🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook 800 Ngày Trên Mặt Trận Phía Đông - Nikolai Litvin full prc pdf epub azw3 [Lịch sử]
Ebooks
Nhóm Zalo
800 NGÀY TRÊN MẶT TRẬN PHÍA ĐÔNG
(800 days on the Eastern Front)
Hồi ức một người lính Nga về War WorldII
Tác giả: Nikolai Litvin
Dịch tiếng Anh: Stuart Britton
Dịch tiếng Việt: Maseo
Nguồn: Sadec1
Biên tập ebook: QuocSan, Văn Cường
Chương 1: TÔI TRỞ THÀNH LÍNH ĐỔ BỘ ĐƯỜNG KHÔNG
Tôi sinh ngày 20/06/1923 tại làng Grigorevka, 40km về phía Nam thành phố Petropavlovsk, Đông Siberia. Bố mẹ tôi là nông dân và tôi là một trong số bốn con trai. Sau Nội chiến Nga, bố tôi làm thợ cơ khí chuyên sửa máy kéo. Năm 1927, ông tôi và các chú thành lập một hợp tác xã. Họ làm nông trong một khu vực khoảng 5km². Nhờ khoản vay Nhà nước, họ có được một máy kéo, một máy cày, một máy gặt và các máy móc nông nghiệp khác. Trong năm đầu tiên làm ăn tập thể, hợp tác xã đã có một vụ rất bội thu, nó đủ để trả khoản vay. Cuối năm 1929, gia đình tôi chuyển đến Nikolaev bên Ukraine, ở đó bố tôi làm việc trong một nhà máy đóng tàu. Tôi bắt đầu đi học tại trường ở Nikolaev vào năm 1931. Năm 1933, Ukraine bắt đầu trải qua Nạn Đói Khủng Khiếp.[1] Để gia đình khỏi chết đói, chúng tôi chuyển đến Omsk Oblast, tại đó bố tôi làm thợ máy trong một garage của nông trường Nhà nước Sovkhoz, chính ở đây tôi đã học hết lớp 4 và gia nhập Đội Thiếu niên cùng với một người anh. Tôi nhớ rằng khi đó thiếu khăn quàng, tôi và người anh đã viết thư cho Stalin: “Đồng chí Stalin, hãy gửi khăn quàng cho tôi và anh tôi”. Ngay sau đó khăn quàng lại có bán ở cửa hàng, nhưng chúng tôi nhận được thư của chính quyền địa phương: “Các cháu bé, hy vọng là bây giờ các cháu đã có được khăn quàng của mình, nhưng trong tương lai yêu cầu các cháu không được làm phiền Stalin với những chuyện như vậy”.
Vào lúc đó, bố mẹ gửi tôi về quê, Grigorevka để giúp ông bà công việc trong hợp tác xã. Tôi học xong lớp 7 ở đó. Trong thời gian học, tôi được thanh niên địa phương chọn làm chỉ huy đội phòng vệ dân sự. Ngày đó tôi nhận được rất nhiều huy hiệu từ Đội Thiếu Niên, bao gồm cả các huy hiệu về quốc phòng, “Tay súng Voroshilov”[2] các huy hiệu về bảo vệ sức khoẻ, phòng hoá, huy hiệu “Sẵn sàng lao động và bảo vệ”. Không ai trong làng có được nhiều vinh quang như tôi! Tôi tổ chức dạy thanh niên bắn súng và tự vệ. Trường tôi đã giành giải nhất trong cuộc thi tại địa phương. Tháng 10/1938, tôi được kết nạp Đoàn Thanh niên Komsomol, bước chuẩn bị để trở thành Đảng viên. Tháng 8/1939 tôi vào học Trường Kỹ thuật Petropavlovsk ngành Kỹ sư Địa kỹ thuật (Geotechnical). Đến mùa xuân năm 1941, chúng tôi đã kết thúc chương trình lý thuyết và bắt đầu học tại thực địa các phương pháp đo đạc địa lý. Lúc đó tôi 18 tuổi.
Chiến tranh bùng nổ
Sáng Chủ nhật ngày 22/06/1941, tôi trở dậy, học bài qua loa và mở radio. Vì lí do nào đó tôi không nghe thấy chương trình dạy vật lý vẫn được phát trên radio vào buổi sáng thường nhật. Thay vào đó là bản hành khúc quân đội được phát liên tục. Cuối buổi sáng, bố tôi nghẹn ngào báo muốn gặp tôi và cùng nhau đi uống bia. Đó là một ngày ấm áp. Suốt buổi trưa, những bản quân nhạc trên radio được phát xen kẽ với một bản thông điệp Nhà nước. Bộ trưởng Ngoại giao Molotov nói: “Hỡi các công dân và nông trang viên… Phát xít Đức đã tấn công chúng ta…” một ý nghĩ lập tức xuyên qua đầu óc tôi: “Bố tôi sẽ là người đầu tiên bị gọi ra mặt trận, sau đó là em trai Alexander (Shurka), rồi đến tôi. Bố tôi và tôi sẽ trở về, nhưng Shurka thì không.” Và đó là những gì đã thực sự xảy ra. Shurka ít hơn tôi hai tuổi. Ngày hôm sau, khi chúng tôi đến trường, ban giám hiệu thông báo ngừng chương trình học đo đạc địa lý của chúng tôi. Các nam sinh phải lập tức chuyển sang học làm người lái máy kéo, các nữ sinh được gửi đến các xưởng máy kéo để phục vụ các nông trại trong khu vực. Tại sao lại là người lái máy kéo? Vì khi chiến tranh bắt đầu, tất cả người lái máy kéo hiện có đều bị đưa ra mặt trận, trong khi đó mùa màng vẫn cần thu hoạch. Vì vậy họ chuẩn bị để cho chúng tôi làm công việc đó.
Giám đốc xưởng máy kéo ở địa phương là người đã từng được nhận Huân chương Lenin. Trong một tháng, chúng tôi đã phải học rất vất vả cách làm thế nào để vận hành và sửa chữa những cái máy kéo và các máy móc khác. Sau đó ông ta gửi chúng tôi đến một nông trang tập thể để chuẩn bị cho vụ thu hoạch sắp tới. Khi đến nơi, chúng tôi phát hiện ra rằng chẳng có cái máy kéo nào sẵn sàng cho mình. Chúng tôi phải tự sửa lấy những chiếc máy kéo đã hỏng để dùng. Cuối cùng, tôi cũng được phân công lái một chiếc ChTZ – Một loại máy kéo do Nhà máy Máy kéo Cheliabinsk sản xuất. Tôi lái chiếc máy kéo của mình chạy vòng quanh một lúc để lấy cảm giác, và đến tối giám đốc đến và tổ chức chúng tôi thành một đơn vị máy kéo. Vụ thu hoạch bắt đầu, vì một số lý do, chiếc máy kéo của tôi chạy chậm hơn và luôn tụt lại đằng sau những chiếc khác. Tôi rất ngượng. Và vì thế, đêm đó tôi đã có một giấc mơ. Trong mơ, kỹ sư Zubkob, người đã dạy tôi về máy kéo, đến thăm đơn vị máy kéo của chúng tôi. Tôi hỏi ông, “Tại sao cái máy kéo của tôi chạy chậm thế?” Và trong giấc mơ của tôi, ông trả lời, “Hey, đồ ngu, kéo căng dây điều tốc ra, và cái máy của mày sẽ chạy nhanh hơn.” Tôi bật dậy vào lúc 2h sáng, nhảy khỏi giường, chạy tới máy kéo, kéo căng dây điều tốc – và ngày hôm sau, máy kéo của tôi chạy nhanh hơn thật. Tôi làm việc đến khi vụ thu hoạch kết thúc vào ngày 25/09/1941. Khi công việc đồng áng chấm dứt, chúng tôi trở về trường kỹ thuật để bắt đầu chương trình năm thứ ba tại thực địa về trắc địa và đo đạc địa hình. Sau đó đột nhiên Chính phủ ra lệnh rút ngắn chương trình học từ bốn năm còn có ba. Trong năm học thứ ba giờ đã trở thành năm cuối, chúng tôi còn phải bận rộn với các khoá học về phòng vệ dân sự và lực lượng bán vũ trang. Tôi đã học kỹ năng tấn công đổ bộ đường không, bao gồm nhảy dù và đổ bộ bằng tàu lượn. Các học viên khác học về phòng hoá hoặc súng phun lửa. Ở Chi Đoàn Komsomol chúng tôi thậm chí có hẳn một khẩu hiệu: “Mỗi đoàn viên phải có được bốn danh hiệu: Tay súng Voroshilov (cho khả năng bắn súng), Sẵn sàng Phòng không, Sẵn sàng Lao động và Bảo vệ, và Sẵn sàng Bảo vệ sức khoẻ (Rediness for Anti-Air Defense, Labor and Defense, Sanitary Defense, dịch nghe hơi chuối các bác thông cảm:D) Cuối năm 1941, Phi đoàn 52 đến đóng ở thành phố chúng tôi. Họ đào tạo các phi công dân sự, bao gồm cả những người tình nguyện từ trường kỹ thuật của tôi. Thật tình cờ, khi chiến tranh bắt đầu, học tập tại trường kỹ thuật trở nên thoải mái chưa từng thấy, nhưng tôi đã không biết được cái giá phải trả: việc đào tạo chỉ thoải mái với những đứa trẻ sẽ trở thành lính tiền tuyến.
Tôi tình nguyện tham gia lực lượng đổ bộ đường không
Ngay sau khi kết thúc năm học cuối, họ cấp cho tôi một chứng chỉ để theo học tiếp đại học tại Pavlodar. Nhưng vào lúc đó, tôi lại muốn ra mặt trận, thậm chí tôi viết cả đơn xin thôi học ngay khi hoàn thành khoá học tại trường kỹ thuật. Tôi thường nghe thấy những người xung quanh nói: “Họ đã vứt bỏ tất cả! Hãy nhìn, họ vẫn đi tới!” Những lời nói đó làm tôi cảm thấy xấu hổ. Vậy là tôi tới phòng tuyển quân và bắt đầu lải nhải thuyết phục họ cho đăng lính Hồng quân. Tay chính uỷ từ chối: “Khi nào cần, chúng tôi sẽ tìm đến anh.” Nhưng đúng lúc đó, một viên trung uý đến để tuyển tân binh cho lực lượng đổ bộ đường không. Tôi khẩn khoản yêu cầu anh ta. Anh ta hỏi: “Cậu là đoàn viên Komsomol?” – Vâng, – tôi nói – tôi đã nhảy dù 37 lần, và tôi xếp hạng ba trong một cuộc thi chạy vượt rào. Tôi còn có kinh nghiệm về tàu lượn và trượt tuyết. Viên trung uý cảnh báo rằng lực lượng đổ bộ đường không có tới 90% khả năng chết trong khi thi hành nhiệm vụ nhưng cũng nói nếu tôi vẫn muốn, anh ta sẽ nhận – chỉ với một điều kiện là tổ chức Đoàn thanh niên địa phương gửi một giấy giới thiệu. Tôi chạy tới Đoàn thanh niên Komsomol địa phương và tìm thấy một người quen, Genka Uporov, đang ngồi ở đó. Anh ta cũng là cựu học viên trường kỹ thuật nhưng đã rời trường để tham gia “Cuộc chiến tranh Mùa Đông” chống Phần Lan và trở về với một cái chân què và một Huân chương Cờ Đỏ. Anh ta cố thuyết phục tôi đừng tham gia lực lượng đổ bộ đường không nhưng dù sao cũng vẫn cấp cho tôi một giấy giới thiệu. Ngày 20/09/1942, tôi được đưa tới Liubertsy, gần Moscow, để tham gia Lữ đoàn Đổ bộ đường không số 1. Có 10 lữ đoàn như vậy đang được thành lập ở đó, theo lệnh của Stalin. (Ở đây Litvin có lẽ không thể nhịn được một câu đùa) Ông ấy muốn dùng họ để chinh phục cả Châu Âu, và ném họ xuống tất cả các thủ đô Châu Âu. Hitler đã đi trước ông ta, điều đó đã được hắn thực hiện ở Pháp, Áo và Tiệp. Những người Mỹ cũng đã chinh phục nửa thế giới với đơn vị Không kỵ số 82!
Tôi thấy có khoảng 40 lính tình nguyện từ thành phố của mình tại Liubertsy. Chỉ huy bổ sung chúng tôi vào một nhóm gồm những người vừa được ra tù vì các tội nhẹ: Chậm 20 phút – vào thẳng nhà tù. Họ tập hợp mọi người thành các phân đội theo mốt đó. Ở Liubertsy, đầu tiên họ đưa chúng tôi vào nhà tắm và sau đó phát quân phục. Chính uỷ phân đội Tumarbekov ra lệnh chọn 100 người cho một đơn vị đặc biệt – tiểu đoàn cối độc lập trực thuộc Lữ đoàn bộ. Tôi được phân vào tiểu đoàn này. Vào lúc đó chúng tôi không có pháo, và chúng tôi phải mang vác tất cả mọi thứ kể cả súng cối. Mỗi người mang một tiểu liên PPSh và một dao Phần Lan, hai lựu đạn (một chống tăng, một chống bộ binh), 500 viên đạn, một xẻng công binh, một bi đông nước và một hộp đồ ăn. một số người vác nòng cối; những người khác vác đế.
Mặt trận Tây Bắc: Demiansk và Staraia Rusa
Mùa đông năm 1942, Tập đoàn quân số 16 thuộc Cụm tập đoàn quân Bắc của quân đội Đức chiếm giữ một mấu lồi đâm sâu vào chiến tuyến Nga ở Demiansk. Tổng hành dinh quân đội Nga đã chú ý đến mấu lồi này và chuẩn bị loại trừ nó nhưng là trong một cuộc phản công nhằm vào nhiều mục tiêu rộng lớn hơn. Tổng hành dinh hy vọng các cuộc tấn công đồng thời do các lực lượng của Mặt trận Tây Bắc là Tập đoàn quân Xung kích số một và Tập đoàn quân số 27 theo hướng đối diện sẽ tạo ra một hành lang cắt đứt cái túi Demiansk khỏi chiến tuyến Đức, dồn quân phòng thủ Đức vào một cái bẫy. Điều này cho phép Tập đoàn quân Xe tăng số một đánh xuyên ra phía sau quân Đức hướng về phía Stoltsy và Luga, bằng cách đó cô lập Tập đoàn quân số 16 Đức với đơn vị tiếp giáp về phía bắc của nó là Tập đoàn quân số 18 đang bao vây Leningrad.
Sư đoàn Đổ bộ đường không Cận vệ số 4 của Litvin, một trong số các sư đoàn đổ bộ đường không được thành lập theo “làn sóng thứ hai” trong cố gắng của Stalin nhằm xây dựng một lực lượng đổ bộ đường không mạnh, được tăng cường cho Tập đoàn quân Xung kích số một thuộc Mặt trận Tây Bắc để giúp nó đủ sức mạnh tấn công vào phần phía Nam của hành lang Demiansk. Mặc dù tất cả được gửi đi nhưng một trung đoàn vẫn được để lại làm dự bị. Litvin đã tường thuật lại chi tiết những chuyện tồi tệ và sự khó khăn của ông như một điển hình mà những người lính trơn Nga ở mặt trận phải trải qua vào lúc đó. Đói là một vấn đề thật sự, thậm chí cả với những lực lượng đặc biệt như lính đổ bộ đường không. Tại đó họ đã phải chiến đầu trong thời tiết mùa đông tồi tệ trên địa hình lầy lội và điều kiện giao thông không thể chấp nhận được. Tháng 12 năm 1942, lữ đoàn đổ bộ đường không của chúng tôi được tái tổ chức vào biên chế Sư đoàn Đổ bộ đường không Cận vệ số 4.[3] Họ bỏ súng cối và thay vào đó là đại bác chống tăng 45mm cùng với dù cho pháo. Ngày 3/1/1943 đến cùng với lệnh cho chúng tôi ra mặt trận để gia nhập Tập đoàn quân Xung kích số một thuộc Mặt trận Tây Bắc đang đóng ở phía nam hồ Il’men. Chúng tôi gấp dù và xếp trang bị chiến đấu. Chúng tôi trải qua một đêm ở Khimki và sau đó di chuyển bằng xe lửa đến Klina. Khẩu đội tôi tiến vào ngôi nhà của Tchaikovsky, nhà soạn nhạc nổi tiếng, và phát hiện ra rằng bọn Đức đã sử dụng chuồng ngựa cho lũ ngựa của chúng. Chúng tôi cắm trại và ngủ đêm tại đó. Ngày hôm sau chúng tôi vượt qua Torzhok và đến Ostashkov, phía nam hồ Il’men. Khi tới nơi, chúng tôi nhận được đồ ăn nóng và ván trượt tuyết. Chúng tôi đợi ở đó từ ngày 13 đến ngày 15/1 để tập trung toàn sư đoàn. Ngày 15/1, sư đoàn di chuyển bằng ván trượt đến vị trí xuất phát tấn công – một điểm cách Staraia Rusa khoảng 20km về phía tây nam, phía đông Kholm. Có đến hàng nghìn chiếc xe ở đây! Đầu tiên, một chiếc xe tải gây nên một vụ ùn tắc suốt dọc con đường. Tắc đường lúc này rất nguy hiểm – chúng tôi không có phòng không, và chúng tôi di chuyển thành một khối đông đúc đến mức nguy hiểm: Tám sư đoàn, 120.000 con người. Mệnh lệnh được đưa ra ngay lập tức: “Bắn tay lái xe!”. Đến gần Astratovo chúng tôi dừng lại trong một khu rừng. Địa hình khu vực này rất ẩm ướt. Có sương mù nhẹ, nhiệt độ vào khoảng 20 độ F.
Tại đây sư đoàn chúng tôi nhập vào Quân đoàn bộ binh Cận vệ số 18, đó là một phần của Tập đoàn quân Xung kích số một trực thuộc Mặt trận Tây Bắc. Kể từ chiến dịch tiến công mùa đông đầu tiên năm 1941- 1942, Tập đoàn quân Xung kích số một đã bị khoá chặt vào những trận chiến ác liệt với quân Đức để cố gắng cắt đứt “Hành lang Ramushevo” dẫn vào cái túi Demiansk. Họ đã chịu những thiệt hại nặng nề trong nhiều lần cố gắng cắt đứt tuyến hành lang này nhưng vẫn chưa thể đạt được mục tiêu. Trong những tuần cuối cùng của cuộc tấn công mùa đông năm 1942, Stalin và Tổng hành dinh muốn có một nỗ lực hơn nữa để cắt đứt tuyến hành lang và loại trừ mấu lồi Demiansk. Trước cuộc tấn công, chúng tôi phải bảo vệ một tuyến đường độc đạo dùng làm tuyến tiếp tế cho các đơn vị ở tuyến đầu. Thức ăn không hề được cấp. Chúng tôi tìm thấy một con ngựa chết và sống nhờ nó trong hai tuần cho đến khi lương thực cuối cùng cũng được chuyển tới. Chúng tôi có một đại đội súng trường chống tăng PTR ở cùng với mình, nhiều người trong số họ vừa mới ra tù. Trung uý đại đội trưởng Tumarbekov một hôm đề nghị: “Hãy tập kích bọn Đức!” Vấn đề là trên bờ trái sông Parusia, quân Đức và Phần Lan[4] đã cố thủ ở đó một năm rưỡi, được che chở bằng boongke và hầm hố. Con sông nhỏ vào lúc này đang đóng băng và bao phủ bởi tuyết và các xác chết đông cứng. Chúng tôi ngấm ngầm vạch ra một kế hoạch, sau đó trườn đến phòng tuyến Đức và đợi đến lúc chúng đổi gác. Mệnh lệnh đến, “Xông lên!”. Những luồng đạn chéo cánh sẻ bắn như mưa trong suốt gần hai tiếng đồng hồ. Chúng tôi nã đạn từ những khẩu 45mm của mình, tuy nhiên vào lúc đó đạn dược được cấp quá ít, chỉ hai viên mỗi khẩu. Không hiểu bằng cách nào nhóm đột kích đã chiếm được một kho thức ăn và mang nó về nguyên vẹn. Khi trời sáng, trung đoàn trưởng gọi Turmabekov lên và sạc cho một trận. Tuy nhiên đối với mọi người khác, anh ta đáng được tặng huân chương!
Cuộc phản công tại mặt trận Tây Bắc bắt đầu ngày 26/1/1943 tại khu vực mấu lồi Ramushevo. Trận đánh đáng ra được bắt đầu ngày 15/1 nhưng đã buộc phải chậm lại vì những khó khăn trong việc tập hợp lực lượng do đường sá thiếu thốn trong một khu vực rừng rậm lầy lội. Ví dụ các sư đoàn đổ bộ đường không số 1, 2, 3 và 4 đã đến đúng hạn nhưng pháo binh, tiếp vận, hậu cần không có. Các đơn vị khác, bao
gồm cả các lữ đoàn trượt tuyết, chỉ đến được điểm tập trung sau ngày 20/1. Mục tiêu chủ yếu của Tập đoàn quân Xung kích số một là tấn công vào “cổ” mấu lồi Deminask từ phía nam, kết hợp với cuộc tấn công của Tập đoàn quân số 27 từ hướng đối diện của cái “cổ” này để cắt đứt nó, dồn các sư đoàn Đức vào trong một cái túi. Nhiệm vụ của Quân đoàn bộ binh 18 là chọc thủng tuyến đầu quân Đức và cắt đứt tuyến đường Staraia Rusa – Kholm ở gần các làng Lekhny, Karkachii, Pesok và Krivovitsa. Tuyến đường này là chìa khoá của tuyến giao liên bên sườn dẫn về phía sau chiến tuyến Đức. Đầu tiên chúng tôi sẽ phải mở một lỗ hổng trên chiến tuyến Đức, lực lượng cơ giới của Tập đoàn quân Xe tăng số một và Tập đoàn quân 68 dưới quyền chỉ huy của Trung tướng M.S.Khozin sẽ phát triển tấn công thẳng về hướng Stoltsy và Luga, thọc sâu vào sườn và phía sau Tập đoàn quân số 18 của Đức đang bao vây Leningrad. Thật không may, bọn Đức đã đoán trước cuộc phản công của chúng tôi. Trước khi trận đánh bắt đầu, quân Đức rút một số lượng lớn lực lượng và trang bị từ trong mấu lồi Demiansk ra để bố trí tại khu vực phía trước “vai” của mấu lồi – bên phải hướng tấn công của Quân đoàn 18 Bộ binh. Sự di chuyển này đã khiến Nguyên soái S.K.Timoshenko, chỉ huy Mặt trận Tây Bắc, bị bất ngờ, dường như ông ta đã đánh giá quá thấp khả năng của địch và quá cao khả năng của Tập đoàn quân Xung kích số 1. Tập đoàn quân Xung kích số một đã không thể hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi đã cắt được tuyến đường Staraia Rusa – Kholm vào ngày tấn công đầu tiên ở gần làng Karkachii nhưng không thể tiến xa hơn vì sức phòng thủ mạnh mẽ của quân địch. Thậm chí chúng còn phản công lại dữ dội và chúng tôi đã phải bảo vệ những thành quả nghèo nàn của mình trong hai tuần. Lực lượng cơ giới của tướng Khozin đã không thể có được khu vực xuất phát tấn công để phát triển kết quả chiến dịch và gặp phải vô số khó khăn khi di chuyển do bùn lầy. Cuộc tiến công nhanh chóng bị sếp xó, Tập đoàn quân Xe tăng số một của Katukov được rút về phía Nam bằng tàu hoả. Lúc đó chúng tôi không biết rằng nó được đưa về Kursk.
Cuộc thử lửa đầu tiên của chúng tôi đã diễn ra tại đây, nhưng trong sư đoàn chỉ có Trung đoàn Đổ bộ đường không Cận vệ số 9, được tăng cường một trong các khẩu đội pháo chống tăng của chúng tôi, tham chiến. Sư đoàn được giữ làm dự bị trong một khu rừng phía sau khu chiến khoảng 3km.
Trong hai tuần, phần lớn đám lính dự bị chúng tôi đi vác đạn cho các đơn vị pháo binh. Không hề có vận tải cơ giới giữa kho đạn và các ụ pháo trong khi lũ ngựa thì chưa thuần. Chúng tôi vẫn ở vị trí đó cho đến giữa tháng 3/1943, trong thời gian này các khẩu đội chống tăng của sư đoàn được thống nhất thành Tiểu đoàn Diệt tăng Cận vệ Độc lập số 6, nhưng tiểu đoàn này vẫn là một bộ phận của Sư đoàn Đổ bộ đường không Cận vệ số 4. Rồi có lệnh tới rút chúng tôi khỏi chiến tuyến và quay lại đường tàu để chuyển sang mặt trận khác. Năm sư đoàn đổ bộ đường không – 2, 3, 4, 6 và 9 Cận vệ – cùng với toàn bộ các đơn vị pháo binh và công binh đang được phối thuộc dưới sự chỉ huy của Tập đoàn quân Xung kích số một bị rút khỏi Tập đoàn quân và được lệnh di chuyển về trung tâm nước Nga. Chúng tôi tập trung tại ga Soblago, không xa Velikie Luki. Mọi người đều bẩn thỉu và không được tắm rửa đã lâu, rận có ở khắp nơi. Trước khi đi ngủ (trong các lán dã chiến dựng bằng cành cây linh sam), chúng tôi ngồi hơ quần áo quanh đống lửa trại. Lũ rận nổ lép bép y như những quả lựu đạn nhỏ. Người ta mang băng đạn và quân phục mới phát cho tất cả những binh sĩ đang có mặt ở ga Soblago, sau đó đưa tất cả về Moscow trên những toa tàu hoả. Tại ga Khovrino, chúng tôi có cơ hội được đi tắm, nhận trang bị và quân phục mới dành cho mùa hè, và sau đó chúng tôi được đưa tới Kursk, nơi Hồng quân đã tạo được một mấu lồi lớn đâm vào chiến tuyến Đức trong cuộc tấn công mùa đông vừa rồi. Khi chúng tôi đang di chuyển thì ở Elets cách đó gần 5km nhiều máy bay ném bom Đức bất ngờ tấn công, chúng bổ nhào xuống đường tàu như những con diều hâu. Chúng tôi chỉ có vài chiếc máy bay tiêm kích bảo vệ trên đầu. Ban chỉ huy bèn quyết định rẽ trái vào một nhánh đường tàu đi về Kastorniia, nhờ đó sư đoàn tôi cùng với một trung đoàn pháo tránh thoát trận bom và đến làng Kliuchi an toàn.
Lúc đó là giữa tháng 4/1943, nhiều người đang cày trên các cánh đồng. Chúng tôi muốn giúp họ nhưng đã nhận được câu trả lời: “Quy định không đề cập đến chuyện đó. Hãy yêu cầu chính uỷ ấy.” Chính uỷ Kleshchev là một người khôn ngoan: “Cho đến giờ quy định không đề cập gì đến chuyện này, chúng ta sẽ vận dụng sáng tạo quy định về lao động cộng sản ngày thứ 7 để đáp lại sự giúp đỡ của nhân dân.” Theo cách đó chúng tôi đã giúp nhân dân địa phương một tay trong công việc đồng áng. Vào lúc đó, các loại xe cộ Mỹ bắt đầu được chuyển đến với số lượng lớn theo Hiệp ước Thuê – Mượn (Lend – Lease). Hồng quân cần thêm nhiều lái xe cho tất cả số xe này. Tôi được đưa vào một khoá hướng dẫn lái xe. Trong vòng bốn hay năm ngày gì đó, người hướng dẫn bị điều đi bỏ mặc tôi lại đó dạy những người khác cách làm thế nào để vận hành bộ chế hoà khí. Từ lúc đó tôi thực sự trở thành một người trợ giảng. Hai tuần sau những chiếc xe của chúng tôi đã được đưa tới – xe jeep Mỹ nhãn hiệu Willy. Chúng tôi lái thử chúng chạy vòng quanh. Từ lúc này tôi có thêm trách nhiệm làm tài xế bên cạnh những bổn phận vốn có đối với một pháo thủ, và tôi được thiên chuyển về Khẩu đội 3 Tiểu đoàn Diệt tăng Cận vệ Độc lập số 6.
Chương 2: KURSK
Sau thất bại tại Stalingrad, quân Đức quyết định đánh một trận báo thù tại một khu vực gần Moscow: mấu lồi Kursk. Trong các trận đánh từ tháng một đến tháng 3 Hồng quân đã chọc thủng tuyến phòng ngự Đức tại khu vực này, một số nơi tiến được tới 150-200km tạo nên một mấu lồi hình bầu dục trên chiến tuyến, hơi thót ở phần cổ do các mấu lồi của quân Đức ở phía bắc tại khu vực Orlovsk và ở phía nam gần Belgorod. Từ những khu vực này và theo hai hướng từ bắc và nam mấu lồi, quân Đức quyết định giáng một đòn hướng về phía Kursk, khép miệng thành một cái túi trong có có cả triệu quân ta. Nếu chúng thành công, con đường đến Moscow sẽ mở toang vì khi đó chúng tôi gần như không có lực lượng nào khác ngăn chúng đến gần Moscow.
Chuẩn bị phòng thủ
Để chuẩn bị chống lại cuộc phản công của quân Đức, Tổng hành dinh ra lệnh thiết lập một hệ thống phòng thủ rộng và nhiều tầng. Năm tuyến công sự được xây dựng, mạnh nhất trong số đó là các tuyến thứ nhất, thứ hai và thứ ba. Mỗi tuyến công sự bao gồm đường hào, hào nhánh, hỏa điểm pháo chống tăng, và ngay tuyến đầu bố trí pháo chống tăng, súng trường chống tăng, mìn chống tăng. Giao thông hào được nối giữa các tuyến phòng thủ với nhau, thêm vào đó các hầm trú ẩn cho bộ binh cũng đang được xây dựng. Điểm cơ bản của kế hoạch là khi xe tăng Đức xông lên sẽ chỉ có
súng chống tăng và các pháo thủ vừa đánh vừa lùi về phía sau, trong khi đó bộ binh và súng máy sẽ rúc xuống hào và chỉ nổi lên khi trận đánh với xe tăng đã qua. Nhiệm vụ của năm tuyến phòng thủ là tiêu diệt càng nhiều càng tốt xe tăng, pháo tự hành và bộ binh địch. Chúng tôi muốn hút khô máu lực lượng tấn công Đức. Chỉ khi quân địch đã kiệt sức và mất khả năng kiểm soát cuộc tấn công chúng tôi mới bắt đầu phản công. Tiểu đoàn chống tăng của chúng tôi vẫn là một phần của Sư đoàn Đổ bộ đường không Cận vệ số 4. Bao gồm ba khẩu đội pháo kéo bằng xe jeep Willy do Mỹ sản xuất, chúng tôi là đơn vị chống tăng cơ động dự bị cho lực lượng pháo binh dưới quyền chỉ huy của Sư đoàn Đổ bộ 4. Súng của chúng tôi là loại pháo chống tăng 45mm nòng dài. Tôi phải giải thích thêm ở đây là những khẩu 45mm của chúng tôi trang bị loại kính ngắm quang học PP-9, nó cho phép chúng tôi ngắm chính xác gần như súng bắn tỉa. Nhờ đó khẩu pháo có thể bắn chính xác vào bất kỳ vị trí đặc biệt nào trên một chiếc xe tăng từ khoảng cách 500m. Ở những chỗ khác trên chiến trường chỉ có loại pháo 45mm nòng ngắn dùng để chống bộ binh và các mục tiêu mềm. Sư đoàn Đổ bộ 4 là một phần của Quân đoàn Bộ binh Cận vệ 18 thuộc Tập đoàn quân 13 của trung tướng N.P.Pukhov dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Phương diện quân Trung tâm, đại tướng K.K.Rokossovskii. Tập đoàn quân 13 trấn giữ phần vai phía bắc của mấu lồi Kursk, Quân đoàn Bộ binh Cận vệ 18 giữ một bộ phận chiến tuyến từ phía đông của điểm giao cắt đường sắt tại ga Ponyri. Sư đoàn của tôi, Sư Đổ bộ 4, được bố trí gần hai ngôi làng nhỏ Somovo và Nemchinovka bên bờ sông Sosna. Phía tây là làng Samodurovka. Chúng tôi thường đặt pháo phía sau tuyến đầu 70-100m, nơi bộ binh và các xạ thủ súng máy đang núp. Nếu xa hơn về phía sau những khẩu pháo của chúng tôi trở nên không hiệu quả: Súng 45mm quá nhỏ và yếu. Đôi khi chúng tôi cũng đẩy pháo lên tuyến đầu bắn một phát nhưng sau đó phải lùi lại ngay. Ở Kursk chúng tôi phải chiến đấu giữ tuyến phòng thủ liên miên, nhưng chúng tôi có đến bốn vị trí bắn dự phòng.
Các quân đoàn xe tăng Hồng quân số 9 và 19 cũng đóng trong khu vực này. Trong giai đoạn đầu khó khăn của cuộc phòng ngự, những chiếc xe tăng được đặt trong công sự, chỉ có mỗi nòng pháo thò lên khỏi mặt đất. Trong suốt giai đoạn phòng ngự thụ động ban đầu này chúng tôi có 7 xe tăng trên mỗi km chiến tuyến trong khi có tới 125 súng chống tăng. Tư lệnh Phương diện quân Trung tâm của chúng tôi, Rokossovskii, đã có một quyết định khôn ngoan khi tập trung pháo binh của Phương diện quân tại các khu vực dự đoán quân Đức sẽ tấn công. Ông ta đã rút một nửa số pháo của các tập đoàn quân 60, 65 và 70 để tập trung tại các khu vực phòng thủ của Tập đoàn quân 13, và các khu vực của Tập đoàn quân 48 tại Malo Arkhangel’sk. Chúng tôi đã có những hoạt động chuẩn bị mạnh mẽ để chờ đón cuộc phản công của quân Đức. Bất cứ khi nào yên tĩnh, đám pháo thủ chúng tôi lại luyện tập. Trong khẩu đội tám người của chúng tôi, mỗi người đều có vai trò của mình. Chỉ huy lựa chọn mục tiêu, loại đạn, số lượng đạn và ra lệnh khai hoả. Pháo thủ ngắm và bắn. Người điều khiển khoá nòng đóng và mở nó trong trường hợp cơ cấu tự động bị hỏng. Người nạp đạn thì nạp đạn vào súng và hất vỏ đạn đi sau khi bắn. Snariadny (theo nghĩa đen là “người đạn”) chuẩn bị đạn để bắn và chuyển nó cho người nạp đạn. “Chuẩn bị đạn” có nghĩa là gì? Là anh ta đặt khoảng cách mà quả đạn sẽ bay trước khi nổ. Iashchechny (theo nghĩa đen là “người hòm”) mở các hòm đạn, lau sạch bụi trên viên đạn, và lấy nó ra. Người tải đạn thì vác đạn từ hòm đến súng. Cả tám thành viên khẩu đội cũng đồng thời là người kéo pháo hoặc thợ sửa chữa. Tôi là pháo thủ trong khẩu đội. Chúng tôi đã tập luyện liên miên các bài tập chiến đấu vì vậy mọi cử động, di chuyển, đặt súng và bắn trở nên nhuần nhuyễn và tự động. Nhưng trước khi cuộc tấn công xảy ra, chúng tôi cũng được huấn luyện như bộ binh thường, nhờ đó chúng tôi có thể tiếp tục chiến đấu trong trường hợp khẩu pháo bị phá huỷ. Người chỉ huy hướng dẫn các bài tập thông thường.
Ví dụ, chúng tôi núp cách khẩu pháo một khoảng nhất định nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Người chỉ huy đi ra, gỡ mũ và ném nó lên thật cao. Sau đó anh ta quát: “Đó là một quả đạn pháo Đức, các anh cần làm gì để bảo vệ mình, để quả đạn không giết chết các anh?” Khi cái mũ bắt đầu rơi xuống, chúng tôi lập tức tản ra và nhào xuống đất với chân quay về phía “điểm nổ” và tay che đầu, vì vậy nếu quả đạn nổ văng mảnh trúng người sẽ chỉ có chân bị thương còn đầu thì vẫn nguyên.
Chúng tôi được đặc biệt chuẩn bị tâm lý cho việc đương đầu với các xe tăng Đức. Một lần chúng tôi hành quân đến một trường huấn luyện đặc biệt với công sự nhìn ra một cánh đồng trống. Từ xa, những chiếc xe tăng bắt đầu lao tới chúng tôi. Chúng tôi nhanh chóng tìm chỗ nấp dưới các đường hào, và những
chiếc tăng tiếp tục tiến tới gần hơn và gần hơn nữa. một số đồng chí bắt đầu hoảng sợ, nhảy khỏi chiến hào và bỏ chạy. Người chỉ huy theo dõi xem những ai đang chạy và nhanh chóng buộc họ quay về chiến hào và đảm bảo rằng họ vẫn ở đó. Những cỗ xe tăng xông tới đường hào và, với những tiếng gầm khủng khiếp, vượt qua phía trên. Đây đó một số người bị bụi đất trùm kín người hoặc nhận những vết thâm tím, nhưng chúng tôi nhanh chóng nắm được vấn đề: có thể giấu mình dưới hào trước một cỗ xe tăng, kệ cho nó vượt qua bạn và chỉ cần giữ lấy mạng sống. Nằm xuống sát đáy hào và nhắm mắt lại. Ngay khi con tăng vượt qua, bật ngay dậy và quăng một quả mìn chống tăng vào phần giáp yếu phía sau nó. Những người đã cố bỏ chạy trong lần đầu tiên sẽ bị buộc phải thực hiện lại bài tập cho đến khi họ hoàn toàn quen với những tiếng động và cảm giác khủng khiếp khi một con quỷ thép gầm rú lao qua đầu. Người chỉ huy cũng làm công việc nâng cao tinh thần cho chúng tôi trước trận chiến sắp tới. Mọi người trò chuyện cởi mở về trận đánh sẽ diễn ra như thế nào để chuẩn bị tâm lý cho thực tế có thể thậm chí khắc nghiệt và khủng khiếp hơn tất cả những gì chúng tôi có thể tưởng tượng ra. Có mấy chính uỷ thuộc sư đoàn tôi sau đó trở thành những phó chỉ huy trong những công việc mang tính chính trị này. Chúng tôi đối xử với các chính uỷ theo những cách khác nhau, tức là theo những cách mà họ đáng được hưởng. Chúng tôi đối xử với chính uỷ Kleshchev của mình rất tốt. Ông ta là người rất chân thành, một chỉ huy có kinh nghiệm, thông minh và đứng đắn. Trong các bài học chính trị và và thảo luận nhóm của chúng tôi, ông ta luôn nói với chúng tôi như thể nói với chính những đứa con mình. Nhưng cũng có nhiều tay chính trị viên xấu bụng, cũng giống như những chỉ huy tồi – những tên bạo chúa ti tiện – đó chỉ là do có những con người xấu và tốt mà thôi.
Lời chú của Stuart Britton (Người dịch và biên soạn ra tiếng Anh):
“Hồng quân cũng áp dụng những phương pháp khác để nâng cao tinh thần binh sĩ. Litvin nói rằng mỗi người đều nhận được khẩu phần rượu vodka hàng ngày, chúng được phát vào các bữa sáng. Số lượng tuy nhỏ, chỉ 100g, nhưng những người lính rất vui mừng trước biểu hiện khích lệ này theo đúng tinh thần dân tộc. Thông thường, theo Litvin, khẩu phần này là hơi vượt quá quy định, nhưng trước và trong trận Kursk, khẩu phần vodka được phát đều đặn hàng ngày để nâng cao tinh thần.”
Những trinh sát của chúng tôi mãi vẫn không thể thực hiện mệnh lệnh “tóm lấy một cái lưỡi” (cách nói của Hồng quân, có nghĩa là bắt sống một tù binh) để xác định ngày tháng bắt đầu cuộc phản công của quân Đức. Mãi đến tối ngày 4/7, đại tá Dzhandzhgava, chỉ huy Sư đoàn bộ binh 15 “Sivash”[5]ra lệnh cho một toán trinh sát xuất phát và bằng mọi giá phải bắt được một tù binh, nhờ đó chúng tôi có thể biết khi nào cuộc phản công bắt đầu. Những người lính trinh sát bò lên phía trước trong bóng đêm và gặp một nhóm công binh Đức trong khu vực giữa hai chiến tuyến đang gỡ mìn chống tăng trong một bãi mìn. Bọn Đức cắm những lá cờ nhỏ để đánh dấu những tuyến đường đã dọn sạch mìn cho xe tăng của chúng sử dụng. Đám trinh sát rón rén bao vây chúng và nổ súng, bắn hạ phần lớn bọn Đức. Họ chỉ giữ lại hai tên để bắt sống và lôi về ban chỉ huy sư đoàn vào lúc khoảng 1h sáng. Những tên tù binh Đức ngạo mạn nói: “Tất cả chúng mày sẽ chỉ còn giữ được mạng sống 2h nữa thôi. Sau 2h nữa, tất cả chúng mày sẽ tiêu.” Bọn Đức cũng nói pháo Đức sẽ bắn chuẩn bị trong 2h, và đến 4h sáng những cỗ xe tăng của chúng sẽ bắt đầu cuộc phản công.[6] Các cấp chỉ huy của chúng tôi đã chuẩn bị từ trước một kế hoạch pháo kích phản chuẩn bị trong vòng nửa giờ trước khi đợt pháo chuẩn bị của bọn Đức bắt đầu. Theo kế hoạch đó quân ta sẽ nã pháo đập tan các hoả điểm pháo binh Đức đã xác định được từ trước cũng như các khu vực tập trung xe tăng và bộ binh. Sự chuẩn bị của chúng tôi cho kế hoạch này đã được tiến hành kỹ lưỡng. Khoảng một nửa trong số 1.200 khẩu pháo của chúng tôi đang có mặt tại khu vực này của mấu lồi Kursk đã được chỉ định mục tiêu cho kế hoạch pháo kích phản chuẩn bị. Thông thường, các khẩu pháo cỡ lớn 76mm và 120mm đảm nhiệm việc này. Mỗi khẩu theo quy định có 110 viên đạn cho mỗi trận đánh (cơ số), bao gồm cả đạn xuyên giáp, HE, đạn xuyên, đạn nổ mảnh và đạn khói. Chúng tôi cũng có một ít đạn chống tăng lõi tungsten. Tại Kursk trước khi cuộc tấn công của bọn Đức bắt đầu, mỗi khẩu pháo có ba cơ số đạn cho tất cả các hoả điểm. một được đặt trong tình trạng sẵn sàng sử dụng ngay lập tức, hai được trữ trong hầm gần đó.
Các nhóm trinh sát của chúng tôi đã thâm nhập chiến tuyến Đức để phát hiện và đánh dấu nơi bọn Đức đặt các khẩu đội pháo trên bản đồ. Mặt khác, trong khoảng thời gian ngắn trước khi trận đánh nổ ra, họ không làm phiền chúng nữa vì không muốn chúng thay đổi các vị trí này.
Trận đánh bắt đầu và vết thương của tôi
Hai giờ sáng ngày 5/7/1943, phiên gác của tôi vừa mới bắt đầu tại vị trí đặt súng gần làng Nemchinovka. Thời tiết u ám và đêm vào lúc này đặc biệt tối. Bất ngờ từ xa phía sau chiến tuyến tôi có thể nhìn thấy những ánh chớp lửa. Lẽ ra tôi phải đoán được rằng pháo binh của chúng tôi đang bắn giống như tôi đã biết từ nhiều ngày trước cuộc tấn công sẽ bắt đầu. Nhưng vì một số lý do, ý nghĩ đầu tiên đến với tôi lại là những quả đạn pháo Đức đang rơi quá xa phía sau chiến tuyến của chúng tôi đến mức kỳ cục. Tuy nhiên tôi không nghe thấy tiếng nổ. Nếu bọn Đức đang bắn, chúng tôi lẽ ra phải nhận những quả đạn nổ tung khắp xung quanh chứ. Tôi nghĩ: “Pháo chuẩn bị kiểu gì mà quái lạ thế này?” Trận pháo kích phản chuẩn bị của chúng tôi kết thúc sau ba mươi phút. Ba mươi phút đó đã làm bọn Đức choáng váng và khiến cuộc tấn công của chúng chậm lại. Nó buộc chúng phải mất khoảng hai giờ để thu nhặt những người bị thương vong, kéo những xe cộ bị phá huỷ ra phía sau và tái tổ chức tấn công. Chỉ sau khi hoàn tất những việc đó đợt pháo chuẩn bị của chúng mới bắt đầu. Sự ngạc nhiên mà chúng tôi dành cho chúng vẫn chưa hết. Trận pháo kích phản chuẩn bị gây cho pháo binh của chúng những thiệt hại nặng nề, có vẻ như chúng chỉ có thể tung ra một nửa cú đòn mà chúng tôi dự đoán trước đó vào chiến tuyến quân Nga. Và để phản pháo chúng, bây giờ không chỉ là 600 khẩu nữa mà là toàn bộ 1.200 khẩu pháo của chúng tôi bắt đầu bắn.
Bọn Đức tập trung pháo kích nào khu vực chiến tuyến quân ta đối mặt với Sư đoàn Thiết giáp số 20 Đức. Sư đoàn bộ binh 15 “Sivash” của chúng tôi trấn giữ đoạn chiến tuyến này. Bộ binh của chúng tôi được che chở trong các hầm trú ẩn, nhưng vẫn có khoảng 15% quân số chết ngay trong đợt pháo chuẩn bị của quân Đức. Tất nhiên những căn hầm không thể bảo vệ được tất cả mọi người, nếu một viên đạn pháo bắn trúng hầm, những người núp bên trong sẽ chết. Sau đợt pháo chuẩn bị, những chiếc xe tăng Đức tiến lên, theo sau là bộ binh cơ giới và súng máy. Bộ binh của chúng tôi vẫn náu mình dưới hầm khi bọn Đức đến gần. Quân Đức đánh tới tuyến phòng thủ đầu tiên và xuyên vào khu vực phòng ngự của các trung đoàn tuyến đầu. Bất chấp nhiều xe tăng không bị súng chống tăng quân ta hạ, những người lính bộ binh tuyến đầu vẫn lao ra các tuyến chiến hào và sau đó tấn công chúng từ phía sau bằng mìn chống tăng. Trong ngày đầu tiên của trận đánh, quân Đức tiến được 800m. Nhưng đến tối, những cuộc phản công dữ dội của các đơn vị dự bị đã buộc chúng phải rút lui khỏi một số vị trí. một số nơi quân Đức chỉ tiến được 300m, một số nơi khác thì xa hơn một chút. Nhưng dù thế này hay thế khác, quân Đức cũng đã thực hiện được việc đóng một cái nêm vào tuyến phỏng thủ quân ta. Trận đánh lúc này hết sức ác liệt. Gần làng Samodurovka có một khẩu đội pháo 76mm của quân ta do đại uý Igishevo chỉ huy. Khẩu đội này trong ngày đầu đã tiêu diệt 17 chiếc tăng Đức trong hai cuộc tấn công. Khi những cuộc tấn công này chấm dứt, trong số 32 người và bốn khẩu pháo của khẩu đội khi bắt đầu trận đánh chỉ còn một khẩu pháo chưa bị phá huỷ và ba người còn sống sót. Bọn Đức tấn công tiếp lần thứ ba, khẩu pháo còn lại đã bắn hạ thêm ba chiếc tăng, nhưng chiếc thứ tư đã nghiền nát nó cùng với những người pháo thủ nhỏ bé dưới xích sắt, tiêu diệt nốt khẩu pháo cuối cùng và những người còn lại. Đại uý Igishevo được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, và kể từ trận đánh đó, làng Samodurovka được đặt tên danh dự là làng Igishevo.
Trong giờ đầu tiên bọn Đức tấn công, tiểu đoàn chống tăng của chúng tôi nhận lệnh di chuyển ngay lập tức về phía trước đến sát nơi xảy ra trận đánh. Vì vậy vào lúc 5h chiều ngày 5/7, tiểu đoàn đến khu vực phòng ngự của Sư đoàn 307 bộ binh và được đặt tạm thời dưới quyền chỉ huy của Sư đoàn này. Tại Ban chỉ huy Sư đoàn, tiểu đoàn trưởng của chúng tôi nhận lệnh yểm hộ cho một trong số các trung đoàn bộ binh của Sư đoàn đang giữ khu vực nông trường quốc doanh 1/5, tiếp giáp Ponyrii về phía đông bắc.
Khoảng nửa đêm ngày 5/7, tiểu đoàn tôi di chuyển vào một vị trí dễ có khả năng bị xe tăng Đức tấn công – một dải đất rộng khoảng 800m dốc xuống hai rãnh hai bên, song song với các đường rãnh khác ở phía đông Ponyri. Khu vực này nằm giữa hai đường rãnh và bao bọc bởi những cánh đồng lúa mạch chưa cắt. Chúng tôi nguỵ trang hoả điểm và thiết lập khu vực bắn. Trong mọi trận đánh, mỗi khẩu pháo trong tiểu đoàn tôi đều được phân công khu vực riêng, nó trùng một chút với khu vực được phân của những khẩu pháo bên cạnh. Điều đó có tác dụng làm cho tất cả pháo không chọn cùng một mục tiêu và làm cho trận chiến đỡ lộn xộn.
