Mùa Xa Nhà

Mùa Xa Nhà

Tác giả:
Thể Loại: Văn Học Việt Nam
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com
PDFĐỌC ONLINE

Đọc Mùa xa nhà: Một cuốn truyện hay về đời lính
TT – Mùa xa nhà ra mắt bạn đọc khi cuộc chiến ở mặt trận Tây Nam Tổ quốc kết thúc đã 15 năm. Văn học thường cất tiếng quá chậm về đề tài chiến tranh, sau suốt từng ấy năm hầu như chưa có một truyện dài nào về cuộc chiến ác liệt này gây được ấn tượng với người đọc…

276 trang sách được dành để nói về cuộc sống và chiến đấu của chỉ một trung đội súng 12 li 7 thuộc một tiểu đoàn bộ binh VN đóng tại vùng Tây Bắc Campuchia, sát biên giới Thái Lan. Nhân vật chính là Huy, một chàng trai Sài Gòn đi nghĩa vụ quân sự, và các đồng đội trong trung đội của anh. Thời gian xảy ra khoảng từ năm 1984 đến 1987, lúc cuộc chiến đi vào cao điểm trước khi kết thúc. Chỉ với một trung đội và chỉ trong vài năm, thế nhưng tất cả những gì gọi là sự khắc nghiệt của chiến tranh vẫn xuất hiện đầy đủ trong Mùa xa nhà: những trận đánh ác liệt mà giữa sự sống và cái chết chỉ là một sợi chỉ mong manh; những cuộc hành quân liên miên với bao nhiêu là gian khổ, thiếu thốn – đặc biệt là chuyện thiếu nước uống trong mùa khô; nỗi nhớ nhà cùng sự cô đơn của người lính viễn chinh… Bao mất mát xé lòng trước sự ngã xuống của người đồng đội thân thiết nhất, để có thể nổi điên, có thể tự vẫn… Chân dung người lính từ đó cũng hiện ra hết sức đầy đủ: người anh hùng, kẻ hèn nhát; người chai sạn, kẻ yếu đuối… Thậm chí có cả những kẻ cầm súng đi cưỡng hiếp dân lành, để bị xử bắn…Trên tất cả sự khắc nghiệt đó là một thứ tình đồng đội chân thành, trong suốt, thương nhau còn hơn cả anh em trong nhà. Và tất nhiên, ở những người lính trẻ xa nhà, còn không thể thiếu chuyện tình yêu với các cô gái bản xứ – có người ở hẳn lại lập gia đình và sinh sống trên đất bạn, có người “chơi qua đường” cho xong thời gian nghĩa vụ, có người yêu thật lòng nhưng gặp phải sự tàn nhẫn của chiến tranh… Chân dung người lính đã đa dạng như vậy thì “lý tưởng cầm súng” cũng được trình bày không chút đơn điệu. Trở đi trở lại trong suy tưởng của Huy, của Quân… chính là một câu hỏi day dứt: Tôi đi sang đây chiến đấu và chết là vì cái gì? Liệu công việc này thật sự có ý nghĩa và cần thiết hay không?… Những câu hỏi đó, và cách mà mọi người tự tìm thấy câu trả lời cho mình để vẫn có thể yên tâm chiến đấu, mới chính là giá trị tư tưởng cao nhất của Mùa xa nhà. Nó cũng giúp cho cuốn truyện có được một sự chân thật đầy thuyết phục. Anh hùng rất đời thường. Ác liệt nhưng không bi lụy. Mọi thứ dường như đã được Nguyễn Thành Nhân viết ra quá dễ dàng, có cảm giác như anh đã viết một mạch chứ không phải suốt hai năm, “như rút ruột ra mà viết”, theo lời anh tâm sự. Cho một phần tuổi trẻ của chính mình đã đi qua, cho những đồng đội đã nằm xuống.

Có thể bạn thích sách  Thắng Bại

(Những đồng đội của tôi ơi! Mồ của các bạn đã được phủ lên bao nhiêu lớp cỏ úa mùa thu. Tên tuổi, hình ảnh của các bạn chỉ còn trong nỗi nhớ – những nỗi nhớ ngắn ngủi, bất chợt hiện ra trong giây lát, rồi lại chìm khuất dưới bao âu lo, suy tư của thực tế mỗi ngày. Điều quan trọng là tôi không được quyền quên!…).

Mùa xa nhà nhắc người đọc nhớ hơn những điều không được quyền quên ấy, và xứng đáng được xếp vào danh mục những cuốn sách hay viết về chiến tranh.

