Nếp Cũ, Hội Hè Đình Đám

Nếp Cũ, Hội Hè Đình Đám

Tác giả:
Thể Loại: Văn Hóa
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Muốn tìm về quá khứ, đã có Nếp cũ. Còn bạn muốn Toan Ánh có chút “phù phiếm” và rộn ràng, hãy đến với Hội hè đình đám. Tiếp tục hành trình khai quật “lối cũ lề xưa” trong đời sống của người Việt Nam, trong Hội hè đình đám, Toan Ánh sẽ nói về những niềm vui của một thời đơn sơ, những ý niệm tôn giáo lẫn những nỗi niềm khao khát gửi gắm, những nỗi sợ hãi và cả những sự ghi ơn,… Người nông dân cày cấy ròng rã một năm trời để mong đến mùa xuân, để hội làng lại “về” cho gái trai gặp gỡ, cho những cụ già xúng xính áo hoa… Dù là một tác phẩm mang nhiều tính nghiên cứu và thu nhập, tập sách vẫn rộn rã không khí hân hoan của buổi “hội hè”. Vừa mang tính tâm linh trang nghiêm vừa là chốn vui chơi trần tục, hội hè là sự phản chiếu thú vị và đa chiều nhất về văn hóa người Việt Nam xưa. Xin giới thiệu cùng bạn đọc một cách tiếp cận thi vị với Hội hè đình đám.*** Chúng ta phải trở lại thời tiền-đệ-nhị thế-chiến, hay gần nhất cũng phải từ đầu năm Ất-Dậu (1945trở về trước, cái thời mà phong tục tập quán của dân ta chưa chịu nhiều sự biến-đổi trước áp-lực của thời cuộc, với những sinh hoạt cổ truyền theo tổ-chức xã-hội trong một nếp sống nông nghiệp của tiền-nhân. Những phong-tục tập-quán này biểu-lộ dân-tộc tính Việt Nam với nhiều cái hay cái đẹp, nhiều điều cao-khiết lành-mạnh ngày nay đã dần phai mờ trước cuộc hưng-vong của đất nước. Muốn tìm lại tất cả những cái hay đẹp cao-khiết lành-mạnh ấy, tuy chỉ mới trải qua mấy chục năm, mà sao coi như xa-xôi lắm, và do đó cũng không phải là dễ dàng. Trong tập sách này, chúng tôi muốn nói tới những Hội-hè Đình-đám của dân ta, những hội-hè đã từng mua vui cho người dân, đã từng chứng tỏ ý niệm thiêng-liêng tôn-giáo của người dân qua lễ-nghi, đã từng nêu cao lòng biết ơn của người dân đối với các bực anh-hùng đất nước cũng như đối với các vị thần-linh, nhất là các vị Thành Hoàng đã che chở phù-hộ cho dân mỗi xã, và nhất là đã từng là những dịp để người dân ôn lại lễ-nghi, nhớ lại phong-tục. Những Hội-hè đình-đám lại là những dịp để thắt chặt thêm tình thân giữa dân làng, và có khi giữa dân các làng lân-cận bởi những tục giao-hảo hoặc bởi hội-hè đình-đám làng này đã kéo dân làng khác tới chung vui. Ngày nay ở miền Trung và miền Nam, một đôi nơi, nhân những ngày thần kỵ vẫn còn tổ-chức những cuộc tế-lễ, những trò vui, tuy về mọi phương-diện lễ-nghi, du-hí cũng đã tỉnh-giảm nhiều. Được hân hạnh sống những năm đầu hiểu biết ở một vùng quê, thời đó, mặc dầu là dưới thời Pháp-thuộc, người dân Việt-Nam còn căm-hờn người Pháp đang thống-trị đất nước, người ta vẫn không bỏ qua hội hè, chúng tôi đã được dịp đi dự nhiều hội quê, nhất là những hội ở các tỉnh Bắc-Ninh, Bắc-Giang, Vĩnh-Yên, Phúc-Yên, Hà-Đông, Nam-Định và Thái-Bình, thời đó cách đây tuy xa, nhưng ngày nay hồi tưởng lại có lúc chúng tôi tưởng như mình đang đứng trước một cây đu, đang nghe kể hạnh trong chùa, đang xem một đám vật, đang dự một đám hát quan-họ… Nhớ lại các hội quê, tất cả cái phong-vị hội-hè đình-đám như trở lại trong đầu óc chúng tôi. Và giờ đây, viết những dòng chữ này, chúng tôi muốn bạn đọc cùng thấy với chúng tôi cái không khí của làng xóm quê-hương thuở xưa với bóng cờ ngũ sắc, với những tiếng trống thờ, với đám trai gái vùng quê, quần áo mới màu Tết lũ-lượt dắt-dìu tới những hội làng, vẻ mặt hớn hở, vừa đi vừa nói cười hân-hoan. Hội quê có hội Xuân và hội Thu, hai thời gian mà người