Sáng ngày 6/7 trời nhiều mây thấp, bầu trời u ám gây trở ngại cho sự phối hợp của không quân. Khoảng 6h sáng, vị trí của chúng tôi bị tấn công trực diện bởi một lực lượng khoảng 200 tay súng máy và 4 chiếc tăng Đức, có vẻ là loại PzKw IV. Những chiếc tăng dẫn đầu, theo sát phía sau là bộ binh. Bọn Đức đang thử tìm một điểm yếu trên chiến tuyến quân ta. Quân Đức tiến qua cánh đồng lúa mạch chưa gặt thẳng về hướng những hoả điểm của chúng tôi, nhưng chúng không nhìn thấy chúng tôi. Chúng tôi dằn nỗi sợ hãi xuống đáy dạ dầy khi những cỗ xe tăng Đức gầm thét tiến về phía mình, dừng lại mỗi 50 đến 70m để quan sát chiến tuyến quân ta và nã đạn. Trong tiếng ầm ĩ hỗn loạn của trận đánh, chúng tôi hầu như không nghe thấy tiếng đạn pháo Đức nổ nhưng có thể nhìn thấy quả đạn lao xuyên qua không khí thẳng về hướng các hoả điểm quân ta. Nhưng những quả đạn đó đều bay qua đầu chúng tôi một cách vô hại, bọn Đức chưa phát hiện được chúng tôi và có vẻ đang xác định mục tiêu là các vị trí ở phía sau chúng tôi. Đầu gối và chân tôi bắt đầu run lên dữ dội cho đến khi nhận lệnh sẵn sàng chuẩn bị khai hoả. Sự run rẩy chấm dứt và chúng tôi trở nên tự chủ ngay lập tức, giờ chỉ còn khát khao lớn nhất là không để trượt mục tiêu. Khi bọn Đức tiến đến cách chúng tôi khoảng 300m, chúng tôi bắt đầu nổ súng vào những cỗ xe tăng. Khẩu Số một của chúng tôi bắn cháy một chiếc ngay phát đầu tiên, và sau đó hạ tiếp chiếc thứ hai, Khẩu Số 3 và Số 4 cũng phối hợp hạ chiếc tăng Đức thứ ba, chiếc tăng thứ tư bỏ chạy. Cho đến lúc đó chẳng có cỗ xe tăng Đức nào trong khu vực bắn của tôi, tôi bèn chuyển sang đạn nổ mảnh và ngắm vào bọn bộ binh đang tiến tới. Đám lính Đức mang súng máy vẫn ngoan cố tiếp tục tiến lên. Khi chúng đến gần hơn, chúng tôi đã thay xong đạn mảnh và bắt đầu nã đạn vào chúng. Không ít hơn một nửa bọn Đức ngã lăn ra đất, bọn còn lại lùi về chiến tuyến Đức nơi chúng đã xuất phát. Khi chúng tôi nhìn thấy bọn Đức rút lui và một cỗ xe tăng Đức vẫn tiếp tục cháy đùng đùng, ai cũng muốn nhảy lên vui sướng và hét lên “Urrah!” thật to; mọi người đều phấn khích vì thắng lợi. Sau khi đánh lui cuộc tấn công thăm dò của bọn Đức, một thượng sĩ mang bữa sáng của chúng tôi tới kèm 100g vodka để ăn mừng chiến thắng. Chúng tôi bắt đầu chén “súp Mỹ” – một chất lỏng sền sệt làm từ đậu và thịt gà. Khi ăn, chúng tôi không chú ý là bầu trời đang trở nên quang đãng, và đó lúc thích hợp cho không quân hai bên bắt đầu nhập cuộc.
Khoảng 10h sáng, một phi đội 10 chiếc Ju-87 “Stuka” bất thần xuất hiện trên đầu. Chúng tôi gọi chúng là “nhạc sĩ” vì âm thanh rú rít mà chúng tạo ra khi bổ nhào. Đám Stuka có vẻ không nhận ra được mục tiêu
nhưng vẫn bay lượn trên chiến tuyến quân ta, và mỗi chiếc thả bốn quả bom 50kg. Chúng tôi chui xuống hầm, nhưng cũng không có quả bom nào ném trúng ụ pháo hay boongke nào, và tiểu đoàn tôi không gặp phải thiệt hại gì. Ba mươi phút sau, một phi đội “nhạc sĩ” khác xuất hiện và bắt đầu một trận oanh tạc mới. Lần này có vẻ như chúng đã xác định được vị trí tiểu đoàn chúng tôi và những trái bom đầu tiên nổ cách 50m-70m phía trước những khẩu pháo. Chiếc cuối cùng bổ nhào đúng vào vị trí tiểu đoàn và bỏ bom. một quả rơi thẳng vào hầm trú ẩn của tôi. Tôi nhìn thấy nó lao tới như nhìn thấy cái chết chắc chắn đang đến gần mà không thể làm gì để cứu lấy bản thân: Không đủ thời gian. Để lao sang một căn hầm khác cần 5-6 giây trong khi quả bom được thả từ gần sát mặt đất nên chỉ 1-2 giây là rơi đến đất – và đến tôi.
Trong vài giây ngắn ngủi khi tôi nhìn quả bom lao xuống, toàn bộ quãng đời trước đây lướt qua đầu óc tôi. Mọi thứ dường như xảy ra trong một đoạn phim quay chậm. Tôi rất không muốn chết vào tuổi hai mươi. Tôi thoáng nghĩ đến việc cầu xin Chúa cứu rỗi cuộc đời mình, nhưng sau đó tôi nhớ ra rằng mình là một đoàn viên Komsomol và vì thế tôi không thể làm những việc đại loại như cầu khấn. Ngay trước khi quả bom rơi xuống, tôi lăn về phía trước căn hầm nhỏ bé của mình và dùng hai tay che mặt. Khi mặt tôi quay lên trên, trong khoảnh khắc tôi nhận thấy một trận bão bụi đất đang lao thẳng vào mình từ khoảng cách độ 12m phía trên. Ngay khi ngừng lăn, tôi nghe thấy tiếng nổ, ngửi thấy mùi thuốc súng TNT kinh tởm, và cảm thấy hai cú đánh mạnh vào đầu. Tôi thấy đầu mình như bị xé toạc ra. một ý nghĩ thoáng qua: “Chết mà không đau là thế nào!”
Quả bom nổ rất gần hầm và tôi bị chôn vùi trong đống đất đá lùng nhùng. Tiểu đoàn trưởng Bondarev và các đồng chí của tôi phải đào bới điên cuồng để lôi tôi lên khỏi mặt đất ngay khi trận oanh tạc kết thúc. Họ lôi được đến ngang lưng và nghĩ là tôi đã chết vì khi họ nhẹ nhàng nâng đầu tôi lên và thả ra, đầu tôi lập tức gục xuống. Tôi lúc đó chỉ bị ngất. Họ cố gắng lay cho tôi tỉnh lại ba đến bốn lần. Cuối cùng một người lắc tôi một cú mạnh và tôi tỉnh lại. Khi tỉnh tôi nhớ đến cảm giác đầu mình bị xé toạc ra và nghĩ: “Xin đủ, mình còn sống!”
Tôi bắt đầu nhìn mọi vật xung quanh nhưng tất cả đều hoá thành màu đỏ. Mặt tôi đầy máu. một đồng chí của tôi nâng tay tôi lên mà lắc và tôi có thể nhìn thấy thêm màu trắng. Tay tôi cũng đầy máu. Máu thậm chí chảy ồng ộc ra từ tai và mũi nhưng tôi không quan tâm. Tôi quay đầu và nhìn thấy đạn pháo đang nổ ngay gần – những cột sáng mầu da cam, và 3m hay 4m phía trên chúng là những đụn khói đen đang bốc lên ngùn ngụt. một vụ nổ, rồi hai rồi ba – tôi ngắm nhìn chúng một cách vui thích và nghĩ: “Đẹp thật, y như phim.” Tôi nhìn chúng và cảm thấy sung sướng rằng mình còn sống, rằng tôi có thể nhìn, và rằng tôi có thể nghĩ nữa.
Đột nhiên tôi thấy một trong các đồng chí của mình bắt đầu chạy, rồi người thứ hai và thứ ba – chính là người đã moi tôi ra khỏi ngôi mộ chôn sớm. Tôi nhìn lên và thấy phía trước là cả tá Junker đang bay đến. Tôi nghĩ: “Lần trước mình sống sót nhưng lần này thì chúng nó giết mình mất.” Chẳng hiểu sao tôi chồm được khỏi đống đất đá lúc này vẫn còn đè lên chân và phi ra khỏi chiến hào. Tôi chạy thẳng về phía những chiếc Junker và vừa chạy vừa ước lượng xem những quả bom sẽ rơi ở đâu khi thấy chúng thả bom, nhờ đó biết được mình nên núp vào chỗ nào. Tôi chạy và chạy, sau đó nhào xuống một cái hố nhỏ trên mặt đất. Thành hố rung lên vì tiếng nổ và tôi bị đất cát tưới đầy người. Tôi nằm đó, và tôi đếm: “1, 2, 3…”. Trong số các nhiệm vụ mà tôi phải làm có việc đếm số bom ném vào vị trí tiểu đoàn để làm báo cáo sau trận đánh. Bọn Đức thường thả 6, 8 hoặc 12 quả bom. Chúng đã oanh tạc chúng tôi bằng loại bom nổ mảnh chống bộ binh cỡ nhỏ – 50kg. Loại bom này có một ngòi chạm nổ sẽ kích nổ trái bom ngay khi chạm đất, khi nó nổ, mảnh bom bay tứ tung đâm xuyên mọi thứ xung quanh và thậm chí cắt trụi cỏ trong khu vực nổ. Trận bom kết thúc, thành hố ngừng rung, bỗng nhiên tôi cảm thấy có gì đó lục đục bên dưới. Tôi nhận ra có người đang nằm dưới tôi. Cái hố này được đào để phục vụ thông tin đường sắt, chỉ nhỏ vừa đủ chỗ cho một thông tín viên. Cứ 1,5km lại có một trạm thông tin như vậy. Công việc của thông tín viên là nằm ghé tai vào đó, tức là nghe. Tiếng động trên đường dây mà ngừng có nghĩa là dây đứt, anh ta sẽ phải trèo lên khỏi hố đi tìm điểm đứt để sửa.
Tôi nhìn người thông tín viên và có thể thấy môi anh ta chuyển động. Tôi giải thích với anh ta rằng tôi chẳng nghe thấy gì cả. Chỉ đến lúc này tôi mới bắt đầu hiểu mình đã bị điếc. Tôi trèo lên khỏi hố và ngồi xuống bên cạnh. Tiểu đoàn trưởng đến gần tôi và qua khẩu hình tôi hiểu ông đang hỏi: “Có sao không?”. Tôi cố gắng trả lời “Mọi thứ vẫn ổn”, nhưng khi mở mồm nói, lưỡi tôi xuôi xị một cách vô dụng và tôi không thể làm nó hoạt động trở lại – thêm một hậu quả nữa của sự chấn động. Ông ta giơ tay kéo tôi dậy, đưa tôi ngồi vào ghế phải xe của ông và chở tới trạm xá. một bác sĩ kiểm tra tôi ở đó và viết một cho tôi một tờ giấy: “Đừng lo – trong vòng 4h đến 6h lưỡi của cậu sẽ trở lại vị trí phù hợp với nó, nhưng đừng cố nói trước khi bác sĩ cho phép nếu không lưỡi cậu có thể không chịu quay về đúng chỗ đâu.” Ông bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau cho tôi và nói: “Loại thuốc tốt nhất cho cậu là thời gian, thời gian, thời gian.” Chúng tôi quay lại tiểu đoàn chống tăng và được đưa lại vào trạm xá tiểu đoàn. Tumarbekov (anh ta cũng bị chấn
động do trận bom) và tôi ngồi cạnh đầu bếp giúp gọt khoai tây và giữ lửa trong bếp lò. Đêm đó, khoảng 2h sáng, tôi tỉnh dậy và cảm thấy mồm không thể ngậm lại được. Bên trong đó tưởng như có cả một gia đình nhím đang làm ổ, đó là vì cái lưỡi của tôi đang liệt và trên đó những mụn nước bắt đầu vỡ ra nhức nhối. Sau hai hay ba ngày, những miếng rộp đó bắt đầu tuột khỏi lưỡi. Vào ngày thứ ba khả năng nghe của tôi bắt đầu trở lại. Tôi đã có thể nghe thấy tiếng máy bay ném bom. Ngày thứ năm, bác sĩ cho phép tôi nói thử hai từ và khả năng nghe bắt đầu tiến triển. Sau một tuần rưỡi tôi đã nghe tốt trở lại nhưng vẫn nói lắp. Phải đến ngày 16-17/7 tôi mới quay trở lại khẩu đội của mình. Bây giờ không còn ở Ponyri nữa mà đã tiến tới nơi trước đây là vị trí xuất phát tấn công của bọn Đức. Tôi luôn luôn hối tiếc về vết thương vào ngày 6/7 đó. Tôi tự thẹn là đã chỉ tham chiến trong có hai ngày đầu của cuộc tấn công. Tiểu đoàn tôi được đặt dưới sự chỉ huy của Sư đoàn bộ binh 307 cho đến hết ngày 9/7, đó là lúc Sư đoàn 4 Đổ bộ đường không lên thay vị trí Sư 307 ở Ponyri và cúng tôi quay trở lại đội hình sư đoàn mình.
Lời bình của Stuart Britton:
“Sau khi Litvin bị thương và trong thời gian ông dưỡng bệnh, trận chiến vẫn tiếp diễn ác liệt khi Tập đoàn quân 9 Model gây sức ép mạnh để xuyên thủng tuyến phòng ngự dày đặc của quân Nga. Litvin đưa ra một bức phác họa chung về trận đánh và nhấn mạnh những nhiệm vụ của sư đoàn mình cũng như đơn vị chống tăng của ông. Thật đáng tiếc, vết thương ngày 6/7 của Litvin đã không cho phép chúng tôi có được một thông tin tận mắt về trận đánh ở Poryni.”
Các đồng chí của tôi cho biết các tin tức về trận đánh và những sự kiện mà tôi đã bỏ qua. Hôm 8/7, bọn Đức tiến được trên toàn tuyến khoảng 12km và đã chiếm được Poryni. Sư đoàn Đổ bộ đường không 4 của chúng tôi được ném vào Ponyri với lời dặn: “Các anh là những người lính mang danh hiệu Cận vệ – các anh được lệnh đẩy lùi bọn Đức ở đó và khôi phục lại tuyến phòng ngự.” Tối ngày 8/7, các trung đoàn 7 và 9 Đổ bộ đường không áp sát ga Ponyri ở khoảng cách 600m và chuẩn bị tấn công. Sáng hôm sau, 9/7, các trung đoàn này tấn công và chiếm lại được nhà ga và khu trường học ở giữa ga. Họ xông đến tận rìa phía bắc ga, ở đó họ dừng lại, hoàn thành mục tiêu của ngày hôm đó. Tuy nhiên bọn Đức lập tức phản công bằng một tiểu đoàn xe tăng và bộ binh cơ giới, chúng đã cắt rời tiểu đoàn một trung đoàn 9 (chỉ huy đại úy cận vệ A.P.Zhukov) khỏi đội hình quân ta. Tiểu đoàn một chọn cách dừng lại giữ chặt vị trí và thế là trận ác chiến điên cuồng diễn ra. Các đồng chí của tôi đã chiếm được một khẩu đội 6 khẩu đại bác chống tăng Đức. Họ quay chúng lại các ông chủ cũ và hạ sáu chiếc tăng Đức. Hầu như toàn bộ tiểu đoàn một đã chết ở đó. Chỉ những người đã bị thương và được mang ra khỏi bãi chiến trường từ trước là còn sống sót. Cả Zhukov và chính trị viên tiểu đoàn đều chết trong vòng vây và được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Họ là những người đầu tiên được phong Anh hùng của sư đoàn tôi. Cho đến năm 1989 ở đó vẫn có một đài kỷ niệm họ. Sau ngày 9/7 bọn Đức không tiến thêm được 1km nào nữa. Trong ba ngày chúng tôi chặn đứng các cuộc tấn công của chúng và đánh bật chúng khỏi những vị trí đã xuyên được vào tuyến phòng ngự Nga. Ngày 12/7, Phương diện quân Briansk mở cuộc tổng phản công ở khu vực phía bắc Orel, nơi bọn Đức đang chiếm giữ một mấu lồi sâu vào chiến tuyến quân ta giống như mấu lồi của ta ở Kursk. Cuộc phản công của Hồng quân khiến Tập đoàn quân 9 của Model phải rút khỏi các cuộc tấn công, và cùng với Phương diện quân Briansk chúng tôi bắt đầu dồn bọn Đức quay trở lại. Đó chính là nơi tôi đã quay lại với những đồng chí của mình ở mặt trận.
Các đồng chí của tôi cho biết các tin tức về trận đánh và những sự kiện mà tôi đã bỏ qua. Hôm 8/7, bọn Đức tiến được trên toàn tuyến khoảng 12km và đã chiếm được Poryni. Sư đoàn Đổ bộ đường không 4 của chúng tôi được ném vào Ponyri với lời dặn: “Các anh là những người lính mang danh hiệu Cận vệ – các anh được lệnh đẩy lùi bọn Đức ở đó và khôi phục lại tuyến phòng ngự.” Tối ngày 8/7, các trung đoàn 7 và 9 Đổ bộ đường không áp sát ga Ponyri ở khoảng cách 600m và chuẩn bị tấn công. Sáng hôm sau, ngày 9/7, các trung đoàn này tấn công và chiếm lại được nhà ga và khu trường học ở giữa ga. Họ xông đến tận rìa phía bắc ga, ở đó họ dừng lại, hoàn thành mục tiêu của ngày hôm đó. Tuy nhiên bọn Đức lập tức phản công bằng một tiểu đoàn xe tăng và bộ binh cơ giới, chúng đã cắt rời tiểu đoàn một trung đoàn 9 (chỉ huy đại úy cận vệ A.P.Zhukov) khỏi đội hình quân ta. Tiểu đoàn một chọn cách dừng lại giữ chặt vị trí và thế là trận ác chiến điên cuồng diễn ra. Các đồng chí của tôi đã chiếm được một khẩu đội 6 khẩu đại bác chống tăng Đức. Họ quay chúng lại các ông chủ cũ và hạ sáu chiếc tăng Đức. Hầu như toàn bộ tiểu đoàn một đã chết ở đó. Chỉ những người đã bị thương và được mang ra khỏi bãi chiến trường từ trước là còn sống sót. Cả Zhukov và chính trị viên tiểu đoàn đều chết trong vòng vây và được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Họ là những người đầu tiên được phong Anh hùng của sư đoàn tôi. Cho đến năm 1989 ở đó vẫn có một đài kỷ niệm họ. Sau ngày 9/7 bọn Đức không tiến thêm được 1km nào nữa. Trong ba ngày chúng tôi chặn đứng các cuộc tấn công của chúng và đánh bật chúng khỏi những vị trí đã xuyên được vào tuyến phòng ngự Nga. Ngày 12/7, Phương diện quân Briansk mở cuộc tổng phản công ở khu vực phía bắc Orel, nơi bọn Đức đang chiếm giữ một mấu lồi sâu vào chiến tuyến quân ta giống như mấu lồi của ta ở Kursk.
Cuộc phản công của Hồng quân khiến Tập đoàn quân 9 của Model phải rút khỏi các cuộc tấn công, và cùng với Phương diện quân Briansk chúng tôi bắt đầu dồn bọn Đức quay trở lại. Đó chính là nơi tôi đã quay lại với những đồng chí của mình ở mặt trận.
Chương 3: TIẾP TỤC
Lời chú của Stuart Britton:
“Khi các tập đoàn quân trong Phương diện quân Trung tâm của tướng Rokossovskii chặn đứng Tập đoàn quân 9 của Model trong những trận đánh đẫm máu, họ đã thực hiện được một phần trong kế hoạch phản công dài hơi hơn của quân đội Xô viết, Chiến dịch Kutuzov, nhằm loại bỏ mấu lồi Orel ở phía bắc. Cánh phải Phương diện quân gồm các tập đoàn quân 70, 13 và 48 tấn công về hướng bắc nhằm mục tiêu gặp được Tập đoàn quân Cận vệ số 11 của Phương diện quân Tây và đưa 3 quân đoàn Đức đang bảo vệ mấu lồi Orel vào bẫy. Đó là một mục tiêu khó khăn, khi đó các tập đoàn quân kể trên, cũng như nhiều tập đoàn quân khác của Hồng quân, đã chịu những thiệt hại nặng nề để ngăn chặn cuộc tấn công dữ dội của Model. Họ phải tái tổ chức và trang bị cho chiến dịch tấn công trong chỉ khoảng vài ngày. Miêu tả của Litvin giờ xoay quanh giai đoạn này của trận chiến Xô – Đức hè năm1943, nhưng nó còn sơ sài. Có lẽ trí nhớ của ông vào lúc đó bị tổn thương do gặp phải vụ chấn thương gần Ponyri ngày 6/7.”
Chiến dịch Kutuzov
Đầu tiên chúng tôi chiếm lại vị trí ban đầu trước trận Kursk, ngày 15/7 đơn vị tôi tiếp tục tấn công về hướng Kromy, nơi có một trung tâm hậu cần quan trọng của bọn Đức trong mấu lồi Orel. Chúng tôi tiến cùng với đơn vị bên cạnh là Tập đoàn quân 70 của Phương diện quân Trung tâm và bên phải là Phương diện quân Briansk. Cuộc tấn công của quân ta nhằm cắt rời một cụm quân Đức đang phòng thủ Orel. Việc tiến lên rất khó khăn, và chúng tôi tiến rất chậm – chỉ 2km đến 3km mỗi ngày. Khi chúng tôi đẩy lùi được bọn Đức về đến tuyến xuất phát của chúng, Phương diện quân Trung tâm đã mất 40% quân số. Sư đoàn bộ binh 15 Sivash bảo vệ Samodurovka thiệt hại nặng nề. Nhưng thiệt hại của tiểu đoàn chống tăng chúng tôi thì nhẹ – chỉ mỗi Tumarbekov và tôi. Tôi có thể giải thích điều đó chỉ bằng sự thật là những người lính bộ binh phải đối mặt trực tiếp và liên tục với quân địch, họ có thể chết bất cứ lúc nào vì đạn, pháo, hoặc bị xe tăng nghiền nát hay máy bay oanh tạc. Trong khi đó những pháo thủ chống tăng chúng tôi tham chiến chỉ trong từng giai đoạn và được bảo vệ khỏi đạn súng nhỏ và mảnh pháo nhờ tấm lá chắn trên súng.
Chúng tôi tiến qua Malo – arkhangelsk và thấy một nơi phủ kín những ngôi mộ lính Đức. Những cây thập tự bằng gỗ bulô trắng được dựng trên mỗi ngôi mộ và trên đỉnh treo một mũ sắt lính Đức. Có vẻ bọn Đức đã chôn cả một lữ đoàn ở đây. Khi trận đánh diễn ra ở khu vực này, bọn Đức đã mang các xác chết quân mình đến đây chôn. Chúng rất, rất ít khi bỏ lại xác đồng đội phía sau khi rút lui. Quân Đức luôn cố gắng mang theo những người chết và chỉ bỏ họ lại khi sức ép từ những cuộc tiến công của chúng tôi khiến chúng không thể thực hiện được. Tôi có quay lại chỗ đó khoảng 30 năm sau chiến tranh và không tìm thấy một dấu vết nào sót lại của khu nghĩa trang. Chính quyền địa phương đã phá nó để xây một công viên. Ngược lại với người Đức, họ bao giờ cũng gìn giữ cẩn thận những ngôi mộ quân ta ở nước họ. Trong dịp kỷ niệm 50 năm trận Kursk, năm quan chức Đức đã tới và đề nghị cho phép dựng một bia tưởng niệm những người lính Đức vô danh đã ngã xuống. Khi chính quyền địa phương hỏi ý kiến chúng tôi về vấn đề đó, chúng tôi đã nói là chúng tôi không phản đối. Dù sao thì bia tưởng niệm đó vẫn chưa được dựng, tôi không biết tại sao. Thông thường thì tôi không phản đối việc dựng những bia tưởng niệm kiểu như vậy vì về cơ bản những người lính Đức chỉ thực hiện bổn phận của mình. Tất nhiên, nhiều cựu binh Hồng quân khác trong cuộc chiến có cách nhìn nhận khác. Tôi quen một người đã tham chiến ở Stalingrad. Đối với ông ấy việc bọn Đức được phép xây dựng một bia tưởng niệm ở đó là việc làm tôn vinh những những tên lính Đức đã chết, một việc ghê tởm. Ông ấy lúc nào cũng bảo: “Thể nào tôi cũng phóng xe đến đó và húc tan tấm bia bằng chính xe của tôi!”. Tôi nói với ông: “Sao mà ông phải khó chịu thế? Sau tất cả, họ cũng chỉ là những người lính giống như chúng ta. Họ cố bắn hạ ông bằng súng máy và ông cũng cố làm việc tương tự đối với họ. Hãy coi đó là một may mắn khi ông không bị giết, họ chỉ làm ông bị thương thôi mà.” Chúng tôi tiến tiếp về phía Kromy một cách khó khăn và chậm chạp, bọn Đức kiên quyết chống cự. Để miêu tả sơ lược về sự ác liệt của các trận chiến trong chiến dịch Kutuzov chỉ cần nhìn vào thương vong của Phương diện quân Trung tâm. Trong khi Phương diện quân chịu 32.000 thương vong trong năm ngày đầu tiên của trận Kursk do những trận đánh xung quanh Ponyri thì đến lúc quân Đức rút khỏi mấu lồi Orel, tổng thương vong của Phương diện quân đã lên tới 118.000 người. Các lực lượng Xô viết giải phóng Orel ngày 5/8, cùng ngày chúng tôi chiếm lại Belgorod từ tay bọn Đức. Để vinh danh chiến thắng kép này, Stalin đã ra lệnh bắn pháo hoa tại Moscow, lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Chúng tôi đã thành công trong việc bao vây một số quân Đức, nhưng rất nhiều trong số chúng đã thoát được dễ dàng.
Lời chú của Stuart Britton:
“Ngay sau khi Phương diện quân Trung tâm tham gia tấn công các lực lượng Đức thuộc Cụm tập đoàn quân Trung tâm tại mấu lồi Orel, Von Kluge, tướng chỉ huy Cụm tập đoàn quân này, đã ra lệnh xây dựng một tuyến công sự đặt tên là Phòng tuyến Hagen cắt ngang từ bên này sang bên kia cổ mấu lồi Orel. Chỉ trong lần này là Hitler không buộc quân đội phải kiên quyết phòng ngự. Bị sức ép vì những sự kiện ở cả Nga và Địa Trung Hải, nơi quân Đồng Minh đã đổ bộ lên đảo Sicily và chính quyền Mussolini ở Italy sụp đổ, Hitler hiểu rằng hắn cần các sư đoàn ở cả hai nơi. Hắn quyết định rút ngắn chiến tuyến của Cụm tập đoàn quân Trung tâm bằng cách rút lui khỏi mấu lồi Orel. Đêm ngày 1/8, Tập đoàn quân Thiết giáp 2 và Tập đoàn quân 9 của Cụm tập đoàn quân Trung tâm bắt đầu đánh để rút về Phòng tuyến Hagen. Các Phương diện quân Tây, Briansk và Trung tâm của Hồng quân đuổi sát lực lượng Đức đang rút lui nhưng những cố gắng của họ nhằm khép miệng túi một số lượng lớn quân Đức đã bị cản trở bởi thời tiết mưa to, bùn lầy và sức kháng cự mạnh mẽ của đối phương. Ngày 17/8, các tập đoàn quân Đức đã rút lui thành công về Phòng tuyến Hagen. Những lời kể tóm tắt của Litvin bỏ qua đoạn này cho đến các trận đánh ác liệt tiếp theo, khi các Phương diện quân Briansk và Trung tâm của Hồng quân xông tới trước Phòng tuyến Hagen, bổ sung các đơn vị bằng lính và phương tiện mới, và tái tổ chức để tiếp tục cuộc tấn công. Sau khi chúng tôi chiếm Orel, chiến tuyến hai bên đã giảm độ dài, và chỉ huy Phương diện quân, tướng Rokossovskii, bắt đầu tái tổ chức các lực lượng của mình. Như một phần của việc tái tổ
chức đó, Quân đoàn bộ binh Cận vệ 18 của tôi được chuyển sang Tập đoàn quân 70 đang được tăng cường tại khu vực Dmitrovsk – Orlovsk. Tại đó chúng tôi được tái trang bị một phần và nghỉ ngơi, nhưng chúng tôi sớm nhận được lệnh hành quân một lần nữa. Mặc dù chúng tôi không biết gì vào thời điểm đó, tướng Rokossovskii đã quyết định gửi Quân đoàn bộ binh Cận vệ 18 cho Tập đoàn quân 60 đang giữ điểm cực sườn trái của Phương diện quân.”
Trong bóng đêm, chúng tôi rời bỏ hoả điểm của mình và tập trung không xa một con đường lớn. Sáng hôm sau chúng tôi theo lệnh tập hợp đội ngũ và chuẩn bị hành quân tới vùng phụ cận Konotop. Chúng tôi chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới vào đêm đó. Hàng quân của sư đoàn di chuyển dọc tuyến đường cao tốc về phía tây nam. Trước khi trời sáng chúng tôi rời còn đường để rẽ sang phải. Chúng tôi tiến khoảng 4km nữa, và ở đó đã có sẵn các hoả điểm mới. Ngay gần đó, những âm thanh của một trận đánh dữ dội có thể nghe thấy rất rõ. Thành phố Sevsk ở đâu đó không xa đây.
Bọn Đức đang cố gắng bẻ gãy chiến tuyến quân ta, vì vậy Quân đoàn 18 của tôi được lệnh dừng di chuyển đến tập trung với Tập đoàn quân 60 mà ở lại giúp ngăn chặn cuộc tấn công của quân Đức. Trong gần một tuần, chúng tôi tham gia vào việc đẩy lùi các cuộc phản công của bọn Đức. Tiểu đoàn chống tăng của tôi chuyển vị trí trong đêm từ khu vực này đến khu vực khác, thỉnh thoảng di chuyển tới 10km-15km. Trong khi di chuyển, thỉnh thoảng chúng tôi đụng phải những đồng nghiệp – những pháo thủ 76mm của Trung đoàn Pháo binh số 1. Chỉ đến khi đó chúng tôi mới hiểu rằng không chỉ có Sư đoàn Đổ bộ đường không 4 mà cả Quân đoàn 18 Cận vệ đã được tái bố trí vào Tập đoàn quân 60 ở sườn trái Phương diện quân.
Lời chú của Stuart Britton:
“Ngày 26/8, Phương diện quân Trung tâm lại mở đợt tấn công vào Cụm tập đoàn quân Trung tâm, tập trung sức mạnh vào Tập đoàn quân 2 đã suy yếu của quân Đức đang phòng thủ Sevsk và hướng về phía nam nơi có điểm nối thiếu vững chắc của nó với Cụm tập đoàn quân Nam. Tập đoàn quân 2 đã bị đánh bầm dập trong các trận chiến mùa đông trước đó và đang ở trong tình trạng rất thảm hại vì Bộ chỉ huy tối cao quân đội Đức chưa tăng cường hay thay thế nó do Tập đoàn quân này không tham gia chiến dịch Citadel. Tập đoàn quân 2 còn bị thiệt hại nặng nề hơn Tập đoàn quân 9 ở phía bắc nhiều, và Phương diện quân Trung tâm của Rokossovskii nhanh chóng bẻ gãy sức phòng ngự của quân Đức trước Sevsk. Xa hơn về phía nam, gần Klintsy, cánh trái của Phương diện quân, Tập đoàn quân 60 nơi Quân đoàn bộ binh Cận vệ 18 ở tuyến đầu, cũng nhanh chóng chọc thủng chiến tuyến của Tập đoàn quân 2 và đánh thọc vào sườn quân Đức. Để chống lại các cuộc tấn công của Phương diện quân Trung tâm, Von Kluge chuyển một sư đoàn thiết giáp và hai sư bộ binh từ Tập đoàn quân 9 và ném chúng vào một cuộc phản công sắc bén ở tây bắc Sevsk vào ngày 29/8. Cùng ngày, Tập đoàn quân 60 Nga thọc sâu 45km vào sườn quân Đức, phía sau cánh phía nam Tập đoàn quân 2. Rokossovskii, người đã tỏ ra khéo léo trong việc vận động các lực lượng của mình trong cuộc phòng thủ Kursk, nay lại chứng tỏ năng khả năng tương tự trong tấn công. Để phát huy thêm thành công của Tập đoàn quân 60 mà ông ta đã phối thuộc Quân đoàn 18 bộ binh Cận vệ từ trước, nay ông ta chuyển tiếp toàn bộ các tập đoàn quân 13, 61 và Tập đoàn quân Xe tăng số 2 sang cánh trái. Các lực lượng phối hợp này đã đụng độ dữ dội với Quân đoàn 8 Đức, lực lượng dự bị của Tập đoàn quân 2. Nghiêm trọng hơn với quân Đức, các tập đoàn quân đang đà thắng lợi của Phương diện quân Trung tâm tiếp tục tiến lên và mở ra một lỗ hổng khổng lồ giữa Cụm tập đoàn quân Trung tâm và Cụm tập đoàn quân Nam mà Bộ chỉ huy tối cao Đức không có cách gì bịt nó lại.[7] Cả hai cụm tập đoàn quân đều bị hở sườn, và con đường tây nam hướng về Kiev hầu như đã mở toang. Tập đoàn quân 2 cố gắng bịt lỗ hổng bằng hai sư đoàn quân cảnh và một sư đoàn lính Hungary nhưng số đó chẳng có tí khả năng nào để chặn đà tiến của ba tập đoàn quân Nga.
Trong cuộc tiến công đó, Tập đoàn quân 60 mà đơn vị của Litvin nằm trong đội hình, đã đẩy cánh trái của Phương diện quân Trung tâm đi xa hết mức và di chuyển tới tận đội hình của đơn vị tiếp giáp về bên phải – Tập đoàn quân 13. Theo cách đó, Tập đoàn quân 60 đã dọn sạch cánh trái Phương diện quân Trung tâm và bảo vệ nó trước bất kỳ một cuộc tấn công bất ngờ nào từ Cụm tập đoàn quân Nam. Nhờ vậy, Phương diện quân Trung tâm đã có thể phối hợp với Phương diện quân Voronezh tiến thẳng tới sông Dnepr với tốc độ ngày một tăng. Lời kể của Litvin giờ quay về tuyến đầu của mũi tấn công đến sông Dnepr.”
Tiến tới sông Dnepr
Cuối cùng thì sức phòng ngự của quân thù cũng bị bẻ gãy, sư đoàn tôi tiến xa hơn về phía tây nam theo hướng chung là nhằm Kiev. Chúng tôi vòng qua Glukhovo và Krolevets và chiếm Konotop, điểm cuối của cuộc hành quân mà không phải đánh trận nào. Chúng tôi tới khu Bakhmach hay đâu đó gần Bakhmach và nghỉ lại ngay trước khi trời sáng. Ở Bakhmach chúng tôi tóm được độ 20 lính Vlasov, những người Nga đã chạy sang phía bên kia. Tiểu đoàn trưởng F.Nishchakov, người mới thay thế thượng uý Bondarev, đến ban chỉ huy trung đoàn pháo để nhận lệnh và trong khi chờ đợi, chúng tôi ngồi nghỉ hoặc ngủ tại chỗ. Đại uý Nishchakov quay lại với lệnh chiến đấu. Tiểu đoàn được giao yểm trợ cho một cuộc tiến quân mới nhằm bảo vệ chống lại các cuộc phản kích có thể xảy ra của quân địch. Trước khi trời sáng, chúng tôi được lệnh rời tuyến xuất phát đến làng Sambor. Chúng tôi tới rìa làng Sambor và dừng lại ngay trước lúc rạng đông. một phụ nữ Ukrain ló ra từ một túp lều nói với chúng tôi rằng bọn Đức đã rời Sambor bằng xe ngựa chỉ mới mười phút trước. Trong tâm trạng lo âu, chị ta sau đó nói thêm có hai tên Đức tụt lại sau vừa mới xông vào nhà chị ta cướp trứng và sữa. Chị ta chỉ hướng chúng đã đi và một số người lập tức bỏ bớt trang bị để rượt theo, bắt kịp những tên kẻ cướp và giết chết những kẻ đam mê trứng và sữa ngay tại chỗ.
Chỉ một lúc sau một tay tiền sát pháo đã thông báo xác định được vị trí những chiếc xe ngựa của bọn Đức đang rút lui. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho khẩu pháo Số một diệt địch. Sau ba phát đạn, những con ngựa kéo ba chiếc xe đã bị giết. Ba chiếc xe khác bị phá huỷ, bọn Đức bỏ chạy tìm chỗ núp. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh tiếp cho hai chiếc xe tiến đến chỗ những cỗ xe ngựa. Có đến tám người trèo lên mỗi xe jeep Willy và chúng tôi bắt đầu lên đường. Xung quanh những cỗ xe ngựa chúng tôi tìm thấy ba tên Đức chết và hai bị thương. Nishchakov ra lệnh cho một tiểu đội trưởng là trung uý Seliutiny và Sasha Kornilov, lái xe của khẩu Số 1, mang theo tám người đuổi theo bọn Đức bỏ trốn. Chúng tôi thì dù thế nào cũng phải ở lại bên những chiếc xe ngựa. Nhóm đuổi theo tách ra và bắt kịp bọn Đức, chúng nổ súng chống cự nhưng những chàng trai của chúng tôi đã bao vây và quật ngã chúng. Trong những chiếc xe bắt được chúng tôi thấy được mọi thứ cho biết về cuộc sống thường ngày của lính Đức. Sau khi chúng tôi phá huỷ đoàn xe ngựa tiếp tế Đức, Đại tá Cận vệ Nikolaev, chỉ huy pháo binh sư đoàn đã tới thăm. Đại uý Kleshchev, chính uỷ sư đoàn hay danh hiệu mới là chỉ huy phó phụ trách chính trị sư đoàn, cũng xuất hiện ở chỗ chúng tôi. Chúng tôi móc càng những khẩu pháo lên và lại tiếp tục tiến. Chúng tôi đi cùng con đường mà đoàn xe ngựa Đức vừa mới đi và bị tiêu diệt, vượt qua những con ngựa bị thương và những cỗ xe hỏng, qua cả xác những tên Đức đã cố thử chống cự và tiếp tục hướng về phía tây nam.
Gaivoron
Chúng tôi đi chậm rãi, thường xuyên dừng lại, nhờ đó chúng tôi có thể quan sát kỹ địa hình phía trước. Chúng tôi tiến một mình – chẳng có đơn vị bộ binh nào cả ở phía trước và hai bên. Khẩu đội của tôi gồm 4 khẩu 45mm, độ 40 người, 35 khẩu tiểu liên PPSh và một tiểu liên Đức, không tính súng ngắn và lựu đạn. Vâng chúng tôi đang dẫn đầu mũi tiến công![8] Những chiếc Willy của chúng tôi đi thành một hàng nhỏ. Đại tá Nikolaev ngồi xe tôi cùng với kíp pháo thủ. Những sĩ quan khác của tiểu đoàn và sư đoàn ngồi trên những chiếc xe đi sau.
Chiều hôm đó chúng tôi đến gần làng Golenok. Chúng tôi dừng lại trên một quả đồi thấp cạnh làng, ngôi làng dưới tầm mắt chúng tôi trông có vẻ thanh bình nằm trong một thung lũng. Chúng tôi quan sát xung quanh bằng ống nhòm, sau đó hạ càng pháo và chĩa chúng vào làng. Mọi người chuẩn bị chiến đấu và một nhóm trinh sát tiến về phía làng. Đại uý Cận vệ Kleshchev chỉ huy nhóm trinh sát. Ngôi làng đã trở nên sạch bóng quân thù và đám trinh sát phát tín hiệu: “Sạch!”
Chúng tôi cẩn thận và chậm rãi tiến vào làng, vừa đi vừa quan sát và giữ khoảng cách giữa các xe từ 100m-150m, dừng lại ở các vệ đường đối diện nhau. Trung uý Seliutin dẫn đầu với một khẩu đội và thiết lập một hoả điểm. Những người dân địa phương bắt đầu đến gần chúng tôi, đầu tiên là hai cậu trẻ độ 12-13 tuổi. Chúng nhìn chòng chọc vào bọn tôi rồi hỏi: “Các anh là lính Xô viết hay Đức?” Chúng tôi nói: “Chúng tôi là những người lính của Hồng quân chiến thắng.” Mấy chú bé bắt đầu nhảy cẫng lên và gọi đám bạn trong làng. Ba cụ già đi lại chỗ chúng tôi và bắt đầu quan sát. Tất cả chúng tôi đều đeo cầu vai, các sĩ quan có những ngôi sao nhỏ trên đó. Ở vùng này, một số người biết đó là dấu hiệu cho thấy đây là đội quân của giai cấp vô sản! Phó chỉ huy chính trị, Đại uý Cận vệ Kleshchev tập hợp dân làng lại và bắt đầu nói với họ về tình hình mặt trận và đất nước. Chỉ huy pháo đội Nishchakov và Đại tá Nikolaev thu thập những tin tức tình báo cần thiết về quân địch: tình hình bọn Đức ở đây, bao nhiêu tên đã rời đi và nhiều thứ khác. Sĩ quan SMERSH[9]thì tiến hành các cuộc điều tra, tìm kiếm dấu hiệu những kẻ đồng loã với bọn Đức.
Chúng tôi thiết lập các hoả điểm. Mỗi khẩu đội dành một nửa số người để canh súng, số còn lại lùng sục trong làng dưới sự chỉ huy của Bộ phận (phản gián) Đặc biệt. Đại tá Nikolaev và Đại uý Nishchakov đang quyết định xem sẽ làm gì tiếp theo. Mục tiêu của ngày hôm nay là tiến đến làng Gaivoron[10] cần đi thêm 8km đến 10km mới đến nơi. Cả ngày nay chúng tôi đã tiến mà không gặp trục trặc nào, giờ là 5h chiều và bụng chúng tôi bắt đầu réo. Dân làng mang cho chúng tôi thức ăn và thậm chí cả Samogon (quốc lủi Nga), nhưng chúng tôi không uống chút nào: chúng tôi đang làm nhiệm vụ tại hoả điểm. Sau khi dừng lại 2h ở các hoả điểm này, chúng tôi đề nghị chỉ huy pháo binh cho phép tiếp tục tiến đến Gaivoron. Không thấy có âm thanh chiến trận nào ở quanh đây, đó là những thứ củng cố cho lý lẽ của chúng tôi. Hơn nữa, chúng tôi cần chuẩn bị một vị trí đẹp cho bữa tối và nấu ăn trước khi lực lượng chính của Trung đoàn 9 tới. Đại tá ngả theo sự xúi giục của chúng tôi. Vài phút sau, một đội kỵ binh xuất hiện, chỉ huy pháo binh ra lệnh cho họ trinh sát quân địch ở Gaivoron. Khoảng 45 phút sau khi đội kỵ binh rời đi để thực hiện nhiệm vụ được giao, chỉ huy khẩu đội tôi, Trung sĩ Cận vệ Korol’kov, và tôi lại một lần nữa đề nghị pháo đội tiến đến Gaivoron. Đại tá thông cảm và chấp nhận yêu cầu, đã sắp hết ngày và chúng tôi nên tiến lên cho đến khi gặp được nhóm trinh sát đi trước: đội kỵ binh. Chúng tôi quay nòng pháo và chuẩn bị đi thì phát hiện một chiếc xe kéo đã hỏng. Các pháo thủ của khẩu đội này dưới sự chỉ huy của Đại uý Cận vệ Kleshchev sẽ phải ở lại phía sau để giải quyết như một đội quân đồn trú. Họ được lệnh phòng thủ ngôi làng trong trường hợp quân địch tấn công.
Ba khẩu đội còn lại tiến về phía trước, chúng tôi vượt qua điểm giao cắt đường tàu và rẽ theo tuyến đường đi về Gaivoron. Chúng tôi vẫn còn khoảng 5km nữa mới tới được thị trấn. Chúng tôi đi một cách lặng lẽ, giữ khoảng cách giữa mỗi xe khoảng 100m, súng ống trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, họng súng chĩa ra xung quanh. Chúng tôi cứ đi nhưng vẫn không thấy dấu vết nào của đội kỵ binh đã đi tiền trạm cho cuộc hành quân. Chúng tôi vượt qua một cái cối xay gió, và bây giờ chỉ còn 1km nữa giữa Gaivoron và chúng tôi. Đại tá ra lệnh dừng lại và nấp sau một đống cỏ khô bên rìa trái con đường. Chúng tôi núp lại và chờ đợi những người lính kỵ binh, xung quanh thật im lặng, chẳng có dấu hiệu của bất cứ ai. Đến tối, đại tá cho phép chỉ huy pháo đội được di chuyển vào Gaivoron. Mệnh lệnh di chuyển như sau: khoảng cách – 100m giữa các xe, tất cả vũ khí cầm tay và lựu đạn phải sẵn sàng, cấm ho hoặc hút thuốc. Chiếc jeep của tôi dẫn đầu, đại tá và chỉ huy SMERSH ngồi cùng xe. Tôi đặt khẩu tiểu liên trên nắp capô. Chúng tôi di chuyển qua những cánh đồng đã cày xới cho đến khi gặp ngôi nhà đầu tiên ở ngoại vi Gaivoron. Lúc này trời đã chạng vạng tối, chúng tôi dừng lại và ngồi yên trên xe. Bỗng từ sau một cánh cổng trông vào một khoảng sân nhỏ bên cạnh, một phụ nữ xuất hiện. Bà ta nhìn vào những ngôi sao trên cầu vai chúng tôi và hiểu rằng chúng tôi là người Nga. Bà ta vẫy tay: “Các anh định làm gì thế? Thị trấn
đầy bọn Đức!” Đại tá hỏi chi tiết hơn, và chồng bà ta, người vừa trở về từ trong thị trấn, giải thích tình hình cho ông. Trong khi họ cùng đi vào nhà đôi vợ chồng để nói chuyện, chúng tôi được lệnh hạ pháo xuống và thiết lập hoả điểm gần những ngã rẽ. Các pháo thủ vào vị trí sẵn sàng bắn trong khi chúng tôi, cánh lái xe, mang các hòm đạn đến cho họ. Tôi mang năm hòm đạn nổ mảnh, một hòm đạn xuyên giáp và hai hòm đạn bi để bắn thẳng. Cặp vợ chồng địa phương nói với các sĩ quan có khoảng 400 xe ngựa chở hàng tiếp tế của bọn Đức đang dừng ở quảng trường thị trấn. Trong một khu vườn cách chỗ chúng tôi khoảng 300m có ba khẩu pháo nhỏ đang chĩa về hướng tiến của chúng tôi, nhưng chúng không có xe tăng hoặc vũ khí nặng. Chỉ sau 15 phút, trong ánh sáng đang tắt dần chúng tôi đã bắt đầu nhận ra những con ngựa kéo xe đang ở không xa, và chúng tôi có thể nghe thấy tiếng bọn Đức nói chuyện chậm rãi. Những tay tiền sát pháo cẩn thận quan sát cái gì đang xảy ra trong các vị trí riêng của họ trong khi những người khác lặng lẽ chuẩn bị chiến đấu. một nửa số pháo thủ tập trung quanh súng, nửa còn lại thiết lập các vị trí cảnh giới xung quanh mỗi khẩu pháo.
Hai trong số những khẩu 45mm của chúng tôi chĩa vào giữa thị trấn nơi có những khẩu 37mm và lực lượng chính của quân thù. Khẩu thứ ba của chúng tôi xoay một góc 90 độ so với hai khẩu kia hướng dọc con đường chúng tôi đã đi. Chúng tôi giấu xe sau một ngôi nhà có hàng rào làm bằng cành cây bao quanh. Đám lái xe chúng tôi giúp vào việc bảo vệ các hoả điểm của pháo đội từ bên sườn. Sĩ quan có thâm niên nhất trong số chúng tôi là Đại uý Antipenko, sĩ quan Bộ phận Đặc biệt. Sau khi giấu xe và chiếm lĩnh vị trí, tôi đến chỗ đại uý và đề nghị ông ta cho phép tham gia với những người khác bằng khẩu tiểu liên Đức mà tôi đã chiếm được. Tôi đã mang theo khẩu súng này cùng hai thùng đạn (500 viên) cho nó suốt từ khi rời Ponyri nhưng chưa có dịp nào được thử dùng để chiến đấu. Đại uý ra lệnh cho tôi chọn một vị trí và chờ quân địch hoặc có lệnh mới. Đầu tiên chúng tôi cần nắm vững tình hình, Đại tá Nikolaev ra lệnh bố trí phòng ngự và chờ lực lượng của Trung đoàn 9 đang theo sau tới. Chúng tôi được lệnh chỉ tham chiến khi lực lượng trên đã tới. Đại tá Nikolaev ra lệnh cho chỉ huy pháo đội Nishchakov chuyển lệnh của ông cho chỉ huy trung đoàn đổ bộ đường không đằng sau, giải thích tình huống cho anh ta và giục trung đoàn đó tới Gaivoron. Đại tá Nikolaev cho trung đội trưởng, trung uý Seliutin, đi cùng để thực hiện nhiệm vụ và lái xe của khẩu Số 1, trung sĩ Sasha Kornilov, đưa họ đi bằng xe của anh ta. Lúc này trời đang tối dần và sau đó tối hẳn. Gần nửa đêm, trung uý Seliutin quay lại từ trung đoàn 9 và đến cùng với anh ta là một thiếu tá sĩ quan hành quân trung đoàn, hai sĩ quan khác, một lính thông tin và hai tay súng máy. Họ tiến hành một cuộc họp và quyết định tấn công quân địch ngay trong đêm. Tín hiệu tấn công là loạt đạn từ những khẩu pháo của chúng tôi. Sau nửa đêm một chút, chúng tôi có thể nghe thấy những tiếng lanh canh nhỏ của những vật dụng kim loại va chạm nhau ở phía bên sườn, dọc theo con đường mà chúng tôi đã đi lúc ban ngày. Nhiều lính đổ bộ đường không đã không cài cẩn thận đồ dùng và khi họ hành quân, chiếc gà mèn lúc lắc đập vào xẻng công binh hoặc tay cầm con dao Phần Lan. Chúng tôi hiểu rằng lực lượng chính của Trung đoàn 9 đang tới gần, nhưng bọn Đức cũng nghe thấy tiếng động và lập tức báo động mặc dù có vẻ như chúng đã bỏ người gác.
