🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook 5 Điểm Chết Trong Teamwork - Patrick Lencioni Ebooks Nhóm Zalo The Five Dysfunctions of a Team – A Leadership Fable Written by: Patrick M. Lencioni Copyright © 2002 Patrick Lencioni Vietnamese edition © 2018 First News – Tri Viet Publishing Co., Ltd. This translation published under license with the original John Wiley & Sons, Inc., U.S.A. All rights reserved. 5 ĐIỂM CHẾT TRONG TEAMWORK Tác giả: Patrick M. Lencioni Công ty First News – Trí Việt giữ bản quyền xuất bản và phát hành ấn bản tiếng Việt trên toàn thế giới theo hợp đồng chuyển giao bản quyền với John Wiley & Sons, Inc., Hoa Kỳ. Bất cứ sự sao chép nào không được sự đồng ý của First News đều là bất hợp pháp và vi phạm Luật Xuất bản Việt Nam, Luật Bản quyền Quốc tế và Công ước Bảo hộ Bản quyền Sở hữu Trí tuệ Berne. Thực hiện: Thùy Duyên – Vi Thảo Nguyên Quý độc giả có nhu cầu liên hệ, vui lòng gửi email về: Bản thảo và bản quyền: [email protected] Phát hành: [email protected] CÔNG TY VĂN HÓA SÁNG TẠO TRÍ VIỆT – FIRST NEWS 11H Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP. HCM Tel: (84.28) 38227979 – 38227980 Fax: (84.28) 38224560 - Web: www.firstnews.com.vn Mục lục Lời giới thiệu Vận may PHẦN 1: TUỘT DỐC Bối cảnh Kathryn Lập luận Tranh cãi Quan sát Các nhân viên cấp cao PHẦN 2: MỒI LỬA Khảo nghiệm đầu tiên Lèo lái Vạch rõ ranh giới Napa Bài phát biểu Chống chế Vào vùng nguy hiểm Hé mở Đào sâu Bên hồ bơi Nhìn lại Ý thức Cái tôi Mục tiêu Căn nguyên Công kích Minh họa Kịch tính Ứng dụng PHẦN 3: CAO TRÀO Công ty Cuộc họp “chuông báo cháy” Rò rỉ Cuộc họp ngoài công ty thứ hai Đào sâu Trách nhiệm Thành tích cá nhân Cuộc trò chuyện Sự kháng cự cuối cùng Thông báo Tâm sự Củng cố PHẦN 4: DUY TRÌ Thu hoạch Kiểm tra lòng quyết tâm Tổng kết MÔ HÌNH NĂM ĐIỂM CHẾT Tổng quan về mô hình Đánh giá đội nhóm Hiểu và khắc phục năm điểm chết Yếu tố thời gian trong phương pháp của kathryn Lời cảm ơn LỜI GIỚI THIỆU K hông phải tài chính, không phải chiến lược, cũng chẳng phải công nghệ, mà kỹ năng làm việc nhóm mới chính là lợi thế cạnh tranh hàng đầu. Lý do nằm ở sức mạnh mà kỹ năng này mang lại, cũng như bởi không phải đội ngũ nào cũng có thể thành thạo và vận dụng kỹ năng làm việc nhóm một cách hiệu quả nhất. Một người bạn của tôi, người sáng lập ra một công ty có doanh thu một triệu đô-la hàng năm, đã diễn đạt đúng nhất sức mạnh của kỹ năng làm việc nhóm khi nhận định: “Nếu anh có thể làm cho mọi người trong công ty đồng lòng hướng đến một mục tiêu chung, thì anh có thể thống lĩnh bất kỳ lĩnh vực nào, trong bất kỳ thị trường nào, với bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào và tại bất kỳ thời điểm nào”. Mỗi khi tôi lặp lại câu nói này với một nhóm các nhà lãnh đạo, họ đều lập tức gật đầu tán thành, nhưng với vẻ tuyệt vọng. Họ hiểu được chân lý này, nhưng đồng thời cũng bó tay với việc thực thi nó. Và đó là lúc người ta thấy rõ sự thiếu hụt của mình về kỹ năng làm việc nhóm. Tuy đã thu hút rất nhiều sự chú ý của biết bao học giả, huấn luyện viên, giáo viên và giới truyền thông trong suốt những năm qua, nhưng kỹ năng làm việc nhóm vẫn là một khái niệm mơ hồ đối với hầu hết các tổ chức. Mặc dù vậy, có một sự thật là các đội nhóm đều được cấu thành từ những con người không hoàn hảo, nên bản thân đội nhóm không tránh khỏi việc tồn tại những điểm chết làm rối loạn chức năng của nó. Nói như vậy không có nghĩa làm việc nhóm là bất khả thi. Hoàn toàn không phải như vậy. Trên thực tế, xây dựng một đội ngũ g p ậy ự y ự g ộ ộ g làm việc hiệu quả là một việc vừa khả thi vừa dễ dàng đến bất ngờ. Nhưng đồng thời đó cũng là một quá trình gian nan. Đúng vậy. Cũng như nhiều mặt khác trong cuộc sống, kỹ năng làm việc nhóm đòi hỏi ta phải thành thạo một bộ hành vi mà thoạt nhìn không hề phức tạp về mặt lý thuyết, nhưng lại cực kỳ khó khăn khi đưa vào ứng dụng hàng ngày. Thành công chỉ đến với những đội ngũ vượt qua được khuynh hướng hành xử quá con-người, thứ cản trở hoạt động và gây ra những cơ chế lệch lạc trong đội nhóm. Hóa ra, những nguyên tắc này không chỉ được áp dụng trong kỹ năng làm việc nhóm. Tôi đã tình cờ phát hiện những nguyên tắc này khi tìm hiểu một lý thuyết về thuật lãnh đạo. Vài năm trước, tôi viết quyển sách đầu tay có tựa đề The Five Temptations of a CEO (tạm dịch: Năm cám dỗ đối với một CEO) nói về những lỗi hành vi khiến các nhà lãnh đạo thất bại. Trong quá trình làm việc với khách hàng, tôi bắt đầu chú ý thấy vài người trong số họ áp dụng “sai mục đích” những lý thuyết của tôi để đánh giá và cải thiện tình hình hoạt động của các nhóm lãnh đạo trong công ty họ – và họ đã thành công! Và thế là tôi nhận ra năm cám dỗ và những cách khắc phục được đề cập trong quyển sách đó không chỉ tác động đến cá nhân các nhà quản lý, mà với một vài điều chỉnh thì còn có thể tác động đến đội nhóm. Và phạm vi tác động không chỉ giới hạn trong môi trường công ty. Các giáo sĩ, huấn luyện viên, giáo viên và nhiều người thuộc các lĩnh vực khác cũng có thể vận dụng các nội dung đó cho lĩnh vực của họ, tương tự như cách giới lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn đa quốc gia đã làm. Và đó chính là lý do quyển sách này ra đời. Cũng giống các quyển sách khác của tôi, 5 điểm chết trong teamwork bắt đầu bằng một câu chuyện rất thực tế trong một công ty hư cấu. Tôi nhận ra cách dẫn dắt này giúp độc giả học hỏi hiệu quả hơn, khi họ đắm mình vào câu chuyện và có thể kết nối với các nhân vật trong đó. Điều này cũng giúp độc giả hiểu cách vận dụng các nguyên tắc này vào thực tế, nơi mà nhịp độ và khối lượng các mối phân tâm hằng ngày có thể biến ngay cả những việc đơn giản nhất trở nên đầy cam go. Để giúp bạn vận dụng những lý thuyết trong quyển sách này vào tổ chức của mình, tôi dành riêng một phần ngắn sau câu chuyện để trình bày chi tiết hơn về năm điểm chết. Phần này cũng bao gồm một bài đánh giá hiện trạng của một đội nhóm, cùng với các công cụ được khuyên dùng để giúp đội nhóm của bạn có thể vượt qua những chướng ngại đang cản lối thành công. Cuối cùng, mặc dù quyển sách này được viết dựa trên quá trình làm việc của tôi với các giám đốc điều hành và nhân viên cấp cao của các công ty, nhưng những lý thuyết trong quyển sách này có thể được áp dụng bởi bất kỳ ai quan tâm đến kỹ năng làm việc nhóm, bất kể bạn đang quản lý một phòng ban nhỏ trong công ty hay chỉ đơn giản là thành viên của một đội ngũ có mong muốn cải thiện hiệu quả làm việc. Dù sao đi nữa, tôi chân thành hy vọng quyển sách này sẽ giúp đội nhóm của bạn khắc phục những điểm chết mà các bạn đang gặp phải, để đạt được những thành tựu mà từng cá nhân đơn lẻ sẽ không tài nào làm được. Suy cho cùng, đó chính là sức mạnh đích thực của đội nhóm. VẬN MAY C hỉ có một người cho rằng Kathryn chính là lựa chọn đúng đắn cho vị trí tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn DecisionTech. May mắn cho Kathryn, người đó chính là Chủ tịch Hội đồng quản trị của DecisionTech. Và thế là chưa đầy một tháng sau khi vị tổng giám đốc trước bị bãi nhiệm, Kathryn Petersen lên nắm quyền DecisionTech, công ty mà chỉ hai năm trước đó đã được vinh danh là một trong những công ty khởi nghiệp đầy hứa hẹn, có nguồn lực tài chính vững mạnh và được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử đương đại của Thung lũng Silicon. Kathryn chỉ không hề biết công ty đã tuột dốc nhanh như thế nào trong một thời gian ngắn như vậy, và những thử thách nào đang chờ đợi bà trên chặng đường phía trước. Phần 1 TUỘT DỐC BỐI CẢNH T ập đoàn DecisionTech tọa lạc ở Vịnh Half Moon, một thị trấn nông nghiệp vùng duyên hải thường chìm trong sương mù và chỉ cách Vịnh San Francisco mấy ngọn đồi. Về mặt địa lý thì nơi này không thuộc Thung lũng Silicon, nhưng bản thân địa danh Thung lũng Silicon gắn liền với một thực thể văn hóa hơn là địa lý. Và DecisionTech hiển nhiên phù hợp với thực thể văn hóa đó. DecisionTech sở hữu đội ngũ điều hành dày dạn kinh nghiệm nhất – với mức lương “khủng” nhất mà bạn có thể hình dung ra được – cùng với một kế hoạch kinh doanh dường như bất khả chiến bại và một dàn các nhà đầu tư cao cấp với số lượng đông đảo hơn bất kỳ công ty khởi nghiệp nào có thể mơ tới. Ngay cả những công ty đầu tư cẩn trọng nhất cũng xếp hàng để được rót vốn vào DecisionTech, và các kỹ sư tài năng thì đã nộp hồ sơ ứng tuyển vào làm việc cho công ty từ khi công ty chưa thuê văn phòng. Nhưng đó là câu chuyện của hai năm trước, và hai năm là quãng thời gian dài đằng đẵng đối với một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Sau vài tháng đầu tiên thuận buồm xuôi gió, DecisionTech bắt đầu gặp phải hàng loạt những sự kiện đáng thất vọng. Các mốc thời hạn quan trọng bắt đầu bị bỏ lỡ. Một vài nhân viên chủ chốt dưới cấp điều hành đột ngột rời bỏ công ty. Tinh thần làm việc sa sút từ từ. Mọi thứ ập đến như vậy, bất chấp những lợi thế to lớn mà DecisionTech có được trong giai đoạn đầu. Vào dịp kỷ niệm hai năm thành lập công ty, hội đồng quản trị nhất trí “đề nghị” Jeff Shanley – vị CEO 37 tuổi, đồng thời là người đồng sáng lập công ty – từ chức. Họ “mời” anh giữ chức Giám đốc phát triển kinh doanh, và trước sự ngạc nhiên của họ, anh đã chấp nhận việc bị giáng chức vì không muốn từ bỏ khoản lợi tức kếch xù tiềm năng khi công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán. Và ngay cả trong bối cảnh kinh tế khó khăn của Thung lũng Silicon, DecisionTech vẫn hội đủ mọi điều kiện để phát hành cổ phiếu ra công chúng. Không ai trong số 150 nhân viên của DecisionTech cảm thấy sốc trước việc Jeff bị giáng chức. Mặc dù đa số nhân viên vẫn có thiện cảm với anh trên tư cách cá nhân, nhưng họ không thể phủ nhận rằng dưới sự lãnh đạo của anh, không khí làm việc trong công ty ngày càng trở nên ngột ngạt. “Đâm sau lưng” nhau là hành vi mà các nhà điều hành trong công ty đã thành thạo đến mức nó được nâng lên tầm “nghệ thuật”. Không có sự đoàn kết hay quan hệ thân thiết giữa các thành viên trong đội, và điều đó khiến cho sự tận tụy của từng thành viên cũng lụi tàn dần. Mọi việc đều phải cần rất nhiều thời gian để hoàn tất, và ngay cả khi đã hoàn tất thì cũng chẳng có việc nào mang đến cảm giác hài lòng như mong đợi. Có lẽ một số hội đồng quản trị khác có thể kiên nhẫn hơn với một đội ngũ điều hành vụng về như thế, nhưng hội đồng của DecisionTech thì không. Có quá nhiều rủi ro – và ảnh hưởng quá nghiêm trọng – nếu cứ nhìn công ty tuột dốc vì lỗi điều hành. DecisionTech đã mang tiếng là một trong những nơi làm việc căng thẳng nhất và xung đột phe phái nhiều nhất trong Thung lũng Silicon. Hội đồng quản trị không thể chấp nhận hình ảnh đó của công ty, đặc biệt khi chỉ mới vài năm trước, công ty này từng có một tương lai đầy triển vọng. Phải có người chịu trách nhiệm cho mớ hỗn độn này, và Jeff chính là người đứng đầu danh sách. Dường như mọi người trong công ty đều thở phào nhẹ nhõm khi hội đồng quản trị công bố quyết định bãi nhiệm Jeff. Cho đến khi Kathryn được tuyển dụng vào ba tuần sau đó... KATHRYN B an điều hành của DecisionTech không thể thống nhất được điểm nào ở Kathryn là có vấn đề nhất, bởi vì có quá nhiều điểm “có vấn đề”. Trước hết, Kathryn đã lớn tuổi. Năm nay bà 57 tuổi. Và theo chuẩn của Thung lũng Silicon, số tuổi này có thể được quy vào nhóm “cổ đại”. Quan trọng hơn, Kathryn không thật sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ cao, ngoài việc từng là thành viên trong ban giám đốc của công ty Trinity Systems, một công ty công nghệ lớn ở San Francisco. Trong phần lớn sự nghiệp của mình, bà chủ yếu nắm vai trò vận hành trong các công ty công nghệ thấp, nổi bật nhất trong số đó là một công ty sản xuất xe hơi. Nhưng trên cả tuổi tác hay kinh nghiệm, vấn đề của Kathryn đơn giản là bà có vẻ không phù hợp với văn hóa của DecisionTech. Bà bắt đầu sự nghiệp trong môi trường quân đội, sau đó lập gia đình với một giáo viên kiêm huấn luyện viên bóng rổ của một trường