từ chân lên đầu, là dàn nhạc được ra lệnh bởi người chỉ huy. Các cuộc thăm dò ý kiến công chúng ấn định chính sách, các cuộc thử nghiệm xác lập ra phong cách quảng cáo, các bản thu thập ý kiến ấn định sự lựa chọn âm nhạc cho radio, kết quả của các màn “sneak previews”[10] quyết định bộ phim, khối lượng khán giả quyết định nội dung chương trình truyền hình, và tất cả các “nghiên cứu” này đều được những kẻ như Alfred Duler trên trái đất này sắp đặt, tổ chức. Tất cả trách nhiệm là ở đám này chứ không phải ở ai khác. Những kẻ như Alfred Duler chịu trách nhiệm cầm lái nhưng lại chẳng chuyển động đi đâu cả. Big Brother is not watching you, Big Brother is testing you[11]. Tuy nhiên, việc thăm dò chính là sự bảo đảm của chủ nghĩa bảo thủ, trì trệ, là một sự chối từ tự do. Người ta không đề nghị bạn bất cứ thứ gì nữa bởi điều đó là RỦI RO - biết đâu bỗng dưng bạn phật ý! Và như vậy, người ta bóp chết cái mới, độc đáo, sáng tạo, sự nổi loạn của tâm hồn... Và kết quả thì rành rành ra đấy. Số phận nhân bản vô tính của chúng ta... Sự ù lì mê muội của chúng ta... Sự cô độc của chúng ta trong cuộc đời... Nói chung là cả một sự dửng dưng vô cảm trước những điều quái gở. Không, đây không phải là một cuộc họp bình thường mà là giờ tận thế của hành tinh trên hành trình của nó. Không nên cùng lúc vừa phục tùng thế giới lại vừa thay đổi nó. Vào một lúc nào đó, ở trường học, người ta sẽ bắt đầu nghiên cứu đề tài “sự tự hủy hoại của dân chủ”. Chừng năm chục năm sau, Alfred Du1er sẽ bị xét xử vì những tội ác chống lại loài người. Lần nào cũng vậy, cứ khi nói đến từ “thị trường”, tức là gã ám chỉ “bánh ngọt”. Còn nếu gã nói “nghiên cứu thị trường” thì nó có nghĩa là “nghiên cứu bánh ngọt”; “kinh tế thị trường” có nghĩa lã “kinh tế bánh ngọt”. Con người này ủng hộ công cuộc giải phóng bánh ngọt, và gã muốn tung ra nhiều sản phẩm mới vì bánh ngọt, gã vội vàng chinh phục các lĩnh vực mới trong sản xuất cũng vì bánh ngọt và không bao giờ quên nhấn mạnh ý nghĩa toàn cầu của món bánh ngọt này. Gã căm thù bạn, hãy luôn nhớ như vậy. Với gã, bạn chỉ là loài gia súc để vỗ béo, là những con chó thí nghiệm của Pavlov; chỉ có một điều gã quan tâm - đó là đồng tiền của bạn trong túi các cổ đông của gã (các quỹ hưu trí Mỹ, hay nói cách khác, cả một đám những lão khốt đang đeo dây quần trong nhà xác, một chân xếp trong hòm, chân kia đang đập vẫy đâu đó trong bể bơi ở Miami, Florida). Và cái Thế giới Tốt đẹp nhất trong các Thế giới Vật chất cứ phồn thịnh mãi mãi. Tôi lại xin ra ngoài lần nữa vì có cảm giác mũi sắp chảy máu cam. Vấn đề muôn thuở với loại cocain Paris: nó bị pha trộn nhiều đến nỗi bạn phải có hai lỗ mũi thật vững chắc. Tôi có cảm giác máu trào ra, và đứng lên để chạy vội vào phòng vệ sinh, máu từ mũi tôi bắt đầu trào ra như chưa bao giờ vậy, phọt khắp nơi - trên gương, trên áo sơ mi tôi mặc, trên cuộn giấy lau tư động, trên sàn nhà; hai lỗ mũi tôi thổi ra những chiếc bong bóng đỏ to tướng. May sao, lúc này không có ai vào phòng vệ sinh; tôi liếc vào gương, chiếc gương phản chiếu gương mặt tôi đầy máu - cằm, miệng, cổ áo, ngực, bồn rửa, tay đều nhuốm đầy máu – đấy, lần này thì chiến thắng thuộc về chúng, tay tôi những máu. Trong đầu tôi nảy ra một ý nghĩ tuyệt vời: tôi viết lên tường nhà vệ sinh từ “Pigs”[12], sau đó viết chữ “PIGS” to hơn lên cánh cửa rồi bước ra hành lang, ngoáy chỉ pigs trên gỗ dán, pigs trên thảm, pigs trên tường thang máy rồi cuối cùng biến khỏi chỗ đó; bụng thầm nghĩ, chắc những chiếc camera đã rất ấn tượng với chiến công lửng lẫy của tôi. Ngày hôm nay, tôi làm lễ đặt tên cho chủ nghĩa tư bản bằng chính máu của mình. 6. Ai dà, ai ở trong phòng làm việc của tôi vậy? À, vị Chủ tịch của hãng chúng tôi. Ông mặc quần trắng, khoác áo blazer xanh đen có hàng khuy màu vùng và một chiếc mùi soa trắng trong túi ngực, chiếc sơ mi ca rô màu hồng vichy (dĩ nhiên rồi, chứ còn mặc loại nào nữa). Tôi vừa kịp xóa đoạn văn này khỏi màn hình máy tính. Ông vỗ vai tôi với vẻ gia trưởng: “Thế nào, làm việc chứ?”. Philippe rất quý tôi - ông có cảm giác rằng tôi đang giữ một khoảng cách nào đó với nghề này. Và ông cũng thừa biết rằng, thiếu tôi - ông chỉ là con số không, và ngược lại: không có ông, tôi cũng chẳng bao giờ nhìn thấy đảo vắng, thứ bột trắng cùng mấy em ca ve (Veronica đờ đẫn nằm lên người Fiona phừng phừng, còn tôi ở trên cùng, trên người Veronica). Phillip thuộc típ người mà tôi sẽ ân hận về họ khi bị lột mặt nạ cũng ngành quảng cáo Pháp sau khi cuốn sách này được xuất bản. Philippe trả lương cao cho tôi để thể hiện tình yêu của mình với tôi. Còn tôi kính trọng ông vì căn hộ của ông lớn hơn căn hộ của tôi. Và lần này, ông vỗ vào vai tôi với kiểu rất lạ, thì thào vào tai tôi bằng giọng căng thẳng: - Này... Cậu có mệt không đấy? Tôi nhún vai: - Vâng, em mệt kể từ khi chào đời cơ.. - Octave, cậu biết là ở đây mọi người đều ngưỡng mộ cậu. Nhưng cẩn thận chút, có vẻ như sáng nay cậu làm điều xằng bậy ở công ty thì phải. Duler đã gọi tớ đến mục kính hiện trường và chỉnh xạc cho một trận. Tớ đã phải cử một nhóm tạp vụ đến xóa các tác phẩm nghệ thuật của cậu. Có lẽ, đã đến lúc cậu cần nghỉ ngơi chăng? - Thế sếp không nghĩ rằng tốt hơn hết nên tống cổ em ra khỏi công ty này sao? Philippe cười và lại vỗ vào lưng tôi lần nữa: - Làm gì mà ghê thế! Làm gì có chuyện đó chứ, chúng tớ đánh giá cao tải năng của cậu. Công việc của cậu có lợi cho Rosse – cậu nhớ xem, dân Mỹ mê những đoạn phim quảng cáo của cậu “Orangina - Cola” như thế nào, rồi câu slogan của cậu “ĐIỀU NÀY THẬM CHÍ LÀ QUÁ WONDERFUL” đã được Ipsos ghi nhận và xếp hạng cao ra sao, nhưng có lẽ cậu nên bớt tiếp xúc với khách hàng đi, nhỉ? - Sếp nghe đã, em cư xử đúng mực đấy chứ, thưa sếp; tay Duler chó chết tra tấn em bằng mớ spam trên Internet. Sếp có khi phải cám ơn em vì em đã không nhờ Charlie phát tán vi rút Trojan horse để phá tan cái hệ thống dữ liệu của hắn ta. Xử lý cái vụ ấy mới tốn kém chứ xối rửa cái chuồng xí của công ty thì nhằm nhò gì! Philippe vừa bước ra khỏi phòng, vừa cười váng khắp cả hành lang – dấu hiện chứng tỏ ông ta chẳng hiểu cóc khô gì. Tuy nhiên, sự kiện chủ tịch công ty đích thân đến phê bình tôi, - lại là dấu hiệu tốt lành đối với việc sa thải tôi: đơn giản, ông chỉ cần liên lạc vơi tôi qua mạng Intranet. Con người ta đang trở nên ít nói chuyện với nhau hơn, và nói chung, khi có ai đó buộc phải nói toẹt sự thật vào mặt bạn thì mọi việc GẦN NHƯ là đã quá muộn. 7. Người ta thường hỏi tôi tại sao đám nhân viên sáng tạo lại được trả lương cao đến vậy. Một phóng viên cày nguyên cả tuần để viết bài cho tờ Le Figaro kiếm được khoản nhuận bút ít hơn năm mươi lần so với một tay copywriter[13]- kẻ chỉ mất mười phút để rặn ra một slogan. Vì sao ư? Ðơn giản chỉ là vì công việc của copywriter đem lại nhiều tiền hơn. Doanh nghiệp quảng cáo phân bổ ngân sách hàng năm thành nhiều chục, nhiều trăm triệu. Hãng cung cấp dịch vụ quảng cáo tính phí dựa theo phần trăm giá trị “đất” quảng cáo được mua; nói chung, mức hoa hồng này thường là 9% (trước kia, chúng tôi “cứa” khách hàng 15% nhưng các doanh nghiệp quảng cáo nhanh chóng nhận thấy sự lừa bịp này). Trên thực tế, đám nhân viên sáng tạo nhận được mức thù lao thấp hơn so với lợi nhuận mà họ mang lại cho hãng. Khi nhận thấy bao nhiều tiền bạc vung ra trước mũi mình, bao nhiêu khoản kếch xù bị các sếp vung vãi thì bạn sẽ nhận ra rằng, mức lương của mình chỉ là hạt bụi. Nhưng nếu một ai đó trong đám nhân viên ý tưởng quảng cáo thử yêu cầu tăng lương, chắc bạn sẽ bị coi là trò cười. Một lần, khi bước ra khỏi phòng họp, tôi đã hỏi Marc Marronnier: - Tại sao ai cũng nghe lời Philippe mà lại không nghe tôi nhỉ? - Vì sao ư, - gã trả lời mà không hề chớp mắt - vì Philippe kiếm 300 nghìn phờ-răng/tháng, còn cậu thì không. Sáng tạo không phải là một nghề mà người ta phải biện hộ cho mức lương của mình; đó là một nghề, nơi mức lương của bạn biện hộ cho bạn. Con đường sự nghiệp của một nhân viên sáng tạo cũng phù du như nghề nghiệp của biên tập viên chương trình truyền hình vậy. Bởi vậy, một nhân viên sáng tạo trong mấy năm có thể kiếm chác được khoản tiền làm bằng một thằng bình thường suốt cả đời cày bừa. Tuy nhiên, giữa quảng cáo và truyền hình luôn tồn tại một sự khác biệt lớn: nhân viên sáng tạo mất một năm để cho ra đời một đoạn phim ba mươi giây, trong khi chỉ cần mất ba mươi giây để cho ra một chương trình truyền hình cả năm. Và sau cùng, lao động sáng tạo không phải là một việc quá dễ làm. Danh tiếng của nghề này bị giảm sút từ sự hình dung đơn giản về nó. Mọi người nghĩ rằng mình có thể đảm đương nghề này một cách ngon ơ. Nhưng, cuộc họp sáng nay, hy vọng rằng, đã chứng minh cho bạn thấy tất cả sự phức tạp trong nghề của chúng tôi. Nếu tiếp tục chuyện so sánh với tay phóng viên viết báo cho tờ Figaro thì có thể nói rằng, sản phẩm của nhân viên sáng tạo chính là bài báo được gã phó biên tập chỉnh sửa đầu tiên, sau đó là biên tập viên rồi tổng biên tập, rồi bài báo lại được tất cả những ai có liên quan trong đó đọc và sửa, sau đó là nhóm độc giả thí nghiệm của tờ báo, rồi tiếp tục được viết lại từ đầu đến cuối để rồi cuối cùng xác suất không được đăng lên báo là 90%. Bạn có biết nhiều nhà báo chấp nhận sự đối xử tệ hại như vậy không? Bởi vậy mà chúng ta được trả lương hậu hĩnh. Và cũng bởi vậy nên người ta cần đến những con người tạo ra quảng cáo mà bạn nhìn thấy khắp chốn mọi nơi: ông giám đốc hãng quảng cáo và các vị giám đốc thương mại của ông ta bán nó cho các doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo. Rồi người ta nhắc đến nó trên báo chí, nhại nó trên ti vi, mổ xẻ nó trong các trung tâm nghiên cứu, và quảng cáo đã giúp nâng thứ hạng cũng như doanh thu của sản phẩm. Bởi vậy mới có một thằng oắt con chễm chệ trên ghế bóp đầu bóp trán để cho ra những câu slogan, và gã oắt con này lại được trả lương hậu hĩnh, rất hậu hĩnh vì gã chính là ông chủ của vũ trụ, như tôi đã có vinh hạnh được chứng minh cho bạn. Gã oắt con này hiện diện ngay trên đỉnh cao của quy trình sản xuất, tức là nơi mà bất cứ nền sản xuất nào cũng kết thúc quy