🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook 8 Vụ Án Hoàn Hảo - Vạch Trần Tâm Lý Kẻ Phạm Tội - Peter Swanson & Fatass Racoon (dịch) full mobi pdf epub azw3 audio [Trinh Thám]
Ebooks
Nhóm Zalo
8 VỤ ÁN HOÀN HẢO
Tác giả: PETER SWANSON
Sách đổi Ebook:
⇒ Cần ebook của sách mới ⇒ Mua 1 sách mới được 2 ebook ☎ 0907 060 886
Đây là một tác phẩm hư cấu, toàn bộ tên, nhân vật, địa điểm và sự kiện trong tác phẩm là kết quả từ trí tưởng tượng của tác giả và không có sự liên quan đến thực tế. Bất kỳ sự tương đồng nào với những sự kiện, địa điểm, tổ chức, con người dù còn sống hay đã mát đều đơn thuần chỉ là trùng hợp.
~ Viết tặng những công chúa và hoàng tử,
những vị vua và nữ hoàng -
Brian, Jen, Adelaide, Maxine, Oliver và Julius. ~
Dựa theo tình tiết trong những cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh điển nổi tiếng bậc nhất,"8 vụ án hoàn hảo - vạch trần tâm lý kẻ phạm tội" là một câu chuyện kết hợp giữa thể loại tâm lý và kinh dị giật gần đầy hồi hộp trên hành trình tìm ra kẻ sát nhân bí ẩn. Khi mà kẻ thủ ác ấy đã lần lượt gây ra những vụ án giết người theo đúng bản danh sách tám vụ án giết người hoàn hảo do một người kinh doanh sách tên là Malcolm Kershaw biên soạn ra, khiến cả FBI cũng phải đau đầu.
Vậy cuối cùng, kẻ đó là ai? Làm cách nào mà một kẻ giết người tinh ranh lại có thể thực hiện những hành vi giết người dựa theo một bản danh sách?
Tất cả sẽ được giải mã trong cuốn sách này.
Mục lục
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 27
Chương 28
Chương 29
Chương 30
Chương 31
Chương 32
Lời cảm ơn
Chương 1
C
ửa chính bật mở, tôi nghe tiếng bước chân của người đặc vụ vang lên trước thềm. Ngoài trời tuyết vừa bắt đầu rơi, thứ không khí tràn vào bên trong cửa hàng qua cánh cửa đang mở mang theo cảm giác nặng nề và nhộn nhạo. Cánh cửa đóng lại phía sau người đặc vụ nọ. Từ lúc tôi đồng ý gặp mặt đến giờ mới chỉ có năm phút đồng hồ trôi qua mà thôi, nên hẳn cô ấy đã đứng chờ sẵn trước cửa lúc gọi điện cho tôi rồi.
Ngoại trừ tôi ra, cả gian hàng không một bóng người. Người ta đã dự báo rằng bắt đầu từ sáng nay đến tối ngày hôm sau tuyết sẽ rơi dày, có thể lên tới hơn nửa mét. Trường công lập Boston đã ra thông báo kết thúc sớm ca học buổi chiều và cho học sinh nghỉ cả ngày tiếp theo. Tôi gọi điện để hai nhân viên trực cửa hàng ngày hôm đó - Emily trực ca sáng và Brandon trực ca tối không cần tới làm. Tôi đăng nhập vào tài khoản Twitter của tiệm sách Old Devils định đăng thông báo rằng chúng tôi sẽ đóng cửa chờ bão qua nhưng không biết vì sao lại đổi ý. Có lẽ tôi không quá thích ý tưởng dành cả ngày trong nhà, một mình.
Nhà tôi chỉ cách cửa hàng có vài trăm mét thôi nên tôi quyết định đi làm, ít nhất như vậy tôi sẽ có thêm một chút thời gian dành cho Nero, sửa lại mấy cái giá sách trông có vẻ sắp oẳn xuống tới nơi hoặc gói xong mấy đơn hàng đặt trên mạng để chờ chuyển đi nữa.
Lúc tôi mở cửa căn nhà trên phố Bury ở khu Beacon Hill, bầu trời đục ngầu xám xịt như màu đá hoa cương, nặng nề như thể tuyết sẽ trút xuống bất cứ lúc nào. Tiệm sách Old Devils không nằm trên tuyến giao thông tấp nập nhưng điều đó chẳng có ảnh hưởng gì lớn tới chuyện làm ăn, bởi chúng tôi chỉ chuyên một dòng sách duy nhất là tiểu thuyết trinh thám mà thôi. Hầu hết khách của tiệm đều tự tìm đến hoặc đơn giản hơn là đặt mua trên mạng. Tôi sẽ chẳng lấy làm ngạc nhiên khi lượng khách đến tiệm vào một ngày thứ năm giữa tháng Hai không lên nổi tới hai con số, trừ khi chúng tôi có tổ chức một sự kiện gì đấy thì nơi đây mới sôi động hơn chút. Dẫu vậy ở đây chẳng bao giờ thiếu việc để làm cả. Nero - chú mèo của tiệm không hề thích việc phải ở một mình mà tôi cũng không nhớ hôm trước mình đã đổ cho nó thêm thức ăn và nước uống hay chưa nữa. Khi tôi vừa bước qua cửa chính thì con mèo đã phóng vèo theo hành lang gỗ cứng ra đón tôi rồi nên khả năng cao là tôi đã quên thật. Nero có bộ lông màu vàng cam, không rõ tuổi tác nhưng chắc chắn là một sự lựa chọn hoàn hảo cho nơi này, bởi lẽ nó có thể chấp nhận (thậm chí là háo hức) sự vuốt ve của người lạ. Tôi với tay bật đèn lên, cho Nero ăn rồi ủ cho mình một bình cà phê. Tầm mười một giờ, Margaret Lumm - một người khách quen, bước vào.
“Hôm nay mà anh vẫn mở cửa à?” Cô ấy hỏi.
“Hôm nay mà chị vẫn ra ngoài à?”
Cô ấy giơ lên hai túi đồ hình như mới gom về từ chỗ cửa hàng tạp hóa trên đường Charles. “Chuẩn bị không bao giờ là thừa.” Cô ấy nói với chất giọng đầy vẻ quý tộc.
Chúng tôi ngồi nói chuyện về cuốn tiểu thuyết mới nhất của Louise Penny. Hầu hết thời gian là cô ấy nói trong khi tôi ậm ừ cho qua làm như mình đã đọc nó rồi. Dạo gần đây, có rất nhiều cuốn sách tôi phải vờ là mình đã đọc. Đương nhiên là tôi mù tịt về nó, tôi có đọc trước phần nhận xét của những nhà phân phối và phát hành sách lớn cộng thêm một vài trang mạng cá nhân viết bài về nội dung sách nữa. Một trong số những trang mạng như vậy có tên là “The Armchair spoiler” với rất nhiều bài viết về nội dung của những cuốn sách mới ra gần đây, đi kèm với phần bàn luận về cái kết của câu chuyện. Tôi đã bội thực văn học trinh thám đương đại rồi, giờ chỉ thỉnh thoảng mới ngồi đọc lại một vài quyển tôi ưa thích từ hồi thơ bé. Đối với tôi mà nói, những trang cá nhân viết về sách kiểu như vậy giờ đã trở thành một phần không thể thiếu. Tôi nghĩ là mình luôn có thể lựa chọn thú thật với mọi người, rằng tôi đã không còn lửa dành cho văn học trinh thám nữa, rằng giờ đây tôi chủ yếu đọc sách lịch sử trước giờ lên giường để dỗ mình vào giấc ngủ, nhưng tôi thích những lời dối gian hơn. Chỉ có một số lượng người rất nhỏ thôi biết được sự thật và ai nấy cũng đều thắc mắc điều gì đã làm nguội đi nhiệt huyết trong tôi, nhưng đây không hẳn là một chủ đề tôi muốn đề cập đến.
Tôi tiễn chân Margaret Lumm cùng một bản sách cũ của cuốn Shake Hands Forever mà cô ấy chắc chắn tới chín mươi phần trăm rằng mình chưa bao giờ đọc, sau đó tôi ăn bữa trưa mình mang theo - bánh kẹp salad thịt gà. Tiếng chuông điện thoại vang lên đúng lúc tôi định đóng cửa đi về nhà.
“Xin chào, tiệm sách Old Devils xin nghe.” Tôi nhấc máy
“Làm ơn chuyển máy cho Malcolm Kershaw.” Một giọng nữ vang lên trong ống nghe.
“Là tôi đây.” Tôi trả lời.
“À vâng, tuyệt. Tôi là Đặc vụ Gwen Mulvey từ Cục Điều Tra Liên Bang FBI. Liệu anh có thể dành chút thời gian để trả lời một vài câu hỏi không?”
“À được chứ.” Tôi nói.
“Vậy ngay bây giờ có ổn không?”
“Không vấn đề gì” Tôi đáp và nghĩ rằng cô ấy muốn hỏi qua điện thoại, nhưng thay vào đó cô nói mình sẽ tới ngay và cúp máy. Tôi đứng đó một lúc với chiếc điện thoại trên tay, thử tưởng tượng xem người đặc vụ FBI tên Gwen trông sẽ như thế nào. Chất giọng trên điện thoại có vẻ cộc cằn, thế nên tôi hình dung ra một người phụ nữ gần đến tuổi về hưu, nghiêm túc, lừng lững trong chiếc áo mưa màu nâu tanin.
Một vài phút sau, đặc vụ Mulvey đẩy cửa bước vào với vẻ ngoài khác xa những gì tôi tưởng tượng. Cô ấy tầm ba mươi tuổi, có lẽ vậy, mặc một chiếc quần bò nhét ống bên trong đôi bốt màu xanh đậm, một chiếc áo khoác mùa đông phồng to phối cùng chiếc mũ len đan tay có quả bông trên chóp. Cô giậm đôi bốt xuống thảm chùi chân , cởi mũ ra và rảo bước qua quầy thanh toán. Tôi vòng ra đón cô ấy và thấy cô vươn tay ra. Một cái bắt tay rất chắc chắn nhưng bàn tay của cô thì lại hơi ươn ướt.
“Đặc vụ Mulvey?” Tôi hỏi.
“À vâng, xin chào.” Những bông tuyết đang dần tan ra trên chiếc áo khoác màu xanh lá, để lại những điểm sẫm màu. Cô lắc
đầu và rũ tóc - phần đuôi mái tóc vàng mỏng vẫn còn ướt. “Tôi bất ngờ khi anh vẫn còn chưa đóng cửa đấy.” Cô ấy nói. “Thật ra là tôi cũng định đi về bây giờ.”
“À, ra vậy.” Cô ấy vừa nói vừa vươn tay nâng chiếc túi da đeo chéo trên lưng, nhấc quai qua đầu để tiện kéo khóa áo khoác xuống. “Nhưng mà anh có thời gian, đúng không?”
“Tôi có cả thời gian và sự tò mò nữa. Liệu chúng ta có nên nói chuyện này trong phòng làm việc của tôi ở phía sau không?”
Cô quay người liếc về phía cửa chính, phần gân trên cổ hiện lên rõ ràng trên làn da trắng. “Như vậy anh có thể nghe được tiếng khách bước vào không?” Cô hỏi.
“Tôi không nghĩ là sẽ có khách giờ này, nhưng có, tôi có thể nghe thấy được. Mời cô đi lối này.”
Thực ra văn phòng của tôi chỉ là một góc nằm phía sau tiệm. Tôi lấy ghế mời đặc vụ Mulvey ngồi xuống rồi vòng ra sau bàn làm việc và thả mình xuống chiếc ghế ngả bằng da. Chiếc ghế cũng không còn mới làm bông dồn bên trong phồng lên nứt dọc theo đường chỉ. Tôi nhích người một chút để có thể nhìn thấy đặc vụ Mulvey qua khoảng trống giữa hai chồng sách trên bàn. “Xin lỗi, tôi hơi vô ý,” tôi nói,“Cô có muốn uống gì không? Tôi vẫn còn một ít cà phê.”
“À không, tôi ổn.” Cô nói trong lúc cởi áo khoác và đặt chiếc túi da - trông giống một cái va li hơn là túi - xuống bên chân. Bên trong lớp áo khoác là áo len cổ tròn màu đen.
Giờ đây, khi tôi có thể nhìn thấy nhiều hơn về người đặc vụ, tôi nhận ra cô ấy không chỉ có nước da trắng mà ngay cả màu
tóc, đôi môi, lông mi, mọi thứ về cô đều dường như trong suốt, ngay cả chiếc kính gọng mảnh cô đang đeo cũng gần như biến mất, hòa làm một với gương mặt. Cứ như thể người nghệ sĩ đã vẽ nên một bức chân dung rồi lấy ngón cái của mình di lên để đường nét của nó trở nên nhạt nhòa vậy, rất khó để mô tả một cách chính xác dung mạo của người phụ nữ đang ngồi trước mặt tôi đây. “Trước khi chúng ta bắt đầu, tôi cần phải làm rõ rằng nội dung của cuộc nói chuyện ngày hôm nay cần được bảo mật. Làm ơn đừng nói với bất cứ ai khác về nó bởi vì những tài liệu sau đây có một số chưa được công khai.”
“Giờ thì tôi thực sự tò mò rồi đấy.” Tôi nhận ra rằng nhịp của mình vừa tăng lên. “Và vâng, chắc chắn, tôi sẽ không tiết lộ điều gì cho bất kỳ ai.”
“Tuyệt vời, cảm ơn anh về sự hợp tác.” Cô nói. Sau đó đặc vụ Mulvey dường như thoải mái hơn với chỗ ngồi của mình, bờ vai cô hạ xuống và cô ấy quay mặt nhìn thẳng vào mắt tôi.
“Anh đã bao giờ nghe đến cái tên Robin Callahan chưa?” Cô hỏi.
“Về vụ án?” Tôi nói. “Đương nhiên là biết.”
Robin Callahan là một phóng viên địa phương. Tầm hơn một năm trước, người ta tìm thấy cô ấy tử vong vì đạn bắn tại nhà riêng ở Concord, cách Boston tầm hai mươi lăm dặm về phía Tây Bắc. Vụ án mạng đã án ngữ tại trang đầu của những tờ báo địa phương kể từ đó. Mặc dù cảnh sát đã xác định nghi phạm là chồng cũ của nạn nhân, nhưng họ không có đủ chứng cứ để tiến hành bắt giam.
“Thế còn Jay Bradshaw thì sao?”
Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi lắc đầu. “Không, tôi không nghĩ tôi biết.”
“Anh ta sống ở Dennis, gần Cape, được phát hiện đã bị đánh tới chết trong ga-ra.”
“Không” Tôi nói.
“Anh chắc chứ?”
“Chắc chắn.” Tôi khẳng định.
“Thế còn Ethan Byrd?”
“Cái tên nghe quen quen...”
“Cậu ấy là sinh viên trường UMass Lowell, được thông báo mất tích vào tầm một năm trước.”
“À đúng rồi.” Tôi có nhớ vụ án này mặc dù không thể nhớ nổi chi tiết của nó ra sao.
“Tầm ba tuần sau khi mất tích cậu ấy được tìm thấy ở Ashland, thi thể bị chôn ở công viên bang”
“À đúng vậy. Vụ này khá rùm beng trên sóng truyền hình. Ba vụ án này có gì liên quan với nhau sao?”
Cô ấy rướn người về phía trước, vươn tay xuống túi định lấy cái gì đó nhưng giật lại như vừa đổi ý. “Ban đầu chúng tôi không cho rằng ba vụ này có liên quan tới nhau dù cả ba đều là những vụ án chưa phá được. Nhưng rồi có người nhận ra những cái tên.” Cô ấy ngừng nói như thể cho tôi cơ hội để chen lời, sau đó tiếp tục. "Robin Callahan, Jay Bradshaw, Ethan Byrd.”
Tôi ngồi ngẫm nghĩ một lúc. “Tôi cảm thấy mình trượt bài kiểm tra này rồi.”
“Anh có thể từ từ nghĩ cũng được.” Cô nói. “Hoặc là để tôi bật mí luôn nhé.”
“Những cái tên này có liên quan đến các loài chim, phải không?” Tôi hỏi.
Người phụ nữ gật đầu. “Đúng vậy. Robin - chim cổ đỏ, Jay - chim giẻ cùi[*] và Byrd, giống với bird. Tôi biết là nghe có vẻ khiên cưỡng nhưng... nếu không đi vào chi tiết thì đại loại sau mỗi vụ án, đồn cảnh sát gần hiện trường nhất sẽ nhận được một thứ... có vẻ như là thông điệp từ kẻ thủ ác.”
“Vậy là chúng có liên quan tới nhau?”
“Nhìn bề ngoài thì có vẻ như vậy. Nhưng có thể ba vụ án này còn gắn kết với nhau theo cách khác nữa. Nó có gợi anh nhớ tới điều gì không? Tôi muốn hỏi vì anh là một chuyên gia về tiểu thuyết trinh thám.”
Tôi ngửa đầu nhìn lên trần nhà hồi lâu rồi nói. “Quả thực ba vụ án đều có chất tiểu thuyết, như thể khuôn mẫu được lấy ra từ một bộ truyện dài kỳ về một kẻ giết người hàng loạt vậy, hoặc kiểu tác phẩm của Agatha Christie.”
Cô ngồi thẳng người lên. “Có thể cụ thể hơn không? Quyển nào của Agatha Christie?”
“Bằng cách nào đó thì quyển đầu tiên tôi nghĩ tới là Một nắm lúa mạch (A Pocket Full of Rye). Quyển đó có liên quan đến chim chóc mà nhỉ?”
“Tôi không rõ nhưng đấy không phải cái mà tôi đang nghĩ.” “Nghe cũng có vẻ giống Sát nhân A.B.C. (The A.B.C. Murders) nữa.” Tôi nói.
Đặc vụ Mulvey nở nụ cười như thể vừa trúng xổ số vậy. “Đúng rồi, đó chính là quyển tôi đang nghĩ tới.”
“Bởi vì nạn nhân không có điểm liên quan nào khác ngoại trừ cái tên.”
“Chính xác, nhưng đó chưa phải là tất cả. Những bưu kiện được gửi tới đồn cảnh sát có vẻ giống những bức thư được kẻ sát nhân A.B.C. ký tên mà Poirot nhận được trong truyện.” “Vậy là cô đã đọc rồi nhỉ?”