trung học ở địa phương. Sau khi nuôi dạy ba đứa con trai, Kathryn trở thành giáo viên dạy lớp bảy trong vài năm, cho đến khi bà phát hiện mình yêu thích kinh doanh. Ở tuổi 37, Kathryn đăng ký tham gia khóa học buổi tối kéo dài ba năm của một trường kinh doanh tại thành phố Hayward bang California – chứ chẳng phải trường Harvard hay Stanford gì cả – và bà đã hoàn thành khóa học này sớm hơn một học kỳ. Sau đó, bà trải qua 15 năm tiếp theo làm việc trong ngành sản xuất, cho đến khi về hưu ở tuổi 54. Việc Kathryn là phụ nữ hoàn toàn không phải là vấn đề đối với ban điều hành; có hai người trong ban cũng là nữ. Kinh nghiệm chung trong giới công nghệ cao cho thấy, hầu như ai cũng có thời gian làm việc dưới quyền sếp nữ trong quãng đời đi làm của mình. Nhưng ngay cả khi giới tính của bà có là vấn đề đối với ai đó trong nhóm đi nữa, thì chuyện đó cũng chẳng là gì so với những khác biệt giữa bà với văn hóa công ty. Trên lý thuyết, Kathryn rõ ràng là một nhà quản lý theo đường lối truyền thống thuộc môi trường lao động sản xuất. Điều này tạo ra sự đối lập rõ nét với ban điều hành và dàn quản lý cấp trung của DecisionTech, những người có rất ít kinh nghiệm làm việc bên ngoài Thung lũng công nghệ cao. Một vài người trong số họ còn tự hào rằng họ chưa từng mặc áo vest kể từ ngày tốt nghiệp ra trường đến giờ, ngoại trừ những dịp tham dự lễ cưới. Lúc mới đọc hồ sơ công tác của Kathryn, không có gì đáng ngạc nhiên khi các thành viên hội đồng quản trị đều nghi ngờ mức độ sáng suốt của ngài chủ tịch, người đã đề xuất tuyển dụng Kathryn. Nhưng rồi ông đã dần dần khiến họ phải nhượng bộ. Đầu tiên, hội đồng quản trị tin tưởng vào chủ tịch của mình khi ông cam đoan Kathryn sẽ thành công. Thứ hai, ngài chủ tịch nổi tiếng là có trực giác rất sắc bén trong việc nhìn người, bất kể vấn đề gặp phải với Jeff. Các thành viên đã lý giải rằng, hẳn ông sẽ không phạm hai sai lầm liên tiếp. Nhưng có lẽ lý do quan trọng nhất (mặc dù không ai thừa nhận) là DecisionTech đang ở trong tình thế tuyệt vọng. Ngài chủ tịch nhấn mạnh là không có mấy ai có năng lực điều hành giỏi sẵn lòng gánh vác trọng trách dọn dẹp mớ hỗn độn hiện tại ở một công ty đã từng “dính phốt”. Ông đã thuyết phục được mọi người với luận điểm, “Chúng ta phải tự thấy may mắn khi có được một người quản lý tài năng như Kathryn”. Cho dù điều đó có đúng hay không, ngài chủ tịch quyết tâm chọn một người mà ông biết rõ và có thể đặt niềm tin. Khi gọi điện thoại cho Kathryn để bàn về công việc này, chắc chắn ông không ngờ là mình sẽ hối hận với quyết định này chỉ vài tuần sau đó. LẬP LUẬN K hông ai bất ngờ trước lời mời làm việc này hơn Kathryn. Mặc dù đã quen biết ngài chủ tịch nhiều năm ở mức độ cá nhân (Kathryn gặp ông lần đầu tiên khi chồng bà đang dạy đứa con trai lớn của ông ở trường trung học), bà vẫn không ngờ ông đánh giá bà cao như vậy ở cương vị một giám đốc. Mối quan hệ của họ chủ yếu là ở phương diện xã hội, xoay quanh chủ đề gia đình, trường học và thể thao. Kathryn đã cho rằng ngài chủ tịch không biết nhiều về bà ngoài vai trò một người mẹ và người vợ của một huấn luyện viên thể thao. Thật ra, ngài chủ tịch đã quan tâm theo dõi con đường sự nghiệp của Kathryn suốt mấy năm qua, và ông rất ngạc nhiên trước những thành công mà bà đạt được với quá trình đào tạo khá khiêm tốn. Trong vòng chưa đầy năm năm, bà đã trở thành giám đốc điều hành của nhà máy sản xuất xe hơi duy nhất tại Vùng Vịnh, một công ty liên doanh Mỹ – Nhật. Bà nắm giữ chức vụ đó gần mười năm và giúp nhà máy trở thành một trong những doanh nghiệp hợp tác với nước ngoài thành công nhất trong nước. Và dù không hiểu nhiều về ngành công nghiệp xe hơi, nhưng ngài chủ tịch biết chắc một điều về Kathryn, một điều đã khiến ông tin bà là ứng viên hoàn hảo để khắc phục những vấn đề mà DecisionTech đang đối mặt. Kathryn có tài năng đáng kinh ngạc trong việc xây dựng đội nhóm. TRANH CÃI L úc mới nghe tin Kathryn được tuyển dụng, nếu ban điều hành của DecisionTech chỉ hơi nghi ngại, thì giờ đây họ thậm chí còn lo lắng hơn nhiều sau hai tuần làm việc đầu tiên của vị lãnh đạo mới này. Nguyên nhân không phải do Kathryn đã làm việc gì đó gây tranh cãi hoặc không phù hợp, mà do Kathryn gần như không làm gì cả. Ngoài phần giới thiệu ngắn gọn vào ngày đầu tiên và các buổi nói chuyện sau đó với từng nhân viên trực tiếp dưới quyền, Kathryn dành phần lớn thời gian vào việc dạo quanh các sảnh, trò chuyện với nhân viên và lặng lẽ quan sát mọi cuộc họp mà bà có thể sắp xếp thời gian để tham dự. Có lẽ việc đáng bàn cãi nhất là Kathryn yêu cầu Jeff Shanley tiếp tục chủ tọa các cuộc họp hàng tuần của ban điều hành, trong khi bà chỉ dự thính và ghi chép. Hành động duy nhất mà Kathryn thật sự thể hiện trong những tuần đầu tiên là thông báo một loạt chuyến nghỉ dưỡng kết hợp làm việc kéo dài hai ngày ở Thung lũng Napa dành cho ban điều hành trong vài tháng tới. Ngay cả khi bà có đưa ra nhiều lý lẽ hơn nữa thì cũng chẳng có ai trong ban điều hành có thể tin là bà dám để họ rời khỏi công ty nhiều ngày như thế, trong khi có quá nhiều việc cần làm. Tệ hơn nữa, khi có người đề xuất một vấn đề cụ thể để thảo luận trong chuyến đi đầu tiên, Kathryn đã từ chối. Bà đã tự lên sẵn chương trình cho chuyến đi. Ngay cả ngài chủ tịch cũng ngạc nhiên, và có chút mất tự tin, khi ông xem các báo cáo về hiệu quả công việc trong thời gian đầu của Kathryn. Ông đã đi đến quyết định là nếu Kathryn không làm được việc thì có lẽ ông cũng sẽ ra đi cùng với bà. Và ông bắt đầu cảm thấy đó là điều có khả năng xảy ra nhất. QUAN SÁT S au hai tuần đầu quan sát các vấn đề ở DecisionTech, Kathryn đã đôi lần tự hỏi mình có sai lầm khi nhận công việc này không. Nhưng bà biết mình sẽ khó từ chối lời đề nghị này. Việc nghỉ hưu cứ khiến bà cảm thấy đứng ngồi không yên, và không có gì có thể khiến bà hào hứng hơn việc được đương đầu với một thử thách mới. Chắc chắn DecisionTech là một thử thách đối với bà, nhưng có điều gì đó khác lạ về trường hợp này. Mặc dù chưa từng sợ thất bại, Kathryn không thể phủ nhận là bà có chút bận tâm nếu làm ngài chủ tịch thất vọng. Khiến cho danh tiếng của mình bị vấy bẩn vào buổi xế chiều của sự nghiệp, đặc biệt là trong mắt người thân và bạn bè, là một việc có thể khiến ngay cả những người vững vàng nhất cũng cảm thấy lo ngại. Và Kathryn tất nhiên là một người vững tin vào khả năng của bản thân. Sau khi rèn luyện trong môi trường quân đội khắc nghiệt, nuôi nấng các con, theo dõi vô số trận đấu bóng rổ có pha ghi bàn quyết định vào phút cuối, cũng như đương đầu với các quan chức công đoàn, Kathryn quyết định sẽ không chùn bước trước một nhóm nhân viên vô hại và yêu đời sống vật chất, những người mà khó khăn lớn nhất họ từng trải qua trong đời là chiến đấu với những dấu hiệu đầu tiên của quá trình hói đầu hoặc vòng eo phình ra. Bà tin tưởng rằng nếu hội đồng quản trị cho bà đủ thời gian và không gian thì bà có thể xoay chuyển tình thế của DecisionTech. Và việc thiếu chiều sâu kinh nghiệm trong lĩnh vực phần mềm không hề khiến Kathryn lo lắng. Trên thực tế, bà cảm thấy chắc chắn điều đó sẽ mang lại lợi thế cho mình. Đa số các nhân viên điều hành dưới quyền bà đều có vẻ bị tê liệt bởi chính mớ kiến thức công nghệ của họ, như thể họ phải đích thân lập trình và thiết kế sản phẩm thì mới đưa công ty này đi lên được vậy. Kathryn biết rằng Jack Welch đâu cần là một chuyên gia sản xuất máy nướng bánh mì để làm cho GE thành công, và Herb Kelleher không cần phải lái máy bay cả đời để phát triển hãng hàng không Southwest Airlines. Bất chấp những hạn chế về kiến thức công nghệ của mình, Kathryn cảm thấy hiểu biết của bà về phần mềm doanh nghiệp và công nghệ là quá đủ để dẫn dắt DecisionTech thoát khỏi mớ hỗn độn mà họ đang vướng phải. Tuy nhiên, điều mà bà không thể ngờ đến khi nhận công việc này chính là đội ngũ nhân viên điều hành của bà bị rối loạn chức năng điều hành đến mức nào, và họ sẽ thách thức bà ra sao theo những cách mà bà chưa từng gặp phải bao giờ. CÁC NHÂN VIÊN CẤP CAO N hân viên trong công ty gọi cấp quản lý của DecisionTech là “các nhân viên cấp cao”. Không ai nhắc đến họ như một đội ngũ, và Kathryn cho rằng đây không phải là một sự ngẫu nhiên. Mặc dù các quản lý của DecisionTech đều có trí tuệ đáng nể và nền tảng giáo dục ấn tượng, nhưng hành vi mà họ thể hiện trong các buổi họp lại tồi tệ hơn những gì bà từng thấy khi còn làm trong ngành xe hơi. Tuy không có bất kỳ sự công khai đối đầu nào, cũng chẳng có ai tranh cãi điều gì, nhưng bầu không khí căng thẳng lại ngấm ngầm hiện diện trong các buổi họp của họ. Kết quả là không có quyết định nào được đưa ra; các cuộc thảo luận thì diễn ra lề mề và chán ngắt, rất ít người thật sự trao đổi ý kiến; và ai cũng có vẻ vô cùng mong đợi thời khắc các cuộc họp kết thúc. Tuy họ thể hiện rất tệ khi là một tập thể, nhưng khi xem xét từng cá nhân thì ai cũng có vẻ thiện chí và biết điều. Chỉ trừ một số ít trường hợp ngoại lệ. Jeff – nguyên ceo, hiện là giám đốc phát triển kinh doanh Vốn là người có nền tảng kiến thức rộng và thích xây dựng mạng lưới quan hệ trong Thung lũng Silicon, Jeff Shanley đã kêu gọi được một lượng vốn ban đầu đáng kể và thu hút nhiều thành viên trong ban điều hành hiện tại cho DecisionTech. Không ai có thể phủ nhận năng lực của Jeff trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư và tuyển dụng nhân tài. Nhưng khả năng quản lý lại là một câu chuyện khác. Jeff điều hành cuộc họp chẳng khác nào một anh chàng chủ tịch hội sinh viên đang làm theo từng bước được chỉ dẫn trong sách giáo khoa về nghi thức họp hành. Anh luôn thông báo nội dung trước mỗi cuộc họp, rồi gửi biên bản cuộc họp rất chi tiết sau khi kết thúc. Và không giống các cuộc họp ở đa số công ty công nghệ cao khác, các cuộc họp của Jeff thường bắt đầu đúng giờ và luôn đi đến hồi kết vào đúng thời điểm đã định. Anh không hề bận tâm đến việc chẳng có vấn đề nào được giải quyết trong các cuộc họp đó. Mặc dù bị giáng chức, Jeff vẫn có chân trong ban giám đốc. Ban đầu Kathryn lo rằng Jeff có thể sẽ ghi thù bà vì bà lấy mất công việc của anh, nhưng chẳng bao lâu sau bà nhận ra Jeff cảm thấy nhẹ nhõm khi được giải thoát khỏi trách nhiệm quản lý. Kathryn không mấy lo ngại việc Jeff có mặt trong hội đồng quản trị hay trong ban quản lý của bà. Dù sao đi nữa, bà vẫn cho rằng Jeff là người tử tế và nhiệt huyết với công ty. Mikey – nhân tài phòng marketing Marketing là một bộ phận chủ chốt ở DecisionTech, và hội đồng quản trị đã rất phấn khởi khi chiêu mộ được một người sáng giá như Michele Bebe. Mikey – biệt danh mà cô thích được gọi – nổi danh ở Thung lũng Silicon như một thiên tài về xây dựng thương hiệu. Điều này càng khiến người ta kinh ngạc khi biết cô thiếu một số phẩm chất cơ bản trong giao tiếp. Trong các cuộc họp, Mikey nói nhiều hơn ai hết. Thỉnh thoảng cô đưa ra được vài ý tưởng đột phá, nhưng phần lớn thì cô toàn ca cẩm về việc các công ty khác mà cô từng làm việc đều tốt đẹp hơn DecisionTech như thế nào. Cô nói như thể cô là người ngoài cuộc, thậm chí là nạn nhân của hoàn cảnh ở công ty mới của mình vậy. Dù Mikey chưa từng tranh cãi thẳng thừng với bất cứ đồng nghiệp nào, nhưng ai cũng biết cô hay trợn mắt tỏ vẻ khinh thường khi có đồng nghiệp bất đồng ý kiến với cô về vấn đề marketing. Kathryn nghĩ Mikey không ý thức được việc cô để lại ấn tượng như thế nào trong mắt người khác. Bà lý giải rằng không có ai cố tình hành xử như vậy cả. Vì vậy Kathryn không hề ngạc nhiên khi biết rằng dẫu tài năng và đạt được nhiều thành tựu đáng kể, Mikey vẫn là người ít được yêu thích nhất trong số các nhân viên điều hành. Về khoản ít được yêu thích này thì có lẽ Martin cũng không khá hơn Mikey là bao. Martin – kỹ sư trưởng Martin Gilmore là một trong những nhà đồng sáng lập và là nhân vật có khả năng gần giống với nhà sáng chế nhất mà DecisionTech có được. Anh đã thiết kế các tính năng cơ bản cho sản phẩm chủ chốt của công ty; và mặc dù có