Khi những người lính bộ binh chỉ còn cách chúng tôi độ 50m thì bất ngờ đại liên Đức khai hoả một tràng dài, nhưng chúng bắn mà không nhìn thấy mục tiêu. Quân ta tản ra khỏi con đường và vận động vào vị trí tấn công từ bên phải và trái, trong khi đó một số vẫn ở lại trong các rãnh vệ đường để thu hút sự chú ý của bọn Đức và hướng hoả lực của chúng vào đó. Lực lượng bộ binh tăng cường đã tách ra một tiểu đoàn đi trước để theo chúng tôi nhưng những phần còn lại của trung đoàn vẫn còn ở cách phía sau một quãng. Khi các bộ phận của đơn vị tách ra này tới được tuyến xuất phát tấn công, đại tá Nikolaev hạ lệnh cho pháo đội nổ súng. Trước hết, chúng tôi nã pháo vào khu vườn, nơi bọn Đức bố trí những khẩu 37mm của chúng. Tiếng nổ của những phát đạn pháo đầu tiên chưa dứt thì pháo đội trưởng bất ngờ lao về phía những chiếc xe ngựa chở đồ tiếp tế của quân địch và dẫn về vị trí của chúng tôi một cặp ngựa. Anh ta cột chúng vào xe của tôi và lại chạy đi lần nữa.
Đạn pháo của chúng tôi và những loạt súng máy của các chú lính dù đã làm bọn Đức choáng váng, rất nhiều tên trong số chúng có vẻ như đang buồn ngủ. Trong 15 phút đầu tiên của trận chiến chúng tôi không gặp tổn thất nào, nhưng dần dần quân địch đã tỉnh táo trở lại và tổ chức chống trả. Nhờ ánh lửa đầu nòng của chúng tôi, bọn Đức đã xác định được vị trí quân ta và trùm lên họ những phát đạn cực kỳ chính xác từ những khẩu 37mm của chúng. Trong khi băng bó những người bị thương, chúng tôi tiếp tục đấu pháo với bọn Đức. Sau 10 phút đến 12 phút chiến đấu, không ai trong chúng tôi bị giết nhưng rất nhiều pháo thủ đã bị thương. Chúng tôi đã mất nhiều người tới mức mỗi khẩu pháo chỉ còn hai pháo thủ. Tại khẩu thứ 3 chỉ còn lái xe và người điều khiển khoá nòng, trung sĩ Piotr Goriachikh là chưa bị thương. Ở vị trí của khẩu thứ hai thì còn lại mỗi chỉ huy khẩu đội, trung sĩ Korol’kov và tôi trong khi khẩu Số một thậm chí chỉ còn một mình lái xe Sasha Kornilov.
Lúc này trận đánh đã di chuyển vào trung tâm Gaivoron và những khẩu pháo của chúng tôi đã không
còn cần thiết. Chỉ huy pháo đội ra lệnh rút lui khỏi hoả điểm và giấu pháo ở nơi những cỗ xe của chúng tôi đang đỗ. Chúng tôi thực hiện lệnh, sau đó mang những người bị thương ra vệ đường, lúc này pháo đội chỉ còn lại có bốn người: Chỉ huy pháo đội Nishchakov, chỉ huy khẩu số hai trung sĩ Korol’kov, người điều khiển khoá nòng Goriachikh, và tôi.
2h sáng, một bộ phận tăng cường của tiểu đoàn tiền trạm, trung đoàn đổ bộ đường không 9 kéo chúng tôi vào Gaivoron. Lại một lần nữa, bọn Đức nổ súng vào họ bằng một khẩu đại liên. Chỉ huy pháo binh trung đoàn ra lệnh cho chúng tôi trừ khử khẩu súng máy Đức đó. Trung sĩ Korol’kov đề nghị tôi cùng với anh ta đột nhập lại gần để trinh sát. Cần chọn một vị trí đặt súng mới và con đường để đến chỗ đó. Tôi xác định được kiểu bắn của khẩu súng máy: những loạt ngắn hoặc dài liên tục trong 2-3 giây, sau đó là một khoảng ngừng độ 25-30 giây, rồi cái kiểu đó lại tiếp tục. Những luồng đạn từ khẩu súng máy bay qua đầu chúng tôi độ 20m về phía sau. Chúng tôi xác định một vị trí đặt súng mới ở một trong những ngã tư gần nhất. Chúng tôi có thể đến vị trí bằng cách phi xe jeep xuyên qua khu vườn của một trang trại nằm phía xa và sau đó đẩy pháo vào vị trí bằng tay từ trong sân trang trại. Đó là cách chúng tôi quyết định làm. rung sĩ Korol’kov đợi tôi trong sân, trong khi đó tôi quay lại xe, nổ máy và phóng ra đường. Tôi dừng lại, chờ nghe loạt đạn súng máy tiếp theo để sau đó vọt qua đoạn đường nằm trong tầm đạn. Khẩu súng máy nổ một tràng rồi lặng im. Trước đầu xe, một luồng đạn lửa xanh đỏ bay qua rồi tắt ngấm. Tôi bắt đầu di chuyển từ từ và giữ cho máy nổ to, nhờ vậy sẽ không lo chết máy khi tôi cho xe trườn qua rãnh vệ đường. Bọn Đức không thể phân biệt được tiếng máy xe, những loạt đạn của chúng bắn không xa đầu xe và tiếng xe nghe như tiếng súng máy đang bắn. Ánh sáng từ cửa sổ những căn nhà gần đó soi đường cho tôi. Ngay khi trườn ra khỏi chiếc xe, tôi nghe thấy tiếng rít của một viên đạn pháo đang bay tới. Tôi kịp thời lao vào một chỗ ẩn núp dưới mái vòm một ngôi nhà gần đó. Khẩu đội trưởng nằm lăn xuống đất sau lá chắn của khẩu pháo. Viên đạn nổ cách đó khoảng 15m, mảnh đạn bắn vỡ cửa sổ căn nhà nhỏ nơi tôi đang đứng trong khi ba mảnh khác xuyên vào tường ngay trên đầu tôi và tôi bị vôi vữa rơi đầy người. Tôi vội nhìn chiếc xe, nó không sao. Chúng tôi hạ càng pháo và thả phần dưới lá chắn xuống, nó sẽ bảo vệ những đôi chân của chúng tôi trong trường hợp bị một viên đạn bất ngờ từ khẩu súng máy khi đang di chuyển pháo đến vị trí bắn đã định.
Chúng tôi lăn khẩu pháo đến góc đối diện ngã tư, Korol’kov ở lại với súng để chuẩn bị cho cho trận chiến trong khi tôi quay lại xe để lấy đạn. Tôi chọn một thùng đạn nổ mảnh và mang đến chỗ con đường. Tại đó tôi buộc một đoạn dây điện thoại của bọn Đức vào thùng đạn rồi băng qua đường cùng với đầu kia của sợi dây. Theo cách đó chúng tôi kéo thùng đạn lăn lóc qua con đường đến vị trí đặt súng. Chúng tôi nạp đạn và chuẩn bị những viên đạn tiếp theo. Khẩu súng máy lại loé sáng với một loạt đạn nữa. Núp sau lá chắn súng, những viên đạn không làm chúng tôi sợ hãi. Khẩu đội trưởng ngay lập tức định vị luồng lửa đạn qua đỉnh tấm chắn và nhấn cò. Khẩu pháo gầm lên. Tôi nhìn cái khoá nòng giật lại thẳng về phía mình cho đến khi nó đến điểm dừng. Khóa nòng bật mở cái rình và ném ra vỏ đạn rỗng với khói trắng bốc lên nghi ngút. Ngay chỗ cái vỏ đạn vừa bị tống ra, tôi nhanh chóng nạp vào một viên đạn khác. Khoá nòng đóng lại với một tiếng click đặc trưng và nòng pháo di chuyển trên giá đỡ về vị trí chuẩn. Tôi hét: “Súng giật bình thường thôi!” và một phát đạn khác vọt ra khỏi nòng, rồi một phát nữa, rồi phát thứ tư. Sau phát thứ bảy, chúng tôi tạm dừng và quan sát kết quả công việc. Korol’kov ngắm vào mục tiêu, tôi thì tính thời gian: 25, 30, 45, 75 giây đã trôi qua, khẩu súng máy địch vẫn câm lặng. Chúng tôi vẫn còn ba viên đạn chưa bắn nên mặc dù khẩu súng máy Đức vẫn im lặng, chỉ huy khẩu đội vẫn ra lệnh bắn hết số đạn còn lại vào cùng mục tiêu. Tôi nạp đạn và khẩu pháo khạc lửa cho đến khi hết sạch cả 10 viên đạn. Korol’kov đứng hẳn lên để quan sát trong khi tôi thu nhặt những vỏ đạn đã bắn và nhét chúng lại vào thùng. Chúng tôi phải giao lại chúng cho hậu cần hoặc một hình phạt tồi tệ gì đó sẽ diễn ra. Tôi tìm thấy 9 vỏ đạn rỗng nhưng cái thứ 10 thoát khỏi cuộc tìm kiếm sơ bộ đầu tiên này. Ba phút đến năm phút đã qua và khẩu súng máy địch vẫn câm lặng. Khẩu đội trưởng bắt đầu chạy đi báo cáo pháo đội trưởng rằng nhiệm vụ đã hoàn thành trong khi tơi ở lại chỗ khẩu pháo để tiếp tục tìm kiếm cái vỏ đạn thứ 10. Tôi tìm thấy nó trong rãnh bên đường cách nơi đặt pháo khoảng 7m. Tay trung sĩ quay lại và chúng tôi trở về chỗ cũ, phía sau hàng rào ở rìa trang trại. Trận đánh đã lui vào sâu trong làng, chỉ huy pháo binh và tất cả các sĩ quan chỉ huy trận đánh đều quyết định đến gần khu vực chiến sự hơn. Đại tá Nikolaev yêu cầu chỉ huy pháo đội giao cho ông ta một người để làm liên lạc viên. Trung sĩ Korol Kov được chọn và đi cùng với các sĩ quan. Giờ còn lại ba chúng tôi với ba khẩu pháo, khoảng 300 viên đạn, và một chiếc jeep còn nửa bình xăng. Trời đang sáng dần, sự chống cự của quân địch bắt đầu tăng.
Chỉ huy pháo đội ra lệnh cho chúng tôi thiết lập một hoả điểm mới trên một mô đất thấp cách vị trí cũ khoảng 250m về phía bắc. Chúng tôi lôi một khẩu pháo đi và thiết lập xong hoả điểm, tôi cũng mang theo 8 thùng đạn. Chúng tôi đặt hai khẩu còn lại và chiếc xe jeep của tôi trong một khu vực lòng chảo nhỏ cách hoả điểm chừng 70m. Chúng tôi ra càng pháo và đào công sự, sau đó chỉnh hướng và chuẩn bị đạn: một hộp đạn xuyên giáp, một hộp đạn lửa xuyên giáp, hai hộp đạn bi và mười hộp đạn nổ mảnh. Sau khi chúng
tôi hoàn thành việc chuẩn bị chiến đấu, pháo đội trưởng chấp thuận cho nghỉ giải lao trong khi bản thân anh ta thì rời vị trí đến chỗ bố trí cối 82mm và lựu pháo của quân ta ở gần đó. Khi quay trở lại, anh ta nói những khẩu cối và lựu pháo chỉ còn từ 12 đến 16 viên đạn mỗi khẩu. Chúng tôi vẫn còn gần như toàn bộ đạn dành cho ba ngày, vì vậy các vị chỉ huy sắp xếp như sau: Nếu quân địch tiến tới gần chúng tôi, chúng tôi sẽ nã đạn để ghìm đầu chúng xuống đất. Sau đó cối sẽ bắn thành từng loạt để tiêu diệt địch tại nơi chúng nằm. Bắn loạt là một trong những cách pháo kích một vị trí, theo đó đạn sẽ rơi cùng lúc thành một vùng mảnh đạn, kết quả là không một mẩu đất nào thoát khỏi bị mảnh đạn xuyên vào và một người nào trong khu vực đó không bị ăn đạn là chuyện bất khả thi. Mặt trời đã mọc, tiếng động của trận đánh có thể nghe thấy đâu đó ở phía nam ngoại vi ngôi làng. Phiên người đứng quan sát đầu tiên là Trung sĩ Goriachikh, pháo đội trưởng và tôi nằm dưới giá súng đã được chúng tôi đặt sâu dưới hố và ngay lập tức rơi vào cơn buồn ngủ.
Vào khoảng trưa, đến lượt tôi thay phiên đứng quan sát và thông báo những gì nhìn thấy, trong 30 phút đầu mọi thứ có vẻ bình yên. Bên phải chúng tôi là các pháo thủ đơn vị lựu pháo của trung đoàn, họ không đào công sự cho pháo, có thể nhìn thấy họ rất rõ ràng. Khoảng 2h chiều, những phát đạn bắt đầu rít lên và bay qua chỗ chúng tôi. Tôi núp sau lá chắn súng và tìm xem phát đạn bắn ra từ đâu. Tôi chẳng thấy dấu vết của bất cứ ai phía trước. Rồi lại một viên đạn nữa bay qua đầu tôi về bên phải và tôi đã có thể định hướng được đường bay của nó. Tôi nhìn sang trái, nơi có cái cối xay gió và bắt đầu quan sát nó thật kỹ. Khi chúng tôi tiến vào Gaivoron tối qua cái cối xay gió này ở bên phải đường đi và không có ai bắn vào chúng tôi từ trong đó. Rõ ràng là vào một lúc nào đó trong đêm, có lẽ khi chúng tôi đang chuẩn bị sơ tán thương binh, bọn Đức đã thâm nhập qua bên sườn. Hồi đêm chúng tôi đã nghe nói bọn Đức đang chiếm điểm giao cắt đường tàu và phải đến sáng nay quân ta mới vượt qua vị trí đó. Vì thế khi những chiếc xe chở thương binh chuẩn bị xuất phát, tôi bèn đưa khẩu tiểu liên Đức chiến lợi phẩm và hai băng đạn cho nhóm hộ tống. Giờ tôi đang chăm chú quan sát chiếc cối xay gió, tôi thông báo có một đám khói do súng trường tạo ra và lại một viên đạn khác rít lên bay qua đầu. Kẻ nào đó đang bắn từ chỗ trục cối xay. Khi thấy viên đạn thứ hai bắn ra từ cùng vị trí đó, tôi báo cáo với pháo đội trưởng. Thêm hai phát đạn nữa bay qua chỗ chúng tôi, pháo đội trưởng ra lệnh quay pháo sang trái và nạp đạn nổ mảnh. Chúng tôi nạp đạn và pháo đội trưởng bắn ba phát liền vào cối xay. Phát thứ nhất bắn tung mái cối xay gió, và sau phát thứ ba, tháp quay cối xay đã bị phá huỷ. Để đảm bảo loại trừ hẳn bọn Đức đang chiếm lĩnh cối xay, pháo đội trưởng bắn tiếp hai phát đạn lửa vào tường làm nó vỡ tung trong những tia lửa. Độ 40 phút sau tôi thông báo có một số người đang di chuyển dưới sự che chở của những bụi cây trong một đường rãnh phía trước. Qua ống nhòm, tôi có thể thấy rằng chúng là bọn lính súng máy Đức. Cái rãnh đã cho chúng nơi trú ẩn tuyệt vời chống lại súng trường hoặc súng máy và chúng đang tập trung lực lượng ở đó. Tôi báo cáo với pháo đội trưởng, anh ta ra lệnh sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi để sẵn hộp đạn bi bắn thẳng và đạn nổ mảnh còn bản thân tôi bắt đầu quan sát bọn Đức qua kính ngắm của khẩu 45mm. Cái rãnh nằm cách chúng tôi khoảng 500m. Sau một quãng thời gian quan sát ngắn, pháo đội trưởng Nishchakov lệnh cho tôi chạy tới đơn vị cối và lựu pháo bên phải để thông báo tình hình cho họ. Khi tôi quay về hoả điểm, sĩ quan của các đơn vị bên cạnh đã sẵn sàng, cuộc thảo luận của họ về cách phối hợp trong trận đánh sắp tới đang kết thúc. Bộ binh địch còn chưa tới gần vì vậy chúng tôi có đủ thời gian chuẩn bị vũ khí và lựu đạn của mình. Chúng tôi không lo gì cho bản thân: chúng tôi có khoảng 150 viên đạn nổ mảnh và 30 hộp đạn bi. Để tiêu diệt 100 tên Đức thế là đủ. Trong khi chúng tôi chuẩn bị, đám lính súng máy Đức từng lớp rời khỏi con rãnh và sau đó xếp thành những đợt sóng tiến về phía chúng tôi.
Bọn Đức cứ tiến tới, không bắn, tay cầm súng máy và lựu đạn gài quanh ủng. Pháo đội trưởng Nishchakov ngồi sau ống ngắm điều chỉnh đường bắn, anh ta đợi cho đến khi bọn Đức đã vượt qua con rãnh 50m mới khai hoả với phát đầu tiên giết chết ngay một sĩ quan Đức. Đám lính súng máy Đức quay đầu nhìn lại nơi phát ra tiếng nổ một cách hoảng hốt: Chỉ có khói mà chẳng có hố đạn hay tay sĩ quan. Viên đạn đã bắn đúng ngực tên sĩ quan làm hắn nổ tung thành từng mảnh nhưng không hề tạo ra lỗ đạn trên mặt đất. Dù vậy, bọn Đức vẫn tiếp tục cuộc tấn công. Nishchakov bắn tiếp ba phát, chúng nổ tung ở hai đầu và chính giữa hàng quân Đức làm chết khoảng một chục tên. Phát này pháo đội trưởng chọn một nhóm lính Đức tập trung sát nhau, ngắm vào tên ở giữa và nã một phát trúng ngay ngực hắn. Quả đạn nổ tung gây thương vong cho cả đám xung quanh. Sau ba tiếng nổ đó, bọn Đức bắt đầu xông lên với đầu cúi thấp, vừa chạy vừa bắn. Chúng tôi tăng tốc độ bắn. Bọn Đức tản ra núp. Sau mỗi phát pháo của chúng tôi, bọn Đức lại xông lên trong khoảng 30 giây. Chúng tôi đã bắn 25 phát vào chúng, nhiều tên đã nằm lăn trên mặt đất. Nishchakov bắt đầu bắn vào những nơi chúng tập trung lại với nhau và chúng tôi bắn tiếp 20 phát. Khi bọn Đức chẳng còn giữ được hàng lối gì nữa chúng tôi ngừng bắn. Giờ là lúc những anh lính súng cối vào cuộc quật ngã chúng với những loạt ba quả một. Khu vực trận đánh trở nên mù mịt. Sau cuộc tấn công của súng cối kéo dài 5-7 phút, bọn Đức một lần nữa lại xông lên, tuy nhiên số lượng của chúng giờ đây đã ít hơn. một tên Đức cứ liên tục nhìn lại phía sau, vung vẩy khẩu súng ngắn và gào thét gì đó. Nishchakov
ngắm vào hắn một cách cẩn thận và tên chỉ huy này ngã gục. Những tên khác thấy thế lại nằm rạp xuống lần nữa. Giờ chúng còn cách hoả điểm của chúng tôi chừng 300m. Chúng nổ súng nhưng tôi chẳng nghe thấy tiếng đạn réo gì cả, chắc là vì tôi không gây sự chú ý nào đối với chúng. Tôi bật nắp các hòm đạn ra và chuẩn bị đạn, Goriachikh nạp đạn và theo dõi cơ cấu giật, pháo đội trưởng Nishchakov ngắm và bắn.
Bọn Đức nằm nguyên chỗ cũ khoảng 10 phút và khẩu pháo của chúng tôi cũng lặng im. Có lẽ chúng nghĩ rằng đạn dược của chúng tôi đã cạn nên bắt đầu tập hợp thành từng nhóm nhỏ hai đến ba tên để mang những kẻ bị thương quay về chỗ an toàn dưới con rãnh. Khi đã có độ nửa tá những nhóm như vậy xuất hiện chúng tôi lại khai hoả và phá vỡ năm nhóm trong số đó. Những tên Đức chưa bị thương bỏ những kẻ bị thương nằm đó và chọn cách núp sau một đống cỏ khô, nơi chúng tôi cũng đã núp hôm qua khi tiến vào Gaivoron. Khoảng 15 tên Đức núp sau đống cỏ đó, chúng tôi không thể trục chúng ra được, chúng tôi đã nã vài phát đạn lửa vào đống cỏ nhưng nó vẫn chẳng chịu cháy cho. Đột nhiên chúng tôi nhìn thấy một tên lính mô tô Đức ra tín hiệu từ trong làng và phóng xe về phía đống cỏ. Pháo đội trưởng không ngắm bắn hắn, anh ta để hắn đến chỗ đống cỏ an toàn rồi khuất sau nó. Lúc này Nishchakov mới hạ lệnh nạp đạn xuyên giáp rồi bắn vào đống cỏ. Tiếp theo đó là những phát đạn nổ mảnh cuối cùng cũng làm đống cỏ bốc cháy. Đến tối một khẩu đội 76mm đến từ Trung đoàn pháo Cận vệ một tham chiến, chỉ huy của họ là Trung tá Kachin. Chỉ đến lúc này chúng tôi mới cảm thấy cực kỳ mệt và đói. Những đồng đội từ trung đoàn pháo nhanh chóng chuẩn bị chiến đấu và bắt đầu nã từng loạt đạn vào các mục tiêu không nhìn thấy. Trong khi đó chúng tôi chuẩn bị cho việc di chuyển ba khẩu 45mm của mình, việc đó làm chúng tôi mất khoảng một giờ. Ngay sau đó một chiếc xe tải ZIS – 5 của sư đoàn tới nơi và chúng tôi móc hai khẩu pháo vào nó, khẩu còn lại chúng tôi móc vào chiếc jeep của mình. Chúng tôi quay lại con đường hôm qua, mọi cái vẫn thế ngoại trừ giờ cái cối xay gió đã bị phá huỷ. Chúng tôi về đến nơi đã xuất phát đêm hôm trước và được chào đón như những người hùng. Hầu hết những người chúng tôi gặp là những đồng chí đã bị thương đêm qua, đa số họ muốn ở lại tiểu đoàn pháo nên đã từ chối đi bệnh viện.
Vượt sông Dnepr
Quân Đức phòng thủ Gaivoron đã rút lui và chúng tôi giải phóng làng Ich’nia ngày hôm sau, 18/9. Tại đó sức chống trả của bọn Đức bị đập vụn dễ dàng, có lẽ do những thiệt hại về người và trang bị của chúng trong trận đánh hôm trước. Tốc độ tiến của chúng tôi ngày một tăng, vào lúc đó Phương diện quân Voronezh đã đi chậm hơn chúng tôi khoảng 70km. Trong một tuần chúng tôi di chuyển từ cánh này sang cánh kia để yểm trợ cho những người lính đổ bộ đường không ở bất cứ nơi nào cần đến những khẩu pháo nhỏ bé của chúng tôi. Thắng lợi trong những trận đánh trước đẩy lùi dần cảm giác sợ hãi, chúng tôi tin tưởng những viên đạn ghém sẽ mang chúng tôi đến với chiến thắng.
Không xa thành phố Bobrovitsa, pháo đội tôi nhận lệnh quét sạch một tuyến đường cho những chú lính dù trong một phân đội phía trước, họ đang gặp trở ngại bởi những cỗ pháo tự hành[11] và đại liên địch. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Nishchakov và Seliutin bố trí trinh sát trước. Chúng tôi nhanh chóng tiến lên tuyến đầu, tháo pháo khỏi xe và dàn chúng ra mà không đào công sự. Quân địch phát hiện ra chúng tôi và nã súng máy vào các hoả điểm nhưng chúng tôi vẫn an toàn vì thực tế là những khẩu pháo đã đặt trong tình trạng sẵn sàng với lá chắn được hạ thấp, các pháo thủ nấp sau những tấm lá chắn đó. Pháo đội trưởng Nishchakov ra lệnh mỗi khẩu pháo đều bắn liên tiếp vào những khẩu pháo tự hành và hoả điểm súng máy Đức. Tốp pháo thủ số 3 nhanh chóng xác định mục tiêu và bắn cháy một xe, trong khi đó mục tiêu của tôi rúi lui vào nơi trú ẩn. Những khẩu còn lại trong pháo đội bắn vào những hoả điểm súng máy. Với một cỗ pháo tự hành bốc cháy và một chiếc nữa bỏ chạy, những khẩu súng máy Đức trở nên quá yếu. Chỉ huy phân đội dù đi đầu dẫn quân xông lên trong khi chúng tôi móc lại pháo vào xe. Pháo đội trưởng bắt đầu nhận báo cáo trận đánh từ chỉ huy các khẩu đội, trong số người tham chiến chỉ có Egorov, người vác đạn của khẩu đội 2 bị thương. Egorov là người hàng đêm khâu vá quần áo giày tất cho cả pháo đội nên tất cả chúng tôi đều lo lắng cho vết thương của anh ta! Nhưng Egorov đã từ chối đi viện, và cũng như tôi trước đây khi bị thương ở Ponyri, anh ta được dưỡng bệnh ở bếp ăn sư đoàn.
Sư đoàn Đổ bộ đường không số 4 của tôi lại tiếp tục tiến công về hướng Kiev, dọc đường chúng tôi gặp phải thị trấn Priluki nằm bên phải, một đơn vị Đức đồn trú tại thị trấn này và quân ta không nên tiến xa hơn mà để chúng lại phía sau. Vì vậy, chúng tôi nhận được lệnh dừng cuộc tấn công về hướng Kiev trong 24h để giải phóng Priluki. Mỗi trung đoàn của sư đoàn tổ chức một phân đội cơ động để thực hiện nhiệm vụ này và các pháo đội trong tiểu đoàn pháo của tôi được phối thuộc cho họ, một pháo đội cho mỗi trung đoàn. Pháo đội tôi được phân vào Trung đoàn 9. Đến tối quân ta đã chiếm được Priluki. Mỗi khẩu pháo có tới 110 viên đạn và chúng tôi dễ dàng phá huỷ hàng loạt xe tải, xe thiết giáp chở quân và pháo tự hành của bọn Đức. Tối đó khi Sư đoàn Cận vệ số 42, đơn vị được phân công giải phóng Priluki đến nơi thì thấy chúng tôi đã chiếm xong thị trấn, và chúng tôi rời đi tiến về Kiev. Chúng tôi đã nghĩ mình chỉ tiến thẳng vào Kiev và tham gia vào việc giải phóng nó nhưng khi đến gần thành phố, hàng quân của chúng tôi lại rẽ sang hướng về làng Domantovo nằm bên bờ tây sông Dnepr, cách Kiev khoảng 60km về phía Bắc. (xem bản đồ)
Sư đoàn tôi tập trung toàn bộ các đơn vị ở đó, dưới sự che chở của nhưng thân cây trên bờ đối diện và chuẩn bị vượt sông. Bọn Đức đóng tại bờ tây, nơi cao hơn và dễ dàng nhìn sang bờ đông thoai thoải của con sông.
Lời chú của Britton:
“Mặc dù tuyến đường đến Kiev đã mở ra cho Tập đoàn quân 60 của Rokossovskii, Tổng hành dinh nghĩ rằng thành phố này quá khó để tiến hành một cuộc tấn công trực diện, vì thế họ lệnh cho Tập đoàn quân 60 chuyển hướng về phía tây bắc, nơi Tập đoàn quân 13 của Phương diện quân Trung tâm đã chiếm được nhiều đầu cầu nhỏ phía bên kia sông Dnepr về phía bắc Kiev, đó là nơi sông Pripiat đổ vào sông Dnepr. Theo kế hoạch đầy tham vọng của Tổng hành dinh, các tập đoàn quân 13 và 60 của Rokossovskii sẽ phối hợp với nhau để bao vây Kiev từ phía bắc, trong khi đó các tập đoàn quân của Vatutin tiến qua đầu cầu Bukrin qua sông Dnepr để tới phía nam Kiev. Để kế hoạch này thành công, điều quan trọng là Phương diện quân Trung tâm phải chiếm và giữ được những đầu cầu qua sông Pripiat, con sông này đổ vào sông Dnepr tạo thành một cái barie trước những cuộc vận động ngoặt về hướng Kiev của bất cứ lực lượng nào đóng ở phía bắc ngã ba sông mà nó tạo thành với Dnepr. Tập đoàn quân 13 đã hoàn thành nhiệm vụ này vào ngày 25/9 khi Quân đoàn bộ binh Cận vệ 17 chiếm được một đầu cầu bên kia sông Pripiat ở Otashev, và Trung đoàn 70 Cận vệ thuộc Sư 6 bộ binh Cận vệ cũng chiếm được một đầu cầu nhỏ khác gần Domantovo. Tổng hành dinh muốn tăng cường đầu cầu nhỏ này và bảo vệ nó trước những cuộc phản công của người Đức, khi đó nó sẽ trở thành bàn đạp cho chiến dịch đánh chiếm Kiev.
Theo kế hoạch này, Tổng hành dinh lệnh cho Quân đoàn bộ binh Cận vệ 18 thuộc Tập đoàn quân 60, trong đó bao gồm cả Sư 4 Đổ bộ đường không Cận vệ, đánh vượt sông Dnepr tới phía nam vị trí Trung đoàn 70 gần Domantovo. Tiếp theo, Quân đoàn 18 tiến lên chiếm các làng đã bị biến thành cứ điểm quân Đức là Gubin và Ditiatki. Nhiệm vụ là khó khăn. Tại điểm đó sông Dnepr rộng 500m-700m và sâu 6m-8m. Các bộ phận của Quân đoàn LIX thuộc Tập đoàn quân thiết giáp 4 Đức vẫn còn bố trí trên tuyến phòng ngự sông Dnepr. Cuốn lịch sử Sư 4 Đổ bộ đường không viết rằng một điểm cao được đánh dấu 115,4 trên bản đồ quân sự nhìn xuống sông Dnepr án ngữ điểm vượt sông được chỉ định này và cản trở đường tiến đến cả hai ngôi làng Gubin và Ditiatki. Nhận được lệnh đánh vượt sông và chiếm điểm cao này, chỉ huy Trung đoàn 15 của Sư 4 Đổ bộ đường không, Trung tá Birenboim quyết định không tấn công trực diện mà vượt sông thành hai mũi ở phía bắc và nam quả đồi bọn Đức đang chiếm giữ. Litvin mô tả một trong các mũi vượt sông đó. Trung đoàn Đổ bộ đường không số 15 nhận lệnh chọn ra một đơn vị xung kích để đánh vượt sông Dnepr vào đêm 29 rạng ngày 30/9. Trung tá Birenboim chọn một đại đội khoảng 100 người do Trung uý G.F.Bastrakov chỉ huy. Khi đó không phải tất cả binh sĩ đều biết bơi (một số mới trở về từ bệnh viện trong khi một số khác là những người mới được tăng cường), họ đóng ba cái bè lớn và đặt súng máy lên đó. Ngay khi màn đêm buông xuống vào tối ngày 29/9, đại đội xung kích của Bastrakov lặng lẽ rời bờ. Họ qua được giữa sông và khi chỉ còn 150m nữa là đến bờ bên kia thì lính gác Đức phát hiện có chuyện gì đó và bắn một quả pháo sáng. Hai chớp sáng trong chốc lát soi rọi cả mặt sông và bọn Đức chắc là đã nhìn thấy hạm đội bé nhỏ của quân ta. Chúng bắt đầu nã đạn vào những chiếc bè. Bastrakov biết rằng một nửa
số người dưới quyền mình không biết bơi nhưng vẫn ra lệnh: “Tất cả xuống nước!” Tất cả nhảy ra ngoài. Trong khi những người không biết bơi bám vào thành bè, những người còn lại bắt đầu bơi vào bờ. Bọn Đức nhìn thấy cái bè rỗng không dưới ánh sáng lập loè của những trái sáng và nghĩ rằng chúng đã quét sạch những người lính Nga. Khi những trái sáng tắt, các hoả điểm Đức cũng yên lặng trở lại.
Khi quân ta đã sang đến bờ bên kia, họ lặng lẽ tập hợp lại, Bastrakov ra lệnh cho mọi người cởi hết quần áo chỉ giữ lại đồ lót. Anh ta không muốn mọi người bị vướng víu vì những bộ quân phục ướt và nặng khi thực hiện nhiệm vụ sắp tới. Các binh sĩ cởi bỏ áo choàng và quân phục, chụp lấy những khẩu súng máy và bắt đầu rón rén trèo lên điểm cao. Khi bọn Đức bắn tiếp một trái sáng, những chiến sĩ ta liền gào lên “Ura!” và tràn tới. Bọn Đức phản ứng lại cứ như thể chúng gặp phải ma, chúng hết sức hoảng hốt trước cuộc tấn công bất thần như ma quỷ hiện hình của những chiến binh trong bộ đồ lót trắng. Quân ta xông vào công sự Đức và bắn hạ gần như toàn bộ, thậm chí cả những kẻ đã cố bỏ chạy. Các chiến sĩ đổ bộ đường không của chúng tôi đã đập tan bọn Đức, sau đó quay lại bờ sông quay quay những cái áo trên đầu rồi mặc chúng vào. Nhờ chiến công trong cuộc vượt sông Dnepr đó, Bastrakov đã được tặng danh hiệu Anh hùng. [12] Ngay lập tức, đám công binh của chúng tôi bắt đầu dựng một cây cầu bằng ván qua sông Dnepr nằm ngay dưới mặt nước để máy bay trinh sát Đức không phát hiện được. Tiếp theo họ làm một cái cầu phao dài 400m. Bọn Đức đã tấn công cái cầu phao nhìn thấy đó nhưng cây cầu dưới mặt nước thì không phát hiện được. Rạng sáng, các trung đoàn của sư đoàn tôi ào qua những cây cầu đó và tản ra thiết lập một đầu cầu bên kia sông. Khi chúng tôi đang đợi đến lượt mình vượt sông thì tiểu đoàn nhận được lệnh cho một xe jeep Willy và một lái xe đến sở chỉ huy Trung đoàn 9 Đổ bộ đường không Cận vệ. Nishchakov đã chọn tôi.
Chương 4: TÔI TRỞ THÀNH TÀI XẾ
Tôi tạm biệt những người đồng chí của mình, phóng chiếc jeep đi tìm đơn vị mới. Ở thị trấn Oster, người ta cho tôi biết Trung đoàn 9 Đổ bộ đường không Cận vệ đã vượt sông Dnepr ở đâu đó đối diện với Stary Glybov. Để tới điểm vượt sông đó, tôi đi theo một con đường mòn đầy bụi đất tạo bởi vết xe của những chiến xa và xe tiếp vận đã đi qua trước tôi. Chiếc xe chạy mọi địa hình mạnh mẽ Willy của tôi nảy tưng tưng khi lao qua những ổ gà ổ trâu và trượt trên mặt đất đầy cát sỏi cho đến khi tôi phải xì bớt lốp xe.
Tôi vượt sông Dnepr trên một cái cầu ngầm, nó nằm dưới mặt nước khoảng 20cm. Bờ bên kia sông toàn là những bãi cát nhưng riêng ở chỗ này trên cát mọc lên một rừng tùng. Cát ở đây không quá xốp vì bàn tay chu đáo của ai đó đã trồng nhiều cây tùng non trước đây. Tôi đến sở chỉ huy trung đoàn vào cuối ngày, tôi tìm thấy nó trong một cánh rừng thông và sồi. Mọi người chào đón tôi rất tử tế ngoại trừ chỉ huy trung đoàn, ông ta khó chịu vì đã bị buộc phải đợi ba ngày mới có được một chiếc xe. Rải rác xung quanh sở chỉ huy là gần như toàn bộ các đơn vị đặc biệt của trung đoàn: Chi đội công binh, trung đội trinh sát, trung đội cảnh vệ của sở chỉ huy trung đoàn gồm toàn lính trang bị súng máy, các nhóm cứu thương và y tế, đơn vị hậu cần, vân vân và vân vân. Nhiệm vụ của tôi bắt đầu bằng việc đào hầm cho chiếc Willy. Tôi được phân công về đội cơ giới của trung đoàn. Nó gồm có người chỉ huy, Thiếu uý Cận vệ Kozak, Hạ sĩ Slava (tôi quên mất họ của anh ta, vốn anh ta là lính lái mô tô nhưng lại không có mô tô) và một người lái chiếc xe tải Zic-5 tên Ivanov, chiếc xe tải của anh ta thực sự là một kho đạn. Trong thùng xe có đạn cối và các băng đạn súng máy, lựu đạn và mìn 50mm, một ít thuốc nổ, cơ bản đó là một kho đạn hoàn chỉnh! Tôi là thành viên thứ tư của đội, và người thứ năm, một tay thợ sửa súng. Chúng tôi đào một công sự bằng đất nhỏ nhưng thoải mái đủ cho cả đội. Nó được che chắn tốt, ngay cả trong trường hợp bọn Đức nã pháo, hầu như không có cát rơi xuống đầu chúng tôi. Trong hầm chả thiếu thứ gì. Tối đó trong bữa ăn, với tư cách là người mới, tôi trở thành trung tâm sự chú ý. Đội trưởng cẩn thận nghiên cứu giấy chứng nhận của tôi, nó ghi: “Được phép lái các loại xe nước ngoài.” Trong trận vượt sông Dnepr, Trung đoàn 9 Đổ bộ đường không Cận vệ đã gặp phải những tổn thất nặng nề. Bây giờ cơ bản chỉ còn là hoàn thiện việc tổ chức phòng ngự và bố trí chiến đấu tại các vị trí xung quanh đây. Trung đoàn đang đặc biệt thiếu bộ binh, vì thế gần như toàn bộ pháo binh trung đoàn đang phải ở tuyến trước cùng với bộ binh và luôn trong tư thế sẵn sàng ngắm bắn vì địa hình xung quanh toàn là rừng.
Một lần thoát chết
Ngày thứ hai ở trung đoàn mới của tôi trôi qua yên ả. Tôi củng cố thêm cái hầm chứa xe, nguỵ trang nó và sau đó đào một đường hào nhỏ bên cạnh cho bản thân tôi. Khi chiều xuống, tôi được triệu tập đến sở chỉ huy trung đoàn.
Tôi được lệnh chuẩn bị sẵn sàng cho một chuyến đi vào nửa đêm ra tiền tuyến, vài sỹ quan trung đoàn muốn đi thăm một tiểu đoàn để trao các huân chương và danh hiệu mà họ có được nhờ trận tấn công vượt sông Dnepr và mở rộng đầu cầu. Khoảng 11h đêm tôi đỗ xe cạnh lối vào hầm chỉ huy sở, một thiếu tá Cận vệ và một trung sĩ đi ra. Cả hai, ngoài súng ngắn còn mang theo mỗi người một khẩu tiểu liên PPSh và một băng đạn dự phòng. Viên thiếu tá còn khoác một tấm áo đi mưa trên vai. Chúng tôi đi theo một con đường nhỏ trong rừng hướng ra tiền tuyến cách đó khoảng 1km, sau đó dừng lại dưới những gốc cây. Viên thiếu tá và người trung sĩ rời xe đến chỗ tiểu đoàn trong khi tôi ở lại với chiếc Willy để chờ họ quay lại. Trước khi rời đi, viên thiếu tá cảnh báo tôi rằng lực lượng phòng thủ của ta ở đây rất yếu và rằng bọn thám báo Đức có thể dễ dàng thâm nhập, do đó, ông ta khuyên tôi để chiếc Willy nằm yên còn mình thì phải quan sát kỹ xung quanh. Có một rừng thông non ở bên phải con đường, đường kính những thân cây không lớn hơn một gang tay. Bên phía đối diện con đường, một rừng sồi non cũng đang mọc. Tôi quay đầu xe, hướng mũi nó về phía sở chỉ huy trung đoàn và sau đó tắt máy. Tôi rút súng lục ra và đặt nó xuống bên cạnh cái áo jacket treo trên ghế phụ. Tôi đặt khẩu tiểu liên Đức chiến lợi phẩm lên trên cái áo đó và bắt đầu nghe ngóng. Xung quanh yên lặng và tôi bắt đầu ngủ gà gật. Bất thần trong giấc ngủ lơ mơ tôi nghe thấy một tiếng “crắc” của cành cây gãy phía sau. Tôi không thể nhìn thấy gì trong bóng đêm cho đến khi một phát đạn loé sáng từ trong rừng. Tôi cúi gập người xuống tay lái, nổ máy, vào số và lao về hướng sở chỉ huy trung đoàn. Bánh xe bên trái vẫn nằm trên gờ phải con đường còn bánh bên phải lăn trên những gốc cây và nghiền nát những bụi cây non. Nhiều phát đạn nữa lướt qua, bọn Đức bắn dọc con đường hoặc chính xác hơn là con đường mòn trong rừng, vì đó là tất cả những gì có thể nhìn thấy được trong màn đêm. Khi tôi phóng xe sang được bên phải đường, những viên đạn vọt qua một cách vô hại. Tôi phi xe vào sở chỉ huy và báo cáo lại những gì đã xảy ra với sĩ quan trực. Anh ta gọi báo động và tất cả các đơn vị đặc biệt đều tập trung tới. Dưới sự chỉ huy của trung đội trưởng trung đội trinh sát, họ nhanh chóng di chuyển đến khu vực mà tôi vừa thoát ra.
Tại khu vực của tiểu đoàn tiền tiêu, khi đang trao các huân chương thì mọi người nghe thấy tiếng súng và lập tức lao tới cứu tôi. Lực lượng trợ giúp của tiểu đoàn này đã tới nơi trước các đơn vị đặc biệt nói trên. Viên thiếu tá biết tôi dừng chiếc Willy ở đâu và cho bao vây khu vực đó bằng nhiều đơn vị. Cuộc đọ súng nổ ra; vòng vây thít chặt lại và 17 tên Đức bị bắt sống. Trong cuộc thẩm vấn, viên cai Đức chỉ huy đơn vị khai nhóm của hắn có nhiệm vụ thâm nhập sở chỉ huy trung đoàn tôi, phá huỷ nó và bắt một vài tù binh nếu may mắn, thậm chí là chính bản thân trung đoàn trưởng. Đáng tiếc là trên đường đi chúng đã bắt gặp chiếc xe của tôi và buộc phải dừng lại, cuộc tập kích của bọn Đức đã bị vô hiệu hoá và sở chỉ huy được an toàn. Chỉ huy trung đoàn cảm ơn tôi vì đã cảnh báo đúng lúc mối nguy hiểm.
Cái chết bất ngờ của một người đồng chí
Sau gần một tuần tham gia Trung đoàn 9 Đổ bộ đường không Cận vệ tôi bắt đầu cảm thấy thoải mái. Tôi trở nên quen thuộc với mọi người và làm nhiều cuộc thăm viếng đến các bộ phận khác nhau trong khu vực phòng ngự. một thắng lợi nhỏ ở cánh trái trung đoàn đã cho phép chúng tôi củng cố các vị trí phòng thủ và thu được một số chiến lợi phẩm, trong đó có cả xe cộ. Thiếu uý Kozak quyết định đi xem xét chúng và nếu có thể, sửa chữa lại để trung đoàn dùng. Ba chúng tôi rời khu để xe của trung đoàn gồm Thiếu uý Cận vệ Kozak, Slava và tôi. Chúng tôi đến chỗ những chiếc xe chiến lợi phẩm an toàn, chúng được đỗ trong một khu đất nhỏ xung quanh mọc đầy thông non cao chừng 3m-4m. Tôi bắt đầu kiểm tra một chiếc Steyr trong khi Slava và Kozak xem xét một chiếc xe tải Opel Blitz. Tôi cẩn thận đi vòng quanh chiếc Steyr để kiểm tra xem có mìn không. Không có gì đáng ngờ cả, tôi tiếp tục dí mắt vào sát cửa kính đề kiểm tra ghế lái và tay lái, cuối cùng tôi mở cửa và chui vào trong xe.
Cuối cùng, khi tin rằng chiếc xe đã an toàn, tôi mới bắt đầu xem xét tình trạng của nó. Chiếc xe còn nửa bình xăng và dầu đang ở mức trung bình, ắc quy đã được sạc đầy. Tôi nổ máy và nó chạy tốt, tôi bèn vào số và thử di chuyển, nhưng chẳng thấy có động tĩnh gì cả. Tôi đi đến kết luận là đầu nối hộp truyền động của máy xe bị gẫy. Cần phải kéo chiếc xe về hậu cứ trung đoàn, chúng tôi cố thử kéo nó bằng chiếc Willy nhưng không gặp may: Chiếc Steyr quá nặng và chúng tôi không thể kéo nó trên con đường đầy cát sỏi, sức nặng của nó kéo chúng tôi chùn lại. Rõ ràng đây chính là lý do bọn Đức đã bỏ lại chiếc xe này đầu tiên. Nó mắc kẹt trong cát và khi thấy những người lính Nga lao nhanh tới, tay lái xe Đức đã đập gãy đầu nối hộp truyền động và chuồn mất, để nguyên chìa khoá trong ổ. Chúng tôi cũng không thể khởi động chiếc xe tải Opel Blitz, nhưng mặt khác nó trông có vẻ vẫn trong tình trạng tốt. Thiếu uý Kozak quyết định quay về sở chỉ huy để yêu cầu mang chiếc xe tải ZIS-5 đi dù nó vẫn còn chất đầy đồ hậu cần trong thùng xe. Chúng tôi sẽ dùng nó để kéo cả hai chiếc xe Đức về sở chỉ huy. Trung đoàn trưởng chấp thuận đề nghị một cách miễn cưỡng. Chúng tôi lên đường quay lại chỗ những chiếc xe chiến lợi phẩm lần thứ hai, lần này là với hai chiếc xe, chiếc Willy và chiếc ZIS-5. Chúng tôi bắt đầu chặng đường đến chỗ để xe chiến lợi phẩm cách sở chỉ huy trung đoàn khoảng 5km một cách an toàn. Tôi dẫn đầu trên chiếc Willy, Ivanov theo sau trên chiếc ZIS-5. Trong khi chúng tôi đã rời khỏi sở chỉ huy, tình hình mặt trận bỗng trở nên rắc rối: bọn Đức phản công để cố gắng tái chiếm các vị trí tiền tiêu[13], có máy bay cường kích yểm hộ bộ binh. Khi những chiếc xe của chúng tôi chỉ còn cách chỗ để xe chiến lợi phẩm 200m thì bị năm chiếc Me-109 cường kích bổ nhào tấn công. Tôi quay chiếc Willy thoát khỏi con đường và rúc vào bên trái giữa những thân cây. Chiếc ZIS-5 vẫn còn trên đường với Ivanov ngồi trong xe. Giấu xong chiếc Willy vào dưới những tán cây, Ba người chúng tôi – Kozak, Slava và tôi – rời xe và tìm chỗ núp ở bất cứ nơi nào có thể. Ngay khi chúng tôi vừa rời xe thì loạt bom đầu tiên nổ tung và tôi bị cành là trùm lên người. Tôi đã chạy được khoảng 15m thì bị hơi bom hất ngã xuống đất. Tôi không biết Slava và Kozak chạy đi đâu, họ đã nhảy ra khỏi chiếc Willy còn trước cả tôi, ngay khi tôi bắt đầu giảm tốc độ để dừng lại. Tôi chỉ rời khỏi xe sau khi nó dừng hẳn, khoảng 3 giây sau đó. Bọn phi công Đức đã phát hiện ra những chiếc xe của chúng tôi và thả bom một cách chính xác. Đặc biệt là vì Ivanov không kịp giấu chiếc ZIS-5 vào giữa những thân cây mà để nó dừng giữa đường. Những chiếc máy bay Đức oanh tạc hai lần, sau đợt bom, chúng quay lại và nã đạn súng máy thêm lần nữa.
Sau khi những chiếc cường kích Đức bỏ đi, tôi bò dậy và kiểm tra chiếc Willy. Nó không bị hư hỏng nặng – chỉ có vài lỗ thủng trên thân và chắn bùn bên phải. Tôi đi đến chỗ chiếc ZIS, tình trạng thật là tồi tệ: kính chắn gió và đèn trước vỡ tan, bộ tản nhiệt thủng lỗ chỗ và bị chảy dầu, cửa cabin bị xé toạc mất một nửa. Tôi tìm thấy Ivanov trong một ổ gà trên đường cách chỗ chiếc ZIS chừng 30m và cách một hố bom chừng 40m. Ivanov bị thương ở tay phải và chân phải. May mắn là các vết thương không nặng lắm. Tôi băng các vết thương rồi dìu anh ta tới chỗ chiếc Willy và đặt anh ta ngồi vào ghế trước. Tôi gọi những người khác nhưng không ai trả lời.
Tôi bắt đầu tìm kiếm xung quanh những người còn lại. Cách những cái cây nơi tôi đỗ chiếc Willy chừng 25m tôi nhìn thấy Slava đang nằm sấp. Tôi gọi nhưng anh ta không trả lời. Tôi đến chỗ anh ta và quan sát. Đầu tiên tôi không thấy có vết thương nào. Tôi cẩn thận lật anh ta lên và phát hiện bụng anh ta vỡ toác. Anh ta không còn mạch và không thở. Slava đã chết. Tôi lấy những giấy tờ trong túi áo quân phục của anh ra, bọc xác vào một tấm vải dầu tìm thấy trong thùng chiếc ZIS và chạy đi tìm Thiếu uý Kozak. Xét về mọi mặt, những gì tôi phải chịu ít hơn tất cả những người khác. Tôi bị sức ép của quả bom đầu tiên hất ngã, may mắn thay, tôi đã ngã xuống sau một mô đất cao chừng 50cm dưới gốc có những bụi cây nhỏ. Những bụi cây mỏng manh đó đủ để bảo vệ tôi khỏi mảnh bom và sức ép. Tôi đã thoát chỉ với vài vết thâm tím chân tay và tiếng ong ong trong tai. Tôi cũng đi kiểm tra cả chiếc Steyr và Opel Blitz. một trái bom rơi vào giữa chúng và biến chúng thành đống sắt vụn.
