🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook 90% Trẻ Thông Minh Nhờ Cách Trò Chuyện Đúng Đắn Của Cha Mẹ - Urako Kanamori & Phạm Lê Dạ Hương (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Dạy Trẻ]
Ebooks
Nhóm Zalo
THÔNG TIN EBOOK
Tên sách
90% Trẻ Thông Minh Nhờ Cách Trò Chuyện Đúng Đắn Của Cha Mẹ
Tác giả
Urako Kanamori
Dịch giả
Phạm Lê Dạ Hương
Thể loại
Kỹ năng nuôi dạy trẻ
Nhà Xuất Bản
NXB Kim Đồng
Ebook
2020 kindlekobovn
—★—
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Mở đầu: Tính cách trẻ phụ thuộc vào lời nói của cha mẹ
1. Ẩn sau lời nói phũ phàng của cha mẹ chính là tuổi thơ của họ 2. Cho con những điều mình không được nhận để tự thỏa mãn bản thân
3. Ranh giới giữa trái ngọt hay thuốc độc từ tình cảm của cha mẹ 4. Liệu cha mẹ có bù đắp bất mãn từ thuở nhỏ của chính mình thông qua con cái không?
5. Thái độ của cha mẹ ảnh hưởng nhiều đến con hơn lời nói 6. Lời nói của cha mẹ khiến con phủ nhận bản thân
7. Tự nhìn lại bản thân trước khi quy trách nhiệm
8. Làm cho con thích học ư? Câu trả lời nằm ở con!
9. Muốn giỏi ngợi khen chỉ cần thay đổi cách nhìn
10. Ẩn sau tình yêu thương dành cho con có phải là bản ngã của cha mẹ?
11. Để thay đổi con trẻ, cha mẹ cũng phải tự yêu chính mình 12. Trước tiên phải hiểu bản thân, rồi bạn sẽ thấy thêm nhiều điều 13. Lắng nghe bản thân chừng 5-10 phút mỗi ngày
14. “Nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng leo cây thì cả đời nó sẽ sống với niềm tin rằng mình là kẻ ngốc nghếch”
Chương 1: Con sẽ thay đổi khi cha mẹ thay đổi
15. Bậc cha mẹ muốn điều khiển con cái không hiểu được rằng “Con là con người khác với mình”
16. Cha mẹ chỉ biết lấy thiên hạ làm thước đo: “Con làm thế là bôi tro trát trấu vào mặt mẹ đấy!”
17. Cha mẹ có nỗi sợ vô thức: “Con phải làm như mẹ đã bảo chứ!” 18. Cha mẹ quá thiếu tự tin: “Con đang lôi mẹ ra làm trò cười à!” 19. Cha mẹ đòi hỏi được đền đáp: “Mẹ yêu con như vậy cơ mà!” 20. Cha mẹ tự phủ nhận bản thân: Đánh con dù biết là không được 21. Còn phản bác lại những lời cằn nhằn của cha mẹ thì không vấn đề gì, vô cảm mới đáng báo động!
22 Chấp nhận được mình cũng sẽ chấp nhận được con
22. Chấp nhận được mình cũng sẽ chấp nhận được con
23. Tự chấp nhận mình, bạn sẽ thoát khỏi những giá trị vặt vãnh 24. Thử ghi ra danh sách những câu nói nặng lời
Chương 2: Những câu nói có thể thay đổi tính cách của con
25. Nuôi dưỡng tố chất tự tin và tính tự chủ cho con
26. “Mẹ thất vọng lắm!” → “Con này, mẹ yêu con!”
27. “Còn mặt mũi nào mà ra ngoài nữa!” → “Mẹ luôn ủng hộ con!” 28. “Sao không dọn dẹp đi con?” → “Làm thế nào thì được nhỉ?” 29. “Phải”, “Cần” → “Làm thế nào nhỉ?”
30. “Không được”/“Nhanh lên con” → Ba cách sử dụng “thế nào” 31. “Thật không ra làm sao cả!” → “Con lớn rồi!”
32. Truyền tải đúng những gì trông thấy
33. Phản hồi khi con bắt đầu nói chuyện
34. Đồng cảm sinh ra tin tưởng
35. [Thúc đẩy sự tự tin] "Không được, đưa đây nào!” → “Mình cùng làm nhé!”
36. [Thúc đẩy tính tự lập] “Nhanh lên!”“Mẹ nghĩ... sẽ hay lắm!” 37. [Thúc đẩy sức mạnh đồng cảm] “Còn lờ đờ đến bao giờ nữa?” → “Mẹ thấy lo quá!”
Chương 3: Thay đổi câu cửa miệng khi nói chuyện với con
38. Mẹ của Spielberg không ngăn cản con gây lộn
39. Lời nói yêu thương: “Hãy tin ở bản thân!”
40. Điều cần chú trọng ở mỗi độ tuổi
41. Mắng mỏ, quát tháo gây nên sóng ngầm trầm cảm hoặc hành vi có vấn đề
42. Cách nuôi dạy con thời Edo giống với quan điểm của Rousseau 43. Cách khen ngợi con thời Edo
44. Trồng cây quan trọng nhất là lúc từ cây non đến khi cao 2-3 thước 45. “Trái tim” là sợi dây điều khiển não và cơ thể
46. Những câu nói kì diệu khiến cả cha mẹ và con cái thay đổi 47. Học mà chơi? Bí quyết nhỏ giúp cả cha mẹ và con cái cùng vui 48. Chuỗi trách nhiệm kéo dài đến cả đời ông bà!
49 Đôi điều về vai trò của người cha
49. Đôi điều về vai trò của người cha
50. Quan hệ tin tưởng lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái sinh ra sự tự tin và thái độ tích cực về bản thân
Trong quá trình trẻ trưởng thành, những lời lẽ kiểu "Mày chẳng được cái tích sự gì!" trẻ phải nghe ngày ngày sẽ thẩm thấu qua vô thức, rồi sau đó trở thành ý thức coi mình chỉ là loại "vô dụng”. Không biết từ lúc nào, trẻ sẽ bắt đầu thực hiện những hành vi, lối sống không tốt.
Về bản chất, mỗi đứa trẻ đều mang trong mình một “sức mạnh” tuyệt vời. Nhưng trước hết, chúng ta phải tin tưởng vào sức mạnh ấy đã! Khi được tin cậy, "sức mạnh" bên trong trẻ sẽ được nuôi dưỡng một cách tự nhiên. Cuốn sách này sẽ giới thiệu cách trò chuyện giúp khai phá sức mạnh ấy từ nhiều góc độ. Chắc chắn không chỉ các con mà ngay cả chính các bậc phụ huynh cũng sẽ thay đổi. Cuộc sống sẽ lại một lần nữa trở nên thật tuyệt vời.
TÁC GIẢ
Tác giả KANAMORI URAKO sinh năm 1937 tại Tokyo, Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục học, khoa Nhân văn, Đại học Aoyama Gakuin, bà trở thành giáo viên tiểu học, sau đó mở Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Tâm lý Tokyo vào năm 1978 và Không gian Tự do SEPY năm 1990. Với vai trò là một bác sĩ tâm lý, nhà tâm lý học lâm sàng và chuyên viên liệu pháp nghệ thuật, bà đã sưởi ấm và hồi sinh những tâm hồn cằn cỗi thông qua biện pháp tư vấn tâm lý, rèn luyện tự điều trị, tập hít thở, khí công, v.v...
Các tác phẩm đã xuất bản của bà gồm có "Những câu cửa miệng mẹ dồn ép con", "Người mẹ dạy hư con", "Mắng ít khen nhiều", "Cách nuôi dạy anh em cho tốt", "Cách điều tiết sự bực tức của trẻ", "Nuôi dạy con trai", "Không cần phải làm con ngoan", "Không sao, rồi sẽ ổn thôi"...
LỜI NÓI ĐẦU
“Thôi chết, mình lại lỡ miệng rồi!”
Có lẽ ai cũng ít nhất một lần có những phát ngôn dù biết là không được nói nhưng vẫn lỡ trượt khỏi miệng. “Dù sao mình cũng không có ác ý”, “Bọn trẻ quên ngay ấy mà”, “Có bận tâm cũng chẳng làm thế nào được” - các bạn có từng nghĩ vậy không?
Tuy nhiên, chính những lời nói vô tình, buột miệng ấy lại như một liều thuốc độc gây hại cho trẻ. Dù tốt hay xấu, ngôn ngữ cũng có “sức mạnh” lớn hơn chúng ta tưởng.