nhiều người khác đã góp phần tham gia quá trình phát triển sản phẩm này, nhưng các nhân viên cấp cao vẫn gọi Martin là “người nắm giữ tinh túy của chiếc vương miện”. Sự ví von này có phần xuất phát từ việc Martin đến từ Anh quốc. Martin cho rằng bản thân anh am hiểu công nghệ không kém bất kỳ ai ở Thung lũng Silicon này, và điều đó đúng. Với tấm bằng tốt nghiệp đại học hạng ưu từ các ngôi trường danh tiếng Berkeley và Cambridge, cùng lịch sử làm việc trong vai trò kỹ sư trưởng tại hai công ty công nghệ tên tuổi khác, Martin được xem là người tạo ra lợi thế cạnh tranh chủ chốt của DecisionTech, chí ít là trên phương diện nhân lực. Khác với Mikey, Martin không làm gián đoạn các cuộc họp bằng các phát biểu của mình. Trên thực tế, Martin rất ít khi tham gia các buổi họp. Không phải Martin từ chối dự họp (mà Jeff cũng không cho phép hành động thiếu kỷ luật rành rành như vậy diễn ra), mà là Martin luôn mở laptop và có vẻ liên tục kiểm tra email hay làm gì đó trong suốt buổi họp. Chỉ khi ai đó phát biểu điều gì đó thiếu chính xác thì Martin mới phải đưa ra bình luận, và thường thì đó là những bình luận mang tính châm biếm. Ban đầu, đồng nghiệp của Martin – những người luôn nể trọng tài trí của anh – vẫn chấp nhận chuyện đó, thậm chí họ còn xem những bình luận của anh là hóm hỉnh. Nhưng dần dần thì họ bắt đầu cảm thấy khó chịu. Và trong tình hình khó khăn của công ty gần đây thì cách cư xử này của Martin ngày càng trở thành một nguyên nhân gây ra sự bực mình cho nhiều người. Jr – trưởng phòng kinh doanh để tránh nhầm lẫn với Jeff Shanley, mọi người trong công ty gọi trưởng phòng kinh doanh là JR. Tên thật của anh là Jeff Rawlins, nhưng anh có vẻ thích được gọi bằng biệt danh mới của mình hơn. JR là một nhân viên kinh doanh dày dạn kinh nghiệm và ở độ tuổi giữa bốn mươi, nhìn chung anh hơi lớn tuổi hơn những người khác. Anh thường xuyên xuất hiện với làn da rám nắng, không bao giờ cư xử thô lỗ và luôn đồng ý thực hiện mọi điều mà các quản lý yêu cầu. Thật không may, JR hiếm khi làm việc gì đến nơi đến chốn. Khi nhận ra mình không hoàn thành cam kết và khiến ai đó thất vọng, anh sẽ thành khẩn xin lỗi người đó. Dẫu vậy, JR vẫn duy trì được sự tôn trọng nhất định của đồng nghiệp nhờ những thành tích trước đó của anh. Trước khi làm cho DecisionTech, anh chưa từng để hụt chỉ tiêu doanh số của bất kỳ quý nào trong toàn bộ sự nghiệp bán hàng của mình. Carlos – trưởng bộ phận hỗ trợ khách hàng Dù DecisionTech có tương đối ít khách hàng, nhưng ban điều hành cảm thấy công ty cần sớm đầu tư vào mảng dịch vụ khách hàng nhằm chuẩn bị cho những bước phát triển trong tương lai. Carlos Amador từng làm việc với Mikey ở hai công ty trước, và Mikey đã giới thiệu anh vào DecisionTech. Và việc này khá tréo ngoe vì hai người này hoàn toàn khác nhau về tính cách. Carlos rất ít nói, và khi anh mở miệng thì đó là những lời thật sự quan trọng và rất mang tính xây dựng. Anh chăm chú lắng nghe trong các cuộc họp, chăm chỉ làm việc mà không hề than phiền và thường rất khiêm tốn về những thành tích trước đây của mình khi có ai hỏi tới. Nếu trong số các nhân viên cấp cao có ai đó đáng tin cậy và khiến cấp trên không cần bận tâm nhiều, thì đó là Carlos. Kathryn cảm thấy thật may khi ít ra thì cũng có một người trong nhóm nhân viên mới không khiến bà phải lo lắng, mặc dù bà vẫn còn chút băn khoăn về việc chưa thật sự phát huy trọn vẹn vai trò chuyên môn của Carlos. Việc Carlos sẵn sàng nhận thêm trách nhiệm về quản lý chất lượng sản phẩm cùng với các nhiệm vụ không ai muốn ngó ngàng tới và không mấy hấp dẫn khác đã giúp Kathryn có thể tập trung vào các vấn đề cấp bách hơn. Jan – giám đốc tài chính Giám đốc tài chính đóng vai trò vô cùng quan trọng ở DecisionTech và sẽ luôn như vậy khi công ty còn muốn phát hành cổ phiếu ra công chúng. Jan Mersino biết rõ công việc mình phải đảm đương khi gia nhập DecisionTech, và cô là trợ lực chính của Jeff khi anh kêu gọi một lượng lớn vốn đầu tư từ những nhà tư bản và các nhà đầu tư lớn. Jan là người chú trọng các chi tiết, rất tự hào về kiến thức chuyên môn của bản thân và sử dụng tiền của công ty cẩn trọng như thể đó là tiền mồ hôi nước mắt của mình. Mặc dù hội đồng quản trị cho phép Jeff và các nhân viên cấp cao toàn quyền quyết định việc chi tiêu, nhưng đó là vì hội đồng quản trị biết Jan sẽ không bao giờ để mất kiểm soát tài chính công ty. Nick – giám đốc điều hành Thành viên cấp cao cuối cùng là nhân vật có hồ sơ rất ấn tượng. Nick Farrell từng là phó tổng giám đốc điều phối của một công g p g g p ộ g ty sản xuất máy vi tính lớn ở Midwest, và anh đã chuyển cả gia đình đến California để nhận việc tại DecisionTech. Chẳng may, Nick đảm nhiệm vị trí không được xác định rõ ràng nhất ở DecisionTech. Vai trò chính thức của Nick là giám đốc điều hành, nhưng chỉ bởi vì anh đã đề nghị chức danh đó lúc mới đầu quân về công ty. Jeff và hội đồng quản trị đã trao cho Nick chức danh đó, vì họ tin tưởng nếu anh giữ vững phong độ làm việc như trước giờ thì trong vòng một năm anh sẽ trở nên xứng đáng với vai trò giám đốc điều hành. Quan trọng hơn nữa, hội đồng quản trị trước giờ có xu hướng tuyển dụng những nhân viên cấp cao xuất sắc, nên việc mất Nick sẽ làm tổn hại đến danh tiếng tuyển dụng của họ. Trong số tất cả nhân viên cấp cao của DecisionTech, Nick là người trực tiếp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những lừng khừng trong giai đoạn đầu của công ty. Trước những hạn chế trong kỹ năng quản lý của Jeff, Nick được tuyển dụng để làm mũi nhọn mở đường cho sự phát triển của DecisionTech, bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng vận hành, mở các văn phòng mới trên toàn thế giới và dẫn dắt quá trình thu mua cũng như sát nhập của công ty. Phần lớn những nhiệm vụ này của anh hiện đang bị tạm hoãn, khiến cho công việc hàng ngày của anh không còn mấy ý nghĩa. Mặc dù cảm thấy buồn bực vì chuyện này nhưng Nick không hề công khai than phiền. Ngược lại, anh cố gắng xây dựng các mối quan hệ, cho dù đôi khi không sâu sắc lắm, với mỗi đồng nghiệp của mình, những người mà anh âm thầm tự cho là kém hơn mình. Và mặc dù chẳng bao giờ nói ra điều này với đồng nghiệp nào, Nick cảm thấy anh là thành viên duy nhất trong ban điều hành phù hợp với chức danh CEO. Nhưng điều này sẽ sớm được làm rõ. Phần 2 MỒI LỬA KHẢO NGHIỆM ĐẦU TIÊN Đ ó là một email như bao email “tiêu chuẩn” khác mà Kathryn nhận mỗi ngày, sau một thời gian đảm nhiệm vị trí CEO. Dòng tiêu đề – “Gặp khách hàng tiềm năng vào tuần sau” – nghe có vẻ vô thưởng vô phạt, thậm chí là có chút tích cực, nhất là khi email này đến từ Martin – vị kỹ sư trưởng hay nói lời châm biếm. Và nội dung email rất ngắn gọn. Những email tồi tệ nhất thường như vậy. Email này không được gửi đích danh cho bất kỳ ai mà gửi đến toàn thể các nhân viên cấp cao, và điều này hoàn toàn không phản ánh được tiềm năng hấp dẫn mà nó chứa đựng. Email viết: Mới nhận được một cuộc gọi của Công ty sản xuất ASA. Họ muốn tìm hiểu sản phẩm của chúng ta để cân nhắc đặt hàng trong quý tới. JR và tôi sẽ đi gặp khách hàng này vào tuần sau. Đây có thể là một cơ hội lớn. Chúng tôi sẽ sớm cập nhật về việc này vào thứ Ba tuần sau. Sự việc càng trở nên tồi tệ hơn cho Kathryn khi Martin không đề cập rằng lịch gặp khách hàng trùng với thời gian diễn ra chương trình nghỉ dưỡng kết hợp làm việc ngoài công ty dành cho các nhân viên cấp cao. Martin không hề xin phép vắng mặt trong một ngày rưỡi của chương trình, vì anh không cảm thấy cần phải làm vậy, hoặc vì anh muốn né tránh vấn đề này. Kathryn cho rằng dù là lý do nào đi nữa thì cũng không quan trọng. Kathryn tính viết email phản hồi cho Martin nhằm tránh đụng độ trực tiếp, nhưng bà đã cưỡng lại ý định đó. Bà quyết định đây là lúc bắt đầu thể hiện vai trò CEO của mình, và bà biết trong những tình huống mang tính quyết định như thế này thì cách nói chuyện trực tiếp vẫn là tốt nhất. yệ ự p Kathryn tìm thấy Martin khi anh đang ngồi trong văn phòng đọc email. Anh ngồi quay lưng lại với cánh cửa đang mở, nhưng bà đã không gõ cửa. “Xin lỗi, Martin”, Kathryn cất tiếng và đợi Martin quay mặt lại, một việc mà anh rõ ràng là phải mất nhiều thời gian để làm. Sau đó bà nói tiếp,“Tôi vừa thấy email của anh về khách hàng ASA”. Martin gật đầu, và Kathryn tiếp tục,“Đó là một thông tin rất tuyệt. Nhưng chúng ta sẽ phải dời cuộc hẹn đó vài ngày để thực hiện chương trình nghỉ dưỡng kết hợp làm việc ngoài công ty”. Martin im lặng trong một khoảnh khắc và có vẻ hơi lúng túng, rồi anh trả lời một cách vô cảm bằng chất giọng Anh đặc sệt, “Tôi nghĩ chị không hiểu rồi. Đây là một cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng. Chị không thể dời hẹn…”. Kathryn ngắt lời và đáp một cách quả quyết,“Không, tôi hiểu chứ. Nhưng tuần sau thì khách hàng vẫn còn ở đó”. Không quen với việc bị công kích trực tiếp, Martin trở nên hơi kích động, “Nếu mối quan tâm của chị là chuyến đi đến Napa, thì tôi nghĩ chúng ta đang đặt nhầm thứ tự ưu tiên ở đây. Chúng ta cần phải ra ngoài kia tiếp cận các cơ hội bán hàng chứ!”. Kathryn hít một hơi thật sâu và mỉm cười để che đậy sự tức giận của mình. “Trước tiên, ngay tại thời điểm này tôi chỉ có một ưu tiên duy nhất là chúng ta cần tập hành động như một đội, nếu không chúng ta sẽ chẳng bán được thứ gì cả.” Martin không nói gì. Sau năm giây im lặng đầy khó chịu, Kathryn kết thúc cuộc đối thoại, “Thế nên, hẹn gặp anh ở Napa tuần sau”. Bà quay lưng đi ra khỏi văn phòng, rồi lại quay lại nhìn Martin. “À, và nếu anh cần hỗ trợ để dời lịch hẹn với ASA thì cho tôi biết nhé. Tôi có quen Bob Tennyson, CEO của ASA. Anh ta từng ngồi trong hội đồng quản trị công ty Trinity với tôi, và anh ta vẫn còn nợ tôi một lần hỗ trợ”. Nói rồi, bà rời khỏi văn phòng của Martin. Mặc dù quyết định không nói gì thêm vào lúc này, nhưng Martin vẫn chưa ngừng đấu tranh. J LÈO LÁI eff ghé qua văn phòng của Kathryn vào sáng hôm sau và mời bà đi ăn trưa. Kathryn đã lên kế hoạch làm một vài việc lặt vặt vào giờ đó, nhưng bà vẫn vui vẻ xếp lại lịch làm việc để có thời gian đi ăn cùng một trong những nhân viên trực tiếp dưới quyền mình. Còn Jeff thì nghĩ rằng nhà hàng Mexico cổ nhất ở Vịnh Half Moon là một nơi lý tưởng cho những cuộc trò chuyện cam go, vì đa số thực khách ở đây đều là dân bản xứ. Trước khi Jeff có thể mở lời về chủ đề mà anh muốn thảo luận, Kathryn đã chủ động đưa ra ý kiến của mình. “Jeff, tôi muốn cảm ơn anh đã điều hành các cuộc họp cấp cao trong hai tuần qua. Việc đó giúp tôi có thể dành nhiều thời gian để quan sát mọi thứ hơn.” Jeff đã lịch sự gật đầu nhận lời cảm ơn đơn giản nhưng chân thành của Kathryn. Bà nói tiếp,“Sau cuộc họp ở Napa sắp tới, tôi sẽ bắt đầu phụ trách các buổi họp tại công ty. Nhưng tôi muốn anh biết rằng anh không cần e dè trong các cuộc họp. Anh nên tham gia tích cực như các thành viên cấp cao khác”. Jeff gật đầu,“Được thôi. Không vấn đề gì”. Anh ngừng lại một chút rồi lấy hết can đảm nói ra lý do dẫn đến lời mời ăn trưa hôm nay. Vừa lo lắng chỉnh lại muỗng nĩa trên bàn, anh vừa nói, “Sẵn lúc chị đề cập đến chuyến đi sắp tới, tôi muốn hỏi chị một chuyện”. “Anh cứ hỏi đi”, Kathryn cảm thấy hơi buồn cười vì sự dè dặt của Jeff. Và bởi vì đã dự đoán được câu hỏi sẽ liên quan đến cuộc chạm trán giữa mình và Martin, bà hoàn toàn điềm tĩnh và tự tin. “À, hôm qua, khi ra khỏi văn phòng, tôi đã nói chuyện với Martin ở bãi xe.” Jeff nói rồi dừng lại, chờ đợi Kathryn sẽ chen vào và tiếp tục câu chuyện từ đó. Nhưng Kathryn vẫn im lặng, thế nên anh phải nói tiếp. “À, anh ấy nói với tôi về vấn đề trùng thời gian giữa cuộc hẹn với ASA và chuyến đi Napa.” Jeff lại dừng, hy vọng sếp mới của mình sẽ làm ơn tiếp lời. Lần này Kathryn thật sự tiếp lời, nhưng chỉ để khiến Jeff phải tiếp tục câu chuyện. Bà hỏi, “À, rồi sao?”