🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook 40 Ngày Sống Với Đối Phương - Richard Dudman full prc pdf epub azw3 [Chiến tranh]
Ebooks
Nhóm Zalo
40 NGÀY SỐNG VỚI ĐỐI PHƯƠNG
Tác giả: Richard Dudman
Dịch giả: Trần Ngọc Châu, Dương Thuỷ Nhà xuất bản Trẻ
Nhà phát hành Phương Nam
Nguồn: vnmilitaryhistory
Đánh máy: ptlinh, chichbong
Biên tập: V.C
Dựng lại bìa & Ebook: inno14
THAY LỜI GIỚI THIỆU
SAU KHI BỊ "VIỆT CỘNG" BẮT
(Hồi ký của một nhà báo Mỹ cho thấy, trong khốc liệt và tàn bạo của chiến tranh, ai giữ được nguyên tắc "tính mạng con người cao nhất", người đó sẽ chiến thắng)
Khoảng đầu năm 1994, khi đang làm việc tại tòa soạn Saigon Times - tờ báo tiếng Anh đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh sau năm 1975, tôi nhận được cú điện thoại với giọng nữ rất nhẹ nhàng êm ái, từ Sở Ngoại vụ: “Anh có thể tiếp một nhà báo Mỹ được không?" Ai có thể chối từ với giọng nói như thế. Chỉ một giờ sau, Huỳnh Thị Thanh Hiền, cán bộ ngoại giao, và Richard Dudman, cựu Tổng Biên tập tờ Sant Louis Post - Dispatch, đã có mặt tại phòng khách Saigon Times. Ở tuổi 76, Dudman trông vẫn nhanh nhẹn và dí dỏm trong câu chuyện. Thanh Hiền nói, họ vừa trải qua một chuyến đi thú vị đến Tiền Giang. “Để làm gì?" Tôi hỏi. “Để viết lại một câu chuyện tuyệt vời của chiến tranh." Dudman trả lời. Câu chuyện đời ông đã thu hút tôi đến nỗi, năm 1996, khi thực tập tại báo Boston Globe và Patriot Ledger tôi đã tìm mọi cách để liên lạc và đến thăm nhà ông tại tiểu bang Maine gần đó. Sau đó, tôi viết nhiều về câu chuyện của ông đăng trên các báo Quốc tế (Bộ Ngoại giao), báo Tuổi Trẻ và Sài Gòn Giải Phóng. Trong khi viết những bài báo này, tôi cũng cố tìm gặp tướng về hưu Trương Văn Cao (Bảy Cao - lúc ấy là Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Tiền Giang, sau này về sống tại Bến Tre).
Anh Bảy, anh là ai?
Không thể nào quên lần đầu tiên tôi gặp anh Bảy Cao, vào ngày 7 tháng 5 năm 1970, thời gian căng thẳng nhất cuộc đời tôi - Dudman nói.
Khi ấy, Richard Dudman, phóng viên tờ Sant Louis Post - Dispatch được phân công đến Việt Nam để đưa tin chiến trường vào thời điểm Nixon mở rộng chiến tranh, tiến quân vào Campuchia để trả mối hận bị tấn công vào Tết Mậu Thân.
Nước Mỹ thời gian đó như đứng bên bờ vực thẳm. “Tôi gặp Bảy Cao chỉ ba ngày sau khi bốn sinh viên Đại học Kent ở Ohio bị vệ binh quốc gia bắn chết trong một cuộc biểu tình phản chiến." Richard Dudman bồi hồi nhớ lại sự kiện đẫm máu, kéo theo làn sóng cuồng nộ ở khắp các khuôn viên đại học Hoa Kỳ. Nixon muôn tiêu diệt các căn cứ của Việt Cộng ở Campuchia nên hạ lệnh tấn công vào ngày 29-4. Ngay tức khắc, ngày 2-5 dân chúng và sinh viên Mỹ bắt đầu những cuộc biểu tình phản đối. Ngày 4-5 vệ binh quốc gia bắn thẳng vào sinh viên Kent: cuộc chiến tranh Việt Nam thực sự bắt đầu ngay trong lòng nước Mỹ.
“Tôi bay đến Việt Nam cùng hai đồng nghiệp, mộl nam một nữ . Michael làm cho hãng tin Dispatch News Service (sau này nghe nói có trở lạl và bị chính quyền trục xuất vì vi phạmluật Việt Nam) và cô Elizabeth Pond của tờ Christian Science Monitor, bây giờ đang viết báo nghiệp dư ở Bonn Cộng hòa Liên bang Đức" Richard xúc động, nói trong hơi thở gấp.
Vào sáng sớm 7-5-1970 cả ba nhà báo tự lái xe từ Sài Gòn đến Phnom Penh, dự định theo chân cuộc hành quân của Mỹ và lính Sài Gòn, dọc theo "xa lộ an toàn". Nhưng chỉ mới nửa đường, khi đang vượt qua thị trấn Svai Riêng, thì bị chặn lại: Họ bị bắt và được những khẩu AK-47 “hộ tống" đi sâu vào những cánh rừng già.
“Tôi chợt nhận thấy mình đang rơi vào nguy hiểm chết người. Bao nhiêu tin tức về những người Mỹ khác bị phục kích và mất tích ở khu này đã làm tôi hoảng sợ" Richard Dudman thấp giọng như không còn nghe rõ.
Ông còn là người cao tuổi nhất trong số ba "tù binh" mới. Chính vì vậy, cùng lúc đó, ông cảm thấy có trách nhiệm trấn an hai người đồng nghiệp. “Vâng, nếu còn sống chúng tôi sẽ có một thiên phóng sự tuyệt vời”.
Nhưng, ám ảnh về cái chết vẫn không rời qua những buổi hỏi cung bất chợt do những du kích Khmer đỏ thực hiện dưới “con mắt" đen ngòm của AK. Rồi một ngày, cả ba bị ném lên phía sau một chiếc xe tải.
“Một tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đi qua những đường mòn rợp bóng cây, vào vùng giải phóngvới những cổng chào sặc sỡ, có cả ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh.” Trí nhớ của Richard Dudman dường như chưa bao giờ có tuổi. Đến giữa làng, họ bị bịt mắt dẫn đi theo lối ngoằn ngoèo, giữa hàng ngàn người phẫn uất với tiếng chửi mắng, và hình như, có người đã nhổ vào mặt họ.
“Bọn chúng là điệp viên CIA " giọng người Việt nói đầy giận dữ.
''Không, chúng tôi là nhà báo quốc tế." Michael cố gắng thanh minh bằng vốn tiếng Việt sẵn có.
Một cú đấm bất ngờ làm Michael khuỵu xuống. Rồi đến lượt Richard.
Cuối cùng, họ nghe một giọng khác, nhẹ nhàng hơn: “Hãy cho họ uống nước” Và nói với hai nhà báo bị nghi ngờ: "Các anh không nên nói láo."
Người này là một trung úy còn rất trẻ. Ông hỏi những câu ngắn gọn, nhưng rõ ràng và hứa sẽ trả tự do nếu cuộc điểu tra chứng minh họ là nhà báo, chứ không phải là gián điệp CIA giả dạng.
Những hồi tưởng vẫn tiếp diễn bởi những khám phá bất ngờ. ''Chúng tôi di chuyển vào ban đêm, khi thì bằng xe hơi, khi thì xe đạp và phần lớn là cuốc bộ. Ban ngày dừng lại ngủ trong lều của nông dân” Richard nói.
Những người đồng hành đã trở thành thân thiện từ lúc nào không hay. Đến ngày thứ 40 - Richard đếm từng ngày như một cách giết thời gian, bỗng người sĩ quan cao to hôm nào xuất hiện với đôi mắt và nụ cười nhân hậu. Ông nói: ''Tôi đã được lệnh thả các anh.”
Đó là ngày 15-6-1970.
Nhiệm vụ hoàn thành
Vào năm 1972, chính nhà báo Dudman được chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mời đến Hà Nội. Sau đó, ông đã viết nhiều bài tường thuật trực tiếp từ Hà Nội kêu gọi dân chúng Mỹ phản đối cuộc chiến tranh tàn bạo mà Mỹ gây ra tại Việt Nam.
Và từ ấy, ông ước mong được biết tên tuổi của người đã trả tự do cho ông và viết lại "thiên phóng sự tuyệt vời" như một phần thưởng vô giá của tình người mà ông từng nhận được.
Ánh sáng hy vọng lóe lên vào tháng 12-1993, 18 năm sau, có người bạn của Richard Dudman là Tim Kinh gọi điện cho vợ ông báo tin: trên tờ Newsweek có bài báo nhắc tới ông. Chính ký giả David Hackworth của Newsweek đã pha đèn vào sương mù ký ức, khi ông trích lời một tướng Việt Cộng về hưu rằng, vào năm 1970, ông và các đồng chí của ông đã thả ba nhà báo Mỹ bị tình nghi là gián điệp vì "Họ ăn quá nhiều. Một trong ba người đã ăn gấp 10 lần khẩu phần của chúng tôi " Tướng về hưu Bảy Cao nói với Hackworth. Nhưng nỗ lực tiếp theo từ Trung tâm Báo chí Bộ Ngoại giao Việt Nam đã
giúp Richard tìm ra địa chỉ tướng Bảy Cao, giúp ông làm xong công việc mà, nói như người Việt Nam, ông đã có thể an lòng nhắm mắt. Còn với Richard: “Chưa nói được tiếng cám ơn đó thì vẫn chưa trọn đạo làm người".
Khi Richard thăm nhà Bảy Cao, có lần giữa câu chuyện hàn huyên, ông hỏi phòng vệ sinh, tướng Bảy Cao tự nhiên dẫn ông ra con kênh nghiêng bóng dừa trước căn nhà lộng gió. "Ồ, có lẽ, phòng vệ sinh nhà anh lớn nhất thế giới” Richard cười. Anh Bảy tỉnh bơ: “Anh đùa cũng như tôi, khi nói với Hackworth rằng các anh ăn quá nhiều, không chịu nổi, phải thả”.
Bảy Cao cho biết cú đấm mà Richard nhận là vi phạm chính sách, nên người tung ra cú đấm phải bị kỷ luật: anh ấy đã bị giáng chức từ trung úy xuống trung sĩ. Bảy Cao ngậm ngùi : “Tôi bắt anh ấy đến xin lỗi các anh, nhưng không may anh ấy đã hy sinh vài ngày sau đó khi quân ngụy tấn công vào ngôi nhà nơi đã giữ các anh.” Richard nghĩ rằng cách mà Bảy Cao lý giải chiến thắng của Việt Nam cũng đơn giản: "Lúc đầu người ta nghĩ các anh là điệp viên, là kẻ thù, nên họ manh động. Nhiều ngườì trong số du kích có gia đình hoặc thân nhân bị lính ngụy hay Mỹ tàn sát. Hãy hiểu sự phẫn nộ của họ".
Từ lâu, Richard vẫn mơ hồ rằng việc thả ông là do sự can thiệp quốc tế nào đó, nhưng tướng Bảy Cao đã tiết lộ: "Chúng tôi phải điện cho Hà Nội xin phép được trả tự do cho các anh. Tất nhiên Hà Nội đồng ý vì nhà báo không phải kẻ thù. Chính sách đó cũng sáng ngời như chính nghĩa của chúng tôi” Bảy Cao nói, giọng vẫn khỏe khoắn như ngày nào.
Nhưng Richard hiểu rằng ông may mắn biết bao, bởi vì làm sao có thể trách được sự ngộ nhận của chiến tranh. Năm 2000, nhân kỷ niệm 25 năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam, Richard Dudman đã thực hiện được ước mơ cao hơn: đưa bà Helen Dudman - vợ ông đến Việt Nam để cùng nói lời cám ơn,
bởi chính bà mới là người “thọ ơn" nhiều nhất. Hạnh phúc lớn nhất của bà là người chồng mất tích trong vùng chiến sự, bỗng trở về nhà.
Năm nay, 2005, kỷ niệm ba mươi năm giải phóng, chúng tôi muốn giới thiệu cuốn sách của Richard Dudman, sau khi được trả tự do. Tất nhiên, dưới mắt một nhà báo Mỹ đang bị bắt giữ, những nhận xét lúc đó "không dễ dàng", nhưng cuối cùng, tính nhân bản và vị tha giữa người với người luôn được chiếu sáng, không phải từ một phía, mà từ nhiều phía khác nhau, thậm chí phía đối địch.
Trần Ngọc Châu
1. BỊ BẮT
Một du kích Việt Nam gầy gò nhô ra khỏi lùm cây, chĩa thẳng mũi súng tiểu liên do Trung Quốc chế tạo vào người chúng tôi, và như thế chúng tôi đã bị bắt, chỉ năm phút sau khi mới vừa ngờ ngợ rằng có gì đó không ổn.
Beth là người đầu tiên nhận ra chiếc xe mướn của chúng tôi là vật duy nhất đang di chuyển trong cảnh đồng không mông quạnh của vùng quê Campuchia.
"Hình như không gian yên tĩnh một cách không bình thường?" Beth nói.
Mike và tôi đều đồng ý rằng xa lộ vắng vẻ một cách kỳ lạ vào giữa trưa một ngày đầu tháng 5 đầy nắng. Không một bóng người trên lối mòn bùn đất giữa con đường dầu hắc và những cánh đồng khô cháy trải dài đến tận chân trời. Không tiếng khóc trẻ sơ sinh, không tiếng nô đùa trẻ nhỏ, không tiếng chó sủa bâng quơ đâu đó quanh những căn nhà lá, suốt dọc đường chính từ Sài Gòn đến Phnom Penh.
Người cuối cùng mà chúng tôi đã gặp là một lính gác Campuchia cách hai dặm ở ngoại ô thị xã Svai Riêng, nơi mà người ta dùng những thùng đựng dầu để chặn đường.
"Có lính phía trước không?" Beth đã hỏi anh ta bằng tiếng Pháp. “Có”
“Chúng tôi đi tới được không” Beth lại hỏi.
“Được, nhưng không ích lợi gì."
Một từ mơ hồ, nhưng có lẽ anh ta muốn khuyên chúng tôi nên cẩn thận.
Ngay cả quang cảnh của thị xã Svai Riêng cũng làm chúng tôi cảnh giác rồi. Nhưng lúc đó là đúng ngọ, nên cuối cùng tôi tự lý giải rằng thành phố đang nghỉ trưa. Vấn đề lớn nhất của chúng tôi vào thời điểm đó là làm sao cố đuổi kịp đội quân xâm nhập của Mỹ và Nam Việt Nam mà lúc đó chúng tôi tưởng là đang đi phía trước chúng tôi.
Lưu ý của Beth khiến chúng tôi lo lắng rằng mình đã phạm một sai lầm không thể tha thứ là đi vào vùng trắng (no-man’s-land) - một thuật ngữ thường dùng trong những cuộc chiến tranh quy ước cũ, nơi mà chiến tuyến đã được xác định rõ ràng. Nhữmg lính chiến hai bên mặc đồng phục và có thể phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù. Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, kéo dài 9 năm, không có một chiến trường như thế[1].
Các lực lượng Mỹ, quân đội Sài Gòn, các chế độ Vientiane, Phnom Penh kiểm soát được không phận và các thành phố lớn ở miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia, và như vậy, hầu như có thể đi lại thoải mái vào ban ngày. Nhưng ban đêm thì du kích cộng sản lại xuất hiện ở nông thôn và lẩn đi khi mặt trời lên. Phần lớn Đông Dương đã trở thành “vùng trắng" như vậy. Cả ba chúng tôi - Elizabeth Pond của tờ The Christian Science Monitor, Michael Morrow làm việc cho hãng tin Dispatch News Service International, và Richard Dudman thuộc tờ Sant Louis Post - Dispatch - đã đi trước lực lượng xâm nhập mà chúng tôi tưởng là mình đang theo sau và còn trước cả các toán trinh sát đặc nhiệm của lực lượng Mỹ.
Chúng tôi ý thức rõ tình trạng nguy hiểm của mình vì ngay sau khi Beth cảnh giác rằng chỉ có một mình chúng tôi ở đó, chúng tôi nhận ra con đường
đã bị cắt bởi một chiếc cầu sụp đổ hoàn toàn. Không có một vọng gác hay dấu hiệu báo động nào, duy nhất chỉ là những nhịp cầu gãy cắm dốc ngược bên dưới. Mike, một tài xế lành nghề, cố gắng quay xe trở lại hướng Svai Riêng.
Chạy không hơn trăm thước thì một thanh niên mặc áo thun xanh đậm bước ra khỏi lùm cây rậm rạp hai bên đường. Anh ta chĩa mũi súng AK-47 vào chúng tôi và nói một tràng tiếng Việt. Mike nhanh chóng dừng xe lại. Chúng tôi ra khỏi xe với hai tay giơ lên cao. Mike rành tiếng Việt, nói với anh ta: “Chúng tôi không phải lính. Chúng tôi là nhà báo quốc tế. Chúng tôi không phải người Mỹ. Chúng tôi là người Canada."
Một thanh niên Campuchia cũng mang một khẩu súng tương tự xuất hiện bên cạnh anh du kích đầu tiên. Họ ra lệnh cho chúng tôi bỏ máy ảnh và móc tất cả vật dụng trong túi ra bỏ xuống vệ đường.
"Quay lại."
"Tôi sợ các ông bắn chúng tôi," Mike nói.
"Tôi không bắn các anh đâu," người du kích nói. "Hãy quay lại và đi xuống đường đó, hai tay giơ lên khôi đầu." Mike dịch mệnh lệnh này cho Beth và tôi, rồi chúng tôi bắt đầu đi.
Cảm giác của tôi pha lẫn giữa lo sợ và thích thú. Tôi ý thức rằng mình có thể bị bắn ngay và vùi trong một nấm mộ sơ sài nào đó.
Một ngày thật ý nghĩa. Thứ năm, ngày 7 tháng 5 năm 1970, sáu ngày sau khi Tổng thống Nixon tuyên bố gửi bộ binh Mỹ đến Campuchia để tiêu diệt những căn cứ địa cộng sản trên vùng biên giới, nhằm bảo vệ an toàn cho các lực lượng Mỹ đang chiếm đóng miền Nam Việt Nam. Cách đó bảy tuần, Lon
Nol và Sirik Matak đã làm một cuộc đảo chính lật đổ Hoàng thân Norodom Sihanouk và biến chế độ trung lập vùng đệm Campuchia thành một đồng minh của Mỹ và chế độ Sài Gòn.
Tôi ý thức rõ rằng thật dễ hiểu khi chúng tôi bị nghi ngờ là ngươi thuộc lực lượng xâm lăng. Chiếc xe mà chúng tôi mướn đêm trước tại Sài Gòn trông chẳng khác gì một chiếc xe Jeep nhà binh, mặc dù nó đã được sơn màu xanh biển - loại xe dẫn đường dân sự quốc tế.
Nhưng cả ba chúng tôi thì trông chẳng có gì là lính tráng cả. Mái tóc đỏ của Mike đã bắt đầu dài và tóc mai của cả hai chúng tôi đều đã mọc khá dài. Chiếc đầu hói của tôi cho thấy tôi đã quá già để có thể đi lính. Tôi đã 52 tuổi, còn Mike mới 24 và Beth 33. Không ai mặc đồ nhà binh như những phóng viên Mỹ thường mặc. Mike khoác chiếc sơ-mi sọc thùng thình và chiếc quần đen. Beth mặc áo khoác màu sáng và quần thun đen. Cô cột tóc bằng một dải khăn lụa nâu sẫm. Cả Beth và Mike đều cận thị và đeo kính dày cộm. Cả hai đều mang xăng-đan da. Nếu không có áo khoác kiểu phóng viên, tôi ăn mặc trông như đang đi đảnh gôn hay chơi quần vợt: áo thun trắng với nhãn hiệu cá sấu nhỏ trên ngực và quần thể thao trắng. Ba chúng tôi đều không mang theo vũ khí.
Từ lâu rồi, cả ba chúng tôi đều là những người phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. Tôi vốn lạc quan và cảm thấy an ủi với hy vọng đây là dịp đầu tiên tiếp xúc với “phía bên kia” của cuộc chiến mà tôi đã viết hơn mười năm qua.
Trong lúc cuốc bộ dưới cái nóng đẩy hơi ẩm của buổi trưa, sau khi leo xuống bên này cây cầu gãy rồi lại leo lên phía bên kia, chúng tôi bắt đầu bớt sợ. Cuối cùng, chúng tôi đã vượt qua những giây phút chết người ban đầu và vẫn còn sống. Điều phải làm bây giờ là thuyết phục các du kích rằng chúng tôi thật sự là những phóng viên dân sự. Mike và tôi cùng vượt lên trước
những người khác. "Nếu sống sót," tôi nói “chúng ta sẽ có một thiên phóng sự tuyệt vời".
Mike cố bắt chuyện bằng tiếng Việt với người du kích mặc áo xanh, hỏi quê của anh ấy ở đâu. "Bến Tre" anh thanh niên trả lời. Đó là một địa danh miền Nam Việt Nam nơi mà một đại tá Mỹ từng tuyên bố: "Chúng ta phải tiêu diệt ngôi làng ấy để cứu nó," nhằm hình tượng hóa toàn bộ chính sách của Mỹ ở phần lớn Đông Dương. Câu trả lời của anh du kích cho thấy anh có lý do đặc biệt để thù ghét người Mỹ. Điều đó cũng hé lộ cho chúng tôi biết rằng anh ấy là người miền Nam. Có lẽ là một Việt Cộng, hay chính xác hơn là một người lính Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Bỗng từ xa, chúng tôi nghe thấy tiếng máy bay trực thăng. “Đi, đi, đi”- người du kích thứ nhất la lên. Chúng tôi chạy, hai tay che trên đầu Không có gì che chắn cả, ngoài nhưng tán cây xanh rậm rạp hai bên đường. Vài cây ngã đổ, nằm chắn ngang con lộ như dấu hiệu cấm đường Những đám mạ khô cháy trải dài mút mắt bị chia cắt bỏi nhữg bờ ruộng phủ đầy cỏ xanh và rải rác nhữg bóng dừa cao.
"Ném giấy thông hành của anh đi," Mike nói nhỏ. Tôi vẫn còn giữ giấy thông hành màu xanh của Mỹ trong túi, không muốn mâu thuẫn với lời nói dối của Mike rằng chúng tôi là người Canada bằng cách bỏ giấy thông hành xuống vệ đường cùng những thứ vật dụng linh tinh khác. Bây giờ tôi quyết định không để lộ nó ra, khi so sánh nguy hiểm giữa một bên bị phát hiện là người Mỹ và một bên bị phát hiện cố tình che giấu quốc tịch của mình. Tôi bắt đầu mệt nhoài: "Tôi không biết sẽ chịu đựng được đến bao lâu nữa'?" Tôi bảo Mike. Beth đang lết bết ở đằng sau. Hai hay ba du kích đạp xe đạp gia nhập đoàn chúng tôi từ những chỗ núp hai bên đường. Một người cho Beth ngồi lên phía sau xe và cô đã vượt qua chúng tôi với một nụ cười tươi rói.
Đi được chừng hai dặm, chúng tôi được lệnh phải rẽ xuống một đương mòn và dừng lại trước một túp lều tranh. Khoảng sáu người, cả nam lẫn nữ xuất hiện. Họ ra lệnh cho tôi và Mike cởi bỏ quần dài và cả ba đều phải tháo giày dép và giao cho một trong những du kích nam. Anh này ra dấu cho chúng tôi ngồi xuống một chiếc ghế dài thấp trong khi thọc tay vào túi quần và khám xét cả giày dép. Anh tịch thu thẻ thông hành, con dao bỏ túi và chiếc khăn tay, rồi trả đồ đạc lại cho chúng tôi. Anh cũng trả kính đeo mắt cho tôi. Lúc chúng tôi mặc áo quân, một phụ nữ Campuchia mắt đen, trùm khăn trên đầu, mang tới một thau nước và đặt trước mặt chúng tôi, nói một câu gì đó bằng tiếng Việt. "Chúng ta có thể rửa tay, rửa mặt," Mike nói. Nước mát lạnh thật khoan khoái. Một phụ nữ khác mang một ấm trà bằng sứ và rót trà nóng vào ba tách thủy tinh.
Sau mấy phút nghỉ ngơi, chúng tôi được lệnh ngồi lên yên sau của ba chiếc xe đạp tiếp tục khoảng đường mù mịt bụi. Ba thanh niên đèo chúng tôi đi hết nửa dặm đường, đến một căn nhà khác - một nhà sàn - với khoảng hai mươi người tập trung trên sàn nhà có tam cấp đi lên. Phần lớn đàn ông có mang vũ khí. Còn lại là phụ nữ và trẻ em. Nơi đây trông có vẻ là bộ chỉ huy. Chúng tôi ngồi trên một chiếc giường thô sơ ghép bằng ba miếng ván và cuộc thẩm vấn đầu tiên bắt đầu:
“Các ông là ai?" một thanh niên mặc sơ-mi đỏ hỏi bằng tiếng Việt.
“Chúng tôi lâ những nhà báo quốc tế," Mike trả lời. “Tôi là người Canada, cô này cũng vậy" (chỉ vào Beth) còn anh này là người Mỹ" (chỉ vào tôi). Tôi đã dặn trước Mike là tôi muốn nói rõ tôi là người Mỹ tốt hơn là che giấu.
"Các ông làm gì ở đây?"
“Chúng tôi đi từ Sài Gòn sáng nay. Chúng tôi chạy theo Quốc lộ 1 qua
Campuchia nhằm quan sát và viết tin tức về kết quả cuộc tấn công của Mỹ và các lực lượng Sài Gòn. Chúng tôi không hề biết mình đã đi vào vùng giải phóng."
"Xe này của ai?"
Mike bảo với anh ta xe đó do chúng tôi mới mượn đêm qua của một người bạn Mỹ ở Sài Gòn và nhấn mạnh đó không phải là xe nhà binh. Chủ nhân chiếc xe là một trưởng đại diện ủy ban trách nhiệm cứu trợ trẻ em Việt Nam bị thương và bỏng do chiến tranh.
Cuộc thẩm vấn tạm dừng. Hình như có vẻ hợp lý. "Chúng ta sẽ phải làm việc lại sau khi tất cả những chuyện này chấm dứt," tôi nói với Mike và Beth. "Vì vậy ngay bây giờ, Mike, tốt nhất anh hãy nói với họ trả lại chúng ta giấy, bút để chúng ta làm công việc phóng viên của minh." Nhưng một câu hỏi khác cắt ngang. Người đầu tiên thẩm vấn có vẻ có thẩm quyền, nhưng rồi anh ta dừng lại để nhường cho một người già hơn, chừng 45 tuổi, với một mắt bị hỏng. Chúng tôi để ý ông từ trước, với vẻ ngạo mạn và thiếu kiên nhẫn. Ông mặc quân phục ka ki, không quân hàm.
“Chúng tôi nghĩ các ông là nhân viên CLA." ông bảo Mike bằng tiếng Việt.
“Không đúng. Chúng tôi là nhà báo quốc tế. Chúng tôi không làm việc cho chính phủ Mỹ."
"Vậy các ông làm gì ở đây?"
Mike lại kể về chuyến đi từ Sài Gòn lên đây cho đến khi bị bắt.
Người đàn ông chột mắt lắng nghe một cách lạnh lùng, rồi bỏ dở, xoay ra khám xét những vật dụng của chúng tôi, kể cả cái túi ngủ qua đêm, lôi từ
trong xe ra. Không thấy các máy đánh chữ của chúng tôi đâu. Khi những du kích phát hiện cuộn tiền Việt của tôi, thì người chột mắt hỏi bao nhiêu. Tôi đoán chừng 35 ngàn đồng mà tôi đã đổi tối qua để trả tiền khách sạn Continental ở Sài Gòn. Một người khác đưa máy ảnh của Mike lên cao và chỉ vào vết nút trên ống kính lọc và thắc mắc nó có bị làm hỏng không.
“Nó chỉ là cái kính lọc thôi," Mike nói. “Ống kính không hỏng, và có lẽ có vết nứt là do khi tôi bỏ máy ảnh xuống đường. Không sao đâu."
Một thanh niên nhìn chiếc đồng hồ đeo tay của tôi. "Tôi muốn mượn cái này," anh ấy nói và tháo nó ra khỏi cổ tay tôi. Tôi bảo Mike: “Nói giùm với anh ấy là cứ lấy đi, nhưng nhớ đó là quà tặng của cha tôi nhân sinh nhật 21 của tôi, đã ba mươi mốt năm rồi." Tôi không hiểu tại sao tôi cứ nghĩ câu nói đó có thể làm sự việc khác đi hoặc không biết là Mike có dịch không, anh ta vẫn thường “kiểm duyệt” tôi khi anh nghĩ là nên làm như vậy. Thôi, coi như cái đồng hồ đó đã bị hôi của, nhưng sau một cuộc thảo luận nó được xem như vật chung, và được đặt lại vào chiếc túi ni-lông của Beth cùng tiền bạc và máy ảnh của chúng tôi.
Một phụ nữ trẻ khác quấn xà-rông in hoa và tấm khăn che đầu dẫn Beth lên cầu thang đến phòng chính của căn nhà. Họ trở lại vài phút sau đó. Beth đã được lệnh cởi bỏ quần áo để khám xét. Sự tôn trọng quyền riêng tư cá nhân đối với Beth cho thấy đó là một dấu hiệu lốt lành.
Một thanh niên Campuchia nói được một ít tiếng Pháp bảo với Beth rằng anh ấy là sinh viên ở Phnom Penh được “phép” tham gia cách mạng - một đặc quyền chỉ dành cho những người lính đã được huấn luyện. Anh ta rất thích thú khi biết Beth đã ở Tiệp Khắc nhiều tháng. Nhưng Người Độc Nhãn đã quát anh ta bằng tiếng Việt. Cuộc nói chuyện thân mật bị cắt ngang bất ngờ và anh thanh niên bỏ đi.
Một du kích Campuchia vào, đội nón vải ka ki lính Mỹ, với chữ “EU.N.K." trên vành mũ lật lên phía trước. Chúng tôi đoán chắc đó là những chữ viết tắt của Mặt trận Thống nhất quốc gia Campuchia “From Uni National du Kampuchiea), phong trào chính trị mới do Hoàng thân Sihanouk lãnh đạo được Hà Nội hậu thuẫn.
Một người trông lớn tuổi hơn đi vào nhà, một người Việt khoảng 45 tuổi, mái tóc muối tiêu của ông dựng đứng, đã lâu không cắt. Sau vài phút to nhỏ với Người Độc Nhãn, ông bắt đầu cuộc thẩm vấn mới với chúng tôi. Vẫn những câu hỏi tương tự, những câu trả lời tương tự. Chúng tôi là ai? Chúng tôi ròi Sài Gòn lúc nào?. Tại sao chúng tôi xâm nhập “vùng giải phóng"'? Ông ta cau mày như không tin mấy những câu trả lời của Mike. Đó là một cuộc đối thoại dài dằng dặc bằng tiếng Việt.
“Ông đi xe đạp được không?" viên sĩ quan Độc Nhãn hỏi Mike. Ông nói chúng tôi có thể tự mình đi xe đạp với sự hộ tống của bốn du kích, súng quàng vai, dọc theo con đường lầy lội với những lối rẽ vuông góc giữa những cánh đồng lúa.
Chúng tôi đạp xe khoảng hai dặm cho đến khi gặp một chiếc xe tải nhà binh hai tấn rưỡi đậu bên lề xa lộ dẫn tới một ngôi làng khác. Tấm bạt phủ trên xe và thân xe được ngụy trang bởi nhữg cành cây tươi mới bẻ. Chúng tôi có thể thấy rõ chữ Skoda phía sau xe, chứng tỏ đó là một trong những xe tải Tiệp Khắc viện trợ cho quân đội Sihanouk khi ông vẫn còn là lãnh đạo Nhà nước Campuchia và được những người linh đào ngũ đem theo khi ông bị lật đổ.
Hai người đàn ông ngồi tựa phía sau xe và ra lệnh cho chúng tôi bước lên thùng xe bằng cửa sau. "Họ bảo ngồi xuống sàn xe và không được nhìn ra ngoài," Mike nói. Chúng tôi bò trên những khúc gỗ ra sát phía trước thùng xe. Sáu người Campuchia, phần lớn ở độ tuổi 20, mang súng lục, súng trường
và một khẩu súng máy nhẹ, leo lên xe theo chúng tôi, đứng canh khi chiếc xe lăn bánh chạy dọc xa lộ.
Một lính gác chĩa mũi súng AK-47 vào ngực tôi. Trong một phản ứng tự nhiên, tôi ra dấu cho anh ta chĩa sang chỗ khác, mà quên rằng tôi không được phép có bất cứ yêu cầu gì . Anh ta bèn nhích mũi súng chĩa thẳng vào đầu tôi và giữ mãi ở đó suốt phần còn lại của hành trình.
Tôi chỉ biết nhìn mặt trời mà đoán mình đi về hướng Bắc hay hướng Tây. Anh sinh viên Campuchia - thông dịch viên, đã đổi thái độ từ một người hướng dẫn dễ thương thành một chiến binh đầy quyền lực. Anh ta tựa phía sau xe mỗi khi xe chạy qua một khu xóm hay làng mạc, đưa lên ba ngón tay và kêu một điều gì đó có cả từ "người Mỹ". Người ta đã quên điều Mike nói rằng Mike và Beth là người Canada và xem cả ba chúng tôi là những tên Mỹ bị bắt. Tại hai ngôi làng đầu tiên, xe chúng tôi chạy chậm lại, và tôi chợt nhìn thấy một vòm cổng chào dã chiến bằng gỗ, cắm đầy hoa trang trí với những dải ni-lông xanh, hồng và một khung ảnh Sihanouk treo trên cao. Tại một điểm dừng, có người leo lên xe kiểm tra xem những cành cây ngụy trang có chắc không. Mỗi khi xe dừng người ta dành một khoảng thòi gian cho dân chúng được xem tận mắt những tù nhân.
Tại ngôi làng thứ ba, điểm cuối hành trình, dân làng có đến 15 hay 20 phút thay phiên nhau leo lên xe nhìn chúng tôi. Đàn ông, các cậu bé và một người đàn bà leo lên xe, dán mắt vào chúng tôi và giơ nắm tay ra. Một thanh niên lật ngửa bàn tay với móng vuốt như thể muốn cấu nát chúng tôi. Một ông lão má hóp và đôi mắt trợn trừng trèo lên mui xe rồi bắt đầu hét tướng lên và ra dấu với bàn tay mở rộng. "Ông ta bảo hãy nằm xuống," Mike thông dịch. Chúng tôi lập tức nằm úp mặt xuống, hai tay vươn ra. Điều này hình như càng làm ông lão tức giận hơn, cho đến lúc Mike hiểu ra là ông ta muốn
chúng tôi ngồi xuống sàn xe thay vì ngồi trên đống gỗ nhỏ.
Dân làng càng lúc càng hỗn loạn, khi một thanh niên Việt Nam, mặc quân phục mà không đeo quân hàm, đến và ra lệnh cho họ tránh xa chiếc xe tải. Cả anh này nữa cũng hỏi chúng tôi là ai và làm sao chúng tôi có thể đến đây và bị bắt.
“Các ông sẽ không bị bắn đâu," anh ấy nói - “Nhưng chúng tôi phải bịt mắt các ông lại trước khi chúng tôi dẫn các ông ra khỏi chiếc xe tải này." Những mảnh vải Thổ Nhĩ Kỳ bịt quanh mắt và cột lại phía sau cổ chúng tôi chặt đến nỗi cằm chúng tôi b! kéo xuống sát ngực.
Một người nào đó đỡ tôi bằng tay, giúp tôi bước qua miếng ván chắn sau xe xuống đất. Mike, Beth và tôi cầm tay nhau. Tôi tự nhủ bịt mắt chỉ là để đề phòng an ninh mà thôi. Beth lại nghĩ khác “Tôi không cho rằng kết cục sẽ như thế," Mike an ủi Beth. Nhưng Mike nghĩ anh đã nghe một giọng Việt Nam nói là "người ta phải giết tù binh chiến tranh". Mike bảo Beth nên nói chuyện lần nữa với người sinh viên Campuchia và chúng tôi nghe chị thuyết phục bằng tiếng Pháp với người này rằng chúng tôi không phải là nhân viên quân sự. Mike đưa ra tên một người quen trong phái đoàn Bắc Việt Nam tại Paris - người có thể xác minh nhân thân của anh. Cái tên hình như chẳng có ý nghĩa gì đối với họ.
Chúng tôi bị trói ở cổ tay và dẫn ngang qua đám đông dân làng. Chúng tôi có thể nghe họ gào thét và thỉnh thoảng cảm thấy bị đấm sau lưng. Rồi tay của Beth được tháo rời khỏi tay tôi và những bàn tay giữ tôi và Mike bắt đầu lôi hai người chúng tôi đi theo một con đường gồ ghề. “Đi, đi, đi”. Lần đầu tiên tôi thật sự sợ hãi rằng chúng tôi bị mang đi hành quyết, nhưng tốt nhất nên tập trung vào mỗi một chuyện mà chúng tôi có thể - bước từng bước một. “Cẩn thận không thì trật mắt cá bây giờ" tôi bảo Mike. Chúng tôi nắm tay
nhau cho khỏi ngã.
Dừng lại một chút. Ai đó nới lỏng nút buộc sợi dây quấn quanh cổ tay chúng tôi. “Đi, đi, đi”, một giọng nói, rồi chúng tôi nghe tiếng nổ của xe gắn máy. Xe chạy, kéo chúng tôi chạy theo sau rất nhanh. Những tiếng reo hò, những nắm đấm giục chúng tôi phải chạy nhanh lên. Mike động viên tôi và kêu lên bằng tiếng Việt, "Ông bạn tôi đã 52 tuổi rồi. ông ấy không thể chạy nhanh như thế này được." Chẳng ích lợi gì. Tôi vấp, gắng đứng dậy, luôn tự nhủ với mình, “Không được ngã. Không được trật mắt cá."
Chúng tôi chạy loạng choạng như vậy dọc nửa dặm đường hay hơn thế nữa cho đến khi không còn nghe thấy tiếng của dân làng và cảm thấy con đường mỗi lúc dày thêm bụi hay cát. Trong đầu tôi bỗng lóe lên hình ảnh thành phố Huế sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân, nhưng ngôi mộ tập thể mà tôi đã thấy trong những đụn cát bên ngoài thành phố. Tôi ngờ rằng một chuyện tương tự cũng sắp xảy ra đối với chúng tôi. Ý nghĩ đó không làm tôi sợ hãi cho bằng nuối tiếc và thất vọng tràn trề. Tôi tự nhủ: “Mình đang tuổi trung niên. Còn quá nhiều việc muốn làm. Giờ đây toàn bộ câu chuyện sắp sửa chấm dứt chỉ trong một hai phút nữa."
Chiếc xe gắn máy dừng lại. Một người nào đó thay miếng vải bịt mắt cho tôi, những ngón tay ấn mạnh miếng vải vào hốc mắt để chắc chắn là tôi không thể nhìn thấy. Tay vẫn bị trói chung, Mike và tôi được dẫn thêm vài bước nữa. Chân tôi vấp phải một bậc thềm và màu đỏ thẫm sau miếng vải cột mắt đổi thành màu đen khí chúng tôi "ra khỏi" ánh nắng chiều để bước vào bóng tối của một căn phòng có sàn nhà dơ bẩn.
Bỗng thình lình tôi nghe một tiếng "rắc" khô khan, và cảm thấy Mike ngã quy xuống đất với một tiếng rên. Tôi nghĩ anh ấy đã bị bắn và người kế tiếp sẽ là tôi. Nhưng đó chỉ là một cú đánh bằng cây quật vào sau gáy tôi tích tắc
sau đó, khiến tôi ngã xuống. Tôi nằm đó, mắt vẫn bị bịt kín, sẵn sàng bị đấm đá, nhưng chỉ một lát sau, Mike bảo tôi có ai đó ra lệnh bằng tiếng Việt: "Đừng đánh họ nữa". Tôi được lôi ngồi dậy, tay trói quặt sau lưng, chặt đến nỗi sợi dây có thể đã làm máu ngưng lưu thông nếu trước đó tôi không gồng lên khi các nút được buộc. Tôi cảm thấy Mike ngồi sát bên tôi, thì thầm: "Họ kêu chúng ta dang chân ra." Trong khi ngồi chờ đợi, tôi nghe từ xa tiếng phụ nữ kêu rên vì đau đớn. Tôi đoán chắc Beth đang bị tra tấn. Cùng lúc với nỗi lo về điều có thể đang xảy ra cho Beth và sắp xảy ra cho chủng tôi , tôi côn cảm thấy khổ sở khi phải ngồi thẳng người trong tư thế hai chân dang rộng mà không có gì để tựa sau lung. Lúc đó, điều tôi muốn duy nhất là được tựa lưng vào cái gì đó hay được co chân lên.
Một giọng đàn ông quát vào Mike: "Tụi mày là gián điệp Mỹ phải không?" “Tụi mày là CIA, đúng không?"
"Không" Mike trả lời với giọng khẩn khoản. "Chúng tôi là nhà báo quốc tế. Chúng tôi không có quan hệ gì với Chính phủ Mỹ hay cuộc tấn công vào Campuchia cả. Chúng tôi chỉ cố gắng nói cho người đọc của chúng tôi biết sự thật về cuộc xâm lăng mà thôi. Điều quan tâm của chúng tôi chỉ là sự thật và hòa bình." Anh lặp đi lặp lại rằng anh có quen một thành viên của phái đoàn Bắc Việt Nam tại hội nghị Paris, người đó có thể giúp xác nhận nhân thân của anh.
“Còn bạn tôi là trưởng văn phòng tại Thủ đô Washington của báo Sant Louis Post - Dispatch, một trong những tờ báo lớn ở Mỹ, tờ báo luôn phản đối cuộc chiến tranh Đông Dương từ nhiều năm nay. Và đồng nghiệp nữ là phóng viên của báo Christian Science Monitor (Người hướng dẫn Khoa học Đạo Cơ đốc), cũng là một báo lớn ở Mỹ. Cô ấy cũng đã viết nhiều bài chống lại cuộc xâm lược của Mỹ ở Đông Dương. Còn tôi là đặc phái viên của một
hãng tin độc lập, Dispatch News Service International."
Không có lời đáp lại. Chỉ nghe tiếng chân bỏ đi. Mike khẽ dịch cho chúng tôi nghe về cuộc trao đổi giữa bọn họ.
“Anh có đau lắm không'?" tôi hỏi. "Không sao," anh trả lời. “Tôi chỉ bị bất tỉnh một lát thôi, nhưng có lẽ không bị gãy xương. Nhưng tôi lo về sự tuần hoàn máu ở chỗ tay bị trói".
Tôi bảo anh ấy có lẽ tôi bị đánh khá mạnh vào phần cứng trên đầu nhưng không đáng lo lắm.
Một giọng khác, cũng là tiếng Việt, nhưng lần này mềm mỏng và thiện cảm hơn ghé sát vào chúng tôi và nói: "Các ông có sợ không?"
"Có”, Mike nói, "Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra cho chúng tôi. Vì vậy chúng tôi có lý do để sợ?"
"Không phải sợ, nếu thật sự các ông là nhà báo. Các ông có muốn uống nước không?"
“Cho ông bạn tôi uống đi - ông ấy già hơn” Mike nói.
Tôi cảm thấy miệng ly thủy tinh chạm vào miệng tôi và tôi liền nốc ừng ực. Đó là lần uống nước ngon nhất trong đời.
"Ông ấy bảo chúng ta có thể dựa lưng vào những bao tải sau lưng," Mike nói. “Như vậy dễ chịu hơn. Và chúng ta cũng có thể co chân lên nếu muốn."
“Có phải dây trói quá chặt không?" người đần ông hỏi Mike. Anh ấy trả lời đúng như vậy, và ngươi đàn ông nhanh chóng nới lỏng những sợi dây trói, rồi nới lỏng thêm lần nữa khi Mike nói tay anh vẫn còn mất cảm giác.
“Thật không phải khi làm như thế này đối với các ông," người đàn ông bảo Mike.
“Ông là đại úy phải không?" Mike hỏi.
“Không, mới trung úy thôi".
Anh ta im lặng một lúc.
“Bây giờ chuẩn bị đi tiếp." Anh ta nói. "Các ông sẽ có thể tắm rửa, giặt quần áo và sẽ được cho ăn uống."
Anh ta cầm tay kéo tôi đứng lên và dìu tôi ra khỏi căn nhà, dọc theo con đường vài mét, đến một căn nhà khác. Tôi cảm thấy nền xi măng dưới chân tôi. Tôi được dìu cẩn thận băng qua gian phòng cho đến khi ống quyển tôi chạm phải một băng ghế dài. Chúng tôi được lệnh quay lại và ngồi xuống.