trình của mình và là nơi bắt đầu trận chiến không phải vì sự sống mà vì cái chết –trận chiến tiêu thụ. Các doanh nghiệp cho ra đời những nhãn hiện mới, hàng triệu triệu công nhân chế tạo ra các sản phẩm này trong nhà máy, sau đó chúng được chuyển tới vô số các cửa hàng bách hóa. Nhưng tất cả sự lộm nhộm này sẽ chẳng mang lại điều tốt đẹp gì nếu như gã oắt con đang chễm chệ trên ghế kia không nghĩ ra cách làm thế nào để đè bẹp đám đối thủ cạnh tranh, làm thế nào để tiến lên phía trước, thuyết phục người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm này chứ không phải là sản phẩm kia. Cuộc chiến này đòi hỏi nhiều nỗ lực và hao tốn chứ không phải là chỗ dành cho những kẻ a-ma-tơ. Người ta hoàn toàn nghiêm túc với cuộc chiến đó. Và đó là một quá trình lạ lùng, bí ẩn: chúng tôi ngồi cùng Charlie, giám đốc mỹ thuật, mặt đối mặt, vắt óc suy nghĩ và rồi chúng tôi có cảm giác tìm được ý tưởng tung ra một món hàng vô dụng cho bà già nội trợ nghèo. Rồi trong một khoảnh khắc, chúng tôi hung dữ nhìn nhau. Hành vi ảo thuật đã được hoàn thành: chúng tôi đánh thức mong muốn thực hiện hành vi mua hàng ở những người không có đủ tiền bạc mua sắm, điều mà mười phút trước đó họ không hề nghĩ đến. Và mỗi lần như vậy, điều này khiến chúng tôi ngạc nhiên. Ý định luôn được nảy sinh ra từ hư vô, từ sự trống rỗng. Ðiều tuyệt diệu này làm tôi xúc động đến trào nước mắt. Mà hình như đã đến lúc tôi phải hít thứ bột trắng rồi. Tên gọi chức danh của tôi - nhân viên ý tưởng/ viết lời quảng cáo như cách người ta vẫn thường gọi các tác giả của chương trình quảng cáo. Tôi sáng tác kịch bản cho những đoạn phim ba mươi giây và slogan cho các poster quảng cáo. Tôi nói “slogan” là để bạn dễ hiểu hơn nhưng nói chung thì cái từ này đã từ lâu has-been. Bây giờ, ở chỗ chúng tôi, người ta gọi là “móc” hoặc “tít”. Cá nhân tôi thì thích từ “móc” hơn nhưng từ “tít” lại nghe sang hơn. Chẳng hiểu sao tất cả các nhân viên ý tưởng hợm hĩnh nhất đầu dùng từ “tít”. Và tôi cũng nói rằng mình đã rặn ra được “tít”này “tít” nọ, vì nếu có hợm hĩnh lập dị thì bạn mới thường được tăng lương hơn. Tôi “cày” trong tám lĩnh vực: nước hoa Pháp, các nhãn áo quần đề mốt, mỳ ống Ý, phụ gia thay thế đường, điện thoại di động, sữa chua không béo, cà phê hòa tan và soda vị cam. Thời gian của tôi trôi đi giống như sự phấn chấn vô tận giữa tám đám cháy khác nhau đang cần phải dập tắt. Tôi phải không ngừng thích nghi với những vấn để khác nhau. Tôi là một con kỳ nhông nghiện hút. Tôi biết rằng bạn sẽ chẳng tin tôi nhưng tôi đến với nghề này không phải chỉ vì tiền. Tôi thích sáng tạo ra các câu chữ. Không có công việc nào cho ta nhiều quyền lực với chữ nghĩa bằng công việc này. Chuyên gia quảng cáo chính là tác giả của những câu châm ngôn bán ra tiền. Tôi có thể căm hận đến tận xương tủy những gì mà tôi trở thành, nhưng sự thật vẫn là sự thật: chỉ có trong nghề chúng tôi, người ta có thể tranh luận gay gắt hàng ba tuần liền về một tính từ nào đó. Khi Cioran viết: “Tôi mơ về một thế giới, nơi người ta có thể chết vì một dấu phẩy”, có lẽ ông đã không nghĩ rằng mình đang viết về thế giới của những người làm viết lời quảng cáo. Chuyên viên viết lời quảng cáo làm việc trong nhóm với giám đốc mỹ thuật. Các giám đốc mỹ thuật cũng tìm ra một mánh để trở thành những nhân vật hợm mình, lập dị: họ gọi mình là những “AD”[14]. Họ có thể gọi mình bằng cái tên đơn giản “DA”, nhưng không, họ thích dùng “AD” hơn vì dù sao từ này cũng sang hơn. Thôi được, tôi sẽ không giải thích với bạn những mánh mung trong ngành quảng cáo. Nếu muốn, hãy đọc những câu chuyện cổ bằng tranh của Lauzier hay xem các vở hài kịch vào thập niên 70 trên tivi (thường vào các buổi tối chủ nhật), trong đó Pierre Richard thường thủ vai các chuyên gia quảng cáo. Thời đó, quảng cáo thường hay gây cười. Ngày nay, nó chẳng còn khiến cho người ta cười nữa. Những câu chuyện cười đã chấm dứt. Giờ đây, trước mắt chúng ta là một nền công nghiệp sản xuất hùng mạnh. Còn công việc trong hãng quảng cáo cũng trở nên hấp dẫn như nghề kế toán vậy. Nói ngắn gọn, đã qua rồi cái thời hoàng kim khi đám chuyên gia quảng cáo là những kẻ làm trò mua vui trơ trẽn. Kể từ đây, họ là những doanh nhân - nguy hiểm, tính toán và tàn nhẫn. Dân chúng bắt đầu nhận ra điều này: họ quay mũi tránh những đoạn phim quảng cáo của chúng ta, xé các tờ bướm quảng cáo của chúng ta, né tránh những tấm áp phích quảng cáo tại các bến xe buýt. Phản ứng này được gọi là hội chứng sợ quảng cáo (publiphobie). Vì quảng cáo như con bạch tuộc bám chặt tất cả và sở hữu thế giới. Bắt đầu với trò đùa, giờ đây quảng cáo điều khiển cuộc sống của chúng ta: quảng cáo tài trợ cho truyền hình, chỉ huy báo chí, ra lệnh cho thể thao (không phải Pháp hòa Brazin ở trận chung kết giải vô địch bóng đã thế giới mà là Adidas thắng Nike đấy nhé!), tạo nên xã hội, gây ảnh hưởng tới giới tính, ủng hộ sự phồn thịnh. Hãy thử xem một vài con số nhé? Năm 1998, đầu tư quảng cáo trên thế giới đạt mức 2340 triệu phờ răng (nếu quy ra euro thì khoản tiền này cũng khá ấn tượng). Và tôi có thể cam đoan với bạn rằng, với khoản tiền như thế này thì mọi thứ đều có thể đem bán được hết - đặc biệt là linh hồn của bạn. 8. Tôi day day lợi, mẹ kiếp, nó ngứa cả đêm lẫn ngày. Giờ đây, tôi cần không ít hơn bốn gờ ram bột trắng một ngày. Tôi bắt đầu cử thứ nhất lúc thức dậy, và kết thúc trước khi nhâm nhi ly cà phê sang đầu tiên. Tiếc là chúng ta chỉ có hai lỗ mũi, chứ không thì tôi sẽ hít nhiều hơn nữa: lão già Freud đã nói rằng, cocain có thể xua tan mọi nỗi buồn. Nó như loại thuốc gây mê, có thể gỡ bỏ hết mọi rắc rối. Tôi nhai thỏi singum suốt cả ngày như một loài động vật nhai lại. Hàng đêm, tôi tới các tụ điểm ăn chơi, nơi chẳng ai nhìn thấy. Tại sao người Mỹ lại kiểm soát cả thế giới quảng cáo này? Bởi họ kiểm soát các phương tiện truyền thông. Tôi đầu quân cho hãng quảng cáo của Mỹ là bởi tôi biết Marc Marronnier từng làm việc ở đó. Hãng có tên là “Rosserys & Witchcraft”, nhưng, để ngắn gọn hơn, người ta gọi nó là “Rosse”. Ðây là chi nhánh Pháp đầu tiên trên thế giới về quảng cáo, do Ed Rosserys và John Witchcraft thành lập năm 1947 tại New York (lợi nhuận ròng của hãng vào năm 1999 là 5,2 tỉ đô la). Văn phòng của chúng tôi được xây đựng có lẽ là vào thập niên 70 - cái thời mà các tòa nhà xây theo kiểu tàu thủy được coi là mốt. Ở đây có một cái sân phía trong khá to cùng những ống nước màu vàng khắp nơi - nói chung, đó là một kiểu pha trộn giữa Beaubourg - còn có tên Trung tâm Văn hóa Beonges Pompidou nổi tiếng ở thủ đô Paris 1977 và Alcatraz - Ngục đảo nổi tiếng là nơi giam giữ tù nhân kinh hoàng nhất thế giới ở San Francisco, mặc dù tòa nhà nằm ở khu Boulogne Billancourt, và đương nhiên, nó còn lâu mới đuổi kịp được Madison Avenue ở New York. Sảnh văn phòng được trang trí bằng hai chữ viết tắt to tướng “R&W”, xung quanh cơ man các loại cây xanh - đương nhiên bị làm bằng nhựa tổng hợp. Ở đó, đám cán bộ lăng xăng chạy tới chạy lui với cặp hồ sơ cắp nách. Đám con gái trông sạch nước cản đang nói chuyện qua điện thoại di động. Mỗi một người trong bọn họ đều có vẻ như đang thực hiện một sứ mệnh cao cả: người này mang lại vẻ hoàn hảo cho nhãn hàng giấy vệ sinh, người kia tung ra một loại bột súp mới, người nữa thì lo “củng cố việc định vị sản phẩm ở phân khúc bơ thực vật”, kẻ thứ tư chịu trách nhiệm “nghiên cứu các trường tiêu thụ mới cho sản phẩm giò xông khói”... Có lần, tình cờ tôi bắt gặp một có nàng phưỡn bụng bên bộ phận thương mại đang khóc trong góc hành lang, (Đám đàn bà con gái bộ phận thương mại thường khóc trong những góc như thế này). Thế là tôi đóng vai một gã đàn ông thông cảm và mang cho cô nàng một cốc nước khoáng mát, một tờ khăn giấy Kleenex và thậm chí còn đưa tay vỗ mông nàng. Vậy mà công cốc đấy: cô ả gượng cười, nụ cười xanh xao, tôi hiểu rằng cô nàng cảm thấy xấu hổ vì đã rầu rĩ nỉ non trước một ai đó. - Ðêm qua, tôi mơ thấy một giấc mơ lạ. Dường như chân tôi tự đưa tôi đến Rosse. Tôi cố hết sức cưỡng lại nhưng hai chân cứ bước như ở chế độ tự động vậy... Mà thôi, mọi thứ ổn cả, anh đừng lo… Chắc nó cũng sẽ qua thôi. Cô nàng đề nghị tôi không mách chuyện này với cấp trên của ả và quả quyết rằng ả ta mệt mỏi chẳng qua là đang bầu bí, thế thôi. Cô ả dặm lại chút phấn son rồi bước về phòng mình, đi nhanh như chạy. Chính lúc ấy, tôi nhận thấy rằng minh đang thuộc vào một giáo phái quỷ quái, cái thứ giáo phái đang biến đám đàn bà chửa thành lũ người máy han gỉ. Marc Marronnier vỗ vào tay tôi như một kiểu chào hỏi. - Xin chào nhà văn! Cậu vẫn đang viết cuốn tiểu thuyết bằng nguồn tiền của hãng quảng cáo để chê bai ngành quảng cáo chứ? - Chứ còn thế nào nữa? Chính anh là người dạy cho tôi tất cả mà. Thật tệ rằng, đó là sự thật. Marronnier là giám đốc sáng tạo của Rosse, ngoài ra, hắn còn kịp in sách, xuất hiện trên truyền hình, li dị vợ và phê bình tin học trên các tạp chí tai tiếng...Nói chung là hắn là kẻ nhiều mánh và khuyến khích nhân viên dưới quyền cũng làm theo như vậy, như cách hắn nói là để “đầu óc khỏi tù túng” (tôi biết rằng, hắn làm vậy là cốt không để họ hóa điên). Trong nghề chúng tôi, Marronnier được coi là kẻ tụt dốc về chuyên môn nhưng đã từng một thời nổi đình đám với giải Sư tử Cannes, xuất hiện trên trang bìa của tạp chí “Chiến lược”, giật giải Grand Priz tại Câu lạc bộ các giám đốc sáng tạo...Hắn là tác giả của nhiều slogan nổi tiếng: “THẾ ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG CỦA BẠN HIỆU GÌ?” (cho Bouygues Telecom), “DÙ YÊU ÂM THANH VẪN CẨN THÊM HÌNH ẢNH” (cho MCM), “HÃY NHÌN VÀO MẮT EM ĐI, EM NÓI RẰNG - HÃY NHÌN VÀO MẮT EM” (cho đồ lót wonderbra.) “MỘT NỬA CỦA BẠN ĐANG THÈM KHÁT CÓ NÓ, NGHĨA LÀ NỬA CÒN LẠI CÓ THẾ CÂM LẶNG” (cho xe Ford). Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là câu slogan này “CÀ PHÊ MAMIE? CÓ LẼ ĐÂU ĐÓ CÒN CÓ LOẠI CÀ PHÊ NGON HƠN. THẬT ĐÁNG TIẾC LÀ KHÔNG CÓ LOẠI TỐT HƠN”. Nghe tuyệt đấy, quỷ tha ma bắt! Thoạt nhìn, những câu này có vẻ như chẳng có gì đơn giản hơn thế, tuy nhiên, sáng tạo ra những cái “tít” như thế, hoàn toàn không hề đơn giản chút nào. Ðiều cơ bản trong những câu slogan này là sự thật trần trụi: “CÓ ĐIÊN MỚI CHI NHIỀU NỮA”, “NHỮNG GÌ Ở BÊN TRONG ĐỀU NHÌN THẤY ĐƯỢC Ở BÊN NGOÀI”, “NƯỚC, KHÔNG KHÍ, CUỘC SỐNG”, “BÁNH MÌ, RƯỢU VANG - CUỘC ĐỜI VIÊN MÃN”, “100% NGƯỜI TRÚNG ĐỀU Đà THỬ VẬN MAY”, “KẾT NỐI TÀI NĂNG CHÚNG TA”, “ÐỜI QUÁ NGẮN MẢ LẠI CÒN ĂN MẶC BUỒN TẺ”, “MÙ TẠT “MAY” DÀNH CHO TẤT CẢ”, “SEB - DÀNH CHO BẠN VÀ CHỈ BẠN MÀ THÔI” “VÌ BẠN RẤT XỨNG ĐÁNG VỚI NÓ”, “ĐỪNG BỎ QUA NHỮNG MÓN HÀNG ÐƠN GIẢN!” “MƯỜI GỜ RAM TẾ NHỊ TRONG MỘT THẾ GIỚI VŨ PHU”, và dĩ nhiên “JUST DO IT”, câu slogan hay nhất trong lịch sử kinh doanh, cho dù câu slogan mà tôi thích vẫn là “HYUNDAI. PREPARE TO WANT ONE”. Ðây là câu trung thực nhất trong tất cả các câu khẩu hiện. Ngày xưa, khi tra tấn tù nhân, người ta hét vào mặt nạn nhân “Mày phải mở miệng ra”; còn ngày nay, thì người ta lại hét “mày phải muốn”. Nỗi đau này nhức nhối hơn, vì nó sát thương hơn. Marronnier rất tỏ tường mọi chuyện trong nghề. Hắn đã truyền cho tôi những quy tắc bất thành văn trong nghề quảng cáo, những quy tắc mà bạn không bạn giờ được học ở trường Quảng cáo. Và tôi đã in những điều này lên một tờ A4 rồi cắm lên trên laptop của mình. Mười điều răn của chuyên gia sáng tạo l) Một nhân viên sáng tạo có kinh nghiệm tiếp xúc không phải với người tiêu dùng mà là với vài chục người ở Paris - những kẻ có thể thuê anh ta về làm việc (với chức giám đốc sáng tạo của 20 hãng quảng cáo tốt nhất). Việc giành được một giải ở Cannes hay ở Câu lạc bộ các giám đốc sáng tạo còn quan trọng hơn là giúp khách hàng chiếm giữ được thị phần. 2) Ý tưởng đầu tiên là thứ thành công nhất nhưng phải biết chờ đợi khoảng ba tuần trước khi trình bày ý tưởng đó cho khách hàng. 3) Quảng cáo là nghề duy nhất, nơi người ta được trả lương để làm việc tệ hơn. Nếu bạn trình bày một ý tưởng tuyệt diệu, còn đơn vị quảng cáo lại muốn báng bổ nó thì trước tiên hãy nghĩ đến đồng lương của mình, hãy nhắm mất nghe họ nhắc nhở, nhanh chóng trét thêm một chút cứt đái nào đó (chừng ba chục giây) rồi phắn đến Miami hay ở Captown để quay phim quảng cáo. 4) Luôn xuất hiện trong các cuộc họp muộn hơn thời gian được ấn định. Một nhân viên sáng tạo mẫu mực đúng giờ là kẻ không đáng tin cậy. Khi bước vào phòng họp, nơi người ta chờ bạn đã bốn mươi lăm phút, không cần xin lỗi mà tốt hơn hãy nói “Xin chào, tôi chỉ có đúng ba phút dành cho các vị thôi đấy”. Hoặc dẫn câu nói này của Roland Barthes “Chúng ta không phải bán giấc mơ mà là bán ý nghĩa” (Phương án khác, câu trích dẫn của Raymond Loewy, nghe không được “phê” bằng “Ðồ xấu làm sao bán chạy”). Lúc đó, khách hàng sẽ đồng ca cho rằng, bạn hoàn toàn xứng đáng với số tiền của họ. Đừng bao giờ quên rằng các đơn vị quảng cáo tìm đến các hãng quảng cáo là vì họ không có khả năng đưa ra ý tưởng, họ đau khổ về điều đó và muốn sự giúp đỡ của chúng ta. Bởi vậy, các chuyên gia sáng tạo cần phải coi thường, khinh miệt họ - tất cả cái đám phụ trách thương hiệu là những kẻ mắc chứng khổ dâm ghen tị. Họ trả lương cho chúng ta cốt để chúng ta làm nhục họ. 5) Nếu như dự án của bạn chưa được chuẩn bị, bạn hãy phát biểu sau cùng và đừng ngần ngại nhắc lại những gì thiên hạ đã múa miệng trước đỏ. Trong mọi cuộc hội họp, kẻ nói sau cùng luôn là kẻ đúng. Đừng bao giờ được quên rằng, mục đích chính của một cuộc họp là để cho những kẻ khác đến làm nền cho mình. 6a) Sự khác nhau giữa nhân viên cấp cao và nhân viên cấp thấp thể hiện ở chỗ, nhân viên cấp cao được trả lương nhiều hơn trong khi làm việc ít hơn. Càng được trả lương hậu hĩnh bao nhiêu, bạn cũng được thiên hạ lắng nghe, và thiên hạ càng lắng nghe thì bạn càng phải nói ít đi. Trong nghề này, phải nắm vững một số điều quan trọng, vì càng nói nhiều bao nhiêu, bạn càng phải ít mồm ít miệng bấy nhiêu. Kết luận rút ra là: để bàn một ý tưởng cho GĐST (Giám đốc sáng tạo), nhân viên sáng tạo cần phải thật BÀI BẢN để khiến cho giám đốc sáng tạo tin rằng chính ông ta mới là người đề ra cái ý tưởng đó. Muốn vậy, bạn cần bắt đầu buổi thuyết trình của mình bằng những câu kiểu như “Tôi đã suy nghĩ nhiều về những gì mà anh nói với tôi hôm qua” hay “Tôi lao vào ý tưởng mà hôm kia anh chia sẻ...” hay “Tôi quyết định đi theo cách mà anh đã từng đề cập đến...”, trong khi ai mà chẳng biết là gã giám đốc kia chẳng hề “nhả ngọc phun châu” gì ngày hôm qua, hôm kia và càng không phải cách này cách nọ gì hết. 6b) Một cách khác để nhận ra sự khác biệt giữa một nhân viên cấp cao và một nhân viên cấp thấp - nhân viên cấp thấp “phát” ra những câu pha trò sắc sảo - những câu chẳng khiến cho mọi người cười, trong khi cấp trên lại thò ra những câu nghe chẳng hài hước chút nào nhưng lại khiến cho tất cả đều cười ngoác miệng. 7) Chăm chút vun trồng chủ nghĩa vắng mặt, hãy đến nơi làm việc vào buổi trưa, đừng bao giờ trả lời khi đồng nghiệp chào hỏi, ăn trưa suốt ba tiếng đồng hồ, đừng trả lời điện thoại. Nếu người ta trách cứ bạn về chuyện này, hãy nhắc đi nhắc lại với họ rằng “Một nhân viên sáng tạo không có giờ giấc mà chỉ có thời hạn thôi “ 8) Ðừng bao giờ hỏi ý kiến người khác về chiến dịch quảng cáo. Nếu tham khảo ý kiến người khác, bạn sẽ có nguy cơ LUÔN mạo hiểm trong việc nghe theo hắn. Và nếu đã nghe hắn ta, sẽ RẤT CÓ THỂ bạn còn cần phải chú trọng đến hắn. 9) Mỗi một nhân viên đều thực hiện công việc của cấp trên. Cậu bé tập sự đảm nhiệm công việc của gã nhân viên ý tưởng, gã này lại làm công việc của Giám đốc sáng tạo, rồi gã giám đốc này lại làm công việc của vị Chủ tịch. Chức vụ của bạn càng cao, bạn càng phải làm ít việc (xem điều răn thứ 6). Jacques Séguéla đã sống không đến nỗi tệ chừng vài chục năm bằng nguồn lợi tức cổ phấn từ câu slogan “Sức mạnh yên bình” - câu khẩu hiện do Léon Blum tạo ra nhưng đã được hai gã sáng tạo vô danh tiểu tốt của hãng làm cho hồi sinh trở lại. Philippe Michel được công chúng biết đến với quảng cáo “MAI TÔI LỘT BỎ PHẦN TRÊN, MAI TÔI LỘT BỎ PHẦN DƯỚI” vốn là ý tưởng của Pierre Berville, nhân viên cấp dưới của hắn. ĐÙN ĐẨY công việc của mình cho cậu bé tập sự: nếu thành công, bạn sẽ được vinh danh, Còn nếu thất bại, người ta sẽ tống cổ thằng bé ấy, còn bạn thì bình an vô sự. Đám tập sự là những tên nô lệ thời hiện đại: không thù lao, mọi chế độ có thể bị cắt xén bất cứ lúc nào, khả năng bị đuổi việc luôn rình rập, đứa bưng bê cà phê, đứa lăng xăng quanh máy photocopy hay máy fax - nói chung, đám này được coi như loại đồ dùng một lần rồi bỏ, hệt như những chiếc lưỡi dao cạo Bic vậy. 10) Khi một gã đồng nghiệp trong bộ phận sáng tạo trình bày cho bạn một slogan đắt giá, điều trước hết cần lưu ý là đừng vội khen hắn ta. Ngược lại, hãy nói với hắn ta rằng, cái ý tưởng đó chán ngắt và cũ xưa như Trái Ðất, từng được thực hiện đến cả nghìn lần rồi hoặc được chôm chỉa từ một chiến dịch quảng cáo cũ rích của người Anh. Ngược lại, nếu gã trình cho bạn một slogan vô tích sự đến mức chán ngất thì bạn hãy bảo gã rằng “tớ thích cái ý tưởng này” và làm ra vẻ rất mong muốn thực hiện... Giờ đây, trở thành Giám đốc sáng tạo của công ty, Marronnier đã quên hết sạch những điều răn này. Khi các nhân viên sáng tạo dưới quyền trình cho gã xem xét một kế hoạch cho chiến dịch quảng cáo, gã làu bàu “không sao” hay “cái gì-ì-ì?”. “Không sao” nghĩa là dự án được phê duyệt và tác giả của nó sẽ được đề bạt thăng chức vào cuối năm, còn “cái gì-ì- ì?” có nghĩa là bạn phải tìm phương án khác nếu không muốn bị tống ra khỏi cửa một cách nhanh nhất. Nói chung, công việc của giám đốc sáng tạo chẳng có gì là vất và, đơn giản bạn chỉ cẩn biết mở miệng làu bàu đúng lúc, hoặc “không sao” hoặc “cái gì-ì-ì?” là xong. Ðôi khi tôi tự hỏi, không biết thằng cha Marc có tuyên bố hú họa như vậy không? Marc cảm động nhìn tôi trước khi cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi: - Hình như sáng nay cậu giở trò khỉ gì ở công ty hả? Tôi liền bung ra đoạn độc thoại tràng giang đại hải này cho gã trong khi tay vẫn gõ vào bàn phím để bạn vẫn có thể đọc được:. - Nghe này, Marc, anh biết đấy, TẤT CẢ cái đám nhân viên sáng tạo đều khùng hết cả rồi - công việc của lũ chúng ta chán quá đi mất, mỗi một chúng ta đang cố khạc vào họng của bạn mà bạn thì cứ để mặc, mà trò này lại càng ngày càng tệ đi. Khách hàng chính của chúng ta chỉ là cái sọt rác không hơn không kém mà chúng ta thì đang quần quật làm cho nó. Hãy thử ngó cái diện mạo nhẫn nhục của cái đám nhân viên quảng cáo già cỗi, ngắm nhìn những cặp mắt trống rỗng của họ xem. Khi những câu sogan của chúng ta bị chối từ thì mộng tưởng của chúng ta cũng từ đây vỡ tan, cho dù chúng ta có vờ vịt làm ra vẻ bất cần - và vấn đề này luôn day dứt chúng ta. Chúng ta trở thành những kẻ sĩ thất bại, đã vậy, người ta còn buộc chúng ta phải nuốt hết tự ái vào lòng và nhét ma két hỏng vào đầy ngăn kéo. Có thể anh sẽ bảo tôi rằng: thế vẫn còn hơn chán vạn kiếp trâu ngựa dưới nhà máy. Nhưng một gã công nhân thì ít ra còn biết rằng, hắn đang sản xuất ra một cái gì đó hữu hình, sờ mó được, trong khi gã nhân viên sáng tạo thì đang phải “rặn” ra mớ câu chữ nghe đao to búa lớn cùng những tên gọi lố bịch - những thứ chỉ góp phần nuôi béo đám gái làng chơi của tác giả. Hơn nữa, tất cả chúng ta ở đây đều là những kẻ nghiện rượu, và nếu không nghiện hút thì cũng mắc chứng trầm cảm. Cứ đến giữa chiều lại tụ tập, ăn nói hàm hồ, đánh bạc trên mạng suốt hàng giờ hay hút hít. Nói chung, mỗi đứa trong chúng ta đều có một cách giải trí riêng. Mới đây thôi, thậm chí tôi còn trông thấy một gã chập mạch bắt chước người mộng du chủ trò đi trên một cây sào cao mười lăm mét. Còn tôi thì máu mũi chảy, răng khua lập cập, má co giật, mồ hôi vã ra khắp mặt. Nhưng, nhân danh đám đồng nghiệp ô hợp này, tôi xin nói với các vị rằng: cuốn sách của tôi sẽ là công cụ trả thù cho tất cả những ý tưởng đã bị giết hại. Marronnier nghe tôi với điệu bộ thông cảm, hệt như vị bác sĩ đang sắp sửa báo tin cho bệnh nhân biết kết quá thử nghiệm HIV là dương tính vậy. Đợi tôi kết thúc màn độc thoại dài lòng thòng, gã lên tiếng: - Thế sao cậu không xin thôi việc đi nhỉ? – Gã nói rồi bước ra khỏi phòng. Nhưng không, đừng có tưởng bở, xin thôi việc ư, còn khướt đấy! Thôi việc ư - chuyện đó nghe giống như việc bạn tuyên bố đầu hàng khi hiệp boxing còn chưa kết thúc. Còn tôi thì chỉ thích kết thúc mọi việc bằng cú knock-out để rồi người ta khiêng tôi đi trên một chiếc cáng. Hơn nữa, Mark đã nói dối: chẳng ai ở đây muốn nhả tôi ra, và nếu tôi chuồn khỏi đây, giống như trong bộ phim Tù nhân, sẽ có khối kẻ luôn mồm thắc mắc “Tại sao anh lại xin thôi việc?” Tôi luôn tự hỏi mình, tại sao đám trưởng thôn của cái Làng không biên giới lại luôn đặt câu hỏi này ra với nhân vật Số 6 trong bộ phim đó. Nay thì tôi hiểu. Bởi vì trong cái thế giới đang bị đe dọa bởi nạn thất nghiệp cùng sự sùng bái lao động, vấn đề cơ bản nhất chũm là câu hỏi: “TẠI SAO ANH LẠI XIN THÔI VIỆC?”