. Jeff nuốt nước bọt và nói tiếp,“À, Martin tin, và thật ra tôi cũng đồng tình với anh ấy trong chuyện này, là cuộc họp với khách hàng thì quan trọng hơn cuộc họp nội bộ. Và vì vậy, nếu Martin và JR có lỡ mất một ngày rưỡi của chuyến đi thì tôi nghĩ cũng không có vấn đề gì”. Kathryn cẩn trọng lựa lời để diễn đạt. “Jeff, tôi hiểu ý của anh, và tôi không hề phật lòng khi anh bất đồng ý kiến với tôi, đặc biệt khi anh nói chuyện trực tiếp với tôi như thế này.” Trong một khoảnh khắc, Jeff tỏ ra nhẹ nhõm trông thấy. “Tuy nhiên, tôi được tuyển dụng để làm cho tổ chức này hoạt động hiệu quả, và hiện giờ thì nó chưa hoạt động hiệu quả.” Trông Jeff có vẻ đang phân vân xem nên tiếp tục nhún nhường hay giận dữ, nên Kathryn nói rõ,“Tôi không có ý chỉ trích những gì anh đã làm cho tới thời điểm này, vì theo tôi thì không ai quan tâm công ty này hơn anh”. Khi cái tôi của Jeff đã được thỏa mãn, Kathryn liền đi thẳng vào trọng tâm vấn đề. “Nhưng xét từ góc độ của một đội ngũ thì chúng ta hoàn toàn thất bại. Và một cuộc họp bán hàng sẽ không tạo được tác động có ý nghĩa nào cho tương lai của chúng ta, ít nhất là cho đến khi chúng ta giải quyết được những vấn đề về quản lý của DecisionTech.” Vì không biết rõ Kathryn lắm nên Jeff quyết định rằng nếu cứ tiếp tục tranh luận thì mọi việc cũng chẳng đi tới đâu, thậm chí việc này có thể cản trở bước đường sự nghiệp của bản thân. Anh gật đầu như thể muốn nói rằng, “Được rồi, nếu chị quyết định như vậy thì cứ vậy đi”. Sau đó hai người tán gẫu và ăn một trong những bữa trưa chóng vánh nhất lịch sử Vịnh Half Moon trước khi trở về công ty. VẠCH RÕ RANH GIỚI C uộc đối thoại với Jeff không hề khiến Kathryn bối rối. Bà đã đoán là sẽ có vài phản ứng về sự vụ với Martin từ những nhân viên mà bà được trao quyền quản lý. Nhưng bà không nghĩ sẽ nhận được phản ứng từ chính ngài chủ tịch. Khi ngài chủ tịch liên lạc với bà tối hôm đó, thoạt đầu bà cứ tưởng ông gọi để động viên bà. “Tôi vừa nói chuyện xong với Jeff”, ông nói bằng giọng thân thiện. “Vậy là chắc anh cũng đã nghe về vụ chạm trán giữa tôi và Martin.” Thái độ tự tin và hài hước của Kathryn khiến ngài chủ tịch cảm thấy thêm phần nghiêm trọng. “Đúng vậy, và tôi thấy hơi lo lắng.” Kathryn hơi giật mình. “Anh cảm thấy lo lắng?” “Nghe này, Kathryn, cô biết là tôi không muốn bảo cô phải làm thế nào trong chuyện này, nhưng có lẽ cô nên cố gắng tạo vài đường lui trước khi châm lửa.” Kathryn im lặng một chút trước khi đáp lời. Mặc dù ngạc nhiên với sự lo ngại của ngài Chủ tịch, bà vẫn vô cùng bình tĩnh và lập tức chuyển sang phong thái của một CEO. “Được rồi, những gì tôi sắp chia sẻ với anh không hề có ý xúc phạm hay thô lỗ.” “Tôi biết, Kathryn.” “Tốt, vì tôi sẽ không nói vòng vo, đặc biệt là với anh.” “Tôi rất cảm kích điều đó.” “Có thể anh sẽ không còn cảm thấy như vậy sau khi nghe những gì tôi phải nói đâu.” Ông gượng cười, “Được rồi, tôi đang ngồi xuống để nghe đây”. “Đầu tiên, đừng nghĩ là tôi chỉ tự tiện châm lửa cho vui. Tôi đã tỉ mỉ quan sát những con người này suốt hai tuần vừa qua, và mọi điều tôi đang làm, cùng với mọi điều tôi sẽ làm là hoàn toàn có chủ ý và có mục đích. Tôi không hề ‘chỉnh’ Martin vì một phút bốc đồng.” “Tôi biết, chỉ là…” Kathryn cắt ngang một cách lịch sự. “Anh nghe tôi nói hết đã. Điều này rất quan trọng.” “Được rồi, cô nói tiếp đi.” “Nếu anh biết phải làm những gì tôi đang cố gắng làm thì ắt hẳn anh đã không cần thuê tôi vào công ty. Đúng chứ?” “Đúng vậy.” “Anh thấy đấy, tôi vô cùng đánh giá rất cao sự quan tâm của anh dành cho DecisionTech và cả cho tôi nữa. Tôi biết anh có ý tốt cho cả hai. Nhưng với cuộc gọi này, tôi có thể nói rằng ý tốt của anh đang gây hại cho công ty hơn là giúp ích cho nó.” “Xin lỗi, nhưng tôi chưa hiểu ý cô.” Kathryn nói tiếp. “Trong hơn mười tám tháng vừa qua, anh đã sát cánh cùng Jeff và toàn bộ đội ngũ hơn bất kỳ một vị chủ tịch hội đồng quản trị nào từng làm, và anh đã quan sát thấy đội ngũ này ngày càng lún sâu vào sự lệch lạc và hỗn loạn. Rồi anh đề y g y g ự ệ ạ ạ nghị tôi giúp anh kéo đội ngũ này ra khỏi mớ bòng bong đó. Đó là điều anh mong muốn mà, đúng không?” “Chính xác. Đó chính là điều tôi muốn.” “Vậy tôi có một câu hỏi dành cho anh. Anh có chuẩn bị tinh thần đón nhận những hệ quả khi để tôi làm việc này không? Anh đừng trả lời ngay bây giờ.” Kathryn lên tiếng ngăn chặn khi ngài chủ tịch vừa định mở lời. “Hãy dành ít phút suy nghĩ trước đã.” Bà để ngỏ câu hỏi ở đó và nói tiếp. “Điều này sẽ không dễ dàng, cũng chẳng đẹp đẽ gì, đối với cả công ty, đối với dàn nhân viên cấp cao, đối với tôi và đối với anh nữa.” Ngài chủ tịch vẫn im lặng, cố cưỡng lại ý muốn trấn an bà rằng ông đã có mọi sự chuẩn bị cần thiết. Kathryn xem sự im lặng này đồng nghĩa với việc bà có thể tiếp tục trình bày ý kiến của mình. “Có lẽ anh từng nghe chồng tôi nói một đội nhóm rời rạc cũng giống như cái chân hay cái tay bị gãy; việc chữa lành nó bao giờ cũng rất đau, và đôi lúc anh phải làm gãy nó lần nữa để điều trị đúng cách. Và quá trình làm gãy đó sẽ đau đớn hơn lần gãy ban đầu, vì anh cố ý bẻ gãy nó.” Sau một hồi trầm lặng suy nghĩ, ngài chủ tịch nói, “Được rồi, Kathryn, tôi hiểu ý của cô. Hãy làm bất cứ điều gì cô cần làm. Tôi sẽ không xen vào nữa”. Kathryn có thể nhận ra ngài chủ tịch nói thật lòng. Sau đó ông hỏi, “Nhưng tôi có một câu hỏi cuối cùng. Cô phải ‘bẻ gãy’ bao nhiêu người trong đội ngũ này nữa?”. “Tôi sẽ có câu trả lời vào cuối tháng này.” K NAPA athryn chọn thung lũng Napa cho chuyến dã ngoại kết hợp họp nội bộ lần này vì nó đủ gần với công ty để giảm thiểu chi phí và thời gian đi lại, nhưng cũng đủ xa để có cảm giác thoát khỏi sự ồn ào của thành thị. Và bất kể đã đến thung lũng này bao nhiêu lần đi nữa, người ta vẫn sẽ có cảm giác dễ chịu hơn khi đến nơi này. Nơi cuộc họp diễn ra là một quán trọ nhỏ ở thị trấn Yountville. Kathryn thích địa điểm này vì nó có giá cả hợp lý trong mùa thấp điểm và có một phòng họp lớn thoải mái. Phòng họp này nằm trên tầng hai, có ban công riêng và nhìn ra cánh đồng nho bao la. Cuộc họp sẽ bắt đầu lúc chín giờ sáng. Điều này có nghĩa là đa số các thành viên trong nhóm phải rời nhà khá sớm để đến nơi kịp giờ. Vào khoảng 8 giờ 45, mọi người đều có mặt, đăng ký gửi hành lý ở quầy tiếp tân và ngồi vào bàn họp. Mọi người, trừ Martin. Mặc dù không ai nói gì về Martin, nhưng cách mọi người liên tục nhìn đồng hồ cũng đủ thấy họ đều đang tự hỏi không biết Martin có đến đúng giờ không. Ngay cả Kathryn cũng có vẻ lo lắng. Bà không muốn việc đầu tiên trong buổi họp hôm đó là khiển trách một nhân viên đến trễ. Rồi trong một khoảnh khắc, bà chợt cảm thấy hốt hoảng, tự hỏi bản thân sẽ phải làm gì nếu Martin không xuất hiện. Bà không thể cứ đuổi việc anh ấy vì vắng mặt trong cuộc họp được, đúng không? Bà có được sự ủng hộ lớn đến mức đó từ hội đồng quản trị không? Rốt cuộc thì anh chàng Martin này có giá trị đến mức nào đối với công ty? g y g ị g y Khi Martin bước vào cửa phòng họp vào lúc 8 giờ 59, Kathryn kín đáo thở dài nhẹ nhõm và tự trách mình đã lo lắng thái quá. Bà hài lòng khi biết cuối cùng bà đã có thể bắt đầu thực hiện điều mà mình chờ đợi gần một tháng qua. Và cho dù có băn khoăn về thái độ của những người đang ngồi quanh bàn họp, Kathryn không thể phủ nhận rằng những khoảnh khắc như thế này chính là một phần quan trọng trong lý do bà thích làm một nhà lãnh đạo. BÀI PHÁT BIỂU M artin ngồi vào chiếc ghế còn trống duy nhất ở cuối bàn, đối diện với vị trí của Kathryn. Ngay khi vừa ngồi xuống, anh lấy laptop ra khỏi túi xách và đặt lên bàn ngay trước mặt, vẫn để máy đóng. Quyết tâm không để bản thân bị phân tâm, Kathryn mỉm cười, chào hỏi các nhân viên của mình một cách điềm tĩnh và trang nhã. “Xin chào buổi sáng. Tôi xin phép được bắt đầu bằng vài lời chia sẻ sau đây. Và đây sẽ không phải là lần cuối tôi nói những điều này.” Không ai biết Kathryn thật sự rất nghiêm túc khi nói câu đó. “Chúng ta có một đội ngũ điều hành giàu kinh nghiệm và tài năng hơn bất cứ đối thủ nào của mình. Chúng ta có nguồn vốn dồi dào hơn họ. Nhờ Martin và đội nhóm của anh, chúng ta có nền tảng công nghệ mạnh hơn. Và chúng ta có một ban giám đốc quyền lực hơn của đối thủ. Thế nhưng, với tất cả những thuận lợi đó, chúng ta lại đứng sau hai đối thủ cạnh tranh của mình về cả doanh thu lẫn tốc độ phát triển khách hàng. Có ai trong phòng họp này có thể cho tôi biết lý do không?” Im lặng. Kathryn nói tiếp, vẫn với thái độ thân thiện như lúc bắt đầu. “Sau khi nói chuyện với từng thành viên trong hội đồng quản trị, và gặp gỡ từng người các vị, rồi nói chuyện với đa số nhân viên của chúng ta, tôi thấy rất rõ vấn đề mà chúng ta đang gặp phải.” Bà dừng lại một chút trước khi nói hết ý của mình. “Chúng ta không phải là một đội ngũ làm việc hiệu quả. Trên thực tế, chúng ta là một đội ngũ rối loạn về chức năng làm việc nhóm.” Vài người liếc nhìn Jeff xem anh phản ứng thế nào. Có vẻ anh vẫn ổn, nhưng Kathryn đã nhận ra bầu không khí căng thẳng trong phòng. “Tôi không nói ra điều này để buộc tội Jeff hay bất kỳ ai cả, mà đó là tình hình thực tế. Đó là thực trạng mà chúng ta sẽ bắt đầu tìm cách xử lý trong hai ngày tới. Và tôi hiểu mọi người cảm thấy nực cười cũng như khó tin như thế nào khi phải rời công ty trong nhiều ngày như vậy vào tháng này. Nhưng sau khi kết thúc tất cả thì những ai còn ở lại sẽ hiểu tại sao việc này quan trọng đến vậy.” Câu phát biểu cuối cùng của bà đã làm mọi người chú ý. “Đúng vậy. Tôi muốn nói trước rằng DecisionTech sẽ có một số thay đổi trong vài tháng tới, và có khả năng là một vài người trong số chúng ta sẽ nhận ra rằng công ty sau khi thay đổi sẽ không còn là nơi mà mình muốn làm việc nữa. Tôi không hề có ý đe dọa hay nói quá, và tôi cũng không có ý định nhắm vào ai cả. Đó chỉ là một khả năng có thể xảy ra, và chúng ta không có lý do gì để phủ nhận nó. Tất cả chúng ta đều hoàn toàn có thể tìm được công việc mà mình mong muốn, và nghỉ việc không phải là tận thế đối với bất kỳ ai, khi đó là điều cần làm vì công ty – và vì đội nhóm.” Kathryn đứng lên và đi về phía tấm bảng trắng, cẩn trọng không tỏ ra kiêu ngạo hay trịch thượng. “Hãy để tôi khẳng định với những ai còn đang băn khoăn về tất cả những điều này rằng mọi điều chúng ta sẽ làm chỉ nhắm đến một mục tiêu duy nhất: làm cho công ty này thành công. Chỉ có vậy. Chúng ta sẽ không chơi trò leo cây đuổi bắt nhau ở đây.” Một vài người khẽ cười. “Và chắc chắn chúng ta sẽ không nắm tay nhau hát hò hay chơi trò ở trần tắm mưa.” Ngay cả Martin cũng mỉm cười trong lúc những người khác cười phá lên. “Tôi muốn đảm bảo với mọi người rằng, chúng ta có mặt tại đây – trong cuộc họp ngoài công ty – hay hiện diện trong công ty mỗi ngày chỉ vì một lý do duy nhất: để đạt được những thành quả. Theo tôi, đây là thước đo đúng nghĩa duy nhất để đánh giá một đội nhóm, và đó cũng là trọng tâm của mọi việc mà chúng ta sẽ làm hôm nay, cũng như trong thời gian tôi làm việc ở DecisionTech. Kỳ vọng của tôi là năm sau và năm sau nữa, chúng ta sẽ có thể xem xét lại tốc độ phát triển doanh thu, lợi nhuận, mức độ hài lòng và trung thành của khách hàng, và nếu tình hình thị trường thuận lợi thì có thể tính đến cả việc phát hành cổ phiếu ra công chúng. Nhưng tôi có thể cam đoan một điều là tất cả những mong muốn đó sẽ không thành hiện thực nếu chúng ta không cùng nhau giải quyết các vấn đề cản trở chúng ta làm việc hiệu quả như một đội nhóm.” Kathryn tạm dừng để mọi người nghiền ngẫm thông điệp đơn giản của bà, rồi bà nói tiếp. “Vậy thì chúng ta phải làm gì? Qua nhiều năm kinh nghiệm, tôi nhận ra có năm lý do làm rối loạn hoạt động đội nhóm.” Ngay sau đó, Kathryn vẽ lên bảng một hình tam giác và kẻ bốn vạch ngang để chia hình tam giác đó thành năm phần. Vẽ xong, bà nói tiếp. “Trong hai ngày tới, chúng ta sẽ lần lượt hoàn chỉnh mô hình này và xử lý từng vấn đề một. Và các anh chị sẽ sớm nhận ra những vấn đề này không hề phức tạp. Thật ra, chúng rất đơn giản về mặt lý thuyết. Cái khó là khi đưa vào thực hành.” “Ngay bây giờ tôi sẽ bắt đầu với điểm chết thường gặp thứ nhất của một đội nhóm: thiếu sự tin tưởng.” Bà xoay người và viết ộ ộ ự g y g cụm từ này vào phần dưới cùng của hình tam giác trên bảng. Các thành viên đọc thầm các từ này, và đa số họ đều nhíu mày như muốn nói, Chỉ vậy thôi sao? Kathryn đã quen với điều này, và bà nói tiếp. “Sự tin tưởng là nền tảng của tinh thần làm việc nhóm đích thực. Và do đó, điểm chết đầu tiên nằm ở việc các thành viên trong đội có phần không hiểu và không cởi mở với nhau. Và nếu điều này nghe có vẻ sướt mướt quá thì hãy để tôi giải thích, bởi vì hoàn toàn không có điều gì ủy mị ở đây cả. Sự thấu hiểu và cởi mở này là một phần vô cùng quan trọng trong việc xây dựng đội nhóm. Trên thực tế, đó là phần thiết yếu.” Rõ ràng là có vài người trong phòng họp cần được giải thích thêm về điều này. “Những thành viên trong một đội nhóm xuất sắc sẽ không dè chừng lẫn nhau”, Kathryn nói thêm. “Họ không ngại phơi bày khuyết điểm của bản thân. Họ thừa nhận sai lầm, điểm yếu và những trăn trở của mình mà không sợ bị công kích.” Hầu hết các thành viên có vẻ chấp nhận quan điểm này, nhưng không hăng hái cho lắm. Kathryn tiếp tục nhấn mạnh. “Thực tế là, nếu chúng ta không tin tưởng nhau – và theo tôi thì có vẻ là như vậy – thì chúng ta không thể trở thành một đội nhóm có thể cùng nhau gặt hái thành quả cuối cùng. Và vì vậy, đó là điều đầu tiên chúng ta cần tập trung giải quyết.” CHỐNG CHẾ C ăn phòng chìm trong yên lặng, cho đến khi Jan giơ tay. Kathryn mỉm cười, “Đúng là trước đây tôi từng là giáo viên, nhưng mọi người không nhất thiết phải giơ tay xin phép phát biểu đâu. Hãy tự nhiên phát biểu khi có ý kiến bất cứ lúc nào”. Jan gật đầu và đặt câu hỏi. “Tôi không có ý tiêu cực hay gây mâu thuẫn gì đâu, tôi chỉ thắc mắc tại sao chị lại nghĩ là chúng tôi không tin tưởng lẫn nhau. Có khi nào do chị chưa thật sự hiểu rõ chúng tôi hay không?” Kathryn ngừng lại một lúc để suy nghĩ về câu hỏi, bà muốn trả lời thật thấu đáo. “Jan, nhận định của tôi dựa trên dữ liệu rõ ràng. Đó là những lời nhận xét cụ thể từ hội đồng quản trị, các nhân viên và cả nhiều người trong số các anh chị nữa.” Jan có vẻ đã hài lòng với câu trả lời, nhưng Kathryn vẫn nói tiếp. “Nhưng tôi phải nói rằng trên cả những điều được nghe kể, tôi đã nhìn thấy sự thiếu hụt niềm tin trong đội qua sự thiếu tranh luận trong các cuộc họp và trong các tương tác khác của những thành viên trong đội. Nhưng hiện tại tôi không muốn đi sâu vào vấn đề này, vì đó là một phần khác của mô hình mà tôi sẽ nói tới.” Nick không dễ cho qua, anh lên tiếng, “Nhưng điều đó đâu phải lúc nào cũng có nghĩa là chúng ta thiếu tin tưởng lẫn nhau, đúng không?”. Câu hỏi của anh mang tính khẳng định nhiều hơn bất kỳ thứ gì khác. Mọi người trong phòng họp, kể cả Martin và Mikey, đều có vẻ hào hứng chờ câu trả lời của Kathryn. “Đúng rồi, không nhất thiết như vậy.” Kathryn đáp lại. Nick hài lòng vì câu bình luận của mình có vẻ đúng, cho đến khi Kathryn nói rõ hơn. “Về lý thuyết, nếu mọi người đều đồng thuận và nhất trí hướng về các mục tiêu chung mà không có bất kỳ rối loạn nào, thì tôi nghĩ việc không tranh luận là dấu hiệu đáng mừng.” Vài thành viên trong nhóm bắt đầu cười ngượng ngùng khi nghe một miêu tả mà họ biết là không hề đúng với tình trạng hiện tại. Vẻ hài lòng của Nick biến mất. Kathryn tiếp tục giải thích cho Nick. “Nhưng tôi phải nói rằng tất cả các đội nhóm làm việc hiệu quả mà tôi đã từng quan sát đều có mức độ tranh luận cao. Ngay cả một đội tin tưởng nhau nhất cũng tranh luận rất nhiều.” Đến đây, Kathryn đặt câu hỏi cho cả phòng. “Theo các anh chị thì tại sao nhóm chúng ta lại quá ít thảo luận hay tranh luận với nhau?” Ban đầu không có ai trả lời, và Kathryn cứ để mọi người ngồi trong sự yên lặng khó chịu. Rồi Mikey lẩm bẩm điều gì đó. “Xin lỗi, Mikey. Tôi không nghe rõ cô nói gì.” Kathryn cố gắng che giấu sự chán ghét của mình đối với các câu nhận xét mỉa mai. Đây là một kỹ năng mà bà có được từ thời đi dạy. Mikey phân trần, với giọng to hơn. “Không có đủ thời gian. Tôi nghĩ chúng ta đều rất bận rộn nên không có thời gian tranh luận dông dài về những vấn đề nhỏ. Chúng ta đang ngập chìm trong một núi việc rồi còn gì.” Kathryn cảm thấy những người khác có thể không đồng ý với Mikey, nhưng bà không biết có ai dám cất tiếng phản bác cô ấy không. Ngay trước khi Kathryn đích thân làm việc đó thì Jeff ngập ngừng lên tiếng. “Tôi không hoàn toàn đồng ý với cô, Mikey. Tôi không nghĩ chúng ta thiếu thời gian tranh luận. Tôi nghĩ chúng ta không cảm thấy thoải mái khi phải tranh luận với nhau. Và tôi không biết tại sao lại như vậy.” Mikey nhanh nhảu đáp lời, khá là sắc bén. “Có lẽ vì các cuộc họp của chúng ta luôn quá hình thức và nhàm chán.” Bản tính bảo bọc của người mẹ khiến Kathryn muốn đứng ra để bảo vệ Jeff, một phần là để đáp lại việc anh đã dám đứng lên tranh luận với Mikey. Nhưng bà quyết định cho qua. Sau một khoảng lặng ngắn, Carlos từ tốn phát biểu, nhưng anh không nói với riêng Mikey mà là với cả nhóm, như thể câu nhận xét vừa rồi là của tất cả mọi người. “Chờ chút nào, mọi người. Tôi đồng ý các cuộc họp của chúng ta hơi nhàm chán và vấn đề cần thảo luận thì quá nhiều. Nhưng tôi nghĩ lẽ ra chúng ta đã có thể tranh luận với nhau nhiều hơn. Chắc chắn chúng ta không đồng ý với nhau về mọi việc.” Nick nói ngay,“Tôi không nghĩ chúng ta nhất trí về bất cứ vấn đề gì”. Tất cả đều bật cười – trừ Martin, người vừa mới bật laptop lên. Kathryn tham gia vào cuộc thảo luận sôi nổi. “Vậy là các anh chị không nhất trí về hầu hết mọi việc, nhưng lại không sẵn lòng thừa nhận những quan ngại của mình. Tôi không phải là tiến sĩ tâm lý học, nhưng khi nghe những điều này thì tôi có thể biết đó chính là vấn đề của sự thiếu tin tưởng.” Vài người trong phòng đã thật sự gật đầu đồng ý với Kathryn, một điều khiến bà cảm kích hệt như buồn ngủ mà gặp được chiếu manh vậy. Rồi âm thanh gõ bàn phím vang lên. Martin, người hoàn toàn không tham gia vào cuộc thảo luận hiện tại, đang say sưa lướt bàn phím hệt như... à, hệt như một kỹ sư lập trình máy vi tính. Bị tiếng ồn làm mất tập trung, mọi người liếc nhìn Martin trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Và điều đó là quá đủ để phá vỡ đà tranh luận mà mọi người đang có. Từ cuộc họp ban quản lý đầu tiên mà mình quan sát, Kathryn đã cảm thấy vừa thú vị vừa sợ hãi khoảnh khắc này. Và mặc dù rất muốn tránh đụng độ với Martin lần nữa, nhất là vào buổi sáng như hôm nay, nhưng bà sẽ không bỏ qua cơ hội này. VÀO VÙNG NGUY HIỂM S ự căng thẳng trong phòng họp bắt đầu tăng lên khi Kathryn nhìn Martin mải miết gõ bàn phím ở phía đối diện của bàn họp. Không ai cho rằng Kathryn sẽ lên tiếng. Nhưng đó là vì họ chưa hiểu rõ bà. “Xin lỗi, Martin.” Martin hoàn tất câu đánh máy và nhìn lên để cho sếp của mình biết là anh đã nghe thấy bà nói. “Anh đang xử lý công việc à?” Câu hỏi của Kathryn rất chân thành và không có chút gì châm biếm. Cả phòng lặng như tờ. Mọi người đang nóng lòng chờ đợi đáp án cho câu hỏi mà họ đã muốn đặt ra trong suốt hai năm qua. Trông Martin như thể chẳng buồn trả lời, nhưng rồi anh đáp, “Thật ra thì tôi đang ghi chép”, và sau đó lại tiếp tục đánh máy. Kathryn vẫn điềm tĩnh và tiếp tục nói với giọng ôn hòa. “Tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để nói về các quy tắc căn bản cho buổi họp ngoài công ty, cũng như cho mọi cuộc họp sắp tới của chúng ta.” Martin rời mắt khỏi máy tính và nhìn lên, trong khi Kathryn tiếp tục nói với cả nhóm. “Tôi không có nhiều quy tắc dành cho các cuộc họp. Nhưng có một vài quy tắc tôi tuân thủ triệt để.” Mọi người đều đợi Kathryn bắt đầu. “Về cơ bản, tôi muốn các anh chị thực hiện hai điều: hiện diện và tham gia. Điều đó có nghĩa là mọi người cần chú tâm tham gia mọi cuộc thảo luận mà chúng ta đề cập đến trong buổi họp.” Ngay cả Martin cũng biết khi nào nên nhún nhường. Anh đặt câu hỏi, nhưng với giọng điệu khá ôn hòa mà cả nhóm không quen nghe được từ vị đồng nghiệp đứng đầu bộ phận công nghệ này. “Thế khi cuộc nói chuyện không liên quan tới tất cả mọi người thì sao? Đôi khi chúng ta nói đến những chủ đề mà đúng ra nên được trao đổi riêng giữa hai người chẳng hạn.” “Đó là một ý kiến hay.” Kathryn từ từ kéo Martin vào cuộc thảo luận. “Nếu đến một lúc nào đó chúng ta cho rằng mình đang lãng phí thời gian của cả nhóm để giải quyết một vấn đề vốn nên được xử lý bên ngoài cuộc họp, thì mọi người nên nêu ý kiến đó lên.” Martin tỏ vẻ hài lòng vì Kathryn đồng ý với anh. Kathryn nói tiếp. “Nhưng đối với các chủ đề khác, tôi muốn mọi người phải tập trung hoàn toàn. Và mặc dù tôi hiểu một số người thích dùng máy vi tính hơn là sổ để ghi chép, như anh, Martin, nhưng tôi vẫn thấy việc này quá gây mất tập trung. Người khác có thể dễ dàng nghĩ anh đang kiểm tra email hay làm việc khác.” Mikey quyết định “giải cứu” Martin, điều mà Martin không muốn và cũng không cần tới. “Kathryn, tôi vô cùng tôn trọng chị, nhưng chị chưa từng làm việc trong môi trường công nghệ cao, và hành động gõ laptop trong cuộc họp là điều rất phổ biến ở các công ty phần mềm. Ý tôi là, có thể trong các công ty sản xuất xe hơi thì không phải như vậy, nhưng…” Kathryn ngắt ngang một cách hòa nhã. “Trên thực tế, điều này rất phổ biến ở các công ty sản xuất xe hơi. Tôi cũng gặp vấn đề tương tự ở đó. Đây là một vấn đề về hành vi hơn là vấn đề công nghệ.” g ệ Jeff gật đầu và mỉm cười như thể muốn nói, trả lời hay lắm. Đến lúc này thì Martin quyết định đóng chiếc laptop của mình lại và cho vào cặp. Vài người trong nhóm nhân viên cấp cao nhìn Kathryn như thể cô vừa thuyết phục được một tên cướp ngân hàng tự giao nộp súng. Phải chi cả ngày hôm đó cũng trôi qua suôn sẻ như vậy. K HÉ MỞ athryn biết mình sắp đề cập một phần rất quan trọng trong cuộc họp hôm nay, một điều có thể giúp bà tiên liệu diễn biến của mọi sự trong những tháng sắp tới. Không phải ngẫu nhiên mà đây là vấn đề đầu tiên trong chương trình họp hôm nay. “Trước khi chúng ta đi vào bất kỳ chủ đề nặng nề nào, hãy bắt đầu với một hoạt động mà tôi gọi là lịch sử cá nhân.” Kathryn giải thích là mỗi người sẽ trả lời lần lượt năm câu hỏi liên quan đến hoàn cảnh bản thân, nhưng không xâm phậm đến đời tư. Và bà kết thúc phần giải thích của mình bằng một câu cảnh báo vui mà ngay cả Martin cũng tỏ ra tán thành. “Hãy nhớ là tôi muốn nghe về cuộc sống của các anh chị khi còn là một đứa trẻ, chứ tôi không hứng thú với tính trẻ con của bất kỳ ai đâu đấy.” Các nhân viên cấp cao của DecisionTech lần lượt trả lời các câu hỏi. Quê quán? Số anh chị em trong nhà? Sở thích thuở bé? Thử thách lớn nhất trong quá trình trưởng thành? Công việc đầu tiên? Hầu như các câu trả lời của mỗi người đều ẩn chứa một hay hai thông tin giá trị mà các thành viên khác trong nhóm không biết, hoặc rất ít người biết về cá nhân đó. Carlos là con cả trong một gia đình có chín người con. Mikey học múa ba-lê tại trường nghệ thuật Julliard ở New York. Jeff từng là người giữ gậy cho đội bóng chày Boston Red Sox. Martin đã trải qua phần lớn tuổi thơ của mình ở Ấn Độ. JR có một người anh sinh đôi cùng trứng. Jan từng tham gia quân đội. Trong lúc chia sẻ, Nick còn phát hiện ra rằng hồi trung học anh từng đấu với đội bóng rổ do chồng Kathryn huấn luyện. Về phần Kathryn, điều khiến nhân viên của bà ngạc nhiên và ấn tượng nhất có lẽ không phải là kinh nghiệm của bà trong ngành xe hơi hay môi trường quân đội, mà là việc bà từng là tuyển thủ trong đội tuyển bóng chuyền nghiệp dư quốc gia hồi đại học. Đó thật sự là một cuộc trò chuyện tuyệt vời. Chỉ sau khoảng 45 phút chia sẻ những thông tin cá nhân vô cùng đơn giản, cả nhóm có vẻ gần gũi và thoải mái với nhau hơn bất kỳ lúc nào trong cả một năm vừa qua. Nhưng Kathryn đã có đủ kinh nghiệm để biết rằng trạng thái phấn khích này sẽ tan biến ngay khi cuộc thảo luận chuyển sang đề tài công việc. ĐÀO SÂU K hi quay lại sau ít phút giải lao, rõ ràng là mọi người phần nào đã mất đi sự hào hứng mà phần chia sẻ buổi sáng mang lại. Họ dành những giờ tiếp theo, qua