Cinque Terre

Những Ngày Cuối Của Dòng Mekong Hùng Vĩ PDF EPUB

Tác giả :
Thể Loại : Tiểu thuyết
EPUB PDF AZW3 Đọc Online


Cuốn sách “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ” của Brian Eyler mang đến một hành trình khám phá sâu rộng về dòng sông Mekong từ nguồn đến đầu sông. Tác giả không chỉ tập trung vào khía cạnh địa lý của dòng sông mà còn đi sâu vào cuộc sống của những cộng đồng nơi đây và cách họ phụ thuộc vào tài nguyên sông Mekong.

Cuốn sách không chỉ là một bộ hồ sơ thực địa mà còn là một cuốn sách đầy ấn tượng, công phu và bất ngờ. Tác giả giới thiệu các câu chuyện về sinh kế của những cộng đồng địa phương, với tất cả những thách thức và cơ hội mà họ đối diện trong bối cảnh chính sách khai thác và tái định hình môi trường của dòng sông này.

Cuốn sách cũng đề xuất các giải pháp hợp lý để giải quyết những vấn đề môi trường và xã hội mà dòng sông Mekong đang phải đối mặt. Tác giả cũng cảnh báo về những hậu quả tiềm ẩn nếu những kịch bản tốt không được thực hiện.

Từ những phân tích sâu sắc và cung cấp thông tin chi tiết, cuốn sách không chỉ thu hút người đọc mà còn là tài liệu quan trọng đối với những nhà nghiên cứu quan tâm đến dòng sông Mekong và vấn đề môi trường khu vực.

Mời các bạn đón đọc Những Ngày Cuối Của Dòng Mekong Hùng Vĩ của tác giả Brian Eyler & Nguyễn Đình Huỳnh (dịch).

1
VŨ BĂNG: THIÊN ĐƯỜNG
HẠ GIỚI CUỐI CÙNG
Thôn Vũ Băng của người Tây Tạng nằm khuất ở lưng chừng dốc lên ngọn núi thiêng Kawagarbo (Tạp Ngõa Cách Bác) tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, cách biên giới Tây Tạng chỉ vài kilomét. Năm mươi năm trước, đi từ thị trấn lớn nào gần đó lên Vũ Băng đều phải mất hằng tháng trời cưỡi ngựa. Cách đây hai mươi năm, cách duy nhất để đến được đầu con đường mòn lên Vũ Băng là tự buộc mình và ngựa vào sợi dây giăng ngang sông Mekong và dùng ròng rọc vượt qua hẻm núi sang bên kia sông. Thậm chí ngày nay, đến được Vũ Băng cũng mất hai ngày đường từ Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, cách đó 500km. Hiện nay đã có cầu để xe chạy sang bờ bên kia của dòng Mekong.

Truyền thuyết địa phương kể Vũ Băng được “phát hiện” bởi các thương nhân buôn bán đường dài dẫn ngựa thồ hàng đi dọc sông Mekong tìm thức ăn. Ở rìa sông, một người đàn ông từ rừng đi ra mời các thương nhân mua lúa mạch. Ở đoạn hẻm núi này, các thương nhân không hay biết có người ở, vì thế người đàn ông của rừng núi kia khiến họ bất ngờ. Khi họ hỏi người đàn ông từ đâu đến, anh ta liền lần vào núi không một câu trả lời. Lần kế tiếp các thương nhân lại đến hẻm núi, họ gặp một người đàn ông khác cạnh bờ sông mời mua lúa mạch. Lần này họ quyết tìm ra nơi trồng lúa mạch. Người bán lúa mạch hoàn toàn không biết các thương nhân đã chọc một lỗ trên bao lúa của anh rồi lần theo vết lúa mạch rơi vãi trên núi. Cuối đường mòn, trong một thung lũng chưa từng biết đến được những đỉnh đầy tuyết của núi Kawagarbo bao quanh ba mặt, họ tìm thấy ngôi làng Vũ Băng nhỏ bé. Câu chuyện kết thúc với việc đưa ra lý do dân làng Vũ Băng ít biết về thế giới bên ngoài vì rừng và suối xung quanh cung cấp dồi dào tài nguyên và ngọn núi thiêng liêng bảo vệ sinh kế của họ. Trong thung lũng ẩn khuất này có sẵn tất cả những gì họ cần. Vũ Băng, như nhiều ngôi làng hẻo lánh quanh nó, chắc đã truyền cảm hứng cho James Hilton tô vẽ thiên đường hạ giới trong cuốn tiểu thuyết năm 1933 The Lost Horizon (Chân trời đã mất)[6] của ông.

Ngay cả ngày nay, người dân Vũ Băng vẫn thích tách biệt thung lũng ẩn khuất này khỏi thế giới ngoài kia. Tuy nhiên, Vũ Băng giờ cũng là một địa điểm du lịch đang phát triển nhanh dành cho du khách Trung Quốc và nước ngoài muốn trải nghiệm vài ngày ở nơi hẻo lánh xa khỏi những thị trấn du lịch đông nghịt của tỉnh Vân Nam. Sự xa cách và các điểm hành hương thiêng liêng của Vũ Băng thu hút hàng ngàn người mỗi năm. Nhiều người đến đây vì họ không tin được trên đời có một nơi như Vũ Băng, vẫn chưa có đường cho xe chạy vào làng. Khách không còn phải lần theo dấu lúa mạch đi vào Vũ Băng, nhưng để vào được làng cần phải đi bộ theo con đường dốc 9km từ rìa sông Mekong qua một trong những rặng núi thấp của dãy Kawagarbo, chẳng dễ chút nào cho dân thành phố miền xuôi muốn tìm đến thiên đường hạ giới.