Phúc âm Gioan trong Kinh Thánh bắt đầu bằng câu nói nổi tiếng: “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.” Điều đó có nghĩa là tất cả những hiện tượng xuất hiện khi ta sống, trong đó bao gồm cả suy nghĩ, cảm xúc của con người, đều được tạo ra bởi ngôn từ. Tâm lý học cũng diễn giải tương tự. Những câu nói lặp đi lặp lại hằng ngày từ phía cha mẹ ban đầu được trẻ đón nhận trong vô thức, nhưng dần dà sẽ chuyển sang hữu thức. Trong quá trình trẻ trưởng thành, những lời lẽ kiểu “Mày chẳng được cái tích sự gì!” trẻ phải nghe ngày ngày sẽ thẩm thấu qua vô thức, rồi sau đó trở thành ý thức coi mình chỉ là loại “vô dụng”. Không biết từ lúc nào, trẻ sẽ bắt đầu thực hiện những hành vi, lối sống không tốt.
Về bản chất, mỗi đứa trẻ đều mang trong mình một “sức mạnh” tuyệt vời. Nhưng trước hết, chúng ta phải tin tưởng vào sức mạnh ấy đã! Khi được tin cậy, “sức mạnh” bên trong trẻ sẽ được nuôi dưỡng một cách tự nhiên. Cuốn sách này sẽ giới thiệu cách trò chuyện giúp khai phá sức mạnh ấy từ nhiều góc độ. Chắc chắn không chỉ các con mà ngay cả chính các bậc phụ huynh cũng sẽ thay đổi. Cuộc sống sẽ lại một lần nữa trở nên thật tuyệt vời.
Hãy cùng lật từng trang trong háo hức nhé!
Mày đúng là đứa không ra gì!”, “Sao anh làm được ngay mà con
không làm được?”... Đây là những câu nói gay gắt mà các bậc làm cha làm mẹ dễ thốt ra. Bản thân tôi đã chứng kiến rất nhiều trẻ bị tổn thương vì những lời này. Và cũng không ít người dù hiểu rằng nói vậy là gây tổn thương cho con trẻ nhiều thế nào nhưng vẫn lặp đi lặp lại lời nói tương tự. Các ông bố bà mẹ cứ như bị phù phép, không thể dừng nói được. Hơn nữa những câu nói này cũng khó kiềm lại được dù người nói có đổi ý ngay khi chực thốt ra.
Chính người làm cha làm mẹ, nguồn cơn của những câu nói này, cần phải nhìn lại bản thân. Trong Kinh Thánh, Phúc âm Gioan có nói tiếp: “Ban đầu có Ngôi Lời... Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài.”
Những lời cha mẹ nói không phải chỉ là vô tình thốt ra mà thể hiện chính bản chất con người họ.
Đã có ai xem bộ phim kinh dị “Carrie” chưa? Bản đầu tiên được công chiếu cách đây hơn 40 năm rồi, nên có thể nhiều người chỉ xem bản làm lại gần đây thôi.
Bộ phim là câu chuyện về một nữ sinh trung học có siêu năng lực nhưng lại chịu cảnh bị bắt nạt ở trường, đến mức dồn bạn bè và thầy cô vào chỗ chết trong đêm vũ hội. Quan hệ giữa cô bé Carrie và người mẹ là một điển hình cho sự ràng buộc bằng lời nói giữa phụ huynh và con cái. Người mẹ này cực đoan đến mức ngay cả kiến thức về kinh nguyệt cũng không dạy cho con. Khi cô bé có kì kinh đầu tiên, bà ta đã coi nó như sự ô uế và nhốt cô bé vào phòng sám hối.
Thực chất sự ức chế của người mẹ có nguyên nhân tiềm ẩn từ bên trong. Khi bà ta sinh ra Carrie thì cha cô bé đã bỏ đi. Từ đó về sau, bà sống mà luôn phủ nhận “giới tính” và nhu cầu “tình dục” bên trong mình, coi đó là thứ bẩn thỉu. Người mẹ mang sự ức chế hướng đến con gái và quan hệ mẹ con cứ tiếp diễn như vậy. Những lời nói đầy sự áp bức cũng tiếp tục giáng lên người con.
Những người chưa xem phim có lẽ sẽ khó có thể hình dung được, tuy nhiên quan hệ thế này cũng thường xảy ra giữa những cặp cha mẹ và con cái thông thường. Sau đây là ví dụ cụ thể về một trường hợp được tôi điều trị:
Có một phụ nữ 27 tuổi dù đang mang thai nhưng rất sợ việc sinh con. Dù cô không đến mức như mẹ của Carrie, song trong quá khứ cũng từng xảy ra vấn đề về tình dục. Ngay cả khi được chồng rủ đi hẹn hò, cô ấy cũng dễ cảm thấy tổn thương trong tâm hồn.
Khi cô ấy chỉ tầm 10 tuổi, bố mẹ ly hôn. Sau đó, bạn trai của mẹ đã có những hành vi đồi bại với cô. Chuyện đó trở thành vết thương lòng, khiến cho những ức chế về tình dục tiếp tục kéo dài. Sau khi kết hôn một thời gian, cô sinh con gái, tuy nhiên những cảm xúc tiêu cực lại hướng tới con. Từ khi con gái mới chỉ ở độ tuổi mẫu giáo, cô đã nghiêm khắc với con một cách cực đoan.
Trong cuốn sách này, tôi muốn thử mang đến cái nhìn đa chiều về vấn đề. Ẩn sau những lời nói gay gắt của cha mẹ đối với con cái chính là cái bóng lớn của quá trình trưởng thành của họ.
“Thời buổi này còn ai cho 1.000 yên (khoảng 200.000 đ-ND.)
tiền tiêu vặt nữa ạ! Bọn bạn con phái được tầm 5.000 yên cơ.”
“Con nói gì thế? Bình thường bố mẹ vẫn cho tiền mua tạp chí với đồ dùng học tập mà. Thế là đủ rồi!”
“Bố mẹ cho con 3.000 yên là con tự mua được tất rồi.”
“Đừng có con nhà lính mà tính nhà quan! Hồi bằng tuổi con mẹ còn chẳng có tiền tiêu vặt.”
“Thời buổi giờ khác rồi mẹ ơi!”
“Thời đại thì có liên quan gì?”
Đoạn hội thoại trên có quen không? Chắc chắn các mẹ sẽ nói tiếp như sau nhỉ: Nói chung con hoang phí lắm! Tháng nào mẹ chẳng mua quần áo cho con. Mà con có biết tiền học là bao nhiêu không? Con còn mới mua trò chơi điện tử đấy nhé! Sang tháng cả nhà mình còn đi du lịch nữa. Bố mẹ cho con bao nhiêu thứ như thế con còn bất mãn gì nữa? Bản thân mẹ còn chẳng được học, được làm đầy thứ đây này!
...Thôi, thôi nào, bình tĩnh lại rồi nghe tôi đã. Trong những đoạn hội thoại này, các mẹ đều tràn đầy bất mãn và than thở về chính thời thơ ấu của mình. Chắc chắn các bạn đã từng có ít nhất một lần trải qua cảm giác này, dù mức độ khác nhau, phải không? Cảm giác muốn bù đắp cho con tất cả những gì mình đã không nhận được từ cha mẹ mình khi còn nhỏ ấy.
Cảm giác này nếu dừng ở bước đầu thì không hẳn là xấu, nhưng nếu tiến tiếp xa hơn thì nó sẽ từng chút một thay đổi phương hướng.
Vì mình đã không được cho học, cho làm những thứ mình muốn,
nên ít nhất mình sẽ cố hết sức cho con học và làm điều con muốn! Vì mình không được ăn diện nên mình muốn con được mặc đẹp! Vì mình không có phòng riêng nên mình sẽ cho con! v.v...
Đã là cha mẹ, chắc ai cũng hiểu cảm giác này. “Ít nhất phải cho con làm điều con thích”, “Muốn cho con ăn mặc tử tế”, “Cho con phòng riêng”... - nửa vế sau này là tốt. Tuy nhiên, thứ gắn liền đằng trước nó là “vì mình không được” lại hơi có vấn đề.
Ví dụ: đối với việc học hay ăn mặc, bạn có đặt mình vào vị trí của con để nghĩ không? Nếu bạn thực sự hiểu tình trạng hiện tại, suy nghĩ, mong muốn của con, hành động của bạn sẽ trở thành chất dinh dưỡng, thành vitamin cho con phát triển lành mạnh.
Nhưng nếu chụp lên phạm trù đó cụm từ “cha mẹ” hay “bản thân” thì sẽ ra sao? Khi đó, “dành cho con” không phải chỉ để thỏa mãn những điều chính bản thân đã không đạt được nên bù vào cho con thôi hay sao? “Dành cho con” như vậy chỉ là dành cho bản thân cha mẹ mà thôi.
