Con người vốn có nguồn gốc sinh học, đã dần thoát khỏi thế giới tự nhiên để sống trong xã hội nhân văn và mang thêm bản tính xã hội. Con người đã trở thành yếu tố ưu thế và chi phối, với tham vọng mãnh liệt là khai thác và thống trị thế giới tự nhiên. Ngày nay, tác động của con người lên tự nhiên đã trở nên khốc liệt và hệ sinh thái nhân văn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khủng hoảng môi trường sâu sắc, như hiệu ứng nhà kính, Trái Đất nóng lên, nước biển dâng cao, an toàn lương thực và năng lượng v.v…, cùng nhiều vấn đề xã hội khác. Đó cũng là yêu cầu cấp thiết mà con người trí tuệ sống trong xã hội nhân văn cần giải quyết. Tiếp tục phát triển hay tự tiêu vong, xã hội nhân văn đang đứng trước giai đoạn phát triển của Trí tuệ quyển. Khi này, xã hội loài người đã đạt bước chuyển mới về chất, tiến đến sự tự nhận thức. Tri tuệ quyển chỉ trở thành hiện thực khi con người trở thành yếu tố xây dựng và có ý thức sống hài hoà với các quy luật tự nhiên. Con người có xu hướng trở lại tự nhiên trong hệ sinh thái nhân văn.
Trong lịch sử phát triển triết học phương Đông ở Trung Hoa cổ đại, thời Xuân Thu – Chiến Quốc, những năm 770-575 trước CN, Lão Tử đã từng đề xưởng học thuyết “Vô vĩ. Theo đó, triết gia này đã chủ trương con người nền sống với thiên nhiên, giữ bản tính tự nhiên của mình và vạn vật. Sống vô vi nghĩa là sống và hành động theo lẽ tự nhiên, không can thiệp vào hệ Sinh thái tự nhiên, sống hòa hợp với đất trời. Vào thế kỉ XVIII, Jean Jacques Rousseau (1712-1778), triết gia phương Tây quan niệm rằng, bản chất con người là hưởng thiện, nhưng xã hội cơ học đã làm con người hư hỏng và bất hạnh. Ông cho rằng, con người nguyên thủy thì hạnh phúc, còn con người văn minh lại bất hạnh. Chính Karl Marx và Friedrich Engels đã nêu lên, bản chất con người tự nhiên chỉ tồn tại đối với xã hội, và chỉ có trong xã hội, tự nhiên mới hiện ra như là cơ sở tồn tại có tính chất người của bản thân con người. Như vậy, không phải ngẫu nhiên khi cả phương Đông lẫn phương Tây đều có những triết gia đã chủ trương, con người trở về với tự nhiên, con người phải sống hài hòa và cân bằng với tự nhiên. Và bộ môn khoa học Sinh thái nhân văn hiện đại đã được hình thành từ giữa những năm 50 của thế kỉ XX, với chuyên khảo đặt nền móng của học giả Hoa Kì Amos H. Hawley (1950).
Để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và giảng dạy bậc đại học và sau đại học chuyên ngành Sinh học, Giáo dục chính trị. Triết học, sư phạm và các chuyên ngành liên quan, các tác giả Vũ Quang Mạnh và Hoàng Duy Chúc đã dành nhiều tâm huyết và công sức để hoàn thành giáo trình “Con người trong hệ sinh thái nhân văn”. Giáo trình được biên soạn trên cơ sở hai giáo trình “Sinh thái học người” (Vũ Quang Mạnh, 1994) và “Môi trường và con người – Sinh thái nhân văn” (Hoàng Duy Chúc, 2004), đã được giảng dạy chính thức trong nhiều năm tại Khoa Sinh học và Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nội dung xuyên suốt của giáo trình mà bạn đọc có trong tay chính là khảo sát, phân tích và giải quyết các mối quan hệ tương tác của con người trong hệ thống “Con người – Tự nhiên – Xã hội”, liên quan đến sự phát triển bền vững của hệ sinh thái nhân văn.
Được biên soạn lần đầu, chắc rằng giáo trình khó tránh khỏi những sai sót và hạn chế, mong bạn đọc có nhiều ý kiến đóng góp để các tác giả có thể hoàn thiện nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu nghiên cứu và giảng dạy của Khoa Sinh học và khoa Giáo dục Chính trị, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trân trọng giới thiệu cuốn giáo trình quan trọng và rất có giá trị tham khảo này.
–Nguyễn Văn Cư