Khi bắt đầu hành trình lên Vũ Băng vào một sáng tháng 6 năm 2015, tôi đi cùng khoảng 30 du khách Trung Quốc mặc đồ dã ngoại thời thượng lòe loẹt. Các du khách này gây ấn tượng là nếu không ăn mặc đúng điệu thì đừng đi, và tăng trưởng kinh tế cao ở Trung Quốc những năm gần đây đã giúp ích cho việc mua sắm những bộ cánh dã ngoại đắt tiền. Vài người không leo núi nổi đã ngồi sẵn trên những con la được người Tây Tạng ở đây dắt qua triền núi đi đến Vũ Băng. Ngoài du khách còn có các gia đình Tây Tạng mặc áo choàng len sửa soạn cho chuyến đi lên Vũ Băng theo đường mòn. Họ tụng thần chú Phật giáo Tây Tạng khi quay kinh luân cầm tay. Nhờ họ tôi biết được có một thác nước linh thiêng nằm đâu đó trên dãy núi phía sau Vũ Băng, một điểm dừng chân khi thực hiện nghi lễ kora, cuộc đi vòng quanh ngọn núi Kawagarbo của Phật tử hành hương. Vì núi Kawagarbo được xem là một trong những ngọn núi linh thiêng nhất của Phật giáo Tây Tạng, về mặt tâm linh người ở đây xếp núi này cao hơn núi Everest nhiều, Phật tử hành hương sùng kính thực hiện nghi lễ kora đi quanh núi Kawagarbo. Những người khỏe mạnh từ khắp nơi trong thế giới Tây Tạng đến đây để thực hiện nghi lễ này.

Để đi hết một vòng 240km mất trung bình từ 2 đến 3 tuần, dọc đường khách hành hương nghỉ lại ở các nhà nghỉ có phòng và thức ăn khá đơn giản. Trong những năm gần đây, khi Phật giáo Tây Tạng có thêm nhiều tín đồ người Hán, ngày càng có nhiều tín đồ mới muốn thực hiện hành trình gian khổ đi quanh ngọn núi. Quả thực một số người Trung Quốc, có cả vài người châu Âu và người Mỹ tôi gặp trên đường đến Vũ Băng, đang cố hoàn tất trọn vẹn hành trình tâm linh này. Nhiều người hành hương sớm nhận ra việc thực hiện nghi lễ kora đi quanh núi năm 2015 tốt lành hơn, vì đó là năm tuổi của ngọn núi này, cứ 12 năm lại đến theo lịch can chi Tây Tạng. Trong thế giới Tây Tạng, tất cả các vật thể vô tri, như núi, cây và hồ, đều có thần linh, tất cả đều phải được thành kính thờ phụng. Núi Kawagarbo là nơi ở thiêng liêng của vị thần chiến binh Tây Tạng cùng tên. Vị thần núi này che chở những người thờ phụng khỏi bệnh tật, bất hạnh, và các tai ương khác. Khách hành hương đi bộ quanh núi sẽ được công đức. Người xúc phạm ngọn núi và tục lệ của nó sẽ bị trừng phạt.

Cao 6.800 mét, đỉnh cao nhất của núi Kawagarbo thấp hơn nhiều so với đỉnh cao nhất trong dãy núi Himalayaa Tây Tạng. Thực ra, nó còn không nằm trong số 100 đỉnh núi cao nhất thế giới, nhưng 6 đỉnh phủ tuyết vĩnh cửu của nó là những đỉnh núi ấn tượng nhất và từ lâu đã hấp dẫn những người dam mê dã ngoại và leo núi. Đầu năm 1991, một nhóm gồm 11 người leo núi Nhật Bản của Đại học Kyoto và 6 người leo núi Trung Quốc đã cố trở thành những người đầu tiên thành công lên đến đỉnh cao nhất của núi Kawagarbo. Bất chấp sự phản đối của các cộng đồng Tây Tạng ở đây cho rằng việc cố chinh phục ngọn núi là hành vi bất kính và không tôn trọng tín ngưỡng địa phương, nhóm leo núi đã quyết thực hiện chuyến đi và không một ai trở về. Vì không bao giờ tìm thấy thi thể của họ, người ta ít biết được chuyện gì đã xảy ra với 17 người này, nhưng dân địa phương tin rằng một trận tuyết lở kỳ lạ đã chôn vùi cả nhóm khi họ từ đỉnh đi xuống vào ngày 3 tháng 1 năm 1991. Kể từ thảm họa đó, một trong những thảm họa lớn nhất trong lịch sử leo núi, không có ai leo lên 6 đỉnh chính của núi này nữa, và vào năm 2001, chính quyền địa phương viện lý do tôn giáo và văn hóa đã cấm triệt việc leo lên các ngọn núi này[7].

Sau ba giờ vượt dốc qua những khu rừng nguyên sinh bách và đỗ quyên, tôi dừng lại ở một con đèo thoáng nơi hai đỉnh của núi Kawagarbo, đỉnh Thần Nữ Phong vi vu và đỉnh General Peak thoáng đãng, hiện rõ trước mặt. Một người đàn ông trung niên Tây Tạng tự giới thiệu tên là Asheng đi ra từ một túp lều dùng làm điểm dừng chân cho khách bộ hành và những người hành hương. Anh đang cầm một bó cây kế trắng và bảo tôi đó là hoa tuyết liên, một dược liệu quý hiếm chỉ mọc ở những vùng cao và được dân địa phương dùng để chống viêm và chống lão hóa. Asheng cho tôi biết anh là người gốc Vũ Băng và đã sống cả đời trong thung lũng hẻo lánh đó. Asheng xem thường cuộc sống thành phố, kể lại những trải nghiệm tồi tệ trong các chuyến đi Côn Minh. Ở vùng núi anh có thể tận hưởng cuộc sống tự do, kiếm sống bằng cách bán hoa tuyết liên có giá trị cao và các thứ quý giá khác của rừng như nấm tùng nhung và đông trùng hạ thảo, tất cả đều bán được giá cao cho thế giới ngoài kia. Kết thúc cuộc trò chuyện năm phút, anh khẳng định anh là người hạnh phúc nhất trên trái đất. Anh khuyến khích tôi từ bỏ những thứ đang làm, chuyển đến Vũ Băng ở để có được tự do thực sự. Tôi nói với anh là tôi cần phải đi tiếp và tự mình chứng kiến.

