🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook 80 Lời Mẹ Gửi Con Gái
Ebooks
Nhóm Zalo
TÌM HIỂU CƠ THỂ MÌNH
Thiếu nữ bước vào độ tuổi dậy thì, cơ thể sẽ phát sinh hàng loạt những thay đổi. Những thay đổi này sẽ khiến cho các em cảm thấy căng thẳng, nghi hoặc, mông lung, không biết phải làm thế nào…. Nhưng tất cả những điều đó mới chỉ là sự khởi đầu của một hành trình dài. Vì vậy để con gái tìm hiểu cơ thể mình, chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch “trưởng thành” là trách nhiệm cơ bản nhất của mỗi người mẹ.
Bức thư đầu tiên: Tuổi dậy thì đồng nghĩa với điều gì? Bức thư thứ 2: Tín hiệu đầu tiên của tuổi dậy thì
Bức thư thứ 3: Hỏi đáp về sự phát triển của bộ ngực
Bức thư thứ 4: Thời gian dậy thì kéo dài bao lâu
Bức thư thứ 5: Mọc lông vùng kín
Bức thư thứ 6: Con gái cũng mọc râu ư?
Bức thư thứ 7: Lông tơ càng cạo càng dài?
Bức thư thứ 8: Tại sao lại bị vỡ giọng
Bức thư thứ 9: Trở nên ăn khỏe, ngủ khỏe
Bức thư thứ 10: Con gái còn cao hơn con trai
Bức thứ thứ 11: Dậy thì có sớm có muộn
Bức thư thứ 12: Mụn trứng cá
“MẤY NGÀY ĐÓ” CỦA CON GÁI:
Đừng coi thường “mấy ngày đó” nhé con gái, nó sẽ theo suốt quá nửa cuộc đời của mỗi phụ nữ, nó còn có liên quan đến sức khỏe của người phụ nữ, liên quan đến sự khỏe mạnh của thế hệ sau. Cùng con vượt qua những căng thẳng của kì kinh đầu để vui vẻ chấp nhận “người bạn thân” này là tình yêu và sự quan tâm thiết thực nhất của mỗi người mẹ dành cho con gái của mình.
Bức thư thứ 13: Kinh nguyệt là gì?
Bức thư thứ 14: Máu kinh chảy từ đâu ra?
Bức thứ thứ 15: Buồng trứng, “căn cứ địa” sinh con đẻ cái Bức thư thứ 16: Có kinh nguyệt là có thể sinh em bé ư?
Bức thư thứ 17: Dấu hiệu dự báo của cơ thể trước khi có kinh lần đầu
Bức thư thứ 18: Dù sớm hay muộn cũng phải chuẩn bị trước Bức thứ thứ 19: “Bị” lúc ở trường, phải làm sao?
Bức thư thứ 20: Tại sao kinh nguyệt không đến đúng giờ giấc? Bức thư thứ 21: Đánh dấu chu kì kinh nguyệt
Bức thư thứ 22: Có thể khiến kinh nguyệt không rơi vào kì thi không?
Bức thư thứ 23: Đến kì kinh nguyệt cơ thể có bị thiếu máu không? Bức thư thứ 24: Trong thời gian có kinh cần chú ý những gì? Bức thư thứ 25: Lựa chọn băng vệ sinh như thế nào?
Bức thư thứ 26: Sử dụng Tampon trong thời kì kinh nguyệt có tốt không?
Bức thư thứ 27: Cần thay băng vệ sinh thường xuyên Bức thư thứ 28: Cần chú ý khi vệ sinh vùng kín trong mỗi kì kinh
Bức thư thứ 29: Trong kì kinh nguyệt tốt nhất
không nên đi bơi
Bức thư thứ 30: Đối phó với các dấu hiệu trước kì kinh nguyệt Bức thư thứ 31: Có đối sách với cảm giác khó chịu khi “đến tháng” Bức thư thứ 32: Phải làm sao khi bị đau bụng kinh?
Bức thư thứ 33: Tại sao trong thời gian hành kinh lại bị đau đầu, chảy máu mũi
Bức thư thứ 34: Mẹo giặt sạch vết máu trên quần áo
CON GÁI CẦN HỌC CÁCH CHĂM CHÚT BẢN THÂN
Là con gái cần biết chăm chút cho bản thân! Mỗi người
làm mẹ đều nên giúp con gái mình hình thành thói quen vệ sinh đúng cách, học cách sống lành mạnh, truyền thụ những kiến thức bảo vệ sức khỏe qua từng chuyện nhỏ trong cuộc sống, để cho con hiểu được và học được cách tự bảo vệ, chăm sóc bản thân. Đây chính là món quả cả đời mà một người mẹ có thể tặng cho con gái.
Bức thư thứ 35: Khi nào thì bắt đầu mặc áo ngực?
Bức thư thứ 36: Những điều cần chú ý trong quá trình phát triển “núi đôi”
Bức thư thứ 37: Tại sao ngực lại chảy ra sữa?
Bức thư thứ 38: Chất màu trắng dính trên quần lót
Bức thư thứ 39: Huyết trắng bất thường là có bệnh ư?
Bức thư thứ 40: Có thể sử dụng băng vệ sinh hàng ngày thường xuyên không?
Bức thư thứ 41: Hàng ngày đều phải vệ sinh vùng kín và thay quần lót
Bức thư thứ 42: Có cần dùng dung dịch vệ sinh mỗi ngày không? Bức thư thứ 43: Lựa chọn và giặt quần lót đúng cách
Bức thư thứ 44: Khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng
cần chú ý những gì?
Bức thư thứ 45: Bị ngứa vùng kín, phải làm sao?
Bức thư thứ 46: Thói quen vệ sinh rất quan trọng
Bức thư thứ 47: Khám phụ khoa rất rắc rối phải không? Bức thư thứ 48: Có được giảm béo trong giai đoạn dậy thì?
ĐỪNG SUY ĐOÁN TÂM TƯ CỦA CON GÁI
“Phụ nữ thích làm đẹp vì người mình thích”. Các bạn nữ tuổi dậy thì bắt đầu để ý đến dung mạo, cách ăn mặc, thân hình, hình tượng của mình, cũng bắt đầu có tâm sự, có “bạch mã hoàng tử” trong mộng… Hãy hồi tưởng lại thời thanh xuân của mình, hãy để con gái cảm nhận được sự thấu hiểu từ mẹ, tin tưởng, lắng nghe những suy nghĩ của con gái… để khiến cuộc nói chuyện của “hai người phụ nữ” trở nên tự nhiên và không có khoảng cách.
Bức thư thứ 49: Có tâm sự nên kể với ai?
Bức thư thứ 50: Con gái tuổi dậy thì như “bom nổ chậm”. Bức thư thứ 51: Tại sao nói tuổi dậy thì là “lứa tuổi nguy hiểm”? Bức thư thứ 52: Lớn rồi sẽ dốt đi sao?
Bức thư thứ 53: Tôi có phải là một cô gái xinh đẹp không? Bức thư thứ 54: Bị hôi nách, phải làm sao?
Bức thư thứ 55: Không muốn trở thành cô bé tàn nhang
Bức thư thứ 56: Trang điểm giống như người lớn sẽ càng xinh đẹp hơn?
Bức thư thứ 57: Nhuộm tóc, xăm lông mày sẽ gây ảnh hưởng xấu Bức thư thứ 58: Đôi giày cao gót của mẹ
Bức thư thứ 59: “Bạch mã hoàng tử” trong lòng các thiếu nữ Bức thư thứ 60: Đừng tùy tiện nói “yêu" sớm
Bức thư thứ 61: “Fan” cuồng
BÍ MẬT KHÔNG THỂ KHÔNG NHẮC ĐẾN CỦA CON GÁI
Mong ước lớn nhất của người mẹ là con gái có được cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ và viên mãn, lo lắng nhất là con gái “yêu sớm”, nhiễm thói hư tật xấu, bị bắt nạt…. Thay vì giấu giếm, chi bằng cứ thoải mái nói ra, nói cho rõ ràng, để cho những vấn đề “nhạy cảm” này không còn là bí mật. Khi tất cả mọi người đều dùng tâm lí bình thản nhất đối mặt với chúng, có thể những vấn đề ấy lại được hóa giải từ lúc nào không hay.
Bức thư thứ 62: Con có thể hẹn hò với bạn trai không? Bức thư thứ 63: Tại sao đặc biệt thích chơi với con trai? Bức thư thứ 64: Gặp phải kẻ quấy rối thì phải làm sao?
Bức thư thứ 65: Những người bạn kết giao qua mạng đều là bạn xấu sao?
Bức thư thứ 66: Thủ dâm là hành vi của con gái hư?
Bức thư thứ 67: Con trai và con gái ôm hôn nhau sẽ có thai sao? Bức thư thứ 68: Con trai, con gái do ai quyết định?
Bức thư thứ 69: Em bé trong bụng mẹ lớn lên như thế nào? Bức thư thứ 70: Trinh tiết thật sự rất quan trọng?
Bức thư thứ 71: Mang bầu sẽ gây ảnh hưởng không có lợi cho thiếu nữ tuổi dậy thì
Bức thư thứ 72: Phá thai có an toàn trăm phần trăm không? NHỮNG PHẨM CHẤT CÁC NỮ SINH
ƯU TÚ CẦN CÓ
Thời đại cải cách mở cửa này đã mang đến những cơ hội chưa từng cho các bạn gái, nhưng cũng khiến các bạn phải đối mặt với nhiều thử thách và cạnh tranh khốc liệt hơn. Cho dù bạn định hướng thành công như thế nào thì tự tin, lạc quan, khoan dung, lương thiện vẫn luôn là những phẩm chất và khả năng ưu tú giúp các bạn nữ có chỗ đứng vững chắc trong xã hội, là tài sản quý báu cho cả cuộc đời; đồng thời đó cũng là những kinh nghiệm sống mà mỗi người mẹ nên truyền cho con gái.
Bức thư thứ 73: Tự tin, tự lập
Bức thư thứ 74: Tích cực phấn đấu
Bức thư thứ 75: Cởi mở, lạc quan
Bức thư thứ 76: Hứng thú rộng rãi
Bức thư thứ 77: Khoan dung, độ lượng
Bức thư thứ 78: Lí trí, lễ phép
Bức thư thứ 79: Tràn đầy lòng nhân ái
Bức thư thứ 80: Yêu bản thân
LỜI MỞ ÐẦU
Tuổi dậy thì tràn đầy niềm vui: sự thay đổi về sinh lý báo hiệu một thiếu niên khờ dại sẽ bắt đầu trưởng thành.
Tuổi dậy thì là thời kì vô cùng tinh tế và nhạy cảm: suy nghĩ đã chín chắn hơn, càng lúc càng biết quan tâm đến bản thân, càng lúc càng để ý đến những đánh giá của người khác, càng lúc càng khát khao tự lập.
Tuổi dậy thì là thời kì mâu thuẫn và mơ hồ: biết bao điều mới mẻ, biết bao điều chưa biết, biết bao nhiêu cám dỗ, phải đối mặt với chúng ra sao?
Tuổi dậy thì còn là giai đoạn lãng mạn, ấm áp nhất: ấp ủ hình bóng một “hoàng tử”, “công chúa” trong tim với một chút mơ mộng và một chút kỳ vọng về tình yêu...
Bản thân người làm cha làm mẹ nào cũng đều từng trải qua giai đoạn dậy thì, ai cũng đều từng phải đối mặt với những đứa con đầy những "rắc rối trưởng thành". Thứ cảm giác ấy chắc chắn là sự đan xen giữa vui mừng và lo âu, nhưng lo âu nhiều hơn vui mừng. Vui mừng, đương nhiên là vì con chúng ta đã bắt đầu khôn lớn, nhưng ba chữ "tuổi dậy thì" vốn dùng để chỉ một giai đoạn thật sự mẫn cảm; làm thế nào để giao tiếp với con, làm thế nào giúp con vượt qua giai đoạn này một cách thuận lợi vẫn luôn là bài toán khó đối với các bậc cha mẹ.
Thực ra, mọi chuyện không khó khăn như ta tưởng. Hãy cầm bút lên và viết bức thư về điều mẹ cần nói với con gái, bố cần dạy con trai, để những dòng tâm tình giữa cha mẹ và con cái ấy trở thành "dòng máu nóng" nuôi dưỡng tuổi dậy thì của con.
LỜI DẪN
Minh Anh là một bé gái mau mồm mau miệng, chuyện ở trường, chuyện bạn học, chuyện vui, chuyện buồn cứ về đến nhà là con lại kể cho tôi nghe. Mỗi khi tôi ra tay giúp con bé giải quyết vấn đề khó, nó sẽ lại ca ngợi tôi là "chiến hữu tốt". Người ta thường nói, cách nhau ba tuổi trở lên là đã có "khoảng cách thế hệ", nhưng chúng tôi thường nói đùa: Vì hai mẹ con đã đào một "đường hầm" nên khoảng cách giữa chúng tôi đã được xóa nhòa.
Nhưng mấy hôm nay, Minh Anh có vẻ kì lạ. Dường như con bé có chuyện gì đó muốn nói với tôi nhưng lại không thể nói ra. Ha ha, theo như kinh nghiệm của tôi, trong những trường hợp thế này, chỉ có thể chờ đợi mà thôi. Quả nhiên, hôm nay, sau khi tan học, nhân lúc bố
vẫn chưa đi làm về, Minh Anh liền sán lại gần tôi, ấp úng nói: Mẹ ơi, con có thể hỏi mẹ một câu được không? Nhưng mà, con phải nói trước nhé, đây không phải chuyện của con…con…con hỏi giúp cái Thanh mà thôi!" Tôi bèn gật đầu rồi chờ đợi con bé lên tiếng. "Là như thế này ạ!", Minh Anh tiếp tục nói: "Thanh nói bạn ấy phát hiện ngực mình nổi lên hai cục nhỏ nhỏ, chạm vào thấy hơi đau. Như thế có phải là... Ừm, mẹ biết là con định nói gì mà! Nhưng mẹ biết đấy, mẹ bạn Thanh vốn nổi tiếng là ghê gớm, bạn ấy không dám hỏi mẹ mình. Thế nên con đã nhận lời hỏi mẹ giúp bạn ấy, nhưng mà mấy ngày liền, con lại chẳng biết nói thế nào, hi hi...", Minh Anh vừa nói vừa ngại ngùng nhún vai.
Những lời Minh Anh nói khiến tôi chợt nhận ra rằng: con gái tôi đã lớn rồi! Câu hỏi mà con bé đưa ra thực ra chính là câu hỏi mà mỗi cô bé đến tuổi này đều muốn biết, đều nên biết, và cũng là điều mà những người mẹ nên dạy con gái. Nhưng nói thật lòng, nếu không phải con gái hỏi vấn đề này hộ bạn, tôi cũng không biết phải nói với con về những vấn đề về tuổi dậy thì của chúng như thế nào và khi nào thì nên nói.
