Trong tác phẩm Trà sư (Le Maître de thécủa Inoué, lịch sử trà đạo ở Nhật từ thế kỷ 16 tới ngày nay, mở đầu với vị trà sư Rikyũ chủ môn trường phái nghệ thuật uống trà thanh đạm, được viết thành một tác phẩm văn học giá trị, phơi bày mặt trái của lễ nghi: trà đạo hơn bốn thế kỷ, bị thế quyền phong kiến sử dụng như một mụ mối trong chợ chính trị. Những buổi thiết trà thường là mặt tiền che đậy những cuộc thương lượng bên trong, và những vị trà sư khả kính chỉ là những quân cờ dưới trướng các lãnh chúa. Những cái chết bí mật của các thủ lãnh trường phái trà đạo, trong suốt bốn thế kỷ, nằm trong những bí mật của nghệ thuật trà trị, và họ chết đi, mang cả bí mật của trà trị sang thế giới bên kia. Ngàn cánh hạc không viết về trà đạo, không viết về trà trị, mà dựng trên bình phong đạo trà để viết về tình yêu, và tình yêu trong tác phẩm của Kawabata luôn luôn là tình yêu tuyệt đối. Ngàn cánh hạc có hình thức gần như cổ điển với những tình tiết éo le. Nhưng tác giả đã xóa chất éo le bằng cấu trúc đứt đoạn, bằng giọng văn ơ thờ, mỉa mai, lãnh cảm; tạo nghịch cảnh bằng cách đổi ngôi nhận vật, không cho họ đứng đúng chỗ ước đoán của người đọc: tất cả những nhân vật chính như bà Ôta, Kikuji và Kikako… đều không đóng những vai mà độc giả chờ đợi. Như những tiểu thuyết khác của Kawabata, Ngàn cánh hạc cũng chỉ dày khoảng 200 trang, đã được đăng trên báo từ năm 1949, viết từng mảng, mỗi mảng là một truyện, cả thảy có năm truyện. Tác phẩm hoàn tất trở thành một cấu trúc tiểu thuyết chặt chẽ, ra đời năm 1952, trong bối cảnh nước Nhật đang mất dần những truyền thống cũ mà trà đạo là một. Tác phẩm dựa trên một nền trà mà gốc rễ đã lung lay. Trà thất của những gia đình truyền thống ẩm mốc cửa đóng then gài. Những vật dụng cũ như bình, chén, bị bỏ bê lăn lóc, lọt vào tay một thế hệ trẻ không biết phân biệt thế nào là chén tống, chén quân. Trà sư Kikako, một mụ mối, lai nhiều “phong cách”: mang dấu ấn Mylady với “cái bớt tím đen, to bằng bàn tay xòe, có lông cứng như lông nhím, trên vú trái”, lại có cái tọc mạch lỗ mãng của một bà Phó Đoan, và có nét “nhờn nhợt màu da” của một mụ Tú Bà. Giao phó một nghệ thuật có “truyền thống lâu đời” như trà đạo vào một “tay chơi” như vậy, Kawabata không còn ảo ảnh nào nữa về sự đào thải, mai một, của trà kinh, trà quyền. Cậu Kikuji – nhân vật chính – thuở bé tình cờ nhìn thấy dấu ấn “Mylady” trên ngực Kikako, người nhân tình của cha. Ám ảnh ấy không ngừng theo đuổi Kikuji. Dấu ấn mạnh đầu tiên, mà Kawabata đưa ra là cái bớt, phóng ảnh gớm ghiếc về sự thoái hoá một truyền thống lâu đời. Phóng ảnh thứ nhì chiếu vào bức tranh ngàn cánh hạc in trên tấm khăn lụa hồng, đậy bộ đồ trà trên tay Yukiko, một trà sinh đang đi vào trà thất. Ngàn cánh hạc trên tay người đẹp đã gây ấn tượng mạnh trong lòng Kikuji. Sau này, khi hình ảnh yêu kiều của Yukiko đã biến mất trong trí chàng thì bức tranh ngàn cành hạc vẫn còn đọng lại rõ nét. Ngàn cánh hạc phải chăng là hương trà đã vật chất