Con đường mòn chạy từ đèo uốn lượn xuống sườn núi dốc và thung lũng Vũ Băng hiện ra. Mặt trời trên cao chiếu xuống mái dát vàng của ngôi chùa Tây Tạng nép mình trong phần đất bằng phẳng và thấp của làng. Những vách đá dựng đứng khuất trong thảm thực vật tươi tốt quanh thung lũng và xa xa là các cánh đồng lúa mạch ngay lề thẳng lối. Những dòng suối từ các đỉnh núi Kawagarbo tuyết phủ cuồn cuộn chảy tạo nên vực thung lũng sâu trước khi chảy vào một con sông nhỏ chia đôi trung tâm thung lũng này. Những ngôi nhà Tây Tạng hai tầng, hàng rào gỗ bao quanh để nuôi la thồ và các vật nuôi khác, tập trung đông đúc ở cuối làng còn phía trên làng là những ngôi nhà ôm quanh sườn núi dọc theo con đường đất. Một dây cờ cầu nguyện Tây Tạng nhiều màu dài hàng trăm mét mang lại kết nối tâm linh giữa đầu làng và cuối làng. Cờ cầu nguyện thường được treo khắp nơi ở Tây Tạng. Những câu kinh và lời cầu nguyện được in trên những lá cờ nhỏ màu trắng, vàng, đỏ và xanh. Người ta tin rằng khi gió thổi qua những lá cờ cầu nguyện sẽ phù hộ cho khu vực quanh chúng.

Có thể bạn thích sách  Các Anh hùng trên đỉnh Olympus 4: Ngôi Nhà của Thần Hades PDF EPUB

***

Cuối những năm 1990, vài người đam mê dã ngoại từ Nhật Bản, châu Âu và Hoa Kỳ đến đã bắt đầu tìm đường lên Vũ Băng. Hầu hết là du khách ba lô trên hành trình đi Vân Nam và Đông Nam Á với ngân sách eo hẹp. Vào thời điểm đó, phần lớn Vân Nam chưa chính thức mở cửa cho du khách nước ngoài, nghĩa là các khách sạn và nhà nghỉ không được phép nhận khách nước ngoài. Vì thế những du khách ba lô nước ngoài đầu tiên thường trả tiền cho bất kỳ nhà dân nào ở Vũ Băng đồng ý cho họ ở lại. Họ muốn tìm một trải nghiệm mộc mạc trong vùng sắc tộc Tây Tạng ở Vân Nam và không trông mong tiện nghi thoải mái. Nhà nghỉ đầu tiên ở Vũ Băng mở cửa trong hoàn cảnh đó khi một người địa phương tên Ahnazhu bắt đầu đón du khách nước ngoài về nhà anh. Để bắt đầu, anh cung cấp chỗ nghỉ và thức ăn miễn phí cho du khách như khi anh đón những người hành hương đến đây để thực hiện nghi lễ kora đi quanh núi Kawagarbo.

Ahnazhu là người duy nhất trong làng nói được tiếng Trung và vì thế là người duy nhất có thể giao tiếp với vài du khách nói được tiếng Trung. Dù trước đây anh học tiếng trong những hoàn cảnh không thuận lợi, khả năng ngôn ngữ sau này lại giúp anh trở thành người có thế lực và giàu nhất làng. Không trường không lớp, Ahnazhu học nói tiếng Trung trong tù do vô tình bắn chết một dân làng khi đi săn trong những ngọn núi quanh làng. Sau khi mãn hạn tù, anh kết hôn với một phụ nữ địa phương và thực hành kỹ năng ngôn ngữ mới học được. Với việc cho khách lưu trú, anh trở thành trụ cột trong gia đình. Đầu những năm 2000, ngoài du khách nước ngoài còn có thêm du khách người Hán. Số khách này thường đến trong ba tuần nghỉ Hoàng Kim Chu là Tết, lễ Lao động, và lễ Quốc khánh, và vì thế nhiều dân địa phương bắt đầu biến nhà họ thành nhà nghỉ. Ahnazhu cũng thế, xây một nhà khách sáu phòng đặt tên là Trekker’s Inn. Trong những năm đầu khách còn ít, dân làng thu chưa tới một đô-la cho một đêm lưu trú và chia sẻ tiền thu được với những người khác trong làng theo kiểu tập thể. Dân làng Vũ Băng luôn chia sẻ nguồn lợi của họ, và trong giai đoạn đầu thu nhập mới từ khách du lịch cũng không ngoại lệ. Ahnazhu điều hành hệ thống phân phối thu nhập, và trong một vài năm, hệ thống này đã hoạt động tốt. Dù không phải tất cả các gia đình đều tham gia phục vụ du khách, tất cả dân làng Vũ Băng đều hưởng lợi từ hoạt động du lịch.

Tuy nhiên, khi ý thức về tài sản cá nhân tăng lên và các hộ gia đình tìm cách tách thu nhập khỏi những người không tham gia dịch vụ lưu trú, dân làng đưa ra hệ thống luân lưu chỉ chi trả cho những gia đình có khách lưu trú. Các hộ tham gia được phân bổ khách và chỉ được nhận khách tiếp khi tất cả các hộ đều đã có khách nghỉ lại. Dân làng cho rằng hệ thống xoay vòng như vậy đã nhiều năm hoạt động hiệu quả trong việc đưa du khách qua núi bằng con la, nên nó cũng hiệu quả trong việc bố trí chỗ nghỉ cho khách. Nhưng số lượng du khách Trung Quốc tăng mạnh, nhất là trong các tuần lễ vàng Hoàng Kim Chu, khiến rất khó điều hành hệ thống xoay vòng. Một số gia đình có nhà lớn chứa được 30 khách, trong khi nhà những người khác chỉ có thể chứa được 10 khách, và một số dân làng kêu ca thời gian và công sức của họ không được chi trả xứng đáng. Vài dân làng có máu kinh doanh nâng cấp nhà của họ. Một số nhà nghỉ tiện nghi hơn những nhà nghỉ khác và có cảnh quan đẹp hơn. Du khách phàn nàn hệ thống xoay vòng buộc họ phải ở những nơi không hấp dẫn nhưng phải trả tiền bằng nơi có cảnh núi non ngoạn mục.

