🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook 3.3.3.9 Những Mảnh Hồn Trần - Đặng Thân full mobi pdf epub azw3 [Hiện Thực]
Ebooks
Nhóm Zalo
Nếu bạn chẳng chờ đợi gì
ở cuốn sách này
thì có thể sẽ gặp được
cái mình hằng mong đợi
.בוטח בעשרו הוא יפל וכעלה צדיקים יפרחו
(Kẻ nào tin cậy nơi của cải mình sẽ bị xiêu ngã. Còn người công chính sẽ được xanh tươi như lá cây)
- Kinh Thánh (Châm ngôn 11:28)
Grau, teurer Freund, ist alle Theorie und grün des Lebens goldner Baum.
(Xám, bạn trân quý ơi, là mầu của mọi lý thuyết và/còn xanh tươi là cội cây [bằng] vàng của cuộc sống [nhân gian])
- Goethe, Faust I
I have always looked upon decay as being just as wonderful and rich an expression of life as growth.
(Tôi luôn xem sự đổ nát hủ bại là một biểu hiện tuyệt vời và giầu có của cuộc sống, không khác chi sự thăng triển)
- Henry Miller
Ta để râu cho mặt đỡ cô đơn.
(我 留 鬍 ⼦ 以 免 臉 孤 單
Ngã lưu hồ tử dĩ miễn kiểm cô đơn)
- Khuyết danh
KHAI
(“PREFIX”/“FOREPLAY”)
Hãy nhìn lên đi!
Các ngươi hãy nhìn lên bàn thờ!
Ta không nói “Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất” đâu nhé. Các con chiên ghẻ của Chúa!
Không biết thế là thế nào…
Đúng là không biết thế nào u ơ mơ, hồ nghi lắm ghê. Mình là ai là, ai?
Có nhẽ mình đã chui ra từ bụng mẹ nó… Ấy là cứ suy ra từ luận điệu của đám người đám nào rồi, mà chẳng đến đám ma (/đám quỷ). Hi hi nói gì thì nói chứ iem vẫn thích cái sự thực không chiết gia hay gã hùng biện nào có thể chối bỏ hay là ngụy biện nổi là thì ai ai mà chẳng chui ra từ cái lỗ giữa ngã ba Láng Hạ hạ hạ… Ui, hình như vừa có con mèo bay qua nóc nhà…
Đã có ai trong số các ngươi từng nghe tới “Niết Bàn”? Niết Bàn chứ chưa nói đến bàn thờ đâu nhé. Xin hãy giơ tay lên nào!
Được rồi, hãy bỏ tay xuống. Cám ơn!
Thế là gần cả trăm phần trăm.
Ta biết mà.
Tôi thấy là con người nàng là lạ. Vấn đề là lạ như thế nào, lạ ra sao và lạ ở đâu. Ấy, xin lỗi… Tôi hãy để nàng sau. Guten Tag allerseits![2]
Tôi xin giới thiệu, tên của tôi là Schditt von deBalle-Kant, người Đức [Ý Chí], nói như báo chí Việt Nam tức là tôi từ Đức tới. Ngôn ngữ báo chí ở đây làm cho tôi cười. Ví dụ là, có cuộc thi lợn đang diễn ra ở Anh mà báo lại còn phải giới thiệu là “chú lợn Doggy Style đến từ nước Anh”!
Xin các bạn hãy vui lòng gọi tôi là Schditt. Gia đình tôi là một gia đình của quý tộc và trí thức lâu đời. Gia đình mẹ tôi (bên ngoại) có nguồn gốc người Do Thái; vì vậy, theo tập tục của Do Thái chúng tôi, tôi là người Do Thái. Vì dân tộc tôi tính con cái theo dòng của mẹ. Tôi cũng có thấy máu Do Thái chảy trong mạch máu của tôi “hơi bị” (tôi mới học được từ này đấy) mạnh. Bản tính của tôi “hơi bị” hà tiện, chỉn chu và chi tiết; đồng thời, tôi thấy mình làm cái gì thì cũng muốn vươn lên đến tận tột đỉnh, cái gì cũng muốn… gì nhỉ… à, “cùng kỳ lý”.
Các ngươi làm cái gì cũng thích trăm phần trăm là cớ vì sao?
Chẳng qua là cái bệnh bầy đàn. Thấy người bên cạnh dơ tay chẳng nhẽ mình không dơ. Không dơ nó lại bảo mình lạc hậu, mình ngu. Thế là dơ.
Đúng là dơ!
Ui a… sao mà nhức nhối ui… Còn mình thì đếk bít dòng rõi dòng rọc nhà lào chỉ biết nhà mình trồng thuốc lào cái rằng là quê iem ở Tiên Lãng, Hải Phòng ơi, mịa mấy lâu mọi người vẫn đố nhau xem thành phố tỉnh thành lào là mạnh về cái khoản ấy nhất cho nên chúng nó lục tìm trong các bài hát để tìm hỉu thế là thằng Hà nội thủ đô oách nhất, tự nhận là mình kinh nhất với dẫn chứng “kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao”[3] ôi chao thía cũng là oách lắm roài đủ xung sướng cho chị iem lắm cơ nhưng mờ vữn đếk bằng Hải Phòng quê mình đâu nha. “Hải Phòng đó… hiên ngang chỉ biết ngửng đầu”[4] ừ mà công nhận bọn đàn ông quê mình chúng nó dã dã man lun dưng cũng thô lỗ bỏ mịa với lại chúng ló hay cà khịa hung hăng lém chúng nó chả tha, ai. Có những thời kì đi đâu bọn con trai Hải Phẹt cũng dắt túi quần quả lựu đạn mỏ vịt của mĩ hay giắt lưng quần
con dao nhìu thằng còn có xéng nữa động cái là chúng ló đòm đòm luôn; thằng bồ già của mình cũng đã từng, bị một thằng trẻ nó hòn Mê mình nó đòm cho thối tờ rym xuýt nữa thì phải tốn mấy chăm nghìn đi đám ma hix.
Ấy thế mà mà mà cái lúc đi chơi gặp bọn vùng mỏ Quảng linh ấy mới thấy chúng rõ ơi là rõ kinh ghê, chúng nó hát “mỗi khi tan ca anh cùng iem lại ghi thêm 1 chiến công”[5] ^_^ À há mà iem tên là Mộng Hường iem cùng dòng với Thúy hường Thúy Cải Thúy muống Thúy Mị, Thùy linh Mộng Cầm. Nhưng mà người đời đỉu lém bọn chúng ló tuyền gọi iem là Mông Lặng Hường, đứa thì gọi Mông Hồng hoặc là chỉ gọi tắt là Mông Nặng. Ặc ặc… Ui con mèo…
Tại sao ta lại bảo các ngươi nhìn lên bàn thờ?
Các ngươi có hiểu gì về bàn thờ không?
Trước hết ta cũng muốn các ngươi hiểu rõ về thân thế của ta. Hãy gọi ta là Ông Bà. Ông Bà chứ không phải là Ông/Bà đâu nhé! Nghe chừng có vẻ lưỡng tính “2 trong 1” hay “xăng pha nhớt” phải không?
Xin hãy nhớ, tôi là Schditt các bạn nhé. Tôi yêu các bạn! Cầu xin các bạn nhớ cho đây là chỗ để phát biểu của tôi: font chữ Times New Roman cỡ 12.5, cách lề trái ½ inch. À mà tôi không biết phải nói là “cám” hay “cảm”… Tiếng Việt “hơi bị” rắc rối. Cám ơn, cám ơn. Xin cảm ơn!
9,25! Còn iem là Mộng Hường nhé. Cái đoạn fông chữ Tham-liu dôman kiểu Titalic cách lề lửa inh lày là lời của iem đấy nhá, nhá ke ke
Ta là Ông Bà, hay có người gọi ta là A Bồng. Cái góc này là của ta. Không nhiệm vụ miễn vào!
@
LỜI BÀN [PHÍM…] CỦA CÁC NETIZEN
ĐẶNG THÂN: ĐÔI DÒNG CHÚ THÍCH [THÊM]:
Như vậy là câu chuyện đã bắt đầu từ phần KHAI (“PREFIX”/ “FOREPLAY”) với các nhân vật như sau:
- Ông Bà/A Bồng: phát ngôn ở chỗ font chữPalatino Linotype in đậm (Bold).
- Mộng Hường: phát ngôn chỗ font chữ Times New Roman in nghiêng (Italic).
- Schditt von deBalle-Kant: phát ngôn chỗ font chữ Times New Roman in thẳng đứng.
Khánh Lam:
“Grau, teurer Freund, ist alle Theorie und grün des Lebens goldner Baum.” àà Câu này tôi nghe từ lúc nhỏ, không ngờ nay được biết câu original của nó. Câu dịch kiểu khác dễ thuộc hơn là: Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi.
Một giọng văn lạ, rất khác người nhưng thú vị. You are one-of-a kind weird & cool writer that I've ever got the pleasure to know! :)
ben t:
Một người ‘bạn’, (mạn phép thế). Rất lỗi lạc, không nhiều người ưa văn phong, (hồ đồ thế). Ai biết và hiểu sơ sơ sẽ khâm phục, (tin như thế). Đã bắt đầu post cuốn tiểu thuyết đầu tay lên mạng. Đọc những dòng đầu tiên, đã thấy ‘mùi’ của cuộc chiến vùng miền, xung đột của tư tưởng, thách thức của ngôn ngữ, thấp thoáng của triết, tràn lan một thách thức khám phá nội tại…
Hậu khảo cổ:
Đồng ý với bent!
ĐẶNG THÂN:
Hứng lên hạ chỉ đôi lời
Kẻo ra nhìn thấy cuộc đời buồn tênh [hênh]
Ý KIẾN CỦA BẠN:
Mong các quý bạn đọc hãy chia sẻ cùng tôi những ý kiến của mình và gửi tới địa chỉ email: [email protected]
Rất mong sẽ được thấy ý kiến/ lời bàn [bình] của bạn xuất hiện trong cuốn sách này khi tái bản. Xin cảm ơn rất nhiều!
1
Này các nhân vật của tôi!
Các nhân vật chính của tôi (nhà văn Đặng Thân) thi nhau lên phát biểu làm tôi cứ rối tinh rối mù không thể nào bắt đầu được câu chuyện.
Nhân lúc “bà con” mỏi mồm tôi xin được bắt đầu câu chuyện này. Tôi sẽ cố gắng kể mạch lạc nhất có thể (theo kiểu “tuyến tính”) để bầy tỏ tấm lòng tôn trọng tới các độc giả thân yêu. Tuy nhiên tôi cũng phải xin có lời trước là chẳng may các nhân vật của tôi trong khi sốt ruột hoặc phật ý là họ dễ nhẩy vào kể chuyện cho quý vị và các bạn nghe đấy. Khi ấy thì, xin lỗi, tôi không thể nào mà kiểm soát được tình hình đâu.
Người ta vẫn nói chính các nhân vật đã tự đẻ ra truyện, còn truyện thì đẻ ra nhà văn.
Trong phần KHAI chắc quý vị và các bạn yêu quý đã thấy có sự xuất hiện của các nhân vật như Ông Bà/A Bồng, Mộng Hường, Schditt von deBalle-Kant và bây giờ là cả tôi nữa. Với mong muốn có một câu chuyện có đầu có đuôi, rõ ràng minh bạch nên tôi quyết định tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa các nhân vật theo kiểu “lễ ra quân” hay “lễ ra mắt” hoặc là “xưng danh” như trong chèo-tuồng truyền thống. Kinh Dịch đã dậy “sư xuất dĩ luật” mà.
Sau khi bàn đi tính lại tôi quyết định tất cả cùng gặp nhau ở Quán GIÓ tại phố Chân Mây bên bờ biển Đông của Thái Bình Dương, nơi luôn có nhiều cơn bão dữ dội (cơn nào cũng gây thảm họa) mà quốc tế gọi là “typhoon” (theo cách gọi của người Tầu/Nhật, tức là “đại phong”).
Quán GIÓ là một địa điểm khá đặc biệt. Nó vừa rộng, vừa thoáng, vừa đẹp mà lại không đông khách lắm. Quán này có kiểu dáng giống một cái nhà hàng bên đường của một nước phương Tây nào đó với
những cái biển lớn, cờ đuôi nheo và dây dợ gì đó, cùng một bãi đỗ xe rộng. Ở đây nổi tiếng với món cá đại dương đủ tất cả các món.
Tôi là người đầu tiên đến quán.
Lúc đó quán gần như chưa có khách. Các em tiếp viên ăn mặc như cầu thủ bóng đá Brazil, da ngăm ngăm mặn mòi gió biển, đi qua đi lại mời chào làm tôi sốt hết cả ruột. Những lời mời, những lời chào mà bị quá tải thì cũng không khác gì nghe chửi. Lộn hết cả ruột. Tuột hết cả lịch sự, tôi chửi: “Biến đi. Lúc nào cần tao gọi. Có thuốc lào Tiên Lãng thì mang ra đây một gói và cho cái điếu cầy.” Chúng nó đáp là nhà hàng không có. Tôi bảo không có thì phải đi mua về chứ. Cứ nài gọi món đến lúc gọi thì lại không có, vớ vẩn. Nói chung là hầu như toàn bộ hệ thống các em tiếp viên nhà hàng ở Việt Nam đều vứt đi cả. Chúng nó phục vụ như thể đuổi khách đi vậy. Các bạn nước ngoài của tôi cũng đều nói với tôi thế. Nghe vậy tôi bảo họ là ở Việt Nam có thế các em ấy mới đi làm tiếp viên. Nếu không thì các em nó đã đi làm việc khác oai hơn. Kinh nghiệm của tôi cho thấy rằng khi nào mình vào nhà hàng gặp được một em tiếp viên tử tế, khéo léo, khiến mình cảm động là y như rằng hôm sau đã không thấy em ấy làm tiếp viên nữa. Có thể sẽ gặp lại em đó trong vai trò quản lý hoặc là bà chủ của một địa điểm khác rồi. Nghĩ đến các em ấy là tôi lại thấy bồi hồi, và bổi hổi…
Chẳng nhẽ người mình đến đi làm tiếp viên cũng không xong? Chẳng nhẽ bọn trẻ ở đây đã đi tong?
Kẻ nào đã gây nên cái thảm-cảnh-người này?
Đang miên man nghĩ ngợi lăng nhăng như thế thì nghe thấy tiếng Mộng Hường nói chuyện trên điện thoại ríu rít ở ngoài cổng Quán GIÓ. Con dở hơi này nó mà “nấu cháo điện thoại” thì đến Địa Ngục cũng phải hoảng sợ. Đến kiếp sau chẳng may em nó phải xuống Địa Ngục thì đề nghị Diêm Vương nên giao cho em nó công việc nấu cháo lú, thậm chí xây cả nhà máy cháo cho em nó ở đó. Đảm bảo khi ấy các vong hồn xơi cháo thoải con gà mái, xơi đến bội thực để
không còn nhớ gì đến kiếp trước của mình nữa. Hiện nay đang có hiện tượng có nhiều người đầu thai rồi mà vẫn nhớ như in kiếp trước của mình, như những trường hợp được kể đến trên các trang web sau chẳng hạn:
■http://www11.dantri.com.vn/chuyenla/2006/8/140704.vip
■http://www11.dantri.com.vn/chuyenla/Kinh-ngac-chuyen-dau thai/2008/4/228713.vip
■http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa SuyNgam/Con-Nguoi/Cohaykhongkiepluan_hoi/
■http://vietbao.vn/Khoa-hoc/Hien-tuong-dau-thai-Bi-an-cua khoa-hoc-hien-dai/45157374/188/
■http://tusach.vietnhim.com/showthread.php?t=228
■http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2007/0 9/070901lamachina_rules.shtml
■http://www.abc.net.au/ra/bayvut/baivo/s1988314.htm ■http://caodaism.org/CaoDaiTuDien/dd/dd1-158.htm ■http://www.jswami.info/pastlivessukla
■http://www.ial.goldthread.com/
■http://www.beyondreligion.com/su_personal/reincarnation index.htm
Dù Mộng Hường đến trước nhưng người bước vào Quán GIÓ trước tất cả đám nhân vật lại là Schditt von deBalle-Kant, anh đến rất đúng giờ không sai một giây.
Schditt là một trang nam tử mắt xanh tóc vàng, mặt chữ “dũng”, chân dung toát lên vẻ nghiêm trọng, từ đầu đến chân toàn là “trang thiết bị” của hãng thời trang Đức danh tiếng thế giới Strenesse với
logo có mẫu tự “S” to tướng. Đã nổi tiếng từ lâu nhưng đến tận tháng 7 năm 2002 Strenesse mới tập trung vào thời trang nam giới, và ngay lập tức thành công vang dội. Schditt đã là thượng khách trung thành của hãng thời trang này ngay từ đầu. Cũng có thể bởi cái chữ S to tướng ấy (trùng với mẫu tự đầu tiên của Schditt?), mà cũng có lẽ vì hãng thời trang này gắn bó với tên tuổi của nhà thiết kế xinh đẹp và thông minh Gabriele Strehle.
Giữa khoảng thời gian Mộng Hường và Schditt đến có một trận gió rất to nổi lên. Trận gió cuồn cuộn bốc tung cả trời đất, cát bay mù mịt không nhìn thấy đường, bụi vỗ vào cửa kính của Quán GIÓ kêu ràn rạt. Phải chăng ở đây hay có gió to như thế nên cái quán này mới có tên là Quán GIÓ?
Trận cuồng phong vừa ngơn ngớt thì dáng người thẳng đơ của Schditt hiện lên giữa cửa chính của quán. Anh năng nổ bước vào nơi bàn tôi đang ngồi, tươi cười đưa tay ra bắt.
Tôi cũng tươi cười đứng dậy đón anh.
Ich freue mich, Sie kennenzulernen 6. Xin chào anh! Người Đức chúng tôi rất đúng giờ luôn luôn vì dân tộc chúng tôi là một dân tộc của kỷ luật, trật tự và ý chí. Hãy xem những “cỗ xe tăng” Đức phô diễn trong các giải bóng đá đỉnh cao của thế giới. Có thể mọi người bảo chúng tôi đá bóng không hấp dẫn, nhưng chúng tôi luôn chiến thắng là điều quan trọng nhất. Mà chiến thắng mới chính là sự hấp dẫn nhất, có đúng không? Đó là minh chứng thực sự hùng hồn nhất cho phẩm chất Đức của chúng tôi. Tôi có hi vọng là anh đã không chờ đợi lâu.
(Hừm... Chắc mày không nhớ rằng mặt trái của cái “phẩm chất Đức” ấy đã là nguyên nhân của sự thất bại khủng khiếp trong Thế Chiến I và Thế Chiến II. Chúng mày thất bại vì chúng mày cứng nhắc quá, hiểu chưa. Vật mềm thì sống, vật cứng thì chết. Các cụ chúng tao đã bảo thế đấy.)
Tôi trở về với lịch sự để cười tươi đón tiếp Schditt. Tôi nói tôi cũng rất kính trọng người Đức và rất yêu thích bia Đức. Tuy nhiên nếu bắt phải chọn một thì tôi sẽ chọn cái thứ hai. Có vẻ như không để ý đến câu nói xỏ xiên mát mẻ của tôi Schditt rút trong cặp ra một bản photocopy bài báo lấy từ trên mạng, và bảo tôi đọc. Bản tiếng Anh là của tờ The Sun, còn bản dịch tiếng Việt lấy ở đường link http://vietbao.vn/The-gioi/Them-mot-truong-hop-dau-thai-o Anh/65078280/168/, có cái title “Thêm một trường hợp đầu thai ở Anh”. Anh ta có vẻ bị bài báo này ám ảnh ghê lắm.
