🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook 10 Vạn Câu Hỏi Vì Sao - Khoa Học Công Trình - Nguyễn Văn Mậu full prc pdf epub azw3 [Tự Nhiên Học] Ebooks Nhóm Zalo LỜI NHÀ XUẤT BẢN Mười vạn câu hỏi vì sao là bộ sách phổ cập khoa học dành cho lứa tuổi thanh, thiếu niên. Bộ sách đã dùng hình thức trả lời hàng loạt câu hỏi "Thế nào?", "Tại sao?" để trình bày một cách đơn giản, dễ hiểu một khối lượng lớn các khái niệm, các phạm trù khoa học, các sự vật, hiện tượng, quá trình trong tự nhiên, xã hội và con người, giúp cho người đọc hiểu được các lí lẽ khoa học tiềm ẩn trong các hiện tượng, quá trình quen thuộc trong đời sống thường nhật, tưởng như ai cũng đã biết nhưng không phải người nào cũng giải thích được. Bộ sách được dịch từ nguyên bản tiếng Trung Quốc do Nhà xuất bản Thiếu niên Nhi đồng Trung Quốc xuất bản. Do tính thiết thực tính gần gũi về nội dung và tính độc đáo về hình thức trình bày mà ngay khi vừa mới xuất bản ở Trung Quốc, bộ sách đã được bạn đọc tiếp nhận nồng nhiệt, nhất là thanh thiếu niên, tuổi trẻ học đường. Do tác dụng to lớn của bộ sách trong việc phổ cập khoa học trong giới trẻ và trong xã hội, năm 1998 Bộ sách Mười vạn câu hỏi vì sao đã được Nhà nước Trung Quốc trao "Giải thưởng Tiến bộ khoa học kĩ thuật Quốc gia", một giải thưởng cao nhất đối với thể loại sách phổ cập khoa học của Trung Quốc và được vinh dự chọn là một trong "50 cuốn sách làm cảm động Nước Cộng hoà" kể từ ngày thành lập nước. Bộ sách Mười vạn câu hỏi vì sao có 12 tập, trong đó 11 tập trình bày các khái niệm và các hiện tượng thuộc 11 lĩnh vực hay bộ môn tương ứng: Toán học, Vật lí, Hoá học, Tin học, Khoa học môi trường, Khoa học công trình, Trái Đất, Cơ thể người, Khoa học vũ trụ, Động vật, Thực vật và một tập Hướng dẫn tra cứu. Ở mỗi lĩnh vực, các tác giả vừa chú ý cung cấp các tri thức khoa học cơ bản, vừa chú trọng phản ánh những thành quả và những ứng dụng mới nhất của lĩnh vực khoa học kĩ thuật đó. Các tập sách đều được viết với lời văn dễ hiểu, sinh động, hấp dẫn, hình vẽ minh hoạ chuẩn xác, tinh tế, rất phù hợp với độc giả trẻ tuổi và mục đích phổ cập khoa học của bộ sách. Do chứa đựng một khối lượng kiến thức khoa học đồ sộ, thuộc hầu hết các lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội, lại được trình bày với một văn phong dễ hiểu, sinh động, Mười vạn câu hỏi vì sao có thể coi như là bộ sách tham khảo bổ trợ kiến thức rất bổ ích cho giáo viên, học sinh, các bậc phụ huynh và đông đảo bạn độc Việt Nam. Trong xã hội ngày nay, con người sống không thể thiếu những tri thức tối thiểu về văn hóa, khoa học. Sự hiểu biết về văn hóa, khoa học của con người càng rộng, càng sâu thì mức sống, mức hưởng thụ văn hóa của con người càng cao và khả năng hợp tác, chung sống, sự bình đẳng giữa con người càng lớn, càng đa dạng, càng có hiệu quả thiết thực. Mặt khác khoa học hiện đại đang phát triển cực nhanh, tri thức khoa học mà con người cần nắm ngày càng nhiều, do đó, việc xuất bản Tủ sách phổ biến khoa học dành cho tuổi trẻ học đường Việt Nam và cho toàn xã hội là điều hết sức cần thiết, cấp bách và có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa nhân văn rộng lớn. Nhận thức được điều này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho xuất bản bộ sách Mười vạn câu hỏi vì sao và tin tưởng sâu sắc rằng, bộ sách này sẽ là người thầy tốt, người bạn chân chính của đông đảo thanh, thiếu niên Việt Nam đặc biệt là học sinh, sinh viên trên con đường học tập, xác lập nhân cách, bản lĩnh để trở thành công dân hiện đại, mang tố chất công dân toàn cầu. NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC VIỆT NAM 1. Giao thông trong tương lai sẽ như thế nào? Có bao giờ bạn tưởng tượng rằng bạn ngồi vào tên lửa để đi du lịch Vũ Trụ chưa? Bạn có thể tin rằng ô tô có thể chạy trên đường bộ, lại có thể bay trên bầu trời và lội dưới nước được không? Nếu bạn muốn đi du lịch khắp thế giới bạn chỉ cần ngồi ở nhà đưa kế hoạch du lịch vào máy vi tính, thì mọi lộ trình đều được sắp xếp thoả đáng... Những điều ấy nghe ra giống như là ảo tưởng, nhưng "giấc mộng" đó hoàn toàn có thể trở thành hiện thực trong tương lai không xa. Trong tương lai theo đà phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, dù là hình dáng bên ngoài, tính năng và nhiên liệu của phương tiện giao thông kiểu mới, hay là quan niệm và hình thức giao thông đều sẽ có nhiều biến đổi quan trọng. Chẳng hạn như loại ô tô dùng cho cả trên bộ, dưới nước và trên không được điều khiển hoàn toàn bằng máy vi tính sẽ ra đời. Khi bạn đi trên đường bộ gặp phải ách tắc, nó có thể tự động bay lên, khi bạn đến bờ biển, nó có thể trực tiếp chạy ra biển cả, như các du thuyền vậy. Tốc độ xe lửa trong tương lai sẽ vượt tốc độ âm thanh, tiêu biểu là loại xe lửa chạy trên đệm từ siêu dẫn, phối hợp với đường hầm chân không đặc biệt, tốc độ của xe lửa sẽ vượt quá 1000 km/giờ, lúc đó, có nhiều người sẽ chọn xe lửa chứ không chọn máy bay làm phương tiện đi lại. Chắc chắn bạn biết loại tàu thuỷ chở khách hai thân. Đặc điểm chính của loại tàu này là ổn định, chở được nhiều người. Hiện nay, các nhà khoa học đang nghiên cứu đưa hình thức giao thông này lên không gian. Dự kiến đối với loại máy bay chở khách loại lớn hai thân, bốn động cơ sẽ có thể chở 2000 hành khách trở lên, hơn nữa tốc độ, độ ổn định cũng được tăng cường rất nhiều. Trong một tương lai không xa, tàu ngầm sẽ không còn là phương tiện chuyên dùng cho quân sự và nghiên cứu khoa học nữa. Con người sẽ đi tàu ngầm tham quan đáy biển, tàu ngầm sẽ lặn xuống đáy biển sâu hàng trăm mét, ngắm cảnh sắc kỳ diệu ở dưới đáy biển. Ngoài ra tàu ngầm sẽ trở thành một loại phương tiện giao thông cỡ lớn thực dụng, bởi vì chạy ở dưới nước không chịu ảnh hưởng của sóng gió, hành khách sẽ cảm thấy đặc biệt thoải mái, dễ chịu. Trong một tương lai không xa, các loại phương tiện giao thông sẽ dùng nhiên liệu chủ yếu là năng lượng Mặt Trời và năng lượng nguyên tử, các loại năng lượng này sạch, không ô nhiễm, mà động lực lại lớn, sử dụng vô tận. Các loại ô tô, xe lửa, máy bay, tàu thuỷ đều được điều khiển bằng máy vi tính, vừa chuẩn xác, vừa an toàn. Mặt khác, các phương tiện giao thông tương lai sẽ có dáng vẻ bề ngoài mỹ quan, trang bịthích hợp, tiện lợi, làm cho hành khách có cảm giác rất thoải mái khi đi tàu xe. Từ khóa: Phương tiện giao thông trong tương lai. 2. Tại sao các phương tiện giao thông có thể đồng thời hoạt động mà không cản trở lẫn nhau? Chúng ta đều biết rằng, muốn đi qua biển hoặc qua sông mà không có cầu thì phải dùng tàu thuyền, đương nhiên cũng có thể dùng máy bay, còn đi lại ở trên bộ, nếu quãng đường dài, thì thường đi tàu hỏa hoặc máy bay để rút ngắn thời gian của hành trình, đoạn đường ngắn hơn thì dùng ô tô là thuận tiện nhất. Hiện nay, tình hình giao thông ở nhiều vùng và đô thị rất phát triển, chẳng hạn như giữa Nam Kinh và Thượng Hải thì có máy bay, xe lửa, ô tô và tàu thuỷ, tuỳ hành khách lựa chọn. Các hình thức giao thông đó cạnh tranh lẫn nhau, nhưng vẫn có thể cùng tồn tại, tại sao vậy? Mọi hình thức giao thông đều có ưu điểm riêng, do đó đều có giá trị để tồn tại và phát triển. Xe lửa về cơ bản không chịu ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết, cho dù trời có đổ mưa hay nổi gió, sương mù hay tuyết rơi, thì thông thường xe lửa vẫn khởi hành đúng giờ, đến ga cũng đúng giờ, tốc độ của xe lửa cũng tương đối nhanh, độ an toàn tương đối cao, do đó từ lâu, xe lửa vẫn là phương tiện chủ yếu cho việc vận chuyển đường dài ở trên bộ, chẳng hạn như việc điều vận vật tư từ đông sang tây, từ nam sang bắc ở Trung Quốc, chủ yếu là sử dụng đường sắt. Vận chuyển đường bộ là một trong những hình thức giao thông vận tải phát triển nhất trong mấy năm lại đây. Đặc biệt, cùng với việc xây dựng đường cao tốc ở các địa phương và tính năng của ô tô ngày càng được nâng cao mạnh mẽ, tốc độ của ô tô đã có thể so sánh với xe lửa. Ưu thế lớn nhất của giao thông vận tải đường bộ là mạng lưới đường bộ chằng chịt khắp nơi, ô tô vận hành cơ động linh hoạt, có thể đi đến mọi ngõ ngách của thành phố và nông thôn, dù là hành khách hay là hàng hoá đều có thể phục vụ "đến tận nhà", do đó rất được mọi người ưa chuộng. Tuy nhiên, so với xe lửa về mặt nhân lực, vật lực và nhiên liệu thì ô tô hao phí nhiều hơn. Trong tất cả các phương tiện giao thông máy bay có tốc độ nhanh nhất, nhưng tiêu thụ nhiên liệu và chi phí vận chuyển cũng cao nhất, còn tàu thuỷ thì tốc độ chậm nhất và dễ bị ảnh hưởng của thời tiết xấu. Đối với xã hội hiện đại, con người rất