Khi công việc kinh doanh phát triển, dân làng thỏa thuận một hệ thống mới cho phép du khách chọn chỗ ở. Các hộ cạnh nhau hợp lại thành nhóm bốn nhà và thu nhập chung được phân chia đều giữa bốn hộ. Với cách làm này mô hình du lịch dựa vào cộng đồng công bằng có thể tiếp tục duy trì. Nhưng dân làng bắt đầu nói dối nhau về số lượng khách lưu trú ở nhà họ. Mâu thuẫn bùng lên khi hàng xóm chạy qua đếm số khách thuê trọ ở nhà bên. Nghi kỵ và tham lam – theo người kể lại câu chuyện là những thứ trước đây dân làng chưa từng biết tới – khiến hệ thống được thiết kế với ý định tốt nhất đổ vỡ. Hệ thống đó hoàn toàn sụp đổ vào năm 2009 khi một công ty du lịch nhà nước từ Côn Minh mua quyền phát triển và bảo trì ngôi làng và các điểm thắng cảnh trong thung lũng để bán vé tham quan. Công ty này cũng yêu cầu giá phòng được xác định theo nhu cầu thị trường. Những hộ gia đình có địa điểm đẹp hơn và dịch vụ tốt hơn được trả nhiều hơn. Cạnh tranh giành giật du khách giữa dân làng Vũ Băng lúc này hết sức sôi nổi.

***

Vũ Băng hiện đón trung bình mỗi ngày 100 khách, và trong những ngày lễ lớn, con số đó có thể tăng gấp mười lần. Phần lớn du khách là người Hán. Một nhân tố góp phần vào sự tăng trưởng nhanh chóng khách Hán là thu nhập ở Trung Quốc tăng gấp ba lần trong 20 năm qua. Quan trọng hơn, Phật giáo Tây Tạng ngày càng phổ biến khắp Trung Quốc. Làn sóng tâm linh mới này xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Khác với phần lớn nơi khác trên thế giới, nền kinh tế Trung Quốc vượt qua được cuộc khủng hoảng năm 2008, nhờ một loạt các gói kích thích kinh tế và việc kiểm soát tiền tệ chặt chẽ đã mang lại cho các quan chức chính quyền, doanh nghiệp nhà nước, và các công ty xuất khẩu tư nhân những khoản lợi nhuận trời cho. Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, một giới giàu có mới (nouveau riche) bắt đầu hình thành ở các đô thị Trung Quốc, nhưng tầng lớp giàu có chỉ thực sự xuất hiện sau năm 2008. Ngoài những cái nhất khác, tầng lớp mới giàu lên của Trung Quốc đã trở thành khách tiêu dùng hàng xa xỉ lớn nhất thế giới.

Địa vị xã hội ở Trung Quốc hiện đại được phô trương qua nhãn hiệu các món thời trang xa xỉ người ta mặc và giá cả những chiếc xe người ta lái. Nó cũng được phô trương ở đẳng cấp các mối quan hệ chính trị và xã hội của một người. Việc thăng tiến xã hội không do kiến thức quyết định mà do quen biết ai và khả năng lợi dụng các quan hệ thế lực đó. Khi nói đến tập quán và sinh hoạt xã hội, người Hán thích các bữa tiệc phung phí, các đám cưới rình rang hàng trăm khách để chứng tỏ địa vị và quyền lực. Một nhà nhân chủng học gọi hiện tượng đó là kiểu cố ý phô trương xã hội nhằm chia tách tầng lớp giàu có với những người nghèo khổ. Có người nghĩ rằng sự quan tâm gần đây đến tôn giáo Tây Tạng ở Trung Quốc là phản ứng chống lại sự thừa mứa vật chất trong thập niên trước, nhưng thực ra nó xuất hiện như là cách thức để phân hóa hơn nữa người giàu với kẻ nghèo.

John Osburg, tác giả của Anxious Wealth: Money and Morality Among China’s New Rich (Của cải bất an: Tiền bạc và đạo đức trong tầng lớp giàu có mới nổi ở Trung Quốc) đề cập đến hiện tượng mới nảy sinh này trong cuộc phỏng vấn năm 2014 của tờ New York Times, “Nếu không thể [làm mình nổi bật] trong đám đông tiêu xài xa hoa, thì anh nên biến đi”[8]. Đối với nhiều người Hán, việc theo Phật giáo Tây Tạng, mà cốt lõi của nó là yêu cầu tín đồ buông bỏ ý niệm về bản thân và đẳng cấp xã hội, lại bị hiểu sai là cách để học làm sang ở chốn thị thành Trung Quốc. Nhà sử học Jeremiah Jenne, một cư dân Bắc Kinh lâu năm và là người chứng kiến sự phục hưng tâm linh này gọi nỗi ám ảnh mới về Phật giáo Tây Tạng đó là một loại “Đông phương luận nội tại”. Ông tin xu hướng đó gần giống với sự tiếp thu văn hóa, tôn giáo, và mỹ học Mỹ bản thổ của người Mỹ nhập cư, như là một việc “chọn lối sống” không tiếp thu lịch sử đau thương giữa người da trắng và người Mỹ bản địa[9].

Việc chọn lối sống mới này đưa người Hán hành hương đến các tu viện xa xôi ở các vùng Tây Tạng thuộc các tỉnh Thanh Hải, Tứ Xuyên và Vân Nam có những luật lệ tôn giáo thoáng hơn so với Tây Tạng nguyên thủy. Ở đó họ tranh giành sự chú ý của các cao tăng được gọi là “Phật Sống” làm đại diện trần gian của các vị thần quyền năng trong văn hóa Phật giáo. Daniel Smyer Yu, nhà nhân chủng học chuyên về phục hưng tôn giáo thời hậu Mao ở Trung Quốc, cho rằng người Hán không bị trí tuệ hay sức lôi cuốn của những vị Phật Sống này thu hút, mà vì vị thế của vị Phật cụ thể đã tái sinh trong cơ thể họ – thứ hạng vị Phật càng cao, sức hút xã hội càng lớn[10]. Để chứng tỏ thân phận, địa vị của mình, các tín đồ người Hán đã nhanh chóng chia sẻ những cuộc gặp gỡ các vị Phật Sống thánh minh cao cả bằng cách đăng hình ảnh và suy nghĩ trên các trang mạng xã hội.

