Có một đoạn trong cuốn sách này khiến tôi dừng lại suy nghĩ. Đấy là khi Công Vinh nhận ra rằng “cuộc sống đời thực và trên mạng có khoảng cách rất lớn”. Trên mạng, Công Vinh chịu nhiều áp lực của dư luận. Nhưng ra đường, ai gặp cũng tươi cười và xin chụp hình chung. Một chi tiết nhỏ. Nhưng chuyện cá nhân của Vinh như thể phản ánh tinh thần của cả một giai đoạn xã hội. Sống bao năm trong nghề truyền thông, tôi hiểu được rằng giữa “dư luận mạng” và cuộc đời khác nhau như thế nào, và luôn day dứt về sự đối lập đôi khi đầy tiêu cực ấy. Và rồi tôi nghĩ, cũng phải, nếu chuyện của Công Vinh mà không phản ánh bức tranh xã hội thì còn ai? Sau rốt, tôi nhận ra, trong cuốn sách này có rất nhiều phần đời của người Việt Nam. Nó có câu chuyện của một cậu bé nông thôn. Cậu nghèo và có một mơ ước. Bao nhiêu người trong chúng ta, ở những thập kỷ đã qua, từng mang tâm trạng của những cậu bé nghèo mang trong mình một mơ ước? Nó có câu chuyện của một chàng thanh niên đối mặt với những mâu thuẫn giá trị trong cuộc đời. Đồng tiền. Danh vọng. Những ngã ba của lương tri. Bao nhiêu người trong chúng ta đã từng là một thanh niên đứng đó, trước những ngã ba của cuộc đời, tự hỏi “Tôi là ai?” khi phải gạt tay vào xi-nhan giá trị sống để lựa chọn? Nó có câu chuyện của những tiếng đồng thanh từ miệng lưỡi người đời. Bạn sẽ bảo rằng chẳng có quyển hồi ký nào của người nổi tiếng mà không có yếu tố miệng đời. Nhưng ở Việt Nam, cái yếu tố ấy rất khác: Những lời thị phi sẽ dai dẳng, chúng ngấm vào da thịt con người như là mồ hôi của chính anh sau cơn cảm lạnh bỗng khô đi, khiến anh đau yếu triền miên. Ai trải qua thứ ấy rồi, trong chúng ta? Nó có câu chuyện của những trận cầu. Bóng đá ở xứ sở này là một điều thiêng liêng: Không có nhiều cơ hội để người ta thăng hoa trong một xã hội đề cao sự sắp đặt và chỉ huy. Hiếm đến mức rất ít người không biết ai đã đánh đầu vào lưới Thái Lan trong trận chung kết AFF Cup 2008. Chẳng mấy khi có một sự thăng hoa khiến người ta bật khóc. Và hơn hết, trong cuốn sách này, có một phần rất quan trọng dành cho tình yêu. Cho một người phụ nữ – mà ngày thường hiện lên trên truyền thông với tất cả sự lộng lẫy cần thiết của một nghệ sĩ. Nhưng ở đây, người phụ nữ ấy qua con mắt của người đàn ông lại hiện thân cho tình yêu chất phác, cho một thứ “hậu phương” nền nã nào đó trong tâm thức của người Á Đông. Bản thân người phụ nữ ấy thoạt nhìn cũng giống một ước mơ. Trong cuốn sách này, không phải là đời của một cá nhân tên Vinh, mà tôi nhìn thấy ở đấy phần đời của rất nhiều con người. Những câu chuyện trong sách được kể bằng một giọng văn thản nhiên, không phải vì chúng không buồn, không đau, không hưng phấn; mà dường như vì người viết ý thức được rằng trong câu chuyện ấy có bao nhiêu nét nghĩa, thì người Việt Nam đều hiểu hết. Không cần diễn giải thêm về cái nghèo, về khát vọng, về đồng tiền và miệng lưỡi thế gian với độc giả ở xứ này nữa. Dù sao, thì chính chúng ta đã tạo nên Lê Công Vinh.