“Đương nhiên rồi, từ hồi mười bốn tuổi. Tôi đã đọc hầu hết mọi tác phẩm của Agatha Christie, nên hẳn quyển đó không thể nào bị bỏ sót được.”
“Một trong những quyển hay nhất của bà ấy đấy.” Tôi nói sau một thoáng ngập ngừng. Tôi chưa bao giờ quên tình tiết của cuốn truyện này. Một chuỗi những vụ giết người diễn ra và mối liên hệ duy nhất giữa các nạn nhân là cái tên. Đầu tiên là người có viết tắt là A. A bị giết trong một thị trấn có tên bắt đầu bằng chữ A, nạn nhân tiếp theo là B. B ở thị trấn B. Bạn biết tiếp theo là gì rồi đấy. Hóa ra kẻ thủ ác chỉ có một mục tiêu duy nhất thôi nhưng hắn đã làm vậy để mọi việc trông giống như tác phẩm của một kẻ giết người hàng loạt với vấn đề về tâm thần.
“Anh nghĩ vậy sao?” Người đặc vụ hỏi.
“Vâng. Chắc chắn đó là một trong những quyển có cốt truyện hay nhất.”
“Tôi định đọc lại quyển đó, nhưng mà mới chỉ tìm trên Wikipedia để nhớ lại cốt truyện. Trong truyện còn có một vụ án thứ tư nữa.”
“Tôi cũng nhớ là vậy.” Tôi nói. “Nạn nhân cuối cùng có chữ D trong tên và hóa ra kẻ sát nhân chỉ đang đánh lạc hướng điều tra sang một gã điên giết người hàng loạt trong khi mục tiêu
thực sự của hắn chỉ có một mà thôi. Những vụ khác chỉ là vỏ bọc.”
“Đó là những gì được tổng hợp trên Wikipedia. Trong truyện thì nạn nhân thực sự là người mang cái tên C. C.” “Đúng vậy.” Tôi bắt đầu thắc mắc tại sao cô ấy lại tới đây. Có phải bởi vì tôi có một tiệm sách chuyên về trinh thám không? Có phải cô ấy cần một ấn bản của quyển Sát nhân A.B.C. không? Nhưng nếu như thế thì đâu cần phải chỉ đích danh tôi để gặp mặt chứ, nhất là qua điện thoại nữa? Nếu cần một ai đó làm việc trong một tiệm sách về trinh thám thì cô ấy có thể tới đây và hỏi bất kỳ ai cơ mà.
“Anh có thể nói cho tôi biết thêm điều gì khác về quyển sách đó không?” Cô hỏi, ngừng một lúc rồi nói tiếp. “Anh là chuyên gia mà.”
“Vậy sao?” Tôi nói.
“Không hẳn, nhưng cô muốn biết thêm điều gì?” “Tôi không biết nữa, điều gì cũng được. Tôi đang mong anh nói cho tôi biết mà”
“Ừ thì, ngoại trừ việc có một người đàn ông kỳ quặc tới tiệm sách mỗi ngày và mỗi lần đều rời đi với một quyển Sát nhân A.B.C. mới thì tôi không có gì thêm để tiết lộ cả.”
Lông mày cô nhướng lên một chút trước khi nhận ra rằng tôi đang đùa, ít nhất là đang cố tỏ ra hài hước, rồi nở một nụ cười nhẹ tỏ ý công nhận. Tôi hỏi,“Cô cho rằng ba vụ án mạng này có liên quan tới quyển sách phải không?”
“Đúng vậy” Cô ấy nói. “Nó mang quá nhiều tính kịch, không thể nào bỏ qua được”
“Có phải cô đang nghĩ rằng có ai đó đang học theo cách thức trong sách để thoát tội không? Rằng có ai đó sát hại Robin Callahan, ví dụ thôi nhé, nhưng thực hiện thêm vài vụ để cả ba trông giống như tác phẩm của một kẻ giết người hàng loạt có nỗi ám ảnh với chim chóc?”
“Có lẽ vậy.” Đặc vụ Mulvey nói và đưa tay day day sống mũi chỗ gần trán. Ngay cả bàn tay nhỏ nhắn của cô ấy cũng trắng, móng tay không có vết sơn. Người phụ nữ lại yên lặng. Đây là một buổi phỏng vấn kỳ lạ với đầy những khoảng lặng. Cô ấy đang hy vọng tôi sẽ điền vào khoảng lặng này, tôi đoán vậy, nhưng tôi đã quyết định rằng mình sẽ không lên tiếng.
Cuối cùng thì cô ấy nói,“Có lẽ anh đang thắc mắc tại sao tôi lại tới đây và nói những chuyện này.”
“Đúng vậy.” Tôi trả lời.
“Trước khi tôi nói lên mục đích thực sự của mình thì tôi cần hỏi thêm về một vụ án khác diễn ra gần đây.”
“Tôi đang nghe đây.”
“Có lẽ anh chưa nghe tin về nó. Một người đàn ông tên Bill Manso được tìm thấy gần đường tàu ở Norwalk, Connecticut hồi đầu xuân. Một khách hàng định kỳ bình thường và chỉ đi trên một chuyến tàu cố định. Mới đầu trông mọi thứ có vẻ giống như ông ấy đã tự sát nhưng giờ thì chúng tôi nghi ngờ rằng nạn nhân bị sát hại ở nơi khác rồi được đem tới gần đường ray.”
“Không” Tôi lắc đầu. “Tôi không nghe gì về vụ ấy cả.” “Nó có gợi anh nhớ tới điều gì không?”
“Nó có thể khiến tôi gợi nhớ về điều gì cơ?”
“Cái chết của nạn nhân.”
“Không” Tôi trả lời, nhưng thực ra điều đó không hoàn toàn đúng, nó có gợi lên điều gì đó trong tôi, nhưng tôi không tài nào nhớ ra chính xác được. “Tôi không nghĩ vậy.” Tôi bổ sung.
Cô ấy lại chờ đợi và tôi hỏi. “Vậy mục đích của những câu hỏi này là gì vậy?”
Đặc vụ Mulvey kéo mở chiếc túi da và lấy ra một trang giấy. “Anh có nhớ bản danh sách mình đã đăng trên trang cá nhân của hiệu sách này hồi năm 2004 không? Danh sách mang tên Tám vụ giết người hoàn hảo ấy?”
Chương 2
T
ôi chẳng lạ lẫm gì với các tiệm sách cả, bởi đó là nơi tôi đã làm việc kể từ hồi những năm 1999 khi mới tốt nghiệp đại học rồi. Đầu tiên là quãng thời gian ngắn ngủi ở tiệm sách Borders nằm ở khu trung tâm Boston, sau đó là trợ lý, quản lý, rồi quản lý cấp cao ở một vài cơ sở tư nhân nằm trong Quảng trường Harvard. Những tiệm sách nhỏ lẻ như vậy đều điêu đứng khi gã khổng lồ Amazon chiến thắng trong cuộc chiến độc quyền, như những túp lều mong manh đổ rạp trong gió bão. Tiệm sách Redline là một trong những chiến binh hiếm hoi còn sót lại, một phần do những khách hàng của nó đa phần là thế hệ trước - những người vẫn còn thiếu một chút tân thời để hiểu được mua hàng trực tuyến là gì. Phần lớn nguyên nhân còn lại là do người chủ tiệm tên Mort Abrams chẳng cần phải lo tới chi phí thuê mặt bằng vì ông ấy chính là chủ sở hữu mặt bằng đó luôn. Thực ra cả tòa nhà hai tầng đó đều thuộc về Mort cả. Tôi làm việc ở tiệm Redline chừng năm năm, hai năm đầu tiên là trợ lý quản lý, ba năm sau đó được thăng lên làm quản lý cấp cao và là người mua sách bán thời gian nữa. Tôi ưa thích
tiểu thuyết, cụ thể hơn là tiểu thuyết trinh thám. Cũng trong quãng thời gian ấy mà tôi gặp được người phụ nữ sau này sẽ trở thành vợ tôi - Claire Mallory. Cô ấy được thuê làm thu ngân không lâu sau khi bỏ dở con đường học hành ở Trường Đại học Boston. Năm chúng tôi kết hôn cũng là năm
Mort Abrams mất đi người vợ đã chung sống cùng ông suốt ba mươi lăm năm vì căn bệnh ung thư vú. Mort và Sharon sống cách cửa tiệm chừng hai con phố, đã trở nên thân thiết với chúng tôi như những người bạn, thậm chí là cha mẹ thứ hai, và sự ra đi của Sharon giống như chiếc búa tạ giáng vào tất cả mọi người, nhất là khi nó tước đi tất cả nghị lực sinh tồn của Mort. Một năm sau khi bà mất, ông nói với tôi rằng ông dự tính đóng cửa, trừ khi tôi muốn mua lại nó và tự mình vận hành. Tôi đã suy nghĩ, nhưng vào lúc ấy Claire đã rời Redline để làm việc tại một trạm truyền hình cáp ở địa phương còn tôi thì không muốn dành thời gian cho những rủi ro về tiền bạc khi tự mình kinh doanh.
Tôi liên lạc với Old Devils, một tiệm sách trinh thám ở Boston và được John Haley - người chủ tiệm lúc đó nhận vào làm việc. Công việc chính của tôi là tổ chức sự kiện, nhưng đồng thời cũng quản lý nội dung trên trang blog cá nhân đang nổi như cồn của cửa hàng - một nơi cho những người yêu trinh thám đến bàn luận. Ngày cuối cùng tôi làm việc ở Redline cũng là ngày mở cửa cuối cùng của nó. Mort và tôi cùng nhau khóa lại cửa chính, rồi tôi theo chân ông vào văn phòng, cùng nhau khui chai rượu whiskey mạch nha đơn phủ đầy bụi mà Robert Parker đã gửi tặng từ lâu lắm rồi. Tôi còn nhớ mình đã lo rằng Mort giờ đây khi không còn Sharon bên cạnh, cũng chẳng còn hiệu sách mà ông yêu quý nữa sẽ chẳng thể trụ nổi qua mùa đông. Tôi đã nhầm. Ông ấy đã sống qua mùa đông và cả mùa xuân nữa, nhưng ra đi vào mùa hè năm đó trong ngôi nhà ven
hồ ở Winnipesaukee, một tuần trước khi tôi và Claire dự định ghé thăm.
“Tám vụ giết người hoàn hảo” là bài viết đầu tiên của tôi trên trang của tiệm Old Devils. Lúc ấy John Haley - ông sếp mới đã nhờ tôi viết ra một danh sách những cuốn tiểu thuyết trinh thám mà tôi thích nhất nhưng thay vào đó tôi nảy ra ý tưởng về một danh sách những vụ án hoàn hảo nhất từng được viết. Tôi không biết tại sao lúc đó mình lại không muốn chia sẻ về những quyển sách mình ưa thích, nhưng tôi đã cho rằng viết về những vụ án hoàn hảo có thể thu hút nhiều người đọc hơn. Hồi ấy có những người bỗng nhiên nhờ blog mà đổi đời, trở nên giàu có và nổi tiếng. Tôi còn nhớ có người viết blog về việc mỗi ngày thử nấu một công thức của nữ hoàng văn hóa ẩm thực thế giới - Julia Child, sau đó được xuất bản thành sách, rồi chuyển thể thành phim nữa. Tôi nghĩ lúc đó mình cũng ôm một chút ảo tưởng rằng nền tảng blog cũng có thể giúp mình trở thành một gương mặt đại diện của giới trinh thám hay điều gì đó tương tự. Claire đổ thêm dầu vào ngọn lửa cuồng nhiệt trong tôi, lặp đi lặp lại rằng những bài viết đó có thể trở nên nổi tiếng, rằng tôi đã tìm được định mệnh của mình và trở thành một nhà phê bình văn học trinh thám. Trên thực tế, đam mê của tôi, hoặc ít nhất tôi tin là thế, nằm ở việc kinh doanh sách, thích thú với những giờ phút bận rộn đi kèm với cuộc sống thường nhật của người bán sách, và trên hết, tôi thích đọc - đó mới là đam mê thực sự.
Dẫu vậy, bằng cách nào đó tôi bắt đầu thấy bài viết về những vụ án hoàn hảo còn chưa thành hình của tôi quan trọng hơn so
với thực tế. Tôi sẽ định hình phong cách của cái blog này, biến nó thành một bản tuyên ngôn dõng dạc với thế giới. Tôi muốn nó phải thật hoàn hảo, không chỉ ở câu chữ, mà ngay cả bản danh sách đó cũng phải hoàn hảo. Những quyển sách được lựa chọn phải có cả những cuốn nổi tiếng và cả những “viên ngọc ít người biết tới”. Nó phải đại diện cho thời kỳ hoàng kim của văn học trinh thám nhưng cũng không được bỏ qua những gì thuộc về đương đại. Tôi dành nhiều ngày không ngủ để nặn ra nó, đẽo gọt nó, thêm quyển sách này, bớt cuốn sách kia, nghiên cứu đầu sách nọ mà tôi chưa kịp đọc. Tôi nghĩ nguyên nhân duy nhất tôi có thể hoàn thành bài viết là do John bắt đầu càu nhàu hỏi vì sao tôi chưa đăng lên một bài nào. “Nó chỉ là một cái blog thôi!” Ông ấy nói. “Cứ viết ra cái danh sách đi mà đăng lên, có ai chấm điểm đâu mà sợ.”
Bài viết được đăng lên vừa kịp vào dịp Halloween. Giờ đây mỗi lần đọc lại nó tôi lại thấy gai người. Tôi viết đao to búa lớn quá, đôi chỗ sặc mùi kiêu căng, khao khát mong được công nhận hiện lên rõ mồn một. Tôi đã viết như thế này:
Tám vụ giết người hoàn hảo
Viết bởi Malcolm Kershaw
Trích lời những ngôn từ đã trở thành bất tử của Teddy Lewis trong cuốn Body Heat - cuốn neo-noir[*]tuyệt vời bị người đời quên lãng của Lawrence Kasdan ra đời vào năm 1981: “Mỗi một tội ác ra trò có đến cả năm mươi cách để đổ bể, anh chỉ cần nghĩ được một nửa số đó thôi là đã có thể coi là thiên tài rồi... mà anh thì không
phải.” Không sai, tuy nhiên lịch sử trinh thám đã chứng kiến sự xuất hiện của những tên tội phạm lớn gan dám thách thức điều gần như là bất khả thi mang tên tội ác hoàn hảo, chấp nhận trả giá bằng tính mạng hoặc tù tội. Rất nhiều trong số đó đã thử thực hiện thứ tội ác hoàn hảo tối thượng - là giết người.
Những đầu sách tôi lựa chọn dưới đây là những vụ sát nhân tài tình nhất, khôn ngoan nhất và rõ ràng nhất trong lịch sử dòng tiểu thuyết trinh thám. Tôi không nói đây là những cuốn mình ưa thích, cũng không tuyên bố đây là những cuốn hay nhất trong dòng sách mà chỉ đơn thuần là tập hợp những vụ án đã gần chạm tới ranh giới lý tưởng của một vụ giết người hoàn hảo.
Và đây, một danh sách của riêng tôi về những “vụ giết người hoàn hảo.” Tôi xin cảnh báo trước rằng dù bản thân đã rất cố gắng, bài viết sau đây vẫn có những tình tiết nội dung có thể làm hỏng trải nghiệm đọc sách của bạn. Vì vậy nếu bạn chưa từng đọc những quyển sách dưới đây và muốn có một trải nghiệm thật trọn vẹn, tôi đề nghị bạn đọc sách trước khi đến với danh sách của tôi.
The Red House Mystery - Bí ẩn ngôi nhà đỏ (1922) của A. A. Milne
Rất lâu trước khi Alan Alexander Milne viết nên di sản để đời của mình là chú gấu Winnie the Pooh, nếu bạn chưa biết, thì ông đã viết một cuốn tiểu thuyết trinh thám hoàn hảo. Cốt truyện nói về một vụ án xảy ra ở miền đồng quê, người anh thất lạc đã lâu của Mark Ablett xuất hiện và hỏi vay tiền. Phát súng oan nghiệt vang lên trong căn phòng khóa kín, người anh thiệt mạng, còn Mark
Ablett biến mất. Cuốn sách này có lắm thứ ly kỳ như những nhân vật cải trang và lối đi bí mật, nhưng nền tảng cơ bản đằng sau kế hoạch của kẻ sát nhân thật sự tài tình.
Malice Aforethought - Kế hoạch hiểm độc (1931) của Anthony Berkeley Cox
Nổi tiếng là cuốn tiểu thuyết trinh thám “ngược” đầu tiên (chúng ta biết nạn nhân và kẻ sát nhân là ai ngay từ trang đầu), đây gần như là một nghiên cứu điển hình về cách đầu độc vợ bạn và thoát tội. Đương nhiên kẻ sát nhân có lợi thế khi là một bác sỹ có thể tiếp xúc với những loại chất độc chết người. Bà vợ khó tính của ông ta chỉ là người đầu tiên, bởi lẽ khi bạn đã thành công trong vụ giết người hoàn hảo đầu tiên, rất khó để tránh khỏi sự cám dỗ thử thêm lần nữa.
The A.B.C. Murders - Sát nhân A.B.C. (1936) của Agatha Christie
Poirot đang theo đuổi một gã “điên” có vẻ như bị ám ảnh với những chữ cái. Nạn nhân đầu tiên là Alice Ascher ở Andover, sau đó là Betty Barnard ở Bexhill và tiếp tục. Đây có thể coi là ví dụ điển hình trong sách giáo khoa về việc che giấu mục tiêu thực sự trong những vụ án khác nhau nhằm đánh lạc hướng điều tra sang một kẻ sát nhân tâm thần giết người hàng loạt.
Double Indemnity - Khoản bồi thường gấp đôi (1943) của James M. Cain
Đây là tác phẩm của Cain mà tôi thích nhất, phần nhiều là do cái kết ảm đạm đậm tính nhân quả. Trọng tâm của vụ án - một nhân viên bảo hiểm và người phụ nữ xinh đẹp lên kế hoạch ám sát chồng cô ta - được thực hiện vô cùng tài tình. Đây là một tình huống dàn cảnh giết người điển hình. Người chồng bị giết trong vụ đâm xe rồi đặt lên đường ray xe lửa để tạo hiện trường như thể ông ta vô tình rời khỏi toa, đi hút thuốc phía đuôi tàu. Walter Huff - tên tình nhân là nhân viên bảo hiểm của người vợ đã hóa trang thành người chồng và cố tình để nhân chứng trên tàu nhìn thấy.