coi trọng giá trị của thời gian, do vậy đi lại, chuyên chở nhanh bằng máy bay rõ ràng là một sự lựa chọn lý tưởng. Tuy nhiên, mặc dù tốc độ vận chuyển của tàu thuỷ có chậm hơn, nhưng nếu vận chuyển các loại hàng hoá như than đá, xăng dầu, quặng, lương thực, vật liệu xây dựng, v.v. do thể tích và số lượng rất lớn, giá trị lại tương đối thấp, hơn nữa thường cần vận chuyển trên đường dài, vượt biển khơi, cho nên chọn phương thức vận chuyển theo đường thuỷ là thực tế hơn cả. Đồng thời với tư cách, là một phương tiện vận chuyển du lịch tham quan, tàu thuỷ là phương tiện giao thông kết hợp nghỉ ngơi và du lịch rất tốt. Song song với sự phát triển về xã hội và kinh tế, tốc độ phát triển giao thông vận tải cũng tăng lên nhiều. Tốc độ của máy bay chở khách từ lâu đã vượt quá tốc độ âm thanh, tốc độ tàu cao tốc đã đạt đến 200 km/giờ, ô tô chạy trên đường cao tốc vượt quá 100 km/giờ là khá phổ biến, ngay cả loại tàu thuỷ cao tốc cũng đạt tốc độ gần bằng tốc độ ô tô, là 80 km/giờ. Đồng thời, đời sống vật chất của con người cũng ngày càng phong phú, các hoạt động du lịch, công tác xa hay vận chuyện hàng hoá bằng các phương tiện hiện đại diễn ra ngày một nhiều v.v. Có thể căn cứ vào các yếu tố thời gian, chi phí, khí hậu, sở thích của từng người để chọn phương tiện giao thông và vận chuyển thích hợp nhất, đó là nguyên nhân khiến cho các loại phương tiện giao thông có thể đồng thời hoạt động mà không cản trở lẫn nhau. Từ khóa: Phương tiện giao thông 3. Tại sao xe vượt dã có thể trèo leo, vượt suối dễ dàng? Nếu bạn là một người yêu thích thể thao, chắc chắn bạn sẽ không lấy làm lạ trước cuộc đua về sức kéo của ô tô một cách đầy kích thích và căng thẳng. Dù là nơi sa mạc đầy gió cát, hoặc vùng đường núi lầy lội gập ghềnh, hay qua những bãi ngầm đầy đá sỏi, trơn trượt khó đi, tất cả đều không thể ngăn cản những chiếc bánh xe của xe việt dã dũng mãnh tiến lên... Nguyên do là kết cấu thiết kế của xe việt đã khác với các xe thông thường khác. Công suất của xe việt dã thường lớn hơn, cả bốn bánh xe đều là bánh chủ động, còn những xe thông thường khác thì thường chỉ có hai bánh chủ động, do đó xe việt dã khi leo dốc thường tỏ ra đặc biệt "nhẹ nhàng". Tính năng phanh của xe việt dã cũng rất ưu việt, rất thích hợp cho việc phanh gấp và chạy nhanh trong điều kiện đường sá phức tạp. Điều quan trọng hơn là gầm xe việt dã cách mặt đất khá cao, như vậy, khi đi trên mặt đường gồ ghề, không bằng phẳng, khó gây ra va chạm vào thân xe. Đồng thời, khả năng quay vòng của xe việt dã cũng rất cao, có thể vòng xe, quay đầu trong một phạm vi rất nhỏ, điều đó đương nhiên rất thích hợp với trường hợp lái xe ở đường miền núi. Ngoài ra, bánh xe việt dã khá to và rộng, như vậy có thể làm tăng khoảng cách giữa gầm xe với mặt đất, tăng diện tích tiếp xúc giữa bánh xe với mặt đất. Chúng ta hiểu rằng, khi xe chạy trên đường đất xốp và trên bãi cát, bánh xe bị lún xuống bùn, cát, làm ảnh hưởng đến tốc độ xe, nếu lốp xe rộng thì có thể làm giảm bớt mức độ lún xuống sâu của bánh xe, do đó bảo đảm tính năng truyền động của xe. Hiện nay, đã có nhiều xe việt dã sử dụng lốp xe điều áp, khi xe chạy, người lái có thể căn cứ vào tình hình mặt đường khác nhau để thay đổi độ rộng của lốp xe. Chẳng hạn, nếu ô tô chạy trên mặt đường cứng, thì có thể duy trì áp suất hơi bên trong lốp xe cao, để giảm bớt lực cản lăn và sự mài mòn của lốp, khi ô tô chạy trên đường đất sét và cát có thể giảm bớt áp suất hơi trong lốp xe xuống khoảng một nửa, nếu ô tô chạy trên đường bùn lầy và phủ tuyết, thì áp suất hơi giảm xuống hơn một nửa, để tăng diện tiếp xúc giữa lốp và mặt đất, giảm bớt áp lực của lốp với mặt đất, làm tăng độ bám của nó... Xe việt dã có nhiều tính năng ưu việt như vậy, thảo nào nó trèo đèo, vượt suối một cách dễ dàng đến thế! Từ khóa: Xe việt dã 4. Xe việt dã ở địa cực có gì khác với xe thông thường? Tiến hành khảo sát khoa học ở hai cực của Trái Đất là một bước rất quan trọng và rất khó khăn của con người trong quá trình thăm dò môi trường sinh sống của mình. Địa cực, đối với đại đa số con người mà nói, là một khái niệm rất xa xôi và mơ hồ, nhưng đối với những người làm công tác khoa học, thì tài nguyên tiềm tàng của địa cực và ảnh hưởng của nó đối với môi trường toàn cầu và nhiều mặt khác, là một trong những lĩnh vực quan trọng, đòi hỏi phải khảo sát tìm hiểu. Muốn tiến hành khảo sát khoa học đối với địa cực, vấn đề gặp phải đầu tiên là phương tiện giao thông. Tuy rằng tàu phá băng có thể phá lớp băng rất dày, đưa nhà khảo sát lên lục địa Nam Cực, nhưng từ ven bờ lục địa Nam Cực vượt qua một vùng mênh mông không bờ không bến, quanh năm phủ đầy băng tuyết, đi sâu vào trung tâm địa cực, nếu không có phương tiện giao thông thích hợp thì rõ ràng là không thể thực hiện được. Đi máy bay tuy có thể bay trực tiếp đến nội địa Nam Cực, nhưng muốn tiến hành hoạt động khảo sát khoa học trong phạm vi rộng thì cần phải có một loại phương tiện giao thông đặc biệt. Nhiều người đều biết rằng, những ô tô thông thường khi chạy trên mặt đường bằng tuyết, vì lực ma sát quá nhỏ, bánh xe thường quay trơn (bị patinê), do đó rất khó tiến lên. Xe trượt tuyết là một phương tiện giao thông truyền thống để đi trên tuyết, nó được dùng rộng rãi ở những vùng giá rét, nhưng xe trượt tuyết cần phải dùng chó hoặc hươu để kéo, chở người chở hàng hoá rất hạn chế, tốc độ cũng chậm, rõ ràng là không thể thoả mãn nhu cầu khảo sát khoa học với quy mô lớn. Vậy thì có thể có một loại phương tiện giao thông và vận chuyển tốt hơn ở vùng địa cực không? Các nhà khoa học qua nhiều lần nghiên cứu và thực nghiệm, đã thiết kế và chế tạo một loại xe việt dã ở địa cực mới nhất. So với loại ô tô thông thường, đặc điểm lớn nhất của xe việt dã địa cực là bộ phận "bánh xe" đã được thay đổi một cách căn bản. Các nhà khoa học qua nghiên cứu cơ thể của loài chim cánh cụt và báo biển sống ở vùng địa cực đã có sự gợi ý: Con chim cánh cụt bình thường đi lại loạng choạng, lạch bạch, có khi nằm bò xuống, dùng hai cánh đã thoái hoá phối hợp với đôi bàn chân có màng, dùng lực đạp lên băng tuyết, làm cho cơ thể trượt nhanh chóng ở trên băng tuyết; còn con báo biển trông rất phục phịch nặng nề, nhưng nhờ có có bốn bộ chân vây, báo biển có thể dễ dàng bám vào mặt băng và trượt đi một cách linh hoạt. Do đó hệ thống di chuyển của xe việt dã ở địa cực được thiết kế kiểu bánh xe rất đặc biệt, nó gần giống như bàn chân, lại giống như xích xe tăng. Khi di chuyển, gầm xe bám sát mặt băng, bánh xe quay rất nhanh, không ngừng "xới" lớp băng tuyết, khiến cho xe tiến lên phía trước. Phương thức di chuyển này khác với việc trượt trên mặt băng đơn giản, bởi vì thông qua cơ cấu điều khiển, nó có thể quay vòng và thay đổi tốc độ một cách linh hoạt, chính xác. Hiện nay, các xe việt dã ở địa cực có tính năng khá tốt, tốc độ đã đạt đến 50 km/h. Điều đó khiến cho công tác khảo sát địa cực có được cơ sở giao thông và vận chuyển rất tốt. Từ khóa: Xe việt dã ở địa cực. 5. Tại sao các xe khách cao tốc sử dụng rộng rãi lốp không săm Đi đôi với xu hướng ngày càng cao tốc hoá giao thông ở các thành phố, đường cao tốc trong các thành phố và nối liền giữa các thành phố với nhau ngày càng được hoàn thiện, các xe chở khách cao tốc có chỗ ngồi thoải mái, điều khiển linh hoạt, rất được mọi người hoan nghênh, và đã bắt đầu thay thế cho việc vận chuyển bằng đường sắt truyền thống, trở thành phương tiện đi lại chủ yếu của khách lữ hành. Tuy nhiên, nhiều năm lại đây, sự phát triển của xe khách cao tốc lại bị gò bó bởi nhược điểm của bản thân nó, đó là bánh xe, bánh xe bị nổ lốp đã trở thành nguyên nhân chủ yếu của nhiều sự cố giao thông trên đường bộ. Hiện nay, nhiều nhà máy sản xuất bánh xe ở trong và ngoài nước đều đang ra sức nghiên cứu loại bánh xe cao tốc, đồng thời, khá nhiều loại ô tô khác nhau trên thế giới đã sử dụng loại lốp không săm. Thế nào là lốp không săm? Theo ý nghĩa thì bánh xe chỉ có lốp mà không có săm. Hình dáng bên ngoài của nó tương tự như bánh xe thông thường, nhưng hơi được bơm trực tiếp vào lốp. Điểm nổi bật của lốp không săm là vừa đơn giản, nhưng lại quan trọng, đó là chỉ khi nào bánh xe bị nổ mới mất hiệu quả. Ở loại lốp không săm, hơi chỉ có thể lọt ra từ thân của bánh xe. Khi bánh xe bị xé rách, hơi chỉ rò ra từ lỗ bị xuyên thủng, do đó hơi thoát ra rất chậm, áp suất không thể tụt xuống nhanh chóng, thông thường bánh xe vẫn có thể tiếp tục chạy an toàn trong một thời gian khá dài. Thậm chí trong một số trường hợp nào đó, khi bánh xe bị vật sắc nhọn đâm thủng, vì bản