Dưới gốc vườn có một thành phố chuột.
Bên dưới nông trang của ngài Fitzgibbons đang diễn ra cuộc di dời lớn của toàn cư dân chuột, trong đó có cô chuột Frisby và bốn đứa con nhỏ. Đứa con út Timothy đang bị bệnh và rất yếu ớt, nhưng với tình mẫu tử thiêng liêng mẹ chuột Frisby quyết cứu con mình. Vượt qua muôn trùng nguy hiểm từ cưỡi trên lứng quạ đến trượt chân rơi vào đĩa thức ăn của con chuột hung dữ, cuối cùng chị Frisby trở thành cứu tinh của thành phố, kết thúc câu chuyện về một nơi có cái tên bí hiểm NIMH…
Pha trộn giữa cổ tích và giả tưởng, giữa anh hùng và hai hước, giữa tình cảm gia đình xúc động và quan sát sắc sảo về xã hội. Mẹ Frisby Và Gia Đình Chuột vẫn tiếp tục chinh phục trái tim độc giả nhiều thế hệ sau khi đã chinh phục Giải thưởng Newbery 1972.
Timothy Frisby ngã bệnh
Chị Frisby là chủ một gia đình chuột đồng, sống trong căn nhà ở sâu dưới lòng đất trong vườn rau ông chủ trại người tên là Fritzgibbon. Nhà này chỉ ở trong mùa đông, nhiều hộ chuột đồng vẫn hay dời nhà vào rừng khi tới mùa thức ăn thiếu thốn và đời sống trong rừng hay bãi chăn thả trở nên khó khăn. Còn lớp đất mềm trong luống đỗ, khoai tây, măng tây hay đậu rốn nâu trong vườn là nguồn thức ăn thừa thãi cho họ nhà chuột sau khi con người đã thu hoạch xong phần mình.
Chị Frisby cùng gia đình tìm được cái nhà này cũng là may mắn lắm. Đấy là một khối bê tông có hơi sứt mẻ, loại rỗng ruột với hai lỗ trái xoan xuyên từ mặt này sang mặt kia. Không hiểu vì sao nó bị bỏ lại trong vườn suốt mùa hè, gần như lấp hẳn dưới đất, nếu không có mẩu góc ló lên chị Frisby đã không phát hiện được. Cái khối bê tông nằm nghiêng nên hai vách đặc trở thành trần và sàn nhà, cả hai đều không thấm nước, còn khoang rỗng thì đủ làm hai phòng rộng ơi là rộng. Lá cây lá cỏ, vải vụn nùi bông, lông chim và các thứ mềm mềm khác được chị Frisby và các con nhặt nhạnh về lót, giúp cho căn nhà khô ráo, ấm áp dễ chịu suốt mùa đông. Họ đào đường hầm dẫn lên mặt đất bên mé đông khu vườn, vừa đủ rộng hơn cái thân chuột và hẹp hơn chân trước của mèo một chút, nó không chỉ là đường đi lại mà còn thông khí và thậm chí chiếu sáng khá đủ cho phòng khách. Còn phòng ngủ ở lỗ trái xoan thứ hai thì ấm nhưng tối, ngay giữa trưa cũng vậy. Một đường hầm ngắn đào vào đất đằng sau khối bê tông làm lối đi giữa hai phòng.
Ở góa nuôi con (bố lũ trẻ vừa mất hè rồi) nhưng nhờ may mắn và làm lụng tần tảo mà các con chị Frisby – bốn đứa tất cả – vẫn được vui và no đủ. Tháng Giêng, tháng Hai là hai tháng khó khăn nhất. Đợt rét căn cắt bắt đầu từ tháng Chạp kéo dài đến hết tháng Ba, mà cuối tháng Hai thì đậu thường cùng đậu rốn nâu đã bị nhặt sạch rồi (cũng do cả bầy chim nữa), rễ măng tây đã đóng cứng thành đá, khoai tây thì rã đông rồi đông lại không biết bao nhiêu lần, đã thành nhơn nhớt và nếm có vị ôi. Nhưng nhờ mẹ con nhà Frisby chịu khó giật gấu vá vai nên vẫn xoay xở đủ để không bị đói.
Rồi một hôm khi tháng Hai sắp qua đến nơi, đứa con nhỏ của chị Frisby là Timothy đổ ốm.
Buổi sáng ngày hôm ấy trời khô và giá buốt. Chị Frisby dậy sớm, vì hôm nào chị cũng dậy sớm như vậy. Chị và các con ngủ sát cạnh nhau trên giường lót lông tơ, bông và vải giẻ nhặt các nơi về, ấm như một cuộn lông.
Chị ngồi dậy thật khẽ khàng để khỏi làm động các con, nhẹ nhàng đi qua đường hầm ngắn sang phòng khách. Bên này không ấm bằng nhưng cũng không quá lạnh. Nhìn qua ánh sáng lọt xuống qua cửa đường hầm chính, chị thấy mặt trời đã lên rất cao. Chị xem lại thức ăn trong chạn, là một hốc khoét vào đất đằng sau phòng khách, đáy lót sỏi nhỏ. Còn rất nhiều đồ ăn cho bữa sáng, cho cả bữa trưa và tối nữa, nhưng chị nhìn mà rầu lòng, bởi đấy vẫn là thứ đồ ăn chán ngấy nhà chị đã ăn hàng ngày, hàng bữa suốt tháng rồi. Chị ước giá mình biết có chỗ nào tìm được một lá diếp xanh, quả trứng nhỏ, mẩu phó mát hay miếng bánh ngô. Trứng thì ở ngay gần đây có kha khá, trong chuồng gà. Nhưng gà mái và trứng gà đều thuộc loại ngoại cỡ mà hạng ruồi như chuột đồng không kham nổi, chưa kể từ nhà chị đến chuồng gà sẽ phải qua một vạt cỏ và cây bụi rất rộng, nhiều chỗ mọc khá cao. Lãnh địa của mèo.