Strangers on a Train - Người lạ trên tàu (1950) của Patricia Highsmith
Tôi coi đây là vụ án khéo léo nhất trong tất cả. Hai người đàn ông lên kế hoạch tráo đổi mục tiêu cho nhau, đảm bảo rằng người kia có bằng chứng ngoại phạm trong thời gian người còn lại gây án. Bởi vì cả hai không có mối liên quan nào cả - họ tình cờ gặp nhau và nói chuyện thoáng qua trên tàu - những vụ án sau đó lâm vào bế tắc, ít nhất ý tưởng là vậy. Tác giả Highsmith dù đã nghĩ ra một cốt truyện tài tình lại ưa thích khía cạnh lương tâm và áp bức hơn, về một người áp đặt ý muốn của mình lên người khác. Cuốn tiểu thuyết này vừa thú vị vừa sa đọa tới tận gốc rễ, giống như hầu hết những tác phẩm khác của Highsmith.
The Drowner-Chết trong làn nước (1963) của John D.MacDonald
MacDonald, tôi lựa chọn ông là một bậc thầy ít tiếng tăm về thể loại trinh thám giả tưởng bối cảnh những năm giữa thế kỷ XX. Ông quá mức tập trung vào tâm lý kẻ thủ ác để giữ kín danh tính của hắn tới cuối cùng. Chết trong làn nước là một ngoại lệ, và là một ngoại lệ tuyệt vời. Kẻ thủ ác sáng tạo ra cách để dìm chết nạn nhân nhưng trông giống hệt như tai nạn.
Deathtrap - Bẫy tử vong (1978) của Ira Levin
Đây không phải là tiểu thuyết mà là một vở kịch nhưng tôi vẫn khuyến khích bạn đọc nó và xem bộ phim chuyển thể tuyệt vời sản xuất vào năm 1982. Bạn sẽ không bao giờ nhìn Christopher Reeve với con mắt cũ nữa. Đây là một vở kịch trinh thám tài tình hòa trộn hoàn hảo cả tính chân thực và trào phúng. Vụ án đầu tiên - người vợ với bệnh tim - được xây dựng một cách tài tình nhưng không hề khó hiểu. Đột quỵ được coi là nguyên nhân tử vong tự nhiên dù cho có người cố tình gây ra.
The Secret History - Bí sử (1992) của Donna Tartt
Giống như cuốn Kế hoạch hiểm độc, đây cũng là một quyển trinh thám ngược. Một nhóm học sinh ở Đại học New England đã sát hại bạn học. Ta biết được kẻ sát nhân là ai trước khi biết được động cơ. Cách thức giết người cũng đơn giản - Bunny Corc bị đẩy xuống khe núi trong chuyến chạy bộ định kỳ mỗi Chủ Nhật. Điều làm nó trở nên nổi bật là lời giải thích của kẻ đầu sỏ Henry Winter, rằng họ đã “cho phép Bunny tự chọn mình sẽ chết trong bối cảnh như thế nào.” Cả nhóm không hề chắc chắn về lộ tuyến chạy bộ của
nạn nhân ngày hôm đó nhưng đã chờ ở những địa điểm khả thi khiến cho vụ án trông giống tai nạn nhất có thể. Những gì diễn ra sau đó là những khám phá lạnh người cùng đau thương và tội lỗi.
Thực tế là lập nên danh sách này không hề dễ. Những tưởng rằng tìm ra những vụ giết người hoàn hảo trong tiểu thuyết không khó nhưng hóa ra tôi đã nhầm. Đó là lý do tại sao tôi lại cho Bẫy tử vong vào danh sách dù cho nó là một vở kịch chứ không phải tiểu thuyết. Tôi chưa từng đọc kịch bản gốc của biên kịch Ira Levin, thậm chí chưa từng xem vở kịch đó nữa mà chỉ ưa thích bộ phim thôi. Giờ nhìn lại, rõ ràng là Chết trong làn nước - cuốn sách ưa thích của tôi không thực sự phù hợp trong danh sách này. Kẻ thủ ác trốn dưới đáy hồ với bình oxy, sau đó kéo nạn nhân xuống. Nó là một ý tưởng thú vị nhưng không chắc chắn và cũng không rõ ràng. Làm sao mà kẻ thủ ác có thể biết được cần chờ đợi ở đâu? Nếu có người khác ở cùng trong ao thì sao? Tôi cho rằng nếu thực hiện thành công thì hiện trường trông sẽ giống như một vụ tai nạn thật, nhưng nguyên nhân tôi cho nó vào danh sách là do tôi ưa thích John D. MacDonald. Tôi muốn một thứ gì đó không quá nổi tiếng, chưa được chuyển thể thành phim rạp.
Sau khi tôi đăng bài lên, Claire nói rằng cô ấy thích cách hành văn của tôi và sếp John thì thở phào vì cuối cùng cũng có bài đăng. Tôi chờ đợi những bình luận xuất hiện, cho phép mình tưởng tượng ra viễn cảnh bài viết khơi mào cả một trào lưu trên mạng, người đọc tràn vào để bình luận về những vụ án họ ưa thích, NPR - Đài Phát thanh Quốc gia sẽ mời tôi lên sóng để bàn luận về chủ đề này. Cuối cùng thì bài viết chỉ có vỏn vẹn
hai bình luận. Đầu tiên là SueSnowden viết: “Ôi giờ tôi có thêm nhiều sách muốn đọc quá!”, còn lại là ffolliot123 viết: “Bất cứ ai lập danh sách những vụ án hoàn hảo mà không có ít nhất một cuốn của John Dickson Carr thì rõ ràng là họ chả biết cái quái gì cả.”
Vấn đề là tôi không cách nào thích được truyện của John Dickson Carr, mặc dù bình luận đó không hẳn là vô lý. Carr là chuyên gia về những vụ giết người trong phòng kín, những vụ án không tưởng. Bây giờ thì nghe có vẻ kỳ quặc chứ hồi đó tôi cực kỳ bận tâm cái bình luận đó, có lẽ là vì tôi cũng đồng ý với nó phần nào. Thậm chí tôi đã suy nghĩ đến việc viết thêm một bài đăng khác kiểu như “Thêm tám vụ giết người hoàn hảo nữa”. Nhưng thay vào đó, bài viết tiếp theo tôi đăng là danh sách những cuốn tiểu thuyết ưa thích của tôi trong năm vừa qua và tôi chỉ mất tầm một giờ để viết. Tôi cũng tìm ra cách dẫn link tới cửa hàng trực tuyến của tiệm Old Devils làm John mừng húm. “Đúng rồi Mal ạ, chúng ta đang cố bán sách mà,” ông nói, “đâu phải khơi mào tranh cãi đâu.”
Chương 3
Đ
ặc vụ Mulvey đưa ra tờ giấy với bài viết của tôi in phía trên. Tôi nhận lấy nó, nhìn lướt qua rồi nói: “Tôi có nhớ, nhưng đã lâu lắm rồi.”
“Anh có nhớ những quyển sách mình đã chọn không?” Tôi liếc xuống tờ giấy thêm lần nữa, ánh mắt dừng lại ngay dòng chữ “Khoản bồi thường gấp đôi” và tôi bất ngờ nhận ra lý do tại sao cô ấy lại đến đây. “Ồ.” Tôi nói. “Người đàn ông trên đường tàu, có phải cô cho rằng vụ án đó ăn theo tình huống trong quyển Khoản bồi thường gấp đôi?”
“Tôi cho rằng điều đó có khả năng xảy ra. Nạn nhân thường xuyên đi tàu. Cho dù địa điểm tử vong là ở nơi khác, rõ ràng có ai đó đã làm hiện trường trông giống như ông ấy đã nhảy tàu tự sát. Khi tôi vừa nghe đến đây, tôi ngay lập tức liên tưởng đến Khoản bồi thường gấp đôi. Bộ phim thì đúng hơn, vì tôi chưa đọc cuốn này.”
“Và cô đến gặp tôi bởi vì tôi đã đọc nó rồi?” Tôi hỏi. Đặc vụ Mulvey chớp chớp mắt rồi lắc đầu. “Không, nguyên thực sự là do tôi cho rằng những vụ án này có thể cố tình học theo phim ảnh, hoặc tiểu thuyết. Tôi đã tìm kiếm trên google xem có những kết quả nào chứa cùng lúc cả Khoản bồi thường gấp đôi lẫn Sát nhân A.B.C. hay không. Tôi đã tìm ra danh sách của anh như thế đấy.”
Cô đặc vụ nhìn tôi với ánh mắt mong đợi, nhìn thẳng vào mắt tôi, trong khi tôi thì lảng tránh và nhìn vào vầng trán cùng đôi lông mày mờ nhạt như không có của cô. “Vậy tôi cũng là một nghi phạm sao?” Tôi nói, rồi bật cười.
Cô ấy hơi ngả người ra sau một chút. “Anh không phải là một nghi phạm chính thức, nếu không thì đã không chỉ có mình tôi ở đây và đặt câu hỏi. Tuy nhiên, quả thật tôi đang điều tra khả năng rằng tất cả những vụ án này đều có cùng hung thủ, và kẻ đó đang bắt chước bản danh sách của anh một cách có chủ đích.”
“Làm sao mà chỉ có mỗi bản danh sách của tôi là đề cập đến cả hai quyển Khoản bồi thường gấp đôi và Sát nhân A.B.C. được?” “Không hẳn nhưng thực ra cũng gần gần như vậy. Dù sao thì bản danh sách của anh cũng là bản ngắn nhất trong tất cả. Cả hai quyển sách đều tồn tại trong những bản danh sách khác nữa, nhưng chúng đều dài hơn, kiểu như “Một trăm đầu sách trinh thám bạn phải đọc ít nhất một lần trong đời” ấy, hơn nữa chủ đề viết về những vụ án mạng hoàn hảo làm anh nổi bật hơn hẳn. Anh nhắc tới tám quyển sách, anh làm ở một tiệm sách trinh thám ở Boston còn tất cả những vụ án mạng này đều diễn ra ở New England. Nghe này, mọi thứ đều có thể chỉ là trùng hợp nhưng tôi cho rằng nó đáng bỏ công sức ra điều tra” “Tôi hiểu rằng quả thực trông có vẻ như có ai đó đang ăn theo quyển Sát nhân A.B.C. nhưng còn thi thể ở gần đường ray thì sao? Bảo nó lấy từ trong quyển Khoản bồi thường gấp đôi có hơi khiên cưỡng không?”
“Anh còn nhớ rõ nội dung quyền đó chứ?”
“Có, nó là một trong những quyển sách ưa thích của tôi.” Điều này là thật. Tôi đọc được quyển Khoản bồi thường gấp đôi vào năm mười ba tuổi, nó làm tôi rung động tới mức tìm kiếm cả bản phim của Fred MacMurray và Barbara Stanwyck ra đời vào những năm 1944. Bộ phim đó kéo tôi xuống hố sâu của dòng phim noir[*]. Suốt những năm tháng thiếu niên tôi đã sục sạo khắp các tiệm băng đĩa chất đầy những thước phim kinh điển. Những bộ phim dòng noir sau này tôi xem không thể nào áp đảo được cảm giác lần đầu ấy. Đôi khi tôi đã nghĩ rằng những gì Miklós Rózsa đã làm được trong bộ phim vĩnh viễn in sâu vào trong tim tôi rồi.
“Vào ngày Bill Manso được tìm thấy trên đường ray, một trong những cửa sổ thoát hiểm khẩn cấp của con tàu bị ai đó phá mở, gần với vị trí của thi thể”
“Vậy có thể ông ấy đã tự sát?”
“Không thể nào, chuyên viên điều tra hiện trường có thể thấy được nạn nhân bị sát hại ở một nơi khác rồi mới bị bỏ lại trên đường ray, bên giám định pháp y cũng nói rằng nguyên nhân tử vong là chấn thương vùng đầu do tác động của một vật cùn, có thể là một loại vũ khí nào đó.”
“Vậy sao?” Tôi nói.
“Điều đó có nghĩa là có ai đó, khả năng cao là hung thủ hoặc đồng phạm, đã có mặt trên tàu và phá cửa sổ để ngụy tạo hiện trường thành vụ tự sát.”
Lần đầu tiên trong suốt quãng thời gian nói chuyện tôi có cảm giác lo lắng. Trong cuốn tiểu thuyết và phim đều có một
nhân viên bảo hiểm phải lòng vợ của ông giám đốc điều hành ngành dầu khí và họ cùng nhau âm mưu sát hại ông ta cả vì tình lẫn tiền. Nhân viên bảo hiểm nọ - Walter Huff đã làm giả một chính sách bồi thường tai nạn về Nirdlinger - chính là nạn nhân. Trong đó bao gồm điều khoản “bồi thường gấp đôi” trong trường hợp tử vong ở trên tàu. Walter và Phyllis - người vợ đã bẻ cổ nạn nhân ở trên ô tô, sau đó Walter đóng giả nạn nhân và lên tàu. Anh ta đeo một lớp bó bột giả ở chân và chống nạng vì Nirdlinger thật sự cũng bị gãy chân trong khoảng thời gian gần đây. Lớp bó bột là bằng chứng hoàn hảo vì nó sẽ thu hút cái nhìn của những nhân chứng trên tàu. Hành khách sẽ nhớ một người đàn ông phải bó bột ở chân nhưng sẽ không mấy ai chú ý đến gương mặt của Nirdlinger giả. Anh ta đi tới khoang hút thuốc ở cuối tàu và nhảy xuống, sau đó Walter và Phyllis bỏ lại thi thể của nạn nhân ở bên đường ray để mọi thứ trông giống như người chồng đã chết khi ngã khỏi tàu.
“Vậy ý của cô là có người cố tình làm nó giống với vụ án trong Khoản bồi thường gấp đôi sao?” Tôi nói.
“Đúng vậy.” Cô ấy trả lời. “Dù thực ra chỉ có mỗi mình tôi là tin vào sợi dây liên kết này thôi.”
“Còn những người khác thì sao?” Tôi hỏi. “Những nạn nhân khác ấy.”
Đặc vụ Mulvey nhìn lên rìa nghiêng của trần văn phòng rồi nói,“Tất cả những gì chúng tôi biết là không có mối liên kết nào khác giữa những vụ án đó ngoại trừ việc nó cùng xảy ra ở New England và trông giống như ăn theo những vụ án trong tiểu thuyết.
“Những cuốn trong bản danh sách của tôi.”
“Đúng vậy, bản danh sách của anh là một cầu nối khả thi, nhưng nó vẫn còn một đầu dây liên kết nữa... không hẳn là một mối liên hệ nhưng tôi có cảm giác rằng tất cả nạn nhân cho đến nay đều... dù không làm gì đến mức không thể tha thứ nhưng cũng chẳng thể coi là tốt đẹp. Tôi không chắc có ai trong số họ được nhiều người ưa thích đâu.”
Tôi ngồi nghĩ một lúc. Căn phòng dần dần tối lại trong ánh trời chiều làm tôi vô thức nhìn xuống đồng hồ nhưng thực tế thì giờ mới chỉ là đầu giờ chiều mà thôi. Tôi nhìn lại căn phòng làm kho có hai cánh cửa sổ hướng tới con ngõ sau tối tăm. Tuyết đã bắt đầu đọng trên bậu cửa, phần còn lại thì tối đen như mực. Tôi bật đèn bàn lên.
“Lấy ví dụ,”’ cô ấy tiếp tục, “Bill Manso là một nhà môi giới đầu tư đã ly hôn. Điều tra viên cho biết các con của ông ta nói rằng mình đã không gặp bố trong hơn hai năm trở lại đây, và ông ta không phải là bậc phụ huynh lý tưởng. Rõ ràng là họ không ưa bố mình lắm. Còn Robin Callahan - như anh đã đọc được rồi đấy, là một người gây khá nhiều tranh cãi.”
“Nhắc lại về người đó đi.”
“Tôi đoán là cách đây vài năm cô ta đã làm tan vỡ cuộc hôn nhân của đồng nghiệp, sau đó là đạp đổ hôn nhân của chính mình và gần đây mới viết một cuốn sách phản đối chế độ một vợ một chồng. Rất nhiều người không ưa cô ta và nếu gõ cái tên trên google thì...”
“Kết quả không được tốt đẹp lắm nhỉ?”
“Đúng, chẳng ai làm hài lòng tất cả mọi người cả, nhưng để trả lời cho câu hỏi của anh thì tôi cho rằng tất cả những nạn nhân cho tới thời điểm này đều không hẳn là những công dân mẫu mực.”
“Cô cho rằng có ai đó đã đọc danh sách những vụ án của tôi, sau đó quyết định học theo những cách thức giết người trong đó? Và kẻ đó cho rằng theo một cách nào đó nạn nhân là những kẻ đáng chết? Giả thuyết của cô là như vậy phải không?” Tôi nói.
Cô ấy bặm môi làm chúng càng trở nên tái nhợt rồi nói,“Tôi biết nó nghe thật nực cười...”
“Hay cô cho rằng tôi, người đã viết nên danh sách đó, quyết định tự mình đem nó ra thử nghiệm?”
“Nghe cũng nực cười không kém.” Cô ấy nói. “Tôi biết là thế. Nhưng rõ ràng mọi thứ không đơn thuần chỉ là trùng hợp đúng không? Rằng một ai đó học theo cốt truyện trong cuốn tiểu thuyết của Agatha Christie, cùng lúc đó lại có một kẻ khác ngụy tạo hiện trường tai nạn trên đường tàu như trong…”
“Trong cuốn tiểu thuyết của James Cain.” Tôi tiếp lời. “Đúng vậy.” Cô nói. Trong thứ ánh sáng vàng tỏa ra từ chiếc đèn bàn trông mặt đặc vụ Mulvey như thể đã không ngủ trong suốt ba ngày vậy.
“Cô tìm thấy mối liên quan giữa những vụ án từ bao giờ?” “Ý anh là tôi tìm thấy danh sách của anh lúc nào sao?” “Phải, có thể coi là vậy.