thân bánh xe ở trong tình trạng nén ép nên đã bó chặt lấy vật sắc nhọn, lúc này nó hầu như không bị rò hơi; ngay cả khi rút vật sắc nhọn ra, cũng có thể tạm thời duy trì áp suất bên trong bánh xe, ô tô có thể tiếp tục chạy. Vì loại bánh xe này không có săm và lớp lót, khi xe chạy, nhiệt lượng của bánh xe toả ra do ma sát có thể trực tiếp truyền qua vành bánh xe, do đó nhiệt độ khi chạy xe của loại lốp không săm thông thường thấp hơn 20-25% so với bánh xe thường, điều đó rất có lợi cho việc chạy xe tốc độ cao. Ngoài ra, cấu tạo của lốp không săm đơn giản, nhẹ, tuổi thọ sử dụng dài hơn bánh xe thông thường khoảng 20%. Đương nhiên, lốp không săm cũng không phải là ưu việt hoàn toàn, yêu cầu về vật liệu chế tạo và công nghệ sản xuất tương đối cao, độ kín giữa tanh và vành bánh xe khó thực hiện được hoàn hảo, bơm hơi phải có dụng cụ chuyên dùng, việc sửa chữa dọc đường cũng không thuận tiện lắm. Từ khóa: Lốp không săm; Xe khách cao tốc 6. Xe"chạy rà trơn" hay"chạy rà"có ý nghĩa gì? Trên đường cái xe cộ nườm nượp qua lại, trong các loại xe đó thỉnh thoảng bạn thấy ở tấm kính đằng sau một số ô tô có treo tấm biển "Xe chạy rà trơn". Như vậy là có ý nghĩa gì? Sự chuyển động của ô tô trên thực tế là tổng hợp của sự vận động của nhiều máy móc bên trong, được thực hiện thông qua sự chuyển động phối hợp lẫn nhau giữa nhiều nhóm chi tiết. Loại ô tô mới sản xuất hoặc ô tô mới sửa chữa lớn ở xưởng sửa chữa ra, mặc dù đã qua mài rà trong quá trình sản xuất, nhưng bề mặt gia công của các chi tiết vẫn còn những sai lệch về hình học, và sự mấp mô không đều mà mắt thường rất khó nhìn thấy, khe hở chuyển động lẫn nhau giữa các chi tiết rất bé, nhiệt độ bề mặt chi tiết và dầu bôi trơn cũng rất cao, do đó các chi tiết bị mòn rất nhiều. Nếu lúc này xe cho chạy với tốc độ cao, thậm chí chở nặng đủ tải, thì sẽ làm tăng sự mài mòn của các chi tiết. Vì vậy người ta phải quy định thời kỳ "chạy rà trơn". ý nghĩa của chạy rà trơn là chỉ ô tô trong quá trình vận hành được cọ xát dần dần. Trong thời kỳ chạy rà trơn, các linh kiện trên ô tô được trải qua một quá trình cọ xát "ôn hoà" cải thiện được tình hình ma sát bề mặt của chi tiết, dần dần hoàn thành bề mặt làm việc tương đối trơn nhẵn, chịu mài mòn và bền vững, để chịu đựng phụ tải làm việc bình thường. Hiện nay, thuật ngữ "cọ xát" còn được dùng để hình dung quá trình thích ứng lẫn nhau và tăng cường phối hợp giữa các thành viên của một đội bóng hoặc một tập thể nào đó. Thời kỳ chạy rà trơn của ô tô thường là 1000- 1500 km tương đương với 40-60 giờ làm việc. Trong thời kỳ chạy rà trơn, tải trọng nói chung không được vượt quá 80% tải trọng định mức, không được kéo rơ moóc hoặc các loại cơ giới khác, tốc độ nói chung không được vượt quá 40-45 km/giờ. Ngoài ra, khi khởi động động cơ, nhiệt độ hâm máy phải lớn hơn 50oC. Ô tô trong thời kỳ chạy rà trơn, còn phải hết sức tránh chạy trên những đường sá quá xấu, để giảm bớt sự rung động và va đập của các bộ phận. Sau khi chạy 150 km cần phải kiểm tra kĩ các bộ phận chi tiết, xử lý các hiện tượng rò nước, rò dầu và rò hơi, sau khi chạy 500 km, cần phải thay dầu bôi trơn. Từ khóa: Xe chạy rà trơn; Chạy rà trơn. 7. Tại sao ô tô xitéc có thùng chứa dạng tròn? Ô tô xitéc là một phương tiện vận tải có công dụng đặc biệt, dùng để chở chất lỏng. Đặc biệt là khi chở một số chất dễ cháy và bốc hơi, như xăng, dầu điêzen v.v. Lúc này trên ô tô còn viết hai chữ "cấm lửa" có ô tô còn cắm một lá cờ màu vàng ở đầu xe, bên trên viết hai chữ "nguy hiểm", nhưng điều này nhằm mục đích nhắc nhở người đi đường và xe cộ qua lại, chú ý nhường đường. Nếu quan sát kỹ hơn, bạn sẽ phát hiện các thùng xitéc đều có dạng tròn, tại sao vậy? Các bạn đã học hình học đều biết rằng, cùng một vật liệu có diện tích như nhau, nếu bạn cuộn thành hình tròn thì sẽ được thể tích lớn nhất, nhưng đó không phải là một căn cứ chủ yếu để người ta thiết kế bề ngoài xitéc có dạng tròn. Vì ô tô xitéc dùng để chở chất lỏng dễ cháy và các chất lỏng khác, ở bên trong xitéc cần phải chừa một khoảng trống nhất định, mục đích là để đề phòng chất lỏng nở ra khi bị nóng, làm cho xitéc bị nội ứng lực quá lớn mà bị vỡ. Thông thường khi chở chất lỏng dễ cháy hoặc các chất lỏng khác, bên trong xitéc ít nhất phải chừa một khoảng trống là 5%. Tuy nhiên, ô tô khi chạy, vì tình trạng mặt đường có thể bị xóc và có những rung động cơ giới, vì trong xitéc có một khoảng trống nhất định, nên khi xe bị rung xóc thì chất lỏng cũng bị lắc, sản sinh ra một lực va đập vào vách xitéc. Nếu xitéc có dạng hình tròn, thì sóng va đập do xe bị rung xóc gây ra sẽ phân tán đều lên theo chu vi hình tròn của thân xitéc, không thể tạo nên hiện tượng ứng lực quá tập trung, làm cho xitéc bị nứt vỡ. Nếu bề ngoài của xitéc có dạng hình chữ nhật như côngtennơ thì lực va đập của chất lỏng tạo nên khi xe bị rung động sẽ dễ tạo thành ứng lực tập trung, các góc cạnh của xitéc do bị ứng lực quá lớn, có thể phá vỡ xitéc. Ngoài ra ô tô xitéc hình tròn nói chung khi chạy sẽ tương đối ổn định, sức bền kết cấu tương đối cao, ngay cả khi bị va quệt cũng khó bị hư hỏng hơn so với xitéc hình vuông. Từ khóa: Ô tô có xitéc; Xitéc tròn. 8. Xe đông lạnh có gì đặc biệt? Trung Quốc là một trong những nước rộng lớn nhất thế giới, nhưng do từ Nam lên Bắc cách nhau hàng ngàn km, việc vận chuyển nhiều loại vật tư thật là bất tiện, đặc biệt là những loại thực phẩm dễ bị hư hỏng, trước kia thường khó chở đi xa. Ngay từ đời Đường, truyền thuyết kể rằng, để lấy lòng Dương Quý Phi, vua Đường Huyền Tông đã ra lệnh cho quần thần dùng ngựa chạy tiếp sức, qua các trạm dịch, ngày đêm thần tốc vận chuyển vải, một loại quả nhiệt đới đặc sản ở miền Nam lên Trường An (thành phố Tây An ngày nay) để cho Dương Quý Phi thưởng thức. Mặc dù vậy, loại quả dễ bị nát hỏng như quả vải, khi đưa đến Trường An, thì không còn tươi nữa. Đi đôi với sự phát triển của ngành giao thông vận tải các loại phương tiện giao thông nhanh đã khiến cho việc vận chuyển vật tư ngày càng thuận tiện, nhanh chóng. Như máy bay chẳng hạn, nếu chở quả vải từ miền Nam lên bất cứ thành phố nào ở miền Bắc, nhiều nhất cũng chỉ mất vài giờ đồng hồ, tuy nhiên, giá thành vận chuyển bằng máy bay tương đối cao, hơn nữa phương thức vận chuyển nào mà chi phí rẻ, khối lượng vận chuyển lớn và giữ cho hàng được tươi lâu không? Sự phát hiện của xe đông lạnh đã khiến cho nhiều loại thực phẩm dễ hỏng, biến chất, như trái cây, thịt, đồ uống v.v., có thể vận chuyển được trên một cự ly dài mà vẫn bảo đảm được độ tươi của chúng. Xe đông lạnh chia làm hai loại lớn là ô tô đông lạnh và xe đông lạnh chạy trên đường sắt. Ô tô đông lạnh chủ yếu dùng để vận chuyển thực phẩm trong nội thành, như vận chuyển nước giải khát, quả tươi, cá, thịt v.v. từ nhà máy đến các cửa hàng, có khi cũng tiến hành vận chuyển giữa các thành phố với cự ly trung bình và ngắn. Xe đông lạnh chạy trên đường sắt đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển thực phẩm đông lạnh với cự ly trung bình và xa. Trước kia một số xe đông lạnh dùng phương pháp đông lạnh bằng nước đá, tức là người ta chất hỗn hợp tảng nước đá và muối vào trong thùng xe, làm như vậy có thể giữ cho môi trường trong xe đạt đến nhiệt độ -8oC trở xuống. Tuy nhiên phương pháp làm đông lạnh kiểu này chỉ có thể duy trì một khoảng thời gian có hạn, nếu muốn vận chuyển đông lạnh đường dài thì phải thiết lập các trạm tiếp đá và muối ở dọc đường, để luôn luôn bổ sung "nguồn lạnh" duy trì hiệu quả làm lạnh. Hiện nay, loại xe đông lạnh cơ giới đang được sử dụng rộng rãi. Nguyên lý làm việc của nó về cơ bản cũng giống như tủ lạnh trong gia đình, tức là thông qua chất làm lạnh, sau khi hấp thụ nhiệt lượng thì hoá hơi, chất làm lạnh sau khi hoá hơi sẽ được đưa vào một máy nén tăng áp và tăng nhiệt độ, lại tiếp tục đi vào ống ngưng tụ và được làm lạnh thành chất lỏng, sau đó đi vào một quá trình thu nhiệt làm lạnh mới. Xe đông lạnh cơ giới có thể duy trì nhiệt độ bên trong xe trong một thời gian dài ở 18oC trở xuống, do đó, nhiều người gọi xe đông lạnh một cách hình tượng và chính xác là "tủ lạnh siêu lớn di động". Đi đôi với nhu cầu về đời sống của con người không ngừng được nâng cao, kỹ thuật đông lạnh cũng ngày càng phát triển. Ngoài việc xử lý có hiệu quả đối với bản thân các loại thực phẩm đòi hỏi phải giữ được độ tươi lâu, các loại phương tiện và phương thức tàng trữ vận chuyển bằng tàu thuỷ đông lạnh, côngtennơ đông lạnh cũng tiếp tục xuất hiện, điều đó làm cho công việc vận chuyển đông lạnh càng thêm thuận lợi, thực