Tôi đã không thể tìm được Thiếu uý Kozak ở bất kỳ chỗ nào gần đấy, vì vậy tôi quyết định quay lại sở chỉ huy mang theo Ivanov bị thương để báo cáo lại những gì đã xảy ra. Tôi hy vọng sẽ bắt gặp được thiếu uý trên đường về nên chạy chậm, cẩn thận nhìn ngó xung quanh và gọi to tên anh ta, thỉnh thoảng lại bấm còi xe. Trong thời gian tôi chăm sóc Ivanov bị thương, xác chết của Sasha và kiểm tra đống đổ nát vốn là những chiếc xe Đức chiến lợi phẩm, Kozak có thể đã đi được khoảng 1,5km. Sau khi vượt qua quãng đường đó mà không thấy tín hiệu gì của anh ta tôi phóng xe nhanh hơn. Tại sở chỉ huy, tôi báo cáo lại những gì đã xảy ra và đề nghị cho vài người lính quay lại chỗ chiếc ZIS cùng với mình để bảo vệ chiếc xe và giúp tôi mang xác Slava về. Họ cho tôi hai người và chúng tôi rời đi. Chúng tôi đến nơi ngay trước khi trời tối. Dọc đường tôi chỉ cho hai anh lính những gì cần làm trong trường hợp bọn Đức vượt được qua tuyến đầu quân ta và đến chỗ chiếc ZIS. Trong trường hợp đó, trừ phi họ có thể đẩy lùi quân địch, họ phải tẩm xăng vào áo khoác và đốt chiếc ZIS. Chúng tôi tìm đến chỗ chiếc ZIS, hai người đồng đội giúp tôi đặt xác Slava lên băng sau chiếc Willy. Tôi để họ lại canh chiếc xe tải đã hỏng và quay lại sở chỉ huy bằng đường cũ. Qua khỏi chỗ Slava chết chừng 2km tôi phát hiện ra Thiếu uý Kozak với cái đầu quấn băng đang ngồi trên một gốc cây bên vệ trái đường. Tôi dìu anh ta lên xe chở đi luôn. Còn cách sở chỉ huy trung đoàn chừng 1,5km thì chiếc Willy bị chết máy, thiếu uý Kozak đành đi bộ về trong khi tôi ở lại với cái xác của Slava. Trời đã về đêm, sự yên lặng ngự trị khắp nơi. Tôi kiểm tra lại máy xe lần nữa. Vâng, nó đã nghẹt cứng. Không có cách nào để tháo nó ra ở đây, mà tôi cũng chẳng có cái thanh nối ổ đỡ nào để thay. Trong các xe Willy, khác với xe Nga, trục chính và thanh nối ổ đỡ không được tráng hợp kim chống ma sát. Thay vào đó họ dùng ống lót thép. Bề mặt công tác của chúng được đặt trong một lớp cao su pha hợp kim chịu mòn. Độ dày của lớp chịu mòn này có tuổi thọ 20.000km đến 30.000 km. Theo chính sách Lend – Lease người Mỹ cung cấp cho chúng tôi rất nhiều chiếc xe nhỏ, đơn giản và rẻ như Willy. Xe jeep Willy đầu tiên được dùng làm xe chở các chỉ huy Hồng quân và sau đó cũng được dùng làm xe kéo pháo 45mm và 76mm chống tăng. Chúng có tốc độ khá ổn, khả năng chạy mọi địa hình tuyệt vời và cực khoẻ. Chiếc xe có hộp số phụ cho phép người vận hành giảm tốc độ để tăng sức kéo và có thể lái cả bằng trục trước lẫn trục sau.
Kiểu dáng chắc nịch, vận hành đơn giản, thích hợp cho quân đội và giá thành rẻ đã khiến những chiếc jeep có tuổi thọ sử dụng cao và phổ biến trong Hồng quân. Thậm chí nhiều thập kỷ sau chiến tranh, trong những thước phim tài liệu nước ngoài tôi vẫn có thể thấy những “người thợ chăm chỉ” này phục vụ quân đội Mỹ. Nước Mỹ đã hào hiệp trao cho chúng tôi những chiếc xe này và phụ tùng của chúng. Những nhà lãnh đạo Mỹ hiểu rằng không có phụ tùng những chiếc xe này hiển nhiên sẽ sớm bị loại bỏ vì không thể chạy được lâu. Tuy nhiên, vì một số lý do những phụ tùng này không bao giờ thấy được ở những đơn vị chiến đấu; có lẽ chúng được tập trung cho các xưởng sửa chữa sâu trong hậu phương. Tôi đã tự kiếm được một ít thanh nối ổ đỡ loại này, chúng được tính vào số phụ tùng dùng trong thời hạn bảo hành xe, tuy nhiên ở gần Ponyri tôi đã đánh mất chúng trong một trận pháo kích và tôi đã phải thay thế chúng bằng cách gò lại một cái vỏ đạn 45mm. Tôi bọc xác Slava trong một nửa tấm tăng và đặt trên ghế sau chiếc Willy còn mình thì nằm trên ghế trước và quấn nửa tấm tăng còn lại. Trước khi ngủ tôi nạp đạn khẩu tiểu liên PPSh và đặt nó cạnh đầu – để phòng hờ. Cạnh cần số tôi đặt hai quả lựu đạn F-1, tôi cũng rút khẩu súng ngắn TT khỏi bao và để nó cạnh áo khoác. Sau vài khó khăn tôi cũng cảm thấy thoải mái trên ghế trước và chìm vào giấc ngủ. Tôi tỉnh dậy vì tiếng chim hót, xung quanh vẫn im lặng. Tôi ngồi lên và vươn vai, liếc nhìn xác Slava, mùi khó chịu bắt đầu bốc ra từ đó. Chúng tôi phải mang anh ta về sở chỉ huy để chôn trong nghĩa trang của anh em trong trung đoàn, nó đã bắt đầu rộng ra. Tuy nhiên vấn đề đang gặp phải là có lẽ tôi phải chôn anh ta ngay tại đây nếu xe kéo không xuất hiện trong 1h đến 2h nữa. Trong khi chờ xe kéo, tôi bắt đầu kiểm tra xung quanh để tìm một chỗ có thể dùng để chôn Slava. Không xa chỗ chiếc xe tôi tìm thấy nhiều con rãnh nhỏ rất thích hợp để làm mộ. Đi xa hơn một chút tôi gặp những công sự đào sẵn cho lựu pháo của trung đoàn và gần đó là một đống đạn. Khi đi quanh đống đạn tôi thấy một binh sĩ đang nằm trong một trong những công sự đó, tôi lại gần nghe ngóng: Anh ta đang thở, vẫn còn sống… Tôi đánh thức anh ta dậy, chúng tôi nhận ra cả hai đều là lính Trung đoàn 9 Đổ bộ đường không Cận vệ. Pháo đội của anh ta đã chuyển vị trí, họ tiến đến gần chiến tuyến hơn và để anh ta lại phía sau để canh đạn. Khoảng một tiếng rưỡi sau, tôi nhờ anh lính pháo binh giúp mình mang xác Slava đến một con rãnh nhỏ để chôn.
Trước khi để Slava yên nghỉ, tôi tháo ủng khỏi chân anh ta và bỏ nó vào ghế sau chiếc Willy. Chúng tôi chôn Slava trong cái hố sâu nhất nhưng cũng chỉ khoảng 85cm. Chúng tôi không có xẻng, vì vậy chúng tôi phải đào huyệt bằng mũ sắt và một cái vỏ đạn 120mm. Sau đó chúng tôi đắp đất thành một ngôi mộ rồi trồng một cây bulô nhỏ, cao cỡ 1m, lên. Anh lính pháo binh đã giúp đỡ tôi chỉ có một đôi ủng thấp kiểu nông dân hay đi và quấn xà cạp, vì vậy tôi đề nghị tặng đôi ủng trận của Slava nhưng anh ta không nhận, anh ta thề rằng từ ngày chiến tranh bắt đầu chưa bao giờ đi thứ gì cao quá mắt cá chân. Người lính pháo binh đó già hơn tôi khoảng 20 tuổi và rõ ràng là đã gia nhập sư đoàn đổ bộ đường không của tôi bằng cách thiên chuyển từ một đơn vị khác trước khi vượt sông Dnepr vì các binh sĩ đổ bộ đường không vốn toàn có độ tuổi từ 18 đến 30. Đến cuối ngày thứ dùng để kéo chiếc Willy và tôi cũng đến – một cặp ngựa kéo pháo
to lớn. Về đến sở chỉ huy, chúng tôi tưởng nhớ người đồng chí đã ngã xuống Slava. Thiếu uý Cận vệ Kozak nhận những giấy tờ cá nhân của Viacheslav để gửi cho vợ anh ta. Lúc này chị ấy cũng đang phục vụ mặt trận ở khu vực Leningrad.
Tại xưởng sữa chữa
Không thể sửa được chiếc Willy trong điều kiện tại chỗ, vì vậy cần phải mang nó đến tiểu đoàn vận tải của sư đoàn. Nó nằm ở làng Domantovo bên bờ sông Dnepr, ngay chỗ chúng tôi đã đánh vượt sông trước đây. Tôi phải chờ ba ngày mới được kéo tới đó.
Domantovo là một ngôi làng trên thảo nguyên đặc trưng. Để tăng cường cho tuyến sau sư đoàn tôi, Quân đoàn 18 Bộ binh Cận vệ đã dời sở chỉ huy quân đoàn và bệnh viện dã chiến đến đó. Trong khi sửa chữa chiếc Willy, tôi tìm thấy một phòng đầy đủ tiện nghi trong một cái lán của một nông dân không xa bãi để xe tiểu đoàn vận tải. Tôi được ở trong căn nhà đó vì nhà người nông dân nói trên đang đầy người bị thương. Ban ngày tôi sửa xe, tối giúp đỡ cô y tá Tania đến từ Kineshma chăm sóc thương binh. Trung bình có khoảng 25 thương binh bị thương các kiểu trong nhà mà chỉ có một y tá chăm sóc họ. Tôi giúp Tania thay băng và quần áo cho những người bị thương, mỗi sáng và tối tôi xách hai xô thức ăn từ bếp bệnh viện về và cho những người muốn ăn mà không thể ngồi dậy ăn. Buổi tối tôi cũng quấn thuốc lá cho các bệnh nhân và chuyền tay điếu thuốc cho mọi người. Tôi còn giúp cả cho đi vệ sinh, nhiều chàng trai cảm thấy ngượng khi làm việc đó trước mặt Tania. Tôi đã ở hai tuần trong ngôi làng vì việc sửa chữa chiếc xe mãi không kết thúc được, không thể tìm thấy thanh dẫn ổ đỡ ở bất cứ đâu. Chiếc Willy của tôi là chiếc duy nhất của Trung đoàn 9 Đổ bộ đường không Cận vệ và không thể tìm đâu ra phụ tùng cho nó.
Bị thương lần thứ 2 và thiên chuyển lần nữa
Tôi quay lại sở chỉ huy trung đoàn và công việc lái xe. Ngày 3/11/1943, khi đang đi với trung đoàn trưởng ở đâu đó cách xa tiền tuyến tôi phát hiện thấy một chiếc xe Đức hỏng nằm dọc con đường. Tôi đề nghị dừng lại để kiểm tra tình trạng chiếc xe xem có thể sử dụng được nó không. Khi đang chạy đến chỗ chiếc xe bị bỏ lại đó một viên đạn không rõ từ đâu bắn trúng phần mềm đùi tôi. Viên đạn nằm lại trong đùi và người ta đưa tôi vào viện. Ngay sau khi bình phục tôi được gửi tới Tập đoàn quân 65 thuộc Phương diện quân Belorussian I. một trung đoàn dự bị ở đó đang chuẩn bị trở thành một đội trưng thu thực phẩm cho quân đội và đang tìm tài xế. Tôi được đưa tới sở chỉ huy Tập đoàn quân 65, tại đó một đơn vị đặc biệt đang chuẩn bị đi trưng thu lương thực ở Chernigov Obblast. Viên sĩ quan chỉ huy đơn vị, Trung tá Sychev, có một chiếc Willy và cần một tài xế cho nó. Tôi đi cùng ông ta.
Trong mấy tháng trời công việc của tôi là lái xe cho đơn vị trưng thu lương thực của Tập đoàn quân 65 tại 10 huyện thuộc Chernigov Oblast. Tại mỗi huyện có một điểm tập kết để các nông trang tập thể và nông trường quốc doanh mang sản phẩm tới: lúa mì, bột mì, ngô, yến mạch, bò, gà vịt, dầu thực vật và bơ theo số lượng được chính quyền địa phương chỉ định trước cho mỗi đơn vị. Nhiều lúc việc này là rất khó khăn cho địa phương vì đất đai đã bị chiến tranh tàn phá và chính sách tiêu thổ mà bọn Phát xít áp dụng khi rút lui. Nhưng quân đội không thu lương thực của nông dân – chính quyền Xô viết cam kết việc đó. Chúng tôi không bao giờ gặp phải sự chống đối từ dân địa phương, trước hết bởi chính quyền Xô viết đủ sức ngăn chặn chuyện đó, thứ hai những cư dân địa phương vào lúc đó chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em; và cuối cùng là bởi nghĩa vụ cung cấp lương thực cho quân đội thuộc về các nông trang tập thể và nông trường quốc doanh chứ không phải các hộ cá thể. Có nhiều nhóm ăn cướp “dân tộc chủ nghĩa” hoạt động ở Ukrain lúc đó, nhưng không phải là ở Chernigov Oblast, các nhóm chống chính quyền Xô viết này hoạt động ở xa hơn về phía tây. Tôi làm lái xe cho Trung tá Sychev tới tháng 4/1944 cho đến khi quá trình phục vụ trong quân ngũ của tôi quay ngoắt theo một hướng không ai ngờ.
Chương 5: CHIẾN DỊCH BAGRATION
Cuối xuân năm 1944, Hồng quân chuẩn bị cho kế hoạch tấn công mùa hè, Phương diện quân Belorussian I và Tập đoàn quân 65 nằm trong kế hoạch này. Toàn bộ sĩ quan và binh lính Tiểu đoàn vận tải 91 nơi tôi được chuyển tới đều đang tập luyện và chuẩn bị. Chúng tôi vận chuyển đồ hậu cần cho các đơn vị và các kho nằm sát hậu tuyến Tập đoàn quân. Lúc này có lệnh kiểm tra hoạt động của tiểu đoàn vận tải, họ tìm thấy vài thiếu sót gì đó trong công việc của chúng tôi và tiểu đoàn trưởng Avdonin bị thiên chuyển sang công việc khác.
Vi phạm của tôi và sự trừng phạt
Trước khi chuyển đi Avdonin mời một bữa, mấy nhân viên điện đài và tôi đến tiễn ông đến nơi mới. Ông nói với chúng tôi: “Tôi nhận được nhiệm vụ mới và tôi sẽ mang các anh theo”. Ông ta đến nơi mới là Lữ đoàn vận tải ô tô số 18 rồi gửi anh tài xế riêng của ông là Litvin Zotov mang về cho chúng tôi một bức thư. Đó không phải là một mệnh lệnh mà là một bức thư riêng từ Avdonin với tư cách sĩ quan tiểu đoàn mời chúng tôi đến với ông. Đám nhân viên điện đài nhạy cảm hơn nên đã từ chối lời mời nhưng anh cấp dưỡng và tôi, do một sự nhầm lẫn nhất thời tai hại, đã vội vàng đến chỗ Avdonin. Chúng tôi tới và được ông sắp xếp vào nhóm binh sĩ dưới quyền trong tiểu đoàn. Hai tuần sau một kiểm sát viên đến, một đại uý SMERSH, và cho gọi chúng tôi đến sở chỉ huy tiểu đoàn. Ở đó anh ta cho biết: “Tôi được lệnh bắt giữ các anh mang về Tiểu đoàn vận tải 91. Mặc dù các anh không tự ý rời đơn vị nhưng các anh đã đi theo lời mời từ một bức thư chứ không phải thực thi một mệnh lệnh. Vì vậy, các anh bị coi là đào ngũ.”
Họ mang tôi trở lại trung đoàn cũ và đại uý mới Ratnikov tuyên án chúng tôi ba tháng trong đại đội trừng giới – Đại đội Trừng giới độc lập 261. Đại đội này bao gồm những binh lính, hạ sĩ quan và sĩ quan vi phạm kỷ luật hoặc phạm tội hình sự. Mới đây trong đại đội có cả một phi công IL-2 “Shturmovik”, trong một cơn ghen tay phi công này đã hạ sát chỉ huy phi đội, kẻ mà anh ta nghi ngờ được vợ mình săn sóc quá mức. Các thành viên còn lại của đại đội bị đưa vào đây vì đào ngũ, chậm trễ hay cướp bóc.
Theo kinh nghiệm của tôi, hình phạt đưa vào đại đội trừng giới chỉ là chuyển sang một đơn vị bộ binh có kỷ luật chặt chẽ hơn một chút so với thông thường, thí dụ thay vì điểm danh một lần mỗi ngày như bình thường họ điểm danh hai lần, các chỉ huy của đại đội cũng thường xuyên giám sát cấp dưới hơn. Nói cách khác, chỉ có một vài khác biệt nhỏ trong cuộc sống thường nhật giữa một người lính trong đại đội trừng giới với một người lính trong đại đội bộ binh thông thường. Khẩu phần của chúng tôi giống nhau cũng như số lượng vũ khí và đồ hậu cần được cấp. Vậy đâu là hình phạt? Các đơn vị trừng giới luôn được đưa vào những vị trí nguy hiểm nhất trên tuyến đầu, nơi vị trí quân địch mạnh nhất. Trước hết họ phải tiến hành những cuộc đột nhập hoặc tấn công trinh sát, bắt tù binh, và sau đó là dẫn đầu cuộc xung phong khi trận đánh bắt đầu. Nhưng cũng phải nói rằng, thật kỳ cục là sau các trận đánh những người sống sót trong đại đội trừng giới luôn được nghỉ từ ba đến năm ngày trong khi các đơn vị bộ binh thông thường vẫn phải tiếp tục chiến dịch bất chấp tổn thất. Trước Chiến dịch Bagration, họ tập trung đại đội trừng giới của tôi với các đại đội trừng giới khác để lập thành một tiểu đoàn xung kích trừng giới đặc biệt: Hai đại đội trang bị toàn tiểu liên với gần 100 người mỗi đại đội, một trung đội súng máy độc lập, và một trung đội trợ chiến nữa cũng trang bị toàn tiểu liên. Tất cả có 273 người trong tiểu đoàn xung kích trừng giới đó. Tôi được phân vào trung đội súng máy. Tiểu đoàn trưởng Vinogradov (một người tốt!) đến công sự của chúng tôi vào một buổi tối và nói: “Các đồng chí, hãy giúp chúng tôi nào: chúng tôi cần thành lập một trung đội trung và đại liên.” Có 13 người chúng tôi trong công sự – tất cả đều là tài xế – và tất cả đều tình nguyện tham gia. Trong khoảng hai tuần chúng tôi học cách sử dụng súng máy và trở nên thành thạo công việc đó, học cách tháo lắp súng và điều chỉnh đường bắn. Khi họ lập thành 4 tổ súng máy tôi trở thành chỉ huy một trong số đó. Tổ của tôi gồm 8 người và vũ khí chính là một khẩu đại liên Maxim kiểu 1910. Khẩu súng này làm mát bằng nước, băng đạn 250 viên 7.62mm, tốc độ bắn 520-580 phát/phút và là đại liên cơ bản của Hồng quân trong suốt cuộc chiến. Họ phát cho chúng tôi trang bị chiến đấu và đồ hậu cần. Trong đội người Số một mang nòng súng; Số hai mang giá súng; Số ba mang bệ đỡ, lá chắn và băng đạn; các thành viên còn lại trong đội mỗi người mang thêm hai dây đạn.
Chiến dịch Bagration bắt đầu
Lời chú của Britton:
“Mùa xuân năm 1944, thế chủ động chiến lược từ lâu đã chuyển sang tay phe Đồng Minh. Trên mặt trận phía Đông, một loạt cuộc tấn công dữ dội trong mùa đông trước đó đã phá vỡ vòng vây quân Đức quanh Leningrad ở phía bắc; ở phía nam, những đạo quân chiến thắng của Hồng quân đã quét sạch lực lượng phe Trục trên phần lớn Ukraine. Giờ là lúc bắt đầu kế hoạch tấn công mùa hè, sự chú ý của Stalin và Tổng hành dinh chuyển sang Belorusia, nơi Cụm Tập đoạn quân Trung tâm của Đức đang tập trung trong một mấu lồi trên chiến tuyến về phía bắc sông Pripiat, tại khu vực Vitebsk – Orsha – Mogilev – Bobruisk. Hitler tuyên bố các thành phố đó là các pháo đài, đó là kiểu cách ưa thích của hắn, mấu lồi của bọn Đức bao quanh một đầu cầu mong manh vượt sông Berezina.”
Ban công Belorussia, đó là cách bọn Đức gọi khu vực của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm, có khả năng bị bao vây tiêu diệt. Hitler tin rằng chiến tuyến của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm sẽ yên tĩnh và ít bị thử thách nhiều vào mùa hè năm 1944, vì vậy hắn đã phạm sai lầm khi chuyển hầu hết các sư đoàn thiết giáp trên Mặt Trận Phía Đông tiến về phía nam tới Ukraine, phía dưới sông Pripiat, nơi hắn tin rằng hướng tấn công chính trong mùa hè của quân đội Xô viết nhắm vào. Tuyến phòng ngự của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm không sâu lắm, phần lớn lực lượng phòng thủ triển khai ngay tuyến đầu. Tổng hành dinh, vì vậy, tin rằng đang có điều kiện thuận lợi để thọc sâu, mở nhiều mũi tấn công Cụm Tập đoàn quân Trung tâm cùng theo một hướng chung là nhằm vào Minsk. Nếu thành công, nó sẽ dẫn tới việc bao vây tiêu diệt phần lớn lực lượng Cụm Tập đoàn quan Trung tâm đang bảo vệ chiến tuyến hiện nằm phía đông Minsk.
Kế hoạch tấn công của Tổng hành dinh có thể xem là một cuộc tấn công tổng lực vào cả hai cánh của Ban công Belorussia. Phía bắc, Phương diện quân Baltic một và Phương diện quân Belorussia 2 phối hợp tiêu diệt Tập đoàn quân Thiết giáp 3 “mất tên” (vì trên thực tế nó chẳng còn một sư đoàn thiết giáp nào) đang phòng thủ khu vực Vitebsk – Orsha, và sau đó tiến về Minsk từ phía bắc. Ở phía nam, Phương diện quân Belorussia một cần đánh bại Tập đoàn quân 9 Đức phòng thủ quanh Bobruisk và sau đó cũng tiến đến Minsk từ phía nam. Hướng trung tâm, Phương diện quân Belorussia 2 sẽ giáng những đòn mạnh mẽ vào khu vực được phòng thủ vững chắc nhất của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm là khu vực Orsha – Mogilev, nó được phòng thủ bởi Tập đoàn quân 4 Đức. Nếu kế hoạch này thành công xem như Tập đoàn quân 4 đã lọt vào bẫy cùng với phần lớn Tập đoàn quân 3 Thiết giáp và Tập đoàn quân 9.[14]
Với sự bảo mật lớn và các biện pháp nghi binh, suốt tháng 5/1944, lực lượng tấn công Xô viết bình tĩnh dàn trận với quân số vượt trội đối phương trên toàn mặt trận Belorussia.[15] Nhưng quan trọng hơn họ tập trung với số lượng vượt trội binh lính, tăng và pháo ở những khu vực được chỉ định để chọc thủng chiến tuyến Đức, tại những nơi này lực lượng Xô viết mạnh hơn đối phương nhiều lần. Ví dụ, tại khu vực chiến tuyến của Phương diện quân Belorussia một (dài khoảng 240km), quân đội Xô viết đã tập trung lực lượng mạnh hơn lực lượng phòng thủ là Tập đoàn quân 9 Đức với tỷ lệ 2:1 về người, 3:1 về pháo lớn (từ 76mm trở lên) và 8:1 về xe tăng và pháo tự hành. Tuy nhiên, trong khu vực đột phá khẩu dài khoảng 15km ở phía nam Parichi, Phương diện quân Belorussia một mạnh hơn quân Đức gần sáu lần về người, 22 lần về pháo lớn và 16 lần về xe tăng và pháo tự hành.[16] Trước cuộc tấn công, tình báo và trinh sát Xô viết đã xác định tại khu vực Bobruisk do Tập đoàn quân 9 Đức phòng thủ (gồm các Quân đoàn 3, 55 và Quân đoàn Thiết giáp 41) có tối đa 12 sư đoàn bộ binh trên tuyến đầu phòng ngự và chỉ có 4 sư đoàn bảo an và một sư đoàn thiết giáp làm dự bị. Tập đoàn quân 9 đã thiết lập khu vực phòng thủ dày đặc nhất và tập trung lực lượng theo trục Rogachev – Bobruisk. Theo lệnh của Hitler, Bobruisk được xem là thành phố pháo đài và là trung tâm đề kháng. Chỉ huy Tập đoàn quân 9 rõ ràng đã cho rằng vùng đầm lầy phía nam trục này là không phù hợp cho việc tấn công. Vì thế, các vị trí phòng thủ ở phía nam Parichi đã không được củng cố thoả đáng và thường chỉ gồm những công sự lẻ loi bảo vệ một khu vực nhỏ nằm trong tầm bắn. Kế hoạch của Rokosovskii là lợi dụng điểm thiếu sót này trong khu vực phòng thủ của Tập đoàn quân 9. Ông dự định cho các Tập đoàn quân 3 và 48 chọc thủng tuyến phòng thủ Đức ở phía bắc Rogachev, trong khi Tập đoàn quân 65 và Quân đoàn Xe tăng Cận vệ số một “Sông Đông” sẽ lướt về phía bắc qua Parichi, cắt rời toàn bộ quân địch trên chiến tuyến với Bobruisk ở phía tây, sau đó hội quân với các Tập đoàn quân 3 và 48 để chiếm Bobruisk.
Theo kế hoạch của Rokosovskii trục tấn công phía nam sẽ phải vượt qua rìa phía bắc vùng đầm lầy lớn Parichi. Nó đòi hỏi tướng Batov phải tìm ra một vài con đường cho lực lượng của ông và những cỗ xe tăng của Quân đoàn Xe tăng Cận vệ một “Sông Đông” vượt qua đầm lầy và những vùng đất thấp đầy cây cối rậm rạp để tiến đến Bobruisk từ phía nam.
Ngày 22/6/1944, cuộc tấn công lớn mùa hè bắt đầu nhằm mục đích tiêu diệt Cụm Tập đoàn quân Trung tâm của kẻ địch. Nó được đặt tên là Chiến dịch Bagration, tên một vị tướng Nga nổi tiếng trong thời kỳ
chiến tranh với Napoleon, Pyotr Bagration (1765-1812). Chúng tôi được bố trí tại huyện Kalinkovskii gần Ozarichi thuộc Belorussia, dưới quyền chỉ huy của Sư đoàn bộ binh 354. Trong nhiều tuần trước khi cuộc tấn công bắt đầu, chỉ huy Tập đoàn quân 65, Tướng P.I. Batov, đã kiểm tra điểm vốn được xem là có thể dùng để xuất phát tấn công tốt nhất cho tập đoàn quân. Đi cùng với một chỉ huy công binh, một chỉ huy tình báo và một số người nữa, ông đảo qua các vị trí sẽ nhận nhiệm vụ tiến công của Tập đoàn quân 65. Quân phòng thủ Đức ở đây khá mạnh vì khu vực này có nhiều đường tốt, rất thuận lợi cho xe tăng di chuyển.
Trong khi kiểm tra một khu vực đầm lầy trên chiến tuyến ở bên trái Parichi, họ nhận thấy một số lính trinh sát đi loại “giầy đầm lầy” tự đan. Chúng được làm từ thân cây cói được bọc ra ngoài ủng. Những chiếc giầy đầm lầy này làm giảm áp lực mỗi bước chân của binh sĩ, khi họ bước bùn dưới chân họ bị cô đặc lại và không làm họ sa lầy, nước thấm qua kẽ hở lớp đan ngoài và khi họ bước tiếp nó sẽ chảy ra khỏi giầy. một người lính người Belorussia sống ở khu vực này cho Batov biết đó là cách mà những thợ săn dùng để vượt qua đầm lầy. Batov suy nghĩ một lúc rồi quyết định sẽ đặt hướng tấn công chính ở đây, nơi bọn Đức ít trông đợi nhất. Thêm vào đó, từ đây xe tăng Hồng quân có thể cắt tuyến đường giữa Parichi và Bobruisk chỉ trong vòng 30 phút. (Xem bản đồ) Để có thể chuyển xe tăng và các trang bị nặng qua đầm lầy, Batov ra lệnh làm một con đường bằng ván gỗ. Những xúc gỗ làm ván được cắt xẻ cách chiến tuyến 15km-20km để bọn Đức không thể nghe được tiếng cây đổ và tiếng cưa, sau đó được đóng lại với nhau bằng nẹp sắt. Tất cả chúng được mang tới cách chiến tuyến khoảng 200m và được nguỵ trang lại. Theo cách đó con đường ván sẽ nhanh chóng được đặt ngay sau khi những bộ binh dẫn đầu vượt qua đầm lầy để thiết lập những “đầu cầu” ở phía bên kia.
Chúng tôi dẫn đầu cuộc tấn công vào Pairichi
Lời chú của Britton:
“Thị trấn Parichi là một mục tiêu quan trọng trên đường đến Bobruisk. Có nhiều con đường qua Parichi từ đủ các hướng đông tây nam bắc khiến thị trấn trở thành một giao lộ quan trọng trong khu vực có địa hình toàn đầm lầy này. Sư đoàn bộ binh 36 thuộc Quân đoàn Thiết giáp 41 Đức đóng giữ Parichi nhưng lời kể ngắn gọn của Litvin đã chứng thực sự yếu kém của quân phòng ngự Đức trong khu vực này.”
Ở địa vị nhỏ bé của mình, những người lính chúng tôi trong tiểu đoàn xung kích đặc biệt không hề biết mình đang đi đâu. Ngày 22/6 có lệnh di chuyển, chúng tôi không biết rằng đó đơn giản là một cuộc hành quân nghi binh để thu hút sự chú ý của bọn Đức khỏi mũi tấn công chính. Trong hai ngày chúng tôi chỉ hành quân, tiểu đoàn xung kích dẫn đầu cứ đi cho đến khi được Sư đoàn 354 cho nghỉ.[17] Ở khoảng cách này chúng tôi đã có thể nghe thấy âm thanh của trận đánh. Túi bọc khẩu đại liên của chúng tôi là loại không thấm nước, nó giúp cho việc hành quân được dễ dàng hơn, khẩu súng sử dụng tới 3 lít nước để làm mát nòng súng khi bắn. Lệnh tiếp theo dành cho chúng tôi là di chuyển theo một con đường xuất phát từ Kalinkovichi để sáng hôm sau vượt một con suối nhỏ (tôi quên mất tên) rồi chiếm Parichi. Mặt đất thật là lầy lội, sư đoàn tôi đang hành quân qua rìa phía bắc vùng đầm lầy lớn Pripiat – địa hình rất không thích hợp để chuyển quân. Tôi cảm thấy rất khó chịu và giận dữ khi hành quân vì vừa nhận được vào buổi sáng mấy dòng của mẹ tôi cho biết người em trai Alexander đã hi sinh trong một trận đánh ở Vitebsk. Cậu ta bị gọi nhập ngũ vào một trung đoàn dự bị ở Petropavlovsk hai tháng sau khi tôi tòng quân. Đầu năm 1942 Alexander ra mặt trận trong đội hình Trung đoàn 473 Bộ binh – Sư đoàn 15 Bộ binh với cương vị tiểu đội trưởng. Trong những trận đánh ở đông bắc Vitebsk gần làng Miskhi cậu ấy đã hi sinh vào ngày 25/12/1943.
Chúng tôi đến một quả đồi nhỏ ở đâu đó rất gần Parichi và dừng lại nghỉ trong những con hào đã được đào sẵn từ trước, bất ngờ từ bên kia một con suối nhỏ một chiếc Ferdinand nã đạn vào chúng tôi. Quả đạn đầu tiên rơi ngay gần con hào nơi chúng tôi đang ngồi và nổ tung trên triền dốc bên dưới. Mọi người nhanh chóng ẩn nấp trong công sự, tất cả 273 người chúng tôi. Chiếc Ferdinand chỉnh đường ngắm lên cao hơn một chút và bắn lần nữa nhưng lần này viên đạn bay qua đầu chúng tôi một cách vô hại. Chiếc Ferdinand bắn liền 15 phát nhưng không phát nào trúng mục tiêu. Chắc là đạn được của nó đã cạn nên nó đã quay lại và bỏ đi.
Sau khi chiếc Ferdinand bỏ đi, chúng tôi cẩn thận thò đầu lên khỏi chiến hào. một khẩu đại liên Đức đặt cạnh mấy cái cây bên kia suối, được báo động bởi những phát đạn của chiếc Ferdinand, đã phát hiện ra chúng tôi qua ánh phản chiếu từ những chiếc mũ sắt và nổ súng. Chỉ mới nghe tiếng viên đạn đầu tiên là tất cả chúng tôi đã lại lao mình xuống đáy hào lần nữa, và đương nhiên là chẳng ai trúng đạn. Khi loạt đạn thứ hai bay qua đầu, trung đội trưởng của tôi ra lệnh: “Litvin, khoá họng khẩu súng máy đó lại!” Tôi chọn một chỗ cao có đất bao quanh để đặt khẩu súng máy của mình, mấy người trong tổ lắp các bộ phận của súng lại trong khi những người còn lại chuyển nước mà chúng tôi vẫn vác theo dự trữ đổ đầy bao làm mát trước khi nổ súng. Tôi bảo người Số 2: “Sania, hôm nay chính tôi sẽ bắn để báo thù cho em trai tôi.” Khi khẩu súng máy Đức bắn lần nữa, tôi nã vào nó một tràng dài (15-20 viên đạn) bằng khẩu Maxim và sau đó thêm hai loạt ngắn nữa (5-6 viên mỗi loạt). Khẩu súng máy Đức lập tức câm tịt. Vài đồng đội của tôi chụp mũ sắt vào đầu gậy rồi giơ lên trên mặt hào nhưng bọn Đức không có phản ứng gì. Hiển nhiên là tôi đã hạ được hoả điểm súng máy đó. Sau vài phút im lặng, chúng tôi được lệnh xông lên vượt qua con suối. Ngay gần đó, những người đi đầu tiểu đoàn phát hiện thấy một đường hào chạy từ trên đồi xuống suối và chạy theo lối đi được che chở đó. Họ tìm được một chỗ nông và quay lại trong khi tôi bắt đầu hạ súng, sau đó chúng tôi cùng tiến đến suối để vượt qua sang vị trí hoả điểm địch. Bất thần chúng tôi nghe thấy tiếng rít của đạn cối. Rõ ràng một tay sĩ quan Đức nào đó đã được báo cáo là một đơn vị lớn bộ binh Nga đang tấn công nên đã phái những chiếc xe lắp cối 81mm đến khu vực bị đe doạ. Chúng tôi không được thông báo gì về sự xuất hiện của chúng, chỉ đến khi chúng nã đạn chúng tôi mới phát hiện ra. May mắn lớn cho chúng tôi, cạnh chỗ nước cạn nơi chúng tôi sắp vượt qua, trong những bụi cây có bốn cái hố lớn, chắc là chúng đã được đào làm công sự cho xe vào lúc nào đó. Mỗi cái hố rộng khoảng 4m, dài 9m và sâu 2m. Ngay khi nghe thấy tiếng đạn cối bay tới cả tiểu đoàn tôi đã lao vào trong những cái hố đó ẩn núp, ngã đè cả lên nhau. Tôi cảm thấy bị ai đó nhảy xuống trúng đầu còn chính mình thì nằm trên một người khác. Những viên đạn cối đầu tiên nổ xung quanh chúng tôi và bọn Đức nã không ít hơn 10 quả mỗi khẩu trong trận pháo kích rồi giảm dần số đạn bắn mỗi loạt.
Trận pháo kích của bọn Đức đã quét sạch mọi cây cối xung quanh khiến chúng chắc chắn rằng chẳng còn một người lính Xô viết nào trong tiểu đoàn tôi sống sót, vì vậy chúng tập hợp nhau lại rồi quay về Parichi. Tuy nhiên thực ra chẳng có một quả cối nào rơi trúng những cái hố và tất cả đã nổ quanh chúng tôi
mà không gây thiệt hại gì. Chúng tôi bò lên khỏi hố, người đầy đất và mảnh vụn, nhiều người bị thâm tím nhẹ vì húc vào nhau khi lao xuống hố. Chúng tôi vượt suối qua chỗ cạn và sang đến bờ bên kia thì thấy một đống thùng đựng đạn đại liên và vài vết máu trên cỏ. Bọn Đức đã đặt hoả điểm súng máy ở đây.
Giờ đã gần tối, chúng tôi có thể thấy được bọn Đức đã đặt các hoả điểm trong một vành đai cây cối trước mặt nhờ những tia nắng đang tắt dần, nhưng chúng không bắn vào chúng tôi thêm lần nào. Khẩu súng máy của tôi được lệnh yểm trợ cho một trung đội tiểu liên và chúng tôi bắt đầu thảo luận với nhau kế hoạch tiến vào Parichi sáng mai. Cạnh con đường dẫn vào vành đai cây cối bên ngoài Parichi tôi tìm thấy một bụi cây phỉ rậm rạp, tôi bèn đặt khẩu súng máy ở đó. Từ vị trí này tôi lên kế hoạch yểm hộ cho những tay súng trong trung đội kể trên tiến đến khu vực vành đai cây cối mà bọn Đức đang chiếm giữ. Tuy nhiên sáng hôm sau khi chúng tôi bắt đầu cuộc tấn công bọn Đức đã không còn trong vị trí mà chúng chiếm giữ đêm qua. Chúng tôi thận trọng tiến về Parichi và thấy rằng bọn Đức đã rút khỏi con đường nối Parichi với Kalinkovichi. Ở đây con đường cắt qua một cánh đồng lúa mạch và một bãi cỏ trên đó có nhiều ngôi mộ lớn. Bọn Đức chỉ bắt đầu đánh trả khi rút về gần Parichi. Những tay súng tiểu liên của quân ta vừa tiến lên vừa bắn, chúng tôi theo sau, vừa đi vừa chọn những chỗ thích hợp để yểm trợ cho bộ binh bằng những khẩu súng máy của mình. Khi bọn Đức rút về đến ngoại vi Parichi, chúng dừng lại ẩn núp và sự kháng cự của chúng tăng lên dần. Chúng tôi tiến lên chậm chạp và bắn hết một số lượng đạn lớn. Sau 3h kể từ khi bắt đầu tiến công lúc sáng, đạn dược của các tay súng tiểu liên đang cạn và hoả lực của họ suy yếu dần.
Bọn Đức nhận thấy hoả lực quân ta yếu đi và ngay lập tức phản công, hy vọng đẩy chúng tôi ra xa Parichi. Chúng rời chỗ núp, vừa xông lên vừa bắn. Cuộc phản công sắc bén của quân Đức làm chúng tôi hoảng hốt và lộn xộn rút lui khoảng 200m. Các đồng đội trong trung đội súng máy của tôi đã bỏ lại ba khẩu đại liên nhưng còn kịp tháo khoá nòng và mang đạn dược đi (cả trung đội súng máy của tiểu đoàn chỉ có bốn khẩu). Bọn Đức sau đó đã tìm được những khẩu súng này và phá huỷ chúng bằng lựu đạn. Riêng tôi tìm được một chỗ đặt súng trên một ngôi mộ trên bãi cỏ. Khi cuộc phản công của bọn Đức nổ ra, chúng tôi có thể nghe thấy tiếng động cơ xe tăng Đức ở Parichi, rồi một pháo đội cối xuất hiện ở ngoại vi thị trấn và bắt đầu triển khai. Bằng khẩu đại liên duy nhất còn lại của mình, tôi nổ súng vào chúng ngay từ khoảng cách 600m. Tôi nhìn thấy một hay hai tên Đức ngã xuống, nhưng tất nhiên phần lớn chúng vẫn còn sống và đặt cối chuẩn bị bắn. Quả đạn cối Đức đầu tiên nổ sau vị trí của tôi chừng 30m, quả thứ hai nổ cách chúng tôi 20m về phía trước. Chúng đã đặt xong cự ly bắn vào chúng tôi, vì vậy tôi ra lệnh cho tổ súng máy của mình chuyển sang trái. Chúng tôi đã chuyển vị trí an toàn nhờ sự che chở của nấm mộ lớn nơi tôi đã đặt súng. Chỉ vài giây sau khi chúng tôi rời đi, nấm mộ đằng sau chúng tôi đã biến mất trong màn khói đen sì của những tiếng nổ tạo bởi trận pháo kích của súng cối Đức. một người trong tổ bị thương nhẹ nhưng tất cả chúng tôi đều thoát được và giấu mình dưới những bụi cỏ cao. Đúng vào lúc đó Trung đoàn 1199 thuộc Sư đoàn 354 Bộ binh tham chiến, mang theo đầy đủ đạn dược. Trận đánh trở nên dữ dội. Tên lửa “Katiusha” rít lên bay qua đầu chúng tôi lao về phía bọn Đức. Tôi nã đạn từ vị trí mới cho đến khi hết sạch đạn vì các đồng đội trong tổ đã bỏ chạy trước. Vâng, tôi đã bị bỏ lại một mình với khẩu súng máy khi tất cả những thành viên còn lại trong tổ đã chuồn mất. Đó không phải là một sự vi phạm kỷ luật mà là một sự suy xét khôn ngoan thông thường. Họ đã hết đạn súng cá nhân và nếu không được tiếp tế thêm đạn tiểu liên thì họ chuồn thôi. Thật không may là họ đã bỏ chạy mang theo cả những băng đạn đại liên và ai đó còn chiếm luôn cả khẩu tiểu liên của tôi khi rút. Vậy là tôi rời trận địa với khẩu súng máy không đạn trong khi họ vẫn giữ tất cả số đạn đó.
Chợt một viên đạn bay véo qua đầu tôi và tôi hiểu ngay mình đã bị bọn Đức đặt vào tầm ngắm. Tôi nằm rạp xuống cỏ và dùng một dải băng đạn đã bắn hết buộc một đầu vào khẩu súng máy còn đầu kia vào chân mình. Tôi bắt đầu bò trở lui, kéo khẩu súng theo sau, tìm cách thoát khỏi đường ngắm của bọn Đức lúc này đã phát hiện ra tôi. Tôi không biết đã bò được bao xa nhưng có lẽ chỉ được khoảng 5m-6m thì thấy một người lính Nga tay cầm súng trường đang tiến tới. Anh ta là lính Trung đoàn 1199. Ngay lúc đó thêm mấy phát đạn bay sát qua người tôi, anh lính phát hiện ra tên Đức vừa bắn và hạ hắn bằng chỉ một phát bắn trả. Anh ta bình tĩnh thổi nòng súng của mình rồi mới hỏi tôi: “Còn thằng Đức nào khác muốn thế không?” Sau đó tôi được biết tên anh ta là Turchin. Tôi đề nghị anh ta giúp mình kéo khẩu súng máy đến vị trí mới và anh ta đồng ý. chúng tôi đến nơi, Turchin phụ giúp, tôi phát hiện ra một thành viên tổ súng máy của mình và gọi. Lúc này không hiểu sao bọn Đức lại phát hiện ra tôi một lần nữa và nã vài quả đạn cối vào chỗ tôi. Tôi lao cả người vào trong một cái hố cái nhân gần đó. Những quả đạn nổ tung và hầu như chôn kín tôi trong một thác đất cát đổ vào người. Chỉ còn mỗi đầu và một cánh tay tôi còn nhô lên khỏi mặt đất và tôi không thể thở hay cử động được tí gì. Đúng lúc đó 2 gã đội mũ nhà binh màu xanh lá cây của cái gọi là đơn vị chặn hậu đến chỗ tôi[18], một người tỉnh bơ hỏi: “Có gì đấy?” Tôi nói: “Đồng chí, giúp tôi với!” Họ moi tôi lên rồi hỏi: “Sao anh lại ngồi đây? Tiến lên!”
Tôi trả lời: “Tiến lên với cái gì? Tôi chỉ có một khẩu súng máy rỗng không, chẳng có đồng đội hay đạn
dược. Khi những cái đó tới, tôi sẽ tiến lên.” Đó là lần duy nhất trong suốt cuộc chiến tranh tôi nhìn thấy những người lính còn sống của đơn vị chặn hậu. Trên thực tế cả hai người này là lính biên phòng, lính biên phòng thường được đưa vào các đơn vị chặn hậu này.
Tiểu đoàn trưởng của tôi nhận được lệnh rút khỏi trận đánh vì Trung đoàn 1199/Sư 354 Bộ binh đã tiếp chiến và chiếm được làng Parichi. Lúc này tôi đã nhập cùng một nhóm gồm 11 người cùng trong tiểu đoàn trừng giới, bao gồm năm tay súng trong tổ súng máy của tôi và sáu người mang tiểu liên trong trung đội trợ chiến. Chúng tôi nhận được lệnh quay lại bếp dã chiến được đặt trong một cái hố lớn không xa Parichi. Khi chúng tôi quay về, những người còn lại trong tổ của tôi cũng nhập bọn. Lúc mới về đến bếp dã chiến, tôi đã sợ tiểu đoàn mình bị thiệt hại nặng vì không thấy nhiều người. Chúng tôi vồ lấy đồ ăn và ăn vội vàng rồi để lại một khẩu súng máy và hai người gác khu vực bếp, số còn lại quay lại Parichi để xem xét tình hình. Khi đang tiến về Parichi chúng tôi phát hiện ra một vệt máu. Chúng tôi bèn lần theo nó vào trong một công sự Đức và bắt gặp một tên Đức có vẻ đã chết, chúng tôi lại gần để lần túi hắn tìm tài liệu. Nhưng hoá ra hắn vẫn còn sống, trước khi chúng tôi đến bên, hắn chồm dậy, quỳ sụp xuống vào kêu lên bằng tiếng Nga: “Người Nga đây, đừng bắn!” Turchin ra lệnh: “Giơ tay lên” Tên Đức trả lời: “Tay tôi giơ rồi đây thôi.” Hoá ra hắn là người Slovak. Chúng tôi mang hắn theo và gửi vào điểm tập kết tù binh. Tay Slovak không phải người xấu, mặc dù phải vừa đi vừa giữ quần bằng tay sau khi Turchin không kiếm đâu ra sợi dây nào khác để trói hắn, hắn vẫn luôn mỉm cười suốt quãng đường. Ở Parichi chúng tôi tìm được một hầm rượu còn một ít rượu vang. Chúng tôi vồ lấy chúng rồi mang về trại và phát hiện ra rằng trong khi chúng tôi đi, nhiều người trong tiểu đoàn xung kích trừng giới đã quay về bếp dã chiến khi thấy tổ súng máy của tôi được cho ra nghỉ. Tôi chia rượu cho những người trong tổ, tất cả chúng tôi đều hy vọng được một giấc ngủ ngon nhưng lúc đó mới là buổi tối, có lệnh đến yêu cầu chúng tôi tới Bobruisk.
Cuộc chém giết ở Bobruisk
Tiểu đoàn tôi lên đường tới Bobruisk cùng với phần còn lại của Sư đoàn 354 Bộ binh, trong khi đó các bộ phận khác của Tập đoàn quân 65 phối hợp với Quân đoàn Xe tăng Cận vệ một “Sông Đông” vượt đầm lầy ở phía sau. Cùng lúc đó, một đơn vị kỵ binh cơ giới nhằm hướng thành phố Slutsk, phía tây Bobruisk. một cách đều đặn, chúng tôi tiến cật lực về Bobruisk. Mọi người hành quân mà không mang đầy đủ trang bị chiến đấu, và chúng tôi kéo khẩu súng máy đi cùng với họ. Đột nhiên tôi nhận ra lá chắn súng bị mất. “Vasen’ka, lá chắn đâu?” Tôi hỏi. Anh ta đã quẳng nó sang một bên để cho nhẹ bớt và khiến việc hành quân dễ dàng hơn. Tôi nói với anh ta: “Tôi không cần biết, tốt hơn cho anh là cái lá chắn đó nên tái xuất hiện ở chặng nghỉ sắp tới.”
Sau khi đi được khoảng 12km về phía Bobruisk, tiểu đoàn dừng lại nghỉ và đặt ba chốt gác trên con đường mà các binh sĩ tiểu đoàn đang nằm rải rác. Tại chỗ dừng nghỉ, thêm khoảng 30 người nữa của tiểu đoàn tôi nhập bọn, họ bị rớt lại phía sau ở Parichi và giờ họ đến theo cách rất sung sướng: bám xe đi nhờ những cỗ pháo tự hành. Họ còn mang theo được một thùng rượu 50 lít. Có thêm họ tiểu đoàn tôi giờ đã có khoảng 200 người. Tại những điểm dừng nghỉ tiếp theo chúng tôi lại gặp thêm nhiều người trong tiểu đoàn trừng giới, như vậy thương vong của chúng tôi ở Parichi không lớn như tôi đã sợ lúc đầu. Hôm sau, ngày 28/6 chúng tôi được lệnh ngừng hành quân và đào công sự chuẩn bị phòng thủ. Bọn Đức liên tục quấy rầy vị trí của tôi bằng những phát đạn lửa nhưng không ai bên ta trúng đạn. Chúng tôi đã đặt hoả điểm súng máy của mình cạnh một căn nhà nhỏ. Đêm đó, quân ta cho trinh sát tới các vị trí Đức đối diện và diệt được mấy khẩu súng máy đã quấy rầy chúng tôi. Họ đã tiêu diệt liền mấy vị trí quân Đức và tìm thấy hai khẩu súng máy. Sáng hôm sau, chúng tôi chờ đợi cuộc xung phong vào Bobruisk sẽ bắt đầu vào 10h sáng. Trong khi chờ đợi, một con chó nhỏ chạy vào vị trí của chúng tôi, trông nó như một con chó rừng. Nó cứ chạy tới lui xung quanh cho tới khi chúng tôi chịu đi theo. Con chó dẫn chúng tôi tới một công sự ngập nước. Khi chúng tôi nhìn vào trong thì phát hiện ra có gì đó chuyển động trong nước. một trung sĩ bắn một phát PPSh và chúng tôi nghe thấy ai đó kêu: “Người Nga, đừng bắn!” Từ trong công sự bò ra tám tên lính Slovak sũng nước. Chúng đã được lệnh cho nổ tung khẩu cối 81mm của mình để nó khỏi rơi vào tay chúng tôi, thay vì làm thế, chúng lại trốn kỹ trong công sự. Chúng tôi gửi chúng vào điểm tập kết tù binh. Sau đó, chúng tôi tiến lên, thỉnh thoảng bị một vài viên đạn làm phiền. Khi chúng tôi tiến, những người Belorussia ra hiệu từ trong những căn hầm, vài người còn đề nghị cung cấp thông tin về bọn Đức. Những cậu nhóc có vẻ biết mọi điều về bọn Đức – chúng đang ở đâu và làm gì. Đám trẻ dẫn chúng tôi tới một nghĩa địa ở tây bắc Bobruisk. Dọc đường, chúng tôi thu được rất nhiều vũ khí và trang bị mà bọn Đức bỏ lại. Chúng tôi còn thấy nhiều rượu. Tôi cảnh báo các thành viên trong tổ không được uống. Có vẻ bọn Đức cố tình bỏ lại nhiều rượu để chúng tôi tìm thấy khi tiến quân, khi đó những người lính Nga sẽ uống say xỉn và chúng có thể chộp được chúng tôi chỉ bằng tay không.