“Ngày hôm qua. Tôi cũng đặt mua hết những quyền đó và đọc trước phần tổng kết cốt truyện trên mạng rồi, nhưng sau
đó tôi quyết định trực tiếp đến tìm anh. Tôi đã hy vọng anh có thể cung cấp một vài thông tin mới, rằng có lẽ anh có thể liên kết một vài vụ án chưa được phá gần đây với danh sách mình đã viết. Tôi biết nó là hy vọng xa vời, nhưng…”
Tôi nhìn xuống tờ giấy in cô ấy đưa, gợi bản thân nhớ lại về tám cuốn sách mình đã chọn. “Một số trong những vụ án này...” tôi nói,“cô không thể học theo chúng một cách chính xác hoàn toàn được, kể cả có thể thì cũng rất khó phát hiện ra.”
“Ý anh là sao?” Cô hỏi.
Tôi nhìn lướt qua danh sách. “Bẫy tử vong, vở kịch của Ira Levin, cô có biết về nó không?”
“Tôi có nhưng anh cứ nhắc lại đi.”
“Nguyên nhân tử vong của cô vợ là do bị hù dọa gây nên cơn đau tim. Tất cả đều là do người chồng và gã bạn trai của anh ta dàn dựng cả. Đây là một vụ giết người hoàn hảo, đương nhiên, bởi vì chẳng ai có thể chứng minh được một người chết vì đau tim thực ra là bị sát hại. Giả dụ có người định bắt chước nó đi, thì điều đầu tiên là làm một ai đó lên cơn đau tim không hề dễ và đưa nó ra ánh sáng còn phức tạp hơn. Tôi cho rằng cô chưa tìm thấy một nạn nhân tử vong vì đau tim một cách đáng ngờ đâu nhỉ?”
“Thực ra là có đấy.” Cô nói, và lần đầu tiên kể từ khi bước vào cửa hàng đến giờ tôi thấy một vệt thỏa mãn ánh lên trong mắt người đặc vụ. Cô ấy thực sự tin rằng mình đã nắm bắt được đầu mối ẩn giấu.
“Tôi không thực sự biết nhiều về vụ đó, nhưng…” cô tiếp tục, “có một người phụ nữ tên Elaine Johnson đến từ Rockland,
Maine tử vong vì lên cơn đau tim tại nhà hồi tháng Chín vừa qua. Bà ấy vốn có bệnh tim nên trông nó có vẻ như đây là cái chết tự nhiên, nhưng có dấu hiệu cho thấy có kẻ đã đột nhập vào căn nhà.”
Tôi vân vê phần dái tai,“Như một vụ trộm?”
“Đó là kết luận của phía cảnh sát. Có kẻ đã đột nhập vào căn nhà để trộm cắp hoặc tấn công người phụ nữ, nhưng cô ấy lên cơn đau tim ngay khi nhìn thấy những tên trộm nên bọn chúng đã bỏ trốn.
“Căn nhà không mất gì sao?”
“Phải, căn nhà không mất thứ gì.”
“Tôi không chắc.” Tôi nói.
“Nhưng nghĩ thử mà xem nhé.” Cô ấy nhích một chút về phía trước. “Giả dụ anh muốn giết một ai đó bằng cách lợi dụng bệnh tim. Đầu tiên, anh chọn một người có tiền sử bệnh tim, như trong vụ này là Elaine Johnson. Sau đó anh lẻn vào nhà nạn nhân - nơi bà ta sống một mình, đeo đồ hóa trang kinh dị rồi nhảy bổ ra từ trong tủ quần áo. Bà ta chết, anh thành công giết người, y như trong truyện.”
“Thế nhỡ mọi chuyện không suôn sẻ thì sao?”
“Thì bọn chúng chỉ cần bỏ chạy thôi, bà ấy cũng đâu có nhận dạng được lũ trộm đâu.”
“Nhưng người ta vẫn có thể gọi điện báo cảnh sát mà” “Đương nhiên rồi.”
“Có báo cáo nào về vụ việc tương tự xảy ra không?” “Không, ít nhất là tôi không thấy có tình huống nào tương tự nhưng điều đó chỉ cho thấy rằng chúng đã thành công ngay
từ lần thử đầu tiên rồi.”
“Có thể lắm.”
Đặc vụ Mulvey lại im lặng một lúc. Tôi nghe thấy tiếng móng gõ lên mặt sàn chứng tỏ Nero đang chạy về phía chúng tôi dọc theo mặt sàn gỗ cứng. Cô ấy nghe tiếng và quay lại nhìn chú mèo của tiệm, để cho nó ngửi tay mình và vuốt ve chú mèo cực kỳ điệu nghệ. Nero co người và nằm lăn ra sàn rên gừ gừ.
“Cô hẳn là có nuôi mèo phải không?”
“Tôi có hai bé. Bé mèo này về nhà cùng anh hay ở luôn lại tiệm?”
“Nó ở luôn tại đây đấy. Đối với nó, cả thế giới là hai căn phòng ngập sách và hàng tá người lạ, thỉnh thoảng vài người trong số họ lại cho nó đồ ăn.”
“Nghe thích nhỉ”
“Tôi nghĩ vậy, phải đến một nửa số khách đến đây chỉ vì nó thôi đấy.”
Nero ngồi dậy, căng người và lần lượt duỗi chân sau ra rồi đủng đỉnh đi ra ngoài quầy.
“Vậy đó là những gì cô cần ở tôi phải không?” Tôi hỏi. “Nếu như thực sự có kẻ nào đó đang lợi dụng bản danh sách của anh để giết người thì anh chính là chuyên gia chúng tôi cần..”
“Tôi không chắc lắm.”
“Ý tôi là, anh là chuyên gia về những đầu sách trong danh sách đó, đẩy là những quyển sách ưa thích của anh mà.” “Chắc là vậy.” Tôi nói. “Tôi viết cái danh sách đó từ lâu lắm rồi, còn có quyển này quyển nọ nữa đấy.”
“Dẫu vậy thì ý kiến của anh cũng không bao giờ là thừa. Tôi hy vọng anh sẽ xem qua một vài vụ án mà tôi đã tổng hợp lại - một danh sách những vụ án chưa có lời giải ở khu vực New England trong vài năm trở lại đây. Tôi mới làm nó tối qua thôi, thông tin chung chung” Cô ấy lôi ra một tập hồ sơ từ trong cặp ra. “Và tôi hy vọng anh sẽ nhìn qua một chút, xem có bất kỳ ai trong số các nạn nhân có vẻ liên quan đến những quyển sách anh đã chọn hay không.”
“Không vấn đề gì.” Tôi vừa nói vừa nhận lấy tập hồ sơ. “Những giấy tờ này cũng cần bảo mật sao?”
“Hầu hết những thông tin tôi tổng hợp lại đều đã được công khai. Tôi sẽ xem kỹ hơn những vụ án anh cho là tiềm năng. Thật lòng mà nói thì tôi đang cầu may thôi. Tôi đã xem qua những vụ án đó rồi, chỉ là bởi vì anh đã đọc hết những quyển sách.”
“Tôi cũng sẽ phải đọc lại một vài quyển nữa.” Tôi nói. “Vậy là anh sẽ giúp tôi.” Cô ấy ngồi thẳng dậy và gần như nở nụ cười. Đặc vụ Mulvey có phần môi trên hơi ngắn và tôi có thể nhìn thấy phần lợi mỗi khi cô nói.
“Tôi sẽ cố.” Tôi nói.
“Cảm ơn, và còn một điều nữa. Tôi đã đặt mua hết những đầu sách đó rồi nhưng nếu anh có ngay tại đây thì tôi có thể bắt đầu luôn.
Tôi kiểm tra danh mục lưu trữ trên máy tính và thấy rằng mình còn một vài quyển Khoản bồi thường gấp đôi, Sát nhân A.B.C. và Bí sử, cộng thêm một quyển Bí ẩn ngôi nhà đỏ. Tôi có một quyển Người lạ trên tàu, nhưng nó thuộc đợt in đầu tiên
hồi năm 1950, được bảo quản hoàn hảo và trị giá ít nhất 10.000 đô la. Chúng tôi có một chiếc tủ an toàn ngay chỗ quầy thu ngân để đựng tất cả những cuốn sách có giá trị từ năm mươi đô la trở lên nhưng riêng quyển đó thì không nằm ở đấy. Nó nằm trong văn phòng tôi, trong một tủ kính khóa kín cùng với những quyển sách mà tôi chưa sẵn sàng sang tay. Tôi cũng hơi có máu sưu tầm, không hẳn là điều tốt với những người làm ở trong một tiệm sách còn giá sách ở nhà đã đầy lên tới nóc. Tôi suýt chút nữa đã bảo với đặc vụ Mulvey rằng mình không có quyển sách đó của Highsmith nhưng quyết định nói thật vào phút cuối, không đáng để nói dối một đặc vụ FBI về một thứ bình thường như vậy. Tôi nói rõ giá trị của quyển sách và cô ấy bảo sẽ chờ bản bìa mềm của mình được chuyển tới. Còn lại Chết trong làn nước thì tôi nhớ là mình có một bản ở nhà, Kế hoạch hiểm độc thì không chắc nhưng chắc chắn là không có bản nào của Bẫy tử vong cả. Tôi kể hết với đặc vụ Mulvey.
“Dù sao thì tôi cũng không đọc hết được chỗ sách đó trong một đêm mà.” Cô ấy nói.
“Vậy cô định quay về...”
“Tối nay tôi sẽ ở lại ở khách sạn Flat of the Hill gần đây. Tôi đã hy vọng là sau khi anh nhìn qua danh sách, và sáng hôm sau chẳng hạn... chúng ta có thể gặp lại và trao đổi xem liệu anh có ý tưởng gì mới không.”
“Đương nhiên.” Tôi nói. “Nhưng tôi không chắc mình sẽ mở cửa vào sáng mai hay không, còn tùy vào thời tiết nữa..” “Anh có thể đến chỗ khách sạn cũng được, FBI sẽ mời anh bữa sáng”
“Nghe ổn đấy.” Tôi nói.
Đứng ở cửa chính, đặc vụ Mulvey nói rằng mình sẽ trả tiền cho những quyển sách mình đang cầm.
“À không cần đâu.” Tôi nói. “Cô có thể trả lại cho tôi sau khi xong việc cũng được.”
“Cảm ơn anh.” Cô nói.
Cô ấy mở cửa ngay khi một cơn gió cuốn tới dọc theo phố Bury. Tuyết đã rơi dày, bị gió thổi đọng thành từng đụn đống lù lù ở những góc đón gió trên đường.
“Cô đi đường cẩn thận.” Tôi nói.
“Đường cũng không xa.” Cô đáp. “Vậy là mười giờ sáng mai phải không?” Cô ấy bổ sung, xác nhận lại giờ cho cuộc gặp ngày mai.
“Đúng vậy.” Tôi nói và đứng ở cửa nhìn bóng dáng người đặc vụ dần biến mất trong màn tuyết rơi dày đặc.
Chương 4
T
ôi sống một mình ở mặt sau con phố Charles, phía trên đồi, trong một căn hộ áp mái ở khu nhà ở hạng sang được bà Boston Brahmin chín mươi tuổi cho thuê mà không hề biết về giá trị thực sự của căn nhà. Tiền thuê hàng tháng tôi cần trả thấp một cách đáng kinh ngạc và tôi vẫn có một nỗi sợ ích kỷ thầm kín về ngày bà cụ về trời và trao lại nó cho anh con trai bớt ngô nghê hơn về mặt tài chính.
Bình thường thì từ hiệu sách về nhà tôi mất tầm mười phút, nhưng hôm nay tôi đang đi ngược chiều gió bão trong đôi giày mòn đế. Tuyết chích mặt tôi nhoi nhói, gió thổi oằn cả cây cối và rít lên dọc theo những con phố vắng hoe. Về đến đầu phố Charles, tôi định xem thử liệu quán Seven còn mở không để vào làm một ly nhưng cuối cùng lại đi vào một cửa tiệm bán pho mát và rượu vang để mua một bịch sáu lon bia Old Speckled Hen cùng một chiếc bánh mỳ kẹp phô mai với thịt xông khói về làm bữa tối. Tôi đã định nấu miếng sườn lợn mình đặt ra ngoài rã đông từ sáng nhưng đổi ý vì bồn chồn muốn dành thời gian xem bản danh sách của đặc vụ Mulvey vào tối nay.
Về đến tòa nhà nơi tôi sống, tôi leo lên những bậc thang phủ đầy tuyết lên chỗ cửa lớn nặng nề làm từ gỗ óc chó với tay nắm bằng sắt đúc. Tôi đẩy cửa bước vào sau khi đã giũ hết mớ tuyết bám trên giày. Một cô giúp việc, chắc là Mary Ann đã sắp xếp và phân loại hết thư từ và đặt chúng trên chiếc bàn nằm bên
phòng hành lang. Tôi nhặt tờ giấy chốt dư nợ thẻ tín dụng ẩm ướt của mình lên trong khi bản thân đang nhỏ nước ra sàn nhà lát gạch vuông, sau đó leo ba tầng lầu lên tầng áp mái.
Ngay cả trong những tháng mùa đông thì phòng của tôi vẫn nóng bức ngột ngạt như thường lệ, tôi cởi áo khoác và áo len ra rồi mở hé hai cửa sổ nằm đối diện nhau trên hai bức tường xiên vừa đủ để cho gió lạnh lùa vào. Tôi đặt năm lon bia vào tủ lạnh và bật nắp lon thứ sáu. Mặc dù căn hộ của tôi giống như một cái xưởng nghệ thuật hơn nhưng tôi vẫn có đủ chỗ cho một gian riêng làm phòng khách. Tôi nằm dài trên ghế sô pha, gác chân lên bàn cà phê và bắt đầu đọc danh sách của đặc vụ Mulvey. Những vụ án được trình bày khá thống nhất, sắp xếp theo thứ tự thời gian với ngày tháng, vị trí và tên của nạn nhân nằm ngay trên tiêu đề. Mặc dù đây chỉ là một bản tóm tắt được làm vội vào phút cuối, nó vẫn có câu cú hoàn chỉnh, đọc lên giống như một quyển sách giáo khoa ngành báo chí vậy. Đặc vụ Mulvey có lẽ chưa bao giờ nhận dưới điểm A trong suốt quãng đời đi học. Tôi tò mò không biết điều gì đã đưa cô đến với FBI? Cô ấy có vẻ phù hợp hơn với giới học thuật, một giáo sư ngành ngôn ngữ Anh hoặc một nhà nghiên cứu chẳng hạn. Đặc vụ Mulvey gợi tôi nhớ đến Emily Barsamian - một nhân viên của tiệm, thuộc kiểu người cực kỳ mọt sách, hướng nội, không thể nhìn thẳng vào mắt ai khi nói chuyện. Cô đặc vụ không đến mức nhút nhát như vậy, chỉ là còn trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm thôi, có lẽ thế. Tôi không thể nào không liên tưởng đến Clarice Starling (cái tên cũng được đặt theo một loài chim) trong quyển Sự im lặng của bầy cừu được. Sách và phim luôn là
nơi tâm trí tôi tìm đến và đã luôn như thế kể từ ngày đầu tiên tôi biết đọc rồi. Đặc vụ Mulvey, giống như cô đồng nghiệp trong cuốn tiểu thuyết nọ vậy, trông quá “mềm” cho công việc hành pháp. Tôi không hình dung được cảnh cô ấy rút ra khẩu súng từ trong bao hay ép hỏi nghi phạm một cách thô bạo.
Nhưng cô ta có thẩm vấn nghi phạm còn gì. Chính mày vừa bị thẩm vấn đấy.
Tôi đẩy cái suy nghĩ đó ra khỏi đầu, nhấp ngụm bia rồi tiếp tục đọc lướt qua từ đầu tới cuối bản danh sách một lần trước khi đi vào cụ thể. Tôi biết ngay rằng mình sẽ chẳng thu hoạch được gì nhiều ở đây, ít nhất nhìn qua thì không có gì quá nổi bật cả. Khá nhiều những vụ trong số này liên quan đến súng, phần lớn nạn nhân là thanh niên ở thành phố. Có một nạn nhân trông có vẻ tiềm năng nhưng phần mô tả không nói lên được gì nhiều. Một người đàn ông tên là Daniel Gonzalez bị bắn chết trong lúc dắt chó cưng đi dạo ở Middlesex Fells. Vụ việc xảy ra vào rạng sáng một ngày tháng Chín và chưa có manh mối nào - theo như tờ ghi chú mà cô để lại. Lý do duy nhất làm tôi chú ý tới vụ này nằm ở quyển Bí sử. Nhóm sát nhân trẻ tuổi của tác giả Donna Tartt quyết định trừ khử người bạn học Bunny Corcoran để cậu ta không tiết lộ bí mật về vụ giết người trước đó. Nhóm sinh viên tụ tập uống rượu trong rừng, mô phỏng theo bữa tiệc hoang đàn của Dionysus và vô tình (hoặc cố ý) gây ra cái chết của một người nông dân. Mặc dù không tham gia, Bunny lại biết được điều gì đó và dùng nó để tống tiền đám sinh viên nhà giàu - những bữa tối sang chảnh, chuyến du lịch tới Ý, đại loại vậy. Cả nhóm lo rằng cậu ta sẽ vô tình để lộ điều đó
trong lúc say xỉn nên đã lên kế hoạch giết người diệt khẩu. Henry Winter, người thông minh nhất trong cả nhóm đã hoàn thiện kế hoạch đó. Họ biết rằng Bunny thường đi bộ đường dài vào mỗi chiều Chủ Nhật nên đã phục kích ở một góc cậu ta có thể đi qua - một con đường mòn bên mép vực. Khi nạn nhân xuất hiện, cả nhóm xô cậu ta xuống vực, hy vọng mọi thứ trông giống như một vụ tai nạn và việc Bunny không thường đi theo một tuyến đường cố định sẽ che giấu manh mối của vụ giết người.
Liệu vụ án của Daniel Gonzalez - bị giết khi chạy bộ buổi sáng có liên quan gì không? Chi tiết nạn nhân tử vong do đạn bắn dù khác biệt hoàn toàn với nguyên tác, nhưng có lẽ ý tưởng của kẻ ăn theo kia là sát hại nạn nhân trong lúc họ đang thực hiện những hoạt động thường nhật thì sao? Tôi lấy máy tính xách tay ra để tra cứu thông tin về nạn nhân. Anh ta đã từng làm giáo sư thỉnh giảng bộ môn tiếng Tây Ban Nha cho một trường cao đẳng cộng đồng ở địa phương. Dù không sang chảnh như tiếng Latin hay Hy Lạp thì anh ta cũng là một giáo sư hàng thật giá thật. Thà báo nhầm còn hơn bỏ sót nên tôi quyết định sẽ nói về vụ này với đặc vụ Mulvey vào sáng hôm sau.