Thật là ghê sợ! Điều đó chứng tỏ các cửa hàng ở phố Hàng Cháo Lú dưới Địa Ngục làm việc không hiệu quả, cũng có thể là bị khan hàng. Nếu “trần sao âm vậy” thì có thể suy ra từ hiện thực của phố Hàng Cháo (nhiều người gọi là phố Hàng Cháo Lòng) ở Hà Nội hiện nay. Ấy là phố này hầu như không còn bán cháo nữa mà đã chuyển sang bán các loại vòng bi, dây điện… Chẳng nhẽ hiện tượng làm việc sai chức năng tồn tại ở mọi cõi hay sao? Không lẽ phố Hàng Cháo Lú nay cũng đã chuyển sang bán đồ điện (hay bán cháo lú dởm) cho nên các hồn ma xơi phải mấy con chip gì đó nên không quên được kiếp cũ nữa. Thế có nghĩa là mọi cõi đều không hoàn thiện, không triệt để vậy. Đâu đâu cũng có “nhầm nhọt sang trồng trọt”, cũng có chuyện ngồi nhầm chỗ, nhầm ghế, cũng có bọn “đầu thai nhầm thế kỷ” và nhiều kẻ sinh nhầm địa chỉ. Bản thân tôi cũng đã thường than van những câu như vậy.
Nhưng chắc chắn nếu có Mộng Hường ở Địa Ngục thì mọi chuyện sẽ khác. Con này nó “chăn giai” cực kỳ tanh tưởi, điện thoại của em nó lúc nào cũng nóng rực lên như lò than tổ ong. Có thể phong em là nhà “vô địch nấu cháo” vậy…
Trong thời gian gần đây, tôi mới xem được một cách sơ sơ các câu thành ngữ Việt Nam mà tôi đã thấy được những lời dậy vĩ đại, rất rất vĩ đại. Thưa rằng thành ngữ và tục ngữ Việt Nam có đủ tất cả các lời răn dậy cho các bộ môn của kinh tế thương mại của toàn cầu, anh Đặng Thân ạ. Trong số các câu như là “Một vốn bốn lời” (áp dụng cho đầu tư nhé), “Thả con săn sắt
bắt con cá sộp” (áp dụng cho marketing, đàm phán, v.v… nhé), “Một người lo bằng cả kho người làm” (quản trị nhé), v.v… thì tôi thích nhất là câu “Mua tận gốc, bán tận ngọn”. Câu này là sách giáo khoa bằng vàng cho một ngành ngoại thương hoạt động triệt để cùng với việc giành quyền vận tải cho chính mình. Thế mà tôi nghe nói, suốt mấy chục năm qua, ngành ngoại thương ở đây lại toàn là “mua tại ngọn, bán tại gốc” (vấn đề với FOB và CIF ấy mà), và ngành giao thông vận tải mũi nhọn của nền kinh tế thì không giành được quyền vận tải nên đã để mất mát “ty tỷ” USD cho nền kinh tế. Làm ăn như thế thì thật là tệ hại quá trời luôn!
… Nhân nói về truyện cổ tích thì chính tôi hồi bé cũng ham đọc các truyện dân gian của Nga, Đức, Pháp… (tức là của “Tây”) hơn. Thế mới ngu, đúng là cái bệnh vọng ngoại (nhưng mà, truyện của bọn Tây chúng nó quả đọc thấy hấp dẫn hơn thật). Oái oăm thay, hình như dân tộc này lúc nào cũng thích sống trong cổ tích. Cái kiểu ấy không cẩn thận có ngày mất tích…
Hai chúng tôi giao lưu với nhau được đến hơn 35 phút thì mới thấy Mộng Hường đi vào. Khi em bước vào trong quán thì như thể có một làn khói mờ u ám cũng lẩn quất uốn lượn theo sau; em vẫn chưa rời cái điện thoại, mồm vẫn líu chíu. Cái váy mầu hoa dâm bụt như cuốn theo một ngọn lửa.
Iem chào hai anh ạạạ. Hê nô anh Dơ mân đẹp chai không bít cáci anh mừi iem đến có việc gì thía. Cho iem ni nước cam
Nước cam lồ ấy hả? Xin đừng nhắc đến mà anh thèm…
Mộng Hường xuất thân trong một gia đình trồng thuốc lào ở Tiên Lãng. Huyện này có diện tích 181 km2, dân số 15 vạn sống trên 22 xã và thị trấn Tiên Lãng. Cô em Mông Nặng của chúng ta sinh ra tại xã Cấp Tiến (cái tên xã nhà khá ấn tượng). Em lớn lên với đồng lúa xanh mơn mởn và những vườn thuốc lào lúc nào cũng vàng ươm đằm thắm mùi phân bắc. Nhưng bà con quê em thì không bao giờ
cảm thấy cái mùi ấy của con người, vì nó đã hòa làm một với không khí ở đây. Vì thế những ai ở vùng đất này đi ra vùng khác đều luôn cảm thấy khó chịu, khó thở nên phải mất một thời gian để làm quen. Nhiều người vì thế kiên quyết không chịu đi xa quê hương mình, xa bờ tre giếng nước sân đình. Chỉ có bố của Mộng Hường là một người có ý chí sắt đá nên đã ra thành phố tậu một cửa hàng bán thuốc lào tại quận Lê Chân... Ôi quê ta bánh đa bánh đúc.
Sinh trưởng ở Tiên Lãng ai cũng biết hút thuốc lào, Mộng Hường của chúng ta cũng vậy. Sau này thoát ly em đã phải lấy hết nghị lực phấn đấu trong một thời gian dài để từ bỏ được thói quen hút thuốc lào và cơn thèm được hít thở không khí của bầu trời quê hương yêu dấu. Em đang đi học Văn khoa Sư phạm (nghe nói em còn muốn đi học tiếp ở trường Viết văn Nguyễn Du). Em học linh tinh cũng đã nhiều nên ôm nhiều hoài bão. Em cũng muốn thành nhà văn nhà thơ hay nhà gì đó nổi tiếng, thành nghệ sỹ lớn, nhất là muốn kiếm được nhiều tiền từ cái nghề nghiệp đầy trí thức của mình (Mặc dù một số bác bảo trí thức là một thứ rất xa xỉ trong đời sống này).
Thực ra là cái tên Tiên lãng nhà em hơi bị nãng mạn, đấy chứ nghe cứ bay bổng như tiên trên chín từng chời mà càng nàm sáng rõ cái ẹp phê lòi mắt, của thuốc lào ôi chào, ai mà đã từng hút thuốc lào tiên Lãng nà xẽ biết thôi mà.
Hà hà...
Ôi tiên nãng ơi
Khói thuốc như mây chời
Say thật đấy chứ không phải say chơi bời
Một phát nên tiên tốn ít tiền
Phê như thuốc phiện
Chốn thần tiên
Hết ưu phiền
Sướng như điên
Ui a… mà em là em không thík cái kỉu giới thiệu thía, đâu nhá nghe cái giọng có vẻ hơi nho nhã mà đểu giả giả cầy giả chó rắn giả lươn. Về văn chương em đếk thík, bọn lên gân vẻ trí thức lai căng nhất là
cái giọng trưởng giả bề trên bề trển, suy đồi suy đồi tất… suy đồi jầy… con người là một đống bầy nhầy, ơ ai nói nhỉ?
Thôi thì em đi mà tự nói về mình nhé.
Ông Bà/A Bồng đến Quán GIÓ chậm 55 phút. Có thể nói đây là một đại diện lớn của nền “văn minh cao su” cỡ “cao thủ đầu có mủ”.
Hà hà… bao cao su ấy hử? Thế thì hữu ích cho đời quá rồi còn gì. Ha ha… Vấn đề là ta đã đến đây với mọi người. Ta đang ở đây vào lúc này.
Ông Bà/A Bồng không bao giờ dùng đồng hồ hay bất kỳ loại máy móc nào, kể cả điện thoại di động. Liên hệ tìm kiếm Ông Bà/A Bồng quả là vô cùng khó khăn. Tôi phải mất bao công hỏi han người này người nọ mới nhắn nhe mời mọc được Ông Bà/A Bồng ra gặp gỡ ở Quán GIÓ này.
Ông Bà/A Bồng vừa vào quán thì trời đổ mưa to như trút. Mưa dầm dề như thể nước từ mọi phương trời đều đổ về đây, mưa như nước tụt. Kinh Dịch có câu “Vũ tòng long, phong tòng hổ” 7, thế thì thưa các bạn, các nhân vật của tôi đều là cỡ rồng và hổ cả đấy chứ
chẳng phải chơi đâu nhé.
Ông Bà/A Bồng là một người dị dạng. Ông Bà/A Bồng đồng hương với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, có người còn nói Ông Bà/A Bồng chính là hiện thân của Trạng Trình đầu thai vào (cũng có thể là Ông Bà/A Bồng bịa ra chuyện đó cũng nên, bản tính Ông Bà/A Bồng cũng hư hư thực thực lắm, “chuối” lắm). Ông Bà/A Bồng nổi tiếng thông minh tuyệt đỉnh, lại ham đọc sách từ bé. Người ta có cảm
giác Ông Bà/A Bồng có cái đầu như cái thùng không đáy, bao nhiêu kinh sách đổ vào cũng “trôi” được hết. Vì thế không có sách nào trên đời Ông Bà/A Bồng chưa từng đọc. Đủ cả Đông Tây kim cổ và kính thưa các thể loại. Những người từng tiếp xúc với Ông Bà/A Bồng đều lấy làm kinh ngạc là không biết Ông Bà/A Bồng nạp thông tin input vào đầu kiểu gì mà cái gì cũng lĩnh hội được. Từ khoa học xã hội sang khoa học tự nhiên, những thứ khó nhằn như thuyết “tập mờ” (fuzzy set) hay toán xác suất cho tới những phương trình của Lục Nhâm, Thái Ất hay môn “soi kiếp”… Mấy lâu nay sau nhiều chuyến sang Tầu làm ăn và du hí Ông Bà/A Bồng lại còn hay giao lưu với mấy cha Tây Tạng huyền bí.
Tôi mời mọi người tất cả các món cá. Hi vọng càng ăn thì họ sẽ càng thông minh hơn để đóng góp những ý kiến “tanh tưởi” cho câu chuyện này (Thì ra tôi cũng là một thằng đầu cơ đấy chứ).
Và tôi bắt đầu câu chuyện với các nhân vật thế này:
Thưa quý vị thân mến, tôi sẽ làm đạo diễn của cái gọi là “thiên tiểu thuyết” này. Tôi sẽ đóng vai người kể chuyện, và cả một số vai trò khác nữa khi cần thiết – như một nghệ sỹ chân chính…
Đạo diễn thì oách rồi. Vở diễn lớn thì luôn có những đạo diễn lớn. Nhưng nếu không có những diễn viên vĩ đại thì không thể có những vở diễn vĩ đại. Ở đây ta thấy cả đạo diễn và các diễn viên đều có nhiều vấn đề.
Ui, tiếng Việt, của iem vữn còn nhìu vấn đề lém. Mới lại iem sống bản năng lém, chắc nà iem sẽ nà một diễn viên tồi tệ thui iem sợ làm đạo diễn và quí khán thính giả thất vọng thất kinh… Chòi ơi con mèo…
Theo ý của Schditt tôi, chúng ta ở đây cần phải có một kịch bản rõ ràng, mạch lạc và có tuyến tính. Mọi hoạt động và ý tưởng cần phải được lên kế hoạch trước và nhất là được sự đồng thuận của tất cả mọi người.
Thưa quý vị, theo tôi thì cũng không có gì đáng lo lắng nhiều đâu. Mọi người cứ việc diễn tự nhiên như nhiên. Hãy diễn bằng tất cả những gì mình có. Phật Tổ Như Lai đã nói: “Công việc của các người là hãy tìm ra được thế giới của mình rồi tận hiến hết mình vào đó với cả trái tim.”
Phật hử? Trước khi thành Phật ông ấy là một đại Hoàng tử. Kiếp trước ông ấy đã là một đại Bồ tát. Các sách về nhà Phật đều nói rằng “Ngài đã từng là đại Lưu manh.” Chưa kể có sách còn nói “Phật là cám bã dưới cối.”
Còn “tim” ấy hử, “tim” là “tâm” đấy. Tiếc thay cùng với chữ “hâm” một vần…
Chẹp chẹp… Nghe nói Ông Bà chính là Trạng Trình đầu thai có phải không?
Hình như thế.
Còn với Đặng Thân thì ta thấy một trong những kiếp trước là một tên Ả Rập sống ở xứ Israel bây giờ. Vì vậy chắc rằng anh sẽ có nhiều duyên nghiệp với Do Thái và xứ sở của 1001 đêm.
Das stimmt 8. Gốc gác của tôi cũng là Do Thái đây. Nhà tôi có mẹ Do Thái…
Iem thì hok biết Do thái ở đâu dưng mờ hồi bé cuộc đời iem lúc lào cũng lẫn với phân do và phải thái rau lợn suốt à
Vào thời La Mã cổ đại Schditt là một người hết sức nhậy cảm về tinh thần, trực giác bén nhậy và đầy bí ẩn. Ở một kiếp sau đó Schditt trở thành nhà tiên tri có trình độ về những sự huyền bí của tôn giáo và là người có khả năng chữa bệnh bằng tay. Schditt mang trong mình nền văn hóa châu Âu thời Trung Cổ, ham hành động và thám hiểm. Đến kiếp này đôi bàn tay của Schditt đã mang một sức mạnh thời đại. Các quan thái giám trước đây ở Việt Nam cũng có những ngón tay rất điêu luyện, nên khi có người hỏi “Làm sương cho sáo?”
(nghĩa là: làm sao cho sướng?) thì được một người trả lời “Lấy tóc mà may”.
Mộng Hường thì xuất hiện ở Ai Cập thời tiền sử như một sỹ quan hậu cần của một đoàn quân phiến loạn. Sau đó Hường đã từng là kẻ cho vay nặng lãi ở Ba Tư cổ đại. Gần đây Hường đã từng là thành viên của một gia đình buôn bán và kinh doanh ngân hàng ở New York thời thuộc địa (lúc đó có tên là New Amsterdam hay còn gọi là New Holland). Với ngần ấy duyên nợ với các vấn đề tài chính nên kiếp này Hường sẽ phải nếm đủ mọi vinh nhục khủng khiếp nhất đời của nó.
Thôi thế nhé. Với tư cách nhà văn, tôi hứa sẽ bồi dưỡng thêm về tiếng Việt cho Mộng Hường và Schditt. Chắc chắn sau này các vị sẽ có một thứ tiếng Việt trong sáng, sạch sẽ. Trước khi bước vào vở diễn đề nghị các vị hãy ăn thật nhiều cháo lú để quên hẳn đi cuộc gặp gỡ này nhé. Không ai được nhớ gì hết để diễn cho nó thật tự nhiên. Mộng Hường ơi, em vào nấu cho mọi người một nồi cháo thật lớn nào.
1, 2, 3… Zdô!
Chúng tôi ăn xong nồi cháo lú thì bên ngoài Quán GIÓ bao nhiêu mưa gió lại nổi lên vần vũ phong tình… Khi chúng tôi ra về được một đoạn thì Quán GIÓ bỗng dưng như biến mất, khuất hẳn trong màn cát bụi mịt mù, âm u vũ trụ.
@
LỜI BÀN [PHÍM…] CỦA CÁC NETIZEN
ĐẶNG THÂN:
Kính thưa quý vị! Vậy là từ Chương 1 đã có thêm nhân vật thứ tư là Đặng Thân “nhà văn”, phát ngôn ở font chữ Tahoma.
quê choa:
Hồi hộp xen lẫn hơi thú vị cách viết tiểu thuyết mới... quê choa:
Đọc thấy lạ, rất thích cấu trúc tiểu thuyết kiểu này, nó vừa giống tiểu thuyết tư liệu vừa không. Hồi tháng 10 mình ngồi uống bia với một anh bạn trẻ, nó đã gợi ý cho mình một khuynh hướng tiểu thuyết kiểu này, hai anh em bàn nhau rất thích, chưa kịp làm thì đã thấy ĐT làm rồi. Rất hay, làm tới đi ĐT ơi!
Cẩm Linh:
Đọc đến đây đã thấy nồng độ thông tin và vấn đề rất đậm đặc à Tại người viết hay người đọc đây?
ben t:
Site http://www.jswami.info/pastlivessukla có nhiều cái hay. Cái đoạn “…death of your body and travels on to live in another body…” nghe cứ gai gai, hehe.
Cái đóng [và] mở: “Hừm... Chắc mày không nhớ rằng mặt trái của cái “phẩm chất Đức” ấy đã là nguyên nhân của sự thất bại khủng khiếp trong Thế Chiến I và Thế Chiến II. Chúng mày thất bại vì chúng mày cứng nhắc quá, hiểu chưa. Vật mềm thì sống, vật cứng thì chết. Các cụ chúng tao đã bảo thế đấy” có vẻ [hình như] còn thiêu thiếu để có tí giọng Đặng Thân, hehe, em nghĩ thế mong bác bỏ quá .
ĐẶNG THÂN:
bent ơi, hãy nhớ cho đấy là tên Đặng Thân nhân vật nhà văn trong truyện. Hắn chỉ viết văn và cũng cần thời gian để "tiến hóa". Còn người đang nói chuyện với bent đây là blogger Đặng Thân nhé :)
ben t:
Đọc văn bác mà hiểu ngay có lẽ là phải điên…
Khánh Lam:
Tôi tin là có kiếp trước kiếp sau và có đọc nhiều truyện tường thuật về vấn đề Đầu Thai. Tôi nghỉ rằng linh hồn con người là vĩnh cữu và nó tồn tại mãi qua nhiều kiếp người. Thân xác là cỏi tạm. Khi hồn lìa xác, nó chỉ là 1 sự tạm ngưng để tiếp tục 1 đời sống mới trong 1 thể xác mới.
Có 1 trang web hay hay:
http://www.tamlinh.net
Mời các bác đọc “Lá Thư Từ Bên Kia Thế Giới” ở đây: http://www.tamlinh.net/kho-tin/khotin7.html
quê choa:
Liêu trai thấy rõ nhé, cách chuyển cảnh của anh cũng “ăn nhậu” quá đi!! ^^
ĐẶNG THÂN:
Ngưỡng nguyệt thuyền tình liêu trai xuất
Hạ mục bể ái gú gái k/kh/t/x... inh
Ý KIẾN CỦA BẠN:
2
Nhân vật người nước ngoài trong câu chuyện này là đặc biệt.
