Bộ sách Nghìn xưa văn hiến gồm 3 tập, được xây dựng từ những thập niên 60, 70 của thế kỉ trước với vai trò chủ đạo của nhà sử học Trần Quốc Vượng cùng sự đóng góp công phu của các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa truyền thông có uy tín: Nguyễn Từ Chi, Nguyễn Cao Lũy, Nguyễn Thản, Nguyễn Trần Đản. Bộ sách tái hiện lịch sử Việt Nam suốt từ thời thượng cổ cho đến trước thềm thế kỉ 20. Ngoài ra, bộ sách còn ghi chép, sưu tầm những truyền thuyết, dã sử được lưu truyền trong dân gian về sự tích những nhân vật lịch sử, những anh hùng dân tộc được tôn vinh như thần thánh. Tìm hiểu lịch sử để kế tục xứng đáng hơn với những con người lịch sử từ buổi đầu dựng nước, giữ nước thời kì vua Hùng, qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần… đến thời đại Hồ Chí Minh, đưa đất nước Việt Nam tiến nhanh hơn trên dòng năm tháng.*** Lý Công Uẩn người làng Cổ Pháp, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là làng Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tục truyền, một hôm ở cửa tam quan chùa Dận (Phù Lưucó đứa trẻ sơ sinh ai đem vứt bỏ. Sư tu ở chùa là Lý Khánh Văn thấy tiếng trẻ thơ khóc mới động lòng thương bèn ra nhặt vào nuôi, đặt tên đứa bé là Lý Công Uẩn. Lý Công Uẩn lớn lên trông rất rắn rỏi, mặt mũi khôi ngô, tinh anh khác người. Sư Văn rất yêu quý, hết lòng trông nom dạy dỗ. Công Uẩn tuy còn nhỏ nhưng đã sớm thông minh sáng dạ. Mới sáu tuổi, bao nhiêu kinh kệ sư Văn dạy cho, Uẩn chỉ đọc một lần là nhớ hết. Duy chỉ phải mỗi tội là hay tinh nghịch. Một hôm, sư Văn sai Uẩn đem oản lên chùa cúng ông Hộ Pháp. Chú bé liền khoét hết ruột ăn rồi bày vỏ ngoài lên cúng. Đêm hôm ấy, Hộ Pháp hiện về phàn nàn với sư. Sáng ra, sư Văn gọi Uẩn ra hỏi chuyện và mắng cho một trận. Uẩn tức lắm, lẳng lặng lẻn lên chùa đánh ba cẳng tay vào tượng Hộ Pháp rồi viết vào sau lưng tượng bốn chữ “Đồ tam thiên lý” (đày đi xa 3.000 dặm. Đến đêm, sư Văn lại thấy Hộ Pháp hiện về. Mặt buồn rượi, Hộ Pháp nói với sư rằng: – Chào thầy ở lại, tôi đi. Hoàng đế đày tôi xa khỏi chùa này ba ngàn dặm. Tỉnh dậy, sư Văn vội lên chùa xem, quả thấy sau tượng rành rành nét chữ Công Uẩn: “Đồ tam thiên lý”. Nhà sư sai tiểu lấy nước để rửa. Lạ thay, kì cọ thế nào chữ cũng không đi! Sư phải gọi Công Uẩn lên bắt xoá. Uẩn chỉ di di tay là hết.