Trong trường hợp này, có bao giờ bạn cảm thấy những điều bạn nghĩ là dành cho con đôi khi lại trở thành thuốc độc ảnh hưởng xấu tới con không? Nhưng trong hầu hết các trường hợp, các bậc cha mẹ này lại thường không cho rằng việc mình đang làm là có hại.
Việc bạn đang “làm cho con” có thực sự vì bạn hiểu tâm trạng của con và lựa chọn từ góc nhìn của con không? Hãy thử xem xét kỹ lại một lần nữa nhé!
Hai năm trước, tôi có gặp lại một người quen cũ.
Tôi rất ngạc nhiên khi nghe tin cô ấy sắp kết hôn mà không mời mẹ mình và cũng lâu lắm rồi không gặp mẹ. Hiện tại cô ấy 27 tuổi, nhưng chúng tôi quen nhau từ hồi tiểu học. Khi đó, tôi thấy mẹ con cô ấy rất gần gũi với nhau. Mẹ cô ấy lúc nào cũng có vẻ đang lắng nghe con, còn cô ấy dường như lúc nào cũng quấn lấy mẹ. Nhưng hai mẹ con đã không gặp nhau khoảng hai năm rồi. Không hiểu có chuyện gì giữa hai người vậy?
Tôi không dám hỏi, chỉ nghe cô ấy kể thế này: “Đúng là cái gì mẹ cũng dành cho em. Nhưng từ ngày nhỏ, em chưa bao giờ cảm nhận được tình yêu của mẹ mà ngược lại, em còn thấy mẹ hận em.” Tức là tuy trông hai mẹ con thân thiết đến vậy nhưng sự xa cách trong tâm hồn không phải là chuyện mới xảy ra.
Lần đầu tiên cô ấy cảm thấy sự ghét bỏ của mẹ là khi cô được mua tặng ngôi nhà búp bê Licca-chan hồi học mẫu giáo lớn. Ngôi nhà búp bê đó rất lớn, có cả đồ gia dụng đi kèm và hẳn một gian bếp. Ngoài ra còn có thêm bộ đồ làm bếp nhỏ để nấu ăn và đồ làm tóc. Quả là một bộ đồ chơi xa xỉ với một đứa trẻ mẫu giáo!
Thực ra một người bạn thân của cô là K. cũng có ngôi nhà búp bê ấy. Cô bạn tôi được bạn cho chơi cùng và luôn ao ước có nó. Ngay sau đó, mẹ cô mua làm quà sinh nhật cho con gái. Đương nhiên cô ấy vui sướng vô cùng, nhưng trước niềm vui của con, người mẹ chỉ buông một câu: “Đắt hơn bộ của bạn K. đấy!”
Tuy vậy, cô ấy cũng chỉ đang học mẫu giáo, nên dù ngôi nhà búp bê có tinh tế đến mấy thì cũng chóng chán thôi. Đôi lúc thấy con vứt lung tung một mảnh đồ chơi nào đó, làm hỏng một phần ngôi nhà hay dằn dỗi “Chả thèm nữa”, mẹ cô sẽ lập tức nổi điên: “Mẹ mua cho con mà sao con lại làm thế hả?” Vừa hét, bà vừa ném ngôi nhà cho vỡ tan nát.
Cô ấy khi đó thấy đúng là mình không ngoan thật, nhưng cũng đồng thời cảm thấy mẹ chẳng hề yêu mình. Tôi thì đồ rằng có lẽ người mẹ đã nói những câu như: “Hồi bé mẹ chẳng được mua cho một cái gì. Mẹ đã cho con mọi thứ, con không thấy biết ơn à?”
Trẻ con dù bé nhưng nhạy cảm hơn người lớn chúng ta nghĩ. Có lẽ cô ấy cảm thấy rằng mẹ vừa ghen tị lại vừa hận đứa con gái được yêu quý,
được mua cho những thứ nó muốn, không giống như mình trước kia, mà lại không biết trân trọng điều đó.
Thật bất ngờ là suy nghĩ này vẫn tồn tại! Tuy chúng không thể hiện ra trực tiếp nhưng trong một khoảnh khắc nào đó, cảm xúc xót thương sự thiếu thốn của mình xen lẫn cảm xúc ghen tị sự đủ đầy của con sẽ lấn át sự tỉnh táo của bạn.
“Sao cái con bé/thằng bé này lại thế nhỉ?” Bạn có bao giờ cảm thấy thế chưa? Đúng là trẻ em ngày nay thường sinh ra trong gia đình ít con nên được chu cấp đầy đủ hơn ở nhiều mặt, tuy nhiên đôi khi cũng hơi quá. Chính tôi cũng thấy vậy.
Vậy ta chiều chuộng con có phải để thỏa mãn bản thân? Để bù đắp những thiệt thòi thông qua con? Mỗi khi làm gì cho con, bạn hãy tự xem lại bản thân một lần nữa nhé!
Để tôi giải thích cách thức lời nói của cha mẹ có thể gây tổn thương
cho con cái. Hãy xem có phụ huynh nào chưa từng dùng những lời phũ phàng như vậy chưa nhé.
Ví dụ: khi con vẫn bày bừa mà chưa chịu dọn phòng, có người la “Ôi giời, vẫn chưa dọn à?”, có người chỉ nhắc nhẹ nhàng, và cũng có người chỉ thở dài mà không nói gì. Những lúc như vậy, thái độ của bạn thế nào?
“Con bé/thằng bé này có nói gì cũng vậy thôi!" Biểu hiện của bạn có giống kiểu coi thường như vậy không? Dù không mang ý cực đoan thì cách nói “Ôi, cái con bé/thằng bé này...” cũng rất tiêu cực. Có lẽ cha mẹ thì không thấy, nhưng con trẻ sẽ nhận thấy hết. Đôi khi những biểu hiện này còn làm tổn thương con hơn cả lời nói. Ngay cả khi cha mẹ tuyệt vọng vì con đến mức không thể thốt ra lời thì con cũng vẫn nhận ra được.
Trước đây, tôi có điều trị tâm lý cho một cô bé 18 tuổi bỏ học và nhiều lần cắt cổ tay tự sát. Trong quá trình điều trị, tôi nhận ra rằng cô bé đã sống và lớn lên bằng cách nhìn sắc mặt người mẹ. Quan hệ giữa cha mẹ cô đã có vấn đề từ trước đó rồi, và cô bé nhận biết được tình hình mối quan hệ ấy qua sắc mặt của mẹ. Không chỉ với cha mẹ, ngay cả đối với thầy cô và bạn bè ở trường, cô bé cũng hình thành thói quen nhìn sắc mặt.
Và rồi đến năm 16 tuổi, cô tự hỏi “Thực ra mình thuộc về đâu?” Cô bị ám ảnh về vấn đề này và bắt đầu có những hành động bất thường.
Tôi nhận thấy tình trạng cha mẹ ngược đãi con cái ngày một trầm
trọng hơn. Nhiều trường hợp còn trở thành vụ án, mà những gì chúng ta biết tới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi. Khi điều trị tâm lý, tôi cũng được nghe không ít chuyện như vậy.
Một trong những nguyên nhân khó phát hiện ra ngược đãi là vì dù cha mẹ có thế nào, con cái vẫn coi họ là điểm tựa. Có trường hợp tình hình căng thẳng đến mức ngay cả hàng xóm cũng nhận thấy đứa trẻ bị ngược đãi, cảnh sát cùng những nhà hoạt động xã hội đã phải vào cuộc mà đứa trẻ vẫn một mực khẳng định: “Mẹ con không có lỗi, là tại con không nghe lời mẹ. Không phải tại mẹ đâu!”
Dù có bị ngược đãi một cách rõ ràng đến đâu đi nữa, trong hầu hết các trường hợp, con trẻ đều không kháng cự. Thay vào đó, chúng tự trách bản thân mình. Lời nói của cha mẹ cũng gây ra hiệu ứng tương tự. Khi cha mẹ thường xuyên phát ngôn tiêu cực với con, con cũng sẽ có suy nghĩ tiêu cực về bản thân như: “Mình thật không ra sao!”, “Mình chẳng làm được trò trống gì!”, “Mình đúng là loại bỏ đi!”... sau đó dồn đến mức “Mình là đứa chỉ làm vướng bận người khác!”, “Mình có sống cũng chẳng ích gì!” về bản chất, những đứa trẻ này yêu thương cha mẹ vô điều kiện, song lại thiếu đi sự hồi đáp tích cực về tinh thần nên tình trạng của trẻ ngày một trầm trọng hơn, dẫn tới việc trẻ sẽ tự làm tổn thương bản thân hoặc nặng hơn là tự sát. Một khi trẻ đã có suy nghĩ tiêu cực về bản thân, mầm tự tin đương nhiên không thể sinh sôi được, cá tính cũng như sự tự lập cũng không thể phát triển.