luôn giờ ăn trưa, để xem xét khuynh hướng hành xử cá nhân của mình, dựa vào nhiều công cụ chẩn đoán khác nhau mà mọi người đã chuẩn bị trước khi đến Napa. Một trong các công cụ này là bản trắc nghiệm tính cách của Myers-Briggs (Myers-Briggs Type Indicator, gọi tắt là MBTI). Kathryn cảm thấy ngạc nhiên một cách thích thú khi ngay cả Martin cũng tham gia thảo luận nhiều hơn. Nhưng một lần nữa, bà đủ tỉnh táo để lý giải chuyện này là ai cũng thích tìm hiểu – và nói về bản thân. Cho tới khi xuất hiện những lời phê bình. Và điều đó sắp xảy ra. Nhưng dựa vào mức năng lượng của mọi người lúc này, Kathryn quyết định buổi chiều muộn không phải là thời điểm thích hợp để đi sâu vào giai đoạn tiếp theo. Vì vậy bà cho mọi người nghỉ giải lao vài tiếng buổi chiều để kiểm tra email, vận động, hay làm bất cứ điều gì họ muốn. Kathryn biết họ sẽ phải làm việc trễ vào buổi tối hôm đó, vì vậy bà không muốn mọi người bị kiệt sức quá sớm. Martin dành hầu hết thời gian buổi chiều để xử lý email trong phòng. Nick, Jeff, Carlos và JR chơi bowling kiểu Ý ngoài sân kế bên khách sạn, còn Kathryn và Jan gặp nhau trong sảnh để bàn chuyện ngân sách. Mikey ngồi bên hồ bơi và đọc tiểu thuyết. Khi mọi người tập trung trở lại vào giờ ăn tối, Kathryn rất hài lòng khi thấy họ tiếp tục chủ đề còn dở dang trước đó. Đến giờ, mọi người đã nhận thức những kiểu tương tác khác nhau của ọ g ậ g g mỗi người trong công việc và cùng thảo luận một người hướng nội sẽ khác biệt so với một người hướng ngoại hay những nhóm tính cách khác như thế nào. Mọi người đều tỏ ra thoải mái hơn. Các thành viên đang ăn pizza và uống bia, làm cho không khí có vẻ nhẹ nhàng hơn. Đột nhiên, Carlos trêu Jan là quá kỹ tính, còn Jeff thì nói đùa về sự kém tập trung của JR. Ngay cả Martin cũng đối đáp thoải mái khi bị Nick gọi là “người hướng nội hay nổi đóa”. Không có ai trong phòng họp bối rối vì những lời trêu ghẹo thân tình và không ác ý, trừ Mikey. Không phải Mikey phản đối kiểu trêu đùa đó. Mà tệ hơn, không ai trêu cô cả. Thực tế là không ai nhận xét gì về Mikey, và không có gì quá ngạc nhiên khi Mikey cũng gần như không bình luận về ai. Kathryn muốn kéo Mikey vào cuộc, nhưng bà quyết định không cần vội. Mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp – tốt hơn bà mong đợi – và cả nhóm có vẻ sẵn sàng nói chuyện về những hành vi sai lầm mà Kathryn đã quan sát được trong các cuộc họp trước. Không cần phải tạo ra tranh cãi gay gắt ngay trong đêm đầu tiên, đặc biệt là sau khi bà đã né được vài “viên đạn” từ phía Martin. Nhưng đôi khi sự việc lại nằm ngoài tầm kiểm soát, và Mikey đã tự mở màn cho vấn đề của mình. Khi Nick bình luận rằng các bản miêu tả tính cách này thật chính xác và hữu ích một cách đáng ngạc nhiên, Mikey làm điều cô thường làm ở các cuộc họp: trợn mắt tỏ vẻ khinh thường. Kathryn vừa định đề cập đến hành vi đó thì Nick đã cất tiếng trước. “Ý cô là sao thế, Mikey?” Mikey phản ứng như thể cô không hề biết Nick đang nói về việc gì. “Cái gì cơ?” Nick chủ yếu chỉ muốn trêu Mikey, nhưng rõ ràng là anh cũng hơi bực. “Coi nào, cô vừa trợn mắt đó. Tôi có nói điều gì ngu ngốc sao?” Mikey vẫn kiên quyết tỏ ra vô tội. “Không, tôi có nói gì đâu.” Lúc này thì Jan vào cuộc, nhưng rất từ tốn. “Cô không có nói gì hết Mikey. Vấn đề là ở vẻ mặt của cô.” Jan muốn làm dịu không khí bằng cách giúp Mikey thú nhận mà không bị mất mặt. “Đôi lúc tôi nghĩ cô còn không biết mình đang thể hiện vẻ mặt gì nữa.” Nhưng Mikey không nhận ra ý tốt của Jan, và cô bắt đầu tỏ ra hơi nóng nảy. “Tôi thật sự không hiểu anh đang nói gì.” Nick không kiềm chế được. “Thôi nào. Lúc nào cô cũng làm như vậy mà. Giống như cô xem tất cả chúng tôi là bọn ngốc ấy.” Kathryn thầm ghi nhớ là không được cho mọi người uống bia vào bữa tối hôm sau. Nhưng bà cũng không thể phủ nhận là mình rất vui vì mọi việc đã bắt đầu được đưa ra tranh luận. Bà cắn một miếng pizza và quan sát cùng những thành viên khác. Mikey chợt lên tiếng trả lời. “Nghe này, tôi hoàn toàn không ủng hộ mấy tiết mục tìm hiểu tâm lý này đâu nhé. Tôi không nghĩ các đối thủ cạnh tranh của chúng ta, những công ty đang lấn át DecisionTech ấy, lại xách nhau ra một khách sạn ở Napa để thảo luận việc họ lấy nguồn năng lượng từ đâu và có cách nhìn thế giới như thế nào.” Cả phòng đều bất ngờ trước lời chỉ trích nặng nề Mikey dành cho toàn bộ hoạt động mà cả nhóm đều đang tỏ ra hào hứng, và họ nhìn sang Kathryn để xem bà sẽ phản ứng ra sao. Nhưng Martin đã đỡ lời. “Ừ, cô nói đúng.” Mọi người đều sửng sốt khi Martin, người tham gia tích cực trong suốt quá trình, lại bênh vực cho Mikey – cho tới khi anh nói hết ý trong bình luận của mình. “Hẳn là họ sẽ thích đi tới khu Carmel hơn.” Nếu ai khác nói câu đó thì chắc hẳn cả phòng sẽ cười thầm mà thôi. Nhưng khi đó là lời bình luận từ Martin nhắm vào Mikey với giọng điệu mỉa mai, khô cứng của anh, thì mọi người đều cười rộ lên. Dĩ nhiên là ngoại trừ Mikey, người đang ngồi đó cười chua xót. Trong một khoảnh khắc, Kathryn đã nghĩ cô phó chủ tịch marketing của mình sẽ bước ra khỏi phòng. Có khi điều đó còn tốt hơn việc mà cô ấy đã làm. Trong 90 phút tiếp theo, Mikey không nói một lời nào mà chỉ ngồi im lặng trong khi cả nhóm tiếp tục thảo luận. Cuối cùng, buổi thảo luận dần chuyển sang các chủ đề phức tạp hơn liên quan đến kinh doanh. Jan cắt ngang cuộc trò chuyện và hỏi Kathryn,“Chúng ta có đang đi lệch hướng không?”. Kathryn lắc đầu. “Không đâu. Tôi nghĩ cũng tốt khi chúng ta đề cập đến vấn đề hành vi và hoạt động kinh doanh. Điều này cho ta cơ hội xem xét cách áp dụng những hiểu biết về tính cách và hành vi vào trong hoạt động kinh doanh ra sao.” Kathryn rất vui vì sự tương tác giữa các thành viên trong nhóm, nhưng bà vẫn không thể xem nhẹ một thực tế là biểu hiện của Mikey cho thấy rõ việc cô không tin tưởng các đồng đội của mình. BÊN HỒ BƠI K athryn kết thúc ngày họp đầu tiên vào khoảng sau 10 giờ tối một chút, và ngoại trừ Jan và Nick – hai nhân vật vừa bắt đầu một cuộc thảo luận nhanh về ngân sách - cả nhóm đều chuẩn bị đi ngủ. Phòng của Mikey và Kathryn đều nằm gần hồ bơi trong khu khách sạn nhỏ bé này, và khi cả hai đi bộ về phòng, Kathryn quyết định nói chuyện với Mikey để xem có làm cho tình hình tiến triển hơn không. “Cô không sao chứ?”, Kathryn cố gắng không tỏ ra quá nghiêm trọng hay ra vẻ bề trên. “Tôi ổn mà”, Mikey đáp. Cô không giỏi che giấu lắm. “Tôi biết đây là một quá trình khó khăn, và cô có thể cảm thấy mọi người hơi gay gắt với mình.” “Hơi thôi sao? Nghe này, ở nhà, tôi không cho phép ai đem tôi ra làm trò đùa, và lại càng không để điều đó xảy ra ở nơi làm việc. Những con người đó chẳng hiểu gì về việc làm thế nào để giúp công ty thành công.” Kathryn bối rối với câu trả lời khó đoán này đến mức gần như không biết phải phản ứng thế nào. Sau một lúc, bà nói, “À, chúng ta có thể nói chuyện này vào ngày mai. Tôi nghĩ mọi người cần biết những gì cô đang nghĩ”. “Ồ, tôi sẽ chẳng nói gì vào ngày mai đâu.” Kathryn cố gắng không phản ứng thái quá trước câu trả lời của Mikey. Bà nghĩ do cảm xúc nhất thời nên cô mới nói vậy. “Tôi nghĩ cô sẽ cảm thấy khá hơn vào sáng mai.” “Không, tôi nghiêm túc đấy. Không ai nghe được một lời nào từ tôi đâu.” Kathryn quyết định bỏ qua vào lúc này. “Thôi, chúc cô ngủ ngon nhé.” Lúc này cả hai đều đã đến cửa phòng mình. Mikey kết thúc cuộc trò chuyện bằng một tiếng cười mỉa mai. “Ồ, tôi sẽ ngủ ngon mà.” NHÌN LẠI L úc Mikey đến phòng họp vào sáng hôm sau, chỉ có Kathryn và Jan ở đó. Trông cô có vẻ hăng hái và không nao núng bởi những gì xảy ra ngày hôm trước. Điều này khiến Kathryn lấy làm ngạc nhiên thích thú. Khi mọi người đã có mặt đông đủ, Kathryn bắt đầu ngày làm việc thứ hai bằng phiên bản rút gọn của bài phát biểu mà bà đã nói hôm qua. “Nào, trước khi chúng ta bắt đầu, tôi nghĩ hãy nhắc nhau nhớ lại lý do chúng ta có mặt ở đây. Chúng ta có nhiều tiền hơn, nhiều nhân viên cấp cao dày dặn kinh nghiệm hơn, sở hữu công nghệ tốt hơn và nhiều mối quan hệ hơn bất kỳ đối thủ nào, thế nhưng có ít nhất hai đối thủ đã vượt mặt chúng ta trên thị trường. Nhiệm vụ của chúng ta là tăng doanh thu, lợi nhuận, thu hút và giữ chân khách hàng, và cả việc chuẩn bị phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu. Nhưng chúng ta sẽ không đạt được những điều kể trên nếu không vận hành như một đội ngũ thực thụ.” Bà dừng lại, ngạc nhiên trước sự chăm chú lắng nghe của các nhân viên, như thể mọi người được nghe những điều này lần đầu vậy. “Có ai hỏi gì không?” Thay vì chỉ lẳng lặng ngồi yên, một số thành viên trong đội lắc đầu như muốn nói, không có câu hỏinào hết; chúng ta hãy bắt đầu thôi. Ít nhất thì đó là điều Kathryn cảm nhận được. Trong vài giờ đồng hồ sau đó, cả nhóm xem xét lại mọi thông tin mà họ đã nắm bắt được vào hôm trước. Sau khoảng một giờ đồng hồ, Martin và Nick lộ vẻ mất hứng thú, và JR cũng trở nên phân tâm hơn sau mỗi lần điện thoại rung lên mà không được trả lời. Kathryn quyết định đề cập đến điều băn khoăn của mọi người trước khi họ bắt đầu bàn tán. “Tôi biết mọi người đều đang tự hỏi, ‘Chẳng phải chúng ta đã thảo luận điều này hôm qua rồi sao?’. Và tôi nhận ra sự trùng lắp này. Nhưng những điều này sẽ không được ghi nhớ nếu chúng ta không hiểu rõ cách vận dụng chúng.” Trong một giờ đồng hồ tiếp theo, cả nhóm tiếp tục thảo luận về cách ứng dụng những đặc điểm tính cách khác nhau vào thực tế, cũng như các cơ hội và thách thức mà các nhóm tính cách này mang lại. Mikey đưa ra vài bình luận, và mỗi khi cô mở lời thì tốc độ cuộc thảo luận dường như chậm hẳn lại. Martin cũng rất ít phát biểu, nhưng có vẻ anh vẫn để tâm chú ý và theo sát cuộc trò chuyện. Khoảng giữa buổi sáng hôm đó, cả nhóm đã hoàn thành phần xem lại kiểu tương tác của các thành viên trong nhóm, cũng như hành vi của cả đội. Và khi còn chưa đầy một giờ nữa là đến giờ ăn trưa, Kathryn quyết định giới thiệu hoạt động quan trọng nhất trong ngày. Sau này khi nhìn lại, bà cho rằng hoạt động này chính là khoảnh khắc đối mặt của Mikey và cả đội. K Ý THỨC athryn vừa tiến đến tấm bảng vừa giải thích,“Hãy nhớ rằng tinh thần làm việc nhóm bắt đầu bằng việc xây dựng lòng tin. Và cách duy nhất để thực hiện điều này là vượt qua nhu cầu ‘không bị tổn thương’ của chúng ta”. Bà viết lên bảng dòng chữ “không bị tổn thương” kế bên dòng chữ “Thiếu sự tin tưởng”. Sau đó, Kathryn nói tiếp. “Và vì thế, sáng nay tất cả chúng ta sẽ thể hiện tính dễ bị tổn thương trong một phạm vi ít rủi ro nhưng vẫn hiệu quả.” Nói xong, bà yêu cầu mọi người dành năm phút để nghĩ đến một thế mạnh và một điểm yếu lớn nhất của bản thân mà họ cho rằng có góp phần vào thành công hoặc thất bại của DecisionTech. “Tôi không muốn các anh chị đưa ra một điểm yếu chung chung, và tôi cũng không muốn các anh chị che giấu thế mạnh của bản thân do các anh chị quá khiêm tốn hoặc quá ngại chia sẻ ưu điểm thật sự của mình. Hãy thực hiện bài tập đơn giản này một cách nghiêm túc và sẵn lòng chia sẻ cởi mở.” Khi mọi người đã suy nghĩ và quyết định xong, Kathryn bắt đầu phần thảo luận. “Được rồi, tôi sẽ nói trước.” Bà nhìn nhanh qua phần ghi chép của mình. “Tôi nghĩ ưu điểm lớn nhất của mình, ít nhất là ưu điểm sẽ có tác động lớn nhất đến thành công của chúng ta, chính là khả năng nhìn thấu các thông tin lộn xộn, thừa thãi và nhận diện được các vấn đề quan trọng. Tôi biết cách loại bỏ các chi tiết không cần thiết để đi đến cốt lõi vấn đề, và điều này sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được nhiều thời gian.” Bà dừng lại một chút rồi nói tiếp. “Điểm yếu của tôi là tôi không phải là người phát ngôn khéo léo hay một nhà ngoại giao giỏi. Thực tế là tôi làm việc này rất tệ. Tôi có khuynh hướng xem nhẹ tầm quan trọng của quan hệ cộng đồng, và tôi không phải là một phát ngôn viên tài năng hay khéo léo khi phát biểu trước đám đông, hay tệ hơn nữa là trước máy quay. Tôi sẽ cần giúp đỡ trong lĩnh vực này để chúng ta có thể đạt được những gì chúng ta kỳ vọng.” Trừ JR và Mikey, những người còn lại đều ghi chép khi Kathryn phát biểu. Kathryn thích điều này. Bà hỏi, “Giờ thì ai là người tiếp theo?”