tế. Từ khóa: Xe đông lạnh; Đông lạnh; Bảo quản tươi. 9. Tại sao loại xe taxi có dung tích xi lạnh nhỏ sẽ bị đào thải? Nhiều năm lại đây, ở nhiều thành phố của Trung Quốc, loại xe Hạ Lợi do Thiên Tân sản xuất với loại hình tương đối nhỏ, giá cả phải chăng đã chiếm phần nửa thịtrường taxi đang lưu hành. Theo thống kê trong số xe taxi của thành phố Thượng Hải, loại xe con có dung tích xi lanh (hay còn gọi là lượng xả) nhỏ hơn 1,6 lít chủ yếu là xe Hạ Lợi đã từng chiếm 55% toàn bộ số xe taxi. Ở các thành phố khác của Trung Quốc, tỷ lệ đó cũng không kém hơn. Tuy nhiên bắt đầu năm 1995, cơ quan quản lý xe taxi Thượng Hải đã quy định, các loại xe taxi có dung tích xi lanh 1,6 lít trở xuống, thời hạn sử dụng không được quá năm năm, hoặc tổng số hành trình xe chạy không được quá 300.000 km. Trên thực tế, đây là sự bắt đầu đào thải dần dần loại xe taxi đó. Tại sao lại như vậy? Thực ra thì, với một đô thị lớn hiện đại hoá như Thượng Hải, đi đôi với sự hoàn thiện dần cơ sở hạ tầng giao thông và đường sá của thành phố, tình hình chen chúc giao thông cũng đã được cải thiện rất nhiều. Điều đó tạo điều kiện cho việc vận hành nhanh chóng về mặt giao thông của thành phố, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với tính năng thông qua với tốc độ nhanh của các loại xe. Xe taxi là một phương tiện quan trọng của giao thông thành phố, đương nhiên cũng phải thích ứng với sự biến đổi đó. Chúng ta biết rằng, tốc độ của ô tô phụ thuộc vào công suất của xe, mà công suất của xe lại được biểu thị bằng dung tích xi lanh. Ô tô có dung tích xi lanh lớn thì tất nhiên tốc độ xe cao hơn. Còn loại ô tô có dung tích xi lanh 1,6 lít trở xuống muốn đạt tốc độ cao, thì phải luôn luôn ở trạng thái phụ tải lớn, do đó làm cho động cơ chóng bị mòn hỏng, lượng xăng tiêu thụ tăng, hơn nữa do xăng cháy không hoàn toàn làm cho môi trường bị ô nhiễm. Mặt khác, taxi là một phương tiện giao thông cần thiết đòi hỏi môi trường, chỗ ngồi thoải mái, có máy điều hoà nhiệt độ v.v. Nhưng động cơ của máy điều hoà nhiệt độ lại bắt nguồn từ động cơ, điều đó có nghĩa là, muốn sử dụng máy điều hoà nhiệt độ thì phải hy sinh một phần động lực, do đó tất yếu đặt ra yêu cầu cao hơn đối với công suất động cơ. Trên thực tế, một số xe taxi dung tích xi lanh nhỏ khi cho chạy máy điều hoà nhiệt độ đủ công suất, thì không những tốc độ xe giảm xuống rất nhiều, mà có lúc lên dốc đột nhiên bịtắt máy chết gí giữa đường làm ách tắc giao thông. Do đó, việc cần thải loại xe taxi có dung tích xi lanh nhỏ về cơ bản mà nói, là để thoải mái yêu cầu giao thông ở thành phố hiện đại đang ngày càng phát triển. Từ khóa: Xe Taxi; Dung tích 10. Tại sao lại có "ô tô năm bánh"? Các ô tô mà ta thường thấy hằng ngày, nói chung chỉ có bốn bánh. Có một số ô tô tải lớn, tuy rằng có nhiều bánh, nhưng chúng luôn luôn hình thành nhóm bốn bánh, tạo thành bánh trước phải, bánh trước trái, bánh sau phải và bánh sau trái của xe, điều đó tất nhiên không bao gồm loại ô tô khách cỡ lớn, có hai "toa xe" và loại xe chuyên dùng cỡ lớn siêu trường. Tuy nhiên, bạn đã thấy loại ô tô năm bánh (hoặc năm nhóm bánh) chưa? Ô tô năm bánh thường thiết kế cho loại xe tải hạng nặng 100 - 200 tấn trở lên, chủ yếu dùng cho những công trình khai thác mỏ. Loại xe này tuy tải trọng lớn, nhưng có nhược điểm là "tay chân lóng ngóng", đặc biệt là khi chuyển hướng, quay đầu đều không linh hoạt, để nâng cao tính linh hoạt của nó, các nhà thiết kế ô tô đã lắp thêm cho nó bánh xe thứ năm. Bánh xe thứ năm được lắp ở vịtrí chính giữa phía trước xe. Khi xe chạy trên đường bình thường, bánh xe thứ năm được cất lên, thu mình phía trước ba đờ sốc (đòn bảo hiểm). Khi xe quay vòng, người lái xe ấn nút chuyên dùng, mở máy nén thuỷ lực, hạ bánh thứ năm xuống. Lúc này hai bánh xe ở phía trước bị nâng lên khỏi mặt đất, ô tô được đỡ bằng hai bánh sau và bánh thứ năm ở phía trước. Tác dụng kỳ diệu của bánh thứ năm là với ba điểm tựa thì xe dễ quay hơn bốn điểm tựa nhiều: Khi quay xe, chỉ cần nhấn phanh, làm cho bánh sau đứng yên bất động, sau đó quay tay lái, điều khiển bánh xe thứ năm để quay xe, bánh sau sẽ chỉnh phương hướng. Dựa vào ba bánh xe để quay, chỉtrong 15 phút, xe có thể quay được 180o. Với xe bốn bánh thông thường, người lái xe dù có kinh nghiệm nhất, muốn quay một vòng như vậy trên mặt đường hẹp, cần phải tốn nhiều thời gian và sức lực hơn. Hơn nữa, với loại xe tải hạng nặng, muốn chuyển hướng, quay đầu trên mặt đường chật hẹp thì cũng giống như lái một chiến hạm lớn vào một luồng sông nhỏ, quả là rất khó xoay xở. Còn khi đã có bánh xe thứ năm, thì xe tải hạng nặng giống như được lắp thêm một cái khớp rất linh hoạt, có thể quay được dễ dàng. Từ khóa: Ô tô năm bánh; Quay đầu xe; 11. Thế nào là siêu xe? Gần đây, Trung Quốc và rất nhiều nước phát triển trên thế giới đã không ngừng trao đổi về phương diện kĩ thuật ô tô. Các loại xe hơi cao cấp cũng dần dần đổ vào Trung Quốc, như Mercedes-Benz, Cadillac, Chrysler, Gongjue Wang, BMW... Những xe hơi hạng sang này khi lái trên đường thường đập ngay vào mắt mọi người, nên lại càng giành được sự tán thưởng của những người mê xe. Người ta thường gọi chúng là siêu xe. Rút cục thì thế nào là siêu xe? Siêu xe, trước hết là có thiết kế vẻ ngoài cầu kì, tạo dáng đặc biệt trang nhã, công suất lớn, nội thất sang trọng, thiết bị đầy đủ; thứ đến là ngồi trên xe có cảm giác dễ chịu và được thưởng thức, thao tác thông minh, và điều quan trọng hơn cả là từ đó mà sản sinh ra được danh vọng và sức ảnh hưởng lâu dài. Từ rất lâu nay, người ta luôn coi loại xe hơi Rolls-Royce sản xuất tại Anh là đỉnh của siêu xe. Thực ra, nhìn lại lịch sử phát triển ô tô theo đồng đại, thì siêu xe xếp số 1 phải kể đến xe hơi hiệu Verrier sản xuất tại Công Ty Aston Martin Lagonda của Anh. Đây là loại xe hơi cỡ lớn, xe được tạo dáng theo phong cách cổ điển, đường gờ trơn bóng, quay đầu và qua đường hết sức thoải mái, chuẩn xác. Trên xe có lắp đặt các thiết bịthông tin điện tử tiên tiến, nội thất cực kì sang trọng dễ chịu, là đại diện kiệt xuất nhất trong thế giới xe sang, có giá tới 600.000 đôla Mĩ. Xếp thứ hai trong số siêu xe là xe hơi cao cấp Bugatti EB112 do Công ti Rodas của Italia sản xuất, có giá tới 500.000 đôla Mĩ. Về tổng thể tương đương với Verrier, chỉ khác là cửa sổ to hơn, cốp xe và khoang xe liền một khối. Loại xe này từ khởi động đến tăng tốc 1000m/h chỉ mất có 4,7 giây, tốc độ tối đa của xe là 300 km/h. Còn loại xe hơi Rolls-Royce quen thuộc mà xếp trong hàng ngũ siêu xe thì chỉ đứng ở vịtrí thứ ba. Thực ra, Rolls-Royce không phải là thương hiệu của xe, mà là tên gọi của công ti, công ti này sản xuất các xe hơi với mấy chục thương hiệu thuộc 2 xêri Rolls Royce và Bentley, cao cấp nhất trong số đó là xe Silver Spirit. Từ khóa: Siêu xe 12. Ô tô an toàn trong tương lai sẽ như thế nào? Số lượng ô tô trên toàn thế giới có đến hàng trăm triệu chiếc, trong đó phần lớn tập trung ở các thành phố lớn. Các sự cố giao thông do ô tô gây nên đã đem lại một yếu tố không an toàn rất lớn cho xe cộ và người đi bộ. Theo thống kê, ở Trung Quốc mỗi năm có khoảng năm vạn người bịthương vong do tai nạn giao thông bởi ô tô gây nên. Do đó, tính an toàn khi lái xe luôn luôn là một trong những chỉtiêu thuộc tính năng kỹ thuật quan trọng của ô tô. Hiện nay, điều đó được thực hiện thông qua mức độ đáng tin cậy của hệ thống lái và tính hiệu quả của hệ thống phanh của ô tô. Vì vậy, đi đôi với sự hoàn thiện không ngừng về cơ sở hạ tầng và năng lực giao thông, ô tô trong tương lai sẽ như thế nào để nâng cao tính an toàn? Đối với người lái xe, thì những ô tô an toàn được thiết kế tinh xảo sẽ làm cho việc lái xe càng được nhẹ nhàng và an toàn. Ví dụ, có một loại ô tô có ghế ngồi bung ra được, ghế ô tô được gắn với một cơ cấu có lò xo mạnh, bên trong ghế có trang bị dù. Khi ô tô gặp sự cố gây nguy hiểm cho tính mạng hành khách và người lái, thì chỉ cần ấn nút, nắp trần xe tự động mở ra, lò xo sẽ nhanh chóng bắn cả người và ghế lên đến độ cao hàng chục mét, đồng thời, dù sẽ mở ra khiến cho cả người lái cùng với hành khách và ghế ngồi từ từ hạ xuống đất một cách nhẹ nhàng. Các nhà thiết kế ô tô còn thiết kế loại ô tô có "cánh dài". Loại ô tô này có chức năng bay lượn đặc biệt. Khi ô tô bị nạn đâm xuống vực, hoặc vọt ra khỏi đường cao tốc, chỉ cần ấn nút, các cửa hai bên ô tô sẽ biến thành cánh, đồng thời khởi động động cơ ở trên cánh, làm cho ô tô tăng nhanh tốc độ trượt đi một cách bình ổn và hạ xuống an toàn như máy bay vậy. Ngoài ra, còn có một loại ô tô phản lực xung