Có thể bạn thích sách  Những Ngõ Phố - Tô Hoài PDF EPUB

Điều đó không có nghĩa là trong màn thể hiện đó, thực hiện bằng cách kết hợp du lịch với hành hương tôn giáo, Phật giáo Tây Tạng không mang lại tiến bộ tâm linh cho các tín đồ người Hán. Đối với hẩu hết người Hán, cũng như đối với hầu hết người phương Tây tự xưng là Phật tử Tây Tạng, việc hành hương này được xem là một trải nghiệm xác nhận và nâng đỡ tinh thần. Osburg cho rằng Phật giáo Trung Quốc trong thời kỳ sau Mao hiện nay bị xem là hủ bại về kinh tế và chính trị. Ông tin rằng người Hán xem Phật giáo Tây Tạng là một trải nghiệm tâm linh cận đại đương nhiên dẫn đến suối nguồn hạnh phúc[11].

Cần lưu ý rằng nhận thức này được hình thành cùng lúc với sự bành trướng kinh tế và chính trị của nhà nước Trung Quốc vào thế giới Tây Tạng vốn đã làm suy thoái nghiêm trọng xã hội và văn hóa Tây Tạng. Đường trải nhựa và đường sắt giúp người Hán dễ dàng tiếp cận không gian Tây Tạng hơn; do đó, như Smyer Yu nêu, làn sóng mới quan tâm đến Phật giáo Tây Tạng đã đem lại sức sống mới về mặt vật chất và tinh thần cho tôn giáo này và các thiết chế của nó. Do chúng ở gần các khu đô thị Trung Quốc và độ cao tương đối thấp làm giảm nguy cơ về sức khỏe và thuận tiện cho thời gian lưu trú dài hơn, các điểm tôn giáo ở ngoại vi Tây Tạng được quan tâm nhiều nhất. Sự bùng nổ du lịch gần đây của Vũ Băng là một phần của tình hình đó.

Trước khi đi bộ vào Vũ Băng, hầu hết du khách nghỉ đêm tại chùa Phi Lai, nằm trên một sườn núi đối diện Kawagarbo. Nếu du khách may mắn đến chùa Phi Lai vào một ngày đẹp trời có thể thoáng thấy đỉnh núi Kawagarbo trong ánh hoàng hôn. Ở đó, du khách có thể trả mức phí cắt cổ 160 nhân dân tệ (25 đô-la) một người để chụp ảnh trên cái bục thẳng hàng với tám bảo tháp Tây Tạng màu trắng, mỗi tháp tượng trưng cho một ngọn núi Tây Tạng linh thiêng nhất, nền ảnh là Kawagarbo. Phần lớn du khách Trung Quốc chọn mua vé, chụp ảnh tự sướng, và đưa ngay ảnh lên tài khoản WeChat hay Weibo của họ – tất cả chỉ để thể hiện.

Khi đã đi bộ vượt núi vào Vũ Băng, hầu hết du khách ở lại hai đêm và quyết tâm đi thăm các thánh địa lớn của Vũ Băng. Họ sẽ dành ngày thứ hai thực hiện chuyến đi khứ hồi 8 tiếng đến hồ băng linh thiêng nằm bên dưới đỉnh General uy nghiêm của Kawagarbo. Họ dậy sớm vào ngày thứ ba cho chuyến đi khứ hồi 6 giờ đến thác nước thiêng nổi tiếng, địa điểm hành hương thiêng liêng nhất Vũ Băng, rồi đi bộ 6 tiếng quay về xe của họ đậu đâu đó dọc theo sông Mekong. Trong ba ngày ở Vũ Băng, đến thăm các điểm bắt buộc đó là một việc rất cập rập, nhưng đối với du khách người Hán, trả được nghiệp chướng là việc đáng để làm. Thời gian rảnh rỗi giữa các chuyến đi thường được dành cho việc ngâm chân trong nước nóng, trò chuyện với các bạn đồng hành khi ăn để chia sẻ những khám phá trong ngày, rồi đi ngủ sớm. Vài người tìm gặp vị sư trụ trì chùa Vũ Băng hỏi chuyện. Vào ban ngày, khi du khách và những người hành hương lầm lũi trên những lối mòn vượt núi, dân làng và nhân viên nhà khách hầu như rảnh rỗi quay lại vườn tược và chuẩn bị buổi tối. Nếu không phải là mùa thu hoạch, phần lớn thời gian này được dành để thăm hỏi người trong gia đình và hàng xóm. Hầu hết người dân Tây Tạng tôi đã trò chuyện xem dịch vụ du lịch là phương thức kiếm sống tương đối tầm thường.

Trước khi các đường dây tải điện vượt qua núi non đến Vũ Băng vào năm 2012, người ta dành thời gian rảnh buổi chiều kiếm củi trên núi. Trong mùa du lịch cao điểm thời đó, hằng ngày mỗi nhà nghỉ trong số 20 nhà cần hơn 100kg củi đốt nồi hơi phục vụ tắm rửa và nấu ăn. Ahnazhu, người trong thập niên đầu tiên của thế kỷ này được chọn phụ trách bảo vệ rừng Vũ Băng, đã nâng cao nhận thức về việc dùng củi sẽ đe dọa khu rừng xung quanh như thế nào. Khi ngày càng nhiều dân làng lùng sục trên núi để lấy gỗ cây, Ahnazhu nhận thấy nạn săn trộm động vật hoang dã bất hợp pháp tăng lên và đã mẫn cán cùng với dân địa phương ngăn chặn tình trạng đó. Anh cảnh báo nếu rừng và động vật hoang dã biến mất, du khách sẽ không còn.