Thứ đáng sợ nhất mà lời nói mang lại là suy nghĩ tiêu cực của con trẻ về bản thân. Nói cách khác, làm tổn thương con bằng lời nói cũng giống như mang một sợi dây tới siết cổ con vậy.
“Con chỉ được cái nói mồm thối chứ chả làm gì cả. Mẹ chán
nghe con hứa hẹn lần tới sẽ làm cái này cái kia rồi!” Câu cửa miệng này cũng xuất hiện trong nhiều trường hợp, nhưng chắc nhiều nhất trong việc học hoặc dọn phòng các mẹ nhỉ?
Nhưng trước khi nói với con, các bạn hãy thử nghĩ mà xem: Chính bản thân con chắc cũng hiểu rằng mình nên dọn phòng và học hành chăm chỉ hơn. Đúng, con hiểu nhưng không làm được. Có khi con cũng đang lo lắng vì không hiểu sao mình lại không làm được. Lúc đó nếu bạn vội vã quy kết “chỉ được cái nói mồm chứ có làm gì đâu!” thì đương nhiên nhiều khả năng con sẽ trả treo lại rằng: “Con biết rồi, mẹ cứ nói mãi thế?”
Các bạn hãy tự xem lại mình đã nào. Dạo này mình hơi béo, phải giảm cân thôi! Phải học lại bằng B tiếng Anh thôi! Phải sử dụng thời gian thông minh hơn thôi! Quyết tâm ngời ngời nhưng lại không có tiến bộ, không thực hiện nổi. Bạn đã bao giờ như vậy chưa?
Những lúc như vậy, nếu có ai phán: “Cố gầy đi tí xem nào!” hay “Thử xem lại cách sử dụng thời gian của mình đi nào!” thì bạn nghĩ sao? Trả lời thế nào đây? Nói thẳng thì không được nhỉ. Nhưng nếu họ nói với bạn rằng: “Cậu là người đã nghĩ là làm được mà. Chắc chắn cậu sẽ làm được!” thì cảm giác của bạn cũng sẽ khác, phải không nào?
Đối với việc học, cha mẹ thường nghĩ là không nhắc thì con sẽ
không học, thế nên cứ phải nhắc mãi. Nhưng dù có nói đến mấy, con cũng không tiến bộ hơn. Vậy phải làm sao đây? Câu trả lời nằm ở chính con. Nếu con không thực sự muốn thì sẽ chẳng thể làm được.
Vậy cha mẹ cần phải nói thế nào để khích lệ con? Hãy thử đặt mình vào vị trí của con xem. Cái bạn cần chính là câu nói cuối cùng của phần trước: “Con là người đã nghĩ là làm được mà. Chắc chắn con sẽ làm được!”
Một câu nói nữa có thể áp dụng là: “Con thử bắt đầu từng bước xem nào. Chắc chắn con sẽ hiểu.” Trẻ thường hay băn khoăn tại sao mình không làm được. Nếu cha mẹ nói vậy, con sẽ được khích lệ và nghĩ “Thế à. Phải thử xem sao...”
Sau đó hãy khen ngợi! Nếu bạn tìm thấy một điểm tốt nào, dù có nhỏ, cũng đừng ngần ngại mà khen ngợi con: “Tuyệt quá còn gì! Con làm mẹ ngạc nhiên quá. Giỏi lắm!” Hãy đừng tiếc lời khen ngợi trẻ. Lời khen có tác dụng gấp 100 lần, mà không, gấp cả 1.000 lần, những lời than thở, trách móc đấy.
Khen ngợi, động viên không chỉ có tác dụng với học sinh tiểu học. Ngay với học sinh cấp II, đôi khi cả học sinh cấp III, được khen cũng làm cho con có động lực hơn.
Hẳn bạn đang nghĩ: “Nói vậy nhưng đâu dễ tìm được điểm để
khen...” nhỉ? Thực ra không khó đến vậy đâu. Trước hết bạn phải thay đổi cách nhìn về con đã. Nào, hãy thử nghĩ về thời điểm khi con mới ra đời. Lúc đó con dễ thương vô cùng, bạn chỉ muốn yêu con vô điều kiện! Cảm xúc của bạn khi ấy là như vậy, đúng không? Hãy nghĩ đến con dưới góc nhìn đó. Thế nào, có gì thay đổi không?
Khi con lừng khừng, thay vì nói “Gì đấy? Sao con cứ lớ nga lớ ngớ thế?”, bạn có nghĩ rằng: “Con bé/Thằng bé này chắc chắn có mắt quan sát. Chắc nó đang chú ý gì đó nên mới làm chậm nhỉ?” không? Khi con đạt bảy điểm trong bài kiểm tra thì sao? Trước giờ chắc bạn chỉ nói những câu như: “Con cũng cố gắng đấy nhỉ, nhưng lần tới cố được chín điểm nhé!" Lần tới hãy thử đổi sang: “Bảy điểm! Giỏi quá, con đã rất cố gắng! Mẹ mừng lắm!” thử xem sao.
Có lẽ bạn nghĩ câu “lần tới cố được chín điểm nhé” cũng có ý ca ngợi rồi, nhưng câu “con cũng cố gắng đấy nhỉ” trước đó lại làm cho trẻ không có cảm giác được khen. Con chỉ có cảm giác bị ép phải cố đạt được chín điểm thôi.
Khi khen, hãy khen con một cách chân thành, vô điều kiện. Chỉ cần thay đổi cách nhìn một chút là bạn có thể làm được rồi.
Tôi nghĩ rằng hiếm có cha mẹ nào mà không yêu con cả. Và hầu hết
mọi người cũng cho rằng mình yêu con. Nhưng không có nhiều người tự hỏi: “Mình có thực sự yêu con không?” Bạn hãy tự vấn xem mình có thực sự yêu con không.
Bạn sẽ thấy nhiều hình bóng của mình trong câu trả lời: Bạn “nhào nặn” con thành con người trong suy nghĩ của bạn; bạn muốn con thực hiện giấc mơ thay mình; bạn muốn con không coi mình là trò cười; bạn muốn con làm những thứ mình không làm được - muốn con đi học trường tốt, muốn con trở thành nhân viên chính thức của một công ty danh tiếng... Trong tình yêu dành cho con thể nào chẳng lồng ý nghĩ như thế này từ cha mẹ? Như thế có thật là yêu con không?
Cái tôi của cha mẹ thật nhỏ nhen.
Nhưng thôi, gạt điều đó sang một bên. Hãy thử nghĩ về ý thức của cha mẹ trong tình yêu con giống những gì tôi đã liệt kê ở trên xem. Những bậc cha mẹ như vậy đại khái đều thiếu sự tự tin vào bản thân, như tôi đã đề cập ở phần trước. Nói đơn giản thì họ không tin chính mình, nên quy chụp sự bất an và bất mãn lên con cái. Điều này có liên quan tới cái tôi của cha mẹ mà tôi vừa nhắc tới. Tệ hơn nữa, những câu nói tiêu cực sẽ có chiều hướng làm tổn thương con.
Trước tiên, tự bản thân cha mẹ phải thoát khỏi sự tự ti này. Hãy thoát khỏi suy nghĩ mình là người vô dụng, làm gì cũng không được. Quan trọng là biết yêu thương bản thân.
Chắc chắn không thiếu những phụ huynh đang nghĩ rằng: “Tôi
muốn con vào trường tốt, muốn con thành người giỏi giang nhưng tôi cũng không hề thiếu tự tin vào bản thân.” Chính các bạn cũng đã tốt nghiệp những trường hàng đầu và có sự nghiệp tương đối. Các bạn thuộc nhóm “có thừa tự tin”.
Nhưng hãy thử nhìn nhận lại bản thân xem. Đó có thực sự là tự tin không? Tự tin thực sự chỉ được sinh ra từ việc yêu mến tất cả những điểm tốt, điểm xấu của bản thân, tức là chấp nhận và trân trọng mọi thứ của bản thân.
Các phụ huynh nghĩ mình tự tin thấy sao ạ? Sự tự tin của các bạn chỉ dựa trên việc so sánh với người khác thôi đúng không? Tỉ như người đó abc còn tôi thì xyz.