. Không ai xung phong ngay. Ai cũng nhìn quanh, hy vọng có đồng đội nào đó của mình sẽ xung phong, vài người khác thì có vẻ như đang xin phép để được phát biểu. Cuối cùng, Nick phá vỡ bầu không khí im lặng. “Để tôi. Được rồi, xem nào...” Anh xem qua các ghi chép của mình. “Thế mạnh lớn nhất của tôi là không sợ các cuộc đàm phán hay thương lượng với những công ty bên ngoài, cho dù họ là đối tác, nhà cung ứng hay đối thủ. Tôi không gặp khó khăn gì trong việc thúc đẩy đối phương nhượng bộ nhiều hơn những gì họ dự tính. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của tôi là đôi lúc tôi có vẻ rất ngạo mạn.” Một vài đồng nghiệp của Nick cười với vẻ hơi căng thẳng. Nick cười rồi nói tiếp. “Đúng, tôi có vấn đề này từ thời đại học, có lẽ từ trước đó nữa. Đôi lúc tôi có thể có giọng điệu mỉa mai và thậm chí là thô lỗ, và thỉnh thoảng tôi còn có vẻ như thể mình thông minh hơn bất kỳ ai khác. Và có thể đối với các nhà cung ứng thì thái độ đó là không sao, nhưng đối với các anh chị thì nó có thể khiến ai đó khó chịu, mà tôi không nghĩ điều đó có thể giúp chúng ta đạt được những gì mình muốn.” Jeff bình luận,“Có vẻ như điểm mạnh và điểm yếu của anh đều có cùng nguyên nhân”. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Martin lên tiếng tán thành. “Thường là vậy mà, đúng không?” Mọi người ngồi quanh bàn đều gật gù. Kathryn khá ấn tượng với sự trung thực trong phần chia sẻ của Nick và sự tham gia của các thành viên khác trong nhóm. Bà cũng vui vì Nick là người phát biểu đầu tiên. “Tốt lắm. Đây đúng là phần chia sẻ mà tôi mong đợi. Ai tiếp nào?” Jan xung phong và chia sẻ rằng kỹ năng quản lý cũng như khả năng để ý chi tiết là thế mạnh của mình, điều mà ai cũng lập tức đồng tình. Sau đó, cô công nhận là mình hơi quá cẩn trọng về tài chính ở cương vị giám đốc tài chính của một công ty khởi nghiệp. Cô lý giải đây là kết quả của quá trình trui rèn ở những công ty lớn hơn và mối lo lắng của cô khi đồng nghiệp thiếu quan tâm đến vấn đề quản lý chi phí. “Nhưng hẳn là tôi đã khiến mọi người khó hiểu ý tôi hơn vì sự kiểm soát quá khắt khe của mình.” Carlos trấn an Jan rằng cả nhóm đều đã hiểu một vài điều về định hướng của cô. Jeff là người chia sẻ tiếp theo. Anh cố lắm mới nói ra điểm mạnh của mình là kỹ năng xây dựng mối quan hệ tuyệt vời, cũng như khả năng phát triển tốt các mối quan hệ đối tác với các nhà đầu tư. Nhưng Jan không để yên như vậy. “Thôi nào Jeff. Nếu có một việc chúng ta làm tốt thì đó là kêu gọi được rất nhiều nguồn vốn và khiến các nhà đầu tư hứng thú với công ty chúng ta. Anh đừng xem nhẹ vai trò của mình trong thành công này.” Jeff miễn cưỡng chấp nhận lời động viên tử tế của Jan, rồi anh khiến mọi người choáng váng với phần chia sẻ về điểm yếu. “Tôi sợ thất bại. Và vì vậy tôi có xu hướng làm mọi việc quá mức tỉ mỉ và đích thân làm. Tôi không thích chỉ người khác phải làm cái gì, mà buồn cười thay, như vậy càng làm cho tôi dễ thất bại hơn.” Jeff thoáng xúc động nhưng trấn tĩnh ngay. Anh tin chắc là không ai phát hiện ra khoảnh khắc đó. “Và tôi nghĩ đó hẳn là nguyên nhân lớn nhất khiến chúng ta chưa thành công, cũng là nguyên nhân tôi không còn là CEO nữa.” Anh ngưng một lát, rồi nhanh chóng bổ sung, “Và tôi hoàn toàn không để bụng chuyện này, thật sự là vậy. Tôi còn khá vui vì thoát khỏi vị trí đó nữa kìa”. Cả nhóm cười ra vẻ ủng hộ. Kathryn không thể tin được là ba người đầu tiên xung phong chia sẻ lại có thể làm tốt như vậy. Trong một thoáng chốc, Kathryn bắt đầu hy vọng tràn trề rằng với đà này thì ngày hôm nay sẽ là cuộc đánh nhanh thắng gọn. Rồi thì Mikey phát biểu. “Được rồi, đến phiên tôi.” Không giống như các đồng nghiệp, Mikey nhìn vào sổ ghi chép gần như từ đầu tới cuối phần chia sẻ của mình. “Thế mạnh của tôi là am hiểu thị trường công nghệ và biết cách giao tiếp với các chuyên gia phân tích và giới truyền thông. Điểm yếu lớn nhất của tôi là kỹ năng tài chính kém.” Im lặng. Không bình luận. Không câu hỏi. Không gì cả. Cũng như Kathryn, cả phòng đều bị giằng xéo giữa hai cảm xúc: thở phào nhẹ nhõm vì Mikey đã hoàn thành phần của cô, và thất vọng vì nội dung chia sẻ hời hợt của cô. Vào thời điểm này, Kathryn không cảm thấy cần thiết phải yêu cầu vị phó chủ tịch marketing của công ty chấp nhận để lộ những điểm yếu của bản thân nhiều hơn. Chính Mikey phải tự làm điều đó. Cứ mỗi giây trôi qua, cả nhóm đều thầm mong ước ai đó sẽ phá tan sự im lặng này. Và Carlos đã giải cứu mọi người. “Được rồi, tôi xin chia sẻ tiếp.” Cố gắng hết sức để đưa chất lượng buổi chia sẻ lên một tầm cao mới, anh nói về việc luôn hoàn tất trọn vẹn công việc như ưu điểm của mình, và điểm yếu là không cập nhật tiến độ thực hiện cho mọi người cùng nắm. Sau khi Carlos nói xong, Jan chợt lên tiếng. “Carlos, tôi nghĩ anh trả lời thiếu cả ưu điểm lẫn khuyết điểm của mình rồi.” Vốn không biết là Carlos và Jan khá thân nhau, Kathryn khá ngạc nhiên trước câu nhận xét thẳng thắn này của Jan. Jan nói tiếp. “Thứ nhất, tương tự cách anh làm việc đến nơi đến chốn, việc anh sẵn lòng làm những công việc chẳng ai muốn làm mà không hề than phiền chính là ưu điểm của anh. Tôi biết điều này nghe khủng khiếp, nhưng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra ở đây nếu không có sự sẵn lòng hỗ trợ của anh.” Một số thành viên khác cũng lên tiếng đồng ý. “Mặt trái là, tôi nghĩ anh nên bày tỏ suy nghĩ của anh nhiều hơn trong các cuộc họp. Anh quá giữ kẽ.” Mọi người có vẻ nóng lòng chờ đợi phản ứng của Carlos, nhưng anh chỉ gật đầu và ghi chép. “Tôi xin ghi nhận.” JR xung phong làm người chia sẻ kế tiếp và làm cả phòng phá lên cười khi anh nói, “Rõ ràng thế mạnh của tôi là làm việc đến nơi đến chốn và để ý đến từng chi tiết”. Mọi người cười thoải mái một lát cho đến khi JR nói tiếp. “Nghiêm túc mà nói thì tôi khá tốt trong việc tạo mối quan hệ cá nhân với khách hàng.” Anh nói với vẻ khiêm tốn đủ để mọi người coi trọng ưu điểm của anh. “Về mặt yếu, đối với những việc mà tôi cho là không cực kỳ quan trọng, nghĩa là nó không giúp tôi chốt được hợp đồng với khách hàng, thì thỉnh thoảng tôi có thể sẽ phớt lờ luôn.” “Thỉnh thoảng thôi hả?”, Nick hỏi. Cả phòng lại được dịp cười phá lên. JR đỏ mặt. “Tôi biết, tôi biết. Tôi chỉ không biết làm sao để kiểm soát cái danh sách việc cần làm của mình. Tôi không biết lý do, nhưng tôi biết điều đó là làm ảnh hưởng xấu đến đội nhóm.” Martin là người duy nhất chưa phát biểu. “Được rồi, đến tôi.” Anh hít một hơi thật sâu. “Tôi ghét phải nói về bản thân mình theo cách này, nhưng nếu phải nói thì tôi cho rằng mình giỏi giải quyết vấn đề, phân tích các thứ, đại loại vậy. Điểm tôi không giỏi là giao tiếp với người khác.” Dừng một lát, anh nói tiếp. “Ý tôi là không phải tôi làm không được, nhưng tôi thật sự thích những người ít nhạy cảm hơn. Tôi thích đối thoại một cách hoàn toàn lý trí, chứ không muốn lo lắng là người đó cảm thấy thế nào. Các anh chị hiểu không?” “Dĩ nhiên rồi”, Jeff trả lời – anh quyết định mạo hiểm. “Chỉ có vấn đề là điều đó đôi khi có thể làm người khác nghĩ anh không thích họ và họ chỉ làm lãng phí thời gian của anh.” Martin lộ rõ vẻ thất vọng với nhận xét của Jeff. “Không, không phải như vậy. Ý tôi là tôi không hề có ý định đó. Trời ạ! Thật tệ. Tôi không hề có ý đó, nhưng tôi có thể hiểu tại sao mọi người cảm thấy như vậy. Tôi không biết phải thay đổi thế nào.” Lần đầu tiên trong cả buổi sáng, Mikey mỉm cười và lên tiếng. “Anh cần nhiều năm trị liệu tâm lý đấy anh bạn. Và ngay cả như vậy thì chưa chắc anh có thể thay đổi được. Anh cũng chỉ là một gã kiêu căng. Nhưng tôi tưởng các tay Giám đốc công nghệ (CTO) ở Thung lũng Silicon này đều vậy?” Mikey bật cười. Không ai cười theo, trừ Martin – người có vẻ bối rối trước câu bình luận của Mikey và cười nhạt để tỏ ra hài hước. Trong thâm tâm, Martin đang rất đau lòng. Về sau, Kathryn đã tự trách mình vì không góp ý ngay về lời nhận xét của Mikey, điều mà bà đã quy cho chỉ số thông minh cảm xúc thấp đến kinh ngạc. Dù sao đi nữa, rõ ràng là hành vi của Mikey thật sự ảnh hưởng lớn đến cả nhóm. K CÁI TÔI hi ai nấy đều đã yên vị, Kathryn thông báo chuyển hướng thảo luận. “Chúng ta sẽ đi thẳng đến điểm chết cuối cùng trong tinh thần làm việc nhóm, nhưng chúng ta sẽ nhắc lại chủ đề nỗi sợ bị tổn thương và sự cần thiết của niềm tin nhiều lần trong tháng tới. Nếu ai đó không trông đợi điều này thì tốt hơn hết nên chuẩn bị tinh thần làm quen với việc này.” Ai cũng cho rằng Kathryn đang ám chỉ Mikey. Không ai ngờ rằng cũng có một người khác trong nhóm đang phải đương đầu với việc này một cách chật vật không kém gì Mikey. Kathryn miêu tả điểm chết cuối cùng bằng cách đi về phía tấm bảng và viết dòng chữ “Không quan tâm đến kết quả” lên tầng trên cùng của mô hình tam giác. “Chúng ta đi đến phần trên cùng của sơ đồ để thảo luận về điểm chết cuối cùng: xu hướng tìm kiếm sự công nhận và chú ý cho cá nhân mình thay vì kết quả chung – mục tiêu chung của toàn đội.” Nick hỏi, “Đây là về cái tôi sao?”. “À, cũng đúng một phần.” Kathryn đồng ý. “Nhưng ý tôi không phải là không có chỗ cho cái tôi trong một đội nhóm. Điều quan trọng là phải làm cho cái tôi của tập thể lớn hơn cái tôi của từng cá nhân riêng lẻ.” “Tôi không hiểu điều này liên quan gì tới kết quả”, Jeff lên tiếng. “Khi ai cũng tập trung vào kết quả chung và dùng điều này để xác định thành công, thì cái tôi của mỗi cá nhân rất khó bị mất kiểm soát. Cho dù một cá nhân trong đội cảm thấy hài lòng với tình trạng của bản thân đến mức nào đi nữa, nếu đội nhóm thất bại thì tất cả đều thất bại”, Kathryn giải thích. Kathryn có thể thấy một vài nhân viên của bà vẫn chưa hiểu vấn đề, nên bà chuyển qua một hướng tiếp cận khác. “Hôm qua tôi có nói chồng tôi là một huấn luyện viên bóng rổ ở trường trung học St. Jude ở San Mateo.” “Anh ấy đúng là một huấn luyện viên cừ khôi”, Nick thêm vào. “Anh ấy đã nhận được nhiều lời mời làm việc của nhiều trường đại học từ lúc tôi còn học trung học, và năm nào anh ấy cũng phải từ chối các lời mời. Anh ấy là một huấn luyện viên huyền thoại.” Kathryn tự hào về chồng mình và thích lời khen của Nick. “Đúng vậy, tôi cho rằng anh ấy rất ưu tú và chắc chắn rất giỏi trong công việc của mình. Mặc dù vậy, tất cả những gì anh ấy làm là hướng đến đội nhóm. Và dù các đội bóng mà anh ấy huấn luyện đều rất giỏi, nhưng có rất ít học viên của anh chơi cho đội ở các trường đại học lớn, bởi vì nói thẳng ra là các em ấy không phải quá tài năng. Các em thắng vì các em chơi bóng rổ đồng đội, và điều đó thường giúp các em thắng các đội bóng lớn hơn, nhanh hơn và tài năng hơn mình.” Nick gật đầu xác thực với tư cách là thành viên của đội đã từng thua đội bóng trường trung học St. Jude nhiều lần. “Đôi lúc Ken, tên của chồng tôi, cũng đưa vào đội một cầu thủ không mấy quan tâm đến kết quả, hay nói đúng hơn là kết quả chung của cả đội. Tôi còn nhớ có một cậu bé vài năm trước chỉ quan tâm đến thành tích và sự công nhận cá nhân, ví dụ như danh hiệu cầu thủ vàng toàn giải hoặc được chụp hình đăng báo chẳng hạn. Nếu cả đội có thua thì cậu bé vẫn vui, miễn là cậu có ghi bàn. Và ngay khi cả đội chiến thắng, cậu ta vẫn buồn bực vì chưa ghi đủ điểm.” Jan tò mò. “Vậy chồng chị đã làm gì trong trường hợp đó?” Kathryn mỉm cười, hào hứng kể thêm về Ken. “Điều này khá thú vị. Cậu bé đó chắc chắn là một trong những cầu thủ xuất sắc của đội, nhưng Ken đã cho cậu đá dự bị. Đội bóng chơi tốt hơn khi không có cậu, và cuối cùng cậu đã bỏ đội.” “Nghiêm khắc quá”, JR bình luận. “Đúng, nhưng năm sau đó, cậu bé đó trở lại với một thái độ hoàn toàn khác, rồi tiếp tục chơi cho đội bóng rổ trường Đại học Saint Mary sau khi tốt nghiệp. Giờ đây cậu bé đó có thể cho bạn biết năm đó là một năm quan trọng nhất trong cuộc đời mình.” Jan tò mò,“Chị có nghĩ những người như vậy có thể thay đổi không?”