Rồi tôi nghe tiếng Beth. Cô ấy cũng được đưa vào gần như cùng lúc và đang phụ viên sĩ quan Việt Nam tháo dây trói cổ tay và băng bịt mắt cho chúng tôi.
Nhìn qua cánh cửa hé mở, chúng tôi có thể thấy bên ngoài trời đang tối dần. Ánh sáng ngọn đèn dầu lửa soi rõ Beth đang tươi cười vì được gặp lại chúng tôi, và viên trung úy tử tế, một người lính mảnh dẻ với khuôn mặt xương xương và khoảng chừng 35 tuổi. Anh ta đội chiếc nón cối màu kaki, mặc bộ đồ kaki, và mang đôi dép tắm cao su màu xanh trắng.
"Chúng ta sắp được ăn," tôi nói với Beth, "rồi có thể tắm và giặt quần áo."
Một người Việt mang vào phòng một thùng xăng 5 ga-lông đựng nước cùng bao đồ của Mike và tôi. Dưới ánh sáng tù mù, chúng tôi có thể nhận ra mình
đang ở trong một phòng học, với vài băng ghế dựa sát tường và một chiếc bàn dài gần chỗ băng ghế ngồi của chúng tôi. Những người du kích lấy cái bảng đen làm thành một tấm bình phong và đặt thùng nước bên trong, cho thấy chúng tôi có thể tắm ở đó . Họ trao cho chúng tôi một bánh xà phòng rồi bỏ đi.
Beth tắm trước, cô dùng khăn mặt và khăn tắm của Mike. Cô ấy phải mặc lại bộ đồ cũ, hơi nhàu nát sau chuyến hành trình trên con đường đầy bụi và trong chiếc xe tải của du kích. Còn Mike và tôi đều đem theo một bộ quần áo để thay. Mở cái túi bay nhỏ của hãng hàng không Pan American màu xanh, tôi thấy trong đó không chỉ có áo thun, quần ka ki, quần lót và tất mà còn có cả bộ dụng cụ phòng tắm, dao bỏ túi nhỏ, và một cặp kính cận dự phòng.
Lần lượt, chúng tôi tắm, dùng một cái gáo múc nước để gột sạch xà phòng. Một người đàn ông mang thêm vào một thùng nước. Mike tình nguyện giặt quần áo giô của tôi và anh. Anh làm hết sức mình. Nước rất lạnh. Tôi hỏi Beth cô ấy đã bị đối xử ra sao.
“Không tệ lắm. Người sinh viên bảo với tôi rằng ông và Mike được đem đi thẩm vấn." Lúc đó, Beth đã được đưa đến một phỏng khác, đặt ngồi xuống, vẫn bịt mắt. Cô có thể nghe thấy dân làng ùa vào để xem người nữ tù phương Tây. Một người la lên giận dữ bằng tiếng Campuchia, rồi tháo đôi dép của cô, ném vào tường.
Sau đó, bị bỏ lại một mình với người gác, cô hỏi xin nước, uống, rồi xin thêm, và được thêm. Thu hết can đảm, cô tháo băng bịt mắt. Cô đang ở trong một phòng học. Một thanh niên Việt Nam đứng gác gần cửa. Anh tới gần cô, kéo chiếc nhẫn bạc từ ngón tay cô và làm một cử chỉ dè dặt như để chọc ghẹo cô. “Không cần phải như thế đâu," cô nói. “Anh là em trai. Tôi là chị gái mà." Cô nói bằng tiếng Anh. Anh ta đeo chiếc nhẫn lại vào ngón tay cô và không
làm phiền cô nữa.
Lát sau viên trung úy có khuôn mặt gầy đến và bảo Beth là cô có thể nằm trên bàn nếu cô muốn ngủ trưa. Anh ta nói là cấp trên của anh vừa biết về việc bắt giữ và cử anh đến để bảo đảm cô không bị ngược đãi. Không lâu sau đó, một người lính khác nhặt đôi dép lên cho cô và đưa cô đi qua sân trường đến căn phòng nơi chúng tôi đang ở.
Lúc đó chắc là 9 hay 10 giờ. Chúng tôi khởi hành từ Sài Gòn lúc bình minh. Cả Mike và Beth không kịp ăn sáng. Hai người Việt mang vào một cái nồi đen, đựng cơm. Cơm hãy còn nóng, rõ ràng là phần còn lại từ bữa tối của du kích. Cạnh đó còn có một đĩa thịt mỡ heo rán, một ấm trà, ba cái ly, ba đĩa ăn và ba cái muỗng. Chúng tôi ăn hai hay ba đĩa, ngồi sát bên nhau chỗ bàn học.
Người lính có khuôn mặt gầy - người đã trở thành một khuôn mặt quen thuộc - bước vào phòng khi chúng tôi vừa ăn xong và báo rằng có vài người nữa sắp đến để nói chuyện với chúng tôi. Khi chúng tôi đứng lên thì ba người đàn ông bước vào, dẫn đầu bởi một người Việt cao lớn - khoảng 1,78 mét là cao đối với người Việt - với vẻ bề ngoài đỉnh đạc, mắt mở to và miệng rộng nhoẻn cười khi chào hỏi chúng tôi. Ông mặc quần áo ka ki nhà binh với cầu vai và để hở cổ ông ta khoảng 40 tuổi. ông nói bằng giọng mà sau đó Mike bảo là giọng Bắc rặt. Ông nói ông và những người lính khác đều là người gốc Việt (để tránh vấn đề quốc tịch) đang chiến đấu trong mặt trận cách mạng thân Sihanouk ở Campuchia.
Theo đề nghị của ông, Mike lặp lại câu chuyện của chúng tôi. Viên sĩ quan cao lớn gật đầu như nhận biết khi Mike nói tên người bạn Bắc Việt Nam của anh ở Paris.
"Nếu các ông thật sự là những nhà báo quốc tế. các ông sẽ được thả," viên
sĩ quan nói, “Nếu các ông là gián điệp CIA, các ông sẽ bị xử theo luật quốc gia. Trong khi chúng tôi kiểm tra, các ông sẽ được đưa tới một nơi an toàn. Ở đây không an toàn lắm. Người Campuchia không biết rằng có người Mỹ tốt cũng như người Mỹ xấu. Họ chỉ biết xe tăng và máy bay của chủ nghĩa đế quốc Mỹ mà thôi. Do đó, thiếu an toàn khi ở đây. Tôi đã phân công sĩ quan này (hướng về phía người trung úy mặt gầy) chịu trách nhiệm về sự an toàn của các ông. Hãy theo sát anh ấy, mọi việc sẽ tốt đẹp".
Điều này cho chúng tôi niềm hy vọng đầu tiên rằng một lúc nào đó sẽ được thả. Tuy vậy, vẫn không được quên rằng mình là những tù nhân bị tình nghi là gián điệp. Khi ngồi trên băng ghế đối diện với những ngươi du kích, tôi đã ngồi bắt chéo chân trong một tư thế dễ chịu hơn.
“Ngồi thẳng lên, để cả hai chân xuống sàn." một người trẻ quát vào tôi.
Khi viên sĩ quan cao lớn chấm dứt chỉ thị, ông bảo chúng tôi nghỉ ngơi. Ông và những tùy tùng ra khỏi phòng. Chúng tôi nằm xuống cạnh nhau trên nền xi măng trần trụi.
Khoảng một giờ sau, tất cả trở lại chỉ trừ viên sĩ quan cao lớn. Chúng tôi được lệnh: “Chuẩn bị đi". Chúng tôi thu dọn quần áo hãy còn ướt bỏ vào bao, rồi ra đi dưới ánh trăng đêm, băng qua sân trường, dọc theo một lối mòn ngoằn ngoèo lầy lội, tiến đến một chiếc Land Rover, kiểu như xe Jeep lớn với thùng xe có bạt che ở phía sau đang chờ sẵn.
Một người có khuôn mặt rầu rĩ, đội chiếc mũ lính vành rộng thời đệ nhất thế chiến, áo xanh da trời, quần xanh lá cây, dẫn đầu với khẩu AK-47 vác trên vai. Chúng tôi đi theo. Viên sĩ quan mặt gầy và vài người khác đi phía sau. Một người khiến tôi chú ý khi chúng tôi leo lên xe và bắt đầu băng qua những con đường lầy lội giữa đêm. Anh ta là một thanh niên Campuchia, cao lớn và
nặng nề hơn phần lớn người Việt mà tôi đã gặp với khuôn mặt rộng, đôi môi dày và cái miệng đầy những răng vàng.
Chúng tôi chạy khoảng một tiếng, thỉnh thoảng dừng lại khi có những ánh đèn hiệu từ những cánh rừng hai bên đường. Một người linh trên xe nháy đèn trả lời và những bóng đen bước ra khỏi những bụi cây và thi thầm trao đổi với toán người áp giải tù nhân.
Chúng tôi dừng lại trước một ngôi nhà khang trang, kiểu nhà sàn truyền thống, với cầu thang dẫn lên cửa trước.
Màu hồng của mái ngói và bốn bức tường bằng gỗ xẻ hiện rõ dưới ánh trăng. Sau khi toán áp giải thì thầm với chủ nhân người Campuchia, chúng tôi được lệnh cấp tốc leo lên thang gác. Người lính có đôi mắt buồn bã đưa chúng tôi đến một căn phòng lớn phía sau nhà, được ngăn ra bởi những kệ cao và tủ đứng và một cửa ra vào treo đầy những dải nhựa hồng, xanh. Bên trong kê hai chiếc ghế gỗ và một giường gỗ lớn với vạt giường gỗ có trải chiếu bên trên.
“Nghỉ đi" người lính bảo chúng tôi.
Beth nói, “Tôi muốn nằm giữa."
Tôi đoán chừng lúc đó đã là hai hay ba giờ sáng. Chúng tôi nằm xuống và rơi ngay vào giấc ngủ sau một trong những ngày dài nhất trong đời.
2. ĐIỀU TRA
Ánh sáng đầu ngày chiếu qua những tàu lá chuối bên ngoài cửa sổ khi người thanh niên mảnh khảnh, có khuôn mặt đưa đám tối qua, vẫn mặc chiếc áo sơ-mi xanh biển và quần xanh lá cây nhạt bước vào phòng và nói với Mike bằng tiếng Việt: "Đến giờ tắm rồi."
Anh ta bảo "quý bà" tắm trước, rồi đến lượt Mike và tôi sau khi Beth lắm xong quay lại. Chị quơ lấy khăn tắm, quần áo, miếng xà phòng của chúng tôi rồi theo người lính ngang qua căn nhà đang chìm trong yên tĩnh, dùng cầu thang trước xuống đất. Đến lượt mình, tôi làm theo chỉ dẫn của Beth: ra khu vực nhà vệ sinh trước - một cái hố cạn đào gần bụi chuối thấp. Những miếng lá chuối khô màu nâu mềm được dùng thay cho giấy vệ sinh.
Phòng tắm nằm trong một góc phía sau nhà, một chậu thiếc đặt trên gốc cây cạnh một lu đựng nước trong cao ngang bụng. Beth đã móc khăn tắm và đặt miếng xà phòng sẵn trên thanh sắt hàng rào cũ. Nước lạnh làm tôi nhớ đến phòng tắm nghèo nàn tương tự mà tôi đã từng sử dụng năm 1960 tại một làng quê nhỏ ở Lào, trong chuyến công tác Đông Dương đầu tiên của tôi. Nước lạnh thật dễ chịu đối với cái nóng nhiệt đới.
Cũng người thanh niên đó mang bữa sáng cho chúng tôi, với nụ cười rụt rè nhưng vẫn chưa phải là "mào đầu câu chuyện". Anh đặt một nồi đồng đầy cơm ở chân giường, và ba đĩa ăn bằng sứ, ba cái thìa và một ấm trà nóng với ba tách thủy tinh nhỏ không quai. Cơm - được chừa lại từ khẩu phần sáng của du kích - vẫn còn nóng. Tôi nghĩ gạo đã được xay xát sơ sài, đủ dưỡng chất, những hạt gạo tròn và mềm. Một bữa ăn sáng ngon miệng.
Ngày đầu tiên bắt đầu trong không khí thân thiện. Anh Tư - chúng tôi nghe những người khác gọi như vậy đêm hôm trước - quay lại sau bữa sáng mang theo ba cái xà-rông và một bao ni-lông đựng bàn chải đánh răng và kem đánh răng do Campuchia sản xuất. Ông bảo xà-rông dùng để thay quần áo. Mỗi chiếc giống như cái váy may bằng vải thô in hoa, và chúng tôi học được ngay cách tạo một nếp gấp lớn để cho nó quấn khít quanh bụng rồi cuộn lên một hay hai vòng cho chặt.
Những người sống chung trong nhà đã bắt đầu “viếng thăm" chúng tôi suốt bữa sáng, và trong lúc chúng tôi kiểm tra những đồ dùng mới. Người mẹ, một phụ nữ cao, khá đẹp với đôi mắt đen, khoảng gần ba mươi, vào nhà và trải rộng một tấm chiếu nhựa mới phủ lên tấm chiếu rơm mà chúng tôi đã ngủ, tạo thêm một khoảng đệm chừng sáu ly giữa lưng chúng tôi và miếng ván cứng. Bà quấn xà-rông, áo choàng rộng và một tấm khăn rằn gấp lại che mái tóc đen mượt. Chúng tôi không biết làm sao có thể nói chuyện với bà và chỉ biết cười khi bà dùng chổi quét những hạt cơm rơi vãi xuống dưới đất qua những thanh gỗ lát sàn và thu dọn bát đĩa mang đi. Bà mỉm cười với sự thân thiện dè dặt.
Một lát sau, đứa con gái nhỏ của bà, chừng bốn tuổi, thò đầu vào giữa những dải nhựa xanh hồng dùng làm cửa ngăn cách với phòng chúng tôi. Cô bé trông như một còn búp bê Đông Phương nhỏ nhắn với đôi mắt hạt huyền và những bím tóc cắt tỉa cẩn thận. Khi chúng tôi mỉm cười, cô quay đầu bỏ chạy nhưng rồi trở lại ngay sau đó, tay vờ mải mê túm gọn nhũng dải nhựa, rồi thả chúng ra từng cái một, nhưng thật ra là để nhìn kỹ ba khách lạ phương Tây. Người cha vẫn giữ khoảng cách. Chúng tôi thấy ông thấp thoáng đâu đó hoặc đi lững thững trước nhà hoặc nằm trên giường.
Anh Tư lại trở vào, mang theo một ấm trà giữa buổi sáng. Mike và tôi vội
vàng mặc áo vào cho lịch sự. Chúng tôi cởi trần vì trời đã bắt đầu nóng và ẩm. Anh Tư mời chúng tôi ngồi, rồi im lặng rót vài giọt trà vào từng tách, lắc lắc, đổ xuống đất, rồi lại rót đầy tách thứ nhất cho Beth, tách thứ hai cho tôi và Mike uống chung, và tách thứ ba cho chính anh.
"Các anh ăn đủ không?" Chúng tôi trả lời cơm rất ngon, và nói thêm trà thì được đặc biệt đón chào vì cái nóng làm chúng tôi mau khát. Chúng tôi hỏi chúng tôi có thể uống nước còn dư trong thau rửa mặt buổi sáng không?
“Nếu các anh đã uống nước đó, thì có thể bệnh mà chết đó" anh nói.
Trong khi nói chuyện anh thường đề cập về cái chết. Anh trao đổi về chuyến đi đến Campuchia của chúng tôi với giọng nói nhẹ nhàng, cảm tình, và khi chúng tôi kể đến giây phút bị bắt, anh nói “Các anh cũng may mắn lắm mới còn sống. Nếu có súng trong xe. các anh đã bị xử ngay."
Nói xong anh bỏ đi một lúc, rồi quay lại bảo chúng tôi có khách, một cấp trên của anh chỉ đến một lát và hỏi qua vài câu.
"Quan trọng là các anh nên nói thật," anh bảo.
Rồi, một người có dáng vẻ nhân viên phản gián điển hình bước vào. Dáng nhỏ con, trong bộ đồ kaki với vẻ cau có và nghiêm khắc để chứng tỏ mình là người quan trọng. Ông đeo một khẩu súng lục ở thắt lưng và túi xà-cột bằng vải kaki trên vai. Sau khi hớp nhanh một ngụm trà, không nhâm nhi như thông thường, và cũng không có vài câu dạo đầu:
“Tại sao các anh lại tới đây?" giọng miền Nam, chứng tỏ ông là một “Việt Cộng".
Mike kể lại một lần nữa về cuộc hành trình cho đến khi bị bắt. Anh nói
chúng tôi là "nhà báo quốc tế" và chúng tôi có dán trên kính xe mấy chữ này bằng tiếng Việt.
"Như vậy tại sao máy bay trực thăng Mỹ phát thanh lời yêu cầu giúp đỡ ba nhân viên chính phủ Mỹ trốn thoát khỏi vùng giải phóng?”
Mike không hề nghe bất cứ lời phát thanh nào như thế và nói anh cũng không hiểu tại sao người ta mô tả chúng tôi như thế.
"Các anh quan hệ như thế nào với CIA?"
Mike nói chúng tôi không có bất cứ quan hệ nào với CLA cả. Anh nhắc lại chúng tôi là những phóng viên độc lập và một lần nữa kể về các tờ báo Sant Louis Post - Dispatch, The Christian Science Monitor và Dispatch News Service International.
Viên sĩ quan thẩm vấn nhỏ con tỏ vẻ giận dữ, hỏi tới hỏi lui và nóng nảy lắc đầu như không tin bất cứ diều gì mà chúng tôi kể cho ông.
Những câu đối đáp qua lại giữa ông và Mike bằng tiếng Việt, còn Beth và tôi thì thỉnh thoảng mới lõm bõm nghe được một vài chữ. Mike chú ý từng lời trong mỗi câu hỏi và trả lời, quan sát cử động của đôi môi người thẩm vấn để hiểu đầy đủ ý nghĩa và trả lời với giọng thành khẩn gần như van nài.
Sau gần nửa giờ, viên sĩ quan thẩm vấn ra hiệu phiên thẩm vấn kết thúc, rồi ông và anh Tư bỏ ra ngoài. Mike gần như kiệt sức, phải nằm nghỉ một lát trước khi có thể kể lại cho chúng tôi chi tiết của phiên thẩm vấn, rồi cùng chúng tôi đánh giá tình hình của mình ra sao. Mike bị phiền muộn nặng nề bởi thái độ thù nghịch và sự không tin ra mặt của viên sĩ quan thẩm vấn mà Mike bắt đầu gọi là “Mặt Sắt".
Sau mười lăm phút xoa bóp lưng và vai cho Mike, tôi quyết định chúng tôi phải làm cái gì đó để san sẻ gánh nặng với Mike. Sẽ còn nhiều phiên thẩm vấn nữa, và như vậy quá nặng để một mình anh ấy chịu trận. Tôi đề nghị, trong phiên thẩm vấn tiếp theo, chúng tôi sẽ kéo giãn ra bằng cách để Mike dịch ra tiếng Anh những câu hỏi, tôi và Beth tìm câu trả lời. Như vậy sẽ giúp giảm căng thẳng cho Mike. Cách đó cũng giúp Mike đỡ phải sơ hở trong khi trả lời có thể gieo thêm nghi ngờ chúng tôi là gián điệp. Chúng tôi phải cẩn thận trong từng lời nói. Mike giả định là trong số du kích có thể có người biết tiếng Anh, do đó chúng tôi quyết định ngay cả khi nói chuyện với nhau cũng phải giữ ý tứ.
Chúng tôi e rằng cũng không loại trừ khả năng chúng tôi sẽ bị đưa ra xử công khai như những điệp viên CIA. Tôi thật không thể chấp nhận được viễn cảnh tuyệt vọng đó và tự an ủi rằng cách điều tra và những câu hỏi cũng hợp lý và không tệ hơn những cuộc điều tra của người Mỹ, và còn khá hơn nhiều so với phương pháp thẩm vấn cấp ba của chế độ Sài Gòn. Chúng tôi đoán già đoán non rằng chúng tôi đang trải qua cuộc thử nghiệm đầu tiên bằng phương pháp vừa xoa vừa đánh cổ điển, áp dụng ở bất cứ đâu, mà anh Tư là người xoa nên cư xử như bạn, còn Mặt Sắt thì chính là người đánh luôn buộc chúng tôi phải tự thú.
Lúc ấy là đầu buổi chiều. Chúng tôi chỉ còn lại một mình. Qua rèm cửa chúng tôi thỉnh thoảng nhìn thấy những người du kích hay những người trong gia đình Campuchia đang ngủ trưa hoặc thì thầm trò chuyện. Cảnh tượng đó hứa hẹn một ngày dài nhàn rỗi, có thế là ngày đầu tiên của nhiều ngày nữa. Giết thời gian là một vấn đề khó khăn khi không có một quyển sách, hay giấy để ghi chép.
Chúng tôi bắt đầu suy nghĩ một cách tích cực để vượt qua tình trạng này.
Phải tập thể dục thường xuyên và bắt đầu là dộng tác bẻ cong người. Mike tinh nguyện dạy tiếng Việt cho hai chúng tôi và câu đầu tiên là: “Xin cho tôi viết thư về nhà." Đó là câu mà chúng tôi dự tính sẽ nói khi anh Tư trở lại. Rồi chúng tôi bắt đầu chơi đố. Beth đưa ra một câu đố khiến tôi và Mike bù đầu suốt cả tuân. Có tất cả 12 trái bóng bằng bạc, đều giống nhau về kích cỡ và màu sắc bên ngoài, chì trừ một trái bóng có trọng lượng khác. Vậy đố bạn làm cách nào để xác định trái bóng đó và cho biết nó nhẹ hơn hay nặng hơn bằng cách dùng hai đĩa cân và chỉ được cân ba lần thôi.
“Đừng năn nỉ tôi giải đáp" Beth nói, “tôi sẽ không nói đâu."
Ngay lúc đó, khi chúng tôi trò chuyện, cô bé gái rón rén vào cửa và lắng nghe chăm chú tiếng nói bằng một ngôn ngữ xa lạ. Rồi chúng tôi lại thấy em trai của cô bé, khoảng sáu tuổi đi vào như muốn tìm kiếm vật gì. Em hỏi chúng tôi bằng tiếng Campuchia cái “patadl" ở đâu? Chúng tôi đoán có lẽ em muốn tìm cái bô đồng mà chung tôi dùng đi tiểu nên chỉ cho em nó ở trong góc, gần tủ gỗ. Em hơi nhăn mặt, mang nó ra ngoài để đổ đi.