Schditt sinh ra ở bang Bavaria cực nam nước Đức mà ở đó người ta gọi là Freistaat Bayern (Bang Bavaria tự do). Tiểu bang này rộng nhất nước Đức, hơn 70 nghìn cây số vuông, với dân số 12 triệu rưỡi, mật độ 177 người/km2. Có từng ấy người thôi nhưng GDP năm 2005 của nó đã là hơn 400 tỷ EURO, gấp cả chục lần nước Việt Nam yêu quý. Thủ phủ xứ này chính là thành phố Munich (người Đức gọi München) nổi tiếng, lớn thứ ba ở Đức sau Berlin và Hamburg. Munich là một trong những tổ hợp dân cư hiện đại có một lịch sử đầy đặn. Thành phố này được thành lập từ tận năm 1158, nằm ở vùng Thượng Bavaria, có 25 quận, diện tích 310 km2, độ cao 519 m trên mực nước biển, mật độ dân số 4.344 người/km2 (so với 3.347 người/km2 ở thủ đô Hà Nội hay 1.884 người/km2 ở thành phố Hải Phòng của em Mộng Hường thì ta vẫn thấy đất Việt còn rộng chán, chẳng may có làm sao mà bị hao hụt tí chút thì có là gì. Còn người còn của). Thành phố này hiện nay dường như không còn là của nước Đức nữa vì nó đã được gọi là “thành phố địa cầu” (gamma world city hay global/world city) cùng với London, New York, Paris và Tokyo. Cũng có một điều rắc rối là có đến ba nơi ở Đức mang tên München nhưng chỉ có cái kể trên thì còn được gọi là Munich. Cái khẩu hiệu (motto) từ xưa của thành phố đã nói lên cái “tinh thần thế giới”9 của nó: "Die Weltstadt mit Herz" (“thành phố thế giới với một trái tim”); thế mà nay đã đổi thành "München mag dich" (“Munich yêu bạn” chứ không phải là “Munich mắc dịch” đâu nhé) để tạo một tinh thần có vẻ đa cảm, có lẽ là do đó chính là cái mà người dân ở đây thấy thiếu thốn nhất chăng. Có điều lạ là biểu huy của thành phố chỉ có hình ảnh duy nhất của một nhà tu mặc áo chùng đen, với đôi giầy đỏ và cuốn sách đỏ trong tay. Truy cội nguồn thì hóa ra München trong tiếng Đức cổ là Mönche, có nghĩa là thầy tu, và thầy tu cũng chính là biểu tượng “đứa con của Munich”. Vậy đã rõ, cái thành phố này là “thành phố của thầy tu”. Không biết điều đó có duyên nợ gì với anh bạn Schditt của chúng ta không đây…
Tôi không thể không đứng ra nói tiếp về mình. Tôi có cảm thấy không yên tâm. Bản tính tôi đa nghi. Karl Marx, triết gia đồng hương với tôi, đã bảo: “Hãy hoài nghi tất cả!” Xin nói thẳng: tôi chẳng tin ai bao giờ. Mặc dù, bà nội tôi thường nói: “Quand on s'aime on se pardonne facilement.”10 Tôi rất sợ người ta nói sai lạc về mình. Bên ông nội tôi thuộc về nòi Aryan (giống người Đức mắt xanh tóc vàng thuần chủng) thượng đẳng. Tôi rất nghi ngờ độ chính xác trong tư duy và ngôn ngữ của các dân tộc khác. Mặc dù Đặng Thân là người bạn [da] vàng đáng tin cậy nhất trên đời mà tôi từng gặp, nhưng tôi vẫn không thể an lòng được. So was kommt vor11! Hắn có cái thần thái… gì nhỉ… kinh lịch và thánh thiện. Vì thế tôi nể phục và cầu cạnh gần gũi hắn. Nhưng, hắn vẫn toát ra cái vẻ gì đó ma quái. Du bist ein Klugscheißer12! Hay là bọn phương Đông đều ma quái cả. Để xem hắn đã nói gì về tôi nào.
Tôi sinh ra ở Freistaat Bayern à? Cái này thì rất đúng. Tôi cũng là fan của FC Bayern München và Der Kaizer13 Franz Anton Beckenbauer. Còn München à, tại sao Đặng Thân lại phải giới thiệu về nó nhiều thế làm gì. Biết ngay mà, đầu óc Á Đông luôn có vấn đề, hay… mơ hồ mộng hải lắm. Hay là hắn có ý gì khác? Thôi được rồi, kệ hắn. Es ist mir scheißegal14. Còn “München mắc dịch” thì đúng rồi đấy anh bạn vàng ạ. Nó đúng là là… So eine Kacke15. Vì thế mà tôi đã quyết dứt áo ra đi, và bây giờ tôi đang có mặt ở vùng Viễn Đông xa xôi này. Còn đa cảm ư, chúng tôi cũng không thiếu lắm đâu. Vấn đề là: đa cảm theo kiểu gì, đa cảm với ai, đa cảm như thế nào… Nếu bạn đã từng đọc Narziß und Goldmund của Hermann Hesse, nhà-văn-Nobel sinh ra ở bang Württemberg (có thủ phủ là Stuttgart) láng giềng phía tây của Bayern, thì bạn sẽ gặp gã Goldmund (cái miệng vàng) của chúng tôi duy cảm theo kiểu Đức như thế nào. Không biên giới luôn! Gã yêu bất kỳ ai, bất kể em đó có chồng hay chưa. Gặp môn nghệ thuật nào gã cũng lao vào như thiêu thân. Nếu bạn gặp gã thì sẽ mê si “lăn như bi” ngay mà.
Thực tế là tôi sinh ra ở Oberbayern (Thượng Bayern), tại Marktl am Inn (Chợ nhỏ bên sông Inn). Thế gian hay có sự ngược đời. Ở Việt Nam chỗ nào có chữ “thượng” thì thường ở phía bắc, còn “hạ” thì thường ở phía nam, phía “xuôi”. Còn Thượng Bayern lại ở gần cực nam nước Đức, Hạ Bayern (Niederbayern) nằm dịch về phía đông bắc vì nước tôi thấp dần về phía bắc (“eo thon mông nở”? Na ja! Freistaat Bayern giống cái mu hơn cái mông. O Gott! Oberbayern tọt đúng vào hõm háng). Sông Inn dài 500 km bắt nguồn từ dãy Alps chẩy theo hướng bắc-đông bắc, qua Thụy Sĩ, Áo và Đức, hình thành nên một nhánh của sông Donau (chính là sông Danube ấy mà). Chẩy qua Bayern con sông đi theo hướng bắc qua các thành phố Rosenheim, Wasserburg am Inn và Waldkraiburg; rồi nó chẩy theo hướng đông qua Mühldorf và Neuötting. Trước khi đổ vào sông Donau nó tạo thành một đường biên giới tự nhiên giữa Đức và Áo. Đoạn cuối này của sông Inn có những thành phố Simbach, Braunau, Schärding rồi cùng tận là Passau. Tại sao tôi lại phải tả dòng sông này kỹ như thế? Có duyên nợ cả đấy bạn ạ. Đức Phật đã nói: “Trùng trùng duyên khởi”. Vì cả hai bên nội ngoại của tôi đều sinh ra và mọc sừng lên ở dọc theo dòng sông “quán trọ”16 này. Không biết dòng sông có ý gì mà như thầm gửi cái ý của nhà Phật “sống gửi thác về”, “sống là tạm bợ, chết là vĩnh hằng” như vậy.
Bên nội tôi là dòng “von Kant” ở Marktl am Inn. Dòng họ von Kant là quý tộc lâu đời với nhiều bậc đạo/nhân/vật/triết sỹ nổi tiếng chứ không phải là cái loại “cha Kăng chú Kiết” đâu bạn ạ, đừng có “nhầm nhọt sang trồng trọt” mà kẻo “nhục như con trùng trục”. “Quên khẩn trương!” Quê nội tôi chính là nơi chôn rau cắt rốn của đức đương kim Giáo hoàng Benedict XVI (tên cúng cơm là Joseph Alois Ratzinger; sinh nhằm ngày 16.4.1927, rơi vào cung Widder tức Dương cưu, tiếng Anh là Aries) đấy. Điều đó cho thấy rõ là đạo Katholik đã ăn vào máu thịt người dân Oberbayern như thế nào; thêm nữa, người tuổi Dương cưu ngoài khả năng hấp dẫn người khác rất cao cũng thường hết sức
cực đoan. Và gia đình bên nội tôi cũng không phải là ngoại lệ về cái khoản sùng đạo đến mức “khủng bố”.
Ông nội tôi thì có “hơi bị” khác. Ông tôi ra đời trước Joseph Alois Ratzinger ba năm. Hai người học cùng trường và có quen biết nhau. Ông tôi tên đầy đủ là Arschbacke von Kant (nghe như Archbishop trong tiếng Anh nghĩa là Tổng giám mục ấy nhỉ), thường được gọi thân mật/thô bỉ là Arsch17. Ông sinh vào ngày 16.5.1924 – tuổi thuộc cung Stier, tức là Kim ngưu, tiếng Anh là Taurus. Ngày sinh của Saddam Hussein ‘Abd al-Majīd al-Tikrīt
thống tổng cố) صدام حسين عبد المجيد التكريتي; 28.4.1937–30.12.2006) Iraq cũng rơi vào cung này đấy. Hồi nhỏ ông tôi là kẻ hung tợn, lì lợm, ý chí; đúng với tư cách của một “xe tăng Đức”. Cậu Arsch
tuy nghĩa hiệp nhưng không bao dung. Cậu hay đánh bọn ngổ ngáo cậy sức ăn hiếp người, nhưng cũng hay đập bọn đứng đắn học hành tử tế. Và đức Giáo hoàng tương lai của thế giới này cũng hay bị cậu Arsch cho ăn đòn thường xuyên vì cậu xếp ngài vào nhóm thứ hai. Ông tôi bảo cái nhóm này toàn bọn lợm mửa kinh tởm, không ra con người. Hỏi ông tại sao thì ông cũng chả giải thích gì hơn được, chỉ bảo là bọn họ toàn sống giả. Jawohl!... Họ “đành lòng vậy cầm lòng vậy” làm
Heilige/Heiliger18, làm Papst19 thôi ông ạ. Tuy khả năng ngôn ngữ của ông tôi “hơi bị” khiêm tốn nhưng ông đầy hấp lực đối với mọi người, nhất là với tôi. Mặc dù tôi ít quan tâm đến tư tưởng của ông và không biết ông đúng hay sai, nhưng ông có ảnh hưởng đến tôi vô cùng. Sau này tôi cũng đã đi theo con đường và lí tưởng của ông suốt một thời thanh niên. Vì suốt thời trai trẻ ông tôi không ngán bất kỳ ai nên Nhà thờ Katholik ở đây rất ngán ông. Đã thế thì “ông đường ông tôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi”; không đi dọc được thì ông đi ngang, “chào bác em ngược”. Đúng là “chán như con gián”. Thế là Arsch dứt khoát theo Heidentum20, rồi là Polytheistisch21. Điều đó lí giải vì sao khi lớn lên ông tôi đi theo Naz 22 hết mình.
Theo những gì ông tôi kể thì Alois Ratzinger là một người thuần nhất kiên trinh với những giá trị và học thuyết Katholik
truyền thống. Ngài học hành nên nổi và trở thành giáo sư của nhiều trường đại học ở Đức. Ngay trước khi trở thành Giáo hoàng ngài đang làm Viện trưởng Hồng y Viện. Lên làm Giáo hoàng (2005) ngài kêu gọi châu Âu trở về với những giá trị Thiên Chúa giáo kinh điển vì các nước phát triển đang có trào lưu rời bỏ Thiên Chúa giáo. Ngài quả quyết sự phủ nhận chân lý khách quan của chủ nghĩa tương đối, đặc biệt là sự phủ nhận những nguyên lý của luân lý, chính là vấn đề trung tâm của thế kỷ XXI.
Người Đức quả là hùng biện và nói dai không kém gì các bác đồ Nghệ/chí-nho sỹ Quảng Nam/nhà phê bình cụ non An Nam phải không ạ.
Câu chuyện đến đây chắc đã làm nhiều bạn đọc của tôi thấy nhức đầu về các con số, dữ liệu và nhận định. Vì thế dễ làm mọi người thấy kinh sợ sách vở, tri thức và bọn “có học” lắm. Tôi cũng thấy kinh. Schditt đang nói đến đâu rồi thế nhỉ? Giáo hoàng phải không?
Trong chuyến thăm Brazil, đất nước có số tín đồ Catholic đông nhất thế giới (khoảng trên dưới 90% trong tổng số 184 triệu dân) Giáo hoàng Benedict XVI đã kêu gọi người Brazil không nên phòng tránh, nạo phá thai để tuân thủ, nghiêm chỉnh chấp hành đúng giáo luật của Giáo hội. Đó là một điều bất khả với người Mỹ Latin. Theo một nguồn thạo tin, trong chính sách hỗ trợ về phòng chống khẩn cấp HIV/AIDS có lần một tổ chức của Liên Hiệp Quốc đã trợ cấp cho nước này 17 triệu USD, một số tiền không nhỏ, phải nói là quá lớn. Với thói quen cụ thể hóa hành động, chủ động ngân sách và đề phòng tệ tham nhũng của các quan chức bản địa, tổ chức này đã đem tất cả số tiền trên mua bao cao su về phát miễn phí cho đồng bào. Bạn hãy tưởng tượng thoải mái mái thoải với con số bao cao su với đơn giá chừng 1 USD/hộp 10 chiếc (chưa tính trượt giá do lạm phát) – 170 triệu. Thế nhưng khi nhận được lô hàng Bộ Y tế nước này lại chẳng lấy làm vui gì, không phải là do họ không được xơ múi ăn hút “dầu mỡ” gì từ đống cao su này đâu nhé. Ông Bộ trưởng Y tế cười như mếu đích thân lên phát biểu: “Không biết ai đã tư vấn cho các
ngài cái sáng kiến này nhỉ? Các ngài tính người dân nước tôi sẽ dùng được trong bao lâu? Các ngài nên biết mỗi thanh niên bình thường ở nước tôi làm tình 7 lần/ngày. Mỗi ngày đi đứt ít nhất 200 triệu cái bao các ngài ạ.”
Hình như quan liêu là căn bệnh kinh khủng của mọi tổ chức, tổ chức càng lớn nạn quan liêu càng ghê gớm.
Và, cũng thật “may” cho người Việt không phải sống ở nơi có ảnh hưởng mạnh của Catholic. Nếu không thì chúng ta sẽ mất vị trí quán quân thế giới về tỉ lệ nạo phá thai mất rồi. Theo báo Người lao động ra ngày 18.8.2008 cho biết thì
VN là một trong 3 nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới, với 1,2-1,6 triệu ca/năm, tương đương 1/2 số trẻ em được sinh ra. Trong đó, 20% ca nạo phá thai thuộc lứa tuổi vị thành niên. Trong năm 2007, số ca nạo phá thai ở VN là 1.108.620; con số này đã tăng 17% trong 6 tháng đầu năm 2008...
Con số nạo phá thai đúng bằng nửa số nhân khẩu ra đời hàng năm ở Việt Nam! Còn 20% có nghĩa là trong số khoảng 1.500.000 bé gái ra đời mỗi năm thì khi lớn lên đã có 300.000 teen phải đi giải quyết. Thế thì tan nát còn gì. Ôi, còn đâu những e ấp, dịu dàng!
Có ai nghĩ gì về những con số và sự kiện đó không? Có một thực tế mà hình như không ai nhận ra.
Đó là cái thực tiễn tình dục ở Việt Nam đã vượt quá sức tưởng tượng của cả dân tộc.
Trong khi báo chí và dư luận đều tránh né không làm ỏm tỏi lên về chuyện này (Vì “thuần phong mỹ tục”? Vì xấu hổ? Vì tránh vẽ đường cho hươu chạy? Vì “thủ dâm” đã đi vào mọi mặt đời sống? Ai mà biết được) thì thực tế cuộc sống tình dục của giới trẻ (và cả nhỡ nhỡ/trung niên/già) nơi đây cứ như trêu ngươi. Có thể nhìn thấy đời sống tình dục của bà con thông qua hệ thống nhà nghỉ, khách
sạn mọc lên như nấm (Mà luôn luôn cháy phòng vào những ngày “lễ lạt/nhạt”), khách hàng gồm đủ cả nam, phụ, lão, ấu.
Vâng, tôi đã nghe những tên choai nói rằng bây giờ chỉ có bọn nhà quê thì mới dấn thân vào yêu đương vớ vẩn, mất thời giờ và rách việc vô cùng. “Khi nào ‘ngứa’ lên thì hoặc là ‘bóc bánh giả tiền’ hoặc tới bến thì ‘tình cho không biếu không’ chứ việc quái gì mà phải lăn tăn.” Các nhà hoạch định chính sách có bao giờ nghĩ về vấn đề cực kỳ thiết thực này không nhỉ?
Mà ở một đất nước như Brazil thì cũng chẳng có mấy người Việt, chỉ có vài chuyên cơ của ta đến vài hôm rồi về. May quá.
Này, các em gái đi Tây du học cần phải đề cao cảnh giác đấy nhé, nhỡ học ở nơi nó không cho nạo thai là “bótay.com” luôn đó.
Jetzt geht weiter23! Tôi xin được kể tiếp “câu chuyện dòng sông” nhà tôi.
Bên dòng sông Inn sát với Bayern còn có một thành phố rất oách: Braunau am Inn.
Thành phố Braunau am Inn thuộc vùng tây bắc nước Áo, là quê hương của “đại nhân vật” Adolf Hitler (sinh nhằm ngày 20.4.1889; cùng cung hoàng đạo Dương cưu với Alois Ratzinger!). Là người Áo nhưng sau này ngài lại thành Quốc trưởng “kinh dị nhất mọi thời đại” của Đức; như thế cho thấy, ngài là người đầu tiên chủ xướng và thực hiện việc liên minh cái Liên minh châu Âu (EU) không biên giới vậy. Ngài là con thứ tư của ông viên chức thuế quan Alois Hitler (Alois thì lại trùng tên với đức Giáo hoàng Benedict XVI rồi! Thật là kì lạ. “Chung một dòng sông” có khác) – một gã con hoang phải theo họ mẹ những 39 năm. Sau đó Alois mới lấy theo họ bố dượng là Hiedler, sau này có thể đã được/bị một tên lục sự nào đó đổi thành Hitler. Cái họ này có thể có gốc là “Hittler” nghĩa là “gã chăn cừu” hay “kẻ sống trong lều”.
Và, quả thật, những ai có những cái tên na ná với Alois Hitler thì thường xuất thân lều cỏ và không giỏi chăn cừu cũng giỏi chăn chiên/trâu/dân/em. Người Việt Nam nay có câu thơ nhái “hàng độc” (đảm bảo “không đụng hàng”):
Ai bảo chăn trâu là khổ
Anh chăn em còn khổ hơn trâu!
Xin được bắt chước kiểu viết lời bình của ĐẶNG THÂN: Ở trên đời chăn em là khổ nhất:
Vừa đau tim, đau cật lại đau cà!
Giời ạ! Chăn ai/cái gì cũng có cái khổ nhưng mà lúc sướng thì ai sướng hộ cho.
OK, tôi xin điểm qua mấy tên tuổi có liên đới tới “Alois Hitler”: i) Alois Ratzinger đang chăn 1,1 tỷ con chiên:
Ai bảo chăn bông là khổ?
Đây chăn chiên còn khổ hơn bông.
… con công!
ii) Alois Hitler chăn được một vĩ cuồng nhân địa cầu – Adolf Hitler:
Ai bảo “phùng-há” là khó?
Ta “hít-le” còn khó hơn nhiều.
… con tườu!
Braunau am Inn cũng chính quê mẹ tôi (tên bà là
Arschkriecher von deBalle-Kant, Mädchenname24 là Arschkriecher Levinsky; ngày sinh 26.10.1947, rơi vào cung Scorpio tức Hổ cáp), một người Áo gốc Do Thái. Quê cha tôi (tên ông là Kacke von deBalle-Kant, sinh năm con chó 1946, ngày sinh rơi vào cung Hải sư Löwe, tiếng Anh là Leo; đừng đọc nhầm tên cha tôi là “cắc cớ” đấy hỡi các bạn Việt Nam yêu quý), thì các bạn đã biết: Marktl am Inn.
Ông bà chắc là xứng đôi với câu “gái hơn hai, trai hơn một” đấy chứ. Thật đúng là “Anh ở đầu sông em cuối sông, uống chung dòng nước… chẩy về đông.”25 Ich danke Ihnen vielmals, Herr Phan Huynh Dieu26! Sao mà ông có “tinh thần toàn cầu hóa” đến vậy, những sáng tác của ông còn làm rung động cả trái tim người Đức Bayern nữa đó…
Cuộc đời quả là có quá nhiều sự trùng lặp ngẫu nhiên khủng khiếp phải không quý vị. Tôi rất lấy làm tự hào về những sự ngẫu nhiên đó xảy đến với gia đình và quê hương tôi.
Xin trở lại chuyện ông nội tôi, Arschbacke von Kant.
Ông tôi lớn lên trong thời kỳ đảng Quốc xã của Adolf Hitler ngày càng phô phang thanh thế. Vốn là kẻ Ngoại giáo rồi trở thành Đa thần giáo ông tôi hội nhập ngay với phong trào cách mạng cấp tiến sôi nổi này… Bedauere! Xin lỗi, tôi có Telefon.
