Giám sát của cơ quan dân cử là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội và hội đồng nhân dân. Hiện nay, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân, từng bước đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, đảm bảo cho hoạt động quản lý nhà nước các cấp ngày càng được công khai, minh bạch.
Giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật nói chung, chính sách, pháp luật về an sinh xã hội nói riêng là một trong những công việc quan trọng của các cơ quan dân cử và thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội có ý nghĩa quan trọng, bởi lẽ hoạt động này cung cấp những luận cứ khoa học để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội; bảo đảm cho chính sách, pháp luật về an sinh xã hội được chấp hành, thực hiện nghiêm chỉnh trên phạm vi cả nước.
Để góp phần làm rõ những vấn đề có ý nghĩa lý luận trong giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội trên cơ sở luận giải đặc điểm và bản chất, mục tiêu, nguyên tắc, chủ thể, đối tượng, phạm vi, hình thức, nội dung, nhân tố ảnh hưởng, quan niệm và các tiêu chí đánh giá hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam do TS. Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội làm chủ biên. Cuốn sách là kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp nhà nước nằm trong Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội hiện nay, các tác giả đề xuất quan điểm, phương hướng và các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội ở nước ta những năm tới. Nội dung chính của cuốn sách gồm ba chương:
Chương I: Cơ sở lý luận về hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội;
Chương II: Thực trạng về hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam;
Chương III: Quan điểm, phương hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam trong những năm tới.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Tháng 10 năm 2020
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com