***

Nguyễn Thành Nhân sinh năm 1964 tại Sài Gòn. Tháng 3-1984, anh nhập ngũ và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, lính sư đoàn 5 đóng ở Batdomboong, giải ngũ năm 1987 với cấp bậc thượng sĩ. Vừa làm bảo vệ sân bóng đá Thống Nhất, anh vừa học Đại học Luật, và tốt nghiệp cử nhân năm 1994. Mối giao tình khiến hiện nay anh vẫn ở lại làm việc tại văn phòng Liên đoàn Bóng đá TP.HCM. Cầm bút viết về cuộc sống của lính tráng như là một thôi thúc tự bên trong của Nhân. Mùa xa nhà được âm thầm viết trong hai năm, hoàn thành năm 1999, và nhân cuộc thi Văn học tuổi 20 lúc ấy vừa phát động, Nhân đã gửi tham dự. Được cả hai ban sơ khảo và chung khảo đánh giá rất cao, hoàn toàn có thể được giải cao nếu tác giả chịu chỉnh sửa đôi chút cho… bớt căng, nhưng lúc đó Nhân vẫn cương quyết giữ nguyên bản thảo.

Có thể bạn thích sách  Ván Bài Lật Ngửa

Giờ đây, sau bốn năm, có lẽ anh đã nghĩ lại… Thực tế thì không tác giả nào không muốn đứa con mình được chào đời, và không nhà xuất bản nào muốn tác phẩm sau khi vào tay mình lại dở hơn. Mùa xa nhà được in, không hề có chất lượng kém hơn, quan trọng nhất là vẫn giữ đủ mọi điều Nhân muốn nói…

NGUYỄN ĐÔNG THỨC ((Báo Tuổi Trẻ – 17/09/2004)

***
Điếu niệm
Kính viếng hương hồn Tân,
và những đồng đội của tôi.
Tân,

Tôi nhớ những ngày mùa đông năm 1985, tụi mình cùng nhau lặn lội bắt cá suốt ngày ở suối Phum Pô. Tôi đeo cái rộng cá lội bì bõm trong dòng nước mấp mé vai, nhũng nhẵng bám sau lưng Tân, chỉ để Tân bỏ vào đó những con cá lóc, cá lăng vừa mò được. Tôi nhớ những đêm cuối năm trời lạnh căm căm, tôi trùm thêm một chiếc áo lên vai, ngồi co gối bên ánh đèn đốt từ mỡ lon thịt hộp, trên đầu gối là một miếng gỗ ván dùng để lót trong thùng đạn, trong tay là một cây bút chì ngắn củn. Tôi vẽ Tchiete. Không biết tôi đã vẽ nàng lên bao nhiêu mảnh ván. Nhưng chỉ nhớ là cùng với những nét vẽ vụng dại, đơn sơ đó, tim tôi đã ấm áp lạ thường, máu tôi đã chảy rộn ràng, nóng bỏng trong từng huyết mạch. Tôi đã quên đi cái lạnh của khí trời và cái lạnh của sự cô đơn trong những đêm đông ấy. Tôi không ngủ vì đang yêu. Ðó là điều dễ hiểu, và là chuyện thường tình. Nhưng cả Tân cũng không ngủ được. Tân nằm trăn trở trên chiếc võng, im lặng nhìn tôi, nhìn ngọn lửa nhỏ xíu, lù mù của chiếc đèn dã chiến, thao thức cùng tôi. Thương tôi, hiểu tôi trong những ngày tháng đó, còn ai hơn Tân nữa.

Có thể bạn thích sách  Gia Đình Bé Mọn

Tôi nhớ sau khi chuyển xuống đại đội, có một lần Tân ghé tôi chơi. Tân có vẻ buồn khi trông thấy tôi mặc một chiếc áo cũ. Vai áo sờn rách, chằng chịt những đường chỉ vụng về. Thật ra lúc ấy chúng ta đâu còn đến nỗi phải mặc rách, phải không Tân? Nhưng áo mới của tôi, tôi cũng đã cho người khác, một người anh kết nghĩa Khmer. Sau đó vài ngày, Tân đã gửi lên cho tôi chiếc áo mới của mình.

Rồi không bao lâu sau lần gặp cuối cùng đó, Tân đã rời xa vĩnh viễn. Không chỉ một mình Tân, tôi đã mất biết bao nhiêu đồng đội, người rất là thân thiết, người vừa quen mặt mà chưa kịp biết tên, trong những tháng ngày xa quê đó.

Tân ơi! Những đồng đội của tôi ơi! Mồ của các bạn đã được phủ lên bao nhiêu lớp cỏ úa mùa thu. Tên tuổi, hình ảnh của các bạn chỉ còn trong nỗi nhớ – những nỗi nhớ ngắn ngủi, bất chợt hiện ra trong giây lát, rồi lại chìm khuất dưới bao âu lo, suy tư của thực tế mỗi ngày. Ðiều quan trọng là tôi không được quyền quên! Trái tim con người còn đập trong lồng ngực chúng ta không được quyền quên!

Tân! Ðã sắp đến ngày giỗ lần thứ mười một của Tân rồi đó. Tôi viết những dòng này, thắp một nén hương trong tâm tưởng, hoài niệm hương hồn Tân và tất cả những anh em khác. Cầu mong hương hồn các bạn sẽ tìm được an bình.

TP.HCM, Tháng 11-1997