Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân là một cuốn tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng của nhà văn Yulian Semyonov, ra đời năm 1969. Tác phẩm được xây dựng trên cơ sở tài liệu về kế hoạch vô hiệu hóa cuộc đàm phán riêng rẽ của ban lãnh đạo Đức Quốc xã với tình báo Mỹ vào mùa xuân năm 1945. Nhân vật chính của tiểu thuyết – một sĩ quan tình báo Liên Xô có tên Mikhail Isayev (mật danh Stierlitz. Bối cảnh truyện diễn ra vào tháng Hai, tháng Ba năm 1945, ngay trước thời điểm phát xít Đức đầu hàng Đồng minh. Câu chuyện trong Mười Bảy Khoảnh Khắc Mùa Xuân diễn ra vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Lúc này, quân đội Nga đang chiến đấu trên đất Ba Lan, Rumani, Hungari…Thành phố Berlin, với bảy tuyến phòng ngự che chở, đêm đêm bị máy bay oanh tạc dữ dội. Cũng trong những ngày tháng này, nhân viên tình báo Liên Xô Isayev đang hoạt động ở nước Đức phát xít với cái tên Stierlitz, đại tá SS phục vụ tại cơ quan an ninh quốc xã thuộc đế chế thứ ba đang trong một tình thế hết sức nguy hiểm. Bằng cách nào Stierlitz có thể bảo toàn được vị trí hoạt động của mình để hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời cứu đồng đội thoát khỏi cái chết…*** Yulian Semyonov (1931-1993Là một trong các nhà văn Xô viết nổi tiếng, chuyên viết về thể loại trinh thám. Sau khi tốt nghiệp khoa Đông phương học ở Trường đại học tổng hợp Moskva, ông làm phóng viên lưu động cho nhiều tạp chí thanh niên, về sau làm đặc phái viên báo “Sự thật”. Ông đã đi hầu khắp các nước trên thế giới, đã đặt chân đến Bắc và Nam cực, đã viết bài từ Việt Nam và Cuba, Mỹ và Nhật. Lúc nào cũng thấy ông sửa soạn lên đường, vội vã, đi công tác đây đó, vậy mà khả năng viết văn của ông vẫn sung sức lạ thường. Yulian Semyonov là tác giả tám tiểu thuyết dài. Ông đã viết kịch bản cho năm bộ phim và hàng loạt phim truyền hình nhiều tập nổi tiếng cả ở Liên Xô lẫn nước ngoài. Đặc biệt, độc giả rất thích tiêu thuyết “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân” của ông. Đây là tác phẩm tư liệu về một nhân viên tình báo Liên Xô hoạt động ở nước Đức phát xít: Maxim Maximovich Isaуev; đó cũng chính là đại tá SS von Stierlitz, phục vụ tại cơ quan an ninh quốc xã thuộc Đế chế thứ ba… Trả lời vô số câu hỏi của bạn đọc, Yulian Semyonov viết: “Có thể nào cho rằng Isaуev là một nhân vật tưởng tượng? Nhất quyết không. Hình tượng nhân vật này được đúc rút từ những con người chính trực hiện nay mà tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn vì họ đang trải qua một cuộc sống tuyệt vời, trung thực và dũng cảm”. *** Lúc đầu, Stierlitz không tin vào tai mình nữa, có tiếng họa mi hót lảnh lót trong vườn. Không khí lạnh giá, nhuốm màu xanh xanh, và mặc dù vạn vật xung quanh đã mang sắc thái mùa xuân rụt rè giống như một bức tranh màu vẽ bằng thuốc nước tinh tế, tuyết vẫn còn kết lại chặt cứng và người ta chưa thấy nó nhuốm màu thiên thanh phơn phớt, là cái màu báo hiệu đến đêm sẽ tan. Những thân cây cổ thụ khổng lồ đen sẫm lại. Trong vườn thoang thoảng mùi cá vừa ướp lạnh. Chưa thấy cái mùi hăng hăng của lá cây thông và cây dương năm ngoái thối rữa; đó là mùi vị của mùa xuân. Thế mà lại có tiếng họa mi véo von, lảnh lót tràn ngập khu vườn tối om và yên tĩnh này. Stierlitz nhớ đến ông nội của anh. Ông cụ có cặp lông mày dày, có bộ râu quai nón. Ông cụ biết nói chuyện với các loài chim. Ông cụ gọi đàn chim sẻ bay đến, rồi ngồi dưới gốc cây mà ngắm chúng hồi lâu. Đôi mắt của ông cụ đưa đi đưa lại nhanh như mắt chim, và bầy sẻ hoàn toàn không sợ hãi ông cụ. – Pinh – pinh – ta – ra – ra! – ông cụ huýt sáo gọi. Bầy chim sẻ đáp lại một cách vui vẻ và tin cậy. Mặt trời đã lặn hẳn và những thân cây cổ thụ màu đen in những cái bóng đều đặn, tím sẫm trên mặt tuyết trắng. “Mày chết cóng mất thôi, họa mi đáng thương ơi, – Stierlitz nghĩ bụng. Anh khép vạt áo choàng lại và quay vào nhà. – Cũng chẳng giúp gì nó được, vì họa mi là loại chim duy nhất không tin con người.” Stierlitz xem đồng hồ; đã bảy giờ đúng. “Hắn sắp tới rồi đây, – anh thầm nghĩ. – Bao giờ hắn cũng đúng hẹn. Mình đã tự đề nghị hắn từ nhà ga đi thẳng qua rừng đến đây, để tránh mặt bất cứ ai. Không sao. Mình sẽ đợi hắn một lát. Chờ đợi ở một chỗ đẹp như thế này cũng dễ chịu thôi…” Stierlitz bao giờ cũng tiếp tên điệp viên ấy ở đây, trong cái biệt thự nhỏ xinh xắn đứng bên bờ hồ. Địa điểm bí mật này là nơi thuận tiện nhất, vì nó ở giữa rừng sồi vắng vẻ, xa cách hẳn mọi người. Biệt thự này trước kia là của hai vợ chồng nghệ sĩ, múa tại nhà hát “Opera”. Họ đã chết trong một trận ném bom, để biệt thự lại cho các con. Stierlitz thuyết phục thượng tướng SS Paul trong ba tháng liền, để y đồng ý chi tiền mua biệt thự đó. Mấy đứa con của hai vợ chồng nghệ sĩ nọ đòi rất đắt, cho nên thượng tướng Paul, kẻ phụ trách Cục tài chính của hai tổ chức SS* và SD*, cương quyết từ chối lời thỉnh cầu của Stierlitz. Y nói: “Ông điên à? Sao ông không tìm mua một chỗ nào rẻ hơn? Sao ông say mê cái biệt thự xa xỉ ấy đến thế nhỉ? Chúng tôi không thể vung tiền qua cửa sổ được đâu! Như vậy là quá ư tàn nhẫn đối với một đất nước đang mang gánh nặng chiến tranh như nước ta”. Schutzstaffel, là một tổ chức bán quân sự trực thuộc Đảng Quốc xã dưới trướng Adolf Hitler, hoạt động tại Đức dưới thời Cộng hòa Weimar và Đệ Tam Đế chế cũng như trên khắp các vùng lãnh thổ châu Âu bị Đức chiếm đóng trong chiến tranh thế giới thứ hai. Sicherheitsdienst, Cục An ninh, là một cơ quan thuộc lực lượng SS của Đức Quốc xã. Từ năm 1944, SD nắm luôn ngành Quân báo. Stierlitz đành phải lôi cấp trên trực tiếp của mình đến xem biệt thự. Đó là Walter Schellenberg, ba mươi tư tuổi, thiếu tướng, chỉ huy Cục tình báo chính trị của tổ chức SD. Là một người có trí tuệ siêu việt biết thưởng thức vẻ đẹp tinh tế. Schellenberg hiểu ngay rằng không thể tìm được địa điểm nào tốt hơn để nói chuyện với các điệp viên quan trọng, bằng biệt thự này. Việc mua bán được tiến hành qua một số người mạo tên. Và gã Bolsen, kỹ sư trưởng của “nhà máy hóa chất quốc dân mang tên Robert Ley” nhận được quyền sử dụng tòa biệt thự. Bolsen thuê ngay một người gác cổng với tiền lương khá cao và cho ăn đầy đủ. Cái gã Bolsen ấy chính là đại tá SS von Stierlitz. Bày bàn ăn xong, Stierlitz vặn radio. Đài phát thanh Luân Đôn đang truyền đi một bản nhạc vui. Dàn nhạc của một người Mỹ tên là Glenn Miller đang chơi một khúc nhạc trong phim “Khúc nhạc chiều của thung lũng mặt trời”. Thống chế Himmler rất mê bộ phim ấy, nên đã cho mua bên Thụy Điển một bản mang về. Từ đó, nó thường được đem ra chiếu trong hầm ngầm ở phố Hoàng tử Albrecht, nhất là giữa các trận ném bom đêm, khi không thể tiến hành hỏi cung những người bị bắt. Stierlitz gọi dây nói cho người gác cổng chạy lên. Anh bảo: – Hôm nay, anh có thể về nhà với các con. Sáu giờ sáng mai, anh hãy trở lại đây, và nếu tôi chưa đi, thì anh hãy pha cho tôi một cốc cà-phê đặc, thật đặc vào, rõ chưa? “Yustas gửi Alex, Từ Berlin.