Sau “Tà dương” và “Thất lạc cõi người”, chúng tôi xin được giới thiệu đến quý độc giả một tác phẩm tiêu biểu nữa của Dazai là “Nữ sinh” cùng với năm truyện ngắn xuất sắc khác. Hầu hết các truyện trong tuyển tập đều có nhân vật chính là nữ với những miêu tả tâm lý hết sức tinh tế và cao sang. Không những thành công với thể loại tự truyện (tư tiểu thuyết), Dazai còn chứng tỏ bản lĩnh bậc thầy của mình trong việc am hiểu tâm lý phụ nữ xứ Phù Tang. Qua tác phẩm của Dazai, tâm hồn Nhật Bản; vốn kiềm nén và khép kín, có thể hiện cũng rất cô đọng, như thơ Haiku, như kịch No, như phim của Ozu; lại được chuyên chở qua ngôn ngữ của văn chương một cách dịu dàng nhưng không kém phần mãnh liệt.
Truyện “Nữ sinh” được dịch từ nguyên tác “Nữ sinh đồ” (女生徒) trong tập truyện ngắn “Nữ sinh” (女生徒) do Nhà xuất bản Kadokawa (角川文庫) tái bản có sửa chữa lần thứ năm năm Bình Thành 21 (2009). Tác phẩm này được đăng tải lần đầu tiên trên tạp chí “Văn học giới” số tháng 4 năm 1939. Dựa trên nhật ký của một độc giả nữ tên là Ariake Shizu (lúc bấy giờ 19 tuổi) gửi cho Dazai vào tháng 9 năm 1938, Dazai đã viết thành một truyện vừa xuất sắc nói về biến chuyển nội tâm của một nữ sinh 14 tuổi gói gọn trong vòng một ngày, từ khi thức dậy đến khi đi ngủ. Tác phẩm khắc họa rất thành công tâm lý bi quan hay trầm uất của một thiếu nữ tuổi dậy thì với một văn phong vô cùng tinh tế. Chính vì vậy, ngay từ khi ra đời, tác phẩm được giới văn nghệ thời bấy giờ, tiêu biểu là văn hào Kawabata Yasunari vô cùng tán thưởng. Đến năm sau, 1940, tác phẩm được giải nhì của giải thưởng văn học Kitamura Tokoku[1]. Tác phẩm đã được tái bản rất nhiều lần và luôn được các độc giả nữ yêu thích cho đến nay. Bản thân tập nhật ký của Ariake đã trở thành một tư liệu văn học quý và được trưng bày tại bảo tàng văn học cận đại Aomori vào tháng 2 năm 2000.
Cũng như “Nữ sinh”, sự tinh tế trong việc miêu tả tâm lý phụ nữ của Dazai một lần nữa được thể hiện qua truyện “Nữ tác gia”. Tâm lý của một cô gái nuôi mộng văn chương hiện ra thật sinh động và thú vị vô cùng.
Là chứng nhân của cuộc thế chiến tàn khốc và là nạn nhân của thời cuộc, Dazai đã đưa những trải nghiệm cay đắng của mình vào tác phẩm. Truyện ngắn “Tờ tiền giấy” nói về sự đảo điên của cuộc thế chiến nhưng vẫn có một tia sáng ấm áp nhỏ nhoi của tình người. Qua hai tác phẩm “Một ngày trọng đại” và “Người vợ” những tâm tình của người phụ nữ Nhật Bản trong ngày mở màn cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, hay khi bị chồng phản bội đều hiện ra hết sức chân thật. Riêng truyện “Một chuyến đi” nói về nhà văn Kasai, một chân dung tự họa của Dazai, qua đó chúng ta thấy được phần nào sự cố gắng của tác giả trong việc theo đuổi văn chương, nhiều khi không phải vì đam mê mà còn vì sinh kế nữa.
Như vậy là sau ba năm ròng rã đọc và dịch Dazai, chúng tôi đã giới thiệu đến quý độc giả những tác phẩm chính yếu, xuất sắc nhất của ông, cả tiểu thuyết và truyện ngắn. Chỉ riêng một số thư từ, vài truyện ngắn khác như “Kỷ niệm” (思い出), “Vợ của Villon” (ヴィヨンのつま) và vở kịch “Pháo hoa mùa đông” (冬の花火) là chưa được dịch và giới thiệu. Hy vọng những tác phẩm đó sẽ được bổ sung đầy đủ khi ấn hành tuyển tập tác phẩm của Dazai trong tương lai.
Hoàng Long
Truyện “Người vợ” được dịch từ nguyên tác “Osan” (おさん) trong tập truyện ngắn “Nữ sinh” (女生徒) do Nhà xuất bản Kadokawa (角川文庫) tái bản có sửa chữa lần thứ năm năm Bình Thành 21 (2009), từ trang 215 đến trang 236. Nguyên văn Osan là tên người vợ của Kamiji (紙治) trong vở tuồng “Joururi” (浄瑠璃) “Tự sát đôi ở Amijima” (Shinjuten no Amijima – 心中天の網島), được dựa trên câu chuyện có thật. Kamiji vốn là một thợ buôn giấy ở Tenma Osaka, qua lại thân mật với một cô du nữ tên Koharu (小春), bị dằn vặt giữa nàng với người vợ trinh thục Osan, cuối cùng cùng với Koharu tự sát đôi ở chùa Daichouji (大長寺)ở Amijima
Mời các bạn đón đọc Nữ Sinh của tác giả Dazai Osamu.