Vâng, quả thật một số lính Nga đã xỉn, nhưng không phải tất cả. Tôi còn nhớ một tình tiết liên quan đến một người đồng đội hôm đó đã không thể cưỡng lại sự cám dỗ của rượu. Khi đang trên đường tiến đến Bobruisk từ phía tây, chúng tôi dừng lại gần một nhà thờ trông ra một quảng trường nhỏ và một nghĩa địa lớn, trong nghĩa địa mọc đầy những cây bụi. một chiếc tăng Đức đang tắt máy nằm giữa quảng trường, không xa bức tường vây của nhà thờ. Tôi chọn vị trí đặt khẩu đại liên Maxim sau tường nhà thờ. Đó là một vị trí tuyệt vời để bắn về hướng nghĩa địa trong khi toàn bộ quảng trường trải ra trước tầm nhìn của chúng tôi rõ ràng như lòng bàn tay. Trong khi xạ thủ đặt súng, tôi lại gần chiếc tăng Đức bị bỏ lại để kiểm tra. Những khẩu súng máy của nó vẫn nằm im và tôi nhận thấy trong chiếc xe tăng còn khá nhiều đạn. Tôi quay lại tổ súng máy của mình. Ngay khi về tới nơi thì súng nổ, đó là khoảng 2h chiều. Đúng như tôi dự đoán, bọn Đức đang thử tổ chức một cuộc phản công xuyên qua khu vực nghĩa địa. Vừa quan sát các vị trí địch trong nghĩa địa, tôi vừa ra lệnh cho tay xạ thủ của mình hạ chúng. Sau đó tôi để anh ta lại và bò đến chỗ chiếc tăng Đức, nó đứng cách hàng rào nghĩa địa chỉ khoảng 50m. Tôi đến được chiếc tăng và trèo vào trong. Lúc này tôi cảm thấy mình như cá gặp nước. Tôi lên đạn khẩu súng máy trên chiếc tăng và bắt đầu bắn vào tất cả các vị trí địch mà mình có thể nhìn thấy được, sau đó quét từ bên này sang bên kia nghĩa địa. Khi cuộc chạm súng bắt đầu, nhiều bộ binh ta đang ở gần đấy chưa vào vị trí. Họ nhanh chóng đổ xô tới, dàn trận và bắt đầu tham chiến. Khoảng 10 phút sau khi trận đánh bắt đầu, một chiếc xe ngựa kéo hiện ra ở cạnh nhà thờ trên đó có ba chú lính. một người quất lũ ngựa trong khi hai người còn lại sử dụng một khẩu súng máy đặt trên xe. Cỗ xe lao qua quảng trường đến cách nghĩa địa chừng 80m thì dừng và quay đầu lại. Khẩu súng máy trên xe nã nhiều loạt về phía quân địch, sau đó chiếc xe lại quay đầu và tiến tiếp vào nghĩa địa. Trong khi đó ở phía phía bên kia nhà thờ, một tay súng say xỉn cưỡi một con ngựa đang lồng lên xuất hiện. Tay phải anh ta cầm khẩu tiểu liên PPSh băng tròn, tay trái thì cầm một chai bia. Anh ta thúc con ngựa di chuyển bằng cách đấm vào lưng nó. Thỉnh thoảng anh ta nã bừa một loạt đạn và ngay tiếp sau là giơ chai làm một tợp.
Bọn Đức đương nhiên nhận thấy rằng sẽ là tự sát nếu cố xông qua quảng trường trống, vì vậy sau khoảng 30 phút chúng giảm dần cường độ bắn. Ngay lúc đó, dưới sự yểm trợ của hai khẩu súng máy của chúng tôi, đám bộ binh xung phong qua nghĩa địa, đuổi bọn Đức chạy tán loạn và tiêu diệt một số tên. 5h chiều ngày 29/6/1944, tiểu đoàn tôi đến ngoại ô phía tây bắc thành phố Bobruisk theo con đường cao tốc đi Minsk. Sư đoàn 354 Bộ binh cùng với tiểu đoàn xung kích của tôi dừng lại và đào công sự phòng ngự tại một địa điểm không xa tuyến đường, quay mặt về hướng đông. Bọn Đức đang phòng thủ Bobruisk giờ đã rơi vào tròng. Cách vị trí của chúng tôi 2km về phía đông có hai ngôi làng nhỏ, trong đó có dấu hiệu cho thấy quân địch bị bao vây nhưng chưa bị tiêu diệt đang tập trung. Chúng tôi cho rằng dưới sự che chở của màn đêm, bọn Đức tại đó có thể thử chọc thủng vòng vây về phía tây, vượt qua con đường cao tốc đi Minsk để chạy vào rừng. Từ vị trí của chúng tôi có một hàng cây ngăn cách với một cánh đồng lúa mạch lớn trải dài tới tận hai ngôi làng. Chúng tôi đặt khẩu súng máy trên một mô đất nhỏ dưới gốc cây nhìn ra con đường cao tốc, như vậy trong trường hợp cần thiết chúng tôi có thể quét đạn dọc con đường dù quân địch có tới từ Minsk hay Bobruisk. Trước vị trí có một khoảng trống rộng khoảng 35m giữa những cái cây cho phép chúng tôi bắn qua cách đồng lúa mạch nếu bọn Đức định tiến qua đó. Sau khi đặt súng, lấy một vài điểm ngắm chuẩn, chúng tôi ngồi xuống nghỉ. Lúc đó là khoảng 6h tối, sau một ngày dài nóng bỏng, tôi tháo ủng, nó đã mòn vẹt vì bị sử dụng liên tục hơn một tuần. Tôi lau chân bằng rượu chứa trong cái bình dẹt mang theo để làm mát chúng. Ánh sáng đang tắt dần và chúng tôi ăn tối vội vàng.
Bất thần chúng tôi nghe thấy tiếng đạn rít qua đầu trên những ngọn cây. Bọn Đức đang nã đạn nổ, những quả đạn rơi xuống và nổ tung trên những cành cây, trên đầu chúng tôi. Tiếng súng rền vang. Mọi người vớ lấy vũ khí và kiểm tra lại đạn dược. Gần vị trí khẩu súng máy của tôi có nhiều xe ngựa chở đồ hậu cần và lính đánh xe, phần lớn họ khoảng hơn 50 tuổi và chưa từng có kinh nghiệm chiến đấu. Sự hoảng loạn bắt đầu xảy ra, họ bắt đầu đóng yên cương để chuồn. Tôi quay súng máy chĩa vào họ và quát: “Đứng đấy, cấm chạy!” Nhưng tay lính trẻ làm theo tôi và bảo họ: “Nằm xuống, cầm lấy vũ khí và cùng chúng tôi đánh đuổi bọn Đức!” Họ tuân lệnh.
Đột nhiên một đội hình lớn quân Đức tiến từ trong làng ra về hướng con đường cao tốc đi Minsk, phải đến 10.000 tên. Chúng tiến thành hàng như trong một cuộc duyệt binh, chiều ngang khoảng 100-120m và chiều dọc có lẽ không ít hơn 1km. Chúng nhằm hướng phía bên trái chúng tôi. Giữa hàng quân có hai chiếc ô tô, mỗi chiếc kéo theo một khẩu Oerlikon của Mỹ[19], rất giống loại quân ta vẫn sử dụng, có lẽ quân ta đã để nó rơi vào tay bọn Đức. Hai khẩu pháo đó nã đạn vào các vị trí ta, hàng quân Đức có vẻ như định chọc thủng chiến tuyến quân ta tại đây, vượt qua con đường cao tốc đi Minsk và tiến vào khu rừng nơi chúng tôi đang đóng giữ. Ngay khi tiến đến con đường, hàng quân Đức chuyển thành những lớp sóng người và xung phong về phía trước. Từ vị trí quan sát của tôi, cánh trái quân Đức trải dài khoảng 1.200m. Tôi nã đạn vào bọn Đức, không để chúng tiến vào vị trí của mình. Bọn Đức xếp sát nhau và bắn vào cái khối đó thì không thể trượt được. Khi chỉ huy của chúng tôi phát hiện hàng quân Đức đang cố phá vỡ vòng vây quân ta ở đây, họ chuyển gấp một pháo đội chống tăng đến yểm trợ cho chúng tôi, 12 khẩu pháo được tháo khỏi xe kéo ngay trước hàng quân Đức và bắt đầu nhả đạn. Đầu tiên họ bắn bằng đạn nổ mảnh, sau đó khi bọn Đức ồ ạt xông vào đến tầm, họ chuyển sang đạn ghém. Khi đã bắn hết sạch đạn ghém những khẩu pháo chuyển sang bắn bằng bất cứ loại đạn gì còn lại, thậm chí cả đạn xuyên giáp. Trận đánh diễn ra dữ dội cho đến khi đêm xuống, khi thấy đã mất đến một nửa lực lượng, phần lớn bọn Đức chạy trở lại làng nhưng vẫn có khoảng 1.500 tên Đức chọc thủng được vòng vây và chạy thoát. Trên chiến địa giờ còn lại hàng đống xác lính Đức và vô số tên bị thương. Sáng hôm sau, chúng tôi tỉnh dậy và nhìn khắp bãi chiến trường. Tất cả im lặng, không có một phát súng. Cánh đồng lúa mạch đã biến thành màu xám xịt vì bị che kín bởi quân phục của những tên Đức đã ngã xuống, xác của chúng nằm chồng chất lên nhau. Đó lại là một ngày nóng bỏng nữa. Khẩu súng máy của tôi vẫn tiếp tục hướng về phía ngôi làng nơi phần còn lại của lực lượng Đức đã rút vào. Đến 11h trưa, một mùi hôi thối bắt đầu xông lên.
Đến trưa, tôi và người đồng đội là Alexander (Sashka) Shulepov quyết định đến ngôi làng để xem xét. Bộ binh Nga đã xông vào làng và vây bắt tù binh. Tôi để tay xạ thủ lại phụ trách khẩu súng máy còn mình và Sashka kiểm tra lại để chắc chắn rằng băng đạn tròn của hai khẩu tiểu liên của chúng tôi còn đầy đạn. Bọn Đức ngồi ở khắp nơi và nhìn chúng tôi một cách hoàn toàn nhẫn nhục. Không thấy tay sĩ quan nào, có lẽ chúng đã bị bắt hoặc đã chết trong trận đánh hôm qua. Bọn Đức hiểu rằng chúng đã rơi vào bẫy và chỉ còn chờ quân ta đến bắt. Chúng chỉ dám liếc nhìn chúng tôi khi chúng tôi đi qua, sợ rằng chúng tôi có thể bắn chúng. Chúng tôi đi dọc con đường chính của làng dài độ 400m thì bất thần nghe thấy tiếng gào thét chói tai và tiếng than khóc ầm ĩ phát ra từ một gia đình gần đó. Chúng tôi tới kiểm tra và thấy một bà già đang khóc bên xác chồng. một phụ nữ trẻ nói một hai tên Đức đã dừng lại chỗ này hôm qua đòi cung cấp trứng và sữa. Những người ở đây chả còn gì, vì vậy bọn Đức đã hành quyết ông cô ta ngay tại chỗ. Đúng lúc đó một hàng tù binh Đức đi qua trước cửa nhà, bà già đau khổ nhận ra thủ phạm trong đám tù binh. Bà
già và mấy người hàng xóm lao tới chỗ người dẫn giải và nói với anh lính gác đó những gì hắn đã làm. Đó là một tên Đức cao và gầy. Mọi người yêu cầu anh lính gác lôi tên tù đến chỗ bà già, đầu tiên anh ta không chịu nhưng sau một lúc bị vật nài lẵng nhẵng, anh ta cũng giao tên tù binh ra. Bà già lao vào tên tù và trong cơn giận dữ đã hầu như xé hắn ra làm nhiều mảnh bằng tay không. Chúng tôi quay lại vị trí súng máy giữa những hàng cây của mình và vượt qua một hàng tù binh Đức khác. Có một người trẻ trông rất cường tráng khoẻ mạnh đi trong hàng có vẻ không phải người Đức. Sashka hỏi hắn: “Mày là người Nga hả?” Hắn trả lời trôi chảy bằng tiếng Nga: “Vâng, từ Krasnoiarsk.” Hắn đã bị bọn Đức bắt ngay trong tháng đầu chiến tranh và sống dở chết dở trong trại tù binh. một hôm có tay sĩ quan Đức đến trại để tuyển quân cho quân đội của Vlasov.[20] Anh chàng Nga này đã tình nguyện tham gia với hy vọng một ngày kia sẽ trốn thoát bằng cách nào đó sau khi khoẻ lại. Nhưng hắn đã đến một nơi bị vây quanh bởi bọn Đức và không bao giờ tìm cách bỏ chạy. Hắn chưa bao giờ được phục vụ ở tiền tuyến mà ở trong các đơn vị chống du kích ở hậu phương. Hắn nói mình được cho ăn mặc đầy đủ. Hắn bảo chúng tôi: “Ba năm trôi qua mà như chỉ ba ngày.”
Tay tù binh nói hắn không ân hận vì đã phục vụ quân đội Đức hay cảm thấy tiếc vì tạo thêm gánh nặng cho chúng tôi, những người lính Hồng quân. Chúng tôi không thể tiếp tục đứng nghe hắn nói những điều đó, thay vào đó chúng tôi yêu cầu người lính dẫn giải tù binh trao “người đồng bào” này cho chúng tôi. Anh ta nhường hắn cho chúng tôi rồi đi thẳng. Chúng tôi dẫn tên tù binh ra vệ đường, hắn nói: “Tôi biết các anh sắp bắn tôi, nhưng tôi không cầu xin các anh tha. Nếu tôi ở vị trí các anh, tôi cũng sẽ bắn ngay.” Shulepov không buồn quan tâm đến lời hắn mà nã luôn mấy phát vào bụng và ngực tên Nga phản bội. Hắn vẫn đứng yên, chỉ hơi nhăn mặt hỏi: “Đó thực sự là cách anh bắn tôi sao? Nào, cho thêm phát nữa đi.” Sashka bắn tiếp một tràng ít cũng phải 12 viên vào ngực và cả đầu hắn, tên phản bội ngã xuống. Tất nhiên Sashka có thể bị trừng phạt vì vi phạm kỷ luật, nhưng người ta còn có thể đưa anh ta vào đâu được nữa? Anh ta đã ở trong tiểu đoàn trừng giới rồi mà. Sau này, tôi đã bị dằn vặt vì những việc làm tàn nhẫn và cảnh tượng đẫm máu đó, tôi đã phải vật lộn để lấy lại được sự thăng bằng. Đó là một việc kỳ lạ. Trong trận đánh ở Parichi, tôi có cảm giác khác. Khi chiến đấu, mỗi phát đạn tôi bắn đi có thể xuyên qua một thân người, tôi giết nhiều địch hết mức có thể vì chúng đã giết em trai tôi, và sau đó tôi bỏ qua không nghĩ tới. Nhưng bây giờ, trước cái chết diễn ra ngay trước mắt của hai tên địch tay không vũ khí tôi có cảm giác hoàn toàn khác, thậm chí là dù chúng xứng đáng nhận cái chết như vậy. Vâng, công lý đối với hai kẻ không vũ khí ấy đã được thi hành, nhưng việc thi hành đó bản thân nó cũng là một việc ghê tởm – và chúng tôi cần chấm dứt điều đó, chấm dứt mãi mãi.
Ngày 1/7, chúng tôi vẫn tiếp tục ở vị trí cũ dưới những hàng cây trông chừng tuyến đường cao tốc đi Minsk. Chúng tôi thay phiên nhau quan sát bên những khẩu súng máy về cả hai hướng. Đến trưa, tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho tất cả các sĩ quan chuẩn bị cho buổi tuyên dương các chiến công được thực hiện suốt từ Parichi đến Bobruisk. Trung uý trung đội trưởng của tôi chọn tôi và một người nữa tham gia đội nghi thức danh dự. Chúng tôi được cho biết tên những người lính được vinh danh và tóm tắt chiến công của họ. Ngoài việc được đưa vào đội danh dự, tôi còn được lệnh chuẩn bị cho việc chính mình được tuyên dương. Tên tôi đã được đưa vào danh sách đề nghị tặng thưởng Huân chương Sao Đỏ vì đã giữ được khẩu súng máy trong suốt trận đánh trước Parichi và vì đã chính tay mình tiêu diệt một chi đội súng máy địch trong cuộc phản công của bọn Đức tại khu vực nghĩa địa trên đường tiến vào Bobruisk. Khoảng 20 người trong tiểu đoàn trừng giới của tôi đã được nhận huân huy chương. Đến ngày 3/7/1944, tại một vị trí bình thường trên con đường giữa Bobruisk và Minsk, tiểu đoàn trưởng cho biết rằng tôi không được nhận vinh dự nào hết, thay vào đó tôi được cho ra khỏi tiểu đoàn trừng giới ngay lập tức. Họ cũng cho Shulepov ra cùng với tôi. Thế là kết thúc sự nghiệp làm chỉ huy tổ súng máy trong tiểu đoàn trừng giới của tôi và tôi chuyển sang một đơn vị bộ binh. Shulepov và tôi được đưa vào Sư đoàn Bộ binh Cờ Đỏ 354 “Kalinkovichi”. Các đồng đội trong tiểu đoàn trừng giới vẫn ở lại chỗ cũ, tôi chuyển chức chỉ huy tổ súng máy cho tay xạ thủ và nói lời từ biệt những người đồng chí. Chúng tôi đã chuộc xong tội lỗi của mình trước Đất Mẹ, trước pháp luật và trước đồng đội.
Chương 6: TIẾN VÀO BA LAN CÙNG SƯ ĐOÀN 354 BỘ BINH Lời chú của Britton:
“Nhiều năm sau chiến tranh, tướng Batov chỉ huy Tập đoàn quân 65 hồi tưởng lại lối tấn công lộn xộn để đến khu vực biên giới cũ sau khi chiếm Bobruisk. Ông viết: “Đặc trưng của việc tấn công trong giai đoạn này là sử dụng rộng rãi các đơn vị cơ động. Mỗi sư đoàn để ra 1-2 tiểu đoàn bộ binh và tăng cường chúng bằng xe tăng và pháo tự hành. Tốc độ tiến công có thể đạt tới 30-40km/ngày. Di chuyển theo những con đường nông thôn song song nhau bằng xe cơ giới, các đơn vị này tiến rất xa trước lực lượng chính, cắt đường rút của địch và tấn công chúng một cách bất ngờ.[21] Lúc đó Litvin di chuyển cùng với ban chỉ huy, không phải trong một đơn vị cơ động hay thậm chí là một đơn vị bộ binh thường, ông không phải nhân chứng cho hoạt động của những đơn vị mũi nhọn. Tuy vậy, ông cho biết một khía cạnh thú vị khác về cuộc tiến công không tách rời khỏi những chuyện ghê sợ của chiến tranh.”
Hai tài xế đều là dân Siberi và lính trừng giới cũ đến sở chỉ huy Sư 354 Bộ binh trước buổi tối cùng ngày 3/7/1944. Sở chỉ huy sư đoàn chỉ cách “Shurochka”, Tiểu đoàn trừng giới của tôi, khoảng 300m. Đến nơi chúng tôi được bố trí vào trung đội lái xe cho chỉ huy sư đoàn. Trung đội trưởng nhận chúng tôi. Đó là một trung uý nhỏ bé như đồ chơi, quen nói năng cộc lốc và thô thiển. Anh ta cho chúng tôi biết rằng chúng tôi chưa được bố trí chính thức và rằng anh ta sẽ phân công nhiệm vụ cho chúng tôi khi nào có hứng. Chúng tôi sẽ phải di chuyển cùng với sở chỉ huy sư đoàn và vì rằng chúng tôi là những tài xế chưa có xe nên chúng tôi sẽ phải chấp nhận đi bộ. Hôm sau, ngay từ sáng sớm chúng tôi đã phải đi bộ tới Baranovichi. Dọc đường lính tráng di chuyển thành hàng dài khiến bụi bay mù mịt. Đó là một ngày ấm áp nhưng chúng tôi chẳng có nước hay thức ăn. Chúng tôi đi suốt cả ngày. Tăng và pháo đã đi trước chúng tôi vì chúng tôi chỉ thấy toàn xe hậu cần và những đơn vị bộ binh lớn. Quân ta cứ thế tiến mà chẳng có một hình thức nguỵ trang nào. Không quân địch đã không còn làm chúng tôi phải lo lắng và chúng tôi cũng chẳng phải đương đầu với lực lượng địch nào trên mặt đất. Chúng tôi đi được 40km ngày hôm đó và hôm sau được lệnh tiến tiếp thêm 60km nữa.
Một nhiệm vụ không mong muốn
Tuy nhiên sáng hôm sau Sư trưởng đã yêu cầu Sashka và tôi mang 6 tù binh về Sở chỉ huy Quân đoàn. Nó nằm về phía sau 18km trên quãng đường mà chúng tôi vừa đi qua. Trước khi đi, chúng tôi được dặn là có thể đối xử với đám tù binh thế nào cũng được nếu cảm thấy mệt mỏi vì phải hộ tống chúng. Tôi hiểu điều đó có nghĩa là những tên tù binh đã bị chỉ định để hành quyết và tôi sẽ trở thành đao phủ. Không ai trong số những tên tù là sĩ quan mà tất cả đều là lính dự bị động viên với nhiều độ tuổi khác nhau. Trong đó có một tên còn trẻ, khoảng 17 tuổi, cao và gầy trông rất giống một con bù nhìn giữ dưa vì mặc một cái áo khoác quá khổ so với thân hình gầy gò của hắn. Những tên còn lại đều già hơn nhiều và đã có gia đình.
Nhóm tù binh chậm chạp di chuyển, những tên già trong số chúng không thể đi bộ nhanh được. Trông chúng đều có vẻ mệt và đói. Sashka hai lần đề nghị hành quyết chúng nhưng tôi không đồng ý. Nhưng Sashka liên tục nhắc nhở tôi về lời gợi ý bóng gió của Sư trưởng hãy sớm tống khứ mấy tên tù. Tôi không muốn bắn tù binh, nhưng tôi cảm nhận được sức nặng của mệnh lệnh, tôi cũng biết rằng có tới hàng chục nghìn tên Đức sa lưới sau thành công của chiến dịch và các trạm thu gom tù binh đang bị tràn ngập. Sáu tên tù binh này chẳng có giá trị gì nhất là trong một cuộc chiến tàn bạo như thế này Đến một chỗ, Sashka dừng đám tù binh và thúc chúng rời con đường. Rõ ràng bọn tù binh hiểu ý định của Sashka và không rời mắt khỏi khẩu tiểu liên của anh ta. Chúng giơ cho chúng tôi xem những bàn tay chai sạn, chúng là công nhân cơ khí trước chiến tranh. Vài tên nhìn vào mắt chúng tôi và khóc xin được rủ lòng thương. Tôi cảm thấy rất tiếc cho chúng vì cha tôi trước kia cũng là một công nhân cơ khí và cũng bị gọi nhập ngũ khi có chiến tranh, ông cũng muốn trở về nguyên lành với gia đình. Tâm trạng tôi lúc này hết sức dao động, đặc biệt sau khi chứng kiến cái chết của hai tên tù binh không vũ khí mới đây. Sashka tiếp tục nhắc nhở tôi về nhiệm vụ, chúng tôi lên đạn hai khẩu tiểu liên. Sashka bắn trước và tên Đức trẻ ngã gục xuống đất quằn quại trong đau đớn. Tất cả sự ghê sợ của chiến tranh mà tôi từng chứng kiến cũng không thể sánh bằng lần này, và tôi siết cò. Tôi cảm thấy lợm giọng. Khi tôi đã tĩnh trí trở lại, tôi có thể thấy tất cả số tù binh đã nằm chết trên mặt đất và Sashka đang đứng chờ tôi bên con đường mà chúng tôi đã rời bỏ lúc nãy. Tôi kiểm tra lại khẩu tiểu liên và thấy nó đã mất rất nhiều đạn và bỗng chốc tôi hiểu điều gì đã xảy ra.[22] Trong những ngày tiếp theo khi chúng tôi tiếp tục tiến lên, tôi đã bị dằn vặt bởi những gì đã thấy ở Bobruisk và bởi những gì Sashka và tôi đã làm với những tên tù binh. Tôi đã tham chiến và giết một kẻ địch có vũ khí trong trận đánh không là vấn đề. Nhưng việc tàn sát hàng đống quân Đức đang cố thoát khỏi vòng vây ở Bobruisk, hành quyết tại chỗ tên Nga phản bội, trả thù dã man bằng cách lôi ra khỏi hàng và giết chết tên tù binh Đức, hành quyết những tên lính dự bị mới đây làm đầu óc tôi tràn ngập những hình ảnh khủng khiếp của giết chóc và cái chết. Tôi cảm thấy phát bệnh vì cuộc chiến này. Để quay lại sở chỉ huy Sư 354 Bộ binh, chúng tôi đã trèo lên đi nhờ một chiếc xe tải chở đồ hậu cần cho sư đoàn. Dọc đường về, tôi nói chuyện với một người đồng chí trên xe, một người Gypsy tên là Ganzha.
Về đến sở chỉ huy tôi chú ý đến một người với bộ ria nhỏ trông giống của Charlie Chaplin, mọi người đang lăng xăng quanh ông. Đó là Đại tá Vladimir Nikolaevich Dzhandzhgava vừa mới nhận chức Sư trưởng từ Dmitri Fedorovich Alekseev. Alekseev được chuyển sang chỉ huy Quân đoàn 105 Bộ binh từ trước Chiến dịch Bagration. Đại tá Dzhandzhgava trước đây chỉ huy Sư đoàn Bộ binh 15 “Sivash”.
Thiên chuyển lần nữa
Chúng tôi gấp gáp di chuyển tới Baranovichi và sau đó là Slonim rồi Bialystok, sử dụng mọi cách và mọi phương tiện vận tải có thể. Nhiều lính bám vào từ xe chở đồ hậu cần và xe ngựa của nông dân đến xe tăng và pháo tự hành để nhảy lên xin được đi nhờ. Nhiều người khác đi bằng xe kéo bởi ngựa, bò và thậm chí cả dê tịch thu được. Chúng tôi nhanh chóng vượt qua Baranovichi và đến Slonim vào buổi trưa. Thành phố hoàn toàn trống rỗng. Mọi người dân đều ở trong nhà để giữ mạng sống. Vì chúng tôi phải tới Bialystok gấp nên tôi không để ý thấy có sự vi phạm kỷ luật nghiêm trọng nào ở Slonim. Sashka và tôi đã trải qua xấp xỉ một tuần ở trung đội lái xe cho sở chỉ huy rồi sau đó được thiên chuyển tới Tiểu đoàn Vận tải Độc lập số 473 thuộc Sư đoàn Bộ binh 354.
Đại uý tiểu đoàn trưởng Afana’ev và sĩ quan quân lực của ông là Thiếu uý Gorshkov tỏ ra thích kinh nghiệm của chúng tôi. Sashka trước đây từng làm việc với xe tải pickup còn tôi mới chỉ làm việc với xe jeep Willy, nhưng thế là tuyệt rồi! Tiểu đoàn vận tải đang có một chiếc Willy hỏng mà không ai sửa được, họ chuyển nó cho tôi kiểm tra và tôi bắt tay vào việc sửa chữa. Sau hai ngày tôi đã khiến chiếc xe “trở lại trên đôi chân của chính mình” và được chỉ định luôn làm người lái nó. Thật tuyệt vời, sau tất cả thì được lái xe lòng vòng cũng tốt hơn đi bộ lòng vòng. Chiếc Willy đã sửa xong và tôi được bố trí phục vụ Sư đoàn phó, Trung tá Davydkin. Sau một tuần du ngoạn cùng Trung tá Davydkin tôi đã biết được tất cả các đơn vị của sư đoàn. Vào lúc này chiến sự đã tiến tới khu vực biên giới cũ. Một hôm, trước khi rời sở chỉ huy, Davydkin thông báo chúng tôi sẽ tới một trang viên lớn ở khu rừng Bialowiecz. Chúng tôi tới nơi vào buổi trưa. Trang viên đã bị tàn phá nặng nề. Chúng tôi thấy Đại tá Dzhandzhgava ở đó cùng nhiều sĩ quan khác. Tại đó tôi cũng trông thấy lần đầu tiên chỉ huy Tập đoàn quân 65 của tôi, Trung tướng Pavel Ivanovich Batov. Trời nắng chói chang nhưng không có cuộc viếng thăm nào của không quân địch. Batov lệnh cho cánh lái xe chúng tôi chỉ được phân tán vào khu rừng sát cạnh trong trường hợp bị tập kích đường không. Chúng tôi vượt biên giới Ba Lan tại huyện Biabzhega. Tin đồn lan truyền trong binh lính rằng đây chính là nơi chỉ huy Phương diện quân Rokossovskii ra đời, họ tránh trang trại nơi cha mẹ ông đã sống. Ngay sau khi vượt biên giới Ba Lan tôi nhận thấy sự thay đổi trên mặt đất. Các trang trại được sắp xếp gọn gàng, đất đai được cày xới cẩn thận. Tôi có thể cảm nhận thấy tinh thần cá nhân chủ nghĩa, theo tất cả những người nông dân ở đây, mọi thứ đều là “của tôi”, trong khi đó ở Liên Xô mọi thứ đều là “của chúng ta” trong các nông trang tập thể. Chúng tôi hỏi những người nông dân: “Sao các anh không làm việc cùng nhau, trong hợp tác xã chẳng hạn?” Và họ trả lời: “Của tôi á?”. Trong những ngày đầu tiên, những người Ba Lan địa phương nhìn những Đảng viên Cộng sản như thể trên đầu họ mọc vài cái sừng và nhìn chúng tôi, những người Siberi, như những tên ăn thịt trẻ con.
Kleshcheli và Avgustinka
Lời chú của Britton:
“Ngày 28/6/1944, Hitler thải hồi Thống chế Busch khỏi chức chỉ huy Cụm Tập đoàn quân Trung tâm và chỉ định Thống chế Model thay thế. Model tiếp quản nhiệm vụ chỉ huy những mảnh vụn còn lại của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm trong khi cùng lúc đó vẫn đang chỉ huy Cụm Tập đoàn quân Bắc Ukrain tiếp giáp với Cụm Tập đoàn quân Trung tâm về phía Nam. Nhiệm vụ của Model là cố gắng vá lỗ thủng rộng 450km trên tuyến phòng ngự Đức đã bị xé toạc do Chiến dịch Bagration. Cách bổ nhiệm chỉ huy bất thường này cho phép Model phối hợp hoạt động của hai Cụm Tập đoàn quân, và Hitler cho rằng nhờ đó Model có thể thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên vào thời điểm đó người Đức hoàn toàn không có đủ các sư đoàn và khả năng vận tải cần thiết để giải quyết vấn đề và Model đã không bao giờ có thể lấp hoàn toàn được các lỗ thủng trên chiến tuyến của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm. Lúc này các chỉ huy Soviet đã trở nên cực kỳ lão luyện trong việc phát hiện ra các điểm yếu và các lỗ hổng trên tuyến phòng ngự Đức và có đủ khả năng cơ động để khai thác các cơ hội đó. Đến giữa tháng 7, một lỗ hổng như vậy đã xuất hiện ở khu rừng Bialowiecz, một khu vực đầy du kích phía đông bắc Brest – Litovsk. Không may cho Model, chỉ có một đơn vị cơ giới Hungary nhỏ tuần tra khu rừng này một cách hời hợt. Khu rừng nằm tiếp giáp giữa vị trí của Quân đoàn 23 Đức, đơn vị đang vừa phải cố gắng chống giữ cái túi Pinsk đang tan vỡ dần lại vừa phải cố rút khỏi nó, và Quân đoàn Harteneck, đơn vị đang cố gắng bảo vệ Bialystok về phía bắc. Chỉ một chút áp lực nhỏ của Hồng quân vào ngày 13/7 cũng đủ xé toang phần tiếp giáp giữa hai Quân đoàn này. Chỉ huy Phương diện quân Belorussia 1, tướng Rokossovskii, đã cho Tập đoàn quân 65 mở toang lỗ hổng này dọc theo một con đường lớn đi qua các làng Ba Lan là Kleshcheli và Siemiatycze tới sông Western Bug. Ngay sau khi vượt sông, Tập đoàn quân 65 đã cắt đứt tuyến vận tải hậu cần của Quân đoàn 23 Đức và đe dọa trực tiếp Brest – Litovsk từ hướng bắc. Mối đe dọa này buộc quân Đức phải phản ứng tức thì, đó là những gì Litvin mô tả sau đây.”[23]
Mặc dù đã trông đợi một sức kháng cự mạnh, chúng tôi lại vượt qua rừng Bialowiecz khá dễ dàng và nhanh chóng. Xuyên qua rừng và trên cả các khu vực tiếp theo, tốc độ tiến công của quân ta khá nhanh vì các đơn vị cơ động đặc biệt đi trước đã đánh bại sức đề kháng của địch. Các đơn vị tiền tiêu của Tập đoàn quân 65 đến sông Western Bug và thiết lập nhiều đầu cầu nhỏ bên kia sông gần Siemiatycze (xem bản đồ). Mũi nhọn của Tập đoàn quân nhanh chóng đào công sự trong khi chờ đợi lực lượng chính quân ta tới. Tuy nhiên, Tập đoàn quân của tôi đã vượt quá xa hai tập đoàn quân tiếp giáp ở bên trái và bên phải là Tập đoàn quân 28 và Tập đoàn quân 46 từ 30km đến 40km nên đã để hở sườn. Chỉ huy quân Đức phát hiện ra điểm dễ bị tổn thương đó của Tập đoàn quân 65 và quyết định bao vây tiêu diệt.
Lời chú của Britton:
“Tập đoàn quân 65 xuyên sâu vào khe hẹp giữa Quân đoàn 23 Đức ở phía nam và Quân đoàn Harteneck ở phía bắc dọc con đường lớn đi Siemiatycze. Model nhận thấy có cơ hội cắt đôi Tập đoàn quân 65 bằng cách tung hai gọng kìm tấn công vào cổ mấu lồi ở Kleshcheli. Sư đoàn thiết giáp SS số 5 “Wiking” thuộc Quân đoàn 23 đánh vào Kleshcheli và Avgustinka, một ngôi làng nằm giữa con đường nối Siemiatycze và Kleshcheli từ phía nam. Mũi tấn công của Sư đoàn thiết giáp 4 thuộc Quân đoàn Harteneck cũng tấn công Kleshcheli từ phía bắc, cố gắng hội quân với mũi nhọn tấn công của Sư 5 Thiết giáp SS là Trung đoàn “Westland”. Cuối cùng là Sư đoàn Bộ binh 541 thuộc Quân đoàn 20 tấn công trực diện vào mũi nhọn quân Nga với nhiệm vụ loại trừ đầu cầu yếu mà Tập đoàn quân 65 mới lập được bên kia sông Western Bug.”
Tại khu vực làng Kleshcheli, quân địch với xe tăng cố gắng cắt đứt và bao vây các đơn vị của Tập đoàn quân 65 đang vượt sông Western Bug. Xe tăng địch đã hội quân được với nhau nhưng không thể ngăn hẳn được mũi tấn công của Tập đoàn quân. Hành lang tấn công – chỉ rộng khoảng 1km – vẫn giữ được dọc con đường từ Kleshcheli đến Avgustinka và xa hơn nữa đến sông Western Bug. Các cuộc phản công của bọn Đức đã buộc Tập đoàn quân 65 phải rút các đơn vị dẫn đầu khỏi bờ bên kia sông Western Bug và tiến hành các trận đánh dữ dội nhằm mở lại tuyến đường hậu cần an toàn. Các bộ phần của Tập đoàn quân 65 bao gồm cả Sư đoàn Bộ binh 354 lập một vành đai phòng thủ ở Avgustinka để chờ tiếp tế.
Lời chú của Britton:
“Cuộc chiến nhanh chóng trở nên hỗn loạn. Vào lúc quân Đức phản công vào Kleshcheli, các đơn vị thuộc Tập đoàn quân 65 Soviet ở Avgustinka và xa hơn nữa cũng nhưng Sư đoàn Thiết giáp SS “Wiking” Đức đều không có tuyến hậu cần an toàn. Tiếp tế trở thành yếu tố quyết định kết quả trận đánh.”
Ngay trước thời điểm quân Đức phản công, Sư đoàn phó đang gặp gỡ Sư trưởng. Sở chỉ huy của Đại tá Dzhandzhgava được đặt tại một nhà thờ trong làng Avgustinka. Các đơn vị của sư đoàn đóng cách Avgustinka từ 6km đến 8km về phía tây và phía nam, đang cố gắng hội quân với Quân đoàn 4 Kỵ binh Cận vệ, Quân đoàn này đã chọc thủng chiến tuyến Đức ở xa hơn về phía đông và nam. Những cuộc phản công đầu tiên của quân Đức đã buộc các đơn vị của sư đoàn rút lui về lập một vành đai phòng thủ trong
mấy khu rừng cách Kleshcheli 10km-12km về phía tây. Trưa hôm sau, ngày 23/7, tình hình sáng sủa hơn vì các đơn vị vòng ngoài của sư đoàn vẫn ngoan cường và mưu trí chống trả được các đợt tấn công của lực lượng Đức. Sư đoàn phó nhận lệnh đích thân dẫn đầu đoàn tiếp tế tới Avgustinka mang theo đạn dược và lương thực. Chỉ huy tiểu đoàn vận tải được lệnh chuẩn bị một số xe tải còn tôi cũng được lệnh chuẩn bị cho chiếc Willy.
Đã nhiều ngày nay chiếc Willy chạy không được tốt. Ở đâu đó trong hệ thống nạp nhiên liệu bị rò khí khiến máy xe không được tiếp đủ lượng xăng như bình thường khi vận hành liên tục. Tôi không thể sửa chữa tại chỗ, vì vậy tôi đành lái từng quãng ngắn 3km-5km, sau đó dừng lại và dùng bơm thổi vào hệ thống tiếp liệu. Việc bơm này sẽ tăng áp lực xăng khiến máy xe có thể vận hành trôi chảy trong 7 phút-10 phút tiếp theo. Sau 3km-5km, tôi sẽ phải dừng và lặp lại quá trình đó. Tôi sợ sẽ bị chết máy giữa đường tới Avgustinka nơi đang nằm trong tầm bắn của bọn Đức. Để phòng trường hợp đó, tôi móc sẵn một sợi cáp vào ba đờ sốc trước để có thể nhờ một chiếc xe tải kéo đi nếu chết máy.
Sau khi chất đầy đồ hậu cần lên các xe tải, toán tiếp tế tiến về phía đông tới Kleshcheli. Chúng tôi dừng lại giữa làng để Sư đoàn phó Davydkin kiểm tra tuyến đường phía trước. Trong khi chờ đợi, tôi thuyết phục các lái xe khác chú ý đến tôi để khi tôi ra tín hiệu xin giúp đỡ họ sẽ phóng vượt qua và kéo tôi đi. Davydkin tới được rìa phía tây làng Kleshcheli, tại đó xe tăng và bộ binh ta đang bắn nhau với quân địch đang ở ngay bên kia con đường. Bộ binh địch đang chiếm giữ một quả đồi bên trái tuyến đường từ Kleshcheli tới Avgustinka[24], từ vị trí đó chúng bắn vào bộ binh ta ở Kleshcheli và quét đạn lên con đường tới Avgustinka.
Được che chở sau một chiếc xe tăng T34 đang dừng bên rìa con đường dẫn ra khỏi làng từ phía tây, chúng tôi có thể nhận ra bộ binh địch đã thiết lập vị trí cách con đường mà đoàn tiếp tế phải đi qua khoảng 200m. Thỉnh thoảng những khẩu cối của chúng lại nã vài phát. Do nhiệm vụ tiếp tế của chúng tôi là khẩn cấp, Trung tá Davydkin quyết định toàn bộ đoàn xe sẽ cùng lúc phóng hết tốc độ qua khu vực nằm trong tầm bắn của địch. Trong khi đó vị sư đoàn phó này cũng sắp xếp hoả lực yểm trợ cho cuộc di chuyển liều lĩnh của chúng tôi bằng lực lượng tăng đang đóng ở rìa làng Kleshcheli. Tôi bơm một khối lượng khí lớn vào bình xăng chiếc Willy để tăng áp lực xăng cho hệ thống tiếp liệu. Chúng tôi sẽ phải đi khoảng 4km dưới hoả lực địch. Trung tá Davydkin trèo vào chiếc Willy của tôi và chúng tôi xuất phát. Tất cả các lái xe được lệnh phóng nhanh hơn bình thường thành một hàng dày đặc, ngay khi bắt đầu bị bắn mạnh mọi người phải tản ra nhưng vẫn tiến về phía trước. Từ rìa làng Kleshcheli tới quả đồi mà quân địch đang chiếm giữ toàn đoàn đã vượt qua an toàn, con đường chúng tôi đi chạy ngay dưới chân đồi. Những chiếc tăng bắn dữ dội vào vị trí địch để buộc bộ binh của chúng phải nằm dán xuống đất. Xe của tôi dẫn đầu đoàn, cả đoàn di chuyển theo sau với mệnh lệnh của Sư đoàn phó là “làm theo bất cứ cái gì mà tôi làm.
Khi tới chân điểm cao đoàn xe vẫn an toàn trước đạn súng nhỏ và súng máy, nhưng ngay sau đó chúng tôi bị bắn bằng súng cối. Tuy nhiên những khẩu cối đó phải bắn cầu vồng qua đồi từ một vị trí bên sườn đồi bên kia, vì vậy chúng không thể nhìn thấy kết quả bắn để hiệu chỉnh đường ngắm hoặc tầm đạn. Con đường khá bằng phẳng và tôi phóng với tốc độ nhanh nhất có thể, tới mức bỏ xa những chiếc xe tải đi sau tới 600m, thoát khỏi tầm đạn địch rồi dừng lại. Chúng tôi quay lại nhìn hàng xe tải đi sau để xem chuyện gì đã xảy ra, phải chở nặng nên chúng đi chậm hơn chúng tôi, nhưng không bị hỗn loạn. Rốt cuộc đoàn tiếp tế của chúng tôi đã tới được với những đồng đội đang bị bao vây ở Avgustinka vào lúc 6h chiều ngày 23/7/1944 chỉ với duy nhất một chiếc xe tải bị mất.
Lời chú của Britton:
“Cuốn lịch sử của Rolf Hinze về chiến dịch này đã xác nhận mũi tấn công của Sư đoàn Thiết giáp số 4 đã chiếm được Kleshcheli chiều tối ngày 23/7 và hội quân được với Tiểu đoàn 1/Trung đoàn Thiết giáp 5 SS nhưng vì thiếu tiếp tế nên cả hai sư đoàn đã phải bỏ Kleshcheli và rút về khu vực xuất phát. Cuộc hội quân này chắc chắn đã diễn ra sau khi Davydkin và đoàn tiếp tế rời Kleshcheli đến Avgustinka.”
Ngay sau khi đến đích, những chiếc xe tải đã bốc đồ hậu cần xuống chuyển cho các đơn vị đủ loại trong vòng vây, trong khi đó Sư đoàn phó đến Sở chỉ huy Sư đoàn bằng chiếc Willy của tôi. Sở chỉ huy nằm trong một nhà thờ trên một quả đồi nhỏ phía tây nam làng, một rừng tùng vây quanh nhà thờ và dưới những tán cây đầy quân ta.
Từ Kleshcheli đến Avgustinka chiếc xe của tôi đã chạy ngon lành. Trong khi Trung tá Davydkin hội đàm với Đại tá Dzhandzhgava trong nhà thờ, tôi đỗ xe cách đó khoảng 80m bên rìa con đường dốc xuống sườn đồi hướng vào rừng, cách rừng khoảng 150m. Mới được khoảng năm phút, khi đang chờ Sư đoàn phó, tôi nghe thấy tiếng vo vo của động cơ máy bay đang bay tới. Tôi nhận ra ngay – đó là những chiếc Junker! Chúng đang hướng thẳng đến nhà thờ. Tôi nhảy khỏi xe và gào lên: “Không kích!” Sau đó tôi đạp vào sau xe để nó lăn xuống dốc mà không cần nổ máy đồng thời nhảy vào trong xe, hướng nó chạy vào
rừng nơi mấy chiếc tăng đang đỗ. Khi tôi vừa đến được chỗ đỗ xe tăng trong rừng thì bom bắt đầu nổ quanh nhà thờ. Tôi lao xuống gầm chiếc tăng gần nhất để núp. Trận oanh tạc kết thúc, tôi bò ra từ dưới gầm xe tăng, chạy đến chỗ nhà thờ và nhận thấy không quả bom nào ném trúng nó. Chúng tôi qua đêm tại đó trong khi tất cả những chiếc xe tải trong đoàn ở lại luôn chỗ các đơn vị vừa được họ tiếp tế.
Lời chú của Britton:
“Chiến sự ác liệt tiếp tục thêm ba ngày nữa khi Tập đoàn quân 65 cố gắng bảo vệ tuyến tiếp vận. Quân đoàn Harteneck buộc phải nhanh chóng từ bỏ nỗ lực hội quân với Sư đoàn thiết giáp SS “Wiking” vì bị Tập đoàn quân 48 Soviet tấn công mãnh liệt đến mức có nguy cơ bị tràn ngập. Sư đoàn “Wiking” đã cố gắng chiếm được một vị trí gần Czeremcha, một thị trấn nằm trên tuyến đường sắt chỉ cách tuyến vận tải Kleshcheli – Avgustinka của Tập đoàn quân 65 khoảng 4km về phía nam. Từ những ngọn đồi phía bắc Czeremcha, “Wiking” có thể kiểm soát tuyến tiếp tế này và tấn công các đoàn xe hậu cần của quân đội Soviet. Từ ngày 24 đến ngày 26/7, Tập đoàn quân 65 đã chiếm lại được các quả đồi và thị trấn bằng các trận pháo kích dữ dội và các đợt tấn công liên tiếp bằng bộ binh vào các vị trí của Sư đoàn “Wiking”. Rút cuộc, “Wiking” đã phải bỏ các vị trí đó và rút lui về bên kia sông Western Bug.”
Sáng ngày 24/7, quân ta trở lại với nỗ lực bảo vệ tuyến hậu cần. Cuối cùng chúng tôi đã phá vỡ được vòng vây và tiến về phía trước. Tập đoàn quân 65 đã mất 72h tại khu vực Kleshcheli – Avgustinka.[25] Khoảng một tuần sau, khi đang lái xe trong thành phố Vyshkov để phục vụ một buổi họp thường lệ giữa Trung tá Davydkov và Đại tá Dzhandzhgava thì chúng tôi bị bắn. một mảnh đạn pháo đã xuyên vào cánh mũi tôi và nằm lại đó, tôi có thể nhìn thấy nó bằng mắt. Mảnh đạn thứ hai xuyên vào cổ tôi khiến cổ tôi xưng lên và tôi không thể quay đầu được. Trung tá Davydkin lệnh cho tôi lái xe đến trạm xá. Tới nơi, Davydkin nói với các bác sĩ và y tá: “Các quý cô, hãy chăm sóc cho người đẹp của tôi. Anh ta ngồi cứng đơ đơ như một lá bài và muốn quay đầu thì phải quay cả người như một con chó sói.” Họ đặt tôi nằm lên bàn, gây mê và chờ tôi ngủ. Nhưng tôi không thể ngủ được, bác sĩ O.L. Baryshnykova bảo tôi: “Gì thế này, hay anh uống tí vodka nhé?” Tôi trả lời: “Không.” Và cô ta hỏi tiếp: “Sao anh lại không thể ngủ được nhỉ?”. Họ cho tôi thêm một liều thuốc mê nữa, chỉ đến lúc đó tôi mới ngủ được. Tôi đã có một giấc mơ, trong đó tôi vẫn là chỉ huy tổ súng máy và các tổ viên quay về sau một cuộc đột kích trinh sát với một tù binh là lính Vlasov. Trong mơ tôi phát hiện ra tên tù là anh trai Masha, cô y tá hiện đang là bạn gái Trung tá Davydkin. Các đồng đội hỏi tôi phải làm gì với hắn và trong mơ tôi gào lên: “Bắn hắn!” Khi tôi tỉnh dậy sau cuộc phẫu thuật, mấy cô y tá cười cười: “Anh đã bắn ai thế?” Họ đã khâu lại các vết thương và tôi nhanh chóng quay được cổ một cách dễ dàng.
Vài ngày sau, trong một cuộc gặp thường lệ với Sư trưởng tôi được biết tài xế chiếc GAZ-57 của ông cũng đang bị thương. Họ đã mang anh ta về trạm xá dã chiến rồi chuyển về bệnh viện tuyến sau. Các chỉ huy quyết định để tôi ở lại tiền tuyến, một viên tiểu đoàn trưởng của Đại tá Dzhandzhgava cho tôi biết tôi sẽ phải ở lại chỗ Sư trưởng cho tới khi người ta tìm được một tài xế thay thế khả dĩ. một lần khi đang trên đường đi đến chỗ Sư trưởng, xe tôi bị chết máy và tôi kẹt lại giữa đường một lúc – khoảng 20 phút. Khi tôi đến được sở chỉ huy, Tham mưu trưởng Sư đoàn đã tra hỏi tôi về lý do chậm trễ và nơi tôi đã dừng lại. Việc tra hỏi này không phải tình cờ – ở vùng này đã có nhiều trường hợp các sĩ quan và binh lính quân ta biến mất không dấu vết. Những du kích dân tộc chủ nghĩa Ba Lan đang hoạt động trong vùng và thỉnh thoảng có những nhóm nhỏ quân Đức tìm cách phá vây. Trong lần đi cùng Đại tá Dzhandzhgava đầu tiên, ông đã hỏi tôi về cha mẹ và những gì đã trải qua. Rất có khả năng ông chính là người đã ra lệnh cho tôi ra khỏi tiểu đoàn trừng giới thay vì nhận Huân chương sao đỏ.