. Tôi nhớ là, trong mỗi tập phim, tôi đều rất thích nụ cười ranh mãnh của Patrick McGoohan khi nói “Tôi không phải là một tiết mục mà là một người tự do!” Ngày nay, tất cả chúng ta đều là nhân vật Số 6 trong bộ phim Tù nhân. Tất cả chúng ta đều chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cốt để được có tên trong HĐLTVTH (Hợp đồng Lệ thuộc Vô thời hạn). Và cứ thử bỏ việc rồi phắn ra ngoài đảo với đám ca ve nghiện cần sa mà xem: một chiếc bong bóng trắng hiện lên từ bãi cát với dấu hỏi “TẠI SAO ANH LẠI THÔI VIỆC?” và buộc bạn quay trở lại văn phòng làm việc ngay. 9. Trong khi đó, những bức poster khổng lồ về sản phẩm được trưng lên các bức tường, các trạm xe buýt, các tòa nhà, mặt đất, trên xe tắc xi, xe tải, mặt tiền các cao ốc, thang máy, trên đồ đạc, máy đổi tiền, trên mọi phố phường và thậm chí ở cả nông thôn. Cuộc sống đang ngập trong biển xu chiêng, keo chải tóc, dầu gội đầu chống gàu và dao cạo râu. Chưa bao giờ trong lịch sử loài người, mắt chúng ta lại phải làm hỏi nhiều đến thế: các thống kê cho thấy rằng, mỗi một chúng ta từ lúc ra đời cho đến khi 18 tuổi trung bình có tới 350.000 lần nhìn thấy quảng cáo. Thậm chí ngay ở bìa rừng hay cổng làng, trong lòng thung lũng hoang vắng, trên đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng hay trong khoang cáp treo, đập vào mắt bạn là những logo “Castorama”, “Bricodécor”, “Vô địch Midas” và “Chợ Quần áo”. Sẽ chẳng bao giờ cặp mắt của homo consommatus[15] được thảnh thơi. Ngay cả sự tĩnh lặng cũng đang dần biến mất. Chẳng ai có thể trốn thoát khỏi phát thanh, truyền hình. Những câu slogan quảng cáo ầm ĩ có lẽ cũng sắp chui vào quấy rầy các cuộc trò chuyện điện thoại riêng tư của bạn. Phát minh này thuộc về Bouygues Telecom: bạn sẽ không phải trả cước điện thoại nếu cho phép họ chen quảng cáo sau mỗi 100 giây. Hãy thử hình dung xem: chuông điện thoại vang lên, cảnh sát giao thông thông báo cho bạn biết con bạn vừa tử nạn trong một vụ tai nạn giao thông, và trong khi bạn khóc lóc thảm thiết thì ở đầu dây bên kia, một giọng hát vang lên: “Với Carrefour, tất cả sẽ tuyệt vời”. Nhạc thang máy vang lên khắp nơi chứ không chỉ trong thang máy. Ðiện thoại di động réo điếc tại trong các đoàn tàu cao tốc, nhà hàng, nhà thờ, thậm chí đến cả các tu viện dòng Thánh Benoit cũng khó mà chống cự lại mớ âm thanh váng óc đó. (Tôi biết rõ điều này vì đã từng trải nghiệm) Theo các nghiên cứu có nhắc đến ở trên, trung bình một công dân phương Tây nghe tới 4.000 thông điệp quảng cáo mỗi ngày. Con người ta đã tiến vào hang động của Platon. Triết gia Hy Lạp đã mô tả những người bị xiềng xích trong một hang động, họ ngắm nhìn bóng của thực tại trên vách tường ngục tối. Hang động Platon đã tìm thấy sự hiện thân của mình trong thực tế ngày nay: giờ đây, nó có tên gọi là truyền hình. Ở đó, trên màn hình, chúng ta có thể khám phá thực tế có tên gọi “Canada Dry”: nó giống với hiện thực, nó có màu sắc của hiện thực nhưng không phải là hiện thực. Logos[16] trên các vách đã ẩm ướt của hang động đã phải nhường chỗ cho các logo thương hiệu. Loài người đã phải bỏ ra hai nghìn năm để đến được nơi này. Còn bây giờ là quảng cáo! CẢNH DIỄN RA Ở JAMAICA. BA MÔN ĐỒ ĐẠO RASTA (MỘT ÐẠO HUYỀN BÍ), NẰM DÀI DƯỚI NHỮNG GỐC CÂY DỪA, MẶT VÙI DƯỚI MỚ TÓC TAI KIỂU ĐẶC THÙ CỦA ÐẠO NÀY. RÕ RÀNG LÀ HỌ Ðà HÚT NHỮNG ĐIẾU THUỐC PHIỆN GANJA TO TƯỚNG VÀ ĐANG PHÊ THUỐC. MỘT MỤ DA ĐEN ỤCH ỊCH ĐẾN BÊN HỌ VÀ KÊU LÊN: - ÊI, CÁC CHÀNG TRAI, CHƯA ÐẾN GIỜ DẬY LÀM VIỆC HAY SAO! BA MÔN ĐỒ HÀNH ĐẠO VẪN KHÔNG HỀ HAY BIẾT. HỌ CHẲNG CÒN SỨC LỤC ĐỂ CỰA QUẬY NỮA. HỌ NGÂY NGÔ CƯỜI VỚI MỤ BÉO RỒI NHÚN VAI NHƯNG MỤ KIA VẪN LẢI NHẢI: - ĐỨNG DẬY, HẾT GIỜ NGỦ TRƯA RỒI! ÐẾN GIỜ DẬY LÀM VIỆC RỒI CÁC CHÀNG TRAI! THẤY BA MÔN ĐỔ VẪN ÁN BINH BẤT ĐỘNG, MỤ BÉO ĐÁNH TƯƠNG CÁ HŨ DANETTE LÊN MẶT MŨI ĐÁM KIA. NHÌN THẤY KEM SÔ CÔ LA TRÁNG MIỆNG, BA MÔN ĐỒ RASTA ĐỨNG PHẮT DẬY, CA MỘT BÀI CỦA BOB MARLEY: “GET UP, STAND UP!”. HỌ VỪA NHẢY MÚA TRÊN BÃI BIỂN VỪA THƯỞNG THÚC MÓN KEM TRÁNG MIỆNG. TIẾP THEO LÀ PACKSHOT “DANETTE” VỚI DÒNG SLOGAN “VÌ DANETTE, TẤT CẢ ĐỂU ĐỨNG BẬT DẬY”. II. Mày “Người ta có thể phát minh ra những điều quý báu trong “Tư tưởng” của Pascal cũng như trong quảng cáo xà phòng”. Marcel Proust 1. Tối hôm ấy mày không chợp mắt được. Kể từ lúc Sophie ra đi, mày luôn buồn chán vào cuối tuần như đồ chó chết. Một giai đoạn đau khổ ập đến. Mày xem The Grind trên MTV. Cả nghìn cô nàng mặc bikini và áo phông hở rốn đang uốn éo trên một sàn nhảy hoành tráng ngoài trời ở South Beach (Miami). Đám da đen to vật vã ghì chặt các cô nàng vào thân hình sô cô la bóng nhẫy của mình. Tiết mục đơn giản, chẳng có gì để nói tôn vinh vẻ đẹp hình thể cũng như cổ vũ cho cái gọi là techno. Tất cả chúng ta mãi mãi phải là 16 tuổi. Phải đẹp đẽ, trẻ trung, thể thao, rám nắng, tươi cười và hòa theo tiết tấu, nhịp điệu! Đương nhiên là phải điên khùng hết sức, nhưng phải vui vẻ, thuận hòa dưới ánh mặt trời Florida. Quần áo phải bó sát. The Grind là một thế giới khác, một thế giới lý tưởng, bãi biển tuyệt hảo, điệu nhảy tuyệt vời. Mà Grind, trong tiếng Anh có nghĩa là NGHIỀN NÁT. Chủ nghĩa nghiền nát trẻ trung và có tổ chức trật tự này gợi cho mày nhớ tới bộ phim Chiến thắng của Ý chí do Leni Riefenstahl đạo diễn (hay tác phẩm điêu khắc của Arno Breker). Thỉnh thoảng, phía hậu trường, một cô nàng không biết mình đang bị quay phim, ngoác miệng ngáp và thở hổn hển. Khi thấy ống kính camera quay cận cảnh, cô ả vội vàng tạo dáng, ra vẻ khiêu gợi, hệt như một cô nàng diễn viên khiêu dâm, giả nai mút ngón tay. Trong một giờ đồng hồ bất tận, mày vừa được khám phá thứ chủ nghĩa phát xít bãi biển vừa tận hưởng thứ bột trắng. Để không còn chảy máu mũi, mày dùng thể credit “Premium” nghiền bột ma túy lên tấm gương. Cần phải biến các tinh thể thành thứ bột nghiền mịn như vậy. Bột ma túy càng mịn bao nhiêu thì niêm mạc của mày càng phê bấy nhiêu. Chính cái thứ bột trắng này là cuộc sống của mày. Khi phê thuốc với cái ống hút bằng vàng, mày ngửa đầu ra sau để hạn chế không cho bột rơi vào niêm mạc mũi. Khi cảm thấy vị ma túy thân thuộc ngấm vào cổ họng, mày tợp một ngụm vodka to tướng có ngâm thuốc bổ để tránh hắt hơi. Sau chứng dị ứng cỏ khô, mày khai sinh ra một căn bệnh mới: dị ứng cocain (triệu trứng: lỗ mũi hoại tử, sổ mũi kinh niên, giật quai hàm, tấm thẻ credit màu xanh hảng “Premium” dính đầy bột trắng xung quanh mép). Sau đó thì mày lừng phừng lơ lửng và phê suốt mấy ngày weekend. Ma túy… mày đã nhìn thấy nó đến với mày ra sao rồi. Ban đầu, mày chỉ nghe người ta bàn về nó: - Suốt mấy ngày nghỉ, bọn tôi chỉ hít Corinne thôi. Sau đó, mấy mống người quen của bạn mày đề cập thẳng mà không cần vòng vo tam quốc: - Ông muốn hít không? Đám người này đã trở thành nhà cung cấp heroin cho mày như vậy đó. Sau đó, có kẻ nào trong đám tắc tử vì quá liều, kẻ khác ngồi bóc lịch sau song sắt. Ban đầu, mày tò mò hít thử xem cái thứ bột trắng này ra làm sao, dần dần mày chuyển sang hít vào cuối tuần rồi thành nghiện và lừng phừng kể cả ngày thường. Rồi quên mất rằng, thứ bột trắng này là bữa tiệc triền miên, hằng ngày mày lừ đừ ngay từ sáng sớm để khỏi phát điên, mày muốn gào rít lên nếu như phát hiện ra trong đó có trộn thuốc xổ ruột, mày sẽ muốn hắt xì hơi nếu biết trong đó có trộn strychnine. Nhưng mà đừng có than vãn gì: nếu thiếu cái thứ bột trắng này, mày sẽ buộc phải giải trí bằng trò nhảy dây trong bộ quần áo dệt kim màu xanh huỳnh quang, trượt patanh với những tấm độn bảo vệ đầu gối nom thật lố bịch, hát karaoke trong một nhà hàng kiểu Tàu, đánh đập lũ dân điên theo chủ nghĩa phát xít với đám đầu trọc, tập luyện thể dục thẩm mỹ với mấy gã trung niên thân hình săn chắc, chơi xổ số thể thao một mình, nghiên cứu tâm lý học trên một chiếc đi văng, đánh xì póoc với đám đầu trộm đuôi cướp, lướt net, chơi trò bạo dâm, thực hiện chế độ ăn kiêng, nốc uýt ki một mình trong bốn bức tường, làm vườn, trượt tuyết, sưu tập tem, theo đạo Phật, (theo kiểu đơn giản của phương Tây), chơi trò chơi điện tử loại bỏ túi, gia nhập nhóm thợ thủ công “Những đôi bàn tay khéo léo” hay nhậu nhẹt trong các bữa tiệc linh đình. Mỗi một kẻ trong chúng ta cần có thú vui của mình để “xả stress”. Tuy nhiên, như mày thấy đấy, trên thực tế, con người ta đang cố để tồn tại và để khỏi phải hóa điên. Kể từ khi sống một mình, mày thường xuyên thủ dâm mỗi khi xem băng khiêu dâm. Lúc nào mày cũng thủ những mẩu khăn vệ sinh Kleenex ở đầu ngón tay. Khi thoát khỏi Sophie, mày vẫn còn kịp thông báo cho nàng biết rằng mày thích đám gái ăn sương hơn. - Anh thề với em: em là người duy nhất mà anh muốn lừa dối. Điều này đã xảy ra như thế nào? À, khi mày đang ăn tối với nàng tại nhà hàng thì bỗng dưng Sophie thông báo rằng nàng đã dính bầu mà chủ nhân của bào thai không ai khác ngoài mày. Ừm, thậm chí bậy giờ thật là khiếp hãi khi nhớ lại. Và bất ngờ, mày buông ra một màn độc thoại dài lê thê. Mày đã trút xuống đầu nàng những lời mà tất cả đám thanh niên trên thế gian mơ ước được tuôn ra với đám nhân tình đã trót dính bầu với chúng: - Chúng ta cần phải chia tay nhau thôi… Tha lỗi cho anh… và xin em đừng khóc!... Anh chỉ mong một điều, rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau… Anh sẽ chết trong cô độc ở một chốn nào đó như con chó hoang… Hãy rời xa anh và làm lại cuộc đời khi em còn xinh đẹp… Hãy