kích. Loại ô tô này ngoài động cơ của bản thân còn có một bộ phận giống như bộ phận phụt khí của tên lửa. Khi ô tô phóng nhanh gặp sự cố, chỉ cần bật công tắc bộ phận phụt khí, ô tô sẽ phụt ra một luồng khí rất mạnh, làm cho ô tô chạy lùi lại, do đó kịp thời tránh được tai nạn. Người ta còn thiết kế một loại ô tô có thể biến dạng được. Vỏ ngoài của loại ô tô này được chế tạo bằng một loại nhựa đặc biệt, có thể biến dạng, co giãn. Khi ô tô sắp gặp tai nạn, bánh xe sẽ lập tức co lại, thu vào "bụng". ngoại hình ô tô trong giây lát biến thành lớp vỏ bọc kín, mềm và có tính năng đàn hồi, khiến cho ô tô dù có bị lật, lộn nhào cũng không gây nguy hiểm cho người ngồi trong xe. Hiện nay, các nhà thiết kế đang đưa vào các kỹ thuật điện tử, kỹ thuật tia hồng ngoại tiên tiến v.v. để giải quyết vấn đề an toàn, đặc biệt là đi đôi với sự phát triển của kỹ thuật điều khiển bằng máy tính, tính năng an toàn của ô tô sẽ được nâng cao rất nhiều. Từ khóa: Ô tô an toàn. 13. Tại sao ô tô trong tương lai có thể không dùng chìa khóa? Trong đời sống hằng ngày của chúng ta, các loại ô tô, mô tô thậm chí cả xe gắn máy đều không tách rời khỏi chìa khoá: Mở cửa xe phải dùng chìa khoá, mở khoang hành lý phải dùng chìa khoá, mở thùng xăng phải dùng chìa khoá, quan trọng nhất là đánh lửa khi khởi động xe cũng không rời khỏi chìa khoá. Có thể nói rằng, không có chìa khoá thì ô tô thật khó vận hành. Tuy nhiên, cái ngày mà ô tô thoát khỏi sự "khống chế" của chìa khoá, có thể không còn xa lắm nữa. Hiện nay, một số công ty chế tạo ô tô đang nghiên cứu sản xuất một loại ô tô không dùng chìa khoá. Loại ô tô này sử dụng một hệ thống điều khiển điện tử tiên tiến, loại chìa khoá ô tô truyền thống được thay thế bằng thẻ điện tử có kích thước bằng một thẻ tín dụng. Ở trên thẻ này có một bộ thu và phát tín hiệu, dùng pin siêu nhỏ, người sử dụng có thể mang theo người một cách thuận tiện. Khi sử dụng chỉ cần cắm thẻ vào chỗ chuyên dùng trên thân xe, cơ cấu điện tử ở trên thân xe sẽ phát ra tín hiệu, sau khi đối chiếu đúng mật mã, cửa xe sẽ tự động mở ra. Sau khi lên xe, chỉ cần ấn nút tương ứng, ô tô sẽ đánh lửa khởi động. Đồng thời, thẻ này còn có các chức năng khác như đóng mở cửa ga ra, phát tín hiệu báo động, v.v. Từ khóa: Chìa khóa ô tô 14. "Xe mini"nhỏ đến mức nào? Rất nhiều nước đã có những quy định và hạn chế nhất định đối với kích thước bên ngoài của ô tô đi lại trên đường phố, như vậy là để làm cho kích thước bên ngoài của ô tô phù hợp với tiêu chuẩn vận tải đường bộ, cầu phà, đường hầm và đường sắt, để bảo đảm chạy xe an toàn. Ở Trung Quốc quy định kích thước giới hạn của xe cộ đường bộ như sau: Tổng chiều cao không quá 4 m, tổng chiều rộng không quá 2,5 m, tổng chiều dài đối với loại xe chở hàng và xe chở khách lớn thông thường không lớn hơn 12 m, ô tô kéo theo rơ moóc không quá 20 m v.v. Tuy nhiên, không có quy định nào về giới hạn độ nhỏ của ô tô cả. Mà trong các thành phố hiện đại, xe cộ chen chúc nhau, đường sá chật hẹp, đã khiến cho các loại xe ô tô cỡ nhỏ, ngày càng được yêu thích, "xe mini" ra đời từ đó. Thuật ngữ "xe mini" là tiếng Anh "mini-car" mà ra, nghĩa là ô tô siêu nhỏ. Đến những năm 90 của thế kỷ XX, các hãng sản xuất ô tô chủ yếu của thế giới đều ra sức nghiên cứu và chế tạo loại xe mini siêu nhỏ. Vậy thì, xe mini nhỏ đến mức nào? Trong một cuộc triển lãm ở Frankfurt nước Đức năm 1996, một công ty sản xuất ô tô nổi tiếng đã cho ra đời một loại xe mini thế hệ mới, dùng ở thành phố, với chiều dài 3,06 m. Sau đó ở Tôkyô Nhật Bản, hãng ô tô Nissan giới thiệu một chiếc siêu mini chạy điện Hypermini, chỉ dài 2,5 m, rộng 1,47 m. Công ty này dùng biện pháp nâng cao trần xe để khắc phục cảm giác chật chội khi ngồi vào ô tô, chiều cao của nó là 1,55 m, cao hơn các loại xe mini thường, hơn 10 cm. Ưu điểm lớn nhất của nó là dùng biện pháp thu nhỏ thân xe để làm giảm trọng lượng, đồng thời khắc phục được sự hạn chế, về tốc độ của loại ô tô chạy điện, tốc độ tối đa của nó có thể đạt 100 km/giờ. Nhiều nhà sản xuất ô tô mini dùng các loại vật liệu có độ bền gần bằng sắt thép, để lắp ráp. Điều đó khiến xe mini vừa nhỏ lại vừa nhẹ, độ an toàn cũng khá cao. Đi đôi với sự phát triển của nền công nghiệp ô tô, bao gồm việc ứng dụng hệ thống lái an toàn của đường bộ thông minh và ô tô thông minh, đã mở ra một lĩnh vực rộng rãi để phát triển hơn nữa loại xe mini. Từ khóa: Xe mini, Ô tô cỡ nhỏ 15. "Ô tô biến dạng" biến dạng như thế nào? Tại một cuộc triển lãm ô tô ở Giơnevơ, công ty ô tô General của Mỹ đưa ra một loại "ô tô biến dạng" rất độc đáo. Theo cách gọi của nó thì ưu điểm lớn nhất là loại ô tô này, đường nhiên là nó có thể "biến dạng"! Mọi người có thể tuỳ theo sở thích và mục đích sử dụng, có thể tuỳ ý thay đổi hình dạng bên ngoài và trang bị bên trong ô tô. Do đó, loại ô tô biến dạng này có thể thoả mãn các yêu cầu khác nhau của nhiều người. Công ty ô tô General sản xuất loại ô tô biến dạng này, với ý tưởng là muốn khai phá một loại công nghệ chế tạo hoàn toàn mới, để đổi mới công nghệ sản xuất thép cán truyền thống. Đầu tiên người thiết kế dùng loại nhôm được gia công chế tạo đặc biệt thành một cái khung xe, rồi hàn các bộ phận lại với nhau. Sau đó dùng các tấm làm thân xe bằng nhôm hoặc bằng nhựa ghép vào khung hoặc bắt chặt bằng bu lông. Loại xe biến dạng này chỉ cần vài phút là có thể thay đổi từ một xe con chở khách thông thường thành một xe con mui trần nhỏ nhẹ. Cũng với phương pháp như vậy, cũng có thể cải tiến thành xe hai công dụng vừa chở khách vừa chở hàng loại nhỏ. Loại nhôm chế tạo đặc biệt có độ dẻo dai lớn hơn nhiều so với thép cán, trong điều kiện cùng dùng công cụ chế tạo như nhau, thì loại nhôm này dễ làm cho xe thay đổi nhiều hình dạng hơn. Độ dẻo dai mà ô tô biến dạng có được, còn có thể làm cho khách hàng lắp ráp và sửa chữa ô tô của mình được linh hoạt hơn và có thể đạt được độ chính xác cao. Chẳng hạn, cách bài trí không gian bên trong xe và lắp đặt ghế ngồi, hình dạng của xe và trang thiết bị cần thiết trong xe, đều có thể đạt đến trình độ lý tưởng. Có thể tin rằng, loại ô tô tương lai này sẽ kích thích mạnh mẽ bản năng tìm tòi và hưởng thụ của con người và sở thích của những người "sành điệu". Từ khóa: Ô tô biến dạng 16. Tại sao hình dạng của xe "công thức" lại rất kỳ quái? Từ khi ra đời, ô tô luôn luôn là một phương tiện giao thông quan trọng nhất của con người. Đồng thời, ô tô cũng gia nhập vào hàng ngũ của các cuộc đua thể thao. Đua ô tô không những là một thử thách về mặt kỹ năng lái xe của vận động viên, nó cũng là một phương thức để kiểm nghiệm mức độ hoàn hảo về tính năng của các loại ô tô. Rất nhiều xưởng chế tạo ô tô do sự kích thích của các cuộc đua ô tô, đã không ngừng dùng những vật liệu mới, nghiên cứu kỹ thuật mới, để thể hiện chất lượng sản phẩm của mình. Trong các cuộc đua ô tô diễn ra thường xuyên, xe đua dùng loại xe đua "công thức 1" (loại xe công thức 1 bắt đầu được chấp nhận từ năm 1946) là căng thẳng nhất, hấp dẫn hàng triệu người hâm mộ đua xe trên toàn thế giới. Vậy thế nào là xe đua "công thức"? Nguyên do là, loại xe đua này có chiều dài, chiều rộng, trọng lượng và đường kính bánh xe đều được quy định chặt chẽ, độ phức tạp và độ chính xác của nó giống như công thức toán học vậy. Vì vậy, loại xe đua này được gọi là xe đua "công thức". Căn cứ vào dung tích xi lanh và công suất của xe, xe đua công thức lại chia thành công thức 1, công thức 2 và công thức 3. Trong đó, xe đua công thức 1 có dung tích xi lanh 3,5 l, công suất 350-380 kw, tốc độ đạt đến 300 km/giờ, là loại xe đua có tốc độ nhanh nhất. Nhiều người cảm thấy thú vị đối với hình dạng bên ngoài của xe đua công thức 1: Thân xe đặc biệt thấp, đằng trước còn lắp một tấm mỏng như hình mỏ vịt, bánh xe vừa cao vừa to, rất khác với ô tô thông thường. Vậy tại sao xe đua lại thiết kế có hình dáng kỳ quái như vậy? Nguyên do là, tốc độ xe đua công thức đặc biệt nhanh do đó, việc hạ thấp thân xe xuống có lợi cho việc giảm bớt lực cản của không khí. Tuy sử dụng hình dáng xe có dạng hình giọt nước dẹt, nhưng khi xe chạy với tốc độ cao vẫn có một luồng không khí ở phía trước chui vào gầm xe, tạo ra một lực nâng rất lớn, khiến cho xe có khuynh hướng "nổi" lên, do đó không điều khiển được. Qua nghiên cứu phát hiện của các nhà khoa học, nếu ở đầu xe và đuôi xe lắp một tấm gây nhiễu luồng không khí có hình cái cánh, thì có thể đề phòng luồng không khí chui vào gầm xe, giảm được lực nâng của gió; vả lại, luồng không khí lướt qua ở nóc xe lại có thể tăng cường cho lực bám của bánh xe với