@
LỜI BÀN [PHÍM…] CỦA CÁC NETIZEN
quê choa:
Cái vụ "chua" thêm của ông Đặng Thân thì em chịu, không nín được cười :))
Tiếp tục chờ chương tới của anh he he
Trần_X:
Như vậy là câu chuyện bắt đầu từ tận bên Đức, hơi bị xa với sự hiểu biết và thực tế đời em ạ. Hay là bác mượn chuyện xa để nói chuyện gần đây? Hồi hộp quá :P Nhưng mà chuyện 2 bác Dương cưu làm lãnh tụ cho 2 thế giới kình chống nhau kịch liệt lại cùng sinh ra bên 1 dòng sông thì quả là 1 phát hiện.
Cẩm Linh:
Nếu đem cuốn này ra phân tích như kiểu “bình giảng văn học” thì chắc chắn sẽ có rất nhiều chuyện để bàn (bới bèo ra bọ) à terribly condensed content.
ben t:
Cảm ơn tiên sinh!
Qua đây mà buông được cái còm trong en-chi kể cũng dũng khí đầy mình, hehe.
ĐẶNG THÂN:
Sá chi khi dạ bất bình [an/thường...]
Chẳng như gián rệp lình [s]xình... sau lưng (chiến sỹ) Ý KIẾN CỦA BẠN
3
Ai đấy?
Ai vừa nhắc đến tên xã Cấp Tiến quê iem đấy? Mua thuốc lào phỏng ạ… Thuốc lào cấp Tiến ngon như con lợn thiến đê... đê đê con dê cụ bực… mình thế không biết nữa. Buồn ngủ quá mà hơi chợp được tí mắt, đã thấy có cái gì ám vía thía hôk biết nữa sao tự dưng ngán đời, thế không biết nữa bùn ngủ wá thể lun… Úi, hình như vừa có 1 con mèo bay qua nóc nhà…
Không có ai mua thuốc lào đâu em Hường “mông nặng” Mộng ơi. Người cấp tiến thì ai hút thuốc lào đâu mà em lại đi bán thuốc lào Cấp Tiến làm gì. Cái nhãn hiệu ấy không phù hợp, không tương thích em ạ. “Thuốc lào Cấp Tiến” – nghe nó lủng lẳng cái cảm giác “làm đĩ phải năm toi trai” ấy em ơi. Em à, chưa thấy có thủ tướng, chính khách hay đại gia nào lại hút thuốc lào bây giờ. Những thằng hút toàn một bọn không khá lên được (Có mỗi trường hợp ngoại lệ là một ông làm đến bộ trưởng. Một lần nhờ vào góc phòng hút thuốc lào mà ông ấy đã thoát chết vì cả mảng trần nhà ở giữa bị sập. Như vậy đây là trường hợp hy hữu nhất quả đất vì cái điếu cầy đã trở thành ân nhân). Vì anh cũng hút nên anh biết rõ thực tế phũ phàng ấy em ạ. Đi tìm mấy thằng Tây hiếu kỳ mà gạ gẫm…
Mà cái típ như em là Tây nó phê lắm đấy: môi dầy và… sẫm mầu ([nghĩ thầm] thâm như mõm trâu sứt) như Jessica Alba này (mặc dù theo quan niệm Á Đông thì là nữ nhân tham lam, háo nhục dục, đần độn đu đơ), hàm bạnh như Angelina Jolie này (theo quan niệm phương Đông là “hổ hình tướng”, chủ lao bác vất vả và đau khổ chuyện tình duyên, gia đình; cũng là một kẻ bạc tình nữa), mắt mơ huyền Á “trâu” như Củng Lợi này (ở mình gọi là “mắt bồ câu trâu con bay con đậu” đấy), rồi tai lá mít, đít lồng bàn nữa… Em chính là “dream model” của quân mũi lõ mắt xanh đấy em ơi. Lúc nãy chả ai gọi mua thuốc lào của em đâu, chỉ có thằng Tây “thịt chó” nó đang kể
về phong trào cách mạng cấp tiến của bọn Quốc xã thời ông nội nhà nó thôi…
(Ặc ặc, cái thằng đực Đức chứ gì ke ke… ui chuyện dài lém. Từ cái ngày jao nưu jao cấu với cái thằng đực Đức có nhẽ là bước ngoặc lịc sử trong đời em…)
Ui, kể từ khi iem bít hẹn hò... thập thò lỗ tò vò kể cũng xưa xưa rùi đấy nhi. Hồi học lớp 10 em bắt đầu hẹn hò với một thằng học trên một lớp… được cái cao to đen hôi. Cũng không tồi phải không sao thấy thế nào bọn chúng em thế là phát triển lành mạnh, cho dù đời người ta chỉ là những mảnh vỡ nhưng ai chả muốn đi tìm cái mảnh vỡ kia cho mình… và xin lỗi cảm ơn rất tiếc, llàm sao có thể lắp ráp 2 mảnh vỡ của đời cho nó khít khịt khìn khin vào nhau được cơ chứ?! Vì thế những mảnh vỡ cứ suốt đời đi tìm những mảnh vỡ khác để rồi thất vọng nối tiếp thất bại thất bát thất thu lù bu hu hu hu… mịa cái thằn già bỗng dưng ở đâu xuất hiện nó làm xung xướng đời em nó làm tàn hại hồn em híc híc ôi hoang mang những mảnh vỡ những, khoảng trống tông hống toanh hoác đồ khoác lác chịu ko nổi thế rồi đêm thế rồi hun thế rồi nước chẩy dưới chân cầu cái đòn xóc sốc lên về phía bắc ặc ặc phật phừng phừng, tạm ngừng. Anh ơi tiếp đi.
Sao em nói chuyện cứ như lên đồng?!
Anh bỗng thấy thương em vô cùng. Ừ, em cứ nói tiếp đi rồi anh sẽ kể hộ em câu chuyện.
Mộng Hường xuất thân trong một mái nhà chân chất. Cha mẹ em là người sùng tín ngưỡng, tháng nào cũng lên chùa mấy lần tụng kinh niệm Phật.
Vớ vẩn tất! Chùa chỉ có tượng thôi chứ làm gì có Phật.
Muốn tìm Phật hay Chúa trước hết các ngươi hãy nhìn vào không-thời gian. Hãy coi chúng như cái trục tung và trục hoành trên
một đồ thị. Trục tung biểu thị không gian; trục hoành thể hiện thời gian.
Những làng quê Việt Nam êm đềm vẫn như mê ngủ suốt ngàn đời có vẻ phớt lờ mọi quay cuồng thế sự. Ôi những làng quê làm ta thương đến xót xa, làm ta luôn nhớ đến nhức nhối. Sau này, khi đã bôn ba khắp nẻo rồi, Mộng Hường đã viết nên bài thơ sau đây:
Đầu làng vẫn mấy cây đa,
Cuối vườn vẫn, mấy luống cà luống rau.
Ngoài trời giá lạnh mưa mau,
Lòng ai lạnh giá mà đau lòng này.
Ước mong một sớm mai đây
Đôi môi thắm sắc vai gầy ấm êm.
Long lanh sáng giữa màn đêm,
Kìa đôi mắt ấy đẹp mềm như tơ.
Giữa đời mà ngỡ là mơ,
Lòng ai đã thấy ngẩn ngơ lâu rồi.
Nhìn em người hóa dở hơi,
Sao em có thể cản đời được nao.
Sáng Xuân say tựa thuốc lào,
Bên hoa bóng một áo dài bay bay.
Lung linh nhan sắc hôm nay,
Rồi mai em sẽ thành ngay bà già.
Tuổi xuân là một mùa hoa,
Sao em có lúc nhạt nhòa đăm chiêu.
Cuộc đời đẹp nhất tình yêu,
Sao để lãng phí mĩ miều làm chi?
Kẻo rồi Xuân đến lại đi,
Thời gian trôi, đọng chút gì trong ta?
Đọc đến “trong ta” bạn đọc lại có thể quay lên đọc từ đầu. Kể cũng là một cô bé tài hoa lạ. Em lại có một sự-hấp-dẫn-thể-xác-có-thể gây-xì-căng-đan cho báo chí quốc gia và quốc tế.
Cha Hường tuổi Thân, là người chất phác lo toan nhưng cứng rắn, đối với vợ con lại có phần khắc nghiệt. Nhiều khi ông nằm lì ở cửa hàng ở quận Lê Chân không về. Đó không chỉ là cửa hàng mà với ông nó còn như một nơi tu hành, cho ông xa lánh mọi nỗi vướng bận gia đình và những sự rầy rà của đời sống thôn quê. Mỗi khi ở nhà ông hay say rượu và đánh con mắng vợ. Hường vừa sợ vừa thương ông.
Mẹ Hường tuổi Dần, người xinh giòn, mạnh mẽ nhưng thương con hết mực. Hường thấy mẹ mình gần gũi nhưng nông cạn, nghèo nàn và xơ cứng trong tâm hồn. Được cái cả bố và mẹ em đều sùng kính thờ phụng Phật nên tâm tính của họ có cái vẻ ngưỡng vọng những thế lực huyền bí và luôn tìm sự quân bình trong sự thanh thản hiến dâng của tâm linh.
Hãy nhìn xa hơn nào, hãy nhìn bằng tuệ nhãn ấy. Mắt loài người đều mù cả mà thôi.
Người Việt có một đời sống tâm linh lạ lùng. Vừa như èo uột như không lại vừa mãnh liệt cuồng mê. Cái thế giới tâm linh của họ cứ thế như sống như chết nhưng chẳng bao giờ cạn, thật khó hiểu. Lại càng khó hiểu nếu ta quan sát bằng cách nhìn của người phương
Tây. Có điều cái gì khó hiểu lại kích thích họ, làm họ tò mò. Đã có nhiều người phương Tây sang tìm hiểu và làm luận án tiến sỹ này nọ hoặc viết bài về cái đời sống tâm linh ở đây. Schditt von deBalle Kant cũng là một ví dụ.
Schditt von deBalle-Kant đến đây trong một chuyến công cán cùng với năm người Đức khác, rồi thích quá tìm mọi cách để ở lại Việt Nam. Nghe nói anh cũng có người thân đang ở đây. Ngoài việc làm cho một hãng của Đức thì anh còn đi dậy thêm tiếng Đức cho Trung tâm văn hóa & ngôn ngữ Việt-Đức của Giám đốc Trần Kim Chén, con trai GS. TSKH. Trần Kim Ấm nổi tiếng, mục đích là để giao lưu và học thêm tiếng Việt. Rồi anh đi học tiếng Việt ở tận Đại học khoa học xã hội & nhân văn quốc gia. Chỉ sau sáu tháng, mặc dù nghe còn lai căng, anh đã nói tiếng Việt như gió. Sau một năm thì anh đã biết hầu hết mọi từ lóng và cách nói “xì-tin” của lớp trẻ 8x 9x. Anh lập blog tiếng Việt và nhanh chóng gây được sự chú ý bởi cách viết tiếng Việt thông minh và độc đáo, vì tiếng Việt của anh vừa “hay” vừa không giống hoàn toàn với tiếng Việt của người Việt. Anh đã viết bài “Phật giáo Việt Nam” rất súc tích, thậm chí được giới nghiên cứu đánh giá rất cao.
Qua con người anh chúng ta càng hiểu rõ hơn người Đức vậy. Cả về tinh thần lẫn phương pháp làm việc của họ thật không chê vào đâu được. Đúng là: “Không góp ý Nhật, miễn sửa sai Tây”. Nhưng mà tại sao Schditt lại đam mê đời sống tâm linh ở đây thì còn phải chờ câu trả lời.
Phật chủ trương dụng một chữ “Tâm” mà có cả vũ trụ. Lấy Tâm mình làm điểm xuất phát, phóng thẳng lên theo trục tung nhằm hướng Niết Bàn. Đường đi này “phi thời gian”, bỏ qua trục hoành, chắc chỉ 1 satna là tới đích. Tuy nhiên, để có được 1 satna ấy thì cần nhiều công quả tu tập tinh tiến trong vô lượng kiếp. Vì thế chưa có nhiều người “phóng” được Tâm mình lên. Con người thì chỉ mới phóng được tàu vũ trụ lên được một đoạn vô cùng ngắn trong thời không. Đức Phật có duyên Niết Bàn mà cũng phải lao tâm khổ tứ
một đời rồi ngồi thiền định dưới gốc bồ đề 49 ngày mới đạt ngưỡng năng lượng cho một cú “phóng” có một không hai.
@
LỜI BÀN [PHÍM…] CỦA CÁC NETIZEN
quê choa:
Em để ý nhá, cái cô Mông nặng í lúc nào cũng có con mèo phi thân theo là sao nhở hí hí. Chờ típ chương 4 :))
ĐẶNG THÂN:
Con mèo có nhiều biểu tượng: có 9 vía nên không bao giờ chết, là điềm gở khi người ta bắt gặp, sự ma mãnh của giống cái, đỉnh cao của sự mềm mại uyển chuyển, trò ái tình giấu diếm, nhân tình nhân ngãi... và, cũng có thể là do MH cầm tinh con chuột :) Oel, còn gì nữa không nhỉ? Ai biết thì bổ sung thêm nhé.
Cẩm Linh:
Mọi người có vẻ chú ý nhiều hơn đến bề mặt mà ít có ý kiến về những vấn đề chìm. Ví dụ phần chìm có thể là cultural degradation, v.v…
Minh Vuong:
Tuyệt quá bác ôi… Phật xưa quá rồi, muốn học cũng chẳng học được.
Nguyen Dinh Anh:
Truyện đầy ắp kiến thức. Đâu đó gặp những dòng ý thức theo phong cách Đặng Thân. Ngôn ngữ mới mẻ, phóng hoạt. Mật độ tên riêng, cụm từ nước ngoài khá nhiều nhưng những câu thơ dân dã, biến cải thuần chất nông dân Việt Nam đã cân bằng được yếu tố ngoại này. Thực sự không biết rằng câu chuyện sẽ được nhà anh phóng tiếp đến đâu.
Hồi hợp chờ xem phần tới.
ĐẶNG THÂN:
Thấy thời-không cứ như không
Phóng lên một phát như rồng là thăng
Ý KIẾN CỦA BẠN
4
Hallo!
Xin lỗi, vừa rồi VTV gọi tôi đến studio ghi hình nên bây giờ tôi mới quay lại gặp các bạn được. Tôi rất áy náy là đã để các bạn đợi lâu, nhưng chắc thời gian vừa rồi mọi người đã được gặp những “con người thú vị”; hay cũng có thể là “con thú vị người”, “con người vị thú” hay “người thú vị con”…
Quay lại chuyện ông nội tôi, Arschbacke von Kant.
Ông tôi lớn lên trong thời kỳ đảng Quốc xã của Adolf Hitler ngày càng phô phang thanh thế. Vốn là kẻ Ngoại giáo rồi chơi cả Đa thần giáo ông tôi hội nhập ngay với phong trào cách mạng cấp tiến sôi nổi này.
Trong tôn giáo của những người bán khai, việc thờ cúng tà linh đã phát triển thành tôn giáo thờ đa thần khi nền văn hóa bộ lạc bị nền văn hóa mạnh hơn thay thế. Sử gia và các nhà nhân chủng học coi tôn giáo thờ đa thần là một bước tiến vượt xa những hình thức sơ
khai của Ngoại giáo. Nó giải phóng tôn giáo khỏi xiềng xích của những mối liên hệ hoàn toàn địa phương và thay thế các thần thánh tạp nhạp trong nếp tin tưởng cũ bằng các hữu thể siêu nhiên có các đặc tính cũng như lĩnh vực hoạt động rõ rệt hơn. Tuy nhiên, ảnh hay tượng đại diện của thần thánh thì không có giá trị gì, chỉ là sự tưởng tượng của lòng mê tín bị Satan dối gạt vì ma quỉ “đã làm mù lòng họ.”
Thánh Phao Lồ nói: Satan là vua cầm quyền chốn không trung.
Trong Thiên Chúa giáo, quỷ Satan là một thiên thần tên là Lucifer do Chúa Trời tạo ra, nhưng do nổi loạn chống đối nên bị đuổi khỏi Thiên Đường. Sau đó Satan đã trở thành thủ lĩnh của các “thiên thần sa ngã”. Quỷ Satan có rất nhiều tên giống như
tính cách xảo trá và tàn ác của mình: thần tăm tối, cha gian dối, quỷ Lucifer. Quỷ Satan chẳng phải nam hay nữ, nhưng trong các truyền thuyết, hoặc hình ảnh minh họa thường là nam giới, có cơ thể cường tráng và khuôn mặt dữ dằn với hai chiếc sừng nhọn hoắt trên đầu. Quỷ Satan cũng có nhiều phép biến hóa, bay lượn và có sức mạnh ghê gớm, vương quốc của Satan ở dưới Địa Ngục và Satan có thể trực tiếp hoặc sai khiến các loại quỷ khác đi phá hoại thế giới. Satan rất “đa mưu túc kế”, thâm độc, vì thế người ta mới có câu cửa miệng là “quỷ kế”. Một trong những điểm mạnh nhất của Satan đó là khả năng thuyết phục, các trò xảo quyệt khéo léo vì thế Satan lôi kéo được rất nhiều “tay chân” để thực hiện các kế hoạch phá hoại của mình.
Chú Dương cưu Adolf Hitler là kẻ tôn sùng Ngoại giáo. Bên cạnh “tay” (từ này của tiếng Việt hay ghê, khoái, cảm ơn Đặng Thân) này luôn có những cố vấn Ngoại giáo tư vấn cho về ngày tháng xuất quân. Chính tay Hitler này và quái kiệt Aleister Crowley (1875–1947) – “kẻ tội lỗi nhất thế giới” – là hai nhân vật vĩ đại nhất trong số những người làm cho Ngoại giáo được khét tiếng.
Đến với Ngoại giáo người ta được tự do trong việc lựa chọn đức tin hay thần thánh của mình.
Thiên Chúa giáo kì thị Ngoại giáo. Thánh Peter có nói: “Hỡi kẻ rất yêu dấu của tôi, vậy nên hãy tránh khỏi sự thờ lạy hình tượng.”
Sicherlich, tay Hitler ngoài mặt thì vẫn công nhận và tụng ca Thiên Chúa giáo vì nó bài Do Thái, nhưng trong lòng thì ghét cay ghét đắng.
Sau những bữa cơm thân mật cùng Quốc trưởng Adolf Hitler, người thư ký riêng nổi tiếng Martin Bormann đã ghi lại những “lời vàng” của tay ấy, sau này được in thành sách với tựa đề Hitler's Secret Conversations. Đây là những gì Adolf nói trong đêm 11 rạng ngày 12 tháng 7 năm 1941:undefined> > “…
Thời cổ đại mối quan hệ giữa người và thần thánh được xác lập trên sự tôn trọng mang tính bản năng. Đó là một thế giới được lòng khoan dung khai sáng. Thiên Chúa giáo là tín ngưỡng đầu tiên trên thế giới tìm cách tiêu diệt kẻ thù của mình bằng cách nhân danh tình yêu thương. Nguyên tắc chủ đạo của nó là bất khoan dung.
Nếu không có Thiên Chúa giáo chúng ta cũng đã không có Hồi giáo. Xin đừng nói rằng Thiên Chúa giáo mang lại cho con người đời sống của linh hồn, bởi vì sự tiến hóa đã nằm trong trật tự tự nhiên của vạn vật.”27
Chú Dương cưu luôn có khả năng hùng biện xuất sắc, phải không nào. Trong bữa trưa ngày 10 tháng 10 năm 1941 Hitler nói:
“Thiên Chúa giáo là một cuộc nổi loạn chống lại quy luật tự nhiên, là sự phản đối tự nhiên. Xét đến cực đoan logisch của nó, Thiên Chúa giáo đã thâm canh có tính hệ thống trên sự thất bại của con người.”28
Tư tưởng của Hitler đi theo trục hoành (vật chất) của thời gian. Vì thế hắn chỉ tin vào đời sống thực tế và sức mạnh vật chất. Cái trục hoành ấy chỉ phù hợp với những cái đầu tư duy duy vật máy móc, vì vậy nó triệt tiêu và tất yếu xa rời tâm linh. Hitler từng nói: “Điều tiên quyết dẫn đến thành công là sự áp dụng không ngừng và liên tục bạo lực.” Hitler bị ám ảnh bởi kiểu kiến trúc đồ sộ và những công trình hoành tráng khiến bất kỳ vị khách nào cũng phải choáng ngợp và e sợ.