Trời đã tối. Chỉ còn lại chút ánh sáng tù mù trong phỏng khi anh Tư trở lại cùng với một người trong nhà khác. một cô gái khoảng chín tuổi, gầy gò, đôi mắt đen láy, mặc một áo choàng bằng vải bông và quấn quanh hông một chiếc xà-rông ca rô. “Cha mẹ cô bé đã bị máy bay Mỹ giết chết hôm qua," anh Tư nói, gia đình này đã tiếp nhận em."
Anh Tư trao cho chúng tôi mấy trang giấy vở học sinh và dặn chúng tôi viết ra những câu trả lời cho những câu hỏi như một phần của cuộc thẩm vấn. Sau khi ghi đầy đủ họ tên, địa chi, tên tuổi từng thành viên gia đình, tên và địa chỉ tờ báo, chúng tôi phải liệt kê tất cả những chuyến đi của chúng tôi đến Paris, Sài Gòn, Phnom Penh, Lào, ghi cả ngày tháng và nội dung tóm tắt những bài báo mà chúng tôi đã viết từ những dịa danh đó. Và những nhà báo nào mà
chúng tôi biết ở những nơi đó? Chúng tôi có viết báo cáo cho CIA không? Cuối cùng, là tên tuổi của những ai có thể xác minh thân phận chúng tôi. Beth là người giỏi tiếng Pháp nhất đã dịch những bản khai này ra tiếng Pháp để chúng tôi ký tên. Chúng tôi được phép giữ hai cây bút nguyên tử, và anh Tư cho chúng tôi mượn thêm một cây nữa.
Chúng tôi xin phép được viết thư về nhà. Anh đồng ý và bảo chúng tôi cứ bắt đầu, rồi anh đi khỏi.
Chúng tôi bắt tay vào việc ngay, trước hết là viết những bức thư ngắn về nhà. Tôi hy vọng sẽ gửi được thư cho vợ tôi, Helen, để yêu cầu nàng bỏ hết công việc, tìm cách bay đến Sài Gòn hay Hà Nội.
Khi viết các tờ khai, chúng tôi nghĩ rằng không thực tế nếu liệt kê tất cả các bài báo viết về Đông Nam Á bởi vì chúng tôi đã ở đó khá lâu và đã viết rất nhiều. Hai câu hỏi quan trọng, một là về mối quan hệ với CIA, mà dĩ nhiên là phải bác bỏ quyết liệt. (Tôi viết thêm rằng sẽ chỉ có thiệt hại nếu một nhà báo lại đi làm thêm công việc của một nhân viên tình báo bán thời gian), hai là yêu cầu khai tên những nhân vật mà chúng tôi quen biết. Cả ba chúng tôi đều cố hết sức lục lọi trong trí nhớ những tên tuổi có thể quen thuộc đối với những người bắt giữ chúng tôi để may ra có một chút ánh sáng hy vọng. Tôi viết ra nào là Wilfred Burchett, một nhà báo Úc, người đã ở Hà Nội nhiều cũng như từng sống với Việt Cộng ở miền Nam Việt Nam; nào là Harrison Salisbury, Tổng Biên tập của tờ New York Times mà những tường thuật của ông từ miền Bắc Việt Nam vào cuối năm 1966, đã tố cáo với người dân Mỹ bản chất thật sự cuộc oanh tạc của Mỹ; tên vài nhà ngoại giao nước ngoài, cả những nước trung lập và cộng sản, tên những lãnh đạo đối lập chống chiến tranh Việt Nam như Thượng Nghị sĩ Fulbright, Mansfield, McGovern, và McCarthy.
Chúng tôi mất gần hai ngày để kê khai, kể cả bản dịch tiếng Pháp của Beth, rồi trao cho anh Tư cùng những bức thư gửi về nhà.
Lại một ngày nữa trôi qua, và Mặt Sắt trở lại. Ông rút những tờ giấy từ trong túi xách ra, liếc đọc chúng như một ông thầy nghiêm khắc đang dò bài những học trò lười biếng.
“Những lời khai chưa đầy đủ và các anh cũng chưa thành khẩn." ông nói “Các anh phải viết lại, và quan trọng là phải khai báo chính xác."
Cũng có thêm những câu hỏi khác, hầu hết là lặp lại những gì mà ông đã thẩm vấn chúng tôi lần đầu. Nhờ mưu kế phiên dịch ra tiếng Anh nên đỡ căng thẳng. Chỉ có một lần gay go khi Mặt Sắt hỏi có ai trong ba chúng tôi biết về chương trình Chiêu Hồi - một chiến dịch được gọi là “Mở rộng Vòng tay", mà chính quyền Sài Gòn cố gắng thuyết phục những du kích Việt Cộng đào ngũ bằng cách hứa ân xá và thưởng tiền sau khi họ trải qua một khóa cải huấn ngắn. Tôi nói với Mặt Sắt rằng tôi có biết chút ít về Chiêu Hồi vì đã viết nhiều bài đặt nghi vấn về luận điệu cho rằng số lượng cán binh đào ngũ gia tăng thì có nghĩa là Sài Gòn giành chiến thắng. Tôi đã viết rằng nhiều người chiêu hồi không phải là kẻ đào ngũ mà chỉ là những dân thường muốn được thưởng tiền và trốn quân dịch, còn một số khác là Việt Cộng đã trải qua một khóa cải huấn để nghỉ ngơi, nhưng rồi lại quay về chiến đấu trong hàng ngũ du kích. Nhưng Mặt Sắt cắt ngang câu trả lời của tôi. Có phải tôi đã từng ở trong Tổng Hành dinh của Chiêu Hồi? Tôi quen ai ở đó? Quá trễ để tôi nhận ra rằng ông ta đã có trong đầu về một khía cạnh khác của chương trình Chiêu Hồi, về những cuộc điều tra căng thẳng các hàng binh do những nhân viên phản gián chế độ Sài Gòn thực hiện. Tôi chỉ còn cách là hạn chế thấp nhất những hiểu biết của mình về vấn đề đó.
Cuối cùng, khi Mặt Sắt bỏ đi, Mike trở nên bi quan hơn bao giờ hết. “Tôi
biết cái gì sẽ đến," Mike nói. “Ông ấy sẽ dùng phương pháp cổ điển của Trung Quốc, buộc chúng ta viết đi viết lại những chuyện này 40 lần và cố phát hiện những mâu thuẫn." Có thể lắm chứ, Mặt Sắt giữ bản viết đầu tiên, rồi bắt viết bán thứ hai theo trí nhớ. Tôi vô cùng khổ sở khi phải nhớ lại thời gian của bảy chuyến công tác đến Đông Nam Á, cũng không dễ dàng gì liệt kê chúng chính xác như lần khai đầu tiên.
Sự nghi ngờ của Mike làm chúng tôi vô cùng hoang mang. Khi chúng tôi viết bản khai thứ hai tôi quyết định sẽ giữ bình tĩnh và cố gắng hết mình giữ vững tinh thần.
Thật không dễ dàng chút nào. Rồi, anh Tư quay vào và đưa Mike ra ngoài để thẩm vấn riêng khoáng 15 hay 20 phút. Mike trở lại mang theo một báo động mới. Họ báo với Mike rằng hãng tin United Press International đã đưa tin về vụ bắt giữ chúng tôi trên đài phát thanh, nói đúng tên nhưng không hề nói chúng tôi là những nhà báo. Họ còn nói bản tin đó gọi chúng tôi là "nhân viên Mỹ". Không thể có bản tin như thế được, nhưng Mike không dám nói rằng họ đã bịa chuyện. Mà anh nói rằng chúng tôi rất quen thuộc với phóng viên và biên tập viên UPI, nên không thể hình dung có một bản tin như thế.
Nếu đó là cách chơi của họ thì chúng tôi tự nhủ không biết chuyện gì sẽ xảy ra sắp tới.
3. TẢN CƯ
Đêm thứ ba, khi chúng tôi đang ngủ thì có người bước vào phòng. Chúng tôi ngồi dậy trên giường và nhìn thấy đôi má hóp, cặp mắt thiện cảm và buồn của anh Tư dưới ánh đèn dầu trên tay anh. “Chuẩn bị đi," anh nói.
"Sẵn sàng đi," Mi ke dịch lại. Chúng tôi nhét vội quần áo và đồ dùng vệ sinh vào túi xách. Anh Tư bảo chúng tôi trùm xà-rông quanh đầu. rồi dẫn chúng tôi xuống nhà. Ai đó đã lấy giày sẵn cho chúng tôi và đặt ngay dưới chân cầu thang.
Trăng sáng và trời hơi lạnh. Chúng tôi đã ngủ nhiều giờ. Tôi cảm thấy khỏe lại và sẵn sàng cho một chuyến đi đêm. Anh Tư dẫn đường đầu đội một cái mũ rộng vành và khẩu súng AK-47 đeo vai. Cả ba chúng tôi, từng người một theo sau anh, và sau lưng chúng tôi còn có ba hay bốn người nữa. Không ai nói lời nào. Chúng tôi băng qua một đường mòn ngoằn ngoèo bao quanh một cánh rừng cạnh những đồng lúa ngập nước. Khi chúng tôi rời khỏi nhà, có một cái gì trên cao đập vào mắt tôi. Tôi thấy có người đang ngồi như treo người trên những ngọn dừa cao. Hình ánh này nhắc nhở tôi rằng chúng tôi đang ở trong tay những người kiểm soát khu vực này.
Nhưng chuyến đi bộ cũng chỉ kéo dài vài phút. Tiếng một động cơ đâu đó và rồi chúng tôi đến chiếc Land Rover đang đậu chờ chúng tôi. Chúng tôi được lệnh lên xe trước, ngồi vào cái băng ghế dài gần bánh xe sau và một cái thùng trên sàn xe. Khoảng giữa chúng tôi và tài xế là nơi chất đầy những đồ dùng lỉnh kỉnh. Khi tôi thử co chân lại thì chạm phải hai nòng súng trường.
Anh Tư ngồi băng trước với những người du kích. Người lính có khuôn mặt
gầy - người đã ngăn không cho đánh chúng tôi đêm đầu tiên - ngồi bên cạnh tôi, khẩu súng lục bên hông của anh ta chạm vào hông tôi. Khuôn mặt của anh như tỏ vẻ lạnh lùng dưới nón cối vải ka ki. Anh phớt lờ chúng tôi. Bên cạnh anh. tôi nhận ra người du kích Campuchia to lớn nhờ kích thước và khuôn mặt rộng với đôi môi dày. Khi anh ta đốt thuốc, tôi thoáng thấy hàm răng vàng ánh lên. Anh chống báng súng cạc-bin xuống sàn xe và kẹp nó giữa hai đầu gối.
Tiếng một chiếc xe máy đến gần. Nhìn qua cánh cửa sau đang mở của chiếc Land Rover, chúng tôi thấy rõ một người đi xe chở theo một du kích với khẩu súng trường khoác sau lưng. Họ dẫn đường và chiếc xe chở chúng tôi rời khỏi lối mòn nhỏ. Một cách kín đáo, tôi cố gắng định hướng bằng cách thỉnh thoảng liếc nhìn ra bên ngoài khi xe liên tục rẽ phải, dựa theo mặt trăng hay sao Bắc Đẩu. Chúng tôi chủ yếu đi về hướng bắc và hướng tây, nhưng tôi không thể nào tính được khoảng cách bao xa, bởi vì không cách gì biết được vận tốc hay thời gian di chuyển.
Đúng là một hành trình thầm lặng. Không ai buồn nói chuyện khi xe chạy. Thỉnh thoảng, y như đêm đầu tiên, ánh sáng của đèn pin nhấp nháy từ những lùm cây, và một trong những du kích trên xe bấm đèn ra hiệu đáp trả. Chúng tôi dừng lại và nhiều bóng đen bước tới gần xe, thì thầm chuyện gì không rõ. Cũng có lúc chúng tôi phải chờ cho xe gắn máy dẫn đường chạy trước, có lẽ để dò đường. Thảng hoặc chúng tôi nghe tiếng lanh canh ở bình xăng và đoán rằng đó là tiếng những vỏ chai rượu cũ mà người trong vùng Đông Nam Á thường dùng đựng xăng. Thỉnh thoảng, sau khi thầm thì trao đổi với nhau, những người bắt giữ chúng tôi cho xe quay ngược lại và chúng tôi biết họ đã lộn đường.
Xa xa phía chân trời, những ánh hỏa châu lóe sáng, lúc thì bên trái, lúc sau
lưng chúng tôi. Những đơn vị lính Mỹ vẫn thường bắn hỏa châu sáng rực, rơi từ từ trên không nhờ những chiếc dù nhỏ, để giúp phát hiện vị trí của địch. Nhưng trái hỏa châu này có lẽ được bắn đi từ hai căn cứ Mỹ mới lập bên trong đất Campuchia mà tôi có dịp viếng thăm bằng trực thăng vài ngày trước, nơi lính Mỹ khai hoang khu rừng để đặt đại bác.
Lúc này chúng tôi đang đi ngang qua một đoàn người xếp hàng một đi dọc hai bên đường. Có cả phụ nữ và trẻ em mang vác những bao đồ nặng, nồi niêu, xoong chảo và những chú gà bị trói chặt hai chân lại với nhau. Xe dừng lại nhiều lần để hai du kích phía sau giúp những phụ nữ có con nhỏ leo lên tìm chỗ ngồi trên băng ghế hay dưới sàn xe. Tôi đếm trong xe lúc này cũng đến 16 người. Có những du kích quân lẫn trong đoàn bộ hành. Dưới ánh sảng lờ mờ, tôi nhận ra những khẩu súng trường và các-bin của họ. Hình như họ không mặc quân phục. nên tôi không thể đoán họ thuộc lực lượng Việt Nam hay Campuchia. Vài người phải bẻ cành cây làm gậy chống. Những lúc xe chạy chậm lại họ chạy theo, hy vọng được đi nhờ xe. Người đàn ông có khuôn mặt gầy không cho họ lên xe, nhưng đã tiếp nhận một số hành trang của họ, cố tìm cách nhét vào những khoảng trống còn lại trên xe.
Điều mà chúng tôi chứng kiến chính là một cuộc tản cư của dân làng và du kích Campuchia để tránh những cuộc tấn công của lính Mỹ và Sài Gòn dọc biên giới phía Đông. Có lần tôi đếm có khoảng 200 người lính. Ở một điểm khác, tôi thấy có khoảng từ 50 đến 60 du kích ngồi nghỉ chân hai bên đường.
Miền quê hiện ra lờ mờ. Đôi khi ánh hỏa châu soi sáng nhũng cánh đồng lúa ngập nước trải dài đến tận chân trời. Thỉnh thoảng đường đi băng qua những cánh rừng rậm đến nỗi dây leo và cành cây quét vào tấm bạt phủ xe. Đôi lúc xuất hiện những dãy cột hàng rào được quét vôi trắng và tôi đoán chúng tôi đang đi qua những đồn điền cao su của người Pháp.
Trời vẫn còn tối. Có thể chúng tôi đã chạy được hai tiếng, cũng có thể năm tiếng không chừng, khi chúng tôi dừng lại trước một căn nhà gỗ lớn, rồi người đàn ông có khuôn mặt gầy bảo Mike (dịch cho chúng tôi) lấy xà-rông che mặt lại. Qua tấm vải che, chúng tôi thấy chừng chục người du kích và dân làng đang nói chuyện với nhau. Một người rọi đèn pin vào trong xe. Người mặt gầy ra lệnh cho tất cả mọi người rời khỏi xe. Những phụ nữ bước xuống với con cái và đồ đạc. Chúng tôi chuyền những túi quân trang ra chất thành đống trên đất. Anh Tư đi vòng ra sau xe và bảo Mike rằng chúng tôi phải nhanh chóng ra khỏi xe và theo lối cầu thang vào nhà.
Căn nhà xây giống một kho thóc. Chúng tôi được dẫn đến một phòng riêng phía sau. Chiếc giường lần này là nhiều tấm ván rộng dày khoảng bảy phân kê sát nhau trên hai ngựa gỗ. Anh Tư và một bé trai Campuchia trải lên hai tấm nệm giường và cậu bé mang cho chúng tôi mỗi người một cái gối, cỡ bằng một viên gạch lớn, và cũng cứng như gạch. Chúng tôi quá mệt và ê ẩm sau cuộc hành trình nên chìm ngay vào giấc ngú.
Kho Thóc - chúng tôi đặt tên cho nơi ở mới như thế - trông bụi bặm và hoang tàn. Sau khi đi dạo quanh nhà vào sáng sớm như thường lệ, chúng tôi thấy trên tường bức ảnh đã ố chụp hai vợ chồng cùng mấy đứa con ăn mặc theo kiểu Âu. Ngoài phòng trước rộng hơn, các du kích vẫn còn ngủ trên những chiếc chiếu trải dưới đất có một cái bàn cao với những cuốn vở học sinh. Có thể từng có một thầy giáo dạy học ở đây hay một điền chủ ghi nợ của những tá điền. Người ta dùng chiếu che cửa sổ, nên chúng tôi chỉ có thể nhìn ra ngoài qua những kẽ hở nhỏ. Nước xài lần này được cải thiện tốt hơn một chiếc lu bằng đất nung chứa đầy nước, với một thau đồng để trên cái giá đỡ bằng gỗ.
Chúng tôi bắt đầu làm quen với cuộc sống thường nhật. Tập thể dục vào
sáng sớm trời còn lạnh. Tôi bẻ cong người, vươn tới, thở và làm vài động tác hít đất. Beth tập rất căng bằng cách nằm dài với hai chân đưa lên cao đạp xe đạp, nhưng thỉnh thoảng cô cũng đứng thẳng, xoay vai từ từ trong một động tác xoáy vòng mà tôi chê cô làm chưa đúng. Mi ke - một chàng trai 24 tuổi, cao, vạm vỡ, như muốn lắc cả ngôi nhà, khi tập động tác bụng và hít đất khoảng 50 lần một lượt. Anh ấy khoe đã từng là vận động viên chạy đường trường lúc ở Dartmouth, và tôi cảm thấy bớt buồn về cơn mệt đứt hơi trong ngày đầu tiên bị bịt mắt và kéo chạy đi.
Sau bữa ăn sáng với cơm nóng, trà và vài miếng thịt hầm, chúng tôi tiếp tục viết tờ khai, tranh thù lúc nghỉ nói chuyện với nhau hay học thêm tiếng Việt. "Lớp học ngôn ngữ” đã dẫn đến một sự cố nhỏ. Một thanh niên Campuchia mặc sơ-mi trắng đứng ngay cửa ra vào cau mày nhìn chúng tôi vài phút, và rồi nói với Mike với giọng quở trách bằng tiếng Việt: "Đây không phải Việt Nam. Đây là Campuchia." Mike bảo anh ta rằng chúng tôi cũng mong sẽ học tiếng Campuchia nữa, nhưng chàng trai chỉ quay mặt bỏ đi.
Đôi khi chúng tôi nghe tiếng súng và tiếng bom nổ từ xa. Lúc là những tràng súng máy dồn dập, có khi là tiếng ì ầm của đại bác. Vào sáng sớm hay lúc xế chiều, chúng tôi còn nghe cả tiếng bom bất thường của B-52, mà mỗi quả có thể đào một hố bom bằng cả ngôi nhà.
Tiếng gầm rú của máy bay thường từ xa vọng lại và đôi khi có cả tiếng phần phật của trực thăng gần nơi ở của chúng tôi. Đã có hai lần chúng tôi phải bò dưới giường, nằm dưới nền đất bẩn với hy vọng những tấm ván giường sẽ che chở chúng tôi tránh đạn pháo kích.
Vào xế chiều, anh Tư mang đến một nồi cơm nóng và một ấm trà. Chúng tôi lại viết, cố gắng nhớ lại ngày tháng và nơi chốn của các bài mà chúng tôi đã viết về cuộc chiến tranh, cũng như những nguồn tham khảo khác trên thế
giới. Cuối cùng, vào buổi tối, chúng tôi được đi ra ngoài, từng người một, và đó là cơ hội để giặt giũ quần áo. Rồi lại viết, dưới ánh đèn dầu. Rồi đi ngủ.
Cũng tại Kho Thóc này lần đầu tiên Beth có kinh nguyệt kể từ khi bị bắt.
Mike phải khó khăn lắm mới giải thích vấn đề tế nhị này với anh Tư, vì từ vựng tiếng Việt của Mike không đủ. Ở Việt Nam, anh ấy chủ yếu dùng tiếng Việt để nói chuyện chính trị, và anh biết nhiều thuật ngữ đại loại như "phe đối lập không cộng sản" hay “đế quốc Mỹ", nhưng anh lại không biết những từ đơn giản như “máu” hay "băng vệ sinh". Tuy vậy, cuối cùng, anh Tư cũng hiểu ra: "Ô, đó chỉ là chuyện bình thường của phụ nữ Việt Nam hàng tháng thôi mà." Rồi anh mang tới một cuộn băng gạc thô. Beth dùng cả hai chiếc khăn tay trắng của tôi, mỗi lần một chiếc thay nhau, quấn quanh miếng gạc , rồi buộc chúng lại bằng hai kim gút an toàn mà tôi tìm thấy trong túi dụng cụ vệ sinh của tôi. Cô xử lý vấn đề này một cách đơn giản, sau đó giặt chiếc khăn tay thật sạch, phơi trên sợi dây ở góc xa căn phòng. Cô đã làm những việc ấy còn gọn hơn là việc cạo râu an toàn của tôi và Mike. Số là chúng tôi chỉ còn một đồ cạo râu loại cuộn, với ba lưỡi dao cuối cùng, vì những du kích đã thu giữ dao cạo hai lưỡi kiểu cũ. Tôi còn có một miếng xà phòng cạo râu. nhưng bàn chải thì mất biến. Chúng tôi nhất trí không để râu tóc mọc dài, sợ mất lòng các du kích vì họ luôn để râu tóc sạch gọn. Chúng tôi nhất trí nếu hai hay ba ngày cạo râu tóc một lần, chúng tôi sẽ giữ được vẻ ngoài đàng hoàng mà dao cạo râu cũng như xà phòng cũng đủ xài trong một thời gian lâu. Mỗi lần như vậy chúng tôi phải quỳ trên sàn, dùng chiếc gương soi bỏ túi của Mike, chiếc thau đồng và sau đó, cọ rửa thật kỹ lưỡi dao cạo bằng một miếng tre.