Tôi tiếp tục đọc những vụ án còn lại, tập trung tìm kiếm những vụ chết đuối trong lúc nghĩ về cuốn sách của John D. MacDonald - Chết trong làn nước. Nhưng, đương nhiên, nếu có ai chết đuối theo những cách thức giống như tai nạn thì khó có khả năng nó lọt được vào danh sách những vụ án chưa có lời giải.
Trong bản danh sách cũng không có vụ nào liên quan đến sốc thuốc phiện do quá liều như trong Kế hoạch hiểm độc. Trong truyện thì kẻ sát nhân là một bác sỹ, cố tình làm vợ mình nghiện morphine và cố tình để lộ cho mọi người xung quanh đều biết về tình hình nghiện ngập của cô vợ, biến nó trở thành đề tài bàn tán. Sau đó hắn chỉ việc cho quá liều là người vợ trở thành dĩ vãng mà chẳng có ai mảy may nghi ngờ. Vài năm qua ở New England đã phát sinh hàng trăm nếu không muốn nói tới hàng ngàn ca sốc thuốc tương tự, liệu có phải một trong số những vụ tai nạn đó thực chất là giết người có chủ đích hay không? Vấn đề của bản danh sách tôi lập ra chính là ở đó, khi tôi viết ra nó tôi cố gắng tìm những vụ án tài tình nhất có thể, nơi kẻ giết người sẽ không bao giờ bị bắt. Nếu thực sự có kẻ thành công thực hiện những vụ án ăn theo thì tìm ra hắn gần như là bất khả thi.
Tôi cắn hai miếng bánh rồi mở thêm một lon bia nữa. Căn hộ quá mức yên ắng mà tôi không muốn bật ti vi nên quyết định mở nhạc, cả Album 24 Postcards in Full Colour của Max Richter. Tôi ngã người trên ghế sô pha và nhìn lên vết nứt nhỏ xíu trên trần nhà chạy ngoằn ngoèo từ bên dưới lớp hình điêu khắc, một cảnh tượng quen thuộc trên chiếc trần nhà thân quen. Tôi nghĩ về những gì mình sẽ kể cho đặc vụ Mulvey vào sáng hôm sau. Tôi sẽ nói về vụ của Daniel Gonzalez, đương nhiên rồi, đề nghị cô ấy xem xét những vụ tai nạn đuối nước, đặc biệt là những vụ xảy ra ở trong ao hồ, cả những vụ tử vong do sốc thuốc nữa, nhất là khi nạn nhân sử dụng xi-lanh.
Album kết thúc và tôi mở nó lại lần nữa rồi nằm lại xuống ghế. Tâm trí tôi đang nghĩ về nhiều phương hướng khác nhau nên tôi quyết định chậm lại và nhầm lại những ý chính, đầu tiên là các giả định đã có.
Giả định thứ nhất là, có ai đó đang dùng bản danh sách của tôi để sát hại nhiều người một cách ngẫu nhiên. À có lẽ không hẳn là ngẫu nhiên, ít nhất đối với hung thủ thì nạn nhân đều “đáng” chết theo một cách nào đó.
Giả định thứ hai là, dù tôi nằm trong diện tình nghi, tôi chắc chắn không nằm trong danh sách nghi phạm chính. Ngay cả đặc vụ Mulvey cũng đã chỉ ra rằng cô ấy sẽ không đến đây một mình nếu tôi thuộc diện điều tra. Mục đích của cuộc nói chuyện lúc chiều thực ra là để thử xem tôi là người như thế nào, để hiểu tôi. Nếu cô ấy cho rằng tôi có một chân trong vụ này thì lần gặp mặt tiếp theo - bữa sáng ngày hôm sau hoặc bất kỳ lúc nào sau đó - cô ấy sẽ đồng hành cùng với một đặc vụ FBI khác.
Giả định thứ ba là, bất kể hung thủ là ai thì kẻ đó không chỉ đơn thuần là mượn tạm bản danh sách của tôi mà thôi, gã hẳn phải biết tôi, không nhiều thì ít.
Lý do tôi cho rằng - lý do tôi biết rằng giả định thứ ba có thể là đúng nằm ở nạn nhân thứ năm mà đặc vụ Mulvey đã đề cập. Người phụ nữ tử vong vì đau tim tại nhà riêng ở Rockland, Elaine Johnson đó, tôi có quen bà ta, không phải ở mức độ thân thiết nhưng ngay khi vừa nhắc đến tôi đã biết ngay đó chính là Elaine Johnson từng sống ở Beacon Hill, là khách quen của tiệm và chưa bao giờ vắng mặt ở bất kỳ sự kiện đọc thử tác phẩm nào chúng tôi tổ chức cả. Tôi biết mình nên nói điều này với đặc vụ
Mulvey ngay lúc đó nhưng tôi đã không làm vậy, và dự định sẽ không tiết lộ điều đó cho đến khi cảm thấy thật cần thiết. Tôi chắc rằng cô ấy cũng giấu đi một vài thông tin không cho tôi biết, vì thế tôi sẽ giữ lại những thông tin này. Tôi cũng phải bắt đầu tự bảo vệ bản thân mình chứ.
Chương 5
T
ôi bắt đầu gà gật trên ghế sô pha nên phải đứng dậy, đem dọn mấy chai bia, vứt chỗ bánh còn dư, đánh răng và thay sang đồ ngủ. Xong xuôi đâu đấy tôi tới chỗ giá sách và tìm cuốn Chết trong làn nước. Tôi có bản bìa mềm gốc của Gold Medal in vào năm 1963. Bìa sách mang đặc nét giật gân đặc trưng của những cuốn sách do John D. MacDonald viết vào thời trung niên. Bìa quyển này là hình một người phụ nữ trong bộ đồ bơi hai mảnh màu trắng bị những bàn tay túm lấy đôi chân xinh đẹp kéo xuống làn nước xanh đục ngầu. Giống như những cuốn sách khác cùng thời, hai thứ rõ ràng nhất trên bìa là tình dục và cái chết. Tôi đưa ngón tay rà dọc theo mép sách, lật nhanh qua những trang giấy để thứ mùi mốc ngai ngái đặc trưng của những quyển sách cũ ập vào mũi. Tôi vẫn luôn ưa thích thứ mùi này dù phần nhà sưu tầm bên trong tôi biết rằng đó là dấu hiệu của một quyển sách được bảo lưu sai cách trong thời gian dài, một quyển sách nằm trong thùng cát-tông đặt trên sàn của một căn hầm ẩm thấp qua nhiều năm tháng. Thế nhưng thứ mùi đó ngay lập tức đưa tôi trở lại với tiệm sách Annie’s Book Swap, nơi
tôi mua những quyển sách đầu tiên hồi năm lớp sáu. Tôi lớn lên ở Middleham, cách Boston tầm bốn mươi lăm phút chạy xe về phía Tây. Năm tròn mười một tuổi tôi cuối cùng cũng được phép đạp xe trên con đường gần hai cây số rưỡi dọc theo đường Dartford tới trung tâm thị trấn Middleham. Ở đó
chỉ có ba cửa tiệm thôi, một cửa hàng tạp hóa tự đặt cho mình cái tên Middleham General để nghe cho có vẻ sang chảnh, một cửa hàng đồ cổ nằm trong tòa nhà bưu điện cũ và cửa hàng bán, trao đổi sách mang tên Annie’s Book Swap - chuỗi cửa hàng sách cũ của một người Anh tên là Anthony Blake. Tiệm chủ yếu hướng tới thị trường đại chúng với những quyển sách bìa mềm be bé vừa đủ đút vào túi sau. Đó là nơi tôi mua những cuốn tiểu thuyết của Ian Fleming, rồi Peter Benchleys và cả Agatha Christie nữa - những cuốn sách đã đưa tôi đi suốt thời niên thiếu. Gần như chắc chắn tôi đã mua một bản Chết trong làn nước ở đó sau khi đã sở hữu mọi cuốn tiểu thuyết về Travis McGee - bộ truyện nổi tiếng của John D. MacDonald. Truyện lẻ của John D. MacDonald thì hiếm lắm nhưng có lẽ một vài độc giả trinh thám lão làng ở khu vực quanh Massachusetts này đây đã qua đời vào đúng tầm thời gian tôi bắt đầu đạp xe đi mua sách. Tại sao ư? Bởi vì khi đó những sách vở họ dành cả đời để sưu tầm mới lại rơi vào tay những tiệm sách cũ, mà hồi đó tiệm Annie bỗng nhiên đầy tràn từng chồng từng chồng sách trinh thám giật gân in giá rẻ trên giấy cũ. Không chỉ có John D. MacDonald, cả sách của Mickey Spillane, Alistair MacLeans và bộ truyện 87th Precinct của Ed McBain nữa. Tôi chỉ cho phép mình mua ba quyển sách mỗi chuyến đi thôi, chừng đó là đủ ngốn gần hết số tiền tiêu vặt tôi tích cóp được rồi. Hồi ấy tôi chỉ mất gần một tuần để ngốn hết ba quyển sách, đôi khi là ba ngày, nhưng sau đó sẽ vui vẻ đọc đi đọc lại. Có lẽ tôi chưa sờ vào Chết trong làn nước từ hồi đó đến giờ nhưng cốt truyện của nó vẫn còn khắc sâu trong trí nhớ.
Nhân vật phản diện được khắc họa khá xuất sắc, là một cô thư ký sùng đạo, đem tất cả những dồn nén về năng lượng tình dục của mình vào việc luyện tập thể dục thể thao. Cô ta hạ sát những người mình cho là đầy tội lỗi, bao gồm một người phụ nữ có chồng quan hệ ngoài luồng với cấp trên. Cô thư ký phục kích trong đồ lặn ở đáy hồ nơi người phụ nữ nọ thường bơi, sau đó túm lấy chân cô ta và kéo xuống làn nước sâu. Tình tiết vụ án đó khắc sâu vào trong đầu tôi và hiện lên ngay khi bản danh sách bắt đầu thành hình. Tôi không cần đọc lại cả cuốn sách, chỉ mất chút thời gian để nhớ lại thôi.
Tôi mang cuốn Chết trong làn nước lên giường, mở nó ra và đọc đoạn đầu tiên. Những từ ngữ quen thuộc tới ám ảnh. Đọc sách là du hành thời gian, những độc giả đích thực đều biết điều đó, nhưng sách không chỉ đem bạn về với thời điểm nó được viết ra đâu, nó có thể đưa bạn về với những phiên bản khác của chính mình. Lần cuối cùng tôi mở cuốn sách này ra tôi chỉ tầm mười một, mười hai tuổi. Tôi thích nghĩ rằng đó là vào một đêm mùa hè, tôi nằm trong phòng ngủ chật chội của mình, trùm chiếc chăn mỏng tránh con muỗi đang vo ve ở góc nhà. Bố tôi đang bật đài ở trong phòng khách, tiếng nhạc quá to, to đến đâu thì tùy vào mức độ say xỉn của ông lúc đấy. Gần như mọi buổi tối đều có cùng cái kết, mẹ tôi sẽ vặn nhỏ tiếng nhạc đi, thường là nhạc Jazz, nhưng đôi khi cũng là dòng kết hợp như của Frank Zappa hoặc Weather Report và bố sẽ cằn nhằn rằng bà chẳng hiểu ông gì cả. Thế nhưng đó chỉ là âm thanh nền thôi vì tôi có thực sự ở đó đâu. Tâm trí tôi đang ở trong những trang sách, ở Florida những năm 1963, chơi bời cùng những tay buôn
bất động sản đầy mờ ám và những người phụ nữ đơn thân đầy gợi cảm, uống rượu Bourbon trong ly cao. Giờ tôi lại ở đây, gần bốn mươi tuổi - đôi mắt lại chạm vào những dòng chữ quen thuộc, cầm quyển sách quen thuộc như hai mươi tám năm trước, quyển sách có lẽ đã từng qua tay một gã doanh nhân hay bà nội trợ nào đó cách đây cả nửa thế kỷ. Đấy, du hành thời gian đấy.
Tôi đọc xong cuốn sách vào lúc bốn giờ sáng. Suýt chút nữa tôi đã rời giường đi lấy thêm một quyển khác trong danh sách, nhưng cuối cùng lại thôi và quyết định cố chìm vào giấc ngủ. Tôi nằm sấp xuống, nghĩ về cuốn sách, nghĩ về cảm giác sẽ ra sao khi đang bơi thì có thứ gì đó túm lấy mình, kéo mình xuống làn nước sâu, vào bàn tay của cái chết. Sau đó, bởi vì cơn buồn ngủ dần tới, tôi nhìn thấy gương mặt vợ mình, như mọi khi. Nhưng tôi không mơ về cô ấy, cũng chẳng mơ về cuốn Chết trong làn nước. Tôi mơ thấy mình đang chạy, mơ thấy có người đang đuổi theo mình.
Cùng một giấc mộng tôi mơ thấy hàng đêm.
Khi tôi rời nhà vào sáng hôm sau, tuyết vẫn còn rơi nhưng không còn nặng hạt như ngày hôm trước. Lớp tuyết đọng trên đường đã dày tới hơn nửa mét, lòng đường được dọn sạch sẽ nhưng vỉa hè vẫn còn nguyên lớp tuyết trắng xóa. Tôi đi giữa lòng đường, rón rén trên con đường dốc hướng tới phố Charles. Tuyết vẫn còn rơi nhưng bầu trời có vẻ sáng hơn, có lẽ một phần là nhờ lớp tuyết mới trắng tinh phản chiếu lại ánh mặt trời. Trên vai tôi là chiếc túi đeo cũ kỹ.
Tôi đến sớm, khách sạn Flat of the Hill là một điểm đến mới toanh ở bên này Boston, không lớn nhưng mang phong cách độc đáo, nằm trong khuôn viên nhà kho được tái quy hoạch ở gần phố Charles. Nó có nhà hàng sang trọng và một quán bar không tệ, nơi tôi vẫn thường lui tới vào mỗi tối thứ Hai khi hàu vẫn còn có giá một đô-la cho mỗi con.
Tôi nói với cô phục vụ duy nhất ở đó - một người phụ nữ với đôi mắt buồn đằng sau quầy lễ tân rằng mình có cuộc hẹn. Cô ấy hướng dẫn tôi đến khu vực ăn uống, không lớn, chỉ có tám bàn. Không có người xếp chỗ nên tôi tự chọn một chiếc bàn trong góc, bên cạnh cửa sổ lớn và ngồi xuống. Cả phòng ăn không còn ai khác, tôi tự hỏi liệu thực sự có ai đang làm việc không hay mọi nhân viên đều đã nghỉ vì bão tuyết. Ngay lúc đó, một người đàn ông trong chiếc áo sơ mi trắng và quần âu đen bước ra ngay lúc đặc vụ Mulvey rảo bước tiến đến qua lối vào nhà ăn. Cô ấy nhìn thấy tôi và bước tới, cùng lúc người phục vụ mang thực đơn ra. Cả hai chúng tôi đều gọi cà phê và nước trái cây.
“Ngân sách đi lại của FBI cũng khá nhỉ.” Tôi nói.
Cô ấy nhìn tôi bối rối mất một lúc rồi nói,“À, tôi tự đặt phòng ở đây vì nó gần với tiệm sách của anh. Cũng chả biết liệu có được hoàn ứng hay không nữa.”
“Đêm qua cô ngủ có ngon không?” Tôi hỏi. Cô ấy có một vòng bọng mắt xanh tím ngay dưới mắt.
“Không ngủ được mấy, tôi đọc sách cả đêm.
“Tôi cũng thế, cô đọc quyển nào vậy?”
“Bí ẩn ngôi nhà đỏ. Tôi nghĩ mình nên bắt đầu từ đầu danh sách.”
“Cô nghĩ sao về nó?” Tôi nhấp một ngụm cà phê rồi hỏi, đầu lưỡi bỏng rát.
“Rất hay, tình tiết rất khéo, tôi nghĩ vậy, tôi cũng không đoán được cái kết.” Đặc vụ Mulvey chạm vào cạnh chiếc cốc cà phê sứ rồi cúi xuống, mím môi và hớp lớp cà phê trên bề mặt - hành động này làm tôi liên tưởng tới một chú chim.
“Thực lòng mà nói, tôi biết rằng mình đã đưa nó vào danh sách nhưng tôi không còn nhớ được những tình tiết cụ thể nữa, đã lâu quá rồi.” Tôi nói.
“Thì nó cũng gần giống như mô tả của anh vậy, một án mạng đồng quê và hơi phóng đại một chút. Tôi vẫn không ngừng nghĩ về Clue, về trò chơi...”
“Đại tá Mustard trong thư viện.”
“Chính xác, nhưng mà không chỉ thế.” Cô ấy tóm tắt cho tôi cốt truyện cơ bản và tôi bắt đầu nhớ lại. Có một người đàn ông giàu có tên là Mark Ablett sống trong căn nhà ở vùng nông thôn - kiểu nhà mang phong cách Anh quốc với thiết kế quá mức thích hợp để án mạng diễn ra. Một ngày nọ Ablett nhận được một bức thư từ người anh trai xa cách đã lâu thông báo rằng anh ta sẽ đến thăm. Khi người anh đến nơi, anh ta được bảo chờ trong phòng đọc sách của Mark Ablett, sau đó một tiếng súng vang lên. Người anh mới trở về từ nước Úc đã chết còn Mark Ablett thì mất tích. Dường như kết luận hợp lý nhất ở đây là Mark đã sát hại anh mình rồi bỏ trốn.
Vị thám tử trong truyện thực chất chỉ tình cờ nghỉ lại trong nhà khách quận. Tony Gillingham cùng bạn mình là Bill bắt tay vào điều tra và phát hiện ra một hệ thống đường hầm bí mật nằm bên dưới căn nhà dẫn ra tới tận sân golf, số lượng nghi phạm cũng vì thế mà tăng lên.