Khi ngành du lịch Vũ Băng được chuyển cho công ty du lịch nhà nước đóng tại Côn Minh vào năm 2009, kế hoạch ban đầu dẫn điện về làng này còn có thêm một con đường tạo điều kiện cho việc vận chuyển đường bộ. Người dân địa phương phản đối kế hoạch đó, không phải vì con đường sẽ mang lại lượng khách du lịch không thể kiểm soát và đe dọa môi trường nguyên sơ của Vũ Băng, mà vì dân địa phương đã đầu tư nhiều vào hơn 400 con la kiếm tiền cho các hộ gia đình và giúp tạo việc làm cho những thanh niên khỏe mạnh trong làng. Nếu các con la thất nghiệp, các ông chồng và lũ con trai của Vũ Băng chắc sẽ phải bỏ làng tìm việc ở các vùng khác của Vân Nam.

Dân làng Vũ Băng, như nhiều người Tây Tạng, theo chế độ đa phu, một vợ lấy hai chồng hay nhiều hơn. Khi Ahnazhu kết hôn, anh là chồng thứ hai của vợ anh. Trong các xã hội đa phu, phần lớn được thấy ở những vùng khan hiếm tài nguyên và hẻo lánh trên thế giới, người ta vẫn thích con trai vì họ có khả năng sản xuất nuôi sống gia đình và bảo vệ lãnh thổ. Tuy nhiên, một vợ nhiều chồng giải quyết vấn đề có quá nhiều đàn ông chưa có vợ. Chế độ đa phu cũng kiểm soát quy mô dân số bằng cách khuyến khích việc thôi muốn có con trai nếu đã có con gái đầu lòng. Rốt cuộc, khi người con gái đó trưởng thành, cô ta sẽ lấy nhiều chồng để giúp cho gia đình. Cũng như nhiều tài nguyên chung của Vũ Băng, đất đai và tài sản thường được chia sẻ đồng đều giữa những người chồng. Sự phân phối tài nguyên chung công bằng cùng với chế độ đa phu được cho là điều đã giữ cho Vũ Băng “ẩn kín” trong nhiều năm.

Bây giờ với thị trường tự do đang hoạt động, việc duy trì sự hài hòa đó, đồng thời quản lý nhu cầu ngày càng tăng về tài nguyên phục vụ cho sự bùng nổ du lịch, đòi hỏi đối thoại thường xuyên giữa dân làng, công ty quản lý du lịch, và số người Hán mới đổ đến giờ đang kiểm soát hoạt động lưu trú của làng bằng cách thuê lại các nhà nghỉ của dân địa phương. Nhà nghỉ Trekker’s Home nổi tiếng của Ahnazhu hiện được quản lý bởi Hua Jie, chừng bốn mươi tuổi, đã ly hôn, từ bỏ cuộc sống thành thị ven biển Trung Quốc và chuyển đến Vũ Băng sau chuyến du lịch năm 2014. Đeo kính thời trang gọng lớn và mặc đồ bụi bặm, Hua Jie khiến tôi ấn tượng với kiểu cách thời thượng rất giống những phụ nữ lắm tiền nghiện mua sắm hơn là người phụ nữ cố tìm một cuộc sống đơn giản mộc mạc ở Vũ Băng. Cô cho biết dù đã hơn một năm ở Vũ Băng, việc quản lý nhà khách mất công sức nhiều hơn cô nghĩ, nhưng cuộc sống ở làng mang lại trải nghiệm về một cộng đồng gắn bó, thứ cô chưa từng được biết. “Tôi đi một chặng đường dài để tìm sự thanh thản và đã yêu mến chốn này. Chừng nào người ta không đến đây để kiếm tiền, nơi này sẽ tiếp tục tuyệt vời.” Cô nói thêm nếu làm đường, kẻ hưởng lợi duy nhất là lòng tham. “Chính quyền sẽ ập đến, mở đường mở sá, xây cáp treo đón du khách vào và đưa họ lên các sườn núi. Hãy nhìn cáp treo đã hủy hoại tất cả danh lam thắng cảnh ở Trung Quốc như thế nào.”

Năm 2013, Ahbiao, người Hán quê tỉnh Cam Túc hợp đồng thuê dài hạn một trong những nhà nghỉ được mở sớm nhất ở làng và nâng cấp thành một khách sạn nhỏ sang trọng tên là Ấn tượng Vũ Băng. Khi nói về lượng du khách ngày càng tăng, Ahbiao dẫn ra có bao nhiêu địa điểm du lịch ở vùng tây nam Trung Quốc hiện đang bắt đầu hạn chế lượng du khách trong ngày. “Tại núi tuyết thiêng liêng ở Á Đinh, ngay sát ranh giới Tứ Xuyên, ô tô bị giới hạn ở mức mỗi ngày bốn ngàn chiếc để cắt giảm khí thải. Khí thải từ ô tô làm tuyết tan và đó là vấn đề đáng lo ngại. Anh biết đấy, ở Bắc Kinh, Tử Cấm Thành đang giới hạn mỗi ngày tám mươi nghìn du khách để giảm chen chúc.” Tôi đã đến thăm cả hai nơi này nhiều lần và thấy rằng những giới hạn đó quá cao. “Vào năm 2015, vé vào Vũ Băng đã tăng từ 80 lên 230 nhân dân tệ nhằm hạn chế du khách. Nhưng họ vẫn nườm nượp đến”, Ahbiao nhận xét.

Ahbiao cho biết thời anh mới đến làng, du khách không thể tìm ra một tấm nệm xốp êm ái để ngủ. Chuyện đó khiến tôi nhớ lại việc tôi đã ngủ bốn đêm ở Vũ Băng trên chiếc nệm rơm mỏng. Nhà khách của anh hiện có mười bốn phòng đầy đủ tiện nghi, phòng nào cũng nhìn ra đỉnh núi Kawagarbo, giá 280 nhân dân tệ một đêm, gấp bảy lần giá căn phòng tôi đã ở. Tôi nói với Ahbiao về những điều kiện cơ bản tại nhà khách tôi ở, và anh trả lời, “Đó là lý do nhiều dân làng chọn cho người ngoài thuê nhà của họ. Chúng tôi [người Hán] biết cách phục vụ nhu cầu của du khách Trung Quốc, thức ăn họ muốn, và dịch vụ họ cần. Cần một thời gian dài để dân ở đây nắm bắt được điều đó.”