Vào một buổi chiều, Mặt Sắt quay trở lại, sau khi chúng tôi đã nộp tờ khai. Ông đi cùng một thanh niên nói được tiếng Pháp nhưng lại có thói quen rất
chán là che miệng khi nói. Mặt Sắt nói với Mike bằng tiếng Việt, vẫn những câu hoi đầy nghi ngờ như trước. Mike lại giảm nhịp độ bằng cách dịch những câu hỏi ra tiếng Anh. Trong khi đó, người kia với giọng đều đều đơn điệu, bảo với Beth rằng, căn bản là chúng tôi nên khai sự thật một cách chính xác về bản thân mình, rồi anh còn nhận xét rằng máy ảnh của chúng tôi rất lạ, không phải là loại mà các nhà báo thường dùng.
Mặt Sắt có vẻ cứng rắn hơn mọi lần. Lần này, tôi đã nghe hơi rõ được tiếng Việt, nên nhận ra giọng miền Bắc của ông, với âm “z" và “v”, sắc hơn.
“Chúng tôi nghi ngờ các anh là những nhân viên Mỹ”, ông bảo Mike. "Điều đó có nghĩa là gì'?" Mike hỏi.
“Các anh chắc chắn là nhân viên của Chính phủ Hoa Kỳ. Dù chúng tôi chưa nắm rõ các anh là ngươi của CIA, quân đội hay tị nạn"[2], nhưng chúng tôi đốt xử với các anh như những nhân viên Mỹ."
Chúng tôi vẫn không chắc chuyện ấy có ý nghĩa gì, nhưng có vẻ như chúng tôi thậm chí không được cho phép hưởng quy chế tù nhân chiến tranh, chứ đừng nói được chấp nhận là nhà báo. Có nhiều khả năng rõ ràng là họ sẽ xử chúng tôi như những tên gián điệp.
Phiên thẩm vấn gây hoang mang như mọi lần, và sau đó, chúng tôi lại nhận thấy nguy hiểm hình như thay đổi luân phiên. Lúc thì máy bay và pháo binh Mỹ, lúc thì bị những người du kích coi là gián điệp. "Kẻ thù” khi thì Việt Cộng, khi thì quân Mỹ.
Chúng tôi vội vã rời khỏi Kho Thóc sau buổi chiều ngày thứ ba, khi rõ ràng nguy hiểm trước mắt đến từ phía người Mỹ và chúng tôi cùng những du kích chia sẻ mối quan tâm chung là tránh nó. Anh Tư dẫn đường như thường lệ,
chúng tôi đi bộ theo hàng một xuyên qua những đồng lúa khô cạn chia cắt bởi những hàng dừa cao và đôi khi là những lùm cây nhỏ. Tiếng trực thăng xa xa và tôi than phiền với Mike rằng thật ra chúng tôi có thể đi nhanh hơn. Nhưng hình như những du kích biết rõ họ nên làm gì. Khi chúng tôi đến gần một lùm cây, tôi thấy một chòi canh trên cây dừa và một chiếc hầm mới đào sát hàng dừa. Chúng tôi chờ dưới bóng cây trong khi người mặt gầy tiến lên trinh sát phía trước.
Khi ông trở lại và cho biết là an toàn, chúng tôi liền băng qua khoảng đồng trống hơn để tiến vào cụm nhà dân cư rải rác kế đó. Chúng tôi được đưa đến căn nhà đầu tiên, mái lợp tranh, bước lên thang vào căn phòng chính đầy bóng tối. Dưới ánh sáng lờ mờ, tôi nhận thấy cả gia đình người Campuchia quây quần ở lối đi, trong khi chúng tôi lặng lẽ rẽ vào căn phòng bên phải, không cửa sổ, một phòng kho kín bưng nơi chiếc chiếu tốt nhất của cả nhà đã trải sẵn cho chúng tôi. Chỉ lưu lại mười lăm phút, sau đó tiếp tục di chuyển bằng xe gắn máy, đến một ngôi nhà mới to lớn, với mái tranh vàng sạch và nền được lát bởi những thanh tre với mặt ngoài đánh bóng. Người nông dân Campuchia và vợ không để ý chúng tôi, nhưng cô con gái ở lứa tuổi thiếu niên chỉ giả vờ may vá, nhưng rồi lại bỏ công việc sang một bên, và bước lại gần chiếc chiếu, nhìn vào mặt chúng tôi khi chúng tôi đang thì thầm to nhỏ.
Ngày hôm đó chúng tôi còn phải di chuyển một lần nữa, đi bộ sang một căn chòi khác - nơi ở của một cụ già Campuchia hút cần sa quấn trong lá dừa. Cụ tỏ vẻ thán phục thân hình của Mike khi thấy chúng tôi tập thể dục. Lúc đêm xuống, cụ dạy chúng tôi những từ tiếng Campuchia chỉ những bộ phận trong cơ thể kể cả những xương đốt ngón tay, cho đến khi anh Tư trở lại và nhẹ nhàng yêu cầu cụ già ra ngoài. Chúng tôi đoán có lẽ anh Tư nghĩ rằng sự thân mật như thế là quá đủ.
Anh Tư kể cho chúng tôi những gì đã xảy ra: “Xe tăng, trực thăng Mỹ và quân đội Sài Gòn tấn công ngôi nhà nơi chúng tôi đã ở. Chúng đã giết cả gia đình và phá hủy căn nhà. Ở đây chúng ta vẫn còn an toàn được một thời gian. Họ sẽ chờ ở đó hai hay ba ngày trước khi tiến xa hơn."
Mike cảm ơn anh Tư đã khéo léo đưa chúng tôi đi khỏi.
“Nếu chúng tôi không làm như thế, các anh đã chết rồi," anh Tư thản nhiên nói.
Mỗi đêm trong hai hay ba đêm sau đó, chủng tôi lại di chuyển trên chiếc Land Rover mà các du kích đã “giữ lại" được trước cuộc tấn công của Mỹ và quân đội miền nam Việt Nam. Chúng tôi trải qua những ngày sau đó trong hàng loạt căn nhà khác nhau, mà chúng tôi đặt cho chúng những cái tên như “Nhà Rừng", “Nhà Bọ" cho dễ nhớ. Nhà Rừng là một túp lều tranh dơ bẩn, với vách bằng lá dừa và một lỗ nhỏ bằng quyển sách làm cửa sổ. Một cơn mưa dông vào buổi tối khởi đầu cho một dàn đồng ca ếch nhải. Tôi và Mike ra ngoài lúc trời chạng vạng, vạch những cành cây đan nhau, những chiếc lá khổng lồ, những dây leo chằng chịt, cho tới khi bắt gặp một đầm lầy. Cảnh trí và âm thanh ở đây có vẻ lớn hơn cuộc sống bình thường - hình như giống bản sao của khu rừng ở công viên Disneyland hơn. Tiếng ủn ỉn và khụt khịt của một con heo nái ở ngay phía dưới chỗ chúng tôi ngủ càng tạo thêm một cảm giác lạ.
Nhà Bọ là một ngôi nhà lợp ngói bề thế, nhưng chỉ có một phòng rộng ngoài cái phòng ngủ nhỏ kín mít dành cho chúng tôi sâu trong góc và một căn bếp cuối nhà. Sở dĩ chúng tôi đặt tên như thế là vì hàng ngàn con mối thi nhau bò lên tường và đu đưa trên mái ngói, cho đến khi tiếng sấm hay tiếng bom B-52 khiến chúng rơi lả tả như một cơn mưa nhẹ xuống chiếu, trên đầu và. . . bữa ăn của chúng tôi. Beth, ở tuổi 33, là một phụ nữ trẻ đầy tự chủ, và
kinh nghiệm của cô tại báo Christian Science đã giúp cô chịu đựng khổ cực và phiền hà. Tôi đã thấy một lần cô gần như suy sụp ở Nhà Bọ. Bất luận chúng tôi cố gắng thế nào khi đùng giấy viết che đồ ăn, một chú mối vẫn rơi đúng vào chén của Beth ngay lúc cô sắp ăn một miếng. Khoảnh khắc đó là lúc tôi nghe thấy cả nỗi thống khổ trong giọng cô: “Ôi, thật khổ thân tôi?"
Cảm giác không có ngày giờ bắt đầu tác động đến chúng tôi. Để nhớ, tôi gọi tên ngày của tuần và ngày của tháng vào mỗi buổi sáng và chúng tôi thường tìm một chuyện gì đó khác thường để đánh dấu mỗi Thứ Năm, để biết thêm một tuần nữa trôi qua kể từ ngày Thứ Năm đầu tiên bị bắt. Khó khăn của chúng tôi là không biết gì về kế hoạch hành động của những người bắt giữ chúng tôi hoặc thậm chí không biết họ có kế hoạch gì hay không. Lộ trình hình như bất định, lúc bắc, lúc nam, lúc đông, lúc tây, khiến chúng tôi không biết đường nào mà đoán. Phải chăng chúng tôi đang xuyên rừng để đến một căn cứ nào đó, hoặc đến Lào hoặc ngược lên đến Hà Nội. Hay phải chăng chúng tôi đang chạy lung tung để tránh những trận tấn công bằng máy bay hay bộ binh.
Chúng tôi vẫn dõi tìm những dấu hiệu về điều sắp xảy đến với mình. Thỉnh thoảng có những dấu hiệu nhưng lại không có điều gì xảy ra và chẳng đáng để lo âu. Một buổi tối, tại cái chòi của cụ già, Beth được du kích Campuchia hộ tống ra ngoài để tắm. Cô đi khá lâu. Tôi bắt đầu bồn chồn lo nghĩ không biết mình có nên đi tìm cô và mình sẽ làm gì nếu cô bị ngược đãi. Mike chắc cũng cùng suy nghĩ như tôi trong khi cả hai yên lặng chờ đợi. Rồi chúng tôi nghe giọng cô, khi cô quay về sau buổi tắm thoải mái dưới ánh trăng. Tôi bảo Mike: "Chúng ta phải thận trọng, đừng để trí tưởng tượng chạy quá xa!".
Một dấu hiệu khác giống như một điềm lành và rồi nó lại trở thành sự thật. Một đêm khi chúng tôi cùng anh Ba - viên trung úy mặt gầy - ngồi cạnh tôi
trên băng ghế hai bên thùng xe, rong ruổi trên chiếc Land Rover thì bất thần xe dừng lại. Như thường lệ, những bóng đen hai bên đường bước đến gần xe. Người du kích Campuchia cao lớn xuống xe, anh Ba cũng chuẩn bị xuống theo để trao đổi với nhưng lính gác. Với một cử chỉ hoàn toàn hồn nhiên, anh tháo nịt súng, khẩu súng đã nạp đạn, và băng đạn đặt chúng trên đùi tôi rồi nhảy xuống xe. Nếu anh Ba nói được tiếng Anh, có lẽ anh đã nói với tôi: "Anh giữ chúng giùm tôi một lát nhé, Mac?".
Ba chúng tôi còn lại một mình với chiếc xe đầy súng đạn và giờ đây tôi còn có cả một khẩu súng nạp đạn nằm trên đùi. Tôi không chắc có phải họ đã tin chúng tôi hay nghĩ rằng chúng tôi không biết sử dụng súng, hay cho rằng chúng tôi thừa thông minh để không làm bậy. Cũng có thể họ thử chúng tôi. Dù thế nào đi nữa, chúng tôi đã vượt qua một quãng đường dài từ chỗ bị những mũi súng chĩa thẳng vào đầu vào buổi chiều đầu tiên.
4. NHỮNG NGƯỜI CÁCH MẠNG
Dần dà chúng tôi cũng trở nên quen thuộc với từng người trong toán đặc nhiệm nhỏ của chúng tôi.
Anh Tư, chàng trai có khuôn mặt đượm buồn thường mặc áo xanh da trời, quần xanh lá cây, người trực liếp phụ trách chúng tôi, thỉnh thoảng ngồi nán lại nói chuyện những lúc anh mang thức ăn sáng, bữa ăn tối hay quà vặt đến cho chúng tôi. Đôi khi anh hé cho chúng tôi vài mẩu tin thời sự. Một hôm. anh mang bánh mì Pháp và sữa bò đến và nói với chúng tôi bánh mì mua ở Việt Nam. “Chúng ta đang ở gần biên giới và người của chúng tôi mang những món này đến làm quà đó", anh nói.
Một lần khác khi chúng tôi đang trả lời câu hỏi chúng tôi là ai và chúng tôi vào Campuchia bằng cách nào, thì bất ngờ anh Tư bảo tôi: "Nếu ông thật sự là trưởng văn phòng Washington của một tờ báo lớn, tôi rất hãnh diện được quen ông." Chắc chắn là anh Tư nói thật lòng, anh quá hiền lành và nghiêm túc nên không thể châm biếm được.
Một lần khác, anh ngồi xếp bằng bên cạnh chúng tôi và hỏi, giọng nhẹ nhàng và buồn bã: “Các anh có nhớ nhà không?" Câu hỏi nghe đầy thiện cảm. Mike trả lời : "Vâng, nhớ lắm!".
“Tôi xa nhà mười một năm rồi. Tôi không gặp và cũng không có tin tức gì về gia đình kể từ đó," anh nói . "Một hay hai tháng cách biệt chẳng phải lâu đâu."
Làm sao chúng tôi biết rõ thật sự anh muốn nhắn nhủ gì qua những lời nói
đó? Phải chăng đó là lời nhắc nhở rằng đừng quá buồn phiên vì sự chịu đựng của chúng tôi chẳng thấm vào đâu so với họ? Hay đó là một ẩn ý rằng chừng một hay hai tháng nữa chúng tôi sẽ được thả? Hay đơn thuần chỉ là một lời tâm sự về cuộc đời anh?
Có lẽ giả thiết cuối là đúng. Đề cập chuyện gia đình, anh chỉ nói tới cha mẹ già sống ở Đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam, bởi vì, sau một thoáng im lặng, anh cho biết vợ anh đã bị giết trong cuộc thảm sát người Việt của quân Chính phủ Campuchia tại Prasaut, một thị trấn nằm trên đường chúng tôi đến Campuchia. Còn đứa con gái nhỏ đã được các đồng chí của anh mang đến một nơi khác nuôi dưỡng.
Anh Ba, lãnh đạo quân sự của toán đặc nhiệm, luôn mặc một bộ đồng phục ka ki gọn gàng thích hợp với đường nét gãy gọn trên khuôn mặt gầy, là một người ít nói, nhưng đôi khi lại đến chỗ chúng tôi và tự mình đốt cho Mike một điếu thuốc Campuchia với cái bật lửa hiệu Zippo, rồi ngồi lại vài phút, cùng mơ màng nhả khói. Dù anh Ba rất kín đáo, chúng tôi đã nghĩ về anh như một người đáng tin cậy vào những lúc nguy hiểm. Anh luôn luôn cảnh giác, luôn là người đầu tiên nghe thấy tiếng máy bay trực thăng. Mạng sống của chúng tôi hầu như phụ thuộc vào tài năng quân sự của anh.
Thỉnh thoảng chúng tôi nghe các du kích quân gọi nhau bằng tên thật, nhưng chúng tôi nghĩ tốt nhất là nên theo cách dùng bí danh của họ. Anh Ba có nghĩa là “người anh thứ ba" và anh Tư là “người anh thứ tư."
Còn người lính Campuchia không có bí danh. Vì an toàn của chính anh ta, chúng tôi quyết định đặt cho anh một cái tên khi viết về anh: Ban Tun. tiếng Campuchia có nghĩa là “người tốt". Nhờ một du kích người Việt biết tiếng Campuchia, Ban Tun kể cho chúng tôi anh từng là một sĩ quan cận vệ của Thủ tướng Lon Non. Khi cuộc đảo chính ngày 18 tháng 3 (năm 1970 - ND)
xảy ra, anh bỏ việc để tham gia cách mạng. Anh phải để lại người vợ đang mang thai ở Phnom Penh - nơi anh đã có nhà cửa và cả một chiếc xe hơi riêng. Anh đeo một sợi dây với hai tượng Phật nhỏ dưới cổ áo.
Anh rất khỏe và hài lòng về sức mạnh của mình. Anh thường thách người khác vật tay và anh luôn luôn buộc đối thủ phải thua cuộc. Vào mỗi sáng, Beth hay để ý thấy anh nhảy lên nhảy xuống, rồi nhìn quanh xem có ai nhìn mình không. Cô ấy thán phục đôi vai khỏe mạnh, khuôn mặt chữ điền mạnh mẽ của anh, và thường nhắc đi nhắc lại rằng anh ta đúng là người mẫu cho một nhà điêu khắc.
Hình như Ban Tun là người giữ vị trí thấp nhất trong đội đặc nhiệm. Anh không mang súng và thường có nhiệm vụ nhóm lửa hay múc nước giếng. Thoạt đầu Mi ke cho rằng anh ta bị đối xử chẳng khác nào chú Tom[3] phần lớn những cuộc trao đổi giữa chúng tôi với Ban Tun trong hai tuần lễ đầu tiên thường là nhại tiếng của nhau. Một đêm, sau khi đã ngồi trên xe nhiều giờ, anh dạy cho chúng tôi nói chữ hot nuh, lặp đi lặp lại và nhấn mạnh âm cuối "hót - NUH" - như thể anh ta rất khổ sở. Cuối cùng chúng tôi cũng hiểu chữ đó có nghĩa là “mệt". Lúc dạy cho chúng tôi từ "uống trà", anh cũng tranh thủ học nói từ đó bằng tiếng Anh. Thoạt đầu là “br- r-rink tea", cho đến khi chúng tôi sửa bằng được để anh có thể phát âm đúng. Thật mệt, và chúng tôi đùa anh bằng chính từ anh vừa dạy: hot nuh.
Nhân vật thứ tư của đội mà chúng tôi sẽ gọi là Wang, một người Miến lai nửa Hoa nửa Việt. Anh nói tiếng Campuchia rất sõi khiến người nghe chuyện tin ngay là nhà anh ở thủ đô Phnom Penh. Anh nói anh đã tham gia cách mạng được hai năm. Chúng tôi cũng biết, từ một người khác, rằng Wang xuất thân từ một gia đình rất giàu có. Wang rất thân thiện, mặc dù không nhiều lời. Một lần. tình cờ anh nghe Beth hát một khúc nhạc của Mozart, anh đã huýt
sáo lại bài đó và nói anh đã từng học nhạc phương Tây. Wang vào khoảng gần 30 tuổi và hãy còn độc thân. Anh phụ trách hậu cần của nhóm và thường lên danh sách các món hàng phải mua trên một mảnh giấy nhỏ, rồi tự mình chạy xe gắn máy, không quên khẩu súng trường vắt vẻo sau lưng, chạy đến một thị trấn gần đó mua nào là trà, xà phòng, muối, đường, tiêu và có thể vài cục pin mới. Thỉnh thoảng, không tìm đâu ra xà phòng, nhưng thực phẩm thì không bao giờ thiếu.
Trong bốn người này, hai là những chiến sĩ cách mạng Việt Nam giàu kinh nghiệm, một sĩ quan Campuchia đào ngũ và một người Miên gốc Hoa-Việt ít kinh nghiệm đã được chọn cẩn thận cùng canh gác và hộ tống chúng tôi, do đó không thể cho rằng họ là một mẫu ngẫu nhiên của quân đội du kích. Thế mà họ chỉ được tập hợp trong vòng một tiếng đồng hồ hay đại loại như vậy, ngay trong vùng ở gần nơi mà chúng tôi được chiếc xe tải bất ngờ thả xuống vào đêm đầu tiên. Chúng tôi cảm thấy rằng họ có những giá trị giống như hàng trăm người khác mà chúng tôi đã từng thấy nhưng chưa được quen biết.
Nhân vật thứ năm của đội đặc nhiệm năm người này gia nhập một tuần sau đó, rõ ràng được phái đến từ bộ chỉ huy cấp cao, để phụ trách công tác tư tưởng, tức là để đánh giá chúng tôi có các biện pháp cải huấn cần thiết.
Đó là anh Hai (người anh thứ hai) đi cùng một người lính có thân hình ốm tong teo với tật co giật ở mắt và má trái. Tháp tùng họ là một phóng viên ảnh người Việt với cái máy ảnh Nhật 35 ly loại tốt. Lúc đó, chúng tôi đang ở tại Nhà Rừng. Hai chiến sĩ đang ngồi xếp bằng ngay cửa chính. Chiếc mền treo trên một sợi dây làm màn, ngăn tầm nhìn từ bên ngoài, đã được kéo hé sang một bên, và một đám người gồm những du kích trẻ Việt Nam, đàn ông. phụ nữ và trẻ em Campuchia tò mò nhìn vào khi chúng tôi đang nói chuyện. Người phóng viên ảnh ngồi sau các chiến sĩ, bấm máy lia lịa trong ánh sáng
hoàng hôn mờ nhạt. Nếu anh không xài phim tốc độ nhanh, cố gắng của anh sẽ trở thành vô ích.
Đó là một cuộc thẩm vấn, nhưng lại hoàn toàn khác với những lần trước. Anh Hai là một người Việt có đôi má tròn, mái tóc muối tiêu cắt gọn ghẽ và một vẻ ngoài thông minh, lanh lẹ. Hình như anh hoàn toàn ý thức về sự kính trọng dành cho tuổi tác và cấp bậc của anh. Thay vì chất vấn, anh trò chuyện với chúng tôi như thể anh muốn làm quen hơn là muốn tìm cách bẫy cho chúng tôi mắc sai lầm khi kể lại câu chuyện của chúng tôi.
Anh tỏ ra thích thú khi tôi nói tôi quen Wilfred Burchett, và cho rằng điều này có thể giúp giải quyết vấn đề. Người phóng viên ảnh - thuộc loại mau miệng, bảo anh ấy cũng quen với Burchett và từng tháp tùng nhà báo người Úc này khi ông vào vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam với Việt Cộng. Họ hỏi chúng tôi có biết Michèle Ray, người mẫu thời trang Pháp và là một nhà văn không chuyên, đã từng bị bắt và sống chung với Việt Cộng nhiều tuần tại miền Nam Việt Nam. Tôi đã điểm cuốn sách của bà, nhưng không ai trong chúng tôi quen bà cả. Lôi ra một cuộn giấy vấn thuốc và thuốc rê, anh mời Mike một điếu, vấn cho mình một điếu, rồi bắt đầu nói tóm lược về mình. Anh nói anh đã tham gia cách mạng 25 năm trước, khi còn là một nông dân 19 tuổi, với ba năm đi học. Như vậy, nay mới 44 tuổi, anh đã là một chiến sĩ cách mạng lão thành, từng đánh Nhật (khì đó Chủ tịch Hồ Chí Minh có lúc là đồng minh của Hoa Kỳ), đánh Pháp và giờ đây là đánh Mỹ.
