Nên Thân Với Đời

Nên Thân Với Đời

Tác giả:
Thể Loại: Tâm Lý - Kỹ Năng Sống
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Trong những cuốn sách nổi danh khắp thế giới, L’home cet inconnu, bác sĩ Alexis Carrel1 nói: “Chúng ta biết gì về con người, chúng ta đã làm gì để học hiểu hơn hầu cung cấp cho nó sự đào luyện và cuộc sống thích hợp với nhu cầu thực tế.” Cũng nghĩ như tác giả lỗi lạc đó có vô số người sau này khi ra đời đại khái than thở như vầy: 1 Alexis Carrel (1873-1944: Nhà giải phẫu và sinh vật học người Pháp, đoạt giải Nobel Sinh học và Y khoa năm 1912. *Các chú thích trong sách là của người biên tập trong lần xuất bản này. “Tôi có hai, ba bằng đại học mà sao trong giao tiếp hằng ngày tôi cứ bị người xung quanh trách là thô bạo, thất tín, lố bịch, kiêu căng.” “Tôi là một nhà chuyên môn cao cấp nhưng sao dưới quyền tôi các nhân viên làm việc luộm thuộm, dẫm chân lên nhau, tắc trách và vô kỷ luật.” “Tôi luôn thành công trong thời gian học trung học, đại học mà ra đời thất bại liên miên, bây giờ tóc đã ngả màu mà sự nghiệp chưa có gì đáng kể.” “Tôi là một nhà tu hành nhưng sao cứ bị tiếng là ích kỷ, ham lợi và không khác gì bao nhiêu kẻ ngoài đời.” Những than thở đó hoặc nói ra lời hoặc âm thầm ấp ủ trong thâm tâm, tất cả cho ta thấy rằng khai trí là một chuyện, đi tu là một chuyện, còn học nghề làm người quả thực là một chuyện khác. Theo các nhà tâm lý học “học nghề làm người” là khoa tâm lý áp dụng vào đời sống được điều khiển. Nó cũng gọi là khoa học của tinh thần vì tinh thần tượng trưng cho con người, là cái làm cho con người hãnh diện nhất trong các vật thụ tạo. Pascal nói “Con người là cây sậy yếu đuối mà biết suy tưởng.” Vũ trụ vĩ đại có thể đè bẹp nó, nó biết mình bị đè bẹp còn vũ trụ thì không. Hết những gì gọi là giá trị con người đều có bàn tay của tinh thần nhúng vào. Khoa học tìm ra những nguyên tắc can thiệp đó của tinh thần vào các sinh hoạt của con người gọi là “Tâm linh dục” hay “Vi nhân học” (Culture – Humaine. Từ ngữ trước dùng theo nghĩa hẹp nhắm vào tinh thần là tượng trưng của con vật có lý trí, từ ngữ sau dùng theo nghĩa rộng chỉ những nguyên tắc giúp con người sống thành công và hạnh phúc. Nguyên ngữ của danh từ “Vi nhân học” là câu “Vi nhân nan” (làm người khócủa Khổng Tử. Ở đây tôi chỉ đề cập tổng quát một số lề luật cột trụ chi phối đến con người. Các lề lối ấy hữu hiệu cho bạn hay không tùy nỗ lực tâm luyện của bạn. Chắc chắn kết quả không như trở bàn tay vì là tâm lý học ứng dụng chứ không phải là “ma thuật” hay một thứ phép mầu nào. Tuy nhiên, nỗ lực của bạn sẽ an ủi bạn sau một thời gian vì bạn thấy con người bạn thay đổi, tự tri hơn, thành công hơn, thấy yêu đời và tận tụy giúp đời hơn. Mục đích Phần I của tập sách này chỉ nhỏ hẹp như vậy, xin mến tặng bạn. Còn Phần II trong tập sách này, tôi toát yếu cuốn How To Stop Worrying And Start Living của Dale Carnegie và thêm ý kiến của mình về cách tiêu diệt ưu sầu để sống tốt hơn. Tác phẩm này ở nước ta do ông Nguyễn Hiến Lê dịch dưới nhan đề Quẳng gánh lo đi để vui sống, ở Pháp Max Roth dịch dưới nhan đề Triomphez de vos Soucis: Vivez que diable. Mục đích chính của Dale Carnegie là muốn giúp ta thủ tiêu “tên thù” nội tuyến vô hình nằm trong ta, gậm nhấm thể xác ta đục khoét tâm hồn ta. Đó là phiền muộn, lo âu, áy náy, ưu hoài, hồi hộp, băn khoăn, bối rối… Chung quy là để sống thanh thản hữu ích hơn. Tôi chỉ gom gọn các ý chính của tác giả, bỏ bớt những chỗ trùng điệp, thêm vào ý kiến của mình để bạn dễ nhớ những điều thực hành. Tôi cố đúc rút chúng lại thành những ý lớn được dẫn giải, chứng minh vắn tắt. Trong sách dẫn trên, Dale Carnegie có trình bày tại sao ông đề cập vấn đề “diệt ưu tư”. Ông nói đời ông trải qua một thời tràn ngập thất bại. Có lúc phải bán xe cam nhông vì lỗ lã rồi đi dạy khoa hùng biện buổi đầu không được tin tưởng, dạy giờ nào ăn tiền giờ nấy. Ưu phiền bao vây tâm trí ông. Ông nói nếu không giết con quỷ u uất này thì nó giết ông. Rồi trong khi dạy cho người lớn, ông soạn cách bài trừ phiền muộn thành những bài học thực tiễn. Mà tài liệu đâu để soạn? Ông lục trong các thư viện lớn nhất tại New York thấy sách bàn về rùa có đến 190 quyển còn sách bàn về vấn đề ấy chỉ vài chục cuốn mà cuốn nào cũng đọc nhức óc và đặc nghẹt lý luận khô khan. Thì ra ưu tư là tên “tử thù” của nhân loại mà người ta thả lỏng. Kết quả ngay những nhà thông thái nghiên cứu về rùa và nhiều vấn đề chuyên môn khác cũng bị nanh vuốt của ưu tư lùa vào các bệnh viện thần kinh nằm chung với vô số bệnh nhân bị chứng u uất hành hạ. Dale Carnegie bỏ ra 7 năm để đọc các sách về luyện tâm, từ của Khổng Tử đến Churchill. Ông phỏng vấn các nhân vật tên tuổi như Henry Ford, bà Eleanor Roosevelt2, lực sĩ Dempsey, các tướng Bradley, Clark đến những hạng trung bình dân. Sách của ông nhờ đó đầy những chuyện thiệt, những chứng minh thực tiễn. Ông lại dùng một bút pháp đặc biệt để trình bày vấn đề: Lý luận ít, dẫn chứng nhiều, văn đàm thoại tế nhị, duyên dáng, đọc vô cùng hấp dẫn. Đọc sách ông là sách triết lý đấy mà ta có cảm tưởng đọc tiểu thuyết cuốn hút nhất. Toát yếu các lời khuyên của ông trong tập này, tôi mong sẽ làm một thứ “bửu bối” cho bạn tự luyện một tâm hồn thanh tĩnh, vui tươi, ham sống. 2 Anna Eleanor Roosevelt (1884-1962: Chính khách Mỹ, phu nhân của Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Người yên tâm là người hạnh phúc. Phải không bạn? Giữa thời đại mà trên nhiều lĩnh vực dễ rối lương tâm mà bạn lập trong lương tâm mình thế quân bình, tống khứ các ưu tư cho niềm vui tự đáy lòng nở qua nụ cười, nét mặt rồi nhìn cuộc sống như mùa hoa nở. Ai mà không cho là vạn hạnh. Mình có yên tâm đi đã, tư tưởng mới thâm trầm, lời nói mới cương quyết, hành động mới đắc lực và sống như vậy mới thật sự hữu ích cho mình và cho xã hội.— HOÀNG XUÂN VIỆT *** Hoàng Xuân Việt – Người thầy đáng kính Trong đời luôn có những mối nhân duyên không thể nào quên. Với tôi, được biết thầy Hoàng Xuân Việt là một duyên lành mà tôi vô cùng trân quý. Thầy là một trong những người có ảnh hưởng rất lớn để có tôi của ngày hôm nay. Từ nhỏ tôi đã mơ ước trở thành một người dẫn chương trình nổi tiếng. Nhưng để đi đến thành công là một con đường dài, là cả quá trình không ngừng nỗ lực, kiên trì học tập, trau dồi cả về kiến thức lẫn kỹ năng. Sau những năm tháng học tập tại Nga, năm 1985 tôi trở về Việt Nam với bầu nhiệt huyết căng tràn, háo hức bắt tay gây dựng sự nghiệp, thực hiện ước mơ thuở nhỏ. Và thật may mắn cho tôi khi vào thời điểm quan trọng nhất đó tôi đã gặp được thầy Hoàng Xuân Việt và tiếp thu những tri thức về kỹ năng giao tiếp, hùng biện, những bài học giá trị để “nên thân với đời”. Tôi vẫn còn nhớ như in, đó là năm 2002, tại một triển lãm ở Công viên Tao Đàn, lần đầu tiên tôi gặp thầy Việt, một người đàn ông tầm thước với vầng trán cao rộng, toát lên khí chất của một vị học giả uyên bác nhưng