mặt đất, làm tăng nhiều độ ổn định khi điều khiển xe. Bánh của xe đua rất to và cao, để nhằm mục đích tăng cường tối đa sức bám của xe đua với mặt đất. Xe đua khi quay vòng gấp hoặc tăng tốc, toàn bộ trọng lượng chủ yếu rơi vào bánh sau, do đó, bánh sau được thiết kế to hơn, cao hơn, để tăng độ ổn định của xe. Trong khi đua, người ta thường thấy xe được lái vào trạm sửa chữa, nhân viên công tác nhanh chóng thay bánh xe, rồi lại lái chạy ra đường đua. Bởi vì bánh xe của xe đua được làm bằng cao su mềm dính, trên bề mặt không có gân rãnh, như vậy cũng nhằm làm tăng tối đa diện tiếp xúc của bánh xe đối với mặt đất. Nhưng đồng thời, bánh xe quay với tốc độ cao sẽ ma sát mạnh với mặt đất, khiến cho nó mòn đi nhanh chóng. Vì vậy trong quá trình một cuộc đua, xe đua thường phải thay bánh xe đến mấy lần. Từ khóa: Xe đua, Xe đua công thức; Loại hình xe 17. Xe hơi thể thao và xe thể thao có gì khác nhau? Trong số nhiều chiếc xe có vẻ ngoài bóng bẩy, thì xe hơi thể thao và xe thể thao thường đều nhìn rất đẹp mắt. Song, bạn có biết giữa chúng có gì khác nhau không? Xe thể thao là loại ô tô nhỏ hai cửa một dãy ghế, có mui cố định, cũng có thể là mui hai lớp; xe hơi thể thao là chỉ một loại xe hạng sang gia tốc, điều khiển ổn định, tính năng hãm... khá tốt, tốc độ xe cũng khá nhanh, có thể là hai cửa hoặc bốn cửa. Xe hơi thể thao là một loại ô tô đạt tới sự thoải mái và thực dụng, còn xe thể thao thì là đối tượng chơi xe của những người mê xe. Với người lái xe thể thao thì bản thân việc lái xe chính là mục đích, họ coi trọng niềm vui cầm lái, đòi hỏi chuyển hướng phải chuẩn xác, quay đầu nhanh. Cho nên, xe thể thao phần nhiều dùng động cơ ở giữa, cố sức làm cho động cơ chuyển tốc mà vẫn giữ được ở trạng thái tối ưu, hơn nữa dùng hộp số cơ giới chứ không dùng hộp số tự động. Khi lái xe thể thao đường dài thường không cảm thấy mệt, bởi vì tính tuyến tính của loại xe này khá tốt, khi lái tốc độ cao tiếng gió khá nhỏ; ngoài ra, do vịtrí ngồi hành khách được đặt ở gần trọng tâm xe, cho nên cảm thấy xe ít xóc. Vậy thì, làm thế nào để có thể ngay thoáng qua đã nhận biết được sự khác nhau về vẻ ngoài giữa xe hơi thể thao với xe thể thao? Sự khác nhau về vẻ ngoài giữa hai loại xe này chủ yếu là ở lốp xe: Xe thể thao vì công suất lớn, cho nên dùng loại lốp có tiết diện rộng. Khi độ rộng tiết diện lốp của xe hơi hai cửa cùng cấp là 195mm, thì độ rộng tiết diện bánh không truyền động của xe th thao là 205mm, còn độ rộng tiết diện bánh truyền động thì phải tới 225mm. Từ khóa: Xe hơi thể thao; Xe thể thao 18. Thế nào là ô tô bay? Ô tô có thể bay được sao? Đúng! Nó là loại xe con vừa có thể chạy trên đường, lại vừa có thể "bay lượn" trên không đấy. Ở trên đường cái, xe bay chạy với tốc độ 105 km/giờ, ở trên không nó có thể bay với tốc độ 320- 640 km/giờ. Đó là một kiệt tác thiết kế của một nhà phát minh người Mỹ tên là Vôníc. Vôníc làm công tác nghiên cứu chế tạo máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng ở một công ty chế tạo máy bay trực thăng đã 35 năm. Ông tin rằng, ô tô bay được thiết kế bằng cánh ngắn, không những có thể giải quyết được sự phiền phức về tháo cánh, mà còn có thể gộp việc lái cho xe ô tô bay và chạy trên mặt đất thành một hệ thống thống nhất, do vậy, khi cho xe bay không cần có sự chuẩn bịtrước. Cánh được chế tạo đặc biệt và được lắp ở mặt sau xe, như vậy vừa bảo đảm ổn định, lại giảm được lực cản, giải quyết được vấn đề khó khăn là xe có thể bị lật. Hiện nay, Vôníc đã hoàn thành được công việc thực nghiệm động lực trên mô hình có kích thước theo tỷ lệ 1/3. Trong tương lai, ô tô bay có 4 chỗ ngồi, dài 7,3 m, nặng 1270 kg, một lần thay dầu có thể chạy 20.000 km trên mặt đường, hoặc bay 2100 km ở trên không, bay cao 3000 m. Như vậy, cự ly bay xa hơn phần lớn các máy bay trực thăng hiện nay. Ô tô bay dùng một động cơ ở trên đường bộ, cánh quạt được cố định theo chiều thẳng đứng, động cơ thông qua hai mô tơ thuỷ lực kéo xích truyền động để truyền động bánh sau, nếu muốn bay lên, người lái chỉ cần nhấn bàn đạp bánh lái dẫn hướng, khiến cho động cơ kéo cánh quạt quay, quá trình chuyển đổi này không cần dừng xe. Ô tô bay là một thiết kế cho tương lai, nhưng không còn là ảo tưởng nữa. Từ khóa: Ô tô bay 19. Thế nào là "ô tô thông minh"? Có một loại ô tô như thế này, khi nó chạy nhanh trên đường, nếu đằng trước bỗng nhiên có người băng qua, hoặc phát hiện đằng trước có vật chướng ngại, ô tô sẽ lập tức phanh lại, và khi người kia đã đi khỏi đường hoặc vật chướng ngại đã được dọn dẹp, thì nó lại từ từ khởi động, tiếp tục chạy. Đó là loại ô tô thông minh được nghiên cứu chế tạo thành công gần đây ở nước ngoài. Nó có thể tự khởi động, tự hãm xe, cũng có thể tự chạy vòng quanh để tránh các vật chướng ngại thông thường. Đặc điểm chủ yếu của ô tô thông minh là trong tình hình đường sá phức tạp rối rắm, nó có thể "tuỳ cơ ứng biến", tự động chọn phương án tốt nhất, vận hành an toàn nhất. Vì sao ô tô thông minh lại "thông minh" như vậy? Nguyên do là, hệ thống điều khiển lái của ô tô thông minh được hợp thành bởi ba bộ phận là cơ cấu nhận biết hình ảnh đường sá, máy tính điện tử cỡ nhỏ và công tắc tự động điều khiển tín hiệu điện. Cơ cấu nhận biết hình ảnh đường sá chủ yếu là hai máy camêra đặt ở phía trước xe. Nó giống như hai con mắt của con người, dùng để nhận biết các vật chướng ngại ở phía trước, hơn nữa hai máy camêra này có thể phát hiện rõ ràng bóng đen hay vật chướng ngại, cơ cấu phân biệt hình ảnh này có thể "nhìn thấy" rõ khoảng không gian từ 5-20 m ở phía trước xe, và căn cứ vào tính năng vận động của xe để xử lý, những vật có chiều cao từ 10 cm trở lên được coi là vật chướng ngại, nó quét lên mặt đường và ghi hình với 16 điểm trong một khoảng cách 1 m. Trong khi ghi hình nếu phát hiện phía trước có vật chướng ngại, thì nó sẽ phát ra xung điện. Vì quét và ghi hình 16 điểm, nên sự phân bố vật chướng ngại ở phía trước được nhận biết rõ ràng. Máy tính điện tử cỡ nhỏ, như "bộ óc" của con người, dùng để phán đoán và đưa ra quyết định. Sau khi nhận được tin tức từ cơ cấu nhận biết hình ảnh đường sá, nó liền đưa ra phán đoán, ô tô tiếp tục tiến lên hay dừng lại, tăng hay giảm tốc? Những điều đó căn cứ vào tình hình thực tế ở nơi đó, lúc đó, để chọn động tác tiếp theo thích hợp nhất với hoàn cảnh lúc đó. Các nhà thiết kế ô tô đã dự tính đầy đủ mọi tình huống, đưa một nhóm thông số điều khiển vào bộ lưu trữ của máy tính điện tử: Trong lúc xe chạy chỉ cần sử dụng chức năng kiểm tra dò tìm cao tốc của máy tính điện tử để chọn phương án thao tác là được. Khi lái xe, cần phải tôn trọng luật lệ giao thông, tuân theo sự chỉ huy của cảnh sát giao thông và biển báo giao thông. Do đó, máy tính điện tử của ô tô còn có khả năng thu nhận lưu giữ và xử lý các tin tức này. Trên ô tô thông minh, các công tắc trước kia được thao tác bằng tay, chân, đã biến thành công tắc tự động do tín hiệu điện điều khiển. Tay lái, phanh v.v. đều được điều khiển bằng tín hiệu phát lệnh, do đó khi xe chạy không những có thể quay vòng mà còn có thể vượt xe trước một cách an toàn. Ngoài ra, trên ô tô thông minh còn lắp bộ phận kiểm tra áp suất hơi trong bánh xe và cảnh báo tình trạng ngủ gật của người lái. Có một số ô tô thông minh còn có bộ phận có thể tự động dự đoán sự cố dọc đường cơ đấy! Từ khóa: Ô tô thông minh 20. Thế nào là xe"khái niệm"? Đi đôi với sự phát triển mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật và thực hiện chính sách cải cách mở cửa, mọi người cùng có nhiều cơ hội tiếp xúc với kỹ thuật xe cộ tiên tiến nhất trên thế giới. Thông qua các nhà môi giới, chúng ta có thể thấy, trong một số cuộc triển lãm ô tô cỡ lớn, thường xuất hiện các loại xe kiểu mới có hình dáng độc đáo, chúng thường được mang cái tên "xe khái niệm" (hay xe trưng bày). Thuật ngữ "xe khái niệm" là từ tiếng Anh "concept car" (hay concept verlucle) nó là một sản phẩm trung gian giữa ý tưởng và hiện thực, chủ yếu dùng trong việc nghiên cứu và thí nghiệm về xe cộ, có thể đưa ra một căn cứ khoa học đáng tin cậy về nghiên cứu tạo hình ô tô. Có thể nói rằng, quá trình khai phá xe khái niệm, trên thực tế là thời kỳ thử nghiệm cho ra đời ngành thiết kế ô tô kiểu mới. Hiện nay chưa thể nhìn thấy xe khái niệm ở trên đường phố, vậy thì công dụng của nó như thế nào? Tuy rằng xe khái niệm còn chưa xuất hiện trên thịtrường, nhưng là một loại thiết kế có tính chất thử nghiệm, nó là một mảnh đất để phát huy đầy đủ trí tưởng tượng và đưa ra một phong cách đặc thù trong việc thiết kế tạo hình ô tô. Việc