Anh nói đã tham gia 100 trận và bị thương bốn lần. Từ lâu anh đã học cách sống với nguy hiểm của chiến tranh, kể cả những trận bom sấm sét của máy bay B-52.
"Nếu bạn trải qua một trận bom B-52, bạn sẽ không còn sợ nó nữa," anh nói. "Chúng tôi không sợ bất cứ một loại vũ khí nào của Mỹ. Linh tính luôn
báo cho chúng tôi khi nào thì máy bay B-52 dội bom và kịp thời tránh nó."
Anh làm động tác chống chân tay trên đất, trườn tới trườn lui để chỉ cho chúng tôi cách mà anh chịu đựng sức nổ của những trái bom khổng lồ. Anh từng trải qua ba trận oanh tạc của B-52.
Lúc đó, chúng tôi không thể biết bao nhiêu là tuyên truyền, bao nhiêu là sự thật trong câu chuyện của anh. Nếu anh nói thật thì điều đó giải thích tại sao các máy bay bỏ bom chiến lược không hoàn thành nhiệm vụ trong chiến tranh Việt Nam và người cũng như khí tài từ miền Bắc vẫn đổ vào Nam và Campuchia qua Lào, bất chấp hàng ngàn tấn bom rải thám dọc đường mòn Hồ Chí Minh của không lực Hoa Kỳ.
Sự có mặt của anh Hai giúp chúng tôi cảm thấy ít bị cô lập và có một vị thế tốt hơn để tìm hiểu trong thời gian bị bắt. Vài ngày sau đó - ngày 19-5 - ngày chúng tôi chuyển đến ngôi nhà lớn có nhiều mối trên trần, đã xảy ra một sự thay đổi nữa. Anh Hai mang một ấm trà nóng bằng sứ có trang trí hình con nai và một người Hoa mập mạp và mời chúng tôi uống. Chắc hẳn anh cho rằng chúng tôi cần vui vẻ lên.
"Không có gì phải buồn," anh nói. “Chúng tôi không bao giờ giết tù nhân. Chiến tranh không phải để giết người mà để đạt được một lý tưởng. Chúng tôi tin rằng người xấu chỉ là những người bị lạc lối lầm đường. Những người Mỹ xấu chỉ vì thiếu hiểu biết mà thôi. Chúng tôi không thích giết người Mỹ, thậm chí là lính Mỹ. Chúng tôi biết rằng họ không hiểu hoàn cảnh của chúng tôi . Bất cứ ai cũng có thể giáo dục được. Khi bắt một người, chúng tôi hy vọng giữa chúng tôi và người đó sẽ không còn khác biệt".
Tôi tin sự bảo đảm của anh Hai ở nghĩa đen của nó và coi đó như một tin tốt lành cho chúng tôi. Anh chưa nói rằng chúng tôi được xếp loại là những
người Mỹ tốt, nhưng lời của anh là sự bảo đảm có thẩm quyền đầu tiên rằng chúng tôi sẽ không bị giết.
Ngày 19-5-1970 còn quan trọng vì một lý do khác. Đó là ngày Phật đản mà so với dương lịch thì thay đổi hàng năm giống như ngày lễ Phục sinh, và năm đó lại trùng hợp ngẫu nhiên ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau bữa ăn tối thường lệ, ăn trong đám mối rơi trong căn phòng kín không cửa sổ của chúng tôi, anh Tư mời chúng tôi đến gian chính của ngôi nhà. Chúng tôi ngồi uống trà trên sàn tre đã sậm màu và bóng lên do những bàn chân trần giẫm đạp cạnh chiếc cửa sổ mở rộng, trông ra những tàu lá chuối và những cây xoài hiện lên trên nền trời xanh thẫm phía xa. Nhìn qua một cánh cửa cuối ngôi nhà, chung tôi thấy những rặng dừa và cái giếng nước mà chúng tôi đã tắm đêm trước. Chủ nhà - một nông dân cao lớn, tóc ñaõ bạc, ngồi yên lặng cạnh cửa ra vào mở rộng, hút một điếu cần sa quấn bằng lá chuối và nhấm nháp một bình trà nhỏ, đựng trong chiếc vỏ giữ ấm được làm bằng một quả dừa khô. ông chẳng có việc gì làm ngoài việc chờ mùa mưa đến, mùa cày xới và gieo mạ trên đồng. Bên ngoài, trên hàng hiên trước, những người Campuchia kể cả người phụ nữ có đôi mắt đen rất đẹp, đang thời kỳ thai nghén mà tôi đoán là con gái ông già nông dân đang chuyện trò với Ban Tun và vài ba du kích Việt Nam. Ánh sáng, không khí và khung cảnh thanh bình, tĩnh lặng càng làm cho tinh thần chúng tôi thêm phấn chấn.
Anh Tư ngồi xuống cạnh chúng tôi.
"Các anh có biết hôm nay là ngày gì không?" anh hỏi. "Đó là ngày sinh Bác Hồ. Các anh có biết Bác Hồ là ai không?”
Mike thoáng giật mình. Sau đó anh kể lại rằng có cảm giác tội lỗi giống như anh lại quên ngày Lễ Quá Hải ở nhà một người bạn Do Thái. Anh nói dĩ nhiên anh biết Bác Hồ là ai.
Chúng tôi cùng đi xuống tới cuối gian phòng rộng thoáng, gần cửa ra vào, có trải thảm mềm, khiến gian phòng thêm ấm áp và vui tươi. Anh Tư đãi chúng tôi bánh ngào đường - loại bánh thường ăn trong ngày lễ của người Việt. Những người hàng rong thường đẩy xe với bếp than và một cái chảo trên đường phố và trẻ em chạy ra mang theo gạo, đường và vài đồng. Thế là người hàng rong làm ngay cho các em một một món bánh tuyệt vời.
"Tất cả chúng tôi đều mong muốn Bác Hồ đến Sài Gòn khi Bác còn sống," anh Tư nói. “Chúng tôi đã không làm được điều mơ ước đó. Chúng tôi rất buồn về điều đó. Bây giờ, chúng tôi phải chiến đấu dũng cảm hơn để bù đắp lại. Chúng tôi kỷ niệm sinh nhật Người bằng cách chiến đấu quyết liệt hơn giành độc lập, tự do cho tổ quốc và chống quân Mỹ xâm lược."
Anh lấy từ túi áo một cuốn sách nhỏ màu đỏ và cho chúng tôi xem. Ở trang bìa chạy một dòng tựa tiếng Việt theo lối chữ cổ: Tiểu sử tóm tắt của Hồ Chí Minh. Bên trong bìa là hình Chủ tịch.
Anh Tư nói: “Tất cả chúng tôi đều có cuốn sách này. Chúng tôi thường đọc để tưởng nhớ Người và công lao của Người. Bác Hồ có thể đã là nhà lãnh đạo Cộng sản quốc tế sau Lênin nhưng Người quyết định chọn con đường trở về Việt Nam làm cách mạng giải phóng dân tộc. Chúng tôi tiếp tục cuộc cách mạng và chúng tôi sẽ chiến thắng. Điều đó là chắc chắn. Cách mạng sẽ thành công. Khi chúng tôi đánh đuổi được quân Mỹ xâm lược, chúng tôi sẽ về nhà. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, dù chỉ còn một người, để có ngày đó."
Anh Hai nói tiếp về tài nguyên phong phú của Việt Nam, như khoáng sản, gỗ và nông nghiệp. Anh tin vào tương lai tươi đẹp của đất nước anh khi hòa bình và thống nhất. Quay lại chủ đề Bác Hồ, anh đề cập tới chủ trương của Bác Hồ về giáo dục thực tiễn hơn là trí thức tháp ngà. Anh kể có lần Bác Hồ hỏi một anh kỹ sư nông nghiệp thời gian nào trong ngày là tốt nhất để tưới
nước và bón phân cho cây mau lớn. Người kỹ su không biết. Bác Hồ nói ngay là buổi sáng và khuyên anh kỹ sư nên tránh lối học tách rời nhu cầu thực tiễn của nhân dân.
Trời tối dần, anh Tư thắp một ngòn đèn dầu nhỏ. Ánh sáng của nó cộng với ngọn đèn đặt ngoài cửa trước, cạnh cụ chủ nhà, phản chiếu trên sàn nhà sạch bóng, cho thấy rõ những đoạn nối của sáu hay tám thanh tre được cắt ra từ thân một cây tre.
Đã đến giờ đi tắm, anh Tư nói , và tối nay, cả ba chúng tôi được đi cùng nhau ra giếng. Chúng tôi được phép tắm giặt bao lâu tùy thích.
Sau đó, anh Hai thích thú nhìn khi tôi cột một tấm màn trong phòng để ngăn các con mối rơi xuống mặt khi ngủ. Tôi căng hai sợi dây dài cắt từ ruột bánh xe, nối từ tường tới cái ghế dài, dùng cái bao đồ của Mike và một miếng gỗ cũ chặn lên trên để khỏi tuột. Khi thấy tôi trải các tấm xà-rông lên phía trên, anh liền mở ba-lô lấy ra một tấm ni-lông xếp gọn và giúp tôi căng lên trên thay cho các tấm xà-rông. Nhờ vậy, chúng tôi đã được “bảo vệ" đáng kể, và đã trải qua một đêm ngon giấc. Ngôi Nhà Bọ không còn quá tệ hại nữa.
Những cuộc nói chuyện với anh Hai trở thành một công việc thường xuyên. Vài ngày sau, vào buổi sáng, trước khi chúng tôi ra đến gian phòng chính, anh ngồi gần cửa ra vào của căn phòng nhỏ của chúng tôi, mời chúng tôi uống trà và mời Mike tự vấn thuốc rê, rồi bắt đầu cuộc thảo luận xoay quanh đề tài chiến lược của cộng sản trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Mike khom lại gần ông, quan sát thật kỹ cử động của môi và nghe kỹ giọng nói để nắm chắc nghĩa tiếng Việt. Sau một vài câu, anh lại dịch ra tiếng Anh.
Mike thắc mắc tại sao mấy ngày vừa qua không khí quá yên tĩnh? Chúng tôi không nghe thấy tiếng ì ầm của bom hay đại bác. Thỉnh thoảng chỉ có tiếng
máy bay quan sát vọng lại từ xa.
"Quân Mỹ đã di chuyển đến một cứ điểm khác," anh Hai trả lời "Chiến lược của người Mỹ ở Campuchia là không khó lắm để chúng tôi chống trả. Họ thường tập trung lực lượng vào một nơi, và khi họ di chuyển đến một nơi thì chúng tôi di chuyển đến một nơi khác. Chúng tôi chỉ việc tránh họ. Chúng tôi đã vô hiệu hóa đại bác và máy bay Mỹ. Quân Mỹ chỉ hao công tốn của mà không thể gây thiệt hại được cho chúng tôi."
Anh Hai nhắc lại rằng chính quyền ở Phnom Penh chắc chắn đã sụp đổ nếu quân Mỹ và lực lượng Sài Gòn không xâm lăng Campuchia để hậu thuẫn cho chính quyền đó. Nhưng xét về chiến lược, thì chính cuộc xâm lăng đó lại có lợi cho cách mạng.
"Trước hết," anh nói, "cuộc xâm lăng khiến nhân dân Campuchia vâ Lào đoàn kết chiến đấu chung với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chống quân xâm lược Mỹ. Thứ hai, các lực lượng Mỹ và Sài Gòn phải bị phân tán qua Campuchia, và điều đó giúp chúng tôi chiến đấu dễ hơn ở miền Nam Việt Nam. Cuối cùng, nó gây thêm khó khăn mới cho chính quyền Nixơn ở Hoa Kỳ. Sự chống đối trong Quốc hội Mỹ và sinh viên mạnh mẽ hơn."
“Chiến lược của chúng tôi là dùng ít đánh nhiều”, anh nói, gợi lại sự quay về với kiểu chiến tranh du kích thông thường sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân. Các lực lượng cách mạng đã rất thành công khi áp dụng kiểu phân tán mỏng ở Malaysia và sau đó ở miền Nam Việt Nam, đưa đến việc quân chính phủ muốn có lợi thế quân sự thì phải có quân số đông gấp mười lần quân du kích. Khi tạo được sự tự tin ở miền Nam, họ củng cố các trung đoàn thậm chí sư đoàn tiến hành cuộc tấn công năm 1968 nhằm chiếm giữ Sài Gòn, Huế và các thành phố lớn. Cuộc hành quân không như ý muốn, nhưng gây một cú
sốc mạnh cho Mỹ, buộc Tổng thống Lyndon Johnson quyết định ngưng leo thang chiến tranh và ngừng oanh tạc miền Bắc.
Anh Hai cũng cho chúng tôi biết vài tuần nữa mùa mưa sẽ đến, khi đó các đại diện chính quyền và người ngoại quốc không thể ở chung với du kích nữa, bởi vì các chiến sĩ sẽ rời nhà dân, lùi vào rùng và các vùng quê để chuẩn bị cho một cuộc tập kích quân sự. Điều đó có ý nghĩa gì đối với chúng tôi? Tôi chỉ có thể đoán già đoán non. Có thể chúng tôi sẽ được đưa đến một trại tù binh chiến tranh. Cũng có thể chúng tôi sẽ sớm ñöôïc thả. Trong cả hai trường họp, điều chắc chắn là những chuyến đi chung với những người du kích mà mỗi ngày mỗi thêm thú vị sẽ chẳng còn kéo dài bao lâu nữa.
Tôi nhờ Mike hỏi anh Hai, có khi nào anh nghĩ rằng hòa đàm Paris sẽ trở nên quan trọng trong việc tìm ra giải pháp kết thúc chiến tranh.
“Hòa đàm Paris cũng giống như một sân khấu." anh nói. “Đó chỉ là một nơi để người ta đưa các tuyên bố cho báo chí quốc tế. Nixon muốn phá vỡ hội đàm vì hội đàm tiếp tục sẽ khiến dư luận chú ý vào tầm quan trọng của chiến tranh Đông Dương, qua đó thế giới có thể biết rõ sự thật về cuộc xâm lược của Mỹ và chính nghĩa của phong trào giải phóng, vì nhân dân Pháp căm ghét chính sách của Mỹ và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường với Pháp. Nhưng Nixon không thể phá vỡ hòa đàm vi sợ dư luận của nhân dân Mỹ và thế giới."
Anh Hai còn nêu một lý do bất ngờ khiến anh nghĩ rằng Tổng thống Níxon không thể phá vỡ hòa đàm, đó là ý kiến của Johnson chuyển địa điểm hòa đàm tới Phnom Penh năm 1968, nơi mà hiện nay Mỹ đang tiến hành một cuộc xâm lược.
“Chính quyền Nixon giờ đây đang bị lúng túng thật sự ở Đông Dương," anh
Hai nói.
Anh tin rằng cách mạng sẽ thành công ở Campuchia, Lào và miền Nam Việt Nam, và cho rằng chính phủ lưu vong của Hoàng thân Sihanouk đã có ba bộ trưởng và nhiều cán bộ nằm vùng bên trong Campuchia.
“Sihanouk đang ở Hà Nội. Ông đã từ Bắc Kinh đến ngày hôm nay." anh Hai nói (Có lẽ, đó là ngày 22-5-1970) “hoàng thân sẽ không trở về Campuchia cho đến khi tình hình quân sự bảo đảm chắc chắn hơn."
Hoàng thân muốn đến đó đàng hoàng bằng máy bay, chứ không phải đi bộ như chúng tôi. Anh nói điều dó rất nghiêm túc với một nụ cười. Câu hỏi tiếp theo của tôi - một câu hỏi “méo mó nghề nghiệp" của một nhà báo - có thể khiến anh Hai không còn muốn nói chuyện thoải mái. Đó là: Liệu Hoàng thân có trở về Campuchia trước khi chính quyền Phnom Penh sụp đổ? Anh Hai đã thắng thừng gạt câu hỏi đo qua một bên, nói: "Đó là bí mật quốc gia. Tôi biết tôi cũng không thể nói với các anh."
Hình như đế đánh trống lảng, anh nói rằng nói chuyện là một cách hay để xua đi nỗi buồn. Anh quay ra kể về niềm vui và nỗi buồn trong cuộc đời của một chiến sĩ cách mạng.
“Một chiến sĩ cách mạng hoặc không có gia đình hoặc phải rời xa gia đình," anh nói . “Chiến sĩ cách mạng coi nhân dân là cha, mẹ, anh chị em của mình. Khi cách mạng thành công, ngươi cách mạng sẽ về nhà đoàn tụ với gia đình và sống một cuộc sống bình thường."
"Người chiến sĩ cách mạng buồn khi nhân dân còn nghèo khổ, bị áp bức hay đô hộ. Nhưng nỗi buồn này không làm chúng tôi mềm yếu” (anh lấy hai tay ôm mặt), "mà thay vì vậy, chúng tôi biến nỗi buồn thành sức mạnh chống lại
ách áp bức và đô hộ."
“Người chiến sĩ chỉ vui khi nhân dân được giải phóng, khi xã hội tốt đẹp và phát triển, và khi giai cấp công nhân được chăm sóc tốt. Đây là điều trái ngược với đế quốc. Đế quốc chỉ vui khi chiếm nhiều quốc gia, bóc lột nhân dân và tài nguyên để làm lợi cho mình, vợ con mình và cuộc sống giàu có của mình."
Trong những buổi chuyện trò, thường vào ban đêm, ngồi xếp bằng với nhau quanh một ấm trà và cây đèn dầu lạc, anh Hai thích nói về sự tốt đẹp của cách mạng và một chiến thắng cuối cùng và chắc chắn.
"Cho đến giờ, các anh đã đi cùng chúng tôi khá nhiều, ban đêm trong xe tải và nhìn thấy chúng tôi sống ra sao." anh Hai nói. "Ở đâu không có Thiệu-Kỳ và Mỹ thì có chúng tôi. Chúng tôi có mặt dù trong một kẽ hở ở các vùng đất tạm chiếm. Không có chỗ cho họ vì chúng tôi có mặt khắp nơi. Chúng tôi sẽ đánh Mỹ dù chúng tôi chỉ còn lại một người, cho đến khi giành được độc lập cho Việt Nam, Campuchia và Lào."
Anh tin rằng Việt Nam sẽ là một nước giàu, có nhiều sản phẩm xuất khẩu sang các quốc gia cộng sản trên thế giới. Chiến tranh đã ngăn cản việc khai thác các tài nguyên của Việt Nam, ví dụ như gỗ và khoáng sản, nhưng công nghiệp và sản xuất vẫn phát triển ở miền Bắc, ngay cả dưới bom đạn oanh tạc của Mỹ, anh Hai nhấn mạnh.
Một dịp khác anh nói rằng chúng tôi có thể yên tâm về sự an toàn tuyệt đối dù máy bay và 20.000 lính Mỹ vẫn rình rập quanh đây, trong lãnh thổ Campuchia.
"Quân Mỹ vẫn dùng xe tăng chiếm giữ con đường chính," anh Hai nói. "Họ
không dám tiến sâu vào những vùng nhỏ như nơi đây. Chiến lược của chúng tôi là không giữ đất với bất cứ giá nào. Chúng tôi rút lui và chờ tấn công vào chỗ yếu nhất của đối phương."
Anh thường trích dẫn những bản tin đêm của đài BBC, tường thuật các trận đánh ở miền Đông Campuchia và các cuộc đào ngũ tập thể của các đơn vị quân chính phủ Campuchia để theo cách mạng. Tuy vậy, anh không tiên đoán một chiến thắng bất ngờ, ít nhất là khi quân Mỹ còn can thiệp ở đất nước Chùa Tháp.
Anh Hai tin tưởng tuyệt đối vào lý thuyết chiến tranh nhân dân và đó là chủ đề xuyên suốt các câu chuyện của anh với chúng tôi. Một hôm anh bảo chúng tôi vẫn còn nhiều người dân sống trong vùng tạm chiếm của quân Mỹ và Sài Gòn. “Không phải họ thích gì bọn chúng mà vì ở đó họ có thể tránh được bom đạn Mỹ. Họ vẫn tiếp tục giúp đỡ chúng tôi khi có thời cơ."
Riêng chúng tôi có thể nhận thấy rất rõ mối quan hệ tốt đẹp giữa dân làng Campuchia và du kích Việt Nam. Tại hầu hết các căn nhà mà chúng tôi lưu lại bao giờ cũng treo hình Sihanouk trên tường, ở chỗ trang trọng nhất gần bàn thờ Phật, chứng tỏ dân Campuchia vẫn ủng hộ vị hoàng thân lưu vong hơn là chính phủ Phnom Penh. Chúng tôi thấy Wang - người chiến sĩ gốc Hoa - trả tiền cho dân để mua rau và thịt. Còn gạo, thì chúng tôi được biết. do dân chúng tự nguyện đóng góp. Cũng có vài ngày lúc chúng tôi ở trong vùng khan hiếm lương thực, chúng tôi cùng các du kích giảm khẩu phần thường nhật của mình.
Các du kích luôn nhắc chúng tôi là dân quê Campuchia rất căm ghét người Mỹ vì lính và máy bay Mỹ gây ra chết chóc và tàn phá. Đây là lý do tại sao chúng tôi phải được che giấu cẩn thận: dân chúng không thể phân biệt người Mỹ tốt và người Mỹ xấu. Một hôm, khi vài dân làng nhìn thấy chúng tôi. thì
du kích giải thích với họ rằng chúng tôi là người Pháp đến giúp lloàng thân Sihanouk đánh đuổi quân Mỹ. Một lý do khác khiến họ phải che giấu chúng tôi vì họ sợ rằng tin tức về chỗ ở của chúng tôi sẽ rò rỉ ra bên ngoài tới quân Mỹ. Nhưng những gì trải qua trong buổi chiều đầu tiên khi bị dân làng đánh và chửi lúc đang bị bịt mắt, chúng tôi hiểu rõ rằng các du kích vừa phải bảo vệ chúng tôi trước dân làng lại vừa phải tránh các cuộc tập kích của quân Mỹ.