Đầu cầu Narev
Sông Narev chảy qua vùng đông bắc Ba Lan, bắt đầu từ khu rừng Bialowiecz thuộc Belorussia chảy về phía nam thành một hình vòng cung dài hơn 400km rồi đổ vào sông Vistula ở phía bắc Warsaw. Sau khi chống lại được các cuộc phản công của bọn Đức tại khu vực Kleshcheli và Avgustinka, quân ta vượt qua sông Western Bug tiến về phía tây với tốc độ chậm lại một chút. Chiến dịch Bagration đã làm bọn Đức kiệt sức nhưng nó cũng làm cả chúng tôi kiệt sức. Chúng tôi liên tục truy kích địch trong khi chúng cũng liên tục chặn bước tiến quân ta bằng các vị trí phòng thủ kiên cố và các cuộc phản công cục bộ.
Chỉ huy Phương diện quân Rokossovskii lo rằng Phương diện quân của ông sẽ rớt lại phía sau trong cuộc đua đến nước Đức, vì vậy ông ra lệnh cho Tướng Batov chỉ huy Tập đoàn quân 65 chiếm một đầu cầu vượt sông Narev không muộn hơn tuần đầu tháng 9. Rokossovskii chỉ định một khu vực giữa Pultusk và Serotsk, phía bắc Warsaw, là địa điểm lập đầu cầu của chúng tôi và nó phải đủ lớn để làm bàn đạp mở một cuộc tấn công lớn vào sâu trong đất Đức. Vào lúc đó các Sư đoàn của Tập đoàn quân 65 đang ở trong tình trạng yếu kém. Chúng tôi đã tiến hơn 600km kể từ khi Chiến dịch Bagration bắt đầu và trong hai tháng rưỡi kể từ ngày đó chúng tôi đã mất hơn một nửa quân số trong những trận đánh liên tục không ngừng. Tuy nhiên, sáng ngày 5/9/1944, những cỗ xe tăng thuộc Quân đoàn Xe tăng Cận vệ một “Sông Đông” đã vượt sông Narev. Sau đó những chiếc tăng đã cố gắng chiếm được một cây cầu qua sông. Nhưng bọn Đức đã cho nổ mìn chiếc cầu và tấn công vào cả hai đầu cầu khi những chiếc tăng quân ta tiến tới, thậm chí mặc kệ việc trên cầu đầy quân Đức đang rút lui. Những tên may mắn thoát chết còn ở giữa cầu nhảy xuống sông cố bơi vào bờ phía tây. Khúc sông này không có cây cầu hay chỗ nước cạn nào khác và bây giờ quân ta phải vượt qua nó với sự mưu trí và dũng cảm cao độ. Tại điểm này, sông Narev là một chướng ngại vật lớn trên đường tiến quân của chúng tôi. Nó rộng tới 200m và sâu 6m. Quân đoàn Xe tăng Cận vệ một “Sông Đông” tới nơi và được lệnh vượt sông dưới nước. Lúc này một số xe tăng còn khả năng chiến đấu của Quân đoàn đã đi khỏi, chỉ có 18 chiếc đảm nhận nhiệm vụ vượt sông. Tôi đứng xem khi những người lính lái tăng hàn kín tất cả những lỗ thủng và kẽ nứt trên chiếc tăng, đặt những cái ống cao để cấp khí cho máy xe và thoát khói. Sau khi việc đó kết thúc, lính lái tăng nối những chiếc tăng vào nhau bằng dây cáp để đề phòng trường hợp máy xe bị nghẹt chiếc tăng sẽ được xe khác kéo. Khi mọi việc đã xong, chiếc dẫn đầu trườn xuống nước và những chiếc khác nối đuôi nhau lao xuống theo. Họ đã vượt sang bờ bên kia thành công và ngay lập tức triển khai bảo vệ tuyến vượt sông trong khi rất nhiều bộ binh ào ạt chống bè qua sông. Sau khi xe tăng và bộ binh đã qua bờ bên kia, pháo binh bắt đầu vượt sông. Đám lính pháo binh cởi trần trùng trục điều khiển lũ ngựa bơi vượt sông, kéo theo sau những bè chở pháo.
Khi mỗi đơn vị vượt được sông, họ lập tức di chuyển để mở rộng đầu cầu. Trong vài giờ đầu tiên, đầu cầu mới chỉ rộng và sâu khoảng 1,5km. Lính công binh bận rộn lắp một cây cầu gỗ gần Vul’k – Zatorsk, khi cây cầu hoàn thành, các bộ phận còn lại của Tập đoàn quân 65 cũng bắt đầu vượt sông. Đến tối ngày 5/9 hơn một nửa bộ binh quân ta đã vượt sông. Bọn Đức phản ứng lại bước tiến đó theo cách thông thường của chúng là cố đẩy chúng tôi ra khỏi đầu cầu. Chiến sự ác liệt suốt bốn ngày. Chúng tôi đánh để mở rộng đầu cầu trong khi bọn Đức thì cố loại trừ nó. Rút cục, bọn Đức đã thất bại trong việc bóp nghẹt đầu cầu. Các trung đoàn trong sư đoàn tôi đã cắt được tuyến đường giữa Pultusk và Serotsk và tiến được khoảng 8km, sau đó dừng lại đào các công sự phòng ngự kiên cố. Đó là vì chúng tôi không thể mở rộng đầu cầu ra xa hơn nữa, sức chúng tôi chỉ đến thế. Mặc dù đầu cầu vượt sông Narev không được sâu (tại khu vực của Sư 354 Bộ binh nó chỉ sâu chưa được 8km), Rokossovskii vẫn cho rằng nó rất quan trọng và lệnh cho tướng Batov phải kiên quyết bảo vệ bằng được. Sau khi những nỗ lực ban đầu của bọn Đức nhằm đẩy Tập đoàn quân 65 về bên kia sông Narev thất bại, chiến sự tạm ngừng một thời gian. Chúng tôi cố gắng củng cố đầu cầu đến mức tốt nhất có thể trong khi bọn Đức có lẽ cũng đang tái tập hợp và tăng cường lực lượng. Quân ta chỉ nhận được một mức tăng cường nhỏ giọt. Trong khi chúng tôi cần 6.000 người để có đủ sức mạnh ban đầu, chúng tôi chỉ nhận được 800. Trong số những người mới có một số người Moldavi và nhờ họ chúng tôi được biết Moldavi đã được giải phóng. Trong thời gian chiến sự tạm lắng đó, tôi phục vụ với tư cách tài xế của Sư đoàn phó phụ trách tuyến sau Sư đoàn. Hậu cứ Sư đoàn tôi đóng trong một khu rừng thông nằm dọc bờ trái (bờ đông) con sông, giữa Vul’k – Zatorsk và con sông. Chiếc cầu gỗ nằm cách đó khoảng 1km. Trong khu rừng thông đã trưởng thành đó tất cả các bộ phận tuyến sau và các đơn vị cơ hữu của Sư đoàn 354 đóng. Các kho đạn, Tiểu đoàn Vận tải 473, bệnh viện dã chiến sư đoàn và các bộ phận khác đóng ở rìa tây nam khu rừng. Sở chỉ huy sư đoàn, SMERSH, kiểm sát viên, toà án quân sự thì đóng ngay trong làng Vul’k – Zatorsk. Người của tiểu đoàn vận tải và bệnh viện dã chiến sống trong các công sự. Những người bị thương ở trong các lều bệnh viện. Có cả một nhà tắm hơi bằng gỗ súc. Sau nhiều tuần lễ dài tiến công và chiến đấu, những chỗ ở này có vẻ thật xa xỉ.
Chiếc jeep Willy của tôi vẫn chạy một cách tốt nhất có thể – tức là không tốt lắm. Rồi động cơ xe cũng trút hơi thở cuối cùng, vì vậy chúng tôi quyết định thay thế nó bằng động cơ một chiếc “Citroen” chiến lợi
phẩm. Việc lắp ráp thay thế này là vấn đề khó khăn trong điều kiện tại chỗ vì những lý do sau: 1- Điểm chốt nối vỏ khớp li hợp với hộp số khác nhau.
2- Chúng tôi phải cắt ngắn bớt trục sơ cấp của hộp số, và chúng tôi cũng phải đối mặt với những sự thay đổi thông thường khác.
Lắp động cơ thay thế vào chiếc Willy mất hơn hai tuần. Cuối cùng tôi cũng lắp lại xong chiếc xe, khởi động và chạy thử. Tôi tăng tốc và vào số một ngon lành chỉ trong một giây, tiếp đó tôi vào số 3 và thế là chiếc xe bắt đầu chạy giật lùi. Điều đó có nghĩa là khi tháo hộp số để cắt ngắn trục sơ cấp tôi đã để lẫn các bánh răng khiến cho hai mức tốc độ hoá thành một tiến và một lùi. Tôi buộc phải tháo hộp số lần thứ ba và chỉnh lại các bánh răng – nhưng không có kết quả. Tôi phải sửa chiếc Willy thêm một tuần nữa và chỉ đến khi tôi kiếm được hộp số của một chiếc xe tải nhẹ Đức chiến lợi phẩm vừa với chiếc Willy thì vấn đề mới được giải quyết. Từ ngày vào quân ngũ, thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được thư nhà của mẹ tôi hoặc thư của bố tôi cũng đang phục vụ đâu đó trong Hồng quân. Trong thời gian tạm dừng chiến sự ở đầu cầu Narev, tôi lại nhận được những bức thư mới. Mẹ tôi đang làm việc trong một nhà máy sản xuất makhorki, một loại thuốc lá quấn rẻ tiền rất phổ biến trong những năm khó khăn này. Tôi cũng được biết Leonid, cậu em 15 tuổi của tôi, đang làm việc trong một nhà máy sản xuất động cơ nhỏ. Cậu em 17 tuổi Anatolii thì đang làm việc trong một nhà máy sản xuất đạn của Hải quân. Những bức thư của bố tôi thì cho biết ông đang ở Crimea, sư đoàn của ông đang tham gia vào lực lượng trục xuất những người Tatar khỏi Crimea, nhưng sư đoàn cũng được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho hội nghị Yalta của các lực lượng Đồng Minh.
Sau khi động cơ được thay thế, chiếc Willy chạy khá tốt. Một vài ngày sau khi hoàn thành việc sửa chữa, tôi lái xe tới nhiệm sở của Sư đoàn phó và gặp được một sĩ quan quen biết – Thiếu tá Georgii Chirkin. Trước đây, tầm năm 1943 đến đầu năm 1944, anh ta là đại uý trợ lý kỹ thuật cho chỉ huy Tiểu đoàn Vận tải của Tập đoàn quân 91, nơi tôi quen biết anh lần đầu. Sau khi được thăng cấp, Chirkin được gọi lại vào Tiểu đoàn Vận tải / Tập đoàn quân 91 và được bổ nhiệm làm chỉ huy đơn vị phụ trách bảo dưỡng ô tô cho sư đoàn tôi. Chúng tôi chào đón nhau như những người thân trong gia đình. Viên thiếu tá nói anh ta muốn chúng tôi lại làm việc cùng nhau nhưng chỉ huy đơn vị phụ trách bảo dưỡng ô tô chẳng được có bất kỳ trợ lý nào về bất kỳ lĩnh vực nào, vì vậy anh ta không thể bố trí cho tôi. Để được làm cùng nhau, anh ta hứa cho tôi một chỗ trong đội lái mô tô của sư đoàn. Trong khi chờ đợi, tôi tiếp tục đảm nhiệm vị trí lái xe cho Trung tá Davydkin. Trong khoảng giữa tháng 9, chúng tôi được nhận thêm một tốp lính mới vào tiểu đoàn vận tải. Họ là những người đồng chí trẻ măng, tất cả đều sinh năm 1926 và đều đã hoàn thành khoá học lái xe. Nhưng chúng tôi đâu cần thêm lái xe, vì vậy chúng tôi giao cho họ làm những công việc sửa chữa nhỏ các xe cộ hỏng hóc, các việc vặt trong doanh trại và canh gác. Trong số họ có vài người Kiselov, định mệnh rút cuộc đã lôi chúng tôi lại rất gần nhau.
Bản đồ khu vực của Tập đoàn quân 65 trong cuộc phản công của quân Đức vào đầu cầu Narev, ngày 4- 5/10/1944.
Thắng lợi trong cuộc tiến công từ Parichi và Bobruisk đã cho phép quân ta qua những trận đánh đẩy lùi chiến tuyến địch 600km chỉ trong vòng hơn hai tháng. Vào lúc này, quân ta đã ép quân địch ra xa khỏi đường biên giới Liên Bang Xô viết. Quân Đức nhận thấy đầu cầu qua sông Narev của chúng tôi như một khẩu súng lục kề vào trái tim nước Đức. Tám giờ sáng ngày 5/10/1944, tôi nghe thấy tiếng gầm thét như sấm dậy của trận pháo kích. Nó nhắc tôi nhớ đến âm thanh mà tôi đã nghe khi những khẩu pháo hạng nặng khai hoả gần Ponyri, nhưng ở đây tôi cách tuyến đầu tới 8km, vậy mà âm thanh của trận đánh vẫn nghe rất rõ. Tình cờ lúc đó tôi đang đứng gác cạnh một kho nhiên liệu. Bọn Đức tấn công hoàn toàn bất ngờ và có vẻ như nhằm vào khu vực Dzerzhenin trên chiến tuyến (xem bản đồ). Chỉ huy tiểu đoàn huấn luyện sư đoàn tôi, Đại uý Grechukha, một người bạn tốt của tôi, sau đó mô tả lại trận đánh bảo vệ đầu cầu như sau: “Không ai nói bọn Đức còn bất kỳ khả năng nào để phản công. Mọi người đều tin chắc rằng quân địch không còn đủ lực lượng hoặc phương tiện cho một cuộc tấn công. Theo các trinh sát của quân ta, bọn Đức đã xây dựng một tuyến phòng thủ dày đặc và nhiều tầng xung quanh đầu cầu của chúng tôi với nhiều công sự cố định và bãi mìn. Căn cứ vào chiến thuật đó và với những hiểu biết gần nhất về quân địch, bộ phận tình báo đã không có thông báo về bất kỳ một lực lượng tấn công nào. Chỉ có vài sĩ quan tình báo chú ý đến một bằng chứng nghe được trên radio địch mà các kỹ thuật viên radio quân ta đã bắt được vào cuối tháng 9. một trạm phát radio đặc biệt của bọn Đức đã hai lần phát một thông điệp mã hoá về sự sẵn sàng chuyển sang tấn công. Thông điệp nghe trộm được đó không cho biết trực tiếp về đòn đánh sắp tới, việc nâng cao tình trạng sẵn sàng chiến đấu của quân ta do thông tin tình báo này đã bị bỏ qua sau đó vì không có cuộc tấn công nào xảy ra. Có vẻ như thông tin trao đổi đó chỉ là một trò bịp khác của bọn Đức.
Đêm ngày 4/10 xem ra không có gì khác với bất kỳ đêm nào trước đó. Thỉnh thoảng có vài loạt súng máy hay vài phát đại bác, những thứ đã trở nên bình thường với chúng tôi, có cảm tưởng như không có điềm báo bất cứ sự đe doạ nào. Theo lệ thường, vào lúc bình minh người ta chuyển bữa sáng nóng từ các bếp dã chiến đến các chiến hào và hầm trú ẩn. Bất thần, một loạt pháo dữ dội gầm lên. Các binh sĩ của Sư 354 Bộ binh chưa từng nghe hoặc có kinh nghiệm về một trận pháo phủ đầu mãnh liệt đến thế của bọn Đức. Chỉ trong vài phút, liên lạc hữu tuyến bị cắt đứt khiến vào lúc này, các binh sĩ tuyến đầu bị mất chỉ huy. Liên lạc vô tuyến cũng bị gián đoạn. Trận pháo chuẩn bị tiếp tục trong vòng 1h, sau đó là cuộc tấn
công. Thình lình xe tăng địch xuất hiện từ hướng rừng Budy Tsepelenske. Hướng tấn công nhanh chóng trở nên rõ ràng, đòn đánh chính nhằm vào điểm tiếp giáp giữa các Sư đoàn Bộ binh 193 và 354. một tiểu đoàn của Trung đoàn 1199/Sư 354 không thể đứng vững trước cuộc tấn công đầu tiên và rút lui kéo theo sự rút lui của cả hai tiểu đoàn trong thê đội tuyến trước của Trung đoàn 1202 đang làm dự bị cho họ. Tình thế trở nên nghiêm trọng. Đến 10h sáng, quân địch đã tiến tới tuyến thứ hai trên hàng phòng ngự của ta. Chúng chọc thủng vành ngoài của tuyến phòng thủ này tại khu vực bao quanh phần phía tây khu dân cư Dzerzhenin. Khu dân cư này thực tế đã không còn tồn tại, tại đây chỉ còn tàn tích của những căn nhà đổ nát. Sở chỉ huy tiền tiêu sư đoàn đóng tại đó, trên một đống gạch vụn như vậy, chỉ huy là người phó của Đại tá Dzhandzhgava, Trung tá Vorob’ev. Ông vừa mất hai sĩ quan tham mưu và một điện đài viên trong căn hầm hiện nằm dưới đống đổ nát. Lúc hầm sập bản thân ông đang chạy dọc các chiến hào, tập hợp các binh sĩ bỏ chạy và ra lệnh cho các bộ phận của Sư đoàn ngừng rút lui.” Nhìn bề ngoài, vành ngoài tuyến phòng thủ thứ hai của quân ta nằm đối diện với sườn một khu đất cao. Trong thực tế, lúc này quân ta đã mất toàn bộ chiều sâu phòng thủ và chiến tuyến quân ta đã sụp đổ chỉ còn một tuyến duy nhất được tạo bởi bộ binh, súng bắn thẳng và các pháo đội pháo tự hành. Tất cả họ đồng loạt bắn vào xe tăng và bộ binh địch đang xông tới khi chúng xuất hiện trên đỉnh sườn dốc đối diện. Quân địch không kích liên tục, khói bốc mù mịt, tiếng nổ của súng tiểu liên, súng máy, bom trộn lẫn với nhau không sao phân biệt nổi. Cuối cùng quân địch đã không thể phá vỡ được tuyến phòng thủ cuối cùng này trên đường tiến công, mặc dù chúng đã áp sát được nó.[26]
Thời điểm quyết định nhất của trận đánh là giữa 2h và 4h chiều. Quân địch một lần nữa phối hợp tấn công trên toàn tuyến để chọc ra được tới bờ sông. Đây đó, cũng có vài chiếc tăng Đức đơn lẻ đã xuyên thủng được phòng tuyến và chạy được tới bờ sông. Đúng vào thời khắc nghiêm trọng đó, tiếng gầm của động cơ và những loạt súng máy dài thu hút sự chú ý của mọi người. Những viên đạn lửa rít qua đầu bộ binh ta bay về phía quân thù, xe tăng hạng nặng của ta đã đến! Những chiếc tăng tiến đến các vị trí của bộ binh và dừng lại. Cửa nóc một chiếc mở ra và từ đó bắn lên một loạt pháo hiệu xanh lá cây. Như để hưởng ứng theo, những khẩu pháo trên những cỗ xe tăng hạng nặng còn lại đồng loạt gầm lên, nhiều xe tăng địch bùng cháy. Cuộc đấu tăng tiếp tục trong khoảng 40 phút cho đến khi những chiếc xe tăng Đức còn sống sót bỏ chạy. Lúc này, lực lượng tăng cường tiếp theo cũng tới nơi, đó là pháo đội chống tăng và những người lính bộ binh thuộc Sư đoàn 44 Bộ binh. Những khẩu pháo chống tăng thiết lập vị trí ngay sau hào bộ binh. “Những pháo thủ chết trên càng pháo nhưng quân thù sẽ không vượt qua được” – Đó là một trong những khẩu hiệu của họ trong trận đánh.
Từ đầu đến cuối hôm diễn ra trận đánh bảo vệ đầu cầu, Đại tá Dzhandzhgava luôn luôn hiện diện tại những điểm bị đe doạ nhất dọc chiến tuyến quân ta. Tối ngày 4/10, ông đã lệnh cho các Sư đoàn phó của mình vượt sông đến đầu cầu để trực tiếp chỉ huy binh sĩ dưới quyền. Điện đài viên cao cấp của chỉ huy sư đoàn, Thượng sĩ Konstantin Shebeko sau đó kể lại: “Xe tăng địch chọc thủng chiến tuyến quân ta ở khu vực của Trung đoàn 1199 và áp sát bờ sông Narev ngay cạnh điểm vượt sông của quân ta. Sư trưởng đứng tại vị trí quan sát ngay trên mép nước bờ sông Narev, giữa những khẩu pháo của tiểu đoàn chống tăng, gần như ở ngay tuyến đầu. Từ vị trí này ông quan sát diễn biến trận đánh và không cho phép bất kỳ ai vượt sông rút về bờ trái (bờ đông) con sông.” Đêm đó, một pháo đội pháo tự hành SU-76 vượt sông trên cây cầu mỏng manh và đến được sở chỉ huy sư đoàn, chính là điểm quan sát của Dzhandzhgava dưới triền sông. Những khẩu pháo tự hành này trang bị loại pháo ZIS-3 cỡ nòng 76mm tuyệt vời có sức công phá lớn. Chúng cũng có giáp trước mạnh nhưng giáp sườn thì rất mỏng, nóc và đuôi thì chỉ che bằng vải dầu. Vì bộ giáp yếu kém mà chúng tôi gọi những chiếc SU-76 là “Proshchai, Rodina!” (tức là “Vĩnh biệt, Đất Mẹ!”), nhưng cánh lính lái thường gọi chúng là “Suka” (tức là “con chó cái”) như một sự pha trộn giữa khâm phục và khinh rẻ.
Cách điểm quan sát của Dzhandzhgava và cũng là điểm vượt sông khoảng 1km, Năm khẩu pháo tự hành Marder của bọn Đức đã thiết lập vị trí, chúng bắn vào cây cầu và tất cả những gì đi qua đó. Đại tá Dzhandzhgava lệnh cho chỉ huy pháo đội SU-76 tiêu diệt hoặc đánh đuổi đám thiết giáp Đức đó. Viên chỉ huy này quan sát khu vực, vị trí mục tiêu, lựa chọn phương án chiến đấu rồi ra lệnh vận động. Từ chỗ quan sát thuận lợi của mình, tôi nhìn thấy cỗ pháo tự hành đầu tiên trong pháo đội bắt đầu chậm chạp bò lên dốc bờ sông. Các pháo thủ nạp đạn vào súng chính để chuẩn bị bắn bất ngờ vào bọn Đức. Nhưng ngay khi cỗ pháo leo lên đỉnh dốc bờ sông nó đã trúng một phát đạn và bùng cháy mà chưa kịp bắn phát nào. Tai hoạ giống hệt cũng xảy ra với cỗ pháo thứ hai khi nó cũng định tiến theo chiến thuật cũ. Giờ hai chiếc “Suka” đang bốc cháy. một viên trung uý chạy đến chỗ pháo đội trưởng và đề nghị cho phép thử tiêu diệt quân địch một lần nữa, pháo đội trưởng đang bối rối vì vừa mất hai cỗ pháo đã chấp thuận. Tay trung uý chọn một nhóm tình nguyện gồm lái xe, pháo thủ và thợ máy rồi ra lệnh sau đây cho lái xe và pháo thủ: Tốc độ lớn nhất, chạy qua bên tay phải chiếc “Suka” đang cháy, vọt lên đỉnh dốc bờ sông chỉ cách bên phải nó 1m
và bắn. Bắn xong lùi lại hết tốc lực rồi lao sang trái khoảng 200m đến một căn nhà nhỏ ở đó. Từ sau căn nhà đó bắn vào chiếc “Ferdinand” ngoài cùng bên trái, sau đó lại quay lui hết tốc lực và trở lại bên phải các anh.
Lái xe và pháo thủ trèo vào trong chiếc SU-76 đợi sẵn. Những thành viên khác của kíp lái vẫn ở lại phía sau dưới sự che chở của bờ sông. Kíp lái nhỏ bé đã làm chính xác những gì viên trung uý chỉ thị và nhờ được cỗ pháo tự hành cháy che chở một phần họ đã nhanh chóng xác định mục tiêu và khai hoả. Chiếc Marder ở giữa bốc cháy. Quân địch cũng phát hiện được hướng viên đạn bay tới và bắn trả nhưng ở đó chẳng còn gì, chiếc Suka đã quay xuống dốc. Trong khi những cỗ pháo tự hành địch vẫn tiếp tục bắn vào chỗ cũ chiếc SU-76 đã đến được vị trí thứ hai bên cạnh ngôi nhà. Cỗ pháo nhanh chóng nhằm vào chiếc Marder bên trái và bắn cháy nó ngay phát đầu tiên. Địch có vẻ không phát hiện được vị trí mới của kẻ vừa ra tay với chúng nên không chuyển hướng bắn về phía ngôi nhà. Vậy là kíp lái bé nhỏ dũng cảm của chiếc Suka quyết định bắn tiếp phát nữa từ vị trí đó. Lần này đến lượt chiếc Marder bên phải bùng cháy, giờ ba chiếc Marder đã bị bắn cháy, hai cỗ pháo tự hành Đức còn lại rút ra sau đỉnh một quả đồi nhỏ và chuồn mất. Kíp lái thắng lợi và được vinh danh bằng những phần thưởng và huân chương.
Thời tiết dần tốt lên và không quân ta xuất hiện với số lượng ngày một nhiều. Cuối ngày hôm đó, khi tôi đang ngồi gần chỗ Sư trưởng, một thiếu tá ngồi cạnh quan sát trận đánh. Đột nhiên viên thiếu tá hỏi Sư trưởng: “Ông có thấy những bụi cây kia không?” Sư trưởng nhìn kỹ những bụi rậm cách chỗ chúng tôi khoảng 1km và trả lời: “Tôi thấy chúng.” – Và ông có thấy những khẩu pháo Đức dưới những bụi cây đó? – Không, tôi chẳng thấy gì cả. – Thế ông đang ngồi trên cái quỷ gì thế? một phi đội ném bom bổ nhào của quân ta nhanh chóng xuất hiện và nhắm vào mục tiêu mà tay thiếu tá đã chỉ: 1, 2 rồi 3 chiếc cường kích lao xuống và thả bom. Pháo đội Đức đã bị loại khỏi vòng chiến. Mọi thứ trở nên dễ dàng hơn cho quân ta. Những chiếc “Ferdinand” Đức đã rút chạy còn pháo đội của chúng cũng đã bị tiêu diệt. Đêm đó, Sư 37 Bộ binh Cận vệ tới nơi. Sức ép từ quân địch cũng không còn khi bọn Đức nhận ra rằng quân ta đã được tăng cường. Đại tá Dzhandzhgava tái lập chiến tuyến, chuyển Trung đoàn bộ binh 1201 đang ở cánh trái sang cánh phải. Với sự giúp đỡ của Sư đoàn 37 Bộ binh Cận vệ, chúng tôi dần đẩy bọn Đức lui lại được 4km và tái lập được các vị trí phòng thủ đầu cầu. Cơn khủng hoảng đã qua nhưng các trận đánh bảo vệ đầu cầu vẫn tiếp tục cho đến ngày 10/10. Khi trận đánh bảo vệ đầu cầu kết thúc, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Vận tải 473 được lệnh chuyển ngay 14 người cho Sở chỉ huy Sư đoàn. Sư đoàn đã chuyển hậu cứ và bổ sung cho các đơn vị tuyến đầu. Tôi nằm trong số 14 người đó. Chúng tôi được mọi người tiễn đi một cách buồn bã: các đồng đội của tôi đã được báo trước điều gì đang chờ đợi chúng tôi.
Tại điểm tập kết, thêm chúng tôi vào nữa là có tất cả khoảng 200 người. Họ tập hợp 14 người chúng tôi thành một trung đội. Mọi người trong trung đội tôi biết rằng tôi đã qua khắp các chỗ cấp trên và tôi quen biết nhiều sĩ quan, vì vậy họ đề nghị tôi tới chỗ Ban tham mưu Sư đoàn để nhắc lại mệnh lệnh của Stalin cấm luân chuyển binh lính và hạ sĩ quan có kỹ năng đặc biệt, ví dụ như lái xe hoặc thợ máy, ra làm lính tiền tuyến. Tôi không muốn cắm cổ nghe theo, nhưng họ đã ép tôi. một viên trung tá nghe tôi nói xong quát thẳng thừng: “Lui ra!”
Khi tôi quay về trung đội mình, tôi thấy một lái xe đang tới gặp Thiếu tá Chirkin. Tôi đề nghị anh ta chuyển một tin nhắn của tôi cho Chirkin, để anh ta biết họ đã chuyển chúng tôi ra làm bộ binh thường. Tay lái xe đi khỏi và tôi bắt đầu trở lại với chiến tuyến. Nhiều sĩ quan cao cấp của Sở chỉ huy cũng tới đi cùng với lực lượng tăng cường cho tuyến đầu. Tất cả có khoảng 400 người hành quân và chúng tôi bổ sung vào dàn đồng ca đó. một sĩ quan của bộ phận phụ trách chính trị mà tôi quen tên là Butsol nhìn thấy tôi và hứa sẽ xem xét vấn đề của tôi. Chúng tôi đến tiền tuyến và được nghỉ một lúc, sau đó chúng tôi đi tiếp đến thay thế cho những đơn vị đã kiệt sức ở tuyến đầu. Chúng tôi ngay lập tức củng cố các công sự và thiết lập các ổ súng máy hạng nặng. Chúng tôi đã trải qua một tuần ở tuyến đầu. Trở lại chiến hào lần nữa, tôi trở thành người cố vấn đầy kinh nghiệm và là người bảo vệ cho một chàng trai trẻ người Kiselov. Anh ta là một trong những tài xế mới bổ sung cho chúng tôi tháng trước. Tôi dạy cậu ta nhiều mánh khoé để sống sót ở tuyến đầu và cách tự chăm sóc bản thân trong điều kiện chiến đấu. Bọn Đức không gây ra vấn đề nghiêm trọng nào trong suốt quãng thời gian đó. Sau đó một đơn vị phòng thủ khu vực tới thay thế chúng tôi.[27] Họ có hàng đống súng máy và tiếp quản khu vực của chúng tôi trên chiến tuyến trong khi trung đoàn tôi lui về phía sau để bổ sung và tái tổ chức.
Sự can thiệp của thiếu tá Chirkin
Khi chúng tôi quay về hậu cứ, thiếu tá Chirkin can thiệp để giúp tôi khỏi phải phục vụ ở tiền tuyến như bộ binh thường. Anh ta không được phép tự ra lệnh thu nạp tôi và cũng không muốn để tôi tới một vị trí xa anh ta. Tạm thời, trong khi chờ được phép lấy một lính lái mô tô cho mình, thiếu tá Chirkin gửi tôi cho trung đội sửa chữa của trung đoàn pháo 921. Anh ta không muốn để tôi quay lại tiểu đoàn vận tải vì tại đó sư đoàn phó có thể tóm lấy tôi lần nữa để làm lái xe cho chiếc Willy của ông và khi đó thì rất khó để Chirkin lôi tôi về. Ngày 5/11/1944, Lệnh số 059 bổ nhiệm tôi làm lái xe cho Trung đoàn Pháo binh 921. Trung đội sửa chữa của trung đoàn gồm 13 người, chỉ huy là một trung sĩ kỳ cựu. Trung đội đang rất bận rộn với việc sửa chữa và chuẩn bị cho các trang thiết bị nặng, đầu kéo và xe cộ trong chiến dịch mùa đông sắp tới. Chúng tôi kiểm tra động cơ và tháo gỡ những bộ phận còn sử dụng được từ những cỗ máy đã đến cõi. Chúng tôi cũng soạn báo cáo chi tiết về các vấn đề được phát hiện khi kiểm tra động cơ và gửi nó kèm theo những bộ phận hỏng hóc về cho bộ phận sửa chữa lớn của Tập đoàn quân 65. Bên cạnh việc soạn thảo những báo cáo đó, tôi cũng làm anh nuôi cho trung đội. Bữa sáng của chúng tôi muộn hơn bình thường vì tôi không thể chuẩn bị nó trước 7h sáng. Do vậy các thành viên trung đội thường làm việc trước trong khoảng 1h, sau đó mới ăn sáng khi tôi gọi. Từ 9h đến 11h sáng tôi làm các báo cáo hỏng hóc rồi bắt đầu chuẩn bị bữa trưa. Từ một đến 5h chiều tôi quay lại với công việc sửa chữa và rồi chuẩn bị bữa tối. Đơn vị tôi nhỏ và thân thiện nhưng quá trình phục vụ của tôi trong trung đoàn pháo này rất ngắn ngủi. Ngày 14/11, khi tôi đang ngồi với viên trung sĩ kỳ cựu để cùng làm những bản báo cáo tóm tắt thì chuông điện thoại đột nhiên reo. Thiếu tá Chirkin gọi tới thông báo Sư trưởng vừa nhận được một chiếc Willy và ông ta yêu cầu Chirkin chọn một lái xe kinh nghiệm cho nó. Chirkin đã đề cử tôi làm lái xe cho Sư trưởng một thời gian, cho đến khi tìm được người thay thế phù hợp và có kinh nghiệm. Liên tưởng đến kinh nghiệm không hay hớm gì về lần thiên chuyển theo một lời đề nghị không chính thức đã làm tôi bị kết tội đào ngũ, tôi do dự, nhưng Chirkin đã thuyết phục cho đến khi tôi đồng ý. Ngay hôm đó, Chirkin đưa tôi đến hậu cứ sư đoàn gặp chỉ huy đơn vị ô tô, sáng ngày 15/11, tôi bắt đầu phục vụ tại sở chỉ huy Sư đoàn.
Phục vụ Sư trưởng Sư 354 bộ binh V.N.Dzhandzhgava
Chúng tôi đến Sở chỉ huy an toàn, nó nằm bên bờ phải sông Narev, cách sông khoảng 8km và ngay bên đường Serotsk – Pultusk. Có nhiều boongke ở đây, chúng là nơi trú đóng tất cả các đơn vị cơ bản của sở chỉ huy sư đoàn: Trung tâm hành quân, chỉ huy pháo binh, chỉ huy trinh sát, một boongke dành riêng cho Sư trưởng, một boongke cho trung đội cảnh vệ chỉ huy sở và một cho ban tham mưu của Sư trưởng. Tất cả đều được ngụy trang hoàn hảo. Sau khi tới Sở chỉ huy, tôi được phân vào boongke dành cho các lái xe và nhân viên điện đài của Sư trưởng. Trong số họ tôi chỉ thấy một người quen là Thượng sĩ Kostia Alekhin, người tôi đã thay thế hè vừa rồi. Anh ta đã bình phục vết thương được một thời gian và tiếp tục lái chiếc xe trước đây. Anh chỉ cho tôi chiếc Willy của sư đoàn. Nhìn bề ngoài, chiếc xe rõ ràng là không phải mới rời khỏi nơi lắp ráp. Tôi xem xét mọi thứ, kiểm tra bộ chế hòa khí, khởi động động cơ, vào số và bắt đầu chạy thử. Vô lăng đã mòn và nứt, phanh tồi. Tôi chưa thể làm gì với nó ngay lúc này vì bộ phanh xe dùng thủy lực mà tôi thì chẳng có chút dầu phanh nào. Tôi báo cáo những điều mình phát hiện được với Chirkin và dự đoán những biện pháp sửa chữa tạm thời mình sẽ làm. Chỉ huy đơn vị ô tô báo cáo Sư trưởng về việc chuyển giao chiếc Willy và Sư trưởng nói nên đi gọi Chirkin về hậu cứ Sư đoàn. Tôi chuẩn bị chiếc Willy cho chuyến đi đầu tiên và độ 1h rưỡi sau, một viên sĩ quan cấp tiểu đoàn của Dzhandzhgava chạy tới ra lệnh cho tôi đánh xe tới boongke của Sư trưởng. Tôi phóng chiếc jeep thẳng đến trước boongke, thượng sĩ lái xe Kostia Alekhin, trung sĩ Roman Trushin, cai đội Mai và thiếu tá Chirkin trèo lên xe. Sau đó đại tá Dzhandzhgava, mặc chiếc áo khoác dạ đen kiểu Cossack, và viên sĩ quan tiểu đoàn bước ra khỏi boongke. Sư trưởng lên ngồi cạnh tôi, nhìn tôi chăm chú và nói: “Ah… anh chàng người Siberi… cậu đã trở lại à? Cậu không bỏ tôi mà đi lần nữa chứ?” Chúng tôi phóng về hậu tuyến, hay chính xác hơn là tới nhà tắm. Phòng tắm hơi nằm tại khu vực đóng tiểu đoàn quân y, trên suốt quãng đường Alekhin và Sư trưởng nói đủ thứ chuyện. Chúng tôi nhanh chóng đến nhà tắm.
Sau khi tắm xong và mặc lại quần áo, cai đội Mai bước đến bên tôi. Ông ta là người già nhất trong chúng tôi và lái chiếc xe tải GAZ của sở chỉ huy. Thay cho thùng xe, chiếc xe tải có một cabin lớn chứa toàn bộ đồ đạc cá nhân của Sư trưởng. Chiếc xe tải ít được sử dụng vì thế Mai có nhiều thời gian rỗi, khi đó anh ta trở thành cần vụ dự bị của chỉ huy sở. Người cần vụ chính là Anton Piradze thường phải ra ngoài thực thi công vụ cho Sư trưởng và Mai thay thế anh ta khi đó. Mai là một người khôn ngoan và nhiều kinh nghiệm, người dân tộc Do thái[28] Mai nói với tôi cách di chuyển ưa thích của Sư trưởng, tức là phóng nhanh phanh gấp. Tôi làm theo cách đó khi chở mọi người quay lại sở chỉ huy. Chúng tôi lao nhanh hết mức có thể dọc những tuyến đường quân sự ướt đẫm vì mưa. Chuyến du hành trôi qua trong những tiếng cười sảng khoái vì những giai thoại mà Dzhandzhgava kể. Khi ngoặt vào con đường hẹp dẫn tới boongke chỉ huy, còn cách đó độ 90m thì tôi tăng tốc lên 35km/h. Lúc đó Sư trưởng đang ngồi nghiêng, vai phải hướng vào kính chắn gió. Khi chiếc jeep vọt tới trước cổng vào boongke chỉ huy tôi đạp phanh. Sư trưởng không chuẩn bị cho việc đó nên không phản ứng kịp và bị chúi về phía trước theo quán tính, húc đầu vào kính trước. Trong khi va chạm, chiếc mũ lông cừu kiểu Cápcadơ bay khỏi đầu ông rơi xuống mui xe (cabin không được che vải dầu). Tôi cảm thấy kinh hãi, những người ngồi ghế sau ngừng bặt tiếng cười. Sư trưởng trừng trừng nhìn tôi như muốn xé tôi thành từng mảnh. Ông ta cứ nhìn tôi như vậy trong hai hay ba giây mà tôi tưởng như cả giờ đồng hồ. Sau đó ông cười vang, vỗ vai tôi và nói: “Chú khá! Hãy luôn dừng xe theo kiểu đó!” Tôi cũng cười và tất cả mọi người bật cười vang trở lại. Rồi đột nhiên Dzhandzhgava ngưng cười, bước lại gần hơn một chút và hỏi: “Cậu vừa sợ tôi phải không?” Tôi trả lời yếu ớt: “Không.” Sau đó ông nói: “Cậu biết ai sợ tôi không? Những kẻ mà công việc của chúng không có một chút giá trị gì là những kẻ phải sợ tôi.” Tôi đã bắt đầu lần phục vụ thứ hai cho Sư trưởng Sư đoàn bộ binh 354 như thế đó.
Vào thời điểm tôi gia nhập Sở chỉ huy sư đoàn, Sư trưởng có 4 chiếc xe:
1. GAZ-A với cabin thay cho thùng xe, người lái Mai, đóng vai trò “kho hàng” di động.
2. GAZ-57, loại Willy do Nga sản xuất, người lái Kostia Alekhin sinh năm 1913. Chiếc xe thường được sử dụng cho những chuyến đi về hậu phương.
3. Opel Kapitan, một chiếc xe Đức chiến lợi phẩm, người lái Roman Trushin sinh khoảng năm 1910. Sư trưởng cũng có khi chọn chiếc này để tới Sở chỉ huy Quân đoàn hoặc Tập đoàn quân nhưng chỉ trong trường hợp đường tốt. Sư trưởng cũng hay chọn nó khi đến nhà tắm.
4. Willy – chiếc xe của tôi. Sư trưởng chủ yếu đi chiếc này tới các trung đoàn và tiểu đoàn tiền tiêu, trong thời tiết xấu hoặc đường xá tồi tệ.
Chiếc jeep của tôi được gọi vui là “con ngựa chiến” còn tôi được gọi là “Nikolai Kẻ tử vì đạo” vì tôi phải đi gần như hàng ngày và luôn trong những điều kiện tồi tệ. Thêm vào đó, Sư trưởng có hai điện đài
viên Kostia Shibeko và phụ tá của anh ta là Volodia; một đầu bếp Sasha; một trung sĩ quân y Mariia Kuz’minichna Baturova, người trước đây đã được nhận huân chương “Dũng cảm” khi còn là y tá đại đội; và hai cảnh vệ mà tôi không còn nhớ được tên. Ngày thứ hai phục vụ Sư trưởng, viên sĩ quan tùy tùng lệnh cho tôi đánh xe đi nhận quân phục mới. Bộ quân phục của tôi quá bẩn thỉu, dính đầy dầu mỡ trong thời gian tôi phục vụ tại trung đội sửa chữa của trung đoàn pháo, và tôi không tìm thấy chỗ nào để giặt nó. Họ cấp cho tôi một bộ đồng phục mới và sạch khiến tôi bắt đầu trở nên giống với một tài xế của Sư trưởng. Trong ngày thứ ba và thứ tư, chúng tôi tới thăm Sư trưởng của Sư đoàn bên cạnh, Sư 193 Bộ binh, trong ngày sinh nhật ông: Thiếu tướng Anh hùng Liên Xô A.G. Frolenkov. Tại đó, tôi đã quen với các đồng nghiệp lái xe tại các sư đoàn khác. Chuyến viếng thăm sở chỉ huy của vị Anh hùng Liên Xô là một điềm tốt, chỉ ít lâu sau, trước khi tháng 12 bắt đầu, tôi đã được mang tới cho Dzhandzhgava bộ quân phục cấp tướng đầu tiên của ông. Vì thành công trong việc giữ vững đầu cầu Narev trong tháng 10/1944, Đại tá Dzhandzhgava đã được nhận danh hiệu Anh hùng Liên Xô và thăng chức thiếu tướng.
Cuối tháng 11 đầu tháng 12/1944, lễ kỷ niệm lần thứ ba ngày thành lập Sư đoàn tôi đã được tổ chức rộng rãi. Trong thời gian diễn ra buổi tiệc, cả bọn Đức và quân ta đều đang trong tình trạng phòng ngự, vì vậy chúng tôi có điều kiện tổ chức một lễ kỷ niệm ra trò. Vài cuộc hội hè đã diễn ra tại câu lạc bộ sư đoàn nằm dưới hầm ngầm bên bờ phải sông Narev. Tham gia có cả khách từ các sư đoàn bên cạnh: lính tăng, pháo binh, các chỉ huy Quân đoàn và tướng Batov chỉ huy Tập đoàn quân 65, người đã tới tham gia trong 1h rồi rời khỏi, trong khi cuộc hội hè chỉ kết thúc vào nửa đêm. Tổng cộng có khoảng 300 người tham gia buổi tiệc. Tôi vẫn còn nhớ người hay nhất trong số đó, một thiếu tá tham mưu trưởng một lữ đoàn tăng. Trước năm mới 1945, Tập đoàn quân của tôi quay lại nằm dưới sự chỉ huy của Phương diện quân Belorussia 2 mà chỉ huy vẫn là chỉ huy cũ của tôi, Nguyên soái Rokossovskii. Các binh sĩ thuộc Phương diện quân Belorussia 2 của tôi và Phương diện quân Belorussia 3 bên cạnh tham gia vào nhiệm vụ tiêu diệt quân địch ở Đông Phổ, chúng có khả năng đe dọa quân ta trên đường tiến tới Berlin.
Chương 7: CUỘC TẤN CÔNG CUỐI CÙNG
Ngày 5/1/1945, chỉ huy Tập đoàn quân 65, Đại tướng P.I. Batov, tới thăm sư đoàn tôi. Ông cùng Sư trưởng Dzhandzhgava đi kiểm tra các vị trí dự kiến sẽ dùng để chọc thủng tuyến phòng ngự Đức trong chiến dịch sắp tới. Các vị tướng mặc áo khoác da cừu nhưng chỉ đội mũ sĩ quan bình thường và không đeo cầu vai. Các sĩ quan tùy tùng vẫn ở lại Sở chỉ huy Sư đoàn trong khi tôi lái xe đưa các vị tướng ra tiền tuyến. Khi tôi lái, các tướng nói chuyện về cuộc tấn công sắp tới, về sự chuẩn bị cho nó và về ngày dự kiến khởi sự. Tôi nghe được Batov nói với Dzhandzhgava: – Anh biết không, quân Mỹ ở Ardennes đã kiệt sức và rút chạy như vịt tới 300km về tuyến sau. Churchill đã đề nghị Stalin: “Vì Chúa, hãy sớm bắt đầu cuộc tấn công của ông.” Chúng ta sẽ phải bắt đầu tấn công sớm một tuần. Phải sẵn sàng cho mọi thứ. Nhờ vậy, tôi biết được Tổng hành dinh đã xúc tiến ngày khởi sự cuộc tấn công của quân ta lên sớm hơn.[29]
Đột phá khẩu được xác định ở đối diện vị trí một trong những tiểu đoàn pháo chống tăng quân ta. Tôi dừng xe và trong khi các vị tướng nói chuyện với đám pháo binh. Tôi kẹp cặp đựng bản đồ của Sư trưởng vào dưới nách, đóng vai trò một sĩ quan tùy tùng, tôi tiến lại một giao thông hào dẫn ra tuyến đầu. Tôi đi xa khỏi chiếc Willy khoảng 200m thì dừng lại chờ các vị tướng và hi vọng họ cho phép đi cùng ra tuyến đầu. Các tướng rời khỏi đám pháo binh và đi về phía tôi, tướng Dzhandzhgava lấy lại cặp đựng bản đồ và bảo tôi quay lại chiếc Willy. Tôi xin được đi cùng ra tuyến đầu nhưng ông từ chối: “Không có việc gì cho anh làm ngoài đấy cả, và không có anh thì bọn Đức cũng đã có quá đủ mục tiêu ở đó rồi.”
Tôi quay lại xe chờ trong khi các vị tướng tiến hành cuộc quan sát, tiếp đó họ đi xem các tuyến hào, boongke và ụ súng để kiểm tra sự sẵn sàng và tinh thần binh sĩ. Trong thời gian chờ đợi, tôi ngồi với một vài đồng đội và nói với họ: “Các anh biết không, đang có một vụ náo loạn ở phía sau chỗ sở chỉ huy sư đoàn. Ai đó đã pháo kích vào chiến tuyến Đức nhưng cả trinh sát quân ta và bọn Đức đều không thể hiểu nổi những loạt đạn xuất phát từ đâu.” Tôi nhìn họ, cả đám mắt sáng lên, liếc nhìn nhau cười nhăn nhở rồi nói cho tôi biết ai đã bắn. Số là khi bọn Đức rút lui sau cuộc tấn công đầu tháng 10 của chúng, quân ta chiếm lĩnh một số vị trí cũ của địch để làm thành chiến tuyến mới. một số binh sĩ phát hiện một nơi đã từng là điểm đặt “Vaniusha”, loại pháo phản lực sáu nòng của bọn Đức có tiếng rít giống tiếng lừa kêu khi phóng đạn. Ngay khi nghe tiếng rít đặc thù của Vaniusha, quân ta lập tức kêu: “Anh em ơi, lũ lừa! Nấp mau!” Điều đó có nghĩa là những quả đạn phản lực đang nhắm vào chúng tôi và sau đó nổ tung. Khi bọn Đức rút chạy, chúng bỏ lại hàng đống loại đạn phản lực này, có vẻ chúng đã chuyển quá nhiều đạn đến vị trí đó. Nhóm binh sĩ đã phát hiện số đạn nghĩ bụng thử bắn chúng xem sao. Họ lấy một quả, đặt nó nằm lên thành công sự rồi bắn một phát tiểu liên vào ngòi nổ dưới đít quả rocket. Quả đạn phụt lửa và bay về phía chiến tuyến Đức, vì vậy bọn Đức không thể hiểu nổi cái gì đã bắn chúng và từ đâu.
Khi các vị tướng quay lại sau cuộc thăm viếng tuyến đầu, tôi kể với họ về “những kẻ phá hoại hòa bình” kể trên. Tướng Batov nói: “Tốt, cho chúng tôi xem.” Đám lính và viên trung sĩ của họ liền cho họ xem ngay tại chỗ cách họ “bắn” quả rocket. Xem xong Batov nói: “Tôi chẳng mang theo gì, chỉ có tấm Huân chương Sao Đỏ này. Tôi tặng thưởng nó cho trung sĩ vì đã tìm ra một “kỹ thuật” quấy rối địch. Phần thưởng dành cho các binh sĩ của anh sẽ thuộc trách nhiệm của Vladimir Nikolaevich (Dzhandzhgava)”. Tôi quay lại chỗ chiếc Willy, các vị tướng cũng tới sau đó, trong ánh hoàng hôn, chúng tôi quay lại Sở chỉ huy Sư đoàn 354.