rời xa anh ra… Hãy tin rằng anh đã cố gắng níu kéo bằng tất cả sức lực của mình, nhưng anh không còn đủ sức nữa… Anh ngột ngạt lắm rồi, anh không có quyền trở thành kẻ hạnh phúc… Anh chỉ cần những người đàn bà lang chạ cùng sự cô độc thôi… Anh chỉ muốn đi du lịch một mình khắp các thành phố xa lạ. Anh không có khả năng nuôi dạy đứa trẻ bởi anh cũng là một đứa trẻ con mà thôi. Anh là con của chính bản thân mình. Mỗi buổi sáng thức dậy, anh được sinh ra anh trên cõi đời này… Anh đã không có bố thì làm sao em lại muốn anh trở thành ông bố được chứ… Anh không cần đến tình yêu của em… Anh… Nói tóm lại, đây là một loạt câu liên tiếp được bắt đầu bằng từ “anh”. Sophie trả lời: - Anh đúng là đồ quái vật. - Ừ, anh là quái vật, vậy mà em lại yêu anh thì em cũng ngớ ngẩn như vợ chưa cưới của Frankenstein[17]thôi. Sophie hằn học nhìn mày rồi đứng lên và vĩnh viễn bước ra khỏi đời mày. Và lạ lùng, khi nàng nức nở bước ra khỏi nhà hàng, mày lại có cảm giác rằng, dường như mày đang trốn chạy chứ không phải là nàng. Mày hít vào rồi thở ra và cảm nhận “sự dễ chịu đê tiện” – cái cảm giác thường được kết thúc sau mọi cuộc chia tay và rồi sau đó mày viết lên khăn giấy như thế này: “Những cuộc chia ly đó là tình yêu theo hiệp ước Munich” và “những gì mà người đời gọi là nhẹ nhàng, dịu dàng thì tôi gọi là nỗi sợ hãi của cuộc chia tay” và “Đàn bà là những thực thể mà hoặc là ta bỏ rơi họ, hoặc là ta sợ phải bỏ rơi họ”. Hay nói cách khác, nếu bạn không bỏ được họ thì rốt cục, họ sẽ khiến bạn khiếp vía. Khi một cô gái báo tin cho chàng trai của mình biết nàng đang mang thai đứa con của anh ta thì câu hỏi mà gã kia đặt ta NGAY LẬP TỨC cho hắn không phải là “Mình có cần đứa bé không?” như bạn nghĩ mà là một câu hỏi hoàn toàn khác “Mình có nên ở lại với nàng này không đây?” Cuối cùng thì sự tự do cũng chỉ là khoảnh khắc khó khăn nhưng ngắn ngủi. Tối hôm đó, mày quyết định quay trở lại quán Bar Biturique, cái nhà thổ quen thuộc của mày. Ở Pháp, nhà chứa nói chung là bị cấm đoán, nhưng riêng tại Paris thì ít nhất có không dưới dăm chục địa chỉ như vậy. Ở đó, mày sẽ được tất cả đám con gái tôn thờ ngay khi bước chân vào. Đám gái này được phân biệt bởi hai ưu điểm cơ bản: 1) Xinh đẹp. 2) Không thuộc sở hữu của mày. Mày gọi sâm banh, mời cả đám thường thức, vậy là các cô nàng bâu lấy mày, vuốt tóc, liếm cổ, lùa những móng tay dài vào ngực mày, qua lần áo sơ mi, mân mó khóa quần với cái của nợ cương cứng rồi thì thầm những câu tục tĩu vào lỗ tai mày: - Con mèo con của em, em thèm… anh quá đi mất. Em thèm… Và mày tin đám gái này, tin vào những lới họ nói. Mày quên rằng mày đang trả tiền cho họ. Tận sâu trong lòng mình, mày đang đoán rằng Joanna đơn giản là Janine, nhưng chừng nào chưa được ân ái đê mê cùng nàng thì mày cũng chẳng việc quái gì phải biết. Bây giờ mày đang là chú gà trống được tôn thờ giữa cái đám gà mái lộng lẫy. Tụ tập ngay trong lóng quán Bar Biturique, mày ngấu nghiến hôn hít những bộ ngực bơm silicon của đám gái làng chơi. Họ cưng chiều mày như mẹ nựng con. Họ dùng lưỡi liếm mặt mày. Mày cao giọng tự biện hộ cho mình: - Để sửa xe, ta phải nhờ đến một gã thợ cơ khí lành nghề. Để xây nhà, nên tìm đến kiến trúc sư giàu kinh nghiệm. Nếu bị ốm, phải tới ngay phòng mạch bác sĩ giỏi. Thế thì tại sao tình yêu xác thịt lại không cần cậy đến chuyên gia lành nghề nhỉ? 95% sẽ bằng lòng qua đêm với bất cứ ai nếu được bo 10 nghìn phờ-răng. Mà chỉ cần chi nửa chỗ đó thôi, bất cứ em nào cũng sẵn sàng bú mút mày. Cô ả sẽ làm ra vẻ không hài lòng và tuyệt đối không hé răng kể chuyện này với đám bạn thân, nhưng tôi dám cá với bạn rằng, chỉ cần 500 thôi là bạn đã có thể làm bất cứ trò gì mình muốn với cô nàng, thậm chí là với mức ít hơn thế. Ta có thể muốn bất cứ em nào thấy thích mắt, vần đề chỉ là giá cả mà thôi: các cô nàng liệu có dám từ chối bú mút nếu được trả một triệu, mười triệu hay trăm triệu không? Trong hầu hết các trường hợp, tình yêu chỉ là một thứ đạo đức giả: các cô nàng xinh đẹp yêu (họ tin rằng đó là tình yêu thành thật) đám đực rựa ví căng đầy tiền – những kẻ có thể mang lại cho các nàng một cuộc sống ngọt ngào sang trọng. Không kẽ họ khác đám gái điếm ư? Giống quá đi chứ. Joanna và Sonia đồng tình với lập luận của mày. Cả hai cô luôn tán thành mớ lý luận sắc bén của mày. Mèo mả gà đồng gặp nhau thôi, ngay cả mày cũng vậy – mày cũng đang bán mình cho đám Đại Tư bản, hệt như đám gái ăn sương đấy thôi. Thêm vào đó, chỉ có đám gái làng chơi này mới có thể đánh thức chức năng đàn ông trong con người mày, thậm chí cả khi mày đang phê ma túy và vào những lúc đó, mày chỉ còn có thể phát ra âm thanh be be như thế này: - Đừng có để ý cọng rơm trong lỗ mũi người khác mà hay để ý đến cái của nợ cương cứng sau khóa quần của mày ấy. Mày đóng vai một kẻ vô liêm sỉ mặc dù trên thực tế, mày không phải là kẻ như vậy. Mày đi tìm đám gái làm tiền không phải vì thói trơ trẽn mà trái lại – mày tìm họ bởi mày sợ hãi tình yêu. Đám gái ấy làm tình với mày mà chẳng hề có cảm giác gì, họ mang lại khoái cảm cho mày và chẳng hề khiến mày buồn lòng. “Sự thật là một khoảnh khắc của sự giả dối”, Guy Debord đã viết như thế - sau Hegel – và hai người này thì đương nhiên là thông mình hơn mày rồi. Câu này miêu tả đúng tình trạng của các nhà thổ chứa gái làng chơi. Với đám gái này, sự giả dối là một khoảnh khắc của sự thật. Rốt cục, mày cũng thực sự là chính mày. Trong xã hội của một người đàn bà “bình thường”, ta cần phải không ngừng nỗ lực, tự khoe mẽ, tự đề cao, nói tóm lại là lừa dối: và lúc này, gã đàn ông mới chính là điếm. Đổi lại, trong nhà thổ, gã có thể thư giãn, chỉ cần tìm cách để mua vui, để tỏ ra hay ho hơn chính bản thân mình. Đây là chỗ giả dối duy nhất mà trên thực tế, hắn lại là kẻ thật thà, nghĩa là yếu đuối, đẹp đẽ và mong manh. Có lẽ sẽ không tồi nếu ta viết một cuốn tiểu thuyết với tựa đề “Tình yêu đáng giá 3000 phờ-răng”. Mày đốt tiền cho đám gái làng chơi nhằm tiết kiệm chính bản thân mình. Mày quá yếu đuối để có thể một lần nữa dám yêu với tất cả những hệ lụy kèm theo: tim đập mạnh, cảm xúc bộc phát, thất vọng bất ngờ. Giờ đây, đối với mày, cuộc phiêu lưu lãng mạn nhất chính là những chuyến viếng thăm nhà thổ. Chỉ những ké lý trí mới có nhu cầu trả tiền vì tình yêu nhằm tránh rủi ro đau khổ vì tình. Ngoài tuổi 30, tất cả chúng ta đều bọc thép bản thân mình: trải qua không ít thảm họa yêu đương, đám tình nhân bỏ của chạy lấy người, gặp gỡ hẹn hò với đám khụ khị trông có vẻ đang tin cậy. Còn đám đực rựa chẳng buồn yêu nữa và đi tìm niềm an ủi ở những cô nàng lolita[18] bốc lửa hoặc đám gái làng chơi. Mỗi người tự đắp lên mình một vỏ bọc vờ vịt và chẳng ai muốn tỏ ra nực cười hay bất hạnh. Mày nuối tiếc cái thời tình yêu là hương thơm, mật ngọt và nó chẳng hề làm mày mảy may đau khổ. Vào năm 16 tuổi, mày tán tỉnh các cô bé, bỏ rơi họ (hoặc cũng có thể họ bỏ rơi mày) và những chuyện đó chẳng có gì là nghiêm trọng, chỉ cần giải quyết chóng vánh vài giây là xong. Vậy thì tại sao mọi chuyện dần dần trở nên quan trọng đến thế? Về lô-gic sự việc thì lẽ ra, mọi thứ phải theo thứ tự ngược lại: bị kịch thời niên thiếu và sự trống rỗng vào giai đoạn ngoài ba mươi. Nhưng, than ôi, mọi việc lại không phải như vậy! Càng già đi, người ta lại càng trở nên mềm yếu. Ở lứa tuổi 33, mày nhìn nhận mọi việc theo chiều nghiêm túc. Sau đó, khi trở về nhà, mày uống thuốc ngủ và không mộng tưởng nữa. Chỉ lúc ấy, chàng trai tội nghiệp của tôi ơi, mày mới có thể quên nổi Sophie trong vài tiếng. 2. Sáng thứ hai, mày đến văn phòng Rosse trên đôi chân nặng như chì, trong khi đầu đang suy tính về sự chọn lọc tàn nhẫn của Đấng tối cao Tiếp thị. Trước đây, chúng ta bán sáu chục loại táo khác nhau, vậy mà nay chỉ còn lại có ba (vàng, xanh và đỏ). Trước kia, người ta mất ba tháng để nuôi gà, nay chỉ cần 42 ngày là ta đã nhận thấy sự khác biệt giữa một quả trứng và một chú gà bọc giấy kính nằm trên kệ siêu thị. Mà 42 ngày ấy thật khốc liệt làm sao! (25 chú gà con chen chúc trong một mét vuông, được nuôi bằng kháng sinh và chất làm dịu thần kinh). Đến thập niên 70, người ta vẫn còn phân biệt được mười mùi vị khác nhau của phó mát ca-măm-be vùng Normandie, nay nhiều nhất chỉ còn ba (do tiêu chuẩn hóa sữa “nhiệt hóa”). Điều này đương nhiên chẳng phải là việc của mày nhưng nó là thế giới của mày. Trong chai Coca Cola (một tỉ rưỡi phờ-răng ngân sách chi cho quảng cáo năm 1997), người ta không còn cho cocain vào nữa nhưng lại bổ sung axit phốt pho và axit xitric để tạo ra ảo giác hết khát cũng như thói quen sử dụng loại nước giải khát này. Bò sữa được nuôi bằng loại cỏ đặc biệt đã lên men, và cũng bởi vậy mà các chú bò mắc chứng xơ gan. Người ta còn nuôi chúng bằng kháng sinh nhằm tạo ra các loại vi-rút kháng thuốc. Các loại vi khuẩn này cư trú trong thịt bò. Tôi sẽ không nói đến loại bột xương gây ra bệnh bò điên ở bò, bởi báo chí đã viết về vấn đề này nhiều rồi. Trong sữa của những con bò này đầy chất dioxyn có lẫn trong cỏ. Cá nuôi cũng vậy. Chúng được nuôi bằng các loại bột cá (loại thức ăn này độc hại cho cá cũng như bột xương cho gia súc vậy) và các loại kháng sinh… Mùa đông, dâu tây chuyển đổi gien thậm chí không còn đông lạnh nữa nhờ gien từ một loại cá ở vùng biển bắc. Di truyền học đã lai gà với khoai tây, bò cạp với bông, chuột hang với thuốc lá, thuốc lá với rau xà lách, con người với cà chua. Bên cạnh đó, đang xuất hiện ngày càng nhiều bệnh nhân ở độ tuổi ba mươi với chứng ung thư thận, ung thư dạ con, ung thư vú, ung thư hậu môn, ung thư tuyến giáp trạng, ung thư ruột, ung thư tinh hoàn, và các bác sĩ thì chẳng biết được nguyên nhân vì sao. Thậm chí trẻ con cũng dính bệnh: tại các thành phố lớn, con số trẻ em mắc chứng ung thư máu, u não, dịch đường hô hấp… ngày càng tăng. Theo giáo sư Luc Montagnier, việc xuất hiện bệnh AIDS được giải thích không chỉ bằng sự truyền vi rút HIV (do chính ông phát hiện) mà còn bằng những yếu tố bổ sung “có liên quan tới nền văn minh hiện đại của chúng ta” mà chính xác hơn, theo giáo sư, là sự ô nhiễm môi trường và thói quen ăn uống đã làm suy yếu các hệ phòng miễn dịch của con người. Càng ngày, chất lượng tinh dịch càng giảm xuống, và vấn đề sinh đẻ của loài người đang bị đe dọa. Nền văn minh này dựa trên những mong muốn giả tạo do mày khơi nên và hâm nóng. Và nó đang sắp diệt vong. Tại nơi mày làm việc có rất nhiều loại thông tin đang lưu hành, vì dụ, tình cờ mày biết rằng, có những loại máy giặt bền “trên cả tuyệt với” mà không một nhà sản xuất nào muốn tung ra, rằng một ai đó đã sáng chế ra loại vớ mỏng không xổ sợi, nhưng một hãng lớn chuyên sản xuất loại vớ liền quần đã mua lại bằng sáng chế của người này nhằm hủy bỏ nó, rằng bằng sáng chế ra loại lốp xe không nổ cũng bị xếp xó, và cũng chính vì thế mà thần chết đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người trong các vụ tai nạn giao thông hàng năm, rằng lobby dầu khí đang huy động hết quyền lực của nó nhằm trì hoãn việc phổ biến xe hơi điện (và điều này được trả giá bằng tỷ lệ khí các-bon trong khí quyển tăng lên, kéo theo sự nóng lên của trái đất mà chúng ta vẫn gọi là “hiệu ứng nhà kính” – điều này có lẽ sẽ là nguyên nhân gây ra vô số hiểm họa thiên tai từ nay đến 2050 như bão lốc, băng bắc cực tan chảy, mực nước biển dâng dao, các loại ung thư da, đó là chưa kể đến nạn thủy triều đen), rằng thậm chí ngay cả thuốc đánh răng cũng là một sản phẩm vô dụng vì tất cả vấn đề săn sóc răng miệng lại nằm ở bàn chải đánh răng, còn thuốc đánh răng chỉ là thứ giúp làm thơm hơi thở, rằng tất cả các loại nước rửa bát đều hoàn toàn như nhau và máy rửa chén bát mới là công cụ chính trong việc vệ sinh chứ không phải là nước rửa chén, rằng các loại đĩa Compact cũng bị xước như đĩa làm bằng chất dẻo, rằng giấy kim loại độc hại hơn amiăng, rằng thành phần cấu tạo của các loại kem chống nắng vẫn không hề thay đổi kể từ cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, mặc dù số u hắc tố đang ngày càng tăng vọt (các loại kem chống nắng chỉ bảo vệ được làn da khỏi tia cực tím UVB, còn đối với UVA độc hại thì chúng chẳng có tác dụng gì), rằng, các chiến dịch quảng cáo của Nestlé nhắm đến việc cung cấp sữa bột cho trẻ em ở các nước thứ ba đã gây nên cái chết cho hàng triệu thượng đế nhí bởi bố mẹ chúng pha sữa bằng thứ nước không thể uống được. Sự thống trị thị trường phụ thuộc vào việc tiêu thụ sản phẩm, còn nghề của mày là thuyết phục người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm chóng hư hỏng nhất. Các nhà công nghiệp gọi đó là “việc lập trình cho sự bào mòn đạo đức”. Mày phải nhắm mắt làm ngơ và không cần băn khoăn day dứt gì. Đương nhiên mày có thể tuyên bố như Maurice Papon, rằng mày không hề hay biết hoặc không thể làm khác được, rằng mày đã cố ngăn lại quá trình này, rằng mày không nhất thiết phải trở thành một người anh hùng… Trong suốt cả chục năm, mày nằm im như thóc mà chẳng hề có chút đối phó nào với sự đê tiện này. Nếu không có mày, có thể mọi việc đã diễn ra theo cách khác. Có thể, lúc đó, cái ngành quảng cáo đang hiện diện khắp chốn khắp nơi và khiến con người ta lợm giọng, sẽ không còn hủ hóa được thế giới này. Trên các con đường không còn hiện diện những tấm biển hiệu mời gọi, ở các góc phố không còn cửa hiệu thức ăn nhanh, mọi người dạo chơi trên phố và trò chuyện với nhau thư thả. Cuộc sống không phải lúc nào cũng sẽ diễn ra như hiện tại, và mày cũng chẳng thể mong muốn sự bất hạnh giả tạo này. Cũng không phải mày là người sản xuất ra tất cả các loại xe hơi bất động kia (sẽ có 2 tỉ rưỡi chiếc như vậy trên thế giới vào năm 2050). Tuy nhiên, mày cũng chẳng hề động đậy tay chân để thay đổi thế giới này theo chiều hướng tích cực hơn, tốt đẹp hơn. Một trong mười điều răng của kinh thánh nói rằng: “Đừng biến mình thành thần tượng… Đừng quỳ mọp trước mặt chúng và cũng đừng cung phụng chúng…” Nhưng cũng giống như hết thảy mọi kẻ khác, mày đã phạm tội lỗi chết người và đang bị bắt quả tang ngay tại trận. Và sự trừng phạt của trời thì mày biết đấy: đó là Địa ngục mà mày đang sống trong đó. - Cậu có thể dành chút thời gian cho tớ không hay là đang bận đấy? Đó là Jean Francois, phụ trách khách hàng của Madone đang thò đầu vào phòng làm việc của mày. - Charlie đang bận bịu với đám họa sỹ, nên quay lại sau giờ ăn trưa là tốt hơn cả. - OK, gã nói, - nhưng mà cậu có nghĩ là ta cần phải xốc lại mọi việc với Mergrelet không. Bôi trơn cấp lãnh đạo chẳng hạn. - À, đúng, quyến rũ, dụ dỗ là thiên chức của chúng ta mà! Chẳng có thứ quái gì trên Trái đất này ngoài sự dụ dỗ. Đó chính là động lực duy nhất của sự tiến bộ loài người! Gã ta nhìn mày hệt như nhìn thằng ngố: - Này, cậu đã nghỉ ngơi xả láng trong mấy ngày cuối tuần chưa đấy? - Tôi ấy à, tôi là tên tay sai trung thành của cái gọi là Xã hội màu mè phô trương mà, là kẻ thừa hành cho dòng năng lượng cuồn cuộn và sẵn sàng cho những cuộc chinh phục mới. Tiến lên, các bạn đồng nghiệp ơi, tiến đến Đệ tứ Reich! Jeft tiến lại gần, nhìn chằm chằm vào chỏm mũi mày. - Cậu có cái gì trăng trắng ở đây này. Gã lấy ống tay áo phẩy bột ở trên cánh mũi mày rồi nói tiếp: - Bây giờ tớ cần phải biến vì có cuộc gặp bên ngoài, nhưng cậu có thể gọi cho tớ qua điện thoại di động. - Ừm, m, m, Jeft, tôi rất thích gọi cho anh vào di động. Ngay sau đó, Charlie quay lại và ngồi trước mặt mày. Charlie là thành trì và là nguồn an ủi của tôi. Hắn khỏe mạnh, lừng lững và tự tin, trong khi tôi lại èo uột, ốm yếu, Charlie là một kẻ hạnh phúc hoặc biết cách thể hiện mình hạnh phúc một cách khéo léo. Hắn có một vợ, hai tàu há mồm, luôn nhìn đời bằng con mắt lạc quan, vui vẻ - mỗi người trong chúng ta đều có cách riêng của mình để xua đi những điều phi lý. Charlie sẽ bỏ qua những nhõng nhẽo thái quá của mày. Mày quý mến Charlie bởi gã bù đắp cho mày những cái mày thiếu. Hắn rít cần sa với những điếu thuốc to vật vã trong khi mày đang nén nhịn thứ bột trắng đó. Suốt ngày hắn đào bới lùng sục những bức ảnh cực kỳ khiêu dâm trên mạng Internet, ví dụ một gã trai đóng đinh bìu dái của mình lên ván gỗ; một bà mụ to béo sồ sề đang tự thỏa mãn mình bằng loại dụng cụ tình dục làm từ chất dẻo, và hắn coi những trò như thế này là hình thức “giải trí”. - Charlie, ông đã xem The Grind trên MTV bao giờ chưa? Tôi có cảm giác rằng, có thể cuỗm được ý tưởng gì đó từ cái đám vô cảm, dữ dằn và tởm lợm này. Cái thẩm mỹ học trong không gian là vậy đấy… Vân vê điều cần sa to tường, Charlie đồng tình với mày: - Đúng rồi, chương trình phát sóng này không phải dành cho đám yếu thần kinh đâu. Nếu ta đề nghị Maigrelette tài trợ cho chương trình này thì sao nhỉ? Còn để quảng cáo thì có lẽ ta nên chọn những trích đoạn quảng cáo khoảng chừng vài chục giây rồi đưa logo của Maigrelette lên trên góc bên phải, giống như vị trí của MTV ấy… - Ôi, nghe tuyệt đấy! Tôi cứ tưởng tượng ra cảnh đám thanh niên nam nữ này uốn éo, dậm dật ra sao trên kênh “Maigrelette TV”! Thậm chí, ta còn có thể nhét nó sang bên CNN nữa! Rồi sau đó có thể phát sóng lại trong các chương trình thời sự buổi tối như là một thượng hiệu chung “Grind – Mairgrellet”! - Chính xác! Vì chương trình được phát sóng theo lịch trình khác nhau nên hằng ngày ta lại có thể cho phát những đoạn khác nhau. Đây có lẽ sẽ là một spot quảng cáo đầu tiên không bị lặp đi lặp lại! - Ý tưởng hay đấy! Báo chí sẽ sà đến ngay. Nhớ chép lại những điều ông vừa nói và lên kế hoạch thực hiện thôi. - OK, làm thế nào để đưa dòng “Maigrellete sẽ giúp bạn trở nên xinh đẹp và thông minh” vào đây? - Tôi nghĩ ra rồi. Nghe này, trên màn hình là hàng trăm thanh niên nam nữ nhảy nhót trên bão cỏ xung quanh bể bơi khổng lồ, dưới vòm trời màu xanh sáng. Thế rồi bỗng nhiên, sau khoảng hai chục giây, một câu slogan thế này hiện ra: “MAIRGELLET GIÚP HỌ TRỞ NÊN XINH ĐẸP VÀ KHÔNG CHỈ CÓ THẾ: BẠN VẪN CHƯA NGHE HỌ NÓI NHƯ THẾ NÀO”. - Octave, ông cừ thật! - Không đâu, tôi còn kém xa ông đấy! - Thôi mà, tôi biết ông giỏi thật mà. - Tôi lại nghĩ là tôi thua xa ông chứ. - Ôi, ông thật đáng yêu quá, cho tôi thơm ông tí. - Ôi, tôi thích cái ông làm đấy. - Không, tôi thích ÔNG cơ. Thật tình mà nói thì cả hai đều là những kẻ dối trá. Mày bắt tay vào sáng tạo một script mới, trong khi Charlie đang tìm kiếm một bức hình khiêu dâm mới trên mạng. Ngày hôm sau, mày đưa kịch bản mới cho Marronnier xem. Gã gật gù (chuyện bình thường, có gì lạ đâu: gã là sếp, là cha chú, còn chúng ta là nhân viên, là bậc con cháu mà). - Cái phương án này đương nhiên là không tiêu hóa được, nhưng nếu cậu thích thì cứ tiếp tục thôi. Octave, tôi chỉ yêu cầu cậu một điều: đừng có viết tầm bậy tầm bạ lên tường theo kiểu Charles Mansou ở văn phòng khách hàng yêu quý của chúng ta nữa. Sau đó, mày gọi di động cho Jean Francois. - Nghe này, Jean Francois, tôi có tin này cho ông đây. - Youpéka![19] Nhưng chúng tôi cần tới ba tuần để thực hiện điều này. Sự im lặng chết chóc bao trùm đầu dây bên kia. Sau đó đột nhiên có tiếng la: - Các cậu điên hết cả rồi hay sao? Tuần sau tớ phải trình dự án cho họ rồi. - Vậy thì mười lăm ngày đi. - Mười. - Mười hai. - Mười một. - Nghĩa là chiều nay ta gửi băng video chương trình phát sóng sang cho Madone, - Charlie cắt ngang. – Bên Madone sẽ rất khoái vì tốc độ làm việc nhanh chóng của chúng ta. Chắc chắn họ sẽ mua ngay mà chẳng cần suy nghĩ. Jean Francois trịnh trọng thông báo rằng, “Đề nghị rất có triển vọng này có thể trở thành yếu tố quan trọng trong dự án tương lai của chúng ta” (hết trích dẫn). Mày vỗ tay trong tâm tưởng. Người ta vẫn cho rằng, cái đám nhân viên sáng tạo thường coi khinh đám nhân viên khách hàng và ngược lại. Nhưng điều này không hẳn thế: cả hai bên đều cần đến nhau và trong công việc của chúng ta, người ta chỉ ưa những kẻ họ cần, và họ giữ mối quan hệ với đám còn lại là chỉ nhằm lấy lệ mà thôi. Charlie đúng là giỏi thật, làm việc gì cũng chỉn chu đâu vào đấy, chẳng phụ thuộc vào hoàn cảnh, Nói chung, khi Charlie bắt đầu ra chỉ thị là chẳng ai dám trái ý. 3. Sophie rời khỏi mày đơn giản như khi đến với mày vậy. Giờ đây, mày ngồi ăn trưa một mình. Trước đây, mày có cả đống bạn bè, giờ chẳng thấy mống nào. Điều này có nghĩa là mày chẳng bao giờ có bạn bè. Mày nốc rượu, chiếc áo vét mày bốc ra mùi pho