“Không có người anh nào cả, đúng không?” Tôi ngắt lời cô. “Phải, chính xác là vậy. Người anh thật sự đã chết từ nhiều năm trước rồi, hoàn toàn không có liên quan gì tới những sự kiện hiện tại cả. Có ai đó đã thuyết phục Mark Ablett tạo ra màn giả mạo này và sau đó bị sát hại. Nhưng đây chưa phải là chỗ tôi cảm thấy tài tình, anh thì sao?” Cô ấy nói một tràng làm tôi không nhận ra rằng cô đang chờ đợi một câu trả lời. “Tôi nghĩ lúc đó mình đặt nó vào danh sách bởi vì vụ án này đã đưa ra nạn nhân và hung thủ cùng một lúc, là cùng một người và không một ai khác biết điều đó cả.”
“Tôi có thể đọc phần mà mình đã đánh dấu vào đêm qua không?”
“Được chứ.” Tôi nói, và cô ấy lôi cuốn sách ra từ trong túi và bắt đầu lật nhanh các trang. Từ chỗ đang ngồi tôi cũng có thể thấy được rất nhiều chỗ ghi chú. Tôi nghĩ về vợ mình, cô ấy không bao giờ đọc sách mà không có cây bút kè kè bên cạnh, sẵn sàng viết vào bất cứ thứ gì cô ấy đang cầm lúc đó. Tôi bỗng mừng thầm vì đã không cho đặc vụ Mulvey mượn phiên bản đầu tiên cực kỳ đắt tiền của cuốn Người lạ trên tàu.
“Đây rồi!” Cô ấy vừa nói vừa đặt quyển sách xuống bàn rồi rướn người về đằng trước để cả hai cùng đọc. “Thanh tra đã đến đó, tôi nghĩ anh ấy đang nói đến ngôi nhà kia, để thấy một
người đàn ông đã chết và tìm một người khác đang mất tích” cô ấy bắt đầu đọc. “Có khả năng cao là người đàng ông mất tích chính là người đã nổ súng. Gần như chắc chắn rằng thanh tra sẽ coi giả thuyết cực kỳ khả thi này là chân tướng của sự việc, điều đó làm làm anh ta cân nhắc một cách thiếu khách quan về những trường hợp khác có thể xảy ra nếu có.” Cô ấy gấp sách lại. “Đoạn này làm tôi suy nghĩ,” đặc vụ Mulvey tiếp tục. “Nếu anh muốn thực hiện một vụ án dựa trên cuốn sách này, anh sẽ làm thế nào?”
Chắc lúc đó gương mặt tôi lộ vẻ bối rối, bởi vì cô ấy phải bổ sung thêm rằng,“Liệu anh có nổ súng vào một ai đó trong căn phòng đọc sách ở một căn nhà vùng quê không?”
“Không” Tôi trả lời. “Tôi nghĩ là mình sẽ giết hai người, sau đó giấu đi một thi thể và ngụy tạo tình huống kẻ thủ ác đã tẩu thoát và đang lẩn trốn”
“Chính xác.” Cô nói.
Người phục vụ đã lượn qua đây mấy lần rồi nên chúng tôi đều gọi món. Đặc vụ Mulvey gọi món trứng Florentine. Dù không đói lắm tôi vẫn gọi hai quả trứng chần và bánh mỳ nướng cùng với hoa quả. Sau khi đã gọi xong, cô ấy trầm ngâm, “Điều này làm tôi suy nghĩ về luật chơi ở đây.”
“Luật chơi là ý gì?”
“Thế này nhé,” cô ngẫm nghĩ một lát rồi nói. “Nếu tôi là người nọ, tự đặt ra cho mình một thử thách rằng mình phải thực hiện đủ tám vụ án mà anh đã liệt kê trong danh sách, vậy thì hẳn là tôi phải đặt ra một vài nguyên tắc nào đó - đặt ra luật chơi. Tôi có muốn bắt chước giống hệt những vụ án đó không
hay chỉ làm theo ý tưởng đằng sau nó thôi? Tôi cần phải làm giống tới mức độ nào?”
“Vậy cô cho rằng luật chơi mà kẻ thủ ác đề ra bắt hắn phải làm sát với nguyên tác nhất có thể, phải không?” “Không, không phải giống nhau ở chi tiết vụ án, mà là triết lý đằng sau chúng. Như thể tên sát nhân kia đang kiểm tra những quyển sách này trong tình huống thực tế vậy. Nếu hắn chỉ đơn thuần muốn bắt chước quyển sách thì hắn chỉ cần tìm bắn một ai đó ở trong phòng đọc sách của một căn nhà ở miền quê nào đó là đủ. Hay là như cuốn Sát nhân A.B.C. chẳng hạn, hắn sẽ bắt chước theo từng con chữ, tìm một ai đó tên là Abby Adams sống ở thị trấn Acton, giết chết rồi tiếp tục. Nhưng hắn không làm vậy, hắn muốn làm thật đúng. Luật chơi của hắn chắc chắn có tồn tại.”
“Vậy lấy ví dụ quyển Bí ẩn ngôi nhà đỏ, ý tưởng ở đây là dắt mũi cảnh sát hướng về một nghi phạm mà họ sẽ không bao giờ tìm thấy được, không bao giờ ngờ tới.”
“Phải, chính là như thế.” Đặc vụ Mulvey nói. “Thực ra nó khá là tài tình đấy. Tôi đã nghĩ về nó cả đêm qua. Giả dụ tôi muốn giết một ai đó... gã bạn trai cũ chẳng hạn.”
“Ừ.” Tôi nói.
“Nếu tôi chỉ giết anh ta thôi thì tôi sẽ trở thành nghi phạm. Nhưng nếu giả dụ tôi giết hai người - bạn trai cũ và người yêu mới của gã chẳng hạn - và tôi đảm bảo rằng người ta sẽ không thể tìm được thi thể của cô ả kia. Như vậy tôi có thể làm mọi chuyện giống như là hung thủ đã bỏ trốn. Phía cảnh sát sẽ
không bỏ công đi tìm kiếm danh tính của hung thủ nữa vì họ cho rằng họ đã biết điều đó rồi.”
“Sẽ không dễ đâu, cô biết đấy.” Tôi nói.
“Ha!” Cô trả lời. “Tôi cũng đâu có thật sự làm vậy đâu.” “Bởi vì hung thủ sẽ phải sẵn sàng giết hai người.” “Đúng vậy”
“Và chuyện giấu xác cũng chẳng hề dễ dàng nữa.” “Đừng nói là anh đang nói dựa trên kinh nghiệm cá nhân đấy nhé?” Cô nói.
“Đọc nhiều tiểu thuyết trinh thám để làm gì?”
“Tôi nghĩ rằng mình cần phải xem lại những vụ án mà nghi can chính đã biến mất.”
“Có nhiều vụ như thế không?” Tôi hỏi.
“Thực ra là không. Để biến mất trong thời đại này đâu có dễ, sẽ luôn có manh mối để lần theo, nhưng cũng không phải là không thể.”
“Tôi nghĩ là ta đang đi đúng hướng rồi.” Tôi nói. “Vấn đề là có thể ta phải tìm kiếm hai nạn nhân - tội phạm chẳng hạn, một người đã chết và người kia mất tích. Nếu như giả thiết của cô là đúng thì ta nên gọi nghi phạm là gì đây? Ta cần có một cái tên”
“Sao ta không gọi hắn là....” Cô ấy ngừng lại.
“Một thứ gì đó liên quan đến chim chóc?”
“Không, như thế thì rối quá. Cứ gọi hắn là Charlie đi.” Cô nói. “Tại sao lại là Charlie?”
“Tự nhiên tôi nghĩ đến nó thôi. Mà cũng không phải tự nhiên đâu. Tôi nghĩ về cái tên rồi nghĩ về kẻ bắt chước
(copycat), rồi điều đó làm tôi nghĩ đến lũ mèo, rồi nhớ về chú mèo đầu tiên tôi có hồi còn bé, và tên nó là Charlie.” “Charlie tội nghiệp. Nó có tội tình gì mà bị lấy tên ra dùng theo cách này?”
“Thực ra thì đáng tội lắm. Nó bắt chuột bắt chim tha về nhà mỗi ngày luôn đấy.”
“Hoàn hảo.” Tôi nói.
“Thế ta chốt cái tên Charlie”
“Tôi nói đến đâu rồi nhỉ? À, đúng rồi, hãy tìm một cặp nạn nhân tiềm năng. Charlie có vẻ không thích xuống tay với người vô tội.
“Ta chưa có gì để chứng minh giả thiết đó nhưng cũng không loại trừ khả năng này. Cô vừa nói vừa đẩy người ra sau để lấy chỗ cho món ăn vừa ra. “Cảm ơn!” Cô nói với người phục vụ và cầm lấy chiếc dĩa. “Tôi có thể vừa ăn vừa nói được không? Tôi bỏ bữa tối qua nên giờ đang đói gần chết rồi.”
“Không, không sao cả.” Tôi nói. Món trứng chần của tôi cũng được mang lên. Nhìn lớp lòng trắng trứng vẫn còn hơi trong suốt làm dạ dày tôi nhộn nhạo. Tôi chọc lấy một miếng dưa lưới với cái dĩa.
“Có thể là tôi đoán sai, nhưng,” Đặc vụ Mulvey nói trong lúc đang bận nhai miếng đầu tiên,“có lẽ chuyện này ít nhiều có liên quan đến anh đấy. Có ai đó muốn anh chú ý, có thể là muốn gài bẫy anh.” Cô nói. Tôi đưa môi dưới ra, ra chiều suy nghĩ.
“Nếu thật là như vậy,” tôi trầm ngâm một lúc,“thì giả thiết rằng kẻ sát nhân học theo những tựa sách trong danh sách đó là hoàn toàn hợp lý.
“Đúng vậy.” Cô ấy nói. “Thế nên tôi muốn điều tra kỹ hơn về cái chết của Elaine Johnson, nạn nhân có tiền sử bệnh tim đó...” “Người có thể thiệt mạng dưới tay Charlie, hoặc không.” Tôi nói.
“Nhưng nếu bà ấy đúng là bị sát hại thì tôi cần phải tới hiện trường. Có lẽ có thứ gì đó cho ta thấy đầu mối liên kết với Bẫy tử vong.
“Tôi phải thú thực là.” Tôi nói và nhìn gò má của đặc vụ Mulvey ửng hồng chờ đợi. “Thực ra tôi chưa từng xem vở diễn đó, kịch bản cũng không, nhưng đã xem phim rồi và tôi khá chắc là nó trung thành với bản gốc. Tôi khá xấu hổ, nhưng sự thật là vậy.”
“Anh nên thế.” Cô ấy bật cười, gò má đã thôi đỏ.
“Ờm, trong phim, đấy là tất cả những gì tôi có thể nói,” tôi nói,“nạn nhân chết vì nhồi máu cơ tim khi nhìn thấy một người đàn ông mà cô ta tin là đã chết lờ mờ xuất hiện trong phòng ngủ. Có phải thi thể của Elaine Johnson được tìm thấy trong phòng ngủ không?”
“Cái này thì tôi phải kiểm tra lại.” Cô nói. “Tôi không nhớ ra ngay bây giờ được. Anh biết đấy, khi anh nói mình có điều này cần thú nhận, tôi đã cho rằng anh sẽ nói cái gì đó khác cơ.”
“Cô nghĩ là tôi định thú nhận rằng mình là Charlie hả?” Tôi nói với một vẻ mà tôi hy vọng là hài hước.
“Không” Cô ấy nói. “Tôi đã nghĩ là anh định thú nhận rằng mình quen biết Elaine Johnson.”
Chương 6
T
ôi ngần ngừ một lát rồi nói,“Có phải là Elaine Johnson từng sống ở Boston không?”
“Đúng vậy.”
“Vậy thì tôi có biết bà ấy, không thân quen lắm, nhưng Elaine từng thường xuyên đến hiệu sách và các buổi gặp mặt tác giả.”
“Sao anh không nói những điều này cho tôi biết vào chiều qua?”
“Thành thực mà nói thì đến tận lúc nãy tôi mới sực nghĩ đến có thể Elaine mà tôi biết và nạn nhân là một. Cái tên nghe quen quen nhưng nó khá phổ thông mà.”
“Ừm.” Cô ấy nói nhưng trong ánh mắt vẫn còn vẻ nghi ngờ. “Bà ấy là người như thế nào vậy? Elaine Johnson ấy.” Tôi ra vẻ ngẫm nghĩ, chủ yếu là để câu giờ thôi chứ thực ra Elaine là một người rất khó quên. Bà ấy đeo một cặp kính dày cộp - tôi nghĩ là người ta hay gọi nó là cặp đít chai - với mái tóc thưa, luôn luôn mặc cái áo len trông có vẻ như là đồ thủ công bất kể đông hay hè, nhưng nhiêu đó thôi thì chưa đủ đáng nhớ. Elaine là kiểu người sẽ tận dụng việc các nhân viên bán hàng bắt buộc phải lắng nghe khách hàng để bắt họ nghe những cuộc độc thoại bất tận, như người ta nói chuyện phiếm vậy, về chủ đề mà bà ấy ưa thích. Elaine thích nói về những nhà văn trinh thám, ai là người giỏi, ai là người kém (“thứ rác rưởi kinh tởm”
là cụm từ mà bà ấy hay dùng). Bà ấy từng đến tiệm của tôi mỗi ngày và vồ lấy nhân viên đầu tiên mình thấy. Thật là mỏi mệt và khó chịu, nhưng chúng tôi tìm ra cách tốt nhất để đối phó là cứ làm việc trong lúc bà ta mải huyên thuyên rồi tầm mười phút sau thì nói bâng quơ rằng đã hết thời gian rồi là xong. Nghe khá là thô lỗ nhưng chính Elaine Johnson cũng chẳng phải người nhã nhặn gì cho cam. Bà ấy tuôn ra những điều thái quá về những tác giả mình không thích. Phân biệt chủng tộc, kỳ thị đồng tính một cách công khai và ưa thích bình phẩm về vẻ ngoài của người khác dù cho bản thân mình cũng chẳng lấy gì làm tươm tất. Tôi nghĩ rằng bất kỳ ai làm ở trong một tiệm sách, hoặc bất kỳ cửa hàng nào nói chung cũng từng phải đối mặt với kiểu khách quen khó tính nhưng Elaine Johnson là một mình một kiểu. Bà ta có mặt ở mọi buổi gặp gỡ tác giả, lúc nào cũng là người đầu tiên giơ tay đặt những câu hỏi thiếu tế nhị hoặc trực tiếp xúc phạm người tác giả tội nghiệp trên sân khấu kia. Mọi tác giả đều được chúng tôi cảnh báo trước về con người này nhưng thực tế là Elaine luôn mua sách để xin chữ ký kể cả người tác giả kia bị bà ta coi là “kẻ lừa đảo bất tài.” Tôi thấy rằng hầu hết các tác giả đều chấp nhận đối mặt với một một độc giả khó chịu miễn là bán thêm được sách, đặc biệt là những bản bìa cứng.
Tôi biết rằng Elaine Johnson đã chuyển đến Rockland, Maine dựa vào những gì bà ta đã lải nhải trong suốt khoảng thời gian chuẩn bị chuyển đi, về cô chị đã mất có để lại một căn nhà. Hôm Elaine rời đi tôi đã cùng mấy người nhân viên rủ nhau ăn mừng.
“Một người khá cộc cằn thô lỗ.” Tôi nói với đặc vụ Mulvey. “Đến tiệm sách mỗi ngày, dồn một người trong chúng tôi vào góc mà luyên thuyên về quyển sách mình đang đọc. Giờ tôi nhớ ra là bà ấy đã chuyển tới Maine, nhưng ban đầu thì ko nhận ra cái tên đó, Tôi biết cái tên Elaine thôi, không biết đầy đủ là Elaine Johnson.
“Bà ấy có đáng chết không?” Cô hỏi.
Tôi nhướng mày. “Đáng chết hay không sao? Cô hỏi ý kiến cá nhân của tôi ấy hả? Không, đương nhiên là không” “À, xin lỗi, ý tôi là anh nói bà Elaine này là một người cộc cằn thô lỗ, cho đến giờ những nạn nhân ta có đều không phải là kiểu người dễ mến, bà ấy có thuộc nhóm này không?” “Chắc chắn Elaine không phải người dễ mến. Bà ấy từng nói với tôi rằng người đồng tính nữ là những tác giả tệ hại vì họ không dành thời gian ở bên giới nam - những người có trí tuệ siêu việt hơn.”
“Ồ..”
“Tôi nghĩ bà ấy là kiểu người hồi trẻ quen dùng mồm miệng đỡ chân tay. Cuối cùng trở nên cô đơn và cáu bẳn chứ không hẳn là sinh ra đã tồi tệ”
“Anh có biết rằng bà ấy bị bệnh tim không?”
Sau khi phẫu thuật tôi nhớ bà ta đã từng kéo trễ cổ áo len xuống để khoe với tôi vết sẹo lõm lồ lộ trên bộ ngực nhăn nheo. Tôi còn nhớ mình đã thốt lên rằng “Xin đừng làm thế một lần nào nữa”, đổi lại một trận cười ha hả từ người đối diện. Đôi khi tôi nghĩ rằng hành vi của Elaine Johnson chỉ là một vở kịch,
điều bà ta khao khát là có một ai đó bật lại với sự thô lỗ tương đương.
“Tôi nhớ mang máng.” Tôi nói với đặc vụ Mulvey. “Tôi nhớ rằng có một thời gian Elaine không tới tiệm - chúng tôi ai cũng mừng - nhưng rồi bà ấy lại xuất hiện trở lại. Nghe đâu là do điều gì đó dính dáng tới y tế.”
Người phục vụ đi qua, chiếc đĩa của đặc vụ Mulvey đã sạch bong trong khi tôi còn chưa đụng tới chỗ trứng của mình. Anh chàng hỏi tôi đồ ăn có vấn đề gì không.
“Xin lỗi.” Tôi nói. “Tôi ổn, tôi vẫn chưa ăn xong.”
Anh chàng dọn đĩa của đặc vụ Mulvey và cô ấy gọi thêm cà phê. Tôi quyết định cố nuốt ít nhất là một miếng trứng nếu không thì trông sẽ kỳ lắm. Đặc vụ Mulvey nhìn xuống đồng hồ đeo tay và hỏi tôi có định đi làm không.
