Phê phán năng lực phán đoán là quyển Phê phán thứ 3 và, như Kant nói trong lời tựa của lần xuất bản thứ nhất, “với công trình này, tôi đã hoàn tất toàn bộ công cuộc phê phán của mình”. Hai quyển trước là “Phê phán lý tính thuần túy” nhằm trả lời câu hỏi “Tôi có thể biết gì?” và “Phê phán lý tính thực hành” trả lời câu hỏi “Tôi phải làm gì?”.
Câu hỏi thứ 3 “Tôi có thể hy vọng gì?” được Kant dành cho các bài viết và các công trình nghiên cứu tương đối ngắn viết về triết học lịch sử và triết học tôn giáo . Quyển Phê phán năng lực phán đoán là cầu nối cho cả ba câu hỏi trên, và tìm cách trả lời cho câu hỏi thứ tư, bao trùm ba câu hỏi trên do chính Kant đặt ra: “Con người là gì?” bằng cách gợi lên vấn đề mới: Tôi có thể cảm nhận và suy tưởng như thế nào về bản thân và thế giới xung quanh mình.
Phê phán năng lực phán đoán là một tác phẩm có kết cấu đa tầng, thực hiện hai chức năng: một mặt thực hiện chức năng hệ thống như là phần kết thức đóng góp về mặt phương pháp luận cho việc thúc đẩy luân lý và nghiên cứu về khoa học tự nhiên.
Vì thế, tác phẩm này được đánh giá như một “viên đá đỉnh vòm” của toàn bộ tòa nhà triết học.
***
Phê phán năng lực phán đoán là quyển Phê phán thứ ba và, như Kant nói trong Lời Tựa của lần xuất bản thứ nhất, “với công trình này, tôi đã hoàn tất được toàn bộ công cuộc Phê phán của mình” (tr. BX). Hai quyển trước là Phê phán lý tính thuần túy (1781, 1787) nhằm trả lời câu hỏi: “Tôi có thể biết gì?” và Phê phán lý tính thực hành (1788) trả lời câu hỏi: “Tôi phải làm gì?”[3]. Câu hỏi thứ ba “Tôi có thể hy vọng gì?” được Kant dành cho các bài viết và công trình nghiên cứu tương đối ngắn về triết học lịch sử và triết học tôn giáo[4]. Quyển Phê phán năng lực phán đoán này là cầu nối cho cả ba câu hỏi trên, và, như ta sẽ đề cập ở các phần sau, hầu như tiếp cận và tìm cách trả lời cho câu hỏi thứ tư, bao trùm cả ba câu hỏi trên do chính Kant đặt ra: “Con người là gì?”[5] bằng cách gợi lên vấn đề mới: tôi có thể cảm nhận và suy tưởng như thế nào về bản thân mình và về thế giới chung quanh?
PPNLPĐ có ba ấn bản: lần thứ nhất năm 1790 (gọi là bản A) in vội vã nên có nhiều sai sót, nhất là nhiều lỗi chính tả khiến Kant rất bực mình (“Không có quyển nào trong các quyển Phê phán của Kant được in một cách thảm hại như lần xuất bản thứ nhất này”[6]). Lần xuất bản thứ ba năm 1799 (bản C) được in cẩn trọng hơn nhiều, nhưng lại “không có dấu hiệu nào cho thấy Kant có tham gia vào quá trình sửa chữa và in ấn”[7], do đó, ấn bản lần thứ hai năm 1793 (gọi là bản B) là bản được đích thân Kant sửa chữa, bổ sung và xác định là bản chính thức (“autorisiert”)[8]. Giới nghiên cứu về Kant đều thường dùng bản B này làm căn cứ để trích dẫn hay phiên dịch, vì thế bản dịch này cũng dựa trên bản B (NXB Felix Meiner, Hamburg 2001) nói trên theo thông lệ. Số trang trên lề trái mỗi trang gồm: số trang của nguyên bản B (vd: B100 = trang 100 trong bản B) và số trang trong ngoặc vuông [ ] là từ Tập hợp tác phẩm Kant của Ấn bản Viện Hàn Lâm khoa học Phổ, tập V (gọi tắt là ấn bản Hàn Lâm/Akademie- Ausgabe hay AA). Cả hai cách đánh số trang đều có giá trị như nhau trong việc trích dẫn tác phẩm này theo thói quen của giới nghiên cứu.
Ngoài Lời Tựa và Lời dẫn nhập khá dài và quan trọng ở đầu sách, Kant còn viết một Lời dẫn nhập lần thứ nhất (Erste Einleitung) rất dài, nhưng ông bỏ, không dùng. Trong “bản sao” nguyên tác của J. C. Kiesewetter – người phụ trách in ấn bản lần thứ nhất – đã bị thất lạc, người ta chỉ còn tìm lại được Lời dẫn nhập này và đã công bố (NXB Felix Meiner, Hamburg, 1990, 86 trang). Bản dịch này của chúng tôi chưa bao gồm Lời dẫn nhập lần thứ nhất này và hy vọng sẽ có dịp bổ sung trong lần tái bản sau, nếu bản dịch này có được may mắn đó.