Những lúc như vậy, bạn lấy cơ sở nào để so sánh? Đánh giá của xã hội? Hay tiền bạc? Dù là gì đi nữa thì đó cũng chỉ là những thước đo do chúng ta tự vẽ ra, có thể gọi là thước đo xã hội hoặc thước đo đi mượn. Trong lòng những người cân đo bản thân bằng những thước đo này ẩn chứa sự bất an. Nếu không so sánh mình với người khác để biết giá trị bản thân thì họ không thể yên tâm được, và dù cho có tự tin đi nữa thì cũng chỉ khi đối tượng được so sánh kém hơn mình mà thôi.
Nhưng trên đời này có biết bao người ưu tú hơn mình! Nếu gặp những người đó, sự tự tin của bạn sẽ biến mất và ngay lập tức bạn cảm thấy bất an. Tôi sẽ đưa ra một ví dụ đơn giản, dễ hiểu: Trước đây, tôi có quen một phụ nữ rất tuyệt vời. Nói cô ấy tuyệt vời vậy nhưng gương mặt cũng không thể nói là xinh đẹp, dáng người cũng không cao, không phải dạng dễ nhìn. Tuy nhiên, cô ấy cứ đến đâu là nơi ấy toát lên sự dễ chịu, mọi người đều cảm thấy phấn chấn. Làm sao cô ấy có thể tạo ra được nét hấp dẫn như vậy?
Sự hấp dẫn nằm ở thước đo của cô. Ví dụ khi gặp một người phụ nữ đẹp, cô ấy chấp nhận rằng “Cô ấy đúng là một người đẹp. Nhưng tôi là tôi và tôi yêu bản thân mình”. Cô cũng tự đánh giá mình: “Không cao, mũi tẹt nhưng nhỏ nhắn dễ thương, cũng được mà.” Nghĩ vậy nên mọi người xung quanh cũng thấy cô “Dù không đẹp nhưng là người có nét hấp dẫn sống động”. Xung quanh các bạn hẳn cũng có những người phụ nữ như vậy phải không nào?
Ngược lại, cũng có những người dù xinh đẹp hơn người nhưng không có vẻ sinh động, không toát lên nét hấp dẫn. Những người đó chắc chắn cũng so đo bản thân với những người khác, vì khi gặp người xinh đẹp hơn mình lại tự ti “Mình chẳng ra sao!” và thấy ghét bản thân hơn.
Được rồi, chúng ta hãy xác nhận lại bản chất của vấn đề này nhé: Có thể nói rằng nguyên nhân lớn nhất của việc làm tổn thương con trẻ bằng lời nói là không yêu bản thân. Vấn đề chính là nằm ở đây. Dù có biết mình làm như vậy là không được, tự dặn mình sẽ chú ý lần sau nhưng bạn vẫn lặp lại hành động cũng chính do nguyên nhân đó. Vì vậy, để thay đổi bản thân và thay đổi con, trước hết cha mẹ hãy yêu thương và trân trọng bản thân mình.
Sau khi bạn đã nắm chắc điểm này rồi, tiếp theo hãy nghĩ những cách cụ thể để yêu mình nhé!
Sau nhiều năm tư vấn tâm lý và đối diện với vô vàn vấn đề xung
quanh việc nuôi dạy con cái, tôi nghĩ rằng rốt cục vấn đề của con cái xuất phát từ vấn đề của cha mẹ.
Các mẹ cứ hay bất mãn với con kiểu như “Con không nghe lời tôi!”, “Không chỉnh chu!”, “Không cố gắng!”... Và trong khi nghĩ ngợi “Tại sao lại thế?”, “Phải làm thế nào mới tốt cho con?” thì các mẹ tìm tới kết luận “Chắc do mình dạy sai!” Đó là cách nghĩ tiêu cực về bản thân, làm cho các bạn không thể yêu bản thân. Không yêu mình thì cũng không thể yêu người khác được, cũng không thể yêu con trọn vẹn được. Vì không yêu mình nên bạn trở nên tiêu cực với chính con mình, làm cho con càng lúc càng đi chệch hướng và cũng tiêu cực với bản thân chúng. Điều đó giống như một chuỗi thất bại liên hoàn vậy. Thay đổi cách nói chuyện khi đó cũng không phải là biện pháp giải quyết triệt để. Điều cần thiết trước nhất là cha mẹ phải yêu bản thân, bao gồm cả những điểm tốt lẫn điểm xấu đã.
Tôi đã nhắc lại điều này nhiều lần trong cuốn sách này rồi. Vậy làm sao để tự yêu bản thân? Đầu tiên bạn phải hiểu rõ bản thân mình.
Bạn có nghĩ “Làm sao tôi làm được điều nghe khó như triết học ấy được?” không? Không khó đến vậy đâu, các bước thực ra rất đơn giản. Có những mẹ mới sáng ra đã thấy khó ở mà chính bản thân họ cũng không hiểu tại sao. Họ cứ để mặc cảm xúc như vậy mà không tìm hiểu, khiến cho tâm lý trở nên cứng nhắc, thấy mình chẳng ra làm sao. Cứ mang tâm lý như vậy thì không thể nào giúp con phát triển được.
Trước hết, hằng ngày hãy dành ra chút thời gian ở một mình, dù chỉ
5-10 phút thôi cũng được. Chắc sẽ có những người nói rằng: “Cần gì phải dành thời gian như thế. Con đi học, chồng đi làm rồi thì chỉ còn một mình cho đến tối thôi.” Nhưng không phải vậy đâu. Thời gian ở một mình nghĩa là bạn phải tắt hết tivi, đài, không làm việc nhà và đối diện với bản thân mình trong yên lặng. Thế nào, khoảng thời gian như vậy chắc cũng không có mấy đúng không?
Xong rồi hãy hít thở thật sâu... liền 4-5 lần. Trước mắt bạn chỉ có cảnh tượng căn phòng, tai thì hầu như không nghe thấy tiếng gì nữa. Khi đó hãy lắng tai nghe bản thân mình, không phải là giọng bạn nói mà là tiếng vọng từ trong tâm bạn.
Thế nào? Bạn có nghe thấy gì không?
Đúng rồi, lúc này bạn nhắm mắt vào cũng được! Chắc chắn sẽ có nhiều tiếng nói vọng tới:
“Ôi, lâu lắm mới có khoảng thời gian yên tĩnh thế này!”
“Từ sáng đầu tắt mặt tối, quát mắng con thôi mà mệt quá!” “Bạn nghe thấy rồi đúng không? Hãy thử nghe tiếp xem... “Mười năm trước mình đã tưởng tượng ra mình của hiện tại thế nào nhỉ?"
“Mình đã từng có ước mơ, nhưng ước mơ đó biến đâu mất rồi?" “Ngày nào cũng như ngày nào. Như thế có vui không nhỉ?" “Niềm vui đối với mình là gì?”
“Mình của mười năm sau sẽ thế nào?"...
Bạn nghe thấy liên tiếp bao nhiêu điều đúng không? Tốt lắm.
Khi đã nghe thấy tiếng vọng từ bên trong mình rồi, bạn sẽ dần hiểu
hơn về mình từng chút một. Có phải toàn chuyện không vui hay chuyện không đâu không? Dù thế nào đi nữa cũng đừng nhắm mắt cho qua mà hãy đón nhận một cách nghiêm túc. Làm được như vậy, chắc chắn những điều tốt sẽ tới.
“Hóa ra mình cũng có điểm tốt!” Cứ nghĩ vậy rồi dần dần bạn sẽ thấy những điều tốt đẹp. Bạn hãy đón nhận chúng. Điều quan trọng ở giai đoạn này là hãy chỉ đón nhận những điểm tốt, đừng cứ luẩn quẩn với ý nghĩ: “Ô, mình đúng là chẳng ra sao!”
Bản thân chúng ta là tập hợp của cả những điểm tốt và những điểm xấu, quan trọng là biết chấp nhận chúng. Tuy nhiên, có một câu nói rất hay, thường được cho là của Albert Einstein, là: “Ai cũng là thiên tài cả. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng leo cây thì cả đời nó sẽ sống với niềm tin rằng mình là kẻ ngốc nghếch.”
Có thể đổi câu nói này ngược lại thành “Cá không thể leo cây, nhưng điều đó cũng chẳng sao cả”. Thế nghĩa là sao? Nghĩa là những sinh vật sống, cũng như con người, đều có giá trị của riêng mình. Với những điểm tốt và điểm xấu của riêng mình, bạn là một thực thể duy nhất, chỉ thế thôi cũng đủ tuyệt vời rồi. Hãy nghĩ về điều đó và một lần nữa lắng nghe tiếng nói từ bên trong mình.
Thế nào, bạn đã thấy yêu mến được bản thân mình với tất cả những điểm tốt và điểm xấu chưa?
