Quen biết Lê Minh Quốc đã lâu, vậy mà có điều tôi vẫn hiểu chưa kỹ về anh. Cứ tưởng Lê Minh Quốc bắt đầu làm thơ từ những năm cầm súng chiến đấu ở chiến trường Campuchia (1977-1983, và sau đó tiếp tục say mê sáng tác lúc ngồi trên giảng đường của khoa Văn Đại học Tổng hợp TP.HCM, để rồi tập thơ Trong cõi chiêm bao đầu tay của anh ra mắt bạn đọc năm 1989. Hóa ra không phải. Lê Minh Quốc mê chữ, yêu văn và bước vào cuộc đời cầm bút từ rất sớm. Mười bốn tuổi, sau nhiều “tác phẩm” gửi đi cho các báo ở Sài Gòn lúc đó, nhưng đều rơi vào im lặng, bài thơ Em tôi – tác phẩm đầu tiên của thiếu niên thi sĩ Lê Minh Quốc được in trên báo Thiếu nhi số 89 (13/5/1973. Tờ báo này do ông chủ nhà sách Khai Trí lập ra và do nhà văn Nhật Tiến làm chủ bút. Khỏi phải nói niềm vui tột độ của cây bút trẻ này khi cầm số báo có đăng thơ của mình. Anh tiếp tục xuất hiện trên các tờ tuần báo dành cho thiếu nhi lúc đó như Tuổi Hoa, Mây Hồng và một số nhật báo khác. Sau này nhà thơ có tâm sự: Dù có thơ in nhưng tôi cũng không hề được tòa soạn gửi tặng báo biếu hoặc nhuận bút gì sất! Nhà thơ tương lai ấy đã tự an ủi theo đúng phép “thắng lợi tinh thần”: Chả cần, mình phục vụ cho văn học nghệ thuật (!thì cần quái gì ba cái chuyện lẻ tẻ ấy. Con đường thơ văn của Lê Minh Quốc nếu tính từ những ngày niên thiếu đó thì đến nay đã bốn mươi năm có lẻ. Nhìn lại hệ thống danh mục tác phẩm của anh, dù ai là người trong nghề cũng phải nể: Mười tập thơ, mười tập truyện, nhiều tập khảo cứu biên soạn… Ấy là chưa kể hàng nghìn bài báo được đăng trên Phụ nữ TPHCM – nơi anh công tác hơn hai mươi năm nay, và trên rất nhiều báo khác trong cả nước. Gần đây anh chuyển hướng sang thể loại mới: tạp bút. Tác phẩm Ngày sống đời thơ mà bạn đọc đang có trong tay là đứa con tinh thần mới nhất của anh. Như thế, nếu tạm sơ kết (chứ chưa thể tổng kết, vì chắc chắn tuổi nghề của Lê Minh Quốc còn rất dài, cây bút này đã đều đặn cho công bố với tốc độ tên lửa “năm một, ba năm đôi”. Sức viết ấy đâu dễ có! Nhưng trong văn chương, điều quan trọng nhất chưa phải là số lượng mà là chất lượng. Hy vọng sẽ có dịp được viết kỹ về thơ và truyện của Lê Minh Quốc – hai lĩnh vực ấy anh cũng có chỗ đứng chắc chắn. Trong bài viết ngắn này, xin được nói riêng về tập Ngày sống đời thơ. Cũng như tác phẩm Ngày trong nếp ngày, Ngày viết mỗi ngày mới trình làng hồi cuối tháng ba năm nay, tập Ngày sống đời thơ trích đăng những trang nhật ký của Lê Minh Quốc. Tập trước anh tuyển chọn trong nhật ký của năm 2013, 2014, tập mới này là những dòng tâm sự của anh trong năm 2015. Lê Minh Quốc duy trì được một thói quen rất quý: viết nhật ký đều đặn hằng ngày. Ngày bận, viết ít. Ngày rảnh rỗi và có hứng viết dài hơn. Điều này rất nên làm đối với bất cứ ai, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Bởi vì chỉ cần sau vài ba năm đọc lại, tự bản thân đã thấy bên cạnh những trang đáng quên, thì có không ít điều bổ ích xoay quanh những gì mình đã suy tư, nếm trải, những vui buồn rất có ý nghĩa của quá khứ. Có chất liệu nào quý để hình thành nên những tác phẩm để đời của một nhà văn bằng những trang ghi chép của chính mình? Nét đặc thù cơ bản nhất của nhật ký là ở chỉ viết cho mình, mình là tác giả đồng thời cũng là độc giả đầu tiên và nhiều khi là duy nhất. Chính vì thế những trang nhật ký thường hết sức trung thực. Tập Ngày sống đời thơ của Lê Minh Quốc gồm 47 tiểu đoạn, mở đầu là những dòng nhật ký của ngày 3/1/2015 và kết thúc là những trang viết của anh ngày 31/12/2015. Gọi là nhật ký, nhưng chất tùy bút rất đậm. Ta đã rõ, tùy bút là một thể loại văn học lợi hại, tạo điều kiện để “cái-tôi-nhà-văn” tung hoành tùy theo hứng bút. Đọc tác phẩm của các cây tùy bút lỗi lạc như Nguyễn Tuân,… nhìn thoáng qua có thể nghĩ các đoạn, các ý sắp xếp bên nhau có phần lan man, xộc xệch, nhưng đọc kỹ thì thấy tự bản thân các trang viết đó có một cấu trúc bên trong chặt chẽ. Vì