Ngẫm nghĩ một lát, tôi nói: Ngày mai nhớ thay mẹ chúc mừng bạn Thanh, vì bạn ấy đã thực sự bắt đầu "trưởng thành" rồi đấy! Chuyện này thì có gì mà phải ngại? Tại sao không dám hỏi mẹ? Nhưng mà tuổi dậy thì có rất nhiều thứ các con cần tìm hiểu, không
phải chỉ một vài câu là có thể nói hết được đâu. Chi bằng thế này, kể từ hôm nay, mẹ sẽ chịu vất vả một chút để viết thư cho con nhé!
- Viết thư ạ?- Minh Anh nghi hoặc hỏi.
- Đúng thế, viết hết những vấn đề của tuổi dậy thì vào trong thư. Nếu như con và các bạn học có vấn đề gì thắc mắc, cũng có thể viết câu hỏi ra một mảnh giấy nhỏ. Làm như vậy rất có lợi, một là tránh cho các con khỏi ngại, hai là con có thể cất đi, khi nào cần lại lấy ra đọc, thứ ba là còn có thể dễ dàng chia sẻ kiến thức đó cùng các bạn...
Tôi còn chưa nói hết, con gái đã reo lên: "Ôi, mẹ thật là vĩ đại! Ý kiến này rất hay, như thế con cũng chẳng cần phải truyền đạt lại cho bạn Thanh nữa, thế nên khỏi phải lo không thể nói rõ cho bạn ấy hiểu. Cứ quyết định như thế đi mẹ nhé, con đi làm bài tập đây!"
TÌM HIỂU CƠ THỂ MÌNH
Thiếu nữ bước vào độ tuổi dậy thì, cơ thể sẽ phát sinh hàng loạt những thay đổi. Những thay đổi này sẽ khiến cho các em cảm thấy căng thẳng, nghi hoặc, mông lung, không biết phải làm thế nào…. Nhưng tất cả những điều đó mới chỉ là sự khởi đầu của một hành trình dài. Vì vậy, để con gái tìm hiểu cơ thể mình, chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch “trưởng thành” là trách nhiệm cơ bản nhất của mỗi người mẹ.
Bức thư đầu tiên
TUỔI DẬY THÌ ĐỒNG NGHĨA VỚI ĐIỀU GÌ?
Minh Anh yêu quý:
Mẹ thật sự phải cám ơn con! Thực ra mẹ đã sớm ý thức được tuổi dậy thì đang từng bước đến gần bên con. Nhưng nếu như con không chủ động nói với mẹ chuyện này trước thì làm thế nào để mở lời với con vẫn còn là vấn đề nan giải đối với mẹ. Có lẽ phương pháp “viết thư” này sẽ trở thành một “đường hầm” giúp các con tìm hiểu vấn đề. Ha ha. Giờ thì đi vào vấn đề chính nhé.
“Tuổi dậy thì” đối với con bây giờ không phải là một “từ mới”. Thường ngày nghe nhạc, đọc báo, tiểu thuyết chắc con cũng từng gặp từ này rồi. Tuổi dậy thì được bay nhảy, những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp chắc chắn sẽ khiến cho con hào hứng chờ đợi. Quan trọng hơn nữa, lúc ấy con sẽ cảm thấy mình đã lớn rồi, có thể độc lập, tự do, thoát khỏi sự “quản lí” của mẹ rồi. Mẹ nói không sai chứ? Nhưng “tuổi dậy thì” là danh từ dùng để chỉ giai đoạn nào? “Tuổi dậy thì” có nghĩa là gì? Chắc chắn con chưa hiểu rõ.
Một con người từ lúc sinh ra phải trải qua giai đoạn từ trẻ sơ sinh đến trẻ con, nói cách khác là giai đoạn từ lúc con là một baby cho đến khi con học hết mẫu giáo; sau đó con sẽ bước vào giai đoạn nhi đồng, bắt đầu đi học tiểu học; đến năm lớp bốn, lớp năm, khoảng 10, 11 tuổi trở lên, phần lớn các bạn nữ đều bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì, còn con trai thì muộn hơn khoảng hai năm trở lên (Ha ha, đắc chí lắm phải không? Về phương diện này thì con gái đi trước con trai một bước rồi), sau đó là từ tiểu học lên đến trung học, đến khi học xong trung học phổ thông rồi lên đại học, cũng là lúc các con khoảng 18–20 tuổi, mới hoàn thành quá trình dậy thì để bước vào quá trình trưởng thành, lúc này con đã thực sự là "người lớn" rồi đó. Với sự thông minh của mình, nhất định con có thể hiểu được rằng tuổi dậy thì là quá trình một đứa trẻ trở thành một người trưởng thành. Con đã nghe câu "tuổi mười bảy bẻ gẫy sừng trâu" chưa? "Tuổi mười bảy" mà người xưa nói chính là chỉ giai đoạn dậy thì, là thời kì mà các phương diện về cơ thể và tâm lí của người con gái đều có sự thay đổi nhanh
chóng. Cơ thể thay đổi, tính tình thay đổi, suy nghĩ và tâm lí cũng thay đổi. Trải qua tuổi dậy thì, một cô bé sẽ “biến mình” trở thành một cô gái xinh đẹp, một cậu bé ngỗ ngược sẽ trở thành một chàng trai tuấn tú và cường tráng.
Chắc chắn con đã để ý đến chi tiết mẹ vừa nói: “Phần lớn các cô bé từ 10, 11 tuổi sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì”. Vậy tại sao lại nói đó mới chỉ là sự bắt đầu? Đó là bởi vì tuổi dậy thì không đến trong chốc lát và cũng không kết thúc trong chốc lát, mà đó là một quá trình không phải là ngắn. Chúng ta thử tính mà xem: một cô bé 10–11 tuổi bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì cho đến 18–20 tuổi mới hoàn tất giai đoạn dậy thì, như vậy khoảng thời gian dậy thì kéo dài từ 8–10 năm cơ đấy.
Nhất định con sẽ thắc mắc tại sao từ lúc sinh ra cho đến khi mười mấy tuổi mới bắt đầu dậy thì? Ha ha, đây chính là điều kì diệu của sự phát triển cơ thể người.
Trên cơ thể người có một cơ quan gọi là “tuyến sinh dục”. Tuyến sinh dục của con gái nằm ở buồng trứng, của con trai ở trong tinh hoàn. Tuyến sinh dục có thể tiết ra một chất gọi là “hormone sinh dục”, mà thứ quyết định đến sự phát triển của cơ thể người trong giai đoạn dậy thì chính là thứ hormone này.
Tuy nhiên, mặc dù tuyến sinh dục này đã tồn tại trong cơ thể người ngay từ khi được sinh ra nhưng nó vẫn luôn ở trạng thái say ngủ. Trước khi dậy thì, tuyến sinh dục sẽ sản sinh ra hai loại hormone là estrogen và androgen. Estrogen khiến cho con người mang đặc điểm của nữ giới, còn androgen khiến cho con người mang đặc điểm của nam giới. Trong thời kì nhi đồng, cho dù là con gái hay con trai, trong cơ thể đều đồng thời tồn tại một lượng rất nhỏ hai loại hormone này. Vì vậy, con trai và con gái khi 7–8 tuổi, về ngoại hình không có sự khác biệt rõ rệt. Cũng giống như con lúc nhỏ, bởi vì cắt tóc ngắn, chẳng phải mỗi khi đến khu vui chơi đều bị người ta tưởng nhầm là “thằng cu” hay sao?
Sau khi bước vào giai đoạn dậy thì, tuyến sinh dục “nửa mơ nửa tỉnh” này mới thực sự tỉnh giấc, đồng thời phát triển nhanh chóng. Dưới tác dụng của các hormone do tuyến yên tiết ra, hormone estrogen trong cơ thể con gái sẽ tăng lên, hàm lượng vượt xa androgen vốn có trong cơ thể. Do đó ở con gái bắt đầu xuất hiện các
đặc điểm: ngực bắt đầu phát triển, có kinh nguyệt. Còn ở con trai thì ngược lại, hàm lượng hormone androgen vượt xa estrogen vốn có trong cơ thể và các đặc trưng của nam giới bắt đầu hình thành rõ rệt.
Vì vậy, bạn Thanh phát hiện ra ngực mình có cục nhỏ đang nổi lên chính là sự khởi đầu cho quá trình thay đổi của cơ thể, cũng đồng nghĩa với việc bạn ấy sắp trở thành người lớn rồi. Con nói xem, chuyện này có đáng để ta chúc mừng không? Ngày mai đến trường, đừng quên chúc mừng bạn ấy nhé! Con nhớ thay mẹ gửi lời chúc mừng đến bạn ấy nhé!
Chúc con ngủ ngon!
Mẹ
Bức thư thứ 2
TÍN HIỆU ĐẦU TIÊN CỦA TUỔI DẬY THÌ
Minh Anh thương yêu:
Chắc rằng bức thư đầu tiên mẹ viết cho con không chỉ có mình con đọc đâu nhỉ, chắc bạn Thanh cũng đã đọc rồi. Vấn đề tiếp theo là gì, các con không hỏi mẹ cũng biết rồi. Hi hi, ai bảo mẹ là “chiến hữu tốt” của con chứ? Vì vậy, đi làm về là mẹ phải viết ngay lá thư thứ hai cho con. Lần trước mẹ đã nói, trước tuổi dậy thì, tuyến sinh dục ở trạng thái “nửa mơ nửa tỉnh”. Thực ra, con người sau khi ra đời, tốc độ phát triển của các cơ quan trên cơ thể là không giống nhau. Có nhiều cơ quan chẳng mấy chốc đã phát triển hoàn thiện, có một số cơ quan lại phát triển từ từ, nhưng luôn không nghỉ, và cũng có một số cơ quan thích “ngủ say”, phải đến một thời điểm nhất định bị đánh thức, nó mới “vươn vai” và bắt đầu phát triển, ví dụ như cơ quan sinh dục.
Trước đây, chúng ta từng đi xem triển lãm khoa học, trong đó có một phần nói đến giới tính của con người, mẹ nghĩ chắc con vẫn còn nhớ đến. Giới tính của con trai và con gái là do nhiễm sắc thể quyết định, đây là đặc trưng giới tính đầu tiên của con người, nó mang lại sự khác biệt cơ bản giữa con trai và con gái mà con đã biết, ví dụ: “cậu nhỏ” ở con trai. Cái gọi là đặc trưng giới tính thứ hai của con người là chỉ sự khác biệt bên ngoài giữa con trai và con gái, ví dụ: con gái sau khi trưởng thành, ngực sẽ nhô cao lên, xương chậu trở nên rộng hơn, cơ thể trở nên đầy đặn, giọng nói trong và thanh, xuất hiện lông mu, lông nách và kinh nguyệt, đây là những thuộc tính hết sức tự nhiên. Đây cũng chính là tác dụng của các hormone giới tính mà chúng ta đã nói đến lúc trước. Hay nói cách khác, chính các hormone giới tính này đã đánh thức các cơ quan chưa phát triển, vẫn đang “say ngủ” trên cơ thể để từ đây cơ thể bước vào giai đoạn dậy thì. Mà dấu hiệu của tuổi dậy thì chính là sự phát triển của các cơ quan sinh dục, tức là sự xuất hiện các đặc trưng giới tính thứ hai.
Bất cứ sự việc gì cũng không thể diễn ra một sớm một chiều, sự thay đổi của cơ thể cũng như vậy, cũng không thể hoàn thành ngay lập tức, mà đó là một quá trình từ từ, từng bước từng bước phát triển. Sự phát triển của bộ ngực chính là dấu hiệu đầu tiên của tuổi dậy thì ở con gái.
Bộ ngực của con gái là do tuyến sữa, mỡ và các mô liên kết có tính đàn hồi tạo thành. Ban nãy mẹ đã nói, trước tuổi dậy thì, ngực và các cơ quan khác ở trạng thái “say ngủ”. Sau khi bước vào tuổi dậy thì, hormone estrogen trong cơ thể con gái bắt đầu phát huy tác dụng, từng bước đánh thức các cơ quan còn đang “say ngủ”. Trong số đó, ngực là cơ quan nhạy cảm nhất đối với estrogen, vì vậy nó được đánh thức trước tiên, phát triển đầu tiên, cũng trở thành “tín hiệu” đầu tiên của tuổi dậy thì ở con gái.
Vì vậy, mặc dù Thanh đã bước vào tuổi dậy thì nhưng “hành trình trường kì” này mới chỉ bắt đầu, con đường phía sau còn rất rất dài...
Thôi được rồi, mẹ phải đi làm đây! Mẹ
Bức thư thứ 3
HỎI ĐÁP VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BỘ NGỰC
Minh Anh yêu quý:
Muộn mất hai ngày mới trả lời được thắc mắc của Thanh, hãy thay mẹ xin lỗi bạn ấy nhé.
Thanh có nói bạn ấy thường cảm thấy ngực ngưa ngứa, nhiều lúc còn cảm thấy ngực cương và hơi đau. Đây đều là những dấu hiệu thông thường của sự phát triển bộ ngực, không cần thiết phải lo lắng. Lần này, mẹ sẽ nói cho các con biết quá trình phát triển của bộ ngực cùng với những điều cần chú ý trong cuộc sống hàng ngày.
Sự phát triển ngực ở con gái là cả một quá trình.
Thông thường, những dấu hiệu đầu tiên cho thấy ngực bắt đầu phát triển là lúc các bạn gái khoảng 9–10 tuổi. Đầu vú bắt đầu to ra, xuất hiện chồi vú. Màu sắc da xung quanh đầu vú bắt đầu sậm dần, quầng vú rộng hơn. Tuy nhiên giai đoạn này vẫn chưa có cảm giác gì đặc biệt, phần lớn mọi người có thể sẽ không chú ý đến điều này.
Đến lúc 10–11 tuổi, tuyến sữa bắt đầu phát triển, phần lớn mọi người đều cảm nhận rõ sự thay đổi của bộ ngực vào thời kì này. Ví dụ, màu sắc da vùng quầng vú sậm hơn, cảm giác ngực cương và ngứa giống như cảm giác vết thương đang lên da non, đồng thời sẽ hình thành “hạch vú”: nếu con nắn nhẹ, có lẽ không khó phát hiện ra ở giữa ngực có một “khối” cưng cứng, ấn vào hoặc chẳng may đập vào sẽ cảm thấy rất đau. Cái “khối cứng” đó gọi là “hạch vú”.
Sau đó, cùng với sự phát triển của bộ ngực, ống dẫn sữa và mô mỡ dưới da tăng lên, các cơ quanh quầng vú cũng bắt đầu phát triển, ngực dần dần nhô lên thành hình bán cầu, rõ ràng và có tính đàn hồi, quầng vú và đầu vú sậm màu hơn, hạch vú cũng dần dần biến mất.