Chúng ta thường nghe rằng: “Cha mẹ và con cái là những nhân cách
khác nhau. Dù là trẻ con cũng cần phải được tôn trọng như một cá nhân độc lập.” Tôi nghĩ rằng trong lòng mọi người đều hiểu rõ câu nói này. Nhưng cũng theo kinh nghiệm làm tư vấn tâm lý lâu năm của mình, tôi lại thấy rằng có nhiều bậc cha mẹ lại hành động như trẻ con.
“Con cái sẽ trưởng thành như mong muốn của cha mẹ”
“Con cái nên thực hiện điều cha mẹ mong muốn"
“Con cái cần làm theo ước nguyện của cha mẹ”...
Dù mức độ khác nhau nhưng nhiều người sẽ có suy nghĩ như thế này đúng không? Điều này gây hại cho con vô cùng. Thế nhưng không có nhiều cha mẹ nhận ra điều đó, bởi những đứa trẻ này luôn nghe lời cha mẹ, mà phần lớn lại là những trường hợp trẻ ưu tú.
Tôi sẽ giới thiệu ví dụ cụ thể: Em A mà tôi đã từng tư vấn trước đây lại quay lại chỗ tôi khi ngoài 20 tuổi. Đây là một thanh niên đã tự nhốt mình trong phòng suốt 7-8 năm trời, từ thời cấp II cho tới thời điểm đó. A đã đỗ một trường cấp II rất nổi tiếng, nhưng chỉ mới đi học được một thời gian đã nghỉ. Với một người con luôn là niềm tự hào của gia đình như A, đây quả thật là chuyện sét đánh ngang tai đối với mẹ em. Bà không thể hiểu nổi tại sao lại ra nông nỗi này.
Đối với người mẹ, A luôn là đứa con ngoan biết vâng lời, “làm điều cha mẹ muốn”. Nhưng đối với A, đó chỉ đơn giản là sự vâng lời. Đến khi vào cấp II, em không thể tìm được điểm tựa thực sự. Đó chính là vấn đề tâm lý kéo dài trong nhiều năm của A.
Trong cuốn sách “Nếu cha mẹ bạn có tính kiểm soát: Cách để xoa dịu quá khứ và tìm chỗ đứng trong cuộc sống”, Dan Neuharth đã viết: “Cái giá phải trả cho sự kiểm soát không lành mạnh, kiểm soát quá mức thường kéo dài vô tận. Những đứa con có cha mẹ chỉ thích kiểm soát sẽ có khuynh hướng trầm cảm, bất an, thiếu cá tính, nghiện ngập, có những hành động tự ngược đãi bản thân, hủy hoại sức khỏe khi căng thẳng... Hơn nữa, có lẽ họ còn thiếu cảm giác trân trọng bản thân, hầu như không cảm thấy tự do thư thái, không hiểu rõ lẽ sống và khó có thể yêu được bản thân. Bên cạnh đó, do tiếp nhận những thói quen cũng như suy nghĩ bi quan từ cha mẹ trong vô thức mà có thể họ sẽ có khuynh hướng làm hỏng các mối quan hệ xã hội, không quyết đoán, chậm phát triển về mặt tinh thần cũng như cảm xúc...”
Không chỉ riêng trường hợp của A, trong phạm vi hiểu biết của mình, tôi cũng thấy không ít trường hợp con cái rơi vào tình trạng rối loạn ăn uống, tự hủy hoại bản thân vì chịu sự can thiệp thô bạo từ cha mẹ. Nhưng không bậc cha mẹ nào trong số đó nhận ra rằng đó là lỗi của mình. Mẹ của A ban đầu cũng vậy. Khi A bắt đầu không đến trường, mẹ cậu “cảm thấy giống như chính mình bị phủ nhận”. Những vị phụ huynh bắt con phải làm theo điều mình muốn mỗi khi con cái không theo, dù chỉ một chút, cũng sẽ coi chuyện đó như bản thân họ bị phủ nhận.
Sau khi điều trị tâm lý, A vào cấp III năm 23 tuổi, sau đó còn đỗ vào một trường đại học danh tiếng. Hiện nay cậu đã đi làm. Còn mẹ cậu cũng tự tìm được điều mình muốn làm, vui vẻ với cuộc sống hàng ngày. Tìm kiếm lẽ sống cho riêng mình, không phụ thuộc vào con nhưng vẫn hỗ trợ nếu thấy con cần. Đó chính là niềm tin hiện tại của người mẹ.
Con ăn mặc thế mà không thấy xấu hổ à!?”
“Suốt ngày bị điểm kém thế thì còn mặt mũi nào mà đến trường nữa!” “Con đàng hoàng lên được không? Đừng có làm bố mẹ xấu hổ nữa!”... Bạn có đang nói những câu như vậy không?
Để trở thành người cha người mẹ thực sự độc lập khỏi con cái, điều quan trọng trước hết là bạn phải hiểu rõ bản thân. Tôi sẽ thử hé lộ những điều ẩn giấu trong lòng các bạn thông qua những câu cửa miệng các bạn thường nói nhé.
Câu đầu tiên: những người hay dùng từ “xấu hổ” là những người rất coi trọng việc mọi người sẽ nghĩ như thế nào về ngoại hình, chức tước, vật chất... của mình. Ví dụ như có người sẽ để tâm tới địa vị xã hội hay thu nhập của cha mẹ những người bạn của con. Những cha mẹ này chỉ đo đếm giá trị bằng thước đo của xã hội mà không có tiêu chuẩn riêng của mình. Ngay đến quan hệ với con cái của họ cũng chỉ tập trung vào quan điểm có đáng tự hào hay đáng xấu hổ trước người ngoài mà thôi! Có những trường hợp cực đoan đến độ khi cô con gái là học sinh cấp II cắt cổ tay tự sát vì trầm cảm, câu đầu tiên mà người mẹ nói với con là: “Chuyện này mà mọi người biết thì xấu hổ chết mất!” thay vì lo lắng cho con. Có thể các bạn nghĩ đây chỉ là một trường hợp cực đoan, song nguy hiểm nhất là chuyện này chẳng phải hiếm thấy.
Kì thực từ sâu thẳm trong tim, những người làm cha làm mẹ này cảm thấy sợ hãi phải dấn thân. Họ cảm thấy mình là con người không có giá trị nên tự trói buộc bản thân bằng cách nhận định mọi việc thông qua giá trị quan của người đời. Nếu như bạn cảm thấy mình có phần nào như vậy, trước tiên hãy đối diện với chính mình, sau đó tìm ra điểm tốt lẫn điểm xấu của mình, cuối cùng chấp nhận tất cả và thử rèn luyện bản thân xem.
Cũng không thiếu người thường mở miệng ra là nói thế này:
“Con phải làm theo những gì mẹ nói đấy nhé!”
“Con phải cố lên, không được lười biếng đâu!”
“Con mà làm như thế sau này đời con sẽ chẳng ra đâu vào đâu đâu!”... Những người này hoặc luôn tức giận đến mức bất thường nếu bản thân không thể trở thành hình mẫu mà mình đã xây dựng, hoặc là người coi trọng quy tắc, hình thức hơn tất thảy và thường cố gắng kiểm soát con cái, gia đình mình dựa trên những nguyên tắc ấy. Kiểu người này thường là các ông bố. Nhìn thoáng qua, đây có vẻ là một người chỉn chu nghiêm khắc,
nhưng thực chất trong sâu thẳm tâm hồn họ lại mang sự bất an và lo sợ. Trước đây tôi cũng từng điều trị tâm lý cho một khách hàng có người cha là điển hình cho dạng phụ huynh này - từ nhỏ đã nghiêm khắc với con và hướng con trở thành hình mẫu mình đã tưởng tượng ra. Khách hàng của tôi là một người thành công, có địa vị cao trong xã hội, nhưng người cha lại có tiền sử kinh doanh thất bại dẫn tới tự sát.
Có lẽ những người như vậy không thể nguôi lo lắng rằng nếu không nghiêm khắc với bản thân thì bất cứ lúc nào cũng sẽ xảy ra những chuyện họ không thể ứng phó được. Những bậc cha mẹ chỉ chăm chăm tìm kiếm khuyết điểm của con và mắng mỏ thường mang nỗi sợ hãi như vậy đấy. Tất cả những bất an đó khiến họ nghiêm khắc với bản thân và bắt con phải tuân thủ những quy tắc nhỏ nhất họ đã đặt ra. Việc này cũng không hoàn toàn là xấu, nhưng nỗi lo lắng chắc chắn sẽ phản chiếu lên con cái. Trường hợp người cha mà tôi vừa nhắc tới cũng vậy. Nỗi bất an được truyền sang con, sau đó còn truyền sang cháu nữa, hay nói cách khác là một chuỗi bất an. Tình yêu không thể nảy sinh từ nỗi bất an được. Nếu không cắt đứt sợi dây đó thì rất khó để nuôi dưỡng con với một tình yêu đích thực.