hóa thành cánh hạc bay đi, để lại cho nhân thế những bụi bặm, cặn bã của cuộc đời mà họ “xứng đáng” được hưởng. Hay chính hương trà ngây ngất ấy cũng chỉ là những cánh hạc phù du, như cái đẹp, như hạnh phúc, như nghệ thuật, như tình yêu, sớm muộn rồi cũng cất cánh bay? Không sao biết được. Nghệ thuật của Kawabata luôn luôn kéo ta đến chỗ không biết được ấy, dìm chúng ta trong cõi chưa biết ấy. Yukiko, người con gái đẹp mang ngàn cánh hạc trở thành đối tượng kiếm chồng. Yukiko là nạn nhân của “thời cuộc”, thời mà người ta dùng các trà thất làm chỗ mối lái kiếm chồng. Trà mối thời nay, khác với trà trị thời trước, bởi chính trị và tình duyên không giống nhau, nhưng cùng dẫn đến một hậu quả: phong tỏa hương trà, làm ô uế trà đường, khiến cho hương trà phải bay theo cánh hạc. Kawabata vẫn vận dụng triệt để con mắt, nhưng ở đây ông không dùng mắt để nhìn, mà ông còn dùng con mắt như một điểm nội tâm, một điểm của não thùy, ghi nhận những hình ảnh thật đắt giá, ném chúng vào sâu trong tiềm thức, cất giấu trong vô thức, để lúc nào cần, cũng có thể phóng ra được. Cái bớt trên ngực mụ Kikako và ngàn cánh hạc trên tay Kikako, cho thấy cách nhà văn tạo ấn tượng mạnh: Hai hình ảnh, một cực kỳ xấu xa ghê tởm và một cực kỳ thơ mộng, đã không ngừng chi phối tâm hồn Kikuji, nhưng rồi cái bớt đã xua đuổi cánh hạc: đạo trà rơi vào trà sư vô đạo. Hình ảnh thứ ba là chiếc bình sứ shino của bà Ôta, người tình cuối cùng của ônh thân sinh ra Kikuji. Khi ông còn sống, bà Ôta đã dùng chiếc bình này để pha trà đối ẩm với ông. Sau khi ông mất và cũng theo đà mai một của trà đạo, bà Ôta dùng làm bình cắm hoa. Chiếc bình sứ shino chứng kiến những tang biến của đời bà nhưng nó cũng mang số phận truân chuyên của đời trà đến hồi mai một. Hình ảnh thứ tư là cái chén shino của bà Ôta, vết môi người thiếu phụ đã ngấm vào miệng chén thành vệt son không bao giờ phai lạt. Hai hình ảnh sau cùng này vẽ nên bức phác người thiếu phụ: bà Ôta, linh hồn của tiểu thuyết, là hình ảnh của tình yêu tuyệt đối: tình Trương Chi. Ngàn cánh hạc là một truyện tình giấu nhiều truyện tình xuyên thế. Bà Ôta tìm lại ngưòi tình đã mất qua hình dáng phong độ của người con trai, kém nàng 25 tuổi. Như thể đạo trà đến giờ lâm chung muốn được hồi sinh trở lại trong hơi thở thanh niên. Rồi đến lượt Kikuji, lại theo vết cũ, tìm nàng trong Fumiko, con gái của nàng. Cái chết của Ôta liên quan đến cái chết của Kawabata: “Chết là vĩnh viễn từ chối mọi lý giải của người khác. Không ai biết lý do hành động tự hủy của một người, cũng không ai có quyền phán đoán người đi tìm cái chết” (trang 756. Nhưng chết chưa hẳn là hết, mà nhiều khi chỉ là khởi hành. Kawabata rõ hơn ai hết về cái chết của nhà văn sau mỗi tác phẩm: Ôta đã hoàn tất “tác phẩm”, đã đi trọn cuộc tình xuyên thế hệ: nàng đã tìm đến tình yêu bên kia cõi sống, và kinh nghiệm có một không hai này của nàng để lại cho trần thế một ý nghĩa mới về đam mê, về nhục dục
Nguồn: https://thuviensach.vn