Quá trình này kéo dài khoảng ba, bốn năm, sau đó ngực của con gái đã gần như hoàn thiện. Trong giai đoạn phát triển ngực, trong các tiết thể dục hoặc các hoạt động thể lực, kể cả các những lúc bình thường khi lên xe buýt, đi đến những nơi công cộng đều cần phải học cách tự bảo vệ mình, không để người khác hoặc các vật cứng đập vào ngực. Khi tắm rửa, cởi áo, mặc áo, động tác cần nhẹ nhàng, tránh cọ xát quá mạnh hoặc bất cẩn đập vào ngực. Lúc các con đọc sách, viết bài cũng nên giữ khoảng cách thích hợp với bàn, đừng để ngực tì sát vào cạnh bàn, tránh tạo ra áp lực mạnh lên ngực. Con phải nhớ nói với Thanh, cho dù cảm thấy ngứa đến mấy cũng không dùng tay nặn, bóp hoặc gãi, tránh gây tổn thương và nhiễm trùng cho làn da quanh ngực, qua giai đoạn này sẽ ổn thôi.
Bây giờ đến lúc trả lời câu hỏi của Minh Anh rồi. Ha ha... Mẹ biết con đang sốt ruột lắm rồi đấy!
Ở phần trước, chúng ta đã nói đến “thời gian biểu” của con gái tuổi dậy thì. Nhưng đó chỉ là một sự tham chiếu, một con số trung bình, không phải mọi bạn gái đều có nhịp độ phát triển giống nhau. Có bạn gái vừa lên cấp hai là bộ ngực đã đầy đặn rồi, nhưng cũng có những bạn phải đến lúc này mới bắt đầu phát triển; có bạn một, hai năm đã phát triển hoàn toàn, nhưng có những bạn phải mất bảy, tám năm với hoàn thành quá trình này. Vì vậy, mặc dù con lớn hơn Thanh đến mấy tháng nhưng lại “lạc hậu” so với bạn ấy, đây là do nguyên nhân di truyền, nội tiết, dinh dưỡng trong ăn uống, hình thể, môi trường… và cũng là một hiện tượng hết sức bình thường. Đến lúc trưởng thành sẽ phải trưởng thành, có sốt ruột cũng không được.
Ngoài câu hỏi của các con, còn có vài chuyện mẹ cảm thấy cần phải giảng giải cho các con hiểu.
Thứ nhất là kích thước của “núi đôi”. Xã hội hiện nay ngày càng "thoáng" hơn, qua các bộ phim hay quảng cáo trên ti vi, các con có thể cũng biết, những bộ ngực nhỏ bị gọi là “sân bay” hoặc “màn hình phẳng”, còn bộ ngực đầy đặn sẽ được coi là “gợi cảm”… Thực ra, kích thước của bộ ngực cũng giống như chiều cao cơ thể, chủ yếu có liên quan đến yếu tố di truyền. Thông thường nếu người mẹ có bộ ngực tương đối to, thì ngực của con gái cũng tương đối to; nếu ngực của mẹ thuộc loại nhỏ, thì ngực con gái cũng tương đối nhỏ. Nhưng đó không phải là vấn đề quan trọng, quan trọng là sức khỏe. Bởi vì ngực phát triển sớm hoặc to sẽ khiến các con cảm thấy ngại vì thường ngày bị mọi người để ý. Buồn phiền vì chuyện ngực phát triển muộn hoặc “màn hình phẳng” là những điều không cần thiết. Giữa người với người vốn có những khác biệt rất lớn, hoàn toàn không cần thiết phải tự rước buồn phiền vào thân.
Thứ hai là hình dáng của “núi đôi”. Mặc dù hình dạng bộ ngực của mỗi người về đại thể là giống nhau, nhưng cũng vẫn có sự khác biệt nho nhỏ, mất cân đối ở hai bên trái, phải. Thông thường, ngực bên trái sẽ to hơn ngực bên phải một chút. Thực ra, rất nhiều cơ quan
trong cơ thể người đều như vậy, thoáng qua thì có vẻ cân bằng, nhưng thực ra lại không hoàn toàn đối xứng và bằng nhau, ví dụ như hai con mắt, hai bàn chân, hai bàn tay... Nhất là ở những bạn gái đang dậy thì, có thể một bên ngực nhạy cảm hơn với estrogen so với bên kia nên có hiện tượng một bên phát triển hơn bên kia, tạo ra sự khác biệt về kích thước. Chuyện này không cần thiết phải lo lắng, đợi sau khi dậy thì xong, ngực sẽ phát triển đầy đủ, sự chênh lệch sẽ không còn quá rõ rệt nữa.
Thứ ba là việc nịt ngực. Có một số bạn gái tuổi dậy thì, vì thiếu kiến thức mà cảm thấy xấu hổ với sự phát triển của bộ ngực, hoặc cũng có thể do theo đuổi hình tượng "mình hạc xương mai" mà mặc những chiếc áo lót bó sát vào ngực mình. Làm như vậy là rất có hại. Trước tiên, phía sau núi đôi là phần cơ và xương lồng ngực rất cứng chắc, khi bị chèn ép như vậy, ngực sẽ phải “nhượng bộ” để nhường bớt không gian. Những chiếc áo lót quá chặt sẽ tạo ra áp lực trực tiếp lên tuyến sữa, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu và bạch huyết, gây trở ngại đến sự phát triển của bộ ngực, dễ dẫn đến hiện tượng thụt đầu vú, các ống tuyến sữa không thể phát triển đầy đủ. Những phần lõm xuống dễ tích tụ mồ hôi và chất bã, nếu không vệ sinh được sạch sẽ có thể gây viêm nhiễm hoặc mụn nhọt. Mà khi đầu vú đã thụt vào thì rất khó hồi phục lại, còn ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa và cho con bú sau này. Mặc dù những điều này còn quá xa vời đối với các con, nhưng đây là chuyện cả đời, không thể coi thường. Ngoài ra, mẹ cũng muốn nói cho các con biết yếu tố có liên quan. Ở tuổi dậy thì, xương cột sống cấu thành nên lồng ngực, phần liên kết giữa xương ngực và xương sườn là sụn mềm, còn chưa phát triển hoàn thiện, nịt ngực quá chặt sẽ tạo ra áp lực rất lớn lên lồng ngực, dễ khiến lồng ngực biến dạng, làm cho phổi khó hô hấp, đồng thời cũng khiến cho phần cơ giãn sườn phải chịu áo lực, lâu dần các chỉ tiêu công năng của phổi như dung lượng phổi, hoạt lượng của phổi sẽ bị giảm sút hơn so với mức bình thường, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển và sức khỏe con gái.
Cuối cùng, hãy cùng nói đến vấn đề ăn uống và vận động có ảnh hưởng ra sao đến sự phát triển của bộ ngực. Mặc dù kích thước của bộ ngực chủ yếu là do gen di truyền, nhưng điều cần biết ở đây là quá kén ăn hoặc lười ăn sẽ khiến cơ thể suy dinh dưỡng, thiếu chất béo, cản trở sự phát triển của bộ ngực. Vì vậy, đừng hơi một chút là đòi giảm béo, cũng không nên kén ăn. Còn về vận động, mặc dù ngực là do mô mỡ và tuyến sữa cấu thành, không có bất cứ vận động hay
ngoại lực nào có thể khiến nó to lên, nhưng nếu thường ngày chịu khó mát xa ngực có thể tăng cường tuần hoàn máu cung cấp cho ngực, cũng khiến cơ ngực có tính đàn hồi hơn, giúp ngực phát triển hơn. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động thể dục thể thao thích hợp, ví dụ như: bơi lội, tập cơ ngực… có thể khiến cho các cơ ngực trở nên săn chắc và đàn hồi, giúp đẩy ngực lên cao, khiến ngực trông to hơn, đẹp hơn đôi chút.
Mẹ nói nhiều như vậy cũng chỉ muốn các con biết, sự phát triển núi đôi là quá trình mà mọi cô bé đều phải trải qua, cho dù là sớm hay muộn, to hay nhỏ, chỉ cần phát triển trong phạm vi bình thường, khỏe mạnh, các con không cần phải che đậy, không cần phải “chuyện bé xé ra to”, cứ thoải mái chào đón tuổi dậy thì, hãy tận hưởng niềm hạnh phúc trưởng thành con nhé!
Mẹ
Bức thư thứ 4
THỜI GIAN DẬY THÌ KÉO DÀI BAO LÂU?
Minh Anh thân yêu:
Ha ha, con thấy mẹ nói không sai chứ! Mới vài hôm trước con còn buồn phiền vì chuyện “lạc hậu” hơn bạn Thanh, giờ thì con cũng bắt đầu hành trình của mình rồi đấy. Vì vậy, mẹ càng phải bày tỏ sự chúc mừng đến con, con gái của mẹ đã lớn thật rồi!
Con còn nhớ mẹ đã nói “hành trình trường kì” của các con chỉ mới bắt đầu thôi không? Chính xác, sự thay đổi của con gái tuổi dậy thì kì diệu như quá trình sâu hóa bướm vậy, phải trải qua từng “cửa ải” một, từ từ phát hiện ra những điều bí mật nho nhỏ. Những “cửa ải” này, có cái thì hiện rõ ra bên ngoài, có cái ẩn mình, nhưng cửa ải này tiếp nối cửa ải kia, phải trải qua vài năm các con mới có thể vượt qua tất cả. Vậy, trong tuổi dậy thì, giai đoạn phát triển đặc trưng giới tính thứ hai sẽ kéo dài bao lâu? Trình tự phát triển của cơ thể như thế nào? Mẹ nghĩ, đây là điều mà các con cần tìm hiểu để có sự chuẩn bị sẵn sàng về tâm lí. Nhờ đo,ù các con có thể tự nhiên và thuận lợi vượt qua giai đoạn này.
Thông thường, trình tự phát triển của tuổi dậy thì diễn ra theo thời gian biểu sau đây:
8–9 tuổi: Xương chậu bắt đầu mở rộng, các tuyến bã nhờn tăng cường bài tiết. Nhưng thông thường vào giai đoạn này, các con sẽ không có cảm giác gì đặc biệt, vì phần lớn những biến đổi đều diễn ra trong âm thầm.
Trên dưới 10 tuổi: Lớp mỡ dưới da đã dày lên, mông tròn hơn, ngực bắt đầu phát triển, có lẽ bây giờ con đang ở trong giai đoạn này và đang quá độ lên giai đoạn tiếp theo.
11–12 tuổi: Ngực tiếp tục phát triển, hơi nhô lên; ở cơ quan sinh dục, nói một cách chính xác là ở xung quanh môi lớn và xương mu sẽ mọc lông, gọi là lông mu; bắt đầu bước vào giai đoạn “vỡ giọng”, giọng nói trở nên cao và thanh hơn.
Khoảng 13 tuổi: Ngực to lên rõ rệt, lông
mu ngày một nhiều hơn, dần dần giống
như người trưởng thành, vùng nách cũng
bắt đầu mọc lông; trong giai đoạn này, vóc
dáng của con gái bắt đầu phát triển nhanh;
sau thời kì này, rất nhiều bạn nữ bắt đầu có
kì kinh nguyệt đầu tiên.
14–15 tuổi: Về cơ bản, ngực đã phát
triển hoàn thiện, trông đầy đặn hơn; cánh
tay và mông tròn trịa hơn, eo thon nhỏ,
xương chậu rộng ra, thân hình đã lộ rõ
những đặc trưng của con gái, cơ quan sinh
dục bắt đầu phát triển, kinh nguyệt về cơ
bản bắt đầu có tính chu kì.
Khoảng 18 tuổi: Ngực tiếp tục hoàn
thiện, vòng kinh hình thành quy luật, cơ
quan sinh dục bước vào giai đoạn hoàn
thiện, cơ thể phát triển cân đối hơn. Lúc
này, con đã trở thành một thiếu nữ rồi đấy.
Đương nhiên thời gian biểu này chỉ
mang tính tham khảo; hơn nữa quá trình phát triển là một hành trình kéo dài, mỗi giai đoạn ở mỗi người sẽ khác nhau, có người ở giai đoạn này phát triển nhanh nhưng sang đến giai đoạn tiếp theo, tốc độ phát triển lại chậm lại…
Ha ha, mẹ rất muốn biết, nếu có thể tự quyết định, con sẽ mong mình lớn thật nhanh hay là chầm chậm thôi?
Mẹ
Bức thư thứ 5
MỌC LÔNG Ở VÙNG KÍN Minh Anh, con yêu:
Mấy hôm nay mẹ phát hiện con trở nên “e thẹn”, mỗi khi con tắm, có nói thế nào cũng không cho mẹ vào kì lưng hộ. Mẹ đoán chắc con đã phát hiện ra sự thay đổi trên cơ thể mình... Con không cần phải ngại, hôm nay chúng ta sẽ nói đến vấn đề mọc lông ở vùng kín.
Thông thường, sau khi con gái bắt đầu phát triển ngực được nửa năm đến một năm, lông mu sẽ bắt đầu xuất hiện. Đó là do tuyến thượng thận (cái tên thật là khó nhớ, con chỉ cần hiểu là được rồi) sản sinh ra hormone androgen. Đầu tiên, lông sẽ xuất hiện ở chỗ đi tiểu của con, nói chính xác là ở xung quanh môi lớn, dài và mảnh, màu sậm, thẳng hoặc hơi xoăn. Sau đó, lông mu sẽ dần dần lan rộng ra vùng xương mu, xương mu chính là xương nằm ở vùng phía dưới bụng và giữa hai chân của con. Sau khi phát triển hoàn toàn, toàn bộ khu vực lông mu sẽ có hình như hình tam giác, lông mu dần trở nên thô, cứng và sậm màu.
Khoảng nửa năm đến một năm sau khi xuất hiện lông mu, lông nách cũng bắt đầu mọc. Thông thường, lông nách của thiếu nữ mảnh, ngắn và ít hơn so với người lớn và đàn ông.
Sự phát triển lông và tóc của con người chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố như chủng tộc, khí hậu, khu vực, giới tính và dinh dưỡng. Cho dù là người cùng chủng tộc, đàn ông hay đàn bà, lông phát triển sớm hay muộn, nhanh hay chậm, ít hay nhiều, thô hay mảnh, dài hay ngắn, màu sắc đậm hay nhạt cũng có sự khác biệt, điều này hết sức bình thường. Vì vậy, nếu chú ý quan sát, con sẽ phát hiện, ở một số người, lông nách tương đối rậm, đen. Nhưng rất nhiều nữ minh tinh mặc dù mặc áo hở nách vẫn không thấy có lông nách, tại sao vậy nhỉ? Trên thực tế, rất ít người không có lông nách, hoặc không có lông mu. Đại đa số mọi người, cho dù là các nữ minh tinh cũng có lông nách, chỉ có điều vì thẩm mỹ, nhất là khi tham gia các hoạt động quảng bá, phải mặc những bộ quần áo thời trang, họ có thể sử dụng các phương pháp khác nhau để loại bỏ lông nách.
Còn đối với người bình thường, nhất là đang trong giai đoạn phát triển như các con, đây không phải là vấn đề đáng để lo ngại, hãy để nó thuận theo lẽ tự nhiên, hãy đối xử tốt với bản thân, tận hưởng niềm vui của sự thay đổi trên cơ thể, điều đó mới là quan trọng nhất.