thiết kế xe khái niệm, phần lớn đều có mục đích cải tiến tính động lực không khí của ô tô, đặc biệt là chú trọng làm giảm lực cản không khí trong quá trình xe chạy. Vì vậy, hình dáng của xe có dạng giọt nước thường gây một ấn tượng sâu sắc đối với mọi người. Đương nhiên, ngoài ngoại hình mới mẻ ra, xe khái niệm như là một xe mẫu ở các cuộc triển lãm. Cấu tạo bên trong của xe cũng sử dụng kỹ thuật siêu việt nhất, với vật liệu mới nhất và kỹ thuật thiết kế hợp lý nhất của mọi thời kỳ. Có thể nói rằng, xe khái niệm đã tập trung những thành quả khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trong mọi lĩnh vực khoa học kỹ thuật của thế giới đương đại, là sản phẩm mũi nhọn trong ngành chế tạo ô tô. Tuy rằng xe khái niệm về một số mặt nào đó chưa có đầy đủ điều kiện trở thành xe thương phẩm, như giá thành chế tạo cao, một số ý tưởng thiết kế chưa hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế v.v. nhưng là một loại ô tô lý tưởng siêu việt, không thể xem thường tác dụng gợi ý và thúc đẩy sự phát triển của sự nghiệp thiết kế chế tạo ô tô. Từ khóa: Xe khái niệm 21. "Ô tô mạng"có những đặc điểm gì? "Ô tô mạng" là một loại ô tô kỹ thuật cao có khả năng thông tin toàn cầu. Nó tập hợp hết tất cả các phụ kiện điện tử tiên tiến như điện thoại, vi tính, ti vi, thu vệ tinh, hệ thống định vịtoàn cầu v.v. hình thành ở trên xe một "autonet" có chức năng phi thường. Ô tô mạng có nhiều ưu điểm. Ví dụ, nó có thể tối ưu hoá tuyến đường chạy xe. Lợi dụng máy vi tính, người lái có thể đưa vào vi tính thời gian biểu chạy xe, lúc này ô tô có thể chạy theo tuyến đường tốt nhất để đến nơi đã định. Hệ thống dẫn đường của xe còn có thể ghi lại hành trình chạy xe. Ô tô mạng còn có thể duy trì liên tục với bên ngoài bất cứ lúc nào. Ngoài điện thoại ra, các thư điện tử gửi đến, người lái chỉ cần bấm phím ở trong xe, nội dung thư điện tử sẽ hiện ra trên kính chắn gió, cũng có thể chuyển thư điện tử thành tiếng nói, người lái có thể dùng ống nghe. Ô tô mạng còn giống như một phòng làm việc hoặc một phòng giải trí di động, khi đi đường có thể tuỳ ý mở nghe tin tức, xem các tiết mục văn nghệ. Hành khách trên xe ngoài việc có thể dùng ngôn ngữ để gọi điện thoại, lựa chọn đài phát thanh mà mình yêu thích, còn có thể lên mạng internet theo dõi các tin tức giao thông mới nhất, cung cấp tình hình cổ phiếu, nghe tin tức phát thanh, ngoài ra hành khách còn có thể thông qua máy phục vụ vệ tinh chuyên dùng để chọn các tiết mục điện ảnh và tivi có thu tiền v.v. Đương nhiên, những dịch vụ này chỉ được thực hiện với điều kiện chạy xe an toàn hoặc khi dừng lại nghỉ ngơi. Khi ô tô mạng gặp sự cố, ô tô sẽ tự động phát tín hiệu cảnh báo. Nếu chủ xe gọi điện thoại đến trung tâm phục vụ nhờ giúp đỡ, thì trung tâm phục vụ có thể sẽ tiến hành chẩn đoán sự cố từ xa, kiểm tra sửa chữa và ghi lại; nếu ô tô bị chết dọc đường hoặc lạc đường, có thể sử dụng hệ thống định vịtoàn cầu trên ô tô để định vị và thông báo với trung tâm phục vụ, trung tâm sẽ lập tức cử người đến sửa chữa và chỉ đường. Ô tô mạng còn có chức năng phòng trộm rất siêu việt. Chủ xe có thể thông qua mạng để khoá xe, tắt đèn từ xa. Sau khi xác nhận được xe bị đánh cắp, chủ xe có thể khoá và tắt động cơ, khiến cho tên trộm không sao lái xe chạy được. Chức năng ưu việt ô tô mạng đã thu hút nhiều công ty điện tử, máy tính, thông tin và các nhà máy sản xuất trên thế giới. Theo dự đoán, loại ô tô kỹ thuật cao này có triển vọng tung ra thịtrường vào 10 năm đầu của thế kỷ XXI. Từ khóa: Ô tô mạng 22. Tại sao trên nóc xe điện bánh hơi lại có cần gạt? Nói đến tàu điện bánh hơi (hay xe điện bánh hơi), chắc rằng không ai cảm thấy lạ lẫm, điều làm cho người ta chú ý nhất, đương nhiên là cái cần gạt trượt dưới đường dây điện ở trên nóc tàu. Ở Trung Quốc, ngay từ năm 1914, ở Thượng Hải đã bắt đầu có tàu điện không ray, từ năm 1950 trở lại đây liên tục có 24 thành phố xây dựng hệ thống tàu điện không ray. Trong việc giao thông của thành phố, tàu điện bánh hơi có nhiều mặt ưu việt hơn so với ô tô buýt, chẳng hạn, nó không xả ra chất khí có hại, tiếng ồn khi xe chạy nhỏ, tính năng kéo tốt, thao tác lái rất giản tiện. Nhất là thời đại ngày nay khi mà con người yêu chuộng môi trường xanh, sự phát triển của tàu điện bánh hơi cũng được coi trọng. Tuy nhiên, đi tàu điện bánh hơi cũng gặp một số phiền phức, đó là vì cái cần gạt đã hạn chế tốc độ xe ở một mức độ nhất định, hơn nữa trên đường còn bị hạn chế về phạm vi, nếu hơi thiếu cẩn thận một chút, là cái cần gạt bịtrật ra khỏi đường dây điện làm cho tàu điện bánh hơi bị dừng lại. Vậy thì tàu điện bánh hơi có thể không dùng đến cái cần gạt được không? Tuy rằng ngoại hình và kết cấu của tàu điện bánh hơi gần giống như ô tô buýt, nhưng nguồn động lực của chúng khác nhau. Ô tô thì dùng động cơ đốt trong chạy bằng xăng hoặc dầu điêzen, còn tàu điện bánh hơi thì dựa vào nguồn điện năng để kéo. Tuy nhiên, điện năng trên tàu điện bánh hơi không phải do máy phát điện tự nó mang theo cung cấp, mà dựa vào một thiết bị đặc biệt để có được động lực. Trên nóc tàu điện có lắp cái cần gạt có hai thanh gọi là cần góp điện, cần này tiếp xúc với hai dây điện ở trên không. Dòng điện từ một dây chạy vào một thanh của cần gạt, qua thiết bị điều khiển đến động cơ đặt trong tàu điện, sau đó qua thanh kia của cần gạt chạy vào đường dây thứ hai ở trên không, hình thành một mạch kín, do đó tàu điện có được động lực cần thiết để vận hành. Một khi một thanh nào đó của cần gạt bị trật khỏi đường dây, thì cũng giống như mạch điện bị ngắt, dòng điện không chạy qua, tàu mất nguồn động lực, tất nhiên là không thể tiếp tục hành trình được. Do vậy cái cần gạt tuy không thuận tiện lắm đối với tàu điện bánh hơi, nhưng lại rất cần thiết không thể thiếu được. Từ khóa: Xe điện, cần gạt 23. Tại sao giữa cần gạt của xe điện bánh hơi và đường dây điện trên không có khi tóe ra tia lửa xanh? Trong đời sống hằng ngày, nếu quan sát tỉ mỉ ngọn lửa, chúng ta có thể phát hiện các vật cháy khác nhau sẽ phát ra ngọn lửa có màu sắc khác nhau. Chẳng hạn, lửa cồn có màu xanh rất nhạt, lửa đèn dầu hoả có màu giống như màu xanh lá cây, chất axit cacbonic nguyên chất khi cháy có màu xanh lá cây rất tươi, v.v. Trong thiên nhiên, không những dầu hoả, cồn có thể cháy, mà ngay cả kim loại cũng có thể cháy, chẳng qua là kim loại có nhiệt độ bốc cháy cao hơn rất nhiều so với dầu hoả và cồn mà thôi. Ở nhiệt độ cao, rất nhiều kim loại bốc cháy, kim loại cháy cũng có màu sắc đặc biệt, ví dụ, natri khi cháy có màu vàng, kali khi cháy có màu tím, đồng khi cháy có màu xanh lá cây. Ở đầu cần gạt trên nóc xe điện có một máng lõm để tiếp xúc với đường dây điện trên không, ở chỗ tiếp xúc thường phát ra hồ quang, tức là một chùm tia lửa màu xanh lá cây chói mắt. Nguyên nhân phát ra hồ quang, chủ yếu là khi tàu chạy có sự rung động nhẹ, làm cho cần gạt tách khỏi đường dây điện trong giây lát, tạo ra khe hở giữa đường dây và cần gạt, không khí ở khe hở này chịu tác dụng của điện trở thành vật dẫn điện, do đó sản sinh ra hồ quang điện với nhiệt độ rất cao. Vì đường dây điện trên không làm bằng đồng, hồ quang điện có thể làm cho nó tạm thời bốc cháy và phát ra tia sáng màu xanh lá cây vốn có của nguyên tử đồng. Khi cần gạt tiếp xúc tốt với đường dây thì tia lửa điện hồ quang cũng tự mất đi. Từ khóa: Hồ quang 24. Tại sao ô tô điện có thể khôi phục địa vị? Ô tô điện là chỉ loại ô tô không dùng động cơ đốt trong, không dùng xăng, mà dùng động cơ điện một chiều để kéo. Ô tô điện là sản phẩm cùng thời với ô tô chạy bằng động cơ đốt trong, vào giữa thế kỷ XX, đã từng được hoan nghênh nhiệt liệt do thiếu xăng. Từ năm 60 trở về sau của thế kỷ XX, do khai thác rộng rãi các mỏ dầu, giá xăng lại tương đối rẻ, mà kỹ thuật ắc quy lại phát triển chậm, điều đó khiến cho ô tô điện xét về mặt tính năng động lực hay dung lượng ắc quy đều không thể cạnh tranh nổi với ô tô chạy bằng động cơ đốt trong. Do vậy ô tô điện hưng thịnh một thời, dần dần bị mọi người lạnh nhạt. Đi đôi với việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của con người trong xã hội hiện đại, con người cũng nhận thức được nguy cơ của ô tô chạy bằng xăng dầu đem lại. Các chất mà nó thải ra như khí cacbonnic, nitơ oxit, các hợp chất hyđro cacbua gây bệnh ung thư và chì v.v. đã làm nguy hại nghiêm trọng đến sức khoẻ con người, trở thành một nguồn ô nhiễm lưu động trong bầu không khí mà ta đang sống. Cộng thêm tiếng ồn ào hỗn tạp, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và làm việc của con người. Trái