dân quê được nghỉ-ngơi rảnh-rỗi, Xuân sau khi đã cấy chiêm và Thu sau khi đã thoát vụ lụt con nước mã và công việc cày cấy vụ lúa tháng Mười cũng đã xong. Trong bộ TÍN NGƯỠNG VIỆT NAM, chúng tôi đã trình bầy về đạo thờ Thần, chúng tôi coi như một tôn-giáo hoàn-toàn Việt Nam, và chính do ở sự thờ-phụng thần-linh mà có HỘI HÈ ĐÌNH ĐÁM. Nếu các bạn không lấy làm trở ngại, chúng tôi xin phép coi tập sách này như tập Phụ lục của Bộ TÍN NGƯỠNG VIỆT NAM. Về Hội-hè đình-đám mùa Xuân, ca-dao ta có câu: Tháng Giêng ăn Tết ở nhà, Tháng Hai cờ bạc, Tháng Ba hội hè. Câu ca-dao này đã nói lên đủ sự nhàn-rỗi của người dân quê, nhất là người dân quê miền Bác trong ba tháng Xuân. Lúc ấy là lúc cấy chiêm đã xong, mùa gặt tháng Năm lại chưa tới, người dân quê có thì giờ giải-lao, ăn Tết và hội hè. Sống ở một nơi đất hẹp dân đông, riêng ở miền Bắc và miền Trung lại thêm lắm đồi nhiều núi, kỹ-nghệ không có gì, suốt năm người dân quê vất-vả với nông-nghiệp, đầu tắt mặt tối, làm buổi hôm lo buổi mai, hết công việc đồng áng đến công việc vườn tược, rất ít dịp nghỉ ngơi để cùng nhau vui chơi ca hát, ăn uống. Hàng năm chỉ có dịp Xuân là công việc đồng-áng nhàn-rỗi, công việc vườn-tược thưa-thớt, người dân quê có thể cùng nhau chia vui để hưởng thú thanh-bình. Hơn nữa, Xuân tới nghĩa là Đông đã qua, cái mùa rét mướt đã hết, tiết Xuân ấm-áp đã khiến con người hết phải lo vì mưa phùn gió bấc, hết phải lo vì trời lạnh đêm dài, và với mưa Xuân, người ta cũng hết lo đất nẻ ruộng khô, hết lo gió lạnh làm cho cây mạ héo vàng. Người ta có thể nghỉ-ngơi để hưởng thụ mừng xuân, mừng năm mới. Hơn nữa từ ngàn xưa, người Việt-Nam lấy gia-đình làm trọng, lấy quây-quần đoàn-tụ làm hơn, nên trong những dịp giải-lao hưởng thụ, người ta không nghỉ-ngơi riêng-rẽ, và trong lúc vui, người ta muốn được vui chung cùng bạn hữu, cùng họ hàng thân thuộc, cùng mọi kẻ quen người biết ở làng trên xã dưới. Bởi vậy nhân dịp Tết với mùa Xuân, nơi nơi, người ta đều kéo hội để cho dân chúng trong thôn ngoài xã hàng tổng và có khi hàng huyện được cùng nhau chung vui gặp-gỡ. Trong các hội Xuân có hai loại: hội đình và hội chùa. Xin kể gộp cả vào hội đình các hội ở đền, miếu, là những hội tổ chức ở ngay những nơi thờ tự này hoặc ở những khoảng đất chung quanh, nhân dịp khánh-tiết tân-xuân hoặc nhân dịp kỵ-nhật các vị Thành-hoàng, có thể có những trò vui được tổ-chức vào dịp hội, không ở gần các nơi thờ-tự trên, ở một chỗ khác trong làng. Hội chùa tổ-chức tại Chùa làng nhân dịp tân xuân hoặc vào ngày giỗ các vị sư tổ. Ngày hội tuỳ theo mỗi làng thay đổi, có làng mở hội sớm, có làng mở hội muộn, có làng bắt đầu mở hội từ trong năm cho đến ngoài giêng mới hết, có làng sang tháng ba mới mở hội, nhưng thường tháng giêng là nhiều hội-hè hơn cả. Dù trong hội Đình hay hội Chùa, dù hội kéo trong năm hay ngoài Xuân, bao giờ ở hội cũng có rất nhiều trò vui để dân làng và khách trẩy hội giải-trí. Có những trò vui chung thông thường cho mọi hội như: rún đu, cờ bỏi, đốt pháo… lại có những trò vui riêng của từng địa phương: đánh phết, hát quan-họ, kéo co, bơi chải… Trong các thú vui chung có những thú dành riêng cho người già như tổ-tôm điếm, cờ bỏi, thi thơ,… và cũng có những trò vui riêng cho bạn trẻ nam nữ thanh niên, những trò vui này rất nhiều và rất thú vị: đánh phết, đánh trung-bình-tiên, hát quan-họ, hát đúm, thổi cơm thi, nấu cô thi, bơi thuyền, đánh vật… Các cụ bà trong ngày hội, dù là hội đình, có thú đi chùa, nghe kể hạnh… Đấy là chúng tôi không nhắc tới những cuộc tế lễ rước xách chúng tôi đã trình bày trong bộ TÍN NGƯỠNG VIỆT-NAM, trong chương ĐẠO THỜ THẦN. Về hội hè đình đám mùa thu, thì đây là thời gian dân quê vừa thắng trận phòng đê tháng bảy với con nước Mã nguy-hiểm hàng năm. Vả lại tiết thu mát-mẻ, trời thu trong sáng, tháng tám lại nhằm vào thu-tế, các làng xã mở hội, vào đám dường như muốn ăn mừng đã tránh được nạn lụt, và để tạ ơn thần-linh đã bảo hộ dân làng, mùa tháng mười sẽ được bội thu. Đã vất-vả suốt từ tháng năm, sau vụ gặt chiêm, nay được dịp cấy mùa đã xong, công việc đồng áng đã vơi, người dân quê cũng như dịp xuân tới, phải nghỉ-ngơi và phải hưởng những ngày nghỉ-ngơi. Trời thu đẹp báo hiệu một vụ lúa mùa tốt đẹp, gió thu mát, trăng thu trong như tăng sự hân-hoan của con người trước viễn-ảnh thóc lúa đầy bồ, người người no ấm. Mùa Xuân người ta đã hội-hè, mùa thu người lại hội-hè. Hoặc giả có làng nào, mùa Xuân chưa đình đám ăn chơi, thì mùa thu nhất là tháng tám, là dịp để làng vào đám, dân làng nghỉ ngơi hội-hè. Cũng những cuộc tế lễ rước xách như mùa Xuân, với những trò vui thay đổi tuỳ theo mỗi địa-phương. Trình bày về hội-hè đình-đám của mùa Xuân cũng như mùa Thu, chúng tôi chỉ nói tới những hội-hè chúng tôi biết, lẽ tất nhiên không là bao nhiêu so với số hội hè hằng có xưa ở vùng quê suốt từ Nam tới Bắc. Biết tới đâu chúng tôi nói tới đó, còn những điều không biết, chúng tôi xin nhường lại cho những bậc biết hơn. Ngoài những hội hè đình đám mùa Xuân và Thu, rải rác quanh năm cũng vẫn có những hội làng ở một số các xã thôn, như hội đền Phù-Đổng Thiên vương ở làng Phù-Đổng, huyện Tiên Du, Tỉnh Bắc-Ninh vào ngày mồng 9 tháng 4; Hội bơi thuyền trên sông Tiểu Đáy của làng Yên-Hạ, tục gọi là làng Me tỉnh Vĩnh Yên vào thượng tuần tháng 5, hội đền Tả quận Lê-văn-Duyệt xã Bình-Hoà, Tỉnh Gia-Định vào ngày 30 tháng 7 v.v… Những ngày tháng của hội này theo kỵ-nhật của vị thần linh được dân làng thờ-phụng. Trong các hội quê, chúng ta có thể phân biệt: – Các hội về lịch-sử liên-quan tới các nhân-vật lịch-sử được dân làng thờ-phụng làm thần-linh, hoặc liên-quan tới một sự-kiện lịch-sử được dân chúng kỷ-niệm. Hội đền Hai Bà, Hội đền Đức Hưng-Đạo-Vương là những hội liên-quan tới các nhân-vật lịch-sử, giỗ Trận Đống-Đa là hội liên-quan tới sự kiện lịch sử, vua Quang Trung đại thắng quân Thanh của Tôn-Sĩ-Nghị. – Các hội về Tôn-giáo. Trong các hội này thường là hội Chùa như hội Chùa Thầy, tỉnh Sơn-Tây, hội Chùa Hương, tỉnh Hà-Đông. Lễ vía bà núi Sam, tỉnh Châu-Đốc, lễ kỷ niệm đức Huỳnh Giáo-Chủ ở Thánh-Địa Hòa-hảo cũng là những hội-hè về tôn giáo. – Các hội hè về phong-tục. Đây có thể là một hội tại một làng thờ một nhân vật lịch-sử không mấy quan trọng, hoặc ở một ngôi chùa làng có những tục lạ của dân chúng từng địa phương. Tất cả những hội nào, không xếp vào hai loại hội trên chúng tôi đều xếp vào loại thứ ba này. Viết về mỗi hội, chúng tôi sẽ cố gắng lần-lượt trình bày: – Nơi và ngày có hội – Thân-tích – Các trò vui trong ngày hội, ngoại trừ những cuộc tế lễ và rước xách thông thường đã có nói trong bộ TÍN NGƯỠNG VIỆT-NAM. Chúng tôi cũng hiểu, với sự hiểu-biết nông cạn của chúng tôi, tất-nhiên có những điều thiếu sót và có cả những sự sai lầm, nhưng dù sao chúng tôi cũng cố gắng đem hết thiện-chí để mong đạt được tối đa những điều đáng viết về mỗi hội. Để bớt những sự thiếu sót chúng tôi đã tham khảo xem tài liệu ghi trong các sách báo chúng tôi đã được dịp đọc qua, ngoài những điều tai nghe mắt thấy xưa kia ở các hội quê. Saigon, ngày 17 tháng 5 năm 1969 TOAN ÁNH