Một hôm anh Tư trao đổi nhanh vớí chúng tôi về tầm quan trọng của sự hợp tác giữa dân làng và du kích. Tôi nhờ Mike nói với anh Tư rằng chúng tôi biết ông Mao Trạch Đông từng so sánh du kích với dân như cá với nước. Tôi có ý qua câu nói này để biết phần nào thái độ của anh Tư đối với Trung Quốc. Nhưng thật hoài công, bạn sẽ không bao giờ bì được về kho tàng cách ngôn với người Á châu. Anh Tư nói: “Vâng, nhưng không có cá thì nước cũng vô ích."
5. LỜI MỜI
Một buổi sáng lúc còn ở trong ngôi nhà lớn đầy mối trên trần, anh Hai hỏi chúng tôi có muốn viết tin tức không, mặc dù chưa có quyết định về việc chúng tôi sẽ được thả hay không. Anh nói du kích sẽ giúp chuyển những tin tức đó về tòa soạn để đăng. Mike như bắt được vàng vì sẽ được hành xử như một đặc phái viên, thay vì như một tù nhân nên anh chấp nhận ngay, chẳng màng dịch câu hỏi ra tiếng Anh để xem Beth và tôi có đồng ý hay không.
Tôi bị giằng co. Bất cứ một phóng viên nào cũng không muốn gì hơn là có tin hay để được đăng trên trang nhất. Đã khá lâu tôi chưa được hưởng niềm vui đó. Một vài tin tường thuật từ Bangkok, một vài cái khác từ Sài Gòn một tuần trước khi bị bắt nhưng không có gì đặc biệt. Trước đó, tôi bận đi nghỉ hai tuần với vợ và con gái tại Pháp và Ý, do đó không viết một dòng nào. Một bản tin từ nơi bị bắt giữ sẽ là một tin đặc biệt.
Nhưng không phải là không có bất tiện. Câu hỏi thật sự trong đầu tôi là liệu tờ Post-Dispatch của tôi có chịu đăng tin tức của một phóng viên đang bị bắt giữ làm tù binh không. Các biên tập viên sẽ chịu, không có cách nào biết được là phóng viên của họ có được viết tự do hay bị bắt buộc viết bóp méo, thậm chí tạo tin tức giả hay không. Tôi đã từng thảo luận điều đó với Marquis Childs, nhà bình luận và là tiền nhiệm của tôi ở vị trí trưởng đại diện của Post-Dispatch tại thủ đô Washington D.C, liên quan tới việc nhiều lần nộp đơn xin visa đi Hà Nội của tôi. Theo anh Marquis Cililds thì thời gian tốt nhất để viết bài là sau khi từ Hà Nội về bởi vì những bài viết ở đó sẽ không thể phối kiểm. Hơn nữa, cho dù các biên tập viên nghĩ thế nào, thì các tin viết trong tù cũng bì kiểm soát tùy theo mức độ. Tôi không thể tránh khỏi suy
nghĩ rằng việc thả chúng tôi có thể chịu tác động bởi cái chúng tôi sẽ viết ra. Tôi sẽ bị giằng xé trong cuộc xung đột lợi ích y như một quan chức chính phủ có lợi ích trong một công ty mà ông ta phải xử lý hay một thẩm phán có quan hệ lợi ích với một bên trong phiên tòa. Chúng tôi - những nhà báo - luôn gay gắt phê phán nhũng người đó và khó thể hạ thấp chuẩn mực cho chính chúng tôi.
Tôi bảo Mike vì hai lý do nêu trên, tôi không thể viết và gửi tin đi trong lúc bị cầm tù. Hình như Beth đồng cảm với tôi, nên cô nói cô không có ý định gì về việc đưa tin cả. Mike không đồng ý, anh nói anh cảm thấy sẵn sàng viết và gửi tin tức về nhà.
Mike nói là làm ngay. Anh dùng các tờ giấy vở có kẻ vạch mà anh Tư đưa chúng tôi viết tự khai, cả những tờ giấy vẽ khổ lớn mà du kích mang đến. Mike viết rất nhanh, lúc đầu nằm sấp trên sàn, kê gối dưới ngực, rồi lại ngồi dậy vào bàn - nơi mà ông chủ nhà để giấy tờ cá nhân và du kích để chiếc máy phát thanh xách tay nối tạm thời vào một ăng-ten cột dưới rui nhà.
Bài báo đầu tiên của Mike rất hay. Anh viết về sự hợp tác và tình hữu nghị ngày một nảy nở giữa dân làng Campuchia và du kích Việt Nam, như du kích đã trả tiền mua thực phẩm của dân làng, tự mình nấu nướng thay vì bắt dân phục vụ và chịu ở trong những căn nhà lụp xụp chung với heo gà và vật dụng làm nông, chứ không làm phiền các gia đình Campuchia quá mức cần thiết. Ngược lại, Mike mô tả cảnh tượng mà chúng tôi chứng kiến ở thị trấn Prasaut một ngày trước khi bị bắt. Khi dừng lại nghỉ tạm tại thị trấn biên giới này, chúng tôi thấy một trung đội lính Sài Gòn với hai xe tải nhà binh chở đầy ghế, giường, tủ và những đồ gia dụng khác - những vật dụng bị lấy ra từ những nhà dân dọc hai bên đường, cửa nẻo bị phá bung. Một toán lính khác áp tải một xe tải chạy về hướng kho gạo của thị trấn, rồi khuân những bao
gạo chất đầy lên xe. Một người lính đưa chúng tôi qua đường và chỉ vào một cái hố, rồi cho chúng tôi biết một trăm xác người đã bị thiêu sau khi bị giết trong một cuộc thảm sát dã man vài ngày trước. Người lính Sài Gòn này báo chúng tôi rằng đơn vị của anh ta quá bận rộn không thể chôn cất những người xấu số. Quá bận hôi của thì có, đúng ra anh ta nên nói như vậy, và Mi ke đã ghi lại điều này trong bài báo của mình.
Đó là một trong những bài báo mà bản thân tôi rất muốn viết. Bài viết thẳng thắn và đáng tin cậy, tôi hình dung, một lúc nào đó nó được chuyển đến hãng tin thời sự quốc tế Dispatch News Service ở Washington, sau đó. các báo sẽ đăng tải, kể cả tờ Post-Dispatch của tôi, trong khi đó tòa báo lại không nhận được thông tin gì từ tôi cả.
Nhưng tôi vẫn giữ quyết định của mình và bắt đầu viết một bản ghi nhớ gửi cho thư ký tòa soạn của tôi, anh Evarts A. Graham, Jr, hy vọng nó sẽ được chuyển tới St. Louis và là khả năng tốt nhất để thông báo cho các đồng nghiệp, Helen - vợ tôi và các con gái, rằng tôi vẫn còn sống và mạnh khỏe. Khi các chiến sĩ du kích đọc bản dịch tiếng Việt trước khi họ chuyển bản chính đi và đó cũng là cách để họ hình dung được các bài báo mà tôi sẽ viết nêu họ thừa nhận chúng tôi là những nhà báo. Cuối cùng khi tôi bắt đầu viết bản ghi nhớ cho tòa soạn, tôi chợt nhận ra rằng trong thời gian tôi viết, họ sẽ tưởng là tôi cũng đang viết báo như Mike thôi. Nhờ vậy sẽ trì hoãn được cuộc đối đầu do tôi không chịu viết báo trong lúc bị giam cầm.
Tôi còn lưu lại một bản ghi nhớ đề ngày 21-5-1970:
Chuyển đến tòa soạn báo St. Louis Post-Dispatch, St. Louis, Missouri, Hoa Kỳ.
Bản ghi nhớ gửi Graham
Tôi vẫn mạnh khỏe và an toàn sau khi vô tình đi vào vùng giải phóng Campuchia và bị bắt.
Hôm nay ngày 21-5 tôi được phép viết một bài báo. Tôi đã trả lời rằng tôi muốn viết sau khi các cuộc điều tra làm rõ tôi đúng là nhà báo và không phải nhân viên chính phủ Hoa Kỳ.
Các thành viên Mặt trận Giải phóng rõ ràng có quan hệ hữu nghị và đoàn kết với nhân dân Campuchia và Hoàng thân Sihanouk rất được lòng dân trong vùng chúng tôi ở. Ngược lại, nước Mỹ và Tổng thống Nixon bị căm ghét hơn bất cứ đâu trên thế giới, vì Mỹ xâm lăng Campuchia và bom đạn Mỹ đang giết hại thường dân.
Tôi mong mỏi được viết báo trở lại, càng sớm càng tốt, để kể về phía bên kia của cuộc chiến mà Nixon đang mở rộng ra toàn cõi Đông Dương. Khi nhân thân tôi được xác minh, họ nói sẽ cho tôi thấy nhiều khía cạnh của cuộc cách mạng và tôi hy vọng sẽ có thể phỏng vấn một vài nhà lãnh đạo. Tôi không biết bao lâu nữa tôi được chứng thực.
Cùng đi với tôi còn có Michael Morrow của hãng tin Dispatch News Service International và Elizabeth Pond của tờ Người hướng dẫn khoa học Đạo Cơ đốc (The Christian Science Monitor).
Chúng tôi được đối xử tử tế và bảo vệ an toàn khỏi các cuộc tấn công của Mỹ và quân đội Sài Gòn.
Tôi sẽ bắt đầu gửi bài ngay khi được chứng thực.
Thân ái
Richard Dudman.
Việc dùng từ thận trọng, thậm chí quá dè dặt, cũng phản ảnh thói quen nói năng mà chúng tôi đã cố gắng rèn luyện để không đụng chạm các du kích hay tạo nên những xung đột không cần thiết. Đó cũng là kết quả của nỗ lực có chủ ý dùng những từ mà khi dịch ra tiếng Việt, nghe dễ chịu hơn. Do đó, thay vì "bị tù”, tôi dùng chữ “bị bắt". Cuộc điều tra để xác minh “tôi không phải là nhân viên chính phủ Mỹ" thay vì “điệp viên CIA", bởi vì chữ CIA xuất hiện trên giấy có thể khiến cho các du kích chú ý. Còn cụm từ “Các thành viên Mặt trận Giải phóng" tốt hơn nhiều so với từ “miền Bắc Việt Nam" hay “Việt Cộng", bởi vì trong những bản tin chính thức từ Hà Nội không hề nói rằng có lực lượng cộng sản vào Campuchia.
Trong những ngày kế tiếp Mike viết được ba hay bốn bài báo, và cả ba chúng tôi tập thói quen hàng ngày là sử dụng vài giờ để viết Beth và tôi bắt đầu ghi chú chi tiết kinh nghiệm và quan sát của chúng tôi cũng như nội dung trò chuyện với những người du kích, trong lúc các điều ấy còn tươi rói trong tâm trí chúng tôi. Cho đến lúc này, chúng tôi vẫn rất dè dặt khi ghi chép vì sợ họ lại nghi ngờ rằng chúng tôi đang làm một điệp vụ bí mật. Lúc này họ đã mời chúng tôi bắt đầu viết, thì chuyện ghi chép đó chẳng còn là vấn đề gì Tôi bắt đầu bằng một bài ghi lại đầy đủ các sự kiện của ngày đầu bị bắt. Rồi tôi đã viết một bài báo đảnh giá cuộc xâm lăng của Mỹ vào Campuchia dựa trên những gì chúng tôi thấy từ vị trí thuận lợi độc đáo của chúng tôi, chuẩn bị sẵn sàng gửi bài đi ngay khi bất ngờ được trả tự do.
Bài báo ghi rõ nơi viết: “Vùng giải phóng Campuchia" và bắt đầu: “Hai tuần sau khi quân Mỹ và quân Sài Gòn vươt qua biên giới vào Campuchia, xuất hiện các bằng chứng rõ ràng cho thấy kết quả sẽ hoàn toàn trái ngược với những gì người ta tính toán." Những “vùng đất chiến khu thù địch" còn lâu mới bị tiêu diệt, mà ngược lại còn mở rộng hơn về phía tây. Bom đạn Mỹ chỉ làm cho nông dân thêm căm thù và khiến cho vùng nông thôn trở thành
căn cứ cách mạng đầy hiệu quả, rộng lớn hơn, đông đảo và hăng say hơn mà thôi. Mối quan hệ hữu nghị càng phát triển hơn giữa dân chúng Campuchia và chiến sĩ cách mạng Việt Nam “tạo nên một Mặt trận cách mạng vững chắc ủng hộ Lãnh tụ Sihanouk và tôn sùng Chủ tịch Hồ Chí Minh như một anh hùng." Dù Tổng thống Nixon có 1 giữ đúng cam kết rút quân Mỹ khỏi Campuchia sau hai tháng hay không nhưng tôi dự đoán, quân Sài Gòn vẫn duy trì lực lượng ở đó và bom đạn Mỹ vẫn tiếp tục tàn phá đất nước Campuchia. Đứng ở vị trí của những người Campuchia mà tôi sống chung, tôi viết về cuộc xâm lăng Campuchia của Mỹ như sau: "Bom đạn Mỹ chỉ khiến cho nhân dân Campuchia không còn nghi ngờ gì về cuộc chiến tranh thực dân vô cớ của Hoa Kỳ chống nhân dân Campuchia. Họ thấy Hoa Kỳ chỉ là kẻ xâm lăng thay chân thực dân Pháp, cố gắng quay ngược chiếc đồng hồ lịch sử, sử dụng chiêu bài châu Á của người Á châu mà thôi."
Mike nộp nhiều tin, bài. Còn tôi cũng trao cho anh Hai bản ghi nhớ. Anh Hai cho biết sẽ gửi ngay theo đường dây, nhưng cũng phải tốn thời gian để đến Mỹ, bởi vì trước hết nó phải đến một nơi nào đó để dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt, để họ có thể đọc trước. Khi các bài của Mike và các bản ghi chép của tôi bắt đầu đầy lên trong cái túi bay của tôi, tôi lại nghĩ vẩn vơ tới một nỗi lo mới. Nếu họ thử chúng tôi không phải để biết chúng tôi viết gì khi được thả, mà để xem có thể giữ chúng tôi lại làm những cái loa tuyên truyền cho phong trào của họ thì sao? Có lẽ họ nghĩ rằng, với sự cải huấn từ từ, cộng với phương pháp vừa đánh vừa xoa, chúng tôi sẽ thán phục lý tưởng của họ và trở thành người viết hay phát thanh cho họ, tương tự như Lord Haw Haw, một nhà báo Anh làm phát thanh cho Đức trong Thế chiến thứ II. Thậm chí tệ hơn nữa - vì khó có lý do gì để phản đối - chính là vai trò mà Mike đang bị cuốn vào có thể sẽ kéo dài vô thời hạn - những tín bài anh viết trong khi bị giam giữ có thề làm các chỉ huy du kích thấy hữu ích và gửi cho báo chí khắp thế giới.
Riêng trường hợp của tôi, tôi chuẩn bị trước cách trả lời nếu được yêu cầu viết tin, bài đăng báo. Phân tích cuối cùng khiến tôi quyết định phải từ chối để không bị mắc bẫy như Mike, nếu thật sự đó là một cái bẫy. Tôi hy vọng, nếu chuyện đó xảy ra, tôi có thể giải thích để du kích có thể thông cảm được hoàn cảnh của tôi. Tôi sẽ bắt đầu lập luận của mình bằng cách trích câu nói của Carl Schurz và bảo họ ở Mỹ chúng tôi có một câu ngạn ngữ rất hay, đó là: "Tổ quốc đúng hay sai - cũng là tổ quốc. Nếu đúng thì luôn giữ đúng, nếu sai thì hãy sửa cho đúng." Khổ nỗi, tôi lại quá phản đối cuộc chiến tranh ở Đông Dương, nhưng không thể quay lưng với tổ quốc tôi và trở thành người tuyên truyền cho phía bên kia. Tôi hy vọng sẽ thuyết phục họ rằng các bài báo của tôi chỉ hiệu quả khi tôi viết như một người Mỹ trung thực, viết lên sự thật và giúp nhân dân Mỹ hiểu vê cuộc chiến tranh. Nhưng điều lo lắng là không biết họ có chịu nghe lý lẽ đó hay không?
Hình như Mike cũng lo âu. Anh hiểu người châu Á rõ hơn tôi và thấy không có nhiều hy vọng vì tính kiên nhẫn, bền bỉ của họ. Họ đã nói sẽ chiến đẩu thêm hai mươi nărn nữa và Mike bắt đầu tin rằng họ có thể giữ chúng tôi vô thời hạn, biết đâu cho đến khi chiến tranh chấm dứt. Anh nghĩ hết tháng đầu tiên là hạn chót để họ cho chúng tôi một lời hứa, nếu chúng tôi được thả sớm. Để an ủi Mike và an ủi chính mình, tôi tự vẽ ra một khung thời gian khác. Tôi kết luận rằng chúng tôi phải chờ ít nhất hai tháng để biết việc trả tự do cho chúng tôi có bị trì hoãn hay không. Tôi nghĩ, quyết định thả chúng tôi là do Hà Nội. Chúng tôi không hề thấy những người bắt giữ chúng tôi có liên lạc qua sóng viễn thông với Hà Nội. Xe gắn máy thường chạy ban đêm dọc đường mòn hay đường cái, có lẽ là phương tiện truyền tin duy nhất với bộ chỉ huy cấp trên. Điều này khiến chúng tôi tin rằng bộ chỉ huy khu vực này cũng phải sử dụng những người đưa thư để gửi tin cho Hà Nội . Mọi thứ tôi thấy ở đây đều thô sơ, và tạm bợ đến nỗi tôi có lý để cho rằng những bản tin gửi bằng ăng-ten vô tuyến là thổi phồng, y như câu chuyện về một Ngũ Giác Đài
của quân giải phóng nằm đâu đó dọc theo biên giới Campuchia. Giả thử một người mang thư phải đi bằng đường bộ ra Hà Nội. Anh ta phải cỡi xe gắn máy hay xe đạp vào ban đêm và ẩn nấp vào ban ngày. Đang có những trận đánh ác liệt ở Đông Bắc Campuchia và Nam Lào, nên có lẽ anh ta phải cuốc bộ qua vùng đó. Dễ ra ít nhất cũng phải mất một tháng để anh ta mang các hồ sơ của chúng tôi đến Hà Nội. Khi đó, tôi lập luận, các nhân viên phản gián sẽ liên lạc với Paris, Matxcơva, Stockholm và nhiều thủ đô khác trên thế giới để kiểm tra các nguồn mà chúng tôi đã cung cấp. Khi thông tin đã được xác minh và ra quyết định, thì cũng phải mất một cuộc hành trình dài ngược lại để chuyển bức điện trả tự do đến chúng tôi đang ở Đông Nam Campuchia. Hai tháng là một ước tính vừa phải.
Tuy vậy, cũng có lúc, tôi nghĩ đến việc trốn thoát. Đó là những lúc ngồi sau xe Land Rover giữa những khẩu súng trường và súng máy hay khi ngồi trong một lều cỏ với vài khẩu súng bỏ lăn lóc chỉ cách chúng tôi vài bước. Tôi hình dung cảnh tượng chúng tôi có thể trốn với những vũ khí này. Nhưng cái khó là làm sao tìm ra một nông dân Campuchia chịu giúp ba người Mỹ, khi chúng tôi thấy tình cảm của họ hoàn toàn dành cho những người cộng sản. Điều đó có nghĩa là trong suốt từơi gian bỏ trốn, chúng tôi phải mang theo gạo, nồi nấu nước và tự nhóm lửa. Cùng với vũ khí, chúng tôi phải cướp cả những dụng cụ nhà bếp, một bao gạo, một bật lửa đang nằm sâu trong túi của du kích.
Một vấn đề nữa là thú dữ. Trong một lần trà dư tửu hậu về đêm, anh Hai kể cho chúng tôi rằng trong rừng thường có những loài rắn độc mà nọc của nó mạnh đến nỗi có thể giết người trong vòng năm phút. Anh cũng kể về cách mà các con voi băng qua vùng quê. Anh còn chỉ cho chúng tôi cách tránh cọp - không dễ chịu chút nào: "Hãy lấy gậy đập xuống đất. Tiếng động đó sẽ làm cọp co mình lại như một trái banh. Khi đó hãy huýt sáo lên. Cọp ta sẽ bỏ
chạy."
Một cuộc đào thoát dài trong một vùng đất xa lạ và đầy thù hận xem ra chẳng hứa hẹn gì. Tôi nghĩ cuộc chạy trốn duy nhất khả dĩ thành công là lẻn đến một chỗ nấp gần một cánh đồng trống hay một ruộng lúa khô, rồi làm hiệu với hy vọng một phi cơ trực thăng đáp xuống giải cứu khẩn cấp. Chiếc sơ-mi và quần dài trắng của tôi có thể là vật tốt nhất để làm hiệu. Tôi nghĩ chúng tôi có thể cắt chúng ra nhiều dải nhỏ để ghép lại trên mặt đất hình chữ “CỨU" (Help) hay chữ "Mỹ" (U.S.).
Nhưng khi nghĩ kỹ về những kế hoạch này, tôi biết chúng có quá ít cơ may thành công và chỉ nên áp dụng khi đã không còn hy vọng và trong một tương lai mờ mịt. Thật sự, chúng chẳng khác gì những giấc mơ ban ngày. Ngoài ra, có quá nhiều điều cho một nhà báo như tôi tìm hiểu về những chiến sĩ cách mạng này, đã chiến đấu vì độc lập trong hai mươi lăm năm và đứng vững trước sức mạnh của Mỹ suốt tám năm qua mà không hề có dấu hiệu nào thua cuộc.
Hầu hết những gì mà du kích nói với chúng tôi đều rất giáo điều. Một hôm, có một phụ nữ trẻ khuôn mặt chữ điền gia nhập vào toán đặc nhiệm khoảng một tuần và thỉnh thoảng cũng ngồi nói chuyện với chúng tôi. Chị đi lại với vẻ khoan thai trong chiếc áo sơ mi bông xanh và quần pijama den. Chỉ cho biết chị là y tá. Chị khuyên Mike nên ăn nhiều rau hơn khi anh nói anh thường bị đau bụng. Giọng nói nhẹ nhàng và thái độ ân cần của chị khiến thoạt tiên tôi nghĩ chị như một cô Florence Nightingale châu Á xinh đẹp[4]- Nhưng chính chị lại bệnh liệt giường vài ngày, dán người trên chiếc chiếu kê gần cửa lớn, bên cạnh tay nải, súng và một cây đèn dầu lạc. Khi đỡ hơn, chị xin lỗi đã vắng mặt một thời gian vì bệnh, không đến nói chuyện được với chúng tôi. Tất cả điều đó làm chúng tôi càng thêm có cảm tình với chị.