“Tôi sẽ mở cửa.” Tôi nói. “Nhưng tôi không nghĩ là hôm nay sẽ có khách, tôi chỉ muốn xem con Nero có ổn không thôi.” “À Nero.” Cô ấy nói với một vẻ cưng chiều.
Tôi nhớ rằng đặc vụ Mulvey cũng nuôi mèo, bèn hỏi,“Ai đang chăm mèo cho cô thế?” và ngay sau đó tôi nhận ra rằng mình đã hỏi một câu quá riêng tư. Nó nghe như tôi đang cố tìm hiểu xem cô ấy còn độc thân hay không vậy. Tôi tò mò không biết cô có nghĩ rằng mình đang giở trò tán tỉnh hay không. So với cô, tôi không hơn nhiều tuổi đến thế, chỉ tầm mười tuổi thôi, dù tôi biết rằng mái tóc bạc sớm làm cho tôi trông già hơn tuổi một chút.
“Đám mèo ổn cả.” Cô ấy nói, né tránh câu hỏi. “Bọn nó có nhau mà.”
Tôi tiếp tục ăn, cô ấy liếc vào điện thoại và lại úp nó xuống mặt bàn.
“Tôi phải hỏi anh rằng anh đã ở đâu vào buổi tối ngày mười ba tháng Chín, đêm mà Elaine Johnson thiệt mạng” “À đương nhiên là được.” Tôi trả lời. “Đêm nào ấy nhỉ?” “Đêm ngày mười ba.”
“Không, ý tôi là thứ mấy trong tuần ấy.”
“Để tôi xem xem.” Cô ấy nhấc điện thoại lên, gạt gạt tầm mười giây rồi nói. “Là tối thứ bảy.
“Thế thì tôi lúc đó đang đi xa.” Tôi nói. “Đến London.” Năm nào tôi cũng đi nghỉ vào tầm đó, hai tuần ở London, thường thì vào tầm đầu tháng Chín. Đó không phải là mùa du lịch vì là lúc đám trẻ tựu trường nhưng thời tiết vẫn còn đẹp, hơn nữa đi vào tầm đó sẽ không ảnh hưởng mấy đến tiệm sách.
“Anh có nhớ chính xác mình đi từ ngày bao nhiêu tới ngày bao nhiêu không?” Cô hỏi.
“Nếu ngày mười ba là thứ bảy thì tôi bay về vào ngày hôm sau, vào chủ nhật ngày mười bốn. Tôi có thể gửi cho cô thông tin chuyến bay nếu cần. Tôi chỉ nhớ rằng nó là hai tuần đầu tiên của tháng Chín thôi.”
“Cảm ơn. Cô ấy nói, tôi cho rằng nó đồng nghĩa với việc cô muốn tôi gửi thông tin chính xác về chuyến bay. “Nếu như Elaine Johnson là nạn nhân của Charlie...” Tôi nói. “Vậy?”
“Vậy thì khả năng Charlie đang bắt chước danh sách của tôi càng cao hơn.”
“Đúng vậy, và điều đó cho thấy rằng hắn không chỉ biết anh là ai mà còn biết cả những người xung quanh anh nữa. Tôi cho rằng việc một trong những nạn nhân là người quen của anh không thể là sự việc tình cờ được.”
“Tôi không nghĩ vậy.” Tôi bảo.
“Liệu có ai đó mang thù hằn cá nhân với anh không? Một cựu nhân viên chẳng hạn, một ai đó có thể biết được Elaine Johnson là khách quen của tiệm Old Devils?”
“Theo tôi biết thì không.” Tôi nói. “Tiệm này không có nhiều nhân viên cũ đâu. Tôi chỉ cần thêm hai nhân viên thôi mà cả hai người bây giờ đều đã làm việc ở đây được hơn hai năm rồi.”
“Anh có thể cho biết tên được không?” Đặc vụ Mulvey vừa nói vừa lấy quyển sổ ra từ trong túi. Tôi cung cấp cho cô ấy họ tên đầy đủ của Emily và Brandon.
“Anh có thể nói đôi điều về họ không?” Cô hỏi.
Tôi kể những gì mình biết. Cũng không nhiều lắm. Emily Barsamian tốt nghiệp Đại học Winslow có trụ sở ở ngoại ô Boston vào tầm bốn năm trước và đang thực tập tại thư viện Boston Athenæum - một thư viện độc lập có tiếng và bề dày lịch sử. Cô ấy kiếm thêm thu nhập bằng cách làm thêm ở Old Devils hai mươi giờ mỗi tuần. Sau khi kỳ thực tập kết thúc, cô ấy nâng số giờ mỗi tuần lên và làm việc từ đó tới giờ. Tôi hầu như không biết gì về đời tư của Emily vì cô ấy khá ít nói. Chủ đề của những cuộc hội thoại hiếm hoi giữa chúng tôi cũng chỉ về sách và thỉnh thoảng là phim ảnh. Tôi nghĩ rằng cô ấy ngấm ngầm làm một nhà văn tự do nhưng chưa có gì để xác nhận cả. Brandon
Weeks là một người nhân viên vui tính. Cậu ấy vẫn sống cùng với mẹ và em gái ở Roxbury và có lẽ cả tôi và Emily đều biết gần như tường tận mọi thứ về cậu, từ gia đình tới bạn gái hiện tại. Phải thú thật là mùa lễ tầm hai năm trước tôi tuyển Brandon vào làm vì quá thiếu người chứ không hề ôm chút hy vọng nào rằng anh chàng này có thể tuân thủ nội quy. Tuy vậy mà đã hơn hai năm trôi qua, mà nếu tôi nhớ không nhầm thì cậu ta chưa hề đi muộn hay nghỉ làm không phép dù chỉ một lần.
“Có thế thôi sao?” Đặc vụ Mulvey hỏi.
“Với những nhân viên hiện tại thì đúng. Tôi đi làm mỗi ngày mà. Lúc nào tôi có kỳ nghỉ thì hoặc là thuê nhân viên thời vụ, hoặc là Brian - đồng sở hữu của tiệm, đến làm thay một vài ca. Nếu cô muốn, tôi có thể lên danh sách những nhân viên cũ và gửi lại.”
“Brian ở đây là Brian Murray phải không?” Cô ấy hỏi. “Phải, cô biết anh ấy sao?”
“Tôi nhìn thấy tên trên trang web, cũng có nghe nói về anh ta một chút.”
Brian cũng là một nhà văn khá nổi tiếng sống ở South End, tác giả của bộ truyện Ellis Fitzgerald. Giờ chắc anh ấy phải viết được tầm hai mươi lăm cuốn rồi, nó không còn bán chạy như xưa nữa nhưng Brian vẫn tiếp tục viết, giữ cho cô nàng thám tử Ellis vĩnh viễn ở tuổi ba mươi lăm với lối kể chuyện cổ điển. Bộ sách lấy bối cảnh ở Boston những năm cuối thập niên 80 và loạt phim truyền hình Ellis đã giúp Brian kiếm được căn nhà mặt phố ở South End, một căn nhà bên hồ ở phía bắc vùng Maine và còn dư ra một chút để đầu tư vào Old Devils.
“Hãy thêm vào trong danh sách đó những người mà anh thấy khả nghi nhé, như những người khách không hài lòng chẳng hạn? Hay người yêu cũ chẳng hạn?”
“Nó sẽ là một bản danh sách ngắn đấy.” Tôi nói. “Người yêu cũ duy nhất của tôi là vợ tôi, và cô ấy mất rồi.”
“Ồ, xin lỗi.” Cô nói, nhưng mà từ nét mặt của cô tôi có thể thấy đây là một thông tin không hề mới.
“Và tôi sẽ tiếp tục suy nghĩ về mấy cuốn trong danh sách. “Cảm ơn.” Cô nói. “Đừng giấu giếm gì cả. Hãy cho tôi biết mọi suy nghĩ của anh, kể cả nếu nó có vẻ không đáng kể hoặc ít khả thi. Thừa còn hơn thiếu.”
“Được.” Tôi vừa nói vừa gấp khăn ăn lại và phủ nó lên phần còn thừa trên đĩa. “Cô trả phòng luôn hay tiếp tục ở lại?” “Trả phòng luôn.” Cô nói. “Nếu chuyến tàu bị hủy vì lý do nào đó thì tôi sẽ phải ở lại thêm một đêm. Nhưng mà tôi chưa đi ngay bây giờ đâu, anh vẫn chưa nói gì về mấy vụ án chưa phá được mà tôi đưa anh tối qua.”
Tôi nói rằng không có vụ nào làm tôi chú ý cả, họa chăng thì có vụ của Daniel Gonzalez - người bị bắn trong lúc đi bộ thôi. “Điều gì làm anh nghĩ nó tương đồng với các vụ án trong danh sách của anh.” Cô hỏi.
“Có thể là không có sự tương đồng nào ở đây cả nhưng nó làm tôi nhớ đến quyển Bí sử của Donna Tartt. Hung thủ đã chọn một nơi có thể đi qua lúc chạy bộ và phục kích tại đó.” “Tôi đã đọc quyển này hồi đại học.” Cô nói.
“Vậy cô có nhớ tình tiết của nó không?”
“Nhớ mang máng, tôi tưởng đám sinh viên đó giết người khi thực hiện một nghi thức tình dục trong rừng chứ.” “Đó là vụ án đầu tiên, bọn nó giết một người nông dân. Vụ án thứ hai mới là vụ tôi nhắc đến trong danh sách, cậu bạn học bị đẩy ngã xuống vách đá.”
“Daniel Gonzalez bị bắn mà.”
“Tôi biết, nghe cũng hơi miễn cưỡng thật. Tôi liên tưởng đến điều đó vì anh ta bị bắn trong lúc dắt chó đi dạo. Đó có thể là tuyến đường anh ta đi qua hàng ngày, hoặc ít nhất là có tính định kỳ. Dù sao thì nó cũng có thể chẳng có liên quan gì đến...”
“Không, cái này có ích đấy. Tôi sẽ điều tra thêm xem. Có một vài nghi phạm trong vụ của Daniel Gonzalez, bao gồm cả một cựu học sinh hiện tại vẫn đang bị điều tra. Dù sao thì nó cũng là một giả thiết không thể bỏ qua.”
“Daniel Gonzalez... có phải là một gã khốn không?” Tôi hỏi. “Tôi không có từ nào khác hợp lý hơn...”
“Điều đó thì tôi không thể nói chắc chắn nếu không kiểm tra lại. Nhưng mà có vẻ là vậy, nếu không thì đã không có nhiều người có động cơ gây án đến thế. Đó là vụ án duy nhất anh để ý sao? Chỉ vụ Gonzalez thôi?”
“Phải.” Tôi nói. “Tôi cũng nghĩ là cô không nên chỉ tập trung vào những vụ giết người, hãy xem xét cả những vụ tai nạn nữa, như chết đuối hoặc chơi thuốc quá liều. À, nhắc đến vụ đó..” Tôi mở túi và lấy ra hai cuốn sách, một bản bìa mềm của cuốn Chết trong làn nước mà tôi đọc vào đêm hôm trước và cuốn Kế hoạch hiểm độc tôi tìm thấy trong bộ sưu tập cá nhân vào sáng nay. Nó là bản của Panbooks, ở trong tình trạng khá tệ, bìa sách đã sắp
rời ra rồi. Tôi đẩy cả hai quyển sách về chỗ đặc vụ Mulvey. “Cảm ơn.” Cô ấy nói. “Tôi chắc chắn sẽ trả lại cho anh.” “Không cần lo lắng về chuyện đó.” Tôi nói. “Cả hai quyền này đều không có gì đặc biệt cả. Tôi đọc quyển Chết trong làn nước vào đêm qua, ý tôi là đọc lại, bởi vì lần cuối cùng tôi đọc nó cũng đã lâu rồi.
“À, phải.” Cô ấy nói. “Anh có thấy điều gì thú vị không?” “Có hai vụ án xảy ra trong truyện. Đầu tiên là một người phụ nữ bị dìm chết trong lúc đi bơi. Cô ấy bị kéo xuống từ bên dưới - cơ bản là như những gì mà bìa sách cho ta thấy đây. Nhưng vụ án thứ hai thật sự làm cho người ta khó chịu. Hung thủ là một người phụ nữ rất khỏe, gần như là siêu nhân, giết chết một người đàn ông bằng cơn đau tim nhân tạo, kiểu như thế này...” Tôi vừa nói vừa giơ tay ra, các ngón tay xòe rộng,“Và đẩy lên từ bên xương sườn cho đến khi có thể sờ thấy trái tim của người kia, rồi cô ta tóm lấy nó.”
“Ôi chao!” Đặc vụ Mulvey thốt lên.
“Tôi không biết rằng liệu trong thực tế chuyện đó có khả thi không?” Tôi nói. “Và ngay cả khi nó có khả thi thì cũng không đời nào qua mắt được bên pháp y.”
“Tôi nghĩ là thế.” Cô ấy nói. “Tôi vẫn cho rằng chúng ta nên tập trung vào những vụ đuối nước. Tôi nghĩ Charlie của chúng ta sẽ muốn bắt chước vụ đó, nhất là khi nó nằm trên tiêu đề của quyển sách”
“Đúng vậy.” Tôi đồng ý.
“Anh còn biết được điều gì nữa không?”
Tôi không nhắc đến việc những vụ án này mang hơi hướng tình dục đến mức nào. Rằng Angie, kẻ sát nhân điên loạn của chúng ta, tưởng tượng rằng mình có hai nhân cách, một bên thánh khiết như Joan d’Arc[*], giúp cô ta không cảm thấy đau đớn, bên còn lại được đặt tên là “hồng mã”, với cái cảm giác làm cho lưng cô ta muốn ưỡn cong và núm vú dựng lên cương cứng. Cô ta trải nghiệm cả hai nhân cách này khi giết người và điều đó làm tôi thắc mắc liệu có phải mọi kẻ sát nhân đều phải làm vậy hay không, tách biệt bản thân trong quá trình hành ác, trở thành một ai đó khác. Có phải Charlie cũng giống vậy?
Nhưng tất cả những gì tôi nói với đặc vụ Mulvey chỉ là “Thực ra đây không phải là một cuốn sách hay. Tôi thích John D. MacDonald nhưng quyển này không thể coi là viết tốt, ngoại trừ nhân vật Angie ra.”
Cô ấy nhún vai và bỏ cả hai quyển sách vào trong túi. Tôi nhận ra rằng những lời nhận xét của mình về cuốn sách không hoàn toàn phù hợp trong tình huống này. Thế nhưng cô ấy vẫn ngẩng đầu lên và nói,“Anh đã giúp ích rất nhiều trong quá trình điều tra, liệu tôi có thể gửi anh xem xét và cho ý kiến về những tiến triển tôi có về vụ này hay không? Và nếu anh tiếp tục đọc lại những cuốn sách đó thì...”
“Đương nhiên rồi.” Tôi nói.
Chúng tôi trao đổi email rồi đứng dậy đi cùng nhau ra ngoài cửa. “Tôi muốn xem thời tiết thế nào.” Cô ấy vừa nói vừa cùng tôi bước ra ngoài. Tuyết gần như đã ngừng rơi nhưng thành phố đã thay đổi hoàn toàn, tuyết đọng ở từng ngóc ngách, cây
cối cong mình và bức tường gạch của tòa nhà gần đó cũng được phủ một lớp màu trắng xóa.
“Lên đường bình an.” Tôi nói.
Chúng tôi bắt tay nhau. Đặc vụ Mulvey bảo tôi từ giờ hãy gọi cô ấy là Gwen. Tôi từ từ bước đi trong lớp tuyết dày tới mắt cá chân, vừa đi vừa ngẫm nghĩ. Việc cô ấy muốn tôi gọi bằng tên có vẻ là một tín hiệu đáng mừng.
Chương 7
K
hi tôi đến cửa hàng sau tầm hai mươi phút đi bộ, Emily Barsamian đã đang đứng nghịch điện thoại ở dưới mái hiên rồi.
“Cô đứng chờ bao lâu rồi?” Tôi hỏi.
“Tầm hai mươi phút. Tôi không thấy anh thông báo gì nên nghĩ là cửa hàng vẫn mở cửa như bình thường”
“Xin lỗi, mà đáng ra cô cứ nhắn tin hỏi trước cho đỡ mất công chứ.” Nói thì nói vậy thôi chứ bốn năm nay cô ấy chưa từng gửi cho tôi một tin nhắn nào và chắc sẽ không bao giờ làm vậy.
“À tôi cũng không ngại phải đợi đâu.” Cô ấy nói trong lúc tôi mở cửa. “Tại tôi quên không mang chìa khóa đấy chứ.” Cô ấy vừa nói vừa bước vào trong.
Nero chạy ra kêu meo meo chào chúng tôi, Emily cúi xuống gãi cằm nó trong lúc tôi bước ra đằng sau quầy thanh toán và bật đèn lên. Emily đứng lên, cởi chiếc áo khoác dài màu xanh lá để lộ trang phục quen thuộc mà tôi nghĩ cô ấy đã coi là đồng phục - váy lửng tối màu, bốt, áo len cổ lọ trùm ra ngoài áo sơ mi hoặc áo phông. Những chiếc áo phông đó là manh mối hiếm hoi về gu sách của Emily. Cô ấy có một chiếc áo in hình bìa gốc quyển Cuộc sống trong lâu đài (We Have Always Lived in the Castle) của Shirley Jackson - hình một con mèo đen đứng trong bãi cỏ cao xanh mướt, cùng với một vài cái khác in hình ban
nhạc The Decemberists. Mùa hè năm ngoái cô ấy mặc một chiếc áo phông in hình quảng cáo Summerisle may day 1973[*]làm cả ngày hôm đó tôi cứ thắc mắc sao nó nhìn quen quen. Hỏi ra mới biết là nó liên quan đến bộ phim kinh dị The Wicker Man của những năm 1970 mà tôi đã xem từ rất lâu rồi. Lúc đó tôi đã hỏi có phải cô ấy thích thể loại kinh dị hay không.
Bình thường khi chúng tôi nói chuyện, cô ấy thường không nhìn thẳng vào mắt tôi mà nhìn vào đâu đó trên trán hoặc dưới cắm và lần này cũng không ngoại lệ. “Kiểu vậy” Cô ấy trả lời.
“Top năm bộ phim ưa thích nhất của cô là gì?” Tôi hỏi, hy vọng có thể kéo dài cuộc hội thoại.