. Kathryn không ngần ngại trả lời. “Không. Cứ mười đứa trẻ như vậy thì chỉ có một đứa có thể thay đổi.” Cả nhóm như được cảnh tỉnh bởi câu trả lời chắc nịch này, và không chỉ có một người trong số họ đang nghĩ đến Mikey vào lúc này. “Và cho dù có vẻ nghiêm khắc nhưng Ken luôn khẳng định vai trò của anh là tạo ra đội bóng rổ giỏi nhất có thể, chứ không phải để dẫn dắt riêng một cầu thủ nào. Và tôi cũng nhìn nhận công việc của mình như thế.” Jeff quyết định đặt một câu hỏi cho cả nhóm. “Có ai trong chúng ta chơi các môn thể thao đồng đội trong trường trung học hay đại học không?” Kathryn đã muốn ngắt ngang câu hỏi trưng cầu ý kiến của Jeff để giữ cuộc thảo luận đi theo hướng đã định. Nhưng rồi bà nghĩ một cuộc thảo luận ngắn và ngẫu hứng như thế này có thể mang đến giá trị cho cả nhóm hơn bất kỳ điều nào khác, miễn là nó vẫn liên quan đến chủ đề làm việc nhóm. Jeff đi vòng quanh phòng, cho mọi người cơ hội trả lời câu hỏi mà anh đặt ra. Nick đáp rằng anh từng chơi bóng chày ở trường đại học. Carlos từng là hậu vệ trong đội bóng bầu dục ở trường trung học. Martin tự hào thông báo,“Tôi từng chơi bóng đá, loại truyền thống và nguyên bản ấy.” Mọi người đều cười khúc khích trước câu trả lời của anh chàng đồng nghiệp gốc châu Âu của mình. Mikey nói cô từng chạy điền kinh thời trung học. Khi Nick đặt câu hỏi, “Nhưng đó là môn thể thao cá nhân...”, Mikey lập tức cắt ngang một cách khéo léo,“Tôi tham gia đội điền kinh tiếp sức”. Kathryn nhắc lại rằng bà từng là vận động viên bóng chuyền. Jan chia sẻ cô từng là thành viên trong đội cổ động và đội khiêu vũ của trường. “Và nếu ai nói rằng những môn này không phải là môn thể thao đồng đội, tôi sẽ cắt ngân sách của phòng đó một nửa.” Mọi người cười phá lên. Jeff thừa nhận anh thiếu năng khiếu thể thao. “Tôi không hiểu sao mọi người cứ nghĩ rằng phải chơi thể thao thì mới học được tinh thần làm việc đội nhóm. Tôi không chơi thể thao nhiều, ngay cả khi còn bé. Nhưng tôi tham gia ban nhạc của trường trung học và đại học, và tôi nghĩ mình đã hiểu về hoạt động đội nhóm từ đó.” Kathryn thấy đây là cơ hội để giành lại quyền dẫn dắt cuộc thảo luận. “À, đó là một ý rất hay. Trước hết, chúng ta có thể học cách làm việc nhóm từ nhiều hoạt động khác nhau, miễn sao đó là hoạt động mà một nhóm người cùng làm với nhau. Nhưng có lý do khiến hoạt động thể thao lại là tiêu biểu khi nói về đội nhóm.” Tinh thần của “cô giáo dạy lớp 7” đột nhiên trỗi dậy trong Kathryn – bà muốn cho các “học trò” của mình cơ hội tự trả lời câu hỏi kế tiếp. “Có ai biết lý do đó là gì không?” Cũng như nhiều lần khác trong lớp học của mình, cả nhóm có vẻ không có manh mối gì về câu trả lời. Nhưng Kathryn biết nếu bà chịu khó chờ đợi một chút, thì chẳng mấy chốc sẽ có người phát biểu. Lần này, người đó là Martin. “Bàn thắng.” Như thường lệ, Martin rất kiệm lời. “Hãy giải thích thêm nào.” Kathryn đề xuất, hệt như cách bà sẽ làm với học sinh của mình. “À, hầu hết các môn thể thao đều có điểm số rõ ràng cuối trận đấu để xác định đội thắng, đội thua. Không có sự mập mờ, hay nói cách khác là sẽ không có chỗ cho...” Anh ngưng lại trong giây lát để tìm đúng từ. “… không có chỗ cho sự thành công mang tính chủ quan, suy diễn hay vị kỷ. Hy vọng mọi người hiểu ý tôi.” Những cái gật gù chứng tỏ mọi người đều hiểu. “Khoan đã”, JR lên tiếng. “Ý anh là các vận động viên không có cái tôi hả?” Martin có vẻ bối rối, vì thế Kathryn liền đỡ lời. “Các vận động viên thường có cái tôi rất lớn. Nhưng cái tôi của các vận động viên xuất sắc thường gắn liền với một kết quả rõ ràng là chiến thắng. Họ chỉ muốn chiến thắng. Họ muốn điều này hơn cả việc được tham gia đội tuyển quốc gia, hơn cả việc hình ảnh bản thân được xuất hiện trên các chiến dịch truyền thông lớn, và đúng vậy, hơn cả việc kiếm tiền nữa.” “Tôi không nghĩ là còn có nhiều đội nhóm như vậy tồn tại, ít nhất là trong lĩnh vực thể thao chuyên nghiệp”, Nick phát biểu. Kathryn mỉm cười. “Và đó chính là điểm đáng giá. Những đội hiểu được điều này sẽ có lợi thế lớn hơn bao giờ hết, vì đa số đối thủ của họ chỉ là một tập hợp các cá nhân riêng lẻ chăm chăm hướng đến lợi ích bản thân.” Mikey tỏ ra hơi chán. “Điều này thì liên quan gì đến một công ty phần mềm?” Lại một lần nữa, Mikey lại khiến cuộc thảo luận bị khựng lại. Nhưng Kathryn vẫn muốn động viên Mikey bằng cách này hay cách khác, mặc dù đến lúc này bà cũng bắt đầu nghi ngờ khả năng Mikey có thể thay đổi. “Lại một câu hỏi hay. Điều này vô cùng liên quan đến chúng ta. Các anh chị thấy đấy, chúng ta sẽ làm cho những kết quả chung của cả đội quan trọng hệt như bàn thắng trong một trận bóng rổ vậy. Chúng ta sẽ không để cho sự suy đoán mơ hồ xuất hiện khi nói về thành công, vì điều đó chỉ tạo cơ hội cho cái tôi của cá nhân chen chân vào mà thôi.” “Không phải chúng ta đã có bảng thành tích đó sao?”, Mikey quả quyết. “Cô đang nói về lợi nhuận à?”, Kathryn hỏi. Mikey gật đầu và thể hiện vẻ mặt như muốn nói, “Còn gì khác vào đây nữa?”. Kathryn kiên nhẫn giải thích tiếp. “Chắc chắn lợi nhuận là một phần quan trọng trong thành công của chúng ta. Nhưng tôi đang nói về các kết quả ngắn hạn hơn. Nếu chúng ta lấy lợi nhuận làm kim chỉ nam duy nhất để hướng ta đến kết quả, chúng ta sẽ không biết được tình hình hoạt động của cả nhóm cho đến khi cuộc chơi sắp kết thúc.” “Giờ thì tôi hơi rối rồi”, Carlos thú nhận. “Chẳng phải lợi nhuận là điểm số quan trọng nhất sao?” Kathryn mỉm cười. “Đúng vậy, tôi hơi nghiêng về lý thuyết ở điểm này rồi. Để tôi nói đơn giản hơn. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho những kết quả mà ta cần đạt được trở nên thật rõ ràng đối với mọi người trong căn phòng này, để không có bất kỳ thành viên nào nghĩ đến chuyện làm điều gì đó chỉ với mục đích đánh bóng vị thế cá nhân hay nâng cao cái tôi của bản thân. Bởi vì điều đó sẽ khiến ta mất khả năng đạt được mục tiêu tập thể. Và thế thì tất cả chúng ta đều thua cuộc.” Có vẻ mọi người bắt đầu nắm bắt được điều gì đó, nên Kathryn nói tiếp. “Dĩ nhiên, điều cốt yếu là chúng ta cần xác định rõ các mục tiêu, kết quả mà mình mong muốn theo cách vừa đơn giản để dễ hiễu, vừa cụ thể để có thể bắt tay vào thực hiện. Mục tiêu lợi nhuận không có đủ các yếu tố để chúng ta có thể hành động. Mục tiêu cần phải có mối liên hệ mật thiết hơn với những việc chúng ta làm hàng ngày. Và theo tinh thần đó, hãy xem chúng ta có thể đưa ra các mục tiêu như thế ngay bây giờ hay không nhé.” MỤC TIÊU K athryn chia mọi người ra thành nhiều nhóm, mỗi nhóm gồm hai, ba người. Sau đó bà yêu cầu mỗi nhóm đề xuất một danh sách các nhóm kết quả để đưa vào bảng thành tích của nhóm. “Khoan xác định số lượng hay chỉ tiêu gì cả; hãy chỉ tạo ra các nhóm kết quả trước.” Trong vòng một tiếng đồng hồ, nhóm đã đề ra hơn mười lăm đề mục các loại kết quả khác nhau. Sau khi kết hợp và loại bỏ một số, họ đã rút danh sách xuống còn bảy đề mục: doanh thu, chi phí, số lượng khách hàng mới, độ thỏa mãn của khách hàng hiện tại, giữ chân nhân tài, mức độ nhận biết thị trường và chất lượng sản phẩm. Họ cũng quyết định là những mục tiêu này cần được đánh giá hàng tháng, vì đợi hết một quý mới đánh giá một lần sẽ không cho mọi người đủ cơ hội để phát hiện vấn đề và điều chỉnh các hoạt động kịp thời. Thật không may, khi cuộc thảo luận quay về chủ đề công việc kinh doanh thì bầu không khí thoải mái dường như đã biến mất. Như thường lệ, nó bị thay thế bởi những lời chỉ trích. Martin mào đầu. “Tôi xin lỗi, nhưng chẳng có điều gì mới mẻ cả, Kathryn. Đây là những thước đo mà chúng tôi đã dùng suốt chín tháng qua.” Mọi người có cảm giác như thể phần nào danh tiếng của Kathryn đang sụt giảm ngay trước mắt họ. JR thêm dầu vào lửa. “Đúng vậy, và không có mục tiêu nào trong số đó giúp chúng ta tăng doanh số cả. Nói thật, tôi không chắc mấy thứ này có quan trọng không nếu chúng ta không chốt được vài đơn hàng, và trong thời gian nhanh nhất có thể.” Kathryn cảm thấy khá thú vị trước những gì đang diễn ra hệt như bà dự đoán. Bà nghĩ, ngay khi thực trạng kinh doanh khó khăn được nhắc đến trong tình huống như thế này, mọi người liền quay lại với những hành vi ứng xử đã khiến họ rơi vào tình thế khó khăn đó ngay từ đầu. Nhưng Kathryn đã sẵn sàng ứng phó. “Được thôi, Martin. Anh có thể cho tôi biết chúng ta đã đặt mục tiêu như thế nào cho mức độ nhận biết thị trường trong quý vừa qua không?” Mikey chỉnh lại sếp mình. “Chúng ta gọi đó là hoạt động PR - quan hệ công chúng.” “À, ok.” Kathryn đáp và quay lại với Martin. “Anh có thể cho tôi biết chính xác mục tiêu của chúng ta trong mảng quan hệ công chúng là gì không?” “Không. Nhưng tôi chắc là Mikey có thể chia sẻ được. Tuy nhiên, tôi có thể cho chị biết các cột mốc phát triển sản phẩm mới của chúng ta là vào ngày nào.” “Vậy thì anh chỉ cần cho tôi biết tình hình hoạt động quan hệ công chúng của chúng ta vừa qua ra sao thôi, được không?” Kathryn lại “đá” câu hỏi về cho Martin, có ý rõ ràng là anh phải biết câu trả lời. Anh có vẻ lúng túng. “Trời ạ, tôi không biết. Tôi mặc định là Jeff và Mikey sẽ trình bày vấn đề này chứ. Nhưng dựa vào doanh số đạt được thì tôi cho là chúng ta đã làm không tốt lắm việc này.” Mikey vẫn rất bình tĩnh, và điều đó càng làm cho lời phát biểu tiếp theo của cô thêm khó nghe. “Nghe này, tuần nào tôi cũng trình bày số liệu PR của mình trong các cuộc họp, nhưng không ai màng đến việc hỏi tôi một tí gì. Và thêm nữa, tôi không thể đưa tin bài gì được nếu chúng ta không bán được gì.” Mặc dù JR có thể là người cảm thấy khó chịu với câu trả lời đó hơn ai hết, nhưng Martin lại là người đáp lại. Và anh dùng giọng điệu vô cùng mỉa mai. “Buồn cười thật. Tôi cứ tưởng mục đích của marketing là để tăng doanh số chứ. Tôi đoán là mình đã hiểu ngược vấn đề rồi.” Như thể không nghe thấy lời nhận xét của Martin, Mikey tiếp tục tự vệ. “Tôi có thể khẳng định là những vấn đề chúng ta đang gặp phải không phải do marketing. Thực tế, tôi nghĩ phòng của tôi đã làm cực tốt, với tất cả những vấn đề mà chúng tôi gặp phải.” Carlos muốn nói rằng, nhưng không thể có chuyện phòng ban của cô làm tốt được vì công ty đang tụt dốc, và nếu công ty tụt dốc thì chúng ta cũng tụt dốc, và không có lý do gì có thể biện minh cho hiệu quả hoạt động của phòng ban của chúng ta… Nhưng anh không muốn dồn ép Mikey thêm nữa vì e rằng cô đồng nghiệp của mình có thể sẽ “chó cùng rứt giậu”. Thế nên anh quyết định bỏ qua. Cũng bực bội như mọi người vào lúc này, Kathryn tin chắc một cuộc tranh cãi kịch liệt và cần thiết sắp sửa diễn ra. Nhưng cứ như thế, cuộc thảo luận đi đến hồi kết, và lụi tàn. Vậy ra đó là cách làm việc của nhóm, Kathryn nghĩ thầm. CĂN NGUYÊN K athryn quyết tâm không để cả nhóm mất đà thảo luận. “Được rồi, tôi nghĩ là tôi thấy vấn đề rồi.” Jeff mỉm cười và đáp lại với vẻ mỉa mai, nhưng khá thiện ý. “Thật sao?” Kathryn cười lớn. “Tôi có óc quan sát khá đấy chứ hả? Dù sao đi nữa, khi nói về việc tập trung vào kết quả chung thay vì thành tích cá nhân, tôi đang nói về việc mọi người đều có chung mục tiêu và phương pháp đánh giá, rồi thật sự dùng những công cụ này để đưa ra những quyết định chung trong công việc hàng ngày.” Thấy rằng mọi người không dễ dàng hiểu được vấn đề khá rõ ràng này, Kathryn quyết định chuyển qua cách đặt câu hỏi. “Khi mục tiêu chung có khả năng gặp phải trở ngại, mọi người thảo luận thường xuyên đến mức nào về việc chuyển nguồn lực từ phòng ban này sang phòng ban khác vào khoảng giữa quý để đảm bảo chúng ta có thể đạt được mục tiêu đó?” Vẻ mặt của mọi người đã cho thấy câu trả lời là Chưa bao giờ. “Và mọi người tự giác đến mức nào trong việc xem xét các mục tiêu đề ra một cách chi tiết và đào sâu tìm hiểu xem tại sao mục tiêu đó đã được hoặc không được hoàn thành?” Kathryn dĩ nhiên đã biết trước câu trả lời. Jeff lên tiếng giải thích. “Tôi phải thừa nhận tôi xem marketing là việc của Mikey, phát triển sản phẩm là trách nhiệm của Martin và bán hàng là việc thuộc về JR. Tôi sẽ tham gia khi có