“Con cứ làm như mẹ nói là được!”
“Trẻ con mà trả treo thế hả?”
“Con muốn mẹ phải khổ sở thế nào nữa đây?”...
Đúng vậy, tất cả những câu nói này đều tập trung nói đến tâm trạng của cha mẹ. Có những bậc cha mẹ chỉ cần con không nghe lời hay đáp trả khi bị cha mẹ càu nhàu là lập tức nóng nảy. “Không nghe lời bố mẹ mà còn cãi thì đương nhiên là phải nóng rồi!” Có phải bạn đang nghĩ thế không? về một phương diện nào đó thì đúng, nhưng lúc này hãy thử xem kỹ lại bản thân mình nhé.
“Sao, đến con mà cũng coi thường mình à?” Bạn có đang che giấu cảm giác này không? Tôi sẽ nhắc đến suy nghĩ này ở chương khác, song tại đây tôi muốn nhắn nhủ rằng bạn “thiếu tự tin”. Có nghĩa là bạn đang ở trạng thái che giấu trong lòng suy nghĩ mình là người vô dụng, không có giá trị gì. Những phụ huynh thiếu tự tin này thường cũng luôn bị phủ nhận trong quá khứ.
Như đã nói, những người có khuynh hướng như thế này luôn chỉ chú ý tới khuyết điểm của người khác, không loại trừ con mình. Họ luôn tìm kiếm và chỉ trích những điểm không tốt, điểm chưa được ngay cả với con. Trong suy nghĩ của họ, họ luôn cần hạ thấp người khác để nâng cao bản thân hơn. Nói thẳng ra thì “Hãy kính trọng tôi!” chính là lời họ muốn nói với đứa con yếu thế hơn mình. Nhưng càng nói lại càng phản tác dụng - con không hề kính trọng cha mẹ hơn theo cách này.
Cách duy nhất để thoát khỏi cảm giác tự ti cùng những câu cửa miệng như thế là tự yêu lấy chính mình, tạo ra tình cảm yêu thương với bản thân mình.
“Con không hiểu mẹ lo cho con thế nào à?”
“Con có biết từ trước đến giờ bố mẹ tốn cho con bao nhiêu tiền rồi không?”
“Con để mẹ nghĩ tốt được về con chút đi!”...
Lo lắng cho tương lai của con, bạn nhắc con “Học đi” nhưng con lại chỉ tỏ vẻ dửng dưng. Cũng vì lo lắng mà bạn nhắc nhở con hết điều này đến điều khác, mà con chỉ nghĩ rằng bạn “nói gì nói mãi thế”. Bỏ qua việc bạn có nhận ra hay không, nhưng có bao giờ bạn nghĩ rằng “Mình muốn con yêu mình như mình yêu con!” hay “Mình lo cho con như vậy, cũng muốn con hiểu được lòng mẹ” hay chưa?
Hay bạn tuy nói yêu con nhưng lại không lắng nghe con nói, khi gặp chuyện không như ý lại nói điều trái với lòng mình “Mẹ không có đứa con như con!” Liệu bạn có đang sử dụng tình yêu của mình để điều khiển con không? Bị đối xử như thế này, liệu con sẽ phản ứng thế nào? Chắc chắn con sẽ bỏ qua mong muốn của bản thân mình mà cố gắng làm cho cha mẹ vui. Việc phủ nhận bản thân trong thời kì hình thành bản ngã này là một trong những nguyên nhân gây nên tâm bệnh sau tuổi dậy thì.
Tôi thường nói với những người mẹ mang trong mình vấn đề như thế rằng: “Các chị hãy nhớ lại lúc con mới chào đời đi!” Nhớ về tình yêu thương lúc đó. Nhớ về những ngón tay nhỏ xinh nắm chặt tay mẹ. Nhớ về ánh nhìn đầy tin tưởng. Nhớ cảm giác muốn bảo bọc khi con khóc. Tình cảm khi đó chính là tình yêu! Bạn đã nhớ ra cảm giác muốn con hiểu được tình yêu thương của mình khi ấy chưa? Lúc đó bạn có nghĩ nếu con không nghe lời sẽ mặc kệ con chưa? Bạn có nghĩ rằng vì bạn coi trọng con nên con cũng phải làm gì đó để bạn nghĩ tốt hơn về con không? Không phải vậy, đúng không nào. Có phải bạn đã quá vô tâm với con không?
“Nói thế mà vẫn chưa hiểu à!"
“Nghiêm túc xem nào!”
“Ồn ào quá!”...
Bạn đã bao giờ vừa nói những câu này vừa đánh con chưa? Nhất là khi con còn nhỏ, không ít cha mẹ lỡ đánh con và cảm thấy nản lòng. Những phụ huynh trót có những hành vi bạo lực trực tiếp với con thường là những người không thể kiểm soát bản thân mỗi khi nổi xung lên. Sau đó, chắc chắn họ sẽ bị cảm giác hối hận dày vò vì “Ôi, mình lại lỡ đánh con rồi...”
Tất nhiên họ đều hiểu rằng bạo lực không có tác dụng dạy dỗ hay đưa con vào khuôn khổ, chỉ là họ không ngừng được. Trong trường hợp này, ngoài vấn đề bạo lực còn một vấn đề quan trọng khác là tâm lý của cha mẹ. Sau khi đánh con, phụ huynh, nhất là mẹ, đều tự trách: “Tại sao mình lại làm thế? Mình quả là một người mẹ vô phương cứu chữa.” Cứ như vậy, ám ảnh tâm lý từ người mẹ sẽ ảnh hưởng đến con.
“Chuỗi thất bại liên hoàn” như thế này xảy ra cũng là vấn đề bạo lực trẻ em. Trong cuốn sách này, tôi chỉ nhắc đến nó để chỉ ra vấn đề tâm lý của cha mẹ, song không thể quên rằng bạo lực có ảnh hưởng to lớn tới sự trưởng thành của con trẻ. Những người cha mẹ này cuối cùng lại không thể tách rời bản thân với con. Để hiểu được rằng bản thân mình với con là những cá thể riêng rẽ, cha mẹ cần phải độc lập trước mới được.
“Nào, lại vứt tất lung tung đấy!"
“Nhặt mấy thứ làm rơi lên đi nào!"
“Mẹ nói bao nhiêu lần mà con vẫn chứng nào tật nấy nhỉ!”... Mới sáng ngủ dậy, thay vì lời chào thì lại phải nhận ngay những câu càu nhàu thật không mấy vui vẻ. Với trẻ còn nhỏ thì chưa xuất hiện vấn đề gì, nhưng khi học lên tới cấp II hoặc cấp III, con sẽ cãi ngay rằng “Con biết rồi, mẹ cứ nói mãi thế!” Lời phản đối của con càng như thêm dầu vào lửa, khiến những câu khó nghe hơn lại xuất hiện thêm. Những trường hợp thế này các mẹ chắc cũng gặp không ít, phải không ạ?
Có mẹ nào nghĩ: “Ôi, chết thật, tôi cũng vậy!” không? Dù sao các bạn cũng có thể an tâm một chút rằng chừng nào con còn phản ứng lại thì vẫn còn tốt chán. Ngay cả sau đó con có nói: “Mẹ phiền quá!” gì đó thì vẫn còn không sao.
Bạn nghĩ rằng tôi đang nói vớ vẩn ư? Thật đấy ạ! Gần đây, số trẻ ở độ tuổi học cấp II và cấp III không biểu lộ phản ứng gì trong những tình huống này ngày một tăng lên, đặc biệt ở các bạn nữ. Các cháu không cãi lại, cũng không tức giận, chỉ để sự việc trôi đi trong vô cảm. Đây mới là tình trạng nguy hiểm! Có khả năng cao là các cháu đã bị “nhiễm độc” từ lời nói của mẹ và tâm hồn đã chịu thương tổn.
Trong khi điều trị tâm lý, tôi đã gặp những trường hợp bị ngược đãi. Những cháu không có biểu hiện thay đổi gì trên gương mặt để lại trong tôi ấn tượng về sự bình tĩnh trầm lặng. Tuy nhiên, trong lòng chúng lại ẩn chứa những xung đột mãnh liệt, chỉ là cảm xúc đã bị đè nén đến chết mà thôi. Khi hành động ấy tái diễn nhiều lần, con sẽ không còn thể hiện cảm xúc trên gương mặt. Những trẻ hờ hững bỏ ngoài tai lời cha mẹ cũng giống như vậy. Con không nói gì cũng không có nghĩa là con nghe lời bạn đâu.