Mẹ
Bức thư thứ 6
CON GÁI CŨNG MỌC RÂU Ư? Minh Anh thân yêu:
Bảo con "xấu xí” là trò đùa thường xuyên giữa hai mẹ con ta, thế nhưng tối qua Minh Anh của mẹ giận thật rồi…. Thực ra mẹ biết tại sao con lại nhạy cảm với từ “xấu xí” đến như vậy: con suốt ngày soi gương là bởi vì con thấy mình đang “mọc ria mép”. Trước đó, mẹ có nghe con than thở nhưng mẹ không mấy để tâm, nghĩ rằng con chỉ nói vậy thôi, không ngờ nó lại trở thành khúc mắc trong lòng con. Cho mẹ xin lỗi con trước nhé, bây giờ mẹ sẽ giải thích chuyện này cho con.
Thực ra không thể gọi đó là “ria mép” được, đó chẳng qua chỉ là lông tơ mọc sậm màu hơn mà thôi.
Việc mọc lông ở các bộ phận trên cơ thể chủ yếu là do tác dụng của hormone androgen. Trong cơ thể con gái, không chỉ có hormone estrogen giúp kích thích sự phát triển các đặc trưng của con gái mà còn có một lượng nhỏ androgen. Vì vậy, dưới tác dụng của các hormone này, trên mặt và một số vị trí khác trên cơ thể con gái cũng có thể mọc lông. Theo số liệu điều tra, phụ nữ từ 15–44 tuổi có hơn 30% người có "ria mép", 9% rõ cả lông tơ trên mặt, 6% có lớp lông ở hai bên xương quai hàm tương đối sậm màu.
Đối với con gái trong tuổi dậy thì, bởi vì mất cân bằng nội tiết trong cơ thể, lượng hormone androgen tương đối cao gây kích thích
các nang lông, khiến cho phần lông tơ trên cánh tay và chân trông có vẻ sậm màu, thậm chí có thể mọc cả ria mép. Vì vậy mà có một số bạn gái không dám mặc váy ngắn và quần đùi vào mùa hè, còn nghĩ đủ mọi cách để “tiêu diệt” đám lông tơ đáng ghét kia, thậm chí sợ hãi không biết bản thân mình có xấu đi không, có mắc bệnh gì không, từ đó khiến cho tâm trạng trở nên nặng nề. Thông thường, qua một thời gian, hiện tượng nhiều lông do mất cân bằng nội tiết trong cơ thể ở tuổi dậy thì này sẽ biến mất cùng với sự cân bằng các hormone trong cơ thể. Đây là hiện tượng hết sức bình thường.
Tất nhiên, cũng có người phụ nữ thật sự "mọc râu", cơ thể có các hiện tượng bất thường như lông ở các bộ phận cơ thể không ngừng trở nên rậm rạp, đồng thời tóc mai rụng dần, yết hầu nổi rõ, giọng nói trở nên trầm hơn, âm hạch phì đại, kinh nguyệt không đều, hoặc bế kinh, thì đó là những hiện tượng bệnh lí có khả năng liên quan đến sự bất thường của buồng trứng và tuyến yên, cần được thăm khám và điều trị.
Vì vậy, sau khi hiểu được những điều này, con đừng ủ rũ, không vui vì những hiện tượng “tạm thời” này nữa nhé.
Mẹ phải đi làm rồi, tối về mẹ sẽ viết tiếp cho con…
Mẹ
Bức thư thứ 7
LÔNG TƠ CÀNG CẠO CÀNG DÀI?
Minh Anh thân yêu:
Theo số liệu thống kê, trong giới nữ, tỉ lệ những người có lông tay và lông chân tương đối nhiều, chiếm tỉ lệ lần lượt là 30% và 70%. Vì vậy, đối với con gái, tay, chân mọc lông là chuyện hết sức bình thường. Hiện nay, có rất nhiều bạn nữ vì muốn đẹp mà dùng dao cạo lông chân, lông tay, nhưng có người lại bảo lông càng cạo sẽ càng dài ra. Vậy, điều này thực hư thế nào?
Độ dày và màu sắc của lông ở mỗi người lại có sự khác biệt, chủ yếu là do nguyên nhân di truyền: số lượng lông ít hay nhiều là do số lượng nang lông, màu sắc đậm hay nhạt là do các tế bào sắc tố dưới gốc nang lông quyết định. Mà số lượng nang lông là yếu tố bẩm sinh,
không thể thay đổi. Lông tơ trên người có cạo đi cũng sẽ nhanh chóng mọc ra, cũng giống như râu trên mặt bố con, có cạo đi rồi, chẳng mấy chốc lại dài ra. Mặc dù lớp lông tơ dài ra sau khi cạo trông lại có vẻ đen và rậm rạp hơn ban đầu nhưng thực tế số lượng lông tơ không hề thay đổi, không phải càng cạo lông càng mọc nhiều. Nếu như lông tơ vừa đen vừa rậm, đúng là có ảnh hưởng đến mỹ quan, cũng cần nghĩ cách để loại bỏ.
Cạo lông là một cách làm tương đối đơn giản. Trên thị trường có các loại dao cạo chuyên dụng cho nữ, có thể loại bỏ lớp lông tơ trên da, lại không gây đau đớn hay khó chịu, thao tác cũng rất dễ dàng. Nhưng điều cần chú ý là, phải sử dụng dao cạo riêng, không nên mượn của người khác hoặc cho người khác mượn dao cạo của mình. Trước khi cạo lông cần ngâm chân, tay hoặc các bộ phận cơ thể khác trong nước ấm vài phút, ngoài ra có thể bôi lên da một lớp kem dưỡng ẩm hoặc xà bông để làm mềm lớp lông và giảm sự kích thích của dao cạo lên da. Khi cạo lông nên cạo ngược hướng lông mọc: cạo lông chân nên hướng lên trên, cạo lông nách nên giơ cao tay và
hướng xuống dưới. Mỗi lần cạo xong nhất
định phải vệ sinh dao cạo sạch sẽ và phơi
khô.
Ngoài phương pháp cạo lông, còn có
thể sử dụng kem tẩy lông, sáp tẩy lông
(wax). Nhưng kem tẩy lông có chất hóa
học, có thể gây kích ứng da, dẫn đến hiện
tượng dị ứng. Kem tẩy lông và wax tẩy
lông có những sản phẩm dành riêng cho
lông ở từng khu vực khác nhau trên cơ thể,
vì vậy, tốt nhất không nên sử dụng các sản
phẩm này một cách bừa bãi mà nên nhờ sự
trợ giúp của các chuyên gia thẩm mỹ, nếu
không ít nhất cũng phải đợi sau khi nắm rõ
phương pháp sử dụng mới tiến hành và
phải tuân thủ đúng như hướng dẫn, đồng
thời làm thử trên một vùng da nhỏ trước
rồi mới áp dụng cho toàn bộ vùng da cần
triệt lông.
Cũng có người hay dùng nhíp hoặc các
dụng cụ khác để nhổ lông. Phương pháp
này nếu dùng để nhổ vài sợi lông mày còn
được chứ dùng để nhổ lông các vùng khác
trên cơ thể e rằng không khả thi. Phương
pháp này không những không thể ngăn cản
sự mọc lên của lông, mà còn gây đau đớn, dễ gây ra viêm nhiễm, lắng đọng sắc tố và để lại sẹo thâm.
Còn về các phương pháp tẩy lông bằng điện và laser hiện đại, điểm khác biệt lớn nhất với các phương pháp kể trên là nó có thể loại trừ lông vĩnh viễn. Đây là phương pháp tẩy lông dựa trên tác dụng của dòng điện, tác động vào gốc sợi lông, từ đó loại trừ lông trên mặt và các bộ phận khác. Một khi đã liên quan đến kĩ thuật, đương nhiên phải có sự tư vấn của bác sĩ, và phải tiến hành ở những cơ sở có máy móc hiện đại, nếu thực sự cần thiết thì mới nên làm.
Mặc dù mẹ đã giới thiệu cho con vài phương pháp loại bỏ lông trên cơ thể nhưng mẹ buộc phải nói rõ: mẹ cảm thấy con không hề “nhiều lông”. Như chúng ta đã nói ở trên, đại đa số con gái “nhiều
lông” là do vấn đề sinh lí, hơn nữa lông còn có tác dụng bảo vệ làn da, giúp cơ thể đào thải các chất độc trong cơ thể. Cho dù là người trưởng thành, nếu như không quá nhiều lông, lông quá sậm màu, quá rõ rệt, cũng không phải tình huống bắt buộc ví dụ như đi dự tiệc, cần phải trị bệnh… thì cũng không cần phải tẩy lông thường xuyên. Thực ra, không phải có rất nhiều người chú ý đến con bởi con nhiều lông, đơn giản đó chỉ là do ám ảnh tâm lí từ chính bản thân con mà thôi. Con thử nghĩ mà xem, nếu như chính con không biết yêu quý thân thể của mình, người khác làm sao có thể? Hơn nữa, có thể người ta hoàn toàn không phát giác ra những "khuyết điểm" này, nhưng vì chính bản thân con quá ngại ngùng, cứ giấu giấu giếm giếm lại khiến cho người ta để ý đến. Con thấy có đúng không?
Hi vọng hai bức thư này có thể giải quyết những khúc mắc hiện tại trong lòng con, giúp con trở lại là một Minh Anh tươi vui như trước đây!
Mẹ
Bức thư thứ 8
TẠI SAO LẠI BỊ VỠ GIỌNG? Minh Anh thân yêu:
Mẹ phải phê bình con
rồi. Hôm nay về đến nhà,
nói đến bài kiểm tra nhạc,
con vừa đi vừa nói: “Buồn
cười quá, buồn cười quá!”,
vừa cười ha ha, sau đó nói
như đang kể chuyện cười:
“Bạn Bằng ngồi cùng bàn
với con vốn hát rất hay,
nhưng không biết vì sao
bây giờ giọng hát lại ồm
ồm như vịt đực, khó nghe
chết đi được! Vốn dĩ mọi
người đều cố kìm nén,
nhưng bạn ấy đứng bên
cạnh hát mãi, hát mãi, con
thực sự không nhịn được
nữa, con vừa bật cười, cả
lớp cũng ồ lên cười, còn có
người lén bắt chước giọng
hát của bạn ấy… Kết quả là Bằng khóc nấc lên, còn trách con đầu têu cả lớp trêu chọc bạn ấy, cả ngày chẳng chịu nói chuyện với con…”. Mặc dù mẹ biết con và các bạn không hề có ác ý, nhưng đó là hành vi thiếu tôn trọng bạn bè, sẽ khiến bạn ấy tổn thương lòng tự trọng, mất đi sự tự tin. Sở dĩ giọng nói của Bằng bị thay đổi có thể là do bạn ấy đã bước vào thời kì "vỡ giọng".
Nếu con chú ý quan sát, có thể con sẽ phát hiện một số bạn nữ trong lớp cũng bắt đầu thay đổi giọng, giọng nói trở nên thanh và cao hơn; và cũng có những bạn nam, giọng nói ồm ồm như vịt đực giống như bạn Bằng. Đây lại là một biểu hiện khác của tuổi dậy thì – vỡ
giọng.
Thời kì vỡ giọng thông thường bắt đầu từ 13 tuổi trở đi, kéo dài từ 3 tháng đến 1 năm, thậm chí là dài hơn. Bước vào tuổi dậy thì, cùng với sự phát triển của cơ thể, cho dù là con trai hay con gái, đều sẽ có những biến đổi to lớn ở hệ hô hấp như cổ họng nhanh chóng to ra, dây thanh dài ra, đồng thời thay đổi về độ dày mỏng và rộng hẹp… Sự thay đổi này khiến cho dây thanh đới của con gái từ 6–8mm tăng lên 15–18mm, còn con trai thì dài hơn một chút, do đó gây ra sự thay đổi về giọng nói và các con bước vào giai đoạn vỡ giọng. Thực ra, giọng nói của con gái không thay đổi rõ rệt lắm, nhưng trở nên thanh hơn so với hồi còn nhỏ; còn giọng nói của con trai thay đổi khá rõ rệt, trở nên trầm và ồm hơn. Trong quá trình thay đổi này, con trai phải trải qua giai đoạn “vỡ giọng”, giọng nói trở nên ồm ồm như vịt đực, ngay chính bản thân các bạn ấy cũng sẽ cảm thấy khó nghe, thậm chí e ngại phải nói chuyện với mọi người. Vì vậy, nếu đổi lại là con, khi con hát mà bị các bạn cười nhạo, bắt chước, chắc chắn con cũng sẽ cảm thấy buồn và tổn thương đúng không nào?
Con và Bằng là bạn tốt của nhau, mẹ nghĩ chắc con cũng hiểu cần phải làm gì rồi. Để thể hiện "thành ý" của mình, con có thể nói những lời mẹ viết dưới đây cho bạn Bằng nghe. Sau khi trải qua quá trình vỡ giọng, cho dù là con trai hay con gái, giọng nói hình thành sẽ theo con suốt cả cuộc đời, đây cũng là một phương diện quan trọng thể hiện phong thái của mỗi con người. Vì vậy, trong quá trình vỡ giọng, các con cần chú ý bảo vệ cổ họng của mình. Trước tiên phải uống nhiều nước (đây là vấn đề mà các con thường xuyên lơ là khi ở trường), đừng để cổ họng khô rát. Tiếp theo, hàng ngày cần ăn nhiều rau củ quả, ít ăn cay, dầu mỡ hay các thực phẩm có tính kích thích, càng không nên hiếu kì mà dính đến thuốc lá, bia rượu (nhất là các bạn nam), tránh gây ra những kích ứng không tốt lên cổ họng. Thứ ba, trong cuộc sống hàng ngày, nhất là trong tiết thể dục, âm nhạc hoặc khi mọi người cùng vui đùa, không nên hò hét quá to, khiến cho dây thanh đới phải làm việc hết công suất, gây xung huyết, thậm chí là nứt vỡ. Cuối cùng, phải kiên trì tập luyện thể dục thể thao, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, cố gắng ngăn ngừa các bệnh về hô hấp, bởi vì chúng thường gây tổn hại đến cổ họng và dây thanh đới.
Con cần biết, giọng nói thanh, cao của con gái và chất giọng trầm đục của con trai chính là một “vũ khí” rất quan trọng giúp tạo nên sức hút riêng của mỗi người. Vì vậy, con cần chú ý đến những phương
diện này, bảo vệ cổ họng cho tốt, giúp cho bản thân vượt qua quá trình vỡ giọng một cách thuận lợi.
Mẹ
Bức thư thứ 9
TRỞ NÊN ĂN KHỎE, NGỦ KHỎE
Minh Anh thân yêu:
Dạo này, mỗi bữa cơm, con thường ăn rất ít, có phải con thấy khó chịu ở đâu không? Là do dạ dày khó chịu ư? Hay là thức ăn mẹ làm không hợp khẩu vị của con? Ha ha, mẹ biết đó đều không phải là lí do, mà lí do chính là con đang sợ béo, có đúng không nào!