Phải rồi, cái tài hùng biện ấy đã làm cả dân tộc Đức rừng rực lên như lên đồng, như “hát văn”. Và Hitler cùng một số tay kinh dị khác đã để lại những vết chân to tướng trên mặt hành tinh này trong thế kỷ XX.
Sau này sang Việt Nam tôi được tiếp cận với Phật giáo để phát hiện ra một điều cực kỳ lạ: rằng biểu tượng của Nazi cũng giống với biểu tượng của nhà Phật, với nhà Phật thì có chữ “vạn” (Tầu: 卐; Nhật: 卍/卐) còn với Nazi thì là chữ “thập ngoặc” (卐) theo cách gọi của người Việt. Nhưng, với thế giới thì chỉ có một từ chung là swastika. Cụ thể có thể thấy từ này trong quá nhiều ngôn ngữ: Bulgaria: Свастика, Đan Mạch: Svastika, Tây Ban Nha: Esvástica, Esperanto: Svastiko, Pháp: Svastika, Triều Tiên: 만자, Ý: Svastica, Hungary: Szvasztika, Hà Lan: Swastika, Nhật Bản: 卍, Na Uy: Hakekors (bokmål) và Svastika (nynorsk), Ba Lan: Swastyka, Bồ Đào Nha: Suástica, Nga: Свастика, Trung Quốc: 卐; rồi là các thứ tiếng Armenia, Català, Hebrew, Hy Lạp, Eesti, Suomi, Hrvatski, Lietuvių, Svenska… cũng đều có chữ này.
Nói thế để thấy cái chữ có nguồn gốc Sanskrit, biểu tượng của Hòa bình và Hòa hợp trong Hindu giáo, đã được sử dụng ở nhiều nước và nhiều tôn giáo khác nhau từ khi cái chữ này xuất
hiện vào thời kỳ Đồ đá mới. Trong tiếng Sanskrit thì chữ “svastika” này là một từ ghép của các từ: tốt lành (sv), tồn tại (asti), vì thế nó giống với “well-being” trong tiếng Anh.
Việc Nazi dùng cái chữ này có ảnh hưởng gì từ cái ý nghĩa của “svastika” hay không theo tôi thì cũng chưa rõ, nhưng chắc chắn mấy tay ấy cũng thừa thông thái để biết rõ về từ này. Một phân tích ngoài luồng chưa được kiểm chứng nhưng rất độc đáo cho hay:
Khởi thủy ý tưởng chữ thập ngoặc xuất phát từ việc ghép bốn chữ "Γ" theo bảng chữ cái Hy Lạp (đọc là "G" hoặc "H" đều được), tượng trưng cho những chữ cái bắt đầu tên họ (family name) của bốn đại ca Quốc Xã là Hít Le (Hitler Adolf, Quốc trưởng), Him Le (Himmler Heinrich, Thống chế SS), Gơ Beo (Goebbels Joseph, Tổng trưởng Tuyên truyền), và Gơ Ring (Goering Hermann, Tổng trưởng Đặc vụ). Đó sẽ là bốn huyền thoại Quốc Xã…29
Schditt có ý kiến gì về việc này không?
Có lẽ phải để tôi về hỏi thêm ông tôi thì mới xác đáng hơn.
Còn như theo tôi biết thì Phật giáo đã thừa hưởng cái từ ấy từ Hindu giáo. Theo truyền thuyết cổ Ấn Độ, phàm là thánh vương chuyển luân cai trị thế giới đều có 32 tướng tốt. Phật là một thánh vương trong Pháp nên cũng có 32 tướng tốt. Chữ “vạn” là một trong 32 tướng tốt của Phật. Theo kinh Trường A Hàm thì đó là tướng tốt thứ 16 nằm trước ngực của Phật.
Tại Nhật Bản, chữ “vạn” của Phật giáo được gọi là manji, thể hiện Dharma – sự hài hoà và cân bằng âm dương trong vũ trụ (giống tư tưởng của Dịch và Lão học) – trong đó manji quay trái được gọi là một omote manji, thể hiện tình yêu và lòng nhân từ, khoan dung; manji quay phải được gọi là ura manji, thể hiện sức mạnh và trí thông minh.
Dấu vết “swastika” cũng đã được tìm thấy trong nền văn hoá Byzantine và nền văn hoá Celtic ảnh hưởng sâu rộng khắp Âu châu.
Một thực tế xanh rờn là hầu hết các thứ tiếng Âu châu lại có chung một thủy tổ với tiếng Hindi (tiếng Ấn Độ). Thủy tổ ấy là ngôn ngữ Aryan, hoặc ngôn ngữ Ấn-Âu – ngôn ngữ của những cư dân xa xưa trên vùng cao nguyên Iran. Những cư dân này tự gọi mình là người Aryan. Khoảng 1.500 năm trước CN, người Aryan đã xâm chiếm tây bắc Ấn và mang theo một nhánh ngôn ngữ của mình đến đó, và trong suốt 1.000 năm họ đã hoàn thiện ngôn ngữ này và tìm ra cách để viết. Đó chính là ngôn ngữ Sanskrit hay tiếng Ấn Độ cổ. Tiếng Hindi chính bắt nguồn từ ngôn ngữ Sanskrit, và chữ “Aryan” trong tiếng Sanskrit thì có nghĩa là người cao quý hoặc chúa đất.
Một nhánh Aryan khác đã sang xâm chiếm châu Âu và truyền bá ngôn ngữ của mình. Vì thế ngôn ngữ của phần lớn người Âu ngày nay rất giống nhau – thực ra hầu hết người Âu đều nói một
thứ ngôn ngữ có nguồn gốc Aryan (trừ tiếng Thổ, Hung, xứ Basques, Phần Lan, Latvia, Estonia, và một vài nhóm ở Nga). Vì vậy, ngôn ngữ Aryan được gọi là ngôn ngữ Ấn-Âu, người Aryan được gọi là người Ấn-Âu tiền sử. Người Ấn ở bắc Ấn Độ còn được gọi là người Ấn-Âu. Hãy nhớ họ cao lớn, nước da sáng mầu, trong khi người Ấn miền nam có nguồn gốc Dravidian có vóc dáng nhỏ bé hơn, nước da tối mầu.
Việc tìm ra ngôn ngữ Aryan vào những năm 1790 được coi là một khám phá vĩ đại. Người Âu châu thời đó vô cùng sửng sốt khi biết không chỉ các dân tộc châu Âu mà ngay cả một xứ xa lắc như Bắc Ấn hoá ra cũng có chung một nguồn gốc ngôn ngữ, thậm chí chung một tổ tiên.
Từ khoảng nửa đầu của thiên niên kỷ thứ nhất trước CN người Aryan đã có mặt trên cao nguyên Iran và tiểu lục địa Ấn Độ. “Iran” là kết quả của Ariana/Airyana có nghĩa là xứ sở của
người Aryan. Trong tiếng Ba Tư thời Trung Cổ Ariana được gọi là Eran, và trong tiếng Ba Tư hiện đại, được gọi là Iran. Hegel từng viết trong cuốn Triết học Lịch sử: “Lịch sử của loài người bắt đầu từ lịch sử của Iran.” Nó có trước nền văn minh Ai Cập quãng 3.000 năm, khởi đầu ít nhất từ 12.000 năm trước. Tức là người Aryan từ Iran đã chinh phục Bắc Ấn, một phần đã chinh phục hầu khắp châu Âu, lai tạp với cư dân bản địa cổ đại để dần dà trở thành người Âu Mỹ ngày nay.
Vậy thì tay Hitler đã muốn gì với cái tinh thần “người Aryan thượng đẳng”?
Theo một tài liệu tôi đã đọc thì các văn bản cổ đã mô tả người Aryan là những người “vượt trội”: những người “cao quý” hoặc “chúa tể của đất”! Trong thực tế, người Aryan đã chinh phục một dải đất vô cùng rộng lớn từ Á sang Âu! Kỳ tích “vượt trội” của người Aryan đã làm nức lòng những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Với họ, người Aryan đồng nghĩa với “chủng tộc Aryan” – một “chủng
tộc siêu đẳng” so với bất kỳ chủng tộc nào khác. Theo những tiêu chuẩn của chủng tộc học, không hề có cái gọi là “chủng tộc Aryan” mà chỉ có người Aryan mà thôi, nhưng những kẻ có đầu óc dân tộc tiếp tục truyền bá khái niệm “chủng tộc Aryan”. Đến những năm 1920, chủ nghĩa quốc xã Đức đã nâng lý thuyết “chủng tộc Aryan” lên đến mức: “Chủng tộc Aryan là chủng tộc thượng đẳng có quyền thống trị thế giới”.
Nhưng tại sao Nazi lại chọn “swastika” làm biểu tượng? Theo tôi việc này có liên quan đến sự kiện vào cuối thế kỷ XIX khi nhà khảo cổ học nổi tiếng Heinrich Schliemann đi đến một kết luận quan trọng rằng swastika là một biểu tượng đặc trưng Ấn-Âu. Nói cách khác: swastika là biểu tượng đặc trưng của người Aryan!
Kính thưa quý vị!
Đó là những gì tôi muốn nói về “con sông quê hương”. Nơi có kẻ Ngoại giáo là ông nội tôi ở Marktl am Inn, người hồi nhỏ đã từng đánh đương kim Giáo hoàng Alois Ratzinger của Römisch-katholische Kirche và chống đối Nhà thờ; và cũng là nơi có Alois Hitler sinh ra một kẻ Ngoại giáo kinh dị nhất thế giới – Führer Adolf Hitler – tại Braunau am Inn. Nơi đây cũng đã đã sinh ra mẹ tôi, một người Do Thái (giống người mà Hitler căm ghét và hủy diệt).
Với Hitler thì kỳ thực chưa chắc đã căm ghét gì Do Thái. Thậm chí truy gốc tích thì nghe nói bên ngoại tay ấy có “gen” Do Thái, thế mới “tréo rò lái”.
Tấm gương của tay ấy cho thấy kinh nghiệm là con người ta đừng nên nhận đồng hương, đồng môn, đồng chí gì hết kẻo ăn đòn đủ.
Phải chăng Hitler có một đầu óc quá thuần khí và cực đoan nên đã rất căm ghét những di chứng ghê tởm nào đó trong dân tộc mình, trong dòng máu mình. Hitler từng cấm một lễ nghi Do Thái – kosher. Trong nghi lễ này có việc cắt tiết một con vật qua cuống họng
rồi để con vật đó chẩy máu đến chết trong lúc một giáo sỹ Do Thái cầu nguyện bên cạnh. Nazi coi nghi lễ này là quá mức tàn bạo. Như thế có thể thấy Hitler là người ưa hoàn hảo. Không được đâu ông ơi, người không bao giờ thành thánh được chính là vì điều ấy mà thôi.
Thiếu thời cậu Adolf không được hưởng tình cảm của cha mẹ. Cha thì ghét, mẹ thì nghiệt ngã. Vì thế cậu ấy đã phải sống lang thang từ bé (không có dấu hiệu nào về một trí thông minh đặc biệt được ghi nhận trong giai đoạn này). Rồi tay ấy lao vào chính trị.
Nếu Hitler không bị ego-maniacal (bệnh vĩ cuồng) quá khủng khiếp và quá điên rồ chắc chắn ông ta đã làm nên được những điều kì diệu cho thế giới này chứ không phải chỉ có những việc làm ghê tởm như vậy. Thực sự có rất nhiều điều người ta còn chưa được biết về Hitler.
Das stimmt, Eure Exzellenz!
Hitler muốn có một dòng Aryan thuần chủng. Các bạn hãy tìm đọc cuốn Nhà búp bê sẽ rõ. Trong một tòa lâu đài lớn tay ấy đã quy tập những sĩ quan và những người lính Đức thuần túy mắt xanh tóc vàng cùng với những phụ nữ mắt xanh tóc vàng được tuyển chọn. Những người phụ nữ này biết quá rõ là họ đến đây là để “thụ tinh” và tạo ra giống Aryan mới. Với mỗi đứa trẻ ra đời Hitler đã trả cho người mẹ một khoản tiền “khơ khớ”.
Các nhà bác học của Nazi là những người đầu tiên đưa ra cảnh báo về những hiểm họa của chất phóng xạ, Asbest30, chì, Kadmium và thủy ngân. Những mối nguy hiểm này chỉ được nhắc đến sau Thế Chiến II rất lâu, trong khi đó các nghiên cứu y học của Đức liên quan đến chúng đã bị bác bỏ dưới thời Nazi.
Về kinh tế, Hitler đã làm hệ thống ngân hàng quốc tế “giận bầm gan tím ruột” vì tay ấy không bao giờ vay tiền ngân hàng cả trong lẫn ngoài nước. Tay ấy dựa vào hệ thống Naturaltausch (hàng đổi hàng): đổi những thặng dư hàng hóa của Đức lấy
những hàng hóa dư ra của các nước khác. Thế mới “ác”! Sự cải cách tài chính táo bạo nhất là loại trừ quyền in tiền của các ngân hàng (mà Hitler coi là bọn Do Thái) và chuyển giao công việc đó sang cho nhà nước.
Rất thú vị! Và thật là… ưu việt! Hiện nay ở cả Mỹ và Anh các hệ thống ngân hàng tư nhân như Federal Reserve và Bank of England đều có quyền in tiền xong rồi “bán” cho chính phủ, tạo ra những khoản nợ khổng lồ cho các nước đó.
Do không phải chịu các khoản nợ và có khả năng trực tiếp phát hành tiền nên nền kinh tế Đức đã bốc lên như tên lửa. Hitler còn bãi bỏ việc sử dụng Goldwährung31 để tính giá trị đồng Mark; tiền tệ của nước Đức thời Hitler không dựa trên vàng mà dựa vào khả năng sản xuất hàng hóa của nhân dân Đức.
Aber ja! Hr. Dang Than, việc cấm nghi lễ kiểu koscher là do Nazi cho rằng nghi lễ ấy gây ra cho con vật sự đau đớn không cần thiết. Và luật cấm giết mổ động vật sống đã được phổ biến ra khắp nước Đức.
Nazi còn cấm sử dụng thuốc trừ sâu DDT trên mặt đất vì lí do sức khỏe và thay bằng loại thuốc Cyclone-B do Đức sản xuất. Phải đến mấy thập kỷ sau các nước khác mới áp dụng chính sách này.
Alô, Schditt nghe…
Chiều nay phải có mặt ạ? OK. Danke für die gute
Zusammenarbeit32… Ha ha… Thanh kiu Vinamiu! Thanh kiu pho jo biu!
@
LỜI BÀN [PHÍM…] CỦA CÁC NETIZEN
ĐẶNG THÂN:
Nhân có nhắc đến Satan lại nhớ đến bài "Nô lệ" của Nguyễn Minh Vương (hình như Khalil Gibran cũng đã viết nhiều về đề tài này), trong đó có đoạn: "Tôi vào nhà dòng thấy thỉnh sinh nô lệ tu sĩ, tu sĩ nô lệ linh mục, linh mục nô lệ bề trên, bề trên nô lệ giám mục, giám mục nô lệ giáo hoàng, giáo hoàng nô lệ Chúa, Chúa nô lệ Satan, Satan nô lệ con người, bởi không có con người, lấy ai để chúng cám dỗ phạm tội.”
Trần_X:
Thế thì hóa ra Con người là ông chủ của mọi thế lực?! Phải chăng càng làm “ông chủ lớn” thì càng phải làm “thằng nô lệ to”??
Tài hùng biện của Hít thiệt là tuyệt luân!! Phải chăng những kẻ hùng biện đều tiềm ẩn những dục vọng sát sinh khủng khiếp??
ben t:
Chà, thách thức lớn quá!
Bác cho em xin cái imeo, em thích gì nói ấy. Chứ cơ mà toàn ngài đức cao vọng trọng còn chưa dám phát biểu gì, em nói xằng bác có thể tha chứ nhiều người lại nhăn mặt chửi cha cái thằng bent thì dở.
ĐẶNG THÂN:
Đức cao vọng trọng là thòng lọng
Đạo khắp nơi nhờ thấp mà trong
Ý KIẾN CỦA BẠN:
5
Anh Thân ơi đi đâu rùi?...
Em bỗng thấy buồn khó tả híc híc em thấy lạnh khắp người cả ngoài trời lẫn trong gan, ruột em đây ặc ặc, anh bảo em là cả một sự-hấp-dẫn-thể-xác-có-thể-gây-xì-căng-đan phỉa không? Anh nói thía là có í ji` ai cũng bảo em là lovely đấy anh ạ. Anh có thấy em dễ thương khôg anh ơi ke ke… Ui mèo!
Dễ “thương”. Họ bảo em love-ly chắc là muốn bảo em là kẻ lì lợm-trong-cái-khoản-love đấy.
Lại nói mối tình đầu của Hường với bạn trai tên Bớp cùng trường cấp III. Nó đúng là cao to, khỏe như A Phủ của bác Tô Hoài. Gã trai này là một tên ngổ ngáo rạch giời rơi xuống nhưng khi gặp Hường thì bỗng hóa kẻ si tình. Bớp si mê Hường như các con nhang sùng kính đình chùa. Khắp nơi đều kinh nó nhưng đứng trước Hường nó như con thỏ non. Loại thỏ non mà các em gái lại cứ hay gọi là “ếch”.
Trần Huy Bớp chiều chuộng Hường lắm, lúc nào cũng mua quà cho Hường. Mà quả thật Hường cũng nết na, hay theo mẹ lên chùa. Hường lặng lẽ hiền lành bên cha mẹ, bên những buổi lễ chùa. Cái lặng lẽ hiền lành làm cho những thằng rạch giời rơi xuống thèm khát và tôn thờ. Thấy Hường thánh thiện nên Bớp chỉ lẽo đẽo theo mà chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sàm sỡ gì. Bớp đưa Hường đi chơi khắp nơi, thường xuyên lên thành phố. Hai đứa ăn kem, ăn bánh đa cua rồi cua rang me, đi nhà hát. Có khi còn đi tận Đồ Sơn ăn hải sản.
Chỉ cần được đi cùng Hường là Bớp đã thích rồi, vì nó si mê và tôn thờ nàng. Có điều lạ là Bớp chưa biết tôn thờ ai bao giờ hay tôn thờ là gì. Có thể gọi nó là kẻ tôn thờ thực hành vậy, vì nó không biết gì về “lí thuyết”.
Bớp là một thằng giặc.
Trộm cướp, trấn lột, đâm chém người, phá hoại trường học, hút hít cần sa ma túy, rượu chè say xỉn, hãm hiếp con gái, bỏ nhà cả tháng, trốn học thường xuyên… là nó.
Nó không kiêng ai. Đập phá cả tượng ở đình chùa hay cho thả trôi sông. Đi qua xứ đạo nó còn nhại giọng người đọc Kinh Thánh. Có khi nó còn trèo lên tháp chuông nhà thờ phá chuông bắt chim hay đi theo các cha dở trò trêu ghẹo.
Có lần nó nghĩ ra một trò chơi lạ.
Thằng Bớp tuy học kém nhưng vẽ vời và đàn hát lại khá, nhưng vì tính tình bụi bặm nên nó chẳng gia nhập hội đoàn văn nghệ nào (Tay Hitler bên Đức cũng vậy). Nó vẽ chân dung khá chuẩn và sinh động. Có lần nó mang ba bức vẽ dán lên bức tường ở cổng trường. Một bức vẽ ông tiên, bức kế vẽ ông sư và bức còn lại vẽ ông cha cố. Ai cũng nghĩ nó vẽ trò gì bậy bạ nhưng vì sợ nó nên cũng chẳng dám bóc đi. Trong túi quần thằng Bớp lúc nào mà chả có con dao găm năm tác dụng của bộ đội. Sáng hôm sau người ta thấy nó dán lên bức vẽ thứ tư. Nhìn thoáng qua thì mọi người cũng nhận ra đó là thầy giáo chủ nhiệm lớp nó với cái đầu hói có sẹo. Thế là cuối cùng người ta cũng hiểu nó chơi trò gì. Bốn bức chân dung ghép lại sẽ ra một câu chửi: tiên sư cha thầy (giáo chủ nhiệm). Thế rồi cứ mỗi hôm nó lại mang đến một bức chân dung mới để ghép vào câu chửi của nó. Hôm sau là cô hiệu trưởng, sau nữa là ông chủ tịch xã, rồi đến ông trưởng công an huyện, ông bí thư tỉnh ủy, ông bộ trưởng giáo dục, cứ thế…
Thằng Bớp căm thù tất cả những người có vai vế và đáng kính trọng trong xã hội thì phải. Thế thì nó hư quá rồi, nó thuộc về bọn xấu.