Tôi hỏi liệu số người Hán kinh doanh nhà nghỉ có làm cho du khách ít có cơ hội tiếp xúc với người Tây Tạng ở đây, vì giao du với người Tây Tạng “thuần khiết và vui vẻ”, như người Hán thường nói về người Tây Tạng, là một phần mong muốn trong trải nghiệm chung. Anh cho biết tất cả nhân viên nhà nghỉ của anh là người Tây Tạng và chủ nhà nghỉ người Tây Tạng tên Arong suốt ngày ở nhà nghỉ chuyện trò với du khách – điều anh không thể làm vì phải quản lý công việc kinh doanh hằng ngày.

Có thể bạn thích sách  Chiến Sĩ - Marie Lu PDF EPUB

Trong thập niên qua, thu nhập tăng lên và việc ngày càng có nhiều người Hán sống và quản lý cơ sở kinh doanh ở Vũ Băng đã làm thay đổi cách dân làng Vũ Băng đối xử với những không gian truyền thống của họ. Điều này rốt cuộc đã tác động lên các mối quan hệ xã hội và ý thức thuộc về cộng đồng của dân làng. Một số dân địa phương cho thuê nhà của họ hiện sống trong những căn nhà nhỏ phía sau hay bên cạnh ngôi nhà Tây Tạng to lớn của họ. Những người khác chọn mua căn hộ và mỗi năm sống vài tháng trong thành phố Địch Khánh gần đó. Một số người làm vậy để gần gũi với con cái họ đang học nội trú ở Địch Khánh. Số khác mua nhà ở Côn Minh và chỉ trở về Vũ Băng vào các dịp lễ hội lớn và các buổi họp mặt gia đình quan trọng. Gắn kết xã hội ở Vũ Băng đang đổi thay.

Chiều hôm đó, tôi trò chuyện khá lâu với ông Arong. Sau khi biết tôi là người Mỹ, ông lập tức tiết lộ hai người ông ngưỡng mộ nhất là Đức Đạt Lai Lạt Ma và Barack Obama. Ông thậm chí còn cho rằng không ngẫu nhiên mà hai cái tên đó có cùng vần điệu. Arong cũng thắc mắc tại sao mọi người chọn định cư ở các khu vực đô thị lớn và cho biết trong những lần vào thành phố, ông hiếm khi có được giấc ngủ ngon. Rồi ông chỉ vào những đỉnh núi tuyết xung quanh và nói, “Đó là những gì tôi thấy hằng ngày”. Sau đó ông nhìn tôi cười toe toét nói, “Khi tôi nhắm mắt lại, những ngọn núi đó tràn ngập giấc mơ. Tại sao tôi phải chọn sống ở thành phố?”.

Vào ngày thứ ba ở Vũ Băng, tôi lên đường sớm đến thác nước thiêng. Tôi thận trọng xuất phát, vì đêm trước, chủ nhà kể vài câu chuyện cảnh báo việc du khách bị lạc trong núi. Đi theo đường mòn, tôi nhập bọn với một gia đình Tây Tạng hành hương từ An Đa ở tỉnh Thanh Hải đến để đi vòng quanh núi Kawagarbo. Một đứa bé được dịu trên lưng người đàn ông lớn tuổi nhất, các thành viên trong nhóm sau đó sẽ thay phiên nhau dịu đứa bé lên núi. Chúng tôi đi qua các thác nước nhỏ và thỉnh thoảng dừng lại ở một điểm ngắm cảnh để thêm đá vào các ụ đá hình tháp trên đường do những người hành hương và du khách tạo nên. Theo tập tục người Tây Tạng, dựng các ụ đá bằng cách chất cao những viên đá có bề mặt nhẵn nhằm kết nối với các thần linh ẩn trong các tạo vật thiên nhiên quanh họ. Chúng tôi cũng đi qua những nhóm leo núi Trung Quốc gần như kiệt sức đang trên đường đến thác nước, họ vẫn chưa thích nghi với không khí loãng ở độ cao 3.500 mét. Sau hai giờ, chúng tôi ra khỏi con đường rừng và đi thêm 30 phút trên đường đá dốc để đến thác nước. Luồng nước trắng xóa bắn ra trên vách đá granit màu nâu cao khoảng 100 mét. Vì tôi đến đây vào cuối mùa khô, phần lớn nước biến thành sương mù trước khi chạm đến mặt đất bên dưới.

Thác này được cho là linh thiêng vì một vị thần tên là Bendero sống ở đầu nguồn. Dân địa phương phải liên tục cầu xin Bendero bằng lễ lạt và cầu nguyện. Người ta nói rằng những người hái thảo dược hay đốn cây trong khu vực này luôn bị ốm hay chết ngay sau đó, nhưng những người thờ Bendero thì được che chở. Một vài tuần trước, hai du khách Trung Quốc đã thiệt mạng tại thác khi xảy ra trận tuyết lở do tiếng la hét kéo dài của họ, người Hán thường làm thế ở các công viên công cộng và trên đỉnh núi để làm sạch phổi và giải tỏa căng thẳng, nhưng đó lại là điều cấm kỵ trong thế giới Tây Tạng. Tương tự như nhóm leo núi xấu số Trung – Nhật, dân địa phương cho rằng ngọn núi lại báo thù những người mạo phạm nó.

Bên dưới thác, những lá cờ cầu nguyện đủ màu sắc được giăng trên những tảng đá ướt đẫm. Các đồng tiền giá trị nhỏ nằm trong vách đá như lễ vật dâng cúng ngọn núi. Sau khi hành lễ trước một bảo tháp nhỏ màu trắng, người hành hương và du khách bước đi theo chiều kim đồng hồ phía dưới thác để hoàn thành nghi thức thanh tẩy. Một số người đi quanh ba vòng, tất cả những người đi dưới thác đều ướt sũng. Du khách Trung Quốc chụp ảnh nhóm lấy thác nước làm nền. Hầu hết mọi người im lặng thành kính đi quanh dòng thác.