Các thiếu nữ ở tuổi dậy thì thường phát hiện bỗng nhiên có một thời gian bản thân mình trở nên ăn khỏe, ngủ khỏe hơn trước và rất lo lắng vì thế mà sẽ trở nên béo ú. Thực ra, đó là bởi vì cơ thể của con đang phát triển, đương nhiên cần đến nhiều "năng lượng" rồi!
Sự sinh trưởng, phát triển của cơ thể người, hoạt động điều tiết các chức năng sinh lí, duy trì quá trình trao đổi chất ở cơ thể người khỏe mạnh đều cần đến một lượng năng lượng lớn. Mà nguồn cung cấp năng lượng là sáu nhóm dinh dưỡng chính, bao gồm: tinh bột, protein, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước. Đây là những chất cần thiết cho cơ thể người, không thể thiếu bất cứ chất nào. Mà phần lớn các chất dinh dưỡng này đều được lấy từ các loại thực phẩm mà chúng ta ăn hằng ngày. Trong cuộc đời mỗi người đều có hai giai đoạn phát triển đỉnh cao: một là lúc khoảng 1 tuổi, hai là thời kì dậy thì. Thời kì phát triển đầu tiên, chúng ta sẽ không nói đến nữa, chỉ nói đến giai đoạn dậy thì mà thôi.
Trong giai đoạn dậy thì, cho dù là con trai hay con gái cũng sẽ phát triển nhảy vọt về chiều cao và cân nặng, tốc độ chuyển hóa xương rất nhanh, các đặc điểm giới tính ngày một rõ ràng, chức năng của các cơ quan trong cơ thể ngày một hoàn thiện, do đó lượng dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt là lượng nhiệt lượng thiết yếu cao hơn hẳn so với giai đoạn nhi đồng, thậm chí còn hơn cả những người trưởng thành lao động thể lực ở mức độ trung bình. Mà lúc này cũng chính là
thời điểm các con gặp áp lực lớn trong học tập. Áp lực lớn khiến cho lượng nhiệt lượng tiêu hao càng tăng lên, vì vậy thời kì này, các con có thể cảm thấy ăn khỏe, ngủ khỏe hơn, thậm chí là ham ăn và ham ngủ.
Chắc chắn con sẽ nói là đương nhiên con muốn cao lên, nhưng lại lo sợ cùng với việc cao lên, thân hình của mình sẽ béo ra.
Trong giai đoạn dậy thì, trọng lượng của cơ thể sẽ tăng lên cùng với sự phát triển của chiều cao. Cho dù là con trai hay con gái, trung bình mỗi năm sẽ tăng từ 5–6kg, thậm chí là 8–10kg. Nhưng điều này không phải là tăng cân, béo lên đơn thuần, mà nó có liên quan đến sự thay đổi kết cấu của cơ thể, có liên quan đến sự gia tăng của cơ bắp và chất béo trong cơ thể sau quá trình phát dục. Đối với con gái, trong quá trình dậy thì, lớp mỡ dưới da sẽ tăng lên trên toàn bộ cơ thể, nhất là phần ngực và mông sẽ đầy đặn thấy rõ. Thế nên, có nhiều thiếu nữ nhất thời không thể chấp nhận sự thay đổi của cơ thể, cảm thấy mình béo ra, cần phải giảm béo. Thực ra, đây là một giai đoạn mà bất cứ một ai ở độ tuổi dậy thì cũng phải trải qua. Sau khi hết giai đoạn dậy thì, cơ thể người đã phát triển hoàn thiện, sự phát triển xương, cơ bắp, lớp mỡ ở các bộ phận trên cơ thể sẽ trở nên cân bằng hơn. Nói một cách khác, đây là giai đoạn tiền đề để con trở thành một thiếu nữ thon thả, điệu đà. Con có để ý không, ngay cả các nữ minh tinh, ca sĩ nổi tiếng khi mười mấy tuổi, mới vào nghề cũng có thân hình mũm mĩm, khuôn mặt tròn trịa chứ không thon thả như bây giờ. Do đó, tình trạng hiện nay của con chỉ là tạm thời, không phải là kết quả cuối cùng, hoàn toàn không cần thiết phải nhịn ăn để giảm béo, điều đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể của con.
Nhưng đúng là cũng có một số trường hợp bị béo phì trong quá trình dậy thì. Vì vậy, để đảm bảo việc ăn uống và ngủ nghỉ đầy đủ trong tuổi dậy thì, cần phải chú ý đến kết cấu bữa ăn, điều này mẹ sẽ làm giúp con. Tuy nhiên, bản thân con cũng cần hạn chế ăn các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, các thực phẩm rán, junk food (thực phẩm có giá trị dinh dưỡng thấp nhưng lại chứa quá nhiều đường, muối, mỡ như khoai tây chiên, snack, bánh pizza...), các loại thực phẩm có hàm lượng đường cao, các loại đồ uống giàu năng lượng… Ngoài ra, còn cần tập thể dục thể thao, ngoài các tiết thể dục ở trường, con có thể chơi một số môn thể thao như bơi lội, đánh cầu… Có như vậy, mới có thể duy trì được trọng lượng thích hợp.
Dưới đây là một công thức tính cân nặng tiêu chuẩn, nếu như con lo mình béo, có thể thử tính toán xem sao:
Tiêu chuẩn cân nặng ở con gái (kg) = chiều cao (cm) – 100 – [chiều cao (cm) – 150]/2
Mẹ
Bức thư thứ 10
CON GÁI CÒN CAO HƠN CON TRAI
Minh Anh thân yêu:
Mẹ cứ thắc mắc không hiểu vì sao sau
khi nhận kết quả kiểm tra sức khỏe học kì
này, một người không thích uống sữa như
con bỗng nhiên chủ động đòi mẹ mua sữa!
Hóa ra, con phát hiện ra bạn Thanh đột
ngột cao lên rất nhiều, cao hơn con hẳn
một cái đầu, thậm chí vượt qua cả mấy bạn
nam trong lớp. Mà bí quyết của bạn ấy
chính là uống sữa mỗi ngày.
Trong lá thư trước mẹ đã từng nói với
con, tuổi dậy thì cũng là một giai đoạn phát
triển đỉnh cao vô cùng quan trọng trong
cuộc đời mỗi người. Đối với con gái, ngoài
việc phát triển các đặc trưng giới tính, đến
tuổi dậy thì, chiều cao và cân nặng của cơ
thể cũng thay đổi nhanh chóng. Trước khi
dậy thì, chiều cao của con gái mỗi năm
tăng khoảng 3–5cm. Nhưng khi bước vào
giai đoạn dậy thì, tốc độ tăng trưởng chiều
cao tăng lên gấp đôi, tức là mỗi năm các
con sẽ cao lên 6~8cm, thậm chí là 10–
12cm.
Hơn nữa, chúng ta cũng biết, con gái thường dậy thì sớm hơn con trai hai năm, vì vậy trong thời gian này, con gái sẽ thấy mình còn cao hơn cả con trai. Nhưng thời kì này không kéo dài lâu, bởi các bạn nam sau khi bước vào giai đoạn dậy thì sẽ nhanh chóng cao vượt lên so với các bạn nữ.
Còn về con, con không cần quá lo lắng về chiều cao của mình. Thứ nhất là vì con dậy thì muộn hơn bạn Thanh một chút, bây giờ bạn ấy có cao lên nhanh cũng là chuyện bình thường. Thứ hai, chuyện con nghe các bạn nói rằng con gái sau khi có kinh nguyệt lần đầu tiên sẽ không cao thêm nữa là không hoàn toàn chính xác, bởi vì kinh nguyệt lần đầu tiên và việc tăng chiều cao không có mối quan hệ tất yếu với nhau.
Con người có thể tăng chiều cao là bởi vì đầu các xương ống của tứ chi chưa bị cốt hóa. Mà việc tăng chiều cao lại phụ thuộc thời gian cốt hóa của các mấu xương. Vì vậy, cùng với sự lớn dần của tuổi tác, khi các mấu xương dần dần cốt hóa, con người sẽ không cao lên nữa. Mà sự phát triển của các bộ phận trên cơ thể con người đều do hệ nội tiết chi phối. Kì kinh nguyệt đầu tiên và sự canxi hóa xương đồng thời tiếp nhận tác động của các loại hormone nội tiết như: hormone sinh trưởng, hormone tuyến giáp…. khiến cho việc dậy thì và tuổi của xương có sự ăn khớp về mặt thời gian. Một, hai năm trước khi con gái có kinh nguyệt lần đầu tiên, vì cơ thể sản sinh một lượng lớn các hormone, chiều cao của con gái sẽ tăng lên rõ rệt. Sau khi có kinh lần đầu tiên, lượng hormone trong cơ thể trở nên ổn định, tốc độ tăng trưởng chiều cao cũng chậm đi. Điều này khiến mọi người có cảm giác chiều cao và quá trình phát dục có liên quan với nhau. Thực ra, con gái sau khi có kinh nguyệt lần đầu, chiều cao cơ thể sẽ tiếp tục phát triển từ từ trong 1–3 năm, tốc độ tăng trưởng cũng có sự khác biệt ở từng người. Theo nghiên cứu của một số nhà khoa học, con gái kể từ khi xuất hiện kì kinh đầu tiên đến khi kết thúc cơ bản quá trình dậy thì, chiều cao còn có thể tăng thêm từ 8–10cm (có thể chênh lệch 1–2cm). Phần lớn các bạn nữ sẽ định hình chiều cao ở tuổi từ 19–23. Theo gen di truyền, Minh Anh nhà ta sẽ còn cao lên không ít đâu.
Tuy nhiên, nếu như con muốn cao hơn nữa thì không nên chỉ ngồi "há miệng chờ sung" nhé. Tốt nhất con nên tranh thủ thời kì dậy thì, đặc biệt là hai, ba năm trước kì kinh đầu tiên tăng cường luyện tập thể dục thể thao, ví dụ như chơi bóng rổ, chạy, nhảy dây, những môn thể thao giúp tăng chiều cao để kích thích sự sinh trưởng của các mấu xương chưa trải qua sự cốt hóa. Bên cạnh đó, còn cần bảo đảm giờ giấc nghỉ ngơi, bởi trong giấc ngủ, lượng hormone tăng trưởng thúc đẩy chiều cao sẽ được tiết ra mạnh mẽ hơn. Đương nhiên, bí quyết của bạn Thanh cũng rất hay, muốn cao nhanh, cao lên nhiều, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lí là điều tất yếu. Sữa bò là nguồn cung cấp canxi phong phú cho cơ thể người, mà canxi lại là vật chất quan
trọng cấu thành nên xương. Trước đây, mẹ bảo con uống sữa mỗi ngày mà con còn không chịu nghe, giờ thì biết nó quan trọng rồi chứ gì?
Ăn tốt, ngủ tốt, chăm tập thể dục, hãy nhớ những lời dặn của mẹ, có như vậy con mới có thể cao lớn và khỏe mạnh!
Mẹ
Bức thư thứ 11
DẬY THÌ CÓ SỚM CÓ MUỘN Minh Anh thân yêu:
Mẹ đã nhận được mảnh giấy ghi các
thắc mắc của con rồi. Xem ra những bức
thư mà mẹ viết gần đây có thể giúp ích cho
các con, điều này khiến mẹ cảm thấy rất
vui! Nhận được sự tín nhiệm của các bạn
của con, mẹ cảm thấy vô cùng vinh hạnh,
vô cùng vui mừng! Mẹ nhất định sẽ tiếp tục
cố gắng.
Bây giờ mẹ sẽ trả lời câu hỏi đầu tiên
của các con: Thế nào là dậy thì sớm? Thế
nào là dậy thì muộn?
Mặc dù mẹ đã nói, thời điểm dậy thì của mỗi người là khác nhau, nhưng nếu con gái trước 8 tuổi đã xuất hiện đặc trưng giới tính như ngực phát triển nhanh, mọc lông nách, lông mu, xuất hiện kinh nguyệt… thì được coi là dậy thì sớm. Thông thường, tỉ lệ con gái dậy thì sớm cao hơn so với con trai, tỉ lệ khoảng 8 : 1. Nguyên nhân có thể là do hệ nội tiết, thần kinh của con gái nhạy cảm hơn trước những thay đổi của môi trường.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng dậy thì sớm, ví dụ: nhân tố di truyền, bố (mẹ) hoặc người thân trong gia đình từng dậy thì sớm, cũng có thể là do một số loại bệnh hoặc do trong quá trình điều trị bệnh, cơ thể đã tiếp nhận một lượng lớn hormone estrogen. Ngoài ra, mức sống hiện nay ngày càng được nâng cao, dinh dưỡng được cải thiện, có một số bậc cha mẹ vì quá chăm bẵm cho con cái nên đã cho con sử dụng một số thực phẩm bổ dưỡng quá sớm, ví dụ như: nhân sâm, sữa ong chúa… đây cũng là một nguyên nhân quan trọng gây ra hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ. Theo nghiên cứu mới nhất cho thấy, sự kích thích bởi âm thanh và tiếng ồn gay gắt trong thành
phố hiện nay có thể kích thích lên tuyến tùng ở đại não, khiến cho vùng dưới đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục trở nên nhạy cảm hơn, có thể dẫn đến hiện tượng dậy thì sớm. Vì vậy, nếu như có các dấu hiệu dậy thì sớm, chúng ta nên đến bệnh viện kiểm tra để xác định chính xác có phải mình đang bị dậy thì sớm và nguyên nhân là gì, để từ đó tìm ra hướng điều trị cho phù hợp.
Mọi sự vật đều có tính hai mặt. Đối lập với dậy thì sớm là hiện tượng dậy thì muộn.
Tiêu chuẩn phán đoán dậy thì muộn là: nếu một bạn nữ đến 14 tuổi mà vẫn chưa phát triển ngực, hoặc mặc dù đã có ngực nhưng trong vòng năm năm vẫn không thấy có kinh thì được liệt vào dạng dậy thì muộn.
Dậy thì muộn có thể là do các nguyên nhân sau: Thứ nhất là do thể chất chậm phát triển, điều này có liên quan đến di truyền, tức là trong gia đình có ai đó dậy thì muộn. Nếu trong gia đình có người dậy thì muộn thật thì không cần thiết phải điều trị, quá trình dậy thì chẳng qua chỉ đến muộn mà thôi. Nguyên nhân thứ hai là trong quá trình mang thai, người mẹ bị suy dinh dưỡng, hoặc đứa trẻ không được ăn uống đầy đủ khiến cho quá trình phát triển bị chậm lại, quá trình dậy thì bị đẩy lùi. Thứ ba, một số trẻ bị mắc bệnh mãn tính gây ảnh hưởng đến nội tiết trong cơ thể, từ đó xuất hiện hiện tượng dậy thì muộn. Vì vậy, khi con gái đến 14 tuổi mà vẫn chưa có các đặc trưng của tuổi dậy thì, cần phải đến bệnh viện kiểm tra và xác định hướng điều trị thích hợp.