mát nóng chảy. Thật là thú vị! “Hãy cho phép anh từ bỏ em. Hãy để anh ra đi, hãy để anh một lần nữa được trở lại làm một kẻ đê tiện”, mày đã nói với nàng như thế. Mày bước ra phố, không thèm đeo kính để khỏi phải nhìn thấy chiếc mũi của mình. Cận thị là cái thứ sang trọng cuối cùng của mày. Tất cả xung quanh đều bồng bềnh kỳ diệu như trong một đoạn phim quảng cáo. Tất cả chỉ là bề nổi và chòng chành. Hãy cẩn thận. Nụ cười của mày đâu rồi? Mày đang trèo lên đỉnh cao nhất của xã hội tiêu dùng cũng như xã hội truyền thông. Trong cá nhà hàng, mày gọi món sushi gan ngỗng áp chảo ướp tiêu theo kiểu Tứ xuyên kèm vị lê, nước xốt thịt bê, đậu tương và dấm thơm. Trước mặt mày là một đứa con gái tươi cười. Cô nàng sẽ mãi mãi chẳng hiểu được rằng mày đang sẵn sàng yêu cô ta. Ôi-ôi-ôi-ôi! Những giây phút mới đẹp đẽ làm sao! Chống tay lên bàn quầy bar, mày tơ tưởng tới đám đàn bà con gái mới. Mày đã phải mất nhiều thì giờ để hiểu mình muốn gì trong cõi đời này: sự cô đơn, lặng lẽ, những cuộc rượu chè, những cuốn sách, những liều ma túy, thú viết lách và thi thoảng làm tình với một người đẹp mà mày sẽ chẳng bao giờ gặp lại. - Hãy đuổi việc tôi đi! Mày gào lên trong đại sảnh công ty như một thằng điên nhưng chẳng ma nào thèm nghe bài ca của mày. - Hãy đuổi việc tôi đi! Vài cu cậu nhân viên tập sự chỉ trỏ mày rồi cười hô hố và cứ tưởng rằng mày đang pha trò, đồng thời cũng tranh thủ dịp này để lấy lòng mày, rũ rượi cười bở những trò nhạt phếch của mày. - Hãy đuổi việc tôi đi! Nhưng trong cái không gian mở này, chẳng có ai nghe thấy mày. Thế rồi, bỗng dưng mà hiểu ra vì sao cái đám tập sự kia lại cười: có vết son môi trên khóa quần jean màu trắng của mày. Những câu slogan của mày đang vang lên hàng ngày trên ti vi: “ĐỪNG TÁI SINH, HÃY BẮT CHƯỚC”. “CUỘC SỐNG SẼ RA SAO NẾU KHÔNG CÓ SÂM BANH KRUG?”. “DUSOK – THỨ NƯỚC HOA NGƯỜI TA THÍCH COI THƯỜNG”. “RADIO NOVA LÚC NÀO CŨNG MỚI”. “KENZO JUNGLE, HÃY THỬ TỚI GẦN XEM”. “VIAGRA, KHÔNG CÒN SỰ YẾU ỚT”. “EUROSTAR, VIỆC GÌ PHẢI ĐI TỪ ROISSY ĐẾN HEATHROW TRONG KHI CÓ THỂ ĐI TỪ PARIS ĐẾN LONDON?”. “CANDEREL – EM ĐẸP, CANDEREL – EM THANH MẢNH, EM VUI NHỘN NHƯ CHÍNH MÙA XUÂN”. “BOUYGUES TELECOM, BẠN Đà ĐẶT MUA TƯƠNG LAI? ĐỪNG BỎ MÁY NHÉ”. “LACOSTE, SẼ TRỞ NÊN LỊCH LÃM NHƯ BỐ MẸ TA”. “CHANEL SỐ 5, SẴN SÀNG Ở KHẮP NƠI”. - Hãy đuổi việc tôi đi! Mày muốn nằm dài trên thảm cỏ xanh và khóc mà nhìn trời. Quảng cáo đã làm cho Hitler trúng cử. Quảng cáo hiệu triệu để các công dân tin rằng tình hình diễn ra bình thường trong khi nó đang ngàn cân treo sợi tóc. Nó tựa hồ như tên điếm canh thời Trung Cổ “Hãy ngủ đi hỡi những con người lương thiện, đã nửa đêm rồi, mọi sự yên lành, có bánh, có rượu vang, có Boursin – và cuộc sống vẹn nguyên, Mù tạt May dành cho tất cả hôm nay, Radio Nova luôn mới nha, Mini-Prix – bạn của ta, dịch vụ tối đa! Ngủ ngon đi, hỡi những con người lương thiện! Tất cả chúng ta đều là những kẻ bất hạnh trong thế giới hiện đại”, Charles Peguy đã từng cảnh báo trước cho chúng ta như vậy. Đúng thế, những kẻ thất nghiệp đau khổ vì không có việc làm, còn người lao động thì khổ vì có việc. Hãy ngủ ngon đi, hãy uống thuốc an thần Prozac để không còn mất ngủ. Và điều cơ bản là đừng đặt ra những câu hỏi thừa. Hier ist kein warum. Đây không có gì phải hỏi hết. Phải thừa nhận rằng, tất cả những gì diễn ra trên bề mặt hành tinh này đều không quan trọng nếu xét ở quy mô vũ trụ. Những gì do một cư dân Trái đất viết ra ắt là sẽ được một cư dân Trái đất khác đọc. Thậm chí có thể cả hệ ngân hà cũng cóc cần biết rằng doanh thu của Microsoft ngang bằng tổng thu nhập quốc dân của Bỉ, rằng tài sản cá nhân của Bill Gates được ước lượng tới 100 tỉ đô la. Mày sốt sắng, nhiệt tình làm việc, gắn mình với những cá nhân nào đó, yêu một vài em, bồn chồn, tất tả về một hòn sỏi quay trong bóng đêm của Vũ trụ. Cũng chẳng ai ngăn cản hay hạn chế những tham vọng của mày. Mày có nhận thấy mình cũng chỉ là một thứ vi trùng vô nghĩa không? Liệu có một thứ Baygon hiệu quả để chống lại loài côn trùng có hại như mày không? Mày chỉ nghe rặt loại đĩa CD của đám chán đời không thiết sống: Nirvana, INXS, Joy Division, Mike Brant. Mày cảm thấy mình như một lão già khốt ta bít vì chỉ thích nghe toàn nhạc cổ lỗ sỉ làm từ vi-ni lon với đường kính 30 cm. Ở Pháp, mỗi năm có 12.000 vụ tự tử, nghĩa là cứ mỗi giờ đồng hồ có hơn một vụ. Nếu bạn đọc quyển sách này trong một giờ thì ắt đã có một mống nào đó về với Chúa. Và nếu là hai giờ đồng hồ (nếu bạn đọc chậm rãi) thì ắt có hai mống thăng thiên. Và cứ như thế. Hai mươi tư cái xác tự nguyện mỗi ngày. 168 kẻ tự nguyện lìa bỏ cõi đời mỗi tuần. Một nghìn cái chết theo ý nguyện mỗi tháng. Một cuộc sát sinh đúng nghĩa mà chẳng hề có ai nhắc đến. Pháp là giáo phái khổng lồ của Đền mặt trời[20]. Theo số liệu thăm dò của Sofres thì có 13% công dân Pháp trường thành đã từng nghĩ đến tự tử một cách nghiêm túc”. Mỗi sáng, mày mở ra nghe ba hộp thư trả lời điện thoại tự động: hộp thư trả lời tự động ở nhà, ở cơ quan và trên chiếc điện thoại di động cùng với mớ thư điện tử trên laptop. Chỉ có hộp thư điện tử của mày là cứ trống không một cách tuyệt vọng. Mày không còn nhận được là thư tình nào nữa. Mày cũng chẳng còn cơ hội đọc những lá thư đẫm chất e dè với dầm dề nước mắt – những lá thư được ướp bằng thứ hương tình yêu và nỗi xúc động ẩn chứa tràn trề trong phong bì, nơi dòng địa chỉ được đề cẩn thận kèm theo lời nhắn gửi cho người bưu tá: “Bác bưu tá yêu quý ơi, chớ đi lạc đường, hãy mang lá thư này đến cho người nhận mà tôi hằng ngưỡng mộ...!” Và người ta kết liễu cuộc đời mình vì qua bưu điện, họ nhận được chỉ rặt những tờ quảng cáo. Mày nhường bước trước sự cám dỗ của tia cực tím. Một khi rơi vào tình trạng trầm uất – mà mày luôn trong tình trạng như thế này – mày lại chiều lòng mình bằng tia cực tím. Rốt cục là, mày càng ưu sầu bao nhiêu thì người mày lại càng rám nắng bấy nhiêu. Nỗi buồn chán mang lại cho mày một vẻ ngoài tươi tắn. Sự thất vọng cũng ngang bằng với cú sốc nắng của mày. Ai có thể đoán được rằng mày đang đau khổ? Khuôn mặt mày đang rạng rỡ thế cơ mà. Mày nghĩ rằng màu da sạm nắng có thể làm mình trẻ lâu hay sao? – hừ, thực tế lại là ngược lại: người ta nhận ra ngay đám khốt ta bít bằng cái sắc màu nâu đỏ này đấy. Ngày nay, chỉ có cái đám khốt này mới có nhiều thì giờ để mạ vàng cái lớp ngoài hừng hực của mình. Lớp trẻ thì mặt mũi xanh xao buồn chán trong khi đám khốt, ai cũng như ai, rám nắng và vui vẻ - còn phải nói, lương hưu của họ là do lớp trẻ chúng ta chi. Tựa như Jacques Seguela – mày đang muốn đạt được điều đó chăng? Hãy cẩn thận – rốt cục thì tia cực tím cũng sẽ nướng cháy mày không khác gì than hoạt tính. Lúc đó là ở ngoại ô Mega-Rail. Tất cả là do cái thứ cocain chết tiệt mà ra. Nếu không phải thứ bột trắng này thì chắc hẳn mày đã chẳng làm điều xằng bậy – chẳng hạn như bỏ Sophie hay phô trương trò chơi chữ ngu ngốc, ngớ ngẩn như vậy. Cocain là cái cớ cho mọi thứ trên đời. Khi đánh máy cuốn tiểu thuyết này trên máy tính, mày tự coi mình như một tên mật thám lọt vào trung tâm của hệ thống để theo dõi guồng hoạt động của cỗ máy đang đầu độc tâm hồn ta. (Rút cục thì chẳng lẽ CIA không phải là một hãng thông tin hay sao?). Mày vừa là thằng lính đánh thuê, vừa là gián điệp, và mày thu thập thông tin tối mật để ghi vào đĩa mềm của mình. Nếu như vào một lúc nào đó mày bị bắt, người ta sẽ tra khảo mày cho tới khi nào mày nộp lại mớ microfilm này. Nhưng mày sẽ không hé răng và một mực đổ lỗi cho cocain. Và nếu người ta thử mày qua hệ thống máy phát hiện nói dối, mày sẽ thề trời tru đất diệt rằng rằng, trong cuộc phiêu lưu mạo hiểm này, mày chỉ là một tên lính gác không hơn không kém. Sáng nào mày cũng đụng phải một gã thất nghiệp vô gia cư, giống hệt như mày ngay dưới của khu nhà. Một gã gầy đét, cao lồng ngồng, da xanh mét, má hóp. Một bản sao của mày với bộ râu rậm, bẩn thỉu, quần áo rách mướp, tồi tàn, hôi hám với một cái khoen ở cánh mũi, một gã không xu dính túi với hơi thở nồng nặc mùi rượu. Một hình ảnh của mày trong tương lai khi mà bánh xe Số phận quay tròn là lúc mày phải qua đêm trên tấm lưới thông gió của tàu điện ngầm. Cái gã vô gia cư này cứ liên tục gào lên: “KẺ NÀO GIEO GIÓ ẮT SẼ GẶT BÃO!” rồi lại thiếp đi trên tấm lưới. Mày mài đít quần thâu đêm trước trò chơi điện tử Playstation. Mày trả thuê bao với mức 29 euro để gia nhập Câu lạc bộ Playstation. Bảy lần trong một năm mày nhận được những chiếc đĩa CD miễn phí thúc giục mua sắm và một bảng câu hỏi cho phép hãng Sony ước tính số lượng cũng như tiến triển trong việc mua sắm của mày, ước lượng được sức mua sắm cũng như mức độ hài lòng của mày đối với hàng hóa dựa trên sự đánh giá khách quan của mày. Mày lê lết hàng giờ trong siêu thị, mỉm cười với những chiếc camera theo dõi. Mà này, còn một thông tin nữa mà mày khai thác được trong công việc của mình: những chiếc camera giờ đây không chỉ dùng để phát hiện đám trộm cắp vặt. Những chiếc web-cam với tia hồng ngoại ẩn trong trần nhà và được kết nối với máy tính trung tâm sẽ cho phép nhà phân phối nhận ra sở thích cũng như thói quen tiêu dùng của bạn bằng cách nhận diện các mã vạch của những mặt hàng bạn mua rồi từ đó đưa ra các đề nghị giảm giá, buộc bạn nếm thử các sản phẩm mới, dẫn dắt bạn bằng ngôn từ để hướng bạn tới những kệ hàng với các sản phẩm bạn thích. Trong một ngày không xa, bạn chẳng cần phải tới cửa hàng làm gì: các chuyên gia tiếp thị nắm bắt biết được gu của bạn và kết nối tủ lạnh với Internet để rồi giao sản phẩm đến tận nhà cho bạn. Như vậy, cả cuộc đời của bạn sẽ được lập kế hoạch và kết nối với nền công nghiệp hóa toàn cầu. Tuyệt quá, không đúng hay sao? Này, cậu bé ơi, hãy chào cái camera đi. Nó là đứa bạn gái duy nhất của mày đấy. Mày vừa nhận được chiếc phong bì làm bằng loại giấy dày khổ A4 qua đường bưu điện. Nghĩa là, mày sẽ sớm thất vọng: cũng đã có ai đó viết cho mày. Mày bóc nó ra để thấy một tấm phim trắng đen lạ lùng bằng laser với những dòng chữ in cùng những con số thô cộc bí hiểm: “43 5, 0 bg4 fr15 pse12 rj33 gm f2, alr l i/l ml dr55”. Ở phía trên bên trái của tấm phim là dấu hiệu giờ giấc, ngày tháng. Mày ngần ngừ lưỡng lự. Cuối cùng thì giữa những mảng trắng trên nền xám, mày cũng kịp phân biệt được một con mắt lạ lùng của vật thể nào đó ngoài hành tinh đang chằm chằm nhìn mày, hai tay, những dấu hiệu của cái mũi và bên cạnh là một cái gì đó giống như cái tai... Mày lờ mờ đoán ra rằng, trước mắt mày là một bản phim siêu âm gợi cho mày nhớ đến một bức tranh nghệ thuật trừu tượng có kém một dòng chữ viết tay”Đây là con gái anh mà lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng anh nhìn thấy nó. Sophie.” 