Khi xuống tôi đi qua một nhóm thiếu nữ Tây Tạng chuyển rác từ các thùng rác đặt trên đường mòn vào các túi lớn màu xanh lá cây. Hai dân làng đang cầm một tấm biển ghi bằng tiếng Trung “Đội thu gom rác làng Vũ Băng”. Tôi nghĩ chắc họ phải dọn thường xuyên vì có rất ít thùng rác dọc theo đường mòn, và tôi quan sát thấy không thùng nào đầy tràn ra đường. Những thiếu nữ này cho biết các hộ gia đình hằng năm cùng nhau góp 30.000 nhân dân tệ (khoảng 8.000 đô-la) trả cho việc thu gom rác ba lần trong năm, một khoản hậu hĩ ở một nước có thu nhập bình quân đầu người một năm cũng chỉ chừng ấy. Khoản tiền đó lấy từ thuế đánh vào các nhà nghỉ. Khi sắp đến một trong ba ngày thu gom rác, dân làng rút thăm phân công dọn các đoạn đường mòn – một số chỉ cần dọn rác sau nhà mình, còn những người khác phải kéo những chiếc túi màu xanh lá cây đi xa vài kilomét. Ngoài ra, ba dân làng được công ty du lịch thuê quét đường mòn lên núi mỗi tháng một lần để bảo trì.

Vào giữa thập niên đầu của thế kỷ này, việc thu gom rác rõ ràng không khó khăn lắm, vì một khoản trợ cấp của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (The Nature Conservancy – TNC) đã thiết lập một hệ thống phân công dân làng dọn sạch từng đoạn đường mòn 50 mét. Tên các gia đình được viết trên thùng rác để phân định trách nhiệm giữ sạch các đoạn đường. Những người giúp quản lý rừng, như Ahnazhu, làm việc cho làng và động viên dân cư tuân thủ hệ thống trách nhiệm phân công cho các gia đình. Dân làng cần chút khích lệ tài chính để giữ cho sườn núi và các đường mòn sạch sẽ, và tiền của TNC đã được chi dọn 57 tấn rác[12]. Nhưng khi việc quản lý công viên quốc gia này được chuyển cho công ty có trụ sở tại Côn Minh năm 2009, giá vé lên Vũ Băng tăng gấp đôi lên 80 nhân dân tệ và dân làng nhận được một phần nhỏ tiền bán vé để dọn rác. Dù tiền đã chi nhưng dân làng ngừng thu gom rác. Họ cho rằng công ty quản lý đã thu hết lợi lộc bán vé (và chỉ cung cấp lại rất ít dịch vụ), trách nhiệm dọn dẹp rác thuộc về ban điều hành công ty[13]. Phải mất đến bốn năm để giải quyết cuộc xung đột đó và những con đường mòn của Vũ Băng trở nên xấu xí và đầy rác do du khách Trung Quốc vốn nổi tiếng toàn cầu về việc không bỏ rác đúng chỗ. Năm 2011, Liu Jianqiang, biên tập viên đóng tại Bắc Kinh của trang mạng về môi trường nhiều ảnh hưởng ChinaDialogue, đã lên Vũ Băng và đưa ra lý do vì sao con đường này đầy rác – một quan sát trái ngược với tôi. Dừng ở một trạm nghỉ, anh nhận xét chỉ bước ra khỏi đường mòn vài mét đã thấy “cảnh tượng khủng khiếp”: Các đống rác đầy ly mì gói, vỏ chai bia, và vỏ đồ hộp[14]. Dần dần, doanh thu bán vé tăng lên, đến năm 2013 công ty Côn Minh lắp đặt các cặp thùng rác xanh lá cây và xanh dương như những mốc đánh dấu đường mòn. Đồng thời, thuế đánh vào các nhà khách được chi hỗ trợ các đội dọn rác luân phiên.

Wang Bo, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Wisconsin, đã sống hơn một năm ở Vũ Băng để tìm hiểu cách dân làng thích nghi với các hệ thống quản lý chất thải mới được áp dụng. Anh nói hệ thống tôi đã thấy trên đường từ thác xuống là một cải tiến lớn nhưng cho rằng nếu du khách được thông tin nhiều hơn về cách dân làng đối xử với những ngọn núi thì họ sẽ bớt xả rác trên đường mòn:

Dân làng tin rằng những ngọn núi là những thực thể sống với sông suối đóng vai trò lá phổi và huyết mạch. Làm ô nhiễm những dòng suối sẽ khiến những ngọn núi tổn thương. Du khách thường giấu vỏ chai dưới những tảng đá dọc theo lòng suối nhưng không biết nước rất mạnh trong mùa mưa và đẩy rác xuống dưới dòng tạo ra những điểm nghẽn hay đẩy rác vào những chỗ người thu gom rác không thể dọn được.

Wang Bo lưu ý rằng nếu du khách tiếp xúc nhiều hơn với những người hành hương, họ sẽ thấy hầu hết những người hành hương mang rác theo chứ không xả[15].

Dân địa phương cho tôi biết hầu hết rác được la chở đi, nhưng đó là lời nói dối ngây ngô. Trong lần đi bộ qua khu rừng ngay ngoài Vũ Băng Thượng, tôi bắt gặp một nhà kho lớn chồng chất những thùng rác đầy. Sau đó họ thú nhận phần lớn rác thu dọn từ năm 2013 được chứa ở nhà kho đó – la và ngựa thường đột nhập vào nhà kho tìm thức ăn và làm mọi thứ tung tóe lên. Hiện nay một số dân làng thích lắp cáp treo từ rìa sông Mekong vào làng vì nó có thể được dùng để tống khứ đống rác thải do ngành du lịch Vũ Băng gây ra. Nhu cầu cần có một lối đi thuận tiện hơn để ra vào làng đang ngày càng cấp bách