Trong mục trước, tôi có đề cập đến trường hợp cha mẹ cằn nhằn vào
buổi sáng thay cho lời chào, còn trong mục này, tôi sẽ nhắc tới một chủ đề khác. Trước đây, có một mẹ đã tới xin ý kiến của tôi về việc: “Tôi có thói quen nói ra luôn những điều mình trông thấy, cứ như bới lá tìm sâu vậy. Chính tôi cũng thấy ghét mình! Thế nhưng tôi lại liên tục lặp lại lỗi này.” Khi hỏi kĩ thì hóa ra mẹ của chị cũng có tính cách giống y như vậy. Chị ghét tính cách đó mà không biết phải làm sao. Chị từng tự hứa với bản thân sẽ không giống như vậy, nhưng khi nhận ra thì chị thấy mình cũng nói với con bằng chính cách đó. Hồi nhỏ, chị thấy ghét mẹ mình, giờ chị thấy ghét luôn cả bản thân mình. Đúng là một chuỗi thất bại!
Sau khi lấy chồng sinh con, chị từng cảm thấy sự tương khắc với mẹ có được khắc phục đôi chút, song thực chất sự tương khắc đó vẫn còn kéo dài.
Chắc chắn khi mới sinh chị, mẹ của chị cũng đã yêu thương chị vô điều kiện. Nhưng trong kí ức của chị, từ một thời điểm nào đó, chị không còn cảm giác được yêu thương trọn vẹn nữa. Bất mãn với mẹ dẫn tới việc chị thấy mất tự tin vào bản thân, hơn nữa lại khiến chị cũng đối xử với con giống như vậy. Nhưng cũng không phải vì vậy mà giờ chị muốn được mẹ yêu thương trở lại.
Phải làm sao trong trường hợp này? Chỉ còn cách chấp nhận bản thân mình thôi. Những người chỉ chú ý vào những chuyện đâu đâu của người khác thực chất mang tâm trạng ghét bỏ bản thân, nghĩ mình là người không ra gì, không thể yêu bản thân được chứ không chỉ là không chấp nhận nổi con. Nghiên cứu tâm lý gọi đây là những người tự ti.
Ví dụ thế này: bạn kết giao với những mẹ khác. Khi chưa thân lắm,
bạn thấy họ có nhiều điểm tốt, có thiện cảm với họ, nhưng khi thân hơn, bạn lại nhận ra họ có nhiều điểm này điểm nọ không hay... Tôi thấy những chuyện này khá phổ biến. Nhiều người sẽ nói rằng: “Đó là vì khi chưa biết về nhau mấy, người ta không để mắt đến tiểu tiết mà dễ nhìn nhau với sự thiện cảm. Nhưng khi thân thiết hơn rồi, chúng ta sẽ nhìn kỹ những điểm này điểm kia là chuyện đương nhiên thôi.”
Đúng là việc thân thiết hơn với nhau sẽ là khởi điểm để nhận ra nhiều điều. Trong quan hệ tình cảm cũng vậy. Có những người sau khi có quan hệ sâu sắc, thậm chí kết hôn rồi còn nuối tiếc rằng: “Nếu biết anh ta/cô ta là người như vậy thì mình đã chẳng thèm yêu rồi!” Thế nhưng bên cạnh những điểm chưa tốt, bạn sẽ có cơ hội nhìn thấy những điều tuyệt vời ở họ mà không thân thì làm sao phát hiện ra. Tất nhiên cũng có không ít trường hợp bạn không muốn tiếp xúc với người đó nữa vì bạn chỉ toàn thấy khuyết điểm của họ, chẳng có nổi điểm tốt nào. Tệ hơn, có người còn gặp đi gặp lại những người như vậy.
Chính bản thân họ cũng không hiểu tại sao chuyện luôn thành như vậy. Thực ra, nguyên nhân cũng nằm tại sự tự ti, có nghĩa là bạn thấy mình là con người vô dụng, dẫn đến việc không thể yêu thương bản thân mình. Vì vậy bạn có tâm lý cố hạ thấp đối phương để đẩy mình lên cao hơn họ.
Những người thiếu tự tin này cũng sẽ xét nét khuyết điểm ở con cái, khiến bộc phát nên những câu cằn nhằn thay vì lời chào. Dù có tự nhận thức được rằng không được nói như vậy, phải chú ý lần sau, nhưng họ vẫn tiếp tục lặp lại lỗi đó. Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này, bạn cần phải yêu lấy bản thân trên tinh thần hiểu rõ mình.
Đừng quấy nữa con!
- Phải nói với con bao nhiêu lần nữa đây?
- Trật tự nào!
- Con có dọn hay không nào?
- Thôi ngay!
- Mẹ ghét đứa nào như thế lắm!
- Nhanh lên!
v.v...
Chẳng phải bạn đã từng có lúc nói một câu nào đó, à không, hầu hết tất cả những câu trên với con phải không nào? Những lời này được nói ra trong vô thức, cùng lắm người nói cũng chỉ nghĩ rằng: “Nói thì cứ nói thế thôi mà, cũng chẳng có ý đồ sâu xa gì!” Dù không cố ý nhưng những lời nói phũ phàng này vẫn trở thành sợi dây bó buộc con.
Khoảng ba năm trước, tôi có cơ hội trò chuyện với một người mẹ có con trai học lớp 4 đã bỏ học. Nghe chị nói, tôi biết rằng hằng ngày chị đều mắng mỏ con nhưng bản thân chị lại chỉ nghĩ: “Có lẽ tôi hơi lắm lời!” mà thôi.
Sau đó, tôi cũng có nói chuyện với cháu, và từ con mắt của một chuyên viên tư vấn tâm lý, tôi thấy rõ ràng cháu bị trầm cảm, hầu như không thể hiện biểu cảm rõ ràng trên khuôn mặt dù đang trong giai đoạn hoạt bát nhất của đời người. Mỗi khi ở bên mẹ, cháu luôn quan sát mẹ, và mất bình tĩnh khi không có mẹ bên cạnh.
Dù được nhờ tư vấn về chuyện bỏ học, nhưng người đầu tiên tôi đưa ra lời khuyên là người mẹ. Tôi nhờ chị ghi lại những câu mình thường mắng con mỗi ngày. Sau khoảng 2-3 tuần, người mẹ gọi điện cho tôi và nói rằng: “Sổ của tôi đầy kín rồi, chán viết lắm rồi!” Và khi đếm thử, chị nhận ra rằng những câu mắng mỏ của mình lên tới con số hơn 100! Trước khi gác máy, tôi nói: “Chị cứ viết tiếp khoảng một tháng nhé, kể cả câu lặp đi lặp lại cũng được.”
Tôi gặp lại mẹ con họ mới gần đây. Tôi được “báo cáo” lại rằng tình trạng của người mẹ đã khá hơn, còn cậu bé đã vui vẻ đi học trở lại nên tôi thấy vô cùng an tâm.
Các bạn nghĩ sau ba năm gặp lại, quan hệ mẹ con của họ sẽ thế nào? Cậu bé đã lên cấp II, tính cách cũng sôi nổi hơn nhiều. Mỗi khi nói về các hoạt động ở Câu lạc bộ Mĩ thuật mình tham gia là mắt cậu lại lấp lánh
niềm vui, khiến người nghe cũng thấy vui theo. Còn về người mẹ, nụ cười dành cho con của chị trở nên đẹp tuyệt. Người mẹ cũng mang tới cảm giác hoạt bát, và khi hỏi chuyện, tôi biết được chị bắt đầu tham gia leo núi từ hơn một năm rưỡi trước, hiện đang viết blog kể về chuyến đi này và thực sự thích hoạt động đó. Chị tâm sự: “Tôi đã tiếp tục ghi lại theo lời cô chỉ, và tôi bị sốc! Tôi sốc vì không ngờ mình lại là con người đáng ghét đến vậy. Tôi đã buồn suốt một tháng trời.”
Nhìn lại mình, dũng cảm thừa nhận những điểm đáng ghét của bản thân, là một cơ hội tốt. Khi đó, thay vì bực bội với chính mình, ngược lại bạn có thể nghĩ: “Chắc chắn mình cũng có ưu điểm!” và bắt đầu tìm kiếm điểm tốt ở bản thân.
Con người thật thú vị nhỉ! Trong câu chuyện trên, người mẹ trên cơ sở nhận thức được điểm tốt - điểm xấu của bản thân đã một lần nữa tự yêu mình hơn. Lúc đó, chắc chắn chị đã nhận ra: “Vì mình không thể yêu bản thân nên cũng chẳng yêu nổi con.”