giản dị và gần gũi vô cùng. Kể từ đó, với tư cách là khách mời, tôi thường xuyên cùng thầy tham gia các chương trình, những buổi giảng dạy, giao lưu mà thầy tổ chức ở trường của thầy – Trường Hán Nôm Học làm người Nguyễn Trãi và nhiều nơi khác. Tuy đến với tư cách là khách mời, nhưng tôi vẫn thích được nhắc đến là một học trò của thầy hơn, bởi quả thực tôi cũng là một trong những học viên tiếp nhận say sưa các kiến thức mà thầy truyền dạy. Khi đã trở thành một nghệ sĩ, một MC được người hâm mộ Việt Nam công nhận, yêu mến, tôi vẫn luôn giữ liên lạc thường xuyên với thầy. Mỗi lúc rảnh rỗi, hay khi trong cuộc sống có điều gì khó gỡ tôi lại tìm đến gặp và trò chuyện cùng thầy. Thầy luôn đón tiếp vui vẻ, đầy trìu mến và đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích, không ngừng truyền động lực sống tốt đẹp cho tôi. Giờ thầy đã đi xa, tôi không còn được lui đến gặp thầy nữa, nhưng tôi luôn giữ trong tim mình hình ảnh người thầy đáng kính. Mỗi năm đến dịp giỗ thầy, tôi và một số người bạn đều là học trò cũ của thầy lại đến tư gia cùng ôn lại những kỷ niệm về quãng thời gian được học tập với thầy. Tôi kính trọng thầy Việt không chỉ vì thầy là một học giả uyên bác mà còn vì tấm lòng và tâm huyết mong muốn truyền dạy lại những lề luật, cột trụ để thành người. Ngoài viết sách, thầy dành cả đời mình để mở các khóa dạy, truyền đạt kinh nghiệm sống, các quy chuẩn đạo đức, những cách thức ứng xử sao cho văn minh, lịch thiệp… Ðáng quý lắm khi thầy xây dựng nên mô hình “trường học làm người” mở tại tư gia, dạy học viên không phân biệt đối tượng, độ tuổi. Thầy từng nói về việc “học nghề làm người” rằng: “Tất cả cho ta thấy rằng khai trí là một chuyện, đi tu là một chuyện, còn học nghề làm người quả thực là một chuyện khác. Theo các nhà tâm lý học “học nghề làm người” là khoa tâm lý áp dụng vào đời sống được điều khiển. Nó cũng gọi là khoa học của tinh thần vì tinh thần tượng trưng cho con người, là cái làm cho con người hãnh diện nhất trong các vật thụ tạo”. Và học làm người chưa bao giờ là dễ dàng: “Chắc chắn kết quả không như trở bàn tay vì là tâm lý học ứng dụng chứ không phải “ma thuật” hay một thứ phép mầu nào. Tuy nhiên nỗ lực của bạn sẽ an ủi bạn sau một thời gian vì bạn thấy con người bạn thay đổi, tự tri hơn, thành công hơn, thấy yêu đời và tận tụy giúp đời hơn”. Thời của chúng tôi, được học những kiến thức đó là điều quý giá lắm. Những bài học mà chúng tôi chưa được học trên ghế nhà trường chính thống, những bài học để chúng tôi hoàn thiện bản thân. Các bài giảng cùng hàng trăm đầu sách dạy làm người của thầy, đều được truyền đạt súc tích, dễ hiểu, không hề khuôn sáo, sách vở hay nặng về lý thuyết. Nhắc đến Tủ sách học làm người của thầy Việt, tôi nhớ đến những cái tên quen thuộc như Thất nhân tâm; Thuật hùng biện; Nên thân với đời; Rèn nhân cách; Đức tự chủ; Thinh lặng cũng là hùng biện; Tâm lý bạn trai; Tâm lý bạn gái… Sách vở ngày nay vô cùng nhưng tôi dám cả quyết rằng những tác phẩm của thầy Việt vẫn nguyên giá trị giáo dục, giá trị thời sự và chắc chắn sẽ giúp khai trí cho người trẻ, để họ hoàn thiện bản thân, có tương lai vững chắc, xán lạn. Khi biết Công ty Cổ phần Văn hóa Truyền thông Sống xuất bản lại một số đầu sách của thầy và liên hệ với tôi nhờ viết mấy dòng giới thiệu này, tôi rất vui mừng và cũng lấy làm hân hạnh. Mong các bạn đọc thời nay đón nhận và tự học được nhiều bài học quý giá từ bộ sách! — MC THANH BẠCH