Còn về thắc mắc thứ hai: Những bạn nữ dậy thì sớm thường không cao. Điều này cũng khá hợp lý. Những bạn nữ này, do sự tác động của các hormone nội tiết, sẽ bước vào giai đoạn dậy thì sớm, chiều cao và cân nặng có sự khác biệt rõ rệt so với các bạn cùng tuổi. Nhưng thời gian tăng trưởng chiều cao liên tục ở các bạn này tương đối ngắn, các sụn ở đầu xương đóng kín sớm khiến chiều cao không thể tăng thêm nên cuối cùng thành ra lại bị thấp hơn so với các bạn nữ dậy thì đúng độ.
Từ đó có thể thấy, dậy thì sớm hay muộn đều là hiện tượng bất thường. Ngoài các nhân tố không thể kiểm soát được như: di truyền, bệnh tật, môi trường… những gì chúng ta có thể làm được để hạn chế ảnh hưởng của bệnh tật đối với cơ thể, thúc đẩy sự phát triển bình
thường của cơ thể là: trong cuộc sống hàng ngày cần tránh hoặc hạn chế các thức ăn, đồ uống chứa hormone tăng trưởng; chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao để tăng cường thể chất, đảm bảo dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể thông qua các thức ăn sạch.
Mẹ rất mong sẽ nhận được càng nhiều các câu hỏi của con và các bạn.
Mẹ
Bức thư thứ 12
MỤN TRỨNG CÁ
Minh Anh thân yêu:
Hôm nay con gái mẹ nói rằng những gì mẹ nói quá lí thuyết… Thôi được rồi, mặc dù lí thuyết không thể không nói, nhưng mẹ sẽ tiếp thu lời phê bình này, hôm nay mẹ sẽ nói đến một vấn đề cực kì thực tế: Làm thế nào để đối phó với “mụn trứng cá”, giải quyết vấn đề diện mạo? Ha ha, mẹ biết các con đang rất buồn phiền về vấn đề này.
Mụn trứng cá thường mọc ở trên mặt, cũng có thể mọc ở lưng, vai. Đối với một số bạn, tuổi dậy thì là giai đoạn “chiến đấu” với mụn trứng cá, và mụn trứng cá đã trở thành “nỗi đau vĩnh viễn” của họ.
Tại sao con người lại bị mọc mụn nhỉ? (xin lỗi con gái nhé, vẫn phải nói đến lí thuyết thôi!). Dưới lớp da của con người có tuyến bã nhờn, có thể bài tiết ra chất nhờn, tác dụng của nó là duy trì độ ẩm và tính đàn hồi cho da, mà mặt là nơi tiết nhiều chất nhờn nhất trên cơ thể. Khi tuổi dậy thì đến, tuyến sinh dục phát triển mạnh, đồng thời bắt đầu sản sinh ra các hormone giới tính, kích thích tuyến bã nhờn dưới da hoạt động mạnh, do đó chất nhờn được bài tiết nhiều hơn. Khi quá nhiều chất nhờn không thể được bài tiết hết qua các ống dẫn của tuyến bã nhờn, chúng sẽ tích tụ trong nang lông, chất bã tích tụ khi gặp các tế bào chết trên da, lại thêm bụi bặm ngoài môi trường sẽ gây bít lỗ chân lông, gây ra hiện tượng viêm nhiễm cục bộ ở lỗ chân lông. Lúc này, trên da sẽ xuất hiện những nốt mẩn đỏ, đấy chính là mụn trứng cá. Vài ngày trước khi đến kì kinh nguyệt, do ảnh hưởng của hormone, bạn gái sẽ càng dễ bị nổi mụn.
Giai đoạn dậy thì cũng là giai đoạn mà các con rất để ý đến vấn đề làm đẹp. Các bạn trẻ, đặc biệt là con gái thường rất coi trọng "thể diện", rất sợ người khác nhìn thấy những cái mụn trên mặt mình. Vừa nhìn thấy mặt nổi mụn là dùng tay để nặn, bóp. Đôi khi chỉ cần bóp nhẹ sẽ nhìn thấy một hạt nhỏ màu trắng trông như bã đậu nhô lên bề mặt da, thậm chí có lúc dưới tác dụng ôxi hóa của không khí và
ô nhiễm môi trường, những nhân mụn chúng ta nặn ra còn có màu đen… Sau đó, trông những cái mụn có vẻ nhỏ đi khá nhiều, nhưng nếu quan sát kĩ chỗ mụn vừa nặn, các con sẽ thấy có một lỗ hổng, một vết thương nhỏ… Trên tay con người lúc nào cũng có vi khuẩn, trong không khí cũng có rất nhiều bụi bặm, chúng có thể dễ dàng xâm nhập vào những vết thương nhỏ đó, gây ra hiện tượng viêm nhiễm, khiến cho mụn trứng cá càng đỏ, càng sưng, ngay cả khi khỏi rồi cũng để lại những vết thâm. Nếu triệu chứng viêm nhiễm ăn sâu xuống da, sau khi mụn lành còn để lại những vết lõm trên bề mặt da. Làm như vậy chẳng khác gì "chữa lợn lành thành lợn què", càng gây mất thẩm mỹ hơn. Vì vậy, tuyệt đối không được dùng tay để nặn mụn đâu nhé!
Thực ra, mụn trứng cá là hiện tượng hết sức bình thường ở tuổi dậy thì, bất cứ ai, ít nhiều cũng đều có mụn trứng cá. Đến khi các con ngoài 20 tuổi, mụn trứng cá không chữa cũng tự khỏi. Chỉ có điều, con người ai cũng yêu cái đẹp, muốn ngăn chặn và giảm bớt mụn trứng cá, vì vậy các con nên vệ sinh sạch sẽ, bảo vệ da và chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày.
1. Hàng ngày có thể dùng nước ấm và xà phòng hoặc sữa rửa mặt để rửa mặt từ 1–2 lần, giúp tẩy sạch chất nhờn dư thừa và bụi bặm trên da, khiến cho lỗ chân lông được khô thoáng, tránh bị tắc nghẽn.
2. Không sử dụng các loại mỹ phẩm trang điểm có mùi thơm hoặc chất dầu, không tự ý nặn mụn để tránh bị sưng viêm, để lại sẹo trên da.
3. Ăn uống thanh đạm, ăn nhiều hoa quả, rau xanh, hạn chế đồ ngọt và các đồ ăn nhiều dầu mỡ. Bởi vì các thức ăn nhiều dầu mỡ và đồ ngọt sẽ khiến tuyến bã nhờn sản sinh nhiều chất nhờn hơn; không ăn hoặc hạn chế ăn các thức ăn có chất kích thích, cay nóng; tạo thói quen đi vệ sinh đúng giờ, tránh bị táo bón để kịp thời đẩy hết các chất cặn bã, chất độc trong cơ thể ra ngoài.
4. Để tránh bị viêm, có thể dùng bông tăm nhúng cồn để chấm vào nốt mụn; chỗ bị viêm cục bộ có thể bôi một lớp Erythromycin mỏng. Khi bị nhiều mụn trứng cá, lại có hiện tượng viêm sưng, cần đến bệnh viện da liễu để khám và điều trị, tuyệt đối không tùy tiện tự chữa, nếu không tình trạng mụn sẽ càng nghiêm trọng.
Các con cũng cần biết, hiện tượng mụn trứng cá còn liên quan mật thiết đến tâm trạng. Nếu suốt ngày con vì chuyện này mà ủ dột, không vui, thậm chí là lo lắng, căng thẳng, bất an… thì những trạng thái tâm lí này có thể ảnh hưởng đến nội tiết của cơ thể, khiến cho mụn mọc càng nhiều hơn. Khi các con ai cũng như ai, thì cần gì phải để ý quá như thế. Con thấy mẹ nói vậy có đúng không?
Mẹ
"NGÀY ÐÓ" CỦA CON GÁI
Đừng coi thường “mấy ngày đó” nhé con gái, nó sẽ theo suốt quá nửa cuộc đời của mỗi người phụ nữ, nó còn có liên quan đến sức khỏe của người phụ nữ, liên quan đến sự khỏe mạnh của thế hệ sau. Cùng con vượt qua những căng thẳng của kì kinh đầu để vui vẻ chấp nhận “người bạn thân” này là tình yêu và sự quan tâm thiết thực nhất của mỗi người mẹ dành cho con gái của mình.
Bức thư thứ 13
KINH NGUYỆT LÀ GÌ?
Minh Anh thân yêu:
Hôm nay, vừa về đến nhà con đã chạy ào vào nói với mẹ: “Đáng sợ quá, đáng sợ quá…” khiến cho mẹ vô cùng căng thẳng, tưởng là có chuyện gì nghiêm trọng đã xảy ra. Sau một hồi nghe con vừa thở hổn hển vừa trần thuật lại, cuối cùng mẹ cũng hiểu ra sự việc là hôm nay trong tiết thể dục, các bạn phát hiện trên quần của bạn Diệp có vết máu, bạn Diệp cũng chẳng biết mình bị làm sao, sợ đến phát khóc. Để mẹ nói cho con biết nhé, thực ra bạn Diệp đã bắt đầu có kinh nguyệt rồi đó. Con thấy đấy, “cuộc chiến không có sự chuẩn bị” như vậy thật quá bị động, vì vậy, hôm nay mẹ sẽ giải thích tường tận cho con về vấn đề kinh nguyệt.
Chúng ta đã nói qua
trình tự phát triển của cơ
thể vào tuổi dậy thì rồi, con
đã biết khoảng 1–2 năm
sau khi phát triển ngực, ở
con gái sẽ xuất hiện hiện
tượng kinh nguyệt. Có thể
con sẽ hỏi: kinh nguyệt là
gì? Bởi vì chu kì kinh
nguyệt thông thường là từ
22–32 ngày, hay nói cách
khác, một cô gái trưởng
thành cứ mỗi tháng đều
phải trải qua chuyện này
một lần, từ Hán Việt
"nguyệt" có nghĩa là
"tháng", vì vậy người ta đặt
tên hiện tượng này là “kinh
nguyệt”, con có thể hiểu rằng đây là chuyện xảy ra vào mỗi tháng. Đây là hiện tượng sinh lí bình thường xuất hiện từ giai đoạn dậy thì ở con gái. Con đừng cảm thấy sợ hãi, căng thẳng mà nên bình tâm đón nhận
nó.
Kì kinh đầu tiên có thể được coi như là "hiện tượng đầu tiên đánh dấu sự trưởng thành của con gái". Kì kinh đầu tiên xuất hiện ở độ 11– 15 tuổi, trung bình là khoảng 13 tuổi, có những thiếu nữ có kinh sớm một chút, nhưng cũng có những bạn có muộn một chút, đây là điều hết sức bình thường. Kinh nguyệt đến sớm hay muộn có liên quan đến các phương diện như: di truyền, thể chất, dinh dưỡng, môi trường, vận động, văn hóa… Theo điều tra, bởi vì chất lượng cuộc sống hiện nay ngày một nâng cao, cộng thêm với các ảnh hưởng văn hóa trong cuộc sống ngày một phong phú và dày đặc, khiến cho kì kinh nguyệt đầu tiên của con gái thường đến sớm hơn trước đây.
Có người đã quen gọi việc có kinh là “bị”, do cảm thấy kinh nguyệt là một chuyện xúi quẩy, phiền phức. Đúng là có hơi phiền phức, sự “phiền phức” này thậm chí sẽ đeo bám người con gái đến quá nửa cuộc đời, nhưng con có từng nghĩ kinh nguyệt có ý nghĩa thế nào không?
Con có thấy cánh bướm rất đẹp không? Nó phải trải qua quá trình làm sâu, nhộng… mới có thể “phá kén thành bướm”. Nòng nọc nhất định phải chờ đợi rất lâu để bốn chân mọc ra, cái đuôi rụng đi mới có thể biến thành ếch. Đây chính là cái giá của sự trưởng thành. Chẳng phải các con đều mong ngóng sớm trưởng thành, trở thành một người lớn hay sao? Đối với con gái, kinh nguyệt chính là một tiêu chí đánh dấu sự khởi đầu cho quá trình trưởng thành, từ một cô bé trở thành một thiếu nữ, cho thấy trước tương lai các con sắp trở thành một người lớn như mẹ rồi.
Vì vậy, xét từ góc độ này, kinh nguyệt chẳng phải cũng là một tin vui đáng để chúc mừng hay sao?
Mẹ
Bức thư thứ 14
MÁU KINH CHẢY TỪ ĐÂU RA?
Minh Anh thân yêu:
Ha ha, cô bé nhanh mồm nhanh miệng
của nhà ta sao đột nhiên trở nên ấp a ấp
úng như thế nhỉ? Mẹ đoán chắc là con vẫn
muốn biết rất nhiều chuyện về kinh nguyệt
nhưng lại ngại không dám hỏi đúng
không? Để mẹ tiết lộ cho con thêm vài
thông tin nhé.
Như con đã biết, cơ quan sinh dục
phát triển muộn nhất trên cơ thể người,
đến tuổi dậy thì mới bắt đầu bị “đánh
thức” và chầm chậm phát triển. Vậy, rốt
cuộc cơ quan sinh dục nữ trông như thế
nào? Hãy nhìn bức tranh mà mẹ tìm được
trên đây, con sẽ dễ dàng hình dung ra.
Cơ quan sinh dục của nữ được chia thành cơ quan sinh dục ngoài và cơ quan sinh dục trong.
Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy cơ quan sinh dục ngoài mà thôi. Cơ quan sinh dục ngoài bao gồm: phần mu – chính là nơi mọc lông mu ở bụng dưới, bên dưới là hai môi lớn, bên trong mỗi môi lớn là một môi bé có màu hồng nhạt, phần tiếp giáp của hai môi bé là âm vật, bên dưới âm vật là niệu đạo, cũng chính là chỗ đi tiểu, bên dưới niệu đạo là cửa âm đạo, khu vực hình thoi quanh lỗ niệu đạo và cửa âm đạo được gọi là tiền đình âm đạo.
Từ cửa âm đạo vào bên trong chính là âm đạo, nối giữa cơ quan sinh dục trong và cơ quan sinh dục ngoài, là một bộ phận của cơ quan
sinh dục trong. Âm đạo là một ống rỗng, có độ đàn hồi rất lớn, đến tuổi dậy thì, âm đạo của con gái sẽ dài ra, ước chừng khoảng 8–10cm, âm đạo tiết ra chất tiết có tính axit, có tác dụng ngăn ngừa vi khuẩn phát triển. Đầu kia của âm đạo nối với tử cung thông qua cổ tử cung, đây là con đường để máu kinh được đào thải ra ngoài, cũng chính là “lối ra” của thai nhi khi con làm mẹ. Còn tử cung chính là nơi sinh trưởng của thai nhi, là “cung điện” nuôi dưỡng bào thai. Ở hai bên tử cung có hai ống dẫn trứng mảnh, liên kết với hai buồng trứng ở hai bên trái, phải. Âm đạo, tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng cấu thành nên cơ quan sinh dục trong của phụ nữ.
