LỜI NÓI ĐẦU
Quản trị địa phương là khái niệm mới gắn với quá trình cải cách nền hành chính ở mọi quốc gia, nhất là kể từ giữa thế kỷ XX cho tới nay.
Quản trị địa phương là khái niệm dùng để chỉ về phương thức, cách thức tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trong bối cảnh nền quản trị nhà nước có nhiều thay đổi với những bước đi mới mẻ, trong đó khẳng định sự tham gia quản trị của các tầng lớp nhân dân trong mối quan hệ với chính quyền địa phương theo một phương thức tổ chức mới nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Để tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Nhà nước, trong đó có vai trò của chính quyền địa phương trong việc: Đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, phát huy dân chủ và tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, Đại hội lần thứ X, XI, XII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của dân, do dân và vì dân. Khẳng định điều này cho thấy rằng, trong bộ máy nhà nước, thì cấp chính quyền địa phương có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng, nhất là kể từ sau khi đất nước thực hiện chủ trương đổi mới và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc cải cách làm hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước ngày một tăng cao, góp phần vào thắng lợi chung trong việc thực hiện mục tiêu của quá trình đổi mới.
Tuy nhiên, đứng trước sự biến đổi không ngừng của đời sống khách quan và yêu cầu của hội nhập quốc tế, chính quyền địa phương cũng cần phải định rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Trong việc xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, đẩy lùi và ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu; mở rộng dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương thì đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình hành động trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, X, XI và XII của Đảng. Do vậy, để làm rõ hơn những chức trách của chính quyền địa phương trong xu thế cải tổ về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, của địa phương nói riêng thì một trong những nguyên tắc mà Nghị quyết số 18-NQ/TW-BCHTW khóa XII đã xác định: “Tiếp tục thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền hợp lý giữa trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới cơ bản theo hướng: thực hiện việc quản lý hành chính không quá một cấp; phân định rõ nhiệm vụ của từng cấp, về cơ bản những việc gì cấp trên làm thì cấp dưới không làm và ngược lại, giao quyền chủ động hơn cho cấp dưới, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xây dựng các cơ chế kiểm soát quyền lực; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu”; “Rà soát, sắp xếp, thu gọn đầu mối các đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy của tổ chức trong hệ thống chính trị…”.
Để thực hiện được những định hướng cơ bản nêu trên, việc hoàn thiện tổ chức và hoạt động bộ máy chính quyền địa phương cần được tiến hành đồng thời với những bước đi cụ thể của đề án cải cách nền hành chính quốc gia bảo đảm bộ máy gọn nhẹ, năng động, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền trong hoạt động quản trị nhà nước nói chung, quản trị địa phương nói riêng.
Với tinh thần này, nhóm tác giả của Học viện Hành chính Quốc gia do PGS.TS. Nguyễn Thị Phượng làm chủ biên đã tổ chức biên soạn cuốn, Quản trị địa phương: Từ lý thuyết tới thực tiễn nhằm cung cấp cho bạn đọc tài liệu chuyên khảo về những vấn đề nêu trên.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu công phu, có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn trong quản trị địa phương. Trên cơ sở phân tích những vấn đề chung nhất của quản trị, quản trị nhà nước, quản trị địa phương, những yêu cầu của quản trị tốt; kinh nghiệm tổ chức chính quyền tự quản địa phương của một số quốc gia trên thế giới, nhóm tác giả đã phác họa bức tranh về các thiết chế trong tổ chức và hoạt động bộ máy của chính quyền địa phương các cấp, một số lĩnh vực cơ bản của quản trị địa phương cùng với mối tương quan giữa chính quyền địa phương với người dân trong quản trị địa phương thông qua những phương thức, cách thức thực hiện để bảo đảm tính liêm chính, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương trong hoạt động quản trị. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng cố gắng luận giải những bài học thành công về kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tự quản. Cuốn sách cũng đặt ra những lựa chọn, đề xuất chính sách về việc tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trong bối cảnh tiếp tục sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 hiện nay.
Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý trong quá trình thực thi nhiệm vụ và cũng là tài liệu có giá trị tham khảo cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên, sinh viên có thể tìm hiểu về vấn đề lý thuyết và thực tiễn trong việc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay.
Xin chân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc!
Thay mặt các tác giả PGS.TS. Nguyễn Thị Phượng
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com