thế kinh nghiệm của những người sành thưởng thức văn chương khi đọc tùy bút là cấm kỵ việc đọc nhanh, đọc lướt mà phải đọc chậm, đọc nhâm nhi. Tôi ngờ là Lê Minh Quốc rất ái mộ nhà tùy bút Nguyễn Tuân và tiếp bước đi trên con đường của ông. Trong cả ba tập Ngày trong nếp ngày, Ngày viết mỗi ngày cũng như Ngày sống đời thơ, ngòi bút của Lê Minh Quốc hình như đã được thả sức phóng túng, tung hoành. Anh nói đến chuyện đời, chuyện nghề, chuyện tình cảm riêng tư. Những trang viết của anh có ba điểm tựa chắc chắn: thứ nhất, vốn sống dồi dào của những năm chiến đấu cũng như của những chuyến đi liên miên bất tận trong những năm làm báo; thứ hai, sức đọc rất khỏe – đọc tác phẩm của cha ông cũng như những sách mới ra lò, sách của Việt Nam cũng như sách của thế giới; thứ ba, anh là người quảng giao, quan hệ rộng và sâu sắc, chân tình với những người trong giới cũng như các đối tượng trong các lĩnh vực xã hội khác. Ba nguồn mạch đó khiến ngòi bút Lê Minh Quốc luôn dồi dào sức sống, đề tài hầu như không bao giờ vơi cạn. Tôi tin bạn đọc sẽ xúc động khi đọc những trang Lê Minh Quốc viết về gia đình – đặc biệt về mẹ của mình, về quê hương Đà Nẵng cũng như về những vùng đất mà anh đã đặt chân. Nhưng Lê Minh Quốc dành nhiều trang cho chuyện nghề văn. Anh trân trọng nhắc đến các nhà văn tiền bối như Huỳnh Thúc Kháng, Tản Đà, Nguyễn Hiến Lê, Trang Thế Hy, Sơn Nam… cũng như các nhà văn hóa nổi tiếng như Vương Hồng Sển, Trần Văn Khê, Phạm Duy… Thi hào Nguyễn Du được Lê Minh Quốc nhắc đến khá nhiều lần. Mặt khác anh cũng dành tình cảm ưu ái cho các bạn văn đồng trang lứa như Nguyễn Trọng Tạo, Trần Huiền Ân, Nguyễn Nhật Ánh, Đoàn Thạch Biền, Trương Nam Hương… Với bất cứ ai anh có những nhận xét trân trọng, tinh tế về văn nghiệp nói chung cũng như những cái hay, những điểm xuất thần trong các trang văn cụ thể của họ. Như trên đã nói, Lê Minh Quốc có sức đọc rất khỏe. Anh “tham lam, ham hố” không bỏ qua bất cứ những bài viết, những cuốn sách nào mà anh thấy lý thú, bổ ích. Có khi của một tác giả Hà Lan xa lạ viết về Việt Nam. Có khi là những cuốn địa chí của xã, huyện nhưng có ích cho nhận thức của người đọc. Lê Minh Quốc không ích kỷ giữ nó cho riêng mình, mà ghi lại trong những trang nhật ký để rồi có dịp đưa đến tay bạn đọc. Có khi đó là nghĩa của những địa danh như Sóc Trăng, Chắc Cà Đao… Có khi là nội dung đặc sắc của một cuốn sách – chẳng hạn quyển Một quan niệm về sống đẹp của Lâm Ngữ Đường (Trung Quốc… Dường như khi viết, Lê Minh Quốc cố tự kiềm chế, không muốn đề cập đến những nghịch lý của cuộc sống, những mặt non yếu, tiêu cực của xã hội. Thế nhưng đôi lúc anh cũng đã “vượt rào”. Chẳng hạn anh đã đề cập đến, tuy không mới nhưng cần thiết, về sách giáo khoa cho thế hệ trẻ ở phổ thông cũng như sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận giáo viên. Nói về lĩnh vực văn chương Lê Minh Quốc đôi lúc cũng đã tỏ bày ý kiến về tình hình xào xạc, tiêu điều trong lĩnh vực sáng tác – đặc biệt là thơ. Anh cũng luôn tự dặn mình không để ngòi bút phản lại mình, phải hết sức quan tâm đến trách nhiệm của nhà văn đối với công chúng. Những điều tự răn ấy không những có ích cho nhà văn để khỏi đi chệch hướng, đồng thời cũng là lời cảnh báo chân tình cho các cây bút khác. Đọc xong trang sách cuối cùng, tôi vừa thấy hứng thú vừa cảm thấy có điều gì “chưa đã”. Chắc chắn anh sẽ có tập tạp bút cho năm 2016 và các tập sau đó nữa. Chỉ mong rằng Lê Minh Quốc quan tâm hơn đến những vấn đề xã hội nóng bỏng, bức thiết. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, đó là một yêu cầu mang tính nguyên tắc của muôn đời. Nhà văn không thể lảng tránh. Tất nhiên đối với những vấn đề nhạy cảm, người viết phải rất thận trọng, nghiêm túc, xây dựng. Những kinh nghiệm này tôi ngờ là Lê Minh Quốc đã có thừa. Chẳng qua với tình bằng hữu văn chương, tôi xin nhắc lại với anh và cả tin anh sẽ làm rất tốt. Ngày 27/8/2016