Đã tìm hiểu xong về cấu tạo cơ quan sinh dục nữ, giờ chúng ta quay lại vấn đề kinh nguyệt từ đâu mà có. Mỗi cô bé từ khi sinh ra, trong buồng trứng đã có khoảng 400 nghìn nang noãn, nhưng vẫn ở trạng thái chưa chín, được bao bọc bởi noãn bào, được gọi là nang trứng nguyên thủy. Bước vào tuổi dậy thì, các noãn bào sẽ chín dưới tác dụng của hormone gonadotropin (hormone điều hòa tuyến sinh dục do thùy trước tuyến yên tiết ra). Dưới tác dụng của hormone estrogen, nội mạc tử cung sẽ dày lên. Tiếp đó, thùy thể của não sẽ tiếp tục tiết ra hormone luteinizing. Dưới tác dụng của loại hormone này, noãn bào sẽ phóng noãn từ trong buồng trứng ra ngoài, hiện tượng này gọi là rụng trứng. Noãn bào của trứng được phóng thích hình thành nên hoàng thể, dưới tác dụng của proestogen, nội mạc tử cung sẽ có phản ứng nội tiết để chuẩn bị tiếp nhận và nuôi dưỡng trứng đã được thụ tinh. Lúc này, tử cung đã chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình mang thai. Lúc này, nếu được thụ tinh, trứng đã thụ tinh sẽ làm tổ ở trong nội mạc tử cung, tức là có thai. Nếu không được thụ tinh, hoàng thể trong vòng trên dưới hai tuần sẽ biến thành bạch thể, cùng với sự hạ thấp của nồng độ estrogen và proestogen, nội mạc tử cung sẽ bong ra và cùng trứng được đào thải ra ngoài qua âm đạo (chứ không phải là chỗ đi tiểu như các con vẫn tưởng đâu nhé!). Đây chính là hiện tượng kinh nguyệt.
Lại là một đống những lí luận, quá phức tạp phải không con? Nhưng biết vấn đề là như vậy rồi thì cũng cần biết vì sao lại như vậy chứ… Chỉ có điều, con có thể hiểu được kinh nguyệt là như thế nào là được rồi, không nhất định phải ghi nhớ kĩ càng tất cả những gì mẹ đã giải thích. Để cho con dễ “tiếp thu”, những vấn đề khác chúng ta sẽ nói sau nhé.
Mẹ
Bức thư thứ 15
BUỒNG TRỨNG,“CĂN CỨ ĐỊA” SINH CON ĐẺ CÁI Minh Anh thân yêu:
Hôm qua, sau khi nhìn thấy mục “chăm sóc buồng trứng” ở trên một tờ báo, con đã hỏi mẹ: Buồng trứng chẳng phải ở trong cơ thể chúng ta sao? Nó quan trọng với chúng ta thế sao? Tại sao cần thiết phải chăm sóc? Nhưng lúc ấy mẹ đang bận nên bây giờ mới trả lời câu hỏi của con được.
Đúng thế, mặc dù buồng trứng ở bên trong cơ thể chúng ta, không thể nhìn thấy, sờ thấy, nhưng thật sự nó rất quan trọng.
Buồng trứng là một khối hình bầu dục màu trắng xám nằm ở hai bên phía trên tử cung, đầu ngoài nằm sát ống dẫn trứng, đầu trong thông với tử cung, kích thước tương đương quả hạnh đào, trọng lượng chỉ khoảng 5–6g, nhưng buồng trứng lại là bộ phận cực kì quan trọng trong cơ thể người phụ nữ.
Buồng trứng có hai chức năng, ở phần trước chúng ta đã lần lượt nhắc đến rồi, bây giờ mẹ sẽ tổng kết lại một chút: thứ nhất là phụ trách việc sản sinh các hormone giới tính, quyết định sự phát triển các đặc trưng của con gái; ngoài ra nó còn là “nơi ở” của các noãn bào nguyên thủy, tạo ra nơi phát triển cho noãn bào đồng thời phóng thích trứng đã chín. Như vậy có thể thấy, hai buồng trứng nhỏ bé có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cơ thể và cơ quan sinh dục nữ, duy trì chức năng sinh lí bình thường ở phụ nữ, cũng là “căn cứ địa” sinh con đẻ cái của phụ nữ. Như vậy, con có thể thấy tầm quan trọng của buồng trứng rồi chứ?
Còn về những bài báo đó, chúng ta tạm thời không bàn luận đến tính chân thực và hiệu quả của chúng. Nhưng phụ nữ cần biết cách bảo vệ bản thân. Còn về vấn đề nên bảo vệ bản thân như thế nào, sau này mẹ sẽ từ từ nói cho con biết.
Mẹ
Bức thư thứ 16
CÓ KINH NGUYỆT LÀ CÓ THỂ SINH EM BÉ Ư?
Minh Anh thân mến:
Câu hỏi này chắc khó khăn lắm con
mới nói ra được phải không? Chỉ ngắn gọn
có mười chữ thôi nhưng dường như có bút
tích của mấy người liền (mẹ nhớ con nói
thím của ai đó mới sinh em bé, các con hỏi
câu này vì liên tưởng đến chuyện đó phải
không?). Vấn đề này có lẽ còn quá xa vời
đối với các con. Nhưng nếu các con đã hỏi,
mẹ sẽ trả lời đơn giản như thế này:
Về lí thuyết, con gái bắt đầu có kinh
nguyệt cho thấy trong buồng trứng đã có
trứng "chín" rồi, như vậy là đã sẵn sàng
cho việc sinh con. Vì thế, sau khi có kinh
nguyệt lần đầu, các bạn nữ đều có khả
năng sinh con. Qua phim ảnh các con cũng
biết rồi đấy, trước đây người ta lấy nhau và
có con khi mới có mười mấy tuổi. Mà cách
đây không lâu, chẳng phải cũng có một vụ xôn xao dư luận về “ông bố trẻ con”, mà “bà mẹ” trong vụ ấy là một cô bé mới có mười mấy tuổi đấy hay sao? Nhưng thông thường, phụ nữ từ 18–45 tuổi được coi là ở trong độ tuổi sinh sản, bắt đầu tính từ thời điểm người phụ nữ có kinh và kinh nguyệt đã hình thành quy luật cho đến khi bước vào tuổi tiền mãn kinh (từ ngữ này chắc còn quá mới mẻ so với các con), đây là giai đoạn mà người phụ nữ dễ dàng có thai nhất, cũng là giai đoạn cơ thể phát triển hoàn thiện và ổn định nhất, tương đối thích hợp với việc có thai và sinh con. Dưới 18 tuổi, ở đa số các bạn nữ, việc rụng trứng vẫn chưa có quy luật và trứng chưa phát triển hoàn toàn, khả năng thụ thai là tương đối thấp, nhưng cũng không phải không thể.
Mẹ
Bức thư thứ 17
DẤU HIỆU DỰ BÁO CỦA CƠ THỂ TRƯỚC KHI CÓ KINH LẦN ĐẦU
Minh Anh thân yêu:
Càng ngày mẹ càng cảm thấy mình làm việc này là rất đúng đắn! Nhất là khi đọc câu hỏi mà sáng nay con đưa ra: Nếu như kinh nguyệt sớm muộn gì cũng đến, phải chuẩn bị sẵn sàng. Vậy trước khi có kinh lần đầu, cơ thể có dấu hiệu gì báo trước không? Câu hỏi của con rất thú vị! Tìm hiểu kiến thức sinh lí, chuẩn bị trước cho sự thay đổi của cơ thể là bước đầu tiên của việc học cách chăm sóc bản thân. Trước kì kinh đầu tiên, cơ thể con gái thường nảy sinh hàng loạt thay đổi, đây là những tín hiệu do cơ thể phát ra cho thấy tuổi dậy thì đang tới. Chúng ta nhận được các tín hiệu đó là có thể suy đoán được khoảng khi nào thì mình có kinh lần đầu tiên.
Thứ nhất: Sau 2–3 năm khi bắt đầu có chất dịch lỏng màu trắng trong, hơi dính như lòng trắng trứng gà chảy ra từ âm đạo, bạn gái sẽ có kinh nguyệt lần đầu.
Thứ hai: Ngực bắt đầu phát triển, thông thường là khoảng 2 năm sau khi ngực phát triển, bạn gái sẽ có kinh.
Thứ ba: Sự thay đổi cân nặng và chiều cao, từ 9–10 tuổi, các bạn gái nên đo chiều cao và cân nặng một lần 1/2 năm, nếu phát hiện chiều cao và cân nặng của mình tăng vọt, đó chính là tín hiệu báo trước khoảng nửa năm nữa bạn sẽ có kinh.
Gần đến ngày có kinh lần đầu, cơ thể cũng có một số dấu hiệu như: đau tức hai bên hoặc một bên ngực, có thể cảm nhận được hai bên má nóng đỏ, thỉnh thoảng thấy đau căng bụng dưới. Vì vậy, nếu cảm thấy cơ thể có những dấu hiệu như trên, con nhất định phải nói
cho mẹ biết nhé!
Mẹ
Bức thư thứ 18
DÙ SỚM HAY MUỘN CŨNG PHẢI CHUẨN BỊ TRƯỚC Minh Anh thân:
Mẹ từng nói, đa số các bạn nữ thường có kinh lần đầu trong khoảng 12–15 tuổi, nhưng cũng có thể sớm hơn, khoảng 9–10 tuổi. Ngược lại, cũng có những người có kinh muộn hơn so với lứa tuổi trung bình, thậm chí đến 16–17 tuổi mới có kinh lần đầu, những người này vẫn thuộc phạm vi bình thường. Thông thường, nếu mẹ có kinh lần đầu muộn thì con gái cũng sẽ như vậy. Đây cũng là kết quả của các tác động đồng thời của nhiều yếu tố trong thời gian dậy thì mà chúng ta đã nói trước đó.
Các con đã biết kinh nguyệt là gì, cũng biết trước khi có kinh lần đầu, cơ thể sẽ có những dấu hiệu gì, như vậy xét về tâm lí chắc các con cũng đã có thể chấp nhận được chuyện này và cũng đã sẵn sàng chuẩn bị để chào đón “người bạn thân” đó. Điều còn lại là phải học cách đối phó như thế nào khi kinh nguyệt "tìm đến".
Các con chắc đã biết một chút về các loại băng vệ sinh qua quảng cáo trên truyền hình rồi, chúng sẽ giúp các con rất nhiều để vượt qua thời kì kinh nguyệt hàng tháng: chỉ cần mở túi băng vệ sinh ra, bóc lớp giấy trên băng keo ra rồi dán vào đáy quần lót cho đúng vị trí là được. Nếu là loại băng vệ sinh có cánh, các con có thể gập hai cánh của băng vệ sinh lại rồi dán vào mặt ngoài của quần lót. Đương nhiên, nói thì dễ, nhưng bảo các con dán đúng vị trí ngay thì e cũng còn hơi khó, đòi hỏi các con phải luyện tập dần dần. Đừng ngại, nếu không thể tự dán, con có thể mang đến hỏi mẹ, mẹ sẽ tận tay dạy cho con biết phải làm như thế nào.
Tiếp tục quay lại vấn đề chính nhé, khi con suy đoán được khoảng thời gian có kinh lần đầu tiên của mình thông qua các tín hiệu và cảm giác từ cơ thể, chớ ngại ngần, hãy luôn mang theo ở trong cặp 2–3 miếng băng vệ sinh để đề phòng trường hợp bất trắc. Nhưng điều cần chú ý là băng vệ sinh các con chuẩn bị tốt nhất nên là loại mỗi miếng
băng đều được bọc riêng, đặt vào một ngăn riêng, sạch sẽ ở trong cặp, không được để lẫn với các thứ đồ linh tinh khác. Nếu phát hiện lớp bọc ngoài bị rách hoặc bị vấy bẩn, các con nên vứt ngay miếng băng vệ sinh đó đi, không được sử dụng nữa. Ngoài ra, những dấu hiệu này không phải là chính xác tuyệt đối, mà băng vệ sinh lại có hạn sử dụng, vì thế các con cần thường xuyên kiểm tra băng vệ sinh, một là để biết băng vệ sinh có được bảo quản tốt không, hai là xem liệu băng vệ sinh đã quá hạn sử dụng chưa, để đảm bảo băng vệ sinh luôn sạch sẽ.
Chúng ta luôn đề xướng việc tiết kiệm, nhưng trong vấn đề này, vệ sinh và an toàn còn quan trọng hơn nhiều, bởi vì nó có liên quan đến sức khỏe cả đời của người con gái. Vì vậy, các con nhất định phải chú ý nhé!
Mẹ
Bức thư thứ 19
“BỊ” LÚC Ở TRƯỜNG, PHẢI LÀM SAO?
Minh Anh thân mến:
Mẹ biết “sự cố” của bạn Diệp ngày hôm ấy đã để lại ấn tượng xấu trong lòng con. Theo như suy đoán của mẹ, chắc là con cũng sắp đến lúc có kinh nguyệt lần đầu rồi, điều mà con sợ hãi nhất là “bị” ở trường giống như bạn Diệp, bị mất mặt trước mặt bạn bè phải không? Mấy hôm nay, thỉnh thoảng con lại nhắc đến bạn này, bạn kia “xúi quẩy”, rồi thầm cầu khấn cho mình có kinh muộn một chút… Mẹ thấy như vậy không tốt đâu con!
Trước đây, việc tuyên truyền các kiến thức vệ sinh còn tương đối bảo thủ, lạc hậu, đại đa số các bạn gái trước khi bước vào tuổi dậy thì, thậm chí đã bắt đầu tuổi dậy thì rồi vẫn chưa hiểu biết đầy đủ, toàn diện về vấn đề vệ sinh sinh lí, sức khỏe sinh sản… Do đó, khi gặp phải những thắc mắc, nghi vấn rồi đủ loại vấn đề trước và trong thời gian có kinh gặp phải, ví dụ: buồn nôn, chướng bụng, đau bụng kinh, tâm trạng không ổn định, căng thẳng, dễ nổi nóng… con gái thường cảm thấy bất lực, không biết làm thế nào. Hơn nữa, bởi vì xấu hổ, ngại không dám hỏi người lớn, không dám tìm hiểu nên khó tránh khỏi tâm lí hoang mang, hoảng sợ, từ đó nảy sinh suy nghĩ: kinh nguyệt là chuyện “xúi quẩy”.