Lời chú của Britton:
“Trong thời gian chiến sự tạm lắng sau khi cuộc phản công của quân Đức vào đầu cầu Narev tháng 10/1944 thất bại, cả 2 phía đều chuẩn bị cho cuộc tấn công của quân đội Soviet trong mùa đông sắp tới. Cuộc chạy đua trong việc chuẩn bị này tỏ ra không cân sức – việc tăng cường cho các đơn vị Đức trên Mặt trận phía Đông bị ép theo kế hoạch tấn công Ardennes trên Mặt trận phía Tây của Hitler. Các cuộc không kích dữ dội của quân Đồng Minh rút cuộc cũng đã bắt đầu làm hệ thống cung cấp nhiên liệu của nước Đức thiệt hại nặng. Lúc này, Tổng hành dinh đã trở nên cực kỳ lão luyện trong việc bố trí nhân lực và vật lực vượt trội tại các điểm dự định dùng làm đột phá khẩu, một trong số đó chính là trường hợp của Phương diện quân Belorussia 2 do Rokossovskii chỉ huy tại các đầu cầu ở Pultusk và Serotsk nằm về hai phía của đầu cầu Narev. một sĩ quan tham mưu Đức phục vụ tại một sư đoàn thiết giáp trong chiến dịch này sau đó đã tính ra rằng Phương diện quân Belorussia 2 đã vượt trội đối phương 7/1 về bộ binh, 18/1 về pháo và từ 10 đến 12/1 về tăng – thiết giáp trên đoạn chiến tuyến từ Pultusk đến Serotsk.”[30]
Tại các đầu cầu giữa Pultusk và Serotsk, Phương diện quân Belorussia 2 của Rokossovskii đã nhồi nhét tới hai Tập đoàn quân 65 và 70 cộng với Quân đoàn Xe tăng Cận vệ số một “Sông Đông”. Quân đoàn Xe tăng này thường hiệp đồng tác chiến với Tập đoàn quân 65 và giờ lại một lần nữa phối hợp trong cuộc tấn công sắp tới. Quan trọng hơn, Tổng hành dinh còn chuyển giao toàn bộ Tập đoàn quân 5 Xe tăng cho
Phương diện quân của Rokossovskii mà quân Đức không hề hay biết. Tuy nhiên, Tập đoàn quân Xe tăng này chiến đấu ở phía bắc khu vực Tập đoàn quân của Litvin, tại đầu cầu Rozan, vì vậy mà mặc dù đây là lực lượng có đóng góp lớn vào chiến công của Phương diện quân Belorussia 2 trong chiến dịch Đông Phổ, nó đã không được đề cập trong lời kể của Litvin.
Trong các tuyến chiến hào đối diện với Phương diện quân Belorussia 2 của Rokossovskii cũng là một địch thủ quen thuộc – Tập đoàn quân 2 Đức, vẫn là cái Tập đoàn quân (chí ít là trên giấy tờ) đã từng bị đập tan ở sông Dnepr tháng 8/1943. Nhưng giờ đây Tập đoàn quân 2 Đức thậm chí còn yếu hơn xưa nhiều với phần lớn quân tăng cường là những thiếu niên hoặc người chưa qua huấn luyện. Các sư đoàn Đức đối diện đột phá khẩu của Tập đoàn quân 65 tại Narev là một phần của Quân đoàn 27 Đức. Theo thứ tự bố trí từ bắc xuống nam, chúng gồm các Sư 542, Sư 252 và Sư 35 Bộ binh. Tuyến phòng thủ của quân Đức quanh đầu cầu Pultusk tuy dày đặc nhưng lại chỉ có lực lượng phòng thủ mỏng. Tuyến thứ nhất do binh lính tự đào đắp gồm ba đường hào có chiều sâu phòng thủ từ 1,5km đến 2km. Hai km sau tuyến phòng thủ thứ nhất là tuyến thứ hai, đây là nơi đặt các công sự của pháo binh trực thuộc các sư đoàn. 2km-4km sau đó nữa là tuyến thứ ba với các đường hào được đào trước các hào chống tăng và trước các chướng ngại vật chống tăng. Tuyến phòng thủ thứ tư nằm cách tuyến đầu khoảng 12km, tại đó các tiểu đoàn công binh vẫn đang xây dựng trận địa.[31]
Các tuyến phòng ngự này được dựng lên để ngăn chặn bằng được cuộc tấn công của quân đội Soviet, người Đức đã rút ruột nhân lực để tăng cường cho chúng. Tuy nhiên, vào thời điểm tháng 1/1945, thật khó có thể cung cấp đủ người ở mọi chỗ. Ví dụ tại mặt trận Pultusk, Sư 252 Đức chỉ có hai trung đoàn với gần 1.000 sĩ quan và binh lính bảo vệ một đoạn chiến tuyến dài 12km.[32] Ban chỉ huy Tập đoàn quân 2 Đức có hàng loạt mối lo vì thực tế họ chỉ có duy nhất một sư đoàn làm dự bị, Sư 7 Thiết giáp, đang được bố trí ở khu vực Ciechanow là nơi tiếp giáp giữa các Quân đoàn 27 và 23 của Tập đoàn quân. Ngay trước cuộc tấn công của quân đội Soviet, theo tính toán của viên Sư trưởng, Sư 7 Thiết giáp chỉ còn khoảng 2/3 lực lượng tăng. Khoảng một nửa số tăng đó là loại Mk 5 “Panther”, nửa còn lại là loại Mk 4 cũ hơn. Ngay cả khi Sư trưởng đánh giá tinh thần đồng đội giữa các binh sĩ là “tốt”, sự thiếu hụt nhiên liệu và đạn dược vẫn sẽ cản trở hiệu quả chiến đấu của Sư đoàn.[33]
Kế hoạch của Tổng hành dinh đối với Phương diện quân Belorussia 2 của Rokossovskii là đột phá từ các đầu cầu ở Pultusk, Serotsk và Rozan, sau đó tiến theo hướng chung là tây – tây bắc và chiếm một vài đầu cầu qua sông Vistula ở giữa Marienburg về phía bắc và Kulm về phía nam. Từ đoạn này, mục tiêu hướng đến của Phương diện quân Belorussia 2 trở nên kém rõ ràng, Tổng hành dinh cho rằng quân Đức tại Đông Phổ sẽ vội vã bỏ chạy về phía bờ biển Baltic. Khi đó, Phương diện quân của Rokossovskii có thể có hai lựa chọn khác nhau là bao vây Đông Phổ hoặc tiến thẳng về Berlin. Tuy nhiên trong thời gian trước mắt, các tập đoàn quân 65 và 70 ở cánh phía nam Phương diện quân Belorussia 2 vẫn tiến theo hướng chung về phía tây, tiếp tục phối hợp với cánh phía bắc của Phương diện quân Belorussia một do Nguyên soái Zhukov chỉ huy cũng xuất phát từ Warsaw tiến về phía tây.
Tiến lên!
Ngày 10/1/1945, Sư 354 Bộ binh có vài sự thay đổi về chỉ huy. Đại tá Vorob’ev, Sư phó phụ trách chiến đấu và xây dựng trận địa được thăng chức và rời sư đoàn, Đại tá Strunin tới thay thế. Đại tá Grokhovskii, chỉ huy pháo binh sư đoàn, cũng được thăng chức lên sĩ quan cấp quân đoàn. Chạng vạng tối ngày 13/1, tôi đưa Sư trưởng và nhóm giúp việc của ông tới một điểm quan sát, nhóm đó gồm trung tá Os’kina chỉ huy hành quân, các sĩ quan chỉ huy trinh sát và pháo binh. Điểm quan sát đặt tại bìa rừng chỉ cách tuyến đầu 60m, không xa boongke của Tiểu đoàn Xung kích 25. Tôi lái xe đưa các chỉ huy đến giữa rừng rồi họ tự đi bộ đến điểm quan sát. Trước khi đi, tướng Dzhandzhgava lệnh cho tôi đem bữa sáng tới cho ông vào lúc 9h sáng mai, ngày 14/1. Khi các sĩ quan đã đi khỏi, tôi giúp một nhóm pháo thủ chống tăng đưa ba khẩu 76mm vào vị trí ngay trên tuyến đầu, tại đó họ có thể bắn thẳng vào các vị trí địch. Các pháo thủ này thường phải lăn pháo lên bằng tay nên họ rất sung sướng có được một cái đầu kéo như chiếc jeep của tôi. Trong vòng 1h, tôi đã kéo xong cả 3 khẩu pháo vào vị trí trên tuyến đầu. Đêm ngày 13 và ngày 14/1 không yên ả, không ai ngủ được mấy. Đại bác, pháo phản lực nhiều nòng “Katiusha” và “Andriusha” di chuyển tới tuyến xuất phát. Mọi người vào vị trí và chuẩn bị cho trận đánh. Các trung đoàn bộ binh tập trung đầy các tuyến hào tiền tiêu. Tâm trạng của mọi người – từ người lính bộ cấp thấp nhất đến vị tướng chỉ huy – đều phấn chấn: Tất cả đã sẵn sàng cho trận đánh quyết định.
Ta đã bình tĩnh chuẩn bị cho một cuộc tấn công nữa mà chúng tôi hy vọng sẽ là trận đánh cuối cùng của cuộc chiến. Các đơn vị nhận được trang bị mới và các binh sĩ được huấn luyện bổ sung để chuẩn bị cho trận đánh trong đó nhiều lần là huấn luyện bằng đạn thật. Đạn pháo HE được bắn loạn xạ vào các binh lính đang nấp trong hào, tưới đất đá và mảnh đạn lên các tuyến hào nên đã có nhiều người bị thương thậm chí mất mạng trong các lần huấn luyện đó. Quân ta cũng được huấn luyện kỹ năng chiến đấu chống xe tăng của bộ binh. Tại các cuộc huấn luyện này, binh lính núp dưới hào cho xe tăng phi qua. Những cỗ xe tăng còn vòng đi vòng lại qua các tuyến hào rồi mới tiếp tục lao về phía sau, chỉ khi đó các binh sĩ mới chồm dậy và ném những quả lựu đạn huấn luyện vào phần sau xe. Theo cách đó, những người lính học được cách chịu đựng sự sợ hãi đối với đạn pháo và xe tăng. Trước cuộc tấn công, số lượng các đơn vị trinh sát tăng lên từ ba đến năm lần và một cuộc thi đua đã được giao ước giữa họ. Những người đã chứng tỏ được mình trong các trận đánh trước đó và đã được tặng thưởng huân huy chương được hưởng một kỳ nghỉ trước cuộc tấn công tại hậu cứ sư đoàn. Cánh pháo binh thì cảm thấy kinh ngạc vì những yêu cầu đạn dược của họ không còn bị từ chối; ngược lại, họ còn nhận được nhiều đạn hơn cả số yêu cầu. Tất cả các đơn vị trên chiến tuyến đều được nhận quần áo ấm và các bữa ăn nóng sốt trước trận đánh. Tám giờ sáng ngày 14/1/1945, tôi phóng xe đến bếp và lần thứ ba thúc dục anh nuôi rằng bữa sáng của các sĩ quan đang bị chậm. Trận pháo kích chuẩn bị sẽ bắt đầu vào 11h và con đường dẫn ra tuyến đầu xuyên qua đầm lầy đang đậu đầy xe tăng. Chúng tôi đã không thể đến được chỗ các chỉ huy đúng giờ mà phải đợi cho đến khi những cỗ xe tăng tiến lên. Sasha đã thiếu sót gì đó và đến 10h30 chúng tôi mới mang được bữa sáng tới ban chỉ huy, điều đó khiến Sư trưởng nổi cáu. Sau khi ăn vội vàng, thiếu tướng Sư trưởng và các sĩ quan đều tới các vị trí của mình để chỉ đạo trận đánh. Sasha và tôi thu dọn bát đĩa chất nặng hai hộp carton rồi mỗi người bê một hộp chạy vội về chỗ chiếc Willy, nó đang đỗ cách boongke của Tiểu đoàn Xung kích 25 khoảng 300m. Sư phó phụ trách hậu cứ có lẽ sẽ đến đó.
Ôm đống bát đĩa, chúng tôi chạy xuyên rừng tới chỗ chiếc jeep. Khi đang chạy, tôi nhìn thấy những người lính cầm sẵn đạn trên tay đứng bên cạnh những khẩu cối, các pháo thủ người đứng bên hộp tiếp đạn, người nắm sẵn dây cò. Chạy được nửa đường tới chỗ chiếc Willy thì tôi nghe thấy tiếng hô đầu tiên trong ba lời hiệu lệnh từ những khẩu pháo mà tôi đã giúp kéo vào vị trí đêm qua. Chỉ một giây sau đó tôi đã nghe thấy những khẩu pháo đầu tiên khai hỏa và sau đó tất cả gầm lên, trộn lẫn với nhau thành một âm thanh khủng khiếp chưa từng thấy. Vậy là trận pháo chuẩn bị của quân ta đã bắt đầu.[34]
Đầu óc tôi nhanh chóng trở nên quay cuồng vì tiếng nổ đầu nòng của đại bác. Trong thoáng chốc tôi nghĩ về nơi phải nhận những quả đạn pháo này, chúng là cả một hạm đội và xếp thành ba hàng suốt dọc chiến tuyến. Tôi phải dừng lại trong một hố bắn của cối 82mm, đứng đó với đôi mắt đờ dại. Tay chỉ huy pháo đội cối, một thiếu úy tôi quen từ hồi anh ta còn trong lực lượng dự bị, nhận ra bản mặt thất thần của tôi, túm lấy thắt lưng trên tấm áo khoác da cừu của tôi kéo xuống hào. Không lâu sau đó, những viên đạn đại bác và cối địch phản pháo lại bắt đầu nổ tung xung quanh.
Sau khoảng 40 phút, tôi rời căn hầm của những chú lính cối hiếu khách để đến chỗ chiếc jeep, cần cho nó ra khỏi chỗ đỗ trước khi những cỗ xe tăng bắt đầu tiến lên. Tôi chạy tới chỗ chiếc xe và thấy Sasha đã ở đấy nhưng viên đại tá thì không thấy đâu. Chúng tôi chờ đợi lâu đến mức cảm tưởng như đó là một khoảng thời gian vô tận cho đến khi ông ta xuất hiện và chúng tôi lập tức lên đường quay về hậu cứ. Được độ nửa đường thì gặp một đoàn xe tăng đang tiến thẳng về phía mình, tôi buộc phải cho xe tạt sang lề phải và chạy
ngay trên mặt đầm lầy đóng băng. Dọc đường, những cỗ xe tăng của Đại tá Pustukhov nối nhau tiến về phía tây ngay bên trái tôi. Dẫn đầu là 8 chiếc tăng quét mìn, đằng trước chúng được gắn những con lăn nặng có răng rộng hơn chiều ngang chiếc tăng 1m. Khi vượt qua bãi mìn địch, những con lăn nặng này sẽ kích nổ mìn. Mỗi khi có một quả mìn nổ, con lăn quét mìn lại bật nẩy lên trên khớp nối rồi rơi trở lại trước chiếc tăng vì sức nặng của chính nó.
Chúng tôi tiếp tục đi về phía đông trên mặt băng bẩn thỉu của đầm lầy cho đến khi gặp một đường hào của một pháo đội 152mm cắt ngang. Bị con hào chặn đường, tôi quay xe sang phải và chạy song song con hào, cố gắng tìm lại con đường ở quanh đây. Đạn pháo Đức đã bắn đầu bắn vào gần đó, chúng tôi bèn bỏ chiếc jeep và nhảy xuống hào. Chúng tôi mới bò dưới hào được một đoạn ngắn thì đạn pháo địch nổ tung xung quanh. Tôi nhìn quanh và thấy một chỗ chiếc xe của tôi có thể vượt qua chỉ cách khoảng 50m phía trước. Tôi quay lại và bò về chiếc Willy. Địch vẫn tiếp tục pháo kích bằng đại bác tầm xa, điều đó cho thấy rõ ràng chúng đã xác định được vị trí pháo đội 152mm nằm bên đường này để phản pháo. Khi đã đến được đoạn hào đối diện chiếc Willy, tôi dừng lại và phân tích kiểu bắn của địch. Đạn pháo của chúng rơi và nổ mỗi 30 giây. Tôi đang nằm bẹp dưới đáy hào nên nếu một viên đạn rơi trúng chiếc xe và hất tung nó đi cũng sẽ không làm tôi hề hấn gì. Tôi đã quyết định là sẽ quay lại với chiếc jeep và lái nó đến đoạn hào trống vừa phát hiện. Tôi bò đến chiếc xe, thò tay lên khởi động máy mà người không rời mặt đất rồi chờ cho quả đạn tiếp theo nổ. Nó đến nhanh chóng và hất mảnh đạn và đất đá đầy xung quanh. Ngay sau đó tôi nhảy vào trong xe và chạy dọc đường hào. Đằng trước và bên phải lại có những quả đạn nữa nổ rất gần, tôi có thể cảm nhận được hơi nổ bao quanh chiếc xe của mình nhưng không có thời gian để mà dừng. Chiếc jeep vẫn tiếp tục chạy và nhờ nó tôi vẫn còn có cái để che chở thân mình. Tôi ngoặt xe lao xuống đoạn hào trống, sau đó đánh gấp tay lái sang trái và vọt trở lại con đường. Chiếc tăng cuối cùng trong đoàn vượt qua ngay trước tôi, gã lính tăng vẫy tay chào tạm biệt trong khi cỗ tăng tiếp tục tiến ra tiền tuyến. Tôi đã lại được ở trên mặt đường trong một tình huống thật kích động. Giờ phải quay về sở chỉ huy và tìm kiếm những hành khách của mình. Tôi chạy chậm và đến được chỗ Sư đoàn phó đầu tiên, sau đó là Sasha nhảy ra từ vệ đường. Thế là cả tổ lái đã ngồi bên nhau và chúng tôi phóng về sở chỉ huy. Tại đó tôi kiểm tra kỹ chiếc Willy và tìm thấy 6 lỗ đạn, kính chắn gió trước cũng đã vỡ tan.
Ngay khi đợt pháo chuẩn bị vừa bắt đầu, khoảng 10 trinh sát thuộc đại đội trinh sát sư đoàn bò lên khỏi chiến hào tiền tiêu, sau đó đứng dậy và thẳng người đi bộ qua “no – man’s – land” về phía chuyến tuyến địch. Được khoảng hơn 100m họ dừng lại đợi một lúc cho đến khi pháo chuyển làn bắn vào tuyến hào thứ hai của địch. Ngay lúc đó, họ lao tới chiến hào địch, thậm trí trước cả khi những phát đạn pháo kích cuối cùng vào tuyến hào đầu chấm dứt, rồi quay trở về với những tên tù binh đầu tiên. Mấy tay tù binh vẫn còn sống nhưng trông chẳng khác gì những xác chết: Chúng vẫn không thể tin được rằng mình vẫn còn sống sau một trận pháo kích như vậy. Trận pháo kích chuẩn bị cuối cùng cũng kết thúc sau 1h rưỡi. Đại bác nhắm vào các vị trí chỉ huy và quan sát của địch, các kho hậu cần, các vị trí phòng thủ kiên cố. Katiusha và Andriusha bắn hủy diệt diện rộng trên toàn bộ khu vực quân địch bố trí các tuyến phòng thủ. Bộ binh tấn công chỉ nửa giờ sau khi trận pháo kích bắt đầu theo nhịp chuyển làn của pháo, tiến sâu dần vào khu vực của địch. Pháo lăn của bộ binh, pháo tự hành Su-76 và các đơn vị hỏa lực yểm hộ trực tiếp khác cũng tiến sát theo bộ binh. Họ nã đạn vào các ổ súng máy và pháo chống tăng địch, nhờ đó cho phép bộ binh tiến lên một cách thuận lợi. Trong ngày tấn công đầu tiên quân ta đã tới được tuyến phòng ngự thứ ba của địch.[35]
Ba giờ sau khi cuộc tấn công bắt đầu, các pháo đội đại bác hạng trung và tất cả các pháo đội cối đều di chuyển về phía trước để tái bố trí. Cuối ngày đầu tiên, các trung đoàn quân ta đã tiến được tới 8km. Sư trưởng cũng chuyển điểm quan sát về phía trước khoảng 6km. Trận đánh là khó khăn, điều kiện thời tiết xấu đã hạn chế hoạt động của của không quân yểm trợ cho quân ta. Sau ba ngày đánh nhau, lực lượng chính của quân địch mới bị đập tan. Sau khi thọc sâu thành công vào tuyến phòng ngự địch, sư đoàn tôi tăng tốc, tấn công vào các đơn vị bảo vệ hậu cứ vẫn còn mạnh của địch.
Lời chú của Britton:
“Ngày 18/1, Sư 354 Bộ binh đã tham gia đánh chiếm thành phố Plonsk thuộc Ba Lan. Quân Đức đã đặt mìn gần như khắp thành phố và trận đánh diễn ra ác liệt. một đoạn hào thậm chí đã đổi chủ tới sáu lần. Khi trận đánh kết thúc, Tổng hành dinh đã tặng danh hiệu “Plonsk” cho Trung đoàn bộ binh 1199 của Sư 354.”[36]
Trong 12 ngày tiếp theo, Sư đoàn tôi tiến được gần 200km. Thời tiết quang đãng, tuy giá lạnh nhưng khô ráo và có gió nhẹ. Giống như trong mùa hè vừa rồi, các đơn vị cơ động mũi nhọn dẫn đầu đoàn quân. Các đội cơ động này di chuyển suốt ngày đêm, không cho quân địch có thời gian dừng lại nghỉ ngơi hoặc củng cố vị trí phòng thủ. Không đủ lực lượng để bịt những lỗ hổng do quân ta chọc thủng, quân địch đã tung ra bất kỳ lực lượng nào còn trong tay để cố gắng làm chậm bước quân ta: Các tiểu đoàn cảnh vệ,
Volksturm (dân quân) cùng đủ loại đơn vị trang bị nhẹ và huấn luyện tồi khác.[37]
Tại trại chăn nuôi
Khoảng một tuần sau khi cuộc tấn công bắt đầu, Sư đoàn tôi hành quân cơ giới theo sau một đơn vị đi trước. Chúng tôi nghỉ đêm trong điền trang của một người Đức giàu có và kinh ngạc trước những tiện nghi xa xỉ của nó. Sáng sớm hôm sau chúng tôi lại lên đường. Chỉ có Thiếu tướng Sư trưởng, sĩ quan tùy tùng, điện đài viên và nhóm cảnh vệ của ông cùng với tôi đi bằng chiếc jeep. Nơi chúng tôi tới là sở chỉ huy mới, nó vừa mới được cánh bộ binh Sư đoàn giải phóng vào lúc trưa.
Khoảng 9h sáng, chúng tôi bắt kịp phân đội đi trước của sư đoàn, họ đang tạm dừng để tăng cường pháo và một đội kỵ binh. Phân đội đi trước này đang ở trong một ngôi làng lớn nằm sát hàng rào một nhà máy rượu. Các binh sĩ đang ăn sáng. Ngay sau khi binh lính ăn sáng xong, Sư trưởng ra lệnh cho viên sĩ quan chỉ huy phân đội tiếp tục tiến theo hướng chỉ định ngay lập tức. Tướng Dzhandzhgava cũng muốn biết vị trí của đội kỵ binh. Chỉ huy phân đội báo cáo nhóm kỵ binh đã đi từ 1h trước theo đường tiến quân định sẵn và anh ta đang đợi thông tin từ họ. Tướng Dzhandzhgava nói không cần đợi thêm và lệnh cho anh ta tiếp tục tiến quân với hy vọng đuổi kịp đội kỵ binh hoặc bắt gặp họ trên đường trong trường hợp họ quay lại, nhờ đó ông có thể nắm tình hình phía trước theo hướng tiến quân. Chúng tôi rời làng và đi khoảng 6km mà không gặp tay kỵ binh nào nên dừng lại trên một con dốc nhỏ để quan sát xung quanh. Phía trước, cách khoảng 6km-7km về phía tây có một ngôi làng với khoảng 70 nóc nhà nằm hai bên một con đường độc đạo. Gần đó, khoảng 800m về phía chúng tôi có một nông trại. Chúng tôi có thể nhìn thấy những căn nhà lớn và nhà phụ, đó chắc là một trại chăn nuôi nhỏ với những kho cỏ và chuồng nhốt súc vật, nhà chứa nông cụ và cho người ở. Phần lớn nhà cửa xây bằng gạch với mái ngói đỏ. Chúng tôi không nhìn thấy đội kỵ binh đâu. Theo thông tin tình báo tối qua của các trinh sát, ngôi làng vẫn nằm trong tay địch. Dzhandzhgava ra lệnh sẵn sàng vũ khí rồi tiến về phía nông trại. Trước hết cần chờ nhóm kỵ binh rồi sau mới quyết định làm gì tiếp theo. Tôi hạ kính chắn gió xuống nằm ngang trên mui xe rồi đặt khẩu tiểu liên chiến lợi phẩm lên bảng đồng hồ, chĩa về phía trước. Tay điện đài viên cũng đã sẵn sàng với vũ khí cá nhân của anh ta, nhóm cảnh vệ có súng của họ và viên sĩ quan tùy tùng đã chuẩn bị sẵn một khẩu súng máy. Chúng tôi tới trang trại an toàn và lái xe vào sân trong, nhóm cảnh vệ bố trí quanh sân. Trong ngôi nhà chính có 2 người Ba Lan, họ rất hoảng sợ khi nhận thấy một viên tướng Soviet mặc áo choàng kiểu Cossack bước vào phòng nơi họ đang co rúm lại bên nhau. Những người Ba Lan nói một đại đội vận tải Đức với khoảng 150 xe ngựa / ô tô và 200 lính / sỹ quan đang ở trong ngôi làng phía cuối con đường. Theo lời họ, khoảng 20 phút trước có hai xe ngựa của bọn Đức vừa rời trang trại này. Từ những lời trao đổi của bọn Đức với nhau, những người Ba Lan nói, thì rõ ràng là bọn Đức đã lên kế hoạch bỏ làng và tiếp tục rút lui. Tuy nhiên không loại trừ khả năng bọn chúng có thể quay lại trang trại nên Dzhandzhgava ra lệnh lập một vành đai phòng thủ quanh nhà. Chúng tôi đặt khẩu súng máy trên một cửa sổ hướng vào làng và các cảnh vệ cùng một tay điện đài viên chiếm lĩnh các vị trí quanh sân. một điện đài viên khác liên lạc với Quân đoàn trưởng, ông này khiển trách sự thiếu thận trọng của Dzhandzhgava và lệnh cho ông rút khỏi trang trại. Tuy nhiên, Dzhandzhgava đã thuyết phục được Quân đoàn trưởng chấp thuận để ông giữ nguyên vị trí hiện tại.
Sau cuộc nói chuyện với Quân đoàn trưởng, Dzhandzhgava liên lạc với chỉ huy phân đội đi trước và lệnh cho một đại đội tăng cường nhanh chóng hành quân vào làng. Bất thần, tay điện đài viên thứ hai chạy vào báo cáo có một chiếc tăng thuộc loại gì đó không có tháp pháo đang tiến về trang trại. Chúng tôi chuẩn bị vũ khí chống tăng, đó là hai quả lựu đạn chống tăng, và sẵn sàng vào trận. Chiếc tăng tiến vào sân, hóa ra nó là một chiếc T34 nhưng không có tháp pháo, thay vào đó là một ụ súng máy. Chỉ huy kíp lái tăng nhảy ra khỏi xe – đó là quân ta. Đó là một chiếc tăng được hoán cải thành xe kéo của Quân đoàn Xe tăng một “Sông Đông”. Trưởng xe nói với tướng quân anh ta đang lái xe chạy loanh quanh tìm những chiếc tăng hỏng để tháo dỡ những bộ phận còn dùng được hoặc kéo chúng về sửa chữa. Tướng Dzhandzhgava thông báo tình hình cho trưởng xe và bảo anh ta ông rất muốn không cho một tên Đức nào sống sót ra khỏi làng. Tướng quân đề nghị trưởng xe lái vòng qua làng, xông vào từ phía tây để tiêu diệt bọn Đức bằng khẩu súng máy và cả bằng cách nghiến xích xe tăng lên chúng. Ngay sau khi chiếc tăng đi khỏi thì nhóm kỵ binh xuất hiện. Sư trưởng lệnh cho họ tấn công từ phía đông ngay khi nghe tiếng súng nổ ở phía tây ngôi làng. Kế hoạch diễn ra không gặp trở ngại nào. Trong vòng 20 phút toàn bộ hàng quân Đức đã bị tiêu diệt. Đám kỵ binh bắt sống khoảng 30 tù binh và giải đến chỗ Sư trưởng, gần một nửa trong số chúng là người Đức, số còn lại là người Nam Tư, Ba Lan và các nước khác. Vì thành công của trận đánh, Sư trưởng tặng thưởng kíp lái tăng những huân huy chương. Trong cuộc chiến này, các vị Sư trưởng được Soviet Tối cao Liên bang trao quyền tặng thưởng bất cứ ai có công trạng tới Huân chương Sao Đỏ nhưng riêng với sĩ quan dưới quyền thì chỉ được tặng thưởng tới huy chương “Za Otvagu”.
Graudenz và Vistula
Ngày 26/1, những chiến sĩ của sư đoàn đã đến được sông Vistula cách pháo đài Graudenz một chút về phía tây nam,[38]tại điểm dòng sông quay về hướng bắc để đổ vào biển Baltic. Sáng hôm đó, dưới sự che chở của màn sương mù dày đặc, các đơn vị thuộc trung đoàn 1199 và 2003 bộ binh cùng với một pháo đội 45mm đã thiết lập được một đầu cầu trên bờ tây con sông nhưng mặt băng quá mỏng để đưa xe tăng và pháo lớn qua.[39] Shvydkov, chỉ huy tiểu đoàn công binh chiến đấu, ra lệnh làm chệch hướng một con kênh gần đó cho nước chảy tràn lên mặt băng để khiến mặt sông đóng băng chắc hơn. Không may, thời tiết đột nhiên trở nên ấm hơn khiến mặt băng yếu đi và làm nản những nỗ lực chuyển toàn bộ Sư đoàn sang bên kia sông. Trong khi bộ binh giữ đầu cầu bên bờ tây, xe tăng và pháo binh sư đoàn vẫn phải ở lại bờ đông cùng với lực lượng hậu tuyến. Chúng tôi đã mất gần một tuần bên con sông Vistula trước khi có thể chuyển được tăng pháo qua sông. Trong khi chờ đợi điều kiện thời tiết thuận lợi hơn, sở chỉ huy Sư đoàn đóng ba ngày đêm trong một ngôi làng Ba Lan bên bờ đông cách đầu cầu không xa. Cánh lái xe chúng tôi ở trong ngôi nhà của gia đình Rakoshinskii người Ba Lan, ông ta ở đó cùng cha, vợ và cô con gái Vikhtia. Vikhtia cũng cỡ tuổi tôi và đang muốn học làm cô giáo. Tôi dành phần lớn thời gian ở bên Vikhtia. Cô ấy rất ngạc nhiên khi được gặp một người Siberi chính hiệu vì trước đây vẫn tưởng tượng người Siberi là loại nửa người nửa thú và vùng Siberi là một nơi biên cương xa xôi hoang dã. Chúng tôi nói chuyện nhiều với gia đình này – trước hết là về các nông trang tập thể vì những người Ba Lan rất sợ chúng tôi bắt họ vào làm ăn tập thể với chúng tôi. Vikhtia lúc nào cũng hát những bài tình ca bằng giọng rất hay, và đó là một trong số ít những ngày dễ chịu của tôi trong suốt cuộc chiến.
Vào những ngày cuối tháng 1, trong khi quân ta vẫn đang cố gắng chuyển các lực lượng còn lại qua sông Vistula, chúng tôi nhận được một mệnh lệnh kỳ lạ: “Dzhandzhgava, chuyển một trong các trung đoàn của anh trở lại bên này sông – một lực lượng khoảng 10.000 tên Đức đang di chuyển về hướng hậu tuyến Tập đoàn quân 65 dọc theo bờ đông.” Đây là số quân Đức đã chạy khỏi Torun và đang tìm cách vượt vòng vây.[40] Vào lúc đó, ba trung đoàn bộ binh của sư đoàn cùng một số pháo hạng nhẹ đã vượt sông Vistula nhưng lực lượng hậu tuyến và phần lớn pháo binh vẫn còn đóng trên bờ phải nằm ngay trên đường đi của bọn Đức. Dzhandzhgava ngay lập tức rút Trung đoàn Bộ binh 1199 khỏi đầu cầu qua sông Vistula và phối hợp với các đơn vị của Sư 193 Bộ binh cùng một số đơn vị khác tiêu diệt toàn bộ lực lượng Đức. Hơn 7.000 tên Đức đã bị bắt làm tù binh. Với việc gỡ bỏ được mối đe dọa này, chúng tôi đã rảnh tay quay lại với nỗ lực đưa các bộ phận còn lại qua bờ trái sông Vistula. Khi việc đó thực hiện xong, sư đoàn tôi tiến về phía bắc nhằm hướng Danzig. Khu vực phòng thủ Danzig nằm ngay trên đường tiến của quân ta và chúng tôi được lệnh phải tới đó trước khi quân địch kịp củng cố trận địa. Thời tiết trở nên ấm hơn, gần như mùa xuân mặc dù lúc đó mới là tháng 1. Chúng tôi dùng mọi cách để tiến nhanh nhất có thể. Pháo đài Graudenz đã ở phía sau nhưng chúng tôi phải để lại một lực lượng đủ để vây hãm thành phố và cuối cùng là buộc chúng đầu hàng.
Lời chú của Britton:
“Khi Tập đoàn quân 2 Đức rút qua sông Vistula, đơn vị mới được tăng cường cho nó là Sư 83 Bộ binh đã rút về Graudenz. Trong hai tuần đầu của tháng 1, Sư 83 Bộ binh cùng với cái gọi là Lữ đoàn Thay thế Herman Goering đã chống giữ thành phố như một đầu cầu tại bờ trái Vistula của Tập đoàn quân 2. Lực lượng phòng thủ thành phố chỉ có liên lạc duy nhất với đơn vị bạn là Sư 252 Bộ binh ở bờ bên kia sông Vistula. Cuối cùng, do bị ép mạnh Sư 252 phải rút về phía bắc. Ngày 15/1, Tập đoàn quân 2 lệnh cho Sư 83 bỏ Graudenz để rút lui. Tuy nhiên, Hitler bãi bỏ lệnh đó khi công bố Graudenz là thành phố “pháo đài” và cấm rút lui. Sau khi bị chỉ huy Tập đoàn quân 2 phản đối, Hitler chấp thuận cho một phần Sư 83 và Lữ đoàn Thay thế Herman Goering rút nhưng cũng lệnh cho mỗi đơn vị phải để lại một trung đoàn phòng thủ thành phố cùng với một số đơn vị Volksturm. Dù rất ngoan cố nhưng với quyết định phòng thủ sai lầm này, Graudenz cũng chỉ chống cự được cuộc vây hãm của quân Soviet thêm sáu tuần trước khi đầu hàng vào ngày 8/3 sau ba tuần lễ đánh nhau từ nhà này đến nhà khác trong thành phố.”[41]
Tại điền trang Bá Tước
Khi quân ta tiến về Danzig, tôi phải nói thêm rằng sở chỉ huy đã dừng lại 48h tại điền trang của một ông bá tước thực sự, ông ta lúc đó không ở đó mà đang phục vụ trong quân đội Đức. Đó quả là một góc thiên đường với một khu rừng trồng bao quanh, một bức tường đá vây lấy điền trang, một toà nhà ba tầng bằng đá trắng đứng sừng sững giữa sân, một nhà thờ Công giáo với cột đàn organ tráng lệ nằm bên cạnh tòa nhà chính. Khu điền trang hoàn toàn vắng lặng nhưng để phòng hờ, Kostia Alekhin và tôi vẫn lăm lăm súng ngắn khi đi kiểm tra căn nhà chính. Nó thật lộng lẫy, trong đó trưng bày những vũ khí xưa và những bộ giáp thời trung cổ. Có một bức chân dung đen trắng Hitler treo trên tường, Kostia đề nghị tiến hành một cuộc tập bắn bia nho nhỏ và chúng tôi làm liền. Mỗi người bắn ba phát nhưng không phát nào trúng được mặt Hitler, khi tôi đang chuẩn bị bắn phát thứ tư thì tướng Dzhandzhgava đi vào. Ông quát lác chúng tôi vì đã nổ súng bậy bạ rồi rút khẩu Mauser chiến lợi phẩm khỏi bao nã một phát vào bức chân dung, viên đạn găm chính giữa trán Hitler. Lại tiếp tục đi xem xét nhà thờ cùng với Kostia, chúng tôi thấy mọi thứ vẫn nguyên vẹn. Thật đáng ngạc nhiên vì bọn Đức bao giờ cũng cướp sạch các nhà thờ, mang đi hết những thứ có giá trị như tượng, đèn treo và đồ dùng mạ vàng. Chúng tôi không động vào thứ gì trong nhà thờ. một chiếc đàn organ khổng lồ được gắn trên tường, đường kính ống đàn lớn nhất phải hơn 30cm và cao hơn 10m. Kostia biết chơi piano và ngồi xuống trước phím đàn. Cậu ta gõ thử vài nốt nhưng không có tiếng động nào phát ra. Kostia bèn bấm một nút trên có ghi chữ “Motor” nhưng chẳng có động cơ nào khởi động: Ở đây làm gì có điện. Tôi đành phải ra chỗ cái cần phía sau để bơm khí vào cây organ. Khi đã có khí vào, Kostia thử chơi một điệu nhạc nhảy Nga quen thuộc là “Komarinskii” nhưng không ra sao cả, điệu nhạc nhảy sôi động không thích hợp với âm thanh trầm và dài của đàn organ. Tiếp đến chúng tôi chơi nhạc của Bach, âm thanh uy nghi của giai điệu đã làm Dzhandzhgava chú ý và đi sang nhà thờ. Ông đề nghị Kostia chơi bài hát Georgian được nhiều người biết là “Suliko”, Kostia hát bằng tiếng Nga còn Dzhandzhgava bằng tiếng Georgian. Sau đó Kostia chơi tiếp một điệu nhảy Georgian nổi tiếng, Lezginka, và Dzhandzhgava nhảy theo một cách xuất sắc! Tôi đã từng thấy ông biểu diễn điệu nhảy này lần đầu tại một buổi lễ của lực lượng SMERSH trong làng Vul’sk-Zatorsk, lần thứ hai tại lễ kỷ niệm ba năm thành lập sư đoàn, và lần thứ ba là khi đến thăm tướng Frolenkov.
Trong các tủ và ngăn kéo, chúng tôi tìm thấy rất nhiều quần áo xịn. Viên sĩ quan tùy tùng cho chúng tôi chọn vài thứ để gửi về cho gia đình làm quà và chúng tôi sung sướng làm theo. Tôi gửi hai bộ vét và hai chiếc áo khoác cho hai đứa em trai, chúng đang làm việc tại các nhà máy quốc phòng. Sau này, mỗi khi chúng tôi phát hiện được chiến lợi phẩm, chỉ huy lại cho phép gửi về nhà mỗi tháng một thùng đồ không quá 10kg. Tôi đã gửi về nhà một số đồ hậu cần, chủ yếu là quần áo vì trong thời chiến không tìm đâu ra cái thay thế cho những bộ quần áo sờn rách. Sau khi vượt sông Narev, chúng tôi đi xuyên qua đất nước Ba Lan mà hiếm khi gặp những người dân thường. Chúng tôi di chuyển liên miên và thường là chẳng có thời gian đâu mà làm phiền dân địa phương. Cũng có vài trường hợp một viên sĩ quan mất tích: Ai đó nghỉ qua đêm ở đâu đó, rớt lại phía sau và “biến mất” một thời gian.
Lời chú của Britton:
“Tình hình thay đổi khi Hồng quân tiến vào nước Đức. Ham muốn báo thù trỗi dậy mạnh mẽ ở phần lớn trong số họ, sau nhiều năm chiến tranh và sự chiếm đóng tàn bạo của người Đức đã hủy diệt vô số trang trại, làng mạc và gia đình người Liên Xô. Litvin có nói về chủ đề này nhưng không đưa ra bằng chứng cá nhân nào về những hành động tàn bạo chống dân thường như các nguồn tài liệu khác. Các bằng chứng từ cả hai phía dân thường và cựu binh Nga cho biết chỉ có các lực lượng tiếp quản đi sau mới phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo quá mức đối với dân thường. Nhiều người trong số họ vốn là tù nhân được vơ vét vào Hồng quân hoặc đã từng sống lâu dài trong vùng tạm chiếm, bị quân Đức chiếm đóng đối xử tàn bạo. Sự giáo dục và kỷ luật quân đội trong những đơn vị lính phần lớn là tân binh nghĩa vụ này cũng thấp hơn nhiều cánh lính cựu phục vụ tại các đơn vị tuyến đầu.”
Quân ta có cướp bóc không? Không rõ. Trong nhiều tính huống cần đánh giá một cách thận trọng vì đó thường chỉ là việc vượt quá quy định một chút. Không việc gì phải cướp bóc cả; sau tất cả, những người lính chỉ thỉnh thoảng cần một chút gì đó để ăn và uống cho thích đáng. Khi bạn tấn công, bao giờ cũng thu được chiến lợi phẩm. Chúng tôi đã bắt gặp rất nhiều kho hậu cần và hàng hóa của bọn Đức dọc đường tiến quân nhưng nhà bếp quân ta bao giờ cũng cung cấp gấp ba lần số cần thiết.
Lúc đó và sau này cũng có phụ nữ bị cưỡng bức, tôi xin kể lại một chuyện xảy ra gần Vistula, trong một khu định cư của người Đức. Chúng tôi định nghỉ đêm tại một ngôi làng ven đường. Chỉ huy trinh sát quyết định cho vài trinh sát tiến vào làng để chắc rằng không còn quân địch ở đó. Ông ta cử ba trinh sát thực hiện nhiệm vụ này – hai chiến sĩ và Masha, một phụ nữ người Cossack trong đội trinh sát. Họ rời đường cái vào làng và không tìm thấy tên lính Đức nào ở đó, chỉ có những căn nhà yên ắng. Trong một trong những ngôi
nhà đó nhóm trinh sát tìm thấy một phụ nữ trung niên sống cùng hai cô gái trẻ, một trong hai cô là con gái bà ta, cô kia là con dâu vợ người con trai đang là sĩ quan Đức. Nhóm trinh sát hỏi họ vài câu rồi quay ra để về sở chỉ huy báo cáo. Khi cả nhóm đã ra ngoài hành lang ngôi nhà, Masha đột nhiên nói: “Lũ ngu! Các anh do dự cái gì thế? Chồng cô ta đang chiến đấu chống lại các anh mà các anh để cô ta lại một mình thế à? Hãy nhìn xem: Máu cô ta có pha sữa đấy!”[42] Hai tay trinh sát trao đổi vài câu ngắn gọn rồi hiếp trước hết là vợ viên sĩ quan Đức, sau đó là cô gái kia.
Vài giờ sau khi nhóm trinh sát quay lại sở chỉ huy sư đoàn, bà mẹ người Ba Lan xuất hiện tại sở chỉ huy cùng hai cô con gái và đòi gặp sư trưởng Dzhandzhgava. Ông đưa bà ta vào văn phòng và nghe hết câu chuyện về vụ hãm hiếp, sau đó lệnh cho toàn đội trinh sát xếp hàng trước sở chỉ huy để bà mẹ nhận mặt thủ phạm. Đi dọc hàng lính, người phụ nữ Ba Lan nhận ra hai kẻ đã cưỡng bức con bà và Masha. Dzhandzhgava lệnh cho họ bước khỏi hàng rồi đưa họ vào văn phòng mình để thẩm vấn, những người này đều nhanh chóng nhận tội. Dzhandzhgava mời những người phụ nữ Ba Lan tới và nói với bà mẹ: “Chúng tôi đã tìm ra những kẻ thủ ác. Theo luật của chúng tôi, tội ác phải bị trừng phạt nghiêm khắc. Hình phạt là hành quyết.” Nghe thấy từ “hành quyết”, người phụ nữ Ba Lan trở nên bối rối. Bà ta liếc nhìn hai cô con gái rồi hỏi: “Có cách nào để giữ cho họ khỏi bị bắn không?” Chính ủy Butsol trả lời: “Các đồng chí đó chỉ được sống trong trường hợp các con gái bà đồng ý lấy họ.” Cô con dâu của người phụ nữ Ba Lan đã lập gia đình, vì thế cô ta chỉ đơn giản là tha tội cho một trong hai kẻ hiếp dâm. Cô con gái còn lại miễn cưỡng chấp nhận sự dàn xếp này và chịu chia sẻ cuộc đời với tay trinh sát kia. Chúng tôi không kiếm đâu ra một linh mục, vì vậy sĩ quan kiểm sát viên quân sự được đề nghị đứng ra làm “chủ lễ” và anh ta nhanh chóng tuyên bố hai người là vợ chồng. Để hoàn tất vụ dàn xếp, Dzhandzhgava giao một xe ô tô cho đám trinh sát và cho phép họ tới nhà của người phụ nữ Ba Lan để cử hành lễ cưới. Sáng hôm sau, các trinh sát quay lại sư đoàn và tiếp tục tiến quân, để lại phía sau các cô gái Ba Lan.
Tại sao Masha lại thúc giục đồng đội tiến hành vụ hãm hiếp? Chắc chắn chị ta đã từng chứng kiến những gì bọn Đức chiếm đóng đã làm khi còn ở vùng Kuban trên sông Volga. Sự chiếm đóng của người Đức trên đất nước chúng tôi thật sự cực kỳ tàn bạo.
Tới Dazig
Lời chú của Britton:
“Quyết định chuyển hướng Phương diện quân Belorussia 2 của Rokossovskii về phía bắc nhằm hướng Danzig và khu vực ven biển Baltic là một quyết định gây tranh cãi ngay từ khi nó mới được đưa ra. Cả Rokossovskii và Zhukov đều phản đối việc phân tán các lực lượng đang trực chỉ Berlin. Khi các tập đoàn quân 65 và 70 cùng với Quân đoàn Xe tăng Cận vệ một “Sông Đông” ngoặt về hướng bắc, họ đã tách rời khỏi cánh phải Phương diện quân Belorussia một của Zhukov khiến Phương diện quân này bị hở sườn khi tiến về phía tây nhằm hướng Berlin. Việc đề ra quá nhiều mục tiêu tham vọng kiểu như vậy trong một chiến dịch đã từng gây những hậu quả tai hại cho Hồng quân trước đây. Chỉ có sự yếu kém của quân đội Đức vào thời điểm đó mới ngăn được những tai họa tương tự xảy ra. Mặc dù vậy, quyết định tách Phương diện quân Belorussia 2 khỏi Phương diện quân Belorussia một chắc chắn cũng khiến cho việc tiến quân của Zhukov chậm lại. Các nhà sử học chiến tranh cũng phê phán quyết định này. Nhà sử học Max Hastings mô tả việc chuyển hướng Phương diện quân Belorussia 2 tách khỏi cánh phải của Zhukov là “quyết định chiến lược tồi tệ nhất của Tổng hành dinh trong giai đoạn cuối cuộc chiến – và Tổng hành dinh ở đây đương nhiên chính là Stalin.”[43]
Phương diện quân Belorussia 2 trở nên lúng túng vì phải một mình tiêu diệt toàn bộ cụm quân Đông Phổ của lực lượng Đức và chiếm cứ Danzig. Tuy việc này thành công nhưng nó lại khiến cho Phương diện quân Belorussia một phải một mình chống chọi với một cuộc tấn công không mong đợi từ phía bắc. Ngày 15/1/1945, Tập đoàn quân Thiết giáp SS số 11 do Felix Steiner chỉ huy đã thử lợi dụng điểm hở sườn trên cánh phải Phương diện quân Belorussia một tại khu vực Stargard. Tập đoàn quân Thiết giáp SS 11 là một tập hợp hỗn tạp các sư đoàn SS đã suy giảm sức chiến đấu, trong số đó có rất nhiều các đơn vị lính ngoại quốc gồm các sư “Wallonian”, “Nederland” và “Nordland”. Với tổng cộng 300 xe tăng vào pháo tấn công, Tập đoàn quân Thiết giáp SS 11 vẫn còn là một lực lượng tấn công mạnh của quân Đức vào thời điểm đó. Tuy nhiên nó vẫn là quá yếu dù chỉ là để tấn công vào một mục tiêu nhỏ hơn. Sau khi đã thọc được vào cánh phải của Zhukov, Tập đoàn quân Thiết giáp SS 11 đã không thể khép miệng cái túi mà họ cố gắng tạo ra và Chiến dịch phản công “Sonnenwende” đã phải hủy bỏ chỉ sau ba ngày đánh nhau dữ dội. Mặc dù vậy, cuộc tấn công này cũng đủ để cảnh báo cho Stalin cần giảm nhịp độ tấn công của Zhukov và Konev vào Berlin. Tổng hành dinh đã lệnh cho Konev và Zhukov chỉ tiếp tục tăng tốc tiến về Berlin sau khi đã giải quyết mối đe dọa từ hai cánh tại Ponerania và Silesia.”
Tuyến đường tới Danzig phải vượt qua nhiều con sông và nhiều nơi đi xuyên qua rừng. Quân ta phải tiến từng km, qua từng đoạn sông suối và khu dân cư bằng những trận đánh với quân thù. Thời tiết thay đổi thất thường, tuyết đang tan và thỉnh thoảng có mưa – mà bây giờ mới là tháng một – cũng có lúc lại có tuyết rơi.
Lời chú của Britton:
“Tình trạng đáng báo động của quân Đức tại Prussia cuối cùng đã buộc Hitler phải chấp nhận chuyển một số sư đoàn đang bị giam chân trong cái túi Courland sang Đông và Tây Phổ. Tập đoàn quân 2 Đức, lực lượng đang dần tan rã dưới sức ép không ngừng từ các tập đoàn quân thuộc cánh trái của Rokossovskii, nhận được sự tăng cường đều đặn từ các sư đoàn đang rút khỏi Courland này. Với việc rút khỏi Graudenz, Tập đoàn quân 2 thu lại được Sư 83 Bộ binh, một trung đoàn của nó đã bị mất vì phải bảo vệ thành phố “pháo đài” này. Sau khi cánh trái của Phương diện quân Belorussia 2 vượt sông Vistula và chuyển hướng về phía Danzig, Tập đoàn quân 2 tiếp tục nhận được lực lượng tăng cường từ cái túi Courland, bao gồm các sư 32 và 215 Bộ binh cùng với Sư 4 Thiết giáp. Phần lớn các sư đoàn này đã không có đủ thời gian giành lại chỗ đứng chân mà chúng đã mất vào cuối năm 1944.