Điều kỳ lạ là Mộng Hường luôn ủng hộ nó và thích thú với những trò quậy của nó.
Mọi người cũng lấy làm kỳ lạ là tại sao một con bé ngoan đạo như Hường lại dây dưa với thằng Bớp. Nhưng vì ai cũng sợ thằng Bớp
nên cũng chẳng ai dám thắc mắc hay ý kiến “càu nhàu” gì với Hường.
Điều kỳ lạ nữa là tại sao thằng Bớp lại tôn thờ Hường một cách ngây dại.
Có gì đâu. Phần tối linh trong con người thằng Bớp vẫn hướng về cõi thiện tuyệt đối. Nó nổi loạn vì nó không tìm thấy cái đó trong cuộc đời thực này. Và nó mường tượng ra điều đó ở Hường vì con bé đóng vai ngoan hiền thánh thiện khá ấn tượng. Thực ra thì con bé cũng không hẳn cố tình đóng cái vai ấy. Xã hội, gia đình cùng những quan niệm “lý tưởng” của người đời đã khiến nó phải “diễn” như thế.
Rồi những mặt nạ sẽ rơi lả tả thôi các con ơi…
Hường cũng không biết nữa. Sau những năm tháng đi cùng mẹ lễ lạt em thấy cảnh chùa thật thiêng liêng. Em yêu vô cùng những ngôi chùa và các sư sãi.
Ngôi chùa ở xã em có một sư nữ trụ trì, tên là Thích Tâm Chân. Sư Tâm Chân nhanh nhẹn phúc hậu, tận tụy với công việc và luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Mỗi lần đến chùa Hường ngắm nhìn sư Tâm Chân không biết chán, mơ màng mong muốn sau này sẽ làm được cái gì đó như thế. Hường mê sư Tâm Chân có lẽ cũng vì một điều là sư Tâm Chân rất có duyên, phải nói là đẹp. Mỗi lần được nhìn thấy sư Tâm Chân để đầu trần là Hường cứ thích mê đi. Cái đầu trọc lốc lại càng làm sư Tâm Chân thêm duyên dáng đầy cá tính, và có cái vẻ gì đó trông rất “Tây”. Trông giống một nữ ca sỹ nhạc rock hay nữ họa sỹ nào đó mà Hường rất ấn tượng. Cái gì đã làm người con gái đẹp nguyện tận hiến cho cửa Phật thực sự là một dấu hỏi to tướng trong lòng mọi người. Cũng vì thế mà chùa lúc nào cũng đông người.
Một hôm nghe nói có ông thầy địa lý đi tìm huyệt cho một gia đình trong xã, khi đi ngang qua chùa mặt ông bỗng đăm chiêu. Rồi ông vào trong thắp hương.
Trong màn khói hương nghi ngút ông thầy buông ra mấy lời khó hiểu. Các già nghe được thế là tự nhiên vây quanh. Trong mấy lời khó hiểu lại có mấy từ dễ hiểu, thế là có cơ sở để hỏi chuyện ông khách lạ rồi.
Thầy địa lý phán: “Chùa này có ba cổng chứng tỏ xưa kia đã được một thầy phong thủy đặt cho. Theo từng vận người ta sẽ đóng cổng này mở cổng khác để đón cát khí cho chùa. Ví dụ như nay đang ở trong 20 năm của vận 8 thì cổng chính giữa đang tụ khí hưu tù hung hại, theo nguyên tắc là phải khóa cổng này trong 20 năm và phải ra vào bằng cổng bên phải. Nhưng không biết tại sao hai cổng bên đều đã được xây bịt kín lại không rõ vì lí do gì. Hay là vì lí do an ninh? Rất tiếc, như thế mới làm mất an ninh vậy.”
Thế là các già rối rít: “Xin thầy chỉ giáo cho, chúng tôi sẽ theo lời thầy mở lại các cổng bên.”
Thầy địa lý phán tiếp: “Cửa giữa đang dùng hiện nay không những vào thế hung hại mà còn ám khí Hồng Sa phối phương Thiên Ất vì vậy có thể đoan chắc sư trụ trì đã hoàn tục đi theo tiếng gọi con tim.”
Mọi người tá hỏa: “Thầy nói thế nào chứ sư trụ trì Thích Tâm Chân là người sống tốt đời đẹp đạo lắm ạ.”
Thầy lạnh lùng: “Các bác cứ vào tìm xem.”
Nói xong thầy lúc lắc cái đầu rồi cất bước đường mây.
Thế là mọi người đôn đáo khắp nơi nhưng vẫn không tìm thấy Tâm Chân đâu.
Hỏi ai cũng không biết sư trụ trì ở đâu cả.
Đến khi gặp vãi già vẫn thường phục vụ hầu hạ Thích Tâm Chân thì chỉ thấy bà ôm mặt khóc nức nở, mãi không thôi.
Câu chuyện Thích Tâm Chân đi lấy chồng chỉ trong tích tắc là lan ra cả huyện. Và chỉ mấy khắc sau là đến tai Mộng Hường.
Trời đất ơi ơi hỡi sao sư thầy, lại cắp nón ra đi theo tiếng gọi con tim??? Có phải chăng Thích Tâm Chân có, nhiều con tim chăng ặc ặc? Con tim nào đã về với Phật con tim nào còn, run bần bật trước thần tình làm cửa… nhoẹt ướt như bánh mướt.
Em xin lỗi em vô cùng xin lỗi vì, Thích Tâm Chân ơi người chính là ánh sáng, của đời em giờ Tâm Chân bỏ chùa bỏ em thì Mộng Hường này còn biết đi về với ai híc híc…
Phải chăng Thích Tâm Chân đã tìm thấy cái “tâm đích thực” của mình hay, là Thích Tâm Chân chỉ còn thích “phần đó” mà thôi ke ke.
@
LỜI BÀN [PHÍM…] CỦA CÁC NETIZEN
Khánh Lam:
"Có gì đâu. Phần tối linh trong con người thằng Bớp vẫn hướng về cõi thiện tuyệt đối. Nó nổi loạn vì nó không tìm thấy cái đó trong cuộc đời thực này."?! KL thích câu này!
Trần_X:
Câu đó cũng xạo quá lắm. Ai có suy nghĩ mà chẳng biết “cõi thiện tuyệt đối” làm gì có trong cuộc đời thực này. Mâu thuẫn lớn nhất của cuộc nhân sinh chính là ai ai cũng hướng về cái không có đó, không bao giờ nó thành hiện thực mà con người chưa bao giờ từ bỏ cái sự “hướng về” đó.
Tôi thấy bác ĐT có vẻ ham cái motif “sư hoàn tục”. Truyện “Ma Net” của bác cũng có nhân vật như vậy. Bác muốn “giải tán chùa chiền”??
phamngoctien:
Đọc Đặng Thân không phải dễ. Phải ăn cá chình… khe… khe… ĐẶNG THÂN:
Chả cá chình với cá “trình”
Chỉ cần hai chữ thật tình là thông
Ý KIẾN CỦA BẠN:
6
Rét.
Đợt rét đậm rét hại dài hơn một tháng vào cuối đông trên đất Việt đã làm nhiều người già và con trẻ ra đi bất ngờ. Lần đầu tiên băng tuyết phủ dài ngày trên những vùng núi cao linh thiêng của đất nước. Như đỉnh Mẫu Sơn chẳng hạn, băng tuyết phủ khắp nơi như pha lê. Ở gần Mẫu Sơn có một di tích lạ, nàng Tô Thị. Đó là một mỏm đá có hình người phụ nữ đứng ôm con chờ chồng đi đánh giặc mãi chưa/không về. Mỏm đá đó có hồn hay chính dân tộc này có rất nhiều Tô Thị bằng xương bằng thịt nên mới thổi cái hồn “ôm con chờ chồng” ấy vào cho đá? Thế mà, đau đớn thay, cái “hồn ấy” đã bị mấy thằng phá đá nung vôi nổ mìn đánh sập. Không biết đấy là do sự vô ý vô văn hóa man rợ của người dân nước này hay cũng là do ý Trời? Có thể Trời cũng mượn tay người nhắn nhủ tới các chị các em rằng thôi đừng chờ nữa, nhìn các ngươi ta sốt ruột lắm. Chắc là Trời cũng có lúc thở lên hồng hộc vậy. Mà chờ đợi gì nữa các em ơi… Cuộc sống vẫn xởi lởi đi tới đi lui không mỏi. Cuộc đời vẫn cứ tênh hênh ra thế kia, sao mà mình chẳng tơ hơ ra cho nó sướng, ôi cái đời bãi bể nương dâu một đời giếng mấy đời gầu. Có nhà thơ đã làm câu thơ tuyệt hay về nàng Tô Thị, tôi nghĩ khó ai có thể làm ra câu thơ hay hơn thế nữa về nàng:
Nàng chờ chồng ngàn năm hóa đá
Nay ngã vào tay gã nung vôi!
Ôi, sau bao năm tháng mòn mỏi với những ảo mộng cao xa người ta dễ dàng sẵn sàng lao vào những gì vớ vẩn dung tục nhất. Méo mó có hơn không.
Cái buốt lạnh tâm hồn cùng thân xác và những nỗi đau vẫn là những dấu nhấn của cuộc sống, nhắc nhở con người phải làm gì để mình được ấm lên. Ấy thế mà có một kẻ, có thể là một kẻ duy nhất,
say mê và tôn thờ mùa đông. Gã mang tên Adolf Hitler. Bởi vì đoàn quân Nazi của gã thường chiến thắng vang dội vào mùa đông. Bước chân của đoàn “người tuyết” ấy đã từng đi đến đâu là thắng đó, oai dũng như vó ngựa Mông Cổ của đoàn quân Genghis Khan xưa đã từng chinh phạt khắp châu Âu.
Tuyết rơi! Thật là một hình ảnh rúng động con tim. Vừa đọc được bài thơ “Sonata trắng” của Nguyễn Lương Vỵ trên một trang web tôi thấy cái tâm hồn Đức Ý Chí của mình như chùng xuống. Bạn yêu ơi, hãy nghe:
Biệt ly sonata trắng
Lắng nghe lắng nghe lắng nghe
Không ai ngoài những vì sao vừa dậy sớm
Không ai ngoài ta đang tự tiễn đưa mình
Bây giờ là bao giờ???
Bao giờ là bây giờ!!!
Muốt trắng đàn muốt trắng em
Khung cửa đêm vô tận tuyệt cùng
Mù sương âm chữ đòi vực thẳm
Lao xuống biển ẩn ngôn
Bay lên trời ẩn ngữ
Cắn một âm vang cho trắng thêm mù sương
Chắc tay Hitler cũng là một người rất lãng mạn nên mới yêu tuyết và gắn bó với mùa đông. Tôi cũng rất yêu tuyết và cũng từng yêu Hitler, tay người Áo đồng hương quê ngoại của tôi. Tôi
đoan chắc những nhạc sỹ vĩ đại của dân tộc Đức như Ludwig van Beethoven, Johannes Brahms, Wilhelm Richard Wagner, Robert Alexander Schumann, Jakob Ludwig Felix Mendelssohn Bartholdy, Carl Maria Friedrich Ernst von Weber hay Georg Friedrich Händel cũng rất yêu tuyết. Cũng như tôi đoan chắc Nguyễn Lương Vỵ từng yêu Hitler vậy.
Ông nội tôi kể ông đến với Hitler còn vì cuộc đời của tay ấy như huyền thoại.
Khi còn trẻ Hitler chỉ muốn được làm họa sỹ, nhưng mộng chẳng thành. Vì thế phải ăn cơm từ thiện cho qua cơn đói và thường xuyên phải làm thợ sơn. Được cái anh ham đọc sách vô cùng. Bà mẹ nghèo khó lo chu cấp cho Hitler ăn học nhưng rồi chẳng đâu vào đâu, bà đã chết vì bệnh ung thư trong khi cậu con trai vẫn dặt dẹo. Có lẽ cái chết của mẹ là một niềm ân hận và thù hận lớn lao của Hitler đến mãi về sau.
Nghe nói Việt Nam cũng có người làm lãnh đạo đã từng làm thợ sơn. Tôi cũng thích một bài hát của Việt Nam về nghề thợ sơn: “Quét lên tường trắng, tường xanh ôi tường vàng. Xanh vàng là xanh trắng xanh xanh xanh… Trong những căn phòng cưới em thích mầu da trời.” Cái này thì có thể nói là rất độc đáo, vì người ta thường sơn mầu hồng cho những căn phòng cưới. Người Việt Nam sơn phòng cưới mầu xanh chứng tỏ là một dân tộc vô cùng yêu hòa bình, yêu những lí tưởng cao đẹp vĩnh hằng trên trời cao… vì thế chắc là quan hệ vợ chồng giường chiếu của họ cũng rất là hướng thượng, thanh khiết mầu lí tưởng và ánh sáng chín tầng mây, không vấy mầu xác thịt thô bỉ…
Đề nghị đồng chí Giẹc-manh vừa phải thôi chứ. Anh đúng là “ngây ngây như Tây giẫm phải cứt”!
Thực ra anh chưa hiểu gì về cái nghề thợ sơn khi bài hát ấy ra đời. Khi đó người ta lấy đâu ra sơn để mà sơn nhà nên chỉ quét vôi ve thôi. Mà lại chỉ có mỗi ba mầu vôi ve là vàng, xanh, trắng. Vàng và
trắng thì thường để quét trụ sở cơ quan, nên còn có mỗi mầu xanh là để quét nhà ở thôi ông kễnh ạ. Bài hát tuy vui nhưng buồn thay, mầu xanh khi đó là sự lựa chọn duy nhất cho tất cả mọi nhà và mọi cặp vợ chồng.
Thậm chí thời ấy các gia đình chỉ ở cách nhau có cái liếp tre mỏng. Cho nên mới có chuyện ăn thịt gà không dám chặt phải cắt bằng kéo, vợ chồng với nhau không dám nói to, quan hệ ân ái với nhau phải rón rén và hết sức kiềm chế. Khổ cấm kêu, sướng cấm rên.
Es tut mir Leid. Nếu thế thì các bạn nên hát là: “Trong những căn phòng cưới, em thích mầu da… người” cho nó… phấn khởi luôn. Mà Hitler cũng rất thích mầu da người đấy.
Ông tôi kể rằng trong một lần đến sơn nhà cho một nhà tư sản chuẩn bị đón năm mới tay Hitler đã đem lòng thương mến thương cô con gái chủ nhà. Dù là con nhà dòng tộc nhưng cô gái cũng rất yêu mến chàng Adolf. Đôi trẻ yêu nhau tha thiết; và tất nhiên là họ không lấy được nhau vì bị gia đình tư sản kia ngăn cản. Quân tư sản đúng là khốn nạn, phân biệt giai cấp, phân biệt sang hèn.
Nếu nhà tư sản kia không ngăn cản đôi trẻ thì có khi đã ngăn chặn được cả một thảm họa khủng khiếp của thế giới, và cả của gia đình mình. Nếu Hitler yên ấm trong hạnh phúc với người đẹp thì có khi tay ấy đã khác. Khi đã bị một em nó trói thì suốt ngày chỉ lo phụng sự nàng và gia đình chứ còn đâu thời gian mà tính chuyện bình định thế giới.
Hitler “bầm gan tím ruột” ra đi, hẹn một ngày rửa mối hận giai cấp sang hèn. Rồi chúng bay sẽ “biết thế nào là lễ độ”, chúng bay sẽ biết thế nào là bậc hảo hán thể hiện quả “cướp (chính quyền) trên giàn mướp” ngoạn mục như thế nào.
Trong Thế Chiến I, Hitler đã đầu quân cho một quân đoàn của vương quốc Bayern quê tôi và là một chiến binh can đảm, được thưởng huân chương Thập tự Sắt hai lần. Đây là hai tấm
huân chương mà chàng Adolf lấy làm hãnh diện vì đã mang chúng cho đến lúc chết. Anh lính Adolf không bao giờ để ý đến phụ nữ, không phàn nàn gì về gian khổ chiến trường, cực kỳ nghiêm túc. Khi Đức bại trận Hitler đã khóc lần thứ hai, sau lần mẹ mất. Ôi những giọt nước mắt hiếm hoi!
Sau Thế Chiến I do Hitler không được phép nói trước công chúng nên đã dốc toàn tâm toàn lực cho đảng Quốc xã. Hitler là nhà hùng biện vĩ đại và tay ấy đã nói về thuật hùng biện một cách rất hùng biện như sau:
“Uy lực trong lịch sử tạo ra những cơn lốc về tôn giáo và chính trị từ ngàn xưa đều là uy lực thần kỳ của lời nói, và chỉ do lời nói mà thôi.... Chỉ có thể khích động quần chúng bằng uy lực của lời nói. Mọi phong trào vĩ đại đều là phong trào quần chúng, là sự bùng nổ của nỗi mê đắm và xúc cảm của con người...”33
Ngay từ khi chưa tham gia vào hoạt động chính trị, anh trai trẻ Hitler đã bắt đầu tập luyện tài hùng biện đối với những cử tọa anh tìm được ở khu nhà trọ, bếp ăn từ thiện, góc đường phố. Dần dà, việc này phát triển thành một kỹ năng đáng sợ hơn là bất kỳ kỹ năng nào giữa hai cuộc thế chiến, và đóng góp phần lớn vào thành công đáng kinh ngạc của Hitler. Đây quả là một vũ khí rất lợi hại. Nhờ tài hùng biện cộng với lừa dối, sau này Hitler đã chinh phục được người dân Đức, giới quân đội, ngay cả giới truyền thông và các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Ngài thẳng bước thang mây, đến 32 tuổi đã lên làm Chủ tịch đảng và 44 tuổi thì ngài đã thành Thủ tướng. Chỉ một năm sau ngài đã nắm trọn quyền lực với cả hai chức Führer và Reichskanzler (Lãnh tụ và Thủ tướng đế quốc). Ngay lập tức ngài đã tập trung quyền lực thành một chế độ độc tài, loại trừ tất cả mọi thành phần đối lập. Các vị von34 “khủng” như Werner von Blomberg, Freiherr Wernner von Fritsch và Konstantin von Neurath dám lên tiếng cật vấn lý lẽ của Lãnh tụ đã bị toi.
Một người không có nền giáo dục cao, chỉ mang cấp bậc hạ sỹ trong Thế Chiến I, không có nhân thân tốt, không người đỡ đầu, không gia sản, những thành tựu của Hitler thật là đáng kể trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và quân sự.
Sự hồi phục kinh tế của Đức sau Thế Chiến I là thành tựu nổi bật, mà trong đảng cũng như các nhà kinh tế nước ngoài ca ngợi là phép lạ. Số người thất nghiệp từ 6 triệu năm 1932 giảm còn không đến 1 triệu bốn năm sau. Sản lượng và GDP tăng gấp đôi trong thời gian 1932-37. Tuy không giỏi về kinh tế, Hitler quy tụ được những kinh tế gia giỏi, đặc biệt là TS. Hjalmar Schacht, được coi như là nhà phù thủy kinh tế.
Hãy xem sử sách viết gì:
Về quân sự, từ quân đội bị Hòa ước Versailles hạn chế ở mức 100.000 người, Hitler tăng quân số lên gấp ba vào cuối năm 1934. Khi phát động tiến công Nga năm 1941, Đức huy động 3,2 triệu quân tiến theo trận tuyến dài 1.600 km.