Bây giờ, xã hội đã văn minh hơn, quan niệm của mọi người cũng đã thay đổi, các con có thể tìm hiểu trước các kiến thức về phương diện này thông qua rất nhiều phương thức: sách giáo dục giới tính ở trường, các buổi trò chuyện của các chuyên gia, các chương trình giáo dục giới tính trên truyền hình…, mẹ cũng sẵn sàng lắng nghe và giao lưu với con về vấn đề này, sẵn sàng dạy con cách xử lí tình huống. Mẹ nghĩ, tất cả những phương pháp này có thể giúp con dễ dàng đối phó với các vấn đề của tuổi dậy thì, nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi trong tuổi dậy thì, vì vậy, con không nên có những trạng thái tâm lí
tiêu cực như vậy.
Còn về vấn đề mà con đang lo lắng:
Nếu “bị” ở trường thì phải làm sao? Mẹ
nghĩ ở trường các con đều có bạn thân, bây
giờ chính là lúc cần giúp đỡ lẫn nhau rồi
đấy. Các con có thể tự đặt ra một “ám hiệu”
nào đó với nhau, khi một người cảm thấy
“có rắc rối”, nhất định không được đột
ngột đứng bật dậy khỏi ghế mà phải nhờ
bạn thân xem giúp quần áo có bị “dính
bẩn” không, tránh để phải khó xử trước
mặt các bạn khác. Nếu chẳng may bị
“dính” ra quần cũng không cần hoang
mang, hãy tìm một chiếc áo khoác ngang
lưng hoặc tìm một cuốn sách to, cầm ở tay
để che phía sau rồi lặng lẽ rời khỏi phòng
học.
Hãy nhớ, đây là một việc hết sức bình
thường, chẳng có gì phải ngại ngùng cả.
Bất cứ một giáo viên nào (nhớ là phải tìm
giáo viên nữ nhé!), cho dù là giáo viên chủ
nhiệm hay giáo viên bộ môn thì đều có thể
giúp đỡ các con. Con có thể xin cô giáo một
miếng băng vệ sinh (nếu như các con
không chuẩn bị), có thể nhờ cô giáo gọi điện thoại cho mẹ mang quần áo sạch đến hoặc nhờ cô tìm giúp con một chiếc quần để thay tạm… nếu cảm thấy bụng dưới căng và đau, ảnh hưởng đến việc học, có thể nhờ cô giáo lấy giúp một ít nước ấm, uống nước ấm pha đường đỏ hoặc tìm một nơi thích hợp để nghỉ ngơi.
Điều mẹ muốn nói với con vẫn luôn chỉ là câu này thôi: Đây là hiện tượng hết sức bình thường, bắt buộc phải đối mặt trong giai đoạn dậy thì, không thể nào thay đổi theo ý muốn con người. Vì vậy, nếu đã không thể tránh, cách tốt nhất là nên bình thản chấp nhận, sử dụng cách thức thích hợp nhất để giải quyết vấn đề, nếu không thì có khác gì “lấy trứng chọi đá”?
Mẹ
Bức thư thứ 20
TẠI SAO KINH NGUYỆT KHÔNG ĐẾN ĐÚNG GIỜ GIẤC?
Minh Anh thân yêu:
Sự chuẩn bị của chúng ta đúng là không uổng phí! Trước tiên, mẹ muốn chúc mừng con “đã lớn”, hơn nữa, đã bình yên vượt qua thời kì thay đổi lớn lao này, chấp nhận được “người bạn thân” mới đến. Tiếp theo, mẹ sẽ lại giải đáp câu hỏi thắc mắc của con: Lần kinh nguyệt
tiếp theo sẽ đến khi nào? Mỗi lần kinh nguyệt sẽ đến “đúng hẹn” chứ? Đây chính là một vấn đề trong thời kì kinh nguyệt.
Một chu kì kinh bắt đầu từ ngày đầu tiên của kì kinh nguyệt này đến ngày bắt đầu chu kì kinh nguyệt kế tiếp. Một chu kì thông thường khoảng 22–32 ngày, phần lớn khoảng 28 ngày. Trong khoảng thời gian này, thời gian “hành kinh”, tức là thời gian bị ra máu thường kéo dài từ 3–7 ngày, phổ biến nhất rơi vào khoảng 4–5 ngày. Trong những ngày đó, có ngày thứ hai, thứ ba là lượng máu ra tương đối nhiều, những ngày bắt đầu và kết thúc, lượng máu ra tương đối ít. Còn trong hơn 20 ngày còn lại của chu kì, cơ thể ở trong trạng thái “phục hồi”.
Mặc dù chu kì kinh nguyệt của mỗi bạn gái là khác nhau, nhưng tính quy luật và đúng thời gian của kinh nguyệt là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá sức khỏe của phái nữ. Vì vậy, thông thường, kinh nguyệt bình thường bắt đầu và kết thúc đúng thời gian. Nhưng ở các bạn nữ vừa mới có kinh nguyệt, trong vòng nửa năm đến một năm đầu tiên, chu kì kinh nguyệt vẫn chưa đều đặn. Có người vài tháng không có kinh, có người thời gian “bị” lúc ngắn lúc dài không theo quy luật, chuyện này cũng là hết sức bình thường, không cần phải lo lắng. Từ chu kì đầu tiên cho đến chu kì tiếp theo, chỉ cần không vượt quá chín tháng thì vẫn được coi là bình thường. Và “tiến trình” từ lúc kinh nguyệt không đều đến khi kinh nguyệt đều đặn diễn ra trong khoảng 2 năm thì vẫn được coi là bình thường. Bởi vì sự phát triển của cơ thể chịu ảnh hưởng của rất nhiều nhân tố, hơn nữa việc có kinh nguyệt là một vấn đề lớn, một bước ngoặt trong cuộc đời mỗi người phụ nữ, vì vậy cũng cần có thời gian để thích nghi, phát triển và hoàn thiện.
Thông thường, sau khoảng 3–5 chu kì kinh nguyệt tính từ sau chu kì đầu tiên là các con có thể từ từ thích nghi và biết cách ứng phó với “người bạn thân” này rồi (mẹ nghĩ Minh Anh nhà ta chắc sẽ vượt qua giai đoạn này rất nhanh và dễ dàng thôi). Khi kinh nguyệt dần hình thành quy luật, các con có thể tính được kì kinh tiếp theo sẽ đến khi nào. Như vậy, các con có thể chuẩn bị sẵn sàng băng vệ sinh ở trong cặp. Nhớ là trong mấy ngày có kinh, tốt nhất nên mặc quần sẫm màu để tránh những tình huống không mong muốn có thể xảy ra nhé!
Mẹ
Bức thư thứ 21
ĐÁNH DẤU CHU KÌ KINH NGUYỆT
Minh Anh, con yêu:
Con có nhìn thấy cuốn lịch mới mà mẹ đặt trên bàn của con không? Hôm ấy, sau khi nói cho con về chu kì kinh nguyệt, con chu môi bảo: “Cho dù là kinh nguyệt có quy luật rồi thì ai mà nhớ được
ngày nào nó sẽ đến chứ?”. Nói cũng phải, ngày nào con cũng phải đối mặt với bao nhiêu nhiệm vụ học hành, làm bao nhiêu bài tập, bao nhiêu hoạt động, còn đủ “sở thích”, “đam mê” cần phải quan tâm (ví dụ như: thần tượng của con hôm nay ra sao, NBA chơi những trận nào rồi, có phim gì hay ho mới ra rạp…) muốn con phải nhớ rõ e rằng không dễ dàng. Vậy thì đành phải dùng phương pháp “ghi chép” này để ghi nhớ chu kì của con vậy.
Trước tiên, sau khi kinh nguyệt trở nên có quy luật, con có thể biết một chu kì của mình kéo dài trong bao nhiêu ngày. Như vậy, khi một chu kì bắt đầu đều đặn, con có thể tính ra thời gian của kì kinh tiếp theo. Ví dụ: chu kì kinh nguyệt của con là 28 ngày, thời gian có kinh là 5 ngày, lần này con bắt đầu có kinh vào ngày 5 tháng 3, vậy thì kì kinh kế tiếp sẽ rơi vào khoảng từ mùng 2 tháng 4 trở đi, còn từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 9 tháng 3 là thời gian hành kinh của lần này.
Tốt nhất con nên có một bảng ghi chép về chu kì kinh nguyệt. Mẹ chuẩn bị cho con cuốn lịch bàn này, con có thể dùng bút màu hoặc giấy nhớ để đánh dấu lên ngày tháng sẽ có kinh, con có thể dùng bút để ghi lên đó ngày nào “bị” nhiều, ngày nào ít, ngày nào có gì đó khó chịu… Nếu sợ bị người khác đọc được, con có thể tự quy ước một vài kí hiệu đặc biệt của riêng con. Có như vậy con sẽ không quên, không lơ mơ về thời gian của kì kinh tiếp theo nữa.
Ngoài ra, mẹ cần nhấn mạnh một điều, nhất định con phải nhớ kĩ, đó là tính chu kì kinh nguyệt là tính từ ngày có kinh chứ không phải tính từ ngày kinh nguyệt kết thúc. Đây là một sự nhầm lẫn rất dễ mắc phải, con phải cẩn thận đấy nhé!
Mẹ
Bức thư thứ 22
CÓ THỂ KHIẾN KINH NGUYỆT KHÔNG RƠI VÀO KÌ THI KHÔNG?
Minh Anh thân yêu:
Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày thi cuối học kì rồi, mẹ nhìn thấy con cứ nhìn chăm chăm vào cuốn lịch bàn, vừa đếm ngày, bộ dạng vô cùng u uất, miệng vừa lẩm bẩm: “Tại sao lại đúng vào kì thi chứ? Có thể đổi sang thời gian khác không nhỉ? Không biết uống giấm như Thanh bảo có ăn thua gì không?”. Mẹ vốn không định can thiệp vào chuyện này, nhưng lại sợ con “uống giấm” thật. Giờ mẹ sẽ giải đáp cho con chuyện có thể thay đổi chu kì kinh nguyệt thông qua hành vi của con người hay không nhé!
Chúng ta đã từng nói, kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lí bình thường ở con người, nó chịu sự chi phối của hệ thống vùng dưới đồi - tuyến yên – buồng trứng, do đó hình thành nên tính chu kì cố định, là một dạng quy luật sinh lí. Trừ phi có các nhân tố ảnh hưởng đến việc tiết các hormone trong cơ thể khiến quy luật sinh lí này thay đổi, nếu không tự thân chúng ta không thể kiểm soát được chu kì kinh nguyệt.
Chắc chắn con sẽ hỏi vậy thì có thứ gì có thể khiến cho chu kì thay đổi? Đương nhiên là có rồi. Có rất nhiều loại thuốc, đặc biệt là các loại thuốc có chứa hormone, sử dụng trong thời gian dài có thể thay đổi nội tiết trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến lượng hormone tiết ra, từ đó khiến cho chu kì kinh nguyệt sai lệch đi, ví dụ như thuốc tránh thai (chắc chắn con đã từng nghe nói đến), bởi vì loại thuốc này là hợp chất có chứa proestogen và estrogen, sau khi uống có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nồng độ hormone, khiến cho chu kì kinh nguyệt sai quy luật, xuất hiện các phản ứng phụ ảnh hưởng đến cơ thể như: lượng máu tăng lên hoặc giảm đi, buồn nôn, nôn…
Có một số bạn nữ bởi
vì “bị” đúng vào kì thi hoặc
vào một thời điểm đặc biệt
nào đó, sợ các phản ứng
sinh lí trong kì kinh sẽ ảnh
hưởng đến thành tích, hi
vọng có thể thông qua
phương pháp nào đó, ví dụ
như cách uống giấm mà
bạn Thanh bảo (sự thực là
phương pháp này rất vô lí,
cũng không có tác dụng gì
đâu), thậm chí không ngại
uống thuốc tránh thai với
mong muốn thay đổi chu
kì. Thực ra, các phản ứng
sinh lí trong thời gian có
kinh không hề ảnh hưởng
đến việc học hành và công
việc, sự ảnh hưởng chủ yếu
xuất phát từ tâm lí của bản
thân các con mà thôi. Hơn
nữa sử dụng thuốc không
đúng cách hoặc sử dụng
quá nhiều có thể làm rối
loạn kinh nguyệt, gây ra
những ảnh hưởng không
có lợi cho cơ thể, cho sức
khỏe và tăng thêm áp lực
tâm lí cho bản thân.
Do vậy, cách dùng thuốc tránh thai để thay đổi chu kì kinh nguyệt nhằm tránh vào kì thi là không nên, nếu thật sự trong kì kinh bị đau bụng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến việc làm bài, các con có thể đi khám và nhờ đến sự trợ giúp của y bác sĩ.
Mẹ nghĩ Minh Anh nhà ta hiểu rất rõ rằng, kết quả thi tốt hay xấu mặc dù cũng một phần do tâm lí trường thi quyết định, nhưng chủ yếu nhất vẫn là do mức độ cần cù học tập, tích lũy kiến thức hàng ngày. Mẹ tin con có thể làm hết khả năng của mình để có kết quả tốt nhất! Cố lên, con gái yêu!
Mẹ
Bức thư thứ 23
ĐẾN KÌ KINH NGUYỆT CƠ THỂ CÓ BỊ THIẾU MÁU KHÔNG?
Minh Anh thân yêu:
Hôm qua tan học về, con kể với mẹ, trong tiết thể dục, bạn Diệp bị choáng ngất phải đến bệnh viện kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy bạn ấy bị “thiếu máu tuổi dậy thì”, cần được “miễn học thể dục” học kì này. Mẹ biết vấn đề này khiến cho một người cực kì thích môn thể dục như con gái mẹ lo lắng bất an, vì vậy con mới hỏi mẹ “thiếu máu tuổi dậy thì” có phải là bởi vì hàng tháng đều bị ra máu vào mỗi kì kinh hay không?
Trong thời gian 3–7 ngày có kinh, thông thường lượng máu bị thải ra ngoài khoảng 20–150 ml, lượng máu trung bình vào khoảng 50 ml, lượng máu kinh ra nhiều nhất là khoảng 12–24 giờ sau khi bắt đầu kì kinh, 24–36 tiếng sau đó là thời gian ra máu tương đối nhiều, hay nói cách khác, ngày thứ hai là ngày máu ra nhiều nhất, các ngày sau lượng máu sẽ giảm dần.
Mặc dù chúng ta gọi là “máu kinh” nhưng thực ra nó không hoàn toàn là máu. Trong thành phần của máu kinh có 50–80% (trung bình là 65%) là máu, hơn nữa chỉ là chất cặn bã còn sót lại sau khi máu cung cấp dưỡng chất cho cơ thể; phần còn lại là nội mạc tử cung bị bong ra. Đấy là lí do vì sao máu kinh không hoàn toàn là máu đỏ tươi, lúc bắt đầu và khi gần kết thúc kì kinh, máu kinh thường có màu đen hoặc nâu đỏ, thỉnh thoảng còn kèm theo các cục máu màu sẫm, đây là hiện tượng hết sức bình thường. Trong khi đó, cơ thể người có khả năng tạo máu rất mạnh, có thể thông qua cơ chế tự điều tiết để bổ sung lượng máu đã mất. Do vậy, kinh nguyệt hàng tháng không gây ra hiện tượng thiếu máu.