lại, ô tô điện không gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn nhỏ, điều khiển dễ dàng, tuổi thọ sử dụng dài, hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, qua thời gian dài nghiên cứu, tính năng của ắc quy cũng như các tính năng sử dụng khác của ô tô cũng được cái tiến nhiều. Do vậy, ô tô điện lại được "phục hưng" ở nhiều nước trên thế giới. Nước Đức đã chế tạo một loại ô tô điện, sử dụng ắc quy natri sunfua, sau khi nạp điện có thể chạy liên tục 180 km, tốc độ cao nhất là 125 km/giờ. Nước Pháp sản xuất một loại ô tô điện có công suất động cơ lớn nhất là 20 kw, tốc độ cao nhất là 91 km/giờ, mỗi lần nạp điện có thể chạy 80 km và cứ 10 km chỉtiêu tốn 1 euro1, vừa bảo vệ môi trường, lại vừa tiêu hao năng lượng ít, tỏ rõ tính kinh tế và thích dụng của nó; được tôn vinh là phương tiện giao thông lý tưởng nhất của khu vực thành phố. Một số vùng ở Thuỵ Sĩ và Mỹ đã đưa ra những hạn chế đối với loại ô tô thải ra khí thải có hại. Điều này về khách quan đã thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng ô tô điện. Theo dự đoán, trong 10-20 năm tới đây, 75% ô tô chạy xăng sẽ được thay thế bằng ô tô chạy điện. Trong làn sóng bảo vệ môi trường toàn cầu, ô tô điện sẽ được khôi phục, sẽ dẫn đầu một trào lưu mới về phát triển ô tô. Từ khóa: Ô tô điện, Bảo vệ môi trường 25. Tại sao nhấn phanh thì ô tô dừng lại? "Tăng tốc nhấn ga, giảm tốc nhấn phanh". Đó là phương thức cơ bản nhất khi lái xe. Trong cuộc sống, con người không tách khỏi phương tiện vận chuyển nhanh và thuận tiện như ô tô. Nhưng tại sao mỗi khi nhấn bàn đạp phanh mà ta thường gọi là "phanh xe" thì ô tô lại dừng lại? Chúng ta biết rằng, lực tác dụng là nguyên nhân làm thay đổi trạng thái chuyển động của vật thể. Đối với ô tô, ngoại giới mà nó tiếp xúc chỉ có mặt đất, vì vậy lực tác dụng này chỉ có thể là lực tác dụng của mặt đất. Vậy thì, bàn đạp phanh ô tô và mặt đất có quan hệ với nhau như thế nào? Cơ cấu truyền động phanh của ô tô chủ yếu là do đạp phanh, cần kéo, bánh cam, v.v. hợp thành tác dụng hãm do chi tiết quay như trống phanh và các chi tiết cố định như guốc phanh, chốt đỡ và lò xo hồi vị v.v. hợp thành, bàn đạp do người lái điều khiển. Hệ thống phanh không làm việc thì giữa mặt trục tròn bên trong của trống phanh và má phanh có một khe hở nhất định, làm cho trống phanh có thể chuyển động tự do theo bánh xe. Khi giảm tốc độ xe, người lái nhấn bàn đạp phanh, thông qua cần đẩy cánh tay đòn khiến cho bánh lái cam quay đi một góc, do đó thắng được lực của lò xo hồi vị, đẩy guốc phanh quay quanh chốt đỡ, đầu trên guốc phanh tách ra hai bên. Như vậy, guốc không quay, sản sinh ra một mômen ma sát bên trên trống quay, chiều của nó ngược với chiều quay của bánh xe. Sau khi mômen này truyền lực bánh sau, do tác dụng bám của bánh xe với mặt đường, nên bánh xe sản sinh ra một lực tác dụng tiếp tuyến hướng về phía trước, đồng thời theo nguyên lý lực tác dụng và phản lực, mặt đường cũng tác dụng trở lại một phần lực có độ lớn bằng nhau, có nhiều trái ngược lại với bánh xe, đó là lực hãm cản trở ô tô tiến lên. Do đó khi người lái xe nhấn bàn đạp phanh, qua một loạt quá trình tác dụng của hệ thống hãm, có thể làm dừng lại một cách ổn định trong thời gian rất ngắn. Từ khóa: Phanh xe; Hệ thống phanh 26. Tại sao khi phanh ô tô nhất định phải phanh bánh sau? Nếu có người hỏi bạn, khi phanh ô tô thì phanh bánh sau hay bánh trước. Có lẽ bạn không trả lời ngay được. Nếu quan sát tỉ mỉ quá trình phanh xe, bạn sẽ phát hiện khi phanh xe, vẫn là phanh bánh sau. Tại sao vậy? Lý do là, các động cơ ô tô thường kéo bánh sau, khi người lái chuẩn bị khởi động động cơ, thì động cơ kéo bánh sau quay, sau khi bánh sau lăn trên mặt đường thì bánh trước mới quay theo, và toàn bộ thân xe cũng chuyển động lên phía trước. Nhiệm vụ của bánh trước là giữ cho xe cân bằng, và dẫn hướng cho xe chạy, nó liên kết với vòng tay lái trong tay người lái, người lái quay vòng tay sang phải, thì bánh trước quay sang phải, vòng tay lái quay sang trái thì bánh trước quay sang trái. Vì chức năng của bánh xe trước và bánh xe sau khác nhau nên tên gọi của chúng cũng khác nhau, bánh trước gọi là bánh dẫn hướng, bánh sau gọi là bánh dẫn động, hay bánh chủ động. Khi lái ô tô chạy với tốc độ nhanh, một khi gặp phải tình huống khẩn cấp phải dừng xe cấp tốc, nếu bộ phận hãm lắp ở bánh trước, thì dù phanh bánh trước thì bánh sau vẫn quay, nó vẫn cưỡng bức ô tô xông lên phía trước không thể khiến cho xe dịch chuyển lên phía trước, còn nửa phần sau của xe sẽ chồm lên, thậm chí làm cho cả thân xe lấy bánh trước làm điểm tựa và lộn nhào về phía trước. Bạn xem, như vậy thật là nguy hiểm biết nhường nào. Vậy thì, khi phanh bánh sau, tại sao không bị lộn nhào? Bởi vì lúc đó cả thân xe lấy bánh sau làm điểm tựa, vì thân xe bị mặt đất cản trở, quán tính xông lên phía trước không thể làm cho xe bị lộn nhào về phía trước được. Các nhà thiết kế ô tô cũng vì xét đến vấn đề trên thực tế sản sinh ra khi phanh xe, nên mới lấy bánh sau làm bánh dẫn động. Từ khóa: Phanh xe; Bánh kéo; Bánh định hướng 27. Tại sao phần lớn ô tô lại dùng bánh sau đẩy bánh trước? Chúng ta đều biết rằng, phần lớn các ô tô đều dùng bánh sau để dẫn động. Nhưng có điều kỳ lạ là, phần lớn động cơ xe đều đặt ở trước xe. Điều đó đã đặt ra một câu hỏi: Tại sao động cơ ô tô không trực tiếp dẫn động bánh trước, mà phải thông qua một trục truyền lực khá dài gọi là trục cácđăng để dẫn động bánh sau? Quả thực, nếu động cơ trực tiếp dẫn động bánh trước, thì không những có thể bớt được cái trục cácđăng đó, mà còn hạ thấp trọng tâm của ô tô xuống, khi lái càng thêm ổn định. Nhưng nếu làm như thế, thì cùng một chiếc ô tô như nhau, sức kéo của nó sẽ không lớn bằng cách dẫn động bánh sau, mà khả năng leo dốc cũng kém đi. Có thể bạn sẽ hỏi: Thế thì khi thiết kế ô tô, tại sao không cho bánh trước có tải trọng lớn hơn bánh sau? Đó là vì khi ô tô chạy tăng tốc, các vật thể trên ô tô thành "trước nặng sau nhẹ", thì khi leo dốc sẽ tốn sức, còn khi xuống dốc lại có mối nguy hiểm là xe bị lộn nhào về phía trước. Ngoài những điều đó ra, buồng lái nói chung vẫn luôn luôn đặt ở trước xe, để tiện quan sát, do đó, trọng lượng của hành khách và hàng hoá càng gần bánh sau hơn. Giả dụ bánh trước để dẫn động, đồng thời để quay vòng chuyển hướng, thì cơ cấu di chuyển của ô tô sẽ càng phức tạp hơn, không tiện cho thao tác điều khiển. Trong một số trường hợp đặc biệt, cũng có một số ô tô có bánh trước dẫn động, bánh sau chuyển hướng, ngoài ra còn có ô tô cả bánh trước và bánh sau đều dẫn động đấy! Như xe jép quân sự và một số máy kéo chạy bằng bánh hơi dùng trong nông nghiệp, để có được lực kéo lớn hơn, thích ứng với những loại đường gập ghềnh xấu, lầy lội, bánh trước và bánh sau của nó đều có thể dẫn động. Từ khóa: Bánh kéo 28. Tại sao trên lốp xe ô tô cần có gân rãnh? Tuyệt đại đa số các xe cộ, như ô tô tải lớn, ô tô con, ô tô buýt, tàu điện không ray, xe ba bánh, xe gắn máy, xe đạp v.v. đều dùng lốp cao su, điều đó có nghĩa là, các lốp không phải trơn nhẵn, mà đều có gân rãnh gọi là hoa lốp hay ta lông. Hơn nữa lốp khác nhau thì hình dạng và kích thước của gân rãnh trên lốp xe cũng khác nhau. Đây có phải làm cho đẹp chăng? Nguyên do là, các gân rãnh trên bánh xe có tác dụng làm tăng lực ma sát giữa bánh xe và mặt đường, đề phòng bánh trượt trên mặt đường. Ví dụ như ta đi giày có đế đã mòn nhẵn thì khi đi trên đường, rất dễ bịtrượt ngã, đó là vì mặt ma sát giữa đế giày và mặt đường quá nhỏ, do đó khó bước lên. Trái lại khi ta đi giày mới có gân rãnh ở đế thì khó bịtrượt ngã. Các loại gân rãnh trên bánh xe ô tô cũng theo nguyên lý đó. Gân rãnh trên bánh xe xuất hiện vào khoảng năm 1892. Ban đầu các họa tiết gân rãnh rất đơn giản, chỉ là những đường thẳng. Về sau đi đôi với sự tăng tải trọng và tốc độ xe ngày càng được nâng cao, và mặt đường được cải tiến, gân rãnh của bánh xe dần dần trở thành đa dạng, phức tạp hơn. Hiện nay người ta quen chia gân rãnh trên bánh xe thành ba loại lớn, là gân rãnh thông dụng, gân rãnh việt dã và gân rãnh kết hợp. Hình dạng hình học của chúng có năm loại là đường thẳng ngang, đường thẳng dọc, đường chéo, hình khối và kiểu hỗn hợp. Gân rãnh thông dụng là loại phổ biến nhất, được dùng sớm nhất, như gân rãnh hình thẳng dọc hoặc hình răng cưa thường thấy trên các lốp ô tô buýt, chúng có thể khử tiếng ồn, cho nên còn gọi là "gân rãnh không tiếng". Gân rãnh việt dã dùng cho các ô tô chạy trên những vùng đất hoang dã đường xấu, lốp to, các gân rãnh có rãnh sâu và