4. Mấy ngày đã trôi qua mày không gặp một ai trong số họ. Jean Francois đã mang cơn sầu uất của hắn để phát tán vào phòng làm việc của mày. - Tớ có thông tin phản hồi chẳng mấy tốt lành gì từ một khách hàng đây. Sau khi xem đoạn phim The Grind, Alfred Duler gọi cho tớ và nói rằng, đoạn phim sử dụng quá nhiều dân da đen. Hắn ta nói thế này, tớ nhắc lại chính xác những gì hắn nói nhé “Dĩ nhiên tôi chẳng phải là kẻ phân biệt chủng tộc nhưng dân da đen chỉ chiếm một phân khúc khiêm tốn trên thị trường, trong khi chúng ta phải chú trọng đến đối tượng người tiêu dùng Pháp chính gốc. Tôi không có lỗi khi sản phẩm của chúng ta có màu trắng và để tiêu thụ chúng, ta phải đem ra giới thiệu cho các khách hàng da trắng. Xin nhắc lại, đây không phải là sự phân biệt chủng tộc, nhưng mà hỡi ôi, chúng ta chưa sản xuất ra loại sữa chua đen! Lúc nào sản xuất loại sô cô là Lairgellet, ta sẽ giới thiệu mặt hàng này cho đám khách hàng da đen kia!” Hình như đám trợ lý của Jean Francois bụm miệng cười khi hắn nói ra những điều như thế. Nhưng khi hắn dọa đem đơn hàng ra đấu thầu thì chẳng ai dám cười nữa. - Nghe này, đừng bận tâm nữa, quên mẹ nó chuyện này đi. Cái thằng cha thối tha này cũng chỉ là một gã tầm thường, bất tài đáng thương thôi. Đúng ra anh phải nhắc nhở Alfred rằng hắn đang sản xuất ra Mairgellet có chứa dioxyn đấy… Và để quảng cáo cái thứ sản phẩm ấy, lẽ ra hắn không cần phải kén chọn đám người kia, mà là đưa ra nhưng con mụ béo mặt đầy mịn mủ mới đúng. Tận sâu thẳm trong lòng, mày đang hân hoan, vui sướng: bóp chết một trong số những đơn hàng béo bở nhất của hãng – và đó chính là cách giải quyết vần đề một cách tối ưu nhất. Có lẽ Ông Trời đã nghe thấy lời khẩn cầu của mày và đãi ngộ lại mày bằng cả thiên đường: ăn không ngồi rồi nhưng vẫn có thù lao, kỳ nghỉ phép vô thời hạn bằng ngân sách nhà nước… Nhưng, Jean Francois lại không hề muốn bị sa thải. Hắn nhìn nhận vấn đề bằng con mắt khác: người ta hoàn toàn không lập trình hắn cho cuộc mưu sinh ngoài đường phố. Hắn đã tốt nghiệp trường thương mại tư nhân chuyên dành cho đám con ông cháu cha, cưới một cô vợ sách nước cản, buồn tẻ và hay sinh sự, mười lăm năm liền nhẫn nhục chịu đựng sự nhạo báng và sỉ nhục của cấp trên cũng như của khách hàng chỉ để vay được tiền của Công ty Sosiete General nhằm tậu căn hộ ba buồng ở Levallois-Perret. Cách giải trí duy nhất của hắn trong đời là nghe đĩa nhác gốc trong phim Titanic. Thậm chí hắn cũng chẳng hề nghĩ đến chuyện có thể có một cách tồn tại khác trên đời này. Hắn cũng chẳng bao giờ nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ ngoặt sang lối khác. Nếu Madone không còn dính dáng gì đến hãng quảng cáo của chúng tôi thì có lẽ hắn sẽ gục mất. Hắn sẽ khóc, bởi điều này không được lường trước trong kế hoạch sự nghiệp của hắn. Kể từ khi sinh ra trên cõi đời này, đây là lần đầu tiên hắn đâm ra ngờ vực. Và cuối cùng thì, thử nhìn xem, hắn cũng đã gần như sắp trở thành … người. - Tôi thừa biết Duler là một thằng chó chết và phát xít, - Jean Francois ấp úng – nhưng đơn hàng của hắn nặng hàng triệu bảng Anh cơ đấy… Mày bắt đầu thấy yêu quý hắn. Dù sao thì hắn cũng đã phủi bột cocain ở cánh mũi cho mày mấy ngày trước đó. - Đừng sợ, - mày nghe thấy giọng mình – Tôi và Charlie sẽ giúp anh quả này, phải không, Charlie? - Ừm, tôi nghĩ là đã đến lúc phải tuyên bố sự chuẩn bị của mình. Marc Marronnier thò đầu qua khe cửa he hé. - Ei, các chàng trai, có chuyện gì mà chán nản thế, cứ như thể các cậu làm việc cho Rosserys và Witchcaraft không bằng… Hu, hu! Hắn vỗ tay lên trán mình. - Ôi, sao tớ nhu thế không biết! Rõ là các cậu đang ăn lương của họ mà! - Đừng giở trò ra nữa, Marc, - Jeft rên rỉ. – Chúng tôi đang ngập trong đống phân với Maigreletter đây. - Thế a…! Cái đám làm ra sản phẩm sữa chua này lại nặng ký thế a… Và Marronnier ném cho mày một ánh nhìn phân ưu theo kiểu thương hại. - Octave, Charlie… - hắn nói, - đã đến lúc các cậu thực hiện kế hoạch Orsec rồi đấy chứ? - Họ đã tuyên bố sự chuẩn bị rồi mà! – Jeft nói. – chỉ có điều, tôi chưa hiểu trò đó là gì nhỉ? Và lúc này, Charlie bắt đầu tiết mục tủ của mình. Hắn giơ tay, ngước mắt lên trời, hít một hơi dài rồi thở ra một hơi thật mạnh, như thể đang chuẩn bị sẵn sàng tuôn ra một tràng diễn văn hay kẹo chết một loài côn trùng đáng yêu nào đó vậy. Hắn im lặng một lúc lâu và lần cuối cùng nhìn sang Marronnier. - Thế nào, sếp? Sếp bật đèn xanh chứ? Sếp trịnh trọng gật đầu rồi bước ta khỏi phòng, nơi sự tĩnh lặng thánh thiện gần như thiền ngay lập thức bao phủ. Charlie chậm rãi quay lại phía mày và buông ra một mệnh lệnh bí mật: - Máy bắn phân, xuất kích! - Rõ, thưa sếp. Ngay trước mắt Jeft F. và trong độ một phút, mày và Charlie sáng tác ra mẩu quảng cáo mà bất cứ doanh nghiệp quảng cáo nào cũng ao ước: mê hồn, dịu dàng, vô hại và dối trá – dành cho một bầy đàn người tiêu dùng toàn những chú bê non kêu be be (vì ngành di truyền học đã đạt đến đỉnh cao khoa học, có thể buộc con người kêu be be y như bò) Sau đó, mày cất giọng: “Một phụ nữ DA TRẮNG xinh đẹp (không già không trẻ), mái tóc màu hạt dẻ (không vàng không đen), ngồi trên sân thượng một ngôi nhà đẹp ở nông thôn với kiểu trang trí mang phong cách “Bờ phía Nam” (nồng ấm nhưng giản dị), trong một chiếc ghế xích đu (không quá đắt nhưng cũng chẳng quá tồi tàn). Nàng nhìn vào camera và kêu lên (giọng ngọt nào nhưng chân thật) “Tôi đẹp, phải không?. NGƯỜI TA NÓI VẬY, NHƯNG TÔI KHÔNG ĐẶT RA CÂU HỎI NÀY. TÔI LÀ TÔI, ĐƠN GIẢN THẾ THÔI” Bằng cử chỉ nhẹ nhàng (không khêu gợi nhưng cũng không kiểu cách), nàng đưa tay cầm lấy một hũ Maigrelette từ trên bàn, cẩn thận (không quá nhanh nhưng cũng không quá chận) mở nắp ra rồi nếm một thìa (không quá vơi nhưng cũng không quá đầy). Sau đó, nàng thích thú nhắm mắt lại và thưởng thức sản phẩm (tối thiểu hai giây). Rồi nàng đọc tiếp, mắt nhìn thẳng vào khán giả xem tuyền hình: “BÍ QUYẾT CỦA TÔI LÀ… MAIGRELETTE – LOẠI SỮA CHUA TUYỆT HẢO KHÔNG BÉO VỚI CAN XI, VI TA MIN, PROTEIN ĐỂ TRÍ TUỆ THÔNG MÌNH VÀ CƠ THỂ KHÓE MẠNH THÌ KHÔNG CÓ GÌ TỐT HƠN MAIRGELLET”. Nàng đứng lên (một cách lịch thiệp vừa phải) rồi kết luận với một nụ cười láu lỉnh (cũng vừa phải) “ĐÓ LÀ BÍ MẬT CỦA TÔI. NHƯNG BÂY GIỜ KHÔNG CÒN LÀ BÍ MẬT NỮA RỒI VÌ TÔI Đà CHIA SẺ HẾT VỚI CÁC BẠN HA HA.” Nàng cười tinh nghịch (vừa phải). Tiếp theo, trên màn hình xuất hiện packshot (tối thiểu năm giây) với dòng tít “MAIGRELETTE GIÚP BẠN TRỞ NÊN THANH MẢNH HƠN, THÔNG MINH HƠN” Trong chốc lát, Jean Francois chuyển từ trạng thái tuyệt vọng sang khoái chí. Có lẽ thằng cha này nên thi vào trường kịch, khoa nhại chứng cyclothymie – một loại bệnh tâm thần đổi theo chu kỳ, từ sảng khoái sang rấu rĩ hoặc ngược lại. Hắn hôn tay, chân, miệng chúng tôi. - Các cậu đã cứu sống tớ! - Được rồi, nhưng đừng có mà suồng sã nhé, - Charlie cằn nhằn, mắt dán vào màn hình máy tính. Trên màn hình là hình ảnh một gã đàn ông nào đó đang làm tình. Và rồi, cuối cùng mày nhận ra rằng mình đang hố: - Mẹ kiếp, thế này thì tôi không bị tống khứ rồi. Với mẩu quảng cáo này thì Philippe sẽ ban cho tôi nhiều tiền bạc và để tôi yên ổn ít nhất là mười năm. Chúng ta lại phải quấy rầy Madone. Nhưng Charlie nói ra đúng sự thật: - Ông có thể cứ thoải mái mà gào lên là chúng ta quấy rầy họ, nhưng trong sâu thẳm lòng mình, ông biết rất rõ là họ đang quấy rầy chúng ta. Rồi Jean Francois bước đi với kịch bản để tiện cắp nách. Màn này diễn ra vào đầu thiên niên kỷ thứ ba sau J. C. (Jesus-christ – chuyên gia quảng cáo bậc thầy trên thế giới, tác giả của nhiều slogan bất tử “HÃY YÊU THƯƠNG LẪN NHAU”. “HÃY TIẾP NHẬN, ĂN HẾT NÓ ĐI VÌ ĐÓ LÀ THÂN THỂ CỦA TA”. “HÃY THA THỨ CHO HỌ BỞI HỌ KHÔNG BIẾT HỌ ĐANG LÀM GÌ”, “NHỮNG KẺ CUỐI CÙNG LÀ NHỮNG KẺ ĐẦU TIÊN”, “MỞ ĐẦU LÀ NGÔN TỪ” – à không, câu này là của bố ông ta). 5. Một gam cocain loại tốt được bán với giá 100 euro. Giá cao một cách hữu ý vì sức khỏe quý giá của lũ nhà giàu, trong khi lũ nhà nghèo thì đang đầu độc bản thân bằng loại rẻ tiền Ricard. Mày gọi điện thoại cho Tamara – cô nàng gái gọi mà mày yêu thích. Hộp thư điện thoại tự động nhà cô nàng vang lên một giọng nói ngọt ngào trả lời mày “Nếu anh muốn mới em uống gì đó thì bấm số 1. Nếu anh muốn mời em đi ăn tối thì bấm số 2. Nếu anh muốn cưới em thì xin mời anh đặt máy xuống.” Mày để lại cho nàng số điện thoại văn phòng mình với lời nhắn gọi “Hãy nhớ gọi cho anh. Hãy xua đi nỗi buồn của anh, cần gấp đấy. Bờ vai em dịu dàng mềm mại như trứng la cooc, anh thèm khát được ngâm mình trong sự dịu dàng mềm mại ấy. Octave”. Nàng có một khuôn mặt thật khó lòng mà rời mắt đi được. Thử đoán xem: ai là người có làn da ngăm ngăm thơm tho, dáng dấp của con gái Mehico với cặp mắt Mã Lai? Câu trả lời là – cô nàng Bắc Phi ngăm ngăm mà tên thật không phải là Tamara. Nàng đến nhà mày vào buổi tối. Mày đề nghị nàng xức nước hoa “Ám ảnh” – loại nước hoa mà Sophie vẫn thường dùng. Nàng có giọng nói khàn khàn, những ngón tay thanh mảnh với dòng máu lai. Thân thể đàn bà được tạo nên bằng nhiều phần tử: đường gân nâu hồng thanh mảnh nối trên mắt cá chân, những móng chân được sơn kỹ lưỡng, lúm đồng tiền rải rác (ở khóe môi, ở phía trên mông), hàm răng màu trắng lấp lánh dưới làn môi đỏ thắm, những đường cong quyến rũ (vùng eo), làn da màu hồng với nhiều sắc thái khác nhau (gò má, đầu gối, gót chân, ngực) nhưng phía trong má cánh tay luôn có màu trắng như tuyết và mềm mại như cảm xúc mà nó tạo ra cho ta. Vâng, đây là thời đại mà ngay cả sự dịu dàng cũng được mang ra mua bán.