Trước đó, sau khi quân Đức tràn sang Ba Lan, chỉ trong vòng 48 giờ, không quân Ba Lan đã bị hủy diệt, phần lớn trong số 500 máy bay hiện đại trúng bom của máy bay Đức trước khi có thể cất cánh. Quân đội Ba Lan tan nát chỉ sau một tuần. Thủ đô Warszawa thất thủ trong vòng bốn tuần.
Ngày 9 tháng 4 năm 1940, Đức đồng loạt tấn công Đan Mạch và Na Uy. Đan Mạch đầu hàng lập tức, còn Na Uy chống cự dằng dai và đầu hàng 2 tháng sau.
Ngày 10 tháng 5, Đức tấn công Pháp, Hà Lan, Bỉ và Luxembourg. Hà Lan đầu hàng năm ngày sau và Bỉ cầm cự không tới ba tuần. Chỉ trong vòng hơn một tháng từ lúc vượt biên giới Pháp, quân Đức tiến vào thủ đô Paris.35
(Trong đoàn quân nhập Pháp hào hùng ấy vài năm sau có một chàng trai say mê lí tưởng cách mạng, sau này đã trở thành
ông nội tôi – ngài Arschbacke von Kant)
Cuộc tấn công thần tốc qua Pháp một phần là từ quyết định của Hitler. Vốn luôn để ý đến những giải pháp táo bạo Hitler đã quan tâm đến phương án mới. Kết quả là Đức đánh qua nơi mà quân Đồng Minh bị bất ngờ nhất. Bằng chiến thuật Blitzkrieg (sấm sét), quân Đức tiến thần tốc đi vòng qua quân chủ lực của Đồng Minh. Hầu như toàn bộ quân đội Pháp bị sụp đổ.
Đến giữa năm 1942, Đức đã thôn tính khoảng 90% diện tích Tây Âu, chỉ trừ Thụy Điển, Vương quốc Anh, Scotland, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ; còn ở Bắc Phi, Đức chiếm đóng Tunisia, Lybia và một phần Ai Cập.36
Với tài năng, sức mạnh ghê gớm ta thấy Hitler là cả một đại diện lớn cho khả năng thu hút con người, tư duy sáng tạo và làm lãnh tụ của những người thuộc cung Dương cưu (21.3 – 20.4), như Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan, cha đẻ của Đế chế Đức Otto von Bismarck, các Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson và John Tyler, Tổng Bí thư ĐCSLX Nikita Khrushev, Thủ tướng Anh John Major, Phó tổng thống Mỹ - Nobel Hòa bình Al Gore, Microsoft CEO Steve Ballmer hay Tướng Colin Powell; các ngôi sao Alec Baldwin, Bette Davis, Gary Oldman, Heath Ledger, Jackie Chan, Jennifer Garner, Jessica Lange, Kate Hudson và Chuck Noris; các văn hào Emile Zola, Anatole France, Nicolai Gogol, Henry James, Samuel Beckett và Arthur Hailey; các thi hào Paul Verlaine, Andrew Lang, Seamus Heaney hay Charles Baudelaire; các danh ca Eric Clapton, Elton John, Diana Ross, Mariah Carey và Celine Dion; các danh hài Eddie Murphy và Charles Chaplin; danh họa Leonardo da Vinci và triết gia Rene Descartes; “đại danh tài” Giacomo Casanova… rồi là đương kim Giáo hoàng Benedict XVI.
Có câu chuyện từ hồi năm 1923 về bà thầy bói nổi tiếng nuớc Đức Frau Ebertin bỗng một hôm nhận được lá thư từ Munich của một nữ đảng viên một đảng cấp tiến mới nổi muốn xem số cho lãnh tụ của
mình nhưng giấu tên ông này. Frau Ebertin công bố lá số này trong tập Kỷ yếu đầu năm 1924:
Đây là một nhân vật hành động, sinh vào 20.4.1889. Mặt Trời chệch chòm sao Dương cưu 29 độ, là người khá liều lĩnh với việc quốc gia đại sự và cũng khá bất cẩn nên rất có thể châm ngòi cho một cuộc đại khủng hoảng. Những “hung tinh đắc địa” của ông này cho biết sẽ có thời thét ra lửa, lên đến “Quốc trưởng” chưa biết chừng, sẽ chỉ huy trận đánh lớn trong tương lai. Do ảnh hưởng chòm Dương cưu rất mạnh, ông ta sẽ hy sinh vì nước Đức, đối đầu mọi cảnh huống đầy can đảm bất chấp sống chết để gây xung động cho phong trào.
Tất nhiên bà Ebertin không thể ngờ rằng đây là lá số của chúa tể tương lai không xa của nước Đức Adolf Hitler.
Bà thầy bói này lại còn có dịp gặp lãnh tụ tận mặt. Bà mô tả: Ông ta tính nhút nhát, thích thu mình khi vắng vẻ, song lại hùng hồn khi diễn thuyết. Khi đã có đầy đủ thông tin hơn bà lấy một lá số mới chi tiết hơn và kết luận:
Chưa đâu, họ sẽ phát huy nội lực một cách ngoạn mục hơn nữa, đến mức khuynh đảo cả tình hình thế giới.
Những lời đoán quả thật phi phàm vào cái thời Hitler còn hàn vi và đảng Nazi còn vô danh, đang còn chìm nghỉm trong số hơn trăm đảng phái ở cái thời nhiễu nhương.
Hitler từng nói như một nhà cách mạng lớn vào năm 1939 (trước khi tiêu diệt Hà Lan và Bỉ):
“Tôi phải nói về tôi với tất cả sự khiêm tốn: không thể thay thế. Không ai trong giới quân sự hoặc dân sự có thể thay thế tôi... Tôi tin tưởng vào năng lực trong tri thức của tôi và quyết định của tôi... Không một ai đã tạo được thành tựu như tôi... Tôi đã dẫn dắt nhân dân Đức lên một tầm cao mới, dù cho nếu bây
giờ thế giới ghét bỏ ta... Vận mệnh của nước Đức chỉ tùy thuộc nơi tôi. Tôi sẽ theo đấy mà hành xử…”37
Quả là rất “khiêm tốn”!
Từ “đỉnh cao thế giới” Hitler nhìn nhân loại bằng nửa con mắt. Tay ấy muốn có một nhân loại hoàn thiện hơn, muốn có một giống người lành mạnh nhất. Trước hết ngài muốn thực hiện điều đó tại nước Đức; và vì thế, kẻ thù của Hitler còn là
người Do Thái, người Di Gan, người Slav, người đồng tính luyến ái, người tàn tật. Tuy nhiên, một bí ẩn vĩnh cửu đã tồn tại là có nhiều nguồn tin cho rằng Hitler cũng mang máu Do Thái, Slav và Bohemian, và là một kẻ đồng tính luyến ái. Sau khi sáp nhập Áo vào Đức Hitler đã san phẳng Döllersheim và Strones, là hương quán của ông bà cũng như bố mẹ của ngài nằm tại Waldviertel, khu vực phía tây bắc của tiểu bang Hạ Áo (Niederösterreich), để xây một Allentsteig (doanh trại huấn luyện binh lính). Có thể đây là một hành động che dấu gốc gác của Hitler với nhiều khả năng loạn luân. Ông Alois Hitler cũng đã lấy một cháu gái cọc chèo hệ thứ hai rồi đẻ ra Adolf Hitler.
Ông tôi còn kể giai thoại thú vị khác về Hitler. Ngài rất căm tính đê tiện của con người vì thế ngài đưa ra quan niệm: con người chỉ là một đống bầy nhầy những nước và nước, những khoảng trống xếp cạnh những khoảng trống mà những chất hóa học trong mỗi con người nếu đem phân tích và chiết xuất ra mà bán thì tổng giá trị chỉ vẻn vẹn 0,63 mark. Thật là rẻ mạt!
Vì thế dưới chế độ của ngài mới có phát minh ra máy chế tạo xà phòng từ… người. Đầu này vào một người (Do Thái, Di Gan, Slav, đồng tính luyến ái, tàn tật, tù binh…), đầu kia ra xà phòng.
Cái cách này quả có làm con người trở nên “có giá” hơn vậy! Xin cảm ơn ngài. Ngày xưa ở Việt Nam một bánh xà phòng giặt cũng phải phân phối và đắt đỏ vô cùng; cái gì cũng thiếu, chỉ có con người và sự đói khổ là có thừa. Thời tôi còn là sinh viên thì một bánh xà
phòng đã giặt rồi cũng vẫn mang đi bán được, hoặc đổi lấy chè đỗ đen hay cháo và bánh. Giá trị vô cùng, đủ để cứu đói cho cả một tiểu đội sinh viên Việt Nam.
Nicht zu fassen! Không thể tin được. Nhà văn các ông là chúa bịa chuyện. Nhà văn Việt Nam càng hay bịa, bịa đến mức không ngượng mồm. Bịa thối bịa tha; thảo nào văn học của các ông không phát triển được.
Điều “hơi bị” thú vị là khi chiếc máy làm xà phòng “không đụng hàng” đầu tiên ra đời, Hitler đã giành vinh dự cho cả nhà tên tư sản khi xưa, những kẻ đã quyết không cho ngài lấy con gái họ làm vợ, được làm nguyên liệu cho mẻ xà phòng đầu tiên của chế độ mới – chế độ xã hội dân tộc Nazi.
“Hitler đã nói là làm.” Cả thế giới đều biết điều đó.
Sự sụp đổ của nước Đức quốc xã của Hitler đã được báo trước trong Kinh Thánh: “Kẻ nào tin cậy nơi của cải mình sẽ bị xiêu ngã. Còn người công chính sẽ được xanh tươi như lá cây.”
Ôi… Người ta có những khi muốn bắn bùm bùm bùm vào đám đông chỉ vì trong lòng dấy lên những điều bất khả tri, chỉ vì mông muội. Họ muốn nổ súng vào con người chẳng qua là do sợ hãi trước những cái không biết. Họ rất dễ bị lợi dụng bởi những thế lực đen tối…
Vào một ngày đặc biệt trong cuộc thế chiến tại nhà nhà tiên tri Vanga có hai vị khách hết sức đặc biệt: Vua Bulgaria và Quổc trưởng Hitler.
Vua đưa Quốc trưởng đến đây xem viễn cảnh tương lai.
Bà Vanga nói đại ý: Tôi nhìn thấy trên cung điện nhà vua một lá cờ đỏ và ngài sẽ bị giai cấp thợ thuyền truất ngôi. Còn ngài (với Hitler) thì xin đừng tiến quân vào nước Nga, nếu không sự nghiệp của ngài sẽ tan nát tại đó.
Dù bị mù từ nhỏ nhưng bà Vanga vẫn cảm nhận được hai bộ mặt xanh lét của hai đại khách. Nhất là cái mặt ngài Hitler toát lên cái vẻ không tin. Biết thế bà ôn tồn: “Tôi biết ngài đây không tin. Sau nhà tôi có một cái chuồng ngựa và một con ngựa đang chửa to tướng, khoảng nửa tiếng nữa sẽ có một con ngựa con ra đời. Mời hai ông đến đó mà xem.” Nói rồi bà tả chi tiết con ngựa chưa ra đời ấy: lông mầu gì, có xoáy ở đâu, đốm ở đâu, có dị tật gì…
Hai đại khách đứng bên chuồng ngựa hôi thối đón chú ngựa non ra đời, và quả nhiên nó giống đúng như những gì bà Vanga đã tả. Mặt Hitler bỗng như vô hồn.
Thời gian ấy chính là lúc Hitler đang chuẩn bị tấn công Nga Xô, tiêu diệt bọn “con hoang của Thiên Chúa giáo”. Tiếc thay, đạn đã lên nòng. Đoàn tầu Nazi không thể dừng lại được nữa, rầm rập tiến về cõi chết (vì bệnh hoang tưởng?).
Tuy cũng có liên quan đến một số nhân vật chính và dăm ba chủ đề trong cuốn sách này nhưng, thật lòng, tôi cũng không biết tại làm sao mà Adolf Hitler lại ám tôi đến từng này trang sách!!
Ấy thế tôi cũng dám chắc rằng chẳng phải riêng tôi, cả nhân loại này sẽ không bao giờ quên tay ấy: một con người đã làm nên sự kiện kinh động nhất thế giới cho đến nay, một con người bằng xương bằng thịt thôi mà đã có những năm tháng trên cõi đời khiến cả loài người hàng tỷ nhân mạng này phải kinh sợ.
Vâng, chỉ là “một con người”!
[Cái luật bảo tồn năng lượng sờ sờ ra đấy từ bao đời mà chả mấy thằng người chăm chú tới. Mọi [ác/mãnh/nghiệp/tác/thiện] lực đều có phản lực. Mi muốn giết chết người ta thì thế nào cũng sẽ có vô vàn tha lực phản lại muốn giết chết mi. Kẻ hiểu đạo thường chọn giải pháp ĐUỔI ĐI chứ không màng đến ý muốn GIẾT CHẾT, vì chả có cái gì chết hẳn bao giờ.
Quân độc đoán chuyên quyền hung bạo mà nông cạn hãy nhớ lời ta!]
1
@
LỜI BÀN [PHÍM…] CỦA CÁC NETIZEN
Aries:
Đoạn về nàng Tô Thị thật hay, nhất là 2 câu cuối chốt hạ. ben t:
Bác có tin vào Kinh Thánh không? Em nghĩ là có, tại vì bác hay... giễu cợt nó!
Khanh Phuong:
Tôi mới đọc đến đây. Thấy triển khai những đoạn cắt dán và "ngoại đề" khá hợp lý.
Trần_X:
Đọc đến đây tôi thấy Hít về tài năng cá nhân thì quả là 1 thiên tài lỗi lạc có 1 không 2, nhưng về tư tưởng thì rỗng tuếch, man rợ và sai lầm. Điều kỳ lạ là dân Đức lại tin y. Tại sao dân tộc của những triết gia lỗi lạc lại cuồng tín vào 1 kẻ như vậy nhỉ?? Tại triết học là vô bổ?? Hay tại cá nhân và dân tộc là 2 thứ chẳng liên đới gì với nhau??
TÕM:
Bác ợ! Đọc tiểu thuyết của bác thì em thích nhưng có vẻ thách đố bạn đọc thông thường. Bác quẳng người ta sợi dây để còn bám mà đi theo trong đêm mịt tối chứ. Từng mẩu nhỏ thì mẩu nào đọc cũng sướng cái xúc tu cả! Hị hị.
ĐẶNG THÂN:
Dây dợ cũng dăm bẩy đường
Loại thì thô thiển loại dường như không Ý KIẾN CỦA BẠN:
7
Lại nói chuyện Mộng Hường.
Từ ngày Thích Tâm Chân đi lấy chồng em đã trở thành một người khác hẳn. Trước đây nàng năng đến cửa Phật vì ở đó có một vị trưởng đại diện dễ thương, sáng láng. Nàng tin vào Phật vì nàng tin vị trưởng đại diện. Vì thế mà nàng thánh thiện, ngoan hiền, “dịu dàng không chịu nổi”. Chứ thực ra khi soi kỹ vào lòng mình thì nàng thấy mình cũng rất hoang dã, thô bạo, giết chóc, ác tâm, dã thú. Hay là trong mỗi con người cũng đều có những cái ấy không biết nữa. Phải chăng “đồng khí tương cầu”, vì thế mà Hường đem lòng yêu thằng Bớp, một gã cha căng chú kiết, hung dữ, dã man? Còn thằng Bớp tuy thế nhưng lại có cái gốc rễ dịu dàng “nhân bản” của con người nên nó mới đem lòng yêu người con gái ngoan hiền một cách thánh thiện đến thế.
Ông đếk hỉu rì, nhà văn ạ.
Thực ra thì một con bé hấp rẫn thì luôn cần có 1 vệ sĩ nếu ko thì gay go xờ ki lém. Bớp là 1 vệ sỉ đích thực và chỉ có thía mừ thui ui ui nói thật iem đâu có iu đương gì nó nhất là ở cái tuổi mới lớn mực tím mực xanh lại càng ko bít tình iu là gì hì hì
Thực ra iem rất vinh hạnh khi được bít bác dưng mừ nhìu khi bác cũng hay suy bụng ta ra bụng ngừi ke ke mà nè thằng ngừi iu iem, cũng dở hơi lém dở hơi, ko chịu nủi. Iem có mún ló thần thánh hóa iem đâu zì khi iem iu nó iem cũng rất kần cái mãnh thú của ló thía mừ ló chỉ được cái mãnh thú với ai ai chứ iem cần ló mãnh thú với iem thì nó lại ko mãnh thú. Thía mới chim cú anh Thân ơi. Nhìu khi iem thấy em rở hơi, nó rở hơi, cả làng iem rở hơi…
Mộng Hường ui em mún chưởi thía nào cũng được. Oki em.
Chồng của Thích Tâm Chân không phải ai xa lạ. Chính là thầy giáo chủ nhiệm của thằng Bớp.
Thầy tên là Sơn, tuổi Mùi. Cuộc đời thầy kể như cũng hạnh phúc trọn vẹn nếu như không bị thằng Bớp chửi. Vợ thầy cũng là một người đảm đang, mở cửa hàng xôi thịt ở phố huyện. Thầy phải ăn xôi thừa của vợ nhiều nên cứ béo bóng nhẫy ra. Nhiều khi đến lớp người thầy vẫn sặc mùi hành mỡ. Thầy lại hói, mà đầu thầy lại có vết sẹo từ hồi thầy đi bộ đội nên càng hói thì vết sẹo lại càng lồ lộ, trông như một vết chém. Thầy chẳng phải lo gì cho vợ con nhờ cái cửa hàng xôi thịt của vợ. Mọi việc trong nhà và nội ngoại vợ thầy lo tất, cả việc ăn học của con cái. Thầy chỉ việc ung dung đi dậy rồi cơm gà cá gỡ tối ngày, không phải đi dậy thêm, cái mà thầy cô nào cũng phải dốc sức dốc lòng.
Sẵn thời gian thầy Sơn hay đi sinh hoạt với các nhóm văn thơ ở huyện nhà và đi lễ chùa. Thầy đi lễ chùa chăm lắm, đủ cả mọi ngày sóc vọng và những ngày không đâu vào đâu. Đi chùa nhiều thầy càng được gặp Thích Tâm Chân nhiều. Mà Tâm Chân đẹp thật, đẹp hơn con sề bán xôi lắm lắm. Đã đẹp lại hiểu biết nữa, bố ai mà kiềm chế được. Ý là kiềm chế cái khoản lên chùa.
Tâm Chân dường như cũng có quý mến thầy Sơn. Sư thường chia lộc chùa cho thầy mỗi ngày thầy đến chùa. Thầy cũng là người hay chữ nên Tâm Chân lại càng cảm mến. Cả cái chùa này Tâm Chân cũng chẳng biết nói chuyện kinh bổn với ai. Toàn bọn thất học, gửi đi học các nơi mãi vẫn chẳng biết gì thì còn kinh bổn gì nữa. Vì thế mỗi khi thấy thầy Sơn đến là Tâm Chân đều thấy khác lạ.
Thầy Sơn giỏi, đọc sách nhiều nên cũng biết nhiều lẽ Phật. Thầy bảo hàng ngày thầy vẫn đọc Kinh nhật tụng, Phật học nhập môn và... Tây du ký; toàn những sách viết về Phật hay trẩy kinh. Tâm Chân rất thích nghe thầy Sơn kể chuyện Tây du ký. Tâm Chân cũng thích nhân vật Tôn Ngộ Không. Nhưng mỗi khi nhớ đến tôn chỉ nhà Phật với những “sắc sắc không không” Tâm Chân không khỏi thắc mắc là các bậc đắc đạo sao chỉ có Ngộ Không mà chẳng thấy nhân vật nào tên là Ngộ Sắc. Tâm Chân thầm nhủ trong lòng nếu trên đời đã có
Ngộ Không lưu danh thiên cổ, cớ sao mình không thành Ngộ Sắc Bồ Tát. Tâm Chân khoái cái sắc danh “Ngộ Sắc Bồ Tát” lắm nhưng chỉ thầm sướng âm ỉ trong lòng chứ chưa dám nói với ai, sợ ảnh hưởng đến đường danh nghiệp. Khi Tâm Chân tâm sự điều đó với Sơn đã được Sơn tung hô nhiệt liệt.