Cô ấy nhíu mày suy nghĩ rồi nói,“Đứa con của Rosemary, Quỷ ám, Giáng sinh đen - bản gốc ấy, Tạo vật của thiên đường, và, ờm... Ngôi nhà gỗ trong rừng, chắc vậy.”
“Tôi đã xem hai trong số đó rồi. Thế còn The Shining thì sao?”
Emily lắc đầu quầy quậy, tôi cứ nghĩ là cô ấy sẽ nói thêm điều gì nhưng cuộc nói chuyện của chúng tôi kết thúc tại đó. Tôi không thấy phiền khi Emily là một người sống khép kín vì chính bản thân tôi cũng vậy. Người thích sống lặng lẽ khá hiếm trong thời buổi bây giờ. Dẫu vậy tôi vẫn có một chút tò mò về thế giới nội tâm của cô gái, không biết cô ấy có tham vọng nào khác bên cạnh việc bán sách hay không.
Tôi hỏi thăm về quãng đường đi làm có khó khăn gì không trong lúc Emily treo chiếc áo khoác ẩm ướt lên giá. “Tôi đi xe buýt, cũng bình thường.” Cô ấy nói. Nhà của Emily ở bên kia
sông, gần Quảng trường Inman, Cambridge. Tôi chỉ biết rằng cô ấy sống trong một căn hộ ba phòng ngủ cùng với hai người khác cũng là cựu sinh viên trường Đại học Winslow.
Emily đi ra đằng sau, đến cái bàn nơi tôi chất chỗ sách mới. Công việc chính của cô ấy là cập nhật và theo dõi cửa hàng trực tuyến. Chúng tôi bán sách cũ qua eBay, Amazon, một trang mạng khác tên là Alibris cùng một vài trang khác mà tôi còn chẳng biết tên. Tôi từng tự mình làm mấy việc tương tự kiểu như soạn đơn hàng nhưng giờ thì Emily thầu toàn bộ công việc đó rồi. Đây chính là một trong những lý do tôi quan tâm về kế hoạch tương lai của cô ấy bởi tôi sẽ chìm trong rắc rối nếu như Emily nghỉ việc.
Tôi đi ra sau quầy và kiểm tra hộp thư thoại, không có gì mới cả, sau đó đăng nhập vào trang blog của tiệm Old Devils - tôi đã bỏ bê nó bấy lâu nay, nhưng chuyến viếng thăm của Gwen Mulvey đã khơi dậy hứng thú trong tôi. Có 211 người để lại bình luận, người cuối cùng là tầm hai tháng trước trong bài đăng có tên là “Bình chọn của nhân viên.” Thỉnh thoảng tôi bắt Emily và Brandon vào viết đôi dòng về quyển sách gần nhất họ đọc và ưa thích. Brandon đã chọn quyển mới nhất trong bộ sách Jack Reacher của Lee Child còn Emily cũng viết đôi dòng về quyển Cõi cô đơn (In a lonely place) của Dorothy B.Hughes. Tôi chọn quyền Started Early, Took My Dog của Kate Atkinson. Đương nhiên là tôi chưa đọc nhưng đã duyệt qua đủ thứ tóm tắt rồi nhận xét về quyền đó để tự coi như mình đã đọc. Tiêu đề sách khá là thú vị.
Tôi dành một giờ đồng hồ sau đó lội lại những bài viết cũ, như thể tua ngược mười năm cuộc đời mình vậy. Có bài viết duy nhất của John Haley vào tuần anh ấy rời cửa hàng và để tôi trở thành quản lý. Anh ấy bán tiệm Old Devils, cổ phần và hàng hóa bên trong cho ray và tôi vào năm 2012. Brian là người chi phần lớn số tiền nhưng vẫn chia cho tôi 50% quyền sở hữu vì tôi sẽ là người điều hành nó. Cho đến giờ thì mọi thứ vẫn diễn ra ổn thỏa. Tôi cho rằng ban đầu Brian muốn tham gia nhiều hơn nhưng cuối cùng lại thôi. Anh ấy chỉ đến tiệm vào tiệc liên hoan cuối năm cùng với hầu hết các buổi đọc thử sách mới và khoảng thời gian hai tuần mỗi năm lúc tôi nghỉ phép để đến London, còn đâu thì tôi nắm toàn quyền quyết định. Dẫu vậy tôi vẫn gặp Brian khá thường xuyên. Bình thường anh ấy dành tầm hai tháng để viết sách, bổ sung thêm vào bộ truyện Ellis Fitzgerald, phần còn lại trong năm là thời gian để nghỉ ngơi. Phần lớn thời gian đó anh ấy dành trên lớp đệm bọc da của quán rượu nhỏ trong khuôn viên khách sạn Beacon Hill. Tôi thường tạt qua cùng anh đối ẩm và cố gắng có mặt vào tầm chiều tối chứ không quá muộn. Brian là một người thích kể chuyện, mỗi lần tôi đến muộn là một lần anh ấy tường thuật lại về những câu chuyện mình ưa thích nhất - thứ mà tôi đã nghe đến cả trăm lần rồi.
Tôi tiếp tục lội theo dòng thời gian xem mình đã bỏ lỡ những gì trong quãng thời gian năm năm vừa qua kể từ lúc vợ tôi qua đời. Bài viết cuối cùng của tôi là một danh sách mang tên “Những cuốn tiểu thuyết trinh thám cho một buổi tối mùa đông lạnh giá. Đăng vào ngày 22 tháng 12 năm 2009. Vợ tôi
mất vào rạng sáng ngày mùng một năm 2010 trong một vụ tai nạn giao thông. Cô ấy rơi khỏi cầu vượt trên Đường 2 trong khi say rượu. Tôi được xem ảnh để nhận diện, một tấm vải trắng phủ trên mặt cô ấy che đi phần trán. Gương mặt cô ấy ít xây xát dù tôi biết rằng hộp sọ của vợ mình đã dập nát khi va đập.
Tôi đọc lại danh sách những đầu sách mình đã chọn, tất cả đều có những vụ án xảy ra vào mùa đông, trong cơn bão tuyết. Vào thời điểm này của sự nghiệp viết lách, tôi chỉ liệt kê đầu sách mà chả buồn thêm một chữ mô tả nào nữa.
The Sittaford Mystery (1931), tác giả Agatha Christie The Nine Tailors (1934) tác giả Dorothy L. Sayers
The Corpse in the Snowman (1941) tác giả Nicholas Blake Tied Up in Tinsel (1972) tác giả Ngaio Marsh
The Shining (1977) tác giả Stephen King
Gorky Park (1981) tác giả Martin Cruz Smith
Smilla’s Sense of Snow (1992) tác giả Peter Hoeg
A Simple Plan (1993) tác giả Scott Smith
The Ice Harvest (2000) tác giả Scott Phillips
Raven Black (2006) tác giả Ann Cleeves
Tôi còn nhớ lúc lập bản danh sách này tôi đã đắn đo không biết có nên cho The Shining vào hay không, bởi vì nó là tiểu thuyết kinh dị chứ không phải trinh thám, cuối cùng thì vẫn để vào, đơn giản vì tôi thích thế. Chả hiểu sao tôi cứ nhớ những chi tiết tủn mủn như vậy, những suy nghĩ thoáng qua đáng ra phải nhanh chóng bị lãng quên. Chưa đầy hai tuần sau đó cuộc đời tôi sẽ thay đổi mãi mãi. Nếu tôi có thể quay ngược thời gian về lại những ngày cuối tháng Mười Hai năm ấy, tôi sẽ không bao
giờ viết những dòng này. Tôi sẽ dành tất cả thời gian mình có cho vợ mình, níu kéo cô ấy, nói rằng tôi đã biết chuyện cô ấy ngoại tình, việc cô ấy lại sa vào thuốc phiện, nói rằng tôi tha thứ mọi điều cô ấy làm, rằng cô ấy có thể trở về bên tôi. Chẳng ai biết được liệu nó có thể thay đổi được kết cục hay không, nhưng ít nhất thì tôi đã cố.
Tôi kéo lên thêm một đoạn nữa, tìm thấy một danh sách khác, “Những cuốn trinh thám về chủ đề ngoại tình” và kiểm tra ngày tháng. Lúc đó tôi chưa chính thức phát hiện ra chuyện về vợ mình, nhưng tôi đã đoán được phần nào, linh cảm đã cho tôi biết có điều gì đó không ổn. Tôi lại tiếp tục lùi về sau, những bài viết trở nên dày đặc hơn khi tôi tiến dần về những năm tháng mình còn giỏi trong việc nghĩ ra cái để mà viết. Tôi lại nghĩ, không phải lần đầu tiên: Tại sao lại cứ phải lập danh sách mãi thế? Điều gì khiến tôi làm như vậy? Tôi đã làm thế kể từ khi trở thành một độc giả cứng của dòng sách này, kể từ lúc tôi bắt đầu dành dụm rồi đốt hết tiền tiết kiệm của mình ở tiệm sách Annie’s Book Swap. Mười quyển sách ưa thích. Mười quyển sách có tình tiết ghê rợn nhất. Mười cuốn tiểu thuyết hay nhất về Jame Bond. Những cuốn sách hay nhất của Roald Dahl. Hồi đó thì tôi biết tại sao, có lẽ vậy. Không cần phải có tấm bằng tâm lý học mới biết được rằng nó là cách để tôi trao cho mình một danh tính. Bởi vì nếu như tôi không phải là một thằng nhóc mười hai tuổi đã đọc hết mọi cuốn tiểu thuyết của Dick Francis (và kể tên năm cuốn hay nhất) thì tôi chỉ là một đứa nhóc cô đơn chẳng có bạn bè, với một người mẹ xa cách và người cha nát rượu. Tôi là vậy, nhưng ai lại muốn một cái tôi như thế chứ
Cho nên tôi nghĩ câu hỏi ở đây phải là, tại sao tôi lại tiếp tục làm thế, lên danh sách, ngay cả khi tôi đã chuyển đến sống ở Boston, có một công việc tốt, đã kết hôn và đang yêu? Tại sao những điều đó lại là chưa đủ?
Cuối cùng, tôi dừng lại ở bài viết đầu tiên, ở bản danh sách “Tám vụ giết người hoàn hảo”. Trong hai mươi tư giờ qua tôi đã đọc nó quá nhiều lần, tôi chẳng cần đọc lại nữa.
Cửa trước mở ra và tôi ngẩng đầu lên, nhìn thấy một cặp vợ chồng trung tuổi, cả hai đều được bọc trong lớp áo khoác to sụ ấm áp có mũ che. Có lẽ khổ người bên dưới lớp áo đó cũng không nhỏ nhưng lớp áo cộng thêm làm cả hai trông tròn ung ủng. Họ cởi mũ, mở khóa áo và tiến về chỗ tôi, vừa mỉm cười vừa tự giới thiệu về mình. Mike và Becky Swenson, đến từ Minnesota. Tôi ngay lập tức nhận ra rằng họ là kiểu khách hàng chúng tôi thỉnh thoảng sẽ gặp - những độc giả tiện đường đến đây trong chuyến du lịch Boston. Old Devils không phải là một cửa tiệm nổi tiếng nhưng có thể coi là có số má trong một số cộng đồng người đọc.
“Chà, hai anh chị mang theo cả thời tiết chỗ mình tới đây đó.” Tôi nói làm cả hai bật cười, nói rằng họ đã dự định tới Boston suốt nhiều năm rồi.
“Phải đến quán Cheers, thường thức món trai hầm thịt muối và ghé thăm Old Devils chứ.” Người đàn ông nói. “Nero đâu rồi?” Người vợ lên tiếng và như thể nghe tiếng gọi, Nero lò dò xuất hiện từ đằng sau giá trưng bày sách mới và tới chào hỏi cả hai người. Ở đây ai cũng phải cống hiến mà, kể cả mèo, tôi đoán nó nghĩ vậy.
Mike và Becky rời đi sau tầm một tiếng rưỡi. Khoảng 90% thời gian dùng để nói, còn lại mới là mua sách, dù gì họ cũng đã mua lượng sách bìa cứng có chữ ký giá trị tầm một trăm đô la, để lại địa chỉ nhà ở phía Tây Grand Forks để tôi gửi sách theo đường chuyển phát. “Chúng tôi quên mất không để dư chỗ trong va ly mất rồi.” Becky nói.
Cặp vợ chồng rời đi lúc tuyết đã ngừng rơi, lấy thêm một vài chiếc kẹp đánh dấu sách của chúng tôi làm quà lưu niệm. Tôi chỉ họ đến một vài nhà hàng khác trong khu vực lân cận có đồ ăn ngon hơn quán Cheers. Lúc tôi ra giữ cửa thì vừa hay Brandon cũng đến nơi, mặc phong phanh mỗi một cái áo nỉ có mũ dù bên dưới có găng tay và mũ len. Tôi đã quên mất là theo lịch thì hôm nay cậu ta cũng đi làm. “Trông anh có vẻ ngạc nhiên thế.” Cậu ấy nói. “Hôm nay là thứ sáu mà”
“Ừ tôi biết.” Tôi nói.
“Tạ ơn Chúa hôm nay là thứ sáu.” Cậu ta bổ sung với chất giọng sang sàng, kéo dài nguyên âm trong chữ “Chúa” ra đáng kể. “Và tạ ơn Chúa cho con được đi làm chứ không phải ở nhà cả ngày.”
“Hôm nay lớp nghỉ hà?” Tôi hỏi.
“À vâng” Cậu trai trả lời. Cậu ta đã đang theo học lớp kinh doanh kể từ hồi mới bắt đầu làm trong tiệm, hầu hết lớp học diễn ra vào buổi sáng. Tôi nhớ là sắp đến lúc tốt nghiệp rồi và khả năng cao là tôi sẽ mất đi một nhân viên mẫn cán. Thực ra tôi nghĩ mình sẽ ổn thôi nhưng vẫn sẽ nhớ cái mồm liến thoắng của Brandon - một đối trọng không tệ cho sự trầm lặng của Emily, và của tôi nữa.
Cậu lôi ra từ túi bụng cái áo nỉ một quyển sách bìa mềm - The Hunter của Richard Stark và đưa cho tôi. “Hay đỉnh luôn sếp ạ.” Cậu ấy nói. Hồi mới vào làm tôi liên tục phải nhắc nhở Brandon không được văng tục, vì khách hàng, nên cậu ta cũng thu bớt lại phần nào. Brandon mượn quyền này theo lời gợi ý của tôi từ cửa hàng tầm hai ngày trước. Ngay cả khi làm việc toàn thời gian, đến trường và duy trì một đời sống xã hội tương đối náo nhiệt (theo như cậu ấy mô tả) thì bằng cách nào đó Brandon vẫn có thể đọc được tầm ba quyển sách mỗi tuần. Tôi nhìn xuống bìa sách, tên sách đã được đổi thành Point Blank! để gợi nhớ đến bộ phim của Lee Marvin hồi những năm 1967.
“Em nhận sao thì trả y như vậy đó, Mal.” Cậu ấy nói về tình trạng của quyển sách. Ở đây cho phép nhân viên mượn sách về nhà đọc tùy ý miễn là lúc trả lại không có thêm hư hại gì. “À, không, trông nó ổn mà.” Tôi nói.
“Đương nhiên rồi.” Brandon gật gù rồi lớn tiếng gọi “Emily” với ba âm tiết cao chót vót. Cô ấy đi ra từ phía sau và Brandon tặng cô một cái ôm, cậu ta thỉnh thoảng vẫn làm vậy nếu như hai phiên làm việc cách nhau hơn một ngày. Cậu ta chỉ ôm tôi ở bữa tiệc cuối năm hoặc khi tôi đóng cửa dắt cả hai đi làm chầu bia ở quán Sevens. Tôi không phải là một người thích ôm ấp dù cho nó là cử chỉ chào hỏi bình thường giữa cánh đàn ông ở tầm tuổi tôi. Tôi không thể hiểu được tại sao người ta phải làm thế, đã ôm ấp rồi còn thỉnh thoảng vỗ bồm bộp vào lưng nhau nữa. Claire, vợ tôi, khi nghe tôi kể về chuyện này thì ra vẻ lo lắng lắm và bắt tôi luyện tập. Có một thời gian chúng tôi chào nhau với tên gọi là cái ôm của cánh đàn ông.
Brandon theo Emily ra phòng phía sau để nhận danh sách đặt hàng qua mail và sắp xếp mấy chồng sách đó theo từng đơn. Một trong số những ưu điểm của việc có nhân viên kỳ cựu là tôi chẳng mấy khi phải dặn dò bất cứ điều gì. Họ làm cùng tôi đã lâu rồi nên tôi trả lương cao hơn khá nhiều so với mức mặt bằng chung mà tôi nghĩ những nơi khác sẽ trả. Tôi không cần tiệm sách này kiếm đậm, tôi cũng không nghĩ Brian Murray để tâm nhiều đến chuyện tiền nong lắm đâu. Chỉ cần có một cửa hàng sách trinh thám thuộc về mình, hoặc ít nhất một nửa thuộc về mình là anh ấy đã thỏa mãn rồi.
Tôi nghe tiếng Brandon kể cho Emily từ đầu đến đuôi về tình tiết trong quyển The Hunter trong khi tôi sắp xếp lại khu vực Sách Mới. Có thêm bốn khách hàng bước vào, đều là khách lẻ cả: Một du khách người Nhật, một khách quen tên là Joe Stailey, một cậu trai tầm hai mươi tuổi tôi nhớ là vẫn hay lượn lờ quanh khu sách kinh dị nhưng không bao giờ mua và một người phụ nữ rõ ràng vào đây để trốn cái lạnh ngoài trời. Tôi rút điện thoại ra kiểm tra nhiệt độ. Tuyết đã ngừng rơi nhưng nhiệt độ trong vài ngày tới chỉ ở mức đầu một[*] mà thôi. Chỗ tuyết đã rơi kia sẽ cứng lại thành từng đống băng rồi chuyển thành màu đen đúa với khói bụi thị thành.
Tôi quay lại chỗ chiếc máy tính xem có thư mới không rồi nhìn lại sang bên trang blog, vẫn đang mở danh sách “Tám vụ giết người hoàn hảo.” Có mấy dòng nhỏ nhỏ bên cạnh viết rằng bài đăng được đăng bởi Malcolm Kershaw đi kèm với ngày tháng và số bình luận là ba. Tôi nhớ là nó vốn chỉ có hai thôi,