Chị theo đường hầm lên mặt đất, râu thò lên trước, cảnh giác nhìn quanh. Khí trời lạnh gắt, sương muối trắng đọng dày trên mặt đất và trên đám lá rụng bên rìa rừng đằng kia mảnh vườn.
Chị Frisby băng qua lớp đất vườn đánh luống sơ, đến hàng rào thì rẽ phải, chạy quanh mép rừng, đôi mắt tròn sáng sục sạo tìm một mẩu cà rốt, một củ cải đóng băng, hay bất cứ cái gì màu xanh. Nhưng chẳng cái gì xanh còn trụ lại được vào mùa đó trừ lá kim trên cây thông hay lá cây nhựa ruồi, chẳng phải thứ mà chuột – hay bất cứ con gì – ăn được.
Và rồi ngay trước mặt chị bỗng hiện ra một vệt xanh xanh. Lúc này chị đã chạy đến tít góc đằng kia mảnh vườn, và ở ngay chỗ bìa rừng giáp với hàng rào có một gốc cây cụt. Trong gốc cây có một cái lỗ, trong lỗ thò ra vật gì nhìn hơi giống lá nhưng không phải.
Chị Frisby dễ dàng lọt qua hàng rào mắt cáo lớn, nhưng chị tới gần cái lỗ vô cùng thận trọng. Nhìn có vẻ như gốc cây này rỗng, mà nếu đúng thế thì ai biết được có con gì hay cái gì sống bên trong.
Còn cách cái lỗ khoảng một bộ thì chị dừng lại, đứng yên nhìn và nghe ngóng. Không nghe tiếng động gì cả, nhưng đứng đó chị nhìn rõ hơn cái vật xanh xanh kia. Đúng hơn là xanh pha vàng và một tí nâu: một mẩu áo ngô đấy. Nhưng sao ở đây lại có áo ngô? Đồng ngô ở tận đầu kia trang trại, tít bên kia bãi chăn thả cơ mà. Chị Frisby nhảy đến gần hơn rồi thận trọng bò lên sườn gốc cây ngó vào trong. Khi mắt đã nhìn quen với bóng tối, chị thấy trước mắt là cả một kho tàng: dự trữ lương thực đủ dùng cho suốt mùa đông, tích lũy cẩn thận rồi không hiểu vì sao bị quên hay bỏ lại.
Nhưng ai là người tích trữ? Gấu trúc chăng? Không có lẽ, ở đây quá xa dòng suối. Chắc là sóc hay chuột chũi rồi. Chị biết cả hai loài đó năm nào cũng thoải mái thăm viếng đồng ngô, và cũng đủ khỏe để tha các bắp ngô đi xa mà cất trữ.
Nhưng dù là ai đi nữa thì tại sao bỏ lại kho thức ăn? Rồi chị nhớ ra. Hồi tháng Mười một gần bìa rừng đã vang lên cái tiếng động khiến mọi loài vật trong rừng đều run rẩy chui vào chỗ núp – tiếng súng săn nổ, thứ tiếng động mà với ai đó sẽ kèm theo cơn đau xé thịt. Và hắn sẽ chẳng bao giờ còn cần đến kho đồ ăn.
Nhưng vì còn không biết đó là loài vật nào, cũng chẳng biết tên của hắn, chị Frisby chẳng thể khóc thương hắn nhiều – mà đây dù sao cũng là đồ ăn. Không phải rau diếp xanh như chị đã mơ tưởng, nhưng cả chị lẫn đàn con đều khoái ngô kinh khủng, và trong gốc cây có đến tám bắp ngô lớn, quả là báu vật đối với bất cứ gia đình chuột nào. Dưới mấy bắp ngô chị còn thấy một vốc lạc còn tươi (từ một đầu trang trại khác nữa), mấy hạt mạy châu và một lô nấm đã héo tỏa mùi ngòn ngọt.
Chị dùng móng chân trước và răng xé rách một phần vỏ áo bắp ngô trên cùng rồi gập đôi lại tạm dùng làm bao đựng. Rồi chị tẽ các hạt vàng óng vừa đủ sức mang, đặt hết vào bao áo ngô và thoăn thoắt chạy về nhà. Ăn sáng xong chị sẽ quay lại lấy thêm và đem cả tụi nhỏ theo giúp.
Chị chui giật lùi trở lại đường hầm, đuôi xuống trước, kéo bao ngô xuống theo, vừa đi vừa hớn hở gọi to:
“Các con ơi! Dậy đi! Xem mẹ có gì ăn sáng này! Bất ngờ lớn nhé!”
Lũ trẻ chạy ùa ra, dụi lấy dụi để mắt vì phấn khởi, bởi thức ăn mà có bất ngờ là một chuyện hiếm có đáng ăn mừng trong mùa đông lạnh chết người. Teresa, cô chị cả, chạy ra đầu tiên. Chạy sát đằng sau là Martin, đứa to con nhất, khỏe và nhanh nhẹn, lông đen và điển trai giống hệt ông bố quá cố. Rồi đến Cynthia út ít, một cô bé chuột thon thả xinh đẹp, lông màu sáng và tình thực là đầu óc hơi lãng đãng, cô nàng mê nhất là nhảy nhót.
…
Mời các bạn đón đọc Mẹ Frisby và Gia Đình Chuột của tác giả Robert C. O’Brien.