“Tâm Chân nói đúng lắm. Sơn cũng thường thấy trong đời mỗi khi khai lý lịch hay hồ sơ cán bộ, tại sao đến mục tôn giáo ai cũng thường khai là ‘Tôn giáo: Không’? Tôn giáo đã là ‘sắc sắc không không’ vậy thì tại sao người ta chỉ khai là ‘Không’? Thế là có lần Sơn đã khai cho mình là ‘Tôn giáo: Sắc’. Hậu quả là Sơn đã không được kết nạp đảng mặc dù theo học các lớp cảm tình đã lâu. Buồn nẫu cả lòng vì không được vào đảng, vì coi như sự nghiệp chính trị của Sơn đã chấm dứt. Thế là Sơn chẳng coi ai ra gì nữa. Ăn nói sinh hoạt bừa phứa. Vì thế mà đã lâu chúng nó không cho lên lương. Sơn chẳng cần lương. Mọi việc tiền nong đã có con mẹ bán xôi lo hết cả rồi. Xôi thịt muôn năm! Bây giờ Sơn chỉ có mỗi việc lên chùa với Tâm Chân mà thôi.”
“Nỡm ạ!” Tâm Chân cười nửa miệng. “Phải gió cái nhà anh này!”
Sơn bất thình lình hôn Tâm Chân chụt một nhát. Lần đầu tiên nên Tâm Chân cũng tát cho một nhát.
Cuộc đời đang xuôi chèo mát mái đùng một cái con mẹ bán xôi lăn ra chết tốt. Ung thư vòm họng, hình như là cả bệnh máu trắng.
Thầy Sơn khóc suốt 100 ngày. Thầy khóc cho vợ và cũng khóc cho thầy.
Mấy lâu nhờ vợ nên thầy cũng được nhênh nhang lại chẳng phải lo gì cho con cái. Bây giờ cả nhà bốn miệng ăn thì cái đồng lương chết đói của thầy làm sao nuôi nổi. Đã thế cái con đường tiến thân của thầy thì coi như đã bị bịt kín. Thầy Sơn buồn đến nỗi muốn tự tử. Thầy chểnh mảng dậy dỗ, vì thế mới bị thằng Bớp nó bêu riếu ngay tại cổng trường.
Hàng ngày sau giờ lên lớp thầy Sơn chẳng còn biết đi đâu nữa, lại vào chùa.
Mỗi lần gặp Tâm Chân thầy Sơn không còn hăng hái ngang ngạnh như trước. Mặt thầy buồn hắt hiu. Nếu Tâm Chân là đàn ông thì có khi thầy Sơn đã khóc ròng trước mặt. Tâm Chân cũng mủi lòng vô cùng, ôm vai vỗ về an ủi thầy Sơn hết nhẽ. Thầy Sơn cũng đáp lại: ôm vai, vỗ về, an ủi.
Cuộc sống của thầy Sơn cứ thế đi xuống dốc không phanh. Vì làm việc chểnh mảng nên thầy Sơn lại còn bị cúp lương.
Thất vọng bã bời thầy đi đến một ngôi chùa xa bắt một quẻ thẻ. Nghe nói quẻ chùa này rất linh nghiệm, ai xem cũng thấy đúng. Trong quẻ thẻ của thầy Sơn có câu:
Tự nhiên thông cảm sâu xa
Giờ nên lấy vợ coi là hoàng kim.
Thầy Sơn cũng thấy bất ngờ. Nhưng mà lấy ai bây giờ?
Trong khổ đau vật vã thầy Sơn lại vào tâm tình với Tâm Chân. Thầy Sơn tính có khi phải bỏ việc vì chán cái nghiệp gõ đầu trẻ lắm rồi.
Nhà trường nhường trà uống nước trong,
Thầy giáo tháo giầy đi chân đất.
Câu đối trào phúng ấy bây giờ thật đúng với thầy Sơn, kẻ vẫn đang hàng ngày phải “bán cháo phổi”, hay là có người còn nói câu này nghe kinh hơn: “Cắt miếng phổi bỏ dạ dầy”. Nhưng mà làm gì bây giờ? Tâm Chân nghe rồi cũng phát ra hai hàng lệ. Lệ rơi lã chã, lời chợt vô ngôn. Mọi lời nói trước nỗi khổ đau của người khác đều là đạo đức giả. Tâm Chân biết điều đó, vì thế Tâm Chân không nói gì nữa. Tâm Chân khóc. Sơn cũng khóc. Không biết họ đang khóc vì cái gì. Không biết Tâm Chân khóc vì thương người hay vì thương mình.
Tại sao là một phụ nữ mà Tâm Chân không được quyền có con? Không được sung sướng và đau khổ vì con? Tại sao… và tại sao?
Tâm Chân bỗng gục đầu trên vai Sơn nghẹn ngào nức nở. Cái đầu hói của Sơn cũng mềm oặt dần trên cái đầu trọc của Tâm Chân. Thật đúng là:
Đoản mao phùng vô mao,
Thị kỳ hoa dị thảo.
Trời ơi thơm lắm mùi da thịt. Không biết tinh thần của Tâm Chân đang ở đâu chứ xác thịt này thì đúng là xác thịt phàm. Ôi xao xuyến và sung sướng. Cũng đã lâu Sơn xa vắng đàn bà. Thế là…
Sau khi cái cảm xúc to lớn ấy đến với cả hai người, Sơn đã làm bài thơ độc đáo, đáng ghi vào Văn học sử nước nhà, nay tôi xin chép ra đây:
Xao xuyến & Sung sướng
Xốn xang chuột rúc xục xùng xung
Náo nức nôn nao thị não nùng
Sinh kí tử quy sao sồn sột
Mõ mòng mồng mộng giấc mung mung
*
Bôi bác chi bớ những bà bác ba bốn bự
Cự nự gì các chàng hang cau có cay cú du côn
Dáo dác mặt dơ dung dăng dãi dầm dâm dật lù dù
Đập đầu mày đu đơ đù đờ đảo điên đần độn đứng đắn Xao xuyến xôn xao
Gầm gừ gạ gẫm kiếp người nơi gừ gào thét gắt gao
Hung hăng bọ xít hôn hít hụt hịt
Dằng dặc gót giầy dẫm giẫy
Kêu như cha chết kền kệt kèn kẹt
Sung sướng sồn sồn
Lồng lộn lật lao luễnh loãng lí luận nước lòng lao lực Mong mỏi mòn mỡ mãng mong manh mạnh mồm yếu mõm Nỗi éo le nanh nọc nào đưa vào nơi nền nã
Ngúng nguẩy ngông nghênh lộn xộn ngôn ngồn ngộn Xao xuyến xông xênh
Nhanh nhẩu chi cẩu thâu nhi thử thiết nhũng nhẵng nhênh nhang Pa nô pa ra bôn pa tê pa ra phin pa tanh pa pa ra zi pa pa Phờ phạc chu cha toàn cầu phung phí hiện thực thậm phồn Quờ quạng loăng quăng đâm quàng lục giác người quê Sung sướng sơ sơ
Run rẩy cành mai lìa rừng mừng xuân rậm rịt
Sin sít sụt sịt mỡ thịt sục sôi trào dâng sốc sa sầm sa sẩy sàm sỡ sành sỏi sát sinh sặc sụa sờ soạng
Tếu táo tanh tao tan tành pháo đốt đít táo tập tành báo cáo tung tin
Thều thào tha thiết cầu xin thênh thang bên đời thỗn thệ
Xao xuyến xa xăm
Trộn trạo lao xao tráo trở trụt trịt mờ trông tròng trành đất trời trệu trạo
Vênh vang vớ vẩn vồn vã cả vú lú mề vội vàng vơ
Xào xáo xà bông xà beng xà xẻo xài xể xàm xỡ xàng xê xành xạch xao xác xăm xỉa xầm xì xây xẩm xấc xược xề xệ xoắn xuýt xắc xô
Zê rô
Sung sướng làm sao...
Bài thơ này “hàng độc” ở chỗ nó được “gieo vần” theo phụ âm, không theo vần nguyên âm tẻ nhạt theo kiểu của mọi người – từ nhà thơ đến không phải nhà thơ, từ nhà thơ lớn đến nhà thơ bé. Ngoài hai phụ âm chủ đạo là “x” và “s” thì, ghê gớm thay, bài thơ này còn đi một loạt tất cả các phụ âm từ “b” tới “z”, thật là cao tay.
Chắc là Sơn đã bị cụ Nguyễn Du ám ảnh với những
Đội trời đạp đất ở đời
và
Đại quân đồn đóng cõi đông
chăng? Những phụ âm “đ” lặp đi lặp lại vang lên tả anh hùng Từ Hải thật là mạnh mẽ, hùng tráng bậc nhất. Những câu ấy như những giọt cà cuống đã góp phần làm nên một tuyệt tác độc nhất vô nhị tầm cỡ thế giới có tên Đoạn trường tân thanh.
Và, như những người khác cùng thời, tất yếu Sơn không thể thoát khỏi sức ảnh hưởng của Tố Hữu được. Như câu này
Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên
chẳng hạn. Tố Hữu cũng có những câu chơi “vần phụ âm” ác liệt.
Ôi, phải chăng hai (đại/tiểu) thi hào họ Nguyễn ấy đã dự phần vào việc hình thành nên “tính cách” hay là thi pháp của bài thơ trên? Có lẽ chỉ có tình yêu mới làm cho người ta thăng hoa được đến thế trong sáng tạo.
Đọc kỹ bài thơ của Sơn tôi thấy nhiều câu quá đã, trên cả tuyệt vời của tuyệt vời:
“Náo nức nôn nao thị não nùng…” Ôi cái cuộc đời phồn tạp, náo động này ơi, ham hố cho lắm rồi cũng đến cảnh não nùng mà thôi. Đằng nào cũng “sinh ký tử quy” chứ có việc gì mà phải “sồn sột” lên.
“Mõ mòng mồng mộng giấc mung mung” thì thật đắt, cái “mộng mõ mòng” trong “giấc mung mung” của kiếp người “mộng trung hữu mộng” sao mà vô thường đến vậy. Những ngôn từ còn hiển lên những u mê trong những u mê.
Trong mê lộ khôn lường ấy mà còn huếnh hoáng thì thật là đáng phỉ nhổ tất cả: “Đập đầu mày đu đơ đù đờ đảo điên đần độn đứng đắn”. “Đu đơ”, “đần độn” đều đáng trách, đáng thương; “đảo điên” thì đáng ghét, đáng giận; nhưng “đứng đắn” quá mức thì cũng dễ trở nên lố bịch và “khí” tởm trong cõi Ta Bà này.
Tôi chưa thấy câu thơ nào nói rõ về kiếp người như câu này: “Gầm gừ gạ gẫm kiếp người nơi gừ gào thét gắt gao”.
Câu này tả giới trí thức thật hay: “Lồng lộn lật lao luễnh loãng lí luận nước lòng lao lực”.
Đây là vũ trụ: “Trộn trạo lao xao tráo trở trụt trịt mờ trông tròng trành đất trời trệu trạo”.
Đây là bộ mặt của quá nhiều những quan lớn: “Vênh vang vớ vẩn vồn vã cả vú lú mề vội vàng vơ”.
Đây là đời: “Xào xáo xà bông xà beng xà xẻo xài xể xàm xỡ xàng xê xành xạch xao xác xăm xỉa xầm xì xây xẩm xấc xược xề xệ xoắn xuýt xắc xô”.
Có thế mới thấy khi buông câu “Zê rô” người ta mới “sung sướng làm sao”.
Mùa đông năm ấy chưa kịp tan giá thì mùa xuân đã đến sớm. Có một người con gái xuất gia đã tìm đường về nhà.
Nhà ta đâu? Thế giới là nhà. Thân xác là nhà. Nhân gian là một bãi tha ma. Mỗi xác thân là một nấm mồ. Mỗi linh hồn đều không tổ bơ vơ. Sống gửi thác về, ai đang sống chả như đã chết. Vậy thì, nam mô A Di Đà Phật, hãy cho con được chết trong vòng tay người yêu. Con dẫu biết bể tình đầy nghiệp chướng, nhưng náu mái chùa dường như nghiệp chướng lại dầy thêm. Thôi, Trời Phật hãy coi con như đã chết. Nhưng con biết chết là chưa hết…
Một màn mặc cả hay dã man!
Trời đất ơi sao mưa tuyết giăng đầy. Băng giá ấy khiến người tìm hơi ấm. Mô Phật, hãy cho con hơi ấm… Dù đó là hơi ấm quằn quại, hơi ấm rồ dại, hơi ấm khổ tâm, hơi ấm tầm tầm, hơi ấm hâm hâm… thì âu cũng được. Không! Hãy cho con lửa, dù là lửa Địa Ngục!
Walt Whitman đã nói rồi: “Linh hồn là cơ thể.” Khi cơ thể được giải thoát thì linh hồn ngươi mới được giải thoát.
Vâng, đúng thế. Người Libanon kỳ tài (không hiểu sao tôi rất quan tâm đến Libanon) – thi nhân Khalil Gibran – cũng nói rồi:
Tình yêu không có một khát vọng nào khác ngoài việc thỏa mãn bản thân
Nhưng nếu bạn yêu và cần có khát vọng thì hãy để
những điều sau là khát vọng của bạn:
Được tan chảy và giống như một dòng suối róc rách nhạc điệu trong đêm tối
Được hiểu nỗi đau khi có quá nhiều sự yêu thương
Được thương tổn bởi chính những khám phá của bạn về tình yêu
Và chẩy máu một cách sẵn sàng và vui sướng
Được thức dậy lúc bình minh với một trái tim cất cánh và cám ơn vì lại có thêm một ngày nữa để yêu đương
Được đến với một giấc ngủ trưa và suy tư về niềm hạnh phúc khôn tả của tình yêu
Được trở về nhà lúc chiều hôm với một sự biết ơn vô hạn
Và để ngủ với một lời cầu nguyện cho người yêu thương trong tim bạn và một bài hát ngợi ca trên môi.
Ui jời iem Mộng hường đây chả hiểu gì iem đếk kần hỉu mà hỉu để làm jì iem đến thăm Thích chân thâm (sorry, Tâm Chân) đây. Hình như có 1 con mèo vừa bay qua nóc nhà…
@
LỜI BÀN [PHÍM…] CỦA CÁC NETIZEN
quê choa:
He he đọc cứ rối như canh hẹ nhưng mà hiểu được. quê choa:
Trời ơi, em phản đối ông nhà văn mang thơ vào miệng nhân vật để tự PR mình he he… Mà chương 7 viết khiếp thế :D
ĐẶNG THÂN:
Công nhận cái ông nhà văn này PR trơ trẽn thật.
TranAnh painter:
Văn của bác đọc có vần điệu như thơ, còn thơ phụ âm thì dường như chán chả thèm thơ thơ thẩn thẩn thế mà thấy vẫn thơ lắm bác. hihi.
Khanh Phuong:
He, ông bác cẩn thận kẻo lại rơi vào một giọng thì phí cả công Hậu-hại điện. Cảm ơn ông bác bày nhiều trò cho bà con được vui!
ĐẶNG THÂN:
Ý KIẾN CỦA BẠN:
8
3 năm.
Ông nội của Schditt đã dọc ngang khắp nước Pháp suốt 3 năm, cho đến ngày Đức bại trận. Hành trang người lính chẳng có gì đáng giá ngoài… hai khẩu súng (một để sinh, một để diệt). Ba năm ở Pháp không phải là “ba năm trấn thủ lưu đồn…” vì ở đây gái đẹp gái xấu nhiều như cát sông Hằng. Gã trai Arschbacke von Kant đang thì sung mãn nên “tẩn không biết mỏi” (như lời Lev Tolstoy tâm sự với Maxim Gorky)…
Arsch đã từng múc bậy trên sông Rhône và bú liếm trên sông Seine; vãi lên người gái sông Saône hay vừa hát ông ổng vừa đốt âm mao trên sông Isère; vừa chửi bới giống nòi Gaulois vừa chơi quỵt trên sông Loire, vừa mắng mỏ giống Aryan vừa làm mấy choác trên sông Gironde. Arsch đã từng đi xem sex show và xem vũ nữ Pháp vén váy nhẩy “France Can-Can” ở Moulin Rouge hay nghe nhạc kịch ở Opéra Garnier. Arsch đã từng bóp vú đàn bà giữa nhà thờ Sacré Cœur ở Montmartre và hiếp gái nhà lành ở Palais de Chaillot. Arsch đã từng bị nhiễm bệnh lậu ở điện Invalides và dính giang mai bên cầu Alexandre-III. Thậm chí gã đã từng làm các soeur mang bầu ở Île de la Cité và hiếp các bé gái vị thành niên trong nghĩa trang Père Lachaise…
Père-Lachaise là một nghĩa trang hết sức đặc biệt!
Trước hết, các nhân vật nổi tiếng được chôn nơi này quả thật là đông như kiến, danh sách sau đây chỉ là ví dụ:
· Alain, triết gia
· Antonio de La Gandara, họa sỹ
· Guillaume Apollinaire, đại thi hào
· Miguel Ángel Asturias, Nobel Văn học 1967, người da đỏ Guatemala
· Honoré de Balzac, đại văn hào
· Henri Barbusse, tiểu thuyết gia – đảng viên ĐCS Pháp · Paul Barras, đại chính khách của Cách mạng Pháp
· Pierre-Augustin Caron de Beaumarchais, làm đủ các loại “nhà” ác liệt nhưng thường được biết đến như là đại kịch tác gia
· Gilbert Bécaud, đại ca sỹ với biệt danh Monsieur 100,000 Volts · Vincenzo Bellini, nhạc sỹ opera
· Sarah Bernhardt, đại nghệ sỹ của thế kỷ XIX – được mệnh danh “la divine”
· Fulgence Bienvenüe, cha đẻ hệ thống tầu điện ngầm Métro Paris · Georges Bizet, đại nhạc sỹ - cha đẻ của vở opera Carmen · Ettore Bugatti, cha đẻ của các siêu xe
· Frédéric Chopin, đại nhạc hào
· Colette, nữ sỹ
· Jean-Baptiste Camille Corot, họa sỹ nổi tiếng về tranh phong cảnh
· Thomas Couture, họa sỹ
· Edouard Daladier, chính khách & Thủ tướng năm 1933 · Alphonse Daudet, đại văn hào
· Jacques Louis David, đại họa sỹ
· Eugene Delacroix, đại họa sỹ
· Juliette Dodu, nữ anh hùng của Chiến tranh Pháp-Phổ · Gustave Doré, họa sỹ & điêu khắc gia
· Michel Drach, đạo diễn & diễn viên điện ảnh
· Isadora Duncan, vũ ballet
· Paul Eluard, thi hào siêu thực
· Max Ernst, họa sỹ & thi sỹ của Dada & siêu thực
· Jean de la Fontaine, đại văn hào ngụ ngôn
· Stephane Grappelli, nghệ sỹ nhạc jazz
· Samuel Hahnemann, cha đẻ của phép chữa bệnh vi lượng đồng căn
· Jean Auguste Dominique Ingres, đại họa sỹ
· Allan Kardec, nhà giáo dục – người đặt nền tảng cho Thông linh Hội
· Rene Lalique, nghệ sỹ thủy tinh
· Ferdinand de Lesseps, nhà ngoại giao
· Nestor Makhno, nhà cách mạng Ucraina
· Georges Méliès, nhà làm phim
· Maurice Merleau-Ponty, triết gia
· Jules Michelet, nhà sử học
· Amedeo Modigliani, họa sỹ & điêu khắc gia