Với sự tăng cường từ Courland, Tập đoàn quân 2 cố gắng tổ chức một tuyến phòng ngự tại Tuchelder Heide, một vùng rừng lớn nằm về phía tây Vistula và phía nam Danzig. Địa hình tại đây cho phép bố trí các trận địa phục kích và phòng ngự có khả năng gây thiệt hại nặng cho quân tấn công. Nhưng các sư đoàn của Rokossovskii lại chọn tấn công vào các đơn vị Volksturm được tổ chức vội vàng, trang bị yếu kém và không có kinh nghiệm chiến đấu vốn được người Đức dùng chỉ đề củng cố phụ thêm cho tuyến phòng ngự. Mỗi khi có một vị trí do các đơn vị Volksturm trấn giữ bị chọc thủng là dẫn tới các sư đoàn chính quy lọt vào vòng vây. Do liên tục bị đe dọa bao vây và sức ép không ngừng từ Phương diện quân Belorussia 2, các sư đoàn chính quy của Tập đoàn quân 2 đã phải chạy khỏi hết vị trí này tới vị trí khác, tới tận Danzig và bờ biển Baltic.”
Đâu đó giữa sông Vistula và sông Cherek, chúng tôi nghỉ đêm trong một khu trại. Tay điện đài viên đặt máy xuống và đưa tai nghe cùng microphone cho sư trưởng. Tướng Frolenkov, Anh hùng Liên Xô và là sĩ quan chỉ huy Sư 193 Bộ binh ở bên trái chúng tôi đang gọi. Lúc đó là khoảng 5h chiều, trung đoàn cánh
phải của Sư 193 đã bị tụt lại sau trung đoàn cánh trái của chúng tôi là Trung đoàn 1203 khoảng 10km và đang gặp nhiều vấn đề. Quân địch đã thọc vào lỗ hổng đó và đang cố gắng cắt rời để tiêu diệt trung đoàn đang tụt lại của Sư 193. Tướng Frolenkov đề nghị được giúp đỡ.
Hôm đó là một ngày ướt át, tình trạng đường sá tồi tệ. Các bộ phận của sư đoàn tôi đã dừng lại và giữ nguyên đội hình hành tiến. Dzhandzhgava lệnh cho chỉ huy Trung đoàn 1203 Bộ binh tấn công thọc sườn và bọc hậu quân địch bằng một tiểu đoàn và một pháo đội 76mm để giúp trung đoàn bên cạnh chọc thủng vòng vây. Tướng Frolenkov muốn cuộc tấn công bắt đầu vào 9h tối. Trước khi trận tấn công đêm bắt đầu, Dzhandzhgava muốn tất cả binh lính tham gia trận đánh được nhận thức ăn nóng và nghỉ ngơi 1h. Bảy giờ ba mươi phút tối, tôi được lệnh mang chiếc Willy tới. Chúng tôi phóng xe đến Trung đoàn 1203 để Dzhandzhgava có thể kiểm tra sự chuẩn bị cho trận tấn công đêm sắp tới. Chỉ có hai người chúng tôi đi với nhau – không sĩ quan tùy tùng, không hộ tống và không điện đài viên. Khi chúng tôi bắt đầu đi trời đã nhá nhem tối, bóng đêm đang tới gần nơi tiểu đoàn xung kích tập trung. Ngay trước khi chúng tôi tới ngôi làng mà tiểu đoàn nói trên được lệnh nghỉ lại thì thấy một hàng quân đang di chuyển – mọi người đều ướt như chuột, bẩn thỉu và mệt mỏi. Cả bốn khẩu đại bác của pháo đội 76mm đều ngập trong bùn ngay bên trái con đường dẫn vào làng. Mấy con ngựa đang cố gắng kéo một trong số các khẩu pháo lên khỏi bãi lầy một cách vô vọng. Thật là một cảnh tượng khốn khổ. Chúng tôi dừng lại gần chỗ mấy khẩu pháo và nhận ra hàng quân và pháo đội đang sa lầy này chính là tiểu đoàn được chỉ định tiến hành cuộc tấn công. Tướng quân hỏi đám pháo thủ: “Sao các anh lại mắc vào chuyện lộn xộn này?” một người lính già khoảng 45 tuổi trả lời: “Đồng chí Thiếu tướng, tiểu đoàn trưởng của chúng tôi vừa qua đây với vài quý cô Ba Lan và buộc các khẩu pháo phải tránh ra vệ đường. Đó là lý do chúng tôi bị sa lầy.” Trong khi tướng quân nói chuyện với các pháo thủ, tôi giúp họ kéo những khẩu pháo khỏi bãi lầy và đưa lên mặt đường rải sỏi. Khi tướng quân hỏi tiểu đoàn trưởng đâu, người lính già trả lời ông ta vừa lái xe qua khoảng bảy phút về phía đầu hàng quân của tiêu đoàn. Giờ thì cũng đã rõ là chẳng có thức ăn nóng nào cho binh lính.
Tướng Dzhandzhgava quay lại xe và lệnh cho tôi đuổi theo tiểu đoàn trưởng, đó không phải việc khó vì một chiếc ô tô chạy nhanh hơn xe ngựa nhiều. Viên tiểu đoàn trưởng đi một chiếc xe ngựa có mái che lộng lẫy, tôi đã nhìn thấy nó và từ từ lái xe lại gần, nhìn vào trong: Tiểu đoàn trưởng đang ngả đầu vào lòng một quý cô đi tất dài sáng màu, mặc váy ngắn phì phèo thuốc lá. Tôi vọt lên trước chiếc xe rồi dừng lại.
Ngay khi viên thiếu tá nhận ra tướng Dzhandzhgava, anh ta nhảy vội khỏi ghế và lao đến bên chiếc jeep: “Đồng chí Thiếu tướng…”. Dzhandzhgava có thể nói gì đây khi lời nói lắp bắp và hơi thở nồng nặc mùi rượu cho thấy rõ anh ta đang say bí tỉ. Thiếu tướng hỏi sắc lạnh: “Chỉ huy phó của anh đâu?” Rồi lệnh cho viên phó đó trình diện ngay lập tức. Sau đó Dzhandzhgava tiếp tục chất vấn viên thiếu tá, hỏi tiểu đoàn của anh ta đâu, bếp dã chiến cho binh sĩ đâu và anh ta đã chuẩn bị gì cho cuộc tấn công. Viên thiếu tá trả lời: “Không có bếp, nó ở đâu đó phía sau. Chúng tôi cũng không có đủ trang bị chiến đấu cho cuộc tấn công.” Đúng lúc này tiểu đoàn phó chạy tới cùng với một điện đài viên, viên đại úy này nói họ đang chuẩn bị cho cuộc tấn công nhưng không lập bếp ăn dã chiến nào để cung cấp bữa ăn nóng cho binh lính. Tướng quân lệnh cho điện đài viên thông báo cho trung đoàn trưởng của họ rằng viên tiểu đoàn trưởng đã bị cách chức chỉ huy. Chúng tôi liên lạc được với chỉ huy Trung đoàn 1203 và tướng Dzhandzhgava ra lệnh: “Gửi một xe nhà bếp đến đây ngay lập tức từ bất kỳ tiểu đoàn nào đã chuẩn bị xong bữa ăn nóng!” Thế rồi Dzhandzhgava lạnh lùng ra lệnh cho viên thiếu tá đang say xỉn hãy trình ông diện tại sở chỉ huy sư đoàn vào sáng mai. Sau khoảng 40 phút, một xe nhà bếp tới nơi và binh lính được ăn. Nhưng họ không thể làm khô người được: hôm đó mưa phùn suốt ngày. Sau một khoảng nghỉ ngắn, họ đã tiến hành thành công cuộc tấn công và hoàn thành nhiệm vụ dù rằng vì những gì kể trên cuộc tấn công đã chậm so với kế hoạch 1h. hi viên thiếu tá tới trình diện vào sáng hôm sau, Dzhandzhgava tháo luôn cầu vai của anh ta rồi ra lệnh: “Ba tháng tại tiểu đoàn xung kích!” (Tại Sư 354 Bộ binh chúng tôi có Tiểu đoàn Xung kích 25 dành cho các sĩ quan sai phạm và hai đại đội trừng giới độc lập 261 và 263 dưới quyền điều động trực tiếp của sư trưởng). Vậy là, chỉ vì để người ta biết được lúc mình uống và con đường mình đi lúc say, viên thiếu tá đã bị giáng chức và gia nhập tiểu đoàn xung kích trừng giới. Tướng Dzhandzhgava là một người cực kỳ tôn trọng kỷ luật. Ông không thể chịu nổi những kẻ hèn nhát và phạt nặng những kẻ say xỉn trong khi thi hành nhiệm vụ (thật ra ông không quan tâm nếu một người lính thường phạm những lỗi đó, nhưng phạt nặng các sĩ quan).
Quy định của Hồng quân là thuộc cấp phải tuyệt đối tuân lệnh, nhưng tất cả các chỉ huy và sĩ quan tôi từng phục vụ và chiến đấu dưới quyền đều cư xử đúng mực và tôn trọng cấp dưới. Tất nhiên là cũng có một số tên bạo chúa ti tiện nhưng tôi chưa từng phải liên quan trực tiếp với kẻ nào như vậy. Tôi nhớ có một tay trung úy già ở pháo đội bên cạnh hồi còn là lính pháo binh, một tay người Belorussia, thích quát to: “Tôi đã ra lệnh! Đó là mệnh lệnh!” Tất nhiên, mọi sĩ quan đều ra lệnh, nhưng theo kinh nghiệm cá nhân của tôi họ thường ra lệnh một cách hợp lý, lịch sự và không bao giờ với vẻ ngạo mạn. Chúng tôi thực hiện những mệnh lệnh kiểu đó nhanh chóng hơn. Thông thường, các vị chỉ huy của tôi là người tốt, xuất thân
công nông và thăng tiến dần trong quân đội. Hai trung đoàn của sư đoàn tôi dễ dàng tiến tới cách Danzig 20km nhưng Trung đoàn 1199 đã phải dừng lại trước một quả đồi nhỏ do một đơn vị địch cố thủ. Dzhandzhgava cho trung đoàn trưởng Piatenko thêm một đêm để chiếm quả đồi và nói với ông ta: “Chiếm cái gò đó bằng bất cứ giá nào!” Tối hôm đó, Piatenko tập hợp một đội trinh sát tình nguyện, họ bí mật bao vây quả đồi trong bóng đêm, bò đến gần chiến hào quân địch rồi bất ngờ xung phong ào ạt. Họ nhanh chóng khuất phục quân địch: chỉ có 72 tên phòng thủ quả đồi, họ để 30 tên được sống, chỉ bắt làm tù bình. Sáng hôm sau khi tới quả đồi, chúng tôi thấy ở đó chả còn ai ngoại trừ vài lính thông tin đang kéo đường dây. Trung đoàn 1199 Bộ binh đã chiếm quả đồi rồi đi ngay. Chúng tôi đuổi theo trung đoàn và khi đuổi kịp thì thấy người ta đang kéo một số tù binh ra khỏi hàng. Chúng là những lính Vlasov đã bị bắt sống trong trận đánh đêm qua.[44] Piatenko đang đi dọc hàng tù binh, trong số đó có năm hay sáu tay người Uzbek. Tôi không rõ chuyện gì đã thực sự xảy ra nhưng sau đó nghe những người chứng kiến kể lại rằng khi Piatenko đi dọc hàng tù binh, ông ta nhận ra một trong số họ là bạn học cũ. Đúng lúc Piatenko vung tay tát kẻ đó thì một tay Uzbek khác bất thần rút khẩu súng ngắn giấu trong người (rõ ràng đám tù binh đã không bị khám người cẩn thận) và bắn một phát vào Piatenko. Phát đạn trúng Piatenko nhưng chỉ gây một vết thương phần mềm. Chúng tôi phóng đến chỗ đó trên chiếc Willy và Dzhandzhgava nhận ra những người Uzbek. Ông đã từng gặp vấn đề với lính người Uzbek trong thời gian diễn ra trận Kursk, nhiều lính Uzbek quân ta làm nhiệm vụ trinh sát đã chạy sang phe địch.
Có hai khẩu súng máy đặt gần đó và tướng Dzhandzhgava bước tới một khẩu, nã một loạt đạn dài vào đám tù binh Vlasov. Cả đám nằm lăn ra đất.
Dzhandzhgava gầm lên: “Đứng dậy! Quân hèn hạ thối tha! Chúng mày không được phép chết như những người bình thường!” Dzhandzhgava đã chỉ bắn sượt qua đầu bọn tù binh vì lúc này đã có lệnh chính thức cấm hành quyết tù binh. Tối hôm đó khi chúng tôi quay lại chỉ huy sở của Dzhandzhgava, một kiểm sát viên quân sự đã có mặt ở đó, đang chờ ông. Tay kiểm sát viên hỏi: “Thế nào, Dzhandzhgava, có phải hôm nay ông đã hành quyết cả đống tù binh không?” Dzhandzhgava giải thích chuyện gì đã xảy ra, tay kiểm sát viên im lặng nghe rồi hỏi: “Còn tay Piatenko thuộc cấp của ông, ông ta đã làm gì?” Ngay đêm đó, để đề phòng, Dzhandzhgava gọi Piatenko đến rồi viết cho ông ta một lệnh thiên chuyển về Moscow theo học tại một viện nghiên cứu quân sự. Vượt qua sự kháng cự của bọn Đức và đồng minh của chúng, vượt qua điều kiện thời tiết khốn nạn và tình trạng đường sá tồi tệ, vượt qua cả những dòng sông cả bé lẫn to, chúng tôi đã tới khu vực phòng thủ “pháo đài” Danzig, lúc này do Quân đoàn 27 trực thuộc Tập đoàn quân 2 Đức bảo vệ. Chúng chính là lực lượng đã đánh nhau với chúng tôi suốt từ đầu cầu qua sông Narev tới đây.
Lời chú của Britton:
“Rokossovskii đã rất kiên quyết không dừng lại trước Danzig khi Phương diện quân Belorussia 3 gặp vấn đề ở Konigsberg. Ông đã quyết định tấn công Danzig ào ạt bằng Tập đoàn quân 65, Tập đoàn quân Xung kích 2 và một số bộ phận khác của Phương diện quân Belorussia 2. Tập đoàn quân 65 đã tấn công qua vùng rừng phía tây thành phố hướng vào khu vực ngoại ô Emaus.”
Lúc này, lực lượng của các trung đoàn đã mỏng tới mức nguy hiểm. Sư trưởng cố gắng tăng cường các đơn vị tuyến đầu nhưng thậm chí ngay cả sau khi được tăng cường mỗi trung đoàn cũng chỉ có khoảng 40% quân số theo quy định. Tuy số chiến thắng của quân ta nhiều không đếm xuể nhưng đều phải dựa vào sự khéo léo hoặc hỏa lực yểm trợ. Thay vì 3.000 người cho mỗi trung đoàn, giờ chỉ còn lại 700-800, các tiểu đoàn teo lại chỉ bằng cỡ đại đội (120-170 người). Tuy nhiên hỏa lực pháo binh thì ngày càng mạnh, giờ chúng tôi có thể quyết định trận đánh bằng pháo, nếu sức phòng ngự của bọn Đức mạnh, quân ta sẽ tập trung nã đại bác vào đó.
Những cỗ xe tăng của Quân đoàn Xe tăng Cận vệ một “Sông Đông” cũng đóng góp to lớn khi chúng tôi đánh chiếm các ổ đề kháng của địch. Với sự cố gắng của họ, quân ta đã chọc thủng được vòng ngoài tuyến phòng ngự Danzig và tiến sát thành phố. Đây là những gì một tên sĩ quan tham mưu Đức của Quân đoàn 27 bị bắt làm tù binh đã nói trong cuộc thẩm vấn: “Nhiệm vụ của quân đội chúng tôi chỉ cứng nhắc là phòng thủ. Cuộc tấn công của các anh gây nhiều bất ngờ cho chúng tôi. Bản thân tôi đã nghĩ và được báo cáo rằng Tập đoàn quân 65 Nga quá yếu để có thể tấn công liên tục qua hàng loạt vị trí mà không có tăng cường hoặc các hình thức nâng cao sức mạnh khác. Tuy nhiên, các anh đã vào trận với hàng quân đoàn xe tăng hạng nặng và cục diện lập tức thay đổi bất lợi cho chúng tôi.
Danzig
Để xác định chính xác đâu là điểm kết thúc vùng ngoại ô và bắt đầu thành phố thực sự là không thể. Toàn bộ vùng bờ vịnh Danzig trên biển Baltic từ cửa sông Vistula đến Mũi Khel’ đều dày đặc khu dân cư mà chẳng có ranh giới hay khoảng trống nào. Vì vậy, ba thành phố ven biển Danzig, Sopot và Gdynsk hợp lại thành một đô thị khổng lồ nằm dọc bờ biển với chiều dài khoảng 45km. Sở chỉ huy Sư đoàn dừng lại đóng tại khu vực ngoại ô Emaus của Danzig. một hải cảng lớn, một căn cứ thủy quân và một pháo đài bất khả xâm phạm bằng gạch đá với tường dày, đường hầm và công sự – đó chính là Danzig.[45] Lực lượng phòng thủ Danzig được yểm trợ bằng hải pháo từ các tàu chiến của hạm đội Đức đang đậu trong vịnh. Tuy nhiên không quân Đức tại đây yếu và ít có khả năng gây phiền phức cho quân ta. Ngược lại, không quân ta là bá chủ tuyệt đối vùng trời Danzig. Tại đây lần đầu tiên tôi được thấy một cuộc oanh tạc đường không ồ ạt. Đầu tiên là các máy bay ném bom và cường kích mặt đất IL-2 “Shturmovik” bay theo đội hình cấp sư đoàn và quân đoàn. Khoảng 60-80 chiếc tiêm kích yểm trợ cho mỗi đợt ném bom như vậy chống lại các máy bay tiêm kích địch.
Lúc đó khi không phải dùng điện đài để trao đổi, cánh điện đài viên thích chuyển sang tần số của các máy bay ném bom nghe họ nói chuyện. Các chỉ huy phi đội thông báo vị trí, hướng, mục tiêu các loại – một số tấn công tàu Đức, số khác đánh vào bến cảng hoặc cầu tàu, số khác nữa ném bom thẳng vào thành phố, những nơi tập trung quân địch và các mục tiêu dưới đất khác. Trận chiến trong thành phố có nhiều khó khăn và mất mát. Quân địch được che chở trong các tòa nhà vốn được chuẩn bị sẵn cho một cuộc phòng thủ lâu dài. Những bức tường đá dầy của các tòa nhà trong thành phố chịu được thậm chí cả đạn pháo lớn nhưng dù sao những phát đạn cũng đủ để khiến quân địch chạy ra. Thay vì sử dụng các tiểu đoàn hoặc đại đội thông thường, Sư trưởng thiết lập những nhóm xung kích đặc biệt. Mỗi nhóm gồm một trung đội bộ binh, hai đến bốn pháo tự hành, một vài chi đội công binh và đôi khi thêm một vài đội súng phun lửa. Chiến thuật này đã thành công trong việc đánh chiếm từng tòa nhà, từ tầng này đến tầng kia, từ phòng này sang phòng nọ. Chúng tôi cũng luôn phải lăn pháo hạng nặng tới gần các tòa nhà để nã đạn thẳng vào chúng. Chiến thuật xung phong của quân ta thường như sau: Đám lính trang bị tiểu liên (avtomatchiki) vào vị trí chuẩn bị tấn công. Pháo binh bắn thẳng vào các cửa sổ tầng dưới cùng trong khi avtomatchiki bò tới gần các lối vào. Khi các avtomatchiki đã tới được cách tòa nhà 15m pháo binh chuyển sang bắn tầng hai, cùng lúc các avtomatchiki xông vào nhà quét sạch tầng một. Tiếp đó pháo binh sẽ nâng lên bắn tầng ba trong khi bộ binh tiến lên quét nốt những tên địch còn sót lại ở tầng hai và cứ thế lên cao dần. Các máy bay ném bom quân ta đã phá hủy nhiều tòa nhà ở Danzig, trước hết là những tòa nhà mà quân địch trú đóng, trụ sở của quân đội, kho hậu cần và cả các cơ sở công nghiệp quân sự. Sư trưởng thường xuyên đi bộ đến các vị trí quan sát vì gần như không thể đi bằng ô tô: tất cả các con đường chính trong thành phố đều bị gạch vụn phủ kín. Bọn Đức cũng thường nhanh chóng phát hiện sự di chuyển của xe cộ để gọi pháo.
Cho thêm cái bản đồ đánh chiếm Daniz. Khoanh đen chỉ hai tập đoàn quân 65 A và 70 A. Cái vòng dài mầu đen là hướng tiến quân đánh vòng phía tây của tập đoàn quân 65 vào hướng Daniz. Tập đoàn quân 70 thì chiếm cảng Gdanhia (phía trên Daniz) Thành phố Daniz khoác màu xanh lá cây.
Tôi vẫn nhớ rõ đạn pháo đã phá tan những bức tường nhà ngay trước mắt tôi như thế nào. Nhà sập cũng là một mối nguy hiểm khác trong thành phố. Hai lần tôi đã chứng kiến cảnh đổ nhà khi đang lái xe quanh khu vực quân ta đã chiếm được, một trong số đó là tòa nhà ngay sát cạnh tòa nhà hội đồng thành phố. Tôi
cũng đã thoát chết trong một lần khác, khi đang chạy chầm chậm trong một hàng xe cộ trước một tòa nhà đã rệu rã vì đạn pháo thì thình lình nó đổ sập xuống chỉ 5m trước tôi và nghiền nát một ụ đại liên phòng không bên dưới. Vì vị trí của tôi là tài xế nên không có nhiều việc để làm trong thời gian đánh nhau, tôi bèn xin phép sĩ quan tùy tùng cho mang chiếc jeep đến đại đội sửa chữa của sư đoàn để sửa nhưng anh ta không đồng ý mà chỉ cho phép nghỉ để sửa xe sau khi hạ được Danzig. Vì sĩ quan tùy tùng không cho phép, tôi đành cố gắng tự giải quyết những vấn đề của chiếc xe nhưng riêng hệ thống lái thì dù tôi đã cố hết sức vẫn không được đảm bảo, chiếc xe có thể mất lái bất kỳ lúc nào. Tầm 25/3, sở chỉ huy sư đoàn chuyển vị trí tới đóng tại tòa nhà hạ viện. Cuộc tấn công cuối cùng của ta vào thành phố bắt đầu ngày 26/3. Cuối ngày 27/3 chúng tôi đã tiến được vào trung tâm thành phố. Sư 354 của tôi tiến theo các đường Weinbergstrasse và Karthauserstrase tới tận bờ con sông cắt đôi thành phố. Tối 27, Sư trưởng báo với tôi là ông muốn đến một điểm quan sát vào 9h sáng hôm sau. Chiếc Willy phải sẵn sàng vào lúc đó và rất có khả năng chúng tôi sẽ phải đi dưới làn đạn địch.
Sáng hôm sau, một nhóm phối hợp hành động đầy đủ trèo vào chiếc jeep: Sư trưởng, tham mưu trưởng, chỉ huy tình báo, các điện đài viên và cảnh vệ. Chúng tôi đi được khoảng nửa đường an toàn nhưng ngay khi vào tầm bắn của địch thì những quả đạn pháo bắt đầu nổ tung bên trái tôi. Tôi phóng xe đi được thêm khoảng 200m dưới làn đạn thì bất đồ Dzhandzhgava lệnh cho tôi rẽ phải. Vô lăng quay một cách dễ dàng quá mức nhưng chiếc Willy thì vẫn tiến thẳng về phía trước với những quả đạn pháo địch nổ tung xung quanh. Tôi hiểu rằng chiếc xe đã mất lái và đạp phanh. Tất cả mọi người nhảy khỏi chạy tới núp dưới mái vòm một tòa nhà cao tầng. Tướng quân hỏi tôi cái gì đã xảy ra và tôi báo cáo lại việc viên sĩ quan tùy tùng đã không cho phép tôi mang xe đi sửa. Người sĩ quan tùy tùng đã bị kỷ luật vì vụ này nhưng tôi cũng không cảm thấy mình có một hành động anh hùng cho lắm. Giao một trong số các cảnh vệ cho tôi toàn quyền điều động, tướng quân và các sĩ quan khác đi bộ đến điểm quan sát trong khi tôi và người cảnh vệ ở lại bên chiếc Willy. Bằng nhiều cách chúng tôi đã đưa được chiếc xe về đại đội sửa chữa của sư đoàn. Dọc đường, chúng tôi tạt vào sở chỉ huy lấy một ít xì gà, thuốc lá, kẹo và một số thứ chiến lợi phẩm khác chưa sử dụng để mang cho các chàng trai của đại đội sửa chữa. Trên đường ra khỏi thành phố, chúng tôi nhìn thấy một nhóm lính đang đứng quanh một tòa nhà lẻ loi, nhìn bộ dạng họ thì rõ là trong nhà có hầm rượu. Chúng tôi đổ vào thùng tới 20 lít champagne để uống dần và cầm thêm vài chai vang. Chúng tôi tiếp tục lên đường, thỉnh thoảng lại dừng vì lý do này khác, một trong các lần đó là vì một đơn vị lính Ba Lan đang dàn trận. Trong trận đánh giải phóng Danzig, một lữ đoàn tăng của quân đội Ba Lan (Lữ đoàn Xe tăng một Ba Lan) chiến đầu cùng chúng tôi. Lữ đoàn này được đặt danh hiệu “Những người hùng của Westerplatte”, chỉ huy là một ông đại tá Mamotin nào đó. Lữ đoàn có rất nhiều lính nói tốt tiếng Nga và phối hợp với họ khá dễ dàng. Họ chiến đấu ở vị trí sát bên tay trái sư đoàn tôi trong nhiều trận đánh. Chúng tôi phóng xe ra khỏi thành phố, đường nhựa chuyển thành đường nông thôn lát đá. Thật khó chịu nếu phải bò xuống dưới chiếc xe, trên mặt đường nhớp nháp đầy phân súc vật này để siết lại thanh kéo tay lái, vì vậy chúng tôi quyết định cứ đi mà không lái. Con đường đã bị bánh xe xẻ thành rãnh sâu nên nếu chúng tôi cứ đi theo những rãnh đó sẽ không bị chệch ra ngoài. Để rẽ chúng tôi dùng một cái cọc gỗ sồi rút từ một hàng rào, khi đó tôi sẽ dừng xe để chú cảnh vệ trèo lên đầu xe, chống một đầu cọc vào mặt trong một trong hai bánh trước rồi tì vào khung xe mà bẩy từ từ cho bánh xoay về hướng mình muốn đi.
Chúng tôi đến được đại đội sửa chữa an toàn vào tối hôm đó, khi mọi người đang chuẩn bị bữa tối. Ai nấy đều cười ầm lên khi chúng tôi đánh xe vào với một “người cầm lái” trên đầu xe (chính là chú cảnh vệ ngồi trên nắp máy). Trước những kẻ đang cười cợt mình, chúng tôi phóng xe diễu một vòng tròn vành vạnh đầy oai vệ rồi đỗ xịch ngay cạnh xưởng sửa chữa. Qua ba ngày được tướng quân cho nghỉ để sửa xe, tôi đã hoàn thành mọi sửa chữa cần thiết cho chiếc Willy. Giờ thì tôi có thể lái thoải mái trong ba tháng tới.
Ngày tàn của cụm quân Đông Phổ
Khi tôi trở lại Danzig thì trận đánh chiếm thành phố đã kết thúc. Sở chỉ huy sư đoàn rời đến khu vực suối nước khoáng trong thành phố để chỉ huy binh lính mới đây còn đánh nhau tại một vũng neo tàu. Sư đoàn đã tung vào trận cả đại đội huấn luyện do Đại úy Vasillii Vasilevich Grechukha chỉ huy. Đại đội này luôn nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Sư trưởng và ông chỉ dùng nó khi tình thế đã đến lúc bắt buộc. Đại đội vừa ngăn được một cuộc tấn công dữ dội của bọn Đức, chúng định thọc ra bờ biển với hi vọng có thể di tản bằng đường thuỷ. Trong một công viên um tùm cây cối nằm ven biển thuộc khu vực trách nhiệm của sư đoàn tôi, quân địch tập trung tới 5.000 xe quân sự và cả xe dân sự có khả năng dùng vào mục đích quân sự nhằm di tản chúng vào sâu trong nội địa. Tuy nhiên cuộc tấn công mạnh mẽ của ta và tiếp theo đó là cụm quân Đông Phổ bị tách rời khỏi nước Đức đã ngăn không cho chúng di tản số xe này. Trong số xe chiếm được có xe tải và xe con thuộc đủ các nước châu Âu, Mỹ và thậm chí cả xe Nga; xe tăng và pháo tự hành; xe buýt và xe điện bánh hơi; xe đầu kéo và đủ loại xe cộ khác. Tất cả số xe này đều để trần dưới những tán cây, phần lớn chúng vẫn trong tình trạng tốt nhưng tất cả đều không có nhiên liệu. Các trận oanh tạc của không quân ta đã ngăn không cho tàu địch vào cảng mang số xe này đi. Đại tá Mamotin, chỉ huy Lữ đoàn Tăng một Ba Lan, tới gặp tướng Dzhandzhgava đề nghị được chọn một số xe cho lữ đoàn của ông. Rất nhiều sĩ quan, chuyên gia và thủy thủ của Hải quân Đức đã bị thộp tại quân cảng, trong số đó có cả thủy thủ đoàn của nhiều tàu ngầm Đức đang được sửa chữa ở Danzig. Tất tật đám đó cỡ 6.000 người. Chỉ huy quân đội Đức đã hi vọng di tản số người này bằng tàu ngầm nhưng Quân đoàn 105 Bộ binh ta đã làm chấm dứt cố gắng này. Trong cảng mọi người đều trở thành tù binh và mọi thứ đều trở thành chiến lợi phẩm.
Ngày 30/3/1945, Moscow bắn pháo hoa chào mừng việc đánh chiếm Danzig, Sopot và Gdynsk. Stalin gửi điện cảm ơn những người lính của tướng Dzhandzhgava đã chiến đấu xuất sắc để chiếm được Danzig (nay là Gdansk). Chiều ngày 3/4, tướng quân, Alekhin và tôi đánh xe đến bờ cảng Danzig cách sở chỉ huy không xa. Xung quanh thật tĩnh lặng và chúng tôi muốn đánh dấu việc mình đã đi và đã đến Danzig bằng cách tắm biển ở đây! Nhưng nước quá lạnh khiến chúng tôi lập tức nhảy lên bờ. Vậy là kết thúc cuộc tiến công của quân ta bắt đầu từ đầu cầu Pultusk – Serotsk trên sông Narev và kết thúc ở bờ biển Baltic, tại thành phố pháo đài Danzig. Đó cũng là dấu chấm hết cho cụm quân Đông Phổ của quân đội Đức, giờ thì quân địch chỉ còn mỗi việc cố ngăn quân ta bao vây và nghiền nát chúng ở Berlin. Trong trận Danzig, quân ta đã bắt sống 10.000 sĩ quan và binh lính địch, 140 xe tăng và pháo tự hành, 356 đại bác và đủ thứ tài sản khác như lương thực và trang thiết bị.[46]
Tới Stettin
Lời chú của Britton:
“Sau khi Danzig thất thủ, Tổng hành dinh giao cho Phương diện quân Belorussia 2 của Rokossovskii một nhiệm vụ khó khăn. Rokossovskii được lệnh chuyển hướng 180 độ các tập đoàn quân của ông và vừa phải duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu, vừa tiến 350km về phía tây để tiếp quản tuyến phòng ngự dọc sông Oder hiện đang do một bộ phận của Phương diện quân Belorussia một giữ. Điều đó sẽ cho phép Zhukov tập trung lực lượng của mình để công phá Berlin. Khi tới nơi Rokossovskii sẽ phải lập tức tung các tập đoàn quân của mình đánh vượt sông Oder, cắt rời tuyến phòng ngự của Tập đoàn quân 3 Thiết giáp Đức, đẩy chúng trở lại biển Baltic rồi tiêu diệt. Việc này cũng sẽ giúp bảo vệ cánh phải phương diện quân của Zhukov khi nó tiến về Berlin.”
Ngày 6/4, sư đoàn tôi di chuyển về hướng Stettin bằng đủ loại xe cộ và cả bằng đi bộ. Đoàn xe có thể vận chuyển nguyên một trung đoàn với đầy đủ pháo và cối đi chừng 100km, tới đây trung đoàn xuống xe, sắp xếp lại hàng ngũ và tiếp tục hành quân bằng chân trong khi đoàn xe quay lại đón một trung đoàn khác. Cũng trong ngày 6/4, nhiệm vụ của tôi tại sư đoàn thay đổi: Một tài xế riêng của sư trưởng đã tới, tôi chuyển chiếc Willy cho anh ta rồi quay về với đại đội sửa chữa, một kỹ thuật viên của đại đội, Thiếu úy S. I. Gorshkov, lệnh cho tôi lái chiếc Opel Kapitan 1939 chiến lợi phẩm được chỉ định giao cho chỉ huy Kiểm sát viên quân sự sư đoàn sử dụng, từ bãi xe ở Danzig đến vị trí mới. Tôi nổ máy và nghe thấy có tiếng vòng bi vỡ nhưng không có thời gian để sửa chữa tại chỗ, tuy nhiên tôi cho là mình sẽ đưa được chiếc xe tới vị trí mới của đại đội sửa chữa cách đây khoảng 10km-15km tại thị trấn nhỏ Altdamm. Thế còn hơn là mang nó đi hơn 300km tới vị trí mới của Tiểu đoàn Vận tải 473. Đường từ Danzig đến Stettin rất tuyệt. Chiều rộng làn đường tới 18m và mặt đường được phủ bê tông. Tất cả các chỗ rẽ và ngã tư đều có biển chỉ đường. Tôi chưa từng thấy một con đường nào như vậy trong đời. Theo các câu chuyện tiếu lâm lưu hành trong cánh lái xe, con đường này có tên là “Xa lộ Hitler” và mới được làm ngay trước chiến tranh. Thị trấn nơi đặt đại đội sửa chữa nằm cách siêu xa lộ Hitler vài km. Gần như toàn bộ dân cư thị trấn đã chạy qua bên kia sông Oder. Thị trấn không bị chiến tranh động tới, tất cả nhà cửa vẫn còn nguyên. Các cư dân có vẻ như đã vội vã rời bỏ nhà cửa của mình vì nhiều gia súc và tài sản cá nhân đã bị bỏ lại. Cả thị trấn chỉ còn năm hay sáu người già cả và vô số chó mèo ở lại. Trong một ngôi nhà, một gia đình đã bỏ lại cả một bà già tàn tật. Quân ta đã tình cờ tìm được bà đang chui dưới gầm giường và lính quân y đã chăm sóc bà ta.
Chiếc Opel Kapitan tới nơi mà không có vấn đề gì lớn xảy ra và tôi giao nó cho một trung đội sửa chữa. Sau đó tôi được giao một chiếc xe tải Ford V-8, một trong số những chiếc xe chiến lợi phẩm thu được ở Danzig. Cỗ máy này đã đi qua 42.000km và giờ rơi vào tay tôi. Tôi đánh chiếc Ford vào bãi và bắt đầu kiểm tra tất cả các bộ phận, phụ tùng, mối nối. Trong khi tôi làm việc, một con chó vàng nhỏ trụi lông chạy tới chỗ tôi, tôi cho nó ít thức ăn và nó ở bên tôi suốt ngày hôm đó. Sáng hôm sau, con chó bắt đầu chạy quanh tôi, thế là tôi bắt đầu dạy dỗ nó giữa tiếng ồn ào của động cơ và xe cộ. Với sự khoái trá của các đồng đội, tôi đặt tên cho con chó là “Goebel”. Goebel đã chiến đấu và phục vụ bên chúng tôi cho tới ngày 20/10/1945. Nó bỏ tôi mà đi ở thành phố Liuboshin cách Kharkov không xa khi chúng tôi đang đi giao xe cho nhà máy đường “Kongresovka”. Tôi kiểm tra và đảm bảo chiếc Ford sẵn sàng hoạt động rồi được chỉ định vận chuyển trang bị chiến đấu tới một trận địa pháo phản lực và đạn dược tới các pháo đội pháo và cối của một trung đoàn bộ binh. Ở bất kỳ chỗ nào tôi qua cũng gặp những người lính và sĩ quan quen mặt. Nhiều người trong số họ đề nghị tôi ở lại đơn vị của họ nhưng tôi không thể cho phép mình làm điều đó vì còn đang phục vụ cho Tiểu đoàn Vận tải 473. Trên bờ đông sông Oder, ngay trước thành phố Stettin là ngôi làng nhỏ Finkenwald, một tiểu đoàn quân ta đóng tại đây. một hôm khi những người lính cối đang bốc số đạn tôi mang tới xuống thì tiểu đoàn trưởng kéo tôi đến điểm quan sát nằm trên tầng áp mái một căn nhà ba tầng. Tôi có dịp nhìn thấy những gì quân địch đang làm ở Stettin nhưng ở chỗ này sông Oder quá rộng và còn chia làm hai dòng vì vậy tôi không thể nhìn thấy gì trong doanh trại địch.
Vượt sông Ôđe:
Các ký hiệu:
- 65A hay 70A là tập đoàn quân 65 và 70
- 18CH, 46CH, 105CH: (thực tế là 18CK (SK)…): Ký hiệu các quân đoàn 18,46,105 - 193, 354 cb (chữ d thì phải quên mất tiếng Nga rồi): Các sư đoàn 193 và 354 mà chú lính này đang phục vụ. Cả hai sư đoàn này thuộc quân đoàn 105 – tập đoàn quân 65 – phương diện quân Belorussia. - Điểm vượt sông của Phương diện quân la vòng qua Stetin từ phía nam. Việc vượt sông Ô đe khá vất vả bởi sông gồm hai con sông bên tả ngạn và hữu ngạn, khu giữa hai con sông này toàn là đầm lầy.
Lời chú của Britton:
“Phương diện quân Belorussia 2 phải đương đầu với một nhiệm vụ khó khăn dù có lực lượng vượt trội so với địch. Mặt sông tại phần lớn chiến tuyến của Phương diện quân chia làm hai nhánh Đông và Tây Oder, mỗi nhánh rộng từ 150m-240m và sâu 7m-10m. Những cù lao lầy lội bị chia cắt bằng những kênh mương và suối nhỏ nằm giữa hai nhánh sông. Thông thường cả khu vực này là đầm lầy nhưng trong thời gian diễn ra cuộc tấn công nó lại bị ngập nước. Hàng loạt đê kè chặn ngang dọc khu vực ngập nước này trở thành những con đường độc đạo để cho tăng, pháo di chuyển. Chúng cho phép quân Đức phòng thủ dễ dàng quét sạch các lực lượng thiết giáp định tiến lên. Quân phòng thủ Đức trên bờ tây Oder bố trí thành ba dãy cứ điểm với chiều sâu tới 14km. Tập đoàn quân 65 của Batov bố trí ngay đối diện Stettin, trong tầm trọng pháo của lực lượng phòng thủ thành phố. Tuy nhiên, Tập đoàn quân Thiết giáp 3 Đức phòng thủ Stettin và đoạn sông Oder phía bắc Berlin chỉ gồm chủ yếu là các sư đoàn tập hợp lộn xộn lính thủy và Volksturm. Sự thiếu kinh nghiệm của các đơn vị này khiến nó không thể phòng thủ được lâu nhưng sự kiên cố của vị trí phòng thủ cũng vẫn đặt Phương diện quân Belorussia 2 trước thử thách.
Nhiệm vụ của Rokossovskii trở nên phức tạp vì thiếu thông tin về đối phương. Các bộ phận của Phương diện quân Belorussia một trấn giữ đoạn sông Oder này trước đây đã chỉ tiến đến bờ sông rồi dừng lại chờ Phương diện quân Belorussia 2 đến tiếp viện. Họ không hề có bất kỳ ý định tấn công nào tại khu vực này, vì vậy cũng không tiến hành các hoạt động trinh sát. Nhiệm vụ càng trở nên khó khăn vì Tổng hành dinh muốn cuộc tấn công sớm bắt đầu để có thể theo sát gót các cuộc tấn công của Zhukov ở phía nam.”
Nhận thấy tình hình đó, tướng Batov ra lệnh cho các sư đoàn của mình tiến hành một cuộc tấn công riêng, với mục tiêu giới hạn là đánh chiếm vùng đất ngập nước nằm giữa hai nhánh sông. Cuộc tấn công này sẽ buộc địch bộc lộ sức mạnh và các hệ thống hỏa điểm đồng thời giúp quân ta chiếm vị thế có lợi hơn trước cuộc tấn công chính vượt nhánh Tây Oder. Đêm ngày 16/4, các sư đoàn của Batov lợi dụng bóng đêm và sương mù đã chiếm được một số đảo cù lao nằm giữa hai nhánh sông, thậm chí còn chiếm luôn được nhiều đầu cầu trên bờ tây nhánh Tây Oder. Điều đó cho thấy rõ quân Đức đang trong tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng nên không muốn bộc lộ tất cả các hỏa điểm để ngăn chặn nỗ lực của Hồng quân. Không khí làm việc sôi nổi bắt đầu trên vùng đầm lầy để chuẩn bị cho cuộc tấn công vượt Tây Oder. Ngày 19/4, binh lính sư đoàn tôi đã tập trung trên những hòn đảo giữa sông Oder để tham gia trận tấn công Stettin sáng mai. Rất nhiều vũ khí và chiến cụ đã được chuyển sang các hòn đảo này và được giấu dưới những tán cây dọc bờ tây đảo. Tối ngày 19, một cơn gió mạnh thổi tới từ phía biển khiến mặt sông Oder dậy sóng cộng với thủy triều lên khiến nước sông dâng cao làm ngập đảo, nhận chìm mọi thứ dưới những con sóng. Các binh sĩ cố gắng nâng cao các trang thiết bị cần thiết hoặc treo chúng lên cây trong khi số
khác đóng những bè gỗ và đặt những thứ có khả năng bị ngấm nước lên. Họ cũng nhanh chóng tự làm phao bằng các vỏ thùng gỗ chứa đạn pháo có thể mò thấy dễ dàng dưới mặt nước, đạn được bỏ ra và chất đống lại. Đến nửa đêm, mực nước lên cao tới 2m, một số binh sĩ trèo lên cây để tránh dòng nước đang dâng cao trong khi những người khác đứng thành từng đám lộn xộn khốn khổ trên những đoạn đê kè cắt ngang vùng đất ngập nước.[47] Bọn Đức chắc cũng cảm thấy cuộc tấn công đang đến gần nên tầm nửa đêm một loạt đại bác gầm lên từ Stettin và hai giờ sau nó mới chấm dứt. Sau đó tất cả trở lại im lìm. Lời chú của Britton: Không gì có thể mô tả rõ hơn sự yếu kém của quân Đức thời điểm đó bằng sự bất lực của họ khi không tiến công vào vị trí bất lợi và mong manh mà dòng nước dâng lên đã đặt các đơn vị xung kích của Rokossovskii vào. Tuy nhiên đến thời điểm đó phần lớn các đơn vị quân Đức đều thiếu đạn dược trầm trọng, vì vậy họ đã quyết định giữ số đạn còn lại cho đến khi cuộc tổng tấn công của quân Nga diễn ra.
Trận đánh cuối cùng bắt đầu
Lời chú của Britton:
“Dự định của Rokossovskii là tấn công quân Đức trên một đoạn chiến tuyến dài khoảng 40km giữa Altdamm và Schwedt, sử dụng các tập đoàn quân 65 của Batov, 70 của Popov và 49 của Grishin bố trí theo thứ tự từ bắc xuống nam. Giống như kế hoạch tấn công vượt sông Oder của Koniev áp dụng cho Phương diện quân Belorussia 1, Rokossovskii dự định dùng khói để che chở cho quân tấn công. Ông cũng lên kế hoạch mở một mũi vu hồi bằng Tập đoàn quân Xung kích 2 và Tập đoàn quân 19 vượt sông Oder tại khu vực cửa sông phía bắc Stettin. Để bắt đầu trận đánh, Rokossovskii muốn có một trận pháo phủ đầu dài 90 phút, bắt đầu vào lúc 9h sáng. Batov không đồng ý thời điểm bắt đầu tấn công muộn như vậy vì muốn tận dụng sương mù buổi sớm. Ông cũng muốn giảm thời gian nã pháo phủ đầu xuống 45 phút vì các sĩ quan tham mưu của ông đã tính rằng đó chính là thời gian đủ để các đơn vị xung kích của Tập đoàn quân 65 vượt nhánh Tây sông Oder. Việc nước sông dâng cao ngập khu vực giữa sông càng làm tăng ý muốn bắt đầu sớm của Batov. Cuối cùng, Rokossovskii chấp thuận cho Batov bắt đầu tấn công vào 6h30 sáng trong khi các tập đoàn quân 49 và 70 vẫn tấn công theo kế hoạch ban đầu.”[48]
Cuộc tấn công của quân ta bắt đầu vào sáng sớm ngày 20/4, các đơn vị xung kích làm một cây cầu vượt nhánh Tây Oder bằng xuồng con và bè. Hàng loạt trận đánh qui mô nhỏ nhưng dữ dội đã diễn ra dọc bờ tây khi các đơn vị dẫn đầu cố gắng chiếm một khu vực đủ cho xe tăng và pháo binh triển khai. Đến khoảng 8h sáng nước sông bắt đầu rút cho phép chuyển binh lính, chiến cụ và một phần pháo binh qua bờ tây Oder. Các đơn vị xung kích quân ta bắt đầu thọc sâu vào tuyến phòng ngự Đức. 8h sáng, binh lính bắt đầu vượt sang bờ tây với sự hỗ trợ của các sà lan và phà tự hành. Mỗi chiếc phà kéo theo từ ba đến năm bè gỗ, trên phà đặt pháo bắn thẳng cùng đạn dược tiến sang bờ tây. Đến 10h khi mỗi chiếc phà đã chạy được bốn đến năm chuyến thì một lực lượng đủ để tiến hành tấn công đã sang được bờ tây. Khoảng 10h30, pháo lớn quân ta đặt tại bờ đông nã 15 phút pháo kích vào các vị trí địch. Vài phút trước khi trận pháo kích chấm dứt, các avtomatchiki rời vị trí xuất phát tiến về chiến tuyến địch dưới hỏa lực yểm trợ liên tục chuyển làn theo bước tiến của họ. Đến 11h quân ta đã chiếm được tuyến phòng thủ tiền tiêu của địch mà không gặp tổn thất đáng kể nào. (Thương vong đặc biệt thấp vì vào nửa đêm quân địch đã rút các lực lượng chính về tuyến sau, chỉ để những đơn vị yếu kém lại chống giữ các vị trí trên tuyến đầu.)
Lời chú của Britton:
“Lời kể của Litvin ở đoạn này nhảy cóc qua nhiều ngày, có lẽ vì ông không trực tiếp tham gia các trận trấn công. Vì vậy tôi (Britton) phải tự mình lấp đầy những khoảng trống trong thông tin về cuộc tấn công của Rokossovskii, trước hết là sử dụng những nghiên cứu bậc thầy của John Erickson về Hồng quân và cuốn sử của Mochalov về Sư đoàn 354 Bộ binh.
Tối ngày đầu tiên của cuộc tấn công, Batov đã đưa được 31 tiểu đoàn qua sông cùng 50 đại bác và 15 pháo tự hành SU-76. Mặc dù Trung đoàn 2003 Bộ binh ở cánh phải không thể vượt sông Oder vì bị đại bác từ pháo đài Stettin bắn dữ dội, Batov vẫn đục được một đầu cầu rộng 4km và sâu hơn 1km khi đêm xuống. Điều này hoàn toàn trái ngược với cuộc tấn công của các tập đoàn quân còn lại, những tập đoàn quân này đã quyết định tấn công muộn theo kế hoạch ban đầu. Tập đoàn quân 70 cố lắm mới có được vài chỗ đặt chân nhỏ bên bờ tây còn Tập đoàn quân 49 thậm chí bị buộc phải lui lại. Thất bại này trước hết do kế hoạch của Rokossovskii định dùng Tập đoàn quân 49 quét sạch Tập đoàn quân Thiết giáp 3 Đức khỏi Berlin và đẩy chúng quay ra biển.
Ngày hôm sau, Tập đoàn quân 70 và đặc biệt là Tập đoàn quân 49 tiếp tục chỉ đạt được những bước tiến chậm chạp trong khi đầu cầu của Batov qua sông Oder bắt đầu phải hứng chịu những cuộc phản công ác liệt khi đang cố mở rộng. Phương diện quân Belorussia 2 chỉ đạt được thành công giới hạn tại cánh phía nam của Batov và các cuộc tấn công kém thuyết phục ở phía bắc Tập đoàn quân 65 đã cho phép Tập đoàn quân Thiết giáp 3 do Von Manteuffel chỉ huy tập trung lực lượng loại trừ đầu cầu của Batov.
Thể hiện khả năng bố trí quân đội uyển chuyển bậc thầy của mình, Rokossovskii quyết định chuyển các Tập đoàn quân 70 và 49 qua đầu cầu của Tập đoàn quân 65 khi họ một lần nữa thất bại trong việc lập đầu cầu của riêng mình. Ông cũng chuyển cho Batov Quân đoàn Xe tăng Cận vệ một “Sông Đông” và tăng cường các thiết bị làm cầu. Các công binh đã làm việc cật lực để đặt được hai cây cầu trọng tải 30 tấn và 50 tấn sau đầu cầu của Batov đồng thời những chiếc phà trọng tải 16 tấn cũng được đưa tới để chuyển quân. Dần dần, đầu cầu của Batov đã mở rộng ra 7km chiều rộng và 3km chiều sâu đủ cho Rokossovskii có thể chuyển toàn bộ lực lượng tấn công của mình qua đầu cầu của Tập đoàn quân 65.
Tập đoàn quân Thiết giáp 3 Đức đã tự vắt kiệt sức trong những cuộc phản công vô vọng vào đầu cầu của Batov trong khi Rokossovskii cứ thế chuyển ngày càng nhiều quân và trang thiết bị qua sông Oder. Đó là