Cũng như khi dịch hai quyển Phê phán còn lại, chúng tôi cố gắng theo sát nguyên bản, nhưng ở nhiều chỗ cũng buộc lòng phải chấm câu lại (dấu |), vì văn Kant vốn nặng nề, phức tạp thì trong quyển này, càng “dây cà dây muống” với không ít câu dài hơn 20 dòng![9]. Kant lại có “tật” hay lặp đi lặp lại (có lẽ vì ông là “triết gia-nhà giáo” nên thường e học trò quên bài!), nhưng tới khi ta bắt đầu thấy hơi ngán ngẩm thì ông đột ngột nêu thêm một ý mới, mở ra một bình diện hay một viễn tượng khác như muốn thử thách lòng kiên nhẫn và sự tĩnh tâm của người đọc. Vì thế, để phần nào đáp ứng nhu cầu “nhanh gọn” của đông đảo người đọc ngày nay, phần Chú giải dẫn nhập của người dịch ở cuối mỗi tiết lớn hay mỗi chương cố gắng tóm tắt đại ý, giải thích các chỗ khó hiểu và sắp xếp lại các bước lập luận của Kant để bạn đọc dễ theo dõi. (Riêng đối với Lời Tựa và Lời dẫn nhập, chúng tôi cố tóm tắt ý chính trong mấy lời giới thiệu này nên sẽ không có phần chú giải riêng, để khỏi quá rườm). Tuy nhiên, đọc Chú giải dẫn nhập không thay thế được cho việc tìm hiểu bản thân văn bản, cũng như cầm tấm bản đồ sơ sài trong tay khác xa với việc tự mình nhẩn nha ngắm nhìn và thưởng thức phong cảnh trong một “trò chơi tự do và lâu bền” như Kant nói (B73)!
Với bản dịch này, bắt chước cách nói của Kant, chúng tôi cũng đã “hoàn tất” công việc dịch và chú giải ba quyển Phê phán của ông! Nhưng, vẫn còn “nợ” ông rất nhiều, ít ra là các tác phẩm về triết học lịch sử và triết học tôn giáo nói trên đây; đó là chưa kể đến phần Học thuyết (Doktrin) đồ sộ – đến sau phần Phê phán – (Các cơ sở đầu tiên của Siêu hình học về khoa học tự nhiên và Siêu hình học về đức lý gồm học thuyết về pháp quyền và học thuyết về đức hạnh) v.v… “Gánh nặng, đường xa, trời chiều, bạn ít”, không biết có còn đủ sức để theo đuổi ông đến đâu!
***
Immanuel Kant (sinh ngày 22 tháng 4 năm 1724 tại Königsberg; mất ngày 12 tháng 2 năm 1804 tại Königsberg), được xem là một trong những triết gia quan trọng nhất của nước Đức, hơn nữa là một trong những triết gia lớn nhất của thời kỳ cận đại (Neuzeit), của nền văn hóa tân tiến và của nhiều lĩnh vực nhân văn khác. Sự nghiệp triết học của ông được biết đến qua hai giai đoạn: “tiền phê phán” và sau năm 1770 là “phê phán”. Học thuyết “Triết học siêu nghiệm” (Transzendentalphilosophie) của Kant đã đưa triết học Đức bước vào một kỉ nguyên mới. “Danh tiếng của ông đã đẩy lùi những gì đi trước vào bóng tối và toả sáng lên trên những gì đi sau”, như nhận xét của triết sử gia J. Hirschberger.
“… Trong tất cả những tác phẩm của Bacon, Descartes, Hobbes, sau đó của Pascal, Leibniz, Locke, Hume, Rousseau, các tác phẩm của Fichte, Hegel, Nietzsche và tiếp theo đó của Frege, Russell, Heidegger và Wittgenstein, không có tác phẩm nào đã làm thay đổi và gây ảnh hưởng sâu đậm lên triết học cận và hiện đại Tây phương hơn “Phê phán lý tính thuần túy” (…) Mọi người đều cùng một nhận xét: kẻ nào nghiên cứu “Phê phán lý tính thuần túy”, kẻ đó đã đến tận gốc rễ của triết học…” (Thái Kim Lan, Dẫn luận).
Nhận xét về Immanuel Kant (1724-1804), triết gia J. Hirschberger đã viết như sau: “Kant được xem là triết gia Đức lớn nhất, hơn nữa là triết gia lớn nhất của thời cận đại (Neuzeit), là triết gia của nền văn hóa tân thời (moderne Kultur) và của nhiều lĩnh vực khác nữa. Dù người ta có đánh giá Kant gì đi nữa, điều không thể chối cãi là ít nhất Kant đã nâng triết học Đức tiến lên một giai đoạn mới. Danh tiếng của ông đẩy lùi tất cả những gì đi trước vào bóng tối và tỏa sáng lên những gì đi sau.” Trong tòa nhà triết học của Kant, cuốn Phê phán lý tính thuần túy này được xem là tác phẩm chính yếu, đồng thời cũng là tác phẩm nền tảng của triết học cổ điển Đức, danh tác bất hủ của văn hóa Tây phương và thế giới – lần đầu tiên được nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn dịch đầy đủ sang tiếng Việt và được chú giải công phu nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất (1804-2004) và 280 năm ngày sinh (1724-2004) của triết gia.
Mời các bạn đón đọc Phê Phán Năng Lực Phán Đoán của tác giả Immanuel Kant.