Nhưng hầu hết những gì chị nói đều cứng nhắc nên cũng khó tạo nên tình bạn. Ví dụ, chị nói: “Chúng tôi biết có những người Mỹ tốt và những Mỹ xấu. Những người tốt ủng hộ cuộc cách mạng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ giẫm nát những người xấu." Những lời nói chẳng khác gì chị muốn dừng câu chuyện.
Tuy vậy, đối với anh Hai và những người khác thì mối quan hệ lại ngày càng ít nghi thức và thoải mái hơn. Nhung ngay cả anh Hai cũng nói cho chúng tôi những giáo điều cách mạng. Anh nói: "Ở hiền gặp lành. Mọi người sẽ giúp đỡ và che chở người hiền. Ngược lại, ác lai ác báo. Ở ác sẽ gặp điều ác." Anh Hai và những người khác cũng thường nói với chúng tôi, gần như giống hệt nhau: “Sống mà không có độc lập, tự do thì chết còn hơn. Chết cho cách mạng là cái chết nhẹ như không."
Nhưng vào những buổi tối ngồi với chúng tôi, khi bẻ những ngón chân, rồi đưa tay vuốt gọn mái tóc mới tắm, anh Hai cũng tâm sự những suy nghĩ riêng của anh về bản chất của chiến tranh. Đôi lúc, những ý tưởng này không đề cập tới ý thức hệ Mác-xít. Ví dụ, anh Hai mở rộng ý tưởng mà chúng tôi thường nghe du kích bàn tán, đó là từ việc người Mỹ tốt, người Mỹ xấu anh nói đến nhà kinh doanh tốt và nhà kinh doanh xấu.
Ở Mỹ có ba loại tư bản, anh nói. Loại thứ nhất kiếm tiền từ chiến tranh, như những người chế tạo vũ khí, loại này luôn mong chiến tranh kéo dài, để họ có thị trường bán sản phẩm chiến tranh của họ. Loại tư bản thứ hai kình doanh những hàng hóa không liên quan đến chiến tranh, do đó cũng không có lợi lộc gì từ chiến tranh. Còn loại thứ ba thì kinh doanh cả hàng hóa chiến tranh lẫn hàng hóa bình thường. Hạng tư bản thứ nhất luôn gắn bó với giới quân sự Mỹ và cổ vũ mạnh mẽ chiến tranh. Hạng thứ hai phản chiến vì chiến tranh làm cho người dân khó kiếm ra tiền để mua sắm. Hạng thứ ba thì trước đây
ủng hộ chiến tranh, nhưng bây giờ quay ra phản chứên vì nhận ra rằng chiên tranh đã gây ra suy thoái kinh tế ở Mỹ.
Anh Hai ít tâm sự với chúng tôi về cuộc đời anh. Một lần Mike hỏi anh đã ra Hà Nội chưa. Anh nói chưa, nhưng rối dừng lại, không kể tiếp về mình. Wang, anh sinh viên người Miên gốc Hoa, có lẽ theo ý của anh Hai, sau đó đã kể cho chúng tôi rằng anh Hai sinh ra trong một gia đình nông dân gần Huế và đã từng làm việc cho một đồn điền cao su. Wang kể, lúc đã 17 hay 18 tuổi, anh Hai mới bắt đầu học tiểu học và liên lạc với Việt Minh, một phong trào do Đảng Cộng sản lãnh đạo chống lại thực dân Pháp. Từ đó, anh tham gia cách mạng. Hai mươi lăm năm rồi!
Bất luận câu chuyện này đúng đến đâu, anh Hai vẫn là một chiến sĩ cách mạng nông dân triệt để, đã cống hiến cả cuộc đời mình cho phong trào. Một buổi chiều, cùng ngôi bệt trên sàn nhà, anh nói với chúng tôi: "Dĩ nhiên, quân đội cách mạng cũng có những cấp hàm khác nhau, nhưng tất cả chúng tôi cùng sống như nhau, chan hòa với nhau. Sống cuộc sống của người nghèo mới có thể hiểu thấu cách mạng. Tạm thời chúng tôi phải quên đi gia đình. Tôi đã xa vợ tôi nhiều năm. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi Mỹ cút, và Việt Nam, Campuchia, Lào giành được độc lập. Rồi nếu những dân tộc khác trên thế giới cần giúp đỡ trong cuộc chiến đấu giành độc lập của họ, chúng tôi sẵn sàng đi giúp họ."
Lòng yêu nước chính là yếu tố lớn nhất trong tư tưởng của anh Hai khi anh nói chuyện với chúng tôi. Còn khi đề cập tình đoàn kết với nhân dân các nước khác, anh nói đến những dân tộc bị áp bức ở châu Phi, châu Mỹ La-tinh và khối Ả Rập hơn là những nước cộng sản.
Anh Tư cũng có niềm tự hào về lòng yêu nước của người Việt Nam, mặc dù ngày đầu anh giấu tung tích khi nói với chúng tôi anh là người Campuchia.
Một lần anh đã nói với chúng tôi: "Lịch sử chứng minh chúng tôi không sợ bất kỳ kẻ xâm lăng nào. Chúng tôi đã từng đánh bại năm cuộc xâm lăng từ Trung Quốc, một cuộc từ Mông Cổ, và một của Pháp."
Một buổi tối, sau khi anh Hai tóm tắt cho chúng tôi nội dung buổi phát thanh tiếng Việt của đài BBC về cuộc bàn cãi mới tại Thượng Nghị viện Mỹ liên quan đến cuộc xâm lăng Campuchia và các cuộc biểu tình của sinh viên trong các khuôn viên đại học Mỹ - bất ngờ ông nhận định: “Nhà báo cũng có ba loại. nhà báo xã hội chủ nghĩa là những người ủng hộ cách mạng. Nhà báo tư bản chủ nghĩa làm thuê cho Mỹ và chế độ Thiệu-Kỳ. Và cuối cùng là những nhà báo hành nghề vì lý tưởng hòa bình và trung lập. Nếu các bạn là những nhà báo tốt, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn nhiều thông tin về phong trào cách mạng để các bạn có thể viết bài cho báo của mình. Ngược lại, chúng tôi cũng không giết các bạn đâu, mà chỉ cho các bạn học tập cải tạo."
Đó không phải là lời hứa sớm thả tự do, nhưng đó chính là cơ sở để lạc quan. Trong loại thứ ba - những nhà báo hành nghề vì lý tưởng hòa bình và trung lập - tôi nghĩ có thể tìm thấy một chỗ cho chúng tôi. Những lời của anh Hai lần đầu tiên bộc lộ một cách rõ ràng rằng chúng tôi có thể giữ sự trung thực mà vẫn được du kích chấp nhận.
6. TẤN CÔNG
Thứ sáu, 22 tháng 5 là một ngày nghỉ ngơi và chuẩn bị. Những người du kích làm nhiệm vụ bảo vệ chúng tôi - như chúng tôi thường nghĩ như thế - không bao giờ cho chúng tôi biết trước lịch trình di chuyển ban đêm từ nơi này sang nơi khác. Chỉ có những cái khều nhẹ vào ngón chân và thì thầm ra lệnh: “Chuẩn bị đi”. Nhưng ngày thứ sáu hôm đó chúng tôi linh tính một cuộc hành quân quan trọng sắp xảy ra.
Chị y tá đã khỏi bệnh, xếp gọn ba-lô và cho dầu đầy vào cây đèn nhỏ, rồi vặn chặt nắp như để chuẩn bị kỹ cho một chuyến đi xa. Sau khi mang cho chúng tôi bữa ăn sáng, anh Tư lặng lẽ ra phòng ngoài ngồi vá lại chiếc áo sơ mì xanh anh thường mặc. “Nhăn Nhó", một du kích ngăn nắp nhất trong một nhóm người cực kỳ ngăn nắp bỏ ra cả nửa giờ để bắt những con mối chui vào chiếc mùng màu xanh của anh đêm qua. Anh đứng thẳng, đưa chiếc mùng ra ánh sáng từ cửa ra vào, cố bắt mấy con còn sót, rồi quay chiếc mùng trở lại bắt nốt phía bên kia, miệng và mũi của anh nhăn nhó vì quá tập trung vào công việc. Cuối cùng anh xếp chiếc mùng vuông vức như một cuốn sách, nhét vào ba-lô - một túi ni-lông với dây rút vòng từ hai bên đáy. Trên miệng ba-lô cũng có một sợi dây buộc hai đầu để dễ móc ba-lô lên. Sau khi thắt miệng ba-lô, anh kéo hai dây lên làm thành quai mang trên vai. Anh thử nhấc chiếc ba-lô cỡ 15 ký lên để coi thử nó cân bằng chưa. Lần đầu thất bại, anh lấy hết vật dụng ra - mùng, mền, quần áo, quẹt lửa, giấy vấn thuốc, thuốc rê, kể cả tiêu, muối, đường, thư từ hình ảnh cá nhân, một tấm ni-lông xanh lớn có thể trải nằm hay làm lều dã chiến. Rồi anh xếp lại, có thứ tự hơn, cột chặt lại, cho đến khi anh cảm thấy hài lòng. "Ba-lô bộ đội cụ Hồ" - như tôi thường gọi - cùng với những vật dụng tiêu chuẩn chứa trong đó, là vật kỷ niệm mà
tôi tha thiết muốn mang về nhà Washington.
Beth, Mike và tôi mất gần cả ngày để viết bài hay ghi lại nội dung những cuộc nói chuyện một vài ngày trước với anh Hai và những người khác. Mike có một trí nhớ chính xác tuyệt vời, cả tiếng Anh và tiếng Việt, chúng tôi cùng làm việc với nhau để ghi lại chính xác những buổi thảo luận dài dằng dặc về bản chất của chiến tranh và cuộc sống của người cách mạng. Thỉnh thoảng chúng tôi tranh thủ xả hơi bằng cách làm một giấc ngủ ngắn trên sàn tre hay chơi trò đố "hai mươi câu hỏi" hay lấy những tờ giấy cũ chơi trò đố chữ của Beth: mỗi người nghĩ ra một từ gồm năm chữ cái, rồi đố những người khác thử đoán xem là từ gì bằng cách đưa ra nhiều từ gồm năm chữ cái khác nhau. Mỗi lần như vậy sẽ được công khai có bao nhiêu chữ cái tương thích, cho đến khi đoán đúng.
Ngôi nhà lớn hình như là một trạm liên lạc của du kích. Ngay đêm mới đến, tôi đã chú ý thấy người chủ nhà cao lớn với vầng trán đầy nếp nhăn lấy từ một chỗ bí mật trên tường một mảnh giấy nhó xếp gọn, rồi trao cho một trong những du kích. Chuyện này làm tôi nhớ đến Wilfred Burchett đã từng viết về những bì thư nhỏ dùng để truyền tin mà ông thấy trong những chuyến hành trình của ông cùng với các cánh quân của Mặt trận Giải phóng bên trong miền Nam Việt Nam và tôi cho rằng mảnh giấy nhỏ kia là một lá thư để lại cho nhóm của chúng tôi.
Chỗ ngủ đã được trải dọc trên sàn nhà và ba-lô được đặt ngay đầu giường, người đi ra đi vào - tất cả nếu không có những khẩu súng dựa vào tường và tiếng động cơ của máy bay do thám xa xa - đều gợi lên ấn tượng đây là một ký túc xá thanh niên. Ba thiếu nữ người Việt mới đến, được giới thiệu là y tá, khiến cảm tưởng đó càng thêm mạnh mẽ. Ba cô gái có lẽ đã đến đây trước khi chúng tôi thức dậy vào lúc bình minh, và giết thì giờ bằng cách dạo quanh
ngôi nhà hay ngồi giữa nhà, cạnh những chiếc ba-lô, mặc quần pijama đen và áo màu xanh biển, nói chuyện với nhau hay chải kỹ mái tóc dài đen mượt, bới rồi kẹp lại bằng những kẹp tóc màu bạc. Trong vài phút, họ nói chuyện với chúng tôi một cách vui vẻ - mặc dù đó là sự chỉ đạo của cấp trên. Họ không hỏi câu gì ngoài những tuyên bố như: "Cách mạng sẽ thành công bất luận kéo dài bao lâu nữa."
Ban Tun, người chiến sĩ Campuchia vui tính, dường như không có nhiệm vụ gì quan trọng, ngoài việc lo củi lửa và múc nước giếng đưa vào nhà bếp. Anh rất khỏe và siêng năng. Ban Tun đi vào nhà, nhặt lá rơi từ các cây quanh nhà. Anh mất cả giờ nói chuyện với các người Víệt Nam: anh đưa cao một chiếc lá để họ nói tên loại cây đó bằng cả tiếng Campuchia và tiếng Việt. Sau đó, anh đi ra khỏi nhà, mang theo một cây sào dài có một cái rổ và cây nĩa ở đầu sào. Anh dùng nĩa hái trái trên cây roi vào rổ. Rồi anh quay trở lại, mang cho chúng tôi mỗi người vài trái dâu xanh nhỏ chua lè và một gói muối ăn cho bót chua. Chúng không quá tệ bởi vì tôi cảm thấy chúng bù đắp thêm được một ít vitamin C trong người. Một chú tắc kè lớn - được gọi như thế vì tiếng kêu hai nhịp não nùng của nó - đang bò ngược trên kèo nhà. Anh Ba - chỉ huy quân sự của chúng tôi - đang nằm lim dim trên chiếu, thấy nó anh vội chụp lấy một cây tre dài và cố hất con vật xuống. Những bàn chân của nó cố bám chặt, nhưng cây tre mạnh hơn nó, nên cuối cùng nó đành rơi bạch xuống sàn nhà. Anh Ba dùng cây tre ghìm nó xuống, rồi chộp lấy nó từ phía sau đầu để tránh chiếc miệng to đủ rộng có thể cắn vào ngón tay. Anh mang chú tắc kè vào bếp, để thêm một món đột xuất vào nồi cháo đêm.
Vào buổi tối, lúc chúng tôi ra giếng tắm. chúng tôi thấy ba cô y tá, với mái tóc óng ả và những cây trâm bạc lấp lánh dưới ánh trăng, ba-lô trên lưng, vai quàng AK-47, lặng lẽ vượt qua chúng tôi, rồi đi tiếp trên những bờ ruộng lúa phía xa. Quay vào nhà, chúng tôi lại thấy anh Ba đang ngồi viết một mảnh
giấy nhỏ dưới ánh đèn dầu. Chúng tôi cảm thấy một cuộc hành quân nữa sắp đến nhưng tốt hơn không nên hỏi. Ở đây không ai được quyền tự ý tiết lộ thông tin.
Chúng tôi được gọi dậy lúc 3 giờ sáng. Anh Tư khẽ bảo chúng lôi thời gian và nói chúng tôi sẽ di chuyển sớm. Anh mang đến cho chúng tôi cháo và một đĩa đậu phộng muối. Cháo hãy còn nóng và Mike nhớ lại cách mà người châu Á nhận biết thành phần xuất thân của một người: nếu anh ta xuất thân từ một gia đình nghèo, anh ta sẽ có thói quen dùng muỗng rà quanh tô cháo để ăn những chỗ nguội trước. Vài phút sau, theo lệnh của anh Tư, chúng tôi rời khỏi ngôi nhà, mang giày dép đã đặt sẵn ở chân cầu thang như thường lệ và lội bộ qua một lối mòn đẫm ánh trăng, đến chiếc Land Rover chờ sẵn, được giấu trong căn nhà hàng xóm. Chúng tôi leo lên xe, tìm chỗ ngồi giữa ngổn ngang đồ đạc, súng ống, một trái dừa và một thúng nhỏ đầy gà con kêu chiêm chiếp. Xe chạy suốt đêm, len lỏi theo những con đường mòn, bỏ lại phía sau lưng và hai bên đường ánh sáng của những trái hỏa châu Mỹ lập lòe trên bầu trời đêm và thỉnh thoảng tiếng đạn đại bác gầm lên như nhắc nhở chiến tranh đang quanh quẩn đâu đây.
Lúc rạng sáng, chúng tôi có thể thấy những dãy nhà sàn bằng gỗ khi xe chạy vào một ngôi làng lớn. Chiếc Land Rover dừng trước một ngôi nhà. Chúng tôi lấy xà-rông che lên đầu khi những người hộ tống trao đổi với một nhóm người Campuchia. Sau một hồi bàn bạc về chỗ ở cho chúng tôi, anh Tư ngoắc chúng tôi ra khỏi xe, theo anh leo lên cầu thang, vào một căn phòng nhỏ phía trái cửa ra vào. Căn phòng được ngăn bởi dãy tủ gỗ cao. Vợ chồng chủ nhà trải chiếu dưới sàn và treo những tấm mền che chắn tầm nhìn, nhưng chúng tôi vẫn thấy những đôi mắt nâu qua mỗi khe hở, khi các em bé Campuchia kháo nhau về những người phương tây vừa đến. Khi tôi mỉm cười với một em bé, em vội vã bỏ đi, nhưng lát sau em quay lại khe hở vì tính hiếu
kỳ đã chiến thắng sự nhút nhát.
Chuyện bình thường là ngủ sau một chuyến đi đêm, và sau khi ăn sáng no nê với cơm thịt bò, đậu đũa và nước mắm - món nước chấm được làm từ cá của người Việt, giống như món ketchup vậv, chúng tôi ngả lưng xuống chiếu cạnh nhau. Khi vừa thiu thiu, thì anh Tư đến và ra lệnh “Chuẩn bị đi” - giọng anh khẩn trương hơn thường lệ. Chúng tôi vơ vội hành lý và anh dẫn chúng tôi xuống cầu thang phía sau nhà. Không kịp mang giày, tôi đành để chân trần chạy theo anh Tư, qua dãy nhà sau, ra đến một con đường đất. Xa xa vọng lại tiếng máy bay và tiếng cánh quạt trực thăng. Chúng tôi là một phần của cuộc tản cư tập thể của dân làng và du kích, bỏ chạy tán loạn ra khỏi thị trấn, để tránh trận tấn công đang đến. Đám đông chạy khỏi con đường và băng xéo qua cánh đồng lúa lầy lội. Chúng tôi cũng lội qua đồng. cố gắng bước nhanh. Anh Ba và anh Tư đi trước, thỉnh thoảng nhìn lại thúc giục chúng tôi cố gắng theo kịp. Leo qua một bờ đê thấp, chúng tôi đến một cánh đồng khác, chỉ có bùn sâu và đầy những bãi phân trâu. Chiếc quần lấm bùn của tôi như dán chặt vào chân khi chạy. Đôi lúc tôi cũng cố ngoái đầu xem thử Beth có theo nổi không. Tôi tự hỏi làm sao mình có thể viết được gì về những điều đang xảy ra nếu vẫn cứ giữ kẽ là một nhà báo thận trọng, không bao giờ dám đặt mình vào nơi nguy hiểm. Hơi thở đã phì phò, tôi bắt kịp hai phụ nữ bế con và anh du kích đang ôm trong tay một chú gà còn sống. Không suy nghĩ, tôi hỏi người lính: "Còn phải đi nhiều như thế này không?" Khi anh lính quay lại vì nghe một giọng nói lạ, và phát hiện khuôn mặt phương Tây của tôi, thoáng qua mắt anh có một cái nhìn kinh ngạc mà tôi chưa từng thấy bao giờ.
Rồi chúng tôi cũng vượt qua cánh đồng thứ hai, tiến vào một vùng đất trống, thỉnh thoảng có bóng cây và bụi rậm. Tiếng máy bay trực thăng tuần tra càng lớn hơn. Khi du kích và dân làng chạy lên trước, tản ra để tránh máy
bay, nhóm chúng tôi cũng dừng lại một chút, trong khi anh Ba trèo lên cây quan sát phía sau. Tôi tranh thủ cột chặt dây giày và quàng qua dây đeo của túi bay cho dễ mang theo. Anh Ba bảo cứ tiếp tục chạy xa hơn, rồi mới tìm chỗ núp, chúng tôi chạy tiếp qua những bụi cây và dây leo cao đến bụng. Vài phút sau, anh Hai dẫn Mike và Beth chạy một hướng, còn Nhăn Nhó dẫn tôi chạy về một hướng khác. Chúng tôi đến một lùm cây thấp với những cành tươi bị bẻ gãy phủ lên những bụi cây cạnh đó. Nhăn Nhó chỉ vào một khe hở nhỏ giữa bụi và ra hiệu cho tôi chui vào. Anh cố ra hiệu cho tôi vào sâu bên trong cho đến khi tôi được cành lá che phủ an toàn, xong anh bò ra xa một chút, nằm nghe ngóng và quan sát bầu trời. Xa xa vọng lại tiếng đại bác, máy bay trực thăng, máy bay cánh quạt và cả phản lực cơ chiến đấu. Có lẽ Nhăn Nhó nghe thấy một điều gì khác thường - tiếng gầm của pháo đài bay - thường chúng bay quá cao nên ít khi nghe thấy. "Bê năm hai" (B-52), Nhăn Nhó thì thầm. Anh lôi ra một miếng bông gòn, xé một nửa cho tôi, ra hiệu cho tôi nhét vào tai nằm úp mặt xuống đất, nhắm mắt lại. Khi tôi xoay người úp mặt xuống đất, tôi phát hiện mình đang năm ngay trên một tổ kiến, nhưng tôi không thể di chuyển sang nơi khác, vì tôi sẽ làm "kinh động" đến tổ ong gần đó nếu tôi nhích thêm chút nữa. Tôi nằm yên chịu trận, chờ mặt đất rung lên và lỗ tai sẽ nổ tung khi bom B-52 rơi gần đó. Vài phút trôi qua, thấy không có gì xảy ra, lôi đưa mắt nhìn sang Nhăn Nhó. Anh hiểu ánh mắt của tôi nên ra hiệu cứ úp mặt xuống đất và nhắm mắt lại. Tôi liều lén nhìn lần nữa và bắt gặp anh mở nắp bao da của cây súng lục bên hông. Anh đoán được ý nghĩ của tôi, nên đưa ngón tay lên như khẩu súng, chỉ vào tôi, lắc đầu rồi chi lên trời, gật đầu "Súng không phải bắn anh, mà bắn bọn chúng," anh muốn nói. Một khoảnh khắc im lặng, không nghe tiếng máy bay. Nhăn Nhó đưa cho tôi cái bi-đông nước và tháo túi ba-lô lấy ra một túi giấy màu nâu. Anh xé một nửa đưa cho tôi trong đó chứa năm cục đường. Chất ngọt làm tinh thần hưng phấn và cung cấp năng lượng nhanh, nên tôi cảm thấy khỏe